Register
Page 18 of 19 FirstFirst ... 816171819 LastLast
Results 171 to 180 of 186

Thread: Kiếm Đạo

  1. #171
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Đừng vội tin tưởng, đừng vội bài xích

    - Gỏi xoài chua quá. Phù chúc quay hôi dầu quá, có lẽ làm lại vài lần rồi.
    - Ừa. Nhưng kệ đi. Đừng để những điều nhỏ nhặt làm mất đi một buổi tối mưa dịu dàng như thế này.
    - Ông bắt đầu hiển lộ cốt tu rồi đó.

    Bốn đứa cùng bật cười.
    Thật mà, được ngồi ăn chay cùng những người bạn thân trong nhà hàng, được ngắm mưa qua ô cửa kính... chẳng phải rất thú vị và dễ thương?
    - Ê ông Du, ông có nghe cảnh báo mới của FDA về nhóm thuốc DX trong điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 không?
    - Kể tui nghe với.
    - FDA cảnh báo khi dùng thuốc đó có thể gây đau khớp nghiêm trọng và không thể đi lại được. Bổ sung thêm vào tác dụng phụ trước đó là làm gia tăng tỉ lệ nhập viện vì suy tim.
    - Vậy mà giá thuốc ở trên trời. Đâu phải cái gì mắc cũng đều có giá trị.
    - Nữa, lại thích triết lí giống ông Du.

    Lại cười. Ngoài kia, phố xá đã lên đèn thật đẹp, thật dịu dàng. Hàng cây me hai bên đường được tắm gội đã đời.
    - Nhớ hồi xưa nhóm RoS(1) mới xuất hiện trên thị trường đã gây bão vì giảm đường huyết hiệu quả, ai ngờ lại gia tăng biến cố tim mạch cho bệnh nhân nên phải rút khỏi thị trường.
    - Bao giờ cũng vậy mà, bên cạnh những tác dụng có lợi sẽ có những tác dụng phụ. Quan trọng là bác sĩ có cái đầu tỉnh và cân nhắc thiệt hơn thôi.
    - Nghĩ cũng buồn nhỉ.
    - Sao buồn?
    - Bác sĩ chân chính ra toa luôn cân nhắc từng viên thuốc. Và khi người ta càng biết sâu càng trải nghiệm nhiều, người ta càng dùng ít thuốc đi.
    Câu chuyện vẫn tiếp diễn rôm rả trong mưa. Thi thoảng vài tia chớp lóe lên giữa bầu trời đen thẳm. Ở giữa bàn ăn là chậu cỏ khô nhỏ bé nhưng rất đẹp, rất sang. Ừ thì có những thứ rất nhỏ bé, rất tầm thường, nhưng khi biết đặt đúng chỗ, ngồi đúng nơi lại trở nên hết sức ý nghĩa.

    Bởi vậy dù là một lời nói hay một hành động nhỏ, chúng ta cũng nên cân nhắc, nếu không lại làm tổn thương cho người khác. Đôi khi những niềm vui niềm hạnh phúc mình mang đến cho người, người sẽ quên rất nhanh, còn một lời nói vô tình, một ánh mắt lạnh lùng... người lại nhớ, nhớ mãi... Rồi đau... Rồi oán hận... Rồi tìm cách đáp trả... Rồi rơi vào vòng lẩn quẩn của hận thù...
    - Mưa lớn như vầy chạy xe ngoài đường sợ cây gãy quá, đè chết người chứ chẳng chơi. Nhỏ Loan nói.
    - Mấy ông nhớ trong bệnh viện tui ngay trước hồ cá có một cây tùng rất lớn và cứng cáp không?
    - Ờ nhớ. Rồi sao?
    - Hôm chiều thứ Hai, trời không mưa, không giông gió, tự nhiên nó gãy đổ. Mà gãy đổ ngay gốc. May mà không trúng ai. Khi mọi người chạy lại xem mới biết vì sao nó gãy đổ. Bên trong thân cây đầy mối mọt...
    - Thấy không?
    - Thấy gì?
    - Cây tùng đó, bề ngoài rất xanh tốt khỏe mạnh nhưng bên trong đầy mối mọt. Có những thứ mình nhìn thấy tận mắt, sờ được tận tay... ngỡ đó là tốt là hay... nhưng sự thật, tấm lòng ở bên trong... thì không phải dễ dàng nhìn thấy được.
    - Lại triết lý.
    Lại cười.
    - Mấy ông không nghe nhạc sĩ Vũ Thành An viết đó sao: Tình mình đã chết khi nhìn rõ mặt người... Có hai thứ trên đời này, đừng cố nhìn cho rõ, đó là mặt trời và mặt người đấy.
    - Bởi đôi khi họ đeo mặt nạ à?
    - Càng trống rỗng, mục nát bên trong càng phải điểm tô chau chuốt chứng minh ở bên ngoài à?
    - Ờ... Thì cứ cho là vậy đi. Nhưng theo Du nghĩ: Thời gian là câu trả lời tốt nhất. Đừng vội tin tưởng và cũng đừng vội bài xích.

    Mưa tạnh rồi, về thôi... Về thắp nén nhang trầm... để nghe lòng mình nhẹ lại... Chẳng phải tất cả đều là phù vân... Là gió là mây... Rạch ròi chi giữa đúng hay sai, phải hay trái...

    Nguyễn Bảo Trung

    https://sachvui.com/doc-sach/vo-thuo...-bai-xich.html

  2. #172
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Tháng ngày qua sống có bình an ?

    Cấp cứu... Bác sĩ ơi... Cấp cứu...
    Nghe kêu mình vội chạy đến bên bệnh nhân vừa đặt hai tay lên ngực xoa bóp tim vừa kêu: Mau đặt nội khí quản. Bé Linh tiêm Adre hai ống. Chị Hương đẩy giùm em cái máy thở.
    - Nhìn ông này thấy quen quen.
    - Dịch hút qua nội khí quản màu hồng nhiều bọt.

    Ba mươi phút trôi qua, bệnh nhân vẫn mê sâu, đồng tử giãn không phản xạ ánh sáng. X quang phổi bóng tim to, tăng tuần hoàn phổi hình cánh bướm, thâm nhiễm rải rác hai phế trường.
    - Em mời người nhà vào đi. Cho thêm Dopa dùm bác. Tiếp tục Adre.

    Cửa phòng cấp cứu hé mở.
    - Ủa, cô Thu hả? Vậy đó là chú Huy.
    - Dạ, bác Tr. Sáu năm rồi không gặp bác.

    Cô Thu nói xong cất tiếng thở dài. Ngoài kia bầu trời đang mưa tầm tã kèm theo sấm chớp liên hồi.
    - Dạ, mấy ngày nay ổng mệt, bứt rứt, khó thở. Hơn hai giờ trước ổng tự dưng sùi bọt mép, gồng người lên ú ớ rồi tím ngắt. Cô gọi xe cấp cứu đưa vào đây.
    - Lúc xe cấp cứu đến thì chú ra sao?
    - Lúc đó hết biết gì rồi.
    - Ừm, chú đến bệnh viện trong tình trạng đã ngưng tim, ngưng thở. Toàn bộ ê kíp trực nãy giờ như cô thấy đã làm hết sức để cứu chú ấy.
    - Có qua được không bác Tr?
    - Chắc không.

    Cô Thu nấc lên rồi nước mắt chảy giàn giụa. Mưa càng ngày càng nặng hạt. Mình nhớ lại sáu năm về trước cũng một ngày mưa như thế này, cô chú đến phòng mạch của mình và đã ngồi thật lâu.
    - Bác Tr, cô chú nói cái này, nhờ bác Tr tư vấn giúp. Thật ra chú đã điều trị ở bác gần hai năm rồi, nên bác cứ xem chú như người nhà.
    - Dạ, chú cứ nói.
    - Chú muốn qua Trung Quốc ghép thận. Bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối này làm chú quá mệt mỏi và đau khổ.
    - Chú đã bỏ thuốc lá chưa?
    - Chưa.
    - Chú có ăn chế độ giảm đạm, như là ăn chay theo lời cháu dặn không?
    - Dạ, không.
    - Bản thân chú không chịu cứu chú, thì bác sĩ nào, bệnh viện nào cứu được.
    - Nhưng cô chú nghe người ta nói ghép thận xong sẽ khỏe mạnh lại, không cần chạy thận nhân tạo, đúng không?
    - ...
    - Cô chú nghe nói phải mất gần bốn tỉ đồng, cô chú bán căn nhà là đủ.
    - Thì ai đó bán thận hay cho thận. Bác sĩ bên đó nói người có một thận vẫn sống khỏe mạnh bình thường. Và ở bên đó có rất nhiều người đi bán thận, mình mua thận bằng tiền.
    - Nhưng nếu không có ai bán thận thì sao? Có một nhóm người vì tiền phải bắt cóc hay mua bán trẻ em mồ côi cho ai cần nội tạng để ghép, cô chú có biết không?
    - Bác sĩ nói gì lạ vậy. Y học tiến bộ để cứu chữa con người, khi con người bị bệnh việc cấy ghép nội tạng là nhân đạo.
    - Sẽ là nhân đạo nếu có ai đó hiến tạng khỏe mạnh khi đột ngột qua đời, hay khi mắc một bệnh nan y không thể cứu chữa. Nhưng sẽ là bất nhân nếu vì sự sống của người này lại hủy hoại đi sự sống người khác.
    - Bác sĩ nói quá rồi.
    - Ơ...
    - Con vật còn cầu sống huống chi con người. Xin lỗi bác sĩ nhé, cô chú đến đây xin ý kiến về chuyên môn còn chuyện làm sao có thận thì bác sĩ không cần bàn.

    Mình chợt lặng người đi. Mình muốn nói nhiều, nhiều lắm nhưng không thể.

    Đối với mình sống một ngày một tháng hay một năm nếu sống thật trọn vẹn với trái tim rộng mở yêu thương và biết ơn đã là đủ đầy và hạnh phúc. Kéo dài chi cuộc sống vài ba chục năm mà chỉ toàn khổ đau phiền não? Có bao giờ chúng ta nhìn lại xem mình sống như thế nào?

    Có bao giờ vì miếng cơm manh áo, vì nuôi vợ nuôi con mà chúng ta đã giẫm đạp lên nhau, tranh giành và hãm hại nhau?
    Có bao giờ vì mạng sống của mình mà chúng ta làm tổn thương mạng sống của người khác?
    - Bác, bệnh nhân ngưng tim.
    - Thôi, buông đi em. Mạch bằng không, huyết áp bằng không. Ừ thì cả cuộc đời này rồi sẽ bằng không.

    Cô Thu vẫn chưa bình tĩnh lại.
    - Mất rồi sao bác sĩ. Mới đó mà...
    - Dạ, mất rồi.
    Hức hức... hức... Cô tưởng sau khi ghép thận xong ổng khỏe mạnh. Tốn bốn tỉ có là gì, cô chú còn ba bốn căn nhà lận. Hức hức...
    - Càng nhiều tài sản, càng nhiều danh vọng, càng nhiều con cháu... càng khó ra đi thanh thản và nhẹ nhàng.
    - Bác sĩ nói gì?
    - Ờ ờ... cháu nói chú ấy ra đi rồi. Cô đừng tiếc thương nữa.
    - Con vật còn ham sống mà, huống chi con người. Cô không cam tâm. Không cam tâm...

    Mình nhìn ra phía cửa chính, nơi đó có người thân của bệnh nhân nước mắt đang giàn giụa. Cơn mưa tháng Tám tưởng chừng như không bao giờ dứt. Sao mà mưa rơi nặng hạt đến thế…

    Khi họ đẩy bệnh nhân ra khỏi phòng cấp cứu để đưa vào nhà xác, mình bỗng dưng muốn hỏi: Thế sáu năm qua cô chú sống có hạnh phúc và bình an không?

    Sáu năm qua cô chú có sống hạnh phúc và bình an không?

    Còn chúng ta thì sao, thế những ngày qua chúng ta sống có hạnh phúc và bình an? Mỗi bước chân đi, mỗi lời nói hành động của chúng ta có chế tác chất liệu an vui thảnh thơi cho cuộc đời hay đem lại biết bao bi kịch và đắng cay?

    Chúng ta có đủ mạnh mẽ vượt qua những thói quen hút thuốc, uống rượu, cờ bạc...? Chúng ta có đủ mạnh mẽ để buông bỏ những thứ không cần thiết cho cuộc sống của mình?

    https://sachvui.com/doc-sach/vo-thuong-nguyen-bao-trung/thang-ngay-qua-song-co-binh-an.html

  3. #173
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Mẹ có nghe con đàn không ?

    Nhiên gắn bó với cô đã 15 năm, lúc vừa lên 5. Mười lăm năm mà sao như một cái chớp mắt.

    Tiễn Nhiên ra về, cô Nhật khẽ khàng khép cổng mà ý nghĩ cứ hướng về cô bé học trò như vệt sóng loang, miên man trong đầu không dứt ra được. Không có cảm quan nào về thời gian rõ ràng cho bằng đồng hành cùng một đứa trẻ. Nhiên gắn bó với cô đã 15 năm, lúc vừa lên 5. Mười lăm năm mà sao như một cái chớp mắt. Có những sáng giật mình thảng thốt soi gương thấy những sợi tóc trắng như ngạo nghễ thách thức, lớp da trên mi mắt trĩu xuống nặng nề.

    Ly trà xanh dang dở trên bàn nghe như thể còn vương mùi nước hoa, mùi hương tóc và tiếng cười tựa chuông reo trong gió của cô gái. Tuổi trẻ là món son phấn đẹp nhất cho cõi nhân sinh này. Cô Nhật nghe lòng rộn lên ký ức thanh xuân ngày cũ. Có cái gì như một nỗi ngậm ngùi muốn trào lên nhưng nén lại để nó không thoát ra bên ngoài và phủ trùm lên cô. Cô không muốn buồn. Người già, ai cũng vậy, ai cũng có một vùng lân tinh rực rỡ của những ngày xa xưa. Những giấc mơ dang dở âu cũng là một phần đời. Thiếu nó biết đâu cuộc sống mang một màu sắc khác, kém thú vị hơn.

    Những ngày ấy, Sài Gòn bời bời hoang mang trong một cuộc đổi thay. Giấc mơ được mặc áo đầm voan trắng lòe xòe, biểu diễn piano trong dàn hợp xướng nơi nhà hát lớn coi như khép lại. Tựa chuỗi hợp âm cao vút đột ngột im bặt. Hụt hẫng. Bẽ bàng. Nhìn thấy mười ngón tay thon dài từng lướt trên phím dương cầm tẩn mẩn thái rau chuối cho con heo nuôi ở khoảnh sân sau nhà, mẹ cô khóc rưng rức. Vài vết thương không sâu vì những phút lơ đễnh giờ vẫn còn lưu lại thành dấu tích mờ mờ trên ngón tay trỏ của cô.

    Gió quật phần phật trên tán cây xoài cạnh khung cửa sổ nhỏ. Áng chừng trời muốn đổ mưa. Buổi chiều mấy hôm nay cứ bị nuốt chửng bởi những cơn mưa ầm ĩ, mới xê xế rồi tối sầm lúc nào không hay. Cô bật lửa thắp cây nhang lên bàn thờ cho mẹ mà cứ trầy trật mãi. Cái lạnh theo hơi gió lướt trên da thịt nghe gai gai người. Không có mẹ, không biết chừng cô có trở thành cô giáo dạy đàn gần 30 năm nay không hay là chạy chợ may vá kiếm chút tiền đắp đổi qua ngày.

    – Mẹ dạy con may, con phụ với mẹ lo cho em nghen mẹ.
    – Thì con vẫn đang đơm nút áo phụ mẹ đó thôi.
    – Nhưng chỉ là việc vặt mẹ… Con không biết may.
    – Mười hai năm học đàn của con bỏ đi đâu con gái? Con sẽ tiếp tục đàn. Mẹ hứa. Đời con người chỉ có thể hạnh phúc khi làm điều mình thích. Con hãy còn một đời dài phía trước, nhất định phải làm điều mình thích, con à!
    – …
    – Con vẫn sẽ tiếp tục đàn, đó là cuộc sống của con.

    Không biết bao nhiêu lần trong đời mình, như một đoạn phim, cuộc nói chuyện với mẹ trong một đêm khuya ngày cô 17 tuổi cứ thi thoảng trở đi trở lại trong tâm trí cô Nhật. Chưa bao giờ cô nghĩ mình có thể trở thành cô giáo dạy đàn. Vậy mà đã hơn 30 năm…

    Trẻ con quả là kỳ diệu. Bước chân vào thế giới của chúng, rất nhiều người vĩnh viễn không rời khỏi được. Ước mơ, tâm hồn trong trẻo thơ ngây của các con có hấp lực như một thỏi nam châm vậy. Cô không nghĩ mình thích trẻ con, cho đến khi cô dạy chúng. Có rất nhiều giờ dạy, bản thân rã rời mệt đến ngỡ như thở thôi cũng nhọc nhằn, như thể nếu đứng lên là ngã nhào không bao giờ gượng dậy được nữa, vậy mà nhìn những ngón tay mũm mĩm trẻ thơ lướt vụng về trên phím đàn, cả cái bặm môi, chau mày ngộ nghĩnh là cô lại mê man thương mến mà quên đi. Ngẫm đời con người cũng chỉ vì một chữ thương mà đi qua bao nhọc nhằn, cũng vì một chữ thương mà làm nên biết bao nhiêu điều kỳ diệu.

    Nhiên là cô bé tài năng nhất trong rất nhiều học trò của cô Nhật. Chùm hoa lavender cạnh con búp bê Nhật, rồi con sư tử đá Singapore, tượng nữ thần tự do be bé… tất cả nằm ngay ngắn trên giá sách cạnh cây đàn của cô là kỷ niệm những chuyến học tập và lưu diễn của cô bé. Đôi khi tỉ mỉ lau chùi những món quà nhỏ ấy, từng tế bào trong thân thể cô nhẹ tênh bay bổng bởi một niềm vui và tự hào không sao diễn tả được. Nó là nỗi niềm hạnh phúc, là ước mơ của chính mình được thực thi bởi người mình thương mến. Tựa như ngày còn bé cứ dõi mắt theo cánh chim thiên di, lòng miên man về một vùng trời khác xa xăm, nơi mà mình mãi mãi không có cơ hội biết đến.

    Làm cô giáo tiếp xúc với biết bao trẻ, buồn có vui có, với cô đó là một gia tài vô giá. Cô Nhật lại nhớ chuyện của mấy năm trước. Cũng tầm giờ này, cũng cơn gió thốc rin rít như hôm nay…

    Tiếng chuông cửa vang lên rụt rè. Là khách. Con trai cô đi làm xa, không về vào giữa tuần bao giờ. Mưa ào qua nhanh như suy nghĩ.
    – Chào cô, chào cô đi con.
    – Con chào cô.
    – Dạ chào anh. Cô chào con.
    – Chắc cô không còn nhớ cháu?
    – Vào nhà đã anh, mưa to.

    Mãi cho đến khi đặt ba ly nước trà xanh xuống bàn và ngồi ngay ngắn đối diện với hai cha con, cô Nhật vẫn không nhớ ra mình đã từng quen họ hay không. Hẳn nhiên cô có rất nhiều học trò và đôi khi bất thình lình không nhớ ra các em cũng là điều dễ hiểu. Nhất là ở tuổi ngoài 50.

    Người đàn ông không trẻ nhưng cũng còn lâu mới già, hơi đậm người, khuôn mặt ánh lên vẻ thông minh và cương nghị. Cậu bé nhìn cô bằng ánh mắt rất sáng. Ánh mắt giống ba như tạc. Ánh mắt này cô mang máng nhớ dường như đã gặp ở đâu rồi thì phải.

    – Con tên Quân. Con đã đến đây với mẹ hồi con học mẫu giáo lá. Cô nhớ con không? Mẹ con dẫn con đến xin cô học đàn. Mẹ con thích con học đàn lắm nhưng hồi đó con không thích. Giờ con lại đến xin cô học. Cô dạy con nghen cô.

    Cô Nhật lấy làm lạ vì chưa bao giờ có đứa trẻ nào đến học mà nói những lời chắc nịch già dặn như thế. Có rất nhiều em được cha mẹ đưa đến một lần rồi không bao giờ đến nữa. Học đàn không thể ép được, nhất là cần có năng khiếu thẩm âm và rất nhiều khao khát đam mê. Cô nhìn cậu bé, rồi nhìn sang người đàn ông bình thản đưa tay gác hờ lên vai con chở che bảo bọc.

    Có một cái gì tựa hồ như một bí mật đang tồn tại giữa hai người đàn ông.
    – Con bao nhiêu tuổi rồi Quân?
    – Dạ con học lớp Sáu, 11 tuổi cô ạ!

    Về lý thuyết thì ai cũng đều có thể học chơi một loại nhạc cụ ở bất kỳ thời điểm nào trong đời, miễn là mình thích. Thế nhưng, tuổi lý tưởng nhất để học piano là 5 tuổi. 11 tuổi đã hơi trễ. Học piano khó khăn hơn các nhạc cụ khác. Cô Nhật phân vân suy nghĩ.

    – Trễ quá phải không cô? Cô đừng lo lắng, cháu thích quá. Cô cứ dạy cháu chơi vài bài là tốt rồi cô ạ! Gia đình không đặt nặng việc cháu thành nhạc công hay nhạc sĩ gì đâu.

    Giọng nói của người cha thật ấm, truyền cảm. Một giọng nói đẹp. Không biết có phải gần trọn đời sống trong âm thanh, tiết tấu giai điệu hay không, mà cô Nhật đặc biệt quan tâm đến giọng nói của những người mình tiếp xúc. Một hình thể đẹp, chưa hẳn đi cùng một tâm hồn đẹp, nhưng một giọng nói đẹp, theo cô, luôn hàm chứa bên trong một nội tâm phong phú, đáng trân trọng.

    Cô Nhật nhận lời. Và nhiều ngày sau đó, cô vẫn vương vít chút hối hận vì đã đồng ý dạy Quân. Quân gần như không có năng khiếu về piano, độ thẩm âm của em không tốt. Em vất vả để ghi nhớ nốt nhạc. Rồi vật lộn với những bản nhạc đơn giản như Happy Birthday, Canon in D, Song from a secret garden, Fur Elise… mà gần như bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể chơi sau vài tháng học. Em học trước quên sau.

    Duy có một điều cô lấy làm lạ là em rất chịu khó. Kể cả một vài lần do cơn đau nửa đầu tái phát, do mất bình tĩnh, cô hơi cáu gắt, em cũng chỉ nhìn cô bằng ánh mắt biết lỗi rồi cắm cúi trên những phím đàn. Không nghỉ học buổi nào, em cứ lặng im gõ gõ những ngón tay hãy còn mũm mĩm thơ trẻ trên phím, miệt mài suốt giờ này qua giờ khác. Những âm thanh vụng về rơi ra trong góc phòng và tấm lưng nho nhỏ thanh mảnh ấy không thôi ám ảnh cô mãi về sau này mỗi khi nhớ về Quân.

    – Cô ơi, sáu giờ rồi! Quân đâu cô?
    – Bạn ấy không đến hả cô?
    – Còn 30 phút mới tới giờ biểu diễn, tụi con cứ chuẩn bị trước đi.

    Đó là buổi biểu diễn của trường nhạc A.S, nhằm tạo sân chơi cho các em thiếu nhi có cơ hội giao lưu. Các học sinh của cô được mời biểu diễn. Cô Nhật đã từng phân vân mãi, không biết có nên cho Quân đi cùng các bạn nhỏ khác không. Bởi lẽ Quân đàn yếu. Một ý nghĩ sượt qua tâm trí cô: em đến muộn giờ biểu diễn hoặc không đến hóa ra lại hay. Cô thở nhẹ, lờ đi suy nghĩ vừa yếu ớt trỗi dậy trong mình, nó như cảm giác áy náy, xấu hổ. Cô muốn Quân đừng đến giống như muốn che giấu đi cái phần nào chưa tốt, lồi lõm ở mình. Cũng như bao kẻ tầm thường khác trên cõi đời phù phiếm này, cô chỉ muốn trưng bày cái tốt cái đẹp, khoe những học trò giỏi để thỏa mãn niềm tự kiêu phù phiếm của chính cô.

    Cô còn nhớ mình nhanh chân đi chỉnh lại chiếc váy cho em gái, thắt lại chiếc nơ bướm trên cổ sơ-mi lịch lãm của em trai, dặn dò em này em kia, quên bẵng Quân tựa hồ như cất được một gánh nặng.
    Chiếc màn nhung đỏ của sân khấu buông xuống, sắp đến tiết mục của học trò cô.

    – Xin lỗi cô… Tôi có việc… nên đưa cháu đến trễ.

    Quân đến.
    Cô Nhật nhìn sững hai cha con, không kịp nói gì. Tiết mục sẽ bắt đầu trong giây lát. Thằng bé đầu tóc bù xù, mặc bộ đồ đồng phục thể dục nhàu nhĩ cáu bẩn, chân mang đôi dép lê tuềnh toàng. Đôi mắt Quân ngầu đỏ như vừa khóc. Nó gật đầu chào cô, chăm chăm nhìn lối cầu thang bước lên sân khấu.

    ***
    – A, Quân đến rồi cô ơi!
    – Lên sân khấu nào Quân.

    Tiếng bọn trẻ lao xao, đưa nhau lên sân khấu. Cô Nhật không kịp nói hay phản ứng gì. Cô đưa mắt nhìn người đàn ông. Vẻ đĩnh đạc chỉn chu, áo sơ-mi quần tây, lái xe ô tô đưa Quân đến nhà cô như mọi khi dường như đã bị đánh rơi ở đâu đó. Không biết có phải do hôm nay có đeo mắt kính cẩn thận nên cô Nhật nhìn thấy rõ hai hốc mắt sâu thăm thẳm như vừa trải qua một đêm dài không ngủ của anh. Có cái gì đó như gãy đổ trong thẳm sâu người đàn ông này.

    Khuôn mặt anh rũ xuống nặng nề bất lực. Tự nhiên cô chợt nghĩ đến mẹ Quân. Ừ, mẹ Quân đâu nhỉ? Chỉ có một hai lần trong gần một năm qua, thằng bé có nói qua là mẹ bận lắm. Cô cũng chưa lần nào hỏi. Sao có một người mẹ để con đến buổi biểu diễn trước mặt nhiều người lại ăn mặc như thế? Cô chợt nghĩ đến những bà mẹ trẻ hiện đại, giàu có, thật đẹp, thật thơm tho, sành điệu tung tẩy đi làm, đi du lịch… Và quên nắm tay con…

    Bản hợp xướng tốt quá. Quân chơi không vướng vấp như những lần tập trước. Tiếng vỗ tay vang khắp khán phòng. Bất ngờ

    Quân bước ra sân khấu, trên tay cầm micro, mắt hướng ra cửa, em nói lớn:
    – Mẹ ơi, mẹ có nghe con đàn không mẹ?

    Bỗng Quân đổ thụp xuống, ôm lấy ngực mình, nước mắt trào ra.

    – Mẹ Quân vừa mới mất lúc năm giờ chiều cô ạ! Bệnh ung thư. Ước mơ cả đời của cô ấy là nhìn thấy Quân ngồi bên phím đàn piano. Con đi học một năm nay là đợi ngày này đàn tặng mẹ…

    Giọng nói trầm ấm, vang lên sát bên tai mình. Cô Nhật lập cập tháo cặp mắt kính lão di di trên vạt áo: “Cô xin lỗi con, Quân ơi!”.

    TRIỆU VẼ

    https://vanhocsaigon.com/truyen-ngan...con-dan-khong/

  4. #174
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Nhập thất.

    Cứ đến giữa tháng chạp là sư thầy lại rời chùa, đi ngược lên phía núi chừng mười lăm phút thả bộ và ngụ tại một lán tre ở trên đó. Cái lán dành cho giới tu hành gọi là thất, và quãng thời gian ở đó gọi là mùa nhập thất. Phải hết tháng giêng thầy mới rời thất để về lại chùa. Thầy thích yên tĩnh nên có ý đi ở ẩn vào mỗi dịp tết nhất, độ này khách khứa đến viếng chùa đông lắm.

    Ngày thầy chuẩn bị nhập thất, điệu Sanh nằng nặc đòi theo. Sanh nói mỗi ngày không thấy mặt thầy con chịu sao nổi. Khuyên mãi không được, thầy đành miễn cưỡng giao cho điệu Sanh nhiệm vụ đưa cơm chiều lên thất. Mấy mùa vào thất trước, thầy đều đùm gạo với muối mè lên trên ấy rồi tự lo chuyện ăn uống. Củi nhặt cành khô, lửa nhúm lá mục, nước đã có bên suối. Thầy chỉ việc kê ba hòn đá lại thành cái kiềng là có ngay bếp nấu. Nhập thất vốn là một công việc hành trì độc lập, người tu hành đến một ngưỡng nhất định mới có thể thực hiện. Lấy sự yên tĩnh làm đầu để thiền quán, dùng sự giản dị tự thân để nương tựa.

    Thế mà bữa nay điệu Sanh đòi gặp thầy mỗi ngày, xem ra khó từ chối nên thầy nhủ điệu đem cơm từ chùa lên. Với lại, thời gian này thầy cũng đang hoàn thành nốt cuốn sách nên muốn toàn tâm toàn ý cho việc viết. Điệu Sanh mừng ra mặt: “Vậy con đem thêm phần cơm của mình nữa lên ăn cùng thầy cho vui”. Thầy nghẹn đi, không còn nói chi được nữa, đành lắc đầu nhẹ và cười.

    Ngôi thất nằm nép dưới một hòn núi. Mấy năm trước thầy cố ý dựng ở đây để tránh gió mùa thốc vào, nhờ thế nên thất vẫn còn ở được. Mấy cột tre có yếu thì tháp thêm, vách nứa đứt lạt thì buộc lại; vào mùa hạ cỏ gianh tốt ngồng, thầy bứt đem về phơi khô rồi lợp lại cái mái. Riêng việc bện tranh thôi đã là một phương pháp tu tập, vừa gài lá vừa niệm kinh, đánh tranh như gõ mõ. Tranh phải đan khít để nước mưa không thấm qua được, khi ấy mới mong công pháp tu tập che chở được chúng sanh. Một mình thầy dựng thất, sành nghề chẳng kém gì bác thợ mộc hay người miền cao.

    Tháng chạp cỏ dại chung quanh dần xanh, vài bông hoa nở trước kỳ xuân đến. Vách núi gió hong khô, trơ ra ngoài những vạt đá màu lam. Buổi sáng thầy dậy sớm, mở cửa thất sương đã tràn vào. Thầy bước ra vừa làm vài động tác thể dục vừa ngắm thiền cảnh. Xong lại vào thất, tọa nghiêm ngắn và thảo chữ.

    Lần đầu đưa cơm đến thất, điệu Sanh nhảy chân sáo qua mấy cục đá thầy kê theo lối đi. Chưa tới cửa điệu đã hét toáng lên gọi thầy. Thầy không mắng điệu Sanh mà chỉ lấy giấy ra, viết năm chữ “an lạc từng bước chân” rồi nhủ điệu đem ra dán ở cây săng lẻ bên bậc đá đầu tiên. Từ bữa đó Sanh nhẹ nhàng hơn, nhưng tính ham vui trẻ con thì vẫn còn.

    Một lần xách ca mèn cơm lên thất, điệu Sanh gặp mấy đứa trẻ đi bắt chim. Hồi ở nhà Sanh hay cùng trẻ con trong xóm đi bắt chim và bẫy tắc kè nên thấy thế thích lắm. Định bụng chạy đến coi, rồi Sanh nhớ ra hôm bữa học luật có một điều trong sách pháp khuyên không nên săn bắt, thế là điệu cố ý đi nhanh qua. Một đứa kêu:
    - Ê, trọc lóc, tới đây chơi!
    Sanh bước thêm bước nữa, thấy đi không đành nên quay lại coi chúng bắt tổ sáo. Bắt được bốn con chim non, chia ba đứa ba con, còn một con chúng cho Sanh. Sanh cầm lấy, không biết đặt ở đâu cho phải. Ba đứa kia thì có ba cái mũ lưỡi trai, chúng ngửa mũ ra cho chim vào. Còn sanh, trọc lóc không đội mũ biết lấy cái gì nựng chim. Một trong ba đứa kia góp ý với Sanh:

    - Hay trọc đưa cơm cho tụi này ăn, rồi lấy cái cà mèn bỏ chim vào.
    Nghĩ cũng phải, Sanh đưa ngay phần cơm cho chúng ăn. Xong, Sanh lấy ít cỏ cú khô cho vào ca mèn để đặt con chim non.

    Sanh xách ca mèn lên thất. Dọc đường, thi thoảng chú chim kêu rích rích khiến điệu thích thú. Đến cửa thất, Sanh đưa nguyên cái ca mèn ấy cho sư thầy. Mở nắp, thầy ngạc nhiên nhưng không trách điệu mà chỉ hỏi:
    - Con đem chú chim này về rồi cho nó ở đâu?
    Nghĩ một lúc, Sanh thốt lên:
    - À! Con sẽ làm cho nó một ngôi nhà trên cây, giống cái túp lều tranh này. Thầy ở trong kia, nó ở trên này. Mỗi ngày con đem phần cơm lên cho cả thầy và chim.
    - Rồi sao nữa? – Thầy hỏi.
    - Bao giờ thầy về lại chùa thì con đem chim về. Đến mùa nhập thất năm sau con lại đưa nó lên đây.

    Chiều theo ý Sanh, sư thầy cùng điệu làm một cái tổ nho nhỏ trên chãng ba cây. Điệu Sanh hớn hở vui mừng, nghĩ đến cảnh có hai “ông thầy tu” ở hai túp lều tranh, một ông suốt ngày ngồi im, một “ông” suốt ngày hót. Rộn ràng bên cạnh lặng im, đó là lẽ đời. Lấy thanh tịnh nuôi dưỡng náo nức, đó là pháp đạo.

    Riêng sư thầy lại thấy khó xử, thầy biết mình đang đối mặt với một bài toán hóc búa. Cuộc đời luôn đặt ra những khó khăn buộc người ta vượt qua. Với bậc tu hành, thì điều ấy là cần thiết để luyện công án. Ngay khi thầy đang ngồi trong thất, tưởng chừng lánh đời, nhưng thực tế sự chiêm nghiệm về lẽ đời lại nhiều hơn. Còn biết bao người neo đơn đang ở trong những túp lều tranh giống thầy; họ không có cơm ăn, sống từng ngày để đón chờ cái chết. Chính quyền nào cũng có chế độ bảo trợ, nhưng việc ấy làm sao chu tất được. Ví thử cái tổ chim vừa làm xong kia là một căn nhà của người neo đơn, thầy có trách nhiệm bảo trợ.

    Chim không thể nghe đọc kinh mà sống. Chính thầy cũng không thể đọc kinh để sống cơ mà? Chú chim non phải được mớm mồi châu chấu. Nghĩa là vì sự sống của loài này, phải hy sinh sự sống của loài khác. Xưa có một vị sư, mỗi lần về thăm nhà đều ghé qua chợ mua cá về cho mẹ. Vị sư ấy cũng đấu tranh tư tưởng giữa hiếu đạo và luật trì. Bây giờ thầy nuôi con chim nhỏ, tức là phải phân vân giữa luật trì với luật trì. Tu là không sát sanh, nhưng không sát sanh châu chấu thì con chim non chết, tức là vô tình mà phải nhún tay sát sanh một trong hai loài. Mới chỉ một chú chim thôi đã thế. Ở ngoài đời kia còn biết bao nhiêu điều tương tự, muốn tồn tại phải đấu tranh. Vì tài nguyên mà nước này đánh nhau với nước kia, súng đạn hạ sát thân người rơi trên chiến trường.

    Người kinh doanh phải mẹo mực, sát phạt đến tận cùng đồng tiền của nhau, thương trường là chiến trường.

    Người muốn lấy vợ phải khôn ngoan, giành giật nhau chút tình cảm gái trai, tình trường cũng là chiến trường…

    Vào thất, tưởng chừng xa lánh cuộc sống ồn ã của loài người dưới kia, nhưng thực chất lại vướng vào chuyện khác. Con người sẽ sống thế nào khi có rất nhiều mối bận tâm như thế. Những mối quan hệ chằng chịt có cả thói ghen tức, ganh đua, tị hiềm, dối trá lừa lọc, tham nhũng, hối lộ… Có lẽ càng cô đơn yên tĩnh, như người tu hành trong một mái thất, thì càng nghĩ ngợi nhiều.

    Nhưng đó là lẽ thường, bởi giác ngộ không phải lãng quên tất cả, mà đấy là sự đối mặt với thực tại để tìm ra lối. Sư thầy đang ở trong tình thế khó khăn, phải tìm ra lối thoát cho một chú chim non đã thế, huống hồ dẫn đường cho mọi người.

    Ngay trong chiều hôm đó, con chim non đã chết. Không rõ lý do vì sao. Có thể trúng gió độc. Có thể thèm mồi mà chết. Và biết đâu con chim đã ý thức rằng phải hy sinh để loài châu chấu được sống, phải hy sinh để sư thầy không phải bận tâm nhiều về nó.

    Sư thầy cùng điệu Sanh đào hố chôn con chim xuống đất. Xong rồi tụng một bài kinh cầu siêu cho chim. Xong rồi tụng một bài kinh sám hối cho mình. Xong rồi nhưng chưa xong. Không thể cứ sám hối chuộc lỗi lầm là hết chuyện. Trong khi ấy thầy vẫn chưa tìm ra cách xử lý bài toán đấu tranh sinh tồn.

    Hai thầy trò bước vào trong thất. Bất giác điệu Sanh hỏi:

    - Sao dưới kia người ta không làm cái chòi lá thế này để nghỉ ngơi hả thầy?

    Ừ, giá mà mỗi người có một cái chòi đơn sơ để nghỉ ngơi và nghĩ ngợi. Một cái thất tự dựng lên trong miền tưởng tượng thôi. Như kiểu Phật tại tâm ấy! Mỗi năm chỉ cần nhập thất một lần vào mùa xuân. Có khi khỏi phải đi chùa cầu an hái lộc bẻ rụi cây, khỏi phải phóng sanh cho cá chết lềnh bềnh, khỏi phải thả rùa tai đỏ cầu may mà gây bệnh hoạn, khỏi phải chen lấn đi dự khai ấn phát lương đền Trần đến mức giẫm đạp lên nhau. Thế thôi.

    (Trích từ “Cõng nhau trong một cõi người” – Hoàng Công Danh)

  5. #175
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Những tia nắng mùa xuân

    Ngày thứ nhất, phòng khách nhà cô đang biến thành một sàn chơi bowling đích thực. Những chiếc cốc nhựa xanh, đỏ, trắng, vàng được ba đứa trẻ xếp thẳng hàng.

    Thằng con trai út ba tuổi của cô lẫm chẫm ôm quả bóng cao su bé xíu ra. Vậy là sàn bowling gần như hoàn hảo. Cuối tuần nào vợ chồng cô cũng đưa các con đi chơi bowling tại một trung tâm vui chơi do người bạn học của anh lập ra.

    Bọn trẻ quá quen với trò này. Cô chỉ cầm trịch để các lượt chơi diễn ra tương đối công bằng, và dập tắt các cuộc cãi vã, ăn vạ của các con sao cho cuộc chơi kéo dài, mỗi đứa đều được hưởng phần vui vẻ.
    Thỉnh thoảng cô chạy tới góc nhà, kiểm tra chế độ quay video của chiếc điện thoại thông minh được để trên bộ chân máy tự tạo khẳng khiu như chân nhện.

    Những món tóc tơ lòa xòa trước vầng trán trắng trẻo, tinh khôi của từng đứa, cái lúm đồng tiền của đứa thứ hai lún sâu trên má cả khi nó tức giận lẫn khi cười, dáng đi lạch bạch của đứa út, tất cả đều được ghi lại trong những thước phim nghiệp dư này.
    Nhìn các con chơi qua màn hình điện thoại, cô tự hỏi, hai mươi, ba mươi năm nữa, xem lại những thước phim tài liệu gia đình này, phản ứng của mỗi đứa sẽ như thế nào: thằng Mark có lẽ sẽ ngồi xem cùng với một đàn con, "ít nhất ba đứa", như nó đã tuyên bố.

    Cô và bọn trẻ sẽ làm gì sau trò bowling này? Ngày còn nhiều tiếng đồng hồ nữa, mà trong đầu cô nỗi lo lắng tựa như một đống lửa, lúc đầu cháy lom rom, sau đó bùng lên với những lưỡi lửa thiêu đốt.

    Mở đầu ngày thứ hai, ngay trong bữa sáng, cô "bật mí" với bọn trẻ kế hoạch của ngày: cả nhà sẽ làm bánh. Cô giảng giải những việc phải làm cho các con hiểu, từ nhào bột, nặn bánh, đến chuẩn bị khay đựng đợi các mẻ bánh ra lò.

    Thoạt đầu bọn trẻ không hào hứng lắm. Cả ba đứa đều thích chạy nhảy hơn là đứng chôn chân trong phòng bếp hẹp. Cô nghĩ ra ý sẽ chấm điểm và thưởng những viên sôcôla bọc hạnh nhân cho bất cứ đứa nào hoàn thành tốt phần việc của mình, nặn được một cái bánh tròn trịa. Trò làm bánh "giết" được hơn một tiếng đồng hồ của bọn trẻ.

    Cuối cùng cả bọn chán trò, chạy ra phòng khách truy tìm chiếc điều khiển tivi, dò được kênh hoạt hình và bắt đầu tranh cãi về quyền được xem thứ mình muốn. Thằng thứ hai, vẫn là thằng thứ hai tinh nghịch nhất, không tranh được chiếc điều khiển liền lẻn vào bếp, bốc một nắm nhân bánh còn thừa, rắc lên đầu thằng lớn khi mà cuộc tranh giành tưởng đã ngã ngũ.

    Chiếc điện thoại thông minh thu được hình ảnh thằng bé út cười lăn lộn trên sôpha trước bước ngoặt bất ngờ của cuộc chiến giữa hai anh nó. Dọn dẹp bãi chiến trường là việc của cô sau đó. Ngọn lửa thiêu đốt lại bùng lên trong cô.

    Ngày thứ ba. Cô cần phải giải quyết vài việc của viện nghiên cứu nơi cô làm việc. Cô cho phép đứa con lớn dẫn các em nó ra mảnh vườn nhỏ sau nhà chơi tự do với cái vòi nước, con chó phốc, và bất cứ gì ở đó.

    Chiếc điện thoại và cái giá tự tạo được chuyển ra sát cửa sổ, và với chế độ quay tự động, nó hoạt động cho đến lúc sập nguồn.
    Sau này, khi xem lại video đó cô mới phát hiện ra rằng lũ trẻ chỉ lọt vào camera khoảng chưa đầy mười phút, sau đó chúng chuyển sang chơi ở một góc khác, và những đám hoa dại, những vạt nắng, những chiếc lá kim, vài con côn trùng trở thành nhân vật chính của những thước phim. Mùa xuân đến rồi nhưng cô không nhận ra.

    Ngày thứ tư. Ngày thứ năm. Ngày thứ sáu. Mỗi ngày đến rồi đi với nỗ lực sáng tạo các hoạt động tập thể cho một nhóm trẻ dưới mười tuổi, chọn chỗ đứng cho bộ chân khẳng khiu của chiếc điện thoại thông minh, nấu nướng, tắm giặt cho bọn trẻ, và cả trăm việc không tên.

    Mỗi giây cô đều phải dùng ý chí của mình để dập ngọn lửa lo lắng đang thiêu đốt trong lòng như người lính cứu hỏa quả cảm nhất. Mỗi ngày của cô đều kết thúc bằng việc cập nhật thông tin và gửi đoạn video clip trong ngày đến địa chỉ cô cần gửi.

    Ngày thứ mười cô bắt đầu cảm thấy đuối sức. Cô muốn bùng nổ. Bọn trẻ đã chán việc cô sắp xếp cho chúng chơi mỗi ngày. Chúng thích được chạy ngoài vườn, đuổi con chó phốc chạy quanh nhà, bốc đất nhồi vào những chiếc vỏ lon bia ở góc vườn, không chịu ngủ trưa đúng giấc.

    Mỗi đứa đều cáu nhiều hơn, khóc nhiều hơn, chống đối cô một cách ngang ngược hơn. Đầu cô rối tung, chẳng có ý tưởng hay ho nào xuất hiện, cô quên cả những việc của viện nghiên cứu mà mình phải làm online, quên cả việc thanh toán các hóa đơn qua tài khoản điện tử.

    Chỉ một việc duy nhất cô không quên là, gửi những video clip cô quay được trong ngày tới nơi đang cần chúng.

    Ngày thứ mười một, nhìn bầu trời bừng lên những tia nắng, cô bật khóc. Cô nhận ra mùa xuân đã tới. Cô nhớ cảnh vợ chồng cô đưa bọn trẻ tới trường, đi qua những con đường nhỏ được viền bởi những vạt hoa dại dài tít tắp.

    Cô nhớ khoảng thời gian sau đó, cô và anh được giải phóng khỏi những tiếng mè nheo và tận hưởng sự yên tĩnh và phần nào lãng mạn tại quán cà phê quen thuộc bên bờ sông. Lạ lùng thay, khi nghe tiếng khóc của chính mình cô lại bắt đầu quyết tâm huy động trí lực cho hi vọng.

    Ngày thứ mười ba, hi vọng bắt đầu lóe lên sau khi cô mở mục tin nhắn, và nhận ra người đang nhắn tin cho cô không phải là bác sĩ của anh mà là chính anh.

    Anh, sau gần nửa tháng chiến đấu với virus, đã bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục. Bác sĩ khẳng định anh thuộc về số những người may mắn đã chiến thắng đại dịch. Bác sĩ nói những video cô gửi là công cụ quan trọng để các bác sĩ "giật" anh ra khỏi giấc ngủ, khi anh cần phải thức để nhận oxy.

    Cô khóc òa trong phòng ngủ.

    NGUYỄN BÍCH LAN

    https://tuoitre.vn/truyen-ngan-nhung-tia-nang-mua-xuan-20200419094331442.htm

  6. #176
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Làm sao để chữa lành ...



  7. #177
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Lá thăm

    Quán lạnh tanh, khách hiếm như mớ bông trái mùa nở bám nhánh bằng lăng cỗi. Từng là chỗ ăn uống có tiếng dành cho gia đình, buổi tiệc, họp mặt lèn chặt tiếng người; quán giờ xơ xác như người đàn bà quá lứa chẳng còn ánh mắt nán lại chèo kéo.

    Dượm bóng người bước vô trả lại chút đỉnh vui vốn có của nơi bán buôn, vậy mà chẳng làm ai thấy khá lên nổi. Khách ngó nhân viên mặt mày xám xịt cố nặn những nụ cười méo mó chào đón cũng không đành giận, tự nhủ mùa dịch này ai nấy đều ám ít nhiều màu buồn.

    Khách đâu biết trên đầu mỗi nhân viên đang treo một cục đá bự chảng, chực rớt xuống đè tắt ngúm hi vọng. Ai đó sẽ sụp xuống khóc, hoặc chết giấc, hoặc héo rũ, hoặc lên cơn đau tim; sớm thôi. Khi mà vài giờ nữa sẽ tới lúc chị chủ bước ra xướng lên cái tên đề sẵn trên những lá thăm nặng ngang án tử.

    Chỉ tại cái con Côrôna gây nên cảnh trớ trêu này. Chị chủ phải cho nhân viên nghỉ tạm bớt để duy trì hoạt động. Cho ai nghỉ cũng thấy lấn cấn trong bụng, xui rủi lại bị dán cho cái mác thiên vị, chị chủ tính toán tới lui quyết định chọn cách công bằng nhất có thể.

    Tất cả nhân viên sẽ được ghi tên lên giấy, bỏ vào thùng, xốc lên như trò rút thăm trúng thưởng. Vài cái thăm sẽ được chị chủ bốc ra trước mặt mọi người khi đến giờ công bố kết quả, kèm sẵn câu an ủi "tạm nghỉ thôi mà".
    Nói là nghỉ tạm, chớ ai biết tạm tới bao giờ. Một hay hai ba tháng? Hay nửa năm? Trong lúc rỗi rảnh đó, người ta buộc bươn chải đi kiếm chỗ làm khác đắp đổi cơm áo. Đâu ai dám chắc chắn tới lúc tình hình ổn định, mình sẽ dễ dàng quay trở lại làm việc như trước.

    Những suy nghĩ về "án tử" luẩn quẩn trong đầu mọi người như bầy mối bay loạn tránh mưa. Ai nấy cố vây củi lửa thắp cho lòng chút hi vọng mình sẽ thoát, bằng cái bùa cầu may mới thỉnh trong đền Ông Bần "thiêng lắm", bằng lời hứa ăn chay một tháng, bằng khờ khạo rơm rớm mình chăm chỉ vầy chắc trời thương...
    Còn Gái xụi lơ, rũ rượi như mớ lá dứa để thơm nhà vệ sinh đã úa chờ thay mới. Gái đang nghĩ đến những khó khăn sẽ ập tới, sớm thôi.

    Nếu mất việc, Gái biết lấy gì lo cho hai đứa con bây giờ. Đứa lớn đang học lớp 6, mùa dịch nên trường cho nghỉ ở nhà nhận nhồi thú bông kiếm tiền phụ mẹ. Tội, nó nhồi tới mười đầu ngón tay đỏ lừ cũng không đủ làm nồi cơm đầy thêm bao nhiêu.
    Có lần nhìn nó ôm con chó bông chưa rõ dáng mân mê, ôm siết vào lòng với đôi mắt ướt nước thèm thuồng, Gái đã phải quay đi làm như không thấy. Những con thú bông con nhỏ nhồi rồi sẽ tới tay lũ trẻ khác, chứ chẳng thể ở lại, vì Gái đâu có tiền mua cho nó. Tiền, quá ít để trám đầy những lỗ rò của cuộc sống đang ngày càng nứt vỡ.

    Đứa nhỏ thì từ lúc mới đẻ đã yếu, uống thuốc như cơm bữa. Đợt trước chắt mót mua được cho con hộp sữa ngoại, Gái chưa kịp mừng khi nhìn con có chút da thịt, giờ đã phải nghĩ đến chuyện gạch khoản tốn kém nhất này ra khỏi sổ chi tiêu.
    Thuốc cần hơn, và tiền viện phí nếu lỡ con gặp gì nặng. Đứa nhỏ đâu hay những chuyện toan tính của người lớn, hồn nhiên mút hoài bình sữa đã cạn từ lâu, cố mót mấy giọt bám trên thành bình...

    Gái đã nghe loáng thoáng cuộc điện thoại chồng cô nhận được mấy hôm trước. Khách sạn chỗ anh làm đang giảm lương nhân viên để cầm cự. Quang gánh nghiêng dồn lên vai anh, liệu anh trụ được bao lâu với cơn loét bao tử cứ hành mỗi bữa?
    Kêu đi khám, anh cứ la để khi nào rảnh thì đi. Rảnh của anh nghĩa là lúc nào dư dư tiền. Mà lúc nào là lúc nào? Gái làm sao biết!

    Đã tới giờ bốc thăm. Mọi người nhìn nhau rồi quay đi, ánh mắt xoáy tròn mệt mỏi trộn lẫn với hoang mang. Chẳng ai dám nhìn ai lâu, như sợ cái buồn bã của người khác làm mình bị thương hay chính cái buồn bã của mình chém vào lòng người khác. Là ai?

    Ai sẽ bị xướng tên để ngay sau đó vắt óc ra mà nghĩ cách xoay xở cho ngày mai? Đã lờ mờ hình ảnh vài quán ăn lề đường với chân bưng bê còn thiếu; chồng gạch phụ hồ chờ sẵn; những công việc không tên nhỏ giọt đồng lương. Gái bấu vào tay một cái đau điếng để ngăn những suy nghĩ tăm tối nhá lên. Trời ơi, đừng, đừng là lá thăm ghi tên Gái!

    Chị chủ bước ra, cười mà như không. Chẳng thấy thùng thăm đâu cả. Vỗ tay kéo sự chú ý của mọi người về phía mình, chị dõng dạc cất tiếng: "Chúng ta có tin mừng, không cần bốc thăm, sẽ không ai bị cho nghỉ cả".

    Mọi người xôn xao, chưa kịp mừng đã sợ, thời đại này luôn biết cách cài vào lòng người sự hoang mang. Chị chủ lại cười, lần này môi chếch xuống một bên đã hằn dấu buồn, tiếp lời: "Vì chị Chịu, chị Đỡ xin nghỉ việc".

    Những ánh mắt rút khỏi chị chủ đổ sóng cuộn về phía hai người đàn bà mặt đã rõ nếp nhăn. Hai chị cười tỉnh bơ, "dịch quá dịch tụi tui trốn về quê cho an toàn, dưới đó tui mở tiệm tạp hóa bán lai rai" - lời chị Chịu.

    "Còn tui về nghỉ ngơi chăm bón lại mấy liếp vườn cho khỏe thân" - chị Đỡ buộc lại mớ tóc lấm tấm bạc bị xổ ra. Những lời nói dối trơn lùi, nghe như thật. Ai mà không biết hai chị chỉ còn một thân một mình, về quê được đã về từ lâu...

    Từng giọt nước mắt trào ra, lấp đầy những đôi môi thoi thóp hé mà không biết nói gì. Chị Đỡ vỗ vỗ vai Gái, cau mày chửi khẽ, tụi bây ngộ thiệt tin vui vầy cũng khóc.

    Tin vui, mà sao chẳng thấy ai vui!

    Phát Dương
    https://tuoitre.vn/truyen-ngan-la-th...4050145536.htm

  8. #178
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    ĐỪNG AI LỚN GIỌNG VỚI SÀI GÒN !

    Tôi không phải dân Sài Gòn thứ thiệt vẫn cảm nhận cái chữ Sài Gòn nè thân thương ! Tôi dân ở tỉnh nhưng ăn học ở Sài Gòn, cũng được bao người cô, người bạn Sài Gòn giúp đỡ để trưởng thành.

    Rồi cả gia đình tôi mưu sinh ở Sài Gòn, con tôi sanh ra lớn lên ở Sài Gòn, thành công dân Sài Gòn. Anh em tôi hầu hết mưu sinh ở Sài Gòn, chúng tôi được Sài Gòn cưu mang.. và tôi làm việc, cống hiến cho Sài Gòn. Hoà chung một nhịp sống Sài Gòn.

    Những ngày Sài Gòn trở bịnh, cũng như bao người, ai cũng lo cho Sài Gòn... rồi Sài Gòn bệnh nặng hơn, càng lo lắng hơn. Vẫn chưa thể biết khi nào thì Sài Gòn hết bệnh.

    Nhiều người chê, Sài Gòn tệ, dở chống dịch gì mà để dịch bùng ngày càng nặng, không thấy lối ra, không biết học hỏi các tỉnh... rồi bao thứ đâu đó giống “Dậu Đổ Bìm Leo”, nhiều người, địa phương trở nên “xài xể Sài Gòn”, Sài Gòn bị bệnh, bị tổn thương trong tâm hồn, người Sài Gòn, hay người được Sài Gòn cưu mang cũng buồn theo, nóng giận. Rồi người ta tính luôn cái chuyện giúp đỡ Sài Gòn bằng những người gọi là “chuyên gia”, “giàu kinh nghiệm” nhưng là 1 đám hổ lốn, không chuyên môn với thái độ ngạo mạn, khinh khỉnh, một đám đi đánh thuê núp bóng "Tình Nguyện Viên" cứu giúp Sài Gòn, đầy nguy cơ nhiễm bệnh, trây trét dịch thêm cho Sài Gòn nhưng lớn lối mở giọng dạy dỗ Sài Gòn. Họ muốn Sài Gòn phải chịu 1 sự mang ơn theo chiều dài thời gian nhưng lại trở thành 1 vết nhơ, 1 tổn thương, 1 xúc phạm trong lòng người Sài Gòn. Sao họ dám hành xử với người Sài Gòn như vậy ?

    Dịch bùng từ 23/4 từ đốm nhỏ, đến đốm lớn, lan ra nhiều tỉnh phía Bắc, bùng luôn Hà Nội.. lúc bấy giờ, Sài Gòn vẫn rất bình yên.

    Sài Gòn không hề có một động thái phân biệt đối xử người về từ vùng dịch, cấm vận hay cách ly.. mỗi ngày hàng chục chuyến bay từ Hà Nội ra vô trong sự êm ấm, bình thường...

    Sài Gòn là vậy, một sự cấm vận của mình, sẽ tổn thương người của bao nhiêu tỉnh thành, cuộc sống làm ăn ... vì hầu hết các tỉnh thành, từ Bắc chí Nam đều có người con, người thân.. đâu đó liên quan đến Sài Gòn.

    Dòng người từ Bắc, Trung đổ vào Sài Gòn làm ăn, sinh sống ở Sài Gòn cũng giống như bản thân tôi gắn bó với Sài Gòn. Sài Gòn vì cái gì, bị áp lực nào để không thể đóng cửa bảo vệ mình? Sài Gòn phải mở để tiêu thụ vải cho Bắc Giang, để họ tự hào mùa vải thành công với 6.800 tỷ đồng, và Sài Gòn phải học hỏi họ cách chống dịch. Sài Gòn phải mở cửa chợ hoa để cứu hoa Đà Lạt.

    Sài Gòn bệnh nhưng Sài Gòn vẫn phải gồng nộp 82% thu ngân sách của mình để nuôi nhiều nơi trên đất nước... Sài Gòn bệnh, Sài Gòn cần nhiều thứ để dưỡng bệnh, nhưng lấy gì bồi dưỡng thân thể khi dòng ngân sách không thể khác được. Để rồi người ta sỉ nhục Sài Gòn, chê bai.. "Những thứ đồ chống dịch của Sài Gòn là không đúng chuẩn". Rút tiền ra góp cho cả nước nhưng dân Sài Gòn xài đồ không bằng ai.

    Rồi ai đó, đòi hỏi Sài Gòn phải bao dung, hào sảng đến mức người Sài Gòn thua thiệt khắp muôn nơi, từ sân bay, nhà hát, sân bóng, đường xá.. Bao dung hay bung dao cũng tuỳ thái độ người đối diện trước mình. Không thể khác được.

    Người Sài Gòn nổi tiếng hào sảng, đôn hậu, giúp người không cần suy nghĩ, thi ân bất cầu báo... liệu người Sài Gòn có khờ để người khác nghĩ vậy mà lạm dụng, xài xể, leo đầu leo cổ... hay một Sài Gòn nổi giận từ những người hiền lành nhất, những trí thức tưởng chừng không muốn mở miệng trước thời cuộc.

    Những đồng ngân sách của Sài Gòn tràn đi muôn nơi, trong suốt thời gian quá dài, giúp cho nhiều tỉnh thành đầu tư về hạ tầng vượt trội hơn mình, nhiều tỉnh thành từ đói nghèo được TƯ đầu tư trở thành những tỉnh thành giàu có. Giờ giàu có thì đâu đó cái kiểu bố đời lớn lối “đường Hồ Chí Minh trên không” cho chiến trường Miền Nam hay vì Miền Nam Ruột Thịt rao ra rả kẻ cả.
    Nhiều tiếng lớn giọng của nhiều người với Sài Gòn, khiến người Sài Gòn buồn chứ, giận chứ, tổn thương chứ...

    Chiều nay nghe tin Sài Gòn sẽ chống dịch triệt để, tôi thấy mừng.. nhưng rồi xem tivi thấy thủ tướng chỉ đạo, Sài Gòn phải đảm bảo chợ đầu mối hoạt động, phải mở đường lưu thông hàng hoá... tôi chợt bừng ra, chuyện chống dịch triệt để là không thể nữa rồi, không phải do chính Sài Gòn quyết được. Tỉnh nào có thể 16 nhưng Sài Gòn thì không chắc.. không triệt để thì dịch bùng, lại truy vết, oằn mình với những giải pháp có thể không còn phù hợp từng giai đoạn chống dịch.. dân Sài Gòn lại cạn kiệt sức lực khi dịch sẽ kéo dài.

    Đừng ai lớn giọng với Sài Gòn rằng không biết chống dịch. Sài Gòn mà triệt để chống dịch là bao nơi sẽ khó khăn theo đấy.
    Tôi đang bệnh, tôi cần được bồi dưỡng, tôi cần để nhiều “máu”cho chính cơ thể của mình.. dưỡng thương !

    Sao tôi phải chia sẻ cho muôn nơi để rồi người ta lớn lối thái độ “biết bố mày là ai không ?”

    BS Cao Xuân Minh

  9. #179
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Ngày xửa ngày xưa, tại gia đình lương thực ...



  10. #180
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Gửi hết nhớ thương vào chợ phiên cuối cùng tháng Chạp.

    Khi hơi nước bắt đầu bốc lên, lớp váng mỡ nổi tràn trên mặt là lúc gian bếp đầy mùi Tết. Cha vớt ra, cẩn thận xâu miếng thịt vào một sợi lạt rồi treo lên thanh kèo giữa gian bếp. Đó là cách bảo quản để được lâu, vừa không bị chó mèo ăn vụng.

    Trên con đường làng mờ hơi sương của những ngày cạn Chạp, bóng những bà, những mẹ quê quang thúng chập chùng theo từng bước chân khuất dần vào màn sương phủ.

    Mặc cho gió núi mang hơi rét tái tê thổi về len vào khe vách đan bằng cây sơn trắng, tôi cũng dậy thật sớm theo mẹ, lòng ấm áp nghĩ về phiên chợ cuối cùng trong năm với niềm mong mỏi được đổi mua bằng sự vớt vát cuối cùng năm cũ…

    Những đếm đong cạn Chạp của mẹ

    Cha cũng thức dậy từ rất sớm để giúp mẹ xếp những thảo thơm vườn nhà vào đôi quang thúng. Một bên là gừng tẻ cùng khoai mài ruột tím và chục quả trứng gà, bên còn lại là nguyên buồng chuối lớn có mấy quả trên cùng vừa ửng vàng tươi rói.

    Tôi nhìn những quả trứng trắng hồng không giấu nổi sự thèm thuồng nhưng vẫn dứt khoát bỏ vào quang thúng cho mẹ, nuôi giấc mơ thoảng thơm mùi thịt luộc và những vuông cốm xanh đỏ đủ màu.

    Mẹ cũng không quên mang hương trầm để khi vãn chợ, trên đường về còn thắp mấy nén hương cho những ngôi mộ dưới gốc gòn già cạnh chợ.
    Mẹ bảo đó là những nấm mồ bị bỏ hoang từ lâu vì con cháu tứ tán phương trời tha hương cầu thực. Cạn ngày cạn tháng, lại đang kỳ chạp mộ, cũng coi như ký thác chút nhớ thương gửi cho người đã khuất…

    Trên khu đất trống rộng, người ta bày hàng theo từng nhóm. Nổi bật nhất là hàng áo quần được cắt may từ phố huyện mang về với đủ sắc màu treo đung đưa theo gió như mời như gọi. Kế đến là những bà hàng xén với bao nhiêu đồ đạc lỉnh kỉnh từ gạo muối đến rổ rá nhang đèn.
    Rồi hàng thịt, hàng cốm, hàng bông và ngồi dọc theo cuối bãi là ông thợ hàn thau, hàn dép cũ…Mẹ lặng lẽ bày đôi quang gánh bên những bà lão bán trầu cau phẩm màu và những người gánh hàng khô từ vùng biển lên.

    Họ bảo nhau rằng chuyến này mong bán cho bằng hết rồi cũng mua dăm ba thứ cần vì phải ra Giêng mới sắm chuyến gánh hàng về nữa. Tôi chạy loanh quanh ngắm chỗ này một chút, nhìn chỗ nọ một chút lòng thích thú đến lạ lùng như thể Tết đã ở ngay trước mặt.
    Còn mẹ, lại dồn hết hi vọng vào phiên chợ cạn ngày như thế. Những ngày đó, hàng hóa từ chợ huyện đem về nhiều hơn song sự cân đo đong đếm để chu toàn cái Tết với mẹ lại càng lớn.Nếu bán được những món đó một cách kha khá, dẫu có chi tiêu tằn tiện đến đâu, mẹ cũng không ngần ngại mua ký thịt cùng mấy vuông cốm bọc giấy bóng đủ màu.

    Và trên chặng đường về, dẫu trong đôi quang thúng giờ nhẹ tênh chỉ vài món đồ, tôi vẫn nằn nì mẹ đảm nhận việc xách ký thịt bọc lá chuối tươi trên tay, thi thoảng nhảy băng băng qua những đoạn đường mịn cỏ, lòng hân hoan đến vô cùng. Và cả ngày hôm ấy, không khí trong nhà rộn ràng hơn hẳn.

    Những chắt chiu mùa vụ của cha



    Tôi háo hức ngồi bên ngạch địa cửa nơi gian bếp nhỏ, nhìn mẹ cẩn thận luộc miếng thịt với phần mỡ lúc nào cũng nhiều hơn nạc. Khi hơi khói nước bắt đầu bốc lên, lớp váng mỡ nổi tràn trên mặt là lúc gian bếp cũng đầy mùi Tết.

    Cha vớt ra, cẩn thận xâu miếng thịt vào một sợi lạt được chẻ từ cật thanh tre tẻ già rồi treo lên thanh kèo giữa gian bếp. Đó là cách bảo quản vừa để được lâu, vừa không bị chó mèo ăn vụng.

    Kể từ giây phút đó, mấy anh em chúng tôi dù làm gì đi nữa, vẫn phải đảo qua bếp nhìn xâu thịt trong chốc lát, tưởng tượng về lớp mỡ bóng rẫy béo ngậy ngân ngấn bên ngoài.

    Sáng mồng một Tết, mẹ cắt một miếng thịt rồi thái nhỏ, cho vào chiếc chảo đồng rộng miệng trên kiềng bếp đỏ lửa.

    Phần thịt mỡ vừa chạm vào lòng chảo nóng già, trong thoáng chốc đã xì xèo thơm nức, mẹ vớt phần tóp mỡ đã đổ sang màu vàng hổ phách, giòn rụm chia đều cho mỗi đứa và đó là thứ quà ngon nhất, mong đợi nhất trong suốt những năm tháng ấu thơ ở làng.

    Phần nước mỡ, mẹ xào với bún xắt và cải cay vừa mới trổ ngồng. Đó là loại bún được làm thủ công từ bánh tráng sắn phơi sương cho ẩm, cuốn lại rồi cắt ra từng cọng nhỏ.

    Để có món ăn dẫu bình dị ấy, ngay từ đầu Chạp, mẹ đã chọn những củ sắn mì gòn ngon nhất ngâm trong một lu nước lã cho đủ ngày nhão bột, rồi tán mịn ra lọc lại cho trong rồi đợt ngày hảnh nắng để tráng bánh.

    Giống cải cay chịu được chất đất cằn cỗi nơi này nên chỉ cần gieo hạt bên những triền soi, mặc tiết trời cuối năm khô hanh lạnh như se như cắt, vẫn nhẫn nại nảy mầm, nhẫn nại trổ ngồng trên những thân cây mảnh mai gầy guộc.

    Cho đến tận sau này, dù xa làng tít tắp, mỗi bận được nếm những món ngon quê người hay thức gì có vị đắng đót, tôi lại chạnh lòng nhớ chiếc chảo đồng thơm mùi mỡ và vị ngai ngái của món ăn đầy kỷ niệm sáng mồng một Tết nơi làng cũ, nhớ những tinh sương chợ quê cạn Chạp mà mẹ gánh cả niềm hi vọng về một cái Tết ấm áp hơn vì thoảng thơm mùi thịt trong gian bếp nhỏ.

    Hết trường làng rồi đến trường huyện, từ những chắt chiu mùa vụ của cha, những đếm đong cạn Chạp của mẹ để có một sáng mai Xuân ấm áp đoàn viên cả gia đình quân quầy bên chiếc chảo đồng béo thơm mùi mỡ, rồi cũng đến lúc anh em chúng tôi xa làng để cầu chữ nghĩa.

    Năm vẫn cứ rộng, tháng vẫn cứ dài và đường đời thì muôn ngả rẽ. Dẫu chọn cho mình hướng đi nào, anh em tôi vẫn nhớ về những thảo thơm quê nhà để học cách sống nhẫn nại, thiện lương, bao dung với đời.

    Và không hẹn song cứ cạn ngày năm cũ thì chúng tôi lại về bên nếp nhà xưa, thấy lòng an nhiên khi nhìn khói bếp nhẹ tênh bay trên những mái đầu bạc trắng trước khi len qua ô cửa bám đầy bồ hóng.

    Và tôi lại đi trong tinh sương của ngày cuối Chạp, giữa phiên chợ rộn ràng bán mua mặc cả. Hơn hai mươi năm mây bay gió thoảng, làng khác xưa nhiều và những phiên chợ cũng rộn ràng tấp nập gần như chợ huyện.

    Thấy vui vì quê hương đổi mới từng ngày song lòng vẫn vời vợi nhớ thương những bà những mẹ quê tảo tần quang gánh, đếm đong chu toàn trong một sớm chợ phiên cạn Chạp của một ngày xa lắc !


    NGUYÊN HẬU
    https://tuoitre.vn/tet-xua-tet-nay-g...1195021615.htm

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 04:44 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh