Ký Ức Một Thời Tù Cải Tạo

(tiếp theo)


Ga Thanh Hóa
Tôi nhớ mãi gương mặt đầm đìa nước mắt của vợ tôi mỗi lần tôi về khuya, cũng ẩn chứa nét đau khổ, tuyệt vọng vào đêm tôi bị đám công an bắt tại nhà, như khi chia tay vào lần thăm nuôi vừa rồi sau nhiều năm bặt tin, những tưởng tôi không còn sống trên
cõi đời. Một hình ảnh tưởng chừng đây là lần chia ly không hẹn ngày gặp lại. Thực ra, lấy gì để bảo đảm cho một kiếp người khi
cái chết luôn ám ảnh cận kề.

Giọt nước mắt của mẹ tôi vào đêm tôi bị bắt tại nhà, cứ ám ảnh, theo đuổi tôi trong nhiều năm tù đầy. Tôi nhìn rõ gương mặt đau khổ của bà khi bọn công an tìm ra lá cờ Vàng 3 sọc đỏ mà bà cất giữ, và đinh ninh đây là chứng cớ khiến tôi bị bắt. Tôi thông cảm với ước vọng thầm kín nơi bà, vì lá cờ Vàng là biểu tượng của đời sống tự do hạnh phúc, một đời sống thể hiện nét tự hào, xứng đáng là một con người. Lá cờ Vàng là hình ảnh mà người miền Nam luôn trân quý, giữ gìn như linh hồn của dân tộc.

Tôi lặng nhìn những giòng nước mắt đau khổ của bà tuôn rơi khi tôi bước ra khỏi nhà. Hai bàn tay bà che mặt cố ngăn tiếng nấc nghẹn, như không muốn nhìn thấy cảnh chia ly đứt ruột. Cha tôi ngồi im lặng, chua xót nhìn tờ biên bản bắt giam để trên bàn kính trước mặt. Ông thừa hiểu mảnh giấy này chỉ là một tờ giấy lộn, một việc làm cho có, vì ngay cả các Hiệp Định đã ký kết với quốc tế họ cũng chẳng thi hành đứng đắn. Ông biết rõ bản chất tàn nhẫn của chế độ này, nên đã dắt díu vợ con di cư vào miền Nam sau ngày chia đôi đất nước năm 1954.
Chúng tôi rời trại Thanh Cẩm vào lúc 10 giờ sáng trên một chiếc xe chở hàng không mui che, thẳng đường tới ga xe lửa Thanh Hóa. Cùng đi với chúng tôi có Trung Úy Tuy, Ban giáo dục và cán bộ Ba. Khi tới ga, cán bộ Ba đi lo vé tàu. Chúng tôi mời cán bộ Tuy vào một quán ăn đối diện ga xe lửa dùng bữa ăn tối, vì từ sáng đến giờ chúng tôi không có chút gì vào bụng. Trong túi tôi chỉ có 23 đồng, chắc đủ ăn một ngày. Tôi nhờ bà chủ quán bán hộ tôi chăn màn và bộ quần áo nâu để có thêm tiền ăn đường.

Tôi gọi một cốc nước đá chanh lớn, Sài Gòn gọi là “ly cối”. Đã lâu tôi chưa được nếm vị thơm của mùi chanh và cảm giác lành lạnh của viên đá tan dần trong miệng. Tôi uống một hơi cạn cốc nước trước sự ngạc nhiên của bà chủ quán. Thấy cán bộ Tuy nhìn khi tôi uống một hơi cạn cốc nước đá chanh, tôi nói:

- Tôi thèm cốc nước chanh này đã hơn 6 năm.
Tôi lấy chiếc khăn mặt lớn còn mới, một vật duy nhất còn lại trong túi vải, mà vợ tôi mang ra khi thăm nuôi. Tôi đưa cán bộ Tuy và nói:

- Tôi chỉ còn cái khăn này biếu cán bộ.

Cán bộ Tuy cầm chiếc khăn ngắm nghía, chắc cảm thấy khác lạ đối với những chiếc khăn thường gặp. Tôi chỉ dấu hiệu mang chữ “Canon” phía đầu cái khăn nói tiếp:

- Chiếc khăn này hiệu Canon. Sản xuất tại Mỹ.

Tôi nhớ mãi lần chở phần gỗ trại cho cán bộ Tuy trước khi hắn về hưu. Hắn mời tôi uống bát nước trà xanh nóng hổi, loại trà tươi gia đình tôi thường uống tại miền Nam. Trong câu chuyện, như một lời “phân bua”, hắn nói khi giảng dậy trên hội trường đã nói theo chính sách.
Tới giờ tàu khởi hành. Chúng tôi chào cán bộ Tuy và cán bộ Ba trước khi lên tàu. Cả 32 chúng tôi ngồi vào một toa, chia nhau những hàng ghế gỗ có lưng tựa. Hai hàng ghế đối diện nhau, một bàn gỗ nhỏ ở giữa. Tôi và anh Hướng ngồi một ghế. Tôi chọn chỗ ngồi sát bên cửa sổ, mong tìm một chỗ tựa vai. Bây giờ vào cuối năm, mùa Đông miền Bắc đã bắt đầu. Tàu chuyển bánh, đã gần nửa đêm. Tôi tựa vào lưng ghế, duỗi chân lên chiếc bàn nhỏ, nhắm mắt mong tìm một giấc ngủ. Suốt đêm hôm qua chúng tôi không chợp mắt, mải mê nói chuyện vì biết rất hiếm cơ hội gặp lại.
Anh Hướng chợt quay qua tôi:

- Anh ngủ được không?

- Mặc dù chúng mình thức trắng đêm hôm qua và cả ngày hôm nay trên xe di chuyển, nhưng tôi vẫn cảm thấy khó chợp mắt.

Hướng tiếp lời, giọng như chùng xuống:

- Chúng mình như vừa trải qua một giấc mơ. Một thoáng đã hơn 6 năm qua đi. Biết bao nhiêu chuyện đổi thay trong đời sống
xã hội.

- Tôi có cùng ý nghĩ như bạn. Niềm vui đến với chúng ta thật bất chợt, cuộc sống của chúng ta như đang ở ngoài tầm tay.

Tôi hỏi Hướng:

- Anh có ý định gì không?

- Để về nhà xem hoàn cảnh gia đình ra sao rồi mới tính được.

- Các cháu của anh ở Mỹ ra sao?

- Chúng ở với các em của tôi, ngoan và rất chăm học.

Tôi mừng cho bạn đã có những hạt giống tốt ở miền đất hứa. Tôi chợt nhớ tới lời cán bộ Chương: “Hồ sơ cá nhân của các anh sẽ chuyển về địa phương nơi các anh cư ngụ để địa phương quản lý…”, tôi nhận ra một điều, đời sống riêng tư của người dân luôn bị theo rõi, nhất là hoàn cảnh của chúng tôi, những người có “nợ máu” với đảng và nhà nước cộng sản, khó thoát khỏi cặp mắt của công an khu vực. Tôi quay qua Hướng:

- Khi về, chúng ta bị địa phương theo rõi từng bước, chưa chắc đã sống yên thân.

Chúng tôi trở lên yên lặng. Khó nói ra những suy nghĩ vào lúc này khi mà hoàn cảnh xã hội đã hoàn toàn thay đổi. Chúng tôi vừa trải qua một giai đoạn thăng trầm của lịch sử, là chứng nhân của một chế độ hà khắc, đã hủy diệt ước vọng của một dân tộc. Và cũng là nạn nhân của một tập đoàn cầm quyền, vì cuồng vọng nhất thời, đã đưa dân tộc tới bờ vực thẳm đói nghèo, biến đổi một nếp sống văn minh trở thành chậm tiến, lạc hậu.

Tàu đỗ ở ga Đồng Hới khá lâu, chúng tôi có đủ thời gian tắm gội sau 2 ngày ngồi bó chân trên ghế và tối ngủ trên tấm báo trải xuống sàn tàu. Chúng tôi uống cạn những giọt bia với miếng gà luộc, một thức ăn bình thường trước đây, đã trở thành “xa xỉ” trong 6 năm qua.

Con tàu mải miết chạy, khi tới địa phận Long Khánh, không còn bao lâu nữa sẽ tới Sài Gòn. Lòng tôi nôn nóng về nhà. Tôi chợt thèm hương vị cà phê, nên cùng các bạn vào toa ăn. Theo lịch trình tàu chạy, giờ này toa ăn cũng sắp đến giờ đóng cửa để thu dọn trước khi tới Sài Gòn. Chúng tôi tới toa ăn, trong toa không còn khách. Thấy chúng tôi, một cô tiếp viên hỏi:

- Các anh cần gì không?

- Chúng tôi muốn mua ly cà phê.

Cô quay vào trong hỏi các bạn. Tôi nghe thấy một giọng nữ nói vọng ra:

- Mời các anh vào.

Cô đứng bên cửa mời chúng tôi vào. Trong toa ăn có 5, 6 cô cả giọng miền Nam và Bắc.
Tôi ngồi vào bàn với các anh Nguyễn Văn Thành, Tô Tứ Hướng, Nguyễn Ngọc Liên, Ngô Trung Định và các bạn khác... Thấy tôi mặc bộ áo tù, một cô hỏi:


- Các anh vừa đi cải tạo về?

- Vâng, chúng tôi vừa rời trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa là lên tàu về miền Nam.

Chúng tôi được tiếp đón thật nồng hậu. Ngoài thức uống, cô trưởng toán còn mời chúng tôi một chai Champagne của Liên Xô đã ướp lạnh với tôm khô và củ kiệu, để mừng ngày chúng tôi trở về. Chúng tôi chuyện vãn, dù chỉ trong khoảnh khắc nhưng thấm đượm tình người. Chúng tôi được biết quý danh các cô, nguyên là học sinh trường Gia Long-Sài Gòn, những người đã mang đến cho chúng tôi một thứ tình cảm thật gần gũi khó quên, hiếm có trong cuộc sống nhiều thay đổi này.

Chúng tôi hy vọng có dịp gặp lại:
-- Cô Oanh: 138/2 Cô Bắc, Phú Nhuận
– Cô Cúc: 116/33/25 Tô Hiến Thành, Q.10
– Cô Duyên: 530 Lý Thái Tổ, Q.10
– Cô Liên: 212/11/27 Nguyễn Thiện Thuật, Q.3
– Cô Lan: 195/32 Hoàng Đạo (Cống Bà Xếp.)


Bất chợt có tiếng gõ cửa toa ăn. Qua ô cửa kính nơi cánh cửa, một vị khách mặc quân phục muốn vào toa ăn. Tôi nghe rõ câu trả lời của cô tiếp viên:

- Toa ăn đóng cửa vì sắp tới ga chính.

Vị khách nói:

- Những người ngồi trong toa thì sao?

- Những người này khác.

Sau câu trả lời, cô quay vào làm tiếp công việc đang làm. Chúng tôi cám ơn các cô tiếp viên đã dành cho chúng tôi một sự ưu đãi đặc biệt. Đây là hình ảnh đẹp nhất sau một thời gian dài chìm đắm trong sự hà khắc. Một hình ảnh gợi nhớ tình cảm thân thiết của quê hương miền Nam.

Tàu dừng lại ga Long Khánh, một người đàn ông lên tàu, tới cửa sổ chỗ tôi ngồi, đón nhận những bó củi, bao than và nhiều thứ khác được chuyển từ dưới sân ga qua cửa sổ. Đây là những món hàng được chuyển về bán tại thành phố.

Ga Bình Triệu
Tới ga Bình Triệu trong túi tôi không còn một đồng. Tôi đứng trước cửa ga tìm phương tiện về nhà. Một chiếc xe xích lô máy chạy tới bên tôi. Người tài xế còn trẻ, mặc chiếc áo trận xanh đã bạc mầu, da mặt nhuộm nâu vì nắng gió. Anh dừng xe và hỏi:

- Bác về đâu?

- Tôi về đường Tự Đức, Phú Nhuận.
- Cháu biết đường này. Bây giờ đường Tự Đức đã đổi tên là Nguyễn Thị Huỳnh.

- Tôi không có sẵn tiền. Anh chở tôi về nhà lấy tiền được không?

- Không sao. Bác yên tâm.

Anh chợt hỏi tôi:

- Bác mới đi cải tạo về?

- Tôi vừa về tới.

Thấy tôi tay không, anh tài xế hỏi:
- Hành lý của bác để đâu, chỉ chỗ cháu xách cho.

- Tôi không có gì mang theo.

Anh tỏ vẻ ngạc nhiên, có lẽ tôi là người đầu tiên, khác với những người anh gặp trước đây. Bất chợt anh lấy từ túi áo trận gói thuốc lá “Basto xanh”, thứ thuốc tôi bắt đầu hút từ sau ngày 30-4-1975. Anh đưa gói thuốc, hỏi tôi:

- Bác hút thuốc không?

Tự nhiên tôi thấy thèm khói thuốc. Từ lúc rời toa ăn ở Long Khánh đến giờ tôi chưa hút điếu thuốc nào. Tôi rút điếu thuốc và nói:

- Cám ơn anh. Trời về chiều se lạnh. Hút điếu thuốc vào giờ phút này sẽ ngon vô cùng.

Anh lấy chiếc bật lửa Zippo đưa cho tôi mồi lửa. Như một thói quen, tôi bật lửa bằng hai ngón tay. Vẫn âm thanh quen thuộc đã một thời theo tôi với gói thuốc Pall Mall. Tôi hít hơi dài, nuốt trọn phần khói trong miệng. Dĩ vãng như quyện trong khói thuốc, vừa thơm ngon đậm đà của một thời huy hoàng yêu thương thuở trước, nhưng cũng dậy lên vị đắng của cơn mê “Thiên đường hoang tưởng” hiện tại.

Thấy cách tôi hút thuốc, anh hỏi:

- Bác thường hút thuốc trong trại?

- Tôi thường hút thuốc lào ba số 8, vì thời tiết ngoài Bắc vào cuối năm rất lạnh. Thuốc điếu hút không đã cơn thèm.

- Trước kia bác hút thuốc loại nào?

- Tôi hút Pall Mall, nhưng sau 30-4 tôi đổi qua thuốc Basto xanh.

- Cháu cũng như bác. Bây giờ cháu hút thuốc này, dù kém ngon nhưng không nhạt nhẽo như thuốc lá Điện Biên hay Vàm Cỏ.

Tự nhiên tôi thấy gần gũi với người thanh niên này. Tôi hỏi anh:

- Anh cho tôi biết tên được không?

- Cháu tên Thành.

- Anh Thành trước kia có vào quân đội không?

- Cháu vào lính được hơn một năm thì miền Nam mất.

- Anh ở đơn vị nào?
- Cháu thuộc sư đoàn 18.

- Hiện giờ gia đình anh Thành ra sao?

- Cháu có 2 cháu nhỏ, nhà cháu buôn bán ở chợ gần nhà. Cháu cố kiếm đủ sống cho gia đình.

Thấy tôi đứng đã lâu, Thành mời tôi lên xe, nói:

- Trời còn sớm. Cháu chạy một vòng Sài Gòn để bác nhớ lại khung cảnh ngày xưa.

- Cám ơn anh Thành. Tôi xa nhà đã lâu, mọi thứ đều khác lạ.
oOo

Tôi nắm chặt tay Thành khi chia tay anh, một người tuổi trẻ đã đóng góp phần mình để bảo vệ mảnh đất thân yêu này. Tôi cảm nhận một điều, miền Nam mới chính là quê hương của tôi, mặc dù tôi sinh ra và lớn lên tại miền Bắc, nhưng vẫn cảm thấy lạc lõng khi trở về quê cũ.

Tôi bước vào nhà. Vợ tôi nét mặt vui tươi, ngấn lệ long lanh khóe mắt. Nàng và các con vây quanh. Tôi xúc động ôm chặt các con vào lòng, để tận hưởng hơi ấm gia đình xum họp, mà trong suốt thời gian tù đầy vừa qua, những hình ảnh thân yêu gia đình đã là đốm lửa cuối đường để tôi nhắm tới mà hy vọng.

Lòng tôi hân hoan. Chúng tôi thật may mắn, vừa tìm lại được tình yêu thương mà tưởng chừng đã mất.


Trần Nhật Kim


Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên
http://www.dslamvien.com