Register
Results 1 to 10 of 10
  1. #1

    Tiếng Hà Nội Chuẩn

    Bài viết của một người Hà Nội nói về giọng Hà Nội ... nhão.


    Tiếng Hà Nội Chuẩn


    Ngày đi học trong Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, chúng tôi được học môn phát âm tiếng Việt để khi diễn kịch thì phải buông câu, nhả chữ sao cho chính xác.

    Các thầy dạy bộ môn đài từ sân khấu của Khoa Diễn viên kịch nói Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam lúc đó rất khắt khe về cách phát âm của chúng tôi vì các thầy cho rằng: Đã là nghệ sĩ kịch nói thì phải phát âm chính xác và chuẩn tiếng Việt, đồng thời lấy gốc tiếng Hà Nội làm chuẩn để thể hiện những đối thoại kịch trên sân khấu.

    Sự khắt khe của các thầy nhiều lúc làm chúng tôi không thật sự thoải mái vì thường xuyên phải luyện đi, luyện lại rất nhiều lần và thậm chí ngay cả cách nói hằng ngày, các thầy cũng luôn để ý tới và uốn nắn cho chúng tôi.

    Nhưng càng về sau này, trong quá trình làm nghề và ngay cả trong cuộc sống, chúng tôi càng thấy những dạy dỗ của các thầy là quý giá và vô cùng quan trọng cho mỗi nghệ sĩ kịch nói chúng tôi…

    Đến hôm nay, khi đi xem các bạn trẻ diễn kịch, các phát thanh viên và các MC trên vô tuyến truyền hình, tôi lại nhớ tới những bài học về phát âm tiếng Việt ngày trước và tự hỏi: Không biết các bạn có được học, được hướng dẫn về cách “nói” tiếng Việt sao cho chuẩn không, mà cách nói lại quá không chính xác đến như vậy?

    Rất nhiều người con chính gốc của Hà Nội đã đi xa lâu ngày, nay trở lại quê hương đều ngỡ ngàng trước cách nói của người Hà Nội hôm nay vì nó không còn là của đất Hà thành “gin” nữa! Họ nói rằng, tiếng nói của người Hà Nội hôm nay đã bị lai căng và “nhão” ra như tiếng của mấy người bán hàng rong từ đâu đó đã thâm nhập vào Hà Nội…

    Họ rao đổi gạo như thế này: Ài...ai đồi…ổi gào…ạo đê!

    Tất nhiên, mỗi địa phương đều có một âm hưởng riêng trong cách phát âm và đều mang một lối nói có sắc thái địa phương và đều có cái hay riêng của từng vùng miền. Nhưng tôi thiết nghĩ đã là người Hà Nội, đã là tiếng nói tiêu biểu của cả nước thì phải nói cho chuẩn, cho chính xác tiếng nói của người Hà Nội.

    Tôi xin đơn cử mấy thí dụ sau:

    Cái lớn nhất là: Tiếng nói người Hà Nội không lên bổng, xuống trầm một quãng rộng trong một câu nói mà khi vẽ đồ thị của mỗi câu nói thì nếu đồ thị của câu nói là 10, người Hà Nội chỉ nói ở quãng từ 5 tới 7, mà không nói từ 2 rồi lên 9, 10 rồi lại xuống 1, 2 như cách nói hôm nay…

    Khi nói, một số địa phương có cách nhấn nặng âm TR rất hay như vùng Khu IV và nếu nghe người Khu IV phát âm, chúng ta thấy mất hay nếu không nhấn mạnh âm trên. Nhưng người Hà Nội mà nhấn mạnh âm TR thì nghe rất khó chịu.

    Ấy vậy mà một số ca sĩ nhà ta khi hát lại rất thích nhấn mạnh âm TR để làm duyên và đôi lúc lại nhấn luôn cả âm CH thành TR cho “hấp dẫn”. Ví dụ nữ ca sĩ T.D. có bài hát đã nhả chữ: “Triều rơi Trầm Trậm”. Nghe rất “Truế”.

    Đã có lần, Giáo sư Quốc Hùng dạy Anh văn trên TV có hướng dẫn phát âm tiếng Anh và tôi còn nhớ ông nói: Nhiều người khi nói tiếng Anh, muốn điệu đàng, đôi khi thêm chữ U vào giữa một từ. Ví dụ khi phát âm từ Rice thì người ta nói Ru...ai sờ…

    Nhưng đấy là người ta!

    Còn nếu chúng ta mà cũng học cách nói đó thì rất buồn cười! Có lần, tôi xem TV, nữ ca sĩ P.A khi hát bài ca ngợi về một công trình thủy điện nào đó đã hát: Hãy hát lời lửa TRu...uáy bằng TRu...oái tim yêu thương, hãy hát lời tình yêu bằng TRu...oái tim lửa TR…uáy…

    Không dưới hàng chục lần, tôi nghe các MC của chương trình Vườn cổ tích khi hỏi các em một câu hỏi nào đó thì đều kết thúc với chữ nhỉa… Ví dụ: Có đúng không nhỉ? thì thành: Có đúng không nhỉa?

    Khi dạy chúng tôi về cách phát âm chuẩn thì các thầy hay lấy mấy bài thơ của các cụ ta xưa hoặc các câu thành ngữ cổ để bắt chúng tôi nói cho chính xác… như bài thơ “Ngõ vắng” của Nguyễn Khuyến, trong đó có vần eo kết thúc ở cuối mỗi câu rất hay:

    Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo

    Tựa gối ôm cần câu chẳng được

    Lá vàng trước ngõ sẽ bay vèo

    Khi phát âm âm eo thì không được thêm chữ i vào giữa. Nhưng các phát thanh viên của chúng ta thì lại luôn luôn phát âm thành ieo nghe rất “nhão”... Ví dụ: Các hộ nghì…èo không nằm trong danh sách ăn thi...eo.

    Đặc biệt, các thầy đã cho chúng tôi một câu thành ngữ rất điển hình để chống lối nói “nhão” trong phát âm tiếng Việt:

    Mặt mũi méo mó, mà có đồng tiền

    Mặt vuông chữ điền thì tiền không có…

    Nhiều học viên của chúng tôi khi đó đã phát âm:

    Mặt mùi…ũi mèo... éo mò... ó mà cò…ó đồng tiên…iền

    Mặt vù…uông chừ...ữ điên...iền mà tiên...iền khờ...ông cò...ó

    Đây là nhược điểm lớn nhất của rất nhiều MC và phát thanh viên của chúng ta trên các chương trình TV và đài phát thanh.

    Xin các vị cứ kiểm chứng điều này qua các chương trình TV của chúng ta.

    Xem lại câu thành ngữ trên, ta có thể thấy rằng: nhiều câu nói mà các MC và phát thanh viên thường nói “nhão” nhất là ở các âm có dấu hỏi (?) dấu sắc (‘) và dấu ngã (~)… Nhất là khi hai dấu đó đứng cạnh nhau. Ví dụ: chữ Chính phủ thì bao giờ cũng được phát âm thành: Chình…ính phù…ủ, hoặc: Có thể thì nói thành cò…ó thề…ể.

    Ví dụ một câu trong chương trình dành cho các em thiếu nhi. Một chị phụ trách nói với các em: “Chúng ta cần phải cố gắng rèn luyện để mau tiến bộ”… thì chị phụ trách đã nói:

    Chùng…úng ta cần phài…ải cồ…ố gằng…ắng đề…ể mau tiề…iến bồ…ộ.

    Hoặc mở đầu một chương trình văn nghệ, một biên tập viên rất trịnh trọng nói: Quỳ…ý vì…ị khan…án già... ả thân mền... ến…!

    Còn nhiều câu, nhiều từ tương tự như trên lắm nhưng xin để các quý vị theo dõi và xác định lại bằng thực tiễn trên TV và đài phát thanh…

    Cứ như vậy, hết chương trình này tới chương trình khác, ngày này qua ngày khác, lối nói “không chuẩn” đó đã tạo cho người xem một cảm giác như đã mất đi một cái gì đó thiêng liêng của âm sắc Hà Nội chuẩn và thanh lịch xưa và gây cảm giác rất buồn khi phải nghe cách nói hiện nay. Thậm chí, nhiều chương trình TV hay, nhưng chỉ vì cách phát âm “nhão” trên mà người xem đã phải buồn lòng mà chuyển xem kênh khác…

    Nhưng rất may, bên cạnh nhiều anh chị nói theo cách nói “nhão” trên, chúng ta cũng vẫn còn bắt gặp được nhiều giọng đọc rất đáng yêu để chúng ta còn thấy được cái gì đó là mẫu mực cần trân trọng và phát huy.

    Đó là các anh chị: Minh Trí, Kim Tiến, Phương Hoa, Lại Văn Sâm, MC Lê Anh… của Đài Truyền hình Trung ương, các anh chị Lệ Diễm, Lâm Phúc, Thanh Vân… của Đài Truyền hình Hà Nội hoặc giọng đọc của NSƯT Lê Chức trong các phim tài liệu, thời sự phát trên các chương trình TV.

    Các anh chị đã phát âm rất chuẩn tiếng Việt từng câu, từng chữ.

    Xin thay mặt những người con của Hà Nội cảm ơn các anh chị đã gìn giữ một nét đẹp trong cách ăn nói thanh lịch của người Hà Nội ta xưa.

    Điều chúng ta cần suy nghĩ, đó là những vấn đề tôi nêu trên hầu như chỉ xảy ra ở khu vực Trung ương và Hà Nội mà không thấy xuất hiện ở các đài địa phương… Thậm chí, tôi xin chủ quan mà nói rằng: Về phát âm tiếng Việt chuẩn thì chúng ta còn thua xa các đài địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Sơn La,…

    Vậy thì nguyên nhân ở đâu có cách phát âm đáng buồn trên?

    Tôi trộm nghĩ có lẽ chúng ta không chú ý từ khâu dạy dỗ các em ở tuổi mẫu giáo mà ở đó ngay từ các cô đã có một lối phát âm, một lối giáo dục các em về ngôn ngữ rất thiếu chính xác.

    Ngay từ câu chào đầu tiên của các em khi đến lớp mẫu giáo, chúng ta đã thấy nó là “bản chính” của lối nói “nhão” ngày hôm nay:

    Chúng... úng chàu... áu chao… ào cồ... ô à... ạ!

    Cô lại hỏi: Các chàu...áu cò...ó ngoan không?

    Các cháu thưa: Dạ thưa cô, cò…ó...ạ!

    Hoặc ngay từ đầu đề của một câu chuyện kể của các em cũng đã mang nặng yếu tố “nhão”. Ví dụ tên một câu chuyện là “Chú nhái bén” thì được các cô dạy đọc là Chù...ú nhài...ái bèn...én…

    Thế rồi suốt quá trình học hành và lớn lên trong một môi trường toàn cách phát âm như trên cộng với lối dạy các em lối kể chuyện lên bổng xuống trầm mà thường được gọi là “diễn cảm” dần dần đã trở thành một nếp nói tiếng Việt thiếu chuẩn xác như vậy!

    Rồi các em vào đời mà vẫn đinh ninh những điều được học ở tuổi mẫu giáo là mẫu mực và thế là cứ “ung dung và tự tin” sử dụng chúng trong cuộc sống.

    Tiếc thay đã qua bao nhiêu thế hệ với cách nói sai như trên nhưng chúng ta chưa hề có một cách chấn chỉnh, một sự đào tạo về cách phát âm tiếng Việt chuẩn để lấy lại phong độ ngôn ngữ xưa nên tôi thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền trong ngành Giáo dục, ngành Văn hoá nên nghiêm túc xem xét lại vấn đề này, nhất là chú ý tới khâu các cô giáo từ bậc học mẫu giáo để dạy dỗ các em nói sao cho chuẩn tiếng Việt từ tuổi nhi đồng.

    Các phát thanh viên trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cần có sự tuyển lựa kỹ càng về tiếng nói, bởi vì được hình mà hỏng tiếng thì cũng tiếc lắm thay! Và khi trở thành những phát thanh viên, những MC chuyên nghiệp rồi thì họ vẫn phải tu dưỡng, để nói sao cho hay, cho chính xác tiếng Việt Hà Nội.

    Người viết bài này nếu có điều gì chưa làm hài lòng, xin các quý vị bỏ quá cho, nhưng xin thật lòng thưa với quý vị rằng: Đó là điều không phải riêng tôi mà là tâm sự của rất nhiều người Hà Nội với tình yêu tha thiết mảnh đất này nên muốn giữ gìn tất cả những gì là nét đẹp của Hà Nội, nhất là tiếng nói với âm sắc của người Hà Nội phải sao cho ĐÚNG, cho CHUẨN, bởi vì Hà Nội là trái tim của Tổ quốc Việt Nam yêu quý.

    NSND Doãn Châu

    Nguồn:
    http://husta.org.vn/n762_tieng-ha-noi-chuan

  2. #2
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Quote Originally Posted by tư mã tai trâu View Post
    Cái lớn nhất là: Tiếng nói người Hà Nội không lên bổng, xuống trầm một quãng rộng trong một câu nói mà khi vẽ đồ thị của mỗi câu nói thì nếu đồ thị của câu nói là 10, người Hà Nội chỉ nói ở quãng từ 5 tới 7, mà không nói từ 2 rồi lên 9, 10 rồi lại xuống 1, 2 như cách nói hôm nay…

    NSND Doãn Châu
    nghệ sĩ nhân dân này chơi luôn thang âm nhạc ngoại quốc ha.
    Tiếng Việt thì mình phải xài cống xê xang xừ líu chứ lại!

    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  3. #3
    Không thấy ông ta tìm hiểu tại sao giọng HN lại bị thoái hóa như vậy ? Có người nói sau khi cướp được chính quyền, cs cho những thành phần cốt cán người miền khác vào nắm những chức vụ chính của giáo dục, văn hóa, thông tin vv... và những người này đả góp phần làm nhão đi cái thanh lịch của giọng HN.
    Ông ta chỉ mới ví von
    Họ nói rằng, tiếng nói của người Hà Nội hôm nay đã bị lai căng và “nhão” ra như tiếng của mấy người bán hàng rong từ đâu đó đã thâm nhập vào Hà Nội…
    Mà cũng lạ, có những người Bắc nhão đã qua đây sống mấy mươi năm mà họ không đổi được cái giọng nhão nhẹt đó, thậm chí những người ca sĩ. Hình như họ còn tự hào và hãnh diện với cái nhão đó mới hãi hùng chứ.

  4. #4
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864
    Quote Originally Posted by tư mã tai trâu View Post
    ...
    Mà cũng lạ, có những người Bắc nhão đã qua đây sống mấy mươi năm mà họ không đổi được cái giọng nhão nhẹt đó, thậm chí những người ca sĩ. Hình như họ còn tự hào và hãnh diện với cái nhão đó mới hãi hùng chứ.
    Là vì rất nhiều người tưởng nhầm là cái giọng đó là giọng Hà Nội... chính chuyên nên có những người lại còn cố ý tập nói cho bằng được cái... rọng đó mới là kinh hãi nữa kìa!

    Tôi xin đơn cử mấy thí dụ sau:
    “Đơn cử” mà tới mấy thí dụ lận sao? Vậy là thành… đa cử mất rồi!

    Thêm một cái rùng rợn nữa là nhiều ca sĩ ngày nay hát tiếng Việt mà phát âm những chữ bắt đầu bằng “ch” và “tr” thành âm “ch” của Mỹ, nghe cứ “CHút CHít CHụt CHịt” giống như CHuột kêu những chữ “church, chair, chive, child” bằng tiếng Mỹ!

    Lần nào tôi xem mấy cái clips trên youtube quay ở đàng ngoài (Hà Nội et al.) thì y như rằng cả nửa phần đầu chỉ nghe được nheo nhéo một thứ tiếng gì đó hoàn toàn không hiểu nổi. Mãi đến khi quá nửa clip thì mới bắt đầu quen dần và hiểu được họ đang nói tiếng… Việt. Còn nghe xướng ngôn viên TV hay một vài chương trình gì đó trên TV ở VN cũng trong youtube thì tôi nghe được nhiều lắm chừng 5 phút là tay phải bóp… chuột sang clip khác không nói tiếng Việt nữa vì người đã hết chỗ để nổi da… vịt!

    Ngày nay muốn tìm giọng nói, lời văn cùng cách dùng chữ của Hà Nội thời “ngàn năm văn vật” như được tả trong truyện của Tự Lực Văn Đoàn thì sang Bắc Mỹ tìm dễ hơn là tìm tại Hà… Lội!

  5. #5
    Quote Originally Posted by 008 View Post
    Là vì rất nhiều người tưởng nhầm là cái giọng đó là giọng Hà Nội... chính chuyên nên có những người lại còn cố ý tập nói cho bằng được cái... rọng đó mới là kinh hãi nữa kìa!
    Nhiều người cũng biết chứ điệp viên đại ca. Tại hạ đọc trên net thấy họ nói về "tiếng Hà Nội cũ" như khi tả về giọng nói của Ý Lan hay Kỳ Duyên. Nhưng có lẽ họ nhão quen rồi đã thành cố tật.

  6. #6
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    Nghe nói là dân số Hà nội, bây giờ, phần lớn là mới nhập cư. Họ đang học lối phát âm của dân Hà nội chuẩn nên sự kiện nhão nhẹt là việc tự nhiên vì vốn không được đào tạo từ bé. Còn người Hà nội chuẩn thì tập kết vào Nam và học tiếng Sè gòn gốc. Hè hè hè.

    Mà nếu người Hà nội chuẩn chỉ phát âm từ quảng 5 tới 7 thì đơn điệu quá xá. Người ta chưa nghe đã đoán được cái quảng sắp tới mà chả sợ nhần lẫn. Trộm nghĩ, đấy cũng là việc đáng chán.
    Đỗ thành Đậu

  7. #7
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864
    Quote Originally Posted by tư mã tai trâu View Post
    Không thấy ông ta tìm hiểu tại sao giọng HN lại bị thoái hóa như vậy ? Có người nói sau khi cướp được chính quyền, cs cho những thành phần cốt cán người miền khác vào nắm những chức vụ chính của giáo dục, văn hóa, thông tin vv... và những người này đả góp phần làm nhão đi cái thanh lịch của giọng HN.
    Ông ta chỉ mới ví von
    Bài sau đây có lẽ trả lời được ít nhất là một phần thắc mắc của bác đây:

    Hà Nội có còn là Hà Nội?
    Phan Huy Vũ
    Hà Nội



    Tôi có đọc cuộc tranh luận trên blog, xoay quanh chuyện cô bé với nickname Bé Crys chê Hà Nội và thế là mở màn cho một cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng.

    Nhiều người hỏi Hà Nội bây giờ có còn là Hà Nội không? Đây là một câu hỏi thú vị. Với tôi, một người Hà Nội thế hệ thứ năm (đời cụ đã sinh sống ở Hà Nội) và chuẩn bị không còn là thanh niên nữa, tôi có biết bao điều trăn trở với Hà Nội ngày hôm nay.

    Giọng Hà Nội

    Giọng Hà Nội không chuẩn, và chưa bao giờ chuẩn cả. Nói “con châu” thay vì nói “con trâu” (hồi bé khi đi học, các cháu được học phát âm “chờ nặng” khác “chờ nhẹ”, nhưng về nhà trong cuộc sống thì lại nói sai cũng không sao – có lẽ vì thế cũng sinh tính giả dối của người Hà Nội chăng?). Người HN nói “cây che” chứ uốn lưỡi “cây t’re” là không phải người Hà Nội rồi (Vụ này nhiều lắm: “xung xướng” chứ không “sung sướng” chẳng hạn). Nhưng rõ ràng, giọng Hà Nội dễ nghe với tất cả các vùng miền trong cả nước, đó là điều khó phản đối.

    Món ăn

    Thôi thì tự tạm coi mình là người Hà Nội “gốc”, mà tôi vẫn thấy khó khi lục lọi tìm xem có món ăn nào thực là của Hà Nội. Phở - là của người Hà Nam mang lên từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. À, hình như có món bánh cuốn Thanh Trì, bún thang nữa thì phải… nói chung là cũng khó. Có thể nói, việc di dân hay “tăng dân số cơ học” thì thời nào cũng có. Người Hà Nội gốc Hàng Bạc vài trăm năm có nguồn gốc từ Hưng Yên lên chốn kinh kỳ làm nghề bạc. Các nghề nhuộm lụa đào (phố Hàng Đào), nhuộm vải thâm (Hàng Bông) cũng thế, đâu có phải là người Hà Nội sinh ra và lớn lên ở đó bao thế hệ hàng nghìn năm được.

    Tất cả những cái đó tổng hợp lại với nhau thành nét văn hoá Hà Nội mà nếu nghiên cứu hẳn có nhiều thú vị. Hà Nội bị xâm lược bởi nhiều làn sóng “nhập cư”, mà cơn sóng thần mạnh nhất là năm 1954. Ông tôi, một người Hà Nội không kịp “đi Nam” năm đó đã nhiều lần “than” lên vì thái độ - không biết có nên gọi là “vô văn hoá” hay không - của những người “Hà Nội mới” tứ xứ về “tiếp quản” Thủ Đô năm đó. Một ông cán bộ công an Tiểu khu (thời đó người ta gọi Phường như thế) đã bị ông cụ cho một cái tát vì tội vào nhà, dám mở lồng bàn ra kiểm tra xem gia đình ăn gì, có ăn món sơn hào hải vị của bọn tư sản không. Chính vì cái tát đó mà ông tôi đến khổ trong gần chục năm bị hành hạ. Những năm bao cấp, ở Hà Nội còn khổ hơn ở nông thôn. Ở nông thôn còn có gạo mà ăn, ở Hà Nội thì trông chờ vào kỹ năng xếp hàng ở cửa hàng gạo. Nhà nào có người làm trong ngành lương thực thực phẩm thì trở thành “đẳng cấp” cao trong xã hội.

    Nhập cư

    Hầu hết những người Hà Nội gốc từ thời trước không được tham gia vào những ngành nghề quan trọng như thế, và những người “Hà Nội mới” nói còn chưa phân biệt được “l” và “n” làm mưa làm gió. Nhưng đây cũng là thời kỳ làn sóng “nhập cư” vào Hà Nội không mạnh, vì về Hà Nội cũng không sung sướng gì. Thời mở cửa là thời kỳ làn sóng “nhập cư” từ các tỉnh về Hà Nội mạnh nhất. Nhà ở hệ thống phố Chợ Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào đắt xắt ra miếng - ấy thế mà dân Lạng Sơn về mua gần hết rồi đấy.

    Nếu như bạn nhìn thấy một nhóm các cô, mặc bộ đồ thể thao Trung Quốc, đi đôi giày “hàm ếch” thể thao (từ dân dã gọi là “xục thể thao”) cũng của Trung Quốc ngồi túm năm tụm ba, lê la đôi mách ở hè phố gần chợ Đồng Xuân thì đích thị là người Hà Nội mới gốc Lạng Sơn rồi.
    Vậy thì những người “Hà Nội gốc” như tôi nghĩ gì đây? Buồn chăng? Buồn thì buồn lâu rồi.

    Tôi chán thành phố của tôi. Đi ra đường, tôi mệt mỏi vì nam phụ lão ấu đi xe máy sai luật giao thông, nhất là thanh niên. Đèn đỏ, bạn đỗ đúng làn đường thì có những “người Hà Nội” chen bằng được lên phía trước, cố gắng đứng hàng đầu để rồi, rẽ phải khi mình đứng bên trái và cố ép bằng được cả hàng xe cộ về phía kia. Thật kỳ lạ, người Hà Nội đâu có bon chen như thế? Nhưng cũng chính vấn đề giao thông này, mà tôi bị “chửi” khi đỗ xe chờ đèn đỏ chuyển xanh ở Sài Gòn, khi mà người Sài Gòn vượt đèn đỏ “vô tư” (gây cản trở giao thông bình thường của họ). Thành phố Sài Gòn ngột ngạt, bụi bặm, món ăn không hợp khẩu vị, đắt đỏ… không làm tôi khó chịu hay ghét nó. Thậm chí tôi nghe “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…” tôi thấy yêu thành phố trẻ trung và sôi động đó. Không phải là người Sài Gòn rất dễ gần sao? Không phải là thành phố đang đi đầu trong làm ăn kinh tế sao?

    Nếu bạn đến Hải Phòng – xin lỗi các bạn Hải Phòng, hẳn sẽ thấy rất khó chịu khi đi ô tô nhấn còi mỏi tay mà người Hải Phòng chẳng chịu nhường đường – đi chậm không ra chậm, nhanh chẳng ra nhanh ở giữa đường, như một câu hát vui nhại bài “Thành phố hoa phượng đỏ”: “Hải Phòng đó, hiên ngang chẳng biết nhường đường…”. Nhưng mặt khác, dân Hải Phòng ăn to nói nhớn, đi sóng về gió, hiên ngang lắm, tôi biết thế. Chính vì lẽ đó, nếu như bạn có được một cái “tâm”, ắt không thấy khó chịu mà thấy cần có một tư tưởng “gạn đục khơi trong” để tự sửa mình, làm cho mình thanh lịch lên. Do đó, tôi vẫn yêu thành phố của tôi, từ những ký ức thời bao cấp khốn khó nhưng thanh bình, đi ra đường không có gì phải sợ.

    Đâu cứ gì Hà Nội

    Nay nếu bạn có con đi học thì có biết bao cạm bẫy đang rình nó, nghiện ngập, bạo lực, dâm ô truỵ lạc… đủ cả ngoài xã hội; mà đâu cứ gì Hà Nội, toàn đất nước ta hiện nay đâu chả nhan nhản những cạm bẫy đó. Nếu bạn sang Trung Quốc bạn không thể tìm thấy “bọn nghiện”, vì Nhà nước họ nghiêm túc hơn chúng ta nhiều. Tôi chưa bao giờ cảm thấy cần phải hô hào mình là “người Hà Nội” đây. Người Hà Nội không bon chen. Nếu như có “nịnh trên đạp dưới”, có bè phái, địa phương cục bộ thì hẳn có nguồn gốc từ những người “Hà Nội mới” từ sau năm 1954. Nếu nói như vậy, thì những người “Sài Gòn mới” sau năm 1975 cũng thế.

    Nếu phân biệt, thì với những “người Hà Nội”, những người đó không còn là người Bắc nữa rồi. Câu trả lời cho vấn đề của chúng ta hiện nay là gì? Đó là cái chưa đẹp – “người Việt Nam xấu xí” đang là phổ biến, dù ở bất cứ đâu trên đất nước này. Phải chăng đó là kết quả của mấy chục năm xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa”? Không phải là Hà Nội đẹp hay không đẹp, Sài Gòn dễ chịu hay khó chịu, mà chúng ta hãy gạn đục khơi trong, cùng nhau xây dựng một hình ảnh “người Việt Nam lịch lãm” thì hơn.

    Bài viết của ông Phan Huy Vũ gửi đăng trên BBC vào năm 2006

  8. #8
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365


    Người ở đô thị lớn thích ta đây. ))

    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  9. #9
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Quote Originally Posted by Đậu View Post
    vốn không được đào tạo từ bé.
    Vốn không được đào tạo chính uy. Cho nên ngôn ngữ đấy không phải là chính chủ.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  10. #10
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365

    Bồi dưỡng "người đẻ"

    Tiếng này có năm 1970 ở ngoài Bắc, không biết phải Hà Nội không dán đại ở đây:



    (nguồn sau ảnh)
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 0
    Last Post: 08-06-2014, 10:35 PM
  2. Tiếng kêu gọi hè
    By Tuấn Nguyễn in forum Tùy Bút
    Replies: 0
    Last Post: 05-25-2014, 06:49 AM
  3. Replies: 0
    Last Post: 09-11-2013, 05:51 AM
  4. Các Tiêu Chuẩn chọn lựa tôn giáo của bạn ?
    By Long4ndShort in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 0
    Last Post: 04-09-2012, 11:10 PM
  5. Chuẩn không cần chỉnh
    By Triển in forum Ngôn ngữ học
    Replies: 53
    Last Post: 11-19-2011, 09:46 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 12:55 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh