Tôi khâm phục những văn sĩ , vì họ có thể khái quát hóa những vấn đề , những cuộc đời, những sự kiện ...thành tác phẩm

Và tôi quý trọng những người tuy không phải văn sĩ , nhưng những điều họ viết , lại chạm được vào tận đáy hồn. Không phải ai cũng mở được cánh cửa đó trong ta, vậy mà họ làm được , vì họ viết từ trải nghiệm , với cả tấm lòng, bằng sự giản dị , chân thật, trong nỗi trăn trở khôn nguôi ...

----------
NGƯỜI ĐÀN ÔNG CÔ ĐƠN

Tôi bần thần rất lâu trước tấm ảnh này. Trong dòng chảy của thời gian sẽ mãi đọng lại trong ký ức mình, tôi đã nhìn thấy những gì diễn ra trước đó vài chục giây, và rồi sau đó cũng chỉ trong vòng vài tích tắc. Nhưng tôi muốn dừng lại ở khoảnh khắc này, với nguyện cầu rằng dòng chảy thời gian kia, cũng sẽ mang theo cùng nó những khắc khoải khôn cùng cho những tháng năm được sống.

Dường như, người đàn ông ấy quá cô đơn.

Cô đơn giữa những ma trận bủa vây thế thời, thời thế. Cô đơn giữa quê hương nắng cháy như muốn thiêu đốt tất cả những ước mong lẫn nguyện cầu. Tôi tự hỏi sao anh ta phải ra ngồi đó, lòng anh ta đem theo những gì cho thì tương lai của chính mình, và những thế hệ tiếp nối nữa?

Sẽ không có nhiều buổi chiều thấy mình run rẩy và rưng rưng đến thế. Đâu đó, trong đầu tôi vang vang câu hát “The winner takes it all”, những gì đã chứng kiến, chợt làm tôi ngã nhào vào một nỗi bất lực đến đẫn người.

Người đàn ông cô đơn ngồi giữa một buổi chiều cháy nắng. Phải chăng, cả chúng ta cũng sẽ mãi cô đơn bước mãi trên mảnh đất này?
Tôi chỉ muốn hỏi, anh có con không? Anh có cháu không? Tôi xin anh hãy dạy cho các cháu sống một đời trung thực. Hãy giảng giải lại cho chúng tất cả những câu chuyện cổ tích đã từng dạy chúng ta thói khôn lỏi, thói độc ác và dối trá. Hãy làm chúng được nên đôi mắt sáng để suy xét từng thứ trong hành trình sống, hãy nuôi dưỡng cho chúng có một cái tâm hoà hợp với vạn vật quanh mình.

Trong nỗi cô đơn đến tận cùng, tôi nguyện cầu cho các thế hệ sau tôi và mãi sau này. Tôi thực tâm xin lỗi đến tất cả các cháu, các em, vì cả bản thân tôi, cũng đã vì lý do này lý do kia, mà đẩy các em vào một cuộc đời sẽ lắm thử thách và cam go hơn rất nhiều.

Bởi có đôi khi nỗ lực sống tốt thôi sẽ không bao giờ là đủ.

Người đàn ông cô đơn. Một dân tộc cô đơn vì mãi chẳng thể tìm thấy một tiếng nói chung, thì làm sao chung sức, chung lòng…
Chợt nhớ lại một ví von của tôi ngày cũ, phải chăng muôn vạn kiếp trước dân tộc này là loài bồ công anh, nên vài chục kiếp này phải tha hương, bay đi, bay đi thì mới nở nên chuyện tốt đẹp!

Nếu vậy thì thật quá đau xót thay…
Saigon 5/2016
https://www.facebook.com/buidzu/posts/10153459074322041



------------

Tôi là một con người nhút nhát. Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã thấm nhuần lối giáo dục từ gia đình: "Gọi dạ, bảo cũng dạ". Học cấp mẫu giáo, tôi tuy làm lớp trưởng của 3 lớp, nhưng mọi sự xung đột thân thể với bạn bè, tôi đều chịu đựng và thưa lại với cô.

Nhưng có một sự kiện đã xảy ra năm đó, tôi không hiểu sao trí nhớ mình lại bị mai một đi. Sau này, má tôi mới kể lại rằng: tôi không chịu nghe lời cô giáo một điều gì đó, và cô doạ bỏ tôi vào bao bố rồi nhốt tôi vào cầu tiêu. Thế là tôi đã đạp đổ bàn ghế, la hét trước mặt cô, và ù té chạy về nhà. Tất nhiên, tôi vừa chạy vừa khóc.

Tôi sợ hãi mọi xung đột thân thể với người khác. Tôi rất sợ chịu nỗi đau ấy vì bản tính quá nhạy cảm của mình. Nhưng năm lớp 6, một thằng bạn cùng tên với tôi (nay chắc sắp lên cấp tá quân đội rồi) nó đùa giỡn kiểu rất nhây, làm tôi chịu đau tới một mức mà tôi đã dùng cây viết Thiên Long đâm thẳng vào lưng nó toé máu. Nó đã không dám nhìn thẳng vào mắt tôi sau đó.

Rồi năm lớp 9, một thằng bạn khác của tôi cũng chơi nhây cái trò lấy mẩu giấy kẹp giữa cọng thun và bắn vào lưng tôi trong giờ học Văn, không dưới 5 lần. Tôi đã đứng dậy và nói với cô dạy Văn "Em xin lỗi cô" rồi lao tới đấm nó túi bụi. Không hiểu sao sau đó tôi lại oà khóc.

Có một thứ làm tôi ám ảnh, là trong lịch sử được ghi chép lại vài ngăn năm qua của loài người, thì quãng thời gian họ thực sự sống trong hoà bình chỉ vài trăm năm mà thôi. Còn lại là chiến tranh liên miên không dứt. Họ chiến đấu với nhau để tranh giành những thứ không phải là vô hạn, mà trong đó, của cải từ Mẹ Thiên Nhiên là thứ họ nhẫn tâm cướp đoạt cho đến phần cuối cùng.

Bằng tất cả những gì mắt thấy tai nghe, đọc hiểu và suy ngẫm, tôi không dám nói những gì đang diễn ra suốt một tháng qua là một cuộc chiến. Nhưng tôi tin, nếu truy về nguyên gốc của mọi thứ, thì hẳn ấy là rất nhiều âm mưu đến từ những thứ Lớn đối với những thứ Nhỏ. Nước Lớn, vì nhu cầu leo thang của một dân số quá đông, đã đẩy họ vào một cuộc chiến vơ vét với những Nước Nhỏ. Người làm Lớn, với những quyền năng tối thượng của mình, cũng có gì khác đâu.

Vậy bạn có bao giờ đặt câu hỏi cho tôi, hôm qua tôi đã làm sao chụp được những tấm hình ấy? Tôi có sợ hãi không?
Để ra được quán cà phê ấy, tôi đã trải qua một cuộc tranh cãi kịch liệt với cha mẹ mình. Những người cha mẹ muôn đời lo lắng cho sự an toàn của con cái, tôi không bao giờ dám nói rằng sai. Huống chi, tôi còn đang làm ăn trên mảnh đất này như bao nhiêu con người khác.

Nhưng rồi, tôi len lỏi lên tới quán cà phê, gọi cho mình hai dĩa bò lúc lắc, dưới cái nắng gắt gao đột nhiên tách khỏi những đám mây đen kịt. Thế rồi, tôi lật đật bỏ đũa khi tự nhiên không biết từ đâu chui ra một người đàn ông ngồi ngay chỗ đó. Tôi vơ lấy máy chụp hình và chụp như một bản năng của người làm báo đã ngủ yên trong tôi 6 năm rồi. Nếu bạn nói có một sự sắp đặt nào đó, tôi xin trả lời với bạn rằng là Có, tôi sắp đặt cho mình một ống kính chụp xa, bởi tôi muốn ghi giữ lại bất cứ điều gì mình nhìn thấy trong dòng chảy thời gian. Tôi không biết người đàn ông ấy là ai, cho dù cuối cùng anh ấy cũng được nhận diện, tôi vẫn không biết vì tôi không hề quen.

Tôi có sợ hãi chứ. Khi mà sau lúc tôi đã chụp xong những tấm hình và cất máy vào ba lô, thì liền một đoàn công an phường xuất hiện yêu cầu những người khách ngồi ngoài ban công phải đi vào ngồi trong nhà. Tôi cũng chỉ là một người dân bình thường, nói không sợ, hoạ chăng tôi bị điên.

Tôi mặc kệ những âm mưu kích động về mặt thông tin từ bất cứ phía nào. Tôi vẫn cứ sống như một người công dân bình thường, làm lụng và đóng góp cho những gì tôi được nhận lãnh từ mảnh đất quê hương mình. Điều tôi sợ nhất là mình sẽ trở thành một Kẻ Vô Ơn và phỉ phủi sau tất cả.

Nhưng thằng bé của năm học mẫu giáo, cấp 2 ngày đó, sẽ mãi ở trong tôi, như rằng nếu đi đến tột cùng nỗi sợ hãi, nó sẽ thức dậy và đáp trả lại bất cứ điều gì khiến lương tâm nó thấy bất bình.

Và từ những gì chứng kiến đã dạy tôi một niềm tin rằng, trong bất cứ con người nào rồi cũng sẽ có một chính nó sẽ thức dậy, sau cùng của sự sợ hãi ấy.

Sau tất cả, "Ta xin tháng ngày rồi bình yên" (Vũ Thành An)

https://www.facebook.com/buidzu/posts/10153460260572041

---------------

Có những khi đem tính trẻ con còn sót lại, đi hỏi một mầm cây:
- Cây ơi, sao em lại xanh như thế?
- Thế điều gì làm cho anh vẫn luôn hi vọng?
- Là được nhìn thấy em vươn lên mỗi ngày!
- Vậy anh có câu trả lời cho mình rồi phải không?
- Nhưng em có thấy con người độc ác không?
- Em chỉ thấy ánh mặt trời mỗi ngày!
- Thế còn những cơn mưa?
- Em thấy con người đang reo vui với mưa!
- Thế điều gì làm cho em vẫn luôn hi vọng?
- Là đến cuối cùng, em vẫn mang một màu xanh!





https://www.facebook.com/buidzu?fref=nf