Register
Page 4 of 19 FirstFirst ... 2345614 ... LastLast
Results 31 to 40 of 186

Thread: Kiếm Đạo

  1. #31
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Quote Originally Posted by cuocsi View Post


    Theo tôi,
    Vết thẹo trên nước đuợc hình thành từ lúc :

    1- TA MUỐN CHÉM. ( ý tưởng )
    2- TA VUNG TAY ĐẾN KHI KIẾM CHẠM MẶT NƯỚC. ( hành động )
    3- Hình ảnh ta thấy được trên mặt nước và âm thanh tạo ra khi kiếm chạm mặt nước đã là hai dấu vết hiện hữu.
    4- Hình ảnh của một kiếm sĩ vung gươm đã phản chiếu trên mặt " gương nước " kia, trôi xa về biển rộng, kiếm sĩ không chạy theo...lôi kéo cái bóng của mình lại được.
    5- Ta không thấy vết thẹo hằn sâu nhưng " nước, cỏ cây, chim, cá và ong bướm đã thấy "

    1/Phần này St hiểu là Cuocsi muốn nói đến kiếm pháp


    -------------
    Mỗi lời nói, hành động ta thoát ra từ cơ thể luôn tạo một âm thanh, một hình ảnh IN
    trong không gian, vượt thời gian và " LOANG RA XA NHƯ MỘT LÀN SÓNG NHẤP NHÔ TỪ CỘI ".
    Cái âm thanh của kiếm trong gió và trên nước, trước khi vang xa, nó đã lọt vào tai kiếm sĩ trước ai hết, não bộ sẽ ghi lại.


    " La vibration et l'onde choc " = sự rung động và chấn động sẽ biến thành một hay nhiều sóng hiệu mang tần số cao và thấp như sóng truyền tin, radio...(tiếng trống, chuông, mõ cầu kinh, hồi chuông xóm đạo...)

    2/Phần này St hiều là Cuocsi muốn nói đến sóng truyền và rung động

    ------------
    Có đôi khi, phải " THẤY " bằng một cách khác :
    Phải " THẤY " bằng TIM, những căn bản đơn thuần thì " Vô hình " dưới mắt.


    Antoine de Saint-Exupéry có viết trong cuốn " Le Petit Prince " :
    ..."" Il faut voir avec le cœur, l'essentiel est invisible par les yeux. ""
    https://fr.m.wikipedia.org/wiki/Le_Petit_Prince

    3/Phần này St hiều là Cuocsi muốn nói đến câu trên trong truyện Hoàng Tử Bé

    ------------------

    Chưa dám nói đến " HUỆ NHÃN " của Phật học .
    http://kienthuc.net.vn/giai-ma/nang-...ng-325003.html

    4/Phần này St hiều là Cuocsi muốn nói đến "Huệ Nhãn"

    --------------------

    Ai ơi đừng nói " Nước vô Tình "
    Vết hằn tuy xoá, vết đau chưa liền !
    Xưa kia sông Hát * không dài,
    Vết " Trưng " Nữ kiệt khắc hoài sử xanh !

    * : Hát giang
    5/Phần này St hiểu là Cuocsi muốn nói đến lịch sử



    cuốc sĩ
    2016-11-21
    Để St giải thích lại nhé
    Chúng ta đang trao đổi về chuyện Sẹo của nước ,

    St tách phần góp ý của Cuocsi ra để dễ cắt nghĩa (St dùng màu tím)

    Phần 1,2,4 St không am hiểu nên không dám bàn
    Phân 5 : St chỉ hiểu chút chút
    Phần 3: St có đọc truyện Hoàng Tử Bé


    Quote Originally Posted by cuocsi
    đọc " Khi lòng tốt chưa bị tổn thương "

    Chào bạn Sông thương,

    Cuocsi là thành viên mới của diễn đàn, vô đây đọc và học được nhiều điều hay, ý đẹp
    Nhân dịp này cũng muốn góp phần mình, những buồn vui riêng, những băn khoăn về vận nước,
    đọc bài trang Kiếm đạo thấy Sông thương đã chia sẽ nhiều bài hay và làm suy nghĩ, giúp cho
    mở rộng kiến thức, nên cuocsi thấy cũng nên ghi lại một chút gì bằng thiện tâm, một hình thức
    biết ơn với căn nhà mình đến viếng.

    Trong câu trả lời của Sông thương trên đây được khởi đầu với lời cám ơn kèm theo bông hồng và chấm dứt với câu :

    2/" ... đọc xong, st nhớ ngay tới câu rất ngắn này "" khi lòng tốt chưa bị tổn thương ""

    Câu kết này đươc bỏ lửng như vậy làm cho tôi có chút băn khoăn, không hiểu ý của St muốn nói gì ?
    Trực tính cho thấy mình đã có gì sai quấy qua sự đóng góp đường đột chưa được chủ nhà cho phép ?
    Hay vì mình đang " múa riều " đang " dạy đời " ?

    1/câu này của St cũng làm suy nghĩ : " ...gặp những người lạ lạ mà không thể nhìn bằng mắt "
    Qua những ghi nhận trên đây, cuocsi mong đón nghe St giúp để hiểu rỏ hơn, tránh sự ngộ nhận về phần mình


    và cũng giúp cho các chuyến thăm viếng khác ( nếu có thì giờ ) sẽ là niềm vui, là sự thoải mái sau những giờ làm việc.

    Mong rằng những yêu cầu này sẽ được đón nhận theo chiều hướng tốt đẹp, xây dựng.
    Chúc St ngày vui.

    cuocsi
    Trở về câu hỏi của Cuocsi (post #30 )

    St xin phép đặt số 1, 2 vào để dễ giải thích nhé

    1/câu này của St cũng làm suy nghĩ : " ...gặp những người lạ lạ mà không thể nhìn bằng mắt "
    Qua những ghi nhận trên đây, cuocsi mong đón nghe St giúp để hiểu rỏ hơn, tránh sự ngộ nhận về phần mình


    1. Do Cuocsi đã đề cập tới chuyện Hoàng Tử Bé (phần 3, phần mà St biết vài điều )



    Cuosi đã trích dẫn câu này ..."" Il faut voir avec le cœur, l'essentiel est invisible par les yeux. "" nên St trả lời : Hoàng Tử Bé thì St vẫn phải đọc tới đọc lui để ngẫm nghĩ mỗi khi có dịp đến thăm một tinh cầu lạ, gặp những người lạ lạ mà không thể « nhìn » bằng mắt , là để bàn về trích dẫn của Cuocsi, trích dẫn ấy nói đến một cách nhìn khác được đặt trong câu đó.

    Và vì rất nhiều câu trong chuyện Hoàng Tử Bé tuy đã đọc vài lần, vẫn luôn khiến St phải ngẫm nghĩ


    2/" ... đọc xong, st nhớ ngay tới câu rất ngắn này "" khi lòng tốt chưa bị tổn thương ""

    Trọn vẹn câu trả lời của St là
    Riêng với chuyện trên , đọc xong, St nhớ ngay câu rất ngắn này « khi lòng tốt chưa bị thương »

    Chúng ta đang nói về « sẹo của nước », mà nguyên nhân của những cái sẹo đó chỉ là vì lòng tốt bị thương. Nếu lòng tốt của chàng trai tên Chơn chưa từng bị thương, thì Chơn đâu phải mang trong lòng những cái sẹo nát nhàu đó .

    Chỉ giản dị là vậy thôi Cuocsi ạ , vì chúng ta đang bàn về nội dung câu chuyện liên quan đến lòng tốt trước khi và sau khi bị thương mà . Nên khi Cuocsi bỏ đi câu « riêng với chuyện trên… » , là cách hiểu đã có thể khác đi .
    .
    Nếu sau này có những ý kiến của Cuocsi về những điều St không am hiểu, cho phép St bỏ qua (thí dụ như phần 1,2,4 ở trên) , chỉ bàn về những gì St biết chút chút , vào vấn đề đang trao đổi , như vậy sẽ không có sự ngộ nhận Cuocsi nhé .

    Cảm ơn Cuocsi đã kiên nhẫn đọc những gì St giải thích

  2. #32
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350



  3. #33
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350



  4. #34
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350

    Bên mảng tường mơ .

    Có những sáng thứ bảy, tôi lặng người trước những bức tranh trên mảng tường nơi chân cầu thang bệnh viện ung bướu. Những bức tranh mang mơ ước khát khao của các em nhỏ nơi đây. Đối với nhiều người, đó chỉ là những sinh hoạt quá đỗi dễ dàng, quen thuộc, nhưng với các em, để làm được điều đó, cần đến một phép mầu...

    Những câu nói ngây thơ khiến tôi quặn lòng. “Chị bị xương hả? Em bị mắt!”. Và những chuyến xe đưa các em về trong đêm sao mà đau xót đến vậy.

    Đó là những câu chuyện thực, tôi sẻ chia với những ai đã trải...

    Nguyễn Ngọc Hoài Nam


    (
    (Nô đùa - bức tranh của bệnh nhi Nguyễn Hoàng Nam, 15 tuổi, đã mất năm 2015 (vẽ tặng chương trình “Ước mơ của Thúy”)

    TTCT - Lần đầu Nhiên gặp cô bé lúc đi xét nghiệm. Cô bé nhỏ thó, ngồi như nấp sau gầm cầu thang tối, đầu trụi lủi không một sợi tóc, y hệt những đứa trẻ khác ở đây.


    Gương mặt cô bé méo xệch, một bên mắt phồng to. Nhiên giật mình hoảng sợ ngay khi vừa trông thấy, liền vội nép vào vai ba.
    Mấy hôm sau đi xét nghiệm về, Nhiên lại giật mình khi trông thấy cô bé. Giật mình, nhưng Nhiên vẫn tò mò. Cô bé ngồi một mình, trống trải, mặt quay vào bức tường gần sát cầu thang, tay vẽ màu nguệch ngoạc chăm chú say mê, không để ý gì đến vạt nắng nghiêng trưa từ ngoài sân bệnh viện hắt vào chỗ ngồi.

    Những hình vẽ Nhiên không nhìn thấy rõ. Khi cô bé bất chợt quay sang trông thấy Nhiên liền nhoẻn miệng cười. Nụ cười nửa e dè làm quen, nửa tươi tắn hiền hậu, khiến Nhiên dù vẫn để ý đến con mắt to của cô bé nhưng đã vơi bớt cái sờ sợ ám ảnh từ những ngày hôm trước. Dù vậy, Nhiên vẫn chưa dám cười đáp lại mà theo ba đi thẳng về phòng.

    Những câu hỏi thắc mắc cứ nảy nở trong đầu Nhiên. Những cái đầu trọc lốc. Những gương mặt biến dạng. Những cục u, vết mổ chằng chịt. Biết bao hình ảnh lạ lẫm của những bạn nhỏ nơi đây khiến Nhiên trải qua thật nhiều cảm xúc. Sốc. Giật mình. Ngạc nhiên. Sợ hãi. Thắc mắc. Tò mò.

    Vậy mà từ bữa vào bệnh viện đến giờ, ba má vẫn chưa lần nào trả lời những câu hỏi của Nhiên cho thật đầy đủ, cặn kẽ. Ba má đang buồn vì cái chân đau của Nhiên, Nhiên biết. Nhưng chỉ đau cái chân thôi, có gì nghiêm trọng đâu, sao má lại buồn đến mức hở chút là bụm miệng mếu máo khóc vậy.

    Nhưng lặng im hóa đá như ba còn nặng nề khổ sở hơn. Nhiên có cảm tưởng ba má đang che giấu điều gì đó. Không được giải đáp, Nhiên cứ bứt rứt khó chịu, không còn cái vẻ nhanh nhẹn hoạt bát mọi khi.

    Đến tối, một lần nữa Nhiên lại lấy hết can đảm nói với ba:
    - Ba, con hỏi này chút nha.
    - Chuyện gì con?
    - Ba hứa trả lời nha.

    Ngập ngừng một lát, ba khẽ gật đầu:
    - Ừm, con nói đi.
    - Cái bạn lúc trưa nay ngồi ở cầu thang, ba có thấy không?
    - Có, ba có thấy.
    - Sao bạn ấy có con mắt to vậy ba?

    Ba nhìn Nhiên một lát mới trả lời:
    - Chắc bạn ấy bị té nên mắt bị sưng lên.
    - Vậy hả ba. Rồi... bạn ấy có hết không ba?
    - Bác sĩ sẽ chữa cho bạn ấy hết sưng mà con.
    - Giống chân con bị sưng, cũng chữa hết luôn hả ba?

    Ba nghẹn giọng:
    - Đúng rồi con...
    Nhiên định hỏi thêm, chợt nghe tiếng má mếu máo khóc ở góc giường nên im lặng không dám nói tiếp. Nhưng chỉ một lát, như sực nhớ điều gì, Nhiên lại hỏi:
    - Ba, bạn đó cười với con, vậy con cười lại với bạn đó được không?
    - Được chứ con - ba gật đầu.
    - Dạ.

    Ngày chủ nhật cuối tuần nên bác sĩ không tới khám. Nhiên dậy trễ hơn mọi bữa. Đã gần tuần lễ cả nhà Nhiên dọn vào ở trong bệnh viện, cũng vì cái đầu gối bỗng nhiên đau và sưng to của Nhiên. Mẹ nghỉ phép. Còn ba đi làm cũng không thể yên được, tranh thủ giờ rảnh lại chạy vào bóp chân xoa nắn cho con gái.

    Chưa kể các cô chú cậu dì hai bên nội ngoại, bạn của ba má lo lắng hốt hoảng, hỏi han hoài không hết. Mỗi hốt hoảng lo lắng lại kèm theo một phần quà thăm bệnh, như thể là cách để động viên san sẻ phần nào. Giờ quà xếp quanh giường bệnh của Nhiên đã cao chất ngất, trong ánh mắt thèm thuồng của bọn nhỏ cùng phòng.

    Bệnh viện đã cho Nhiên làm nhiều xét nghiệm. Đã tìm thấy một khối u ngay đầu gối. Nhưng xét nghiệm quan trọng nhất để biết khối u lành hay ác thì vẫn phải đợi chờ kết quả. Đợi chờ trong sợ hãi lo âu. Đợi chờ trong cầu xin hi vọng. Đợi chờ trong căng thẳng tột cùng.
    Cả nhà ai cũng chờ, trừ Nhiên. Nhiên có hiểu gì nỗi đợi chờ thấp thỏm ấy đâu. Nên Nhiên chỉ cảm thấy hình như mỗi ngày một đau hơn, đi lại khó khăn hơn, và vì thế cần phải nhõng nhẽo nhiều hơn.

    Nằm mãi một chỗ trên giường chơi iPad cũng chán, Nhiên xin ba má cho đi loanh quanh bên ngoài. Chiều ý, ba dìu Nhiên đi.
    Đến sảnh cầu thang, Nhiên lại gặp cô bé có con mắt to đang ngồi dưới nền nhà vẽ lên tường. Lần này Nhiên không còn giật mình như những ngày trước.

    Có thể vì Nhiên đã thấy quen, và cũng có thể vì cô bé đã kịp nở nụ cười thân thiện với Nhiên ngay khi Nhiên xuất hiện. Nhiên khẽ cười đáp lại, có chút ngại ngùng, rồi cà nhắc bước tới gần. Ba Nhiên để con chơi với bạn, ra ngồi ghế đá ngoài sân bệnh viện nhìn vào.
    - Chị bị xương hả? - cô bé nhìn cái chân đi cà nhắc của Nhiên hỏi.
    - Bị xương... là sao?
    - Là bị ung thư xương chứ sao. Giống anh Nhân này nè - cô bé chỉ tay vào một hình vẽ ở góc tường. Hình vẽ cầu thủ bóng đá thật đẹp, đang chuẩn bị tung cú sút.
    - Ai vẽ vậy em?
    - Em vẽ tặng anh Nhân đó. Anh Nhân mê đá banh lắm, nghe đâu được chọn vào đội bóng thiếu niên của thành phố, mà ảnh lại bị xương, rồi bị cưa chân. Bị xương như chị đó.

    Nhiên giật mình:
    - Không, không đâu. Chị chỉ đau cái đầu gối chút xíu thôi. Ba chị nói chị sắp khỏi rồi. Sắp về nhà rồi.
    - À, vậy hả chị. Vui hen.
    Cô bé lại chăm chú vào những hình vẽ mới trên tường. Một thoáng im lặng giữa hai người. Nhiên trầm ngâm nghĩ ngợi, rồi như sực nhớ điều gì, cất tiếng quan tâm:
    - Em nè. Em bị té nên mắt sưng to vậy hả?

    Cô bé ngừng tay, nhướng con mắt quả cam đang ươn ướt đầy ghèn nhìn Nhiên:
    - Em bị mắt.
    - Bị mắt... là sao?
    - Là bị mắt đó chị. Con mắt này... - cô bé chỉ tay vào con mắt to - Nó không thấy gì hết. Bác sĩ nói tuần sau mổ lấy nó ra, và chữa cho em con mắt này - cô bé hồn nhiên chỉ tay vào con mắt còn lại.

    Nhiên lặng người. Những điều cô bé nói không giống với giải thích của ba hôm qua. Nhiên không hiểu “bị xương” hay “bị mắt” là sao, nhưng rõ ràng đó là bệnh nặng, rất nặng. Chân sẽ phải cưa cụt đi. Mắt sẽ không còn nhìn thấy.

    Ở tuổi mười ba, Nhiên đã đủ lớn để nhận thấy một nỗi sợ hãi đang nảy nở và lan dần. Giờ Nhiên mới hiểu ra vì sao ba buồn rầu ủ rũ, và má mếu máo khóc mỗi khi Nhiên thắc mắc về bệnh của mình.

    - Em thích vẽ lắm, hôm tết vừa rồi em có tranh được triển lãm ở nhà thiếu nhi đó chị. Bác sĩ nói sẽ chữa con mắt này cho em để nhìn thấy đường mà vẽ - cô bé nở nụ cười tươi.
    - Ừ, em vẽ đẹp thiệt - Nhiên buột miệng khen, dù trong đầu vẫn lởn vởn những ý nghĩ về căn bệnh của mình.
    - Anh Tùng vẽ mới đẹp. Bữa triển lãm tranh, anh Tùng được giấy khen hạng nhất. Nhưng bữa đó ảnh vô thuốc, mệt xụi lơ nên không đi được. Ảnh nằm trong phòng khóc quá trời.
    - Vô thuốc là sao? Mà ảnh bị gì em?
    - Vô thuốc chỗ này nè chị - cô bé chỉ vào cái ven đã được đặt sẵn ở cổ tay - Vô thuốc mệt lắm, bỏ ăn luôn. Ảnh cũng bị mắt. Bị luôn hai mắt...
    - Bị vậy... sao ảnh vẽ được nữa...
    - Ảnh mê vẽ mà, sao bỏ được. Mấy anh chị lớn vẫn chỉ cho ảnh vẽ. Ảnh vẽ cái này nè chị, vẽ lúc hổng còn thấy gì, trước khi ảnh về nhà...
    Cô bé chỉ tay vào hình vẽ trên cao. Hình vẽ có mấy bụi hoa vàng, ông mặt trời tỏa nắng, ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, một cậu bé đứng trước giá vẽ trên thảm cỏ xanh rì. Nhiên bỗng cảm thấy xúc động.
    - Ảnh khỏe rồi về nhà hả em?
    - Không đâu chị... - cô bé chùng giọng xuống - Anh Nhân cũng về nhà lâu rồi. Mấy ảnh toàn về lúc nửa đêm, tụi em ngủ không hay gì hết.

    Nhiên thấy khó hiểu, nhưng cũng không hỏi thêm. Quá nhiều điều bí ẩn ở đây, trong bệnh viện này. Nhiên lảng qua chuyện khác.
    - Em học lớp mấy rồi?
    - Em chuẩn bị học lớp sáu thì bị bệnh phải vào đây. Nếu không giờ em lên lớp bảy rồi.

    Ngừng một lát, cô bé nói tiếp:
    - Em mê đi học lắm. Lên cấp hai đi học được mặc váy, đẹp ơi là đẹp mà em chưa được mặc lần nào. Ở đây lâu lâu em lại mặc váy xách cặp đi lòng vòng ngoài sân bệnh viện cho đỡ ghiền. Hi hi... - cô bé bật cười nhìn Nhiên như phân bua cho hành động “đỡ ghiền” của mình.

    Nhiên mỉm cười theo, chia sẻ.
    - Em đang vẽ gì vậy?
    - Em vẽ cái bánh và quà sinh nhật. Hôm qua coi tivi thấy phim chiếu cảnh sinh nhật mà em thích quá. Ước gì em được vậy.
    - Sinh nhật em ngày nào?
    - Em không biết nữa chị.

    Nhiên nhìn quanh, cả mảng tường đầy màu sắc của những hình vẽ, cũ có mới có.
    - Mấy hình ở đây của em hết hả?
    - Dạ gần hết. Có mấy cái của tụi nhỏ nữa. Tụi nó cũng khoái vẽ lắm.
    - Hèn gì cái đầu thì tròn quay, mấy trái tim thì lung tung, méo xệch.
    - Thì tụi nó có biết vẽ gì đâu chị, chỉ biết vẽ mấy trái tim bay tùm lum. Còn mấy cái đầu tròn quay thì phải rồi. Vô thuốc riết rụng hết tóc, đứa nào cũng láng o hết à.

    Bất giác Nhiên đưa tay lên đầu vuốt mái tóc đen mượt của mình. Cô bé vẫn say sưa kể:
    - Cái này là nhà em ở dưới quê. Ba em, mẹ em và em bé mới sinh. Em vẫn chưa biết mặt em của em nữa.
    - Vậy ai ở đây với em?
    - Dì Út. Chứ ba đi làm hồ rồi, còn mẹ ở nhà chăm em bé.
    - Ba mẹ hay vào thăm em không?
    - Lát nữa ba vào đó chị. Cuối tuần là ba thăm em.

    Cô bé chỉ một hình vẽ khác:
    - Còn cái này em vẽ bé Vân, đeo bông tai cười toe toét.
    - Đôi bông tai đẹp hen - Nhiên như bị cuốn vào những hình vẽ.
    - Dạ. Em ước gì có cái bông tai đó thiệt ngoài đời để em cho bé Vân.
    - Bé Vân thích bông tai hả em?

    - Nó có rồi chị. Mà mẹ Vân hết tiền, tháo bông tai Vân đi bán để mua thuốc. Nó không nói gì nhưng buồn lắm. Từ bữa đó nó nằm một chỗ quay mặt vào tường chẳng ra ngoài chơi nữa. Đến bữa bệnh nặng rồi về nhà luôn...

    Nhiên lại lặng người, nhớ đến hộp đựng quà trên bàn học ở nhà, trong đó có cả chục đôi bông tai, đủ kiểu đủ loại của các cô dì ba má tặng những dịp vui. Nhiên là con một, và lại là đứa cháu duy nhất, được nuông chiều chăm bẵm, nên những món quà đó cứ hiển nhiên đến như một điều bình thường, như cơm ăn áo mặc hằng ngày, không có gì quý giá cả.

    Chưa bao giờ Nhiên hình dung một đôi bông tai lại như niềm ước mơ khao khát, mang đến niềm vui hay tạo ra nỗi buồn.

    Cô bé vẫn liến thoắng:
    - Còn cái này em tự vẽ em nè chị. Hai con mắt tròn đẹp không?

    Nhiên nhìn hình vẽ cô bé vừa chỉ. Bé gái có hai bím tóc, miệng cười thật duyên, và đôi mắt to tròn tinh nghịch. Cô bé vẽ chính mình, đã không còn con mắt sưng to, đã không còn cơn đau bệnh, không còn nỗi sợ không nhìn thấy đường để tiếp tục vẽ. Một hình vẽ giản đơn mà Nhiên vẫn thường thấy ở bất cứ đâu, của bất cứ ai.

    Nhưng tại đây, trên bức tường trong một góc nhỏ nơi sảnh cầu thang bệnh viện này, giữa cái nắng ngọt vàng của buổi sớm mai, hình vẽ ấy lại mang cả một niềm mơ ước hồn nhiên cháy bỏng của cô bé, của biết bao bạn nhỏ. Nhiên nhìn sang cô bé, vừa lúc cô bé quay lại phía Nhiên. Cả hai cùng mỉm cười, thân thiết.
    - Chị vẽ không?
    - Thôi chị vẽ xấu lắm. Em vẽ tiếp đi.

    Bàn tay cô bé nhanh nhẹn đưa lên hạ xuống, qua phải qua trái như con thoi nhảy múa trên mảng tường. Những màu sắc, những hình ảnh dần hiện. Một chiếc bánh sinh nhật, một hàng nến thắp, một con gấu bông. Buổi tiệc sinh nhật giản dị đã được vẽ lên, trên mảng tường sơn vôi cũ kỹ.
    Vẽ xong, cô bé nghiêng đầu hài lòng ngắm nghía lại bức tranh của mình, trong ánh nhìn đã thôi không còn nhiều ngỡ ngàng khó hiểu của Nhiên.

    Một lát, cô bé nhướng con mắt sưng to nhìn Nhiên. Con mắt bỗng như biết cười.
    - Giờ em vẽ chị nha. Vẽ chị có đôi chân dài thiệt đẹp đứng cạnh em...

    Buổi tối trước khi ngủ, Nhiên khẽ nói với ba:
    - Ba, con biết con bị bệnh gì rồi...

    Ba lặng thinh nhìn Nhiên. Má bụm miệng mếu máo...

    Sáng thứ hai, bác sĩ mời ba lên văn phòng khoa. Má ngồi trong góc phòng chắp tay lần chuỗi hạt, lầm bầm khấn vái cầu xin. Nhiên mở iPad chơi cùng mấy em nhỏ, chốc chốc lại ngước nhìn đồng hồ treo nơi cửa ra vào.

    Mấy đứa nhỏ đầu láng o, thích thú vây quanh màn hình iPad, chỉ trỏ trầm trồ. Có đứa đang truyền nước biển cũng cố chen vào, tay giơ ra ngoài, bình nước biển lủng lẳng trên tay người mẹ đứng với theo. Nhìn những đứa nhỏ vui, Nhiên cũng nguôi bớt hồi hộp.

    Chừng nửa tiếng ba về. Chỉ nửa tiếng nhưng như dài sâu thăm thẳm. Cả phòng đồng loạt ngước nhìn ra ngoài khi thấy ba xuất hiện nơi khung cửa.

    Ba chẳng nói gì, đi một mạch tới chỗ Nhiên, ôm Nhiên thật chặt vào lòng, bật khóc. Má giằng lấy tờ giấy thông báo kết quả xét nghiệm trên tay ba, đọc ngấu nghiến, rồi mếu máo với mọi người đang vây quanh:
    - U sụn... u lành...

    Cả phòng vỡ òa tiếng reo vui. Hình như lâu lắm rồi, rất lâu, rất hiếm mới có được không khí này nơi đây. Niềm vui của ba má Nhiên đã trở thành niềm vui chung của mọi người, của cả những đứa trẻ gầy gò đầu láng o da đen sạm đang chụm đầu khoái trá vào chiếc iPad ở giữa phòng.

    Nhiên hiểu tiếng bật khóc của ba, tiếng mếu máo của má cùng những reo vui của mọi người lúc này. Vậy là đầu tóc Nhiên sẽ không trụi lủi. Đôi chân Nhiên sẽ không mất đi. Nhiên chợt nghĩ đến cô bé có con mắt biến dạng với những hình vẽ gửi gắm niềm mơ trên mảng tường cầu thang cũ kỹ.

    Niềm mơ không chỉ cho riêng mình mà còn cho tất cả mọi người. Niềm vui chợt đến, bất ngờ, khi Nhiên đã hiểu được bệnh tình nơi đây, hiểu được những mất mát sẽ tới với mình như đã tới với các bạn nhỏ. Nhiên vui. Nhiên định mỉm cười, nhưng rồi lại bật khóc.

    Sáng nay Nhiên được bác sĩ cho về nhà. Khối u sụn đầu gối đã được xếp lịch để cắt bỏ tại một bệnh viện khác. Chân đi còn khập khiễng cà nhắc, nhưng sẽ lành, sẽ đẹp. Bác sĩ cười trấn an Nhiên như thế.

    Nhiên ôm con gấu bông to nhất trong đống quà được tặng tìm cô bé có con mắt to. Những món quà còn lại đã được Nhiên chia hết cho các bạn nhỏ, và nhìn thấy các bạn nhỏ nở nụ cười hạnh phúc, reo vui “hu ra”.

    Những nụ cười và tiếng reo vui khiến Nhiên lâng lâng trong lòng. Chỉ còn con gấu bông to và đẹp nhất, Nhiên muốn tặng cho cô bé, món quà sinh nhật trên mảng tường mơ dù có thể không đúng ngày.

    Sảnh cầu thang vắng hoe làm Nhiên ngạc nhiên hết sức, vì sáng nào cô bé cũng ngồi ở đấy, vẽ những niềm mơ giản dị cho Nhiên xem. Ba đưa Nhiên vào từng phòng tìm, đến phòng gần cuối hành lang mới biết cô bé đã được đưa đi mổ khối u mắt từ sớm.

    Ca mổ cho niềm mơ đôi mắt tròn xoe tinh nghịch, cho niềm mơ ánh sáng để được vẽ của cô bé. Nhiên lặng người, gửi lại món quà nhờ chuyển cho cô bạn nhỏ, lòng thầm cầu xin.

    Đi qua sảnh cầu thang, Nhiên dừng lại trước những hình vẽ đầy màu sắc, những niềm mơ ước giản dị mà khao khát thiết tha. Những mái đầu tròn quay trọc lốc nắm tay nhau giữa tùm lum trái tim méo xệch. Anh Tùng họa sĩ đứng trước giá vẽ trên bãi cỏ xanh rì.

    Anh Nhân cầu thủ đang rê dắt bóng và tung cú sút dũng mãnh. Bé Vân đeo đôi bông tai lấp lánh. Buổi tiệc sinh nhật cùng con gấu bông vui tính hiền lành. Lớp học có cô giáo và những chiếc váy xanh. Gương mặt cô bé tròn xoe đôi mắt. Và Nhiên bên cạnh, đôi chân thon dài...

    Nhiên cúi xuống, nhặt những vụn màu rơi rớt dưới chân tường, vẽ thêm những trái tim quanh hình vẽ hai chị em. Những trái tim tròn đầy, yêu dấu.■

    Nguyễn Ngọc Hoài Nam


    http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-h...o/1228450.html

  5. #35
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Yes, there is a Santa Claus

    Năm 1897, một cô bé 8 tuổi gửi thư lên tờ The New York Sun hỏi "Ông già Noel có thực không". Không ngờ bức thư phúc đáp trở nên nổi tiếng, hơn 100 năm qua được kể lại mỗi mùa Giáng sinh.

    Những ngày cận kề Giáng sinh năm nay, cư dân mạng tiếp tục lan truyền bài xã luận Yes, Virginia, there is a Santa Claus, đăng ngày 21/9/1897 trên tờ The New York Sun.

    Hầu hết mọi đứa trẻ đến mùa Giáng sinh đều hoài nghi liệu Ông già Noel có thực không. Gần 120 năm trước, cô bé Virginia O'Hanlon, 8 tuổi ở Manhattan (New York, Mỹ) cũng có câu hỏi tương tự với bố mình. Thay vì trả lời, bố Virginia đã gợi ý con gửi thư cho tờ The Sun, tờ báo nổi tiếng ở New York vào thời điểm đó.

    Cô bé viết: "Xin chào quý báo. Cháu 8 tuổi. Một số bạn của cháu nói rằng Ông già Noel không có thực. Bố cháu thì bảo nên hỏi The Sun. Xin hãy cho cháu biết sự thật: Có Ông già Noel không?".

    Biên tập viên Francis Pharcellus đã viết một bức thư trả lời cô bé, đồng thời đăng câu chuyện này lên số báo ngày 21/9/1897. Nội dung bức thư trả lời: “Virginia, các bạn cháu nói không đúng. Những người như họ luôn hoài nghi mọi thứ. Họ chỉ tin vào những gì họ tận mắt nhìn thấy và hiểu được, mặc dù trí óc của họ nhỏ bé biết bao. Virginia à, trí tuệ của con người, dù là người lớn hay trẻ em, tất cả đều nhỏ bé. Trong vũ trụ vĩ đại mà chúng ta đang sống, nếu ta hình dung chân lý rộng lớn như là một không gian bao la thì kiến thức của con người chỉ nhỏ nhoi bằng một con kiến mà thôi.

    Đúng thế, Virginia, ông già Noel có thực. Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta ảm đạm biết bao. Nếu không có những em bé như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Khi đó cuộc sống sẽ chẳng có những tâm hồn trẻ thơ, chẳng có thi ca, chẳng có lãng mạn. Con người chỉ là những cỗ máy khô khan. Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em trên khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan.

    Nếu không tin có ông già Noel, cháu cũng sẽ chẳng tin vào những chuyện thần tiên. Cháu có thể nói với bố nhờ người canh cửa trong đêm Giáng sinh để bắt gặp bằng được ông già Noel, nhưng ngay cả nếu như không gặp được ông đi chăng nữa thì cũng đâu chứng minh được điều gì? Chưa ai tận mắt gặp ông già Noel bằng xương bằng thịt cả nhưng điều đó không có nghĩa là ông già Noel không có thực. Những điều chân thực nhất trong thế giới chúng ta là những điều mà trẻ em và người lớn đều không thể thấy được. Cháu có bao giờ nhìn thấy các nàng tiên nhảy múa trên thảm cỏ chưa? Dĩ nhiên có thể là chưa nhưng đó đâu phải là bằng chứng để cho rằng không có chuyện đó.

    Không ai có thể hiểu và tưởng tượng được những điều kỳ diệu mà họ chưa từng thấy và không thể thấy được trong thế giới của chúng ta. Cháu có thể dễ dàng đập vỡ một cái lúc lắc để tìm xem cái gì kêu lách cách bên trong, nhưng trên đời này có một thế giới kỳ diệu được bao phủ bởi một bức màn kiên cố mà không một sức mạnh nào của thế gian có thể xuyên qua được. Chỉ có bằng niềm tin và tình yêu chúng ta mới vén được bức màn và cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy huy hoàng bên trong. Những chuyện đó có thực không? Virginia à, đó là điều chân thực nhất trên thế gian này.

    Ông già Noel không có thực ư? Nhờ Chúa, ông vẫn sống và sẽ sống mãi. Hàng nghìn năm sau Virginia à, mà không phải, hàng trăm nghìn năm sau, ông vẫn sẽ tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này. Chúc cháu Giáng sinh hạnh phúc".





    Bức thư của biên tập viên Francis Pharcellus Church là hành trang theo suốt cuộc đời Virginia. Trọn đời bà đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và trẻ em tật nguyền.


    Những thông điệp từ bài báo đã tác động đến hàng triệu người đọc. Hơn một thế kỷ sau nó vẫn được giữ nguyên, được đăng tải trên các tờ báo, sách vở ra hàng chục ngôn ngữ, phim ảnh, tem, áp phích...

    Tại thành phố New York, một đài truyền hình đã kể lại những câu chuyện mỗi dịp Giáng sinh trong suốt 30 năm qua. Tờ The Sun đã đăng tải câu chuyện mỗi mùa Giáng sinh suốt từ năm ra đời đến khi tờ báo đình bản năm 1950. Ngày 21/9/1997, kỷ niệm 100 năm thành lập, báo The New York Times đã xuất bản một bài viết phân tích về sức hấp dẫn lâu dài của bức thư "Yes, there is a Santa Claus".

    Biên tập viên Francis Pharcellus Church là một cây bút bình luận kỳ cựu của báo. Ông viết bức thư này khi 57 tuổi và qua đời năm 1906, ở tuổi 66. Còn Virginia O’Hanlon đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và trẻ tật nguyền. Bà mất năm 1971, ở tuổi 81 và đã mang lá thư phúc đáp của ông Church suốt cuộc đời mình.

    Phan Dương
    (theo nysun)


    http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc...y-3124975.html

  6. #36
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Chuyện của những ông già Noel


    Câu chuyện buồn nhất của một ông già Noel

    Ông già Noel không chỉ gắn liền với niềm vui và những câu chuyện thần tiên của mùa Giáng sinh…

    Ông cụ Eric Schmitt-Matzen (60 tuổi) mỗi năm đều vào vai ông già Noel trong khoảng 80 sự kiện diễn ra vào dịp cuối năm, nhưng có một câu chuyện khiến ông sẽ vĩnh viễn không bao giờ quên, đó là lần ông tới thăm một cậu bé đang sống trong những ngày cuối đời ở một bệnh viện nằm ở bang Tennessee, Mỹ.

    Ông Eric vốn là một kỹ sư điện máy, ngoài ra, ông còn nhận lời đóng vai ông già Noel sau giờ làm việc vào mỗi dịp cuối năm, cách đây một tháng, khi ông vừa đi làm về thì nhận được một cuộc gọi khẩn từ bệnh viện. Một nữ y tá làm việc tại bệnh viện, nơi ông thường nhận lời tới thăm các bệnh nhi, cần sự giúp đỡ của ông ngay lập tức.


    Có một cậu bé 5 tuổi bệnh nặng cần được gặp ông già Noel khẩn cấp và thời gian còn lại của cậu bé chỉ được tính bằng giờ. Ông Eric vội vã lao tới bệnh viện và có mặt sau 15 phút. Mẹ của cậu bé đã chuẩn bị sẵn một món đồ chơi và đưa cho ông.

    Cảm nhận được sự nghiêm trọng của tình huống, ông Eric đề nghị: “Nếu mọi người nghĩ sẽ không thể kìm nén được, vậy xin đừng có mặt trong phòng. Nếu thấy mọi người khóc, tôi cũng sẽ khóc và không làm tốt phần việc của mình”.

    Ông Eric bước vào phòng và gặp cậu bé. Em đang nằm trên giường bệnh, nhỏ bé và yếu đuối như thể đã sẵn sàng để chìm vào một giấc ngủ sâu: “Này cháu bé, ta nghe người ta nói rằng cháu sắp bỏ lỡ dịp Giáng sinh này… Không bao giờ lại có chuyện như vậy. Tại sao ư? Tại vì cháu chính là tiểu quỷ số một của ta”.
    Ông Eric tặng cho cậu bé món quà mà mẹ cậu đã chuẩn bị từ trước trong sự ngỡ ngàng sung sướng của cậu bé…

    Ông Eric Schmitt-Matzen thường vào vai ông già Noel vào mỗi dịp cuối năm. Ông thường đưa theo cả vợ mình để vào vai… bà già Noel. Trong hàng trăm lần nhập vai, có một câu chuyện xảy ra trong bệnh viện khiến ông vĩnh viễn không thể quên.
    Cậu bé sau đó đã có một câu hỏi lớn dành cho ông già Noel: “Cháu sắp ra đi. Vậy cháu sẽ đi tới đâu hả ông?”. Câu hỏi khiến ông Eric bối rối nhưng vẫn kịp thời xoay xở: “Khi tới nơi, cháu sẽ biết ngay thôi, cháu chỉ cần nói rằng mình là tiểu quỷ số một của ông già Noel, và họ sẽ để cháu bước vào ngôi nhà của ta”.

    Cậu bé sung sướng ôm lấy ông già Noel và dành cho ông một câu hỏi cuối cùng: “Ông già Noel, ông có thể giúp cháu khỏi bệnh không?”. Đó chính là những âm thanh cuối cùng cậu bé cất lên trong cuộc đời này. Ông Eric ôm cậu bé trong vòng tay và trước khi ông kịp nghĩ ra câu trả lời thì cậu bé đã qua đời ngay trong vòng tay ông.

    Dù đã vào vai ông già Noel cả trăm lần qua mỗi mùa Giáng sinh nhưng câu chuyện này thực sự gây chấn động đối với nội tâm ông Eric.
    “Tôi ngước nhìn lên trần nhà và nước mắt đã đầm đìa trên gương mặt. Tôi ôm cậu bé trong tay một lúc. Khi gia đình cậu bé ùa cả vào phòng với những tiếc nức nở, tôi trả cậu bé lại cho mẹ của cậu và cố gắng rời đi càng nhanh càng tốt. Trên đường lái xe về nhà, tôi không thể ngừng khóc… Nhiều ngày sau đó, tôi vẫn không thể thoát ra khỏi câu chuyện buồn”, ông Eric cho biết.
    Câu chuyện tính đến nay đã xảy ra được hơn một tháng và ông Eric đã có lúc quyết định sẽ vĩnh viễn bỏ lại bộ đồ ông già Noel.

    Thế rồi khi ông ngồi ở nhà và nhớ những nụ cười trẻ thơ mỗi khi ông xuất hiện, ông Eric hiểu rằng tại sao ông không được phép đầu hàng những cảm xúc buồn bã này. Trong vòng 6 năm qua, ông Eric đã có 4 lần đến bên giường bệnh của người đang hấp hối trong bộ đồ ông già Noel để giúp họ hoàn tất những tâm nguyện cuối cùng trong cuộc đời.

    Có một lần khi ông được mời tới thăm một cô bé đang bệnh nặng, khi ông vừa bước vào ngưỡng cửa phòng bệnh, tất cả các chuông báo tình trạng khẩn cấp vang lên khiến ông tưởng như sự xuất hiện của mình đã làm hại cô bé, nhưng tất cả chỉ bởi em bé 9 tuổi đã quá xúc động khi nhìn thấy ông và các chỉ số liền bị rối loạn.

    Sau những trải nghiệm của mình, ông Eric hiểu rằng những em bé lâm bệnh nặng thường thất vọng vì không kịp trải qua Giáng sinh, không được nhận thêm quà của ông già Noel, hơn là buồn bã vì phải đối diện với tử thần…

    Để vào vai ông già Noel, ông Eric phải chăm sóc rất kỹ lưỡng cho bộ râu dài của mình. Dù vậy, một thực tế phải chấp nhận trong công việc này, đó là trẻ nhỏ thường muốn… giựt râu ông: “Sau mỗi mùa Giáng sinh, bộ râu của tôi thường khá te tua. Vợ tôi thường nói đùa rằng tôi chăm sóc bộ râu của mình còn cầu kỳ hơn cả bà ấy chăm sóc mái tóc”.

    Ngay cả khi ông Eric không mặc bộ trang phục ông già Noel, thì bộ râu trắng của ông vẫn khiến ông thu hút sự chú ý mỗi khi đi ra ngoài: “Bộ râu này đưa lại cho tôi những cuộc chuyện trò thú vị”. Ông Eric cũng thường không nề hà mỗi khi có trẻ nhỏ nhờ bố mẹ hỏi giúp xem liệu các em có thể chụp hình với “ông già Noel mặc thường phục đang bước đi trên phố” kia không.
    “Những đứa trẻ bước đi trên phố và vẫy tay chào ông già Noel. Thật tuyệt vời khi bạn có thể mang tới niềm vui cho mọi người quanh năm, không riêng gì dịp Giáng sinh”, ông Eric tâm sự về nghề nghiệp làm thêm đặc biệt của mình.

    Bích Ngọc
    Theo Huffington Post/Daily Mail


    http://dantri.com.vn/van-hoa/cau-chu...3120013286.htm


    ---------------------------------------------------------------



    Vai diễn đầu đời

    TTCT “Ông sẽ đến” - người nghệ sĩ già nói lớn trong lúc hai giọt nước mắt của ông lăn dài. Ông hình dung căn phòng trắng toát lạnh lẽo của khu xạ trị tràn ngập những đóa hoa. Các cháu đón ông già Noel với nụ cười xinh. Và ông, người kịch sĩ chuyên đóng vai phản diện, lần này sẽ sắm một vai khác hẳn...


    Sau những ngày vỡ hoang, tập thoại rồi lên sàn ứng tác hành động, hôm nay là buổi tập then chốt khó nhất của một vở kịch gọi là phá cách. Trong đó có cảnh độc thoại của nhân vật chính, một vai phản diện có xung đột nội tâm.

    Lúc nào nhà hát chưa có khán giả thì nó có vẻ rộng hơn, ví von như lon thịt hộp trống không, ngược lại cũng có lúc vẫn chính không gian đó lại thu hẹp, tù túng, chật chội. Lần này chỉ một người đàn ông đứng trên sân khấu, ông ta có giọng nói tốt, vang vang cho tới tận bức tường cuối căn phòng: “Kịch là giả, kịch vốn là giả, chính vì giả cho nên gọi là... kịch. Nghịch lý thay càng diễn tự nhiên, cố làm ra vẻ tự nhiên lại càng giả, càng kịch. Càng sáng tạo thì than ơi lại càng tối tạo bấy nhiêu. Bản thân tôi không thích xem kịch nhưng tôi là đạo diễn kịch, thế mới lạ, hay là... nhiều khi cả tôi cuối cùng cũng giả nốt”.

    Người vừa nói không phải là diễn viên sắm vai nhân vật chính, mà là nhà đạo diễn nổi tiếng lập dị, còn diễn viên kịch thật sẽ đóng vai phản diện kia lại ngồi dưới hàng ghế dành cho khán giả. Ông ta có khuôn mặt khá tối, ngồi im như bức tượng sáp, cũng nổi tiếng không kém gì đạo diễn. Do ngang cơ cho nên buổi tập cứ dừng lại và rồi trở thành cuộc tranh luận mà lý lẽ chẳng hề nghiêng về ai. Ông diễn viên này nói ít, kiệm lời, tiết chế các động tác ngoài đời và cả trong vở kịch; thuộc dạng bẩm sinh ích kỷ sợ hao chút calori vốn đã khiêm tốn của mình. Lúc nào ông cũng hình như ngồi, chỉ ngồi và cứ ngồi yên, rất thụ động.

    Ông đạo diễn nói về mình, về kịch chừng như không tôn trọng cho lắm cái nghề mà chính ông yêu thích nhất. Ông diễn viên có khác nhưng vẫn là bi quan, nói nhỏ nhẹ gần như thở dài: “Ông khoa trương không khác con lân nghe tiếng trống. Tôi thì không thích múa lân lẫn đám đông, không thích ai nhìn tôi và nói cái con khỉ gì với tôi. Nhưng rồi suốt đời tôi, tôi phải đứng trước đám đông, khó có đêm nào khỏi bị người ta nhìn ngắm.

    Cũng lạ, tôi đã nói trơn tuột nhiều lời không hề là của tôi nghĩ ra, diễn biết bao nhiêu vai không nhớ nổi. Cho dù tôi nhập quá nhiều vai, cho dù là tôi thành công với các vai đó, nào là tướng cướp, chính khách, nhà bác học, tên trùm sex tour hoàn lương... trong tôi vẫn mong đợi một vai đầu đời, chính mình nói lời của mình, để khóc cười với nó”. Ông đạo diễn phá lên cười: “Làm sao có một vở không có người viết kịch bản sẵn? Ông lại muốn có một cuộc cách mạng mới về cái giả à, về kịch à?”.

    Cả hai vị nghệ sĩ trông dễ thương ngộ nghĩnh. Đạo diễn lập dị có vài sợi râu màu cỏ úa, bề bộn bận bịu thu nạp mọi thứ vào thân người còm cõi của ông. Nào là áo thun màu cỏ úa, áo gilê nhiều túi cũng màu cỏ úa, quần nhiều túi lớn nhỏ, với đôi giày khủng bố và cái nón lưỡi trai đội lệch cũng là màu cỏ úa. Ngay chính khuôn mặt nhiều nếp nhăn và đôi mắt u buồn ẩn khuất sau khói thuốc lá cũng đã úa tàn. Một người theo nghề đạo diễn lâu tới nỗi ông còn khó biết mình nghĩ gì, làm gì khi dàn dựng miếng mảng cũ, cảnh trí cũ, lời thoại cũng cũ. Kể cả sáng tạo có lúc lóe lên, lại cũng sáo mòn.

    Người diễn viên kịch nổi tiếng kia, ngược lại với ông bạn đồng nghiệp, tước bỏ tất tần tật những gì có trên người ông ta, may là chưa cởi truồng. Cái áo hờ hững cho có, áo không có túi nào, quần cũng vậy, ông không hề mang giày, chỉ có mỗi đôi dép lê, một buổi chuồn nhanh ra khỏi nhà hát chân ông xỏ lộn dép của người khác, nhìn không khác chi con cá da trơn.

    Ông không có chỗ nào cất bao thuốc lá hay bật lửa, nếu như ông có nó. Tuy vậy ông lại là cây đa cây đề trong làng sân khấu kịch nói. Ông diễn như không diễn, tiếng nói sân khấu khi trầm khi bổng, có rất nhiều khán giả hâm mộ. Ông nói: “Tôi trở thành một thợ diễn từ lúc nào không hay và không cưỡng lại được”. May thay hằng ngày có một ít người hay mơ về những điều mới hơn.

    Người diễn viên gạo cội này muốn nói chính lời của mình, ông khắc biết chuyện đó đã diễn ra từ rất... khuya, khi xưa trên sân khấu tuồng, đạo diễn chỉ nói với diễn viên về cái sườn tuồng, còn thì các nghệ sĩ ra sân khấu ứng diễn nói lời của mình. Người xưa gọi là hát cương. Thỉnh thoảng ngày nay cũng có diễn viên nói chen lời của mình, nếu là diễn viên giỏi, nhưng số người có tài như vậy không nhiều.

    Chia tay như thường lệ, đạo diễn đi uống bia, ông diễn viên ra quán uống trà đá. Chính ra ông cũng có chiếc điện thoại di động bèo nhèo. Và lúc này thì tiếng chuông reo, ông nói: “Dạ tôi nghe”; bên kia: “Chú có đọc tin về một cô bé chết vì ung thư xương chưa?”. “À tháng trước đoàn kịch tập liên tục và rồi có nhiều chuyến lưu diễn xa nên chú chưa đọc tin này”. “Thưa chú, tụi cháu có một chương trình giao lưu và phát quà cho các cháu bị bệnh ung thư vào ngày Noel tại bệnh viện ung bướu... Chú ơi chú có nghe không?”. “Tôi vẫn nghe đây”.

    Bên kia: “Một cô bé bị ung thư xương qua đời có nguyện vọng sau cùng là mời cho được chú đóng vai ông già Noel phát quà, rồi diễn kịch vui cho các cháu bị ung thư xem”. “Nhưng... sao không mời người khác, tôi thường đóng các vai phản diện, mặt mày tâm địa khó chịu, theo tôi biết thì thánh Nicolas lại là một ông già nhân từ...”. “Cháu hiểu chú, nhưng cô bé đó có xem nhiều vai diễn khác của chú trên sân khấu kịch, cả trên truyền hình nữa, nói chú có một cặp mắt buồn, không thiếu trắc ẩn nhân hậu. Chú ơi, chúng cháu dự trù sẽ tổ chức buổi giao lưu sớm hơn dự định, bởi vì các cháu bé cũng lần hồi... không còn nhiều...”. “Sao?”. “Mỗi ngày hay mỗi tuần đều có một vài em qua đời, có em còn chưa thấy ông già Noel lần nào...”. “Sao sao...”. “Cháu xin cái hẹn gặp chú để chú đọc những lá thư các cháu bệnh ung thư gởi cho ông già Noel”.

    “Tôi sẽ làm những gì?”. “Đầu tiên chú sẽ hóa trang để không có cháu nhỏ nào nhận ra chú là một kịch sĩ nổi tiếng, việc đó chính là giữ nguyên các ấn tượng thân thương của các cháu với ông già Noel. Thứ nữa là chú vốn kiệm lời, cháu tin chú sẽ hiểu lời nói nào của chính chú làm vui lòng các đứa trẻ tội nghiệp này”. “Kể cả những món quà phải đúng địa chỉ của từng cháu nhỏ nhé cháu, người ta hay sơ suất trong tổ chức biểu diễn lắm, đừng nói tới chấm điểm thi ca nhạc hay phát giải thưởng điện ảnh, chú sợ có bé bị sốc khi trong lòng nó mơ một con búp bê hiền lành mà khi nhận lại là món khác”.

    “Cám ơn chú đã góp ý chu đáo, quả là có những trường hợp tréo ngoe như vậy. Thưa chú, như vậy là chú đã nhận lời”. “Chẳng những nhận lời mà có lẽ đây là một vai diễn đầu đời của tôi, vai diễn mà một kẻ buồn hiu mặt lạnh như tôi phải diễn sao cho những người u buồn hơn cả tôi cười vui. Vai diễn mà tôi nói chính lời nói của trái tim mình. Tôi hình dung ra một gian phòng buồn nản với các khán giả chờ chết, tôi phải làm gì với số thời gian ít ỏi của các cháu và cả chính tôi. Chúng tôi sẽ cười như cô bé có nguyện vọng mời tôi đã cười”.

    Và rồi sáng hôm sau, trong một căn phòng thật rộng, ông già diễn viên khoác bộ trang phục của thánh Nicolas. Cái nón vải màu đỏ có cái ngù trắng như tuyết, chiếc áo thụng với đai nịt bụng, độn thêm cái gối lớn, quần chẽn và đôi ủng đi tuyết cao, trông ông lùn tịt và buồn cười không khác chi trái banh, nếu như quả banh thật sự là buồn cười. Tay ông cầm cái chuông bằng đồng lắc nhẹ, từ đó phát ra tiếng leng keng vui tai. Ông diễn viên kịch 64 tuổi ngồi xuống chiếc ghế dài đọc những lá thư của các bệnh nhi ung thư, từ bệnh viện gởi tới cho ông.

    Kính gởi ông già Nôen


    Con, bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Cương, 11 tuổi, cầu nguyện gởi ông già Nôen. Xin Chúa và ông già Nôen ban phước lành cho con mau lành bệnh và có sức khỏe để chống lại căn bệnh hiểm nghèo này. Con xin ông già Nôen phù hộ cho con trúng số để con có tiền trị bệnh cho con, cho cha mẹ con bớt khổ, trong lúc này con muốn sống và đi học như các bạn khác...

    Ngày 7-12-2007


    Kính gởi ông già Nôen.


    Năm ngoái con được gặp ông già Nôen ở bệnh viện. Con rất vui. Con muốn lại được chơi đùa với ông. Con đã khá rồi, con ước lớn lên sẽ làm ca sĩ. Con chúc ông già Nôen vui, khỏe, để năm nào cũng đi phát quà cho các bạn nhỏ. Con là Huỳnh Tiến Đạt, 7 tuổi.

    Dạ con xin tặng ông già Nôen một nụ cười

    Bé Thái Bảo Trân, quê ở Bà Điểm, Hóc Môn.



    Con là An Khang,


    Ông già Noel ơi, Noel năm nay con muốn được vui chơi cùng bạn bè. Con muốn ông mang đến cho chúng con một phép mầu. Làm sao cho tất cả chúng con đều hết bệnh để chúng con được về quê. Con chúc ông già Noel sức khỏe để mang đến phép mầu cho chúng con.



    Phòng số 1.


    Kính gửi ông già Noel. Con tên Nguyễn Hồng Sơn, 9 tuổi. Con bị ung thư máu. Đã lâu lắm rồi con mơ về ông như một ông tiên có nhiều phép màu thật kỳ diệu. Sắp tới ngày Noel rồi, con biết sẽ gặp được ông, và lúc đó con chỉ xin ông một điều ước. Ông có biết điều ước đó là gì không? Con ước được mau chóng mạnh khỏe, được tới trường đi học và vui đùa cùng các bạn với một cơ thể khỏe mạnh. Không biết ông có đến thăm con không? Con rất mong được gặp ông để kể cho ông nghe về căn bệnh của con. Về nỗi buồn và niềm vui con đã có cùng các bạn có hoàn cảnh như con. Lần cuối vì con không biết con có còn ở trên đời này một vài hôm nữa để nói chuyện của con không. Cuối thư con chúc ông già Noel và mọi người thật mạnh khoẻ. Dù con mong điều đó đến với con từng ngày từng phút mà chắc là cũng không được. Một đêm Giáng sinh vui vẻ ông nhé. Ông có đến với chúng con không?


    “Ông sẽ đến” - người nghệ sĩ già nói lớn trong lúc hai giọt nước mắt của ông lăn dài xuống đôi má hóp. Ông hình dung căn phòng trắng toát lạnh lẽo trước kia của khu xạ trị. Trong ngày hội lớn của các cháu bệnh ung thư, những người lớn sẽ sơn nó một màu xanh ngát như bầu trời. Rồi cả không gian đó tràn ngập những đóa hoa. Các cháu đón ông già Noel với nụ cười xinh. Và ông, người kịch sĩ chuyên đóng vai phản diện, lần này sẽ sắm một vai khác hẳn, một vai mới tinh trong suốt cuộc đời sân khấu của ông.

    MẠC CAN
    (Nguồn : TTCT )

  7. #37
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    ĐƯỜNG VỀ NẺO THIỀN


    Sớm nào cũng vậy, hễ sư thầy đánh thức điệu Sanh dậy để đi học là điệu lại làm biếng. Mùa thu ở miền cao này mỗi buổi tối hơi đá phả ra, đến tận lúc trời sáng ai cũng thèm trùm chăn ngủ thêm chút nữa. Điệu Sanh mắt ngái ngủ, cứ nằm ì ra. Có khi thầy phải xốc lấy hai nách điệu kéo ra khỏi mùng màn. Sanh khóa chéo hai chân lại, ưỡn thẳng người, gân cơ căng cứng, cố ý đừng để ai lôi mình dậy.

    Thầy vừa bồng điệu Sanh, vừa nhỏ nhẹ:
    - Dậy thôi con. Sáng trợt sáng trời rồi.
    Rồi thầy bế hẳn Sanh xuống khỏi giường. Khi hai chân điệu vừa chạm đất là thầy thốt lên “ui, xịch”.
    Hôm ấy là ngày tựu trường nên thầy đánh thức điệu Sanh dậy sớm hơn mọi ngày. Miễn cho điệu ấy việc tụng kinh đầu ngày. Thầy chỉ cử mấy hồi chuông rồi đi rửa mặt mày tay chân cho điệu Sanh. Lát sau Sanh đã tỉnh hẳn, quay sang nói với thầy:
    - Lát thầy dẫn con đến trường nghe thầy.
    - Ừ, thầy đưa con tới cổng thôi.

    Điểm tâm sáng xong, thầy lấy ra bộ áo quần lam mới. Bộ áo quần này do chị bán vải ở chợ tặng cho điệu Sanh nhân ngày chú ấy nhập học. Sanh mặc áo quần vào, ngửi mùi vải thơm, tự dưng thèm đến trường. Thầy lấy chiếc mũ xà cút tứ ân màu xanh lá mạ đội lên đầu Sanh. Ngắm nghía chú tiểu của mình. Trông cũng hay hay. Lần đầu tiên Sanh mới đội mũ chóp tứ ân nên điệu thấy hơi cấn cái, cứ ngúc ngoắc đầu rồi hỏi thầy sao gọi nó là mũ tứ ân. Thầy nói tứ ân là bốn ân lớn cần đặt lên trên đầu. Thứ nhất là ân cha mẹ, thứ hai ân thầy cô bạn bè, thứ ba ân quốc gia xã hội, và ân tam bảo nữa là thứ tư.

    Thầy khoác lên vai điệu Sanh chiếc túi xách may bằng vải lam bên trong đựng ba quyển vở với cây bút.
    - Chà, ra dáng học trò thư sinh dữ nghe. Gắng học con. Đến trường có bạn bè chơi vui lắm, nhưng đừng hoang nghịch. Đến trường phải nghe lời thầy cô.
    Sanh dạ, rồi hai thầy trò cùng men theo con đường mòn tới trường.

    Sanh không đi học lớp vỡ lòng, nhưng từ lúc vào chùa sư thầy đã dạy cho điệu toàn bộ bảng chữ cái. Nhờ vậy nên mới tới trường chưa đầy một tháng, Sanh đã ghép chữ đánh vần được. Vì thế điệu rất thích đọc, hễ gặp bất cứ nơi đâu có hình thù chữ cái là điệu dừng lại đọc cho bằng được mới chịu đi. Hôm đi học về, ngang qua một quán nhỏ nằm bên chân núi, Sanh đọc biển gỗ nhỏ màu xanh treo nơi thân cây. Bảng chữ hai câu xếp theo hai hàng. Hàng trên màu vàng ghi chữ: “Quán nhậu bình dân”. Phía dưới ghi: “Chùa cách 100 mét”, chữ màu trắng nhỏ hơn.

    Tấm biển này mới đóng lên cách đây mấy hôm. Đang mùa vu lan, biết khách thập phương tụ về chùa đông, đường về chùa lại khó tìm nên chủ quán đề thêm cái dòng chữ chỉ dẫn phía dưới. Có người khen chủ quán cũng có tấm lòng. Nhưng lại có người bảo như thế chẳng qua là một cách câu khách. Đa phần người lên chùa đều cố giương mắt tìm một vài chỉ dẫn. Và cứ thấy biển chữ là người ta đọc xem có phải hướng dẫn không. Nhưng đập vào mắt người ta dòng chữ quán nhậu trước tiên, to và rõ hơn dòng chữ hướng dẫn lên chùa. Vài người nói ra nói vào làm vậy không có được. Thà không chỉ dẫn còn hơn là chỉ dẫn thiếu nhã nhặn.

    Đường lên núi đã khó, leo dốc từ dưới kia lên đây đã mệt, chỉ mong tới được chùa. Dẫu còn một trăm mét thôi nhưng giữa hai dòng chữ ấy, giữa hai lối ấy, một lên chùa, hai đi vào quán, thời ai cũng muốn ghé vào nghỉ chân chút. Đàn bà mệt uống nước, nhưng đàn ông khát cứ thèm ngụm bia cho khỏe. Trừ số ít người mặc áo lam đến chùa, còn phần nhiều cánh đàn ông khi vào chùa đều đã có mùi men.

    Điệu Sanh nói với thầy:
    - Hôm bữa có một bác đến chùa ôm lấy con mà mùi bia rượu nồng nặc. Tại cái quán kia bán đồ nhậu đó thầy.
    Thầy cũng biết điều đó, nhưng cấm người ta sao được. Thầy chỉ quản lý được ngôi chùa nhỏ này và khuôn viên chừng một mẫu đất, dưới kia là của người ta rồi. Mà đường về nẻo thiền thì dài và trắc trở, người ta mệt muốn nghỉ ai dám cấm. Đường về nẻo thiền của thầy và các chú tiểu cũng còn dài và trắc trở, chính thầy cũng đâu có dám tin tưởng mình đi trọn vẹn và thông tâm được. Bằng chứng là mỗi cuối tuần thầy đều cho điệu Sanh ăn một bữa mặn ở cái quán ấy. Điệu Sanh còn nhỏ, cần có chút mặn mòi để lớn. Thế có khi thầy cũng duồng theo người ta rồi chứ chẳng chơi. Chao ôi, cùng trên một tấm biển mà có hai lối đi. Chay và mặn, đạo và đời, tịnh và phàm sao gần nhau quá.

    Một hôm, điệu Sanh về muộn hơn thường ngày. Cái tính mải chơi ham vui của điệu ấy khiến cho sư thầy lo lắng. Thầy bảo điệu Năng đi tìm coi điệu Sanh ở đâu. Năng lớn hơn Sanh hai tuổi, tính tình lại ôn hòa nhẹ nhàng và biết nghe lời nên thầy nhủ cái là Năng đi ngay. Năng cũng thương Sanh như em ruột, nên nếu thầy lo cho Sanh mười phần thì Năng cũng lo cho sư đệ sáu bảy. Điệu Năng rảo bước lần theo đường về dưới phố, vừa đi vừa niệm chú Quán Thế Âm để cầu mong không có điều gì bất trắc xảy ra với sư đệ.

    Đến ngang quán nhậu, mùi thơm thịt hầm đã xốc ngay vào mũi. Nước bọt cứ ứa ra chèn lấy cổ họng Năng khiến điệu không thể niệm chú được nữa. Bước chân cũng nhấc chậm lại, nặng nề hơn. Điệu Năng thấy túi vải của Sanh móc ở cổng nên an tâm chắc sư đệ đang ở đây. Năng bước đến nép tựa vào gốc cây nhìn. Điệu Sanh đang ngồi trong bàn ăn. Chễm chệ như bao thực khách khác. Trước mặt là tô bún bò bốc khói ngậy. Điệu Năng nhớ sư thầy dặn rằng, trời đánh tránh bữa ăn. Đừng quấy rầy lúc người ta đang ăn mà mắc tội. Thế nên điệu cứ đứng ngoài đợi cho Sanh ăn xong bước ra chứ không gọi.

    Điệu Sanh ăn xong, cảm giác khoái khẩu vẫn còn. Một xíu lá hành xanh còn dính bên mép môi. Năng đưa tay quệt đi cho sư đệ. Sanh hỏi:
    - Huynh tới lâu chưa, sao không vào ăn cùng em?
    - À, cũng mới. Tui không được phép Sanh ạ. Về thôi. Thầy mong.
    Đi một chặng, điệu Sanh quay sang nói với Năng:
    - Hôm nào huynh lén đi ăn mặn với em nghe.

    Điệu Năng không nói gì. Có vẻ cũng thèm đấy, nhưng ngay lập tức phải loại trừ ham muốn ấy đi. Thầy dặn rồi, cái gì có mầm nguy hiểm đừng nên tiến hành, ý nghĩ nào phạm giới nên ngưng ngay. Năng nói:
    - Hôm nay chưa cuối tuần sao Sanh ăn mặn vậy. Sư thầy quở chết.
    - Hì, tại em đói quá. Sáng nay giờ ra chơi chạy nhảy nhiều mau đói. Mà thầy không nạt em đâu.
    Hai chú tiểu về đến chùa. Sư thầy đã ngồi bên mâm cơm chờ ăn cùng. Thấy đệ tử, thầy hỏi:
    - Sao đi học về muộn thế con. Lại ham chơi đẩu đâu đúng không?
    Năng đỡ lời cho sư đệ:
    - Điệu Sanh mải hái hoa thôi thầy ạ!
    Hai chú tiểu cùng vào mâm cơm. Sanh thò đũa chọn một vài hạt đậu lạc ướp xì dầu rồi thôi.
    - Sao ăn kỳ vậy con? – Thầy hỏi.
    Sanh nhanh nhảu đáp:
    - Dạ, lúc nãy con ghé vào “quán nhậu bình dân chùa cách một trăm mét” ăn bún bò rồi thầy.

    Năng nghẹn đi. Thế là điệu Sanh nói thật rồi. Mất công Năng nói đỡ cho điệu Sanh.

    Sau bữa cơm, thầy trách khéo điệu Năng:
    - Hôm nay con vừa phạm hai lỗi. Thứ nhất là nói dối thầy. Thứ hai là bao biện cho sư đệ. Như thế là không nên. Đừng có ủng hộ cho cái sai của người khác con ạ. Làm vậy là mình cũng sai theo.

    Đêm trăng non, thứ ánh trăng mong mỏng khiến sư thầy thích uống trà. Dù biết rằng buổi tối mà uống trà là khó ngủ. Hai chú tiểu đang ngồi học bài trong tịnh thất. Thầy nhẹ nhàng đi lấy nước sôi, tự tay pha một ấm nhà nhạt rồi bưng ra đặt nơi chiếc bàn kê đầu hiên. Có lần, điệu Năng buổi tối ra ngồi ở chiếc bàn này ngắm trăng, vẻ nhơ nhớ một điều gì đấy. Cái cảnh trăng đêm dễ khiến người ta thèm bầu bạn, thèm tự do và nhớ một chốn nào đó xa xôi. Bữa ấy thầy biết Năng thèm về với đời, nhưng quê ở đâu mà về, điệu Năng bị bỏ rơi trước cửa chùa từ khi đỏ hỏn. Sau lần đó thầy cố ý không cho các đệ tử ngồi ngắm trăng đêm nữa, sợ những phút giây xao lòng làm lệch lạc chí hướng tu tập. Thế mà đêm nay thầy ngồi ngắm trăng và uống trà.

    Cái biển gỗ treo ở quán nước gần chùa ám ảnh thầy. Dù chỉ mới nghe qua lời kể của điệu Sanh chứ thầy chưa tận mắt nhìn thấy. “Quán nhậu bình dân, chùa cách một trăm mét”. Gần quá. Buổi tối tiếng khách rôm rả dưới ấy thỉnh thoảng vẫn vang lên đây. Thiên thời địa lợi. Trời đẹp, quán nằm treo bên bìa rừng. Đối với người thích du hí thì không quản ngại chạy năm cây số đường đêm để tìm một chốn hữu tình.

    Địa cơ ở đây tốt, chùa chắc sẽ nên thôi. Hồi sư thầy mới về gây dựng chùa đã có một cụ ông trong làng đến xem đất mà nói vậy. Nhưng ở đời cái chỗ tốt không chỉ riêng mình biết, cái miếng ngon đâu chỉ riêng mình dùng. Chốn đẹp có chùa thì cũng có dịch vụ quán xá nổi lên. Mấy cái quán bán nước cho khách nghỉ chân, bán nhang đèn cho người ta viếng Phật thì không nói làm chi. Đằng này tự dưng quán làm thêm dịch vụ nhậu nhẹt. Mà còn treo tấm biển lạ kỳ. Nhưng thầy không cấm được. Cõi người lắm tham sân. Nhiều khi vì miếng cơm manh áo buộc lòng người ta làm những điều mình cần, dầu biết việc ấy gây ảnh hưởng xấu đến người khác. Thầy cũng không buồn nhiều về chuyện đó, thầy chỉ lo cho các đệ tử của mình thôi. Trước đây đã có vài đệ tử bỏ thầy mà đi. Rời đạo về với đời. Thầy tự trách cái đức của mình ít, chỉ đủ để tu dưỡng cho bản thân chứ chưa nâng đỡ được nhiều đệ tử.

    Hai chú tiểu vẫn đi học qua về con đường ấy. Chỉ một con đường dẫn từ chùa xuống núi để đến trường mà thôi. Điệu Sanh học buổi sáng, điệu Năng học buổi chiều. Cứ cuối buổi chiều, lúc Năng đi học về là quán thường có khách ngồi nhâm nhi. Đôi khi điệu Năng đi quá một đoạn rồi nhưng vì mùi thơm hành mỡ khiến điệu chững lại, đi chậm hơn. Cho đến khi nghe tiếng chuông chùa điệu mới rảo bước đi cho dứt được. Vài lần điệu Năng đi học về muộn hơn, sư thầy biết là điệu ấy bị cái mùi mặn mòi ngoài kia làm chậm bước chứ Năng chẳng ham chơi như điệu Sanh đâu. Thế nên canh chừng lúc điệu Năng gần về tới chùa là thầy thỉnh mấy tiếng chuông vọng ra.
    *
    Một hôm điệu Sanh hí hửng báo với thầy cái biển gỗ ở quán đã không còn nữa. Quán vẫn bán bình thường nhưng chỉ cất tấm biển đi thôi. Thầy ừ với điệu Sanh một tiếng. Rồi nghĩ, cái biển đã cất đi nhưng đường về nẻo thiền vẫn chỉ một lối ấy. Đường đạo đường đời chung nhau, dầu có chỉ dẫn hay không thì điều quan trọng là do người đi mà thôi.

    Hôm khác đi học về, điệu Năng vẻ buồn buồn, mếu miệng nói với thầy:
    - Thầy ơi con không đi đường ấy nữa đâu.
    Sư thầy xoa vai Năng an ủi:
    - Có một con đường ấy thôi con, chẳng thể còn lối nào khác. Đi cho khéo là được.

    (Trích ”Cõng nhau trong một cõi người – Hoàng Công Danh)


    "Đường đạo đường đời chung nhau, dầu có chỉ dẫn hay không thì điều quan trọng là do người đi mà thôi."



  8. #38
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Một chút anh hùng.


    Những vật mới đến được treo ở hai cây đinh, nơi góc phòng, trong bóng tối.
    Đêm vừa bắt đầu, một trong những vật lạ lên tiếng:
    - Chào quý vị.
    Chỉ có cụ Sách, ông Bàn, ông Cung cất tiếng chào lại. Những vật khác mải chú ý tới vụ cãi vã giữa những viên gạch nền nhà và hai anh Giầy. Họ gây nhau suốt từ chiều tới giờ. Mấy chú Gạch có vẻ công phẫn lắm:
    - Trong tuần lễ này ngày nào hai anh Giầy cũng lôi bùn đất về, bọn tôi chịu gì nổi. Hai anh làm xấu mặt chúng tôi quá, các anh ra đường tưởng học được nhiều điều khôn ngoan lễ phép. Ngờ đâu càng ngày các anh càng bất lịch sự và làm phiền vật khác.
    Hai anh Giầy không giữ được bình tĩnh. Một anh nói:
    - Tôi xin nhắc lại với các chú gạch rằng: chúng tôi ra đường hoàn toàn vì bổn phận. Tháng này trời mưa đều đều làm sao chúng tôi giữ gìn được. Bị ướt sũng chúng tôi đâu có sung sướng gì.
    Gạch nhao nhao hỏi:
    - Sao trước khi đi lên mặt chúng tôi, hai anh không chịu tắm rửa sạch sẽ?
    - Xin lỗi, chuyện đó các anh đi hỏi cậu bé. Cậu ấy lười biếng và cẩu thả thì chúng ta phải chịu tai hoạ như nhau cùng dơ dáy bẩn thỉu cả. Kêu ca nỗi gì.
    Mấy chú Gạch hơi đuối lý. Một Giầy tấn công thêm:
    - Vả lại, khi chúng tôi đem bùn với cát về thì chỉ khổ Chổi, xà phòng và giẻ lau nhà. Sáng mai thế nào các chú cũng được lau mặt thật sớm, việc chi mà làm ồn lên.
    Một chú Gạch nói:
    - Vật nào cũng có quyền bảo vệ cái mặt sạch sẽ của mình. Chỉ có họ nhà Giầy Dép các anh ưa nhảy vào tất cả những chỗ đầy bùn đất…
    Một anh Giầy nổi giận:
    - Đúng đấy, bởi vì chúng tôi được đi khắp nơi, cuộc đời không đến nỗi tê liệt, dính cứng một chỗ như bọn gạch.
    Nghe câu đó, tất cả những chú gạch nền nhà đều khó chịu. Gạch trên tường cũng nhao nhao lên, phẫn nộ vì anh Giầy đã chỉ trích theo lối vơ đũa cả nắm, đụng chạm tới sự yếu kém của một tập thể.
    Tất cả nhiếc mắng anh Giầy là vật nói năng hàm hồ, vô ý thức. Búa đinh đột nhiên đứng về phe Giầy, hắn nói một câu vô ý thức hơn:
    - Tôi đồng ý với hai anh Giầy, tôi không khoái họ nhà gạch. Mỗi lần có dịp giúp một chú Đinh xuyên thủng tường tôi giúp hết sức mình. Tôi có thể đập đổ tường không khó khăn lắm. Các chú Gạch đừng tưởng nhầm là các chú vững vàng chắc chắn…
    Một viên gạch già trên tường mỉa mai:
    - Bác Búa ơi! Phá hoại thì dễ, xây dựng mới khó. Thế giới này được họ hàng nhà Búa đinh cai trị chắc đã biến thành sa mạc từ lâu.
    Những vật tê liệt dính cứng một chỗ như nhà họ gạch đứng về phe các chú này. Trong khi đó bạn đinh nhỏ sẵn sàng bênh vực búa đinh.
    Tình hình khá căng thẳng.


    Vật lạ bỗng lên tiếng, giọng thật oai vệ:
    - Yêu cầu quý vị đừng cãi nhau lộn xộn nữa. Hai anh Giầy đem bùn đất về phòng này là vì đã đi đón chúng tôi. Phòng này chật hẹp, mọi vật lại không hòa thuận. Tôi chê.
    Phòng trở lại hoàn toàn yên tĩnh. Trước giọng nói lạ, câu nói hách dịch kia, hai anh Giầy, mấy chú Gạch kinh ngạc và hơi e ngại.
    Vật lạ tiếp tục nói thật dõng dạc:
    - Một căn phòng thiếu sự chỉ huy như căn phòng này không thể nào có hòa bình và tiến bộ được. Bắt đầu từ giờ phút này mọi vật phải hoàn toàn nghe lệnh tôi.
    Vật lạ nằm trong vùng bóng tối. Giọng nói phát ra từ một nơi thiếu sáng sủa thường có vẻ bí hiểm đối với vài vật nhút nhát. Ngay đến chú Quay sừng hiếu động lần này cũng không dám nhúc nhích. Đèn Cầy và họ hàng nhà nến sửa soạn đem ánh sáng tới.
    Từ ngày bác Đèn xếp hy sinh một cách kiêu hùng để cứu cụ Sách thì Nến và Đèn cầy hối hận luôn luôn túc trực ban đêm, không ngủ say nữa.
    - Những vật gây rối như bọn Gạch đáng bị trừng phạt, hai anh Giầy cũng vậy. Tuy nhiên vì hai anh có công đi đón tôi về nên được ân xá.
    Mấy chú Gạch có vẻ lo sợ. Chúng hướng về phía ông Cung và cụ Sách mong đợi một sự can thiệp. Hai vật này vẫn im lặng.
    Chỉ có một mình ông Bàn bướng bỉnh lên tiếng hỏi lại vật lạ:
    - Này anh bạn. Anh mới đến phòng này, anh là cái quái gì mà lên mặt dạy dỗ lại còn đòi chỉ huy bọn tôi?
    Vật lạ dõng dạc đáp:
    - Bởi vì tôi là một vị anh hùng. Không những thế, tôi đã làm cho chú bé biến thành một anh hùng.
    Ông Bàn hơi ngẩn ngơ, tuy ông chưa hiểu gì. Vật lạ tiếp:
    - Tôi lại có thể giúp cho bất cứ vật nào trong phòng này biến thành anh hùng tức khắc, nếu vật đó thích.
    Đột ngột vật lạ ra lệnh:
    - Bọn Nến đốt lửa lên để mọi vật được nhìn thấy ta.
    Căn phòng sáng dần, bóng tối bỏ chạy. Ba vật được treo ở góc phòng hiện rõ ra là ba cái mặt nạ.
    Chiếc mặt nạ đòi chỉ huy căn phòng này, quả thực, có khuôn mặt của một ông Tướng thời xưa. Đôi mắt tròn, lớn, hơi xếch, lông mày rậm. Trán có ba nếp nhăn, tai to dầy, miệng thật rộng, mũi như mũi sư tử. Da mặt đỏ rực.
    Trong ánh nến chập chờn khuôn mặt ông Tướng thời xưa linh động và dữ dằn.
    Chú Quay sừng chui vào góc nhà, nấp sau bác Ô đen. Anh Ngăn kéo nằm yên trong bụng ông Bàn, không dám hé ra. Hai nụ hoa trong bình không dám nở.
    Mặt nạ kể:
    - Suốt buổi chiều nay nhờ tôi mà chú bé có khuôn mặt anh hùng. Tất cả bạn bè của chú ấy đều phải khâm phục.
    Ông Bàn lặng thinh. Khuôn mặt oai vệ của mặt Nạ quả có khiến ông e ngại kiêng nể. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy có một cái gì không ổn trong vụ mặt Nạ đòi chỉ huy mọi vật trong phòng. Ông có thể lép vế, nhưng không lẽ cụ Sách, ông Cung cũng phải thần phục kẻ mới tới.
    Giọng nói của mặt Nạ đột nhiên nghiêm khắc, cứng rắn. Mọi vật nhìn qua ánh nến, tưởng như đôi lông mày rậm của ông Tướng nhíu lại:
    - Tất cả những kẻ nghi ngờ hay chống đối quyền lực của ta đều bị trừng phạt thật nặng. Như ông Bàn có thể bị chặt thành từng mảnh nhỏ dùng làm củi đun bếp.
    Ông Bàn vừa tức vừa hơi sợ. Ông hỏi nhỏ ông Cung:
    - Tôi già nua dốt nát, không được đi đây đi đó chẳng biết gì, nhưng ông Cung vốn rành chuyện chiến tranh và lịch sử, ông thử ngắm giùm tôi xem bạn mới của ta có thực là một vị anh hùng không?
    Ông Cung đáp ngập ngừng:
    - Tôi cũng không biết rõ lắm, nhưng khuôn mặt này đối với tôi khá quen thuộc. Ngày xưa, khi còn xông pha nơi trận mạc, tôi vẫn nằm trong tay những vị anh hùng có khuôn mặt thế này…
    Bây giờ thì ông Bàn ngán quá. Mặt Nạ hình như cũng nghe được những lời của ông Cung, kiêu hãnh hơn:
    - Ta đã từng tham dự hàng trăm trận, chỉ huy hàng vạn người. Ta là một vị tướng bách chiến bách thắng. Mọi vật trên khắp đất nước này đều mang ơn ta, không có ta bảo vệ tất cả đã cháy tiêu.
    Sợ bị chẻ làm củi đun bếp, ông Bàn cố cãi:
    - Thì cũng phải cho tôi nghi ngờ một chút chứ. Ông mới đến, chưa kể thành tích, làm sao tôi biết ông là một vị anh hùng.
    Giọng mặt Nạ đột nhiên trở nên vui vẻ:
    - Ta sẵn sàng ân xá cho tên Bàn ngu dốt, miễn là từ nay phải nhớ tuân lệnh ta.
    Trước vẻ thua cuộc của ông Bàn, những vật nhỏ bé trong phòng kể như đã hoàn toàn bị mặt Nạ khuất phục. Chúng khiếp hãi và tê liệt trước uy dũng của một vị anh hùng.
    Mặt nạ hét:
    - Nến sáng hơn chút nữa. Bóng bay lại đây.
    Bóng bay ngơ ngác, chưa dám rời xó nhà. Chị cũng muốn nấp sau bác Ô đen như chú Quay sừng.
    - Ta sẽ biến Bóng bay thành một vị anh hùng để mọi vật trong phòng biết rõ quyền lực của ta.
    Bóng bay thu hết can đảm tiến về phía mặt Nạ. Mọi vật hồi hộp chờ. Chú Ngăn kéo đã hé ra một chút để những vật trong lòng chú được thấy những chuyện lạ lùng sắp xảy ra.
    Thế rồi, đột nhiên chị Bóng bay biến mất. Mặt nạ chuyển động lắc lư:
    - Quý vị thấy tôi ra sao?
    Giọng nói ngập ngừng của chị Bóng bay phát ra từ cái miệng ông Tướng.
    Vô cùng kinh ngạc, mọi vật reo lên:
    - Chị Bóng bay đã biến thành vị anh hùng.
    Mặt Nạ cười ha hả, lui về góc phòng. Chị Bóng bay từ phía sau mặt Nạ lướt ra, trở về chỗ cũ. Chú Quay sừng bớt sợ, chú xoay tròn, chạy ra giữa nhà:
    - Tôi cũng muốn biến thành vị anh hùng trong một lúc.
    Mặt Nạ đồng ý giúp chú con Quay ngay. Quay sừng lướt tới góc nhà rồi cũng biến mất và nói bằng cái miệng của ông Tướng mắt xếch, mặt đỏ:
    - Quý vị thấy tôi ra sao?
    Mọi vật lại reo:
    - Chú con Quay đã biến thành vị anh hùng.
    Thế rồi lần lượt bác Đèn cầy tắt lửa, bác Đồng hồ, chị Tranh đều đòi được là anh hùng trong khoảng khắc. Mặt Nạ hăng hái giúp đỡ tất cả.
    Khi biết các vật đã phục mê tơi tài nghệ đặc biệt của mình. Mặt Nạ nghiêm trang trở lại:
    - Các vật phải triệt để tuân theo lệnh này: Hãy sống có trật tự và hòa thuận với nhau.
    Nhiều vật hét lớn:
    - Tuân lệnh.
    Mặt Nạ cười:
    - Tốt lắm, bây giờ hãy tỏ lòng trung thành. Ta muốn thấy mọi vật tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ để hoan hô ta.


    Mặt Nạ vừa dứt lời, cụ Sách bỗng cất tiếng, giọng khoan thai và lạnh lùng:
    - Thôi chứ chú mặt Nạ, chú làm quá rồi. Nhờ mấy nét vẽ mà chú xưng là anh hùng thì chả hoá ra cả hai bạn của chú em là Heo với Khỉ thật cả chăng?
    Bây giờ mọi vật mới chú ý hai chiếc mặt nạ im lìm kia. Cái mang hình mặt Heo, cái mang hình mặt Khỉ.
    Bị cụ Sách tấn công bất ngờ, mặt nạ mang khuôn mặt Tướng hơi lúng túng. Tuy nhiên hắn vẫn dõng dạc nói:
    - Cụ Sách nói chi ta không hiểu. Nhưng cụ phải nhớ rằng chính ông Cung cũng công nhận ta là vị anh hùng.
    Ông Cung bình thản:
    - Chú em lầm. Ta không nói chú em là anh hùng, ta chỉ nói chú em có khuôn mặt thật giống.
    - Nhưng ta đã làm cho Bóng bay, Quay sừng…đều hoá thành anh hùng trong chốc lát mà.
    Cụ Sách điềm tĩnh hỏi:
    - Khi nãy có thực chị Bóng bay đã biến thành vị anh hùng không?
    Chị Bóng bay ngập ngừng:
    - Tôi không cảm thấy đổi khác gì. Tôi đứng sau lưng mặt Nạ và mọi vật gọi tôi là anh hùng.
    Chú Quay sừng, bác Đèn cầy nhao nhao:
    - Tôi cũng vậy! Tôi cũng vậy!
    Hai chiếc mặt nạ Heo và Khỉ lúc này cười lên tiếng:
    - Thôi bồ bị lật tẩy rồi, đừng khoác lác thêm nữa.
    Mặt nạ ông Tướng lặng thinh. Nhưng khuôn mặt Tướng vẫn oai vệ, dữ dằn như trước.
    Mặt nạ Khỉ nói với cụ Sách:
    - Trong mấy anh em chúng tôi, nó ưa khoác lác dóc tổ nhất. Đi đâu nó cũng đòi chỉ huy. Mặt chúng tôi xấu xí tầm thường hơn, chúng tôi chỉ có mục đích chọc cười. Xin các vị trong phòng đừng giận nó, nó trót mang khuôn mặt một vị anh hùng.


    Cụ Sách nói:
    - Tôi biết! Tôi biết mà; dòng họ mặt nạ các anh vừa ra đời đã phải nói dối rồi. Cuộc đời các anh cũng chỉ là một câu chuyện nói dối dài. Các anh nói với vật trước mặt rằng vật sau lưng các anh là Heo, là Khỉ hay là một vị anh hùng. Các anh làm nhiệm vụ, tôi đâu có trách. Nhưng thay vì dối trá để vui chơi, chú em kia lại làm quá.
    Mặt nạ Heo buồn rầu:
    - Riêng tôi, tôi chán cái nghề nói dối quá rồi.
    Cụ Sách an ủi:
    - Mặt trước chú em nói dối, nhưng mặt sau thì lại rất thành thực.
    - Mặt sau thì tụi này giống nhau, đều có một sợi cao su và một mảnh giấy bồi chưa được sơn phết.
    Biết chắc mặt nạ không phải là vật đầy quyền uy và nguy hiểm nhiều vật khoan khoái dễ chịu. Búa đinh ngủ một giấc thẳng cán, hoa tiếp tục nở. Có vài vật cảm thấy tiếc cái mộng trở thành anh hùng trong chốc lát.
    Nhưng ông Bàn thì nổi giận, ông hét lên:
    - A! Thì ra từ nãy tới giờ tôi bị bịp hả?
    Mặt nạ ông tướng phá lên cười:
    - Đùa chút xíu mà, có hại chi đâu.
    Ông Bàn vẫn gay gắt:
    - Đùa gì. Chính chú doạ sẽ chặt tôi ra làm củi đun bếp.
    Ông Cung mỉm cười:
    - Kể ra ông Bàn cũng đáng bị đưa vào bếp thật. Lỗi tại ông mà.
    - Tôi đâu có làm gì.
    - Ông phạm tội bất cẩn. Trước khi tuân lệnh một vật nào ông phải coi xem phía sau của vật đó. Phía sau mặt nạ hoàn toàn trống rỗng mà.
    Ông Bàn bớt giận, chỉ càu nhàu:
    - Tại cái mặt nó coi ghê quá.
    Các vật trong phòng bật cười vui vẻ.

    (Trích từ Những Giọt Mực - Lê Tất Điều)

  9. #39
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Những Ngọn Lửa Dầu Hỏa Đầu Tiên Tại V.N.



    Sáng nay gió thổi nhẹ. Mặt biển chỉ hơi gợn nhưng nước biển trong và xanh ngắt. Ánh nắng buổi sáng chưa đủ nóng để có thể mang đi những đám sương mù còn vất vưởng trên mặt biển. Mọi người trên giàn khoan Ocean Prospector đều đang bận rộn với công việc. Kẻ lo khuân vác dọn dẹp các ống khoan, kẻ lo sửa soạn những dụng cụ thí nghiệm, kẻ lo kiểm soát các bộ phận máy móc. Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng để thí nghiệm lưu lượng sản xuất của giếng Dừa I-X vào ngày hôm nay, ngày 23-10-1974.

    Trên ngọn tháp của giàn khoan, mọi người cũng đang bận rộn kiểm soát lần chót các hệ thống thí nghiệm sản xuất. Ống sản xuất đi từ lòng đất lên, đang nhịp nhàng lên xuống theo nhịp của sóng biển. Dầu, hay nói đúng hơn là dầu thô, nước và khí thiên nhiên, từ trong lòng đất sẽ theo ống nầy để lên trên mặt đất. Sau khi đi qua hệ thống “van”, cả ba chất cùng được dẫn vào một “hệ thống phân đoạn ba trạng tướng” (three phase separator). Tại đây, hỗn hợp dồn khí, nước sẽ được phân đoạn thành ba phần riêng biệt : dầu, khí và nước.

    Thông thường, nếu sản xuất ở trên đất liền, dầu và khí sẽ được dẫn vào các bồn chứa và nước được thải đi. Tuy nhiên ở ngoài biển, việc tồn trữ dầu và khí không phải là chuyện dễ dàng và đơn giản chỉ vì một lý do duy nhất là không có bồn chứa. Chính vì vậy mà dầu và khí phải được đốt đi nếu không muốn (mà đương nhiên là không muốn) đổ chúng xuống biển để làm ô nhiễm cả vùng biển.

    Tất cả mọi người đều sẵn sàng, hồi hộp nhìn về phía “loa đốt”., nơi dầu và khí sẽ được phun ra để đốt. “Bù… ùm”, một ngọn lửa tung lên gầm thét. Đồng hồ chỉ chin giờ đúng. Ngọn lửa dầu hỏa đầu tiên ở Việt Nam phải chăng là đây? Không, đây chỉ là ngọn lửa đang đốt chất dầu Diesel được cho vào lòng giếng từ trước. Tuy nhiên, “van” đã mở, ống sản xuất đã thông suốt. Hỗn hợp dầu, khí, nước chắc chắn giờ này đang rời lòng đất nóng bỏng để đi lên mặt đất. Mọi người đều chăm chú nhìn vào chiếc ống cao su nhỏ được nối với hệ thống “van”, một phần những chất trong lòng giếng chảy lên sẽ đi qua ống cao su này để kiểm soát. Một dòng nước đục ngầu, sền sệt chảy ra. “Vẫn còn là bùn”, một người trong bọn nói thế. Phải, đây vẫn chỉ là bùn khoan đã xâm nhập vào trong lòng đất từ khi đào giếng. Ngọn lửa ở loa đã ngừng cháy vì không còn gì để cháy nữa cả. “Ê nó lên rồi”, một người kêu lên mừng rỡ. Trong dòng dung dịch chảy ra từ ống cao su xuất hiện những giọt dầu bóng loáng. Mọi người chăm chú nhìn những giọt dầu lấp lánh mà lòng đầy bồi hồi rung cảm. Nhìn những giọt dầu hỏa thực không có gì là lạ cả nhưng sao người ta cảm thấy xúc động vô cùng. Có lẽ nỗi vui mừng này còn lớn hơn nỗi vui mừng khi nhìn chiếc trứng chim cút từ từ nứt rạn và con chim bé nhỏ lách đầu chui ra vào thời mà “chim cút” thịnh hành và đắt giá trước đây.

    Từ miệng “loa đốt”, một dòng dung dịch đục ngầu đang phun ra và rơi xuống mặt biển. Đây chỉ là dung dịch nước bùn, chỉ trong chốc lát nước bùn đục ngầu đã tan biến vào lòng đại dương xanh ngắt. Có tiếng loa từ trên tháp khoan vọng xuống kêu gọi mọi người tránh xa loa đốt vì sắp sửa phun dầu và khí ra. Tiếng kêu gọi bằng Nhật Ngữ và sau đó Bằng Anh Ngữ.

    Liền sau đó, những giọt dầu hỏa đầu tiên của Việt Nam đã thực sự được phun ra. Ngọn lửa vẫy vùng, cuồn cuộn gào thét. Từng cuộn khói đen ngòm bốc lên rồi kéo dài ra, tạo thành một luồng khói kéo lê thê trên mặt biển. Những luồng hơi nóng tạt vào những người đứng gần đó khiến họ phải rút lên tháp khoan. Dù vậy, nơi đây hơi nóng vẫn còn hắt lên nóng hổi. Mặt người nào người nấy đều đỏ hồng vì hơi nóng.

    Chiếc tàu yểm trợ của giàn khoan Ocean Prospector lúc này cũng đã túc trực ở gần phía loa đốt để sẵn sàng tiếp cứu trong trường hợp có gì nguy hiểm xảy ra. Chiếc tàu của Hải Quân Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ cho giàn khoan này đang lướt sóng từ xa tiến tới gần. Tới một khoảng cách an toàn chiếc tàu Hải Quân ngừng lại. Bên hông tàu xám lố nhố các bóng người, tuy không thấy rõ nhưng ai cũng hiểu đó là những chiến sĩ Hải Quân của Việt Nam Cộng Hòa. Chắc họ đang phân vân không biết chuyện gì xảy ra ở bên này. Chiếc tàu yểm trợ của giàn khoan đang tiến lại gần và đậu cạnh chiếc tàu Hải Quân. Chắc họ đang giải thích cho nhau nghe về ngọn lửa đang lồng lộn ở đây. Giờ đây chắc chắn đã có thêm những người Việt Nam có cùng một tâm trạng khi được tận mắt thấy ngọn lửa dầu hỏa đầu tiên của nước mình. Những người Việt Nam có mặt tại đây chắc chắn là rất khó khăn để có thể viết ra được tất cả những tâm trạng của mình lúc này.

    Chiếc van được đóng lại, ngọn lửa dầu hỏa cũng thu nhỏ lại và tắt ngấm. Việc thí nghiệm sản xuất sơ khởi đã hoàn tất. Mọi người lại bắt tay vào việc, sửa soạn mọi dụng cụ cần thiết để có thể thực hiện việc thử nghiệm chính thức vào buổi chiều.

    Bữa ăn trưa diễn ra vội vã, mọi người đều nôn nóng về việc thử nghiệm chính thức. Đúng 15 giờ chiều, ngọn lửa dầu hỏa lại bắt đầu lồng lộn gầm thét giữa đại dương. Từng cụm khói đen vẫn thi nhau bốc lên. Màu khói đen là dấu hiệu của dầu nhiều hơn là khí thiên nhiên. Như vậy là chúng ta đã có dầu và ngọn lửa dầu hỏa dài như thế kia lại còn chứng tỏ chúng ta có nhiều dầu là đằng khác. Chúng tôi đi quan sát bộ phận ghi nhận áp suất trong lòng giếng và rồi lại xuống xem xét hệ thống phân đoạn ba trạng tướng để ghi nhận các kết quả về lưu lượng của dầu và khí sản xuất. Chúng tôi mở một van phụ của hệ thống phân đoạn để lấy dầu ra. Một dòng dầu đen chảy ra và bốc khói vì còn nóng. Việc đo tỷ trọng của dầu đã được thực hiện và ghi nhận. Lưu lượng của giếng cũng thật khả quan : mỗi ngày sản xuất được 1514 thùng dầu và 5,8 triệu “bộ” khối (1514 BOPD, và 5,8 MMCF). Tỷ trọng của dầu được ghi nhận là 390 API hay tương đương với 0,83. Đây là một loại dầu nhẹ và do đó sẽ đắt giá hơn. Những kết quả thật là khả quan và chắc chắn sẽ đưa tới một điều mà trước đây vài năm chưa ai dám nghĩ tới : Việt Nam là một quốc gia sản xuất dầu hỏa.

    Chiếc loa đốt vẫn đang khạc lửa, ngọn lửa vẫn mạnh mẽ, hùng dũng lồng lộn như con rồng lửa ở giữa biển khơi. Cuộc thử nghiệm chính thức thường kéo dài lâu. Một vài người công nhân đang phải dùng những chiếc vòi rồng để phun nước làm nguội những dụng cụ máy móc chung quanh. Chiếc tàu yểm trợ vẫn đang ở tư thế sẵn sàng tiếp cứu. Nhiều đám mây bay đến và làm mưa rơi nhẹ, gió cũng thổi nhiều không hiểu có phải vì ảnh hưởng của sức nóng do ngọn lửa dầu hỏa sinh ra hay không? Nhìn luồng khói đen dài lê thê đang ép mình trên mặt biển dưới cơn mưa nhẹ, mọi người đang nghĩ đến một tương lai tươi đẹp. Ngọn lửa dầu hỏa này chính thực như là một ánh đuốc bất ngờ hiện ra soi sáng và dẫn đường cho người dân Việt Nam vậy.


    Phí Lê Sơn
    M. Sc. Kỹ Sư Dầu Hỏa

    (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 233, ra ngày 1-4-1975)

    VỀ BÀI

    NHỮNG NGỌN LỬA DẦU HỎA

    Bài này TH xin phép trích trong Nguyệt San Quản Trị Xí Nghiệp số 4, tháng 10-1974. Tác giả, Kỹ Sư PHÍ LÊ SƠN, là người Việt Nam duy nhất có mặt trên giàn khoan Ocean Prospector trong suốt thời gian thử nghiệm.


    https://tuoihoandmore.blogspot.in/20...en-tai-vn.html

  10. #40
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350



    …Viết về những câu chuyện thật xảy ra trong cuộc sống còn đọng lại trong ký ức thường có sức lôi cuốn người đọc đến kỳ lạ, vì nó thật như dòng đời đang tuôn chảy trong ta và quanh ta. ‘Totto-Chan, Cô Bé Bên Cửa Sổ’ được dịch từ bản tiếng Anh ‘Totto-Chan, the Little Girl at the Window’ là một cuốn hồi ký sinh động kể lại những việc rất thật và rất người như thế. Phải chăng, ở đây, những câu chuyện trẻ thơ chỉ đơn thuần là những câu chuyện?

    Giác Kiến (Phong Lệ)

    14. HÃY ĐẶT NÓ TRỞ LẠI

    Trong cuộc đời mình, Totto-chan chưa bao giờ phải vất vả đến như thế. Cái ngày cô bé đánh rơi chiếc ví mình yêu thích xuống hầm nhà vệ sinh mới thê thảm làm sao. Không có tiền trong ví, nhưng vì Totto-chan thích chiếc ví này quá, thế là cô bé đem nó theo khi vào nhà vệ sinh. Đó là chiếc ví vải lụa bóng có ca rô màu đỏ, vàng và xanh rất đẹp. Chiếc ví này có hình vuông và phẳng, thêu con chó xù Scốtlen giống như một cây trâm ở trên cái nắp ví hình tứ giác để cài ví lại.

    Cho đến bây giờ, Totto-chan vẫn có thói quen tò mò. Ngay cả khi còn nhỏ cũng vậy. Mỗi khi đi vệ sinh, cô bé cố cúi nhìn xuống lỗ hầm cầu sau khi đi xong. Hậu quả là, ngay cả trước khi bắt đầu tuổi đi học, cô bé đã làm mất nhiều chiếc mũ, có cả chiếc mũ rơm và chiếc mũ có viền đăng ten trắng. Vào thời ấy, nhà vệ sinh không có hệ thống dội nước mà chỉ có hầm chứa ở dưới mặt đất, do đó một khi mũ bị rớt xuống là nổi lềnh bềnh trên mặt hầm. Mẹ thường bảo Totto-chan đừng nhìn xuống lỗ hầm cầu sau khi đi vệ sinh xong.

    Hôm đó, khi Totto-chan đi vào nhà vệ sinh trước khi lớp học bắt đầu, cô bé quên bẵng đi lời mẹ dặn. Totto-chan cúi đầu nhìn xuống hầm cầu khi đi vệ sinh xong. Có lẽ lúc đó cô bé không nắm chặt chiếc ví trong tay, thế là nó tuột ra khỏi tay và rơi xuống hầm cầu làm nước bắn tóe lên. Totto-chan bật khóc vì không hy vọng gì khi nhìn dưới hầm chỉ thấy tối ngòm.

    Totto-chan nén khóc, nhưng không chịu mất chiếc ví. Cô bé vào nhà kho lấy ra một cái gáo lớn có cán gỗ dài dùng để tưới vườn. Cái cán gáo dài gấp đôi chiều cao của Totto-chan, nhưng điều này không làm cô bé nản lòng chút nào. Cô bé vác cái gáo đi quanh ra sau trường, cố gắng tìm chỗ đầu nối mà hầm cầu dẫn chất thải ra để phân hủy. Cô bé nghĩ nó ở bên ngoài bờ tường nhà vệ sinh. Thế nhưng sau khi tìm kiếm một hồi không có kết quả, cuối cùng Totto-chan thấy một cái nắp đậy miệng cống bằng bê tông hình tròn cách đó khoảng một thước Anh. Giở cho được cái nắp này lên là cả một vấn đề khó khăn. Khi giở lên được rồi, cô bé phát hiện đây chính là đầu nối mà cô bé muốn tìm. Cô bé trườn đầu vào bên trong.

    “Sao thế này? Nó lớn như cái hồ ở Kuhonbutsu thế nhỉ!” cô bé la lên.

    Thế là Totto-chan bắt đầu lấy gáo múc những gì chứa trong hầm phân lên. Lúc đầu, Totto-chan thử khoanh vùng nơi cô bé đánh rơi chiếc ví. Thế nhưng cái bồn chứa này sâu, tối và lại rộng quá, vì cả ba nhà vệ sinh đều chảy về đây. Vả lại, nếu thò đầu vào sâu quá sẽ dễ bị lộn nhào xuống hầm thì nguy hiểm. Do đó, cô bé quyết định cứ tiếp tục dùng gáo múc đổ lên trên mặt đất gần miệng hầm, hy vọng may ra sẽ tìm được chiếc ví.

    Cô bé quan sát kỹ trong mỗi lần múc lên, xem thử có chiếc ví trong đó không. Totto-chan không nghĩ mình phải mất nhiều thời gian đến thế để tìm lại chiếc ví, nhưng vẫn chưa thấy tăm hơi đâu cả. Nó ở đâu nhỉ? Chuông vào lớp đã vang lên rồi.

    Totto-chan phân vân chưa biết nên tính thế nào. Cô bé đã đi quá xa rồi, thôi thì cứ tiếp tục vậy. Cô bé lại múc càng hăng say hơn.

    Khi cô bé múc đổ được cả một đống lớn ở trên mặt đất, bất chợt thầy hiệu trưởng đi ngang qua.

    “Em đang làm gì vậy?” thầy hiệu trưởng hỏi.

    “Em làm rơi chiếc ví,” cô bé trả lời rồi tiếp tục múc, không muốn bỏ phí một giây lát nào.

    “À, thầy biết rồi,” thầy hiệu trưởng nói rồi đi thẳng, hai tay đan vào nhau ở phía sau lưng và đó là thói quen của thầy mỗi khi đi dạo.

    Thời gian cứ trôi đi mà cô bé vẫn không tìm thấy chiếc ví đâu cả. Cái đống phân bốc mùi hôi thối càng lúc càng cao.

    Thầy hiệu trưởng quay trở lại, và hỏi:“Em có tìm được chưa?”

    “Dạ chưa,” Totto-chan đang đứng giữa đống phân, mồ hôi nhễ nhại, đôi má đỏ ửng, trả lời.

    Thầy hiệu trưởng bước lại gần hơn và bằng một giọng thân thiện, Thầy nói “Rồi em sẽ đổ đống này xuống lại khi em làm xong chứ?” rồi ông lại đi tiếp trong dáng điệu như hồi nãy.

    “Dạ,” Totto-chan vui vẻ trả lời, rồi tiếp tục công việc của mình. Thế rồi một ý niệm vừa khởi lên trong đầu cô bé. Totto-chan nhìn vào đống phân và nghĩ “khi mình làm xong rồi, phần đặc này mình đổ xuống lại, thế thì còn phần nước thì sao?”

    Phần chất lỏng thấm nhanh vào đất. Totto-chan dừng tay và cố hình dung ra, làm thế nào để cô bé trả lại phần này xuống dưới hầm đây, vì cô bé đã hứa với thầy hiệu trưởng là phải đổ chúng lại trong hầm mà. Cuối cùng cô bé quyết định là sẽ hốt luôn phần đất ướt này bỏ xuống hầm vậy.

    Đống phân múc lên chất cao như núi và bây giờ cái hầm gần như khô cạn mà vẫn không thấy tăm hơi chiếc ví đâu cả. Có thể nó vướng vào ở một nơi nào đó bên thành hầm cầu hay nó nằm tận dưới đáy gì đó. Nhưng Totto-chan không quan tâm. Cô bé bằng lòng với những gì mình làm được. Sự bằng lòng của Totto-chan rõ ràng xuất phát từ lòng tự trọng cô bé cảm nhận được khi thầy hiệu trưởng đã không la rầy Totto-chan mà còn đặt niềm tin tưởng ở cô bé nữa. Điều này quá phức tạp và khi ấy, Totto-chan không thể hiểu được như thế.

    Hầu hết người lớn, khi thấy cảnh Totto-chan làm như vậy, sẽ phản ứng bằng cách la lên: “Trời ơi, em làm gì chẳng giống ai hết vậy?” hay là: “Nguy hiểm lắm, đừng có làm vậy,” hay khác hơn một tí là giúp cô bé một tay.

    Tưởng tượng xem, thầy hiệu trưởng chỉ nói: “Rồi em sẽ đổ đống này trở lại khi em làm xong chứ?” Một thầy hiệu trưởng tuyệt vời. Mẹ nghĩ như vậy khi nghe Totto-chan kể lại câu chuyện trên.

    Sau chuyện này, Totto-chan không bao giờ cúi nhìn vào hầm cầu sau mỗi lần đi vệ sinh nữa. Cũng kể từ đó, cô bé cảm thấy thầy hiệu trưởng là người mình đặt niềm tin tuyệt đối và cô bé kính thương thầy hơn bao giờ hết.

    Totto-chan giữ lời hứa và đổ tất cả những gì cô bé đã vớt lên xuống lại hầm cầu. Thật là một việc khủng khiếp khi vớt cả ngần ấy lên trên đất, nhưng dù sao, đổ xuống lại vẫn nhanh hơn. Cô bé cũng bỏ luôn xuống hầm phần đất ướt nữa. Sau khi khỏa đất cho bằng phẳng, đậy nắm hầm lại đàng hoàng, Totto-chan đem gáo về cất lại trong nhà kho.

    Đêm hôm đó, trước khi ngủ, Totto-chan nghĩ nhớ đến chiếc ví xinh đẹp đã đánh rơi vào nơi tối tăm. Cô bé buồn vì mất chiếc ví nhưng suốt cả ngày nỗ lực khiến cô bé mệt nhoài và trong chốc lát, Totto chan đã đi vào giấc ngủ.

    Trong khi đó, nơi cô bé đã nhọc công tìm kiếm, ánh trăng lung linh mờ ảo rọi trên nền đất ướt như một cái gì trông thật đẹp.

    Và chiếc ví vẫn yên lặng nằm im lìm ở một nơi nào đó.

    60. BỮA TIỆC TRÀ

    Ryo-chan, người phu trường ở Tomoe mà tất cả học sinh đều rất thích, cuối cùng cũng bị gọi nhập ngũ. Chú ấy đã là người lớn, thế mà bọn trẻ vẫn thích gọi chú bằng cái tên trẻ con của chú. Ryo-chan là một thần bảo vệ, luôn có mặt để cứu giúp mọi người khi họ gặp khó khăn. Chú ấy có thể làm đủ loại công việc. Chú rất ít nói, chỉ mỉm cười, nhưng chú luôn biết cần phải làm gì. Khi Totto-chan bị rớt xuống hầm cầu, chính chú ấy là người vớt cô bé lên ngay lập tức, rồi tắm rửa cô bé sạch sẽ mà không nhiều lời cằn nhằn.

    “Chúng ta hãy tổ chức một bữa tiệc trà tiễn đưa Ryo-chan.” thầy hiệu trưởng nói.

    “Một tiệc trà à?”

    Ở Nhật, người ta uống trà xanh nhiều lần trong ngày, nhưng không phải để giải trí - ngoại trừ bột trà pha chế thành một loại nước uống dùng trong các dịp lễ. ‘Tiệc trà’ là một điều mới lạ ở trường Tomoe. Nhưng bọn trẻ thích ý kiến đó. Chúng nó thích làm những điều chúng nó chưa từng biết. Bọn trẻ không biết đó thôi, chứ thầy hiệu trưởng chỉ chế ra một từ mới, sawakai (tiệc trà) thay vì thông thường người ta nói sobetsukai (tiệc chia tay) cho cùng một mục đích. Một bữa tiệc chia tay nghe sao buồn quá, và học sinh lớp lớn sẽ hiểu được rằng có thể là chia tay thật nếu chú Ryo-chan hy sinh ngoài chiến trường và không trở về nữa. Thế nhưng chưa có đứa nào đã từng tham dự một tiệc trà, nên chúng rất phấn khởi.

    Sau khi tan học, thầy Kobayashi cho học sinh sắp xếp bàn ghế thành vòng tròn như chuẩn bị cho bữa cơm trưa vậy. Khi tất cả đều ngồi vào thành vòng tròn, thầy phát cho mỗi đứa một miếng mực khô nướng để ăn trong lúc uống trà. Chừng ấy thôi cũng đã là quá sang trọng trong những ngày chiến tranh như thế này. Thầy ngồi xuống bên cạnh Ryo-chan, đặt cái ly có một ít rượu sa kê trước mặt chú ấy. Đó là phần chỉ dành riêng cho những người sắp ra chiến trận.

    “Đây là tiệc trà đầu tiên ở trường Tomoe,” thầy hiệu trưởng nói. “Tất cả chúng ta hãy cùng vui với nhau. Em nào có điều gì muốn nói với chú Ryo-chan thì cứ nói. Các em cũng có thể trò chuyện thoải mái với nhau, chứ không nhất thiết chỉ nói với chú Ryo-chan thôi. Lần lượt từng em một, hãy bước ra giữa vòng tròn nhé.”

    Đây không phải là lần đầu tiên chúng nó ăn mực khô nướng ở trường Tomoe, nhưng đây là lần đầu tiên cùng ngồi ăn với bọn trẻ có chú Ryo-chan và lần đầu tiên chúng nó thấy chú Ryo-chan nhấp nháp rượu sa kê.

    Bọn trẻ lần lượt từng đứa một đứng dậy, đến đối diện chú Ryo-chan và nói vài điều với chú ấy. Mấy đứa trẻ đầu tiên chúc chú ấy giữ gìn sức khỏe và đừng có đau ốm gì. Rồi đến lượt Migita, bạn học cùng lớp với Totto-chan, nói: “Lần sau cháu về nhà ở quê, cháu sẽ mang về cho chú mấy cái bánh bao đám tang.”

    Bọn trẻ cười rộ lên. Hơn một năm rồi kể từ khi Migita nói với chúng nó lần đầu tiên về mấy cái bánh bao cậu đã ăn ở một đám tang và nó ngon như thế nào. Mỗi khi có dịp, cậu bé cứ hứa là sẽ cho chúng nó mấy cái, nhưng cậu bé không bao giờ thực hiện lời hứa này.

    Khi thầy hiệu trưởng nghe Migita nói đến bánh bao đám tang, thầy giật nảy mình. Thông thường, đề cập đến bánh bao đám tang trong những tình huống như thế này là một điềm báo xấu. Nhưng Migita nói điều này một cách hồn nhiên thôi, khi muốn chia sẻ với bạn bè một cái gì đó ngon, nên thầy cũng cười với bọn trẻ. Ryo-chan cũng cười vui vẻ. Thì ra, Migita nói với chú ấy từ rất lâu rồi là sẽ đem cho chú ấy mấy cái bánh bao đám tang.

    Rồi Oe đứng lên và hứa với chú Ryo-chan rằng cậu bé sẽ trở thành người làm vườn giỏi nhất ở Nhật. Oe là con trai ông chủ một vườn ươm rộng lớn ở Todoroki. Aoki đứng dậy và không nói gì cả. Cô bé chỉ khúc khích cười e thẹn như thường lệ, rồi cúi đầu chào và về lại chỗ ngồi. Totto-chan vội vàng chạy ra và nói hộ cho Aoki: “Những con gà ở nhà Keiko-chan có thể bay! Một hôm nọ, cháu thấy chúng bay!”

    Rồi đến lượt Amedera nói: “Nếu các bạn thấy có chó hay mèo bị thương, hãy đưa chúng đến mình, mình sẽ chữa cho chúng khỏi.” Takahashi-chan quá nhỏ. Cậu bé bò dưới bàn để đến giữa vòng tròn, thoắt nhanh như chớp. Takahashi nói với một giọng vui vẻ: “Cám ơn chú Ryo-chan. Cám ơn tất cả mọi thứ. Tất cả mọi thứ.”

    Tiếp đó Aiko Saisho đứng lên. Cô bé nói: “Chú Ryo-chan, cám ơn chú đã có lần băng bó cháu khi cháu bị té ngã. Cháu sẽ không bao giờ quên.” Người chú vĩ đại của Saisho-chan là đô đốc Togo nổi tiếng trong thời chiến tranh Nhật-Nga, và Atsuko Saisho, một người bà con khác của cô bé là nhà thơ nữ lừng danh dưới triều vua Meiji. Nhưng Aiko không bao giờ đề cập đến những người này.

    Miyo-chan, con thầy hiệu trưởng, hiểu Ryo-chan nhiều nhất. Mắt cô bé đẫm lệ, cô bé nói: “Hãy bảo trọng nhé, nhớ nha chú. Nhớ giữ liên lạc, viết thư về nha.”

    Totto-chan có rất nhiều điều muốn nói nhưng cô bé không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Do đó, cô bé nói: “Chú Ryo-chan, ngay cả khi chú đi rồi, chúng cháu sẽ có tiệc trà mỗi ngày.”

    Thầy hiệu trưởng cười vang, Ryo-chan cũng cười. Cả hết bọn trẻ đều cười, Totto-chan cũng cười theo.

    Thế nhưng lời nói của Totto-chan trở thành sự thật ngay từ ngày hôm sau. Mỗi khi chúng có thời gian rảnh, bọn trẻ lập thành từng nhóm và chơi trò ‘tiệc trà.’ Thay vì ăn mực khô, chúng nó mút một thứ gì cũng được, như vỏ cây chẳng hạn. Chúng nó nhấp nháp những ly nước thay vì trà và đôi khi giả bộ xem đó là rượu sa kê. Một đứa nào đó nói: “Mình sẽ mang cho cậu mấy cái bánh bao đám tang nhé,” và cả bọn rộ lên cười. Sau đó, chúng nó nói chuyện và kể cho nhau nghe những suy nghĩ của mình. Ngay cả khi chúng không có gì để ăn, những ‘tiệc trà’ của bọn trẻ vẫn vui như thường.

    ‘Tiệc trà’ như là một món quà liên hoan tuyệt vời để chú Ryo-chan chia tay bọn trẻ. Và mặc dù lúc ấy, chẳng có đứa nào biết mô tê gì cả, tiệc trà thật ra là một trò chơi cuối cùng của bọn trẻ ở trường Tomoe trước khi chúng nó chia tay nhau và rồi mỗi đứa đi mỗi ngả.

    Ryo-chan ra đi trên chuyến tàu Toyoko. Sự ra đi của chú ấy trùng với sự ập đến của những chiếc máy bay Mỹ. Cuối cùng, chúng xuất hiện trên bầu trời nước Nhật ở Tokyo và dội bom hàng ngày.


    61. SAYONARA, SAYONARA! (HẸN GẶP LẠI! HẸN GẶP LẠI)

    Trường Tomoe bị cháy sập. Sự kiện này xảy ra vào ban đêm. Miyo-chan, với em Misa-chan và Mẹ, những người đang sống trong ngôi nhà nối liền với trường, chạy trốn ở nông trại Tomoe bên hồ tại đền Kuhonbutsu nên đã thoát nạn.

    Máy bay ném bom B-29 thả nhiều quả bom cháy xuống những toa tàu lửa dùng làm lớp học.
    Ngôi trường vốn đã nằm trong giấc mơ của thầy hiệu trưởng giờ đây bị ngọn lửa cháy rực nuốt trọn. Thay vì những âm thanh mà thầy yêu thích như tiếng cười, tiếng hát của bọn trẻ, giờ đây tiếng ngôi trường sụp đổ trong lửa đỏ nghe rùng rợn. Ngọn lửa, không thể nào dập tắt được, đã thiêu trụi mọi thứ thành tro bụi. Ngọn lửa lan tràn đến khắp vùng Jiyugaoka.

    Ở giữa cảnh ấy, thầy hiệu trưởng vẫn đứng bên đường và nhìn ngôi trường Tomoe cháy. Như thường lệ, thầy mặc bộ đồ ba mảnh sờn mòn màu đen. Thầy đứng đặt đôi tay trong túi áo khoác.

    “Tiếp đến chúng ta sẽ xây loại trường nào?” thầy hỏi cậu con trai Tomoe, là sinh viên đại học, đang đứng bên cạnh thầy. Tomoe lắng nghe Ba mà như chết lặng người.

    Tình yêu thương trẻ em và tâm huyết với nghề dạy học của thầy Kobayashi mạnh hơn cả ngọn lửa đang bao trùm ngôi trường. Thầy hiệu trưởng cảm thấy vui.

    Totto-chan đang nằm trên một chuyến tàu tản cư đông đúc, chen chúc giữa những người lớn. Chuyến tàu chạy về hướng đông bắc. Khi nhìn qua cửa sổ, bên ngoài tối đen, cô bé nghĩ nhớ đến lời chia tay của thầy hiệu trưởng “chúng ta sẽ gặp lại!” và những lời thầy thường xuyên nói với cô bé mỗi khi gặp “em có biết không, em thật sự là một cô bé tốt.” Từ trong tâm tưởng, Totto-chan tin chắc rằng cô bé sẽ gặp lại thầy Kobayashi trong một thời gian không xa. Và cô bé thiếp đi.

    Chuyến tàu ầm ầm chạy dọc trong bóng đêm chở những hành khách đầy lo lắng.


    Trích từ Totto-chan, Cô Bé Bên Cửa Sổ
    Tác giả: Tetsuko Kuroyanagi
    Phong Lệ dịch từ bản Tiếng Anh Totto-chan, The Little Girl at the Window
    Nhà xuất bản: Kodansha International (Nhật Bản)


    http://tottochancobebencuaso.blogspot.in/

    (TOTTO-CHAN - The Little Girl at the Window
    By Tetsuko Kuroyanagi
    Translated by Dorothy Britton)

    http://www.arvindguptatoys.com/arvin.../Tottochan.pdf

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:00 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh