Register
Page 10 of 44 FirstFirst ... 8910111220 ... LastLast
Results 91 to 100 of 439
  1. #91
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    862
    Chuyện xưa tích cũ ...ngày về



    Cũng nhờ nhành hoa mộc của của anh Nam mang từ chùa Cầu Đông đã dẫn đưa tôi về với chuyện tình của Tú Uyên và Giáng Kiều.
    Có phải anh Nam đã khéo léo kéo tôi về nơi đó vì anh cũng rất yêu thích chuyện thần tiên như tôi thuở bé. Tôi biết không chỉ riêng tôi hay anh Nam, mà tất cả chúng ta, ai cũng thích những chuyện cổ tích, chuyện của ngày xửa, ngày xưa...do ông bà kể lại vào những đêm trăng, những ngày tháng êm đềm xưa cũ...

    Nói đến chùa Cầu Đông là nói đến chuyện Bích Câu Kỳ Ngộ của Việt Nam ta và chuyện tình đẹp và thơ của chàng công tử Tú Uyên và người đẹp trong tranh Giáng Kiều nơi đất Bích Câu, mà chùa Cầu Đông là nơi chàng thấy bức tranh với hình tố nữ đó.

    Câu chuyện bằng thơ mà tôi đã học vào năm đầu của thời trung học. Tôi vẫn không nghĩ chuyện là có thật và nó chỉ là cổ tích như muôn ngàn cổ tích khác mà thôi. Có thể vì lúc đó tôi vẫn nghĩ Hà Nội là đất không chung trời và cách nhau mấy ngàn đời rồi.

    Giáng Kiều trên giấy hoa tiên
    Vướng vòng tục lụy để duyên hồng trần
    Cùng Sinh trao gởi phận thân
    Nào hay chẳng Tú Uyên Trần dễ duôi
    Rượu chè chàng bỗng sặc mùi
    Nàng buồn về núi cho người ăn năn
    Ngẫm đời như áng phù vân
    Giúp nhau tu luyện để gần thánh tiên...
    ( Thảo Hiền )

    Vì khi sanh ra và lớn lên, tôi chỉ được nghe nói đến tên Hà Nội gắn liền với chế độ mà ai cũng sợ hãi, bỏ chạy và là đất của chết chóc, hãi hùng. Còn Thăng Long chỉ là tên của miền kinh đô trong sách sử vào ngàn năm trước đã không còn hiện diện ngoài đời nữa. Hai nơi đó, một nơi là cấm địa, một nơi đã mất lối, quên tên...

    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

    ( Thăng Long thành hoài cổ, BÀ Huyện Thanh Quan )

    Nhưng khi ra đất ngàn năm xưa cũ này rồi, thì hầu như chỗ nào cũng đều là dấu vết hay di tích lịch sử lần lượt hiện ra và bủa vây quanh tôi.

    Từ cái tên mới của Thăng Long được sửa thành tên gọi Hà Nội từ đời vua Gia Long, đến hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm và Tháp Rùa hay chùa Một Cột và trường đại học đầu tiên của nước nhà vào ngàn năm trước là Quốc Tử Giám với đền thờ Khổng Thánh và các vua quan ta còn đó.

    Từ tên ông quan thanh liêm nổi tiếng sử sách, là Chu Văn An, dâng sớ xin vua chém đầu bảy nịnh thần mà tôi học trong giờ Sử khi xưa, giờ thấy tượng và bàn thờ ông uy nghi trong đền làm tôi rung động tâm mình.


    Từ những bài thơ của Vua Lê thánh Tôn với Nhị Thập BÁt Tú của hội Tao Đàn, ngỡ chỉ là biết tên vị vua yêu văn thơ và qua vài bài thơ Đường như vịnh Cái Chổi, Bù Nhìn hay Miếu Vợ chàng Trương, không ngờ nay lại thấy chứng tích rõ ràng là những bia Tiến sĩ do vua kêu dựng kia hàng hàng ngay ngắn.

    Tôi cứ ngờ ngợ như người mơ ngủ khi những câu thơ cứ vang vang trong đầu của vua Lê Thánh Tôn:

    Lời chúa trao truyền xuống ngoc giai
    Cho làm lệnh tướng quét trần ai
    Ba phen vùng vẫy trời tung gió
    Bốn cõi tung hoành đất sạch gai
    ( vịnh Cái Chổi )

    và nhớ tới hình ảnh vị vua gần gũi với dân gian qua bài

    VỊnh miếu vợ chàng Trương

    Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
    Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
    Ngọn đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ
    Cung nước chi cho lụy đến nàng

    ( vịnh Miếu vợ chàng Trương)

    Tôi đã bị nao núng trong lòng vì biết mình chưa chuẩn bị tinh thần gì cả. Quả là tôi đã về Thăng long như khách lạ phương xa rồi sao ?

    Rồi cạnh bên ngai thờ vua Lê thánh Tôn, là vua LÝ thánh Tông, không lẽ bài thơ tôi thuộc lòng từ nhỏ là nói về lòng nhân từ của vị vua này ?

    LÝ Thánh Tông ông vua nhân đức
    Lòng thương dân tiếng nức sử xanh
    Buổi kia vua dạo quanh thành
    Thấy một xác chết xám xanh mặt mày
    áo quần rách che thây không đủ
    dãi gió sương nằm rũ bên đường

    Ngậm ngùi vua động lòng thương
    Cởi ngay áo ngự đắp chòang lên cho
    Gương nhân đạo ngàn thu sáng tỏ
    Người đời nên lấy đó soi chung
    Giúp nhau những lúc khốn cùng
    Thương nhau như thể tình chung một nhà...

    ( từ trong sách của VN xưa )

    -------------------





    ( hình do anh Nam đưa lên )

    Bia Tiến Sĩ:








    Bảng ghi công 3 vua:





    (Vua Lý Thánh Tông : Văn Miếu)
    (Vua Lý Nhân Tông: Quốc Tử Giám)
    (Vua Lê Thánh Tông: Bia Tiến Sĩ)
    Last edited by NganHa1; 02-05-2016 at 09:38 AM.

  2. #92
    Biệt Thự nam2010's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    603



    Chùa Cầu Đông
















    Những ai đi từ hồ Hoàn Kiếm đến chợ Đồng Xuân đều đi qua Hàng Đào, Hàng Ngang rồi Hàng Đường. Mỗi đường chỉ có 1 hay 2 dẫy nhà. Hàng Đường là nơi có những tiệm bán mứt, bán ô mai, ...







    sấu dầm




  3. #93
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    862
    Quành lại gõ tiếp....
    ------------


    Quả sấu

    Trời ơi anh Nam có phải đã giết người không dao kéo rồi không?. Hay anh đã có theo dõi và biết tôi đã rất muốn nếm thử xem trái sấu ra sao lần ra ngoài Hà Nội. Tôi đi ra Bắc với lòng nôn nóng muốn biết một thứ thôi là hương vị trái sấu. Vậy mà người đạp xích lô chỉ gợi ý với tôi về những thứ mà các du khách chỉ muốn thử: chả rươi Hà Nội.

    Tôi đã cười nhẹ nhàng có chút ra cái điều nói với anh rằng tôi rất tiếc giờ đã ăn chay nhiều hơn ăn mặn, nên không còn thèm nước mắm rươi mà lần trước người quen ở trong quê Nam đã chưng và mang ra đãi chúng tôi. Tôi nhớ lần đó cóc tôi đã buộc lòng phải mở miệng hỏi về chén nước mắm đỏ au và thơm ngon tinh chất này. Tôi giờ vẫn còn cái cảm giác hạnh phúc với lần được ăn cá cháy là loại cá vùng nước lợ rất ngon, chấm với nước mắm rươi. Thật là tuyệt vời !!!

    Còn về trái sấu, hay củ sấu gì đó. Tôi đã được nghe một người quen kể lại, anh ta nói rất thèm ăn trái sấu ở quê anh nên nếu có về Bắc, anh tìm những trái sấu đó.

    Tôi chỉ nhìn anh, vẫn thờ ơ như người không để ý gì cho lắm, nhưng tôi thấy một tình cảm dịu dàng len nhẹ trong tim mình. Có lẽ tình yêu của người đất Bắc với một trái cây nào đó với cái tên lạ hoắc và chẳng đẹp như mơ hay đào, nhưng mộc mạc đã làm lay chuyển lòng tôi chăng.

    Anh ta du học từ năm lên mười tám và đã yêu cô vợ tóc vàng mặt hiền và nhu hòa còn hơn cả người Việt mình.

    Thỉnh thoảng cô gọi anh bằng hai tiếng " anh... oi" làm tôi ngỡ ngàng vài giây rồi chợt hiểu đó là hai chữ " anh ơi " cô gọi người chồng Việt hiền lành, văn nhã từ miền đất xa xôi tên gọi Thăng Long sang nước cô du học, đã làm cô yêu tha thiết và bất chấp tất cả gia đình để theo làm dâu nhà Việt Nam từ mấy chục năm rồi...

    Vì một mối thương tâm nào đó, có lẽ vì đã một lần, anh đã ôm vai tôi từ giã trong một buổi tiệc làm tôi cũng thấy nao lòng. Có những thứ ta hoài đời mơ ước nhưng vẫn ngoài tầm tay, như tiếng Việt thân yêu, như những món ăn Việt mộc mạc, đơn sơ và dân giã mà ước ao hoài vẫn không nếm lại được như hương vị trái sấu.

    Cho nên, lần về Hà Nội, tôi cũng cố ý dò xem trái sấu ra sao mà lại ngại ngùng mắc cỡ mà không dám nói cho ai biết. TÔi có nghe văng vằng tiếng rao mời trái sấu đây mà lại không dám hỏi han để nếm thử một lần xem sao.

    Giờ đây, cũng lại anh Nam nhà mình, mang trái Sấu ra cho tôi xem cho kỹ, ăn "cách cảm", nói theo tiếng của bà bạn vong niên xưa. Nhưng có người vẫn thắc mắc, là thấy bạn bè trong phố lăng xăng mời ăn món này, thức kia với những tô bún riêu, bún bò, miếng bánh Tây bên tách trà nóng hay ly cà phê thơm ngát. HỌ hỏi thật sự người đọc có thưởng thức được gì không mà mời chứ ?

    Tôi cũng đã tự hỏi và tự nghiệm ra câu trả lời là : CÓ, đôi khi còn đậm đà hơn cả ăn thật ngoài đời. Vì đó là tấm lòng thành, là những nụ cười thân mến chỉ muốn người đối diện được vui và thưởng thức tác phẩm từ lòng đam mê nghệ thuật nấu ăn mà những tay công ngôn dung hạnh cở Du Lan, Hương Xưa, Thoa, Tà áo Xanh, Lãng du và còn nhiều các anh chị trong phố...ưu ái tặng cho người ghé ngang bếp hồng. Cảm ơn những bàn tay ngọc...

    Và cảm ơn một thau sấu dầm của anh Nam...

    ------------

    Cảm ơn anh Nam đã xem lại giùm tôi và giúp dùm vài chi tiết cần thiết. Tôi sẽ sửa sau.

    Quote : từ anh Nam:


    "Hình như Tú Uyên mua tranh ở chợ Cầu Đông gần đó?
    Chợ CĐ đã bị gộp vào chợ Đồng Xuân rồi.


    Những ai đi từ hồ Hoàn Kiếm đến chợ Đồng Xuân đều đi qua Hàng Đào, Hàng Ngang rồi Hàng Đường. Mỗi đường chỉ có 1 hay 2 dẫy nhà. Hàng Đường là nơi có những tiệm bán mứt, bán ô mai, ... "







    sấu dầm



    [/left][/QUOTE]

    ( xin anh Nam ăn dùm ... thau sấu dùm ...m nhé ! hihihi ....)

    Người miền Nam hay dùng chữ " trái", ai dè lại có sự phân biệt giữa trái và quả , nên không có trái sấu mà chỉ có " quả sấu", anh Nam lại không để trái hay quả gì dưới cái hình anh post mà chỉ để " sấu dầm", nên tôi cứ thật thà mà đề tựa là "trái sấu ". Anh Nam sửa lại nên tôi đổi là quả sấu cho đúng chữ của Bắc kỳ....
    Last edited by NganHa1; 02-05-2016 at 10:15 AM.

  4. #94
    Biệt Thự HXhuongkhuya's Avatar
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    4,664


    Trời ơi sáng giờ HX vào mấy lần gõ về Sấu dầm lại đi ra không post ...
    Tim đập rộn ràng từ lúc thấy Sấu dầm mà ... ấm ức .

    Theo Dấu Thời Gian là nơi hiện bây giờ sáng nào HX cũng chờ đọc .

    HX cám ơn chị Ngân Hà , anh Nam và anh Hai Việt đã cho HX những háo hức qua hình ảnh và bài viết .
    Rất quý mến .
    HX


    PS I: HX sẽ tặng lại Hải Đường cho anh Nam , tuy không đẹp nhưng là Hải Đường HX tận mắt thấy , đụng tới và chụp .Nếu còn cảm xúc , HX sẽ " theo dấu thời gian " đưa anh chị em về " khung trời kỷ niệm " của miềnTrung yêu dấu , Huế và Sài Gòn hoa lệ cùng những tỉnh lẻ hiền hoà , trù phú của miền Nam mến yêu .

    PS II : Chị Ngân Hà cũng " giết " người bằng món mắm Rươi rồi đó . HX còn nhớ rõ vị mắm Rươi ra sao .
    Hấp dẫn làm sao chiếc lá rau diếp ( xà lách ) xanh mởn non xèo gói gọn vào lòng chút bún trắng phau , miếng thịt ba rọi it mỡ , it trứng chiên xắt sợi , chả lụa xắt sợi , tôm luộc bóc vỏ củ kiệu và và các thứ rau thơm nhỏ rí mà thơm ơi là thơm . Tất cả những thức ấy được cột lại bằng cọng hành luộc buộc ôm lấy tất cả những tinh hoa trời đất lúc lập đông . Món này chấm với một thứ nước chấm khác làm bằng cơm rượu nhưng người quen lại cho HX thử chấm với mắm Rươi thế là ... chết một nửa hồn vì món ấy ... Và bây giờ thì hết luôn giờ cơm trưa của HX rồi nhé , có nên bắt đền không nhỉ ?


    HX mến chào anh Luân Tâm .
    Last edited by HXhuongkhuya; 02-04-2016 at 01:46 PM. Reason: quay lại ...

  5. #95
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,633
    Chào Ngân Hà và mọi người .

    Theo chân Ngân Hà đọc nhiều lần rồi mà chưa tiện lên tiếng . Những tấm hình , những bài thơ , bài viết ... của mọi người rất hay . Thoa đã đi Bắc 2 lần và mong mong tìm được những thứ gì trong văn chương , sách báo cũ nói về ... Thú thật Thoa hơi thất vọng ! Vào đây đọc những dòng chữ của ACE và các bạn còn thú vị hơn . Thoa cũng có giữ kỷ niệm một số hình ảnh miền Bắc ( lần thứ 2 . Lần thứ nhất bị mất rồi) . 80% những nơi ACE mô tả Thoa nghe và thấy qua rồi . Rất thích như nhớ lại một kỷ niệm ! Không có nhiều thì giờ nhưng hôm nào , mạn phép chủ nhà Thoa sẽ góp vào một số hình ảnh đã ghi nhận cho vui .

    Về trái sấu Ngân Hà đang nói và củ sấu nó khác nhau đấy . Trái sấu của người Bắc thì Thoa cũng mới thấy lần đầu hình trên , chưa nếm qua . Còn củ sấu thì nếm qua rồi . Không thích vì dở hơn ... hột sầu riêng . Củ sấu hình dáng như chiếc sừng trâu nhỏ cỡ 2 ngón tay lồi lõm , móp méo . Tục ngữ ta có câu rất hay :

    Khi thương củ ấu cũng tròn
    Ghét nhau bồ hòn cũng méo

    Nghĩa đen và nghĩa bóng nói về 2 loại trái , củ trên .
    Nơi nào có anh , những người khác chỉ là tạm bợ .Tôi không thích tạm bợ .

  6. #96
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    862
    Cảm ơn Thoa, có hình nào về chuyến đi của Thoa rảnh rảnh dán thêm cho mình nhé

    Mình cũng không rõ củ sấu hay trái sấu mà anh bạn mình nói. Nhưng chắc là loại chua mà củ ấu hình như không chua.

    ---------



    Hà thành ơi...

    " Ai tri âm đó mặn mà với ai".(ND)



    hình anh Nam đưa lên





    Bạn tôi ơi, tôi đâu ngờ bạn thích dõi theo bước chân ngập ngừng cùng với nỗi băn khoăn của tôi khi đi và viết về miền đất dường như xa lạ mà lại rất đỗi thân quen trong huyết quản của mỗi người dân Việt.

    Chính cái mâu thuẫn dữ dội trong lòng đó mà yêu với ghét, thương và hận, đau đớn và thiết tha nó đã làm cho tim mình héo hắt, lòng mình khổ sầu và có một cái gì nhức nhối mà không thể tả thành lời...

    Những tình cảm này làm tôi như mang nặng gánh rất nặng, "hầm- bà- lằng" do bạn bè gởi trên vai hồi nào mà không biết. Như cô Hương Xưa căn dặn cứ chụp hình để ghi lại cảm xúc, rồi tôi lại được dặn đừng mang cái i phone ra ngoài đường nên tôi ngồi trên xích lô, đi giữa lòng Hà Nội chẳng chụp hình nào mà nhủ lòng hãy ghi nhận bằng trái tim coi có được gì không...

    Cuối cùng rồi tôi đi mà bạn lại ghép hình vào khiến tôi mừng vui như trẻ nhỏ, tinh nghịch kiểu " thử coi tui hỏng thèm chụp hình rồi có ai thèm thắc mắc gì hông "




    Hình anh Nam đưa lên

    hồ Gươm gợn sóng



    Cuối cùng rồi tôi đã phải trả cái giá đó bạn ạ. Đây hình cô Hương Xưa, nọ hình anh Nam, kia hình anh Hải Việt. Hình nào cũng cho tôi thấy rõ mồn một từng góc đường với tên của bao vua chúa, anh hùng dân tộc để rồi linh hồn của Thăng Long xưa qua sách vở sống lại đến nổi tôi khó mà ngừng tay vì tôi biết bạn đợi chờ.

    Cái tình của bạn dành cho Thăng Long xưa cũng giống như tôi nên mới là như vậy đó. Giờ thì bạn cũng đã thấy có những thứ vô hình lại nặng oằn tim gan, không bỏ xuống được, nên giờ đây chắc là tôi đành phải tiếp tục mới được nhẹ lòng mà thôi...

    Vì đâu thế ?
    Sao cơ ?
    Cái quái gì vậy ?
    Thế thế ...

    Phải rồi, có một nỗi sợ, một nỗi lo khi đến vùng đất đó. Nói nhỏ nhỏ, nhẹ nhẹ vừa đủ nghe, để khỏi phải phiền lòng vì những kinh nghiệm của người đã đến trước mình làm mình loạn cả lên...

    Rồi thì cũng xong chuyến đi...

    Hà Nội hôm nay, Thăng long xưa cũ, có gì để trao gởi về nhau khi bước chân ai đó đã xa rồi ?


    [CENTER]
    Hình Hai Viet st


    Như khi mình yêu ai mà không dám tỏ, vì lễ giáo, vì sợ người cười chê mà bỏ đi cái rất thật của lòng. Nhưng thôi, đó cũng là cái rất dễ yêu do sự e thẹn của người mình yêu, nhờ vậy mà nụ hoa tình yêu mới lâu phai tàn và sau này còn có nhiều điều để kể cho nhau nghe.

    Nếu là hoa xin hãy khoan là trái
    Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua ( sưu tầm )

    Tôi đã rón rén bước những bước vô cùng khó khăn, như người đi trên nỗi lòng của cả một dân tộc đáng thương và đáng tội nghiệp vì yêu mà sợ họ hàng phản đối vì bất đồng nhiều thứ như tôn giáo, ngôn ngữ, chính kiến....mà không thể và không dám nói thành lời, chứ đừng nói là viết ra trên giấy trắng mực đen những lời tỏ tình yêu chân thật của mình. Nỗi lòng đó cứng như đá nhưng cũng mềm như nước, nỗi lòng khắc khoải như con quốc quốc nhớ nhà mà không nói được thành lời của Bà Huyện Thanh Quan:

    Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
    Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

    Hoặc là như tâm trạng của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến:

    Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
    Đây hồn Thục Đế thác bao giờ.
    Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
    Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
    Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
    Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ
    Ban đêm ròng rã kêu ai đó?
    Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.

    ct
    ------------


    hồ Gươm gợn sóng






    hình anh Nam đưa lên

    tháp Rùa in bóng





    Chắc bạn không hiểu vì đâu mà tôi lại xót xa thương cảm Thăng Long nhiều như thế.

    Chỉ vì khi tôi dò tìm dấu tích của Hà Thành xưa cũ, tôi phải trải qua bao nhiêu lần khai quật, phải đưa tay mở thật nhiều lớp vải khâm liệm, để nghe lòng thật nhiều tang thương, cuối cùng rồi lặng lẽ nhìn thấp thoáng dáng Kiều xưa che mặt giấu sau mành...

    Chính vì thế mà tôi có cảm tưởng như Thăng Long chẳng khác gì thân phận của nàng Kiều, đã hứng chịu bao dâu biển của cuộc đời và bị dày xéo thô bạo dưới gót giày xâm lược cùa ngoại bang không biết bao nhiêu lần uất hận khóc một mình.




    cửa Văn Miếu hình HX )





    Văn Miếu sở dĩ còn là vì có thờ đức Khổng Tử án ngữ, nên nên gương mặt đẹp của Hà Thành không bị hủy hoại, dù đôi mắt nàng như mặt hồ Gươm long lanh ngấn lệ, mơ bóng người anh hùng Lê Lợi dong thuyền về nhận lưỡi gươm thiêng để cứu lấy giang san gấm vóc.

    Vua Lê đã thắng quân Minh sau mười năm, rồi triều đại của vua Lê Thái Tổ cũng qua nhanh chóng để vương triều nhà Nguyễn kế tiếp. Rồi sau đó là cảnh nước nhà rơi vào tay thực dân suôt cả một thế kỷ dài đăng đẳng.

    Và Kiều của Nguyễn Du, của anh, của tôi, của cả nước Việt Nam ra sao ? Có còn đâu nữa:

    Làn thu thủy, nét xuân sơn
    Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da (K)

    Rồi thêm một lần nữa, những lâu đài, cung điện và những gì huy hoàng của các triều đại cũ lại bị san bằng, xóa sạch hoặc khỏa lấp bởi giặc Minh rồi đến thực dân Pháp. Bao bảo vật quốc gia bị đánh cắp, chẳng còn lại dấu tích gì trừ những thứ thực dân cần giữ lại như Cột Cờ để làm pháo đài quan sát bốn phương canh dân mình nổi lên chống lại.


    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (ND)

    Cho nên dù tôi có chuẩn bị chuyến đi bằng tâm tình của người khách lạ, dù cho tôi có quyết tâm:

    Nếu có về tôi nhủ lòng chớ để
    Những đau thương làm chết mộng ban đầu

    Nhưng tôi đã nói dối vì tận trong cõi lòng tôi thật là tan nát vì những mất mát, những điêu tàn mà Thăng Long đã phải gánh chịu suốt ngàn năm qua.

    Khi tôi ở trong Nam, thì bom đã dội trên mình Hà Nội, khi tôi ở nước ngoài vào năm 79, thì người đạp xích lô chở tôi đã ra tận Lạng Sơn để chống quân thù để bảo vệ đất nước. Nhờ vậy mà bây giờ, tôi mới có còn được một quê hương để mà về. Vậy thì ai là anh hùng dân tộc, ai đã vì quê hương Việt Nam mà thật sự đổ máu xương đây ?

    Vì vậy mà tôi đã bàng hoàng đến ngẩn ngơ nhìn người đàn ông đã đạp xe đưa tôi đi giữa lòng Phố Cổ đợi chờ tôi sẽ nói vài câu gì đó. Nhưng tôi đã chạy đến cậu em tôi vì tôi không mang tiền trong người. Tôi thấy mình tầm thường và vẫn còn nợ người đó một lời cảm ơn mà dù có lời nào đi nữa, cũng bằng thừa...

    Cho nên tôi vẫn bất ổn trong lòng và như người chạy trốn một sự thật hiển nhiên. Chỉ có người ở lại mới thật sự cầm súng chiến đấu bảo vệ quê cha đất tổ của họ vì lòng yêu nước thật sự của họ thật lớn lao.

    Tôi trở về, biết mình còn thiếu sót lớn nếu không đi được con đường mang tên Cổ Ngư thì đã được anh Hải Việt đưa lên.

    Tôi tự hỏi có thể nào con đường Cổ Ngư nối dài thêm một quãng xuân thì ngày cũ của Hà thành không ?. Có thể nào HỒ Gươm vẫn mãi soi bóng hình thanh tân của Thăng Long xưa với hội đạp thanh để cho tình nhân ly hương vẫn nhớ hoài buổi chiều gặp tình yêu đầu đời của thuở mười sáu trăng tròn khi đã xa Hà Nội.

    Tôi xa Hà NỘi năm lên mười tám khi vừa biết yêu
    Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều...

    Tôi xa Hà Nội năm em mươi sáu trăng tròn đắm say
    đôi tay ngọc ngà yêu đương tình ái em đong thật đầy...

    ( nhạc Anh BẰng)


    Hồ Tây (st) con đường Cổ Ngư Hai Viet sưu tầm


    ---------------


    Thăng Long Thành Hoài Cổ

    Bà Huyện Thanh Quan

    Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
    Ðến nay thấm thoắt mấy tinh sương
    Lối xưa xe ngựa thành thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
    Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
    Nước còn cau mặt với tang thương.
    Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
    Cảnh đấy người đây luốn đoạn trường.
    Last edited by NganHa1; 02-05-2016 at 08:21 PM.

  7. #97
    Biệt Thự HaiViet's Avatar
    Join Date
    Oct 2015
    Posts
    1,215
    “Tứ trấn Thăng Long”


    (VOV) - Tứ trấn Thăng Long thờ 4 vị thần trấn giữ 4 phía, có lịch sử gắn bó ngàn năm với Kinh thành, như một dấu ấn văn hóa tâm linh Việt.

    Thủ đô Hà Nội có nhiều danh lam thắng cảnh cổ kính, lãng mạn như Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Nhưng Hà Nội cũng có những di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng khiến người ta phải kính trọng và tri ân. Đó là “tứ trấn Thăng Long” - bốn ngôi đền thiêng thờ 4 vị thần trấn giữ những vị trí huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến để che chở, bảo vệ cho cho kinh thành Thăng Long, ngày nay là Thủ đô Hà Nội luôn được bình yên.

    Thăng Long Tứ trấn gồm bốn ngôi đền: Đền Bạch Mã trấn phía Đông; Đền Voi Phục trấn phía Tây; Đền Kim Liên trấn phía Nam; Đền Quán Thánh trấn phía Bắc. Mỗi ngôi đền thờ một vị thần có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau: thần Long Đỗ thờ ở đền Bạch Mã, thần Cao Sơn thờ ở đình Kim Liên, thần Linh Lang thờ ở đền Voi Phục và thần Trấn Vũ thờ ở đền Quán Thánh.

    “Tứ trấn” được xây dựng từ rất sớm, gắn liền với việc ra đời kinh đô Thăng Long thời nhà Lý từ những năm 1010. Thăng Long tứ trấn trải quá nhiều thời kỳ còn được tôn là “Thượng đăng phúc thần”. Vào thời kỳ đó Tứ trấn Thăng Long là nơi diễn ra các lễ hội Xuân, là nơi nhà vua chọn đến để dâng hương những ngày đầu năm. Và có lẽ cũng từ đó, truyền thống này được tiếp nối cho đến tận ngày nay.

    Tứ trấn thờ 4 vị thần trấn giữ 4 phía: đông, tây, nam, bắc của thành Thăng Long từ ngàn năm trước cho đến tận ngày nay. Mỗi ngôi đền thờ một vị thần có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, theo dân gian, người khai sáng Thăng Long - Vua Lý Thái Tổ - vốn là một võ tướng, có lẽ vì vậy mà cả 4 vị thần trấn giữ Thăng Long đều là võ thần chứ không phải văn thần.



    Trấn Đông: Đền Bạch Mã


    Đền Bạch Mã xưa thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là số nhà 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, vị thần bảo hộ của Kinh Thành trấn giữ hướng Đông. Ngài là vị thần thiêng, được chúng dân thời xưa ở Thăng Long rất tôn sùng, kính phục.




    Ngựa trắng là một biểu tượng thiêng liêng của Đền Bạch Mã và được thờ bên trong.

    Truyền thuyết kể rằng: Khi vua Lý Công Uẩn định đô Thăng Long (năm 1010), xây thành mà cứ bị sụt lở, nhà Vua tới đây cầu lễ và lạ thay, một buổi sáng chợt thấy có vị ngựa trắng từ trong đền đi ra, chạy vòng quanh khu vực đang xây thành, chạy đến đâu để dấu chân đến đấy rồi trở lại Đền và vụt biến mất. Vua Lý cứ theo vết chân ngựa mà xây, thành không lở nữa. Từ đó thành được đắp cao lên, rất vững chắc. Thành xây xong, nhà Vua xuống chiếu cho chúng dân Thăng Long phong thần Long Đỗ làm thành Hoàng bảo vệ cho Thăng Long. Từ đấy Ngựa trắng là một biểu tượng thiêng liêng của Đền.

    Đền Bạch Mã đã được trùng tu nhiều lần. Đền quay mặt về phía Đông Nam. Trong đền còn giữ được 15 tấm bia chép sự tích đền và thần, nghi lễ cúng bái, các lần trùng tu tôn tạo… Đền Bạch Mã với diện tích hơn 500m2, là một công trình đồ sộ còn được gìn giữ, bảo quản khá tốt. Tuy đền đã được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc thời Trần, Lê. Các cửa võng, các mảng điêu khắc trong đền mang tính nghệ thuật cao.
    Hội Đền Bạch Mã hằng năm được tổ chức vào ngày 12 và 13/2 âm lịch.





    Trấn Tây: đền Voi Phục


    Đền Voi Phục còn có tên là Thủ Lệ hay Linh Lang do thờ thần Linh Lang Đại Vương. Đền nằm phía Tây kinh thành Thăng Long cũ, tọa lạc bên hồ Thủ Lệ, nay thuộc phường Cầu Giấy, quận Ba Đình, Hà Nội.

    Truyền thuyết ghi lại rằng thần vốn là một Thiên sứ đầu thai làm con nàng phi thứ bảy của vua Lý Thái Tông, được vua cha yêu quý đặt tên là Linh Lang. Tương tự như người anh hùng làng Gióng, khi đất nước có giặc ngoại xâm, Hoàng tử nhỏ vươn mình trở thành một dũng sĩ cưỡi voi xung trận, diệt tan quân xâm lược. Sau chiến thắng, bỗng nhiên hoàng tử lâm bệnh, vua cha đến thăm, chàng cho biết mình không phải là người trần rồi biến thành con giao long trườn xuống hồ Dâm Đàm (tên cũ của Hồ Tây) và biến mất. Vua cho lập đền thờ, phong là “Thượng đẳng thần”.



    Cổng vào đền Voi Phục - trấn Tây Thăng Long Thành.






    Trấn Nam: đền Kim Liên


    Đền Kim Liên còn gọi là đền Cao Sơn, đình Kim Liên, trước đây thuộc địa phận phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Đền thờ thần Cao Sơn.

    Tương truyền, thần Cao Sơn đã có công giúp Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh và sau này lại giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, khôi phục nhà Lê. Chính vì thế vua Lê cho xây đền, dựng bia để hương khói thờ phụng.





    Tam quan và Đền xây trên gò đất cao, từ sân bước lên phải qua chín bậc gạch, hai bên thềm là hai sấu đá niên đại thời Lê.

    Chịu tác động của thăng trầm lịch sử, đến nay ngôi Đền không còn nguyên dạng (toàn bộ Nhà Bái đường đã bị tàn phá), chỉ còn lại Nhà Hậu đường ba gian, tam quan, cổng gạch và hai giải vũ. Năm 2000, đền được tôn tạo, phục chế lại như ngày nay.

    Tam quan và Đền xây trên gò đất cao, từ sân bước lên phải qua chín bậc gạch, hai bên thềm là hai sấu đá niên đại thời Lê. Tam quan xây thành nhà hoàn chỉnh, kiểu tường hồi bít đốc. Bốn góc tường hồi có bốn cột trụ, bốn bộ vì đỡ mái làm theo kiểu chồng giường, giá chiêng, cột trốn. Các con rường chạm nổi hình mây cuốn, câu đầu và chạm lộng nhiều lớp hình tứ linh vô cùng đẹp với kỹ thuật tinh xảo.

    Hậu cung là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng: Thuỷ Tinh đệ Tam - Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh phu nhân.

    Di sản quý báu của Đền đặc biệt còn tấm bia đá đồ sộ mang tên "Cao Sơn Đại vương Thần từ Bi minh" cao 2,34m, rộng 1,57m, dày 0,22m. Tấm bia ghi về thần tích và bài minh ca ngợi Thần do Sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ - Hồng Thuận thứ 3 (1510) và được dựng ngày 1 tháng Trọng Thu năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772).

    Đền còn giữ được 39 đạo sắc phong về thần và các câu đối.

    Lễ hội đền Kim Liên mở vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm.




    Trong đền vẫn còn long ngai thờ thần Cao Sơn và hai nữ thần phối hưởng: Thuỷ Tinh đệ Tam Tôn nữ và Huệ Minh phu nhân.





    Bia đá trong hốc cây mang tên "Cao Sơn Đại vương Thần từ Bi minh" ghi về thần tích và bài minh ca ngợi Thần do Sử thần Lê Tung soạn.


    Trấn Bắc: Đền Quán Thánh
    Đền Quán Thánh còn gọi là đền Trấn Vũ, nằm ở ngã tư giao đường Thanh Niên với đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ.
    Truyền thuyết xưa kể rằng: Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông... Đến thời nhà Lê, các vua cũng thường đến đây để cầu mưa mỗi khi có hạn hán.




    Hàng năm đền Quán Thánh có hàng trăm nghìn lượt du khách đến dâng lễ, vãnh cảnh.

    Theo tư liệu cũ, ngôi Đền được xây dựng vào những năm đầu khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Năm 1823, Vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên Đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là Đền Quán Thánh như hiện nay.

    Đền Quán Thánh tọa lạc ở một địa thế rất đẹp trên đường Cổ Ngư, cạnh hai hồ là Trúc Bạch và Hồ Tây. Trong đền có một bức tượng đồng Trấn Vũ cao lớn uy nghi nặng 4 tấn. Tượng cao khoảng 3,96m, chu vi 8m, mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng vị rùa. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của Việt Nam cách đây ba thế kỷ.

    Trong đền còn có quả chuông đồng trên gác tam quan với tiếng ngân khi đánh lên đã đi vào lòng người dân Việt Nam: “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”.
    Đền Quán Thánh tổ chức chính hội vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm.




    Bức tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ cao lớn uy nghi được đúc năm 1677. Tượng cao khoảng 3,96m,nặng 4 tấn.
    Đó là tác phẩm nghệ thuật của những người thợ tài hoa làng đúc đồng Ngũ Xã, Hà Nội.

    Bốn ngôi Đền: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quán Thánh xác định địa giới Thăng Long, tạo nên ý nghĩa và tầm vóc của mảnh đất kinh kỳ. Vì thế, cả bốn ngôi đền đều là những địa điểm mà người dân Hà Nội thường đến dâng lễ cũng như vãn cảnh đặc biệt vào đầu xuân mới và ngày mồng Một, ngày Rằm. Đây cũng là một cách thể hiện lòng thành kính đến với những vị thần ngày đêm canh giữ, bảo vệ để người dân kinh kỳ có cuộc sống ấm no, an lành.

    Việc thờ 4 vị thần bảo vệ thành Thăng Long từ 4 phía là nét độc đáo của văn hóa tâm linh Thăng Long. Không chỉ thế, tứ trấn là những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc, điêu khắc độc đáo gắn với huyền thoại dân gian, lịch sử Thăng Long và đất nước Việt Nam được nhiều người tìm tới để hiểu biết thêm về Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đây còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn nhiều du khách nước ngoài khi tới thăm quan thủ đô Hà Nội./. Phỉ Thúy/ VOV Online
    Last edited by HaiViet; 02-05-2016 at 08:49 AM.

  8. #98
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    862
    Tuyệt vời quá anh Hải Việt!.

    Anh cứ phụ thêm những bài viết, sưu tầm giá trị vào nhé.

    Ới ... Thoa, HX, dulan, Chiều, Tax, Sông Thương và các bạn ghé ngang nghe kể chuyện nhé...


    ---------------


    Chuyện đời Hùng Vương

    1. Sơn Tinh đến sớm

    Sơn Tinh đến sớm rước người yêu
    Sính lễ chàng mang tặng thật nhiều
    Một vùng núi Tản mây bao phủ
    Một tấm lòng thành biết bao nhiêu

    Sơn Tinh đến sớm rước Mỵ Nương
    Công chúa ngờ đâu chuyện tình trường
    Còn có một người mang sính lễ
    Nhưng vì đến trễ hận yêu đương ...

    Mây phủ đầu non thật mơ màng
    Núi rừng trùng điệp đón xuân sang
    MỴ Nương ngơ ngẩn nhìn sông núi
    Một tấm lòng yêu bỗng dâng tràn

    Từ đó hàng năm bão ngập trời
    Nhớ về chốn cũ đã xa xôi
    Lâu đài cung điện đều khuất nẻo
    Chỉ một Sơn Tinh đủ đền bồi ...
    ( Thảo Hiền )

    ---------

    2. Trọng Thủy - Mỵ Châu

    Tôi không biết các thế hệ sau tôi có được học những gì giống như tôi đã học thời Trung học hồi trước 75 hay chăng. Theo tôi thì dù khởi đầu của nguồn gốc dân Việt chỉ như huyền thoại hoang đường, không cơ sở khoa học gì hết. Nhưng càng nghĩ tôi ngày càng thấy thấm thía cái ý nghĩa sâu xa của tổ tiên ta với một chuyện đời xưa như vậy. Ông cha ta tuyệt vời và thông minh vô cùng, vô tận, vô biên !!!

    Cũng như dân Do Thái lang thang không nhà suốt hai ngàn năm, tứ tán khắp thế giới nhưng nhờ tin tưởng vào kinh thánh của họ, cho mình là dân được Thượng Đế, Chúa Trời đã chọn, nên dù trong suốt hai ngàn năm không đất dung thân, phải làm nô lệ cho Ai Cập đến Âu Châu, ăn nhờ ở đậu xứ người, bị Hitler diệt chủng mà cuối cùng vẫn tìm lại vùng đất hứa cho dân họ kéo về.

    Nhờ đâu ? CÓ phải chăng nhờ chuyện mà người đời vẫn cho là huyền hoặc mơ hồ và tưởng tượng đó ?


    Cho nên tôi không hề thắc mắc về chuyện họ HỒng Bàng, từ Lạc Long Quân đến bà Âu Cơ và 18 đời Vua HÙng Vương và những chuyện cổ tích liên quan đến các vua chúa hoàng tử và công chúa của mười tám đời này là có thật hay không làm gì cho vô ích.

    Tôi chỉ biết nó là một gia tài quý giá và những bài học ngàn đời cho con cháu từ những kinh nghiệm rất thật, đầy tính nhân bản, mà khởi đầu là chuyện Trọng Thủy MỴ Châu vào cuối đời các vua Hùng. CŨng vì sự ngây thơ, cả tin vào chồng mà sự nghiệp của vua cha là An DƯơng VƯơng Thục Phán đã tan tành và về tay Triệu Đà, cha của Trọng Thủy.
    --------

    Khởi đầu nước Việt ta là dòng giống đẹp như Tiên và dũng mãnh như Rồng nên còn gọi là giống Tiên Rồng. Hai ông bà Lạc Long Quân và Âu Cơ có được 100 con cùng được sinh ra chung một bọc trứng nên gọi là đồng bào.

    Khi các hoàng tử vừa khôn lớn, thì nhà vua đã tâm sự với vợ, như Từ Hải sau khi kết hôn với Thúy Kiều được sáu tháng thì đã phải quyết định ra đi vì sự nghiệp. Không biết bà mẹ Âu Cơ của chúng ta có than thầm giống như nàng Kiều hay không:


    Nửa năm hương lửa đang nồng
    Trượng phu thoát đã động lòng bốn phương ( ND)

    Lạc Long Quân năn nỉ bà Âu Cơ rất hợp lý hợp tình:

    - Ta là Rồng nàng là Tiên ở với nhau lâu dài không tiện việc cai trị Văn Lang. Vì thế ta muốn chia đều mỗi người 50 đứa con để dễ bề khai khẩn hai miền Kinh, Thượng và cùng giúp nhau phát triển nước đất nước.

    Rồi như thế mà nước Việt, từ một nơi chốn bé nhỏ là Bạch Hạc hay Phú Thọ bây giờ, đã phát triển dần dần thành một giải giang sơn được mệnh danh là hạt Minh châu của trời Đông Á đã hơn bốn ngàn năm qua.

    Với 18 đời vua Hùng Vương, từ nước Văn Lang đến tên hiệu Âu Lạc, sử sách đã chép lại biết bao là chuyện, nhưng tôi lại thích những chuyện như SƠn Tinh, Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên VƯơng, sự tích Trầu Cau, Sự tích Bánh dày bánh chưng, SỰ tích quả Dưa Hấu, Chuyện Tấm Cám, và những mối tình đẹp như Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung hay Trương Chi Mỵ Nương. CÒn chuyện Tú Uyên thì mãi đến đời Lê hay Trần sau này...


    Chuyện đáng nói nhất đối với tôi vì nó có nhiều chua xót, bi ai, lẫn huyền hoặc nhưng chứa chất nhân bản là chuyện tình của Trọng Thủy với Mỵ Châu. Nó là kinh nghiệm ngàn đời của cha ông ta về việc giữ nước. Cho nên có câu: có những chuyện quốc gia phải dùng hôn nhân và tình yêu mới giải quyết được, dù có phải hy sinh con ruột của mình là Trọng Thủy cũng mặc. Cái gọi là đạt mục đích bất chấp thủ đoạn là đây chăng.

    Vì chuyện tình này mà thời HÙng Vương chấm dứt khi những chiếc lông ngỗng của công chúa MỴ Châu đã rắc bay suốt quãng đường đào thoát của vua cha đã dẫn đường cho quân Triệu Đà và con trai là Trọng Thủy dẫn quân đuổi theo.

    Cuối cùng rồi chỉ còn lại biển cả mênh mông trước mặt nên vua An DƯơng VƯơng đã phải ngước mắt lên trời mà than với Thần Kim Quy sao đã cho nỏ thần để chiến thắng yêu quái lúc dựng nước, một phát bắn ngàn mũi tên, mà lần này giặc tấn công lại không linh nghiệm gì hết là sao!

    Thần Kim Quy bấy giờ mới hiện lên và chỉ về phía sau lưng vua và nói giặc đang ngồi sau lưng bệ hạ. Vua chợt hiểu, đành vung gươm chém con gái yêu là Mỵ Châu rồi tự sát.

    Trọng Thủy vô cùng hối hận mang xác vợ là MỴ Châu về chôn ở CỔ Loa, xong nhảy xuống giếng gần bên tự tử.

    Truyền thuyết cho rằng những con trai ngoài biển thấm máu của Mỵ Châu nên người ta mang những viên ngọc của chúng ngậm trong miệng mà rửa bằng nước giếng thành CỔ Loa thì ngọc lại sáng ra thêm. Yêu đến chết là thế, mối tình dù có ra sao, mà khi chết rồi vẫn lóng lánh tuyệt vời, ai nỡ nói gì hở bạn khi yêu ?

    Trọng Thủy Mỵ Châu

    Trọng Thủy đành tâm nỡ gạt nàng
    Tin yêu chàng quá để làm gan
    Cho chàng thấy được thần nỏ đó
    Để vua phải sụp đổ ngai vàng

    Đây chiếc áo lông ngỗng tặng nàng
    Nhắn nhủ MỴ Châu bước quan san
    Ngày mai ai biết ra sao nhỉ
    Nàng nhớ mang theo ở bên đàng

    Vua đã thua rồi, nỏ thần đâu ?
    Cùng cha lên ngựa giục vó câu
    MỴ Châu vẫn rắc hoa tang trắng
    Để chàng theo đến tận chân cầu

    Vua giờ mới phải tuốt gươm thiêng
    Giết con, tự vẫn chốn huỳnh tuyền
    Máu nàng rơi vỡ như châu ngọc
    Rửa bằng châu lệ mới sáng thêm...
    ( thơ Thảo Hiền )

    ----------

    Cuối đường Thục Phán

    Thục Phán ngày xưa cũng chỉ vì
    Nhận lời cầu khẩn gả con chi
    Mà sao không tiễn con xuất giá
    Để họ Triệu kia cướp thành trì

    Tình đã đổi bằng máu lệ ai
    Nên thiên tình sử đã bao ngày
    Vẫn không xóa hết sầu vạn cổ
    Yêu cũng sai, mà không cũng sai

    Bài học ngàn năm đó có gì
    Yêu người ta hãy cứ yêu đi
    Dù cho phải đổi bằng mạng sống
    Vẫn hóa thân thành muôn bài thi

    Mỵ Châu khờ quá chuyện chiến trường
    Lông ngỗng vương đầy sau yên cương
    Thục Phán ngẩn ngơ nhìn con gái
    Nén nhát thương đau ở cuối đường ...
    Thơ Thảo-Hiền




    ------------
    Last edited by NganHa1; 02-05-2016 at 11:26 AM.

  9. #99
    Biệt Thự nam2010's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    603


    Ngân Hà không hỏi ra được sấu ở Hà nội là phải rồi! Vì họ làm gì có 'trái' sấu hay 'củ' sấu, hihihi... !!!

    Hà nội có nhiều đường trồng cây sấu như Sài gòn trồng cây me và người Hà nội mê sấu cũng như người Sài gòn mê me vậy!

    Nếu kiếm không ra quả sấu thì có thể nhâm nhi vài lá sấu cho đỡ ghiền !
    Lá sấu có vị chua chua, chát chát đó!

    Bây giờ Sài gòn cũng có bán quả sấu ở mấy tiệm của người Bắc, hình như ở cuối đường Pasteur, trên đường Yên Đổ.

    Còn củ ấu thì có lần tôi thấy bán rất nhiều ở mấy sạp ngoài tỉnh Cần thơ, hướng đi Sóc trăng, Bạc liêu hay Cà mau gì đó?




    Tiện đây tôi xin chú thích lại vài hình:






    Cửa Văn Miếu









    Khuê Văn Các








    nhà thờ lớn hay nhà thờ chánh toà Hà nội có tên là nhà thờ thánh Giuse (St Joseph), nơi an nghỉ của 3 vị Hồng Y:
    Trịnh Như Khuê, Trịnh Văn Căn và Phạm Đình Tụng.







    Tượng Regina Pacis trong khuôn viên nho nhỏ đằng trước nhà thờ

    Last edited by nam2010; 02-05-2016 at 04:56 PM.

  10. #100
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    862
    Sang trang mới, xin được mang theo chùm hoa Mộc mà anh Nam đã gởi tặng nơi đây..
    Xin gởi đến anh chị em ghé ngang cùng thưởng thức.





    Tại chùa Cầu Đông, Hàng Đường, HN


    Thân mến và chúc vui...
    --------------

    Nhân viết về chuyện An Dương Vương, tôi xin mang vào kịch thơ tặng bạn đọc


    Giếng ngọc Loa thành

    Truyện Thơ
    Tinh Hoa & Thảo Hiền
    Các Vai : Thái Tử, Lương Tâm, Linh Hồn .

    Thái tử:

    Nghe lời Vương Phụ vì đất nước
    Bán lương tâm cho mộng ngôi cao
    Giờ đây đã đạt thành mơ ước
    Trái tim đau cắn rứt cồn cào

    Vầng hào quang của người thắng trận
    Lịm tắt trong biển tối xôn xao
    Lông ngỗng vương trên đường uất hận
    Gió hờn căm, thổi lạnh rì rào

    Lương tâm:

    Chiều nay Thượng uyển mờ nhạt nắng
    Cỏ hoa cúi rạp, úa heo may
    Bóng hình Công chúa chìm xa vắng
    Cô độc chân lê nặng dấu giày

    Tìm đâu hài ngọc cùng sánh bước
    Ai làm Loan Phụng phải lìa đôi
    Hóa công không sắp bày bạo ngược
    Chính từ độc ác của mình thôi


    Thái tử:

    Đừng trách tâm ơi, đừng trách nữa
    Hèn hạ đời ta quá đủ rồi
    Hối hận như dao cùn mãi cứa
    Cõi lòng bầm dập máu trào sôi

    Chí lớn Đại bàng cao ngạo cánh
    Khinh mạn thấp hèn phận uyên ương
    Tự hào trọng trách giang sơn gánh
    Chung tình nhi nữ lỡ xem thường

    Lương tâm:

    Nên giờ dằn vặt cuồn cuộn sóng
    Làm sao quay ngược bánh thời gian
    Má hồng khoe nắng trời hoa mộng
    Rực rỡ nụ cười tiếng dòn tan

    Âu yếm vợ chồng bao nồng thắm
    Kỷ niệm như tranh họa rạng ngời
    Công chúa ngây thơ tình say đắm
    Ân ái ngày xưa đẹp tuyệt vời

    Thái tử:

    Nhớ Mỵ Châu diễm kiều nhan sắc
    Phơn phớt da đào mịn màng hương
    Lóng lánh mắt hồ thu trong vắt
    Nhỏ nhắn môi son ngọt lạ thường

    Suối tóc bồng bềnh thơm ngát mật
    Tấm thân tinh túy kết kim cương
    Nàng là báu vật trong trời đất
    Bên nhau như sống giữa Thiên đường

    Lương tâm:

    Vậy mà người nhẫn tâm đạp đổ
    Để chốn thần tiên hóa hoang vu
    Từng chiều tưởng niệm niềm đau khổ
    Vò xé hồn buốt nhói âm u

    Tình yêu trái chín tròn hôn lễ
    Lại nỡ lừa nhau mất cả đời
    Âm mưu xâm lược đầy tác tệ
    Máu hồng oan ức nhuộm biển khơi

    Thái tử:

    Lòng ta cũng chết từ dạo ấy
    Cầm sắt ngậm ngùi khúc chia ly
    Mắt xưa mù quáng nào nhận thấy
    Ngai vàng quyền lực có ra gì

    Chỉ mỗi yêu thương là quý trọng
    Hiểu được thì ta đã bạc tình
    Trái tim chất chứa toàn tham vọng
    Hạnh phúc còn đâu chỗ nương mình

    Lương tâm:

    Dẫu cố vùi sầu trong men rượu
    Hằn sâu dấu ấn chẳng phôi phai
    Tình vẫn đang mơ về vĩnh cữu
    Dối gian đã bẻ gãy trâm cài

    Tài trai thi thố nơi trận mạc
    Sao lại đem ra gạt nữ nhi
    Ngắn ngủi thanh xuân ngày hoan lạc
    Nghẹn ngào nuốt trọn lệ ai bi

    Thái tử:

    Ham muốn vinh quang trên chín bệ
    Ép cuộc chung thân vỡ não nề
    Tai bởi thèm nghe lời Vạn tuế
    Cam đành nhắm mắt bước u mê

    Từ đâu gió hú rờn rợn quá
    Như tự tha ma khóc vọng về
    Khua động vườn hoang rền rĩ lá
    Hoàng hôn ráng chín đỏ sơn khê

    Lương tâm:

    Bụi hồng vướng mắt mù cay khói
    Nhàn nhạt lam chiều hiu hắt loang
    Phòng cũ Mỵ Châu đèn le lói
    Ánh lửa thiêu thân bấc lụn tàn

    Giếng ngọc bao năm trời tĩnh lặng
    Bỗng nhiên gờn gợn dậy phong ba
    Nước réo rắt sôi hờn văng vẳng
    Có phải nàng về để trách ta?


    Thái tử:

    Lưng trời đùn đục sương vây phủ
    Thành giếng mịt mờ rợp làn hơi
    Âm khí linh lung hồn quy tụ
    Chập chờn ẩn hiện bóng ma trơi

    Hình dáng thân quen tuyền đài các
    Phiêu hốt nhẹ nhàng tựa như mây
    Chân lướt không gian mềm cánh hạc
    Áo lông ngỗng trắng ủ vai gầy

    Linh hồn:

    Trọng Thủy trái tim chàng vẫn khỏe?
    Vẫn đập nhịp hùng ngạo nghễ kiêu?
    Đáy bể ngọc trai hồn quạnh quẽ
    Tìm về nghe tiếng thở than yêu

    Lời buồn chân thật hay gian dối?
    Nhớ lớp tuồng xưa diễn khéo thay
    Dại dột say tình nên nông nổi
    Bị tráo nỏ thần cũng chẳng hay

    Thái tử:

    Nàng ơi ta vô vàn lầm lỗi
    Chẳng dám cúi đầu xin thứ tha
    Bởi chưa xứng đáng lòng sám hối
    So nỗi oan khiên lấp Thiên Hà

    Nàng có làm gì đâu nên tội
    Mà trời vụt tắt ánh sao rơi
    Lỡ lầm lấy phải chồng phản bội
    Chớp lóe tay gươm chém rụng rời

    Linh hồn:

    Thiếp tự thấy mình hai tội lớn
    Đã yêu và đã quá tin chàng
    Ngu ngơ không biết người đùa giỡn
    Thả lời ong bướm chiếm giang san

    Thân son trẻ thác đành cam chịu
    Hậu thế khinh cười một chữ yêu
    Khờ khạo theo tình quên trung hiếu
    Khiến cho non nước cảnh tiêu điều

    Thái tử:

    Hết biện minh gì thêm được nữa
    Hành động năm xưa quả xấu xa
    Nhơ nhuốc thiên thu khôn gội rửa
    Bia miệng ngàn đời cứ mắng ta

    Chỉ xin đừng trách người con gái
    Vì yêu ta nên bất hạnh nhiều
    Cái chết đớn đau đầy kinh hãi
    Đã tội nghiệp nàng biết bao nhiêu


    Thái tử:

    Tội xưa xin trả bằng tính mạng
    Nàng ơi ta giờ chẳng còn gì
    Khi người yêu quý không còn nữa
    Ngai vàng nào có đáng là chi !

    Linh hồn

    Trung với quốc gia chàng đã chọn
    Hiếu với Phụ hoàng chàng hy sinh
    Giờ đây Trung Hiếu đều trọn vẹn
    Có đáng gì đâu một chữ Tình !

    Thái tử

    Ôi nỗi oan khiên nàng ôm trọn
    Thác oan hồn chẳng được siêu sinh
    Hiếu Trung danh nghĩa ngày xưa chọn
    Giờ đây ta càng hận chính mình

    Cũng bởi Phụ Hoàng chẳng kể chi
    Còn ta nào chọn lựa được gì
    Nên đành phó mặc cho Vương Phụ
    Sắp xếp bày mưu chẳng nghĩ suy

    Linh hồn

    Nhớ những ngày đầu xiết chi vui
    Thượng Uyển hai ta ngập tiếng cười
    Rồi bỗng một hôm chàng ũ rũ
    Mắt nhìn xa vắng thở dài thôi



    Thái Tử

    Lúc đó lòng ta quá não nề
    Phụ hoàng nhắc nhở chớ u mê
    Đề phòng đừng để yêu thương thật
    Hãy nhớ đừng quên lời huyết thề

    Nếu ta không tráo lấy nỏ thần
    Phụ vương ta cũng sẽ liều thân
    Quân sĩ sẵn sàng vào chỗ chết
    Lòng ta đứt đoạn với phân vân

    Linh hồn

    Rồi một chiều kia nắng nhạt nhòa
    Chàng xin được vào thăm Cổ Loa
    Bỗng sấm chớp rền lên điềm dữ
    Mây đen che kín khắp Sơn hà

    Thái Tử

    Lúc đó lòng ta hóa âm u
    Đã đổi yêu thương lấy ngục tù
    Hình như ta thấy mình đang chết
    Nàng vẫn ngây thơ bên kẻ thù

    Ta thấy lòng mình quá xót xa
    Ai đổi yêu thương lấy San hà?
    Ta đã say vùi trong đau đớn
    Định về thuyết phục với vua cha

    Linh hồn

    Nhưng rồi trời đất dậy phong ba
    Chiến tranh lần nữa bởi Triệu Đà
    Phụ vương ta ỷ y thần nỏ
    Cùng đường lên ngựa với vua cha

    Ta vẫn mong chờ gặp người yêu
    Lông ngỗng vương bay quá tiêu điều
    Trước mặt mênh mông là sóng dữ
    Sau lưng quân giặc thét gào kêu


    Thái Tử

    Ta đã đuổi theo để cứu nàng
    Nhưng rồi lông ngông hóa màu tang
    Ôm xác người yêu về chốn cũ
    Lòng ta ôi quá đỗi bàng hoàng

    Ta chẳng còn chi ở trên đời
    Khi lòng hối hận mãi không nguôi
    Chữ tình vuột mất không về nữa
    Ta quyết theo nàng người yêu ơi ....

    Linh hồn:

    Thái Tử trầm mình xuống giếng sâu
    Mà thiên tình sử chẳng nhạt màu
    Người ơi chê trách làm chi nữa
    Để buồn Trọng Thủy với Mỵ Châu ....

    Hết


    Kịch thơ Giếng Ngọc Loa Thành ( Trọng Thủy- MỴ Châu )
    và Đêm Hỏa Táng ( Huyền Trân - Khắc Chung ),do Tinh Hoa và Thảo Hiền đã viết chung vào 2004 trên một diễn đàn cũ. Nơi có một mục kịch thơ do nhà văn Linh Bảo khuyến khích mà thành.

    Dù cả hai tác giả chưa hề quen biết hay gặp nhau ngoài đời, nhưng được biết Tinh Hoa là bút hiệu của một giáo sư toán ở trường Trung Học ĐTH, Saigon, còn Thảo Hiền là một công chức ở Hoa Kỳ )

    Xin mạn phép bạn Tinh Hoa đặng lại hai kịch thơ nơi đây.

    Kich thơ Đêm Hỏa Táng sẽ đăng trên đường vào miên Trung với giòng sông Nhật Lệ, Quảng Bình

    Thảo Hiền - Ngân Hà kính bút
    --------------


    Khúc khải hoàn

    Chiến thắng mừng ai khúc khải hoàn
    Dâng người chén rượu của vua ban
    Kiếm báu diệt xong loài yêu quái
    Gươm vàng trừ tuyệt bọn tà gian
    Vua cha đắc ý trên ngôi báu
    Công chúa rộn ràng chốn phòng loan
    Tình riêng dẫu biết là không thể
    Vẫn một lòng trung với ngai vàng
    -----

    Một chút hương

    Tuổi mộng xa rồi vẫn luyến thương
    Nhớ cành phượng thắm dưới mái trường
    Trời Nam phương ấy vầng trăng sáng
    Biển Bắc nơi này đám mây vương
    Tựa gối trông vời lên cung Quảng
    Buông rèm vọng tưởng đến cố hương
    Tình thơ dù có thành cổ tích
    Xin giữ cho đời một chút hương
    -------

    Hạnh ngộ

    Bỡ ngỡ nhìn nhau giữa cuộc đời
    Chợt lòng nghe nặng tiếng thơ rơi
    Đường hoa ai bước trong đơn lẻ
    Lối mộng người về có chung đôi
    Dõi mắt trông trời mây bát ngát
    Cúi đầu nhìn biển nước đầy vơi
    Hạnh ngộ nơi bài thơ có đủ
    Nhắn gởi về nhau có đôi lời

    Thảo Hiền
    Last edited by NganHa1; 02-05-2016 at 09:24 PM.

 

 

Similar Threads

  1. trần gian một cõi ...
    By lạc việt in forum Thơ
    Replies: 0
    Last Post: 02-24-2015, 12:42 PM
  2. Replies: 0
    Last Post: 06-29-2014, 10:06 PM
  3. Replies: 0
    Last Post: 01-24-2014, 11:11 PM
  4. Theo Gió Thu Bay
    By Triển in forum Tiếng Hát Đặc Trưng
    Replies: 21
    Last Post: 07-07-2012, 10:08 PM
  5. Không có thời gian
    By Võ Thanh Liêm in forum Âm Nhạc
    Replies: 0
    Last Post: 06-08-2012, 06:40 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:25 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh