Register
Page 5 of 5 FirstFirst ... 345
Results 41 to 44 of 44
  1. #41

    Sài Gòn và Tuổi Thơ Tôi___
    (Trần Mộng Tú)

    Tôi xa quê hương ở vào tuổi không quá trẻ dại để dễ quên và cũng không quá già để chỉ dành toàn thời giờ cho một điều mất mát, rồi đau đớn. Tôi ở vào tuổi mà khi bước đến vùng đất mới, đời sống đã như lôi tôi đi trong một cơn lốc trên những con đường khác nhau trước mặt, hầu như không ngưng nghỉ. Tôi chóng mặt, nhưng tôi vẫn biết tôi là ai và tôi ở đâu trên quê người, nên những lúc tôi phải ngưng lại để thở là những lúc hồn quê nôn nao thức dậy trong tôi.

    Mỗi lần nhớ đến quê nhà là nhớ đến Sài Gòn trước tiên. Sài Gòn không phải là phần đất dành riêng cho người miền Nam nữa, đối với người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, người Trung chạy giặc Cộng năm 1968 thì Sài Gòn chính là phần đất quê nhà đáng nhớ nhất.

    Tôi lớn lên, sống cả một thời niên thiếu ở Sài Gòn. Đi học, dậy thì, yêu đương, mơ mộng,làm việc, lấy chồng, khóc, cười rồi chia ly với Sài Gòn.

    Tôi nhớ lại hồi bé theo bố mẹ di cư vào Sài Gòn. Ba tôi làm việc ở Nha Địa Chánh, nên từ những căn lều bạt trong trại tiếp cư Tân Sơn Nhất, gia đình tôi được dọn vào ở tạm một khu nhà ngang trong sở của Ba ở số 68 đường Paul Blancy( Hai Bà Trưng,) sau lưng Bưu Điện. Tôi đi học, đi bộ băng qua hai con đường là tới trường Hòa Bình, bên hông nhà thờ Đức Bà. Tôi vào lớp Ba. Ngày đầu tiên cắp sách đến lớp, ma sơ dĩ nhiên là người Nam , hồi đó còn mặc áo dòng trắng, đội lúp đen. Sơ đọc chính (chánh) tả:

    "Hoa hường phết" (phết là dấu phẩy)

    Cái tai của con bé con Bắc kỳ không quen với phát âm miền Nam nên “hoa hường” thành “qua tường” và phết thành một chữ nữa. tôi viết: Qua tường phết.

    Bài chính tả dài một trang của tôi chắc chắn là ăn một con số 0 mầu đỏ to tướng vì nguyên bài bị gạch xóa bằng mực đỏ lè. Tôi như một người ngoại quốc nghe tiếng Việt. Nhưng tôi học thuộc lòng trong sách thì giỏi và thuộc nhanh lắm. Khi khảo bài tôi được điểm tốt, mặc dù bạn học chung lớp khó hiểu con nhỏ Bắc kỳ đọc cái gì. Ma sơ cứ nhìn sách, nghe tôi đọc làu làu, biết là tôi có thuộc bài. Tôi nhớ một bài học thuộc lòng về thành phố Sài Gòn như thế này:

    Sài Gòn vòi nước bùng binh
    Này bảng báo hiệu này vòng chỉ tên
    Trụ đèn, giây thép, tượng hình
    Lính canh, cảnh sát giữ gìn công an
    Mặc dầu đường rộng thênh thang
    Ngựa xe đi lại luật hành phải thông
    Mặc dầu đường rộng mênh mông
    Mũi tên chỉ rõ bảng trông dễ tìm
    Trần Hưng, Lê Lợi, Chu Trinh…

    Trần Hưng là đường Trần Hưng Đạo, Chu Trinh là đường Phan Chu Trinh, viết tắt trong bài học thuộc lòng. Từ bài học đó, tôi hiểu được hai chữ “bùng binh” là gì.

    Ngôi trường đó tôi chỉ học hết lớp ba, sau đó Ba Mẹ tôi tìm được nhà ở bên Thị Nghè, tôi được đi học lớp nhì, lớp nhất ở trường Thạnh Mỹ Tây, có rất nhiều bạn cũng Bắc kỳ di cư như tôi.

    Kỷ niệm về Sài Gòn tôi nhớ nhất là lần đầu tiên con bé Bắc kỳ tròn xoe mắt, nhìn thấy đồng bạc xé làm hai, nếu chỉ muốn tiêu một nửa. Mua cái bánh, gói kẹo nào cũng chỉ xé hai đồng bạc. Xé rất tự nhiên, tiền mới hay tiền cũ gì cũng xé. Người mua xé, mua; người bán xé để trả (thối) lại. Tôi đã biết bao lần, vào những buổi tối mùa hè, mẹ cho một đồng, hai chị em mua ngô (bắp) nướng của người đàn bà, ngồi dưới chân cột đèn điện trước cửa sở Địa Chánh với cái lò than nhỏ xíu, bán bắp nướng quẹt hành mỡ. Dưới ánh sáng hắt lờ mờ của bóng đèn từ trên cao xuống, cái lò than nhỏ xíu, thơm lừng mùi bắp non. Gọi là lò, thực sự chỉ có mấy cục than hồng để trong một miếng sắt cong cong, bên trên có cái vỉ bằng giây thép, rối tung, những cái bắp được xếp lên đó, bà bán hàng trở qua, lật lại. Đôi khi cũng là một cái lò gạch nhỏ đã vỡ, mẻ mất mấy miếng rồi, không thể kê nồi trên đó, bà hàng mang ra để nướng bắp. Hai chị em đứng líu ríu vào nhau (anh và chị lớn không có tham dự vào những sinh hoạt của hai đứa em nhỏ này), cầm tờ giấy bạc một đồng, đưa ra. Tôi luôn luôn ngần ngừ không dám xé, đưa cho bà bán hàng; bà cầm lấy, xé toạc làm hai, khi tôi chỉ mua một cái bắp. Bà đưa phần nửa tiền còn lại để chúng tôi có thể cất đi, tối mai lại ra mua bắp nữa. Mỗi lần thấy đồng bạc bị xé, tuy không phát ra tiếng động, tôi cũng giật mình đánh thót một cái như nghe thấy đồng bạc của mình bị bể hay bị gẫy. Cảm tưởng như mất luôn cả phần tiền đưa ra và phần giữ lại. Phải mất bao nhiêu lần nhìn đồng tiền bị xé mới quen mắt cái hình ảnh “Đồng bạc xé hai” này và tin là nửa kia vẫn dùng mua bán được.

    Bẻ cái bắp làm đôi, tôi với em tôi chia nhau. Ngon ơi là ngon! Bắp dẻo, thơm mùi lửa than, thơm mùi hành mỡ. Chị em tôi ăn dè xẻn từng hạt bắp một. Ăn xong chúng tôi dắt nhau đi tìm ve sầu ở những thân cây me trong bóng tối. Buổi tối ve sầu mùa hạ, chui ở đất lên, bò lên các thân me, lột xác. Chúng tôi bắt những con chưa kịp lột cho vào cái hộp (không) bánh bích quy đã mang theo sẵn, đó là những con ve mới ngơ ngác bò lên khỏi mặt đất, mang về nhà. Thuở thơ dại những trò chơi này là cả một thế giới thơ mộng và đầy hấp dẫn. Chị em tôi mang hộp ve sầu vào giường ngủ, ban đêm những con ve này sẽ chui ra bò lên màn, lột xác. Đêm chúng tôi đi vào giấc ngủ, thì ve chui ra, lột xác xong bỏ lại những vệt dài nhựa thâm đen trên những cánh màn tuyn trắng toát. Khi chúng tôi thức dậy nhìn thấy, chưa kịp dụi mắt tìm mấy con ve, đã thấy mẹ đứng ở ngoài màn với cái chổi phất trần trên tay. Chúng tôi chưa bị roi nào thì đã có bố đứng bên, gỡ cái chổi ở tay mẹ mang đi, trong lúc những cái lông gà trên chổi còn đang ngơ ngác.

    Sài Gòn còn cho tuổi thơ của chúng tôi biết thế nào là cái ngọt ngào, thơm, mát của nước đá nhận. Trong sân trường tiểu học của trường Thạnh Mỹ Tây, tôi được ăn cái đá nhận đầy mầu sắc đầu tiên. Một khối nước đá nhỏ, đặt trên một lưỡi dao bào, bào vào cái ly bên dưới, khi đầy ly, ông bán hàng ấn (nhận) nước đá ép xuống, đổ ngược ly lại, lấy cái khối nước đá xôm xốp, có hình dáng cái ly ra. Rắc si-rô xanh đỏ, có khi còn có mầu vàng và mầu xanh lá cây với vị bạc hà nữa. Gọi là nước đá nhận. Học trò trẻ con, bạn thân, sung sướng chia nhau ở sân trường, mỗi đứa mút một cái, chuyền tay nhau. Nước đá nhận, bánh kẹo ở sân trường trong những giờ ra chơi đều được mua bằng đồng bạc xé hai này.

    Ba tôi bảo cầm đồng tiền xé hai một cách tự nhiên như thế quả là một điều rất dung dị, xuề xòa, dễ dãi mà chỉ người miền Nam mới có được. Xé tiền mà như xé một tờ giấy gói hàng, giấy gói bánh, như xé một tờ báo. Mảnh xé ra có giá trị lúc đó, mảnh còn lại cũng vẫn còn giá trị sau này. Người Hà Nội cầm tờ giấy bạc rách, thì vuốt cho thẳng thắn lại, có khi lấy hạt cơm dẻo miết lên chỗ rách cho dính vào nhau, rồi cẩn thận gấp lại trước khi cho vào túi. Một thời gian sau, tiền không xé nữa, được thay bằng đồng bạc 50 su bằng nhôm, hình tròn, một mặt có hình tổng thống Ngô Đình Diệm, mặt sau là hình khóm trúc. (Biểu hiệu cho:Tiết Trực Tâm Hư)

    Cuộc di cư 1954 đó giúp cho người Việt hai miền Nam , Bắc hiểu nhau hơn. Người Bắc sống và lớn lên ở Sài Gòn ở thế hệ chúng tôi học được cái đơn sơ, chân phương của người miền Nam và ngược lại những bạn học người Nam của tôi cũng học được cách ý tứ, lễ phép (đôi khi đến cầu kỳ) của người miền Bắc. Tôi đã được nghe một người miền Nam nói: Sau 1975 thì chỉ có những người Bắc di cư 54 là đồng bào của người miền Nam mà thôi. Hóa ra những người Bắc sau này ở ngoài cái bọc (đồng bào) của bà Âu Cơ hay sao? Nếu thật sự như thế thì thật đáng buồn!

    Sài Gòn đầu thập niên sáu mươi vẫn còn có xe ngựa, đưa những bà mẹ đi chợ. Người xà ích lúc đó chưa biết sợ hãi trên những con đường còn mù sương buổi sáng. Tiếng lóc cóc của móng ngựa chạm xuống mặt đường như đánh thức một bình minh. Tôi nhớ có chỗ gọi là Bến Tắm Ngựa, mỗi lần đi qua,hôi lắm. Sau vài mươi năm xe thổ mộ ở Sài Gòn không còn nữa, chỉ còn ở lục tỉnh.

    Sài Gòn với xích lô đạp, xích lô máy, taxi, vespa, lambreta, velo, mobilette là những phương tiện di chuyển mang theo đầy nỗi nhớ. Kỷ niệm thơ mộng của một thời trẻ dại, hương hoa và nước mắt. Sài gòn với những cơn mưa ập xuống thình lình vào tháng năm tháng sáu, tiếng mưa khua vang trên những mái tôn, tắm đẫm những hàng me già, ướt sũng những lối đi vào ngõ nhà ai, Sài Gòn với mùa hè đỏ rực hoa phượng vĩ in xuống vạt áo học trò, với những hoa nắng loang loang trên vai áo bà ba của những bà mẹ là những mảng ký ức ngọt ngào trong tâm của chúng tôi.

    Mỗi tuổi đời của tôi đi qua như những hạt nắng vàng rắc xuống trên những hàng me bên đường, như mưa đầu mùa rụng xuống trên những chùm hoa bông giấy. Những tên đường quen thuộc, mỗi con phố đều nhắc nhở một kỷ niệm với người thân, với bạn bè. Chỉ cần cái tên phố gọi lên ta đã thấy ngay một hình ảnh đi cùng với nó, thấy một khuôn mặt, nghe được tiếng cười, hay một mẩu chuyện rất cũ, kể lại đã nhiều lần vẫn mới. Ngay cả vệ đường, chỉ một cái bước hụt cũng nhắc ta nhớ đến một bàn tay đã đưa ra cho ta níu lại.

    Âm thanh của những tiếng động hàng ngày, như tiếng chuông nhà thờ buổi sáng, tiếng xe rồ của một chiếc xích lô máy, tiếng rao của người bán hàng rong, tiếng chuông leng keng của người bán cà rem, tiếng gọi nhau ơi ới trong những con hẻm, tiếng mua bán xôn xao khi đi qua cửa chợ, vẻ im ắng thơ mộng của một con đường vắng sau cơn mưa… Làm lên một Sài Gòn bềnh bồng trong nỗi nhớ.

    Sài Gòn mỗi tháng, mỗi năm, dần dần đổi khác. Chúng tôi lớn lên, đi qua thời kỳ tiểu học, vào trung học thì chiến tranh bắt đầu thấp thoáng sau cánh cửa nhà trường. Đã có những bạn trai thi rớt Tú Tài phải nhập ngũ. Những giọt nước mắt đã rơi xuống sân trường. Sau đó, với ngày biểu tình, với đêm giới nghiêm, với vòng kẽm gai,với hỏa châu vụt bay lên, vụt rơi xuống, tắt nhanh, như tương lai của cả một thế hệ lớn lên giữa chiến tranh.

    Sài Gòn như một người tình đầu đời, để cho ta bất cứ ở tuổi nào, bất cứ đi về đâu, khi ngồi nhớ lại, vẫn hiện ra như một vệt son còn chói đỏ. Sài Gòn như một mảnh trầm còn nguyên vẹn hương thơm, như một vết thương trên ngực chưa lành, đang chờ một nụ hôn dịu dàng đặt xuống.

    Sài Gòn khi đổi chủ chẳng khác nào như một bức tranh bị lật ngược, muốn xem cứ phải cong người, uốn cổ ngược với thân, nên không còn đoán ra được hình ảnh trung thực nguyên thủy của bức tranh.

    Sài Gòn bây giờ trở lại, thấy mình trở thành một du khách trên một xứ sở hoàn toàn lạ lẫm. Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.

    __(Trần Mộng Tú)__
    ___"In the end, it's not the years in your life that count. It's the life in your years." (Abraham Lincoln)

  2. #42

    __TẤM ẢNH HAI NGƯỜI LÍNH__
    (Tác Giả: Phạm Tín An Ninh)




    Thời gian gần đây, một số báo chí trong nước đã đồng loạt phổ biến và đề cao giá trị “hòa hợp hòa giải” của tấm ảnh “hai người lính”, mặc dù nó đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2007, trong một cuộc triển lãm tại Hà Nội, với một cái tên khá hấp dẫn “Ước Vọng Hòa Bình”.

    Tấm ảnh chụp hai người lính, một người lính TQLC của miền Nam (VNCH) và một anh bộ đội của miền Bắc (Cộng Sản), được tác giả là Ông Chu Chí Thành, nguyên Trưởng Ban Biên Tập, Sản Xuất Ảnh Báo Chí của Thông Tấn Xã (Bắc Việt), và cũng là nguyên Chủ Tịch Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh VN, cho biết là chính ông đã chụp tại lằn ranh chiến tuyến Triệu Phong, Quảng Trị vào tháng 4/1973 sau Hiệp Định Paris (có hiệu lực từ ngày 27.1.1973). Tác giả bức ảnh cũng như một số báo chí tại Việt Nam đã (và đang) đi tìm hai nhân vật trong tấm ảnh đặc biệt này, mà họ cho là biểu tượng của “Ước Vọng Hòa Bình” và “Tinh Thần Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc” (!).

    Cho đến hôm nay, tông tích người lính miền Bắc đã được sáng tỏ. Có điều là anh đã qua đời cách đây khoảng 5, 6 năm. Không biết trước khi chết, anh có còn nhớ người lính miền Nam đã choàng vai anh rất thân tình trong tấm ảnh năm xưa, bên đôi bờ chiến tuyến, và anh có ân hận vì đã từng “phải” cầm súng bắn giết đồng bào, anh em ruột thịt miền Nam, để cuối cùng chỉ tiếp tay gầy dựng một chế độ phi nhân, một chính quyền tham nhũng, man rợ, phản dân hại nước như hôm nay?

    Còn anh lính miền Nam kia thì giờ này đang ở đâu? “Bến Hải hay Cà Mau?”. Có lẽ anh đã chết sau Hiệp Định Paris, ngay sau cái ngày anh choàng vai anh bộ đội miền Bắc với chút hy vọng mong manh: Hiệp Định Paris mang tên Hòa Bình sẽ được chính quyền CS miền Bắc thực thi, vì sinh mạng của đồng bào, vì hòa bình của hai miền dất nước? Thân xác anh có thể vùi nông ở đâu đó, bên dòng sông Thạch Hãn hay trên bờ biển cát An Dương (Thuận An) trong giờ thứ 25 của cuộc chiến. May mắn hơn, nếu có được nấm mồ bên cạnh đồng đội được an táng trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, thì cũng đã bị chính quyền “bên thắng cuộc” đập bia, phá mộ, san bằng từ lâu rồi. Nếu còn sống, chắc cũng đang mang bao thương tích cả trên thân xác lẫn trong tâm hồn, bị chính quyền “bên thắng cuộc” kỳ thị, truy bức. Cũng có thể anh là một trong những người thương binh, lê lết đến Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, mong được nhận một chiếc xe lăn, một xuất khám bệnh của những người còn giữ được tấm lòng, nhưng đã bị đám công an đe dọa, ngăn cản, đuổi xô trong bước đường cùng!

    Là một người lính TQLC, anh đã được rèn luyện trong tinh thần kỷ luật và tình “huynh đệ chi binh”, nếu còn sống, chắc chắn anh không hề muốn lên tiếng, nhận mình là người trong tấm ảnh, đang được tung ra nhằm lợi dụng cho một chiến dịch tuyên truyền “Hòa Hợp Hòa Giải” một cách lố bịch.

    Tấm ảnh mà tác giả, người từng là Trưởng ban Biên Tập, Sản Xuất Ảnh của Thông Tấn Xã một nước, và sau này là ChủTịch Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam, cho là rất tâm đắc, rất cảm động, là tác phẩm mang ý nghĩa đặc biệt nhất trong cuộc đời nhiếp ảnh, mà sao ông phải “giấu nhẹm” đến 34 năm, trong đó có cả 32 năm “chiến tranh đã kết thúc, hòa bình và thống nhất được thiết lập trên cả nước” ? Bây giờ tấm ảnh được tung ra cùng một lúc trên nhiều tờ báo “lề phải” vốn chỉ làm theo lệnh đảng, ông Chu Chí Thành “vô tư” trả lời các cuộc phỏng vấn, và lúc nào ông cũng gán cho tấm ảnh cái “biểu tượng của Tinh thần Hòa Hợp Hòa Giải”.

    Ai có ước vọng hòa bình, và ai hòa hợp hòa giải với ai? Ngay từ tháng 4/ 1973, chính người lính miền Nam đã can đảm, theo lời mời của một anh bộ đội miền Bắc, đi tay không sang chiến tuyến bên kia đang có đầy súng đạn và cả tên lửa dưới các giao thông hào (theo lời kể của ông Chu Chí Thành), để bắt tay cô “bộ đội gái” và choàng vai chụp ảnh với người “anh em bên kia”, trong niềm hy vọng (dù rất mong manh) là Hiệp Định Hòa Bình Paris sẽ thực sự mang lại hòa bình, khi quân đội Mỹ không còn hiện diện trên đất nước. Vậy mà cái hòa bình “giả tạo” khốn kiếp ấy không kéo dài được quá hai tháng! Chính CS Bắc Việt, với bản chất xảo quyệt tráo trở, lợi dụng thời gian “hưu chiến” này để ồ ạt đưa đại quân, chiến xa và súng đạn vào đánh chiếm miền Nam, gieo thêm bao nhiêu tang tóc, để cuối cùng tạo nên một đất nước khiếp nhược, rệu rã tất cả mọi phương diện, từ đạo đức, giáo dục đến kinh tế, để nuôi béo đám cường quyền Cộng Sản thối nát, hèn mạt hôm nay. Vậy mà cái chiêu bài “đánh Mỹ cứu nước” vẫn có thể lường gạt, làm mê muội cả bao nhiêu triệu dân miền Bắc, bởi năm 1973 không còn hiện diện một người lính Mỹ nào tại chiến trường miền Nam!




    Sau Hiệp Định Paris 1973, đơn vị tôi trú đóng tại Kontum. Cũng có một thời gian ngắn “ngưng bắn kiểu da beo”. Chúng tôi được một đơn vị CS chính thức mời sang “vùng tạm chiếm” để “liên hoan”. Trong chúng tôi không một ai tin đó là lòng thành thật và sẽ có hòa bình. Tuy nhiên để tỏ thiện chí, một nhóm mười hai người, dưới sự hướng dẫn của một vị trung tá, cũng đươc lệnh đi tay không sang vùng đất địch, mang theo một xe (Jeep) bánh mì, thịt hộp, bia và thuốc lá Quân Tiếp Vụ làm quà cho những “người anh em”. Chúng tôi được một “thủ trưởng” mang “quân hàm thượng tá” tiếp đón. Tất cả cùng “liên hoan” với bánh mì thịt, bia và thuốc lá của chúng tôi mang đến. Dĩ nhiên là chúng tôi ăn trước để họ tin là không bị thuốc độc. Sau đó còn được mời đấu giao hữu bóng chuyền. Cả đơn vị tôi cùng một hợp đoàn trực thăng phải ứng chiến sẵn sang trong suốt thời gian nhóm mười hai người “liên hoan” trên phần đất địch. (Bởi qua bao nhiêu kinh nghiệm máu xương, đặc biệt là cuộc “hưu chiến” để đồng bào mừng Tết Mậu Thân (1968) đã được hai bên thỏa thuận, vậy mà Hồ Chí Minh còn trực tiếp ra lệnh tấn công trá hình bằng “lời chúc Tết của bác” trên đài phát thanh Hà Nội. Kế hoạch “tổng tấn công và nổi dậy” trên khắp các thành phố lớn miền Nam đã bị thảm bại, nhưng CS đã giết biết bao nhiêu thường dân vô tội. Đặc biệt tại Huế, trước khi rút lui, CS còn ra lệnh giết và chôn sống tập thể cả hàng vạn người. Đến hôm nay, Hoàng Phủ Ngọc Tường, một kẻ nhúng tay vào cuộc tắm máu đó, đang phải sống trong những ngày thê lương, hoảng loạn, bởi ám ảnh những oan hồn).

    Sau cuộc “liên hoan mừng hòa bình” đó không bao lâu, thì CS đồng loạt mở các cuộc pháo kích thật dữ dội và tấn công chúng tôi, nhưng đều thảm bại, vì chúng tôi không bất ngờ, đã chuẩn bị sẵn sàng. Khai thác đám tù binh bị bắt, họ khai là cuộc “liên hoan” hôm ấy chỉ là màn kịch bịp do cấp trên đạo diễn, và tay “thủ trưởng mang quân hàm thựợng tá” tiếp chúng tôi hôm ấy thực ra chỉ là một anh hạ sĩ. Còn tay thượng tá chính thức thì đóng vai “cần vụ”. Chúng tôi không hề ngạc nhiên về bản chất xảo quyệt của những người CS.

    Người dân miền Nam và đặc biệt là người lính miền Nam, luôn có ước vọng hòa bình, luôn mong ước dân chúng hai miền Nam Bắc được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc. Chúng tôi không hề muốn chiến tranh, chúng tôi chỉ phải cầm súng để tự vệ. Tính nhân bản của người lính miền Nam được thể hiện qua tâm tư của một người lính từng phục vụ trong một đơn vị biệt kích, nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bắc Sơn (vừa qua đời ở Việt Nam):

    Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
    nghe súng rừng xa nổ cắc cù
    chợt thấy trong lòng mình bát ngát
    nỗi buồn sương khói của mùa thu

    (Mật Khu Lê Hồng Phong)
    ….
    Kẻ thù ta ơi, những đứa xâm mình
    ăn muối đá và hăng say chiến đấu

    Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
    đi hành quân với rượu đế mang theo
    mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
    xem chiến cuộc như tai trời ách nước

    Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
    vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
    chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
    suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
    (Chiến Tranh Và Tôi)


    Người dân miền Nam, trong đó có cả hơn một triệu người miền Bắc đã phải bỏ quê hương di cư vào Nam năm 1954 cùng con cháu sau này, cầm súng chỉ để tự vệ, không hề gây chiến tranh bên kia bờ Bến Hải. Vậy ai là kẻ gây ra chiến tranh để giết hàng mấy triệu người “anh em” của hai miền Nam Bắc, làm tan hoang cả đất nước, và điêu linh khốn khổ cho cả một dân tộc?

    Bà Dương Thu Hương, một đảng viên, nhà báo Cộng Sản, trên đường vào “tiếp thu” thành phố Sài gòn trong những ngày cuối tháng 4/75, khi đến ranh giới miền Nam, nhìn thấy sự văn minh, phồn thịnh,so với miền Bắc XHCN, đã ngồi bên lề đường bật khóc, đau đớn nhận ra: Kẻ man rợ đã thắng!

    Người Cộng Sản, Đảng Cộng Sản Việt Nam là một vết nhơ lớn nhất trong lịch sử mang trọng tội với dân tộc. Tấm ảnh hai người lính là một chứng tích tráo trở, lừa bịp, soi sáng thêm tội ác của người CS. Đó không thể là một “biểu tượng của tinh thần Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc.” Bởi dân tộc này không cần phải hòa hợp hay hòa giải. Chỉ có những người Cộng Sản luôn gây hận thù chia rẽ và tạo quyền lực tuyệt đối cho riêng mình bằng bạo lực (mạo danh bạo lực cách mạng!), đứng trên pháp luật, bất chấp mọi thủ đoạn man rợ để đè đầu cỡi cổ, bịt miệng cả một dân tộc Việt nam khốn khổ.

    _000_

    Phạm Tín An Ninh___
    (một người lính VNCH)
    Last edited by Việt Hạo Nhiên__; 06-06-2017 at 10:22 AM.
    ___"In the end, it's not the years in your life that count. It's the life in your years." (Abraham Lincoln)

  3. #43

    __SAU CUỘC BIỂN DÂU__
    (Tác Giả: Phạm Tín An Ninh)





    (câu chuyện từ một bộ quân phục)

    Tôi gặp và quen anh trong một trường hợp khá bất ngờ, có thể nói là hơi kỳ cục. Vợ chồng tôi đến thăm và ở lại nhà cô con gái út hai tuần. Cháu vừa mua được căn condo trong một khu nhà mới xây ở thành phố Anaheim, cách Khu Disneyland chỉ một con đường. Đêm nào, bọn tôi cũng ra balcon ngắm pháo hoa được liên tục bắn lên từ khu giải trí nổi danh này. Căn nhà nhỏ khá xinh và ở trong một khu an toàn, cô con gái út rất thích. Nhưng chỉ sau vài hôm, cứ đến một hai giờ khuya thì cả nhà phải thức giấc, bởi tiếng lục đục ở căn nhà tầng trên. Âm thanh của một vật cứng nào đó gõ xuống nền nhà. Không đều đặn, năm ba phút một lần, dù nhẹ nhưng cũng đủ làm buốt trong đầu.

    Sáng hôm sau, cô con gái nhờ tôi lên nói chuyện với chủ nhà, yêu cầu chấm dứt các tiếng gõ khó chịu vào giữa khuya ấy, để chúng tôi không bị mất ngủ, đặc biệt cô con gái phải đi làm khá sớm.

    Sau hai lần bấm chuông, một người đàn ông mở hé cửa, gật đầu chào. Rất may, lại là một đồng hương. Chưa nói chuyện với chủ nhà, nhưng tôi đã thoáng hiểu được nguyên nhân gây ra tiếng động. Ông ta chống hai cây nạng gỗ. Mọi bực tức trong tôi bỗng dưng biến mất, những lời “cảnh cáo” tôi dự định sẽ nghiêm mặt nói với ông cũng tan biến theo. Tôi lễ phép chào ông, bảo là tôi ở tầng dưới, muốn đến thăm và làm quen với người đồng hương láng giềng. Ông nở nụ cười, làm rạng rỡ phần nào khuôn mặt khắc khổ, đã có nhiều vết nhăn, một phần được che phủ bới mái tóc dài bạc trắng. Ông mở rộng cửa mời tôi vào nhà. Tôi hơi khó chịu với mùi khói thuốc lá và cả mùi rượu.

    – Anh ở đây một mình? Câu đầu tiên tôi hỏi.

    – Vâng, thỉnh thoảng có cô con gái đến thăm. Cháu ở trên Riverside, cách đây khoảng gần một giờ lái xe.

    Căn nhà nhỏ một phòng ngủ, phòng khách chưng bày đơn giản. Điều làm tôi chú ý là hai tấm ảnh treo trên vách, phía sau bàn ăn. Một tấm là chân dung của một người lính, tấm kia là ảnh gia đình. Thấy tôi chăm chú nhìn, anh cười, bảo là ảnh của anh và vợ con anh lúc xưa. Anh chống nạng đứng lên, như có ý mời tôi đến xem.

    Tôi tròn mắt ngạc nhiên, tấm ảnh chân dung là một sĩ quan trẻ, mang cấp bậc thiếu tá, trông khá đẹp trai, phảng phất nét hào hùng. Trên ngực mang khá nhiều huy chương. Tấm ảnh kia anh chụp với người vợ xinh đẹp và hai đứa con kháu khỉnh. Lòng tôi bỗng chùng xuống, như vừa chạm vào một vết thương cũ. Tôi bất giác quay người lại, đứng nghiêm đưa tay chào:

    – Xin chào niên trưởng!

    Anh tròn mắt bất ngờ, rồi đưa tay ra bắt tay tôi. Sau này, tôi được biết tấm ảnh chân dung này anh chụp sau khi được thăng cấp thiếu tá tại măt trận Quảng Trị tháng 10 năm 1971, khi anh đang là tiểu đoàn phó, thay vị tiểu đoàn trưởng bị trọng thương, chỉ huy đơn vị phá vòng vây địch, tạo một chiến thắng lẫy lừng.

    Chúng tôi trở nên đôi bạn thân thiết kể từ hôm ấy. Hình như giữa chúng tôi có điều gì đó cùng “tần số” với nhau. Trước đây anh sống rất âm thầm, khép kín, không muốn gặp gỡ tiếp xúc một ai, kể cả những người quen biết cũ. Sau này, cứ mỗi lần đến nhà cô con gái tôi đều ghé thăm anh, mang theo cho anh một ít nem chua Ninh Hòa mà anh rất thích. Anh say sưa kể cho tôi nghe một thời hào hùng trong binh nghiệp. Anh nức nở khi nhắc tới những vị đàn anh, những đồng đội hào hùng đã phải hy sinh oan khiên tức tưởi, đặc biệt trong trận chiến Hạ Lào- Lam Sơn 719. Người được anh nhắc đến nhiều nhất, ngưỡng phục và thương tiếc nhất là Cố Đại Tá Lê Huấn, một vị tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi nổi danh, tốt nghiệp Khóa 18 VBĐL mà có một thời anh được phục vụ dưới quyền.

    Anh bảo tôi vào phòng ngủ để anh cho xem một kỷ vật. Anh bật đèn lên tôi ngạc nhiên khi thấy một bộ quân phục. Nhìn kỹ, tôi nhận ra đây là một bộ quân phục tác chiến đã cũ, có những vết sờn rách, được giặt ủi cẩn thận và treo trong một cái tủ kính nhỏ. Loại tủ để chưng bày. Anh mở cửa tủ và cẩn thận lấy bộ quân phục, ôm vào người một cách trang trọng. Đôi mắt mơ màng như đang tìm về một quá khứ xa xăm nào đó. Anh thốt ra môt giọng trầm buồn. Dường như là để nói với chính anh hơn là
    với tôi, người đang đứng ngay trước mặt anh:

    – Đây là bộ đồ trận của anh ấy, anh Lê Huấn.

    Sau chiến thắng lẫy lừng tại Căn Cứ O’Relly, khi tiểu đoàn anh dưới tài chỉ huy tài ba của Trung Tá Lê Huấn đã đánh tan một lực lượng địch cấp trung đoàn của Sư Đoàn 304 BV, tháng 8/1970 tiểu đoàn lại đánh một trận khốc liệt với một đại đơn vị khác cũng của Sư Đoàn 304 BV này tại Hải Lăng, Quảng Trị. Khi ấy anh đang là đại đội trưởng thâm niên nhất của tiểu đoàn. Cả hơn một trung đoàn địch, sau nhiều đợt tiền pháo kinh hoàng đã đồng loạt xung phong nhằm tràn ngập vị trí đóng quân của tiểu đoàn 4/1. Trung Tá Lê Huấn rời khỏi hầm chỉ huy, đích thân điều động đơn vị quyết chiến trước một cuộc thư hùng sinh tử. Từng đợt địch quân bị đốn ngã ngay trước giao thông hào, nhưng bọn chúng như là những con thiêu thân lao vào lửa, lớp này ngã lớp khác lại xông tới. Nhờ sự chiến đấu kiên cường của đơn vị anh, và đặc biệt dưới sự chỉ huy tài tình và gan dạ của vị tiểu đoàn trưởng lừng danh, đã ngăn chặn, tiêu hao và cầm chân địch trước khi được những phi vụ không yểm, đánh trên đầu địch. Những trận không kích gây thiệt hại nặng nề cho địch nhưng cũng làm bị thương một số binh sĩ của đơn vị, vì khoảng cách giữa ta và địch quá gần. Anh là một trong những người bị trọng thương hôm ấy. Trời tối và mưa lớn, lưới phòng không dày đặc, không tản thương được, Anh Lê Huấn ra lệnh ban quân y mang anh vào nằm trong hầm chiến đấu của anh Huấn để được tương đối an toàn và băng bó chữa trị cấp thời. Thấy máu và bụi bặm thắm đầy bộ chiến y ướt đẫm nước mưa của anh, vị tiểu đoàn trưởng bảo người lính cận vệ lấy bộ áo quần trong ba-lô của mình mang đến thay cho anh. Khi tản thương về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, nhiều bác sĩ cứ tưởng anh là Trung Tá Lê Huấn, bởi bảng tên và cả cái lon trung tá còn nguyên trên ngực và cổ áo.

    Vết thương chưa lành, nằm trong Quân Y Viện mà lòng anh rất nôn nao khi biết tin đơn vị tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719. Một kế hoạch qui mô với sự tham chiến của hầu hết các đơn vị chiến đấu thuộc Vùng I: Sư Đoàn 1BB, các đơn vị Thiết Giáp, Biệt Động Quân, cùng với các Lữ Đoàn Nhảy Dù và TQLC. Anh khao khát được có mặt cùng đơn vị trong trận chiến đặc biệt này, nhưng vết thương ở chân phải là trở ngại chính để bắt anh phải nằm lại ở đây.

    Anh theo dõi từng ngày từ khi cuộc hành quân bắt đầu. Các tin tức không vui từ chiến trường, những tổn thất nặng nề của quân ta sau khi các căn cứ 31, 30 lần lượt thất thủ. Đại Tá Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù cùng nhiều cấp chỉ huy của ta bị lọt vào tay giặc. Một số phải tự sát để giữ tròn khí tiết. Từ các kế hoạch hành quân tồi tệ mà địch quân gần như biết trước để chuẩn bị trận địa đến việc thiếu thống nhất ở các cấp chỉ huy đã góp phần cho sự thảm bại. Điều đau đớn nhất đã làm tim anh thắt lại khi nghe tin Tiểu Đoàn 4/1 của anh nhận lãnh trách nhiệm nặng nề, làm lực lượng chặn hậu để cho Trung Đoàn rút lui khỏi căn cứ Lolo trong tình trạng bị bao vây nguy khốn. Anh bật khóc khi nghe tin Trung Tá Lê Huấn, vị tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi tài năng đã lẫm liệt hy sinh, và cả tiểu đoàn chỉ còn 32 binh sĩ sống sót trở về! Anh nghĩ từ nay sẽ vĩnh viễn không còn gặp lại người chỉ huy mà anh ngưỡng phục và hằng mong được tiếp tục phục vụ dưới quyền. Anh nhớ tới bộ quân phục mà Trung Tá Lê Huấn đã đưa cho anh thay khi anh bị trọng thương cách đây vài tháng, anh còn chưa kịp trả lại, và bây giờ thì không còn có cơ hội để trả lại cho khổ chủ. Anh quyết định giữ lấy bộ quân phục này như một kỷ vật thiêng liêng trong cuộc đời mình. Và sau đó dù phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, khốn khổ, nhất là sau ngày nước mất nhà tan, anh vẫn luôn trân trọng bộ quân phục mà anh nghĩ có mang hồn thiêng của anh Lê Huấn và của cả những đồng đội đã hy sinh.

    Sau khi xuất viện, anh được bổ sung đến một trung đoàn khác giữ chức vụ tiểu đoàn phó. Tháng 10/ 1971 anh thăng cấp Thiếu tá tại mặt trận. Cuối năm anh lên nắm tiểu đoàn thay thế vị tiểu đoàn trưởng bị thương, sau đó được theo học khóa quân chánh. Một thời gian sau, vết thương cũ ở chân phải tái phát. Sau khi chữa trị anh đi khập khiễng. Hội Đồng Giám Định Y Khoa xếp anh vào loại 2, không chiến đấu được. Được đề nghị bổ sung về Phòng 3 Quân Đoàn, nhưng anh xin đi làm chi khu phó cho anh tiểu đoàn trưởng cũ, bây giờ là quận trưởng của một quận miền núi. Quận lỵ là một tiền đồn chiến lược, nằm tại một vị trí trọng yếu khống chế cả con đường tiếp liệu của Cộng quân, nên bọn chúng tìm mọi cách để san bằng. Gần cuối năm 1974, Cộng quân mở nhiều đợt tấn công biển người nhằm chiếm quận lỵ, vị quận trưởng bị thương nặng. anh đã phối hợp với các đơn vị bạn tăng cường, trực tiếp chỉ huy điều động cuộc phản công rất oanh liệt giữ vững được phòng tuyến qua nhiều cuộc tấn công qui mô của địch. Nhưng tổn thất của ta khá nặng và đạn dược dần dà cạn kiệt, trong lúc Cộng quân luôn được tăng cường, cuối cùng anh phải mở đường máu, rút lui trước khi căn cứ bị địch quân tràn ngập. Anh bị thương nặng ở chân, điều kỳ lạ là ngay tại vết thương cũ. Nhờ kinh nghiệm chiến trường và hai người lính nghĩa quân rất trung thành và khôn ngoan giúp đỡ, thay phiên cõng anh thoát khỏi vòng vây truy lùng của địch. Anh được đề nghị thăng cấp đặc cách lên trung tá, nhưng sau đó bị cưa mất chân phải. Nỗi đau đớn vì phải mất đi một phần thân thể chưa nguôi, thì cái đau đớn tột cùng cũng vừa ập đến: Tháng 3/75, cả Vùng I bỗng chốc lọt vào tay Cộng sản, Sư Đoàn 1BB, đơn vị nổi danh mà anh luôn hãnh diện phục vụ trong gần cả một đời binh nghiệp cũng tan tành, rồi cả miền Nam mất vào tay giặc. Những đồng đội từng chiến đấu, một thời sống chết cùng anh bỗng dưng tan tác như chỉ sau một cơn ác mộng.

    Mất một cái chân, nhưng anh vẫn bị tù đày nghiệt ngã trên bảy năm trong nhiều trại tù của bọn Cộng sản man rợ. Ra khỏi tù anh lại mất cả gia đình. Người vợ xinh đẹp ngày nào đã gởi đứa con gái lớn, năm tuổi, cho bà nội già, bồng theo đứa con trai ba tuổi, lẳng lặng sang sông về một nơi nào đó. Gia tài một đời binh nghiệp của anh giờ chỉ còn mỗi một bộ đồ trận, chiến y của người chỉ huy mà anh từng kính yêu đã hy sinh. Trước khi vào tù, anh căn dặn mẹ anh phải giữ kỹ bộ quân phục này cho anh với bất cứ giá nào, bởi đó là một kỷ vật quý giá nhất còn lại của đời anh. Theo đề nghị của mẹ, anh đồng ý cho bà tháo ra và đốt đi cái bảng tên và cấp bậc may trên áo.
    Có lẽ từ lâu lắm mới có người chăm chú ngồi nghe, nên anh say sưa kể cuộc đời mình. Đôi lúc sụt sùi, nước mắt tưởng đã khô cằn, bỗng ràn rụa trên khuôn mặt khắc khổ già nua, và từng giọt rơi xuống bộ quân phục anh đang ôm ấp trong lòng mình.

    – Sau này anh có dịp nào gặp lại chị nhà và đứa con trai? Tôi hỏi.

    – Bà đã có chồng khác từ lâu rồi, đang sống ở Âu Châu. Tôi buồn nhưng không trách. Ngại đụng chạm tới hạnh phúc riêng của bà, và cả vết đau trong lòng mình nên không muốn liên lạc. Còn đứa con trai có sang thăm tôi hai lần, nhưng cháu vẫn nhìn tôi xa lạ lắm. Cũng phải thôi, vì khi tôi vào tù thì cháu chỉ mới lên ba, trong ký ức của cháu có lưu lại một chút hình ảnh gì của tôi đâu. Riêng con gái tôi có sang thăm mẹ và em cháu vài lần.

    Nói dứt câu, anh cúi xuống như muốn giấu riêng nỗi xúc động.

    – Anh có thường cảm thấy cô đơn và tiếc nuối những ngày xưa?

    – Cũng có chứ, nhưng lâu rồi thành quen và gần như không còn muốn nhớ tới nhiều chuyện cũ.

    Tôi đưa tay nắm chặt bàn tay anh thay cho một lời an ủi khó nói thành lời. Bỗng anh ngước lên, mở to đôi mắt:

    - Điều buồn của tôi bây giờ là thấy một số trong đám anh em mình mất đi khá nhiều sĩ khí, có thằng còn khốn kiếp đã vì chút lợi lộc nhỏ nhen mà chạy hùa theo giặc, nịnh bợ thô bỉ, quên mình từng hãnh diện là sĩ quan của những binh chủng hào hùng. Nhìn bọn chúng múa may khóc lóc làm trò trước mặt bọn cộng sản mà tôi muốn buồn nôn!

    Tôi cười:

    - Anh bận tâm tới những kẻ ấy làm gì. Trong tập thể nào lại không có những con sâu, tồi tệ, bán rẻ linh hồn. Cũng có thể là những thằng khùng. Nhưng đó cũng chỉ là vài trường hợp cá biệt. Cũng như nước Mỹ vừa có tên phản quốc Edward Snowden, đang trốn ở Nga-Sô. Theo tôi, đại đa số anh em mình vẫn còn giữ được tấm lòng, tình huynh đệ và trách nhiệm với quê hương đất nước chứ!

    Bỗng đôi mắt anh sáng lên:

    – Điều vui và an ủi tôi nhiều nhất là các tổ chức gây quỹ giúp anh em thương phế binh sống khốn khổ ở quê nhà. Đặc biệt là các buổi Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh thành công tốt đẹp. Thấy anh em nhà binh mình cùng bà con tham gia hưởng ứng nhiệt tình, tôi mừng và cảm động lắm. Ở bên nhà các cha thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn cũng đã can đảm, hết lòng an ủi và làm sống dậy niềm tự hào của những anh em thương binh bất hạnh, tôi cảm phục vô cùng. Có bao nhiêu tiền dành dụm tôi đều nhờ cô con gái gởi về phụ với các cha.

    Tôi cười, biểu lộ sự đồng tình. Định nói thêm đôi điều để khoe về những đóng góp phần mình, bỗng nghe anh hỏi:

    - Bạn ở Âu Châu, sang Mỹ một thời gian, chắc đã thấy trong đám anh em mình bây giờ cũng nhiều người bon chen danh lợi. Mà tội nghiệp thay toàn chỉ là danh hão! Nhiều ông tướng ông tá có danh thời trước, sang đây lại đầu quân làm tướng phường tuồng cho mấy cái chính phủ tự xưng tự diễn như đám hát chèo. Có ông giành hội này, bám tổ chức kia. Thấy mà phát ngượng! Trong đó có cả những ông ngày xưa từng là cấp chỉ huy của mình. Ngán ngẫm thật. Giấy rách mà cũng chẳng còn cái lề nào để mà giữ nữa!

    Tôi cười. Chưa kịp nói một lời an ủi, bỗng thấy anh sa sầm nét mặt:

    – Điều buồn nhất là thiên hạ lạm dụng bộ quân phục một cách đến lố bịch. Đám cưới, sinh nhật, tiệc tùng nhảy nhót mà cũng có người mặc quân phục. Có lần tôi thấy một ông mặc quân phục, mang cả lon lá và đầy huy chương lên truyền hình để quảng cáo thuốc cho một ông thầy thuốc Nam tự nhận mình là bác sĩ! Tôi xấu hổ và giận đến tím cả mặt. Tối hôm ấy, tôi ôm bộ quân phục này của anh Lê Huấn mà thấy lòng xót xa vô hạn.

    Nhớ lại một câu chuyện liên quan tới bộ quân phục đã xảy ra tại đất nước Na-Uy, nơi gia đình tôi đang định cư, tôi kể cho anh nghe:

    – Tháng 11 năm 2004, bà Kristin Krohn Devold, Bộ Trưởng Quốc Phòng Na-Uy, đến viếng thăm binh sĩ thuộc các đơn vị quân đội Na-Uy tham chiến tại Afghanistan trong lực lượng NATO. Bà được ca ngợi là một nữ bộ trưởng can đảm đã đến thăm binh sĩ khi chiến trường đang ác liệt nhất. Nhưng sau khi tin tức và hình ảnh về chuyến viếng thăm này được chiếu trên đài truyền hình quốc gia Na- Uy (NRK), bà bị nhiều sĩ quan và binh sĩ Na-Uy phàn nàn, phản đối khi thấy bà mặc quân phục từ một chiếc trực thăng bước xuống thăm một đơn vị tác chiến Na- Uy, và cả khi được Thủ Tướng Afghanistan, Hamid Kazai tiếp đón tại thủ phủ Kabul. Báo chí cũng góp phần tranh luận và tỏ ra bất bình về sự kiện này. Hầu hết cho rằng bà chưa hề ở trong quân đội, nên không được phép sử dụng quân phục, dù trong bất cứ chức vụ hay hoàn cảnh nào. Những quân nhân cho rằng bộ quân phục còn có tính thiêng liêng, bởi nhiều chiến binh đã hy sinh trong bộ quân phục này. Mặc dù bà và một số cơ quan chính phủ lên tiếng biện minh, viện lý do vì sự an toàn cho bà trong một hoàn cảnh đặc biệt, nhưng vẫn không được chấp nhận. Cuối cùng bà phải bắt buộc lên tiếng chính thức xin lỗi quân đội và cả dân chúng Na-Uy về điều này.

    Nghe tôi kể xong, anh đưa bộ quân phục đang cầm trong tay lên như để khẳng định một điều gì.

    – Đúng như thế, bộ quân phục đối với tôi luôn là một kỷ niệm thiêng liêng. Có biết bao đồng đội của tôi hy sinh đã được liệm với bộ quân phục thấm đẫm máu đào của họ. Xin đừng lạm dụng và làm đau lòng họ.

    Sau lần gặp gỡ đầu tiên này, tôi còn đến thăm anh một vài lần nữa, và bảo cô con gái: “bác ấy là người tốt, một sĩ quan đáng kính, con nên thường thăm nom và giúp đỡ bác những điều cần thiết”. Hôm đến chào từ giã anh để trở về lại Na Uy, tôi mang biếu anh hai chai rượu đỏ loại tốt. Tôi khuyên anh, khi nào buồn thì uống vài cốc cho nguôi ngoai, không nên uống nhiều rượu mạnh và hút thuốc lá, có hại cho sức khỏe.

    Anh nở nụ cười, nhưng bỗng trở nên buồn bã:

    – Anh đi rồi, tôi lại cô đơn, chẳng còn ai tâm sự.

    Hôm đó, tôi ở lại với anh tới hơn một giờ khuya. Chống gậy tiễn tôi ra cửa, anh bắt tay từ giã nhưng giữ khá lâu, không muốn tôi đi. Tôi cười, bảo nhỏ:

    - Anh cố dỗ giấc ngủ, đừng thức dậy nửa đêm, uống rượu chống nạn đi quanh nhà. Bọn tôi ở tầng dưới cũng mất ngủ với anh luôn.

    Anh gật đầu, cười thông cảm.

    Sáu tháng sau, khi trở lại Mỹ, tôi liền đến thăm anh. Bấm chuông mấy lần không ai mở. Tôi không còn nghe tiếng động của đôi nạng gỗ gõ xuống nền nhà như mọi khi. Buổi chiều, cô con gái đi làm về, cho tôi biết là anh ấy bị ung thư gan ở thời kỳ cuối. Con gái của anh đã đưa anh vào bệnh viện Fountain Valley từ tuần trước. Tôi lái xe xuống ngay bệnh viện. Anh nằm bất động. Khi tay tôi chạm vào anh, anh mở hé mắt nhìn tôi và miệng cố nở nụ cười, méo mó. Thấy anh cười mà tôi muốn khóc. Trông anh tiều tụy và hốc hác quá. Nhưng anh rất bình tĩnh, như ngày xưa khi đối diện trước quân thù. Anh muốn ngồi dậy, nhưng không còn đủ sức. Tôi ngồi bên cạnh, đưa tay xoa trên ngực anh, bảo anh cứ nằm nghỉ.

    – Bác sĩ bảo tôi không còn nhiều thời gian nữa, ngày mai phải xuất viện về nhà để gia đình lo hậu sự – Anh nói bằng một giọng thì thào, yếu ớt.

    Khi nhắc đến hai chữ gia đình, anh lại cười, chua chát:

    – Lại gia đình…!

    Hiều ý anh, tôi nói đùa cho anh vui:

    – Phải nói là đại gia đình, vì ngoài cô con gái ra, anh còn có chúng tôi nữa. Cứ yên tâm mà đi. Nhớ dọn sẵn một bãi đáp cho ngon lành, chờ tôi đáp xuống sau anh nghe.

    Chiều hôm sau anh được xe bệnh viên đưa về nhà. Cô con gái túc trực bên anh. Tôi cũng luôn có mặt. Anh ngỏ ý muốn uống với tôi một ly rượu đỏ. Cô con gái ngần ngừ, nhưng thấy tôi ra dấu gật đầu, cô rót hai ly rượu, một ly mời tôi và một ly cô cầm đưa vào miệng cha cô. Cuối cùng chúng tôi cũng cạn ly. Không ngờ đó là ly rượu từ biệt. Tôi bỗng nhớ tới lời của một bài ca cũ : “bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi, ngày mai tôi đã… đã đi xa rồi…”

    Khuya hôm đó anh trút hơi thở cuối cùng. Cô con gái cho biết anh ra đi rất yên ả. Không trăng trối một lời gì. Chỉ để lại một mảnh giấy nhỏ với vài chữ ngoằn nghèo: “Nhớ liệm ba bằng bộ quân phục trong tủ kính, nghe con."

    Đám tang thật đơn giản theo ý muốn của anh. Mấy lần anh dặn dò cô con gái không được đăng cáo phó hay báo tin cho ai biết. Tại nhà quàn, ngoài cô con gái của anh và cậu bạn trai người Mỹ, chỉ có vợ chồng tôi cùng cô con gái út. Một nhà sư già tụng một thời kinh trước khi đậy nắp quan tài. Tôi đứng nghiêm đưa tay lên chào anh. Anh nằm uy nghiêm trong bộ quân phục, khuôn mặt ánh lên nét hào hùng. Tôi có cảm giác như anh vừa chết tại chiến trường. Không có bất cứ một nghi lễ nào, nhưng tai tôi như đang văng vẳng tiếng kèn truy điệu và khúc nhạc Chiêu Hồn Tử Sĩ.

    Đứng nghiêm chào anh một lần nữa, khi quan tài đưa vào lò thiêu. Mọi thứ đều trở về với cát bụi. Lòng tôi bỗng rộn lên một niềm vui bất chợt, khi nghĩ anh sắp được gặp lại anh Lê Huấn và những đồng đội cũ, những chiến sĩ đích thực đã rất xứng đáng với bộ quân phục oai phong của QLVNCH. Họ đã tạo cho bộ chiến y một điều gì đó rất thiêng liêng.

    (Phạm Tín An Ninh)___

    ___"In the end, it's not the years in your life that count. It's the life in your years." (Abraham Lincoln)

  4. #44

    ___ Thời Thế, Thiện, Ác & Con Người
    (Tác Giả: Vương Mộng Long)

    Một ngày cuối tháng Ba năm 1970 Thượng Sĩ Woodell ghé Cư Xá Trần Quí Cáp- Pleiku đón tôi vào Bệnh Viện 71 Dã-Chiến Hoa-Kỳ để ghi tên xin khám bệnh. Hôm sau, tôi chính thức nhập viện để được giải phẫu một vết thương.
    Đúng lý ra, hôm đó, tôi phải lên đường về trình diện Tổng Y Viện Cộng-Hòa theo quyết định của Bác Sĩ Trung, Giám-Đốc Quân Y Viện Pleiku. Chỉ vì sáu tháng trước đây, vết thương trên vai trái của tôi đã được mổ một lần. Lần đó bác sĩ chỉ lấy ra được hai mảnh đạn nhỏ, còn mảnh đạn lớn vì ở quá sâu lại dính với xương vai, nên tôi được xuất viện về đơn vị, chờ ít lâu, sẽ vào nhà thương khám lại. Tôi tiếp tục đi hành quân, cho tới một ngày, thấy mủ màu đen bắt đầu nhỉ ra qua một lỗ rò dưới nách, tôi mới đi tái khám.

    Nào ngờ, kết quả lần khám này cho thấy cái mảnh đạn súng cối ấy đã di chuyển xuống vùng sườn trái, khiến cả một vùng cơ bắp sưng tấy, và đang làm độc. Ban Giám Đốc Quân Y Viện Pleiku đã làm thủ tục chuyển tôi về Tổng Y Viện Cộng-Hòa vì nơi đây có nhiều phương tiện chữa trị hơn.


    Tôi về đơn vị trình bày việc này cho trung tá liên đoàn trưởng, lúc đó cũng có mặt ông trung tá cố vấn trưởng liên đoàn. Ông trung tá Hoa-Kỳ nêu ý kiến, giới thiệu tôi vào Bệnh Viện 71 Dã-Chiến Hoa-Kỳ trước, nếu chữa không xong, họ sẽ chuyển tôi ra Hạm Đội 7.

    Bệnh viện 71 Dã Chiến nằm trong một thung lũng, bên cạnh con đường nhựa nối liền phi trường Cù-Hanh và Bộ Tư-Lệnh Quân-Đoàn II.

    Bệnh viện này là nơi tiếp nhận thương binh Mỹ từ các chiến trường Cao-Nguyên Vùng 2 chuyển về. Từ đây thương binh được cấp cứu, điều trị sơ khởi, sau đó tuỳ theo tình trạng nặng nhẹ, họ sẽ được chuyển về Sài-Gòn hay chuyển ra Hạm Đội 7.
    Thay quần áo xong, tôi được đưa vào phòng Quang Tuyến X rồi chuyển sang phòng chẩn bệnh.

    Nơi đây đã có mặt một nữ y sĩ trung tá già da đen. Bà y sĩ trung tá này chính là trưởng khoa giải phẫu của Bệnh Viện 71 Dã-Chiến. Hình dáng của bà ta thật là cao lớn và thô kệch, nhưng giọng nói của bà lại vô cùng ấm áp dịu dàng.

    Rất từ tốn, bà tự tay đo, và ghi trên hồ sơ, nhịp tim, mạch của tôi. Rồi bà bước ra cửa, nói nhỏ với cô điều dưỡng vài lời. Một phút sau ông đại úy bác sĩ phụ trách ca mổ của tôi có mặt. Ông y sĩ đại úy này da trắng, cũng hơi lớn tuổi, và mang kiếng trắng. Hai vị thày thuốc luân phiên quan sát hai tấm hình X Ray, rồi sờ nắn vùng đang sưng tấy bên nách tôi. Khi ngón tay của họ nắn bóp trên chỗ sưng, tôi cảm như nơi đó là một quả xoài đã chín nhũn, chứ chẳng thấy đau đớn gì cả. Công việc chẩn bệnh chấm dứt, tôi ngồi chờ người dẫn sang phòng mổ.

    Chợt ngoài bãi đáp có tiếng động cơ của trực thăng tản thương. Hai điều dưỡng viên chạy ra khiêng chiếc cáng, trên đó là một thương binh băng kín nửa người phần dưới. Theo sau chiếc cáng là một sĩ quan Mỹ và một sĩ quan Việt-Nam. Người sĩ quan Việt-Nam đó là Đại-Úy Phạm Văn Tư Khóa 19 Võ Bị, tôi quen biết.

    Anh Tư là dân Tình-Báo, đang tăng phái ngắn ngày cho ban thẩm vấn đặc biệt của Mỹ tại Hàm-Rồng.

    Thấy bệnh nhân là một người Việt-Nam, nên tôi thắc mắc hỏi anh Tư

    - Ủa! Sao Niên Trưởng không đưa người của Niên Trưởng vào Quân Y Viện Pleiku mà lại đưa vào đây?

    - Có phải người của “moa” đâu? Việt-Cộng đó!

    - Việt-Cộng à?

    - Thằng Việt-Cộng này vướng Claymore ngoài rào trại Dak-Séang. Mỹ bắt được, đem về Camp Enari , giao cho Phòng 2 Sư Đoàn 4 (Hoa-Kỳ).

    - Từ Camp Enari về đây có vài ba cây số sao không dùng xe mà phải xử dụng tới trực thăng?

    - “Moa” thấy đùi của anh ta bị quấn “garô” sưng to quá, sợ xảy ra nội xuất huyết thì chết, nên đề nghị với Mỹ lấy máy bay của sư đoàn, đưa anh ta về đây.

    Nhìn mặt người nằm trên cáng, tôi đoán chừng hắn cũng cỡ tuổi của tôi và anh Tư thôi.

    - Hắn thuộc đơn vị nào vậy?

    - Tụi “moa” vừa ký nhận đã phải đưa tới đây ngay. Chưa hỏi được câu nào.

    - Bộ anh ta đi đánh nhau không mang theo giấy tờ gì sao?

    - Có chứ! Nhưng tài liệu mình còn để trên bàn. Việc cứu người là trọng, phải lo trước. Chiều nay mình sẽ nghiên cứu tài liệu cũng chưa muộn.

    - Ừ nhỉ! Dù gì thì hắn ta cũng là người Việt-Nam, chỉ không cùng chiến tuyến với chúng mình.

    - “Toa” biết không? Trên đường đi, hắn cứ luôn mồm gọi “Xuân ơi! Xuân ơi!” Chắc hắn yêu thương người mang tên Xuân này lắm?

    Tôi gật đầu, tán đồng,

    - Dù là Quốc-Gia hay Cộng-Sản, thì con người nào cũng có một trái tim, biết yêu thương, và biết giận hờn.

    Một năm trước đây, trong trận Dak-Tô (5/1969), tôi đã trải qua tình cảnh tương tự như người cán binh Cộng-Sản này. Ngày đó, vào giờ phút tuyệt vọng nhất, trái tim tôi chỉ còn hình bóng người mà tôi yêu thương nhất. Tôi đã gọi tên người này nhiều lần trước khi bị ngất đi.

    Tên tù binh được chuyển vào phòng X Ray rồi sang phòng chẩn bệnh. Hai Quân-Cảnh Hoa-Kỳ được gửi tới canh gác trước phòng chẩn bệnh. Đại Úy Tư bắt tay tôi, rồi cùng viên sĩ quan Mỹ rời bệnh viện.

    Khi tôi và tên tù binh được đẩy vào phòng giải phẫu thì trên bàn mổ đang diễn ra một ca phẫu thuật khá ồn ào. Một nam bác sĩ cùng hai nữ y tá cố gắng và kiên nhẫn lắm mới lấy được cái đầu đạn đồng A.K 47 ra khỏi đùi trên của một anh lính Hoa-Kỳ. Anh lính này da trắng, còn rất trẻ, tuổi chừng mười chín hai mươi là cùng. Anh chàng bị cột chặt nửa người dưới và hai chân xuống bàn mổ, để tránh dãy dụa, gây trở ngại cho bác sĩ.

    Chắc việc mổ xẻ làm cho người trẻ tuổi đau đớn lắm, nên anh ta không ngớt khóc lóc, kêu la. Ông bác sĩ và hai cô y tá cứ phải luôn miệng, dỗ dành, an ủi anh.

    Trước cảnh này tôi cũng thấy tội nghiệp.

    Mỗi khi hoàn tất một pha mổ, toán phục dịch vệ sinh lại nhanh tay thay cái khăn bàn mới, rồi đẩy vào phòng một khay đựng dụng cụ giải phẫu khác đã tẩy trùng.

    Ca mổ của anh lính Hoa-Kỳ chấm dứt thì tới phiên anh tù binh Cộng-Sản.

    Mỗi bên đùi của tên tù binh này bị hai viên chì Claymore ghim sâu tới xương. Bác sĩ phải đánh thuốc tê từng chân, mổ lấy đạn chì từ từng vết thương một. Do đó, thời gian hoàn thành công việc này khá dài.

    Nhìn những giọt mồ hôi chảy thành dòng trên má hắn, tôi nghĩ hắn đang nén cơn đau.

    Trong suốt nửa giờ đồng hồ, hắn chỉ rên nho nhỏ trong miệng, trừ hai lần bác sĩ gắp đạn ra khỏi đùi phải thì y chịu không nổi, buột miệng hét lên:

    ” Ối! Ối! Đau! Đau quá!… Ư!… Ư!… ư… ư…”

    Với ca mổ này, cô điều dưỡng da trắng cũng tận tình săn sóc tên Việt-Cộng, không khác gì đã làm đối với anh lính Mỹ trong ca mổ trước. Cô dịu dàng lau đi những giọt mồ hôi trên mặt người tù. Dù biết rằng người được chăm sóc không hiểu cô nói gì, nhưng cô cứ dỗ dành:

    “Don’t worry! Don’t worry! You will be Okay!”

    Qua cử chỉ dịu dàng và giọng nói êm như ru của cô, không ai dám nghi ngờ rằng cô đang đóng kịch.

    Bốn viên chì đã được lấy ra rồi. Vết thương cũng được may vá và băng bó xong. Y tá chuyển người tù sang chiếc xe lăn, cạnh chiếc xe lăn của anh lính Mỹ.

    Là bệnh nhân cuối cùng, tôi leo lên bàn mổ mà nửa người bên trái nặng như đeo chì.

    Tôi bị cởi trần, nằm hơi nghiêng về bên trái. Cô y tá vừa lau sạch đám bọt oxygen trên vùng sườn trái của tôi, thì ông bác sĩ bắt đầu dùng mười đầu ngón tay ấn nhè nhẹ quanh quanh, thăm dò. Rồi thật từ từ, ông dùng iode vàng xoa trên vùng đang mưng mủ, rộng dần ra thành một bề mặt cỡ lòng bàn tay.

    Ông y sĩ đại úy chích cho tôi ba mũi thuốc tê, rồi huyên thuyên cùng tôi đôi chuyện nắng mưa. Vài phút sau, ông mới bắt đầu ra tay.

    Dưới tay ông, lưỡi dao sắc như nước, nhanh như chớp, cắt ngọt hai nhát chéo chữ “X” xuyên da, thịt, chạm tới xương sườn của tôi.

    Sau đó, cứ thủng thỉnh, ông xẻ dọc, rồi xẻ ngang, như người ta đang băm một cái bánh mềm. Tới khi thịt da trên cái diện tích cỡ lòng bàn tay đó bị bấy ra rồi, ông bác sĩ mới dùng một lưỡi dao cong như lưỡi hái, mạnh tay cạo từng lọn thịt bầm màu xanh lẫn với máu mủ, cho rơi xuống một cái thau nhôm do cô y tá hứng.

    Vì nằm nghiêng về bên trái, tôi thấy cái thau nhôm chứa lổn nhổn những cục thịt pha máu đỏ, mủ xanh, mủ vàng, tanh hôi vô cùng.

    Tôi chợt nghĩ, nếu như tôi cứ cứ ỷ y, không chịu nhập viện, chắc chỉ sau một thời gian ngắn nữa thôi, cả vùng sườn bên trái của tôi sẽ thối rữa thành mạch lươn, hết phương cứu chữa.

    Khi lưỡi dao đục khoét lớp da thịt bên ngoài, tôi chưa thấy đau đớn chút nào, tới lúc lưỡi dao cạo trên xương nghe, “Két! Két! Cột! Cột!” thì điếng người. Ngay cả khi ở ngoài mặt trận, bị mảnh đạn ghim vào, tôi cũng không thấy đau như thế này. Toàn thân tôi run lên bần bật như đang cơn sốt rét. Tôi bật người lên, oằn người xuống, đồng bộ với những nhát dao đang cào, nạo xương sườn của tôi. Tôi cắn chặt hai hàm răng vào nhau. Hình như môi dưới của tôi bị răng tôi cắn chảy máu mất rồi? Mồ hôi trên mặt tôi chảy như tắm, rớt ròng ròng trên tấm nhựa trắng trải bàn mổ. Tôi nghĩ, lúc đó có lẽ mặt tôi đã xám xịt như chàm?

    Nhưng tôi vẫn còn tỉnh táo lắm. Tôi biết, lúc này, có hai người đồng cảnh ngộ, một bạn, một địch, đang chăm chú theo dõi, đánh giá sức chịu đựng của một người lính Việt-Nam Cộng-Hòa. Một giọt nước mắt, một tiếng kêu la của tôi sẽ nằm trong trí nhớ của họ suốt đời.

    Tôi nhắm mắt, nghĩ tới cảnh những thương binh Việt-Nam Cộng-Hòa khác đã từng lên bàn mổ, bị cưa chân, cưa tay, chắc họ phải chịu đau đớn vạn lần hơn tôi. Tôi tự an ủi rằng, mình còn may mắn hơn những người này rất nhiều…

    Rồi tôi hồi tưởng lại truyện Tam Quốc Chí đọc ngày còn bé, với huyền thoại Tướng Quân Quan Vân Trường cứ ung dung ngồi uống rượu, ngâm thơ không màng tới việc Hoa Đà đang xẻ thịt, cạo xương ông để rút mũi tên tẩm thuốc độc đang ghim trên vai ông ta ra.

    Ngày xưa làm gì có thuốc tê, thuốc mê? Vậy mà Quan Công không hé chút đau đớn nào, thì ông quả là người có sức chịu đựng phi thường. Càng nghĩ, tôi càng phục vị anh hùng thời Tam Quốc này quá!

    Bỗng nhiên bác sĩ ngừng tay dao, đưa tay chụp cái kìm. Ông ngoáy mũi kìm vào cạnh sườn tôi, kẹp chặt một vật, rồi giựt mạnh! Theo phản xạ, tôi vội oằn mình, ưỡn người lên, nương theo hướng lôi kéo của mũi kìm.

    “Bục!” thân mình tôi như bị móc lên cao, rồi rơi xuống mặt bàn.

    Tôi có cảm giác như vừa bị ông bác sĩ giựt đứt một phần thân thể? Đau thấu xương, đau tới ù tai, hoa mắt luôn! Quá sức chịu đựng, tôi xón đái ra quần mà không hay!

    “Here it is!”

    Ông bác sĩ vừa cười, vừa giơ cái mũi kìm cho tôi thấy một cục thịt to bằng đầu ngón tay cái, máu đỏ bầy nhầy. Đó là cái mảnh 82 ly vừa bị gắp ra từ khe hở giữa hai cái sương sườn.

    Thả cục đạn xuống cái khay trên bàn, ông bác sĩ lại tiếp tục cào nạo. Tay chân tôi bủn rủn không còn hơi sức. Tôi mệt lả người, nằm im như cái xác.

    Hồi lâu sau, ông bác sĩ ngừng tay, hất hàm ra dấu cho cô điều dưỡng đứng chờ bên tủ thuốc. Hiểu ý, cô điều dưỡng bưng ra, đặt trên bàn một hộp nhựa chứa hai cái lọ. Bác sĩ nhanh tay lau sạch máu trên vết mổ, rồi mở nắp cái lọ, rút ra một sợi bấc tẩm thuốc bột trụ sinh màu vàng như nghệ.

    Với cái kẹp inox, ông khéo léo nhét hết hai lọ băng bấc đèn màu nghệ vào đầy vết mổ. Xong xuôi, cô y tá dán miệng vết thương bằng một tấm băng hai lớp chứa bông gòn ở giữa, rộng bằng bàn tay. Bên ngoài miếng băng này, cô còn quấn thêm một lớp băng cứu thương quanh ngực tôi để cho tôi bớt đau.

    Ông bác sĩ và hai cô y tá đều mang băng che miệng, tôi không thấy miệng họ cười, mà chỉ thấy mắt họ cười, khi ca mổ vừa hoàn tất.

    Những gì xảy ra trong phòng giải phẫu buổi trưa hôm đó đã cho tôi thấy cái ý nghĩa cao quý của ngành y. Dưới mắt của người thầy thuốc, việc cứu người là mục đích tối thượng. Mạng sống của mỗi con người đều quan trọng như nhau: Dù người đó là bạn hay thù, là da trắng hay da màu, là Cộng-Sản hay Quốc-Gia.

    Cô điều dưỡng vừa đẩy cái khay dụng cụ đi khuất thì bà y sĩ trung tá trưởng khoa bước vào.

    Bà nói đôi lời với ông bác sĩ, rồi cúi xuống bế tôi gọn trên đôi cánh tay to lớn của bà.

    Giọng nói của bà bên tai tôi, dịu dàng như giọng của một hiền mẫu:

    “Oh! My baby! My baby! You will be Okay! My baby…”

    Anh lính Mỹ và tên cán binh Việt-Cộng cũng sững người, trố mắt.

    Bà bác sĩ bế tôi đi trước, hai cái xe lăn của anh lính Mỹ và tên cán binh Cộng-Sản được y tá đẩy theo sau.

    Ra tới phòng hồi lực, bà đặt tôi xuống giường rồi lẳng lặng đi ra. Lúc sau bà quay lại, trên tay có gói Salem và cái kẹp diêm cây. Bà để gói thuốc lá và diêm quẹt trên đầu giường tôi, rồi dơ ngón tay trỏ điểm điểm một vòng, ngụ ý món quà này dành cho cả ba người.

    Giường tôi nằm ở giữa, bên trái là anh bạn Đồng-Minh, bên phải là tên cán binh Cộng-Sản. Chỉ có đầu giường tôi bị treo lủng lẳng dây nhợ chuyền nước biển pha thuốc trụ sinh. Còn giường hai bên không bị vướng vít gì, vì họ đã được chích Penicillin rồi.

    Tôi đốt một điếu Salem đưa cho anh lính Mỹ. Anh ta lắc đầu, nhỏ nhẹ,

    - Thank you!

    Tôi đưa điếu thuốc lên môi, kéo một hơi dài, nhả khói.

    Tôi trao bao thuốc cho tên Việt-Cộng,

    - Này hút đi! Salem đầu lọc nhẹ lắm!

    - Không thèm! Nhìn tôi với ánh mắt lừ lừ, gờm gờm, hắn ta gằn giọng.

    Tôi tỉnh như ruồi,

    - Không hút thì thôi! Tớ hút một mình.

    - Thuốc của đế quốc, không thèm hút!

    - Thông cảm đi! Ở đây không có thuốc lào. Chỉ có thuốc thơm đế quốc thôi. Không hút thì nằm đó mà ngửi khói.

    Tới chiều, chúng tôi được cung cấp mỗi người một khay thức ăn, gồm một bánh mì kẹp thịt bò, một hộp sữa tươi, và một chùm nho.

    Tôi và chú GI ăn uống rất ư là tự nhiên, còn tên cán binh Bắc-Việt thì nằm quay mặt vào tường không thèm chạm tới cái khay.
    Trước khi quay gót đem theo cái khay của tôi, cô điều dưỡng nhìn tên bộ đội một lúc, rồi dịu giọng,

    - Take it! It’s good for you!

    Tôi chêm thêm,

    - Ăn đi chứ! Không ăn thì chết đói! Muốn gì thì cũng phải sống trước đã! Ăn đi!

    Cô y tá nhìn tôi, đồng tình,

    - May you tell him to take it?

    Tôi nghiêm mặt, hù cho anh cán binh sợ thêm,

    - Thôi ăn đi! Anh không ăn, cô ấy dẹp mất thì đói đấy!

    Anh chàng hình như cũng đói lắm rồi? Sau một phút ngập ngừng, chàng đưa tay cầm kẹp bánh mì, rồi vội quay mặt vào tường.

    Buổi tối, trời trở lạnh, anh lính Mỹ nổi cơn, la hét, chửi bới om xòm. Cô y tá trực phải tới ngồi ở cuối giường, an ủi dỗ dành, rồi đọc truyện cho anh ta nghe.

    Tôi mồi một điếu Salem , đưa cho tên Việt-Cộng,

    - Hút đi! Không nguy hiểm tới tính mạng đâu mà sợ.

    Lần này thì hắn ta không từ chối nữa.

    - Ừ! Có thế chứ! Này! Vì sao bị thương và bị “tó” vậy? tôi bắt đầu gạ gẫm.

    - Đang điều nghiên mục tiêu thì bị vướng mìn.

    - E mấy?

    - Hăm Tám (28)

    Tôi đã biết E 28 là tên của Trung Đoàn 28 Mặt Trận B3 Cộng-Sản Bắc-Việt, nên khai thác tiếp,

    - Năm ngoái tớ có đụng E 28 ở Dak-Tô. Trận đó E 28 chết gần hết, cậu còn sống sót là may lắm đó!

    - Mới bổ sung về E 28 hai tháng thôi.

    - Cấp chức gì?

    - Trung úy Đặc-Công.

    - Quê ở đâu?

    - Hải …”Rương”

    - Làng nào?

    - Hỏi gì mà lắm thế?

    - Thôi không hỏi nữa!

    Thấy hắn sắp quạu, tôi không thèm nói chuyện thêm. Tôi xoay người lại, nằm ngửa, quay mặt sang anh bạn Đồng-Minh. Cậu bé đã ngáy khò khò.

    Đêm vào khuya, tôi bị vết mổ hành, chỉ nhắm mắt, chập chờn. Thêm vào đấy, cứ ba tiếng đồng hồ, y tá lại đánh thức tôi dậy, nhét hai viên trụ sinh vào mồm bắt nuốt. Từ sau lần bị thương thứ nhì, cơ thể tôi không thể tiếp nhận Penicillin, nên kỳ này bác sĩ cho tôi uống Erythromycin với liều lượng cao gấp đôi để phòng ngừa vết mổ làm độc.

    Hình như tên tù binh có tâm sự, không ngủ được. Chắc anh ta đang suy tính điều gì gay go lắm? Lâu lâu hắn lại mở mền, hé mắt quan sát quanh phòng. Có lúc hắn gượng gạo ngồi dậy thử đứng hai chân trên nền nhà, nhưng thấy không vững, y đành ngồi phịch xuống nệm, thở dài.

    Mấy lần y mở miệng gọi tôi:

    “Này! Này!”

    Tôi khoát tay ra dấu cho hắn ta im tiếng, đừng làm ồn lúc đêm khuya.

    Quá nửa đêm, ba, bốn y tá vào phòng hồi sức, chuyển anh lính Mỹ ra xe, chở đi.

    Lợi dụng lúc căn phòng chộn rộn, ồn ào, anh cán binh hỏi nhỏ,

    - Các anh có đem tôi đi bắn bỏ không?

    Tôi ngạc nhiên,

    - Cái gì mà bắn bỏ? Ai nói với anh điều đó?

    Anh cán binh trả lời với vẻ mặt hoàn toàn thật thà,

    - Chính ủy nói mà! Chính ủy nói, nếu để các anh bắt, các anh sẽ đem xử bắn.

    Tôi phì cười,

    - Ai mà bắn anh làm gì? Tuyên truyền bậy bạ thế mà anh cũng tin!

    Anh Việt-Cộng ngẩn người, ra chiều suy nghĩ, rồi lẩm bẩm:

    “Chẳng lẽ chính ủy nói sai?”

    tiếng anh ta nhỏ như thể là, anh ta nói, cho chính mình anh ta nghe thôi.

    - Này! Có phải Xuân là vợ anh không? tôi hỏi dò.

    - Đúng! Xuân là vợ tôi đấy! Xuân vừa đẻ đứa con gái đầu lòng thì tôi có lệnh đi B. Không biết kiếp này tôi có còn gặp lại Xuân và Bé Ty không?

    Nghe tâm sự của anh ta, tôi không khỏi mủi lòng.

    Hai người ngừng trò chuyện khi cô y tá trở về phòng cho tôi uống thuốc.

    Ngày kế tiếp, sau bữa ăn sáng, hai Quân-Cảnh gác cửa phòng rút đi, Đại Úy Phạm Văn Tư và viên sĩ quan Phòng Nhì Sư-Đoàn 4 Hoa-Kỳ lại xuất hiện.

    Anh Tư bắt tay tôi, rồi ngồi xuống cạnh giường bệnh của tên tù Phiến Cộng,

    - Hết lo chết rồi nhé! Giờ thì mình đi thôi!

    Viên đại úy Mỹ cũng cúi xuống, vỗ vai người tù, xí xố vài câu hỏi thăm.

    Sau đó, hai sĩ quan Việt, Mỹ đỡ tên tù Cộng-Sản lên ghế lăn.

    Tôi đưa bao Salem còn hơn nửa cho tên cán binh,

    - Này! Cầm lấy! Tôi cũng người Hải-Dương…

    Anh trung úy Việt-Cộng rụt rè cầm bao thuốc lá nhét vào túi. Rồi, anh ta nắm lấy bàn tay phải của tôi, lắc lắc vài cái,

    - Các anh đã cứu mạng tôi. Người ta nói rằng các anh độc ác lắm. Nhưng thật ra… các anh có độc ác đâu?

    Lúc này ánh mắt anh ta không còn vẻ gờm gờm, hằn học nữa. Tới cửa phòng, anh ta dơ tay vẫy tôi lần cuối.

    Tới trưa, tôi được chuyền thêm một bịch nước biển pha trụ sinh, rồi rời bệnh viện lúc hai giờ chiều, theo chế độ điều trị ngoại trú.

    Bà bác sĩ trưởng khoa dúi vào tay tôi cái bao nylon, trong đó chứa cục đạn bằng gang màu đen đã được chùi rửa sạch.

    “Don’t throw it away! Keep it for memory!” bà dặn dò.

    Bà không bắt tay tôi, mà xoay lưng đi về văn phòng.

    “Take care! Good bye! My son!” phút chia tay, hình như bà tránh nhìn tôi, giọng nói của bà run run.

    Khi đỡ tôi lên xe, cô y tá mới nói nhỏ vào tai tôi: “Her son was a Ranger like you!”

    Hai ngày sau tôi trở lại bệnh viện để thay băng thì cô y tá quen báo cho tôi biết rằng bà y sĩ trung tá trưởng khoa vừa lên đường về nước vì bà đã mãn nhiệm kỳ phục vụ ở Việt-Nam.

    Nhớ tới bà, lòng tôi chợt dâng lên một cảm giác lâng lâng, ngọt ngào.

    Thế là bà đã về quê! Bà đã xa rời chốn hiểm nguy. Bà sẽ về đoàn tụ với người con trai của bà; anh ấy cũng là một “Ranger” như tôi. Bà cũng giống mẹ tôi: những lúc xa con, thấy anh lính nào cỡ tuổi con mình, cũng thấy thương, như là thương con mình…

    ***
    Cuối tháng Chín năm 1974 Liên Đoàn 24 Biệt Động Quân xuống Đức-Lập tăng cường cho Tiểu-Khu Quảng-Đức để tham dự cuộc hành quân khai thông Liên Tỉnh Lộ 8 B. Thiếu Tá Phạm Văn Tư (lúc này là Trưởng Phòng 2 Tiểu-Khu) lại gặp tôi lần nữa. Nhớ chuyện năm nào ở Bệnh Viện 71 Dã-Chiến, tôi hỏi anh Tư,

    - Ngày đó, vì cớ gì mà anh cứu thằng trung úy Đặc-Công Việt-Cộng?

    - Đạo lý làm người mà Long! “Moa” cứu hắn, chỉ vì hắn sắp chết. Vả lại, hắn đâu phải là kẻ thù của chúng ta? Hắn chỉ là kẻ địch của chúng ta thôi.

    Tôi biểu đồng tình,

    - Đúng! Kẻ thù là người có ân oán với mình. Những tên cán binh đang đánh nhau với mình thì có thù oán gì với mình đâu?
    Tôi hỏi tiếp,

    - Sau này anh có còn gặp lại y không?

    - Không. Vì khai thác xong thì tụi này chuyển giao anh ta cho Phòng Nhì Quân-Đoàn II ngay. Giữ lâu làm gì?

    Tôi nhắc anh Tư,

    - Anh có nhớ chuyện thằng Vi-Xi đó cứ gọi tên Xuân lúc hôn mê không? Và anh có biết Xuân là ai không?

    - “Moa” không hỏi, mà cũng quên khuấy chuyện này rồi.

    - Xuân là tên vợ hắn. Đứa con gái hắn vừa chào đời, thì hắn có lệnh vào Nam .

    Nghe vậy, anh Tư bèn đưa bàn tay phải lên ngang ngực, dơ ngón trỏ ra nhịp nhịp,

    - Ừ há! Chắc ngày trao đổi tù binh năm 1973 hắn đã về đoàn tụ với gia đình ngoài Bắc rồi.

    Tôi chợt nhớ, tên cán binh ấy là người Hải-Dương, nên buột miệng,

    - Thằng đó là người cùng quê với tôi đấy!

    Anh Tư gật gù,

    - Có khi hai người là bà con cũng nên?

    Tôi cũng gật gù theo,

    - Biết đâu chừng lại là anh em, họ hàng. Tôi có một bà dì và hai ông bác còn ở ngoài Bắc. Nếu như hắn là con của những người này, thì quả là “cốt nhục tương tàn”.

    Anh Tư phụ họa,

    - Những thằng địch đang cầm súng chỉ là nạn nhân bị tụi đầu sỏ cầm quyền lợi dụng máu xương thôi. Mấy thằng Cộng-Sản “cội” đang ăn trên, ngồi trốc ở ngoài Hà-Nội mới là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh “nồi da xáo thịt” này. Tụi đó mới chính là kẻ thù của chúng mình!

    ____***____

    Đầu năm 1976, nghĩa là đúng sáu năm, sau ngày Đại Úy Phạm Văn Tư áp giải viên trung úy Đặc-Công Việt-Cộng tới Bệnh Viện 71 Dã-Chiến Hoa -Kỳ, thì tôi và anh Tư đã thành hai trong số vài trăm tù nhân cấp thiếu tá của khu K 3 trại Tam-Hiệp, Biên-Hòa.


    Thời kỳ này, giờ khắc trôi từ từ như đang đợi chờ ngày bầu cử Quốc-Hội nước Việt-Nam Thống-Nhất. Chúng tôi còn ở trong Nam, chưa bị đưa ra Bắc, chưa bị cưỡng bách làm các công tác lao động nặng.

    Riêng anh Phạm Văn Tư và người cùng Khóa 19 Võ-Bị của anh là Trần Văn Bé được trại tuyển dụng làm thợ đóng bàn ghế trên ban chỉ huy. Tám giờ sáng, vệ binh vào mở cổng, dẫn hai anh đi làm công tác. Năm giờ chiều, hai anh tự động trở về K 3, không có ai dẫn độ.

    Anh Trần Văn Bé là người ở cùng Đại Đội B với tôi trong Trường Võ-Bị thời sinh viên sĩ quan. Anh Bé cũng là người đã huấn luyện tôi những ngày đầu đời lính, nên chúng tôi không lạ gì nhau.

    Chiều chiều, anh Tư và anh Bé thường rủ tôi tới Lán 2, nơi có cái bàn gỗ của Thi Sĩ Trương Minh Dũng để hút thuốc lào và tán gẫu. Anh Trương Minh Dũng là bạn cùng Khóa 5 Thủ- Đức với Trung Tá Hoàng Kim Thanh, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 24 Biệt Động Quân. Tôi đã gặp anh Dũng vài lần khi chúng tôi mới tới tăng phái cho tỉnh Quảng-Đức (9/1974). Lúc đó anh Dũng đang giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Tiểu-Khu này. Bây giờ thì ông Thi Sĩ Tham Mưu Trưởng Tiểu-Khu ngày xưa đã mang biệt danh rất hợp thời là “Dũng Điếu Cày”.

    Anh Tư biết tôi ghét thuốc lào, nên mỗi ngày anh đều vấn cho tôi vài điếu thuốc rê Cẩm-Lệ.

    Buổi trưa một ngày tháng Hai năm 1976, có tiếng súng liên thanh nổ ròn rã một tràng dài ngoài hàng rào. Tiếng súng ngừng lại vài giây, rồi tiếp tục, nhưng lơi đi, từng phát một, như ai đó đang thực tập bắn bia. Trên con đường nhựa bao quanh các khu cách ly, vệ binh chạy rầm rập nối đuôi nhau. Chúng vừa lên đạn “lách cách!” vừa gọi nhau ơi ới:

    “Báo động! Báo động! Tù trốn! Tù trốn!”

    Cổng chính của tất cả các khu giam giữ tù cải tạo liền bị đóng kín, khóa lại. Chòi gác nào cũng đầy lính canh, súng chĩa vào sân. Tù nhớn nhác nhìn nhau ngơ ngác.

    Rồi cửa hông được mở cho hai vệ binh ghìm súng A.K đi vào K 3 để kiểm tra. Tù cải tạo bị đuổi về lán. Vệ binh vào từng nhà, đếm đầu, nhận mặt từng người, với sự xác nhận của lán trưởng.

    Kiểm tra xong, trong sân trại sinh hoạt đã trở lại, nhưng không còn cái không khí ồn ào náo nhiệt thường ngày. Tù cải tạo vẫn tụm năm, túm ba, nhưng không phải để đánh cờ, chơi bóng chuyền, hay tập thể dục dưỡng sinh, mà để rì rầm với nhau về chuyện mới xảy ra lúc buổi trưa. Chẳng ai biết vị sĩ quan nào của Việt-Nam Cộng-Hòa đã mạo hiểm làm nên sự kiện này. Trong sân trại, tiếng chim se sẻ nói chuyện với nhau nhiều hơn là tiếng người ta.

    Khoảng hai giờ chiều, loa phóng thanh trên chòi cao ra lệnh cho các lán trưởng lên văn phòng nhận lệnh.

    Khi trở về, lán trưởng Lán 24 của tôi là Thiếu Tá Trần Thành Trai tập họp tất cả lán viên, rồi tuyên bố:

    “Trưa nay có hai cải tạo viên trốn trại. Tên Phạm Văn Tư bị bắt lại. Tên Trần Văn Bé còn tại đào. Các anh đừng hoang mang, nghe lời dụ dỗ của bọn phản động mà trốn trại, sẽ mang họa vào thân.”

    Chẳng rõ câu tuyên bố này là do Lán Trưởng Trần Thành Trai ứng khẩu, hay anh ta đã sao y nguyên bản lời của cán bộ?

    Tôi ra sân bóng chuyền tìm gặp vài người quen để hỏi thăm tin tức của hai người đàn anh Khóa 19.

    Một anh lán trưởng tiết lộ: Khi anh ta lên họp trên ban chỉ huy trại thì nghe vệ binh nói với nhau rằng anh Phạm Văn Tư bị bắn trọng thương, nhưng vẫn còn bị bỏ nằm trong hàng rào kẽm gai, vì khu vực đó có mìn nên vệ binh không chịu chui vào lôi anh Tư ra.

    Xế chiều, anh bạn Bắc Hải ngoắc tôi ra góc sân thì thầm,

    - Anh Bé thoát rồi! Còn anh Tư thì bị bắn nát bấy cả hai đùi và hai cánh tay. Người bắn anh Tư là “Thượng Sĩ Buồn” đó! Anh Tư thiệt là số xui. Thằng Thượng Sĩ Buồn đi đái, gặp ngay lúc anh Tư đang bị kẽm gai móc vào lưng áo, cách cầu tiêu có vài thước thôi. Nó chạy vào lấy khẩu A.K 47 nhắm hông và đùi của anh Tư, bắn hết một băng đạn ba mươi viên. Rồi nó ráp băng đạn thứ nhì, tì súng trên hàng rào, cứ nhắm tay, chân của anh Tư mà tiếp tục bóp cò từng viên một, cho tới viên cuối cùng. Chân tay anh Tư đã nát bấy, nên anh ấy chỉ còn nước nằm kêu la đau đớn chờ chết. Mãi tới ba giờ chiều chúng nó mới cho gọi mấy anh cải tạo viên bên K 1 chui vào hàng rào, lôi anh Tư ra. Họ khiêng anh Tư về bệnh xá, thằng thiếu úy trưởng trại không cho băng bó, nó còn bắn thêm ba, bốn phát K 54 vào bụng anh Tư, rồi bắt khiêng anh Tư bỏ trên miếng ván nằm trong cái nhà kho cũ của trại. Anh Tư khát quá, xin uống nước, anh em đi lấy nước cho anh, thì thằng Thượng Sĩ Buồn ngăn lại, không cho uống. Sau đó, nó đuổi mấy anh ấy về lán.

    Nói xong, Hải buột miệng chửi thề:

    - Đù Má! Cái thằng Thượng Sĩ Buồn này độc ác dữ!

    “Thượng Sĩ Buồn” là biệt danh của tên Việt-Cộng quản giáo K 3.

    Tên này tuổi dưới ba mươi, mặt mày sáng sủa như một thư sinh. Không rõ tên thật của hắn là gì, nhưng anh em trong trại thường gọi hắn là “Thượng Sĩ Buồn”.

    Mà cũng đúng! Lúc nào mặt y cũng phảng phất nét u sầu, như đang mang tâm sự không vui, như đang nhớ thương ai.

    Tôi nhớ hồi còn ở bên K 1, ông “Ba Gà Mổ”, tức ông lán trưởng Thiếu Tá Nguyễn Văn Lộc đã từng chỉ cho tôi thấy mặt một cán bộ Việt-Cộng “hiền hết xẩy” nhân dịp tôi theo ông Lộc lên khiêng gạo trên văn phòng trại. Ông “Ba Gà Mổ” có vẻ biết rành rẽ tên cán binh này lắm,

    - Anh quản giáo này quê ở mãi ngoài Bắc-Thái lận! Ảnh mới vào Nam sau “ngày giải phóng”. Ảnh hiền hết xẩy!

    Cuối năm 1975 tôi được chuyển từ K 1 sang K 3. Khi thấy người phụ trách K3 chính là anh cán bộ “hiền hết xẩy” tôi cũng mừng.

    Sáng sáng, Thượng Sĩ Buồn đứng nơi góc trại nhìn các anh tù tập thể dục dưỡng sinh. Chiều chiều, Thượng Sĩ Buồn rảo quanh trại đôi lần, thủng thẳng tản bộ trên con đường mòn sát hàng rào. Lâu lâu hắn dừng chân, ân cần hỏi thăm sức khỏe của những tù nhân đang túm năm, tụm ba đánh cờ tướng hay đang bàn chuyện gẫu. Hắn rất sốt sắng liên lạc với cán bộ hậu cần giúp mua hàng cho anh em trong trại, mỗi khi được nhờ. Nói chung, hắn ta được lòng nhiều người. Không ai nghi ngờ lòng tốt của hắn cả.

    Có một vị tù cải tạo nào đó đã “phịa” ra cái lý lịch đầy màu sắc tiểu thuyết của Thượng Sĩ Buồn, rồi chuyền tai nhau: Nào là, hắn ta vốn là sinh viên đại học Y-Khoa, ly khai vào “bưng” nhân Tết Mậu-Thân, ngày trở lại Sài-Gòn thì người yêu đã lấy chồng! Hoặc, cho hắn là con nhà địa chủ, cha mẹ chết hết trong thời cải cách ruộng đất, vì thế hắn buồn!

    Chiều hôm đó Thượng Sĩ Buồn vẫn thủng thẳng tản bộ trên con đường mòn quanh trại. Nhưng không có người tù cải tạo nào dám nhìn anh ta cả. Vì ai cũng biết rằng, anh ta chính là người đã lạnh lùng bóp cò, nhắm bắn từng viên A.K 47 trên thân thể một người cùng màu da, cùng nguồn cội với anh ta.

    Giờ đây, anh ta đã lộ rõ nguyên hình một tên cuồng sát máu lạnh, núp đàng sau một khuôn mặt điển trai.

    Cũng từ hôm sau, cho tới ngày tôi lên tàu ra Bắc (tháng 7/1976), tôi không còn trông thấy Thượng Sĩ Buồn xuất hiện trong vòng rào K 3 nữa. Hình như hắn được chuyển sang phụ trách khu K 4?

    Tối đó tôi mở ba lô, véo một cục từ bánh thuốc rê đầy ắp mà anh Phạm Văn Tư đã đưa cho tôi chiều hôm trước.

    Tay tôi vân vê những sợi thuốc, trí óc tôi hiện lên khuôn mặt vừa nghiêm trang, vừa buồn rầu của người Niên Trưởng.

    Lúc đưa “rê” thuốc cho tôi, giọng anh thực từ tốn, nhưng vô cùng dứt khoát, anh nói,

    - Từ mai, “moa” bỏ thuốc! “Toa” cầm nguyên bánh Cẩm-Lệ này về, rồi tự tay vấn lấy mà hút! “Moa” chán cái việc suốt ngày ngồi vấn vấn, vê vê này rồi! Chẳng làm nên tích sự gì cả!

    Chuyện xảy ra trưa nay, đã cho tôi hiểu rằng, thực sự, người đàn anh của tôi đâu đã chán thuốc rê? Anh cho tôi cả bánh Cẩm-Lệ còn mới toanh, và tuyên bố “bỏ thuốc”, chỉ vì anh phải bắt đầu một cuộc phiêu lưu ít người dám làm: Trốn trại!

    Thật vậy, có ít người dám làm điều này lắm!

    Chỉ vì, trốn trại chẳng phải chuyện đùa! Mà trốn trại, chính là đem sinh mạng của mình ra đánh đổi lấy Tự-Do.

    Hai ông đàn anh của tôi đều là dân Tình-Báo, do đó, dù thân thiết cách mấy, tôi cũng không hay biết mảy may mưu đồ của hai ông.

    Tôi cũng chợt nhận ra một điều trái khoáy, oái oăm, đó là chuyện ngày xưa Đại Úy Phạm Văn Tư vì “Đạo Làm Người” mà cứu mạng một tên Việt-Cộng sắp chết vì nội xuất huyết trên những vết thương ở đùi. Rồi chỉ sáu năm sau, người tù cải tạo Phạm Văn Tư lại bị những tên Việt-Cộng khác bắn nát tứ chi, không băng bó, vứt trong xó nhà, để mặc cho máu chảy tới cạn kiệt. Không có ai làm “garô” cho anh; không ai lưu tâm tới chuyện hai đùi, hai tay anh đang bị nội xuất huyết, hay ngoại xuất huyết cả; chắc chắn anh sẽ chết dần với nỗi đau đớn tột cùng. Cảnh này cũng thật là trái ngược với hình ảnh cô y tá Hoa-Kỳ tận tâm chăm sóc một tù binh bị thương, không cùng màu da và ngôn ngữ với cô, vừa luôn miệng dỗ dành:

    “Don’t worry! Don’t worry! You will be Okay!”

    Ngày xưa, khi nhân loại còn dã man, có chuyện người chiến thắng đã đem địch quân ra tùng xẻo, hoặc trói kẻ thù lại, cột dây cho ngựa kéo lê tới chết.

    Ngày nay, dù thế giới đã đổi thay, nhưng cung cách đối xử với người dưới ngựa của Việt-Cộng cũng không văn minh hơn chút nào.

    Tôi đang suy nghĩ miên man, thì anh bạn Nguyễn Phong Cảnh ló đầu vào cửa sổ ngoắc tay,

    - Lẹ lên! Lẹ lên!

    Vừa chui lọt thân mình qua cái cửa sổ, tôi đã bị anh Cảnh lôi đi như chạy giặc.

    Cảnh dẫn tôi men theo bờ rào, đi về hướng nhà bếp, tới góc cuối của K 3, cách cái chòi gác hai lớp kẽm gai. Lúc đó trên chòi không có lính canh.

    Hai đứa ngồi núp mình, nghe ngóng.

    Từ căn nhà tôn bên kia, cách tôi bốn lớp kẽm gai và hai khoảng đất trống, rõ ràng là tiếng la rú đau đớn của anh Tư đang vọng ra.

    “Ối!…Ối! …Ối!…ôi!…ôi!…ôi!..ư…ư…ư..”

    Tiếng la rú lanh lảnh, đứt quãng, quằn quại, từng đợt rợn người, của một sinh vật sắp chết đã phá vỡ cái yên tĩnh của một vùng không gian vào lúc trời chạng vạng. Chắc chắn trong suốt cuộc chiến tranh hai mươi năm vừa qua, khó có thương binh nào phải lâm vào tình trạng đau đớn khủng khiếp như tình trạng hiện thời của người thất trận Phạm Văn Tư.

    Tôi nghĩ rằng, nếu có gom góp hết những đau đớn mà tôi đã từng trải, qua ba lần bị thương, cũng chẳng thấm gì với cái đau mà người đàn anh của tôi đang gánh chịu giờ phút này.

    Bạn cùng lán của tôi, Thiếu Tá Nguyễn Phong Cảnh, là một sĩ quan thuần túy tham mưu, không quen với cảnh máu đổ, thịt rơi ngoài trận tiền, nên chỉ qua vài phút chứng kiến cảnh thương tâm này, anh Cảnh đã chịu đựng không nổi. Anh òa lên khóc tức tưởi, rồi ù té chạy về hướng sân bóng chuyền.

    Tôi vẫn ngồi sát bờ rào, theo dõi tiếp.

    Tiếng rú hạ thấp xuống thành tiếng rên, “Hừ!… Hừ!…hừ! …hừ!…”

    Rồi hình như trong khi rên, anh Tư đã ú ớ gọi tên ai đó:

    “Hừ!… Hừ!…Hừ!..Hường…ơi!…Hư…ường …ơi!…ực!… ực!…ực!…”

    Cuối cùng, chen lẫn với những tiếng nấc, bên kia rào chỉ còn những tiếng, “Ư! Ử!…Ư! Ử!…ư! ử!…” nhỏ dần.

    Mấy chục năm sau, mỗi khi nhớ lại chuyện này, hai mắt tôi vẫn thấy nóng lên và mờ đi, tim tôi vẫn còn chùng xuống như một con tàu vỡ, đang bị nước tràn vào, đang tròng trành chìm dần xuống đáy biển khơi.

    Mấy phút sau, hình như anh Tư đã kiệt sức, không rên được nữa.

    Thấy không nghe thêm được gì, tôi đành lầm lũi trở về nhà giam.

    Trong khu K 3, ngoại trừ những hôm có văn nghệ hay chiếu phim, thì sau tám giờ tối, cổng khóa, không còn vệ binh đi tuần tra trong vòng rào nữa.

    Và cũng từ khi có kẻng báo ngủ (chín giờ tối) thì trên chòi canh, vệ binh bắt đầu các phiên gác đôi.

    Từ khi tắt đèn cho tới khuya, lâu lâu tiếng gào thét, la hét của anh Tư lại theo gió vọng về. Có lẽ tới gần hai giờ sáng mới hoàn toàn không còn tiếng rú đau đớn của anh Tư nữa.

    Suốt đêm đó tôi cứ giả đò mắc tiểu, lâu lâu lại đi ra sát bờ rào nghe ngóng.

    Cũng đêm hôm đó, hình như có nhiều người trong khu K 3 cùng mang tâm trạng như tôi. Trong số này, ngoài Nguyễn Lành, Tạ Mạnh Huy và Ngô Văn Niếu ra, còn vài anh Võ-Bị bên Lán 17.

    Họ cũng thay phiên nhau ra hàng rào… đứng một lúc, nghe ngóng … rồi đi vào.

    Chúng tôi như chim cùng đàn, một con bị bắn chết, những con khác chỉ biết bay lòng vòng trên cao, cất tiếng kêu thương.
    Mờ sáng ngày kế tiếp, có sáu anh tù cải tạo được gọi lên văn phòng để đi chôn xác anh Tư.

    Tuần sau, anh Trần Văn Bé bị Việt-Cộng bắt trở lại, và đem về nhốt trong connex đặt trên ban chỉ huy trại. Cùng thời gian này, một anh tù trốn trại khác cũng bị giải về đây nhốt chung với anh Bé. Anh bạn này là Thiếu Tá Biệt Động Quân Phạm Hữu Thịnh. Anh Thịnh đã cùng anh Thiếu Tá Quách Hồng Quang, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 44 Biệt Động Quân chui rào, tìm cách thoát đi từ Trại Hóc-Môn. Anh Quang bị vệ binh bắn chết ngay tại hàng rào, còn anh Thịnh thì bị bắt khi vừa chui ra khỏi lán. Anh Quách Hồng Quang là bạn cùng đơn vị với tôi thời chúng tôi còn là đại đội trưởng ở Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân. Còn anh Thịnh lại là dân cùng ngành Tình-Báo với anh Tư và anh Bé.

    Giữa tháng Tư năm 1976, anh Bé và anh Thịnh bị đưa ra tòa án của trại để xử tội. Hôm đó là một ngày nắng gắt.

    Khoảng hơn mười giờ sáng, khi loa phóng thanh truyền về trại âm thanh của những loạt đạn A.K kết thúc mạng sống của hai người thua trận, thì trời đang nắng bỗng tối sầm, một cơn giông kéo tới, bụi đất mù mịt. Tiếp theo, là một trận mưa rào xối xả, sầm sập trên mái tôn. Nước mưa vừa bốc thành hơi ngùn ngụt, vừa tuôn xuống đất ào ào. Nhưng chỉ vài phút sau, đột ngột, mưa ngừng. Cảnh vật lại trở về tình trạng cũ.

    Hiện tượng khác thường này khiến người ta liên tưởng tới sự hiện diện của Đấng Vô Hình ở trên cao, đang theo dõi các hoạt động của con người dưới trần gian.

    Có phải cái chết oan ức của hai vị sĩ quan Việt-Nam Cộng-Hòa đã động tới lòng Trời? Khiến Trời phải nổi cơn giông phẫn nộ hay không?

    Tôi thì tin tưởng rằng, lúc cơn giông nổi lên, chính là lúc Thượng- Đế đưa bàn tay thương yêu của Người ra, để dắt dìu linh hồn các bạn tôi tới bến bờ Tự-Do.

    Từ phút đó cho tới chiều tối, trong sân tập họp của khu K 3, tù cải tạo lại tụ nhau từng nhóm, thì thầm đọc kinh cầu nguyện.

    Những anh tù đại diện có mặt trong phiên tòa, khi về trại, đã kể lại, việc chôn cất hai người bại trận cũng diễn ra rất gọn, vì một ngày trước khi có phiên tòa này, thì hai cái huyệt để chôn người bị xử tử đã được ban chỉ huy trại cho người đào sẵn sàng rồi.

    Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn ngủi sau khi mất nước, bốn người bạn của tôi đã phải trả giá cho Tự-Do bằng chính sinh mạng của họ.

    Sau ngày Ba Mươi tháng Tư năm 1975, thời thế đã đổi thay.

    Cái Thiện đã nhường chỗ cho cái Ác.

    Tự-Do, Bác-Ái, Công-Bằng chỉ còn là kỷ niệm.

    _____________o0o___________
    (Vương Mộng Long – K20 VBQGVN)
    ___"In the end, it's not the years in your life that count. It's the life in your years." (Abraham Lincoln)

 

 

Similar Threads

  1. Truyện Thật Ngắn - Mầu Hoa Khế
    By MưaPhốNúi_ in forum Truyện
    Replies: 3
    Last Post: 06-23-2015, 06:14 PM
  2. Audio Truyện Ngắn
    By V.I.Lãng in forum Truyện
    Replies: 11
    Last Post: 08-07-2013, 05:05 AM
  3. Replies: 0
    Last Post: 04-26-2013, 02:03 AM
  4. Hẹn Hò - Truyện Ngắn - Mầu Hoa Khế
    By MưaPhốNúi_ in forum Truyện
    Replies: 5
    Last Post: 02-09-2013, 06:04 PM
  5. Truyện Thật Ngắn
    By cao nguyên in forum Truyện
    Replies: 92
    Last Post: 01-28-2012, 07:00 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:00 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh