Register
Results 1 to 10 of 104

Hybrid View

  1. #1
    Nhà Lầu
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    352

    • Hành trình đi tìm Nursing Home - Heather Pham

      Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019















      Mình làm POA (Power of Attorney) cho một người bạn, tháng trước bệnh viện chuyển bạn qua Rehab, nhưng vì không còn chỗ nên Case Manager gợi ý là chuyển tới NH (Nursing Home-Rehab), mình có hỏi bạn để mình kiếm NH tốt, bạn nói không sao vì Social worker nói mấy chỗ NH chung Rehab thường tốt hơn, và hứa sẽ kiếm một chỗ tốt cho bạn, gần bệnh viện, để tiện việc đi lại.


      Giải thích cho bạn NH, con quạ nào cũng đen như nhau, chẳng qua nó biết che hay không thôi. Bạn nói thấy mình bận rộn, với lại bạn biết tiếng Anh và còn tỉnh táo chắc không ai dám ăn hiếp bạn. Với lại sau này trước sau cũng vào NH ở, nên coi như trải nghiệm.
      <!>
      2 ngày sau mình vào thăm bạn, bạn nửa thức nửa ngủ, lờ đờ, Nurse nói bạn ngủ suốt, thường ngày bạn mình là người mất ngủ thường xuyên, mới đầu nghĩ là từ bệnh viện qua, rồi nhiều thuốc mới, có thể chưa quen và mệt. Mình yêu cầu coi list những thuốc bạn đã uống, họ cho tối đa PRN (thuốc yêu cầu khi cần) thuốc ngủ, bạn nói không hề yêu cầu thuốc ngủ, trong khi Nurse một mực nói có.

      Trước khi đi mình có chụp hình xung quanh phòng. Hai ngày sau quay lại, rác vẫn chưa đổ, gọi charge nurse complaint, họ đổ thừa là 2 loại rác, house keeping tưởng là rác y tế nên không dọn.

      Đồ ăn thì khỏi phải nói, 90% món ăn là đồ hộp hoặc đông đá, thịt gà cứng và khô, rau green bean thì mặn chát, tụi nhà bếp còn cắt luôn khẩu phần sữa, lại phải đi cãi lộn, mình biết tỏng là tụi nó giấu sữa Ensure đem về.

      Ngày sau nữa đến, Nurse quên làm wound care, trời ạ, vết thương cần thay băng mỗi ngày 2 lần. Thuốc thì một số prepack trong bịch nhỏ, tụi nó cứ ngắt ra mà không cần coi lại, vì dạng thuốc đóng gói sẵn nên chuyện sai sót thuốc dư thiếu là chuyện bình thường, nhưng nurse không hề kiểm tra lại, thuốc huyết áp mém chút uống gấp đôi. Nói bạn uống phải coi chừng, bạn vì quá đau nhức và không đủ sức khỏe nên cũng không lên tiếng.
      Mình biết bạn bị cho uống thêm thuốc ngủ mà không làm gì được.

      Đỉnh điểm là khi Nurse Aid đưa cho bạn mình nước, gọi call light cách đó 3 hrs, khi ngửi có mùi rất khó chịu, mình nói sao đưa nước lấy trong rest room hả, she chối. Mình nói giờ she viết giấy xác nhận, mình sẽ gọi State, police liền, đem nước đi phòng lab, coi có phải neglected patient không, she hoảng hồn nói chắc nhà bếp đưa nhầm, xin lỗi rối rít.

      Họ nói có transportation riêng đưa đón người trong đó, mình chứng kiến bà làm front desk kiêm tài xế đưa người đi, ai dè lúc đưa người ra khỏi xe, wheelchair bị vướng, ông lão bị lăn cù mèo té không đứng lên được, vì không có kinh nghiệm transfer người, bả mặc váy lùng phùng, quay ông già vòng vòng bầm dập, mình chạy vào gọi người ra giúp. Mình chắc chắn là gia đình họ sẽ không hề biết chuyện này.

      Ở NH nên đem đồ nhà càng nhiều càng tốt, thí dụ nước uống, bộ trải giường, hay khăn mặt trước đó họ chùi cái gì thì có trời biết được. Bạn mình thì cứ nói kệ, cho qua đi, bạn chịu khó để ý là được. Ngồi một chút tiếng người già la hét, khóc lóc, tiếng mấy cô nhân viên cũng la hét, mùi hôi khai không thể nào chịu nổi. Mình thừa biết, State muốn kiểm tra, khi qua được cửa thì mọi việc đã khác.

      Mình gọi phone cho Bác sĩ nói xin chuyển him đi chỗ khác, lần này mình tìm được NH khác, với rating khá cao, có RN, BSN chứ không phải LPN (*), phòng ốc sạch sẽ không hôi khai. Giường tối tân có gắn sensor, mỗi 2hr sẽ gọi vào beeper có người vào coi chừng, turn, thực đơn thì tương đối phong phú, có chef nấu.
      Nói chung mọi thứ vô cùng yên tâm.

      Sau 2 ngày thăm bạn, bạn than đau nhức quá, bị muscle spasm liên tục, tự nhiên mình nghi ngờ he bị withdrawal thuốc, hỏi có uống thuốc giảm đau không, he nói có, mình chờ đúng giờ gọi đưa thuốc, nói bạn nhìn kỹ viên thuốc tối nay coi nó đưa đúng thuốc không, y chang nó đổi thuốc thay thuốc Hydrocodone giảm đau loại mạnh, bằng Tylenol, mình lại làm người xấu đi complaint Nurse cãi nói viên đó không phải, sau đó thì mọi việc yên ổn, không còn bị uống thuốc dzỏm. (Tình trạng Nurse ăn cắp thuốc rất phổ biến ở NH)

      Nurse ở đây làm việc máy móc, computer bị lỗi software, không hiện thông báo, là có khi không cho thuốc antibiotics (through IV) bạn mình phải setup alarm để nhắc.

      Chuyện cái giường hiện đại, cứ 2hrs bất kể ngủ hay không CNA cứ đè bạn mình ra turn trái phải ������ làm 2 đêm đầu mất ngủ. He kể con nhỏ CNA mới đầu thấy him người VN tưởng không biết tiếng Anh, nên vừa ôm phone 8 vừa giúp him, bạn hỏi mày nói chuyện với tao hả, nó nói tưởng bạn mình không biết Anh, sau đó ôm phone xí xố ngôn ngữ khác.

      Mình kêu bạn thu âm gửi mình, nhờ cả đám coworker nghe là tiếng nước nào, sau khi biết là Creole nhờ coworker dịch, bả không dám dịch, nói tục quá. Mình nói cứ dịch, hôm sau lai chạy lên nữa gặp Nurse Manager, Social Worker, Administrator nói chuyện, họ tưởng mình là dân làm tiền chuyên nghiệp, kiểu như giả vờ bị abuse neglected rồi giả vờ đòi đi kiện, để được ăn ở free, hay hù dọa kiếm tiền. Bả offer này nọ, mắc cười chết luôn. Mình nói tôi từng làm việc nên biết, chỉ cần take care tốt cho bạn thôi.

      Thời gian 3 tuần cũng qua, bạn mình nói đâu ngờ Nursing Home kinh khủng vậy, mặc dù nghe mình nói rất nhiều chuyện, cứ nghĩ biết tiếng Anh, biết luật là không ai ăn hiếp, mình nói tụi nó rành mọi kẽ hở, lơ mơ là mình không làm gì được.

      Phải nói thêm là mỗi Nursing Home mình vào thăm, vài ba ngày lại đem hộp bánh, hộp kẹo vào, coi như vừa ủy lạo tinh thần, mình biết công việc NH không dễ dàng chút nào, và cũng ngầm ý, bạn tôi có người nhà.

      Mình suy nghĩ rất nhiều trước khi viết bài này. Là một người từng làm Nursing Home, Hospice, Bệnh viện, mình biết người nhà luôn phải tôn trọng, hòa nhã,với nhân viên, cũng là viec bình thường trong giao tiếp. Những ai đã gặp mình ở ngoài biết mình hiền khô à ������ Nhưng nhiều khi cũng nổi điên luôn.

      Dù biết mỗi nhà mỗi cảnh. Nếu bạn thật lòng yêu thương cha mẹ và người thân, xin đừng đem họ vào Nursing Home!

      (*) BSN= The Bachelor of Science in Nursing cao hơn RN= Registered Nurse, cao hơn LPN= Licensed Practical Nurse.

      (NH không phải cái nào cũng như nhau, cũng như ở đâu cũng có người tốt và người xấu.Nếu như không có sự chọn lựa phải vào NH, mình cũng hy vọng anh/chị tìm được một nơi tốt. Bài viết là kinh nghiệm bản thân, không thể dùng làm thước đo cho hệ thống NH ở Mỹ) như không có
      sự chọn lựa phải vào NH, mình cũng hy vọng anh/chị tìm được một nơi tốt. Bài viết là kinh nghiệm bản thân, không thể dùng làm thước đo cho hệ thống NH ở Mỹ)














    ******************

    “Nhà Tù không Đóng Cửa” …

    Sống ở Mỹ khá lâu nên tôi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tư tưởng của người Mỹ nên không có ý định nhờ vả con cái khi tuổi về chiều. Một ngày nào đó khi thấy mình không còn khả năng để tự lo cho mình được nữa tôi sẽ vào sống trong các “Boarding care” để có người chăm sóc, nếu tệ hơn sẽ được hưởng những phúc lợi dành cho người cao niên và được bảo vệ bởi hệ thống an ninh xã hội Mỹ.

    Ở Mỹ có “Nursing Home” được trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật và nhân sự chuyên môn để chăm sóc những người không còn khả năng tự lo cho mình, có “Hospice Service” chăm sóc vật chất lẫn tinh thần cho các bịnh nhân không thể sống hơn sáu tháng, giúp họ ra đi trong yên bình và giúp gia đình họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

    Nhưng tư tưởng lạc quan nầy đã hoàn toàn thay đổi từ khi tôi thật sự đối diện với tử thần và nếm mùi bịnh viện sau khi trải qua một cơn bạo bịnh phải nhập viện trong 10 ngày. Tuy đã được thoát chết, vết thương mổ xẻ đã lành, nhưng những đau đớn về thể xác và vết thương tâm thần mà bịnh viện để lại vẫn còn hằn sâu trong ký ức không bao giờ lành. Từ đấy tôi bắt đầu thấy sợ bịnh viện, sợ luôn cả nursing home vì đây chẳng qua chỉ là một hình thức khác của bịnh viện, bịnh viện của người già.

    Từ tâm trạng sợ hãi nầy tôi liên tưởng đến 4 năm hãi hùng mà nhạc mẫu tôi phải trải qua trong nursing home trước khi bà mất. Từ đấy những quảng cáo đẹp về nursing home với hình ảnh những cụ già vui chơi hạnh phúc được thay thế bằng những hình ảnh đau khổ của nhạc mẫu tôi và của những cụ già ngồi xe lăn ủ rủ, nghiêng ngả, cong queo, nhễu nhão, những gương mặt mếu máo, những ánh mắt vô thần.

    Chúng tôi may mắn được sống chung với cha mẹ vợ vì bà xã tôi là con gái út. Lúc còn khỏe ông bà nhạc của tôi quán xuyến hết mọi chuyên trong nhà để vợ chồng tôi được rảnh tay lo chuyện ngoài xã hội. Hai con tôi gần gũi với ông bà ngoại nhiều hơn với cha mẹ chúng. Đi học về vừa đến cổng nhà là đã réo gọi ông bà ngoại. Tuy nuôi con nhưng thật ra tôi chưa biết thay tã hay cho con bú! Kể cã tiếng Việt chúng nói đều nhờ ông bà dạy từ ngày chúng bập bẹ tập nói.
    Nhưng cuộc sống hanh phúc chấm dứt từ khi nhạc mẫu tôi ngã bịnh. Năm 78 tuổi, sau chuyến du lịch Việt Nam về, mẹ nằm suốt trong phòng, than mệt. Ngoài bịnh tiểu đường loại 2 mãn tính, mẹ thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiểu, đau cột sống, ho kinh niên và sau đó khám phá ra bị ung thư phổi. Từ đấy bà ra vào bịnh viện như đi chợ. Thiếu bàn tay của mẹ, gia đình tôi rối loạn lung tung, con cái đi học trể, cơm nước thất thường, nhà cửa bề bộn. Vợ chồng tôi phải tập lại từ đầu cách quán xuyến gia đình, nuôi con, thêm nuôi mẹ già trong bịnh viện. Bố cũng yếu chỉ hụ hợ chuyện lấy thơ, đổ rác, đóng cổng là đã than mệt rồi.


    Bác sĩ ung thư khuyến cáo không nên mổ xẻ hoặc trị liệu gì cho mẹ vì ung thư đã di căn đến não. Hơn nữa tuổi mẹ đã quá cao lại bị bịnh tiểu đường nên vết mổ không lành. Hãy để cho thiên nhiên quyết định vận mệnh của mẹ. Tôi dấu nhẹm lời bác sĩ bảo rằng mẹ chỉ sống tối đa là sáu tháng. Mẹ được cho về nhà với lời khuyên “thích ăn cái gì cho bà ăn cái nấy”. Nhưng “Còn nước còn tát” chúng tôi không chịu thua, chạy chửa bịnh cho mẹ bằng thuốc nam. Ai bày thuốc gì ở đâu tôi cũng tìm cho được. Khi lái xe mắt tôi cũng láo liên nhìn bên lề đường, dọc theo các hàng rào tìm cây cỏ “Dendelion” để hái lá cho mẹ ăn. Nghe nhà ai có cây nha đam chúng tôi cũng tìm đến xin hay mua cho bằng được. Bã xã tôi cầu nguyện cho mẹ hàng ngày không xao lãng.

    Như được một phép nhiệm mầu, bịnh ung thư của mẹ tôi thuyên giảm dần dần và sau mấy tháng khối u trong phổi tự nhiên biến mất. Bác sĩ gia đình rất vui bảo “đừng thắc mắc, hảy cứ tin là như vây đi”. Nhạc mẫu tôi thì tin là mình đã hết bịnh thật, còn vợ chồng tôi thì gần như kiệt lực, mong sau phép lạ sẽ kéo dài. Bịnh ung tư không thấy trở lại, nhưng bịnh đau cột sống làm mẹ đau đớn không ăn ngủ được nên sinh ra khó tính. Mẹ lại quên trước quên sau. Mẹ không còn kiểm soát được tiêu tiểu nữa nhưng nhất định không chịu mang tã. Bố cũng già mệt mõi, suốt ngày ngủ trong phòng. Ông bà lại không biết tiếng Mỹ, không dùng điện thoại, nên khi vợ chồng tôi đi làm lúc nào cũng phập phòng lo sợ.

    Bác sĩ gia đình đề nghị nên cho mẹ vào nursing home để dễ bề chăm sóc. Vợ chồng tôi đồng ý ngay nhưng gặp sự phản khán quyết liệt của nhạc mẫu tôi. Suốt đời mẹ không bao giờ xa gia đình nửa bước nói chi chuyện cách ly vĩnh viễn! Đối với mẹ, mất gia đình là mất tất cã. Chúng tôi nể mẹ nên không dám nói chuyện nursing home nữa, chỉ sợ làm mẹ buồn ảnh hưỡng đến sức khỏe.

    Nhưng sức khỏe của mẹ càng lúc càng tệ. Sau lần cấp cứu cuối cùng vì bị ngất xỉu, bác sĩ đề nghị phải đưa thẳng mẹ vào nursing home, vì theo ông, đó là cách tốt nhất để bác sĩ có thể theo dỏi bịnh tình và giữ an toàn cho mẹ.
    Ngày đầu tiên vào nursing home không ai nỡ bỏ mẹ một mình nên quấn quít bên bà cho đến tối rồi cũng phải ra về. Đó là ngày đầu tiên trong cuộc đời mẹ phải sống lẻ loi một mình bên những người xa lạ. Tôi còn nhớ rỏ gương mặt thẫn thờ của mẹ nhìn theo con cháu đang bỏ bà mà đi. Tôi không dám nhìn mẹ lâu hơn vì tôi thấy mẹ khóc, một điều rất lạ đối với nhạc mẫu tôi vốn là người đàn bà can cường và cứng rắn. Bố thấy tội nhiệp đòi mỗi ngày chở bố vào nursing home để ông chăm sóc cho mẹ. Được mấy tuần rồi tôi cũng chịu thua vì chuyện đón đưa hàng ngày thật là bất tiện. Còn nếu để bố đi xe bus nếu có chuyện gì xảy ra thì ai lo cho bố đây!

    Từ ngày Mẹ vào nursing home vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm, không còn phải lo lắng như khi xưa khi bỏ mẹ ở nhà. Chúng tôi yên tâm là mẹ được theo dõi và chăm sóc 24/7. Tan sở vợ chồng tôi chở bố vào thăm mẹ, thấy mẹ sạch sẽ thơm tho, giường nệm trắng tinh, kẻ qua người lại tấp nập vui vẻ lắm. Yên tâm chúng tôi dần dần xao lãng việc thăm viếng. Cả hai cháu cũng không còn đòi đi thăm ngọai nữa, nhiều khi phải bắt chúng mới chịu đi. Chúng không thích cái mùi trong nursing home.

    Từ ngày sống trong nursing home mẹ hoàn toàn thay đổi, trở nên trầm lặng, ít nói, khác hẳn với mẹ trước đó “quậy” tưng bừng trong bịnh viện. Mẹ chịu mang tã, nằm yên trên giường, không có ý kiến chuyện chung quanh, không đòi hỏi gì, không còn than phiền đau lưng nhức gối, hay càu nhàu vì thiếu ngủ, mất ăn như lúc ở nhà. Sau nầy mới biết bà đã được cho dùng thuốc an thần và thuốc đau nhức nồng độ cao nên lúc nào bà cũng ở trạng thái lờ đờ lim dim ngủ. Có lúc tỉnh táo, mẹ chỉ nhìn qua khung cửa sổ với đôi mắt vô thần. Hỏi mẹ có đau đớn gì không, mẹ lắc đầu. Hỏi có thích ăn uống đồ ăn Việt Nam không mẹ lắc đầu, tuy tôi biết là mẹ rất ghét đồ ăn Mỹ nhất là khẩu phần cho bịnh nhân tiểu đường và cao máu nhạt nhẽo không sao nuốt nỗi. Mẹ chịu đưng, sống âm thầm không một lời than thở.

    Cho đến một hôm mẹ nắm tay nhà tôi, nước mắt rưng rưng mẹ van xin:– Mẹ muốn chết con à. Con xin người ta cho mẹ chết đi!

    Bà xã tôi sững sờ, ôm mẹ năn nỉ:– Mẹ đừng nói kỳ vậy, phải ráng lên chớ, con biết phải làm sao bây giờ?
    Rồi vợ tôi cũng khóc. Tôi chỉ đứng nhìn. “Chúng tôi biết phải làm sao bây giờ”?

    Vợ chồng tôi đều nghĩ rằng đã tìm được giải pháp tốt nhất cho mẹ rồi. Mẹ thì đã “ráng” quá nhiều, ráng đến mõi mòn, đến kiêt quệ nên muốn bỏ cuộc. Đã bốn năm dài đăng đẵng mẹ sống nơi đây như cái xác không hồn.

    Có lúc chúng tôi vào thăm mẹ vào giờ ăn trưa thấy mẹ ngồi gục đầu trên xe lăn như một em bé ngoan, mắt nhắm nghiền, đợị đến phiên mình há mồm được đút cho ăn. Mẹ không còn thiết tha gì nữa.

    Những tháng cuối cùng mẹ nằm trên giường đưa mắt nhìn con cháu, không cử động hoặc nói năng gì. Hình như có điều gì u uẩn trong lòng mà mẹ không nói được hay mẹ có tâm sự gì nhưng muốn giấu kín trong lòng.

    Một buổi sáng sớm, tôi nhận được cú điện thoại từ nursing home báo tin là mẹ chúng tôi đã mất đêm qua. Bà mất lúc nửa đêm nên không ai hay biết cho đến sáng ngày hôm sau. Bà âm thầm ra đi không một lời từ giả, không một giọt nước mắt tiển đưa. Chắc mẹ cô đơn lắm lúc trút hơi thở cuối cùng. Suốt đời mẹ lo cho chồng, cho con, cho cháu, ngày mẹ ra đi chỉ có một mình, trong cô đơn. Có ai biết rằng không phải mẹ chỉ cô đơn trong giây phút ra đi mà mẹ đã chết từ lâu rồi, kể từ ngày mẹ bước chân vào ngưởng cửa nursing home, một nhà tù không cần đóng cửa. Tôi chợt hiểu được tại sao mẹ đã khóc ngày đầu tiên đến nursing home. Ngày ấy mẹ chấp nhận bản ản tử hình không văn tự vì muốn hy sinh cho con cái. Ngày ấy Mẹ đã khóc lời vĩnh biệt các con cháu rồi.

    Chúng tôi vội vã vào nursing home vừa kịp lúc nhìn mẹ lần cuối cùng trước khi người ta phủ kín mặt mẹ với tấm trải giường màu trắng rồi mang xác mẹ đi. Mọi người đứng nhìn theo chết đứng, ngỡ ngàng, đớn đau, nhưng không ai khóc thành lời. Chúng tôi đã biết là ngày nầy sẽ đến với mẹ, và hôm nay nó đã đến.

    Cái chết của nhạc mẫu nhắc tôi nhớ lại chuyện cổ tích về chuyện người tiều phu đẩy xe chở mẹ vào rừng cho thú hoang ăn thịt vì bà đã quá già. Tôi có khác gì người tiều phu đó, đã đưa nhạc mẫu tôi vào nursing home để chết. Đến một ngày nào sẽ đến lượt con tôi chở tôi đi như vậy sao?

    Tôi lại nhớ đến chuyện con voi già biết mình sắp chết, nó âm thầm đi vào cái “nghĩa địa voi” là cái hang động cho voi đến để chết. Nó âm thầm gục chết một mình bên cạnh những đống xương voi già đã chết trước nó. Tôi chợt nghĩ nếu con người làm được như con voi già thì con cháu không phải cực khổ vì cha mẹ già, không phải khổ tâm vì mặc cảm là đã làm một hành động bất nhân, bất hiếu, như tâm trạng hối hận của tôi bây giờ đối với nhạc mẫu của tôi.

    Nursing home. Cái trạm cuối của cuộc đời mấy ai tránh khỏi!

    Bạn đã chọn cho mình cách đến chưa?

    (source from Chú Chín Cali)







    Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm

    (04/12/2013) Tác giả : Cao Đắc Vinh

    Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ tư của ông.

    Bố tôi là cụ già đang sống trên tuổi trăm năm.

    Cụ bình an ở cõi trần 103 năm tính đến năm nay Quý Tỵ 2013. Con số tuổi thọ của Cụ tiếp tục cao giống như lời chúc mọi người thường tặng nhau mỗi khi Tết đến, xuân về.

    Bố tôi vẫn ăn được, ngủ được nên gọi Cụ là "Tiên giáng trần" theo như câu vè lưu truyền trong dân gian: "Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo..." nhưng thực tế, Cụ vẫn là "người" nên chẳng thể nào tránh khỏi cái chân lý sinh lão bệnh... của kiếp ba sinh.



    Một người già sống đến trăm tuổi nếu còn khỏe mạnh thì cũng chẳng khác cỗ xe cũ là mấy! Động cơ hao mòn, lúc chạy lúc ngừng tùy theo thời tiết nắng mưa... Bố tôi cũng đang bước qua chiếc cầu khổ đau của bệnh tật và thường hay than thân trách phận: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!"

    Sống trăm tuổi chắc chắn bệnh tật phải xếp hàng chờ đợi, không nặng thì nhẹ... Có điều là ở đời, nếu ai may mắn ít bệnh nan y lại hay tạo ra cảnh "Nhà giầu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột". Bố tôi chẳng phải ngoại lệ!



    Mỗi khi trời buồn đổ mưa, cho dù thuốc men đầy đủ, con cái cũng vẫn nghe tiếng Cụ rên rả rích như tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà! Cụ không còn đủ sức tự chế để an hưởng phúc lợi mà trời ban riêng cho mình ở tuổi "bách niên," có lẽ vì ít thấy cảnh khổ của kẻ khác nên hay bực dọc với bất cứ bất an nhỏ bé nào đến với mình.

    Quan sát tuổi già của Bố, tôi nghiệm thấy một sự thật đơn giản là con người ngoài số mệnh sẵn có, sống thọ và ít đau yếu còn nhờ vào sức mạnh miễn nhiễm của cơ thể. Qua bao chu kỳ bốn mùa, hết xuân lại vào thu với dị ứng, cảm cúm rình rập, Bố tôi chẳng lần nào chích ngừa mà vẫn khỏe, vi khuẩn vô tình xâm nhập tấm thân già ấy cũng phải tàn lụi vì hợp chất kháng thể.



    Mùa đông vừa qua, bệnh cúm hoành hành khắp các tiểu bang... Tôi đến thăm vào một buổi trưa, bàng hoàng thấy Cụ lâm trọng bệnh. Cụ ngồi ở "sofa", cặp mắt cá ươn lạc mất hồn, mê man nên không than thân như thường lệ! Ói mửa trên người, nước mũi chẩy xuống áo quần, hơi thở ngẹt vì đờm trong cổ làm cả nhà sợ hãi. Anh cả lên tiếng phiền hà em lơ đãng quên chích ngừa cho Bố, em trách anh biết lo xa, thế mà lơ là chẳng giúp? Bác sĩ khám bệnh và kê thuốc ho qua loa, ngạc nhiên chỉ một tuần sau, Cụ bình phục rồi những lúc sảng khoái lại líu lo như chim xuân đang về.

    Rượu mạnh Cognac, Whisky... hết còn thích hợp với sức khỏe của Cụ nhưng thỉnh thoảng ăn miếng thịt bò cơm Tây hay "seafood" cơm Tầu thì vẫn nhâm nhi một ly vang đỏ. Bạn bè Cụ đa số đã ra người thiên cổ chỉ còn vài ông bạn già tuổi kém gần thập niên hay một con giáp. Ở tiệm ăn, có người nhận ra Cụ, vui mừng đến chào hỏi nhưng bẽ bàng vì Cụ dửng dưng không còn nhớ kỷ niệm nào với họ...

    Tiên sinh Tú Xương một thời đã than, "Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta! Bỏ được thứ nào hay thứ đó..." Bố tôi thì chẳng muốn bỏ thứ nào cả nhưng hoàn cảnh ở Mỹ bây giờ hấp dẫn chỉ còn mỗi mục "trà" nên đành phải lấy cà phê, thuốc lá làm thú giải khuây.



    Ngồi buồn một mình, Cụ đốt liên tu bất tận, một ngày một bao thuốc như chơi và phân trần khói thuốc hút vào lại thổi ra như còi tầu, có nuốt vào phổi đâu mà sợ độc hại? Nếu tôi cắt nghĩa về ảnh hưởng của khói thuốc đối với con cháu trong nhà thì Cụ nghĩ tôi gây chuyện làm khó rồi lẳng lặng vào phòng đóng cửa hút, khói bay mù mịt.


    Cụ uống cà phê đen có đường thay nước! Mỗi ngày hai ba lần, tôi pha từng đợt để giữ mùi thơm và độ nóng rồi mang ra "patio" chỗ Cụ ngồi cùng với vài điếu thuốc lá. Hút xong là hết cho ngày hôm đó, mục đích hạn chế liều lượng và kiểm soát Cụ thì mới yên ổn sống chung được...

    Bữa ăn ngon lành nhất của Cụ là "phở gà phao câu" hay "hủ tiú sa tế". Ăn "steak" thì có Norm s Restaurant trên đại lộ Beach nhưng phải chờ thứ sáu đặc biệt có món súp "clam chowder" mà Cụ thích! Nói chung, Cụ chỉ chuộng những món thuộc loại "kinh dị" chẳng hạn sa tế có nước dừa kẻ thù của cao mỡ, "clam chowder" có "cream" mà người Mỹ thường phải bỏ bớt % "fat" và cuối cùng là cái của quý "nhất phao câu nhì đầu cánh" vì cục mỡ vàng ở đuôi con gà... Hôm nay Cụ đã ăn món này thì mai ăn món kia. Đi không vững, phải dìu từng bước nhưng tính thích đi chơi nên nếu biết sẽ được đến những nơi ấy thì bỗng nhiên Cụ trở thành "em bé" dễ bảo. Do đó tôi thường dùng "chiêu" này để "dụ" Cụ đi tắm, thay tã và quần áo vào buổi sáng đến chăm sóc.

    "Cơm hàng, cháo chợ" ăn quen đến nỗi, vừa đến cửa tiệm phở Quang Trung hay hủ tiếu Triều Châu là đã nghe mấy cô cậu làm việc ở đấy kháo nhau ầm ĩ khi hai cha con tôi khập khiễng bước vào: "Bố đến! Phao câu bánh tươi hành trần..." Những người trẻ ấy, lứa tuổi cháu chắt của Cụ nhưng sống bên Mỹ lâu năm, ít nhiều đã quên phép tắc thưa gởi đúng đắn nên chúng tôi chỉ biết cười xòa, miễn sao vui cửa vui nhà và nếu vui cả bà con cửa tiệm thì... càng vui hơn.

    Hôm nào ngon miệng, Cụ có thể ăn hết tô phở nhỏ, tay cầm từng miếng phao câu da vàng mỡ, nhai chậm rãi rồi lọc ra cục xương nhỏ, cả thẩy là 7, 8 cái "đít" gà... có khi bùi béo quá, vô ý Bố rớt cả hàm răng giả ra ngoài! Tôi nhìn quanh, lo cho những người ngồi gần bàn mình, thấy cảnh ít thẩm mỹ này sợ họ ăn mất ngon nhưng chẳng ai để ý và phiền trách một cụ già. Biết Bố còn thích ăn tiệm nên buổi trưa nào gặp nhau, dù có vất vả tôi cũng coi như bổn phận, vui vẻ dắt Cụ cùng đi.

    Tuổi già xương yếu, đi đứng khó khăn nên Cụ ngồi nhiều sinh ra chứng bệnh táo bón. Cằn nhằn mãi mà vẫn chưa tiêu, uống 2 viên thuốc nhuận tràng "Bisacodyl" không thấm, tự động Cụ lấy thêm 3 viên nữa... Kết quả là tiêu chẩy tung tóe từ phòng vệ sinh đến phòng ngủ và mấy chị em tôi phải giặt giũ, dọn dẹp nửa ngày chưa xong!

    Mặc dù phải dắt Cụ từng bước vì lỡ té ngã thì khổ cả nhà nhưng mỗi khi thấy quý bà đến gần hỏi thăm là Cụ tự ý chống gậy đứng một mình, tay đút túi quần ra cái điều vẫn "ngon lành", còn "gân", độc lập, tự chủ không cần ai. Trò chuyện qua loa, các bà thường hay ban tiếng khen vô thưởng vô phạt, Bố tôi tức thì nhăn mặt đáp lễ với lời than thở: "Dạo này, yếu lắm không khỏe!". Tuổi già đau nhức kinh niên, "ỉ ôi" mong đợi sự cảm thông chia sẻ của quý bà.

    Chuyện "lấy le" nhỏ như "con thỏ" ấy đôi khi thành to trên đường phố xứ người, gây ra nhiều hiểu lầm với dân Mỹ sẵn bản tính trọng đãi người già!



    Ở những chốn ăn chơi như Las Vegas, Big Bear... Cụ muốn chống gậy khập khiễng đi một mình một phố, "complet" "cravate" đầy đủ chỉ cần phong độ và dáng dấp "ngầu" thuở xưa nữa là xong!


    Cứ "lê" một bước, Cụ lại đứng nhìn... Tôi cũng phải "lết" theo Cụ canh chừng. Mỗi lần thấy Cụ chậm chạp quá! Tội nghiệp tôi lại gần khoác tay, dắt Bố để cha con cùng đi bên nhau thủ thỉ cho ngày dài thêm ý nghĩa thì Cụ đuổi thẳng thừng: "Đi, đi! Cứ đi trước đi! Ông để mặc tôi..." nhưng đi trước là đi đâu? Thành ra hai cha con cứ đứng giữa đường, kẻ trước người sau ngơ ngác lo cho nhau như đang diễn tuồng!


    Khách bộ hành không quen cảnh tượng ấy, ái ngại nhìn hai người như muốn hỏi: "Whats going on?".
    Cuối cùng, có ông Mỹ cả nể đến gần hỏi han thì Cụ "nể cả" với nụ cười "ngoại giao" ròn tan, lịch sự líu lo "xổ" tiếng "Phú lang xa" và lẽ dĩ nhiên, tiếng Mỹ tiếng Pháp loạn xạ, chẳng ai hiểu ai rồi ngượng ngùng "Oui Monsieur", "Bye Bye" đường ai nấy đi! Lúc đó, tôi chỉ thấy chán nản vì bất lực... Bố con đi chơi chẳng vui mà như mắc nợ, hành tội nhau khổ sở.

    Tính tình như thế nên Cụ không bao giờ thích ngồi xe lăn, lần nào mang xe đi cũng lại vác về ngoại trừ những chuyến đi chơi xa, miễn cưỡng chẳng đặng đừng, Cụ mới chịu "lép vế" an tọa, chờ người đẩy.

    "Bách niên" sống lão thì nhân sinh lại quay về điểm khởi đầu nên thân già co cụm trong tâm hồn trẻ thơ là chuyện thường tình. Trời cho Cụ bản chất lạc quan, sức khỏe đặc biệt hơn người cho nên cản trở lớn nhất của Bố tôi đối với gia đình là tính kiêu căng vẫn còn sót ở tuổi già đang quay lại thời "tuổi thơ": giỏi nhất, kinh nghiệm nhất, thông minh nhất, đội đá vá trời... chỉ vì cái tự cao "chủ nghĩa" lẩm cẩm. Bề ngoài giao tế tỏ vẻ "trịch thượng" nhưng nếu tự vấn lòng, khó ai biết sự thật Cụ nghĩ gì?



    Ai lỡ yêu thương, vồn vã chăm sóc thì Cụ làm cao, "ăn hiếp" đến "tắt thở" rồi cuối cùng phải dùng đến "đòn phép" mới được yên thân và ngược lại, đứa con nào thờ ơ, không để ý đến Cụ cũng phải nghe phiền trách mỗi khi giáp mặt.

    Bên cạnh Bố, tôi thường nghe Cụ than, "Lạ nhỉ! Suốt đời, tôi có ăn ở tệ bạc với ai đâu mà chúng nó đối xử như người dưng nước lã..." nhưng thực tế, từng ấy người con mỗi đứa một tính giống như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Cụ nghĩ đến "ngón ngắn" vì "thiếu thốn" nên ưu tiên lưu ý đứa "ghét" Cụ hoặc chẳng may bị Cụ ghét, còn đứa thương ví như "ngón dài" đã "đầy đủ" thì Cụ thờ ơ, ít để tâm suy nghĩ. Nói cho cùng, nếu ai lỡ "ghét" cũng do tính tình khó khăn của Cụ vì mỗi lúc không đúng ý là Cụ la mắng và giận hờn nên đa số chán nản, tránh xa phiền muộn do Cụ gây nên để tìm sự bình yên cho riêng mình.

    Bố tôi tuổi Thân đã qua hơn 8 lần con giáp! Theo tử vi, bản tính tự cao, tự đại một phần do cái số cầm tinh con khỉ (?). Xin lỗi người tuổi Thân... Tôi nêu ý nghĩ ấy bởi vì đôi lần muốn tìm lại một nơi chốn cũ, Cụ ngồi trên xe vẫn dõng dạc chỉ đường cho tôi nhưng đường nào thì cũng chỉ là bánh vẽ của một ký ức "mù mịt khói sương"...

    - "Đi lối này gần! Ông đi lối kia vòng co tam quốc, mất thì giờ chẳng ăn thua mẹ gì, chán quá! Cứ theo tôi. Đấy đấy..." Nghe theo cái "GPS" "cảm tính" kém chính xác của Bố, lái xe quẹo Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc loạn xạ cho nên lần nào xe cũng từ từ đi vào ngõ cụt... Đến khi bí quá thì lại nghe Cụ "phán":

    - "Quái lạ! Bây giờ nó sửa đường và xây cao ốc tối tân không còn nhận ra ất giáp gì nữa cả?".

    Nhiều lúc tôi phát điên, trả lời Cụ:

    - "Bố ơi! Nhà mình có phước hay vô phước hả Bố? Người ta nói: con hơn cha là nhà có phúc mà Bố cứ nhất định đòi giỏi hơn con thì gia đình mình đến thời mạt rệp... à?"

    Tuy nói thế, nhưng tôi hiểu mọi sự trên đời đều là hình ảnh một đồng tiền hai mặt, úp và ngửa, có trái thì có phải, cái "phải" nằm sẵn trong cái "trái"... Dù tuổi già "ba hoa", Cụ đã tạo chút không khí ngang ngạnh đáng tiếc nhưng xét kỹ... lại vui vì đó chính là giờ phút hạnh phúc mỗi lúc Bố con gặp nhau. Cụ khỏe mới đi chơi, thể lực mạnh mới xông xáo bầy tỏ đôi ba chuyện "hoang tưởng" vu vơ! So sánh còn thấy hạnh phúc hơn nhiều những lần khác, ốm đau Cụ nằm một chỗ, co rúm im lìm trên giường thì gia đình còn khổ và lo âu đến chừng nào!

    Tính tình Bố tôi ở tuổi này thay đổi từng giờ, đang vui đã giận và chưa giận đã cười. Vì thế sống gần Cụ, nên hiểu tâm trạng ấy và đừng để "stress" họa vào thân. Đó là kinh nghiệm đáng ghi nhớ của tôi vì lúc đầu chưa biết rõ hoàn cảnh, tôi đã trải qua giai đoạn thật vất vả lao đao!

    Dù sao, cảnh đời cô đơn của Bố cũng rất đáng thương! Mọi sinh hoạt như ngừng lại từ lúc các bạn cố tri lần lượt ra đi và Cụ tiếp tục sống trong tuổi già quên lãng. Ngày ngày, tuy có người trông coi nhưng Cụ vẫn thân một mình, ngồi tự vấn sự đời vẩn vơ... Chờ đợi mòn mỏi đứa con nào đoái thương thân già, thăm hỏi rồi dắt đi ăn uống là một ngày vui ngắn ngủi vì dưới mắt Cụ thời gian hội ngộ luôn qua nhanh. Giờ phút chia tay lần nào cũng nghẹn ngào!



    Tôi thường phải nói dối Cụ đi làm "ca" đêm để về với vợ con và lại nghe câu hỏi quen thuộc: "Mấy giờ về... để tôi đợi?". Bố hẹn con tái ngộ ngày mai nhưng ngày mai nào ai biết sẽ đến hay không? Chẳng may có thể là lần cuối (?)! Hai Bố con lặng nhìn nhau lưu luyến như bóng chiều ngập ngừng sắp trôi vào giữa bóng đêm...

    Ý thức ngày vĩnh biệt không tránh khỏi nên mấy năm gần đây, tôi đã thu gọn đời sống để tận hưởng niềm vui mong manh bên cạnh người Bố già. Tự nhủ lòng những ngày vui qua mau và giây phút cuối đang đến gần! Cố gắng sống trọn yêu thương với đạo lý hôm nay để lòng thản nhiên trước cảnh tử biệt sinh ly ngày mai... Nếu phải nghìn trùng xa cách từ đây, Bố con sẽ nhìn nhau "an phận" không tiếc nuối như ngày tiễn Mẹ ra đi.

    Giống tôi lúc xưa còn bé, đi đâu bây giờ Bố cũng muốn theo vì cuộc đời Cụ cô đơn, lẻ loi và chẳng còn nhiều ý nghĩa! Kỷ niệm những mùa hè, Bố và tôi sống bên nhau trong ngôi nhà miền núi giữa đồi thông... Quên sao được con đường chiều dạo quanh bờ hồ Big Bear, chúng tôi dìu nhau đi giữa cảnh hoàng hôn, mặt hồ chiếu rọi tất cả bầu trời nắng quái vàng cam mang chung ý nghĩa về tính vô thường của một kiếp người: mới hôm nao Bố giúp con vào đời thế mà hôm nay, cả hai đã già cùng sống trong một thành phố xa lạ miền cao nguyên, ảm đạm chẳng khác gì cảnh chiều tắt nắng trên mặt hồ...

    Những nơi chúng tôi đã đi qua, khách thập phương thường tỏ sự ngạc nhiên về Cụ. Người Mỹ, người Pháp, Nhật, Đại Hàn... đều ngừng lại thăm hỏi và ngưỡng mộ về lối sống của Bố tôi vì ít ai ở tuổi "bách niên" mà còn lom khom đi lại, ăn uống trên đường phố ở chốn phồn hoa đô hội. Ngày nào, nếu Quý vị thấy một cụ già chống gậy, lưng còng, nắm tay một người trẻ đi vào một nhà hàng trên đại lộ Bolsa thì nhiều phần chính là Bố tôi đó. "Sau này... sẽ nhớ mãi những giờ phút này!" Đó là lời bà Bùi Bích Hà, một nhà tư vấn tâm lý nổi tiếng của Việt Nam nói với tôi đã lâu.

    Sống với Cụ thân sinh thọ trăm tuổi, tôi lĩnh hội được nhiều điều hay để biết ơn và sửa đổi. Sinh ra vào đầu thế kỷ 20 nên nhân sinh quan của Cụ nhiều phần khác với thời đại hôm nay chẳng hạn quan điểm về hôn nhân, dân chủ hay câu nói "nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản" đối với gia đình, xã hội... Đã là người thì "nhân vô thập toàn" sẵn mang những khuyết điểm, đáng quý là biết nhận ra mà tránh được.



    Cha con sinh ra cùng một dòng giống nên bản chất hay tính tình là cái di sản "đồng lần"... Sống bên cạnh Bố, tôi thường suy tư vai trò làm cha đối với các con tôi để tự sửa đổi chẳng hạn tính nóng giận, lạc quan vô cớ và cố quên cái "ta" chấp ngã... Tôi cảm ơn người di truyền sang gia đình tôi cái "gen" khỏe mạnh "vượt thời gian và không gian", lòng trắc ẩn, tính vị tha mau quên và một tâm hồn nghệ sĩ nặng tình dân tộc...

    Suy ngẫm chân lý của người xưa: "Anh em kiến giả nhất phận" đến khi sống chung với các đấng sinh thành trời cho tuổi thọ, chúng ta còn nhận rõ một sự thật không mấy vẻ vang!

    Anh chị em một nhà khi khôn lớn, tình nghĩa đổi thay bất ngờ...
    Với cha mẹ già cần chăm sóc là một nhiệm vụ, vừa thiêng liêng vừa khó khăn nên câu ca dao "Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người thực hư" đã giúp hiểu rõ tính nết của từng người: có anh ích kỷ, có chị lợi dụng, có em ỷ lại... hoặc người này tốt, kẻ kia xấu minh bạch như ban ngày.
    Những lời rao giảng cao đẹp chẳng hạn: đoàn kết, vị tha, công bằng bác ái... mãi mãi nằm yên trong sách vở.
    Con nào cũng yêu thương cha mẹ nhưng qua miệng lưỡi thường bầy tỏ hơn 7 lần nên khi hành động chỉ còn 3...

    Thuở mới di cư sang Mỹ, cạnh nhà tôi có ông hàng xóm tuổi trung niên khi xưa là đại úy cảnh sát. Qua lại thân thiết nên chúng tôi mời ông sang dự bữa tiệc sinh nhật đứa con đầu lòng. Tình cờ gặp bố tôi, ông nhớ đến bố ông, mừng tủi như sắp khóc rồi đứng giữa nhà bếp, trước bàn ăn đông đủ mọi người, cảm động ông phát biểu:

    - "Anh chị may mắn quá! Ráng mà hưởng phúc đức... Bố tôi nếu còn sống mà ngồi "i.." ngay giữa nhà này một bãi, tôi cũng vui sướng hốt chùi không la lối hay than phiền lời nào..."

    - "Vâng... giữa sàn "nhà" tôi (!) và chỉ "một lần" thôi nên ông nói vậy!". Nghĩ cho vui nhưng không nói ra vì tôi tin là ông đã trình bầy sự thật của lòng mình theo cảm hứng vào thời điểm đó. Tiếc thay, sự việc sẽ mất tính "cao thượng" khi thêm vào hai yếu tố: nhân bản và luận lý. Đây là trường hợp tiêu biểu "nói dễ làm khó" bởi vì nếu mỗi lúc, mỗi ngày rồi mỗi tháng bố ông "hành hạ" ông kiểu này thì ý kiến ấy sẽ không còn vững bền. Chẳng bao lâu, vài năm sau đó, tôi không biết buồn hay vui khi nghe tin ông hàng xóm đã sớm quy tiên và gặp lại bố ông ở cõi thiên đàng...

    Mỗi tuần, tôi lãnh phân vụ trông coi Bố tôi 2 buổi từ sáng đến chiều nên dù hưu trí đã 2 năm nay, tôi cũng chưa dám phác họa một chuyến du lịch xa. Hôm nay, xin ghi lại mẩu đối thoại ngắn như kỷ niệm của Bố con tôi qua câu chuyện: "Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm".

    1.
    - Chào Bố! Con mới "đi làm" về. Bây giờ 9 giờ rưỡi sáng, Cụ ngủ dậy hôm nay có khỏe không?

    - Khỏe cái gì mà khỏe cơ chứ! Ông không biết à? Nó bảo tôi mặc quần áo để đi Sơn Tây, ra đây ngồi đợi mãi. Nó lừa... đi mất rồi!

    - Bố ơi! Bố phải để chị ấy "đi làm" chứ! Bố cứ đòi theo thì họ phải nói dối... Nếu Bố muốn lúc nào cũng có bạn bên cạnh thì phải chấp nhận vào ở trong viện dưỡng lão thôi! Hôm nay có con ở với Bố nè...

    - Thôi thôi... đừng nói nữa, cảm ơn ông! Tôi biết các ông bà tốt với tôi lắm rồi! Cá mè một lứa... cả đám.

    2.
    - Hôm nay, Bố muốn ăn gì nào?

    - Ăn gì cũng được! Ăn cho no chứ béo bở, ngon lành gì mà cứ hỏi mãi...

    - Ok! Vậy thì bánh mì Cali hay bánh cuốn Tân Hồng Mai nào.

    - Bánh mì chỉ có ông ăn chứ tôi nhai sao được! Răng đâu mà nhai? Bánh cuốn tôi ăn rồi... khô lắm! Tôi phải có cái gì lỏng... mới dễ tiêu.

    - Thế tại sao Bố bảo ăn ở đâu cũng được? Vậy thì "phở gà phao câu" được không?

    - Đâu cũng được! Phở gà ăn ở cái tiệm cũ kia! Tôi quen ở đó... Chỗ mới bây giờ làm tồi lắm...

    - Lần trước Bố vừa khen, thế mà... lại chê rồi! Không sao... Bố muốn đi đâu mình đi đó.

    3.
    - Thôi bây giờ mình đi tắm, thay quần áo rồi Bố con đi ăn phở nhớ...

    - Tôi vừa tắm xong! Đây này, áo quần vừa thay... mới cả! Có gì mà phải thay mãi thế?

    - Mới tắm mà sao "khai" thế này? Bố không tắm thì mình không đi...

    - Ông chờ tôi nhớ! Đừng đi như "con" kia...

    - Con ở đây tắm cho Bố mà... Làm sao Bố tắm một mình được?

    - Ông cẩn thận cái áo này của tôi... nó có tiền! Vô ý là hết cả... Sơn Tây.

    - Đây! Con treo trước mặt cho Bố thấy... Không ai vào lấy... Thấy chưa? Yên tâm nhé!

    - Không ai lấy! Hừ... Mất hết cả rồi mà ông còn nói... không ai lấy! Mất trâu rồi mới lo làm chuồng... Chán quá!

    4.
    - Sao Bố ăn phở gà hôm nay có ngon và no không?

    - Ngon? Ăn mà không ngon thì ăn làm gì? Hỏi vớ vẩn, hừ... No! Đã ăn tiệm thì phải no chứ... lại còn đói à?

    - Bây giờ cà phê nhá!

    - Cà phê chứ còn gì nữa... Ông ngừng mua bao thuốc lá cái đã. Hết rồi!

    - Còn mà! Con vẫn còn nửa bao nhưng Bố chỉ hút hai điếu thôi nhé!

    - "Uẩy"! Cho bao nhiêu thì hút bấy nhiêu. Miễn có hút là được.

    - Bây giờ vào nhà con pha cà phê, ngồi ngoài "patio" uống cà phê hút thuốc. Ấy... Bố đi đâu vậy?

    - Tôi ghi số xe để ngày mai khi cần tôi "gọi" cho ông chứ nếu không lại đói... chẳng có đứa nào chở đi ăn. Viết cho tôi số... May mà có ông thương thân già này nên còn giúp đỡ tôi.

    - Bố lộn rồi! Số téléphone chứ không phải số xe. Vào nhà con ghi cho...

    5.
    - Sao Bố buồn vậy? Ngủ một giấc trưa đi... cho khỏe.

    - Tôi thấy đời vô nghĩa, không muốn sống nữa! Phiền hết con cái... Hôm qua, xin nó hai viên thuốc, bảo uống rồi mai không dậy nữa... thế rồi chắc liều lượng nhẹ quá, chẳng ăn thua mẹ gì! Sáng nay vẫn chưa chết...

    - Thế Bố còn muốn đi Sơn Tây không?

    - Muốn lắm chứ! Chỉ có 2 tiếng ngồi xe lửa là đến nơi mà không đứa nào nó dắt đi. Con với cái... Khổ cái thân già này! Nó hứa nhăng hứa cuội nhưng tôi có cách... "Moa" bàn với "toa" chuyện quan trọng này nhớ! "Moa" cần 2 ngàn để đi về Sơn Tây. Đến nơi rồi "moa" sẽ trả lại.

    - "Toa" trả "moa" bằng cách nào?

    - Mấy bữa nay, "moa" nghĩ ra cách kiếm tiền rồi! "Moa" về Sơn Tây mở lớp dậy tiếng Pháp cho người ta học... Thế nào cũng có nhiều "sìn".

    - Bây giờ tiếng Anh chứ có ai nói tiếng Pháp nữa đâu Bố ơi là Bố!

    - Thế thì tôi về Hà Nội... lại làm giây thép Bưu Điện vậy.

    - Bố già lụ khụ... đi không vững! Ai còn muốn mướn Bố.

    - Già? Hừ... Đói thì cũng phải cong đít mà làm chứ ai nuôi?

    6.
    - Nếu có ai dắt Bố về Sơn Tây thì con mới cho Bố mượn tiền. Bố không đi một mình được! Hơn nữa đi xe lửa không bao giờ đến! Bố phải đi máy bay, Bố quên rồi à?

    - Sao lại không được! Xưa nay tôi vẫn một mình chứ hai mình bao giờ? Đi xe lửa mà lại... Hừ... Ai bảo ông thế! Người ta vẫn đi hàng ngày mà nói láo... Chỉ nói láo là giỏi! Hay là ông không muốn cho tôi mượn tiền nên ông nói nhăng nói quậy? Thôi... Tôi hiểu ông rồi! Thân già này chẳng còn nhờ cậy ai được. Con với cái... Đồ mất dậy!

    - Ấy chết, sao Bố lại nói con thế! Chán thật...

    - Ông chán tôi từ lâu rồi chứ có phải bây giờ đâu?

    - Thôi con đi làm nhớ!

    - Vâng! Ông đi... Mấy giờ về?

    - Con không về nữa vì Bố chửi con rồi...

    - Tôi chửi ông hồi nào? Ông chửi tôi thì có! Chỉ giỏi ăn hiếp người già!

    Bố tôi nói thế rồi quên ngay và ngày mai câu chuyện lại tiếp tục với những cuộc đối thoại vui buồn không dứt! Có tính mau quên và chẳng coi ai là kẻ thù nên vì thế Cụ sống lâu chăng? Dù sự ăn uống chút phần khả quan nhưng tinh thần của Bố tôi cũng đã suy sụp nhiều so với năm ngoái! Chân đi không vững và đầu óc hoang tưởng, vui buồn bất thường... Như đã nói ở phần trên, người già không mắc phải bệnh này cũng mang chứng bệnh kia. Thuốc men chỉ đỡ mà không chữa lành.

    Bố "đi" mãi và tôi cũng mong Cụ quên "về" với Mẹ tôi nhưng thực tâm, ai cũng biết rằng tất cả chuyện đời đều phân chia sẵn ranh giới nên mỗi khi ra ngoài giới hạn đã định, chúng ta đều có cái giá phải trả! Người xưa vẫn thường nói: "Bách tuế vị kỳ" mà...

    Bố tôi và các con của Cụ đang chia sẻ hạnh phúc và khó nhọc, mỗi ngày một khổ hơn vì thế người nhiều kẻ ít tặng Cụ thời giờ và tình thương để mong Cụ hưởng những mùa xuân êm đềm còn lại trong đời.

    Qua kinh nghiệm "Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm" vừa trình bầy, thực tâm tôi không muốn sống trường thọ đến tuổi "bách niên" để phải trả giá dù nhẹ hay nặng bởi vì sự việc đó chắc chắn sẽ liên hệ đến các con và người thân của tôi sau này... khổ đau sẽ nhiều hơn hạnh phúc! Tuy nhiên, muốn là một chuyện, không ai trong chúng ta tránh khỏi số mệnh đã an bài...

    Cuối cùng, liệu chúng ta còn nên chúc nhau câu "Bách niên giai lão" mỗi khi xuân về nữa không?


    Cao Đắc Vinh
    ****************************************

    Khổ Sống Già


    Nói chuyện với Ngọc Bích xong tôi thẫn thờ. Từ cổ chí kim, từ vua chúa cho đến thứ dân, ai cũng mong được trường sinh bất lão nhưng liệu thọ quá có phải là điều hay ho cho bản thân và cho người thân không?...

    Tới mừng thôi nôi cháu ngoại Bích Ngọc, không thấy Quế Hương, bạn cố tri của Ngọc, tôi hỏi:
    - Sao bữa nay không thấy Quế Hương tới dự thôi nôi cháu bà vậy?
    - Dự sao được, mấy bữa nay bả te tua rồi?
    - Sao vậy?
    - Ừa, thì mấy bữa nay ông già bệnh. Chắc cũng sắp đi rồi.
    - Thì trên trăm tuổi rồi. Ông đã như thân cây mục, cũng nên để ông thay đổi hình hài khác đi chứ. Nhưng còn anh cả đâu? Nghe đâu anh cả chăm ông cụ mà.
    - Ổng xụm luôn rồi. Mà nói tới ông anh cả của bả mới tội, ổng gần tám mươi rồi mà không được hưởng tuổi già, được sống gần con cái ở Quy nhơn mà phải ở đây lo cho ông già hơn trăm tuổi mới khổ chứ.
    - Nhà Quế hương đông mà, sao lại bắt ông già trẻ chăm ông già già?
    - Thì tại vì ổng là anh cả với lại mấy người kia ở nước ngoài hết rồi. Phần cũng tại ổng nghèo nhất, không có tiền lo cho cha thì phải lãnh phần chăm sóc ông cụ chứ. Mấy người kia chu cấp tài chánh. Đứa bỏ công, người bỏ của mà.

    Nói tới anh em ở nước ngoài của Quế Hương tôi mới nhớ là lâu lâu ông cụ làm mệt, Quế Hương gọi các anh chị mình về. Khi về tới nơi thì ông cụ khỏe lại. Cứ thế trong hai năm các anh chị của Quế Hương phải tức tốc về tới bốn lần mà ông cụ cũng chưa đi. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, có hai người anh của Quế Hương lại dám bỏ việc hoài nên bị mất việc luôn, nhưng bổn phận làm con mà, biết sao giờ?

    Không có Quế Hương tôi mất bạn tung hứng nên truy Ngọc:
    - Nhưng sao tự nhiên Quế Hương lại te tua?
    - Thì ông già hơn tám mươi phải chăm ông già hơn một trăm, nên ông già già chưa khỏe thì ông già trẻ đã sụm rồi. Vậy nên bây giờ Quế Hương phải chăm cả hai ông chứ sao.

    Tự nhiên Bích Ngọc cười khùng khục:
    - Nhớ bữa hổm ông anh cả than với tui, ổng nói : "Trời ơi, hỏng biết chừng nào ông già chết cho tui khỏe vài năm trước khi theo ông bà tổ tiên đây!”
    - Nói gì thảm vậy?
    - Bà nói “thảm” là ai thảm?
    - Thảm cho cả hai. Bởi vậy mai mốt tốt nhất đừng có chúc ông bà sống lâu trăm tuổi rồi rên nha.

    Nói chuyện với Ngọc Bích xong tôi thẫn thờ. Từ cổ chí kim, từ vua chúa cho đến thứ dân, ai cũng mong được trường sinh bất lão nhưng liệu thọ quá có phải là điều hay ho cho bản thân và cho người thân không? Tuổi già lú lẫn, hình hài nhăn nhúm, sức khỏe suy giảm. Tôi nhớ khi còn nhỏ, dù được cả nhà dạy phải biết kính yêu bà cố nhưng đứa cháu nhỏ của tôi dứt khoát không thấy thoải mái với bà. Có lẽ khi nó có ý thức chút thì bà đã nhăn nheo xấu xí quá rồi, hình ảnh của bà không giống với bà tiên trong truyện cổ tích nữa. Khi đó, bản thân bà không tự chăm sóc được nên bao người lớn quanh nó phải dành sự chăm sóc cho bà nhiều hơn cho nó và nó thì luôn bị mắng mỏ vì ồn ào, vì phá phách làm bà không nghỉ ngơi được. Dạy dỗ gì thì nó cũng thấy mình thiệt thòi vì bà nên nó cứ mơ hồ, miễn cưỡng ghi nhận công lao dưỡng dục xa xưa của bà… Thế nên gia đình dòng họ cứ trách móc nó không ngoan, không biết ông bà, bây giờ nó là đứa cháu vô tình, không biết cội nguồn mai mốt chắc là đứa con bất hiếu.

    Tôi nhớ có lần đến tiệm làm tóc, con bé làm móng cho tôi khoe:
    - Bà cố của con năm nay 115 tuổi rồi, bà được cả chủ tịch tỉnh đến thăm đó cô.
    - Bà con thọ quá há. Vậy bây giờ ai lo cho bà?
    - Dạ, ông ngoại tám của con nuôi.
    - Vậy ai nuôi ông ngoại?
    - Dạ mấy cậu mấy dì nuôi.
    - Mấy cậu mấy dì khá không?
    - Dạ nghèo lắm.
    - Có bà thọ đến vậy chắc thích lắm hả?

    Nó trầm ngâm một hồi rồi nói:
    - Dạ thích chứ cô. Dòng họ con ai cũng thích bà thọ để khoe, chỉ có ông ngoại tám của con thì không thích lắm. Ông nói: ”Phụ tiền bạc chăm lo cho ông bà là chuyện dễ, trực tiếp chăm lo bệnh hoạn, chịu đựng tính khí của người già mới là khó”.

    Câu chuyện của con bé làm móng làm tôi nhớ tới câu chuyện buổi sáng khi tôi đi bộ cùng các bạn trong cùng khu phố, đề tài vô tình nói về tuổi già và về việc phụng dưỡng cha mẹ già. Chị Xuân nói:

    - Dì của em năm nay tám mươi sáu tuổi rồi mà còn làm dâu đó.
    - Vậy bà mẹ chồng chắc thọ lắm.
    - Bà đã hơn trăm tuổi. Mấy chục năm trước khi chú em đi bộ đội về hưu, thấy bà đã hơn tám mươi bèn quyết đem bà về nuôi, nghĩ mẹ chắc cũng không còn sống bao lâu nữa, ráng gần gũi phụng dưỡng mẹ vài năm nhưng tới giờ đã gần hai mươi năm bà vẫn ăn khỏe và vẫn đòi hỏi cơm dâng nước hầu, trà thuốc mỗi ngày làm dì em oải muốn chết.
    - Nhưng cha mẹ già thì mình phải phụng dưỡng chứ sao!
    - Thì đó là bổn phận mà, có điều dì của em cũng đã hơn tám mươi, con dâu dì thuộc thế hệ mới, nó không chịu hầu dì mà dì thì không dám không hầu mẹ chồng.
    - Đó là bất hạnh thế hệ của dì đó. Người ta gọi thế hệ 5X là thế hệ trắng tay, hồi nhỏ thì sợ cha mẹ, khi cha mẹ lớn tuổi thì tự cho mình có bổn phận phải phụng dưỡng. Đối với con cái thì không dám uy quyền, nếu không nói là dốc hết sức mà lo cho con nhưng lại không dám mong con cái lớn lên sẽ chăm lo cho mình, sợ làm phiền nó…

    Câu chuyện của chị Xuân làm tôi nhớ tới có lần tôi gặp hai bà lão ở New Jersey. Bà lão người Việt cứ theo nài nỉ tôi nhờ tôi nói giúp với cha xứ mà tôi thân, để cha nói với con cái bà cho bà được vào Viện dưỡng lão người Việt. Lý do là vào ngày thường, con cháu bà đứa đi học, đứa đi làm. Tối về thì đứa nào về phòng đó. Suốt ngày bà ở nhà một mình buồn quá, bà ước ao có tiếng nói đồng hương hay tiếng nói của con người cho đỡ cô quạnh. Tôi nói lời thỉnh nguyện của bà với cha xứ, cha xứ nói đó là chuyện riêng của gia đình con chiên, cha không muốn can thiệp.

    Rồi cũng trong những ngày đó, cũng tại khu phố đó, tôi lại tiếp xúc với một bà lão gần tám mươi người Mỹ, chân cũng đã run, mắt cũng đã mờ rồi mà lại sống một mình. Bà ham chuyện lắm nhưng khi hỏi bà ở một mình có buồn không, sao không ở chung với con cháu cho vui. Bà nói dứt khoát:

    - Con tôi nó có cuộc đời của nó. Tôi không muốn và không thể trói buộc cuộc đời nó vào cuộc đời tôi vì tôi sống già.
    - Nhưng đó là bổn phận của con cái đối với cha mẹ lúc về chiều mà.
    - Giáng sinh, sinh nhật tôi có khi nó dẫn vợ con về thăm. Vậy là đủ. Còn bình thường mỗi năm nó chỉ có một số ngày phép, tôi không cho phép mình bắt nó về thăm hoài mà để nó thoải mái đưa gia đình đi đây đi đó. Đòi hỏi ở con là ích kỷ.
    Đúng là Tây Ta có khác. Tây nuôi con, khi con vừa lớn đủ, Tây thả cho con vào đời, mong con như cánh chim trời, có sức bay càng xa càng tốt. Tây vui khi dõi theo cánh chim bay. Ta nuôi con, ngày nào còn khả năng, ta vẫn còn muốn giang đôi cánh ra để ấp ủ chăm lo cho con dù cho con có lớn đến bao nhiêu tuổi. Rồi cũng vì cách nuôi dưỡng yêu thương không bờ bến đó, khi già, ta mong con cũng quay lại dòm ngó đến ta dù chỉ bằng một phần nào tình yêu thương mà ta đã cho. Ta nắm níu nhau qua lại, ta làm ấm lòng nhau cũng có mà phiền lụy nhau cũng nhiều.

    Trở lại chuyện con bé làm móng, tôi hỏi:
    - Bà con đẹp lão không, hôm nào cô đưa chú tới chụp hình bà nhá.
    - Dạ bà không khỏe lắm đâu cô, bà của con lòa rồi, chỉ nằm một chỗ thôi.

    Nghe con nhỏ trả lời tôi lại nhớ tới một bà lão người dân tộc ở Bảo Lộc đã 103 tuổi, da bà đen nhẻm, từng centimet da thịt hiện lên những nếp thời gian trông hay ho và đẹp đẽ lạ lùng. Toàn thể con người trần trụi của bà như một món đồ cổ xưa. Ánh mắt của bà trắng dại đưa ta ngược về cả thế kỷ trước. Nói chuyện với con cháu bà lão mới thấy họ kính yêu và quan tâm đến bà vô cùng, nó nói:

    - Hôm trước bà con bệnh, cả nhà con bỏ hết nương rẫy về chăm bà.

    Nghe con nhỏ nói về bà với cái giọng thiết tha làm tôi thầm cảm mến em, người dân tộc không cần học Khổng Mạnh cũng biết kính yêu ông bà. Em khoe tiếp:

    - Bà em nuôi cả nhà đó cô.
    - Nuôi cả nhà? Bà già vậy thì có sức đâu mà làm nuôi cả nhà?
    - Dạ, tại cô không biết, già thiệt già thì không cần làm gì cũng có tiền mà cô. Nhà nước cho mỗi tháng vài trăm ngàn. Lâu lâu mấy cô chú vô chụp ảnh chừng vài giờ cũng được cả trăm ngàn. Chưa kể khách nước ngoài đến chụp ảnh thì còn cho cả giấy xanh, bán được nhiều tiền lắm. Cả nhà con kiếm tiền không bằng một mình bà đâu.
    - Vậy nếu bà không kiếm được nhiều tiền thì có yêu quí bà không?
    - Có chứ cô. Vẫn yêu quí bà chớ nhưng nếu bà bệnh tốn tiền quá thì không mong bà sống lâu đâu. Bà sống đủ rồi thì thôi, để dành ngô khoai nuôi trẻ nhỏ.

    Lời con bé người dân tộc làm tôi ngẫm nghĩ hoài "Sống đủ rồi…”. Thế nào là sống đủ, ai có quyền định cái chữ đủ ở đây. Phải chăng sống khỏe như bà lão người dân tộc thì sống hoài vẫn chưa đủ, còn sống mù lòa yếu đuối như bà cố của con bé làm móng là quá đủ. Nhưng đủ hay không đủ thì ai có quyền quyết định, kể cả bản thân của người đó.

    Tôi có quen biết một đôi vợ chồng nay đã ngoài bốn mươi rồi mà không dám có con cái gì, ở vậy nuôi chó và chăm hai bà mẹ hai bên với một người giúp việc.

    Bà mẹ bên vợ bị bệnh tiểu đường nằm bẹp trên giường không tự lo cho bản thân được. Đã vậy bà lại còn mất trí nhớ, bà chẳng còn nhớ được ai trừ con chó nhỏ vẫn quấn quít bên bà và đứa con gái đang ngày đêm chăm lo. Khi bức bối là bà la hét. Mỗi đêm hai vợ chồng phải thức dậy giúp bà tiểu tiện và tiêm thuốc cho bà. Bà mẹ bên chồng vẫn còn đi lại được nhưng cũng đã đã ngoài tám mươi. Tôi đã chính mắt thấy anh chồng đút cơm cho mẹ mình với một đôi mắt yêu thương. Hai vợ chồng này chưa hề biết đi đâu chơi xa là gì. Đến ngày tết, ngày lễ còn thê thảm hơn vì người làm nghỉ hết, hai vợ chồng phải đích thân lo toan mọi bề cho hai bà mẹ. Tôi nhìn tình cảnh của họ mà cảm kích, thương cho sự hiếu thảo hiếm hoi còn sót lại trong thời buổi này. Tôi nhớ có một người bạn thấy xót cho sự thiệt thòi cực khổ của đôi vợ chồng trẻ bèn xúi dại người chồng:

    - Bà mẹ vợ của mầy sống đời thực vật lại không còn nhận biết ai nữa. Để bà sống thì khổ bà mà khổ luôn tụi bây, mầy để bà đi cho rồi…
    - Người ngoài bao giờ cũng thấy khác, cảm khác, còn người thân trong cuộc thì không thể dứt ruột ra mà làm vậy được đâu.

    Trông người lại nghĩ đến mình. Giờ bản thân cũng đã nghỉ hưu, đã xếp vào hàng “bà bà” rồi, cái ngày mình già nua yếu đuối lẩm cẩm đang sầm sầm bước tới, không biết sức khoẻ mình rồi sẽ ra sao, con cái sẽ đối xử thế nào. Nữa đây khi đã già, đã yếu, đã chết được rồi mà trời chưa cho đi thì có dám tự xử không hay lại kéo lầy nhầy những ngày tàn héo úa.

    Đọc báo thấy tổ chức Y tế cứ nói hoài những bệnh của người già, quỹ hỗ trợ người già, nước này đang già, nước ta cũng sắp già rồi... tưởng tượng nếu mai này ra đường thấy ai cũng nhăn nheo, đi đứng chậm chạp, nói năng lập cập mà sống hoài không chịu đi… thì loài người có nên tiếp tục nghiên cứu để con người trường sinh bất tử chăng?


    Văn Mỹ Lan


    ******************************

    Truyện ngắn cuối tuần: Muộn...



    Mẹ gọi điện cho dì, hắt vào máy điện thoại những tiếng gắt gỏng:

    “Để bà ở bên ấy thêm một tuần nữa thì đã sao? Rồi thì tôi trông bà bù hai tuần. Liền hai tuần được chưa? Tôi có việc nếu không tôi chẳng phải tốn hơi nhờ dì…”


    Mẹ ơi...
    Dì chắc chắn có gắt gỏng lại. Tính dì nóng nảy hơn mẹ nhiều.

    Từ trước đến nay dì chưa thua mẹ miếng nào. Kể từ khi bà bước sang tuổi 90, không tự chăm sóc bản thân được nữa, dì và mẹ thỏa thuận với nhau mỗi người trông nom bà một tuần. Cũng kể từ đó bà như quả bóng bị đá từ đầu sân này sang đầu sân kia và ngược lại. Mẹ và dì nói nhau trong điện thoại suốt nửa tiếng đồng hồ. Mặt mẹ đỏ phừng phừng, hai hàng lông mày của mẹ rướn lên hết cỡ. Mẹ nhắc lại một số lỗi lầm điển hình của dì.

    Rồi mẹ kết luận: “Mày chỉ được cái bộ mồm!”

    Bố theo dõi cuộc trò chuyện của hai chị em mẹ, lẩm bẩm “chị em mà như chó với mèo!” Mẹ chưa rảnh tay để hục hặc với bố ngay lúc ấy.

    Kết thúc cuộc điện thoại mẹ quay sang bố dằn từng tiếng: “Việc của chị em tôi không bận gì đến ông!” Bố im lặng. Bố im lặng nghĩa là bố thây kệ, mọi chuyện muốn ra sao thì ra. Dù có biết điều gì đó nên nói bố cũng chẳng thèm hé răng.


    Một tuần trôi qua. Việc bận của mẹ là việc đi chùa theo kiểu đi “tua”. Đi mười bảy chùa trong một tuần. Ăn chay toàn diện. Thành tâm cúng lễ. Tối chủ nhật mẹ mới về nhà. Không ăn uống, chỉ tắm rửa qua quýt mẹ lăn ra ngủ. Bố thây kệ.

    Bố không nói với mẹ rằng sáng thứ hai, sau khi mẹ đã lên xe đi cùng đoàn hành hương, dì gọi điện tới, cáu gắt, nói rằng mẹ nhất định phải sang đón bà, vì dì cũng bận. Và vì tuần đó là phiên mẹ trông bà. Dì không đời nào chịu bị buộc chân ở nhà trong khi mẹ cố tình trốn tránh trách nhiệm. Mẹ ích kỷ, còn dì không phải là người dễ nhân nhượng trước sự ích kỷ. Đấy là tất cả những gì bố biết được qua cú điện thoại bố buộc phải nghe trong lúc mẹ vắng nhà. Bố vẫn nhớ những lời dì nói trong điện thoại. Nhưng bố kệ, không nói lại cho mẹ biết.

    Ngày thứ hai của tuần tiếp theo bắt đầu. Ngày thứ hai bắt đầu phiên mẹ trông bà, và mẹ sẽ trông bà hai tuần liền để bù cho cả tuần trước mẹ đi chùa. Đến tận tối vẫn chưa thấy dì đưa bà sang nhà mẹ. Mẹ vẫn tức dì, không gọi điện sang nhà dì hỏi tại sao lại như vậy. Cũng có khi mẹ nghĩ cứ để dì trông bà được bao lâu thì trông, khi nào dì đưa bà sang thì khi ấy đến lượt mẹ, việc gì phải lăn tăn.

    Một tháng rưỡi trôi qua. Bà chưa được đưa sang nhà mẹ. Mẹ và dì vẫn giận nhau, không ai gọi điện cho ai. Thế rồi một hôm trước cổng nhà mẹ xuất hiện cậu con cả của dì. Cậu ta sinh sống ở nước ngoài, lần này đưa vợ chưa cưới về ra mắt gia đình.

    “Chào bác, cháu đưa một nửa của cháu sang chào bà và hai bác đây ạ”.

    Cậu ta vừa cười vừa nói với mẹ trong lúc mẹ mở cổng. Mẹ gật đầu chào, hơi hé miệng cười lấy lệ. “Bà đâu hả bác?”

    Mẹ cười thành tiếng. “Thằng này, đi Tây về biết hỏi nỡm nhỉ!”

    “Bà ở trên gác ạ? Không phải gọi bà xuống đâu ạ. Chúng cháu lên chào bà”. Cậu ta nói, cầm tay vợ chưa cưới kéo lên cầu thang.

    Mẹ đứng khựng lại như người bị sét đánh.
    “Bà vẫn ở bên ấy mà? Bên nhà cháu chứ đâu”.

    “Hì hì, bác cứ đùa!”.

    “Không, bà vẫn ở bên ấy mà”.

    Mẹ đứng ở chân cầu thang, nhìn quanh ngơ ngác như người mất trí. Thế rồi bốn cái máy di động cùng hoạt động một lúc. Tiếng bấm máy tít tít. Mẹ kêu trời bằng giọng thất thanh. Cậu con cả nhà dì dắt bạn gái lao ra cổng. Chuông điện thoại reo. Tiếng dì kêu khóc ở đầu dây bên kia nghe váng cả óc.

    Dì kêu: “Ôi giời ơi là giời. Mẹ tôi đi đâu hả giời. Sáng thứ hai đó, mẹ xách túi quần áo đi ra ngõ, bảo “Mẹ về bên kia đây. Chị cả mày đón mẹ ở ngoài ngõ kia rồi”. Tôi đang bận trông chảo cá rán, chẳng ngó ra được. Cứ ngỡ mẹ được đón sang bên ấy rồi. Ai ngờ! Ối mẹ ơi, giờ này mẹ ở đâu, mẹ ơi!”

    Suốt nửa năm trời người của hai nhà chúng tôi đi tìm bà khắp nơi. Chúng tôi đăng tin tìm bà trên nhiều tờ báo giấy, báo điện tử, đăng tin cả trên truyền hình. Chẳng ai biết bà đang ở đâu. Cách đây hai tuần, bỗng nhiên có một người đàn ông tìm đến nhà tôi gặp mẹ. Ông ấy đưa cho mẹ xem một tờ báo có đăng tin bà tôi mất tích. Rồi ông ấy lấy từ trong chiếc ba lô đã cũ ra một chiếc túi vải. Mẹ tôi trông thấy chiếc túi vải, bật khóc nức nở. Chiếc túi vải đó là túi đựng quần áo của bà. Chính tay người đàn ông đó đã đặt bà vào chiếc quan tài mà ông tự bỏ tiền ra mua sau khi phát hiện bà tôi nằm còng queo trước cổng nhà ông, không động cựa và không còn thở.

    Chiều muộn hôm đó, tại một nghĩa trang cách nhà chúng tôi gần 60km, mẹ tôi và dì, hai đứa con gái của bà tôi, khóc ngất trước nấm mộ phủ đầy cỏ xanh rì. Một người đi xe máy trên đường, dừng lại bên rìa nghĩa trang nhìn cảnh dì và mẹ tôi khóc vật vã, bùi ngùi nói:

    “Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá!”.



    Nguyễn Bích Lan

    (Blog Trường Tống Phước Hiệp)







    Last edited by SP500 SPY; 08-18-2019 at 03:09 PM.

  2. #2
    Nhà Lầu
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    352
    Hãy nhớ kỹ đừng bao giờ nói với cha mẹ mình 10 câu nói sau:
    Posted on 19 Tháng Tám 2015 by Huynh Hue


    Dù cho mẹ có là người nuôi dưỡng bạn hay không thì ít nhất mẹ cũng là người đã mang thai gần 10 tháng trời và sinh ra bạn trên cõi đời này. Có thể chứng kiến tất cả mọi điều xảy ra trên thế giới này, cái đẹp cái xấu, cái thiện cái ác, tất cả đều là do Thượng đế và cha mẹ đã ban cho bạn.

    Đừng làm những việc sẽ khiến bạn sau này phải hối hận, hãy đối xử tốt với cha mẹ của mình. Đừng để đến khi họ mất đi rồi lúc đó mới thấy quý tiếc, bởi vì khi ấy hết thảy mọi thứ đều không còn kịp nữa rồi.

    Nếu như có một ngày, bạn phát hiện sàn nhà và tủ quần áo thường xuyên bám đầy bụi bẩn.
    Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra mẹ mình nấu đồ ăn quá mặn rất khó ăn.
    N
    ếu như có một ngày, bạn phát hiện ra mẹ của mình thường quên tắt ga.
    Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra một số thói quen của cha mẹ mình đã thay đổi, giống như là họ đã không còn muốn tắm rửa hàng ngày nữa.
    Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra cha mẹ của bạn đã không còn thích ăn những loại quả giòn cứng.
    Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra cha mẹ bạn chỉ ăn những món ăn được nấu chín nhừ nát.
    Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra cha mẹ bạn muốn ăn cháo.
    Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra cha mẹ bạn đi trên đường hay các phản ứng đều chậm lại.
    Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra cha mẹ mình trong lúc ăn ho không ngừng, đừng nghĩ rằng họ chỉ đang bị cảm lạnh.
    Nếu như có một ngày, bạn phát hiện ra cha mẹ mình không hề muốn đi ra cửa…
    Nếu như có một ngày như vậy, tôi muốn nói với bạn rằng, bạn phải thật cảnh giác bởi vì cha mẹ bạn đã già rồi! Các cơ quan bộ phận đã thoái hóa đến mức cần người khác chăm sóc rồi.
    Nếu như bạn không thể chăm sóc họ, bạn nên tìm người chăm sóc họ, bạn nên thường xuyên thăm nom họ, đừng để cha mẹ bạn cảm thấy mình bị bỏ rơi.

    Tất cả ai rồi cũng sẽ già, cha mẹ chỉ là già trước chúng ta, chúng ta phải dùng trái tim yêu thương để chăm sóc cha mẹ, như thế mới có thể nhẫn nại, mới không nói những lời ca thán. Khi cha mẹ không thể tự chăm sóc bản thân, làm con phải luôn chú ý, cha mẹ có thể sẽ làm rất nhiều việc không hay, ví dụ như trong phòng có mùi khó chịu, có thể họ cũng không thể ngửi thấy, xin hãy đừng chê họ bẩn, phận làm con hãy dọn giúp cha mẹ mình. Cũng xin hãy luôn luôn duy trì sự yêu thương, kính trọng đối với họ.

    Nếu một mai thấy cha mẹ già yếu…

    Khi cha mẹ không còn muốn tắm rửa, xin hãy bớt chút thời gian lau rửa cho họ, bởi vì cho dù là họ tự tắm rửa được thì cũng không thể tắm rửa sạch sẽ được. Khi chúng ta thưởng thức đồ ăn, xin hãy chuẩn bị cho họ một phần đồ ăn lớn nhỏ phù hợp, một bát nhỏ sẽ dễ dàng ăn hơn. Bởi vì họ không thích ăn có thể là do hàm răng đã không thể cắn và nhai được nữa rồi.

    Từ khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, mẹ là người cho chúng ra bú sữa, thay tã lót hằng đêm và còn không ngủ nghỉ để chăm sóc khi chúng ta ốm đau. Cha mẹ là người dạy cho chúng ta những kỹ năng sinh sống cơ bản đầu đời, cho chúng ta đi học, ăn uống, vui chơi và tập thói quen, luôn quan tâm không ngừng nghỉ.

    Nếu như đến một ngày, cha mẹ đã không thể nhúc nhích được nữa, chẳng phải bạn nên chăm sóc cha mẹ mình sao?

    Làm phận con hãy nhớ lấy, “xem cha mẹ chính là bản thân mình trong tương lai” mà hiếu thuận kịp thời, đừng để đến khi “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, “con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn”..

    Theo NTDTV
    Mai Trà biên dịch Nguồn: Đại Kỷ Nguyên

    ********************************




    Khi già ai sẽ nuôi dưỡng bạn?


    Posted on 19 Tháng Ba 2019

    “Nuôi con dưỡng già” là quy luật bất thành văn từ ngàn đời này. Tuy nhiên, ngày nay khi đọc tin tức, có rất nhiều bài viết về “người già vô gia cư, con tranh chấp tài sản của bố mẹ”, bạn có nghĩ rằng quan niệm “nuôi con dưỡng già” vẫn còn đúng?


    Bạn hãy xem câu chuyện bên dưới để suy ngẫm và tìm câu trả lời cho chính mình nhé.

    Có một người mẹ đơn thân nuôi con, chồng bỏ đi từ sớm, cô ấy sống bằng nghề dạy học, với thu nhập khá khiêm tốn đã nuôi dưỡng con trai khôn lớn thành tài.

    Lúc còn nhỏ, con trai rất ngoan ngoãn, vâng lời. Cô vất vả nuôi dạy con đến tuổi trưởng thành, và cậu con trai được đi Mỹ du học. Sau khi con trai tốt nghiệp đại học đã ở lại Mỹ làm việc, kiếm được khá nhiều tiền rồi mua nhà, và lấy vợ, sinh con, xây dựng một gia đình hạnh phúc đầm ấm.

    Người mẹ già này, dự định sau khi nghỉ hưu sẽ đến Mỹ đoàn tụ cùng con trai và con dâu, hưởng phúc gia đình vui vẻ sum vầy. Chỉ ba tháng trước khi cô sắp nghỉ hưu, cô đã nhanh chóng viết một lá thư cho con trai, nói với con về nguyện vọng này.

    Trong tâm cô rất đỗi vui mừng khi nghĩ đến chặng đường “nuôi con dưỡng già” của mình sắp đến hồi kết tốt đẹp, cùng những ánh mắt hâm mộ của bà con, bạn bè xung quanh. Vì thế mà một mặt cô đợi hồi âm của con, một mặt cô thu xếp bán nhà và nộp đơn nghỉ hưu.

    Vào đêm trước ngày nghỉ hưu, cô nhận được thư hồi âm của con trai gửi từ Mỹ về, mở thư ra xem, trong thư có kèm một tấm ngân phiếu 30 ngàn đô la Mỹ.

    Cô cảm thấy rất lạ, bởi vì từ trước đến giờ con trai không bao giờ gửi tiền về, cô vội vàng mở thư, bức thư viết rằng:
    “Mẹ à, sau khi vợ chồng con cùng nhau bàn bạc, quyết định là không thể đón mẹ đến Mỹ sống chung được. Cứ cho rằng mẹ có công nuôi dưỡng con trước đây, toàn bộ chi phí đó, thì tính theo giá cả thị trường bây giờ khoảng 20 ngàn đô Mỹ. Nhưng con sẽ gửi thêm một chút, là tấm chi phiếu 30 ngàn đô này. Hy vọng từ nay về sau mẹ đừng viết thư cho con nữa, cũng đừng kể lể về những việc như thế này nữa.”


    Sau khi người mẹ đọc xong lá thư này thì nước mắt đầm đìa. Cô lặng im một hồi lâu, thật khó mà chấp nhận được sự thật này. Nhưng với tấm lòng người mẹ bao la như biển cả, cô không trách con trai, chỉ cảm thấy tủi phận cho một đời góa bụa. Khi trẻ đơn độc nuôi con, bây giờ cần nơi nương tựa vẫn lẻ bóng, lòng cô đau như cắt!.

    Sau đó, cô tìm đến cửa Phật, và bắt đầu học Phật Pháp. Học được một thời gian, cô cảm thấy tâm thái nhẹ nhõm, suy nghĩ cũng thông mọi chuyện. Cô dùng 30 ngàn đô đó để đi du lịch khắp thế giới, lần đầu tiên trong đời, cô được mở mang tầm mắt thấy được quang cảnh thế giới này thật đẹp biết bao.

    Như cởi được tất cả mọi sân si, hờn giận, cô thanh thản viết cho con trai mình một bức thư.

    “Con trai à, con muốn mẹ đừng viết thư cho con nữa, thế thì, cứ xem như lá thư này là bổ sung cho bức thư con đã gửi mẹ trước đây. Mẹ nhận tấm séc rồi, cũng đã dùng nó để thực hiện một chuyến du lịch vòng quanh thế giới.
    Trong chuyến đi này, mẹ đột nhiên cảm thấy rằng nên cảm ơn con, cảm ơn con đã giúp mẹ hiểu thấu được mọi chuyện, có thể buông bỏ nhân tâm, khiến mẹ nhận ra tình thân quyến, tình bạn và tình yêu của con người trên thế gian này đều không phải là vĩnh cửu, chỉ như như bèo dạt mây mà trôi, tất cả đều đang thay đổi từng ngày.

    Nếu ngày hôm nay mẹ không thông suốt, vẫn còn ôm giữ bao nhiêu sân si, hờn giận, đau khổ thì có thể một vài năm nữa, mẹ có lẽ sẽ không sống nổi. Sự tuyệt tình của con khiến mẹ ngộ được chữ “duyên” nơi trần gian này, chẳng phải duyên hợp lại tan đó sao! Tất cả đều là vô thường!
    Mẹ cũng học được cách giữ tâm mình thanh tĩnh và ung dung tự tại.
    Mẹ đã không còn con cái nữa, tâm đã vô lo, nên mới có thể đi đến bất cứ nơi đâu mà tâm không mảy may vướng bận.”

    “Thật đáng thương cho cái tâm của các bậc làm cha mẹ trên thế giới này”, vì họ luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình, nhưng kết quả cuối cùng lại chưa hẳn là tốt nhất.

    Có một câu nói rằng: “Nhà của cha mẹ là nhà của con cái, nhà của con cái không bao giờ là nhà của cha mẹ. Sinh con là nhiệm vụ, nuôi con là nghĩa vụ, nhưng dựa vào con là sai lầm.”

    Mặc dù không phải tất cả con cái đều vô lương tâm như người con trai trong câu chuyện này. Nhưng những bậc làm cha mẹ nhất định không nên nghĩ rằng sẽ dựa vào con cái của mình.

    Chân thành mà nói, bạn hãy chỉ dựa vào chính bản thân mình.

    Con cháu nếu có hiếu thảo với bạn, thì đó cũng là phúc đức của bạn. Còn nếu chúng không hiếu thảo, thì bạn cũng không thể cưỡng cầu mà có được. Cách tốt nhất là hãy sớm lên kế hoạch “dưỡng già” ngay từ bây giờ, sẽ không bao giờ là quá muộn cả!.





    Khai Tâm Theo Cuộc Sống Mỹ

    *******************







    Bà Mẹ tội nghiệp


    Đoàn Thị


    Năm đó tôi đón xe đò Lộc tại chợ Hòa Bình lên Las Vegas thăm gia đình chị, tôi đến sớm nên được xếp ngồi băng ghế sau lưng bác tài, xe sắp lăn bánh bà khách ngồi cạnh bác tài nhường chỗ cho một ông cụ vừa được con cháu dắt lên xe.

    Bà xin tôi ngồi vào trong nhường cho bà ngồi bên ngoài vì bà bị say xe, tôi vui vẻ chấp nhận.

    Sau khi an tọa bà mời tôi gói xôi, tôi cảm ơn bà vì tôi không ăn sáng mà chỉ uống cà phê, bà cất gói xôi vào túi thức ăn to kềnh đặt dưới chân bà.

    Tôi thầm nghĩ chắc bà “na” (mang) bánh bột lọc, xôi, chè, chả… đặc sản Little Sài gòn lên xứ Sòng Bài như cô em tôi thường làm mỗi lúc đi thăm gia đình chị và cháu tôi.

    Xe lăn bánh ra khỏi Santa Ana, bà mở lời :
    - Chị lên thăm gia đình ?

    - Vâng, mà sao chị biết tôi thăm người nhà ?

    - Thì chị cũng mang túi đồ có khác tôi đâu, ai dưới này lên đó thể nào cũng tay xách nách mang thôi.

    Tôi cười :
    - Chị nói đúng nhưng chỉ một nửa thôi, tôi lên thăm chị tôi nhưng tôi không phải dân Bolsa.

    - Thế chị ở tiểu bang nào ?

    - Tôi ở tận u Châu chỉ có đặc sản xứ Tây chứ không có thực phẩm Sàigòn Nhỏ.

    Tôi đưa cho bà xem mấy hộp Pâté nhỏ như loại cá hộp và biếu bà một hộp ăn thử.

    Bà lắc đầu:
    - Cảm ơn chị tôi nấu sẵn thức ăn cả tuần, hơn nữa bao tử tôi bây giờ yếu nên không dám ăn đồ hộp có gì lại phiền con cái.

    Nghe bà than tôi muốn hỏi thêm nhưng ngại vì vừa mới quen không dám thắc mắc, như đoán được suy nghĩ của tôi, bà tâm sự.

    Hai vợ chồng tôi có mỗi một mụn con, từ lúc con bé tốt nghiệp BS nó lên đây làm việc, lấy chồng cũng là đồng nghiệp, sinh thằng cu được sáu tháng rồi đi làm trở lại, thế là tôi phải lên làm vú em. Cứ sáng thứ hai tôi đón xe đò lên trông cháu, sáng thứ bẩy về đến Bolsa chồng tôi ra bến xe đón rồi đưa tôi đi chợ, về nhà chuẩn bị nấu thức ăn cho tôi và ông nhà tôi cả tuần sau, đến tối tôi mệt lã.

    Tôi đi đi về về thế này hơn một năm rồi thằng cu chạy nhảy tung tăng đuổi theo nó đuối luôn, còn ông nhà tôi cằn nhằn vì tôi bỏ ông ở nhà cu ki ăn ngủ vào ra một mình nghĩ cũng tội ông thật.

    Tôi thắc mắc
    - Thế con gái chị nghĩ sao khi anh chị phải mỗi người một nơi ?

    - Nó chả nghĩ chi cả, nó bảo chỉ tin mẹ nên không thuê người ngoài trông con, tôi nói chuyện bố nó cằn nhằn tôi mấy lần mà nó có tha tôi đâu.

    Nói đến đây mắt bà đỏ hoe, tôi nắm lấy bàn tay gân guốc của bà an ủi :

    - Khổ thật chị có một đứa con duy nhất nên cũng khó xử.

    Bà chớp mắt thở dài
    - Đã thế ông nhà tôi còn làm áp lực bảo tôi phải chọn ông ấy hoặc con gái, chị nghĩ tôi phải làm sao. Tôi hỏi nó tính sao, nó nài nỉ tôi ráng nuôi cháu thêm vài năm, hơn nữa cuối tuần tôi đều về với ông ấy chứ có bỏ đi luôn đâu.

    Nghe nó trả lời như thế ông gọi điện thoại mắng nó một trận, cha con giận nhau, tôi ở giữa rối bời, con nó cứ nài nỉ, chồng cắn đắn khổ lắm chị ơi.

    Dứt câu bà lại ứa nước mắt, tôi nắm tay bà
    - Đúng là bỏ thì thương vương thì tội, chồng chị bực tức cũng phải, anh chị đã tròn nhiệm vụ nuôi con, gã chồng, đáng lý con gái phải báo hiếu cha mẹ chứ sao lại bắt chị xa anh để lo cho chúng nó.

    Bà phân trần
    - Nó có cho tôi tiền tháng nhưng tôi đâu có cần, ông ấy có tiền hưu, tôi có tiền già, chị nghĩ xem chúng tôi ăn bao nhiêu, quần áo cũng chả cần mua sắm nhiều, tôi chỉ lo tối hôm xảy ra chuyện gì ông ấy một mình xoay trở ra sao, còn thuốc men phải uống mỗi ngày nữa đấy.

    Giọng bà nghẹn lại, nước mắt rơi lả chảy, tôi nghe mà cầm lòng không nổi. cùng khóc với bà, qua cơn xúc động, bà kể tiếp:

    - Vừa rồi ông ấy dọa sẽ bỏ tôi luôn nếu tôi cứ tiếp tục đi cả tuần, ông làm dữ tôi cũng sợ nhưng lên đây nó nỉ non tôi lại xiêu lòng, cả ngày trông cháu mệt đừ thế mà đêm đến chỉ tôi ngủ vài tiếng thôi, đôi khi chợp mắt được một lúc lại thao thức tự hỏi, mình làm đúng hay sai.

    Vừa rồi nó bảo tôi ở lại để nó tổ chức ngày lễ Mẹ cho tôi, gọi điện thoại mời bố lên chung vui với gia đình nó. Ông nổi cáu la nó một trận, ông bảo nếu nó thương tôi thật lòng thì phải chở tôi về cùng vui với ông.

    Nghĩ lại ông ấy nói đúng, cả ngày thứ bẩy hai vợ chồng nó đi chơi bỏ thằng cu cho tôi trông, chủ nhật đặt cơm nhà hàng với cái bánh kem và tặng tôi sợi dây chuyền mà tôi có vui gì, thương chồng ở nhà vào ra đơn chiếc.

    Nói thật với chị tôi từng trăn trở, gần 70 tuổi mà còn long đong như con thuyền không bến, đôi lúc cũng giận con bé nhưng khi ôm thằng cháu lòng lại nguôi ngoai.

    Đêm về cô đơn lắm, nhớ chồng, nhớ thuở HO dắt díu nhau qua đây lập nghiệp, sáng sáng đưa con đến trường, vợ chồng đến sở làm, con bé ra trường lên đây lập nghiệp.

    Tôi về hưu trước, năm sau ông về hưu non để vợ chồng “hưởng đời” sau mấy mươi năm lam lũ, chúng tôi đi đây đó thăm bạn bè, rồi đi Cruise với nhóm cựu quân nhân của ông ấy, họ còn rủ đi chơi tận Bắc Âu nữa đấy, mùa hè bên đó đẹp lắm mà chưa có dịp đi.

    Ngày con bé lấy chồng chúng tôi mừng, đứa con duy nhất là niềm hãnh diện của gia đình, rồi nó sinh con hai bên nội ngoại vui mừng mẹ tròn con vuông, nó nghỉ sáu tháng nuôi con đến lúc đi làm trở lại nhờ tôi lên chăn cháu.

    Ban đầu tôi háo hức lắm, đầu tuần lên đây cuối tuần về thăm chồng, ấy thế mà mấy bà bạn nhắc chừng, trông cháu vài tháng thôi vì tôi còn ông nhà phải chăm sóc, người già ở một mình, đêm dài hay nghĩ vẫn vơ, lúc đau ốm trông cậy vào ai, con cái nó có cuộc sống của nó.

    Tôi đâu có tin lời mấy bà ấy, bây giờ hiểu ra thì con gái không chịu buông tha, sức khỏe của tôi cũng yếu hẳn, suốt ngày chạy theo thằng cu sợ nó té u đầu sứt trán mẹ nó than phiền, chân tay tôi va vấp sưng bầm để đỡ cháu mà con gái có hay biết gì, tủi thân lắm chị ơi.

    Về nhà lại giấu chồng sợ ông bực tức lên tăng xông, thế mà có qua mắt ông được đâu, ông vạch tay chân tôi hạch tội, lại điện thoại mắng con bé, hôm sau lên đây còn bị nó cằn nhằn rồi lấy kem xoa bóp cho tôi, thế là đâu vào đấy, chồng buồn con gái thì vui, tôi không biết mình phải sống sao nữa
    . . .
    Tôi an ủi và bảo bà cứ làm theo con tim của bà, tôi biết nói như thế cũng không giúp được bà vì trái tim bao la của người mẹ ôm hết con cháu vào lòng dù phải hy sinh cuộc sống lứa đôi của mình.

    Tôi chia tay với bà ở bến xe Las Vegas mà quên hỏi tên vì chị tôi đến xách túi và kéo tôi lên xe chị.

    Không biết bây giờ số phận bà ra sao, ngày lễ Mẹ năm nay bà đã được trả về với chồng chưa, con gái có mang chồng con về mừng lễ với bà hay lại giữ rịch bà trên đó để “tranh thu” thêm ngày thứ bẩy không phải trông con đi chơi với chồng như bà kể cho tôi nghe lần đó.

    Sau này, mỗi năm đến ngày Mother’s Day tôi lại nhớ đến Bà Mẹ Tội Nghiệp của cô bác sĩ, người phụ nữ tóc muối nhiều hơn tiêu gầy nhom với trái tim bao la đập loạn nhịp vì yêu con yêu cháu.

    Hy vọng cô BS đã làm mẹ, tuy chưa được chú bé vài tuổi tặng quà Ngày Lễ Mẹ, hiểu dùm, Mẹ chúng ta chỉ có Một mà thôi và hãy thương yêu trân quý mẹ khi bà còn sống.

    Mong lắm giờ này bà khách cùng chuyến xe đò với tôi năm đó được vui sống bên cạnh chồng, sớm hôm có nhau như ngày đầu chúng mình hai đứa, cuối đời cũng chỉ hai đứa đầu bạc phơ nương tựa nhau đi trọn đường đời.



    Đoàn Th
    (theo vietvenuocmy.vietbao.com)


    ************************************************** *

    “Không oán trách” cha mẹ là biểu hiện của người con có hiếu

    Làm cha mẹ nếu có thể làm được “7 không trách” thì đó vừa là thể hiện của tình yêu thương, vừa thể hiện của lòng tôn trọng con cái.


    • An Hòa•
    • Thứ Ba, 24/07/2018





    Trong muôn vàn cái khổ thì cái khổ vì con cái là cái khổ trải dài trong nhiều năm tháng nhất.
    Là người con, hãy sống cho trọn chữ “hiếu”, hãy tận tâm chăm sóc cha mẹ của mình và mỉm cười với họ, đừng để đến lúc “con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn”!
    (Hình minh họa: Qua Kiplinger.com)

    Cổ nhân giảng: “Bách thiện hiếu vi tiên”, nghĩa là trong trăm việc thiện thì hiếu thảo là đứng đầu. Trong cuộc sống hàng ngày, kỳ thực, hiếu thảo thể hiện ở những điều rất đỗi đơn giản.Làm một người con, nếu có thể làm được “5 không oán” thì đã là thể hiện của lòng hiếu thảo rồi.

    Làm cha mẹ nếu có thể làm được “7 không trách” thì đó vừa là thể hiện của tình yêu thương, vừa thể hiện của lòng tôn trọng con cái.

    Trong gia đình, con “5 không oán”, cha mẹ “7 không trách” thì gia đình ấy tất sẽ không chỉ hòa thuận mà còn có gia phong nề nếp và hưng thịnh.

    Làm con “5 không oán trách” cha mẹ là thế nào?

    1. Không oán trách cha mẹ không có năng lự

    Đừng oán trách nói cha mẹ phải là người như thế này thế kia, hãy tiếp nhận. Cha mẹ dù thế nào cũng là cha mẹ của mình.

    (Hình minh họa: Qua Chinazhaokao.com)
    Khả năng của con người là có hạn, vì thế nếu có điều gì cha mẹ không làm được cũng là chuyện bình thường. Cha mẹ cho ta sinh mạng, lại vất vả bao năm để nuôi dưỡng chúng ta nên người, bởi vậy xin đừng bao giờ oán trách cha mẹ không có năng lực, tài cán, không thể cho con cuộc sống tốt hơn. Hãy trân trọng và yêu thương cha mẹ bằng tất cả tấm lòng.

    2. Không oán trách cha mẹ hay cằn nhằn
    Chỉ có người thật sự yêu thương mình mới “dài dòng” mà chỉ bảo, khuyên nhủ mình mà thôi. Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của mỗi người chúng ta, bởi lẽ rất nhiều chặng đường ta đang đi, cha mẹ đều đã từng trải qua. Với những kinh nghiệm sống của mình, cha mẹ luôn mong có thể chia sẻ để giúp con trở nên tốt hơn, vì thế mới hay “dài dòng” cằn nhằn, nhắc nhở.(Ảnh: Internet)3. Không oán trách cha mẹ mắng mìnhCha mẹ thường trách mắng vì không bằng lòng với tình trạng hiện tại của con cái. Bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng mong con mình ngày một tiến bộ, giỏi giang để sau này có thể sống no đủ, thoải mái. Cha mẹ có trách mắng cũng vì không muốn ta mắc phải sai lầm họ từng mắc, lãng phí tuổi trẻ vào những thú vui vô bổ sẽ làm ta hối hận sau này.

    4. Không oán trách cha mẹ chậm chạp

    (Hình minh họa: Pixabay.com)Khi tuổi ngày một nhiều hơn, việc đi lại tự nhiên cũng sẽ không còn linh hoạt, thần trí cũng không được minh mẫn như trước nữa. Nếu ngày ấy đến, xin bạn đừng chê trách cha mẹ phiền phức, chậm chạp. Hãy nghĩ đến thuở ta còn thơ bé, cha mẹ đã luôn kiên nhẫn dạy ta từng bước đi, chăm sóc ta từng li từng tí như thế nào.

    5. Không oán trách cha mẹ ốm yếu
    Lúc cha mẹ sinh bệnh, con cái có thể phụng dưỡng cha mẹ được bao nhiêu? “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể”, vậy thì cớ sao “con nuôi cha mẹ lại kể tháng kể ngày”?

    Một ngày khi bố mẹ đã già, bạn phải chăm sóc họ, giống như khi họ chăm sóc bạn khi bạn còn nhỏ. (Ảnh qua NTDTV)

    Sinh, lão, bệnh, tử đời này có ai tránh khỏi? Vì vậy, cha mẹ già cả ốm đau cũng là chuyện thường tình. Hơn nữa, khi con cái dần dần lớn lên, cha mẹ sẽ dần dần già đi cho đến lúc lìa đời. Đó là quy luật tự nhiên.Không có cha mẹ sẽ không có chúng ta, cho nên oán giận cha mẹ không bằng đi hiểu cha mẹ. Nếu đến cha mẹ mình mà còn không bao dung được thì lấy gì để dung thiên hạ? Trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu, cho nên ngàn vạn lần đừng mang tâm oán trách cha mẹ!

    Làm cha mẹ: “7 không trách mắng” con cái là như thế nào?

    Dạy bảo, trách mắng con cái là điều cha mẹ thường làm khi con sai trái. Nhưng “trách mắng” như thế nào để con nghe ra, sửa chữa, thấu hiểu được lòng cha mẹ lại là một nghệ thuật. Trẻ con cũng có lòng tự trọng, tự tôn của mình, cho nên cha mẹ trách mắng con, cần phải đúng lúc và phù hợp hoàn cảnh.

    (Hình minh họa: Pixabay.com)
    1. Không trách mắng con ở nơi đông người
    Sự tôn nghiêm, danh dự là thứ mà ai cũng có, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ. Bởi vậy, cha mẹ cần chú ý không trách mắng con cái trước chốn đông người để tránh làm trẻ thấy xấu hổ, mất mặt

    .
    2. Không trách mắng khi con đã biết lỗi
    Ông cha ta đã dạy: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Vì thế, một khi con trẻ đã nhận ra lỗi lầm của mình, biết ăn lăn hối lỗi rồi thì cha mẹ nên ân cần chỉ bảo chứ không nên trách mắng nữa.


    3. Không trách mắng con vào ban đêmĐừng trách mắng trẻ trước khi đi ngủ, bởi làm như vậy sẽ khiến trẻ đem theo cảm giác tủi thân, buồn chán mà chìm vào giấc ngủ. Những lời trách mắng đó có thể khiến trẻ ngủ không ngon, thậm chí gặp phải những cơn ác mộng đáng sợ, ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tâm tính của trẻ

    .4. Không trách mắng khi con đang vui mừng
    Khi con người vui mừng, các kinh mạch trên cơ thể ở vào trạng thái khai thông tốt. Nếu ngay lúc đó lại bị trách phạt, mắng mỏ thì những ức chế tinh thần sẽ khiến kinh mạch đột ngột bị bế tắc lại, gây hại cho cơ thể. Chính vì thế, cha mẹ hãy nhớ đừng mắng khi trẻ đang vui mừng.

    5. Không trách mắng con trong bữa ăn
    Người ta thường nói: “Trời đánh còn tránh miếng ăn”. Vì vậy, mọi lời phê bình, trách phạt hãy để sau bữa ăn hãy nói. Nếu không, điều đó không chỉ phá hỏng không khí bữa cơm gia đình mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và cảm

    giác ấm cúng trong lòng trẻ.
    (Ảnh: Internet)

    6. Không trách mắng khi con đang buồn
    Những lời phê bình lúc này sẽ chỉ càng làm tâm trạng con bạn xấu đi, tạo thêm áp lực tinh thần cho trẻ. Những áp lực ấy nếu không được giải tỏa kịp thời có thể sẽ làm trẻ thêm buồn bã hơn, thậm chí dẫn đến những hậu quả khó lường.
    (Ảnh: bigstockphoto.com)

    7. Không trách mắng khi con đang ốm

    Lúc ốm đau là khi cơ thể con người ta yếu đuối nhất, tinh thần cũng mềm yếu, dễ tủi thân nhất. Thay vì trách mắng, điều cha mẹ cần làm là quan tâm và chăm sóc nhiều hơn đến con cái mình. Đối với bất cứ ai, cảm giác ấm áp, được yêu thương sẽ có tác dụng hơn bất cứ phương thuốc nào trên đời.An Hòa

    ******************

    Bức thư tuyệt mệnh của người mẹ 80 tuổi "hối hận vì sinh ra 4 con trai"...






    Bức thư tuyệt mệnh của một bà mẹ 80 tuổi ở Trung Quốc với tiêu đề "Cảm ơn vì đã chăm sóc mẹ nhưng mẹ hối hận khi đã sinh ra các con" khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

    "Các con trai của mẹ,
    Hôm nay là ngày 6/6, mẹ đã qua tuổi 80, điều này cũng có nghĩa là mẹ đã sống được 80 năm trên đời rồi.

    Trải qua một thời gian dài như vậy, mẹ sinh 4 đứa con và nuôi thêm 8 đứa cháu tất thảy. Tức là trong suốt cuộc đời mình, mẹ đã nuôi 12 người, cả con lẫn cháu. Vì vậy mà mẹ nghĩ rằng mẹ đủ từng trải và đủ tiếp xúc để có thể hiểu rõ về những đứa con của mình.

    Đặc biệt là từ vài năm trước, sau khi cha các con qua đời, mẹ cảm thấy một cách rõ ràng rằng các con ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn với mẹ. Nhưng lúc đó, mẹ đã thực sự hy vọng rằng các con có thể đưa mẹ về nhà, mẹ muốn sống với các con và mẹ có thể làm bất cứ điều gì để được như thế.

    Mẹ cứ mong chờ nhưng 2 tháng đã trôi qua mà không một ai trong số các con đón mẹ về. Trái tim của mẹ lạnh lẽo như đóng băng vì mẹ biết các con sẽ không bao giờ có ý định đó.

    Cũng may là khi ấy các con đối xử với mẹ không tệ. 4 người các con đã chia nhau, mỗi người 1 tuần ở lại với mẹ, nên mẹ không còn sợ hãi khi màn đêm buông xuống nữa.

    Thực ra, ai cũng vậy thôi, sống đến ngần này tuổi rồi, điều đáng sợ nhất là gì? Đó chẳng có gì khác ngoài nỗi cô đơn.
    Mẹ biết, các con đã dành 1 năm 9 tháng để chăm sóc mẹ, khoảng thời gian đó tương đương với 630 ngày. Là một người mẹ, mẹ cảm ơn các con vì hành động đó.

    Thế nhưng sau đó, các con gặp mẹ với gương mặt ngày càng cau có. Khi đến, các con không chào hỏi gì và lúc đi cũng chẳng nói với mẹ một câu nào. Nó giống như là các con đang vào khách sạn và đi lướt qua một bà già xa lạ vậy.
    Mẹ không muốn xúc phạm bất kỳ ai trong số các con. Mẹ không ăn của các con một bữa ăn nào, cũng không mặc quần áo của các con và càng không tiêu tốn 1 đồng nào của các con. Nhưng các con luôn cho mẹ cảm giác, việc các con đến thăm mẹ giống như là một món nợ, một gánh nặng phải trả.

    Ngay cả khi mẹ đã chẳng còn minh mẫn thì mỗi tối, các con vẫn bỏ về nhà mình, không một ai ở lại với mẹ. Chính điều đó đã khiến cho mẹ cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết.

    Sau khi cha các con qua đời, các con đã ở cạnh mẹ 1 năm 9 tháng. Mẹ biết ơn vì điều này nhưng ở phần còn lại của cuộc đời, mẹ sẽ đi một mình.

    Trong hơn 2 năm qua, mẹ đã phải vật lộn với nỗi cô đơn. Vào ngày sinh nhật lần thứ 80 của mẹ, các con đã đến và đều chúc mẹ "Sống lâu trăm tuổi!", nhưng lúc đó mẹ chỉ cười và nghĩ, sống trăm tuổi thật vô dụng.

    Và gần đây, bệnh tim của mẹ ngày càng nặng hơn. Mẹ không nói điều đó với các con và mẹ không biết phải nói gì. Mẹ mong rằng bệnh tật sẽ mang mẹ đi gặp cha các con sớm hơn, nếu được như vậy thì mẹ sẽ biết ơn cuộc đời này rất nhiều.

    Mấy ngày trước, mẹ mơ thấy cha các con. Ông ấy nhìn mẹ cười và nói: "Bà đi với tôi nhé! Bà sẽ không còn cảm thấy cô đơn nữa".

    Tỉnh dậy, mẹ nhìn thấy những ngôi sao bên ngoài cửa sổ, thấy mặt trăng tròn và lớn. Mẹ đã mơ thấy cha các con, mơ thấy rằng ông ấy sẽ đón mẹ đi vào một đêm tuyệt đẹp như thế. Trong suốt cuộc đời mình, mẹ biết ơn tình yêu của ông ấy dành cho mẹ và biết ơn sự chăm sóc của các con trong 630 ngày vừa qua.

    Bệnh tim của mẹ mỗi ngày một nặng nên mẹ hiểu rằng mình không còn nhiều thời gian nữa. Thế nên mẹ đã viết bức thư này, bởi duyên phận của mẹ con mình cũng chẳng còn bao nhiêu.

    Tóc mẹ đã bạc hết rồi, mẹ có thể thề với mái tóc của mình rằng, mẹ thực sự trân trọng những gì các con đã làm cho mẹ. Ngoài câu này ra, mẹ còn muốn nói thêm rằng: "Mẹ rất hối hận khi đẻ ra các con. Nếu có kiếp sau, mẹ không muốn các con là con của mẹ nữa."

    Nhưng với tư cách là một người mẹ, mẹ vẫn hi vọng rằng cả 4 người các con sẽ hạnh phúc trong những năm tháng sau này, sẽ không bị 8 đứa con của mình bỏ rơi.

    Sau lá thư này, mẹ muốn dừng lại tất cả..."


    Cuối cùng, một vài ngày sau, người ta phát hiện bà mẹ 80 tuổi đã nhắm mắt xuôi tay với gương mặt vô cùng bình yên trên chiếc giường của mình, trong tay là bức ảnh duy nhất của bà và chồng.

    MISS TƠ - THEO HELINO

    **********************************



    Mẹ đi về đâu, hỡi Mẹ?
    Trong giờ lễ Chủ Nhật, tại nhà thờ Saint Columban, linh mục T. đã làm nhiều người nghe phải nhỏ lệ khi ông kể một câu chuyện về một người Mẹ đã nuôi cả mười đứa con thành công về tài chánh, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư, dược sĩ, nhưng rồi cả mười đứa con ấy, không nuôi nổi một bà Mẹ già. Đứa nào cũng có lý do để từ chối không muốn ở với Mẹ.

    Linh mục T. cũng kể lại lúc ông còn ở Chicago, có một lần trong thời tiết lạnh giá, đến thăm một bà Mẹ, thấy căn nhà rộng mông mênh, không có ai, vì hai vợ chồng đứa con đi làm cả. Điều ông quan tâm là thấy trong nhà rất lạnh, bà Mẹ phải mặc hai áo nhưng vẫn lạnh cóng. Ông có hỏi bà mẹ tại sao không mở máy sưởi, thì bà Mẹ cho biết là không dám mở vì sợ khi con đi làm về, sẽ càm ràm là “tốn tiền điện quá!” Những đứa con sang trọng kia, có thể chờ đến ngày Lễ Mẹ, thì đưa mẹ ra ăn tô phở, hoặc gọi điện thoại về nhà, nói: “I love you, mom!”
    Thế là đủ bổn phận của một đứa con thành công ở Mỹ đối với người mẹ yêu dấu của mình.

    Những Bà Mẹ ở đây là hiện thân của Mẹ Việt Nam đau khổ, đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái, nhưng khi con cái phụ rẫy, bỏ bê, cũng im lặng chấp nhận cho đến hết cuộc đời.

    Có biết bao nhiêu trường hợp như thế trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại? Biết bao nhiêu bà mẹ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng tất cả những đau khổ từ khi lấy chồng, sinh con, rồi ráng nuôi dạy con nên người, sau đó lại chấp nhận những đứa con bất hiếu như một định mệnh mà không hề thốt lời than vãn?



    Một bà mẹ đã dành dụm bao năm buôn gánh bán bưng để cho con vượt biên một mình, sau đó, khi qua đến Mỹ, thằng con sợ vợ quá, không dám để mẹ ngủ trong phòng, mà bảo mẹ phải ngủ dưới đất trong phòng khách. Một lần, con chó xù của hai vợ chồng đứng đái ngay vào đầu mẹ. Bà mẹ kêu lên, thì đứa con dâu cười, trong khi chồng đứng yên, chẳng dám nói gì.


    Bà mẹ khác, không được ở chung với con trai, phải thuê một phòng của người bạn, vì sức khoẻ yếu, lúc nào cũng lo là chết không có ai chôn. Khi nghe nói về bảo hiểm nhân thọ, bà có năn nỉ thằng con trai đứng tên mua giùm, để bà bớt chút tiền già và đóng hàng tháng để mai sau, con có tiền lo hậu sự cho bà, nhưng đứa con dâu nhất định không chịu, cho rằng “tốn tiền vô ích, chết thì thiêu, liệng tro xuống biển là xong, chôn làm gì cho mất thời giờ đi chăm sóc.” Bà cụ uất quá, phát bệnh và qua đời. Không biết rồi bà có được chôn cất đàng hoàng theo ý muốn, hay lại bị cô con dâu vứt tro ra biển.


    Không thiếu những bà mẹ khi đến thăm con trai, phải ngồi nhìn vợ chồng ăn uống ríu rít với nhau, vì con dâu không chịu dọn thêm một chén cơm mời mẹ. Một bà mẹ nhớ con nhớ cháu quá, đến thăm con, nhưng sợ con dâu sẽ nhiếc móc thằng chồng, nên vừa vào tới cửa đã vội thanh minh: “Mẹ không ăn cơm đâu! Mẹ vừa ăn phở xong, còn no đầy bụng. Mẹ chỉ đến cho thằng cháu nội món quà thôi!”
    Không thiếu những bà mẹ vì lỡ đánh đổ một chút nước trên thảm mà bị con nhiếc móc tơi bời. “Trời đất ơi! Cái thảm của người ta cả vài ngàn bạc mà đánh đổ đánh tháo ra thế thì có chết không?”

    Có bà mẹ bị bệnh ung thư, biết là sắp chết, mong được con gái đưa về Việt Nam, nhưng con đổ thừa cho chồng không cho phép về, rồi biến mất tăm, sợ trách nhiệm. Mẹ phải nhờ người đưa ra phi trường, nhờ người dưng đi cùng chuyến bay chăm sóc cho đến khi về tới nhà. Từ lúc đó đến lúc mẹ mất, cả con gái lẫn con rể, cháu chắt cũng chẳng hề gọi điện thoại hỏi thăm một lần.

    Một bà mẹ già trên 70 tuổi rồi, có thằng con trai thành công lẫy lừng, bốn năm căn nhà cho thuê, nhưng bà mẹ phải lụm cụm đi giữ trẻ, nói đúng ra là đi ở đợ vì phải lau nhà, rửa chén, nấu cơm, để có tiền tiêu vặt và để gộp với tiền già, đưa cả cho… con trai, một thanh niên ham vui, nhẩy nhót tung trời, hai, ba bà vợ. Mỗi khi gặp bà con, chưa cần hỏi, bà đã thanh minh: “Ấy, tôi ngồi không cũng chả biết làm gì, thôi thì đi làm cho nó qua ngày, kẻo ở nhà rộng quá, một mình buồn lắm!”


    Trong một cuộc hội thoại, một bà mẹ đã khóc nức nở vì chỉ đứa con gái phụ rẫy, bỏ bà một mình cô đơn. Bà chỉ có một đứa con gái duy nhất, chồng chết trong trại cải tạo. Trong bao nhiêu năm, bà đã gồng gánh nuôi con, rồi cùng vượt biên với con, tưởng mang hạnh phúc cho hai mẹ con, ai ngờ cô con chờ đúng 18 tuổi là lẳng lặng xách vali ra đi. Nước mắt bà đã chảy cho chồng, nay lại chảy hết cho con.

    Tại những nhà dưỡng lão gần trung tâm Thủ Đô Tị Nạn, có biết bao nhiêu bà mẹ ngày đêm ngóng con đến thăm nhưng vẫn biệt vô âm tín.

    Một bà cụ suốt ba năm dài, không bao giờ chịu bước xuống giường, vì biết rằng chẳng bao giờ có đứa con nào đến thăm. Bà đã lẳng lặng nằm suốt ngày trên giường như một sự trừng phạt chính mình vì đã thương yêu con cái quá sức để đến tình trạng bị bỏ bê như hiện tại. Sau ba năm, bà mất vì các vết lở, vì nỗi u uất, mà những người chăm sóc bà vẫn không biết gia cảnh bà như thế nào, vì bà không hề nhắc đến. Có điều chắc chắn là khi bà còn là một thiếu nữ, bà phải là một mẫu người làm cho nhiều người theo đuổi, quyến luyến, tôn sùng. Chắc chắn bà đã trải qua bao năm tháng thật tươi đẹp, vì cho đến khi mất, khuôn mặt bà, những ngón tay bà, và dáng dấp bà vẫn khoan thai, dịu dàng, pha một chút quý phái. Nhưng tất cả những bí ẩn đó đã được bà mang xuống mồ một cách trầm lặng.



    Một buổi chiều tháng 5, tại một tiệm phở Việt Nam, một mẹ già đứng tần ngần bên cánh cửa. Khi được mời vào, mẹ cho biết mẹ không đói, nhưng chỉ muốn đứng nhìn những khuôn mặt vui vẻ, để nhớ đến con mình, đứa con đã bỏ bà đi tiểu bang khác, để mẹ ở với đứa cháu là một tên nghiện rượu, đã hăm doạ đánh mẹ hoài. Hắn đã lấy hết tiền trợ cấp của mẹ, lại còn xua đuổi mẹ như cùi hủi. Hôm nay, hắn lái xe chở mẹ đến đầu chợ, đẩy mẹ xuống và bảo mẹ cút đi! Mẹ biết đi đâu bây giờ?


    Trong một căn phòng điều trị tại bệnh viện Ung Thư, một bà cụ đã gào lên nức nở khi người bệnh nằm bên được chuyển đi nơi khác. “Bà ơi! Bà bỏ tôi sao? Bà ơi! Đừng đi! Đừng bỏ tôi nằm một mình! Tôi sợ lắm, bà ơi!” Những tiếng kêu, tiếng khóc nấc nghẹn đó lặp đi lặp lại làm người bệnh sắp chuyển đi cũng khóc theo. Người y tá cũng khóc lặng lẽ. Anh con trai của người sắp đi xa, không cầm được giọt lệ, cũng đứng nức nở. Cả căn phòng như ngập nước mắt. Mầu trắng của những tấm trải giường, mầu trắng của tấm áo cánh của bà cụ như những tấm khăn liệm, tự nhiên sáng lên, buồn bã. Bà cụ nằm lại đó đã không có đứa con nào ở gần đây. Chúng đã mỗi đứa mỗi nơi, như những cánh chim không bao giờ trở lại.

    Trên đại lộ Bolsa, thỉnh thoảng người ta thấy một bà mẹ già, đẩy chiếc xe chợ trên chứa đầy đồ linh tinh. Mẹ chỉ có một cái nón lá để che nắng che mưa. Khuôn mặt khắc khổ của mẹ như những đường rãnh bùn lầy nước đọng, đâu đó ở chợ Cầu Ông Lãnh, Thủ Thiêm, gần bến Ninh Kiều, Bắc Mỹ Thuận hay ở gần cầu Tràng Tiền, Chợ Đông Ba?


    Mẹ đi về đâu, hỡi Mẹ? Những đứa con của mẹ giờ chắc đang vui vầy…
    Chu Tất Tiến

    ****************************

    Hai Câu Chuyện Hay Cho Ngày Từ Mẫu




    Hoa hồng tặng Mẹ




    Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.

    - Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ cháu - nó nức nở - nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá một hoa hồng đến 2 đôla.

    Anh mỉm cười và nói với nó:
    - Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.
    Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và trả lời:
    - Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
    Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:
    - Đây là nhà của mẹ cháu.
    Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.
    Tức thì, anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.


    Con Để Dành Phòng Khi Đau Ốm


    Câu chuyện về một bà mẹ già ở Miền Tây, vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con được 25 năm. Lúc đứa con gái lớn khôn thành danh ở Mỹ, tháng nào cũng gửi về cho bà một lá thư và 200$ tiêu xài.

    Hết xuân này đến xuân kia, cô con gái luôn viện cớ này cớ nọ, không chịu về thăm người mẹ thương yêu. Khi người mẹ mất, cô về làm đáng tang rất to nhưng tuyệt nhiên cô không rơi một giọt nước mắt.
    Đến khi mở chiếc rương mà bà cụ luôn để ở đầu giường, bỗng cô òa lên khóc nức nở, ôm lấy quan tài mẹ mình hét lên như điên dại: "Mẹ...Mẹ ơi..."

    Mọi người vây nhau xem trong chiếc rương có gì. À, thì ra là những tờ đô-la mới toanh còn buộc dây. Và còn một mảnh giấy đã úa vàng, viết nguệch ngoạc được dán dính lại với tấm hình cô con gái lúc mới lọt lòng:

    "Tiền nhiều quá, mẹ xài không hết con à. Mẹ nhớ con lắm, mỗi khi nghe tiếng xe ông-đa (honda) là mẹ chạy ra. Lần nào cũng không phải là con hết. Số tiền này mẹ để lại cho con, CON ĐỂ DÀNH PHÒNG KHI ĐAU ỐM nghe con."

    Cô con gái đã có tất cả những gì một người phụ nữ có thể có: tiền, danh vọng, địa vị, chồng thành đạt, con ngoan. Nhưng cô đã mất một điều vô cùng thiêng liêng: MẸ!



    Sưu tầm







    Last edited by SP500 SPY; 09-08-2019 at 03:24 PM.

  3. #3
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,368
    tất cả đều là do Thượng đế và cha mẹ đã ban cho bạn.
    Gieo nhân nào thì gặp quả ấy.
    Muốn con cái biết nghĩ đến cha mẹ, thì
    hãy cố gắng dạy dỗ, chăm sóc từ khi nó
    chưa nên người. Khi chúng nó trưởng thành
    rồi đưa ra một đống giáo điều nào có ích gì.

    Nên nhớ là cha mẹ có thể chọn con, nhưng
    những đứa trẻ không thể chọn cha mẹ từ khi
    lọt lòng.

    Không có thượng đế nào ban cho bạn mụn
    con khi bạn ngồi dưới cây sung chờ trái táo
    rơi như Newton, rồi phát minh ra thụ thai nhân
    tạo. Ít nhất cũng phải đi gieo "cái nhân" vào ống
    thụ tinh. Cho nên phải có trách nhiệm với cái
    quả gặt được sau đó cho trọn lẽ duyên phần.
    Đừng đi dạy chúng phải làm sao có trách nhiệm
    với cha mẹ.


    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  4. #4
    Đèn Tắt
    Nguyễn Quang Vũ

    Có lẽ hôm nay trời rất nóng.

    Mấy giờ rồi? Chắc vẫn còn sớm: trời nắng lòa mắt mà không khí vẫn vương tí mát của đêm hè.

    Bà không thích mấy những ngày nóng. Lưng bà sẽ ướt đẫm mồ hôi mà bà không còn đủ sức khỏe để lăn qua lăn lại. Ở cái góc tối này trong viện dưỡng lão, chẳng mấy khi y tá trông thấy mà giúp đỡ.

    Nghĩ đến mà ghét tuổi già. Nhớ lại ngày xưa, chỉ mấy tháng trước thôi, bà vẫn còn loanh quanh trong bếp. Mỗi ngày lo ba bữa cơm. Mấy đứa cháu một tay bà săn sóc. Kể từ ngày con gái bà mở tiệm nail, nó chẳng còn thời gian nuôi con. Suốt ngày ở lì ngoài tiệm, lâu lâu thẩy cho bà vài ba trăm, coi như là tiền cơm nước. Lúc trước thì bà đưa tiền nhà, bây giờ thì trông con cho nó, coi như là trừ vào tiền ở trọ.

    Ở trọ? Chứ còn gì nữa? Kể từ ngày ông mất, con cái ai nấy cũng gọi bà về ở cho đỡ cô đơn. Thấy con út mất chồng sớm, một mình nuôi con, bà thương nên về với nó. Bà vừa về thì nó ra tiệm ngay. Căn nhà mướn của ông bà nay có một cặp vợ chồng già mới vào thuê. Ngày dọn nhà, bà quên vài thứ nên ghé qua để lấy. Thấy hai vợ chồng ngồi trên ghế cùng xem phim, bà rơi lệ. Phải khóc chứ! Khóc tức tưởi. Khóc đau khổ. Thế mới biết ai đi trước là sướng. Bà nay là kẻ góa chồng, ở trọ nhà con gái.

    Có tiếng chân...

    Thằng Chí, con ông bên cạnh. Cứ mỗi cuối tuần là nó tới thăm bố, lần nào cũng dẫn theo dứa con gái. Con bé xinh lắm, nhưng có lẽ cháu bà xinh hơn. Đã lâu lắm rồi chưa thấy chúng nó! Kể từ ngày bệnh viện chuyển bà về đây, hình như là đã ba tháng, con cháu tới thăm chỉ độ chục lần. Cũng chẳng trách được! Cả năm đứa đều bận rộn, đâu phải ai cũng rảnh rỗi như bà.

    Không còn có ích nữa rồi: đi đứng không được, nói năng không được. Của nợ!

    Bà cũng có một đứa con trai tên Chí. Nhưng nó đi lính chết rồi. Mất tích chứ! Cũng vậy thôi. Nếu chưa chết sao nó không về nhà? Căn nhà tổ tiên bao năm nay bà không dám bán. Mặc dù con cái nói nhà không hợp thức hóa, lại không phải là bà đứng tên, nếu không bán sớm thế nào cũng mất Nhưng bán đi rồi thì bao nhiêu kỉ niệm: chồng bà, con bà, bàn thờ tổ tiên của bà. cái đi-văng giữa nhà, cây mai trước sân, mất sạch sao? Rồi còn thằng Chí? Nó trở về mà không còn gì cả thì nó ở làm gì? Nó bỏ đi thì bà lại đau một lần nữa. Không, không thể nào bán được!

    Nóng quá. Y tá ơi!

    Thật không còn gì khổ hơn là nói nhưng không ai hiểu. Mấy đứa con thấy bà ú ớ thì chỉ nghĩ là bà muốn ăn. Mẹ cha tụi bay! Tao ở với chúng mày bấy lâu nay, mỗi ngày chỉ hai bữa cơm nhẹ là cùng. Bây giờ nằm một chỗ thì thốc cho tao một ngày tám bữa. Thế có chán không cơ chứ! Cũng may chúng mày không tới thường. Nếu không mợ đến bội thực mà chết mất.

    Lại nghĩ đến chết! Nếu dễ chết vậy thì đã chết từ lâu rồi. Kể từ ngày ông mất, bà cũng đã có lúc muốn chết. Vợ chồng gần sáu chục năm, chẳng lẽ giờ đây mỗi người một nơi? Rồi thì hôm đó bà ngã nặng, tưởng chết nhưng lại sống. Vì sao ngã? Bà dường như đã quên. Lú lẫn rồi!

    Có tiếng chân...

    Y tá. Rốt cuộc đã đến! Bà không thích cô này. Làm cho bà đau lắm. Mặt mũi thì lúc nào cũng nhăn như bị. Bà đoán chắc cô vẫn còn độc thân.

    Cô quay mặt bà vào tường, cởi nút cho bà, lấy khăn thấm mồ hôi, rồi đỡ bà xuống xe lăn, quơ một tấm vải mỏng che cho bà, và đẩy bà xuống nhà tắm.

    Nước lạnh quá!

    Bà rụt mình. Lần nào cũng vậy. Phải thử nước chứ! Bà rét run, ú ớ vài câu nhưng tiếng nước đã hờ hững át đi. Từ từ rồi nó cũng ấm lên, nhưng chưa đầy hai phút là cô y tá tắt nước, lau qua loa cho bà, khoác vội áo quần, rồi đẩy bà trở về phòng, dựng bà ngồi hướng ra cửa sổ.

    Đã 12 giờ trưa…

    Hôm nay bà thấy mệt lắm, chưa bao giờ lại mệt như thế này. Ngày Việt Minh vào, gia đình chạy giặc mà không mệt như thế này.

    Ngày ông ra Bạch Đằng vượt biên, thân già trên sáu mươi, bà vừa đau lòng, lại vừa nhức đầu vì bị Việt Cộng tra khảo liên miên, nhưng vẫn không mệt bằng bây giờ. Cả cuộc đời bà, buồn nhiều hơn vui, sao bây giờ lại còn đau thế này? Có chút gì đó như vấn vương, muốn níu kéo gì mà sao không thể, mắt mờ nhưng trí óc vẫn rõ ràng hình ảnh. Đừng suy nghĩ, đừng nhớ gì cả! Đã là quá khứ rồi. Yên lặng! Yên lặng đi!

    Nhưng bà vẫn nhớ...

    Nhớ ngày bà mới qua đây, Mùa Đông Cali quá lạnh. Lạnh mà vui vì gia đình được đoàn tụ nơi chốn tự do này. Chỉ còn thằng con trai lớn nữa thôi là xong: thằng út vượt biên với bố, thằng thứ đi sau, rồi bà được bảo lãnh qua đây cùng hai con gái. Nhưng cũng phải trên mười năm sau thì thằng lớn mới qua. Gia đình nó ở với ông bà được độ vài tháng là dọn ra ngoài ngay. Thấy chúng nó ai cũng sung túc, ông bà vui không kể xiết. Thật chẳng bõ công ông bà cúng chùa bấy lâu nay. Phước cha mẹ thì con cái hưởng, lẽ đời là như vậy.

    Sau khi chúng nó yên ổn thì ông bà dọn ra căn nhà nhỏ, trợ giúp bởi chính phủ. Hai vợ chồng sáng đi bộ ra công viên, rải bánh mì cho vịt, cho chim, đến gần trưa thì về. Đó là mùa nóng, đến mùa lạnh thì chỉ ở suốt trong nhà xem ti-vi, rồi nghe đài. Đến khi có hẹn với bác sĩ hay bạn bè thì ông bà lại đón xe buýt, lắm khi phải đón nhiều chuyến.

    Bữa trưa đã đến. Bà hờ hững liếc nhìn: cá, cơm trắng, củ cu-ve, cà rốt, nước cam, sữa. Bà chán nản ngước lên. Thôi thì nhịn bữa này vậy.

    Cuối tuần nào nhà bà cũng đông con cháu. Nhiều khi bà nghĩ chúng nó chỉ đến thăm cho có lệ, chứ ít khi nào hào hứng lắm. Mấy đứa cháu thì nào mong gì hơi hớm người già. Nhà lại nhỏ, nên đến cỡ trưa là chúng nó lại kéo về, nhà ai nấy ở. Ông bà vẫy tay đưa tiễn, rồi lại quay vào nhà, chờ đến tuần sau.

    Con cái bây giờ thật khác xưa! Cũng không trách được, ở nơi này, ai cũng bận bịu. Cha mẹ già giống như là cái nợ không cần trả. Chúng thương thì ngó ngàng, không thì bặt tăm. Kể ra thì ông bà vẫn còn may gớm, mỗi tuần con cháu đều ghé thăm. Chứ như bà Mỹ bên cạnh, một năm chỉ độ hai lần lễ tết, còn không thì ru rú một mình. Khi bà bị đau tim mà chết, bác đưa thư tình cờ nhìn vào cửa sổ rồi báo cảnh sát. Bà đã chết được hơn năm ngày rồi.

    Có cái gì đó dường như đau nhói: ở đầu, ở chân, ở tim, ở bụng? Bà không còn cảm thấy gì rõ ràng nữa. Bà muốn nhấc chân tay lên, nhưng chúng nặng quá. Bà nhăn mặt, lắc đầu, nhưng qua phản chiếu trong cửa kính trưởc mặt, gương mặt bà không hề cử động: vẫn tê liệt, hờ hững, vô cảm xúc.

    Có bước chân! Thằng Chí con bà. Ôi, đã lâu quá nó chưa tới thăm bà.

    Chỉ là y tá. Thấy bữa cơm còn nguyên, cô cau mày rồi nói vài câu với bà. Tôi có hiểu tiếng Tây đâu mà trò chuyện! Vừa mệt mỏi, vừa ấm ức, cô dọn bữa cơm ra ngoài rồi nhanh chóng trở vào, lạnh lùng đỡ bà lên giường. Không muốn nằm! Cho tôi xuống!

    Bà đã nằm...

    Có con gì đó trườn mình trên chân bà. Bà muốn cử động nhưng không được. Khó chịu quá!

    Rồi thì chân bà tê đi, giống như là bà không còn chân nữa vậy.

    Thằng Chí bị cưa chân. Nó đau. Nó chết. Đó là vì sao nó không đến thăm bà. Không! Bà mới gặp nó ở đây mà. Lúc nào? Không nhớ! Mới đây thôi. Mới đây...

    Rồi bà nhớ chồng bà. Cũng đã lâu rồi ông không tới thăm bà. Chắc ông bận lắm vì đã rất lâu rồi ông bà sống với nhau, ông chưa hề bỏ bà. Ngày ông ra Hải Phòng tìm việc, bà ở Hà Nội chờ dưới một tháng là ông về đón vợ con ngay. Ngày chạy giặc Pháp ông vừa đi vừa đào hầm, qua đến cầu khỉ, ông phải cõng từng người qua cầu, kể cả bà ở. Cầu dài lắm, nhưng bao giờ ông cũng quay lại với bà. Đạn bom tứ phía, ông vẫn quay lại. Từ biệt trên bến Bạch Đằng, bà khóc bao nhiêu là nước mắt, nhưng ông lên đến bờ là thơ cho bà ngay. Rồi mỗi tháng một lá thơ, cho đến khi bà qua với ông mới thôi. Sao bây giờ lâu quá không được tin?

    Bà cần muối nấu canh nên bắc ghế để trèo lên. Rồi cái ghế nó quay cuồng. Bà té. Đau lắm.

    Con Thảo nó nói giá nhà đang lên, phải mua gấp kẻo sau này sẽ không mua được. Bà muốn giúp con nhưng chỉ còn đủ tiền ma chay. Bà bảo nó chờ thể nào nhà cũng xuống, thế mà nó giận. Cái con khờ! Vợ chồng đều là kĩ sư mà không chịu mua nhà lúc nó còn thấp. Hôm nọ có căn nhà gần ông bà rao bán, trông cũng đẹp lắm. Bà bảo chúng còn chê ỏng chê eo. Đến bây giờ lại trách bà.

    Mắt bà nặng. Bà nhắm lại, nhưng mở ra ngay. Bừng sáng! Không thể nhắm mắt được. Chưa thể được.

    Có tiếng trẻ thơ ríu rít như giữa trường làng ngày xưa ông dạy. Ngày ông từ giã Hà Nội ra Sài Gòn, chúng khóc đến sưng mắt, tiễn ông ra tận tàu. Đến Sài Gòn, gia đình được nuôi ăn ở cả tuần rồi thì họ mới phát hiện ra là nuôi nhầm nhà. Ông xin cho vợ con ở lại vài ngày rồi đạp xe đi tìm nhà. Hôm sau ông đón vợ con về nhà mới, xập xệ nhưng rẻ mạt. Ông mở lớp dạy thêm, từ đó mà dựng nhà gạch lầu cao. Trẻ con lại ríu rít.

    Ngày Việt Cộng vào, ông bà dường như mất sạch. Vì tuổi già nên ông không phải bị tù. Ông bà gom góp tiền mua tàu vượt biên. Bị gạt, tiền mất tật mang. Các con trai thay nhau ra biển, nhưng lần lượt bị bắt bỏ tù.

    Ngày thằng Cả về, bẩn thỉu hốc hác như bóng ma, ông bà nát tim. Phải đợi đến năm 1985 ông mới vượt biên lần nữa với thằng út. Lần này thì lên được đảo. Bà và các con mừng vô kể. Công an gọi bà lên tra khảo: “Ông Giáo đi đâu? Cậu Út ở đâu?” Bà chỉ biết trả lời bố con đi buôn xa. Chúng chán nên rồi cũng tha cho bà. Bà giấu thư chồng như tang chứng tội lỗi, âm thầm chờ ngày đoàn tụ. Rồi thằng Toàn đòi vượt biên sau khi thi rớt. Bà khô nước mắt cản con nhưng nó không nghe, sống thấp thỏm cho đến ngày được tin thuyền nó được vớt.

    Phải nhắm mắt thôi, mỏi quá rồi. Sẽ thấy gì đây? Bóng tối? Không, có một ánh đèn, sáng rực nhưng không nhòa mắt.

    Ai kia? Thằng Chí! Sao mày gầy thế hả con? Khổ chưa! Mợ bảo đi học trên Đà Lạt mà không nghe, cứ đòi đi lính để mợ lo khổ. Mày nói sao? Lại gần đi con. Đừng đi! Đừng đi!

    Có tiếng gì đây? Ca nhạc. Ông già lại xem ti-vi khuya rồi. Khổ quá! Ông ơi, vào ngủ này!

    Đèn mờ đi. Chưa tắt được! Còn nhiều chuyện lắm...

    Bà thấy đầu bà lạnh, thấy nhẹ bẫng, như đang nổi trên không khí. Bà thở mạnh, lưng lại chạm giường. Chưa bay được. Đã xong đâu.

    Cháu gái chê canh nhạt. Bà cần thêm muối. Hết muối rồi. Bao muối ở trên cao. Bà bắc ghế trèo lên. Ghế quay cuồng. Bà ngã...

    Đừng bán nhà nhé các con. Anh Chí về rồi. Nó cần nhà ở chờ cậu bảo lãnh sang đây. Cậu phải làm giấy tờ ngay kẻo muộn. Mợ thấy gần đây cậu yếu lắm rồi.

    Nhớ mỗi năm phải tỉa lá cây mai. Tết nào nó cũng ra hoa đẹp lắm. Mợ yêu cây mai nhà mình quá! Chí phải chăm lo nhà cửa cho mợ rồi cậu sẽ lãnh con sang đây với mợ. Con có nghe mợ nói không? Sao mày hay cãi mợ thế?

    Sao mày không ra Đà Lạt mà học?

    Tối quá!

    Thảo à, đừng giận mợ nữa con nhé. Nếu cần tiền thì mợ cho con. Chỉ có con là chưa có nhà thôi. Phải mua nhà chứ! Cứ ở thuê như thế này thì suốt đời đóng tiền nhà cho thiên hạ à? Mợ cho con tiền. Đừng giận mợ nhé!

    Cháu nó chê canh bà nhạt. Phải đi lấy muối...

    Tối quá, bà không thấy đường! Không có muối...

    Có chuột... Chuột bạch... Nhiều quá! Chúng bò lên người bà. Nhột quá! Bà bay lên, quằn quại vì nhột.

    Chuột kéo đi. Bà tê liệt...

    Đèn tắt…

    Ông ơi, vào ngủ kẻo trễ!

    Ông vào ngủ. Ông bà ngủ ngon.

    ***

    Cô y tá hớt hải rung chuông. Bác sĩ đến. Lắc đầu. Cô lập tức chạy về văn phòng, mở tập hồ sơ dày cộm, tìm số điện thoại liên lạc khẩn cấp: Thao Huynh.

    Cô bấm số. Điện thoại reng.

    Máy nhắn tin.

  5. #5
    My husband thinks it’s not “his problem” to help stressed-out sister with parents

    Dear Carolyn: My husband, “John,” is the oldest of three children. His siblings, “Bill” and “Sue,” both live where they all were raised. Both parents are in declining health. Over the years, Sue has taken on the lion’s share of caring for them. She is a nurse, so a logical person to tend to medical issues, and now works in a high-pressure corporate job in the health care industry.

    Bill and his wife help out when specifically asked, but that is all. We have regularly sent money to Sue to help with expenses as we are more able to do so than she.

    Mom and Dad tend to call on Sue, believing her work is less important and demanding than Bill’s. Moving them out of their home is not really a possibility. They have recently agreed to have someone help once a week, but now Sue spends time managing her, so while she is relieved of some physical work, she is still involved.

    Sue is about to change jobs, and is concerned she will no longer be as flexible as she has been to tend to her parents’ needs. She has spoken with Bill and his wife who have said they will try to help. When I suggested to my husband the three of them get on the phone together to come up with a plan, he told me it “wasn’t his problem” and that he had too much else on his mind. Bill’s attitude is similar.

    I’m just a sister-in-law, so have no real say, obviously. But when I talk with Sue, as I do regularly to provide some emotional support, I can see she is at the end of her rope. She told me recently, in tears, that if she could pay $2,500 (the last amount we contributed to the parents’ fund) to be free of her responsibility she would do it in an instant.

    I feel terrible that she carries this burden, but don’t know how I can help. The family does not communicate well. Years ago, I asked how my mother-in-law would manage financially if my father-in-law died. You’d have thought I was asking if it was OK to kill him. This head-in-the-sand approach may work for my husband and his brother, but it is obviously not working for Sue. Is there anything I can do? – Frustrated


    Carolyn Hax: Yes! You can choose not to retreat in the face of a ridiculous, entitled, sexist response from your husband about the responsibility for his parents’ end-of-life care.

    You’re not “just” a sister-in-law here; you’re a spouse. That you’ve described your role relative to Sue and not John says you’ve let yourself be suckered into the notion that this is primarily Sue’s story. Sue, Bill and John have equal standing and equal responsibility here, and that math doesn’t change just because Sue is the only one showing up for it.

    A moneyed out-of-towner can spring for more in-home staffing, at least; a strapped one can make and take calls, book appointments, actually care.

    Technically, of course, your husband is right. His parents’ well-being is his problem only if he chooses for it to be, and Sue herself has chosen to assume this burden. There is no law or contract in force here.

    But this interpretation of who owes what to whom rests on definitions of obligation and choice that take zero account of moral imperatives. Your husband just stated, in so many words – or I should say, in devastatingly few words – that he is perfectly comfortable leaving the messy stuff to everyone else simply because he can.

    Unless there’s some backstory here that would excuse your husband of any moral debt to his sister or to the people who raised him, his dismissiveness betrays an utter failure of character. But that hardly excuses and barely explains.

    And while time will eventually eliminate this caregiving problem, John’s character problem will be in your marriage (and has been, no doubt) as long as you are. I’d be surprised, too – though genuinely pleased and relieved on your behalf – if it didn’t creep into other aspects of your later years. Imagine if your health spirals and you need him to show up for you when doing that is a lot harder than writing a check. When it’s the hardest thing he’s ever been asked to do, in fact. Will he embrace you as his problem to care for? As his privilege?

    So my advice for you is to step far enough back from the Sue-is-overwhelmed problem to see the full scope of the dynamics at play; what they mean for you now and will mean over time; and what is within your power to change.

    If nothing else, please, stand up openly for Sue. Tell John, steadily, it’s his “problem” as much as it is Sue’s. Never let him think free rides are actually free.

    Email Carolyn at tellme@washpost.com.

  6. #6
    Tuổi đá buồn
    Huy Phương

    Cách đây vài chục năm tôi có đọc được một câu chuyện đâu đó mà nay tôi đã quên cả tên chuyện cũng như tác giả. Chuyện kể một cụ già sống trong một chung cư dành cho người cao niên, thường ngày ông lẳng lặng đi về, ít chuyện trò với ai, cũng như không thấy ai lui tới thăm viếng ông. Nghe nói vợ ông mất sớm, ông không có con cái, bạn bè thân thuộc. Một buổi sớm kia, người ở chung dãy phòng với ông, chú ý đã mấy hôm nay ông không ra khỏi phòng, tuy vẫn nghe tiếng nói từ trong máy truyền hình phát ra, sợ có chuyện gì không hay, người kia gõ cửa nhưng không thấy trả lời. Nghi hoặc, người kia báo tin với ban giám đốc chung cư. Khi nhân viên đến mở cửa ra mới phát giác ông cụ đã chết ngồi trên ghế sô-pha, có lẽ từ mấy ngày nay, trước máy truyền hình vẫn mở.

    Khi cảnh sát đến lập biên bản và đưa ông cụ vào nhà xác, người ta tìm thấy trong phòng ngủ của ông cụ treo đầy những vòng hoa cườm phúng điếu, mang những dòng chữ: “Vĩnh Biệt Bạn Hiền,” “Muôn Vàn Thương Tiếc,”... dưới vòng hoa là những hàng chữ đề tên người hay nhóm người phúng điếu như: “Ban Giám Ðốc Chung Cư Hoàng Hạc,” “Hội Cựu Chiến Binh,” “Công Ty Bảo Hiểm Vạn Thọ”... Ông cụ đã sợ chết đi, đám tang lạnh lẽo, không ai thăm viếng, đưa tiễn nên ông đã đặt mua những vòng hoa này, giấu giếm đem về vào những lúc vắng người, để sau này tự phúng điếu cho mình. Thể theo ý nguyện của người quá cố, những người đưa ông cụ đến “nơi an nghỉ cuối cùng,” đã đặt những vòng hoa này lên mộ ông.

    Ngày xưa, nhiều trường hợp cha mẹ, con cái, cháu chắt cùng sống chung trong một mái nhà, chỉ có một người quản lý tiền bạc, có khi bữa cơm cùng ăn chung với nhau. Họ không hề nghĩ đến tự do cá nhân, có khi hy sinh tình thân riêng tư giữa vợ chồng cho tiếng tăm của đại gia đình. Khi cha mẹ, ông bà về già, không còn khả năng làm lụng hay kiếm ra đồng tiền, phải sống nương tựa vào con cái, nên chúng ta ít thấy trường hợp quý vị già cả phải sống cô độc một mình.

    Hoàn cảnh những người già sống cô độc hiện nay trên khắp nước Mỹ không phải là ít vì chúng ta không còn hy sinh sự tự do riêng tư và điều kiện kinh tế khác xa với thời trước. Người già thì muốn tự do, không muốn ràng buộc vì con cái hay mang mặc cảm nhờ cậy, con cái thời nay có khi ít quan tâm đến cha mẹ vì mọi người đều nghĩ là người già có thể tự túc về kinh tế, có đủ trợ cấp, có nhà ở và thuốc men đầy đủ.

    Do vậy, người già đau ốm đã có nursing home, người già mạnh khỏe thì có “nhà già” (cao niên). Bây giờ đang vào độ cuối thu, những ngọn lá phong se lạnh đã đổi màu, sau ngày đổi giờ, tôi có cảm tưởng trời tối nhanh hơn. Mỗi đêm tấm chăn đơn không còn đủ ấm, nghe trong xương cốt nỗi đau nhức gậm nhấm, bản thân tôi là một người đang sống gần gũi với vợ con, cũng cảm thấy một nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn, làm sao những cụ già trong nhà dưỡng lão, những vị cao niên cô quạnh một mình không cảm thấy buồn bã, cô đơn.

    Ðã từng vào thăm những căn chung cư dành cho cho các cụ đang còn lành mạnh, tôi đã phải đi qua những dãy hành lang tối tăm vắng lặng như thiếu sinh khí, không một tiếng động từ bên ngoài vẳng vào, thiếu những âm thanh sinh hoạt của đời thường. Trên lối đi là những căn phòng vuông vắn, đơn điệu, với cánh cửa đóng im ỉm, có lần tôi đã nhìn trên cánh cửa ấy một vòng hoa tang nhỏ, đánh dấu trong căn phòng này một cụ ông hay cụ bà đã ra đi. Dưới sân, trên những chiếc ghế đá là những đôi bạn già hay những người ngồi hóng nắng; ở góc sân kia, trên một chiếc ghế khác, một bà cụ đang ngồi đan, ngủ gật, hai que đan rơi xuống đùi bà và búp len lăn xuống thảm cỏ.

    Trong nursing home, trên đường đến phòng một người quen, một bà cụ ngồi trên xe lăn, quay ngang xe, chận tôi lại trong khi hai tay múa may, miệng nói những lời lảm nhảm vô nghĩa, khiến người nam y tá phải can thiệp vỗ về và đưa bà cụ về phòng. Ðâu đây có tiếng la the thé, tiếng ho ùng ục, gậm gừ như không còn hơi sức để tống đờm dãi ra khỏi lồng ngực, trái lại ở trước vài cửa phòng, có những người ngồi yên lặng bất động như pho tượng buồn nhìn ra lối đi.

    Sau bữa cơm chiều được dọn sớm cho nhân viên ra về, những cụ già này trông ngóng một bóng dáng quen thuộc của những đứa con thân yêu đến thăm, có thể cuối tuần này chúng sẽ đưa cụ về nhà tắm rửa, ăn uống để cụ sống lại một ngày ấm cúng trong gia đình mà ngày nay đối với cụ, là một cái gì xa vời, khó kiếm. Ngày xưa đứa trẻ trông ngóng, chờ mẹ tan sở hay đi chợ về, ngày nay người mẹ già trong nhà dưỡng lão đang đợi chờ những đứa con, cũng như thế, nhưng lặng lẽ và an phận hơn. Nhưng rồi bóng chiều đã ngã, ngọn đèn đầu hành lang đã bật sáng, cụ lặng lẽ quay bánh xe lăn về phòng, và biết rằng đêm nay sẽ là một đêm khó ngủ.

    Không khí trên những hành lang của những căn nhà già hay cảnh ồn ào, hoặc đôi khi trái ngược, quá vắng lặng ở một góc nào đó trong viện dưỡng lão, một mùi khai nồng ở đâu thoảng lại, nhắc nhở cho ta nhớ đến mùi của một bệnh viện trong những ngày xa xưa ở quê nhà, khiến người thăm viếng như muốn bước qua thật nhanh và rút ngắn thời gian thăm viếng.

    Những người già luôn luôn cảm thấy cô đơn, xin hãy mang lại những vòng hoa đẹp đẽ tươi thắm cho người còn sống, vì khi chết đi, nằm trong quan tài, những vòng hoa phúng viếng chỉ trang trí được cho tang lễ cái vẻ rộn rịp, phô trương và cho những người sống đứng quanh quan tài. Những ngày lễ Tết, sinh nhật, giáng sinh, ngày mẹ, ngày cha... những người già cần một đóa hoa tình nghĩa, là những lần thăm viếng, vòng ôm thân ái, những lời thăm hỏi. Tôi không nhớ có lần nào đó, một nhà văn đã viết một cách dí dỏm rằng: “Gả con gái đừng gả quá xa để khi bát canh được mang đến nhà mẹ vẫn còn nóng!” theo ý của câu ca dao: “Gả chồng thì gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho.”

    Bây giờ, con cái mỗi đứa lập nghiệp mỗi phương xa, những ngày sum họp cuối năm, tàu bè đi lại khó khăn, kinh tế hết thời phồn thịnh, một năm một lần không về gặp được mẹ cha. Bây giờ, tình cảm mỗi ngày một nhạt phai, thời đại ngày nay không còn “sửa gối, bưng trà” (gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng?) Với những người già cô đơn và sống cô độc, không con cái, vợ hay chồng mất trước, gặp cảnh trái ngang của cuộc đời, cảnh khổ còn gấp nhiều lần.

    Nhiều gia đình, ở trong những căn nhà rộng thênh thang, chỉ còn bóng đôi bạn già, trong khi con cái như những cánh chim trời đã bay xa, để lại cái “tổ trống” lạnh lẽo. Lá ngoài vườn rụng nhiều quét không kịp, trên lối đi rêu đã phủ xanh. Trong căn nhà, vắng tiếng cười, điện thoại nằm yên không một tiếng reo.

    Chúng ta đã nghe đến “lệ đá”, “tuổi đá buồn” như nói đến đá cũng biết buồn và biết nhỏ lệ, những tảng đá, qua thời gian đã mòn phai cùng sương nắng, những tảng đá không còn “lăn trên đồi”. Tuổi già chính là những tảng đá nằm trong một góc tối ẩm thấp nào đó, những tảng đá đã xanh rêu. Nỗi buồn cũng an phận lặng lẽ, như tuổi già ở cuối cuộc đời rồi sẽ phôi pha, đắm chìm trong sự quên lãng.

    Phước cho ai đã mất hết trí nhớ, để khỏi biết buồn.

  7. #7
    Nhớ nồi cá kho của má
    Nguyễn Hiền

    con bưng chén cơm nguội
    chờ hâm nồi cá kho
    bếp chiều rưng rưng khói
    tự dưng con nhớ má

    nhớ hồi nào cá nục
    má kho qua hai lửa
    sao thơm ngon lạ lùng
    ăn cứ muốn ăn nữa

    nhớ những lúc xế trưa
    bụng đói lẻn xuống bếp
    cơm chan nước cá kho
    ăn ngon lành mấy chén

    giờ con cũng kho cá
    nhưng thiếu mặn thiếu ngọt
    thiếu hình bóng của má
    nhiều khi con nuốt nghẹn

 

 

Similar Threads

  1. Những buổi chiều còn mưa
    By ndangson in forum Thơ
    Replies: 419
    Last Post: 12-28-2016, 01:04 PM
  2. Lai rai chiều nay
    By thuynh in forum Gia Chánh
    Replies: 438
    Last Post: 07-30-2013, 09:18 PM
  3. 95 tuổi vẫn chăm chỉ chuyện phòng the
    By ngocdam66 in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 5
    Last Post: 11-22-2011, 08:49 PM
  4. Bé 3 tuổi chăm mẹ chết mòn trên giường bệnh
    By tử đằng in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 0
    Last Post: 10-12-2011, 07:59 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:51 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh