Register
Page 15 of 19 FirstFirst ... 51314151617 ... LastLast
Results 141 to 150 of 186

Thread: Kiếm Đạo

  1. #141
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    CHƯƠNG 26

    Ta không biết là mi đã bao giờ nghĩ đến cái điều lạ lùng này chưa, ấy là cái tôi. Ta càng quan sát nó, nó càng thay đổi, như khi nằm trong cỏ, bạn nhìn đăm đăm vào mây trên trời. Thoạt đầu nó giống như một con lạc đà, rồi một người đàn bà, cuối cùng hóa thành một cụ già râu dài. Nhưng không cái gì là cố định cả, vì trong nháy mắt chúng đã thay hình đổi dạng.

    Thì nói chẳng hạn vào nhà vệ sinh ở một căn hộ cũ kỹ đi, ở đó các bức tường bị nước vấy bẩn, hàng ngày mi vào nhà vệ sinh, các vết nước lưu niên kia đều có sự thay đổi. Lúc đầu, mi thấy nó giống một mặt người, rồi một con chó chết, lòng ruột xổ tung ra. Lần sau, nó thành một cái cây có một đứa bé gái cưỡi một con ngựa gầy còm ở bên dưới. Mười hay mười lăm ngày sau, có thể nhiều tháng sau, một sáng nọ, thình lình mi phát hiện ra thấy những vệt nước kia lại mang hình một mặt người.

    Nằm trên giường mi nhìn trần nhà. Do ánh đèn chiếu vào, cái trần nhà trắng cũng có thể xảy ra những biến hóa. Mi chỉ cần tập trung xem kỹ vào cái tôi của mi, mi sẽ thấy cái tôi này của mi nó đang đi xa dần ra khỏi cái hình dạng mà mi quen thuộc, nó sẽ mang nhiều bộ mặt khiến cho ta kinh dị. Thế cho nên ta sẽ không thể không hãi hùng, nếu như ta phải diễn tả tóm tắt bản chất chủ yếu của chính ta. Ta không hiểu trong nhiều bộ mặt của ta, cái nào nó tiêu biểu cho ta hơn cả, ta càng quan sát chúng, các biến hóa lại càng rõ rệt hơn lên.

    Mi cũng có thể chờ, chờ cho các vệt nước trở lại hình thù ban đầu, một mặt người, và mi cũng có thể hy vọng, hy vọng một ngày nào đó nó sẽ sinh ra một hình thù nào đó. Nhưng kinh nghiệm cho ta thấy rằng thời gian càng trôi đi, hình ảnh kia càng ít biến hóa theo ý mi mà hoàn toàn trái lại, nó thường trở thành một cái quái thai mi không thể chấp nhận, nó bung ra mà xét cho cùng nó lại là thoát thai ra từ cái tôi của mi, mi không thể chấp nhận.

    Một hôm, ta chú ý tới bức ảnh dán trên thẻ xe tháng của ta ở trên bàn. Mới đầu ta cảm thấy cái mỉm cười này là mong cầu cho mọi người vui vẻ nhưng sau lại thấy đúng ra là nó mỉa mai, hơi đắc ý, hơi lạnh, đẻ ra từ lòng tự yêu mình, tự thưởng thức, tự cho mình cao hơn hẳn mọi người. Kỳ thật lại có một thứ sầu não để lộ le lói ra nỗi cô đơn, rồi lại có một thứ sợ hãi bất an vụt lóe ra chứ không phải là vẻ một kẻ ưu đẳng thắng cuộc, một thứ chua chát nữa.Đương nhiên không có được nụ cười thông thường đẻ ra từ hạnh phúc hồn nhiên mà lại nghi ngờ hạnh phúc đó. Cái đó trở thành đáng sợ thậm chí vô dung, hư vô, một cảm giác rơi xuống mãi không tới đáy, thế là ta bèn chẳng thiết cả nhìn lại vào cái bức ảnh đó nữa.

    Sau đó ta đi quan sát người khác, khi quan sát họ, ta phát hiện thấy cái tôi đáng ghét và ló mặt ra ở khắp nơi kia cũng đã lại xen cả vào đây rồi, nó không để cho một bộ mặt nào mà không bị nó can thiệp khi ta quan sát, cái này thật là ngán hết sức. Khi ta quan sát kẻ khác, ta vẫn tiếp tục quan sát bản thân ta. Ta tìm kiếm các bộ mặt ta yêu hay một biểu hiện mà ta chấp nhận được.

    Nếu một bộ mặt không khiến ta xúc động, nếu trong những người đi ngang qua trước mặt ta, ta không tìm được ra kẻ để ta nhận dạng ra chính ta thì ta sẽ quan sát họ mà chẳng hề thấy họ. Trong một phòng chờ xe, trong một toa xe lửa, trên một boong tàu, trong một quán cóc hay một công viên hay thậm chí trong lúc dạo chơi ngoài phố, ta đều chỉ có nắm bắt những bộ mặt hay những hình dạng tựa hồ đã gần gụi quen thuộc với ta, hoặc là, ta kiếm lấy ở đó một vài ám dụ có thể làm nổi lên lại một kỷ niệm đang vùi trong trí nhớ. Khi quan sát người khác, ta đều coi họ như những cái gương cho ta soi vào trong chính ta và sự quan sát này hoàn toàn lệ thuộc vào điều kiện tâm trí ta lúc đó. Ngay cả khi nhìn một cô gái, ta cũng dùng cảm quan của chính ta để nắm bắt cô, dùng kinh lịch bản thân ta, cộng thêm tưởng tượng, trước khi cho ra một phán đoán. Thật ra sự hiểu người khác, kể cả đàn bà, ở ta là hời hợt, võ đoán. Trong con mắt ta, đàn bà chẳng là cái gì ngoài những ảo tưởng ta tự tạo để mê hoặc bản thân ta. Đó là điều bi ai ở ta. Cho nên các quan hệ của ta với đàn bà đều thất bại. Ngược lại nếu ta lại là đàn bà thì chung sống với đàn ông ta cũng lại khổ đau như thế. Vấn đề là ở sự tỉnh ngộ trong nội tâm của ta, con quái vật dằn vặt khiến cho ta không thể yên tĩnh này. Lòng tự yêu mình, tự tàn hại mình, sự giữ gìn ý tứ, lòng đố kỵ và căm ghét đều bắt nguồn từ đó mà ra, cái ta thật sự là căn nguyên bất hạnh của loài người. Vậy thì phải giải quyết bất hạnh này chẳng phải là lại cần bóp chết đi cái mà nó tỉnh ngộ ra kia sao?

    Cho nên Đức Phật dạy mọi hình ảnh đều giả, không hình ảnh cũng giả?

    (Trích từ "Linh Sơn" - Cao hành Kiện - Trần Đĩnh dịch )

    https://isach.info/story.php?story=linh_son__cao_hanh_kien&chapter=00 27

  2. #142
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Thách thức

    T
    ôi đang ngồi đọc báo trong nhà, bỗng con Tuyến, cháu nội cô Ba tôi, chạy vào mếu máo mách:

    - Chú Phương ơi, anh Thắng ảnh đánh Tuyến!

    Tôi buông tờ báo, đứng lên:

    - Cha chả, cái thằng ăn hiếp em há!... Thôi nín đi cưng, để chú xử tội nó.

    Đoạn tôi bước ra ngoài tìm thằng Thắng. Thấy nó còn đứng trước sân, lấm lét nhìn vào, tôi quát:

    - Thắng, vô đây!

    Nó ngần ngại, coi bộ muốn bỏ chạy đi. Nhưng rồi, có lẽ liệu chắc khó thoát khỏi tay “già” chú có cặp giò sếu vườn nầy, nên nó ngoan ngoãn đi vào. Nó vừa đến gần, tôi lấy mặt hầm hầm, quắc mắt hỏi:

    - Sao mầy đánh em, hả?

    Nó bướng bỉnh nghênh mặt, trả lời một hơi:

    - Ai biểu nó đạp mấy cục đạn đất của tui. Công người ta ra ruộng móc đất sét về, vò nắn cả buổi mệt thấy mồ, mới đem phơi, nó chạy ngang đạp dẹp đép hết trọi, tức hôn?...

    Con Tuyến xen vào:

    - Tại em hổng thấy mà, anh phơi ngay đường đi ai mà biết.

    - Chỗ đó có nắng, tao phơi chứ sao. Con gái gì mà đi hổng coi trước coi sau, nhảy choi choi như con khỉ!

    Tôi nạt:

    - Thôi im! Kiếm chuyện rầy trở lại người ta để chạy tội hả?... Chuyện có thế cũng đánh em. Vậy mà mầy nói thương nó lắm đa!

    Thắng cúi đầu, lặng thinh một lúc rồi nói:

    - Tui đâu có muốn đánh nó…

    Tôi cười:

    - Không muốn đánh mà phát vào lưng người ta đau đến khóc được. Mầy nói nghe lạ quá!

    Nó giải thích:

    - Hồi đầu tui chỉ dọa nó thôi. Tui nói: “Tao vố mầy một bạt tai bi giờ”. Nó hổng sợ, còn nghinh nghinh bảo: “Ừ, ngon đánh đi, dám dữ!”. Tức quá, tui mới thụi đại nó đó chứ bộ.

    Nghe xong, tôi quay sang la con Tuyến:

    - Tuyến, đáng kiếp lắm! Sao thách nó chi vậy?

    Giọng tôi biểu lộ cả một sự trách móc ghét giận, vì chính thật lòng tôi lúc ấy bỗng dưng tràn đầy bực tức. Con bé đã bị anh đánh còn thêm chú Phương rầy nữa, uất ức khóc òa lên. Nhìn cái miệng nhỏ mếu xệch, đôi mắt ướt nhòe của nó, lòng tôi dịu lại dần. Hơi hối hận, tôi đưa tay vuốt tóc nó, nhưng chẳng nói chi. Đầu óc tôi mải để đâu đâu, những chuyện xa xưa, những hồn ma cũ vụt hiện về trong tâm tưởng.

    Tôi rầy con Tuyến không phải vì bênh thằng Thắng. Lâu nay tôi vẫn cưng nó hơn thằng anh nghịch ngợm của nó nhiều. Tôi gay gắt với nó, chỉ vì một nguyên nhân sâu xa đã ghi đậm vào hồn tôi một ấn tượng không tốt, đối với bất cứ một lời thách thức nào, của ai. Tôi vừa chợt nhớ đến Thảo, cô bạn gái nho nhỏ ngày thơ. Kỷ niệm ấu thời theo đó lại đến, khuấy động hồn tôi bao nỗi xót xa buồn giận.

    *
    Hồi đó tôi đâu tám chín tuổi, Thảo cũng xuýt xoát vậy. Nhà hai đứa ở gần, thường chơi đùa với nhau, thân lắm. Tôi chỉ có mình Thảo là bạn lối xóm – mẹ tôi không muốn tôi giao thiệp với tụi trẻ du côn quanh đấy – nên tôi dành trọn cảm tình cho Thảo. Tôi mến Thảo nhiều vì ưa tánh nết dịu hiền, và cũng vì cảm thương cảnh sống đáng buồn của bạn. Tuy còn bé tôi cũng nhận ra đời Thảo rất khổ, chịu lắm thiệt thòi, bất công.

    Nhà Thảo không nghèo kém gì. Thảo có ba má đàng hoàng, và có cả em nữa. Sống trong một gia đình đầy đủ như vậy đúng lý Thảo được sung sướng mới phải, nhưng mà ngược lại : Thằng Phúc, em Thảo, được ba má tưng tiu nuông chiều bao nhiêu thì Thảo bị đối xử tệ bạc bấy nhiêu. Ba Thảo hờ hững với Thảo như người dưng không bằng. Má Thảo thì hở một chút là đánh đập, chửi bới Thảo, chẳng khác nào một bà mẹ ghẻ ác độc. Lâu lâu tôi lại nghe Thảo bị đòn. Đứng bên nhà mình, tôi hồi hộp nghe rõ tiếng Thảo khóc ré lên, xen lẫn tiếng dì Ba Cang, má Thảo, rít lên giận dữ. Thường là:

    - Tại sao mầy bỏ đi chơi, không đưa võng em?

    - Đồ bò, để em té vậy hả?

    - Tao mượn xách có thùng nước mà cũng cằn nhằn cửi nhửi… Nầy, nầy… cho bỏ cái tật làm biếng…

    Những lúc ấy tự nhiên tôi cảm thấy ghét giận cái dì Ba đó quá. Tại sao dì nỡ tàn nhẫn với con thế? Mẹ tôi không bao giờ đối xử với tôi như vậy. Những lần tôi phạm lỗi mẹ chỉ rầy rà khuyên bảo thôi. Song như vậy mà tôi sợ, cố gắng không làm mẹ phiền lòng nữa. Tôi nhớ, từ nhỏ tới lớn hình như tôi bị mẹ đánh đòn đâu có vài lần, và lần nặng nhứt là lần tôi bắt chước tụi trẻ trong xóm dùng lời tục tằn với chị tôi. Mẹ đánh chẳng nương tay, giận dữ bảo:

    - Ở nhà nầy không có cái thứ ăn nói như vậy, nghe không!

    Bị nếm đòn phen ấy, tôi khó quên được : Những lằn roi quất vào mình rát như xé thịt, đau điếng người đi. Tôi bị có mấy roi mà “tởn tới già”. Còn Thảo bị đòn liền xì chịu sao nổi?

    Mà thật ra theo tôi thấy, Thảo có vô dụng lười biếng gì đâu? Hằng ngày Thảo phải giữ em, giúp đỡ lặt vặt cho ba má, còn gì nữa? Đành rằng đôi khi Thảo cũng phạm lỗi lầm, nhưng con nít làm sao tránh được điều đó.

    Nhận thấy cảm tình của dì Ba, dượng Ba đối với Thảo có cái gì lạt lẽo làm sao ấy, có bận tôi hỏi mẹ:

    - Mẹ, sao ba con Thảo coi bộ hổng thương nó, hổng để ý gì đến nó hết, còn má nó dữ với nó quá…

    Mẹ gạt ngang:

    - Thôi nè, con nít đừng tìm hiểu chuyện người lớn làm chi.

    Không bỏ được sự tò mò, một hôm tôi hỏi ngay Thảo:

    - Nè Thảo, phải dượng Ba, dì ba là ba má mầy thiệt không, sao mà… kỳ vậy?

    Chúng tôi vẫn quen xưng hô mầy tao thế. Thảo có vẻ buồn, đáp:

    - Ba tao thì tao hổng biết có phải thiệt hôn, chứ má tao thì tao chắc thiệt. Tao có thấy hình chụp má tao ẵm tao hồi nhỏ mà.

    - À, hay ba má mầy là ba má ghẻ đó? Tao nghe người ta nói ba má ghẻ ghê lắm, hổng có thương con.

    - Tao cũng hổng hiểu… Mà ba má ghẻ là ba má làm sao hả Phương?

    - Ờ, là… thì… để bữa nào tao hỏi mẹ tao coi.

    Quả thật thuở đó tôi không biết cha mẹ ruột, cha mẹ ghẻ là thế nào. Nhiều khi tôi có ý nghĩ buồn cười: Cha mẹ ruột là cha mẹ có nhiều ruột, cha mẹ ghẻ là cha mẹ có lắm… ghẻ!

    Bấy giờ tôi đã đi học. Phần Thảo không nghe dì Ba nói chừng nào cho cắp sách đến trường. Thảo đi học ai coi giữ thằng Phúc? Tôi nghĩ đó là một điều may mắn cho Thảo, và ước sao được vậy. Ở nhà khỏe, đi học mệt nhiều : nào phải học bài, nào sợ thầy phạt, còn bị tụi bạn ăn hiếp nữa. Nhưng Thảo thì xem ra thích đi học lắm. Tôi hay đọc những bài ám đọc ở trường cho Thảo nghe để khoe tài. Thảo mê ghê, đòi tôi dạy lại, học thuộc lòng thôi. Thảo ưa nhất là bài “Con Cò”. Ngồi không, hai đứa thường đọc ăn rập với nhau:

    “Con cò mà đi ăn đêm,
    Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
    Ông ơi ông vớt tôi nao!
    Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
    Có xáo thì xáo nước trong,
    Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”

    Thảo còn năn nỉ tôi dạy học chữ nữa. Tôi cũng chẳng hẹp hòi gì mà từ chối. Vả lại, bỗng dưng được làm thầy giáo, còn chi khoái bằng. Hai đứa dắt nhau đến chỗ vắng, tôi kẻ chữ xuống mặt cát mà dạy Thảo đọc theo viết theo:

    - i… đi học, u… đánh đu, ư… cái lư, ơ… quả mơ…

    Thỉnh thoảng Thảo đọc hay viết sai, tôi bắt chước giọng ông thầy ở trong lớp, gắt:

    - Chà, cái trò nầy dở quá, xè tay ra phạt hai khẻ, hột vịt!

    Bị đánh, Thảo không khóc, mà lại cười vì thật ra tôi cũng không nỡ đánh mạnh. Hơn nữa phạt vạ trở nên vô ích với Thảo. Dù tôi không đánh, Thảo cũng tự cố gắng sửa chữa điểm sai lại. Có lúc tôi hỏi:

    - Nè Thảo, mầy tính học chữ để làm gì chớ?

    Thảo đáp:

    - Thì để đọc nhựt trình hay học những bài ám đọc như mầy vậy. À, mấy bài mầy đọc, hay ghê nha!

    Tôi nghĩ mà thầm phục sự siêng năng của Thảo. Tôi, hằng ngày đến trường có thầy chỉ dẫn đàng hoàng, tối về lại được mẹ kềm dạy thêm, nhưng tôi ngán chữ hơn ngán cơm nếp, đâu như Thảo vậy.

    Tuy phải giữ em, giúp việc cho má, và gần như bị cấm đoán sự vui đùa, nhưng Thảo cũng cố tìm dịp gặp tôi thường để cùng bày trò chơi. Ấy là những lúc tôi nghỉ học, ba má Thảo đi vắng, hay thằng Phúc đã ngủ say. Tuy biết rủ Thảo đi chơi là hại Thảo – dì Ba bắt gặp thì Thảo phải đòn về tội bỏ nhà, bỏ em – song với lứa tuổi con nít đó, chúng tôi không thể dẹp bỏ sự chơi đùa đi được.

    Thảo ưa chơi cất nhà chòi. Cô ta đi kiếm cây làm sườn. Còn tôi lén đánh cắp mấy tấm lá chằm dựng sau hè nhà mình đem lợp mái, vừng vách. Cái nhà làm xong, nhỏ như một cái hộp, chỉ vừa đủ hai đứa chui vào ngồi. Với hình dáng méo mó lạ lùng của nó, không biết nên gọi nó là cái nhà không, nhưng bấy giờ chúng tôi lại thấy đẹp, thích chí, mãn nguyện trước công trình xây cất của hai đứa nhiều. Thỉnh thoảng tôi quên lửng đang ngồi trong chòi vụt đứng dậy đi ra. Thế là, tôi đội luôn cả cái mái, cột kèo bị nhổ gốc, ngã xiêu xó hết trọi. Thảo la chói lói. Hai đứa lại phải mất công làm lại.

    Có nhà rồi, Thảo đi nhặt lá cây hái hoa “nấu đồ ăn” bán cho tôi. Tôi xin được của mẹ mấy cái chung nhỏ, một lưỡi dao cùn cho Thảo làm vật dụng. Ở trong chòi sửa soạn “hàng quà” xong, Thảo cất tiếng trong trẻo rao:

    - Ai ăn chè bột khoai đường cát hôn?...

    Hoặc:

    - Mại vô mại vô, bánh bò nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây!

    Tôi đi ngang, dừng lại hỏi:

    - Có ngon không mà rao om sòm đó thiếm?

    - À, ông Hai, ngon lắm chứ, ông dùng thử thì biết.

    Tôi ngồi xuống:

    - Đâu múc cho tôi một tô coi nào.

    Chúng tôi sống rất thật với cảnh mua bán giả đó. Tiếp lấy tô chè – toàn bằng hoa lá – Thảo trao, tôi vừa giả bộ ăn, vừa cằn nhằn:

    - Thiếm nầy, bán cái gì mà mắc đắng!

    - Chè ngon mà ông Hai. Lúc nầy đường cát lại lên giá, tôi phải bán mắc một chút để kiếm lời chớ sao.

    Nhiều khi đang giữa cuộc chơi, bỗng nghe thằng Phúc khóc ré trong nhà, hay tiếng dì Ba réo gọi, Thảo hoảng hốt vất cả chén bát, bỏ chạy đi. Còn một mình tôi ngồi ngơ ngác như “ngỗng đực”.

    Một hôm tôi bày thêm một trò chơi mới. Học được cách xếp tàu ghe bằng giấy của mấy đứa bạn trong lớp, tôi về xếp ngay hai chiếc ghe thiệt đẹp, có lợp mui, có vẽ con mắt đằng trước mũi. Tôi gò gẫm viết lên hông từng chiếc những chữ to : “Của Phương”, “Của Thảo”. Đoạn tôi đem chiếc “Của Thảo” tặng cho cô bạn. Thảo thích thú nhận lãnh, trầm trồ khen ngợi hoài khiến tôi sướng phổng mũi. Thảo hỏi:

    - Sao chiếc ghe cũng có con mắt ha?

    Tôi giải thích:

    - Tao nghe mẹ tao nói thì hồi xưa ở dưới sông có cá sấu cá mập nhiều lắm, người ta phải vẽ mắt cho ghe để chúng tưởng con quái gì hổng dám lại gần… Mà có con mắt, chiếc ghe coi ngộ ghê chứ hén?

    Thảo gật gù:

    - Ờ, ngộ thiệt!

    Tôi rủ Thảo đem thả ghe ngoài ao trước sân nhà tôi – Cái ao nhỏ ấy ngày nay đã cạn mất rồi – Tôi lấy xà bông gắn sau lái ghe. Thả xuống nước, xà bông tan đẩy ghe chạy tới như có máy vậy. Đứng ven bờ nhìn ghe chạy, chúng tôi vỗ tay reo hò như cổ võ. Chợt, Thảo nói:

    - Ghe “Của Phương” chạy chậm hơn ghe “Của Thảo”, ê!...

    Quả nhiên tôi cũng nhận thấy điều đó và đang tức bực đây : Ghe mình cho người ta lại tốt hơn ghe của mình. Đã vậy người ta còn ngạo mình nữa, ghét chưa! Tôi cãi:

    - Ê, tại ghe “Của Phương” chưa xả hết ga.

    - Chứ không phải nó liệt máy? Coi kìa, nó chạy rề rề như miếng giấy trôi!...

    Tôi đổi giọng:

    - Thôi, đừng có làm tàng nghe mậy!

    Thảo nguýt:

    - Làm tàng cái gì? Có mầy nói hổng lại rồi nổi cộc đó.

    Tôi bốc giận, cung tay:

    - Ừ, tao cộc rồi mầy làm gì tao? Nói lớ quớ tao xô xuống mương bây giờ.

    Thảo hất mặt, trề môi, xê mình lại gần tôi:

    - Giỏi xô đi, dám xô dữ à!

    Đôi khi hai đứa gây lộn, Thảo cũng ưa thách thức như thế, tôi chịu thua không làm gì. Nhưng hôm ấy, bỗng dưng tôi nóng giận lạ, thấy vẻ mặt khinh khỉnh của Thảo đáng ghét vô cùng. Thình lình, tôi đưa hai tay đẩy mạnh Thảo xuống ao. Chỉ nghe Thảo thét lên một tiếng kinh hoàng. Tiếp đó, một tiếng “ùm”, nước văng tóe vào mặt tôi.

    Cái ao không sâu lắm, nhưng đủ làm chết hụt những đứa trẻ cỡ như tôi và Thảo. Tôi thấy Thảo chìm sâu dưới mặt nước, rồi trồi lên, quạt tay chới với, cứ há miệng toan la, nước lại tràn vào òng ọc. Bấy giờ tôi mới hoảng hốt, kêu to lên:

    - Mẹ ơi, mẹ!




    Mẹ tôi đang ở trong nhà, không kịp mang guốc, tức tốc chạy ra:

    - Cái gì vậy?

    - Con Thảo té mương!

    Bước vội lại bờ ao, mẹ cúi xuống vớ lấy tay Thảo kéo lên. Cô bé ướt loi ngoi, đứng run rẩy, mặt xanh chành còn in rõ nét hãi hùng cùng tột. Sau khi hoàn hồn, Thảo vụt khóc òa, rồi bỏ chạy về nhà mình luôn.

    Mẹ tôi nhìn theo, hỏi:

    - Sao nó lại té vậy Phương?

    Tôi cúi đầu, ngập ngừng đáp:

    - Dạ… tại… con xô nó!...

    Mẹ trợn mắt:

    - Mầy xô nó?,,, Chơi ác vậy hả Phương?

    Đoạn mẹ phát vào mông tôi, lôi vào nhà:

    - Tội nặng lắm! Tao phạt mầy năm ngày không được đi chơi!

    Tôi lặng thinh, lòng hối hận hết sức. Giả thử mẹ phạt tôi mười ngày hay đánh tôi cả chục roi đi nữa, tôi cũng chẳng than van. Tôi tự trách mình sao đang tâm hành động thế ấy. Đã rồi, tôi lại giận Thảo : Một phần cũng tại nó. Bị mình dọa, sao nó không làm mặt giận hờn, bỏ về nhà, “xả” mình ra, có phải mình sẽ xuống nước xin lỗi nó không? Nó lại thách đố nầy nọ làm chi cho nên nỗi.

    Tôi đang ngồi cú rũ trong góc nhà để mặc ăn năn xấu hổ dày vò, bỗng nghe Thảo khóc thét lên, cùng tiếng dì Ba mắng chửi vang rõ bên kia. Chắc rằng thấy Thảo chạy về với thân hình ướt đẫm, dì Ba đã hạch hỏi và đánh mắng nó. Nghe tiếng khóc của Thảo tôi càng xốn xang trong bụng. Chợt mẹ tôi từ dưới bếp bước lên, lại nắm tay tôi lôi đi:

    - Theo tao, mau!

    Tim tôi đập thình thịch, chưa biết mẹ có ý gì thì người đã kéo tôi vào nhà Thảo. Dì Ba đang vũ động con roi, dừng lại, nhìn mẹ tôi dò hỏi. Mẹ đẩy tôi về phía dì:

    - Xin chị tha cho con Thảo, chỉ thằng nầy mới đáng tội, làm ơn đánh nó giùm tôi!

    Tôi run rẩy thụt lùi lại. Sẵn ghét sợ dì Ba, tôi càng kinh hãi hơn. Trời ơi, với bàn tay đó, con roi mây đó mà quất vào mình một cái thì chết mất! Nhưng may thay, dì không làm theo lời mẹ tôi, lại lộ vẻ ngạc nhiên, hỏi:

    - Chị nói gì tôi không hiểu? Sao chuyện con Thảo lại dính dáng đến thằng Phương nữa?

    - Ủa, thế chị không biết à? Thằng Phương đã xô con Thảo xuống mương…

    - Vậy sao? Con Thảo nó nói với tôi là đi trật chân té, chứ ai dè.

    Tôi liếc nhìn Thảo đang đứng nép trong cánh cửa khóc thút thít, lòng rạt rào cảm mến. Thảo đã không khai tội tôi ra! Tại sao?

    Mẹ tôi hỏi:

    - Chị Ba, chị xử tội thằng khốn nầy đi chứ!

    Dì Ba khẽ cười:

    - Ối, chị dắt cháu về đi. Tôi đánh con Thảo thật ra chỉ vì tội nó bỏ nhà đi chơi không coi em đó. Cháu Phương, từ nay đứng chơi dại vậy nữa, nghe.

    Mẹ tôi nạt:

    - Phương, còn đứng trơ đó à, không lại xin lỗi, cám ơn dì Ba tha tội cho, còn chờ gì?

    Tôi lật đật vâng theo, bước lại gần dì khoanh tay, cúi đầu thật thấp nói lí nhí mấy lời cám ơn, xin lỗi. Tôi thật không ngờ dì ác với Thảo mà rộng lượng với tôi thế.

    Từ bữa đó tôi không được gặp Thảo. Tôi bị mẹ phạt không được ra khỏi nhà. Còn Thảo cũng chẳng thấy đi đâu. Không biết cô bạn nhỏ của tôi có giận tôi lắm không? Tôi mong có dịp xin lỗi riêng Thảo mới yên lòng. Nghĩ cũng kỳ, tôi phạm lỗi mà Thảo bị đòn. Rồi đáng lẽ phải xin lỗi Thảo, tôi lại bắt buộc xin lỗi dì Ba!

    Ba ngày trôi qua, buồn ơi là buồn! Đi học về, lại phải lấy sách ra học, đem cửu chương ra nhẩm, ở miết trong nhà, tôi thấy bực bội khó chịu khác nào một con nai tơ bị buộc cẳng. Sân cỏ trải rộng trước nhà, căn chòi còn đứng nép dưới gốc mận bên mấy bụi hoa kia, thế giới diễm ảo của tôi và Thảo còn mở ra đó, nhưng hai đứa vì đâu ngày ngày không còn dắt tay nhau bước vào nữa vậy? Tay cầm quyển sách, miệng lẩm bẩm đọc, song tôi không ghi được chữ nào vô óc. Trước kia tôi học rất chóng thuộc bài, học rút để đi chơi chứ. Nhưng mấy ngày nầy, không hy vọng có chuyện đi chơi, tự nhiên tôi học tới đâu quên tới đó. Thật ra, tôi có chăm chú vào bài vở đâu. Tôi mải nghĩ:

    - Chà, mấy hôm trước, giờ nầy mình với con Thảo đang ở ngoài chòi đây.

    - Phải chi mình được dông ra sân chạy nhảy một hồi cho đã thì khoái biết mấy!

    Ngày phạt thứ tư, xế chiều, thấy mẹ mắc bận dưới bếp, tôi vứt tập, chạy ra trước hàng ba ngồi ngó mông ra lộ xem người đi cho đỡ buồn. Chợt nhìn sang nhà Thảo, tôi bắt gặp Thảo đang lui cui nhổ cỏ trước sân. Ngập ngừng suy tính một lúc, tôi quyết định sang xin lỗi bạn. Bước nhẹ đến bên Thảo, tôi gọi khẽ:

    - Thảo!

    Thảo liếc nhìn tôi rồi lại cúi đầu, lặng thinh bứt cỏ. Tôi ngồi xuống một bên:

    - Mầy còn giận tao lắm sao? Tao biết lỗi của tao nặng lắm, nhưng mầy tha cho tao một lần đi nhen. Từ nay tao không dữ với mầy nữa.

    Thấy Thảo không lay chuyển, tôi tiếp:

    - Mầy bỏ giận, tao xếp cho mầy hai ba chiếc ghe, hai ba chiếc tàu, xếp đầu lân nữa… Ngộ lắm Thảo ơi!

    Bấy giờ Thảo mới vùng vằng thốt:

    - Thôi đi, mầy làm bộ cho tao, rồi của tao tốt hơn mầy, mầy lại tức gây lộn, xô tao nữa, tao hổng thèm đâu!

    Thảo đã mở miệng, một điều đáng mừng. Tôi nói:

    - Không đâu, chuyến nầy nhứt định tao hổng có xấu vậy. Nếu tao xấu mầy nghỉ chơi tao luôn.

    - Thiệt hôn?

    Câu hỏi gián tiếp chấp nhận. Tôi vui mừng đáp:

    - Thiệt mà!... À, hôm mầy bị đòn có đau lắm không?

    - Sao không?

    - Tao xè tay nè, mầy đánh lại tao trừ.

    Thảo mỉm cười vỗ vào tay tôi, bảo:

    - Đó, cho chừa nghe! Thôi về đi, để tao nhổ sạch mấy cọng cỏ nầy. Bằng không má tao ra thấy chưa xong lại bị mắng.

    - Ừ, tao cũng phải về ngay. Mẹ tao phạt tao không được ra khỏi nhà. Tao đi như vầy bả thấy rầy chết.

    Và rồi, tôi với Thảo lại hòa, chơi như cũ. Tuổi nhỏ dễ giận, chóng quên là thế. Tình thân giữa hai đứa còn có phần khắng khít hơn xưa, vì tôi đã cố chiều chuộng, nhường nhịn Thảo để chuộc lại những lỗi lầm đã tạo.

    Tôi những tưởng tình bạn của hai đứa sẽ không bao giờ rời rã. Thằng Phương và nhỏ Thảo sẽ được ở gần nhau, vui đùa có nhau mãi vậy. Nhưng, mấy ai đoán trước được sự đổi thay đột ngột ở đời. Một hôm tôi vừa đi học về, mẹ tôi báo ngay cho tôi biết : cả gia đình Thảo vừa dọn đi phương xa, nhà bán lại người khác. Nghe qua tôi bàng hoàng cả dạ. Bực tức, giận dỗi, nuối tiếc xáo trộn, tôi như vừa đánh mất một cái gì quí báu. Thôi hết, Thảo đã rời xa tôi mất hút đi rồi! Biết đến bao giờ hai đứa mới gặp lại? Hình bóng cô bạn nho nhỏ đó từ đây tôi muốn tìm họa chăng chỉ lần trong ký ức. Còn chi xót xa bằng, hai đứa chia tay xa nhau mãi mãi mà không một lời tiễn biệt?

    Suốt mấy hôm, tôi nhớ Thảo. Thơ thẩn tìm đến những nơi hai đứa họp mặt thường ngày, tôi đứng lặng một mình, nghe lòng trơ trọi, buồn chán làm sao! Hoa nở rộ bên rào kia, nhưng không có Thảo cùng lo trang hoàng căn chòi thì hái để làm gì. Trong chòi, chén bát đồ chơi còn ngổn ngang đó, mà bàn tay xinh xắn vén khéo của “cô hàng” đã biến mất tận đâu? Ô, cảnh sao mà buồn vậy?

    Từ đấy tôi không còn gặp Thảo. Nhưng nếu chuyện chỉ có thế, chắc bé Tuyến không bị tôi rầy, tính thách đố không đến nỗi bị tôi “lên án”. Đâu năm sáu năm sau, sự buồn thương luyến nhớ của tôi đối với Thảo đã chìm dần vào quên lãng. Tôi quên phức Thảo, đến nỗi muốn gợi lại hình ảnh của cô bạn thân nầy, cũng khó lòng hình dung được. Thời gian thật tàn nhẫn, nó cứ chực xóa đi tất cả những gì mình đã ghi vào hồn trong tuổi ấu thơ. Trừ cái kỷ niệm xô Thảo xuống ao, những chuyện khác liên quan giữa tôi và Thảo, tôi chỉ nhớ mang máng, còn lãng quên không buồn ngẫm lại. Chính lúc ấy thì tên của Thảo được nhắc đến, và đã gieo thêm cho tôi một sự đau lòng.

    Một chiều, chợt có bạn thân của mẹ tôi là cô Tư Liên ghé qua nhà. Trước kia cô cũng ở trong xóm, sau khi buôn bán xa, bẵng đi một dạo, nay mới có dịp trở về đây ghé thăm mẹ tôi luôn thể. Gặp tôi, cô vui vẻ hỏi:

    - Thằng Phương đây hả? Cha, mới ngày nào còn khóc lè nhè nhõng nhẽo mẹ, đòi khúc mía củ khoai om, mà nay lớn đại. Mau thiệt há!

    Rồi cô nói huyên thuyên, chuyện xưa tiếp đến chuyện nay, đem ra kể cả dọc. Tính cô vẫn vậy, ăn nói hoạt bát lắm, nên buôn bán dễ dàng cũng phải. Đang thuật chuyện đi đó đi đây bỗng cô hỏi mẹ tôi một câu khiến tôi chú ý:

    - Nầy, chị còn nhớ chị Ba Cang hồi trước nhà ở kế đây không?

    Dì Ba Cang, chính má Thảo! Mẹ tôi nói:

    - Nhớ chứ. Hiện giờ chỉ ở đâu, làm nghề gì?

    - Tôi gặp chỉ ở dưới Bình Đại. Hai vợ chồng mở tiệm hàng xén, làm ăn coi bộ cũng khá.

    - Mấy đứa con của chỉ chắc cũng mạnh?

    Mẹ tôi hỏi chính câu tôi mong. Cô Tư đáp:

    - Chị hỏi tôi mới nhớ. Hiện chị ấy chỉ còn cậu con trai. Đứa con gái, con Thảo con Thiết gì đó, chết lâu rồi…

    - Thảo chết! Sao vậy?

    Mẹ và tôi đồng kêu lên sửng sốt. Cô Tư tiếp lời:

    - Theo chị Ba Cang thuật lại thì bữa nọ chị em nó dẫn nhau ra chơi ngoài cầu tàu. Rồi chẳng rõ cớ gì hai đứa lại sinh cãi vã. Thằng em dọa xô con chị xuống sông, con chị thách lại, thế là gây nên chuyện…

    - Lúc con nhỏ té xuống sông không ai thấy sao?

    - Cũng theo lời chỉ thì lúc ấy cầu vắng người. Hơn nữa phải chị có đi miệt Bình Đại hẳn biết, sông ở dưới lúc nước ròng, nước chảy xiết, sóng nhiều, bờ sông lại cao lắm, té xuống quả khó vớt.

    Nghe xong tôi cúi đầu than thầm : lại cũng thách thức! Câu chuyện gây gổ về hai chiếc thuyền giấy ngày xưa giữa tôi và Thảo vụt hiện đến với tôi. Sao nó trùng hợp với chuyện cô Tư Liên vừa thuật thế? Nhưng, trong khi kết quả lời thách thức của Thảo trong vụ đó chẳng có gì, thì kết quả lời thách thức sau nầy thật bi đát quá. Tôi không bao giờ có thể ngờ được.

    Thách thức! Than ôi, thách thức! bắt đầu từ đó tôi căm thù những lời thách thức.

    DẠ NHẤT PHƯƠNG

    (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 48, ra ngày 1-7-1966)

    https://tuoihoandmore.blogspot.com/2...hach-thuc.html

    Câu chuyện từ tuổi thơ, đọc rồi vẫn nhớ ...

  3. #143
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Những người cô đơn .

    Vài ý nghĩ khi đọc lại cuộc đời của Bác Sĩ Semmelweis

    Trong cuốn Gương Hy Sinh của học giả Nguyễn Hiến Lê, tác giả có thuật chuyện đời một vĩ nhân xứng danh vĩ nhân, một người đã chịu "chết để cho người khác sống" vì thấy không còn cách nào khác để cảnh tỉnh mọi người ngoại trừ cái chết của chính mình. Đó là bác sĩ Ignace Philippe Semmelweis, sinh năm 1818 ở Hung Gia Lợi, chết vì nhân loại năm 1865. Bác sĩ Semmelweis đã CHẾT VÌ NHÂN LOẠI bởi vì khi bác sĩ đã tự thấy mình hoàn toàn bất lực trước sự câu nệ, cố chấp của mọi người thời đó, thấy họ đang vô tình giết hàng loạt người mà lời van lơn, giải thích, cảnh cáo của mình không được họ để vào tai, cuối cùng, quá thất vọng sau khi tìm đủ mọi cách để mọi người tin phát giác của mình về lý do khiến các sản phụ bị chết vì sốt sản hậu, mà không ai chịu tin, bác sĩ Semmelweis đành phải đem chính bản thân ra làm vật thí nghiệm, để tự rước lấy cái chết mà mà bác sĩ đã biết chắc từ trước. Điều cầu xin mọi người của bác sĩ Semmelweis để cứu cả triệu mạng người chỉ giản dị là: "HÃY RỬA TAY TRƯỚC KHI ĐỠ ĐẺ", rửa tay để sát trùng. Chỉ có thế thôi! Chỉ cần rửa tay cho sạch, là đã có cả triệu sản phụ khỏi chết! Nói nghe dễ quá! Nhưng tranh đấu để mọi người nghe theo điều đó, chính người phát minh đã phải dùng cái chết của mình để đánh đổi. Ngay đầu truyện, tác giả Nguyễn Hiến Lê đã ngậm ngùi:

    "Làm được một việc thiện không phải là dễ! Có đủ sáng suốt để thấy con đường phải, đủ nghị lực để theo con đường đó, lại được bạn bè giúp sức, mà rồi phải thất bại trước sự ngu muội mênh mông của người đương thời, tánh thủ cựu bất di bất dịch của nhân loại, thói tranh quyền cố vị của người trên, lòng ghen ghét ti tiện của đồng nghiệp, đó là trường hợp chua xót của Ignace Philippe Semmelweis, một người trong ba chục năm hô hào bằng diễn văn, bằng sách, báo mỗi một việc rất dễ dàng là rửa tay để cứu hàng triệu nhân mạng mà chẳng ai theo cả, lại còn cản trở, chế giễu nữa, đến nỗi thấy đàn bà trẻ con chết cứ như rạ, ông đau lòng quá, mất trí tìm cách tự tử rồi tắt thở trong nhà thương điên, xa quê hương xứ sở".

    Đọc lên lời than của học giả Nguyễn Hiến Lê, rồi đọc tới đoạn nói về những cố gắng của ông, đến lòng hy sinh bao la, đến sự tận tụy từng giây từng phút, đến sự tranh đấu từng ngày từng giờ, để cảnh tỉnh những người vì vô tình mà đã trở thành sát nhân ta nhận thấy nếu người như ông mà cũng chỉ nhận là người thôi, thì kẻ tầm thường như đa số chúng ta phải mắc cỡ vì được đứng vào hàng NGƯỜI hàng danh dự, trong đó có BÁC SĨ SEMMELWEIS.

    Trên đường phục vụ nhân loại của ông, một con kỳ đà lớn nhất đã cản trở, đó chính là xếp trực tiếp của ông, bác sĩ Klein, giám đốc khu hộ sinh mà ông hành nghề. Bác sĩ Klein là một người tham quyền cố vị, nịnh bợ cấp trên mà tác giả Nguyễn Hiến Lê đã mô tả là:

    "Bác sĩ Klein năm mươi hai tuổi, dốt, không có cao vọng, chỉ mong cố bám chặt lấy địa vị nhờ chính sách luồn cúi, gây bè đảng, triệt để tuân lệnh bề trên. Mỗi lần đi thăm bệnh, ông chỉ chú trọng xem giường có ngay hàng không. Ông cầm cây thước đo, hễ kẻ sai một phân là quát tháo ầm ỹ..."

    Nhưng tội nặng nhất của ông Klein là tội ngu, làm nhà khoa học mà không chịu thí nghiệm tìm tòi, lưu ý đến những phát minh mới lạ. Thậm chí có một bác sĩ dưới quyền ông Klein chỉ có tội đã dám dùng cái ống nghe (cái mà ngày nay các bác sĩ đều dùng) để chẩn bệnh, bèn bị ông Klein đuổi ra khỏi nhiệm sở, phải về phục vụ tại một nhà thương điên. Lý do mà bác sĩ Klein viện ra để trừng phạt thuộc cấp là "cái ống nghe đó do người Pháp phát minh. Đại dưỡng đường ở đế đô thế này không thèm dùng món đồ của người Pháp"!

    Hạng người thiển cận như thế mà cầm cân nẩy mực cho sinh mạng biết bao nhiêu người thì thật là đại họa đã xẩy ra. Vào thời gian đó các sinh viên y khoa sau khi mổ xẻ thây ma để học tập, bèn rửa tay qua loa hoặc chùi sơ, rồi đi đỡ đẻ. Cho nên vi trùng tử thi xâm nhập vào cơ thể sản phụ bèn sinh ra sốt nóng, mê sảng, sưng màng óc, sưng phổi, sưng ruột v.v... rồi bệnh nhân mạng vong! Có nơi sản phụ chết cả trăm phần trăm, hoặc ít ra cũng sáu bảy chục phần trăm.
    Đến nỗi nhiều sản phụ đã lạy van bác sĩ, xin được đẻ ngoài đường, đẻ ở đầu bờ xó bụi cũng được, rồi hãy vào nhà hộ sinh nằm sau. Vì kinh nghiệm cho họ biết rằng đẻ như thế thì sống, còn đẻ ở nhà hộ sinh thì chết. Điều đặc biệt đó, không ai giải thích được.

    Người giải thích được là bác sĩ Semmelweis thì thấy mọi người không nghe lời khuyên rửa sạch tay của mình, cứ dùng bàn tay dơ dáy để đỡ đẻ, để sản phụ cứ chết, đã cố gắng tranh đấu bằng trăm ngàn cách không được, đến phát điên lên, tự rạch tay mình rồi bôi mủ máu ở những tử thi mà các sinh viên giải phẫu để học tập vào, quyết nhận lấy cái chết vì nhiễm độc từ xác chết, giống như các sản phụ đã bị nhiễm độc. Ông quyết dùng mạng sống của chính ông để cảnh tỉnh các đồng nghiệp, để họ khỏi giết người nữa. Và ông đã chết. Và thế giới lúc đó mới lắng nghe tiếng kêu cứu của ông.

    Nhưng phải đến 14 năm sau, bác sĩ Pasteur mới tìm ra vi trùng Streptocoque trong máu bệnh nhân rồi lại phải chờ cho lớp bác sĩ bác cựu, cố chấp cũ chết hết, lớp thủ sĩ tân tiến lên thay thế, phương pháp ngừa độc của bác sĩ Semmelweis mới được áp dụng. Rồi sau đó, thì nước Hung Gia Lợi là nơi ông sinh ra, nước Đức nhận là tổ quốc của ông và nước Áo nhận là có công đào tạo ông đều tranh nhau nhận ông là của mình, tranh nhau đòi giữ xác ông, đòi làm quốc táng cho ông. Bởi vì bây giờ ông đã trở thành vĩ nhân, vào hàng ân nhân của nhân loại.

    Ấy thế mà khi còn sống, còn đang lăn xả vào tranh đấu cho quyền sống con người, thì ông lại bị các giáo phái phản đối, bị áp lực mà mất chức. Vì phe thủ cựu không muốn có những sự cải tổ, sợ mất chỗ đứng, nên họ tìm đủ cách hất ông ra, giữa khi nhờ sự cương quyết bắt áp dụng điều lệ: PHẢI RỬA TAY TRƯỚC KHI ĐỠ MỖI SẢN PHỤ mà không còn ai chết vì sốt sản hậu. Mỉa mai thay, nhờ điều lệ đó, sản phụ không chết nên khi ông bị đuổi ra khỏi nhiệm sở, một sản phụ thoát chết đã xỉa xói, mắng nhiếc ông:

    - Về Hung Gia Lợi đi! Ở đây chúng tôi không cần ông! Đàn bà chúng tôi dơ quá mà! Nếu khám tụi tôi xong bác sĩ phải rửa tay! Về Hung mà rửa tay rồi khám các sản phụ của mi.

    Khi chân lý chưa được soi sáng thì những kẻ ngu xuẩn đã viện vào đủ mọi bình phong để vênh vang đắc thắng, trong số đó có mụ đàn bà ngu xuẩn vô ơn kể trên. Thời nào cũng có đầy dẫy hạng đó! Gặp những cảnh trớ trêu như thế mà ông không nản chí, vẫn lăn xả vào mà biện bạch, van lơn xin mọi người đừng tiếp tục giết sản phụ. Hãy rửa tay! Hãy rửa tay! Hãy rửa tay!

    Than ôi! Sao lại có người nhân từ và bác ái đến thế.


    ĐỖ PHƯƠNG KHANH

    (Trích tuần báo Thiếu Nhi số 125, ra ngày 1-6-1974)

    https://tuoihoandmore.blogspot.com/2...uoi-co-on.html

  4. #144
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Vực mở
    (Nguyễn Ngọc Tư)

    Có con, chuyện con có bồ cũng tự nhiên như nó ho, sổ mũi hồi vài ba tuổi. Nghĩa là cũng quan trọng đó, nhưng không nguy cấp tính mạng, thủng thẳng lo được. Hiểu biết chung quanh chuyện trai gái hồi trước chỉ trông cậy vào lời khuyên bảo mù mịt hoang đường của người già, giờ thì kiến thức đâu cũng có, từ trường học, sách, mạng… Con biết chắc hôn môi tuyệt đối không có bầu, mình đỡ phải nói gần nói xa chuyện chạm da va thịt, những thứ mà nói bằng lời cũng sượng. Chỉ phải nhắc con, nhớ chọn người tử tế.

    Vài ba năm trước một bà mẹ vô lo còn nghĩ vậy khi con đưa bồ về nhà ra mắt, giờ thời thế trở quẻ, yêu là mạo hiểm rủi ro như leo núi. Đi bên những bờ vực. Bất trắc không phải ở những khúc quanh, từng gờ đá, mà từ người bạn đường thân thiết nhất. Cái câu “chọn người tử tế” tưởng nhẹ tênh, hóa ra là một nhiệm vụ xương xẩu. Tử tế sống chung đến nửa đời cho đến khi vợ bị chồng đẩy xuống sông. Tử tế yêu nhau cho đến khi oằn dưới những nhát dao quyết liệt từ tay bồ giữa một cuộc cãi cọ chẳng đáng gì.

    Mấy anh bạn đào hoa lúc này không biết đã có chút lấm lét chưa, khi nhắc đến chữ ‘bồ”. Những cuộc chia tay cho đến lúc này xảy ra êm đẹp, chưa cô nào đặt kíp nổ trong xe để úm ba la hai đứa chết chùm. Nhưng chưa chẳng có nghĩa là không có. Những bờ vực luôn mở khi những người yêu nhau còn nghĩ anh ấy hoặc cô ấy là của mình. Da thịt nọ của mình, cứ nghĩ rơi vào tay người khác thôi là đã không đành. Cầm tù nhau bằng cái khóa thề mang tên “mãi mãi” coi bộ không chắc ăn, kết luôn án tử. Cái bi kịch “của mình” này cuốn Nguyệt thực nổi tiếng của Trung Quốc viết rồi, cả chương Ba là quang cảnh nông trường chăn nuôi phá sản, những nông dân đi giành lại những thứ “của mình”. Một cô bé vì quyết liệt giữ cái nồi nấu cám mà bứt đứt lìa cánh tay. Ôm cái nồi vẫn còn cánh tay bé bỏng kia bám cứng trên quai, gã thắng trong cuộc cướp bóc đem về treo trên giàn bếp. Mới nhớ ra đứa bé ấy là đứa con rơi “của mình”. Mẹ đứa nhỏ dặn nó phải cố giành nồi nấu cám cho bằng được để làm quà nhận lại cha.

    Ngoài mấy bài giảng tập hợp thành sách của những vị thiền sư bày trên kệ sách tôn giáo, chẳng thấy trường lớp nào dạy cách buông bỏ. Giữ rịt, vơ níu bất chấp từ những lĩnh vực nhập nhoạng như chính trị, hào nhoáng như giới giải trí, đến lãng mạn như tình yêu. Xưa, phải lòng người mua chiếu mà anh bán chiếu Cà Mau buồn thỉu buồn thiu, nghĩ người ta đã có đôi rồi, thôi mình vác cặp chiếu bông trở về. Giờ yêu đơn phương mãi không được đáp tạ, tưới xăng mồi lửa người thương giữa đường. Lan trong tuồng cải lương nổi tiếng Chuyện tình Lan và Điệp không buông bỏ được nên chết héo chết sầu, Lan bây giờ không buông bỏ được xách mã tấu chạy đến đám cưới của thằng bồ vừa kịp cũ. Sinh viên có kiểu thanh trừng người yêu bằng dao kéo, ca sỹ có kiểu lên báo hài tội bồ cũ của ca sỹ, chính khách cũng có kiểu riêng thanh toán đồng chí của mình. Không tin, mời coi báo.

    Bỗng sến và xưa quá cỡ cái bảng lảng của buổi tiễn đưa người yêu đi lấy chồng, có người đứng lặng trông, xác pháo tan nát lòng. Nhạc của thời loạn lạc mà thấy tình yêu dường như lành lặn, không vết chém, không hận thù. Là chỗ nương tựa giữa buổi đạn nổ pháo cày. Là nín nhịn hy sinh, thôi em về với người ta, quên thằng nhạc sỹ nghèo này đi. Có ông còn nhận thẳng thắn nhận ra chuyện người tình không lấy mình là lựa chọn sáng suốt, lúc đầu hỏi “con đường em theo đó đúng hay sai em”, sau tự trả lời luôn , con đường em đi đó đúng đấy em ơi.

    Tình yêu là một vết thương không kín miệng, mấy ông danh nhân nói vậy. Lâu lâu chảy chút máu chơi, cho thú vị đời, chẳng chết ai. Nhưng giờ người ta chảy máu đến chết dưới tay người yêu nhiều quá, những cái vực mở hút sâu khi thời thế khiến thiên hạ sống ngày càng táng tận ráo riết.

    Nụ hôn sẽ có vị gì khi nghĩ tới bồ bịch đang giấu dao trong áo ?

    Cuộc đời đúng là kinh ngạc hết sức, tưởng đã thấu hiểu đến đáy của phi đạo đức rồi, mà đáy vẫn đầy những ngách hang ngoắt ngoéo. Chẳng lẽ đổ lỗi cho củ gừng Tàu tẩm độc, ai ăn vào cũng phát điên ?


    http://www.nguyenngoctu.net/2013/06/nay-thi-vuc-mo.html

  5. #145
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Dỗ dành cũng khác
    Đời sống dời đổi không ngừng, nên vỗ về nhau cũng không thể xài cách cũ .



    Thằng em họ bán đất bỏ xứ đi sau bốn mùa tôm thất bát, không phải tự dưng bạn nghĩ cái kết cuộc cả nhà nó đùm gói lên xe đò đi miền Đông làm mướn cũng có phần lỗi của mình. Mùa đầu nó trắng tay, bạn bảo không sao đâu. “Rồi xui rủi sẽ qua, ngày mai là ngày mới”, bạn nói vậy ở mùa hai. Mùa ba em trắng tóc với những món nợ như thòng lọng treo trước mặt, bạn vẫn khăng khăng trời đâu phụ người ta hoài.

    Bây giờ nhớ lại, cái gọi là động viên, lại giống như ru thằng em ngủ quên trong ảo tưởng. Bởi lúc nói những lời hời hợt đó, cả hai ngồi ngay dưới bến, ngó dòng sông vẫn cợn phù sa, nhưng sắc nước bầm lại, xanh xám như con bịnh lâu ngày. Đồng tôm của thằng em chỉ cách những ống xả thải của mấy nhà máy chế biến thủy sản chừng chục cây số, và khoảng cách chừng đó về phía Bắc, là chợ, nơi còn hàng ngàn căn nhà dầm chân trên quãng sông nhuộm nước đen trong bao nhiêu tắm giặt, rác rến.

    Lạc quan cho mấy, cũng biết con sông mà chị em bạn từng tắm mát của ba mươi năm trước, nơi những người đàn bà xóm Lá giặt áo gội đầu, dòng nước tinh sạch ấy không bao giờ trở lại. Giờ rửa chân còn ngại, nói gì đến lấy nước đó làm chỗ sống cho tôm, vốn là loại đỏng đảnh khó chiều. Vậy mà bạn vẫn bỏ qua thực tại, dỗ lấy được, giống hệt dân xóm Lá động viên nhau sau những rằm những ba mươi giở lú chỉ thấy toàn rác và bọt nước, rằng không sao đâu, biết đâu mùa tôm đang chờ ở con nước tới.

    Cũng những con người này, hồi còn làm lúa vụ một vụ hai, có năm mưa dầm nhấn chìm ruộng sạ, họ nói có sao đâu, còn chút lúa đít bồ, nay mai nước rút ủ giống lại. Có quãng bắn nhau dữ quá, họ phải bỏ xóm ra chợ tản cư, tự nhủ không sao đâu, bom đạn rồi cũng tạnh (nghe nói bom mắc lắm, tiền đâu mà mua dội xuống hoài), chừng ngừng chiến lại về vườn lên liếp trồng rau. Còn đất còn sông là còn hy vọng.

    Những lời khích lệ kiểu đó bắt rễ từ đáy lòng, nở trên môi, như một cách đỡ nhau đứng dậy, khi căn nhà trong xóm bị bom vùi, khi người đổ xuống vì đạn lạc, khi cơn bão đi qua, mùa giáp hạt quá dài. Mấy chữ “không sao đâu”, “kệ nó, tính sau, sớm mai mặt trời lại mọc” mang tinh chất của hy vọng, cơ hội làm lại, tin vào sự từng trải trước bất trắc ở đời. Ông trời đâu có xéo xắt con người ta mãi được, ý nghĩ ấy như đức tin.

    Coi lại, dân xứ mình dễ dỗ. Mấy cuộc chiến qua, xương thịt mất đi được yên ủi bởi tấm bằng tổ quốc ghi công treo vách, một chút tiền cho người thân, buổi thăm chớp nhoáng nhân ngày lễ. Bên thất trận, vẫn những bó xương buồn hiu, được vỗ về bằng một vài đại lễ cầu siêu, rất lâu sau. Và người bị bứt, bị nhổ khỏi rừng ruộng, bị ru ngủ trong những khu tái định cư sực mùi vôi mới quét, để thức dậy thấy mắt cay chẳng biết sinh kế ra sao, kiếm ăn cách nào với cuộc đời phía trước.

    Chỉ trẻ con mới khiến người lớn biến dỗ dành thành nghệ thuật. Đứa trẻ tập xe đạp xước gối sẽ nhớ ba nó vừa thổi vào vết thương vừa nói, “cái thẹo này chắc tự hào lắm, nhờ nó mà cu Tí biết chạy xe”, hay cậu học trò yếu đuối không quên điểm mười của ông thầy thể dục dù cậu về đích sau cùng, “bởi vì em đã không bỏ cuộc”. Cũng là một cách bảo con nín đi, mẹ lại nói có muốn uống chút sữa không, khóc nhiều thì phải bù nước.

    Bạn từng nghĩ cuộc san sẻ khó nhằn nhất là với ai đó vừa tiễn người thân về đất. Nói với bà mẹ vừa mất con rằng thôi cứ nghĩ duyên nợ với nhau chỉ chút này, hay “thằng nhỏ vẫn ở đâu đây, chỉ cần mình tin là có”, thực chất là sáo mòn. Rồi nhận ra, với một số nỗi đau, góp mặt đã là vỗ về, ngồi im lặng bên họ, nghe tổn thương lên tiếng, không nhất thiết phải nói gì, nhất là những lời vô nghĩa.

    Từ biển bị bức tử, lại thấy dỗ dành những con người bị mất biển kia cũng khó kém gì. Tới với họ, ngồi nghe nỗi mặn, không xoa dịu là bao. Nói “đêm rồi sẽ qua”, có khi bị đánh chảy máu mũi, bị phỏng rát dưới bao ánh nhìn thù nghịch, “rốt cuộc thì mi chọn bên nào?”. Bởi những con người đó, kể cả đứa trẻ vừa mới chào đời kia, sẽ không chờ được ngày biển hồi sinh, trở lại như hồi chưa bị đầu độc.

    Bảo “không sao đâu” là lừa gạt, “sẽ có cách” là trì hoãn (thực chất là chẳng có cách nào), nhưng nói “khổ gì cũng trải qua rồi, cố chịu thêm chút nữa” thì đã bước qua ranh ác. Họ còn phải cố tới chừng nào, trên mảnh đất nhàu nát bởi bão lũ. Nhưng cuộc biển bị bức tử, sông chết mòn này đâu phải bởi trời. Thật không biết an ủi gì cho phải với những người trước mặt là núi chắn, biển chết sau lưng, chỉ còn những đám mây trên đầu, lủ khủ nhưng không ăn được.

    Đời sống dời đổi không ngừng, nên vỗ về nhau cũng không thể xài cách cũ. Ngoài những ưu phiền tự nhiên như tuổi già, bệnh tật, quanh bạn ngó đâu cũng thấy người cần được dỗ, như thanh niên xóm Lá lần lượt bỏ xứ đi làm mướn, thằng bạn bị lọt hố ga gãy mấy cọng xương sườn, bên nhà em chồng trận mưa nào cũng ngập vì nước ngoài đường tràn vào.

    Tới lúc nào đó, mạnh ai nấy tự dỗ mình, chứ còn sức đâu mà ủi an nhau. Khi ấy người ta ru tổn thương bằng gì khi “không sao đâu” đã hoàn toàn vô dụng. Nhưng cách nào thì dỗ dành ai đó đang đau, tuyệt đối, không thể nào, bằng bạo lực.

    Nguyễn Ngọc Tư


    https://www.thesaigontimes.vn/156294/Do-danh-cung-khac.html

  6. #146
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Đọc để thấy các thế hệ trước vất vả thế nào, chúng ta hôm nay thừa hưởng các giá trị, hãy biết trân trọng những giá trị ấy.


    BỆNH BẠCH HẦU
    ==============
    Đêm 27 tháng 1 năm 1925, một tiếng còi tàu đã xuyên qua sự tĩnh lặng của thành phố Nenana khi kiện hàng quý giá là một gói huyết thanh 20 pound được bọc trong túi da nhồi lông thú bảo vệ, sẽ được chuyển đến thị trấn nhỏ Nome ở Alaska để cứu sống những đứa trẻ đang thở hổn hển vì bệnh bạch hầu.

    Thị trấn Nome cách Nenana 674 dặm (1.085km) về phía Bắc.
    Nài đua xe kéo chó hoang dã Bill Shannon nhận lệnh từ 9 giờ tối, nhiệm vụ của ông là vận chuyển gói bưu kiện huyết thanh đặc biệt, Shannon buộc nó chắc chắn vào chiếc xe trượt tuyết.
    Nhiệt độ ngoài trời là -46⁰C.
    Bill Shannon ra hiệu lệnh, 11 chú chó lao về phía trước, những móng chân sắc nhọn đã cắm sâu trên con đường đầy tuyết, nó mở đầu cho “Cuộc đua Nhân từ Vĩ đại - Great Race of Mercy” không có người thua kẻ thắng, nhưng nó đã khắc sâu vào lịch sử phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của loài người.

    Đêm mùa đông ở Alaska, nhiệt độ luôn dưới -60⁰F, nhưng Shannon hiểu rằng mỗi giây trôi qua là một khoảnh khắc vô cùng quý giá với những đứa trẻ đang nằm chờ chết. Những con chó đua của Shannon dường như cũng hiểu điều đó, chúng chạy quá nhanh và thở quá sâu, trong điều kiện băng giá như vậy phổi của chúng có thể bị bỏng và chết.

    Mặc dù Shannon chạy bên cạnh chiếc xe trượt tuyết để làm tăng nhiệt độ cơ thể, nhưng thân nhiệt của ông vẫn bị hạ và tê cóng, Shannon ngã xuống trước lần dừng chân thứ nhất khi mới được 84km.
    Thời điểm đó là lúc 3 giờ sáng.

    Thời gian dự định dừng chân là 7 giờ sáng, sớm hơn 4 tiếng, nhiệt độ lúc đó là −52°C. Ba con chó đua Cub, Jack và Jet đã vĩnh viễn nằm xuống vì chấn thương phổi do lạnh, Bill Shannon bị bỏng nghiêm trọng toàn bộ vùng mặt. Sau khi huyết thanh được làm ấm, Shannon để 8 chú chó sống sót tiếp tục lên đường, nhưng 1 con cũng chết ngay sau đó ít giờ trước khi hoàn thành đường đua thứ nhất.

    Ròng rã 6 ngày đêm, Cuộc đua Nhân từ Vĩ đại của 150 con chó với sự chỉ huy của 20 nài đua, đã xuyên qua quãng đường 1.085km, qua những vùng đất hoang vu gồ ghề, qua những dòng nước lạnh lẽo có những tảng băng lớn trôi trên lãnh nguyên Alaska.
    Những đứa trẻ ở thị trấn Nome đã bắt đầu chết rải rác từ đầu tháng 1 năm 1925.

    Bác sĩ duy nhất của Nome, Tiến sĩ Curtis Welch, ông đã chẩn đoán những đứa trẻ bị bệnh bạch hầu và bắt đầu lo sợ dịch bệnh có thể khiến thị trấn gần 2000 người gặp nguy hiểm, tính mạng cả người lớn và trẻ con đều bị đe dọa nghiêm trọng.

    Ngay từ đầu tháng 1, khi mỗi ngày thị trấn Nome lại có thêm ca mắc mới, Tiến sĩ Curtis đã ban hành lệnh kiểm dịch khẩn cấp, nhưng ông hiểu chỉ có vắc-xin kháng độc tố bạch hầu mới có thể giúp ngăn chặn hiệu quả căn bệnh đang lây lan.

    Bắt đầu xuất hiện từ Thế kỉ V Trước Công nguyên, bạch hầu là một căn bệnh khủng khiếp, nó giết chết trẻ em nhiều nhất và người lớn ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng không được tha .

    Sau khi nhiễm căn bệnh này, độc tố vi khuẩn tạo thành màng giả mạc rất dày màu trắng xám, nó bám chặt vào hầu họng và amidan làm cho những đứa trẻ bị nghẹt thở và thở hổn hển. Giả mạc và tổn thương viêm không dừng lại ở cổ họng, mà nó lan xuống thanh quản, tạo nên tiếng ho thanh quản rất điển hình, TIẾNG HO ÔNG ỔNG và rít lên NHƯ TIẾNG CHÓ SỦA.

    Vì nạn nhân tổn thương giả mạc bám ở hầu họng, cổ bị sưng lên rất to, ho sặc sụa ông ổng như chó sủa và không thể thở được, nên người Tây Ban Nha gọi căn bệnh này là “kẻ treo cổ - el garatillo”. Tên gọi “bạch hầu – diphtheria” xuất phát từ tiếng Hy Lạp ‘diphthera – giả mạc’ được bác sĩ người Pháp Pierre Bretonneau sử dụng từ năm 1926.

    Pierre Bretonneau cũng là người đầu tiên mô tả bệnh bạch hầu.
    Đến năm 1883, hai nhà vi khuẩn học người Đức là Edwin Klebs và Fredrick Loeffler soi dưới kính hiển vi đã phát hiện ra vi khuẩn bạch hầu và đặt cho chúng cái tên Klebs-Loeffler. Tên gọi này được thay đổi 3 lần theo thời gian. Cuối cùng, dựa vào hình dáng vi khuẩn mảnh khảnh và hơi cong, danh pháp hiện nay được dùng là “corynebacterium diphtheriae”.

    Tìm ra vi khuẩn nhưng cơ chế gây bệnh vẫn là một bí ẩn.
    Trước khi đến Việt Nam định cư và làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội, Yersin đã bắt tay nghiên cứu vi khuẩn bạch hầu, ngay sau buổi nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ ở tuổi 24.

    Yersin phát hiện ra tử thi trong máu không có vi khuẩn bạch hầu, trong khi các tạng bị phù nề, đặc biệt là cơ tim và tuyến thượng thận, hay các cơ quan khác đều có thể gặp tổn thương. Gây bệnh thực nghiệm trên động vật, Yersin cũng phát hiện điều tương tự, xét nghiệm máu không thấy vi khuẩn.

    Từ hiện tượng đó, Yersin cùng với đồng nghiệp Roux đã đưa ra giả thuyết, rằng có một loại chất độc rất mạnh hình thành nên giả mạc ở chỗ vi khuẩn phát triển là vùng hầu họng, độc tố từ đó lan vào máu gây tổn thương đa phủ tạng.

    Giả thuyết này được Yersin và Roux chứng minh bằng cách dùng nước lọc nuôi cấy vi khuẩn bạch hầu, loại bỏ toàn bộ vi khuẩn, tiêm nước lọc đó cho động vật thực nghiệm. Kết quả, động vật thực nghiệm xuất hiện các triệu chứng tương tự bệnh bạch hầu.
    Yersin và Roux đã công bố kết quả nghiên cứu vào năm 1888.

    Cơ chế gây bệnh đã được Yersin và Roux làm sáng tỏ, đó là ngoại độc tố do vi khuẩn bạch hầu tiết ra, nó đi vào máu và gây viêm cơ tim dẫn đến đột tử, tổn thương thần kinh và các tạng khác cũng hết sức nghiêm trọng; tỉ lệ tử vong có thể tới 20% đặc biệt ở 2 lứa tuổi dưới 5 và trên 40.

    Công trình nghiên cứu của Yersin và Roux đã trở thành cuộc cách mạng trong điều trị bệnh bạch hầu, Emil Adolf von Behring và Shibasaburo Kitasato đã nghiên cứu về kháng độc tố áp dụng vào điều trị, còn gọi là “thuốc chống bạch hầu”. Ban đầu, 2 ông đã tiêm độc tố bạch hầu vào động vật thí nghiệm, nhằm mục đích kích thích tạo ra kháng độc tố. Do nhu cầu huyết thanh điều trị cho người quá nhiều, nên các động vật lớn được đưa vào thử nghiệm như bò và lừa, cuối cùng chỉ có ngựa phản ứng tạo ra kháng độc tố tốt nhất.

    Các chuồng nuôi ngựa hút máu chữa bạch hầu phát triển khắp nước Mỹ và châu Âu.
    Năm 1901, Emil Adolf von Behring đạt giải Nobel Sinh lí & Y khoa đầu tiên, với công trình huyết thang kháng độc tố bạch hầu. Nhưng đóng góp của Behring là chưa đủ, thật không may do thiếu vắc-xin hiệu quả, số người nhiễm bệnh bạch hầu trên thế giới vẫn còn quá nhiều. Năm 1921, hơn 206.000 người Mỹ mắc bệnh bạch hầu, trong đó 15.520 ca tử vong. Bạch hầu đứng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em ở Anh và xứ Wales.

    Chính Behring đã chế tạo vắc-xin bạch hầu vào năm 1913. Ông trộn độc tố bạch hầu và giải độc tố, sau khi tiêm hỗn hợp này, cơ thể có biểu hiện bệnh ở mức độ nhẹ, đồng thời sinh ra kháng thể chống bạch hầu.

    Năm 1926, nhà miễn dịch học người Anh Alexander Glenny đã tối ưu hóa vắc-xin bạch hầu (toxoid). Vào những năm 1930, vắc-xin bạch hầu được phổ biến ở nhiều quốc gia khác nhau để tiêm chủng, từ đó số người mắc bệnh bạch hầu đã giảm đáng kể trên toàn thế giới. Từ năm 1980 đến năm 2000, tổng số trường hợp mắc bệnh bạch hầu được báo cáo trên toàn cầu đã giảm> 90%.
    Ở Việt Nam, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu từ năm 1981, tỉ lệ bệnh bạch hầu giảm nhanh chóng đến năm 1985 là 3,95/100.000 dân, năm 2000 giảm xuống còn 0,14/100.000 dân.

    Vắc-xin giải độc tố bạch hầu xứng đáng là vắc-xin hiệu quả nhất!
    Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xếp vào nhóm B, rất dễ lây lan khi ho, hắt hơi và thậm chí nói chuyện, hay sờ vào các vật dụng có vi khuẩn, nếu hệ thống miễn dịch không được tiêm vắc-xin sẽ rất khó để có thể đối phó.

    Một đợt bùng phát dịch bệnh bạch hầu ở Alaska năm 1925 đã đi vào lịch sử với 150 chú chó đua Nenana-to-Nome trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ, khi chó lần đầu tiên tham gia vận chuyển và điều hành thuốc kháng độc tố để chữa trị cứu sống những đứa trẻ đang bị bệnh ở Alaska (Mỹ).
    Thời điểm đó, bác sĩ Curtis Welch không có chất chống độc tươi trong tay, ông chỉ có một lô thuốc đã hết hạn trong khi lô thuốc mà ông đặt hàng năm 1924 vẫn chưa đến. Curtis đã gửi một bức điện tín yêu cầu chính quyền liên bang chuyển thuốc chống độc. Trong lúc chờ đợi, bác sĩ Curtis không thể bó tay, ông đành mang lô thuốc đã hết hạn tiêm cho các bệnh nhân, nhưng một bé gái trong số những trẻ đó đã tử vong.

    Nhận được yêu cầu của bác sĩ Curtis, một bệnh viện ở Anchorage đồng ý cung cấp 300.000 đơn vị thuốc kháng độc, nhưng tàu hỏa chỉ vận chuyển được đến Nenana, khoảng cách từ đó đến Nome còn xa 1.085km. Mùa đông đã đóng băng Alaska, tất cả phương tiện giao thông đường thủy và đường bộ đều bị băng tuyết phủ kín không còn khả năng di chuyển, máy bay có buồng lái hở cũng không thể bay ở nhiệt độ liên tục thấp hơn -51⁰C vì máu của phi công sẽ bị đóng băng, động cơ làm mát bằng nước nên sẽ bị đông cứng trong giá lạnh.

    Thời điểm đó, thống đốc Scott C. Bone hi vọng chỉ có những con chó được nuôi trên những cung đường đầy tuyết ở Alaska mới có thể cứu sống gần 2000 cư dân thị trấn Nome, và ông đã tổ chức “Cuộc đua Nhân từ Vĩ đại - Great Race of Mercy” có 1-0-2 trong lịch sử loài người.
    Vào đêm 27 tháng 1 năm 1925, một tiếng còi tàu đã xuyên qua sự tĩnh lặng của thành phố Nenana khi kiện hàng quý giá là một gói huyết thanh 20 pound được bọc trong túi da nhồi lông thú bảo vệ, sẽ được chuyển đến thị trấn nhỏ Nome ở Alaska để cứu sống những đứa trẻ đang thở hổn hển vì bệnh bạch hầu.

    Cuộc hành trình của 150 con chó cùng với 20 nài đua đã vượt qua 1.085km trên những cung đường khắc nghiệt nhất của nước Mỹ. Dưới ánh trăng, mùa đông Alaska chẳng còn phân biệt ngày và đêm, tất cả cùng chung màu tối lờ mờ. Những con chó chạy tiếp sức không ngừng nghỉ chạy được 6 dặm mỗi giờ, chúng phải chiến đấu với nhiệt độ thấp kỉ lục trên đường đi và chỉ dừng lại mỗi khi cần làm ấm huyết thanh.
    Nhiều con chó đã chết.

    Tuyến đường vận chuyển bưu kiện huyết thanh từ Nenana đến Nome chia làm 5 chặng. Chặng đầu vượt qua vùng nội Alaska cằn cỗi, đến bờ sông Tanana, kéo dài 220km. Chặng thứ hai bắt đầu từ làng Tanana ở ngã ba với sông Yukon, rồi vượt qua vùng Yukon, với quãng đường 370km đến Kaltag. Chặng thứ ba tiếp tục sau đó, đi về phía tây 140 km qua trạm vận chuyển Kaltag Portage đến Unalakleet trên bờ biển vịnh Norton Sound. Chặng thứ tư tiếp tục đi 335km về phía tây bắc xung quanh bờ phía nam của bán đảo Seward, tuyến này không có địa hình che chắn gió mạnh và bão tuyết, trong đó có 68km trải dài trên mặt băng đang dịch chuyển của biển Bering.

    Đến Minto lúc 11 giờ sáng ngày 28 tháng 1, Shannon và 7 chú chó đua đã kiệt sức và rơi vào tình trạng nguy hiểm, ông phải bàn giao lại huyết thanh cho nài Edgar Kalland. Sau khi huyết thanh được sưởi ấm, Kalland cùng với đoàn chó đua của mình bắt đầu xuyên rừng, nhiệt độ ban ngày đã tăng được một chút lên -49⁰C, nhưng đến trạm nghỉ chân lúc 4 giờ chiều, người ta đã phải đổ nước nóng mới có thể rút được đôi tay đã đông cứng của Kalland ra khỏi tay lái của xe trượt tuyết.

    Hệ thống bão tuyết từ lục địa liên tục tấn công, nhiệt độ ở Alaska thấp kỉ lục trong vòng 20 năm, những cơn gió với vận tốc 40km/h quét tuyết thành những lớp dày lên tới 3 mét, mọi con đường đến thị trấn Nome đều vô cùng nguy hiểm.

    Gunnar Kaasen, người đàn ông 42 tuổi cùng 13 con chó của mình tham gia vận chuyển túi huyết thanh. Trên đoạn đường đến làng Solomn, lúc băng qua đồng bằng Bonanza, Kaasen gặp một cơn bão tuyết. Dân làng khuyên anh dừng lại tránh bão, nhưng Kaaren cùng chú chó dẫn đầu Balto vẫn quyết tâm vượt qua khó khăn, để kịp mang huyết thanh đến với những đứa trẻ nhỏ.

    Tuyết rơi dày đặc đến nỗi đôi mắt nheo nheo của Kaaren không thể nhìn thấy bất cứ chú chó nào trong đội đua của mình, anh càng không thể nhìn thấy đường đua. Chú chó dẫn đường Balto cũng không thể nhìn thấy đường, nhưng bù lại Balto có khả năng khứu giác cực tốt là dựa vào mùi hương thay cho tầm nhìn, để dẫn dắt 13 con chó vượt qua con đường phủ đầy băng tuyết. Đột nhiên, một cơn gió hung tợn với tốc độ gần 130km/h đã lật úp chiếc xe chở 20 pound thuốc giải độc tố. Kaasen hoảng loạn lao vào đống tuyết cào bới, đôi bàn tay tê cóng thật may mắn, cuối cùng anh cũng tìm được túi huyết thanh.

    Một nài đua khác là Ed Rohn đang chờ Gunnar Kaasen để đưa túi huyết thanh về thị trấn Nome, nhưng bão tuyết quá khủng khiếp, vì thế mà Kaasen quyết định không dừng chân để tránh nguy hiểm cho nài mới, anh lặng lẽ tiếp tục hành trình 34km cuối cùng trong bảy tiếng rưỡi, đến Nome vào lúc 5:30 sáng Chủ nhật ngày 2 tháng 2 năm 1925.

    Gói huyết thanh nặng 20 pound đã được trao cho bác sĩ Curtis Welch.

    Những đứa trẻ và người dân trong thị trấn nhỏ Nome đã được cứu thoát khỏi dịch bệnh bạch hầu nhờ gói huyết thanh đó. Nhưng 4 con chó trong tổng số 150 con chó đã vĩnh viễn ra đi, trong đó có một chú chó bị tuyết vùi sâu và chẳng bao giờ tìm thấy di hài để chôn cất.

    Trở về từ cuộc đua lịch sử, chó Balto được hãng Hollywood mời đóng bộ phim dài 30 phút, nói về cuộc đua mang vắc-xin đến Nome. Tháng 12 năm 1925, một bức tượng đồng chó Balto được dựng lên, là biểu tượng ghi nhớ công ơn những chú chó tại Công viên Trung tâm của New York.
    Tất cả các chú chó đều xứng đáng dựng tượng đồng.

    Đặc biệt là chó Togo dẫn đầu đội 6 chó đua, đã vượt qua chặng đường dài nhất tới 146km, trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, những cơn gió giết người và cơn bão tuyết chưa bao giờ suy yếu, nguy cơ lạc và bỏ mạng giữa đường rình rập bất cứ lúc nào, nhưng chó Togo bằng khứu giác của mình luôn dẫn cả đoàn đi đúng lộ trình cho đến trạm dừng chân Dexter tại Golovin thì chó Togo và đồng nghiệp của mình đã hoàn toàn kiệt sức.

    Cuộc đua Nhân từ Vĩ đại là chiến công cuối cùng của chó Togo. Những ngày tháng sau đó không thoát khỏi bệnh tật, chó Togo qua đời năm 1929, thi hài của Togo được bảo quản và đưa vào Trụ sở Đua chó Sled Iditarod Trail ở Wasilla, Alaska.

    Sau ánh đèn sân khấu mờ dần, chó Balto sống những ngày cuối đời tại sở thú Cleveland, thi hài của Balto cũng được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland.

    Từ năm 1973 cho đến nay, để tưởng nhớ tới công lao của 150 con chó đã cứu sống cộng đồng dân cư Alaska khỏi dịch bệnh bạch hầu, cuộc đua chó mang tên Sled Iditarod Trail được tổ chức vào tháng 3 hàng năm trên những cung đường mà chó Balto và Togo cùng 150 chó đồng nghiệp đã đánh bại trong cuộc đua dữ dội phòng chống dịch bệnh bạch hầu của gần 100 năm về trước.


    https://www.facebook.com/Bs.Phuc.Radiologist/



  7. #147
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Quote Originally Posted by sôngthương View Post
    Đọc để thấy các thế hệ trước vất vả thế nào, chúng ta hôm nay thừa hưởng các giá trị, hãy biết trân trọng những giá trị ấy.


    Lòng biết ơn.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  8. #148
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Quote Originally Posted by Triển View Post

    Lòng biết ơn.
    Dạ, túm lại rất gọn thì đúng là như vậy

    "Đọc để thấy các thế hệ trước vất vả thế nào, chúng ta hôm nay thừa hưởng các giá trị, hãy biết trân trọng những giá trị ấy."

    Câu này là của tác giả bài viết, St chỉ copy lại thôi ạ

  9. #149
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Quote Originally Posted by sôngthương View Post
    Câu này là của tác giả bài viết, St chỉ copy lại thôi ạ
    Dà, thì bảo vệ tác quyền cũng là biểu hiện của "Lòng biết ơn" chứ răng!
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  10. #150
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Quote Originally Posted by Triển View Post
    Dà, thì bảo vệ tác quyền cũng là biểu hiện của "Lòng biết ơn" chứ răng!
    Dạ dạ

    ---------

    CHƯƠNG 54

    Mi thường xuyên tìm kiếm tuổi thơ của mi, cái đó trở thành bệnh thật sự. Ở tất cả những nơi mi từng sống thời thơ, mi đều muốn tìm thấy lại một phen cái căn nhà, mảnh sân, góc phố ám ảnh các kỷ niệm của mi.

    Mi biết rằng mi đã sống ở trên gác một ngôi nhà nhỏ biệt lập, lạnh lẽo, trước nhà là bãi đất đầy những gạch đá đổ nát. Mi không biết đấy là tàn tích một trận hỏa hoạn hay một trận bom. Giữa các bức tường hoang tàn mọc lên những cỏ đuôi chó và đôi khi dưới các viên gạch vỡ, ngói vỡ, dế bò len lỏi. Có một loại dế đặc biệt tinh khôn, gọi là Hắc tử, đôi cánh đen nhánh của nó rung lên phát ra một âm thanh cói lói. Loại khác, gọi là Hoàng trùng, to con, chọi giỏi, rẳng mở rất rộng. Mi đã qua hàng giờ tuyệt diệu trên khoảng đất trồng đầy gạch vỡ, vữa vụn này.

    Mi còn nhớ mi ở trong cùng cái sân mà lối vào được một cổng lớn đen ngòm dầy nặng đóng lại, mi phải kiểng chân để với tới cái vòng sắt đập cửa. Một khi cánh cổng nặng nề mở ra, mi phải men vòng bức tường cuốn thư, bức tường có đôi kỳ lân đá tạc chầu hai bên sừng sáng bóng lên vì đã bị dùng nhiều, trẻ con mỗi lần đi qua lại chạm tay vào nó. Sau bức tường cuốn thư, mi phát hiện ra mảnh sân trong ẩm ướt, góc phủ đầy rêu. Đó là chỗ người ta đổ nước thải, ở đấy trơn. Hồi ấy, mi nuôi hai con thỏ trắng giống albinos. Một con bị chồn cắn ngay trong chuồng sắt. Con kia ít lâu sau đã biến mất. Mi lại tìm thấy nó sau vài ngày khi chơi ở sân sau, lông lấm lem, chìm trong chậu nước tiểu. Mi đã xem xét nó hồi lâu rồi từ đấy mi nhớ là mi không bao giờ chơi ở cái sân sau ấy nữa.

    Mi còn nhớ đã ở trong một cái nhà có cửa hình mặt trăng, cúc vàng và hoa mào gà đỏ tía mọc ở đấy; có lẽ vì thứ hoa đó mà mặt trời chiếu rực rỡ đến thế ở trong nhà. Trong cùng, một cửa con con mở ra cầu thang bằng đá, dưới chân cầu thang là một cái hồ trải ra mênh mông. Đêm trung thu, ngừơi lớn mở cái cửa này ra, kê ở đó một bàn đầy những bánh mặt trăng, dưa, hoa quả. Người ta ngắm trăng trên mặt hồ, cắn hạt dưa, uống trà. Đằng xa xa, mặt nước tối sầm nói liền với bầu trời có vầng trăng tỏa sáng, tròn xoe. Một mặt trăng khác lấp lánh trong nước hồ, bị kéo dài ra quá đáng. Một tối, một mình mi đến đây rút then cửa ra. Lập tức mi sững sờ vì nước hồ, đen thẫm và êm ả. Vẻ đẹp quá sâu xa này, một đứa trẻ không chịu đựng được, mi liền bỏ chạy. Sau đó, mỗi khi qua lại cái cửa này, mi chú ý không đụng vào then cửa.

    Mi còn nhớ mi đã ở một căn nhà khác, có vườn hoa, nhưng mi chỉ nhớ rằng mi có thể đánh bi trong gian phòng lát gạch men trang trí nằm ở tầng trệt. Mẹ cấm mi chơi ở trong vườn. Thời ấy, mi ốm yếu nên phần lớn thời gian là phải nằm trên giường; mi chỉ có thể cho các viên bi đủ màu lăn trong gian phòng. Khi mẹ không ở đấy, mi bèn đứng ở trên giường để nhìn ra ngoài, tay bám vào cửa sổ, những lá cờ nhiều màu sắc cắm trên các tàu thủy lớn vẫy phần phật trong gió ngoài ke.
    Mi đã trở lại những nơi xưa cũ ấy nhưng mi chẳng tìm thấy gì nữa. Bãi đất rộng đầy gạch đá vỡ, căn nhà nhỏ, cánh cửa to, nặng và đen ngòm với một vòng sắt, con phố nhỏ yên tĩnh chạy qua đằng trước, tất cả đã biến mất, cả mảnh sân với bức tường có cuốn thư. Ở chỗ đó, có thể đã mở một con đường nhựa đầy xe cam nhông còi kêu chói ta, chất ngất hàng hoá, bụi và các giấy gói kem que bay tung lên, những xe khách đường dài kính cửa xộc xẹch, mui đầy những va li và ba lô chứa căng đủ mọi loại sản phầm địa phương, quần áo may sẵn, những mặt hàng thông dụng, đối tượng của mọi chuyến buôn bán; mặt đất ngập hạt dưa và vỏ mía nhổ từ cửa xe. Không rêu nữa, không còn cửa hình mặt trăng nữa, không còn cúc vàng rợi và hoa mào gà đỏ tía nữa, không còn những ánh phản chiếu kéo dài ra trên mặt nước hồ nữa, không còn cô đơn và độ sâu ghê rợn nữa, chỉ là một dẫy những căn nhà thô sơ bằng gạch đỏ xếp hàng dọc theo lối đi chật hẹp, ở trước cửa mỗi nhà đều có lò thn. Bên bờ sông, tiếng cờ vẫy phần phật của các con tàu thủy lớn đã câm bặt. Chỉ còn là những nhà kho, nhà kho, nhà kho, nơi ký gửi, những nhà kho, nơi ký gửi, những nhà kho, những bao xi măng bằng giấy dai, chắc, những bao phân bón bằng chất dẻo dầy và những tiếng hú gào hay những ca khúc chói tai do các loa tiếp âm đài phát thanh ọe ra.

    Mi đã lang thang như thế từ thành phố này đến thành phố khác, từ huyện lỵ sang thủ phủ địa khu, từ thủ phủ tỉnh này sang thủ phủ tỉnh khác, cứ thế lân đi không dứt. Một hôm tình cờ mi bất ngờ phát hiện ra một ngôi nhà cũ, cửa rộng mở, trong một phố con con ngang nhiên bị kế hoạch hóa đô thị quên mất hay kế hoạch hóa chưa để mắt tới nó, hay nữa, kế hoạch chưa có ý đồ để mắt tới nó hay thậm chí không thể bao nạp nó vào trong kế hoạch. Mi đã dừng lại ở ngưỡng cửa, đã ngắm nhìn mảnh sân bên trong có áo quần phơi trên sào tre. Mi có cảm tưởng chỉ cần bước vào là mi quay ngay về với tuổi thơ rồi đem lại sức sống vào các kỷ niệm mơ hồ của mi.
    Mi còn nhận ra rằng những nơi mi đi qua đều quả tình cho phép mi tìm lại dấu vết của tuổi thơ mi: mảnh ao phủ đầy bèo, những quán ăn ở thị trấn nhỏ, các cửa sổ của căn nhà trông ra phố, cây cầu có những vòm đà và các con tàu phẳng dẹt đi qua ở bên dưới, những bậc dẫn từ cửa sau các căn nhà ra bờ sông, một giếng cạn bỏ không; tất cả hòa trộn vào các kỷ niệm thơ ấu của mi, khêu lên trong mi một niềm buồn thương không thể nén nổi, cho dù đó chẳng hề là cái nơi mi từng sống. Những căn nhà cũ kỹ mái ngói xanh ở thị trấn nhỏ Tân Hải kia chẳng hạn, và dãy bàn vuông kê trước các nhà để uống trà và hóng mát, làm dội lên ở trong mi nỗi sầu nhớ quê.

    Lại nữa, ngôi mộ của nhà thơ Lục Quí Mông đời Đường, có thể chỉ là ngôi mộ chứa các mũ áo của ông, nằm trong khoảnh sân, sau ngôi trường cũ đầy tầm gửi và gai dại mà mi chưa hề nghe nói đến bao giờ. Cạnh đó những thửa ruộng trải dài và sừng sững một cổ thụ. Ánh chiều tà càng làm cho nỗi buồn man mác của mi tăng thêm. Không cần nói đến những cái sân với một tòa tháp của vùng dân tộc Di, khép kín, hoang vắng, cô quạnh mà ngay ở trong mơ mi cũng chưa bao giờ trông thấy, đến những kiến trúc bằng gỗ trên cột của các xóm Mèo thấp thoáng trên sườn núi xa xa, chúng cũng nói với mi một cái gì. Mi không thể không thầm hỏi phải chăng mi đã có một mệnh khác, còn giữ lại được vài mảng kỷ niệm kiếp trước, mà nếu không phải thế thì đó là kết cục của một kiếp sau chăng. Những kỷ niệm ấy có lẽ giống như rượu, cũng mang theo một quá trình chắt lọc và làm mi ngây ngất vì hương vị.

    Nói cho cùng kỷ niệm thời thơ nhỏ là gì? Làm sao ta cố thể chứng minh được sự tồn tại của chúng? Tốt nhất là giữ lấy chúng ở trong lòng, kiểm chứng chúng làm gì?
    Mi bất ngờ nhận ra rằng cái tuổi thơ mà mi uổng công tìm kiếm không bắt buộc đã diễn ra tại một nơi nhất định. Cái mà người ta gọi là quê hương chẳng phải cũng là tương tự như thế ư? Khói lam chờn vờn trên mái ngói nhà ngừơi ta ở thị trấn nhỏ, tiếng lửa tí tách reo trong lò đun củi, con côn trùng màu vàng gần như trong suốt, chân cao cẳng mảnh, bếp lò trong nhà dân miền núi, các đõ ong bằng gỗ treo trên tường, trát kín bằng đất, gợi lên ở trong mi nỗi sầu quê. Đấy, chúng lại trở thành quê hương cố xứ mà mi nhìn thấy trong mơ.

    Tuy mi sống ở trong thành phố, lớn lên ở thành phố, qua gần cả đời ở thành phố, mi vẫn không sao coi được cái thành phố đồ sộ này là quê hương mi. Có lẽ vì chúng quá lớn nên mi chỉ có thể tìm ra kỷ niệm thuần túy thuộc về mi ở một chỗ nào đó, một góc nào đ1o, một gian phòng nào đó, một khoảnh khắc nào đó trong cái thành phố ấy mà thôi. Chỉ có trong thứ kỷ niệm ấy mi mới có thể bảo toàn bản thân mi, không để bị thương tổn. Rút lại trong cõi người mang mang này, quá lắm mi chỉ là một giọt vừa nhỏ nhoi vừa yếu đuối của bể dâu thôi mà.

    Mi nên biết cái mà mi tìm kiếm ở cõi thế này không nhiều, chẳng cần phải có lòng tham đến thế. Tất cả những gì tựu chung mi thu về được chỉ là kỷ niệm, mơ hồ, lờ mờ như các giấc mơ và không bao giờ nhờ vả đến chữ nghĩa. Khi mi miêu tả lại kỷ niệm thì lúc đó chỉ là những câu cú sắp xếp rất có thứ tự lớp lang, được cấu trúc ngôn ngữ tu sức bôi lên cho chút ít nước mầu.

    (trích từ Linh Sơn – Cao Hành Kiện )

    https://isach.info/story.php?story=linh_son__cao_hanh_kien&chapter=00 55

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 06:07 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh