Register
Page 14 of 19 FirstFirst ... 41213141516 ... LastLast
Results 131 to 140 of 186

Thread: Kiếm Đạo

  1. #131
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Tôi muốn về làm sáu tuổi.




    Tôi muốn được về làm sáu tuổi.

    Tôi muốn vào quán bán bánh kẹo bên đường và nghĩ rằng đó là một nhà hàng sang trọng và nổi tiếng nhất toàn cầu.

    Tôi muốn được xếp tàu giấy thả trôi trên những vũng nước bùn sau cơn mưa, và lấy đá thảy vào tạo thành những con sóng nhỏ.

    Tôi muốn nghĩ là kẹo quý báu hơn tiền bạc, vì chúng có thể ăn được.

    Tôi muốn được chạy đá banh với chúng bạn trên sân vào những giờ ra chơi. Tôi muốn được thức thật khuya trong đêm giao thừa để đón ông bà và núp lén xem ông táo.

    Tôi nhớ lại những ngày xa xưa khi cuộc sống thật giản dị. Khi những gì tôi biết chỉ là mười hai màu căn bản, một bảng toán cộng và vài bài ca dao học thuộc lòng. Nhưng mình không có vấn đề gì hết. Vì tôi không hề biết những gì tôi không biết, mà tôi cũng chẳng cần muốn biết.

    Tôi muốn được đến trường, ăn hàng rong với chúng bạn, ra sân chơi, chạy đuổi nhau và đi cắm trại.

    Tôi muốn được vui cười, vì tôi không biết về những gì mình cần nên buồn giận. Tôi muốn nghĩ rằng thế giới này rất công bằng, và ai ai cũng thành thật và tốt bụng với nhau. Tôi muốn tin là bất cứ việc gì mình muốn đều cũng có thể làm được.

    Ðôi lúc, trong khi lớn lên, tôi đã được học quá nhiều. Tôi học về chiến tranh nguyên tử, về sự kỳ thị, về nghèo đói, về bệnh tật, về tàn bạo, về ly dị, về lường gạt, về những đớn đau, và về cái chết.

    Tôi muốn được về làm sáu tuổi.

    Tôi muốn nghĩ là tất cả mọi người trên trái đất này, trong đó có tôi, sẽ sống đời đời, vì tôi không biết ý niệm về cái chết.

    Tôi muốn mình ngu ngơ trước những rắc rối, phức tạp của cuộc đời, và mừng vui với những hạnh phúc rất nhỏ nhặt.

    Tôi muốn những chương trình ti-vi là một cái gì tôi xem để cười vui, chứ không phải là một phương tiện để tôi chạy trốn cuộc đời hoặc tránh né những bổn phận của mình.

    Tôi muốn sống và biết rằng, những điều nhỏ mang lại cho tôi niềm vui, và chúng cũng sẽ vẫn đem lại cho tôi hạnh phúc ấy, y như là lần đầu tiên tôi bắt gặp.

    Tôi muốn được về làm sáu tuổi.

    Tôi muốn được ngây thơ đủ để tin rằng, nếu tôi được hạnh phúc thì mọi người khác cũng thế.

    Tôi muốn được đi trên bãi biển và chỉ nghĩ đến cát trắng mát dưới bàn chân, và hy vọng tìm thấy một viên đá thuỷ tinh màu xanh thẩm mà tôi hằng mơ ước.

    Tôi muốn bỏ ra những buổi chiều trèo cây, chạy xe đạp với đám bạn, để mặc cho người lớn lo nghĩ về ngày mai, về những cuộc hẹn bác sĩ, và làm sao để có tiền sửa xe, đóng bảo hiểm.

    Tôi muốn tự hỏi mình sẽ làm gì khi lớn lên, mình sẽ ra sao, trở thành người như thế nào, và không hề lo lắng về chuyện tôi thật sự sẽ ra sao, nếu một mai ước mơ kia không thành sự thật.

    Tôi muốn được lại cái thời gian ấy.

    Tôi muốn được dùng nó bây giờ như một nơi để trở về nương náu, vào những lúc chiếc máy điện tính của tôi gặp sự cố, khi giấy tờ cần giải quyết chồng chất trên bàn, hay khi có người bạn đang gặp tuyệt vọng, khổ đau, hoặc lúc gây gổ với người bạn đời, trước những ngày vui qua mau, hoặc những lúc không biết việc mình làm là đúng hay sai.

    Tôi có thể trở về ngày tháng ấy, để được tung tăng chạy ra ngoài sân thả diều, và không lo nghĩ gì khác hơn ngoài việc cánh đồng nào chiều nay có trời lộng gió.

    Tôi muốn được về làm sáu tuổi.

    Nguyễn Duy Nhiên
    phỏng dịch
    Tác giả Unknown


    http://nguyenduynhien.blogspot.com/2...-sau-tuoi.html

  2. #132
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Nhà thuê có hoa nở

    HẠ TUYÊN

    Nếu không phải hoàn toàn, thì vẫn sẽ có những đoạn đời bạn phải trải qua trong những ngôi nhà có mái tôn mỏng, trần nhà sà thấp, và vách vôi mốc xì thốc lạnh những ngày mưa.


    Căn hộ đầu tiên trong đời nàng thuê là loại nhà đã xuống cấp trầm trọng, mái tôn cũng mỏng như vậy, trần cũng thấp như vậy, nàng nói bừa là hóa ra như vậy lại gần với trời. Nàng thường có lối tự lừa mình như vậy, càng ngày càng cao tay.

    Mỗi đêm mưa to gió giật, nàng nghe rõ tiếng ì ầm trên mái, tiếng sầm sập trên mái, tiếng đùng đoàng lở trời long đất trên mái, và mưa mỗi hột to tướng dộng kỳ công, cẩn thận, hột nào ra hột nấy, trên mái. Nhà lúc đó là một cái quán nhỏ thầm thì. Ban khuya quán đóng cửa, có hai con mèo ở lại nghe mưa nghe sấm cùng nàng, dúi mình vào hõm eo nàng, vừa sợ hãi vừa yên ủi. Tiếng động nào cũng có lúc tan đi. Có điều mái nhà mỏng như vậy, tan có hơi chậm đi một chút.

    Trước cái quán đã từng có một cái quán khác. Chừng hai mươi ngày, trên đường Tú Xương. Nơi mà từ đó nàng có thể hát: “Mai đây anh về qua đường Tú Xương, quán vắng mưa khuya, bước ai trên đường...”(*). Nàng vẫn thường chọn gần ai đó hoặc cái gì đó vì một câu hát vu vơ như vậy, nên thường vui vẻ trả giá.

    Quán nhỏ ở Tú Xương, lẽ ra rất vừa vặn. Không hẳn là đẹp. Vừa vặn. Không thêm không bớt. Không khiến người ta phải cân nhắc đắn đo. Chẳng phải nghĩ gì nữa. Cho nên thật thiếu xót thương, vị đại diện tạo hóa nào đó ấy, bởi vì ký ức ở Tú Xương lại hoàn toàn không vui. Nàng ở đó hai mươi ngày. Có âm thanh tra tấn của những chiếc loa thùng công suất lớn. Có xã hội đen mặt rô múa đao dằn mặt. Xe ra vào cán đinh liên tục, và đỉnh điểm là mấy bịch mắm tôm ném vào người, lúc nửa đêm.

    Chẳng ai nghĩ mình sẽ rớt vào câu chuyện đó. Giữa Sài Gòn. Nàng cũng không. Loại chuyện trên phim ảnh, trong tiểu thuyết. Người ta dàn trận ra vì một mảnh đất. Một đại gia thèm muốn một mảnh đất của tiểu gia. Và không khoan nhượng. Và không thể thỏa thuận. Và chiến sự bắt đầu nổ ra. Và nạn nhân trực tiếp là những người qua đường, đôi khi là những cành hoa lả lả nép mình tìm một chỗ tá túc.

    Nàng lúc đó vừa vận dụng toàn bộ công lực để tẩu thoát khỏi một trận đại chấn của đời riêng. Đầu mang sẹo và lòng mang sẹo. Nàng thường cắm bông hồng để tự vuốt mắt mình, ban đầu không nghe ra âm thanh của chiếc loa thùng công suất lớn, hay để ý đến mấy gã mặt rô vẫn sáng chiều lởn vởn. Những ngày này Như hay ghé qua, khoác theo chiếc ukulele. Hai chị em cùng ăn bánh mì quẹt bơ mứt. Tập cho nhau những hợp âm đã quên. Những ngón tay con gái lần đầu bấm vào dây phím. Dè dặt. Khúc khích.

    Nàng nói, em mua bông hồng này ở chợ Tân Định. Ba nghìn một bông. Cắm và nở suốt tuần. Như nói chuyện đó thật kỳ diệu. Như cắm bông hồng không bao giờ nở. Một bông hồng muốn nở cần phải thuận duyên với người cắm nó. Nàng nghĩ, với bàn tay còn ám mùi mắm tôm, với thể hồn xiêu lạc, và muôn trùng nhiễu loạn ì ầm, còn có thể thuận duyên đủ để cắm một bông hồng - nở rất lâu - hay sao.

    Bởi vì đêm đó bịch mắm tôm ném vào nhà.

    Nửa đêm nàng bật dậy vì tiếng động đầy thù địch phát ra từ cửa lớn. Xung quanh bắt đầu dậy mùi. Kiểu mùi xồng xộc, vừa lạ vừa quen. Nàng lúc đó đang không có chỗ ở, chỉ trải một manh chiếu mỏng nằm giữa bừa bộn bàn ghế công xưởng đang đóng dở. Giấc ngủ thấm lâu ngày đã bắt đầu chập chờn vì những bóng thanh niên hung hãn đầu đường. Mùi hôi bắt đầu bắt lên những vũng nhầy nhậy. Phải mất một lúc lâu nàng mới hình dung được tình thế thực tại. Không bật đèn. Chẳng biết làm gì bèn ngồi thẳng lưng suốt cả đêm. Nàng không muốn nằm xuống mà bị mắm tôm giội lên người. Làm như ngồi mà mắm tôm giội lên người thì mình sẽ giữ được phẩm hạnh nhiều hơn hay sao đó.

    Cảnh đó thực ra cũng giống như trong xi-nê. Và để gia tăng phần điện ảnh, bọn ve trong vườn vẫn thản nhiên gáy kịch liệt. Ánh đèn vàng ngoài đường hắt sáng loang lổ trên sàn gạch cũ. Lá cọ xào xạc trên quanh đường viền cây sứ. Một cảnh đầy thơ và dư dả mộng tưởng. Người coi phim sẽ không ngửi được mùi mắm tôm. Một “nhân vật” ẩn danh, vô hình, và mang tính quyết định. Có thể cho bất cứ một di cư nào, dù lếch thếch, dù cùng đường, dù của một cành nhánh lả lả đang tìm nơi nương náu khổ sở. Sài Gòn yêu dấu. Sài Gòn Tú Xương. Sài Gòn mắm tôm.

    Khi nàng chuyển đi thì cành hồng vẫn nở. Nàng nghĩ đó là cảnh cuối cùng nàng lưu lại ở Tú Xương. Ký ức đó bây giờ nghĩ lại, vẫn là một thành phần quan trọng trong quãng đời gấp gãy nhiều phen bờ ruộng đó. Như một thước phim sẫm tối chạy qua, nói yêu thì là nói dối, vì hoảng sợ nhiều quá. Nhưng nói ghét cũng không phải. Ai lại ghét được một bông hồng đã nở toe toét như vậy, trong một buổi sáng nắng xiên qua mái, mặc cho những phân tử mắm tôm dù sao cũng đã bám trên cánh, một cách li ti, li ti.

    Căn nhà mới thuê cũng có vách mỏng, tường vôi rơi lỗ chỗ, và những ngày mưa thì mái dột. Ban đầu nàng thực sự muốn chuyển đi, vì phát hiện người chủ cho nàng thuê nhà đã không trung thực. Anh ta không phải chủ nhân. Anh thuê lại của một người thuê lại, nên giá cả đội lên cao hơn mức độ cho phép. Không bao nhiêu tiền, nhưng điều đó khiến ruột nàng sà xuống đất. Nhân gian sống sao thảm thiết. Nhân gian thật là buồn so. Về sau, nàng phát hiện ly mì gói mình ăn cũng vận hành theo cách như vậy. Thùng nước uống. Gói muối. Cọng hành. Tất cả đều vận hành theo cách như vậy. Có khi cả nàng nữa. Cũng đã quá đề cao bản thân rồi.

    Bọn mèo thì không nề hà gì chuyện ấy. Chuyện sống trong một căn nhà bị độn giá lên đôi ba chút. Mái dột, nhà xiêu các kiểu. Chúng sống rất vui vẻ. Nhịp đuôi theo điệu nhạc. Vật nhau đến mệt lử. Ăn cuống lên nếu đói. Thư thả nằm chờ nàng tắm xong, lại độn cơm cho ăn. Lần này sẽ ăn từ tốn hơn vì không còn quá đói nữa. Rồi vắt cổ lên nhau ngủ.

    Đoạn đời này nàng thường trải qua trong những ngôi nhà có mái tôn mỏng, trần nhà sà thấp, và vách vôi mốc xì, thốc lạnh những ngày mưa. Nàng vẫn còn nghĩ, điều này vốn là một dạng hợp lý, bởi vì đó là cách để nàng gần hơn với trời. Mọi âm thanh nàng đều có thể nghe được mà không phải cầu kỳ tìm kiếm hay tìm cách đón đợi. Căn gác trổ ra các mái nhà trong phố. Thỉnh thoảng chim chóc ghé lại. Nắng mưa cường độ thế nào đều có thể đứng trên mái mà trông rất rõ. Sấm chớp cũng vậy. Gió giật tung chiếc chuông gió, và bọn mèo quýnh quáng chạy về.

    Một chiều như vậy, Như đem qua một bó hồng nhờ nàng cắm giúp, vì Như mà cắm thì chúng lại chết gục rất nhanh thôi. Sau này nàng nghĩ Như đã dùng một liệu pháp tinh thần để nàng tin rằng, dưới bàn tay nàng vẫn còn những điều đẹp đẽ đang sống, chứ không tuyền là vời vợi những mất mát bi thương. Hoặc có thể, Như cũng đã dùng cách đó mà rời đi khỏi vũng lầy của chính mình. Nhấc bổng mình ra. Không một vọng âm nào còn lại.


    (*) Nhạc của Nam Lộc.

    https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/2019...o/1493536.html

  3. #133
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Những Mũi Tên Trưởng Thành





    Tất cả nến trong phòng đều sáng. Ngay đến những mẩu nến nằm trong góc kẹt, bụi bám đầy, cũng lăn ra giữa phòng cười thật tươi với ngọn lửa hồng mịn màng.

    Họ nhà nến thì thầm với nhau:

    - Chúng ta sẽ rực rỡ, vui chơi cho đến giọt sáp cuối cùng.

    Anh Đèn Ống, vật máy móc và có vẻ ích kỷ nhất, cố gắng góp một chút ánh sáng trắng mờ. Nhưng anh ta chỉ tạo nổi vệt sáng màu ngà trên trần.

    Cụ Sách bảo:

    - Như thế lại hay, căn phòng hôm nay chỉ cần một thứ ánh sáng ấm cúng và một bầu không khí trang trọng.

    Hàng ngàn sợi dây nhỏ, kết bằng giấy bóng đủ mầu, chăng kín tường và rủ xuống, lung linh tha thướt như mưa nhẹ trong một bầu trời còn gió, còn sót nhiều tia nắng bâng khuâng vàng.

    Giấy màu vây quanh từng ngọn nến xoay tròn, đùa nghịch một cách kỷ luật như đoàn Hướng đạo sinh xoay quanh lửa trại. Chúng in màu trên tường pha trộn vào nhau, biến đổi vô cùng tựa lòng kính vạn hoa.

    Chú quay Sừng nôn nao vì sắc màu, chú không thể nằm yên. Chú xoay tít chạy quanh nhà, chân đinh của chú sáng loáng. Thân Sừng óng ánh. Bông Hoa phê bình:

    - Chú giống hệt một viên kim cương khổng lồ.

    Chú va vào chân ghế, dội ra, chú chạm nhẹ vào chân bàn, giả vờ lảo đảo. Chú chạy vụt vào gầm tủ, rồi vòng ra, đuổi theo chị Bóng bay.

    Bác Đinh già nhận xét:

    - Lúc này Quay Sừng đang đóng vai một viên kim cương say rượu.

    Chị Rèm cửa mỏng manh thướt tha giăng mình đầy khung cửa sổ và cất lời cáo lỗi:

    - Xin bác Gió đừng giận, xin ánh trăng đừng buồn nhé! Bữa nay chúng tôi tổ chức lễ, trong phạm vi thân mật. Mong quí vị trở lại đêm mai.

    Rèm cửa biết dư rằng Nến không ưa Trăng. Họ nhà nến vẫn chê ánh trăng nhạt mờ, ngoài tính cách trang trí không còn dùng được vào việc gì. Bác Gió thì làm hại sức khoẻ nến. Tốt hơn hết Rèm cửa chặn họ lại ở ngoài khung cửa sổ.

    Tuy nhiên thỉnh thoảng có chút gió tò mò, đẩy nhẹ chị Rèm, lọt vào phòng. Họ hàng nhà nến xôn xao, hàng ngàn sợi dây màu uốn mình, bốn phía tường như có hàng ngàn bông hoa muôn sắc lướt qua.

    Cụ Sách trầm tư xét lại những dòng chữ trong lòng mình, cụ muốn tìm những câu chúc tụng văn hoa bay bướm nhất.

    Chiếc xe hoả móp đầu, năm chiếc xe hơi nhựa nối đuôi nhau chạy khắp phòng. Chú con Quay vui đùa hỏi:

    - Các bạn đi đâu cho tôi quá giang với?

    Đoàn xe đáp:

    - Rất tiếc chúng tôi thuộc loại xe chuyên chở nhẹ. Xe chở đầy ắp niềm vui rồi. Chú con Quay cảm phiền nhé.

    Anh Chổi lông gà, suốt đêm trước lo quét bụi cho mọi vật trong phòng bây giờ mệt còn ngủ say. Nhưng anh đã cẩn thận căn dặn Giỏ rác:

    - Nhớ đánh thức tôi vào lúc nửa đêm nghe.

    Giỏ rác cố thu mình vào góc phòng với những vật đã bị loại ra khỏi cuộc đời.

    Chị Tranh vô cùng kiêu hãnh. Trong ánh sáng muôn màu chị được mặc cái áo mới chắc chưa từng có trên thế gian. Khung cảnh cánh đồng nơi chị màu xanh nhạt đổi qua màu tím sậm rồi màu vàng, màu hồng, màu ngọc thạch….Đôi lúc những màu ấy chen lấn xô đẩy nhau. Chị Tranh tưởng rằng mình vừa được ban chiếc áo thần của một bà tiên tính tình bất nhất, chỉ thích đổi thay.

    Cây đàn nằm trên góc tủ so lại dây. Chàng sẽ dành cho đêm nay một tấu khúc tuyệt diệu, một tấu khúc vui tươi, hân hoan không thua gì những nụ cười của họ hàng nhà nến.

    Suốt từ tối tới giờ ông Bàn, vật khó tính nhất trong phòng, không càu nhàu một tiếng. Chỉ thỉnh thoảng ông nhắc khẽ bình hoa:

    - Này! nhớ giữ cho bông hồng thật tươi đấy. Đêm nay là đêm trọng đại.

    Chỉ có bé Đinh ốc chẳng hiểu gì, đang thắc mắc. Bác Đinh già phải giải thích:

    - Đêm nay mọi vật tổ chức mừng thọ ông Cung tên.

    Biết bao thế hệ lịch, những vật có đời sống kéo dài đúng một năm trời đã qua đi, ông Cung tên vẫn vững bền khoẻ mạnh. Thân thể ông thuộc loại gỗ quí. Da ông đen bóng như sừng, thời gian không tạo một nổi vết nứt. Ông nói:

    - Ngay lúc này ném tôi ra giữa trận tiền, tôi vẫn có thể chiến đấu mạnh mẽ như một trăm năm trước.

    Mọi vật mừng thọ ông, mừng vị anh hùng đã chống cự bền bỉ với kẻ thù nguy hiểm, lạnh lùng nhất: thời gian.

    Khi bác Đồng hồ điểm lên mười hai tiếng đều đặn trong veo, cụ Sách đại diện cả phòng cất lời chúc tụng.

    Anh Chổi lông gà được đánh thức giật mình, tung cả bụi lên, nhưng những hạt bụi cũng óng ánh muôn màu.

    Ông Bàn tiếp lời cụ Sách:

    - Đáng lẽ tôi phải giữ mặt thật sạch sẽ để mừng thọ ông Cung tên. Nhưng ông biết đấy, lũ ranh con ở nhờ trên mặt tôi không bao giờ giữ vệ sinh chung. Vác bộ mặt nhem nhuốc này ra mừng ông, thật tôi xấu hổ quá. Tôi có bông hồng nhỏ còn tươi, xin tặng ông. Mong ông không từ chối món quà tầm thường của lão già thô lỗ này.

    Nhà quí phái Cung tên vô cùng cảm kích.

    Ông hiểu rằng quà tặng ông không phải riêng có lời chúc tụng của cụ Sách, bông hồng tươi của ông Bàn. Tất cả những sắc màu rực rỡ, hân hoan của mọi vật trong phòng đều dành riêng cho ông. Ông Bàn khỏi cần bày đặt tặng hoa. Một ngày không càu nhàu, lại chịu khó giữ khuôn mặt thật sạch sẽ của ông cũng là một món quà vô giá, khiến ông Cung tên có thể kiêu hãnh.

    Ông Cung tên cám ơn mọi vật, ông ngập ngừng nói rằng không biết kể sao cho hết lòng mến thương tất cả. Ông đã sống quá lâu, đã thấy hàng trăm thế hệ lịch từ tường rơi xuống, nhưng ông không mệt mỏi, ông còn muốn sống lâu nữa vì mọi vật cũng thương mến ông….

    Tất cả những ngọn nến trong phòng rực sáng thêm. Anh Đèn ống reo lách tách. Chiếc xe lửa và mấy cái xe hơi nhựa, đoàn xe chuyên chở niềm vui, tăng tốc độ. Chú quay Sừng vướng chân vào sợi chỉ buộc chị Bóng bay. Chú ngã chúi vào góc nhà. Nhưng chú vùng dậy ngay, đuổi theo mấy chiếc xe hơi. Chú vẫn giống một viên kim cương lóng lánh.

    Cây đàn bắt đầu tham dự cuộc vui. Chàng nghệ sĩ ồn ào nhất phòng này tung ra hàng ngàn nốt nhạc nhỏ xíu. Chúng ca hát, bay tung tăng khắp phòng, chúng lướt qua những ngọn nến, khiến tất cả những ngọn lửa trong phòng đổi từ màu da cam sang màu vàng rực. Những nốt nhạc rơi xuống như trận mưa mà tất cả những giọt nước đều hồng.

    Gió tò mò, chịu không nổi, xô nhẹ chị Rèm, tràn vào. Những sợi tơ giấy đủ màu uốn mình xao xác. Gió bắt cóc hàng trăm nốt nhạc, đẩy ra ngoài khung cửa sổ, bay vút lên cao.

    Bông Hồng trong bình nở tung, một bông hồng lạ kỳ, đổi màu theo từng cơn xao động của dây giấy bóng và ánh nến.

    Chị Bóng bay lăn vào gầm tủ thủ thỉ với bác Đinh già:

    - Tôi đã từng dự những cuộc lễ lớn. Họ hàng nhà tôi biết bao kẻ đã được bay cùng hàng ngàn con chim câu trên một nơi người đông như biển. Nhưng tôi chưa từng thấy có cuộc mừng lễ nào vui tươi như đêm nay.

    Khi chàng đàn trình diễn, ông Cung nói:

    - Quí vị làm tôi nhớ tới cái đêm mình tổ chức lễ tiễn đưa mấy cháu nhỏ nhà tôi lên đường. Cũng căn phòng này….

    Cụ Sách biết ngay là ông Cung nhắc tới đêm những cậu tên trưởng thành.

    Cụ Sách nói:

    - Hồi ấy, căn phòng này còn hẹp hơn, bốn phía là vách ván không phải tường gạch.

    Ông Cung tên hỏi:

    - Khi đó ông Bàn về đây chưa nhỉ?

    Ông Bàn đáp:

    - Rồi! Hồi ấy tôi trẻ măng, da dẻ nâu sẫm, nhẵn bóng chứ đâu có như bây giờ, mặt đầy sẹo ngang dọc, lem luốc.

    Để các vật trẻ trung trong phòng hiểu rõ về kỷ niệm mình vừa nhắc tới. Ông Cung tên bắt đầu kể:

    Ông Cung có năm con. Đêm ấy cả năm cậu Tên đều đến tuổi trưởng thành nghĩa là được bay đi khắp bốn phương trời.

    Mũi tên nhọn hoắt, thân tên thẳng tắp, cả năm đều đã đủ điều kiện để làm nhiệm vụ giang hồ.

    Vì mến ông Cung, các vật trong phòng tổ chức lễ tiễn đưa thật long trọng. Vả lại đây cũng là dịp các cậu Tên vĩnh biệt tất cả để sống một đời sống khác hẳn, họ hoàn tất cái sứ mạng đầy ý nghĩa họ mang từ lúc chào đời.

    Tình cờ, đêm lễ mừng trưởng thành của năm cậu gần ngày Trung thu nên trong phòng có đủ loại đèn. Tất cả những ngọn nến đều tìm được nơi trú ngụ đầy màu sắc cả căn phòng cũng sáng muôn màu.

    Cụ Sách đọc một bài thơ giã từ, lời lẽ ngậm ngùi, quyến luyến nhưng rất hào hùng.

    Các chú đèn con Cá, đèn Thiềm thừ, đèn con Thỏ chia nhau đứng ở các góc phòng. Bác đèn ông Sao đứng chính giữa, nơi các màu sắc trộn lẫn với nhau.

    Ông Bàn cho phép chú Ngăn kéo hé ra một chút để tất cả những vật trong lòng chú được dự lễ.

    Anh Diều giấy nói:

    - Chà! Mấy cậu Tên sẽ bay cao lắm đấy nhé. Tôi phải có hai cuộn chỉ mới bay cao bằng các cậu.

    Cậu Tên anh cả khiêm tốn:

    - Nếu chúng em bay cao xa được là cũng nhờ sức của cha em.

    Cụ Sách nói:

    - Đúng vậy, ông Cung còn mạnh lắm. Ông sẽ đẩy các cháu bay xa không thua bất cứ một mũi tên nào.

    Ông Cung vội nói:

    - Quí vị có lòng thương nói vậy chứ thật ra hồi này chúng tôi cũng sa sút lắm.

    Cậu Tên anh cả rất điềm đạm, bình tĩnh, trái lại cậu hai cậu ba thì nôn nao lắm, cả hai nói nhỏ với nhau, chỉ mong những nghi lễ rườm rà sớm chấm dứt để chúng được lên đường. Chúng đã nghe tiếng gọi của thinh không.

    Đúng giờ mấy cậu Tên khởi hành, bên ngoài khung cửa sổ rộng mời mưa lất phất. Cụ Sách tỏ ý lo lắng:

    - Thời tiết xấu, hay chúng ta dời chuyến bay của các cậu Tên lại.

    Bác Ô đen trấn an:

    - Không sao, mưa nhỏ mà. Bay nhanh như các cậu ấy thì không thể nào ướt được.

    Anh Diều giấy vẫn ngần ngại:

    - Trời gió to không?

    Chị Rèm cửa đáp:

    - Gió rất nhẹ.

    Ông Cung cảm ơn sự lo lắng của mọi vật, nhưng cho biết tên bay bất kể thời tiết. Tên bay trong nắng gay gắt hoặc trong giông bão. Chuyến bay càng cam go thì đời của Tên càng có ý nghĩa.

    Cậu anh cả, thay mặt các em, hỏi ông Cung câu cuối cùng:

    - Thưa cha! Cha còn dạy chúng con điều chi nữa không?

    Ông Cung nghiêm trang:

    - Cha chỉ có một lời khuyên, cha nhắc lại: Phải kiêu hãnh và bay cho thật thẳng.

    Mũi tên đầu phóng đi như một lằn chớp.

    Mọi vật quá chú ý vào đường bay của từng mũi tên đến nỗi, sau khi mũi thứ tư lên đường, mới khám phá ra mũi tên thứ năm; cậu Út đã trốn đâu mất tiêu.

    Ông Cung hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra, ông cố cứu vãn bằng cách nói nhẹ nhàng:

    - Thằng Út đâu rồi? Sửa soạn chậm quá vậy?

    Mọi vật im phăng phắc chờ đợi. Không có tiếng trả lời.

    Ông Cung sẵng giọng:

    - Út!

    Vốn là một nhà quí phái, ông Cung luôn luôn tỏ ra điềm đạm bình tĩnh. Khi giọng ông gay gắt như thế là ông đã giận lắm.

    Tất cả đèn trong phòng rực sáng thêm một lần để tìm kiếm. Bỗng có tiếng cậu Út càu nhàu:

    - Con muốn ở nhà, con chẳng đi đâu hết.

    Hoá ra cậu Út trốn dưới gầm ông Tủ.

    Ông Cung lịm đi, không nói gì. Ông giận quá và có lẽ hơi xấu hổ với mọi vật vì tình trạng bất ngờ này.

    Anh Diều giấy nói nhỏ:

    - Cậu làm vậy cha cậu sẽ buồn lòng lắm.

    Cậu Út nói to:

    - Cha tôi giận, tôi chịu. Nhưng tôi không đi đâu hết, tôi ở trong phòng này quen rồi. Bây giờ phải bỏ đi, tôi chịu không nổi.

    Ông Bàn lên tiếng:

    - Các anh của cậu đi cả rồi đấy.

    - Mấy anh ấy khoái giang hồ. Tôi khác, tôi nhất định không đi đâu hết. Tại sao ông Bàn, ông Tủ, anh Diều được ở đây mãi mãi? Như cái bọn Giầy Dép, bác Ô đen thì ra đi rồi cũng lại trở về? Tại sao tôi phải bỏ nơi này?

    Ông Bàn nói:

    - Tại vì chú thuộc loài Tên. Nếu chôn chân vĩnh viễn ở đây thì chú có bốn cẳng nặng chịch như bọn Bàn chúng tôi, chớ đầu chú nhọn hoắt làm chi.

    Cụ Sách cũng nghiêm khắc:

    - Còn một lý do nữa: chú sanh ra là con của ông Cung. Đừng để mọi vật nghĩ rằng chú không xứng đáng được có một ông cha như thế.

    Cậu Út lặng thinh. Ông Cung vẫn chưa chịu nói gì.

    Bông Hoa giầu tình cảm, rất hiểu nỗi khổ của cậu Út, hoa ngậm ngùi héo mất một cành.

    Một lát sau, cậu Út nói nhỏ như một tiếng thở dài:

    - Nhà chỉ có năm anh em tôi, chúng tôi bỏ đi cả, cha tôi sẽ buồn và cô đơn.

    Cụ Sách nói:

    - Nếu cậu nhất định không đi, làm buổi lễ tiễn hành, làm chính cuộc đời cậu mất hết ý nghĩa, cha cậu sẽ đau khổ gấp ngàn lần.

    Ngoài khung cửa mưa đã tạnh. Một chút ánh trăng tò mò nhìn vào phòng, cậu Út nói:

    - Xin quí vị tha lỗi cho, thật tôi làm phiền quí vị quá.

    Cậu trở lại với ông Cung, ngoan ngoãn đặt mình trong vị trí khởi hành.

    - Con xin lỗi cha. Con thương mến căn phòng này và con cũng sợ năm anh em con đi hết thì cha cô đơn.

    Mọi vật trong phòng rực rỡ, vui tươi trở lại, tất cả đã tha thứ cho cậu Út. Ông Cung vẫn lặng thinh, nhưng sự im tiếng của ông không còn vì buồn giận.

    Khi cậu Út hướng cái mũi nhọn lên trời cao ngoài khung cửa sổ, ông Cung mới nói:

    - Nhớ kiêu hãnh và bay cho thật thẳng. Đừng bao giờ để mọi vật lầm tưởng con là một mũi tên mềm.

    Cậu Út cũng phòng vụt đi như một lằn chớp.

    Bấy giờ ông Cung mới ngậm ngùi nói:

    - Xin quí vị tha lỗi cho thằng cháu Út, nó giầu tình cảm quá. Nó nói cũng không sai. Quả thực, năm anh em nó đi hết tôi cô đơn và buồn, nhưng hạnh phúc của chúng nó là quan trọng.

    Đúng như lời ông Cung nói. Khi đó, cậu Út đang hưởng cái sung sướng tuyệt vời của một mũi tên bay.

    Những đám mây kéo nhau về phía chân trời, trăng vằng vặc, đầy ấp thinh không bao la. Cậu lên cao, lên cao hoài, cậu hân hoan reo một tiếng thật dài. Giữa cõi mênh mông, cậu kiêu hãnh, ngất ngây với đường bay xuyên gió.

    LÊ TẤT ĐIỀU

    https://tuoihoandmore.blogspot.com/2...ong-thanh.html


  4. #134
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Vết xước.

    Chị Mùi của tôi đột ngột trở về.

    Hai mươi lăm tuổi mà bụng chị đã xệ ra, dáng vẻ đường bệ như một bà chủ.

    Chồng chị là con trai của một ông giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên sản xuất bao bì carton, bao bì nhựa các kiểu, các loại giấy in, giấy pelure, giấy gói, dây nhựa niền thùng... Ở đất cảng Hải Phòng, nơi các tàu buôn quốc ngoại lẫn quốc nội ra vào tấp nập, công ty đó làm ăn trúng lắm.

    Tiếng võng đưa cứ như rít lên.

    Bố mẹ và tôi, ai cũng gầy gầy, bé nhỏ, có lên võng nằm đưa mạnh, tiếng võng cũng chẳng bao giờ rít lên như thế, có lẽ tại trọng lượng của mỗi người chẳng lấy gì làm ghê gớm.

    Sau khi sinh con, người chị tôi cứ xồ ra, “cũng đã tập cả mấy khóa thể dục thẩm mỹ rồi mà không gọn lại được, nên thôi luôn” - Tôi nhớ, chị đã viết thư về cho bố mẹ tôi bảo thế. “Sáu mươi lăm ký, không tụt xuống hơn được”. Sáu mươi lăm ký ột trăm năm mươi tám centimet chiều cao, vị chi mỗi centimet gánh... Tôi bật cười khi quẹt cục than xuống nền bếp làm một con tính.

    Tôi nấu cơm xong thì bố mẹ tôi cũng đi làm đồng về.

    Bữa cơm có rau muống xào, mấy cái trứng cáy chưng lên và tô nước rau có dầm một quả cà chua. Đang nấu cơm thì chị Mùi lù lù xách túi đi vào ngõ, tôi pha cho chị cốc nước chanh rồi chạy ù ra chợ mua mấy bìa đậu. Tôi ráng đậu vàng lên, cắt ra xếp cũng được đầy một đĩa nhỡ. Trong hủ vẫn còn một ít mắm tôm, tôi múc ra bát giã ớt tỏi cho vào, vắt thêm một chút chanh. Mùi đậu ráng thơm phức, lẫn với mùi mắm tôm, chanh ớt khiến chị tôi nhổm dậy khỏi võng, và chừng như không kìm lòng được chị xuống bếp nhón một miếng đậu chấm vào bát mắm rồi nhai ngon lành. Tôi nhìn chị, chợt thấy gần gũi và thương thương...

    ***
    Long Xuyên.

    Chị tôi đặt phòng đôi ở khách sạn Thái Bình rồi kêu xe hon đa lôi chở hai chị em đến Minh Hương Hội Quán. Nhìn chị sì sụp khấn vái trước bàn thờ Ông Bổn tôi lại thấy thương thương...

    Em chồng chị là một cậu bé bị bệnh bạch tạng. Mái tóc nó vàng như râu ngô và cặp mắt cứ suốt ngày nheo lại - Nó cận thị khá nặng. Khi xem ảnh, nếu chị không nói có lẽ tôi sẽ bảo rằng đó là một đứa bé lai. Nó học không giỏi lắm và suốt ngày lờ đờ như một người ngái ngủ. Trong căn phòng sang trọng của bố chồng chị, nó lạc lõng và chẳng cần cho bất cứ ai. Mười lăm tuổi, lần đầu tiên có người trong nhà cần nhờ đến nó giúp đỡ. Đang lau dỡ căn phòng khách, chợt nghe tiếng cu con khóc ré lên ở phòng ngủ trên lầu, chị tôi tất tưởi vứt giẻ lau đấy, chạy lên, ngoái cổ bảo nó lúc ấy đang ngồi im lìm ở một góc ghế sa lon:
    - Bình! Lau tiếp nhà giúp chị với.

    Nó ngẩn người ra một lúc, rồi bắt đầu cầm giẻ lau nhà. Nó lau rất kỹ, tẩn mẩn chùi từng kẻ gạch một. Lau xong được chỗ nào, nó lại cúi sát xuống đất xem đã sạch chưa. Nó bò vào dưới gầm bàn chùi đi chùi lại thật kỹ vệt cà phê ai làm sánh dưới sàn. Hài lòng với công việc của mình, nó cứ thế mà đứng thẳng lên, và đội nguyên cả cái bàn nước lên theo. Tấm kính đặt trên bàn nhào xuống đất vỡ tan, cả cái bình hoa bằng pha lê tuyệt đẹp bố chồng chị tôi mua về từ một chuyến đi Thái Lan làm ăn cũng vỡ nốt. Hoảng hốt, nó cố vẫy ra cho thoát khỏi cái bàn đang đè nặng trên đầu. Choảng! Cái bàn văng vào góc tường, đập vỡ tanh bành cả cái tủ buýp-phê lắp kính màu bày toàn ly, tách ngoại...

    Chị tôi đã cho nó mấy cái tát nên thân và rít lên:
    - Đồ ăn hại! Cút đi đâu thì cút, còn đứng đó định ăn vạ nữa hả?

    Nó đã cút đi thật. Cả năm tháng rồi. Chị tôi khi nguôi giận, cảm thấy mình đã tàn ác với nó quá. Bố chồng chị tôi cho nhắn tin trên đài, trên tivi mấy lần mà cũng không thấy phản hồi gì. Bà vợ của ông sau khi sinh nó được ít lâu thì mất. Nó cứ lừng lững mà lớn lên như một túm cỏ dại. Ông cũng chẳng buồn để ý xem tại sao trông nó lúc nào cũng lờ đờ như người ngái ngủ, tại sao nó cứ nheo mắt muôn thuở, tại sao... Ông biết mình không yêu nó bằng những đứa con khác. Biết chắc nó là đứa con mình đã rứt ruột tạo ra nhưng ông vẫn thấy khó chịu mỗi khi nhìn thấy nước da trắng bủng và mái tóc vàng hoe của nó...
    Hai chị em về lại khách sạn. Chị tôi đem các thứ quà đã chuẩn bị trước để biếu người đã viết thư báo tin về thằng Bình ra gói thành một gói. Riết mối dây cuối xong, chị ngồi thừ ra:

    - Chị không biết ăn nói ra sao khi gặp nó đây. Chị tát nó mấy cái mà nó giận bỏ nhà đi từ bấy đến giờ. Năm tháng. Nó làm cách
    nào mà trôi dạt từ Hải Phòng vào đến tận An Giang này chứ.

    Tôi ngã người trên giường nệm trải drap trắng. Cậu em chồng của chị tôi sẽ xử sự ra sao khi gặp lại bà chị dâu nhỉ?

    ***
    Giữa những vùng đồng bãi hoang sơ của châu thổ Cửu Long có một giống lúa trời mọc lên như huyền thoại. Không ai gieo, không ai cấy, lúa tự mọc lên, tốt mịt mù và khỏe như thần thánh, không chuột bọ nào phá nổi, không con nước lụt nào phá nổi...
    Cây lúa trời cứng cỏi, lá to, hạt nhỏ. Những hạt chín lưa thưa xen lẫn lớp hạt còn xanh... Những mùa đồng nước mênh mông như biển lớn, khạp trong nhà không còn một hạt gạo, rau muống đồng, bông điên điển cũng nhọc nhằn lắm mới kiếm nổi... Lúa trời là những hạt ngọc cứu những người nghèo qua khỏi bước gieo neo. Hạt chín đem về xay, giã, nấu ăn. Hạt xanh còn lại trên cây cho đến khi chín tiếp. Không ai mang về tất cả những hạt chín xen lẫn những hạt xanh. Họ biết nâng niu những hạt ngọc của trời gieo xuống...

    ***
    Roàn... roạt, roàn... roạt...

    Tiếng cưa gỗ ở trong sân vang ra tận ngoài ngõ.
    Hai chị em tôi đứng lại. Căn nhà của người báo tin đây rồi. Ba cây dưa xếp một hàng thẳng bên cổng trái. Chị tôi e dè đánh tiếng...

    Tiếng cưa gỗ dừng lại, rồi một người trông rất khó đoán tuổi bước ra. Anh ta (hay ông ta nhỉ?) có dáng vóc của một đứa trẻ mười hai tuổi, tóc còn rất đen, nhưng mặt thì đầy nếp nhăn như một ông già.
    - Thưa, cô hỏi ai vậy ạ?
    - Cho tôi hỏi đây có phải là nhà ông Ba Dừa?
    - Thưa, phải. Mời hai cô vào chơi, tôi đi kiếm ảnh liền.

    “Lâu rồi, cũng mấy năm rồi, khi cái lần đầu vợ chồng thằng Ba đưa về nhà nuôi dưỡng một cụ ông đang sống vật vưởng ở trong chợ Long Xuyên, chòm xóm ai cũng ngạc nhiên, nghĩ cả hai vợ chồng nó điên hết rồi hay là đang tính chơi nổi để lên báo chơi, chứ có được lợi gì từ ông già đó đâu. Hổng biết con cái ổng đâu mà để ổng lê lết ăn xin tội quá. Người ngợm ghẻ lở tùm lum à... Vợ chồng thằng Ba đưa về, phục dịch thuốc thang, chăm sóc cũng hết khẳm mới lành lặn đó. Được ít bữa tụi nó lại chở thêm một cụ cũng vậy nữa về nhà phụng dưỡng... Cái thằng thiệt tốt mà con vợ nó cũng thiệt lành nữa. Nhà tụi nó thì cũng xơ rơ xác rác như cái quán của tao đây thôi. Hiểu nó rồi thì cả làng, cả xóm ai cũng thương. Tụi thanh niên ở đây cũng xúm vô phụ với thằng Ba, chứ bây coi, chăm ấy ông già bà lão sắp xuống lỗ như tụi tao thì biết mấy tiền cho đủ? Già cỡ tao, đau ốm hoài à...”

    Tôi ngồi trên cái ghế cây ở ngoài vườn, nhớ lại lời bà già chủ quán nước kể cho nghe khi hai chị em tôi hỏi đường đến nhà anh Ba. Ngoài đời cũng có những người tốt đến thế sao?

    Chi tôi đã trở lại, vẻ mừng mừng, tủi tủi:
    - Chị gặp thằng Bình rồi. Nó đang tắm ột đứa nhỏ. Nó lạ lắm...

    Chị kéo tay tôi đi.

    Tôi nhận ra Bình ngay. Mái tóc vàng và nước da thật trắng. Cái lạ mà chị tôi nói đó là cặp kính cận trên mặt Bình. Quả thật, trông nó dễ coi hơn, không có vẻ ngơ ngác như tấm hình nó chụp với cả nhà với cặp mắt nheo muôn thuở.

    Nó nói với chị tôi, giọng chậm rãi:
    - Em không về nhà đâu. Em sẽ ở đây, vì ở đây em là người cần thiết ít ra là cho đứa bé này.

    Nó chỉ vào đứa bé trai chừng hai tuổi đang ngóc đầu lên nhìn nó. Đứa bé đã ngừng vọc nước trong cái chậu tắm từ khi hai chị em tôi đến.
    Thằng Bình với tay lấy cục xà bông để trong hộp, trên cái giá gỗ đóng cạnh bờ giếng xuống xoa khắp người thằng bé, kỳ cọ rồi múc từng gáo nước nhỏ dội cho trôi bọt xà bông. Thằng bé nhảy như choi choi, nó cười, và vỗ tay đen đét vẻ thích thú...
    - Em còn phải về đi học nữa chứ?
    - Ở đây, em cũng được đi học. Em còn đi làm nữa. Em đã biết đánh xe trâu và biết gặt lúa. Em còn biết chẻ củi và nấu cơm.

    Anh Ba cũng cần em, thằng nhỏ này cũng cần em...
    - Anh Ba đã viết thư cho chị về em...
    - Em biết rồi. Ảnh có hỏi qua em, ảnh nói cần cho cả nhà biết tin là em còn sống và hiện đang ở đâu để cả nhà không phải lo buồn. Em nói tùy ảnh thôi, nhưng em sẽ không về. Em ở lại. Ở đây em cần mọi người hơn ở nhà.

    ***
    Hai chị em tôi về khách sạn.

    Chị tôi nằm vật ra giường nghĩ ngợi. Có mỗi cặp kính cận thôi là thằng Bình đã hết vẻ lờ đờ ngái ngủ. Mỗi một điều đơn giản ấy thế mà sao cả nhà không ai nghĩ ra được nhỉ?

    ***
    Tôi hỏi thằng Lâm:
    - Ông hồi trước ở đâu vậy?
    Thằng Lâm bứt tóc, vẻ suy nghĩ, rồi nó lắc đầu:
    - Tui không kể đâu.
    Cứ “tôi không kể đâu” hoài. Nãy giờ tôi hỏi mãi mà chẳng được gì cả về nó, ngoài cái tên, điều mà khi tôi hỏi, nó cũng phải bứt tóc một lúc rồi mới trả lời được.

    Lâm chính là cái ông cụ non mà hai chị em tôi gặp hôm đến hỏi thăm anh Ba Dừa. Bằng tuổi với thằng Bình - mười lăm, nhưng Lâm có vẻ mặt của một ông già, thêm cái cung cách bứt tóc mỗi khi suy nghĩ càng làm nó giống ông già hơn.

    Bình kể:
    - Nhà thằng Lâm ở Định Quán, Đồng Nai. Bố nó mù và nó phải dắt bố đi ăn xin từ khi còn bé tí. Mỗi lần ế ẩm, ông bố nó lại giơ gậy đánh nó giải buồn. Lỳ đòn rồi, nó cũng chẳng ngán mấy đòn gậy đập như đuổi ruồi của ông bố mù đâu, chỉ có điều từ những lúc đó nó đâm ra có thói quen bứt tóc. Ban đầu thì chẳng để làm gì cả, ngồi buồn, nó nhẩn nha tự nhổ từng sợi tóc. Sợi tóc giựt khỏi ra đầu nghe tê tê, êm êm... nó khoái, cứ nhổ mãi, đầu trọc từng mảng nhỏ.

    Thằng Lâm xách quần áo ra giếng giặt. Người nó còm nhom, xương sườn lộ ra đếm được từng dẻ.

    Thằng Bình tự dưng mĩm cười:

    - Chị mà gặp thằng Lâm hồi nó mới đến đây thì sợ phát khiếp lên được. Nó rất lười tắm, sợ nước vô cùng, suốt ngày cứ ru rú trong góc nhà rồi bứt tóc thôi. Nó bỏ ông bố mù đi vì nghe mấy người bảo ông ấy không phải là bố nó, chỉ là người thuê mướn nó thôi. Nó bỏ đi để tìm bố mẹ thật của nó đấy.

    Tôi theo Bình vào nhà. Thằng bé mà Bình tắm hồi trưa không chịu cho tôi bế, nó chưa quen tôi. Nó ôm lấy cổ Bình, khua khua hai bàn tay bé xíu lên mặt, lên tóc Bình.
    - Ba Bình ru Đức ngủ nha.

    Thằng bé cười ngỏn nghẻn. Nó vỗ vỗ vào miệng Bình rồi ngửa cổ ra sau cười hắc hắc.
    Bình đặt nó xuống giường, buông màn cẩn thận, rồi vỗ về nó, vừa hát nho nhỏ bài gì đó.

    Tôi ngồi ngoài sân chờ Bình ra.

    Nó ngồi xuống một khúc cây chưa xẻ, nói mà không nhìn tôi:

    - Anh Ba đưa thằng Đức về nhà khi nó lên cơn sốt. Ai đó bỏ nó ở bến phà Long Xuyên. Thằng nhỏ được bọc trong mấy cái tã rách nát, cũ vàng, khóc không thành tiếng nữa rồi. Nó còn đang bú mẹ, vậy mà... Chị Ba phải bế nó đi khắp xóm xin người ta cho nó bú nhờ. Cụ Tiến trong nhà đặt tên cho nó là Đức. Khi em đến, nó đã biết chạy lũn cũn, nó cứ bám theo em hoài gọi em là “ba, ba”. Em thấy thương nó quá. Không biết nó gọi tên anh Ba hay nó coi em là bố của nó. Nhưng em không rời nó được. Nó cần có em mà.

    ***
    Người ta kể, những con trai có ngọc là nhờ những hạt cát lọt vào trong kẽ mắt của trai. Đau, nước mắt trai ứa ra, bọc tròn lấy hạt cát. Ngày lại ngày, nước mắt cô thành ngọc. Soi lên trong nắng, hạt ngọc nào cũng có một tâm cát ở trong.

    Có những con trai có ngọc và có những con trai không có ngọc.

    Những con trai có ngọc - khởi đầu từ một vết đau...


    (Trích từ “Lối đi ngay dưới chân mình” – Nguyễn Lê Mỵ Hoàn )

    http://sstruyen.com/doc-truyen/truye...-3/347862.html

  5. #135
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Hoàng yến nở hoa

    Hơn ba giờ chiều, Duy nhắn tin: “Nhà có sao không Thư? Có gì nhớ gọi anh nha!”. Đó cũng là tin nhắn của Duy kể từ rất lâu, sau khi anh trở thành chồng Mai.
    ----

    Hôm Thư dọn tới nhà mới, đó là một ngày nắng hanh hao. Bầu trời ở đây có vẻ như cao hơn. Những tảng mây không bồng bềnh mà yên vị một chỗ. Nhìn từ xa, chúng như những dãy núi phủ tuyết trắng xóa. Cái nóng hầm hập của thời khắc vừa sang hè khiến người ta chỉ muốn tìm một bóng mát trú thân. Căn nhà mới của Thư không có bất cứ cây gì để làm thành bóng mát. Có vậy thôi mà Thư thấy mình trơ trọi. Nỗi cô đơn được ngăn cách bởi bức tường thành kiên cố vẫn ập về như một cơn gió, lại là gió mùa hè nên càng thổi càng thấy rát bỏng…

    Mình sẽ trồng một loại cây có tán lá phủ rộng khắp mảnh sân, nếu có hoa nữa thì càng tốt. Thư nghĩ ngay đến loài hoa ngọc lan. Không hiểu sao mỗi lần chạm phải mùi hương có khả năng gây nghiện ấy, Thư lại thấy lòng mình thanh thản lạ kỳ, cảm giác như những muộn phiền vừa được một bàn tay êm ái xoa dịu.

    Việc đầu tiên Thư làm ở căn nhà mới là đi mua cây ngọc lan. Mục đích là như vậy nhưng mỗi lần đến cửa hàng bán hoa, Thư luôn bị cám dỗ bởi rất nhiều loại hoa trong gian hàng. Từ những cánh hoa cúc mặt trời vàng rực, chỉ nhỏ li ti như những ánh sao hằng đêm cô ngắm nhìn đến những chậu tường vi phủ một màu hồng dịu ngọt, những khóm hồng rực rỡ sắc màu lung linh trong nắng… Tất cả như đang hướng về phía Thư, những lá non mát lạnh mơn man tha thiết mời gọi khiến Thư khó có thể chối từ.

    Duy ngắm nhìn mảnh vườn nhỏ mà Thư tự tay sắp xếp. Ở góc bên trái của sân, Thư dành một khoảng khá rộng, trồng cây ngọc lan mà cô rất thích. Cây mới cao khoảng 2 gang tay với vài chiếc lá nhưng xanh mướt, bóng nhẫy và đầy sức sống. Duy chỉ vào nó: “Đây không phải cây ngọc lan nghen Thư!”. Thư đang trộn đất với xơ dừa để bón cho cây.

    Cô đưa tay quệt mồ hôi, giọng quả quyết:
    - Rõ ràng nó là ngọc lan, em nhận ra lá của nó mà.

    Đúng là lá loài cây này khá giống với ngọc lan. Nhưng Thư không biết đó thôi, rất nhiều loại cây khi còn nhỏ có lá giống nhau. Loại lá dài, xanh đậm này hầu như rất ít khác biệt ở những cây như ngọc lan, xoài, sao, lêkima… Duy vẫn kiên quyết:
    - Đúng là lá của nó có giống, nhưng không phải ngọc lan.
    Thư bắt đầu có chút hoang mang:
    - Vậy anh nói xem, nó là cây gì?
    Duy gãi đầu, cố lục tung trí nhớ những thứ anh biết về cây trồng:
    - Hiện tại thì anh chưa nhớ, chỉ biết nó không phải cây ngọc lan.

    Thư bỏ dở công việc đang làm, đi về phía cây ngọc lan mới trồng. Hôm qua, Thư đã có một giấc mơ thật đẹp, cây ngọc lan nở hoa trắng muốt, phủ rợp mảnh sân trong một đêm trăng. Ánh trăng bàng bạc, phả xuống nhân loại thứ ánh sáng hão huyền với màu sắc khó phân định nhưng không buồn và lạnh như Thư nghĩ. Cả căn nhà của Thư được ướp bởi hương ngọc lan. Ở giữa sân, nơi có ánh trăng rọi xuyên qua kẽ lá, chồng Thư đang đón từng bước đi đầu đời của cô con gái. Tiếng bập bẹ của trẻ nhỏ xen lẫn tiếng lá cây xào xạc như câu hát ru êm đềm khiến cho Thư chỉ muốn thời gian ngừng lại.

    Nhưng Thư đã thức giấc ngay sau đó, sau cú quẫy đạp của đứa trẻ trong bụng. Mở mắt, Thư thấy mặt trời chiếu những tia nắng đầu ngày qua song cửa. Sao Thư vẫn không cảm nhận được đã sang ngày mới? Thư không có bất cứ thứ năng lượng nào để ngồi dậy. Cô nằm dài cho đến khi có tiếng chuông cửa. Duy đến để giúp Thư khoan tường treo di ảnh và lập bàn thờ của chồng Thư.

    Hôm chồng và Thư đi đặt cọc nhà, hai người đã bàn bạc thật kỹ cách sắp xếp sao cho căn nhà ngăn nắp, thẩm mỹ. Chỗ Duy đang khoan tường để đóng kệ lập bàn thờ Khang, lúc đầu Khang nói sẽ treo ti vi ở đó, loại ti vi đời mới có kèm bộ loa với nhiều mẫu mã rất đẹp, rồi hai vợ chồng cùng ngồi xem phim trong những buổi tối rảnh rỗi. Vì Khang bảo, vợ chồng mình về đây, hơi xa trung tâm, chắc bạn bè chẳng ai rảnh tới thăm và tụi mình cũng chẳng đủ siêng để chạy lên ấy xem phim, ăn tối. Khang còn hỏi: “Em có sợ buồn không?”, Thư lắc đầu.

    Cô đã qua cái tuổi la cà phố xá với bạn bè sau giờ làm việc. Thư cũng không có sở thích dạo chơi hay mua sắm ở những trung tâm thương mại sực nức mùi nước hoa. Thư chỉ thích về nhà sau giờ làm, bạn bè của cô giờ cũng chẳng đến nhà nhau chơi như trước. Muốn tám chỉ cần cầm điện thoại lên, đủ các phương tiện để họ nói với nhau miễn phí cả ngày, cần gì gặp nhau. Khang chọn mua căn nhà ở ngoại ô này vì giá còn rẻ. Cùng số tiền ấy, thay vì chỉ mua được căn hộ chung cư vài chục mét vuông, về đây, Khang thực hiện được lời hứa dành mảnh vườn nhỏ trước sân nhà cho Thư trồng hoa.

    * * *
    Thư ngồi thừ người nhìn cây mà cô cứ ngỡ là ngọc lan, không khóc mà nước mắt ứa ra lúc nào không hay. Ngay cả việc chọn cây hoa mà cô cũng làm sai. Duy bối rối khi chạm phải ánh mắt ngấn nước của Thư:
    - Để anh thay bằng cây ngọc lan!
    Duy nói và đưa bàn tay về phía nhánh cây bé tí. Bàn tay anh quá to, cảm giác như một con quái vật đang chuẩn bị cướp đi sự sống bé mọn của nhánh cây yếu ớt. Bất giác Thư hất tay anh ra:
    - Đừng!
    Duy bị bất ngờ với phản ứng của Thư. Ngay lập tức, Thư nhận ra mình sai. Cô chạy vào nhà đóng mạnh cửa phòng.

    Khang vẽ ra trước mắt Thư biết bao nhiêu bức tranh đẹp, hứa hẹn với Thư biết bao nhiêu điều. Vậy mà chỉ một việc duy nhất anh đã từ chối Thư, đó là khi bàn tay Thư siết chặt tay anh trong phòng cấp cứu sau tai nạn, ánh mắt anh đục ngầu nhìn Thư không chớp, sợi gân trên cổ anh nổi thành một đường dài, rồi anh gục xuống như một cái lắc đầu chối từ cái siết tay mà anh thừa hiểu ý Thư muốn gì. Thư cảm nhận thế giới ngay dưới chân mình đã đổi khác. Cô không còn nhớ mình đã đến đây bằng cách nào sau khi nghe tin. Bàn chân Thư, ngay lúc ấy, hình như không còn chạm đất nữa. Thư không biết mình là ai, đang ở đâu. Tất cả những bức tranh lung linh biến mất ngay trong tích tắc.

    Cả nhân vật chính trong bức tranh cũng hóa thành người khác. Chẳng ai chịu được tính khí của Thư, trừ Duy. Duy có lạ gì Thư, cô bạn cùng bàn từ thời tiểu học. Duy đã cùng Thư lớn lên, đi qua những thăng trầm, niềm vui và cả mất mát. Đồng nghiệp của Thư lần lữa đủ mọi lý do để từ chối đến nhà cô sau biến cố ấy, chỉ vì họ quá ít thời gian cho bản thân. Mỗi tuần đều cặm cụi ở chỗ làm nên ngày nghỉ là khoảng thời gian quý như vàng để họ “trả nợ” những việc chưa làm được trong tuần, rồi còn chồng con, gia đình hai bên nội ngoại. Chỉ có Duy luôn sẵn sàng chạy qua chạy lại đoạn đường gần 20km mà cứ như vài bước chân. Chỉ cần Thư có việc gì, nửa tiếng sau chắc chắn Duy sẽ có mặt.

    * * *
    Cảm giác cũng không tồi khi trồng một cái cây không rõ nguồn gốc. Thư thích ngắm những mầm xanh lớn lên, để thấy sự sống luôn chuyển biến không ngừng. Thư cũng không còn quan trọng liệu nó có phải là cây ngọc lan không. Nếu không là ngọc lan thì nó là cây gì? Bởi dù là bất cứ cây gì, nó cũng đã thân thuộc với Thư, cùng Thư vượt qua chuỗi ngày đau khổ lẫn hạnh phúc. Mỗi ngày Thư đều quan sát sự thay đổi của nó, hôm qua ra thêm chiếc lá, ngày nay trổ thêm nhánh…

    Đến một buổi sáng chớm đông thì thân cây đã to bằng cổ tay Thư, cao gấp đôi bé Mi. Bé Mi cũng háo hức như mẹ nó, mỗi ngày đều hỏi mẹ cây gì, có hoa không, hoa nó màu gì, có xanh như màu trời không... Mi giống ba ở tính cách thích tìm hiểu, hay mọi đứa trẻ lên ba đều thích tìm hiểu mọi thứ xung quanh như vậy. Buổi sáng, Mi còn hỏi mẹ Thư sao lâu rồi không thấy chú Duy ghé chơi. Thư tần ngần định nhắn tin cho Duy, thuật lại lời của bé Mi nhưng nghĩ sao cô lại thôi. Duy không còn như thời thanh niên chưa vợ để chạy qua chạy lại với mẹ con Thư.

    Từ ngày có bé Mi, Thư chuyển hẳn công việc về gần nhà để đỡ phải đi lại. Thư sợ phải vượt qua chặng đường xa khi chỉ có một mình. Và nhất là trở về từ một nơi thật xa, đến nơi, mở cửa ra cũng chỉ có một mình. Những ngày đầu, Duy bảo sẽ tìm một chỗ ở gần, để đi về cùng Thư. Thư chối từ ngay, không chỉ vì thường xuyên chạm phải ánh nhìn sắc lạnh của Mai - cô đồng nghiệp thích Duy - mà còn vì Thư không muốn Duy lãng phí thêm thời gian cho mối quan hệ chẳng đi tới đâu. Duy là người tốt, anh xứng đáng có một mái ấm hạnh phúc, nhưng không phải với Thư. Thư đã nói với Duy như thế vào một ngày trời đột nhiên trở lạnh.

    Trong lúc đứng đợi cho nước sôi để pha tách trà nóng, Thư nghe tiếng gió rít lên từng cơn sau mái hiên, vài tiếng chó sủa khan trong xóm vắng. Thư tỉ mẩn chọn từng lá trà tươi mới hái ngoài vườn, vừa xối nước vừa miết ngón tay lên từng chiếc lá cho sạch bụi. Xong, đợi cho ráo nước, cô vo nhẹ lá trà trong lòng bàn tay. Tiếng lá vỡ vụn báo hiệu độ tươi, già của lá trà. Lá trà này lạ lắm, chúng chỉ cho ra loại nước vàng sóng sánh và thơm đậm đà khi đạt đến độ vỡ vụn trong lòng bàn tay. Hóa ra vẫn có những sự vỡ vụn nhưng mang ý nghĩa vẹn tròn.

    Đến khi mùi hăng của nhựa lá trà bốc lên, có cái gì đó thư thả như nhả ra theo từng lọn khói. Thư cố ý nán lại lâu hơn để Duy không phải đối diện với sự bối rối khi Thư chối từ. Anh là người đàn ông nhạy cảm nhất mà Thư biết. Thư không muốn làm tổn thương thêm bất cứ ai.

    Ngày bão. Chẳng ai tin Sài Gòn mà có bão nên mặc kệ. Mọi người vẫn mải mê với công việc của mình, mặc cho tin bão phát ra rả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hơn ba giờ chiều, Duy nhắn tin: “Nhà có sao không Thư? Có gì nhớ gọi anh nha!”. Đó cũng là tin nhắn của Duy kể từ rất lâu, sau khi anh trở thành chồng Mai.

    * * *
    Chẳng có cơn bão nào đi qua mà không để lại dư chấn gì. Bão kèm triều cường nhấn chìm mảnh sân trước nhà Thư. Bé Mi được nghỉ học, Thư xin nghỉ làm để xử lý hậu quả sau cơn bão. Cả xóm lội nước bì bõm, trẻ con sẩy người lớn là lao xuống sân thích thú nghịch nước; người lớn bận tối mắt, hối hả đi nhặt dép, đồ đạc trôi nổi mất kiểm soát trong đêm. Họ còn tranh thủ chia sẻ với nhau những thông tin sau cơn bão, ở đâu có người chết, ở đâu có nhà sập... Hàng xóm đi chợ về ngang dừng lại bẻ cho nhau từng miếng bánh, nắm xôi, ân cần dặn dò: “Ở ngoải, nước còn tới đây nè. Ngồi trong nhà kiếm gì ăn đỡ đi!”. Trong hoạn nạn, bao giờ người ta cũng dễ xích lại gần nhau hơn.

    Thư ngồi bất lực nhìn ngọn cây tựa cánh tay yếu ớt giơ lên khỏi mặt nước như cầu cứu. Vài khóm thạch thảo, cải ngồng chỉ còn thấy cái lá li ti. Trời đã ngớt mưa từ đêm qua, những tia nắng yếu ớt len lỏi sau những đám mây một cách khó nhọc, vẫn chẳng thể bừng sáng lên cho thỏa thích.
    Đến chiều thì nước rút. Thư xắn tay áo xới đất, trộn xơ dừa vô từng gốc cây, khóm hoa. Thư chẳng có chuyên môn gì về trồng cây, nhưng mỗi lần Thư làm vậy, cây có độ thoát nước nên xanh tốt hơn. Đôi khi chỉ cần có niềm tin là sẽ có tất cả, Thư nghĩ vậy. Xong việc, cô ngước nhìn nhánh cây đã cao khỏi đầu mình, nói với cây mà như nói với mình: “Cố lên, sẽ ổn thôi!”.

    * * *

    Một buổi sáng, Thư mở cửa cho ánh bình minh tràn vào nhà, cô sững sờ trước chùm hoa màu vàng tươi đu đưa trên nhánh cây. Loại hoa như chuỗi ngọc với nhiều hạt li ti óng ánh trong nắng sớm. Thư đã muốn khóc ở khoảnh khắc ấy. Cô nhớ ngay đến Duy, vội chụp tấm hình rồi nhắn với Duy: “Em là muồng hoàng yến(*), chào ngày mới anh Duy!”. Duy nhắn lại bằng icon nụ cười đầy bí ẩn. Hóa ra ngay từ đầu Duy đã biết nó là cây gì.

    Duy nhắn thêm một tin nhắn ngay sau đó, nhanh đến độ Thư cảm giác như được anh soạn trước cách đây 5 năm, khi Thư vừa về nhà mới: “Anh thích gọi nó là hoa xuân muộn hơn. Loài hoa ấy sẽ mang lại cho em may mắn, sự tươi mới, niềm hy vọng và sự an lành”.

    (La Thị Ánh Hường)

    (*) Hoa muồng hoàng yến còn có tên là hoa xuân muộn, bò cạp vàng, osaka…


    https://www.phunuonline.com.vn/van-h...no-hoa-164413/

  6. #136
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Như gió thoảng qua

    Căn phòng của My ở cuối dãy chung cư. Đoạn hành lang đã hẹp, có khúc còn phải lách người do vướng tay lái chiếc xe đạp. Khiếp, chẳng lẽ mỗi lần đi về phải khiêng xe qua cầu thang để lên tầng 1 này? Mệt chết.

    Vậy mà họ vẫn chọn mệt hơn là đóng mấy chục ngàn tiền gửi xe tháng. Ở đây toàn người nghèo.

    Ở đây còn có ma - Kim, cháu gái My, nói vậy. Hôm Kim chở My đến xem nhà, nó nói thấy bóng người múa may sau song cửa, lúc đó mới 3 giờ chiều chứ mấy. Nó sợ quá dụi mắt mấy lần, nhìn lại thì không thấy đâu nữa.
    Rồi nó còn kể lúc lên sân thượng ở tầng 3, nó nghe tiếng hát ma mị lắm. Nó kết luận: "Con không dám ở đây với dì đâu nha!".

    Hôm My tới nhận nhà, Kim không đến cùng thật! Lúc đi qua dãy hành lang, tự dưng My thấy lạnh dù trước đó đến đây nhiều lần cô không hề có cảm giác này. My cắm cúi đi thẳng, không dám nhìn vào ô cửa sổ song sắt.

    Đến khi My ngẩng đầu lên thì giật thót: một bà lão tóc trắng lơ thơ nửa búi nửa xõa, không rõ người hay ma. Giữa khoảnh khắc của phản xạ tự nhiên, hoặc là hét lên, hoặc là lùi về phía sau thì My kịp thấy nụ cười tươi của bà lão.
    "Đến nhà mới là phải cúng kiến trước khi vô nhà nha con. Có kiêng có lành, con à!". Thì ra bà đứng đợi chỉ để nhắc My như vậy. Bà là hàng xóm, ở căn hộ đối diện phòng My. Hôm đó, bà còn kéo tay My qua phòng bà cho biết.

    Căn phòng hơn 20 mét vuông nhưng rộng thênh thang vì chỉ có bức ảnh treo tường khổ lớn. Trong ảnh là một thiếu nữ mặc trang phục cải lương, thần thái rất có sức sống. Chỉ có điều bức ảnh to quá khổ nên khá kệch cỡm, không phù hợp với căn phòng.
    Nhưng bà không quan tâm người khác đang nghĩ gì, hồ khởi khoe: "Bà hồi trẻ đó! Đẹp không?". My à lên: "Bà là nghệ sĩ hả?". Bà cười móm mém: "Không, bà chỉ là người phụ thay trang phục cho nghệ sĩ.

    Bữa đó, mượn bộ đồ mặc vào chụp hình thôi!". Rồi bà lặp lại: "Mà thấy đẹp không?". My nhìn vẻ hồn nhiên ít thấy của một bà lão, cô hình dung ra mình ở tương lai, làn da này, cái lúm đồng tiền này rồi sẽ chỉ hóp sọp lại khi hàm răng dần rụng hết, như bà lão. Nhưng chắc gì nụ cười lạc quan đó My có thể giữ?

    Bà lão sống với con gái nhưng My rất ít thấy con gái bà. Chỉ có bà quanh quẩn bên xe bánh mì trước chung cư từ sáng sớm đến tối mịt. Tổ trưởng chung cư ưu tiên một phần chỗ để xe cho bà mưu sinh.

    Hơn 80 tuổi mà không nơi nương tựa, nếu không cho bán thì bà lấy gì sống? Dù vậy, bà cũng không ta thán hay than khổ kể nghèo gì với ai. Ai thương cho tiền thì bà lấy, nhưng bà cũng nhét cho ổ bánh mì ú ụ thịt bảo xách về ăn.

    Mỗi lần mua bánh mì của bà, My thường ngồi ăn tại chỗ. Bà cũng quen, thấy My là kéo cái ghế chồng đôi ra cho My ngồi. Bà kể đủ thứ chuyện thời trẻ. Hóa ra, cả chung cư này ngày xưa là nơi ở của đoàn cải lương. Ngót nghét cũng hơn 50 năm rồi, hèn gì mà nó cũ nát, có những đoạn bậc thang bị bào mòn, lõm vào.

    Một lần, My đánh liều hỏi: "Ở đây có ma không bà?". Bà lão bật cười, vẫn kiểu cười nhìn vô lo: "Là bà "múa cột" đó! Khổ lắm, hơn 80 tuổi, bị lẫn rồi. Con cháu nhốt hẳn trong nhà luôn. Hồi trẻ bà ấy hát rất hay và giỏi trong màn biểu diễn múa cột. Đến khi lẫn, thỉnh thoảng vẫn đứng múa may, có khi còn hát nữa".

    Kể cả không ăn bánh mì, My vẫn thích ra ngồi cạnh nghe bà kể chuyện. Dạo này My còn canh gần đến giờ dọn dẹp lại xuống phụ bà những việc lặt vặt. Hôm nay cũng vậy, My phụ bà dẹp cái bếp, lau tủ kiếng, quét vụn bánh mì...

    Phần việc sau cùng của bà là xếp gọn ghế bố lại. Nhưng hôm nay bà không làm vậy, bà trải hẳn ghế bố ra. Nhìn vẻ ngạc nhiên của My, bà xua tay: "Con gái nó vướng đề đóm, bán nhà rồi. Bà ngủ ở đây!". Vẫn giọng lạc quan như chỉ là chuyện nhỏ thôi, ngủ đâu cũng được… Đêm đó, sau khi thuyết phục bà lên ngủ nhưng không thành, My cũng thức trắng.

    Bà chính thức mất nhà. Hôm My đi làm về đã thấy tài sản duy nhất của bà là tấm ảnh dựng ngoài hành lang. Cửa khóa ngoài. Tổ trưởng cũng xuống xác minh sau một đêm hay tin bà lão ngủ tại xe bánh mì.
    Trong lúc đang tụm năm tụm ba hỏi thăm thì bà đi lên, giọng vẫn tỉnh queo, nhưng là bà than: "Cái chân mỏi rồi, đi cầu thang khó khăn nên bà ngủ dưới đó luôn cho tiện". Đó là vì bà đã hay tin tổ trưởng khuyên bà lên hành lang nằm ngủ để tránh mưa gió. Bà kiên quyết lắm nên xem như mọi thứ khép lại.

    Có điều, tấm ảnh quá to, bà không thể mang xuống chỗ xe bánh mì nên gởi lại. Mà gởi ai, chẳng ai nhận vì phòng ai cũng chật, chưa kể tranh ảnh có linh hồn, của ai người ấy giữ chứ ai dám nhận. My cũng vậy.

    Không bao lâu sau thì chủ mới dọn đến. Ở không gian chật hẹp này, bất cứ một người nào cũng đều muốn sở hữu trọn vẹn khoảng không, dù chỉ là hành lang trước nhà.
    Chủ mới không cho gởi tấm ảnh quá to, thà là tranh khung cảnh họ còn tận dụng treo lại, đằng này là người lạ. Gặp My, cô ta nói sẽ chở tấm ảnh đi bỏ, tiện lúc xe chở đồ đến vào chiều nay.

    Chiều muộn. Gã tài xế khiêng bức ảnh đi, để lại luồng gió thoảng nhẹ. Nhẹ tênh thôi mà sao khiến My nhìn theo bùi ngùi.

    Khi gã xuống tới đường thì đúng giờ kẹt xe. Gã ngồi nán lại chỗ xe bánh mì, định ăn ổ bánh mì lót dạ chờ cho đường bớt đông. Nhưng gã gọi mãi không thấy bà lão trả lời…

    Một trong số những người chạm vào thân thể bà cho biết da thịt bà còn mềm lắm, chắc cũng mới đi đây thôi…

    LA THỊ ÁNH HƯỜNG
    https://tuoitre.vn/nhu-gio-thoang-qu...2111164068.htm

  7. #137
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Tình lơ

    1.TTXuân - 1. Lâu rồi, má tôi có đi coi phim Công lý báo thù người ta chiếu đằng sân xã ủy. Dượng Bảy (lúc chưa phải là dượng Bảy) bữa đó cũng coi chung, ngồi kế bên má, gần cái phông vải lớn.

    Coi hát thì chỗ này là ngon lành nhất, nhìn đào kép rõ, mụt ruồi giả của họ bị rớt, hoặc áo vua rách mình cũng thấy, nhưng đây là chiếu bóng, cái phim từ đầu tới cuối chỉ ca hát với đánh nhau.

    Cứ mỗi lần nhân vật ra đòn là má tôi né, thấy máu má tôi che mắt kêu trời, tới cảnh mấy con trăn rắn lớn bò tới thì khán giả đều sụt lùi ngã rạp sắp lớp lên nhau la ré. Má tôi sợ tới quên trời đất, dúi mặt vô lưng người thanh niên lạ hoắc bên cạnh, tức dượng Bảy. Khi phim gần hết, nam nữ chính múa hát ứ ư thì dượng Bảy đã chính thức chạm vào ngón tay út của má.

    Hết phim má tôi để lại một cái lông ngỗng: “Em là cháu ông xã Nghiệp”, rồi chìm mất vào dòng người. Năm bữa sau dượng Bảy (lúc đó sắp là dượng Bảy) nhờ một người bạn của ông ngoại tới nhà. Bữa đó má tôi chở mía đi lò đường để ép, dì Bảy ở nhà nấu cơm. Bạn già của ông ngoại khều dượng Bảy hỏi: “Mầy thương đứa đó hả?”.

    Dượng ngó cái người thấp thoáng trong bếp, thấy cái eo thon, đuôi tóc dài, gương mặt nhỏ nhắn xinh xẻo, môi lúc nào cũng nhoẻn cười, dượng tưởng người quen liền gật đầu. Tới đám ăn trầu uống rượu mới hay dì Bảy có người chị sinh đôi, tức là má tôi. Hai người giống nhau đến mức khó mà phân biệt được, nên đã nhiều người há hốc: “Ủa, mới thấy con Bảy xách giỏ đi chợ cái độp giờ sao nó làm cỏ ở nhà rồi?”. Dượng Bảy cũng cầm khay rượu há hốc, hết nhìn cô chị rồi tới cô em. Bẽ bàng. Lỡ làng.

    2. -
    Cô không phải người tôi thương.
    Dượng Bảy phũ phàng nói thẳng trong một tối say mèm, say đến nỗi thay vì chỉ thẳng dì Bảy thì dượng dứ dứ vô cái gối. Dì Bảy mắc cười quá, khẽ khều sườn chồng, nhỏ nhẻ: “Em bên này nè anh”. “Tôi nhớ em từ bữa đi coi chiếu bóng tới giờ...”, dượng nói sau khi day lại ôm dì, sau khi cầm ngón út nhỏ nhắn của dì nắn mãi. Dì kệ, để tay mình ở đó, mặt héo lòng hon, phải như bình thường dì đã thanh minh giòn giã: “Đây Bảy à nghen, con Bảy, không phải Sáu...”. Nhưng dì biết nói gì cũng muộn, người nhầm lẫn là chồng dì, tối đó đúng tối tân hôn.
    Bữa sau ra vườn đắp mấy họng đìa, hồn vía để đâu mà dượng xắn lưỡi vá vô chân, máu chảy đầm đìa. Dì Bảy bứt lá chuối non nhai nghiến ngấu đắp lên vết thương của dượng, máu trôi bã chuối này dì đắp lên bã chuối khác, miệng không hay chát. Dượng lắc đầu nói: “Cô không phải người tôi thương, người ta kia thấy máu trên phim còn không dám nhìn”...

    Hôm gặt, dì đẩy xuồng lúa bó trên mương ruộng cạn, mồ hôi này chưa khô mồ hôi kia lại tươm bê bết, lúc ăn cơm dượng ngồi gần nhăn mặt, cô không phải người tôi thương, đàn bà gì đâu mà chua lè, người ta kia thơm phức như múi mít...

    Năm sau vợ chồng cãi nhau, bữa đó chồng có rượu nói ngang, tức quá vợ đá vô ống quyển của dượng rồi té chạy. Chồng rượt sát đằng sau. Lọt qua cây quao che khuất tầm nhìn, vợ liền xõa tóc đủng đỉnh đi ngược lại, hỏi lớn: “Dượng Bảy, cầm chổi chà chạy đâu gấp vậy?”.

    Chồng tưởng chị vợ tới chơi, khựng lại sượng trân: “À, tôi... tôi đuổi mấy con gà...” rồi mời vợ vô nhà, rót nước cho vợ uống, hỏi vợ đói bụng không để chồng nấu cơm. Vợ nằm chờ cơm đòng đưa trên võng, ngó dượng chổng mông thổi lửa, mắc cười nhưng buồn quá, không cười được. Tối đó chồng chắc lưỡi hít hà xoa dầu gió vô chỗ chân bầm tím, chồng nói: “Cô không phải người tôi thương, người ta kia thấy đánh nhau trong phim còn sợ”...
    Năm sau dì sinh con gái đầu lòng, tóc rụng xơ xác, dượng Bảy ngó lom lom vào đỉnh đầu trống trải nói “cô không phải người tôi thương, người ta kia tóc nắm một vốc, mướt rượt”...
    “Cô không phải là người tôi thương”, sau này dượng còn nhắc đi nhắc lại câu này, mỗi khi say. Mà nghề thợ mộc cất nhà của dượng thiếu gì dịp say.
    Dỡ gỗ, nhậu. Lên đòn dông, nhậu. Lợp nhà, nhậu. Nhưng say nhất là về đám giỗ bên vợ, phải ngượng ngập gặp chị vợ lúc này cũng đã có chồng, phải nhớ lại mùi tóc, làn da, ngón tay nhỏ xíu nóng rẫy năm xưa.

    Nhưng đáp lại cái câu tạt mặt phũ phàng vô duyên vô dùng là một cái nhoẻn cười, cũng đôi khi dì Bảy hỏi lại: “Chắc không à?”, mà dượng có lần dõng dạc nói chắc, dì vặn ngay: “Vậy sao hồi hôm ôm tui?”. Dượng Bảy không biết trả lời sao, đành ngoẹo đầu ngáy o o.

    Có lần dượng đi đám giỗ ba bữa chưa về, dì lấy tờ giấy vẽ bản đồ nhà mình, vẽ sông Cái Tàu cong cong ẹo ẹo qua rạch Giồng Ông, vẽ chòm cây trâm bầu dưới bến, vẽ cái nhà có bàn ông Thiên đằng trước, ghi chú rõ ràng “Nhà Hai Hiệp”. Trâm bầu thì dì viết chữ “trâm bầu”, không thôi người ta nói đó là so đũa sao. Xong dì sai con đem tờ giấy cho dượng. Đi te te về, dượng nạt: “Ý cô nói tui đi nhậu không biết đường về nhà hả? Cô sâu cay hết biết. Thiệt là... cô không phải người tôi thương, người ta kia mủ mỉ thật thà”...

    3.
    Ba mươi năm sau, dượng Bảy đột quỵ. Chân yếu, miệng méo, xãi lai nằm một chỗ, mỗi khi dì dìu đỡ vào nhà tắm, giặt khăn với nước ấm lau khắp người, thay quần áo cho, dượng mắc cỡ quá nói câu gì đó, dì Bảy phiên dịch là: “Cô đâu phải người tôi thương. Người ta kia kín đáo, ý tứ tới cái tên còn không dám nói thẳng ra...”. Dượng nghe chảy nước mắt. Dì hết hồn, hớt hải nhắn xuống xóm Rẫy kêu má tôi qua, để an ủi tinh thần dượng.

    Buổi đó nhá nhem, đèn đỏ ối, dượng Bảy nhìn má tôi rồi ngơ ngác ngó quanh tìm dì, rướn cái cổ lên dượng nói từng chữ lục cà lục cục: “Chị không phải người tôi thương...”.

    NGUYỄN NGỌC TƯ

    https://tuoitre.vn/tinh-lo-360455.htm

  8. #138
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Chiếc lá hình giọt lệ


    Suốt thời niên thiếu, tôi nghiện hương vị tết phả ra từ căn bếp chị Thời. Hương vị ấy ăn sâu, bám mãi trong lòng tôi, dai dẳng, da diết mỗi độ xuân về.

    Sau tiết đại hàn, khi mưa chỉ còn lất phất, lâm thâm và rét đã đằm đi, dịu lại, cây mai vàng trảy lá sớm của chú Tâm lác đác vài nụ chúm chím, chị Thời bắt tay chuẩn bị tết. Từ bên ni hàng rào chè tàu ngăn hai nhà, tôi thấy chị tất bật đi về với những giỏ xách nặng trĩu. Mẹ nhìn qua lẩm bẩm: "Cái con giỏi thiệt! Tau mà thằng Tâm..." - Mẹ bỏ lửng câu nói nhìn chú Tâm ngồi thẫn thờ ngắm nắng, lắc đầu.

    "Mai nắng to không anh Tâm?" - chị Thời nhìn chú, hỏi qua rào. Chú Tâm nhìn trời ngâm nga: "Trời mưa thì mặc trời mưa. Tôi phơi dưa món... trời chừa tôi ra!". Chị tủm tỉm cười bắt tay làm dưa món. Nhìn chị tỉ mỉ tỉa dưa mà không nỡ ăn. Ngọn lá, cây thông, hoa đào, trái lựu bằng đu đủ đẹp như ngọc; những con thú bằng cà rốt, su hào xinh như đồ chơi. Có một năm chú Tâm dự báo thời tiết không đúng, chị phơi dưa vào ngày không được nắng. Dưa thiu, chị ỉu xìu, còn chú Tâm quạt lửa than cho chị ngồi hong đến nửa đêm. Cái thẩu dưa món không trắng ấy chị gọi là "dưa - nắng - ốm!".

    Cái tết đối với tôi không chỉ ba ngày. Nó dài ra theo những ngày làm mứt và ăn mứt nếm của chị. Đi học về là tôi chạy bổ sang nhà chị. Bao giờ cũng thấy chị ngồi trong bếp gọt me, gọt quất, gọt gừng, rim mứt... tóc rối ren, người sực nức mùi mứt ngào ngạt. Học xong, tôi lại qua ngồi canh mứt với chị, đợi chị cho ăn mứt vét. Đối với tôi, không có thứ mứt nào trên đời ngon lạ ngon lùng như thế. Tinh túy cả thau mứt dường như lắng lại trong những vụn đường, vụn mứt dưới đáy thau. Vụn dừa béo ngậy. Vụn gừng nồng nàn. Vụn khoai bùi đậm mê người. Vụn sen ngon đến bối rối... Có khi đợi không nổi, tôi ngủ gục trên vai chị. Cả trong giấc ngủ tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp, thơm tho không bờ bến vây bọc lấy mình trong đêm cuối đông.


    Chú út Tâm của tôi mắc bệnh thất tình từ khi chị Hà, người yêu chú, đột ngột đi lấy chồng. Chú hay lẩm bẩm đọc thơ hoặc ngồi im như bụt. Nhưng chớ dại chọc chú nói. Chú sẽ tuôn ra như nước chảy miên man câu chuyện tình đầy ắp ký ức chú đến lần thứ một ngàn lẻ một. Chỉ có một người lắng nghe lần thứ một ngàn lẻ một chuyện tình của chú mà không trêu chọc, đó là chị Thời.

    Nhà chị Thời có ba cô con gái. Chị là con đầu, không đẹp nhưng lại có mái tóc còn đẹp còn hơn tóc người mẫu quảng cáo dầu gội đầu. Tôi thích nhìn chị mặc áo lụa, túm hờ hai lọn tóc mái bằng chiếc nơ nhung đen đằng sau. Nghe nói hồi đi học có nhiều người "chết đuối" trên suối tóc chị nhưng không hiểu sao chị vẫn chưa có chồng. Mái tóc ấy luôn gội bằng bồ kết, hong khô bằng gió trời, ngan ngát mùi hương bưởi, hương nhu, óng ả, mềm mại, dìu dịu bay bay đến say lòng. Tôi hay nhìn chị hong tóc qua bờ rào. Cả chú Tâm cũng nhìn, nhưng khi tôi hỏi chú có đẹp không thì chú lại lạc đề về một mái tóc khác. Rồi không hiểu vì cớ gì chị cắt phăng mái tóc dài đẹp nhất xứ Huế. Tôi tiếc ngẩn ngơ, nhặt chiếc nơ nhung đen chị quẳng ép vào cuốn từ điển chẳng biết để làm gì. Tết năm ấy, tôi không còn được ngủ gục trên mớ tóc dài ngan ngát hương mứt của chị nữa. Năm ấy vụn mứt đượm mùi khét đắng.

    Mẹ rủ chị Thời lên chùa Linh Mụ cúng giải lời thề cho chú Tâm vì bệnh chú mỗi ngày một nặng. Chú cứ lang thang dọc đường Lê Lợi để đón chị Hà tan trường dù chị Hà đã theo chồng tận đẩu đầu đâu. Những cặp tình nhân ở Huế không mấy ai chọn chùa Linh Mụ làm chứng cho sự thề nguyền vì sợ nữ thần áo đỏ của chùa nổi cơn ghen giáng xuống bất hạnh. Thế mà chú và chị Hà lên chùa học thi, dại dột thề nguyền chi nơi đó... Rồi không phải nữ thần giải lời thề mà chính chị Hà về lôi chú ra khỏi cơn mê hoang tưởng về một mối tình vĩnh cửu. Tôi không nhận ra chị vì chị như một quý bà, béo ra, đầy trang sức và son phấn. Chị thương hại nhìn chú Tâm gầy gò, xơ xác, lầm bầm đọc những câu thơ dành cho chị và chợt rùng mình vì không gắn kết số phận với một người như thế. Chú Tâm dường như tỉnh lại bởi cái rùng mình của người chú đã yêu điên dại cả tuổi thanh xuân. Chiều ấy, những bài thơ tình chép bằng mực tím lả tả thả bay trong gió. Tôi tiếc chạy theo lượm đem cho chị Thời. Chị ngồi đọc, chậm rãi như uống từng giọt trong bóng hoàng hôn.


    Hai cô em song sinh của chị Thời, thua chị mười tuổi, học cùng lớp với tôi hoàn toàn trái ngược với chị như nước và lửa. Hai đứa giống nhau như đúc, đẹp đến phát sợ, nổi tiếng từ ngày còn mặc áo đầm đi học mẫu giáo qua các kỳ thi bé khỏe, bé đẹp, hoa hậu nhí... Một đứa mặc đầm vàng, một đứa đầm xanh để dễ phân biệt. Hai sắc màu ấy trở thành tên thường gọi của chúng - con Vàng, con Xanh. Con Vàng dễ ghét lại ngồi gần tôi. Hễ tôi chạm vào cái áo đầm xòe to như cái hoa hướng dương của hắn thế nào cũng bị hắn véo. Có cái gì khoe, hắn cướp ngay. Nắm đấm chưa chạm vào người, hắn đã bù lu bù loa nằm vạ. Con Xanh hiền hơn, dẫu vẫn khuôn mặt búp bê giống hệt con Vàng. Tôi và hắn hay chơi trò nấu ăn, trò vợ chồng. Cơm nấu trong cái nồi đất nhỏ xíu, chưa kịp xới ra những cái chén bằng lá mít đã bị con Vàng ném đá bể nồi. Con diều cắt dán cả tuần chưa kịp thỏa khao khát trời xanh đã bị hắn xé toang rồi lấy chân giẫm lên. Tôi nắm áo bắt đền, hắn nắm tóc tôi tru tréo. Tôi gọi chú Tâm. Hắn gọi chị Thời. Kết cục mỗi đứa bị đét vào mông một roi mới yên chuyện.


    Tôi càng lớn, chị Thời càng làm mứt tết ít đi. Bánh hộp, kẹo hộp, mứt công nghiệp ê hề ra đó, vừa đẹp vừa rẻ, chỉ cần một giờ ra chợ là có ngay cái tết nên chẳng mấy ai bỏ cả chục ngày dài để làm như chị ngày ấy. Có làm cũng chẳng mấy ai ăn. Mốt mứt đã tàn lụi. Món mặn và đồ nhắm lên ngôi. Đi nhà nào cũng thấy giò chả, nem tré, thịt nguội, đồ nhắm đưa cay. Tôi đi học xa về, sà vào bếp chị. Ông Táo về trời mấy hôm rồi mà bếp vẫn lạnh tanh, chỉ mấy thẩu đồ chua trên kệ, chị bảo nhà không cho làm. Bạn con Vàng, con Xanh thì nhấm nháp kẹo sôcôla, hạt điều. Bạn bố thì thưởng thức đồ nhắm nguội mua sẵn. Mứt ế phải đem cho bọn con nít nghèo trong xóm. Không có cái bếp sực nức mùi mứt của chị Thời, hương vị tết đối với tôi bỗng nhạt hẳn. Tôi bỏ đi chợ tết với bạn gái. Cô ấy không biết làm mứt và cũng không cần biết, chỉ mặc thật đẹp ra phố, dạo qua hàng mứt bánh nhón nếm và chọn mỗi thứ một ít. Thế mà hồi nhỏ tôi bảo với chị Thời lớn lên em chỉ lấy cô nào làm mứt ngon như chị.


    Tết năm nay về nhà, tôi lại thấy bếp chị rộn ràng. Những trái me dầm đẹp như ngọc xúm xít nhau trong thẩu. Những trái quất rim vàng óng gối đầu lên nhau. Rồi mứt hạt sen đài các, mứt khoai dân dã, mứt khế như cô bé lọ lem mà tôi mê mẩn cũng có mặt.

    Trên lò than âm ỉ nóng lại là thau mứt dẻo rối lòng rối dạ bởi sự hòa quyện màu sắc, hương vị cay chua ngọt đắng như đời... Người chị lại sực nức mùi mứt, ấm nồng hơi lửa, má đỏ hồng, tóc rối ren... Chị giải thích năm nay có khách xa về ăn tết. Con Xanh lấy chồng ở nước ngoài về thăm nhà sẽ đem theo một ông Việt kiều về giới thiệu cho con Vàng. Vả lại có em và anh Tâm về... - Chị nhìn tôi rồi nhìn ra cửa, ánh mắt đợi mong. Tỉnh giấc mộng tình, chú Tâm cầm cái bằng tốt nghiệp trường sư phạm tình nguyện về nơi cuối đất làm thầy giáo ở đất rừng U Minh. Chú hẹn năm nay về ăn tết.


    Con Xanh trở về đúng lúc chị Thời vừa hoàn thành món bánh bó mứt. Tôi đứng nhìn chị trộn các loại mứt quất, gừng, cam, bí... đã cắt mỏng vào chảo đường bột đánh nhuyễn trên bếp, sau đó bưng cả chảo trút lên cái mâm rải sẵn bột nếp khô, lấy tay nắn thành đòn dài. Con Xanh lao vào bếp, hôn tới tấp lên đôi má dính bột nếp của chị Thời, rên lên: "Em nhớ nhất cái bếp của chị!". Nó quay qua tôi hôn đánh chụt vào trán "ông chồng thời thơ ấu" rồi ngắt đại một miếng bánh trên mâm cho vào miệng nhai ngấu nghiến như kẻ đói khát hương nhà. Nó vẫn như ngày nào, đẹp rực rỡ và không để cho người khác yên.


    Con Vàng thất vọng vì ông Việt kiều con Xanh dẫn về đã già nhưng con Xanh bảo chỉ hơn chồng nó năm tuổi. Nhiều lắm là như bài hát "Năm anh hai mươi, em mới sinh ra đời. Ngày anh bốn mươi, em vừa tròn đôi mươi...".


    Đó là một kẻ tha hương bị lưu đày trong nỗi nhớ quay quắt trở lại quê nhà thì đúng hơn. Con Vàng không hợp gu với ông Việt kiều đẫm hương đồng nội này. Những bộ áo váy cực kỳ thời trang phô thân thể son trẻ của nó không tác dụng. Vẻ đẹp từng quyến rũ bao hội đồng chấm thi thời trang, sắc đẹp từ bé đến giờ không lọt qua cửa sổ tâm hồn của người đàn ông đang là đối tượng săn đuổi của nó. Ông ta thích lang thang một mình theo những lối mòn của ký ức để tìm lại thời gian đã mất hơn là đi nhảy nhót với nó. Ông ta mê mải nhặt những từ cổ lỗ sĩ, quê bỏ xừ của các mụ nhà quê, các gánh bún bò, cơm hến hơn là ngôn ngữ thời thượng của nó. Một lần nghe chị Thời mắng yêu tôi "ăn như thúng lủng khu" ông hớn hở nhặt ngay như nhặt được cục vàng, cám ơn chị rối rít làm chị ngỡ ngàng. ông bảo hồi nhỏ ông bị mạ ông mắng như rứa khi ăn một lần ba tô cơm hến. Nghe lại nhớ quá! Nhà chị Thời mời đi ăn cơm vua ở khách sạn Hương giang, ông lại xin ăn một bữa cơm dân tại gia. Chị Thời phụ trách trong bóng tối bữa cơm ấy để con Vàng được là tác giả ngoài ánh sáng. Cá bống thệ kho tiêu kiểu Huế cứng ngắc, cong vòng, canh rau dền nấu tôm, chột nưa kho, thịt phay chấm tôm chua kèm đĩa chuối chát, vả, khế, rau thơm trình bày đẹp như một tác phẩm nghệ thuật và chè khoai tía tráng miệng. Bữa cơm nhà bình thường ấy đem lại kết quả mỹ mãn. Ông Việt kiều ăn như mở toang cảm giác đón nhận hương vị, ăn chầm chậm như ngậm mà nghe mùi vị nhung nhớ trào về rồi thở hắt ra lời khen rất Huế: "Răng mà ngon dễ sợ!". Ông nhấp đắm say từng ngụm nước chè tươi thơm nức mùi gừng và bảo hai mươi năm rồi ông mới lại được ăn một bữa cơm đượm khí vị quê nhà như thế. Mẹ con Vàng được dịp khoe hắn nấu nướng giỏi, coi bộ chịu chơi vậy chứ nếu cần cũng đảm đang lắm. Còn con Vàng bảo chuyện đó đối với hắn dễ dàng như ngồi sơn móng tay.


    Hai mươi tám tết, chú Tâm vẫn chưa về. Tôi phải thay chú canh nồi bánh tét. Nhà chị Thời cũng nấu. Hai bếp lửa chụm đầu nhau bên rào. Cây mai nở rộ, toàn thân như tỏa ánh vàng trong bóng đêm, phả một mùi hương nhớ. Chị Thời kể cho tôi hồi bé chị hay trèo lên cây mai mở to mắt không chớp để rình coi mai nở. Thế nhưng chẳng bao giờ chị chộp được khoảnh khắc ấy vì chú Tâm ác lắm cứ nắm áo kéo chị xuống. Có lần chị kéo bị té gãy chân phải bó bột, còn chú chuộc lỗi bằng cách cõng chị đi chơi cả tháng... Chị phụ mẹ làm mứt bán tết từ thuở mười ba. Khi mẹ đẻ con Xanh, con Vàng chị làm một mình, tay sứt sẹo, nứt ra vì gọt me, gọt quất... Chú Tâm thấy tội hay qua gọt giùm. Chú gọt me giỏi vì thế... Chị ngồi bó gối, giấu ánh mắt trong ngọn lửa bập bùng, gương mặt buồn và kiêu hãnh có phần héo hon bởi năm tháng, mái tóc để dài lại gói trong chiếc kẹp cứng ngắc. Tôi lục tung đống sách cũ tìm chiếc nơ nhung đen bị gián gặm lỗ chỗ đưa cho chị. Chị cài lên tóc, cười mà mắt như có nước.

    Chú Tâm về vào chiều 30 tết. Nghe tiếng reo mừng chú bên kia rào, chị Thời luống cuống suýt đổ cả nồi chè đậu xanh đánh nấu cúng giao thừa. Mặt chị tái đi nhưng đôi mắt ngời ngợi một niềm vui không tả nổi, xôn xao chảy tràn trên khuôn mặt vốn trầm tĩnh của chị. Môi chị run run nửa cười nửa mếu. Dưới thứ ánh sáng kỳ diệu của tình yêu mãnh liệt mà câm nín ấy trông chị đẹp lạ lùng. Tôi và chị chạy ào ra cửa bếp. Chị nhìn sững chú Tâm, còn tôi nhìn sững một bóng người đứng dưới cội hoàng mai. Đó là bóng một cô gái. Trái tim tôi bỗng thắt lại bởi một linh cảm vừa ào tới. Tôi quay lại nhìn chị Thời như cố khắc ghi thoáng hạnh phúc mong manh rờ rỡ trên mặt chị trước khi nó lịm tắt.

    Mứt của chị Thời năm nay không ế. Chị bỏ bùa trong những món mứt khiến ông Việt kiều quanh quẩn mãi bên nhà con Vàng nhấm nháp mứt với nước trà. Hắn khoe cá sắp cắn câu vì ổng tưởng hắn làm. Ông khen món ăn nhà nó đậm hương vị quê hương, có mùi văn hóa, ăn ngậm mà nghe. "Kiểu này lấy ổng, tao phải đem theo bà Lạc Thời!" - con Vàng cười. "Rồi ổng biết mi không nấu được nước sôi thì mần răng?". "Dễ ợt. Qua đó không hợp thì ly dị. Khối người rứa. Chết ai mô!". Tôi ngắm đôi môi tô son tím lịm mốt Hàn Quốc của nó đang dẩu ra và không hiểu tại sao nó là em ruột chị Thời.


    Ông Việt kiều chính thức ngỏ lời với nhà chị Thời, nhưng không phải xin cưới con Vàng mà là chị Thời. Đúng là một quả bom nổ!

    Mẹ chị ngồi sững không biết nói thế nào. Con nào cũng là con. Con Vàng há hốc miệng rồi nanh nọc: "Tân thời không ưa, lại ưa lạc thời. Dắt nhau về thế kỷ 19 mà sống, đây đi lấy chồng Hồng Kông!". Nó nguýt ông Việt kiều cổ lỗ sĩ một cái tưởng như cắt ông ta làm mấy mảnh rồi rú xe ra khỏi cổng, chấm dứt những ngày đóng vai yểu điệu thục nữ, công dung ngôn hạnh.

    Tôi không ngạc nhiên. Tôi không tin một người sâu nặng với kỷ niệm và quá khứ như ông Việt kiều lại chọn một tạo vật xinh đẹp phù phiếm như con Vàng thay vì một người lặng hơn nước, thấp hơn cỏ nhưng sức sống tâm hồn vẫn trào dâng ngay cả khi ngồi im lặng.

    Chị Thời không nhận lời cầu hôn lại được xem là quả bom nổ thứ hai trong vòng một ngày. Không đẹp, lớn tuổi, coi như thuộc loại ế thế mà chị từ chối không luyến tiếc cơ may vừa có chồng giàu vừa được xuất ngoại. Mặc cha mẹ và con Xanh phân tích hơn thiệt, cả chú Tâm cũng khuyên vào, chị ngồi im, lặng lẽ ngó qua bên kia hàng chè tàu, nơi trước kia chú Tâm thường thờ thẫn đi lui tới lẩm bẩm mấy câu thơ:

    "Tình thơ dại ai ngờ sâu nặng thế.
    Năm tháng đi mà tình yêu vẫn ở
    Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau" (*)

    Nắng hoàng mai vừa tắt, chú Tâm đã bàn chuyện hôn nhân của chú. Cô kia cũng dạy học, mồ côi, neo đơn nên cưới hỏi một lần cho tiện, sau đó dắt nhau vào lập nghiệp ở quê người. Chú bảo trong đó dân tình ấm áp, đơn giản, dễ sống lắm. Chú đã tìm lại niềm bình an. Mấy mâm cỗ cưới chú trông cậy vào đôi tay khéo léo đảm đang của chị dâu (tức là mẹ tôi) và cô bạn thân từ thuở thơ ấu. Chị Thời nhận lời và bắt tay vào việc chuẩn bị. Tôi hay xót xa nhìn trộm chị nhưng chỉ gặp một chị Thời lặng lẽ, khép kín không thể thấm qua. Ngày cưới càng kề, chị càng bận rộn như thể đám cưới chị. Ánh đèn trong bếp vẫn đỏ cho đến nửa đêm.

    Chị thức làm bánh gatô, bánh phu thê... Thấy chị ngồi tỉ mỉ dưa chua, tôi bỗng cáu:

    - Kệ họ! Đi ngủ cho khỏe!
    - Em cưới vợ, chị còn thức hơn thế nữa.
    - Em không khiến. Dọn nhà hàng. Đã rứa... còn hành người ta!
    - Làm việc luôn tay... khỏi nghĩ trong đầu.

    Chị cười ngu ngơ rồi lại cắm cúi tỉa dưa. Chẳng biết làm gì, tôi xúm vào giúp chị cho mau xong việc. Chị vẫn tỉ mỉ như ngày nào làm dưa món. Tôi chợt thấy trên tay chị rơi xuống những chiếc lá mất cuống, thiếu răng cưa, thuôn thuôn hình giọt lệ, những giọt lệ đu đủ đẹp như ngọc, những giọt lệ cà rốt hồng tươi như máu. Tôi nhận ra chị Thời đang khóc.


    (*): Thơ Võ Quê (trong bài Nơi con sông)

    (Quế Hương)
    Theo TTOL
    https://ngoisao.net/buon-chuyen/chie...e-2501593.html
    Last edited by sôngthương; 11-14-2019 at 10:14 PM.

  9. #139
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Đó là đêm trước Noel

    (Mary Maredante)

    Hai lần Giáng Sinh trước, bố vẫn gọi điện để hỏi tôi muốn quà gì cho ngày lễ. Tôi nói tên của một cuốn sách nhưng ngừng ngay lại và nói: “Không phải, con muốn bố ghi âm cho con cuốn ĐÊM TRƯỚC NOEL”. Bố im lặng một lúc lâu rồi mới nói bằng giọng chắc nịch của mình: “Ồ lạy Chúa, Mary, sao con lại muốn thế chứ? Con đã bốn mươi tuổi rồi!

    Tôi ngừng lại, cảm thấy bối rối nhưng cương quyết: “Bố à, con nhớ lúc được bố ẵm hết mấy anh chị em trên ghế trường kỉ và đọc cho chúng con nghe cuốn ĐÊM TRƯỚC NOEL thật là vui. Con vẫn nhố giọng nói khoẻ khoắn của bố, cảm giác bình yên bên cạnh bố và cái cách bố giả giọng nhân vật. Con thật sự muốn bố làm điều đó, vì hiện nay con đang sống cách nhà gần hai ngàn năm trăm dặm và không thể về, vì vậy được có bố ở bên cạnh, con sẽ hạnh phúc lắm!

    Bố trả lời với giọng dịu dàng hơn, nhưng vẫn ngạc nhiên: “Ý con là muốn bố kể chuyện giống hệt ngày xưa, với những tiếng chuông, tiếng huýt sáo và những thứ khác nữa?
    - Vâng vâng, đúng đấy bố ạ.
    Ông lại im lặng một lúc, rồi nói: “Bố sẽ đọc cho con nghe cuốn sách đó”

    Tôi nghe rõ ràng có sự quả quyết và chút nhượng bộ trong giọng nói của ông, “Được rồi, bố sẽ gọi lại cho con vào Giáng Sinh”.

    Chúng tôi nói thương yêu nhau rồi gác máy. Tôi cảm thấy man mác buồn và cố gắng nghĩ xem tại sao. Có thể là tôi đòi hỏi một
    người đã bảy mươi sáu tuổi làm một việc nhiều chất tình cảm quá, và có thể bố đang nghĩ về một người lớn như tôi mà đòi hỏi chuyện đó thì hơi điên rồ. nhưng cũng có thể không phải vậy. Tôi chỉ biết rằng cứ mỗi lần nói chuyện với bố, tôi cảm thấy giọng bố dần mệt mỏi hơn. Và tôi bắt đầu biết chấp nhận, nhưng không biết vào lúc nào, rồi sẽ đến cái ngày chúng tôi chẳng bao giờ được nghe giọng nói ấy nữa…

    Trước đêm Giáng Sinh, một gói quà nhỏ gói giấy nâu được buộc kĩ lưỡng với rất nhiều băng dán và con dấu được gửi tới. Tên và địa chỉ của tôi được viết bởi nét chữ hoa mỹ của bố với những dấu nhấn hơi là lạ. Bên trong là một cuộn băng có tựa đề viết tay: “ĐÓ LÀ ĐÊM TRƯỚC NOEL.

    Tôi bỏ cuộn băng vào máy và lắng nghe giọng nói bố vang lên thật to: “Đó là vào một đêmmmm… trước Giáng Sinh khi tất cả những ngôiiiiiii… nhà… “giống y như hồi chúng tôi con nhỏ! Đến đoạn cuối cùng ông nói tiếp, “Và bây giờ bố sẽ đọc cho con nghe truyện CÁI MÁY NHỎ DIỆU KÌ”. Tôi hiểu ý bố khi ông quyết định gửi kèm cho tôi một trong những mẩu chuyện được yêu thích nhất của chúng tôi ngày xưa. Đó cũng là câu chuyện mà chúng tôi đã đọc cho mẹ nghe lúc bà mất vì một căn bệnh ung thư ba năm trước.

    Cuộn băng còn tiếp tục với tiếng hát của ca đoàn Mormon Tabenacle trong bài hát “Silent Night”, bài hát yêu thích mà gia đình chúng tôi cũng đã từng hát với nhau trong đêm Giáng Sinh trước khi đi ngủ. Rồi bài “ Oh Come All Ya Faithful”… hết bài này tới bài khác cho đến cuối cuộn băng. Tôi đi ngủ thật ngon trong đêm Giáng Sinh và thầm cám ơn Thượng đế đã mang lại một phép màu nữa cho bố.

    Tháng Năm sau đó bố mất thật bất ngờ. Không còn những cú điện thoại vào những ngày Chủ nhật, cũng không còn ai gọi điện hỏi tôi: “Gia đình Gospel thế nào rồi, Mary?” và cũng không còn ai nói “Bố yêu con” nữa. Nhưng giọng nói của ông thì vẫn còn và luôn nhắc nhở tôi rằng, tôi có thể thực hiện được những điều tôi đã quyết, và tôi cũng có thể dùng tình cảm của mình để bao bọc, chở che người khác, ngay cả khi có khó khăn. Đó là sức mạnh của tình yêu.

    Giáng Sinh năm nay tôi sang lại cuộn băng của bố và gửi cho các anh chị em của tôi, điều đó làm họ rất bất ngờ. Em gái út của tôi gọi điện đến và nghen ngào nói: “Mary, em mới nhận được cuộn băng. Chị có để ý là bố bảo đó là ngày mười chín tháng Mười hai trong cuốn băng không? Hôm nay đấy. Lúc em mới bỏ cuộn băng vào máy ở phòng khách, thì Holden, đứa con trai hai tuổi rưỡi của em từ nhà bếp chạy ra kêu thật lớn: “Ông ngoại đến, ông ngoại đến!” Có lẽ chị có thể thấy được bố đấy! Mary, nhìn xung quanh xem. Bố đang ở đây đấy!

    Tôi nhớ mãi lời nói đó của em tôi.


    http://dev.kilopad.com/truyen-ngan-c...truoc-noel-ti1

  10. #140
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Bởi Yêu Thương

    Nguyễn Ngọc Tư

    Bao giờ qua cửa Sáu Tâm cũng cằn nhằn. Bao giờ qua cửa anh cũng thấy Điệp lúi húi dọn dẹp, nấu nướng gì đó, “Mấy chuyện lặt vặt, để tôi làm, sao không chịu nằm nghỉ không biết”. Bữa nay thì tới lượt chị nhằn, Sáu Tâm về nhà với đôi đầu gối bê bết máu :
    - Tâm lại té à. Đi đường phải cẩn thận chớ.
    - Không - Anh bảo - Hôm nay dạy con San nó đi gối .
    - Tuồng gì ?.
    - Phàn Lê Huê.
    Chị bắt anh ngồi xuống gường, khẽ khàng vén ống quần lên, tháo cái chân giả ra, băng bó lại đầu gối cụt chỏng chơ vẫn còn tươm máu. Sáu Tâm nghe một giọt nước mặn nhỏ xuống làm rát bỏng chỗ vết thương, anh càm ràm ( như tía chị ); “Khóc cái gì. Chút xíu vậy cũng khóc “.

    Hồi trưa này, San cũng ôm đầu gối anh mà khóc.
    San là học trò của anh, nó làm tiếp viên ở quán Mây Lang Thang. Trưa nào, anh kéo cái bội khăn đi ngang cũng thấy nó ngồi băng đá đằng trước sân ngó cuộc đời. Son tô, phấn trát đậm như mấy người lên đồng. Có bữa anh dừng lại chỗ gốc bàng, đứng rao : “ Mười ngàn năm cái khăn. Khăn Mỹ … Tho có ho như thầy Minh cũng không rách. Mua khăn cô nhỏ. Khăn mới lau tủ cũ, cũ lau xe …”, anh thấy nó cười. Một bữa nó hỏi, có phải ngày xưa Sáu Tâm từng làm kép hát không ? Sáu Tâm tự trào, tôi mặt rổ như “ ga-mo-qua-xa-ky “( gà mổ quá xá kỹ) , đầu tóc bù xù, xi cà que, mình mẩy lúc nào cũng hôi mồ hôi mà là kép chánh sao? Nói chơi hoài.

    Nhưng San tin. Hồi đó đoàn Mây Mùa Thu về hát ở đình Tân Thuận. Hôm ấy, đoàn hát vở “Đời cô Lựu” thiệt khuya. Ông bán khăn này còn trẻ lắm, ông đóng vai Luân, mặc bộ đồ bà ba vá chằng vá đụp, quần thì xăn ống thấp ống cao. Lúc xả giàn (* ) là tới đoạn Luân quỳ xuống ngang gối, ôm cô Lựu ngẩng mặt lên, kêu mẹ. Trời ơi, San bưng rổ khoai ế đứng nhìn mà rưng rưng nước mắt, sao mà cô Lựu ôm Luân gọn gàng trìu mến đến như vậy, sao Luân hạnh phúc và sung sướng đến như vậy.

    Đó là lúc San ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành đào hát. Ừ, trở thành đào hát, không cần phải đóng vai chánh, nổi tiếng làm gì, hát phụ cũng được, đóng vai ác, vai hầu gái, cung nữ, bà già cũng được… Nhưng San mê vai có má nhất. Dù người mẹ nghèo bị hắt hủi cỡ nào, người mẹ giàu tàn nhẫn cỡ nào để chia cắt duyên con (như mấy tuồng cải lương bây giờ hay hát), nhưng có làm gì thì hết thảy đều vì quá thương con mình.

    San hai mươi bốn tuổi, hai mươi bốn năm má mất. Bà chết vì sinh khó. Cha San thường sau rượu, lúc say phà cái mùi hèm khăm khẳm vô mặt San, “ Tại cái con vô dụng này nên tao mới khổ sở như vầy, vợ cũng chết, tiền cũng hết”.
    San cố sống để khỏi phải là đứa vô dụng. Áo cha rách, San khâu. Cha kêu buồn ói, San chạy lấy thau lại hứng, dấp khăn nóng cho người. Sáu tuổi nó đã è ạch nách cái rổ khoai lang luộc, xách thùng mía lạnh rảo chân khắp làng trên xóm dưới. Mười hai tuổi nó xin chạy bàn, rửa chén ở quán “ Mây Lang Thang”, mười tám tuổi nó lấy chồng. Phải lấy chồng mới có tiền lễ để cha nó đổi chiếc xích lô lấy cái Honda. Mà, đời kỳ thiệt, San lấy ngay cái thằng hồi nhỏ nó ghét cay ghét đắng. Nó nhớ như in những lần na cái thùng mía lạnh ngang qua nhà, thằng chồng nó lúc đó chừng mười, mười hai tuổi chuyên chặn nó lại, giật mía mà ăn. Có bữa San cự, thằng nọ vạch quần ra đái tỏn tỏn vô thùng mía, vừa đái vừa cười ha hả. Hôm đó, San về nhà mà trong tay không có tiền. Dì nắm tóc nó mà đánh, San có nói gì thì dì cũng không tin. Bây giờ lại lấy nhau, mỗi lần thấy chồng tuột quần, lòng San dậy lên một nỗi căm thù. Được hai tuần, San thôi, lại bỏ về quán Mây Lang Thang, nhưng không còn rửa chén mà ngồi trong mấy cái buồng vuông vuông nhỏ nhỏ để tiếp khách.

    Ước mơ xưa chưa bao giờ trở thành hiện thực. Những khi quán vắng, San cố ngủ cho nhiều, ngủ là khỏi thấy lòng buồn, má hy sanh cho cái phận bọt bèo này làm chi không biết. Ngủ để coi có mơ thấy mình trở thành đào hát không. Ngủ vì không thích tụm lại với chị em để đánh bài, bàn số đề, giũa móng tay, nặn mụn hay đi mua sắm áo dây, váy ngắn.

    Mất gần một tháng Sáu Tâm mới nghe hết câu chuyện đời của nó. Mỗi bữa ngồi đụt nắng dưới gốc cây còng trước quán, San kể anh nghe một đoạn. Nhưng anh kép cũ không nhắc gì đến vầng hào quang cũ, chỉ San ngồi nhắc hoài, nó kêu anh dạy nghề. Sáu Tâm bảo, “ Nghề hát bạc lắm “. San bảo, nghề của em còn bạc hơn, bạc tại chỗ, những thằng mằn nắn mình, kêu mình bà xã ơi, cưng ơi, toàn là tụi coi khinh mình như rác. Dứt khoát, em phải trở thành đào hát, như đào Điệp ở đoàn chú vậy .

    San nhớ, cô đào thiệt hiền, dân dã, tan buổi diễn để nguyên bộ áo dài nâu, cái đầu bới ngồi ăn cháo vịt. Thấy San cứ tần ngần nhìn, cô hỏi San đói không. San gật đầu, không đói nhưng vẫn gật đầu. Cô gọi thêm một tô cháo, biểu San ăn đi, ngồi kế cô mà ăn. San ngồi trước tô cháo nhưng cứ nhìn cô, chỉ mong được nép vô lòng kêu tiếng má. Đào Điệp hỏi, con bán khoai hả, sao tan hát rồi mà không về? Khoai còn hết? Cô mua cho. Ăn xong, con mau về đi, tan hát rồi, đường tối lắm.

    San nhớ hoài cái khuôn mặt dịu dàng đó, bao giờ nó cũng nghĩ, má mình còn sống dứt khoát giống cố ấy. Nó kết luận, chỉ gặp một lần thôi mà em thương cổ suốt đời.

    Câu chuyện làm cho Sáu Tâm xúc động, gương mặt đen đúa trầm lặng như tượng gỗ bỗng mềm lại. Anh bảo anh sẽ dạy. Ở đâu ư? Tại cái sân dưới gốc cây bàng này. Sân chật đầy lá rụng có bữa bỗng dưng biến thành sân triều. Sáu Tâm gọi, “Cung nữ !”, San dạ, te te đi ra tay dâng chén rượu ngang mày. Người đời qua lại, có cười.

    Đám khách nhậu trong quán biết Sáu Tâm là anh kép hết thời, cứ đòi nghe cho được. Mấy lần bà chủ quán ra biểu anh, “ hát vài câu đi rồi có tiền” (như bà mẹ biểu đứa con nít ăn cơm đi rồi cho kẹo), lần nào Sáu Tâm cũng lắc đầu. Bà phật lòng, nghèo còn sĩ diện, nghèo mà không biết nghe lời người có tiền. San hỏi, anh bảo :
    - Có làm gì, đi đâu, chưa bao giờ tôi quên mình là nghệ sỹ, nghệ sỹ là người của công chúng, người ta yêu mình bởi họ thấy mình cao quý hơn họ, tôi không thể vì tiền mà sống hèn được. Cô nhỏ, sau này có trở thành đào hát, cô nhớ lời tôi nghen.

    Mỗi ngày, Sáu Tâm ghé chỗ San chừng mười mười lăm phút. Thời gian còn lại anh kéo cái bội đan bằng nan tre có gắn mấy cái bánh xe đi bán khăn, áo dạo. Anh cần tiền, nhiều tiền. Nhưng anh cũng muốn về nhà. Nên lúc nào trong lòng anh cũng như lửa đốt.

    Nhà Sáu Tâm ở xóm Gò Mả. Xóm nhỏ tụm lại trên nền nghĩa địa cũ. Những ngôi nhà cửa trước luôn mở về phía nội ô như bị người ta lấn tới nên giật lùi đến đây. Nhà anh cất kề chòm mả lạng, anh không sợ, ma cũng như người, mình tử tế với họ thì họ cũng tử tế với mình. Chỉ ngại, những lúc anh không ở nhà, chị thế nào cũng mở cửa ra, nhìn những chòm cỏ xa xanh kia và nghĩ về cái chết.

    Điệp càng ngày càng yếu. Chị ốm, mỏng như hột cốm dẹp. Tóc đã rụng đến nỗi ở xa chừng mười bước có thể đếm được từng sợi, từng sợi còn sót lại . Chị thôi xót xa rồi. Thôi từ cái bữa Sáu Tâm đã làm vỡ gương, chị nhắc hoài anh chưa mua lại. Thôi từ cái bữa mơ màng thấy anh nhặt tóc chị rụng trên gường đem đi giấu ở cái thùng đạn hồi trước đựng đồ nghề vá xe. Chị níu lấy anh, vùi nước mắt vô ngực anh mà ướt :
    - Tâm ơi ! Tâm khổ vì tôi chi vậy ?.

    Đâu mà biết nà. Tại duyên nợ. Điệp lớn hơn Tâm tròn con giáp. Lúc anh mới vô đoàn hát, anh gọi Điệp bằng chị, xưng em. Điệp toàn hát vai má anh, ráng lắm thì cũng vai em trai, loại em chuyên đi đưa thơ cho người yêu chị gái mình. Vậy mà yêu, yêu tréo cẳng ngỗng, cũng không biết để lòng thương lúc nào, ghê lắm cái lối thương thầm, thấy đầm đầm vậy chứ rứt không ra. Lúc đầu thì Điệp thấy buồn cười lắm, chị cứ theo chọc anh hoài, thí dụ tụi mình làm vợ chồng, phải gọi làm sao, Tâm ha ?.

    Cho tới cái bữa về hát Vàm Lẽo, nữa đêm trải chiếu nằm ngủ dưới khán đài, sàn diễn đổ sập xuống, Sáu Tâm đẩy Điệp ra, chỉ anh là còn kẹt lại trong đống đổ nát. Xương ống quyển bị dập. Đau lắm, nằm một chỗ, không xoay mình được. Ông bầu cũng nghèo, tiếc tiền, cứ bảo, trặc chân chút đỉnh rồi sai người đi hái thuốc về bó, đắp thuốc tới khúc chân bị hoại, lầy lụa, người ta mới đưa anh đến bệnh viện. Tháo khớp. Nỗi đau không nói được bằng lời, lìa khúc chân là mãi mãi đứt lìa sân khấu.

    Đó là những năm sân khấu cải lương lâm vào cảnh khó khăn. Đoàn hát phải biễu diễn khắp cùng quê xó, phải trưng dụng những dụng cụ phụ diễn đã bị nắng mưa làm mục nát. “ Mưa Mùa Thu” rã gánh, ông bầu bảo, còn ai hát hò gì nữa, tới Hồng Điệp cũng phải bỏ nghề rồi, trông mong gì. Điệp cùng Sáu Tâm dìu dắt nhau đến cái xóm Gò Mả này. Chị không hối tiếc, cuộc đời người ta ngoài ăn với ngủ, thời gian còn lại là đi tìm một nữa của chính mình. Chị thì có anh.

    Hai người, hai đôi tay hồi nào giờ chỉ quen múa gươm, lẫy roi, sảy ngựa với ba cái chân để kiếm sống. Cực khổ nhọc nhằn nhưng không nguôi thương nhớ nghề xưa. Điệp xin từ ông bầu rất nhiều món đồ diễn, đem về cất kỹ, thỉnh thoảng, chị mặc áo đính kim sa hát Mạnh Lệ Quân với anh. Lúc đó Điệp vẩn chưa phát bệnh.

    Bây giờ chị không còn sống bao lâu nữa. Khối u ở cổ đã đi vào não. Gương mặt xinh đẹp của chị biến đổi, nhiều bữa ngủ thức dậy, đôi mắt sưng húp, mũi chảy máu ròng ròng. Tai bắt đầu ù ù không nghe rõ. Nếu không phải trang trãi tiền thuốc cho chị, Sáu Tâm đã không lang thang ngoài đường. Anh muốn được ở nhà, ở bên chị, nắm nuối từng giây từng phút, để lúc chị đau anh giúp cho ly nước, vốc thuốc, cái khăn ướt lau mặt, để ôm ghì chị vào lòng mỗi khi lên cơn vật vã. Nhiều bữa mưa dầm đụt ở mái hiên nhà nào đó, Sáu Tâm thèm được khóc. Anh nhìn mãi đôi tay mình. Đôi tay từng đi làm mướn, đi bốc mả, vá xe, đôi tay từng bưng bê ở nhà hàng này, quán nhậu nọ sao lại bất lực không thể níu giữ người mình thương.

    Nhưng bao giờ anh cũng về nhà với khuôn mặt tươi cười. Cười không phải vì vui. Anh nghĩ, may mình là nghệ sỹ, nếu không, sao có thể cười giòn khi đang tan nát lòng đau. Nhiều khi, về tới đầu xóm, Sáu Tâm phải dừng lại, đốt điếu thuốc để lắng cảm xúc của mình lại.

    Anh sợ cả lúc bước vào nhà thấy chị đang nằm ngủ, Điệp biết hết. Nên mệt mỏi thế nào chị cũng làm cái gì đó để đợi anh về. Chị thương anh quá.
    May mà có San. Câu chuyện của nó làm cho cả hai người nhận ra họ đã sống một đời nghệ sỹ đầy ý nghĩa. Như San, họ chưa thay đổi được cuộc đời bất hạnh của nó nhưng đã an ủi nó nhiều. Điệp bảo :
    - Em không tiếc gì đâu. Tâm đừng buồn cho em nữa, nghen.

    Chị dặn, đừng nói cho San biết chị sống với anh, lại bệnh hoạn như vầy, “ nó đã giữ trong lòng một hình ảnh đẹp để ước mơ, mình đừng phá hư đi “. Nhưng rồi một đêm chị không ngủ mà nằm nghe trái tim anh đập từng nhịp gấp rãi, anh đang sống, chị nói với lòng, cái cơ thể này đang sống, mình nỡ nào để anh tạnh nguội theo mình. Vô tình, chị nghĩ đến San.

    Bất ngờ, một buổi trưa, San tới. Hôm đó Sáu Tâm không đi bán mà ở nhà lợp lại cái mái che đằng trước, lúc này trời trở gió, mưa cứ tạt vô nhà. Anh còn kịp chạy lại lấy cái khăn vắt đầu gường đội lên đầu cho chị như vẫn thường làm khi khách đến nhà. San hơi khựng lại, nhưng nó nhận ra cô đào Điệp năm nào. Vẫn còn đó một đôi mắt hiền, hơi ướt, dịu dàng :
    - San phải không ?.
    Và còn đó một giọng nói mềm như lá lụa non.

    Đó là một ngày trời oi nắng, mây đứng trân trên trời. Đó là ngày San nhận ra, trước người đàn bà đau ốm này đây, mình vô tình gây nên tội, tội đẹp. Và tim nó thắt lại một cái đau nhói, vậy ra, người đàn ông bán khăn áo dạo không ở một mình. Không biết làm gì, San lại mở cửa sổ ra, nhìn những chòm cỏ xa xanh,nó kêu lên, “trời ơi, ở đây bảnh thiệt, em thích một căn nhà như vầy lắm”, lòng vừa đau vừa thẹn thùa cười cái cọc đi kiếm con trâu.

    Sau này, mỗi khi rảnh, dù Sáu Tâm có kéo cái bội khăn lang thang trên đường phố, San cũng lại nhà. Căn nhà mà hồi mới thấy xa xa, nó tưởng là nhà của mình. Bây giờ, lại đó, San quét nhà, nấu cơm, đợi Điệp ngủ San kéo mềm tới cằm cho chị rồi lượm những sợi tóc buồn xơ xác như những chiếc lá lìa cành đem đi giấu. Bữa trưa đầy gió, chị biểu San đem lược lại chị chải tóc cho. Nó có mái tóc hệt chị ngày còn trẻ. “Tụi mình có nhiều cái giống nhau nghen. Chị cũng không có má, lớn lên trong trại mồ côi. Chị đến với sân khấu để vay mượn những thâm tình mà mình chưa hề có. Hồi nhỏ chị cũng cực lắm, nhưng không đến nỗi sa chân như San. Chị em mình còn một chuyện giống nhau nữa, đố San biết, tụi mình cùng thương anh Sáu, thương lắm, phải không ?”.

    San ngơ ngác hết mấy giây rồi lắc đầu. Chị bảo đừng giấu chị. “ Ừ, nếu không chê Tâm tàn tật thì bao giờ chị đi cho chị gởi lại. Em làm lại cuộc đời đi, Tâm rộng lòng lắm, không chấp nhứt chuyện này nọ đâu. Tâm dễ tánh. Mặc gì cũng được, ăn gì cũng xong. Con người đàng hoàng, nghệ sỹ mà đàng hoàng, không phù phiếm, buông thả. Kiếm người tin được không phải dễ đâu, San”.

    San không trả lời, không thể nói dối lòng rằng ” Thôi! ”, nhưng cũng không thể gật đầu cái rụp. Có phải là trao trái chanh trái bưởi cho nhau đâu mà một người đàn bà trao người mình thương yêu nhất cho một người đàn bà.

    Sáu Tâm không biết chuyện này. Tối lại nằm gối đầu lên tay anh, chị bảo, “ San nó thương anh lắm”. Anh cười, “Tôi bây giờ đã thành ông già, còn cô nhỏ đó …” Chị cũng cười, “Có sao, như Tâm với em”. Sáu Tâm biểu, “ Ngủ à nghe”. Nhưng chị biết anh vẫn thức bởi những ý nghĩ mới mẻ trong lòng. Chị thì ngủ, giấc cuối cùng, sâu thiệt là sâu. Đắp cỏ muôn đời.

    …. San bỏ quán Mây Lang Thang, chiều chiều ngồi bán chuối, khoai lang nướng mỡ hành bán ngoài cổng nhà văn hoá. Hỏi về giấc mơ trở thành đào hát. Nó cười đã bỏ lâu rồi. Đi hát lỡ nổi tiếng, thí dụ thôi nghen, người ta biết lúc trước tôi từng làm tiếp viên quán bia thì nhơ danh cả một giới nghệ sỹ, làm người ta mất cảm tình với cải lương, vậy khác nào hại cả nền sân khấu nước nhà.

    Cũng giống như phim tình cảm, đôi khi người ta vì yêu mà rứt ruột lìa xa người mình yêu. Biết làm sao, hoàn cảnh vậy mà .

    https://kilopad.com/truyen-ngan-c197...6/chuong-1-ti1

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:13 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh