Register
Page 4 of 11 FirstFirst ... 23456 ... LastLast
Results 31 to 40 of 104
  1. #31
    Quote Originally Posted by Triển View Post
    Nên xin số trương mục để chuyển nhà băng chứ đừng đưa cầm tay để không bị lộ liễu quá,

    Ý kiến bác hay, cần là nói khéo để họ đừng ngại.

    Bóng Xế Chiều Hôm
    DS Minh Cúc

    Người khách nhẹ nhàng đặt toa thuốc qua cửa sổ và nói nhỏ với tôi :

    - “Bà Dược Sĩ cứ thong thả, tôi đi chợ và sẽ trở lại sau”

    Tôi ngước nhìn người khách - Đó là một khách hàng quen thuộc của tôi khoảng gần ba năm nay

    - Bà luôn có thái độ rất từ tốn, khoan thai, không bao giờ thúc giục - Những lúc đợi tôi soạn thuốc, bà luôn kiên nhẫn ra ghế ngồi chờ, nụ cười hiền hòa luôn nở trên môi. Đôi khi bà lấy 1 quyển sách say sưa đọc, hoặc ăn một quả cam, quả táo - Những khi tôi cho biết thuốc đã soạn xong, bà cũng luôn từ tốn mượn phone của tiệm thuốc và gọi về nhà với giọng rất nhẹ nhàng :

    - “Con đó hả ? Má đang ở tiệm thuốc đây. Chừng nào con xong việc ghé qua đón má nhé” - Một đôi khi người con đầu giây bên kia trả lời sao đó, bà vẫn luôn dịu dàng:

    - “Không sao đâu, má ngồi chờ đợi ở đây cũng được. Bà Dược Sĩ cho hay còn lâu tiệm mới đóng cửa - Con... đang nấu bún bò hả ? Ờ... ờ... đợi thịt nhừ chút rồi con hãy ra đi. Chớ con đừng để lửa trên bếp mà đi ra khỏi nhà...”

    Tôi cầm toa thuốc của người khách quen lên đọc - Thuốc men cũng như mọi lần. Tôi chợt để ý đến 1 món thuốc mới ở cuối toa và cẩn thận đọc lại.

    - “PROZAC 20mg, 30 viên...”

    Rồi bắt đầu ra label và đếm thuốc.

    Khoảng một giờ sau, người khách trở lại. Tôi cẩn thận giao cho bà từng món thuốc.

    - “Đây là những thức thuốc Bác vẫn dùng hàng tháng...”

    Khi tôi cầm đến ống thuốc PROZAC, người khách vội vàng hỏi tôi :

    - “Thưa Bà, đây là thứ thuốc Bác Sĩ mới cho lần đầu phải không ?”

    Rồi bà mở ngay ống thuốc, trút vài viên thuốc ra lòng bàn tay, nhìn đăm đăm - Tôi nhẹ nhàng dặn khách :

    - “Vâng, thứ thuốc này Bác Sĩ mới cho lần đầu, Bác uống cẩn thận nhé, chỉ có 1 viên mỗi sáng.”

    Người khách ngước nhìn tôi buồn bã và bỗng nhiên, những giọt nước mắt chợt ứa ra, lăn trên đôi gò má nhăn nheo.

    Tôi đặt nhẹ tay tôi lên bàn tay người khách và hỏi nhỏ :

    - “Bác... có điều gì phiền muộn phải không ? Bác có... cho phép chia xẻ cùng Bác không ?”

    Người khách chậm rãi đưa ngón tay lên gạt những giọt nước mắt và gượng cười :

    - “Xin lỗi bà Dược Sĩ nghe, tôi... không cầm lòng nổi - Ban nãy nơi phòng mạch, tôi cũng đã làm cho ông Bác Sĩ quan tâm - Ông ta nói Bác phải kể thật ra hết, tôi mới chữa bệnh cho Bác được”...

    - “Bác Sĩ nói đúng đấy Bác ạ. Không nên để cho sự phiền muộn ảnh hưởng đến sức khỏe của Bác - Nếu Bác chia xẻ, hoặc coi nhẹ nó đi, thì tốt hơn...”

    Người khách khẻ quay đầu nhìn quanh và nói :

    - “Bà Dược Sĩ không bận tiếp khách, và luôn quan tâm săn sóc tôi, xin hãy chia xẻ cùng tôi... Tôi chỉ xin hỏi bà Dược Sĩ một câu thôi... Sao... Con người dễ đổi thay quá vậy?”

    - “Nhưng điều gì đã khiến cho Bác có ý tưởng buồn bã như thế ?”

    Gương mặt người khách lại một lần nữa chan hòa nước mắt, và bà bắt đầu chia xẻ nỗi buồn cùng tôi - Bà có ba người con gái và một người con trai út - Những người con gái đã có gia đình, đã ra riêng và đang sống rất hạnh phúc - Gần 10 năm nay, kể từ khi sang Mỹ, bà sống với người con trai trong một căn Condo nhỏ - Người con trai rất ngoan, rất hiếu thảo, vừa đi làm, vừa đi học và bà rất mực lo lắng, chăm sóc và thương yêu đứa con - Rồi người con trai đến tuổi lập gia đình

    Nhân một dịp về Việt-nam thăm quê nhà cũ, bà đã gặp lại một người bạn thân xưa, có một đứa con gái rất ngoan ngoãn và xinh xắn. Người con gái, học rất giỏi và có ý muốn được sang Mỹ tiếp tục việc học hành. Bà rất cảm động và sắp xếp cho con trai của mình gặp gỡ người con gái ấy. Duyên số thuận hòa và Trời Phật run rủi, hai người con này rất hợp tính tình và tiến tới hôn nhân - Khi người con dâu sang được Mỹ và tiếp tục việc học hành, là thời gian hạnh phúc và đầm ấm nhất của gia đình Bà - Bà đã không quản tuổi tác, hết sức chăm lo quán xuyến mọi việc cho con trai và con dâu có trọn thì giờ vừa làm lụng sinh nhai, vừa lo việc học.

    Cho đến... mùa hè năm nay, cả hai đều tốt nghiệp và may mắn đều tìm được việc làm mới đúng với khả năng, và cuộc sống bắt đầu vô cùng sung túc - Vợ chồng người con bắt đầu có ý tưởng lập một cuộc sống riêng, muốn mua nhà rộng rãi hơn và... không muốn có mặt người mẹ trong cuộc sống mới riêng tư của họ nữa - Người con trai hiếu thảo, nhưng bỗng nhiên lặng yên, im lìm trước những lập luận mới của người vợ - Đó là... mẹ già nên chung sống với những người con gái... là hợp lý. Gia đình người con trai chỉ là nơi để mẹ thỉnh thoảng lui tới, thăm hỏi mà thôi...

    Người khách ngước đôi mắt buồn bã nhìn tôi và lập lại câu hỏi :

    - “Sao... con người ta mau thay đổi quá vậy ? Trước đây, cả hai đứa luôn nói là chúng con luôn cần đến má từng giây từng phút...”

    - “Thôi Bác ạ, vì bây giờ tụi nó đã trưởng thành rồi, đã có thể tự lo... Những người con gái tốt của Bác cũng muốn sống gần Bác mà...”

    - “Nhưng tôi thương thằng con út của tôi lắm Bà ơi. Hai mẹ con sống với nhau hai mươi mấy năm trời, chưa bao giờ tôi xa nó hơn 1 ngày. Bây giờ vợ chồng nó ra điều kiện, tôi có thể ghé thăm mỗi tháng, trong hai ba ngày thôi...”

    - “Bác ơi, rồi những người con gái của Bác cũng sẽ khiến Bác nguôi ngoai nỗi nhớ thương - Bác nên nghĩ và mừng cho con trai của Bác có một cuộc sống mới hoàn toàn hạnh phúc...”

    Người khách cố nén tiếng thở dài, gật đầu theo lời khuyên của tôi - Bà cầm lấy bao thuốc và chập choạng bước qua cửa ra về.

    Bên ngoài bóng chiều cũng đang dần dần buông xuống - Tôi đưa tay đóng cánh cửa nhỏ lại mà lòng bỗng dưng buồn man mác - Bỗng nhiên, một đoạn trong bài giảng văn lớp Đệ Lục thuở nào như sống lại trong tâm trí của tôi - Đó là bài “Bên rặng tre già”, tả nỗi niềm của một người dân chài di cư từ Bắc vào Nam, vì một lý do nào đó phải cách chia người mẹ.

    Chiều chiều, anh “Năm Sẹo”, tên người dân chài, ra ngồi ven sông, dõi mắt qua bên kia con sông rộng lớn để cố tìm lại vài hình ảnh nơi quê nhà cũ - Anh như nhìn thấy trọn vẹn hình ảnh làng quê trong bóng chiều, qua trí nhớ của Anh, “và thương ôi, trong bóng tối thê lương ấy, một mẹ già lọm khọm ra vào... Anh Năm Sẹo lặng lẽ đưa tay lên lau nước mắt...”.

    Hỡi những người con đang có diễm phúc còn đầy đủ cha mẹ già gần gũi quanh đây, có một lúc nào chạnh lòng với hình ảnh người cha, hay mẹ già loạng choạng ra vào, trong chiều hôm bóng xế ?!!




  2. #32
    Vị tướng già trong nhà dưỡng lão
    Huy Phương

    “Anh hùng mưu sự chẳng nên
    Cúi xuống thẹn Ðất, ngước lên thẹn Trời!”
    (Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai)

    DALLAS - Một người bình thường lúc về già sống cô đơn trong nhà dưỡng lão đã là một chuyện buồn, một vị tướng lãnh đã từng bao năm trận mạc, hôm nay sống trong một nhà dưỡng lão quạnh hiu đã gây không ít cho chúng tôi những cảm xúc bùi ngùi đau xót khi đến thăm ông.

    Cùng với anh Thái Hóa Lộc, chủ nhiệm tuần báo Người Việt-Dallas, chúng tôi đến thăm Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai vào một chiều Chủ Nhật mùa Ðông tại “Pleasant Valley Healthcare and Rehabilication Center, 1525 Pleasant Valley Rd., Garland, TX 75040.” Khi chúng tôi bước vào phòng, thấy ông đang ngồi trên chiếc xe lăn, ông cho biết đang thay y phục, nên chúng tôi tạm lui ra chờ. Khi trở lại, ông đã tươm tất hơn trong bộ đồ mới.

    Nhận ra anh Lộc là người quen, thường thăm viếng ông, ông vui vẻ chuyện trò và nhờ chúng tôi đẩy ông ra ngoài phòng khách ngay lối ra vào, nơi mà các y tá có thể quan sát. Ở đây đã có nhiều ông bà già hiện diện, tất cả đều ngồi xe lăn. Ðây là một thói quen của ông, mỗi chiều, hoặc là ngồi đây vui hơn, hoặc là ông đang chờ ai đó, có thể vào thăm ông. Vào chiều Chủ Nhật, nhưng tôi không thấy có một thân nhân nào đến thăm những bệnh nhân ở đây, ngoài chúng tôi đang ngồi với Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai.

    Ông chuyện trò rời rạc, khi đáp những của thăm hỏi của tôi, là người khách lần đầu đến thăm ông.

    Lúc còn khỏe và tỉnh táo, trí nhớ tốt, mỗi tuần ba ngày, ông đến sinh hoạt tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cao Niên tại thành phố Garland.

    Bà Ðỗ Kế Giai qua đời vào tháng 11, 2012 sau khi ông vào bệnh viện được ba tháng. Từ bệnh viện, ông được chuyển thẳng về trung tâm này.

    Ông bà có tất cả bảy người con, một gái và sáu trai. Bốn người đều ở các tiểu bang xa, chỉ còn lại ba người con trai ở gần ông. Hiện nay, ông còn có thể tự ăn uống và lo chuyện vệ sinh cho mình. Ông đã ở đây hơn ba năm, và tỏ bày: “Ở đây buồn quá!”

    Những vị cao niên nằm trong viện dưỡng lão như hoàn cảnh của ông, còn nhớ chuyện này chuyện nọ, còn biết buồn, biết vui, có lẽ cảm thấy khổ hơn là những người đã mất trí nhớ hoàn toàn.

    Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai sinh năm 1929 tại Bến Tre, trong một gia đình điền chủ, ông theo học khóa 5 Hoàng Diệu tại trường Võ bị Liên Quân Ðà Lạt, ra trường vào tháng 4, 1952, và đơn vị đầu tiên của ông là Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, đóng tại Bắc Việt.

    Lần lượt ông đã giữ các chức vụ tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù, tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù, chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 2 Nhảy Dù (1962), tham mưu trưởng Sư Ðoàn 25 BB, tư lệnh Sư Ðoàn 10 BB (tiền thân của SÐ 18BB-1966). Năm 1967 ông mang cấp bậc chuẩn tướng. Năm 1972, ông là chỉ huy trưởng binh chủng Biệt Ðộng Quân và được vinh thăng thiếu tướng vào tháng 4, 1974.

    Ngày 28 tháng 4, 1975, Tướng Times bên Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ngỏ lời sẵn sàng giúp đưa cả gia đình ông đi Mỹ, nhưng ông quyết định ở lại vì trách nhiệm của một tướng lãnh. Ngày 15 tháng 5, 1975, Cộng Sản đến nhà mời ông đi họp và đưa thẳng vào khám Chí Hòa, sau đó đưa ông cùng với các vị tướng lãnh khác ra Bắc Việt.

    Ðến ngày 5 tháng 5 năm 1992, sau 17 năm ông mới được trả tự do, là một trong 4 vị cấp tướng cuối cùng ra trại với Thiếu Tướng Trần Bá Di, Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo và Chuẩn Tướng Thiếu Tướng Lê Văn Thân.

    Ông và gia đình được xếp vào danh sách H.40 nhưng cuối cùng được đôn lên H.07, đến Mỹ vào tháng 11 năm 1994 và định cư tại thành phố Garland, Texas.

    Theo lời kể của anh Thái Hóa Lộc, không phải là thân thích của ông, người vẫn thường ghé thăm ông, cho biết ông thích ăn các thức ăn Pháp và thích nhâm nhi chút rượu, nếu có thể. Lúc còn khỏe, ông cũng sẵn sàng nói chuyện xảy ra trong thời loạn lạc, một số chi tiết về Ðại Tướng Cao Văn Viên liên quan đến vụ đảo chánh 1963, cái chết của Thiếu Tá Nhung và một số chi tiết nhưng ông yêu cầu không nên đưa lên báo chí.

    Bây giờ có chuyện nhớ chuyện quên nhưng ông cho biết vào mùa Ðông thân thể thường đau nhức, “chỉ có Wishky mới trị nổi thôi,” điều mà bác sĩ hoàn toàn cấm, nhưng đôi khi các cô y tá cũng thông cảm cho ông, khi biết ông xưa kia là một tướng lãnh.

    Ông tâm sự với chúng tôi, là ông đã nghĩ đến ngày ra đi và không sợ chết. Ngày ông mất, xin nhờ bên anh em thuộc binh chủng Nhảy Dù lo chuyện hậu sự cho ông tươm tất là ông cảm thấy mãn nguyện rồi.

    Ông đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ dài ông đã làm trong nhà tù Bắc Việt sau 9 năm bị giam cầm (khoảng năm 1984.) Bài thơ dài 65 câu, lời thơ đầy bi phẫn, xót xa của một tướng lãnh thất trận và là của một người tù không bản án, vô vọng không có ngày về.

    Chỉ trong vòng mười lăm phút, ông đã đọc đi đọc lại cho chúng tôi nghe bài thơ này ba lần, điều này chứng tỏ ông đã đi vào thời kỳ lú lẫn. Anh Thái Hóa Lộc cho tôi biết, ông thường vào thăm ông, mang thức ăn cho ông, và lần nào, anh Lộc cũng nghe ông đọc bài thơ này. Ông cho biết trong nhà tù ông đã làm bài thơ và ghi nhớ trong đầu, đọc đi đọc lại nên thuộc nằm lòng, mà không dám viết ra giấy.

    Trong khi Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai đọc đi đọc lại bài thơ viết trong nhà tù Việt Bắc, chúng tôi đã ghi âm lại và chép ra để các chiến hữu và độc giả hiểu được phần nào tâm sự của ông, một vị tướng già, thất trận đang sống những ngày cuối cùng xa quê hương, lẻ loi trong một nhà dưỡng lão xa lạ. Vì khuôn khổ của trang báo, chúng tôi chỉ xin trích một đoạn trong bài thơ của ông, bài thơ chưa đặt tên:

    ...“Ý thức hệ miền Nam kiếp nạn
    Chín năm (1984) cố quốc dạ nào quên.
    Không xoay thế cuộc, anh hùng lụy
    Hào kiệt ngục trung, nợ nước đền.
    Anh hùng mưu sự chẳng nên
    Cúi xuống thẹn Ðất, ngước lên thẹn Trời.
    Mài gươm rồi để hận đời
    Chôn vùi thế hệ lụy người tù chung.
    Oán thế nhân, xin đừng trách nữa
    Lỗi lầm này hãy sửa sai chung.
    Ðem xương máu học bài đắt giá
    Chi đem thành bại luận anh hùng.

    (Ðỗ Kế Giai-1984)

  3. #33
    Tâm Tình Gởi Mẹ
    Green Frog

    "Anh ơi, anh ơi... mình có con rồi" đó là giọng rất vui của mẹ nói với ba, sau khi mẹ nhìn thấy kết quả thử nghiệm thai.

    Đúng vậy, tôi đã hình thành trong bụng mẹ cách đó hai tuần. Sự hiện diện của tôi đã làm cho cơ thể mẹ thay đổi, tôi cũng thay đổi rất nhiều thói quen và tánh tình của mẹ. Tôi bắt mẹ phải ăn trong lúc đêm khuya, khi mọi người đang yên giấc và đôi lúc còn làm cho mẹ nôn ói, cáu gắt với mọi người, chắc mẹ mệt lắm nhỉ! nhiều khi tôi nghịch ngợm đá lung tung làm mẹ phải giật mình, tôi mỉm cười khoái chí, mẹ nói với tôi: "Con à, để cho mẹ yên được không"" Tiếng của mẹ nghe thật ngọt ngào và êm tai, những lúc như thế tôi cố gắng ngồi yên không phá nữa, nhưng có những lúc vì muốn nhắc nhở mẹ về sự hiện diện của mình, tôi đá "giò lái" mấy cái làm mẹ giật nẩy mình.

    Ở trong bụng mẹ thật sự rất ấm và an toàn, mẹ ôm chặt tôi phía trước và mang tôi đi bất cứ nơi nào mẹ đi qua. Ngày sanh tôi, mẹ quằn quại trong đau đớn. Tôi biết chứ, nhưng vì cứ tưởng sẽ xa mẹ vĩnh viễn nên không chịu ra đời, sự rụt rè của tôi đã làm cho cơn đau của mẹ kéo dài. "Xin lỗi mẹ! xin lỗi mẹ! nhưng mà mẹ biết không, vì không muốn xa mẹ và muốn được làm một với mẹ nên con cứ ì ra không đi đâu cả." Khi vừa lọt lòng mẹ, tôi sợ hãi vì thế lấy hết sức mình khóc thật lớn và nghĩ thầm: "Sao ở ngoài này lạnh thế kia" Đây là thế giới ồn ào, hoàn toàn khác biệt với thế giới mà mình đã từng sống. Liệu mình còn có những ngày an bình như ở trong lòng mẹ không"" Nhưng chỉ vài giây thôi, một vòng tay mềm mại ôm lấy tôi, giọng nói ấm áp quen thuộc vang lên: "Nín đi con cục cưng của mẹ sao khóc lớn vậy" Nhờ giọng nói êm ái đó, tôi lấy lại bình tĩnh và mỉm cười. Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy mẹ, một cảm giác gần gũi trong tôi vì suốt chín tháng cưu mang mẹ và tôi nối liền nhau, cảm nhận được những niềm vui và nỗi buồn của nhau.

    Lúc tôi chập chững những bước đi đầu đời, mẹ là người nắm tay dẫn tôi từng bước, đỡ tôi lúc té ngã, chỉ cần mẹ ôm tôi vào lòng xoa nhẹ lên chỗ đau thì vết thương như đã lành hẳn, tôi quên mất mình vừa bị té. Nhớ ngày đầu đi học, tôi nhút nhát sợ hãi đứng thập thò ở cửa lớp, nhưng mẹ đã giúp tôi thêm can đảm, bịn rịn bước vào với nụ cười gượng gạo để giấu đi giòng lệ đọng trên khoé mắt. Những trưa hè tan học, tôi chui vào lòng mẹ để được nghe những câu ru hời, những lời vỗ về, để được mẹ xoa vào cái lưng bé xíu. Ôi! bàn tay mẹ sao mát lạnh và dễ chịu quá, khiến cho giấc ngủ trưa đến với tôi thật êm đềm. Lúc ốm đau, mẹ là người ngồi cạnh, có lúc đã phải thức trắng đêm vì tôi. Mẹ như muốn gánh đi sự đau đớn mà tôi đang có vì cơn bệnh, mẹ hoàn toàn chia sẻ mọi vui buồn cùng tôi. Khi tôi lầm lỗi, vấp ngã bị mọi người chê cười, ruồng bỏ nhưng mẹ vẫn dang rộng đôi tay đón tôi vào lòng, dùng tình thương để nâng tôi dậy... chỉ có mẹ là người duy nhất có thể làm điều này thôi! đó là bao dung chấp nhận, hy sinh cho con cái của mình cho dù những đứa con của mẹ đã bao lần lạc lối.

    Ở tuổi mới lớn, tôi ngơ ngác, sợ hãi trước những thay đổi của cơ thể, mẹ là người chỉ dẫn cho tôi, giúp tôi hiểu rõ đó là việc tự nhiên của tạo hoá. Lúc tôi trưởng thành, mẹ dạy tôi phải làm gì để luôn là đứa con gái ngoan, ngõ hầu sau này trở thành người mẹ, người vợ tốt trong gia đình. Ngày tôi lên "Xe Hoa", nhìn mắt mẹ rưng rưng ngấn lệ, tôi hiểu phần nào nỗi lo lắng và ưu tư của mẹ, mẹ lúc nào cũng lo lắng và hy sinh cả tuổi xuân vì tôi cho dù con của mẹ đã lớn. Đúng là "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình..." Tôi càng hiểu rõ hơn sự bao la ấy khi tôi thực sự làm mẹ, như người đời thường có câu:

    "Thức đêm mới thấy trăng sao
    Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy"

    Đúng thế, tôi cảm nhận tình thương sâu xa của mẹ dành cho tôi nhiều hơn khi lòng mình quặn thắt vì nhìn thấy con tôi té ngã hoặc chảy máu, mơ hồ như có ai đang cào xé trong lòng vậy. Mỗi lúc thấy nụ cười ẩn hiện trên gương mặt non nớt của con mình, tôi cũng hân hoan. Khi con sà vào lòng, ôm ghì lấy tôi thỏ thẻ: "Me, con nhớ mẹ quá!" cảm giác hạnh phúc len vào trong tôi, những mệt mỏi sau một ngày làm việc bỗng biến mất. Có lẽ đây là liều thuốc thần dược giữa tình mẹ con mà không bút mực nào có thể diễn tả hết được.

    Cũng như mẹ, tôi luôn hướng lòng về con cái của mình, luôn mong những điều tốt đẹp đến với con mình, và cầu mong chúng được hạnh phúc.

    *

    Cám ơn mẹ đã cưu mang, sinh ra con, cám ơn mẹ đã cho con giòng sữa ngọt, đã dạy dỗ, dìu dắt con trên đường đời. Mẹ ơi! Lắm lúc con và mẹ đã không hiểu nhau vì sự cách biệt về tuổi tác, thay đổi của xã hội nhưng con không cố tình làm mẹ buồn đâu, chỉ mong mẹ luôn vui và sống với chúng con. Đừng để chúng con mồ côi mẹ nhé!

  4. #34
    Ba mãi là điểm tựa cần thiết đời con
    Phượng Vũ

    **"Con viết cho ba không vì trả nghĩa
    con biết ba chẳng cần!
    Con viết cho ba từ thôi thúc lòng mình
    từ kính yêu và nể trọng."**

    Từ lúc tôi có trí khôn, ba tôi luôn hiện ra như hình ảnh một người cha nghiêm khắc. Mỗi lần má nói gì mà chị em tôi không chịu nghe lời, má chỉ cần nói: "Về méc ba!" là chị em tôi răm rắp nghe lời ngay. Sau này lớn lên tôi mới nhận ra, bên trong cái vỏ bọc nghiêm khắc là một tình thương con vô bờ, ba thương con nhưng ba không nói.

    **"Ơn cha như Thái Sơn cao bao từng
    Ngoài tuy cương quyết, mà lòng thương mến."**

    Năm tôi đủ tuổi vô lớp 1, ba dặn má thay cho tôi áo đầm mới, rồi tự tay dẫn tôi tới trường tiểu học gần nhà xin nhập học. Ai dè ông hiệu trưởng vừa nhìn thấy tôi đã chê liền:

    - Bé có chút xíu mà bắt đi học nỗi gì!

    - Nhưng thưa ông hiệu trưởng, cháu đã đủ tuổi đến trường rồi!

    Nói xong ba tôi đưa cho ông xem giấy khai sinh. Đọc xong ông nói:

    - Đúng là cháu đã đúng năm, nhưng sinh cuối tháng 12, thành thử coi như bé bị oan 1 tuổi. Hơn nữa bé nhỏ con quá, đi học sẽ bị bạn bè ăn hiếp, tội nghiệp! Đem bé về nuôi, sang năm lớn thêm chút nữa, đi học mới được.

    Tôi nghe nói vậy thì mừng rơn trong bụng, nhỏ con cũng có lợi quá chứ! Vậy là tôi được thêm 1 năm rong chơi không phải đi học, nhưng ba tôi thì buồn ra mặt. Ba muốn nài nỉ ông hiệu trưởng cho tôi vô học, nhưng sợ con gái bị bạn bè “ăn hiếp” nên thôi. Ba đưa tôi về mà lòng đầy tiếc nuối:

    - Tiếc quá, con bị mất 1 năm học rồi! Kỳ này về con phải nhớ ăn thêm mỗi bữa 1 chén cơm cho mau lớn mà đi học với người ta.

    Sau này lớn lên tôi mới biết ba rất quý trọng sự học của các con, đó có lẽ cũng là nét đặc trưng của tất cả cha mẹ Việt Nam. Việc học của các con luôn là ưu tiên hàng đầu của ba. Bất cứ việc gì chỉ cần nêu lý do vì việc học là ba đồng ý liền.

    Năm tôi thi vô Gia Long, ba dặn dò tôi đủ điều: “Gia Long là trường nổi tiếng, lớn nhất Saigon, thi đậu vô rất khó, nên con phải ráng hết sức nghen con!” Tôi ngoan ngoãn gật đầu: “Dạ”.

    Khi làm bài thi xong, dò lại rồi, không biết làm gì, tôi bèn lên nộp bài rồi đi ra. Thấy tôi chạy ra cổng, ba tôi vội tới đón:

    - Con làm bài được không? Sao còn 30' phút nữa, con ra sớm làm gì? Khổ quá ba đã dặn con rồi, cứ ngồi yên trong đó, dò tới dò lui cho chắc ăn.

    - Con làm bài được, con cũng dò lại rồi ba à!

    Ba chở tôi về mà lòng không an tâm vì vụ ra sớm của tôi. Mãi sau này khi nhận được kết quả thi tuyển, tôi không những đậu mà còn đậu cao được lãnh học bổng toàn phần, ba mới hài lòng vui vẻ xoa đầu tôi và khen:

    - Con gái ba giỏi, thông minh!

    Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ba yên tâm, không theo dõi sát vụ học hành của con. Hồi còn học tiểu học thì mỗi ngày ba kiểm tra bài, rồi kèm học thêm, nhưng lên trung học rồi, ba chỉ nhắc nhở thôi. Nhà tôi có căn gác phía sau, ba dành làm chỗ học và ngủ của 2 chị em tôi. Tối nào ba cũng lên kiểm tra coi chị em tôi học hành ra sao? Mỗi lần ba lên kiểm tra thì đều thấy chị tôi vẫn chong đèn ngồi học, còn tôi thì đã chui vô mùng ngủ tự lúc nào. Ba phải vén mùng lôi chân tôi ra :

    - Sao con ngủ sớm vậy? Phải lo thức học bài chứ.

    - Nhưng con học xong hết rồi mà ba!

    - Học gì mà lẹ vậy? Chị con còn thức học, mà con thì lúc nào cũng lo ngủ là sao?

    Tôi ấm ức, nhưng đành phải nghe lời ba, ngồi vô bàn cầm sách giả bộ học cho ba yên lòng. Đợi 15 phút nhìn xuống dưới nhà thấy tắt đèn biết ba đi ngủ rồi, tôi rón rén xếp sách lại, chui vô mùng ngủ tiếp. Đến cuối năm khi tôi được lãnh phần thưởng, thấy ba vui mừng hớn hở như là chính ba được lãnh phần thưởng chứ không phải tôi. Tôi bèn lợi dụng thời cơ thủ thỉ nói với ba:

    - Ba ơi! ba thấy con học được lãnh thưởng, nên ba phải tin là con tự học được nha! Từ nay ba đừng theo canh chừng bắt ép con học nữa nhen ba!

    Ba đành gật đầu và dặn:

    - Ừ ba tin con, nhưng con phải nhớ học giỏi nghen!

    Tôi sung sướng gật đầu: "Dạ, con biết rồi ba."

    Từ đó, mỗi tối tôi không còn bị ba lôi chân ra khỏi mùng để bắt ngồi học nữa. Không biết tôi giống tính ai, có lẽ tôi ảnh hưởng tính cách của người dân phương Nam, nhìn nhận đời sống nhẹ nhàng, thoải mái, không thích hơn thua. Khi làm bài thi tôi hay nhẩm trong đầu tính điểm, thấy dư điểm đậu (đủ xài), sau này tôi trừ hao thêm (cho ba) ít điểm cho "dư sức qua cầu". Xong rồi phần còn lại tôi làm bài thoải mái "đúng thì tốt, mà trật cũng không sao!" Vì cái tính này mà tôi bị ba la hoài! Ba thì hay "ky cóp" tính từng điểm, tôi thì lại không hề "ham" điểm bao giờ. Đó là điều 2 cha con không giống nhau! Ngoài ra còn 1 điểm không giống nữa là ba tôi cao, má cũng cao, mà sao tôi lại nhỏ con? Đôi khi tôi tự hỏi: "Ủa, tôi giống ai vậy ta?" Thắc mắc hỏi má, má cười: "Chắc giống ông hàng xóm?", tôi nghe mà ấm ức hoài.

    Nhớ lại có một lần hồi còn nhỏ tôi bịnh gì không biết mà ba phải chở tôi qua bên kia cầu chữ Y để gặp ông lang hốt thuốc. Trên đường về đi ngang một cái chợ “chồm hổm” có nhiều ổ gà, “tưng” một cái, tôi vừa nhỏ, vừa nhẹ, rớt xuống đất mà ba không biết cứ mải miết đạp xe. Mấy bà bán hàng kêu réo, nhưng chắc lúc đó ba mải suy nghĩ lo âu cho bệnh của tôi nên không để ý. Tôi thút thít khóc vì vừa đau, vừa sợ bỗng dưng bị rớt giữa đường giữa những người xa lạ. May là mấy bà bán hàng tử tế an ủi: "Nín đi, lát nữa thế nào ba cũng quay lại kiếm con". Đúng vậy, khoảng 10 phút sau, ba hớt hải quay lại dáo dác kiếm con. Thấy tôi, ba mừng quá: “Con có sao không? Sao rớt hồi nào mà không kêu ba?" Mấy bà bán hàng lanh miệng trả lời giùm: “Kêu quá trời mà ông đâu có nghe!” Từ lần đó trở đi, khi chở tôi đi đâu ba đều bắt tôi phải ôm ba thật chặt, kẻo rớt mất con gái cưng nhỏ bé của ba.

    Tôi nhớ lại khi lớn lên một chút, nhìn thấy mấy bạn hàng xóm biết đi xe đạp, tôi về nhà đòi ba tập cho tôi đi xe đạp. Thời đó có mấy tiệm cho mướn xe đạp theo giờ, nên không cần phải mua xe. Mỗi chiều ba đi làm về, ba dẫn tôi ra sân trường gần nhà để tập cho tôi. Lúc ba giữ tay lái cho chặt thì tôi yên tâm đạp ngon lành, rồi dần dần ba giữ sau yên xe, khi nào ba thử buông ra là tôi sợ, đạp lạng quạng rồi lảo đảo muốn té. Sau đó mỗi lần lên xe là tôi phải nhắc, "Ba đừng buông con ra nha!" Ba gật đầu, "Ừ, lúc nào ba cũng chạy bên cạnh con đây". Nhưng ba dạy tôi là phải tự tin, đừng sợ thì mới đạp xe một mình được. "Con yên tâm, ba luôn bên cạnh, đừng sợ, con sắp té là có ba đỡ con liền." Nhờ vào sự tin tưởng ba luôn bên cạnh nên tôi an tâm tự tin và mạnh dạn từ từ đạp xe được một mình. Có lẽ cuộc đời tôi sau này cũng vậy , ba luôn là người "chạy bên cạnh" để đỡ nâng tinh thần giúp tôi yên tâm trên đường đời gập ghềnh. Tôi cũng luôn nhớ lời ba dạy "phải tự tin, đừng sợ" để làm hành trang vững vàng đi vào cuộc sống độc lập của riêng mình.

    Theo năm tháng tôi lớn lên vô tư hồn nhiên trong sự ân cần chăm sóc của ba, chưa hề biết buồn, biết nhớ nhung là gì? Cho đến một hôm khi đi ngủ tôi bỗng thấy bất an, trằn trọc không ngủ được, hình như có cái gì đó thiếu vắng trong căn nhà này? Tôi chợt nhớ ra sáng nay ba đi theo chú A lên Ban Mê Thuột coi vụ làm ăn gì đó trên đồn điền cà phê từ sáng sớm khi tôi đang ngủ. Tôi thức dậy, ăn sáng, rồi đi học, vui chơi với bạn bè như không có gì xảy ra. Nhưng giờ đây trong không gian yên tĩnh của đêm tối, trái tim non nớt nhỏ bé của tôi lần đầu tiên thấy xao xuyến với một cảm xúc khó tả. Tôi thầm gọi, "Ba ơi! con nhớ ba quá!", rồi nước mắt ứa mi! Ba đi tới 3,4 ngày mới về, con cầu nguyện cho ba đi bình an, rồi mau về với con nha ba. Hình như sự vắng mặt của ba mới làm tôi ý thức được rằng: tôi thương ba biết là bao nhiêu. May quá sau lần đó, ba không bao giờ đi xa nhà nữa. Sau này thỉnh thoảng ba vẫn nhắc tôi nhớ ăn cơm nhiều cho mau lớn, (trong khi bây giờ ở Mỹ đa số các bà đều "kiêng ăn cơm") kẻo nhỏ con quá bị bạn bè ăn hiếp, chắc ba lại nhớ lời ông hiệu trưởng năm xưa. Không biết có phải vì sự quan tâm nhắc nhở đó của ba, mà tôi ăn cơm nhiều và mau lớn hơn chăng?

    Năm lên đệ tam, tôi bỗng nhiên "nhổ giò" trổ mã cao lên hẳn chỉ sau mấy tháng hè, làm bạn bè lâu không gặp vô cùng ngạc nhiên:

    - Nhỏ này uống thuốc tiên hả, sao mau lớn quá vậy? Nhìn không ra, bây giờ nhỏ có chiều cao lý tưởng mà đám con gái tụi tao luôn mơ ước à nhen!

    - Đâu có uống thuốc gì! Tại tui giống "gien" của ba tui nên mới cao!

    Như vậy là thắc mắc năm xưa đã có câu trả lời: Ba ơi, con đúng là con gái ba thiệt rồi, con giống ba chứ đâu giống "ông hàng xóm" như má nói! Ba tôi có lẽ giống những người cha Việt Nam khác: ít nói và kiệm lời khen. Hằng năm hay có bão lụt miền trung, tôi theo ban xã hội của trường GL đi lên bộ xã hội phân loại quần áo: đàn ông, đàn bà, con nít...rồi theo nhóm Thanh Sinh Công ôm thùng đi từng nhà xin tiền, xin quần áo cũ về để giúp đồng bào bão lụt miền trung. Không hiểu sao tôi luôn tìm thấy niềm vui trong những công tác từ thiện này. Có khi tôi đi liên tiếp 3,4 ngày, má nói, “Lo đi hoài, không chịu lo học ba biết thế nào cũng bị rầy!” nên tôi luôn canh giờ về nhà trước khi ba về. Một hôm vì công việc nhiều quá, tôi về trễ thấy ba đã ngồi trong nhà, tôi dắt xe vô nhà rồi len lén tính dông ra phía sau. Ai dè ba thấy gọi lại, tôi líu ríu tới gần, khoanh tay cúi đầu đợi nghe ba rầy, nhưng ba ôn tồn nói:

    - Con biết cảm thông và giúp đỡ những người khốn khổ hơn mình là tốt, nhưng nhớ là không được bỏ bê việc học hành.

    Tôi mừng hết lớn “dạ” một tiếng thiệt to, rồi chạy lẹ ra phía sau. Hú vía, tưởng bị rầy, nhưng như vậy là ba khen việc tôi làm từ thiện là "tốt". Cám ơn ba đã "đồng cảm" với con. Tôi thấy ba cũng hay gom góp quần áo cũ trong nhà với ít tiền rồi đạp xe đi thiệt xa, xuống tận Tân Sơn Nhì để giúp những người đồng hương nghèo

    Năm lên đệ nhị ba hứa nếu đậu tú tài 1 điểm cao, ( chắc ba sợ tôi làm bài thi thấy điểm “đủ xài” không thèm kiếm điểm thêm!) ba sẽ mua thưởng xe Velo Solex để đi học năm đệ nhất. Và ba đã giữ lời, cám ơn ba yêu! Thời đó con gái mặc áo dài đi học bằng Velo Solex là “oách” nhất, vì nó vừa nhanh, vừa lịch sự lại trang nhã làm sao. Hình ảnh cô nữ sinh ngồi Velo Solex đến trường vẫn là hình ảnh kỷ niệm đẹp đáng yêu thời đi học đệ nhất Gia Long của tôi.

    Ba luôn khuyến khích và động viên con cái học hành giỏi giang, vì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đời của ba. Vậy mà sau khi đậu tú tài 2, tôi đủ tiêu chuẩn nhận học bổng du học Nhật, nhưng ba không đồng ý cho đi. Tôi vốn ham thích du lịch từ nhỏ, thích khám phá những chân trời mới và được du học là cơ hội tốt nhất để mở rộng kiến thức, mở rộng tầm nhìn nên tôi nài nỉ:

    - Ba ơi, cho con đi du học Nhật nghen ba.

    - Không được con à, làm sao ba có thể yên tâm khi để con gái ba “một thân, một mình” nơi xứ lạ quê người, rồi thời gian học kéo dài 4,5 năm lỡ con yêu rồi lấy chồng ngoại quốc thì ba mất luôn con gái sao? Ở Saigon học đại học cũng được rồi con à! Con không thương ba sao mà đòi đi hoài vậy?

    Ba nói tới đây thì tôi chịu thua, phải nghe lời ba thôi. Vì tôi thương ba nhất trên đời. Ba luôn là điểm tựa của đời tôi. Khi tôi lên đại học, ba nói: "Bây giờ con đủ trưởng thành rồi, ba tin con đã biết suy nghĩ để quyết định mọi chuyện cho đời con. Ba chỉ nhắc nhở con sống sao cho đúng con nhà gia giáo, nề nếp, dù “giấy rách phải giữ lấy lề”, làm gì cũng phải nhớ tới người khác, luôn lấy nhân nghĩa làm đầu.” Những lời dặn dò của ba luôn là "kim chỉ nam" cho cuộc sống tôi sau này. Từ bây giờ tôi sẽ được tự do quyết định chọn học ngành nào mình thích. Tôi chọn học Triết vì qua triết học tôi tìm được nhiều điều rất thú vị, hay vì người tôi ái mộ nhiều nhất lúc đó là "dân triết học"? Sau khi đậu dự bị Triết, bạn bè rủ tôi thi vô Đại Học Sư Phạm. Khi nghe tin tôi đậu vô ĐHSP ba rất hài lòng vì ba quan niệm, “Con gái Việt Nam chỉ có nghề dạy học là phù hợp nhất. Sau này có gia đình tuy ra ngoài xã hội đi làm, nhưng vẫn có giờ chăm sóc, phục vụ chồng con, lại biết cách giáo dục con cái cho tốt.Phụ nữ Việt Nam phải lấy gia đình làm gốc con à!”.

    Về phương diện bạn bè, ba cũng để tôi tự do chọn lựa, ngay cả việc hôn nhân cũng vậy.Tôi thấy thời bây giờ nhiều cha mẹ còn ép con học ngành nghề mình muốn (ở O.C. cách đây mấy năm đã có 1 án mạng đáng tiếc, mẹ ép con trai học Y khoa trong khi anh không muốn và không thích..., rồi xảy ra cãi vã giữa 2 mẹ con, trong lúc nóng giận anh đã bóp cổ để mẹ khỏi nói nhiều, nhưng vì quá tay, mẹ đã chết mà anh không biết!) Ngoài ra cha mẹ cũng hay phản đối quyết liệt chuyện hôn nhân của con khi không đúng ý mình. Những lá thư kêu cứu của các con thường thấy xuất hiện trong các mục tâm tình trên các báo. Như vậy so với thời đó tôi thấy ba tôi quả là rất tiến bộ. Ba đã cho tôi một món quà quý giá nhất trên đời: luôn luôn tin tưởng ở tôi. Cám ơn ba đã cho con gái một thời tuổi trẻ thoải mái, có thể quyết định và tự chịu trách nhiệm mọi chuyện quan trọng cho cuộc đời mình, ngay cả việc "cưới xin"... Ngày đám hỏi của tôi cả nhà đều cực, vì theo tục lệ Việt Nam, đám hỏi nhà gái phải lo hết mọi chuyện từ A-Z, từ việc trang hoàng nhà cửa, mượn bàn ghế, xếp đặt chỗ ngồi cho tới việc dọn tiệc, dẹp tiệc rồi đi trả bàn ghế... Tôi nghĩ ba là người cực nhất, nhưng buổi tối sau khi mọi người về hết, ba nói với tôi:

    - Bữa nay ai cũng cực hết, nhưng người cực nhất là T, người đến sớm nhất và là người về sau cùng. T còn trẻ, khỏe xốc vác nên đảm đương mọi chuyện. Con phải gặp T cám ơn tử tế đàng hoàng mới được. Ba chưa từng thấy người thanh niên nào tốt và cư xử cao thượng như T.

    Tôi nghe ba nói tới chữ "cao thượng" mà giật mình, thì ra tuy không xen vào những quyết định của tôi, nhưng ba vẫn âm thầm lặng lẽ quan sát và biết hết những chuyện chung quanh tôi. Anh T quen tôi từ khi còn học GL, nhưng tính anh người miền nam hiền lành chân thật và ít nói. Anh luôn ân cần chăm sóc và bảo vệ tôi mọi lúc, nhưng không hề nói gì hết..., nên tôi vô tư đón nhận như sự chăm sóc của 1 người anh trai (vì tôi không có anh). Sau này khi trải qua những thăng trầm của cuộc sống tôi mới nhận ra những tình yêu thầm lặng là những tình yêu chân thật “cho đi tuyệt đối mà không hề đòi lại chút xíu nào”. Ngày ấy tôi còn ngây thơ, chưa thể nhận ra được những tình cảm giấu kín phía sau những ân cần. Giá như ngày đó anh T:

    **"Đừng giấu em
    Anh có một trái tim biết khóc
    Một trái tim khao khát vỗ về..."**

    Nhưng thôi, có lẽ mỗi người đều có một số phận đã an bài. Biết đâu đó cũng là điều may, vì người ta thường nói:"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở". Ba ơi! có những lúc con vô tâm, cám ơn ba đã có cái nhìn tinh tế để nhắc nhở con phải cư xử thế nào cho đúng! Ba đúng là "điểm tựa cần thiết" của đời con mọi lúc, mọi nơi. Ba là phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống của con.

  5. #35
    Ba mãi là điểm tựa cần thiết đời con
    Phượng Vũ

    "Ba là bóng mát giữa trời,
    Ba là điểm tựa bên đời của con."

    Biến cố 30/4 đã như đưa tôi từ đỉnh cao xuống vực sâu, sau khi bị cướp sạch sẽ trên đường di tản về Saigon, tôi đã thực sự trở thành “vô sản” chân chính. Tôi bắt đầu một “cuộc sống mới” trong “xã hội mới” (XHCN) với 2 bàn tay trắng để gánh vác cả gia đình nhỏ của mình (nuôi chồng trong tù cải tạo và nuôi con thơ) trên đôi vai mỏng manh. Ba luôn là người “đồng hành” với tôi trong những tháng ngày hoang mang tột cùng, đau khổ tột đỉnh để tôi đủ sức đứng vững trên đôi chân mà bươn chải trong cuộc đời “đổi trắng thay đen” nhiều chông gai, nhiều cạm bẫy để làm tròn “trách nhiệm mới” với gia đình nhỏ của mình. Ngoài giờ đến trường, thời gian còn lại tôi phải lăn lóc giữa chợ đời mà tôi gần như chưa có kinh nghiệm gì, vì nó hoàn toàn đối lập với cuộc sống êm đềm trước kia của tôi. Do đó thành công thì ít mà thất bại thì nhiều và ba luôn là người nâng đỡ tôi, là điểm tựa để tôi tựa vào lấy sức rồi đứng lên đi tiếp. Ba ở nhà trông con cho tôi (sau 30/4, ba bị mất việc luôn), mỗi tối khi tôi về nhà sau 1 ngày “truân chuyên”, ba chỉ cần nhìn nét mặt tôi là ba biết ngày đó tôi buồn hay vui? Ba giống như "người bạn thân" hiểu tôi một cách thấu đáo.Tôi luôn thấy thấp thoáng ánh mắt ba lặng thầm sáng lên niềm vui khi ngày đó tôi may mắn nhưng thường "buồn thì nhiều, vui chẳng có bao nhiêu!" Những lúc thấy tôi buồn, ba luôn ân cần hỏi han để tôi có dịp kể lể nổi niềm đắng cay, rồi sau đó tôi nghe ba thở dài não nuột!, chắc lòng ba cũng tan nát vì thương con gái gian nan. Sau thấy ba già rồi mà cứ buồn sầu từng ngày theo "chuyến xe đời gian khổ" của tôi hoài coi bộ không ổn, tôi bèn học cách “giấu nỗi buồn” của mình.

    Buổi tối khi ngồi ở góc hè phố hay bên lề đường chờ chuyến xe bus cuối cùng để về nhà tôi phải “tự ru” mình qua việc nhớ lại đoạn đời êm ả trước kia: “Tôi đi dạy bằng cyclo tháng, tôi đưa thời khóa biểu cho bác cyclo. Sáng nào tôi đi dạy, sau khi ăn sáng (có người giúp việc chuẩn bị sẵn), thay áo dài, xách cặp ra cửa thì đã có cyclo chờ sẵn đưa tôi đến trường. Hết giờ dạy, đã có cyclo chờ sẵn ở cổng trường đưa về nhà. Về nhà thì cơm nóng, thức ăn ngon đúng ý đã chờ sẵn...”. Giấc mơ về quá khứ này giúp tôi thư giãn, nên khi về nhà chắc nhìn khuôn mặt tôi có vẻ êm đềm, ba vui vẻ hỏi: “Mọi chuyện hôm nay tốt hả con?” - "Dạ, ba!". Tối nào gió thổi nhiều, lạnh lẽo nhìn chiếc áo đang mặc mỏng tang rách vá lưng, vá vai, tôi hồi tưởng lại "Ngày xưa tôi có cả tủ lớn áo dài đẹp, mặc hoài không hết, mấy em nữ sinh mê cô giáo mặc áo dài đẹp đếm áo dài riết không xuể..." Cứ như thế mỗi tối tôi lại có một “giấc mơ xưa” khác nhau, nó giúp tôi tạm quên đi nỗi buồn thực tại và giúp ba cũng đỡ âu lo về tôi...

    Thời gian này gia đình ba má tôi cũng khổ không kém, gần 30/4 cái “chết mất xác” của em trai tôi là một cú sốc quá lớn nên cả nhà như rơi vào cơn mê muội, không thiết làm bất cứ điều gì, ngay cả việc theo giấy mời của đơn vị em tôi đi lãnh tiền tử. Đến khi tỉnh lại thì mọi sự đã muộn màng, tiền tử trận của em tôi không lãnh được mà ngay cả tiền trong nhà băng, tiền công khố phiếu cũng không rút ra kịp, rồi thời buổi xáo trộn má tôi bị giật hụi tùm lum nên cuộc sống cũng tràn đầy khó khăn, không ai giúp đỡ được ai. Má tôi hằng ngày cũng bắt đầu phải bươn chải ra chợ mua bán để kiếm tiền chi tiêu trong nhà và khi cuộc sống quá nhiều cực khổ khó khăn, người ta dễ bực mình, dễ cắng đắng nhau. Mỗi lần buôn bán ế ẩm, má thường hay cắng đắng với tôi đủ chuyện. Tình cảm con người hình như rất mỏng manh, không bền chắc, và rất dễ gãy đổ, từ tình vợ chồng, mẹ con hay anh em, và nghèo đói là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tình cảm. Tôi không trách má, vì tôi biết má cũng quá khổ nên tôi phải nuốt nước mắt vào trong, dằn lòng để nhẫn nhịn. Nhưng ba rất tinh ý, ba hỏi han tôi rồi rầy má, làm tôi sợ không dám tâm sự với ba nữa.Tôi chỉ còn biết lao đầu vào công việc triền miên để quên đi những niềm đau phải giấu kín trong lòng.

    Sau thời gian mong ngóng chồng được thả về trước khi sinh con đã hoàn toàn trở nên vô vọng, tôi sinh con trong lẻ loi. May mà có ba mỗi ngày vẫn đạp xe vô bịnh viện phụ sản thăm con, thăm cháu, nếu không tôi sẽ tủi thân biết là chừng nào khi nhìn các sản phụ chung quanh lúc nào cũng tấp nập người thăm viếng. Khi tôi sinh con được hơn 1 tháng thì nhận được giấy họ gửi về cho địa chỉ để đi gửi quà qua bưu điện cho thân nhân cải tạo. Tôi lo mua quà gói lại cẩn thận sẵn sàng, sáng sớm ngày đi gửi quà tôi lo thức thật sớm cho con bú no rồi pha thêm 1 bình sữa để sẵn phòng hờ. Trước khi đi, tôi chạy lên lầu định dặn khi nào nghe em bé khóc thì nhờ ai chạy xuống coi giùm, tôi gặp ba trên lầu đi xuống quần áo chỉnh tề. Tôi ngạc nhiên vội hỏi

    - Ba đi đâu sớm vậy?

    - Ba đi gửi quà cho chồng con, con mới sinh không được ra sương sớm, nhiễm lạnh rồi về bịnh. Ở nhà lo cho em bé, để ba đi cho.

    Nói xong ba giành lấy gói quà trên tay tôi, rồi dắt xe đạp ra đi khi ngoài trời vẫn còn mờ sương và giá lạnh. Tôi ngồi xuống bậc thang, nhìn ba khuất sau cánh cửa mà lòng bồi hồi tự hỏi: “Ba ơi! Sao ba lúc nào cũng tự nguyện lo cho con hết vậy?” Một niềm thương ba, cảm phục ba dâng lên tràn ngập hồn tôi. Tôi cảm nhận: "Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương". Ba thương con gái rồi thương luôn con rể, thỉnh thoảng ba lại tắc lưỡi: “Tội nghiệp, không biết bây giờ nó ra sao? Tù tội chắc là khổ và đói rét lắm."

    Thời gian sau 75, nhiều người miền Bắc vô Nam nhận họ hàng, nhà tôi cũng được mấy chú bộ đội ghé thăm nhận cháu họ, nghe ba tôi kể có chàng rể đi học tập cải tạo, mấy chú bộ đội bèn hứa sẽ dẫn đi thăm nuôi và có khi còn bảo lãnh cho về. Nghe vậy ba tôi mừng quá hối tôi lo mua đồ để đi thăm nuôi chất 1 giỏ đầy. Tôi định không cho ba đi, vì ba bị trợt chân té gẫy xương phải bó bột, mới tháo ra chưa lành hẳn, bây giờ còn phải đi “cà nhắc”, nhưng ba kiên quyết đòi đi cho được: “Tội nghiệp, có cơ hội thì phải rán lo đi thăm tiếp tế cho nó ít quà để nó mừng con à!”. Thế là ba tôi lên đường đi Tây Ninh theo mấy chú bộ đội để tìm thăm rể.
    Khi trở về nhìn mặt ba sạm đen, tôi ngạc nhiên:

    - Sao con nhớ đã đưa nón cho ba đem theo mà ba lại quên đội để nắng cháy sém da mặt đen thui hết rồi.

    - Đâu phải ba quên đội nón, nó dắt ba đi qua những cánh đồng nắng cháy, những nông trại..., rồi chỉ cho ba thấy đám tù cải tạo đang lao động phía đó. Đông quá làm sao ba nhận ra ai, nên tuy dưới trời nắng gắt, ba cũng phải ráng để đầu trần chậm rãi đi qua đi lại, đi tới đi lui nhiều lần, may ra chồng con thấy ba thì đưa tay ngoắc. Rồi ba mới nói với họ cho phép gặp để đưa quà. Nếu ba đội nón làm sao chồng con thấy mặt ba rõ được?

    Nghe ba giải thích mà tôi nghẹn ngào. Vậy là mấy ngày qua ở xứ Tây Ninh nóng cháy da người, ba tôi chân đau đi cà nhắc mà vẫn phải rán lê lết với đầu trần, đi từ trại cải tạo này qua trại cải tạo khác chỉ với hy vọng nhỏ nhoi may ra rể nhận ra mình để được đưa quà và nhìn thấy mặt. Tôi ứa nước mắt hỏi tiếp:

    -Cực khổ vậy, rồi kết quả ra sao hả ba?

    - Không gặp được con à! Cuối cùng nó bảo gửi giỏ quà lại cổng trại rồi họ sẽ chuyển vào sau.

    - Chắc mình bị họ gạt rồi ba ơi!

    Ba im lặng thở dài, tôi không dám nói nữa sợ ba buồn, vì tình thương con, thương rể ba đã dãi dầu nắng lửa qua mấy ngày rồi. Nhìn chân ba sưng to vì chỗ đau chưa lành hẳn, vì đi bộ nhiều, rồi mặt mũi tay chân ba đen cháy, mắt tôi mờ lệ:

    "Ơn cha, hai tiếng thương yêu vô vàn
    Sẽ không phai tàn, với bao năm trường."

    Ba ơi! từ sâu trong trái tim, con cám ơn cuộc đời đã cho ba là "bóng mát" đời con trong những ngày nắng hạn chói chang. Nếu không có "bóng mát" ấy, chắc là con đã kiệt sức giữa đường! Ba không hoàn hảo, nhưng ba luôn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất.

    Sau này mấy lần được giấy đi thăm nuôi chồng, lần nào ba cũng đòi đi theo: "Cho ba đi để ba đỡ đần cho con, và để ba nhìn mặt nó một chút coi nó gầy ốm ra sao?" Mà thiệt, nếu không có ba, tôi không biết phải xoay sở cách nào với 2 đứa con thơ, lại thêm mấy bao đồ thăm nuôi nữa. Đúng là ba đã "song hành" với tôi trên từng bước đường đời gian khổ. Cám ơn đời đã cho tôi có một người cha trên cả tuyệt vời: "Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha".

    Tình thương ba lai láng tràn từ con gái qua rể, xuống tới mấy đứa cháu ngoại. Ban ngày ngoài việc đi dạy, tôi lúc nào cũng bận rộn “trăm công, ngàn việc”, nên việc lo cho 2 con phần lớn nhờ vào ông ngoại. Ông lo đưa đón cháu đi học, đi nhà thờ, khi cháu đau ốm, nếu mẹ bận, ông đưa cháu đi bác sĩ, đi bịnh viện..., rồi ông còn nhường cả phần thịt ít ỏi của mình cho cháu. Sau 75 thực phẩm đắt đỏ, hiếm hoi, cái gì cũng vô tem phiếu. Cả tháng mỗi hộ mới mua được một miếng thịt nhỏ, đem về phải cắt nhỏ ra kho, rồi đếm miếng chia phần... Mỗi lần ba được má chia cho vài miếng thịt nhỏ, ba giả bộ ăn, rồi vùi trong chén cơm giấu đem ra cho cháu. Tôi ngồi đút cơm cho 2 con ăn trước nhà, để tránh ba nhường phần ăn cho cháu. Vậy mà ba cũng giấm giúi đem ra đưa, tôi cương quyết từ chối, ba nài nỉ: “Ba già rồi, ba không cần lớn, tụi nhỏ cần chất thịt để lớn con à!" Nhưng tôi nhất định không chịu, bí quá ba bèn xoay qua bảo 2 đứa nhỏ: “Há miệng ra! ông cho cái này" Vậy là tụi nhỏ há miệng lẹ... rồi ăn ngon lành, tôi không bịt miệng 2 con kịp. Ba ơi! con chịu thua ba luôn.

    Mới đây khi đi mua đồ chơi cho sinh nhật của cháu ngoại, bỗng nhiên con gái Út buột miệng nói: “Lâu lắm rồi, nhưng nhớ lại con thấy thương ông ngoại ghê! Hồi đó sáng nào mẹ đi dạy, một mình con ở trong căn nhà lớn, rộng nên con sợ, ông ngoại qua chơi với con. Suốt buổi sáng con bắt ông ngoại chơi bán hàng, mua hàng rồi phải giả bộ ăn bao nhiêu món đồ ăn con bày ra bán, vậy mà ông ngoại cũng kiên nhẫn “spend time” với con và chiều theo ý con!” Ba ơi, ba luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng con cháu và hình ảnh đẹp ấy trường tồn với thời gian. Cả cuộc đời ba là bài học sống động về tình yêu thương, về sự hy sinh quên mình để nghĩ tới người khác, để làm vui lòng người khác Con đã học từ ba rất nhiều bài học về sự đồng cảm với nỗi khổ của người chung quanh, bài học san sẻ những gì mình có dù là ít ỏi, chứ không phải đợi có dư mới cho... Ba ơi! ba là “Người Thầy” vĩ đại của con về “Tình Người”, ba nắm tay dẫn con đi trên con đường nở đầy hoa “yêu thương” với những đồng cỏ “cảm thông” để từ đó con biết học:

    ''Cửa sổ tâm hồn '' trải rộng
    Rồi thương nỗi khổ tha nhân..."

    Sau này cuộc sống ổn định hơn, chồng tôi được thả về, làm việc ở BV rồi sau mở phòng tư, kinh tế khá dần lên, tôi mua nhà ở khu gần nhà ba má để dễ dàng chạy qua, chạy lại thăm nom. Nhất là khi nấu những món gì ngon, tôi mang qua cho ba má, đối với tôi đó cũng là niềm vui. Nhưng tính ba lúc nào cũng vậy, khi tôi mang sang thức ăn còn nóng, mời ba thì ba luôn muốn nhường cho má những thức ăn ngon (dù biết tính ba tôi luôn mang 2 phần). Ba vẫn thích đợi cho má ăn sáng, ăn chiều chán chê rồi ba mới ăn phần dư còn lại. Sao khổ quá vậy ba? Nhường phần ăn ngon cho chồng con là đặc trưng của phụ nữ VN, mỗi lần làm gà, vịt, thức ăn tôi luôn để phần ngon nhất cho ba má, chồng con trước; nhưng ở đây ngược lại ba luôn nhường má những phần ngon nhất, và để người ăn khỏi áy náy ba luôn đưa ra nhiều lý do khác nhau: khi thì đầy bụng, khi thì còn no, khi thì không thích, khi thì má thích món này... Chị em tôi rành tính ba, nhưng không biết làm sao thay đổi. Đôi khi chị em tôi nói đùa:

    - Ba cứ nhường đồ ăn ngon cho má hoài nên ba ăn ít. Do đó ba ít bệnh, khỏe mạnh sống lâu hơn má, dù má trẻ hơn ba nhiều.

    Nói tới vụ sức khỏe của ba, tôi nhớ lại có lần ba bị viêm phổi nặng hôn mê phải chở vô bịnh viện A.B. cấp cứu. May là ông xã tôi làm T. K. ở bịnh viện này, nên bịnh viện dành mọi ưu tiên và chăm sóc đặc biệt cho ba. Những ngày đó tôi như rơi vào cơn khủng hoảng, tôi đi nhà thờ mỗi ngày khóc năn nỉ Chúa: "Chúa ơi! Con chưa kịp trả hiếu cho ba đầy đủ, Chúa cho ba con sống thêm 10 năm nữa để con trả hiếu, rồi Chúa bắt con giảm thọ gấp đôi con cũng chịu, hoặc Chúa bắt con phải khổ bao nhiêu để bù lại con cũng đồng ý..." Không biết vì Chúa thấy tôi van xin quá thành khẩn nên nhậm lời hay vì các BS của bịnh viện A.B hết lòng cứu chữa mà ba tôi được hồi phục. Sau lần “thoát tử” đó ba bắt đầu chú ý đến việc tập thể dục thường xuyên, mỗi sáng ba đều tập Tài chí, từ đó ba khỏe ra, ít đau ốm. Ba luôn khuyến khích mọi người tập thể dục để có sức khỏe tốt.

    Ba không chỉ là một người cha tuyệt vời mà còn là một người chồng đáng quý! Sau này về già má tôi hay bịnh rề rề, nhưng ba luôn ân cần chăm sóc má từ ly nước tới tô cháo... Những lần ở Mỹ về thăm nhà tôi chứng kiến cảnh: Ban đêm má nằm trong phòng riêng, má bị đau nhức bàn chân, mỗi lần má rên khẽ: “Ông ơi! đau quá!" là ba tôi lập tức thức dậy chạy vô phòng: "Bà đau ở đâu? Để tôi bóp chân cho bà đỡ đau.” Rồi ba kiên nhẫn ngồi thoa bóp chân cho má cả buổi, tới khi má ngủ lại, ba mới rời phòng về giường mình. Cảnh đó tái diễn một đêm mấy lần và ba vẫn cứ lồm cồm ngồi dậy, chạy tới chạy lui mà không một lời than phiền nào. Tôi thầm phục ba sát đất, ba quả là một người đàn ông tuyệt vời! Ba đã “gỡ điểm” giùm rất nhiều cho “cánh mày râu” dưới mắt tôi. Nhìn cảnh đó, tôi ước chi khi cuối đời tôi đau ốm cũng có được 1 người quan tâm chăm sóc, dù chỉ bằng nửa ba là tôi cũng đủ mãn nguyện. Nhưng có lẽ đó chỉ là "giấc mơ trong đời", vì ở thời đại bây giờ những người đàn ông chung thủy, tình nghĩa, tận tụy với vợ, chăm sóc vợ ốm đau cho đến cuối đời như ba hình như đã bị tuyệt chủng rồi! Tôi thương má đau nhức bàn chân, nhưng tôi cũng xót ba vất vả cả đêm. Sau tôi phải vào phòng nói với má:

    - Má ơi! má đau nhức là từ bên trong cơ thể, má cần đổi thuốc, đổi BS ngày mai con sẽ đưa má đi. Má chịu khó nhịn đau một chút, nếu má cần bóp chân, má gọi con, con sẽ bóp chân cho má, làm ơn đừng kêu ba nữa. Tội nghiệp ba già rồi, một đêm má gọi mấy lần làm sao ba ngủ được?

    Sau lần tôi "góp ý" đó, má không gọi ba nữa. Mãi sau này có lúc bị đau nhức vai không gõ được computer. Nhớ lại, tôi chợt áy náy, có lẽ ngày xưa tôi đã không hiểu hết nỗi đau nhức của má chăng? Con xin lỗi má nếu con đã “góp ý” sai.

    Sau khi má mất, tôi về thăm ba thường xuyên hơn. Mấy năm sau tôi làm lễ thượng thọ 90 cho ba thấy ba vui, hài lòng vì nhìn thấy con cháu về thăm ông đầy đủ. Đặc biệt khi đến cảnh con, cháu tụ họp đầy đủ chung quanh, dâng lên ba bó hoa tươi rồi tất cả cùng nhau hát bài “Cầu cho Cha Mẹ” trong tâm tình xúc động biết ơn, tôi hát mà lòng thấy rưng rưng:

    "Xin Chúa chúc lành cho đời cha mẹ của con
    Công ơn là như núi non
    Dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn...
    Mai con lớn lên rồi ra đi tung cánh trong đời
    Dù xa vô bờ vẫn nhớ đến tình mẹ cha."

    Tôi thấy mắt ba cũng rơm rớm vì cảm động, không phải chỉ riêng nhà tôi cảm động mà tất cả những người tham dự bữa tiệc đó đều cảm động. Một số bạn tôi thấy đây là một ý kiến quá hay để làm vui lòng cha mẹ già, nên sau đó họ về nhà áp dụng và quả là ba má họ cũng rất vui và cảm động. Tôi mừng vì đã làm tất cả những gì có thể làm được để ba vui. Nhưng tiếc là tôi không có phép màu để níu lại thời gian, ba mỗi ngày một yếu đi. Lần cuối tôi về thăm ba, khi đi, ôm ba trong tay tôi thấy ba gầy đi nhiều quá, ba chợt nói:

    - Có lẽ đây là lần cuối cha con mình gặp nhau con à!

    Tôi lắc đầu, nuốt nước mắt vào trong, ôm chặt ba trong vòng tay:

    - Không, ba đừng nói vậy, chắc chắn con sẽ về gặp ba lần nữa trước khi... Tôi không đủ can đảm nói tiếp rồi cắm đầu cắm cổ chạy ra xe đi phi trường đã đợi sẵn, nếu không tôi sẽ không đành lòng ra đi.

    Trở lại Mỹ tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhà, sức khỏe ba vẫn yếu nhưng không có gì thay đổi. Tôi chuẩn bị mọi thứ để khi cần tôi có thể bay về Việt Nam ngay. Sau kiểm tra lại passport tôi thấy thời gian hiệu lực còn 9 tháng mà bay về VN passport phải còn hiệu lực trên 6 tháng, nên để chắc ăn, tôi lo renew passport. Khi còn 1 tuần nữa tôi sẽ nhận được passport mới, một chiều thứ 6 ở trường về tôi nhận được tin ba mất! Tôi không khóc được nhưng lòng quặn thắt, đúng là "Trẻ tạo hóa đanh hanh quá ngán!" Sao ông trời không cho ba đợi tôi thêm 1 tuần nữa? Tôi điện thoại về VN mới biết thực ra ba đã vào nhà thương gần 1 tuần nay, nhưng dặn nhà giấu tôi, vì sợ tôi bay đi bay về hoài tốn tiền, rồi ảnh hưởng tới công việc làm. Nhưng chị tôi kể ngày cuối cùng ba cứ ngó mông ra cửa, chắc ba đợi em về. Ba ơi! Sao ba nỡ giấu con hả ba? Sao đến lúc gần chết rồi ba vẫn còn nghĩ và lo cho con vậy ba? Giống như bao lần về chơi, tôi muốn đưa ba đi chơi du thuyền trên sông Saigon, ba cứ lo “tốn tiền vì con cũng còn khó khăn”. Sau tôi phải nói với ba "con có bạn quen làm trên đó, không tốn tiền" ba mới chịu đi.

    Khi nhìn toàn cảnh Saigon ban đêm với du thuyền di chuyển trên sông ba rất thích thú! Từ đó tôi bắt đầu có "bạn quen" làm đủ các nơi để tôi đưa ba đi chơi mà ba khỏi áy náy... Sáng thứ Bảy tôi chạy khắp các agency, bằng lòng chi trả bất cứ giá nào cho thủ tục khẩn cấp để tôi có thể bay về VN, nhưng cuối tuần các VP chính phủ đóng cửa. Các agency đều trả lời không có passport thì chịu thua, không thể lên máy bay. Không biết có phải vì lời ba má năm xưa nói với tôi: "...Sau này vì ở xa mà không gặp ba má lúc ra đi thì con cũng không nên áy náy làm gì, ba má hiểu lòng con." Đó có phải là lời tiên đoán và nó vận vào người tôi mà sao lần nào tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng nhưng cuối cùng vẫn không về được. Lần trước với má cũng vậy, lần này nếu tôi không lo xa, chuẩn bị kỹ quá đi renew passport thì đâu có sao! Tôi nghiệm ra mọi việc trên đời đều có số "nhất thực, nhất ẩm giai do tiền định" không làm sao cãi được số!? Chiều thứ Bảy cả gia đình tôi đi nhà thờ làm lễ phát tang cho ba. Hình ảnh tôi và cả nhà đeo khăn tang được gửi về Saigon, phóng to đặt cạnh áo quan ba. "Ba ơi hình con và cả hồn con nữa đều đang ở cạnh ba, chỉ còn cái xác "vật vờ" này là ở phương trời xa không về bên ba được mà thôi!"

    Cả đêm không ngủ, sáng Chúa Nhật tôi đờ đẫn như người mất hồn. Tôi không cần ai an ủi, tôi thông suốt mọi lý lẽ: Có sinh phải có tử, ba đã thọ trên 90 tuổi, mất không có gì oan uổng, ba ra đi cũng êm đềm... Tôi vẫn nhớ lời tôi khóc nài nỉ với Chúa năm xưa “cho ba con sống thêm 10 năm nữa”. Thời hạn 10 năm đã qua lâu rồi, Chúa đã cho nhiều hơn lời tôi xin...nhưng sao lòng tôi đau quá, trái tim tôi như muốn hóa đá. Sao không cho tôi thực hiện lời hứa trở về với ba trước khi chia tay ba lần rồi? Chẳng lẽ từ giờ trở đi con không còn bao giờ được nhìn thấy ba nữa sao? Những gì con lo nhất, sợ nhất đã đến thực rồi sao? Ba ơi! Ba là điểm tựa đời con, bây giờ ba bỏ con đi luôn, mai kia những lúc con cần con biết tựa vào ai hả ba? Tôi cứ lan man với bao nhiêu vương vấn trong đầu như người rơi vào cơn mê muội, lúc này thần trí tôi như đang bềnh bồng trong một cõi mơ hồ vô ý thức... Ông xã tôi thấy vậy sợ quá bèn đề nghị đưa tôi đi chơi xa cho đầu óc thoáng. Lần đầu tiên chàng tự động đề nghị đưa tôi đi chơi, tôi gật đầu như cái máy. Tôi cần đi, đi đâu cũng được, càng xa càng tốt, đi tới chân trời góc biển nào đó. Vậy là chúng tôi lên đường ngay mà không cần chuẩn bị gì cả.

    Xe cứ phom phom trên xa lộ, chỗ nào có view point, chúng tôi xuống xe ngắm cảnh trời mây non nước, rồi lên xe đi tiếp. Thiên nhiên bao la, gió thổi dạt dào như hòa tan nỗi buồn ứ đọng trong tôi. Chúng tôi lang thang xuống San Diego, khi thì tản bộ lên núi, lúc xuống biển đếm sóng vổ bờ.Tôi cảm thấy San Diego là thành phố hữu tình nhất CA vì có "biển một bên và núi một bên". Có lẽ thiên nhiên xinh đẹp quyến rũ hồn tôi, nhất là hoàng hôn trên biển tuyệt vời đã làm tan loãng nỗi sầu chất ngất trong tôi, làm mềm trái tim hóa đá của tôi. Nhìn biển cả mênh mông đang chìm dần vào bóng tối, tôi quay lại nói chàng đi book hotel, còn tôi muốn ở lại một mình với biển. Ngồi xuống bãi biển, vốc một nắm cát biển trên tay, nhìn cát biển rỉ rả chảy theo kẻ tay, tôi mới chợt ngộ ra, tôi không thể giữ ba lại mãi mãi bên tôi:

    "Làm sao giữ lại điều không thể..
    Cát biển tuôn dần qua kẽ tay"

    Nhìn biển cả mênh mông như tình thương của ba, dù ba đã yên giấc ngàn thu, nhưng tình thương đó vẫn còn ở lại trong tôi mãi mãi. Nó khiến tôi chợt nhớ tới một loài chim gắn liền với biển: chim cánh cụt và hình ảnh cảm động của chú chim cánh cụt đực đứng ấp trứng trong 60 ngày liền dù trời mưa gió giông bão. Nó không ăn uống gì và chỉ rời vị trí khi chim con ra khỏi trứng. Biển ơi! Gió ơi! hãy đưa những lời tâm tình của tôi với ba về bên kia bờ Thái Bình Dương giùm nha, lúc này tim mềm và nước mắt tôi mới vở òa ra được, tôi nức nở nói với ba lần cuối:

    "Ba ơi, cả đời ba chắc chưa từng đọc một bài thơ, nhưng đối với con tâm hồn ba là một bài thơ "thương yêu" tuyệt vời. Con học được nhiều bài học lớn về yêu thương, về hy sinh quên mình để nghĩ tới người khác...từ ba, nhờ đó mà tâm hồn con biết nhạy cảm hơn với nỗi đau của người chung quanh, biết chia sẻ dù còn khó khăn. Con sẽ nhận chữ "Tâm" của ba để sống đời bình yên. Con luôn luôn tự hào được là con gái ba. Ba đã là điểm tựa đời con những khi giông tố bão bùng, ba đã giúp con mạnh mẽ vượt qua giông gió cuộc đời, sẵn sàng đương đầu với nghịch cảnh mà không hề nao núng, con thực tâm rất biết ơn ba về điều đó. Làm sao con quên được những tháng ngày ba là bóng mát che chở đời con, ngay cả lúc con xa xứ ba vẫn luôn dõi theo bước chân con "sợ đứa con xa xứ nhọc nhằn", lo cho đời con bao nhiêu "trắc trở" vây quanh. Ôi! biển đêm đẹp tĩnh lặng và bao la như tâm hồn ba giản dị, khiêm tốn, nhưng chan chứa tình thương con vô bờ, như biển lớn chứa trong lòng con ốc nhỏ..."

    Tôi đứng dậy đi gần hơn về phía biển, muốn hét thật to át cả tiếng sóng đang ào ạt xô vào bờ, cho biển nghe, mọi người nghe và nhất là ba yêu thương vô vàn của con biết rằng:

    "Trong tim con vĩ đại nhất trên đời
    Là Ba đó không ngoài ai, duy nhất"
    Last edited by chieclavotinh; 11-05-2017 at 02:31 AM.

  6. #36
    Chăm Sóc Cha Mẹ Già
    Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

    Đang ngồi họp, Vân được cho hay có điện thoại khẩn cấp. Chị vội đứng lên, về phòng. Bà hàng xóm nơi mẹ Vân đang ở, cho hay bà cụ vừa được đưa vào nhà thương. Bà cụ té ngã.

    Vân vào cáo lỗi với ông chủ rồi xuống lấy xe lái vào bệnh viện thăm mẹ.

    Trên đường đi, nàng dùng điện thoại di động báo cho Huân, chồng nàng hay. Huân hiện đang đi công tác ở miền Trung nước Mỹ, tuần sau mới về. Rồi suốt mười lăm phút lái xe, nàng suy nghĩ mung lung, với nhiều lo âu, bối rối. Sự việc mà nàng hằng nghĩ trước sau gì cũng xẩy ra, thì bây giờ nó đã đến, hơi sớm một chút.

    Sau khi ba Vân mất cách đây dăm năm, mẹ Vân dọn về ở với vợ chồng nàng. Rồi sau một thời kỳ thích nghi với hoàn cảnh mới, nếp sống mới của người góa phụ, bà cụ dọn ra ở riêng.

    Cụ tới khu người già trong khuôn viên chùa Linh Sơn. Cụ nói lên đây ở để đi lễ bái cho gần, lại có mấy cụ già quanh quẩn với nhau cho vui. Nhất là có hai người bạn học từ thuở xưa ở Hải Phòng, mà họ thường hay liên lạc chuyện trò.

    Khu người già được lập ra từ hơn mười năm, có 40 phòng, dành cho các cụ độc thân, còn đủ sức khỏe, đi lại được, còn tự chăm sóc nấu ăn, giặt giũ. Các cụ sống hợp quần với nhau rất vui. Ngày ngày các cụ lên Chùa lễ bái, tụng kinh rồi làm công quả. Lâu lâu nhà Chùa tổ chức đi thăm viếng đây đó hoặc đi lễ hội Chùa tại thành phố khác. Đôi khi trời mưa, các cụ ở nhà rủ nhau làm vài hội chắn hoặc bài cào để tiêu khiển giải trí.

    Nhưng từ trong thâm tâm thì cụ không muốn phiền con cháu quá lâu. Từ trước tới nay cụ là người rất hoạt động, phải nói là đảm đang nữa. Cùng chồng, cụ đã đôn đáo tìm đường thoát khỏi Sài Gòn vào biến cố 1975, rồi nuôi nấng, gây dựng cho sáu mặt con từ khi còn ở trong nước tới khi sang Hoa Kỳ hơn ba chục năm nay. Cháu nội ngoai các cụ có hơn một tá.

    Mọi việc xuôi sẻ cho đến ngày hôm nay.

    Thực ra thì từ năm ngoái, cụ đã không được khỏe lắm. Huyết áp lên cao, các khớp xương thì mỗi khi trái gió, trở trời là đau nhức, khiến cụ mất ngủ. Có đêm, cụ chỉ ngủ được có vài ba giờ, nên ban ngày mệt và hay kêu chóng mặt, nhức đầu.

    Cách đây ba tuần cụ phải nằm bệnh viện mất mươi ngày vì sưng phổi. Sau khi xuất viện, vợ chồng Vân muốn mời cụ về ở chung một thời gian cho khỏe nhưng cụ một mực từ chối, nói không sao. Vân đã cho anh chị em biết về tình trạng sức khỏe của cụ và mọi người dự định là tháng tới sẽ về để cùng thảo luận coi xem nên làm gì.

    Tới bệnh viện, Vân được cô y tá cho hay tự sự.

    Số là sáng nay, mấy ông bà hàng xóm sang rủ cụ lên Chùa tụng niệm, như lệ thường. Gõ cửa không có tiếng trả lời, một lão ông bèn đẩy cửa bước vào và thấy mẹ Vân nằm song soài dưới đất, cạnh bàn điện thoại, nét mặt nhăn nhó. Cụ sửa soạn lên Chùa thì bị một cơn chóng mặt, xỉu đi và ngã xuống nền nhà. Cụ cố với tay tới điện thoai để kêu cứu, nhưng đau quá, không lết thêm được.

    Bác sĩ đã khám, chụp hình thì thấy cụ bị gẫy xương hông. Cụ hiện đang nằm trong phòng cấp cứu. Bác sĩ chờ thân nhân tới để thảo luận vì cụ cần được giải phẫu.

    Vân vào phòng, thấy mẹ nằm thiu thiu mà nước mắt trào ra. Da mặt bà cụ xanh nhợt, vẫn còn phảng phất nét đau đớn. Vân nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, để mẹ tiếp tục ngủ. Nhìn mẹ mà lòng Vân bối rối. Cả trăm vấn đề hiện lên trong đầu Vân. Sau giải phẫu, mẹ sẽ ra sao? Liệu có đi lại được không? Huyết áp cao, bệnh phong thấp hoành hành, lại mất ngủ thì sức khỏe chắc là phải sa sút.

    Mấy tháng trước, khi vợ chồng Vân đến thăm, thấy cụ cứ than là ăn không ngon miệng, nên đôi khi chẳng thèm nấu cơm, mà chỉ uống ly sữa, ăn miếng bánh khô cho khỏi đói bụng. Coi tủ lạnh, Vân thấy mấy món ăn thiu đã lên men. Vào buồng tắm thấy nước vặn bỏ quên không khóa. Vợ chồng Vân đã lo ngại...

    Rồi Vân nghĩ tới hoàn cảnh của mình.

    Trong sáu người con, Vân là người duy nhất ở gần mẹ. Mà bà cụ vẫn có cảm tình đặc biệt với Vân, nên trước sau cụ vẫn nói là mai mốt nếu cần “tao chỉ ở với vợ chồng con Vân thôi. Nó bướng bỉnh nhưng có lòng”.

    Vợ chồng Vân được hai trai một gái đã vào đại học nên cũng nhẹ gánh. Vân mới được lên chức và trong tương lai gần, sở sẽ cho nàng đi học thêm để lấy bằng chuyên môn. Vân đã sắp xếp như vậy cho mình. Chồng nàng thì cứ vài tháng phải đi công tác xa mươi ngày.

    Bây giờ, cơ sự sẩy ra như thế này, mọi dự tính của Vân đều phải xét lại. Để chờ cụ giải phẫu xong rồi tuần sau anh chị em về sẽ tính. Nhưng Vân có linh tính rằng nàng sẽ là người đứng mũi chịu sào. Mẹ mình vẫn muốn vậy, nàng tự nhủ.

    Bà cụ chợt tỉnh giấc, mở mắt. Nhìn thấy Vân, Cụ gượng cười. Và trong đôi mắt của mẹ, Vân đọc thấy những nét thất vọng, sợ hãi, chịu thua...

    Trường hợp của chị Vân là một trong cả trăm ngàn trường hợp tương tự.

    Tuổi thọ con người kéo dài lâu hơn, tới 75, 80 là chuyện thường. Chứ không “Thất thập cổ lai hy” như vào thế kỷ trước. Số những người cao tuổi mỗi ngày mỗi gia tăng. Sức khỏe người già có khá hơn nhờ các cụ biết giữ gìn nếp sống cũng như được cung cấp dịch vụ y tế, thuốc men đầy đủ.

    Nhưng một cơ thể lâu đời vẫn có những thay đổi tự nhiên theo chiều đi xuống cộng thêm những bệnh kinh niên, những tai nạn bất ngờ, với hồi phục chậm chạp. Biết bao nhiêu mất mát đã chồng chất lên niên kỷ, những xói mòn làm mong manh thân xác.

    Dù vậy nhiều người già vẫn gắng gượng tự lo, chưa muốn phụ thuộc vào các con. Họ cũng có những kiêu hãnh riêng tư, những niềm tự trọng, đôi khi cũng chỉ e ngại “cảnh cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày ”. Nhưng sức gắng gượng chỉ có hạn, rồi một ngày nào đó cũng yếu đi. Như căn nhà tranh vách đất trước gió bão, cần được chống đỡ.

    Và cũng là lúc con cái phải suy nghĩ, xem ai sẽ là người lãnh trách nhiệm. Chắc phải là người có thiện chí, có điều kiện, khả năng và hoàn cảnh thuận tiện.

    Phục vụ thân nhân cao tuổi là một vinh dự cho con cái đồng thời cũng là vấn đề quan trọng của nhiều xã hội hiện nay. Tại Hoa Kỳ hiện nay có tới cả 40 triệu người cung cấp chăm sóc không lương cho cha mẹ già. Sự chăm sóc này ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều lãnh vực khác. Sẽ có nhiều người vắng mặt ở sở hoặc đi làm trễ; sẽ có dùng nhiều điên thoại để lấy hẹn bác sĩ, gọi mua thuốc. Nhiều nhân viên tới sở than phiền mỏi mệt mất ngủ. Tai nạn tại chỗ dễ sẩy ra. Thay đổi việc làm nhiều hơn. Và số người bị trầm cảm, đau ốm sẽ gia tăng.

    Trong thực tế thì có rất ít gia đình đã sửa soạn để sẵn sàng giải quyết việc chăm sóc cha mẹ khi về già. Nhiều việc xẩy đến bất thường, đòi hỏi có quyết định ngay.

    Ông bố đang có sức khỏe tốt, đột nhiên bị tai biến não, liệt nửa thân, nằm bất động cần giúp đỡ với nhu cầu căn bản, thiết yếu hàng ngày: ăn uống, tắm rửa, đại tiểu tiện, cho uống thuốc...

    Con dâu đang vừa đi làm vừa trông nom bà mẹ chồng, giờ đây con dâu cũng thường đau ốm. Ai là người sẽ lãnh trách nhiệm săn sóc ông bố? Ai sẽ tiếp tay với mình trông nom mẹ chồng?

    Theo kinh nghiệm thì dù có nhiều anh chị em, nhưng trách nhiệm chăm sóc không đồng đều chia sẻ khi bố mẹ cần. Có thể là người con gái lớn với cả một bầy con hoặc cô út chưa đi ở riêng, hoặc nàng dâu nhà ở gần bố mẹ. Đôi khi là cậu con trai cưng. Nhưng thường ra thì chỉ có một người đóng vai chính, thường xuyên.

    Nói như vậy không có nghĩa lã không có chia sẻ về tài chánh, về công việc chăm sóc mà qua người này mọi việc được giáo phó, phối hợp và thông báo cho người khác khi cần. Một tiểu gia đình cộng thêm hai cụ thân sinh. Thế hệ người chăm nuôi được ví như thế hệ của một chiếc “ bánh mì kẹp chả”, với trách nhiệm làm cha mẹ, bổn phận làm con và đời sống riêng tư của mình.

    Nói đến người săn sóc thường thường là ta nghĩ đến vai trò của người phụ nữ: con gái, con dâu, chị em, cháu. Theo kết quả thăm dò tại Hoa Kỳ, cứ 10 người chăm sóc thì 6 người là con gái hoặc con dâu. Cũng chẳng ai hiểu tại sao. Có lẽ đó là thiên chức của họ sinh ra với những nét dịu dàng, nhậy cảm, những quan tâm, linh động, nhất là đức tính hy sinh, nhẫn nại, thông cảm để chăm sóc chồng con, bố mẹ. Điều đó cũng đúng vì việc tề gia nội trợ, việc chăm sóc nâng niu thì cũng hiếm đàn ông làm hơn quý bà được.

    Cho nên khi một bà cụ khoe “tôi ở với con trai” thì thực ra phải hiểu là bà cụ đang ở với con dâu mới công bằng, chính xác. Đàn ông cũng làm được công việc đó nhưng tổng quát hơn, sắp đặt nhiều hơn là đi vào chi tiết. Mà những chi tiết mới là điều mà người phụ thuộc cần và quan trọng đối với họ.

    Người đàn bà có chín tháng mười ngày sửa soạn để đón chào đứa con ra đời, nhưng họ không có một phần mười thời gian đó để sẵn sàng cho trách nhiệm nuôi cha nuôi mẹ.Vì sự việc xẩy ra không lường trước.

    Vả lại, nuôi con là thấy mỗi ngày chúng vươn ra khỏi vòng phụ thuộc, còn nuôi bố mẹ già thì nhu cầu giúp đỡ mỗi ngày mỗi tăng, mỗi đi sâu vào sự lệ thuộc. Nhiều người như bơi lội quay cuồng trong vai trò mới của mình. Kinh nghiệm chưa có, làm sao học được cách thức điều dưỡng trong vài ngày. Tài chánh giới hạn. Sức khỏe kém. Công việc trở ngại. Ngoài việc làm kiếm gạo, mỗi ngày cũng phải dành ra vài giờ cho việc săn sóc. Họ cảm thấy cô đơn, buồn chán, nhiều khi bực bội, bất mãn, tuyệt vọng. Không còn riêng tư cho mình. Tương lai như ngưng lại. Họ mủi lòng cho người thân, người mà bạn đường đã sớm bỏ ra đi, sức khỏe đang hao mòn và biết rằng đang là gánh nặng cho con cháu.

    Tình nghĩa gia đình, lòng hiếu thảo, mặc cảm chịu ơn là những hỗ trợ để người chăm sóc tiếp tục. Họ nghĩ là có bổn phận phải chăm sóc cha mẹ như cha mẹ đã nuôi nấng, trìu mến họ.

    Tuy nhiên dù có cứng nhưng cũng có ngày ngả nghiêng trước gió táp. Những chia xẻ trách nhiệm, những giúp đỡ từ anh chị em, thân nhân đã tới lúc cần có vì việc chăm sóc là trách nhiệm chung của cả gia đình.

    Thường thì một người tình nguyện chăm sóc thường xuyên. Còn người khác phụ giúp khi được yêu cầu hay khi có cơ hội thuận tiện. Sắp xếp sao để tránh khỏi một người bị kiệt sức. Hoặc đưa tới bất hòa giữa anh chị em. Một người mẹ có thể chăm sóc cả bầy con mười đứa, nhưng khi cha mẹ già thì mười đứa con không chăm sóc được một mẹ. Kể cũng éo le, tội nghiệp.

    Sau một thời gian cố gắng, người chăm nom bắt đầu có những dấu hiệu khó khăn. Đôi khi họ cố tình gạt bỏ những nhu cầu riêng, quên những đau ốm cá nhân để lo cho người thân yêu. Có người từ chối sự tiếp tay của anh chị em hoặc bạn bè, nhóm hội. Họ cứ nghĩ có đủ sức làm mọi việc và nếu nhận sự tiếp tay là thú nhận thất bại, kém khả năng. Có người cho là chỉ có mình mới chăm sóc chu đáo, không tin ở người khác.

    Để rồi kiệt sức, ngã bệnh. Thử tưởng tượng một người không có sức khỏe dồi dào, săn sóc một người không khỏe lắm, thì chắc kết quả cũng chẳng được mấy hoàn hảo, như ý muốn của đôi bên.

    Theo mấy ông bà thống kê thì người cống hiến chăm sóc bị cao huyết áp gấp đôi người khác, 91% bị trầm cảm, bốn lần bực bội, cau có hơn người nhận. Họ bất mãn vì đã cố gắng hết mình mà tình trạng người thân mỗi ngày mỗi suy kém, nên họ phải cố gắng hơn trong việc chăm sóc. Họ có cảm tưởng như mình là người duy nhất có thể trông nom chu đáo được cho người thân, luôn luôn e ngại rằng sự săn sóc của anh chị em sẽ làm cha mẹ già suy yếu hơn.

    Đôi khi họ thấy không có được một thì giờ dành cho mình, một chút riêng tư với chồng con. Rồi tính tình thay đổi, hay cau có, bực tức, giận dỗi vu vơ; cảm thấy khó chịu với người mình đang trông nom, đã chẳng chịu hợp tác lại còn bướng bỉnh, đòi hỏi.

    Lâu lâu họ thấy trong người mệt mỏi, ngủ không được. Nhiều sáng họ sợ không dám thức dậy, sợ phải đương đầu với những thường lệ mỗi ngày lại diễn ra.

    Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc cũng gây trở ngại cho công việc làm ăn, cho đời sống giao tế hàng ngày. Và đôi khi họ không còn thấy vui vẻ kiêu hãnh về trách nhiệm của mình, hoặc cảm thấy tội lỗi về những ý nghĩ không tốt của mình đối với người thân.

    Rồi một lúc nào đó ngã bệnh, buông xuôi...

    ...Để tiếp tục chăm lo cho mẹ, Vân đã dành cho bản thân chị một vài chăm sóc, nhân nhượng. Vân đã như nghe thấy từng thớ thịt kêu gào với Vân, “cho tôi nghỉ chút xíu chứ, bạn đã sử dụng quá sức lao động của tôi để phục vụ bà cụ rồi đó”!

    Vân đã sẵn sàng, dễ dãi tiếp nhận sự giúp đỡ của anh chị em.

    Cô Lan ơi, tuần sau lên đón mẹ về với em, đỡ hộ chị mươi ngày nhé, anh chị định đi xả hơi ngoài biển.

    Anh Hoan ơi, bác sĩ nói mẹ cần uống thêm sữa đậu nành, hay là anh nói với chị làm hộ em mỗi tuần vài lít nhé.

    Chị đã xen kẽ xả hơi và chăm sóc để duy trì sinh lực, lấy lại nhiệt tâm. Dạo này Vân để ý đến ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hơn. Ngày nào chị cũng dành 15 phút để vận động cơ thể.

    Nàng lo nhất là bị rối loạn giấc ngủ. Ban đêm nhiều khi Vân phải thức dậy giúp đưa mẹ vào phòng tắm, lấy miếng nước, viên thuốc cho mẹ. Vân biết là mất ngủ sẽ mau đưa tới nhiều tiêu hao tinh thần thể xác.

    Chị cũng đã nghĩ đến một ngày nào đó phải cần đến sự giúp đỡ của các dịch vụ chăm sóc người già của chính phủ, của các tổ chức trong cộng đồng, tôn giáo, xã hội, những nhóm hỗ trợ tư nhân, trung tâm chăm sóc ban ngày. Các dịch vụ này có sẵn tại mỗi địa phương lớn nhỏ tại Hoa Kỳ.

    Nhưng quan trọng nhất vẫn là nói chuyện với anh chị em. Để phân chia công việc săn sóc, phụng dưỡng người mẹ cô đơn được chu đáo trong những năm tháng còn lại của Mẹ...

    Vì:

    “Mẹ già như chuối chín cây”.

    Rụng lúc nào, không biết.

    Cũng như Cha đã về nguồn cách đây mấy năm.

  7. #37
    Lá Thư Thanksgiving Của Người Bố Già
    Cao Đắc Vinh

    Lời tác giả: Kính tặng tất cả những ai còn có nghĩa vụ chăm sóc Bố Mẹ già.

    * * *

    Các con yêu quý,

    Thấm thoát trời đã vào Đông.

    Những ngày cuối năm thời tiết bắt đầu trở lạnh, năm nay chậm hơn mọi năm vì gần hết tháng 11 rồi còn gì! Nghe tin tức từ miền Đông, tuyết rơi liên tục chôn cả nhà cửa và đường xá vậy mà ở Nam Cali, nhiệt độ ban đêm xuống thấp lại chóng tan vào lúc bình minh dưới nắng ấm ban mai... Ấy là một đặc ân trời ban cho miền Tây này phải thế không con? Tuy nhiên sáng nay, hơi lạnh đầu mùa cũng đủ làm Bố co ro trên giường không muốn dậy. Người già chịu đựng cái cảnh cô đơn và lạnh lẽo rất kém cỏi... Con vẫn biết?

    À... Bố vừa nhắc hai chữ “đặc ân” tất sẽ phải nhớ nói câu cảm ơn. Ân với nghĩa như âm dương luôn tương tác sánh đôi không thể có ân mà thiếu nghĩa hơn nữa chúng ta đang bước vào mùa Thanksgiving, lễ Tạ Ơn cổ truyền hàng năm trên đất Mỹ. Nhập gia tùy tục, sống theo phép ơn đền nghĩa trả nhưng khả năng ngồi viết gẫy gọn một lá thư hầu như đã mất nên Bố đành nắn nót tâm tư... qua hơi thở đứt đoạn và nhịp tim già nua chậm chạp! Sức khỏe người già vào mùa lạnh mong manh lắm, nghĩ đến đâu tâm sự đến đó vậy... Con cảm phiền đọc lên bằng trực giác thì may ra mới hiểu cái đầu suy nhược này còn nghĩ vơ vẩn những gì? Hai bàn tay của Bố hiện nay sáng thì run rẩy, chiều lại đau nhức chẳng qua vì đang lận đận với cái tuổi thọ lọt ra ngoài giới hạn trăm năm đời người.

    Tạ ơn... Bâng quơ nhoẻn miệng cười mà nói đôi lời cảm tạ thì có gì khó đâu nhưng thổ lộ một lời tạ ơn bằng chánh niệm mới là điều đáng lưu ý để tâm! Tạ ơn Trời đã cho Bố tuổi đời trăm năm này ư? Bao đêm trằn trọc không ngủ vì tâm thân đau đớn hoảng loạn đến khi tỉnh táo là lúc lại đối diện với bối rối chẳng biết mình có phúc hay có tội mà phải sống tuổi già điêu đứng từng ngày? Tạ ơn các con đã thương xót thân già này ư? Trải qua bao lần nhắn nhủ, dù biết rằng mỗi đứa một tính nhưng thực tế vẫn dạ xót lòng đau bởi đa số các con thương để bụng rồi phát chướng! Xót như sát muối vào lòng cũng khó tiêu hóa để chuyển tình thương ấy ra hành động. Thân già cô độc vẫn hoàn cô đơn với nỗi buồn từng phút, từng giờ, từng ngày, từng đêm tháng này qua năm nọ... Thương mà vắng mặt, ở xa đã đành nhưng ở gần cũng thế, tìm cơ hội xa lánh người mình thương thì thương làm gì cho khổ tâm thân? Chẳng ích gì cho nhau cả! Quả thực, nghịch cảnh vô minh ấy đã vô hiệu hóa tình thương nên có đau có xót cũng chỉ pha thêm phần bạc bẽo... Nhiều lần trước mặt các con, Bố đã tỏ ý vui mừng nếu kết liễu được kiếp đời lê thê nặng nợ, xem như ấy là thượng sách chấm dứt tuổi già vô dụng với nỗi buồn lây lan làm ray rứt lòng thương nhưng sáng dậy vẫn thấy mình còn sống ngoài ý muốn.

    Quay lại câu chuyện Tạ ơn nhân ngày Thanksgiving 2014, dù hoàn cảnh nào thì gia đình mình cũng chân thành biết ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng ta trong những năm đầu lưu lạc xa quê rồi bây giờ các con thành công ngay trên miền đất hứa. Lẽ thường ở đời, con người và sự việc đều bị giới hạn bởi không gian và thời gian, may hay rủi sống ngoài đường biên đã vạch sẵn thì phải tâm niệm sẽ khoác vào thân những ưu phiền. Ấy chính là phận già đau khổ này... Thỉnh thoảng có kẻ hồ đồ bảo rằng: “Cụ ơi sướng mà chẳng biết! Tuổi già như Cụ lẽ ra vào “tu” ở viện dưỡng lão lâu rồi... Còn được ở nhà như vầy là phúc bẩy mươi đời, than vắn thở dài làm chi cho tổn thọ”.

    Thôi thì mỗi người một ý... Tuổi già sống thọ mà đầu óc lú lẫn, ngồi cả ngày ngủ gà ngủ gật với tã ướt thì có khác gì phận tù chung thân? Ai đã từng qua cầu, mới mong hiểu nổi dòng sông nước chảy nông sâu khúc nào! “Trẻ cậy cha, già cậy con” là câu ơn nghĩa để đời nhưng phải chăng cái vế thứ hai vì sống vội mà con người văn minh ngày nay ít còn cơ hội khả thi? Tuổi già sáng dậy nhìn Trời cậy Phật chờ con nhưng họa hoằn mới có đứa một công đôi ba việc hững hờ đến thăm... Mỗi đêm nhắm mắt trên giường ngủ tưởng như đã nằm yên trong lòng đất nhưng may mà phiêu diêu được thì tối lửa tắt đèn cũng chẳng có đứa con nào hay biết!

    Tâm lý người già sợ nhất cảnh cô đơn nên nếu các con đã hiểu thì hãy thương cho tròn. Tình thương ấy không đánh đổi bằng tấm ngân phiếu kếch xù hay quà bánh đắt tiền mà chính là... thời gian. Một lúc nào đó trong ngày mà các con thấy trống vắng thừa thãi thì hãy mang đến tặng Bố giờ phút vô nghĩa ấy! Bản chất nó vô giá nhưng lại vô cùng quý báu nếu chia sẻ đúng đối tượng... Con dư biết, sáng chiều Bố lủi thủi hết ngồi lại nằm, cô đơn bên cạnh một người trả công chỉ biết im lặng canh chừng. Nếu con đến thăm, nhớ bỏ hết công việc và lo toan ở ngoài xe trước khi vào nhà, tránh cảnh thân tâm mỗi chỗ mỗi nơi để cha con sống thật những kỷ niệm cuối đời bên nhau. Người già như Bố đương nhiên ăn nói sẽ không còn mạch lạc hấp dẫn, xin con đừng nhăn nhó... Hãy nhẫn nại ngồi nghe như thuở nuôi con còn bé, Bố đã từng chăm chú theo dõi tiếng con bi bô học nói... lập đi lập lại nhiều lần một chữ từ ngày này qua ngày nọ liên hồi.

    Xin lỗi... Con nhận đi để Bố khỏi bị mặc cảm sống già là có tội, mỗi ngày mỗi tồi tệ và tương lai đang lùi dần về quá khứ bởi thân tâm này mang toàn cảnh vụng dại của một đứa trẻ tiềm ẩn vào thân xác một cụ già. Ấy chỉ là chuyện bình sinh chuyển hóa người già trở về con trẻ trước thời kỳ phải hóa thân đấy thôi... Nếu nghe Bố nói lăng nhăng đầu đuôi lẫn lộn thì hãy tha thứ vì đó là trạng thái bất ổn dẫn Bố từng bước tiến dần đến hồi chung cuộc và rồi chẳng bao lâu nữa, cha con mình sẽ phải vĩnh viễn xa nhau.

    Hãy kiên nhẫn với người già để mọi sân hận dễ từ bi buông xả tỷ dụ hôm nọ Bố lỡ tay đổ ly cà phê, bắt con phải chùi rửa cực khổ thì cũng đừng nặng lời như con đã làm bởi vì người già nhiều tự ái nên hay tủi thân. Con còn nhớ hay quên? Buổi trưa hôm ấy, nhìn con giận mà Bố thấy sợ hãi... như một đứa trẻ có phản xạ tự nhiên, Bố chỉ còn biết chắp tay niệm Phật cầu xin. Hối tiếc! Cha con mình cùng hối tiếc thì đã muộn.

    Mặc dù Bố luôn tha thiết cần sự hiện diện của các con như người bạn đồng hành trong khoảnh khắc nhưng đôi khi mơ màng ngồi gần nhau cả giờ im lặng... cũng đừng ngạc nhiên bởi khả năng tai với mắt của Bố đã suy yếu gần như mờ và điếc từ nhiều năm nay. Nếu Bố có lập đi lập lại câu hỏi không nghe rõ, dù khó chịu mong con vẫn nhẫn nại trả lời hay thảo xuống tờ giấy cho Bố đọc chứ lẳng lặng cắt đứt câu chuyện là điều khổ tâm vì nó khơi dậy cái tò mò bế tắc và tự ái bị khi dễ trong đầu kẻ đã đầy mặc cảm sa sút.

    Những lúc hiếm hoi ngồi gần nhau, con tránh bịt mũi rồi buông lời chê trách vì cái mùi dị biệt từ thân thể Bố toát ra. Người già có mùi của người già như trái chín trên cây thối ủng sắp rụng cành... Lẽ thường, đó là mùi tử biệt chẳng thể nào mãi mãi thơm tho như trái xanh trên cành. Cũng đừng lôi kéo bắt các Cụ phải tắm rửa thường xuyên vì tuổi già sợ lạnh và sợ nước. Thân thể họ gầy còm, yếu ớt, nhu nhược nên dễ bị đau ốm cảm lạnh, họ giống nhau ở điểm này nên con cần ghi nhớ mà thông cảm. Tuổi già sống nhiều với quá khứ vì thế Bố nhớ thuở còn bé, con chạy quanh nhà mỗi khi Mẹ bắt tắm và Bố phải đuổi theo, đến khi tóm được thì con vùng vẫy than khóc thật lâu mới ngừng. Kỷ niệm ấy con còn nhớ... hay đã quên?

    Nhẫn nại... Có lẽ chỉ cần thế thôi đối với người già! Các con phải hiểu thì mới thương rồi ân tình giúp đỡ. Nhẫn nại thăm nom chia sẻ, nhẫn nại ngồi nghe tào lao, nhẫn nại dọn dẹp vung vãi, nhẫn nại dắt đi quanh phố, nhẫn nại ngửi mùi khai thối, nhẫn nại chùi rửa vệ sinh và nhất là nhẫn nại giúp họ nhắm mắt thanh thản mỗi đêm... cùng với nụ cười. Từng ấy nhẫn nại, các con có thương thì mỗi người chỉ cần làm một chuyện. Thân già sống lâu mỗi ngày mỗi tệ hại rồi sẽ đến lúc không thể ngồi dậy, nằm trên giường thở, ăn và tiêu hóa. Đáng thương hay đáng tội còn tùy vào sự nhẫn nại hiểu biết của mỗi người.

    Được như thế thì giây phút chia ly cuối cùng, Bố sẽ mãn nguyện ra đi và các con cũng khỏi phải nhỏ một giọt lệ than khóc vì chúng ta chẳng còn gì hối tiếc. Tất cả đã đầy đủ bổn phận, tình thương và hiểu biết khi nghĩ rằng mười giọt nước mắt ân tình rơi giữa đám tang thì bẩy giọt đã phát xuất từ sự ân hận, xin lỗi... muộn màng!

    Ai cũng biết “cha mẹ có trong con” nên ghét con là ghét chính mình vì thế bức thư này chỉ là một thông điệp nhắc nhở thương yêu. Điều chắc chắn một mai khi Bố ra đi gặp Mẹ, ở thế giới bên kia sẵn phép nhiệm màu, Bố sẽ phù hộ cho cuộc sống các con nhiều may mắn nhưng sẽ từ chối chúc các con phải sống đời trăm tuổi vất vả như Bố hiện nay... không những thế lại còn lây lan bao lo âu khó nhọc sang cả gia đình.

    Cuối thư, Bố xin tạ ơn đời, tạ ơn người... Trong cái may có cái rủi và ở cái rủi đã có sẵn cái may, chuyện đời vô thường là thế! Cầu mong quê hương nước Việt thật sự độc lập, dân chủ, hạnh phúc và đất nước hùng cường này mãi mãi no ấm thịnh vượng như mùa gặt cuối thu 1621 của người Pilgrim khởi đầu truyền thống Thanksgiving: Gia đình quây quần bên bếp lửa có gà Tây, ngô khoai, bí đỏ... với hương vị ân tình.

    Hôn các con thật nhiều,

  8. #38
    Một Chút Cay Trong Mắt
    Nguyên Phương

    Hàng tuần có hai nhóm người náo nức chờ đợi một ngày để được gặp nhau, đó là nhóm chúng tôi do sư hướng dẫn của sư Tinh Cần và nhóm người bệnh trong Health Care Center. Chúng tôi vui vì có niềm vui để đem chia sẻ và các "bác" trong trung tâm vui vì được sinh hoạt cùng chúng tôi.

    Sư đã thành lập nhóm này từ vài năm trước đây. Sự có mặt của Sư và nhóm phật tử của Sư đã là một sư thân quen, một sự cần thiết gần như không thể thiếu cho những bệnh nhân sống dài hạn nơi đây. Từ lần đầu tiên tôi gia nhập nhóm này tôi đã nhận được những ánh mắt chào đón, chan hòa niềm vui của quí "bác" (danh từ "bác" tôi dung chung cho những bệnh nhân ở nơi đây không phân biệt tuổi tác, vì có những bệnh nhân còn rất trẻ).

    Trung tâm tọa lạc ngay trước một bệnh viện và cạnh một medical center, nên những trường hợp cấp cứu chắc là rất thuận tiện. Lịch sinh hoạt của trung tâm được treo trên tường với một lịch trình cho từng tháng, có rất nhiều phái đoàn vào giúp vui thăm hỏi, nhóm công giáo, Phật giáo, nhóm văn nghệ....

    Phòng tập therapy vừa đủ lớn cho số bệnh nhân nằm ở đây. Tôi thấy những nhân viên, y tá dịu dàng dìu bệnh nhân từng bước để tập đi, tập đứng...

    Đó là những hình thức bên ngoài nhưng ở bên trong, còn thêm những tâm hồn đáng quí của những nhân viên, một cô nhân viên,chính cô đã đến từng "bác" gái để đánh móng tay, chải đầu cho từng người, kể cả những người nằm trên giường bệnnh. Những người sống ở đây cũng được an ủi phần nào nếu con cháu hay chồng, vợ không có thì giờ đến thăm nom.

    "Nhập gia tùy tục" là phương châm để thực hành cho cuộc sống, đời sống ở Mỹ đa số đến tuổi già khi không còn chăm sóc được cho bản thân mình thì đành chấp nhận vào trong viện dưỡng lão, con đường vào viện dưỡng lão là một chuyện bình thường cho người Mỹ nhưng là cả một chấn động mạnh cho phần đông các cụ già Việt Nam, các cụ không chấp nhận được, có cụ đã quỳ xuống lạy con "con ơi đừng bỏ bố vào viện dưỡng lão, nơi nằm chờ chết". Biết làm sao khi con còn cả một đường dài trước mặt, còn phải nuôi nấng con cái, còn phải lo đi làm, còn phải lo cơm, áo gạo tiền.... Nhiều khi các con còn không có đủ thì giờ cho cái gia đình bé nhỏ của họ.

    Tại nơi Health Care Center, trung tâm phục hổi chức năng này, tuy đa số là người già, cũng có những người còn trẻ, nhưng 100% đều phải ngồi trên xe lăn.

    Có đến nơi đây nghe những lời tâm sư mới nhìn thấy sự vô thường của cuộc đời, mọi bất trắc đều có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, quy luật sanh, lão, bệnh, tử không phải diễn tiến theo đúng thứ tự như vậy. Ngoại trừ một số bệnh nhân bệnh có thể khỏi còn thì nơi đây có lẽ là chuyến xe chót trong cuộc đời của một số đông các "bác". Nơi đây đã thoát ra ngoài những lao xao của cuộc đời, nơi không còn danh lợi, hơn thua, giầu nghèo... Chính vì vậy mà dưới sự hướng dẫn của Sư chúng tôi chỉ sinh hoạt những tiết mục để các "bác " có thể cùng tham dự, cùng vui.

    Mở đầu là một thời kinh nhật tụng, sau đó là chương trình sinh hoạt giúp vui, mùa nào sinh hoạt theo mùa đó. Những ngày giáng sinh chúng tôi cùng các "bác" đều mặc áo có chút mầu đỏ, xanh, hát những bản nhạc giáng sinh.

    Tết đến hai cô Hằng và Hạnh cũng rộn rã tìm những tiết mục thật là vui nhộn và đầy không khí... tết. Hôm đó chúng tôi hẹn nhau cùng mặc áo dài, những chiếc áo dài đẹp nhất để mặc tết. Ban điều hành nơi đây cũng trang trí thật vui mắt bằng những hình ảnh, những giòng chữ treo trên tường.

    Khi chúng tôi vừa vào tới cửa, Có vài "bác" mắt sáng long lanh "cô nào cũng đẹp cả". Chúng tôi hiểu rằng các "bác" nhìn chúng tôi từ những tấm lòng ưu ái.

    Chúng tôi như tô điểm thêm cho vườn hoa mùa đông của các "bác" Ngay cả ông giám đốc cũng đến suýt xoa "ước gì các bạn ngày nào cũng mặc áo dài", dĩ nhiên đó là câu xã giao của người Mỹ, nhưng chúng tôi cũng vui vì mang đến một chút xuân nơi chốn quạnh hưu của những người bệnh.

    Để tổ chức cho các "bác" thật sự vui tết, bắt đầu cô bé Hằng chiếu video cảnh chợ tết ở Bolsa, hoa và người chen chúc nhau, các "bác" theo rõi không chớp mắt. Người điều khiển chương trình, cô Hạnh cười tươi như hoa nở, giới thiệu từng góc đường. Cô Hạnh cũng nói về sự tích bao lì xì. Sau đó tôi đến từng "bác" trao tặng những phong bì lì xì, với lời chúc sức khỏe. Những phong bì lì xì tôi đã lựa chọn thật kỹ những phong bì mầu vàng, mầu của lá cờ, mầu của hòang tộc và những bông mai vàng với những giòng chữ "Chúc Mừng Năm Mới" cho thật thuần túy của Việt Nam, tránh những bao mầu đỏ với những giòng chữ Tầu, những giòng chữ "Cung Chúc Tân Xuân".

    Tiếp theo là văn nghệ mừng xuân.Nét hân hoan hiện lên trên từng khuôn mặt, những cánh tay run run đưa đẩy theo điệu nhạc, những tiếng hát khó khăn thoát ra khỏi bờ môi, một sự rộn rã trong lòng chúng tôi. Sau phần hát, thường là phần câu đố vui có thưởng, để các "bác" có dịp vận động trí nhớ. Chúng tôi ngạc nhiên khi có những "bác" thuộc những câu ca dao dài lê thê, những câu đố mà nhiều khi tôi cũng không đoán được nhưng có những "bác" hăng hái giơ tay và trả lời thật chính xác. Những gói quà nho nhỏ càng làm các "bác" vui thêm. Buổi sinh hoạt rộn rã tiếng cười.

    Đến cuối giờ khi chúng tôi chào tạm biệt một "bác" đã yêu cầu chúng tôi dừng lại và yêu cầu nhân viên của trung tâm đẩy xe lăn cho "bác" lên hàng đầu và xin cái micro để nói. Kẹp cái micro dưới cằm, một tay "bác" lần trong cái túi xách lôi ra một cái phong bì, cả hội trường đều im lặng không biết "bác" muốn nói gì.

    "Bác" run run cầm micro và nói "chúc mừng năm mới, tôi đã đổi những đồng tiền mới và nhờ mua những phong bao lì xì mầu đỏ này để mang đển tặng các cô trong dịp tết gọi là tiền lì xì và cầu mong các cô vui mãi, mọi sự như ý" chúng tôi mắt rưng rưng, "bác" muốn từng người một lên để tận tay "bác" được "mừng tuổi".

    Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhận được một bao phong bì lì xì mà lòng cảm thấy thật bồi hồi xúc động.

    ..... một chút cay trong mắt.

    Lần khác trong mục đọc truyện, cô Hạnh đã đọc một câu truyện được phổ biến rộng rãi qua những emails. Câu truyện "ly cà phê trên tường" câu truyện xẩy ra trong một quán cà phê ấm cúng ở thị trấn nhỏ gần Venice, Italy. Tác giả thấy khách vào uống cà phê và trả tiền cho cả một ly cà phê mà họ không uống và gọi đó là ly cà phê trên tường vì ly cà phê này chỉ là một mảnh giấy gắn lên tường. Gần đén giờ quán đóng cửa, một người khách ăn mặc rách dưới bước vào quán. Ông nói: "Cho tôi một ly cà phê trên tường". Anh nhân viên vui vẻ lấy ly cà phê mời khách, và gỡ một tờ phiếu ở trên tường.

    Đó là hình thức chia sẻ rất đỗi dễ thương của những người dân trong thị trấn với người vô gia cư, nghèo khổ mà ngay cả ly cà phê cũng phải đắn đo vì không có tiền mua thưởng thức.

    Sự chia sẻ không làm cho người nhận phải van xin, và đã được đối xử bình đẳng như những người khách trả tiền khác.

    Câu truyện chấm dứt và các "bác" yên lặng quên cả vỗ tay như mọi khi. Như thường lệ cô Hạnh hỏi:

    - Các "bác" có thấy hay không ạ?

    Một "bác" dơ tay xin phát biểu, giọng "bác" hơi khó nghe nhưng qua giọng nói, qua ánh mắt của "bác" chúng tôi cũng đoán được có điều gì như "bác" muốn tâm sự.

    Sư có lẽ đã hiểu được qua sự cảm thông nên Sư đã "thông dịch" lại cho chúng tôi nghe, "bác" nói câu chuyện này rất cảm động và đã làm "bác" liên tưởng đến nước Mỹ và người Mỹ. Nước Mỹ đã dang rộng vòng tay ra cứu vớt những người đi tìm từ do và cho tỵ nạn trên đất nước của họ, không những thế những người đi làm đã đóng thuế, tiền thuế cũng được dùng giống như những người đã mua ly cà phê trên tường, để tặng những người cần đến, những người gặp hoạn nạn, xa cơ không phân biệt chủng tộc. Món quà tặng này thật vô giá vì họ đã cho những người nhận với danh nghĩa vô danh, người được nhận những món quà đó không phải cúi mình van xin. "Bác" trân trọng cám ơn nước Mỹ.

    ..... một chút cay trong mắt.

  9. #39
    Kinh Báo Hiếu

    Thế tôn thủa nọ trụ yên,
    Tại thành Xá Vệ, Kỳ Viên tinh đàng.
    Cùng chư môn đệ các hàng,
    Cả hai muôn lẻ tám ngàn tỳ kheo.
    Lại chư Bồ tát cũng nhiều,
    Là hàng đại chúng cùng theo ngài thường.

    Bấy giờ Đức Phật lên đường,
    Cùng chư môn đệ Nam phương tiến hành
    Gót vàng lần bước dặm xanh,
    Mắt sen chợt thấy rành rành đống xương
    Thế tôn dừng bước bên đường,
    Chắp tay kính lễ đống xương vô tình.

    A Nan ngơ ngẩn bạch trình:
    “Ngài là Từ phụ chúng sanh muôn loài;
    Thân vàng quy kính ai ai,
    Thân vàng đâu lẽ xá dài xương khô?”

    Phật rằng: “Xương chất bấy lâu,
    Ông, bà, cha, mẹ từ đâu nhiều đời
    Trải qua mấy kiếp luân hồi
    Sanh đây thác đó ai rồi biết ai.
    Chỉ còn phân biệt gái, trai
    Mẹ cha nhiều kiếp mượn vay thân hình.
    Nay ta kính lễ chí thành,
    Ấy là kính trọng ơn sanh nhiều đời”
    A Nan muốn hiểu rẽ ròi
    Để tâm phân biệt biết người nữ nam
    “Đàn ông xương nặng trắng lam
    Đàn bà xương nhẹ đen thâm dễ nhìn”

    A Nan nghi ngại kính trình:
    “Thế Tôn xin giải cho minh lẽ này:
    Thường thường phân biệt gái trai
    Là nhờ trang sức hình hài điểm tô.
    Chết rồi một nắm xương khô,
    Nhìn xương khô ấy dễ hồ biện phân?”

    Phật rằng: “xương kẻ nữ nhân
    Sắc đen chắc nhẹ vì thân hao mòn:
    Thời kỳ thai nghén sanh con,
    Ba thăng, ba đấu huyết tuôn như ngòi
    Thời kỳ bú mớm dưỡng nuôi,
    Tám thùng, bốn đấu sữa bồi thân con.
    Huyết lưu, sữa vắt cạn mòn
    Xương kia đã nhẹ lại còn đen thâm
    A Nan nghe nói thương tâm,
    Ruột đau như cắt, lệ dầm như mưa.
    Khấu đầu lậy Phật lời thưa:
    Làm sao báo đáp ơn xưa mẫu từ ?

    Phật rằng: Ngươi lắng tâm tư
    Nghe ta giảng giải thiệt hư tỏ tường:
    Ơn dày mười tháng cưu mang,
    Mẫu thân cực khổ trăm đàng vì con
    Tháng đầu mới dựng thai non,
    Như sương ngọn cỏ mất còn nào hay.
    Giữ gìn đến tháng thứ hai,
    Mong manh như váng sữa dày lỏng chân.
    Ba trăng tựu khối huyết ngưng,
    Bốn trăng thì tượng châu thân hình hài.
    Năm trăng ngũ thể hiện bày,
    Sáu trăng khai mở đủ đầy lục căn.
    Bảy trăng xương cốt gia tăng,
    Tám trăng tạng phủ công năng viên thành.
    Chín trăng đầy đủ vóc hình,
    Mười trăng đã đúng kỳ sanh hoàn toàn.
    Nếu con hiếu thuận sanh an,
    Bằng con ngỗ nghịch ngược ngang thôi rồi.
    Quặn đau bụng mẹ vô hồi,
    Như ngàn mũi nhọn khoan dùi tâm trung.
    Đau đớn ấy nói khôn cùng,
    Đau này đau thiệt, lạ lùng kinh nghi
    Phúc lành trổ được anh nhi
    Mừng vui chi xiết, xiết chi vui mừng!
    A Nan, ngươi có tỏ tường
    Ơn cha nghĩa mẹ, cảm thương mười điều:
    Một là thai nghén nâng niu.
    Hai là sanh sản trăm chiều đớn đau.
    Ba là có trẻ quên sầu.
    Bốn là mớm ngọt, nuốt dầu đắng thô.
    Năm là nằm ướt, nhường khô.
    Sáu là bú mớm công đồ dưỡng thơ.
    Bảy là giặt rửa uế nhơ.
    Tám là vắng trẻ trông chờ héo hon.
    Chín là tạo nghiệp vì con.
    Mười là yêu dấu, lòng son đậm đà.

    Lại mười ơn trọng kể ra
    CƯU MANG THỨ NHẤT thiết tha ai tầy
    Nhân duyên nhiều kiếp sâu dày
    Nên chi mượn gá mẫu thai buổi này
    Từ khi ngũ thể hiện bày,
    Lục căn chừng đã mở khai đủ rồi.
    Gìn thai, giữ nghén không thôi,
    Khi đi đứng, lúc nằm ngồi, chăm nom.
    Yếm khăn chẳng thiết đẹp giòn,
    Đài gương hờ hững, phấn son lạnh lùng

    THỨ HAI ƠN TRỌNG vô cùng,
    Bước đường sanh sản hãi hùng xiết bao:
    Hoài thai mười tháng nôn nao
    Trông cho hoa nở, giờ nào biết đâu ?
    Ban mai rã rượi lo âu
    Chiều hôm mỏi mệt, canh thâu ai hoài.
    Nghĩ càng sợ, khó trở day.
    Buồn riêng lẻ chiếc, lệ dài sóng đôi.
    Nỗi niềm khẽ tỏ khúc nôi:
    “Những e đi biển, mồ côi một mình!”

    THỨ BA ƠN TRỌNG thâm tình,
    Sanh con mừng được, khổ mình quên lo
    Mẫu từ nằm xếp co ro
    Toàn thân bải hoải cơ hồ rã tan.
    Bụng đau như cắt ruột gan,
    Huyết lưu như xối, nước tràn láng lai.
    “Tu oa” tiếng lọt vào tai,
    Nỗi mừng chi xiết, dễ ai mừng bằng ?
    Mừng rồi mặt lộ nét nhăn,
    Đau như cắt cứa, guộc phăng can trường.

    THỨ TƯ ƠN TRỌNG khôn lường,
    Mớm luôn ngon ngọt, nuốt thường đắng cay.
    Thiêng liêng tình mẹ sâu dày,
    Lòng thương đâu dễ lợt phai bao giờ.
    Đút ngon mớm ngọt con thơ,
    Ăn cay uống đắng, dám sơ phận mình.
    Trời cao biển rộng thinh thinh,
    Trọng ân khó cạn, thâm tình khôn vơi.
    Trông con no ấm ăn chơi,
    Mẹ dầu đói khát, tả tơi xá gì?

    THỨ NĂM ƠN TRỌNG xiết chi,
    Nhường khô nằm ướt, nghĩ suy chạnh lòng.
    Mẹ nằm chỗ ướt cũng xong,
    Nhường con chỗ ráo, ấm nồng khỏi lo.
    Đói lòng sữa mẹ bú no,
    Gió lòn, áo mẹ che cho đỡ hàn.
    Thương con mẹ phí giấc vàng,
    Cưng con, mẹ những miên man cợt đùa.
    Miễn con ăn ngủ lu bù,
    Mẹ dầu cực khổ công phu chi nài.

    TRỌNG ÂN THỨ SÁU cao dày,
    Dưỡng nuôi bú mớm, chầy ngày công lao.
    Ơn cha như thể trời cao,
    Đất dày nghĩa mẹ sánh nhau tương đồng.
    Trời che đất trở mênh mông,
    Mẹ cha thương trẻ tấm lòng khác đâu.
    Rủi con tàn tật, mặc dầu,
    Rủi con thiếu mắt, niệng đầu quẹo tay.
    Vốn con sanh đẻ ngày rày,
    Lòng thương há dễ đổi thay bao giờ.

    TRỌNG ÂN THỨ BẨY kính thờ
    Thương con giặt rửa uế nhơ vui lòng:
    Phong tư tựa đóa phù dung,
    Tô son, điểm phấn, mặn nồng đẹp xinh.
    Mày xuân như lá liễu xanh,
    Mặt hoa như đóa sen thanh tuyệt vời.
    Nhọc nhằn giặt rửa tanh hôi,
    Dung nhan tiều tụy, lần hồi khá thương.
    Tóc tai chẳng thiết sửa sang,
    Chỉ mong sạch sẽ, gọn gàng áo xiêm.

    TRỌNG ÂN THỨ TÁM nỗi niềm,
    Con đi xa vắng, trông đêm nhớ ngày:
    Thà rằng tử biệt còn hay,
    Chớ sanh ly cảnh, thêm bày đau thương.
    Con vừa để bước lên đường,
    Lòng sầu mẹ gởi, tha hương cõi ngoài.
    Tâm tư vời vợi đêm ngày,
    Nhớ thương tựa cửa, trông mai ngóng chiều.
    Não lòng vượn hú chim kêu,
    Nhớ con thổn thức như khêu can trường.

    TRỌNG ÂN THỨ CHÍN càng thương,
    Vì con tạo nghiệp vấn vương tội tình.
    Mẹ cha vất vả mưu sanh,
    Trần gian hỏa trạch dấn mình khó khăn.
    Chắt chiu nuôi dưỡng nhọc nhằn,
    Định bày hôn giá, bổn căn vững vàng.
    Trời đông thêm áo ngự hàn,
    Bữa ăn nhịn miệng sẵn sàng cho con.
    Kiếm tìm vật lạ món ngon,
    Sát sanh tạo nghiệp như non chất chồng.

    THỨ MƯỜI ƠN TRỌNG vô song,
    Tình thương không tột, không cùng trước sau.
    Tình thương biết ví thế nào,
    Đất dày thăm thẳm, trời cao trùng trùng.
    Hành tàng tâm dõi theo chừng,
    Gần xa ý những bâng khuâng lo lường.
    Mẹ già trăm tuổi tóc sương,
    Lo con tám chục năm trường chưa thôi.
    Tình thương đâu nỡ dứt dời,
    Phân ly họa phúc, số trời đổi sang.

    Phật rằng: Này hỡi A Nan,
    Ta xem trong cõi trần gian nhân loài.
    Lắm người tuy được phẩm người,
    Nhưng lòng mê muội, tội đời vương mang.
    Ơn cha nghĩa mẹ không màng,
    Chẳng lòng cung kính nghiêm đàng từ thân.
    Ra tuồng bội nghĩa vong ân,
    Ra tuồng bất hiếu, vô nhân, lỗi nghì.
    Mẹ xưa cực khổ xiết chi,
    Cưu mang mười tháng, đứng đi nhọc nhằn.
    Như mang gánh nặng trằn trằn
    Như người trọng bệnh, uống ăn bất thường.
    Đúng kỳ sanh nở càng thương,
    Banh da, xé thịt can trường đớn đau.
    Rủi may giây phút biết đâu?
    Vô thường lảng vảng nghĩ âu rợn người!
    Huyết lưu đầy đất đỏ tươi,
    Khác nào huyết thú bị người thọc dao.
    Đã chịu ngần ấy khổ đau,
    Sanh con ra được biết bao hãi hùng.
    Còn lo nuôi dưỡng ẵm bồng,
    Ngọt ngon mớm trẻ, mẹ dùng đắng cay.
    Rửa lau ô uế hàng ngày,
    Chẳng từ khó nhọc, chẳng nài công lao.
    Mẹ nằm chỗ ướt quản bao,
    Nhường con chỗ ráo, nghĩ nao nao lòng.
    Chịu nung nóng, chịu lạnh lùng,
    Chẳng từ khổ sở, dám mong thanh nhàn!
    Ba năm đằng đẵng thời gian,
    Bú nhờ sữa mẹ, nở nang thân hình,
    Từ thơ ấu đến trưởng thành,
    Mẹ cha dạy dỗ, tập tành lễ nghi.
    Học hành nung thúc bôn phi,
    Hôn nhân lựa chọn môn mi nếp nhà.
    Mong con lập nghiệp thành gia,
    Mong con đẹp phận, mẹ cha hài lòng.
    Chăm nom cần khổ đến cùng,
    Lao tâm khổ tứ dễ hòng kể ân.
    Nếu con bệnh vướng vào thân,
    Mẹ cha rồi cũng bệnh lần theo con.
    Bằng con bệnh hết tật mòn,
    Mẹ cha mới thiệt chẳng còn lo âu.
    Nuôi con lòng chỉ mong cầu,
    Con mau khôn lớn ngỏ hầu thành nhân.
    Trưởng thành con lại chẳng cần,
    Trên đầu bất hiếu, trong thân bất hòa.
    Khinh khi chú bác ông bà,
    Đánh xua em út, rầy rà chị anh.
    Lung lăng hủy nhục thâm tình,
    Lễ nghi phép tắc, gia đình làm ngơ
    Mẹ cha răn dạy bấy giờ,
    Chẳng hề đếm xỉa, tảng lờ như không.
    Anh em khuyên nhủ tiếng lòng,
    Không cần lưu ý buông lung tánh tình.
    Ra vào đi đứng ngông nghênh,
    Quên bề cung kính thưa trình người trên.
    Việc làm, lời nói đảo điên,
    Tự kiêu, tự phụ, tự chuyên, tung hoành.
    Thủa còn thơ, lúc tuổi xanh,
    Cha răn mẹ dạy tập tành chẳng tuân.
    Đến khi khôn lớn thành nhân,
    Chứng nào tật ấy, quen thân, hư đời.
    Bạn hiền thì lại tách rời,
    Theo cùng chúng dữ học đòi nết hung.
    Hành vi ngang trái lung tung,
    Ở ăn theo bọn vô luân hoang đàng.
    Bị người dụ dỗ mối mang,
    Lìa cha, tách mẹ, bỏ làng ra đi.
    Quê người mưu sống qua thì.
    Hoặc vào binh ngũ, hoặc vì bán buôn.
    Ngày qua, tháng lụn, năm mòn,
    Thất gia gây dựng, vợ con buộc ràng.
    Cách ngăn muôn dặm quan san,
    Bẵng xa vằng vặc thời gian không về.
    Rồi nơi xứ lạ xa quê,
    Khôn hay, cẩn thận, chịu bề nạn tai:
    Hình oan, tội phạt, tù đày,
    Gông cùm, xiềng xích, tháng ngày lao đao.
    Rồi khi bệnh hoạn vướng vào,
    Không người chăm sóc, cháo rau đỡ đần.
    Ốm gầy trong bước khổ tân,
    Đầu đường xó chợ lê thân qua ngày.
    Rồi khi bỏ xác đọa đày,
    Không người thương xót, liệu bài cất chôn.
    Xương tan, thịt nát, lần mòn,
    Nắng mưa, sương tuyết, đâu còn chi chi.
    Cốt hài tiêu tán chi ly,
    Bón phân đất khách, bỏ đi xứ người.
    Bao giờ lại được vầy vui,
    Về nơi xứ cũ, gặp người thân xưa.
    Mẹ cha vò võ sớm trưa,
    Trông con đằng đẵng dây dưa tháng ngày.
    Hoặc nhân than khóc canh chầy,
    Mắt kia thành tật, khổ này bởi đâu?
    Hoặc vì bệnh khổ bấy lâu,
    Tơ buồn, tằm kết, lưới sầu nhện đan.
    Mạng chung xác bỏ trần hoàn,
    Nhớ con hồn vẫn, buộc ràng mối thương.
    Hoặc nghe con ở tha phương,
    Không chăm nghề nghiệp, theo phường hung hoang.
    Rượu trà, cờ bạc, tham gian,
    Đấu tranh, xúc phạm, xóm làng thọ nguy.
    Sáng ra con bước chân đi,
    Mẹ cha trông ngóng đến khi chiều về.
    Song thân ấm lạnh mọi bề,
    Con nào muốn biết, lựa bề thăm nom.
    Gối giường nào kẻ chăm nom,
    Thần hôn hai chữ ai dòm ngó đâu.
    Mẹ cha già yếu thêm rầu,
    Hình suy, vóc kém, trí hầu lãng quên.
    Hổ lang gặp khách lạ quen,
    Sợ e lâm vấp, giận phiền rẻ khinh.
    Hoặc khi cha mẹ khổ tình,
    Một thân góa bụa, một mình cô đơn.
    Con như khách lạ qua đàng,
    Ở riêng nhà khác chẳng màng thị phi:
    Mẹ cha đói khát kể gì,
    Mẹ cha nóng lạnh biết chi đến rày.
    Tủi thân khóc lóc đêm ngày,
    Tủi thân thở vắn, than dài vì con.
    Lẽ ra đạo hiếu cho tròn,
    Cung dưng vật lạ miếng ngon cho thường.
    Nhưng con nào kể song đường,
    Ra tình hổ thẹn, sợ đường cười khi.
    Nhược bằng cung cấp thê nhi,
    Bao nài tốn kém, quản chi nhọc nhằn.
    Vợ con bắt buộc thì vâng,
    Mẹ cha khiển trách, chẳng tuân, chẳng vì.
    Còn như thân phận nữ nhi,
    Lúc chưa gả bán thời y, thời tùng.
    Một khi xuất giá theo chồng,
    Chút tình hiếu thuận, tấc lòng lưng vơi.
    Mẹ cha giận mắng lôi thôi,
    Sanh lòng oán hận buông lời ngỗ ngang.
    Chồng dầu đánh đập phũ phàng,
    Can tâm chịu nhục, giữ đàng nghĩa nhân.
    Người dưng khác họ tình thân,
    Người thân cốt nhục, tình lần nhạt phai.
    Theo chồng ra ở xứ ngoài,
    Cách xa cha mẹ, không ngày viếng thăm.
    Lại thêm thơ tín vắng âm,
    Chẳng tình thương nhớ, chẳng tâm lo lường.
    Mẹ cha thắc mắc tư lương,
    Nhớ thương con trẻ, ruột dường lửa thiêu.
    Ân cha đức mẹ quá nhiều,
    Vô biên, vô lượng, khó miêu tả cùng.
    Tội con bất hiếu non chồng,
    Đại dương mấy biển dễ hòng rửa phai.

    Bấy giờ đại chúng ai ai,
    Nghe lời Phật nói chân tay rụng rời.
    Ngẩn ngơ xúc động đôi hồi,
    Cùng nhau rập tiếng thốt lời vang tai:
    « Khổ thay, tột khổ, khổ thay !
    Đau thay cắt phế, đau thay đoạn trường.
    Chúng con mắc tội phi thường,
    Ngàn xưa ngu tối, lạc đường trong đêm.
    Bây giờ thấy rõ tội thêm,
    Kể sao cho xiết nỗi niềm khổ đau.
    Phật thương giảng pháp nhiệm mầu,
    Dạy con báo đáp ơn sâu song đường »

    Bấy giờ tiếng Phật du dương,
    Phạm âm bát đức thanh lương dịu dàng :
    « Các ngươi nghe lại kỹ càng,
    Ví như trong cõi nhân gian có người.
    Một vai đã cõng cha rồi,
    Một vai cõng mẹ lần hồi bước đi.
    Vòng quanh theo núi Tu Di,
    Trải trăm ngàn kiếp lần suy thân hình.
    Mòn da cho đến xương mành,
    Mòn xương đến tủy, huyết lành chảy tuôn.
    Cũng chưa đáp xứng công ơn,
    Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

    Ví như lại có một người,
    Gặp cơn đói rét, cảnh đời nguy vong.
    Cù lao dốc trả ân hồng,
    Đem thân lóc thịt, đỡ lòng mẹ cha.
    Ngiền xương như bụi tán ra,
    Trải trăm ngàn kiếp gần xa dập dồn.
    Cũng chưa đáp xứng công ơn,
    Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

    Ví như lại có một người,
    Vì cha, vì mẹ, vì bài thuốc thang,
    Cầm dao khoét mắt vội vàng,
    Cúng dâng cha mẹ phương lương nhiệm màu.
    Cù lao dốc trả ân sâu,
    Trải trăm ngàn kiếp, khổ đau chẳng sờn.
    Cũng chưa đáp xứng công ơn,
    Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

    Ví như lại có một người,
    Vì cha vì mẹ, cắt rời tim gan.
    Huyết lưu mặt đất dẫy tràn.
    Chẳng từ thống khổ, gian nan quản gì.
    Cù lao dốc trả vẹn nghì,
    Trải trăm ngàn kiếp, lòng ghi không sờn.
    Cũng chưa đáp xứng công ơn,
    Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

    Ví như lại có một người,
    Vì cha vì mẹ, chịu nơi khổ hình.
    Đao luân đâm bổ vào mình,
    Hai bên tả hữu, vòng quanh gót đầu.
    Cù lao dốc báo ân sâu,
    Trải trăm ngàn kiếp, hèn lâu chẳng sờn.
    Cũng chưa đáp xứng công ơn,
    Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

    Ví như lại có một người,
    Vì cha vì mẹ đắp bồi phước duyên.
    Đem thân thể đốt treo lên,
    Cúng dường chư Phật, diệu huyền pháp đăng.
    Cù lao dốc trả nghĩa hằng.
    Trải trăm ngàn kiếp khăng khăng tâm hồn.
    Cũng chưa đáp xứng công ơn,
    Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

    Ví như lại có một người,
    Vì cha vì mẹ, đập tơi thân mình.
    Vỡ xương nước tủy chảy quanh,
    Trăm ngàn dao mác, xuyên phanh một lần.
    Cù lao dốc báo thâm ân.
    Trải trăm ngàn kiếp khổ thân chẳng sờn.
    Cũng chưa đáp xứng công ơn,
    Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời.

    Ví như lại có một người,
    Vì cha vì mẹ, nuốt bồi sắt nung.
    Châu thân cháy rực lửa hồng,
    Tiêu ra tro mạt, tản trong vi trần.
    Cù lao dốc báo thâm ân.
    Trải trăm ngàn kiếp, khổ thân chẳng sờn.
    Cũng chưa đáp xứng công ơn,
    Mẹ cha sanh dưỡng sánh hơn biển trời. »

    Vừa nghe Phật nói mấy lời,
    Khắp trong đại chúng rã rời tâm can ;
    Khóc thôi nước mắt tuôn tràn,
    Cùng nhau rập tiếng, nài van khẩn cầu :
    « Phật thương giảng pháp nhiệm mầu,
    Dạy con báo đáp ơn sâu song đường »
    Phật rằng: « Phật tử khá tường,
    Kinh này duyên khởi, mở đường báo ân.
    Vì cha vì mẹ đôi thân,
    Chép biên kinh quý dành phần phước duyên.
    Vì cha vì mẹ hiện tiền,
    Thọ trì kinh quý cầu nguyền phước ban.
    Vì cha vì mẹ khổ nàn,
    Ăn năn sám hối cầu tan tội tình.
    Vì cha vì mẹ ân lành,
    Cúng dường Tam Bảo, phước dành về sau.
    Vì cha vì mẹ công lao,
    Ăn chay giữ giới, giồi trau vun bồi.
    Vì cha vì mẹ thiệt thòi,
    Tu duyên bố thí, săm soi phước điền.
    Hành y là kẻ hiếu hiền,
    Không y là kẻ lọt miền Âm ty.
    Bất hiếu vào ngục A Tỳ
    Do tuần tám vạn, ngục này rộng ghê.
    Thành vây lưới sắt bốn bề,
    Đất hừng lửa đỏ, chớp lòe sấm vang.
    Nước đồng sôi sục xối tràn,
    Chó đồng phun lửa, thịt vàng mỡ tươm.
    Những là non kiếm, rừng gươm.
    Như mưa rơi xuống, giọt tuôn không ngừng.
    Tội nhân đau khổ trăm đường,
    Phạt hành nhiều kiếp, dễ thường tạm yên.
    Lại vào ngục khác khổ thêm,
    Chậu đội đầu lửa, xe nghiền nát thân.
    Cháy tan gan ruột, tay chân.
    Một ngày phải chịu, muôn lần tử sanh.
    Sinh thời bất hiếu tội hành.
    Còn người báo hiếu tạo kinh pháp này.
    Tạo nên một quyển kinh hay,
    Tức là thấy đặng một vì Thế Tôn.
    Tạo nên một quyển kim ngôn,
    Tức là thấy đặng Thế Tôn mười vì.
    Tạo trăm ngàn quyển vân vi,
    Thế Tôn tức đặng thấy y trăm ngàn.
    Phước duyên sắm tạo kinh vàng,
    Phật ân gia hộ bình an song đường.
    Đến khi mãn kiếp trần dương,
    Được sanh thiên thượng an khương đời đời”

    Vừa nghe Phật dạy rẽ ròi
    Khắp trong đại chúng phát lời nguyện chung:
    “Vị lai đến kiếp cuối cùng
    Thân con dầu nát hòa chung vi trần.
    Lưỡi con thà bị kéo phăng,
    Bị cày máu chảy ngập bằng biển sông.
    Đao luân thà bị trăm vòng,
    Đâm cùng tả hữu khắp trong thân hình.
    Lưới sắt thà bị vấn quanh,
    Cối dao thà bị hành hình đâm xay.
    Trong trăm ngàn kiếp đọa đày,
    Thệ không dám cãi lời thầy chỉ phân.”

    A Nan bạch Phật ân cần:
    “Thế Tôn, xin dạy kinh văn hiệu gì?
    Chúng con chưa biết phụng trì,
    Cầu người chỉ bảo vân vi cho tường.”
    Bấy giờ Phật bảo A Nan:
    “Kinh này báo đáp, vẹn toàn nghĩa nhân
    Gọi tên Đại Báo Trọng Ân,
    Phụng trì danh tự về phần các ngươi.”
    Nghe rồi đại chúng đều vui,
    Phụng hành đảnh lễ rồi lui ra ngoài.
    Last edited by chieclavotinh; 01-07-2018 at 03:30 AM.

  10. #40
    Đưa tía về quê
    Diệp Bảo Khương

    Tôi vừa đưa tía tôi về quê.

    Chẳng nhớ đây là lần thứ mấy tôi đón tía tôi qua lại Mỹ rồi lại tiễn tía tôi về. Một chặng đường dài thăm thẳm về lại quê xa mà tía tôi chỉ có một mình một bóng, trong lúc tuổi ngoài 90, không biết một chữ tiếng Mỹ, trừ vài tiếng thank you, good bye...

    Nhìn dáng người cụm rụm của ông khiến tôi đi từ cái lo này cho đến cái lo khác. Nhưng ông vẫn nói nói cười cười, không thấy lo lắng chi cả. Chắc là dược về lại chốn xưa, nơi có má tôi đang nằm làm ông thêm phần hăng hái. Tôi phục tía tôi quá!

    Đưa ông đến tận cổng máy bay, mua cho ông chai nước, gửi gấm ông cho người ta rồi tôi ôm ông thật chặt, lí nhí vài câu chúc tía lên đường bình an rồi tôi quay về mà ngỡ như ánh mắt mờ đục của ông hãy còn dõi theo. Đưa tay xoa xoa má, nơi vừa có cái hôn của tía hôn thằng con trai không còn trẻ khiến tôi bùi ngùi nao nao. Cái hôn ngọt ngào của tình cha con vẫn còn ấm hoài ấm mãi...

    Về nhà, tôi mở cửa phòng mà gần cả năm nay tía tôi ở. Căn phòng vẫn còn giường còn gối gọn gàng sạch sẽ. Vẫn còn chiếc bàn tía tôi hàng ngày ngồi đọc sách đọc báo hay viết lách bâng quơ. Nay im ắng lạnh lùng, vì tía về quê rồi.

    Quanh quẩn quanh phòng, sờ cái này ngắm cái kia, ngồi ngẩn ngơ trên giường tôi dường như cảm được những bóng hình thân thương vừa đi qua đang âm thầm trở lại. Nhớ tới hai cuốn báo ngày hôm qua tôi đi chợ xin được, định đem về cho tía đọc mà lại quên, giờ vẫn còn nằm quạnh quẽ trong xe.

    Tôi ngỡ như nghe được tiếng bước chân lẹt xẹt của tía xuống bếp vào những đêm khuya lơ khuya lắc, lục đục mở nồi lấy cơm ăn vì “Tía thường đọc báo khuya nên đói bụng!”

    Nhớ tiếng tía nói chuyện thầm thì một mình, mà có lần tôi nghe rất rõ ông kêu, “Má A. ơi!”

    Nhớ tiếng con tôi vô phòng mời ông nội ra ăn.Tai nghễnh ngãng nên câu trả lời của tía nhiều lúc làm tôi phì cười, “Nội tắm rồi.”

    Cảm giác trống trải, thiếu thiếu một cái gì đó trong sinh hoạt hàng ngày chắc có lẽ lâu lắm mới làm vơi đi được.

    Thôi, tía về thăm má đi, rồi Tháng Giêng này con sẽ đón tía qua trở lại. Từ nay đến đó chắc là lâu lắm. Vì con chỉ còn dám tính đến từng ngày.

    Tôi lượm hai tờ báo xếp ngay ngắn đặt lên bàn, mong tía tôi sẽ về để đọc.

    Những tờ báo cũng bồn chồn chờ tía tôi về...

 

 

Similar Threads

  1. Những buổi chiều còn mưa
    By ndangson in forum Thơ
    Replies: 419
    Last Post: 12-28-2016, 01:04 PM
  2. Lai rai chiều nay
    By thuynh in forum Gia Chánh
    Replies: 438
    Last Post: 07-30-2013, 09:18 PM
  3. 95 tuổi vẫn chăm chỉ chuyện phòng the
    By ngocdam66 in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 5
    Last Post: 11-22-2011, 08:49 PM
  4. Bé 3 tuổi chăm mẹ chết mòn trên giường bệnh
    By tử đằng in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 0
    Last Post: 10-12-2011, 07:59 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:46 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh