Register
Page 1 of 10 123 ... LastLast
Results 1 to 10 of 95

Thread: Việt Nam

  1. #1
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342

    Việt Nam


    Việt Nam -- cảm nhận từ đường phố





    Tôi vừa có một chuyến đi gần 1 tháng ở bên nhà. Đó là một thời gian tương đối dài đối với tôi, một phần là vì công việc, và một phần khác là nghỉ hè. Chính vì hai việc này mà tôi có dịp đi đây đó, và có dịp quan sát quê hương -- không phải từ phòng máy lạnh, mà từ thực địa.

    Tôi e rằng những quan sát và cảm nhận của tôi hơi bi quan.
    Thú thật, tôi không thấy một Việt Nam sẽ "tươi sáng", mà chỉ thấy một đất nước sẽ tiếp tục tụt hậu và lệ thuộc, nhất là trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN.



    1. Một đất nước trên đà suy thoái


    Cái ấn tượng chung và bao quát trong chuyến về thăm quê là đất nước này đang trên đà suy thoái hầu như về mọi mặt.
    Mặc cho những con số thống kê kinh tế màu hồng được tô vẽ bởi Nhà nước, trong thực tế thì cuộc sống của người dân càng ngày càng khó hơn.

    Hơn 70% dân số là nông dân hay sống ở miệt quê, nên chúng ta thử xem qua cuộc sống của một gia đình nông dân tiêu biểu, gồm vợ, chồng và 2 con.

    Gia đình này làm ra gạo để các tập đoàn Nhà nước đem đi xuất khẩu lấy ngoại tệ (và chia chác?) nhưng số tiền mà họ để dành thì chẳng bao nhiêu.

    Gia đình này có thể có 5 công đất (hoặc cao lắm là 10 công đất), sau một năm quần quật làm việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cả nhà chỉ để dành khoảng 10-15 triệu đồng, có khi còn không bằng một bữa nhậu của các quan chức.



    Cuộc sống của người nông dân là nợ triền miên. Đầu mùa thì vay ngân hàng để mua giống, mua phân, mua thuốc trừ sâu; thu hoạch xong thì phải trả nợ cộng tiền lời cho ngân hàng.

    Rồi đến mùa vụ kế tiếp thì cái vòng vay - trả nợ lại bắt đầu. Con của người nông dân đi học, thì mỗi đứa phải gánh ít nhất là 10 loại phí khác nhau, có khi lên đến 20 phí!

    Các trường, các uỷ ban nhân dân, các cơ quan công quyền, v.v. đua nhau sáng chế ra những loại phí để moi móc túi tiền người dân vốn đã quá ít ỏi. Họ không cần biết người dân có tiền hay không, phí là phí, và phải đóng phí. Không ít gia đình không có tiền đóng phí nên cho con nghỉ học.
    Đã có tình trạng người dân không đủ tiền trả viện phí nên tìm đến con đường tự tử.



    Môi trường sống xuống cấp thê thảm. Sự gia tăng dân số gây áp lực cực kì lớn đến môi sinh. Mật độ dân số tăng nhanh, ngay cả ở vùng nông thôn.

    Có thể nói rằng hầu hết các con sông ở VN đang chết. Tất tần tật, kể cả heo gà và có khi cả người chết, cũng bị vứt xuống sông.
    Những con sông VN đang chết vì chúng đã biến thành những bãi rác di động khổng lồ.

    Đó là chưa nói đến sự xâm nhập của nước mặn vào các con sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một phần là do mấy cái đập lớn Tàu xây trên thượng nguồn của sông. Tôi cho rằng sự suy thoái về môi trường là mối đe doạ lớn nhất đến sự tồn vong của đất nước.


    Ở đất nước này, chính quyền đã mắc cái bệnh vô cảm quá lâu, và bệnh đã trở thành mãn tính, rất khó cứu chữa.
    Cái bệnh vô cảm của chính quyền nó còn lan truyền sang cả xã hội, mà trong đó mọi người dùng mọi phương cách và thủ đoạn để tranh nhau ngoi lên mặt đất mà sống. Có thể nói cả xã hội đang chạy đua.

    Cái chữ "chạy" ở VN đã có một ý nghĩa khác.

    Dân chạy để đưa con cái vào đại học, vào cơ quan Nhà nước để hi vọng đổi đời.
    Quan chức cũng chạy đua vào các chức vụ trong guồng máy công quyền, và họ chạy bằng tiền.
    Tiền dĩ nhiên là từ dân. Thành ra, cuối cùng thì người dân lãnh đủ.
    Sự suy thoái ở VN diễn ra trên mọi mặt, từ kinh tế, môi trường, y tế, giáo dục, đến đạo đức xã hội.


    2. Đất nước đang bị "bán"

    Một anh bạn tôi vốn là một doanh nhân (businessman) thành đạt cứ mỗi lần gặp tôi là than thở rằng đất nước này đang bị bán dần cho người nước ngoài.

    Mà, đúng là như thế thật. Ở khắp nơi, từ Đà Nẵng, đến Nha Trang, tận Phú Quốc, người ta "qui hoạch" đất để bán cho các tập đoàn nước ngoài xây resort, khách sạn, căn hộ cao cấp. Một trong những "ông chủ" mới thừa tiền để mua tất cả của Việt Nam là người Tàu lục địa.

    Chẳng những đất đai được bán, các thương hiệu của VN cũng dần dần bị các tập đoàn kinh tế nước ngoài thu tóm và kiểm soát.

    Chẳng hạn như các tập đoàn Thái Lan đã thu tóm những thương hiệu bán lẻ và hàng điện tử của Việt Nam. Tuy nhiên, người dân có vẻ "ok" khi người Thái kiểm soát các cửa hàng này, vì dù sao thì người Thái đem hàng của họ sang còn có phẩm chất tốt và đáng tin cậy hơn là hàng hoá độc hại của Tàu cộng.


    Đó là chưa kể một loại buôn bán khác: buôn bán phụ nữ.
    Phụ nữ Việt Nam được quảng cáo ở các nước như Tàu, Đài Loan, Singapore và Đại Hàn.

    Chưa bao giờ người Việt Nam chịu nhục khi con gái VN được cho đứng trong lồng kiếng như là những món hàng để người ta qua lại ngắm nghía và trả giá!

    Thử hỏi, có người Việt Nam nào tự hào được khi đồng hương mình bị đem ra rao bán như thế. Xin đừng nói đó là những trường hợp cá biệt; đó là tín hiệu cho thấy một đất nước đang bị suy thoái về đạo đức xã hội.



    3. Tham nhũng tràn lan


    Không cần phải nhờ đến tổ chức minh bạch quốc tế chúng ta mới biết VN là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới.

    Chỉ cần tiếp xúc với hải quan, hay bất cứ cơ quan công quyền nào, người dân đều có thể nếm "mùi tham nhũng". Tham nhũng từ dưới lên trên, từ bên này sang bên kia, từ cấp thấp đến cấp cao. Có khi tham nhũng công khai, và kẻ vòi tiền mặc cả cái giá mà không hề xấu hổ.

    Các cơ quan Nhà nước phải hối lộ các cơ quan Nhà nước khác, và họ xem đó là bình thường. Ngay cả những ngành dịch vụ tưởng như là "trí thức" như giáo dục và y tế mà cũng tham nhũng, và vì họ có học nên tham nhũng ở hai ngành này còn "tinh tế" hơn các ngành khác!



    Có thể nói là tham nhũng (và hối lộ) đã trở thành một thứ văn hoá. Cái văn hoá này nó ăn sâu vào não trạng của cán bộ Nhà nước. Đã là văn hoá thì nó rất khó xoá bỏ một sớm một chiều. Ngay cả ông tổng Phú Trọng còn thú nhận rằng trạng tham nhũng như "ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu", nhưng cho đến nay ông cũng không làm được cái gì để giảm tình trạng này.


    4. Xã hội bất an

    Có thể nói không ngoa rằng VN là một xã hội bất an. Đọc báo hàng ngày thấy tin tức về tội phạm dày đặc khắp nơi. Chẳng những sự phổ biến của tội phạm, mà sự manh động của các vụ án càng ngày càng táo tợn. Chưa nơi nào có những vụ giết người vô cớ như ở VN: chỉ một cái nhìn cũng có thể dẫn đến cái chết!


    Đáng ngại nhất là tội phạm đã lan tràn về tận vùng quê. Ở quê tôi, nơi mà ngày xưa là một làng êm ả, ngày nay là một cộng đồng bất an vì những vụ chém giết xảy ra hầu như hàng tuần!
    Người dân dưới quê cảm thấy mệt mỏi, không muốn nuôi trồng gì nữa, vì nạn trộm cắp hoành hành triền miên. Nuôi cá chưa đủ lớn thì đã bị trộm câu mất.
    Trồng một cây mít, trái chưa chín thì đã có trộm hái dùm.

    Chưa bao giờ tình trạng trộm cắp phổ biến như hiện nay ở vùng nông thôn.



    Đó là chưa nói đến tai nạn giao thông vốn còn kinh hoàng hơn cả trộm cắp. Ở VN, bước ra đường là chấp nhận rủi ro tai nạn, thậm chí chết vì sự hỗn loạn của hệ thống giao thông.
    Thật vậy, tai nạn giao thông ở VN đã và đang trở thành nỗi kinh hoàng của không chỉ người dân địa phương mà còn ở du khách.


    Một dạng bất an khác là (mất) an toàn thực phẩm. Có thể nói rằng đây là vấn đề làm cho cả dân số quan tâm nhất (theo như kết quả của một cuộc điều tra xã hội chỉ ra).

    Đi đến đâu, ở bất cứ thời điểm nào, người ta cũng nói đến những loại hàng hoá độc hại được tuồn vào thị trường Việt Nam từ một cái nguồn quen thuộc: Tàu cộng.

    Ngay cả ở dưới quê tôi, người dân còn không dám mua trái cây có xuất xứ từ Tàu. Không có một nông sản nào của Tàu sản xuất được xem là an toàn.

    Ngày nay, ngay cả các bợm nhậu cũng e dè những món ăn ở nhà hàng, quán nhậu, vì không ai dám chắc đó là hàng hoá của VN hay của Tàu. Nhưng điều đáng buồn nhất là sự tiếp tay của các doanh nghiệp Việt Nam để cho hàng hoá Tàu hoành hành đất nước ta và dân tộc ta.

    Thật không ngoa khi gọi những doanh nghiệp này là "gian thương". Cũng không ngoa để nói rằng gian thương cấu kết với những cán bộ tham nhũng đang giết chết kinh tế nước nhà và người dân.



    5. Trí thức không có tiếng nói, không có phản biện


    Theo dõi báo chí ở VN, dễ dàng thấy sự trống vắng tiếng nói của giới trí thức.

    Trước một sự kiện tương đối quan trọng như đại hội đảng csvn, mà không hề có bất cứ một bình luận độc lập nào, không hề có một bài phân tích về các nhân vật chóp bu trong đảng, hoàn toàn không có một phát biểu mang tính viễn kiến của bất cứ một nhân vật "lãnh đạo" tương lai nào!
    Thay vào đó là những tiếng nói của những người mang danh "sư sĩ" nhưng cách họ nói và ngôn ngữ của họ thì chẳng khác sự "cò mồi" là bao nhiêu.



    Trước hiện tình đất nước, giới có học nói chung có vẻ lãnh đạm. Họ không quan tâm. Họ thường chạy trốn thực tế bằng cách biện minh rằng "chỉ lo việc chuyên môn".

    Thật ra, cũng khó trách họ, vì nếu họ nói ra những ý kiến thì có thể sẽ bị phạt nặng nề, thậm chí tù đày. Ngay cả yêu nước là một tình cảm thiêng liêng mà cũng phải được tổ chức và ... cho phép. Một xã hội đối xử với giới trí thức như thế thì làm sao bền vững được.



    6. Guồng máy quản lí bất tài


    Thật ra, sự bất tài của quan chức Nhà nước không còn gì là bí mật. Vì bất tài, nên họ thường "sản xuất" ra những qui định hài hước, và có khi cực kì vô lí và phi khoa học.

    Chúng ta còn nhớ trước đây, họ cho ra qui định mang danh "ngực nở chân dài" để được lái xe ô-tô, gây ra một trận cười cấp quốc gia.

    Tưởng như thế đã là hi hữu, ai ngờ họ lạ tái xuất với một qui định "trời ơi": Xe ô-tô 4 bánh phải có bình chữa cháy. Qui định này làm trò cười cho cả thế giới và các hãng sản xuất xe hơi.

    Tưởng qui định như thế đã là vô lí, họ còn cho ra một qui định "trên trời" như xe trên 10 chỗ ngồi phải có găng tay và khẩu trang lọc độc! (Tất nhiên, không phải ai trong guồng máy Nhà nước là bất tài, vẫn có người tài đó, nhưng cái ấn tượng chung mà người dân có thì đó là một guồng máy gồm những người bất tài, ăn bám nhân dân).



    7. Tuy bất tài, nhưng guồng máy đó rất giỏi trong việc hành dân


    Sự hành dân của guồng máy quản lí & hành chính của Việt Nam phải nói là vô song trên thế giới.
    Đối với người dân, có việc đến cổng công đường là một nỗi sợ, một cơn ác mộng. Hầu như không có một việc gì, từ nhỏ đến lớn, mà trôi chảy lần đầu khi đến gặp các quan chức Nhà nước.

    Tôi về quê và nghe nhiều câu chuyện hành dân mà nói theo tiếng Anh là "incredible" -- không thể tin được. Chỉ cần cái họ viết sai dấu (như "Nguyển" thay vì "Nguyễn") là cũng bị hành và tốn tiền triệu! Những lỗi sai chính tả đó là của họ (quan chức, cán bộ), nhưng họ vẫn hành dân một cách vô tư. Họ tìm mọi cách, mọi lúc để "đá" dân từ cơ quan này sang cơ quan khác, và biến dân như những trái banh để họ làm tiền.
    Thực dân Pháp ngày xưa có lẽ cũng không hành dân như cán bộ Nhà nước ngày nay.



    Năm 2016 này Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community hay AEC). Mục tiêu là hình thành một cộng đồng kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, hàng hoá và dịch vụ, đầu tư sẽ tự do lưu chuyển giữa các nước thành viên.

    Tôi ghé thăm một đại học lớn ở Thái Lan vào năm 2013, và giới trí thức bên đó đã bàn rất nhiều về viễn cảnh này, họ tư vấn cho chính phủ để chuẩn bị hoà nhập vào AEC.

    Nhưng ngạc nhiên thay, ở VN rất ít thảo luận về AEC và những tác động của nó đến cuộc sống của người dân! Nhưng với tình trạng suy thoái, đất nước bị "bán", tham nhũng tràn lan, xã hội bất an, trí thức không có tiếng nói, guồng máy quản lí bất tài nhưng giỏi hành dân, thì không nói ra, chúng ta cũng biết là khả năng cạnh tranh của VN không cao trong AEC. Khả năng cạnh tranh không cao rất có thể dẫn đến nguy cơ lệ thuộc.



    Tái bút: Nhiều người khi đọc những bài và ý kiến như thế này thường hỏi một cách hằn học rằng “ông có phải là người Việt Nam hay không mà phê phán đất nước như thế”, “ông đã làm gì cho đất nước này”, hay "nói thì hay, vậy giải pháp là gì", v.v.

    Tôi nghĩ những câu hỏi đó không tốt mấy, và có phần ... lạc đề. Vấn đề là cái xấu đang hoành hành đất nước này, chứ đâu phải tôi là ai hay tôi đã làm gì cho đất nước.

    Chẳng lẽ chỉ có người có công và đóng góp cho đất nước mới được “phép” phê bình sao. Nghĩ như thế thì e rằng quá nhỏ mọn. Mà, muốn biết tôi đã làm gì thì cũng chẳng khó khăn gì trong thời đại google này.

    Giải pháp nó nằm ngay ở mỗi cá nhân chúng ta. Mỗi người cần phải làm tốt và sống tử tế là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái bất công, cái bất cập trong xã hội.



    Nguyễn Văn Tuấn


    http://tuanvannguyen.blogspot.com/20...-uong-pho.html








    --
    Last edited by thuykhanh; 02-12-2016 at 06:56 AM.

  2. #2
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    Một người bạn cùng diễn đàn mới gởi cho tk bài sưu tầm về phong tục tập quán người Việt mình vào dịp Tết.
    Hôm qua có hẹn với BS nên bữa nay mới đăng được.

    Xin cảm ơn chị, người mà tk rất quí mến.






    SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TẾT BẮC VÀ TẾT NAM







    Dù cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng do khác nhau về đặc điểm khí hậu, văn hóa và con người nên hai miền Bắc – Nam cũng có sự khác biệt nhất định về phong tục tập quán, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán.

    1/. Hoa ngày Tết : Hoa đào và hoa mai

    Đã từ rất lâu rồi, nhắc đến hoa đào và hoa mai là mọi người sẽ nghĩ đến ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc ta. Hoa đào là biếu tượng của ngày Tết ở miền Bắc do hợp với khí hậu lành lạnh nơi đây, còn hoa mai rực rỡ lại thích hợp với nắng vàng rực rỡ đất phương Nam.

    Hai loại hoa này chỉ nở vào mùa xuân,
    gần dịp Tết hoặc trong những ngày Tết ngắn ngủi. Nhưng dù là hoa đào hay hoa mai, hai loài hoa này cũng báo hiệu mùa xuân về, một năm mới với những sự khởi đầu mới với bao may mắn và bình an cho mọi người, mọi nhà.




    2/. Thời tiết : Lạnh và nóng

    Do đất nước ta trải dài từ Bắc xuống Nam với hơn 2000 km chiều dài nên có sự phân hóa thời tiết và khí hậu thấy rõ. Miền Bắc có tới bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong khi miền Nam chỉ có hai mùa Mưa và Nắng với nhiệt độ luôn ở mức gần 30 độ C, kể cả trong những ngày Tết.

    Vào những ngày này, khi người dân miền Bắc đa phần diện các trang phục mùa đông như áo khoác, áo len, áo dạ, khăn quàng ấm… và tận hưởng không khí se se lạnh cùng thời tiết mưa phùn của thời tiết giao thoa giữa mùa Đông và mùa Xuân thì người dân miền Nam lại tung tăng ra đường với áo cộc tay, áo sơ mi… thời tiết cũng không khác nhiều thời tiết mùa hè ở miền Bắc là mấy.


    3/. Bánh cổ truyền : Bánh chưng và bánh tét

    Nếu như miền Bắc có món bánh chưng vuông vắn với màu xanh nổi bật của lá dong đã được lưu vào truyền thuyết thì miền Nam lại nổi tiếng với món bánh Tét với các nguyên liệu.

    Vỏ và nhân bánh giống hệt với bánh chưng, gồm lá dong bọc gạo nếp, nhân thịt mỡ, đậu xanh và hành khô, chỉ khác về hình dạng bánh với từng cái bánh hình trụ dài, khi ăn có thể cắt ra thành từng khoanh tiện lợi, không như bánh chưng hình vuông được cắt thành 8 miếng bánh hình tam giác nhỏ.







    4/. Các món dưa muối : Dưa hành và dưa giá

    Trong một câu thơ quen thuộc “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ…”, có một món ăn quen thuộc được nhắc đến, đó là món dưa hành muối. Đây là một món ăn rất quen thuộc của người miền Bắc. Những củ hành tươi sẽ được cắt ngắn, đem muối với nước sạch, đường, muối, hành khô cắt nhỏ và để tự lên men. Tùy thói quen mà bạn có thể ăn được món này từ 1-3 ngày.




    Món hành muối có thể chấm mắm để ăn với cơm hoặc ăn riêng, có vị chua chua của dưa muối và hanh hanh của hành, rất ngon miệng và không thể thiếu trong các gia đình miền Bắc.

    Người dân miền Nam cũng có món dưa muối cổ truyền tương ứng với món hành muối của miền Bắc, đó là món dưa giá muối. Nguyên liệu chủ yếu của món này cũng rất đơn giản, chỉ bao gồm giá đỗ, cà rốt, rau hẹ và một số gia vị cơ bản. Đặc điểm của món này là làm xong bạn có thể ăn luôn trong ngày chứ không cần đợi đến 2-3 ngày sau như món hành muối do đặc điểm dễ thấm gia vị của giá đỗ.


    5/. Món canh : Canh bóng bì và canh khổ qua hầm

    Vào những ngày Tết âm lịch, người miền Bắc hay nấu món canh bóng bì, được làm từ da lợn đã được làm sạch và phơi khô, thêm vào vài cọng hành tươi cho đẹp mắt. Món canh này rất được ưa chuộng vì độ ngon ngọt của nước canh và cũng rất dễ ăn.





    Ngược lại với người miền Bắc, người miền Nam lại có món canh hầm khổ qua (mướp đắng). Với những người mới ăn mướp đắng lần đầu hoặc không ăn quen thì món canh dù có độ ngọt cũng không thể át được vị đắng của khổ qua. Nhưng nếu đã ăn được thì sẽ rất thích, thậm chí rất “ghiền”, theo ngôn ngữ phương Nam.



    6/. Đãi khách

    Khi có khách đến chúc Tết, người miền Bắc sẽ đem bánh kẹo, hạt bí, hạt dẻ và mứt
    để đãi khách và cũng thưởng thức chén trà đầu năm. Còn với người miền Nam, họ sẽ đón chào những người khách bằng việc mời ăn nhậu với bia, rượu, đồ nhắm… do đặc điểm hay ăn nhậu của mình.






    7/. Mâm ngũ quả :
    Người miền Nam kiêng chuối

    Trên mâm ngũ quả của người miền Bắc bao giờ cũng có 1 đến 2 nải chuối to và đẹp để làm “bệ đỡ” cho các lại quả khác. Đây là truyền thống lâu đời, cũng giống như cách bày biện trên bàn thờ ngày thường.

    Nhưng người miền Nam lại rất kiêng loại quả này trên mâm ngũ quả, do từ “chuối” đồng âm với từ “chúi” theo cách phát âm của người miền Nam, làm người ta dễ liên tưởng
    đến sự đi xuống hay làm ăn thất bát.






    8/. Cúng ông Táo : Người miền Nam không cúng cá chép

    Vào ngày 23 tháng Chạp, cả hai miền Bắc – Nam đều có tập tục cúng lễ để tiễn ông Táo về trời. Nhưng khác với miền Bắc cúng lễ bao giờ cũng đi kèm một con cá chép để ông Táo “cưỡi” về trời, người miền Nam lại kiêng cúng cá chép do họ có quan niệm, những con vật như cá chép rất linh thiêng, chỉ nên dành cho vua chúa nên không được phép động đến.


    9/. Chơi tết

    Quan niệm của người dân miền Bắc là ngày Tết là thời gian để đoàn tụ các thành viên trong gia đình, nên họ thường quây quần bên nhau ở nhà để sum họp, trò chuyện và ăn uống hoặc đi chúc tết họ hàng, bạn bè, hàng xóm. Nhưng người miền Nam với suy nghĩ và tư duy “thoáng” hơn, rằng ngày Tết là để nghỉ ngơi, nên họ thường dành thời gian và tiền bạc tích lũy được trong năm để đi du lịch, khám phá đây đó với người thân và bạn bè.






  3. #3
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365


    wow, từ khi nào người miền Nam có "đặc điểm hay nhậu của mình" vậy ta? Thịt cầy không phải xuất xứ từ miền Bắc sao ta?


    Số 9 và số 6 chắc mới có 10 năm nay hả?


    Còn cái vụ ngày tết người Bắc kiêng ăn trứng còn người Nam quất nồi thịt kho tàu với trứng đâu không thấy ghi lên?


    Và truyền thống đi tảo mộ cũng chẳng thấy. Hmmmm!




    PS: Lời phê bình "nhắm vào bài viết", không phải người đăng hoặc rinh.

    Last edited by Triển; 02-16-2016 at 09:07 PM.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  4. #4
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342

    Chào anh Triển,

    Anh cho mình đăng ý kiến của chị bạn về mục số 7 trước, nha anh:


    7/. Mâm ngũ quả : Người miền Nam kiêng chuối


    Quote Originally Posted by Bài Sưu tầm

    Trên mâm ngũ quả của người miền Bắc bao giờ cũng có 1 đến 2 nải chuối to và đẹp để làm “bệ đỡ” cho các loại quả khác. Đây là truyền thống lâu đời, cũng giống như cách bày biện trên bàn thờ ngày thường.

    Nhưng người miền Nam lại rất kiêng loại quả này trên mâm ngũ quả, do từ “chuối” đồng âm với từ “chúi” theo cách phát âm của người miền Nam, làm người ta dễ liên tưởng

    đến sự đi xuống hay làm ăn thất bát.


    Mình không đồng ý với bài viết này.

    Người miền Nam luôn chưng nải chuối cau trong mâm ngũ quả, vì chuối cau có màu đẹp, no tròn óng ánh, tượng trưng cho đầy đủ, viên mãn.

    (Chú thích: Chị là người miền Nam, làm nghề dạy học, tính tình thẳng thắn và đôn hậu)



    Quote Originally Posted by Triển

    wow từ khi nào người miền Nam có "đặc điểm hay nhậu của mình" vậy ta? Thịt cầy không phải xuất xứ từ miền Bắc sao ta?


    Số 9 và số 6 chắc mới có 10 năm nay hả?


    Còn cái vụ ngày tết người Bắc kiêng ăn trứng còn người Nam quất nồi thịt kho tàu với trứng đâu không thấy ghi

    lên?


    Và truyền thống đi tảo mộ cũng chẳng thấy. Hmmmm!



    Gia đình tk ở ngoài Bắc đến cuối tháng 10 năm 1954 mới có máy bay đưa vào Nha Trang; cho đến bây giờ, chưa hề ăn thịt cầy nên không biết trả lời anh ra sao.

    Ba ngày Tết, vì muốn có thì giờ đi thăm bà con nên ăn cơm với những món nấu sẵn: Thịt đông gà, thịt kho tầu, giò lụa, chả quế, cá thu kho nước chè, dưa hành muối chua, trứng muối, lạp xưởng Mẹ tk làm.

    Buổi sáng có bánh chưng, xôi lạp xưởng.
    Nhà còn chứa mấy món rau củ cho đủ ăn qua Tết như bắp cải, củ cải trắng, su hào... vì không có chợ.

    Anh nhớ gì xin ghi thêm vô nghen, còn tục lì xì nữa!
    tk cảm ơn
    Last edited by thuykhanh; 02-17-2016 at 08:46 AM.

  5. #5
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    ***

    Tết và lạnh lùng tương lai Việt


    Sun, 02/14/2016 - 03:38 — VietTuSaiGon

    Đầu Xuân, rủ bạn bè làm một chuyến du khảo Đà Nẵng, Hội An, Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh… Và mai mốt là Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, lục tỉnh miền Tây…
    Nhưng đi nửa chừng, mới qua Đà Nẵng, Hội An, sắp bước vào đất Hà Tĩnh thì chẳng còn muốn đi thêm nữa. Cảm giác lạnh lùng, trống rỗng và đôi khi sợ hãi hiện ra càng thêm rõ. Nổi trội hơn có lẽ là cảm giác lạnh. Cái lạnh đến từ bên trong tâm hồn chứ không phải những trận rét của thiên nhiên. Tự dưng, một câu hỏi ám ảnh: Người Việt đã lạnh lùng từ bao giờ? Và tương lai Việt đi về đâu?

    Đương nhiên câu hỏi đầu có vẻ hợp lý và dễ chịu hơn câu sau khi đặt câu hỏi và giải quyết nó. Câu sau nghe có vẻ lên gân. Nhưng hiện tại, có lên gân hay không thì cũng như nhau bởi mọi chuyện hầu như đã “an bài”, hết thuốc chữa!

    Vì sao? Bởi vì có sự khác biệt rõ ràng giữa cái lạnh của gió mùa, tuyết rơi, băng giá với cái lạnh sốt rét. Trước cái lạnh tuy khắc nghiệt của thiên nhiên, con người vẫn có cách thích ứng, có cách chống chọi bằng áo ấm, bằng lửa và sự chịu đựng. Nhưng khi cái lạnh bốc ra từ bên trong như sốt rét thì cho dù nhiệt độ tự nhiên lúc đó có lên 40 độ C thì người ta vẫn có thể chết vì cóng lạnh. Cái lạnh của dân tộc Việt Nam là cái lạnh sốt rét.

    Sở dĩ tôi nói rằng dân tộc Việt Nam, hay nói đúng hơn là đại bộ phận nhân dân cũng như hệ thống cầm quyền từ địa phương đến trung ương đang bị sốt rét và có thể lăn ra chết bất kì giờ nào bởi vì hầu hết chúng ta đang bị con vi trùn sốt rét của sự vong thân và vong nô hoành hành tâm hồn, hoành hành thể xác nhưng chúng ta vẫn cứ xem như không có gì và vẫn cứ tưởng rằng mình khỏe mạnh.
    Vì sao? Vì chưa có năm nào người Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam đông như Tết năm nay, trong lúc mọi chuyện về chính trị, biên giới, lãnh hải, hải đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang là chuyện nhức nhối, gay cấn và căng thẳng. Người Trung Quốc đã sẵn sàng bỏ tiền ra thuê nguyên một máy bay để sang Khánh Hòa, Việt Nam ăn Tết. Và tại thành phố Hội An, Quàng Nam, tình trạng kẹt xe từ ngã ba Tin Lành đến tận trung tâm văn hóa thể thao Hội An kéo dài gần hai giờ đồng hồ vào các đêm Mồng Hai, Mồng Ba, Mồng Bốn Tết.

    Nguyên nhân kẹt xe là do lượng xe hơi vào thành phố quá nhiều, và đáng buồn hơn là ước chừng 70% xe hơi gây kẹt xe lại là xe chở người Trung Quốc đến Hội An để họ ăn Tết và tổ chức lễ kỉ niệm “hợp nhất người Trung Quốc trên thế giới” ngay tại trung tâm thành phố Hội An.

    Ở Đà Nẵng, đi đâu cũng gặp người Trung Quốc, có thể nói rằng trong dịp Tết này, người Trung Quốc nhiều hơn người Việt tại thành phố Đà Nẵng. Bởi hầu hết các gia đình ở thành phố Đà Nẵng đều đóng cửa từ Mồng Một đến Mồng Ba Tết, họ không đổ ra đường, chỉ có người Trung Quốc và một số người Việt từ các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam xuất hiện trên đường Đà Nẵng.

    Ở thành phố Huế, Vinh và Hà Tĩnh, người Trung Quốc cũng xuất hiện khá đông, tương đương với người dân các thành phố này nếu nhìn vào tương quan đường phố. Và dường như người Trung Quốc được tiếp đãi rất nồng hậu ở các quán xá, họ không gặp bất kì khó khăn, trở ngại nào khi ung dung tản bộ trên đất Việt Nam.

    Không dừng ở đó, họ tỏ ra hách dịch và khi có người Việt Nam nào đó cầm máy chụp hình, không may hướng ống kính trùng với hướng họ đang có mặt thì họ không ngần ngại đe dọa bằng tiếng Việt “Ai cho mày chụp hình?” với người Việt. Và, phản ứng của người Việt là phần đông cất máy hình, im lặng mà đi.
    Có thể nói trong dịp Tết này, cảm giác người Trung Quốc mới là chủ nhân thực sự của dải đất hình chữ S này chứ không phải là người Việt Nam. Sao lại có chuyện kì cục như vậy?

    Nói đi thì thấy kì cục nhưng ngẫm lại, chuyện này không hề kì cục chút nào, bởi vì nó đã được chuẩn bị từ trứng nước. Hiện tại chỉ là hệ quả tất yếu của một quá trình dài chuẩn bị trong quá khứ. Vậy ai đã chuẩn bị cho vấn đề này? Câu trả lời dứt khoát và rõ ràng là nhà nước Cộng sản Việt Nam đã tính toán, chuẩn bị rất kĩ cho việc này và đảng Cộng sản Việt Nam chính là những con muỗi sốt rét của dân tộc Việt Nam hiện tại.

    Bởi lẽ, với lối cai trị bàn tay sắt và nắm đấm khoai mì, vừa nắm chặt lấy vai nhân dân bằng những ngón tay sắt làm rướm máu, lại vừa đấm thẳng khoai mì vào mồm nhân dân trong quá trình kinh tế tập trung bao cấp (dựa vào viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc) và với lối cai trị bằng roi điện với rượu Mao Đài suốt mấy chục năm sau bao cấp trên danh nghĩa kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã bóp chết nhân dân Việt Nam từ trong ra ngoài, đã làm tê liệt nhân dân vì chứng sốt rét tư tưởng.

    Nhân dân không đuợc nói, chỉ được nghe huấn thị từ đảng. Nhân dân không được đấu tranh cho chủ quyền dân tộc mà chỉ được phép ngồi yên để đảng lo liệu, nhân dân được tự do lựa chọn thực phẩm và sách báo trong cái đống thức ăn ôi thiu xuất xứ Trung Quốc và trong mớ tư tưởng Cộng sản mà đảng đã soạn sẵn.

    Từ chiếc nịt ngực phụ nữ, chiếc quần lót cho đến hộp sữa, chiếc xe gắn máy, cục xúc xích, cây kẹo, dĩa trái cây, ký gạo, đồ chơi trẻ em, phim ảnh… Tất cả nhu yếu phẩm, hàng hóa cho đại bộ phận nhân dân nghèo khổ, chật vật này đều được soạn sẵn bằng sản phẩm của Trung Quốc. Và về lâu về dài, dường như số đông nhân dân đã quen mùi của Trung Quốc, thậm chí có người coi những sản phẩm độc hại của Trung Quốc là đỉnh cao trí tuệ bởi “Trung Quốc nó giỏi hơn Mỹ, cũng một cái đồ cùng tính năng nhưng nó bán rẻ chưa bằng một phần mười đồ của Mỹ”!

    Và cũng về lâu về dài, dường như nhân dân đã bị ngấm văn hóa và dịch chất Trung Quốc trong cơ thể như một con bệnh đang ủ sốt rét trong cơ thể. Cho đến một ngày bệnh bùng phát, người ta lạnh cóng, run lập cập và vẫn nghĩ rằng trời đang lạnh rét chứ không hề nghĩ rằng mình đang sốt rét từ trong máu thịt.

    Một đất nước với đại bộ phận nhân dân chưa bao giờ có quyết định từ khước, chối bỏ hàng hóa Trung Quốc vì nó quá độc hại. Một đất nước mà đại bộ phận nhân dân, nhà buôn lại xem kẻ xâm lăng là cơ hội làm giàu (mà không thử suy nghĩ có bao nhiêu gián điệp, kẻ xấu đang trộn lẫn trong các đoàn khách du lịch kia) và sẵn sàng quì lụy, chấp nhận, thỏa hiệp với kẻ xâm lược. Một đất nước mà hệ thống chính quyền vừa đóng vai trò trị dân, chăn dân lại vừa đóng vai trò tay sai cho kẻ xâm lược, tiếp tay cho kẻ xâm lược từ kinh tế đến chính trị, văn hóa…!

    Thử nghĩ, tương lai Việt Nam sẽ về đâu với chứng sốt rét tâm hồn của đại bộ phận nhân dân? Và tội lỗi này do đâu mà có? Liệu có còn tương lai để chúng ta nói rằng đến một ngày nào đó lịch sử sẽ phơi bày ra ánh sáng ai công ai tội khi mà nguy cơ bị xóa sổ một dân tộc đang rất cận kề bởi kẻ địch không cần tốn viên đạn nào, họ chỉ cần đứng nhìn chúng ta chết dần chết mòn trong chứng sốt rét tâm hồn và lăn ra chết?

    Mọi chuyện đều có thể xảy ra khi đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn xem mình là chư hầu của Trung Quốc và đại bộ phận người dân Việt Nam vẫn lên cơn sốt rét, vẫn cam chịu và chết dần chết mòn trong cam chịu, dựa dẫm vào kẻ đang giết mình!
    Và tương lai Việt Nam sẽ là một tương lai trơ trọi nếu chúng ta tiếp tục lên cơn sốt rét tập thể như đang thấy! Thật đáng buồn khi viết ra những dòng này!








  6. #6
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864
    Quote Originally Posted by thuykhanh View Post

    Ba ngày Tết, vì muốn có thì giờ đi thăm bà con nên ăn cơm với những món nấu sẵn: Thịt đông gà, thịt kho tầu, giò lụa, chả quế, cá thu kho nước chè, dưa hành muối chua, trứng muối, lạp xưởng Mẹ tk làm.

    Buổi sáng có bánh chưng, xôi lạp xưởng.
    Nhà còn chứa mấy món rau củ cho đủ ăn qua Tết như bắp cải, củ cải trắng, su hào... vì không có chợ.

    Có thể còn thêm: cá thu cắt từng khoanh kho riềng (chắc khác với kho nước chè?), thịt bò bắp quấn dây bó chặt mấy bắp rồi cũng đem kho sao sao đó cho đến kẹo sánh lại như keo rồi cắt ra từng khoanh ăn với dưa chua, hành muối, măng khô hầm chân giò, dưa món, bóng heo nấu với tôm he(?), su hào, su su, cà rốt, nấm đông cô và gì gì nữa lung tung ra cho một nồi. Nhưng... thằng con thấy cơm nhà cứ ứ lên tận cần cổ nên rình rình là chạy sang ngõ hẻm gần nhà chơi bầu cua cá cọp rồi đi ăn… hủ tíu bò viên. Nếu thua hết tiền thì mới về ăn cơm nhà!

  7. #7
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    ***

    Chào anh 008,


    • Món cá thu cắt khoanh kho riềng, dạ nhớ. Không hiểu tại sao, ngoài Bắc hồi đó không có cá thu tươi, Mẹ tk phải mua cá thu nướng kẹp nứa nên mới kho với nước chè tươi đó anh 008.
    • Món bò bắp cuốn dây và đem kho như anh nói, tôi không biết.
    • Nhà tk nấu canh su hào, cà rốt, bóng.... với thịt gà vì hồi đó mua mấy con gà còn sống về làm. Tôm he là tôm thẻ hở, quên mất rồi. Thằng con là ai, có phải anh 008 không? Cảm ơn anh 008 ghé

  8. #8
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864
    Quote Originally Posted by thuykhanh View Post
    ***

    • Món bò bắp cuốn dây và đem kho như anh nói, tôi không biết.
    • Tôm he là tôm thẻ hở, quên mất rồi. Thằng con là ai, có phải anh 008 không?...


    Dạ phải ạ, thời còn cắp cái cặp sau lưng tan học ra phải đi đá... banh bàn (table soccer) mấy ván rồi mới về! Thấy chị kể những món quen thuộc ngày Tết nên trong đầu tôi hiện… hình lên cái thuở ban… ngày lưu luyến ấy mà nhớ lan man ra mấy món khác vậy thôi. Có lẽ là tôm thẻ mà tôi nói nhầm thành tôm he. Loại mà hình như họ bán khô nguyên con tôm cả vỏ xỏ qua cái cây tre cứ một xâu là 2, 3 con tôm to to thì phải! Gì chứ tên mấy con ăn được tôi ít biết hoặc cứ cắm nhầm đầu con này sang đuôi con kia. Tôi mới tìm thử trên net thì thấy họ có bày cách làm món bắp bò cuốn dây đó ở đây (http://yeutre.vn/bai-viet/huong-dan-...ngay-tet.4377/). Chắc tôi nhớ nhầm thành kho vì ở đây họ nói món này là món luộc, nhưng đúng là cái món tôi muốn nói đó. Cắt một đĩa từng khoanh như vậy tôi đi qua đi lại đi lên đi xuống mỗi lần đi ngang cái đĩa thịt là nhón một khoanh ăn vã. Tới giờ ăn cơm thì phải cắt thêm nửa bắp khác!

  9. #9
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    Quote Originally Posted by 008 View Post
    [/LIST]


    Dạ phải ạ, thời còn cắp cái cặp sau lưng tan học ra phải đi đá... banh bàn (table soccer) mấy ván rồi mới về!

    Tôi mới tìm thử trên net thì thấy họ có bày cách làm món bắp bò cuốn dây đó ở đây (http://yeutre.vn/bai-viet/huong-dan-...ngay-tet.4377/).

    Chắc tôi nhớ nhầm thành kho vì ở đây họ nói món này là món luộc, nhưng đúng là cái món tôi muốn nói đó. Cắt một đĩa từng khoanh như vậy tôi đi qua đi lại đi lên đi xuống mỗi lần đi ngang cái đĩa thịt là nhón một khoanh ăn vã. Tới giờ ăn cơm thì phải cắt thêm nửa bắp khác!
    Cảm ơn anh 008,

    Bây giờ tôi biết môn "Đá banh bàn" ( table soccer) là gì rồi, nhớ mang máng đã thấy mấy cái bàn như vậy nhưng không biết đích xác ở đâu.

    Dạ còn món bắp bò ngày xưa Bác làm cho gia đình dùng, khoanh thịt cắt ra màu nào, anh có nhớ không, nói cho tk biết với để xem có nên thay đổi công thức chút xíu không.

    Đi lên đi xuống, đi qua đi lại, nhón một khoanh ăn vã mà hết nửa cái bắp bò, chắc là anh 008 mau lớn ha!










  10. #10
    Biệt Thự
    Join Date
    Dec 2014
    Posts
    864
    Dạ đậm màu giống cái đĩa thứ nhất ở trên đó chị. Buộc dây bó lại càng chặt thì khi thái ra trông như khoanh giò bên trong có mảng gân hay vè trong trong ăn hơi sần sật mài mại như giò bì vậy đó! Tôi đọc lại công thức ở trang web đó thấy họ làm có 1 kg bắp bò mà dùng đến 2 thìa cà phê bột ngọt! Hai thìa bột ngọt mà đem đổ xuống đất rồi dẫm chân lên dám thấy hiện ra được dấu giày lắm đa! Kinh khủng! Nhìn cái công thức như vậy làm tự nhiên ngại đi ăn cơm khách luôn! Còn ngó lên trên đầu bài thấy ba cái… “cực” - cực ngon, cực bổ và cực tiện lợi – làm càng thấy cực… hình hơn nữa, hết cả thèm!

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 0
    Last Post: 04-14-2014, 01:47 PM
  2. Replies: 28
    Last Post: 04-11-2014, 01:47 PM
  3. Replies: 1
    Last Post: 02-22-2013, 12:24 PM
  4. Việt kiều Pháp mất quyền tỵ nạn vì về Việt Nam!
    By Võ Thanh Liêm in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 06-01-2012, 06:49 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:59 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh