Register
Page 3 of 28 FirstFirst 1234513 ... LastLast
Results 21 to 30 of 272
  1. #21
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    "Đọc xong mà trong lòng nghẹn lại, ứa nước mắt vì cảm phục. Người tốt vẫn còn nhiều lắm. Ngàn lần cảm ơn anh"


    Liên tục nhoẻn miệng cười, anh Bắc cho biết trong 10 năm hành nghề lái xe và hằng ngày đi qua đèo Bảo Lộc, đây là lần đầu tiên anh chứng kiến hàng chục hành khách cầu cứu khi xe mất phanh. "Thường xuyên lên xuống nên tôi biết sự nguy hiểm của cung đèo này. Dù lái xe thuê, nhưng khi thấy hàng chục người cầu cứu, tôi chỉ nghĩ dù thế nào cũng phải cứu họ nên đã ra hiệu cho tài xế dựa vào đuôi xe mình", anh nói.

    Theo tài xế Bắc, lúc đầu, xe anh chạy sau ôtô khách, khi vượt qua một đoạn, nhìn qua kính chiếu hậu, anh phát hiện xe sau lao tốc độ nhanh cùng nhiều người nhoài người ra cửa sổ vẫy tay như ra hiệu cầu cứu. "Theo kinh nghiệm đổ đèo, xe hơn 40 chỗ mà lao nhanh như thế chỉ có thể mất phanh", anh nói.

    Hỏi nhanh ý chủ hàng ngồi bên cạnh, anh quyết định đưa đuôi xe tải để "đỡ" đầu ôtô khách, hãm tốc. Do xe chở đầy nông sản nên rất đằm, không bị chao đảo nhiều sau cú đâm mạnh của xe khách. Trên đoạn đường dìu đi, nhiều lúc xe bị ôtô 42 chỗ đẩy mạnh, muốn bung ra, nhưng anh vẫn cố rà phanh để xe khách bám vào. "Khi hai xe dừng lại an toàn, tay chân tôi cứ run bần bật vì sợ hãi. Giờ nghĩ lại cảnh tượng hôm đó tôi vẫn còn run", anh cho biết.


    Anh cho rằng việc lai dắt được xe khách xuống đèo an toàn là nhờ vào việc phối hợp ăn ý giữa anh và tài xế còn lại, dù hai người không liên lạc nhau được. Nhưng yếu tố quan trọng là trên quãng đường 500m không có xe đi ngược chiều. "Đó là may mắn lớn nhất. Bởi nếu có xe lên đèo, chúng tôi sẽ khó xử lý an toàn được khi đường hẹp", anh khẳng định.
    Còn tài xế ôtô khách Phan Duy Toàn (41 tuổi) cho biết, khi phát hiện xe mất phanh, anh đã báo cho 30 hành khách trên xe bình tĩnh. Nhưng vì xe lao với tốc độ quá nhanh nên nhiều người hoảng loạn, ôm nhau la hét. Khi nhận được tín hiệu trợ giúp của tài xế xe tải phía trước cũng là lúc xe anh đang lao trên một đoạn đèo thẳng.

    Tận dụng đoạn đường thẳng, anh đánh lái cho bên phụ xe tông vào đuôi xe tải. "Cú tông mạnh khiến tôi bị đẩy văng ra sau, nhưng tôi vẫn bám chặt vôlăng. Nhiều hành khách nháo nhào vì sợ hãi, tôi đã cố động viên họ an tâm. Ai cũng nín thở, giữ bình tĩnh khi ôtô đang bám vào xe tải phía trước, lao đi", anh kể.


    Theo anh Toàn, vì ôtô không thể tắt máy nên anh cố bẻ lái bám vào đuôi xe tải để xe tự trôi. Qua nhiều đoạn cua, ôtô như muốn bung khỏi xe tải, nhưng nhờ tài xế phía trước rà phanh kịp. "Khi tới chân đèo, được xe tải dìu vào bãi đất trống dừng lại, tôi và các hành khách trên xe mới thở phào nhẹ nhõm, biết mình đã thoát chết trong gang tấc", anh nói...


    Cả hai xe bị hư hỏng nhưng các hành khách đều an toàn, chỉ một người đàn ông trên xe bị thương nhẹ ở chân. Hành khách ôm chầm lấy anh Bắc, rối rít cảm ơn.




    http://danviet.vn/tin-tuc/clip-tai-x...tu-706901.html



  2. #22
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Tổn thất xã hội,

    nói chung mình cũng không rành đâu, đặt cái tựa loảng xoảng chút rồi mới kể chuyện, đại khái là năm 2004, mình được cty cho qua bên Sing đào tạo, vừa hộc vừa lồm, kiểu vại. Công ty chị em của mình bên Sing là tập đoàn cung cấp khí hoá lỏng tàn cầu của Nhựt, bữa đó mình mới tham gia vô một cuộc đấu thầu, gói thầu cung cấp Ni tơ lỏng với khối lượng rất lớn, bơm liên tục cho một nhà thầu làm... đường.
    mình chỉ kể câu câu chuyện về nhà thầu này, họ là nhà thầu đã thắng thầu làm hệ thống đường hầm dưới đất, trong đó có nhiều đoạn phải băng ngang qua sâu phía dưới những con đường giao thông. Ni tơ lỏng (với nhiệt độ -196 độ) rất lạnh, người ta sẽ dùng khoan, hệ thống ống chằng chịt, bơm Ni tơ lỏng xuống phía dưới những con đường, làm đất đá ở dưới đó bị đóng băng lại, cứng cáp đủ để ở dưới yên tâm đào đường hầm mà bên trên xe cộ vẫn lưu thông bình thường. Thời gian bơm Ni tơ liên tục trong vòng 30 ngày với số tiền chi phí lên đến nhiều triệu đô.

    lúc đó mình có một câu hỏi, tại sao không đơn giản là đóng con đường đó lại 1 tháng để đào hầm ngang qua, vì hệ thống giao thông của Sing khá tốt, đơn giản chỉ cần đóng đường 1 tháng thì xe cộ sẽ đi đường khác tạm, nhà thầu đỡ tốn cả mấy triệu đô làm cái biện pháp thi công với công nghệ cao réc rấu này. Lúc đó một bạn nhân viên phía nhà thầu (chỉ là một nhân viên quèn theo kiểu vừa hộc vừa lồm giống mình) trả lời, tụi tao tính rồi, nếu các xe hằng ngày lưu thông qua đây mà phải đi đường vòng, trong 1 tháng, thì mỗi xe tốn chừng này xăng, người ta tốn chừng này giờ lao động, xe cộ hao mòn từng này....a+b+c+d, lúc ấy "tổn thất xã hội" lớn hơn gấp nhiều lần con số chi phí mua Nitơ lỏng để áp dụng biện pháp thi công an toàn này.

    à, thì ra tổn thất xã hội là thế. Sau đó mình mới về nói chuyện với một bác cũng khá là dữ dằn ở VN, bác mới nói đúng roài đó Phú, ví dụ về tổn thất xã hội nha, mỗi ngày Sài Gòn có 4 triệu xe máy và 1 triệu ô tô các loại phải chịu cảnh đông (kẹt) xe, giả sử chia đều là mỗi xe tốn 0.3 lít xăng mỗi ngày cho kẹt xe (phải đi vòng, đứng nổ máy hoài, đề pa hoài...) + giờ công lao động của mỗi người thiệt hại do kẹt xe, thì số tổn thất xã hội do kẹt xe hằng ngày ở SG khoảng 50 tỉ, mỗi năm khoảng 18 ngàn tỉ, và nó đã xảy ra hơn chục năm nay... đó là thứ thiệt hại chúng ta không nhìn thấy được, nó cộng với cả số tiền thất thoát do tham nhũng đầu tư cơ sở hạ tầng cộng với cả những khoản đầu tư sai lầm (và cũng thất thoát y chang) thì tổn thất xã hội riêng trong giao thông sẽ là... híc, má ôi, tôi hết dám tính luôn roài

    ---------------

    September 28 at 7:28am ·

    hôm rồi tôi có xây tặng một nhà vệ sinh có qui mô tương đương cái trong bài báo nầy cho trường tiểu học Trần Phú, huyện miền núi Bù Đăng, điều kiện thi công khó khăn hơn rất nhiều, tổng vốn tài trợ cho công trình là 120 triệu (do Trường Trưng Vương và cty Không Gian Đẹp góp).

    một nhà vệ sinh có giá thành 120 triệu mà chúng nó kê thành 700 triệu, và có biết bao nhiêu công trình như thế trên đất nước này, chúng nó ăn mọi thứ mọi nơi và ăn tàn độc khủng khiếp quá

    500 anh em hãy share bài báo này, chúng ta không diệt được hết nhưng chúng ta hãy cùng khinh bỉ chúng đi
    Cần Thơ: Nhà vệ sinh trường tiểu học 30m2 trị giá 700 triệu đồng

    http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/can-tho-nha-ve-sinh-truong-tieu-hoc-30m2-tri-gia-700-trieu-dong-20160926212241595.htm

    https://www.facebook.com/DamHaPhu?fref=st

  3. #23
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    http://ngaynay.vn/doi-thoai/vung-nhu-thach-27241.html

    Vững như Thạch
    ĐỨC HOÀNG09/09/2016 - 09:580

    (Ngày Nay) Nguyễn Quang Thạch là đại diện của giải thưởng UNESCO Literacy Prize - giải xoá mù tri thức năm nay. Nhiều người biết đến anh. Nhưng ít người biết rằng trong hành trình 20 năm cõng sách về nông thôn, người đàn ông này đã kiên định đến thế nào.

    Người cõng sách “thần kinh”

    Lần đầu tiên Nguyễn Quang Thạch bước vào phòng giáo dục huyện Thái Thuỵ, Thái Bình, người ta nghĩ rằng “anh này có vấn đề về đầu óc”. Khó mà không nghĩ vậy. Một người đàn ông xa lạ đến, rao giảng về tầm quan trọng của sách với học sinh, và tuyên bố sẽ xây dựng tủ sách đến từng lớp học trong địa bàn, không mất một đồng nào - chỉ cần lãnh đạo Phòng Giáo dục ủng hộ.

    Nhà giáo ưu tú Phạm Đức Phiệt, Trưởng phòng Giáo dục huyện khi ấy, nhớ về lần đầu tiên gặp Thạch, đã không nén được việc đưa ngón tay lên chỉ vào thái dương, ý nói thần kinh cậu này không bình thường.

    Nhiều người nghĩ như vậy, gồm cả những người thân thiết. Những ngày đầu tiên, Thạch xuống Thái Bình để xây dựng tủ sách lớp học, anh ở nhờ nhà một người bạn. Cứ đi bộ khắp vùng cả ngày, tìm hiểu, thăm dò về tình trạng đọc sách của trẻ, rồi buổi tối trở về. Vợ của người bạn, cũng là một giáo viên trung học trong huyện, cũng không giấu được suy nghĩ anh là một kẻ “thần kinh”.

    Nguyễn Quang Thạch bỏ lại rất nhiều thứ phía sau để quyết định đi làm “cách mạng thư viện” theo cách gọi của anh. Diễn đạt nôm na, thì đó là một công cuộc cõng sách về nông thôn để học sinh có sách đọc, để khuyến khích tinh thần tự học và tự đọc, và bổ sung vào một khoảng trống giáo dục mà theo anh là vô cùng nghiêm trọng.

    Anh bỏ lại công việc ở một Ban quản lý dự án của Nhà nước, phụ trách nhiều dự án ODA lớn. Bỏ, sau khi nhận ra có những “lỗ đen” trong việc cấp và giải ngân vốn ODA tại Việt Nam. Bỏ, chỉ vì một ngày, phát hiện ra rằng nếu tiếp tục ở lại, anh sẽ phải thoả hiệp với nhiều điều bất cập để tồn tại.

    Anh bỏ lại sự lo toan cho một cuộc sống bình thường và ổn định. Bỏ lại cả mối quan ngại về sức khoẻ của một người sắp qua tuổi thanh niên, bị bong võng mạc và đã mù hẳn một mắt. Để cứ thế dấn thân vào hành trình cõng sách.
    Khi Nguyễn Quang Thạch bắt đầu khảo sát tại Thái Bình, số lượng sách trung bình mỗi năm được mượn từ thư viện nhà trường chỉ là 0,4 cuốn/học sinh/năm. Thư viện nghèo nàn. Thày cô không khuyến khích các em đọc ngoài sách giáo khoa. Phụ huynh cũng không tin rằng con mình cần đọc gì khác ngoài chương trình “chính khoá”.

    Trong khi lũ trẻ rất muốn đọc sách. Có một hình ảnh làm Nguyễn Quang Thạch ám ảnh, đó là một lần, anh đến nói chuyện ở một trường tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Địa phương không nghèo, trường lớp cũng khang trang. Nhưng đến cuối buổi, có một em học sinh chạy theo anh ra đến tận cổng trường. “Chú ơi cho cháu xin một quyển sách” - em nói - “Cháu thích sách lắm nhưng không có tiền”.

    Bây giờ thỉnh thoảng nghĩ đến hình ảnh ấy mắt anh vẫn cay xè. Nó nói với Thạch rằng lũ trẻ có nhu cầu khám phá tri thức tự thân, và những gì người lớn đang làm, là tước đoạt đi nhu cầu ấy. Anh đặt ra mục tiêu mang sách về cho 15 triệu trẻ em nông thôn.

    Anh không có tiền. Ít người biết rằng Nguyễn Quang Thạch có một pháp nhân, là người đứng đầu một tổ chức mang tên “Trung tâm hỗ trợ phát triển tri thức cộng đồng”. Nhưng về cơ bản, phần lớn thời gian Thạch cô độc: Tiền trả lương nhân viên cũng là một vấn đề với anh. Chủ yếu, người đàn ông quê Hà Tĩnh này sử dụng ý chí và sự kiên trì để thuyết phục những người khác song hành: Từ các lãnh đạo phòng giáo dục địa phương, các thầy cô giáo, các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội cho đến từng gia đình nông thôn.

    Anh cứ lang thang đi khắp Việt Nam trong một chiếc áo sơ mi màu trắng đã cũ sờn, một đôi giày Adidas bẩn và mòn đế, hành trang chỉ gói gọn trong một cái ba lô cũ kỹ.

    Sẽ rất khó để người ta tin tưởng một người “tay không bắt giặc” và đề ra một mục tiêu quá lớn là “Sách hoá nông thôn” - như tên gọi chương trình của anh. Nhưng bên cạnh những người nghĩ rằng Thạch “thần kinh”, vẫn có những người bị ý nguyện của anh thuyết phục.

    Lãnh đạo của một tổ chức chuyên hỗ trợ các dự án xã hội, kể rằng bà đã rơi nước mắt khi nghe Thạch trình bày về ý tưởng của mình. Người phụ nữ đó sau này đã cấp cho Thạch 7.000 USD để hỗ trợ chương trình. Bà kể rằng thật ra những vấn đề liên quan đến giấy tờ, báo cáo, của Nguyễn Quang Thạch, chẳng hề đạt “chuẩn” của một tổ chức phi chính phủ. Nhưng họ hiểu hết. Người đàn ông đó phần lớn cô độc trong cuộc hành trình này. “Đại bản doanh” của anh là một căn phòng chưa đầy 10 mét vuông, dưới tầng hầm, thuê từ một người họ hàng tại Hà Nội. Sẽ không khó để bắt gặp anh mặc một chiếc áo phông đã rách, từ ngày này qua ngày khác, từ cuộc gặp với giáo sư này sang nhà báo khác.

    Vững như Thạch


    Phương pháp luận của Nguyễn Quang Thạch là gì? Tại sao chỉ có một mình, tiền không có, lại đặt ra mục tiêu sách hoá nông thôn, và cho đến giờ đã cùng xã hội xây dựng được 10.000 tủ sách trên khắp đất nước?

    Đầu tiên, Thạch khẳng định rằng việc trẻ em nông thôn không có sách, và không được đọc ngoài sách giáo khoa là một quốc nạn. Trong mắt anh, không có gì có thể biện minh cho điều đó, dù là cái nghèo, hay tâm lý “ăn còn không đủ thời gian đâu mà đọc sách”. Hoạt động tự đọc và tự học của trẻ em, với anh là thứ sẽ định dạng tương lai của đất nước và không ai có thể cưỡng đoạt. Không cho trẻ đọc sách, là một tội ác.

    Sau đó anh “chẻ” trách nhiệm của việc này về phía từng bên: Nhà trường, nơi không hề có hoạt động khuyến khích đọc, với những thư viện nghèo nàn và thày cô giáo vốn cũng được nuôi dạy mà không hề có sách - không thực sự hiểu giá trị của việc đọc; cộng đồng xã hội, nơi nhiều đang không ý thức được “quốc nạn” thiếu sách ở trẻ em nông thôn; gia đình, nơi muốn con cái học rộng biết nhiều, thay đổi tương lai nhưng không ý thức được quyền đọc sách của trẻ.

    Rồi cuối cùng, là những phép tính đơn giản: Nếu mỗi người góp chỉ vài trăm nghìn đồng một năm, thì sẽ có bao nhiêu trẻ em trên cả nước có sách đọc, cả một thế hệ được “xoá mù tri thức” và thay đổi tương lai đất nước.

    Những luận điểm đó, Thạch có thể nói bao nhiêu lần cũng được, ngày qua ngày, trong suốt gần 20 năm. Anh không chuyển hoá các thông điệp của mình trở nên dễ nghe hơn, để phục vụ mục đích truyền thông, kêu gọi, quyên góp sách cho trẻ. Tội ác là tội ác. Tước đoạt là tước đoạt. Chính tác giả của bài viết này, cũng đã nhiều lần góp ý với Nguyễn Quang Thạch để “truyền thông tốt hơn” - nhưng anh cương quyết bám lấy những luận điểm rắn chắc của mình.

    Đem điều đó đi nói với 10 người, có thể 10 người cùng cho rằng Thạch bị điên. Đem đi nói với 100 người, có người bị thuyết phục. Nói với 1.000 người, rồi 10.000 người, anh xây dựng được một cộng đồng những người có cùng ý thức: Trẻ em nông thôn không có sách đọc đúng là quốc nạn. Rồi các mô hình bắt đầu ra đời. Tủ sách phụ huynh, tủ sách dòng họ, tủ sách giáo xứ,… đều là những “hụi tri thức” theo cách gọi của tiến sỹ kinh tế Nguyễn Đức Thành: Mỗi người trong từng cộng đồng sẽ đóng góp những khoản tiền rất nhỏ để mua sách, mỗi tủ sách đặt trong lớp học chỉ tốn có 1,5 triệu đồng. Nhưng rồi sau đó, trẻ sẽ có sách đọc thường xuyên.

    Thạch rất vững. Mắt anh bị bệnh. Một mắt đã mù. Mắt kia đau nhức suốt những hành trình đi bộ xuyên Việt để kêu gọi sách hoá nông thôn. Rồi cái sống lưng của người đàn ông ngoài 40 không chịu nổi cuộc hành xác, cũng đã hỏng, với những cơn đau kéo dài.

    Những thành quả đầu tiên

    Năm 2013, em Uông Hải Minh, một học sinh lớp 8 ở Thái Bình, viết cho Bộ trưởng giáo dục khi đó là ông Phạm Vũ Luận một lá thư. Em nói rằng nhờ có tủ sách phụ huynh mà chú Thạch giúp xây dựng, cháu đã có sách đọc thường xuyên, và mong Bộ trưởng tìm cách để các bạn nông thôn khác cũng có sách đọc như cháu. Rồi cô bé nhờ Nguyễn Quang Thạch chuyển nó đến cho Bộ trưởng.

    Lá thư đó chững chạc đến mức chính anh Thạch cũng không dám tin rằng một đứa trẻ hơn 10 tuổi đầu có thể viết được như thế. Anh hỏi vặn rất nhiều lần mới dám tin rằng đó thực sự là lời Minh muốn nói.

    Lá thư được gửi đến Bộ Giáo dục mà rất lâu sau không có hồi đáp. Anh lại nhờ đến báo chí. Nhiều báo không hợp tác vì cho rằng lá thư như thế ngày nào Bộ trưởng chẳng nhận cả trăm. Nhưng rồi nó cũng xuất hiện trên mặt báo. Một ngày cuối tháng 9 năm ngoái, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về thăm Thái Bình, ông gặp lại Uông Hải Minh, và nói với em trước mặt báo chí: “Vì lá thư của cháu mà bác ở đây”.

    Câu chuyện ấy hay được Nguyễn Quang Thạch kể lại để nói về ý thức của một đứa trẻ có thể đáng ngạc nhiên thế nào khi nó được tiếp cận với sách, với tri thức. Và hành trình 2 năm của lá thư, nói lên sự kiên trì của Thạch trong việc thuyết phục các bên cùng “sách hoá nông thôn”.

    Sau nhiều năm, bắt đầu từ huyện Thái Thuỵ - nơi thày Phiệt nghĩ anh là “đồ thần kinh”, rồi đến tỉnh Thái Bình, bây giờ ngay cả Bộ Giáo dục cũng đã bị thuyết phục bởi ý tưởng của Thạch. Chính Bộ trưởng Luận đã cùng anh đi thực địa. Rồi sau đó, Bộ Giáo dục ra một văn bản đề nghị cả nước cùng phát triển mô hình tủ sách lớp học.

    20 năm lặn lội với hành trình cõng sách, 10.000 tủ sách đã được xây dựng, hàng triệu người đã được đọc, được nghe và hiểu được tinh thần của Nguyễn Quang Thạch. Anh cũng đã được ghi nhận ở tầm thế giới. UNESCO đã trao cho Thạch giải thưởng Xoá mù tri thức 2016 vì những đóng góp của mình.

    Nhưng Nguyễn Quang Thạch sẽ không dừng lại, bởi những thành công ấy là quá nhỏ so với những gì anh mơ ước. Trước ngày sang Pháp nhận giải thưởng lớn của UNESCO, vẫn một cái áo rách mặc hai ngày, đến một cái va li cũng chưa kịp mua (vì trước nay có mỗi cái ba lô), vẫn đi gặp các nhân sỹ trí thức và báo giới để tiếp tục bắn đi thông điệp về 15 triệu trẻ em nông thôn khát sách.

    Và Thạch đã bắt đầu nói đến việc sẽ đem mô hình của mình sang những vùng khó khăn khác của thế giới. Đại sứ Việt Nam tại Indonesia đang rất muốn cùng làm điều gì đó với anh tại quốc gia cũng có hàng chục triệu đứa trẻ “khát sách” này.

    Anh sẽ lại đi…
    (Đức Hoàng)

    ---------------------

    Bức thư của người Ấn Độ: Một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có hy vọng

    Gần đây, một bài viết có tên “Người Trung Quốc không đọc sách, thật đáng lo ngại” của một người kỹ sư Ấn Độ đã lan truyền rộng rãi trên các trang mạng. Người kỹ sư này lo lắng rằng nếu như thế thì Trung Quốc tương lai có thể sẽ phải trả giá lớn. Đây là nói chuyện anh hàng xóm, nhìn lại nước mình mà ngẫm nghĩ cũng thấy xót xa…


    Nội dung bài viết như sau:

    Trên chuyến bay đến Thượng Hải, vào giờ ngủ, khoang máy bay đã tắt đèn, tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện những người còn thức chơi IPad hầu hết là người Trung Quốc, hơn nữa họ đều đang chơi game hoặc xem phim, không ai có dáng vẻ đang đọc sách cả. Hình ảnh này cứ in mãi trong tâm trí tôi. Thật ra ngay từ khi ở sân bay quốc tế Frankfurt, Đức, tôi đã thấy phần lớn hành khách người Đức đang yên tĩnh đọc sách hay làm việc. Còn đa số khách Trung Quốc đi lại mua sắm hoặc cười nói so sánh giá cả...


    ...Trong tác phẩm “Xã hội chỉ số thông minh thấp” của ông Kenichi Ohmae, bậc thầy quản lý người Nhật Bản bất ngờ đã động chạm đến dây thần kinh nhạy cảm của người Trung Quốc. Ông nói trong sách của mình: “Khi du lịch ở Trung Quốc phát hiện, khắp mọi ngõ ngách trong thành phố đều là tiệm mát-xa, còn cửa hàng sách thì chỉ lèo tèo thưa thớt. Người Trung Quốc đọc sách mỗi ngày không đến 15 phút, trung bình chỉ bằng một phần mấy chục của Nhật Bản, Trung Quốc là ‘quốc gia chỉ số thông minh thấp’ điển hình, trong tương lai khó có thể trở thành một quốc gia hiện đại!”

    Trên thế giới có hai quốc gia thích đọc sách nhất là Israel và Hungary. Ở Isreal, trung bình mỗi năm người dân đọc đến 64 quyển sách. Ngay từ khi trẻ nhỏ bắt đầu biết nhận thức, hầu như mỗi bà mẹ đều nghiêm túc dạy bảo con: “Sách là nơi cất giữ trí tuệ, còn quý hơn tiền bạc, châu báu, và trí tuệ là thứ mà không ai có thể cướp đi được”.

    Người Do Thái là dân tộc duy nhất trên thế giới không có người mù chữ, ngay cả người ăn xin cũng luôn có quyển sách bên cạnh. Trong mắt họ, đọc sách báo không chỉ là một thói quen mà còn là một phẩm chất tốt.

    Một ví dụ điển hình nhất, trong ngày lễ Sabbath (ngày lễ nghỉ ngơi), tất cả người Do Thái đều dừng các hoạt động buôn bán, vui chơi. Các cửa hàng, quán ăn, những khu vui chơi đều phải đóng cửa, các phương tiện giao thông cũng ngừng hoạt động, ngay cả các công ty hàng không đều ngừng bay, người dân chỉ có thể ở nhà nghỉ ngơi hoặc cầu nguyện. Nhưng có một ngoại lệ, tất cả nhà sách trên toàn quốc vẫn được mở cửa hoạt động. Trong ngày này, những người đến tiệm sách là đông nhất, mọi người đến đây đều yên lặng đọc sách.

    Một quốc gia khác là Hungary, diện tích và dân số đều không bằng 1/100 của Trung Quốc, nhưng lại có gần 20.000 thư viện, bình quân 500 người lại có một thư viện, còn ở Trung Quốc trung bình 459.000 người mới có một thư viện.

    Hungary cũng là quốc gia có số người đọc sách nhiều nhất thế giới, hàng năm có đến hơn 5 triệu người thường xuyên đọc sách, vượt quá 1/4 dân số nước này...

    Tri thức là sức mạnh, tri thức chính là tài sản. Một đất nước coi trọng đọc sách và tích lũy tri thức đương nhiên sẽ được hậu đãi. Dân số Isael thưa thớt, nhưng nhân tài vô số. Lịch sử xây dựng đất nước tuy ngắn, nhưng đã có 8 người đoạt giải Nobel. Thiên nhiên Isael khắc nghiệt, phần lớn đất đai là sa mạc, nhưng họ lại có thể biến đất nước mình thành một ốc đảo xanh tươi, lương thực sản xuất không chỉ đủ cung cấp trong nước, mà còn xuất khẩu một lượng lớn đi các nước trên thế giới...


    https://vnwriter.net/song/buc-thu-cu...o-hy-vong.html

    Tiểu Thiện/ Theo Secret China

  4. #24
    Biệt Thự dulan's Avatar
    Join Date
    Nov 2011
    Posts
    3,165
    ...


    Xin chào "Giọt nước mắt không tên" và quan khách trong nhà của Sông Thương nhé!


    ...


    Sông Thương ơi, cho dulan gửi vào đây bài viết này nhé!

    ...




    Nghị lực phi thường của người đàn ông một tay
    08:13, 27/02/2015



    Chỉ với một tay còn lành lặn, 30 năm qua, ông đóng gói rồi kéo từng xe trấu vài trăm kg đi bán để mưu sinh. Ông tên Huỳnh Văn Đôn, 51 tuổi , sống tại Thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.


    Hằng ngày, ông đến các nhà máy xay xát để thu mua trấu rồi đem bán lại cho các lò làm bánh mì, đậu hủ, hủ tiếu để kiếm lời.
    Việc đóng trấu vào bao đầy mệt nhọc, nhất là với chỉ một tay như thế này.


    Đôi khi ông phải dùng miệng để làm thay công việc của cánh tay đã mất.


    Khiếm khuyết trên cơ thể vẫn không khiến ông nản lòng…



    …và luôn lạc quan trong cuộc sống.



    Tai nạn lao động năm 15 tuổi tại nhà máy xay xát lúa gạo đã cướp đi cánh tay phải của ông.



    Những bao trấu được chuẩn bị chất lên xe.



    Hằng ngày, ông phải vác hơn 10 bao trấu, mỗi bao nặng trung bình 20 kg.



    Nếu đối với nhà nông “con trâu là đầu cơ nghiệp”, thì chiếc xe kéo cũ kĩ này cũng góp phần không nhỏ trong cuộc sống mưu sinh của ông Đôn.



    Ông phải kéo hơn 11 bao trấu trên con đường dài gần 10 cây số.



    Chuẩn bị lên dốc cầu.



    Mỗi đoạn dốc là một cuộc đọ sức đối với ông.



    Và cả khi xuống dốc, ông phải dùng cả thân mình để cản bớt lực của chiếc xe đang trên đà tuột dốc.



    Sau mỗi ngày lao động vất vả, ông kiếm được từ 50-80 nghìn đồng.



    Kết thúc một ngày làm việc, ông quay trở về bên gia đình. Người vợ đau ốm liên miên, người con trai bị bệnh tâm thần nhẹ và đứa cháu ngoại mồ côi cha là nguồn động lực để ông luôn vươn lên trong cuộc sống.



    Trần Thu Hà

    (nguồn: diễn đàn trái tim hồng)


    ...





  5. #25
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Cảm ơn Dulan nha , câu chuyện thật cảm động . Ống ấy thật đáng kính phục
    Dulan cứ tự nhiên mang vào những gì Dulan muốn chia sẻ với St và cả nhà nhé

  6. #26
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350


    TIN RẤT LO GIỮA MẤY TIA NẮNG VUI HI VỌNG...

    Oct.3 -2016
    Chiều nay, tôi nhận được dòng tin nhắn vội của một anh bạn làm xuất nhập khẩu: "Có thể Hoa Kỳ cấm nhập khẩu gạo Việt Nam, do dư lượng thuốc trừ sâu". Thủy hải sản, từ sau Formosa đã bị hạn chế năng nề rồi. Giờ đến gạo?

    Truy tìm tin. Thấy quả thật, Việt Nam đang phải tạm ngưng xuất khẩu gạo sang Hoa Kỳ để đề phòng bị cấm hẳn. Tình hình thực tế là: Từ tháng 1 đến tháng 4/2016, Hoa Kỳ đã từ chối hơn 90 containers gạo, khoảng 1.700 tấn,vì cho là vi phạm qui định của Mỹ về thuốc bảo vệ thực vật.

    Ông Võ Thành Đô, phó cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông Lâm Thủy Sản và Nghề muối, xác nhận ở Cần Thơ hôm 30/9, biện pháp này nhằm phòng ngừa nguy cơ bị Hoa Kỳ cấm nhập khẩu gạo Việt Nam. CQ chức năng VN đang tìm cách giải quyết vấn đề (cũ rích!) này. Thống kê của Hải quan Việt Nam : 8 tháng đầu năm nay, thị trường Hoa Kỳ nhập hơn 22.000 tấn gạo Việt Nam, tức đã giảm 33% so cùng kỳ.

    Thị trường vân đầy phân bón giả và không xuất xứ, lẫn độc tố. Nông dân khóc ròng khi mua nhằm thuốc giả, mặt khác lại lạm dụng thuốc đến nỗi, chàng nông dân “tuyệt nhiên không xài một giọt thuốc trừ sâu” Võ văn Tiếng phải la lên, họ không làm ra gạo mà làm sản phẩm của hóa chất! Và khi tin gao xuất sang Mỹ sắp bị cấm đến chiều nay, đúng cuối buổi thi chung kết. Dự án khởi nghiệp, tôi càng thấm thía về ý nghĩa của những giải pháp trẻ từ các dự án được tâm đắc.

    Chàng trai "ngựa ô can trường" Võ văn Tiếng làm lúa sinh thái, lúa thiên nhiên vẻ vang đoạt giải nhất với điểm số thật ấn tượng (hơn người hạng kế đến 30 điểm). Cuộc thi này do Trung tâm BSA tổ chức, với 22 dự án vào chung kết. Giám khảo Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch công ty Vinamit, người đang hoàn tất thủ tục để được cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho hàng loạt sản phẩm chế biến mới, hào hứng nhận xét: "Tiếng thực sự hướng đến làm lúa hữu cơ, dù em không “tuyên ngôn” gì, cứ cắm cúi làm.Tiếng hiểu thật là rõ và thực hành tuyệt đối nghiêm phương pháp “cân bằng sinh thái” và điều kinh ngạc là tuy rất trẻ, em rất quyết liệt, kiên định với phương pháp rất khó thực hiện này". Tiếng mở ra một cách làm nông khác, phương pháp khác với nhiều giải pháp thực hành sáng tạo, hiệu quả. Em cùng nhiều bạn trẻ dự vòng chung kết đang cùng nhau giải bài toán khó cho nông sản, cho gạo Việt". Nông nghiệp Việt trông cậy vào lớp trẻ này biết bao nhiêu.

    PS. Bộ sưu tập 10 thương hiệu gạo Việt thật là ngon, an toàn sẽ được triển lãm ở ngôi nhà chung của Hội chợ HVNCLC ngành thực phẩm-nông sản sạch cùng một hội thảo về "câu chuyện gao Việt sạch và ngon, làm sao chiếm lĩnh thị trường nội địa". Nếu đến HC, bạn sẽ, gặp Tiếng (gạo Tâm Việt) và chủ các thương hiệu gạo lớn nhất để cùng họ bàn giải pháp tháo gỡ cho gạo Việt.

    Ảnh. Võ văn Tiếng vừa lảnh giải nhất chiều nay (2/10). Và mới hôm qua, chàng còn đang đi cày, chuẩn bị sạ lúa mùa mới ở Hồng Ngư, Đồng Tháp.


    https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52


  7. #27
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Đồng bào tôi, những người vừa phải chịu thiên tai lẫn nhân tai ...Xót xa ...





    https://www.youtube.com/watch?v=uWF7QaxKiO8
    https://www.youtube.com/watch?v=UAAaWh5tGS0

  8. #28
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350





    Người phụ nữ phải leo lên nóc nhà để tránh lũ, cảnh tượng ghi lại ở Tuyên Hóa, Quảng Bình. Ảnh: Ngọc Hà/Người lao động


    Chỉm nghỉm trong nước sau mưa lũ. Hình ảnh tại Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình. Ảnh: Hữu Khá/Tuổi trẻ


    http://soha.vn/anh-am-anh-nhung-noc-...6170506619.htm

  9. #29
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    Lũ tại ông... người


    Cuối năm 2012, thủy điện Sông Tranh 2 tỉnh Quảng Nam xuất hiện những vết nứt, nước rò rỉ qua thân đập. Lúc đó mặc dù không trữ nước, lượng nước trong hồ vẫn xấp xỉ 200 triệu khối.

    Một chuyên gia thủy điện, khi được hỏi điều gì xảy ra nếu đập Sông Tranh 2 bị vỡ, đã khái quát lạnh xương sống: Tất cả hạ du, từ đưới đập cho đến Hội An, sẽ trôi ra biển. “Tất cả hạ du” có 7 huyện, 100.000 dân và Hội An - với số du khách không thể định lượng.

    Để củng cố thêm sự hoảng sợ mà những vết nứt đập gây ra, lúc ấy, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 liên tiếp xảy ra động đất.
    Rất nhiều cuộc kiểm tra với những kết quả thậm chí là đối lập nhau. Nhưng suốt hàng tháng trời, nước vẫn rỉ ra từ các kẽ nứt, động đất vẫn rung chuyển cả ngày lẫn đêm, hàng chục nghìn người dân vẫn sống trong tột cùng sợ hãi. Câu chuyện bế tắc đến mức, trong cơn nóng giận, ông Trần Anh Tuấn - phó chủ tịch huyện Bắc Trà My đã tuyên bố với báo chí: “Các đoàn của Bộ, ngành TW vào huyện sẽ không tiếp nữa. Từ nay, thời gian đó huyện sẽ dành giải quyết công việc của địa phương”.

    Tôi đã phỏng vấn ông Trần Anh Tuấn, ngay dưới chân thủy điện Sông Tranh 2. Vị phó chủ tịch huyện da đen nhẻm, mắt sáng quắc, nói gần như quát vào micro. Nhưng cuối cùng thì giọng ông chùng xuống, vì cơ bản chấp nhận rằng, đã quá muộn để thay đổi điều gì. Ông chỉ mong muốn có được trong tay bản đánh giá diện tác động khi thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ. Từ đó, chính quyền 7 huyện hạ du mới có thể xây dựng kế hoạch sơ tán dân khi thủy điện xả lũ từng phần, hay tệ hơn - lũ quá to và thủy điện xả tràn.

    Nói mãi, tiếp các đoàn mãi, cuối cùng người cán bộ ấy cần, chỉ là một sự hợp tác với chính cái thuỷ điện trên địa bàn của mình.

    Ông Tuấn lo cho dân, tôi tin là thế. Nhưng cho đến tận bây giờ, 4 năm sau, và đã là Chủ tịch huyện Bắc Trà My, tôi biết ông Trần Anh Tuấn vẫn không có được thứ mà ông muốn: Bản đánh giá diện tác động khi thủy điện xả lũ.

    Bởi vì không có một văn bản pháp luật nào quy định rằng các nhà máy thủy điện phải thực hiện và cung cấp bản đánh giá ấy. Thực tế là thủy điện cũng không thể đơn phương làm được. Nhà máy thủy điện, hay EVN chỉ có thể cung cấp thông số kỹ thuật của đập thủy điện, công suất hồ chứa, tính toán phương án xả lũ theo mức nước tại hồ chứa và lượng nước của mỗi lần xả. Phối hợp với họ, còn phải là sở nông nghiệp địa phương, với khả năng tiêu thoát của các kênh mương thủy lợi, khả năng ngăn nước của hệ thống đê điều; là sở Tài nguyên Môi trường, sở Xây dựng, sở Công thương, với các thông số về hệ thống cống thoát nước ở đô thị, khả năng tiêu thoát, cốt nền đường... Tóm lại, để xây dựng được một phương án phối hợp hiệu quả cho quy trình xả lũ, và sơ tán để đảm bảo tính mạng cũng như tài sản cho người dân, thì các cơ quan chức năng cần ngồi với nhau, để cung cấp thông tin, và bàn bạc phương án phối hợp.

    Nhưng không. Mỗi mùa mưa lũ, những cuộc họp vẫn sẽ được tổ chức, một lần trước lũ, để phân công trách nhiệm. Và một lần sau lũ, để quy kết trách nhiệm.

    Ai chịu trách nhiệm khi lũ lụt gây thiệt hại nặng nề? Phía chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ra sức trách cứ thuỷ điện Hố Hô xả lũ bất ngờ khiến người dân “không kịp trở tay”, hàng nghìn nhà dân bị ngập, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đáp lại, người ta thấy thuỷ điện Hố Hô đưa ra một mệnh đề quen thuộc, là họ đã làm “đúng quy trình”.

    Cho dù là lỗi của ai, thì người ta cũng dễ dàng nhìn thấy sự thiếu chặt chẽ trong phối hợp giữa đôi bên. Chính quyền huyện Hương Khê hôm nay phản biện thủy điện Hố Hô rằng “đáng ra khi đài báo áp thấp nhiệt đới, thuỷ điện phải xả trước vài ngày”. Nghe rất thuyết phục. Nhưng tôi tự hỏi rằng tại sao điều đó không thể là một đề xuất của chính quyền với thuỷ điện từ vài ngày trước, nếu chính quyền đánh giá được xả thế thì “ngập úng là đương nhiên”?

    Tại sao nó không thể là một cuộc điện thoại khi những giọt mưa đầu tiên rơi xuống thay vì một lời chỉ trích trong cuộc họp giải trình hậu quả?

    Và tôi lại nhớ lại mong ước về việc thuỷ điện và chính quyền cùng ngồi lại và làm những đánh giá của ông phó chủ tịch huyện Bắc Trà My năm nào.

    Năm 2012, khi về Bắc Trà My, tôi đã chứng kiến một hình ảnh đầy ám ảnh ở chính những buôn làng tái định cư, được đầu tư xây dựng rất khang trang. Những đồng bào dân tộc Kadong không sống trong nhà gạch, tường xây, mái lợp tôn xanh đỏ. Họ dựng lên những ngôi nhà sàn ngay bên cạnh, và sống trong đó. Kinh nghiệm cho họ biết rằng, nếu lũ về, thì những ngôi nhà sàn sẽ cao hơn mặt nước.

    Trong lúc các bên chờ đợi một cơ chế phối hợp nào đó, thì người dân chỉ biết tự lo cho số phận của mình.

    Hố Hô đã gây họa hai lần, 2010 và 2016. Và từ cái thuỷ điện ấy, nhiều người giật mình tự hỏi: còn bao nhiêu cái thuỷ điện đã được cấp phép, mà khi nó gây họa theo đúng quy trình, người ta không biết phải đổ lỗi cho ai ngoài… ông Trời?

    Gia Hiền



    http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhi...gn=boxtracking

  10. #30
    Biệt Thự
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    1,350
    VỀ VIỆC CỨU TRỢ KHẨN CẤP MIỀN TRUNG.

    Trong khi mưa lũ chưa rút hẳn, thì dự báo trong 72 giờ tới cơn bão số 7 mang tên Sarika khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến miền Trung gây ra đợt mưa lũ mới.


    Tính đến sáng nay, Quảng Bình nơi hứng trận mưa được xem là lớn nhất trong lịch sử quan trắc, đã có 18 người chết, 7 người mất tích và 13 người bị thương. Hà Tĩnh có 3 người chết, một người mất tích. Nghệ An 2 người chết. Thừa Thiên - Huế một người chết, một người mất tích. Toàn vùng có 98.000 ngôi nhà còn ngập, tập trung ở Quảng Bình với hơn 71.000; Hà Tĩnh 24.000; Nghệ An 2.800. Diện tích hoa màu bị ngập ở 3 tỉnh trên là hơn 9.000 ha. Hệ thống giao thông, thủy lợi và các đầm hồ thủy sản thiệt hại rất nhiều nhưng chưa thống kê hết do nước còn ngập.
    ...

    Theo chia sẻ của bạn Trần Hữu Như Anh tại Quảng Bình, thì hiện việc tiếp cận các điểm thiệt hại nặng còn rất khó khăn, để an toàn hơn thì từ ngày 18.10 các đoàn có thể đến để thực hiện công tác cứu trợ.

    1. Cái trước mắt:
    Nhu yếu phẩm cứu đói hiện là ưu tiên số 1. Gạo, mì, lương khô là các mặt hàng hay được nghĩ đến. Nhưng cần nhớ các lần lũ lụt trước có thời điểm người dân bội thực mì gói. Việc nấu nướng trên nóc nhà là rất khó khăn. Đồ hộp như thịt, cá mòi rất có thể sẽ phát huy nhiều tác dụng. Các loại nước suối 1/2 lít hiện đang rất cần.
    Các viên lọc nước, bộ dụng cụ lọc nước, dầu gội diệt khuẩn, thuốc men cơ bản, quần áo sẽ rất có ích sau khi qua cơn đói.

    Nếu có tiền mặt dành tặng các gia đình có người chết, quá nghèo khó thì là điều rất tốt. Rất có thể, 1 triệu tiền mặt sẽ giúp họ xoay sở tốt hơn nếu có 1,5 triệu tiền quy ra vật phẩm, trừ những trường hợp bất khả kháng.

    2. Qua cơn đói sẽ là đại dịch.
    Dịch bệnh. Lúc này sẽ rất cần đến các đoàn y tế, thầy thuốc khám chữa bệnh kết hợp trao tặng quà. Các phương pháp phòng chống, diệt khuẩn luôn rất quan trọng. Các đơn vị, tổ chức, nhãn hàng bảo vệ chăm sóc sức khỏe cần phát huy tối đa tấm lòng cho thời gian này.

    Dịch bỏ học. Vì trường lớp ngập bùn lầy. Cặp sách trôi theo dòng lũ. Lúc này công sức của tình nguyện viên cần được phát huy triệt để: Sơn tường, dựng cổng, đóng bàn ghế. Các chương trình tiếp sức đến trường, học bổng đồng hành, ngăn dòng bỏ học sẽ đến lúc ra tay nghĩa hiệp.

    3. Chuyện mưu sinh.
    Hết đói, được đi học thì sẽ đến mưu sinh. Hoa màu, trâu bò đều chết cả. Lúc này việc hỗ trợ xây nhà, cho vay vốn kinh doanh sản xuất, cấp con, cây giống sẽ là tối quan trọng. Trồng gì, nuôi gì là điều cần các chuyên gia, cơ quan quản lý chức năng vào cuộc quyết liệt. Các hội thảo bàn về kế mưu sinh, các chương trình ca nhạc gây quỹ, tương trợ lúc này nên cần hoạt động hết công suất.


    4. Cơ chế giám sát - đặc biệt là của truyền thông.
    Các tỉnh đều đã xin TW cứu trợ, hoãn thuế. Chắc chắn xã hội sẽ còn nhiều tổ chức chung tay. Việc bòn rút, cắt tỉa các chính sách hỗ trợ cho đồng bào bị thiên tai là điều đã từng xảy ra rất nhiều lần. Giai đoạn này rất cần truyền thông, báo chí vào cuộc.


    5. Cơ chế phối hợp.
    Tại mỗi địa phương, Hội CTĐ được giao là đầu mối chính. Nhưng đoàn viên thanh niên mới có nhiều nhân sự triển khai. Thông thường 2 cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm điều tiết các hoạt động cứu trợ theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh.

    Làm việc trực tiếp với UBND huyện, xã, trường học là điều có thể nghĩ đến, nhưng có thể dẫn đến tình trạng nơi ăn không hết chổ lần ko ra. Bạn hoàn toàn có thể tự đi cứu trợ trực tiếp. Nhưng nên nhớ việc thuê 1 chiếc xe từ Tp.HCM hay Hà Nội ra Quảng Bình sẽ rất tốn kém, có khi lên đến chục triệu và hơn cả tiền quà cứu trợ. Đà Nẵng, Thanh Hóa gần các khu vực trên và luôn có sẵn hàng giá rất tốt nếu chịu khó tìm.
    An toàn trong quá trình di chuyển luôn là hết sức quan trọng!
    ..


    Chia sẻ thêm theo kinh nghiệm cứu trợ của dân miền Trung:

    + Các thực phẩm ăn liền được không cần nấu, loại có thể để lâu 1 tuần - 2 tháng. Ví dụ như bánh mì ăn liền loại có nhân ruốc ăn sáng, hoặc bánh mì mặn.
    + Nước sạch đóng chai rất cần thiết.
    + Khăn, giẻ, quần áo sạch càng nhiều càng tốt.
    + Chăn mền mỏng.
    + Bạt để lót, che mưa che nắng.
    + Các vật dụng y tế cần thiết như bông băng, cồn, thuốc đỏ, nước muối y tế.
    + Xà bông rửa tay, sau lũ lụt nhiều nhà và người dân phải đụng đến gỗ, sắt, kim loại rất nguy hiểm.
    + Bật lửa hoặc các dụng cụ tạo lửa.
    + Than và giấy báo để nhóm lửa.
    + Đèn dầu và đèn cầy loại to.

    Hiện một số đơn vị báo chí như Tuổi Trẻ, đang mở sổ quyên góp. Ngoài ra nhiều nhà hảo tâm cũng đang kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt, có thể liên hệ anh Nguyễn Văn Phước - TGD First News Trí Việt, hay bạn Lucy Nguyen Chibooks, ha!
    .



    https://www.facebook.com/photo.php?f...type=3&theater

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 0
    Last Post: 10-11-2013, 12:58 PM
  2. Replies: 2
    Last Post: 03-05-2013, 07:44 AM
  3. Replies: 0
    Last Post: 08-17-2012, 02:52 PM
  4. Replies: 1
    Last Post: 04-13-2012, 12:11 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:24 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh