Register
Page 6 of 11 FirstFirst ... 45678 ... LastLast
Results 51 to 60 of 103
  1. #51
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365






    (bấm lên)

  2. #52
    Cái này coi được nè Anh Triển. Không quá cường điệu, thật! Duy chỉ cái vụ lau bàn và cầm Tay ông bố em nghĩ trong Phim thôi. Ở ngoài đời người Việt ít khi tỏ bày. Cha mẹ già lâu lâu ghé thăm dắt Tay hay bóp chân Tay thì có!

  3. #53
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Quote Originally Posted by TL4 View Post
    Duy chỉ cái vụ lau bàn và cầm Tay ông bố em nghĩ trong Phim thôi.
    Trong phim người cha bị mù. Cho nên người con phải chăm sóc toàn diện. Ngoài đời cũng có chứ thầy Ti.

  4. #54

  5. #55
    Ở Nursing Home
    Thương những bà mẹ ở nursing home
    Nguyên Thúy

    “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
    Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày…”
    (Thích Tâm Không)

    Sau ba tháng du lịch ở Mỹ về, những người quen hỏi tôi điều gì làm tôi tâm đắc nhất. Không chút do dự hay suy nghĩ, tôi trả lời: Ðó là cái Nursing Home.

    Họ ngạc nhiên khi thấy tôi không đề cập đến những địa danh nổi tiếng như Las vegas, Hollywood, Disneyland, những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới hoặc những cái Mall rộng lớn đi cả ngày chưa hết, những viện bảo tàng, những đại lộ thênh thang, chồng chéo lên nhau như những sợi mì… Tôi đã hưởng một chuỗi ngày dài thật tuyệt vời, với biết bao điều mới lạ, hiện đại, tối tân mà từ trước đến giờ tôi chưa hình dung hay tưởng tượng ra nổi.

    Thế mà khi trở về Việt Nam, tâm trí tôi chỉ còn lắng đọng một điều làm tôi ưu tư, trăn trở, ray rứt: Cái Nursing Home mà mẹ chồng tôi đang sống.

    Chặng cuối cùng của chuyến du lịch, chúng tôi đã ở Los Angeles mười lăm ngày để thăm viếng mẹ chồng. Hằng ngày, chúng tôi phải chuyển hai chuyến xe bus, Garden Grove, Westminster, Bolsa và bao nhiêu đại lộ nữa mà tôi không nhớ hết tên, đưa chúng tôi gần trạm cuối cùng của lộ trình. Rồi chúng tôi còn phải đi bộ khoảng năm trăm mét để đến khu dưỡng lão của một tổ chức tư nhân. Ðó là một khoảng đất rộng, nằm khuất sau đại lộ Huntington hai con đường, cách bờ biển Huntington chưa tới hai cây số. Một nơi yên tĩnh, vắng vẻ, với hai hàng cây sồi đưa vào cái ngõ cụt.

    Gồm ba dẫy nhà trệt, ghép thành hình chữ U, nó êm dịu với những cánh cửa sơn màu xanh da trời, nổi bật màu sơn trắng của những bức tường, với những khung kính to trong suốt, lịch sự và trang nhã, bằng những tấm màn voan trắng che rủ. Những khóm hoa hồng, cẩm tú cầu được trồng một cách mỹ thuật trước hàng hiên, dưới cửa sổ, tạo cảm giác vui tươi, hưng phấn khi ngồi trên bộ bàn ghế để phơi nắng hoặc hóng mát dưới tàng cây.

    Khi vợ chồng tôi đến nơi, kim đồng hồ của phòng trực chỉ 8 giờ 30 phút, bác sĩ và y tá đang đi từng phòng kiểm tra sức khỏe cho các cụ già. Mẹ chồng tôi tươm tất, sạch sẽ trong bộ quần áo mới thay, nét mặt tươi tỉnh. Họ đã làm vệ sinh cá nhân cho bà từ sáng sớm, trước khi dùng điểm tâm. Mâm thức ăn sáng chưa dọn, còn để trên bàn. Cô y tá người Việt vào kiểm tra huyết áp, đo lượng đường trong máu, rồi rót nước, bỏ thuốc vào miệng bà, ân cần thăm hỏi.

    Mẹ chồng tôi không còn nhiều trí nhớ để trò chuyện. Bà hờ hững trả lời những câu hỏi không chính xác, mạch lạc. Những ngày đằng đẵng ở đây đã làm bà trở nên câm lặng. Trái ngược với thuở sinh thời, bà nổi tiếng là người nói nhiều. Ánh mắt vô hồn, lúc nào cũng nhìn lên trần nhà và tách biệt với cảnh vật chung quanh.

    Thời gian đầu cách đây mười bảy năm, cô em chồng đã bảo lãnh bà sang Mỹ. Bà đã sống một mình trong một căn phòng mà chính phủ ưu tiên cho người già thuê. Ban ngày bà ở đó, chiều đến con cháu thay phiên đón về nhà ăn, ngủ, tắm rửa. Sáng hôm sau lại tiếp tục, như một em bé đi nhà trẻ, đều đặn từ tháng nọ sang năm kia.

    Gần đây, do tuổi tác quá cao (93 tuổi), bà bị té gãy xương đùi, không thể đi lại được, và không thể tự lo vệ sinh cá nhân, nên cô em chồng sau khi bàn tính với các anh chị đã quyết định đưa bà vào đây. Anh em chúng tôi như bị dồn vào ngõ cụt, tiến thoái đều lưỡng nan. Khó tìm một giải pháp vẹn toàn, con đường nào cũng trắc trở, chông gai. Phải chăng là do số phận, do định mệnh hay do nghiệp lực? Cuối cùng phải tự an ủi và chấp nhận, đó là quy luật đời thường mà xã hội đặt ra để giải quyết.

    Lúc chưa sang Mỹ, tôi rất có thành kiến không mấy tốt đẹp và phản đối việc đem gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão. Giờ đây tôi mới biết rằng tôi hiểu chưa thấu. Luật pháp ở đây không cho người già yếu và trẻ con ở nhà một mình. Thuê người giúp việc thì không có, hoặc rất là đắt đỏ. Con người ở đây chịu rất nhiều áp lực về công việc làm ăn, tiền bạc.

    Ðể đáp ứng nhu cầu vật chất gọi là thiên đường của sự hưởng thụ, người ta phải đánh đổi bằng những món nợ khổng lồ mà người ta truyền miệng nhau: “Không mắc nợ không phải là người Mỹ”, đánh đổi sự mất mát tình cảm, đổ vỡ hạnh phúc gia đình, có khi luôn cả sinh mạng.

    Những tấm gương hiếu thảo của thầy Mẫn Tử Khiên trong Nhị Thập Tứ Hiếu: “Thờ cha sớm viếng khuya hầu” sẽ không có chỗ đứng trong thời khóa biểu của các người con ở thời hiện đại này. Chỉ có những viện dưỡng lão mới đáp ứng những lỗ hổng mà người con không thể lấp đầy được.

    Ở đây, chỉ cần một cái nhấn chuông là có bác sĩ, y tá, điều dưỡng, sẵn sàng đáp ứng, giải quyết điều mình yêu cầu. Mẹ chồng tôi kêu đau bụng là có ngay hai cô điều dưỡng người Mễ cao to, khỏe mạnh bồng bà đặt lên cái ghế dành cho người khuyết tật, đẩy vào nhà vệ sinh. Tiểu tiện thì tự do thải vào tã lót, đến giờ họ đi thay.

    10 giờ sáng và 3 giờ 30 phút chiều, các cụ được tập trung ở phòng giải trí. Những chiếc xe lăn được đẩy tới, xếp thứ tự quanh chiếc bàn dài. Họ tham gia những trò chơi đố chữ, chuyền banh, những trò chơi vận động tay chân, nghe nhạc, xem tivi, và kết thúc bằng bánh ngọt hay trái cây với nước giải khát.

    11 giờ 30 và 5 giờ chiều các cụ tập trung ở phòng ăn. Những mâm thức ăn dư thừa năng lượng. Ai không thích ngồi tại đây thì yêu cầu mang vào phòng. Những chiếc xe lăn được đẩy tới, xếp quanh cái bàn tròn. Bàn này có tám người, ba người đàn ông và năm người đàn bà.

    Chỉ có mẹ chồng tôi là người Việt. Ông Mỹ đen trên bốn mươi tuổi, bị tai biến mạch máu não, tay không cử động được, nên người điều dưỡng phải đút cho ông và hai bà kế bên. Tôi đặc biệt chú ý đến một bà Mỹ trắng, tuổi trên độ “thất thập cổ lai hi”, nét mặt thanh tú, dáng người thon nhỏ, mảnh mai. Thời con gái chắc bà được xếp vào hàng mỹ nhân. Ðôi mắt to và buồn… đôi mắt như biết nói, khi đối diện với một người nào.

    Ngày đầu tiên, bà nhìn tôi cười và chỉ mẹ chồng tôi hỏi “Tôi là gì”. Tôi trả lời là “con dâu”. Câu chuyện giữa tôi và bà chỉ dừng lại ở những câu xã giao thông thường. Vốn liếng Anh ngữ nghèo nàn của tôi, không cho phép tôi tìm hiểu sâu hơn nữa. Hoặc nếu bà có tâm sự, tôi cũng không thể hiểu hết được.

    Một bữa, tôi thấy bà không chịu ăn, bà ngồi trầm ngâm rồi những giọt nước mắt liên tục tuôn trào trên gò má xanh xao… Bà khóc nức nở. Những người bạn cùng bàn an ủi, làm bà càng khóc to hơn. Tôi nắm tay bà, lau nước mắt và đút cho bà ăn. Bà vẫn khóc như một đứa trẻ. Liên tiếp ba ngày như vậy.

    Tôi được biết qua cô y tá người Việt, là lâu rồi con bà không đến thăm. Hình ảnh tôi đút cơm cho mẹ chồng, làm bà nhớ con và chạnh lòng buồn tủi. Những ngày sau cùng, tôi không dám đưa mẹ chồng ra phòng ăn. Tôi không dám nhìn bà khóc thêm nữa. Lòng tôi cũng xao động, nước mắt tôi cũng chảy dài. Bởi tôi là người rất nhạy cảm và dễ xúc động.

    Tôi rón rén ra nhìn. Bà ngồi đó, đôi mắt xa xăm, tư lự. Chắc chắn bà đang nghĩ về con bà. Biết bao câu hỏi, đang quay cuồng trong tâm trí: Sao lâu rồi con không đến, bận rộn hay có sự bất trắc gì đã xảy ra? Bà vừa lo, vừa buồn, rồi giận, rồi thương, nhớ, làm bà không tự chủ, đè nén những cảm xúc của mình.

    Chắc chắn, không biết bao nhiêu lần, cuốn phim dĩ vãng của một thời vàng son đã lần lượt, thường xuyên quay lại trong ký ức của bà. Bà nhớ đến người chồng quá cố, nhớ những đứa con bà hết lòng thương yêu, nhớ những ngày đầm ấm hạnh phúc, nhớ những lo toan, thăng trầm trong cuộc sống. Giờ này con bà có biết bà đang mỏi mòn trông đợi hay không?

    Ở đây, cái viện dưỡng lão này chỉ giúp người già cải thiện, bù đắp những thiếu sót về vật chất, mà con cái không thể hoàn thiện được. Bác sĩ, y tá, thức ăn, thuốc men, máy móc, chỉ giúp họ hết đau đớn về thể xác. Cái tension mètre chỉ đo được chỉ số huyết áp giao động trong ngày, các máy móc kỹ thuật cao phát hiện những tổn thương sâu trong cơ thể.

    Tất cả những thứ đó không giải quyết, chữa trị được những đau đớn tinh thần, những giao động tâm lý, những khắc khoải triền miên của lòng khát khao yêu thương. Ðó là căn bệnh trầm kha mà không máy móc, bác sĩ, y tá nào chữa trị được. Ðó là thứ thức ăn linh nghiệm và hiệu quả mà con người đã mỏi mòn tìm kiếm và chưa bao giờ thấy no đủ.

    Mẹ chồng tôi có sáu người con – bốn trai, hai gái. Một mình bà nuôi nấng sáu người con khôn lớn trưởng thành. Giờ đây khi tuổi tác chồng chất, sáu người con không chăm sóc được một mẹ già. Dù rất thương mẹ, dù biết công đức sinh thành dưỡng dục, sâu rộng như trời biển; nhưng không thể nào làm tròn bổn phận, bởi những tất bật, căng thẳng và đa đoan của cuộc sống.

    Bên Mỹ có ngày Mother’s day và Father’s day. Việt Nam có ngày Vu Lan-Bông hồng cài áo. Ai còn cha mẹ thì cài một đóa hoa cẩm chướng đỏ hay hoa hồng đỏ. Ai mất mẹ thì cái một bông cẩm chướng trắng hay hoa hồng trắng. Một hình ảnh biểu trưng, chọn một ngày để nhắc nhở những ai diễm phúc còn có mẹ, để mà yêu thương và trân quý. Với tôi một ngày trong một năm như thế là quá ít ỏi. Chẳng khác nào hạt muối trong đại dương.

    Mỗi ngày, ít lắm mỗi tuần, tệ lắm mỗi tháng, ta phải tự cài lên áo một hoa hồng đỏ, qua một món quà mà mẹ yêu thích: Cái bánh, củ khoai, trái chuối, ly sữa… một lời thăm hỏi ân cần, một câu nói ngọt ngào, một ánh mắt ấm áp chan chứa yêu thương, một cử chỉ âu yếm, quan tâm, lo lắng. Ðó là đóa hoa hồng đỏ, đã tự nở trên áo của ta, không đợi đến ngày Vu Lan được mọi người nhắc nhở.

    Em chồng tôi, đều đặn mỗi ngày ghé thăm mẹ, với những món quà mà bà mẹ Việt Nam yêu thích. Mỗi tuần cô cài đủ bảy hoa hồng đỏ thắm. Bảy ngày hạnh phúc và luôn thầm cảm ơn cái đặc ân còn có mẹ để mà tự nguyện và hiến dâng. Thế mà mẹ chồng tôi vẫn không chịu đựng được sự trống vắng, cô đơn khi không có sự đồng cảm giữa những người xa lạ và ngôn ngữ bất đồng. Lúc nào bà cũng muốn về nhà, khẩn khoản muốn về nhà.

    Cùng phòng với mẹ chồng tôi là một bà cụ người Bắc năm 54, mới đưa vào ba hôm. Người con gái lấy chồng lính Mỹ, đã bảo lãnh bà sang đây mười mấy năm về trước. Bà chỉ còn da bọc xương, lưng còng gần 90 độ. Bà nằm co quắp như con tôm luộc chín. Bà không còn đủ sức để ngồi lâu.

    Bà chỉ ăn cháo và uống sữa. Buổi trưa, người con gái đem cháo đến đút cho bà, phát hiện đầu bà không ngẩng lên được. Cô ta hốt hoảng la toáng lên: “Tại sao bà không ngẩng đầu lên được, tụi nó đã làm gì bà? Có phải tụi nó giật đầu, giật tóc bà không? Ðể tôi đi hỏi cho ra lẽ?” Bà không còn hơi sức mà trả lời.

    Từ khi bà đến nằm trên cái giường này, tôi chưa nghe bà nói gì ngoài tiếng thều thào yếu ớt: “Cho tôi về nhà, tôi muốn về nhà”. Bà nhìn tôi cầu cứu, tôi nắm bàn tay khô đét, lạnh ngắt và hỏi bà cần gì. Bà chỉ nói một câu đó, lập đi, lập lại không biết bao nhiêu lần.

    Bà tới đây từ một cái viện dưỡng lão khác, mà cô con gái chê là tệ quá. Cô ta sốt ruột vì thấy mẹ mình suy sụp nhanh chóng. Cô phản ứng lồng lộn. Lòng thương mẹ mù quáng làm cô thốt ra những câu nói không tế nhị. Bác sĩ và xe cấp cứu đến, người ta đưa bà vào bệnh viện lớn để rà soát lại cơ thể. Căn phòng chỉ còn lại một mình mẹ chồng tôi.

    Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
    Sáng khuya trưa tối, nhìn quanh một mình
    Ðời mong manh quá, kể chi chuyện mình

    Ðó là những câu hát não nùng, thật chua chát và đắng cay mà nhạc sĩ Lam Phương đã viết cho số phận của mình vào cuối đời, với những dư chứng của bệnh tai biến mạch máu não.

    Chúng tôi về lại Việt Nam, với linh tính biết đây là lần cuối cùng chúng tôi còn thấy mẹ. Buổi chia tay đẫm nước mắt và đau buồn trĩu nặng tâm tư. Mười ngày sau, vào một đêm cuối Mùa Hạ 2006, mẹ chồng tôi đã vĩnh viễn không mở mắt nhìn cái trần nhà, mà mấy tháng ròng rã bà ít khi rời nó. Bà ra đi trong lúc an giấc của mọi người, âm thầm lặng lẽ không một ai hay biết. Còn biết bao bà mẹ khác cũng đã và sẽ ra đi trong cô đơn tẻ lạnh như thế này.

    Tất cả con cháu ở rải rác ở nhiều tiểu bang đau đớn khi nhận được tin khủng khiếp này. Cô em chồng tức tưởi vì bà không đợi cô. Chỉ vài tháng nữa cô sẽ nghỉ hưu non, sẽ đem mẹ về nhà phụng dưỡng. Cô đã không điều đình được với Thần Chết. Mọi người câm lặng chịu đựng.

    Trong thâm tâm ai cũng trăn trở, ray rứt, xót xa vì biết bao điều chưa thực hiện: “Ðịa ngục chứa đầy những dự định tốt đẹp”.

    Làm sao cân bằng lại tâm lý, tìm lại an bình, một khi lòng cứ khắc khoải bởi những dằn vặt, ăn năn.

    Thời gian trôi theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Người ta đã chế tạo ra nhiều thứ… kể cả người máy, nhưng có một thứ họ không chế tạo được là trái tim người mẹ. Con người vẫn ăn ngủ, làm việc, theo cái đà tiến hóa. Không biết đủ, không vừa lòng, họ có thể bị con lốc cuốn trôi theo cái thảm họa đua đòi vật chất.

    Nếu không cảnh giác không dừng lại đúng lúc, họ sẽ là một thứ nô lệ mà suốt cuộc đời họ không hề biết hạnh phúc đích thực là gì. Quên bản thân, quên quyến thuộc, quên luôn cả tử thần đang rình rập, chờ đợi, bất cứ lúc nào cũng có thể cướp đi sinh mạng vốn đã mong manh trong từng hơi thở.

    Tại ai? Tại con người? Tại xã hội hay tại ta sinh lầm thế kỷ?

  6. #56
    Impact of Depression on Family and Friends Is Focus of Survey
    Jan 28, 2019
    Dear Abby

    DEAR READERS: The departments of psychiatry and medicine at Tufts Medical Center want to learn more about the impact caregiving has on family members and friends of people who have been diagnosed with depression or other illnesses.

    Because family members and friends play a large part in providing care while also balancing jobs and other responsibilities, the physicians and research scientists at Tufts are asking you, my readers, to share the impact caregiving has on different aspects of your life, including your ability to work and your health and well-being. This information will be used to improve services to caregivers and the people they support.

    You may be eligible to participate if you are a:

    -- caregiver for a relative or friend with depression or other illnesses,

    -- person who has depression that has not improved with treatment,

    -- person who is employed and not involved in caregiving.

    If you are interested in participating in this important study, please visit bewellatwork.org/NCS/. Participation in this study is voluntary and anonymous. It involves answering a brief set of questions and, if you are eligible to participate, completing an anonymous survey. The entire study is conducted on the internet and is completely private. In the past, readers have generously helped by sharing your experiences, and I hope you will do so again.

  7. #57
    http://trietvan.com/ngayquaratvoi/kyniem209.htm

    Phòng 109 LITTLE SAIGON Inn
    Lê Giang Trần

    Mẹ già như trái chín cây
    Trái chín cây gió lay thì rụng

    Sau khi ba tôi qua đời, Vú tôi quyết định bán căn mobilehome ở gần bên khu Phước Lộc Thọ ở Little Saigon để dọn về ở với cô em thứ 8 của tôi bên Texas. May là Diệu em tôi không đi làm, là đứa con rất có hiếu, nên sẵn sàng thay mặt anh chị em nhận trách nhiệm chăm lo cho mẹ mình đến trăm tuổi già. Trước kia đã hai lần Ba Vú tôi ở với vợ chồng của Diệu, một lần ở với đứa em trai út tôi là Út Thu được vài năm, rồi bỗng một ngày đẹp trời đang ở với vợ chồng Diệu-Thắng, bỗng ba tôi đổi ý muốn ở riêng, mà lại không hẳn là vậy, lúc đó vợ tôi vừa từ Việt Nam sang được vài tháng, ba tôi gọi tôi bảo tôi bán căn mobilehome của tôi để về ở chung cùng ông bà.

    Tôi đã ba lần bốn lượt về ở chung nhà với ba vú tôi, nhưng cách sống văn nghệ và đi làm báo, chơi với anh em cầm bút, ba tôi không thích cách sống đó, có lần ông nói “tao đặt tên cho mầy rất đẹp, vậy mà giờ mày đổi tên đổi họ, lê giang trần, lê lết trần gian, tao không hiểu nổi”. Cái số của tôi sao đâu, vừa qua tới đảo là vợ đòi đi định cư bên Pháp, nhờ người cậu thứ Bảy bảo lãnh riêng, làm sao được khi đi với chồng và 3 con, người cậu bảy từ chối thẳng. Nhưng khi đến Mỹ thì nàng vợ vẫn giữ quyết định thôi nhau, ngoại trừ tôi phải rời bỏ cha mẹ tôi để đi theo vợ về sống bên gia đình người anh ruột của nàng. Chúng tôi đành chia tay. Và sau đó tôi cũng không ở được với cha mẹ, ra đi sống bụi đời nơi cái chốn gọi là Little Saigon.

    Năm 2007, sau khi Ba Vú tôi cơm không lành canh không ngọt với vợ chồng thằng con trai trưởng là tôi, tôi nhứt định bỏ cái nghiệp layout báo, nghỉ ngang công việc đang ổn định là Layout tại nhật báo Người Việt, nghe lời vợ dọn sang Texas, có nhà cửa ở sẵn sàng nơi một thành phố tên Shepherd “người chăn dê cừu”, dân số chỉ hơn hai ngàn người, dù nằm sát quốc lộ 59 North. Sau 2 năm 1 tháng, năm 2009 lúc đó ba tôi trở bệnh, vợ tôi cũng mệt mỏi đi làm nail nuôi ông chồng ở không, đã bảo tôi là anh nên tìm việc làm vì em đuối rồi. Tôi về Cali thăm ba tôi, định ở khoảng 3 tuần, nhưng về gặp lúc nhật báo Viet Herald ra đời, nhớ lời vợ bảo bèn nhận việc layout, cái nghiệp lại mang vào. Vài tháng sau ba tôi qua đời, 4 tháng sau vợ tôi bỏ căn nhà bên Texas chạy về Cali luôn. Cái số lần nữa không cho tôi sống với bạn.

    Số tôi cũng không được sống với con, vì khi tôi bị gãy cái lưng nằm xuống thì nàng vợ chia tay, xin tôi cho nàng mang hai con về ở cho có mẹ con với nhau. Nghe cũng phải, chứ dắt con đi ở nhờ garage hoài cũng tội mấy nhỏ, bèn chấp nhận và ra đi bụi đời, sống lang thang hết 20 năm, rồi chùn chân mỏi gối con ngựa hoang nên cưới vợ cho yên đời, được 10 năm thì cô vợ chán ông chồng quá bèn nói lời chia tay để đi tìm một tương lai sáng lạn hơn. Vậy cái số cũng không cho ở với vợ luôn. Tiếc là không đủ sức để đi tu và cũng không đủ gan để về Việt Nam sống bụi đời. Từ đó mặc cho ông trời ổng tính sao thì tính.

    *

    Vú tôi ở với cô em thứ tám cũng được 5 năm từ khi ba tôi mất. Bây giờ Vú tôi gần như rơi vào tình trạng mất trí, không còn biết gì đến vệ sinh, nhưng cái óc ấy nhất định bắt con Tám phải đưa về Cali. Hai bà chị tôi và 2 cô em gái cùng cô em dâu (là vợ của người em kế tôi đã qua đời năm 1977 vì vượt biên), phải họp lại để tìm phương án. Bà chị kế tôi nói, con tám chịu hết nổi rồi, phải thả nó ra một lúc, bây giờ mình phải xúm lại lo cho Vú thôi. Và, không còn giải pháp nào khác hơn là phải chấp nhận đưa Vú tôi vào Nursing home mới có thể chăm sóc cho bà cụ bị mất trí. Trước khi rơi vào tình trạng mất trí, bà tụng kinh, nghe kinh mỗi ngày 3 cử, ăn chay trường, sau khi bị mất trí nặng không còn kiểm soát được ngay cả việc vệ sinh, làm cho cô em tôi hầu như phải canh giữ 24 trên 24, không còn cho bà đeo món gì trên người, vì có lần bà đã bứt chuỗi hạt đeo ở cườm tay để ăn hạt chuỗi. Chúng tôi ai cũng khóc trước cảnh mẹ mình rơi vào tình trạng quá nặng nề, đành phải chọn giải pháp chẳng đặng đừng.

    Hôm nay cô em cùng thêm một cô em bà con, đưa bà cụ đi máy bay về Cali, Litte Saigon. Little Saigon là danh từ mà những người Mỹ trong ngành truyền thông nghe được khi theo dõi về sinh hoạt của người Việt tị Nạn khi họ tập trung về định cư với một con số khá lớn tại thành phố Westminster, để từ đó người Việt gọi là “tiểu Saigon”, nhưng nhà thơ Cao Đông Khánh khi còn sống và định cư tại đây, ông đã không bằng lòng với chữ “tiểu” vì là tiếng Hán-Việt, nó còn giống câu “tiểu na má” của người Tàu nên ông gọi là “Saigon Nhỏ”. Little Saigon được tôi mang làm tựa cho tập thơ đầu tay vào năm 1991, nhưng tôi không chịu thêm chữ “Nhỏ” nên đặt là “Sài Gòn ở phố lưu vong”.

    Bà chị tư tôi vô tình lại thuê phòng ở khách sạn “Little Saigon Inn” nằm trên đường Brookhurst gần ngã tư Westminster, ngó xéo qua bên đường là tiệm 99¢, trước kia là motel nhỏ rồi đổi chủ đổi tên mới cho đúng với Little Saigon Town nơi được người Việt gọi là “Thủ đô tị nạn”. Hotel này được du khách Việt từ xa đến chọn ở vì thuận tiện nơi chợ búa, dễ dàng việc ăn uống và đi lại, có thể đi bộ là thưởng ngoạn được trọn vẹn khu trung tâm thương mãi của cộng đồng Việt Nam nằm trên đường Bolsa chỉ cách motel 2 miles, hai ngã tư lớn.

    Tôi ghé vào cơm tấm Thuận Kiều gần Motel, mua phần cơm gà nướng togo, 7 giờ 30 phút tối tôi vào motel tìm phòng 109 nơi chị Tư tôi thuê 2 phòng liền nhau có cửa thông qua, tạm ở vài hôm để đi lo giấy tờ cho Vú tôi nhập viện vì bà té u trên đầu còn sưng, sau đó sẽ đưa Vú tôi vào một Nursing home đã chọn, họ đã bằng lòng nhận nếu bà đủ giấy tờ về Y Tế. Tôi ôm Vú tôi, bà chị Ba và chị Tư hỏi bà, Vú biết ai đây hông? bà đáp “thằng chó đẻ” hai bà chị cười, hỏi tiếp, thằng chó đẻ tên gì?, Vú tôi nói ra tên tôi, hai bà chị ganh liền, bảo thằng con trai yêu quý thì nhớ tên, rồi chị Tư quay sang tôi nói, chỉ có mày, còn tao và chế ba thì bà không nhớ tên.

    Tôi sang phòng kế ngồi mở phần cơm gà ra ăn trong khi dì Út (em ruột của mẹ tôi) nấu thức ăn từ nhà mang đến rất ngon, nhìn phát thèm vì nhìn thấy thức ăn quen của nhà nấu nướng. Nước mắt tôi cứ nằng nặng từ khi bước vào phòng 109, tôi chỉ muốn nó trào ra, trào ra đi, thế mà nó cứ nằng nặng mờ mờ nằm trong con mắt tôi. Tôi tội cho mẹ mình nghiệp nặng vào những ngày tháng gần đất xa trời. Vú tôi đã 86 tuổi, chỉ độ nửa năm nay bà bị rơi vào tình trạng mất trí, gầy hẳn phân nửa da thịt so với hơn năm trước về Cali chơi mà bà bảo là đi lần chót, bà mập mạnh tươi tỉnh chụp cùng tôi tấm hình trông rất đẹp lão, vì Vú tôi hồi con gái rất đẹp và có duyên, con gái ruộng mà trong 14 anh chị em ruột của bà chỉ có Vú tôi thứ Sáu và dì Út thứ 14 hiện tại là da trắng như bông bưởi.

    Vú tôi lấy chồng năm 17 tuổi, làm ruộng đã quá cực rồi, khi bên chồng mở nhà máy xay lúa, vú tôi cực nhọc vô cùng, nào cơm nước hầu hạ cha mẹ chồng, và dù có 2 cô gái giúp việc nhưng cả ba đều làm không xuể tay, nào cơm nước cho công nhân nhà máy ăn, nào một chuồng heo cả chục con, chuồng gà cả trăm con, ao cá phi phải rải cám nuôi, còn cây trái, rau cải trồng quanh nhà. Tinh mơ 4 giờ sáng đã phải xuống ngồi ở căn nhà mát cất sát bờ sông trước mặt nhà máy để đón xuồng của dân trong ruộng chở lúa đến chà gạo, vì xéo bên kia sông có một nhà máy xay lúa nhỏ hơn hiệu Công Thành nên hai bên phải cạnh tranh đón khách. Nhà Máy sau mùa gặt lúa thì chạy 24/24. Khi khách quá nhiều không xay cho họ kịp trong ngày thì vú tôi còn phải lo cho họ có chỗ ngủ qua đêm, phải điều động mang ghế bố đặt dọc theo mái hiên quanh nhà máy hay lẫm lúa, phải giăng mùng vì muỗi rất nhiều. Hết ghế bố thì giăng võng, mà võng cũng phải có mùng, hết võng phải thêm nốp cho đàn ông để chui vô ngủ không bị muỗi. Quan trọng nhất là phải cho họ ăn cho no bụng. Ôi thôi là cực, khi đó tôi chỉ mới là một cậu bé 6, 7 tuổi, vừa biết lội sông nhờ tập lội bằng mang hai trái dừa khô tét một sợi nhỏ của lớp vỏ rồi cột dính lại làm cái phao; không có 2 trái dừa thì ôm bẹ dừa nước, cái phần ở phía dưới của nhánh lá chặt ra, gọi là “bặp dừa”.

    Cũng trong thời kỳ làm nhà máy xay lúa độ 5,7 năm này, Vú tôi vì bị mẹ chồng áp lực nặng nề, bà tủi thân nên treo cổ tự vận. Chiều đó bà cho tôi $5, bảo tôi dắt thằng em kế tôi một tuổi, bảo dắt em đi tới chợ nhà Lồng chơi, mua đồ ăn ở chơi khi nào muốn về thì về. Hai anh em tôi có tiền nên đi liền, vì lúc đó có gánh cải lương tới xóm Cầu Sập của tôi dựng rạp vào ban đêm ở chợ Nhà Lồng hát vài bữa để lấy tiền dân quê mê cải lương, một vé bán $5. Đó là năm 1959, tiền còn lớn. Rạp đêm đó chiếu tuồng “Bánh xe lăn xã hội”, chắc nói về chuyện đời hay tình cảm xã hội, tôi gặp chú Năm Hòa là em bà con chú bác với ba tôi, ông là công nhân làm cho nhà máy xay lúa của nhà tôi, vừa mới cưới vợ nên dắt vợ đi xem cải lương, thấy tôi, ông tới gần bên tôi, buồn bã nói chú dắt thím Năm mày đi coi hát mà không đủ tiền, ai dè nó mắc tới $5 một vé, chú chỉ đủ tiền mua một vé, chắc đứng nghe “ô pạc lưa” (loa phóng thanh) ca vọng cổ một hồi rồi dắt thím Năm mày dìa thôi. Nghe chú than, tôi móc ra tờ $5 đưa cho chú, nói Vú con mới cho tiền hai anh em lợi đây chơi mà tụi con không mua gì ăn, thôi chú lấy mua vé cho thím Năm vô coi cải lương cho vui. Chú Năm có lẽ nghe tôi nói cũng có lý nên mặt chú vui ra, cầm lấy tiền, nói thôi thì chú mượn rồi mai mốt chú trả lại. Tôi trong bụng lúc đó không vui thú gì, Vú tôi bệnh nằm ở nhà nên nói với thằng em là mình đi về đi, về nhà sớm cho Vú vui. Rồi hai anh em tà tà cuốc bộ một quảng đường khá xa để về nhà trong bầu trời trăng thanh gió mát.

    Về nhà, hai anh em chun vô mùng ngủ thì Vú tôi từ giường bên kia giở mùng chun vô ngồi khóc thút thít, dặn dò tôi phải thương và lo cho em tôi. Tôi lúc đó 7 tuổi, còn quá nhỏ để đoán này đoán kia, nhưng linh cảm là có chuyện không tốt, bèn nói với Vú là con chạy qua nhà máy kêu ba về, rồi tốc mùng đi qua nhà máy kiếm ba tôi thì gặp ông đang châm nhớt cho cái đầu máy to tổ bố đặt trong phòng máy, tôi nói Vú Bệnh kêu ba về, ba nói ba mắc bận châm nhớt, xong rồi ba về. Tôi đứng chờ thấy nóng ruột, lại nói ba về liền nghe, Vú khóc đó, rồi chạy về. Về tới cửa buồng thì Vú tôi đã khóa chốt bên trong, linh tính hay nhờ sợ hãi sao đó mà tôi leo qua vách buồng ngủ vô trong được thì thấy Vú tôi đang treo mình lủng lẳng dưới sợi dây thừng, tôi hoảng vía kêu to lên “Ông Nội! Ông Nội” vì ông nội tôi đang ngồi uống trà ở đi văng giường ngủ đặt ngoài nhà trước, ông nội tôi cũng nhạy bén, ông có nghề võ nên ông phóng cái rẹt là vô trong phòng, tôi đang cố gắng ôm hai cái chân của Vú tôi đỡ lên, ông nội tôi tới tháo sợi dây thừng và ba tôi cũng vừa về tới. Nhờ Vú tôi quấn cái khăng bàng quanh cổ do bị bệnh nên không bị nghẹt thở ngay và cũng nhờ tôi về kịp lúc. Từ đó mãi về sau khi tôi lớn lên, mỗi lần thấy Vú tôi khóc thút thít nằm bệnh là tôi thức sáng đêm không ngủ vì sợ bà lại tự tử nữa, bao nhiêu dây chạc và dao kéo bị tôi lục ra đem giấu kỹ, sợ mẹ mình tìm nó thì mình có thể thành ra trẻ mồ côi.

    Giờ đây tôi 62 tuổi già, vậy mà ôm Vú tôi vào lòng mà tôi cứ tưởng mình giống như hồi bảy tám tuổi lúc Vú tôi tự tử. Bây giờ trong lòng tôi cũng chợt nổi lên một nỗi lo sợ là Vú mình sẽ chết bỏ lại mình mồ côi mồ cút. Mà tôi là đứa con bị cha mẹ coi là con hư hỏng, không ưa gì, không tin tưởng gì, vì thật sự mà nói, từ khi qua Mỹ năm 1980 tới bây giờ, tôi chưa có trả được cho cha mình một chút xíu nào gọi là “có hiếu”. Hồi ba tôi còn sống thì mỗi năm tôi chỉ làm được một việc là mua cho ba áo thun, quần lót, vài bộ Pyjama, vớ; hay vào mùa lạnh thì mua cái áo ấm, thật là bình thường và nhỏ bé. Còn Vú tôi thì cũng chỉ mấy món nhỏ nhặt, cái áo ấm, món đồ ăn chơi vui miệng cũng như cho ba tôi, thỉnh thoảng tô mì, tô bánh lọt khi đi ăn quán thấy ngon mua mang về. Tết tới thì đưa cho bà đôi trăm bạc giấy 1 đồng để bà có thêm tiền lì xì cho con cháu. Ngoài ra, tôi chỉ là một con người nghèo nàn lang bạt, sống gần như không có tương lai gì cả.

    Giờ đây, đêm nay ngoài trời sao quá giá lạnh, tôi mặc hai ba lớp áo, đầu chụp mũ len, cổ quấn khăn len, tôi đã là một ông già yếu đuối, giờ đây trước cảnh mẹ mình như thế, lòng đau như cắt, một giọt nước mắt cũng không rớt ra được, cảm thấy mình chỉ là một thằng con bất hiếu, bất lực, không lo được gì cho mẹ già. Thấy mình không còn ra con người nữa, những muỗng cơm nuốt vào tưởng chừng như nuốt sạn nuốt sỏi. Định mệnh của tôi ư? Tôi bỗng dưng thù ghét định mệnh và đồng thời chua sót cho cái kiếp sống tha hương, bước vào giai đoạn sống trong tuổi già, trước mắt thật là vô vị và mông lung.

    Thế hệ của Vú tôi ít ra còn có những người con thương tâm, cố gắng trả hiếu trả thảo cho cha mẹ và cố gắng lo cho cha mẹ già khi trăm tuổi. Đến thế hệ chúng tôi sống nơi đất khách thì không trông mong gì nơi con cái. Ai cũng mong có một ngày ngủ rồi đi luôn cho nhẹ nhàng, chứ ốm đau ngặt nghèo hay già lẩn trí thì không biết sẽ ra sao. Nhưng mỗi cái chết đều có số phần không thể biết trước, giống như lúc sinh ra đời lọt vào đâu, nơi nhà cao cửa rộng hay nơi nhà nghèo bần cùng, để rồi từ đó, cái thứ ngoài tầm tay của mình thì gọi nó là định mệnh ư?

    Tôi có nói gì ghê gớm đi nữa, tôi vẫn phải đối diện. Tôi đang đối diện với hình ảnh của mẹ mình, và ngay cả với chính tôi trong cái gọi là tuổi già bóng xế, một thứ quy luật của sinh diệt. Tôi chỉ là một con người bình thường và có thể cũng tầm thường, tôi không viễn mơ mình có thể sống như một thiền sư chẳng hạn, mà chỉ đơn giản sống theo quan niệm “ở hiền gặp lành”, niệm Phật hiệu hằng ngày như là huân tập cho tâm tưởng đừng mống lên ý tham lam, tham dục, nhất là tham những cái của người khác. Tôi sống như là được Trời Phật nuôi hay Phật Trời độ, nhưng tôi không ỷ lại sự ứng hiện đó qua bao lần tôi gục xuống rồi đứng lên, qua bao lần tan nát rồi bình tĩnh an bình, qua bao lần nếm mùi nhân tình thế thái, tôi đều vẫn tâm niệm “ở hiền gặp lành” mà thôi.

    Tình huống của mẹ tôi ở tuổi gần đất xa trời, kết luận cuối cùng về nó là quy nó vào NGHIỆP. Quy “là nghiệp” một cách đau lòng và bất lực. Nếu tôi có thể thay thế cho tình trạng của mẹ tôi hiện tại, tôi sẵn sàng, nhưng khổ nỗi, nghiệp của mỗi người phải tự gánh lấy. Con cái chỉ có thể làm bớt nghiệp của cha mẹ mình bằng cách A,B,C,D theo nhà Phật dạy, và chỉ hết lòng tin tưởng, chỉ hy vọng thật sự được như vậy. Từ đây, ĐỨC TIN và HY VỌNG, trở thành một MẬT LỰC. Mật lực của đức tin vào sự nhiệm mầu cao quý đại từ bi của chư Phật chẳng hạn, và mật lực của con người là niềm hy vọng tuyệt đối bằng đức tin vào nó; hai thứ LỰC này cũng đã phát sinh những hậu quả tốt đẹp bất ngờ. Trong tất cả những phim ảnh về siêu khoa học ngoài không gian, hy vọng là niềm tin cuối cùng mà những con người đang rơi vào một tình huống bi đát nhất phải giữ vững lòng tin. Cho nên tôi luôn có đức tin trong kiếp sống và luôn có hy vọng trong cuộc sống. Tôi sống không bao giờ bi quan.

    Người Mỹ có câu “Don’t look back”. Trong kinh Phật có dạy “qua sông quên đò”, “Hỉ Xả” rất quan trọng và được đặt liền theo “Từ Bi”. Vú tôi, bà bị bệnh hội chứng quá khứ, khi sang Mỹ, bà bỗng phát sinh thù ghét cha mẹ chồng vì đã đày đọa bà, từ đó làm cho ba tôi trở thành một nạn nhân bị dính líu, làm cho bà hận chồng đã không yêu thương gì bà, bà chỉ là cái máy đẻ năm một, chẳng hạn, và vô số tội trạng khác. Vú tôi sanh 13 người con, bệnh mất 2 còn 11, sau năm 1975 mất thêm thằng em trai kế tôi do đi vượt biên và mất thêm đứa em gái út 9 tuổi do sốt xuất huyết và chôn cất ở một đảo nhỏ ở Indonesia.

    Tôi còn nhớ rất rõ, khi tôi còn bé ngủ bên cạnh Ba Vú tôi, tôi thường chứng kiến cảnh hai người nằm ôm nhau và hôn nhau mùi mẫn, ánh mắt Vú tôi long lanh đầy tình thương yêu vợ chồng. Ba tôi từ khi qua Mỹ, chính ông là người hầu hạ vợ mình, giặt từ cái quần lót cho vợ, nấu cơm canh khi vợ nằm bệnh, bóp tay chân khi vợ đau nhức, cạo gió, làm hết việc vệ sinh trong nhà và ngoài vườn, và ông chịu đựng cái bệnh hội chứng của vợ, chỉ buồn âm thầm, trở nên cô độc, vì Vú tôi không còn ăn chung mâm, không còn ngủ chung giường với chồng nữa. Ba tôi than với tôi rằng, Vú mầy hành tao kiểu này tao chết sớm, và ông qua đời trước mẹ tôi.

    Tôi trở về nhà và ngồi vào máy để viết lại những cảm nghĩ bức xúc của mình do tôi quá xúc động khi nhìn thấy mẹ mình rơi vào tình trạng mất trí, tôi hình dung đến lúc Vú tôi phải vào sống trong viện dưỡng lão là lòng tôi nghẹn lên. Tôi chỉ còn biết cầu Trời Phật cho Vú tôi tỉnh trí lại, đòi về nhà ở với con và bà trở về sẽ hiền lành như một đứa bé để cô em tôi có thể lo cho mẹ mình đến khi bà nhắm mắt; còn nếu không, làm sao Vú tôi có thể sống ngoan ngoãn trong viện khi mà trí óc bà không còn kiểm soát được? Sự đau xót của tôi trở thành bất lực trong giây phút này. Mấy chị em của tôi cũng không khác, tất cả đều hiện rõ trên gương mặt một nỗi lo buồn đè nén nhưng đè nặng.

    Tôi không muốn viết thêm gì nữa, bấy nhiêu đã đủ nát lòng, bấy nhiêu đã đủ cho tôi trắng đêm trăn trở và nhiều đêm trằn trọc. Chị em chúng tôi sẽ thay phiên chăm sóc và cầu nguyện và hy vọng và tin Trời Phật cũng sẽ có gửi đến một mật lực nào đó ban cho một người đàn bà đã từng đem hết sinh lực thời thanh xuân ra sống trọn vẹn, và bà cũng là tiêu biểu cho hình ảnh còn sót lại của người phụ nữ sống trong suốt thời chiến tranh, nhận chịu bao hậu quả oan nghiệt. Dù có phước được hưởng hay không được hưởng, họ đều đáng thương vô cùng.

  8. #58
    Cha tôi và những mùa hè năm tháng cũ
    Việt Nguyên

    Đoạn kết có hậu của cuốn phim Vượït Sóng với hai mẹ con Mai và Lai tìm lại được đời sống mới, hạnh phúc trong một buổi chiều trên cánh đồng với cánh diều bay làm tôi nhớ lại một đoạn trong cuốn sách “Người Thả Diều” (The Kite Runner) của Khaled Hosseini, sắp thành phim qua hãng Paramount. Những cánh diều rực rỡ ngày nào của những mùa hè trên quê hương thanh bình cũ. Những mùa hè hạnh phúc của thời đi học. Những con diều của tuổi thơ đã mất. Mùa hè năm nay, những người bạn thời trung học gần 40 năm mới gặp lại, đã đem đến cho tôi nhiều kỷ niệm của những ngày tháng cũ và nhắc đến hình ảnh nghiêm khắc của cha tôi vào những mùa hè.

    Father’s Day! Có ai muốn viết về những người cha nghiêm khắc? “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Mẹ lúc nào cũng rộng lượng, nước lúc nào cũng mát mẻ, còn núi Thái Sơn khô khan, cao không với tới, mà núi Thái thì có ai biết ở đâu? Núi Thái xa xôi ở bên Tầu. Câu ca dao chỉ làm cha xa thêm và mẹ thì gần gụi lại.

    Các bạn đã nhắc tôi mùa hè năm 1961, buổi chiều mùa hè cha tôi đứng đợi trước cửa trường trung học Trần Lục để đón tôi đi bộ về nhà sau một ngày thi tuyển vào đệ thất. Cái ngày mùa hè ấy, cậu học trò nhỏ luôn luôn lạc quan là tôi đã bảo đảm với ông rằng tôi chắc chắn đậu kỳ thi tuyển vì đã trúng một bài toán thuộc lòng với hai chiếc xe chạy cùng giờ ngược chiều, một chiếc từ Saigon một chiếc từ Vũng Tầu với hai tốc độ khác nhau, một chiếc 60km/giờ và một chiếc 40km/giờ sẽ gặp nhau ở đâu vào lúc nào? Và bài luận văn “Mùa hè em sẽ lên núi hay đi xuống biển”. Tôi chọn bài luận tủ “Mùa hè em sẽ đi lên núi”. Bài luận văn tủ được chú bé con viết rất dễ dàng vì tôi bị những ngọn núi ở Dalat quyến rũ từ nhỏ. Bài viết hơn sáu trang giấy với kết luận được ông giáo Mai trường Bàn Cờ dặn dò tôi để đi vào con đườøng hoạn lộ: “Em sẽ đứng trên núi nhìn thấy giang sơn gấm vóc và luôn luôn ghi ơn Ngô Tổng Thống!”. Có lẽ nhờ câu kết luận này mà tôi thêm tin tưởng để bảo đảm với cha tôi và có lẽ lần đó là lần duy nhất ông tin vào lời nói của tôi.

    Năm tôi sáu tuổi, cha tôi đã ngoài 50, ông về hưu sau những năm làm việc ở hãng buôn Pháp. Hơn năm năm thất nghiệp, ở nhà dậy kèm cho anh tôi (hơn tôi một tuổi) và tôi trong suốt những năm tiểu hoc nhờ vậy chúng tôi có những mùa hè đẹp. Mỗi ngày ông bắt chúng tôi ngồi trước hàng hiên nhà, trên hai chiếc ghế đâu mặt vào nhau qua bàn học nhỏ. Ông bắt chúng tôi gò gẫm từng chữ, từng giòng, tập viết chữ đẹp một cách khổ sở như thời ông đi học. Sáng học toán, trưa được ngủ một tiếng, chiều lại phải học Pháp văn. Những năm ấy có lẽ là những năm đẹp nhất giữa ông và chúng tôi.

    Nhờ ông mà tôi yêu Saigon. Mỗi chiều cha con đạp xe trên những ngõ hẹp gập ghềnh từ nhà ra rạp hát Việt Long, vòng qua những ngõ hẻm xóm Vườn Chuối thời Saigon còn thanh bình chưa thấy chiến tranh. Tôi yêu những con đường ở Saigon bắt đầu từ những ngày đi bộ đến mỏi chân với ông từ nhà ra khu trung tâm Saigon, qua Trần Qúy Cáp, Cao Thắng, Lê Văn Duyệt đến Tự Do, Lê Lợi, đi nhìn những ánh đèn Neon buổi tối, những căn phố lầu để ông có dịp kể lại những con đường ở Paris. Nhiều năm sau này khi đến Paris, bước vào những cầu thang máy cũ kỹ với hai cánh cửa sắt đóng xập vào tôi lại sững sờ nhớ lại những ngày còn nhỏ đi Saigon với cha tôi. Những buổi chiều đi bộ với ông khắp Saigon đếân mỏi chân, về đến nhà nằm lăn quay lên giường đọc sách. Ông không đọc sách nhiều nhưng ông đã làm tôi mê sách vở qua những sạp báo bên lề đường và những hàng nước mía khi ngừng chân. Những cuốn sách quyến rũ trên lề đường Lê Văn Duyệt và những cuốn sách trên đường Nguyễn Huệ trước nhà sách Khai Trí. Bắt đầu là những cuốn truyện bằng tranh mỏng, Phù Đổng Thiên Vương, bà Trưng bà Triệu rồi đến những cuốn sách trên sạp báo. Tôi đọc bất kể loại sách nào từ chuyện Tầu, Tề Thiên Đại Thánh, chuyện chưởng, chuyện kiếm hiệp, chuyện tình cảm. Đến 16 tuổi bao nhiêu tiền tôi dành hết cả vào sách và ciné! 17 tuổi tôi lại ham đọc sách triết. Những cuốn sách mới thơm mùi giấy và mực làm tôi quên những buổi cơm chiều, cha tôi phải sai anh tôi đi tìm lôi cổ về nhà. Sách vở đem lại sự bực mình cho cha tôi nhưng đã đem lại hạnh phúc cho tôi, những hạnh phúc của ba tháng hè.

    Năm tôi 50 tuổi, các con tôi bắt tôi viết nhật ký với những câu hỏi do chúng đặt ra, về những ngày ở Việt Nam, về những kỷ niệm tuổi thơ, câu hỏi khó nhất là “tôi đã nhớ học được gì từ cha tôi”? Ông là người nghiêm khắc, khó tính với hai con mắt làm bạn bè cùng lớp của tôi sợ hãi. Tôi nghĩ mãi mới nhớ đến chín điều tâm niệm của ông hay lập đi lâp lại, những bài luân lý ông cố nhét vào đầu anh em chúng tôi, sáu anh em trai, như nước đổ đầu vịt.

    Điều tâm niệm thứ nhất: Tụi mày, học trò đi học sau này đỗ đạt có bằng cấp là để cho tương lai chúng bay chứ không phải cho cha mẹ. Giảng điều tâm niệm thứ nhất xong, ông nhìn lại không thấy đứa nào, ông phải đợi đến ngày hôm sau để giảng tiếp điều tâm niệm thứ hai: khi nào chúng mày có con, chúng mày mới hiểu lòng cha mẹ. (Điều tâm niệm thứ hai này quả thật phải hơn 20 năm sau khi ông mất tôi mới thấm).

    Điều tâm niệm thứ ba của ông được ông em kế thua tôi ba tuổi nhớ kỹ nhất, sau này nó bắt đầu dạy cho con như một ông già: chúng bay học giỏi, sẽ đi làm kiếm được nhiều tiền, có tiền, giầu nuôi được chúng mày và con chúng mày. Cha mẹ không được nhờ đâu. Nước đổ từ trên thác đổ xuống, không chạy ngược lên, đến đời con chúng mày cũng vậy đừng đợi nhờ vả đến chúng. Điều tâm niệm này ông nói hơi nặng lời, hình như khi ấy chỉ có ông anh cả của chúng tôi thấm thía. Điều tâm niệm thứ tư, có lẽ là lời tiên tri cho bọn chúng tôi vì ít khi nào ở VN anh em chúng tôi nghĩ chúng tôi sẽ giầu: Đừng quên gốc gác khi giầu có.

    Điều tâm niệm thứ năm làm chúng tôi bực bội nhưng ở cuôí thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 đúng phóc: Đừng nghiện ngập thuốc phiện! Dù giầu có đến đâu nghiện ngập không có lối thoát.

    Điều tâm niệm thứ sáu: đừng quên những người giúp đỡ mình, kéo đến điều tâm niệm thứ bẩy, ông cứ nhắc đi nhắc lại mãi làm chúng tôi chỉ muốn quên: khi giầu đừng quên lúc nghèo!

    Hai điều tâm niệm chót thứ tám và thứ chín nặng tình gia đình: anh em phải thương yêu và đùm bọc lẫn nhau và sau cùng phải nhớ đến tổ tiên.

    Hình như cứ mỗi cuối năm là ông lập đi lập lại những điều tâm niệm này, càng nhắc chúng tôi càng quên, có lẽ vì ông không tin tưởng lắm vào các con ông. Tôi không biết về phần năm anh em khác của tôi nhưng rõ ràng là ông ít tin tưởng vào tôi. Dậy kèm tôi suốt năm năm tiểu học, đậu hạng năm trường tiểu học Phan Đình Phùng nhưng ông nhất định bắt tôi thi vào trườøng trung học Trần Lục, giản dị là sau bốn năm học Trần Luc rồi thì cũng sẽ vào Chu Văn An hay Petrus Ký. Học ở Trần Lục hai năm rồi nhưng ông lại muốn tôi thi vào trường Cao Thắng cho có nghề! (Ngôi trường cạnh chợ Cũ, chợ chó, học sinh đi học lúc nào cũng có kềm búa trong cặp, các anh em tôi đều tốt nghiệp trường Cao Thắng. Tôi hay đến họp Hướng Đạo, trổ nóc nhà đi qua chợ chó). Tôi phải cố gắng lắm mới thoát được kỳ thi tuyển vào Cao Thắng. Đậu trung học đệ nhất cấp ông và tôi lại tranh cãi một lần nữa. Ông đinh ninh tôi sẽ chọn ban B toán, tôi lại chọn ban C văn chương. Ông giận mất đến mấy ngày, cứ bảo tôi rằng: văn sĩ rách lấy gì mà ăn? (thật ra lúc ấy tôi muốn thành họa sĩ vẽ tranh khỏa thân chứ không muốn viết văn). Tôi thấy văn sĩ trong nước hồi ấy có nghèo thật, nhất là mỗi ngày nhìn ông Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng lảo đảo vào trong xóm, nhưng thích văn chương hơn toán nên vẫn cố cãi bướng. Mấy ngày liền ông cứ đặt câu hỏi: “Mày có chắc sống được với văn chương? Sau này có gia đình lấy gì nuôi con?” Sau đó ông đổi giọng nhẹ nhàng hơn. “Học ban toán sau này thành kỹ sư có nghề nghiệp vững chắc tại sao con lại thích viết văn?” Ông không biết rằng những đêm nằm trên sân thượng nghe ông ngâm chuyện Kiều và buổi tối theo dõi chương trình Tao Đàn ông yêu thích đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn của tôi. Cuối cùng tôi cũng chiều lòng ông chọn ban Toán khô khan. Tôi không biết nếu ngày ấy chọn ban C rồi thì cuộc đời sau này có lận đận như mấy ông bạn thơ Tô Thùy Yên hay Du Tử Lê? Mới đây, đọc những cuốn sách hay của Orhan Pamuk, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ giải văn chương Nobel mới biết văn chương bạc bẽo, hồi nhỏ ông bị mẹ la rầy vì chỉ mong thành họa sĩ và văn sĩ bỏ cả ngành kiến trúc đang học để viết văn hay như nhà văn Tây Ban Nha Paulo Coelho, viết “The Alchemist” ấn bản hơn 100 triệu cuốn, hồi nhỏ nhất định mơ thành văn sĩ bị cha bắt bỏ vào nhà thương điên ba lần hồi năm 17 tuổi, hai lần trị bằng điện giật cho đến năm 26 tuổi mới được xem là bình thường đạt được giấc mộng theo đuổi ngành văn chương.

    Học xong Chu Văn An, đậu Tú Tài đôi, cha tôi chọn cho tôi ngành Không Quân! Ông không tin tôi sẽ thi đậu vào Y khoa. Cuộc đời có trời sắp đặt. Tôi đậu Y khoa nhờ may mắn. “Cả năm chỉ thích đi Hướng Đạo, Hội Hồng Thập Tự, làm ban đại diện trường Chu Văn An, làm sao mà đậu được Y khoa?” Giống như Paulo Coelho viết trong The Alchemist “Khi mà mình mơ một điều gì mãnh liệt thì trời đất và mọi sự đều đồng lõa giúp vào”. Kỳ thi vào Y khoa năm 1968 do Gs Trần Ngọc Ninh làm chủ khảo đặt nặng kiến thức tổng quát và sinh ngữ. Lòng yêu sách vở đã giúp tôi. Gần 40 năm qua tôi còn nhớ, buổi chiều đi với anh tôi và một người bạn, đi qua sập báo trước nhà Khai Trí bỗng dưng tôi cầm cuốn sách “Cours de langue Francaise tome IV” đọc bài “Mary đi Mỹ”. Bị anh tôi và bạn thúc dục nhưng tôi bỏ hẳn chầu xi nê rạp Rex để đọc xong bài “Mary đi Mỹ”, đọc ngấu nghiến phần dịch tiếng Việt, phần phân tích mệnh đề, phân tích văn phạm và ngữ vựng. Kỳ thi đó bài Pháp văn là bài Mary đi Mỹ với các câu hỏi hoàn toàn trong cuốn sách đã được đọc. Tôi mất một giờ làm bài, phần còn lại viết tới viết lui cho đẹp! Năm ấy cha tôi không đợi tôi ngoài cổng trường thi nhưng ông lại được ông con ngông nghênh cho biết chắc chắn sẽ đậu vào y khoa dù ông thầy Vũ Bảo Ấu đằng sau nhà nhắc nhở rằng: “Cậu nhớ thi vào Y khoa là thi tuyển đấy”. Tôi đậu vào y khoa rồi, ông vẫn không tin tôi sẽ học. Ngày đầu tiên đến trường ông bắt tôi hứa sẽ không hoạt động xã hội, không đi Hướng Đạo, không được viết báo Chính Luận, không được làm ban đại diện sinh viên. Tôi giữ được lời hứa đúng một tháng nhưng sự tiên đoán tôi sẽ không học hết y khoa của ông không đúng. Năm 1975 tôi tốt nghiệp, ông mất sau ba tháng nhìn thấy cảnh đời tang thương mà không thấy ngày tốt nghiệp của tôi.

    Đêm hôm nay, viết những giòng chữ này cho ngày Father’s Day và những kỷ niệm cũ, nếu ông còn sống chắc ông cũng sẽ rằy rà với cặp mắt nghiêm khắc như ngày tôi 18 tuổi: “Mày không đi ngủ sau mấy đêm làm việc chỉ thích viết lách!” Một lần nữa, cha con tôi chắc lại bất đồng ý kiến, ở vào tuổi của tôi ông cũng đã vướng vào những đam mê khác!

  9. #59
    “Thiền của Đức Sư Tổ Dasira Narada”
    https://dtphorum.com/pr4/showthread....h%C3%B9a/page3 (Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 6))

    10 Năm Tụng Kinh Tại Nursing Home
    Nguyễn Kim Dục

    Sau 911 tôi đang đi làm cho hãng máy bay ở Huntington Beach, hãng này chuyên làm đồ phụ tùng trang bị phía trong máy bay như những cái kệ trên đầu hành khách để hành lý hoặc những xe đựng thức ăn và nước uống đưa đến cho khách thì được cho về vườn đuổi gà cho vợ. Nhiều người trong hoàn cảnh tôi đều lo sốt vó, riêng tôi vẫn bình chân như vại vì tôi đã làm việc trên 10 năm đủ 40 quarters để lãnh tiền hưu, lúc đó tôi trên 62 tuổi, được lãnh tiền thất nghiệp hình như khoảng một năm và tôi làm đơn xin về hưu non.

    Ở nhà dài dài cũng buồn tôi xin vào đạo tràng của sư cô Chân Phụng, hàng tuần đi vào các nursing home chỗ nuôi các người già bệnh tật để tụng kinh và đem quà bánh cho họ qua các nursing home ở Westminster, Garden Grove, Santa Ana.

    Đúng là công việc ăn cơm nhà vác ngà voi, phải có bồ đề tâm vũng chắc mới trụ lại đến ngày nay cũng trên 10 năm rồi. Với tâm niệm "Niền an vui vẫn luôn có Phật" nên lúc nào cũng có mặt những buổi tụng kinh hàng tuần ở các nursing home. Chủ lễ đã có các thầy, các sư cô, mình chỉ có việc đem hoa quả trái cây sắp lên cúng và đánh chuông gõ mõ. Có chỗ có nhân viên của bệnh viện họ bày bàn thờ Phật cho mình, không có thì mình phải khuân đồ ra sắp xếp bàn thờ để các Thầy, Cô làm lễ tụng kinh, các Phật tử đọc theo cô, Phật tử nam phụ trách chuông, mõ, khánh, hôm nào thiếu người tôi phải làm luôn hai phần việc.

    Trong đạo tràng của sư cô Chân Phụng có bốn Phật tử nam và nhiều Phật tử nữ. Bốn ông nam này kiên trì từ ngày thành lập đến nay không bỏ cuộc, còn nữ thì rơi rụng gần hết. Bốn nam than ôi ba ông không biết lái xe, đạp xe đạp tới viện dưỡng lão ở gần nhà, gặp hôm trời mưa coi như bó tay. Cô lại rước không có Cô nói nhờ bác Dục lại chở mấy ông ấy hộ tôi. Tôi đành hoan hỉ nhận vì mình lỡ có cái nguyện mở vòng tay rộng làm tất cả những gì làm được để làm vui vẻ mọi người.

    Nói rõ về ba ông thần nước mặn, hai ông sang đây theo diện HO, còn một ông đi diện con lai. Hai ông có pháp danh một ông là Nguyên Khanh, một ông là Tâm Đức, còn ông đi diện con lai là Trường Thọ. Ông Nguyên Khanh trước đây bị ung thư bao tử, nhờ tụng kinh gõ mõ làm Phật sự mà bây giờ khỏi bệnh, chả có ki mô ki miết gì hết mà khỏi bệnh mới tài, thành thử ông ta tin Phật lắm, thường rủ hai ông kia đi nghe pháp và thọ bát quan trai vào những ngày cuối tuần. Vậy là cuối tuần đi tụng kinh tôi phải ôm show một mình, có khi làm chủ lễ nữa vì thầy và các sư cô làm Phật sự ở các nơi khác, còn ba ông thần nước mặn cuối tuần thường thọ bát quan trai ở các chùa hoặc đi nghe pháp để mình tôi tự xoay sở.

    Những hôm một mình lãnh đủ đó tôi thường rủ vợ tôi đi để gõ mõ hoặc chuông khánh. Chỗ này tôi không bỏ được vì bệnh nhân ra đông lắm, phải trên 40 người, phần nhiều tỉnh táo để nghe kinh, và sau buổi lễ chúng tôi hát những bài Phật ca, vừa hát vừa vỗ tay, mọi người rất là vui. Hồi trước có anh Tuấn Cường, là con trai của cô Kiều Chinh, cứ vác đàn guitar lại sau khi chúng tôi tụng kinh xong là anh ta vứa đàn vừa ca cho các cụ nghe, họ thích lắm vì anh ta hát những bài tình ca họ quen thuộc, còn trong ban chúng tôi hát những bài Phật ca, hát mãi cũng nhàm, thành ra ở đây chàng nghệ sĩ được hoan hô nhiệt liệt, nhưng chỉ được một thời gian rồi thôi, không thấy chàng ôm đàn đến nữa.

    Ba ông thần nước mặn của tôi họ tu rốt ráo lắm, họ xuống tóc, ăn chay trường, thường đi nghe pháp hoặc thọ bát quan trai, họ rủ tôi xuống tóc, ăn chay trường, tôi nghĩ rằng tôi chưa làm được như họ vì chưa buông xả hết vẫn còm tham sân si, còn thích đeo đồng hồ xịn, đi xe đẹp thì làm sao tu được. Đối với các Thầy, các Cô vật chất chỉ là phương tiện thôi. Quan niệm của tôi thì khác, không phải lạy Phật sói đầu sẽ được về Tây phương cực lạc mà mình phải làm nhiều điều tốt, thương yêu chúng sinh, làm lành lánh ác, không có bon chen lừa thầy phản bạn để có lợi cho mình thì không được.

    Trong đạo tràng của chúng tôi có ba sư cô và một thầy đại đức, sư cô Chân Phụng đi tu từ nhỏ, không có chồng con, sang đây cũng đi làm các hãng, vừa làm vừa tu, lấy nhà của mình làm cái Thất, lâu lâu mời Phật tử về Thất tụng kinh và phụ trách ngày thứ tư và thứ năm dẫn Phật tử lại nursing home tụng kinh. Vào mùa hè phải vào kiết hạ một hai tháng để tu và lên cấp bậc. Hiện giờ đã lên ni sư coi như thượng tọa bên các thầy. Khi nào vào kiết hạ lại nhờ Quảng Trí Hạnh (là pháp danh của tôi) trong thời gian cô đi vắng giúp cô chở mấy huynh đi tụng kinh hộ ở mất viện dưỡng lão mà cô phụ trách.

    Trước yêu cầu trên, không nhận không được, còn ai biết lái xe mà đưa các anh ấy đi, nỗi khổ tâm của tôi, tôi đã biện bạch trong bài "Phật Ở Ngay Trong Ta" trên báo Việt Báo. Ít lâu sau có một độc giả liên lạc với tôi nói muốn tham dự trong đạo tràng của chúng tôi để chở mấy anh không biết lái xe đi tụng kinh vì biết ở tuổi tôi "chê cơm thèm đất thích nghe kèn". Chả biết còn sống bao năm nữa để làm Phật sự. Tôi mừng hơn trúng số.

    Đi mấy cái nursing home mà Cô tạm giao cho tôi phụ trách, một cái ở đường Blackbird thì vào muốn dội ra liền vì mùi xú uế từ những bệnh nhân đưa ra vì làm vệ sinh cá nhân không được tốt. Tôi liền liên lạc với các giới chức có thẩm quyền tại đó nếu tình trạng này còn kéo dài thì chúng tôi không lại nữa và họ đã sửa sai, sau này sạch sẽ không còn mùi hôi nữa.

    Còn một cái ở đường Chapman thì bệnh nhân đem ra có hai người, một người nghẹo cổ chả nhận được điều gì, còn một người thì đang chuyền serum treo dây tòn teng trên đầu coi quá thảm, tôi nói thôi đi về, không có tụng gì hết, của mình đi năm sáu người, họ đem ra hai người thì tụng ai nghe. Tôi nghĩ bụng vơ bèo vợt tép cho cố mà không dám nói ra sợ phạm tội.

    Một sư cô tên là Trí Minh phụ trách ngày thứ năm. Hồi xưa Cô là dân bán vàng ờ Phước Lộc Thọ, có chồng có con mà bỏ tất cả đi tu.

    Ngoài ra, còn thêm một Sư cô mới tên Hiền Lương có bằng cao học đi từ năm 1975 làm việc để dành tiền mua được nhiều bất động sản rồi cũng đi tu. Có lần tôi hỏi cơ duyên nào mà Cô bỏ tất cả để cạo đầu đi tu, Cô cười cười, tại tôi dữ quá không ai rớ tới tôi nên tôi đi tu, mà Cô dữ thật. Cô phụ trách ngày thứ bảy. Có Cô đi làm chủ lễ thì không cho Thầy lại, ông thầy cũng bực mình lắm, mà Cô hay đi các bang khác để lo Phật sự. Khi nào không có Cô tôi phải mời Thầy đi, mà Thầy cũng bận, tôi đành phải thay Thầy. Cô làm chủ lễ vì nơi đây các bệnh nhân ra đông lắm. Ở đây có chị Hạnh, cô Nhung và bà Lan (bà này đen nên gọi là Lan đen để phân biệt Lan cao, nhưng không ai dám gọi sợ bà ấy điên lên xáng cho một cái thì không biết đường đâu mà đỡ).

    Chị Hạnh thì mua cam, mua nhiều, mỗi lần đem vào 4, 5 bịch cam, còn cô Nhung thì mua chuối đem vào, vừa chuối tiêu vừa chuối sứ, bà Lan thì mua 2 bịch quít, mỗi bịch trên hai chục trái, còn một bà nữa tôi không biết tên đem bánh croissant nhưng không có thường xuyên như mấy người kia.

    Trong lúc Thầy, Cô tụng kinh thì mấy người này bỏ vô bịch 1 trái chuối, 1 trái cam, 1 trái quít, 1 cái bánh để lát nữa xong lễ thì phát cho mỗi người một bịch. Họ làm lâu rồi nên quen, người nào ăn được mới phát. Thường thường dư thì đem sang phòng bệnh nhân công giáo, cũng sinh hoạt cùng giờ như bên phật giáo, 2 bên ngăn cách chỉ một bức tường.

    Đạo tràng 2 năm trở lại đây xuất hiện thêm một thầy là thầy Thích Viên Pháp, thầy ở trong miền Đông sang đây để thăm dò tình hình Phật giáo bên Cali ra sao. Khi biết được có đạo tràng đi tụng kinh ở Nursing home, Thầy thấy hay quá nên xin các cô cho đi nhập hội, và được phân công phụ trách ngày thứ sáu.

    Thầy Thích Viên Pháp sang Mỹ từ năm 1975, học ra kỹ sư, đi làm mấy chục năm có mấy trăm ngàn đô la, không lấy ai hết, quit job rồi cạo đầu đi tu. Năm nay Thầy được 57 xuân xanh. Nhiều Thầy nhiều Cô tuổi đã cao có chùa khang trang muốn mời Thầy về trụ trì mà Thầy không nhận, Thầy mướn một phòng ở Westminster gía 450 đô một tháng, nơi nào mời Thầy đi giảng pháp thì Thầy đi, và Thầy thường hay đi thông dịch cho các Thầy Tây Tạng. Có tiền mà sống một cuộc đời khổ hạnh, không bon chen, không muốn ai biết đến mình, đúng là bậc chân tu. Thầy có tiền nhưng vẫn đi chiếc xe cọc cạch, thành ra vào ngày thứ sáu tôi phải lại đến đón Thầy đi tụng kinh ở Santa Ana vì xe Thầy ẹ qúa đi xa không được.

    Ngoài Thầy, tôi còn phải đón 3 ông thần nước mặn kia nữa, tất cả 5 người đi trên một xe. Thường thì trước đó tôi đi mua hoa quả, trái cây lên cúng Phật và cho bệnh nhân, thành ra ngày thứ sáu tôi mất gần 4 tiếng cho Phật sự.

    Một hôm tôi hỏi Thầy Thích Viên Pháp:

    - Thầy ơi, con người có số không Thầy?

    - Có chứ sao không.

    - Vậy hồi xưa con đi hành quân có lúc tiểu đoàn đụng trận chết một lúc cả trăm người thì những người đó cùng một số hay sao?

    - Vì kiếp trước những người đó gây ra cái nghiệp gần giống nhau nên kiếp này đã run rủi cho họ gom lại 1 chỗ để trả nghiệp xưa.

    Giải thích của Thầy đã giải tõa phần nào thắc mắc của tôi.

    Trước đây tôi bị cao máu, cao mỡ, tiểu đường phải uống thuốc dài dài mà không khỏi, sau tôi theo khóa tu thiền ở Trường Sinh Học Dasira Narada ở đường Beach đi vô đường 21, ở đó học hết cấp 4 rồi tôi tự thiền ở nhà, và sau một thời gian dài khoảng 2 năm thì bây giờ bệnh tình tôi khỏi hẳn. Vị bác sĩ gia đình thấy tôi hết bệnh cũng ngạc nhiên hỏi có uống gì thêm không? Dạ không, hằng ngày tôi chỉ tập thể dục thôi, tôi trả lời.

    Tôi không cho bác sĩ biết hằng ngày tôi ngồi Thiền. Thiền đây cũng như bên Pháp Môn Tịnh Độ, khác một cái là Thiền của Đức Sư Tổ Dasira Narada thì ông Thầy sẽ mở luân xa cho mình. Trong người có tất cả 7 luân xa, khi đã mở ra thì mình hít vô thở ra thấy đường khí chạy khắp châu thân. Đó là vì chỗ nào bị tắc nghẽn thỉ nó đã thông. Khi tuần hoàn thông suốt thì không còn bệnh nữa, bệnh gì cũng hết kể cả bệnh ung thư.

    Trước khi ngồi thiền tôi phải hít vô bằng mũi rồi thở ra bằng miệng 3 hơi rồi mới ngồi thiền, sau khi thiền xong cũng lập lại một lần nữa. Hiện giờ hết bệnh rồi, hằng ngày mỗi buổi sáng dậy tôi tâp thể dục nửa tiếng khoa tay múa chân và hít đất nửa tiếng, sau đó tôi thiền nửa tiếng, mấy năm nay không bỏ một ngày nào

    Trước đây tôi ăn uống dữ lắm, mỗi bữa ba chén cơm và ăn thịt cá rất nhiều, bây giờ ăn rất ít mỗi bửa lưng chén, thịt cá không thèm nửa mà người rất khỏe mạnh, lái xe phom phom chở các anh đi tụng kinh đều đều không bỏ ngày nào. Tôi nghĩ rằng Phật độ, chứ năm nay 79 tuổi rồi đâu còn sức khỏe nữa

    Nhớ câu thơ của ai đó, xin để kết thúc bài này:

    "Thôi rồi Phật đến hào quang đến
    Là cả trần gian báo thiệp mừng"

  10. #60
    Góc đời lãng quên
    Thái Hà

    Chừng nửa năm tôi mới lại có dịp đến thăm hai nơi an trú của quý vị đồng hương cao niên, không còn khả năng tự săn sóc mình: Garden Park thuộc thị xã Garden Grove và French Park, thị xã Santa Ana.

    Vẫn ông giám đốc hành chánh/tiếp thị Nguyễn Na đưa tôi đi một vòng thăm các bệnh nhân và phòng ốc tại hai cơ sở. Bình thường, ông Na rất cẩn trọng và nghiêm túc trong cử chỉ cũng như cách phục sức trong giờ làm việc nhưng sáng hôm Thứ Năm, 10 tháng Bảy 2008, tôi hơi ngạc nhiên thấy ông đi dép. Đang phân vân không tiện hỏi, không biết có phải vì đã bước vào Mùa Hè chăng thì ông cho biết chân ông bị đau, không mang giày được và đang chờ giải phẫu.

    Tháng năm trôi qua kể từ lần đầu khoảng 5 năm trước, nghe tin viện dưỡng lão Garden Park do ông Nguyễn Na phụ trách trông coi chương trình dành cho người già Việt Nam, hoạt động rất tốt, tôi ghé thăm để tìm hiểu với lòng tưởng nhớ mẹ tôi đã qua đời năm cụ 91 tuổi, từng trải qua những thời kỳ ngắn hạn bị gởi vào viện dưỡng lão của người bản địa mà ký ức tôi còn in đậm nỗi thống khổ kinh hoàng của những bệnh nhân nghèo phải sống qua chuỗi ngày tàn ở nơi đó.

    Cùng với thời gian, công việc quản trị có phẩm chất đưa đến uy tín ngày càng tăng tiến, công ty ý thức được tiềm năng đóng góp của khối người Việt cao niên vào phúc lợi của công ty nên họ tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh, luôn luôn với nguyên tắc đôi bên đều hưởng lợi, như người Mỹ thường nói Win Win situation. Cơ sở vật chất ở cả hai nơi Garden Park và French Park thường xuyên được cải thiện. French Park do địa thế rộng rãi và kiến trúc mới hơn, nay có phòng khách sang trọng và ấm cúng để thân nhân vào ra thăm viếng có chỗ nghỉ chân, giải khát với không khí gia đình. Phòng vật lý trị liệu trang bị với đủ loại thiết bị chuyên môn để bệnh nhân tập luyện với chuyên viên, từ nhẹ đến nặng, từ phục hồi chức năng đến chỉ giữ cho tình trạng thể lý người bệnh không suy sụp hơn. Phòng giải trí của quý cụ có TV màn ảnh lớn, có chuyên viên giúp vui với các trò chơi như ném bóng để luyện phản xạ, trau dồi thị lực, khả năng tập trung của quý cụ; như vẫy những cái đuôi diều ngũ sắc để luyện tập cử động tay v.v...

    Mười giờ sáng ở cả hai nơi, các phòng ngủ chăn gối xếp gọn ghẽ, rèm cửa kéo lên để nắng vào và không gian tuyệt đối im lặng vì các cụ hoặc đã tự động lăn xe ra các phòng sinh hoạt hoặc được y tá đẩy xe ra. Bên French Park, khoảng sân cỏ mặt tiền nay được nới rộng thêm chỗ bày bàn ghế, để khách thăm và thân nhân ngồi trò chuyện với các cụ. Nắng sớm và quang cảnh nơi này như bức tranh cổ, gợi cảm giác bình yên, thư thái, với thảm cỏ xanh tươi được chăm sóc kỹ lưỡng như công viên. Lúc tôi đến, có vài cụ ngoại quốc ngồi một mình, tắm nắng ban mai trên chiếc xe lăn, không biết các cụ nghĩ gì nhưng ánh mắt đọng nét buồn êm ả của buổi chiều sắp hết. Một thanh niên người Việt, áng chừng vừa bước vào tuổi 40, bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người và óc bị hư phần phát âm, nhìn người qua lại bằng nụ cười ngu ngơ, ánh mắt cam chịu, vương vấn một câu hỏi không ai trả lời anh được ngoài Thượng Đế: Tại sao thế này? Tại French Park, tôi được làm quen với chị Lyly, phụ trách phòng giải trí trên lầu. Trái với thể tạng nhỏ nhắn, thanh mảnh, chị có nụ cười rộng, hàm răng khỏe mạnh, đôi mắt thật sáng với ánh nhìn chân tình. Chị làm việc từ 9 giờ sáng đến 5:30 chiều mỗi ngày. Gặp tôi, chị ân cần hỏi làm sao có báo Người Việt hoặc Việt Báo cho các cụ còn đọc được?

    Đành là cái nghề di đôi với cái nghiệp nhưng tôi tin cái nghiệp của những nhân viên làm việc tại các nhà dưỡng lão, tuy nhọc nhằn xong hẳn là rất lành, rất thiện. Những người như ông Na, chị Lyly (và nhiều người khác tôi chưa được làm quen) phải có cái tâm rất từ ái, để chấp nhận san sẻ niềm vui, sự may mắn của họ trong cuộc sống hàng ngày với những người đã mất chúng. Cùng với những vì tường thường xuyên được chăm sóc sạch sẽ, những rèm cửa tươm tất không có bụi bám, những nền nhà bóng loáng không một cọng rác, những phân vuông không khí trong trẻo, không vẩn đục mùi thuốc men và mùi thân thể người già, khuôn mặt nhẹ nhõm, dáng vẻ nhanh nhẹn, nụ cười tươi tắn của tập thể các nhân viên phục vụ là ánh sáng Mặt Trời trên các hành lang chập chờn nỗi buồn tử sinh.

    Tôi còn gặp lại đôi vợ chồng già năm trước. Bà cụ vẫn nửa nằm, nửa ngồi trên xe lăn, hai tay múa những điệu vô nghĩa trong thinh không, cái đầu lắc lư kèm với ánh mắt ngây ngô nhìn người qua lại. Cụ ông còn khỏe mạnh, đẩy xe cho cụ bà ra sân sau cho có chút nắng. Cụ bà đã nằm như thế cả mười năm nay và cụ ông ngày nào cũng vào với cụ bà, lúc thì chơi ném bóng, lúc thì quạt, người này là sự yên tâm của người kia. Tôi toan đến gần, hỏi thăm cụ ông đôi điều nhưng rồi lại thôi, chỉ đứng nhìn, nghĩ có nói gì, viết gì, cũng không cách nào diễn tả hết cái tình phu thê phi thường của hai cụ, cũng không cách nào giải thích được vì sao cớ sự xảy ra như thế và cứ cho là cụ ông vui lòng trả ơn người bạn trăm năm của mình thì Thượng Đế ơi, tại sao bắt cụ ông phải đền đáp cách này? Bao giờ thì trả đủ hay khi trả đủ rồi, một mình giữa cảnh chiều tà bóng xế, cụ ông lại tự hỏi “mình sống cho ai đây?” Và cụ bà, liệu có khi nào le lói đâu đó trong khối óc không còn nguyên vẹn của cụ, nỗi ngậm ngùi mình đã không thể ra đi sớm hơn để cất giùm cho nhau gánh ưu phiền to lớn kia?

    Ở cả hai trung tâm đều có bệnh nhân nặng. Họ nằm lịm giữa đống giây nhợ lằng nhằng, có người được đặt ống thở. Có lẽ sẽ đến một lúc vấn đề nhân đạo đúng nghĩa phải đặt câu hỏi cho y giới, thế nào là cứu sống một nhân mạng? Có nên giữ con người trong tình cảnh sống dở chết dở như vậy không hay nên khiêm nhượng trả lại quyền sinh sát cho Tạo Hóa? Và sự sống cần có những phẩm chất nào để xứng đáng được bảo vệ và duy trì hơn là hơi thở từ một cái máy bơm vào lồng ngực một thân thể bất động?

    Ở một phòng khác, một cậu thanh niên trẻ, bị liệt toàn thân sau một tai nạn, đã dùng cằm để kẹp cây cọ vẽ, sáng tác những bức tranh màu nước với kích thước nhỏ, mô tả những khoảng không gian đầy nắng gió, cây xanh, cát và sóng biển, của những Mùa Hè khi tương lai còn hứa hẹn với cậu những giấc mơ đời tuyệt đẹp... Khi tôi bước vào, cậu đang lơ mơ ngủ. Cánh tay đã lâu không dùng đến của cậu nay như một khúc xương xếp sát vào bên cạnh sườn. Thấy người lạ, đôi mắt cậu thoáng một chút bối rối rồi lập tức lạnh nhạt, như thể cậu không muốn ai đọc được một điều gì trong đôi mắt ấy vì dù ái ngại hay thương cảm, cũng chỉ làm cậu thêm đau lòng.

    Ngoài lobby, một ông chừng 60, cũng tai biến mạch máu não, ngồi trên xe lăn, lấy tay chỉ vào một bên chân mang chiếc vớ màu xanh, ú ớ phát âm không thành tiếng, ý muốn nhờ tôi làm một việc gì đấy mà tôi không thể nào hiểu dầu đã cố vận dụng cả trực giác nhưng đành chịu. Ra dấu mãi không được, ông tỏ vẻ tức giận, mặt sưng lên, mắt mở to. Tôi đứng dậy, đi tìm y tá nhờ giúp. Lúc tôi quay lại, ông vội vàng lăn cái xe chặn ngang chiếc ghế tôi vừa ngồi lúc nãy, y như tôi là một kẻ đáng ghét tình cờ xuất hiện trước mắt để ông trút cơn thịnh nộ. Có chút gì trong cái cử chỉ hung hăng, trẻ con của ông khiến tôi vừa thương, vừa nín cười, hình dung ra ông trong những quán nhậu ồn ào khi ông chưa lâm bệnh.

    Một bà con gái rụt rè đón đường ông Na để hỏi thăm bao giờ thì căn phòng dành cho bà thân mẫu được sửa chữa xong hầu di chuyển cụ qua? ông Na mở cửa căn phòng ngập nắng nhìn ra hướng Đông, xem xét rồi cho biết chỉ còn cần đóng nốt mấy cái nẹp quanh chân tường, sẽ sẵn sàng vào buổi chiều.

    Tôi thành tâm tin tưởng rằng đến một lúc khi gia đình không còn là nơi an toàn cho cha mẹ già hay người thân yêu nữa, Garden Park và French Park là nơi an dưỡng tốt nhất cho các cụ và những ai trong hoàn cảnh này. Ông Na cho biết ngoài những trường hợp thân nhân nghe tiếng mà đến, ông cũng thường xuyên vào các trang mạng của các viện dưỡng lão của người Mỹ để tìm kiếm các bệnh nhân hay các cụ người Việt, giúp đem họ về đây với niềm tin hơi hướm đồng hương là dòng suối an lạc cuối cùng cho mọi người tìm về.

    Như mỗi khi đến đây, chỉ một vòng viếng thăm ngắn ngủi, lòng tôi đã đầy ắp những cảm xúc không tên. Nếu phải sống hàng ngày với tất cả từng ấy con người và cảnh ngộ, liệu tôi phải lựa chọn cho mình một thái độ ứng xử thế nào để mỗi buổi sáng, khi thức dậy sửa soạn đi làm, tâm hồn vẫn trong trẻo, nguyên vẹn sự hăng hái như ngày mới bắt đầu ngoài kia? Tôi cảm phục những người như ông Nguyễn Na, chị Lyly. Họ soi những tấm gương không mấy dễ chịu, chấp nhận những câu hỏi khó trả lời cho đến khi tâm họ thực sự bình an, biết rằng họ đã làm những điều tốt nhất trong khả năng mình giữa dòng đời đầy sự bất ngờ và muộn màng.

    Có lẽ phần thưởng hiếm quý của họ là cơ hội nhận chân giá trị của vài thứ mọi người thường phí phạm trong cuộc sống hàng ngày: tiếng nói, cử động của chân tay. Con người khi ý thức được sự ngắn hạn của những khả năng trời ban ấy, sẽ bớt được biết bao những lời nói độc địa để chỉ còn chắt lọc yêu thương, sẽ ngừng được biết bao những cử chỉ không có ích lợi gì cho ai để chỉ còn đi những bước chân đến gần nhau...

    Tôi ra về, mang theo hình ảnh cái chuồng chim yến bên khu French Park, đặt ở lối vào của phòng giải trí cho các bệnh nhân. Những con chim nhỏ, sạch sẽ, bay nhẩy trên mấy cái cành cây, trong một không gian đủ cho chúng vui đùa bên nhau, có sẵn thức ăn và nước uống, làm sao biết được thân cá chậu chim lồng?

    Trên đường trở ra, tôi ghé vào khu hội trường vừa được tân trang, rất sáng sủa và tiện nghi, có cả đàn dương cầm, có lối đi riêng từ bãi đậu xe thẳng vào, biệt lập với khu người già. Ông Nguyễn Na cho biết ban giám đốc French Park sẵn lòng mời các hội đoàn từ thiện/cộng dồng, văn nghệ sĩ, đến đây tổ chức họp bạn, hội thảo, ra mắt, thơ nhạc thính phòng, gây quỹ v.v... Đây là một đề nghị khá độc đáo vì cái Góc Đời Lãng Quên này thường là một địa chỉ ít người muốn nghĩ tới khi họ còn là những cánh buồm no gió ra khơi, hướng về những chân trời mơ ước.

 

 

Similar Threads

  1. Những buổi chiều còn mưa
    By ndangson in forum Thơ
    Replies: 419
    Last Post: 12-28-2016, 01:04 PM
  2. Lai rai chiều nay
    By thuynh in forum Gia Chánh
    Replies: 438
    Last Post: 07-30-2013, 09:18 PM
  3. 95 tuổi vẫn chăm chỉ chuyện phòng the
    By ngocdam66 in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 5
    Last Post: 11-22-2011, 08:49 PM
  4. Bé 3 tuổi chăm mẹ chết mòn trên giường bệnh
    By tử đằng in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 0
    Last Post: 10-12-2011, 07:59 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:44 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh