Register
Page 1 of 19 12311 ... LastLast
Results 1 to 10 of 186

Thread: Kiếm Đạo

  1. #1
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350

    Kiếm Đạo

    Kiếm Đạo




    Tương truyền ngày xưa, khi Hoàng tử Tất Đạt Đa cưới Công chúa Da Du Đà La, chàng phải trải qua những cuộc thi cả văn lẫn võ. Cuộc thi đấu kiếm được xem là gay cấn hơn cả vì hồi đó giới quí tộc có rất nhiều những tay kiếm kì cựu. Những nhát kiếm phăng phăng làm đứt thân cây không lời từ tạ cho đến nhát cuối cùng của Thái tử thì người ta không thể nào tin nổi. Sau cái ra tay nhẹ nhàng, thân cây vẫn không hề lung lay. Bỗng một cơn gió nhẹ thoáng qua và cây đổ sụp. Trời ơi! Hoá ra nhát kiếm quá bén, quá phẳng đến nỗi phải chờ có gió mới ngã xuống được. Và Tất Đạt Đa đã thắng thuyết phục trước hàng con mắt chứng kiến. Để rồi nhát kiếm ấy mấy ngàn năm sau còn làm thổn thức những bậc võ sư, những tu sĩ và những ai qúy trọng cái nghệ thuật sống ở đời
    ...


    KIẾM ĐẠO


    Vị tu sĩ lặng lẽ bước đi trong chiều, một buổi chiều không mang nhiều sắc nắng giữa cánh rừng rải đầy lá cuối thu. Năm đó gió trở mùa sớm và lá tự dưng đổ xuống đột ngột trong một ngày khiến người tu sĩ không thể tĩnh tâm ngồi thiền được. Người bước đi, chiếc áo cà sa cũng khá mệt mỏi cứ vướng víu vào những gốc cây như thể còn những mối bận bịu chưa dứt được. Hôm ấy vị tu sĩ tròn hai nhăm tuổi đời và tám tuổi đạo. Màu áo cà sa bàng bạc những tháng năm khất thực đủ để vị sư nhắn nhủ với đời rằng sự tu tập đã đến một độ nào đó nhất định. Dĩ nhiên vị sư thừa hiểu cái việc đi tìm đạo thì không có cái tận cùng mà chỉ như một con dã tràng xe cát biển đông, chắt lọc lại cho đời những hạt ngọc quí báu. Vị sư nhớ lại tám năm trước, cái ngày mà chàng trai mười bẩy tuổi quyết định xuất gia và rồi đam mê một nhát kiếm...


    * * *

    1.
    Khi sinh ra đời hắn đã mang một vết sẹo sau gáy, nhát sẹo nằm chéo như thách thức với cuộc đời. Ông nội nhìn cái vết trêu ngươi ấy và lắc đầu một cách buồn bã, dường như định mệnh từ tiền kiếp đã gán lên thân thể hắn ngay từ thuở lọt lòng.

    Ông lấy cái bảo kiếm mắc giữa căn bảy bàn thờ tổ, cả nhà sợ hãi dõi mắt, chưa ai ở trong nhà này dám can ngăn ông nội hắn làm một điều gì. Đó cũng là lần đầu tiên mọi người nhìn thấy ông đưa tay tháo cây kiếm ra, từ trước giờ nó vẫn yên vị ở trên đó. Cây kiếm sáng loáng dưới cái nắng ban mai bổng loé lên những tia lửa khiến những con mắt không khỏi lạnh lùng sợ hãi. Ông dùng hai ngón tay vuốt nhẹ từ chuôi đến đầu kiếm, một lớp bụi được cuốn đi để hiện rõ lên bảy chữ Hán, ông đọc to "Tề Gia Trị Quốc Bình Thiên Hạ". Không ai hiểu ông sẽ làm gì với cây bảo kiếm ấy, một đường quyền chăng? Thế rồi ông lẳng lặng đi vào căn buồng của người con dâu. Vị sản phụ đã ngất đi sau khi dồn hết sức để cho thai nhi ra đời, còn đứa bé thì rống khóc lên như thể nó muốn vùng vẫy với đời lắm rồi!

    Ông nội đi vào, tiếng thét gào của hài nhi bỗng im bặt, tất cả những ai có mặt hôm đó tái mặt đi và hồ nghi nghĩ đến một cơ sự không lấy gì làm vui. Nhưng họ thừa hiểu rằng ông là một người đức độ từ xưa đến nay, trong làng ngoài xã chưa ai chê ông một cái gì, họ biết ông sẽ làm những điều cần thiết. Lát sau ông đi ra, đưa nhát kiếm ngang trước mặt mọi người, vết máu tươi vẫn còn nóng hổi dính trên mé kiếm.

    - Cái nhau thai của nó cũng cứng như cái mặt nó vậy! - Ông nói một câu điềm nhiên không mang một niềm vui hay nỗi buồn.

    Hoá ra là nãy giờ ông đã dùng cây bảo kiếm để làm cái công việc của một bà đỡ. Giờ thì tất cả yên tâm, thế là nó được tự do cắt hẳn khỏi sự ràng buộc chín tháng mười ngày bấm đốt ngón tay người mẹ. Ông móc lại cây kiếm lên bức vách rồi đi ra ngoài sân, thét một tràng cười sảng khoái khiến đứa bé mới lọt lòng cũng gào theo. Tiếng thét của ông vang đi xa tận dãy núi cách đó mấy dặm và dội lại cái âm ỉ sau khi ông dứt. Đó là cái ngày hắn ra đời, không ai hiểu được những nghi lễ mà ông nội hắn đã làm cho cuộc hiện sinh của một hoài thai. Có thể đó là một định mệnh chăng?

    Ba ngày sau ông nội chết, không ai rõ nguyên do của sự ra đi vội vàng ấy. Chỉ biết đêm trước đó là lần đầu tiên, lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng ông đi quyền - ông là một võ sư có tiếng về cả tài năng lẫn đức độ. Cũng chẳng ai nhìn thấy ông múa kiếm như thế nào. Sau bữa cơm tối nhẹ, ông nhấp chén trà gừng như thói quen rồi lẳng lặng bồng đứa cháu nội mới sinh ba hôm, khoác thêm cây bảo kiếm đi về hướng Tây. Một canh giờ sau người ta nghe thấy những tiếng kêu chém gió từ phía miếu làng vọng về, đó chính là tiếng kiếm của ông, sắc lạnh và đanh thép, nghe hãi hùng nhưng làm cho người ta yên tâm. Lát sau ông về nhà, đặt đứa bé vào tay mẹ nó và nói: "Thế là cuối cùng ta cũng đã yên tâm, không hổ với tổ tiên rồi! Nó đã được xem ta đi hết bài Bạch Nhật Khai Quang Kiếm và ta tin chắc nó đã tiếp thu được hết những tinh hoa của gia tộc, nó sẽ thay ta làm những việc cần làm của một bậc quân tử". Ông móc lại cây kiếm và đi nằm. Sáng hôm sau thì ông không dậy nữa, chỗ ngực trái vẫn còn nong nóng nhưng người ta vẫn không cố làm cho trái tim kia đập lại được. Họ hiểu ông ra đi như vậy là nhẹ nhàng rồi, không nên níu giữ lại làm gì...

    Hắn lớn lên, không hề biết về cái chuyện ngày sơ sinh của mình bởi không ai kể cho hắn cũng như không được biết cái vết sẹo, ở đời có ai nhìn được phía sau gáy mình có gì đâu? Những ẩn ý của số phận chưa một lần được gọi tên, hắn cứ sống và tỏ ra là một đứa bé thông minh. Cây bảo kiếm vẫn treo ở căn bảy, sau ngày ông nội mất vẫn chưa có ai khác được phép sờ vào, chỉ có hắn là tò mò khi dọn dẹp bàn thờ. Mỗi lần như thế, hắn lại đưa tay sờ vào những chữ Hán trên đó. Song, có một điều kì lạ là chưa lần nào vuốt được hết cả thảy bảy chữ vì cứ vuốt đến giữa lưỡi dao thì hắn nghe bên tai có lời ai đó thét lớn: "Tâm chưa tĩnh! Dừng lại!",vậy là hắn hốt hoảng bỏ tay ra. Cái lời thét kia cứ làm hắn suy nghĩ và băn khoăn: "Tại sao lại có lưỡi kiếm kì lạ đến vậy?". Hắn không dám hỏi ai cả vì hắn nhận ra bất kì ai vào nhà hắn đều nhìn lưỡi kiếm với vẻ ái ngại, kể cả những người trong nhà cũng chỉ đưa mắt liếc qua mà thôi!

    Hắn là một đứa bé kì lạ, khuôn mặt phúc hậu lắm nhưng chưa hề thấy khóc cười bao giờ. Vấp đá ngã, hắn tự đứng dậy. Máu chảy, điềm nhiên vặt cỏ ven đường bỏ vào mồm nhai rồi đắp lên vết thương, không một cái nhăn mặt rên xiết. Hắn không chơi những trò chơi con trẻ và không kết bạn với lũ đồng trang lứa.

    Hắn bị câm. Mẹ hắn không buồn bởi bà hiểu, nó là đứa con của trời đất, nó câm bởi cái vết sẹo kia đã thay lời tất cả những gì muốn nói. Người ta thường thấy hắn ngồi trầm ngâm lâu ở bên miếu làng, chỗ mà ngày xưa ông nội đã đưa hắn lên để diện kiến đường kiếm độc nhất vô nhị. Hắn chỉ ngồi thế, không ai biết trong đầu đứa trẻ lên mười đang nghĩ gì vì hắn đâu có nói được gì. Người qua đường thấy thế lâu rồi cũng thành quen, mà cũng chả ai dám nhìn hắn lâu, không ai đàm tiếu về cái sự lạ ấy. Có lẽ hắn là một nhân ảnh của ông nội khiến người ta phải kính nể nên không dám lời ra tiếng vào.

    Sự có mặt của hắn trong ngôi nhà đôi lúc thành thừa. Dường như họ chỉ công nhận sự hiện diện của một thực thể để chứng tỏ cái nhà này không thất truyền, để không hổ thẹn với tổ tiên mà thôi. Thế nhưng từ ngày có hắn và sau khi ông nội mất thì người ta cảm thấy cái bảo kiếm treo ở trên kia không cô tẻ. Ít ra là nó đã có chủ nhân cho cuộc nối tiếp...

    Năm lên mười bảy, hắn là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, mã ngoài lực lưỡng, chỉ mỗi tội không nói được. Thế rồi hắn ra đi, vào một ngày đông mưa gió lớn, sấm giật rung mạnh quật ngã hai cây đa ở miếu làng. Người ta bảo nhau có sự lạ. Và thật thế, thằng câm đã ra khỏi làng, mang theo cây bảo kiếm với bảy chữ "Tề Gia Trị Quốc Bình Thiên Hạ". Không ai buồn hay tỏ ra thương xót cho cái sự ra đi kia vì họ như hiểu được đó là chuyện tất dĩ đến, chỉ có điều sớm hay muộn mà thôi. Còn với hắn thì sao, mười bảy năm ở trong ngôi nhà ấy như một nhân sự biết thở đủ chán chường để cho một cuộc thay đổi lớn. Và hắn ra đi không một lời từ tạ hay một điều gì nhắn nhủ ngoài cái chỗ trống còn lại trên bức vách giữa bàn thờ tổ - cây bảo kiếm đã được hắn mang theo.

    Làng từ đó vắng bóng hai cây đa trầm tư bên miếu, sau trận sấm sét động trời như cắt ngang một quá khứ, chẳng ai còn nhớ đến hình bóng một vị võ sư già, một thằng câm và một lưỡi kiếm, hoạ chăng chỉ còn lại tiếng khua chém gió của nhát kiếm mười bảy năm về trước mà thôi!

    2.
    Bỏ khỏi làng, hắn lần theo dấu sỏi phía tây để đi, không biết đi đâu, hắn tự nhủ sẽ theo dấu sỏi ấy bao giờ hết thì thôi. Dường như ai đã rải những viên sỏi cuội màu trắng trong trên cái lối đi ấy để dẫn dắt một thằng câm chiều nay. Hắn đi, cái lưỡi kiếm khoác sau lưng thi thoảng cắt gió phát ra tiếng kêu sắc lẽm lạnh hồn. Hắn vẫn không biết là mình đi đâu, như một cuộc trốn chạy đời sống mà mỗi bước chân còn nghe vang vọng sau lưng lời ai gọi, và hắn cố bước thật nhanh để khỏi nghe thêm những âm thanh ấy. Ba ngày ba đêm thì chân mỏi, bụng đói, những lối đi giờ chỉ còn lưa thưa sỏi, những viên sỏi cuối cùng của cuộc hành trình nằm rải rác đủ cho hắn hiểu mình sắp được dừng chân. Trước mắt hắn là một cái chòi lá cọ, đó là ngôi chùa mà lần đầu tiên hắn được thấy.

    Ngôi cổ tự nằm uy nghiêm tĩnh mịch sau gốc cây bồ đề. Những chiếc lá hình trái tim rơi xuống nối tiếp những viên sỏi cuối cùng của cuộc hành trình, hắn hiểu từ nay sẽ dấn thân vào một con đường mới, không còn là lối sỏi khô khốc nữa mà là con đường rải bằng lá bồ đề...

    Hắn thoát y khi ngón chân cái vừa chạm đến viên sỏi màu trắng cuối cùng, chỉ mặc mỗi chiếc quần cọc và cầm cây kiếm. Với cái tư thế ấy thì hắn giống một tay anh hùng võ hạng. Dù đã ba ngày không ăn uống, mỏi mệt nhưng hắn vẫn cố đi những bước thật vững chãi trên lá bồ đề. Vị sư già từ trong ngôi cổ tự bước ra, trên tay lần chuỗi hạt, trông thấy hắn với cái thân thể cường tráng, chợt trong tâm trí vị sư trụ trì hiển hiện hình dáng của một kẻ thù mấy chục năm về trước. Hắn gập đầu xuống đất, không phải cúi chào sư cụ mà chỉ là do đuối sức quá rồi. Cái vết sẹo sau gáy đập vào mắt nhà sư, nó giống hệt cái vết sẹo mà kẻ thù đã để lại cho sư thầy. Ông nội thằng câm chính là kẻ thù của vị sư già này. Trong phút giây, sư nhắm mắt niệm: "A di đà Phật! Vậy là nó cũng đã đến như một lẽ vô thường, hoạ hay phúc thì âu cũng là chuyện nhân quả ở đời. Ta đã tu mấy chục năm, mọi lẽ biến hoá vạn pháp thấu hiểu cả nhưng không thể cưỡng lại cái quả ngày hôm nay".

    Vị sư đỡ thằng câm vào chùa, dắt dìu nó trên thảm lá bồ đề một cách vô tư bằng đôi tay gầy gò. Cũng đôi tay ấy chính ngày xưa thầy đã cầm kiếm tranh tài với ông nội hắn, cuộc đấu kiếm giữa hai chàng võ sĩ thuộc hai môn phái khác nhau chỉ vì cái nỗi hiềm khích tranh nhau chức thống soái võ hạng. Ông nội hắn là dân miền biển nên vũ khí là chiếc mác như dáng cánh buồm căng ra hứng gió, còn vị sư già là kẻ ở miền cao nên cầm trong tay cây kiếm nhọn như những cây phi lao rừng. Cuộc đấu diễn ra căng thẳng. Cả hai bên đều hiểu đây không phải là một cuộc tương tàn mà chỉ là sự tranh nhau địa vị, vì thế họ đều cố tình không làm tổn thương nhau, ấy là cách đấu võ của bậc quân tử. Nhưng một phút sơ suất, cây kiếm tuột khỏi tay kẻ ở miền cao, nó lao lên không trung rồi xuyên qua mái tranh đâm thẳng vào ngực vợ đấu thủ, bà nội hắn chết với một tiếng kêu thất thanh. Trước khi kẻ thù bỏ chạy thì ông nội thằng câm đã kịp phang một nhát dao vào cổ đối phương và để lại vết sẹo bây giờ sau gáy vị sư già.

    Sau cuộc đấu kiếm, bà nội thằng câm mất, ông nội nó đem cây dao xuống bờ sông và ném đi vì tự thấy xấu hổ. Thứ nhất là chỉ vì ông mà vợ đã chết oan uổng, thứ hai là ông đã chém một nhát vào kẻ thù, như thế là sai luật, là không quân tử, và ông tự hứa với mình sẽ chẳng bao giờ tập luyện võ thuật nữa. Cây kiếm găm vào ngực người vợ được ông đem treo lên giữa bàn thờ không biết với mục đích gì. Để rồi tháng năm qua nó vẫn lạnh lùng một điều bí hiểm chả ai dám nhắc đến.

    3.
    Thằng câm tỉnh dậy sau khi đã được húp một bát nước cơm nhà chùa và nằm ngủ nửa ngày. Nó chợp mắt thì được nghe tiếng chuông và hồi kinh mà sau này hắn biết đó là kinh Sám hối. Thầy đã tụng xong hồi kinh buổi sớm, đang ngồi thư thái bên tảng đá thì hắn bước đến từ phía sau. Vết sẹo thẫm màu sau cổ vị sư đập vào mắt hắn dễ dàng bởi cái đầu thầy bóng nhoáng sau mấy chục năm trường chay niệm kinh. Hắn hơi bất ngờ trước cái vết cắt xéo ấy, ngần ngại dừng chân. Vị sư vẫn điềm nhiên ngồi, không quay lại mà chỉ nói nhẹ.

    - Con cứ yên tâm đừng sợ, hãy lại đây ta kể cho nghe về cái vết sẹo kia rồi sau đó thế nào thì tuỳ con. Ta giờ cũng hết luỵ đời rồi, có sao đi nữa thì cũng được.

    Vị sư kể lại tất cả câu chuyện về cuộc đấu kiếm mấy chục năm về trước cho nó nghe một cách chính xác tỉ mỉ. Cái lối kể không phải để cầu xin một sự tha thứ, không phải một sự phân bua mà là kể chân thực như không còn chi hệ luỵ. Hắn lắng nghe từng lời như nuốt lấy mẫu nước cháo sáng nay thầy cho uống, vốn bị câm nên hắn chẳng thể phản lại một từ nào, đến đoạn kể cái chết của bà nội thì hắn hơi giật mình rồi lại bình tâm.

    - Thế đó! Tất cả ta đã kể hết cho con, ta đã giết chết bà nội con và niệm kinh sám hối ba mươi năm nay nhưng ta vẫn thấy chưa chuộc hết tội lỗi của mình. Bây giờ thì tuỳ con hành xử, thế nào ta cũng chấp nhận hết, không một lời oán trách.

    Vị sư nhắm mắt, chờ đợi trong sự an nhiên một nhát kiếm từ tay thằng câm. Công phu tu luyện mấy mươi năm khiến thầy thấy bình tâm đến lạ trước cái chết đón chờ. Bỗng nhiên thằng câm đổ sụp gối xuống trước mặt vị sư, cây bảo kiếm vẫn khoác chéo sau lưng không hề được gỡ ra. Lát sau vị sư già mở mắt ra, nhận thấy trên khoé mắt thắng câm rơm rớm lệ. Hắn không nói được nhưng thầy đọc thấy trong đôi mắt kia những lời nhắn gửi: "Không thể lấy oán để đền oán được, nếu cứ thế thì cái nghiệp báo nặng nề sẽ còn mãi. Nay con xin theo thầy làm một đệ tử vì chỉ có cách đó mới chuộc lỗi được cho ông nội con".

    Vị sư già nhắm mắt, lần trên tay đủ tám mươi mốt hạt cườm rồi nói.

    - A di đà Phật, vậy là ta đã tìm được một đệ tử xuất sắc. Coi như ta lấy cái công dạy pháp cho con để sám hối lỗi lầm trong kiếp này vậy.

    Thế là từ đó ngôi cổ tự có hai vị sư, một sư già và một sự trẻ sớm hôm niệm kinh. Vị sư già dạy cho thằng câm hôm nào rất nhiều những pháp môn, những kinh điển của nhà Phật. Tuy nó vẫn không nói được nhưng qua những cái gật đầu, cách bước đi và cách lần tràng hạt đủ để thầy thấy sự tiến bộ của người tu sĩ trẻ. Thầy giảng cho vị sư trẻ chuyện nhân quả nghiệp báo ở đời. Cái vết thẹo ở cổ con là do nghiệp báo của nhát đao mà ông nội con chém vào cổ ta, còn cái việc ta không thể có vợ và phải lên chùa làm sư là do đã lỡ tay giết vợ người ta, con có thấy luật nhân quả ở đời công bằng quá không? Rồi cứ thế hai vị sư như thể hai thầy trò, có khi như hai người bạn cùng tu. Vị sư già dạy, ở đời do tham - sân - si mà con người ta khổ, ta và ông nội con đều do ngu muội mà đem đao kiếm ra đấu nhau, cái chuyện danh lợi ở đời nó có đáng để tương tàn nhau như thế không?

    Không chỉ dạy về kinh thư, vị sư già còn truyền lại tất cả các bộ pháp võ của mình cho người tu sĩ trẻ. Những bộ quyền khoẻ khoắn, nhát kiếm sắc sảo vuốt cong cả khoảng không gian, chém vào hư vô như muốn cắt đi phiền não. Thầy dạy cho vị sư trẻ phép thiền kiếm như một cách để luyện tâm.

    - Con nhớ đây, tất cả pháp đều do tâm làm chủ, tâm dẫn đầu tạo mọi nghiệp duyên. Chính vì thế mà mỗi nhát kiếm phải được chém ra từ trong tâm, phải biết nhát kiếm ấy chém vào đâu và để làm gì. Người xưa xem kiếm là vũ khí để tự răn mình. Đó cũng là cái mục đích cao cả và đúng đắn của võ thuật mà mỗi người tập võ luôn luôn tâm niệm.

    Tám năm như thế, hai vị sư hôm sớm chuyên tu, một vị sư già niệm kinh còn vị sư trẻ kia chỉ biết lần tràng hạt và gõ mõ. Thế nhưng vị sư già vẫn rất tâm đắc người học trò xuất sắc của mình và nhận thấy sự thức tỉnh nhanh chóng cũng như con đường mà vị tu sĩ trẻ kia đang đi hoàn toàn là hướng đến giác ngộ.

    Một hôm, hai thầy trò đang dạo bước sau chùa thì bắt gặp một gốc cấy khá già cỗi. thầy bảo đó là cây si mà người đã trồng nên từ hồi còn rất trẻ. Chính cây si đó là gốc rễ của tội ác mà thầy gieo nên ba chục năm về trước. Thầy đã chuyên tu, cả luyện kiếm pháp để mong một ngày chém đứt cây si đó nhưng đến bây giờ vẫn không thể, bởi để cắt bỏ hoàn toàn những ngu muội nơi mình thì tự thân thôi chưa đủ mà phải có nhân thân, có bạn đồng tu. Nay thầy thấy con là người đáng tin cậy để cắt bỏ giúp thầy cây si đó. Con hãy luyện nhát kiếm thật sắc bén như nhát kiếm mà Thái tử Tất Đạt Đa - đức Phật sau này - đã ra tay trong cuộc tranh tài ngày ấy để trừ bỏ cái "si" giúp ta.

    Sau lần ấy, người tu sĩ trẻ sớm hôm luyện tập miệt mài hơn nữa với bảo vật mang theo hòng học được nhát kiếm của Thái Tử Tất Đạt Đa. Nhát kiếm ấy không chỉ để cắt đứt cái gốc rễ si mê giúp thầy mà còn là để cắt bỏ nghiệp chướng cho chính mình. Hơn ai hết, vị tu sĩ trẻ hiểu rằng, muốn độ đời trước hết phải độ cho chính mình cái đã.


    * * *


    Chiều nay vị tu sĩ dạo bước tĩnh lặng và thấy khang khác trong mình. Vẫn cái im lặng cố hữu do dị tật bẩm sinh mà thầy không oán trách ai cả, vì thầy hiểu đó là nghiệp chướng của tiền kiếp. Vị tu sĩ bước đi, cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, khác hẳn cái bước chân tám năm về trước khi lần theo lối sỏi lên chùa.

    Hoàng hôn đã đổ, vậy là chiều sắp tắt cho một ngày chìm vào bóng đêm. Nhẽ ra giờ này như mọi ngày thầy đã nghe được tiếng chuông chiều của vị sư già, nhưng sao hôm nay thầy đợi mãi vẫn không nghe thấy. Chắc hẳn có sự lạ rồi!

    Vị tu sĩ trẻ vẫn điềm nhiên bước, lòng tự nhủ, chuyện gì đến thì nó sẽ đến như cái lẽ vô thường, ta có gấp gáp đi chăng nữa thì cũng không cưỡng lại luật đời. Cứ thế, thầy bộ hành về đến chùa. Không gian im ắng trong cái hoàng hôn se lên một màu lam thanh tịnh, vị tu sĩ trẻ bước vào khánh điện và thấy vị sư già đã viên tịch, pháp thể toạ xuống nền đất với vẻ toại nguyện, chuỗi hạt vẫn khoác trong tay.

    Vị tu sĩ trẻ nhắm mắt nhẩm một câu kinh tiễn linh rồi quay ra, đi về phía sau chùa với cây bảo kiếm. Hôm nay vị sư trẻ sẽ phang nhát kiếm sắc lạnh, kết quả công phu mấy năm đeo đuổi vào gốc cây si.

    Thật bất ngờ, khi vị tu sĩ đến nơi thì gốc cây si đã chết héo, mới hôm trước thấy còn tươi tốt nhưng bây giờ, trước mắt thầy chỉ là cái xác khô gầy không một chiếc lá. Thầy khoác lại cây bảo kiếm trên lưng, thế là cái si mê nó tự chết đi khi nào ta thức tỉnh chứ không cần đến một nhát kiếm. Mà nhát kiếm có sắc đến đâu cũng chưa chắc chém đứt được, vì để trừ diệt gốc rễ si mê là cả một quá trình tu nhân tích đức, tạo nghiệp tốt. Si mê là do tâm ta tạo ra thì nó sẽ bị chính tâm ta trừ khử khi nào đủ công hạnh.

    Lần đầu tiên sau tám năm cải tục làm sư, hôm nay vị tu sĩ trẻ mới thấy mình học được bài học thâm thuý đến vậy. Trước mắt thầy, hoàng hôn khép lại một ngày nhưng lại mở ra con đường rải đầy cỏ hoa và lá bồ đề - đó là con đường tỉnh thức để đến với bờ giác an vui.

    Minsk, đêm 10.12.2007
    HOÀNG CÔNG DANH



    http://www.chutluulai.net/forums/showthread.php?p=57696

  2. #2
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Luyện nước

    Buổi sáng như thường lệ, sư thầy dậy sớm, ướp sẵn tách trà hoa đại rồi bước ra vườn khai tâm thất tâm nhĩ bằng một bài quyền bộ. Tùy theo hơi sương khí trời mà chọn bài đi phù hợp. Sáng nào nhiều sương thì đánh bài Ngọc Trản, lấy chén ngọc hứng tinh hoa ban mai. Hễ trời quang đãng thanh tịnh lại đi bài Bát Tiên, như một cung cách gọi mời tám vị tiền bối cùng ngồi tri ẩm.

    Riêng sáng nay thầy không đánh quyền mà chỉ luyện trung bình tấn cho tụ khí đan điền và tập trung suy nghĩ một phương pháp giáo dục đệ tử. Từ khi điệu Sanh vào chùa, thầy phải lo thêm nhiều thứ, đôi khi xảy ra nhiều chuyện rắc rối tại điệu ấy hiếu động. Thầy nghĩ, có lẽ ta nên dạy điệu Sanh tập võ, lấy sự vận động để tiêu diệt hiếu động. Hơn nữa, cũng để tập cho điệu thói quen dậy sớm. Người nhà chùa mà cứ mê man giữa ban ngày thì làm sao khai thị được chúng sanh. Tất nhiên, phương pháp nào cũng có hai mặt của nó, đôi khi vận dụng không khéo lại có tác dụng phụ ngoài mong muốn. Thầy vẫn chưa quên trong lịch sử, cuối thời nhà Trần có vị tu sĩ Phạm Sư Ôn, là đệ tử của sư Vô Trụ. Phạm được đào tạo võ thuật, cho đến một ngày nhận ra an nhiên tu để thoát tục dài và khó quá, chi bằng tìm kiếm cái quyền lực giữa đời mà hoằng pháp, thế là dùng đao kiếm. Mà đao kiếm vô tình, nếu lưỡi không cứng thì nó quay lại phản chủ. Thời thế mỗi lúc một khác, đạo Phật vốn có tính khế thời, tùy nghi hành pháp cho phù hợp. Con người ngày nay lại nhiều cám dỗ, thầy không chắc điệu Sanh sẽ bền chí.

    Trở vào tịnh thất, thầy nhấp chén trà, nhìn điệu Sanh vẫn còn ngủ rồi quyết định sẽ cho điệu ấy tiếp xúc với võ học. Dù kết quả có thế nào chăng nữa vẫn phải thử, như một phép toán dẫu không đưa đến đáp án thì cũng thu lượm được những kỹ năng.

    Chỗ tập võ ở sau nương chùa, thầy không muốn quấy tan không gian yên tĩnh trước cửa thiền. Hai thầy trò cùng nhau luyện tập nơi khoảng đất nhỏ ấy thôi, bên cạnh có một hồ nước. Hồi mới về chùa, sư thầy đã cấy những cọng sen xuống đây, đến năm sau sen đã bung lá trên mặt nước, tạo thành từng trảng như những chiếc mẹt con thả nổi. Bây giờ thì sen đã lan ra đầy hồ, lâu lâu thầy lại lội xuống ngắt bỏ những chiếc lá đã quá già, nhường chỗ cho các lá non. Vào cuối thu, mỗi buổi sớm sen đơm búp trắng như chắp tay cầu nguyện. Ở chính giữa hồ, thầy thả nổi trên mặt nước một khung tre hình ngũ giác, kích thước mỗi cạnh chừng sải tay thôi, ngăn không cho cánh sen len vào. Thầy làm thế để chính giữa hồ có một khuông thoáng. Tâm phải phẳng lặng. Từ bên bờ hồ, bắc một nhịp cầu tre nối ra phần mặt thoáng đó. Vào dịp rằm tháng tư, thỉnh một tượng nhỏ hình Đức Phật Đản Sanh đặt chính giữa hình ngũ giác, cho mọi người đến chùa múc nước tắm Phật.

    Sáng hôm ấy, điệu Sanh đã được báo trước chuyện tập võ nên thức dậy sớm, tỉnh táo hẳn chứ không ngáp ngắn ngáp dài như mọi bữa, vẻ hứng thú. Bắt đầu với những thế tấn: trảo mã tấn, đinh tấn, trung bình tấn... Ở mỗi thế tấn, ngoài việc hướng dẫn cách đặt chân sao cho đúng, thầy còn giảng về những đạo lý và cách dùng. Chẳng hạn trung bình tấn là chia đều trọng lực cho các chân, người ta muốn đứng vững giữa đời thì phải biết tự cân bằng cuộc sống của mình. Trảo mã tấn dùng trong đòn nhá, dồn mọi trọng lực vào chân sau, chân trước như là bình phong hộ mệnh. Điệu Sanh chăm chú lắng nghe và làm theo. Có vẻ đối với chú tiểu học võ dễ hơn nhiều so với học pháp. Ở đời, hầu cái gì dùng tay chân cũng dễ hơn kiến thức kinh viện.

    Bữa sau lại học tiếp năm đòn đánh tay và tám đòn cước chân sơ cấp. Các đòn tay đơn giản, thầy đi một lần là Sanh làm theo y chang. Các đòn cước chân khó hơn. Đến nghịch đảo cước là đá ngược vòng chân lui sau, rất dễ ngã. Tám đòn cước chân đi liên hoàn trên một đường thẳng. Hai thầy trò nghỉ mấy phút, lúc ấy thầy tranh thủ đi vào nhà ủ trà, còn điệu Sanh vẫn một mình luyện các đòn cước chân. Giẫm phải hòn sỏi, đau chân. Điệu nhặt nó lên, ném thẳng xuống chỗ mặt thoáng giữa hồ. Thầy bước ra, nghe tiếng tõm nhỏ, mặt nước gợn lên những vòng sóng đồng tâm loang dần ra.

    Thầy hỏi sao con ném đá xuống hồ. Sanh đáp: “Ai bảo nó làm con đau”. Thầy cười, không dưng lại đi giận hòn đá, thật là trẻ con. Mà chẳng riêng gì trẻ con, người lớn cũng thường giận vô cớ. Có khi còn vô minh và vô tâm hơn thế, họ ném tất tần tật mọi thứ thừa thãi xuống các hồ nước đấy thôi. Người tập võ phải khác, tâm mình đang thanh sạch thì đừng ném cái bực bội vào đó, và cũng không thể dùng tay chân để trút bỏ giận hờn. Ở khía cạnh này, việc luyện võ giống với sự tu hành của đạo Phật. Giữ cho tâm bình yên, bước chân an lạc, ý nghĩ và hành động phải trong sáng.

    *
    Nhớ ngày xưa, trước khi vào chùa, sư thầy là chàng trai phẫn chí, bỏ nhà đi lang bạt, rồi dừng chân nơi miền cao, được một vị võ sư phái Long Phi gốc Sông Bé cho ở nhờ. Hằng ngày chàng trai có nhiệm vụ đi gánh nước. Buổi sáng về tưới vườn rau quanh võ đường. Buổi chiều gánh về cho các võ sinh rửa tay chân sau khi tập luyện. Còn thêm mấy thùng nước sạch nhất lấy ở chỗ khe chảy ra, đem về để nấu ăn. Gánh như thế được một tháng thì chân tay chàng nhỏ lại, nhưng rắn chắc hơn. Bấy giờ vị võ sư mới cho chàng tham gia vào lớp tập luyện. Chàng mừng ra mặt, nói hôm mới vào đây con muốn xin thầy theo học lắm, nhưng ngó thầy khó nên con không dám, chỉ xin được tá túc vài bữa thôi. Vị võ sư già ngẩng mặt lên cười.

    - Không riêng gì con, tất cả môn đệ của ta đều thế cả. Muốn theo học đều phải trải qua một tuần trăng gánh nước. Mục đích trước hết là để cho da thịt săn chắc, xương khớp dẻo dai trước khi tham gia vào võ đường. Sau nữa, điều quan trọng là gánh nước để thanh tẩy tâm mình. Võ học như thiền định vậy. Và sau cùng, sự tưới tẩm sẽ làm nẩy sinh những mầm xanh. Ngay bây giờ con nên ghi nhớ châm ngôn của võ học cổ truyền: “Hãy biến sức mạnh thành tình thương đi gieo rắc khắp quê hương, mãi bao giờ Việt Nam còn thì võ học còn, nhằm đáp báo ơn sư và rạng danh môn phái”.

    Chàng trai theo thầy tập luyện bốn năm trời, miệt mài bền bỉ, và sớm được thăng cấp hồng đai tứ đẳng. Đai đỏ là huấn luyện viên cao cấp rồi. Khi ấy chàng mới hai mươi ba tuổi, phải đợi thêm năm năm nữa, đủ hai mươi tám tuổi mới được làm luận để thăng tiếp bạch đai và cấp chuẩn võ sư. Nhưng chừng ấy năm theo học với sư phụ, những đường quyền ngọn cước đã giúp chàng khai ngộ ra nhiều điều, bỏ đi những tâm tánh ngang ngược, thế là được rồi, cần chi võ vị nữa. Chàng xin phép sư phụ được rời võ đường. Trước khi đi không quên hứa hẹn, năm năm nữa sẽ quay lại, hứa là để sư phụ an tâm rằng học trò của mình vẫn còn nhiệt huyết với võ học. Sư phụ chấp thuận cho chàng đi và dặn, hễ đến đâu thấy điều kiện thuận lợi thì nên truyền thụ cái đã học được, một phần giúp người, phần nữa là duy trì môn phái. Nhưng nhớ, đừng mãi võ kiếm cơm…

    Hai mươi ba tuổi, thanh niên chừng ấy đã có nghề nghiệp để làm ăn. Chàng thì vẫn chưa có gì ngoài sức lực. Thời gian ở với sư phụ, ngoài luyện võ thì chỉ trồng trọt mà thôi. Cuối cùng chàng vào một ngôi chùa và ở lại đấy, hằng ngày cùng sư trụ trì chăm tỉa vườn tược và học đạo. Nói vậy nghe có vẻ vì vô công rồi nghề, sợ đói mà vào chùa. Thật ra, người ta tu là có duyên cả, đừng tưởng có cơm ăn chỗ ở mà sống được chốn thiền đâu. Tu cũng là một cái nghiệp đấy thôi.
    *

    Kể từ ngày rời võ đường đã ba mươi năm, những bài quyền có quên một vài bộ, mấy câu thiệu có bị lẫn lộn trước sau chút ít. Nhưng thầy cố gắng nhớ, cái gì nhớ không nổi thì có thể tự nghĩ ra, làm sao cho bài quyền đi thông suốt là được. Ngày xưa sư phụ chẳng đã dạy, chính do tam sao thất bản mà võ học Thiếu Lâm ngày nay phong phú là gì. Bây giờ thầy dạy điệu Sanh, cũng là một dịp để thầy nhớ lại những bộ pháp. Mỗi người thầy là một học trò cần mẫn ôn bài.

    Nghĩ lại thấy công phu gánh nước luyện võ của sư phụ ngày ấy thật thâm thúy. Như một thứ công án thực hành của nhà Phật. Nhờ gánh nước mà tuổi trẻ nông nổi của thầy được cải thiện, thuần hóa. Thầy tự đặt cho công án này một cái tên là “luyện nước”, và tính chuyện đem ra áp dụng đối với điệu Sanh.

    Ngày hôm sau, trước buổi tập võ, sư thầy chỉ tay ra hồ nước, hỏi điệu Sanh còn nhớ chuyện hôm qua không. Điệu ngơ ngác:
    - Chuyện gì hả thầy?
    - Thì chuyện con ném hòn sỏi xuống hồ, con đã làm bẩn hồ nước, một hòn sỏi nhỏ chừng đó đủ để làm cho mặt nước bớt tĩnh tại. Bây giờ thế này. Mỗi ngày trước lúc tập võ con hãy đi quanh hồ, nhặt những chiếc lá úa rụng xuống đó.

    Điệu Sanh nghe lời thầy. Bữa đầu nhặt hơi lâu vì lá rụng nhiều ngày dồn lại, những lần sau thì điệu chỉ đi một vòng, loáng cái là xong nhiệm vụ. Thầy nói nếu người ta năng làm sạch một nơi nào đó thì mỗi lần làm sẽ nhanh hơn. Cái tâm con người ta nếu ngày nào cũng đem ra mài giũa thì dễ tiến bộ hơn.

    Có buổi tập xong, buồn tiểu quá, Sanh kéo quần vãi luôn xuống hồ nước. Quen. Lần sau điệu Sanh lại cứ xả tự nhiên. Xem ra tiểu ở chỗ này cũng vui vui. Những vòng tròn đồng tâm cứ loang ra trên mặt thoáng, vài chú cá tưởng sắp được ném mồi cứ vây tới đớp đớp.

    Rồi sư thầy cũng bắt gặp điệu Sanh đi bậy. Thầy lại giao cho Sanh thêm một nhiệm vụ. Cứ sau buổi tập điệu phải múc năm gáo nước ở chỗ đó, đem tưới vào hàng hoa lan đất trước cổng. Làm ô uế nước hồ thì múc nó đi. Lần phạt này xem ra điệu Sanh không hào hứng như bữa bị bắt nhặt lá sân chùa, hay vớt lá mặt hồ. Điệu nghĩ, múc hết cái hồ này chắc phải đến sang năm. Bây chừ lại là mùa đông, vườn chùa ngày nào cũng trút lá, gió quét lá xuống hồ. Dăm ba bữa lại có trận mưa, nước hồ đầy lên. Xem chừng nhiệm vụ vớt lá và múc nước của điệu Sanh còn dài.

    Cho đến một bữa, bất ngờ sư thầy thôi phạt điệu Sanh. Đấy là ngày điệu đi trọn vẹn bài Thiền Sư Vạn Tự quyền đúng đồ hình chữ Vạn của nhà Phật, thuận theo một chiều như nước trôi, mỗi thao tác đã tuân thủ những quy luật nghiêm ngặt của tâm.

    (Trích từ Cõng nhau trong một cõi người - Hoàng Công Danh )





  3. #3
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Trắng trước đỏ sau

    Hình dung màu sắc của cô mấy ngày ấy chỉ có trắng và đỏ. Trắng. Đỏ. Theo đúng thứ tự, trắng và đỏ. Trắng trước. Đỏ sau.

    Cô đi lễ. Vào đền thờ, ngồi chắp tay cầu nguyện trước Thần Bảo Vệ Vishnu. Pho tượng Vishnu trong hiện thân Krishna, trang phục sặc sỡ, nhưng nhiều nhất vẫn là màu đỏ. Đĩa lễ vật dâng cúng có mấy loại hoa quả, một tràng hoa nhài, một tràng cúc vạn thọ. Hoa thiêng. Hoa nhài trắng. Hoa cúc vạn thọ vàng. Cúc vạn thọ vàng thẫm ngả sang màu đỏ, thì cứ coi là màu đỏ. Cô muốn quy nó về màu đỏ. Hoa trắng và hoa đỏ.

    Rồi cô hướng sang tượng Sarasvati, nữ thần Trí Tuệ. Trang phục trắng, ngồi trên một bông sen trắng. Cô cầu nguyện.

    Trắng. Xứ này coi màu trắng là tổng hòa của bảy màu khác nhau. Màu trắng vì vậy tiếp nhận tính thiêng liêng của cả bảy màu. Các vị thần nổi bật đều có màu trắng trên trang phục. Người đàn bà theo đạo Hindu thì mặc đồ trắng trong đám tang chồng.

    Cô mang đĩa lộc cúng tế, đi bộ về nhà. Ở ngã tư, đèn vàng bật sáng mấy giây rồi chuyển đèn đỏ. Xe dừng hết cả lại, nhường đường cho xe cộ theo hướng đi ngang trước mặt. Cô cũng đứng lại, nghĩ, vàng trước đỏ sau. Đèn giao thông không ai sử dụng màu trắng. Bây giờ thì cô thầm quy ước vàng là trắng. Trắng trước, đỏ sau.

    Cô treo tràng hoa nhài và cúc vạn thọ lên hai cái đinh phía sau cánh cửa, rồi mang đĩa hoa quả sang cho con bé ở phòng bên cạnh. Đến thuê nhà mấy tháng trời, mỗi lần đi lễ về, cô đều mang lộc cho con gái bà chủ nhà. Con bé đang ngồi giữa cả đống bi đổ tung tóe ra nền nhà. Hàng trăm viên bi thủy tinh đủ màu sắc. Một nữ thần tí hon nổi bồng bềnh trên mặt biển, giữa những trái bóng muôn màu.

    Con bé rủ cô ngồi xệp xuống nền nhà cùng chơi.
    - Cho chị chọn trước. Chị lấy màu nào?
    Cô im lặng nhặt những hòn bi, để riêng ra một bên.
    - Em cũng thích màu đỏ và màu trắng. Nhưng em còn thích màu xanh dương nữa.
    Con bé reo lên. Nó lau chau nhặt thêm những viên màu xanh nước biển bỏ vào bên cạnh.
    - Không, chị chỉ chọn hai màu thôi, trắng và đỏ.
    Cô dứt khoát gạt những hòn bi của con bé ra.

    Hai người chơi trò nhặt thóc, như trong một cổ tích. Đàn chim xuống giúp người nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo. Đây thì nhặt riêng ra những viên bi màu đỏ và màu trắng. Những màu khác thì dồn hết lại, bỏ vào một cái hộp đồ chơi to tướng.

    Trên tivi đang phát bản tin của đài truyền hình toàn Ấn Độ về ngày bầu cử đầu tiên. Hôm nay. Còn ngày mai, chủ tịch đảng Quốc Đại Rajiv Gandhi sẽ về Madras diễn thuyết trước quần chúng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử ở đây.

    - Chị nhận trước đi, chị bên đỏ hay bên trắng?
    Con bé nhắc. Cô đang mải nhìn cái màn hình tivi. Hơi giật mình, dân chúng không mấy quan tâm những chuyện như vậy, xem làm gì.
    - Chị nhận bên đỏ.

    Hai người bắt đầu chọn màu cho bên mình. Đỏ ra đỏ. Trắng ra trắng. Con bé vun những viên màu trắng về phía nó, chăm chú nhìn đống bi theo kiểu một vị tướng nhìn những chiến binh mũ trắng trước khi xung trận.

    - Em đi trước đi.
    Cô bảo.
    - Sao chị lại nhường em? Sao chị không đi trước? Anh trai em thì bao giờ cũng tranh phần đi trước.
    - Vì chị là chị, chị không phải là anh của em.
    - Chị có anh trai không? Anh ấy có tranh phần của chị không?

    Cô hơi thừ người ra. Có không nhỉ? Có chứ, những hai người anh trai. Họ có bao giờ bắt nạt hoặc tranh chấp với cô hay không? Ngay lập tức thì không thể nhớ ra. Mọi thứ đều mờ nhòa, kể cả gương mặt họ.

    Truyền hình đang nói về xung đột ở vùng đông bắc xứ Sri Lanka. Du kích người Tamil bên ấy đòi thành lập một nhà nước riêng rẽ, đòi ly khai và gây xung đột với quân chính phủ. Lực lượng gìn giữ hòa bình Ấn Độ được gửi sang bảo vệ quyền lợi cộng đồng người Tamil, nhưng lại bị chính du kích người Tamil quay lại tấn công. Hận thù lại chĩa mũi nhọn vào Ấn Độ. Những người Tamil chủ trương ly khai bên ấy thề sẽ trả thù “nước mẹ” Ấn Độ.

    Mấy năm qua, trai tráng Tamil bị cuốn vào cuộc chiến, có nhà cả mấy anh em đi chiến đấu, cả mấy anh em đều chết. Tang tóc khắp nơi...
    - Chị đừng xem tivi nữa.
    Con bé xoay người, bấm nút điều khiển từ xa, tắt cái tivi.
    - Chị gái em cũng hay tranh phần của em. Ngày mai trường cho nghỉ, đi chào mừng ông Rajiv Gandhi đến diễn thuyết, chị ấy cũng tranh phần đi, bắt em ở nhà.
    - Em đừng có đến đấy.

    Cô nhăn mặt ghê sợ. Trẻ con, chúng nó biết gì. Chỉ là đi xem mặt ông cựu thủ tướng trẻ và đẹp trai. Nếu không thì cũng là một ngày được nghỉ học, được đi chơi, được phát nước ngọt và bánh mì.

    - Nhớ nhé, trẻ con đừng có đi mít tinh.
    Cô nhắc lại.

    Cô vẫn nhớ một giai thoại về chính ông thủ tướng này. Khi Rajiv Gandhi lên chín tuổi, bị ngã gãy tay, người mẹ là Indira Gandhi đã bảo con: đời con, rồi sẽ còn nhiều lần vấp ngã, nhiều lần đau đớn hơn là gãy tay nữa. Người dạy con câu ấy sau này hai lần làm thủ tướng, rồi bị ám sát. Người con ngày ấy bây giờ rất có thể sắp làm thủ tướng lần thứ hai.

    Cô bảo con bé:
    - Bây giờ thì em đi trước đi.
    - Không, em nhường chị đi trước - Con bé vẫn tỏ vẻ rộng rãi.
    - Không được. Màu trắng phải đi trước.
    Con bé không nhận. Nó vẫn muốn nhường.
    Cô phải nói dối:
    - Các thần đã quy ước như vậy. Trắng trước, đỏ sau.
    Rồi phải nói thêm:
    - Nếu em muốn đi sau thì phải đổi bên. Em phải chuyển sang màu đỏ.

    Con bé chấp nhận đổi bên. Hôm nay nó trở nên hào phóng đột xuất, và muốn bày tỏ thiện cảm đặc biệt với cô. Nó chỉ thích nhường cô. Nó nhấc tấm sari đứng dậy, đúng kiểu nữ hoàng maharani của một vị tiểu vương thời trước. Nó khoan thai bước, ba bước chân là cả một một chặng tam cấp của nữ hoàng bước lên ngai. Nó đi sang phía cô, trong khi cô phải nhổm dậy, chuyển sang ngồi bên phía nó.

    Bây giờ thì cô trắng, nó đỏ. Trắng được đi trước, theo đúng quy ước của cô.

    Một cuộc bắn phá từ trắng sang đỏ. Một cuộc phản công từ đỏ ngược trở về trắng. Trắng bắn đỏ. Đỏ bắn trắng. Chiến trường toàn màu trắng tang tóc.

    Chiến trường toàn màu đỏ của máu. Đấy là cô nghĩ. Con bé kia chỉ thấy trắng đỏ hòa hợp, những màu đẹp và thiêng. Thiêng vì trên y phục các thần bao giờ cũng có hai màu này, rồi mới đến các màu khác phối hợp.

    Rốt cuộc thì màu trắng đã thắng. Cô bị hao hụt khá nhiều đám quân lính mũ đỏ của mình. Trong khi kiểm quân, số lượng mũ trắng của con bé áp đảo.

    Nó hể hả vui mừng. Nó đã hào phóng xử sự cho ra mặt một nữ hoàng, nhưng đối phương vẫn thua cuộc.
    - Ngày mai có thể chị sẽ gỡ lại được. Mai chị lại sang chơi nữa nhé.
    Con bé tỏ vẻ cảm thông.
    - Mai chị không thể sang được.

    Cô lắc đầu, rồi lại lấy làm tiếc là mình đã nói ra như vậy.

    Ngày hôm sau, chính là ngày 21-5-1991. Chủ tịch đảng Quốc Đại Rajiv Gandhi đến bang Tamil Nadu vào ngày bầu cử thứ hai trên toàn quốc. Ông có cuộc gặp gỡ quần chúng ở huyện Sriperumbudur, cách thủ phủ Madras khoảng 40 cây số. Vị cựu thủ tướng 47 tuổi tin tưởng rằng lần này mình sẽ trở lại ghế thủ tướng, một lần nữa. Khi ông đến gần lễ đài thì một đám đông quần chúng hân hoan vây lấy ông, bày tỏ tình cảm. Một cô gái còn cúi xuống chạm tay vào bàn chân của ông, tỏ lòng kính trọng theo kiểu Hindu. Một tiếng nổ dữ dội. Rajiv Gandhi gục xuống không toàn thây.


    Con bé ngồi trước màn hình, nước mắt lã chã chảy xuống gò má từ bao giờ. Nó khóc vì sự ghê rợn. Nó khóc vì thương ông cựu thủ tướng mà nó thấy là rất đẹp trai. Nó chạy sang gõ cửa phòng cô gái thuê nhà, có thể cô chưa biết tin.

    Người ta sớm xác định được danh tính của kẻ đánh bom liều chết. Đó là một cô gái người Tamil ở Sri Lanka, vượt biển xâm nhập vào Ấn Độ để đánh bom trả thù. Cô ta có hai người anh trai bị chết trong lúc giao tranh với lực lượng gìn giữ hòa bình Ấn Độ. Thuốc nổ được quấn quanh người, bên ngoài phủ tấm sari màu đỏ rực che khuất tất cả. Kẻ đánh bom liều chết hai tay nâng một tràng hoa đến dâng cho Rajiv Gandhi, choàng lên cổ ông. Khi ấy, một tay cô ta lần bên sườn, bấm nút khởi động pin, nút màu trắng. Cô ta cúi xuống kính cẩn chạm tay vào bàn chân ông, đồng thời bấm nút thứ hai, màu đỏ. Nút trắng trước. Nút đỏ sau.

    Con bé đẩy cửa bước vào phòng của cô gái. Không có cô trong phòng. Phía trong cánh cửa, nó thấy hai tràng hoa hôm qua cô đi lễ mang về. Móc trên hai chiếc đinh. Từ trái sang phải, tràng hoa nhài rồi đến tràng hoa cúc vạn thọ. Hoa nhài trắng. Hoa cúc vạn thọ thẫm đỏ. Trắng trước. Đỏ sau.
    Đỏ. Màu đỏ là màu thiêng nhất, hay được dùng nhất trong những dịp cầu phúc lành như hội hè, cưới xin, ngày sinh... Trong lễ cúng, người ta tung bột màu đỏ lên những pho tượng thần. Phụ nữ thường quệt lên đường ngôi mái tóc một vệt son đỏ, dấu hiệu đã có chồng. Có hai lần người đàn bà vận y phục đỏ: một lần trong đám cưới, và lần cuối, khi đã chết và được đưa ra bãi hỏa táng.

    Con bé nhớ hôm qua, lúc cô ra về, nó hẹn:
    - Ngày mai chị lại sang chơi nữa nhé.

    Cô lắc đầu:
    - Mai chị không thể sang được.

    Ngừng rất ngắn, nó lại cố hẹn:
    - Rồi chị em mình sẽ gặp nhau nữa chứ?

    Cô bảo:
    - Chắc chắn. Rồi tất cả chúng ta sẽ gặp lại nhau.

    Hồ Anh Thái

    http://vnthuquan.net/(X(1)S(qs1rikug...83a3q3m3237nvn

  4. #4
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Rót rượu

    Tôi đã xong hội nghị nhà văn quốc tế ở Busan. Các đại biểu khác đã lục tục rời khách sạn về nước. Lẽ ra tôi cũng đã về nước. Nhưng người dịch sách của tôi sang tiếng Hàn đã xuống Busan đón tôi về thủ đô chơi thêm mấy ngày. Anh là giảng viên đại học ở Seoul, kiêm nhà phê bình văn học, kiêm dịch giả, anh đọc sách bằng tiếng Anh, thấy hay hay thì dịch ra in ấn, rồi đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên của mình.



    Buổi chiều xám lạnh, chúng tôi đi trên đường phố dọc theo bờ biển, nhìn ra bãi tắm thấy vẫn có người đang giỡn sóng. Phục. Lạnh giá 5 độ C, mình còn mặc áo ấm khăn quàng mũ mão, thế mà kia người ta nhảy ra giỡn sóng. Dân Busan có cái mạnh mẽ khoáng đạt phương nam, anh bảo. Busan hay là Pusan, tôi hỏi, thấy phiên âm mỗi tài liệu một khác. Busan hay Pusan đều là nó, anh bảo. Do cách phát âm tùy từng vùng. Hiểu. Cũng là cách nói lẫn lộn cặp phụ âm bê và pê, như kiểu pê phở bê bò ở miền Nam của ta vậy.
    Anh rủ thêm hai người bạn đi nhậu. Hai người bạn thời phổ thông ở thủ đô, sau này họ xuống Busan làm ăn, ít có dịp gặp nhau. Một người mở cửa hàng internet cafe, thấy đùa là toàn ngồi trông bọn thanh niên sát phạt trò chơi điện tử. Một người buôn bán hải sản. Mày bây giờ là giáo sư, mày cho tao gửi đứa con năm tới vào đại học ở thủ đô. Họ gửi gắm qua lại và đùa nhau những chuyện của đám bạn bè lâu lâu không họp lớp. Họ thay nhau rót rượu cho tôi. Chỉ nhớ họ rót rượu cho người khác rất ân cần. Chỉ nhớ một buổi tối trong quán nhậu khá đông vui và không ồn ào. Chỉ nhớ cái tua con bạch tuộc ăn sống vẫn còn ngoe nguẩy trong chén nước chấm mù tạt. Món gỏi ăn sống ở đây phải là loại hải sản đánh bắt xa bờ, đảm bảo nơi nước biển chưa bị ô nhiễm vì chất thải công nghiệp gần bờ. Anh giải thích thế.
    ***
    Có lẽ tôi không định kể về Busan. Chỉ là muốn nhắc chuyện anh từ thủ đô xuống đón tôi lên Seoul. Đi tàu cao tốc KTX tốc độ tối đa 350 km/giờ thì mất hơn hai tiếng. Giá tiền cái vé là 90.000 won, kém bữa nhậu bốn chúng tôi đêm hôm qua một chút. Tàu lao vun vút từ phía nam lên phía bắc. Hai bên đường tàu là những bức tường cao đến hơn 4 m, chạnh nghĩ ở ta mà tàu cao tốc thế này, tường cao thế này, thì vẫn có kẻ trèo vào để gỡ vài con ốc vài cái bù loong bán lấy vài chục nghìn và chấp nhận rủi ro cho tàu đâm bét xác.
    Có lẽ tôi cũng không định kể về chuyến tàu cao tốc. Chỉ nhớ anh không chịu cho tôi trả tiền bữa rượu và tiền tàu xe. Ở trên đất Hàn Quốc này tôi là khách. Anh bảo. Bao giờ sang Việt Nam thì anh sẽ chấp nhận là khách của tôi.
    ***
    Ở Seoul, một đám bạn bè văn chương lại tụ tập để đón khách. Họ đang cùng nhau làm một tạp chí văn học song ngữ, tiếng Hàn và tiếng Anh. Họ từng đưa in một số tác phẩm của tôi trên tạp chí nhưng bây giờ mới gặp. Lại những bữa rượu. Trong đám nhà thơ nhà văn nhà biên tập có một cô gái. Cô chỉ ngồi yên, chỉ cười, chỉ chăm chăm xem ai hết rượu thì rót tiếp. Đến lượt tôi, cô vừa đưa chai rượu lại gần định rót thì tôi đỡ lấy tỏ ý tự rót được. Ô không, tập quán người Hàn là rót rượu cho nhau chứ không ai tự rót. Anh bạn bảo. Rồi anh giải thích, anh cầm lấy chai rượu và tự rót thì cũng giống như anh tỏ ý tôi không cần đến các người.
    A, đi một ngày đàng học một sàng khôn, có những cái nếu không trực tiếp học thì không thể biết.
    Người đang rót rượu cho anh cũng là một hiện tượng văn chương đấy. Một nhà văn bảo rồi cười. Cô gái chỉ mỉm cười mà không nói gì. Cô ấy từng là người sửa bản in thử cho tạp chí của chúng tôi. Một nhà biên tập nói thêm và không cười. Cô gái vẫn chỉ mỉm cười mà không nói gì.
    Không ngờ sau đó tôi được nghe chuyện của hiện tượng văn học, nghe chính cô kể vào ngày hôm sau, lúc cô được mọi người phân công đưa tôi ra chợ Daenammun để mua đồ lưu niệm, mua sâm và linh chi Hàn Quốc mang về cho bạn bè ở Việt Nam.
    ***
    Từ tòa soạn, cô đi bộ đến khách sạn đón tôi, rồi xăm xăm đi bộ tiếp, dẫn tôi đến chợ. Cái chợ thuộc cổng ô phía nam thành phố, cổng ô bằng gỗ hàng trăm năm, vài tháng sau khi tôi đã trở về Hà Nội thì nghe tin nó bị đốt. Một thương gia bị giải tỏa đất đai thế nào đấy, kiện tụng mãi mà không được thế là ông ra đốt cái cổng ô. Nhớ lại mà tiếc.
    Cô bảo em phải dẫn anh đi mua, chứ anh tự mua thì rất có thể mua phải sâm Tàu, xứ sở sâm Cao Ly cũng có sâm Tàu đem sang để lẫn vào anh ạ. Đúng là nhờ có thổ công. Tôi mua những chiếc chuông đồng nho nhỏ, dây chuông thả lõng thõng những con cá đung đưa, reo lên lanh canh khi có gió đẩy. Những con búp bê nhỏ trang phục hanbok truyền thống sặc sỡ. Mấy thứ đồ lưu niệm làm tôi vui và hình như khiến cô dễ dàng vào chuyện.

    Cô trở thành hiện tượng văn học là một sự tình cờ. Tình cờ như mọi bữa rượu của cánh nhà văn nhà biên tập. Tình cờ như sự nổi lên của mọi hiện tượng văn chương khác. Ngày nọ, một tạp chí văn chương đăng chùm truyện ngắn của cô. Giật mình. Sôi động. Xao xác. Cánh văn chương và người đọc giật mình thấy một cái bút danh con gái mới lạ viết về vùng Hadong núi non sông nước. Đồn nhau xôn xao. Nghe đâu còn trẻ lắm. Nghe đâu người miền núi. Nghe đâu chưa học hành gì nhiều.

    Lời đồn đúng cả. Cô vào tòa soạn làm công việc sửa bản in thử cũng là một sự tình cờ. Nhà biên tập là bạn của cha cô khi còn học phổ thông ở miền núi Hadong. Một lần ông từ thủ đô về thăm quê, cha cô gửi gắm, cháu nó vừa hết phổ thông, nó muốn nhìn thấy thủ đô, chú đưa nó về Seoul, có việc gì chú cho nó làm. Thế mà thành sự thật. Cô lên Seoul làm tạp vụ cho tòa soạn, rồi được hướng dẫn kỹ năng sửa bản bông. Mọi sự cứ thế trôi qua nếu không có ngày chùm truyện in ra ký tên cô và cô bỗng chốc trở thành hiện tượng văn học.

    Xôn xao cả lên. Trong một bữa rượu của cánh nhà văn nhà biên tập, bỗng nhiên một anh nhà văn vỗ ngực bảo: Hiện tượng văn học nào, cây bút nữ nào, tao đây này, tao chính là Kim Sun Mi.
    Kim Sun Mi là tên cô đồng thời là bút danh đi kèm chùm truyện kia.
    Đang bữa rượu, không ai để ý, mà bị cuốn triền miên sang những đàm tiếu khác.
    Chỉ có cô biết đó là sự thật.
    ***

    Anh chàng nhà văn ấy mới chính là tác giả. Anh đội tên cô. Anh lấy tên cô làm bút danh. Lâu lâu trước đó, anh đưa cô chùm truyện ngắn của anh, cô đọc và khen hay. Cô thực sự thấy hay, như những truyện trước đó anh đưa cô đọc khi chưa gửi in, anh viết về quê cô, vùng núi Jirisan và sông Seomjingang. Rồi khi chùm truyện in ra mang tên cô, anh bảo cô hãy nhận là mình viết. Thực ra cũng chẳng phải nhận, cô chỉ cần im lặng và mỉm cười như lâu nay. Mỉm cười và im lặng cũng là một cách trả lời đầy hàm nghĩa trước mọi câu hỏi phỏng vấn. Ít khi người ta nghĩ rằng một nhà văn mỉm cười và im lặng chính là vì trong đầu không có gì để nói.

    Thôi thì ồ ạt tràn tới những cuộc phỏng vấn của báo chí. Anh chàng nhà văn kia đạo diễn cho cô, cô xử sự đâu ra đấy. Không bao giờ cô nhận trả lời phỏng vấn trực tiếp mặt đối mặt với phóng viên. Dạ anh chị cứ đưa câu hỏi trên văn bản hoặc gửi qua email. Sau vài ngày, văn bản được trả lời bằng văn bản đánh máy. Sau vài ngày, thư điện tử được trả lời bằng thư điện tử. Những câu trả lời khôn ngoan, hay ho và đầy tính văn chương, có khi nghiêm túc, có khi gia giảm tí chút hài hước, có khi chất phác pha tí ngô nghê núi non. Anh nhà văn viết những bài trả lời phỏng vấn cho cô, nhập hồn vào cô, đóng vai cô. Đóng đạt. Qua vài năm cô cứng cáp trong cách xử sự giữa giới văn chương báo chí, anh biết đã có thể đôi lúc cho cô ra trực tiếp đối diện truyền hình hoặc trực tiếp giao lưu người đọc. Trước mỗi cuộc tiếp xúc, anh đều ngồi với cô cả buổi, lường trước những câu hỏi cơ bản, và cảnh báo cô rằng sẽ có những câu hỏi phát sinh phải tự xử lý.

    Xong, cô ra diễn trực tiếp. Bên cạnh những điều đã viết ra về quê hương mình, chị còn gì để nói thêm? Nói thêm? Núi không cao và sông không sâu. Người miền núi quê tôi có câu tục ngữ: ở nơi ấy đàn ông gian tà đàn bà dâm dục.

    Xong, câu hỏi tiếp: Tác phẩm của chị có bao nhiêu phần trăm sự thật? Một trăm phần trăm. Chị có thể cho biết vì sao có thể tính chính xác trăm phần trăm? Tôi nói: trăm phần trăm. Số học và văn chương có thể hòa hợp chính xác đến thế ư? Vâng, trăm phần trăm.

    Thực sự thì cô cuống quá, trong lòng thôi, còn thì cô lì ra, lì bên ngoài mặt. Cái câu trăm phần trăm nhắc lại lần thứ ba thì giống như một công án thiền. Chỉ ba chữ mà bao nhiêu hàm ý, có khi bao gồm cả vũ trụ. Anh nhà văn ngồi bên dưới cùng với khán giả phải xuýt xoa trong lòng. Cái ngố của con bé lại thành ra cái đa nghĩa của văn chương. Giống như có người hỏi một thiền sư: Tôi có thể hỏi đại đức một câu được không? Ngài hỏi đi. Tôi đã hỏi rồi. Bần tăng đã đáp rồi. Đại đức đáp chi? Ngài hỏi chi?

    Cứ thế những câu trả lời cụt lủn, rất ngắn, vài ba chữ, có khi lạc đề, có khi chỉ là nhắc lại câu hỏi của người ta. Cử tọa toàn là những người nghe một suy diễn mười. Tắc lưỡi thích thú. Chà chà, ngắn gọn mà sâu sắc. Chà chà, vài chữ mà chứa đựng nhiều ẩn ý bên trong. Buông lửng mà đủ diễn tả những điều chưa nói hết. Người ta đã viết được văn thì một chữ của người ta không bao giờ chỉ đơn nghĩa, chỉ một hàm ý, chỉ là một con ruồi vô tình bay qua.
    ***

    Nhưng có người ngờ vực. Mấy ông bà nhà văn nhà phê bình và thêm mấy ông bà người đọc. Cô này ba mươi tuổi nhưng nhân vật chính hầu như toàn người già. Cô này con gái mà nhân vật chính hầu như toàn đàn ông. Hay viết truyện nhậu nhẹt rượu chè. Cô này học ít mà ngôn ngữ và cách cấu trúc cách dẫn truyện theo kiểu châu u. Cách tư duy cũng đúng kiểu châu u. Một người như vậy phải là Tây học hoặc đọc nhiều văn học châu u, thiên kinh vạn quyển.

    Tất nhiên mấy phẩm chất ấy là của anh nhà văn nấp ở đằng sau kia. Thêm một nhà biên tập cứng cựa có thể mông má nhuận sắc cho ngay cả những bản thảo còn ngổn ngang. Anh nhà văn đã vỗ ngực trong bữa rượu, hiện tượng văn chương là tao đây này, lúc ấy không ai để ý, lúc ấy anh đã hé lộ sự đắc thắng đang lừa được người đời. Anh báo hận, anh phục thù. Anh viết văn mãi, viết khá hay, mà hơn ba chục tuổi vẫn chẳng mọc mũi sủi tăm lên được. Thời này ai cũng viết văn, nhà văn vòng ngoài đông hơn nhà văn vòng trong, nhà văn blog trên mạng đông hơn nhà văn sách in. Viết thế chứ viết nữa cũng chẳng nổi lên được. Thế thì phải làm thế nào? Anh băn khoăn, anh trăn trở, anh thao thức đêm đêm vằng vật sớm sớm. Rồi anh tìm ra.

    Nhiều hiện tượng văn học có một mẫu số chung. Một công thức.
    Nhà văn mới xuất hiện, muốn nổi tiếng thành hiện tượng văn chương phải có đủ ba yếu tố.
    Một, phải là người rất trẻ. Trẻ thế mà viết giỏi thế!
    Hai, phải là nữ. Phụ nữ mà viết hay thế!
    Ba, phải là người vùng sâu vùng xa. Điều kiện khó khăn thế mà viết ngon lành thế!

    Ba yếu tố ấy, cô gái tạp vụ trong tòa soạn có đủ. Anh reo lên một mình như chính anh phát hiện ra cô. Anh muốn chứng minh, trước hết với chính mình, rằng đây là xứ sở người ta có thể viết mãi mà chẳng nổi lên được, nhưng chỉ cần một con bé vơ ở đâu đó xuất hiện là báo chí lẫn người đọc tưng bừng lên ngay.

    Được dăm bảy năm. Anh tạo ra một hiện tượng, anh nuôi dưỡng hiện tượng, anh nấp đằng sau làm nghệ sĩ múa rối, con rối không hư hao gì, nghệ sĩ đang làm cho nó múa may mới đổ mồ hôi, nhiều khi mệt mỏi với đám khán giả đang cười rộ ngô nghê trong nhà hát. Anh leo lên lưng hổ, anh đang cưỡi hổ, anh muốn xuống thoát khỏi con hổ. Có lúc chán nản, anh muốn hé lộ cho người đọc biết sự thật. Trong một vài bài báo chí phỏng vấn cô mà anh lặng lẽ viết phần trả lời, anh hé ra đôi ý để đánh động những người tinh ý. Con bé này nào có biết gì, sách là của người khác, còn khi phải nói thì nó nói năng ngô nghê sai lạc so với sách được coi là do nó viết ra. Nhưng phần lớn người đọc không nhận ra dụng ý hé lộ của anh. Những câu trả lời trực tiếp của cô ngắn ngủn bỏ giữa chừng vẫn được khen giống như công án thiền.

    Cho đến một ngày báo chí đưa tin về một vụ án văn chương ở xứ Séc xa xôi. Một anh chàng nhà văn người Séc bịa ra một cái bút danh là Phạm Thị Lan, tên một cô gái Việt Nam, rồi viết truyện về cộng đồng người Việt ở Séc. Người đọc tò mò tìm đọc và tin. Bút danh cũng đúng một công thức: trẻ, nữ, thuộc cộng đồng ít người.
    Vụ việc này là gợi ý cho anh chàng nhà văn xứ Hàn đã đến lúc ra mặt công khai. Đúng thời cơ. Mượn ngay hoàn cảnh của người mà tranh thủ bộc lộ quan điểm về việc đội tên của mình, thế là cũng có tính triết học trong ấy. Tóm lại, nếu muốn ra công khai thì đây là thời điểm lý tưởng.

    Anh đắn đo suy tính rồi quyết định.
    Không.
    Anh nói với cô.
    Không.
    ***

    Đây chính là chuyện anh nhà văn kể cho tôi nghe. Cũng lại trong một bữa rượu. Anh mời tôi đến nhà. Bữa rượu có ba người: anh, cô sửa bông và tôi.

    Anh đi xem bói. Bà thầy kích động như một bà đồng shaman. Bà hú hét tí chút rồi bảo có cái linh đang bám theo anh. Nó đang cưỡi trên lưng hổ cùng với anh, xuống bây giờ thì cả đôi cùng chết. Anh suy ra rằng xuống bây giờ sẽ thành một xì căng đan bê bối lớn. Người đời nông nổi, họ chỉ cho đó là lừa đảo, là mạo danh, là đội tên, là bóc ảnh hộ chiếu dán ảnh người khác vào.

    Không bao giờ họ chịu chấp nhận rằng tên ai cũng được, bút danh nào cũng được, miễn là độc giả có sách hay để đọc. Vẫn cuốn sách mà họ đang tấm tắc khen ấy, họ sẽ thấy nó dở nó tầm thường khi biết rằng người viết là đàn ông. Họ không coi đó đơn giản chỉ là đổi một cái bút danh. Đó là nỗi nhục của họ, bị coi thường bị lừa bị xúc phạm.

    Thôi. Đã gáy lên một tiếng thì cứ thế mà gáy tiếp. Công lao của cô lâu nay vẫn được thỏa thuận bốn mươi phần trăm. Nhuận bút sách, nhuận bút bài báo, tiền công phỏng vấn giao lưu, tất tật bốn mươi phần trăm. Không phải trăm phần trăm như cái câu công án thiền của cô. Chia chác sòng phẳng và cái hiện tượng văn chương anh tạo ra cũng đem lại lợi nhuận lớn cho anh. Lợi nhuận không dễ bỏ. Lớn hơn nữa là cái thú thấy một mình ta có thể dắt mũi cả thiên hạ, có thể bắt họ tin vào một điều không có thực.

    Thôi.
    ***

    Được vài tháng tự bảo quên đi thôi đi. Một hôm trong bữa rượu với đồng nghiệp, lại có cô ngồi bên rót rượu. Một mình cô con gái ngồi giữa đám đàn ông. Chi chút rót chu đáo rót. Đúng kiểu Hàn. Tay phải cầm chai rượu, bàn tay trái đưa ngang, nắm lấy cổ tay phải, rồi cứ thế mà rót cho người ta.

    Anh nhìn hai bàn tay cô. Bàn tay trái đưa sang đỡ lấy cổ tay phải. Bàn tay phải nghiêng chai rót rượu vào cốc. Bỗng nhiên, anh giật lấy chai rượu từ tay cô. Tự rót.

    Người Hàn không làm thế bao giờ.

    Ngày hôm sau, anh quyết định sẽ ra công khai trên báo chí.

    ***

    Ngày hôm sau, cô chìa cho anh một tập bản thảo. Truyện cô mới viết. Bấy lâu nay cô chỉ đánh máy chép lại những truyện anh viết. Chép mãi, nhập tâm mãi, dựa vào đấy để trả lời phỏng vấn và đối đáp với độc giả mãi, nhưng tác phẩm không phải là của cô.

    Giờ thì cô mới viết thật. Anh nhà văn ngớ người. Anh ngạc nhiên sững sờ. Đọc xong thì anh bỏ kính ra, run run lau hai mắt kính mờ nhòa, lắp bắp mấy câu lặp đi lặp lại. Thế này mới là văn. Thế này mới là văn.

    Truyện in ra, người ta tấm tắc trước một Kim Sun Mi đã biết tự làm mới mình. Lâu nay vẫn có người khen, vẫn có thêm người hâm mộ, nhưng người tinh tường và bản thân anh nhà văn cũng biết mình đã hụt hơi đã nhàm đã lặp. Anh phải đi tiếp vì lợi nhuận, vì không thể dừng lại, chứ sâu xa trong lòng anh đã rời rã chán chường. Nhưng cái truyện ngắn cô thực sự viết đã hồi sinh cho cái bút danh. Anh sắp gục xuống thì có cô đến chạy tiếp sức. Phong cách văn chương của anh đã ngấm vào cô nhưng được bổ sung bằng cái bản năng thô ráp chỉ cô mới có. Anh biết cái bản năng ấy rồi cũng chẳng đi xa lắm đâu, nhưng ít ra nó sẽ kéo dài cái chặng đường họ đang phải chạy tiếp sức phía trước.

    Bây giờ anh có công khai tuyên bố sự thực là anh viết thì người đời cũng chẳng tin. Họ sẽ coi đó chỉ là một cách anh gây náo loạn, anh dây máu ăn phần, anh nhận xằng nhận vơ, anh muốn bôi xóa danh tiếng của cô nhà văn Kim Sun Mi.

    Nghe lời bà thầy shaman, anh ngậm tăm luôn.
    Ngay cả việc cô và anh kể cho một đồng nghiệp nước ngoài như tôi biết. Biết thì biết. Nhưng biết mà tung hê lên báo chí thì người ta chỉ nghĩ là tôi muốn gây chú ý bằng cách bịa ra xì căng đan.

    Rồi một kết cục mà không phải ai cũng hiểu được, cô sửa bản in thử, bây giờ là cô nhà văn nổi như cồn, lại thành bạn thân của gia đình anh. Có một cái gì gần như truyện giả tình thật. Người này nhập tâm nhập hồn vào người kia, mượn tên mượn tuổi lẫn nhau, chạy tiếp sức cho nhau, biết là cũng chẳng chạy được xa nữa, nhưng đã trót dính vào nhau. Thôi thì cứ chạy.

    Cô năng đến nhà anh, cùng vợ anh làm kimchi kimbap, ngày cuối tuần nấu nướng ăn uống tưng bừng với nhau, đi dã ngoại cả nhà với nhau. Tuần nào cô không đến, vợ và con gái anh lại nhắc. Có lần cô ngã bị gãy chân phải băng bó thì vợ anh đến đẩy xe lăn cho cô ra bến xe buýt rồi đến nhà ăn uống chuyện trò, tối lại đẩy xe ra bến xe buýt đưa cô về tận nhà. Cứ như thể đồng nghiệp của anh đã chuyển sang thành bạn của vợ anh. Chỉ có chuyện văn chương chữ nghĩa thì anh và cô bàn bạc sau lưng vợ anh.

    Anh viết truyện mới, anh đưa cho cô đọc trước. Cô viết truyện mới, cô đưa anh đọc trước. Nhất trí xong rồi mới gửi in. Luân phiên với nhau dưới một cái bút danh. Truyện nào cô viết thì công thức ăn chia đổi ngược lại, cô sáu mươi phần trăm, anh bốn mươi.
    Nhiều cặp vợ chồng, chồng lấy tên vợ làm bút danh, nhiều cặp bồ bịch, chàng lấy tên nàng làm bút danh, thơ phú in ra phơi phới, cho đến khi bỏ nhau thì không thấy các cô nàng thơ phú gì nữa. Tịt luôn. Nhưng hai người này thì không thế. Giả sử sau này họ không chơi với nhau nữa thì cô vẫn viết. Có khi cô vẫn chơi với vợ anh. Vợ anh vẫn hâm mộ những tác phẩm mang tên cô. Người vợ có lẽ cũng cảm thấy một cái gì giữa cô và chồng mình, nhưng là cái gì thì chị không phân tích cụ thể ra được.

    Còn cô, ngày trước cô là một con bé sửa bông thì bây giờ cô là nhà văn, là biên tập viên chính thức trong tòa soạn. Cô vẫn im lặng và mỉm cười, không có gì khác. Công chúng đã nghiện cái im lặng mỉm cười nói ít hiểu nhiều của cô. Vẫn có người tin im lặng và mỉm cười cũng nhiều hàm nghĩa như một công án thiền.

    ***

    Tôi không định kể lại cái truyện ngắn đầu tay của cô tiếp sức cho anh nhà văn. Kể lại một tác phẩm là cách hữu hiệu nhất để giết chết tác phẩm ấy. Tác phẩm văn chương đích thực chỉ có thể phải đọc trực tiếp bằng mắt mình, đọc lấy văn.

    Nhưng truyện ngắn ấy liên quan đến việc anh giật lấy chai rượu từ tay cô, tự rót. Từ nay tôi chẳng cần đến cô nữa. Cô viết trong cơn uất giận. Cô nhớ chuyện ở quê cô có hai dòng họ thù nhau truyền đời bắt đầu từ việc rót rượu. Trong một cái hội làng, say sưa lời qua tiếng lại khích bác thế nào đấy, một ông đã giật lấy chai rượu từ tay ông kia, tự rót. Tao không cần đến mày. Rút dao đâm nhau ngay giữa hội làng. Một nhân mạng. Con cháu người chết mang chén rượu về nhà, đợi cho đến khi chén rượu tự khô đi, không còn một giọt, thì mang dao mang súng đi rình giết kẻ đã đâm chết ông cha mình. Sát nhân giả tử. Mạng đổi mạng thế tưởng là hòa. Nhưng con cháu nhà bên kia lại đặt lên bàn thờ cha một chén rượu, lại đợi cho nó khô đi, không còn một giọt, rồi mang dao mang súng đi rình giết người con trai cả của nhà bên này.

    Cứ thế, rất nhiều chén rượu đã khô đi giữa hai dòng họ.

    Cái truyện ngắn ấy, cô đặt tên là Chén rượu khô.


    Hồ Anh Thái
    (Trích từ "Người bên này , Trời bên ấy")

  5. #5
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    CÚI XUỐNG VÙNG NON XANH MÁT .


    Nhưng tuổi hai mươi gặp gì cũng hăng hái đeo mang, thấy gì cũng hớn hở vơ lấy vào mình, lỉnh kỉnh những phấn son, tô vẽ và xiêm áo, tuổi hai mươi ấy giờ nằm lại ở đâu?





    Cạnh quán cà phê Văn Nghệ có ông trải chiếu ở vỉa hè bán đồ cổ, hay mở cái băng nhạc Trịnh Công Sơn Hát cho quê hương Việt Nam 1 thu âm năm 1969. Nghe lần đầu, thề có mấy lá bàng rơi bữa đó, tôi muốn chạy qua ôm ông đồ cổ một cái, vì ông đem những bài hát này ra con đường vốn chỉ rùng rùng nhạc vũ trường, nhạc trẻ kiểu "yêu thì nói hông yêu cũng nói"... Giữa bụi đời mù mịt, giữa xe cộ ngược xuôi, cô Ly của bốn mươi năm trước cất tiếng hát trong veo, "Cúi xuống. Cho bóng đổ dài. Cho xót xa mặt trời. Cho da thơm trên người nay cũng phôi pha...", nghe mát rượi lòng, nghe khoẻ dễ sợ.


    Nhạc "nghe khoẻ", là chữ của thằng nhỏ ở tiệm bán băng đĩa quen. Một lần tôi ghé qua, nó khoe "em có nhạc này nghe khoẻ lắm, bảo đảm chị thích", rồi nó đem ra mấy cái đĩa nhạc thu âm hồi năm một ngàn chín trăm mấy mươi gì đó. Gương mặt của Thái Thanh, Hà Thanh... trên bìa đĩa coi trẻ măng, trong sáng, hơi quê quê, dễ thương kinh khủng. Nghe chúng lần đầu, tôi đã nghĩ, tình cờ thằng nhỏ tặng mình quà quý.


    Nhưng thằng nhỏ không tình cờ chút nào khi miêu tả cảm giác về một bài hát bằng chữ "khoẻ", mà không phải là "hay", là "xúc động", là "sởn tóc gáy". Khoẻ, vì dễ chịu, khoan khoái, thoải mái. Vút khỏi tiếng đệm guitar bập bùng, là chơi vơi tiếng hát non trong, mộc mạc, chân phương, đôi lúc vụng về, run rẩy. Ca sĩ không dùng bất cứ phương tiện nào kỹ thuật nào để nương dựa, lấp liếm hay che đậy, cứ hồn nhiên như vậy cất cao tiếng hát từ đáy lòng, thanh thoát.



    Những ca sĩ ấy sau này khi đạt đến đỉnh cao của tài năng, họ rực rỡ, họ nổi tiếng, họ thu nhiều bản nhạc gần như hoàn hảo, nhưng sự giản dị năm xưa mãi mãi ở lại với... năm xưa. Tôi ngã lòng vì sự giản dị đó. Kiểu giản dị mà mười năm trước chưa chắc tôi đã thích, bỗng dưng bước chân qua tuổi ba mươi, bỗng dưng thấy... khoẻ khi đứng trước những tấm ảnh trắng đen, những bức tranh lụa, những trang viết của Thạch Lam, những minh hoạ nguệch ngoạc mấy nét chì, những bản nhạc thu âm năm xửa năm xưa, hay những bản demo trên mạng...

    Ông già bạn tôi có lần nói, viết sao cho càng giản dị thì văn chương càng đẹp. Tôi cười nói, "câu này của chú mười một chữ, mà hai mươi hai năm nữa chưa chắc cháu làm được".


    Ông cười cười, "sai bét, cháu đã làm được rồi, mấy cái truyện đầu tay đó". Nhưng những trang viết giản dị, ngây ngô có phần khờ khạo đó tôi càng sống càng trải đời càng rời xa chúng. Giờ mà viết được vậy, coi bộ khó hơn lên trời.


    Ngó qua ngó lại, tôi thấy cải lương cũng vậy. Hồi trước, tôi mê cải lương, mê ngẩn ngơ những bản vọng cổ xa xưa thu trên đĩa nhựa. Nghệ sĩ giọng nào ra giọng nấy, chữ nào tròn chữ nấy, ngón đờn dù tài hoa lả lướt đến đâu vẫn giữ sự trong trẻo, hồn hậu, vẫn tôn giọng ca lên hàng đầu. Thứ vọng cổ này nếu ngồi kế cassette thưởng thức chưa đã, phải dỏng tai nghe ké bên hàng xóm, hay ngồi ngoài vườn nghe trong nhà vẳng ra, chỉ tiếng ca và tiếng ca, gió đàn qua đánh lại, mùi ác liệt. Cải lương giờ đã qua thời hoàng kim, người ta biện ra nhiều lý do, nhưng nó làm rơi mất một đứa hâm mộ như tôi chỉ vì một bữa kia Vũ Linh nắm tay Tài Linh chạy lên đồi cỏ non. Xét theo tính hợp lý, tôi chấp nhận được chuyện ca vọng cổ lúc yêu nhau, đánh nhau, bắn giết nhau, miễn là xảy ra trên sân khấu, trên sàn diễn, nhưng giữa đường tự nhiên có hai người vừa ôm khít rịt mắt nhìn đắm đuối vừa ca khơi khơi chắc tôi phải nghĩ tới bệnh tâm thần. Tô Ánh Nguyệt năm xưa đau nỗi đau xa con chỉ cần nghẹn ngào bước từng bước run lẩy bẩy, nắm tiền trong tay bay bời bời; Tô Ánh Nguyệt bây giờ vừa gào thét vừa bứt xé hàng khuy áo khoe da thịt, mệt gì đâu.


    Chia sẻ ý nghĩa này với ba đứa bạn, một đứa cười "vậy mới là tìm tòi, sáng tạo", đứa kia hỏi vặn "bộ khùng sao mà đi coi cải lương", đứa còn lại nói "thấy ghê thiệt nhưng thời này nó... phức tạp vậy". Ừa, đúng là thời này phức tạp thiệt, bữa trước muốn mua cái áo "nhìn thấy khoẻ", màu sắc nhã nhặn, hoa văn đơn giản, kín đáo mà phải lục tung cả cửa hàng trong con mắt căm hờn của chị chủ. Sách, băng đĩa thì nhất thiết phải siêng năng lục lọi, lâu lâu mới rinh được một cuốn văn đẹp kiểu Thạch Lam, lâu lâu mới chộp được một vài đĩa "nhạc nghe khoẻ", sao chép lại từ những nguyên bản của mấy chục năm trước nên chất lượng cũng được chăng hay chớ.


    Có lần hỏi thằng nhỏ mấy cái đĩa nhạc cổ lỗ sĩ này bán chạy không, nó nói "người ta mua nhiều lắm, nhưng chị là trẻ nhất". Lại hỏi tiếp, "bộ thấy tôi mệt mỏi già nua lắm sao mà nghĩ nhạc này hợp với tôi". Thằng nhỏ cười, "tại em thấy chị không đeo vòng vàng gì hết". Câu trả lời này làm tôi nhớ mấy giai thoại thiền, kiểu như hai ông đi bên bờ sông, một ông hỏi đại niết bàn là gì, sư trả lời, "mau". Hỏi "mau gì", ông sư trả lời, "xem nước". Hiểu chết liền.


    Bữa qua ngồi quán chiều vắng ngắt, ông đồ cổ lại mở cái đĩa hát cổ, cô Ly đổ giọng ca mát rượi ra hè phố, "Cúi xuống. Vùng non xanh mát. Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan..." bỗng thấy tâm hồn mỏi mệt của mình đang được sự giản dị nào đó cứu chuộc. Cảm giác gan bàn chân tôi vừa chạm vào mặt đất, hình như tôi vừa tháo giày ra bỏ bên đường.


    Nhưng tuổi hai mươi gặp gì cũng hăng hái đeo mang, thấy gì cũng hớn hở vơ lấy vào mình, lỉnh kỉnh những phấn son, tô vẽ và xiêm áo, tuổi hai mươi ấy giờ nằm lại ở đâu?



    Nguyễn Ngọc Tư


  6. #6
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi viết Cánh Đồng Bất Tận đã bị đánh ...lên bờ xuống ruộng...nên bà ấy đã viết " hiền hiền " một chút rồi...

  7. #7
    Con sói quàng khăn đỏ gun_ho's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Haida Gwaii
    Posts
    1,729
    Quote Originally Posted by hoài vọng View Post
    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi viết Cánh Đồng Bất Tận đã bị đánh ...lên bờ xuống ruộng...nên bà ấy đã viết " hiền hiền " một chút rồi...
    Cô Tư mà sợ ai, có đánh cổ thế nào cổ cũng cứ viết thôi. Thay đổi cách viết có lẽ cổ nhận ra những chiêu nọ không nhất thiết phải có để tạo nên một án văn hay.
    Giang Châu Tư Mã _ Bạn mượn khố của ĐVT.

  8. #8
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Anh Súng , tôi thấy cô Tư cũng e dè đấy dù được khen ngợi , nếu không , cô ấy không còn được xuất bản mấy cuốn truyện sau này , chứ không như tác giả Bên Thắng Cuộc nói là phải đem ra in ở nước ngoài ( nếu bố nó cấm đố nó dám in ), tôi không tin luận điệu mấy thằng việt cộng .

  9. #9
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    St cám ơn các anh chị đã ghé vào đọc truyện với St nha

    @Chị Lan Huệ , thỉnh thoảng chị đem những clip nhạc chị đã làm trước kia lên cho cả nhà thưởng thức lại chị nhé


    Quote Originally Posted by hoài vọng View Post
    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi viết Cánh Đồng Bất Tận đã bị đánh ...lên bờ xuống ruộng...nên bà ấy đã viết " hiền hiền " một chút rồi...
    Dạ, anh Hoài vọng , St lại nghĩ cô Tư sẽ viết hiền hay không là do đề tài cô ấy chọn . Tại vì lần này cô Tư viết về vùng non xanh mát , và đang mang giày chứ không phải là mang guốc ...gót nhọn


    Quote Originally Posted by gun_ho
    Cô Tư mà sợ ai, có đánh cổ thế nào cổ cũng cứ viết thôi. Thay đổi cách viết có lẽ cổ nhận ra những chiêu nọ không nhất thiết phải có để tạo nên một án văn hay.
    Dạ, anh Gun_ho (St gọi là anh Súng luôn được không ạ ? ) , St cũng nghĩ cô Tư không sợ đâu , vì nếu đã viết như thế , là đã biết sẽ lên bờ xuống ruộng . Thay đổi cách viết có thể là lựa chọn của cô , để vẫn đưa được những vấn đề khác đến với người đọc , mà không nhất thiết phải ...lên bờ xuống ruộng .


    @ Anh Hoài vọng, anh Gun_ho : Sau đó , cô Tư viết một số tác phẩm khác , bằng những áng văn khác, không còn hiền hiền nữa. St không biết độc giả có thích lối viết ấy không , vì đọc xong thấy rất ...khắc khoải. Trong đó , truyện dài ”Sông” là một ví dụ, cứ khiến St liên tưởng đến truyện của Kawabata . Trong ”Sông” có những câu như thế này “Nước mắt chảy từ con mắt là thứ thường thôi, có thứ nước mắt không chảy ra kiểu vậy.” …

  10. #10
    Biệt Thự Lan Huệ's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    822
    Mến chào Sông Thương,
    trước hết chị cám ơn Sông Thương đã đem về những truyện hay .
    Về các clip nhạc, chị hoàn toàn mù tịt cách làm, có lẽ ST muốn nhắc tới các PPS của chị Huệ Hương phải không? Nếu vậy, chị HH ơi, vẫn có nhiều người thích thưởng thức các PPS của chị đó.

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:13 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh