Register
Page 2 of 3 FirstFirst 123 LastLast
Results 11 to 20 of 28
  1. #11
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    ** tk xin đăng tiếp bản dịch của chương 15, mời Phố đọc:

    Tình Yêu của Một Phóng Viên Cho Một Dân Tộc Nhiều Đau Thương

    Chương 15: Tết Mậu Thân 1968: Hoả Ngục Huế
    Bản dịch của Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền

    Nguồn: Diễn đàn Cựu Sinh Viên Quân Y

    Đà Nẵng là một thành phố khốn cùng vào đầu tháng 2 năm 1968. Lạnh lẽo và mưa phùn chẳng khác nào như tôi vừa bay đến một vùng Bắc Âu. Các đường phố vắng tanh, ngoại trừ xe quân đội. Tôi đã ôm ấp hy vọng được qua đêm trên chiếc Helgoland tại Đà Nẵng để biết tình trạng chiếc tầu này ra sao trong vụ Tổng công kích Mậu Thân và được ăn thức ăn Đức bổ dưỡng mà tôi đang thèm. Từ lúc rời khỏi Viên Chăn tôi chưa hề có được một bữa ăn ra hồn nào. Tuy nhiên, viên thuyền trưởng đã khôn ngoan mang chiếc tầu ra vùng an toàn của hải phận quốc tế rồi.

    Vì vậy tôi đến trại báo chí MACV, tuy thiếu hấp dẫn nhưng có một nhà ăn tạm được và một quầy rượu rất đầy đủ. Tôi gọi một ly Dry Martini, ăn một miếng steak kèm một chai rượu vang, đi tắm nước nóng và cảm thấy sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu mà sau này hóa ra không thể có những thứ xa xỉ này trong một thời gian nữa. Trời vẫn còn tối khi tôi gia nhập một đoàn xe TQLC Hoa Kỳ sáng sớm hôm sau. Tôi bận hai bộ đồ trận chồng lên nhau, chẳng bao lâu sau còn tròng thêm một cái thứ ba nữa và tôi hài lòng là chiếc áo giáp còn giúp tôi ấm thêm chút ít.

    Một số nhà báo từ trại báo chí đã can đảm dùng đường bộ đầy nguy hiểm đến vùng phụ cận của cố đô Huế vẫn còn nằm trong tay của Cộng quân. Vì đây là cơ hội tốt nhất để chúng tôi có thể sớm đến nơi đó. Màn mây rất thấp và tình hình an ninh chung quanh phi trường Phú Bài bất ổn đến nỗi chúng tôi có thể sẽ phải chờ đợi nhiều ngày để có được một cái vé đi máy bay quân sự.

    Trước khi được phép leo lên xe vận tải, mỗi người trong chúng tôi được phát một khẩu M.16. "Chúng tôi biết là điều này trái với thông lệ," viên thượng sĩ giải thích, ý nói là Hiệp định Geneva quy định là phóng viên chiến trường không được mang súng. "Nhưng," ông ta nói thêm, "Chúng ta sẽ phải đi qua những vùng hết sức nguy hiểm và có thể bị phục kích. Trong trường hợp đó quý vị phải tự bảo vệ lấy. Vậy quý vị có hai sự lựa chọn: mang theo súng hay ở lại phía sau."

    Chúng tôi đến Phú Bài phía Nam Huế không hề hấn gì, ngoại trừ một cảnh tượng đã làm nổi dậy tính hài hước của tôi. Ngồi cạnh tôi đàng sau chiếc xe vận tải có một cặp phóng viên tạp chí Stern gồm một nhiếp ảnh gia và một ký giả. Người chụp hình là Hilmar Pabel, một trong những người nổi tiếng nhất trong nghề chụp ảnh của giới báo chí Đức, và là một cựu chiến binh lão luyện phi thường . Bức hình chụp tôi trên bìa của cuốn sách này chính là tác phẩm của anh. Hilmar đã chụp nó trong một lúc tạm lắng giao tranh trong khu phố ở Huế.

    Tay đồng nghiệp của anh là một chuyện khác. Hắn là một ký giả trẻ tuổi người Áo đặc trưng cho cái khuôn mẫu tả khuynh thổ tả đã từng nhiễm độc đời sống trí thức Tây Âu vào thời gian đó để đạt đến cực độ với cuộc nổi dậy của giới sinh viên trong đại nạn tháng 5 năm 1968 tại Paris, và nó đã lần lượt nhiễm độc toàn bộ lục địa và một phần lớn những gì còn lại của thế giới Tây phương.

    Tên hắn là Peter Neuhauser. Bỏ qua cái ý thức hệ Mác-xít thì hắn lại là một gã vạm vỡ dễ mến không khác gì những người lính TQLC mà chúng tôi đang tháp tùng đi chung. Vì vậy họ rất thích hắn mà không hề biết gì về quan niệm thân cộng của hắn cả. "Anh trông giống như bọn tôi lắm," đám lính nói. "Chỉ cần cắt cái mái tóc thôi," họ tiếp. Do đó khi chúng tôi đến tiền trạm của Sư đoàn 5 TQLC Hoa Kỳ đàng sau phi trường Phú Bài, họ lôi Peter vào một cái lều, cạo cái đầu hắn, dí một cây M.16 vào tay hắn và reo lên khoái trí: "Chào mừng Trung sĩ mới của chúng ta!" Từ đó thì họ gọi hắn là "Gunny," và Peter dưới mắt bao nhiêu người, gã Peter thân cộng này lại có vẻ thích thú với "cấp bậc" mới của mình vô cùng, mà ta có thể thấy rõ qua các bức hình Hilmar Pabel đã chụp cho hắn. Điều này đã chẳng giúp được gì cho sự nghiệp của hắn. Những tấm hình chụp Neuhauser trong tư thế tác chiến cùng với những tấm khác cụ thể hơn trong bộ sưu tập phim của Pabel rốt cuộc đã đến văn phòng chính của tạp chí Stern tại Hamburg vài ngày sau đó và đã gây phẫn nộ trong các đồng nghiệp của hắn. Không một ai thấy có gì buồn cười cả. Hắn không bao giờ được phái đi công tác ở ngoại quốc nữa.

    Sáng hôm sau, khi Peter và tôi tháp tùng một tiểu đoàn TQLC vật vã tác chiến từng tấc đất vào Huế, hắn có vẻ được giác ngộ, dù chỉ là trong khoảng khắc. Trên con lộ dẫn vào cố đô của Việt Nam chúng tôi thấy cơ man các xác chết của dân thường, riêng rẽ hay từng nhóm, toàn là phụ nữ, cụ già và trẻ em. Họ đều ăn mặc tươm tất nhân dịp đầu năm mới. Qua vị thế của các tử thi chúng tôi thấy có nhiều phụ nữ đã cố gắng dùng thân mình để che chở cho con, chống lại bọn sát nhân.

    "Bọn Cộng sản bạn mày đã làm điều này, Peter!" Tôi mắng Peter một cách tàn nhẫn.

    Mặt hắn biến sắc trắng bệch. "Chắc chắn không phải đâu," Nó trả lời, "Những người này bị máy bay Mỹ giết."

    "Không đâu, Peter, thương vong vì không tập chẳng như thế này," tôi vặn lại, "Trông những vết thương trên đầu và trên mình mẩy họ kìa. Nhìn cách một số người phụ nữ đang giơ tay che mặt đi. Họ bị bắn ở cự ly rất gần. Tin tôi đi, tôi đã thấy chuyện này rồi: Đây là thành tích của những toán chuyên giết người. Những gì chúng ta đang thấy đây là bằng chứng tội ác chiến tranh. Những người này đã bị thanh toán vì bất cứ lý do điên rồ nào đó mà bọn Cộng sản phải thủ tiêu cả đàn bà, trẻ em và người già.

    Peter Neuhauser giữ im lặng, nhưng tôi biết đã không thuyết phục được hắn. Chính hắn đã xác nhận với tôi khi chúng tôi gặp lại nhau vài tháng sau tại Hamburg. Neuhauser qua đời vài năm sau đó vì nguyên nhân tự nhiên, nhưng vẫn trong tâm trạng tả khuynh không sao cứu vãn được. Suốt vài chục năm sau, thỉnh thoảng tôi cảm thấy một nỗi buồn đau đớn là mặc dù đã chứng kiến hàng loạt người vô tội bị thảm sát trên con lộ đến Huế, vậy mà điều này vẫn không lay chuyển nổi tâm trí của một gã mà đáng lẽ ra là một con người dễ mến này.
    Những ngày bên cạnh hắn đã dạy tôi một trong những bài học đáng sợ trong sự kiện Tết Mậu Thân là: chẳng có gì, ngay cả những bằng chứng không thể chối cãi nhất, có thể mong làm thay đổi tốt được những ý tưởng cố chấp về ý thức hệ.

    Phú Bài và Huế chỉ cách nhau khoảng 10 dặm nhưng chúng tôi mất gần một ngày trời để vào đến khu trại MAVC gần bờ Đông Nam của dòng sông Hương có lẽ đã được đặt tên sai. Các cuộc đụng độ lẻ tẻ thiếu không trợ vì thời tiết bay xấu và nhu cầu phải dọn dẹp các xác chết trên đường đã khiến chúng tôi bị chậm trễ. Doanh trại nằm trong khu vực mới của thành phố, xây dựng theo lối Âu Châu với những đại lộ rộng rãi và những căn biệt thự kiểu Pháp đầy tiện nghi, một cơ sở Cercle Sportif, tức Câu lạc bộ Thể thao xinh xắn và một cư xá đại học với những tòa nhà chung cư theo phong cách thập niên 1950 cho nhân viên giảng huấn được xây dựng theo kiểu mẫu xấu xí đặc thù trong thời kỳ đó của các dự án gia cư rẻ tiền đầy rẫy ở vùng ngoại ô phía bắc Paris.

    Vào thời điểm chúng tôi đến, quân đội Hoa Kỳ và VNCH đã tạm ổn định phần nào khu vực này của thành phố, ít nhất là vào ban ngày. Trong khi đó thì Cổ thành với vòng thành nội vi hoàng gia, còn gọi là "Purple City" bắt chước theo kiểu mẫu Tử Cấm Thành Bắc Kinh vẫn còn nằm chặt chẽ trong tay Cộng quân.

    Doanh trại MACV gồm một khách sạn khi xưa với khu vực ăn uống ở tầng trệt, phòng ngủ của sĩ quan ở hai tầng trên và một ngôi nhà phụ với 20 căn phòng. Bên cạnh tòa nhà phụ là những cái gọi là "hootches" tức những lều tạm bợ, khu vực mở rộng cho lính tráng. Khu vực này chật cứng với tạp nham đủ loại người khác nhau: quân nhân, ký giả, tình báo viên, nhân viên cứu trợ, nhân viên Việt Nam làm việc cho Mỹ và các viên chức chính quyền cùng gia đình tìm nơi trú ẩn tránh vùng giao tranh và tránh những toán ám sát của Cộng sản vẫn còn đang lùng sục để giết tại chỗ những người mà họ quy là phản động trong thành phố.

    "Xin lỗi quý vị, chúng tôi hết giường tạm rồi, không còn chăn nệm nữa. Quý vị phải tự tìm lấy chỗ nằm thoải mái trên nền xi-măng này vậy," viên Trung sĩ quân nhu đón tiếp chúng tôi tại khu vực trước kia là nhà ăn nói. "Có khẩu phần C ở góc đàng kia và rất nhiều túi giấy đựng xác để quý vị giữ ấm. Lấy bao nhiêu cũng được. Tối nay sẽ lạnh lắm đấy."

    Khu trại đóng cửa ban đêm. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Chúng tôi nghe tiếng giao tranh mãnh liệt phía Bắc dòng sông nhưng thỉnh thoảng cũng có tiếng súng đụng độ ngay bên ngoài chu vi doanh trại. Tôi thu người vào khoảng trống chật hẹp giữa mấy gia đình người Việt, trải ba cái túi đựng xác xuống đất dùng thay nệm, phủ lên mình ba cái túi đựng xác khác đúng ra dùng để chuyển những binh sĩ tử trận, có những lỗ đánh dấu phía nào là đầu phía nào là chân. Tôi gối đầu lên cái ba lô. Những người bên cạnh tôi nói được tiếng Pháp. Họ thì thầm với tôi là trong cái ngày trước Tết các toán sát thủ Cộng sản đã đến từng căn nhà với danh sách những người sẽ bị xét xử trước cái gọi là tòa án nhân dân và sau đó thì hạ sát họ tại chỗ, không cần xét xử.

    "Anh có nghĩ là những ông giáo sư người Đức có tên trong các danh sách đó không?" Tôi hỏi người đàn ông bên phải tôi.
    "Chắc chắn là có, giống như các linh mục người Pháp và những người ngoại quốc khác. Họ đều bị dẫn đi," anh trả lời tôi.

    Giữa đêm, hàng loạt tiếng súng liên thanh ngay trong khu vực gần nhất chúng tôi nổi lên tạch tạch tạch, tạch tạch tạch, tạch tạch tạch, tạch tạch tạch, tạch tạch tạch (5 lần)...
    "Xử tử," người đàn ông Việt Nam bên tay phải tôi nói. "Súng AK-47 Kalashnikov."
    "Sao anh biết?" Tôi hỏi.
    "Bây giờ nghe tiếng súng này quen quá rồi. Vừa rồi không phải là đánh nhau. Đó là năm loạt súng từ một khẩu liên thanh - có chủ đích rõ ràng."
    "Có gần đây không?" Tôi hỏi tiếp.
    "Không xa hơn trăm thước đâu."

    ( còn tiếp)

    Last edited by thuykhanh; 01-16-2017 at 09:59 PM.

  2. #12
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Chị TK chơi màn cọp dê từng đoạn cho đọc thèm chơi hở? )))
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  3. #13
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,563
    MACV mà cứ viết thành MAVC.

    https://macvteams.org/

  4. #14
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Lộn chút mà. Không bươi móc nha.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  5. #15
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    Quote Originally Posted by Triển View Post
    Chị TK chơi màn cọp dê từng đoạn cho đọc thèm chơi hở? )))
    Dạ không có, tk sợ dán nguyên chương dài quá, bà con mỏi mắt rồi không thèm đọc nữa.

  6. #16
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    Quote Originally Posted by ốc View Post
    MACV mà cứ viết thành MAVC.

    https://macvteams.org/

    Cảm ơn ốc đọc và chỉ ra chỗ sai, để tk sửa lại.

  7. #17
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342

    Tình Yêu của Một Phóng Viên Cho Một Dân Tộc Nhiều Đau Thương

    Chương 15: Tết Mậu Thân 1968: Hoả Ngục Huế
    Bản dịch của Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền

    ( tiếp theo và hết chương 15)



    40 năm sau, tôi kết bạn với anh Tôn Thất Di tại miền Nam California, anh có họ hàng xa với hoàng tộc. Chúng tôi thảo luận về biến cố Tết Mậu Thân 1968 tại Huế và khám phá ra là cha anh, hai người chú và hai người anh em họ khác có thể là nạn nhân của vụ thảm sát đêm hôm đó. Cha của anh Di tên là Tôn Thất Nguyên đã từng là thị trưởng thành phố Đà Lạt và sau đó làm công chức bộ Xã Hội tại Sài Gòn mà trụ sở tôi rất quen thuộc vì nằm sát cạnh tiệm cà phê La Pagode trên đường Tự Do.

    Tháng Giêng 1968, Tôn Thất Nguyên bay đến Huế để ăn Tết với các anh em và các cháu tại biệt thự của họ. Di và tôi đã nghiên cứu tấm bản đồ Huế. "Đây là vị trí căn nhà họ," anh nói, chỉ vào một điểm không xa hơn 100 thước cách khu nhà ăn của trại MACV. "Chúng tôi chỉ tìm thấy lại xác của một ông chú. Do đó chúng tôi không thể làm đám tang cho ông cụ được."

    Tôi không bao giờ biết được rằng tôi thực sự là nhân chứng nói của cái chết của họ hay đó là một vụ thảm sát khác, tuy nhiên khoảnh khắc đó nằm mãi trong trí nhớ của tôi, chủ yếu bởi vì nó được tiếp nối bằng một một kinh nghiệm siêu thực khác đã từng xảy ra quá nhiều với tôi tại Việt Nam: một con gì đó thật to, nóng ấm, kêu quàng quạc chui vào dưới ba chiếc túi đựng xác của tôi. Hóa ra đó là một con ngỗng trắng với cái mỏ màu vàng và lông xám hai bên cánh. Tôi lúc nào cũng thích ngỗng, nhất là khi chúng được quay và dọn với bắp cải đỏ vào dịp Giáng Sinh. Nhưng tôi chưa hề có được một con ngỗng nào chui rúc vào mình như vậy cả, mà con này có vẻ hoảng hốt cùng cực. Cùng với hàng đoàn ngưòi tỵ nạn Việt Nam con chim khiếp sợ này đã trốn vào khu trại Mỹ từ lúc đầu cuộc Tổng công kích Tết và chạy lạch bạch chung quanh khu đất từ đó, thỉnh thoảng kiểm tra những chỗ ngủ. Lính Mỹ đặt tên nó là Garfield. Như một con ngỗng canh gác, Garfield hằng đêm ra một điểm quan sát luôn luôn tại một chỗ cố định để dòm chừng ra ngoài đường. Nhưng khi nó nghe thấy tiếng súng nổ ngay ngoài cổng, nó đã hoảng hốt tìm chỗ núp ngay bên cạnh tôi. Tôi đuổi nó ra khỏi khu vực ngủ, cho nó về chỗ canh gác lại.

    Lúc bình minh, nhóm phóng viên chúng tôi được phép rời khỏi doanh trại với điều kiện phải mang theo súng M.16 để tự vệ. Peter Neuhauser, Hilmar Pable và tôi nhận mỗi người một khẩu, nhưng theo đề nghị của tôi, chúng tôi đã cãi lệnh và giao lại súng cho lính canh ngoài cổng. Trên đường đến khu chung cư của các Giáo sư người Đức đã bị bắt cóc, tôi lý luận: "Thử hỏi nếu chúng ta chạm trán với một toán tuần tiễu Việt Cộng thì sao? Chúng ta sẽ bị chết ngay. Nếu không mang súng, ít nhất chúng ta còn vin cớ không phải là chiến binh, mặc dù chẳng biết có nghĩa lý gì với họ hay không."

    Vừa run rẩy trong cơn mưa phùn lạnh lẽo, chúng tôi vừa đi bộ về hướng Tây đường Lê Lợi. Cái đại lộ từng là một con đường lịch sự giờ đây vắng ngắt và trông hết sức tiều tụy. Những căn biệt thự lỗ chỗ vết đạn, cây cối đổ nát hay bị gãy cành hết sống nổi.
    Khi chúng tôi đến gần Câu Lạc Bộ Thể Thao, nơi mà thỉnh thoảng tôi vẫn ăn tối với các Giáo sư Đức và cũng là nơi mà bà Elisabeth Krainick thường đến bơi, tôi mơ màng hy vọng là một người hầu bàn trung thành sẽ có mặt để pha cà phê cho chúng tôi nhưng đó chỉ là một ý tưởng điên rồ. Không còn một ai nữa, không có ai ngoại trừ lính TQLC Hoa Kỳ vượt qua mặt chúng tôi trên xe jeep và thiết vận xa. Trong một lúc bầu trời mây che phủ sáng ra và chúng tôi nhìn qua phía bên kia sông Hương. Chúng tôi thấy lá cờ Việt Cộng màu đỏ xanh với một ngôi sao vàng ở giữa đang bay trên pháo đài và nghe cả tiếng giao tranh ác liệt nữa.

    Khu chung cư gia đình Krainick đang ở nhìn qua kinh Phú Cam. Một chiếc xe tăng Mỹ cũng đậu ở mạn Bắc của khu vực này. Đùng! chiếc xe tăng nã một phát đạn đại bác qua bên kia con kinh. Đùng đoàng! Cả căn chung cư rung chuyển khi chúng tôi đang leo lên chỗ ở của gia đình Krainick trên lầu bốn. Có cả một trung đội TQLC đang đóng tại chỗ đó và căn phòng trông hoang tàn khủng khiếp. Quần áo, sách vở, tài liệu khoa học và giấy tờ riêng tư bị ném bừa bãi khắp nơi. Tôi hết sức bực mình thấy Peter Neuhauser lục lọi đống giấy tờ và lén bỏ vào túi một số hình ảnh của gia đình Krainick.

    "Mày không mắc cở hả?" Tôi hỏi anh ta.
    "Phải làm vậy thôi nếu anh làm việc cho một tạp chí hình ảnh," hắn lạnh lùng trả lời tôi và bỏ đi.

    Tay Trung đội trưởng là một Thiếu úy 23 tuổi dáng dấp chắc nịch quê tại New Mexico. Nhìn thoáng qua, tôi biết ngay hắn là một gã ngốc và cách ăn nói cũng đúng như vậy. Anh ta dưong oai diệu võ trong một chiếc áo thun trắng, chẳng chịu mặc áo giáp hay đội nón sắt gì cả. Đùng! Chiếc xe tăng bắn thêm một quả nữa.

    "Xe tăng bắn vào cái gì vậy?" Tôi hỏi anh ta.

    Viên Thiếu úy dắt tôi đến một cánh cửa kính mở trông ra ban công và chỉ vào một căn biệt thự xây theo lối Tây bên kia con kinh:

    "Bọn Việt Cộng bắn tỉa," anh ta nói. "Tụi nó đang bắn về phía chúng ta."

    "Tại sao anh lại đứng đây với cái áo thun trắng, để làm mục tiêu tuyệt vời cho tụi nó sao?"

    "Thưa ông, tôi là TQLC, được huấn luyện để chiến đấu và để chết."

    "Có phải là dân đóng thuế bên Mỹ tốn cả nửa triệu bạc để đào tạo một sĩ quan chuyên nghiệp không?" Tôi thách thức anh ta. "Mặc dù anh không thiết mạng sống anh, bộ anh thật sự nghĩ là anh có quyền đặt cái vốn đầu tư đó một cách cẩu thả như vậy hay sao? Và tạo cơ hội để lính tráng mất người chỉ huy?" Anh ta nhìn tôi chẳng hiểu gì cả.

    Khi tôi bước ra khỏi cửa chính đi xuống cầu thang thì tôi nghe thấy một tiếng thét hãi hùng như chưa từng nghe thấy bao giờ. Tiếng hét không mang giọng người. Tôi quay lại. Viên Thiếu úy loạng choạng tiến về phía tôi tay ôm ngực bên trái máu phun ra có vòi. Anh lảo đảo ngã xuống, lăn nhào xuống cầu thang và chết tức tưởi. Bọn bắn tỉa đã lấy mạng sống của anh.

    Tôi đi ngang qua bệnh viện trường Đại học mà Giáo sư Horst-Günter Krainick, Bác sĩ Raimund Discher và Bác sĩ Alois Alteköster từng làm việc. 75 phần trăm cơ sở đã bị phá hủy trong cuộc xung đột. Nhìn thấy quân phục tôi, hầu hết những thường dân Việt Nam tránh ánh mắt tôi. Họ quá sợ bị trông thấy đang kết thân với một "người Mỹ," mặc dù bảng tên trên nón sắt của tôi xác định tôi là một phóng viên người Đức, Tây Đức giống như các bác sĩ đã thành lập nên cái trường Đại học Y khoa. Rõ ràng là họ ngại rằng bọn Cộng sản có thể trở lại và trả thù những người mà họ thấy đã hợp tác với kẻ thù – những người như tôi.

    Một người đàn ông lớn tuổi lặng lẽ kéo tôi sang một bên để kể lại những câu chuyện kinh hoàng của những phiên tòa khôi hài được gọi là tòa án nhân dân. Nó được bọn Bắc Việt dựng lên để xét xử các cư dân thuộc tầng lớp quý tộc cũ, thành phần tư sản, các công chức VNCH, những người ngoại quốc, người công giáo tòa thánh La Mã, các linh mục, nói chung tất cả những ai bị nghi ngờ không đồng lòng với "Cách mạng."

    "Họ không bị bắt một cách tình cờ đâu, thưa ông," ông ta nhấn mạnh, "Tên tuổi của những người đó nằm trên danh sách mà bọn cán bộ Cộng sản mang theo. Tại những phiên tòa như vậy, họ không có cơ hội để tự bào chữa. Họ bị tuyên án, mang đi và bị bắn bỏ."

    "Có bao nhiêu người?"

    "Làm sao biết được? Hàng trăm, hàng ngàn?"

    Cho đến ngày hôm nay vẫn không có con số chính xác bao nhiêu nạn nhân. Những con số ước đoán vào khoảng từ 2.500 đến 6.000 người.

    "Phần tệ hại nhất của cuộc tấn công này là khi giao tranh lan đến khu điều trị bệnh tâm thần," ông già tiếp tục câu chuyện. Ông không cho tôi biết tên tuổi hay chức nghiệp nhưng trông ông có vẻ là một người có học qua trường Tây. "Các bệnh nhân trở nên điền cuồng, họ chạy khắp nơi, đánh lẫn nhau trong cơn hoảng loạn. Ông không thể nào tưởng tượng được nó như thế nào. Nhiều người bị mất mạng vì họ không thể chạy khỏi lằn đạn hai bên bắn nhau. Thật giống như một cảnh tượng trong vở kịch Hỏa ngục của Dante."

    "Lúc đó thì ông đang ở đâu?"

    "Tôi trốn trong đám bệnh nhân, thưa ông, và làm bộ cũng là bệnh nhân vậy tuy thật sự không phải, và điều này đã cứu sống tôi."

    Ông khuyên tôi nên đi qua thính đường chính của trường Đại học lúc đó đang chật cứng hàng trăm người vô gia cư, tất cả vẫn ăn mặc chỉnh tề, còn đang ở các trạng thái bàng hoàng với những nét mặt không còn cảm xúc gì nữa. Nhiều người bị thương và có rất ít, nếu có, các y tá và bác sĩ để chăm sóc họ. Không có nước máy, không có điện và không có cả phương tiện vệ sinh.

    "Hãy qua bên trường Quốc học nữa," ông già nói với tôi và đây là một lời khuyên đúng. Ngôi trường Trung học tuyệt đẹp này nằm trên mạn Nam của dòng sông Hương là một trong những cơ sở tráng lệ nhất trong cả nước. Được thành lập bởi Ngô Đình Khả, phụ thân của Tổng thống Ngô Đình Diệm vào năm 1896 như là một viện giáo dục quốc gia ưu tú để dậy dỗ cho các hoàng tử và con cái các Đại thần có được một nền giáo dục hỗn hợp Pháp và Viễn Đông. Danh sách học sinh giống như danh sách "Who's Who" (Danh nhân) của nền chính trị Việt Nam, miền Bắc cũng như miền Nam. Ngô Đình Diệm đã từng học tại đó, Hồ Chí Minh cũng vậy dưới cái tên cúng cơm Nguyễn Sinh Cung, đồng thời có cả tướng Võ Nguyên Giáp cũng như Phạm Văn Đồng, con của một vị quan nhất phẩm triều đình.

    Khi tôi đến khuôn viên trường, nó lại giống như một khu trại tỵ nạn nữa. Có ai nói với tôi là có khoảng 8.000 người tạm trú trong cái cơ sở đẹp đẽ đó, nhiều người run rẩy trong cơn giá lạnh chờ được phát thức ăn và nước. Mặc dù tôi không thể kiểm tra được con số đó nhưng thực tế là rất nhiều.

    Trên đường quay về khu trại MACV tôi phát hiện ra hàng chữ vẽ nguệch ngạc trên tường của một căn biệt thự lớn. Hàng chữ viết "Cắt đầu Mỹ." Khi tôi nhìn kỹ hơn thì thấy chữ "Mỹ" chỉ mới thay chữ "Pháp" không lâu. Có lẽ tôi hơi nóng vội tiết lộ trước chương sau nhưng cái thông tin này phù hợp với chuyện vài tuần lễ sau, khi tôi đi thăm trở lại Huế thì cái khẩu hiệu này được đổi thành "Cắt đầu Cộng sản!"
    Điều này cho tôi biết là sự ghê tởm đối với hành vi của Việt Cộng đã làm thay đổi niềm ghét bỏ người ngoại quốc của dân Huế nếu có, cũng như đã thay đổi tư tưởng bài ngoại khá mạnh mẽ tại đây. Tư tưởng bài ngoại khiến người Mỹ cho tới Tết 1968 đã phải giữ một thái độ thật âm thầm trong cái thành phố này. 25 ngày đêm chiến sự tại Huế, sự bắn giết, đập đầu đến chết và chôn sống hàng ngàn cư dân, đưa đến 116.000 người mất nhà cửa trong một dân số vỏn vẹn 140.000 đã mang lại cái kết quả thất bại nặng nề nhất đối với Cộng sản: nếu có lúc nào Cộng sản được lòng dân chúng Huế thì nay chúng đã mất hết rồi.

    Tôi đi nhanh về trại MACV để điện thoại tường thuật câu chuyện cho bạn đồng sự với tôi là Friedhelm Kemna ở Sài Gòn, cũng như để báo tin cho Nam tước von Collenberg tại tòa Đại sứ tin tức cập nhật về các vị bác sĩ Đức. Chỉ có một đường giây điện thoại ra ngoài mà có cả một hàng dài người đang chờ đợi để gọi đi. Hai tiếng đồng hồ sau mới tới phiên tôi. Lúc đó tôi phải làm việc thông qua một loạt các cuộc trao đổi quân sự với hy vọng là các điện thoại viên đều thông thạo công việc. Thực tế không phải như vậy.

    Tôi lớn tiếng thét lên trong điện thoại dã chiến: "Huế đây, làm ơn cho tôi Phú Bài! - Phú Bài, cho tôi Đà Nẵng! - Đà Nẵng, cho tôi Nha Trang! - Nha Trang, cho tôi Qui Nhơn! Qui Nhơn, cho tôi Tân Sơn Nhất! - Tân Sơn Nhất, cho tôi Mãnh Hổ (trung tâm điện thoại quân sự Sài Gòn)! - Mãnh Hổ, cho tôi PTT - PTT, làm ơn cho tôi khách sạn Continental."

    Sau hai lần thất bại, sau cùng tôi gọi được khách sạn, trong lòng cầu nguyện là "kẻ thù" của tôi, cái gã Ấn Độ từ Madras lúc nào cũng say mùi thuốc phiện không trực điện thoại chiều hôm đó. Nhưng hắn đã có mặt!

    "Siemon-Netto đây, làm ơn cho tôi nói chuyện với Kemna đi," tôi nói bằng tiếng Pháp.

    "Ông Siemon-Netto không có ở đây," gã nghiện thuốc phiện nói và cúp điện thoại cái rụp!

    Cảm ơn Chúa, người đồng nghiệp Mỹ đằng sau đuôi tôi cũng ở khách sạn Continental và có một người nhận tin đang chờ sẵn tại đó. Anh ta đọc xong bản báo cáo và nói phía bên kia giữ đường đây để chạy qua gọi Freddy cũng ở cùng tầng lầu với nhau. Do đó, sau cùng tôi cũng xoay sở gởi bài tường thuật cho Freddy xong và yêu cầu anh chuyển lời nhắn qua cho Nam tước Collenberg.

    Sau đó thì tôi cảm thấy thèm rượu. Cảm ơn Chúa, tôi có mang theo một bình huýt ky mỏng trong ba lô. Sau những kinh nghiệm rùng rợn của ngày hôm đó, một vài ngụm từ cái bình đó cộng thêm vài lát bánh mì pumpernickel thật là một niềm hạnh phúc hoàn hảo. Bây giờ tôi phải chờ quân đội Mỹ di hành.

    Cổ thành Huế và pháo đài vẫn còn nằm trong tay của khoảng 10.000 quân Bắc Việt. Chúng tôi được nghe là Sư đoàn 1 bộ binh VNCH mặc dù chiến đấu dũng mãnh vẫn chưa vào được mạn Tây Bắc sau khi cố gắng tái chiếm pháo đài và đang chờ các đơn vị của Sư đoàn 1 TQLC Hoa Kỳ tấn công từ mạn Đông Nam. Nếu chuyện này xảy ra, tôi dự định sẽ bám theo một trong những Trung đội đó.

    Những gì xảy ra tiếp theo đó quá kinh hoàng khiến tôi chỉ còn nhớ lại trong đầu những mảng rời rạc của cái ngày tôi tháp tùng một Trung đội TQLC vượt qua con sông Hương vào lúc ba giờ sáng. Tôi còn nhớ là Trung đội đó đông hơn bình thường, quân số khoảng 53 người. Tôi cũng nhớ là các cấp chỉ huy có bản lĩnh hơn nhiều đám chỉ huy Trung đội tôi đã gặp trong căn chung cư của Krainick. Đau buồn thay là tôi chứng kiến hầu hết trong số họ bị thương hay thiệt mạng trước khi ngày hôm đó chấm dứt.

    Tôi nhớ chúng tôi đã giao tranh trong từng căn nhà gần như bắt đầu từ thời điểm đặt chân lên mạn Nam bờ sông. Bọn Bắc Việt cố thủ hết sức chặt chẽ bắn về phía chúng tôi từ khắp các cánh cửa sổ. Tôi tìm lại được câu chuyện tôi viết về trận chiến này trong tờ nhật báo Amsterdam De Telegraaf, một chi nhánh của Springer Foreign News Service.

    Bài báo tập trung vào cái kinh nghiệm đau đớn nhất của tôi ngày hôm đó, một trong nhiều chuyện mà tôi chỉ còn nhớ một cách mơ hồ. Tôi chạy bên cạnh một tay Hạ sĩ da đen. Chúng tôi bị ghìm chặt bởi lằn đạn bắn tỉa từ một cửa sổ phía trên một căn lầu nên vội vàng nhào xuống đất. Viên Hạ sĩ bắn từng loạt M.16 tưới lên cửa sổ để áp đảo kẻ địch. Nhưng rồi khẩu súng anh bị kẹt đạn, dường như tất cả loại súng đó thường hay bị kẹt hoài như vậy tại Việt Nam. Tay súng bắn tỉa lập tức nã đạn vào chúng tôi. Tay Hạ sĩ ném một quả lựu đạn vào trong cửa sổ. Ngay lập tức tiếng súng ngừng lại và anh Hạ sĩ reo hò lên.

    Tiếp theo đó một người phụ nữ bước ra khỏi nhà bồng xác một đứa trẻ đẫm máu đi về hướng anh Hạ sĩ. Anh ta phát hoảng. "Ôi trời đất ơi! Ôi trời đất ơi, tôi đã làm gì vậy? Tôi đã giết một đứa bé! Cứu con với Chúa ơi! Trời ơi, trời ơi!!!" Anh hét lên quay cuồng như mắc cơn động kinh trong khi đó thì Việt Cộng tiếp tục bắn tỉa về phía chúng tôi từ các cánh cửa sổ khác. Tay Trung sĩ Trung đội phải dùng sức kềm chặt anh ta lại và sau đó dẫn anh ra khỏi vùng chiến đấu.

    Mãi đến ba giờ chiều tôi mới có dịp coi giờ trên cái đồng hồ của tôi trong một lúc tạm lắng giao tranh. Tôi nhìn chung quanh. Những người lính cùng chung lưng với tôi 12 tiếng đồng hồ trước đây đâu cả rồi? Tôi đếm được 10, có thể là 15. Những người khác hoặc đã bị thiệt mạng hoặc bị thương. Một Trung đội khác đến thay chúng tôi. Đã đến lúc tôi phải ra khỏi nơi này thôi. Tôi xoay sở về lại được sông Hương. Kỳ lạ thay là bọn Cộng sản đã để lại cây cầu chính còn nguyên. Tôi đi bộ qua đó và đến một khu vực bãi đáp trực thăng đầy những người bị thương nặng, có đến hàng trăm người, nhiều người đang rên rỉ vì đau đớn.

    "Thưa Thiếu tá," tôi hỏi viên sĩ quan phụ trách bãi đáp, "chuyện gì xảy ra ở đây vậy? Tại sao những người bị thương vong này chưa được tản thương đi?"

    Hắn chỉ tay lên trời: "Điều kiện bay xấu!"

    "Nhưng thưa Thiếu tá, tôi đã từng thấy thời tiết tồi tệ hơn nhiều. Trần mây còn đủ cao mà," tôi phản đối.

    "Đúng vậy nhưng anh thấy đó, TQLC chúng tôi không có đủ trực thăng."

    "Lục Quân thì sao? Tôi biết là cách đây 10 dặm ở Phú Bài có hai phi đoàn trực thăng của Lục Quân đang sẵn sàng tác chiến."

    "Thưa ông, TQLC chúng tôi không gọi nhờ Lục Quân bao giờ."

    Tôi nhớ đã tự nhủ trong lòng: một cái lá phong trên ve áo bộ quân phục Thiếu tá rõ ràng không phải là giấy chứng nhận cho một chỉ số thông minh cao. Ðã đến lúc phải rời nơi đây thôi. Hí trường của sự phi lý đang biểu hiện dấu hiệu của sự điên rồ đây. Tôi đã thấy những mặt đẹp đẽ nhất cũng như những điều xấu xa nhất của nhân loại trong vài ngày vừa qua: sự hy sinh đầy thương tâm và lòng dũng cảm tương phản với sự ác độc không thể tưởng tượng nổi của Cộng sản và sự xuẩn ngốc của một thiểu số khờ khạo chứng nhận được mặc quân phục.

    Tôi nhớ là nước mắt tôi đã ràn rụa khi nghĩ đến những người tôi thấy đã ngã xuống tại Huế, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, và những thương binh trẻ Mỹ nằm trên cáng rên rỉ trong đau đớn cùng cực mà không có ai để báo cho họ biết nguồn tin an ủi là họ đã đánh bại quân thù. Hơn một nửa trong số 80.000 Cộng quân tham gia vào Tổng công kích Tết Mậu Thân đã bị thiệt mạng, hạ tầng cơ sở Việt Cộng hoàn toàn bị phá vỡ.

    Đây là một chiến thắng quân sự lớn. Một chiến thắng cam go cho phe Đồng minh, nhưng là chiến thắng hiển nhiên.

    “Ich habe genug vom Tod,” tờ báo Chủ nhật toàn nước Đức Bild am Sonntag đã lên tựa cho bài tường thuật của tôi từ Huế như vậy, có nghĩa là "Tôi đã chán cảnh chết chóc đó lắm rồi." Tôi rất nôn nóng thoát ra khỏi Huế. Nhìn thoáng qua bãi đáp trực thăng tôi đoán là tôi không có hy vọng gì mau mắn đáp được một chuyến trực thăng. Tuy nhiên tôi trông thấy một chiếc tầu đổ bộ LCU của Hải Quân Việt Nam gần đó. Tôi chạy đến chiếc tầu và gặp người chỉ huy là một Trung úy với làn da sậm dầy như một thủ lĩnh da đỏ Comanche.

    "Chúng tôi sắp ra khơi đây," anh ta nói, "Mình nên chào mừng cho sự tiến bộ: đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu Tổng công kích Tết có một chiếc LCU vận hành đến khúc sông này. Sẽ có rắc rối đấy!" Chúng tôi hướng về phía Đông và lập tức bị hỏa lực súng nhỏ bắn tới từ hướng Bắc với loạt đạn đụng vỏ tầu dội ngược ra. Nhưng chiếc tầu vẫn tiếp tục đi về phía đầm phá Tam Giang, mặc dù tôi không ở trên tầu lâu lắm. Tiếng súng lắng dần khi chiếc tầu tăng khoảng cách với Huế. Tôi ngủ thiếp đi. Khoảng giữa đêm, viên Trung úy lay tôi dậy nói, "Anh nên xuống chỗ này đây." Anh đã đậu tầu lại tại bãi cảng của một căn cứ MACV nhỏ ở mạn Nam dòng sông.

    Tôi không còn nhớ bằng cách nào từ đó tôi về lại Đà Nẵng, có lẽ bằng trực thăng. Tôi chỉ biết là tôi đến doanh trại báo chí hoàn toàn như một cái giẻ rách. Tôi chưa cạo râu trong tám ngày trời. Hai bàn tay bẩn thỉu, những ngón tay vàng khè vì khói thuốc và mình mẩy hôi rình. Tôi không còn nhớ tôi có đói hay không nữa, bộ phận tiêu hóa của tôi đã hoàn toàn khép lại từ khi tôi rời khỏi trung tâm báo chí này hơn một tuần lễ trước đó.

    Tôi mượn đồ lót và một bộ quần áo trận mới từ một sĩ quan Mỹ và xin một người phụ nữ làm việc quét dọn trong khu trại giặt quần áo cho tôi càng nhanh cành tốt. Lúc đi tắm, một làn nước màu đen xám chảy từ mái tóc và thân thể tôi xuống. Cạo sạch bộ râu lởm chởm là việc làm chính trong ngày. Sau đó tôi xuống hội quán uống hai ly Dry Martini nhưng không thể ăn được bất kỳ thứ gì. Do đó tôi nằm thẳng cẳng trên giường và ngủ một mạch bốn tiếng đồng hồ rồi dậy viết bài tường thuật và gọi điện thoại báo cáo cho Freddy ở Sài Gòn.

    Cuối ngày hôm đó tôi ghé thăm chiếc Helgoland, cảm ơn thay, nó đã quay về bến. Tuy nhiên trên boong lại thông báo là chiếc tầu sắp rời cầu tàu và yêu cầu tất cả khách đến thăm hãy trở về. "Ở lại với chúng tôi đi," các y tá và bác sĩ khẩn khoản, "Trông anh tiều tụy quá. Hãy ăn một bữa cho ngon, uống một vài ly rượu, quên chiến trận trong một đêm và nghỉ ngơi đi." Còi tầu hụ lên. Tôi không thể nào nhấc mình nổi cho dù tôi có muốn đi chăng nữa. Những người bạn Đức đã cho tôi một khoảng thời gian rất yên trên hải phận quốc tế.

    Những giây phút hạnh phúc đó không kéo dài lâu. Buổi sáng hôm sau tôi quay về trung tâm báo chí. Quần áo tôi đã có lại và tôi may mắn đón được một chiếc trực thăng bay trở lại Huế. Trong doanh trại MACV tôi chạm trán với Peter Braestrup, trưởng phòng Washington Post tại Sài Gòn.

    "Họ đã tìm thấy một mồ chôn tập thể," anh nói, "chúng tôi đang định đi tới đó, vậy sao anh lại không muốn đi theo hả?" Một chiếc xe vận tải quân sự chở chúng tôi và các phóng viên khác đến một chỗ thuộc ngoại vi phía Tây Bắc của Huế mới giành khỏi sự kiểm soát của Cộng sản không bao lâu.

    Có hàng trăm phụ nữ, đàn ông và trẻ em trong nấm mồ đó, nhiều người rõ ràng bị chết cháy, nhiều người bị nện cho tới chết và nhiều người khác bị chôn sống, theo lời của một sĩ quan VNCH.

    "Làm sao biết là họ bị chôn sống?" Tôi hỏi anh ta.

    "Chúng tôi tìm thấy địa điểm này khi phát giác có những bàn tay mới làm móng chĩa ra khỏi mặt đất," anh trả lời, "Những phụ nữ này đã cố bò ra khỏi mồ chôn họ."

    Peter Braestrup thúc cùi chỏ trái vào tôi và chỉ tay vào một toán truyền hình Mỹ gồm một phóng viên, một tay quay phim và một nhân viên âm thanh đang đứng trước khu mồ chôn một cách ung dung không có hành động gì cả.

    "Tại sao các anh không quay cảnh này?" Peter hỏi họ.

    "Chúng tôi đến đây không phải để quay phim tuyên truyền chống cộng," gã quay phim đáp.

    "Thật là điên khùng, Peter," tôi nói, "Tôi đã chán ngấy cái thứ này lâu rồi."

    "Tôi không trách bạn đâu. Chúng ta đang thua trận chiến này sau khi đã thắng về mặt quân sự. Tất cả ở trong cái đầu mà thôi."

    Ngày hôm đó là một ngày hên của tôi tại Huế. Tôi tìm được một chuyến bay tại phi trường. Có một chuyến Air Vietnam DC-6 sắp cất cánh đi Sài Gòn và tôi có được một chỗ ngồi trên đó. Freddy Kemna nóng ruột chờ tôi tại Continental. Anh đã tỏ ra sốt sắng giữ chỗ và làm người nhận báo cáo cho tôi nhưng bây giờ anh cũng muốn đi ra ngoài chiến trường, tức khu châu thổ sông Cửu Long với một phóng viên Đức khác. "Tôi thích đồng bằng vào khoảng thời gian này trong năm. Ấm áp hơn," anh nói đùa.

    Đó là một ngày Thứ Năm và tôi không mong gì hơn là được đi dự buổi Stammtisch của Donald Wise, tức bữa ăn tối thường xuyên của các phóng viên Âu Châu tại quán Aterbéa, nơi không một ai được phép nói về chiến tranh, về Việt Nam, về chính trị của Hoa Kỳ hay tất cả những vấn đề gì có liên quan dù mơ hồ nhất với toàn bộ sự việc.

    Sau bữa ăn, Donald nói, "bây giờ đã xong rồi và chúng ta được phép nói về chiến tranh trở lại, cho tôi đề nghị thế này: Hay là anh và tôi chia nhau một chiếc taxi để đưa chúng ta đến những mặt trận khác nhau ngay tại Sài Gòn vào mỗi buổi sáng? Cái này rất tốn kém vì tài xế tắc xi có thể gặp rủi ro là xe bị nổ tung. Tôi nghĩ cũng đáng làm lắm. Bọn Mỹ không quan tâm nhiều đến những trận chiến lẻ tẻ này vì chủ yếu thuộc hoạt động của Quân lực VNCH. Tuy nhiên điều này dù sao cũng rất quan trọng."

    Vì vậy chúng tôi kiếm được một bác tài có kinh nghiệm chiến trận và một chiếc Buick có máy điều hòa không khí. Ông đến Continental mỗi sáng để đón chúng tôi đi từ một vùng giao tranh trong thành phố này đến một vùng khác. Một buổi sáng nọ chúng tôi rơi vào một khu giao tranh cận chiến vùng Đông Nam ngoại ô Sài Gòn. Quân lực VNCH kiểm soát một bên đường và bên kia là Việt Cộng hay quân Bắc Việt. Có một căn nhà đang bị cháy phía tay trái chúng tôi.

    Chúng tôi nghe tiếng một phụ nữ thét lên, "Có một con nhỏ trong nhà! Cứu tôi với!"

    Chúng tôi đang nằm dài dưới mặt đất. Donald đứng dậy, lênh khênh với chiều cao một mét chín. Vừa sửa cái nón sắt và tay phải lủng lẳng cái dù che mưa, anh ta thận trọng đi từng bước dọc theo con đường còn đang đánh nhau tới căn nhà đang cháy. Cả hai bên ngừng tiếng súng. Donald bước vào trong và trở ra với một bé gái trên tay, cái dù che mưa vẫn còn treo lủng lẳng. Anh mang cô bé đến một chiếc xe tải thương phía VNCH, trao nó cho anh tài xế và nói, "Đưa nó đến bệnh viện, anh bạn à - Đưa nó đi ngay bây giờ."

    Sau đó Donald lại phóng mình xuống núp dưới đất và tiếng súng lại nổi lên.

    Chúng tôi quay về trung tâm thành phố ăn trưa tại Royal và lái đến vùng Tây Nam Sài Gòn mà theo như bác tài đang có cuộc giao tranh khốc liệt trong từng căn nhà giữa Việt Cộng và Biệt Động Quân VNCH. Khi lái đến gần, chúng tôi thấy nhóm BĐQ đang lúng túng, sau này mới biết vì các sĩ quan và hạ sĩ quan đã bị tử trận rồi. Giữa cơn hỗn loạn đó thì anh bạn đồng nghiệp Hans von Stockhausen của chúng tôi, một phóng viên truyền hình Đức lại đang đứng thẳng người không bối rối, cái đầu thì ngoẹo về một phía.

    Câu chuyện cái đầu bị nghiêng của anh chàng bắt nguồn từ Thế Chiến Thứ Hai khi von Stockhausen là một Thiếu tá trẻ tuổi đang ở trong lò luyện Stalingrad và anh bị bắn bể một nửa cái sọ. Anh là người thương binh cuối cùng được tản thương ra khỏi Stalingrad trên một chiếc máy bay của Không lực Đức Luftwaffe trước khi thành phố này rơi vào tay Hồng Quân. Bác sĩ giải phẫu quân đội đã thay thế miếng xương sọ bị mất bằng một tấm kim loại bằng bạc làm cho cái đầu anh ta bị nặng cứ nghiêng về một bên. Điều này vẫn không ngăn cản anh chàng vui tính xuất thân từ một gia đình quân nhân lâu đời đi làm phóng sự tất cả mọi cuộc chiến tranh mà anh ta mò ra được với tư cách một phóng viên. Vì vậy Donald Wise đặt biệt hiệu anh là viên "Thiếu tá phi nước đại."

    "Ah, Herr Vise," anh Thiếu tá gọi to bằng tiếng Anh pha ngọng tiếng Đức, "Zere is no system here, zere is no system here. You vere a field-grade officer, I vas a field-grade officer. Now let’s together bring some system into this mess.” (Ở đây chẳng ra cái thể thống gì, ở đây chẳng ra cái thể thống gì cả. Anh đã từng là sĩ quan cấp tá, tôi cũng đã từng là sĩ quan cấp tá. Nào chúng ta cùng nhau mang lại một ít thể thống cho cái mớ hỗn độn này đi).

    Do đó Donald Wise, cựu Trung tá quân đội Hoàng gia Anh và Hans von Stockhausen, cựu Thiếu tá quân đội Đức, lặng lẽ hướng dẫn các Trung sĩ và Hạ sĩ còn sống sót của một Đại đội Biệt Động Quân VNCH cách tổ chức phòng thủ trong tình huống chiến đấu trong thành phố và chẳng bao lâu sau thì cuộc đụng độ chấm dứt.

    Nhiều năm sau, Donald Wise luôn nhắc với tôi, "tôi mê cái tay Thiếu tá nhanh như cắt này lắm rồi. Thật là một nhân vật kỳ diệu! Tôi rất mong được dịp bàn về 'thể thống' với hắn ta lần nữa."

    Chúng tôi lái trở về Continental. Vài ngày sau tôi đáp chuyến Air Vietnam bằng phản lực Caravelle đến Hồng Kông. Gillian đã chờ tôi tại phi trường Kai Tak. Nàng trông rất tươi mát trong chiếc váy ngắn lộ ra đôi chân quần vợt tuyệt vời rám nắng, miệng nở một nụ cười ngọt ngào nhất. Nàng dắt theo một con chó Schnudel đặc thù của vùng New Territories, nửa giống chó chow Tàu nửa giống chó xù, màu trắng đầy lông với một cái lưỡi màu xanh. Tôi rất thích con chó nhỏ này vì cái tật kỳ cục hay chào mừng khách phụ nữ của chúng tôi - mà chỉ người đẹp thôi - bằng một cái cắn nhẹ vào mông họ.

    "Chúng mình đến tiệm Peninsula để mừng ngày trở về của anh bằng một bữa ăn tối sớm đi anh," Gillian đề nghị khi chúng tôi trèo lên chiếc Volkswagen màu đỏ, "Em biết anh đang thèm một miếng thịt bò Steak Tartare và một chai vang đỏ Úc." Tính nết tuyệt vời nhất của Gillian là cá tính sôi nổi của cô. Nàng làm tôi thú vị với những mẩu chuyện vui nhộn của khung cảnh xã hội thuộc địa của Vương quốc Anh. Tôi không nghĩ có khi nào tôi vui thích nhiều hơn tối hôm đó với nàng sau nhiều tuần lễ bị chấn thương.

    Nhưng khi chiều xuống chúng tôi đến căn chung cư trên đỉnh Victoria Peak thì nàng đột nhiên trở nên nghiêm trọng. Nhìng thẳng vào mắt tôi, nàng hỏi, "Chuyện gì xảy ra với anh vậy, anh yêu? Trông anh xa vắng quá. Anh chưa ôm em hay hôn em thật sự nữa. Mọi chuyện ổn cả chứ?"

    Bây giờ tôi không thể nhớ đã kể sự thật cho nàng ngay lúc đó hay vài ngày sau nhưng rốt cuộc tôi cũng nói được với nàng câu trả lời đúng nhất: "Anh đã không ôm em trong lòng như đáng lẽ anh phải làm, và cũng không cho em một nụ hôn thích hợp nhất vì anh không muốn làm em bị ô uế. Từ ngày Tết Mậu Thân tại Huế đến nay anh cảm thấy đã bị nhiễm bẩn vô cùng.”
    Tôi bị ám ảnh bởi một cảm giác lơ là bổn phận mà tôi chưa từng bao giờ có. Hàng tuần lễ sau đó tôi không cưỡng nổi cái thôi thúc cứ phải nhảy vào vòi sen nóng để kỳ cọ thân thể nhiều lần trong ngày. Gần một nửa thế kỷ sau, thỉnh thoảng tôi nhận thấy cái tật này bị tái phát. Tôi chỉ biết gán những hồi ức này cho một sự kiện không thể chối cãi được, là tôi đang già đi rồi.

  8. #18
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    **
    Đức: Tình Yêu Của Một Phóng Viên Cho Một Dân Tộc
    Nhiều Đau Thương

    Chương 16: Cuộc Chia Tay Dài Lâu Với Niềm Phi Lý
    Bản dịch của Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền


    Trong những tuần lễ sau Tết Mậu Thân tôi bắt đầu nhận thức được rằng "kịch trường của sự phi lý" không còn là một đề tài để vui đùa nữa, ngay cả đối với các quan sát viên có đầu óc châm biếm nhất. Tất nhiên là anh chàng Eberhard Budelwitz, cái thước đo cho sự phi lý chưa hề sai bao giờ của tôi đã cảm nhận điều này từ lâu rồi. Bằng một hành động kỳ quái trước khi bị triệu hồi về lại Đức để đi cai rượu, và từ đó bổ nhiệm qua thủ đô của một quốc gia Á Châu khác, anh đã biểu lộ sự nhận thức này không phải bằng cách múa lưỡi trước khi trình bày ý kiến như trong quá khứ nữa. Anh không đặt những câu hỏi ngớ ngẩn tại các buổi họp "điên rồ vào lúc 5 giờ," chẳng hạn như các thắc mắc về tầu ngầm cho các nhà sư Phật giáo như là một phương tiện để ngăn ngừa lính TQLC đái bậy vào chùa nữa. Không, lần này Budelwitz đã thể hiện quan điểm của mình bằng hành động tuyệt vọng trong một cơn điên cuồng say xỉn.

    Chuyện xẩy ra trong khách sạn Continental chỉ vài ngày trước khi tôi đi về Hồng Kông, nếu tôi nhớ không lầm. Văn phòng tạp chí Time-Life tổ chức một buổi tiệc chia tay náo nhiệt cho phóng viên James Wilde, một tay mặt đỏ gay, nóng tính người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan đã được lên bảng phong thần của những cách ngôn về chiến tranh Việt Nam bằng một câu nhận xét lạnh người: "Tử khí đã quyện vào da thịt tôi, phải mất hàng năm trời mới gột sạch nổi."

    Jim được chuyển đi Canada và chúng tôi chọc phá anh bằng những câu hỏi về nhiệm sở mới của anh. "Làm sao bạn có thể giữ huyết áp ở mức cao được trong các ngày Chủ nhật khô khan tại Ottawa?" Có người hỏi anh ta như vậy. Rồi đột nhiên anh biến đâu mất. Sau một vài chầu rượu chúng tôi bắt đầu lo lắng nên tổ chức đi tìm anh, dĩ nhiên là bắt đầu trong phòng ngủ. Cửa phòng khép hờ. Ghé mắt vào trong, chúng tôi thấy một bãi chiến trường. Tủ quần áo mở toang và đồ đạc vương vãi mọi nơi. Một trong những cánh cửa sổ lớn kiểu Pháp đã bị rứt ra khỏi khung và bị đập vỡ trên sàn. Có những dấu chân đẫm máu khắp chỗ dẫn đến cửa sổ.

    James Wilde đang nằm run rẩy trên giường với tấm chăn trùm kín tận đầu.

    "Đi đi, đi đi!" Anh ta khóc.

    "Jim, chúng tôi đây mà, bạn của anh đây! Chuyện gì xẩy ra vậy?" Chúng tôi nói.

    "Ồ, các bạn đó hả? Cảm ơn Chúa!" Anh nói, "Tôi mới vào phòng tắm lên giường nằm nghỉ ngơi một chút rồi ngủ thiếp đi. Cửa phòng mở ra và cái thằng Đức cởi truồng vào làm tôi sợ vãi cả đái ..."

    "Thằng Đức trần truồng nào, Jim?" Tôi hỏi, "Tao đứng ngay đây mà, và tao có mặc quần áo đàng hoàng mà."

    "Không, đồ ngu, tao có nói mày đâu! Tao nói cái thằng Đức cứ hay hỏi những câu say khướt về tầu ngầm cho sư Phật giáo và những chuyện tại Follies. Tóm lại, hắn đi thẳng vào tủ quần áo của tao, lôi tất cả đồ ra, mặc cái áo khoác vào, đến gỡ cửa sổ ra đập xuống đất, dẫm một cách khùng điên lên những mảnh kính vỡ rồi đâm đầu nhẩy ra ngoài cửa sổ. Thật là kinh quá, kinh khủng quá!"

    "Hắn bây giờ đâu rồi?" William Touhy của tờ Los Angeles Times hỏi.

    "Tôi không biết, có lẽ nó chết trên vỉa hè rồi. Tôi nghe một tiếng bụp."

    Chúng tôi ra ngoài cửa sổ nhìn xuống cái tán lớn che thêm bóng mát cho khách của mái hiên Continental bên dưới. Nằm trên cái tán đó là đồng nghiệp Eberhard Budelwitz của chúng tôi đang ngủ say, trên người chỉ bận cái áo khoác của Jim Wilde. Tay và chân của anh ta dính đầy máu nhưng ngoài ra thì anh không sao cả. Chúng tôi khiêng anh vào trong nhà, mặc cho anh đồ lót của Jim và mang vào phòng anh mà vẫn không làm anh thức dậy. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Budelwitz. Tôi vẫn luôn trân trọng anh vì những câu hỏi sắc bén dù có phần kỳ quặc và đặc biệt là cho thành tích cuối cùng của anh tại Sài Gòn mà suy nghĩ cho cùng không làm cho chúng tôi ngạc nhiên chút nào. Sự thôi thúc ném mình ra khỏi cửa sổ như là một dấu chấm than đằng sau sự nghiệp ký giả của anh tại Việt Nam đã gây được tiếng vang lớn đối với một số đồng nghiệp của anh.

    Không phải bất cứ ai trong chúng tôi mang ý tưởng tự vẫn trong đầu; trường hợp tôi chắc chắn là không rồi, còn tôi không tin là Budelwitz cũng nghĩ như vậy. Cho dù trong trong tình trạng say xỉn anh cũng đủ thông minh để biết một cú nhẩy qua cửa sổ xuống cái tán không thể gây chết người được. Nhưng bằng một cách lập dị riêng, anh đã nói lên một điều mạnh mẽ: Những gì chúng tôi vừa trải qua trong dịp Tết Mậu Thân là kịch trường của sự phi lý đã lên đến mức độ lố bịch nhất. Biến cố này đã thuyết phục tôi là câu định lý La-tinh "in vino veritas" (Sự thật nằm trong chén rượu) có thể áp dụng cho các ly rượu pha "Screwdriver," ít nhất là trong trường hợp của Budelwitz.

    Sáu tuần trong nhà ở Hồng Kông sau kỳ thử thách Tết Mậu Thân không giúp gì mấy cho lòng mong muốn của tôi được tỉnh táo trở lại. Hai diễn biến chính trị song song với nhau đã khiến cho một số phóng viên đóng tại Hồng Kông tự nhủ ai thực sự đang bị hoảng loạn đây: chúng tôi hay là cái thế giới mà chúng tôi có nhiệm vụ phải tường thuật? Trong cái xứ Cộng Sản Trung Quốc bên cạnh, Cuộc Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Đại đã đạt đến cực điểm. Chúng tôi nhận được các báo cáo sông Châu Giang bị tắc nghẽn bởi xác của các cán bộ Cộng sản bị đập đầu chết bởi các Vệ binh Cách mạng còn trẻ măng. Một số được tìm thấy trong vùng biển Hồng Kông với tay bị trói quặt ra sau lưng bằng dây kẽm và túi thì nhét Hồng Bảo Thư của Mao Trạch Đông.

    Tuy nhiên, dưới một khía cạnh địa lý chính trị, các tin tức về một sự chia rẽ Liên Sô - Trung Cộng và sự kiện Bắc Kinh đã từ chối không cho vũ khí Liên Sô cung cấp cho Bắc Việt được vận chuyển bằng đường xe lửa xuyên qua lãnh thổ Trung Quốc lại càng quan trọng hơn nữa. Điều này đáng lẽ phải được tiếp nhận như là tin tốt đối với Hoa Kỳ nhưng hầu như không được chú trọng trong giới truyền thông Mỹ. Tiếp sau đó lại còn có một mẩu tin động trời hơn nữa.

    Gillian và tôi đi dự một buổi tiệc nhỏ tại tư gia của tay trưởng trạm một cơ quan tình báo Tây Âu. Khách danh dự là một Đại tá Hoa Kỳ thông thạo sáu thổ ngữ Trung Hoa và có bằng Tiến sĩ về Hán học. Chúng tôi biết anh là sĩ quan tình báo quân đội Mỹ phụ trách phân tích các chương trình phát sóng trong phạm vi tỉnh và thông tin liên lạc nội bộ trong Cộng Hòa Nhân Dân (Trung Quốc). Chỗ làm việc của anh, cái trạm nghe lén khổng lồ của Mỹ chỉ cách chỗ ở của chúng tôi vài phút đồng hồ.

    "Nói cho tôi biết đi, thưa quý vị," anh đột nhiên hỏi hai ký giả có mặt, "quý vị thỉnh thoảng có thấy khó khăn như tôi khi muốn gây sự chú ý của các xếp biên tập viên khi nắm trong tay một số tin tức sốt dẻo hay không?"

    "Tôi thì chẳng bao giờ!" Tôi trả lời.

    "Tôi không," anh đồng nghiệp Mỹ nói, "Nhưng tại sao anh lại hỏi?"

    "Bạn thấy đấy, hiếm khi những gì tôi gởi về Washington đến tay Tổng thống trong bất kỳ hình thức thích hợp nào, bất kể tin tức đó có thể quan trọng hay không."

    "Chẳng hạn như?" Tôi hỏi.

    "Ví dụ như tôi đã báo với cấp trên rằng có bằng chứng càng lúc càng nhiều là một cuộc xung đột vũ trang sẽ nổ ra giữa người Hoa và người Nga. Mấy đứa nào đó ở Ngũ Giác Ðài làm nhẹ nó đi trước khi chuyển đến tay xếp tình báo quân đội. Hắn làm loãng thêm trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara nhận được cái tin đó. Mc Namara lại 'tưới nước' nó thêm trước khi đưa qua Bạch Cung."

    "Như vậy thì Lyndon Johnson còn đọc được cái gì?" anh đồng nghiệp Mỹ hỏi.

    "Một dòng chữ vô nghĩa nói rằng theo Trạm Hồng Kông, người Nga và người Hoa không hài lòng với nhau - hay đại loại một cái gì vớ vẩn như vậy."

    "Tại sao anh lại nói cho chúng tôi biết chuyện này?" Tôi muốn biết thêm.


    "Bởi vì tôi tin rằng Tổng thống Hoa Kỳ cần phải được chuẩn bị cho các cuộc đụng độ quân sự giữa hai cường quốc Cộng sản thế giới đó. Ông ta sẽ biết khi đọc câu chuyện này trên báo chí. Quý vị viết về sự kiện đó đi nhưng làm ơn viết nhằm loan báo chung và đừng tiết lộ nguồn."

    Đêm hôm đó chúng tôi báo cáo cái mẩu tin và sáng hôm sau cả thế giới, chắc kể cả LBJ đều biết cuộc xung đột Trung Cộng - Liên Sô thật sự nghiêm trọng như thế nào. Tình trạng nguy hiểm này còn mất một thời gian nữa để đạt đến cực điểm, nhưng một năm sau cuộc trò chuyện trong bữa ăn tối đó của chúng tôi, các lực lượng Trung Cộng và Liên Sô quả nhiên có đụng độ nhau tại sông Ussuri. Lái về từ buổi tiệc của các tay gián điệp, tôi làm vui Gillian với mẩu chuyện Eberhard Budelwitz tự phóng mình qua cửa sổ như một màn trình diễn tối hậu của kịch trường của sự phi lý. Nàng cười ngặt nghẽo.

    "Em hiểu ý anh rồi," nàng nói, "Những gì chúng ta vừa nghe là một màn nữa thuộc kịch trường của sự phi lý."

    "Đúng vậy, kịch trường của sự phi lý ở mức độ cao nhất."

    "Thật đáng sợ," nàng nói, "Đủ để muốn ném mình ra khỏi cửa sổ."

    "Làm ơn theo nghĩa bóng thôi nhé!"

    Sau đó, vào ngày 27 tháng 2 năm 1968 cái tin lớn bùng nổ: Phát ngôn viên Bản Tin Buổi Chiều của Đài Truyền Hình CBS, Walter Cronkite, trở về nhà từ sau một chuyến đi thăm chớp nhoáng tại Việt Nam sau cuộc Công Kích Tết Mậu Thân đã tuyên bố một cách ồn ào trước một cử tọa khoảng 20 triệu khán thính giả là không thể thắng cuộc chiến Việt Nam được. Điều này chối bỏ tất cả những gì các phóng viên chiến trường, bao gồm cả Peter Braestrup và tôi đã trải qua trong ngày Tết. Chúng tôi đã biết những gì mà bây giờ các sử gia đang tuyên bố: Người Mỹ, VNCH và các đồng minh đã đánh bại Cộng sản về mặt quân sự.

    Tuy nhiên ý kiến của Walter Cronkite đã chối bỏ thực tế, chuyển một chiến thắng quân sự thành một thất bại về chính trị.


    "Tôi mất Cronkite, tức đã mất thành phần trung lưu người Mỹ rồi," Lyndon B. Johnson nói, và một tháng sau ông tuyên bố tạm ngưng dội bom Bắc Việt, cũng như quyết định sẽ không tái tranh cử nữa. Với điều này, kịch trường của sự phi lý đã đạt đến cực độ. Chuyện xẩy ra là cùng ngày Johnson ra bản tuyên bố, tức ngày 31 tháng 3 năm 1968, Gillian và tôi đang cùng đi Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên nàng đến Việt Nam. Hầu hết các phóng viên chiến trường giữ gia đình của họ tại Hồng Kông, Singapore hay Bangkok, không chỉ vì sự an ninh của họ mà còn vì một lý do nghe ra chuyên nghiệp nữa: ký giả chiến trường phải có khả năng ra ngoài mặt trận với tính cách ứng chiến đột xuất mà không cần phải bàn cãi lâu lắc vào đêm hôm trước với các bà vợ trong bữa ăn tối.

    Gillian chưa bao giờ tin vào cái lập luận này một cách quá đáng và càng lại không tin nữa khi chúng tôi đáp xuống Sài Gòn. Trên chuyến bay của hãng Cathay Pacific tôi đã cảnh cáo nàng là nhân viên Di trú VNCH có thể rất khó chịu như thế nào. Nhưng khi nàng trình thông hành Anh ra thì khuôn mặt của viên chức đó lại sáng lên.

    (còn tiếp)
    Last edited by thuykhanh; 01-20-2017 at 01:56 PM.

  9. #19
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342
    Tiếp theo

    "Ồ, thưa bà Siemon-Netto, xin chào mừng bà đến đất nước chúng tôi!" Anh ta nói bằng tiếng Pháp, "Dĩ nhiên tôi quen với ông nhà rồi nhưng bây giờ thật là một vinh dự được biết bà."

    "Thật là một người dễ mến," Gillian nói, vừa nguýt tôi.

    "Anh đã bay đến đây cả vạn lần rồi mà hắn có bao giờ nói một tiếng chào hỏi gì anh đâu," Tôi làu nhàu. "Hãy cứ đợi đến lúc gặp nhân viên quan thuế đi. Họ sẽ gây khó khăn cho em ngay mà."

    Rốt cuộc thì anh ta không gây khó khăn cho nàng chút nào mà ngược lại còn đón tiếp Gillian cũng nồng nhiệt y như anh nhân viên nhập cảnh vậy. Anh ta còn không buồn ngó vào hành lý của chúng tôi mà vẫy tay cho đi. Gillian lại càng ngó tôi một cách buồn cười nữa.

    "Thường ra thì mấy người này khám xét từng cái quần lót của anh," tôi lầm bầm. "Nhưng hãy đợi đến khi chúng mình phải vật lộn để có xe về khách sạn Continental đi. Xe tắc-xi không được phép lái thẳng vào ga hàng không nữa."

    Ngay lúc đó thì có một anh trẻ tuổi, có lẽ là một Trung úy Không quân làm thêm công việc tài xế ngoài giờ, mời đưa chúng tôi về khách sạn trên chiếc xe Buick có gắn máy lạnh của anh. Đến lúc này thì Gillian nhìn tôi chằm chằm với sự biểu hiện đã mất niềm tin ở tôi một cách sâu xa.

    Ông Lợi, quản gia chính của khách sạn Continental đón tiếp chúng tôi với một nụ cười rạng rỡ và đích thân đưa chúng tôi đến căn suite 214, trong đó có sẵn 25 bông hồng đỏ chờ đón Gillian với sự ưu ái của chủ nhân. Những bông hoa tuyệt đẹp này đã làm tăng thêm sự nghi ngờ của Gillian.

    "Tại sao anh lại giữ không cho em đến cái chốn tuyệt vời này lâu quá vậy?" Nàng yêu cầu muốn biết.

    Buổi tối hôm đó tại quán Royal, me-sừ Ottavi trải thảm đỏ ra: a-ti-sô, súp hành, pa-tê gan ngỗng, và vịt nấu cam kèm theo một chai Château Cheval-Blanc, loại rượu vang đỏ ngon nhất từ vùng Saint Émilion. Món bánh soufflé tẩm rượu Grand-Marnier lừng danh của Ottavi tiếp theo, chung với một chai sâm banh Dom Pérignon. Cái tay chủ này giấu đâu những kho tàng này hàng mấy năm trời nay vậy?

    Trên đường trở về Continental, Gillian nhận xét một cách thẳng thừng, "Thì ra anh mang các cô tình nhân của anh ra đây!"

    "Nhìn này, em yêu, em có thể nghĩ ngợi cách nào cũng được, nhưng có một điều hết sức quan trọng em phải nghe anh," tôi nói khi chúng tôi bước vào phòng. Tôi chỉ tay vào các cánh cửa sổ kính kiểu Pháp mà tôi đã dán băng keo trong một lần ở trước đó nhằm phòng ngừa miểng kính vỡ trong trường bị Việt Cộng pháo kích.

    "Khi nào tối nay em nghe thấy tiếng lụp bụp," tôi tiếp tục, "em phải theo anh ngay lập tức vào trong phòng tắm và ở đó cho đến khi cuộc tấn công chấm dứt. Phòng tắm là chỗ an toàn nhất trong căn suite này vì không có cửa sổ và nhờ đó tránh được miểng kính vỡ một cách tốt nhất."

    Không màng trả lời tôi, Gillian cuộn mình trên cái giường mà tôi đã có lần kể cho nàng là Graham Greene có lẽ đã từng nằm trên đó.

    Hai tiếng đồng hồ sau, Việt Cộng rót một loạt hỏa tiễn từ những dàn phóng thủ công bằng tre qua sông Sài Gòn vào trong thành phố, giết hàng trăm người kể cả 19 phụ nữ và trẻ em đang trú ẩn trong một ngôi nhà thờ Công giáo. Chúng tôi ngồi suốt cả đêm còn lại trong phòng tắm. Đối với Gillian đây là bài học sơ đẳng về chiến tranh Việt Nam: mặc dù đầy vẻ quyến rũ, Sài Gòn vẫn thật sự là một nơi rất nguy hiểm.

    Quan trọng hơn nữa, đây là một thông điệp không thể nhầm lẫn được từ bọn Cộng sản đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt cho những người mê sảng mơ rằng hòa bình đã gần kề sau khi Hoa Kỳ ngưng ném bom và cũng trong cái ngày mà Johnson tuyên bố không ra tái tranh cử nữa.
    Không cần phải là thành viên của hội Mensa quốc tế để nắm bắt ý nghĩa của cuộc tấn công này: với sự giúp đỡ của Cronkite và những tay truyền thông tương tự, một chiến thắng quân sự đã biến thành một sự thất bại về chính trị cho Hoa Kỳ và VNCH.

    Hơn 100.000 lính Cộng sản đã bỏ mạng trong kỳ Tổng công kích Tết Mậu Thân nhưng Việt Cộng đã –theo quan điểm của họ – sử dụng một cách hiệu quả nhất cái phản ứng vô lý của Hoa Kỳ đối với cuộc tắm máu kinh hoàng này, cái phản ứng xác nhận cho niềm tin của Võ Nguyên Giáp là các chế độ dân chủ không được trang bị về mặt tâm lý để theo đuổi một cuộc chiến tranh lâu dài. Bằng thái độ ngạo mạn, thách thức và tàn nhẫn của bọn độc tài toàn trị, Cộng sản đã lấy lại thế chủ động bằng cách tàn sát và khủng bố thêm nhiều người dân thường nữa.

    Lần này thời gian nghỉ của chúng tôi ở Sài Gòn khá ngắn vì chúng tôi được cấp giấy nhập cảnh đến Cam-Pu-Chia. một điều hiếm khi xẩy ra. Hoàng thân Norodom Sihanouk, người đứng đầu của chính phủ Cam-Pu-Chia ít khi nào cho phép các ký giả Tây Âu được vào vương quốc của ông mà phần cực Đông được Việt Cộng sử dụng như là một khu vực bàn đạp và tiếp vận cho cuộc chiến chống lại miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên trước khi lên máy bay đi Phnom Penh, tôi đến thăm xã giao Wilhelm Kopf, Đại sứ Tây Đức tại Sài Gòn.

    Thật bất ngờ, Hasso Rüdt von Collenberg bước vào, xin lỗi vì làm gián đoạn cuộc nói chuyện của chúng tôi. Khuôn mặt vị Nam tước trẻ tuổi trông tái hơn bình thường. Nam tước thì thầm điều gì đó nghe giống như mật mã. Mặt của Kopf dài ra trông thấy. Theo linh tính, tôi mạo hiểm đoán:

    "Họ đã tìm ra thi thể của các Bác sĩ Đức tại Huế rồi phải không?" Tôi nói.

    Với vẻ bối rối, Hasso von Collenberg nhìn tôi trả lời, "Đúng vậy, nhưng chưa chính thức. Chúng tôi phải báo cho Bonn trước."

    "Tôi hiểu. Cho tôi biết không chính thức vậy: chuyện gì đã xẩy ra?"

    "Người ta đã tìm thấy thi thể của Giáo sư và bà Krainick, của Bác sĩ Discher và Bác sĩ Alteköster trong một cái mồ tập thể khoảng 20 dặm về hướng Tây của Huế. Họ đã bị bịt mắt và tay bị trói quặt ra sau bằng dây kẽm. Họ đã bị buộc phải quỳ gối trước khi bị bắn vào sau gáy rồi bị đẩy xuống mương."

    Khi ông Đại sứ và tôi chăm chú nghe anh kể, chúng tôi không thể nào biết rằng lời diễn tả đó lại đúng là số phận của von Collenberg một vài tuần lễ sau, khi bọn Việt Cộng sát hại anh trên một con đường nhỏ vùng Chợ Lớn, trong khu phố Tầu của Sài Gòn không xa tòa Đại sứ bao nhiêu.

    Viên ngoại giao trẻ kể cho chúng tôi là Viện trưởng Viện Đại Học Huế đã nhận diện được thi hài của các đồng nghiệp người Đức và tình trạng của họ cho phép một kết luận sơ khởi quan trọng: Họ phải còn sống ít nhất sáu tuần lễ sau khi bị bắt cóc. Với cơ cấu chỉ huy sắt máu của Hà Nội, vụ hành quyết bốn người Tây Đức này không thể là một sự nhầm lẫn trong lúc cuộc chiến hỗn loạn được; họ không phải là nạn nhân vô tình của chiến tranh. Bất chấp những lời cầu xin từ khắp nơi trên thế giới, Hà Nội đã không hề hành động điều gì để cứu những người vô tội này mặc dù họ có thừa thời gian để làm chuyện đó. Do đó, chúng ta có thể giả định rằng những vụ hành quyết như thế này và hàng ngàn những người vô tội khác có chủ đích và từ đó, được xếp hạng là những hành vi tội ác chiến tranh gây ra bởi một chế độ hay có sự đồng lõa của chế độ đó.

    Một năm sau tại hội nghị hòa bình Paris, nơi cuối cùng đã dẫn tới sự triệt thoái của Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, tôi chạm trán với một phóng viên Giải Phóng, cơ quan thông tấn của Việt Cộng. Anh ta nói với tôi là anh có tường thuật cuộc công kích Tết Mậu Thân tại Huế. So sánh các ghi chép với nhau, chúng tôi nhận thấy là có một lúc chúng tôi chỉ cách nhau không đầy 100 thước. Tôi rất muốn hỏi anh ta: "Tại sao các anh lại tàn sát hàng ngàn phụ nữ và trẻ em? Tại sao họ lại giết hại các bạn người Đức của tôi mà 'tội ác' của họ chỉ là chữa trị cho người dân Việt Nam, bất kể chính kiến của họ?" Buồn thay tôi đã không làm điều đó. Thật là vô ích hỏi anh ta những câu hỏi như vậy vì anh ta không bao giờ đi một mình. Luôn luôn có những tay công an quanh quẩn trong tầm tai nghe. Vả lại bọn Việt Cộng đã cho các ký giả Tây
    Âu trong những buổi tiếp tân tại các tiệm ăn sang trọng ở Paris cái luận điệu vô lý của họ về những gì đã xẩy ra tại Huế rồi. Họ nói đó là tội ác của CIA.

    Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn không rõ nguồn gốc của cái sự láo khoét phi lý đó. Có phải đó là sản phẩm từ bộ óc ngu xuẩn của một số đảng viên cực đoan ở Hà Nội? Hay lại là phát minh của một Bác sĩ Tây Đức khác, tay bác sĩ tâm thần Erich Wulff điên rồ? Hắn đã đóng một vai trò khó chịu trong thời gian dạy học tại Huế. Vào năm 1963 hắn đã xách động chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm và Hoa Kỳ, cũng như lén lút chuyển thuốc men và dụng cụ y khoa cho Việt Cộng.

    Sau này khi bị buộc phải rời xứ, hắn đã ra làm chứng trước tòa án quốc tế Bertrand Russell về tội phạm chiến tranh tại Việt Nam. Khi tôi gặp hắn vào năm 1965, hắn đã tố cáo ông hàng xóm của hắn là Horst-Günter Krainick đã nuôi dưỡng một sự kỳ thị chủng tộc đối với người Việt. Hắn còn bày tỏ sự phẫn nộ đối với bà vợ của Krainick hằng ngày đi bơi tại Câu Lạc Bộ Thể Thao và làm thân với người Mỹ. Bản thân tôi cũng như bất cứ những người quen nào của gia đình Krainick đều không thấy điều gì khác lạ ngoài tình thương tuyệt vời dành cho cái dân tộc mà họ đến để giúp đỡ.

    (còn tiếp)
    Last edited by thuykhanh; 01-20-2017 at 07:47 PM.

  10. #20
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    hoàng phủ ngọc tường , cầm đầu vụ thảm sát Mậu Thân đang sống dở chết dở , khi thì nhận có mặt vào thời điểm việt cộng chiếm đóng Huế , lúc thì phân bua thời điểm đó đang " nhảy núi " nên không nắm rõ tình hình
    Sau này ,tôi được biết csbv thỏa thuận với " đồng minh vĩ đại " về trận đánh Mậu Thân

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 0
    Last Post: 05-31-2015, 07:54 AM
  2. Replies: 16
    Last Post: 04-20-2014, 06:46 AM
  3. Vươn lên sau chiến tranh
    By Lotus in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 1
    Last Post: 03-10-2013, 12:54 PM
  4. Replies: 1
    Last Post: 02-22-2013, 12:24 PM
  5. Facebook Việt xôn xao tranh 'lạ' về Việt Nam
    By Ba Ếch in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 12
    Last Post: 10-18-2011, 10:01 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:55 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh