Register
Page 10 of 11 FirstFirst ... 891011 LastLast
Results 91 to 100 of 104
  1. #91
    Cõi tịnh không
    Bùi Bích Hà

    Trong đám tang cụ ông, thọ 97 tuổi, cô cháu nội vừa lau nước mắt vừa vuốt lên mặt chiếc điện thoại thông minh, khoe tấm hình cô mới chụp ông bà nội của cô cách đây vài tuần.

    Mấy hôm ấy thời tiết Cali lạnh quá, cô đưa cụ bà đến nhà an dưỡng thăm cụ ông vừa được bệnh viện gởi vào. Cụ bà đội khăn len mỏ quạ, mặc áo bông, chống gậy. Hai cụ ngồi trên hai cái ghế bành, như một đôi bạn già cũ kỹ. Mà hai cụ là bạn của nhau thật, một tình bạn bền vững tới 74 năm. Trải bao mưa nắng. Chia nhau bao cay đắng, ngọt bùi. Thương yêu có, giận hờn có, vinh quang, tủi cực đủ điều. Mặc cho dâu bể tang thương, mặc cho núi mòn, sông cạn, quê hương chia cắt mấy lần, hai cụ không bao giờ rời nhau nửa bước. Đàn con 8 đứa khôn lớn, nên người, như những cánh chim bằng bay ra trời cao, đất rộng. Hai cụ như hai thân đại thụ, tựa vào nhau sống an vui trong căn nhà nhỏ, khu vườn nhỏ quanh năm hoa hồng nở ba phía hàng rào. Cuối thu sang đông năm ngoái, cụ ông không được khỏe, phải vào nhà thương rồi vào nhà an dưỡng. Cụ bà mỗi ngày nhờ con cháu đưa đi thăm cụ ông, trò chuyện vui vẻ như khi hai cụ cùng ở nhà. Thấy cụ bà đến, cụ ông chừng như yên tâm hơn. Cụ bà thấy cụ ông ngồi tề chỉnh trước mặt, nghĩ không lâu cụ ông sẽ lại về bên cụ thôi.

    Hôm đó, cô cháu nội chợt nghe cụ ông hỏi cụ bà: “Thế bao giờ thì tôi về nhà?” Cụ bà cười móm mém, trêu cụ ông: “Ông muốn về nhà nào chứ?” Cụ ông ngẫm nghĩ một giây rồi cười mỉm, trả lời: “Về nhà chỗ cột đồng hồ.” (Đây là ngôi nhà cụ ông đã sống thời trai trẻ với cha mẹ và các anh chị em ở Hà Nội trước cuộc di cư năm 1954). Cụ bà cũng mủm mỉm cười, đáp lại: “Nhà ấy bị Việt Cộng lấy rồi, không về được nữa, ông quên à?” Cụ ông lại ngẫm nghĩ rồi bùi ngùi nói tiếp: “Thế thì về nhà ở ngõ Phát Diệm vậy?” (Là ngôi nhà hai cụ ở cùng với các con còn nhỏ lúc mới di cư vào Nam). Biết cụ ông lẫn lộn xa gần chuyện cũ rồi, cụ bà cố làm vui cho cả hai người nên giữ nguyên nụ cười, nói chậm rãi: “Nhà Phát Diệm chúng nó cũng lấy rồi, không về được!” Cụ ông lại ngẫm nghĩ thêm một lúc rồi thong thả, ậm ừ trả lời cụ bà: “Thế thì tôi theo bà. Bà ở đâu, tôi ở đấy!”

    Trong đám tang cụ ông, trước bàn thờ nghi ngút khói hương, cụ bà thấm nước mắt trách yêu người bạn đời đã về thiên cổ: “Ông bảo tôi ở đâu, ông ở đấy, thế sao ông lại bỏ tôi mà đi? Bây giờ ông đi đâu hả ông?”

    Cái tổ chim rơm rạ ấm áp nay chỉ còn con mái vào ra ngơ ngác, thật buồn, thật đau lòng. Cụ bà kể lể: “Đôi chân yếu ở tuổi gần 90, có khi ra thăm vườn, vấp hòn đất cũng té bổ chửng.” Cụ ông không làm gì được trong lúc chờ có người tới giúp nâng cụ bà dậy thì cụ mở cái ô, đứng ngay bên cạnh, che nắng cho cụ bà nhưng qua cơn ấy rồi, cụ bà lại vui vẻ chập chững vào bếp luộc bó rau, rán miếng đậu hũ, kho con cá cho bữa ăn hàng ngày của hai cụ. Mỗi buổi sáng trên chiếc bàn trong căn bếp nhỏ, bao giờ cũng có 2 tách cà phê sữa thơm lừng, cụ ông một, cụ bà một, ai dậy sớm thì làm cho người kia. Hai cụ vừa nhâm nhi cà phê vừa đọc báo, xem truyền hình hay nghe radio, bàn chuyện thời sự, chuyện cộng đồng, chuyện nước non. Các cụ thuộc hết danh tính và phong cách của các xướng ngôn viên truyền hình/truyền thanh của cộng đồng, tên các chương trình họ thực hiện và cả giờ giấc phát sóng. Cuộc sống của hai cụ êm đềm như một bài thơ lục bát tưởng chừng không có đoạn kết. Cụ bà bản tính cương nghị, quyền biến và rất lạc quan, phần nào lây sang cụ ông. Có ai hỏi thăm, cụ bà vui vẻ phân trần: “Tuổi già cao máu thì uống thuốc, ăn nhạt; cao đường, cao mỡ cũng uống thuốc, bớt ăn chè, bớt ăn bánh ngọt, có sao đâu? Cứ là trăm tuổi.” Khi cụ ông kêu mệt, cụ bà vừa pha ly nưóc chanh đưa vào tay cụ ông vừa dỗ dành: “Ông ơi, cố lên!” Con cái đứa ở xa, thỉnh thoảng điện thoại; đứa ở gần vài hôm tạt về thăm, tùy hỷ. Hai cụ không bao giờ phàn nàn hay trách móc.

    Kể từ hôm cụ ông cảm thấy trong người yếu hẳn đi, cụ nói với cụ bà: “Tôi sợ không ở thêm với bà được nữa đâu, tôi có mệnh hệ nào, bà ở lại giữ gìn sức khỏe nhé! Đừng kinh kệ cúng lễ cho tôi nhiều quá, phiền nhiễu cho bà và các con cháu.” Cụ bà xua tay như đuổi tà: “Ôi dào, nay ông yếu thì mai ông mạnh, đừng có mà nói lôi thôi nó thành gở đấy! Ông đi thì tôi theo chứ ở với ai nữa?”

    Thế nhưng số Trời đã định, nào ai thoát khỏi tử sinh? Cụ ông ra đi thật nhẹ nhàng, chỉ như cái quả chín khẽ bứt cuống, lìa cành, chao mình nằm yên trên mặt đất, trong vòng tay mẹ hiền Quan Âm mở ra đón đứa con khôn trở về với cõi tịnh không. Chuyện đã xảy ra thật rồi, cụ bà đã nhìn thấy cụ ông nằm ngủ ngoan hiền, thôi không thở nữa trong áo quan, hai tay xếp lại ngay ngắn trên bụng có tờ điệp quy y; cụ bà đã một tay quán xuyến sắp đặt việc chung sự cho cụ ông, kinh kệ chuông mõ theo đúng nghi thức từ nhà tới chùa, từ chùa ra nghĩa trang, đã lịch thiệp tiếp khách/tạ khách tới thăm viếng; đã thấy sô gai trắng toát trên đầu và xung quanh mình nhưng sao trong mắt cụ cảnh vật cứ loàng nhoàng như những buổi sớm mai ngày nào với con phố nhỏ rịn nước, phủ đầy sương muối ở Hà Đông, những lối vào nhà tuyết ngập lạnh lẽo ở Nữu Ước lèng xèng tiếng xẻng khua thời mới đến Mỹ…

    Cụ ông đi rồi, ngôi nhà 4 phòng ngủ trở nên vắng vẻ khác thường. Hàng hiên trước cửa vẫn còn cái bàn sắt, cái ghế sắt và cái gạt tàn thuốc sạch sẽ. Tháng chạp, cây quất sai quả không có người hái vàng rực một góc vườn, từ ngọn xuống mặt đất. Những gốc hồng hoa mới chen lẫn những đài hoa cũ đã rụng hết cánh, thâm đen, không che hết được nét võ vàng, tiều tụy của khu vườn thiếu bàn tay ngưởi chăm sóc.

    Không gian xê dịch của cụ bà thu hẹp chừng năm bảy bước giữa phòng ngủ và nhà bếp, tạt qua một góc phòng khách bày bộ bàn ghế khảm xà cừ, đệm gấm đỏ dệt chữ thọ vàng đã lâu không ấm hơi người. Phần lớn thời giờ cụ bà ngồi yên trong phòng bếp, đối diện với ảnh cụ ông trên bàn thờ lúc nào cũng đầy ngập hoa quả tươi, tách cà phê pha lúc sáng sớm mỗi đầu ngày, cái máy truyền hình ở góc bên cạnh mở sẵn, âm lượng vừa đủ nghe dường như để căn nhà bớt im ắng hơn là để cụ bà giải trí. Thỉnh thoảng, tiếng cái cửa nhà xe gầm gừ rít lên, khiến cụ nhìn về phía lối vào từ gara, bâng khuâng không biết cô cậu nào trong số hơn chục người vừa con, vừa dâu, rể sẽ khệ nệ bước ra, tay xách nách mang những thứ cụ thật sự không cần đến nhiều như thế nữa mà họ cứ mua và chất đầy các tủ trong bếp. Trước đây, cụ mặc kệ, chờ hai cô Mễ đến dọn dẹp nhà cửa thì cho họ vì cụ biết họ đông con và cần thực phẩm. Sau này, chỉ còn một mình cụ, con cháu thay nhau làm công việc vệ sinh chút đỉnh vài nơi cụ đặt chân hàng ngày nên cụ không biết làm gì với các đồ ăn thừa thãi ấy, cũng không ngăn được họ mua nên càng buồn phiền nhìn chúng bị lôi ra bỏ vào thùng rác.

    Cụ muốn nói với họ rằng có một nơi thật trống trải trong lòng cụ không gì có thể lấp đầy kể cả những gì họ mang tới và để lại rồi ra về. Cụ nghĩ thầm: “Phải chi lòng cụ giống như cái tủ lạnh để con cái có thể bỏ vào đấy bất cứ thứ gì họ thu góp được bằng cách vội vã ghé qua chợ này, tiệm kia, hy vọng thay thế họ trong ngôi nhà vắng vẻ mà có lẽ họ thầm mong biết đâu cũng có lúc cụ cần?” Cụ thường chép miệng một mình: “Thật tội nghiệp quá! Làm sao các con có thể hiểu được tâm sự của mẹ khi cái khoảnh đất nhỏ nhoi này là biên giới trôi giạt cuối cùng mẹ đành chấp nhận trên địa cầu nhiều tai ương của loài người?”

    Biết cụ kiên quyết gắn bó với nơi chốn sống gởi cho tới lúc thác về này và chỉ có sự chết mới đem cụ ra khỏi đây nên không một người con nào dám ngỏ lời đưa cụ vào nhà già. Cái hôm người con cả rụt rè trao vào tay cụ cái dụng cụ báo động cho phép cụ kịp thời gọi cứu cấp lúc cần, cụ mỉm cười hài lòng, âu yếm đảo mắt một vòng nhìn cái khung cảnh quen thuộc với cụ hơn bốn mươi năm qua, những buồn/vui đã trải, những dự tính hay ao ước hình thành bằng tất cả ý chí và nghị lực của cụ, người duy nhất trong cái gia đình đông đảo này thổi sinh khí vào cuộc sống của mọi người trong mọi tình huống.

    Có thể cụ sẽ sử dụng đến cái dụng cụ báo nguy tiện lợi ấy (vì bản năng sinh tồn hay vì cụ chưa nỡ rời) nhưng cũng có thể không (vì có hôm cụ không muốn đeo nó vào cổ) bởi đã suốt một đời phấn đấu cam go không để số phận đẩy đưa, giờ đây đứng trước điểm hẹn cuối cùng, cụ tự biết mình đã cố tới trễ hơn nhiều người khác, kể cả cụ ông mà cụ đang muốn gặp lại, nên cụ buông tay, hưởng đôi ba giây phút nhẹ tênh, thấy thân thể già nua của mình êm ái trôi theo con nước cuốn đi, may ra về lại được quê nhà.

  2. #92
    Tiếng chuông
    Thơ Cung vĩnh Viễn
    Oslo – Norvège

    Lâu rồi không nghe được
    tiếng chuông chùa xa xưa
    lâu rồi không có dịp
    nhìn lại mình bơ vơ.

    Hôm nay ngày giỗ mẹ
    thắp hương trên bàn thờ
    vợ chồng già đứng lặng
    không một người thân sơ.

    Qùy khấu đầu lạy Phật
    nghe vẳng tiếng chuông xưa
    cắm thẻ hương lễ Mẹ
    thấy lòng tràn xót xa.

    Một đàn con lưu lạc
    giỗ Mẹ thật đơn sơ
    trong tiếng chuông hồi hướng
    nghẹn ngào lời nam mô.

    Tiếng chuông xa vắng quá
    dội trong lòng ủ ê
    chưa tìm ra bờ giác
    vẫn la đà bến mê.

    Hôm nay ngày giỗ Mẹ
    thấm thía niềm bơ vơ
    trong gian nhà quạnh quẽ
    nuốt thầm giọt lệ khô.

  3. #93
    Con gái yêu quý của mẹ
    Bích Ngọc

    Mẹ lạy ông bà ngoại để theo chồng về xứ lạ. Mẹ đến Đức vào mùa Đông tuyết rơi phủ ngập dấu chân. Cả thành phố oằn mình trong cơn bão tuyết. Đặt chân đến một đất nước, văn hóa, ngôn ngữ xa lạ, một mình mẹ không bà con thân thuộc, bạn bè. Tình yêu của ba chưa đủ lớn để mẹ nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, cội nguồn. Tháng ngày dài chậm chạp trôi qua.

    Rồi mẹ có đứa con đầu lòng. Ba mong có con gái lắm!

    Không thể nào diễn tả hết cảm giác hạnh phúc tràn ngập trong tim mỗi khi mẹ cảm nhận từng cái quẫy đạp, chồi trườn của thai nhi trong bụng. Mẹ đếm từng ngày, tháng mong ngóng đến ngày sinh con.

    Ba mẹ đã vui sướng biết dường nào ngày đón con chào đời cất tiếng khóc oa oa. Mười ngón tay nhỏ bé ôm chặt bầu sữa mẹ, dòng sữa cho con ngọt ngào đầu đời. Nhìn con ngủ ngoan bên nôi, miệng be bé xinh xinh, chúm chím. Mẹ ngắm con mãi, con thoáng mỉm cười trong giấc ngủ, mẹ cảm thấy như cả một mùa Xuân đua hoa sắc thắm.

    Mẹ thôi nhớ nhà, mẹ không còn cô đơn, không còn phân biệt giữa Việt Nam-Đức. Mẹ chẳng còn nỗi niềm riêng bâng khuâng khi nhìn thấy tuyết rơi hay thoáng vương vấn ngắm cơn mưa phùn lướt qua khu phố nhỏ. Bởi vì tâm trí và trái tim của mẹ tràn ngập thương yêu cho đứa con đầu lòng – Jenny con gái của mẹ.

    Con chập chững biết đi, con chạy nhảy tung tăng, nghịch phá, cười khanh khách. Con đem niềm vui và làm cuộc sống của mẹ hoàn thiện hơn. Mẹ hiểu được ra rằng trong đời có một tình yêu to lớn và sâu sắc nhất đó là tình yêu của mẹ dành cho con. Không gì có thể so sánh và đánh đổi được.

    Nhìn con lớn khôn dần theo năm tháng, miệng bi bô học nói chữ đầu tiên gọi “mẹ” và “ba.” Rồi con có thêm em trai Kevin và hai em gái Susi, Anna. Bốn chị em quây quần phá phách, chơi đùa, trò chuyện và học hành.

    Như có lần mẹ viết đâu phải chỉ có cha mẹ mới yêu thương, hy sinh và lo lắng, chăm sóc cho con cái?! Mà con – đứa con gái đầu lòng của mẹ – đã quán xuyến, giúp đỡ mẹ trong mọi việc.

    Những ngày ba bệnh và mất trí nhớ. Con đã vất vả, ngược xuôi ngồi nhiều chuyến xe lửa hàng trăm cây số từ trường đại học về nhà cuối tuần cùng mẹ và các em lo cho ba. Con dịu dàng, ân cần gài nút áo cho ba, mang cho ba đôi giày, nắm tay dắt ba đi dạo.

    Vào tiệm kem, từng muỗng kem ngọt con nhẹ nhàng đút ba ăn. Renato và con cùng các em đã lo cho ba thật trọn vẹn, một tình thương của con cái dành cho ba vô bờ bến.

    Những ngày con sắp xếp dắt mẹ và các em đi nghỉ Hè, được nắm tay con và các em đi bất cứ nơi nào, với mẹ, đó là những chuỗi ngày đẹp nhất, hạnh phúc nhất.

    Mẹ hiểu ra được rằng đâu phải đi xe xịn, ở nhà sang, tiền bạc đầy trong nhà băng là hạnh phúc!?

    Con cái đỗ đạt cao, nhiều bằng cấp, chức vụ to lớn mà xa cách, đối xử lạnh lùng với cha mẹ; không học được cách chia sẻ với người khốn khó, nghèo khổ trong xã hội, đứa con đó chỉ thành tài, chứ chưa thành nhân.

    Con cũng đã từng ngồi tranh luận với mẹ về cách giáo dục cha mẹ áp đặt, dạy dỗ và hướng con cái theo ý muốn của cha mẹ, ép đứa con đi theo con đường cha mẹ vạch ra sẵn. Đứa trẻ đó không được học ngành nghề mà nó lựa chọn, nó yêu thích. Con cho đó là sự sai lầm và ích kỷ của người lớn.

    Con vẫn luôn nói với mẹ rằng: “Đừng bao giờ so sánh con cái của bạn mẹ với các con đại loại như: Sao con họ học giỏi hơn? Sao con họ tài năng hơn? Sao con họ học trường danh tiếng? Kiếm tiền nhiều…”

    Con cho rằng được học hành và làm việc theo đúng ngành nghề con chọn và sống cuộc đời vui vẻ, đó mới thật sự là hạnh phúc mà mỗi con người hướng tới. Đó là cách mà cha mẹ tôn trọng, cảm thông và thương yêu con cái.

    Giáo dục bằng cách đối thoại, trò chuyện cởi mở, khuyến khích và nâng đỡ các con trong mọi việc. Giúp con có lòng tự tin vào bản thân; trách nhiệm với cuộc sống và quyết định con mình chọn; can đảm bước vào đời, đối diện thử thách mà không chùn bước.

    Jenny, con gái yêu của mẹ.

    Tình yêu mẹ dành cho con vẫn đặc biệt hơn các em một chút bởi vì con là con đầu lòng của mẹ. Con gái của mẹ biết sắp xếp, cân bằng giữa việc học nghiên cứu và công việc làm thêm tự lo chi phí cuộc sống. Con luôn có cái nhìn lạc quan về mọi việc và chia sẻ với mọi người một cách vui vẻ. Từ bao năm nay con vẫn đều đặn gởi tiền giúp trẻ em nghèo Châu Phi. Dẫu với số tiền đó con có thể mua áo đẹp hay đôi giày mới. Nhưng đối với con đó là chuyện cần phải làm khi nghĩ về cái nghèo đói của những trẻ em nhỏ trót sanh ra ở đất nước chậm tiến, kém phát triển.

    Hôm nay con gái Jenny của mẹ có sinh nhật. Mẹ chúc con nhiều niềm vui, một tình yêu thật đẹp với Renato và bốn chị em luôn thương yêu nhau, sum vầy cười đùa vui vẻ.

    Mẹ không có của cải, tiền bạc để cho các con. Chỉ có tình yêu của một người mẹ luôn tràn ngập trong tim dành cho con gái của mẹ mỗi ngày một nhiều hơn, sâu đậm hơn. Được làm mẹ của con và các em là hạnh phúc quý giá nhất trong đời mẹ, con gái yêu ạ! [qd]

  4. #94
    Chữ Hiếu
    Nguyễn Thị Hồng Diệp

    Một cụ bạn già của tôi, thuộc cái nhóm Ăn Nhiều Hơn Tu, kể chuyện rằng, cụ cũng không còn nhớ hôm đó là hôm nào, mà cái đài phát thanh cụ mở thường xuyên ấy là đài nào, và cái chương trình cụ nghe được một đoạn cuối nói về cái chuyện gì, cụ chỉ nhớ loáng thoáng rằng có một ông kết luận, những người con bỏ cha mẹ vào nhà dưỡng lão đều là những người con bất hiếu! Hình như ông ta đi thăm nhà dưỡng lão và chụp được một tấm hình, trong đó có những người con bất hiếu, ngày Tết, đến nhà dưỡng lão thăm cha mẹ. Ông giơ tấm hình lên và nói đây là hình ảnh những người con bất hiếu. Cho tôi - tôi đây là cụ bạn chứ không phải là tôi - xin phép phụ đề một câu chả có tí nữa tôi quên mất. Theo ý tôi thì ngày Tết những người con này còn nghĩ đến đi thăm bố mẹ trong nhà dưỡng lão thì cũng đâu có đến nỗi bất hiếu? Nếu bất hiếu thật thì chúng phải dùng thì giờ ấy để đi chơi riêng chứ!

    Để tránh tất cả mọi ngộ nhận, hiểu lầm, xuyên tạc, câu chuyện tôi - tôi này mới là tôi - kể lại đây hoàn toàn là một câu chuyện kể đi kể lại qua những người già lẩm cẩm, nói một quên hai. Cụ bạn tôi nghe được chuyện này, trong lúc cụ vừa mới ở nhà thương ra sau một cú tai biến mạch máu não nhẹ, cụ phải vào nhà dưỡng lão để có người coi sóc vì cụ cần phải có y tá chuyên nghiệp chăm sóc, cho uống thuốc thường xuyên. Cụ nghe lời buộc tội của cái ông trong đài, lấy làm công phẫn và cảm thấy bị xúc phạm rất nhiều. Cụ đã từng ở nhà dưỡng lão, mặc dù cụ có rất đông con cháu, và con cháu cụ chăm sóc cụ rất kỹ, nhưng ai cũng có công ăn việc làm, và việc cụ vào nhà dưỡng lão là một chuyện hết sức hợp lý, hợp tình. Cụ đặt cho tôi câu hỏi và khuyến khích tôi nên đưa đề tài này lên báo để thỉnh ý chư quân hải ngoại, xem cái vụ cho cha mẹ vào nhà dưỡng lão là nên hay không nên? Và có thể nào buộc tội tất cả những người con gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão là những người con bất hiếu không?

    Theo đúng như yêu cầu của cụ bạn, tôi xin nêu ra câu hỏi và trong khi chờ quí cụ góp ý, tôi xin góp ý của tôi trước.

    Trước hết, không phải là ai muốn vào nhà dưỡng lão cũng được đâu cụ ạ. Nhà dưỡng lão dành cho những cụ, chẳng những có medicare mà còn phải có medicaid nữa, thì mới đủ tiêu chuẩn. Còn như tôi đây, ông chả ra ông, thằng chẳng ra thằng, có đi làm, có lương hưu, có medicare, nhưng không đủ tiêu chuẩn để có medicaid thì không hy vọng gì được hưởng dịch vụ này. Cho nên mới nói, ở bên Mỹ này, một là thật giầu, hai là thật nghèo, còn mấy anh dở dở ương ương, chẳng giầu mà cũng không được xếp vào loại nghèo là chỉ có mạt. Nếu muốn được vào nhà dưỡng lão, có chỗ ăn nằm tử tế, không khai, không thối, có y tá thường trực 24 tiếng một ngày, thì phải có cả hai thứ “keo” lẫn “kiết” thì mới được. Nếu không thì một tháng phải chung thêm tiền, xem xém hơn 2 xín nữa. Chứ không dễ dàng gì đâu. Đối với những người trong tập đoàn này thì dù con cái có bất hiếu cũng chả thể nào hy sinh một tháng vài ngàn để bỏ bố mẹ vào nhà dưỡng lão được. Cụ khỏi lo đi.

    Còn loại nhà dưỡng lão dành cho những người cùng đinh, thì thật quả, nếu con cái nhẫn tâm bỏ bố mẹ vào đó thì - thật quả - là hơi bất hiếu một tí, vì loại nhà này dành cho dân mạt rệp cho nên bẩn thỉu, hôi hám chật chội và những nhân viên chẳng phải là những người chuyên nghiệp, có lương tâm, mà lại làm nhiều, lương ít, cho nên họ bỏ bê, đôi khi hành hạ, người bệnh kinh hoàng lắm cụ ạ. Bây giờ cứ cho là cụ thuộc thành phần ưu tú, có cả keo lẫn kiết đi nhé. Có nên buộc tội con cái là bất hiếu, khi gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão không?

    Tôi thấy, hình như gia đình Việt Nam, cho dù đã Mỹ hóa rất nhiều, nhưng con cái của những thế hệ di cư đầu tiên, vẫn còn biết đến chữ hiếu, vẫn còn giữ được một khái niệm con con về chữ hiếu. Thông thường, không người con nào bỏ cha mẹ vào nhà dưỡng lão trái với ý của bố mẹ. Có nghĩa là, nếu bố mẹ không ở vào tình trạng cần người coi sóc 24/24/7 thì họ không nghĩ đến cho bố mẹ đi hotel nghỉ mát đâu. Hai nữa, cho dù bố mẹ cần chăm sóc thường xuyên, nhưng nếu bố mẹ không đồng ý thì họ cũng không bắt buộc phải đi. Vì thế, thông thường, đi nhà dưỡng lão là quyết định của cha mẹ, chứ không phải là của con cái. Trong trường hợp này, không thể buộc tội họ là những người bất hiếu được.

    Vả lại, chẳng bắt buộc phải cho bố mẹ vào nhà dưỡng lão mới đương nhiên trở thành con bất hiếu. Để bố mẹ ở nhà vẫn có thể bất hiếu được. Chẳng hạn như không chăm nom, không săn sóc, không theo dõi thuốc men, không đưa đi bác sĩ. vân vân và vân vân, cũng là con bất hiếu. Chả biết cụ có còn nhớ cái chuyện thiên hạ sự này không? Một ông chủ nhà băng, sống ở Manhattan ở New York, giữ của mẹ 5 triệu đồng, thế mà để cho mẹ ở một mình trong một apartment, không người coi sóc, bà cụ đói khát, bẩn thỉu, không người chăm sóc, tắm giặt, khai thối, lở lói, đến nỗi hàng xóm phải đi báo cảnh sát. Ông con mất quyền giám hộ mẹ, và một bà bạn già khác phải đứng lên xin nhận bà cụ về chăm sóc. Đấy, để mẹ ở nhà kiểu này, thì thà bỏ mẹ vào nhà dưỡng lão lại còn đỡ bất hiếu hơn.

    Nếu để mẹ vào nhà dưỡng lão nhưng con cái thay phiên nhau vào thăm nom, chăm sóc thường xuyên, hàng ngày, thì cũng không thể nào xếp những người con này vào loại bất hiếu được. Khi gia đình cân nhắc, thấy vào nhà dưỡng lão đầy đủ tiện nghi, có lợi cho người bệnh hơn là ở nhà, thì quyết định này là một quyết định sáng suốt, theo nhu cầu, chứ không phải là một điều ích kỷ của những người bất hiếu.

    Cụ ơi, sống theo thuở, ở theo thời, đời sống bên Mỹ này đa đoan vô vàn, cho người trẻ cũng như cho người già. Cha mẹ cần thích nghi với hoàn cảnh để đỡ khó khăn cho con cái. Chả nên vì sở thích riêng của mình mà gây khổ cho con. Con cái có đời sống riêng của chúng, với biết bao nhiêu trách nhiệm và bổn phận, khi mình không còn chăm sóc nổi bản thân, mình nên giúp con bằng cách vui vẻ vào nhà dưỡng lão, để bớt cho con một gánh nặng. Nếu biết chọn lựa nhà dưỡng lão, thì cũng đầy đủ tiện nghi, mà lại có người chăm sóc, thuốc men. Nhưng nếu ông là những người con thuộc truyện cổ tích Nhị Thập Tứ Hiếu, ông giữ cha mẹ ở nhà, ông bỏ việc làm, bỏ hết bổn phận với vợ, với con, để đêm ngày tự tay hầu hạ, chăm sóc, thần hôn định tỉnh, thì nhất ông rồi.

    Ông có quyền chê cả nước bất hiếu!

  5. #95
    Lời ru của mẹ
    NGUYỄN THỊ THÊM

    Ai cũng có một bà mẹ để thương yêu. Mà nói cho đúng là ai cũng phải có một bà mẹ để được ra đời, để được mẹ nâng niu và nuôi nấng.

    Mẹ là một tiếng gọi thân thương và trân trọng mà bất cứ một dân tộc nào cũng đề cao, tôn quý.

    "Không lẽ mày từ đất nẻ chui lên?" Đó là câu người ta hay nói với những người vong ơn hay bất hiếu.

    Mẹ và con là bức ảnh đẹp nhất mà Thượng Đế dành cho muôn loài. Là một ân huệ mà đấng thiêng liêng bù đắp cho mọi sự gian lao vất vả của phái nữ. Sứ mạng thiêng liêng duy trì nòi giống, đem lại ý nghĩa cho cuộc sống nhân loại chính là tình Mẹ.

    Ta hãy nhìn một con vượn xấu xí, nhưng khi nó ôm con vào lòng, vòng tay dài thô kệch bao bọc lấy con. Nó thương yêu cúi xuống hôn con hay cho con bú. Cái nhìn của chúng ta đối với chúng khác hẳn. Đó là một bức tranh thật đẹp, một hình ảnh về tình mẫu tử tuyệt vời.Tình yêu xóa mờ mọi cái xấu. Nó thoát ra từ những gì thiêng liêng nhất mà Thượng Đế dành cho muôn loài để ca ngợi cuộc sống.

    Con vịt xấu xí lẹt đẹt qua đường trông thật buồn cười. Nhưng nếu sau lưng đó đi theo là một bầy vịt con thì hình ảnh đó lại khác. Thật đẹp, thật dễ thương. Ta dừng lại để quan sát, để chiêm ngưỡng hay để một phút nghĩ về mẹ mình và tình mẫu tử thiêng liêng.

    Hãy nhìn con gà mẹ. Mỗi ngày đẻ từng cái trứng. Đau lắm, la vang trời "cục tác, cục tác..." và một cái trứng rơi ra. Mười mấy ngày đớn đau đẻ trứng, rồi quên cả đi kiếm ăn chỉ lo ấp cho trứng nở. Thân hình xơ xác, gầy rạc đi trông thấy. Cho đến nỗi chủ nhân cũng chê bai: "Con gà này đang ấp đó. ốm nhom, chỉ xương, đừng làm thịt". Thế là bao nhiêu ngày mẹ chuyền hơi ấm, những chú gà con xinh xinh mổ vỏ chui ra ngoài. Mẹ gà dẫn con xuống ổ và đem con đi kiếm mồi, lo cho con từng chút. Trời mưa mẹ gà dang đôi cánh che cho con khỏi ướt. Trời quá nắng kiếm một bóng râm rồi xòe cánh cho con trốn vào đó ấm êm. Có ai dành ăn với con, mẹ gà trở thành hung hăng đánh bạt hết. Một giang sơn riêng cho con ăn an toàn. Một chú diều hâu lao xuống, mẹ gà la lên cho con chạy trốn và nhảy lên chống lại. Mẹ gà chỉ biết có con, lo cho con quên cả thân mình.

    Con chó nhà tôi có mang, nó ì ạch mệt mỏi mấy ngày rồi. Tự dưng một ngày tôi không thấy nó. Thoáng một chút thấy nó về kiếm ăn rồi mất dạng. Bỗng một ngày nó vào nhà nằm bên cạnh tôi và kêu ử ử. Tôi đứng lên đi, nó cắn ống quần tôi lôi lại. Đôi mắt nó nhìn tôi thật lạ. Như van xin, như mời mọc, nửa như lo sợ, nửa như vui mừng. Nó thả ống quần tôi ra và đi trước vài bước, xong dừng lại chờ đợi. Tôi đoán nó muốn tôi đi đâu đó. Không sai nó dẫn đường, cứ chạy một đoạn lại dừng lại chờ tôi đi tiếp. Nó dẫn tôi ra sau vườn, dưới gốc cây dừa nó dừng lại, nó nhìn tôi rồi nhìn vào trong đó, đuôi ngoắc ngoắc khoe khoang... Tôi thấy một cái hang dưới lớp đất được đào lên và trong đó có tiếng kêu ẳng ẳng của chó con. Thì ra con chó tôi đã đào lỗ và sinh con ở đây. Tôi xoa đầu nó khen ngợi và thò tay vào lôi ra một chó con thật xinh chưa mở mắt. Tôi vào nhà lấy một cái thúng và bắt ra cả chục chú cún nhỏ thật đẹp đem vào nhà. Tôi lót khăn cho mẹ con chó nằm dưới bộ ván sau nhà. Thế là từ đó không người lạ nào dám xuống nhà dưới của tôi. Nhất là dám thò tay vào nựng nịu đám chó con. Con chó hiền lành của tôi trở thành hung dữ chưa bao giờ có. Nó sẽ cắn ngay nếu ai nó nghi ngờ muốn bắt con của nó. Và vô hình trung cả xóm đều biết “nhà có chó đẻ” để cẩn thận khi bước vào nhà tôi.

    Con chim với đôi cánh nhỏ bé. Chim không có tay để nắm và làm việc. Chim chỉ có đôi cánh tung bay, đôi chân nhỏ xíu không làm gì ra trò. Thế mà từng chút, từng chút tha từng chiếc lá cọng rơm về xây tổ cho con. Tạo hóa đã tạo mọi loài, mọi vật có cách riêng để bảo toàn và duy trì nòi giống. Chị chim "tha lâu cũng đầy tổ" và một cái tổ nhỏ xíu, khéo léo nằm trên một chảng ba cây, hay treo lủng lẳng như chim ròng rọc. Thế là chim mẹ vào đó đẻ trứng và ấp trứng. Khi những chú chim phá vỡ cái vỏ mong manh bước ra ngoài là lúc mẹ chim phải đi tìm mồi cho con. Bay bao xa không biết, kiếm nơi nào chẳng hay. Chỉ biết khi chị về đàn chim con chít chít kêu vang mừng rỡ. Chị đứng ở miệng tổ và mớm mồi cho con.

    Khi những chú chim con lớn dần, lông cánh đã phát triển, là lúc mẹ chim tập cho con bay. Mẹ chim dạy cho con biết phải tìm cho mình một cuộc sống riêng tư bằng chính đôi cánh của mình. Chim mẹ bay ra ngoài, ở một chỗ con có thể nhìn thấy mình. Chú chim con đứng ở vành tổ, đập đập đôi cánh nhỏ.

    “Sợ quá mẹ ơi! Sợ quá. Chíp, chíp.”

    “Không sao đâu con, bay ra, có mẹ nè! Hãy tung cánh lên.”

    “Nhưng sợ quá mẹ ơi!, cao quá mẹ ơi! Chíp, chíp.”

    “Bay ra! Con yêu! Con sẽ làm được. con đã lớn mà.”

    “Mẹ ơi! Đỡ con nghen mẹ. Chíp, chíp.”

    “Ngoan nào! Con của mẹ sẽ bay được, bay cao, bay, bay.”

    Và thế chú chim lao ra khỏi tổ. Dưới áp lực không khí ,đôi cánh nhẹ nhàng đập mạnh, rồi mạnh hơn. Chú chim loạng quạng giây lát rồi cũng làm chủ được đôi cánh của mình vì đó là bản năng của loài chim. Chú thích thú, sung sướng được bay lượn, được làm chủ cái không gian bao la tuyệt vời này.

    “Bay được, con bay được rồi mẹ ơi! Chíp, chíp.”

    Và từng con, từng con đứng trước miệng tổ bay ra ngoài. Mẹ không có cách nào đỡ con hay ôm con lại được. Mẹ chỉ biết đã đến lúc con phải bay trên đôi cánh của mình. Con bay được là con vào đời, con không bay được, con rốt xuống mẹ sẽ ở bên con, quanh quẩn săn sóc cho con bình phục. Có những loài chim dữ. Chim mẹ làm tổ thật cao, bên bờ vực và mẹ đứng ở dưới vực cho con lao ra.

    Ôi! Bờ núi thật cao, vực sâu thăm thẳm. Nhưng nếu con không đủ can đảm lao xuống thì con sẽ không bao giờ đủ sức chống chọi với thiên nhiên, với bao nhiêu kẻ thù vây quanh. Và như vậy, bài học đầu đời của chú chim là phải đối phó với sự sợ hãi, với thiên nhiên và tìm cách sinh tồn.

    Thú vật là như vậy, sinh con, bảo vệ con bằng sinh mạng của mình. Còn con người thì sao?

    Thật tuyệt vời khi đề cập đến Mẹ. Khi người phụ nữ có mang, họ đã trở thành một người khác. Một sinh vật nhỏ bé đang tượng hình trong người mình. Một mầm non đang lớn lên từng ngày, từng giờ. Một cái gì hòa đồng nhất thể với mẹ và con. Ăn một miếng cũng nghĩ là dinh dưỡng tốt cho con. Ngủ cho đủ giấc để con khỏe mạnh. Nghĩ việc tốt để con lương thiện. Làm điều tốt để con được phước báo, Nói lời dịu dàng để con luôn hòa nhã. Bước những bước cẩn thận để con an toàn. Đọc sách nhiều để con thông minh, sáng suốt. Nhất nhất mẹ đều nghĩ đến con và sống vì con.

    May mắn cho bà mẹ khi mang con không bị thai hành, ăn ngon, ngủ được. Có những đứa con làm khổ mẹ ngay từ lúc mới cấn thai. Mẹ ói mửa, mẹ mệt mỏi, mẹ khó chịu. Cơ thể Mẹ như đang bị con hành hạ, dày vò và Mẹ như thân cây chuối bị gãy, mang quày chuối trên mình, gục xuống chịu đựng.

    Khi con đã tượng hình đầy đủ, con đã biết đạp, biết báo tin cho mẹ biết sự hiện hữu của mình thì thật là niềm vui vô bờ của cha lẫn mẹ. Mẹ nghe rõ ràng con đang cùng thở với mình, con đang vui đùa cùng mình.

    “Coi nè! Anh coi nè. Em bé máy nè. Nó ngọ ngoạy, nó nhúc chích thấy chưa?”

    Mẹ hoan hỉ đặt tay cha lên bụng. Cha nghiêng đầu để nghe tiếng tim thai. Niềm hân hoan và thích thú hiện rõ lên mặt những người làm Cha, làm Mẹ

    “Này! cái cùi chỏ con nè!”

    Mẹ chụp được khi con tống một cú đau nhói. Cái chân con đạp mạnh làm mẹ muốn đi vệ sinh. Con bơi lội nhởn nhơ trong người mẹ, trong tình yêu thương của mẹ dành cho con.

    Và khi con ra đời thì cơn đau như cắt da xẻ thịt. Ngày nay khoa học tiên tiến có thuốc để người mẹ không cảm thấy đau đớn. Nhưng ngày xưa, người mẹ vượt cạn với biết bao hiểm nguy vì cơn đau chuyển dạ chết đi sống lại. Mẹ tôi từng nói khi con chuyển dạ, con đau bụng đến khi nào con bấm vào cột nhà. Cột nhà mềm nhũn thì con sẽ sinh em bé.

    Ôi chao! một sự so sánh đơn giản, khôi hài nhưng thực tế biết bao. Khi người mẹ qua sông đơn lẻ một mình, đối diện với bao nguy hiểm để đón nhận đứa con của mình thì con củng cố hết sức mình chòi đạp để được ra ngoài. Hai mẹ con cùng kết hợp nhịp nhàng để một sinh mạng mới chào đời tốt đẹp.

    Con cất tiếng khóc đầu tiên là niềm vui lan tỏa ra cả căn phòng. Mẹ như trút được gánh nặng ngàn cân và dang tay đón nhận món quà thiêng liêng ơn trên ban cho mình. Mẹ ngắm con, xoa con và nhìn xem con có toàn vẹn cơ thể. Mẹ ôm đứa bé đỏ hỏn trong vòng tay như tất cả niềm vui và sự sống cuộc đời mình là ở đây.

    Giọt sữa đầu tiên cho con bú là biết bao kỳ thú và lạ lẫm của người làm mẹ. Ngày nào đôi nhũ hoa chỉ để làm đẹp, để chứng tỏ sự quyến rũ của người phụ nữ. Bây giờ mới thấy cái giá trị đích thực của nó. Cám ơn tạo hóa đã cho mình nguồn năng lượng bất tận để cho con. Khi vụng về đặt đôi môi nhỏ bé của con vào đôi núm đỏ hồng của người phụ nữ mới sinh lần đầu. Con cũng khó khăn mà mẹ càng lạ lẫm. Khi bé bắt đầu bú. Một cảm giác nhột nhột lạ kỳ. Cơ thể mình dường như rút lại đưa lên tuyến sữa. Những giọt sữa đầu đời tuy ít ỏi nhưng trân quý và mầu nhiệm biết bao cho tình mẫu tử.

    Hình ảnh đẹp trong văn chương VN là hình ảnh người mẹ cho con bú và tiếng ru của mẹ.

    Tiếng ru không biết có từ lúc nào, nhưng lời mẹ ru con đã đi vào lịch sử. Có những người phụ nữ cả đời không hề ca hát nhưng khi có con, lời ru là bài hát tuyệt vời mà mẹ đem hết tâm hồn, và thương yêu vào đó.

    Con ngủ trong nôi, trong võng hay trong vòng tay mẹ thì lời ru cũng đều êm ái đưa con vào giấc ngủ thiên thần.

    Không biết các dân tộc khác thế nào, nhưng dân tộc ta lời ru con của người Mẹ là kho tàng văn chương hay nhất.

    Dù là ru theo giọng Bắc, giọng Nam hay giọng miền Trung thì lời ru của Mẹ của trầm buồn, ngọt ngào và khó quên.

    Gió mùa thu mẹ ru con ngủ.
    Năm canh chầy thức đủ vừa năm...
    Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
    Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về.....

    Hay

    Cái ngủ mày ngủ cho say,
    Mẹ mày vất vả chân tay cả ngày...

    Hoặc:

    Ví dầu cầu ván đóng đinh,
    Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi
    Khó đi mẹ dắt con đi.
    Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

    Ngày nay có lẽ không ai còn hát ru con vì chỉ cần một nút bấm thì âm nhạc trỗi lên, bằng nhiều ngôn ngữ, bằng nhiều thể loại. Mẹ không còn dùng âm điệu, làn hơi của mình ngân nga cho con. Những câu hát, lời ru chỉ là chuyện kể của những bà nội, ngoại. Buồn buồn nhắc nhớ, tiếc nuối như người ngồi viết bài này.

    Người mẹ trong thế kỷ 21 không thể ngồi nhà chăm con, nấu cơm, giặt đồ. Người mẹ phải bước ra xã hội kiếm tiền và đồng tiền đã thay mẹ phục vụ cho con.

    Không còn lời ru, không còn ôm con cho bú mẹ, không còn: 'Bên ướt mẹ nằm, bên ráo nhường con" Mẹ cha ngủ riêng một phòng, em bé một phòng khác. Đêm con khát sữa, hoặc cha hoặc mẹ mắt nhắm mắt mở vội vàng pha cho con tí sữa. Chỉ mong con bú mau rồi ngủ để mẹ còn ngủ tiếp mai đi làm. Sáng chở con đi gửi, chiều rước con về. Mệt mỏi và bao nhiêu áp lực công việc, bà mẹ đôi lúc chỉ mong về nhà nghỉ ngơi.

    Do đó dù yêu con, nhưng mẹ cũng không có nhiều thời gian dành cho con của mình.

    Đa số những người mẹ hy sinh cho con dù đời sống vật chất như thế nào. Mẹ xem con là lẽ sống đời mình, đi làm về là lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, bài vở học hành. Mẹ dành thời gian nghỉ vacation để cùng con hưởng những giờ phút sum họp, vui vẻ gia đình. Mẹ vất vả làm việc để đầu tư cho con ăn học, cho con có một tương lai vững chắc sau này.

    Nhưng cũng có đôi khi, ở một số gia đình, đời sống và tiện nghi đã khiến mẹ với con thiếu một cái cầu nối. Mẹ không còn dồn hết tâm trí vào con như người mẹ thời xưa. Mẹ cho con tất cả tiện nghi và mẹ cũng đòi hỏi con cho mẹ một không gian riêng.

    Con càng lớn cái không gian riêng tư của con và mẹ càng nhiều ra, rộng ra, cho đến một lúc có một bức tường ngăn đôi tình cảm giữa mẹ và con.

    Cái không gian mẹ muốn có bạn bè, có giải trí, có những kỳ đi hâm nóng tình yêu. có những nơi mẹ đến con không thể nào có mặt được.

    Còn con cũng có những bạn bè và những sở thích riêng. Những trò chơi trên máy, những người bạn trên Face book. Con đóng chặt cửa phòng như một thế giới biệt lập và sống trong thế giới đó quên đi người mẹ, người cha của mình.

    Với thời đại tân tiến hiện nay, để bù đắp lại việc không thể bên con như ngày xưa, cha mẹ đã cho con những tiện nghi như Iphone, Ipad, computer... Những phương tiện này giúp con bay ra, hiểu biết nhiều thứ. Đường dây nối kết bên ngoài thì nhiều, nhưng cầu nối giữa con cái và cha mẹ đã bị giới hạn đôi khi trở nên tệ hại vô phương hàn gắn.

    Người mẹ trong xã hội của Mỹ và với thế kỷ này khó khăn hơn nhiều so với thế hệ trước. Bởi những phương tiện sẵn có đã cho con một thế giới huyễn hoặc rộng lớn và quyến rũ hơn là ở những gì nơi tình mẹ. Người mẹ đôi lúc muốn bước vào căn phòng của con nhưng phải dừng lại trước cửa, ngại ngần gõ vài cái. Con có cho phép mới dám bước vào. Muốn nói với con phải lựa lời để con không chống lại. Nuôi con bằng cả cuộc đời, trái tim và sức lực nhưng khi con bắt đầu khôn lớn có được bao nhiêu đứa trẻ còn coi cha mẹ là nơi tin cậy để trao gửi vui buồn hay khó khăn trong cuộc sống.

    Có phải cuộc sống vật chất đẩy những đứa con rời xa cha mẹ, hay chúng thiếu một chút keo dính tình thương từ hai đấng sinh thành. Chất keo dính đó thành hình từ lúc chúng còn thật bé được cha mẹ yêu thương, quan tâm và chia sẻ. Chất keo đó sẽ theo thời gian và tình gia đình mỗi ngày tốt hơn để khi trưởng thành con cái đặt hết niềm tin nơi cha mẹ.

    Tôi yêu những câu hát, lời ru của mẹ. Tôi gắn liền đời mình với hình ảnh mẹ già cơ cực và muốn làm một điều gì để nụ cười móm mém của mẹ tôi luôn nở trên môi.

    Vu Lan năm nay tôi đang ở nhà con trai. Nhìn con dâu với cái bụng bầu hơn 7 tháng , tôi yêu nó vô cùng.

    Đêm nào thằng con không trực đêm, nó ngồi bên vợ, đọc sách cho con nghe. Em bé trong bụng con dâu tôi đạp máy lia lịa. Tôi đặt tay lên cảm nhận như cháu tôi đang nghe cha đọc sách và cũng đang cùng cha mẹ hưởng hạnh phúc gia đình.

    Trong căn nhà nhỏ bé của con tôi đa phần đồ đạc là dành cho đứa bé sắp chào đời. Niềm vui không hẳn chỉ là hai vợ chồng mà còn là của một đại gia đình.

    Cháu có biết điều đó hay không? Cháu có biết mẹ cháu đang dành cho cháu tất cả năng lượng cuộc sống của mình không? Hãy ngoan đi cháu cưng của bà. Hãy yên bình và khỏe mạnh để được ra đời.

    Lời ru mẹ cháu đã có ngay từ lúc mang cháu vào lòng, đó là những lời ngọt ngào của mẹ thì thầm với cháu.

    Và khi ra đời, dù không còn những lời “Ầu ơ, Ví dầu.” hay “À ơi” như thời của bà , cháu hãy nhận lời ru bằng những lời đọc sách dỗ cho cháu ngủ.

    Những tiếng nhẹ nhàng, thầm thì của cha, của mẹ sẽ thay thế lời ru đem văn chương, chữ nghĩa, luân lý đạo đức dẫn cháu vào đời.

    Và cháu ơi ! Hãy tận hưởng hương vị tình yêu tuyệt vời đó mà lớn lên nghen cháu.

  6. #96
    Letter from a Mother to a Daughter
    Guillermo Peña

    “My dear girl, the day you see I’m getting old, I ask you to please be patient, but most of all, try to understand what I’m going through. If when we talk, I repeat the same thing a thousand times, don’t interrupt to say: “You said the same thing a minute ago”... Just listen, please.

    Try to remember the times when you were little and I would read the same story night after night until you would fall asleep. When I don’t want to take a bath, don’t be mad and don’t embarrass me. Remember when I had to run after you making excuses and trying to get you to take a shower when you were just a girl? When you see how ignorant I am when it comes to new technology, give me the time to learn and don’t look at me that way... remember, honey, I patiently taught you how to do many things like eating appropriately, getting dressed, combing your hair and dealing with life’s issues every day...

    The day you see I’m getting old, I ask you to please be patient, but most of all, try to understand what I’m going through. If I occasionaly lose track of what we’re talking about, give me the time to remember, and if I can’t, don’t be nervous, impatient or arrogant. Just know in your heart that the most important thing for me is to be with you. And when my old, tired legs don’t let me move as quickly as before, give me your hand the same way that I offered mine to you when you first walked. When those days come, don’t feel sad... just be with me, and understand me while I get to the end of my life with love.

    I’ll cherish and thank you for the gift of time and joy we shared. With a big smile and the huge love I’ve always had for you, I just want to say, I love you... my darling daughter.”

  7. #97
    Mẫu tử
    Thu Nguyệt

    Ngày mẹ mất bông cà na rụng trắng
    Hoa như mưa nhòe nhoẹt rối tơi bời
    Trong nắm đất con phủ lên mộ mẹ
    Có rất nhiều những cánh hoa rơi

    Hoa cũng như đời mẹ, mẹ ơi
    Nở lặng lẽ và rơi lặng lẽ
    Cô đơn nào hơn những người mẹ trẻ
    Con chưa đủ lớn khôn để chia sẻ vui buồn

    Lời ru buồn len lén hoàng hôn
    Hai mươi năm sau đời con mới hiểu
    Nỗi cô đơn mẹ âm thầm gánh chịu
    Nhiều như bông cỏ dại quê mình

    Giờ con cười bên những đứa con xinh
    Nghe nước mắt chảy vào trong lặng lẽ
    Bông cà na vẫn trắng tinh như thế
    Nỗi cô đơn vùi xuống đất muôn đời

    Ngắm con thơ con thầm gọi mẹ ơi
    Mưa tí tách ngoài thềm như tiếng vọng
    Nhìn lên vách con khóc cùng với bóng
    Mẹ bây giờ mới hiểu mẹ ngày xưa…

  8. #98
    The Silent Suffering of Caregivers
    Emily Kenway

    https://www.youtube.com/watch?v=nj9bKMu-ftY

  9. #99
    Cuộc sống cuối đời của một số cụ cao niên Việt Nam
    Thanh Phong

    Nhờ một người bạn cho biết, chúng tôi tìm đến nhà dưỡng lão mang tên French Park, mới nghe tưởng công viên của Pháp, nhưng không phải. Đó là một ngôi nhà lầu 2 tầng xây dựng theo kiểu Pháp thời trung cổ, được dùng làm nơi an dưỡng cho hàng trăêm các cụ cao niên, trong đó có hơn ba chục cụ và một thanh niên Việt Nam bị liệt phải ngồi xe lăn.

    Sau khoảng 20 phút lái xe từ tòa soạn Viễn Đông trên đường Moran, chúng tôi chạy thẳng xuống đường 17 về hướng West, qua đường Main rồi tới đường French, quẹo phải vào gặp đường Washington, rẽ trái đi một quãng, thì gặp tấm bảng ghi số 600 French Park, là địa chỉ của nhà dưỡng lão.

    Vừa bước vào trong cửa, thấy có một, hai cụ Việt Nam ngồi xe lăn được y tá đẩy ngang qua. Sau khi nói cho người nhân viên trực biết, chúng tôi muốn vào thăm anh Chí Bùi ở phòng số… Người nhân viên chỉ cho chúng tôi cầu thang máy để lên lầu 2. Vào căn phòng của anh Chí Bùi, nhưng giường anh trống trơn, không có anh ở đó. Hai cụ Việt Nam trạc trên 80 nằm trên giường không nhúc nhích, cựa quậy, mặc dù hai cụ đều đang thức. Chúng tôi bước ra ngoài,đi dọc hành lang, vừa lúc có một thanh niên ngồi xe lăn đi tới. Thấy người lạ, anh hỏi:

    “Bác đến thăm ai?”. Chúng tôi trả lời: “Tôi muốn thăm anh Chí Bùi”.

    Người thanh niên nhíu mày tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng rồi anh nói: “Cháu là Chí Bùi đây, nhưng không phải Chí Bùi mà cháu là Tri, Bùi Ngọc Tri. Ở đây không có ai tên Chí Bùi cả”.

    Chúng tôi mừng quá, nói cho anh biết ý định của mình, muốn đến thăm anh và thăm bà vợ một Trung tá mà bà đã kiên nhẫn nuôi chồng hơn 10 năm qua tại đây. Anh Tri Bùi dẫn chúng tôi đến phòng của bà cựu Trung tá đó, nhưng bà không có ở đây. Anh mời chúng tôi về phòng anh. Một căn phòng có bốn giường nằm, thì ba người là cao niên.

    Anh Bùi Ngọc Tri kể, sang Mỹ năm 1975, anh định cư tại một tiểu bang miền Đông, đi học như bao nhiêu người khác rồi lên Đại học. Bỗng nhiên vào năm 1977, anh bị một cục bướu nổi lên ngay sau ót (anh chỉ cho chúng tôi xem, cái bướu to bằng trái chanh vẫn còn đó), nó làm cho anh bị liệt hai bàn tay và hai chân, các ngón tay co lại, không còn hoạt động được. Anh đã đi giải phẫu nhiều lần, nhưng không kết quả. Gia đình đưa anh về Long Beach và vào Nursing home ở mấy năm.

    Anh nói: “Ở đó cháu buồn vô cùng, vì không có ai bầu bạn, không có người Việt. Mặc dù thông thạo tiếng Anh, nhưng cũng không thể hòa đồng như một người cùng chủng tộc; rồi sau đó, may quá có người giới thiệu, cháu xin chuyển về đây đã 10 năm. Ở đây có tất cả 32 cụ cao niên người Việt, trong đó có mẹ ruột cháu vào đây cũng 5, 6 năm rồi. Cháu thấy các cụ thật dễ thương và tội nghiệp, nên giúp được các cụ cái gì là cháu giúp ngay, và thấy các cụ vui là cháu vui rồi”.

    Chúng tôi hỏi, anh thường giúp các cụ việc gì, anh Tri đáp:

    “Cháu đến từng phòng xem cụ nào chưa có đồ ăn, cháu đi lấy, hoặc cụ nào làm biếng không ăn, cháu lại nhắc các cụ ăn. Có khi các cụ cần một ly nước cam, nước trà, cháu đi lấy hộ các cụ”.

    Chúng tôi hỏi: “Như vậy nhân viên ở đây họ không lo cho các cụ sao?”.

    Anh trả lời: “Có chứ, nhưng nhiều khi họ mang đồ ăn vào rồi để đó, các cụ ăn hay không họ đâu có thúc giục. Có cụ cần ly nước kêu họ, rồi có khi họ quên, nên các cụ gọi cháu là cháu phải chạy đến; thành ra công việc của cháu bận suốt ngày nhưng mà vui”.

    Thấy anh Tri không tỏ vẻ gì mệt mỏi, chúng tôi hỏi anh: “Anh cũng là người phải ngồi xe lăn như các cụ, vậy động lực nào thúc đẩy anh hăng say, tận tụy giúp các cụ như vậy?”.

    Anh cười: “Đôi khi cháu nghĩ Chúa muốn dùng cháu để giúp các cụ; cháu là người Công giáo nên cháu tin như thế, vì biết đâu, nếu cháu không bị như thế này, cháu lại hư hỏng thì sao. Hơn nữa, cháu cũng làm để khuây khỏa và đỡ buồn, chứ nếu tuổi trẻ như cháu mà suốt ngày ngồi một chỗ trên xe lăn thì làm sao sống nổi”.

    Anh cho biết thêm: “Ở đây có chị Hồng nấu đồ ăn Việt Nam rất ngon. Mỗi ngày ăn ba bữa. Sáng điểm tâm đồ Mỹ; trưa và tối ăn cơm Việt Nam với ba món: Canh, xào và đồ mặn rất ngon”.

    Anh Tri Bùi tâm sự: “Chúa cho cháu còn phục vụ được các cụ là cháu làm; chỉ khi nào cháu nằm xuống mới hết làm, còn bây giờ cháu thấy trong người không có bệnh hoạn gì cả, chỉ không đi đứng và làm việc bình thường như trước thôi”.

    Anh dẫn chúng tôi đi tới một căn phòng, anh nói: “Hôm nay có lễ bên Công giáo”.

    Đang đi trên hành lang, chúng tôi gặp nhiếp ảnh gia Vy Vy Trần, bà ngồi trên xe lăn. Chúng tôi hỏi: “Chị nhận ra tôi không?”. Không thấy chị nhếch mép hay lắc đầu. Nét mặt chị đượm vẻ buồn, nhưng nhìn chung không thấy chị sa sút lắm, so với thời gian chị còn dạy lớp Nhiếp ảnh Digital.

    Vào căn phòng mà anh Tri dẫn tới, đã thấy khoảng hơn 10 cụ ngồi xe lăn đợi sẵn. Một nhân viên người Việt còn rất trẻ, anh tên là Nguyễn Huân, anh cho chúng tôi biết, mới phục vụ tại đây được 2 năm. Anh Huân chỉ làm hai ngày cuối tuần; nhiệm vụ của anh là giúp các cụ theo lịch đã ấn định sẵn (anh chỉ về phía tấm bảng lớn treo trên tường gần đó). Anh cho biết, ở đây mỗi tuần đều có các tôn giáo đến đây giúp các cụ: ai Phật giáo thì có ngày riêng, còn ai Công giáo thì như hôm nay, có một số người đến giúp.

    Vừa nói thì phái đoàn Công giáo đến, chúng tôi nhâïn thấy trong đó có hai người quen là bà cố Nguyễn Văn Nhàn và chị Quát cùng ba vị nữa. Đây là Nhóm Legio Maria thuộc Hội được gọi là Đạo Binh Đức Mẹ, có tổ chức trên toàn thế giới. Hội chuyên đi thăm, săn sóc, an ủi các bệnh nhân. Sau khi chào thăm các cụ, bà cố Nhàn cất kinh, và sau đó một thừa tác viên cho các cụ rước lễ; nhưng chỉ có độ 3 cụ có thể rước lễ được, còn các cụ khác mắt nhắm nghiền.

    Anh Nguyễn Huân cho biết, thỉnh thoảng có Linh mục đến làm lễ và có khi có Thượng Tọa bên Phật giáo đến thăm, cũng như có những phái đoàn khác đến tặng quà cho các cụ; nhưng anh nói, các cụ thích nhất là được người đến thăm, quà cáp không thành vấn đề. Các cụ cảm thấy cô đơn, nên có ai đến thăm các cụ mừng lắm.

    Trở lại với anh Bùi Ngọc Tri, chúng tôi ghé thăm thân mẫu anh. Bà cụ nằm trên giường, anh gọi mấy tiếng cụ cũng không mở mắt, chúng tôi nói với anh để yên cho cụ ngủ. Nhìn trên đầu giường cụ, ảnh Chúa, ảnh Đức Mẹ đang nhìn xuống những thân hình bất động, sống trong chuỗi ngày cuối đời mình; một số may mắn còn có người thân bên cạnh săn sóc, và cũng thật may mắn cho những cụ không có thân nhân, nhưng có anh Bùi Ngọc Tri, một người thanh niên với tấm lòng nhân hậu lo cho các cụ từng ly nước; có cô Hồng, mỗi ngày cố gắng thay đổi món ăn “sao các cụ ăn ngon là mình mừng”; có anh Huân lo cho các cụ phần tâm linh.

    Chúng tôi tạm biệt anh Bùi Ngọc Tri, hẹn sẽ trở lại nhờ anh dẫn tới gặp bà vợ ông Trung tá, mà theo lời giới thiệu của người bạn, trên đời khó tìm được một người vợ thủy chung, tân tụy săn sóc chồng liên tục hơn 10 năm qua trên giường bệnh như bà. Hy vọng trong một ngày gần đây, chúng tôi sẽ cống hiến bạn đọc câu chuyện về người vợ thủy chung này.

  10. #100
    Người Đàn Bà Phi Thường
    Vĩnh Hầu

    Thưa quý vị, nguời đàn bà phi thường đó chính là mẹ tôi. Một người con khen mẹ mình là phi thường thì củng chỉ là một chuyện bình thường thôi có gì quá đáng đâu, phải không, thưa quý vị?

    Nếu đi vào từng gia đình một, thì ai cũng có những kỷ niệm yêu thương, kính trọng, tôn vinh hay hãnh diện về người mẹ. Tuy nhiên đa số người Á Đông chúng ta, bản tính vốn kín đáo, không phải ai cũng muốn bày tỏ tình cảm riêng tư cho mọi người khác hay, bằng lời nói về người thân của mình. Ngày lễ “Mother’s day”, là cơ hội thuận tiện để tôi có thể bộc lộ lòng biết ơn sâu sắc bằng tiếng nói từ con tim về một người mẹ mà riêng đối với tôi, là một Người Đàn Bà Phi Thường.

    Với tuổi đời trên 92, mẹ tôi là người con duy nhất trong một gia đình có sáu anh chị em, còn hưởng thọ đến bây giờ. Tôi phải nói rằng cơ thể của mẹ tôi là một cấu tạo tuyệt vời của ĐấngTạo Hóa, gồm đủ hai yếu tố mà không phải ai cũng có được: Đó là một hệ thống miễn nhiễm hoàn hảo và một bộ não trẻ mãi không già!

    Thật vây, một điều khá lạ lùng và kỳ diệu, khiến chính tôi cũng thắc mắc và ngạc nhiên không ít. Suốt một đời, từ khi mới sanh ra đến giờ, mẹ tôi chưa bao giờ nhuốm bệnh, ngay cả những bệnh nắng mưa của Đất Trời, như cảm cúm, nhức đầu sổ mũi, đau bụng, hay những bệnh lăt vặt khác. Rõ ràng Trời đã phú cho mẹ tôi một hệ thống miễn nhiễm hoàn hảo, một sức đề kháng bất khả xâm phạm, mà tôi cho rằng, đây là một điều phi thường về mặt ‘cơ thể hoc!’ Thật sự, Mẹ được sinh ra để săn sóc những người bệnh khác, chứ không để ai săn sóc mình.

    Cách đây khoảng 5 năm, anh tôi có chở mẹ tôi vào bệnh viện để “check” lại xương hông, vì bà bị té trong buồng tắm vào ban đêm, chỉ cảm thấy đau ở xương chậu, hóa ra đây là lần đầu tiên, bà phải vào bệnh viện giải phẩu vì do bị trợt té, xương chậu đã bị nứt. Trong dịp này, Bác Sĩ bệnh viện cho “brain scan”, tức là soi não để xem có bị ảnh hưởng đến vùng não bộ không. Khi hoàn thành việc soi não, câu đầu tiên, Bác Sĩ chuyên khoa đã tuyên bố với anh tôi như thế này: “ Mẹ của ông có bộ não ở lứa tuổi 40! Qua nhiều năm trong nghề, tôi chưa từng thấy một ai có bộ não sáng suốt, trẻ trung như vầy ở tuổi của Bà cụ!”. Đây là một điều phi thường thứ hai của mẹ tôi, về phương diện cơ thể.

    Thật vậy, hiện tại, mỗi ngày mẹ tôi đọc ít nhất là hai tờ báo Việt ngữ, theo dõi tin tức, thời sự, để có thể tham gia, bàn luận với bạn bè, khách khứa, hoặc với những người thân trong gia đình với từng chi tiết của câu chuyện. Hết đọc báo, mẹ tôi lại nhảy qua đọc sách Phật hoặc tụng kinh, đọc chú bằng tiếng Phạn âm Việt khá dài, rất khó đọc và khó nhớ. Đối với tôi, thì đây là những bài học không bao giờ thuộc! Mẹ tôi có một tủ đựng băng thuyết giảng, gồm hơn 200 cuốn của các vị sư chân tu, để hằng đêm, trước khi ngủ, mẹ thường lắng nghe, không biết bao nhiêu lần, tiếng nói của Đạo Pháp qua những lời giảng của các Thầy. Có lẽ, suốt mấy chục năm sống cạnh Ba tôi, Mẹ đã chịu ảnh hưởng khá nhiều về con đường tu học của Ba mà tôi sẽ bàn đến ở phần sau, cũng như việc thường xuyên đi chùa, nghe thuyết pháp, họp mặt Đạo Tràng đã khiến Mẹ càng ngày càng thông cảm và tương đắc với Ba hơn.

    Đặc biệt, bình thường Mẹ có giọng nói rất điềm đạm, từ tốn, nhưng khi cần quyết định một việc gì hệ trọng thì bà rất nghiêm nghị, cứng rắn, khiến người nghe phải công nhận tính chất đầy thuyết phục trong giọng nói ấy. Mẹ cũng giao thiệp rộng rãi và biết nắm bắt thời cơ. Khoảng thập niên 70, mẹ tôi vì con cái phải vào Đại học xa, mẹ đã nhanh tay xoay xở để có được một cổ phần trong Hãng làm nước đá, lợi tức cổ phần tăng, nhờ vậy, mấy anh em chúng tôi đã có được một cuộc sống khá đầy đủ của một gia đình trung lưu.

    Vào năm tôi lên sáu, một sự kiện xãy ra đối với ba tôi, khiến ai cũng ngạc nhiên và xem đây như là một sự khai ngộ bất ngờ kỳ lạ, mà bên Công Giáo thường gọi là ơn “kêu gọi”. Đó là ngày ba tôi đột nhiên xuống tóc, quy y Phật, ăn chay trường ở độ tuổi 34, khi đứa con út, chỉ vài ba tuổi. Ba muốn trở thành một “tu sĩ tại gia”, với cuộc sống hoàn toàn thay đổi! Nếu xét về mặt Đạo, thì đây là một việc làm cao quý, tốt đẹp, phải có nghị lưc và ý chí mạnh mẽ mới thực hiện được, nhưng xét về mặt Đời, thì: “Xem qua thì thật là hay, xem lại có vẻ ‘đâm hơi’ thế nào!” Vì ba đi tu trong lúc mẹ tôi còn son trẻ, mặc dầu Mẹ đã có 4 con, từ 12 đến đến 2 tuổi.

    Sau này, đôi khi nghĩ lại, tôi mới thấy thương Mẹ vô cùng, vì lúc tuổi Mẹ lúc đó mới 31 xuân xanh (thua ba tôi 3 tuổi), thì đã phải sống với một người chồng là một ông thầy tu! Nghĩ cũng tội cho Ba, vì còn nặng nợ gia đình, nên chỉ có thể ‘tìm nẽo Giác’ và ‘vọng cửa Thiền’ tại gia thôi, và vẫn phải đi làm cho đến ngày về hưu. Tuy nhiên, từ đó, mọi công việc quan trọng, Mẹ đều bao thầu, quán xuyến hết để Ba rảnh tay theo đuổi Đạo Pháp.

    Vì chúng tôi lúc bấy giờ còn nhỏ tuổi, tâm hồn ngây thơ chưa cảm thấy nỗi đau khổ âm thầm của Mẹ. Tôi không muốn khoe khoang về dung mạo của mẹ mình, nhưng thật sự nhan sắc của bà đã từng làm nhiều chàng trai âm thầm ái mộ, làm sao có thể sống hạnh phúc với một người chồng mà mọi thú vui trần thế đều bị gác qua một bên. Ba tôi đã trở thành một tu sĩ chân chính, triệt để thi hành những điều giới răn của một Phật tử, kể cả chuyện chăn gối thường tình của cuộc sống vợ chồng! Thế nhưng mẹ tôi đã không hề bộc lộ ra bên ngoài một cử chỉ hay hành động nào chứng tỏ Mẹ đang ở tình trạng cô đơn, thiếu vắng một điều gì đó khó giải thích bên cạnh người chồng “tu sỉ”, mà có lúc ông đã quên đi mình vẫn còn là người trần tục, còn nhiều trách nhiệm đối với gia đình.

    Mẹ vẫn bình thản làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ một cách hoàn hảo mà không hề than vãn. Mẹ đã phải lo cơm nước đầy đủ vừa chay vừa mặn cho chồng con. Tuy vậy, bà không hề than phiền hay phản đối ba tôi về chuyện ông đã lơ là bổn phận của một người chồng, người cha; ngược lại, Mẹ còn khuyến khích và trợ duyên cho chồng, để ông theo đuổi việc tu hành được thuận lợi. Tôi cho rằng, đây là một sự hy sinh lớn lao đáng kính phục của Mẹ.

    Chúng tôi không hề trách ba tôi vì mãi lo việc kinh kệ tu hành mà phải để Mẹ gánh vác mọi trọng trách gia đình. Nhưng có lẽ cũng nhờ phước đức của ba tôi mà qua bao biến cố hiểm nghèo, gia đình chúng tôi đều thoát khỏi, và hiện vẫn sống an vui, đoàn tụ đầy đủ tại xứ Hoa Kỳ này.

    Ba tôi bị bệnh lãng tai hồi còn trẻ và khoảng một thời gian sau, tôi không nhớ rõ, ba tôi đã mất hẳn thính giác. Thế là Mẹ lại gánh thêm một “job” nữa, là nghề “reporter” cho Ba, và tôi cam đoan rằng, trên đời này chưa có một ai làm thư ký tường trình một cách tận tâm và hoàn hảo như mẹ tôi! Xin trích một đoạn trong bài thơ tôi làm tặng Mẹ vào ngày lễ “Mother’s Day” năm ngoái:

    … “Sắt son một mối tình câm
    “Mẹ thường im tiếng, chỉ dùng bút bi
    “Hết bi Mẹ lại dùng chì
    “Thế gian mọi sự, khắc ghi toàn phần
    “Ba xem ró hết từng phân,
    “Thiên La Địa Võng, chẵng cần lỗ tai
    “ ‘Ráp-po’, ‘rì-pọt’ dài dài
    “Con con cháu cháu, phát tài có ai”
    “Bạn bè, thân hửu lai rai
    “Ai đà khăn gói ‘bái bai’ cỏi Trần”
    “Ai còn đứng một bàn chân”
    “Một cơn gió nhẹ đứt gân té nhào”…

    Nói chung, mẹ tôi là một người đàn bà thuộc loại ‘vượng phu, ích tử’, bổn phận nào Mẹ cũng chu toàn một cách đầy đủ, hoàn hảo, đối với chồng con. Ngay cả bạn bè hoặc người thân xa gần còn sống VN, mẹ cũng thường xuyên nghĩ tới và tìm cách giúp đỡ trong khả năng của mình, khi biết tin họ gặp khó khăn hoặc bệnh tật, cần trợ giúp.

    Một kỹ niệm đầy xúc động còn in đậm nét trong tâm hồn tôi mỗi lần nghĩ về Mẹ, là hình ảnh của Mẹ lủi thủi đi sau chiếc xe trâu, trên đường mòn trong rừng thẳm của núi rừng Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt, cùng với một số người khác, hướng về Trại Tập Trung để thăm nuôi những người tù cải tạo, trong đó có tôi, đứa con trai độc nhất của Mẹ còn ở lại VN sau biến cố 75.

    Hôm đó, đội chúng tôi có nhiệm vụ đi đốn tre và vác về Trại để xây nhà thêm cho lớp tù khác, sắp chuyển tới. Trên đường về, chúng tôi gặp chiếc xe trâu, chở quà thăm nuôi, và khoảng mươi người khác, lếch thếch theo sau xe. Tất cả chúng tôi điều chú mục nhìn xem có ai là thân nhân của mình không, biết đâu bỗng “có tin vui trong giữa tuyệt vọng chăng”? Thật bất ngờ cho tôi, khi nhác thấy trong đó có một người đàn bà, tuổi độ lục tuần, mặc bồ đồ bà ba, nhìn kỹ thì không ai khác hơn, chính là mẹ tôi! Tim tôi đập mạnh, mắt tôi bỗng thấy nhòa đi vì một cảm xúc bất ngờ, khi nhìn thấy hình ảnh khó tin, nhưng có thật, hiển ra trước mặt! Tôi không thể ngờ được, mẹ tôi, lúc bấy giờ tuổi đời đã trên sáu mươi, vì quá thương nhớ tôi, mà phải lặn lội ra tận nơi đèo heo gió hút này. Sau bao chặng đường gian nan, vất vả, kể cả việc ngủ lại đêm ở quán trọ dọc đường, với những phương tiện giao thông nghèo nàn, lạc hậu, từ Nam ra Bắc! Tôi bỗng cảm thấy tràn đầy ân hận, trách mình không lấy vợ sớm, để bắt Mẹ phải lo từ gói quà gởi đi cho đến việc thăm nuôi tận nơi rừng sâu núi thẳm!

    Hồi đó, ông anh cả và đứa em út của tôi đã ra được nước ngoài, chỉ còn em gái tôi chưa đi được, nên còn ở lại với chồng và hai đứa con nhỏ, nên cũng không giúp gì được cho mẹ tôi. Mẹ một mình đã lo hết cho tôi! Sống dưới chế độ CS, thời đó đa số ai cũng nghèo ngang nhau, nên một gói quà là một sự hy sinh của người vợ, người mẹ…nhịn ăn nhịn tiêu, lo xoay xở làm sao để mỗi ba tháng, người thân của mình có được một gói quà chứa đựng tình thương và những chất bổ dưỡng để cầm hơi người tù cải tạo cho đến ngày về. Vợ chồng, anh em có thể bỏ nhau vì một lý do nào đó, nhưng người mẹ thì không bao giờ bỏ con, dù bất kỳ ở trong một hoàn cảnh nào.

    Mãi đến khi tôi được trả tự do năm 83, thì một tuần sau đó, vợ chồng em gái của tôi và hai đứa con nhỏ mới đến được đất Mỹ, sau nhiều lần vượt biên không thành. Đây là một điều khá lạ lùng, nếu ai không tin tướng số, có thể xem đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Nhưng mẹ tôi lại rất tin vào số mệnh, khi nghe ông thầy tướng bảo rằng, đứa con gái của bà không thể đi ra khỏi nước được, cho đến khi nào đứa con trai của bà đi học tập về thay thế chỗ của cô ta! Có lẽ Trời thương ba mẹ tôi, nên không bao giờ để hai người phải sống cô đơn một mình chăng? Hay là số tôi may mắn, luôn luôn được gần Mẹ, để được mẹ săn sóc về vật chất cũng như tinh thần?

    Đến năm 90, tôi lại có được cái hạnh phúc đưa ba mẹ tôi sang Mỹ theo diện H.O. và lại được ở gần hai người một thời gian dài, cho đến khi tôi lập gia đình, thì ba mẹ tôi mới bằng lòng đến ở chung với gia đình ông anh cả, vì ông nhất định “dành chánh quyền”, không cho tôi được ưu tiên ở với ba mẹ như trước nữa. Thật ra thì vợ chồng tôi cũng không đủ điều kiện, vì lập nghiệp hơi trể, trong khi đó ông anh lại có nhà cửa khá rộng rãi, tài chánh dồi dào hơn.

    Một điều rất hạnh phúc và may mắn cho bốn anh em chúng tôi, là vẫn còn đầy đủ song thân, mặc dù tuổi đời của anh tôi đã vào hạng “thất thập cổ lai hi”! Hơn nữa, cuộc sống thủy chung duy nhất và đầy đạo hạnh của ba mẹ tôi là một tấm gương sáng, có ảnh hưởng không ít đến dòng đời của chúng tôi, trong quá khứ, cũng như tương lai.

    Còn gì đẹp hơn hình ảnh dịu dàng, đáng yêu của song thân, sau gần ¾ thế kỷ sống bên nhau mà tình vợ chồng không hề suy giảm, mà ngược lai, càng đậm đà, sâu sắc thêm. Ba mẹ tôi vẫn săn sóc cho nhau ở lứa tuổi “gần đất xa trời”. Quả thật dưới mắt tôi, Mẹ đáng được vinh danh là một NGƯỜI ĐÀN BÀ PHI THƯỜNG trên cỏi đời này!

    “...Tóc mây, răng trắng, nụ cười móm xinh,
    “Khiến Ba yêu mãi bóng hình
    “Trăm năm vẫn giử mối tình thủy chung,
    “Buồn vui, sướng khổ đi cùng
    “Tương thân tương kính, một lòng Đạo Tâm”.

 

 

Similar Threads

  1. Những buổi chiều còn mưa
    By ndangson in forum Thơ
    Replies: 419
    Last Post: 12-28-2016, 01:04 PM
  2. Lai rai chiều nay
    By thuynh in forum Gia Chánh
    Replies: 438
    Last Post: 07-30-2013, 09:18 PM
  3. 95 tuổi vẫn chăm chỉ chuyện phòng the
    By ngocdam66 in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 5
    Last Post: 11-22-2011, 08:49 PM
  4. Bé 3 tuổi chăm mẹ chết mòn trên giường bệnh
    By tử đằng in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 0
    Last Post: 10-12-2011, 07:59 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:38 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh