Register
Page 2 of 19 FirstFirst 123412 ... LastLast
Results 11 to 20 of 186

Thread: Kiếm Đạo

  1. #11
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Quote Originally Posted by Lan Huệ View Post
    Mến chào Sông Thương,
    trước hết chị cám ơn Sông Thương đã đem về những truyện hay .
    Về các clip nhạc, chị hoàn toàn mù tịt cách làm, có lẽ ST muốn nhắc tới các PPS của chị Huệ Hương phải không? Nếu vậy, chị HH ơi, vẫn có nhiều người thích thưởng thức các PPS của chị đó.

    Dạ, St mến chào chị Lan Huệ , chị Huệ Hương

    Chết em rồi ! , Dạ, trước tiên cho em xin lỗi chị Huệ Hương thiệt nhiều chị nhé
    Và cám ơn chị Lan Huệ thiệt nhiều vì đã chỉ cho em . Nên em biết thêm là có tới hai chị , một chị Lan một chị Hương . Chị nào cũng có tài riêng . Khi nào chị HH cho em xem những PPS tâm đắc của chị nha

    em sôngthương

  2. #12
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Chị Lan Huệ ui

    -------


    Một cuộc đua


    Thấy tôi tái xanh tái xám, mồ hôi mồ kê bước vào nằm chuồi ra giường, con Thuý ngừng đọc báo :
    - Mất dạy hả ?
    - Ừ. Thằng quỷ bảo hôm nay em trúng gió, cô cạo gió giùm em. Rồi hắn cởi áo... Tao dằn lòng lắm mới không cho nó cái tát. Đạp xe đi về gần 15 cây số tốn hao bao ca lo mà chẳng được gì. Chỗ gặp học trò trời sợ. Chỗ thì phụ huynh cứ giả vờ quên ngày trả tiền, chỉ tặng đồ quá đát...

    - Có cái này dành cho mi đây ! Coi gặm được không ? - Con Thuý chìa tờ báo. Tôi dán mắt vào chỗ hắn chỉ :
    “Cần một giúp việc nữ dưới 25, lí lịch rõ ràng, ngoại hình khá, dễ mến, trình độ phổ thông trung học, có khả năng chăm sóc người bệnh nằm một chỗ. 50.000đ/2 giờ. Thử việc 3 buổi...”.

    - Dạy kèm không ra gì, tiếp thị bia không xong thì giúp việc nhà thời công nghiệp vậy. Tính ra tháng bằng 4 chỗ dạy kèm ! ăn học thoải mái.
    - Tiền nào mệt nấy !
    - Đồng tiền lương thiện bao giờ cũng nhọc nhằn. Lấy xe máy tao đi !
    - Đi giờ ?
    - Chụp giật liền. Lương cao khối đứa nhào vô. - Con Thuý giục.
    - Giúp việc nhà mà làm như tranh suất học bổng đi nước ngoài ! Lại còn ngoại hình khá !

    Tôi càu nhàu nhưng vẫn nghe lời con Thuý, đứng dậy. Hắn đáng nể. Tiếp thị bia để ăn học mà tâm hồn, thể xác 2 năm rồi còn nguyên xi. Hắn tránh né những thói sàm sỡ bằng thứ dịu dàng bọc thép, còn tôi mới làm chưa được một tuần đã tung chưởng bốp vào má một sếp tuồn tay vào váy và lập tức bị nghỉ việc. Tôi thay cái quần jeans cũ rồi nhìn mình trong gương. Đứa con gái trong đó nhìn lại tôi. Tóc ngang vai, không trang điểm, không “dễ mến”. Gai nhọn trong ánh nhìn. Môi khép hờ như nụ hồng nhưng mở ra có thể là 2 lưỡi dao bén. Tôi nhớ những từ người ta quẳng vào mình : Con mọi cứng đầu. Thứ không mẹ không cha. Nghèo mà chảnh !..

    Tôi đến địa chỉ trong báo. Đúng là giàu. Biệt thự mặt tiền. Xe hơi phủ vải ở ga-ra. Béc-giê xổ một tràng tiếng cẩu. Một người đàn bà khoảng dưới 40 nhìn tôi qua cửa sắt. Tôi chìa tờ báo có mẩu tìm người. Bà ta gật đầu rồi mở cửa. Cuộc phỏng vấn tiến hành chớp nhoáng :
    - Hãy giới thiệu ngắn gọn về mình.
    - Tên Phượng, 21 tuổi, sinh viên.

    Nghe đến đó, bà ta chìa tay. Tôi hiểu ý rút ví lấy thẻ sinh viên. Bà ta nhìn ảnh rồi nhìn tôi săm soi từ đầu đến chân.
    - Cô biết đùa, hát karaoke, nói chuyện phiếm giải buồn không ?
    - Biết.
    - Kiên nhẫn chịu khó không ?
    - Tôi dễ thương tổn nhưng lì lợm, không dễ đầu hàng.
    - Mấy người trước dội ra đều bảo họ thừa dịu dàng kiên nhẫn. Tôi thấy cô thẳng thắn, cứng cáp. Nếu cô trụ được, cô có thể được 2 triệu 1 tháng để ăn học. Còn không, 200.000đ cho 3 buổi rồi đi. Mai cô bắt đầu. Từ 3 đến 5 giờ chiều. Để lại địa chỉ, thẻ sinh viên hoặc chứng minh thư.
    - Công việc cụ thể của tôi là gì ?
    - Trò chuyện, chịu đựng người bệnh, giảm áp lực buồn chán vì nằm một chỗ.

    Trên đường về, con Hai Triệu tung tăng chạy trước ngoắc ngoắc tôi. Vì nó, tôi sẵn sàng gồng mình chịu đựng 2 giờ cho 22 giờ còn lại, cho cuộc đời tôi tự chọn và đi bằng đôi chân mình. Đêm ấy con Hai Triệu và một người không hình dáng chập chờn quấy nhiễu giấc ngủ tôi. Nam hay nữ, già hay trẻ, người hay quỷ ?

    Buổi đầu...
    Bà quản gia dẫn tôi đến phòng bệnh nhân. Bà thì thào : “Cậu chủ ngủ. Ngồi đợi”.
    Phòng rộng, thoáng nhưng bề bộn đồ đạc. Trên giường cũng bề bộn một hình hài. Tóc nhuộm hai màu chọi nhau. Chăn mỏng đắp hờ ngang bụng. Hai tay giăng ngang như bị đóng đinh. Lũ gối lớn nhỏ vây quanh cả chục cái. Tôi ngạc nhiên nhìn gương mặt trẻ măng đang ngủ mà mày nhíu lại như vật lộn với nan giải.
    - Khi cậu chủ dậy, cô giới thiệu cô là người thứ mười ba.

    Bà ta đi ra. Tôi cúi nhặt mấy tờ báo trên nền bỗng bị một cái gối ném trúng. Ngẩng lên, tôi chạm phải đôi mắt đầy hận thù trên gương mặt khoảng chừng đôi mươi.
    - Mày là con đĩ nào ?

    Tôi đã hình dung nhiều tình huống nhưng vẫn không phải tình huống này. Máu dồn lên mặt nhưng con Hai Triệu vuốt giận tôi.
    - Người thứ mười ba. - Tôi đáp.
    - Đứng dậy !

    ánh mắt thằng nhãi lướt trên tôi rồi cắm vào đôi chân lành lặn của tôi với vẻ ganh tị :
    - Mày có cặp giò mặc váy chắc đẹp. Tao... - Hắn bỏ dở câu nói rồi ném vào chân tôi cái gối. Tôi đón lấy. Cái nữa... Cái nữa...
    Tôi cáu :
    - Tôi sẽ quẳng lại nếu cậu tiếp tục.

    Gối cứ tỉnh bơ nhắm tôi bay tới. Tôi gạt phăng con Hai Triệu qua bên, chụp lấy ném trở lại vào mặt thằng chủ. Thấy tôi ném hăng quá, thằng nhãi nhà giàu ngạc nhiên :
    - Không sợ mất việc hả ?
    - Mày tưởng có tiền rồi làm cha thiên hạ chắc ? - Tôi chống nạnh trừng mắt.
    Thằng nhãi trố mắt nhìn tôi, rồi bật cười :
    - Trông mày cũng hay hay. Đỡ buồn ! - Nó chống tay ngồi dậy nhưng không được.
    - Giỏi ném nữa đi !
    - Đỡ tao ngồi dậy ! Tao thuê mày để làm việc đó.
    - Nhưng nếu tao không cần làm thuê nữa thì mày gọi đứa thứ mười bốn tới mà đỡ ! Tao đi đây ! - Tôi quay lưng.
    - Này... ! - Thằng chủ gọi giật.

    Tôi dừng. Đời tôi, tôi chưa đầu hàng cái gì trong vòng 15 phút.
    - Tôi cần tiền. Cậu cần người giúp đỡ. Có tôn trọng nhau thì hợp tác. Không thì thôi. Không có màn sỉ nhục. - Tôi đứng ở cửa ra điều kiện.
    - Tên gì ?
    - Phượng.
    - Sinh viên hả ?
    - ừ.
    - Lại đây đỡ tao !

    Tôi đến gần... Con Hai Triệu động viên : “Hắn không đứng dậy được. Đừng sợ !”.
    - Bế tao ra xe lăn ! - Thằng chủ chỉ tay về phía cửa sổ.
    Tôi định lật mền nhưng hắn thì thào : “Để thế !”.
    Tôi luồn tay qua cổ hắn và cảm nhận cái mềm mỏng rủ xuống ở tay kia. Hắn quàng tay qua tôi, mắt lấp lánh ánh tinh quái. Tôi đe :
    - Chớ dại ! Nếu không sẽ bị quẳng ngay xuống đất.

    Thằng nhóc lè lưỡi nép vào tôi. Lần đầu tiên tôi chạm vào một người đàn ông, dù hắn ta dường như chỉ còn một nửa !

    Buổi thứ hai...
    Vừa dựng xe đạp tôi đã nghe tiếng gào, tiếng khóc, tiếng chửi rủa sa sả. Một quý bà sực nức son phấn và nước hoa từ phòng cậu chủ đi ra, vừa đi vừa lau nước mắt. Thấy tôi, bà dừng lại :
    - Nghe nói cô đã qua buổi đầu tiên êm thấm với nó. Nếu cô làm dịu những cơn khủng hoảng thần kinh của con tôi, cô sẽ được trả gấp đôi.
    - Tôi có thể biết nguyên nhân và tình trạng của cậu ấy được không ?
    - Đua xe. Bạn gái chết, còn nó phải cắt cụt đôi chân vì xe tải nghiến nát. Đã 2 tháng nay tôi sống trong địa ngục, sợ những cơn cuồng nộ của nó đến không dám ở nhà...

    Tôi vào phòng, đến bên hình hài tàn phế đang nằm thở dốc và khóc.
    - Thứ mười ba đến rồi. - Tôi báo.
    - Trả chân cho tao ! - Gã gào lên.
    - Tôi không lấy chân của cậu. Có chân không đi, trời lấy lại.

    Gã há miệng như nghẹt thở rồi cầm “con dế” bên gối định ném tôi. Nghĩ sao, gã lại vứt nó qua cửa sổ.
    - Ông không còn chân, gọi thằng nào cũng không đến !
    - Đúng là ném tiền qua cửa sổ !
    - 7 triệu đấy, nhưng tiền để làm gì ? - Gã tì tay xuống gối lấy gì đó ném vào tôi. Gã luôn ném để khẳng định mình còn đôi tay quyền lực.

    Tôi nhặt lên, ngỡ ngàng nhìn tờ trăm đô xếp thành hình con hạc giấy. Cảm nhận được sức nặng của con hạc trong tay nhưng tôi vẫn ném trả. Gã lại ném qua... Cả bầy hạc giấy dưới chân tôi...
    - Nằm một chỗ, bà già vẫn phát lương. Còn mua sẵn chiếc xe hơi an ủi. Nhưng giờ tôi chỉ muốn chết. Hãy chỉ cho tôi cách chết ít đau đớn nhất. Tôi sẽ trả công cho cô.

    Tôi nhặt hết 5 con hạc giấy đặt xuống gối gã.
    - Cho đấy !
    - Tôi làm công nhận lương, không nhận tiền cho không.
    - Nghèo mà chảnh nhỉ ! - Gã ngạc nhiên.
    - Hôm nay có mấy kiểu chết trên báo, cậu chọn kiểu nào ? Nhảy từ cà phê 33 tầng vào sinh nhật thứ 21. Hỗn chiến tại quán bia, bị đâm. Một nữ sinh 17 tuổi dắt xe đạp băng qua đường sắt bị tàu đụng. Một thanh niên đi xe máy sụp ổ gà bị xe rác cán chết.
    - Toàn ghê rợn ! - Gã nhăn mặt.
    - Làm gì có cái chết dịu dàng ! Để tới cái chết phải băng qua đau đớn.

    Và bỗng nhiên hình ảnh mẹ tôi nằm chết trên mặt đường hiện ra trong vũng nắng.
    - Cô sao thế ?

    Tôi lau vội giọt nước mắt ứa ra, lắc đầu...
    - Cậu chọn cái chết thì cũng chẳng cần người giúp việc nữa ! Tôi về đây. Mất thì giờ !
    - Đừng để tôi một mình. - Gã kéo tay tôi - ở thêm với tôi, tôi trả cô một con hạc. Đây là tiền công chứ không phải tiền cho không.
    - Được. Dại gì không lấy. Giờ cậu muốn tôi làm gì ?
    - Cô sẽ làm gì nếu mai cô chết ? - Gã hỏi lại.
    - Tôi sẽ đấu tranh đến cùng để mai tôi vẫn sống. Một ngày là một cuộc chiến.
    - Giá nghèo như cô, tôi sẽ không bất hạnh thế này. Không có xe để đua, không có tiền để đốt đời mình...
    - Tại cậu chưa nếm mùi nghèo khổ đó thôi ! Tàn bạo, khốc liệt lắm, cuốn trôi bao ước mơ, đè bẹp bao số phận. Nhưng khi thừa mứa quá, nỗi đau trong tim còn dữ dội hơn cả cái đói. Một nhà văn đã nói thế.
    - Cô nói đúng. Tôi thừa tiền mà đầy trống vắng. Nhà tôi ai cũng sống giả dối, mọi thứ dùng tiền mua. Mà này, cô e bằng tuổi tôi sao “già” thế ?

    - Một chiếc xe chở ba người đã cướp mất tuổi thơ của tôi khi tôi lên 6, bởi vậy tôi ghét những đứa giết người rồi bị người giết như cậu... Tôi văng khỏi chiếc xe đạp khóc ré lên còn mẹ tôi nằm trên đường trưa im lặng... Tôi không có cha. Người đàn ông nào đó đã bỏ mẹ tôi khi tôi tượng hình. Ông cậu đem tôi về, lấy hết tiền người ta bồi thường, cho đi học một nửa buổi còn nửa buổi sai vặt, bưng bê trong quán cà phê của họ... 14 tuổi, tôi bị bà mợ ép bán trinh cho một doanh nhân. Tôi cầm chai rượu quật vào ông ta...
    - Rồi sao ?
    - Ông ta bưng đầu chạy. Còn tôi từ đó không nhà, lang thang vất vưởng rồi nương thân trong một mái ấm toàn những đứa trẻ không có tuổi thơ như mình. Tôi tự kiếm sống bằng mọi cách, giương vuốt bảo vệ mình và cố đổi thay số phận.
    - Đời cô buồn nhỉ !
    - Bởi vậy mỗi ngày của tôi là một cuộc chiến, chiến đấu để tồn tại, để biến đời buồn thành vui...

    Buổi thứ ba...

    Ngày thứ ba gã không la hét cũng không ném thứ gì. Gã nói chuyện, cùng tôi thi hát karaoke. Bà quản gia dường như không tin tiếng hát vọng ra từ phòng gã, sững sờ đứng chôn chân ở cửa. Gã thắng tôi dễ dàng.
    - Tôi thích sự thách thức. Chính vì vậy mà tôi lao vào cuộc đua. - Gã thở dài.
    - Giờ cậu dám đua nữa không ?
    - Đua với ai khi thế này... ?
    - Với tôi. Chúng ta đua ngoi lên dưới ánh mặt trời. Thời hạn 5 năm.

    Gã không trả lời tôi, tư lự. Khi tôi bế gã từ xe lăn trở lại giường, gã nhìn vào mắt tôi :
    - Cô có đôi mắt rất đẹp. Thăm thẳm nỗi buồn nhưng ánh nhìn quyết liệt. Đôi mắt ấy...
    - “Khóc người một con”... (Bùi Giáng) - Tôi nhìn gã đáp.

    Tôi qua trót lọt 3 buổi thử việc nhưng không “có duyên” với con Hai Triệu. Ngày hôm sau, một người đến tận chỗ tôi trọ gửi tiền công 3 buổi và một gói quà. Mở ra tôi thấy một bầy hạc châu đầu vào một đoá hồng. Đoá hồng là một cái thư, còn bầy hạc mười con xếp bằng tiền đôla thật. Tôi và con Thuý đọc :

    “Cô không cần đến buổi thứ tư. Tôi vốn là một đứa sáng dạ, chỉ cần ba buổi là ngộ... Tôi nhận lời “đua” với cô, đua ngoi lên dưới ánh mặt trời để “còn hai con mắt khóc người một con”. Mười con hạc giấy này tôi tặng cô. Nó chỉ bằng chai rượu tôi uống trong những đêm đốt đời mình. Trước khi bay, người ta cũng cần đôi cánh. Đừng chảnh, hãy nhận nó vì tấm lòng thành của tôi. Hẹn gặp lại cuối đường đua”.

    - Thằng này chưa phải là đồ bỏ. Hoặc điên, hoặc rất lãng mạn. - Con Thuý bảo.

    - Không ai là đồ bỏ cả. Đi mua máy tính với tao. Tao khởi đầu cuộc đua đây ! Mau lên ! - Tôi giục con Thuý.

    (Quế Hương)

    http://www.art2all.net/gophuong/quehuong/motcuocdua.htm

  3. #13
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Cám ơn các anh chị đã ghé qua đọc truyện với St nha

    -----------------


    Những vì sao



    (Thân tặng Christina Lee Sok Tin )

    “Cốp”, cúi đầu nhìn vào túi để lấy món quà cuối cùng nằm ở tận đáy, đầu tôi cụng vào một bộ râu, và tất nhiên cái tiếng “cốp” là do trán tôi va vào phía sau bộ râu, tức là cái cằm. Cú cụng làm trán tôi đau điếng, từ đó suy ra cái cằm của kẻ đối diện chắc là ê ẩm.
    “Xin lỗi nghen”,

    tôi vừa nói vừa vén bộ râu xồm xoàm để kẻ đối diện nhìn thấy nụ cười cầu hòa của mình. Và cũng là để cho mặt mũi được đón chút gió mát. Hai tiếng đồng hồ trong bộ áo quần và mũ mão râu ria ông già Noel, tôi nóng nực kinh khủng.

    Chợt nhớ ra, tôi vội buông mớ râu về vị trí cũ. Nhưng bọn nhóc đã nhìn thấy, chúng nhảy tưng lên trước phát hiện tôi là một “bà già” chứ không phải ông già Noel. Thậm chí chúng còn biết rõ bà già Noel trước mặt là ai nữa vì suốt từ sáng đến giờ, các bạn trong đoàn và tôi sinh hoạt chơi đùa và cùng ăn trưa với chúng.
    Nếu không bị câm điếc, hẳn phát hiện một ông già Noel lại là “cái bà” đã trở thành một trận cười náo nhiệt và cả trêu chọc. Nhưng trong những tiếng chân nhảy tưng lên chỉ là những tràng ú ớ liên tục, một bé gái có vẻ linh lợi nhất phát âm một cách đĩnh đạc “áu iếc ồi, ô ông ải ông à Ô en”.

    Âm thanh đã kéo những đứa bé khiếm thị đang nhận quà của ông già Noel đằng kia đi đến gần. Bằng một cách nào đó, bọn trẻ câm điếc đã “nói” cho bọn trẻ khiếm thị hiểu chúng đã phát hiện ra một “bà” trong những ông già Noel. Đám trẻ khiếm thị nhao nhao với tay lên mặt tôi:
    - Bà già Noel có râu không?
    - Bà ơi bà bao nhiêu tuổi rồi?
    Tôi lấy giọng ồm ồm:
    - Bà nhiều tuổi đến nỗi không thể đếm được.

    Đám khiếm thị cười vang và “dịch” lại câu trả lời của tôi cho đám câm điếc hiểu bằng cách vẽ gì đó trong lòng bàn tay. Những khuôn mặt cười ú ớ phản đối.
    Tình thế này thì cách hay nhất là... Vả lại túi đựng quà trên vai tôi cũng đã phát hết rồi. Tôi gỡ hẳn bộ râu ra, nhoẻn một nụ cười hết cỡ, bọn nhóc vỗ tay rần lên trước chứng cớ của sự phát hiện cực kỳ chính xác!

    Tôi gắn hai quai của bộ râu vào hai vành tai của đứa nhóc đứng gần nhất, bộ râu che mất hai phần ba khuôn mặt và thòng xuống tận ngực, nó bẽn lẽn rùn chân lại mà mắt nhìn bạn bè chung quanh một cách hãnh diện. Tôi gỡ mũ ra trùm lên đầu một đứa khác, và tôi quàng cái túi lúc này đã lép kẹp qua vai một đứa khác nữa. Cái túi lép kẹp nhìn chẳng quyền uy chút nào nhưng đã lỡ quàng qua vai của đứa nhóc mất rồi. Mười ngón tay của nó nắm cái quai túi một cách sung sướng.

    Tôi chìa tay về ông già Noel vừa bị mình cụng đầu:
    - Cứu bồ với.
    Ông già Noel gật gật tỏ vẻ đã hiểu ý tôi muốn có một vài gói quà đặt vào cái túi lép kẹp cho nó phồng lên, nhưng rồi tiếp theo là cái lắc đầu tỏ ý rất tiếc. Tôi ngạc nhiên nhìn cái túi trên vai ông vẫn còn cộm lên, rõ ràng còn khá nhiều quà bên trong. Ông lắc lắc đầu rồi vẫy tay ra hiệu cho tôi đi theo.

    Vào tới một trong những lớp học được mượn làm nơi tập kết cho đoàn sinh viên tình nguyện tổ chức đêm Giáng sinh ấm, ông già Noel gỡ bộ râu ra nhìn tôi với đôi mắt một mí ánh lên vẻ láu lỉnh. Và cái mũ cũng tuột xuống lộ mớ tóc đen nhánh và khuôn mặt bầu bĩnh. Hóa ra cũng là một bà già Noel. Tôi nhận ra đó là một trong những thành viên của đoàn tình nguyện viên khuyết tật đến từ Singapore.
    Từ hôm qua tới giờ bận rộn biết bao nhiêu việc nên chúng tôi chỉ kịp chào nhau rồi bắt tay vào thực hiện kế hoạch đã bàn bạc giữa hai đoàn từ trước, tíu tít lo mua sắm sách vở kẹo bánh và phân thành từng gói, quấn giấy làm những cái mũ chỏm đính kim tuyến và những đôi cánh thiên thần... Rất nhiều việc phải làm trong không khí Giáng sinh chộn rộn khắp nơi khiến tôi không kịp nhớ rõ ai là ai, ngoại trừ một anh kỹ sư đã 40 tuổi có cái nickname rất kêu là Amstrong, và lý do nữa vì Amstrong là người duy nhất trong những người khiếm thính trò chuyện không cần ra dấu vì chỉ bị điếc nhẹ.

    Đeo cái máy trợ thính, Amstrong xuất hiện rất đúng lúc ở những chỗ mà cuộc chuyện trò đến lúc bí rị. Và hình như sự cứu vãn tình thế không phải vì Amstrong dịch đúng! Tôi thấy sau mỗi lần Amstrong nghiêng tai lắng nghe phía bên này nói (bằng tiếng Anh, và tất nhiên là không phải ai cũng diễn đạt đúng điều mình muốn nói dù một trong những tiêu chí của Câu lạc bộ Tình nguyện viên quốc tế là phải giỏi tiếng Anh!) rồi huơ tay diễn giải cho bên kia, là tiếng cười vang lên ở đoàn Singapore rồi lan qua đoàn Việt Nam. Cách phát âm cộng thêm tính lém lỉnh của Amstrong mà không khí im ắng của sự thiếu vắng trao đổi ồn ào trêu chọc trở nên dễ chịu hẳn lên.
    Mắt một mí cởi găng tay bên phải ra rồi nhìn quanh và ngồi thụp xuống, đầu ngón tay trỏ nguệch trên nền nhà đầy bụi dòng chữ “Christina Lee Sok Tin. Your name?”. Tôi viết chữ “Liên”.

    Christina gật đầu mỉm cười rồi cởi nốt găng tay kia và hai tay kéo rộng miệng cái túi màu đỏ ra, bên trong chỉ là những vỏ hộp bánh. Rồi Christina đưa hai bàn tay lên ra dấu.
    Tôi không hiểu các dấu hiệu, nhưng tôi cảm được Christina muốn nói gì. Quà đã phát đủ cho các em rồi, nhưng cái túi của ông già Noel thì không thể trống rỗng trước mặt bọn trẻ!

    Giải thích về cái túi xong, Christina đưa tay xoa xoa cằm rồi chỉ vào trán tôi và chỉ vào bộ áo quần màu đỏ viền trắng trên người. Tôi gật đầu và cũng huơ tay ra dấu - “Hết sức xin lỗi, tôi đã làm bạn đau lắm phải không?”.

    Những ngón tay của tôi chắc chắn đã diễn tả ngược lại cái điều Christina muốn tôi hiểu. Hay nói đúng hơn là... đã diễn tả sai bét! Khuôn mặt của Christina lộ vẻ không đồng ý rất rõ ràng. Lại nhìn quanh. Tôi hiểu Christina muốn có tờ giấy và cây bút. Tôi cũng vậy. Từ lúc biết trong đoàn có đa số là sinh viên khiếm thính, tôi đã chuẩn bị một quyển sổ dành riêng cho việc bút đàm. Nhưng lúc này đồ đạc cá nhân của tất cả mọi người để ở phòng bên kia.

    Tôi ngồi xuống, nguệch ngón trỏ lên nền bụi “Sorry, I made you ...”, cái vốn tiếng Anh lõm bõm khiến tôi ngừng tay lại. Đã lõm bõm mà còn viết thành câu cú chữ nghĩa rõ ràng nữa thì...

    “Sorry, your chin was hurt by me”, hình như phải viết thế này mới đúng! Tôi liếc qua ngón tay của Christina - Một bức tranh! Vẽ mặt người này tựa đầu vào ngực người kia, và trong tư thế đó thì cái trán và cái cằm tựa vào nhau rất trìu mến.

    Ngẩng nhìn phản ứng của tôi rồi Christina mỉm cười cúi xuống nguệch hai từ - OK?
    ***
    Sau tiết mục phát quà là những trò chơi.

    Bọn trẻ khiếm thị cười nắc nẻ vì té lăn chiêng trong trò kéo co, tưởng sau khi lồm cồm ngồi dậy chúng sẽ khó mà tìm đúng người của phe mình, nhưng rồi tôi ngạc nhiên nhìn thấy chúng tìm ra nhau rất nhanh và rất chính xác. Có đứa lướt hai bàn tay rất nhanh lên mặt một ông già Noel và reo lên “A, anh Am -xờ -trong đây này”.

    Quả đúng là Amstrong dù Amstrong đã phồng má và bành miệng ra, hai hàng lông mày nhướng xếch lên. Một đứa ôm ngang người tôi và lần tay lên vai rồi xuống ngực, tôi né người nhưng không kịp, nó ấn tay vào ngực tôi như để xác định một lần nữa và reo lên: “A... bà già... Chị hồi chiều đeo râu cho thằng An đây này. Chị tên gì?”.

    Trong bóng hoàng hôn phủ nhanh xuống sân trường, những đôi mắt trống trải không bị ánh sáng phơi bày rõ ràng khiếm khuyết, nhìn bọn trẻ ôm eo nhau cong người kéo cật lực và hò hét “một hai ba...”. Thật khó tin trước mặt mình là những đứa bé mù lòa.
    Tôi đi qua phía bọn trẻ khiếm thính đang nhảy điệu múa sạp một cách điệu nghệ dù chẳng nghe được tiếng nhạc “sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rê...”... Có vẻ như những thanh tre sắp kẹp chân đứa bé nào đó nhưng rồi bàn chân linh hoạt nhấc lên đúng lúc hai thanh tre chập lại. Rồi ai nấy phá lên cười khi chính một trong những ông già Noel hướng dẫn điệu múa này bỗng nhảy vọt ra và vung tay la oai oái vì bị kẹp chân. Cú nhảy vọt bất ngờ khiến tôi bị va một cái “cốp”.

    Amstrong. Lần này là cái cằm của tôi.
    Hai ông già Noel ngã lăn cù ra. Mọi người chung quanh cười râm ran.
    Xem ra những sinh viên cũng được vui hả hê không kém bọn trẻ! Nhìn những bộ râu rung rung tôi cũng muốn cười theo, nhưng vừa nhúc nhích môi thì cái cằm đau thốn lên.
    Amstrong đỡ tôi ngồi dậy:
    - Sorry...
    Nhận ra tôi không phải là con trai, Amstrong bối rối đến nỗi không nói được như thường lệ. Chỉ ánh mắt lộ vẻ áy náy ghê gớm.

    Tôi xoa cằm và ra hiệu cho Amstrong đi theo mình. Băng qua sân trường, tôi đi vào lớp học chiều nay Christina đã vẽ trên nền nhà. Lạy trời cho bức tranh không bị nhát chổi của ai đó quét đi. May quá. Nó vẫn còn đó. Tôi chỉ tay vào bức tranh. Amstrong nhíu mày. Có tiếng chân bên ngoài. Christina hiện ra trên ngưỡng cửa, chìa trước mặt tôi hộp dầu gió xanh. Tôi xức dầu vào cằm mình và đưa hộp dầu cho Amstrong. Thật bất ngờ, Amstrong trở lại vẻ láu lỉnh quen thuộc, anh nghiêng chai dầu vào đầu ngón tay và ngồi xuống... xức cho cái cằm trong bức tranh.

    ***

    Dưới ánh trăng mười ba sáng rạng rỡ, những bộ áo quần màu đỏ lụng thụng khiến ai cũng giống ai, nhưng tôi nhận ra Christina và cũng vậy, Christina nhận ra tôi. Thỉnh thoảng, hai đứa tôi chạm ánh mắt nhau, tôi cười và biết sau đám râu um tùm Christina cũng đang cười.

    Được một người mới quen biết nhận ra mình giữa đám đông và có ai đó đang mong mình nhận ra họ... cảm giác thật khó tả. Nhất là trong một dịp đặc biệt thế này, ngoại trừ sinh viên của đoàn Việt Nam hướng dẫn các em khiếm thị bằng lời nói, còn lại đều ra dấu bằng tay, mọi cảm xúc đều dồn lên khuôn mặt và ánh nhìn khiến mắt ai cũng long lanh.

    Ánh long lanh rơi xuống thành nước mắt khi giờ chia tay đến. Những em bán trú phải về đúng giờ vì phụ huynh đã đến đón. Những em nội trú nấn ná thêm một chút với lý do chính đáng rằng ngày mai là thứ bảy, các em có quyền dậy muộn. Nhưng rồi cũng phải đến lúc để các em đi ngủ.

    Lưu luyến cầm tay níu gấu áo... Tôi gỡ bộ râu ra để một em khiếm thị rờ rẫm trên mặt. Rồi những ngón tay tuột xuống eo lưng tôi thành một vòng ôm:
    - Chị Liên ơi, sang năm chị có đến nữa không?
    Giọng thì thầm tràn ngập mong mỏi.

    Em hòa vào các bạn vừa bước đi vừa ngoảnh lại, khiếm thính thì vẫy tay, còn khiếm thị thì nghiêng tai như đợi một lời gọi. Rồi tất cả khuất sau lối rẽ hành lang.

    ***

    Lần đầu tiên tôi ngắm trời trong đêm Noel. Có lẽ vì đêm có trăng, và tôi đang nằm giữa sân của một ngôi trường vùng ven. Lúc chúng tôi trải tấm bạt ra sân, ông bảo vệ trường nhìn nhìn chưa hiểu tiết mục gì đây. Rồi thấy chúng tôi từng người nằm dài xuống bên nhau, ông lắc đầu nói:
    - Ngoài này nhiều muỗi lắm.
    Tôi dịch Amstrong nghe. Amstrong phẩy tay:
    - No problem!
    Cách phát âm của Amstrong khiến ông bảo vệ hiểu khác. Ông nhìn tôi, xuống giọng:
    - Nó nói nó tới đây là một sự lầm lẫn hả? Ở nhà nó có máy lạnh quen rồi nên ngủ trong lớp học lợp mái tôn của mình nó thấy nóng hả?

    Tôi phì cười. Christina ngồi dậy lấy giấy bút ra đặt lên gối chân và bật cây đèn pin nhỏ xíu, hí hoáy viết “What did he say?”. Có lẽ Christina nghĩ ông bảo vệ bắt tất cả phải vào trong phòng. Tôi viết “He said you are very nice”. Christina cười, gạch ngang chữ “you” và viết bên trên chữ “we”.

    Chúng tôi nằm xuống.
    Tiếng chân ông bảo vệ dần xa.
    Có bao giờ bạn thấy những sinh viên tụ tập bên nhau mà không tiếng ồn ào chưa?
    Yên tĩnh nôn nao.
    ***

    Lúc này đây, ngồi viết những dòng này, trước mặt tôi là tấm ảnh tinh nghịch những gương mặt cười, Christina đứng ngoài bìa, một tay choàng qua vai tôi, tay kia cầm mép tấm băngrôn nhiều màu sắc có dòng chữ thật to “Team H3 – Hopes, Hearts, **** City”.

    Hiện ra trong tôi vầng trăng Giáng sinh đêm mười ba tròn như trăng mười sáu. Và những thân người nằm lặng vì mệt, vì vui, vì những suy nghĩ mới mẻ và vì niềm đồng cảm dịu dàng lan tỏa.

    Chứng minh lời cảnh báo của ông bảo vệ, tiếng muỗi vo ve như mừng rơn. Đáp trả lại là tiếng đập bép bép. Nhưng không ai chịu vào trong phòng cả. Vì trăng đẹp quá? Vì gió tinh khiết quá? Vì không gian trong trẻo quá... Hoặc đơn giản là vì ở ngoài này chúng tôi có thể cầm tay nhau mà không bị ngăn cách bởi mùng màn.

    Lúc ấy tôi nghĩ gì nhỉ? Không nghĩ được gì. Chỉ cảm thấy. Christina bóp nhẹ tay tôi... Lần thứ nhất, tưởng Christina muốn nói gì, tôi đợi ánh sáng của cây đèn pin lóe lên nhưng không. Lần thứ hai, tôi khẽ quay mặt về phía Christina chờ đợi cử chỉ ra dấu. Nhưng cũng không, Christina vẫn lặng lẽ nhìn lên trời, vầng trăng lộng lẫy giữa mênh mang những đám mây màu thẫm nhiều hình thù, tóc Christina bay vờn trên mặt tôi.

    Cái bóp tay lần thứ ba, tôi trả lời bằng động tác tương tự và thấy nỗi xúc động dâng lên mi mắt. Ôi, Christina... Tôi đã nhìn thấy rồi, ánh sáng trăng rạng rỡ đã đẩy những ngôi sao về phía xa xôi. Những vì sao...

    NGUYÊN HƯƠNG
    (Củ Chi 25-12-2004, Buôn Ma Thuột 1-1-2005)


    http://lmvn.com/truyen/?func=viewpos...0bd580ySx2ODtv

  4. #14
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Cám ơn các anh chị đã ghé qua đọc truyện với St nhé

    -----------------

    Khúc Ba Mươi


    Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực không mà hôm đó cả nhà đều phải làm công chuyện tối mắt tối mũi. Đến nỗi, nhắc tới Tết là thấy chữ “Ba Mươi” chình ình, choán chật cả ký ức.

    Đó là cái ngày duy nhất trong năm cả nhà sum họp mà không sum họp. Ai nấy túi bụi với chuyện của mình. Cánh đàn ông con trai (nói cánh cho ham vậy, chỉ hai người thôi, chứ mấy), cánh này quan trọng, lãnh phần dọn dẹp, lau chùi, làm đẹp nhà. Nào là quét mạng nhện trên trần, lau cửa kính, tủ bàn, kỳ cọ mấy cái lư đồng, đem phơi nắng. Mệt phờ. Lúc dọn dẹp, bày biện bàn thờ thì mùi chiên xào dưới bếp bay lên, trời, lại phải bỏ ngang công việc đang làm dở, chuẩn bị mâm bàn cúng rước ông bà. Xế chiều rồi, chớ giỡn…

    Cúng kiếng xong, cánh đàn ông tiếp tục chuyển sang đánh trận… ngoài sân, còn má vẫn hì hụi trong bếp, vừa trông chừng nồi thịt kho, vừa làm thịt nguội, sau lưng má, củ cải với dưa leo đang chờ tới phiên mình trở thành món… dưa chua. Tết của má dài thăm thẳm, phải kể từ hôm tát đìa bắt cá làm mắm, xẻ khô. Cá còn phơi trên mấy hàng bông bụp má bắt tay vào làm củ kiệu. Hồi chị còn nhỏ, má lãnh luôn phần làm mứt, nướng bánh kẹp, bánh bông lan. Chị lớn, chị giành lấy, nói để chị làm, nên cả ngày ba mươi tụi nhỏ không thấy chị liếc, chị rầy, bởi chị cũng cắm đầu làm mứt, nào là mứt chùm ruột, mứt gừng, không biết ai ăn cho hết mà ôm đồm, vừa ngào chảo mứt dừa vừa chạy ra coi mớ mứt tắc (quất) phơi ngoài sân không biết có kiến bò lên không. Cái dáng chị khum khum, tay đấm lia lịa vào lưng, than mỏi quá nhưng vẻ mặt thì tươi rói, ngây ngất. Giống hệt cả nhà, miệng kêu cực mà hớn hở, như thể ngày cuối năm này không có việc gì làm mới là niềm đau khổ lớn.
    Tụi con nít cũng bận lắm, chạy đi chạy lại, “lấy dùm ba cây bàn chải”, “chặt dùm má mấy trái dừa”, “ê, coi chừng mấy con chó chạy giỡn làm đổ mớ mứt đang phơi…”, “chạy đi mua cho má mấy bịt muối, cho đầy hũ, nhỏ ơi”. Trên đường chạy đầu này đầu nọ, tụi con nít không quên thò đầu vô tủ vuốt ve mấy bộ đồ mới, ứa nước miếng, trông mau tới chiều để mặc, nên có khi má kêu hai ba lần mới chịu đi làm, bịu xịu càu nhàu trong bụng, không biết ông trời sinh ra ba mươi Tết làm chi, công chuyện quá trời.


    Mà, việc nào cũng quan trọng, quan trọng khủng khiếp, không thể để đến ngày mai. Tuyệt nhiên, chẳng ai chần chừ, “để làm sau..”. Cứ như là không còn ngày mai nữa, cả nhà làm cho bằng hết việc, đến xanh mặt, mướt mồ hôi, như ai đó đuổi đằng sau, như làm bây giờ để mai mốt không động tay vào bất cứ việc gì nữa.

    Tụi con nít buồn cười, vì cữ kiêng lắm thì chỉ thảnh thơi được ngày mùng Một, bữa sau ba má cũng ra vườn tưới rau, chị nhất định phải rửa chén, giặt đồ, anh đến cơ quan, mọi người trở lại với công việc thường ngày của mình, Ba Mươi cũng đâu có thay đổi được gì mà làm muốn nín thở?

    Tụi nhỏ không biết, thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Khi tụi nhỏ mặc bộ đồ mới đi khoe dài dài xóm, khi ba và anh tắm táp xong ra hàng ba ngơ ngẩn ngắm hoa sao nhái đốt lửa vàng run rẫy trước sân, khi má nhốt than trong những bếp lửa tàn, khi chị đứng chải tóc trước gương, thì Tết đã chớm hết, Mùng Một, Mùng Hai là Tết phai; Mùng Ba Mùng Bốn Tết tàn.

    Tụi nhỏ không biết, mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào…


    Nguyễn Ngọc Tư

    http://bantruongxua.vn/nguyen-ngoc-tu-khuc-ba-muoi/

  5. #15
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    St mời các anh chị đọc những truyện dắt ta về với tuổi thơ nhé
    -------------------

    Nhà ảo thuật


    (Trích từ truyện Nhà Ảo Thuật – Tập truyện Kính Vạn Hoa - Nguyễn Nhật Ánh)

    …Giữa những tiếng la chí chóe của đám trẻ bát nháo, bộ tịch Tiểu Long nom đến tội. Nó cứ xoay hết bên này đến bên kia, nhấn cổ được ông nhóc này ngồi xuống thì ông nhóc khác lại nhổm lên, cứ hệt như một chị nhà quê đang cuống cuồng đuổi bắt đàn vịt sổng giữa chợ.

    Quý ròm nhìn quang cảnh trước mặt, vừa tức vừa buồn cười. Cuối cùng, thấy Tiểu Long cứ loay hoay mãi vẫn không dẹp được bọn lỏi tì, nó liền cầm lên chiếc đũa thủy tinh gõ “coong coong” vào chiếc bình trước mặt.
    – Yên lặng! Yên lặng! Màn ảo thuật thứ nhất bắt đầu!

    Mưu kế của Quý ròm quả nhiên hiệu nghiệm như thần. Nó vừa cất tiếng, bọn nhóc lập tức im bặt, mắt đứa nào đứa nấy thò lỏ nhìn về phía nó.

    Ðến bây giờ bọn nhóc mới để ý đến chiếc áo khoác lửng trên người Quý ròm và chiếc mũ đen Quý ròm đang đội. Ừ, thằng này nom cũng có vẻ ảo thuật gia ra phết! Nhiều đứa nghĩ, và vì thế chúng ngồi im trố mắt xem thử Quý ròm định làm trò gì, quên bẵng mất nỗi lo dơ quần dơ áo.

    Thấy bọn nhóc đã bắt đầu tập trung chú ý đến mình, Quý ròm buông chiếc đũa thủy tinh xuống và từ từ nhấc hai chiếc bình trước mặt lên, giọng trịnh trọng:
    – Thưa các bạn! Thưa quý ông quý bà!

    Quý ròm mới nói đến đây đã nghe phía dưới có tiếng cười hí hí, nhưng nó phớt lờ, tiếp:
    – Màn ảo thuật lạ lùng mà tôi sắp trình diễn với quý ông quý bà đây có liên quan đến một vụ án thời xưa…


    Nói đến đây, Quý ròm cố ý ngưng một chút, cốt tạo sự hồi hộp cho khán giả. Quả nhiên, nghe nói có “vụ án”, bọn nhóc há hốc mồm, lắng tai chờ nghe tiếp:

    – Cái vụ án đó là như thế này! – Quý ròm hắng giọng kể – Ngày xưa có một tay nhà giàu nọ muốn cướp vợ của một người hàng xóm nghèo, bèn lập kế gọi người hàng xóm đó đến xay gạo giùm, rồi vu cho anh ta tội ăn cắp vàng bạc của gia chủ. Vụ án lập tực đước báo lên quan. Quan ăn của đút của tay nhà giàu từ trước nên mặc cho người hàng xóm kêu oan như bộng, vẫn đổ riệt tội trạng lên đầu anh ta và kêu án đày biệt xứ. May thay lúc ấy có một người thuật sĩ đi ngang qua, nghe chuyện, liền xin vào ra mắt. Sau khi hỏi han đầu đuôi tự sự, người thuật sĩ biết vụ án có nhiều oan khuất, bèn đứng ra minh oan cho anh hàng xóm nghèo và vạch trần âm mưu đổi trắng thay đen của tên nhà giàu quỷ quyệt. Lý lẽ vững chắc của người thuật sĩ khiến quan cứng họng không cãi lại được tiếng nào. Tức mình, quan bèn đập bàn hét “Trắng là trắng, đen là đen! Ðổi trắng thay đen thế nào được mà nhà ngươi cứ lải nhải mãi thế!”. Trước trận lôi đình của quan, người thuật sĩ vẫn bình tĩnh dáp “Thưa ngài, đổi trắng thay đen là chuyện thường tình ở đời. Ngay cả thứ nước màu trắng trong chiếc bình trước mặt ngài đây, tôi cũng có thể biến nó thành màu đen trong chớp mắt, huống gì những chuyện xa xôi!”…

    Kể đến đây, Quý ròm lắc lắc hai chiếc bình đang cầm trên tay rồi nhẹ nhàng đặt xuống, giọng nghiêm nghị:
    – Ðó chính là hai chiếc bình này đây!
    Bọn nhóc lập tức chen nhau chồm tới trước để nhìn cho rõ hai chiếc bình.
    Một đứa hỏi:
    – Như vậy là người thuật sĩ có cả thảy mấy chiếc bình? Hai chiếc hay một chiếc?

    Quý ròm khịt mũi:
    – Tất nhiên là hai chiếc!
    – Sao khi nãy mày bảo chỉ có một chiếc? – Thằng nhóc cãi lại.
    – Tao chả bảo gì cả! – Quý ròm nổi quạu – Một chiếc hay hai chiếc cũng vậy thôi!
    Một đứa khác tỏ ý nghi ngờ:
    – Nhưng chắc gì đây là hai chiếc bình của người thuật sĩ nọ?
    Quý ròm gầm gừ:
    – Chắc hay không gì thì dang ra rồi mày sẽ biết!
    Vừa nói Quý ròm vừa nháy mắt ra hiệu cho Tiểu Long “dẹp loạn”. Hiểu ý bạn, Tiểu Long vội vàng dang rộng hai cánh tay vạm vỡ lùa đám khán giả đang chồm chồm trở về chỗ cũ:
    – Ngồi xuống! Ngồi xuống!

    Khi bọn nhóc đã ổn định trật tự, Quý ròm liền cầm hai chiếc bình đưa qua đưa lại trước mặt:
    – Quý ông quý bà nhìn kỹ đi! Trong hai chiếc bình này, một chiếc đựng nước trắng, một chiếc đựng bột trắng. Nói chung chỉ toàn màu trắng. Và người thuật sĩ đã làm như thế này đây!

    Nói vừa dứt câu, Quý ròm nhanh tay đổ chất dịch lỏng trong suốt vào bình chứa bột. Xong, nó lấy chiếc đũa thủy tinh quậy lên.
    Trong thoáng chốc, trước ánh mắt ngỡ ngàng của bọn nhóc, chiếc bình thủy tinh đột ngột sẫm màu lại và bắt đầu bốc khói. Và chừng vài phút sau, một khối cứng màu đen bỗng trồi lên khỏi miệng bình đến mấy phân, nổi bật trên nền trắng của tấm drap căng phía sau và kéo theo nó những tiếng xuýt xoa thán phục:

    – Chậc, chậc! Tài quá hén!
    – Ðúng là “đổi trắng thay đen”! Hay thật!
    – Có thế mới đáng đồng tiền bát gạo chứ!

    Tiểu Long ngồi lẫn trong đám nhóc, nghe khen, sướng phổng mũi, luôn miệng cười hì hì.
    Quý ròm cũng khoái chí không kém, nhưng lỡ đóng vai David Copperfield, nó phải cố giữ vẻ đĩnh đạc và phớt tỉnh để xứng đáng với tầm vóc của mình.

    Sau khi dẹp hai chiếc bình và đặt lên bàn một tấm bìa cứng, Quý ròm gõ gõ chiếc đũa thủy tinh xuống bàn:
    – Quý ông quý bà lưu ý! Ðây là màn ảo thuật thứ hai, còn ly kỳ hấp dẫn hơn màn thứ nhất! Màn này…
    – Khoan đã! Màn khi nãy đã xong đâu! – Một ông nhóc bỗng chồm dậy vọt miệng chen ngang.

    Ðám đông đang nôn nóng chờ xem màn tiếp theo, thình lình bị ông nhóc này làm cụt hứng, bèn nhao nhao phản đối:
    – Ðồ phá đám, ngồi xuống đi!
    – Người ta đã đổi trắng thành đen rồi, còn xong với chưa xong gì nữa!

    Ông nhóc gãi đầu:
    – Nhưng còn người hàng xóm nọ…
    – Người hàng xóm nào? – Có tiếng hỏi.
    – Thì người hàng xóm trong câu chuyện khi nãy chứ người hàng xóm nào! Rốt cuộc anh ta có được tha hay không?
    – Tất nhiên là được tha rồi!
    – Sao mày biết?
    – Sao lại không biết!
    – Ðừng có dóc! Câu chuyện vừa rồi đã kể hết đâu!
    – Kể chưa hết cũng biết! Nếu không được tha thì chẳng ai kể làm gì!

    Thấy cuộc đối đáp lạc đề này có nguy cơ kéo dài đến vô tận, Quý ròm vội vã can thiệp:
    – Thôi đừng cãi nhau nữa! Tóm lại là người hàng xóm được tha, tên nhà giàu vô ngục! Bây giờ xin mời quý ông quý bà xem tiếp…

    – Quý ông quý bà hãy nhìn kỹ đây!
    Vừa nói Quý ròm vừa chìa ngón trỏ tay phải ra phía trước.
    – Có thấy gì không? – Nó hỏi.
    Bọn nhóc nhìn sững vào ngón tay của nhà ảo thuật:
    – Thấy.
    – Thấy gì?
    – Thấy… ngón tay.

    Quý ròm hừ giọng:
    – Thấy ngón tay thì nói làm gì! Chứ chả lẽ đó là… ngón chân?
    Vẻ phật ý của Quý ròm khiến bọn nhóc ngơ ngác. Chúng chả hiểu nhà ảo thuật muốn gì.
    Quý ròm lại đằng hắng:
    – Quý ông quý bà cố nhìn kỹ đi! Trên ngón tay có gì không?
    – Có gì là có gì? – Nhiều cái miệng nhao nhao.
    Quý ròm lạnh lùng:
    – Có thấy máu không?
    Nghe đến máu, bọn nhóc bỗng dưng rụt cổ lại:
    – Máu ư? Không, không thấy!
    Quý ròm nhếc mép:
    – Nhưng bây giờ thì quý ông quý bà sẽ thấy!

    Nói xong, Quý ròm thò tay vào ngăn bàn lấy ra một con dao găm. Nó huơ huơ con dao trong không khí:
    – Tôi sẽ dùng con dao này cắt ngón tay mình chơi!

    Bọn nhóc trố mắt nhìn con dao, đứa nào đứa nấy trống ngực đập thình thịch. Một đứa run rẩy hỏi:
    – Cắt đứt lìa ngón tay ra luôn ư?
    – Chả cần phải cắt đứt lìa làm gì? – Quý ròm vừa đáp vừa rủa thầm – Chỉ cắt tí xíu đủ để chảy máu thôi!

    Nghe vậy, bọn nhóc đồng loạt thở phào. Mặc dù bấm bụng bỏ tiền mua vé cốt để xem những trò kỳ bí, không đứa nào muốn nhìn thấy ngón tay của nhà ảo thuật bị cắt bỏ một cách thương tâm. Nhưng dù đã được nhà ảo thuật cho biết trước là chỉ cắt một tí tẹo trên đầu ngón tay thôi, khi Quý ròm bắt đầu kê ngón tay vào lưỡi dao, mặt mày bọn nhóc cứ đuỗn ra vì xúc động và vì sợ hãi. Bọn con gái thì thét lên the thé và nhắm tịt mắt lại.

    Tiểu Long mở mắt thao láo, tay áp lên ngực. Nó chưa thấy bạn nó diễn trò này lần nào.
    Quý ròm có vẻ thích thú trước vẻ mặt căng thẳng của bọn nhóc. Nó liếc mạnh lưỡi dao lên ngón tay kêu đánh “soẹt” một cái rồi thản nhiên giơ ngón tay lên:
    – Xong rồi! Nhìn đây!

    Bọn nhóc nhìn lên, đứa nào cũng cố mở căng mắt để nhìn thật rõ ngón tay của nhà ảo thuật. Quả nhiên có một vệt máu trên đầu ngón tay của Quý ròm. Dưới ánh đèn nhờ nhờ, vệt máu như đang thẫm lại. Không khí trong phòng bỗng chốc như đông lại. Dường như tất cả bọn nhóc đều nín thở.

    Mãi một lúc, có tiếng con gái kêu lên:
    – Eo ơi, kinh quá!
    – Chẳng có gì gọi là kinh cả! – Quý ròm nhún vai – Bây giờ tôi sẽ dùng ngón tay này để vẽ tranh.

    Dùng tay trái xoay tấm bìa cứng trên bàn lại, Quý ròm chìa ngón tay đẫm máu vẽ lên đó hình con bướm. Ðầu ngón tay nó vạch đến đâu, những nét đỏ thẫm hiện ra đến đó khiến bọn nhóc cứ há mồm ra và tự động nhích gần lại chiếc bàn lúc nào không hay.
    Màn ảo thuật “lấy máu vẽ tranh” của Quý ròm đã thực sự hớp hồn khán giả. Bọn nhóc sững sờ đến mức khi thấy Quý ròm cất tấm bìa và đang loay hoay sắp xếp dụng cụ chuẩn bị cho màn diễn tiếp theo, ba bốn đứa đã tranh nhau nhắc nhở:
    – Kiếm bông băng buộc ngón tay lại đã!

    Vẻ lo lắng chân thành của tụi nhóc khiến Quý ròm dở khóc dở cười. Dĩ nhiên nhà ảo thuật của chúng ta dại gì cắt tay mình. Màu máu đỏ vừa rồi chẳng qua chỉ là phản ứng của sắt clorua bôi trên ngón tay với dung dịch kali thioxynat đã được phủ trên lưỡi dao và trên tấm bìa từ trước. Nhưng để cho bọn nhóc khỏi nghi ngờ, Quý ròm vẫn quay lại phía Tiểu Long, vờ ra lệnh:
    – Lấy thuốc đỏ và bông băng mau! Tao đã nghe đau đau rồi đấy!

    Vừa nói nó vừa tặc lưỡi ra vẻ vết thương đã bắt đầu hành hạ.
    Sau khi đã xức thuốc và quấn một cục băng trắng toát, to sụ nơi đầu ngón tay, Quý ròm bắt đầu màn trình diễn thứ ba.

    Lần này, đồ nghề của nó chỉ có một cái túi treo. Trên bàn là một bình nước và một chiếc cốc.
    Cũng như màn thứ nhất, trước khi vào cuộc, nhà ảo thuật đi một đường giới thiệu “đại ý” và “xuất xứ”:
    – Thưa quý ông quý bà, sở dĩ tôi biết được bí quyết “biến nước thành lửa” này là do một anh bạn truyền thụ lại. Anh bạn tôi là một nhà đi biển. Sau nhiều chuyến vượt đại dương thành công, một ngày kia chẳng may chiếc tàu của anh bị một cơn bão lớn đánh tan thành từng mảnh…

    Quý ròm ngừng lại một vài giây đúng theo “bài bản” rồi mới đảo mắt nhìn khắp lượt khán giả, thủng thẳng tiếp:

    – Khi rơi xuống biển, anh may mắn vớ được một tấm ván, nhờ vậy anh thoát chết. Nhưng anh chỉ thoát cái chết trước mắt, còn cái chết từ từ vẫn đang chờ đợi anh. Lênh đênh trên biển cả mênh mông, hằng ngày anh có thể bắt cá sống ăn cầm hơi nhưng cái lạnh ban đêm trên biển dần dần đánh quỵ anh. Cho đến khi anh không thể chịu đựng hơn được nữa, chỉ còn chờ thần chết tới rước đi, tâm linh anh tự nhiên sáng suốt và anh chợt nghĩ ra một bí quyết có thể biến nước thành lửa. Nhờ bí quyết này, từ hôm đó anh có thể nướng cá để ăn và nhất là đã có thể chống chọi lại cái lạnh chết người giữa đại dương để bình tĩnh chờ tàu đến cứu. Sau khi thoát được về đất liền, anh tình cờ gặp tôi và chỉ cho tôi cái bí quyết thần kỳ đó. Bây giờ quý ông quý bà hãy xem đây!

    Quý ròm cầm chiếc bình lên từ từ rót nước ra cốc. Và trước những cặp mắt hau háu đang chăm chú kia, nó bưng cốc nước uống một hớp:
    – Quý ông quý bà thấy đấy! Ðây là nước! Tôi vừa mới uống!
    – Cho uống một hớp coi nào! – Một ông nhóc háo hức nài nỉ.

    Quý ròm hơi cau mày nhưng nó vẫn bước lại trao chiếc cốc cho tay khán giả “phá đám” kia:
    – Uống một tợp nhỏ thôi đấy nhé!

    Ðược nhà ảo thuật cho uống “nước phép” quả là một đặc ân! Ông nhóc mừng rơn, cầm chiếc cốc bằng hai tay một cách kính cẩn và rụt rè nhắp môi vào miệng cốc.

    Chả biết ông nhóc đã uống được tẹo nước nào vào bụng chưa, chỉ thấy khi nó vừa chạm môi vào cốc, nhà ảo thuật đã thò tay giật phắt chiếc cốc:
    – Uống thế đủ rồi! Muốn uống nữa thì về nhà mà uống!

    Hành động thô bạo của Quý ròm chẳng khiến vị khán giả may mắn kia phật lòng tí ti nào. Nó chép miệng, vẻ thỏa mãn:
    – Quả là nước thật! Uống cứ mát cả ruột!

    Quý ròm vội vàng nắm ngay lấy cơ hội:
    – Quý ông quý bà đã nghe rõ cả rồi đấy nhé! Ðây là nước chứ chả phải xăng dầu gì sất!

    Rồi vẫn cầm chiếc cốc trên tay, nó bước lại chỗ túi treo, cao giọng:
    – Bây giờ thì quý ông quý bà hãy nhìn đây!
    Vừa nói Quý ròm vừa từ từ giơ cao chiếc cốc.

    Như bị một sức mạnh vô hình thu hút, bọn nhóc chen nhau dồn tới trước, xúm xít quanh chiếc bàn, mắt đứa nào đứa nấy căng hết cỡ.
    Quý ròm lẹ làng nghiêng cốc và thoắt một cái, dốc hết chỗ nước còn lại vào túi. Ngay từ khắc, từ trong túi một ngọn lửa phực lên và bốc cao gần cả thước, sáng rỡ, chói lòa. Căn phòng đột ngột rực lên như bốc cháy.
    Mặc dù đã đề phòng từ trước, bọn nhóc vẫn kinh hoàng. Cả bọn thét lên be be và quýnh quíu lùi lại. Trong khi nhốn nháo xô đẩy nhau, chúng hất đổ cả chiếc bàn khiến chiếc bình rơi xuống đất vỡ loảng xoảng.

    Trong khi Tiểu Long đang luống cuống chưa biết xoay xở ra sao thì Quý ròm đã nhảy xổ lại, gầm lên:
    – Ngồi cả xuống! Tụi mày làm trò ngu ngốc gì thế?

    Ðang cơn điên tiết, nhà ảo thuật của chúng ta chả buồn gọi khán giả của mình là “quý ông quý bà” theo đúng phép lịch sự như khi nãy nữa
    Nhưng mặc dù cho Quý ròm gầm thét, bọn nhóc vẫn đứng trơ ra, có vẻ như sự sợ hãi đã đóng đinh bọn chúng xuống đất. Vẻ kinh khiếp mỗi lúc một hiện rõ trên mặt bọn nhóc khiến Quý ròm rất đỗi ngạc nhiên. Nó quay phắt lại và điếng người khi thấy tấm drap treo trên tường đang bắt đầu bén lửa.

    Hóa ra khi chiếc bàn ngã xuống, nó đã hất đổ và làm vỡ cả bình ête êtylic thừa đặt hờ hững trên thùng các-tông kế đó. Ête êtylic vốn là chất dễ gây cháy. Ðó chính là chất mà Quý ròm đã đổ và túi treo cùng với kali để biểu diễn trò “biến nước thành lửa”.
    Vừa rồi ête văng ra, bắn vào tấm drap và lập tức bắt lửa từ túi treo.

    Lúc này Tiểu Long cũng vừa phát hiện ra đốm lửa trên tấm drap. Liếc vội Quý ròm, thấy bạn mình mặt mày tái mét, nó hiểu ngay đó là cháy thật chứ không phải ảo thuật gì sất, liền nhảy chồm chồm:
    – Nước, nước! Ðứa nào chạy đi lấy nước, lẹ lên!

    Một ông nhóc dợm chân định chạy, Quý ròm đã đưa tay cản lại:
    – Không được! Tạt nước nguy hiểm lắm!
    Nhà ảo thuật sợ chất kali còn rơi rớt đâu đó sẽ tỏa hyđrô khi gặp nước, và như vậy chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa.
    – Vậy thì lấy mền phủ lên! – Một đứa nói.

    Quý ròm càng lúng túng. Lấy mền phủ lên chắc chắn sẽ dập tắt được lửa, nhưng đợi đến khi được tấm mền từ phòng ngủ qua đây, tấm drap của anh Vũ lúc ấy hẳn đã ra tro.
    Ðang bồn chồn vô kế khả thi, mắt Quý ròm chợt sáng lên. Nó “à” một tiếng và nhảy phóc tới trước, cầm tấm drap bặm môi giật mạnh.
    Các mép drap tuột khỏi móc, rơi ngay xuống đất. Quý ròm cúi xuống, lẹ làng cuộn tròn tấm drap lại, “nhốt” cả ngọn lửa vừa bén vào trong rồi sấp người đè lên trên.

    Cách xử trí sáng suốt và kịp thời của Quý ròm khiến cuộc hỏa hoạn vừa mới chớm đã nhanh chóng bị dập tắt. Lúc này ngọn lửa đằng túi treo cũng đã tắt ngóm.

    Bọn nhóc sau khi hoàn hồn, liền cất tiếng hò reo và ùa lại tìm cách giúp đỡ Quý ròm bằng cách tranh nhau đè lên cái thân hình còm nhom của nhà ảo thuật khốn khổ.

    Cuộc viện trợ muộn màng này chẳng có ý nghĩa gì thiết thực ngoài việc làm nhà ảo thuật nghẹt thở đến nỗi phải gắt om lên:
    – Thôi, thôi! Tụi mày giải tán đi cho tao nhờ!

    Trong khi bọn nhóc lục tục ngồi dậy và ngơ ngác nhìn nhau, không biết Quý ròm nói thật hay nói đùa thì ngoài cửa phòng đột ngột có tiếng hỏi:
    – Cái gì ầm ầm trong này thế?

    Nghe tiếng bà, Quý ròm điếng hồn. Nó ôm tấm drap lồm cồm ngồi dậy. Còn bọn nhóc thì không đợi giục đến lần thứ hai, nối đuôi nhau lấm lét chuồn ra cửa.
    – Ôi, còn cái gì đây nữa? – Bà la lên khi nhìn thấy chiếc bàn ngã chổng kềnh và các mảnh bình vỡ đang tung tóe trên nền nhà.
    Lúc này bà đã bước hẳn vào phòng, đứng đối diện với Tiểu Long và Quý ròm.
    Tiểu Long nhìn bà, giọng lo lắng:
    – Ðấy là do bọn nhóc làm ngã!

    Bà khẽ lắc đầu:
    – Thật cứ hệt như giặc cướp mới vào nhà!
    Rồi bà chép miệng bảo Tiểu Long:
    – Cháu dựng chiếc bàn lên đi! Rồi lấy chổi gom những mảnh vỡ lại! Kiểu này không khéo què chân cả lũ!

    Nghe vậy, Tiểu Long thở phào nhẹ nhõm. Nó bước lại dựng chiếc bàn dậy rồi lật đật co giò phóng xuống bếp. Trong khi đó, Quý ròm vẫn đứng đực tại chỗ, tay ôm khư khư tấm drap trước bụng.
    Bà chìa tay về phía nó:
    – Ðưa đây bà đi giặt! Còn tiếc gì mà chưa chịu buông ra!
    Quý ròm vẫn không nhúc nhích. Nó ngần ngừ:
    – Nhưng đây không phải là tấm drap khi nãy!
    Bà hừ mũi:
    – Cháu đừng có bướng! Chẳng phải tấm drap khi nãy thì là tấm drap nào?

    Quý ròm nuốt nước bọt:
    – Nó là tấm drap khi nãy, nhưng bây giờ nó khác rồi!
    – Khác là sao? – Bà hỏi, chẳng hiểu cháu mình muốn nói gì.

    Quý ròm chớp mắt. Nó lưỡng lự một thoáng rồi mím môi giũ mạnh tấm drap trên tay cho nó trải ra:
    – Khác là như thế này này!
    – Chúa ơi! – Vừa nhìn thấy cái lỗ thủng nám đen, xấu xí nằm ngay giữa tấm drap, bà sửng sốt kêu lên – Cháu làm sao mà nó lại ra hình thù thế này hở cháu?
    – Cháu chẳng làm sao cả! Cháu chỉ lỡ tay thôi! – Quý ròm vừa nói vừa khịt khịt mũi.
    – Hừ, lỡ tay! Lỡ tay cái tổ mẹ mày!

    Thỉnh thoảng bà hay nói “tổ mẹ mày”. Khi đó, không phải bà giận dữ, mà bà đang lo lắng. Như lúc này, bà đang lo Quý ròm sẽ không thoát khỏi đòn trừng phạt của anh Vũ – cái thằng Vũ cộc tính, như bà vẫn nghĩ.

    Thấy bà lộ vẻ đăm chiêu, Quý ròm biết ngay là bà đang tính kế gỡ tội cho mình. Bụng mừng rơn, nó ngậm chặt miệng, cố giữ yên lặng cho bà “làm việc”.
    – Thôi, được rồi, cháu cứ đưa đây! – Cuối cùng, bà nói – Bà sẽ bảo với anh Vũ của cháu là tấm drap này do bà làm cháy!
    – Bà ư? – Quý ròm tròn mắt.
    – Chứ chẳng lẽ lại là cháu?
    – Nhưng bà làm cháy thế nào được? – Quý ròm nhìn bà ái ngại.
    – Sao lại chẳng được! – Bà nhún vai- Bà sẽ bảo là bà lôi tấm drap ra ủi. Và trong lúc lơ đãng, bà quên nhấc bàn ủi lên. Thế là…

    Bà ngừng lại, khẽ tặc tặc lưỡi và nhẹ nhàng đón lấy tấm drap trên tay Quý ròm rồi lặng lẽ bước ra khỏi phòng.

    Một lát, Tiểu Long lại xuất hiện với chiếc chổi trên tay.
    – Bà mày đem tấm drap đi đâu đấy? – Nó bước lại gần Quý ròm, hồi hộp hỏi.
    – Bà tao đem đi giặt.
    Tiểu Long vẫn chưa hết thấp thỏm. Nó liếm môi:
    – Thế bà mày đã biết tấm drap bị cháy chưa?
    – Biết rồi.
    Tiểu Long nín thở:
    – Thế bà mày nói sao?
    – Bà tao bảo đó là chuyện vặt, ai mà chẳng có lần làm cháy drap!

    Tiểu Long gật gật đầu. Bây giờ thì nó có thể hoàn toàn yên tâm nghĩ đến chuyện dọn dẹp. Nó bước ra giữa phòng, dọ dẫm từng bước một vừa cúi lom khom vừa thận trọng đưa từng nhát chổi.

    Trong thoáng mắt, những mảnh chai lọ vỡ được gom lại một chỗ. Tiểu Long dồn tất cả vào chiếc ki nhựa rồi đem đổ vào thùng rác đặt trước hiên.
    Ðâu đó xong xuôi, nó vỗ vai Quý ròm:
    – Tao về.
    Rồi móc ra một xấp giấy bạc đặt lên bàn, Tiểu Long hắng giọng:
    – Mày giữ đi!
    – Tao giữ tiền làm gì? – Quý ròm khẽ kêu lên.

    Tiểu Long điềm nhiên:
    – Theo tao, mày cần phải mua lại một tấm drap mới!
    – Ðừng có điên! Chuyện đó đã có bà tao lo rồi!

    Quý ròm gạt phắt. Vừa nói nó vừa cầm xấp tiền nhét vào túi áo bạn:
    – Mày phải cất kỹ chỗ tiền này! Không phải vì mày mà vì nhỏ Oanh! Hiểu chưa, đồ ngốc!

    Rồi không để Tiểu Long kịp nói tiếng nào. Quý ròm mím môi đẩy thằng bạn to đùng ra khỏi phòng và nhanh tay đóng sập cửa lại…


    http://1phut.mobi/tu-sach/tuoi-hoc-t...o-thuat.html/5

  6. #16
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Các anh chị và các bạn ui , dọc truyện tiếp nhé

    ---------------------

    Chuyện bụi đời

    Chuyện được kể lại, có nhiều tình tiết hư cấu, tên nhân vật có thể khác. Chuyện có nhiều tình tiết bạo lực, cần cân nhắc trước khi xem.

    Chuyện bắt đầu từ Nha Trang, một thành phố nhỏ xinh đẹp nằm trên một trong 20 cái vịnh biển đẹp nhất thế giới.

    Nhân vật đầu tiên là Lượm. Không ai biết nó bao nhiêu tuổi, tên giấy tờ của nó là Nhân Ái. Nó được bỏ ở một ngôi chùa lúc chừng hơn 1 tuổi và được nhà chùa nuôi ăn học đến lớn như một chú tiểu.

    Nhưng chú tiểu Lượm là đệ tử của Lỗ Trí Thâm nên khoái rượu thịt hơn đậu hũ và khoái đánh lộn hơn đọc kinh. Năm mười lăm tuổi, nó bưng nguyên cái thùng công đức của nhà chùa nửa đêm bỏ trốn, bắt đầu cuộc sống bụi đời.

    Cái thùng công đức toàn tiền lẻ vậy mà mua được hơn 3 cây vàng, nó quay lại chùa bỏ 3 cây vàng vô miệng con Lân bằng xi măng, chỗ nó thường hay dấu thịt heo quay, rồi tham gia một băng bụi đời, đóng ở gần ga.

    3 năm sau, cái tên Lượm Lì khét tiếng trong giang hồ. Nó to lớn, người đầy thẹo và hình xăm, nó là thằng nhiều chữ nhất trong đám bụi đời.

    Hai nhân vật tiếp theo là anh em thằng Rớt. Thằng Rớt ngoài hai mươi tuổi, con Bé em nó thì chừng mười bảy. Cha nó chết lúc tụi nó còn nhỏ, sau đó mẹ nó bị khùng, đi lang thang mất biệt. Hai anh em nó sống với nhau trong cái nhà nhỏ, sâu trong hẻm Núi Một, lần lữa lớn lên trong tình làng nghĩa xóm, không có ai là ruột thịt. Thằng Rớt cũng khét tiếng khắp khu Núi Một, cũng có dưới tay gần chục thằng sĩ tốt máu mặt.

    Thằng Rớt không biết chữ nhưng nó bắt con Bé đi học đàng hoàng. Con Bé hiền lành, khôn ngoan, lại nhất mực thương anh nên thằng Rớt cưng khỏi nói.

    Một nhân vật nữa là bà Má. Ông bà đều gốc gác ngoài bắc, đều là cán bộ nhà nước, chỉ có hai vợ chồng ở với nhau mà không có con cái gì (hình như do bà không thể sinh nở được). Một hôm ông đi tắm biển về bị tai biến, chết ngắc ở tuổi ngoài năm mươi. Từ đó còn chỉ mình bà thui thủi trong căn nhà vắng lặng. Bà xin về hưu non, lấy mặt tiền căn nhà làm chỗ bán tạp hóa, sống qua ngày.

    Nhân vật cuối cùng là một thằng làm thơ nhưng hứng chí giang hồ, theo chơi bời với đám thằng Lượm, thằng Rớt và là người kể lại câu chuyện này.

    Câu chuyện bắt đầu.

    Một hôm thằng Lượm đụng độ với một đàn em của thằng Rớt, thằng Lượm tát thằng nọ một tát và nhắn: “kêu thằng Rớt có ngon thì kiếm tao”

    Thằng Rớt nóng mặt, cùng thằng em nọ lận mã tấu, sáng sớm canh đường thằng Lượm ra quán cà phê để chém. Thằng Lượm mất cảnh giác, sáng sớm bị đuổi chém, trúng nhát đầu vô bả vai, nên quăng xe vừa chạy vừa đánh trả. Vết chém khá nặng, lại cùng đường, nên thằng Lượm lao đại vô quán tạp hóa vừa mở cửa của bà Má.

    Bà Má già thấy cảnh hai thằng đuổi chém một thằng đã bị thương thì bất bình lắm. Đẩy thằng Lượm vô buồng, bà quay ra cầm cái móc đồ (để lấy đồ trên cao) chĩa thằng vào đám thằng Rớt, miệng không ngớt la làng: Bớ làng xóm ơi, quân giết người, bớ làng xóm ơi. Cái giọng bắc kỳ của bà cộng với cây móc đồ khua loạn xạ đã bảo vệ được thằng Lượm. Đám thằng Rớt xụi lơ, quay đầu về.

    Bà Má kêu xích lô chở thằng Lượm đi bịnh viện. Bà đóng tiền phẫu thuật, mua cháo đút cho thằng Lượm, như một người mẹ. Thằng Lượm lờ mờ nhận ra cái bóng của tình thương, thứ mà trong đời nó thậm chí cũng chưa từng mơ tới.

    Chuyện xảy ra ban sáng thì đến chiều đám anh em của thằng Lượm hay tin. Mười mấy thằng vác mã tấu, kiếm tràn vô hẻm Núi Một loạn đả. Cư dân hẻm Núi Một cũng không vừa nên chỉ sau mấy phút đầu bị động, đã ngay lập tức đánh trả. Thằng Rớt đang nhậu cũng chạy ra nghênh chiến vì không nghĩ trận tập kích là dành cho mình. Thằng Rớt trúng một dao chí mạng, lúc đưa vô viện thì cái lưỡi lê còn ghim trên ngực, cứng ngắc.

    Xui rủi thế nào. Thằng Rớt và Thằng Lượm lại nằm cạnh nhau trong bệnh viện. Con Bé đi học về mặc nguyên áo dài vô bệnh viện khóc ngất lên ngất xuống. Bà Má phải ra dỗ luôn con Bé. Bà Má nhận ra mặt thằng Rớt, hình dung ra ngay toàn bộ câu chuyện giang hồ.

    Bà Má khuyên can thằng Lượm, rồi đến thằng Rớt. Bà cứ ngồi cạnh bên, thủ thỉ chuyện gia đình, chuyện ân oán, chuyện đời. Bà không cho ai vô thăm hai thằng, đứa nào ló đầu vô bà dọa kêu công an. Rồi bà bắt hai thằng làm huề nhau trong bịnh viện. Bữa đó có thằng bạn làm thơ vô thăm thằng Lượm, chứng kiến hai thằng bắt tay nhau và hứa làm huề trước mặt bà Má. Chẳng hiểu bà này ở đâu ra mà quyền hành quá trời, cũng không dám hó hé.

    Thằng Lượm ra viện trước. Bà Má bắt nó đem thẳng về nhà, không cho quay lại chỗ lũ anh em. Cũng chẳng qui ước gì, tự nhiên má má, con con làm thằng Lượm không dám cãi, theo má về. Nó cũng chịu nghe lời má, nhưng nó nói: Má à, giang hồ vô dễ mà ra khó, ân oán đầy rồi, muốn sống bình thường không được đâu. Má nói: ở đây không được thì vô Sài Gòn.

    Vậy là thằng Lượm vô Sài Gòn. Nó quay lại chùa, thọc tay vô miệng con Lân bằng xi măng lấy 3 cây vàng rồi đêm đó bắt xe vô Sài Gòn. Hai má con nó khóc ngoài bến xe như bao gia đình ly tán khác. Dù cả hai mới gặp nhau có một tuần lễ trong đời.

    Anh em thằng Rớt bỏ hẻm Núi Một về ở chung với bà Má vì con Bé đang học lớp 11, tất nhiên cũng xưng má má, con con luôn. Hàng xóm hỏi thì bà nói con nuôi. Thằng con nuôi nhìn như một con thú hoang.

    Thằng Lượm vô Sài Gòn đi làm công nhân in lụa. Nó làm việc siêng năng, học hành chăm chỉ. Mới đầu làm thợ phụ, rồi một năm sau làm thợ chính. Rồi nó thuê một căn nhà nhỏ gần đó, mở cơ sở in lụa, làm ăn khá dần.

    Thằng bạn làm thơ thì đang ở Sài Gòn, thỉnh thoảng cũng ghé uống với nó chén rượu. Nó thổ lộ một chuyện động trời: Nó thương con Bé. Thằng bạn làm thơ khuyên nó nên viết thư, nó cũng viết, nhưng thư nó viết cộc cằn như chính con người nó, kiểu như: Bé, khỏe không? Học giỏi không? Thằng Rớt sao? Nhớ lo cho má. Hết

    Con Bé viết thư lại, cũng tình cảm, còn chép thơ tặng nó. Thằng Lượm mừng quá, kêu thằng bạn làm thơ làm giùm một bài để nó tặng con Bé. Khó muốn chết, làm thơ cho cái thứ giang hồ đọc còn khó hơn viết ca dao, thằng bạn cũng rặn được mấy câu:

    Thầm thương trộm nhớ bấy lâu
    Quê người đơn độc dạ sầu tương tư
    Tình này muốn tỏ cùng thư
    Thư chờ thư đến, lòng như bằng lòng


    Ba hôm sau, thằng Lượm nhận thư chỉ có 2 chữ: BẰNG LÒNG.

    Cái nhà thằng Lượm thuê của một ông nọ, có bốn đứa con, hai trai hai gái. Ông chủ rao bán căn nhà vì muốn chia tiền cho con, đứa nào cũng giành giật, đến mức còn dọa chém nhau. Nghe đâu rao bán 100 cây.

    Thằng Lượm hớt hả chạy đi tìm chỗ mới. Ở nhà bà Má với anh em thằng Rớt cũng lo quắn đít, nhưng cũng quyết định giúp thằng Lượm. Một tháng sau, bà Má, thằng Rớt và con Bé xuất hiện ở Sài Gòn lúc sáng sớm, trong ba lô là 100 cây vàng. Bà Má đã bán nhà.

    Mua lại căn nhà mặt tiền lụp xụp rồi, bà Má làm một mâm cơm nhỏ coi như tiệc cưới, đứng ra gả cưới cho thằng Lượm và con Bé luôn.

    Hai vợ chồng thằng Lượm hạp tuổi, làm ăn lên như diều. Nó thế chấp nhà, mua đất ở Bình Chánh, mua máy in offset, thuê mướn công nhân làm một xưởng in lớn, giao cho thằng Rớt coi. Công nhân của nó toàn giang hồ đem ở Nha Trang vào, nhìn thằng nào thằng nấy thấy gớm.

    Rồi nó cất căn nhà lên 3 tầng. Vợ chồng nó đẻ cho bà Má liên tiếp 3 đứa cháu, đứa nào cũng đẹp như thiên thần. Bà Má cười suốt ngày nên trông bà trẻ ra đến chục tuổi. Hàng xóm gặp bà ai cũng tỏ ra ganh tị, thiệt tình, chưa thấy ai mà đẻ con “đã” như bả, mấy thằng con coi bặm trợn vậy chứ nó hiếu thảo nhất đời. Bà Má cười thôi.

    Rồi thằng Rớt cũng lấy vợ. Gần bốn mươi tuổi mới lấy vợ. Hỏi ra mới biết, con vợ nó cũng mồ côi, cũng theo người ta qua Đài Loan làm dâu, làm vợ một ông già hết xí quách, chừng 3 năm thì ông già chết ngủm nên nó bỏ về Việt Nam. Đi theo người ta bán cà phê. Nó tên là con Đẹp.

    Đám cưới thằng Rớt với con Đẹp khá hơn đám thằng Lượm. Đãi ở khách sạn năm sao, uống rượu tây, đãi đúng năm bàn. Đám cưới mà có màn hình Karaoke, ăn nhậu rồi hát đến nửa đêm. Đó là cái đám cưới vui nhất thế giới.

    Bữa đám cưới không có đàng trai, không có đàng gái, thằng bạn làm thơ thì không chịu phát biểu nên thằng Lượm phải lên làm chủ hôn.

    Nó cầm micro nói được một câu: Má. Hôm nay là ngày vui của thằng Rớt (Anh vợ nó mà mười mấy năm nay nó vẫn kêu bằng “thằng”), con mừng quá, má…

    Tới đây tự nhiên nó khóc hụ hụ, rồi nó vừa khóc vừa kể lại toàn bô câu chuyện trong đám cưới, nước mắt nước mũi chảy tè lè, nhìn bắt ớn.

    Rồi bà Má khóc, rồi cô dâu chú rể khóc, rồi khách khứa khóc, đến cả mấy đứa phục vụ nhà hàng cũng quay mặt lau nước mắt.

    Đó là cái đám cưới kỳ quặc, khi mà tất cả đều khóc.

    Đêm đó thằng bạn làm thơ uống say té lên té xuống.

    Đúng là thứ bụi đời, không giống ai.

    Đảm Hà Phú

    (http://www.damhaphu.com/search/label/Truy%E1%BB%87n)

  7. #17
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Cám ơn các anh chị nhé . Đây là một câu chuyện cũ, nhưng St vẫn thích đọc lại ...
    ---------------

    Hủ tiếu và cuộc đời
    Hạnh Nguyễn

    - Tặng anh Vũ bưng hủ tiếu gần nhà tôi.


    Mẹ đã đau lòng đến thế nào khi sinh ra gã, mẹ cũng đã khóc quá trời khi từng ngày nhìn gã phải lớn khôn. Thật tâm mẹ muốn gã bé thơ mãi mãi, muốn ở mãi trong vòng tay mẹ. Mà mẹ cũng biết, ừ thì gã có lớn lên đó nhưng tâm hồn gã mãi mãi chẳng lớn lên được tí teo nào đâu.

    Lúc còn nhỏ thì không sao, gã cũng không ấn tượng với dáng đi chấm phẩy của mình. Gã chỉ thấy sao vặn vẹo mà đau quá thôi, nhìn gã chập chững tập đi, mẹ gã nhìn gã mà khóc. Mắt mẹ khóc nhưng miệng mà cười, môi mẹ nói rằng, ráng bước đi đi con. Tự mình phải bước đi trên đôi chân của mình dù đôi chân ấy có khập khiễng, mẹ muốn gã hiểu ý nghiã sâu xa đó, nhưng trí óc non nớt của gã "giới hạn" sự hiểu biết mẹ à. Nhưng mẹ an tâm, gã nhủ lòng, vì tim gã biết thổn thức khi nhìn mẹ khóc đấy thôi. Gã yêu mẹ nhất, và mẹ yêu gã nhất!

    Khi gã lớn khôn, mà chỉ nói là nói thế thôi, chớ gã chỉ lớn mà chưa khôn ra bao nhiêu. Chẳng sao cả, gã vẫn sống bên cạnh mẹ. Lớn rồi gã cũng thấy sao nhà mình nhiêu đó hà, không có gì thay đổi, nhìn nhà bên cạnh thấy cái gì cũng to. Thắc mắc hoài không biết hỏi ai, đành hỏi mẹ chứ ai. Hỏi lần đầu tiên, duy nhất và từ đó gã chẳng hỏi thêm, vì hỏi rồi gã thấy mẹ khóc. Mẹ còn hỏi gã thích nhà to hay nhà nhỏ, thích cái gì thì nói mẹ mua cho, muốn ăn gì mẹ nấu cho. Sao mẹ cho mà mẹ khóc, sao mẹ nói mẹ cho mà mẹ lại buồn. Không giống như những lần mẹ cho gã gì đó trước đây… Ngây ngô gã hỏi, ngây ngô trả lời, rồi tự cái ngây ngô ấy gã cũng nhận sự khác biệt của mẹ mình và mẹ người ta. Mẹ mình tóc màu trắng, mẹ người ta tóc vàng vàng đen đen. Mẹ mình tay gân cục cục, mẹ người ta tay trắng và có nhiều màu vàng. Mẹ mình ở căn nhà nhỏ, mẹ người ta ở căn nhà to. Mẹ mình phải thức khuya dậy sớm, mẹ người ta cả ngày trong nhà thôi. Mà mẹ người ta thì thương người ta, mẹ mình cũng thương mình, đôi khi gã cũng thấy mẹ người ta thương mình nữa mà. Phải rồi, mẹ của ai người nấy thương, cũng như nhà của ai người nấy ở. Gã cũng có mẹ có nhà, tội gì làm mẹ khóc khi đặt câu hỏi như thế, gã biết mà, hiểu hết mà, chẳng qua gã không có nhiều từ ngữ để diễn đạt thôi. Buồn thật buồn cho kẻ biết suy nghĩ mà lại không thể diễn đạt, chỉ đứng bên rìa mọi thứ vô tình mà thôi.

    Là trẻ con thì gã được mẹ chăm lo, lúc ấy tóc mẹ màu đen.

    Là người lớn thì gã phải chăm lo lại mẹ, vì tóc mẹ bây giờ màu trắng rồi.

    Gã hiểu thế đấy, nhưng làm gì bây giờ, đôi chân khập khiễng, đôi tay khập khiễng… làm gì bây giờ? Đâu đó ở căn nhà to vọng qua lời nhạc "hai bàn tay trắng nghèo xơ xác nghèo...". gã nghe sao hiểu vậy thôi! Gã thấy thương mẹ quá trời quá đất.

    Người ta nói ở đời chẳng có chi là đường cùng cả, gã còn có ích. Một lần mẹ bệnh, gã hớt hơ hớt hải bưng bê tô cháo về nhà cho mẹ (Mẹ vẫn bảo gã dại khờ lắm, dại khờ mà biết mẹ bệnh, dại khờ mà biết mẹ cần thuốc, dại khờ mà biết đi mua cháo, dại khờ mà biết chạy thật nhanh về với mẹ sao mẹ!). Nơi gã sống moị người quen nhìn gã rồi, chẳng ai đâu ở không mà chọc với ghẹo, cũng chẳng ai nỡ làm tổn thương gã cả. Vì hễ là con người ai mà chẳng thương chẳng xót những gì thơ dại, bởi thế lần bưng cháo cho mẹ, người ta phát hiện ra gã vẫn còn có ích. Tức là có khả năng lao động kiếm tiền bằng chính sức mình. Từ sau hôm ấy gã thành anh bồi bàn, kêu thế cho nó sang chứ thật ra gã bưng bê hủ tiếu cho hàng hủ tiếu gần nhà thôi.

    Bắt đầu bưng bê hủ tiếu và trở thành công việc thường nhật kiến cho gã vui, cho mẹ vui, cho tóc mẹ ít trắng đi một chút, cho mẹ không thở dài xót xa khi nghe câu hát:

    "Mẹ già như chuối chín cây
    Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi
    Mồ côi khổ lắm ai ơi..."


    Mồ côi thì ai chẳng khổ, nhưng ai cũng biết với gã nỗi khổ ấy lớn lao biết chừng nào. Bây giờ hằng ngày, hai bàn tay gã vui, hai bàn chân gã vui, cái tô hủ tiếu gã bưng chẳng khi nào bị nghiêng dù gã đi nhiều người nhìn theo ái ngại, sợ đổ mất cái tô hủ tiếu. Mà được ăn hủ tiếu hồi hộp nhìn theo từng bước đi của gã đôi khi làm một vài người cho là thú vị, trước cái ăn phải có "sự kích thích" nào đó thì ăn mới ngon. Người ăn hủ tiếu thích gã, gã thì thích bưng hủ tiếu, "cung" và "cầu" thoả mãn nên cả hai cùng khoái chí lẫn nhau.

    Vậy là gã sống hạnh phúc bằng cái nghề bưng bê hủ tiếu của mình. Nhưng mà, có một bữa trời mưa, có đứa bé ngồi chờ tô hủ tiếu của gã bưng đến, đứa bé hỏi chớ: "Chú bưng hủ tiếu suốt đời luôn hả chú?". À, nếu có bà mẹ đứa trẻ ở đó hẳn là sẽ la lên "Sao con hỏi vậy với chú, thôi lo ăn đi!" nhưng vì chú bé ngồi một mình và không có mẹ theo kèm, nên nhận được câu trả lời khó nhọc mà cũng khó hiểu từ gã rằng: "Hủ tiếu là cuộc đời!".

    Đúng rồi, hủ tiếu đâu có chết bao giờ, hủ tiếu đâu có sợ thất nghiệp, hủ tiếu đâu có sợ người ta quên nó. Hôm nay không hủ tiếu thì ngày mai hủ tiếu, hủ tiếu chẳng biến đi đâu cả, chẳng bao giờ mất cả, ăn để sống là qui luật rồi mà! Gã chọn hủ tiếu là cuộc đời là chọn sự bất diệt trong những ngày sống có ích, ngày nào người ta chẳng ăn để sống, không ăn món này thì ăn món kia. Ngày nào cũng có người ăn hủ tiếu, không phải người này thì cũng là người kia. Đâu có gì khó khăn khi chọn hủ tiếu là cuộc đời đâu, gã ngày nào cũng lao động, lao động nhiệt thành nữa ấy chứ. Phải bưng bê bằng tay nè, đi bằng chân nè, suy nghĩ bằng đầu óc nè, suy nghĩ để giữ cho tô hủ tiếu không nghiêng nè. Đã làm việc hết mình như thế thì không đáng quý sao, không đáng trân trọng sao, không đáng được bù đắp gì đó sao. Gã đã có một cuộc đời sống hết mình trọn vẹn bên hủ tiếu, hơn bao giờ hết, mẹ gã hạnh phúc vì nhìn thấy như thế! Mẹ cứ yên tâm rằng gã biết chọn cuộc đời cho mình như thế mà mấy ai hiểu được.


    o O o

    Một lúc nào đó bạn vô tình có ăn hủ tiếu, hãy thử nhớ đến một gã trai như thế. Để thấy rằng làm một con người rất khó, chọn cho mình một cuộc đời còn khó hơn nhiều. Chọn rồi thì mình phải sống ra sao cho nó chu toàn, cho nó nồng nhiệt, cho cuộc đời mình có ích theo một cách nào đó. Chúng ta tự cho mình quá đầy đủ nhưng đôi khi ta không biết thế nào sống cho nó cảm thấy vừa vặn. Còn với gã, chọn hủ tiếu là cuộc đời dù rằng gã không trọn vẹn nhưng gã đã sống vừa vặn trong cái không trọn vẹn đó biết bao.

    Được hết mình chạy tới ngày mai là sung sướng biết bao nhiêu vậy mà mấy ai trong chúng ta có thể làm được…


    (nguồn : Xitrum.net)

  8. #18
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Tuần lễ của mẹ

    -----------

    Quà của mẹ

    Chị suy đi tính lại mãi. Sinh nhật... " Sinh nhật là chuyện của những đứa con nhà giầu". Chị lẩm bẩm thành tiếng: "Nó không thể trách mình được, lo cho bầy con ăn học hàng ngày là một chuyện vất vả lắm rồi. Còn sinh nhật, picnic... Trời ạ!"

    Chị thấy tội cho con gái. Mười lăm tuổi, lứa tuổi bạn bè mơ mộng này nọ, thì nó, ngoài giờ học phải khom người bên cái cối xay đậu nành giúp chị, rồi khi chị gánh đậu hũ đi bán thì cơm nước giặt giũ... Tội nghiệp, buổi tối nó xin chị đi học thêm tiếng Anh mà tám ngàn đồng mua quyển sách chị vẫn chưa cho con tiền muạ Tối nào nó cũng mượn sách của bạn về ngồi chép lại bài.

    "Nếu mình có tiền... " Chị thở dài, nỗi ước mơ thường hiện trong tâm trí. Thôi thì lại an ủi con: "Nhà mình nghèo quá, tìm cách khéo khéo từ chối bạn bè nghe con". Đã bao nhiêu lần nhận được thiệp mời sinh nhật của bạn bè, con chị phải lắc đầu kiếm cớ không đến...

    Nhưng tấm thiệp màu hồng chiều nay thật khó xử - " Đây là lần cuối cùng tao còn gặp gỡ bạn bè. Vài ngày nữa tao theo ba má xuất ngoại. Nhớ đến với tao nghe Thuỳ".

    Nhìn con gái cứ đọc đi đọc lại tấm thiệp rồi cắn môi nhìn đâu đó trên trần nhà, chị lo lắng"..\ .Con gái lớn... Biết đâu... "
    - Đọc cho mẹ nghe cái thiệp viết gì vậy Tèo ?

    Thằng Tèo, đang học lớp hai, phồng môi phồng má đánh vần những dòng chữ bay bướm nghiêng nghiêng. Chị nghe xong thở dài !

    Nếu một ngày dài ra thêm một buổi thì chị sẽ gánh thêm hàng đi bán . Nếu mình trúng số... Nếu... Nếu... Nhưng chẳng có cái "nếu" nào xảy ra cả. Chị buồn rầu nhìn con lặng lẽ làm công việc thường ngày và vẫn ngoan ngoãn "da" mỗi khi chị gọi.
    - Con có dịnh dự tiệc chia tay với bạn không ? - Chị bật hỏi.
    - Gần thi rồi, con ở nhà học bài mẹ ạ!

    Con chị trả lời thản nhiên nhưng chị thấy nỗi luyến tiếc đầy trong mắt nó.

    Chị thấy thương con đến quặn lòng:
    - Sang năm mẹ sẽ tổ chức sinh nhật cho con - Chị buột miệng. Vì muốn bù đắp cho con nên chị muốn nói điều gì đó thật đặc biệt mà chị không kịp suy nghĩ.

    Thùy kinh ngạc mở to mắt nhìn mẹ.

    * * *
    Cuộc sống dường như có mục đích mới. Chị tằn tiện dè sẻn từng đồng. Chị nhất định cho con có một ngày vui. Mục đích này khiến chị phấn chấn hơn. Chừng như chị đã vượt qua được những lo toan cơm áo hàng ngày để vươn tới một mối quan tâm tốt lành hơn.

    Buổi tối, khi các con ngủ say, chị ngồi nhẩm tính đã giành dụm được bao nhiêu. Rồi chị làm một việc rất ư lãng mạn là nhớ ngày sinh của các con. Ngày sinh thằng út là ngày buồn nhất vì anh chết trước đó máy tháng. Thằng Tèo sinh ra vào một ngày mùa hè, cây phượng ngoài sân bệnh viện sản đỏ rực hoa. Còn Thùy là một ngày giáp Tết, anh chị đã mua sắm cho đứa con đầu lòng bao nhiêu là quần áo thêu xinh xắn... Chị mỉm cười vui vui tưởng tượng đến một ngày sang năm, con của chị mặc một cái áo đầm màu hồng kết thật nhiều ren và những cái nơ xinh xinh cài trên tóc.

    Trận sốt xuất huyết của cu út làm tiêu tan số tiền dành dụm của chị . Thùy dường như đã quên lời hứa đột ngột của mẹ, cô bé vẫn làm công việc như thường ngày và dạo này lại còn nghêu ngao hát. Chị lặng im vì biết vậy là thôi rồi. Biết là thôi mà lòng vẫn bứt rứt. Càng gần đến ngày sinh của Thuỳ, chị càng thấy nao nao.

    Buổi chiều vào đúng ngày sinh của Thuỳ, chị đặt gánh đậu hũ dưới bóng mát của mái hiên một cửa hàng bán sách. Cô bán hàng gọi một chén đậu hũ.

    Trong lúc ngồi chờ cô bán hàng ăn, chị nhìn dãy kệ cao chất bao nhiêu là sách bìa trắng, bìa đỏ, bìa vàng... Đập vào mắt chị là quyển sách quen thuộc mà đêm đêm Thùy mượn bạn bè về ngồi chép lại. Chị không biết chữ nhưng quyển sách quen đến nỗi chị nhận ra ngay - Bìa màu xanh dương, dày khoảng một đốt rưỡi ngón tay và hàng thẳng, chỗ dài, chỗ ngắn chị nhớ rất rõ.

    - Quyển sách đó bao nhiêu vậy cổ- Chị rụt rè hỏi.
    - Quyển nào hở chị ?
    - Dạ đó, quyển có chữ đầu cong cong...
    - À! Stremline tập một. Tám ngàn

    Chị thò tay nắm cuộn giấy bạc được cột dây thun cẩn thận trong túi. Nó cần quyển sách này từ năm ngoái, thằng út mới đau dậy, tiền thuốc, tiền thầy... Đủ thứ tiền trên đời.

    - Cô bán cho tôi quyển đó đi... Rồi cô viết dùm...
    -...
    - Cô viết dùm tôi... "Mẹ tặng con vào ngày mẹ sinh ra con"- Chị bối rối đến đỏ mặt...

    - Viết như thế này hay hơn - Cô bán hàng vui vẻ cầm bút - " Con yêu quí của mẹ, mẹ tặng con nhân ngày sinh nhật. Mẹ yêu con lắm".
    - Da... cám ơn cô !
    - Có cần gói giấy màu thắt nơ không chị ?

    Chị ngần ngừ. Cô bán hàng nhìn vẻ phân vân của chị rồi cô nhìn ra gánh đậu hũ bên ngoài, giọng cô dịu dàng:
    - Con của chị bao nhiêu tuổi?
    - Da... mười sáu
    - Tôi tặng chị giấy gói và cái nơ màu tím này.

    Cô bán hàng gài cái nơ thật khéo lên gói giấy màu vàng hoa cúc và mỉm cười trao cho chi.

    * * *

    Sợ lũ nhỏ ganh tỵ, chị đợi cho tất cả đi ngủ rồi mới đưa gói quà cho Thuỳ.
    - Sao mẹ biết con thích màu tím?- Cô bé thì thầm
    - Ừ... màu tím- Chị nhìn cái nơ và thì thầm lập lại. Chị quên mất chính cô bán hàng đã chọn cái nơ màu tím tặng cho chị. Hình như chính chị đã chọn cho con gái. Đúng như vậy !

    - A... Mẹ! Thùy kêu lên khi mở gói giấy ra.
    - Con cần quyển sách này phải không ?

    Thùy mân mê quyển sách và ngước nhìn chị. Hai mẹ con ôm nhau dưới ánh đèn khuya.

    * * *
    Cô bán hàng nhìn cô bé mười sáu tuổi ngập ngừng bước đến:

    - Hôm qua mẹ em đẫ mua quyển sách này ở đây phải không chị?
    - Hôm qua... Mẹ em là ai? À... Có phải bà bán đậu hũ không ?
    - Dạ phải.
    - Có chuyện gì vậy?
    - Em đã học xong quyển một rồi mà mẹ em không biết nên... Chị đổi dùm em tập hai được không ?
    - Nhưng... Mẹ em đã viết vào sách rồi, làm sao tôi bán cho người khác được?
    - Viết? - Cô bé mở to mắt - Mẹ em viết?
    - Tôi viết dùm. Em không mở sách ra sao?

    Cô bé ấp úng:
    - Em đã thuộc lòng quyển sách này, vả lại mở ra em sợ dơ khó đổi. Xin lỗi chi... Em không biết mẹ em đã...

    Cô bán hàng nhìn theo cô bé đang dợm chân quay ra. Cô suy nghĩ rất nhanh:
    - Này cô bé, đưa đây tôi đổi cho.

    Cô bé nhìn cô bán hàng rồi cúi lật trang đầu của quyển sách trên taỵ" Con yêu quí của me... "

    - Thôi, chi... Em không đổi đâu - Cô bé nhẹ lắc đầu. ánh mắt cô bé đọng lại nơi bàn tay của cô bán hàng đặt trên quầy - Lời yêu thương của mẹ được viết bởi bàn tay này. Trái tim cô bé thổn thức đập.

    Cảm thấy bàn tay mình nong nóng, cô bán hàng rụt tay lại. Khả năng giao tiếp linh hoạt thường ngày biến mất, cô lặng im nhìn cô bé ôm quyển sách màu xanh bước đi giữa trời trưa nắng.

    Nguyên Hương

    http://kilopad.com/truyen-ngan-c197/...4/chuong-1-ti1

  9. #19
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Chị Thuỵ Khanh và các anh chị

    ------------
    Tuần lễ của cha


    Mẹ con Đậu Đũa

    Cuộc thi bé khỏe bé ngoan bắt đầu bằng việc xòe tay. Một cậu bé nhất định giấu tay ra sau lưng.
    - Cháu sao vậy? - Tôi hỏi.
    - Thưa cô, sáng nay má cháu đang cắt móng tay cho cháu thì có người hỏi mua lúa, nên...
    - Vậy còn mấy ngón chưa cắt? - Tôi hỏi thật nghiêm trang.
    Du hích vai tôi:
    - Vừa phải thôi, bộ mặt hình sự của mày làm các cháu chết ngất bây giờ.
    - Đã gọi là thi thì phải tuyệt đối - Tôi trả lời Du bằng mắt và ra hiệu cho cậu bé xoè tay. à, chẳng những móng tay dài mà còn dính gì đó nâu nâu.
    - Thưa cô không phải đất! - Mũi cậu bé đỏ lên
    à, sôcôla... Vậy thì... Tôi ra lệnh:
    - Cháu há miệng ra.
    Một hàm răng sâu.
    Tôi nguyệch một điểm hai.

    Du lắc đầu:
    - Trời ơi, mày làm như khám tuyển tiếp viên hàng không vậy. Giám khảo nào cũng như mày thì cuộc thi bể mất.
    - Phải có một tuyệt đối trên đời này, đó là sự công bằng trong thi cử - Tôi trả lời.
    - Lý sự cùn! - Du cáu kỉnh
    - Sự trong trẻo trong tâm hồn các cháu có còn giữ được hay không là do chính cách cư xử của chúng ta.
    - Cái con khỉ! - Du lườm lườm.
    Tôi bật cười. Du cũng cười theo dù hơi nhăn nhó. Đến phần khám tai, các cô bé nghiêng nghiêng đầu chìa ra những đôi bông tòng teng.

    Một bà nói như rên:
    - Trời ơi, sáng nay tôi quên ngoáy tai cho nó.
    Một người khác:
    - Mua cái áo đầm ren với đôi giày cho con hết mười ký đậu và tiền xe đi chợ phố mà không đoạt giải gì thì uổng quá.
    - Cô ơi, cô có con chưa?

    Phớt tỉnh trước câu hỏi ấm ức, tôi ra lệnh cho các thí sinh cởi giày để khám vệ sinh chân.
    - Thúy ơi! - Du la lên bên tai tôi - Sau các cháu còn đến phần các bà mẹ thi nữa. Mày làm họ sợ quá không ai dám thi bây giờ.
    - Nếu không chuẩn bị tốt thì không thi cũng đúng thôi - Tôi cau mày, bắt đầu thật sự khó chịu. Nếu không vì nể Du, cô bạn phụ trách công tác phụ nữ, thì giờ này tôi đang ở nhà. Một ngày chủ nhật nghỉ ngơi thư giãn, vừa nhấm nháp bánh qui vừa xem tivi hoặc nghe nhạc. Chạy xe suốt tám mươi cây số đường nắng lại đến cái xã heo hút này không phải để làm một giám khảo hờ cho vui.

    Ơ... gì đây? Tôi ngẩn ngơ trước một cô bé đẹp như tranh nếu không kể bộ áo quần loè loẹt và vô số đồ trang sức bằng nhựa lủng lẳng khắp người.
    Trên sân khấu bằng gỗ dựng vội vàng trong khoảng đất trống bên cạnh ủy ban, giữa những tấm phông màu sắc lì lì buồn, giữa tiếng nhạc rè rè phát ra từ cái cassette cũ kỹ... cô bé mở to đôi mắt nâu trong trẻo nhìn tôi, sống mũi thanh tú và đôi môi hồng mịn như cánh sen. Tim tôi đập nhanh không duyên cớ.
    - Cháu kính chào cô! - Giọng cô bé thanh thanh ngòn ngọt.
    Tôi cắn môi, thấy lòng chùng lại mà không hiểu vì sao.
    - Cháu tên gì?
    - Thưa cô, cháu tên Đậu Đũa.
    Tôi phì cười.
    Du lầm bầm:
    - Hy vọng tên của cô bé này khiến mày rộng rãi được một chút.
    - Ai đặt tên cho cháu? - Tôi buột miệng hỏi một câu không dính dáng gì đến cuộc thi.

    - Dạ thưa cô... dạ, tôi... - Người đàn ông cao lêu khêu, bộ áo quần lao động lốm đốm dấu đất. Ông đi lên sân khấu, từng bước ngượng nghịu về phía cô bé, tay khum khum gỡ cái mũ lát rộng vành ra khỏi đầu. Rõ ràng ông rất lóng ngóng, e dè, rõ ràng ông không muốn đứng cao hơn mọi người như thế này và nhất là đối mặt với một giám khảo lạ hoắc và khó tính như tôi, rõ ràng ông muốn ngay lập tức chạy biến đi về cầm cuốc còn dễ chịu hơn... Nhưng ông đã bước lên, tiến đến gần con gái, đứng sát cạnh và sẵn sàng che chở như một con gà mái xù cánh bảo vệ gà con.
    - Ba lên đây làm gì? - Đậu Đũa phụng phịu, vòng hoa tai màu đỏ to bản lúc lắc lúc lắc.
    - Ba... ừ... ba... - Người cha vội vàng lùi lại một bước. Rồi ông nhìn tôi nhoẻn một nụ cười mộc mạc phân trần - Nó không biết trả lời câu hỏi của cô đâu. Dạ nó thích đi thi quá nên tôi chiều... Hồi đó, hồi mẹ nó mang bầu nó, nhà không có gạo ăn, toàn ăn đậu đũa luộc chấm muối mà đẻ ra được nó đó cô.

    Ông nhìn con gái một cách tự hào.
    - Ba xuống đi! - Đậu Đũa xua lia lịa, những cái vòng đủ màu trên tay khua lanh canh.
    - ờ... để ba xuống. Cô còn hỏi gì cháu nữa không cô?
    Tôi im lặng. Du thì thầm:
    - Làm ơn hỏi một câu thật dễ.
    Một cách vô thức, tôi cầm một chữ cái cắt bằng giấy cứng giơ lên.
    - Thưa cô chữ O!

    Du thở phào. Tôi hạ bút viết điểm sáu, điểm cao nhất trong các cô bé.
    *
    * *

    Phần thi của các bà mẹ thật sôi động. Các cháu nhấp nhổm lo lắng và cũng bàn tán lào xào. Có cháu la to:
    - Cái áo mới của mẹ tao đẹp nhất.
    - Con đừng nói "áo mới" mà phải nói là "trang phục" mới đúng - Người cha nhắc nhở.

    Người phụ nữ ửng hồng đôi má quay lại nhìn chồng con. Tôi nhìn quanh. Hầu như ai cũng mặc áo quần mới. Cuộc thi này đã khiến các bà mẹ bỏ công việc ruộng rẫy bao nhiêu ngày để đi chợ phố chọn vải may áo mới? Và như bao phụ nữ bình dị khác, đã sắm cho mình thì chồng con ắt cũng phải có. Và thôi, đã đi phố thì mua về cho chồng con thức ngon cho bõ những ngày khoai sắn quen thuộc. Vỏ thuốc lá ngoại, vỏ giấy gói bánh kẹo Thái Lan, Trung Quốc vứt đầy sân bãi... Bao nhiêu đậu mè chắt chiu dành dụm đã bán đi cho một cuộc thi như một lễ hội điểm xuyết cuộc sống bình lặng làng quê? Những ông chồng nửa tự hào nửa lúng túng đứng quanh đây chờ vợ con đi thi về, ai sẽ là người hạnh phúc nhất sau cuộc thi này?

    Tôi nhìn bảng điểm của Du, có khá nhiều điểm cao. Tôi chợt hiểu Du hơn.
    Mẹ bước lên sân khấu hồi hộp hơn con, có người run đến nỗi mồ hôi ướt đẫm tóc nhỏ giọt xuống trán. Có mẹ đỏm dáng hơn con, cái áo đỏ rực thêu hình rồng phượng lộng lẫy... Tôi lắng nghe, lòng tự nhủ sẽ cho điểm nới tay hơn cho dù câu trả lời có ra sao.
    - Chị nghĩ thế nào là một gia đình hạnh phúc?
    - Gia đình hạnh phúc là ông chồng không uống rượu!
    Nếu căn cứ vào đáp án để chấm điểm thì người phụ nữ này không được điểm nào cả. Tôi chờ đợi... Cây bút trên tay Du ngần ngừ, tôi cũng ngần ngừ... Không giống đáp án, phải, nhưng hạnh phúc có khi chỉ giản dị thế thôi.

    áo xanh hoa trắng, áo tím hoa vàng, áo hồng, áo màu hoa cúc... Những phụ nữ xúng xính áo mới lần lượt bước lên sân khấu, biến những câu trả lời luân lý trong đáp án thành trang giấy trắng.
    - Khi chồng chị nổi nóng, chị cư xử thế nào?
    - Nhờ trời thương, chồng tôi hiền lắm. Lấy nhau mười năm nay chưa hề nói nặng với vợ một câu.
    - Khi con chị với con nhà hàng xóm gây gổ, chị cư xử thế nào?
    - Dạ... thì để hàng xóm khỏi xích mích, dắt con mình về đánh một trận trước, phải trái tính sau.
    - Nếu gia đình bên chồng gặp khó khăn cần giúp đỡ, chị cư xử thế nào? Tại sao?
    - Dạ... thì mình phải giúp chứ sao không? Tại vì mình cũng có con trai...

    Mỗi câu trả lời đều nhận được những tràng vỗ tay và tiếng cười rung cả sân khấu. Toàn ban giám khảo cũng bật cười rộ. Tôi hỏi Du, lòng thật sự bối rối:
    - Chấm điểm sao đây?
    - Cứ chấm đại đi - Du nguệch lia lịa những con số hào phóng.

    Ai là mẹ bé Đậu Đũa? Tôi kín đáo quan sát. Cô bé không hề giống ba, nhưng cũng không bà mẹ nào có khuôn mặt hao hao cô bé cả. Ai? Bà mẹ nào đã chọn cho con gái một bộ váy áo kỳ khôi như vậy? Cái áo diêm dúa thùng thình lua tua ren, váy màu đỏ, giày màu da cam. Màu sắc trên người cô bé là một sự phô trương chói mắt đến buồn cười.

    Ai? Tôi nhìn đến dãy ghế xa nhất. Chỉ còn hai bà mẹ đang hồi hộp đợi đến phiên mình. Một trong hai, ai là người sinh ra một đứa con xinh đẹp đến vậy? Tôi nhận ra mình đang sốt ruột một cách khó hiểu. Bỗng nhiên tôi muốn cả hai mẹ con Đậu Đũa đều đoạt giải, ít nhất là giải khuyến khích. Nhìn những tờ giấy gấp tư trên khay nhôm, tôi chợt hồi hộp.
    - Kính mời mẹ của bé Đậu Đũa.
    Không ai trong hai người phụ nữ nhúc nhích cả. Tôi ngạc nhiên chờ đợi.
    Và...

    Người đàn ông bước từng bước, vẫn từng bước ngượng nghịu lóng ngóng, vừa sẵn sàng bỏ chạy vừa sẵn sàng đương đầu. Tiếng vỗ tay rào rào nổi lên. Tôi chưng hửng. Du nói khe khẽ:
    - Xin mày hãy rộng lượng với người này
    - Ông ta là... đàn bà à?
    - Không! - Du chợt sừng sộ với tôi - Nói năng gì lạ vậy?
    -...
    - Vợ chết vì kiệt sức sau khi sinh con, một mình ông ta, chỉ một mình nuôi con từ lúc còn oe oe.
    Vừa nhìn bàn tay thô kệch của người cha run run bốc thăm câu hỏi, Du vừa tiếp tục kể:
    - Vợ ông ta đẹp lắm, cô ấy đã từ chối lời cầu hôn của Chủ tịch huyện để làm vợ người này.

    Phân vân thật lâu, cuối cùng người cha bốc một tờ giấy và mở ra; giọng ông lạc đi đến nghèn nghẹn: "Trước khi cho con bú, người mẹ phải làm gì?"
    Nắng xiên qua tấm phông đổ lên sân khấu một vạt nắng lún phún bụi. Tôi nghe hơi thở Du nóng hổi bên tai. Người cha vò vò cái mũ, những sợi lác nhàu gãy rơi xuống sân khấu như những khe hở trên một bức tường cũ.
    - Thưa quý cô... cháu nó ham đi thi quá nên tôi...
    Du bấu vai tôi:
    - Cho ông ta bốc thăm lại nghe Thúy?
    Tôi ngồi như pho tượng. Người cha ngượng ngùng xọc tay vào túi quần, lom khom tấm thân lêu khêu như muốn trốn. Tiếng rì rào phía dưới lắng dần rồi tất cả lặng im, tưởng như có thể nghe được tiếng bụi bay.

    Một đám bùng nhùng sặc sỡ chạy vụt lên sân khấu, dải nơ to bản ngang lưng bay phớt phơ như hai lá bùa, cái kẹp bươm bướm màu lục rung rinh trên chùm tóc ngắn cũn như đuôi gà con.
    - Ba ơi, ba đừng sợ!...
    "Có con đây". Tôi đợi nghe Đậu Đũa nói nốt phần còn lại, nhưng đụng phải ánh mắt tôi, cô bé im bặt lè lưỡi bước lùi.

    - ờ... ba đâu có sợ! Thưa... hồi đó... mỗi khi cho cháu bú, tôi rửa bình sạch lắm. Dạ... thì cũng nhìn người ta rồi bắt chước. Tôi ngâm núm vú bằng nước sôi... rồi thì.. pha đúng như bà bán sữa bày cho... Trong tháng là muỗng rưỡi sữa với chừng này nước - Ông đưa ngón tay ra dấu - Rồi ra ngoài tháng tăng dần dần. Đêm dậy buồn ngủ mấy tôi cũng vẫn nhớ súc bình... Tôi pha bao nhiêu cháu bú hết bấy nhiêu, không để cháu bú sữa nguội bao giờ. Dạ... hồi đó cháu đái dầm ghê lắm.. thay tã hoài...

    Du giằng bảng điểm trước mặt tôi viết thật nhanh điểm 10.
    Những gói phần thưởng bao giấy màu đặt trịnh trọng trên bàn, phần thưởng cao nhất là một xấp vải áo dài màu biển.
    Tôi nhìn Đậu Đũa đang nôn nao đợi ba, hình dung đến một ngày cô thiếu nữ thướt tha trong tà áo xanh.
    Nguyên Hương

    (http://music.vietfun.com/trview.php?ID=3778&cat=16)

  10. #20
    ...for keeps... passenger's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    4,141
    Mẹ con Đậu Đũa
    Love this warm hearted story!
    Miss little future blue dress shoud get an eight.
    "Tôi" should get a ten for writing this fun & beautiful "melody".
    And "Mẹ Đậu Đũa" must get an eleven - one extra point for being a wonderful Dad.
    Thanks, ST!

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:32 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh