Register
Page 5 of 11 FirstFirst ... 34567 ... LastLast
Results 41 to 50 of 103
  1. #41
    https://vietbao.com/images/file/jZ0z...-manh-tien.jpg

    Bố Tôi
    Ký - Vũ Ánh

    Tôi mới từ Cùa (tiền sơn Quảng Trị) trở về sau một cuộc hành quân kéo dài đến ba tuần lễ. Cuộc rong ruổi trong vùng đất đỏ và gió Lào với những người lính của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh suốt thời gian ấy chỉ để di chuyển, đóng quân, ăn ngủ trong rừng, rồi đi theo một sĩ quan của đơn vị này trên chuyến trực thăng liên lạc về đến Ðông Hà, để có thể viết một cái tin ngắn khoảng mười dòng đọc về Sài Gòn qua điện thoại quân sự của tiểu khu Quảng Trị. Rồi bản tin ấy sẽ được người chủ bút sắp xếp vào hạng thứ ba hay thứ tư trong bản tin dài năm phút, phát thanh vào lúc năm giờ sáng trên làn sóng điện quốc gia lúc mọi người thành phố còn say ngủ.

    Vội vã chìa thẻ báo chí ra tại phi trường Ái Tử để kiếm một chỗ ngồi trên chiếc phi cơ vận tải quân sự C-130, xuống Phi Long, lội bộ ra đón xích lô từ Lăng Cha Cả, ngừng trước phở Công Lý, gọi một tô tái nạm vè giòn, hút một điếu Bastos xanh rồi chiêu một ngụm cà phê đen bỏ ít đường, một ly cà phê được pha rất điệu nghệ bởi tay một trong những cô con gái của chủ tiệm phở này. Cuối cùng, lại “bắt” xích lô về chợ Cây Quéo. Một pha tắm giặt, cạo râu đã đời trong một phòng tắm tiện nghi là chuyện trong tầm tay rồi.

    Nhưng khi mở xong ổ khóa nhà, mới thấy một miếng giấy cứng có chữ viết nắn nót của bố tôi: “Khi nào về, đến bố bảo”. “Ðến bố bảo...” có nghĩa là có thể ông cần tôi giúp dịch một thư chữ Anh mà hãng dĩa ở một đất nước xa tít tắp ở bờ bên kia Thái Bình Dương báo cho bố tôi biết giá cả mẫu của một bộ dĩa hát 78 tua nhạc jazz của Benny Goodman; hoặc ông cần tôi chia sẻ với ông những món quê mùa nhất của cái đất Thủy Nguyên (Hải Phòng), quê hương chôn nhau cắt rốn đã xa, ôi quá xa của chúng tôi. Ðó là món bún mắm tôm và đậu hũ bọc lá chuối nướng, hoặc là bún riêu cá chứ không phải là loại canh chua phong phú như người trong Nam được nấu giản dị hơn: cá bống hay cá chim, hành ngò, thìa là, cà chua (có một chút váng mỡ), một chút me. Ông anh cả và thằng em kế tôi, thì quyết liệt không bao giờ chịu chia sẻ với bố tôi những món ăn quê mùa ấy. Chỉ có tôi là còn thưởng thức được cái quá khứ xa xăm của thói quen ăn uống ấy. Không phải vì tôi thương mà chìu ông, một ông bố không bao giờ tìm cách gột rửa chất phèn của đồng chua nước mặn nơi ngôi làng nhỏ ông được sinh ra, chỉ cách bến Ðò Bính có mười cây số, dù rằng suốt đời ông thấm đẫm Tây học. Chính bản thân tôi cũng rất thích những món “đặc sản” của bố tôi. Chẳng hạn, nhiều lần ông phải đạp xe đạp lên tận ngả tư Bảy Hiền, vào một lò bún của một gia đình gốc Phát Diệm đặt làm những “lá bún” (chế biến sao cho những sợi bún xếp thành những bánh hình tròn), sợi nhỏ mịn và khi bún ráo nước được xếp vào những miếng lá chuối đã rửa và lau sạch. Bố tôi đích thân ra chợ kiếm tôm bạc thật tươi đem về để chế biến mắm tôm của người Bắc (trong Nam gọi là mắm ruốc). Mỗi lần như vậy ông làm khá nhiều hũ để mang biếu bạn bè ông, một vài hũ để cho ông và cho mẹ tôi dùng nấu bún thang hay kho với thịt ba chỉ bằm. Ông cụ còn mua đậu hũ về ép cho ráo nước, bọc lá chuối nướng trên lò than, lá chuối cháy xém nên khi dỡ ra, miếng đậu cháy vàng mặt ngoài. Mắm tôm được vắt chút chanh, đánh cho sủi bọt, thêm ớt. Bún ăn với mắm tôm và đậu hũ nướng, rau thơm.

    Làng nhỏ của bố tôi có cái tên rất đẹp, Phương Lăng, nhưng lại là một làng nghèo, đất canh tác ít nên số gia đình khá giả rất hiếm. Bà nội tôi chỉ có mười mẫu ruộng thôi, phần lớn ở gần tận chân Núi Ðèo, cấy lúa cũng mùa mất mùa được mà rồi cũng trở thành một trong số mười người chết trong chiến dịch đấu tố ruộng đất. Cho nên, trong cảnh nghèo ấy chuyện thịt thà, mỡ dầu một năm cũng chỉ vài lần vào dịp lễ Tết, thành thử cái món đậu bọc lá chuối nướng ăn với bún mắm tôm trở thành “đặc sản” của quê tôi.

    Tôi tắm vội, thay quần áo và lấy xe đạp sang thăm bố tôi, không quên mang theo hộp xì gà tôi mua được ở Ðà Nẵng về tặng bố. Căn nhà mà tôi thuê chung với bạn bè cách nhà bố mẹ tôi chưa đầy năm phút đạp xe. Ðẩy cửa vào nhà, chỉ thấy bố tôi ngồi trong phòng khách với một chồng đĩa hát 78 và 33 tua rất quen thuộc với anh em chúng tôi thời còn học ở Chu Văn An.

    - “Mẹ đâu bố. Bố khỏe không?” Tôi hỏi.

    - “Ừ vẫn thường. Mẹ mày lên Phương Lâm thăm mấy bạn của bà ấy. Thằng anh mày dẫn học trò đi du khảo ở Nha Trang. Còn út (em tôi) nó bị Quân Y trưng tập đã phải vào Thủ Ðức thụ huấn quân sự rồi. Con đi kỳ này hơi lâu, bố rốt ruột nên để cái giấy ngoài cửa chứ không có gì quan trọng.”

    - “Con lại tưởng bố la mắng con điều gì chứ nên vội sang đây.”

    Tôi đưa hộp xì gà cho bố và nói:

    - Con biết bố thích loại nặng này, đặc sản ở La Havana. Hoàn toàn bằng lá thuốc Cuba cuộn. Mà bố biết con mua ở đâu không? Ở ngay chợ quân đội Mỹ trong Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí của Mỹ ở Ðà Nẵng.”

    - “Lạ thật, Cuba là xứ cộng sản. Chúng nó (Mỹ) vừa chống cộng lại vừa buôn bán với cộng à. Bố không hiểu nổi.”

    Tôi ngồi xuống cạnh bố tôi, nhìn mái tóc gần như đã bạc trắng của ông, lòng bỗng chùng xuống. Năm đó, bố tôi mới gần 60, về hưu được năm năm vì tuổi hưu pháp định của công chức vào thời điểm ấy là 55. Lẽ ra bố tôi có thể xin lưu dụng và tiếp tục đứng ở bục giảng môn Pháp văn thêm ít ra cũng 5 năm nữa, nhưng ông không làm điều đó. Trước ngày về hưu, ông tổ chức bữa cơm gia đình để con cái chúc mừng và cũng là dịp để bố tôi đưa ra một thông điệp cho chúng tôi trước khi ông vui thú điền viên (mẹ tôi nghỉ hưu trước vì bà hơn bố tôi 4 tuổi).

    Bài “diễn văn” của ông hôm đó cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ từng chữ một, và còn nhớ cả những dòng nước mắt xúc động của chính mẹ tôi và chúng tôi. Tôi xin viết ra ở đây, những lời của một nhà giáo, mà khi ghi lại vào lúc này tuổi đời của tôi đã gần 65, vì nghĩ nó có thể có ích cho một số bạn trẻ bây giờ. Bố tôi nói với chúng tôi và những người anh em họ đồng thời cũng là học trò của bố mẹ tôi hôm đó như thế này:

    “Thế hệ bố mẹ đang có một chỗ dành riêng cho mình. Ðó là nơi để bố chuyển tất cả những kinh nghiệm cho một thế hệ giáo chức mới như thằng cả (anh cả tôi), một thế hệ mà cho đến bây giờ phải đối mặt với cả hai khó khăn lớn: chiến tranh tàn phá và việc trồng người đầy nhân bản và xây dựng ở trong Nam. Bố cho rằng trồng người không phải chỉ làm sao cho đám học trò của mình đạt được bằng cấp và bằng cấp cao, mà chính là làm sao cho họ trở thành một người có giáo dục, có cách cư xử tốt và ngay thẳng với mọi người. Mới hay cũ chung quy chỉ là cách so sánh với những gì đã có trước đó. Một thế hệ trẻ hơn tất phải có cái mới hơn so với cái cũ, nhưng căn bản thực ra phần nhiều vẫn chỉ dựa trên cái nền cũ rồi phát triển sửa đổi theo sự phát triển của khoa học và xã hội mà thôi. Dù biết rằng chỉ còn thằng cả theo nghề giáo, một điều bố mong ước là các con dù có theo nghề nào khác cũng không nên chặt bỏ các gốc cây cổ thụ trong khu vườn của các con. Vì, những gốc cây ấy còn một ích lợi cuối cùng trong đời sống của chúng là giúp các con leo cao hơn để thấy bầu trời trong xanh hơn, thênh thang hơn...”

    Bố tôi hỏi, cắt ngang những hồi tưởng của tôi:

    - “Suy nghĩ gì mà thừ ra thế. Ngày hôm qua bố kiếm được một cuốn trinh thám Pháp, rất mới ở hàng sách cũ chỗ nước mía Viễn Ðông. Có nhiều ghi chú đặc biệt về Moscow.”

    - “Bố đọc xong bộ Z-28 của Bùi Anh Tuấn chưa? Cũng được lắm, có nhiều ghi chú mà con chắc là bố thích.”

    - “Bố đọc hết rồi, chờ ông ấy lâu nữa mới có cuốn kế tiếp. Giữa thời gian gián đoạn này bố đọc loại trình thám của Tây cũng được.”

    Bố tôi không phải là một người chơi sách. Ông chỉ đọc những gì cần đọc. Căn phòng nhỏ dành cho bố mẹ tôi rất nhỏ, làm gì còn khoảng không gian nào cho những kệ sách. Bố tôi giải quyết bằng cách xếp lên cái bàn viết trong góc phòng. Ông chế những cái chặn hai đầu và xếp chồng lên nhau. Căn nhà bố mẹ tôi tuy nhỏ nhưng hoàn toàn làm bằng gỗ, hai tầng, mái lợp tôn có trần. Vì ở tầng trên, sàn lại bằng gỗ nên mẹ tôi chỉ sợ bố tôi tha nhiều sách về, nặng làm sập xuống thì nguy, nên bà cằn nhằn chồng hoài. Ông giải quyết chuyện này bằng cách thuê đóng những chiếc rương lớn để ở dưới phòng thằng em tôi. Ðọc tới đâu, ông xếp vào rương tới đó.

    Bố tôi lại cắt dòng suy tưởng của tôi:

    - “Ði đâu thì chiều cũng về ăn với bố.”

    - “Thôi bố, chiều nay từ đài về, con đón bố đi ăn.”

    - “Nếu con bận với bạn bè thì thôi, còn nếu không thì về ăn với bố, có thịt đông, dưa chua và canh mồng tơi.”

    Buổi chiều, làm xong công việc, tôi trở về nhà ăn cơm với bố tôi. Ông tự tay làm những món mà tôi thích. Món nào cũng tươm tất và ngon miệng. Xong, tôi dọn dẹp rửa chén bát rồi ra phòng khách uống cà phê với bố tôi. Tôi giục ông hút thử xì gà tôi mới mua biếu ông thì bố tôi nói để ngày hôm sau vì không ai uống cà phê mà hút xì gà cả. Thay vào đó ông đốt một điều Gaullois, một loại thuốc lá đen, rất nặng do Pháp sản xuất. Khoảng bốn thập niên trước đây, thuốc Gaullois chưa có đầu lọc và bao ngoài sang trọng như bây giờ. Bố tôi giải thích:

    - “Ðây là loại thuốc đen, nhưng ngon hơn Bastos xanh nhiều. Ngày xưa, thời Tây, Gaullois được phát không cho quân đội Pháp. Nhiều thằng chê nặng không hút được đem vất đầy đường nên gọi là thuốc “Tây quăng”. Thời bố mới lấy mẹ mày thì tập hút JOB đỏ, rồi sau chuyển sang hút Gaullois. Khi di cư vào Nam, không có Gaullois nữa bố hút lại JOB đỏ. Gần đây bố tìm ra được loại Gaullois này ở các quán thuốc lá trước Bưu Ðiện.”

    Bố tôi chợt hỏi sang chuyện khác:

    - “Thế nào, tình hình liệu có khá hơn không?”

    - “Con không đủ dữ kiện để có thể kết luận khi Mỹ đổ quân vào thì khá hơn, vẫn thế, hoặc bết hơn. Nhưng theo con, vẫn có quan ngại về ảnh hưởng xã hội. Ở Ðông Hà trước đây không có bar rượu, nhưng bây giờ thì bar rượu mọc lên như nấm, gái mại dâm đổ về đây hàng đoàn.”

    - “Ðất nước chiến tranh đành chịu. Thời Pháp cũng vậy. Bọn Tây đi đến đâu là có nhà chứa ở đó. Những cái mụn nhỏ ấy sẽ lan ra và sẽ làm ung thối mọi ngõ ngách của xã hội. Mình là người cổ cày vai bừa nói sao được, mà có nói cũng chẳng ai nghe. Bố ưu tư về chuyện này vô cùng.”

    Hai bố con ngồi nói chuyện thời sự cho đến khuya. Tôi ngủ lại vì sợ nhà đi vắng hết, đêm hôm khuya khoắt có gì xảy ra cho ông, tôi sẽ ân hận suốt đời. Tuy nhiên, phải nói chưa bao giờ tôi nói chuyện với bố tôi lâu như vậy, một phần cũng để san sẻ với ông nỗi băn khoăn giữa quá khứ và hiện tại. Quá khứ của ông là một cuộc kháng chiến chống Pháp mà ông đã lao mình vào. Ông đem cả vợ con lên chiến khu Việt Bắc, nhưng rồi ông lại đem gia đình trở về thành rất sớm. Thời chúng tôi còn học trung học, có lần ông vui miệng kể lại chuyện ông phải trốn về thành như thế nào, những người bạn của ông trong Việt Nam Quốc Dân Ðảng đưa ông về Hải Phòng ra sao. Lúc đầu, là thanh niên mới lớn, chúng tôi cũng không quan tâm gì về quá khứ của ông vì cho rằng nó chẳng liên quan đến thế hệ của chúng tôi lúc ấy. Trong mớ kiến thức non nớt về lịch sử, tôi cho rằng thời bố tôi là thời Tây, thời kháng chiến. Còn ở vào thế hệ của chúng tôi, những người miền Bắc lớn lên ở Miền Nam, thì mọi điều đã có sẵn, mọi luồng tư tưởng mới mẻ nhất từ Hoa Kỳ và từ những nơi khác cũng đã đủ sức “làm một cuộc cách mạng đánh đổ ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp”. Tôi hãnh tiến bước vào trường Luật với những môn học mới mẻ. Nhưng đến môn Pháp Chế Sử (tôi nhớ không lầm do Giáo Sư Vũ Quốc Thông dạy), chúng tôi lại phải lật lại trang sử của mấy ngàn năm trước và phải nghiên cứu chế độ xã thôn Việt Nam từ thời cổ đại. Thế hóa ra, chúng tôi vẫn có mối liên hệ với quá khứ từ khi ông cố tổ chúng tôi mới chỉ là “hạt bụi vo tròn trong bụng mẹ”?

    Khi vào nghề truyền thông rồi, sau khi đã bị đời tát cho năm bảy tát, nhân một dịp ngồi uống cà phê với bố tôi, tôi đã hỏi ông tại sao trong không khí bừng bừng kháng chiến chống Pháp lúc đó mà bố lại bỏ về thành, ông chỉ nói: “Họ (Việt Minh) không thành thật”.

    Tôi biết câu nói ngắn của ông phản ảnh tấm lòng u uẩn của một trí thức khi đắp tấm “chăn kháng chiến” vào rồi mới thấy rận ở chăn nhiều quá, tung ra thì mang tiếng bỏ anh em đồng đội, cắn răng chịu đựng thì hậu quả sau này cũng chẳng hay ho gì. Tôi đoán có lẽ cũng vì thế mà khi ông bị ám sát hụt lúc gia đình tôi đang ngồi ăn trong một tiệm mì ở phố Ðông Kinh, Hải Phòng năm 1951, dù ông biết tên sát thủ thuộc ban ám sát của Việt Minh ở Hải Phòng mà cô ruột tôi lúc đó rất có ảnh hưởng với đám này, ông vẫn coi như không có gì xảy ra. Bố tôi cũng không làm đổ vỡ thêm tổ chức của cô tôi, như lời bố tôi đã tiết lộ khi anh em chúng tôi đủ tuổi trưởng thành. Thảm kịch giữa anh em ruột của bố tôi không phải chỉ có thế. Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, cô, chú tôi lại còn ở phía những người thắng trận, trong khi anh em chúng tôi vào tù. Họ đã bị bố tôi mắng khi họ vào thăm bố tôi trong Nam. Ngày tôi đi tù cải tạo trở về, mẹ tôi kể lại rất chi tiết vụ cãi cọ giữa bố tôi và cô, chú tôi. Mẹ tôi thì bao dung hơn. Bà nói với tôi: “Mẹ không hề nhờ vả cô, chú mày bất cứ một điều gì, kể cả việc nhờ dẫn mẹ vào thăm nuôi anh em mày trong tù cải tạo. Nhưng bố mày vẫn là anh ruột và tao vẫn là chị dâu chúng nó. Khi tao không thèm nhờ đứa nào, thì còn gì để sợ nữa để mà không giữ trọn tình máu mủ với nhau”.

    Những năm sau này (1969) ông mở một lớp dạy học ngay trong nhà, lúc đó đã thành căn nhà gạch sau khi căn nhà gỗ đầy kỷ niệm của gia đình tôi bị thiêu rụi hồi Tết Mậu Thân. Học trò là con cái của những gia đình nghèo trong xóm. Nói cho ngay, đây là một lớp dạy kèm thì đúng hơn, một lớp dạy cho vui trong cuộc sống hưu trí của bố tôi. Tuy vậy, bố tôi tổ chức lớp học rất quy củ. Ông cũng cho thi xếp lớp dù cái “trường” nhỏ này chỉ có trình độ: lớp nhì (lớp 4) và nhất (lớp 5). Trước khi bắt đầu giờ học, ông khám sách vở, khám tay học trò. Sách vở bị cong mép hay vấy mực, tay dơ dáy, móng tay không cắt ông bắt về nhà hay đổi sách vở khác, cắt móng tay, rửa tay thì được vào lại lớp học. Thấy bố tôi tận tụy với từng đứa học trò, mà học phí chỉ tượng trưng, gia đình nào nghèo thì miễn học phí, phụ huynh các xóm bên cũng kéo đến xin học cho con rần rần. Nhưng ông vẫn chỉ nhận tối đa mười người cho đến khi ông bạn đánh cờ tướng hàng xóm của bố tôi cho mượn căn phòng bỏ trống phía sau nhà ông làm lớp học thì sĩ số tăng lên hai mươi người.

    Cuộc sống của một người về hưu như bố tôi êm đềm như thế cũng làm chúng tôi rất mừng. Ai cũng ngại tính tình ông thay đổi vào tuổi già gây khó khăn cho con cái. Nhưng không. Người quyết định mọi việc trong gia đình lúc bố tôi nghỉ hưu là anh tôi. Bố mẹ tôi ít khi còn có ý kiến gì liên quan đến cuộc sống riêng tư của anh em chúng tôi nữa. Có lần tôi thắc mắc nên hỏi mẹ tôi: “Bố có giận gì tụi con không mà không thấy bố bàn tán vào chuyện lấy vợ hay không của anh cả vậy?” Mẹ tôi cười: “Ông ấy nuôi dạy chúng bay thân vóc học hành cho đến bây giờ mà còn chưa nên thân nữa hay sao. Bọn bay bây giờ chỉ có một câu duy nhất cần nói với bố: con đưa bố vài ngàn để bố tiêu vặt hay đi bác sĩ. Nói xong là phải móc ví ra liền, thằng nào chậm tao bắt chìa tay đánh cho vài thước”. Lời của mẹ tôi làm tự nhiên tôi thấy cay mắt.

    “Trường” của bố tôi lẽ ra đóng cửa từ ngày 26 Tháng Tư 1975 vì phần đông phụ huynh đều đích thân đến tận nhà bố tôi để xin cho con nghỉ vì tình hình rối ren. Nhưng thực sự nó được đóng cửa vào sáng ngày 30 Tháng Tư 1975, khi hai cậu học sinh nhỏ là Thịnh và Hổ khóc mếu máo gõ cửa vào gặp bố tôi. Chúng khoanh tay nói: “Thưa thầy, chúng con xin thầy cho chúng con nghỉ học. Ba má con đi đâu đến nay vẫn chưa về nhà”.

    Mẹ tôi giữ hai đứa học trò ở nhà tôi cho đến ngày 3 Tháng Năm 1975 khi bố mẹ chúng hớt hải sang nhà tôi tìm con. Thì ra lúc hoảng loạn, cả hai vợ chồng chạy Honda ra bến Bạch Ðằng thăm dò đường đi nước bước. Thấy còn chỗ, họ nhảy lên một chiếc tàu hải quân. Nhưng khi ra đến Lòng Tảo mới chợt nghĩ là mình còn hai đứa nhỏ bị kẹt lại. May, khi ra tới Vũng Tàu, chiếc tàu tạm dừng lại để đón một số gia đình hải quân, họ mới xuống được một trong những chiếc ghe chở các gia đình này để vào bờ. Phải mất mấy phùa đánh đu xe đò mới về tới Sài Gòn.

    Khi tôi từ trại cải tạo về cuối năm 1988, hai anh em Thịnh, Hổ đã thành người lớn. Mẹ tôi nói: “Nó là hai đứa đại diện cho học trò những lớp dạy kèm của bố mày khênh quan tài ông ấy vào năm 1983, sau khi ông ấy mất”.

  2. #42
    Mẹ là bà, là cô
    Tố Nga

    Khi tôi vừa lọt lòng mẹ thì má tôi tắt thở trên bàn sanh, sau một cơn đau tin bẩm sinh. Theo yêu cầu của gia đình, các soeurs trong bệnh viện đem tôi gởi ở phòng dưỡng nhi nhờ các cô y tá chăm sóc. Trong lúc gia đình đang có tang chế, cha tôi không thể một mình chăm sóc con mọn được. Sau đó bà nội tôi đến đón tôi về.

    Vú Đấu là người thay mẹ nuôi tôi bú mớm. Gia đình vú ở xa thành phố, nhà nghèo, đông con, khi sanh đứa con thứ tư được một tuần thì em bé bị cảm sốt qua đời. Vú rời gia đình đi ở vú cho bà tôi.

    Tôi lớn lên trong sự chăm sóc trìu mến của vú Đấu. Tuổi thơ tôi được ấp ủ thương yêu trong vòng tay bà nội. Bà tôi là một quận chúa, ái nữ của một vị Đức Ông. Cuộc đời bà lớn lên trong cung phủ, mới sanh ra là được hưởng lương. Khi bà tôi lập gia đình thì được lãnh một lần 5 năm lương, gọi là lương ngũ niên có lính lệ gánh tiền về nhà chồng, đó là của hồi môn.

    Khi tôi về ở với bà nội thì ông tôi đã qua đời. Bà tôi sống âm thầm trong một căn nhà gạch cũ kỹ với một người giúp việc hầu hạ bà, làm lặt vặt công việc nhà. Có thêm một mụ Câm mà bà tôi nuôi từ thuở nhỏ, làm công việc nặng nhọc, gánh nước, chăm sóc cây trái và đàn gà trong vườn. Thuở ấu thơ bà tôi không được cắp sách đến trường nhưng bà biết chút ít chữ Nho, biết đàn tranh, biết vịnh Kiều. Bà tiêu khiển trong nhàn nhã. Sống với bà nội, tôi không hề biết đau buồn, thương nhớ vì nỗi mất mẹ. Bà cho tôi tất cả tình yêu thương trìu mến của một mẹ hiền. Bà tôi đối xử rất phân minh, độ lượng với người ăn kẻ ở trong nhà. Tôi lớn lên chịu ảnh hưởng của bà tôi hoàn toàn, từ lễ phép với người trên, đi thưa về trình, ăn nói chững chạc, chăm chỉ học hành. Mỗi sáng bà tôi dậy sớm, khoác một chiếc áo dài the rồi ra ngồi ở trường kỷ pha trà. Bà tôi luôn luôn mặc áo dài ở nhà, đó là sự thường tình của phụ nữ Huế.

    Một năm đôi ba lần bà tôi soạn quần áo nghi lễ đem ra phơi nắng, một chiếc áo mệnh phụ, một khăn vành, một đôi hài thêu, đó là bộ lễ phục khi bà làm lễ ở từ đường trong ngày hôn lễ và sau này bà mặc vào khi nhắm mắt lìa đời.

    Lúc đó tôi vừa đủ 13. Cuộc đời tôi bắt đầu rẽ vào một con đường khúc khuỷu.

    Tôi về ở với gia đình cô tôi từ đó. Cô tôi góa chồng lúc còn trẻ, một tay nuôi bốn đứa con nhỏ dại, thêm một đứa cháu côi cút với một đồng lương hưu trí của chồng để lại rất khiêm nhường.

    Cũng như bà nội quá cố, cô tôi thương xót tôi hết mực, tôi như là một người con cả trong gia đình. Với lứa tuổi 13, tôi giúp đỡ các em trong việc học hành, không hề biết đến cuộc sống đầy khó khăn của gia đình cô tôi.

    Cuộc đời tôi gồm có ba người mẹ. Mẹ sanh ra tôi, tôi không hề có một ấn tượng hay một kỷ niệm nào vì bà đã mất khi tôi vừa lọt lòng. Bà nội là người mẹ thứ hai, đầu óc tôi đầy ắp tình thương yêu và kỷ niệm, mẹ là bà. Cô tôi là bà mẹ thứ ba, bà mẹ đã hy sinh cuộc đời son trẻ, nuôi dạy 5 đứa con cháu nên người trong sự thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần.

    Bây giờ tuổi hạc đã cao, tóc đã bạc, lưng còng, nghĩ đến ba bà mẹ đã đi qua trong cuộc đời côi cút của mình, lòng tôi chùng hẳn xuống, nước mắt không ngừng chảy trên gò má nhăn nheo.

  3. #43
    Mẹ, Một Cõi Trời Riêng

    Chuyện bà mẹ trẻ ở New Zealand, cô Danni Bett, không chịu uống thuốc giảm đau sau tai nạn xe hơi vào hạ tuần Tháng Năm vừa qua hầu để dành sữa cho đứa con gái hai tháng tuổi của mình bú đã dấy lên một hình ảnh đẹp về người mẹ ở xứ này. Cái thiên chức vể bản năng làm mẹ mà người ta gọi nôm na là “motherly instincts” của cô đã được báo giới Daily Mail Australia hết lòng ca ngợi.

    Không lâu sau đó tại một khu vui chơi ở Disney World, Orlando, hôm 14 tháng 06, bé trai Lane Graves, hai tuổi đã bị cá sấu lôi đi khi em lội xuống chơi ở vùng nước gần bờ của một cái hồ nhân tạo. Tuy cha em đã nhanh chóng lao theo rồi cả mẹ em cũng nhảy xuống để cứu nhưng em cũng bị kéo đi mất tích đến hai ngày sau mới tìm thấy xác. Câu chuyện thương tâm này khiến mọi người bàng hoàng đau xót và các bậc cha mẹ khắp nơi đã chia xẻ nỗi mất mát với cặp vợ chồng nọ về đứa con xấu số của họ.

    Rồi ngày 17 tháng 06 tại phía tây bắc của thành phố Aspen thuộc hạt Pitkin bang Colorado, một bà mẹ Mỹ; tay không đã từ trong nhà bếp lao ra vật lộn với con báo núi để giành lại đứa con trai năm tuổi của mình vào một buổi chiều chạng vạng khi nó đang chơi trong sân nhà làm sửng sốt mọi người. Bà mẹ này bị thương ở tay và chân còn em bé bị thương khá nặng ở mặt, đầu và cổ tuy nhiên nhờ sự can đảm mà bà đã cứu được con mình.

    Và mới đây nhất, vụ phục kích nổ súng bắn chết năm cảnh sát ở Dallas bang Texas trong đoàn biểu tình tối ngày 7 tháng 7. Bà Shetania Taylor; mẹ của bốn đứa con đã lấy thân mình che chở, hứng đạn cho con đang ở tuổi thiếu niên. Bà bị thương ở đùi và đã được đưa ngay vào bệnh viện chữa trị.

    Đọc qua những việc hy sinh cho con đáng kính phục kể trên của các đấng sinh thành khiến tâm trí tôi luôn nghĩ ngợi đến các bà mẹ Việt Nam trong thời chiến và sau này khi chiến tranh đã chấm dứt.

    Ngày đó vì kỹ thuật thông tin còn lạc hậu và nghèo nàn cộng thêm với sự bưng bít của chính quyền hoặc vì sự việc xảy ra ở chốn hẻo lánh hoang vu nên ít được ai biết đến chứ thật sự ra thì sự quên mình vì con của những bà mẹ Việt Nam cũng vô cùng to lớn. Đôi khi sự hy sinh ấy của họ tuy không nổi bật nhưng kéo dài suốt cả cuộc đời trong âm thầm mà bây giờ nhìn lại chúng ta cũng thấy đó là các tấm gương cao cả.

    Việc các bà mẹ một đời sống chết cho con khiến tôi liên tưởng đến chị Thu. Hình ảnh hai mẹ con cùng chuyến vượt biên với tôi. Bao năm tháng qua, mỗi khi nhớ về chị, lòng tôi vẫn bùi ngùi cảm xúc.

    *

    …Tôi leo lên miệng hầm sửa lại cái nắp mà hồi trưa thằng Chín lúc phát cơm đã đậy lại không kín khiến cho bây giờ nước mưa đang nhểu vào, tiện thể cũng đảo mắt ngó xung quanh một vòng.

    Chẳng thấy gì cả ngoài bầu trời xám đùn đục trong màn nước mưa. Biển động nhẹ, những con sóng khá to liên tiêp vỗ vào nhau rồi tan biến. Mắt tôi chợt dừng lại nơi một người đàn bà đang ướt sũng, tóc lòa xòa xuống trán, mặt bê bết nước, ngồi sát miệng hầm, lưng tựa vào ca-bin đang giấu đứa con gái nhỏ trong lòng.

    Tôi vội leo xuống, lục túi xách lấy cái áo mưa “người dơi” bằng nylon của mình rồi trèo lên lại đưa cho bà. Bà ta mừng rỡ chụp lấy, ngước nhìn tôi lí nhí cám ơn. Đó là buổi chiều thứ ba trong hải trình vượt biển năm 1989 tìm tự do của tôi.

    Đi thêm ba ngày nữa, tàu chúng tôi tắp đảo El Nido, Philippines. Một hòn đảo lớn, đẹp và yên tịnh. Một chuyến đi bình an ngoài mong đợi! Khi chúng tôi được chuyển vào trong đất liền, dân Phi đã ra tận bãi biển, đứng dọc hai bên vệ đường reo hò, hoan hô, chào đón như các anh hùng trở về trong vinh quang chiến thắng!

    Thế là sau sáu ngày đêm lênh đênh, đói ăn thiếu uống, lúc này mọi người đều mệt lả, bước thấp bước cao, đi liêu xiêu như người say rượu, mặt đất thì chao qua chao lại dường như sắp đổ. Mấy cô gái mặt xanh lè, tái ngắt, không đi nổi té lên té xuống phải có người dìu hai bên. Họ lê lết, chân cày trên cát làm thành những vệt dài.

    Trong khi ấy, một anh chàng Phi mang cây Saxophone ra trình diễn như để chúc mừng chúng tôi đã đến được “bến bờ tự do!” Nhìn anh ta để hết cả tâm hồn, đứng thổi bài “Careless Whisper” đang rất thịnh hành lúc bấy giờ một cách tuyệt vời và các người khác thì nhún nhảy, say sưa hát theo tiếng kèn đầy hào hứng tôi mới cảm nhận được cuộc sống của họ sao hiền hòa, chân chất quá. Trông họ vui vẻ, hoà mình với niềm hạnh phúc vô biên mà chúng tôi vừa tìm được làm tôi cảm thấy tâm hồn mình ấm lại rồi bỗng chợt nhớ nhà và ước ao không biết đến bao giờ thì người dân Việt Nam mình mới có lại được cuộc sống thanh bình như thế?

    Thị trấn hiền hòa, êm ả của El Nido giờ đây bỗng dưng ồn ào náo nhiệt vì đám người tị nạn đông đúc. Ngày cũng như đêm, người ta đi tới đi lui khắp nơi. Kẻ có tiền lo mua áo mua quần, người khác thì tìm cách bán các chiếc nhẫn năm phân hay một chỉ bằng vàng 24 karat cho dân địa phương để lấy tiền đánh điện tín báo tin vui về nhà. Mấy tiệm tạp hoá hết sạch hàng. Hai quán ăn thì lúc nào cũng đầy dân tị nạn vào ăn hay uống cà-phê. Sự yêu đời và sức sống hừng hực của đám thuyền nhân vừa chết đi sống lại làm không khí trên đảo sôi động hẳn lên.

    Ghe của chúng tôi dài tới mười chín thước, khoảng ngang rộng nhất cũng hơn ba thước, chở hai trăm bốn mươi sáu người. Trong lịch sử các ghe vượt biên tới Phi chưa có ghe nào to như ghe này nên chính quyền địa phương phải dùng một ngôi trường tiểu học cho chúng tôi tạm trú.

    Suốt tuần lễ ở đây chờ Cao Uỷ Tị Nạn đến đón về trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp,) tôi có cơ hội đi loanh quanh, ngắm cảnh, tìm hiểu dân tình trên đảo.

    Theo Wikipedia thì vào năm 1521 Ferdinand Magellan; nhà hàng hải Bồ Đào Nha nhưng lại làm việc cho Tây Ban Nha đến Phi mở ra kỷ nguyên thuộc địa hóa quần đảo này. Vì tới năm 1543, Ruy López de Villalobos, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã đến đây thám hiểm và đặt tên cho nó là Las Islas Filipinas để vinh danh Quốc Vương Felipe II. Phi chính thức trờ thành thuộc địa của họ.

    Khác hẳn với người Phi thuần chủng, phải công nhận là các chàng trai cô gái lai Âu Á đẹp tuyệt vời. Họ có làn da trắng, cặp mắt to với đôi hàng mi cong vút như hàng dừa dọc bờ biển mà mỗi khi đôi mắt họ chớp chớp thì đôi lông mi này rung động như hàng dừa lung lay trong gió khiến cho đám thanh niên tụi tôi nhìn hoài không chán!

    Một hôm tôi tình cờ gặp lại hai mẹ con bà bị mắc mưa bữa nọ. Bấy giờ tôi mới biết bà không già lắm, chỉ hơn tôi ba tuổi và tên là Thu còn đứa con gái nhỏ tên Na độ chừng khoảng bốn hay năm tuổi gì đó thôi nên tôi đổi cách xưng hô gọi bà là chị. Chị Thu trả lại tôi chiếc áo mưa và luôn miệng cám ơn nói “nếu không có nó thì chị không biết mẹ con chị có chịu nổi những cơn mưa và cái lạnh thấu xương của gió biển để đến được đất liền hay không vì đồ đạc của hai mẹ con chị đã bị rơi xuống biển lúc lên cá lớn* hết rồí!”

    Chúng tôi quen nhau từ đấy!

    Một buổi chiều tôi và mẹ con chị Thu tản bộ ngoài bãi biển, trong lúc ngồi chơi chị vô tình kể lại là đêm hôm lên ghe lớn mẹ con chị súyt tí nữa đã chết nếu không nhờ ai đó cứu giúp làm tôi nhớ tới cái hôm ra khơi đầy hổn loạn này.

    Bữa đó, xe đò chạy từ Saigon ra tuốt Nha Trang-Đà Nẳng rồi loanh quanh cả ngày lẫn đêm cho đến tận khuya thì dừng lại ở một nơi thanh vắng tới hơn nửa đêm. Sau đấy, một nhóm người lên xe và bắt đầu kiểm vé bằng mật mã của từng hành khách rồi đưa chúng tôi đi bộ thật sâu vào trong qua các bãi cát trắng với những bụi cây nhỏ lưa thưa.

    Bằng kinh nghiệm vượt biên nhiều lần tôi bắt đầu sợ và tự hỏi đã quá nửa khuya rồi mà còn lang thang trên bờ thì đường vô “đồn công an” dễ như chơi nên tôi nghĩ là chuyến đi này chắc lại sẽ bị gạt nữa, vì thế tôi quyết đinh quay trở lại tìm lối ra trong khi đoàn người vẫn ào ạt tiến vào trong.

    - Ê, đi đâu đấy? Đứng lại!

    Tiếng ai đó quát nhỏ nhưng mạnh bạo trong đêm dưới ánh trăng mờ làm tôi giật mình. Một bóng người đi tới nắm vai tôi lôi ngược vào trong cho đến khi bãi biển hiện ra trước mắt với một con tàu đen đậu lù lù ngoài khơi xa. Người đó xô tôi xuống nước và ra lệnh:

    - Lên ghe đi!

    Anh ta đi rồi mà tôi vẫn còn đứng đó nhìn cả trăm người đang tranh nhau lội ra ghe lớn. Số khác thì còn bơi lóp ngóp trong bờ. Tôi hoang mang bước lần ra cho đến khi nước ngập lên ngang ngực thì đứng dừng lại trên một cục đá. Tôi lội không giỏi nên sợ không dám ra xa. Tôi nghĩ giờ này mới lên ghe thì bao giờ ra khơi và tới khi trời sáng chắc vẫn còn trong hải phận Việt Nam và kiểu này “lớ chớ” lại bị bắt nữa chứ chẳng phải chơi!

    Đang còn tính toán tới lui tôi chợt thấy cách tôi một sãi tay có một phụ nữ đang lặn hụp, trồi lên sụt xuống trên mặt nước với một đứa bé trên tay như sắp chết đuối và theo phản xạ tự nhiên tôi vói tay ra chụp lấy chị kéo giật về phía mình. Nhờ cái giật thật mạnh vào trong ấy chân chị mới chạm được vào cục đá bên dưới và chị loạng chọang vài giây mới lấy thăng bằng đứng lên được. Rồi chị lại tiếp tục nhìn ra khơi, người bồn chồn như muốn đi ra nữa. Giữa cảnh rối răm ấy tôi cũng lo lắng cho thân mình nên ít phút sau nhìn lại thì không thấy mẹ con chị đâu và rồi tôi cũng quên bẳng đi mất.

    Lúc này đây nghe chị kể lại tôi mới biết thì ra mẹ con người phụ nữ trong đêm tối ấy là chị nên buột miệng:

    - Thấy chi ngoi ngóp nên em nắm vai chị lôi lên đấy.

    Chị tròn mắt ngạc nhiên nhìn tôi một chặp rồi “ồ” lên:

    - À thì ra người kéo chị lên đêm đó là em đó hả? Trời ơi nếu không nhờ em kéo chị khi đó thì chị và bé Na chết rồi. Lần này mẹ con chị mang ơn em nhiều quá!

    - Ơn nghĩa gì đâu chị. Nhưng…sao chị không biết lội mà gan quá vậy?

    - Chị sợ bị “rớt lại.” Chị không muốn để bé Na sống ở Việt Nam. Chị chỉ muốn đi thôi!

    Ngó chị một hồi, tôi nghĩ bụng “tội nghiệp, không biết bơi mà cũng cả gan nhào xuống biển và lại còn ẳm con nữa chớ.” Đúng là “điếc không sợ súng!”

    - Ủa, rồi làm thế nào chị lên ghe được hay vậy? Tôi thắc mắc.

    Chị chắt lưỡi:

    - Hay gì mà hay. Thằng Tỉnh nó chèo thúng tới chở hai mẹ con chị đó chứ.

    - A, em cũng được nó lấy thúng đưa ra đó.

    Vì ngồi trên boong nên chị Thu biết nhiều chuyện hơn tôi. Chị thì thầm cho tôi biết trong ghe này có cộng sản bởi khi ghe sắp tắp vô đảo thì chị nghe có tiếng súng nổ. Sự tiết lộ của chị làm tôi giật mình. Việc này ngày sau về PFAC tôi biết được rõ ràng hơn nhưng lúc này thì tôi nghĩ thầm “hèn nào mà bữa đó đám tổ chức “đổ quân” xuống bãi như đi chợ vậy!”

    *

    Hơi nóng hừng hực hắt xuống từ mái tôn (tole) cộng thêm thân nhiệt của gần ba trăm con người gồm đủ nam phụ lão ấu tỏa ra trong buổi trưa hè ở trong “barrack” của trại PFAC khiến tôi không chịu nổi. Vì độc thân, đồ đạc chẳng có gì nên tôi chớ hề lo lắng, gìn giữ chi cả do đó tôi thường xuyên ở ngoài sân hơn là trong láng trại. Hôm nay sang ngày thứ tư rồi mà “group” của ghe tôi vẫn chưa được ra ngoài các khu mà trái lại họ còn đưa thêm vào đây bốn mươi mấy người nữa của một ghe khác nên barrack chật cứng.

    Trong nhóm này có một ông trung niên người Bắc độ bốn mươi tuổi ngoài, trông còn khá trẻ, dáng người nhanh nhẹn, tên là Trần Phi, nghe đâu ngày trước là cựu thông dịch viên của quân đội Việt Nam Cộng Hòa gì đó thế nên ông có vẻ am tường nhiều thứ chuyện xưa và nay. Sau này ông làm Chủ Tịch Nhiệm Kỳ thứ 29 của trại rồi Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt ở Thuỵ Sĩ khi đến đây định cư.

    Khoảng chừng ba giờ chiều một hôm, tôi đứng trong góc sân nghe ông Trần Phi đang ngồi chòm hổm đấu láo với một số người và xa xa tại một góc khác sát vách barrack cũng có một ông gốc người Bắc, đi cùng ghe với tôi, tuổi tác trạc ông Trần Phi, ở trần, mặc quần xà lõn trắng, ngồi im lặng, lắng nghe thì bất ngờ có vài ba thanh niên từ ngoài leo qua hàng rào lưới B40 của barrack nhảy vào trong và phóng tới nắm đầu người trung niên này lên gối khiến ông bật ngửa.

    - Đ.m. đánh chết mẹ nó đi. Thằng này là cộng sản nè bà con. Nó là Lê Hồng Thắng, thượng úy, phó phòng chấp pháp của trại giam ở 84 Trần Phú, Nha Trang đó bà con.

    Nói xong, họ còn nhào theo đấm đá ông túi bụi làm náo loạn cả sân. Mọi người lật đật đứng lên, ngưòi trung niên này sau đó lồm cồm đứng dậy chạy vào trong lúc ấy thì cô vợ trẻ đang mang bầu của ông lại chạy ra, la khóc ầm ỉ khi thấy ông bị đánh khiến cho cảnh tượng thêm hỗn độn.

    Vài phút sau thì thuyền nhân ở mấy khu gần đó rần rần kéo tới vì trại PFAC đa số gồm người dân ở Nha Trang, Tuy Hoà, Phú Yên…mà rất nhiều trong số này hay thân nhân của họ từng vượt biên bị bắt và là nạn nhân của ông Thắng. Và cuối cùng Ông Cao Ủy Trưởng Jan Top Christensen hấp tấp có mặt với hai ba người An Ninh Việt Nam. Ông vào barrack, giận dữ chỉ trích hành động trả thù vừa xảy ra và tuyên bố:

    - Theo công ước quốc tế thì quyền tị nạn không của riêng ai và thậm chí người cộng sản còn có lý do chính đáng hơn khi đi tị nạn chính chế độ của họ nếu họ chứng minh được họ đang bị ngược đãi hay bị đàn áp vì bất đồng chính kiến.v..v.. Do đó tôi yêu cầu bà con hiểu điều này và chấm dứt các sự trả thù cá nhân. Cao Ủy tị nạn có trách nhiệm giải quyết mọi việc. Bà con hãy an tâm!

    Từ đó ông Thắng được Cao Ủy cho người “bảo vệ” thêm tới một thời gian khá dài về sau. Riêng ông thì suốt những năm tháng sống trong trại ông chỉ ở yên trong nhà ít khi xuất hiện chỗ đám đông cho đến khi bị bác quyền tị nạn rồi hồi hương trở lại Việt Nam.

    Thời gian này, chiều chiều tôi hay cùng mấy đứa em trong nhà lo khiêng ghế ra Sân Khấu Trung Tâm để giành chỗ coi bộ phim “Anh Hùng Xạ Điêu” do Ban Truyền Thông chiếu cho đồng bào xem giải trí. Ghế coi phim này là các chiếc ghế mà đồng bào ở trại vô rừng chặt lấy những thân cây to cở chừng bằng bắp tay, bắp chân, rồi khiêng về trại đóng lấy. Vì có tới gần cả ngàn người xem nên có những chiếc ghế được đóng thật cao tới hai ba thước và dài chừng năm sáu thước để cho chín hay mười người ngồi thành thử chiều nào khi gần tới giờ thì mọi người trong trại sẳn sàng chờ lúc loa Truyền Thông Văn Hoá vang lên cho phép mang ghế ra sân là mọi người thi nhau mang ghế chạy ra kiếm chỗ.

    Đứng từ trên cao nhìn xuống cảnh tượng trông rất ngoạn mục, tựa như đàn kiến ở khắp nơi đang tập trung về tổ. Người sống ở trại khó có thể quên cảnh này. Đây là nét đặc thù của một trong những sinh hoạt văn hoá của thuyền nhân tị nạn ở PFAC lúc đó, một hình ảnh đáng yêu mà người ta mang theo mãi trên đường định cư. Ghế nhỏ, thấp thì để trước ghế cao để sau. Nhiều đêm đang coi tới đoạn hấp dẫn bỗng dưng có tiếng kêu răng rắc phát ra đâu đó thế là nhiều tiếng hoảng hốt la lên và người ta rần rần nhảy xuống thì mọi người biết ngay là có ghế bị gãy vì quá tải.

    Và theo lệnh của Ban Quản Đốc trại thì ghế xem xong phải mang về nhà vì có một số người ở xa nên lười biếng thường mang vào để trong công viên gần đó làm cho bộ mặt của trại vốn đã cũ kỹ, lôi thôi thêm dơ dáy, nhếc nhách khiến Ban Quản Đốc lâu lâu lại ra lệnh chủ các chiếc ghế kia phải đem về nếu không sẽ bị Ban An Ninh Việt Nam cho nhân viên phá bỏ!

    Một hôm, khi nắng chiều đang tàn dần trên mặt biển thì cũng là lúc anh em tôi chọn chỗ đặt ghế xong xuôi rồi trong khi chờ đợi tôi gặp chi Thu cũng lững thững ẳm bé Na ra. Con bé bây giờ trông khá hẳn lên, mặt mày tươi tỉnh chứ không còn đờ đẫn như hôm ở trên ghe nữa. Trò chuyện một lúc thì chị Thu nhắc lại việc ông Thắng bị đánh hôm nọ. Chị cho biết cái người đánh ông Thắng là bởi vì ngày xưa anh của anh ta vượt biên bị bắt về trại giam tỉnh ở 84 Trần Phú. Tại đây khi bị “lấy cung,” ông Thắng đã đánh đập hành hạ anh này một cách rất dã man làm anh ngất xỉu luôn. Mẹ anh ta khi hay được lo sợ, buồn rầu hóa sanh bệnh mà chết nên người em này rất hận ông Thắng!

    À, thì ra là vậy! Tôi gật gù và chợt nhớ ra thắc mắc lâu nay nên ấp úng.

    - Còn chuyện nổ súng trên ghe mà chị nói với em hôm trước là sao?

    - Nghe nói lúc ghe sắp vô đảo thì có ai đó đưa cho thằng Chín cây súng...K…K… gì đó để liệng súng biển. Nhưng nó còn nghịch, bắn thử hai ba phát trước lúc quăng đi nên mình mới biết đó chứ!

    - Súng dài hay ngắn chị?

    - Ngắn!

    - Chắc là K54 hay K59!

    Thế là mọi việc giờ đã rõ. Vì ghe tôi có công an tổ chức “bán bãi” nên mới đông và đi tự nhiên như đi chợ vậy. Do đó chuyện trên ghe có công an đi theo là điều chẳng có gì lạ!

    Ai trong group của tôi cũng đều công nhận chị Phấn là một phụ nữ quá lanh lợi. Chị thuộc về típ (type) người quăng vào chỗ nào cũng sống được vì rất tháo vát và nhanh trí.

    Nhớ có một lần, tôi ra chợ trước cổng trại để mua một ít rau về nấu canh thì tình cờ gặp chị. Vậy là hai chị em “sáp” lại vừa mua đồ vừa tán dốc. Tới trước sạp chạp phô, chị đưa tay chỉ vào gói đường cát vàng đựng trong cái bịch nylon ốm dài hỏi giá:

    - Two pesos for one kilogram!

    Anh chàng bán hàng Phi trả lời. Chị thúc cùi chõ vào hông tôi:

    - Tao còn có một “peso” mày kêu nó bán tao nửa ký đi.

    Tôi ngây người suy nghĩ xem nửa ký nói tiếng Anh làm sao. Thấy tôi đứng im lâu quá chị nhích thẳng vô sạp:

    - My friend…

    Vùa kêu thằng bán hàng chị vừa đưa tay ra dấu cắt ngang phân nửa bao đường và chìa một đồng peso ra trước mặt nó. Vậy là thằng Phi hiểu ngay, gật đầu lia lịa rồi lục tìm cái bao không, chia bịch đường ra làm hai đoạn bỏ lên cân. Cầm nửa bịch đường vô trại vừa đi chị vừa nói:

    - Mẹ…tao thấy mày xách tập đi học tối ngày mà nửa ký nói tiếng Anh làm sao cũng không biết là thế nào?

    Tôi phân bua:

    - Em mới học lớp Hai mà chị!

    Thời tôi mới tới, mấy người PA; là những người đi trước ngày đảo đóng cửa (cut off date) hay đùa “yes, yes, no, no, sáu tháng cũng go!” quả là đúng với trường hợp của chị Phấn bởi chẳng biết sau đó chị khai thế nào mà rồi cuối cùng chị đậu thanh lọc, được quyền tị nạn đi định cư ở đệ tam quốc gia trong khi có ông trung úy, đại úy thậm chí ngay cả cựu trung tá Phạm Nhã cũng còn bị “đá!”

    Vu Lan 1990, Chùa Vạn Đức tổ chức thật long trọng. Nếu tôi nhớ không lầm thì năm này có một phái đoàn gồm năm, sáu thầy và phật tử từ Úc sang thăm trại do Thầy Thích Quảng Ba làm trưởng đoàn nên ngay từ cả tuần trước đó chùa đã cho các đoàn sinh trong gia đình Phật Tử Quảng Đức vào rừng tìm củi đem về để chuẩn bị cho việc nấu nướng. Ở chùa thì các anh em trong ban trang trí, văn nghệ, kỹ thuật cũng lo chuẩn bị phần vụ của mình khiến cho không khí lễ hội rộn ràng nhộn nhịp hẳn lên

    Đến ngày khai mạc đại hội mọi người tề tựu về chùa đông đủ như tôi đã có dịp trình bày trong bài “Chùa tôi” trước đây, có khác chăng bây giờ là Nhiệm Kỳ thứ 30 do ông cựu đại tá VNCH Trần Phước Dũ làm chủ tịch và Cô Naoko Obi; người Nhật, thay thế Ông Jan Top làm Cao Ủy Trưởng mà thôi!

    Sau buổi lễ, quan khách ở lại thọ trai, còn đồng bào thì vào chánh điện lạy Phật hay dạo chơi chụp ảnh kỷ niệm trước sân chùa. Số khác ngồi tụ tập dưới mấy tàng cây sứ hoặc dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm tán gẫu, đợi chiều xem trình diễn văn nghệ. Hoà lẫn trong đám đông ấy tôi cũng cố chụp cho mình một tấm hình để gửi về cho ba mẹ ở Việt Nam xem như cách bày tỏ lòng hiếu thảo của đứa con xa xứ!

    Hôm đó tôi gặp chị Thu ngồi buồn thiu trên băng ghế cây nơi hồ cá. Xa xa gần cây Bồ Đề, bé Na đang vô tư vui đùa với mấy đứa cùng trang lứa. Tôi đến ngồi cạnh chị chuyện trò được dăm ba câu thì chị bỗng nhiên ngẹn ngào:

    - Má chị…chết rồi em!

    Tôi hoàn toàn bất ngờ trước hung tin của chị, nên nhất thời lúng túng:

    - Bác...bác làm sao mất… vậy chị?

    Nghe tôi hỏi, chị lắc đầu. Tiếng chị khóc thút thít, sụt sùi khiến tôi quýnh quáng, không biết an ủi thế nào và cảm thấy sự hiện diện của mình là thừa thải. Bấy giờ tôi mới để ý thấy trên ngực áo chị có một bông hồng trắng nằm lặng lẽ như nỗi buồn chị đang mang. Ngay lúc đó có một vị sư thầy từ hậu điện bước ra. Thấy chi khóc, thầy bước tới chấp tay, cúi đầu:

    - Nam Mô A Di Phật! Sao con khóc, thầy…có thể giúp gì cho con được không?

    Chị im lặng, đôi vai run run một lúc mới ngước nhìn lên, mặt đẳm lệ:

    - Má con…má con…ở Việt Nam mới mất được gần một tháng rồi thầy!

    Nói tới đó thì chị chợt khóc oà lên làm con bé Na hốt hoảng chạy lại ôm chầm lấy chị và mọi người đang dạo quanh sân chùa hướng cả ánh mắt về phía chỗ chị đang ngồi làm tôi thêm bối rối.

    - A Di Đà Phật! Hồng trần là chốn tạm dung. Có sinh thì có diệt! Con hãy vào đây với thầy.

    Đoạn thầy dẫn chị vào phòng khách. Giữa phòng có đặt một chiếc bàn gỗ dài với hai băng ghế hai bên. Ở tấm vách phía trong dùng để ngăn với “work shop” đàng sau có ghi ba chữ thật lớn Cúng Dường Pháp trên cao. Tôi và một số phật tử cũng nối gót bước vào theo.

    - Tất cả chúng ta ai cũng biết “thành trụ hoại không” nhưng để thấu cái lẽ và sống cho được an nhiên với cái lý ấy thì không phải dễ! Vì sao? Vì chúng ta là con người chưa tu tập hay đang tu tập nhưng chưa thành đạo. Và vì vô minh nên chúng ta chưa giác ngộ được triết lý của Đức Phật.

    Nói xong thầy rót lấy một ly nước đang úp trong một cái khay được bày sẵn trên bàn và bước ra ngạch cửa. Thầy hơi nghiêng người, đổ ly nước xuống đất. Nước loang ra một khoảng rộng:

    - Các con ai có thể hốt nước đó đổ vô ly lại giùm thầy được không thì xin mời?

    Tất cả yên lặng nhìn vũng nước. Vài phút sau nước thấm vào đất rồi tan biến. Chờ đợi một đổi không thấy ai lên tiếng thầy chỉ tay vào chỗ mặt đất còn ướt nói tiếp:

    - Chỗ ướt này chút xíu nữa sẽ khô đi và không còn lại gì. Trả lại đất, cát bụi muôn đời cố hữu. Thế còn nước? nước đã đi đâu?

    Đột nhiên giọng thầy vút cao:

    - Nước đi vào lòng đất, nước về với nguồn, với mẹ, ra sông ra biển, bốc hơi, gặp lạnh ngưng tụ tạo ra những giọt nước nhỏ. Khi nhiều giọt nước nhỏ này tích tụ ở mây lâu ngày sẽ làm mây dày và nặng lên rồi các giọt nước nhỏ sẽ liên kết thành giọt lớn hơn rơi xuống thành mưa. Đó là sự tuần hoàn của nước trong vũ trụ mà thầy giải thích nôm na cho các con dễ hiểu và đó như là “vòng luân hồi,” giáo lý căn bản của Phật giáo mà Đức Phật đã tìm ra. Thế cho nên chúng ta phải hiểu rằng “sắc tức thị không, không tức thị sắc!” Đời này là cõi tạm, thân này cha mẹ cho ta cũng chỉ là tạm bợ. Vạn pháp vô thường! Tất cả đều là không! Vì vậy phải ăn ở hiền lành ở kiếp này để gặt được quả lành cho kiếp sau. Do vậy các con hãy tu tập. Tu ngay hôm nay, tu ngay bây giờ. Nhưng tu làm sao cho đúng và thành chánh quả đó là vấn đề khác mà thầy sẽ nói sau. Tuy nhiên chúng ta hãy niệm Phật mỗi ngày. Niệm trong lúc rãnh rổi! Niệm bằng tâm thành! Mỗi ngày hãy cố gắng lắng lòng xuống chừng vài ba phút để tâm thật tịnh và hướng vể Phật mà niệm. Tịnh Độ là một pháp diệt khổ não cho chúng sinh mà người đời chúng ta ít để ý đến điều đó. Chúng ta chỉ nghĩ tới Phật khi hoạn nạn. Thật là vô minh! Với chị Thu, thầy mong chị sớm thấu cái lý những gì thầy vừa nói để không còn phiền muộn về sự mất mẹ mà hãy cầu nguyện cho mẹ sớm về cõi Phật và mau được đào thai làm người tốt ở kiếp kế tiếp. Không có ai mà có mẹ sống suốt đời với mình nên làm con chúng ta cố gắng làm tròn hiếu nghĩa khi mẹ còn sống như sáng nay các thầy có giảng. Hôm nay nhân ngày Vu Lan con hãy đưa tên tuổi ngày mất của mẹ con cho thầy để chiều nay thầy sẽ làm cho bà một buổi lễ cầu siêu.

    Mọi người cúi đầu, nghĩ ngợi miên man. Riêng tôi, bài thuyết pháp ngày ấy của thầy là một bài học lớn làm tôi ngộ ra cái “không” của cuộc đời để có thể an nhiên sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó của đời tị nạn suốt mười một năm dài.

    Cuối năm 1992, sau khi bị bác quyền tị nạn rồi tôi xin vào làm thiện nguyện viên ở cơ quan IOM nhằm để khuây khỏa và trau dồi thêm tiếng Anh. Nhiệm vụ của tôi là phụ trách làm thẻ ID mới cho những ai cần. Do đó ngày ngày tôi thường đưa một số bà con ra tiệm chụp hình ngoài phố để chụp hình làm thẻ rồi lấy “charge invoice” đem về, cuối tháng IOM sẽ thanh toán với tiệm theo hợp đồng.

    Trưa một hôm khi tôi từ phố về phòng thì nghe thằng Sinh cho hay là hồi nãy chị Thu có qua kiếm tôi vì hình như là con chị đau thế nào đó cần phải qua bệnh viện bên Wescom nhưng IOM không có xe vì anh tài xế Robert đã lấy xe chở Kerry và Mary đi công việc rồi. Nghe thế tôi sang bệnh xá tìm và được chị Muối, thiện nguyện viên y tế bảo là chị Thu quá sốt ruột con nên đã tự đưa cháu sang đó rồi.

    Tôi về lấy xe Suzuki nữ 50 phân khối của phòng chạy sang Wescom. Khi tôi dựng xe trước cổng và vừa bước vào trong thì chị Thu đã khóc nức nở khi thấy tôi. Xa xa trên giường bé Na đã được vô nước biển và nằm nhắm mắt ngủ thiêm thiếp. Thằng Đạt, thiện nguyên viên ở đây cho tôi biết là đang chờ bác sĩ. Chúng tôi bước ra ngoài sân, chi Thu mếu máo:

    - Bé Na nó ói mửa, mắt trợn trắng và người co giật liên tục mà họ cứ bảo chờ xe về hoài em. Đợi lâu quá không được chị ẳm nó chạy một mạch từ bển sang đây cho rồi.

    - Chuyền nước biển vô rồi chắc cũng OK. Để bác sĩ tới xem sao? Thằng Đạt vừa nói vừa lấy tay đẩy cái mắt kính cận đang trễ xuống mũi lên.

    Thấy bé Na tạm ổn tôi cáo từ chị trở về mà lòng suy nghĩ mông lung. Đường từ IOM qua đây cũng cả cây số mà chị ẳm con bé chạy bộ giữ trưa nắng như đổ lửa ấy thì thật là tội. Cứ nghĩ tới hình ảnh đầu tóc rũ rượi, mặt mũi bơ phờ của chị khi nãy tôi thấy xót xa làm sao! Đúng là tình mẹ thương con thì to lớn như trời rộng mênh mông mà không có bút mực hay lời văn nào diễn tả hết được. Chỉ có cố nhạc sĩ Y Vân là người duy nhất cho đến hôm nay đã dùng âm nhạc nói lên được cái “tình mẹ thương con không quản thân gầy dù mưa hay nắng” ấy qua bài Lòng Mẹ bất hủ mà chưa có nhạc phẩm nào thay thế nổi!

    Năm tháng trôi qua, không chịu tự nguyện hồi hương, chúng tôi cứ ở lì trong trại dù sau cùng Cao Ủy đã rút đi không còn trợ cấp lương thực, đóng cửa trường học, cắt bỏ trợ cấp y tế và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Nhiều hôm ngồi ngoài bãi biển nhìn thủy triều vẫn lên xuống một cách như vô tình xói mòn niềm tin và hy vọng, tôi mới thấy chị Phấn thật tài!

    *

    Chuyện người tị nạn cuối mùa ở Phi cuối cùng cũng được đi định cư thế nào thì hôm nay ai cũng biết, không cần phải nhắc lại. Tôi may mắn được vào Mỹ và vài năm sau thì hay tin hai mẹ con chị Thu đi Canada. Mừng thay cho cái đám “tiền hung hậu kiết” đầy lận đận của chúng tôi!

    New London Healthcare; một cái “nursing home” ở Atlanta của tiểu bang Georgia mà tôi dự trù đi mất tám tiếng đồng hồ từ nhà tôi nhưng nào ngờ vì đường sá sữa chữa, lại kẹt xe nên vợ chồng tôi và thằng con phải mất thêm hơn hai tiếng nữa mới đến nơi.

    Chúng tôi đến đây vào một buổi chiều cuối tuần để thăm một ân nhân. Chị Bi là bạn của mẹ tôi và cũng là người ơn của gia đình tôi. Ngày xưa khi ba mẹ tôi túng thiếu chị là người đã giúp đỡ tài chánh để ba mẹ tôi có đủ tiền cất nhà vì lúc ấy chị là chủ tiệm bán ván ép ở đường Trương Minh Giảng nên rất khá giả. Và khi biến cố Mậu Thân 1968 xảy ra, chị đã cất công đi lùng sục ở tất cả các trại tạm cư chứa đồng bào tị nạn chiến tranh tại Saigon-Gia Định để tìm kiếm gia đình tôi đưa về nhà chị tá túc. Tôi không hiểu tại sao hồi nhỏ mọi người cứ bảo chúng tôi gọi chị bằng chị chứ thật ra thâm tâm tôi vẫn xem chị như mẹ, vì chị không nhỏ hơn má tôi bao nhiêu tuổi!

    Như lời con trai chị cho biết, cái nursing home này khá khang trang và sạch sẽ. Khi chúng tôi tới anh ra đón và đưa vào trong. Từ lối đi qua lớp cửa kính tôi trông thấy chi đang ngồi trên chiếc “wheel chair,” với mái tóc đã bạc trắng. Trông chị ốm và yếu hẳn đi tuy vậy chị cười rất vui và nói huyên thuyên lúc chúng tôi bước vào. Tôi mừng khi chị vẫn nhớ và nhận ra tôi. Nhưng anh Mosali con chị lại nói:

    - Tại anh nói có vợ chồng em đến nên “bả” làm vậy chứ chút xíu là bả quên liền hà!

    Khi vợ tôi bắt chuyện với chị, tôi có cơ hội quan sát khắp phòng và cảm thấy thật là buồn cho đời người già ở nursing home bởi xung quanh chị lúc đó cũng có vài ba người tới thăm người thân ngồi gần đấy. Nhìn mấy ông bà già đờ đẩn, gục đầu trên xe lăn như cây sắp lìa cành tôi cảm thấy một bầu không khí ảm đạm chết chóc phủ trùm.

    Vợ tôi chợt khều tôi nói nhỏ:

    - Chị ấy mới hỏi em anh là ai kìa?

    - Thấy hông anh nói mà, từ ngày bả bị té đến giờ trí nhớ bả yếu lắm.

    Chúng tôi ở đó độ chừng một tiếng. Tôi cắt móng tay, móng chân cho chị rồi đưa chị về phòng khi chị muốn đi tiểu. Trong phòng tôi thấy có một bà Mỹ già ở cùng với chị đang nằm lim dim trên giường, người lép xẹp, mỏng dính, tóc lơ thơ chỉ còn vài ba cọng, trông rất yếu ớt. Chị nhìn tôi than thở:

    - Ở đây buồn lắm, không có người Việt Nam để nói chuyện. Ăn đồ Mỹ ngán quá, chị thèm nước mắm!

    Nghe chị nói tim tôi đau nhói và xót xa quá nhưng nào biết làm sao hơn. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng phải từ giã chị và anh Mosali để về khách sạn. Đi khỏi cái không khí ảm đạm, bệnh hoạn ấy tôi thấy người bớt nặng nề, tâm trí nhẹ nhàng hơn.

    Đêm hôm ấy trong khách sạn, hình ảnh ốm yếu của chị khiến tôi liên tưởng đến một người phụ nữ khác. Chị Thu! Không biết bây giờ chị ra sao? Có giống vậy không vì chị cũng đang ở “nursing home” bên Alberta, Canada.

    Mấy tuần trước đây tôi được điện thoại của Tuấn, thằng em ngày xưa cùng Khu Bảy với chị ở trại tị nạn, hiện đang định cư tại Montréal cho biết năm ngoái chị Thu bị “stroke” và té ngã nhưng may mắn là bị nhẹ nên cũng qua khỏi. Tuy vậy hiện hai chân chị yếu phải ngồi xe lăn, tay trái không giở lên được. Tháng trước có việc qua Calgary, tiện thể nó đến thăm chị luôn. Gặp nó chị khóc hoài vì cô đơn!

    Bé Na bây giờ là y tá chỉnh hình (Orthopaedic nursing) của một bệnh viện, có chồng là bác sĩ người bản xứ và được một đứa con gái. Nó hôm nay rất giàu có và luôn bận bịu chuyện nhà chuyện chồng con ít có thời gian viếng thăm chị. Chị bảo mùa thu chị không thích ngồi gần cửa sổ trông ra ngoài vì chị buồn và nhớ Na!

    Lúc nói chuyện với Tuấn tôi chưa có ý nghĩ không tốt về bé Na nhưng chiều nay thấy tình cảnh của chị Bi tôi tự hỏi “cả đời chị Thu hy sinh cho nó mà sao giờ đây bé Na chẳng sắp xếp để chị được gần gủi nó khi ốm đau?”

    Đúng hay sai? Đó là một vấn đề nan giải của người Việt trên xứ người hôm nay. “Tình mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu**” nhưng lòng con thương mẹ ở Mỹ thì lại chỉ như… là lá mùa thu thôi!

    Nói về Mẹ là nói về một chuyện rất xưa cũ nhưng không bao giờ dứt vì tình mẹ thương con không gì đong đầy, lòng mẹ thương con bao la như trời biển. Mẹ là một cõi trời riêng, là một tác phẩm nghệ thuật sống vĩ đại không bao giờ phôi phai mà phận làm con chúng ta hãy cố gắng làm tròn bổn phận bằng tất cả những gì chúng ta có thể để mai này khi mẹ mất đi chúng ta thấy rằng chúng ta đã không lỗi đạo!

    Mùa Vu Lan Năm Bính Thân. Miamisburg, ngày 02 tháng 08 năm 2016

    Triều Phong-TPN

    Chú thích:

    *: Cá lớn là tiếng lóng ám chỉ ghe dùng để vượt biên trong thời kỳ người Việt tìm được trốn khỏi chế độ cộng sản.

    **: Trích trong bài “Lòng Mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân.

  4. #44
    Con đặt đâu cha mẹ ngồi đó

    Một buổi chiều Chúa Nhật, vợ chồng tôi chở các con đi tham dự buổi đấu bóng rổ chung kết giữa các trường Công Giáo ở Hoa Thịnh Đốn và vùng phụ cận về; vừa bước chân vô cửa đã nghe tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi. Vợ tôi nhấc điện thoại, nói chuyện trong giây lát rồi quay sang bảo tôi:

    - Anh Dũng muốn nói chuyện với anh. Bà cụ Thanh đang hấp hối ở bệnh viện George Washington.

    Tôi vội vàng đến cầm điện thoại:

    - Hello anh Dũng. Cụ bị sao vậy anh?

    - Bà cụ nhà tôi bị mệt vài tuần nay, đã nhập viện được mấy hôm rồi. Sợ không qua khỏi. Anh chị sắp xếp lên một tý được không? Bà cụ muốn gặp vợ chồng anh. Các em tôi cũng tề tựu đây cả.

    - Vâng. Chúng em lên ngay.

    Vừa lái xe từ nhà lên Washington, DC tôi vừa tưởng nhớ lại kỷ niệm quen biết bà cụ Thanh từ mấy tháng nay...

    Tôi đến phi trường Chicago – Illinois vào một buổi tối mùa đông. Ngoài trời gió thổi vù vù, và tuyết vẫn tiếp tục rơi... Hôm đó chuyến máy bay của tôi đến trễ hơn một tiếng đồng hồ vì bão tuyết. Tôi biết mình đã lỡ chuyến bay chuyển tiếp để trở về Washington D..C. nên chạy vội vàng tìm văn phòng lo thủ tục đổi vé. Khi biết tôi là người Việt Nam vì mang họ Nguyễn, cô nhân viên của hãng Delta đã nhờ tôi làm thông dịch viên để nói chuyện với một bà cụ khoảng 80 tuổi đang ngồi ủ rũ bên quầy bán vé. Bà cụ Thanh cũng bị lỡ chuyến bay về Maryland, nhưng vì không nói được tiếng Anh nên cụ không biết phải làm sao, cứ ngồi lim dim, lặng lẽ đọc kinh lần chuỗi...

    Lo xong thủ tục giấy tờ cho hai người, tôi quay sang:

    - Để con dẫn cụ đi nhận phòng ngủ rồi kiếm gì ăn tối. Sáng mai mới có máy bay cụ ạ.

    - Cám ơn cậu. Cậu gì nhỉ?

    - Dạ con tên Huy. Cụ để con xách hành lý cho. Con dẫn cụ lên phòng cụ trước, rồi con tìm phòng con sau. Sắp xếp xong con qua dẫn cụ đi ăn tối.

    - Cậu cho tôi ở chung với được không? Tôi không biết tiếng Mỹ, làm sao ở một mình trong nhà trọ được.

    Tôi dở khóc dở cười trước đề nghị của bà cụ; nhưng đã nhận lời vì nghĩ tới mẹ tôi. Cụ Thanh làm tôi nhớ mẹ thật nhiều với những lần đưa mẹ đi đây, đi đó thăm anh em bà con lúc mẹ tôi qua Mỹ du lịch... Tôi dẫn bà cụ về phòng trọ. Cũng may trong phòng có sẵn hai chiếc giường đôi. Tôi gọi điện thoại
    về nhà báo tin cho vợ con biết hôm sau mới về được vì bị bão tuyết. Sau khi nói chuyện với vợ con xong, tôi quay sang hỏi cụ Thanh:

    - Cụ có mang theo số điện thoại của các anh chị không? Con giúp cụ gọi điện thoại về báo tin máy bay bị trễ tới mai, kẻo các anh chị ấy lại lo lắng.

    Cụ Thanh mở "ruột tượng", lần mãi mới lấy ra một xấp tiền và mấy tờ giấy cuộn tròn trao cho tôi:

    - Cậu Huy coi rồi giúp dùm tôi nhé. Tôi có biết số nào ra số nào đâu.

    Tôi mở xấp giấy ra xem, có cả một tờ giấy ghi sẵn bằng tiếng Anh phòng khi gặp trở ngại thì trao cho nhân viên ở phi trường để xin giúp đỡ... Tìm ra tờ giấy đánh máy số điện thoại của nhiều người, tôi hỏi cụ:

    - Con nên gọi cho ai bây giờ?

    - Nhờ cậu gọi về Texas cho con Lành dùm tôi. Vợ chồng nó thương tôi nhất, chỉ tội nghèo. Đi đâu tôi cũng nói chuyện với nó, rồi nó nói lại với mấy đứa khác, nhất là với vợchồng thằng Dũng ở Thủ Đô vì hôm nay tôi về trên đó.

    - Nếu thế con gọi thẳng về Maryland cho anh chị Dũng luôn cũng được.

    - Tuỳ cậu.

    Tôi để lại lời nhắn trong máy cho anh chị Dũng, và hẹn hôm sau sẽ gọi lại cho biết chuyến bay và giờ giấc bà cụ về tới phi trường BWI (Baltimore Washington Internation Airport) để họ ra đón. Phần tôi sẽ bay về phi trường National Airport nên không đi chung chuyến bay với cụ được. Sau khi tắm rửa, tôi mời cụ đi ăn, nhưng cụ từ chối vì trong xắc tay đã có sẵn vài nắm cơm vắt với muối mè và giò lụa. Thay vì ra ngoài kiếm gì ăn, tôi đã nhận lời ngồi lại ăn cơm nắm, muối mè và giò lụa với bà cụ Thanh...

    Tối hôm đó, tôi đã thức trắng đêm nghe bà cụ tâm sự.

    “Tôi mới qua Mỹ được gần 2 năm nay thôi cậu Huy à... nhưng tôi cứ phải đi lung tung nhiều chỗ vì con cháu mỗi đứa một nơi, và chúng nó cứ đẩy qua đẩy lại làm tôi chóng cả mặt. Tôi buồn lắm, chỉ muốn về Việt Nam, nhưng không biết phải làm sao. Hơn 70 tuổi đầu tôi mới học được điều này là con cháu sang Mỹ khác xưa nhiều lắm. Trước đây ở Việt Nam, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, còn bây giờ qua Mỹ thì... ngược lại: Con đặt đâu cha mẹ ngồi đó! Cậu nghĩ tôi nói có đúng không?”

    Tôi đang nằm mơ mơ màng màng nhớ mẹ, chưa kịp lên tiếng trả lời, bà cụ Thanh lại tiếp tục:

    - “Vợ chồng tôi có 5 người con; cứ đứa trai rồi đứa gái cách nhau 3 tuổi. Nhờ trời thương, gia đình làm ăn cũng khấm khá nên đứa lớn được ông nhà tôi gởi đi du học bên Mỹ từ năm 70, rồi lấy vợ và ở lại luôn bên này. Năm 75, vợ chồng đứa con gái kế đưa thêm được thằng út nhà tôi đi, bây giờ đang ở bên Ca-li. Thằng thứ ba đi lính ngoài Trung, lấy cô vợ người Huế, rồi làm mai cho ông anh vợ lấy con em gái kế nó. Hai thằng đi cải tạo về rồi cũng sang Mỹ theo diện H.O.. và định cư ở Texas. Vợ chồng tôi có giấy tờ bảo lãnh từ lâu, nhưng ông nhà tôi nhất định không đi; và tôi cũng chẳng ham muốn gì chuyện đi Mỹ, chỉ mong thỉnh thoảng chúng nó đưa các cháu về thăm là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng hơn 4 năm trước, Chúa đã gọi ông nhà tôi về với ông bà. Chúng nó cứ thúc ép mãi, nhưng tôi cũng không đi. Ngày giỗ mãn tang ông nhà tôi, vợ chồng thằng lớn về thăm quê hương, và tìm đủ lý lẽ thuyết phục tôi đi Mỹ vì “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” nên tôi đành “nhắm mắt đưa chân”.

    Ngày đặt chân đến Mỹ phải nói là ngày hạnh phúc nhất trongđời tôi, cậu Huy ạ. Con cháu dâu rể tề tựu đông đủ hết, cả cô bồ của thằng út Đức cũng bay sang mừng ngày đoàn tụ của gia đình tôi. Nếu như chúng nó chỉ khóc chứ đừng nói gì như lúc gặp nhau ở phi trường thì chắc tôi còn vui nhiều nữa.

    Đằng này, vừa gặp tôi, thằng Đức đã xì lồ xì lào có một câu ‘hi mom’ rồi lo quấn quýt với con bồ người Mỹ của nó. Tôi thấy chướng mắt quá, chỉ muốn chửi cho nó một trận, nhưng con Hoa đã phân trần cho em: ‘Con xin mẹ đừng giận cậu út... Nó sang Mỹ từ nhỏ, chúng con lại bận rộn công ăn việc làm nên không có thì giờ dạy cho em nó hiểu phong tục tập quán của mình. Mẹ thấy đó, từ cách đi đứng, nói năng, cử chỉ của em Đức đều đúng y chang là một thanh niên người Mỹ, chỉ khác có màu da. Mẹ đừng buồn.’ *

    Cậu Huy nghĩ coi làm sao mà tôi không buồn cho được. Tôi thương thằng Đức nhất nhà vì nó là út đã đành, nhưng vì nó phải xa tôi từ lúc mới 6 tuổi đầu. Hơn 20 năm trời mới gặp mẹ mà có cứ lo xà nẹo với con bồ Mỹ trước mặt tôi và các anh chị nó... và nhất là các cháu nhỏ. Coi chướng mắt hết sức!

    Tôi thất vọng quá cậu Huy à. Nhưng đó chỉ là bước đầu...

    Suốt một tuần liền chúng nó lôi tôi đi chụp hình khắp thủ đô, rồi mạnh đứa nào bay về chỗ đứa đó, giam tôi một mình trong căn nhà rộng thênh thang của thằng Dũng. Vợ chồng nó đi làm suốt ngày. Hai đứa con cũng đi học và ở luôn trong trường, mà nếu bọn nhỏ có ở nhà cũng chẳng nên cơm cháo gì vì chúng nó chỉ nói toàn tiếng Mỹ! Tôi ngồi một mình suốt ngày nhìn ra đường, lúc nào cũng "vắng như chùa bà đanh" nên tôi cứ nghĩ mình đang bị tù cậu Huy ạ. Riết rồi tôi chịu không thấu nên ngã bệnh. Vợ chồng thằng Dũng đưa tôi đi khám bác sĩ, lấy thuốc uống... Rồi không biết vợ chồng nó bàn nhau sao đó, tự động mua vé máy bay đẩy tôi sang Ca-li ở với vợ chồng con Hoa.

    Lúc ở bên nhà, tôi cũng nghe nói Ca-li có nhiều người Việt, có khu chợ Việt Nam rất sầm uất, không khác chi Sài Gòn nên tôi cũng mừng trong bụng. Thêm vào đó, tôi cũng muốn được ở gần thằng út để hướng dẫn nó được tý nào hay tý đó. Gần 30 tuổi đầu rồi mà cứ lang thang, không chịu cưới vợ gì cả...

    Nhưng vợ chồng con Hoa lại ở đâu miệt phía bắc, nghe nói phải lái xe cả ngày mới tới vùng Quận Cam nên tôi lại buồn hơn vì vợ chồng thằng Dũng đi làm công sở, khoảng 6 giờchiều đã về nhà. Đàng này vợ chồng con Hoa mở cái tiệm gì đó, tối nào cũng nửa đêm mới về.. Con cái thì mạnh đứa nào đứa đó lo, đi học về là chui ngay vào phòng riêng. Tôi muốn vào nói chuyện với các cháu thì tụi nó không cho, lại còn nói tiếng Mỹ với nhau tỏ vẻ nhạo báng bà ngoại cổ hủ, lỗi thời, không tôn trọng "xi xi" gì đó (privacy).

    Tôi tủi thân chỉ biết ngồi khóc một mình.. tuần cũng không gặp được thằng út. Mãi sau này tôi mới biết là nó thuê "pạc-măng" (apartment) ở riêng với con bồ Mỹ chứ chẳng cưới xin gì hết. Chúa Nhật cũng không thấy đi lễ đi lạy gì cả. Tôi khổ tâm lắm, bắt con Hoa gọi nó về, chửi cho một trận. Nhưng tôi nói gì mặc tôi, nó cứ ngồi trợn mắt ngó lên trần nhà chứ có hiểu tôi nói gì đâu!

    Quá thật vọng với mấy đứa con và các cháu ở Ca-li, tôi nói với cái Lành mua vé máy bay cho tôi về Texas ở với chúng nó và vợ chồng thằng Hiền. Cậu biết đó, chúng nó mới sang sau này theo diện H.O. nên còn nghèo lắm; được cái là hai anh em lấy hai chị em nên chúng nó hòa thuận thương yêu nhau. Hai gia đình chung nhau mua một cái nhà khá lớn vì cả hai đều đông con.

    Thằng Hiền và thằng Khanh đi làm cho một hãng cuốn chả giò vì không có nghề nghiệp chuyên môn. Hai con vợ nhận hàng về nhà may tối ngày sáng đêm. Nhà đông người, lại chất đầy vải vóc, kim chỉ... Thôi thì bụi bậm, rác rưởi không thua gì mấy khu vực lao động bên Sài Gòn. Tôi bảo chúng nó là thằng Dũng và con Hoa đều giàu có, sao không kêu anh chị giúp vốn cho mà làm ăn buôn bán cho đỡ vất vả... Tôi nói mặc tôi, chúng nó không đứa nào trả lời trả vốn gì hết.

    Tôi chờ tới hôm thằng Dũng và con Hoa gọi điện thoại hỏi thăm mới la cho một trận là tại sao không giúp đỡ các em. Cả hai đứa đều nại đủ lý do phải chi tiêu khoản này khoản nọ, không có khả năng để cưu mang cho ai. Con Hoa lại còn kể công đã nuôi thằng Đức bao nhiêu năm từ ngày thằng út mới đi học lớp một! Tôi mở hết hầu bao, có vài ngàn bạc để dành từ Việt Nam, tôi giao hết cho con Lành, nói nó dùng làm vốn mở tiệm gì đó buôn bán cho đỡ cực hơn làm nghề may khoán. Lúc đó tôi mới biết là số tiền vài ngàn bạc ở Mỹ này chẳng làm được gì hết!

    Ở chung với vợ chồng con Lành và thằng Hiền được mấy tháng thì bệnh suyễn của tôi tái phát. Bác sĩ bắt tôi phải đi ở chỗ thoáng mát, tránh bụi bậm ô nhiễm.... Thằng Dũng đã không biết thương em thì chớ, lại chửi chúng nó là không biết lo cho mẹ, tự động mua vé máy bay bắt con Lành đưa tôi trở về.

    Tôi ở nhà vợ chồng đứa con trai trưởng mà cứ nghĩ như mình bị đưa đi tù vậy đó, cậu Huy à. Nó giam tôi từ mùa thu cho tới mùa Xuân, cứ ngồi trong cửa sổ nhìn lá vàng rồi lá rụng, tuyết xuống phủ đầy sân rồi tuyết tan... Tôi cứ thui thủi một mình lần chuỗi suốt ngày, ngoại trừ Chúa Nhật nó chở tôi đi lễ ở nhà thờ Mỹ gần nhà. Tới mùa hè, vợ chồng nó bàn nhau đi "cu" đi "cụ" gì đó (cruise) 3 tuần trên biển, nên gọi cho con Hoa nói sẽ gởi tôi về bên đó vài tháng. Tôi quá thất vọng với con cháu bên Mỹ nên cũng chẳng thèm nói năng gì, mặc kệ chúng nó. Tôi lại lạch cạch khăn gói về Ca-li. Mới ở được vài tháng chúng nó lại "tống" cổ tôi về Houston vì "không có thì giờ để hầu mẹ"!

    Tôi chỉ muốn chết đi cho xong, nhưng mình là người Công Giáo đâu dám nghĩ chuyện làm bậy. Không biết vợ chồng hai đứa "nghèo" bàn nhau làm sao mà tôi mới về ở được vài tuần, chúng nó nói sẽ đi mướn một một chỗ riêng cho tôi ở để bệnh suyễn của tôi không phát lại vì bụi bậm trong nhà nó. Tôi thương các con, các cháu còn nghèo nên đòi về lại "nhà tù" của thằng Dũng chịu khổ một mình hơn là gây thêm gánh nặng cho mấy đứa nhà nghèo. Cực chẳng đã, chúng nó đã phải mua vé máy bay cho tôi trở về với thằng Dũng giữa mùa đông như thế này. Cũng may mà gặp được cậu...”

    Bà cụ Thanh bật khóc nức nở. Tôi không biết phải làm gì nên cứ để cụ khóc một lúc cho nguôi ngoai... Và chợt nhớ tới khu "nhà già của các cụ cao niên ở gần nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nên nhỏ nhẹ nói với cụ:

    - Để mai về bên đó con liên lạc với anh Dũng xem có thể sắp xếp gởi cụ tới ở chung với các cụ trong Hội Cao Niên bên giáo xứ chúng con cho vui. Vừa có bạn bè người Việt, vừa có các bạn trẻ tới chở đi lễ nhà thờ Việt Nam...

    - Được thế thì còn gì bằng. Mà ở đó có gần nhà cậu Huy không?

    - Cũng gần cụ ạ. Và cũng không xa chỗ anh Dũng lắm đâu, tuy là 2 tiểu bang khác nhau nhưng chỉ cách con sông Potomac...

    - Thế cậu Huy giúp dùm tôi nhé. Tôi chẳng trông mong gì nơi vợ chồng thằng Dũng cả.

    - Vâng. Đàng nào con cũng đã ghi số điện thoại anh Dũng đây rồi, cuối tuần con sẽ nói chuyện và nếu tiện con sẽ chở vợ con sang thăm cụ cho vui; và thỉnh thoảng chúng con xin phép đón cụ sang bên này đi lễ Việt Nam cho biết..

    - Giêsu Lạy Chúa tôi. Được thế thì có chết tôi cũng mãn nguyện. Tôi đi nhà thờ Mỹ cứ như vịt nghe sấm chứ có hiểu gì đâu. Tôi nói vợ chồng nó chở đi nhà thờ Việt Nam nhưng chúng nó bảo giờ giấc không thuận tiện nên chưa bao giờ đưa tôi đi cả cậu ơi!

    - Cũng gần sáng rồi, cụ nghỉ một lát cho đỡ mệt rồi còn sửa soạn ra phi trường.

    - Cậu nghỉ đi, tôi già cả rồi có cần gì ngủ nghỉ. Tôi làm khổ cậu thức suốt đêm. Xin Chúa Mẹ thay tôi báo đáp công ơn cho cậu.

    Sau khi trở về Virginia, tôi đã liên lạc với vợ chồng anh Dũng. Anh chị ấy đã mời chúng tôi qua chơi ngay cuối tuần đó để cám ơn tôi giúp đỡ bà cụ hôm bị lỡ máy bay ở phi trường Chicago. Tôi nói sơ qua về việc gởi cụ vào "nhà già" bên Virginia cho có bạn, có bè... nhưng anh đã kịch liệt phản đối vì sợ các em trách là "vợ chồng anh đẩy mẹ vô viện dưỡng lão"! Tôi giải thích mãi là mình chỉ muốn sắp xếp làm sao cho cụ vui lúc tuổi già, nhưng anh chị ấy cũng không nghe theo. Cuối cùng tôi chỉ xin phép đón cụ sang nhà tôi chơi với mấy đứa nhỏ vài lần vào dịp cuối tuần, và chở cụ đi nh thờ Việt Nam. Ôi thôi, cụ mừng như đứa trẻ mới lớn, lần đầu được mẹ cho đi chợ sắm quần áo mới và sách vở đi học lớp vỡ lòng! Lần nào tôi chở về lại nhà anh Dũng cụ cũng rươm rướm nước mắt, nhưng chúng tôi cũng không biết phải làm sao hơn được. Vợ chồng tôi bàn nhau, nếu mùa hè này mẹ tôi qua Mỹ du lịch lần nữa, chúng tôi sẽ xin phép anh Dũng để cho hai bà đi chơi với nhau một thời gian cho cụ đỡ buồn... Nhưng mùa hè chưa tới!

    Vợ chồng tôi vừa bước vào khu vực ICU (Intensive Care Unit, khu chăm sóc đặc biệt) ở nhà thương George Washington đã gặp vợ chồng anh Dũng và mấy người nữa đang ngồi nơi hành lang phòng chờ đợi (waiting room). Anh Dũng chạy tới bắt tay tôi:

    “Cha tuyên uý đang làm các phép cho bà cụ nhà tôi.. Chắc cũng sắp xong rồi. Tôi sẽ dẫn anh vào ngay cho cụ gởi gắm ít lời. Cụ nhắc anh mãi. Họ chỉ cho vào mỗi lần 2 người thôi. Bác sĩ nói chắc bà cụ nhà tôi không qua khỏi đêm nay. Cụ đang nuối anh đó, anh Huy à. Tôi là con mà không lo được cho cụ như vợ chồng anh..” Nói rồi anh Dũng giới thiệu vợ chồng tôi với gia đình các em của anh. Chúng tôi ngồi chờ mấy phút thì cha tuyên uý đi ra. Ngài nói vài lời an ủi gia đình rồi lại vội vàng đi xức dầu cho một bệnh nhân ở lầu dưới. Anh Dũng kéo tôi đi vào gặp bà cụ... Đôi mắt cụ sáng hẳn lên khi nhìn thấy tôi và anh Dũng bước tới bên giường. Cụ thều thào:

    - Dũng con. Mẹ chỉ còn một ước muốn cuối cùng, và mẹ muốn con hứa với mẹ truớc mặt cậu Huy là con sẽ...

    - Vâng, con sẽ nghe lời mẹ. Con xin mẹ tha thứ cho chúng đã làm mẹ buồn lòng.

    - Mẹ không buồn giận các con. Hai năm nay mẹ đã đi đông, về tây theo sự sắp xếp của các con... Các con đặt đâu mẹ ngồi đó! Nhưng sau khi Chúa cất mẹ về, mẹ xin con một điều... con cho mẹ được về nằm bên cạnh mộ cha con bên Việt Nam... Cậu Huy, tôi mang ơn vợ chồng cậu nhiều lắm.... đã cho tôi được hưởng sự ấm cúng của một gia đình bên Mỹ. Xin Chúa Mẹ trả công cho... gia... đình...

    Tôi đang thầm thì kêu Tên Cực Trọng: "Giêsu, Maria, Giuse.... Xin Ba Đấng gìn giữ và đón tiếp linh hồn Anna" thì nghe anh Dũng òa lên khóc nức nở. Tôi nhìn qua thấy bà cụ Thanh miệng vẫn như mỉm cười nhưng hơi thở đã tắt !

    Nguyễn Duy-An

  5. #45
    Bài Thơ Viết Trên Tường Nhà Dưỡng Lão

    Con ơi ! Bây giờ mẹ đi chân không vững,
    Nhấc không nổi bước
    Mẹ xin con nắm tay mẹ dìu mẹ, chậm thôi...
    Như năm đó Mẹ dìu con đi những bước đầu ...

    Con ơi ! Khi con còn thơ dại,
    Mẹ dạy con cầm thìa, dùng đũa ăn cơm
    Mẹ dạy con buộc dây giày, chải tóc, lau nước mũi
    Những kỷ niệm về những năm tháng mẹ con mình sống bên nhau
    Làm mẹ nhớ thương da diết
    Vì thế, khi mẹ chóng quên, mẹ chậm lời
    Con hãy cho mẹ chút thời gian, xin con chờ mẹ chút
    Cho mẹ suy nghĩ thêm
    Cho dù cuối cùng ngay cả định nói gì
    Mẹ cũng quên...

    Con ơi ! Con quên là mẹ con ta đã tập luyện hàng trăm lần
    Con mới thuộc khúc đồng dao đầu đời ?
    Con nhớ không mỗi ngày mẹ đáp
    Những câu ngây ngô, hàng trăm câu con hỏi từ đâu
    Nên nếu mẹ lỡ kể lể nhiều lần những câu chuyện móm răng
    Ngâm nga những khúc ru con thời con bé
    Xin con tha thứ cho mẹ
    Xin con cho mẹ chìm trong những hồi ức ấy nhé !
    Xin con đáp lời mẹ kể những chuyện vụn vặt trong nhà !

    Con ơi ! Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày,
    Ăn cơm vãi đầy vạt áo
    Chải đầu tay bần bật run
    Đừng giục giã mẹ
    Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm
    Mẹ chỉ cần có con ở bên
    Mẹ đủ ấm.

    Con ơi ! Bây giờ mẹ đi chân không vững, nhấc không nổi bước
    Mẹ xin con nắm tay mẹ
    Dìu mẹ, chậm thôi
    Như năm đó....
    Mẹ dìu con đi những bước đầu đời.

  6. #46
    Mùa Vu Lan nhớ mẹ
    Thanh Thúy

    Một mùa Vu Lan nữa lại đến. Như bao mùa Vu Lan khác, tôi thường phải đi hát xa nhà. Năm nay, khi vừa đặt chân xuống phi trường San Jose... tôi bỗng chợt nghe lòng ngậm ngùi nhớ đến mẹ tôi vô cùng. Càng nhớ, tôi biết mãi mãi mình chỉ là con người bất hạnh - vì mẹ đã chẳng bao giờ còn nữa để tôi có dịp săn sóc mẹ, lo lắng cho mẹ để đáp đền phần nào công lao trời biển của bà. Giọt nuớc mắt tôi hôm nay hình như lúc nào cũng muốn trào ra - nhất là khi tôi đứng giữa hội trường cất lên tiếng hát. Giữa những tiếng vỗ tay thương yêu khen ngợi của mọi người, tôi cứ mường tượng mẹ tôi vẫn lắng nhìn và nghe tôi đang hát như ngày nào: “Mẹ ơi! Mẹ có biết hay chăng? Biết gì! Biết là con thương mẹ không!”. Tôi đứng hát... và hình như cảm thấy mình đang khóc. Bất chợt, tôi nhớ lại những lần trình diễn trong các mùa Vu Lan cũ và một vài kỷ niệm từ đâu bỗng chạy về. Năm 1992, tôi phải bận đi hát 1, 2 nơi xa xôi cùng một ngày, nên khi vừa trình diễn xong Dallas, tôi phải ra ngay phi trường để về lại Orange County lập tức. Đến khi người nữ tiếp viên phi hành khen “hoa đẹp quá”, tôi mới sực nhớ trên áo mình còn cài một đóa hồng màu trắng. Mân mê đóa hoa trên tay, nước mắt tôi chợt dâng đầy. Hơn 30 năm rồi, qua bao mùa Vu Lan, tôi vẫn chỉ nhận được một đóa hoa màu trắng. Những tưởng 30 năm dài có thể xoa dịu nỗi thương đau mất mẹ, nhưng không hiếu sao mỗi khi mùa Vu Lan về, tôi lại càng thấm thìa nỗi cô đơn của một người con lớn lên trong đời mà không có mẹ dắt dìu.

    Mẹ tôi đó - một nguời đàn bà cả một đời tận tụy lo cho các con khôn lớn - để rồi cuối cùng bỏ lại tất cả ra đi - khi các con đã bắt đầu nên danh phận. Hôm nay - nhìn một quãng đời trôi qua - nhìn lại những gì gặt hái được trong đời sống, tôi biết đó là nhờ công lao trời biển của mẹ. Và cũng chính bằng tình yêu mẹ và con, kèm theo những ơn phước của Trời ban, tôi hôm nay mới có đuợc những gì hạnh phúc an bình nhất.

    Năm 1959, mẹ tôi lâm bịnh nặng. Tiền thuốc thang, tiền nhà thương... thật khó khăn, nan giải vô cùng cho hoàn cảnh chúng tôi lúc bấy giờ. Và đó cũng chính là động cơ - để tôi bắt đầu bước chân vào nghề ca sĩ - mục đích chỉ để sao cho kiếm được tiền về lo thuốc thang cho mẹ. Và đó có lẽ là động lực mạnh mẽ nhất để đẩy một đứa trẻ nhút nhát như tôi lại “dám” lên sân khấu, đứng dưới ánh đèn, trước mặt quá đông khán giả. Mẹ tôi đã vì chúng tôi mà cơ cực, thì có sá gì những lần run rẩy khi được “đẩy” ra sân khấu. Tôi cố gắng dẹp sợ hãi qua một bên, để chỉ nghĩ đến hình ảnh và nụ cười của bà, và cất tiếng hát.

    Tôi đi hát chỉ một thời gian ngắn, vừa bắt đầu có tên tuổi là mẹ tôi đã qua đời. Tuy nhiên, bà cũng đã nghe được tôi hát, đã rực rỡ hẳn gương mặt - đã ôm máy radio vào lòng - đã lim dim thưởng thức tiếng ca của tôi, tuy lúc bấy giờ hãy còn non kém. Tôi làm sao quên đuợc cảnh tượng này, khi bà sung sướng và hãnh diện nghe người ta giới thiệu tên tôi. Và cũng không có gì sung sướng và hãnh diện cho bằng có một nguời ái mộ là người mình yêu quý nhất trên đời.

    Mỗi mùa Vu Lan về, tôi đi hát để mong mọi người nhớ đến mẹ - để thương yêu - để lo lắng và để săn sóc cho mẹ lúc mẹ còn sống, và tiếc thương nếu mẹ đã qua đời.

    Sống đời lưu vong, có nhiều người còn kẹt lại mẹ già nơi quê nhà xa xôi, nên dù được cài hoa hồng đỏ trên áo, tâm trạng họ cũng không hơn gì những người cài hoa hồng trắng. Tôi nghĩ rằng - họ - cũng nghe cay đắng tìm về trong hồn, cũng nghe nước mắt dâng đầy mi mỗi khi mùa Vu Lan lại đến.

    Tiếng động cơ nổ mạnh đem tôi về thực tại. Lau vội mấy hàng nước mắt chạy dài trên má, tôi chợt rùng mình. Chợt nhớ đến mấy câu thơ một lần tôi đã được đọc, và đã đuợc thấm thía nỗi nhớ mẹ cùng với tác giả, chỉ khác là tác giả có thể một ngày tìm về mẹ, còn tôi muôn đời chỉ được đến với bà trong những cơn mơ mà thôi.

    Mẹ ơi nay áo con đã rách
    Con biết bao lâu trở lại nhà
    Để mẹ vá dùm, con thấy lạnh
    Gió lùa nỗi nhớ thấm vào da...

    Còn cái lạnh nào bằng cái lạnh của nỗi nhớ. Càng sống nhiều chừng nào, lại càng nhớ mẹ, hiểu được thế nào là niềm đau mất mẹ.

  7. #47
    HIẾU THẢO
    BBH

    Cậu là một kỹ sư. Cô là một dược sĩ. Bề ngoài, trông họ rất đẹp đôi. Bề trong, họ tâm đầu ý hợp, yêu nhau tha thiết. Họ hẹn hò trong ba năm rồi quyết định lấy nhau. Bàn đến hôn nhân, cậu cảm thấy phải cặn kẽ để tránh mọi phiền lòng về sau cho cả hai. Cậu nhắc cô nhớ cậu còn cha già đau yếu, cần bàn tay cậu trực tiếp chăm sóc. Nếu nhận lời về làm vợ cậu, cô được mời chung sống với cha con cậu dưới cùng một mái nhà.

    Đến đây, cô ngần ngừ, băn khoăn, hình dung ra cảnh gia đình có một cụ già không còn khỏe mạnh, bèo nhèo, lúc nào cũng cần con cái giúp đỡ chứ không phải cái tổ ấm nên thơ của một đôi tân hôn. Chao ôi! Chắc là phiền nhiễu không ít. Nặng nhọc không ít. Tự do và thời giờ sẽ bị giới hạn. Rồi làm sao mà đi du lịch? Làm sao mà đi dự party với bạn bè lúc khuya muộn? Căn nhà của họ đâu phải là nursing home? Chả lẽ lấy chồng rồi, cô lại phải làm công việc của người y tá mà cô không bao giờ thích cả nếu không nói là cô thấy ghê ghê... Đắn đo với mình mãi, cô trả lời cậu:

    “Em nghĩ đâu nhất thiết bố phải sống với vợ chồng mình? Còn nhiều giải pháp khác mà anh!”

    Đây là chỗ bất đồng sâu xa giữa cô và cậu vì đối với cậu, thực sự không còn giải pháp nào khác. Và như thế, họ chia tay. Cậu rất đau vì cậu biết cậu yêu cô. Cô tuy có buồn nhưng ít đau vì cô giận, cho rằng trong lòng cậu, chọn lựa cao nhất không giành cho cô. Cùng lắm, cô chỉ chiếm vị trí số 2.

    Từ đó, cậu không quen một người bạn gái nào khác nữa. Cậu đi làm về, săn sóc đấng sinh thành, từ cái khăn rửa mặt đến cái ly uống nước, lấy thế làm vui. Tuần vừa qua, cụ ông bệnh, phải vào nhà thương cấp cứu. Cậu nghỉ một tuần phép, kề cận ngày đêm bên bố, không muốn ông cụ bị sợ hãi giữa những người xa lạ. Hết phép, cậu cắt đặt các anh chị em thay phiên nhau vào trông nom bố. Thêm một tuần nữa, các anh chị có người mỏi mệt, hỏi cậu: “Bố ngủ suốt ngày, có biết gì đâu, ngồi ở đây cũng như không thôi!” Cậu trả lời:

    “Bố nhắm mắt, chưa chắc đã ngủ. Không có con cái bên cạnh, bố sẽ buồn và sợ. Ai cũng mỏi mệt thì phải chung nhau tiền và thuê người vào trông bố.”

    Cậu tìm thuê một người, mỗi đêm thức, ngủ bên cạnh cụ. Ban ngày, các anh chị em vẫn thay phiên nhau vào trông nom bố.

    Cụ nằm bệnh viện 4 tuần rồi được bác sĩ cho về nhà. Từ 3 hôm trước, cậu thân hành và kêu gọi anh chị em phụ dọn dẹp trong ngoài phòng nằm của cụ, thay giặt chăn gối sạch sẽ để đón cụ về.

    Bạn bè, bà con, ai biết chuyện, có trách móc hay chê bai cô, cậu chỉ nhũn nhặn trả lời:

    “Thánh giá của tôi nặng lắm, cô ấy không kham được cũng nên thông cảm.” Thúc dục cậu tìm đối tượng khác, cậu chỉ cười nhẹ, đáp lại:

    “Mỗi lúc một việc, bây giờ hãy lo cho cụ đã.”

    Không ai đoán được sự bình thản nhìn thấy rõ ở cậu có ngụ ý mong chờ một ngày nào đó, phép lạ của Tình Yêu đôi lứa khiến cô sẽ hiểu một thứ Tình Yêu khác và cũng sẵn lòng chấp nhận như cậu, hay không?

  8. #48
    Who Will Care for the Caregivers?
    https://www.nytimes.com/2017/01/19/u...aregivers.html

    Caregiver sacrifices rest for parents
    Mary Beth Faller

    Marcella Soloway averages about five hours of sleep a night, and even that weighs heavily on her.

    “I go to bed with a prayer that when I wake up, they’ll still be breathing,” she says of her parents, whom she cares for in her Gilbert home.

    Soloway, like many caregivers, sacrifices sleep. In a Gallup poll released in October, 47 percent of people who care for a chronically ill person reported that their duties interfered with their sleep.

    Several factors combine to rob Soloway of a restful night. She works full time as a corporate travel consultant, and she must get up at 5:30 a.m. to prepare meals to leave for her parents, Jerome, 83, who has congestive heart failure, and Bina, 73, who has breast cancer. After work, she shops for food. She unwinds by writing in her journal and goes to bed around midnight.

    Often, her parents get up in the night, awakening her.

    “I sleep with an intercom and one ear and one eye open,” she says.

    If she sleeps through that, often the dog will bark.

    “Then the cat meows. It’s like a cartoon,” Soloway says. “When I hear them, when they need something, no matter how tired I am, I get up.”

    Says Suzanne Hyde, a medical social worker at the Virginia G. Piper Cancer Center at Scottsdale Healthcare Shea, “It’s a serious problem with serious consequences. We can’t prevent sleep disturbances in our patients, and they sometimes have to wake up.

    “But it goes back to the message of self-care, says Hyde, who counsels caregivers that they must take care of themselves properly so they can care for their loved ones.

    Lack of sleep promotes crankiness and frustration, which undermines a person’s inclination to take care of herself, Hyde says. It also affects the ability to solve problems, concentrate and prioritize.

    “I’m in a constant state of tiredness,” Soloway says. “The doctor told me I can’t drink coffee anymore, but it’s the only vice I have left in my life.”

    Every few months, Soloway says, she gets sick for a few days.

    “It’s like my body is saying ‘I’ve asked you to slow down,’ she says.

    Hyde says that accepting help is the best way to improve sleep for caregivers, although this is difficult for many.

    Maybe they can have an overnight caregiver come into the home and look forward to one or two nights of rest. Different home health agencies provide overnight care,” Hyde says.

    Also, family members can take overnight shifts to relieve the caregiver.

    Soloway has put her life on hold while she cares for her parents, but she says she is happy to do it.

    “I told myself when this is over I’m going to get a face lift,” she says. “I have dark circles, but there are a lot of smile lines too, which is nice.”

  9. #49
    Hương Đêm
    PHƯƠNG TRIỀU

    Mẹ già lặn lội bờ ao
    Kiếm được đồng nào để lại cho con
    Mẹ già còm cỏi hao mòn
    Một đồng cũng nhịn cho con đủ đầy!

    Buổi chiều cuối tuần, anh tôi ghé đón tôi về nhà anh để sáng sớm cùng lên phi trường đi Kansas dự đám cưới. Nhà tôi ỏ St. Paul, trên một con đường lúc nào cũng ồn ào, chợ búa. Nhà anh chị tôi ở Burnsville, Minnesota, trong một khu vực hết sức tĩnh lặng Tôi vốn yêu quí cái không khí yên bình, lặng lẽ của khoảng không gian này nên thỉnh thoảng về đây để phần nào tìm lại cái cảm giác êm đềm thơ ấu của một góc trời quê hương.

    Chị tôi có giờ overtime nhưng chị cũng về kịp lúc, tươi cười:

    - Hôm nay chị sẽ cho hai anh em thưởng thức chút hương vị Việt Nam.

    Hai anh em vừa dọn ly chén ra thì chị cũng vùa bưng lên món nhắm hấp dẫn. Cái tài của người phụ nữ Việt Nam là thế. Ba mươi giây là xong ngay.

    Các đấng phu quân quê tôi, tự cổ chí kim thường có một cố tật giống nhau. Nhậu bất kể giờ giấc, bất kể thời tiết và... trên mọi địa hình. Vui quá: nhậu! Buồn quá: nhậu! Không có chuyện gì làm: cũng nhậu! Có tiền thì gỏi gà, cá hấp, cua rang muối... Không tiền thì mắt me, xị rượu cũng đủ làm nên cuộc ngữa nghiêng! Diễn tả cái cảnh khề khà, ly đưa ly đón thì tôi nghĩ không có động từ nào đúng hơn động từ Nhậu. Ông chồng đôi khi chỉ cần nói vắn tắt vài tiếng: “Nhậu nghe mình!”, rồi thì bất biết bà vợ xoay sở ra sao. Vậy mà vẫn tuơm tất, đàng hoàng.

    Cái câu “phu xướng phụ tùy” hiểu bằng nghĩa hẹp trong truờng hợp này cũng đủ diễn tả cái tài và cái đức hy sinh của phụ nữ con cháu của bà Âu Cơ. Trong khi cuộc nhậu diễn ra thì bà vợ vẫn thường giữ một vẻ mặt niềm nỡ tươi cười để chồng thêm phần hứng khởi và nhất là hãnh diện với khách tri âm, mặc dù trong lòng bà đôi khi bấn lên vì những món nợ tháng, nợ ngày.

    Ở phần đời này của người phụ nữ Việt Nam, tôi không nói đến chức năng làm mẹ của các bà. Công đức người mẹ thì người phụ nữ Việt Nam còn vĩ đại và tuyệt vời gấp vạn lần.

    Hai anh em vừa uống bia vừa nhấm nháp món chả và nem nướng, không thiếu chút gì của hương vị quê hương. Ôi, lão bà này thật lắm tài. Chỉ thấy bà thấp thoáng trong bếp, vẫy tay quơ cái đũa thần thì nhà hàng đã... “Có ngay, thưa quí khách!”

    Hai anh em, mỗi người một cặp song kiếm, chiến đấu không ngừng. Thoáng cái là đĩa mồi đã hết sạch. Chị tôi tươi cười;

    - Hai anh em có vừa miệng không? Nè, chú em, nịnh chị một tiếng, chị cho đĩa nữa.

    Tôi cũng cười:

    - Khỏi nịnh! Quân ta đã càn quét không còn một địch quân nào trên chiến trường chưa đủ rõ tài ba của bà chị sao? Nè, bà chủ, cho một đĩa nữa đi. Chậm quá, hai anh em tui đi... nhà hàng khác!

    Anh tôi cười ha hả. Tôi hơi giật mình. Người anh họ này của tôi ít khi nào cười lớn tiếng, ngay cả trong gia đình. Tiếng cười đó làm mắt chị sáng lên. Thế là chị lại lao vào bếp. Thì ra hạnh phúc nhiều khi thật đơn giản.

    “Một mái nhà tranh, hai quả tim vàng”, đôi khi là sáo ngữ, nhưng dù sao câu đó phần nào giúp ta mường tượng được cái bình thường mà quí báu của một hạnh phúc có thật được nuôi dưỡng bằng chất liệu tình yêu. Không bằng mắt mà bằng trái tim, chúng ta có thể dễ dàng thấy nó bàng bạc khắp nơi trong không khí ấm cúng của gia đình.

    Anh tôi là một chuyên viên cơ khí, làm việc ở phi trường. Trong ngày đứt phim 30 tháng 4 năm 1975, anh mất liên lạc với gia đình, một mình thoát qua Mỹ. Anh tôi đi trước, như một khinh binh làm nhiêm vụ xich hầu.

    Chị tôi và các cháu còn kẹt lại ở Việt Nam. Đến khi nhận được tín hiệu của anh gởi về, chị và các cháu lần lượt tìm đến đoàn tụ với anh qua con đường biển đầy hiểm nguy sinh tử. Giờ thì đã nhất gia đoàn tụ. Các cháu đều đã tốt nghiệp đại học và bốn đứa đã lập gia đình. Anh chị đã trở thành “lão ngoại” và sắp sửa lên ngôi “lão nội”. Thằng con út thì hiện là kỹ sư tập sự.

    Nhiều lần anh chị tôi căn dặn các con:

    - Nhớ tập cho các cháu nói tiếng Việt và ăn đuợc cái món mắm và rau!

    Anh tôi vốn là người nghiêm túc. Dạy con đôi khi cũng có phần khắc khe quá mức. Anh nói:

    - Không phải tôi cổ hủ quá đâu, chú! Chỉ mong chúng nó giữ được tư cách con người. Trong cái xã hội có nhiều sắc dân này, mình phải sống thế nào để có thể hãnh diện tự giới thiệu mình là người Việt Nam.

    *

    Tôi thức giấc lúc ba giờ sáng, ngồi ở vuông phòng cây kiểng của anh tôi, nhấm nháp ly cà phê không đường và hít mấy hơi thuốc lá. Đêm đang chuyển dần về sáng. Chòm cây phong thưa lá, im lìm trong giấc ngủ của đêm dài. Trời khá lạnh, nhưng hương đêm vẫn thoảng những hơi thở nồng nàn.

    Thời tiết chưa vào trong Thu mà Minnesota đã bắt đầu rét ngọt. A, hai cái tiếng “rét ngọt” này tôi dùng chắc cũng không chính xác lắm. Mấy tiếng “rét ngọt, rét đậm” tôi nghe được khi còn ở các trại tập trung miền Bắc. Trời dạo đó về mùa Đông, thuờng xuống đến 1-2, thậm chí gần 0 độ C! Người nào cũng đánh bò cạp. Bạn tôi la lên:

    - Rét quá đi chứ! Nào có thấy ngọt, đậm gì đâu!

    Ở tù bao nhiêu năm, lần lượt di chuyển qua các rừng núi thượng du, trung du và bây giờ ở trên đất Mỹ, tôi cũng chưa đo lường được trời rét khi nào đậm, khi nào ngọt. Chỉ thấy có một điều là hễ rét là rung thôi.

    Sinh trưởng ở miền Nam, quanh năm mưa nắng hai mùa, tôi quen hít thở cái không khí đồng bằng và tắm bằng nước mát sông Tiền, sông Hậu. Cái góc trời hiền hòa Sa-đéc chưa bao giờ cho tôi nếm mùi cái rét ngọt, thì biết thế nào gọi là rét đậm! Vậy mà... cái năm đó, tôi mới thật sự biết thế nào là “trời cao đất dày”.

    Năm 1976. buổi sáng mùa Đông lạnh buốt xương. Chúng tôi nhồi trộn rơm với đất và nước để trét vách nhà. Động tác phải thật nhanh, cố tình làm cho huyết quản lưu thông, góp phần giúp cơ thể chống lại cái lạnh từ trong xương lạnh ra. Mãi miết với công việc thì cũng quên được phần nào ngoại cảnh. Nhung làm sao quên được cả ngoại cảnh lẫn nội tại trong cùng một lúc. Một trong những cái nhu cầu của cuộc sinh hóa con người. Mắc tiểu. Mắc cầu. Làm sao bây giờ? Không lẽ ị đại trong quần! Đời nào! Người tiền sử cũng chẳng khi nào làm thế, huống hồ là ta, con người sắp bước vào thế kỷ hai mươi mốt vốn là “cây sậy biết suy nghĩ” và văn minh tột bậc.

    Thôi thì đành thọc tay xuống dòng suối lạnh như nước đá, kỳ cọ cho sạch bùn đất cái đã.

    Ôi trời, cái volume tủ lạnh thiên nhiên này sao mà ghê khiếp! Cũng phải ráng mà qua. Nhưng giai đoạn khốc liệt nhất là chui vào bụi cây, cởi quần đưa cái mông ra ngoài. Thế là mặc cho gió rét thổi vô hồi kỳ trận vào cái mông... đau khổ! Đôi khi nín... thở, tê điếng và quên mất là mình đang làm cái công việc vệ sinh cơ thể!.

    Bây giờ ngồi đây, miền Bắc Hoa Kỳ mà khi tôi mới đến, một anh bạn đã nói đùa: “Mình ở miền Bắc Hoa Kỳ tức là mình trở thành dân... Bắc Kỳ”, trong cơn thời tiết chuyển mùa, tôi không khỏi ngậm ngùi thương nhớ một góc trời quê hương thơ ấu.

    Ở đó, tôi còn một nguời mẹ già mà trọn đời bà là một chuỗi ngày kết nối bằng những ngóng trông, chờ đợi. Bà đã mất một phần đời son trẻ để chờ đợi cha tôi - người chồng phiêu bạt của bà. Cuộc đời giang hồ lãng tử cùa ông đã khiến ông trải bao ngày tháng trên những con tàu, sân ga, quán trọ nhiều hơn là ở trong mái ấm gia đình. Mỗi lần ông tạt về nhà rồi ra đi thì sau đó, gia đình tôi lại gia tăng dân số. Đến ngày ông mệt mõi, ốm đau dừng bước giang hồ thì mẹ tôi lại có thêm một hướng mong chờ khác: những đứa con bắt đầu trưởng thành và đi học ở phương xa.

    Đến khi đất nước lâm vào cuộc lửa binh thì mẹ tôi lại thêm mờ mắt mong chờ những đứa con chinh chiến. Và, khi tàn cuộc thì bà cũng có những đứa con mang thân tù ly xứ và lần lượt rời bỏ quê hương.

    Cả một đời mẹ tôi là thế đó. Bây giờ tôi đã cách xa bà nửa vòng trái đất. Sáng nào tôi cũng nhìn vào gương, thầm đếm xem tóc mình đã có bao nhiêu sợi bạc để tính tuổi đời của mẹ. Khi tận cùng thấm thía được nỗi nhọc nhằn của cả đời mẹ thì mẹ đã đến lúc gần đất xa trời. Rồi tôi lại nhìn xuống đàn con, buổi sáng lao xao đi học, đi làm thì một phần nào hiểu được cái nghĩa của món nợ “đồng lần” trải dài từ thế hệ này qua thế hệ khác.

    Từ bé đến giờ, tôi vốn có thói quen thức dậy cùng giờ với mẹ. Ba giờ sáng. Cha tôi bảo tôi có cùng một nhịp thở với mẹ. Khi sinh ra tôi, bà đã tặng tôi một phần quả tim thao thức của bà.

    Mấy năm sau này, các em tôi buôn bán gà vịt. Mẹ tôi thức dậy đúng giờ, ngồi lặng lẽ ở hiên nhà. Các em tôi buộc gà vịt để ở giữa sân. Mẹ tôi ngồi trông chừng cho đến khi các em tôi chất hết lên xe chở đi cho kịp buổi chợ sớm. Cái loại gà vịt thì khi nào bị đụng chạm tới là chúng la oang oác và phóng uế vô tội vạ.

    Sáng nào cũng vậy, khi các em tôi đi hết rồi thì trong nhà, từ sau ra trước vãi đầy phân gà vịt. Đây là lúc mẹ tôi làm công việc vệ sinh nhà cửa. Các em tôi muốn luân phiên ở lại dọn dẹp thì bà không bằng lòng:

    - Hãy để mẹ làm! Có mệt nhọc gì đâu! Mẹ không quen ăn không ngồi rồi báo con báo cháu.

    Thỉnh thoảng mẹ tôi lại thở dài.

    - Các con cũng nên kiếm nghề khác làm ăn, chớ cái nghề mua sinh bán tử này không tốt đâu các con!

    Bà cụ già lụm cụm quét nhà, quét sân, cọ rửa chuồng gà, chuồng vịt. Và, bà đã hít thở cái không khí đậm đặc ô nhiểm đó ngày này qua ngày khác.

    Có lần bà đã té bầm cả bắp chân mà cứ giấu không cho ai biết. Cháu tôi bóp chân cho bà, thấy được, hoảng hốt hỏi bà:

    - Nội ơi. Nội bị té hả nội?

    Bà khoác tay:

    - Bậy nào! Nội bị ma cắn đó con!

    Phải. Mẹ tôi bị ma cắn. Con ma đói nghèo, cơ cực đã không buông tha bà trong suốt cuộc đời lao khổ. Bây giờ lận đận ở quê người, dành dụm được chút ít gửi về cho bà, tôi vẫn nghĩ là không thể nào bù đắp nỗi sự thua thiệt của bà. Em tôi gửi thư qua “Tiền anh chị gửi về, mẹ chia hết cho các con, không giữ riêng một đồng nào”.

    Bây giờ, giờ giấc ở Tây bán cầu khiến tôi không còn chung một nhịp sống với mẹ. Ở đây tôi thức dậy ba giờ sáng thì bên mẹ ba giờ chiều. Cho nên hàng ngày, cứ đến ba giờ chiều, tôi lại có thói quen nhìn đồng hồ rồi lẩm bẩm:

    - Giờ này mẹ thức dậy rồi!...

  10. #50
    BÔNG HỒNG CÀI ÁO
    Nhất Hạnh

    Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn.

    Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: “Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ.”

    Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến :

    Năm xưa tôi còn nhỏ
    Mẹ tôi đã qua đời !
    Lần đầu tiên tôi hiểu
    Thân phận trẻ mồ côi.

    Quanh tôi ai cũng khóc
    Im lặng tôi sầu thôi
    Để dòng nước mắt chảy
    Là bớt khổ đi rồi...

    Hoàng hôn phủ trên mộ
    Chuông chùa nhẹ rơi rơi
    Tôi thấy tôi mất mẹ
    Mất cả một bầu trời.

    Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :

    Mẹ già như chuối ba hương
    Như xôi nếp một, như đường mía lau.

    Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.

    Công cha như núi Thái sơn,
    nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra .

    Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.

    Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.

    Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother's Day ) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

    Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

    Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!".

    Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"

    Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

    Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.

    Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!

    Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

    Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.

    Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

    Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

    Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.

    Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.

 

 

Similar Threads

  1. Những buổi chiều còn mưa
    By ndangson in forum Thơ
    Replies: 419
    Last Post: 12-28-2016, 01:04 PM
  2. Lai rai chiều nay
    By thuynh in forum Gia Chánh
    Replies: 438
    Last Post: 07-30-2013, 09:18 PM
  3. 95 tuổi vẫn chăm chỉ chuyện phòng the
    By ngocdam66 in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 5
    Last Post: 11-22-2011, 08:49 PM
  4. Bé 3 tuổi chăm mẹ chết mòn trên giường bệnh
    By tử đằng in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 0
    Last Post: 10-12-2011, 07:59 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 12:43 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh