Register
Page 3 of 3 FirstFirst 123
Results 21 to 28 of 28
  1. #21
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    Quote Originally Posted by hoài vọng View Post

    hoàng phủ ngọc tường , cầm đầu vụ thảm sát Mậu Thân đang sống dở chết dở , khi thì nhận có mặt vào thời điểm việt cộng chiếm đóng Huế , lúc thì phân bua thời điểm đó đang " nhảy núi " nên không nắm rõ tình hình
    Sau này ,tôi được biết csbv thỏa thuận với " đồng minh vĩ đại " về trận đánh Mậu Thân
    Chào anh Hoài,

    Mấy người CS nói láo giỏi lắm, giờ thì ai cũng biết.

    Nhờ anh nêu lên chuyện này, tôi tìm thấy đoạn phim ông ta trả lời phỏng vấn của hãng WGBH-TV ngày 29 tháng 2 năm 1982 và một
    bài viết ở đây nếu anh muốn đọc thêm.

    Về câu sau, tôi không chắc, anh Hoài à.

  2. #22
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342

    Đức: Tình Yêu Của Một Phóng Viên Cho Một Dân Tộc

    Nhiều Đau Thương

    Chương 16: Cuộc Chia Tay Dài Lâu Với Niềm Phi Lý
    Bản dịch của Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền


    ( Tiếp theo)



    Năm 1968 Wulff viết dưới bút hiệu Georg W. Alsheimer một lập luận kinh tởm dưới tiêu đề Vietnamesische Wanderjahre - Những Năm Tháng Chu Du tại Việt Nam (Frankfurt: Suhrkamp, 1968). Trong cuốn sách này, hắn cho là một nhân viên tình báo hàng đầu của CIA với cái tên Bob Kelly đã kể cho hắn nghe về chương trình khủng bố của CIA gọi là Những Chiến Thuật Đen. Theo Wulff, chương trình này gồm những thanh niên mặc quần áo như Việt Cộng đi sát hại người già, phụ nữ và trẻ em để kích động lòng hận thù đối với Cộng sản.

    Lời giải thích của Bắc Việt và Việt Cộng về cuộc tàn sát tại Huế phù hợp với luận điệu của Wulff. Nói một cách công bằng cho hầu hết các phóng viên Tây Âu, họ thấy chuyện này không có sức thuyết phục. Trong khi đó, Erich Wulff đưa ra một lý luận điên khùng khác trong những buổi hội họp của cánh tả tại Tây Đức: hắn cho là Bác sĩ Discher, Bác sĩ Alteköster và hai vợ chồng Krainick có thể đã bị giết bởi chính các sinh viên của họ để trả thù bị điểm kém, hoặc bởi chính các đồng nghiệp Việt Nam vì lòng ganh ghét.

    Một lần nữa, tôi lại đi quá xa câu chuyện của tôi rồi. Vào thời điểm chuyện này tôi đang ở trong văn phòng Đại sứ tại Sài Gòn. Nét mặt biểu hiện đầy nỗi buồn của Hasso von Collenberg không lời nào tả xiết. Tôi còn nhớ đã suy nghĩ trong đầu: "Thật là một tâm hồn cao quý! Thật là một người đàng hoàng và dũng cảm! Từ lúc khởi đầu cuộc công kích Tết Mậu Thân, anh đã lái xe khắp Sài Gòn ngày đêm để bảo đảm cho các công dân Đức được an toàn. Anh không bao giờ về nhà mà ngủ trên một chiếc chiếu trong văn phòng. Anh đã cầu nguyện bọn Cộng sản sẽ tha cho những người bạn ở Huế, đó là tất cả những gì anh có thể làm được, và nay thì họ đã chết cả rồi. Chính phủ chúng ta phải tự hào về anh!" Trái lại đằng khác. Tất cả những gì còn lại để tưởng nhớ anh chỉ là một câu chú thích ngắn gọn trên tờ báo cáo của Văn phòng Ngoại Giao Đức. Bộ trưởng Ngoại Giao Tây Đức thời bấy giờ là Willy Brandt, thuộc đảng dân chủ xã hội mà chính sách ưu tiên cao nhất của ông là nhằm xoa dịu, hoặc làm tan băng đá trong quan hệ với khối Sô Viết. Người ta chỉ có thể phỏng đoán là ông nghĩ rằng sẽ khó khăn cho mục tiêu này nếu làm lớn chuyện vụ sát hại một trong những phái viên của ông.

    Với những linh cảm đen tối, tôi và Gillian đáp máy bay đi Nông Pênh, bắt tay vào một cuộc hành trình trở về quá khứ, hay có vẻ như vậy. Thủ đô của Cam-Pu-Chia lúc đó vẫn còn giống phong cách Sài Gòn vào những thời kỳ bình yên hơn: rất Pháp nhưng cũng rất đặc biệt, kỳ diệu, quyến rũ và thanh bình. Những bà vợ, các cô con gái của các cố vấn quân sự và dân sự Pháp uyển chuyển đầy trong hồ bơi của khách sạn Le Royal trong những bộ áo tắm hai mảnh. Tuy nhiên trên thực tế họ chỉ là những màn trang trí có tính chất trình diễn. Sự thật chỉ có một người quan trọng hơn cả tại Cam-Pu-Chia: Hoàng thân Sihanouk, người đã từng là vua của xứ sở này và sẽ lại lên làm vua một lần nữa về sau đó. Tuy nhiên trong thời gian chúng tôi đến thăm, ông ta chỉ vui vẻ đóng một loạt những vai trò khác nhau: đứng đầu chính phủ, làm nhà sản xuất và ngôi sao tài tử cho vô số các bộ phim, làm bình luận viên trưởng các đài radio và truyền hình, làm biên đạo chính của vũ đoàn Ba-lê Hoàng gia, làm chủ bút một tờ tạp chí trí thức, làm nhạc sĩ thổi kèn saxo chính và nhạc trưởng soạn những khúc nhạc hòa tấu tương tự như các giai điệu lãng mạn của Charlie Chaplin. Ông ta cũng đồng thời là người "phối ngẫu trưởng" hết sức phục tùng Công chúa Monique, một người tuyệt vời nhưng có tinh thần kỷ luật nghiêm khắc. Công chúa là con gái của một thợ nề người Ý và một phụ nữ khôn ngoan người Việt Nam. Khi Monique mới 15 tuổi và được Sihanouk để mắt đến trong một cuộc thi sắc đẹp, bà ta đã lén đưa con gái vào cửa hậu Hoàng cung. Từ đó Monique không bao giờ lẻn ra ngoài trở lại. Sihanouk, lúc đó là vua, đã yêu và cưới nàng gần như ngay lập tức. Họ chung sống với nhau cho đến khi Sihanouk qua đời lúc 89 tuổi vào năm 2012.

    Hình thức trung lập của Sihanouk cũng khá tức cười. Có những đại lộ được đặt tên Mao Trạch Đông, John F. Kennedy và Charles de Gaulle xen kẽ nhau khắp Nông Pênh. Thật là tức cười khi thấy Sihanouk đối xử với các nhà ngoại giao của cả hai phía chia cắt Đông và Tây với sự bất kính như nhau. Trong buổi lễ khánh thành một khách sạn mới tại Sihanoukville ông ta nhẩy xuống hồ bơi, nước mầu nâu có vẻ không được sạch bởi toán nhân viên phụ trách đã quên không thay nước mới. "Này thưa ngài!" Sihanouk gọi viên Đại sứ Trung Cộng đang đứng thơ thẩn bên bờ hồ bơi, "Nếu Mao Chủ tịch của ngài có thể bơi được trên dòng sông Giang Tử lạnh lẽo thì chắc ngài cũng có thể tham gia cùng tôi tắm một cái ở nơi thơm tho đây đi." Ngay lập tức, viên Đại sứ cởi bộ áo khoác theo kiểu Mao Trạch Đông ra nhảy xuống trong khi Sihanouk cười vui vẻ xoay qua nói với tay Đại sứ Liên Sô với cái giọng the thé, "Và ngài nữa, ngài nên bảo chính phủ của ngài phá đổ cái bức tường Bá Linh đi thôi!" Mãi đến hai thập niên sau một vị Tổng thống Hoa Kỳ, Ronald Reagan, mới nói được cái câu như vậy với thủ lĩnh Sô Viết là Mikhail Gorbachev.

    Cùng với đồng nghiệp Ronald Ross của tờ Minneapolis Tribune với bà vợ Marilyn, Gillian và tôi cùng thuê một chiếc xe Peugeot station wagon có tài xế lái đi thăm những đền đài tại Angkor. Trong suốt cuộc hành trình qua một vùng đồng quê kỳ diệu và thanh bình chúng tôi tự hỏi không biết bao lâu nữa đất nước Cam-Pu-Chia có thể tránh được số phận nghiệt ngã của xứ láng giềng Việt Nam. Sihanouk đã từng có những sự linh cảm đen tối. Ông đã báo động với chúng tôi: "Bọn Khmer Ðỏ muốn sát hại tất cả những vị phật nho nhỏ của tôi," ám chỉ dân chúng của ông ta. Lúc đó Khmer Ðỏ chỉ có vào khoảng 300 người. Thủ lĩnh của họ là một người nguyên là thầy giáo tên là Saloth Sar, còn gọi là Pol Pot mà trong những năm là sinh viên tại Paris đã từng là thành viên của nhóm Jean Paul Sartre. Bẩy năm sau chuyến đi thăm của chúng tôi đến Cam-Pu-chia, Pol Pot đã gia nhập vào hàng ngũ những tên diệt chủng tồi tệ nhất của thế kỷ 20 cùng với Hitler, Staline và Mao Trạch Đông bằng cách giết hết một phần ba đồng hương của hắn, vào khoảng gần hai triệu người.

    Sau khi chúng tôi trở lại Nông Pênh, Sihanouk mời một nhóm khách gồm các phóng viên ngoại quốc dự một chuyến đi thăm khu vực Mỏ Vẹt bên cạnh biên giới Việt Nam. Mục đích nêu ra của chuyến đi là để cho chúng tôi thấy bằng chứng là có sự xâm nhập vũ trang của Quân lực VNCH và Hoa Kỳ vào trong lãnh thổ trung lập của Cam-Pu-Chia. Tuy nhiên Sihanouk còn có một chủ đích kín đáo khác nữa. Vùng Mỏ Vẹt được biết đến như là một khu vực căn cứ và an dưỡng của Bắc Việt và Việt Cộng, đồng thời là điểm chót của đường mòn Hồ Chí Minh. Lái xe về hướng Đông, vài người trong số chúng tôi còn thấy bằng cớ sự vi phạm tính trung lập của Cam-Pu-Chia bởi Hà Nội còn rõ ràng hơn: Trên phà xe qua các cửa thông của Sông Cửu Long chiếc xe Peugeot của chúng tôi bị mắc kẹt giữa những chiếc xe Land Rover mà nhóm quân nhân chất đầy trên đó có dấu hiệu lộ ra họ là Cộng sản Việt Nam. Họ đi những chiếc dép làm bằng vỏ xe hơi gọi là dép Hồ Chí Minh.

    Khi đó chúng tôi biết rằng cái xứ hạnh phúc Cam-Pu-Chia chỉ đơn thuần là một thiên đường được tạm tha. Chúng tôi rất thích tính cách hài hước, vẻ đẹp, nhục cảm, đồ ăn ngon của nó và người cai trị với phong thái riêng mà các nhà truyền thông Anglo-Saxon sáo rỗng lại thích gán cho nhãn hiệu là lanh lợi. Không ai vui thích với tất cả những điều này hơn một tay phóng viên tự do trẻ tuổi, rất vui vẻ tên là Sean Flynn. Anh là con trai của Errol Flynn. Hai năm sau, anh là một trong những người Tây phương đầu tiên mà thiên đường tạm tha này với họ đã biến thành địa ngục. Bọn Khmer Ðỏ bắt anh, cầm giữ và có lẽ tra tấn anh trong vòng 12 tháng trời. Sau đó thì họ giết anh.

    Sau chuyến đi của chúng tôi tại Mỏ Vẹt, Gillian và tôi trở lại Royal, tại đó có một bức điện tín đang nằm chờ chúng tôi. Egon Vacek, biên tập viên ngoại quốc của tạp chí Stern mời chúng tôi gặp ông tại khách sạn Siam International tại Bangkok và nơi đó tôi đã làm một chuyện sai lầm nhất trong sự nghiệp của tôi. Vacek hứa với tôi một khoản lương rất hậu hĩ và một vị trí đầy quyến rũ của một phóng viên đại diện cho Stern tại vùng Bắc Mỹ có trụ sở tại New York và Washington. Tôi đã nhận lời, có nghĩa là phải từ giã tổng công ty Axel Springer sau khi hợp đồng hết hạn vào mùa thu năm sau.

    Ngày nay tôi nhận ra đó là một hành động lố bịch của bản thân tôi trong kịch trường của sự phi lý. Springer đã từng là một người chủ tuyệt vời và công ty đó đã cố gắng thuyết phục tôi ở lại. Herbert Kremp, người chủ bút uyên bác của Die Welt, tờ nhật báo hàng đầu của Springer hứa cho tôi một vị trí rất uy tín là phóng viên tại Tokyo, nơi mà tôi sẽ có cơ hội được trở lại Đông Dương thường xuyên hơn. Tôi không dám nhận nhiệm vụ đầy thử thách này mà không có một kiến thức toàn diện về tiếng Nhật Bản.

    Stern có vẻ hấp dẫn vào thời điểm đó vì là một tạp chí và tôi sẽ có cơ hội tốt để viết các câu chuyện lớn nhiều mầu sắc hơn so với các tờ nhật báo. Tôi cũng thích Egon Vacek, ông xếp tương lai của tôi, một cựu phóng viên ngoại quốc dầy dạn kinh nghiệm và một người có khuynh hướng ôn hòa về chính trị trong thời điểm mà Stern càng lúc càng nghiêng về cánh tả. Khi ông qua đời vài năm sau đó vì bệnh ung thư, tôi không còn người đồng minh trong cái cơ cấu quyền lực ngày càng chuyển qua phía tả của tờ tuần báo lớn nhất Tây Âu. Không cần phải nói nhiều hơn về cái sai lầm này mà kết quả là một giai đoạn khó chịu nhất trong cuộc đời của tôi.

    Tuy nhiên mối tình của tôi đối với Việt Nam chưa chấm dứt tại đó và vào lúc đó. Trong khi đang hoàn thành nốt năm cuối hợp đồng với Springer, cảm giác của tôi về một sự linh cảm đen tối tăng cao. Lúc trở lại Sài Gòn sau chuyến đi Cam-Pu-Chia và Thái Lan, anh bạn Lành của tôi, người cựu nhạc sĩ kèn trombone biết nói tiếng Đức trong đoàn Lê Dương Pháp cũ ghé thăm tôi tại Continental.

    "Tôi đang học tiếng Nga đây," Lành tuyên bố.

    "Tại sao không học tiếng Tầu?" Tôi hỏi anh ta.

    "Bởi vì người Nga sẽ sớm hiện diện tại đây mà không phải là người Tầu. Anh sẽ thấy! Một tay người Nga sẽ ở tại căn suite này của anh, hay có thể là một tay Đông Đức không chừng!"

    "Mong Chúa không cho điều này xẩy ra!"

    "Vâng," Lành nói, "Mong Chúa thay!"

    Qua bẩy năm, sau chiến thắng của Cộng sản, người Nga và Đông Âu quả nhiên đóng đô tại Continental, nhưng lúc đó Lành đã di tản qua Paris rồi.

    Một cảnh tượng trưng cho những tháng cuối cùng bi thương của tôi làm phóng viên cho Springer tại Việt Nam vẫn còn ăn sâu trong đầu tôi. Tôi đi cùng với Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ trên một chuyến bay Boeing 707 của Air France từ Paris về Sài Gòn. Kỳ hướng dẫn phái đoàn VNCH tại các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris, nơi vợ ông, bà Tuyết Mai đã mê hoặc mọi người với sắc đẹp và chiếc áo lông chồn đi mượn của bà. Nhưng trên đường về tất cả những sự hào nhoáng đó có vẻ đã phai nhạt đi. Tôi cảm thấy Kỳ đã mất đi cái tính nhiệt tình cố hữu của ông. Chúng tôi nói chuyện hàng giờ đồng hồ về đủ mọi thứ, nhưng hầu như tất cả các điều ông nói như chỉ là một nỗ lực vô ích để tự trấn an lấy mình. Ông biết là người Mỹ đã quyết định rời bỏ Việt Nam. Chỉ còn câu hỏi thật sự được giải quyết tại các cuộc đàm phán hòa bình là bằng cách nào và khi nào?

    Trong lúc nói chuyện ông Kỳ luôn nhìn ra cửa buồng lái.

    "Tại sao ông cứ mải chăm chú vào buồng lái vậy?" Tôi hỏi ông.

    "Bởi vì tất cả những gì tôi thật sự khát khao là được làm phi công trở lại," ông nhẹ nhàng đáp và tôi nhận thấy một vẻ chán chường trong giọng nói ông. "Anh đến nói chuyện với Tuyết Mai một chút đi," ông đột ngột nói, quay sang một bên và nhắm mắt lại. Rốt cuộc thì ông ta đã không bao giờ là một phi công trở lại. Công việc thấp kém của quản gia một tiệm bán rượu tại Huntington Beach, California là tất cả những gì số mệnh đã dành sẵn cho ông.

    Khoảng khắc ngắn ngủi trong chuyến bay Air France đưa chúng tôi tới Sài Gòn đã cho tôi được biết nhiều về câu chuyện thực sự sau hậu trường của những cuộc hòa đàm ở Paris hơn bất cứ những gì tôi đã nghe được trong nhiều tuần làm nhiệm vụ tường thuật ở đó. Dường như nó biểu tượng cho số phận toàn miền Nam Việt Nam.

    Tôi nhận nhiệm sở mới làm phóng viên cho Stern vùng Bắc Mỹ vào ngày 1 tháng 9 năm 1969. Ngay hôm sau thì Hồ Chí Minh qua đời. Bản cáo phó cho Hồ là bài báo Stern đầu tiên của tôi và trong lúc viết nó, tâm trí tôi trở về nỗi kinh hoàng tại Huế vì tôi phải diễn tả cái ý nghĩa quan trọng của ngôi trường Quốc Học nơi Hồ Chí Minh đã từng học lúc còn nhỏ. Điều này làm sống lại trong ký ức hình ảnh hàng ngàn người đói lạnh tôi đã gặp trong sân ngôi trường đó, họ bị đuổi ra khỏi nhà bởi cuộc công kích Tết Mậu Thân của Hồ Chí Minh. Trong cáo phó tôi cũng nêu ra một điểm mô tả Hồ Chí Minh là "con người từ vùng đất của cái thìa gỗ" vì Hồ xuất thân từ tỉnh Nghệ An của miền Trung. Dân vùng này quá nghèo và keo kiệt nên khi đi đâu, họ thường mang theo một cái thìa gỗ để chấm vào nước mắm được cho không, tức một loại nước chấm làm bằng cá đã dậy mùi của chủ quán, để tăng thêm chất đạm cho món ăn duy nhất họ có thể mua trong quán ăn: một chén cơm trắng.

    Cuộc chia tay dài lâu của tôi với Việt Nam kéo dài trong suốt ba năm rưỡi tôi làm việc cho Stern ở Bắc Mỹ. Cho dù có muốn đi chăng nữa, tôi cũng không thể nào ngớt bận tâm đến Việt Nam được. Không một ngày trôi qua mà không có tin nổi bật về Việt Nam. Những vụ tuần hành vì hòa bình bất tận, rồi vụ bốn người biểu tình bị bắn chết tại Đại Học Kent State tại Ohio và vụ án giết người của Trung úy William Calley tôi đã tường thuật tại Ford Benning, Georgia. Là một Trung đội trưởng, Calley đã đóng một vai trò then chốt trong vụ thảm sát bởi lính Mỹ vào khoảng từ 347 đến 504 thường dân tại Mỹ Lai, một làng tại miền Nam Việt Nam. Khi tham dự phiên tòa quân sự xử Calley tôi không thể không nhớ đến tay quay phim truyền hình Mỹ đã từ chối quay cảnh mồ chôn tập thể tại Huế, cho rằng, "tôi đến đây không phải để truyền bá tuyên truyền chống cộng."

    Dĩ nhiên tôi rất hài lòng khi Calley nhận án chung thân nhưng đồng thời cũng rất khó chịu vì Calley là sĩ quan Hoa Kỳ duy nhất bị xử án vì tội ác chiến tranh. Tôi hoàn toàn sững sờ khi Tổng thống Richard M. Nixon ra lệnh ân xá cho Calley. Tuy nhiên sự kiện tội ác của Calley đã khỏa lấp hành vi diệt chủng của Cộng sản đối với công chúng Mỹ khiến tôi rất bối rối. Sự khác biệt giữa hai chuyện này đã bị đánh rơi trong cách lập luận mê sảng đã trở thành một sắc thái không thể chịu đựng nổi trong một nền văn hóa bị truyền thông áp đảo: Tội ác của Calley rõ ràng là sự vi phạm chính sách đã được xác nhận của chính phủ Hoa Kỳ cùng các tiêu chuẩn về chiến tranh đã được quốc tế chấp nhận. Trong khi đó, các tội ác của Bắc Việt và Việt Cộng đã được thi hành như một phần không thể thiếu trong chính sách của nhà nước bao gồm cả chiến lược quân sự dựa trên khủng bố. Đối với tôi, đây là một sơ xuất nghề nghiệp lớn của các phương tiện truyền thông đã không nêu lên thật rõ ràng điểm mấu chốt này đối với công chúng.

    Mùa xuân 1972 tôi trở lại Việt Nam một lần cuối cùng. Hơn bao giờ hết tôi mong muốn nhìn lại Huế một lần nữa, cái thành phố mà bẩy năm trước tôi đã trải qua một đêm huyền diệu trên một chiếc đò, lắng nghe giọng ca của một cô bé xinh đẹp với mái tóc dài đen tuyền. Tôi còn nhớ cái giọng ám ảnh gợi cảm của cô và giai điệu kỳ lạ của cây đàn Đáy hình thang, một nhạc cụ có ba giây mà cô gẩy trong lúc đò chúng tôi trôi trên dòng sông Hương. Tôi tương tư một cách gần như là bất thường cái thành phố tử đạo tôi đã rời bỏ trên một chiếc tầu đổ bộ bọc sắt sau nhiều tiếng đồng hồ tham dự chiến đấu trong từng căn nhà trong đợt công kích Tết Mậu Thân. Tôi cứ nhớ mãi ba bộ đồ trận tôi đã mặc cái này chồng lên cái kia, mọi thứ toát ra bụi bặm và tử khí. Ngoài ra tôi cũng cảm thấy bị thôi thúc một cách bệnh hoạn và u sầu là phải đi lại những bước chân dọc theo đại lộ Lê Lợi và được nhìn lại lần cuối cái cư xá đại học mà các vị bác sĩ Đức bị sát hại đã từng cư ngụ ở đó.

    Lần này tôi đi cùng nhiếp ảnh viên Perry Kretz của Stern, một tay Mỹ gốc Đức sừng sỏ, biết hai thứ tiếng theo một kiểu riêng biệt: tiếng Anh theo giọng dân New York pha với tiếng Kölsch, một thổ ngữ tức cười của vùng Cologne. Thật là hay có anh là bạn đồng hành vì anh đã từng tham gia chiến trận nhiều rồi, khởi đầu với cuộc chiến Triều Tiên mà anh đã chiến đấu như một chiến sĩ trong quân đội Hoa Kỳ. Perry có thể tin tưởng được là sẽ không bị hoảng sợ dễ dàng.

    Chúng tôi biết là nhiệm vụ phía trước rất khó khăn. Cộng sản mới phát động công kích mùa xuân, một chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay. Mục tiêu của nó không hẳn để chiếm đất mà chủ đích là dùng để mặc cả trong các cuộc đàm phán hòa bình Paris. Một lực lượng xâm lăng khổng lồ đổ vào miền Nam Việt Nam từ Cam-Pu-Chia, Lào và đặc biệt trắng trợn vượt qua cái vùng gọi là phi quân sự chia đôi miền Bắc và miền Nam. Một phần lực lượng này, sau này tôi biết ra, gồm 25.000 quân tinh nhuệ mới trở về sau khi được huấn luyện tại Liên Sô và các quốc gia khối Hiệp ước Warsaw, trong đó có Đông Đức.

    Quân Bắc Việt đã chiếm Quảng Trị mà vào năm 1965, trong một chuyến thăm Ủy Ban Kiểm Soát Quốc Tế đáng nhớ tôi đã từng làm thông ngôn cho một Thiếu tá Ba Lan khi ông ta cần điều trị vết thương đầu do chơi bóng chuyền. Tuy nhiên cuộc tấn công của Cộng quân vào Huế đã bị chận đứng, không phải do ngưòi Mỹ lúc đó đã triệt thoái gần hết ra khỏi Việt Nam, chỉ còn lại 69.000 người, mà nhờ các lực lượng ưu tú nhất của Quân Lực VNCH: Nhẩy Dù, TQLC Việt Nam, Sư đoàn 1 và Biệt Động Quân. Họ được chỉ huy một cách xuất sắc bất chấp sự bịa đặt loan truyền bởi một số ký giả Mỹ cho là quân đội VNCH không biết chiến đấu.

    Thực tế thì họ có kỷ luật và chuyên nghiệp hơn đối phương phía Bắc. "Bọn Bắc Việt mang qua 100 chiến xa do Liên Sô sản xuất vượt qua vùng phi quân sự nhưng lại không biết sử dụng chúng," một cố vấn Mỹ kể với chúng tôi trên chuyến bay từ Sài Gòn ra Huế, "Họ phải bỏ lại hàng đống các chiến cụ này. Anh mà lái lên quốc lộ 1 thì sẽ thấy các bộ phận thiết bị đầy rẫy với chiến xa của Liên Sô bị bỏ lại."

    Perry và tôi thuê một anh tài xế với dáng vẻ và thái độ đặc biệt của giới trí thức thuộc tầng lớp thượng lưu cổ kính của Huế. Anh là một thanh niên điềm đạm và nghiêm trang, bị cận thị với cặp mắt kiếng dầy cộm và nói tiếng Pháp rất giỏi. Tên anh là Hiền. Anh làm chủ một chiếc xe jeep còn tốt được trang bị bao cát để chống miểng trong trường hợp chúng tôi cán phải mìn dưới đất.

    Đầu tiên chúng tôi lái lên Kỳ Đài, nơi mà tôi không thể vào được trong dịp Tết 1968 vì còn nằm trong tay Cộng quân. Tuy nhiên trong lúc này tôi gặp các chiến sĩ VNCH vẻ mệt mỏi đang nghỉ ngơi trên những chiếc võng mắc ngang các khẩu thần công có niên đại từ đầu thế kỷ 19. Những khẩu súng này là biểu tượng của niềm hy vọng và tự hào cho họ, đặc biệt trong thời điểm mà các đơn vị ưu tú VNCH - mà không phải là Hoa Kỳ đang sửa soạn triệt thoái - đã chận đứng một cuộc xâm lăng toàn bộ mới của quân Cộng sản. Những khẩu đại bác nhắc nhở họ là đất nước đã từng bị chia lìa trong 200 năm. Chính một vị vương miền Nam, Nguyễn Ánh, đã kết thúc sự chia cắt bằng cách đánh bại triều đại Tây Sơn vào các năm 1801/1802 với sự trợ giúp của 300 lính đánh thuê người Pháp.

    ( còn tiếp)
    Last edited by thuykhanh; 01-21-2017 at 04:16 PM.

  3. #23
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    Đức: Tình Yêu Của Một Phóng Viên Cho Một Dân Tộc

    Nhiều Đau Thương

    Chương 16: Cuộc Chia Tay Dài Lâu Với Niềm Phi Lý
    Bản dịch của Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền

    ( tiếp theo và hết chương 16)

    Sau đó Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế với danh xưng Gia Long. Vua Gia Long đã tịch thu các mảnh đồng chiến cụ của quân Tây Sơn bại trận và ra lệnh đem nấu chảy đúc thành chín khẩu thần công. Năm khẩu được đặt tên theo ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, còn lại bốn khẩu thì đặt tên theo bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Những khí cụ này chưa bao giờ được khai hỏa trong chiến trận mà chỉ được sử dụng trong các dịp lễ lạc.

    "Chi tiết lịch sử này rất sâu đậm trong tâm trí chúng tôi," Chuẩn tướng Bùi Thế Lân nói. Ông là tư lệnh TQLC VNCH và Bộ chỉ huy đặt trong Thành Nội Huế. Tôi quen với tướng Lân từ nhiều năm qua. Dưới mắt nhiều viên chức Hoa Kỳ, các tùy viên quân sự ngoại quốc tại Sài Gòn và các phóng viên thì người lính sinh trưởng tại Hà Nội này thuộc vào hạng chỉ huy có khả năng và dữ dằn nhất trong cuộc xung đột này.

    "Nếu Huế rơi thì cuộc chơi của chúng tôi sẽ chấm dứt," Lân tiếp tục. "Đó là lý do tại sao chính phủ chúng tôi đã điều động các đơn vị tinh nhuệ nhất ra phía Bắc và phía Tây nơi đây. Nếu ngày nào Việt Nam được thống nhất thì Huế phải thành thủ đô trở lại. Bọn Bắc Việt biết điều này nên cuộc công kích hiện giờ cũng hoàn toàn nhằm vào điều đó." Ngày hôm sau, một tù binh Bắc Việt xác nhận với tôi chuyện này.

    "Mục tiêu của chiến dịch này là gì, theo cấp chỉ huy của anh?" Tôi hỏi anh ta.

    "Chiếm Huế và thiết lập một chính quyền cách mạng trong Thành Nội ngay lập tức," anh trả lời.

    Chúng tôi phỏng vấn anh ta tại một vị trí tiền phương khoảng 20 dặm về hướng Bắc của Huế. Anh ngồi xổm dưới đất, bị trói và bịt mắt trong khi một Đại úy TQLC VNCH quạt đuổi ruồi khỏi mặt anh, một trung sĩ gắn trên môi anh một điếu thuốc đã châm sẵn và một hạ sĩ khác cho anh uống nước. Perry và tôi rất cảm động trước nghĩa cử đối với kẻ địch vào một thời điểm mà miền Nam còn đang phải chiến đấu cho sự sống còn của mình.

    Anh lính mới chỉ 17 tuổi, xuất thân từ Nam Định, một thành phố cách Hà Nội 50 dặm về hướng Nam. Sau ba tháng huấn luyện căn bản anh được điều vào Trung đoàn 66 Bắc Việt đến Quảng Trị và lần xung trận đầu tiên cũng là lần cuối cùng của anh. "Ba phần tư người trong Tiểu đoàn tôi đã tử trận và tôi bị thương trên đầu," anh nói với tôi, "sau đó thì tôi bị bắt."



    Perry Kretz

    Lính Thủy Quân Lục Chiến VNCH nghỉ ngơi bên những khẩu đại bác
    đúc từ đầu thế kỷ 19 trong Kỳ Đài Huế


    Perry Kretz

    Không đội trời chung với Việt Cộng, tuổi trẻ Huế xung phong chống cộng






    Perry Kretz

    Thủy Quân Lục Chiến VNCH săn sóc tù binh Cộng sản Bắc Việt


    Perry Kretz

    Perry Kretz, Tướng TQLC Bùi Thế Lân và tác giả tại Huế

    Chúng tôi lái lên hướng Bắc theo Quốc lộ 1 được người Pháp đặt tên là "Con lộ không niềm vui," do đã có quá nhiều lính tráng và dân thường đã bỏ mạng nơi này trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Chúng tôi biết là không thể đi xa được bởi vì hầu hết các đơn vị tiên phong của Bắc Việt chỉ cách Huế 20 dặm.

    Mục đích của chuyến đi này là thử xem tình trạng của con đường này trong bối cảnh lịch sử của nó, so sánh với những gì tôi đã đọc trong các cuốn sách của Bernard Fall. Tôi cũng tự hỏi không biết những đứa trẻ chăn trâu mà tôi đã kể khá nhiều trong một chương trước có còn đây hay không. Té ra là chúng biến mất đâu cả rồi và điều này là một dấu hiệu đáng ngại. Quốc lộ 1 đã trở thành một con đường đáng sợ. Chiếc xe của chúng tôi là chiếc duy nhất trên con lộ đột nhiên trở thành chiến tuyến giữa vị trí quân Bắc Việt hướng Tây và các lực lượng VNCH hướng Đông. Đạn súng cối và pháo binh bay qua đầu từng đợt bất thường.


    Perry ngồi trên ghế hành khách bên cạnh Hiền trong khi tôi thì ngồi đằng sau ngó chăm chú qua vai Hiền vào mặt đồng hồ tốc độ, càng lúc càng lo lắng. Mũi kim đồng hồ ít khi nào vượt qua mức 30 cây số một giờ. Dán sát mũi vào mặt trong kính chắn gió, anh chàng Hiền cận thị lái chậm rãi một cách nguy hiểm vô cùng trên đoạn đường gian nguy này.

    "Lái nhanh lên đi, Hiền," tôi khẩn khoản nói với anh, "Chúng ta bị bắn sẻ mất. Chỉ có tốc độ mới thoát thôi."

    "Tôi phải xem xét mặt đường kẻo có mìn, thưa ông," Hiền nói, "Nhưng mắt tôi không tốt lắm để có thể nhìn thấy chúng."

    "Vậy thì để tôi lái đi, mắt tôi còn tinh," tôi nói.

    "Không được thưa ông. Chiếc xe này chỉ được bảo hiểm dưới tên tôi thôi,"
    anh trả lời một cách không thành thật lắm làm Perry nổi điên lên.


    "Ya hoid him, ya schmuck..., lái nhanh lên!" Perry tru lên bằng một giọng có thể được kính nể tại New York nhưng hoàn toàn không phải là cách lý tưởng để thuyết phục một nhà trí thức người Huế.

    Đến đây thì Hiền giận lắm rồi. Anh đạp mạnh thắng. Chiếc xe jeep đậu lại ở một chỗ tệ hại nhất có thể bị mắc kẹt trong một cuộc đụng độ: tại một nơi trống trải trên một con lộ thoáng ra mọi hướng, trong khi đạn pháo binh hai bên bay vun vút qua đầu.


    Hiền và Perry cãi nhau càng lúc càng hăng bằng bốn thứ tiếng. Tiếng Hiền the thé pha lẫn tiếng Việt và tiếng Pháp trong khi Perry hò hét phần giống như dân New York, phần như dân sinh trưởng vùng Rhineland của anh. Kịch trường của sự phi lý đã đạt đến một mức độ mà có lẽ thần chết đã trở thành một khả năng có thể xảy ra. Tôi giựt lấy chìa khoá xe của Hiền và nói, "Tôi muốn sống sót qua trận này và tôi chạy đi núp đây. Nếu quý vị bình tĩnh lại trước khi mất mạng thì theo tôi vào cái mương kia." Tiếp theo tôi nhảy ra khỏi đằng sau xe và chạy lúp xúp khoảng 500 thước đến khi tìm được một một cái hốc bên cạnh đường đủ sâu để núp vào như một cái hố cá nhân.

    Hiền và Perry còn tiếp tục cãi nhau một chập nữa nhưng không lâu lắm. Họ chạy theo tôi vào cái hố cho tới khi cuộc đụng độ lắng dịu dần. Thật là kỳ diệu, chiếc xe của Hiền không hề hấn gì.

    "Tôi sẽ lái đây," tôi nói và vòng xe lại. Tôi nhấn ga và lái quanh co về lại hướng Huế, vừa cố gắng tránh bị bắn tỉa vừa lái vòng qua những khoảng mặt đường bị vá trông có vẻ như có dấu bị đặt mìn.

    Trên đường về gần thành phố chúng tôi chỉ đi ngang duy nhất một chiếc xe dân sự khác. Đó là một chiếc xe buýt Lambretta ba bánh, hay xe Lam. Người tài xế có vẻ không màng gì đến chuyện bị bắn sẻ hay đạn súng cối gì cả. Đột nhiên anh ta ngừng lại, chúng tôi cũng vậy, khá ngạc nhiên về đồ chở trên xe và người hành khách. Chúng tôi thấy hai cỗ quan tài nhỏ và một người đàn bà có bộ răng nhuộm đen. Bà ta vật vã gào thét, "Ôi các con tôi, ôi các con ơi, tại sao con lại bỏ mẹ ra đi?"

    "Chuyện gì vậy?" Tôi hỏi người tài xế xe Lam. Hiền dịch lại.

    "Mấy đứa nhỏ bị chết đêm qua vì Bắc Việt pháo kích làm ngôi làng chúng tôi đằng kia bị phá hủy hoàn toàn," người tài xế trả lời, chỉ tay về hướng một cụm những túp lều đổ nát vài trăm thước về phía Nam dọc theo Quốc lộ 1. Tám người lính VNCH xuất hiện từ những hầm cá nhân cạnh bên đường tiến đến khiêng hai cỗ quan tài. Họ chôn chúng bên bờ một khúc ruộng, dặn dò người mẹ đừng đến quá gần. "Cẩn thận có mìn đấy!" Họ cảnh cáo.

    Từ một khoảng cách ngắn, người phụ nữ ném một nắm kẹo vào ngôi mộ trước khi các binh sĩ lấp nó lại.

    Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Đến vùng ngoại ô Huế chúng tôi đi ngang khoảng một chục thiếu niên có vũ trang ngồi xổm trên một bức tường. Trông họ còn quá trẻ để vào lính.

    "Họ là ai vậy?" Tôi hỏi Hiền.

    "Nhân dân tự vệ," anh nói. "Tất cả họ đều tình nguyện chiến đấu chống Cộng sản."

    "Cái này mới à," tôi thăm dò, "Đặc biệt ở Huế mọi người có vẻ không muốn dính dáng đến chiến tranh."

    “Không đâu,” Hiền giải thích. "Chúng tôi khi trước thường ghét người ngoại quốc, đầu tiên là người Pháp rồi sau đó là người Mỹ. Nhưng từ sau Tết Mậu Thân chúng tôi thù Cộng sản, tất cả mọi người từ học sinh cho đến
    Hoàng Thái Hậu."

    "Cái gì? Vẫn còn Thái Hậu à?"

    "Dĩ nhiên rồi, bà là mẹ của Hoàng đế Bảo Đại. Tên bà là Hoàng Thị Cúc," anh trả lời, "Chúng tôi gọi bà là Đức Từ Cung, có nghĩa là một vị cung phi từ bi đức độ nhất."

    "Đức," tôi thốt lên. "Biệt danh tôi cũng là Đức và có nghĩa là người Đức nữa. Như vậy chúng tôi cũng có điểm giống nhau đây."

    Ít nhất một lần anh chàng Hiền đạo mạo cũng tự cho phép mình nở một nụ cười và đùa một chút:

    "Ngoại trừ một điều, bà ta là Đức... Hoàng Tộc."

    "Như vậy thì bà ta không phải đi theo con trai lưu vong qua miền Nam nước Pháp à?"

    "Không, bà sống ngay đây trong một căn biệt thự trên đại lộ Lê Lợi."

    "Anh có quen với bà không, có thể sắp xếp cho tôi phỏng vấn được không?" Tôi hỏi.

    "Đúng, tôi có quen với bà. Nhưng không, bà sẽ không cho anh phỏng vấn. Thái Hậu không cho ký giả phỏng vấn, chỉ cho tiếp kiến thôi. Tuy nhiên tôi nghĩ có thể thu xếp được cho anh."


    Hai ngày sau, Hiền đưa chúng tôi đến chỗ cư ngụ của Thái Hậu. Điều đầu tiên tôi nhận ra là hàng chữ nguệch ngoạc trên bờ tường vườn bà. "Cắt đầu," có nghĩa là cắt cổ họng. Nhưng chữ tiếp theo "Mỹ," có nghĩa là người Mỹ, đã bị sơn trắng đi, rõ ràng là một nhận định chính trị.

    Một người cận thần thật gầy mặc bộ áo dài đã sờn nát hướng dẫn chúng tôi cung cách hành xử trước mặt Hoàng gia. Chúng tôi phải cung kính chắp tay trước mặt. Chúng tôi không được chạm vào người Bà và không được lên tiếng trước. Bà có đặc quyền được mở đầu câu chuyện.

    Chúng tôi được dẫn vào phòng khách và Đức Từ Cung, một người phụ nữ bé nhỏ 83 tuổi mặc chiếc áo dài màu vàng, màu dành riêng cho vua chúa, ngồi trên một chiếc ngai vàng cầu kỳ đằng trước một bàn thờ cũng cầu kỳ không kém trên đó có hình phu quân của bà, Hoàng đế Khải Định và hình của người con xa xôi Bảo Đại. Bà luôn miệng hút thuốc lá Bastos là một loại thuốc lá đen rất nặng.



    Perry Kretz
    Triều kiến Đức Từ Cung Hoàng Thái Hậu

    Nước trà ướp hoa nhài được dâng lên trong những chiếc tách sứ tráng men có viền vàng. Đức Từ Cung nói nhỏ nhẹ bằng tiếng Việt và người cận thần dịch lại. Bà nói rõ Bà chỉ là người giữ chỗ cho con trai là người cai trị chính danh của Việt Nam. Bà sẽ không bao giờ tự nguyện rời bỏ Huế trừ phi bọn Cộng sản tiến chiếm và bắt Bà. Tuy nhiên Bà đã không chịu rời nhà trong suốt ba tuần lễ khủng bố của bọn chúng trong đợt Tết Mậu Thân 1968.

    "Tôi không thể lìa bỏ thần dân," Bà nhấn mạnh.
    "Dân chúng Huế vẫn còn ủng hộ triều đình. Họ đến diện kiến tôi cả ngày, người giàu cũng như kẻ nghèo, quý tộc và thường dân, cao hay thấp. Tổng thống Thiệu và Phó Tổng thống Kỳ mới đây còn phái các vị phu nhân đến viếng thăm tôi để bày tỏ sự kính trọng và Đại tá Tôn Thất Khiêm, Tỉnh trưởng Thừa Thiên vẫn thường xuyên thỉnh ý kiến tôi."


    Nghe Bà kể chuyện là một kinh nghiệm u sầu, giống như lần gặp Hoàng thân Norodom Sihanouk vào năm 1968. Có phải đây là một màn kịch trường của sự phi lý nữa chăng? Tôi không nghĩ như vậy. So sánh với những gì tôi đã trải qua tại Huế, điều này đánh động tôi một thoáng nhìn về một cuộc sống bình thường có văn hoá đáng lẽ cái xứ sở này phải có và lòng tôi trĩu buồn khi nghe kể là để kinh tài cho phong trào phục hoàng, Bà đã phải bán đi những chiếc bình sứ trong các ngôi đền tổ tiên hoàng gia.


    Còn một chuyện nữa tôi phải làm trước khi vĩnh viễn rời Huế: là một người say mê về xe lửa, tôi muốn đi thăm một lần chót cái ga tầu hỏa cũ kỹ của Huế. Tất nhiên du lịch bằng xe lửa tại Việt Nam đã bị gián đoạn từ lâu rồi, nhưng tôi vẫn luôn bị xúc động bởi cái phong cách mà người Việt Nam gìn giữ, ít nhất về bề ngoài của một sự liên tục, với các thời khóa biểu và lịch trình giá cả được cập nhật hóa hết sức tỉ mỉ.


    "Chúng ta có mặt ở đó tám giờ vào buổi sáng đi," Hiền đề nghị.


    Chúng tôi đến sớm hơn một chút, tản bộ trên nền sân ga. Chúng tôi nhận thấy một tấm bảng mờ cho biết là Sài Gòn cách 1.041 cây số và Hà Nội 688 cây số. Một đầu xe lửa diesel đang nổ máy đậu tại đó. Cái đầu máy này cùng với một toa hành lý tạo thành Chuyến Tầu Tốc Hành Xuyên Đông Dương đã từng lừng danh một thời.


    Ông trưởng ga xuất hiện, mở ra một lá cờ đỏ, vẫy lên và huýt một hồi còi. Chiếc đầu máy hụ còi và đúng tám giờ sáng chuyến tầu hỏa rời khỏi trạm ga. Năm phút sau, nó trở lại, chỉ di chuyển một vòng vỏn vẹn không hơn một cây số. Kỹ sư tầu, một người trạc 50 tuổi có tên là Dương tắt máy. Trưởng ga cuộn cờ đỏ lại và một ngày làm việc của họ chấm dứt. Một lần nữa họ đã chứng tỏ là Chuyến Tầu Tốc Hành Xuyên Đông Dương vẫn còn hoạt động.


    Lạ lùng thay, hoạt cảnh này không có gì là phi lý đối với tôi mà nói lên niềm đức hạnh hay "Đức" trong tiếng Việt tức một lời chứng thực cho niềm hy vọng khi đối mặt với tai họa. Khi chúng tôi rời ga xe lửa, hai chục người phu xe đang chờ bên ngoài với những chiếc xích-lô xếp hàng thật ngay ngắn.


    "Tại sao lại ở đây?" Perry Kretz hỏi anh xích-lô trưởng toán.

    "Không ở đây thì chúng tôi ở đâu bây giờ?" Anh hỏi ngược lại.


    Vào lúc đó và tại nơi đó, tôi chợt hiểu là có sự hợp lý trong cái kịch trường của sự phi lý.


    Perry Kretz

    Tài xế xích lô xếp hàng đợi khách vô hình trước cổng ga xe lửa

    tầu đã ngừng chạy tại Huế


    PS:
    tk cảm ơn quí bạn đã ghé đọc, đôi khi tham gia, cho ý kiến;
    đặc biệt là CCG.
    Bài dài, tk không giỏi nên đã chuyển sang một cách vụng về nhưng
    CCG vẫn kiên nhẫn theo dõi.






















    Last edited by thuykhanh; 01-25-2017 at 08:05 PM.

  4. #24
    HeaWeaSUNHawk CCG's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Location
    Kapa'a Kauai
    Posts
    1,865
    Chị Thuỵ Khanh.

    Em vô chào chị. Bài viết rất là hay, càng đọc càng ngậm ngùi cho những năm tháng lớn lên trong chiến tranh.


    "Vào lúc đó và tại nơi đó, tôi chợt hiểu là có sự hợp lý trong cái kịch trường của sự phi lý."

    - em cám ơn chị đã post.


    ps: NganHa1 có nhắc về chị khi 2 đứa em gặp nhau. Tụi em rất quí chị. Mong được gặp chị khi có dịp.

    Thương,

    em.
    Last edited by CCG; 01-27-2017 at 07:17 AM.






  5. #25
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    Quote Originally Posted by CCG View Post
    Chị Thuỵ Khanh.

    Em vô chào chị. Bài viết rất là hay, càng đọc càng ngậm ngùi cho những năm tháng lớn lên trong chiến tranh.


    "Vào lúc đó và tại nơi đó, tôi chợt hiểu là có sự hợp lý trong cái kịch trường của sự phi lý."

    - em cám ơn chị đã post.


    ps: NganHa1 có nhắc về chị khi 2 đứa em gặp nhau. Tụi em rất quí chị. Mong được gặp chị khi có dịp.

    Thương,

    em.
    tk chào CCG,
    Cảm ơn em đã theo dõi, còn cho tk lời khuyến khích quí báu. Cho chị gởi lời thăm và cảm ơn Ngân Hà.

    Hồi ký của ông Uwe Siemon-Netto đã giải đáp cho chị vài thắc mắc có từ hồi còn ở Traị tỵ nạn Mã - Lai. Trong một lần nói chuyện, ông Đức trẻ này nói thẳng là không thích người Mỹ và bảo rằng nếu sau này có qua Mỹ chỉ để thăm những người bạn Việt Nam như chị và những người tỵ nạn khác.
    Chị đã không hiểu sao người thanh niên này có vẻ bài Mỹ vậy nhưng ngại không hỏi.

    Thì ra người dân Đức đã theo dõi và biết tình hình nước mình từ lâu, còn rõ hơn mình nữa; nhờ bài viết của những người như ông phóng viên chiến trường kể trên.
    Khi gia đình chị được chuyển qua trại chuyển tiếp Cheras ở Kuala Lampur, ông Đại sứ Đức và bà vợ có đến thăm trại và hỏi chị cần gì không. Vì trại sắp đóng cửa nên chị không dám xin gì hết, sợ phí.

    Trước đó chị đã xin mấy bà Mỹ vô làm việc thiện nguyện sách báo và phương tiện để làm một thư viện nhỏ cho mọi người có nơi đọc sách; xin banh cho mấy em nhỏ chơi. Họ còn mang con vô múa hát, sinh hoạt chung với các em nữa.

    Sắp sang năm mới, xin chúc CCG, Kim, dulan, anh Hoài, anh Triển, ốc, cuocsi, Việt Hạo Nhiên, anh Kiến, The Monk of Canterbury cùng Phố và các bạn cũng như gia đình được sức khỏe dồi dào, nhiều niềm vui và muôn điều như ý.




    (Nguồn hình: từ Net và anh Triển)

    Last edited by thuykhanh; 01-27-2017 at 01:04 PM.

  6. #26
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Quote Originally Posted by thuykhanh View Post


    Trong một lần nói chuyện, ông Đức trẻ này nói thẳng là không thích người Mỹ và bảo rằng nếu sau này có qua Mỹ chỉ để thăm những người bạn Việt Nam như chị và những người tỵ nạn khác.
    Chị đã không hiểu sao người thanh niên này có vẻ bài Mỹ vậy nhưng ngại không hỏi.

    Không phải chỉ có những người dân sự không thích Mỹ , trong QLVNCH cũng có những người ghét Mỹ ...đã có lần tôi nói đến Cố Vấn J P Vann trong mặt trận Charlie , khi còn sống , anh SONGCON gửi cho tôi xem những nhận xét không tốt về J P Vann , có những người Mỹ rất tốt ...tiếc rằng HỌ chỉ là những tiếng nói lẻ loi trong guồng máy khổng lồ phải chạy theo ý định quốc hội Mỹ

  7. #27
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    Quote Originally Posted by hoài vọng View Post
    Không phải chỉ có những người dân sự không thích Mỹ , trong QLVNCH cũng có những người ghét Mỹ ...đã có lần tôi nói đến Cố Vấn J P Vann trong mặt trận Charlie , khi còn sống , anh SONGCON gửi cho tôi xem những nhận xét không tốt về J P Vann , có những người Mỹ rất tốt ...tiếc rằng HỌ chỉ là những tiếng nói lẻ loi trong guồng máy khổng lồ phải chạy theo ý định quốc hội Mỹ

    Chào anh Hoài,

    Những người lính Mỹ ở Việt Nam về cũng bị đối xử rất tệ. Tôi nhận ra điều này sau khi làm việc ở nhà thương một thời gian. Biết tôi là người Việt, không có vẻ thù oán gì, một bác sĩ chuyên về giải phẫu não bộ, cột sống ( Neurosurgery) cho tôi hay đã ở Quảng Trị năm 1969.

    Mỗi buổi sáng, xe jeep của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đưa ông từ Lavang đến bệnh viện QT làm việc rồi buổi chiều đưa về căn cứ chứ không hề bắn giết ai. Ông dặn tôi dấu chuyện này, đừng cho người nào biết.

    Về sau có 2 DS trước kia cũng ở VN, họ vào sau và tránh nói chuyện về VN. Tôi tận tình giúp (training) họ quen với công việc đến nỗi
    boss và supervisors đã hỏi sao mấy người mới biết việc mau vậy. Thế là từ đó, khi nào có DS mới là họ giao cho tôi huấn luyện đó anh Hoài.
    Cô DS phụ tá boss kể rằng hồi chồng cô ta ở VN về, đã bị người dân Mỹ nhổ bọt vào mặt.

    Sau này, tình trạng đã cải thiện nhiều rồi, anh Hoài à.

  8. #28
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    **

    Ngày 30 tháng 6 vừa qua, vị BS của TQLC nói ở trên nghỉ hưu.

    Nhân viên của bịnh viện chuẩn bị một phòng tiếp tân để ông có dịp chào giã từ sau 50 năm làm việc trong ngành Y.
    Các BS kỳ cựu thường không có đông người đến gặp nên ông không mong đợi gì nhiều.

    Rồi thì BN bắt đầu đến : " ông ấy cứu tôi mấy lần", Darren Cox ở Laureldale nói. " Ông giúp giải phẫu tôi từ khi 12 tuổi, bây giờ tôi 42."

    (còn tiếp)

    Meganne Quick, 35 tuổi, ở Sinking Spring có khuyết tật bẩm sinh nơi cột sống mang tên spina bifida.
    "Ông ấy là BS của tôi từ khi mới sinh ra" cô nói. "Tôi sẽ nhớ dù chỉ được thấy ông."

    Trong ba giờ đồng hồ, Cox, Quick và 250 bịnh nhân khác cùng gia đình của họ đến để gặp vị BS sắp nghỉ hưu.
    Giòng người bao quanh hai phòng họp.
    Bịnh nhân từ rất trẻ đến rất già. Vài người cầm gậy hay dùng xe lăn, chậm chạp tiến đến nơi tiếp tân của
    bệnh viện. Nhưng tất cả đều muốn có mặt ở đó.

    Những người khác rơm rớm nước mắt vì BS này đã có mặt khi họ cần ông.
    " Vợ tôi có bướu não và ông BS đã mổ bỏ đi và tiếp tục chữa trị bà năm năm dài," Roy Snyder ở Wyomissing nói
    vậy. Bà vợ Mary Jane của ông mất năm 2015.
    " Ông ấy là BS giỏi nhất và tôi muốn đến để cảm ơn," lời ông Snyder.

    Phỏng dịch một phần trong bài Gifted surgeon gets big send-off của Matthew Nojiri
    đăng trên nhật báo Reading Eagle ngày July 11,2017

    http://life@readingeagle.com

    _________

    PS:
    Chào và cảm ơn anh Hoài cùng Phố.
    tk xin lỗi đã không dịch hết được toàn bài vì lý do sức khỏe.
    Hôm qua, lúc cho tk xuất viện, BS đã dặn phải nghỉ dưỡng nên không
    dám làm hết sức mình.
    Last edited by thuykhanh; 07-14-2017 at 07:32 AM. Reason: sửa lỗi chính tả

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 0
    Last Post: 05-31-2015, 07:54 AM
  2. Replies: 16
    Last Post: 04-20-2014, 06:46 AM
  3. Vươn lên sau chiến tranh
    By Lotus in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 1
    Last Post: 03-10-2013, 12:54 PM
  4. Replies: 1
    Last Post: 02-22-2013, 12:24 PM
  5. Facebook Việt xôn xao tranh 'lạ' về Việt Nam
    By Ba Ếch in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 12
    Last Post: 10-18-2011, 10:01 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:18 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh