Register
Page 3 of 7 FirstFirst 12345 ... LastLast
Results 21 to 30 of 68
  1. #21
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    2.
    Ổ bánh mì sau ngày "giải phóng"___


    Sài
    Gòn, một buổi chiều sau ngày đại tang của Miền Nam...

    Đã 3 hôm nay, Vinh cố gắng để dành tiền Mẹ cho, tuy là có nhiều lúc nó đói lắm nhưng vẫn nhất quyết không mua khoai mì hay xôi để ăn sáng trước khi đi học. Vinh định bụng là khi nào đủ tiền thì nó sẽ mua nguyên một ổ bánh mì thịt nướng của Dì Năm. Ừ, nguyên ổ, chứ không phải là một khúc ngắn như mọi lần...

    Vừa ra khỏi cổng hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vinh đã ngửi thấy mùi thịt nướng thơm lừng. Nó quẹo phải, tay móc túi quần "short" lấy ra mấy tờ bạc "Cụ Hồ", vừa đếm, vừa đi thật nhanh đến xe bánh mì. Sau lưng nó, tiếng thằng Tuấn nói như hét:

    - Ê, "Dinh! Dinh!" Tụi thằng Thìn Bi-Kê kìa!

    Vinh quay lại, nhìn theo hướng chỉ tay của Tuấn, nó thấy thằng Thìn "BK2 Nút" và thằng Phúc Ngọng đang đứng xớ rớ ở đầu đường. Có lẽ đã nhìn thấy tụi Vinh, nên Thìn dừng chân, đứng xa xa dò xét, miệng nó đang lẩm bẩm nói gì đó với thằng Phúc. Sau vài bước là 2 thằng "BK" nữa đang đi đến. Vinh biết mặt hai thằng này; nhà tụi nó trong con hẻm Ty Nông Vụ.

    Tuấn đưa tay ngoắc:

    - Tới đây, con! Mẹ mầy, tới đây "nói chiện" chơi. Mấy thằng bàn nạo tụi mầy là ... củ cải của tao!

    Tuấn cúi người xuống, cởi đôi dép da bỏ vào chiếc túi "jean" đang quàng trên vai. Nó
    nói với Vinh:

    - Mầy tháo dép ra, bỏ vô túi tao đi. Không thôi, chút văng mất à. Tụi nó 4 thằng, thế nào nó cũng "chơi" mình "tới bến" hà....

    Vinh nhìn về hướng 4 thằng "BK" đang dựa tường, rồi đáp:

    - Khỏi đâu! Tao nghĩ tụi nó chờ mình về để vô hồ bơi thôi, chứ ông nội nó cũng hổng dám bước tới đây gây chiến đâu. Hai đứa mình dư sức "tính" 4 thằng nó mà! Hơn nữa, nó mà ngu ngu "chơi" mình bây giờ, mai nó phải nghỉ học sao Tuấn?

    Đúng như Vinh dự đoán, tuy đông "quân số" hơn, nhưng tụi thằng Thìn vẫn đứng xớ rớ ở đầu đường, không dám bước đến. Vinh hít thật sâu, lấy hơi, rồi chửi vói vài câu "tâm lý chiến" về hướng bọn thằng Thìn đang đứng:

    - Tiên Sư Bố chúng mầy nhá! Mầy mà dám tới đây là chít mịa cả lũ chúng mầy với ông nhá, mấy thằng "Bắc Kỳ Muối" kia!

    Thằng Tuấn cười khắc khắc:

    - Mầy chửi cha nó là "Bắc Kỳ Muối", mà mày lại chửi bằng cái giọng Bắc Kỳ lai... Sao "kỳ cục" dậy Dinh?

    - Tao là "gốc 9 nút" (54); cha con nó "2 nút" (75), Tuấn à! Vậy chứ hồi nãy mầy chửi nó bàn nạo rồi sao lại còn nói nó giống củ cải của mầy? Bộ "củ cải" mầy giống cái bàn nạo dừa à? Thôi, để tao mua bánh mì.

    Nghe tới bánh mì, mắt thằng Tuấn sáng rực, nhanh miệng xúi:

    - Ừa, ừa, mua đi, mua đi! Để tao "canh lưng" cho mầy....

    Vinh trả tiền, rồi nhận ổ bánh từ tay Dì Năm. Tuy là miệng nói vậy, nhưng nó phòng hờ trong bụng nên xin Dì Năm thêm 1 miếng giấy báo để gói ổ bánh mì lại cho thật kỹ rồi bỏ vào chiếc túi vải "du kích" của mình - sợ lỡ khi "đụng trận" sảng, không khéo, ổ bánh mì sẽ biến thành cháo thịt nướng.

    Hai đứa cùng cất bước đi về hướng đầu đường Nguyễn Bĩnh Khiêm, nơi có một con đường lớn cắt ngang. Hình như trước đây đường này là Hồng Thập Tự, nay đã được đổi thành một cái tên nghe rất vô duyên, rất xa lạ là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

    Vẫn còn mang "đôi giày" của ông Adam, Tuấn hỏi:

    - Đi bên này hay bên kia?

    Vinh vừa trả lời, vừa băng ngang đường:

    - "Xắn" thẳng về hướng tụi nó mà đi! Sợ đếch gì chứ!

    Vinh và Tuấn đi thẳng về hướng bọn thằng Thìn đang đứng...

    Khi còn cách nhau vài chục bước, tụi thằng Thìn đang dựa tường, tự động tách rời ra, "dàn trận", có ý chờ...

    Thằng Tuấn chửi đổng:

    - Nhìn cái củ cải gì? "Chơi" hông?

    Vinh vừa bước, vừa nhìn chằm chằm vào mắt "kẻ tử thù" Thìn Bi-Kê để "bắt nhãn."
    Như đọc được cái "khớp cơ" trong mắt Thìn, lúc đi ngang mặt nhau, Vinh hất hất cằm, cười đểu:

    - Khôn nhá! "Chơi" ông bi dzờ, thì mai con sẽ nghỉ học ở nhà luôn nhá con...

    Vừa qua "chốt" địch chưa đầy vài mươi bước, thằng Tuấn ngoáy cổ lại nhìn một lần nữa cho chắc ăn, rồi hối:

    - Lấy bánh mì ra! Tao đang đói bụng.

    Vinh ngần ngừ:

    - Ăn... hổng được đâu....

    Chưa đợi Vinh giải thích, nó "mở đài phát thanh" ngay tức thì. Miệng nói, tay thì với ngang định giựt lấy chiếc túi "du kích" của Vinh:

    - Mịa!... Mầy tính đem về nhà ăn một mình hả thằng đểu?

    Vinh làm thinh, suy nghĩ: "Hay là mình với thằng Tuấn ăn nửa ổ?" Nhưng rồi gương mặt vàng nghệt của Kiệt lại hiện ra trong đầu nó. Vinh trả lời không ngập ngừng:

    - Tao mua cho thằng Kiệt...
    - Mấy bữa nay, nó bị ăn cháo hoài, ngán lắm!

    Nghe nhắc đến Kiệt, Tuấn tiu nghỉu, cúi đầu lầm lủi bước:

    - Ừ, thôi... Để dành cho nó đi...
    - Mà sao nó bệnh lâu quá vậy mậy?

    - Bác Sĩ nói nó đau gan nặng. Ổng kêu Mợ tao nên cho nó ăn thịt bò...

    Hai đứa đã đi đến đầu con hẻm nhà Tuấn. Bất ngờ, nó đá đít Vinh một cú rõ đau như để trả mối thù hụt ăn bánh mì. Sau khi đã chạy ra xa xa né đòn, nó hỏi với:

    - Trưa mai có giờ "lao động," tao hổng đi đâu. Tao sẽ vào Trại Cửu Long kiếm cá Xiêm, mầy đi hông?

    Vừa xuýt xoa xoa mông, Vinh trả lời:

    - Ừ, để coi.....

    ....................

    Bước vào nhà, Vinh đã thấy Mẹ và Mợ Chín ngồi ở phòng khách. Nhóc tì Luân thì đang vật vã mè nheo trên đùi Mợ. Vinh cuối đầu chào Mẹ và Mợ, rồi phóng từng hai nấc thang một lên phòng Kiệt. Đẩy cửa vào phòng, thấy Kiệt đang nằm thiêm thiếp trên giường. Vinh đặt túi "du kích" lên ghế, với lấy lon sữa đặc Mẹ để trên đầu chiếc tủ thuốc nhỏ kế giường, múc ra vài muỗng đổ vào ly rồi chạy cầu thang ngược xuống nhà bếp. Nó nấu nước sôi, pha ly sữa, cẩn thận hai tay bưng lên cầu thang. Khi đi ngang qua phòng khách, Vinh bắt gặp ánh mắt của Mợ nhìn theo nó... Hình như Mợ biết nó đang làm gì.

    Đặt ly sữa nóng trên bàn, Vinh kéo ghế sát giường em, rồi lay Kiệt dậy:

    - Kiệt, thức dậy đi em! Kiệt....

    Thằng Kiệt chầm chậm mở mắt ra; đôi mắt vàng nghệt, lờ đờ nhìn Vinh:

    - Em mệt quá anh Ba ơi.

    - Anh mua bánh mì thịt nướng cho em nè. Em ngồi dậy rửa mặt đi, rồi ăn. Có sữa nóng nữa nè...

    Mắt Kiệt như sáng lên khi nghe đến mấy chữ "bánh mì thịt nướng." Nó lồm cồm ngồi dậy, chìa tay:

    - Em rửa mặt hồi nãy rồi.....

    Vinh tháo bỏ lớp giấy báo bên ngoài, mở rộng lớp giấy trong, rồi đưa ổ bánh mì cho Kiệt. Mùi thịt nướng bốc ra thơm phức... Bụng Vinh như sôi lên khi nhìn thấy những giọt tương đen đặc quánh và nước sốt thịt chảy dài trên mặt tờ giấy báo.

    Kiệt đưa tay nhận ổ bánh, cẩn thận bẻ ra làm hai. Nó chìa một nửa qua Vinh:

    - Anh ăn phần này đi!

    Vinh nhìn nửa ổ bánh, ngập ngừng:

    - Anh... ăn rồi!... Em ăn hết đi!

    Nhìn tấm thân ốm nhom và gương mặt vàng kè như nghệ của em đang cẩn thận "gặm" từng miếng nhỏ từ ổ bánh mì, Vinh thương quá! Chỉ mới hôm nào đây thôi, anh em nó đã từng bị Mẹ, bị Mợ quở phạt khi ngồi "nhơi" trong bữa cơm chiều. Nhớ quá những bữa cơm với thịt cá ê hề. Những những ngày Lễ Tết với đủ loại bánh mứt, cây trái đầy cả tủ lạnh... Vinh nhớ và thèm ghê lắm! Đã rất nhiều lần sau ngày "giải phóng," nó ước gì có thể thưởng thức lại được mùi vị của một chiếc bánh Pâté Chaud, thứ bánh nhân thịt của người Pháp mà trước kia, cứ mỗi khi chạy bộ ra nhà sách Khai Trí để mua những quyển truyện hình Xì-Trum, Lữ-Hân & Phi-Lục thì thế nào nó cũng phải ghé tiệm bánh mua vài cái để mang về, vừa đọc vừa nhâm nhi.

    Giờ ngồi đây, nhìn em đang "gặm" ổ bánh mì ốm nhom một cách thèm khát, Vinh biết rằng những tháng ngày thật đẹp của tuổi thơ thủa nào sẽ không bao giờ còn quay lại với anh em nó nữa.

    __ Nhìn nghiêng, thằng Kiệt giống Cậu như đúc. Nghĩ đến Cậu, Vinh chợt thấy mắt mình cay cay như có những hạt bụi nào đó của cuộc đời vừa rơi vào...

    Vinh dụi mắt thật nhanh, đứng phắt dậy. Như để tránh cái nhìn của Kiệt, nó bước trái ra phía sau lưng, xoa đầu em rồi nói:

    - Em ngồi đây ăn đi nha, anh chạy ra coi Ba thằng Xén nuôi gà.

    Vinh chạy ra lan-can tầng một, đi về hướng cuối nhà. Ở đây, nó có thể tựa thành bao-lơn, nhìn xuống và thấy được toàn bộ khu vườn sau nhà của lão Hô.

  2. #22
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    3.

    Đàn gà của lão "Hô" __


    Hình như cả xóm không ai biết tên thật của lão là gì. Người ta chỉ gọi lão là "Lão Hô" cũng bởi mấy chiếc răng vàng khè mọc lởm chởm, cái chìa ra, cái thụt vào một cách rất ư là vô trật tự sau đôi môi thâm xì của lão.

    Lão người Tàu, mỗi khi nói chuyện với ai, là y như rằng người đó sẽ được lão tặng cho vài tia nước bọt. Có lẽ hai "hàng rào răng" lưa thưa, vô trật tự của lão không đủ khít để ngăn chặn làn nước bọt dồi dào được "sản xuất" ra bởi lối phát âm lơ lớ và "xì xì" "xịt xịt" quái đản của lão ta.

    Thằng Xén hiền bao nhiêu, thì Bố nó, lão Hô, lại hung dữ và đáng ghét bấy nhiêu. Đã nhiều lần Vinh bị Mẹ quất cho quắn đít bằng roi mây cũng vì lão ấy.

    __ Nhà lão có cây vú sữa cao và lớn lắm, cành lá xum xuê, lại rất ngọt trái. Đến mùa, những nhánh chỉa qua sau nhà Vinh đều... trụi lủi. Có hôm, canh lúc trưa lão đang ngủ, Vinh, Kiệt, Tuấn, Lộc Vồ và Chánh đã từng leo tường qua, "đột kích" lên tận ngọn cây vú sữa đó. Một lần, đang ngồi vắt vẻo trên cây, thưởng thức cái hương vị mát ngọt của "chiến công vú sữa", thì lão lù lù đi ra với cây gậy đen thui trên tay. Bố có bảo cũng chẳng thằng nào dám nhảy xuống, không khéo lão quất cho một gậy là què giò. Cộng thêm nỗi ám ảnh từ mấy người lớn trong xóm khi nghe họ đồn nhau rằng lão biết... võ Tàu.

    Lúc đầu, sau khi hét ra lệnh cho bọn Vinh nhảy xuống nhiều lần nhưng vô hiệu quả, lão dợm chân định leo lên. Nhưng hễ lão vừa nhón chân, thì bọn Vinh lại leo cao hơn. Chẳng biết vì lão leo cao không nổi hay vì sợ tụi Vinh lính quýnh sẽ té ẩu, nên lão ngưng leo. Thế là hai bên cứ kẻ "trên trời" ôm nhánh cây cứng ngắt, dòm xuống. Người dưới đất, quơ gậy ào ào, phun nước bọt, chửi lên. Mặc lão cứ chửi, anh em Vinh nhất định ôm ngọn vú sữa "tử thủ"...

    Hai bên đang gườm nhau được vài phút như vậy, thì bất chợt lão hét lên một tràng Tiếng Tàu líu lo, bắt thằng Xén qua bấm chuông nhà Vinh để mời Mẹ sang mắng vốn. Có lẽ nó sợ cây gậy của Bố hơn là sợ sẽ bị anh em Vinh "trả thù," nên nó đi một mạch sang bấm chuông gọi Mẹ.

    Thế là chỉ vài phút sau, năm "ông con" đã được Mẹ "thỉnh" xuống...

    Khỏi nói ra, người bị ăn "bánh tét không nhưn" nặng đòn nhất cũng là Vinh, chỉ huy trưởng toán "biệt kích" của "đặc khu vú sữa."

    Vinh ghét lão lắm!

    Ghét cay ghét đắng, nhưng không phải chỉ riêng cái "hận" vú sữa mà Vinh còn ghét vì cái "ác độc" của lão ta.

    Hay nói cho đúng hơn, là vì đàn gà của lão....

    __ Chiều nay, cũng như mọi buổi chiều, lão Hô lại mặc chiếc quần lở ống, màu đen bạc phếch, cùng chiếc áo thun ba lỗ đã ngã sang màu vàng. Khi Vinh tựa vào thành bao-lơn nhìn xuống, cũng là lúc lão đã bắt đầu đổ thóc vào máng.

    Những ống máng dài làm bằng loại tre to thân chẻ đôi. Ngay phía trên máng là hàng chục ống tre lớn xếp hàng ngang trên giàn bệ. Mỗi ống tre to mập đó chỉ dài cỡ hai ba gang tay người lớn, và... ở mỗi đầu ống, đều có một chiếc đầu gà với cái mào đỏ ao, lưa thưa vài sợi lông, đang thò ra thụt vào để mổ những hạt thóc...

    Lão Hô nuôi gà trong ống tre!

    Lần đầu tiên phát giác ra sự việc lạ lùng này trong lúc đang đu tường ngắm cây vú sữa của lão, Vinh đã không dằn được tánh tò mò. Cho đến một hôm, thấy thằng Xén thay lão cho gà ăn, Vinh và mấy đứa em đã "bích hổ du tường" gần cả giờ đồng hồ để hỏi cho rõ ngọn ngành và xem cách thằng Xén nuôi đàn gà ống tre của lão Hô.

    (Còn tiếp...)

  3. #23
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    ...... bài viết ấy đã khiến cho tôi nhớ lại những hình ảnh của năm xưa. Những hình ảnh điêu tàn của quê hương tôi - của thành phố Sài Gòn thân yêu sau ngày "giải phóng." Hình ảnh xơ xác của ngôi nhà tôi đã lớn lên với biết bao là kỷ niệm êm đềm nhưng sau cái ngày Thứ Tư định mệnh đó...
    Tôi nhớ lại cái lầm lì đáng sợ và ánh mắt căm hờn của Kiệt (em họ tôi) từ sau ngày Cậu mất. Nhớ từng gương mặt của bạn bè tôi - những thằng "Con Lính Ngụy" - và những trận ác chiến giữa chúng tôi với đám con Cán Bộ, con Bộ Đội, Công An. Nhớ tới những đòn thù tàn nhẫn mà hai bên đã trút lên đầu nhau bằng tất cả sự căm ghét với số tuổi đời chỉ mới hơn mười. Cái tuổi, mà theo ngôn ngữ Việt Nam đã được gọi bằng 2 chữ thật đẹp, là "TUỔI THƠ."

    Vâng, tôi nhớ! Tuy 42 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ ràng những tháng ngày đau thương đó. Những tháng ngày mà tôi đã phải tập hiểu cho tận tường ý nghĩa của thế nào là Hận Thù, là Đau Khổ, là Đói, là Thèm, là Ghét, là Căm Hờn...

    Tôi đã phải "học" và "hiểu" cho thuộc lòng bài học đau đớn ấy. Bởi tuổi thơ của tôi, của anh em tôi, đã chấm dứt vào một buổi sáng ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Một buổi sáng với hàng lũ người mình cắm đầy lá rừng, đi ngơ ngác như những tên Mán về thành trên đường phố Sài Gòn thân yêu của tôi. Để rồi nối tiếp theo sau là những chuỗi ngày đen tối của cái đói luôn ngự trị trong nhà tôi, với những bữa cơm chỉ toàn khoai sắn. Những buổi học phải kèm theo giờ "lao động" cùng chiếc khăn quàng màu máu lúc nào cũng dính chặt trên cổ chúng tôi. Với những "tiết" học luôn luôn có sự ngự trị của hình ảnh Bác & Đảng chứ không chỉ đơn thuần là học để mở mang kiến thức.

    Chúng tôi đã phải HỌC từ một phương pháp DẠY rất quái dị, đi đôi với câu châm ngôn "Học tài, thi yếu lý lịch" của xã hội Miền Nam thời đó. Với những lần "kế hoạch nhỏ" thu lượm sách báo "đồi trụy" về, chất đống ra, để họ đốt bỏ đi.

    Cái "đồi trụy" mà mấy chục năm sau, thì chính những người đã từng đốt bỏ nó đã phải bắt chước, đã phải "học" lại cách "đồi trụy" đó từ con số 0 để theo kịp với sự tiến bộ của thế giới loài người. Để rồi hôm nay, khi tôi đang viết ra những dòng chữ này, thì trên mảnh đất hình chữ S kia, sự suy đồi trong văn hoá & đạo đức, tệ nạn xã hội còn trăm lần hơn những quốc gia "đồi truỵ" nào khác trên thế giới.

    __ Chúng tôi, tuổi thơ của Sài Gòn trong những năm sau ngày "giải phóng," phải luôn luôn thuộc lòng một công thức bất di bất dịch trong đầu rằng "Bác Hồ là vị cha già của dân tộc, rằng ông đứng trên tất cả mọi người, trên cả ông bà cha mẹ ruột thịt của chúng tôi."

    Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh?


  4. #24
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    __ NHỚ MẸ...

    (Tác giả: Lê Minh Đảo)


  5. #25
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431


    __Một Ngày Cận Tết...


    Chiều nay, ngọn gió Xuân về lại
    Mang nỗi buồn xưa phủ kín lòng
    Hơn chín năm rồi,
    ....................... tôi mất Mẹ
    Một ngày cận Tết cuối trời Đông

    Mẹ đi, để lại nghìn thương nhớ
    Một xác thân kia đã mỏi mòn
    Một kiếp yêu chồng, bao khổ luỵ
    Một đời tận tuỵ với đàn con

    Từ buổi hôm nào tôi mất Mẹ
    Ân sâu đành hẹn chữ luân hồi
    Đâu công dưỡng dục thời niên thiếu
    Đâu nghĩa sinh thành thuở ngủ nôi

    Như cánh thiên di xuôi vạn lý
    Ngoảnh trông bóng Mẹ khói sương mờ
    Lời Người hôm ấy còn mang nặng
    Dù ....
    .......bể dâu này
    .................. tựa giấc mơ
    ____________________
    (Một ngày giỗ Mẹ 2017)





  6. #26
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    ___"Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
    Nước còn cau mặt với tang thương"
    (Bà Huyện Thanh Quan)

    ***

  7. #27
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    ___ Hôm nay Xô tui thay đổi bầu không khí chút xíu. Nghe TK "đòi nợ" ....


    "Anh còn nợ em...."



    Theo như quyển tướng pháp "Xuống giếng kỳ thư" mà tui học qua, thì người có giọng ca khàn khàn và cái "mỏ" (chề chề) này là vua cãi đây! ....

    .....Ừ! Cãi dữ dội lắm... (tớ đang ở "không gian riêng" nha Tôm CVA... Tớ "tăm sự" một mình à nha Tôm)

  8. #28
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    .... (Tôm chen lấn quá.....)



    1). Phải công nhận cái giọng khàn khàn ca hay thật!
    2). Nhìn mặt chàng Lâm Nhật Tiến, tui nghĩ chàng quen sống bên xứ lạnh... (đầu năm mà gặp chàng là hết oánh Football suốt mùa luôn).
    3). Anh Tôm à... Từ từ, anh! Đừng chen lấn, xô đẩy quá - hai chúng ta cùng thế hệ đấy! (Úi cha!... )



  9. #29
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431
    Khó quên lắm!
    __Chuyện một đêm khuya (làm sao quên?)




    ___ Khó quên lắm, đồng chí ạ! Ba mớ "khế" thỉnh thoảng biết đổi màu chút đỉnh đó chả ăn nhầm gì đâu, cưng... (you have to do way more than that, hun).
    Last edited by XXG; 04-14-2017 at 11:09 AM.

  10. #30
    Banned
    Join Date
    Jan 2017
    Posts
    1,431

    __EM TÔI

    (Tác Giả: Phan Nhật Nam - K18)


    Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết.

    Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẩm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ. Mỗi ngày, trời sập tối mẹ mới gánh hàng về, ba mẹ con ngôì ăn cơm bên ngọn đèn dầu , tôi và em hỏi han, an ủi mẹ. Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện chợ búa như đang nói chuyện với người lớn, tôi ngồi nghe, nhìn đôi vai gầy của mẹ, nhìn mái tóc và đôi bàn tay khô của mẹ, mà thấy thương mẹ vô cùng.

    Tôi phải bỏ học ở nhà hai năm để trông chừng em. Mẹ có một sạp bán rau cải ở chợ Cồn. Gọi là sạp chứ thực ra chỉ là một ô đất nhỏ, sáng mẹ ra đi thật sớm, lúc trời còn mờ sương, buổi trưa mẹ về nhà lo cho chúng tôi ăn, nằm nghỉ ít phút rồi trở dậy sửa soạn cho chuyến chợ chiều. Một tuần bảy ngày, mẹ đi đi về về trong nỗi cô đơn.
    Năm em vừa tròn năm tuổi thì mẹ cho em vào mẫu giáo, tôi cũng trở lại trường, đám bạn cũ của tôi nay đã hơn tôi hai lớp, ngồi xung quanh tôi bây giờ là những khuôn mặt lạ, kém tôi hai, ba tuổi. Tôi là học trò lớn nhất và học khá nên được làm trưởng lớp. Gần cuối năm học lớp nhì, tôi nói với mẹ lên xin thầy Hiệu trưởng cho tôi được thi nhảy tiểu học. Thầy bằng lòng. Tôi cắm cúi học luyện thi và kết quả là tôi đã đỗ được bằng Tiểu Học năm đó.

    Vào lớp đệ thất trường Trần quốc Tuấn, tôi tiếp tục học ngày, học đêm, năm Đệ Ngũ tôi thi nhảy một lần nữa lấy bằng Trung Học. Đến niên học Đệ Tam thì tôi đã bắt kịp đám bạn cũ, tôi hân hoan nhập bầy chung với đám bạn ngày xưa. Đây là giai đoạn mà tôi cần tiền để mua sách học và may thêm quần áo, thời tiểu học và trung học Đệ Nhất Cấp thì mặc sao cũng được, nhưng bây giờ đã lên Đệ Nhị Cấp rồi, đã bắt đầu biết đỏ mặt khi nhìn những đứa con gái trường nữ, thỉnh thoảng đã biết theo bạn tập uống cà phê, phì phà điếu thuốc. Tiền mẹ cho không đủ, tôi bắt đầu công việc kèm trẻ tư gia để kiếm thêm tiền. Học trò của tôi là mấy cô cậu đệ thất đệ lục, nghĩa là cũng chỉ bé thua tôi vài tuổi.

    Ba mẹ con tôi vẫn ngày ngày đi về căn nhà nhỏ, căn nhà vẫn không thay đổi một chút nào từ ngày bố bỏ mấy mẹ con để ra đi.


    Hết năm Đệ Tam, tôi nộp đơn thi Tú Tài phần nhất. Tôi đậu bình thứ. Một lần nữa, mọi người ngạc nhiên, nhưng tôi biết sức học của mình. Tôi biết mẹ buôn bán tảo tần, tôi thấy những năm tháng gần đây mẹ trở bệnh hoài, mỗi sáng mẹ lục đục dậy thật sớm nấu cơm để dành cho anh em tôi, rồi lặng lẽ mang đôi quang gánh lên va, những tối ngồi trâm ngâm bên ánh đèn dầu nhìn anh em tôi học bài và những đêm khuya mẹ trở mình húng hắng ho. Tôi thương mẹ và em đến ứa nước mắt, và càng thương mẹ thương em, tôi càng học như điên, như cuồng. Tôi ước gì Bộ Giáo dục cho tôi thi hai bằng Tú Tài cùng một lúc. Nhìn mái tóc mẹ đã lớm chớm sợi bạc, nhìn lưng mẹ mỗi ngày mỗi như còng xuống, nhìn hai vai gầy của mẹ mà lòng quặn đau, và cứ thế, tôi vùi đầu vào sách vở…

    Em đã bắt đầu tuổi lớn, đã bắt đầu tuổi mộng mơ con gái, đã bắt đầu bước vào “tuổi ngọc”. Nhưng tội nghiệp, biết nhà mình nghèo, biết mẹ mình buôn thúng bán bưng, biết anh mình vẫn chiều chiều đi kèm trẻ kiếm thêm tiền và cặm cụi học đốt giai đoạn cho chóng thành tài. Biết thế nên em ít khi nào xin mẹ, xin anh tiền may áo mới, hai chiếc áo dài trắng đủ cho em thay đổi. Em lớn lên thiếu tình của bố, nên tôi “quyền huynh thế phụ”… Nhiều lúc nhìn mẹ, nhìn em, tôi vẫn không hiểu tại sao bố lại đành đoạn dứt áo ra đi.

    Tôi thi đỗ Tú Tài toàn phần năm 18 tuổi, và ra Huế học Đại học Văn khoa. Mẹ ở một mình với em ở Đà Nẵng. Mỗi cuối tuần, tôi theo xe đò về thăm mẹ và em, đến sáng thứ hai trở lại trường. Ở Huế, tôi tiếp tục công việc kèm trẻ tư gia. Với số tiền nhỏ nhoi kiếm đuợc, tôi phụ mẹ một ít nuôi em.

    Qua sinh nhật thứ 13 của em mấy tháng, một chiều mẹ bỏ buổi chợ, về nhà than nhức đầu, tưởng là cảm nhẹ, mẹ sai em cạo gió và nấu cho mẹ bát cháo hành. Khuya đó mẹ lên cơn sốt, lảm nhảm nói mê, sáng hôm sau em nghỉ học chở mẹ vào nhà thương và nhờ người nhắn tin ra cho tôi ở Huế.

    Lật đật trở vào Đà Nẵng bằng chuyến xe đò chót. Trời tối đã lâu, không kịp ăn uống, từ bến xe tôi đi thẳng đến bệnh viện. Trong căn phòng nhỏ, dưới ánh đèn vàng mờ đục, mẹ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, còn em đang ngồi ngủ gà ngủ gật cạnh giường. Đứng yên lặng nhìn mẹ xanh xao bất động, và khuôn mặt thơ dại của em, trong giấc ngủ hai khoé mắt vẫn còn long lanh giọt lệ, tôi nghe lòng mình quặn thắt.

    Đánh thức em dậy, em ngơ ngác dụi mắt vài giây. Nhận ra tôi, em nhào tới ôm chầm và oà lên khóc, em cho hay là từ lúc đưa mẹ vào đây, mẹ chỉ tỉnh lại một vài phút vào khoảng giữa trưa, sau đó mẹ hôn mê trở lại. Tôi an ủi em, rồi cùng em ra văn phòng bệnh viện. Cô y tá trực cho hay mẹ bị đứt một tĩnh mạch ở đầu. Tôi bàng hoàng như bị ai nện một nhát búa vào ngực. Cô y tá bùi ngùi nhìn em, đôi mắt xót xa…

    Tối đó, anh em tôi cùng ở lại với mẹ, em mệt mỏi, nên chỉ một thoáng là đã ngủ say. Trong giấc ngủ mệt nhọc, thỉnh thoảng em ú ớ mẹ ơi, mẹ ơi rồi nức lên mấy tiếng. Tôi nghe như dao cắt trong lòng. Suốt đêm không ngủ, tôi cứ ngồi nhìn mẹ nằm im lìm và bên chân mẹ em ngủ chập chờn. Tôi tự nhủ thầm với mình đừng khóc, đừng khóc… nhưng sao nước mắt vẫn cứ trào ra, một tay ve vuốt bàn tay xanh xao của mẹ, một tay nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em, tôi để mặc cho hai giòng nước mắt chảy nhạt nhoà trên má.

    Mẹ thở hơi cuối cùng lúc năm giờ sáng, mẹ không tỉnh lại để trăn trối với hai con một lời gì. Mẹ đi trong yên lặng. Tôi nắm bàn tay mẹ và thấy tay mẹ lạnh dần. Tôi đánh thức em dậy. Hai anh em hôn lên trán mẹ giã từ. Em vuốt mắt mẹ. Mắt mẹ nhắm hờ. Em ôm chặt hai tay mẹ, ủ vào lòng mình miệng kêu lên nho nhỏ: mẹ ơi, mẹ ơi .. Em khóc lặng lẽ, áp mình vào ngực mẹ nước mắt em tuôn ràn rụa làm ướt đẫm cả vạt áo mẹ bạc màu . Những tiếng kêu nghẹn ngào của em như những viên đạn bắn thẳng vào tim. Tôi ngồi bất động nhìn mẹ, nhìn em, lòng đau như muối xát. Tội nghiệp mẹ tôi, tội nghiệp em tôi. Em mới mười ba tuổi…

    Chôn mẹ xong, tôi bỏ học. Còn lòng dạ nào mà học nữa. Nhưng em thì phải trở lại trường.

    Bán đi căn nhà nhỏ xiêu vẹo và gom tóm tất cả vốn liếng của mẹ để lại, tôi đưa hết số tiền cho mẹ của Minh (một người bạn thân tôi). Minh có Hân, cô em gái cùng tuổi , cùng lớp với em. Tôi gửi em đến đó ở và đi học với Hân, cũng may, bố mẹ Minh coi anh em tôi như con. Tôi dặn dò em đủ điều. Số tiền tôi gởi cho mẹ Minh đủ để trả tiền ăn ở của em trong hai ba năm. Tôi còn đưa thêm cho em một ít để em mua sách vở, may áo quần, tiêu vặt. Tôi ôm em và hứa với lòng, hứa với vong hồn mẹ là sẽ lo lắng, sẽ bảo bọc em cho đến trọn đời. Tôi vào trường Võ Bị Đà Lạt năm 20 tuổi, lương sinh viên sĩ quan ít ỏi, tôi tiết kiệm không dám xài nhiều, để dành gởi về cho em mỗi tháng. Tôi dặn em viết thư mỗi tuần kể cho tôi nghe chuyện học hành. Tôi bắt em hứa là không bao giờ dấu tôi một điều gì dù nhỏ bé. Em ngoan ngoãn vâng lời. Mỗi năm tôi được về phép một lần, hai anh em quấn quýt không rời. Tôi đưa em đi thăm mẹ. Chúng tôi lặng yên cầm tay nhau quỳ bên mộ mẹ, nước mắt lưng tròng.

    Em lớn lên và ngày càng giống mẹ. Cũng khuôn mặt và cái nhìn nhẫn nhục, cũng đôi mắt xa xăm buồn hiu hắt. Bình thường em rất ít nói, có lẽ không cha, mồ côi mẹ quá sớm và anh lại ở xa đã làm em rụt rè. Cũng may, bên cạnh em vẫn còn có Hân. Lễ mãn khoá của tôi, em và Hân cùng lên tham dự, lúc này, em đã thi đỗ vào trường Sư phạm Qui Nhơn, hai năm nửa em sẽ trở thành cô giáo, tôi hãnh diện giới thiệu em và Hân với các bạn mình. Nhìn dáng em thẹn thùng e ấp, tôi thấy lòng mình rạt rào thương em. Tôi thầm gọi mẹ, mẹ ơi, hai con của mẹ đã trưởng thành và đã nên người.

    Ra trường, tôi chọn binh chủng Nhảy Dù, có lẽ cũng chỉ vì tôi thích màu mũ đỏ. Em vào học và ở nội trú trong trường Sư Phạm. Tôi thấy mình yên tâm hơn. Mỗi tháng, tôi vẫn gửi về cho em một nửa tiền lương lính của mình để trả tiền phòng, tiền ăn. Tôi biết con gái cần nhiều thứ hơn con trai, như áo quần, son phấn… Em vẫn viết thư cho tôi mỗi tuần như em đã làm trong mấy năm qua. Em kể chuyện học hành, chuyện bạn bè, em lo sợ là tôi đi tác chiến nhỡ có ngày bố con gặp nhau ở chiến trường, làm sao nhận ra nhau, em không nói thêm, nhưng tôi cũng hiểu, tên đạn vô tình, nếu nhỡ…

    Hai năm em học Sư Phạm trôi qua thật nhanh. Em bây giờ đã là một cô giáo trẻ. Em được đổi về dạy tại một trường tiểu học gần thị xã Phan Rang. Em thuê nhà chung với hai cô giáo khác. Mỗi ngày ba cô giáo ngồi xe lam đi đến lớp, chiều về cả ba cùng quây quần nấu nướng. Em viết thư cho tôi và khoe có quen với Tuấn, một Sĩ Quan Hải Quân đồn trú ở Phan Rang. Em khen Tuấn hiền lành, ít nói. Em kể thêm là Tuấn chỉ còn có mỗi một mẹ già.

    Chiến tranh ngày thêm khốc liệt, đơn vị tôi hành quân liên miên, có khi cả năm chúng tôi mới được về hậu cứ một lần. Tôi bị thương hai lần trong cùng một năm. Tôi dấu em, không cho em biết sợ em lo lắng. Trong những tuần lễ nằm bệnh viện và ở hậu cứ dưỡng thương, tôi bắt đầu viết bài đăng trên các báo và tạp chí. Tôi kể lại những trận đụng độ kinh hoàng giữa đơn vị tôi và giặc Cộng, tôi kể lại những “kỳ tích” của bạn tôi, của Mễ, của Lô…

    Sau một lần bị thương nhẹ ở tay, tôi lấy mấy ngày phép ra Phan Rang thăm em. Em mừng rỡ ôm lấy anh, nhưng khi thấy cánh tay băng bột em xót xa bật khóc. Tôi an ủi em là biết đâu sau chuyến bị thương này tôi sẽ được về làm việc hậu cứ. Ngày hôm sau, nghe tin, Tuấn đến thăm . Thoạt nhìn, tôi đã có cảm tình với Tuấn, đúng như em nói, Tuấn trông rất hiền lành. Trong suốt tuần lễ ở Phan Rang, em vẫn phải đi dạy, nhưng may là có Tuấn, mỗi ngày Tuấn tới chở tôi đi ăn sáng, trưa Tuấn và tôi lang thang ra chợ bạ gì ăn đó đợi giờ ba cô giáo đi dạy học về. Buổi tối, em đi ngủ sớm, Tuấn ngồi lại nói chuyện với tôi cho tới khuya. Bên ly cà phê, tôi kể cho Tuấn nghe chuyện của mình. Những hình ảnh yêu dấu, xót xa như một cuộn phim cũ quay chầm chậm.. Tôi rưng rưng kể lại ngày mẹ mất. Tuấn lấy tay chùi mắt, trong đêm tối, tôi thấy mắt Tuấn long lanh…

    Bảy ngày phép cũng trôi nhanh. Tôi trở về Sài Gòn, lòng cảm thấy vui và nhẹ nhàng vì đã có dịp gặp Tuấn. Tôi tin Tuấn sẽ không làm khổ em. Ba tuần sau, tôi nhận được thư Tuấn, trong thư Tuấn kể về gia đình (mặc dù tôi đã nghe em kể trong các lá thư). Tuấn muốn tiến tới với em. Tuấn xin phép được đưa mẹ Tuấn đến gặp tôi. Tuấn hứa là sẽ săn sóc và thương yêu em. Đọc thư Tuấn tôi ứa nước mắt vì mừng. Mừng cho em may mắn không gặp những trắc trở trên đường tình ái, mừng cho em gặp được một người chồng hiền hậu. Tôi viết thư cho em và Tuấn, bảo hai em lo thế nào cho tiện, chỉ cố làm sao cho giản đơn vì cả hai đứa cùng nghèo. Bốn tháng sau, Tuấn và em làm đám cưới, nhà gái ngoài tôi còn có thêm mấy thằng bạn trong đơn vị, ông hiệu trưởng, thầy cô giáo và rất đông học trò. Nhà trai ngoài mẹ Tuấn, mấy gia đình anh chị họ còn thêm một số bạn bè Hải Quân cùng đơn vị. Nhìn em súng sính trong bộ đồ cưới, tươi cười đứng bên cạnh Tuấn, tôi gọi thầm mẹ ơi, mẹ ơi, về đây dự đám cưới của em. Tôi theo đơn vị lội thêm hai năm nữa ở vùng giới tuyến, thì “tai nạn” xảy ra. Trong một lúc nóng giận vì thấy ông xếp của mình sao ngu và bẩn quá, tôi không giữ được lời và đã xúc phạm đến ông, kết quả là tôi bị đưa ra hội đồng kỷ luật và tống ra khỏi binh chủng Nhảy Dù.

    Sau một thời gian ba chìm bảy nổi, tôi đổi về cục Tâm lý Chiến, thời gian này tôi đã khá nổi tiếng, những bút ký chiến trường về Tết Mậu Thân, Bình Long, An Lộc… đã làm vinh danh binh chủng cũ của tôi. Tôi được giải thưởng văn học với bút ký “Mùa hè đỏ lửa”. Tiền thưởng và tiền bán sách tôi gửi hết cho em. Tuấn và em dùng tiền này mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Phan Rang, gần trường em dạy.

    Mới ngày nào đó còn thẹn thùng nấp bên vai Tuấn mà bây giờ em đã mấy con. Mỗi dịp rảnh rỗi tôi lại ra Phan Rang ở chơi với em, với cháu. Tôi ôm cháu, hôn vào hai má phúng phính, hít vào phổi mùi thơm của trẻ thơ mà thấy lòng mình dịu lại, những cay đắng, cực nhọc của đời theo tiếng cười lanh lảnh dòn tan của cháu mà bay xa, bay xa. Tôi nhìn hai vợ chồng em, nhìn bầy cháu nhỏ lẫm chẫm quây quần bên chân mẹ mà lòng vừa vui mừng vừa hãnh diện. Tôi ao uớc mẹ tôi nhìn thấy được cảnh này.

    Biến cố tháng 4/75 tới như một định mệnh oan nghiệt, cả Tuấn và tôi đều phải ra trình diện cải tạo. Em ở lại một mình với một bầy con nhỏ, đứa lớn nhất chưa đầy sáu tuổi và đứa nhỏ nhất còn nằm trong bụng mẹ. Trong trại, tôi cứ đứt ruột nghĩ về em và bầy cháu nhỏ. Mẹ của Tuấn đã quá già, làm sao lo phụ với em đây. Rồi em còn phải lo lắng về số phận chồng, số phận anh. Tôi quay quắt như ngồi trên đống lửa, tôi nghĩ đến lời hứa với vong hồn mẹ hôm nào mà lòng đau như xé, con đã thất hứa với mẹ, mẹ ơi, con đang ở đây tù tội thì làm sao lo được cho em…

    Năm 76 tôi bị đưa ra Bắc. Tôi mất liên lạc với em và Tuấn từ tháng 5/75. Làm sao em biết tôi ở đâu mà thư từ thăm gửi.. Không biết em có biết Tuấn ở đâu không, trại tù mọc lên như nấm từ Nam ra Bắc. Hồi còn ở trong Nam, từ Trảng Lớn, qua Suối Máu , đâu đâu tôi cũng cố dò hỏi tin Tuấn nhưng vô hiệu. Tù nhân đông quá…

    Trại cải tạo Sơn La, sau đợt cho viết thư về gia đình đầu tiên, ba tháng sau tôi nhận được thư em. Thư em đến tay tôi vào giữa năm 77. Hơn 2 năm 1 tháng tôi mới nhìn lại nét chữ của em. Run run bóc thư, mắt tôi cay nồng, nhạt nhòa. Em cho hay là Tuấn đang cải tạo ở Long Thành, Tuấn có thư về và cho biết vẫn bình an, mẹ Tuấn dạo này yếu lắm vì cụ đã quá già, em vẫn đi dạy, hai cháu nhỏ ở nhà với bà nội, hai cháu lớn theo mẹ vào trường, em cho hay đứa con gái út em đặt tên Tâm, Trần thị Minh Tâm, cháu sinh ngày 12 tháng 9 năm 75, gần 4 tháng sau ngày bố cháu và bác cháu vào tù.

    Gần cuối thư, em báo tin là bố còn sống và hồi đầu năm 76 có tìm đến gặp em, làm sao bố tìm ra địa chỉ thì em không biết, nhưng hôm ấy bố đến, bố tự giới thiệu tên mình. Em ngỡ ngàng, ngày bố ra đi em mới tròn ba tuổi, hơn hai mươi năm sau gặp lại làm sao em nhận được, bố xoa đầu đám cháu ngoại đang trố mắt nhìn nguời đàn ông lạ, bố hỏi về anh, về Tuấn, khi em hỏi lại bố là làm sao để biết anh và Tuấn đang bị giam giữ ở trại cải tạo nào, bố lắc đầu không nói gì. Bố cho hay là bố đang có gia đình ở Bắc, ngoài ấy bố có thêm hai trai và hai gái. Đứa trai lớn nhất thua em bốn tuổi.
    Bố mang vào cho em hai mươi ký gạo và một chục cam. Bố ở chơi một ngày rồi bố trở về Hà nội. Lúc bố về em có tặng bố cái radio-cassette của anh cho ngày nào. Bố thích lắm, bố hứa sẽ đến thăm anh trong trại tù. Từ hồi trở ra Bắc dến giờ bố chưa liên lạc lại với em, và em cũng không có địa chỉ của bố ở ngoài ấy. Tôi đọc thư lòng thấy phân vân, tôi cũng như em, không hình dung ra nổi bố tôi hình dáng mặt mũi ra sao, hai mươi mấy năm, tôi tưởng bố tôi đã chết.

    Tháng 12 năm 77, tại trại cải tạo Sơn La, bố đến thăm tôi.

    Đứng trong văn phòng viên sĩ quan trưởng trại một người đàn ông trung niên, tóc muối tiêu và gương mặt xương. Bộ áo quần dân sự khá thẳng thớm, và sự lễ phép của tên đại úy truởng trại tiết lộ về địa vị không nhỏ của người này. Thấy tôi vào, viên trưởng trại quay qua nói nhỏ một câu gì đó rồi bước ra ngoài. Tôi im lặng đứng nhìn người đàn ông xa lạ…

    Bố đến bắt tay tôi, tự xưng tên mình, bố gọi tôi bằng anh, bố kể là đã gặp em ở Phan Rang, bố hỏi tôi học tập thế nào, bố không hề nhắc đến mẹ, có lẽ ông đã biết về cái chết của mẹ. Bố nói là có đọc văn tôi… Tôi ngồi yên nghe bố nói, sau cùng , bố đứng dậy, móc trong xách ra một gói nhỏ bảo đó là đường và thuốc lá, trao cho tôi, khuyên tôi cố gắng học tập tốt để sớm được khoan hồng. Tôi nhìn vào mắt bố, lòng thấy dửng dưng. Tôi bắt tay bố rồi về lại lán mình. Đó, cuộc hội ngộ của bố con tôi sau hơn hai mươi năm là thế đấy. Chắc cuộc tái ngộ giữa bố với em cũng tẻ nhạt như thế. Có cái gì đó ngăn cách, có cái gì đó phân chia, có cái gì đó tôi không hiểu và không diễn tả được. Bây gi tôi hiểu vì sao cái tin quan trọng đến thế mà em lại chỉ đề cập một cách ngắn ngủi ở cuối thư.

    Lần đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi gặp bố trong suốt 13 năm lang thang trong các trại tù biệt giam miền Bắc.

    Tháng 12/78, chuyển trại lên Yên Bái, tôi nhận thêm được hai lá thư của em, trong bức thư gần nhất, em viết vào tháng 8/78. Em cho hay tình trạng rất khó khăn, phụ cấp đi dạy không đủ nuôi một mẹ già và bốn con thơ, em đã bán lần mòn hết những đồ trang sức và luôn cả những đồ vật trong nhà. Em vẫn chưa đi thăm nuôi Tuấn được một lần nào. Không thể để bốn cháu nhỏ ở nhà cho bà Nội vì cụ bây giờ đã quá yếu, mỗi buổi ăn, Uyên, cháu lớn phải đút cho bà. Ngoài ra, mỗi tối, từ lúc chạng vạng em và Hoàng, hai mẹ con phải ra đầu ngõ, ngồi bán bắp nướng đến khuya để kiếm thêm tiền đong gạọ. Em than là dạo này mất ngủ, sức khoẻ yếu lắm, em sợ nhỡ có mệnh hệ nào…
    Tôi thẫn thờ cả buổi vì bức thư em, ngày xưa tôi chỉ lo cho có mỗi mình em, còn bây giờ em phải lo cho bốn đứa con thơ và một mẹ già, kể luôn người chồng và ông anh đang tù tội là bảy, bảy cây thập giá đời đang đè nặng lên đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của em. Tôi viết thư về an ủi , khuyên em cố gắng, tôi vỗ về em là có thể Tuấn sẽ được tha về sớm với em, với cháu, vì Tuấn đi hải quân và lon còn thấp, không có tội với cách mạng nhiều. Rồi tôi viết thêm cho em hai ba lá thư nữa mà vẫn không thấy hồi âm. Lòng tôi cồn cào, nóng như lửa đốt, những ngày dài tù tội, tôi không nghĩ đến cái đói, cái khổ của mình mà chỉ nghĩ đến em và mấy cháu, không biết giờ này, em và bốn cháu thơ dại đang có gì ăn?

    Tháng 6/79, một sáng trên đường lên rừng đốn nứa, tôi nghe loáng thoáng câu chuyện giữa các bạn tù. Họ nghe từ các bà vợ đi thăm nuôi kể lại, rằng ở Phan Rang có một chị có chồng đang đi cải tạo, chị chết đi, để lại bốn con thơ, đứa bé nhất mới lên ba, còn đứa lớn nhất chưa đầy chín tuổi. Tội nghiệp, họ hàng nội ngoại không có một ai. Tôi bỗng dưng thấy lạnh toát cả sống lưng, lại gần hỏi thêm thì người bạn tù cho hay là nghe nói chị ấy làm nghề cô giáo, có chồng sĩ quan hải quân đang đi tù cải tạo ở đâu đó trong Nam. Nguời chồng, trung úy hải quân trước cũng đóng ở Phan Rang. Trần Nguyên Tuấn, Hải Quân Trung Úy Trần nguyên Tuấn. Tôi thấy đất trời đảo lộn, tôi thấy mặt trời nổ tung trong óc, tôi hụt hơi, miệng há hốc đứng như trời trồng giữa núi rừng Yên Bái, bên cạnh tôi tiếng nguời nói lao xao. Tôi không nghe gì hết, tai tôi lùng bùng, mắt tôi mờ đi, tôi đang nhìn thấy xác em nằm co quắp trên manh chiếu, bốn đứa cháu của tôi, cháu Minh Tâm chưa đầy ba tuổi đang lấy tay lay lay xác mẹ, cháu lớn Thu Uyên chưa đủ chín tuổi đang ôm chân mẹ khóc lóc ủ ê, hai đứa kia, Hoàng và Châu ngơ ngác đứng nhìn. Trời tháng 6 mùa hè Yên bái mà sao tôi thấy thân mình lạnh buốt. Tôi tê dại, tôi hoá đá, tôi không còn cảm xúc, tôi muốn hét lên cho tan vỡ cả vũ trụ này. Trong lung linh màu nắng vàng buổi trưa Yên Bái, tôi thấy bóng em nhập nhoà, chập chờn. Em của tôi, đứa em côi cút của tôi… Mũi súng AK thúc vào cạnh sườn, người vệ binh chắc cũng ngạc nhiên không hiểu sao bỗng dưng tôi đứng như trời trồng giữa lộ. Anh quắc mắt nhìn tôi dò hỏi, tôi không nói gì, im lặng nhập vào dòng tù. Nước mắt chảy dài trên hai má hóp, tôi bước đi như kẻ mộng du…


    Năm em tôi lên ba
    Ðã chịu đời xa bố
    Mẹ tất tả thân mòn
    Nuôi con bao vất vả
    Ðời thiếu nữ lớn lên
    Ðắng cay thêm tủi hổ
    Áo vá bạc vai gầy
    Tuổi thơ sôi cuồng nộ.
    Mẹ mất năm mười-ba
    Thảm thiết sao kể xiết
    Cố nuôi em từng ngày
    Khốn khó dài biền biệt.
    Bạn học những tỵ hiềm
    Thầy, cô nặng trì siết
    Em vây chặt buồn phiền
    Tuổi học trò thua thiệt
    ……
    Tôi đi làm lính chiến
    Trôi nổi chốn trận tiền
    Em một mình côi cút
    Ðâu được ngày đoàn viên.
    Mong em sau lớn lên
    Tình duyên nên mãn nguyện
    Cầu em đời bình yên
    Quên xóa ngày uất nghẹn.
    Nào đâu buổi sụp vỡ
    Cảnh nước mất tan nhà
    Lâm thân sơ, thất sở
    Vây quanh khốn mù sa.
    Long Thành, chồng tập trung
    Anh ngục tù lấm nhục
    Trên quê hương lưu đầy
    Rừng rực lửa địa ngục.
    Bốn con thơ khốn cùng
    Sức người căng vượt sống
    Tư trang bán sạch dần
    Cây rừng khô lá rụng.
    ……
    Tôi đi lên miền Bắc
    Thân kiệt cùng thậm ngặt
    Nhớ thương em dãi dầu
    Nơi quê nhà bằn bặt
    Rừng núi trời vào thu
    Tù leo đồi đốn nứa
    Bên đường đèo nghỉ đỡ
    Nghe chuyện buồn thương tâm
    “..Người chồng đi tập trung
    Vợ ở nhà chết thảm
    Bốn con nhỏ khốn cùng
    Quay quắt bên thây cứng!!”
    Những tưởng nghe nhầm tai
    Giật mình gào hỏi lại
    Ôi xiết bao kinh hãi
    Ðúng tên chồng em gái?!
    Chuyện những Ðồi Hoa Sim
    Nay một lần lập lại
    Không chết người ngục tù
    Một mình em oan trái!
    Tôi bật khóc trên đồi
    Nhìn khoảng không vần vũ
    Có còn không.. Ðất, trời!!
    Mây mang mang kéo lũ
    Rừng chập chùng lá đổ
    Sương dầy vây khói xanh
    Thật hay không đấy hở?!
    Tạo Hóa nghiệt cùng đành!
    Cháu tôi ai nuôi đây?
    Bé nhất chưa biết nói
    Chịu sao nổi đọa đày
    Giữa trùng vây khổ đói
    ……
    Năm năm ngày giỗ em
    Cấm phòng ngồi gục mặt
    Nhói đau trũng ngực nặng
    Em chết thật sao Khanh?

    (Phan Nhật Nam)
    __o0o__

 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 06:04 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh