Register
Page 41 of 44 FirstFirst ... 313940414243 ... LastLast
Results 401 to 410 of 439
  1. #401
    Biệt Thự cuocsi's Avatar
    Join Date
    Sep 2016
    Location
    Paris có gì lạ
    Posts
    1,625
    Chào Ngân Hà và Quán viên

    Cuốc tui cũng theo chân Thuỳ Linh vô đọc những chia sẻ của Ngân Hà về những con chữ, như bên Đố Ai chị Ngô Đồng đã nêu lên. Theo tui nghĩ thì chữ viết có cái gì giống giống như một nhà làm vườn, nơi nào người ấy có thời giờ và siêng năng thì ông ta chăm sóc đất, uốn nắn cây cảnh theo ý mình cho đẹp mắt, vừa tâm và có thể làm vui lòng khách viếng vườn mình, còn những khoảnh đất khác không được chăm sóc, nâng niu thì cỏ gai sẽ lan tràn, ông ta cũng thấy vậy nhưng rồi cũng quen đi và cho nó sống, ngày qua ngày, tuổi đời chồng chất sức cũng cạn kiệt, cỏ hoang lên ngôi !
    Góc nhìn của tui thấy có vẽ yếm thế nhưng cũng là một sự thật của thời đại. Những việc xảy ra về con chữ tại VN thì cũng đã và đang xảy ra trên toàn thế giới, không biết đó có thể gọi là một “Tiến Bộ” của con người hay là một sự “Thoái hoá”...
    Còn muốn viết thêm nhưng hết giờ, tui không dùng từ “Tranh thủ” nghe nó ra làm sao, không quen xài, tui xài từ “nhín chút giờ” của mình để chia sẻ và hẹn gặp lại .

    Chúc bạn ngày vui.

  2. #402
    Biệt Thự cuocsi's Avatar
    Join Date
    Sep 2016
    Location
    Paris có gì lạ
    Posts
    1,625
    Quote Originally Posted by NganHa1 View Post
    Cảm ơn TL và các bạn ghé ngang nhé.

    Cho m viết ở đây vì lan man hơi dài sau khi đọc chị NĐ về " tranh thủ " bên Đố Ai.

    Hôm nay đi HD nhìn thấy những trụ cột gia đình đeo mask khi ra khỏi xe, lòng m bỗng xúc động dâng tràn đến ứa nước mắt.
    Đã hơn một năm trôi qua rồi mà vẫn chưa trở lại bình thường về mặt phải cần bịt mặt. Nhưng chợ búa và đường phố đầy nghẹt xe cộ làm m thấy mọi người bắt đầu cần sống dậy để chiến đấu với nạn dịch tưởng sẽ qua trong vòng vài tháng hoặc nhiều lắm là một năm.
    Vậy mà một năm đã trôi qua, các công ty dược phẩm đã chạy đua với thời gian để có được thuốc chủng ngừa cúm covid này. Nhưng rồi cúm lại biến dạng thành nhiều loại khác khiến người ta điên đầu và chịu không nổi nữa, người ta túa ra đường chỉ để thoát ra khỏi nhà để nhìn thấy nhau chăng ?

    Cái tâm trạng lạ lùng này kể cũng cần ghi lại. Như m xưa nay đi chợ ít khi để ý cái gì khác ngoài thứ m muốn mua. Vậy mà lần này, m để ý xem người Mỹ họ hành động ra sao và thấy họ đều đeo mask khi ra khỏi xe. Khi vào tiệm cây, m lại thấy một cô tìm chỗ vắng kéo mask lên để thở. M thở phào nhẹ nhõm thì ra họ cũng giống như mình. Khó chịu với cái mask nên phải hí trên mũi một tí, hí dưới miệng một tí và hí hai bên má một tí như người ta xì bánh xe mà không muốn làm ai để ý. Chỉ có khi lên xe, thì mình cũng như họ, kéo ngay cái mask và ôi chao thật là khỏe khoắn gì đâu.

    Vậy sao đi ra ngoài làm gì ?. Con người ta cần nhau để sống, để nói chuyện rồi sau đó có thể là phiền giận, tránh né nhau để suy gẫm về lý do tại sao mình lại không vui và bất an để tu hạnh con rùa.
    M đã làm vậy với một người quen để rồi bị người ấy nhận xét " chị hay giận". M nghe pháp và thấy giận là một điều không hay, cần phải xem xét kỹ và chừa bỏ.
    Cũng như khi người ấy lại đon đả rủ m chuyện này nọ, m né không trả lời yes or no nên m im lặng. Theo như một người chị khác cũng nhận xét đây là cái tánh hèn của m, không dám nói thật vì sợ tranh cãi. M thấy tánh này đâu có hại gì ai mà chị cũng không tha cho m, cho nên m quyết định né chị.
    Cuối cùng là mình né hai người vì không muốn bị ấm ức sau khi giao tiếp với họ, dù họ không phải là người xấu .

    Giờ đây bỗng nghe pháp thoại, thầy nói đó là " tu hạnh con rùa" mà Phật đã quan sát và dạy các đệ tử làm m mừng như bắt được vàng, tiếc sao không được nghe những lời này sớm hơn để khỏi phân vân về tánh hay " giận" và "hèn" của mình.
    Nhưng m cũng đã luôn xài câu nói của ông bà mình để lại rồi còn gì: tránh voi chẳng xấu mặt nào...
    Thật là một kho tàng vô giá...

    Còn về chữ và nghĩa, cũng là một điều nhức tai và nhức mắt của mình. M nghĩ chắc tại m khó chịu và không biết sống theo thời đại mới này. Chữ nghĩa của m là loại cổ văn, còn những thứ chữ mới sau 75 khiến m dị ứng nhưng cuối cùng đành chấp nhận cho mình bớt khổ khi vỡ lẽ rằng nếu các em không được dạy chữ mà mình đã được học, thì làm sao biết mà dùng, chữ mới gọi là "tiếp thu".

    Hai chữ " tiếp thu" này làm m suy nghĩ nhiều và đến giờ dù có thông cảm với người dùng bao nhiêu , như lời Phật dạy là xong những tranh chấp trong lòng: y nghĩa bất y ngữ, theo nghĩa mà không theo chữ. Như hai người khác ngôn ngữ chỉ cuốn sách và nói: book, sách, hoàn toàn khác ký hiệu ngôn ngữ nhưng đều hiểu là cuốn sách cho nên m thấy trút đi một gánh nặng trong lòng.

    Rồi nay bỗng dưng hai chữ " tranh thủ" lại nổ ra như trái hỏa châu tỏa sáng đêm đen làm m lại trở về vị trí cũ. Đổ thừa chị bạn NĐ hay cảm ơn NĐ đã hí một bên của cái mask che mặt cho hơi thở bị ép nóng các lỗ chân lông cần thoát ra cho mình khỏi bị ngộp tứ bề.

    Mình cũng đã để ý hai chữ này từ lâu, nhưng thấy nó khá hay ho và có vẻ đúng trong câu diễn tả về cuộc sống quá khó khăn, phải chạy đua với cuộc sống trong một xã hội đã thay đổi rất đáng thương: " Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm". Tranh giành với thời gian và với cuộc sống hay với đời sống gồm nơi mình đang sống và tranh giành từng phút giây để ngoi lên mà sống, được hít khí trời hiếm hoi...như mình " tranh thủ" để tìm chỗ vắng, hí mặt nạ ra mà hít chút không khí ngoài trời...Tranh hít khí trời, phòng thủ vì sợ người chung quanh phát giác mình phạm luật khẩu trang... Chữ tranh thủ có lẽ dùng nơi đây là đúng nhất, nó tiêu cực và có vẻ lén lút cho một hành động dù là chính đáng là để được hít thở dưỡng khí ngoài trời thay vì lại phải hít vào thán khí do mình thải ra....Nhưng vì dịch bệnh nên phải đành "tuân hành" luật pháp để giữ " vệ sinh chung" cho không khí chung quanh nơi công cộng vì ai biết người nào đang nhiễm bệnh trong người... Có lẽ dùng chữ " tuân thủ" ở đây nghe thích hơn vì nó thật sự là rất khó chịu ...
    Chính vì vậy mà m đã ứa nước mắt khi nhìn những người đàn ông Mỹ cao lớn, uy phong mà vẫn phải mang chiếc khẩu trang " tranh thủ" với cái mask để đi vào mua vật liệu xây cất, mua cây kiểng về để làm một sân vườn đẹp đẽ hơn để giải tỏa đầu óc trong khi chờ cơn dịch qua đi...

    Đó là những suy nghĩ và cảm nhận của mình về hai chữ "tranh thủ". Hai chữ này mình đã tha cho chúng khi thấy nó diễn tả sự nhọc nhằn của dân mình dưới thời đại mới, qua câu : làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm. Như một cái dấu phẩy, đã khiến mình thắc mắc hoài đến giờ mới thông : Làm hết việc, không làm hết giờ và Làm hết việc không làm hết giờ...Ôi, tiếng Việt đáng yêu...

    Sang trang nha bạn, giờ đây cho mình nói đến cái nhức nhối về chữ "tiếp thu", nghe chói tai mà không biết lý do gì, sau đó mới hay là vì không có vẻ khiêm nhường của người nhận điều gì đó. Tiếp nhận nghe đẹp và có chữ lễ kính nhường trong đó. Còn " thu" như hành động của cường quyền, dùng bạo lực mà thu tóm, mà cưỡng chiếm. Cho nên sau khi bị đánh động, bị shock, sốc, bị giật mình vì những chữ mới mà người ta lại gọi là " con chữ, từ" khiến m thấy có vẻ thô tháo và cụt ngủn cái gì đâu...
    Chắc m tạm dừng nơi đây, tùy bút nên lan man viết bằng cảm nhận của bản thân cũng như tùy tâm tình của từng người. Bạn mình nói sẽ dạy cho mình cách viết làm mình im viết một thời gian để suy gẫm. Mình sau đó lại chỉ còn cách ghi chép pháp thoại cho yên thì bạn lại nói đó là ăn đồ người khác nhả ra. Nghe vậy mình cũng hết dám ghi lại pháp thoại vì nghĩ đến hình ảnh người khác ăn rồi nhả thấy ghê...

    Bẵng một thời gian, m thích thú với ý nghĩ " nhả ngọc phun châu " là gì ? Cũng là nhả và phun nhưng sao lại không ai thắc mắc. Ôi trời, vậy là mình lại vui vẻ thâu hứng châu ngọc của người khác, nhất là của các bậc tu hành, hay phân tích tâm lý con người rất tuyệt vời.


    Ngày vui nha các bạn
    ( cảm ơn TL và các bạn đã để thời giờ viết, cảm ơn HX tiếp tục làm người bạn chân tình )
    Chầo Ngân Hà,
    Quành llâimang bài này qua trang mới vì bài viết này làm suy nghĩ.,
    Chúc ngày vui.

  3. #403
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    862
    Chị Minh thích sự so sánh chữ viết như công việc của người làm vườn mà anh Khắc Sĩ đã nêu ra. Có khi người đó phải tốn bao công sức mới tạo ra được một bức tranh đẹp mắt, rồi cũng có lúc vì lý do lực bất tòng tâm mà đành bỏ mặc một góc vườn nào đó cho cỏ dại lên ngôi.

    Muốn có một sân vườn đẹp cũng giống như người ta vẽ một bức tranh sống động . Ngôn ngữ cũng là sinh vật sống nên cũng thay đổi theo thời gian, đôi khi vì thời tiết khắc nghiệt, do thiên tai, hạn hán, bão lụt hoặc nóng cháy khiến người ta lo việc sinh tồn mà không còn thời giờ đâu mà chăm sóc đến cây cảnh. Ngôn ngữ cũng bị ảnh hưởng của chiến tranh và của lòng người do sống trong hoàn cảnh nào thì tâm tình cũng sẽ cho ra lời ca, tiếng hát và câu nói như vậy...

    Có hiểu sẽ thấy thương cho tất cả ...

    Sau một sự hỗn loạn, ly tán, tan nát và đau thương , sống đã nhọc nhằn, khó khăn thì nói gì những thứ khác...
    Giờ đây đã gần nửa thế kỷ qua rồi...

    Con người ta phải chăng là một sinh vật luôn yêu chuộng cái đẹp và khát khao điều thiện lành nên đó là niềm hy vọng để chị Minh vẫn luôn tin tưởng vào con người.
    Cho nên thật đúng lúc khi chị NĐ nêu lên về sự phong phú và đẹp đẽ của tiếng Việt, cần bảo vệ và phát huy, vì đó là gia tài chung của ông cha ta đã để lại cho cháu con Việt cùng hưởng, không phân biệt vùng miền, thắng bại gì cả trong đây.

    Hôm nay một bông Anh Túc vườn nhà chị Minh vừa nở. Cả một đám hoa đã bị ốc sên ăn sạch chỉ còn hai bụi nhỏ. Chị thích hoa Anh Túc vì nó rất tươi vui và rất mong manh. Chị nhớ đến đám hoa nhà anh Khắc Sĩ, mọc như đám rừng để vui theo và nhìn cả rổ hoa bồ công anh mà HX làm mật theo bài viết của DL.

    Đâu đây hoa anh đào của MM chịu khó canh me buổi sáng, đóa hồng vàng đặc biệt của Chiều, và nghĩ đến đóa hoa trong góc kẹt TL mang vào chưng vì không đành lòng để hoa nở trong âm thầm mà không ai nhìn thấy. Sao mà tư tưởng và hành động giống nhau vậy hả TL ?.

    Cái đẹp của ngôn ngữ Việt là những điều trên đối với mình. Cảm ơn các bạn nhiều lắm nơi đây.
    Tạm vậy đi nha bạn
    An vui bạn nhé

  4. #404
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    862
    Tiếng Sóng

    Thời gian như dòng nước cuốn trôi tất cả về biển lớn. Hai bên bờ cũng thay đổi một cách âm thầm trong từng giây phút để rồi một ngày nhìn lại, hai bờ sông đã xa nhau ngút ngàn khiến hai người nhìn nhau cũng nhạt nhòa nhân ảnh.

    Hôm nay người bên kia bờ muốn níu kéo chút kỷ niệm xưa hay vì đã mệt mỏi với những thân tình mới đầy cam go ở tuổi chỉ muốn dừng lại tìm về hình bóng cũ để thấy chút dịu êm mà cất tiếng gọi đò...

    Tiếng gọi đã chìm trong sóng nước tuy không mãnh liệt như tiếng réo gọi của trùng dương cho thủy triều dâng đêm trăng sáng, nhưng âm thanh của gió, của nước và của những lau sậy hai bên bờ nghe xạc xào một điệu làm xao động lòng người.

    Vẫn không thấy bóng con đò nào và sông nước vẫn mênh mông.

    Hình như vậy mà hay...

    Để người gọi đò dừng thêm một khoảng thời gian nữa, có thể là một buổi sáng, một buổi trưa và luôn cả một buổi chiều. Nhưng buổi tối không biết có hồi đáp truyền sang bờ sông bên đó vì ngày mai đã là ...

    Người bạn nhỏ ngày xưa vẫn hay vui mừng nhận lời gặp nhau vì những kỷ niệm gắn liền một thời xưa cũ ...để rồi bỗng dưng vài cuộc gặp sau cùng bỗng vuột mất cái nắm tay và những tiếng cười hồn nhiên ngày cũ vì một điều gì đó rất mơ hồ mà phải cần thời gian yên lặng để tìm ra chân tướng. Đã gần ba năm qua rồi...

    Không lẽ thân nhau như thế mà giờ này lại phải cẩn thận từng câu nói, tiếng chào và ngại ngần với nhau như người xa lạ hay sao...

    Có lẽ thời gian xa cách quá lâu đã khiến hai bên dòng sông không còn hình ảnh thân quen xưa nữa.

    Bên bờ Bồi thỉnh thoảng vẫn có những buổi họp nhóm để cùng có những nghi thức nghiêm trang và nhẹ nhàng như cố tập một phần cung cách của các bậc chân tu mà đời này cả nhóm đều ao ước một đời sống thanh thoát như vậy cho kiếp sau.

    Nhờ vậy mà mọi người thấy gần gũi nhau hơn và chỉ chia xẻ với nhau những thành quả của tháng ngày tu tập ra sao. Những thành công về lãnh vực tinh thần, về cách áp dụng phương pháp tốt hơn trong giao tiếp, để nuôi dưỡng tình thân và tăng nhẫn lực vẫn khó làm nhất đối với mọi người. Vì chữ nhẫn có lưỡi dao đâm vào trái tim mà...

    Thường thì đó chỉ là những chuyện trong gia đình, những mối liên hệ máu mủ cho dù không ở gần nhau đi nữa vì những phương tiện truyền thông thời này.

    Những chia xẻ trở thành quen thuộc dần vì nói cho cùng thì chỉ là những chuyện thường tình nhân gian, muôn đời vẫn thế...
    Thành quả của sự tu tập là làm sao áp dụng cách đặt mình vào hoàn cảnh người thân để hiểu lý do tại sao có những lời ăn tiếng nói và hành động phật lòng nhau như thế.

    Chuyện họp nhóm vẫn tiếp tục đều đặn đã hơn mười năm rồi bên kia bờ Bồi.

    Còn bờ bên này sông Lở không biết ra sao vì người bên đó im lặng quá. Dòng sông ngày một trắc trở với nhiều vùng xoáy và thời tiết hình như cũng khắc nghiệt hơn nên làm đôi bờ đã thành xa thăm thẳm, cho dù bên bồi có được bù đắp bao nhiêu phù sa vẫn không kịp thay cho chỗ đất bị ăn mòn bên bờ Lở, và như thế, càng ngày khoảng cách cứ xa thêm.

    Bến đò bên kia sông Lở đã bị cuốn phăng trong một đêm ầm ầm mưa gió. Người ta đang xây dựng lại bến đò khác vì cứ vài chục năm thì xảy ra việc nhà cửa bên Lở bị cuốn đi.

    Nghe nói hình như dòng sông đang đổi dòng và bên bờ Bồi sẽ phải chịu cảnh của bên này bờ Lở.

    Người bên này bờ sông vốn đã chịu đựng quen nên trở nên trầm mặc không thấy vẻ gì xôn xao với sự thay đổi của thiên nhiên.

    Bên bờ sông Lở hình như ai cũng ở vào thế thủ nên theo dõi tình hình sông nước và quan sát thiên nhiên nhiều hơn để lo kiếm sống nên không có nhiều thời giờ tụ họp như bên bờ Bồi. Người bên đó thuộc thế hệ khá giả và thành công với cuộc sống, nhưng cũng ở vào tuổi thuộc thế hệ trưởng bối.

    Giờ đây, tiếng gọi đò bên kia bờ Bồi đồng vọng vào sông nước mênh mang , gợn lên bao lớp sóng tiếp nhau kéo vào bờ thành những âm thành vừa gợi nhớ những tiếng cười dòn tan một thuở, vừa có sự dè chừng vì khoảng thời gian không gặp đã quá lâu. Hay vì những lần gặp khi trở về lại mang nặng vài viên đá cuội nặng nề nên đành để cho dòng sông cứ thế mà trôi ...

    Có lẽ người bên bờ Lở đành để tiếng gọi đò tan vào mênh mông vì cần thời gian thêm chút nữa để cẩn hết những viên đá cuội, viền cho đẹp bồn hoa mới làm xong .

    Những viên đá cuội xưa đầy góc cạnh giờ đây đã được mài mòn nhẵn đi tự lúc nào.
    Tâm trạng hồi hộp vì sợ mang về những viên đá gai góc mới khiến cho lòng càng thêm khó xử. Có lẽ vẫn là cách duy nhất im lặng, để bên Bồi thêm chút thời gian .

    Đôi khi sự im lặng là một cuộc đối thoại tốt nhất.
    Không lẽ bên Lở ra điều kiện gặp nhau chỉ nên im lặng, thở và cười như ngày xưa Bồi hay nhắc Lở: Im lặng ...Thở đi...

    Bây giờ Bồi đã tu tập việc Thở quá mười năm rồi, Nhưng sao Lở sợ lại là người phải nhắc Bồi câu nói đó : Im lặng... Thở đi và Hãy cùng nghe tiếng Sóng nhé...

    Cảm ơn các bạn ghé ngang. Ngày vui và an lành bạn nhé...

  5. #405
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    862
    Cuối cùng rồi thì cũng có tiếng gió thoảng qua song cửa vào một buổi chiều tà với lời cảm ơn khách sáo ... Đây là lần từ chối thứ hai khiến Bội không biết vì nạn dịch mà Rùa từ chối lời mời đi ăn ngoài hay lý do nào khác. Bội chờ đợi Rùa nói còn dịch để phán một câu đích đáng : Hèn nhát! Nhưng Rùa chẳng nói gì thêm và dùng chữ thay lời để tránh những gì không cần thiết.

    Bội tuy ngoài mặt nói không sao nhưng trong lòng bắt đầu nao núng. Không lẽ những người cũ của thời thanh xuân đều như nước qua kẽ tay để lòng quá ngỡ ngàng nhìn lại một thoáng về nguyên nhân mà Bội vẫn muốn né tránh.

    Có lần những chị lớn trong nhóm đã dùng thế của người thâm niên và quy luật của nhóm mà bắt Bội phải ngồi yên nhận ý kiến của mọi người.

    Sau đó, để thực tập Bội đã gọi Rùa đến, ép Rùa phải kể lại chuyện mà một năm trước Bội đã gạt phăng đi vì không muốn nghe.

    Rùa nói đã hết thời gian tính và Rùa đã tự tìm cách giải quyết xong rồi, giờ không muốn sống lại cảnh hãi hùng đã qua lần nữa.

    Bội vẫn cố nài ép Rùa kể cho bằng được. Rùa thấy uất ức vì nhớ lại lúc đó người thân bị tâm bệnh và muốn cầu cứu tới người Rùa tin tưởng có thể giúp ý nhưng Bội không muốn nghe thì giờ này nghe để làm gì, ai cần nữa.

    Bội đành thú nhận muốn ép bản thân để nhờ Rùa giúp thực tập hạnh lắng nghe do thói quen hay gạt phăng chuyện người khác nên đã bị mọi người lên án .
    Rùa kinh ngạc và thán phục nhóm Tỉnh Thức vì nhờ họ mà Rùa biết được điều uất ức của mình với Bội trước giờ là đúng . Nhưng vì Rùa chỉ đáng em út Bội nên không dám nói gì, chỉ biết lặng lẽ không chơi với Bội một thời gian để cho thương tích tự lành.

    Rùa rất mừng vì biết nhóm Tỉnh Thức sẽ dùng sự khôn ngoan trong lời nói và nhân danh lý tưởng tỉnh thức của nhóm mà làm Bội chịu ép phải ngồi chịu trận một phen, chứ một con người luôn tự đắc về thành công như Bội thì khó lòng một người đáng em út như Rùa có thể mở miệng nói gì.

    Giờ đây theo nhóm Tỉnh Thức đã lâu, có lẽ Bội đã có chút nhớ về người bạn nhỏ, luôn biến chuyện buồn thành khôi hài và làm cho Bội luôn vui vẻ. Chỉ có điều Rùa làm Bội bực mình vì trong chuyến hành hương nọ Rùa đã không vì Bội khi Rùa nhất định ngồi phía sau và khi xuống xe, Rùa lại phụ khiêng xách valy giúp các bác lớn tuổi, khiến Bội phải lang thang trong sân chùa một mình, nên Bội đã phán: Rùa lăng xăng quá ...

    Rùa ngạc nhiên vô cùng, nghĩ rằng Bội vì lấy lý do đau lưng mà không phụ giúp ai , nhưng Rùa thuộc về trẻ nhất trong đoàn thì việc giúp các bác kéo hành lý xuống xe và lên các bậc thềm các tu viện là điều nên và đáng làm mà sao bị nghe chỉ trích...
    Có lẽ từ đó, Rùa thấy không còn phục Bội nữa ...
    Và cũng từ đó, Rùa cũng mong cho Bội được nhóm Tỉnh Thức soi rọi đèn vào để Bội trở thành một cây bonsai đẹp mắt , tròn trịa dù phải trải qua quá trình biến đổi ở giai đoạn cuối mùa.

  6. #406
    Biệt Thự Thùy Linh's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    5,996
    TL chào chị Ngân Hà, anh Cuốc, Hương, Ngọc Hân và khách cùng ...theo dấu thời gian ...

    Em vào thăm chị, chị Ngân Hà khoẻ hong ? cảm ơn những bài viết của chị cũng như nhắc đến TL, em cảm thấy rất ấm áp

    Tiền quỹ hưu bỗng của em mấy tháng nay lên thấy mà ham chị ạ, không cần làm gì mệt cứ để yên cho con gà đẻ trứng vàng

    TL đã bắt đầu đào củ Jerusalem artichoke, nếu luộc nhanh thì củ không mềm ăn vài củ ngọt cũng ngon, còn ăn sống cũng khá ngon . Em có nhiều quá một chu vi 25 mét vuông lận, đào vài tháng mới hết.
    khi nở hoa tươi đẹp mà cây tàn rồi nhìn xấu lắm .



    Hôm kia TL đi chọt lá chuối để làm bánh tét, định cắt bắp chuối ăn gỏi vịt, có một cái bắp chuối mà hai tuần rồi lạnh quá nở có một chút thôi .



  7. #407
    Hello Thùy Linh
    Cám ơn những bài viết hay của bạn tôi, cho mình chút thinh lặng trong tâm hồn, được sống và cảm nhận cho riêng mình
    Chia cho anh ... một đời thơ
    Một đam mê ... một daị khờ.. một tôi


  8. #408
    Xin chào chị Ngân Hà
    lâu quá Hạc mới theo gót Thùy Linh trở lại diễn đàn, theo vào Nhà Chị mà không biết.
    Hạc thích quá những bài viết của Chị mà nhìn lầm tưởng của bạn mình, xin lỗi Chị.
    Cám ơn Chị khi được Hân hạnh đọc được những bài hay
    Chia cho anh ... một đời thơ
    Một đam mê ... một daị khờ.. một tôi


  9. #409
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    862
    Cảm ơn TL thật nhiều đã cho biết thêm về củ Jerusalem artichoke, sẽ mua ăn thử sống và nấu chín xem sao. Mình rất thích TL kể chuyện với bao hình ảnh vui, lạ và thơ giàu nhạc điệu. Từ lúc TL bay trở về Phố mình vẫn theo dõi sự chia sẻ của TL và luôn cảm ơn công sức của TL.
    Mười năm trước, mình cũng từng ái mộ TL rồi bỗng cánh chim ngưng một khoảng thời gian đủ để người tiếc nhớ. Vậy thì TL đã biết sự hân hoan của mình khi thấy bạn trở về rồi nhé.

    Cho mình nhắn luôn với Hạc là rất cảm ơn H đã ghé vào cũng sau mười năm bay vào phương trời thăm thẳm. Mong Hạc sẽ tiếp tục những mẩu chuyện cho mọi người thưởng thức nhé.
    ---------------

    Sẵn hai bạn ghé qua, cho mình cảm hứng tặng nhau bài này



    Mười năm không gặp, có gì thay đổi không ta ơi ...

    Chuyến du hành nào đó của ta quen có gì lạ lùng để kể cho nhau nghe hay là sau bao tháng ngày dong rủi tưởng rằng đã mãi mãi xa khơi, ta quen cũng đã trở về với chút mệt mỏi vì năm tháng để rồi quà cho nhau chỉ còn lại một nụ cười gói bao là ý nghĩa...

    Chút hành lý rất nhẹ ta nhờ lữ quán phủi dùm chút bụi đường và mong chút khăn sạch, thuốc thơm để giũ hết tất cả mọi phong trần trước khi chìm vào giấc ấm giữa cơn mưa bất chợt cuối mùa...

    Khi tỉnh giấc, là buổi sáng tinh sương, ngoài xa kia hướng Đông Nam vẫn còn xám màu sương và mưa bụi trên cảnh núi đồi.
    Lữ quán bên đường sao lại có phong cảnh lý tưởng dường ấy nhỉ ?.

    Thì ra nơi đây người ta vừa mới mở để đón nhận bao người thích chút nên thơ và êm ả chung quanh để thưởng thức và tĩnh dưỡng.

    Ranh giới của hai thành phố như chia rõ phồn hoa và trầm lắng thanh bình. Những chữ khắc trên bia đá : "Land of gracious living ".

    Thì ra miền đất lành này từ bấy lâu nay vẫn với tấm bia đó mà ta nào thấu cho ý nghĩa của nó. Mãi đến hôm kia khi ta nhìn ngọn đồi với đầy hoa cải vàng vừa được ban thấp xuống với lòng đầy tiếc rẻ cho cánh đồng hoang hiếm hoi vừa bị đô thị hóa...cũng là lúc khám phá một bức tranh đẹp bị khuất lấp phía bên kia...

    Từ nay nhớ đồi hoa vàng này có lẽ chỉ còn tấm hình bé Ngọc vói tay mở ánh mặt trời bên trời Âu kia để thấy chút êm ả cõi lòng...

    Mười năm sau nữa, bé sẽ là cô thiếu nữ đang xuân và hôm nay cũng sẽ được đóng khung với hình ảnh êm đềm, rất nên thơ...cảm ơn luôn chàng cuốc sĩ.

    Ngày đẹp và an lành nhé các bạn thân mến

  10. #410
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    862
    Thoảng như giấc mộng...

    M đợi hoài thấy không ai buồn viết chuyện gì cho m đọc nữa. Cuối cùng m chỉ còn cách là phải tự gồng con chuột bịnh mà tưởng tượng ra một câu chuyện gì đó, một phần là chuyện quanh đời sống, một phần là hư cấu cho có vẻ thơ mộng mơ huyền cho đầu óc thả hồn vào thế giới nào đâu đâu...
    Vậy đi bạn nhé...
    ------------

    Vậy mà thoáng một cái chớp mắt là đã một thập niên trôi qua. Người trẻ đương sức lớn như cây hạp thời tiết ôn hòa, nắng mưa điều độ. Riêng người lớn tuổi hơn, nếu không còn ham kiếm tiền thì chỉ còn nhìn bọn trẻ làm vui, thu về một chốn có phần nhàn nhã để tận hưởng thời gian quý báu hơn châu ngọc lúc cuối đời.

    Tùy theo sở thích mà người trong thôn chọn cho mình công việc hàng ngày. Họ kết hợp thành nhóm để đi dạo quanh làng theo những con đường mòn dành riêng cho dân bản địa. Họ thường đi đông vì đôi khi vẫn còn những con lang từ phía chân đồi xa kia lạc loài kéo tới , đứng xa xa nhìn rồi bỏ đi mất hút vào rừng cây. Có người còn đồn đã từng thấy luôn cả con báo xuất hiện vào lần hỏa hoạn năm kia, khi giữa mùa khô hạn cơn gió nóng hừng hực hà lửa khiến cho mọi người còn hãi hùng khi nhắc đến...Thiên tai hay nhân tai, câu hỏi vẫn tồn tại và những cuộc điều tra của nhân viên sở tại vẫn còn tiếp tục cho đến khi có được câu trả lời mới thôi.

    Cuộc sống sau đó trở lại bình thường nhưng lòng người dù sao cũng đã bắt đầu có chút nao núng khi hàng năm hình như càng xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra từ những vùng núi đồi từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, hầu như không chừa một chỗ nào.

    Lần làm người ngạc nhiên nhất vẫn là vụ cháy ở thành phố khá nổi tiếng vì mức sống của dân cư và vì là cái nôi sinh trưởng của một vì quốc trưởng nổi tiếng vào nửa thế kỷ trước. Giờ đây chỉ còn là một thư viện khá lớn để vinh danh và kỷ niệm ở vài con đường gần đó không xa...

    Thành phố này vẫn là thành phố có dân khá giả và người gốc Á chiếm một phần không nhỏ. Khi Irvine vừa còn bắt đầu phát triển thì nơi đây là cư trú của những thương gia rất giàu có, cứ tưởng đâu là đồi Kim Cương , Peralta Hill đã trở nên thành trì của các triệu phú gốc Á. Nhưng bỗng dưng họ chuyển trục và dọn về phía Nam, có lẽ Irvine từ đó thành nơi lý tưởng cho dân Mỹ Kỳ gốc Thương Gia quây quần và được kiêng nể do tài trí của họ. Thậm chí đến một chi nhánh luật học của một trường đại học nổi tiếng cũng có tên của dòng họ Trần Chen sau khi đã hiến tặng một số tiền rất lớn đủ để ghi tên suốt đời cho đám sinh viên trầm trồ ngưỡng mộ ...

    Tuy vậy, nơi chốn được mệnh danh là Gracious living này vẫn tiếp tục cuộc sống phong nhiêu của những người Âu tộc xa xôi từ hai trăm năm trước nên con cháu vẫn còn dòng máu thích nuôi ngựa làm cảnh để nhớ về những cánh đồng cỏ xa xăm miền Nhĩ Lan thủa ấy.

    Họ đến đây mang niềm tin tôn giáo nên có nhiều thánh đường thuộc giáo triều La Ý và dù cả đại bang Tây Ca này thuộc đảng Dân chủ, nhưng thành phố Yorlind lại là thành trì của Cộng hòa, vì do gốc gác xa xưa và nhất là sau đời quốc trưởng Cộng hòa đó, thì nhất định những thành phần ủng hộ đảng phái này vẫn cố thủ nơi đây.


    Thỉnh thoảng vài thiếu nữ cỡi ngựa đi dạo phong cách thật thanh bình và đáng ngưỡng mộ. Họ là cháu con dòng tộc khá nổi tiếng lâu đời nơi này. Thành phố này nửa là đồi núi, nửa là vùng thấp dọc theo con sông đã cạn nước, sau gần trăm năm đã trở thành phố thị sầm uất với các cơ sở hành chánh cùng những thương mại đông đúc và trù phú.

    ct
    https://i.imgur.com/YLq80Ek.jpg

    https://i.imgur.com/HcYCix3.jpg
    Last edited by NganHa1; 06-15-2021 at 09:49 PM.

 

 

Similar Threads

  1. trần gian một cõi ...
    By lạc việt in forum Thơ
    Replies: 0
    Last Post: 02-24-2015, 12:42 PM
  2. Replies: 0
    Last Post: 06-29-2014, 10:06 PM
  3. Replies: 0
    Last Post: 01-24-2014, 11:11 PM
  4. Theo Gió Thu Bay
    By Triển in forum Tiếng Hát Đặc Trưng
    Replies: 21
    Last Post: 07-07-2012, 10:08 PM
  5. Không có thời gian
    By Võ Thanh Liêm in forum Âm Nhạc
    Replies: 0
    Last Post: 06-08-2012, 06:40 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 12:44 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh