Register
Page 12 of 19 FirstFirst ... 21011121314 ... LastLast
Results 111 to 120 of 186

Thread: Kiếm Đạo

  1. #111
    Quote Originally Posted by sôngthương View Post
    Nước chảy về đâu

    (Nguyễn Ngọc Tư)

    Và nước thì đâu thèm quan tâm mình chảy về đâu…
    Dù có quan tâm hay không, nước cũng luôn luôn chảy về nơi thấp nhất .


    .

  2. #112
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Quote Originally Posted by thuyền nhân View Post
    Dù có quan tâm hay không, nước cũng luôn luôn chảy về nơi thấp nhất .


    .
    Dạ đúng là vậy đó anh . Nhưng không phải luôn như vậy ...

    ...Dẫu rằng sông cạn đá mòn
    Còn non còn nước hãy còn thề xưa
    Non xanh đã biết hay chưa?
    Nước đi ra bể lại mưa về nguồn…


    (trích: Thề non nước - Tản Đà)

  3. #113
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Những Quả Nho ... Dữ Dội!

    Đất nước tôi, một rẻo đất tẻo teo khốn khó nép mình bên rìa Thái Bình Dương quan năm giông bão, của cả trời đất lẫn nhân sinh, trong suốt gần một thế kỷ, chưa có một ngày đứng gió.

    Mỗi một mười năm, là một cơn dâu bể đầy khinh ngạc của kiếp người, của dân tộc. Không cơn dâu bể nào giống cơn dâu bể nào, ngoài một điểm chung duy nhất: niềm đau.

    Những người sinh ra vào khoảng năm 20 phải chứng kiến đất nước bị xâm lăng và đô hộ. Một đất nước không chùn bước trước vó ngựa Nguyên Mông, bỗng một ngày trở thành thuộc địa, đó, chẳng phải là một biến cố lớn?

    Nhưng chỉ 10 năm sau đó, những người sinh ra thời 30, phải chứng kiến cảnh đau thương hơn nhiều lần: đất nước chia đôi, nồi da nấu thịt. Súng của ngoại bang chĩa vào da thịt người mình. "Xương chất đầy đồng, máu chảy thành sông". "Niềm đau" có là một từ quá nhẹ?

    Mười năm sau, hơn hai triệu con người người sinh vào những năm 40 phải gồng gánh nhau, dắt díu nhau bỏ lại nhà cửa ruộng vường, bỏ lại phần mộ tổ tiên để chạy loạn. Dân tộc tôi chứng kiến một cuộc di cư lớn chưa từng có trong lịch sử. Và nếu không phải do bị cấm cản, cuộc thiên di ấy có lẽ sẽ còn vĩ đại hơn nhiều. Và như thế, dân tộc tôi đã bắt đầu rách bào, chia đôi, bắt đầu viết những trang sử sau đó bằng nước mắt và bằng máu.

    Những người sinh khoảng năm 50, ngắn gọn là: một dân tộc, hai định mệnh! Tôi không còn chữ nghĩa nào hơn để diễn tả nỗi bất hạnh cùng cực ấy.

    Những người sinh khoảng năm 60, chứng kiến sự sụp đổ của một thể chế, sự tái thống nhất một đất nước, và sự chia đôi vĩnh viễn của lòng người. 40 năm qua đi mà vết cứa vẫn rịn máu tươi. Vết thương lòng chưa thấy ngày se mặt.

    Những người sinh khoảng năm 70 có cơ hội chứng kiến cuộc thiên di thứ 2 trong lịch sử. Hàng triệu triệu con người phải mạo hiểm tính mạng bản thân, gia đình, để tháo chạy khỏi quê hương. Đất nước tôi đó, những năm tháng lầm than, kêu trời không thấu, kêu đất chẳng nghe. Dân tộc tôi lạc lõng, bơ vơ như những con thuyền lênh đênh trên biển.

    Và những người sinh vào những năm 80, là tôi đây, 10 năm sau "giải phóng", những-tháng-năm-cấm-vận.

    Có lẽ ký ức tuổi ấu thơ là những ký ức hằn dấu nhất, ám ảnh nhất của một đời người. Tôi nhớ hoài mẹ tôi, bà đáng ra còn trẻ lắm, mà dáng đã còm cõi, bà bòn từng đồng, lo chạy bữa cho con. Có những ngày trời mưa, mẹ tôi ngồi co ro bên vệ đường, gánh hàng quạnh hiu. Bà chẳng lo mình sẽ nhiễm phong hàn, chỉ lo làm sao? cho đủ sống! Có đất nước nào khốn nạn như đất nước tôi? Có bà mẹ nào khốn nạn như mẹ tôi, người mẹ Việt Nam? Tôi lớn lên, mang theo trong tiềm thức vóc dáng mẹ tôi, còm cõi như đòn gánh, co ro như một dấu chấm hỏi. Một dấu chấm hỏi xiêu vẹo trong những ngày mưa.

    Tuổi thơ tôi gắn với những ngày mưa Sài Gòn, xoong chảo nồi niêu, có gì ... hứng nấy bởi cái mái tôn nhà tôi ... "đưa ánh nắng vào nhà" (mẹ tôi bảo thế), đêm nằm có thể nhìn thấy trăng sao. Những khi trời trở bão, gió giật từng cơn, tôi sợ sấm sét chui qua lỗ đinh vào nhà.

    Tôi nhớ đôi dép cọc cạch, bên trái con trai, bên phải con gái, mẹ tôi bảo dép "uyên ương". Chiếc bên trái là của anh Hai để lại, chiếc bên phải mới là của tôi. Và cả hai chiếc đều vá chằng vá đụp, bằng chỉ bố, mẹ để dành từ quân phục của ba. Quần áo mới chỉ được bận 3 ngày tết, và cũng là của anh hai tôi để lại. Mẹ luôn mua rộng ra mấy tuổi, anh Hai bận chật rồi đến phiên tôi. Quần áo của con trai đấy, nhưng chỉ cần mới, chỉ cần không ... vá đít là đủ hấp dẫn rồi!

    Và quả nho, những quả nho ... dữ dội nhất của tuổi thơ tôi. Tết năm đó, chỉ duy nhất tết năm đó, mẹ tôi mua nho Mĩ về biếu nội. Những quả nho mẹ chắt chiu từ gió sương của cả năm trời, gom góp lại để biếu mẹ chồng dịp tết đến. Những quả nho mập ú, căng tròn, hệt như trong phim Mĩ, giống y chang mấy chùm nho ... giả, loại những quán sinh tố trong xóm hay treo làm cảnh. Trời ơi! Dòn! Mọng! Ngọt! Mẹ đã dặn đi dặn lại không được ăn, mẹ còn cất tuốt lên nóc tủ. Vậy mà mấy trái nho như có ma lực, cái đứa tôi như bị thôi miên! Tôi lén trộm một trái. Trời ơi! Ngon! Rồi 1 trái nữa, rồi trái nữa! Từng trái, từng trái một, như một kẻ đã hoàng toàn mộng mị, không còn có thể cưỡng lại được sự quyến rũ phát ra từ mấy trái nho. Mẹ sẽ đánh nát tay tội ăn vụng, tôi nghĩ, tay ... vẫn tiếp tục công cuộc ... mưu cầu hạnh phúc. Cảm giác tôi lúc đó vừa hoảng loạn, vừa lo sợ, vừa ... sung sướng. Vừa sung sướng, vừa hoảng loạn sợ hãi. Tột cùng của sự hoảng loạn sợ hãi là khi chùm nho của mẹ chỉ con trơ lại ... cọng. Khốn nạn thân tôi! Rồi tôi sẽ phải sống tiếp phần ... ngày còn lại ra sao đây? Vậy mà mẹ không đánh tôi. Bà chỉ ôm tôi vào lòng ... và khóc, khóc nấc nghẹn lên, khóc trào ra. Khóc như một đứa trẻ. Mẹ tôi đó. Ôm con vào lòng, gào khóc lên như trút hết hơi sinh vào từng tiếng nấc.

    Năm tháng qua đi, cuộc đời mang lại cho tôi thừa mứa. Giờ tôi muốn ăn gì thì ăn, muốn đi đâu thì đi, muốn mua gì thì mua. Tôi ngán đủ thứ, chả muốn ăn gì, chỉ còn ăn được mỗi nho. Bởi với nho, tôi không ăn bằng trực giác, mà thưởng thức bằng mùi vị của ký ức. Và vì với nho, tôi mua được một vé đi tuổi thơ. Hai mươi mấy năm trôi qua, ký ức vẫn chưa ráo mực. Mỗi lần ăn nho, tôi thấy mình bé lại, và được một bàn tay vô hình kéo tuột về thủa ấy, những-năm-tháng-cấm-vận.

    Tôi chỉ là một cá nhân, một cá thể, trong một tập thể những con người thế thệ 8x. Và chỉ là 1 thế hệ, trong nhiều thế hệ con người. Nhưng nói như một nhà văn Nga: "Cây đời có hàng triệu chiếc lá, và nói về một chiếc lá, là cũng đang nói về hàng triệu chiếc lá khác".

    Cứ mỗi mươi năm, con Tạo quái ác xoay vần, là dân tộc tôi lại được gán cho một định mệnh mới. Tôi đã nghe rất nhiều người bảo tôi "thời em sướng rồi, thời của anh khổ lắm", còn tôi, tôi chỉ thấy thời nào cũng khổ. Và chẳng cái khổ nào giống cái khổ nào. Cái nào cũng "đặc thù" và cái nào cũng "nhất"!

    Người mình khổ quá, đất nước mình đau thương quá. Phải không mẹ? Phải không anh?

    (Nancy Hanh Vy Nguyen)

    https://www.facebook.com/notes/nancy...5325822248343/

    Ps : tác giả chắc đã đọc John Steinbeck

  4. #114
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Những ngày bình thường .

    Mùa mưa ẩm thấp lại đến. Những cơn mưa đêm lướt qua, vừa lạnh lẽo vừa ồ ạt. Bằng cái màu trắng của mình, chúng đã biến đổi cả một khoảng trời trong giấc ngủ tôi

    Tôi hay sang nhà chú Hùng, chui vào cái ụ rơm như một con chim chui vào cái tổ. Tôi cũng hay tưởng tượng mình sẽ mọc cánh, những cái cánh dài vừa vặn với thân thể của tôi. Một buổi chiều đầy gió tôi bay về phía cuối bầu trời. Nơi đó có những đám mây mang gương mặt của bé Thương.

    Vào ngày nắng, tôi xếp đôi cánh vào cái sọt nhỏ để dưới gầm gường của mình. Hàng đêm đôi cánh vẫn cứ mọc dài và ngúc ngoắc.

    Trong những giấc mơ lơ đãng, tôi cũng có một đôi cánh khác. Ðó là những đôi cánh vải mềm và trong suốt đưa tôi đi. Nhưng tôi cũng biết trong những giấc mơ, tôi có bay cao xa cũng không ra khỏi khu vườn. Tôi đã hiểu thế nào là một khu vườn rồi. Tôi cần đi đến một nơi khác khu vườn tôi đã có. Tại sao không chứ? Mẹ tôi nói, khi một đứa trẻ lớn lên, chúng cần biết nhiều điều bên ngoài khu vườn. Mẹ đã hé cho tôi thấy một khu vườn không bao giờ đủ cho một đứa trẻ.

    Tôi đã âm thầm vùi bốn củ khoai vào tro nóng mỗi đêm. Tôi sẽ làm công việc đó liên tục hàng ngày. Một ngày nào đó, chắc chắn nó sẽ đến, khi cảm thấy đủ sức rời khỏi khu vườn, tôi sẽ có bốn củ khoai nóng mà đem theo.Nhưng mùa mưa cứ dai dẳng và âm ỉ khiến sự chờ đợi của tôi mòn mỏi dần và tôi quên nó. Một ngày nọ bỗng nhớ đến, ôi thôi, củ khoai đã thành tro rồi còn đâu. Tôi cười xòa rồi quên cái ý định ra đi. Thành thật mà nói, với bốn củ khoai đó, tôi chỉ có thể xa mẹ đúng một ngày. Một củ cho điểm tâm, ba củ còn lại dành cho sáng, trưa và chiều. Tôi chưa bao giờ có thể xa mẹ hơn thế nữa. Tôi đành giấu kín chuyện này, xem nó như là một bí mật của đời tôi.

    Từ ngày không được làm bố, chú Hùng ít ghé nhà tôi. Mẹ tôi nói, chú muốn lao vào công việc để quên bé Thương. Tờ mờ sáng, chú đã vác cuốc ra đồng cho đến tối mịt mới trở về. Cô Hồng đã đi làm lại. Cô có vẻ hơiốm, chiếc áo dài màu xanh trông rộng hẳn. Khuôn mặt gầy gầy, âu lo. Tôihay sang thăm cô vào mỗi buổi chiều, phụ cô làm một cái gì đó. Cô đã đan xong chiếc nón cho tôi như đã hứa. Những hôm mưa, tôi đem ra đội vàngồi thu lu nhìn ra khu vườn trong hơi ấm từ chiếc nón phả ra. Tôi thấy ấm lòng hẳn. Tôi hay nghĩ ngợi nếu có bé Thương, chắc cô Hồng sẽ đan cho nó nhiều cái như vậy, những chiếc nón thật đẹp. Nếu là con gái sẽ thêm nhiều cái tua, những tua xanh đỏ như tôi vẫn thường thấy người ta bán ngoài chợ.

    Một ngày lạ, vườn tôi bỗng xuất hiện loài hoa mới, cánh vàng nhụy trắng. Tôi âm thầm chờ đợi nó lớn lên, âm thầm nâng niu như một đứa trẻ. Những bông hoa lạ luôn gây cho tôi cảm giác ai đó đã ghé khu vườn lúc tôi đang ngủ. Họ ngồi chờ mãi không được, đành gieo mầm hoa xuống đất rồi bỏ đi mà không kịp gởi gấm hãy chăm sóc giùm tôi, hãy tưới nước ngày ba lần.

    Bố tôi vẫn nói phần thưởng cho người làm vườn là hoa quả.

    Cuối mùa mưa, cây hoa đó nảy ra nhiều nhánh và hạt của nó đã mọc ra nhiều cây con. Tôi đã hái tặng cô Hồng đóa hoa đẹp nhất, vào một ngày đẹp nhất. Cô trìu mến nhìn tôi. Ngay cả đêm về, co mình trong chăn, tôi cũng không thể nào quên được ánh mắt ấy. Ðó là cái nhìn của một người mẹ dành cho con. Tôi đã ngủ suốt đêm ngon giấc chỉ vì cái nhìn đó.

    Sáng ra, cảm giác là lạ choáng váng cả phòng. Một bàn tay ai đó đang nắm cái chân tôi, giọng nói quen quen:

    - Ai đang "nướng" trong cái mền vậy cà!

    Tôi hét lớn:

    - Chú Hùng!

    Chú cười sằng sặc dưới cái chân tôi.

    - Tại sao chú không báo trước cho cháu biết chú sẽ sang đây? Cháu sẽ thức nguyên đêm chờ chú.

    - Ðể làm gì vậy cà! Ai mướn vậy cà! - Chú cười khùng khục.

    Lâu lắm rồi tôi quên luôn cái cảm giác ôm cổ chú, cái cần cổ của người anh hùng, to lớn, vững chãi.

    Tôi nói:

    - Lâu rồi, cháu chưa được ôm cái cổ của chú. Chú cũng không chịu ăn cái chân của cháu nữa.

    Mẹ tôi nói khi chú Hùng sang đây tức là chú đã nguôi ngoai chuyện bé Thương.

    (Nguyễn Ngọc Thuần - Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)

    http://webtruyen.com/vua-nham-mat-vu...ng_538835.html

  5. #115
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Mắc cạn

    Gần trưa trời mưa dữ dội, thằng Sáu chạy xộc vào nhà gọi Nhẫn gấp gáp bảo qua bên suối mà dắt trâu về, nước lũ đang lên cao.

    Lúc ấy Nhẫn đang lúi húi trong bếp chuẩn bị đồ mồi rủ mấy người bạn trong đội thợ nề đến nhậu. Mưa gió, đâu có xây trét được gì, nhậu là sướng nhất. Trên thượng nguồn có hồ thủy lợi chứa nước, lúc nào mưa to liên tục người ta chả xả đập. Độ hơn giờ đồng hồ là nước rút, suối lại cạn dòng thôi, có gì đâu phải quan trọng hóa. Mà nước dâng càng hay. Thương, vợ Nhẫn sẽ ngồi bên đó trông bầy trâu chờ nước rút, khỏi phải về sớm cằn nhằn cảnh chồng nhậu nhẹt.

    Cái bộ dạng Sáu vẫn đứng ở cửa vẻ chần chừ như giục Nhẫn phải đi ngay. Nhẫn phát ghét, bảo việc nhà tao kệ tao lo được, mày thương thì đi mà dắt nó về. Sáu vùng vằng bỏ đi ra cổng. Mưa vẫn to và nước ngoài suối lên cao, đứng trong nhà Nhẫn có thấy được một vệt trắng xóa quét ngang làng.

    Chập tối lũ rút hết, chỗ suối trước mặt nhà Nhẫn nước cạn lợt bình thường như mọi khi, có thể lội qua về được. Thương đã đưa ba con trâu về chuồng, móc dây cẩn thận. Nhẫn thức dậy sau cơn say, mặt vẫn còn hồng miệng phả mùi men, hỏi Thương sao nước rút từ hồi chiều mà đến giờ mới về tới nhà.

    Thương mặt buồn, mắt hơi đỏ như vừa khóc xong, bảo có người làng mình chết đuối.

    - Ai?
    - Anh Sáu xóm trên.

    Nhẫn định nói thằng Sáu lúc chiều vừa qua đây, nhưng chợt khựng lại. Biết đâu vì lời nói thách của Nhẫn mà thằng Sáu bơi qua nước lũ rồi dính xui xẻo. Dễ thiệt lắm, Nhẫn chơi với thằng Sáu từ thời còn mặc quần xà lỏn nên rõ cái tính dứt khoát của Sáu. Cái thằng có bàn tay thừa một ngón nên gọi thành tên Sáu. Cái thằng mồ côi cha mẹ ấy chẳng chuyện gì nó sợ. “Bơi giỏi nhất làng mà chết đuối dễ rứa bây”. Nhẫn chỉ buột miệng được mỗi câu này. Không biết là đang thương tiếc hay dè bỉu.

    Đưa tang Sáu một đoàn người dài, đứng đếm thì biết cả làng không sót một ai. Đám tang ở quê là dịp để người ta kể về một người đang nằm trong quan tài. Câu chuyện cuộc đời Sáu được người đi đưa tang rủ rỉ. Trai chưa vợ mà chết cũng tội quá. Hay, có khi lại đỡ tội hơn vì thằng Sáu mồ côi, lại chưa vợ con, coi như nó chết thì chỉ mình nó thiệt thân.

    Và đúng là trong cái đoàn đưa tang chỉ có mấy bộ áo quần chế, mấy cái khăn tang xô của chú thím ruột cùng mấy đứa em họ.
    Những thằng đàn ông đi trong đám tang thỉnh thoảng đưa mắt nhìn vợ xem có thái độ gì không. Có thương tiếc Sáu, có nhỏ nước mắt không. Vì Sáu cần mẫn tốt bụng nên con gái trong làng rất thích. Chỉ mỗi tội Sáu rụt rè, không chịu lấy vợ, bảo để làm thợ mộc kiếm tiền giúp chú thím nuôi mấy đứa em ăn học xong xuôi đã, coi như đáp đền công chú thím. Từ hồi cha mẹ Sáu mất, chú thím đưa Sáu về nuôi, lớn lên cho đi học nghề.

    Tốt quá, giỏi quá nhiều khi người ta cũng ghét. Nhất là khi những thằng cùng tuổi đã lấy vợ đẻ con mà Sáu vẫn là trai đơn thân. Biết đâu có đứa vợ đêm nằm với chồng vẫn mơ đến vòm ngực vạm vỡ của thằng thợ mộc, hay tưởng tượng bàn tay sáu ngón chắc ôm mình chặt hơn chẳng hạn.

    Thương có khóc trong đám tang này, lúc hạ quan tài xuống huyệt. Nhẫn thấy nóng ran trong người suýt nữa chạy qua kéo vợ về. Nhưng người ta đang ào ào khóc như mưa, Nhẫn không khóc được thì cũng gắng đứng yên cúi mặt cho phải nhẽ.

    Tối về Sáu hỏi Thương sao khóc. Thương bảo thì bạn bè cùng quê mất, cũng buồn chứ. Nhẫn nghĩ chẳng may nếu mình chết, Thương có khóc cỡ đó không nhỉ? Làm sao biết được, vì lúc đó Nhẫn đã vào quan tài. Cũng như Sáu giờ đã nằm dưới lớp đất phủ cỏ, đâu có làm ăn gì được nữa mà Nhẫn phải tỵ hiềm căn ke.

    Nhẫn hỏi Thương có biết lý do tại sao thằng Sáu chết nước không? Thương lắc đầu. Cả làng không ai biết. Chỉ đoán mò chắc nó lội chơi đâu đó nên trượt chân. Hoặc nó tiếc mấy khúc gỗ trôi từ rừng về nên lao ra kiếm chác. Hoặc nó chán đời, sầu đời, đàn ông không vợ hay mắc suy tư kiểu đó lắm.

    Nhẫn cũng có lý do riêng để suy xét. Xem ra lý do này đích xác hơn cả. Nhẫn yên tâm và kiên quyết không nói với ai. Vì nếu hở ra có khi người ta trách tại Nhẫn thách thức Sáu. Thương không biết càng hay, để khỏi bận tâm áy náy.
    Từ sau cái hôm buồn thảm đó, mưa vẫn không dứt, cứ rề rà hôm này qua hôm khác. Đám thợ nề của Nhẫn coi như thất nghiệp trong mùa mưa gió, lại tụ tập lúc chỗ này lúc chỗ kia uống rượu quên trời đất. Say lên có thằng cười bảo vậy hóa ra hay, từ lúc thằng Sáu chết con vợ tao hết đường so bì.

    Nhẫn thường loáng choáng về nhà lúc trời tối. Ngó cảnh Thương rải cỏ cho trâu ăn mà tức anh ách. Nghĩ, hẳn không thể vì mấy con trâu mà có người đánh đổi mạng sống. Chỉ có thể là… vì người chăn trâu thôi. Những nhan sắc tầm thường đôi khi cũng có giá trị nhất định.
    Rồi Nhẫn lao vào đánh Thương mấy cái bạt tai, quạt mấy cú đá. Thương đứng yên chịu trận. Có thể vì một kẻ say không đủ sức làm đau người khác. Hay một người đang đau trong lòng không còn cảm giác ở bên ngoài.

    Một trưa nắng to sau những ngày mưa dầm dề, Nhẫn đi sửa mấy thứ đồ nghề để đi làm trở lại. Qua chỗ suối cạn, nhẫn muốn cởi áo xuống vọc nước chút. Chỗ này mọi khi nhậu về Nhẫn thường xuống tắm rồi lên nằm trên tảng đá phơi nắng cho đến khan. Cũng nhờ tảng đá này hôm bữa xác Sáu mắc lại chứ không mất tiêu rồi.

    Nhẫn nhìn chằm chằm và nghĩ chỗ này đã có người chết nước. Không phải, thế này mới đúng: Chỗ này đã có người chết cạn.
    Nghĩ đến đấy chợt thấy lạnh người. Nhẫn mặc lại áo, không tắm nữa, về kẻo Thương chờ cơm tội nghiệp.

    (Hoàng công Danh )

    http://tuvientuongvan.com.vn/van-hoc...-can-p553.html

  6. #116
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Níu một bờ tâm

    Buổi chiều sư thầy đi làm lễ an vị tượng Phật cho nhà một đạo hữu trong vùng về, vừa bước vào thềm hiên đã ngửi thấy có mùi thơm là lạ. Lòng thầy trỗi lên một chút thắc mắc, chẳng lẽ có ai đến viếng Phật mà xức nước dầu hoa thơm đến vậy? Thầy đi vòng về phía sau thất, thấy mấy bộ áo quần được giặt giũ, treo phơi phía sau hiên nắng. Chợt như đã nhận ra điều gì đó, thầy ậm ừ rồi đi vào phòng.


    Lát sau điệu Sanh chạy vào. Gặp thầy, điệu hỏi:
    - Thầy có thấy mùi thơm không?
    - Có, thơm lắm con.
    - Dạ. Hồi nãy cô bán vải tới đây, gom mấy bộ áo quần của thầy và con đem đi giặt. Giặt xong cô cho thêm nước xả vào nên thơm vậy đó. Mùi này thích thật, thầy nhỉ?
    - Ừ. Nhưng con mặc áo quần thơm như vậy không sợ người ta đến ôm riết hay sao?
    Nói xong thầy mỉm cười, điệu Sanh cũng bật cười theo.

    *
    Tối hôm đó thầy ngồi soạn pháp, mấy bộ áo quần lúc chiều phơi khô tuy đã xếp cất trong ngăn tủ nhưng mùi hương vẫn tỏa ra ngập căn phòng. Cái thứ hóa chất thời hiện đại ghê gớm thật. Ngày trước ông bà mình dùng quả bồ hòn giặt áo, sau có bánh xà bông của Liên Xô đã là mừng. Thế mà nay giặt xà phòng thơm, còn thêm nước xả vải sực nức. Càng ngày cái hương bám trên áo quần càng phong phú, có nghĩa cái sự tu hành của thầy cũng gặp phải nhiều mê hoặc quyến rũ.

    Từ trước tới nay, việc giặt giũ thầy tự lo tất. Kể cả khi có điệu Sanh vào chùa thì thầy cũng giặt thêm đồ áo quần của điệu ấy. Thầy định bụng thêm một thời gian nữa sẽ cho điệu Sanh tự tắm rửa, giặt giũ. Tập cho điệu ấy thói quen tự lập. Thế mà hôm nay chị bán vải lại đến giặt giúp. Công ơn ấy thầy mang. Nhưng làm thế phiền phức lắm. Có khi lại khiến cho điệu Sanh lười biếng ỉ lại thì công sức tu tập cải nghiệp hóa bằng không.

    Dạo này trong vùng có nhiều việc cần đến thỉnh thầy. Vì thế sư thầy trở nên bận rộn hơn với công tác bên ngoài chùa. Nhà thì cầu siêu độ linh, nhà lại an vị tượng Phật. Xem ra công lao hoằng hóa của thầy đã có nhiều thiện duyên tốt đẹp và trổ những mầm pháp nhiệm mầu. Nhưng đôi lúc ham đối ngoại mà quên mất phần đối nội. Cứ lo việc độ sinh mà quên sửa mình thì chưa phải đắc tu. Có khi bộ áo quần thay ra chưa kịp giặt, thầy đã phải xách tay nải đi cho kịp giờ hẹn với người ta. Chị bán vải biết rõ chuyện bận rộn của sư thầy, nên cũng muốn cáng đáng giúp thầy một tay, ít nhất là những công việc thuộc về nữ công.

    Hôm nay chị lại đến, sư thầy không có ở chùa, chỉ mình điệu Sanh chơi ở ngoài sân. Chị hỏi chú Sanh mặc áo cô giặt có được không? Sanh nói thơm lắm cô. Chị cười, vui. Vậy để cô giặt tiếp nghe. Nói xong chị đi vào trong thất, lấy bộ áo quần sư thầy treo bên vách. Điệu Sanh nhanh nhảu ôm thêm phần áo quần của mình, vo cuộn trước bụng. Đây nữa cô.

    Sanh ra giếng theo chị. Điệu quay trục gỗ, kéo gầu nước từ giếng lên. Cái trục quay này thầy mới làm từ hồi có Sanh vào chùa cho điệu ấy tập kéo nước. Lần đầu điệu Sanh kéo không quen, chiếc gầu chao đảo nên khi lên tới miệng giếng chỉ còn được phân nửa. Kéo lần thứ hai thì dây gầu đứt. Thầy phải dùng cái sào khều lên. Vừa nối dây thầy vừa dạy cho điệu. Kéo như con vừa mất sức, lại hao nước. Muốn kéo gầu phải từ từ, điềm đạm, bình tĩnh. Quay đều trục để gầu nước không chao đảo. Nếu bất ngờ giật mạnh thì dây gầu căng quá mức sẽ bị đứt. Tu cũng thế, phải canh giữ tâm mình như giữ nước trong gầu. Nếu vồn vã bộc trực thì cái tâm rời bỏ ta ngay. Phải lần theo từng nấc gầu lên như lần tìm tâm ta. Tối hôm đó thầy lại dạy tiếp cho điệu Sanh về mười bức tranh thiền trong Mục ngưu đồ. Thầy dừng lại ở bức thứ hai, có tên “Kiến tích”, tức thấy dấu. Khi đứa trẻ chăn trâu để con trâu đi lạc thì phải lần theo từng dấu chân trâu mà tìm. Đó chính là sự minh họa cho việc tìm lại tâm ta khi bị lung lạc. Bây giờ thì Sanh đang kéo nước lên cho chị giặt áo, kéo đều đặn như niệm kinh.
    Sanh ngồi bên, vốc lấy một ít bọt xà phòng rồi đưa lên thổi cho bong bóng bay. Nắng chiều soi qua quả bóng nhỏ ánh lên màu sắc khiến điệu thích thú mà cười reo lên. Chị ngồi giặt áo, trông thấy sự hồn nhiên dễ thương của điệu cũng vui lây, nhưng đỏ hoe con mắt.

    Sư thầy đã về, nghe tiếng cười ran sau thất biết chắc điệu Sanh đang ở đó. Thầy thong thả bước lui giếng. Chị bán vải đang dở tay vò áo, ngẩng lên chào thầy. A Di Đà Phật, thầy lượng thứ, con đang bận tay chút. Thầy cũng chào chị, rồi nói:
    - Chị đến hồi nào, sao không ngồi chơi, bầy ra giặt giũ làm chi cho cực.
    Chị cười nhẹ:
    - Con cũng vừa đến. Có gì đâu thầy. Nghe chú Sanh nói mấy bữa nay thầy bận. Con thì buổi chiều thư thả, lên đây coi đỡ đần được thầy chút nào cho thầy an tâm đi làm Phật sự.
    - Phiền chị quá. Dạo này cũng có bận chút ít thôi chị.

    Nói xong thầy vào trong tịnh thất, cất tay nải. Mùi thơm nước xả vải hôm trước vẫn còn phảng phất quanh đây. Ngoài giếng thêm tiếng cười nghịch của điệu Sanh pha với tiếng cười vui của chị. Thầy cảm thấy rộn lên trong lòng một chút xốn xang. Nắng lọt qua khe cửa. Hương thơm và tiếng người. âËm áp sum vui hay quấy động cửa thiền đây? Thầy cũng khó nghĩ quá. Thà chén cơm thìa canh cúng dường, thì thầy hoan hỉ nhận. Ngày xưa đức Phật tu hành cũng dựa vào sự bố thí của chúng sanh đó thôi. Đằng này chị đến giặt giũ, việc ấy chạm vào hơi sâu cuộc sống cá nhân của thầy trò. Mà thầy vẫn mạnh khỏe, có bận việc đôi chút nhưng chưa đến nỗi không thể tách ra nửa giờ đồng hồ để vo vải.

    Sư thầy lấy tờ văn sớ cầu an ra, định đề nội dung vào, chuẩn bị để tối nay đi làm lễ nhà một đạo hữu trong vùng. Tờ sớ cầu an giấy vàng, chữ ở trong đã có in sẵn Hán tự và phiên âm Hán -Việt. Thầy chỉ việc điền thêm nội dung tên gia chủ, ngày tháng, lễ vật… Thầy lật tờ sớ, cầm bút lên, rồi bất chợt tay thầy mềm lụn không thể thảo chữ được. Tâm có an đâu mà bảo viết sớ cầu an cho đặng.

    Xếp tờ sớ lại, thầy đi kiếm nước pha trà rồi bê ra đầu hiên. Chị đang xả vải sau giếng. Mùi nước xả thơm phức len tới tận chỗ thầy đang ngồi. Thầy ngắm ao sen bên vườn. Tháng bảy sen nở muốt mát, bung cánh trắng, hương sen thoảng nhè nhẹ. Thầy thích cái mùi hương ấy, nhẹ như không. Bây giờ thì cái mùi nước xả lất át hết làm cho thầy có cảm giác sợ.

    Chị gái đã phơi áo quần xong, đi khẽ về phía thầy, kéo ghế ngồi. Thầy rót trà.
    - Chiều nay nắng nhẹ, gió phây phẩy, mát thầy nhỉ?
    - Ừ. Nhưng gió làm mùi hương tỏa đi ngát quá.

    Thầy đáp. Miệng mỉm cười. Câu nói hóm hỉnh nửa như khen, nửa lại nhắc khéo.
    - Chú Sanh thì thích mùi này lắm. Còn thầy, không biết sao.
    - Cũng thơm đấy chị ạ. Nhưng… Tôi thấy ngại. Trong bát quan trai mà đức Phật dạy hàng tăng chúng đệ tử, có một giới tịnh là không nên nằm giường cao nệm đẹp và xa hoa.
    - Cái mùi hương thì có gì đâu mà xa hoa hả thầy? – Chị thắc mắc.
    - Là tại vì những thứ như vầy, ăn ngon mặc đẹp, nó khiến người tu hành dễ lún vào si mê, kích thích lòng tham sân, xao nhãng việc tu tập.

    Chị thoáng buồn, có cảm giác như việc làm của mình bị thừa ra. Tại chị mới tới chùa một thời gian ngắn, vừa để an tịnh tâm mình, đôi khi nghe thầy mạn đàm chuyện đạo chứ chị chưa học luật. Không biết rõ những giới nghiêm của nhà chùa âu cũng là chuyện thường tình.

    Sư thầy nhận ra ngay cái sự rầu tức thời của chị. Đàn bà họ thế, dễ chạnh lòng lắm. Nhất là những người không chồng không con như chị, họ càng dễ tủi thân. Thầy pha một chuyện đùa cho vui.
    - Tôi nói cái này nghe mà cười. Biết là chị bán vải, nhưng vẫn kể. Ví thử người ta mải mê trang trí làm đẹp cho bản thân thì có thời giờ đâu nữa để học hỏi, sửa mình, đúng không. Và lúc đó chắc chị bận rộn bán cả ngày, cũng không tới chùa được đâu nhỉ.
    Hai người cùng cười. Chị đã thấy vui. Cái chỗ hay của sư thầy là ở đó. Mỗi khi có sự buồn phiền mà có thầy an ủi là buồn chóng tan. Thầy đọc được tâm lý của người ta và có cách để chia sẻ với họ trong mọi tình huống. Chị thích lên chùa gặp thầy, thích sự nhẹ nhàng, trìu mến mà không kém phần dí dỏm trong từng lần pha chuyện.
    - Dạ, con nghe. Thế lần sau con không dùng nước xả nữa.

    Còn lần sau nữa sao. Ái chà chà, rắc rối quá. Tưởng nói xa nói gần cái chuyện nước xả để chị hiểu ra rằng thầy tự lo được. Ai ngờ chị ấy chẳng chịu hiểu cho. Thầy nhớ có lần hồi thầy đang là thanh niên ở làng, thầy không cho ai giặt áo quần của mình cả. Một hôm mẹ thầy giặt cho thầy, bà không biết cứ dùng cả hai tay mà xát cho sạch khiến cái áo nhăn nheo hết. Thầy phải nhúng áo vào nước giũ một hồi lâu mới đỡ nhăn. Bà mẹ thấy thế thì trách, tôi biết anh rồi đấy, đang tuổi đi gò đi ghẹo sợ mặc nhăn nhúm con gái nó không ưa chứ gì. Nói cho anh biết nhé, nó đã phải lòng thì anh có ở truồng nó cũng theo. Thầy bật cười, vui vui. Mới đó mà hơn ba chục năm. Bà cụ thân sinh đã về bên kia, mà thầy còn nhớ cái sự ngúng nguẩy của bà khi bị đứa con tỏ vẻ không cần giặt áo giúp. Và bây giờ đây, thầy cũng không dám nói thẳng, sợ làm tổn thương đến chị.

    *
    Chiều hôm sau, nghỉ trưa xong là thầy gom áo quần ra giếng. Điệu Sanh cũng tỉnh giấc, dậy theo.
    - Sao hôm nay thầy giặt sớm thế?
    - À, tranh thủ trời nắng, giặt phơi cho chóng khô. Chiều lỡ có mưa.

    Điệu Sanh không hỏi nữa, đi theo thầy ra giếng quay nước.
    Thầy vo vải nhanh hơn mọi khi. Vội vội vàng vàng như sợ ai tranh mất việc. Điệu Sanh mới ngủ dậy, hơi uể oải, kéo chậm dây gầu khiến thầy phải nhắc.
    - Nhanh con. Áo rút khô hết xà bông rồi đây này.
    Điệu Sanh bất ngờ quay mạnh tay trục, dây đứt, chiếc gầu choảng xuống giếng kêu lên một tiếng rõ to.
    - Con không cẩn thận. Lại phải mất công thầy nối dây rồi - Sanh nói
    Nhưng thầy nhỏ nhẹ:
    - Tại ta quên giữ tâm đó thôi. Lấy chiếc sào quấy tìm thôi con.

    (Trích “Cõng nhau trong một cõi người” - Hoàng Công Danh)

  7. #117
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    ĐƯỜNG VỀ NHÀ

    Mười tám tuổi, tôi khoác ba lô, giã từ mẹ về thành phố học đại học. Sau tất cả những dặn dò chi li cẩn thận, lúc tiễn tôi ở cuối con đê đầu làng mẹ bỗng dưng bảo tôi: "Đường về nhà là con đuờng xa nhất, con giai ạ! Mai sau con có đi khắp chân trời góc biển thì cũng chẳng có con đường nào xa hơn đường về nhà mình đâu."
    ***
    Tôi cười và không hiểu tại sao mẹ lại nói như thế với tôi. Trong lòng tôi chẳng bao giờ tin, đường về nhà lại là đường xa nhất. Từ Hà Nội về nhà tôi chưa đến 50 km. Mẹ sai rồi!

    Những năm đầu tôi năng về nhà thăm cha mẹ người thân, và cũng để ngấm ngầm nói về mẹ, đường về nhà là đường gần nhất đấy.
    Nhưng những lần về đó cứ thưa dần, thưa dần như những điều may mắn tốt đẹp hay hạnh phúc của đời một con người.

    Tôi ra trường, ở lại Hà Nội, lăn xả vào đời, chiến đấu như một con ngựa dũng mãnh những mong tìm được một chỗ đứng trong cát bụi phồn hoa.

    Đi qua quá nửa đời người, dấu chân phiêu lãng in mòn khắp nơi, năm châu bốn biển, tôi mới chợt nhận ra rằng, đường về nhà là con đường xa nhất. Mẹ hoàn toàn có lý!

    Khi ấy tôi mới giật mình nhớ lại và suy nghĩ. Quê hương tôi bao người trùng trùng lớp lớp đã ra đi mà có thấy ai trở lại bao giờ. Không phải bởi quê hương tôi nghèo khó hay đời sống tinh thần từ túng như bao làng quê khác. Họ chỉ quay đầu khi mắt nhắm tay buông, thân xác hòa tan trong lòng đất mẹ.

    Có hàng trăm ngàn vạn lý do chính đáng và không chính đáng để bước chân người ra đi không thể quay trở về được nữa, dù trong trái tim vẫn đau đáu một hình bóng quê nhà. Dù đường về quê chỉ là những con số toán học chẳng có nghĩa lý gì!
    Ngay cả với tôi bây giờ, khi gối mỏi chân chồn, tan nát từng ước mơ, vẫn không thể (không muốn thì đúng hơn) trở về mái nhà xưa được nữa.

    Bởi đường về nhà là con đường xa nhất trong những chuỗi hành trình vô tận miên man của một đời người ngắn ngủi mà lắm gian nan!

    Kao Nguyên


    (http://moingay1cuonsach.com.vn)

  8. #118
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Niềm Tin Chưa Mất


    Thằng con tôi ở trần và dang nắng cả ngày. Hỏi lý do vì sao, nó không chịu nói. Tôi phải ôn tồn giảng cho nó nghe rằng dang nắng lắm nhiều khi cũng nguy hiểm: có thể bị nhức đầu, bị cảm nắng sinh bệnh.

    - Con đừng nên làm phiền Ba. Ba đi làm vắng cả ngày thế mà lỡ con bệnh thì ai săn sóc cho con? Những lần con đau con có nhớ rằng Ba phải thức suốt đêm bên giường con không?

    Thấy tôi thật tình lo lắng, nó nói:

    - Nhưng mà... lũ học trò cứ gọi con là heo luộc.

    - "Heo luộc" là cái gì?

    Tôi ngơ ngác hỏi.

    - Tụi nó nói da con trắng như heo luộc.

    Không thể nín được, tôi bật cười to một tràng dài. À ra con heo luộc phải dang nắng để thành con heo quay đây mà! Thời đại đổi thay, ngày xưa người ta yêu màu da trắng trẻo còn ngày nay người ta chuộng màu da rám nắng. Quả tình có nghe con tôi nói tôi mới để ý thấy rằng độ này da dẻ nó có rám đen đi phần nào. Ngày còn má nó, da nó trắng như con gái. Tôi nhớ đến những buổi trưa mười giờ, bãi biển đầy những cô gái nằm phơi nắng. Họ đội mũ lác rộng vành và đeo kính râm. Những chàng trai da nâu hãnh diện đi đi lại lại. Quan niệm đẹp có thay đổi nhiều thật nhưng tôi không ngờ nó lại ăn sâu cả vào lớp trẻ con mới mười tuổi. Hồi tôi còn nhỏ đi học thầy giáo yêu nhất những học trò mặt mũi trắng trẻo đã đành, cả đến chúng tôi cũng chỉ thích chơi với những đứa bạn mặt mày trắng trẻo. Những đứa đen đủi nhiều khi bị chế giễu một cách tàn nhẫn.

    Tôi nhìn kỹ lại con tôi hơn. Nó chỉ đánh một cái quần đùi màu đỏ, - mãi đến bây giờ tôi mới tự hỏi tại sao chị ở lại cứ bắt nó mặc quần đùi đỏ, mua chi mà một lần đến ba, bốn cái quần đùi đỏ, - còn thì mình trần cả ngày. Tôi tưởng tượng đến một lúc nào mình nó sẽ đen như một con heo quay. Và tự nhiên tôi nghĩ đến một hình ảnh, không phải trong tương lai mà chính ngay trong quá khứ tôi đã sống. Tôi nhớ đến anh Tộc, người bạn học của tôi hồi còn lớp Tư. Lúc bấy giờ chúng tôi vào khoảng mười, mười một tuổi. Mình Tộc gầy đét, hai chân như hai cái que. Đã thế lại chuyên môn mặc quần đùi khiến chúng tôi mỗi lần gặp anh là phải để ý ngay đến cặp chân que tăm. Không biết anh ta khéo xếp thế nào mà cái quần đùi nào anh mặc cũng cũ, cũng sờn đít hoặc rách đít. Tôi chưa hề thấy anh mặc một cái quần đùi mới. Không mới mà có cũ, thế có lạ không? Anh không bao giờ mặc áo. Đi từ đầu làng đến cuối làng mà cũng để mình trần. Đánh bi đánh đáo cả ngày, hết bắt dế đến câu cá, lúc nào anh cũng phơi mình dưới nắng khiến da cứ tím sậm lại. Người lại gầy, xương sống chạy một hàng dài gồ lên, còn xương sườn thì đếm đủ mười hai đôi. Hai núm vú thâm dán sát vào da như đầu của hai chiếc đinh bảy phân ai đã đóng vào ngực. Ngực lép và bụng lép nhưng cái rún lại béo bở. Rún của ai cũng thõm vào, hoặc tròn như lỗ đáo, hoặc méo xệch như cái miệng cười mỉm, chỉ riêng rún của Tộc thì lồi ra một đoạn dài gần hai phân, trông như cái núm vung. Rờ tay vào thấy mềm mềm những thịt. Lúc bấy giờ ở xóm tôi có một gánh hát bội đến trình diễn thường xuyên, chúng tôi cứ đợi đến chín giờ khuya rạp thả giàn là ùa vào coi khỏi mất tiền. Rạp hát lấy tên rạp là Thạnh Xương. Thấy Tộc mình chỉ toàn những da và xương, một người bạn có nhiều sáng kiến bỗng đặt tên cho Tộc là thằng Thạnh Xương. Tộc không phản đối mà nhận cái biệt hiệu mới một cách vui vẻ. Do đó mỗi khi đùa nghịch chúng tôi có thể gọi tên Tộc hay tên Thạnh Xương cũng được.

    - Ê Tộc, thách mày lặn một hơi cho qua bờ sông bên kia đó.

    - Thạnh Xương, Thạnh Xương, leo lên cây bàng gỡ dùm con diều cho tao một tí mày.

    Tộc không chịu thua một cuộc thách đố nào, không từ chối một sự nhờ vả nào. Kết quả của những cuộc mạo hiểm là mình Tộc mang đầy những vết sẹo. Anh em ai cũng mến Tộc vì Tộc chấp nhận mọi sự đùa nghịch của anh em. Tộc không bao giờ cáu vặt. Hoặc là thách đánh nhau hoặc là tha thứ không thèm chấp, thế thôi. Không thèm trả thù ngầm, không thèm nói láo.

    Tộc ham chơi đáo đến nỗi có hôm mê mải ăn thua mà đứa nào giấu áo không biết. Đến lúc trống đánh, chạy đi tìm áo, hỏi ai cũng bảo không biết, lạy ai cũng không chịu chỉ giùm khiến Tộc òa ra khóc. Tộc sợ thầy lắm. Nhưng mà cái tật ở trần cởi áo vắt vai, Tộc vẫn không thể bỏ. Đến sân trường thì bỏ sách vở xuống cỏ, đặt áo đè lên trên rồi thì chơi mải chơi mê không còn biết trời đất gì nữa. Mãi đến khi trống đánh vào lớp mới lật đật bỏ trò chơi mà vội vã mặc áo vào. Có lần vừa cãi vã ăn thua vừa hẹn hò tái đấu, anh cài hột nút này sang khuy áo kia mà không biết. Khi sắp hàng vào lớp, ai nấy đã ngồi an vị rồi thì thầy Nghĩa, thầy giáo chúng tôi, đi soát qua lớp một lượt. Thầy chỉ tay sang Tộc, gọi:

    - Tộc, lên bảng.

    Tộc vụt đứng dậy, nhanh quá, như một cái gân bị giật. Có lẽ người anh chỉ có gân và xương nên sự phản ứng mới lẹ như thế. Anh thoăn thoắt bước lên bảng, vô tư như khi đi nhặt một hòn bi. Đứng cụng nhằm bảng đen mới dừng lại. Rồi im lặng, một ngón tay bôi lên bảng vẽ hình con cua con quạ gì đó. Thầy Nghĩa quát:

    - Quay mặt trở lại!

    Anh vâng lời quay mặt trở lại và cả lớp cười rộ lên vì hai cái vạt áo gài khuy so le. Anh ngơ ngác không biết vì sao các bạn cười mình, thầy hỏi:

    - Hồi trưa mày làm gì?

    Tộc trả lời ngay, không phải suy nghĩ:

    - Dạ thưa thầy hồi trưa con ăn cơm xong thì mẹ con sai con gánh nước mắm qua nhà bà Chức Ba. Kỳ nước mắm trước bị thiếu nắng, dang không kỹ nên mới để nửa tháng mà đã trở, thúi quá...

    Lũ học trò cười rộ lên, to hơn trước, thế mà Tộc vẫn điềm nhiên nói tiếp. Nhưng tiếng ồn ào lớn quá, chắc cả lớp không nghe được gì, duy chỉ có những đứa ngồi bàn đầu như tôi là nghe rõ tiếng Tộc chậm rãi tiếp:

    - ... Bà Chức Ba bắt đền nói mẹ con mà không đổi nước mắm khác cho bà ta thì bà ta...

    Đến đây thầy Nghĩa đập mạnh thước gạch vào mặt bàn một tràng dài và cả người nói lẫn người cười đều im lặng, Thầy giận dữ nói:

    - Ý tao muốn hỏi mày hồi trưa mày làm gì mà đi học mặc áo xốc xếch như vậy. Chớ mày gánh nước mắm cho bà Chức Ba hay bà Chức Tư gì thì tao đâu cần biết, nước mắm của mẹ mày thúi hay thơm cũng thây kệ mày.

    Tộc cúi xuống nhìn vạt áo của mình và lặng lẽ cởi nút ra rồi gài lại, vẻ thản nhiên như không có việc gì xảy ra. Thầy nói:

    - Thôi cho đi xuống.

    Tộc "dạ" một tiếng, lủi thủi đi xuống nhưng khi đến dãy bàn thứ tư không quên nháy mắt sang một đứa bạn bên cạnh. Chúng tôi ai cũng biết thầy Nghĩa không có cảm tình với Tộc, nhưng Tộc, hình như anh lại không để ý đến điều đó. Tính thầy Nghĩa cẩn thận, ưa sắp đặt trang hoàng cho lớp đẹp đẽ. Những khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn, Trọng thầy mới được làm thầy, Chăm chỉ sạch sẽ...", được thầy cắt bằng giấy màu treo cân đối. Những hình vớ vẩn xanh đỏ lòe loẹt như hình Phúc Lộc Thọ, Sư tử hí cầu thầy cắt ở nhãn pháo hay nhãn hương, những tấm bưu thiếp hình chợ hình phố, thậm chí có những ảnh ả xẩm thầy cũng lồng giấy bóng treo khắp tường, chi chít, rộn ràng bên cạnh những tấm địa đồ, bản đồ nghiêm trang, đứng đắn. Thầy coi chừng tóc tai và quần áo của học sinh luôn. Không phải với mục đích bảo vệ sức khỏe, chắc thế, mà chỉ vì sợ đốc học hay thanh tra bất chợt tới. Sách vở bút mực thì khỏi phải nói. Mỗi lần sắp có thanh tra tới khám trường thì chúng tôi thật là khổ sở với thầy. Thầy tập đứng dậy, tập ngồi xuống, thầy bắt bao lại sách vở, bắt cắt tóc, bắt cắt móng tay, bắt mặc bộ quần áo nào đẹp nhất. Sợ lũ chúng tôi quên đi những lễ nghi tối thiểu, thầy bắt chép và học thuộc lòng một bài nhan đề "Lời khuyên học trò". Bắt đầu như thế này:

    Trống trường vừa đánh mau mau,

    Sắp hàng ngay ngắn trước sau đàng hoàng.

    Đừng nói chuyện chớ làm ồn

    Học trò như vậy mẹ cha vui mừng.

    Sau này tôi mới biết rằng đó là một bài thơ dở, sai âm luật. Chắc do thầy sáng tác. Vì lâu lâu thầy lại cho phép thêm một đoạn ám chỉ khuyết điểm nào đó mà thầy vừa khám phá ra. Ví dụ hôm thầy đè cổ thằng Hùng đánh ba roi vì tội hái trộm dưa leo bị bà Tang lên mét giữa lớp thì chiều đó thầy bắt chép thêm một đoạn "Lời khuyên học trò" (tiếp theo):

    Dưa cà là của người ta

    Mình đừng khuấy phá hái mà không nên.

    Bắt được đã phải chịu đòn

    Lại làm xấu hổ tổ tiên ông bà.

    Tôi không biết bao giờ bản trường ca này mới chấm hết. Chỉ biết mỗi lần thầy dạy dư giờ hay những chiều mùa đông chưa tan học mà trời tối quá không thấy mặt chữ thì thầy bắt cả lớp ê a đọc bài "Lời khuyên..." như những tín đồ tụng niệm giáo điều. Tất nhiên là với một thầy giáo cẩn thận dường ấy và nhất là sợ thanh tra tới mức ấy thì Tộc không phải là một cái hoa đẹp đáng để cho lớp và cho thầy hãnh diện. Tóc thì dễ thường đến hai tháng mới cạo một lần, - cạo chớ không phải cúp, - thành ra tóc mọc lấn xuống trán, tóc mai chỉa nhọn xuống nửa má. Cái mặt trở nên quắt lại bằng bàn tay. Áo quần thì như trên đã nói. Thành ra thầy có nhiều thành kiến đối với Tộc, những thành kiến khiến có lần Tộc bị mắng oan. Một hôm giữa lúc sắp hàng, thầy khám sạch sẽ. Thầy kéo hẳn Tộc ra khỏi hàng, chỉ vào cặp chân đen:

    - Mày ở dơ thế kia?

    Tộc thưa liền:

    - Thưa thầy con mới tắm ạ.

    - Mới tắm cái gì? - Thầy sừng sộ nói - Cái cổ đầy những đất thế này.

    Thầy vừa nói vừa lùa ngón tay kỳ cọ nơi cổ của Tộc. Nhưng quả không có một lằn đất nào dính nơi tay thầy cả. Thầy hoi ngượng, đứng im nhìn kỹ Tộc từ đầu đến chân. Rồi thầy chỉ xuống hai cái mụt Tộc mang ở cổ chân:

    - Ở dơ - ghẻ chốc thế kia mà nó còn cãi tao nữa.

    Tộc vẫn trả lời tỉnh bơ:

    - Dạ, thưa thầy không phải ghẻ ạ. Đây là vết đỉa cắn. Hôm chủ nhật con đi mót lúa đám ruộng ông Thuận bị đỉa bâu cắn. Con rịt thuốc mãi mà chưa lành. Mẹ con nói đỉa mén nó cắn là độc lắm.

    Thầy không trả lời, nhún vai một cái rồi ra lệnh cho vào lớp. Ở trong lớp có ai làm quấy, ví dụ làm đổ mực xuống nền xi măng, bôi tay dơ lên vách, ném đá bể ngói... mà thầy chưa tìm ra thủ phạm là y như thầy nghi cho Tộc. Chúng tôi cứ tưởng Tộc thù thầy, nhưng tuyệt nhiên không. Đi cùng chúng tôi đến nhà thầy nộp bài, Tộc hay đảo mắt nhìn khắp đó đây rồi liên tiếp đề nghị:

    - Thưa thầy cây cau ở ngang chái bếp của thầy đã có buồng đầy rồi đó. Để con leo bẻ cho thầy. Hai hôm nữa thì già mất.

    Thầy hỏi:

    - Mày leo gì được?

    Thì Tộc vồn vã ngay:

    - Ồ! Con leo giỏi lắm. Để con leo thầy coi. Con leo không cần "nài" mà.

    Thế là từng thót một, Tộc thoăn thoắt leo lên bám ở trên đọt cau, nhanh nhẹn bẻ cả một buồng rồi tuột xuống. Lần khác đến thăm thầy, sau khi cả bọn chia tay nhau vục gáo vào vò nước lã uống lấy uống để, Tộc bỗng nhăn mặt nói:

    - Nước hôi bùn quá!

    Chúng tôi đưa mắt lừ Tộc, có ý bảo: "Chết! Sao mày ăn nói hỗn vậy? Nước nhà thầy mà mày chê hôi".

    Nhưng Tộc thản nhiên nói bô bô:

    - Muốn hết hôi thì phải đảo. Ở dưới đáy giếng thiếu gì bùn non rồi những dây gàu đứt, đồng xu, mẻ sành, cắc bạc.

    Thế rồi bỏ chúng tôi, Tộc chạy lên nhà trên thảo luận gì với thầy không biết. Lúc ra về, Tộc nói:

    - Chủ nhật tới, tao lại đào giếng giùm cho thầy.

    Tộc sống tự nhiên quá, thấy việc thì làm không câu nệ, nghĩ gì nói nấy không giấu giếm. Hình như anh không có mặc cảm. Nhà nghèo, mặt mũi không đẹp, áo quần xốc xếch, nhưng tôi chưa bao giờ thấy anh ngượng ngập rụt rè. Tôi có cảm tưởng tâm hồn anh hiền lành như một cây xanh, cây ổi cây bàng nào đó đang sức lớn. Đâm chồi, ra lá, nứt hoa... Cây cứ bình tĩnh làm nhiệm vụ của mình, không cần nhìn xem những phản ứng của các cây đứng xung quanh nó. Không thấy cây xấu hổ vì những lá héo, giấu giếm những cành gãy, mà cũng không thấy nó hãnh diện vì chồi xanh non mướt hay hoa nở đầy cành. Tộc cũng giống như vậy. Nhưng tội nghiệp cho Tộc là Tộc không hoàn toàn được là một cái cây. Cái cây không phải học bài và làm bài. Còn Tộc thì phải khổ sở rất nhiều mỗi khi phải mó vào sách vở. Tộc học rất dốt, không mấy khi thuộc bài. Tính thầy Nghĩa lại thích lái cho học sinh không thuộc bài nói bậy mà Tộc thì nói bậy một cách tín cẩn. Đủ biết anh chẳng hề ngó qua bài một lần. Mỗi khi thầy nhắc sai và anh dò dẫm nói theo là cả lớp im phăng phắc để đợi nghe những sự bất ngờ lý thú. Chẳng hạn bà Trưng thù ông Thi Sách đã giết chồng bà là Tô Định..., hoặc nước Việt Nam đông giáp vịnh Thái Lan, tây giáp bể Nam Hải v.v... Đến giờ đọc tiếng Pháp thì thật là không thể nín cười được. Anh không phân biệt được chữ nào đọc là "ơ" chữ nào đọc "e", chữ z, w, ch anh đọc cứ lộn phèo cả lên rồi thêm dấu huyền dấu nặng, rồi ậm ừ, rồi cà lăm nữa. Một người pha trò khéo cũng không thể làm cho lớp học náo hoạt hơn anh. Tật cà lăm sau này gần thành một cố tật của anh. Tôi cho rằng đó là do những giờ học Pháp văn mà ra. Mới đầu năm khi còn học bài một bài hai thì anh cà lăm ít, đến chừng sang bài hăm bảy, hăm tám thì anh cà lăm nặng hơn, cuối cùng thì anh chỉ "cà" chứ không nói nữa. Mà mỗi lần "cà" như vậy thì trông anh khổ lắm. Mắt cứ nhắm tít đi còn cái lưỡi và hai hàm răng thì run bấn lên. Thầy giáo chịu thua phải cho anh về chỗ.

    Lẽ cố nhiên là học hành như vậy anh không đỗ nổi bằng sơ học yếu lược. Và cuối niên khóa anh phải nghỉ học. Khi chúng tôi, vài đứa, mang sách đi học ở trường huyện, chúng tôi thỉnh thoảng gặp anh ở bến đò đầu làng. Vẫn gầy, vẫn đen, tưởng chừng nếu xòe một cây diêm châm vào là anh bốc cháy thành ngọn lửa ngay. Gặp chúng tôi, anh toe toét cười:

    - Đố tụi mày "la ma-rơ" là cái gì? (1 )

    Rồi không đợi chúng tôi trả lời, anh nói luôn:

    - Tao ngồi buồn mở cuốn sách Langue Francaise đọc lại mà hóa ra giỏi tụi mày ơi. Té ra bây giờ tao mới biết chữ Tây là gì. Nè, tao đọc cho tụi mày nghe, nghe không: la lame, la lac, papa a vu kilo, à Hanoi il y a un pont... 1

    Anh đọc hàng tràng dài, đọc sai âm sai giọng nhiều lắm nhưng trông chừng hỉ hả và không còn ngọng khổ ngọng sở như ngày xưa nữa.

    Tôi hỏi:

    - Bây giờ mày ở nhà làm gì?

    - Tao đi củi.

    - Có còn đánh đáo nữa không?

    - Tao đánh ách-xì, bài cào, không thèm đánh đáo nữa. À, bữa nào tao cho mày một cái ná cao su. Tao đi củi kiếm được nhiều cái chạng "ngon" lắm.

    Sau đó, tôi càng ngày càng ít gặp Tộc dần. Có một độ nào tôi nghe Tộc mê con gái ông xã Chín nhưng bị cô này chê. Tộc thất tình bỏ ăn bỏ uống và đâm ra lừng khừng như người sắp điên. Người ta tưởng Tộc có thể nhào xuống Bầu Di hay cầu Ông Chừ để tự tử vì vụ thất tình này nặng lắm. Người nhà phải canh gác dòm chừng Tộc luôn. Nhưng bỗng một hôm Tộc mất tích. Cả nhà đổ xô đi tìm. Mẹ Tộc khóc mếu máo. Tự tử thật chăng? Nhưng tự tử sao lại mang hết quần áo, nịt, mũ và cái bi-đông nước theo làm gì? Tuy vậy mẹ Tộc vẫn khóc mếu máo đi tìm. Chợt nghe tin ở xóm Long Hòa con Lành, con ông Câu Hò, cũng mất tích đúng vào đêm đó. Ông Câu không khóc mếu máo mà chỉ chửi. Ông nốc rươu vào thật nhiều, - nhà ông nấu rượu lậu nên tha hồ cho ông nốc, - khiến mặt đỏ tía như một con gà đá rồi oang oang kể tội con gái ra mà chửi. Ông bảo con ông mê ngu mê dại một thằng chỉ có cái rựa và đôi dép cao su. Ông bảo cái nhà thằng đó không bằng cái chuồng heo nhà ông. Ông bảo con mẹ nó không đáng xách giày xách dép cho ông. (Say rượu rồi nói khoác vậy thôi chớ thực tế ông không bao giờ mang giày mang dép, chỉ thỉnh thoảng lắm mới mang guốc). Người ta đồn rằng hai đứa, Tộc và con Lành, rủ nhau bỏ đi hoang nhưng người ta không biết hai đứa đi đâu. Nhà Tộc nghèo không có phương tiện đi tìm xa còn nhà ông Câu đông con nên bỏ đi một đứa cũng không thiếu. Đi đâu thì đi, hết muốn đi thì về, chẳng ai thèm tìm. Tôi không phải là bà con của hai người nên tôi càng có lý do để không biết rõ hành tung của hai người sau đó.

    Lẽ ra thì sự quan hệ giữa tôi và Tộc chỉ có thế, chỉ dừng lại ở mức đó mà thôi. Nếu không vì một thằng con thích ở trần và dang nắng thì tôi đã quên hẳn người bạn ngày xưa của tôi rồi. Cuộc sống bon chen bận rộn đâu có cho phép tôi năng nhìn về dĩ vãng để tìm gặp lại những dáng người quen? Vả lại, mỗi khi có dịp hồi ức tôi cũng ít khi chịu khó vẹt đám người đông đảo lẫn lộn ngày xưa để tìm cho ra đúng cái dáng gầy gò đen đủi của anh. Thế mà, ngược với ý muốn của tôi, sự việc đến đây vẫn chưa chịu chấm dứt. Trong khi tôi ngồi mơ màng nhớ đến anh, đến giai đoạn cuối cùng của cuộc đời anh mà tôi biết, giai đoạn bỏ nhà ra đi với đủ cả dây nịt và bi-đông nước, có thể với con gái ông Câu Hò vì đó chỉ mới là dư luận, ức đoán, thì có bất ngờ không, - ở một nơi xa xôi kia anh cũng nghĩ đến tôi. Một bức thư không mong đợi đem đến cho tôi sự khám phá êm đềm này. Số là cách đây chừng nửa tháng tôi nhận được một bức thư. Nhìn nét chữ lạ viết ở phong bì, nhìn con dấu nhà bưu điện Ban Mê Thuột, tôi rất hồi hộp. Tôi không thích những bức thư của người lạ vì nó hay làm cho tôi bồi hồi lo lắng. Ở Ban Mê Thuột tôi không chắc có người quen nào. Hay có ai gửi lầm chăng? Nhưng nhìn lại địa chỉ người nhận thư thì quả là tên tôi. Tôi lật đật xé toẹt phong bì, không kịp lấy kéo cắt. Nội dung bức thư như sau:

    Ban Mê Thuột, ngày.... tháng.......

    Thưa anh, tôi là Trần Văn Tộc. Anh có còn nhớ Trần Văn Tộc không, Tộc "Thạnh Xương" của các anh đó mà. Riêng tôi vẫn còn nhớ anh rõ lắm, anh học trò trắng trẻo mà tôi thường gọi đùa là "con chuột rụt rè". Anh còn nhớ không, anh tức mình gọi lại tôi là "con mèo khiêu khích" nhưng thay vì con mèo mun (vì tôi đen) anh lại gọi ác là con "Bạch Tuyết". Nhưng con mèo không vồ con chuột mà yêu con chuột lắm. Đến bây giờ xa cách vài mươi năm rồi mà vẫn nhớ đến con chuột đây.

    Tôi có đọc mấy truyện của anh viết về những ngày thơ ấu của chúng ta khi còn học ở trường Ngân Sơn. Tôi cảm động nhớ lại những ngày xưa, nhớ lại ông Cai Tròn, nhớ lại thầy Nghĩa mà trong truyện anh đổi tên lại là thầy Hiền. Thầy Nghĩa đã chết rồi, chắc anh đã biết. Bây giờ ngồi nhớ lại thầy, tôi thấy tôi thương thầy hết sức. Đành rằng tôi học hành chẳng đỗ đạt được gì, nhưng đó toàn là lỗi của tôi. Tôi học dốt mà lại lười quá. Giá vào tay một thầy giáo khác thì tôi đã bị đuổi học lâu rồi. Thế mà thầy vẫn chịu đựng, vẫn chấp nhận tôi, vẫn cố dạy cho tôi biết rằng la mare là cái ao, le kilo là quả cân... những kiến thức đó, ra đời tôi không dùng được gì, nhưng chúng cho tôi một cảm tưởng êm đềm là ngày thơ ấu của tôi không đến nỗi bị bạc đãi. Lớn lên khi được biết rằng những người học trò tệ lậu như tôi dễ làm cho thầy giáo bị ghi điểm xấu, bị chậm tăng lương, chậm thăng ngạch trật, tôi thấy áy náy trong lòng vì tôi cho rằng sở dĩ thầy phải già đời ngồi dạy ở một xó nhà quê này, biết đâu chẳng phải vì tôi. Năm 1959 tôi và nhà tôi cùng mấy cháu có về quê thăm. Lúc bấy giờ tôi mới được biết rằng ngôi trường cũ của chúng ta ở đầu núi đã bị phá hoại vào những năm kháng chiến. Cây cà-te cao to, trụ sở của lũ ma quỉ mà ngày nhỏ các anh sợ, đã bị chặt mất rồi. Tất cả chỗ ấy bây giờ còn là khoảng không. Hình ảnh của chúng chỉ còn lại trong tâm hồn của chúng ta thôi.

    Anh bây giờ đã được mấy cháu rồi? Tôi thì được năm cháu. Ba cháu lớn học ở Lycée Yersin. Vợ tôi cũng thường ở Đà Lạt hơn ở Ban Mê Thuột, chúng tôi có tậu được một vi-la ở cité Saint Benoit. Tôi bây giờ nhờ trời làm ăn cũng khá dư đủ. Có được hai nhà máy cưa và một rạp hát. Anh có biết tôi đặt tên cho rạp hát của tôi là rạp gì không? Chắc anh không đoán được đâu. Tôi đặt là rạp Thạnh Xương. Để nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa.

    Thôi, giấy ngắn tình dài, chúc anh và quý quyến sức khỏe. Nghỉ hè rảnh rỗi mời anh lên Ban Mê Thuột chơi nghe? Tụi mình gặp nhau mới nói hết chuyện.

    Nhớ ghi địa chỉ là:

    Ông Trần Minh Thạnh

    4I, đường Ama Trang Long

    Ban-mê-thuột.

    Đọc xong thư Tộc, - bây giờ là Trần Minh Thạnh, - tôi vui vẻ như chính tôi đã làm giàu, đã làm chủ hai nhà máy cưa và một rạp hát Thạnh Xương. Tộc không nói rõ về người vợ Tộc, tưởng như ai cũng đã biết rồi, nhưng tôi đinh ninh rằng đó là cô Lành con ông Câu Hò. Tôi tưởng tượng thấy một chiếc ô-tô sang trọng chở Tộc và cô Lành đỗ xịch trước cái quán của bà mẹ Tộc ở đầu làng. Bao nhiêu người hàng xóm bâu lại xem, trầm trồ bàn tán. Những đứa trẻ con ở trần và đen đỉu như Tộc ngày xưa đứng vây quanh chỉ trỏ, sờ mó. Chiếc xe ấy lại đỗ xịch trước nhà ông Câu Hò. Ông Câu Hò hẳn là thôi không chửi nữa. Nghĩ đến ông Câu tôi chợt cười thành tiếng. Tôi nhớ đến những đôi giày đôi dép tưởng tượng của ông ngày xưa khi ông cất tiếng chửi "thằng" Tộc đi hoang đã dụ dỗ con Lành ngu dại của ông. Niềm vui khi đọc thư Tộc tôi giữ cho đến suốt ngày. Tôi cảm thấy bớt đơn chiếc và cuộc đời dễ sống hơn. Tộc đại diện cho một loại nhân cách miễn nhiễm, không tà khí. Lúc nào cũng nghĩ tốt cho người, không ác ý, không đối phó, không bị lôi cuốn, và sẵn sàng làm điều tốt cho người, không mưu tính, không mặc cả. Tôi tin chắc sự làm giàu của Tộc rất trong sạch. Lòng thương yêu thầy mà Tộc nói trong thư chắc chắn là thành thật chớ không phải là một lời sáo, một công thức xã giao. Những mẫu sinh hoạt vụn vặt của Tộc khi còn đi học chắc chắn là không chịu sự chi phối của một thành kiến nào. Tâm hồn Tộc như cái phòng rộng trống trơn, không có xó kẹt, không có bóng tối. Tộc làm những điều mình nói và có thể nói cả những điều mình làm. Có thể nói cả những điều mình nghĩ nữa. Trong một xã hội nhiễm độc mà dối trá đã thành điển-lệ, mà thù hằn đã thành khí giới phổ thông, quả tình nhân cách của Tộc vươn lên như một chồi cây mạnh giúp tôi tin cậy ở cuộc đời.
    --------------------------------
    (1)
    lưỡi dao, cái hồ, cha đã thấy quả cân một ký, ở Hà nội có một cái cầu.

    https://vietmessenger.com/books/?tit...%20xanh&page=2

  9. #119
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Đôi bữa làm mây…


    Bữa đó bạn đang trên đường xứ lạnh chơi, à không, là họp (nhưng ở xứ mình họp với chơi có khác mấy đâu??). Dự định chớm khuya sẽ đến nơi. Hội nghị khai mạc vào sáng hôm sau, chiều có chương trình tắm suối buổi tối đốt lửa trên đồi. Đọc báo thấy bảo nơi đó nhiệt độ đang xuống thấp, và những bạn đồng hành trên xe hớt hãi hỏi nhau đã mang theo đủ áo lạnh chưa?

    Ngồi bên trái bạn là một thằng nhỏ mắt ướt tai to chừng mười, mười hai tuổi. Đó là một thằng bé mơ mộng, nó hay tì trán vào kính xe ngó nghiêng xóm làng phố xá trôi đi ngoài kia. Bạn đã có thời như thế, nhưng giờ đi xe bạn chỉ ngóng về phía trước, phía bạn sẽ đến hoặc phía có cái màn hình ti vi đang phát dở một vở tấu hài... Chợt đứa nhỏ níu tay bạn hỏi, dì ơi, quẹo theo đường đó là đi tới đâu? Bạn dòm theo tay nó, đó là một con đường không có vẻ gì đặc biệt, cũng hàng quán lèo tèo cũng cây cối xanh xao cũng xe cộ vội vàng. Thấy chẳng huyền bí hiểm trở như những lối mòn trên sườn núi, cũng không ra dáng mời gọi quyến rũ như những con đường có nhiều cửa hàng mua sắm sáng láng. Tóm lại là đường chẳng có đặc điểm nào khiến người ta phải thắc mắc nó đi mải miết những đâu. Nhưng thằng nhỏ tỏ ra quan tâm, nó nhắc lại câu hỏi một lần nữa. Bạn không biết, bèn lấy bản đồ ra coi. Bản đồ chỉ vẽ một con đường mảnh như sợi chỉ bay bâng quơ trong gió, như một mạch máu nhỏ mà không thêm thông tin gì. Bỗng bạn xao động, bỗng bạn cũng muốn biết con đường đó đi về đâu, như hồi bạn trạc tuổi thằng nhỏ và hay thổn thức hỏi bầy chim trời kia bay về đâu, nơi đâu là ở cuối cơn gió, chiếc ghe hàng bông kia từ đâu tới, con hẻm rối bời này sẽ trổ ra khúc đường nào?

    Bạn quyết định xuống xe. Một mình. Và chênh chao một lúc khi nhìn theo chuyến xe có thằng bé mơ mộng nhòe dần trên đường. Quay trở lại ngã ba, chờ cả buổi rốt cuộc một chiếc xe đò ọp ẹp cũng đưa bạn vào con đường lạ. Đi miết miết thì tới Lạt Mốt - một xóm chài. Biển đằng trước mặt. Hết đường. Hỏi một cô gái bán chuối nếp nướng sao lại gọi là Lạt Mốt, cô ngẩn ra cười rồi day qua hỏi một ông già vá lưới.
    Ông già ngơ ngác cười hỏi bà già đang phơi cá khô. Bà già tần ngần ngẫm ngợi cũng lắc đầu chịu thua, nói chắc ông Chín biết, ổng già nhất xứ này. Nhưng ông già đã đi dự đám cưới của thằng cháu cố ở thành phố, phải mai mới về.

    Trong nỗi xao xuyến không cơn cớ, bạn nghĩ thôi thì ở chơi tới mai, chờ ông già Chín về để hỏi coi sao chỗ này lại có tên Lạt Mốt. Thời gian chờ đợi, bạn đi theo đám trẻ con lem luốc xóm chài bắt còng bắt cua tắm truồng đánh trận nên chẳng mấy chốc cũng trở nên lem luốc. Đi ngang cuộc rượu có mấy ông rủ xáp vô nhậu lai rai ca nghe vọng cổ dài dài. Bạn len lỏi vào bếp của những người đàn bà xứ biển ăn vụng món cá thòi lòi kho nước cốt dừa, mắm còng cơm nguội… Đêm xuống, bạn nằm xãi lai trên sàn những ngôi nhà thả cửa đón gió trời ngủ một giấc đã đời. Chỉ một lần chực nhớ đến cuộc đi đã bỏ dở của mình nhờ người ở Ban tổ chức gọi điện hỏi chị ơi đã đi tới đâu rồi. Câu trả lời rơi ra khỏi môi bạn rồi bị chìm lỉm giữa tiếng sóng trùng khơi, mát lành êm đềm như cái lưỡi dài của con chó liếm lên một vết thương còn tươi.

    Bữa sau người bạn lâng lâng như lên cơn sốt nhẹ. Bữa sau, tới cuối chiều ông già Chín về. Nghe hỏi ông cười môi run phần phật, nói hồi nhỏ ông nội ta có kể, nhưng ta quên rồi, chuyện đâu có quan trọng gì nhớ làm khỉ gì cho mệt. Thôi, vô đây uống bậy vài ly cho ấm bụng, nói chuyện trời nghe chơi. Tối mịt rồi, gấp chi… Mai về.

    Và áo lạnh đem tặng lại cho bà già xóm biển để dành mặc vào mùa bấc, bữa ra đi.

    Và bạn vẫn còn nghe rung động đến hoài. Cái xóm chài Lạt Mốt ấy không có phong cảnh hữu tình núi xanh thác trắng. Bãi biển chỉ toàn sình, cả nước biển cũng đục ngầu phù sa. Gió tanh tanh mùi cá khô phơi không đặng nắng. Chợ lèo tèo họp đến quá trưa thì vãn, để cả không gian đìu hiu cho ruồi nhặng ò e. Lạt Mốt không có gì đặc biệt nhưng có lẽ cách bạn đến với nó đặc biệt.

    Nên bạn nhớ, nhớ lần buông bỏ, ngẫu hứng, túc tắc la cà như mây. Nhớ cú rẽ trái khỏi một cuộc đi đã được sắp xếp hoạch định từng chi tiết. Nửa đời bạn đã bị vây bởi một kế hoạch lớn với muôn vàn kế hoạch con, nhưng từ khi tạt qua Lạt Mốt, đôi khi bạn thay đổi hành trình lên chuyến xe bất kỳ, chỉ vì màu rèm che đẹp, vì anh tài xế có nụ cười hay hay…

    Như anh chồng mẫu mực trên đường đi đón vợ đã thoáng phải lòng nụ cười của nhan sắc ngược chiều.

    Như đứa trẻ trên đường đi tới lớp học hè dừng lại ngó nghiêng một cánh diều…


    Nguyễn Ngọc Tư

    http://www.viet-studies.net/NNTu/NNTu_DoiBuaLamMay.htm

  10. #120
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Phòng tư vấn số 18: Câu chuyện thứ 11

    Chuông reo lúc chín giờ tối. Tôi đang đứng ở ban công nhìn xuống. Chiều nay hoa viên bên kia đường có văn nghệ khu phố, bóng đèn đường chiếu ngay xuống chỗ dựng sân khấu, cái bục và phông màn đã dọn đi rồi, còn lại những khúc dây kim tuyến và xác bong bóng nhiều màu vương vãi.

    Tôi đi vào trong và cầm ống nghe. Có quá nhiều lạo xạo, âm thanh thưa dần rồi lại bật lên: “Hãng hàng không... xin thông báo...”.
    - Tôi đang ở sân bay. Bị hoãn chuyến. Không biết làm gì nên chuyện phiếm cho vui.
    Có vẻ như người gọi đã đi tới một nơi ít ồn ào hơn nên giọng nói dễ nghe hơn. Nhiều tạp âm nên tôi chưa kịp nhận xét gì, chỉ cảm thấy được cách xưng hô.
    - Dạ, chị - Tôi cười và để cho tiếng cười của mình truyền qua đường dây - Chắc chị đã biết gọi tới đây tốn năm ngàn một phút.
    Cứ như tôi tin ngay chỉ là chuyện phiếm.
    - Không sao. Tôi mà rủ bạn đi uống nước để nghe tôi tâm sự thì còn tốn hơn nhiều, mà đâu dễ có người chịu nghe - Tiếng cười vui vẻ - Câu trước qua câu sau chê mình ngu là cái chắc.

    Khẩu khí chừng như là sếp. Có những người thích hạ mình một cách kiêu hãnh.

    Tay tôi vẽ bâng quơ một dáng người và lần này tôi vẽ cái áo trước, áo vest cổ chữ B, và cái ghim cài hình lượn sóng trên ve áo. Vệt sóng lượn khiến tôi nảy ý vẽ thêm cái mỏ neo, hơi nghịch so với cổ chữ B nhưng tôi mặc kệ.
    - Tôi vừa mới gặp lại người yêu cũ cô à. Mười bốn năm. Đúng mười bốn năm mới gặp lại. Thật tình là có chút bâng khuâng. Không phải tôi xao lòng đâu cô. Nếu có cảm giác nào đó thì tôi hận anh ấy dễ dàng quay lưng với tôi. Mà tôi hết hận ghét yêu thương rồi. Chỉ là khiến tôi nhớ cái thời khờ khạo của chính mình.
    - Mối tình đầu - Tôi hỏi mà như nói.
    - Mối tình đầu. Yêu nhau suốt bốn năm sinh viên. Người ta nói tình đầu hiếm khi là tình cuối. Nhưng hai đứa tôi chia tay rất vô duyên.
    - Chuyến bay của anh ấy có bị hoãn không? - Tôi hỏi.
    - Không. Bay rồi.

    Vậy là người đàn ông không coi đây là cơ hội với cố nhân. Đã qua. Nhưng người phụ nữ thì xao xuyến. Muôn đời là phụ nữ.
    “Anh chị có trò chuyện với nhau không hay chỉ là chị thoáng thấy lướt qua trong đám đông?” - Tôi ngậm câu hỏi lại trong cổ. Một câu hỏi ngu xuẩn.
    Tay tôi tô đậm đường viền cổ áo. Vẫn chưa hình dung được khuôn mặt. Người đàn ông vẫn tiếp tục hành trình của mình. Chắc là người phụ nữ này không còn xinh như xưa? Có người tới tuổi trung niên bị xổ ra, mập phì, bất kể mọi bài tập thể dục và mọi lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng. Hay vì phong thái sếp quá mà người ta không thành đạt, không bằng vai phải lứa? Cảm giác tôi nghiêng về lý do này.

    Tôi vẽ cái miệng hơi rộng và đôi mắt nhìn thẳng cả quyết.
    - Hồi đó hai đứa tôi mới ra trường, long đong xin việc. Bà chị họ làm ở công ty quảng cáo tư vấn là thời buổi này cứ phải sô hết ra, có được tấm chứng chỉ nào cũng kẹp vô, có tí chút khả năng nào cũng cứ ghi bừa vô cho hồ sơ được đẹp để lọt qua vòng gửi xe cái đã. Cứ phải lọt qua vòng gửi xe để được có mặt ở vòng phỏng vấn trực tiếp. Căn cứ theo thứ tự thì phỏng vấn trực tiếp là quan trọng nhất nhưng thật ra khâu này chỉ là hên xui. Đụng sếp thích đặt ra tình huống lắt léo liên quan tới đạo đức kinh doanh kiểu như công ty đang có lô hàng cần gấp mà nhân viên hải quan đòi chung chi, bạn sẽ giải quyết cách nào? Hoặc oái oăm hơn là nếu công ty bên bờ vực phá sản thì bạn sẽ ra đi hay ở lại? Những câu hỏi kiểu đó rõ ràng là hên xui còn gì. Cho nên kinh nghiệm xương máu là đừng có đặt nặng ở vòng phỏng vấn...

    Giọng nói to dần và đầy tính thuyết phục như là đang đóng vai bà chị họ. Có vẻ như cuộc gặp đã xới tung tới đáy ký ức và kỷ niệm về bà chị họ khá sâu đậm.

    - Cái chính là mục viết luận. Công ty tây có chi nhánh ở ta thì ăn thua là ở bài luận. Dám cá là chủ nhân của bài luận phải viết đi viết lại hàng chục lần tốn bao cú điện thoại hỏi đông hỏi tây phải viết ra làm sao cho đúng, trong khi vấn đề không phải là viết cho đúng ý người khác mà viết sao cho người ta thấy được mình. Chữ “thấy” trong ngoặc kép. Tóm lại là nên chịu khó tốn tí tiền tí thời gian đi học một khóa viết luận. Bà chị họ nói vậy, còn tôi thì nghi ngờ bà chị vừa ký hợp đồng quảng cáo cho lớp học viết luận ở trung tâm nào đó - tiếng cười vang lên - Hồi đó tôi chỉ là tép riu so với bà chị thôi, nhưng mà tôi đã đoán đúng. Lúc nộp tiền khóa luận, cả tôi và Dũng được giảm hai mươi phần trăm học phí. Sau này mới biết hai mươi phần trăm đó là hoa hồng bà chị được nhận trên mỗi đầu học viên.

    - Bà chị xử sự vậy là có tình mà - Tôi nói, phụ họa là chính.
    - Ừ, ai cũng nghĩ có tình. Tôi cảm ơn bà chị bằng câu nói trịnh trọng “sau này đám cưới tụi em mời chị ngồi bàn hai họ”, ý tôi là sự giúp đỡ của chị không chỉ hai đứa tôi ghi nhận mà cả gia đình hai bên đều biết. Bà chị quạt luôn: “Ngồi bàn hai họ làm chi, dự tiệc búp phê và tiễn cô dâu chú rể ra phi trường bay chuyến trăng mật trời tây thích hơn”. Tôi đã không hiểu đúng ý câu nói đó cũng như không hiểu đúng cái liếc nhìn thách thức về phía Dũng. Tôi cứ tưởng đó là lời chúc hai đứa mau được lương cao đủ đi trăng mật nước ngoài.
    Hơi thở mạnh. Bà chị họ biến mất. Tôi hình dung cô gái trẻ đầy háo hức.
    - Ngày phỏng vấn, tôi không bị đụng câu hỏi hên xui. Tôi thật tình tưởng mình may mắn và thông minh. Tôi trúng vé làm thư ký cho sếp nhờ bài luận viết lưu loát và sâu sắc. Bà chị nói trong hàng chục hồ sơ đó là bài luận duy nhất lọt vô mắt xanh của sếp. Tôi cảm ơn bà chị không biết để đâu cho hết. Sếp tuyên bố cần một thư ký đúng nghĩa, tôi sẽ thay mặt sếp trả lời thư tín, xếp lịch hẹn làm việc, soạn thảo hợp đồng và đủ thứ dính dáng tới giấy tờ. Thử việc ba tháng, nếu làm tốt được ký hợp đồng dài hạn.

    Dũng xui xẻo dính ngay câu hỏi oái oăm “Nếu công ty bên bờ vực phá sản...”. Biết trước câu hỏi này rồi và hai đứa tôi đã cùng soạn câu trả lời cho cả hai phương án “ra đi” và “ở lại” nhưng thật tình là phương án nào cũng mông lung.

    Có lẽ nhìn lưng áo Dũng khi đi ra cửa ướt mồ hôi tội nghiệp quá, sếp hỏi thêm một câu: “Hồ sơ cho biết bạn có bốn năm làm trợ lý huấn luyện viên một câu lạc bộ võ thuật, bạn có muốn làm bảo vệ công ty không?”.

    Dũng đỏ bừng mặt mũi đi thẳng ra cửa và đi luôn ra khỏi cuộc tình tôi. Cứ như việc làm thư ký sếp là tôi đồng lòng xúc phạm Dũng. Trong khi trước cuộc phỏng vấn chính Dũng nói: “Nếu chỉ được một đứa thì coi như tụi mình thành công năm mươi phần trăm”. Có lẽ khi nói câu đó Dũng nghĩ mình là người chia sẻ tiền lương cho tôi trong cảnh thất nghiệp.

    Tôi gọi điện thoại, Dũng không nghe. Tôi nhắn tin điện thoại, Dũng không trả lời. Tôi nhắn tin Facebook, Dũng im lặng. Tôi tới phòng trọ, bà chủ nói Dũng không ở đây nữa. Tôi nghĩ mình đang tìm kiếm một cái bóng.

    Mà sếp thì rất thật, gần gũi, ân cần, thông minh, dí dỏm... “Anh vừa đọc Facebook của em, hóa ra cách đây ba năm em là người tổ chức quyên góp những kỷ vật trong sinh viên để bán gây quỹ. Em viết là có những kỷ vật quý giá nhưng đến lúc nào đó nó trở thành vướng víu mà bỏ thì thương, vương thì tội, vứt thì phí, chi bằng hãy để nó trở lại là một món hàng trên kệ. Có đúng là em nghĩ vậy không?”.
    Là người xếp lịch làm việc cho sếp nên tôi biết sếp bận kinh khủng, sếp lấy đâu ra thời gian đọc ngược Facebook của tôi từ cách đây ba năm? Mà đọc cả những thứ nhảm nhí của một thời.

    Khi người ta thật lòng yêu...
    Nhắm mắt đón đợi nụ hôn, thoáng qua đầu tôi ý nghĩ “Có nhanh quá không?”. Chưa hết thời gian thực tập. Tôi lùi lại. Tôi không muốn mình là một cô gái nhẹ dạ.
    “Anh đợi giây phút này từ lâu lắm rồi. Anh yêu em từ lần đầu tiên gặp em. Anh vẫn nhớ hôm đó em mặc áo ca rô nhìn rất nghịch, như một cô bé”.

    Bình tĩnh lại sau nụ hôn say đắm, tôi nhớ lại khi mình đi phỏng vấn. Tôi nhớ rõ mình rất phân vân, muốn mặc một bộ thật nổi để gây ấn tượng đầu tiên nhưng vì không muốn tôi và Dũng khác nhau quá, cuối cùng thì tôi chọn sơ mi trắng.
    Sếp nhớ nhầm cô gái nào rồi. Tôi chỉ thêm một mẩu chuyện trong vô số mẩu về sếp và thư ký thôi. Tôi chảy nước mắt cho sự cả tin của mình.

    Sếp cười bí ẩn, tay này lau nước mắt cho tôi tay kia nhấp chuột. Hiện ra tấm hình mừng tân gia bà chị họ, tôi mặc áo ca rô xanh đỏ tay giơ cao ly rượu tham gia màn hò hét trăm phần trăm, Dũng ngồi bên cạnh tôi, miệng cười rất ngoan đúng kiểu lần đầu ra mắt nhà bạn gái...

    ***
    Giọng nói bị chìm trong chùm âm thanh náo động: “Xin mời những người khách cuối cùng của chuyến bay...”.
    - Tôi chợt hiểu ra, cô à - Giọng nói cố lấn át sự ồn ào.
    Tôi ngừng tay vì không biết nên vẽ mái tóc ra sao. Tém, khỏe khoắn trẻ trung? Hay là hơi dài, hơi quăn, vén cao hai bên vành tai rồi buông thả sau gáy?

    Đường dây bỗng im ắng đáng ngạc nhiên. Rồi tôi nhận ra người phụ nữ đã tìm được một nơi yên tĩnh. Có lẽ là phòng vệ sinh. Có tiếng nước xối mạnh rồi yên lặng.
    - Hả? Cô đoán được không? - Giọng nói đòi hỏi phải có trả lời.

    Nãy giờ người phụ nữ tuôn một mạch và đóng tất cả các vai, không để tôi chen vào dù chỉ một tắc lưỡi tỏ vẻ đồng cảm. Rồi bây giờ thì muốn kéo tôi vào câu chuyện. Có nên chia sẻ bằng cách tham gia không? Hay chỉ lắng nghe thôi? Tôi lưỡng lự tự hỏi. Đã là quá khứ rồi. Ý kiến của tôi không làm đổ vỡ thêm gì cả.
    - Bà chị họ sắp xếp để chị và Dũng cùng nộp hồ sơ vào công ty và mục viết luận chỉ là chiêu trò thôi phải không? - Tôi nói khẽ.
    - Đúng vậy đó. Tôi ngu quá đi. Hồi đó tôi cứ tưởng mình viết luận hay lắm, tưởng mình thông minh lắm. Bà chị kể sếp bị tiếng sét ngay tiệc tân gia, biết tôi đang học năm cuối mà có người yêu rồi... Còn phân bua là sếp hoàn toàn nghiêm túc muốn tiến tới hôn nhân.

    - Chắc là bà chị quen thân với sếp lắm? - Tôi hỏi.
    - Sau này tôi biết sếp giúp bà chị mua được lô đất giá phải chăng, có được căn nhà ngon mặt tiền là nhờ sếp. Khi tôi hiểu ra sự việc và nổi giận, bà chị họ nói là tôi đừng khờ nữa. Tôi bèn khôn ra bằng cách lặng lẽ đợi hết thời gian thử việc, khi sếp cầm bút ký hợp đồng dài hạn và tự tin đã làm chủ linh hồn tôi. Lúc mở túi xách lấy mấy món quà sếp tặng trả lên bàn của sếp, tôi nói thầm trong lòng: “Dũng à, em trả thù cho anh đây”. Mà sao tôi không khóc cô à. Có lẽ tôi phải cảm ơn bà chị và sếp đã luyện cho tôi một bài học khiến tôi bớt ngu và cứng cỏi hơn. Tôi hài lòng thấy sếp đỏ mặt ngạc nhiên hỏi vì sao. Tôi đáp lại bằng câu status mà sếp đã đọc trên Facebook: “Vì những kỷ vật đến lúc trở thành vướng víu...”. A lô, cô còn nghe không?
    - Dạ, chị.

    - Cô à - Giọng nói thì thầm - Lúc nãy, khi gặp lại, tôi tự hỏi Dũng có biết rõ những gì xảy ra sau khi anh ấy bỏ đi không hay chỉ biết cái đoạn tôi và sếp bồ nhau thôi? Cô nghĩ Dũng biết không? Hay trong lòng anh ấy tôi vẫn chỉ là kẻ phản bội?

    Tôi im lặng. Phụ nữ muôn đời bận lòng không đâu. Suốt mười bốn năm người ta không tìm gặp, chỉ là tình cờ đụng nhau ở phòng chờ, và sau đó người ta vẫn bay đúng chuyến.
    Mà còn phải hỏi sao?
    Tôi chuyển qua đề tài khác:
    - Bây giờ chị còn làm thư ký không?

    - Bây giờ tôi làm thư ký cho chồng tôi - Giọng nói ngập ngừng một chút rồi cười xòa - Nhớ lần tôi đọc trong sổ tay của chồng thấy có câu được gạch chân “làm sao cho đối thủ tự rút lui”, tôi giật mình tưởng bà chị họ lẻo mép cho chồng tôi biết. Cuộc đời nghĩ cũng luẩn quẩn hả cô?

    Tiếng nước róc rách nhẹ. Có lẽ có người đi vào phòng vệ sinh và họ đang rửa tay, rồi âm thanh máy sấy rù rù...
    Và sự ồn ào tăng dần, chắc là người phụ nữ đã ra ngoài và đi gần tới phòng chờ.

    Bỗng vang tiếng reo: “A, chào người đẹp. Ra đây công tác mà sao không a lô cho em út biết mà đón tiếp”.
    - Thôi chào cô - Giọng nói vội vàng - Cảm ơn cô đã lắng nghe.

    Vang ba tiếng tút tút tút. Tôi đặt ống nghe xuống và nhìn bức vẽ còn dang dở. Không có tóc, mà lại là áo vest gài ghim hình mỏ neo, nhìn người phụ nữ này như muốn gây gổ.
    Chị có tiếc không?

    (Nguyên Hương)

    https://thanhnien.vn/van-hoa/phong-t...ng-814297.html

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:23 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh