Register
Results 1 to 10 of 103

Hybrid View

  1. #1
    Nhà Lầu
    Join Date
    Mar 2012
    Posts
    393

    chăm sóc cha mẹ ở tuổi xế chiều

    Các mem đã có kinh nghiệm chăm sóc cha mẹ ở tuổi xế chiều cho mình hỏi: Ngoài viện dưỡng lão ra, các mem làm sao chăm sóc cha mẹ khi họ không còn khả năng tự lo nữa? Nhất là ở xã hội thời bây giờ, ai cũng phải đi làm suốt ngày, không thể ở nhà để xem chừng được.

  2. #2
    Ăn cái gì bi giờ? Angie's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    1,759

  3. #3
    Nhà Lầu
    Join Date
    Mar 2012
    Posts
    393
    thanks, Angie

  4. #4
    Sắp đến Lễ Vu Lan rồi các bạn ơi

    Bát Bún Riêu
    Lê Bảo Trân

    Từ Eau Claire, theo đường liên tỉnh 53 ngược lên mạn Bắc, đến Solon Spring thì rẽ phải theo hương lộ P nhỏ hẹp ngoằn ngoèo len mình giữa khu rừng phong ngút ngàn trùng điệp. Tiếp tục thêm vài dậm, vòng qua những lưng đồi thoai thoải dốc là tới thung lũng Nebagamon cạnh đặc khu Lac Court Oreilles của người Da Đỏ.

    Trời vào Thu, rừng phong đã thay chiếc áo choàng màu hồng lựu!

    Hơn nửa giờ xe, không một bóng người! Ngoài tiếng gió thở dài, tiếng lá khô xào xạc, tiếng rừng cây trăn trở, không còn một âm thanh nào khác. Tôi cảm tưởng như lạc vào một hành tinh xa lạ không sinh vật.

    Đồi lại đồi liên liên tiếp nối tay nhau...

    Sau cùng, tới Nebagamon. Nơi đây có viện Dưỡng Lão Lakeview mà theo lịch trình mỗi năm tôi phải đến một lần để thanh tra y vụ.

    Lần đầu tiên đến đây nên tôi không khỏi ngỡ ngàng. Tưởng dù hẻo lánh đến đâu ít ra cũng có xóm làng, một giáo đường nho nhỏ hay vài ngôi nhà be bé xinh xinh, nhưng tuyệt đối “không”. Ngoài rừng phong đổ lá chỉ có hồ nước trong veo xanh ngắt màu trời!

    “Trung Tâm An Dưỡng Lakeview”, như tên gọi, ẩn mình dưới tàng cây sồi rợp bóng trên khu đất rộng, quay lưng vô rừng thông, nhìn ra mặt hồ phẳng lặng như gương.

    Tôi ngẫm nghĩ:

    -Nơi nầy có thể là điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho những người quanh năm lao lực hoặc những ai muốn tìm sự quên lảng. Còn chọn làm viện dưỡng lão thì...” hơi tàn nhẫn “!

    Tuổi già vốn đã cô đơn mà nơi đây lại hầu như cách biệt với thế giới bên ngoài. Trừ y tá y công và vài chuyên viên dịch vụ thì chẳng còn ai khác. Người nào cũng bận bù đầu rảnh rỗi đâu mà tán gẩu với người già? Nhất là sau buỗi cơm chiều khi hoàng hôn buông xuống, ai nấy đều về nhà thì bóng đêm chắc sẽ thật dài....

    Vừa đẩy cửa bước vào tôi đã giật mình vì gặp một hàng 6 chiếc xe lăn đang “giàn chào”. Trên mỗi xe là một lão ông hoặc lão bà độ bảy tám mươi, mái tóc bạc phơ, mắt hom hem sau làn mục kỉnh. Có người trông còn sáng suốt, người thì như xác không hồn. Họ chăm chú nhìn tôi từø đầu đến chân như quan sát một quái nhân đến từ hành tinh xa lạ.

    Có lẽ vì tôi là người Á Châu duy nhứt tới đây chăng?

    Cô y tá hướng dẫn như đoán được cảm nghĩ của tôi, bèn nhoẻn cười:

    -Ông ngạc nhiên hả?

    Tôi ngập ngừng:

    -Chắc họ biết hôm nay tôi đến nên hiếu kỳ muốn trông thấy mặt?

    Cô ta khẻ lắc đầu:

    -Mỗi ngày đều như vậy. Sáng nào họ cũng ngồi đó để mong chờ...

    -Chờ thân nhân tới đón?

    -Không!

    -Hay bè bạn đến thăm?

    Cô y tá phì cười, pha trò:

    -Ông nghĩ...già ngần ấy tuổi mà còn ham bạn gái sao?

    -Ý tôi là bạn thông thường.

    -Nếu những người bạn ấy chưa nằm xuống thì cũng đang ngồi xe lăn như họ tại một viện dưỡng lão nào đó.

    Rồi ngậm ngùi:

    -Họ mong chờ những hình bóng không bao giờ đến, xa xôi trong hồi ức....

    Và khẻ thở dài:

    -Tôi làm việc ở đây hơn mười năm, đã chứng kiến nhiều hoạt cảnh. Tháng nào cũng có người mới tới và cũng có người vĩnh viễn ra đi.

    -Chắc ít nhiều lòng cô cũng phần nào xao xuyến?

    -Thật tình mà nói. Lúc đầu thì có, nhưng giờ đã quen rồi.

    -Cô rất mãnh cảm!

    -Là do luyện tập thôi, bằng không sẽ ngã quị.

    Chúng tôi vào thang máy lên tầng trên. Một cụ già chống gậy tập tễnh vô theo.

    Cô y tá nhìn ông ta và hỏi:

    -Ông đi lên hay đi xuống?

    Cụ đáp như cái máy, giọng nói khò khè yếu ớt khó nghe:

    -Đi xuống... đi lên...đi xuống....đi lên.

    Tôi nhận thấy ông ta chẳng nhìn ai cả, ánh mắt không hồn đăm đăm hướng về phương trời vô định.

    Dường như quá quen thuộc với những hiện tượng nầy, cô y tá thản nhiên nói:

    -Vậy mời ông bước ra chờ, chuyến sau sẽ có người cùng đi với. Chúng tôi đang bận.

    Cô bèn nắm tay dẫn ông cụ ra ngoài rồi lạnh lùng khép cửa.

    Tôi thắc mắc:

    -Nếu ông ấy lại tiếp tục bấm nút thang máy thì sao?

    -Chúng tôi đã lượng trước điều ấy nên tất cả nút các điện trong viện đều gắn rất cao, người già không với tới.

    -Thì ra vậy!

    Công tác xong, trời cũng về chiều. Tôi từ giã. Cô y tá tiễn tôi ra cửa.

    Đoàn xe lăn vẫn còn “giàn chào”.

    Chợt trông thấy trong góc tối, một ông lão độ trên dưới tám mươi đang cô đơn ngồi bất động trên xe lăn như pho tượng cũ. Điểm khác biệt khiến tôi chú ý là ông ta không phải người da trắng và cũng không hòa nhập vào toán “dàn chào”.

    Da ông màu đồng nâu có nhiều vết nhăn đậm nét thời gian hằn trên mặt. Mái tóc bạc phơ rủ lòa xòa trên trán. Vóc người bé nhỏ, mắt hom hem trân trối nhìn tôi như muốn nói điều gì. Tôi đoán chừng ông là thổ dân Da Đỏ.

    Hiếu kỳ, tôi hỏi cô y tá:

    -Viện dưỡng lão nầy cũng nhận người Indian sao? Tôi nghỉ là trách nhiệm của chính phủ Liên Bang chứ?

    Cô ta ngạc nhiên:

    -Sao ông hỏi vậy?

    Tôi trỏ ông lão ngồi xe lăn:

    -Không phải Indian là gì?

    Cô y tá phì cười:

    -Ông ta người Á Đông đó.

    Tôi giật mình:

    -Người Á Đông?

    - Phải. Dường như là Việt Nam.

    Thêm một kinh ngạc. Tôi không ngờ nơi vùng đất hẻo lánh đìu hiu lạnh lẽo nầy cũng có người Việt định cư. Tôi bèn hỏi dồn.

    -Sao cô biết ông ta người Việt?

    -Hồ sơ có ghi rõ.

    -Ông ấy vào đây lâu chưa?

    -Hơn mười năm.

    Cô khẻ lắc đầu:

    -Tội nghiệp! Ông ta rất hiền lành dễ thương, ai cũng mến, nhưng hiềm chẳng nói được tiếng Anh nên suốt ngày thui thủi một mình, không có bạn.

    -Thân nhân ông ấy có thường xuyên tới thăm không?

    -Một lần, cách nay lâu lắm.
    ..
    Lòng se lại. Hẳn có uẩn khúc gì đây? Không thể cam tâm quay mặt làm ngơ trước người đồng hương đang gặp cảnh bẽ bàng nơi đất khách, tôi tự giới thiệu:

    -Tôi cũng là người Việt....

    Cô ta trố mắt:

    -Thế mà tôi đinh ninh ông là người Trung Hoa.

    Tôi cười:

    -Trong mắt người Tây phương, bất cứ ai da vàng cũng là Tàu.

    Cô pha trò:

    -Cũng đâu phải lạ. Hiệu ăn Tàu nhan nhãn khắp nơi, ngay trong xóm Da Đỏ hẻo lánh tít mù trên mạn Bắc cũng có. Lần nào qua đó tôi cũng ghé mua cơm chiên, chả giò, vừa ngon vừa rẻ, nhưng phải tội là...

    Tôi nhoẻn cười:

    -Mỡ dầu và bột ngọt hơi nhiều!

    Cô ta cũng cười xòa:

    -Phải nói là nhiều quá mới đúng. Khổ công tập thể dục cả tháng, ăn một bữa cơm Tàu là đâu vào đấy, có khi “thặng dư “ .

    Tôi quay lại vấn đề:

    -Tôi muốn tiếp xúc với ông lão người Việt để chào hỏi làm quen. Có thể ông ấy cũng đang cần người nói chuyện vì lâu lắm chưa có dịp.

    Cô y tá mừng rỡ:

    -Hay lắm, đó cũng là điều chúng tôi mong muốn. Vùng nầy hẻo quá lánh không thể tìm ra người thông dịch. Nhân tiện nhờ ông hỏi xem ông ấy có nhu cầu hay đề nghị gì hầu chúng tôi đáp ứng.

    -Vâng, tôi sẽ cố gắng.

    Thấy tôi đi tới, ông lão ngước lên nhướng đôi mắt hom hem nhìn chòng chọc, vừa ngạc nhiên vừa thoáng chút ngại ngùng.

    Tôi gật đầu chào:

    -Chào cụ.

    Nét mặt rạng niềm vui, giọng nói run run vì xúc động:

    -Dạ...chào thầy. Thầy là...người Việt?

    Giọng ông hơi nặng và chân thật. Tôi thân mật nắm tay ông:

    -Thưa cụ, cháu cũng là người Việt như cụ!

    Ông lão nghẹn ngào:

    -Cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn Đức Mẹ từ bi đã cho tui gặp ông.

    Tôi kéo ghế ngồi bên cạnh và bắt đầu trò chuyện.

    -Thưa cụ. Vì sao cụ cho là cuộc gặp gỡ hôm nay do Thiên Chúa và Đức mẹ sắp đặt?

    -Đêm nào tui cũng cầu nguyện ơn trên cho tui gặp người đồng hương...

    -Có chuyện khẩn cấp gì không, thưa cụ?

    -Để được nói chuyện bằng tiếng Việt thôi.

    Cụ thở dài:

    -Lâu lắm rồi...tui chưa được nói hay nghe tiếng mẹ đẻ.

    Nhối trong tim. Tôi bùi ngùi thương cảm. Một ước mơ đơn giản quá mà sao quá xa vời. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Ông kể:

    -Tên tui là Tỉnh, Nguyễn văn Tỉnh... Trước kia ở Bình Tuy, làm nghề biển, có thuyền đánh cá, tuy không giàu nhưng cuộc sống cũng sung túc. Có vợ, ba con trai, đứa lớn nhứt nếu còn sống thì giờ đã gần 50. Năm 75 cộng sản tràn vào, cả nước kéo nhau chạy nạn. Sẳn phương tiện trong tay, tui bèn chở vợ con vượt thoát. Nhưng chẳng may sau ba ngày lênh đênh trên mặt biển thì gặp bão lớn, tàu chìm. Tui và đứa con út lên sáu may mắn được tàu Mỹ vớt còn vợ và hai đứa lớn thì mất tích.

    Sau đó tui được bảo trợ về Louisiana. Nơi đây có đông người đồng hương nên cũng đỡ buồn. Tui bắt đầu tái tạo sự nghiệp, hùn hạp với bạn bè mua tàu đánh cá làm việc ngày đêm, trước để vơi buồn, sau là tạo dựng tương lai cho thằng Út, giọt máu cuối cùng còn sót lại.

    Tui ước mong thằng bé sẽ theo cha học nghề biển, nhưng nó không muốn. Nó chỉ thích làm bác sĩ kỷ sư ngồi nhà mát chớ không chịu giải nắng dầm mưa như bố. Thế nên vừa xong Trung Học là nó quyết chọn trường xa để tiếp tục Đại Học.

    Ông ngừng lại một chút dễ dằn cơn xúc động rồi ngậm ngùi kể tiếp:

    -Tui chỉ còn một mình nó. Không thể sống xa con nên quyết định bán hết tài sản để dọn theo. Bạn bè ai cũng ngăn cản, nhưng tui quyết giữ lập trường, mang hết tiền dành dụm đến Tiểu Bang nầy mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, còn lại chút ít thì gửi vào quỉ tiết kiệm lấy lời sống qua ngày. Hai cha con đùm bọc nhau, cuộc sống tuy chẳng sung túc nhưng cũng nhẹ nhàng.

    Tuổi ngày một già sức khỏe càng yếu. Năm ấy trời làm mưa đá, tui bị ngã gãy chân. Bác sĩ cho biết xương già không lành được, phải vĩnh viễn phải ngồi xe lăn.

    Thằng Út ra trường, có việc làm tốt ở Nữu Ước. Tự biết khó thể theo con và không muốn làm trở ngại bước tiến thân của nó, tui muốn xin vào viện dưỡng lão. Tôi lên tiếng trước cho nó khỏi bị khó xử. Nó giúp tui làm thủ tục và hứa khi việc làm yên ổn sẽ đón tui về.

    Các viện dưỡng lão tương đối khá đều hết chỗ. May thay đang lúc bối rối, thì có anh bạn học người Da Đỏ mách cho nơi nầy. Thấy con buồn tui bèn an ủi nó: “Nơi nào cũng là quê người, giống nhau thôi. Thỉnh thoảng con về thăm là bố vui rồi”.

    Thế là cả ngôi nhà lẩn tiền dành dụm đều phải trao hết cho viện dưỡng lão. Dĩ nhiên là tui được nhận.

    Ánh mắt xa xôi nhìn về phía chân trời đang có đàn chim chiều đang xoải cánh, ông chép miệng:

    -Nhanh quá....Mới đó đã mười năm.

    -Thưa cụ, thời gian qua chắc anh Út cũng thường về thăm cụ?

    -Một năm sau nó có trở lại, khoe với tui hình cô gái Mỹ và nói là “dâu tương lai của bố đấy”. Rồi....từ đó biệt tăm luôn.

    -Cụ hoàn toàn không biết tin tức gì về anh ấy?

    -Không, mà thật tình... tui cũng không muốn biết.

    -Tại sao? Anh ấy là con trai duy nhứt của cụ mà? Cháu sẽ giúp cụ tìm anh ấy.

    Ông lão rớm nước mắt:

    -Tui sợ lắm... Thà biền biệt như thế mà tui vẫn tin tưởng là nó đang sống tốt với vợ con ở nơi nào đó trên quả đất, còn hơn là biết tin buồn. Quả tình, tui không kham nổi.

    Tôi nghẹn lời không nói được. Chập sau, qua cơn xúc động, tôi hỏi:

    -Giờ đây cụ có ước nguyện gì xin cho biết, cháu sẽ hết lòng giúp với tất cả khả năng mình.

    Ông lão thở dài:

    -Già rồi, còn được mấy năm trước mặt?

    Ánh mắt chợt linh động, ông nhìn tôi và chép miệng:

    -Tôi thèm một bát bún riêu!

    Hai tuần sau, vào ngày Chúa nhựt, tôi nhờ chị bạn thân nấu giùm hai bát bún riêu cua, bún nước để riêng, có đầy đủ chanh, rau, nước mắm, ớt hiểm tươi, đặc biệt còn thêm lọ mắm ruốc thật ngon. Tôi cho tất cả vào túi xách đem đến viện dưỡng lão Lakeview.

    Mất hơn 4 giờ đường, sau cùng tôi đã tới. Như lần trước, ông lão vẫn ngồi trên xe lăn gần cửa sổ cuối phòng. Bất ngờ trông thấy tôi, ông mừng rỡ kêu lên:

    -Kìa thầy...Lại về đây công tác à?

    Tôi chạy tới nắm tay ông:

    -Lần nầy cháu chỉ đến thăm cụ. Cháu có món quà đặc biệt mang biếu cụ.

    Lộ vẻ cảm động, cụ nhoẻn cười đuôi mắt nhăn nheo.

    -Bầy vẽ làm chi hà...Thầy đến thăm tui là quí rồi...

    Tôi xin phép ban quản lý đưa cụ ra vườn. Vì thức ăn nặng mùi mắm ruốc nên tôi phải mang theo một lò cồn nhỏ để đun nóng ngoài trời. Cụ chăm chú nhìn tôi sớt bún ra tô, trộn rau ghém, nêm mắm ruốc, châm nước dùng sôi nghi ngút bốc hơi, rắc chút tiêu thơm lên lớp gạch cua nổi vàng trên mặt, nặn hai lát chanh tươi và sau cùng là ba quả ớt hiểm đỏ thơm nồng cay xé lưỡi. Không nén được thèm thuồng, chốc chốc cụ lại nuốt nước bọt.

    Tôi đặt tô bún riêu trước mặt và mời cụ cầm đũa. Cụ run giọng:

    -Cám ơn...cám ơn thầy. Không ngờ hôm nay tui còn được ăn bát bún riêu cua... Mời thầy cùng ăn cho vui.

    -Cháu đã ăn xong ở nhà. Xin cụ dùng tự nhiên...Bún riêu còn nhiều, hết tô nầy cháu sẽ hâm tô khác.

    Cụ trịnh trọng húp từng muỗng xúp, gắp từng đũa bún, cắn từng miếng ớt cay ngon lành như chưa từng được ăn ngon. Chốc chốc cụ dừng tay để lau mồ hôi và luôn mồm khen tấm tắc :

    -Bún riêu ngon quá. Mắm ruốc thơm quá!

    Tôi cảm động đặt tay lên vai cụ:

    -Nếu cụ bằng lòng nhận cháu làm con, cháu sẽ thay anh Út thường xuyên thăm viếng cụ.

    Cụ sững sờ nhìn tôi thật lâu như không tin ở tai mình rồi hai dòng nước mắt từ từ lăn dài trên đôi má cóp.

    -Tui có được diễm phúc như vậy sao?

    Tôi yêu cầu ban quản lý ghi tên tôi vào danh sách thân nhân và dặn dò khi có chuyện cần thì cứ gọi.


    * * *


    Năm sau....

    Còn một ngày nữa là Tết. Tôi đã chuẩn bị xong quà cáp, có cả trà thơm mứt ngọt, dự định sáng hôm sau, mồng một đầu năm sẽ mang lên Lakeview mừng tuổi cụ.

    Đang ngon giấc chợt có chuông điện thoại. Tôi nhấc ống nghe, bên kia đầu giây, tiếng cô y tá trực của viện Dưỡng Lão Lakeview:

    -Xin lỗi... phải ông Trần?

    -Vâng, chính tôi.

    -Cụ Tính đau nặng...

    -Tình trạng thế nào? Có nguy không?

    -Đang nằm phòng hồi sinh bệnh viện thành phố.

    -Cám ơn cô, ngày mai tôi sẽ đến.

    -Ông nên đi sớm hơn vì sợ không còn dịp.

    Tôi rụng rời!

    Tuyết rơi càng lúc càng nhiều! Trời trở lạnh. Gió giật từng cơn, hoa tuyết bay nghiêng như ngàn vạn mũi tên bắn vào kiếng nghe rào rào như vải cát. Không gian mờ mịt, rừng phong trắng xóa một màu.

    Tuyết phủ một lớp dầy trên mặt đất. Tôi rà thắng cho xe chạy chậm để khỏi rơi xuống hố.

    Sau cùng tới được bệnh viện Hayward.

    Cô cô y tá nhìn tôi ái ngại:

    -Suốt đêm qua ông ấy cứ gọi tên một người nào đó, không biết phải là ông?

    -Cô còn nhớ ông ấy gọi tên gì?

    -Chỉ một tiếng duy nhứt, dường như “Ouk” hay “Ouc” gì đó.

    Tôi đã hiểu là “thằng Út”.

    Tôi hé cửa lách vào, trân trối nhìn ông rồi ngồi xuống bên giường. Người ông khô đét, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên vầng trán nhăn nheo. Ông chợt cử động rồi thều thào:

    -Út...Út...

    Nước mắt chực trào ra. Giờ phút nầy tôi cần phải làm một điều gì để giúp ông được mĩn cười trước khi vĩnh biệt. Tôi bóp nhẹ bàn tay già gầy guộc và nghẹn ngào:

    -Thưa cha...con đã về.

    Mi mắt ông động đậy cố nhướng lên nhìn, rồi kiệt sức nên từ từ khép lại nhưng môi còn mấp máy:

    -Út...Út ...con...?

    -Phải...Thưa cha con là Út, đứa con bất hiếu đã quay về xin cha tha thứ.

    Tôi cảm được các ngón tay khô gầy đang bắt đầu cữ động trong lòng tay tôi, cố nắm giữ đứa con yêu đừng có xa rời. Nước mắt tôi vô tình rơi xuống làn môi khô nứt nẻ đang hé một nụ cười.

    “Gia tài” ông để lại là một bọc vải nhỏ, trong ấy có tượng Chúa Giê Su bị đóng đinh trên cây thập giá và tấm hình đen trắng đã trổ vàng chụp gia đình 5 người đoàn tụ, đứa nhỏ nhứt còn bế trên tay, tôi đoán nó tên là Út.


    * * *

    Những năm sau, mỗi lần có dịp lên mạn Bắc, tôi đều ghé nghĩa trang thăm ông.

    Hôm nay, trời vào Thu! Nghĩa trang chiều hoang vắng quá! Lá vàng từng chiếc rơi trên mộ. Tôi lặng người nghe khóe mắt rưng rưng...

    Quê hương khuất bóng hoàng hôn
    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.....

  5. #5
    Về thăm mẹ
    Kim Thoa

    Có từ nào để diễn tả hết ý để nói về Mẹ. Mẹ tôi một người đàn bà cả đời gian lao cực khổ, từ lúc nhỏ tôi đã được nghe mẹ tôi kể về cuộc đời truân chuyên của mẹ.

    Ông ngoại của tôi, một lãng tử rày đây mai đó, gặp bà ngoại kết nghĩa với nhau, sinh 3 người con, kiếp sống không nhà, cuộc đời không định hướng, xứ Cà Mau rừng thiên nước độc ông chọn làm chỗ trú chân, xứ sở tôm cá đầy đồng nhưng muỗi vắt quanh năm, ông bà ngoại dựng chòi lập nghiệp.

    Nghe mẹ kể, từ năm lên 6, mẹ tôi một mình dám chèo xuồng 3 lá dọc theo kênh nhỏ, lượm củi đem bán lấy tiền đưa ngoại, có hôm không có củi mẹ chèo đi xa hơn, lúc về trời sập tối, mẹ thấy ông cọp với hai mắt sáng như sao, ngồi bên bìa rừng, mẹ vừa chèo vừa vái ông đừng ăn thịt.

    Năm mẹ mười tuổi, bà ngoại tôi đem gửi mẹ cho một gia đình, tiếng là bà con họ xa bên chồng, là chủ tiệm cầm đồ Tân Hưng ở Hòa Hưng, nói là bà con, nhưng “bắn súng cành nong” ba ngày cũng không tới, ngoại gửi với lời nhắn “chỉ cho nó ăn cơm thôi, cho nó giữ em làm việc nhà gì cũng được”, từ đó mẹ tôi kiêm đủ thứ việc, chỉ cần có cơm ăn mà thôi.

    Bà Tư Tân Hưng, chủ tiệm cầm đồ ở Hòa Hưng là người nhân đức, bà phân công việc cho mẹ, sáng sớm qua chợ hoặc đón hàng gánh mua đồ ăn sáng cho cả hai ông bà và 4 đứa con nít, xong xuôi lo đút cơm, đút cháo cho con bà, rồi sửa soạn cho 2 đứa lớn đi học, bà cho má tôi ít tiền ăn sáng, rồi dẫn 2 đứa con của bà đi học. Má tôi để dành những đồng tiền ăn sáng đó về lục cơm nguội ăn, chờ vài ba tháng ngoại tôi lên thì đưa tiền cho ngoại, không mẻ một cắc. Bà Tư cũng biết, nhưng bà nhân hậu, không bao giờ hỏi, thỉnh thoảng lại còn cho tiền riêng dặn má tôi bỏ ống heo để dành cho ngoại.

    Má tôi từ nơi đồng chua nước mặn, chèo xuồng mót củi bán kiếm tiền cho ngoại, tối ngủ phải ung củi đước, người ngợm quần áo hôi mùi củi ẩm, tay chân thì đóng phèn, cơm thì bữa đói bữa no, bây giờ thì được quần quần áo áo, đồ cũ của đứa con gái lớn của bà, bà cho má tôi mặc, duy chỉ có điều mỗi ngày đi bộ đưa rước con bà mà không được đến trường học chữ như con bà, nhưng đối với người nghèo như má tôi có cơm ăn, có quần áo mặc là cũng quá tốt rồi.

    Một buổi tối nọ, đang chơi đùa giữ em thì ông ngoại tôi lên, ông có vẻ bệnh nặng lắm, mẹ tôi kể:

    -Ông của con ít khi nào lên thăm má, một tay giang hồ ngang dọc, giờ có vẻ bệnh, chắc cũng biết sức của mình, nên ghé thăm má lần cuối cùng trên đường phiêu bạc.

    Bà Tư biểu má tôi xuống bếp xem còn gì thì dọn cho ông ăn. Hồi chiều chị bếp có nấu món canh cải bẹ xanh cho cả nhà ăn, má tôi xuống trạn xem thì thấy còn nửa tô trong tủ, bà dọn cho ông ăn với cơm và chút thịt kho còn lại, mà chị bếp hay nấu dư và chừa lại cho má tôi ăn sáng. Đêm đó ông ngoại tôi ra đi trong giấc ngủ ngàn thu. Sau này má tôi hay dặn các con là “Không được ăn canh cải bẹ xanh vào chiều tối, nếu cảm thấy trong người không được khỏe.”

    Thời đó, khoảng năm 1945, đâu có điện thoại mà liên lạc, ông ngoại là tay giang hồ lãng tử, may là chết nơi nầy có người chôn, chứ có khi chết bờ chết bụi vợ con không ai biết, phải mấy tháng sau bà ngoại lên thăm má tôi mới biết là ông ngoại chết rồi.

    Bà Tư tốt bụng cho làm đám ma rồi chôn đất thí ở nghĩa địa Chí Hòa.

    Bà tốt bụng, xem má tôi như con cháu thân tình, bà cho những nữ trang vụn vằn mà khách bỏ không có tiền chuộc, má tôi con nhà nghèo mà có vàng đeo, bà Tư thấy ngoại ở xa mà chồng thì chết nên bỏ tiền mua căn nhà nhỏ xíu cho ngoại và các con ở mà không lấy tiền thuê nhà, miễn là má tôi cứ ở đợ nhà bà, ngoại tôi ở nhà đó mua bán đắp đổi qua ngày.

    Mỗi tháng má tôi lấy tiền để dành mua gạo rồi đội đến cho ngoại, má tôi dặn bà đừng đến nhà bà Tư mà bị nhà giàu coi rẻ lại sinh nghi kỵ (sau nầy má tôi cũng hay dặn câu ấy với các con, là đừng có thấy sang bắc quàng làm họ, mà phải biết phận mình). Mỗi ngày đi bộ đưa trẻ đi học thì chạy ù cho lẹ để thăm ngoại, mẹ tôi chạy đường tắt mà sau nầy cũng con đường tắt ấy mẹ tôi chỉ cho tôi để đội gạo đem cho bà ngoại và cậu dì mà nội tôi không hề biết.

    Năm má tôi 18 tuổi, trong một lần đến thăm nhà người bạn gái, má tôi đã gặp ba tôi. Ba tôi một thanh niên đẹp trai, có nghề sửa xe hơi, má tôi kết ba tôi vì biết lo làm ăn, ba tôi thương má tôi vì nghĩ rằng cháu của bà chủ tiệm cầm đồ lớn nhất chợ Hòa Hưng, chứ ông không biết rằng má tôi tuy danh nghĩa là cháu, nhưng là đầy tớ ở đợ không trả tiền công. Nhưng ngày má xuất giá theo chồng, bà Tư cũng cho má tôi một chiếc kiềng đeo cổ bằng vàng y để kỷ niệm. Sau nầy lúc có 4, 5 đứa tụi tui rồi má tôi bán chiếc kiềng để mua nhà riêng, không ở với nội nữa.

    Trải bao dâu bể, ba tôi bị động viên đi lính xa nhà, một mình má tôi vừa lo gia đình riêng của mình, vừa lo cho ngoại, ôi có bút mực nào tả cho hết sự giỏi giang của người đàn bà Việt Nam mà điển hình là má tôi.


    ***

    Ngồi trong chiếc phản lực nhìn đường bay chậm rì trên màn hình, tôi vượt 10,400 km đường chim bay để về thăm mẹ. Năm nay mẹ tôi 80 tuổi rồi, suốt cả đời lo cho bà ngoại, lo cho chồng cho các con, bây giờ còn lại chỉ một mảnh hình hài gầy yếu.

    Càng nghĩ, càng thương mẹ tôi quá chừng đi.

  6. #6
    Lễ Tạ Ơn Trong Viện Dưỡng Lão
    Nguyên Phương

    Theo lời khuyên của một vị thượng tọa, “nếu có dịp đại chúng nên đến thăm viện dưỡng lão, để an ủi, khuyến khích những cụ già trong đó, nhiều cụ cảm thấy thật cô đơn khi con cháu không có thì giờ đến thăm, hơn nữa đó cũng là một nơi mà mai mốt mình cũng sẽ phải tới…”.

    Nghe lời thầy chúng tôi thu xếp một chương trình để đi thăm viện dưỡng lão vào ngày lễ tạ ơn.

    Tôi y phục chỉnh tề ngồi ngay nơi cửa số để chờ mấy bà bạn đến đón, hôm nay chúng tôi hẹn nhau đến một viện dưỡng lão chung vui với các cụ trong ngày lễ tạ ơn.

    Viện dưỡng lão này có mẹ của Lan, cụ ở đó đã ba năm, từ khi cụ bị bệnh Alzheimer, gia đình Lan đồng ý đưa cụ vào trong đó thỉnh thỏang con cháu vào thăm. Ở nhà cụ thường bị lẫn và hay đòi đi ra ngòai đường, cửa ngõ lúc nào cũng phải đóng kín cẩn thận, bếp núc phải tắt kỹ lưỡng có khi cụ bật cả bốn cái bếp, khi Lan, con gái cụ, vào bếp thấy bốn cái bếp đỏ rực, hỏi cụ “mẹ nấu gì hả mẹ” cụ cười lắc đầu không biết.

    Quyết định đưa cụ vào nursing home cũng là một quyết định đau lòng, nhưng đành thôi, con cái người thì ở xa, Lan ở chung với cụ nhưng cũng không sao dành trọn 24 giờ một ngày cho me.

    Lúc đầu Lan ghé thăm cụ từng ngày, thỉnh thỏang đón cụ về nhà, đưa cụ ra ngoài ăn uống, nhưng gần đây thì cụ không biết nhiều, ngay cả con cái cũng không nhận ra, Lan bận ở xa nên chỉ thăm cụ mỗi tuần.

    Chúng tôi đến nơi thì xe đã đậu chật trong parking, nhưng nơi đây rất cẩn thận họ tổ chức valet parking cho những người không tìm được chỗ đậu xe.

    Vào đến nơi, tôi chóa mắt vì cảnh nhộn nhịp những trang hòang thật vui mắt, Lan đưa chúng tôi vào phòng lớn, nơi họ đang tổ chức ăn uống,các cụ được đẩy xe lăn ngồi sẵn tại bàn, những bình hoa tươi đang được sửa sọan cắm vào bình, và được đem tới từng bàn, bong bóng, hình ảnh, chữ viết tất cả chu đáo cho một ngày lễ tạ ơn. Nhạc sĩ đang sửa sọan nhạc cụ để giúp vui các cụ. Mẹ Lan đã được đưa ra ngồi ở bàn gần cửa ra sân. Cụ cười cười, Lan lại ôm lấy mẹ vuốt tóc cụ, Mai xà lại bên cạnh cụ hỏi thăm “mẹ nhớ con không?” (Mai thường gọi cụ bằng me). Đến nơi Lan sắn tay áo vào phụ giúp trong việc cắm hoa, bưng thức ăn đến từng bàn cho các cụ.

    Các cụ đều được ăn mặc tươm tất, các cụ bà đều được đánh móng tay móng chân, mặt mũi tươi cười ngồi ngay ngắn trên xe lăn trên mỗi bàn một bình hoa tươi, mới hái ở ngòai vườn.

    Mảnh vườn nho nhỏ nhưng hoa nở thật vui mắt, dù là đang cuối mùa thu nhưng cây vẫn xanh lá, hoa vẫn nở, khí hậu vùng nam California thật thích hợp cho những cụ già Việt Nam, thời tiết chỉ hơi se lạnh làm tôi liên tưởng đến Đà Lạt.

    Viện dưỡng lão này gồm nhiều sắc dân không riêng gì Việt Nam. Các cụ có lẽ sức cũng đã yếu nên không thấy chuyện trò với nhau, có cụ ngồi suy tư không hiểu cụ đang nghĩ gì, tôi tới hỏi thăm thì cụ không trả lời, cụ ngồi nhìn chăm chăm vào bình hoa, bữa tiệc chưa bắt đầu nhạc sĩ dạo vài nốt nhạc thử âm thanh và micro. Nhân viên tấp nập chạy ra chạy vào, khi nhạc bắt đầu, có những người vừa làm vừa nhún nhẩy, mặc dù đang cắm hoa, lấy nuớc, hay đang bưng thức ăn. Tiếng ồn ào tắt hẳn khi nhạc sĩ vừa đàn vừa hát, nhạc vang lên rộn rã, mẹ Lan lắc nhẹ đầu theo điệu nhạc, miệng cười chúm chím trông thật dễ thương, Lan chợt nhớ ra chạy vội vào phòng cụ mang ra con búp bê cho cụ, mặt cụ tuơi hẳn lên, ôm siết con búp bê vào lòng như người mẹ mới đi đâu về gặp con. Những người già thường trở lại như con nít, lúc nào cụ cũng bế con búp bê, âu yếm nựng nịu như chơi với một em bé thật. Tôi ghé vào tai cụ hỏi nhỏ “bác có vui không?” cụ gật đầu nhẹ một cái rồi lại tiếp tục lắc lư đầu theo địệu nhạc. Cụ âu yếm con búp bê như ôm con, cháu có lẽ để cho bớt cảm giác cô đơn, cho thấy rằng mình vẫn có người ở bên cạnh. Cụ không phải là người duy nhất thích “em bé”, một số các cụ bà khác cũng có cùng sở thích.

    Thức ăn bắt đầu được đem ra, mỗi cụ được quàng vào một cái yếm dãi cho khỏi rơi thức ăn ra áo. Ngồi chung bàn với cụ là một bà cụ người Đại Hàn nét mặt tươi như hoa, quần áo bảnh bao, tóc tai thật tươm tất, bà vào nhà bếp bưng ra một khay thức ăn rồi từ từ đút cho ông chồng. Bà cho biết ông chồng bị bệnh và được đưa vào đây đã bốn năm, con cái không có ai ở gần, chỉ có một mình bà mỗi ngày vào thăm và đút thức ăn cho chồng, nhìn cử chỉ bà thật là nhẹ nhàng và trìu mến trong mỗi muỗng thức ăn đưa lên miệng cụ ông. Hai cụ đều đã ngòai tám mươi. Một cặp khác bà vợ cố đút thức ăn cho ông chồng, tôi nghe ông cự nự nho nhỏ nhưng bà vợ vẫn dịu dàng và âu yếm đưa từng muỗng thức ăn vào miệng chồng. cặp vợ chồng này không già nhưng khôngcòn trẻ có lẽ ông chồng bị bệnh.

    Mai xí phần xúc thức ăn cho cụ mẹ của Lan. Cụ ăn nhưng mắt nhìn lên anh chàng nhạc sĩ, hai tay ôm chặt “em bé”. Tôi đề nghị ôm em thế cụ để cụ ăn, cụ càng giữ chặt hơn nhất định không đưa cho tôi.

    Có ba cô gái Việt Nam còn trẻ, mặc áo dài thật đẹp như ngày tết, các cô ào vào như một luồng gió xuân, các cô mang vào những trái bong bóng hình trái tim đến từng bàn đưa tặng mỗi cụ một trái bóng và gửi lời chúc mừng ngày lễ tạ ơn đến các cụ.

    Chỉ vỏn vẹn có một anh chàng nhạc sĩ vừa đàn vừa hát nhưng cũngđủ làm rộn ràng cả phòng, anh chàng hát đủ mọi lọai nhạc, khi hát nhạc Rock giọng anh ta hát không thua gì Elvis Presley, sau mỗi bản nhạc mọi người vỗ tay tán thưởng vang rân cả phòng, có cụ mải nghe nhạc không chịu ăn. Ông Director lại mời chúng tôi ăn chung vui với các cụ, chúng tôi từ chối. Director là một người Đại Hàn, anh ta còn trẻ, trông thật trẻ trung trong chiếc áo chemise mầu hồng, thật hồn nhiên yêu đời.

    Một cụ bà chắc khỏang ngòai bẩy mươi tuổi, cụ ngồi trên xe lăn nhưng chân tay như ngứa ngáy, Lan thấy vậy đến gần cụ vừa nhẩy vừa nắm tay cụ, chân cụ bơi bơi cho chiếc xe lăn chạy theo điệu nhạc, mọi người vui cười vỗ tay vang rền, cụ càng thích chí hơn, cười to hơn, đẩy xe bằng chân nhanh hơn, khi đến điệu nhẩy cha cha cha, cụ không dừng lại được nữa, cụ đứng lên và khiêu vũ không cần xe lăn, cứ thế cụ nhẩy khỏang hai muơi phút sợ cụ quá mệt Lan đưa cụ trở lại chỗ ngồi để cụ tiếp tục ăn, nhưng được vài phút cụ lại đứng lên nhẩy tiếp tục, ông Director lại nhẩy cùng với cụ và những thành phần ban giám đốc cùng những nhân viên cũng chung vui và kéo nhau ra nhẩy. Một ông cụ khác ngồi xe lăn cũng tham gia vào cuộc nhẩy vui nhộn này.

    Sau một hồi nhẩy cùng bà cụ anh Director lên sân khấu ca một bản nhạc thật vui, anh ta cất cao giọng hát lên chin từng mây, tôi tưởng tượng như mình đang nghe nghe một ca sĩ đang hát trong một cuốn phim Đại Hàn.

    Chúng tôi cũng vui theo niềm vui của các cụ, những tràng pháo tay tưởng như không bao giờ dứt. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn, đã đến giờ các cụ về phòng nghỉ ngơi, anh nhạc sĩ cũng cần nghỉ sau cả giờ đồng hồ một mình độc diễn.

    Khu của mẹ Lan là khu riêng biệt của những người bị Alzheimer nên phải đi qua một cái cửa có khóa, cần phải bấm nút hai cánh cửa mới được mở ra, hôm nay là ngày lễ, Lan yêu cầu cho mẹ ra khu ngoài chung vui với những cụ còn tỉnh táo. Đẩy xe cho mẹ Lan trở về phòng, trong khu này mỗi phòng đều có hình các cụ ở ngòai cửa để nếu có cụ nào lang thang không tìm thấy phòng mình thì nhân viên của viện có thể dắt cụ về đúng phòng của cụ.

    Cụ mẹ của Lan đã quên nhiều, hình như cũng không nhận ra con nhưng khi Lan chào từ biệt “mẹ ở lại con về đi làm” thì cụ gật gật đầu không hiểu cụ có hiểu không. Chúng tôi ra về trong sự bịn rịn, khi cánh cửa đóng lại các cụ trong đó sống với một thế giới riêng của các cụ.

    Bước ra ngòai, chúng tôi gặp một bà cụ Việt Nam ngồi xe lăn, cụ cười tưoi với cái miệng móm trông thật dễ thương và làm tôi nhớ mẹ của tôi. Tôi lại gần cụ hỏi thăm sức khỏe cụ, cụ vuốt cánh tay tôi một cách trìu mến:

    - Thỉnh thỏang nhớ vào thăm bà nhé.

    Chắc cụ nghĩ tôi là cháu cụ, tôi vuốt vai cụ thì thầm

    - Vâng thỉnh thỏang cháu sẽ vào thăm bà.

    - Nhưng cũng không còn lâu đâu cháu ạ, bà sắp đi rồi.

    Tôi giật mình, chắc cụ bị bệnh nặng và sắp qua đời, nhưng cũng cố vớt vát hỏi lại

    - Thưa bà bà có khỏe không?

    - Khỏe, bà đang chờ con đến đón về nhà đây, chúng không cho bà ở trong này mà muốn mang bà về nhà.

    Tôi thở phào và hoang mang không hiểu có thật vậy không nếu vậy thì thật mừng cho cụ, cụ lại vuốt cánh tay tôi và chỉ vào Mai:

    - Cô kia cuời tuơi quá nhỉ, xinh xinh quá

    - Con vui và cuời tươi giống bà. Mai nhanh nhẩu trả lời cụ.

    Chúng tôi chào cụ để ra về cụ lại nhắc thêm một lần nữa thỉnh thỏang nhớ vào thăm bà nhé.

    Vẫy tay chào, ra khỏi cổng chúng tôi cũng thấy buồn vui lẫn lộn, cuộc đời mai sau của chúng tôi là như thế đó, nhưng nếu mình biết thích hợp với hòan cảnh cuộc sống sẽ không đến nỗi buồn chán nếu còn sức khỏe vừa đủ để nếm hương vị của cuộc đời, thưởng thứcnhững ngày lễ mà ban giám đốc của viện cố gắng giúp vui. Những người già nơi xứ Mỹ cũng vẫn được chăm sóc, được nghĩ đến, được an ủi. Ngày thanksgiving, ngày mà người người đều được ở nhà để bên nhau cùng ăn mừng, những nhân viên của viện dưỡng lão đã phải đi làm nhưng họ vẫn vui vẫn cùng các cụ nhẩy múa, ca hát cho các cụ cái cảm giác không bị bỏ rơi.

    Thế hệ lớn hơn chúng tôi có thể sẽ buồn nhiều hơn vì chưa hòa nhập được những niềm vui của đời sống Mỹ về vấn đề ngôn ngữ, về phong tục tập quán.

    Cuộc đời như một bánh xe lăn, nếu mình không lăn theo thì sẽ bị văng ra ngòai, hoàn cảnh nào cũng có vui có buồn, tại sao mình không chọn những niềm vui? Nếu không còn một sự lựa chọn nào khác thì căn nhà cuối cùng của cuộc đời mọi người già trên đất Mỹ là Viện Dưỡng Lão, cũng không có gì đáng ngại.

    Chúng tôi cùng cười với nhau khi nhớ đến bà cụ buông cả xe lăn đứng lên nhẩy, hòa nhập với cuộc sống thật cũng không đến nỗi quá khó, chỉ cần mình biết tùy hỷ và tùy duyên.

 

 

Similar Threads

  1. Những buổi chiều còn mưa
    By ndangson in forum Thơ
    Replies: 419
    Last Post: 12-28-2016, 01:04 PM
  2. Lai rai chiều nay
    By thuynh in forum Gia Chánh
    Replies: 438
    Last Post: 07-30-2013, 09:18 PM
  3. 95 tuổi vẫn chăm chỉ chuyện phòng the
    By ngocdam66 in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 5
    Last Post: 11-22-2011, 08:49 PM
  4. Bé 3 tuổi chăm mẹ chết mòn trên giường bệnh
    By tử đằng in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 0
    Last Post: 10-12-2011, 07:59 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:04 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh