Register
Page 5 of 39 FirstFirst ... 3456715 ... LastLast
Results 41 to 50 of 386
  1. #41
    @ Cám ơn Lãng đem hình "Nội Các Mới" về.

    Vài năm gần đây chị cũng rất ít vào ĐT post bài nên cái post của chị về vụ này cứ chạy lung tung và mất hình hết, thành ra cứ vào sửa đi sửa lại, mà hình cũng không hiện ra.
    Trong "Nội Các Mới" chị có 'biết" 2 người (cho chị "thấy sang bắt quàng làm họ" tí xíu nha)

    1) Ông Rex Tillerson
    Chị có làm việc với Exxon 14 năm rồi nghỉ vì cần ở nhà trông coi các cháu. Dĩ nhiện là chị đã không làm việc với ông Rex nhưng khi thấy ổng được vào trong Nội Các Mới, chị cũng ... mừng

    2) Ông Rick Perry
    Ổng từng là Thống Đốc của Texas, mà chị ở Texas gần 40 năm rồi (từ 1978, trước đó chị ở Tulsa, OK) nên cũng "biết" ổng. Nhớ lại hồi ổng run for president, nhiều người dân Texas rầu lắm vì ổng ... không giỏi.

    @ Cám ơn anh Hiệp post bài.
    Dạo gần đây, hv ít post bài trong ĐT vì ít ở nhà anh Hiệp ạ. Với lại có chơi FB nên cũng hết thì giờ rồi.
    Thỉnh thoảng có vài cô em nhắn tin thì hv có chạy vào ĐT đọc nhưng vì không "interested in" mấy cái mục "nhão" (hv mượn chữ của các em ) nên không để lại dấu.



  2. #42
    Học luật Mỹ qua sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump

    Quỳnh Vi (Luật Khoa Tạp Chí)

    Tại sao sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump không nhắc đến một chữ “Hồi giáo” nào mà lại bị nhiều người cáo buộc là lệnh cấm nhập cảnh với người Hồi giáo? Lập luận của hai bên là gì? Toà án Mỹ có thể làm gì trong trường hợp này?

    Cùng Luật Khoa học luật Mỹ qua tình huống thú vị này.

    Nội dung của sắc lệnh là gì?

    Ngày 27/1/2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump đã ký ban hành một sắc lệnh hành pháp (executive order) về di trú và nhập cư, có hiệu lực ngay lập tức. Nội dung của sắc lệnh này gồm mấy điểm như sau:
    1. Tạm hoãn việc nhập cư Hoa Kỳ của tất cả người tỵ nạn (all refugees settlement) trong vòng 120 ngày. Người tỵ nạn gốc Việt Nam cũng nằm trong lệnh cấm này.
    2. Chương trình nhập cư của những người tỵ nạn từ Syria bị hoãn vô thời hạn.
    3. Công dân của 7 nước từ khu vực Trung Đông bao gồm Iraq, Iran, Syria, Yemen, Sudan, Libya và Somalia bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày.
    4. Sắc lệnh cũng chỉ cho phép nước Mỹ nhận tối đa 50,000 người tỵ nạn trong năm 2017, giảm gần một nửa so với con số 85,000 người tỵ nạn được nhận vào năm 2016 dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.
    5. Khi lệnh cấm này bắt đầu được thực thi, cho dù những công dân của 7 quốc gia nêu trên đã có visa du học, nghiên cứu, hay thậm chí là thường trú nhân và có thẻ xanh (green card holders/permanent residents) của Mỹ cũng không được phép nhập cảnh.
    6. Tòa Bạch Ốc sau đó đã có tuyên bố là lệnh cấm này không áp dụng cho những người có thẻ xanh. Tuy nhiên, những người có thẻ xanh có thể sẽ gặp kiểm tra chặt chẽ hơn tại các cửa khẩu khi nhập cư vào Mỹ.

    A) Các tòa án liên bang Hoa Kỳ đã đưa ra những phán quyết gì?

    Đơn kiện đầu tiên liên quan đến sắc lệnh cấm nhập cư của chính quyền Trump đã được Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) nộp lên tòa liên bang của khu vực (federal district court) tại Brooklyn, tiểu bang New York ngày 28/1/2017. ACLU đã đại diện cho 2 công dân Iraq bị giữ tại sân bay quốc tế John F. Kennedy (JFK) và không được phép nhập cư vào Mỹ mặc dù đã có thị thực (visa).
    Một trong 2 người đó là ông Hameed Khalid Darweesh, 53 tuổi, một thông dịch viên đã làm việc trên 10 năm cùng quân đội Hoa Kỳ tại Iraq. Ông Darweesh đã được cấp thị thực nhập cảnh đặc biệt vì những đóng góp cũng như sự giúp đỡ của ông đối với đất nước Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại đây.

    Thẩm phán Ann Donnelly là người đã đưa ra phán quyết đầu tiên ngày 28/1/2017, ban hành một lệnh hạn chế tạm thời (temporary restraining order) đối với sắc lệnh của Trump và không cho phép trục xuất gần 200 người đang bị giữ tại sân bay JFK.

    Vì sắc lệnh cấm nhập cảnh được ban hành bởi Tổng thống Hoa Kỳ, người đứng đầu nhánh hành pháp của liên bang, các đơn kiện liên quan đều phải được nộp cho tòa án liên bang. Hệ thống tòa án liên bang là nơi duy nhất có thẩm quyền (jurisdiction) đưa ra phán quyết về sắc lệnh này.

    Có ít nhất 3 thẩm phán liên bang khác từ các bang Massachusetts, California và Virginina cũng đã ban hành các lệnh hạn chế tạm thời tương tự như thẩm phán Donnelly trong cuối tuần vừa qua.
    Các thẩm phán cũng yêu cầu trong phán quyết của mình là những người bị giữ phải được phép gặp và nhận sự tư vấn của luật sư. Hàng trăm luật sư Hoa Kỳ đã tình nguyện giúp đỡ miễn phí cho những người tỵ nạn và nhập cư này.

    Những lệnh hạn chế tạm thời này chỉ có tính ngắn hạn và tòa sẽ sắp xếp một phiên xử trong một thời gian rất ngắn, thông thường là trong vòng 15 ngày trở lại. Các luật sư đại diện cho chính quyền Trump sẽ có cơ hội phản biện lại những lập luận từ phía nguyên đơn. Sau đó, tòa án sẽ quyết định xem có tiếp tục lệnh hạn chế và cần ban hành một lệnh hoãn thi hành cố định (permanent injunction) đối với sắc lệnh này hay không.

    B) Những lập luận bảo vệ sắc lệnh từ phía chính quyền Trump

    Trước tiên, chính quyền Trump cho rằng tổng thống có quyền tăng cường kiểm soát chính sách nhập cư khi quốc gia đang đối mặt với nguy hiểm.
    Họ đưa ra dẫn chứng là vào năm 2011, Tổng thống Obama cũng đã ban hành một sắc lệnh kéo dài thời gian xử lý hồ sơ thị thực và tăng cường kiểm soát hệ thống thẩm định dành cho người di dân và tỵ nạn từ Iraq trong vòng 6 tháng.

    Tuy nhiên, có sự khác biệt khá rõ giữa hai sắc lệnh này.

    Sắc lệnh của Tổng thống Obama đã được ban hành khi hệ thống thẩm định cấp thị thực của Mỹ để lọt 2 người từng tham gia đặt bom khủng bố quân đội Hoa Kỳ ở Iraq. Vì e ngại cho một mối nguy hiểm tức thì nên lệnh kéo dài thời gian cấp thị thực cho công dân Iraq đã được ban hành.

    Mặc dù như vậy, sắc lệnh này cũng gặp phải sự phản đối của các tổ chức dân sự như Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) lúc đó.

    Tổng thống Trump và Tòa Bạch Ốc đã không sai khi cho rằng tổng thống – người đứng đầu chính quyền liên bang – có quyền ban hành các sắc lệnh liên quan đến vấn đề di trú và nhập cư. Theo luật liên bang, tổng thống có thể tạm ngừng việc nhập cư của một nhóm người nếu họ là thành phần “nguy hiểm” đối với quốc gia (“detrimental” to the nation).

    Trong lịch sử Hoa Kỳ, vào năm 1924, vì lý do “bảo vệ nước Mỹ” mà Tổng thống Calvin Coolidge đã từng ký ban hành Đạo Luật Di trú Johnson-Reed (The Immigration Act of 1924 – Johnson-Reed Act), cấm toàn bộ người di dân từ châu Á và định ra hạn ngạch rất thấp cho con số thị thực mà Hoa Kỳ sẽ cấp cho từng quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, người gốc Á châu tại Mỹ thời đó cũng không được nhập quốc tịch Mỹ.

    Trước đó, vào năm 1850, Quốc hội Mỹ cũng từng ban hành Đạo luật Ngăn chặn người Trung Hoa (Chinese Exclusion Act of 1850) cấm di dân từ Trung Quốc trong vòng 10 năm.
    Tuy vậy, tình trạng khắt khe của luật Di trú ở Mỹ được cải thiện rất nhiều trong thời kỳ Phong trào Dân quyền của thập niên 1960 do mục sư Martin Luther King, Jr. lãnh đạo.
    Cùng với Đạo luật Dân quyền năm 1964 (Civil Rights Act of 1964), Tổng thống Lyndon Johnson còn ký và ban hành Đạo luật Di trú và Nhập tịch năm 1965 (The Immigration and Naturalization Act of 1965).

    Đạo luật Di trú và Nhập tịch năm 1965 nghiêm cấm việc kỳ thị hay phân biệt đối xử người tỵ nạn và di dân đến Mỹ bằng chủng tộc, giới tính, nguồn gốc quốc gia, nơi họ sinh ra, hay nơi họ đang cư trú.

    C) Lập luận của phe phản đối sắc lệnh

    Các luật sư và những tổ chức phản đối sắc lệnh cấm nhập cư trước tiên dựa vào Đạo luật Di trú và Nhập tịch năm 1965 làm cơ sở pháp lý.
    Ngoài ra, những người phản đối cũng dựa vào Tu chính án số 1, số 5 và số 14 của Hiến pháp Mỹ làm lập luận pháp lý phản bác lại sắc lệnh của Trump.
    Sắc lệnh cấm nhập cảnh hạn chế việc nhập cảnh của một nhóm người di dân và tỵ nạn từ Trung Đông. Vì đa số người dân từ 7 nước này là người theo đạo Hồi, sắc lệnh cấm nhập cư cũng có vẻ như nhắm vào việc ngăn cản những người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ.

    Trả lời phỏng vấn chương trình The Brody File cùng ngày 27/1/2017, Tổng thống Donald Trump còn cho biết chính quyền của ông sẽ đề nghị một chế độ thẩm định và cấp thị thực dễ dàng hơn và chỉ dành riêng cho những người theo đạo Cơ đốc (Christians) tại Syria và những vùng Trung Đông có người Cơ đốc giáo bị bách hại.

    Lập luận của phía phản đối do đó cho rằng, dựa trên tinh thần nghiêm cấm các hành vi phân biệt tôn giáo và cản trở tự do tín ngưỡng của Tu chính án số 1 (Establishment Clause), sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump là vi hiến.

    Ngoài ra, quyền được hưởng quy trình tố tụng công bằng (Due Process Clause) của Tu chính án số 5 và quyền được bảo vệ công bằng (Equal Protection Clause) của Tu chính án số 14 cũng không cho phép chính quyền Hoa Kỳ ban hành bất kỳ đạo luật nào tước đi quyền hiến định của người dân mà không bảo đảm họ nhận được đầy đủ chuẩn mực về tố tụng một cách công bằng.
    Vì vậy, các luật sư từ ACLU và các tổ chức pháp lý khác cũng dựa vào 2 tu chính án này để phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh. Họ cho rằng nó vi hiến khi không đảm bảo đảm được chuẩn mực tố tụng và không bảo vệ công bằng cho người dân khi tạo ra một sự phân biệt đối xử với người Hồi giáo đến từ 7 quốc gia bị nêu tên, và cả đối với thân nhân của họ đang sống tại Mỹ.

    D) Nguyên tắc ra phán quyết của Tối cao Pháp viện

    Đến thời điểm hiện tại, phía Tòa Bạch Ốc và Tổng thống Trump cho biết sắc lệnh này không phải là sắc lệnh cấm người Hồi giáo (Muslim ban) và không có yếu tố kỳ thị người Hồi giáo hay đạo Hồi.

    Ngược lại, họ kiên quyết rằng đây là một sắc lệnh được đưa ra chỉ để bảo vệ cho sự an toàn của người dân Hoa Kỳ vì không có từ ngữ nào trong sắc lệnh trực tiếp cấm người theo đạo Hồi nhập cư.

    Tuy nhiên, một đạo luật bị tuyên là vi hiến không nhất thiết phải có ngôn ngữ phân biệt hay kỳ thị trong câu chữ.
    Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã từng đưa ra tiêu chuẩn đối với những đạo luật bị kiện là vi hiến do phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc (race) hay quốc gia xuất thân (national origin) của một người.

    Theo đó, những đạo luật này không nhất thiết phải có ngôn ngữ phân biệt trong câu chữ. Một đạo luật có thể nhìn như là trung lập bên ngoài (neutral on its face), nhưng vẫn có thể bị kiện là vi hiến.

    Theo tiêu chí thẩm định của Tối cao Pháp viện, một đạo luật như vậy chỉ có thể bị tuyên là vi hiến nếu chứng minh là nó đã được ban hành với: 1) ý định kỳ thị (discriminatory intent), và 2) đã tạo ra một sự kỳ thị trong thực tế (discriminatory impact) đối với một nhóm người.

    Một án lệ của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ năm 1976 có thể dùng làm ví dụ. Vào thập niên 1970, Sở cảnh sát của thủ đô Washington D.C. quy định tất cả những ai muốn trở thành nhân viên cảnh sát ở đây đều phải trải qua một kỳ thi. Kết quả của việc thực thi quy định này là hầu như không có cảnh sát da đen được nhận làm.

    Trên văn bản thì Sở cảnh sát Washington D.C. không hề cấm hoặc giới hạn số lượng cảnh sát da đen. Thế nhưng quy định này vẫn bị kiện là vi hiến với lý do phân biệt dựa trên chủng tộc vì thực tế cho thấy số lượng cảnh sát da đen được nhận là quá thấp so với số cảnh sát da trắng. Đó chính là sự kỳ thị trong thực tế (discriminatory impact).

    Đến cuối cùng, vì phía nguyên đơn không chứng minh được quy định này có ý định kỳ thị (discriminatory intent) nên Tối cao Pháp viện đã phán là nó không vi hiến. (Xin xem thêm tại án lệ Washington kiện Davis).

    Trở lại với sắc lệnh ngày 27/1 của Tổng thống Trump. Chúng ta có thể giả định là Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cũng có thể áp dụng hai tiêu chí nói trên để đánh giá tính hợp hiến của sắc lệnh này.
    Đa số người bị cấm nhập cảnh là những người theo đạo Hồi đến từ 7 quốc gia bị nêu tên. Vì vậy, những người phản đối có thể lập luận rằng sự kỳ thị đối với người theo đạo Hồi xuất xứ từ 7 nước trên là điều sẽ xảy ra trong thực tế (discriminatory impact) khi sắc lệnh này được áp dụng.

    Ngoài ra, những lời tuyên bố trước đây của Tổng thống Trump và những cố vấn thân cận trong quá trình vận động tranh cử, hứa hẹn với cử tri sẽ cấm người Hồi giáo nhập cư cũng có thể được dùng để chứng minh là sắc lệnh cấm nhập cư được ban hành với một ý định kỳ thị (discriminatory intent).

    ***
    Sau cùng, chỉ có Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ mới có thẩm quyền để đưa ra phán quyết chung thẩm về tính hợp hiến của sắc lệnh cấm nhập cảnh mà Trump đã ban hành.
    Có lẽ cũng vì thế mà Tổng thống Trump cho biết sẽ công bố người được đề cử vào chiếc ghế thẩm phán bỏ trống ở Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (từ khi thẩm phán Antonin Scalia qua đời vào tháng 2 năm 2016) vào tối ngày 31/1/2017, sớm hơn hai ngày so với dự định ban đầu.

    Cuộc chiến pháp lý thật sự về sắc lệnh cấm nhập cảnh của tổng thống Trump, do đó, vẫn còn rất dài ở phía trước.

    Tài liệu tham khảo:
    Full text of Trump’s executive order on 7-nation ban, refugee suspension
    Brody File Exclusive: President Trump Says Persecuted Christians Will Be Given Priority As Refugees
    Open doors, slamming gates: The tumultuous politics of U.S. immigration policy
    5 Questions About The Law And Trump’s Immigration Order
    Hồ sơ Darweesh kiện Trump của ACLU
    Trump’s immigration ban: 4 key questions answered
    1965 Immigration Law Changed Face of America
    The Immigration Act of 1924 (The Johnson-Reed Act)
    Constitution Allows Muslim Immigration Ban
    President Obama to Increase Refugees Admitted to U.S. by 30%
    Trump’s facile claim that his refugee policy is similar to Obama’s in 2011
    Donald Trump calls for “total and complete shutdown” of Muslims entering U.S.
    Án lệ Washington kiện Davis, 426 U.S. 229 (1976)

    http://www.nguoi-viet.com/dien-dan/h...anh-cua-trump/
    Last edited by Lê Nguyễn Hiệp; 02-06-2017 at 11:24 PM.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  3. #43
    An ninh nước Mỹ là trên hết. Bài học 911 còn đó.

    Hôm qua đi field trip ở San Jose ( tính gọi bác NVHN bao ăn phở mà không có giờ), an ninh phi trường vẫn chặt chẽ, Hành khách lên may bay vẫn tiếp tục bị khám xét, những túi đồ vẫn phải qua máy dò để kiểm soát.

    Tôi mang cái máy giống như khẩu súng bị dò đi dò lại 3 lần, cuối cùng người kiểm soát nhìn mặt tôi thấy già chát và ốm yếu nên cho đi, ha!ha!

    Để coi cuộc chiến pháp lý này đi đến đâu!!! cái hay của nước Mỹ tổng thống vẫn phải tôn trọng phán quyết của toà án.

    *****
    Tòa Bạch Ốc tin sẽ thắng cuộc chiến pháp lý di trú

    Tòa Bạch Ốc tin rằng sẽ chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý liên quan đến sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump cấm người từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sean Spicer tuyên bố hôm 6/2.

    Ông Spicer nói với báo giới rằng ‘Rõ ràng luật đang nằm bên phía Tổng thống.’

    Phát ngôn nhân Spicer nhấn mạnh Tổng thống Trump làm những gì có lợi nhất cho lợi ích nước Mỹ, hầu bảo vệ người dân Mỹ, và rằng ‘chúng tôi cảm thất hết sức tự tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng trong vấn đề này.’

    Toà Phúc thẩm liên bang Mỹ đã từ chối yêu cầu tái triển khai sắc lệnh hành pháp của chính quyền Tổng thống Donald Trump tạm thời cấm người từ 7 nước có đa số dân Hồi giáo tới Mỹ.

    Hôm 5/2, Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Hoa Kỳ ở San Francisco đề nghị chính quyền ông Trump phải nộp thêm các lập luận trước chiều ngày 6/2.
    Ông Trump nói quyết định của Tòa ngăn chặn sắc lệnh của ông là ‘nực cười’ và ông thề sẽ đảo ngược phán quyết đó.

    Sắc lệnh của ông Trump đã gây ra xáo trộn trong các cơ quan chính phủ và tòa án, đồng thời châm ngòi cho các cuộc biểu tình tại nhiều nơi trên nước Mỹ lẫn ở hải ngoại.

    http://www.voatiengviet.com/a/toa-ba...u/3709102.html
    Last edited by Lê Nguyễn Hiệp; 02-07-2017 at 10:47 AM.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  4. #44
    Nhà Lầu
    Join Date
    Sep 2016
    Posts
    430
    Quote Originally Posted by Lê Nguyễn Hiệp View Post
    An ninh nước Mỹ là trên hết. Bài học 911 còn đó.

    Hôm qua đi field trip ở San Jose ( tính gọi bác NVHN bao ăn phở mà không có giờ), an ninh phi trường vẫn chặt chẽ, Hành khách lên may bay vẫn tiếp tục bị khám xét, những túi đồ vẫn phải qua máy dò để kiểm soát.

    Tôi mang cái máy giống như khẩu súng bị dò đi dò lại 3 lần, cuối cùng người kiểm soát nhìn mặt tôi thấy già chát và ốm yếu nên cho đi, ha!ha!
    Vậy chứ gặp mấy ông rậm râu sâu mắt đầu đội khăn mà cầm cái gì giống khẩu súng là mệt hơn nhiều ha anh Hiệp.

  5. #45
    Thợ Né nvhn's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,009
    Quote Originally Posted by Lê Nguyễn Hiệp View Post

    Hôm qua đi field trip ở San Jose ( tính gọi bác NVHN bao ăn phở mà không có giờ),
    Lần khác vậy
    -Chúa Kitô không có tay mà chỉ trông chờ đôi tay của chúng ta thay đổi thế giới ngày nay.
    -Chúa Kitô không có chân mà chỉ trông chờ đôi chân của chúng ta dẩn bước thế giới nầy đến với người.
    -Chúa Kitô không có môi miệng mà chỉ trông chờ môi miệng của chúng ta nói với mọi người.
    ------ ĐGH Gioan Phaolô II -----

    "Mặt em giận dễ thương "
    "Mặt vợ giận dễ sợ "

    Hình Hội Tết Fairgrounds 2012 @ San Jose.

  6. #46
    nằm cùng một mục "thời sự trong ngày"

    nhưng nước sông không đụng nước giếng là phố bớt cháy rồi.

    chốc nữa post tiếp về vụ kiện tụng của ông Trump
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  7. #47
    Dân chủ vẫn còn hận ông Trump, chơi cho sát ván, nhưng người tính không bằng trời tính.


    ****

    DeVos thành Bộ Trưởng Giáo Dục trong đường tơ kẽ tóc

    Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã sử dụng quyền biểu quyết của mình phá thế hòa trong Thượng viện hôm thứ Ba để chuẩn thuận người được Tổng thống Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Giáo dục, Betsy DeVos. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ một Phó Tổng thống dùng tới quyền này để giúp một ứng viên Nội các được chuẩn thuận.

    Hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa biểu quyết đồng thuận với toàn bộ khối thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ chống lại bà DeVos, người ủng hộ việc cho phép các gia đình sử dụng ngân quỹ dành cho trường công để cho con cái họ theo học trường tư. Điều này đưa tới kết quả hòa 50-50 trước khi ông Pence biểu quyết mang tính định đoạt theo quy định của Hiến pháp khi Thượng viện lâm vào thế hòa.

    Trước đó, các thượng nghị sĩ Dân chủ đã thay nhau diễn thuyết suốt 24 giờ liên tục để đưa ra lập luận chống lại ứng viên Bộ trưởng Giáo dục và khẩn nài ít nhất một Thượng nghị sĩ Cộng hòa biểu quyết cùng họ chống đối bà DeVos.

    Là một doanh nhân giàu có, bà DeVos chưa từng làm giáo viên hoặc quản trị trường học. Trong phiên điều trần chuẩn thuận tại Thượng viện, bà nói rằng có thể cần phải có súng trong những ngôi trường ở nơi hẻo lánh để đề phòng gấu xám. Phát biểu này khơi lên phản ứng sững sờ và dè bỉu từ phe Dân chủ.

    Bà DeVos là thành viên mới nhất gia nhập Nội các của ông Trump chỉ mới có bốn người được chuẩn thuận.

    http://www.voatiengviet.com/a/pho-to...c/3710151.html
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  8. #48
    post bài này để ACE tìm hiểu thêm về việc kiện tụng.

    Vụ án đưa đến Án Lệnh cuả Thẩm phán Robart xuất phát từ một đơn khởi tố ban đầu của tiểu bang Washington, sau đó có tiểu bang Minnesota đồng khởi tố, nộp ngày 03-02-2017, một tuần sau khi TT Trump ký sắc lệnh về di trú. Sau khi nghe luận cứ của nguyên đơn Washington và Minnesota một bên, và bị đơn TT Trump, Thẩm phán Robart ra Án Lệnh truyền các nguyên đơn, gồm tất cả các viên chức hành pháp, tạm ngưng thi hành các điều khoản kể trên.


    ***
    Tìm hiểu nội dung sắc lệnh của Tổng thống Trump về di trú

    Phan Quang Tuệ February 7, 2017
    Tác giả Phan Quang Tuệ là Phó Biện Lý (Trial attorney) cho Sở Di Trú (INS) từ 1988-1993 và Thẩm phán Toà Di Trú San Francisco từ 1995 cho đến khi về hưu cuối năm 2012.


    Cho đến khi khởi sự bài viết này, Tổng Thống Trump đã ký 18 sắc lệnh hành pháp từ khi tuyên thệ nhậm chức.
    Đầu tiên là sắc lệnh thu hồi Obamacare. Kế đến là xây bức tường phía Nam tiếp cận Mexico. Tiếp theo là rút lui khỏi TPP (Trans Pacific Partnership). Mực chưa khô thì là lệnh đình chỉ tuyển dụng (freeze) thêm nhân viên hành chánh liên bang. Ngay sau đó là giản dị hoá thủ tục liên bang (deregulation). Cứ trung bình là 1.5 sắc lệnh mỗi ngày. Bao trùm mọi lãnh vực như y tế, hành chánh, quân sự, nội an, ngoại giao, thương mại, thuế quan,…

    Thông thường các sắc lệnh hành pháp bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi công bố trên công báo liên bang (Federal Register). Nhưng chưa lên công báo thì những sắc lệnh của Tổng Thống Trump đã gây cuồng phong, bão tố. Không những trong nước mà còn khắp nơi trên thế giới.

    Trong số những sắc lệnh đã ký thì sắc lệnh về di trú TT Trump ký ngày 27-1-2017 là văn kiện mà ảnh hưởng bùng nổ hầu như tức thời ngay sau khi khi công bố. Phản ứng ở các trung tâm chính trị, ngoài đường phố, trong các phi trường quốc tế, và ngay cả trong các gia đình có thân nhân không phải, hay chưa là, công dân Hoa Kỳ. Cộng đồng người Việt cũng sôi nổi với những cuộc tranh luận đôi khi gay gắt.

    Bài này được viết với tính cách thông tin đại chúng cho những người muốn tìm hiểu và nắm vững các dữ kiện.
    Sắc lệnh được TT Trump ký ngày thứ Sáu 27-1-2017 dưới tiêu đề chính thức: ‘Protecting The Nation From Foreign Terrorist Entry Into The United States.’ Tạm dịch: ‘Bảo Vệ Quốc Gia Chống Quân Khủng Bố Nước Ngoài Xâm Nhập Vào Hiệp Chủng Quốc.’
    Sắc lệnh gồm 10 điều khoản:

    Điều 1 nói về mục đích của sắc lệnh, tuyên bố thủ tục cấp phát chiếu khán đóng một vai trò tối ư quan trọng nhằm khám phá những phần tử có mối liên hệ với quân khủng bố hầu ngăn chặn chúng xâm nhập vào Hiệp Chủng Quốc.

    Điều 2 tuyên bố chính sách của Hoa Kỳ là bảo vệ công dân của mình chống lại các phần tử nước ngoài âm mưu tấn công khủng bố trong lãnh thổ Hoa Kỳ.

    Điều 3 nói về việc đình chỉ cấp phát chiếu khán và những quyền lợi di trú khác cho công dân những quốc gia cần có quan tâm đặc biệt. Trong điều 3 (c) TT Trump ra lệnh đinh chỉ nhập cảnh, cả thường trú nhân lẫn không phải thường trú nhân (as immigrants and non-immigrants) đối với những người thuộc 7 quốc gia được liệt kê trong điều 217 (a) (12) cuả Bộ Luật Di trú và Quốc Tịch. Bảy quốc gia này được đạo luật năm 2016 kể trên xếp loại vào trong danh sách những quốc gia cần có mối quan tâm đạc biệt. Hồi giáo là tôn giáo của đa số người dân những quốc gia này. Danh sách gồm có: Iran, Iraq, Syria, Sudan, Lybia, Yemen, và Somalia.
    Lệnh đình chỉ có hiệu lực kể từ ngày ký sắc lệnh và trong thời hạn 90 ngày. Chính điều khoản 3(c) này mới là một trong những điều khoản nằm trong Án Lệnh Tạm Ngưng Thi Hành, Temporary Restraining Order (TRO) ngày 03-02-2017 của Thẩm Phán Liên bang James L. Robart.

    Điều 4 nói về tiêu chuẩn thanh lọc áp dụng đồng nhất trong tất cả các chương trình di trú.

    Điều 5 nói về Tái Phối Trí (tạm dịch: Realignment) chương trình định cư tỵ nạn cho tài khoá 2017. Khoản 5 (a) của sắc lệnh đình chỉ chương trình định cư tỵ nạn một thời gian 120 ngày. Khoản 5 (b) quy định sau thời gian 120 ngày, Bộ Ngoại Giao và Bộ Nội An sẽ ấn định những thay đổi cần thiết, và ấn định thứ tự ưu tiên cuả các đơn xin tỵ nạn. Khoản 5 (c) đình chỉ vô thời hạn (cho đến khi có quyết định cuả TT Trump) chương trình tỵ nạn cho tất cả những đơn xin tỵ nạn cuả người Syria. Khoản 5 (e) quy định Ngoại Trưởng và Bộ trưởng Nội An quyền cho nhập cảnh từng trường hợp cá nhân xin tỵ nạn khi phù hợp và không gây thiệt hại cho quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ. Các điều 5 (a), (b), (c), và (e) là những điều còn lại nằm trong Án Lệnh Đình Chỉ Thi Hành Tạm của Thẩm phán liên bang Robart. Tóm lại, án lệnh Robart đình chỉ thi hành tạm điều khoản 3(c), 5(a), 5(b), 5(c), và 5(e) mà thôi. Các điều khoản còn lại của sắc lệnh vẫn giữ nguyên.

    Chế độ chính trị của Hoa Kỳ đặt nền tảng trên nguyên tắc kiểm soát và cân bằng, tổ chức trên một bản Hiến Pháp 230 năm với 3 quyền Lập Pháp, Hành Pháp, và Tư Pháp. Trong khuôn khổ của bài viết, Hiến Pháp đây là hiến pháp liên bang, và Tư Pháp đây là tư pháp liên bang. Các toà án liên bang, và thẩm phán liên bang được Hiến Pháp quy định trong điều 3. Vì thế, hệ thống toà án liên bang, và các thẩm phán trong hệ thống này, thường được gọi chung là Toà án và Thẩm phán Điều 3 (Article III judges). Hệ thống Tư Pháp liên bang gồm Toà Sơ Thẩm (US District Courts), Toà Phúc Thẩm (Circuit Court hay Court of Appeals), và Tối Cao Pháp Viện. Hiện nay có 94 tòa sơ thẩm liên bang, và 13 toà phúc thẩm.

    Vụ án đưa đến Án Lệnh cuả Thẩm phán Robart xuất phát từ một đơn khởi tố ban đầu của tiểu bang Washington, sau đó có tiểu bang Minnesota đồng khởi tố, nộp ngày 03-02-2017, một tuần sau khi TT Trump ký sắc lệnh về di trú. Sau khi nghe luận cứ của nguyên đơn Washington và Minnesota một bên, và bị đơn TT Trump, Thẩm phán Robart ra Án Lệnh truyền các nguyên đơn, gồm tất cả các viên chức hành pháp, tạm ngưng thi hành các điều khoản kể trên.

    Án Lệnh Robart ghi rõ có hiệu lực trên toàn quốc (nation wide) cho dù phe bị đơn yêu cầu, nếu được chấp thuận, án lệnh chỉ có thể áp dụng trong phạm vi lãnh thổ các tiểu bang liên hệ mà thôi. Thẩm phán Robart bác bỏ luận cứ này, viện dẫn một án lệ có tính cách áp dụng tổng quát theo đó luật di trú phải được thi hành một cách cương quyết và đồng nhất (uniformly).

    Trong phần kết luận cuả án lệnh, Thẩm phán Robart viết như sau: ‘Làm nền tảng cho công việc cuả bổn toà là công nhận với tất cả lương tri rằng toà án này chỉ là một trong 3 ngành với vị trí bình đẳng. Rằng công việc của bổn tòa chỉ giới hạn trong việc bảo đảm rằng những quyết định cuả 2 ngành kia phù hợp với luật lệ quốc gia, và quan trọng hơn cả, phù hợp với Hiến Pháp.’

    Làm sao một thẩm phán lại có quyền ra lệnh ngưng thi hành một sắc lệnh cuả một Tổng Thống đầy uy quyền? Câu trả lời nằm ngay trong Hiến Pháp. Điều II Hiến Pháp trao quyền hành pháp cho Tổng Thống. Tuy không minh thị vạch ranh giới cho quyền này, phần còn lại của Hiến Pháp đã chia quyền hạn quốc gia với hai ngành lập pháp và tư pháp qua điều I và III. Tuy có vẻ là một ngành bị động, tư pháp, qua Tối Cao Pháp Viện (TCPV) và các thẩm phán liên bang, lại là định chế có thẩm quyền phán xét tính cách hiến định cuả các quyết định hành pháp.

    Lịch sử đôi khi lập lại, chỉ có vai trò các phe liên hệ là thay đổi. Người ta còn nhớ chỉ mới năm 2015 tại Texas, Thẩm phán liên bang Andrew Hannen ra án lệnh TRO tạm ngưng quyết định hành pháp (executive action) của TT Obama cho phép tạm đình chỉ trục xuất (withholding of deportation) các trẻ vị thành niên hội đủ một số điều kiện. Án lệnh này được Thẩm phán Hannen ký theo đơn khởi tố của Texas và 25 tiểu bang khác. Án lệnh này sau đó được Toà Sơ Thẩm Vùng 5 y án.

    Như vậy thì đương trạng của vụ án này ra sao?

    Khi bài viết này được viết phần kết vào lúc 3 giờ sáng ngày 7-02-2017 thì nội vụ đang ở trước Toà Phúc Thẩm Vùng 9 (9th Circuit Court). Bên nguyên đơn, được tăng cường thêm với biện minh trạng của 16 công tố tiểu bang, cộng thêm với bản tuyên bố của 2 cựu ngoại trưởng, John Kerry và Madeleine Bright, thỉnh cầu toà phúc thẩm giữ nguyên án lệnh của Thẩm phán Robart. Bên Bộ Tư Pháp liên bang thỉnh cầu toà phúc thẩm cất (lift) án lệnh này. Một ban (panel) gồm ba thẩm phán liên bang thuộc tòa phúc thẩm, sẽ cứu xét và quyết định. Tòa án Vùng 9th là toà phúc thẩm gồm có đông thẩm phán nhất (29 thẩm phán), lại là toà có số luợng kháng cáo về di trú nhiều nhất trong 13 toà phúc thẩm. Tác giả, khi còn phục vụ tại Toà Di Trú San Francisco, đã từng có nhiều phán quyết bị kháng cáo lên Toà Phúc Thẩm này. Phần lớn các tiểu bang Miền Tây, trong đó có tiểu bang Washington, cộng thêm Hawaii và Alaska, đều thuộc thẩm quyền lãnh thổ của Vùng 9.

    Dẫu cho Toà Phúc Thẩm phán quyết ra sao, chắc chắn vụ kiện sẽ lên TCPV. Và từ khi Thẩm phán Scalia từ trần năm ngoái, TCPV hiện nay chỉ có 8 thẩm phán. Trường hợp biểu quyết đồng phiếu, 4-4, thì phán quyết Toà Phúc Thẩm sẽ y án. Hiểu như vậy chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của phán quyết ngày mai của 3 thẩm phán Toà Phúc Thẩm Vùng 9.

    Hy vọng bài viết đóng góp thêm cho sự hiểu biết của những quý vị quan tâm đến vụ án đặc biệt này.

    http://www.nguoi-viet.com/dien-dan/n...ump-ve-di-tru/

    *****
    Toàn bộ bản văn Sắc Lệnh Hành Pháp 13769 - SẮC LỆNH BẢO VỆ QUỐC GIA KHỎI SỰ THÂM NHẬP CỦA KHỦNG BỐ NƯỚC NGOÀI VÀO HOA KỲ đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt trong Wikisource.

    The link is
    https://vi.wikisource.org/wiki/S%E1%...h%C3%A1p_13769
    Last edited by Lê Nguyễn Hiệp; 02-08-2017 at 09:00 AM.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  9. #49
    Con sói quàng khăn đỏ gun_ho's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Haida Gwaii
    Posts
    1,729
    Quote Originally Posted by Lê Nguyễn Hiệp View Post
    Dân chủ vẫn còn hận ông Trump, chơi cho sát ván, nhưng người tính không bằng trời tính.
    Đau lắm chứ bác. Ngày mới thua thì vết thương hâ mồm nên đau cái nỗi đau khác. Nay liền da nhưng làm độc mưng mủ bên trong nó khó chịu kiểu khác. Có lẽ còn sâu đậm hơn xưa, thậm chí Trump ăn phải món gì ỉa không ra chúng nó cũng mừng nữa là.
    Giang Châu Tư Mã _ Bạn mượn khố của ĐVT.

  10. #50
    Chào anh Hiệp, anh Gun, Lãng, và khách vãng lai...
    Hôm qua nhận được bài dưới đây. Đọc xong chợt muốn chia sẻ với mọi người

    Sống ở Mỹ... Bạn không phải yêu nước Mỹ
    Song Châu


    A / Bạn đến nước Mỹ vì bất cứ một lý do nào đó. Tỵ nạn CS. Vượt biên. HO. Đoàn tụ gia đình. Anh chị em bảo lãnh vv...và vv...và ngay cả giả chồng giả vợ nữa, bạn đều được nước Mỹ đối xử nhân đạo và hào phóng với bạn. Đúng không? Nhưng bạn không phải yêu nước Mỹ.

    B / Sống ở nước Mỹ, bạn được giúp đỡ theo nhu cầu: Cần nhà, bạn có housing. Đau ốm, sinh nở bạn được nhà thương trị liệu. Cần thức ăn bạn có foodstamp. Nếu bạn có con nhỏ mà không đi làm được thì mỗi tháng, ngoài food stamps, bạn còn được nhận một số tiền gọi là Welfare. (nhiều người gọi là tiền phước thiện.) Tiền này tuy không nhiều nhưng cộng với housing và những sự trợ giúp quan trọng khác, giúp bạn đủ sống trong giai đoạn cần thiết để vượt qua những khó khăn (ở đây, người viết không nói đến trường hợp những người không bao giờ đi làm, hay đi làm thì chỉ lấy tiền mặt và nhiều chục năm dài sống bằng welfare.) Nếu nhà bạn có cha mẹ già đau yếu hay chẳng may có người tàn tật, chính phủ sẽ trả tiền cho người đến săn sóc, tắm rửa nấu ăn, mỗi ngày ít nhất là 4 giờ hay nhiều hơn, tùy tình trạng. Mỗi tháng nếu bạn không có tiền trả tiền điện, tiền heat, bạn sẽ được giúp trả. Bạn hay con cái bạn cần học thì được đến trường, không có tiền đóng học phí, nước Mỹ đóng cho bạn và còn cho thêm tiền bạn mua sách vở, tiêu xài từng học kỳ. Và ngay cả khi chết, nếu không có tiền lo hậu sự, chính phủ Mỹ cũng giúp bạn chu toàn. Đúng không? Nhưng bạn không phải yêu nước Mỹ.

    C / Bạn ở nhà với cha mẹ, lúc còn bé và nếu cha mẹ bạn khá giả, bạn mới được học hành, chu cấp đầy đủ. Nếu cha mẹ nghèo, bạn không được đi học mà còn phải đi làm để góp vào với gia đình mà sống. Đúng không? Nhưng khi bạn vào nước Mỹ rồi thì dù bạn chưa đóng góp được chút gì cho sự hưng thịnh của nước Mỹ, bạn cũng vẫn được hưởng mọi dịch vụ và phúc lợi, công bằng như mọi người công dân Mỹ đã từng đóng góp mà người viết đã nói ở phần trên. Đúng không? Nhưng bạn không phải yêu nước Mỹ.

    D / Bạn có biết những khoản tiền đó từ đâu mà có không? Là từ những người đến đây trước bạn, họ ý thức được lòng nhân đạo và sự hào phóng của những người đến trước họ, đã giúp họ cơ hội để họ được là họ hôm nay và họ tri ân bằng cách làm việc không lãnh lương chui, họ sẵn sàng và vui vẻ đóng thuế để góp công xây dựng nước Mỹ được giàu mạnh, cho nước Mỹ có đủ ngân khoản mà tiếp tục giữ được truyền thống tốt đẹp này để lúc bạn đến, chính phủ Mỹ sẽ chu cấp cho bạn và cho gia đình bạn. Đúng không? Nhưng bạn không phải yêu nước Mỹ.

    E / Khi bạn đi làm, dù bất cứ hãng xưởng nào và bất cứ tiểu bang nào trên toàn quốc, tùy theo khả năng, chuyên môn và nhu cầu công việc, không kể màu da, tiếng nói, bạn được lãnh lương như đồng nghiệp và được đối xử công bằng như đồng nghiệp. Nếu bạn bị bức hiếp, bạn được pháp luật che chở để lấy lại công bằng cho bạn. Không có tiền trả luật sư, bạn được quan toà chỉ định luật sư bào chữa miễn phí. Và ngay cả những tội phạm đang bị giam cầm cũng được luật pháp Mỹ che chở. Như thế, nước Mỹ tốt đẹp và tình người cao cả quá. Đúng không? Nhưng bạn không phải yêu nước Mỹ.

    G / Còn nhiều chuyện khác nữa cho lợi ích của bạn nhưng người viết chỉ kể ra đây những điều căn bản cần thiết. Qua những điều vừa kể ra, bạn có đồng ý với tôi là không nhiều nơi trên thế giới, chính quyền lại đối xử với người nhập cư tốt như nước Mỹ và bạn đã may mắn được nhập cư vào Mỹ và sống trên nước Mỹ. Đúng không? Nhưng bạn không phải yêu nước Mỹ.

    H / Người viết nhắc nhiều lần câu: "Nhưng bạn không phải yêu nước Mỹ." bởi vì, dù sai hay đúng, tốt hay xấu, tình cảm của con người là những cảm nghĩ rất riêng, rất độc lập, bất khả xâm phạm và xuất phát tự trái tim của họ. Nhất là với tình yêu thiêng liêng mỗi người dành cho nơi họ sanh hay nơi họ sống. Đó là MỘT TÌNH YÊU TỰ HIẾN VÀ TỰ NGUYỆN DO BẢN CHẤT, DO Ý THỨC, DO SỰ TRƯỞNG THÀNH, DO LÒNG BIẾT ƠN, DO LƯƠNG TÂM, DO ĐẠO ĐỨC, GIÁO DỤC VÀ LIÊM SỈ CỦA MỖI CON NGƯỜI, KHÔNG AI CÓ THỂ YÊU NƯỚC GIÚP AI HAY BẮT BUỘC AI YÊU NƯỚC CẢ. Vì thế, dù bạn sống ở Mỹ, hưởng mọi phúc lợi của công dân Mỹ, Nhưng bạn không phải yêu nước Mỹ, TRỪ KHI BẠN TỰ NGUYỆN VÀ TỰ HIẾN.

    Tình Yêu là gì? Không ai nhìn thấy TÌNH YÊU nó hình thể gì, màu sắc gì nhưng người ta lại dễ dàng nhận ra Tình Yêu khi nó được thể hiện bằng hành động. Người mẹ nuôi nấng, dạy dỗ, săn sóc con cái chu đáo, hy sinh cả đời mình cho con vì bà YÊU CON bà. Người Lính can đảm xông lên trước mũi súng quân thù, dù biết rằng đó là phút giây sinh tử nhưng để bảo vệ từng tấc đất quê hương, người lính ấy đã không ngần ngại vì Người Lính đó YÊU QUÊ HƯƠNG. Lại có những người hy sinh mạng sống mình trên đất nước của dân tộc khác để ngăn chặn những tai họa, những chết chóc, bất công cho người không cùng chủng tộc. Vì một mục đích nhân bản hay lý tưởng tốt đẹp, họ đã làm thế và gọi chung là TÌNH YÊU NHÂN LOẠI. Như Mẹ TERESA, Mẹ đã đem TÌNH YÊU THIÊN CHÚA VÀ TÌNH YÊU GIỮA CON NGƯỜI VÀ CON NGƯỜI đến những căn nhà ổ chuột, những nơi nghèo hèn dơ dáy, đã dùng bàn tay bác ái của Mẹ an ủi, thương yêu săn sóc bao nhiêu người ốm đau thương tật, thân thể đã bốc mùi hôi thúi mà ai cũng sợ nhìn vào. Những TÌNH YÊU ấy không ai bắt buộc hay xin xỏ mà chỉ được thể hiện bằng TÌNH YÊU TỰ NGUYỆN VÀ TỰ HIẾN.

    Ở đây, mục đích của bài viết này, người viết chỉ mong rằng, bạn không cần phải yêu nước Mỹ nhưng xin bạn đừng vô tình hay cố ý làm tổn thương nước Mỹ, một đất nước đã cưu mang bạn, giúp cho bạn mọi phương tiện, mọi cơ hội để bạn vươn lên sống cuộc đời tươi đẹp mà nhiều người trong nhiều quốc gia trên thế giới ước ao.

    Thế nào là làm nước Mỹ tổn thương. Ví dụ vài trường hợp điển hình:

    1 / Đi làm lấy tiền mặt, trốn thuế. Chỉ cách cho những người khác cách làm giống bạn, kể cả việc bắt chước người khác khai gian các chương trình phúc lợi của chính phủ để nhận những giúp đỡ mà bạn chưa thực sự cần hay không cần đến.

    2 / Móc nối, tiếp tay đưa những ca sĩ gốc VC từ VN qua mở "phòng trà" tại nhà bạn, xong, giới thiệu ca sĩ này với bạn bè của bạn để cứ như dây chuyền, cả hơn chục năm nay, những ca sĩ đỏ đó lần lượt chui từ nhà này đến nhà khác, từ tiểu bang này đến tiểu bang kia nơi có người việt cư ngụ để hát hò. Các ca sĩ đỏ này đã gom nhiều ngàn dollars xanh của Mỹ ngon ơ, không đóng thuế. Về VN, những ca sĩ này tiếp tục hát Mừng Ngày Giải Phóng. (Mai Khôi là một trường hợp, xin xem trong link dưới đây
    https://www.facebook.com/mai.k hoi.official/videos/1703447143 243248/?fallback=1

    3 / Môi giới, tiếp tay che đậy cho những việc làm trái luật pháp quy định như du lịch rồi trốn ở lại, lấy chồng lấy vợ giả, du học giả (chạy xin giấy du học nhưng sang Mỹ đi làm nail, bồi bàn tại các tiệm, các nhà hàng ăn chủ là người Việt) . Chuyển tiền chui nhiều chục ngàn về VN (người ở đây đưa tiền cho người sang du lịch và gia đình người du lịch ở VN giao tiền cho người nhà của người ở đây tại VN với hoa hồng đáng kể....) Một hai người làm như vậy, tưởng chẳng can hệ nhiều nhưng chục người, trăm người và nhiều trăm người làm như vậy thì sự thiệt hại của nước Mỹ sẽ ra sao? Ấy là chưa nói đến việc làm thế là lợi cho VC.

    4 / Nếu bạn có căn nhà đẹp, có khoảng sân cỏ mướt khang trang, một ngày có một nhóm người từ nơi khác đến, bất chấp luật lệ, tài sản của ai, họ nhảy qua hàng rào vào trong sân nhà bạn. Quậy phá đã, đám người đó lại phá cửa nhà bạn, tràn vào trong nhà, đập phá bàn thờ, đồ đạc của bạn, hành hung người nhà của bạn. Bạn sẽ phản ứng thế nào? Hãy thành thật mà trả lời rằng bạn sẽ làm tiệc hoan hỉ đãi họ, mời họ ở lại trong nhà để họ tiếp tục đập phá và hành hung cha mẹ vợ con bạn và ngay cả bạn nữa hay bạn đuổi họ ra, để bảo vệ an ninh cho bản thân và gia đình bạn ?

    5 / Nếu bạn nói rằng bạn vì tình nhân loại, vì lòng nhân ái mà bạn mời nhóm người này ở lại trong nhà bạn để họ tiếp tục hành hung người của gia đình bạn và đập phá mọi thứ trong nhà bạn thì một là bạn nói dối, hai là đầu óc bạn có vấn đề, không biết phân biệt tốt, xấu, đúng sai. Nếu thế, nơi bạn cần đến ở là bịnh viện tâm thần, không phải là căn nhà bình thường với một gia đình bình thường như thế nữa.

    6 / Còn nếu bạn nhất quyết phải đuổi những kẻ dữ tợn vô kỷ luật và hung ác này ra khỏi nhà bạn để bảo vệ an ninh cho gia đình bạn được sống bình yên thì Tổng Thống Donald Trump, người đã vào tòa Bạch Ốc bằng những phiếu bầu theo đúng hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ và sự chọn lựa của dân chúng, đang làm nhiệm vụ cao cả ấy để giữ an ninh cho mọi người công dân nước Mỹ, trong đó có bạn và tôi. Bạn không cần phải yêu nước Mỹ nhưng bạn nên yêu chính bạn và gia đình bạn bằng cách là không a tòng với kẻ bịnh hoạn, ích kỷ, thiếu tự chế, tự trọng mà làm loạn thêm nữa. Hãy để yên cho ông Trump làm nhiệm vụ, làm bổn phận MỘT NGƯỜI CHỦ NHÀ BIẾT BẢO VỆ GIA ĐÌNH, CHÒM XÓM. MỘT TỔNG THỐNG BIẾT BẢO VỆ NỀN AN NINH QUỐC GIA, BIẾT YÊU NƯỚC MỸ, YÊU NHÂN DÂN MỸ của ông.

    7/ Bạn không cần phải yêu nước Mỹ nhưng bạn chỉ cần yêu gia đình bạn, yêu bản thân bạn như người viết đã trình bày. Được thế, những người Mỹ Yêu Nước Mỹ sẽ cảm ơn bạn vô cùng.


    Song Châu

 

 

Similar Threads

  1. nô lệ thời hiện đại
    By gtmt in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 0
    Last Post: 03-14-2016, 03:20 PM
  2. Replies: 13
    Last Post: 04-14-2014, 06:24 AM
  3. Replies: 2
    Last Post: 06-03-2013, 09:16 AM
  4. Châm ngôn Việt Nam thời hiện đại
    By hoài vọng in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 7
    Last Post: 05-28-2013, 10:24 AM
  5. Bí ẩn cuộc tình Hàn Mạc Tử & Mộng Cầm
    By ngocdam66 in forum Nhân Văn
    Replies: 2
    Last Post: 09-15-2012, 11:53 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 06:27 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh