Register
Page 7 of 10 FirstFirst ... 56789 ... LastLast
Results 61 to 70 of 95

Thread: Việt Nam

  1. #61
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342

    Thư gởi Ba Mẹ “từ mặt đường dậy sóng”
    Nancy Nguyễn - 20.5.2016




    Nancy Nguyen “Trên Mặt Đường Dậy Sóng” (ảnh Facebook NN)

    Thưa ba, thưa mẹ,

    Con cám ơn ba mẹ đã đưa hộ chiếu cho con dù không hề ủng hộ chuyến đi đầy mạo hiểm này của con.
    Con cám ơn ba mẹ vẫn luôn cho phép con làm điều con muốn dù điều đó trái với nguyện vọng của ba mẹ.
    Con biết ba mẹ ở nhà trông tin con trên mọi chặng đường. Con viết thư này gởi ba mẹ, và cũng gởi các bậc
    làm cha làm mẹ có con tham gia vào việc nước.


    Con biết các ba mẹ rất lo lắng cho chúng con. Nhưng thưa ba mẹ, chúng con sinh ra trong lòng dân tộc như
    những chiếc lá nở ra trên cành. Mỗi một chúng con là một cá thể tách biệt, nhưng có một điểm chung là đều
    nhận một nguồn nhựa sống chảy từ cội rễ của ngàn năm, tuôn qua hùng sử và đổ vào tâm hồn chúng con
    cái mà chúng con gọi bằng hai tiếng thiêng liêng: Việt Nam.

    Không có dân tộc, con người ta như những chiếc lá được bỏ vào tủ lạnh, vẫn sẽ xanh tốt, đôi khi còn lâu hơn
    khi liền cành, nhưng có phải là đang sống?

    Tất cả chúng ta đều biết dân tộc này đang phải đối mặt với hoạ diệt vong, và con cám ơn ba mẹ, dù lo lắng
    khôn nguôi, vẫn cho phép con thắp nên một ngọn nến, thay vì ngồi nguyền rủa bóng đêm. Chúng con hứa
    sẽ cố gắng giữ gìn bản thân cách tốt nhất có thể.

    Con là một trong số những đứa đứng ra phát động xuống đường, con không thể chỉ ngồi chốn an toàn mà xúi
    người khác xung phong. Con cảm ơn ba mẹ đã cảm thông mà cho phép con về đứng bên cạnh các bạn con.
    Chúng con cần nhau trong những tháng ngày này. Thời khắc này con thuộc về mặt đường Sài Gòn chứ không
    phải căn nhà ấm êm nơi đất khách.


    Lời cuối, thưa ba mẹ, tuy khiêm tốn, trong cuộc sống, con cũng đã có chút thành công, nay con xin phép
    ba mẹ cho con thành nhân. Con cảm ơn ba mẹ.

    Nancy
    18/5/2016 - Viết từ mặt đường dậy sóng.

    ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~


    Cô Nancy Nguyen, công dân Mỹ mất tích tại Sài Gòn
    trước khi Tổng thống Obama đến Việt Nam
    RFA - 2016-05-20



    Cô Nancy Nguyễn, chụp hình cùng LM. Lê Ngọc Thanh
    tại văn phòng công lý và hoà bình sau khi Cô đến Sài Gòn.


    Một công dân Mỹ mất tích tại Sài Gòn trước khi Tổng thống Obama đến Việt Nam.
    Cô Nancy Nguyen, có biệt danh "Bánh Ngọt" được bạn bè và người thân cho là mất tích đêm hôm qua sau
    khi về tới Sài Gòn ba ngày trước.

    Trên Facebook của cô công khai một bức thư gửi cho cha mẹ nói rằng cô về Việt Nam để thực hiện giấc mơ
    tranh đấu của cô.

    Nancy Nguyễn đã tới thăm Dòng Chúa Cứu Thế và Linh mục Lê Ngọc Thanh thông báo trên Facebook của ông
    rằng rất lo ngại cho sự biến mất của cô.

    Chiều tối hôm qua không ai liên lạc được với Nancy và có nguồn tin chưa tiện tiết lộ báo rằng cô đã bị
    công an bắt.




    Nancy Nguyen tham gia biểu tình với các sinh viên tại Hong Kong



    *
    Ký sự của một thiếu nữ gốc Việt tại Hong Kong (Nancy Nguyen)

    Nancy Nguyen từng tham gia biểu tình ở Hồng Kông khi phong trào dù vàng nổ ra. Cô hăng say trong sinh hoạt
    chính trị ở hải ngoại nhưng luôn chủ trương bất bạo động và tin tưởng vào sự thành công của phong trào tranh đấu
    cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

    Trong thời gian gần đây, nhiều người trẻ hải ngoại đã có mặt tại Việt Nam để có thể quan sát, tham dự các cuộc
    biểu tình chống ô nhiễm môi trường trước chuyến công du của tổng thống Obama đến Việt Nam vào ngày 22
    tháng này.
























  2. #62
    https://vvnm.vietbao.com/images/file...CNo/jiufen.jpg

    Đài Loan Bút Ký
    Nguyễn Trần Phương Dung

    Rồi tôi cũng tới Đài Loan vào một buổi chiều Chủ Nhật mưa gió sau vài trục trặc làm lỡ chuyến bay đầu.

    Cuối tháng 9, chưa 6 giờ mà trời đã chập choạng tối. Từ trên phi cơ nhìn xuống, thấy mặt biển đen ngòm đầy đe dọa. Sóng vỗ từng đợt trắng xóa vào bờ đá và những chiếc thuyền đang lênh đênh phía dưới. Cơn bão Dujuan cấp 4 với sức gió 145 dặm một giờ đang từ ngoài khơi di chuyển vào đất liền. Đài khí tượng cho biết Đài Loan sẽ ngập lụt trong 50 centimét nước. Nhà chức trách địa phương đã ra lịnh đóng cửa các hãng xưởng và trường học. Trước khi rời Mỹ tôi cũng đã nhận được thông báo khẩn từ công ty về những điều cần thiết để giữ an toàn. Thông điệp chung là ở trong nhà chờ cơn bão đi qua, đừng lang thang ngoài đường để tránh những rủi ro tai nạn.

    Chuyến công tác khởi đầu đã có những dấu hiệu không tốt, tôi chợt nghĩ lại quyết định đã sang đây. Thường thì tôi rất thích những chuyến công tác quốc tế vì được vừa làm vừa chơi. Ban ngày vào sở, chiều tối và cuối tuần tha hồ đi tham quan ngắm cảnh và tìm hiểu về tập tục và văn hóa địa phương. Nếu gần và tiện còn có thể vù qua các nước láng giềng du hí. Nhưng khi cấp trên yêu cầu tôi qua chi nhánh ở Đài Bắc để huấn luyện cho các đồng nghiệp vùng Châu Á về những thay đổi của hệ thống tuyển dụng nhân sự thì tôi lại ngập ngừng muốn từ chối. Tôi có người bạn là linh mục từng mục vụ nhiều năm tại Đài Loan cho các cô dâu và công nhân “xuất khẩu lao động” Việt Nam. Những chuyện Cha bạn kể và những tin tức xem trên mạng đã từ lâu cho tôi định kiến không đẹp về xứ sở này. Tôi cũng không hề có ý định ghé Việt Nam dù Đài Bắc và Hà Nội chỉ cách nhau ba giờ bay, đơn giản vì tôi không có gia đình và bạn bè để thăm, và tôi không muốn làm du khách bị xách nhiễu lừa gạt - một thực trạng đã xẩy ra cho nhiều người - trên chính quê hương của mình.

    Mưa nặng hạt trên đường từ phi trường về khách sạn. Lấy phòng, soạn đồ đạc ra xong thì trời đã xẩm tối. Mấy nhà hàng trong khách sạn sắp đóng cửa nên tôi đành xuống hotel lounge kiếm cái gì ăn cho qua bữa. Tô mì đồ biển nhạt thếch nuốt mãi không trôi, ly cocktail Pina Colada pha cũng chưa tới. Cô tiếp viên xinh đẹp ý nhị đem ra đĩa bánh và ly trà nóng, nói cô tặng tôi mừng Trung Thu. Ừ nhỉ, hôm nay rằm nhưng vì trời mưa nên tôi quên bẵng mất.

    Ngày Thứ Hai dân Đài Loan được nghỉ lễ Trung Thu. Trời vẫn mưa như trút nước nên dự tính đi dự lễ hội Trung Thu tan như mưa. Nguyên một ngày ngồi trong khách sạn nhìn mưa rơi ngoài khung cửa kính đưa ký ức tôi miên man về với những kỷ niệm xưa cũ. Đây là lần đầu tôi trở lại Đông Nam Á kể từ khi rời bỏ Việt Nam hơn 30 năm trước.

    Tôi đang ở rất gần quê hương nhưng sao lòng cảm thấy thật xa, xa như những ngày hè của tuổi thơ ở Bình Tuy quê nội. Làng đánh cá vào mùa bão cả nhà thờ rợp màu tang trắng. Sau này với phong trào vượt biển, khăn tang như nhiều thêm. Gia đình bên nội tôi cũng đánh cá, cũng vượt biển, nhưng may mắn đến bến bờ bình an. Nhiều người đã không được như vậy.

    Lúc còn bé ở trong trại tị nạn tôi đã nghe, đã thấy nhiều chuyện hãi hùng. Tôi bắt đầu sợ biển và những bất trắc nó có thể mang đến. Lớn lên một chút, hiểu ra nguyên nhân đằng sau chuyện vượt biển, đọc văn khố thuyền nhân, biết thêm về những thảm nạn và tử vong, tôi càng bị ám ảnh về những trang sử đen tối của dân tộc mình. Bao nhiêu năm đã trôi qua, ngỡ rằng lịch sử đã sang trang, nhưng mỗi lần theo dõi tin tức liên quan đến quốc nội, tôi chẳng tìm ra được lý do gì để tin rằng dân mình đang có những ngày sáng sủa hơn.

    Chuyện những cô gái Việt lấy chồng xa xứ kiểu Thúy Kiều bán thân chuộc cha, chuyện công nhân lao động bị bóc lột áp bức ở nước ngoài - mà những người đầu tiêu lại chính là nhóm môi giới người Việt, và hoạt động của họ không thể nào không có sự bao che của những thế lực trong nước - là những chuyện làm tôi thao thức không thôi. Tôi xót xa cho thân phận Việt Nam và bi phẫn cho cách cư xử giữa con người với con người.

    Mưa tạnh, gió ngừng sáng ngày Thứ Ba nhưng hãng xưởng và trường học vẫn đóng cửa. Không thể gò bó mãi một chỗ, tôi xách dù lang thang ra phố. Dujuan lưu lại Đài Bắc chưa tới 48 tiếng nhưng đã gây ra nhiều tổn thất hư hại. Ngay ngoài cửa khách sạn, cây cối tróc gốc nằm ngang ngữa, bàn ghế lăn lóc tứ phía. Ở đầu đường, các nhân viên công lực đang hì hục sửa chửa những cột điện, cột đèn bị đổ. Nhiều khúc đường vẫn còn bị ngập nước dù nắng đã lên.

    Qua khỏi khu khách sạn và thương mại là đến khu nhà dân. Quần áo phơi đầy ngoài cửa sổ ở tầng trên. Xe đạp, xe máy dựng trước hiên ở tầng dưới. Mấy bà già mặc đồ bộ cầm chổi quét rác rến trước cửa nhà. Những đứa nhỏ lê lết chơi trên cái sân đầy bùn đất. Cảnh tượng hình như không mấy khác với Bình Tuy sau cơn bão? Cố tìm lại cảm giác quen thuộc nhưng tôi chỉ thấy bứt rứt khó chịu với cái khí hậu ẩm rít của miền nhiệt đới.

    Đi ngược lại. Chui vào một thương xá. Máy lạnh. Hàng hiệu. Người, người và người. Vẫn cảm thấy lạc lõng. Trở lại khách sạn, vào phòng bật tivi để giết thì giờ. Thấy bản tin bằng tiếng Tàu, có chiếu cảnh hiện trường vụ án, nhưng người đang được phỏng vấn hình như là Việt? Đúng rồi, họ Nguyễn hiện ra trên màn ảnh kìa. Không hiểu chuyện gì đây?

    Nhịp sống trở lại với thành phố ngày Thứ Tư. Tôi vào sở và tất bật với công việc. Đồng nghiệp địa phương ngoài những người chức vụ cao, tất cả đều còn rất trẻ. Cũng dễ hiểu thôi vì muốn làm cho một công ty kỹ thuật ngoại quốc, ngoài bằng cấp và kinh nghiệm cần thiết còn phải giỏi tiếng Anh và quen thuộc với cách làm việc của phương Tây và văn hóa toàn cầu, những điều chỉ được nhấn mạnh và huấn luyện sau này.

    Những đồng nghiệp trẻ tiếp tôi ân cần lễ phép đến nỗi làm tôi ngại ngùng. Buổi sáng cà phê, bánh ngọt đưa đến tận bàn. Giờ trưa hộ tống xuống cafeteria ở lầu dưới lấy thức ăn dù tôi nói có thể đi một mình. Sau giờ làm việc đi ăn tối, ngồi với xếp lớn xếp nhỏ, họ e dè khép nép đến tội nghiệp. Ăn tối xong ra cửa đã thấy taxi họ gọi đang chờ đưa tôi về lại khách sạn.

    Hai hôm kế, sau giờ làm việc tôi nhờ nhóm đồng nghiệp trẻ dẫn đi tham quan thành phố, viện cớ không muốn làm phiền những "người lớn" cần về với gia đình. Tối nào chúng tôi cũng lang thang đến quá nửa đêm. Họ vui vẻ cởi mở khác hẳn hôm đầu.

    Trung tâm cao chọc trời nổi tiếng Taipei 101 có đủ cửa hiệu và những mặt hàng không thua bất cứ nơi nào tôi từng đi qua. Giá cả hàng ngoại mắc hơn ở Mỹ khoảng 30% trong khi tiền lương trả cho nhân viên tại Đài Loan cho cùng một chức vụ thấp hơn ở Mỹ nhiều. Thấy tôi nhìn giá tiền những người bạn trẻ giải thích, “Chúng tôi chỉ vào đây ngắm - window shop, khi cần mua sắm thì ra khu bình dân bên ngoài mua hàng nội hoặc hàng may bên Tàu.” Hèn gì giống như tại khách sạn tôi đang trọ, những người tiếp viên trong thương xá đều lịch thiệp trẻ đẹp và nói tiếng Anh rất chuẩn. Đây là chỗ cho du khách và dân sành điệu mua sắm.

    Chợ đêm ở Songshan District ồn ào náo nhiệt. Con đường được bít lại dành chỗ cho nhiều quầy hàng nhỏ, phần đông là thức ăn và hàng hóa tạp nhạp. Người đi chợ đêm đông như trẩy hội, chen chúc nhau từng bước ở hai lối đi giữa ba dẫy hàng quán. Khi đã bắt đầu thì phải đi cho đến cuối vì lối đi chập hẹp một chiều không có chỗ để đi ngược trở lại. Đầy đủ những món ăn chơi quen thuộc như thịt nướng, ốc luộc, cua hấp, trái cây ngâm, chè trân châu, khô bò, khô nai.. Người bán hàng nấu tại chỗ, trả tiền xong khách đứng bên lề ăn bốc giống y như ở Việt Nam. Tiếng mời chào, tiếng gọi nhau, khói, mùi đồ ăn, mùi người quyện vào nhau làm tôi choáng ngộp. Vui, nhưng vẫn cảm thấy đây không phải là chỗ mà mình từng thân thuộc.

    *

    Sáng Thứ Bảy tôi kiếm tour hướng dẫn du lịch Đài Bắc. Có nhiều chỗ để đi nhưng thời gian hạn hẹp nên cuối cùng tôi chọn tham quan vùng ngoại ô. Tour guide là người đàn ông khoảng 60 tuổi với tiếng Anh sành sõi. Xe van đời mới tiện nghi nhưng chỉ chở bốn du khách gồm một cặp vợ chồng sồn sồn người Phi, cô bạn trẻ người Mễ Tây Cơ và tôi. Đường đủ xa để chúng tôi bắt chuyện làm quen, từ gia cảnh, việc làm đến quan điểm về kinh tế, xã hội, chính trị. Người tour guide vui vẻ khoe có mấy người bạn có vợ Việt và đi tham quan đến chỗ nào có người Việt làm việc là ông lôi tôi đến giới thiệu. Kỳ lạ là những người Việt này nhìn tôi không một chút thiện cảm làm tôi nhột nhạt bảo ông đừng làm vậy nữa.

    Xe chạy dọc theo sườn núi, ngang qua những ngôi làng nhỏ với chùa chiền và miếu mộ cổ kính. Chúng tôi dừng lại ăn trưa ở bờ biển Ying-Yang Sea, tỉnh Ruifang District. Nơi đây có những tảng đá thiên nhiên tuyệt đẹp và đặc biệt nước biển thì màu vàng và xanh. Khi tôi thắc mắc vì thấy một số người đứng câu cá mặc dù có bảng cảnh báo cá vùng này có thể bị ngộ độc, người tour guide cười nhẹ, “Họ không ăn đâu. Họ câu về bán hoặc cho người khác.”

    Điểm dừng thứ hai là thác Golden Waterfall. Thác nước có màu vàng óng ánh do kết quả của sự kết hợp của lượng mưa thường xuyên và sự phong phú của các nguyên tố kim loại nặng lắng trong lòng sông. Thời Nhật chiếm đóng Đài Loan, vùng này có nhà máy khai thác vàng. Vẫn còn là một cuộc tranh cãi màu vàng là hiện tượng tự nhiên hay kết quả của ô nhiễm và suy thoái môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản trong khu vực ngày xưa, nhưng dân địa phương không ai dám uống nước từ dòng thác này. Nước từ dòng thác theo suối vào sông rồi chảy ra bờ biển Ying-Yang tạo ra nước biển hai màu và bảng cảnh báo.

    Điểm chính của buổi tham quan là Jiufen, một thị trấn miền núi nơi mỏ vàng được phát hiện khoảng đời nhà Minh. Cơn sốt vàng đã đẩy nhanh sự phát triển của ngôi làng nhỏ im lìm thành một thị trấn đông đúc mà đỉnh cao nhất là thời kỳ thực dân Nhật. Công nhân ùn ùn kéo đến và cất lên những căn nhà nhỏ tạm bợ nằm san sát nhau. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, quân Đồng Minh bị Nhật bắt tại Singapore cũng bị đưa về đây để đào mỏ. Hoạt động khai thác vàng giảm dần sau chiến tranh và dừng hẳn vào năm 1971. Jiufen nhanh chóng bị lãng quên.

    Năm 1989, sự thành công của bộ phim “A City of Sadness” đã hồi sinh Jiufen, nơi cung cấp bối cảnh cho bộ phim. Khán giả bị mê hoặc bởi phong cảnh hoài cổ trong phim. Các quán cà phê, phòng trà và cửa hàng lưu niệm mang tên "City of Sadness" được nhanh chóng xây dựng để thu hút khách du lịch. Sự tương đồng của cảnh trí Jiufen với khu trung tâm trong bộ phim hoạt hình “Spirited Away” ra đời năm 2001 của Nhật Bản cũng khiến du khách Nhật ồ ạt kéo đến thị trấn miền núi này. Jiufen trở thành một điểm du lịch nổi tiếng cho nên đã đến Đài Loan thì phải ghé thăm cho biết.

    Tôi đi quanh quẩn Jiufen chừng hai tiếng đồng hồ, bắt đầu với mấy con đường nhỏ trong thị trấn. Con đường hẹp với những gian hàng đồ ăn và quà lưu niệm ở hai bên. Du khách chen chúc nhau ở lối đi chính giữa, vừa nhìn ngắm, vừa chụp hình, vừa ăn uống. Mùi đồ ăn, mùi người, tiếng ồn ào không mấy khác chợ đêm. Đi ra phía ngoài hàng quán lớn hơn và người thưa dần, có lẽ vì giá cả cao và không khí không náo nhiệt bằng.

    Ngôi chùa mái cong nạm vàng, trạm trỗ hình rồng nằm chơ vơ ngoài xa không mấy người vào viếng. Leo lên bậc thang cao chót vót nhìn xuống, thấy cảnh đẹp và bình yên. Những ngôi nhà mái tôn nhỏ cũ kỹ nằm men theo vách núi gợi nhớ hình ảnh những căn nhà của người dân tộc thiểu số và trẻ em nghèo đói thất học ở Việt Nam mà hằng năm cộng đồng tôi vẫn quyên góp giúp đỡ. Biển Thái Bình Dương ngoài xa trông hiền lành thế kia, vậy mà cũng có lúc chôn sống mấy trăm ngàn mạng người.

    Chúa Nhật người bạn linh mục, hiện đã trở về Mỹ chữa bịnh, sắp xếp cho một người Việt sống tại Đài Loan đưa tôi đi chơi. "Đi cho biết," Cha bạn bảo tôi vậy. H đến đón tôi ở khách sạn rồi chở ngược về khu tập trung nhiều người Việt. H nhỏ hơn tôi vài tuổi, hoạt bát xinh xắn và ăn mặc gợi cảm. H làm cho Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân, Cô Dâu Việt Nam Đài Loan nhiều năm nên suốt đường đi kể cho tôi nghe về những hồ sơ cô từng giúp. Cốt chuyện quen thuộc như những gì tôi đã nghe, sự khác biệt chỉ là nạn nhân và thời gian. H tâm sự:

    “Làm ở đó lương không bao nhiêu mà gặp toàn những chuyện nhức đầu cho nên năm ngoái em nghỉ luôn."

    Đến Zhongli, H bảo:

    "Em có hẹn con bạn đi chơi chung với chị, để em tạt ngang đón nó."

    Đến trước cửa nhà, gọi điện thoại và chờ mãi mới thấy một cô thủng thỉnh đi ra, trẻ hơn H và gợi cảm hơn. NA phân bua:

    "Các cô dâu chúng em sống về đêm. Tối qua nhậu khuya quá, sáng dậy không nổi."

    Tôi cười:

    "Không sao, mới một giờ chiều, còn nhiều giờ mà."

    Ba chị em đến một nhà hàng vắng khách, ăn ít nói chuyện nhiều. Cả H và NA đều lấy chồng người bản xứ và đã sống ở Đài Loan lâu năm. H ở với gia đình chồng và có hai con tuổi Trung Học. NA ở riêng, thỉnh thoảng cuối tuần về thăm chồng và con trai nhỏ. NA giải thích:

    "Ở riêng để thoải mái tự do đi về và muốn làm gì thì làm. Em cũng không cho chồng biết em đang ở đâu."

    "Rồi chồng em cũng đồng ý sống như vậy sao?"

    "Nó có nuôi em đâu mà có ý kiến!"

    Chuyện cô dâu Việt bị hành hạ ngược đãi thì tôi đã biết nhiều, nhưng chuyện các cô... bắt nạt chồng và nhà chồng thì đây là lần đầu tôi nghe. Hai cô nói đàn ông Đài Loan về Việt Nam bỏ ra số tiền khá lớn để cưới vợ, đem vợ qua xong có thương cũng chỉ lo ăn lo ở, trong khi các cô dâu Việt còn cha mẹ, còn gia đình bên nhà trông chờ. Vậy là sau thời gian đầu khó khăn vì không biết ngôn ngữ, vì không hiểu văn hóa tập tục, vì bận rộn đẻ con và săn sóc gia đình chồng, các cô bắt đầu hội nhập và bung ra ngoài đi làm. Một khi đã làm ra tiền, đã có thể tự lập thì bắt đầu có quyền "tự do tư tưởng, tự do thời giờ và tự do hành động." Dù không ra ở riêng như NA, nhiều cô vẫn ung dung đi về và sống tùy ý như H.

    "Có thời ăn nên làm ra, em bao hết mọi chi phí cho nhà chồng. Mỗi tháng em xài cả 10 ngàn đô la. Đó là chưa kể nhà cửa quà cáp cho cha mẹ bên Việt Nam, tiền cho mấy đứa em đi du học..."

    Tôi nhìn NA ngạc nhiên, vì 10 ngàn là số tiền không nhỏ, ngay cả ở Mỹ. H như đọc được câu hỏi trong đầu tôi, giải thích:

    "Các dịch vụ về gái ở đây khấm khá lắm chị. Nếu không bị giựt nợ và bị mất quốc tịch, con này bây giờ đã giàu to."

    Lắc đầu, lúc mới gặp nhìn cách ăn mặc và cái ví Louis Vuitton NA xách tôi cũng đã biết cô sành điệu, nhưng không ngờ..

    "Nghe nói chị là nhà văn. Có chuyện này không biết chị có thể giúp em không?"

    "Chị chỉ viết chơi thôi, không phải là nhà văn. Mà chuyện gì, em?"

    Số là NA mở tiệm massage dưới sự trợ giúp của một người đàn ông Đài Loan. Ngoài dịch vụ đấm bóp tiệm còn cung cấp những dịch vụ đặc biệt cho đàn ông lắm tiền cần thư giãn. Một hôm, không biết ai báo mà cảnh sát ập vào bắt quả tang tiệm đang hoạt động phi pháp. NA đang trong quá trình xin nhập quốc tịch Đài Loan, giai đoạn một từ bỏ quốc tịch cũ đã qua trong khi giai đoạn hai được chấp thuận quốc tịch mới thì chưa tới. Vậy là mất cả chì lẫn chài, đơn xin vào quốc tịch Đài Loan của cô bị bác trong khi quốc tịch Việt Nam thì không còn. Chính quyền Đài Loan cho cô ở lại nhưng cô không được hưởng bất cứ quyền lợi nào của người thường trú, từ xin visa du lịch nước ngoài cho đến xin thẻ tín dụng để mua sắm những đồ vật mắc tiền.

    "Bây giờ em muốn làm gì cũng không được, muốn về Việt Nam thăm gia đình cũng không ai cho. Em lên sứ quán Việt Nam xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng họ nói luật hiện tại không cho phép. Cái này thật vô lý! Không cần biết em đã làm điều gì, em là người Việt thì nhà nước Việt Nam phải giúp đỡ em chứ. Nhiều cô dâu khác cũng bị trường hợp này. Chị viết bài báo giúp tụi em được không? Biết đâu khi nhiều người biết đến họ sẽ thay đổi luật.."

    Lại lắc đầu, không ngờ NA ngây thơ như vậy. Chưa bàn đến chuyện phải trái cô đã làm, nếu chính phủ Việt Nam biết quan tâm đến quyền lợi đất nước và thương dân thì cô đã không phải đi lấy chồng Đài Loan… và tôi cũng đã không có mặt ở Mỹ!

    Nói chuyện một lúc H phải chạy đi đón con. NA dẫn tôi đi ra khu mua sắm của dân địa phương. Cô chỉ một váy đầm khá.. gợi cảm:

    "Dáng chị mặc cái này sẽ đẹp lắm. Để em mua tặng chị làm kỷ niệm nha."

    Lại phải lắc đầu nữa:

    "Cám ơn em. Chị sẽ không biết mặc áo này đi đâu."

    Khi H trở lại thì NA xin kiếu. Cô phải ra đại lý xe hơi gặp anh chàng Đài Loan nào đó hứa đứng tên mua xe cho cô. Hèn chi suốt buổi chiều đi với chúng tôi điện thoại của cô reng liên tục.

    "Anh ta có biết NA có chồng rồi không?"

    "Biết chứ chị, nhưng đang có chồng càng tốt vì anh ta khỏi sợ em ràng buộc anh ta."

    NA đi rồi H chở tôi đến khu hàng quán Việt Nam. Quán ăn chúng tôi ghé cỡ chừng 40 chỗ ngồi nằm cạnh tiệm massage cũ của NA. H giới thiệu người đàn ông Đài Loan đứng trước cửa là chủ và cũng là chồng của cô gái Việt đang đứng ở quầy tính tiền ở trong. Ông chủ vui vẻ kéo ghế mời chúng tôi ngồi ở bàn ngoài sân và chạy vội vô trong lấy ra hai ly cà phê. Trong nhà hàng thấy khoảng 20 nam nữ đang vừa ăn uống vừa hát karaoke. H giải thích họ là những cô dâu và chàng trai lao động “độc thân tại chỗ”.

    Có một cô rất đẹp đi tới cùng với đứa con gái cỡ 14, 15 tuổi. Cô gái nhìn quá trẻ để có con lớn như vậy. "Lấy chồng từ thuở 13 mà chị." Cô nheo mắt cười trước khi ôm eo bước vào quán với một chàng nhìn không quá 25 vừa chạy ra đón.

    "Bồ nhí của nó đó chị," H cười thoải mái. "Con này đào hoa lắm. Chồng cũ người Đài Loan nó bỏ lâu rồi, là ba của con bé hồi nãy đó. Nó yêu một thằng xuất khẩu lao động và có đứa con trai với thằng đó nhưng không xong. Hết hợp đồng thằng đó về nước nó gửi đứa con về cho ba má thằng đó ở Việt Nam nuôi, hàng tháng nó vẫn cung cấp tiền bạc đầy đủ, còn nó ở đây cặp bồ với thằng này trong khi vẫn làm ở mấy quán rượu ôm.."

    "Vậy thằng bồ này không ghen sao em?"

    "Tư cách gì mà ghen chị. Nó có nuôi con người ta ngày nào đâu. Nó đi làm công nhân có được mấy đồng mà còn phải gửi về cho mẹ nó nữa. Cặp nhau cả hai bên đều có lợi mà."

    Nhìn những người trẻ vô tư hát hò đùa giỡn và nốc bia rượu liên tục ở trong quán, tôi nghĩ thầm, “Mình ngồi ở đây thế nào cũng bị ăn đạn lạc.” Lời giải thích của Cha bạn khi tôi hỏi về vụ án thấy trên tivi hôm thứ hai vẫn còn in trong đầu:

    "Thì ngày lễ nghỉ, đám lao động họp nhau ăn uống. Làm việc bị hiếp đáp nên ức chế. Đến lúc nhậu nhoẹt rượu vào khích nhau thì mọi bực tức bung ra trên đầu nhau. Giận cá chém thớt.. là vậy.”

    Cô gái đẹp lúc nãy đi trở ra kéo ghế ngồi cạnh. Tôi ngạc nhiên khi H nói về ý định muốn mở quán cà phê giống "Quán Lú" ở Nam Cali:

    "Sao em biết quán này?"

    "Thì em xem trên mạng. Mà chị thấy em mở quán này ở đây được không?"

    "Từ trước đến giờ chị chỉ biết đi làm ở hãng, chuyện làm ăn chị dốt đặc."

    "Muốn mở mấy quán này phải có gái, bà tính kiếm ở đâu ra?" Cô gái đẹp chen vào. "Mấy cô dâu đâu có mấy người rảnh để giúp bà. Chưa kể sau vụ con A bị dính sida rồi cố tình lây cho khách làm người ta sợ quá trời.."

    "Mấy đứa con gái lao động thì sao?"

    "Thôi đi bà ơi. Mấy đứa đó trẻ nhưng cứng đơ làm sao mà khách thích được.."

    Nghe hai cô bàn chuyện làm ăn của các cô dâu Việt mà tôi choáng váng, thấy mình như người từ hành tinh nào khác lọt xuống đây. Ngồi thêm một chút tôi nhắc H đưa tôi đi Lễ Chúa Nhật. Trước khi đi H kéo tôi vào trong quán gặp những người bạn của cô. Họ đùa vui và cố ép tôi ăn chén lẩu đồ biển và uống ly bia trước khi ra về.

    *

    Nhà thờ nằm ở Taoyuan District mà người Việt quen gọi là Đào Viên. Lễ tối Chủ Nhật người ngồi chật kín nhà thờ. Tôi tìm được chỗ trống phía gần ca đoàn, cạnh một cô bé tóc dài trắng trẻo xinh như búp bê. Cô bé ăn mặc giản dị, mặt mũi tự nhiên không điểm trang, ngón tay áp út bên trái mang nhẫn, tay bên phải cầm chuỗi lần hạt.

    Tôi nhìn quanh thấy ai cũng trẻ. Họ cỡ tuổi lũ cháu của tôi ở nhà. Cô bé bên cạnh chắc độ hơn con gái tôi vài tuổi. Trong khi con gái tôi từ miếng ăn, cái mặc vẫn mẹ lo, cô bé này lại lạc bước đến tận đây. Cha bạn từng kể:

    "Lễ ở cộng đồng Việt Nam gồm toàn đám trẻ lao động. Tụi nó tuổi 20-25 thôi. Tụi nó làm quần quật tuần sáu ngày mà lương lậu không bao nhiêu. Có đứa hai năm đầu lương bị khấu trừ vào nợ môi giới hết, đến năm thứ ba mới bắt đầu có tiền gửi về nhà. Vì vậy có nhiều đứa hết hợp đồng trốn ở lại, con trai tiếp tục lao động, con gái thì ráng kiếm việc nhẹ nhàng hơn hoặc lấy chồng bản xứ. Chỗ ăn ở của tụi nó thì chật chội như lỗ chó. Chủ Nhật được nghỉ tụi nó kéo đến nhà thờ chơi với nhau chờ đến tối dự lễ luôn.”

    Thánh lễ sốt sắng nhưng đọc kinh và hát lễ rề rà y chang ở Việt Nam. Cuối lễ Cha Hùng lên ra thông báo. Tôi có nghe nhiều về Cha Hùng và Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân, Cô Dâu Việt Nam Đài Loan qua Cha bạn, người đã làm phụ tá cho Cha Hùng trong nhiều năm trời.

    Có hai thông báo quan trọng. Thứ nhất Cha Hùng nhắc luật Đài Loan phạt rất nặng những người giết và ăn thịt chó. Thời gian gần đây có rất nhiều vụ dân lao động Việt bắt chó của người bản xứ làm thịt ăn nhậu rồi còn đem hình ảnh khoe trên mạng. Có người còn mở lò giết và cung cấp dịch vụ thịt chó. Máy quay quan sát đã được gắn ở những khu có nhiều người Việt sống, làm việc và đi lại. Cha bắt cả nhà thờ phải hứa với Cha là không ăn trộm chó, không giết chó, không mua thịt chó, và không ăn thịt chó cho dù không trộm, không giết, không mua...

    "Các con có hứa với Cha không?"

    Một số cánh tay giơ lên. Vài tiếng nói lao xao phản đối:

    "Không ăn sao được, Cha. Thịt chó là món quốc hồn quốc túy của mình mà."

    Tôi quay sang cô bé búp bê bên cạnh:

    "Sao em không hứa với Cha?"

    Cô bé tròn mắt trả lời bằng tiếng Hải Phòng nặng trịch:

    "Em chỉ cố gắng nhịn thịt chó trong thời gian lao động ở đây thôi. Về nước em phải ăn lại chứ chị!"

    Thông báo thứ hai Cha Hùng nhắc công nhân lao động người Việt phải tích cực tham dự buổi xuống đường, cùng với lao động các nước như Phi, Indo và Thái Lan, đòi hỏi công bằng cho quyền lợi của chính mình. Cha nói chính phủ Đài Loan cũng đang dự tính phổ biến hình ảnh của tất cả những người cư trú bất hợp pháp lên trang mạng. Chuyện này vi phạm quyền riêng tư và có thể gây nguy hiểm cho những người lao động. Buổi xuống đường dự tính vào sáng ngày hôm sau, ngày mà ai cũng phải đi làm cho nên cả nhà thờ chỉ có tám người giơ tay đi với Cha.

    Sau Thánh Lễ tôi lên chào và hỏi thăm Cha. Mắt Cha sáng lên khi biết tôi làm việc cho công ty cung cấp thông tin trên Internet:

    "Con có thể giúp Cha đăng bài về những vấn đề này để gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế không?"

    Tôi lắc đầu cười buồn:

    "Con cũng muốn giúp lắm nhưng Yahoo có quá trình nghiêm ngặt và nhiều quy định về những thông tin đăng tải. Họ cũng rất dè dặt với những bản tin đưa ra từ bên trong. Con lại không thuộc ban truyền thông."

    "Vậy ngày mai con cùng xuống đường với Cha và các anh chị em lao động cho biết nhé."

    Lại thở ra:

    "Ngày mai con về rồi Cha ơi. Lần sau qua nhất định con sẽ ở lâu hơn và đến thăm Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân, Cô Dâu Việt Nam Đài Loan để hiểu thêm về những vấn đề. Bây giờ con chỉ có thể hợp lời cầu nguyện cho buổi xuống đường mang lại kết quả mong muốn..”

    *

    Chuyến bay trở về Mỹ cất cánh lúc 11 giờ sáng. Tôi ngồi nhìn ra cửa sổ, đầu óc vật vờ sau một đêm mất ngủ nghĩ ngợi về những cảm nghiệm trong tám ngày ở Đài Loan. Tất cả đều phức tạp và rối rắm hơn những định kiến mà tôi đã có lúc chưa đến.

    Giờ này những người bạn đồng nghiệp bản xứ dễ thương của tôi chắc đang vật lộn với cái hệ thống tuyển dụng nhân sự mới. Thanh niên Việt xa nhà thì “lao động vinh quang” cho những ông bà chủ Đài Loan và môi giới Việt.

    Đoàn biểu tình của Cha Hùng xuống đường đòi quyền lợi cho công nhân đi đến đâu rồi? Lần này có ai trong Đại Sứ Quán Việt Nam hỗ trợ việc làm của Cha không? Có lay chuyển được gì trong lòng của người bản xứ và chính quyền Đài Loan không?

    Và các cô dâu tôi gặp hôm qua.. các cô đã tỉnh dậy chưa, hay vẫn còn đang say giấc mộng?

    Máy bay lên cao dần, quang cảnh phía dưới rộng lớn ra. Quê hương tôi đâu đó, đằng sau dẫy núi kia. Tưởng chừng chỉ một cái với tay, vậy mà vẫn chưa thể trở về. Trời trong, nắng chan hòa ngoài khung cửa sổ. Biển xanh ngắt, phẳng lặng. Cơn bão Dujuan đã đi qua từ lâu, nhưng sao lòng tôi vẫn không ngừng dậy sóng?

  3. #63
    Quê hương là chùm khế ngọt
    Cho con trèo hái mỗi ngày
    Quê hương là đường đi học
    Con về rợp bướm vàng bay
    Quê hương là con diều biếc
    Tuổi thơ con thả trên đồng
    Quê hương là con đò nhỏ
    Êm đềm khua nước ven sông
    Quê hương là cầu tre nhỏ
    Mẹ về nón lá nghiêng che
    Quê hương là đêm trăng tỏ
    Hoa câu rụng trắng ngoài thềm

    Cuộc ra đi của những kẻ hái khế
    Người Buôn Gió

    Đất nào sinh ra tôi
    Mẹ hiền nào nuôi thân tôi
    Miền nào nuôi thân tôi
    Mà giờ này tôi xa rồi.

    Quê Hương Bỏ Lại là nhạc phẩm mà các ca sĩ hải ngoại di tản theo dạng thuyền nhân sau năm 1975 thường trình bày gây xúc động kiều bào vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước.

    Nội dung nhạc phẩm trải nỗi lòng của những người tị nạn rời xa quê hương, họ bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn và không hẹn ngày trở lại.

    Hơn 30 năm sau, nhiều người trong số họ đã trở về từ Khánh Ly, Chế Linh đến các ca sĩ trẻ hơn như Mạnh Quỳnh, Phi Nhung.

    Nhưng làn sóng người Việt rời xứ sở ra đi ngày một nhiều hơn, sự ra đi của họ không bi tráng như những thuyền nhân trước kia, họ ra đi trên những chiếc máy bay với một lịch trình cho cuộc sống trước mắt ở xứ người đã được sắp xếp chu đáo bởi các công ty tư vấn, dịch vụ định cư.

    Ngày nay trên đường phố quanh khu Bolsa của Nam Cali, thủ phủ của cộng đồng người Việt tị nạn nhan nhản những tấm biển quảng cáo cho dịch vụ định cư, du học, việc làm. Có rất nhiều gia đình quan chức cộng sản đã tìm đến Hoa Kỳ định cư theo diện đầu tư như gia đình Nguyễn Công Khế. Một nữ tổng biên tập một tờ báo ở Việt Nam là Hồ Thu Hồng với cái tên gọi là Beo Hồng cũng đã có mặt trên đất Mỹ từ lâu, tổng biên tập tờ báo Vietnamnet đình đám một thời là Nguyễn Anh Tuấn cũng như Beo Hồng, gia đình Tuấn hiện đã sinh sống tại Mỹ.

    Trước mắt các bạn đã thấy ba tổng biên tập của ba tờ báo lớn Việt Nam, những tờ báo hàng ngày vẫn ca ngợi đảng và chính phủ Việt Nam đem lại tăng trưởng, đem lại hạnh phúc, tự do cho nhân dân, họ đã đưa gia đình đến nơi mà tờ báo của họ từng miệt thị, chửi bới thậm tệ để sinh sống. Những người kế cận họ lại điệp khúc khen chế độ Việt Nam , chửi Mỹ và đánh đấm kiếm tiền đưa gia đình sang Mỹ.

    Vô vàn các nghệ sĩ, ca sĩ Việt Nam bằng cách nào đó như kết hôn, hợp đồng lao động đã kiếm cho mình được tấm thẻ xanh trên đất Mỹ.

    Bây giờ tôi thường xuyên nhận được tin nhắn hỏi về việc định cư tại châu Âu. Một chủ nhà hàng lớn trong chuyến du lịch đến châu Âu, vốn là người quen cũ, ông ta hẹn tôi uống cà phê và bày tỏ ý định tìm cách định cư tại châu Âu. Dự định của ông là mua nhà bên Hy Lạp với giá khoảng 250 ngàn Euro, chính phủ Hy Lạp đang khủng hoảng về tài chính, họ có chính sách bán nhà và cấp giấy định cư cho những người nước ngoài đến mua nhà. Người mua nhà ở Hy Lạp có giấy tờ đi lại trong khối Schengen tức đi lại trong 27 nước Tây Âu, với giấy tờ này người ta có thể sống và làm việc tại bất kỳ nước nào, miễn có việc làm và nuôi được bản thân không xin trợ cấp.

    Rẻ hơn nữa là Latvia, với khoảng 150 nghìn Euro mua nhà bạn có thể sở hữu được tấm giấy phép như vậy.

    Còn ở Đức thì giá đắt hơn, một gia đình có thể phải mất đến vài trăm ngàn để làm một dự án kinh doanh, nhà hàng, công ty tạo việc làm để đưa cả một gia đình đi.

    Đỗ Liên, đại sứ danh dự Việt Nam ở Châu Phi, chủ hãng bảo hiểm AAA khi xưa nay đang cùng chồng sau sở hữu một nhà hàng lớn ở ngay trung tâm Berlin. Liên cùng chồng sau là Toàn và các con cái đã sống ở đây vài năm, họ vẫn đi đi về về Việt Nam điều hành việc làm ăn ở nhà. Quán của vợ chồng Toàn Liên sau vài năm mở để đưa cả gia đình sang, hiện đã sang bớt cổ phần cho Quán Ngon. Số tiền vợ chồng Toàn Liên chuyển sang đầu tư đến hàng triệu Euro, riêng phần bếp đã vài trăm nghìn. Có đến hàng trăm, đó là con số tôi có thể biết về những người Việt Nam đầu tư sang Châu Âu để kiếm giấy tờ hợp pháp sinh sống ở châu Âu như vậy.

    Ở Hung ngày càng nhiều người Việt hơn, với 60 nghìn euro cho gia đình 4 người và thêm khoảng 100 ngàn euro mua nhà, cả gia đình 4 người đã có giấy tờ. Trước đây Hung còn có chính sách nếu ai mua trái phiếu chính phủ khoảng 3-400 trăm ngàn euro gì đó sẽ được cấp thẻ xanh vĩnh viễn, chương trình này chấm dứt rất nhanh bởi người Trung Quốc nhanh chóng ùa đến. Sau ba năm trở lại Hung, trên con phố đi bộ đắt nhất của thủ đô Hung, bên dòng Đa Nuyp thơ mộng. Những con người từ xứ Tô Châu đã tìm đến đây để sống với một môi trường trong sạch, an toàn không ô nhiễm và đầy bạo lực như quê hương họ.

    Đại sứ quan Hung ở Việt Nam không đủ người để giải quyết hàng đống hồ sơ xin mua nhà, xin tạm cư của người Việt.

    Ở Hung mua nhà không bị hỏi tiền ở đâu ra, miễn là bạn mua nhà hay bất động sản ở Hung thì bạn có cầm valy tiền mặt đều được chấp nhận. Hình như sau bao nhiên năm gì đó bạn mới được bán đi.

    Đấy là những người có tiền, những người ít tiền hơn họ chọn cách ra đi bằng đường du lịch sang Nga và trốn đường rừng vào Ba Lan, Lát Vi A rồi sang đến Đức, nơi có cộng đồng đông đảo người Việt đang sinh sống, những đồng bào cùng miền quê với họ sẽ giúp họ tìm việc làm và đợi thời gian tích luỹ số tiền sẽ hợp pháp hoá giấy tờ trên cơ sở điều luật nhân đạo của Đức như kết hôn, nhận bố, nhận con. Rất nhiều cô gái trẻ người Việt mặt non choẹt đẩy xe nôi trên đường phố Berlin. Một phụ nữ Việt Nam vào Đức lậu, có bầu và được một người có giấy tờ Đức nhận là bố đưa trẻ, cô và đứa bé được ở lại Đức và nhà nước chu cấp đầy đủ cho hai mẹ con. Năm sau cô sinh đứa thứ hai, một người đàn ông Việt chưa có giấy tờ nhận là bố đứa trẻ, anh ta sẽ được giấy tờ và trợ cấp. Với cách thức như thế, càng ngày càng nhiều nam nữ thanh niên Việt Nam tìm đến nước Đức qua con đường trốn từ Nga sang. Từ năm ngoái ở Ba Lan có kiểu những người Việt đi du lịch sang Châu Âu, sẽ đến Ba Lan tìm một công ty dịch vụ làm giấy tờ chứng nhận họ có hợp đồng lao động ở Ba Lan, giá chỉ 2 ngàn euro là có một giấy tạm cư 2 năm tại Ba Lan. Đây là những nghèo khổ, ở quê hương họ không có việc làm, không có tương lai. Họ phải vay mượn, cầm cố đất đai cho những đường dây đưa người lậu để mong đến được nước Đức đổi đời.

    Canada và Úc là những nước dễ nhập cư nếu như bạn có hợp đồng lao động. Một phụ nữ có hai đứa con nhỏ , chị kiếm được hợp đồng làm chăm sóc người già ở Canada, thế là chị và hai đứa con giờ ở Canada đã 5 năm. Một thằng em tôi quen trên Facebook, mới ngày nào còn la oai oái việc thanh toán tiền thi công của đối tác chậm ở Việt Nam, nay thấy ung dung đưa ảnh đang ăn hải sản bên Úc với con cua to đùng và gật gù khen ngon và rẻ hơn quê hương có mấy ngàn cây số ven biển của mình.

    Những người ra đi sau này họ vẫn đi đi về Việt Nam để kiếm tiền bởi những quan hệ quan chức và các mối quan hệ làm ăn của họ vẫn đang hái ra tiền ở Việt Nam.

    Một dự án hàng trăm triệu, hàng tỷ USD ở Việt Nam được thực hiện, tiền vốn chính phủ vay của nước ngoài, nhà thầu nước ngoài được phép thi công, các quan chức Việt Nam được nhà thầu lại quả trung bình 15%. Hãy hình dung chỉ cần dự án 100 triệu là có 15 triệu đủ để cả chục gia đình quan chức Việt Nam có tiền may đất đai và giấy tờ định cư ở nước ngoài.

    Những dự án đó phá hoại môi trường, gây ô nhiễm không khí, đẩy người dân vào cảnh mất đất và giao thông chật chội, hỗn loạn, khiến người dân Việt Nam luôn chất chứa sự uất ức mà chính họ không hiểu nguyên nhân. Sự uất ức đấy tích tụ và thành những hành động tiêu cực khi gặp việc, có thể họ trộn chất độc hại vào thức ăn để bán kiếm lời để lại mối hoạ ung thư tràn lan, hoặc họ rút dao ra đâm nhau khi có chuyện xích mích , hay đường sá và phương tiện với tỉ thứ trong đầu người dân khiến mạng sống con người có thể chấm dứt trong tích tắc trên đường.

    Nhưng những người hái khế ưu tú đã có phương án của họ, ra đi để tránh cho gia đình mình phải chịu chung những mối lo như thế ở Việt Nam, quê hương chỉ là nơi họ hái khế phục vụ gia đình mình.

    Và càng nhiều những người ra đi như dạng hái khế ( không phải người nghèo đi trốn lậu ) theo dạng đầu tư như trên, họ để lại đàng sau càng nhiều ô nhiễm môi trường, xã hội loan lạc, bệnh tật ở quê hương Việt Nam.

  4. #64
    Nếu cái cột điện biết đi…
    Mạnh Kim

    Những con số tổng kết tình hình kinh tế Việt Nam đầy hí hửng rất tương phản với một con số tổng kết khác: “Năm 2018, Bộ Tư Pháp đã tham mưu, trình Chủ tịch nước giải quyết 4.472 hồ sơ về quốc tịch, gồm 4.418 hồ sơ xin thôi, 45 hồ sơ xin nhập, 9 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam…” (Dân Trí 31-12-2018). Nó cũng tương phản với một thực tế xảy ra sờ sờ: rất nhiều người Việt Nam vẫn đang tìm cách thoát khỏi đất nước.

    Không như giai đoạn sau 1975 kéo dài đến tận đầu thập niên 1990, khi những người chạy trốn cộng sản lén lút thu vén tiền bạc, vàng vòng để vượt biên, những chuyến “vượt biên” ngày nay công khai và rất rầm rộ. Ly hương chưa bao giờ là câu chuyện vui. Rời bỏ quê hương và gia đình không bao giờ là một chọn lựa dễ dàng. Thế nhưng người ta vẫn đi, nhất quyết phải đi, bằng mọi giá phải đi, khó cách mấy cũng đi, “chết” cũng đi, nuốt nước mắt mà đi!

    Thử search nhanh trên mạng về dịch vụ visa Hoa Kỳ, visa Úc, visa Canada…, sẽ thấy vô số quảng cáo “cam đoan bảo đảm đậu”. Một công ty dịch vụ visa thậm chí “treo” slogan: “Đi Mỹ không suy nghĩ!”. Làm thế nào không thể không suy nghĩ khi quyết định phải đi, một quyết định làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời, một quyết định có thể biến mình từ một người có của ăn của để thành một người tay trắng lạc lõng nơi xứ người. Tuy nhiên, vô số người vẫn chấp nhận lấy số phận đặt cược cho ván bài lớn nhất đời người: bằng mọi giá phải đi, sẵn sàng đón chờ tất cả may rủi để đi. Có người thậm chí nói, đi đâu cũng được, nước nào cũng được, miễn thoát khỏi Việt Nam! Nghe đau không?

    Những câu chuyện “làm thế nào để đi” đang được chia sẻ công khai hàng ngày. Dịch vụ du học mọc như nấm. Dịch vụ ngân hàng “hỗ trợ vốn” du học quảng cáo nhan nhản. Các chương trình EB1, EB3, EB5 giờ được nhiều người thuộc nằm lòng. Đó là những tấm vé vượt biên hợp pháp. Những tấm vé thay đổi số phận. Những “lá phiếu cử tri” minh chứng cho sự thất bại “toàn tập” của một chế độ. Những bằng chứng rõ ràng và cụ thể cho thấy chính sách cai trị của chế độ có kết quả ê hề và thảm hại như thế nào.

    Có quá nhiều lý do để đi. Có người nói họ đi (hoặc muốn đi) vì đất nước không còn thuộc về dân tộc nữa. Có người nói thẳng rằng “Việt Nam bán nước cho Tàu rồi, ở lại làm gì!”. Có người nói, họ đi vì ngày càng “căm thù chế độ cộng sản”. Dù cảm tính hay không thì đó vẫn là những lý do có thực. Tuy nhiên, lý do lớn nhất và phổ biến nhất vẫn là vì tương lai con cái. Chẳng ai muốn con cái họ lớn lên trong môi trường giáo dục-y tế tồi tệ như vậy. Chẳng ai muốn tương lai con mình u ám và đen tối như số phận quốc gia. Không ai muốn để con mình trôi trên chiếc tàu vô vọng và vô định. Chẳng ai muốn con cái phải gánh chịu những hậu quả mà chính những kẻ có trách nhiệm trực tiếp và lớn nhất cũng đang phủi tay tháo chạy.

    Một người bạn nói với tôi rằng, tôi có thể mua mọi thứ ở Việt Nam, tôi có thể sắm gần như bất kỳ chiếc xe nào, tôi có thể tậu gần như bất kỳ căn nhà nào, tôi có thể ăn bất kỳ nhà hàng sang trọng nào… nhưng có những thứ mà tôi không bao giờ có thể mua: tôi không thể mua được môi trường trong sạch, tôi không mua được ngôi trường có những giáo viên tử tế, tôi không mua được bệnh viện nơi tôi và con tôi không phải nằm vật vờ ở hành lang, tôi không mua được những con đường không bao giờ chứng kiến cảnh ngập lụt, tôi không mua được hệ thống công quyền tận tụy vì dân; và trên hết, tôi không thể mua được sự tự do – tự do cho cá nhân cũng như tự do cho tương lai con cái tôi.

    “Chúc mừng bạn và gia đình đã lấy được visa định cư Hoa Kỳ!” – không có lời chúc nào nghe mỉa mai hơn vậy. Vì sao mà sau hơn bốn thập niên người ta vẫn mừng khi rời bỏ quê hương lên đường tha phương? Vì sao mà gần nửa thế kỷ trôi qua người ta vẫn phải “vượt biên” tỵ nạn cộng sản và “tỵ nạn” những hậu quả mà cộng sản gây ra? Vì sao mà sau những tuyên bố khẳng định chế độ đạt được hết thành tựu này đến thành công khác mà “cán bộ” cộng sản và đảng viên cộng sản vẫn bằng mọi giá đưa con cái họ ra nước ngoài?

    “Chúc mừng bạn đã thoát được khỏi Việt Nam!” – không có lời chúc nào buồn và đau hơn. Một cách chính xác, lời chúc này không dành để nâng ly cho sự rời bỏ đất nước. Nó dành cho sự thoát được khỏi chế độ cai trị trên đất nước đó. Lời chúc đó là một cáo trạng cho chế độ. Chẳng ai vui (trừ “cán bộ” cộng sản) khi rời bỏ quê hương. Chẳng ai thoải mái khi bỏ hết tài sản lẫn thân nhân mà gạt nước mắt ra đi. Sự chọn lựa của họ quá khắc nghiệt: hoặc là một quê hương đang bị chế độ cộng sản tàn phá tan nát, hoặc là xứ lạ quê người nơi họ có thể dùng những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời để gieo những mầm hạt hy vọng cho tương lai con em mình.

    Khi tôi viết những dòng này, ngoài kia, trước cổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ hoặc lãnh sự quán nào đó, hàng đoàn người dài dằng dặc vẫn đang xếp hàng chờ phỏng vấn visa. Trời nắng chang chang hoặc mưa mịt mù, họ vẫn kiên nhẫn. Họ nắm chặt sấp hồ sơ trong tay. Họ đang cố nắm chặt số phận mình. Con đường phía trước dù mờ mịt như thế nào thì ít nhất nó cũng dẫn đến một lối thoát cho tương lai con em họ…

  5. #65
    https://www.nguoi-viet.com/little-sa...t-minh-xau-ho/

    Đất Nước Mình Tệ Đến Thế Sao?
    Hai Nguyen Hong

    Chả hiểu sao hai hôm nay tôi cứ bị ám ảnh bởi bản tin “kết hôn giả” này. Có lẽ mình là người Việt, nên khi nghe tin người Việt “gặp nạn” ai mà ko xót?. Thế nhưng càng nghĩ càng đau cho thân phận người dân Việt, nên đành gõ vài dòng suy nghĩ của mình.

    Thật ra chuyện “kết hôn giả” này không xa lạ gì với tôi. Bởi tôi sinh ra trong một làng quê có “truyền thống” khát khao xuất ngoại. Ở đây không phải là xuất ngoại theo diện xuất khẩu lao động, mà phần lớn lại theo con đường kết hôn. Thật có, giả có. Tóm lại là phải Việt kiều là OK.

    Ban đầu chỉ là vài ba gia đình đi định cư Hoa Kỳ theo diện H.O hoặc vượt biên. Sau đó thì họ về quê, giới thiệu anh em dòng họ, nhất là con gái đến tuổi đôi mươi, cha mẹ hay cô bác “ướm” sẵn, rồi kiếm anh nào đang “ế chổng ế chê” ở bển. Miễn là có quốc tịch, hoặc ít nhất có cái thẻ xanh mà công việc dũa nail vẫn tốt đẹp là được.

    Nhưng giới thiệu riết thì cũng tìm đâu ra người?. Thế là có trường hợp anh em họ, cũng làm giấy tờ bảo lãnh theo diện “kết hôn”. Tất nhiên là ai cũng biết giả, chỉ có người phỏng vấn của LSQ Mỹ là không biết. Ngày vào Sài Gòn đi phỏng vấn nhìn hai người khá giống nhau, nhân viên di trú còn khen “hai người có tướng Phu - Thê”.

    Bởi thế mới có chuyện là lâu lâu trong xóm có cái đám cưới nào đang diễn ra, thì cũng có vài “cặp”, cũng bận áo quần “cô dâu chú rể” tới xin chụp vài tấm hình ké, để làm bằng chứng nộp vào hồ sơ cho có sức thuyết phục.

    Thế nhưng đó là chuyện của 10 năm trước, chứ lừa mãi sao được người Mỹ. Có thể ban đầu họ không thể tưởng tượng “kết hôn” mà làm sao làm giả được?. Nhưng về sau, các nhân viên di trú càng có kinh nghiệm hơn trong việc xét duyệt hồ sơ.

    Nếu trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, nhân viên di trú Mỹ cảm thấy có chi tiết mâu thuẫn hay khả nghi, họ có thể tổ chức cuộc phỏng vấn thứ hai, đôi khi ngay lập tức. Người xin nhập cư và bạn đời được tách ra và hỏi cùng một bộ câu hỏi, sau đó câu trả lời của họ được so sánh. Nếu câu trả lời ko khớp nhau thì rất có thể hồ sơ của họ sẽ “tạch”.

    Những câu hỏi rất gần gũi vể đời sống yêu đương, chẳng hạn như món quà gần đây nhất tặng nhau là gì, hình thức tránh thai, tần suất và thời gian gọi điện, nhắn tin cho nhau, những ngày lễ kỷ niệm cùng nhau... Mà những người đang yêu nhau thực sự thì ko khó để trả lời.

    Quê tôi thì chưa đến nổi tự bỏ tiền ra để “thuê chồng hoặc vợ” làm kết hôn giả. Thế nhưng khát khao được đi xuất ngoại theo diện kết hôn thì vẫn rất mãnh liệt. Một đứa trẻ có thể lớn lên với cả một bầu văn hóa về sự ủ mưu đi nước ngoài, và tiếp nhận ý niệm về việc ra đi một cách rất tự nhiên. Bởi thế mà chẳng mấy chốc, các nhà có “Việt Kiều” ngày càng nhiều hơn.

    Ở trên chỉ là một vùng quê nhỏ bé của tôi. Chứ nói rộng ra thì cả xã hội VN bây giờ dường như đến “cái cột điện mà biết đi thì nó cũng bỏ xứ mà đi”. Vấn đề là nguyên nhân vì đâu?.

    Bạn bè cùng lứa tôi cũng rất nhiều đứa đã đi, ko phải vì hết kế sinh nhai, cũng không phải vì nuôi ảo tưởng rằng ở nước ngoài sung sướng, tất cả đểu ý thức rất rõ vể sự vất vả khi lập nghiệp ở xứ người. Chỉ đơn giản là đi thì tốt hơn. Buồn bã, bặm môi mà đi, nhưng vẫn tốt hơn.

    Có lẽ “muốn đi” là một dạng cảm xúc xuất hiện trong đời ai đó như đủ loại cảm xúc khác, chẳng có đúng-sai gì, cũng chẳng phải vì chế độ CSVN đương thời. Vì có ở VN họ cũng chẳng bị chế độ này đàn áp gì?.

    Ngay cả con cái của những “cán bộ” đang nằm trong chính quyền CS này, cũng hầu hết là muốn đi, ít nhất là theo con đường du học.

    Hoặc quay lại hỏi các anh chị ở Hải ngoại, nếu chế độ này sụp đổ thì các anh chị có về VN sinh sống ko?. Tôi nghĩ cảu trả lời là ko?. Vì sao thế nhỉ?. Đất nước mình tệ đến thế sao?.

    Tôi vẫn chưa thể tìm thấy câu trả lời cho mình.

  6. #66
    Chuyện Định Cư Ở Nuớc Ngoài
    Đỗ Duy Ngọc

    Trong tháng này, tui tiễn ba gia đình cùa ba người bạn đi định cư ở nước ngoài. Họ đều là những người thành đạt, giàu có ở Việt Nam. Rất thành đạt và tài sản tính đơn vị hàng triệu đô la.

    Một bạn là doanh nhân, hai vợ chồng có tài sản khá lớn, nhiều bất động sản trên những khu phố vàng của Sài Gòn. Họ có ba đứa con đang tuổi lớn và đã có hai đứa đang học ở Mỹ. Gia đình anh đi diện EB5 định cư ở Mỹ.

    Người thứ hai là một bác sĩ, anh là người thầy thuốc giỏi, từng tu nghiệp nhiều nước trên thế giới, tự hào đã nội trú nhiều bệnh viện lớn ở nước ngoài. Ở Việt Nam anh là bác sĩ có thu nhập khá cao, có biệt thự ở quận 2, có công việc ổn định. Vợ cũng là dược sĩ, có một pharmacie rất đông khách ngay trung tâm Sài Gòn. Anh chị chỉ có một đứa con gái, đang chuẩn bị vào đại học. Gia đình anh đi theo diện người chị vợ bảo lãnh đi Mỹ, hổ sơ chờ đã mười ba năm, từ lúc sự nghiêp anh chị chưa có bao nhiêu.

    Người thứ ba là anh bạn học chung trường đại học, năm nay vừa đúng bảy mươi tuổi, đã đến tuổi già. Anh này cũng có một đời sống sung túc ở Việt Nam, hồi còn tuổi làm việc, anh là một quan chức ngân hàng, vốn là nghề của anh trước 1975. Hồi đó, sinh viên ngành ngân hàng, tài chánh ở Đại học Vạn Hạnh tốt nghiệp Cử nhân vào năm 1971-1972 đều được nhận vào các ngân hàng với chức vụ cao, một số làm ngay giám đốc các chi nhánh. Anh nằm trong số người được giao làm giám đốc. Sau 75, anh tiếp tục cho đến lúc nghỉ hưu. Nghề nghiệp thế nên cũng có thể gọi anh là giàu, có của ăn của để, có hai thằng con trai, đứa nào cũng thành đạt, một thằng có chức vụ trong ngành ngân hàng của Việt Nam, đưa kia làm chuyên viên tiền tệ ở nhà băng của Anh quốc. Nói tóm lại là thuộc giới thượng lưu ở xứ này. Bây giờ anh lại đi định cư ở Pháp theo diện bảo lãnh của người em.

    Ba trường hợp nêu trên chứng minh họ đi định cư không phải vì sinh kế. Trước đây, ngoài lý do chính trị, đa phần ra đi vì đời sống ở Việt Nam thời đấy khổ quá, cả nước đói nghèo, họ đành dứt áo ra đi mong có tương lai sáng sủa, sung túc hơn. Còn bây giờ, như ba người bạn tui đó, họ ở Việt Nam rõ ràng là quá sung sướng về vật chất, họ chẳng thiếu thứ gì. Gia đình sinh hoạt như quý tộc, con cái sống như những hoàng tử và công chúa. Hàng năm họ đi du lịch khắp nơi, ở những khách sạn sang trọng, ăn những thức ăn với giá ngất trời. Nhưng họ vẫn ra đi.

    Hỏi chuyện với họ, họ biết ra đi là sẽ gặp không biết bao khó khăn đang chờ trước mắt. Để làm lại một cuộc đời mới trên xứ sở xa lạ không phải là điều dễ dàng. Họ không ảo tưởng về nơi họ sẽ đến, vì họ đã từng du lịch qua đấy nhiều lần. Biết rất tường tận cuộc sống ở đó với những trở ngại khó lường.

    Anh bạn bác sĩ bảo rằng anh rất yêu nghề y, nhưng khi định cư, muốn tiếp tục làm nghề, anh phải đi học lại, cũng đã gần qua tuổi năm mươi, ngổi học cũng không phải là điều dễ dàng. Và để sống, anh phải chọn một công việc nào đấy không như ý của mình.

    Anh bạn doanh nhân dù có nhiều tiền nhưng để hợp thức hoá số tiền lớn đó cho hợp pháp cũng là điều khó khăn. Cho đến bây giờ, ngày đi đã đến, anh vẫn chưa hình dung con đường phía trước sẽ như thế nào?

    Còn anh bạn đồng môn của tui, đã bảy mươi, sẽ chẳng có công việc gì dành cho anh nữa. Tui giỡn với anh thôi thì qua đó chiều chiều đi dạo sông Seine, hay lên đồi Montmartre ngắm mây bay hay ngồi trong khung cửa nhìn đám bồ câu bay lượn, chờ cuối đời nằm trơ trọi ở nghĩa trang xa lạ hay là trở thành một nhúm tro cốt nằm trong ngôi chùa hoặc thả bay trong gió. Anh cười buồn, một nụ cười chấp nhận.

    Ai cũng buồn khi sắp rời bỏ quê hương. Ai cũng thấy đọan đường còn lại cũng lắm gian nan. Nhưng ai cũng bảo phải đi. Sức chịu đựng đã lên đến đỉnh rồi. Bởi cuộc sống không chỉ là tiện nghi,là vật chất để thụ hưởng. Mà cuộc sống còn cần phải có không khí để thở, tự do để sống, thoải mái để sinh hoạt. Sống chứ không phải để tồn tại. Sống là phải biết tương lai và tự mình định được tương lai cuộc đời mình. Những người bạn tui cho rằng ở lại là chấp nhận những bất công, những điều chướng tai gai mắt mà bất lực chẳng làm chi được. Xã hội tàn nhẫn quá, con người tàn ác quá. Ở lại là chấp nhận bị đầu độc, không chỉ bị đánh thuốc độc ở thực phẩm, ở hơi thở mà còn bị đánh độc cả tư duy. Chưa kể đất nước này, dân tộc này có còn tồn tại được không trước biết bao âm mưu thâm độc của kẻ thù và sự hà hơi tiếp sức của một bộ phận có quyền lực. Anh bạn già hỏi tui với ánh mắt buồn rầu: Cho thuê đất 99 năm thì nước Việt còn gì? Bạn trả lời tôi đi.

    Anh bạn bác sĩ thì bảo không thể cho các con của mình lớn lên với một tâm hồn bệnh hoạn, một nhân cách méo mó và một cách sống giả tạo, dối lừa. Anh hỏi tui: Bây giờ ở Việt Nam, có gì là không láo? Láo tất. Do vậy tôi phải đi để tôi, gia đình tôi, con cháu tôi được sống và nghĩ suy bằng sự thật không dối lừa. Chúng tôi chọn ra đi như một cách phản kháng. Phản kháng trong im lặng. Và đành bỏ lại những thứ mà chúng tôi sẽ không bao giờ làm lại được ở xứ người.

    Anh bạn doanh nhân thì bảo rằng, biết con đường trước mặt, sau lưng đầy cứt, thì tại sao không chọn con đường sạch mà đi.

    Ở đây, tui chỉ đề cập đến chuyện ba người bạn của tui, tui không muốn nói đến những cán bộ, những người đã từng là quan chức của chế độ, có người từng là tổng biên tập một tờ báo lớn, những người một thời là những người đã từng tham gia hoạt động đấu tranh ở các đô thị miền Nam, họ hiện đang ở đầy xứ Mỹ, tiểu bang nào cũng có. Họ trốn chạy cái gì? Tui đã từng hỏi thế và họ cũng cười buồn. Bỏ qua những tên ăn cắp công quỹ mà trốn chạy. Những người khác đều ôm trong lòng một nỗi thất vọng không nói được.

    Mà thôi, mỗi người có một cách để chọn lựa cuộc sống cho mình. Tôi chọn ở lại, các anh chọn đi. Đó cũng là chút tự do mỗi người có được chọn cho mình. Ngày xưa chỉ cần rời làng, đã mang tiếng ly hương, xa quê là nỗi đau. Bây giờ, người ta ồ ạt tìm mọi cách bỏ nước mà đi, có nỗi đau nào hơn cho một dân tộc, nhưng phải chấp nhận thôi. Tất cả các loài hoa đều vươn về phía ánh sâng, có hoa nào chịu chết rũ héo hon trong bóng tối đâu. Và ở trong bóng tối, có ai lại không nguyền rủa bóng tối, ngoại trừ những kẻ đang trục lợi từ bóng tối.

    Chúc những người bạn của tôi bình an và có cuộc sống mới như ước mơ ở xứ người.

  7. #67
    Ly hương, sự chọn lựa nghiệt ngã!
    Nguyễn Thị Oanh

    Cuối cùng cũng đến ngày em gái út cùng chồng và con sang Mỹ định cư. Thế là lại thêm một gia đình người thân nữa của tôi rời bỏ đất nước này.

    43 tuổi, em đang có việc làm ổn định ở một doanh nghiệp nhà nước với mức thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng. Hai vợ chồng có biệt thự, xe hơi và chồng còn sở hữu một cơ ngơi làm ăn riêng, tuy nhỏ nhưng cũng đáng để cho nhiều người phải mơ ước. Vậy mà điều gì đã khiến các em bỏ hết mọi thứ và dắt díu ba đứa con nhỏ dại từ giã quê hương để bắt đầu làm lại cuộc sống nơi xứ người cách đây nửa vòng trái đất? Câu trả lời nghe vẫn quen thuộc như nhiều lần tôi đã từng nghe: “Vì tương lai con cái!”.

    Vâng! Đó là lý do mà rất nhiều người Việt trong dòng chảy nhập cư nước ngoài những năm gần đây thường nêu lên để giải thích cho việc ra đi của mình. Thật chua chát khi hơn 40 năm sau ngày 30-4-1975, ký ức “thuyền nhân” lại trở về dưới một dạng thức khác. Lần này, các “thuyền nhân” ra đi không phải trong tâm thế trốn chạy hoảng loạn, vội vã mà là được cân nhắc, chuẩn bị cẩn thận. Không phải trên những chiếc thuyền lênh đênh đầy bất trắc mà là trên những chuyến bay tiện nghi, an toàn. Không phải lén lút, vô định mà là công khai và được chuẩn bị sẵn mọi thứ cho đến khi cầm visa trong tay mới lên đường. Các công ty tư vấn nhập cư dạo này nhan nhản khắp nơi với những chương trình mời gọi đi định cư châu Âu, Mỹ, Canada, Úc…

    Giờ gặp nhau, người ta hỏi thăm đã có PR (permanent resident) của nước nọ nước kia chưa, như một điều bình thường! Người có tài tìm đường đi theo dạng skill worker hoặc doanh nhân khởi nghiệp. Người có tiền thì bỏ tiền ra mua quốc tịch hoặc “thẻ xanh” cho nhanh. Người ít cả tiền và tài thì hy vọng kiếm được một suất đi lao động nước ngoài rồi tìm đường ở lại bằng đủ cách. Lớp trẻ đi du học hầu hết cũng không muốn trở về. Năm 2014, báo chí thông tin có 12/13 quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” không trở về nước sau khi kết thúc thời gian du học ở Úc với học bổng toàn phần cho người chiến thắng chung cuộc. Con số đó đến nay chắc đã tăng thêm sau bốn năm.

    Tháng 7-2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ công bố báo cáo hằng năm cho thấy Việt Nam đứng trong top 10 nước hàng đầu mua nhà tại Mỹ. Trả lời BBC, tổ chức này cho biết chỉ trong thời gian từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, công dân Việt Nam đã mua bất động sản tại Mỹ trị giá lên tới 3,06 tỷ USD. Đó là mới tính số tiền chuyển đi để mua nhà tại Mỹ chứ chưa tính ở các nước khác và tất nhiên, đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng! Đất nước như một bao gạo bị thủng để trí lực, tài lực cứ chảy dần ra nước ngoài cho đến khi rỗng ruột. Quê hương chôn rau cắt rốn ở đây mà dường như chỉ là chốn dừng chân tạm bợ với rất nhiều người Việt bây giờ…

    Làm sao có thể trách em tôi cũng như hàng triệu người dân khác đã và đang tính bỏ nước ra đi? Bởi cái lý do “vì tương lai con cái” nghe nhẹ bâng vậy mà trĩu nặng quá chừng! Sự lo toan và hy sinh vô bờ cho con cái vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt. Những bậc cha mẹ thuộc nhiều thế hệ đã trải qua các cuộc chiến tranh trên đất nước nhỏ bé này, càng khổ cực nhiều ở đời mình lại càng thấm thía sâu sắc ước mơ về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho đời con cháu.

    Nhưng nỗi lo bây giờ không còn là chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày cho phần “con”, như trong thời kỳ phải thắt lưng buộc bụng vì chiến tranh và sự mông muội. Nỗi lo bây giờ là về chất lượng cuộc sống cho nhu cầu của phần “người”. Có thể nào sống an yên khi môi trường bị phá hoại tàn khốc, tài nguyên đất nước bị khai thác tới cạn kiệt, thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi và tham nhũng thì như ổ dịch bệnh hoành hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài? Có thể nào sống hạnh phúc khi nền giáo dục và y tế ngày càng xuống cấp, các phúc lợi xã hội không chỉ kém chất lượng mà còn tiếp tục giảm sút, các giá trị văn hoá – đạo đức bị tha hoá và đảo lộn?…

    Bây giờ, bước ra đường là thấy lo: Lo nạn cướp giật, móc túi; lo tai nạn giao thông; lo ăn uống bị ngộ độc thực phẩm; lo hít khói bụi bị ung thư; lo bọn trẻ bị dụ dỗ sa vào ma túy hoặc bị xâm hại, bắt cóc… Cứ thế mà ngút ngàn triền miên lo. Thà chỉ phải lo cơm áo như ngày xưa còn dễ hơn bội phần! Xã hội càng bất ổn, lòng người càng bất an. Làm sao có thể yên tâm để con cái lớn lên trong một môi trường sống như vậy?

    Chưa kể, những lời đồn đoán về một tương lai xám xịt của đất nước gắn với những thỏa thuận của Việt Nam và Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô năm 1990 cũng là một trong những nguyên nhân gây hoang mang khiến cho nhiều người phải tính đường tháo chạy trước. 28 năm qua, Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam vẫn giữ bí mật, nhất quyết không công khai những nội dung đã ký kết với Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô. Vì thế, những đồn đãi càng ngày càng lan rộng, bất chấp mọi nỗ lực trấn an dân chúng của chính quyền. Và dù đã bước sang thế kỷ 21, thế nhưng nhà nước Việt Nam vẫn chủ trương quản lý, định hướng về tư tưởng và bưng bít thông tin không khác gì ở trong thế kỷ trước.

    Hôm biết tin Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, một người quen của tôi là tiến sĩ trong lĩnh vực tài chính từng hăm hở từ Mỹ trở về nước cách đây 10 năm ngậm ngùi chia sẻ: “Em đã hoàn tất thủ tục cho cả gia đình trở lại Mỹ cách đây mấy tháng, nhưng vẫn còn cố nấn ná… Giờ thì phải ra đi thôi chị ạ, không thể để bọn trẻ lớn lên trong bầu không khí ngày càng ngột ngạt thế này…”. Bao nhiêu người trẻ có tri thức và nặng tình với quê hương đã “vội vã trở về, vội vã ra đi” như thế?

    Hồi đi thăm Israel, tôi thường đứng lặng thật lâu trước hình ảnh những con tàu hồi hương hiện diện khắp mọi nơi, như một niềm kiêu hãnh trong lịch sử lập quốc của đất nước này. Đó là những chuyến tàu từ châu Âu, châu Mỹ… đưa hàng triệu người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới trở về xây dựng quê hương sau khi Israel chính thức được thành lập vào năm 1948. Những gương mặt người Do Thái hồi hương khi ấy còn vương nét nhọc nhằn sau Thế chiến, nhưng vẫn bừng sáng niềm hy vọng vào tương lai và ý chí quyết tâm kiến thiết quốc gia.

    70 năm sau khi lập quốc, ngày nay Israel đã trở thành một trong số các quốc gia phát triển hàng đầu và là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới (tính theo GDP danh nghĩa năm 2016). Những chuyến tàu hồi hương ngày đó đã mang về cho quốc gia này vốn liếng quý nhất là những con người tinh hoa để xây dựng thành công một đất nước đã từng không có tên trên bản đồ thế giới.

    Còn chúng ta? Sau 73 năm thành lập và thống nhất đất nước (dài hơn thời gian lập quốc của Israel), những chuyến tàu (cả tàu thuỷ và tàu bay) sao lại chỉ mang dân ta ra đi mà không có trở về? Lịch sử dân tộc Việt Nam dường như gắn liền với các cuộc di dân, nhưng chua xót hơn là cho tới tận bây giờ, những cuộc di dân ra nước ngoài vẫn chưa biết bao giờ mới dừng lại? Bao câu hỏi cứ quay quắt trong tôi khi nghĩ đến em gái. Ngoài kia, trời Sài Gòn vẫn vần vũ mưa. Tiếng hát Thái Thanh vọng từ nhà ai đó nghe nức nở: “Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…”.

    Và trong tôi, không hiểu sao cứ thấp thoáng khôn nguôi hình ảnh những con tàu hồi hương về Israel cùng những con tàu ly hương rời Việt Nam…

  8. #68
    Cái giá hai chữ ‘Việt Kiều’
    Thạch Thảo

    Hầu hết người Việt mới sang định cư nước ngoài thường bị ghét. Sự khác biệt từ ý thức hệ, lời nói, suy nghĩ, khiến người Việt lâu năm (sống ở nước ngòai) dễ mang cảm giác dị ứng. Đó lại là sự thật. Bản thân người Việt mới sang một quốc gia nào đó thường tự làm cho người ta không “ưa” mình. Chính họ tự làm (cho) người ta dị ứng, chứ không phải (vì) sự kỳ thị của lớp người đi trước.

    Quan điểm của nhiều người ra nước ngoài ngày hôm nay đa số vì kinh tế, muốn con cháu tiếp xúc nền giáo dục tốt hoặc vì muốn mình trở thành Việt kiều – hơn là tỵ nạn chính trị. Đôi khi lời nói (của) người mới qua dễ (gây) tổn thương các thế hệ đi trước – (các) thế hệ (đã) trải qua đau thương lịch sử để được (có) hôm nay cho thế hệ tiếp theo đón nhận. Thế hệ cha ông chính là người có công đặt viên gạch đầu tiên gây dựng nên cộng đồng với những khu phố Việt, hệ thống cơ sở thương mại Việt và cả ngân hàng nói được tiếng Việt.

    Các lớp người mới đến định cư hầu như không phải trải qua giai đoạn khó khăn cơ cực đi lên. Đa số đều được người thân trải đường giúp đỡ, không phải trả giá bằng mạng sống và nước mắt. Họ cũng không phải sống trên sự tiết kiệm, dành yêu thương trên từng thùng quà hay phải gởi tiền hàng tháng giúp gia đình còn lại bên kia bờ đại dương. Vì thế thái độ xem thường cho rằng đó là điều đương nhiên mình được hưởng những cái miễn phí tại xứ người. Người mới qua hầu hết trên 50% sống ích kỷ, đặt cái tôi hàng đầu – một sự khác biệt lớn giữa thế hệ trước (đã) hy sinh cho người thân.

    Nhiều quan điểm, ý nghĩ sai lầm dẫn đến sự xa cách trong các mối quan hệ gia đình lẫn bạn bè. Thực ra bất kỳ điều gì cũng phải trả giá từ các thế hệ cha ông, và không gì (tự) trên trời rơi xuống. Ngay cả “Freedom is not free.”

    Đừng vội vàng vô ơn quay lưng lại những người (đã) giúp mình. Đừng chê người ta nghèo hơn mình. Đừng than buồn không có tô phở nóng sáng sớm như quê nhà, toàn thực phẩm đông lạnh. Chán. Đừng than không ai nhậu bia, karaoke thường xuyên. Đừng nói thẳng “thà ở Việt Nam vui hơn và có tiền Việt kiều gởi về.” Đừng chê ở Mỹ kiếm tiền khó, không bằng Việt Nam…

    Hãy biết trân quý những gì ta đang (được) may mắn hơn hàng chục triệu người (khác) bởi lẽ không phải ai muốn xuất ngoại cũng được. Không phải ai bỏ tiền ra 50 hay 60 ngàn đô la/mỗi đầu người là (có thể) đi qua được trời Tây. Lấy giả chồng (vợ) chưa chắc đến nơi dù bỏ tiền. Diện đầu tư không hẳn lúc nào đều dễ dàng.

    Thay vì yêu quý cái mình có thì đừng tỏ ra ta đây hơn người và bất cần. Nếu yêu thiên đường thì nên về luôn, vé máy bay một chiều. Không nên xem đây như một quán trọ đi đi về về. Con người đứng núi này trông núi nọ và thực sự không trung thành một tổ quốc nào thì con người ấy xem như bỏ.

    Bản thân bạn đã làm cho người ta ghét và khó hết lòng với nhau.

    Không nên lợi dụng đất nước cho con cái mình hưởng miễn phí từ thuế nhiều công dân khác (đã và đang phải) làm việc vất vả đóng (vào) thành ngân sách (quốc gia). Không nên về Việt Nam hưởng thụ nhưng qua trời Tây lại gian dối lươn lẹo, qua mặt chính phủ để hưởng các phúc lợi xã hội. Đó là sự không công bằng và làm xấu đi hai chữ người Việt hải ngoại.

    Những câu khó nghe nên về quê nhà nói hơn là (cứ) vô tình hay cố ý chà đạp lên tinh thần yêu tự do, dân chủ mà người ta phải bỏ mạng trên Biển Đông của hàng triệu đồng hương. Nếu ai cứ hay bào chữa (cho) chế độ Cộng Sản, khen vui khen sướng thì hãy về bên (đó) ở mới là có lòng tự trọng. Chê mà cứ nhờ vả thì nhục vô cùng.

    Anh là ai, chị là ai, chẳng là cái quái gì nếu chưa cống hiến gì cho vùng đất mới mình (sang) sống. Hãy thể hiện trên hiệu quả công việc và sự đóng góp của một công dân. Còn đi hai mặt (thì) cuối cùng chỉ tự làm nghèo nhân cách mình mà thôi. Khó lấy niềm tin người Việt đồng hương nếu bạn thuộc thành phần khó tin. Ngay người nước ngoài bản xứ cũng không tin và đánh giá thấp bạn.

    Vấn đề quan trọng cần phải nhớ đến rằng các nước tự do nơi bạn đang sống cho bạn biết bao cơ hội vươn lên nhưng không bao giờ (lại để) có cơ hội phách lối xem thường người khác. Là người, hãy gắng học hỏi văn hóa xứ người: sự biết ơn, trách nhiệm và sống trung thực. Nếu không chịu tiếp thu, bạn sẽ tự đào thải chính bản thân, khó hội nhập thế giới xung quanh.

    Hãy chọn một quê hương và sống hết mình làm gương cho con cháu. Đừng đánh giá vội vàng ai là nghèo, là thua mình. Bạn sẽ nhận lấy sự khinh bỉ xa lánh từ từ dù người ta không nói ra.

    Qua xứ người mà cứ suy nghĩ thiển cận, không mở cái trí óc ra (mà) nhìn thấy (mà) so sánh thì càng làm người ta ghét mình. Bảo thủ cố chấp không chịu tiếp thu thì trước sau ai cũng rời xa. Cái tính toán hơn thua quyền lợi, sống cho cái tôi và cái gian xảo học tại xứ thiên đường XHCN nên chôn sống nó đi. Sử dụng điều ấy trên đất tự do thì khó tránh pháp luật, nó sẽ “chào hỏi” bạn. Lúc đó mếu máo cười khóc không kịp. Cuộc sống mới nên nhập gia tùy tục khi bỏ quê hương ra đi. Bạn đã xin vào nước người ta ở thì đừng để người ta khinh.

    Không ai bắt bạn (phải) đến trước cửa nhà của đất nước họ, (mà chính) bạn (phải) tự nguyện cầu xin thì phải biết điều và chấp nhận mọi sự để làm người tử tế. Bước đầu tiên bắt đầu làm lại cuộc đời thì phải học cái nhân văn, học cái hay để không làm tổn thương cái chữ “người Việt Nam.” Còn sống xứ người mà hồn (cứ) ở Việt Nam thì nên về bên (ấy) sống. Không nên tận dụng cái ưu điểm nơi mình định cư rồi lại làm lợi cho (cái) nước (mà mình vừa) bỏ ra đi! Cuối đời, lại quay về tận dụng chính sách ưu đãi người già xứ người thì chẳng khác nào tự vả vào mặt mình.

    Hãy gắng sống chân thành bằng cái tâm của mình thì cuộc đời sẽ luôn mỉm cười với bạn.

  9. #69
    Du Học: Con Đường Nhập Tịch Mỹ?
    Vi Anh

    Sự kiện và thời sự. Báo Tuổi Trẻ Online trong nước ngày 2/ 07/ 2019 có một bài “Nhiều du học sinh Việt trả đến 60.000 USD để kết hôn giả”. Rằng “V.. nói ngày xưa cô trả 30.000 USD để kết hôn giả, nhưng bây giờ có nhiều du học sinh Việt Nam đồng ý trả đến 60.000 USD/trường hợp nhưng vẫn tìm đỏ mắt không ra "đối tác"…năm 2006, Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) ước tính 135.000 cuộc hôn nhân "thẻ xanh" là giả. Trong số những trường hợp kết hôn giả có không ít du học sinh Việt Nam.”

    “Bạn bè của Vân ở trường đại học cho biết kết hôn giả là con đường nhanh nhất và dễ dàng nhất để lấy thẻ xanh. Chỉ 4 tháng sau khi nộp hồ sơ, V.. nhận được thẻ xanh. Khoảng 3 năm sau, cô có quốc tịch Mỹ.

    V.. cho biết thế hệ du học sinh Việt Nam cùng thời của cô có đến 70% nữ sinh không về nước khi hết hạn visa. Nhiều người chọn con đường kết hôn với công dân Mỹ để tìm cách ở lại Mỹ. Do đó, giới chức Mỹ nhận ra thực tế này và bắt đầu siết chặt những hồ sơ kết hôn với công dân Mỹ.”

    Đi vào phân tích. Không phải chỉ có con đường du học để vô dân Mỹ sau khi có thẻ xanh, vô quốc tịch Mỹ nhờ lấy vợ hay chồng có quốc tịch Mỹ. Còn nhiều cách nữa như bỏ ra 1 triệu hay nửa triệu Mỹ kim hùn hay lập cơ sở ở Mỹ cũng có thẻ xanh. Hay phụ nữ có thai xin du lịch Mỹ, qua một thời gian thì sanh con, Mỹ hầu như chịu hết chi phí bảo sanh và con được vô quốc tịch và được Mỹ bảo dưỡng y tế, giáo dục, đến 35 tuổi, ở Mỹ được 14 năm con có thế ứng cử tổng thống Mỹ nữa; dĩ nhiên còn có thể bảo lãnh gia đình qua Mỹ,chẳng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ ấy.Trung Quốc là chế độ, là sắc dân thích vô dân Mỹ theo con đường du lịch sanh con này.

    Trở lại vấn đề VN du học Mỹ để vô dân Mỹ, có quốc tịch Mỹ tức được hưởng nhiều quyền lợi và phúc lợi. Trong chánh trị, chung mà không có riêng thì chung sẽ vô hồn, riêng mà không có chung thì khó thành chuyện lớn. Cả chục năm nay số học sinh và sinh viên VNCS du học tốt nghiệp rồi không về nước là một phong trào ngày càng tăng. Một thiệt hại lớn cho nhà cầm quyền, một sự xuất huyết não của xã hội VN mà ít có bộ trưởng, thứ trưởng của chánh phủ, đại biểu nhân dân nào của quốc hội đảng cử dân bầu nào của CSVN đặt thành vấn đề cho ra đầu, ra đũa cả.

    CSVN tuy nghèo nhưng lại chơi trội, không những cho sinh viên đi du học mà còn cho học sinh du học nữa kèm theo một thân nhân làm bảo mẫu. Du học Mỹ của VN là một phong trào hầu hết đại sứ Mỹ ở VN rất khen CSVN và là niềm tự hào của sứ quán Mỹ ở VN là đã giúp cho VNCS tăng số sinh viên lên ba bốn lần.

    Nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo thuộc Diễn đàn doanh nghiệp thường niên VBF 2015, Việt Nam hiện có hơn 110.000 hoc sinh và sinh viên du học với mức học phí từ 30.000 đến 40.000 mỹ kim mỗi năm cho sinh viên. Nhà Nước và gia đình VN như vậy mỗi năm chi gần 3 tỷ mỹ kim cho việc du học.

    Lâu nay rất ít những giới chức thẩm quyền CSVN liên quan đến giáo dục, đến nhân dụng nào chánh thức lên tiếng về sự uổng dụng nhân tài và phí phạm kiến thức và tiền bạc của đất nước và nhân dân.

    Chì có hồi năm 2015, ngày 28 tháng 12, Quốc Hội đảng cử dân bầu mới có một cơ hội nghe Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng điều trần. Ông Thứ Trưởng này ‘thực thà khai báo’ chuyện con nhà Ông học xong ở lại ngoại quốc không về và biện hộ cho số sinh viên du học ở lại ngoại quốc. "Tôi nghĩ con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về.” Ông báo cáo đa số các trường hợp đi du học từ cấp phổ thông và đại học không về. Ông Thứ Trưởng gián tiếp biện hộ, “Quan điểm của cá nhân tôi là cần phải có tư duy thoáng ra. Không phải không về nước là không đóng góp cho đất nước. Không phải không về nước là không yêu nước. Đây là sự cống hiến chung cho nhân loại.”

    Thất bại này trong việc sinh viên du học đi thì có về thì hầu như không là do phản ứng của cá nhân sinh viên, gia đình sinh viên và xã hội VN đối với chế độ CSVN. Cá nhân sinh viên về nước khó kiếm việc làm thích hợp, muốn vào công sở hay cơ quan phải có quen biết, có người nâng đỡ, phải hối lộ. Có việc làm thì lương bổng hay thù lao quá ít, khó chịu với cấp chỉ huy, không thể tiến thân vì CS chủ trương ‘hồng hơn chuyên’.

    Ở lại ngoại quốc dầu làm lậu cũng nhiều tiền, sống tiện nghi, giúp gia đình được và đặc biệt là sống trong môi trường tự do, dân chủ hơn ở nước nhà. Có nhiều cơ hội để hợp thức hoá tình trạng di trú, kiếm vốn lập cơ sở để hưởng qui chế visa đầu tư, có chồng hay vợ công dân Mỹ.

    Gia đình cho con du học là để trốn nền giáo dục quá chậm tiến về khoa hoc kỹ thuật, nặng về chánh trị một chiều vô bỗ, ra trường không kiếm được việc làm, số cử nhân, cao học thất nghiệp ngày càng nhiều ở VN. Đa số phụ huynh khi cho con đi du học đều mong muốn con mình ở lại sau khi học xong.

    Chính đại cán CS, đại gia ăn theo CS cũng tính cho con cái du học xong ở lại lập đầu cầu cho gia đình có chỗ để tẩu tán tài sản khi thu vén cuối đời. Chỉ cấn bỏ nửa triệu USD hay 1 triệu thì có thể họp thức hoá tình trang di trú theo qui chế nhập cư đầu tư.

    Chỉ cần có chồng, có vợ với người có quốc tịch, cái giá khoảng 40.000 tới 60.000 USD thôi là sẽ được nhập tịch trong vòng 3 năm theo qui chế vợ chồng.

    Về xã hội, tâm lý chung của người Việt ty nạn CS bây giờ đã bớt khắt khe với du sinh viên, học sinh. Nên có giúp sinh viên làm việc kiếm tiền, chỉ cách học sao cho đỡ tốn thời gian và tiền bạc nữa. Nên sinh viên du học thường thích chọn nhưng trường gần cộng động người Mỹ gốc Việt./.(VA)

  10. #70
    Chưa thể trở về
    Ngọc Hân

    Thưa ông, tôi đã nhận được thư ông viết từ Long Xuyên trong chuyến về thăm quê hương. Được biết ông cùng gia đình đến Mỹ vào đầu năm 1994 với diện HO. Với sự cố gắng của mọi người, gia đình ông đã vượt qua khó khăn buổi đầu, nay đã có công ăn việc làm, tậu được nhà cùng 6 chiếc xe Nhật tất cả đều trả nợ xong. Và nay lại có một chuyến về “thăm mẹ già 83 tuổi, thăm mồ mả ông bà, bạn bè xưa cũ”. Quả là một thành công lớn mà người Việt hải ngoại khó mấy ai sánh bằng ! Xin chúc mừng ông, tôi cũng cảm ơn ông đã có lòng thăm hỏi đến tôi, cùng gợi nhớ đến hình ảnh Long Xuyên ngày nào.

    Long Xuyên những ngày tháng năm trời mưa tầm tả. Khám lớn, rồi phi trường Trà Nóc, nơi tôi có nhiều lần lui tới để nói rằng “Em sẽ đợi chờ anh”. Rồi dòng đời biết bao dâu bể, người con gái ngày 30 tháng Tư đen chưa đầy 19 tuổi, không có nợ máu với “cách mạng”, cũng phải trải qua gần 5 năm tù, trong tổng số 10 lần vượt biên, 6 lần bị bắt. Không biết ông còn nhớ tháng 12 năm 1987, tôi về Long Xuyên để từ biệt bạn cũ, người xưa. Trời gió bấc thổi mạnh, tôi đã tặng chiếc áo cho anh tù cải tạo, sau 6 năm nơi Bắc Việt nay đã thành anh phu xe đạp ôm. Và người xưa đã tặng lại tôi chiếc áo cũ, tôi đã mặc nó trong chuyến vượt biên gian khổ và luôn ở bên tôi đến hôm nay.

    Ông Lê, ông có 6 năm tù để được cùng gia đình lên máy bay sang Hoa Kỳ, còn đám dân đen khốn khổ như tôi cũng có 5 năm tù với biết bao nhiêu tủi nhục, chứng kiến biết bao thảm trạng rùng rợn, bao người đã ngã gục bên cạnh tôi trên đường tìm tự do. Tôi phải đương đầu với biển cả, với hải tặc, và phải trả giá gần 4 năm tù lỏng tại trại Phanat Nikhom Thailand. Năm 1992 tôi đến được Pháp với diện nhân đạo, bỏ lại Thái Lan biết bao người thân quen từng chia bùi xẻ đắng. Tai còn vẳng tiếng khóc than gào thét của đồng bào trong Trại Cấm mỗi lần rớt thanh lọc. Ký ức vẫn đầy ánh mắt tuyệt vọng của cô em gái Việt Nam tuổi độ 17, 18 thân xác mỹ miều đã trao cho mấy tên lính Thái dầy vò chỉ bởi hy vọng được chúng giúp đậu thanh lọc. Họ như kẻ chết đuối, gặp cành lá khô cũng vớt lấy. Họ là đồng bào của tôi, những người khốn khổ đánh đổi cả cuộc đời tìm cái sống trong cái chết, để cuối cùng là cưỡng bách hồi hương, phải quay về nơi mà họ bỏ chạy bằng máu và nước mắt. Ôi vết đau luôn lở loét ! Tôi mãi mãi không thể quay lưng với quá khứ được.

    Ông có lời khuyên tôi nên quên kỷ niệm, tôi không biết lời nào để cảm ơn ông. Những kỷ niệm tôi hằng đã in sâu tận xương tuỷ, kỷ niệm tôi hằng ôm ấp “thác xuống tuyền đài chưa tan”. Đúng như ông nói đây là giai đoạn sáng sủa nhất đời tôi, nhưng tôi chưa một lần nghĩ đến việc “bái tổ vinh quy”, dẫu tôi cũng còn mẹ già tuổi đã 80, có mồ mả cha ông, có bạn bè còn đang sống lê trên các vĩa hè.

    Bởi vốn là thôn nữ nghèo với quán bên đường, cùng chung lằn pháo kích với lính, tôi đã cùng những người lính quân lực Việt Nam Cộng Hòa hứng chịu biết bao lằn tên mũi đạn, nên đã trở thành những người bạn tri kỷ. Ngày mà chiếc áo lính tả tơi, nón sắt vứt thẩy bên đường, và nón cối mọc lên như nấm nhấp nhô trên phố, ngày quân y viện bị chiếm, những người bạn của tôi vết thương chưa lành và nửa thân thể đã hòa đất Mẹ, họ đã ăn xin khắp ngõ ngách quê hương ... Dẫu không làm nổi chuyện “lấp bể vá trời”, tôi cũng không thể phản bội lại chính anh em của mình. Không phải là chiến hữu thực sự theo nghĩa đen, nhưng gần 7 năm qua tôi vẫn giữ nỗi chia sẻ cùng những người bạn phế binh Việt Nam Cộng Hòa và các bạn nơi các trại cấm, bởi họ đang cần đến tôi. Tôi không thể “vinh thân phì da” khi tíếng khóc than còn ngất trời.

    Gần 7 năm chưa rửa sạch phèn U Minh, tôi luôn sống trong phút giây hồi tưởng. Trại cưỡng bách lao động khu C kinh làng thứ 7, nơi mà có câu điả lội như bánh canh, muỗi kêu như sáo thổi. Tiếng kẻng khu C như tiếng hét của hung thần, tiếng ma kêu quỷ khóc. Bốn giờ sáng, một tiếng kẻng đầu, trại nữ chúng tôi không ai rủ ai đồng thanh kêu lên tiếng trời ơi thảm thiết, tư thế sắp xếp mùng mền nhanh như nhà binh. Chưa kịp đánh răng thì tiếng kẻng thứ 2 đã đổ, xếp hàng lãnh cơm mỗi người một chén, ăn lót dạ phân nửa và chừa phân nửa cho buổi trưa nơi đồng áng. Cơm còn mắc ngẹn ở cổ thì tiếng kẻng thứ ba thúc giục chúng tôi ra sân xếp hàng đếm số. Vừa đi vừa chạy kéo đứt khúc đứt hàng, cán bộ quản giáo kè hai bên, roi tràm quất vào mặt lát da chảy máu. Có lần tôi bị ăn roi bởi đỡ một bà già tù tuổi ngoài 60 trợt té.

    Sau cái ngày dân miền Nam “được giải phóng” nhà tù khắp nơi nới rộng, mỗi huyện một nhà tù. Tại thị xã Rạch Giá, một cái riêng của thị xã một khám lớn, còn tiến nhanh tiến mạnh xây thêm một khám lớn Tà Niên. Vào trại tập trung cải tạo Kinh Làng, với ba khu A, B, và C. Trưởng ban quản giáo khu C, khu lao động nặng nhất, có tên là ông trời, là thượng đế. Cứ mỗi lần tù nhân bất kể nam nữ có tên chầu trời thì coi như xấu số. Tôi ở khu C, 15 tháng với án 2 năm kể từ ngày bị bắt trong chuyến vượt biên ở Tri Tôn huyện Hòn Đất, đã mua bến bãi xong. Nhưng cộng sản là thế đó, chúng xòe tay mặt ra lấy tiền thì tay trái đã móc súng bắn vào đầu chúng tôi, lũ dân đen ngu dại không có một mảnh thép tự vệ. Chưa đến cửa khẩu tầu chúng tôi đã bị bắt. Tôi không thể nào quên câu cuối cùng “bế con dùm tôi” của một người đàn bà tuổi chưa quá 25 với đứa con mới sanh 20 ngày, chồng chị bị trúng đạn nơi đầu. Lúc đó tôi nghĩ là chị gửi con để săn sóc chồng, ngờ đâu trước khi chết, với cố gắng cuối cùng chị gửi gấm con mình, một viên đạn ác nghiệt ghim sâu vào tim. Bọn công an không tin chị chết, chúng còn lớn tiếng giật cái xác bất động hai lần “con mẹ nầy làm bộ hả”. Thi thể đầy máu và bùn của chị và cậu bé 13 tuổi cháu anh chủ tầu được kéo lên phủ cao su trước phòng công an huyện Hòn Đất. Anh Thành chồng của chị sau khi đến trạm xá Tri Tôn băng bó, cũng như bao người bị thương khác, vẫn phải ở tù. Vết thương nặng hành hạ anh có lẽ không bằng nhìn xác vợ phơi nắng mưa trước cổng chờ khám tử thi. Còn đứa bé khát sữa mẹ khóc sáng đêm, tù nữ chúng tôi thay phiên nhau cho em nút vú da. Cảnh tượng thật thê lương, kỷ niệm như vậy làm sao có thể quên được ?

    Một tháng sau khám lớn Tà Niên mở rộng đón chúng tôi. Đây là lần thứ ba tôi trở lại Tà Niên. Nơi nầy mọi người đêm đêm đều lắng nghe tiếng hát trong ép giọng “mặt trời đen quá đen đen như đời ta ...” Nguyễn hữu Cầu anh hát thật hay, như tiếng thét nức nở của tim anh. Nhưng làm sao có thể vỡ tung bức tường kiên cố bao quanh để vượt đại dương đến với đồng bào của anh, một cộng đồng mà anh hằng hy vọng. Từ khi được tự do đọc báo nơi xứ người, tôi không bỏ xót một chữ nào về tù cải tạo, tù lương tâm, nhưng Nguyễn hữu Cầu bị tử tội vì sáng tác chống chế độ, một anh hùng vô danh vẫn nhạt nhoà. Anh Cầu ơi, bây giờ anh ở đâu, bên kia thế giới hay còn đang bị đoạ đầy cồng gông, xin hãy tha thứ cho tôi. Tôi đã không xứng đáng với sự hy sinh cuả anh và các chiến sĩ ngã gục trong bóng tối, bởi “một cây làm chẳng nên non”.

    Ngày chuyển trại tù, rời Tà Niên, tôi quay lại nhìn khu ép lần cuối thầm nguyện cùng toàn dân đập vỡ bức tường bất công nầy. Trong con tầu bị che bít chúng tôi ngột ngẹt hôi thối như bầy súc vật đến khi tầu dừng lại trước cổng tù mới. Mọi người thiểu não bước đến những dãy nhà cải tạo khu C, cán bộ đã trực sẵn để điểm danh xét hành lý, thêm giáo huấn và chiếu cố cho mỗi aó được một dấu đóng cải tạo. Tôi nôn nóng mong gặp lại các bạn tù cũ đã bị đưa xuống trước vài tháng, bỗng nghe tiếng đàn bà đếm số văng vẳng thì ra đội nữ lao động về. Ngỡ ngàng không thể tưởng tượng được, tôi như đang lạc ở hành tinh xa thế giới loài người, đây có phải là những quái nhân, tả tơi rũ rượi ? Chưa hết buổi đầu khủng khiếp, kế tiếp, khi bước vào nhà tắm tập thể, những thân hình kiều diễm ngày nào, nay đã lở loét từ cổ đến chân, cởi bộ quần áo cải tạo đến đâu thịt lở đến đó. Tôi kêu trời nho nhỏ, thân phận của tôi rồi sẽ đến thế nầy !

    Rồi những tháng dầm mưa dãi nắng, có lúc lao động ở lô đất xa về đến trại, trời đã tối, muỗi kêu như tiếng sáo não nùng, lúc đó tôi không còn cảm giác gì đau đớn nữa. Xuống nước thì tiếp máu cho đỉa, lên bờ thì làm mồi cho muỗi, có khi phải nhịn đói dài hạn bởi lương thực thăm nuôi bị bầy chó đói xóm nhà dân lân cận chiếu cố hết rồi. Nói đến đỉa, bây giờ tôi còn phải rùng mình. Trước đội nữ có một cái hố nuôi đỉa, đỉa đặc như bánh canh, được nuôi lâu năm và sanh sản. Lệnh cán bộ quản giáo, ai bị đỉa đeo, không được gỡ bỏ phải mang thả xuống hồ để dành phạt các tù nhân. Bỏ cù một lần đọc nội quy cho muỗi húp tiết canh, lần thứ hai đeo áo giáp đỉa. Có lần tôi thấy một anh không biết phạm kỷ luật gì, bị ngâm hầm đỉa cả buổi đến ngất xỉu. Khi được thượng đế ân xá, được anh tù khác kéo lên thì đỉa đeo toàn thân, gỡ quăng xuống hồ thì máu loang cả người anh. Thấy anh nằm bất động, tên cán bộ có vẻ lo sợ gọi bác sĩ tù đến, nhưng anh mãi mãi không bao giờ dám tỉnh dậy để nhìn cái cảnh rùng rợn mà chỉ có đỉnh cao trí tuệ mới phát minh ra cái kiểu tra tấn người cực kỳ ưu việt như vậy. Xác anh được dập ở khu nghĩa địa có tên đất Thailand và ân huệ cuối cùng của đảng là tờ lệnh tha mang xuống lòng đất.

    Đội nữ chúng tôi có hai em rất trẻ không quá 17 tuổi, một em tên Lan gà, một em tên Sao cá kho. Biệt danh cũng là tội danh của hai em, bởi một em đã ăn cắp con gà của ông xã đội trưởng, một em ăn cắp nồi cá kho của vợ ông công an. Thiếu “đạo đức xã hội chủ nghĩa” nên bị gởi đi giáo dục cải tạo, mà những cái tội gởi gắm như vậy không có án, trừ khi người gởi tha hoặc cải tạo tốt thì mới có ngày về. Lúc tôi đến đó thì hai em đã hơn một năm rồi. Lan gà, Sao cá kho ơi ! bây giờ hai em đang ở đâu ? Đảng giáo dục hai em đã quán triệt chưa ?? Đảng dậy đừng bao giờ ăn cắp gà, ăn cắp cá kho, có ăn cắp thì ăn cắp vàng, đô la, xương máu, tài sản, mồ hôi, nước mắt cuả đồng bào. Đổi mới hơn nữa là ăn cắp sò như ông tân đại sứ Cộng sản ở Mỹ vậy.

    Chuyện tù tôi cưu mang hàng ngàn kỷ niệm, bởi văn hèn chữ mọn nên đành phải giữ kín trong lòng.

    Tôi xin phép đã quá dài dòng, bởi tôi muốn thay câu trả lời sao tôi chưa về thăm quê hương. Quê hương mà ai không nhớ thương, nhưng nếu về để góp thêm viên gạch xây bức tường nhà tù thêm kiên cố, tiếp sức cho chế độ phi nhân tồn tạị và kéo dài cuộc sống lưu vong của chúng ta, thì tôi nghĩ đó không phải là hành động của kẻ sĩ.

    Thưa ông Lê, tôi cũng xin trả lời những câu hỏi của ông, tôi có hạnh phúc không ? Không, tôi không bao giờ thấy hạnh phúc khi dân tộc chưa thật sự hạnh phúc. Có lẽ tôi không được đổi mới, tiến bộ như ông, những người can đảm quay mặt với quá khứ. Tôi thật khâm phục quý ngài từ bi hỉ xả thực thi lời Chúa: “ai tát ta má phải thì đưa luôn má trái cho họ”. Nhưng quý ngài đừng quên, bác ái phải đi đôi với công bằng, cộng sản kêu quý vị là khúc ruột xa, Việt Kiều yêu nước, vv ... họ kêu chúng ta quên hận cũ thù xưa để cùng hướng tới tương lai, thật là một điều mà bất cứ ai hằng mong muốn, nhưng ít ra chúng ta cũng phải nghĩ đến những anh em của chúng ta còn đang bị chúng giam cầm, đòi hỏi chúng phải tỏ thiện chí bằng cách tha những tù nhân chính trị và lương tâm thì sự hoà giải giữa người Việt Nam mới có ý nghĩa. Chỉ vì nôn nóng về thăm thân bằng quyến thuộc, không nói là “áo gấm về làng”, một lần nữa đầu hàng vô điều kiện, như vậy có phải là hành động mù quáng, vô lương tâm không ? Nếu ở tầng lớp kiếm bánh mì không cần phân biệt phải quấy thì còn có thể thông cảm, đằng nầy ông HO theo thiển ý của tôi, chính phủ Hoa Kỳ đưa ông sang Mỹ đây đâu phải vì trả ơn trả nghĩa cho ông, nhưng bởi ông là tù nhân chính trị, từng bị đọa đầy, bị phân biệt ngược đãi. Họ vì lương tâm đồng minh mà cứu giúp ông, nhưng ông đã vội “bái tổ vinh quy” có phải là hành động qua cầu rút dây không ?

    Ông Lê, khi ông đọc được những dòng nầy, có lẽ “vết thương từng hành hạ ông vào những đêm trời đông giá lạnh” sẽ lành, cũng như tôi khi đọc xong thư ông tôi không còn vấn vương bởi “nợ tình chưa trả cho ai” chúng ta mỗi người một hướng đi từ lâu rồi. 20 mấy năm dâu bể, không được đồng sàng, tôi vẫn thầm gọi nhau là chiến hữu, nhưng thế sự đã đổi thay, thoáng chút ngỡ ngàng, tôi đã lấy lại bình tỉnh, trên đời nầy cái gì mà không thể xẩy ra.

    Đất Pháp nơi tôi đang sinh sống không những chỉ đội bóng đá tên tuổi, âu phục đẹp, dân hiếu khách, hiền hoà như ông mô tả, nơi nầy còn có những trái tim Việt Nam, có những “thầy lang” chưa từng cầm lấy một cây súng đã dấn thân kêu gọi cứu giúp hàng ngàn phế binh Việt Nam Cộng Hoà, có những anh giáo chưa từng biết qua một đồng lính ma lính kiểng mà tên tuổi đã gắn liền với ngày 30 tháng Tư.

    Hôm nay ngày 30 tháng Tư 1997, đánh dấu 22 năm quê hương chìm trong bể khổ. Xin hãy cùng nhau đốt nén hương lòng trước anh linh của bao người quá vãng. Xin cầu cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách thống trị của phỉ quyền Cộng Sản. Cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại biết nhìn nhận lẫn nhau, tay mặt xin đừng đánh tay trái nữa. Hãy cùng góp những bàn tay lưu lạc tạo thành sức mạnh đương đầu với kẻ thù đầy mưu mô xảo quyệt. Xin hãy bỏ qua tị hiềm, tham vọng cá nhân, ngồi lại với nhau tìm ra một giải pháp giải thể chế độ cộng sản, quang phục lại quê hương. Có như vậy thì xin được gọi nhau là cố nhân ơi !

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 0
    Last Post: 04-14-2014, 01:47 PM
  2. Replies: 28
    Last Post: 04-11-2014, 01:47 PM
  3. Replies: 1
    Last Post: 02-22-2013, 12:24 PM
  4. Việt kiều Pháp mất quyền tỵ nạn vì về Việt Nam!
    By Võ Thanh Liêm in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 06-01-2012, 06:49 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:23 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh