Register
Page 26 of 93 FirstFirst ... 1624252627283676 ... LastLast
Results 251 to 260 of 927
  1. #251
    Biệt Thự cuocsi's Avatar
    Join Date
    Sep 2016
    Location
    Paris có gì lạ
    Posts
    1,628

    ..."Anh hai năm lính
    Em chờ hoài một kiếp "
    ...

    Thu Vàng









    Cảm hứng bình minh

    Bài thơ thương làm sao
    Nếu chữ YÊU được chọn
    Thì chữ THƯƠNG cũng thắm màu
    Khi con chữ dùng đúng chỗ
    Thì cái TÌNH cũng theo sau
    Thơ là nơi gói ý
    Nhạc là dây chuyển tình
    Khi thơ nhạc hòa minh
    Thì Thương Yêu tròn ý


    Cuoc si



    Một vài câu trải lòng trong buổi sáng đầu ngày mới, thơ không thơ, văn không văn nhưng hồn như cuộn sóng.
    Ghi lại đây để chia sẻ cùng anh chị em trong cái không gian nhỏ nhưng tâm tình thật lớn, muốn được ôm hôn tất cả vào lòng để nói lên ngàn lời THƯƠNG YÊU

    Cuoc si
    Last edited by cuocsi; 03-19-2018 at 06:38 PM. Reason: Dán hình

  2. #252
    Biệt Thự Thu Vàng's Avatar
    Join Date
    Sep 2017
    Posts
    607
    Quote Originally Posted by cuocsi View Post

    Cảm hứng bình minh

    Bài thơ thương làm sao
    Nếu chữ YÊU được chọn
    Thì chữ THƯƠNG cũng thắm màu
    Khi con chữ dùng đúng chỗ
    Thì cái TÌNH cũng theo sau
    Thơ là nơi gói ý
    Nhạc là dây chuyển tình
    Khi thơ nhạc hòa minh
    Thì Thương Yêu tròn ý


    Cuoc si



    NGƯỜI LÍNH DÙ VÀ CÔ GÁI TÊN… TUI





    Chắc là lúc Ba Má tui muốn chứng tỏ tình yêu của hai người mặn nồng tha thiết lắm cho nên lúc mới lấy nhau đã dự định trước sẽ đặt tên con là gì cho cóý nghĩa tình của hai người. Anh Hai tui tên Thương, Lê Hoài Thương. Còn tui thay vì bị đặt tên là Lê Hoài Yêu nhưng may quá Ba Má tui bẻ quẹo qua tên khác đặt tên là Mến, Lê Thị Mến. Thôi vậy cũng được đi, tên Mến dù sao cũng dễ nghe hơn tên Yêu, yêu ma, yêu quái, yêu tinh, yêu nữ, chắc là tui sẽ khổ sở lắm nếu tui tên là Yêu, chúng bạn sẽ đem tên của tui ra mà chế diễu hoài.

    Mặc dù tui cám ơn Ba Má đã không đặt tên tui là Yêu, nhưng tui chẳng mấy khi thích tên Mến này lắm vì nó làm cho tui bị trở ngại cái miệng nếu nói chuyện xưng tên với ai nhất là đối với mấy người con trai, gì mà cứ Mến… Mến hoài nghe kỳ cục làm sao. Còn xưng em thì lại càng kỳ nữa, chưa chi mà đã lả lơi xưng em, người ta tưởng mình chịu người ta rồi người ta làm tàng với tui, tánh tui không thích con trai làm tàng với tui. Một đôi khi tui có xưng em với anh Hai, anh trai của tui thôi, những khi muốn nịnh muốn lấy lòng anh của tui, còn không thì xưng tui với anh nhiều hơn vì anh ấy hay làm mặt tài khôn rầy rà tui hoài. Anh hai của tui thích có người xưng em với ảnh lắm. Có lần anh Hai tui nói:
    “Mầy cao lêu ngêu, ốm nhôm ốm nhách, nói năng ngổ ngáo, cũng thời là tiếng tui mà tui của người ta nghe nhẹ nhàng êm ái làm sao, còn tiếng tui của mầy nghe như nặng ngàn cân! Tao định cua cô gái nào mà nghe cô ấy xưng tui nặng nề như mầy là tao gài số de, con gái gì mà nói năng nghe cộc lốc chẳng thanh tao gì hết. Tao là con trai tao nói tâm lý của đàn ông con trai ra chỉ dạy mầy, mầy không nghe nữa mầy sẽ ở giá, ráng mà chịu nghe em”.
    Với tất cả bạn cùng trường cùng lớp, lớn hay nhỏ tuổi hơn tui đều xưng tui hết, có sao đâu, tui là tui chớ có ai vô đây. Chỉ có một mình anh Hai tui chê tui thôi, chứ ngoài ảnh ra chẳng thấy ai xách mé gì tui cả.



    Anh Hai của tui đi lính Biệt Cách Dù, coi bộ anh hảnh diện với binh chủng của anh chọn. Mấy người bạn trang lứa của anh cũng vậy, hình như mấy anh đó hẹn nhau cùng đăng một thứ lính nên họ thân nhau lắm. Má tui nói sao tụi con chọn lính thứ dữ dằng mà đi, làm Má lo quá. Mỗi lần mấy anh nào có dịp về phép là hay tụ tập tại nhà Ba Má tui, nghe mấy anh nói toàn là chuyện đánh đấm với nhau, trận này trận kia, không giống như bọn con gái chúng tôi lại hay nói về anh chàng nầy, anh chàng kia, chuyện tình yêu, chuyện bồ bịch, chuyện thích có người yêu ở binh chủng nào, lính nào mũ màu gì. Anh Thương hay lập đi lập lại câu dặn dò ngăn cản tui, sợ tui để ý mấy anh bạn của ảnh:
    “Mầy đừng để tụi nó… dê mày nghe, lính tráng sống nay chết mai, mầy lo đi học đi, đừng bày đặt yêu đương sớm sẽ khổ”.
    Tui nghĩ thầm, mới bữa hổm nghe ảnh nói với mình coi chừng bị ở giá, bây giờ lại biểu đừng để ai dê mình !
    Trời Sàigòn mùa này hay mưa nhưng không mấy ai phàn nàn vì mưa làm dịu đi cơn nóng hực của thời tiếc lúc này, mưa đó rồi tạnh đó, chiều tối đến sẽ làm mọi người dễ chịu hơn. Chiều hôm nay tui vừa dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà thì cơn mưa đổ xuống như trút, thôi thì phải chờ cho tạnh mưa mới đi được chớ không ướt hết áo đẹp của tôi. Ba năm nay rồi, từ ngày làm bạn với Phượng năm nào tui cũng có đi dự tiệc mừng sinh nhật của Phượng tổ chức tại sân sau rộng rãi nhà của ba má Phượng. Phượng là cô gái xinh đẹp lại may mắn sinh ra trong một gia đình khá giả. Tiệc sinh nhật có ban nhạc do mấy anh chị của Phượng và bạn đến giúp vui, ca hát, ăn uống năm nào cũng vui lắm, tui thích và tui có hát một hoặc hai bài. Hát chắc cũng nghe tàm tạm được thôi, vui mà. Từ xa đã thoáng thấy màu sắc hồng đỏ của hai cái nơ to cùng với vài cánh hoa hồng nhạt gắn hai bên cột trước cổng nhà Phượng. Nhà giàu có khác, nhìn vào là biết nhà này đang có liên hoan tiệc tùng gì đây. Thấy có vài đứa bạn vừa rẽ vô cổng nhà Phượng, tụi nó chắc cũng bị trận mưa vừa rồi nên đến trễ như tui vậy.
    Lòng thấy nôn nao vui lạ, vừa lúc chỉ vài bước nữa thôi là tới cổng vô nhà Phượng bổng dưng bên tai tôi nghe vừa như tiếng người nói trong máy, vừa như tiếng xe bánh xe hơi chạy nhanh tông vào chiếc xe đạp của tui, tui té lăn nhào vào bên đường, chiếc xe đạp của tui bị quăng cách đó không xa. Tui cảm thấy đau nhẹ ở bên cánh tay trái thôi, không sao. Phản ứng tự nhiên, tui lồm cồm gượng đứng lên liền, sợ bị dơ áo.
    “Cô ơi, cô có sao không?”
    Tui không thèm nhìn lên, cuối xuống lấy khăn tay ra lau áo. Áo tui bị dính nhiều vết bùn bởi đất còn ướt sau cơn mưa vừa qua. Ông lính hỏi tui không thấy tui trả lời, ông dựng chiếc xe đạp lên. Lại hỏi một lần nữa, cô có sao không? Tui còn cúi xuống vừa lau áo vừa nói.
    -“Có sao gì, áo tui dơ hết rồi”.
    -“Có lẽ tại anh tài xế chạy hơi nhanh cô hốt hoảng nên bị ngã”.
    Tui nhủ thầm, cái anh chàng này chưa chi mà đã biện hộ, đúng là trai Bắc Kỳ khéo nói.
    -“Tui có đổ thừa ông đâu mà ông chối trước rồi. Ông thấy chưa, lái xe gì mà ẩu tả quá vậy!”
    -“Xin lỗi cô, vì chúng tôi vội vã”.
    Tui nói:
    -“Tui đâu có thì giờ về thay áo, mặc áo dơ như vầy vô dự tiệc coi sao được”.
    -“Cô, khăn tay của cô lau từ giờ bị bẩn rồi, cô dùng khăn tay của tôi lau sạch vết bùn bên má trái của cô đi, mặt cô có lấm bùn”.
    Tự nảy giờ tui lo cho áo của tui mà quên đi trên mặt tui, lấy vội khăn tay của người lính tui lau mặt lia lịa. Vừa lau tui vừa thoảng như có mùi thơm tưởng như là quen thuộc, không phải mùi dầu thơm đâu, chắc mùi da thịt của ông nầy, thấy ông lính này đang nhìn tui, tui hỏi:
    -“Bộ mặt tui dính dơ thấy ghê lắm sao mà nhìn dữ vậy?”
    Ông lính chỉ nói gọn một tiếng, Không. Tui nhìn ra chiếc xe Jeep thấy có một người lính tài xế, và một người lính nữa ngồi phía sau, có máy móc gì đó với mấy cây cần câu dài. Hai ông lính ngồi trên xe cũng đang nhìn tui, bị tui bắt gặp họ quay mặt nhanh ra hướng ngoài đường kèm theo nụ cười giống như là đang chế diễu tui vậy đó. Tui vừa đưa trả lại khăn tay cho ông lính mặc đồ bông vừa nói:
    -“Thôi tui chào ông nghen tui phải vào tiệc trong này, tui bị trễ giờ rồi”.
    -“À, cô… Tui, tôi chỉ có một cái khăn tay này thôi, cô mang về nhà giặt sạch rồi hôm nào tôi đến nhà để lấy lại có được không cô?”
    -“Cái ông này, tui có nợ nần gì với ông mà đòi đến nhà tui đòi?”
    -“Chúng tôi đang hành quân không xa Saigon mấy phải có việc về đây gấp và tôi phải trở lại đơn vị ngay chiều hôm nay cho nên không đến nhà cô được vào ngày mai để chờ cô giặt nó xong trả lại tôi”.
    Tui nói:
    -“Ủa, sao kỳ cục vậy. Tui có mời ông đâu mà ông đến nhà tui?”

    Trời lại đổ mưa. Mưa đủ làm ướt áo. Thoáng như không muốn xa rời. Vừa lúc đó mấy đứa bạn đã thấy bóng dáng tui trước khi vào nhà mà lâu không thấy tui đâu, tụi nó vài đứa đi ra ngoài cổng trông thấy tui, tụi nó um sùm la lên, mày làm gì nãy giờ ở ngoài nầy mà chưa thấy vào? mày đang nói chuyện với ai vậy, quen hả? “Không!” Nói rồi tui sợ tụi nó hỏi tới, tui vội quay vào cùng với mấy tụi nó để người lính dù nhìn theo. Trước khi sắp khuất cánh cửa nhà Phượng, tui quay lại thấy ông lính vẫn còn đứng đó, trời vẫn còn đổ mưa. Mưa chỉ vừa đủ ướt áo.
    Thoáng chạnh lòng, tim tui bồi hồi. Tự dưng tui có cảm tưởng như tui đang đánh mất một thứ gì quý giá nhất trong đời; tui muốn chạy trở lại để đứng cạnh chàng mà nói… nói gì… tui cũng không biết nữa… Tui muốn gặp lại chàng lính này. Ngần ngừ một hồi, trong khi mấy đứa bạn vừa đang ngồi vào bàn, tui chạy vội ra ngoài cổng. Chiếc xe jeep đã rời… vừa khuất xa tầm mắt. Anh lính mặc đồ bông đã đi rồi. Tôi còn cố nhìn theo. Thoáng như có gì vấn vương. Thoáng như có gì lưu luyến.
    Cảm thấy bơ vơ lạc lỏng giữa đám bạn đang cười nói, tui định lấy lý do để rời sớm. Phượng hỏi”
    -“Ông lính nào vậy? Lính gì vậy, mầy quen hả?”
    -“Tui không biết lính gì, thấy anh chàng mặc đồ bông, trước ngực có hình dù, chắc là lính Nhảy Dù.”
    Con Hồng trờ tới nói:
    “Mi phải nhìn bên vai hắn mang huy hiệu gì, đội mũ màu gì chớ không phải ai đeo hình dù trước ngực cũng là lính Nhảy Dù đâu”.
    Tui nói:
    “Hình như tui không thấy mũ, mà bên vai cũng chẳng để ý coi cho nên không biết, hồi nãy tui chỉ lo ‘quạu’ thôi vì áo tui bị dơ. Bây giờ tui cảm thấy tiếc tiếc đã mất dịp làm quen với anh chàng.”
    Mấy đứa bạn tui nói…Tụi bây ơi, vậy là cô nàng cảm anh chàng rồi.
    Anh Hai tui lúc này về Saigon để học bổ túc cái gì đó trong vòng một tháng. Có anh về, Má tui bận rộn hơn vì lo nấu nướng mấy món ăn anh Hai tui ưa thích. Nhà có mặt đủ bốn người trong bữa cơm chiều nên ai cũng vui. Tui ngần ngừ hỏi:
    -“Anh hai, có phải lính mặc đồ bông mang hình dù trên túi áo là lính Nhảy Dù, phải không anh?”
    -“Không hẳn vậy.”
    Tui lại hỏi:
    -“Làm sao mà mình biết đó là lính Nhảy Dù hả anh?”

    Anh vừa cười vừa nói:
    -“Bộ mày đang để ý anh chàng mặc đồ bông nào chớ gì? Sao mày không hỏi nó, đừng xưng tui nặng ngàn cân với nó là nó sẽ vui vẻ khai hết lý lịch ba đời của nó cho mày nghe.”
    Tui quay mặt đi chỗ khác, anh thấy tui có vẻ giận, anh đến ngồi kế bên nói:
    -“Anh nói với em nhiều lần rồi… em yêu lính, lấy chồng lính khổ lắm, nó vắng nhà thường xuyên hoặc là em sẽ trở thành góa phụ. Em không biết chớ anh cũng đang có một cô người yêu lúc học năm cuối trường Võ Bị, anh muốn đưa về nhà giới thiệu với Ba Má người anh muốn lấy làm vợ, suy nghĩ tới suy nghĩ lui, ba hồi muốn, bốn hồi không vì anh không muốn người vợ anh sẽ lâm vào cảnh góa bụa và con anh là những đứa trẻ mồ côi cha. Hằng ngày anh đối diện với cái chết trong gang tấc. Nhiều lúc anh cũng sợ hãi cho chính bản thân mình, rồi lo cho những người liên hệ thân thuộc với mình sẽ ra sao khi mình chết đi. Lo học hành đi em.”
    Tui nói:
    -“Thì vừa học vừa yêu có sao đâu. Em thấy mấy đứa bạn em, tụi nó yêu hết người này đến người kia, mà tụi nó vẫn học giỏi như thường. Còn em, em không có bồ mà em học có giỏi hơn ai đâu.”
    Hơn một tuần nay, ngày nào tui cũng có nghĩ đến chàng, cứ tiếc làm sao là tiếc. Tui mất dịp làm quen với chàng. Ừ, mà không biết chàng ta có muốn quen với mình không hà. Hình như anh chàng thích mình thì phải. Mà thôi, nghĩ tới nữa mà làm gì, mình và chàng có biết gì nhau hơn, ngay cả tên mà chẳng ai biết rồi mất biệt luôn. Chỉ vài phút ngắn ngủi gặp nhau lúc ban đầu mà có thể phải mất ngàn giờ để quên nhau. Tui nghĩ tại sao tui tiếc nhớ gì mà cắc cớ thiệt, làm như đây là lần đầu tiên tui mới gặp và nói chuyện với người con trai trong đời thì phải. Thôi, quên chàng đi.
    -“Có người gửi thư cho bồ.”
    Phượng vừa nói tay cầm cái thơ vờn vờn trước mặt tui. Tui nói:
    -“Thì bồ đọc đi.”
    -“Này, không phải của tên đó nữa đâu nha, người khác, người này lạ lắm, chịu nhận không? Có phải tên bồ là Tui không?”
    -“Bồ nói cái gì tui không hiểu?”
    Tôi hỏi.
    -“Có một ông lính chiều qua đến nhà mình đưa lá thư này cho đứa em trai của mình nhờ đưa dùm đến cho một cô mà hơn tuần trước có đến dự tiệc tại nhà này, cô ấy bị ngã xe đạp nên mặc áo hoa bùn. Em mình đưa thư cho mình và nói, “Em không hiểu anh lính nói gì hết, chưa kịp hỏi lại thì anh ta vội lên xe chạy mất”.
    Ngoài bì thư phía sau có vẽ một hình hoa dù, tên người gởi tôi đoán là tên của chàng. Mà kỳ thiệt, chỗ tên người nhận tên là…Tui. Trong thư chỉ vài giòng chữ ngắn gọn: “Gửi cô Tui, cánh tay cô đã hết đau chưa? Cho tôi biết địa chỉ nhà, tôi sẽ đến thăm. Tôi muốn làm quen với cô Tui. À nhớ cho tôi biết tên nhé, chả lẽ cô để tôi gọi cô là Tui mãi sao!”. Dưới chỗ ký tên, chàng lại vẽ một hình hoa dù rất đẹp. Chỉ có mấy chữ cụt ngủn cụt ngẳn thôi mà làm tui cứ đọc tới đọc lui hoài. Tui cũng muốn quen với chàng vậy, nhưng tui phải “làm cao” một chút chớ. Tui thư trả lời chàng:
    -“Gửi anh lính dù. Nếu anh muốn biết tên tui thì hãy đến nhà tui. Đây là địa chỉ của tui. Ba Má tui rất khó, ông anh Hai của tui cũng khó và dữ nữa. Nói cho anh bíết, anh hai của tui là lính Biệt Cách Dù đó nghen. Ký tên, Tui”.
    Có lẽ vì hồi nhỏ ở dưới quê cây trái xung quanh nhiều, mỗi lần muốn ăn thứ trái cây nào là tui leo lên cây hái xuống ăn, riết rồi thành thói quen. Bên hông nhà, Ba tui có trồng một cây mận, mùa này mận ra trái nhiều đỏ cả cây, Má tui thường hay vói tay hay dùng lồng hái những trái mận đỏ ối đem chưng trên bàn thờ, còn tui thì ngày nào cũng leo lên cây, không hái trái thì cũng thích ngồi trên đó một mình nhìn ra ngoài, ngó xuống dưới, hoặc ngã người nhìn lên trời cao, bên tai nghe tiếng lá cây gọi nhau xào xạc thật là thú vị.
    Tui nghe tiếng xe Honda vừa ngừng lại trước nhà, nhìn xuống thấy người lính mặc đồ bông bước xuống xe. Ô, đúng là chàng. Vừa lúc đó, Ba của tui cũng vừa mới dắt chiếc xe đạp ra ngoài, gặp Ba tui chàng vừa gật đầu chào ú ớ chưa biết phải hỏi như thế nào thì Ba của tui vội vàng nói:
    “Cháu muốn gặp thằng Thương hả? Chút xíu nữa là nó về tới, vào nhà chờ đi. À, hay là cháu đi qua bên phía bên hông nhà có bác gái và em Mến đang ở ngoài đó. Bác có hẹn đến nhà người bạn có chút việc rồi bác tr về ngay.”
    Anh chàng cứ dạ vâng chớ có nói được tiếng nào đâu mà lại được biết tên tui nữa chớ, làm tui mất dịp làm khó chàng. Mà quên nữa, tui đang ngồi ở trên cây, không leo xuống nhanh được vì lần này tui có mang theo cái rổ đựng đầy mận. Anh chàng nhanh chân thiệt, làm tui đang lính quýnh chưa biết cách nào cho chàng không nhìn thấy tui, thì chàng đã bước qua bên hông nhà rồi, chàng đảo mắt nhanh qua một lượt không thấy tui, chàng đưa mắt nhìn lên cây. Mến. Tiếng gọi của chàng nghe sao mà đầm ấm và tha thiết quá làm tui đang ở trên cây nhìn xuống mà nhịp tim tui cứ đập thình thịch. Anh dang tay định đỡ tui xuống nhưng tui mắc cở vì con gái mà leo cây cho nên tui nói,
    “Anh quay mặt qua chỗ khác đi tui mới leo xuống được!”
    Nghe lời tui anh quay mặt đi chỗ khác. Xuống chưa tới đất, tui vội vàng nhảy xuống cái phịch, bị trật chân, tui bị đi cà nhắc. Chàng chạy lại nắm tay tui dìu vào nhà lấy dầu nóng xoa bóp chân rồi lấy băng quấn vòng quanh mắc cá chân cho tui. Chàng nói, bộ em hay leo trèo lên cây lắm à? Thôi đừng trèo lên đấy nữa, nhỡ em ngã từ trên cao xuống thì sao! Anh về phép chỉ được một tuần thôi, mục đích lần về phép này là để tiếp tục làm quen với em cho được, hôm lần đầu, lần gặp em đó, về vì công tác cần phải trở lại đơn vị liền cho nên anh không ghé về thăm Mẹ của anh được, anh còn bà mẹ và một người chị có chồng có được hai cháu, nhà chị ở gần bên mẹ nên chị gặp mẹ anh hàng ngày. Lần này, anh phải dành một ngày cho mẹ anh nhưng anh đến thẳng nhà em trước để biết cho chắc đây không phải là địa chỉ… giả. Anh nói đùa chớ anh bíết em không làm thế vì anh đã nhìn thấy trong mắt em. Tui hỏi, anh thấy gì? Anh thấy… em đã bán ánh mắt em cho anh rồi. Tui hỏi, vậy chớ anh có mua ánh mắt đó không? Anh nhìn tui âu yếm nói, anh mua đứt và anh đoán chắc phải vĩnh viễn là của anh, phải thế không, em Tui của anh? Rồi từ đó, có khi anh gọi tui bằng Mến mà cũng có khi anh gọi tui bằng Tui. Tui đoán, anh cũng thích tui xưng tui với anh lắm chớ bộ.
    Khi trở về đơn vị anh thường thư cho tui. Có lần anh được ba ngày phép, cùng tui dạo phố, anh đưa tui về nhà gặp Mẹ và chị của anh. Mọi người trong gia đình anh đều có vẻ quí mến tui. Đối với bạn bè tui rất hảnh diện được có chàng, một người lính mũ đỏ có gương mặt nam tính, dáng dấp hiên ngang nhưng tình cảm thật là bao la. Tui yêu những cánh hoa dù do chàng vẽ.
    Chàng nói ở trên không gian có vương nhiều vết giày của chàng. Ở trên không gian có tiếng của chàng gọi tên tui. Tui hỏi anh gọi như thế nào. Anh cười vui nói: “Tui của anh ơi, Tui của anh ơi !” Nói xong, cả anh và tui cùng cười vang. Tui có đề nghị với chàng và cả hai đứa tui cùng đồng ý là sau này nhà của tụi tui ở mỗi phòng đều có chưng hình những cánh Hoa Dù, những cánh Dù em thích phải là màu xanh, xanh lợt, xanh đậm, xanh dương, xanh két, hay xanh gì cũng được, miễn là màu xanh, nghen anh. Anh nói, ừ, anh cũng thích màu xanh.
    * * *
    Hơn bốn tháng nay, kể từ ngày anh Hai tui trở lại đơn vị, Ba Má tui chỉ nhận được thư của anh có một lần. Trên bàn ăn, Má tui nhớ đứa con trai cưng, cứ nhắc anh Hai tui hoài, chỉ có cái chuyện lúc anh Hai tui còn đang học ở trường Võ Bị Đà Lạt, lần nào được về phép anh đều có mang quà từ Đà Lạt về cho Má, khi thì áo ấm khi thì khăn choàng cổ đan bằng tay nên Má tui rất thích và rất quý. Má tui hay nhắc đi nhắc lại, là đàn ông con trai mà anh Hai con biết lựa chọn biết mua quà về cho Mẹ của mình còn gì thương hơn. Ba tui nói, “Tụi Việt Cộng nó sợ lính Biệt Cách 81 lắm đó nghen, đánh giặc cừ lắm làm tụi nó thất điên bát đảo. Nghe nói đang có đụng trận lớn hình như ở Phước Long, Bình Long gì đó, vái trời đừng có con mình trong đó!” Nói xong cả Ba Má tui không ai nói thêm tiếng nào nữa, tui nhìn thấy sự lo âu trên gương mặt của hai người.

    Hôm nay đi học về, thấy có mấy người hàng xóm bu lại trước sân nhà. Vào trong nhà. tui thấy Ba tui ngồi im lặng, cái im lặng chịu đựng sự đau khổ của người đàn ông, còn Má tui người đang vật vã, người đang khóc la. Trời ơi, chuyện gì vậy? Anh Hai của tui. Anh Hai của tui ơi!
    Ngày nào Ba của tui cũng ngồi hàng giờ trước bàn thờ anh Hai, bàn thờ hai bên còn thắp hai cây đèn cầy nhỏ với khói hương nghi ngút. Ba tui cứ ngồi đó nhìn hình anh Hai tui hoài, lâu lâu người lại thở dài. Còn Má tui cứ khóc nho nhỏ, có đôi lúc người như tức giận điều gì gào khóc kêu la lớn tiếng hơn. Cây mận không còn trái đỏ nữa. Tui ngồi ủ rũ trên băng ghế dưới tàng cây nhớ lại kỷ niệm, nhớ những lời dặn dò rầy la mà thương tiếc. Nhà chỉ có hai anh em mà lần này anh bỏ đi luôn rồi. Người ta nói anh Đền Nợ Nước, sao anh không sống để lo đền nợ, đền ơn cho Ba Má nữa chớ, phải không anh Hai? Tui nhớ thương anh Hai tui quá, tui không kềm giữ được những giọt nước mắt.
    Nghe nói lúc này giặc từ miền Bắc cứ tràn vào tấn công miền Nam càng ngày càng đông hơn. Sau cái chết của anh Hai, tui lại càng lo sợ cho người yêu của tui nhiều hơn. Tui cứ thầm khấn vái, tui bị mất một người anh ruột thịt rồi thì đừng để cho tui phải mất thêm một người thân yêu nào nữa hết. Tui viết cho chàng… Tại sao kỳ vậy. Tại sao miền Nam của tui cứ bị người ta tham lam muốn chiếm lấy? Tại sao không ai ở đâu thì cứ ở đấy, phải dành giựt làm chi cho phải bị chết, kẻ xâm lăng người tự vệ làm cho máu đổ, chết chóc, làm cho cha con chồng vợ phải xa lìa vĩnh viễn người thân yêu của mình? Có lần trong thư anh viết, “những lúc không đụng trận anh mới có thời giờ nhớ tới em, rồi nghĩ tới em anh lại đâm ra sợ hãi cái chết đến với anh. Anh muốn thoát khỏi nơi nầy để chúng ta được mãi sống đời bên nhau. Thật đó em ạ, nhớ tới em, thương nhiều lắm, rồi anh sợ chết, anh muốn buông súng, nghĩ tới đấy anh lại thấy mình hèn nhát quá phải không em? Nhưng đến khi đụng trận anh không thấy sợ cái gì cả, lúc đấy anh cùng với các bạn đồng chiến đấu chỉ biết sát cánh bên nhau sống chết bên nhau. Lúc đấy anh không còn nhớ tới em, anh chỉ biết anh đang chạm mặt với kẻ thù, kẻ xâm lăng là phải chết và anh phải là kẻ sống. Trước kia, Ba Mẹ anh đã phải lìa xứ Bắc vì không chấp nhận sống chung với Cộng Sản, thế mà chúng vẫn không buông tha.
    Ở Sàigòn chỉ biết có chiến tranh. Ở Saigon không thấy có chiến tranh, biết có đánh nhau nếu khi đi ngang qua trên đường thấy những đám tang của những người tử trận từ mặt trận nào đó, xác họ được mang về cho thân nhân làm lễ an táng. Một nghĩa tử nghĩa tận. Một lần cuối cùng cho những người sống lo cho người chết đi vào lòng đất. Một lần rồi thôi. Con người ta có thể có nhiều lần làm đám cưới, nhiều lần lấy nhau, nhiều lần vui cùng nhau trong cuộc đời. Nhưng chỉ có một lần chết. Một lần đám tang trong cuộc đời. Những đám tang có hình người quá cố trong bộ quân phục đi ngang qua trên đường đủ để cho mọi người biết chiến tranh đang đến mức độ nào ở một nơi nào đó, rồi thôi. Có những đám tang không có người đội khăn tang vì người chết còn quá trẻ, trong gia đình của người lính tử trận kia không có người nào trẻ hơn để mang tang cho người nằm trong quan tài kia. Có nhiều đêm, đôi khi nhìn hỏa châu rơi sáng một góc trời, có phải chỗ đó là hai bên đang đánh nhau không? Trong trí tui không tưởng tượng được cảnh họ đang đánh nhau như thế nào, có giống như trong xi-nê không, mong cho đừng giống như vậy, đau thương lắm! Tui vái trời anh đừng có trong mặt trận đó, tui cầu xin bề trên cho người tui yêu được bình yên, một điều khẩn xin quá bình thường. Mong bề trên đừng hẹp lượng.
    Mẹ và chị của chàng có nói cho tui biết là Mẹ rất mong anh lấy vợ, mẹ mong thấy anh được thành gia thất vì Mẹ già rồi, đó là điều mong muốn cuối đời của Mẹ! Có nhiều lần chính anh cũng kể cho tui nghe mà. Rồi anh im lặng nhìn tui một hồi lâu anh nói:
    “Em có nghe người ta nói lính Nhảy Dù, ‘đi đông về ít, đi khít về thưa’ không ?”
    Anh nói dối với mẹ anh rằng anh đi lính thường xuyên vắng nhà nhưng anh không có tác chiến cho mẹ an lòng. Khi mới gặp em lần đầu, anh cảm được trời sinh em ra là để làm vợ anh. Anh có em, chúng ta cùng yêu thương nhau đó là niềm vui, một diễm phúc nhất trong thời binh đao. Rồi đôi ta sẽ thành vợ chồng, nhưng chưa phải là lúc này em ạ. Cùng chung một thế hệ, lớn lên trong một đất nước có chiến tranh anh và em cùng bị thiệt thòi như nhau, có mấy ai được hưởng những gì mà tuổi trẻ cần được hưởng?
    Tui đã dự tính rồi, khi anh về phép lần này, tui sẽ đòi anh đi cưới tui. Tui muốn làm vợ anh, tui muốn anh cưới tui. Đừng viện cớ, đừng nói sợ anh chết sớm bỏ em thành góa bụa. Lần nầy tui sẽ nói với anh. Tui không sợ tui làm góa phụ, thì tại sao anh lo sợ? Tui biết anh yêu tui mà, trong thư anh nói anh nhớ và yêu tui nhiều lắm, sao anh không cưới tui? Khi tui làm vợ anh rồi, tui sẽ đi theo anh khắp mọi nơi. Anh cười nói, đi khắp mọi nơi là đi đánh giặc đó em, có ai đi đánh giặc mà mang vợ theo bao giờ.
    Nhỏ Hương bạn tui, nó là dân Bắc Kỳ, chồng nó là lính Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Nó theo chồng về ở tận miền Tây xa lạ, mỗi lần nó trở về Sàigòn là nó kể tía lía về đời sống của người dân miền Tây như điều thích thú và hạnh phúc lắm. Ngày chồng nó tử trận, nó mới mang thai đứa con đầu lòng được sáu tháng. Xác chồng nó được mang về Sàigòn vì cả hai bên gia đình đều ở đây. Hôm dự đám tang, tui nhìn thấy nó rinh cái bụng nằm lăn qua bên này, rồi lăn qua bên kia, khóc la… ối giời ơi, ối giời ơi… Tiếng kêu rên của nó sao thật là thảm thương! Tui nhìn thấy nó vật vã mà tui dởn da gà. Tui khóc theo nó. Trời ơi lấy chồng lính là sẽ xảy ra như vậy đó sao !
    Sau vụ con nhỏ Hương, tui rét quá, tui ngưng không dám đòi có chồng nữa. Tui không dám đòi anh đi cưới tui nữa. Nhưng tui vẫn luôn còn yêu anh !

    TeaLan 26B

    "Ngày sau nếu không chung đường... chắc nhớ nhau nhiều lắm..."
    Những mẫu chuyện tình thời chiến...
    Mười sáu tuổi, mười bảy, mười tám tuổi... thì khó và chưa thể thực hiện được những ước mơ tương lai của mình nhưng có một việc đơn giản nhất mà thuở đó chúng tôi làm được, và TV nghĩ rằng, trên thế giới ai cũng đã và đang vẫn làm:Yêu Thương!


    Last edited by Thu Vàng; 03-20-2018 at 02:29 PM.

  3. #253
    Biệt Thự HaiViet's Avatar
    Join Date
    Oct 2015
    Posts
    1,221
    NHẬP NGŨ

    Tuyên Úy Nguyễn



    Nguyễn nghe như tiếng của mình còn văng vẳng đâu đây, mặc dù đã gần mười hai năm xa rời trường huấn luyện. Hôm ấy, anh đã dõng dạc ra lệnh:

    - Company. Attend. Hut! (Ðại đội, hay một toán quân lớn, Chuẩn bị. Nghiêm!)
    - Right. Face! (Phải . Quay!)
    - Forward. March! (Ðàng trước. Bước!)
    - Left. left. left.right, left! .

    Trên 50 khóa sinh tuyên úy răm rắp nghe theo từng tiếng lệnh và bước đi nhịp nhàng, ăn khớp. Hôm đó là ngày đến phiên Nguyễn phải trực, gồm cả trách nhiệm "dẫn" các khóa sinh từ khu cư xá sinh viên sĩ quan "Kings Hall" xuống bãi đậu xe, khoảng hơn cây số, để dùng xe hơi di chuyển đến trường huấn luyện tuyên úy.

    Nguyễn lái xe chầm chậm dọc theo lối "tiến quân" đó để hồi tưởng những kỷ niệm êm đềm của hơn thập niên về trước. Trường huấn luyện Tuyên Úy thuộc Trung Tâm Giáo Dục và Huấn Luyện Hải Quân (Naval Education and Training Center, NETC) ở Newport, Rhodes Island. Dạo ấy, anh đã nhập ngũ được mấy tuần và đang trong khóa học để bắt đầu "làm lính." Khóa 8-89 có trên 50 khóa sinh gồm 8 linh mục Công gíao, phần còn lại là các mục sư thuộc nhiều giáo hội Tin lành khác nhau. Khóa này không có tư tế Do thái (Rabbi), nhưng có hai nữ mục sư.

    Trong vài tuần đầu, bọn Nguyễn đã phải học những thao diễn hết sức cơ bản như bao nhiêu quân trường khác: ăn mặc, đi đứng, chào kính. Cái đặc biệt ở đây là các khóa sinh tuyên úy đã được mang lon sĩ quan ngay từ hôm đầu nhập ngũ. Ðiều này cũng đúng với các bác sĩ, luật sư mới gia nhập quân đội. Các khóa sinh bắt buộc phải có ít nhất ba năm kinh nghiệm mục vụ, nếu đã thụ phong linh mục hay mục sư quá tám năm thì được "đồng hóa" với cấp bậc đại úy. Trẻ hơn thì mang lon trung úy ít nhất hai năm trước khi được thăng cấp. Nguyễn thuộc thành phần "già" vì anh đã làm LM trên mười năm rồi.

    Trung tâm NETC có nhiều trường huấn luyện khác nhau. Trẻ nhất là trường NAPS (Naval Academy Preparatory School) gồm các học sinh vừa xong trung học vào thụ huấn ba tháng Hè để chuẩn bị, trước khi chính thức được tuyển vào trường Võ Bị Quốc Gia Hải Quân ở Annapolis, Maryland. Là thành phần trẻ nhất, quan chưa ra quan, lính không ra lính, biết thân biết phận của mình, nên ra đường họ thường chào tất cả cho "bảo đảm." Cả trung tâm huấn luyện ai cũng biết đám này chào "bất cứ những gì di động được" (any moving thing!) Trong khi các khóa sinh tuyên úy toàn là các ông các bà đang mang lon quan hai, quan ba; được chào nhưng đồng thời cũng phải chào lại họ. Nhiều vị lung túng xoè cả năm ngón tay ra chào, trông đến buồn cười.

    Trường thứ hai là OCS (Officer Candidate School) dành cho các khóa sinh đã tốt nghiệp bốn năm đại học, họ sẽ ra trường với cấp bậc thiếu úy. Trong thời chiến tranh Quốc-Cộng, một số sinh viên sĩ quan của Hải Quân VNCH đã được gửi sang thụ huấn ở trường này. Hiện tại trường OCS đã dời về Pensacola, Florida. Kế đến là các trường OIS (Officer Indoctrinate Schools) huấn luyện các khóa sinh đã tốt nghiệp những ngành chuyên môn như bác sĩ, luật sư, tuyên úy. Cao nhất ở NETC là trường đại học chiến tranh NWC (Naval War College), trung và cao cấp của Bộ Hải Quân Hoa Kỳ; dành cho cả sĩ quan tác chiến (Line) và hành chánh (Staff) đã nhập ngũ khá lâu, cấp bậc từ đại úy lên đến hàng tướng hay đề đốc. Trường này còn nhận thêm nhiều sĩ quan cao cấp từ những quốc gia bạn. Một vài vị thuộc HQVN năm xưa đã theo học ở đây. Những năm sau này, Nguyễn cũng có dịp theo học và tốt nghiệp ban Chỉ Huy và Tham Mưu (Command and Staff) của trường NWC; và lần này, anh trở lại để dự khóa huấn luyện "Tuyên Úy Trưởng" (Supervisory Course) của trường tuyên úy.

    Xe Nguyễn từ từ đến một ngã tư, nơi khi xưa anh đã hô to "Guards. post!" Ðược chỉ định trước, hai khóa sinh chạy đến trước hàng quân, chặn xe từ tứ phía cho toán quân đi qua. Nguyễn rẽ xe vào bãi đậu nơi anh ra lệnh cho toán quân dừng lại: "Company. hold!" Rồi "Left. face!" Anh nói mấy câu cám ơn và khen ngợi mọi người đã đi đứng nghiêm chỉnh, đồng thời chúc họ một ngày tốt đẹp. Sau đó anh ra lệnh "tan hàng" (Fall out.) Một khóa sinh bước theo Nguyễn để đi nhờ xe anh, đã nịnh: "Này, ông làm nghiêm chỉnh, đâu vào đấy quá! Có đi quân đội trước không đó?" Nguyễn ỡm ờ "Yeah!" và thầm nghĩ: "Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ này, năm 1968, tớ đã từng làm lính "Babilac" (lính "sữa" của chương trình Quân Sự Học Ðường), bắn súng Carbine M1 cả mấy. băng đạn rồi cơ mà!"

    Nguyễn ra khỏi xe, lững thững đi về phía có một nhà nghỉ mát ngay cạnh bờ nước trong vịnh Narragansett, tiếp tục hồi tưởng những kỷ niệm xưa. Dường như cả quân lực Hoa Kỳ chỉ có các tuyên úy là được kể vào ngành không tác chiến (non-combat), tuyệt đối không cầm súng, và được Hiến Chương Genève, về tù binh chiến tranh, xếp vào loại bốn (Category 4.) Theo lý thuyết, họ sẽ được đối xử tử tế hơn, nhưng trên thực tế, nếu chẳng may lọt vào tay quân thù, các tuyên úy vẫn bị đối xử như bao nhiêu người khác, có khi còn tệ hơn vì họ biết tuyên úy ảnh hưởng rất mạnh trên tinh thần quân đội Mỹ.

    Hầu hết các khóa sinh đều là "tân binh" nên không có đến một cái huy chương làm cảnh, ngay cả huy chương thông dụng nhất "bảo vệ quốc gia" (National Defense Service Medal) ban cho tất cả mọi người từ ngày đầu nhập ngũ cũng không có, vì lúc này "nước nhà" không ở trong thời kỳ có chiến tranh. Ðây cũng là dấu hiệu phân biệt giữa các quan "mới" và quan "cũ" trong quân trường. Tuy nhiên, Nguyễn để ý thấy có vài khóa sinh đang đeo các huy chương "cuống" (ribbons.) Họ là những người trước đây đã từng phục vụ trong quân đội. Ðặc biệt, Nguyễn thấy một linh mục khóa sinh có đến ba hàng huy chương, trong đó có cả huy chương "Ngôi Sao Ðồng" (Bronze Star Medal, tương tự như Anh Dũng Bội Tinh), và "Chiến Thương Bội Tinh" (Purple Heart.) Nguyễn để ý nhất là cái huy chương có hình lá cờ VNCH, màu vàng với ba sọc đỏ, mà sau này anh mới biết đó là huy chương "Phục Vụ ở Việt Nam" (Vietnam Service Medal.) Anh ta cũng có cả huy chương "Chiến Dịch VNCH" (Republic of Vietnam Campaign Medal.) Cái lạ của chiếc huy chương này là trên đó chỉ ghi lại năm khởi đầu chiến dịch, 1961, mà không có năm kết thúc! Ðáng ra, sau này người ta phải ghi thêm năm kết thúc là 1973, năm Mỹ rút hết quân ra khỏi Việtnam; hay 1975, năm trận chiến kết thúc. Nhưng hình như chẳng ai muốn nhắc lại chuyện ấy!

    Ít hôm sau, Nguyễn đến làm quen với Thomas Hall, người linh mục khóa sinh có chiến thương bội tinh. Ðược biết anh ta đã gia nhập bộ binh, tham chiến ở Việtnam trong vùng thuộc các tỉnh Nam-Tín-Ngãi vào cuối thập niên 60s. Anh đã bị thương trong một trận đụng độ với quân NVA (North Vietnamese Army, hay Cộng Sản Bắc Việt, CSBV.) Trở lại Hoa Kỳ, Thomas đã xin giải ngũ và theo học đại chủng viện, rồi thụ phong linh mục được hơn 9 năm.

    Cứ cách ngày là các khóa sinh tuyên úy lại phải tập thể dục, hít đất, sit-up (ngả lưng xuống rồi lại bật người lên mà không được dùng tay,) và chạy bộ 1.5 mile. Ðó là ba bộ môn mà Hải Quân Mỹ dùng để thẩm định sức khỏe của các thủy thủ. Tùy theo lứa tuổi, những người "già" thì được chạy bộ trong một khoảng thời gian lâu hơn (15 phút cho tuổi của Nguyễn) và làm những động tác khác cũng ít hơn.

    Một buổi chiều, sau khi tập thể dục, Nguyễn và vài người nữa đã nằm dài trên sân cỏ của "vũ đình trường" (parade deck) để nghỉ. Nhìn những cụm mây lãng đãng trôi trên nền trời Ðông Bắc Mỹ (New England) trong một buổi chiều chớm Thu, Nguyễn thấy nhớ quê hương vô hạn. Ðã hơn 14 năm, chưa một lần anh được gặp lại song thân, chắc hẳn các ngài đã hao sút nhiều trong cái "trại tập trung" khổng lồ ấy! Nỗi đáng thương nhất của người dân Việtnam là họ đã phải chịu tai ách chiến tranh quá lâu. Hòa bình đã trở thành nỗi khao khát chung của cả dân tộc. Nỗi khao khát đó ngày càng chồng chất khiến nhiều người dường như đã đi đến chỗ bất chấp. Nhưng khi hòa bình trở lại rồi, những người đó mới nhận ra rằng còn một thứ khác quí hơn: TỰ DO! "Nếu không có tự do thì cuộc sống không còn ý nghĩa nữa. Nếu cuộc sống không còn ý nghĩa thì sự chết chẳng có gì để đáng sợ hãi." Lời một Cao Ủy Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc để giải thích tại sao hằng triệu người dân Việt đã liều chết vượt biên tìm tự do. Nguyễn cảm thấy mang ơn các chiến sĩ Cộng Hòa vô vàn, không có họ cùng các chiến sĩ Ðồng Minh xả thân gìn giữ miền Nam, thì làm gì anh có cơ hội học xong trung học, nói chi đến đại học và cao hơn? Ðã có những bài báo và một vài cuốn sách viết về những giam cầm, đày ải mà bao nhiêu thanh niên miền Nam đang phải gánh chịu trong các nhà tù được mệnh danh là trại cải tạo. Những khổ ải đó đã đi quá xa sự tưởng tượng của bất cứ con người nào đang sống trong một xã hội văn minh. Bất chợt Nguyễn quay qua nói với người bạn gần bên:

    - Tom! (Thomas Hall)
    - Yeah, Paul? Gì đấy, Phaolô? (Tên Thánh của Nguyễn.)
    - Thanks! Cám ơn nhá!
    - For what? Về chuyện gì?
    - Being there. Ðã chiến đấu ở Việtnam.
    - I' m glad I did. Tôi hân hạnh đã làm chuyện đó.
    - And welcome home! Và mừng bạn đã trở lại quê hương.
    - Thank you very much, Paul. Cám ơn anh nhiều lắm, Phaolô.

    Vào một buổi tối, cách chiều hôm ấy khoảng hơn một năm, Nguyễn đang ngồi làm việc trong văn phòng giáo xứ, chú học trò gác điện thoại đã gõ cửa cho biết có người muốn gặp. Anh cho mời vào. Thoáng nhìn người khách lạ, Nguyễn đã biết ngay anh ta là một "drifter" (kẻ sống lang thang), nhưng dáng người này có nét gì đặc biệt. Anh ta ghé vào để xin ít tiền mua bữa cơm tối! Nhân cơ hội, Nguyễn đã hỏi thêm và đươc biết anh ta là một cựu quân nhân trong binh chủng TQLC Mỹ, từng chiến đấu trong vùng địa đầu giới tuyến của miền Nam, nơi có những cái tên Việt mà anh ta phát âm rành mạch như Gio Linh, Khe Sanh, Cồn Thiên., và những tên Mỹ như Camp Caroll, Rock Pile. Nguyễn không có lý do gì để nghi ngờ anh ta được. Anh ta kể thêm rằng đã cố gắng hết sức để "tái hội nhập" với xã hội sau khi anh về nước, nhưng không thể nào được! Những ám ảnh và kinh hoàng của cuộc chiến đã làm thay đổi con người anh hoàn toàn. Anh chỉ thích ở một mình, nơi yên tĩnh trong một cuộc sống bồng bềnh vô định. Thỉnh thoảng anh vẫn bị cơn ám ảnh hành hạ gần như muốn lên cơn điên! Ðiều này đã đúng với những tìm hiểu mới của khoa tâm lý học. Các tâm lý gia đã gọi trường hợp của anh cũng như của bao đồng đội anh là PTSD (Post Traumatic Stress Disorder - Sự mất thăng bằng bởi dồn ép sau cơn kinh hoàng.)

    Nguyễn đã đưa cho anh ta ít tiền và nói: "Tôi không cần biết người đời nói gì về anh, về cuộc sống anh đang có. Nhưng đối với tôi, anh cũng như hàng triệu chiến binh VNCH và Ðồng Minh là những anh hùng, là những người đã chiến đấu để gìn giữ tự do cho tôi và cho đồng bào tôi. Cám ơn anh và welcome home! Anh ta đã ôm chầm lấy Nguyễn, dàn dụa nước mắt và nói: "Cám ơn cha, kể từ khi về nước, tôi chưa từng nghe ai nói với tôi câu ấy!"

    Thực vậy, những người chiến binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việtnam đã không được đồng bào của họ chào đón khi trở về như những thế hệ đàn anh của họ sau các trận thế chiến. Họ đã phải trở về trong âm thầm, trong tủi hận; có khi còn bị ngược đãi, khinh khi. Cộng thêm những cơn ác mộng hàng đêm đã khiến họ trở nên như những con người lạc loài, vô dụng. Từ đó, Nguyễn quyết tâm sẽ nói câu "Welcome Home" với tất cả những cựu chiến binh cũng như những người còn đang tòng ngũ để mong đem lại phần nào an ủi cho họ. Ðó cũng là một trong những lý do khiến anh gia nhập quân đội.

    - Paul! Thomas Hall gọi Nguyễn.
    - Yeah, Tom? Anh đáp.
    - Thanks!
    - For what?
    - Joining the Naval Chaplain Corps. Vì anh đã gia nhập ngành Tuyên Úy Hải Quân.
    - I' m glad I did. Nguyễn đã dùng những lời của Tom để đáp lại bạn.

    Phải biết bơi là điều bắt buộc cho mọi người lính thủy. Tội nghiệp cho những khóa sinh chưa biết bơi, bốn giờ sáng đã phải dậy, ra hồ tắm bì bõm, trong khi các bạn đồng khóa còn đang an giấc nồng. Một trong những môn học quan trọng khác là cách chữa cho tàu khỏi chìm (Damage Control.) Bọn anh đã phải vào một khoang tàu giả mà mọi người gọi đùa là "Butter Cup," ý nói tàu thật mà như vậy thì chỉ như ly bơ, tan chảy và chìm sớm!

    Mọi thủy thủ đều phải biết vị trí chiến đấu của mình trên tàu (battle station.) Người thì lo giữ đại bác phòng không trên cao, kẻ khác phải chăm sóc buồng máy tận đáy tàu. Tóm lại, các thủy thủ được phân tán ra khắp tàu, ai ở khoang nào thì trách nhiệm khoang nấy, cho đến khi có lệnh chấm dứt tác chiến; hay bỏ tàu (abandon ship), trường hợp tàu sắp chìm. Các cửa và nắp khoang phải đóng kín mít, có khi bằng máy tự động; khoang nào bị vào nước thì tất cả mọi người trong khoang phải tìm mọi cách để ngăn nước; nếu không, tất cả sẽ chết hết mà không mong được tiếp cứu. Cuộc thao luyện đã nằm trong tinh thần đó.

    Toán của Nguyễn có khoảng 15 người, được chỉ thị dùng tất cả những vật liệu sẵn có trong khoang đễ ngăn không cho nước tràn vào từ những lỗ thủng thình lình. Bọn anh sẽ phải chịu ba cuộc "tấn công" mà mực nước trong khoang không được cao hơn mức ấn định, nếu không thì .Amen!

    Những tiếng động, tiếng những tia nước lớn tràn vào thật mạnh, tiếng la hét gọi nhau chữa "lụt" trong khi mực nước càng ngày càng dâng cao, khiến Nguyễn có cảm tưởng như "tàu" sắp chìm thật. Sau hơn 10 phút "chiến đấu," các vết thủng đã được gắn kín bằng giẻ rách, bằng những miếng gỗ, ván vụn v.v..., bọn anh được tạm nghỉ. Lúc này mực nước trong khoang đã lên đến đầu gối của Nguyễn. Ðợt tấn công thứ hai, gây những vết nứt khó khăn hơn như ở trong các chỗ chật hẹp của khoang tàu. Nguyễn tình nguyện lặn dò những vết nứt dưới mực nước rồi báo cho các bạn. Khi đợt tấn công này tạm ngưng thì mực nước đã đến gần ngang lưng của anh! Bọn Nguyễn chỉ còn không đầy một "foot" nước nữa để "sống sót" cho đợt tấn công thứ ba.

    Lần này, đa số đến phiên các ống trong khoang bị nứt. Muốn chữa, bọn anh phải dùng những miếng thiếc úp quanh các ống nước, rồi dùng đinh ốc vặn chặt lại để làm ngưng những tia nước. Mực nước đã lên gần đến mức sinh tử mà cả bọn vẫn chưa chữa được một vết nứt cuối ở một ống gần sát với trần tàu. Tia nước lớn bắn ra thật mạnh, trong khi ống nước lại nằm ở chỗ cao hơn người với, nên mọi nỗ lực úp miếng thiếc vào chỗ nứt đều thất bại, kể cả việc hai người công kênh nhau! Khóa sinh trưởng toán đã tỏ nỗi thất vọng ra mặt. Nguyễn bỗng nảy ra một ý định và thực hành ngay: Anh nhờ một anh bạn nâng lên để có thể bám vào ống, nhờ chân và tay đều nhỏ nên anh có thể đưa lọt qua được khoảng cách giữa ống nước và trần tàu. Nguyễn bám vào ống nước bằng cả tứ chi, như con vượn đi ngược dưới một cành cây nằm ngang. Sau đó Nguyễn bảo người bạn đưa cho anh miếng thiếc; đặt nó trên bụng, rồi anh trườn ngược đến chỗ bị nứt. Sức nước bung ra thật mạnh như muốn đẩy Nguyễn rớt trở lại xuống sàn tàu; anh dùng cả chân, tay, bụng và ngực để cố ép miếng thiếc vào phần ống bị nứt. Cuối cùng, miếng thiếc đã được ép sát vào ống, lúc này sức nước bung ra có phần yếu đi vì khoảng cách đã bị thu hẹp. Nguyễn dùng một tay vặn những chiếc đinh ốc vào lỗ rồi sau đó nhờ người bạn đưa cho chiếc kìm để siết chặt thêm. Tia nước yếu dần rồi ngưng hẳn! Cả khoang vỗ tay reo mừng vì tàu đã không "chìm!" Ðại tá giám đốc và các giảng viên trường tuyên úy, qua một khung cửa kính, đã theo dõi hành động của bọn Nguyễn từ đầu đến cuối, sau đó ông tuyên bố rằng "Chaplain Nguyễn saved the Butter Cup, today!" (Hôm nay, tuyên úy Nguyễn đã cứu được chiếc tàu Butter Cup!) Anh chỉ khiêm nhường đáp: "It was the team work, Sir" (Ðó là thành quả của cả toán, thưa Ðại Tá.)

    Bên cạnh NETC là hậu cứ của gần một chục chiếc hộ tống hạm (Frigates) và nhiều khu trục hạm (Destroyers.) Thời gian đó, tổ chức của Hải Quân Mỹ đã khác với hiện tại, các chiến hạm cùng loại được xếp thành từng đội với nhau, đến khi có công tác mới sát nhập với những chiến hạm khác tạo thành hạm đội. Trong những ngày Chúa Nhật, các khóa sinh tuyên úy đã chia nhau đi dâng thánh lễ hay nghi thức cầu nguyện trên các tàu chiến, bệnh viện, nhà nguyện, và cả quân lao (Brig.)



    Một hôm, tuyên úy đại tá giám đốc gọi Nguyễn vào văn phòng của ông và nhắn nhủ rằng, "Cha Nguyễn, (các tuyên úy Tinh lành vẫn có thói quen gọi những tuyên úy Công giáo là cha) tuần này tôi muốn gửi cha lên làm lễ trên một chiến hạm khá đặc biệt, cần phải cho cha biết trước." Nguyễn vẫn thầm cảm phục vị chỉ huy và là "ông thầy" này qua tư cách, việc đối xử sòng phẳng với khóa sinh, và nhất là trên ngực của ông đang có huy chương màu cờ VNCH! "Tôi sẽ cố gắng, Sir" Nguyễn đáp. Ông tiếp: "Chiếc hộ tống hạm này mang tên USS Capodanno, FF 1093. Ðó là tên của một linh mục tuyên úy Hải Quân, đại úy Joseph Capodanno, thuộc tu hội truyền giáo Maryknoll. Ông đã phục vụ ở Việtnam, quê hương của cha, và đã tử trận ở đó." Nguyễn cảm thấy lành lạnh ở xương sống, trong khi giọng ông vẫn đều đều, "hành động của cha Capodanno thật anh dũng và can đảm trước khi ông hi sinh, nên sau này quốc hội Hoa Kỳ đã gắn Huy Chương Danh Dự (cao quí nhất của quốc gia) cho ông (post-humously.) Bộ Hải Quân Mỹ cũng dùng tên ông để đặt cho hộ tống hạm FF 1093 đang thuộc Squadron 6, cạnh NETC đây. Chúc cha dâng lễ sốt sắng."

    Nhìn vào bức tranh treo bên ngoài văn phòng đại tá giám đốc, vẽ cảnh một tuyên úy đang chăm sóc một thương binh giữa sa trường ngập đầy khói lửa, Nguyễn hiểu ngay bức tranh đã nói về tuyên úy Capodanno ở một chiến trường nào đó thuộc miền Trung nước Việt. Những hình ảnh tang thương của quê hương thời tao loạn lại trở về ắp đầy tâm trí anh, Nguyễn phải bước vào một lớp học trống, ngồi một mình trong đó cho đến khi cơn xúc động vơi đi...

    Tu hội Maryknoll có nhà dòng chính ở Ossining, New York, cũng là nơi Nguyễn đã tạm trú và học hành cả năm trời (1975-76) trước khi anh dời về miền Nam, nơi có khí hậu ấm áp hơn. Bao lần, anh đã đi trên những hành lang, ngồi trong những lớp học, ngắm nhìn cảnh núi non hùng vĩ, và giòng sông Hudson lờ lững dưới chân đồi. Những nơi đó chắc chắn đã có vết chân của Joseph Capodanno, người tuyên úy đã hi sinh trên quê hương anh; Nguyễn cảm thấy thật gần với người quá cố. Nhà dòng Mryknoll ở Ossining, NY cũng là nơi cố tổng thống Ngô Ðình Diệm đã từng lưu ngụ trước khi ông về nước chấp chính.

    Những chiến hạm được buộc sát vào nhau thành từng cặp, dọc theo các cầu tàu (Piers.) Nguyễn phải đi qua một hộ tống hạm khác trước khi đến chiếc USS Capodanno. Một thủy thủ đã chờ sẵn ở lối chính lên tàu (Quarter Deck) để đưa anh đến Wardroom (phòng họp và cũng là phòng ăn dành cho các sĩ quan.) Bên ngoài phòng họp, Nguyễn thấy một tủ kính trưng bày những vật kỷ niệm và bộ chén lễ của tuyên úy Capodanno, cả chiếc huy chương danh dự cao quí mà có lẽ gia đình của cha Capodanno đã tặng chiến hạm để trưng bày. Trung tá hạm trưởng và hai người con của ông, cũng như một số sĩ quan và thủy thủ đã chờ sẵn trong phòng.

    Trong bài giảng, Nguyễn đã nhắc đến cuộc gặp gỡ giữa anh và người TQLC, cựu chiến binh ở Việt Nam. Anh cũng không quên nói lời cám ơn và "welcome home" với những người đang đeo huy chương có hình cờ VNCH. Sau thánh lễ, trung tá hạm trưởng đã tặng Nguyễn một chiếc mũ (cap) của chiến hạm Capodanno, đồng thời mời anh trở lại để đọc lời cầu nguyện (Invocation) và chúc lành (Benediction) trong buổi lễ bàn giao chức hạm trưởng giữa ông và một sĩ quan khác, vài tuần sau đó. Khi được tin, đại tá tuyên úy giám đốc đã cho Nguyễn biết rằng đây là một vinh dự hiếm có cho cả trường tuyên úy, vì đó là công tác dành cho trung tá tuyên úy trưởng của Squadron. Lần cầu nguyện đầu đời tuyên úy ấy đã bắt đầu cho bao lần cầu nguyện sau này của Nguyễn.

    Thời gian cứ thế trôi đi theo sự vận hành của vũ trụ; nhanh hay chậm, tùy cảm quan, tùy hoàn cảnh của con người, nhưng chẳng bao giờ nó ngừng lại. Sau cuộc chiến tranh lạnh (Cold War) quân đội Mỹ đã bị cắt giảm nhiều nhưng cũng canh tân nhiều. Khi hải quân Mỹ có những hộ tống hạm mới, loại FFG, tối tân hơn và có thể phóng các hỏa tiễn bay thấp với tầm khá xa (Cruise Missiles) thì chiếc Capodanno đã được chuyển giao cho hải quân Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), một đồng minh trong khối NATO. Tàu đã bị đổi tên và thực sự đi vào quá khứ. Các cầu tàu năm xưa của Squadron 6 nay đang bỏ trống, chỉ còn hai chiếc hàng không mẫu hạm Forrestall và Ranger, một thời oanh liệt ngoài khơi Việtnam, đã "về hưu," nằm im lìm, nhẫn nhục chịu cảnh hoang phế giữa dòng đời...

    Thoáng đấy mà đã gần 12 năm... Nguyễn lái xe trở lại lưu xá của các sĩ quan độc thân (Bachelor Officers Quarters - BOQ) vừa mới xây xong, sang trọng như một khách sạn "năm sao," nhưng lòng anh vẫn trĩu năng những kỷ niệm xa xưa. Các quân nhân đeo huy chương có hình lá cờ VNCH ngày càng ít đi vì đã hơn phần tư thế kỷ từ ngày tàn cuộc chiến. Trong cái mênh mang của lần trở về với quá khứ, Nguyễn bỗng nhớ đến những câu thơ của Vũ Ðình Liên:

    "Những người muôn năm cũ,
    Hồn ở đâu bây giờ?!."
    (Ông Ðồ)



    Tuyên Úy Nguyễn


  4. #254
    Biệt Thự cuocsi's Avatar
    Join Date
    Sep 2016
    Location
    Paris có gì lạ
    Posts
    1,628



    "Ngày sau nếu không chung đường... chắc nhớ nhau nhiều lắm..."

    Những mẫu chuyện tình thời chiến...
    Mười sáu tuổi, mười bảy, mười tám tuổi... thì khó và chưa thể thực hiện được những ước mơ tương lai của mình nhưng có một việc đơn giản nhất mà thuở đó chúng tôi làm được, và TV nghĩ rằng, trên thế giới ai cũng đã và đang vẫn làm:Yêu Thương!

    Trích : Thu Vàng...

    Chào anh Hoài Vọng, Hải Việt, Luân Tâm, Hoàng Thu Diệp, chị Thu Vàng, HXHuongkhuya, Thạch Thảo cùng các quán viếng.
    Cám ơn tất cả đã vào đọc, góp bài và chia sẻ tâm tình. Cuốci rất vui và cảm động nhiều khi những gì về lính VNCH còn có được sự yêu mến như vậy. Nhưng chuyện tình nào cũng có đoạn kết .
    Chúc tất cả sức khỏe và niềm vui.

    Cuocsi


    Last edited by cuocsi; 03-29-2018 at 12:29 AM. Reason: Dán hình

  5. #255
    Biệt Thự HaiViet's Avatar
    Join Date
    Oct 2015
    Posts
    1,221
    -Anh cuocsi bận đi hành quân hay sao mà lúc ẩn lúc hiện thế nhỉ?




    Last edited by HaiViet; 04-17-2018 at 08:39 AM.

  6. #256
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Quote Originally Posted by HaiViet View Post
    -Anh cuocsi bận đi hành quân hay sao mà lúc ẩn lúc hiện thế nhỉ?

    ...hà...hà...Ông ba mươi ( người Bắc gọi con hổ ,con cọp là vậy đó , anh HaiViet ) có lẽ anh cuocsi ...ẩn trong hang qua ngày 30-4
    Ngày này năm đó thì Dù.... lủi vào ruộng mía ở Tháp Chàm trốn mấy xe tăng vi-xi ...gặm mấy cây mía cầm hơi...

  7. #257
    Biệt Thự HXhuongkhuya's Avatar
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    4,676



    Mấy Dặm Sơn Khê ...





    Tưởng nhớ NS Đại Tá QLVNCH đã vĩnh viễn ra đi .
    HX gửi nhà anh cuocsi sáng tác của ông
    .

    HXhuongkhuya cám ơn các anh chị
    , các bạn ghé thăm .




  8. #258
    Biệt Thự HaiViet's Avatar
    Join Date
    Oct 2015
    Posts
    1,221




    Nhớ Mẹ

    Tác giả:Lê Minh Đảo

    Những chiều buồn trên đất Bắc con hướng về Nam con nhớ mẹ nhiều
    Mẹ ơi bao nhiêu năm tháng cứ trôi, cứ trôi cho bạc mái đầu
    Không gian rưng rưng như sắp đứt
    Gió về nghẹn ngào như tím ngắt
    Còn đâu quê hương hoa gấm thơm làn tóc
    Giã từ Miền Nam tang tóc, con sống trầm luân kiếp sống lưu đày
    Hằng đêm con nghe thương tiếc xót xa đắng cay dâng ngạt tháng ngày
    Trăng sao tin yêu ai dối trá
    Đất trời hiền hòa ai đốt phá
    Và đem thê lương che kín núi sông này

    Mẹ ơi, mẹ biết không !
    Còn cháy mãi trong con những lời mẹ cầm tay nói
    Nắng sẽ về đẩy lùi bóng tối
    Và yêu thương, và tự do sẽ còn mãi mãi, nhé con !

    Giờ này hoàng hôn sắp tắt, con nghĩ gì đây, con nhớ mẹ nhiều
    Mẹ ơi bao nhiêu năm tháng cứ trôi, cứ trôi phiêu dạt mái đầu
    Quê hương điêu linh con vẫn khóc
    Trông chờ ngày về con vẫn thắp
    từng đôi sao đêm như ánh mắt mẹ hiền
    Trời mây lung linh soi ánh mắt mẹ hiền
    Hồn con lưng lưng con nhớ mắt mẹ hiền
    Mẹ mến yêu con thương nhớ nhiều



  9. #259
    Biệt Thự cuocsi's Avatar
    Join Date
    Sep 2016
    Location
    Paris có gì lạ
    Posts
    1,628


    Cám ơn Hải Việt, Thạch Thảo, Hoài vọng, Huongxua, Thu Vàng, HoangThu Diep, Luân Tâm, Thụy Khanh, Táo Xanh...cùng tất cả Quán Viếng đã đọc và cỗ động trang Lính.
    Thời gian qua vì có việc riêng nên vắng mặt.
    Hôm nay về thăm chôn cũ và có chút hoa tím trong vườn gởi vào đây trước là cám ơn, sau là xin thứ lỗi vì đi xa không báo trước.

    Chúc tất cả được AN BÌNH
    [IMG]]http://i63.tinypic.com/2yuisdd.jpg[/IMG]

  10. #260
    Biệt Thự HXhuongkhuya's Avatar
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    4,676





    HX sửa hình giùm anh Cuốc nhé .
    Chúc anh Cuốc cùng ACE trong nhà anh Cuốc luôn vui khoẻ !
















    HXhuongkhuya cám ơn các anh chị
    , các bạn ghé thăm .




 

 

Similar Threads

  1. Lính bà
    By Triển in forum Tiếu Lâm
    Replies: 0
    Last Post: 04-03-2015, 04:08 AM
  2. Người Lính Già Bạn Tôi
    By Lưu Vĩnh Hạ in forum Thơ
    Replies: 1
    Last Post: 07-15-2013, 06:21 PM
  3. Thư Bộ đội cụ Hồ gửi Anh Lính Miền Nam
    By NgụyXưa in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 0
    Last Post: 04-15-2013, 05:31 PM
  4. Nhạc Lính Cộng Hoà
    By ngocdam66 in forum Phê Bình Văn Học Nghệ Thuật
    Replies: 10
    Last Post: 07-13-2012, 09:00 PM
  5. Lính mới tò te
    By Hương-Trầm in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 21
    Last Post: 02-16-2012, 05:45 PM

Tags for this Thread

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:25 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh