Register
Page 10 of 20 FirstFirst ... 89101112 ... LastLast
Results 91 to 100 of 191
  1. #91
    Quote Originally Posted by chieclavotinh View Post
    Nhiều bác chắc còn nhớ nhạc sĩ Nguyễn Đức, người thầy đào tạo nhiều ca sĩ nổi tiếng một thời Sài Gòn năm xưa. Loan tác giả nói trong bài là ca sĩ Phương Hồng Loan, ít người biết vì sớm rời bỏ nghiệp cầm ca sau khi lên xe hoa với đạo diễn Lê Hoàng Hoa năm 19 tuổi. Phương Hồng Loan mất tích ngoài biển cùng 2 con trai năm 1978.

    Lời cuối cho thầy
    Tôn Nữ Mặc Giao

    (Kính dâng linh hồn nhạc sĩ Nguyễn Đức vừa mất ở VN)

    Phượng vẫn nở bên trời rực rỡ
    Hạ vẫn về dệt những vần thơ
    Tiễn biệt thầy giữa mùa tuổi ngọc
    Đời hư ảo chỉ là vọng mơ.
    Khoa cảm ơn Chieclavotinh đã ghé qua thread và chia sẻ lời viết nhiều xúc động và ý nghĩa

  2. #92
    Thân chào Thuykhanh, HuơngXưa, và ThachThao . Cảm ơn 3 cô bạn ghé qua và ghi lại dấu tay thân thiện

  3. #93
    CD: Chiêu Dương

    Trò Chuyện Với Khánh Ly

    Khánh Ly vừa mới “du ca” bên Úc - Giọng hát Liêu Trai, nữ hoàng chân đất chỉ đi một mình. Một mình gây nên một không khí, làm đầy một đêm trình diễn. Mừng cho Khách Ly... Vừa mới đến Sydney, Khánh Ly có nhã ý tới thăm tòa soạn CD. Đâu có phải chỉ là chuyện thăm hỏi thường tình - viếng thăm chỉ là cái cớ. Mình phải ngồi với nhau, uống với nhau “ly rượu tẩy trần”, nói với nhau một vài câu chuyện.

    Chúng tôi một số anh em tòa soạn và Khánh Ly buổi trưa tới một “nhà hàng” văng vắng - để không làm phiền ai mà chuyện trò cũng dễ. Chọn một góc khuất. Khánh Ly kéo một cái ghế mà bảo tôi “Anh ngồi xuống đây, để chúng ta cùng nhớ về Saigon”. Đúng như vậy, nhìn Khánh Ly, nghe giọng hát Khánh Ly... cả một Saigon “xưa” lại thấp thoáng hiện về. Edith Piaff con chim sẻ của thành phố Paris, có tuổi rồi vẫn còn hát. Người ta tới rất đông… không phải chỉ để nghe để nhìn Piaff ... mà để nhớ về một “bon vieux temps” của Paris thời thập niên 40, 50, 60. Một dáng người một giọng hát đã gọi những kỷ niệm về. Kỷ niệm đẹp lên trong sương mù quá khứ.

    Tôi nhớ Khánh Ly thủa còn là Lệ Mai, một cô nữ sinh khép nép trên sân khấu quán Anh Vũ đường Bùi Viện Saigon, hát Con Thuyền Không Bến. Giọng hát chưa điêu luyện nhưng phóng khoáng cuốn hút, chan chứa cảm hoài. Rồi Đàlạt trăng mờ - một thành phố mộng mơ đẹp dịu dàng như một “ma soeur” thất tình dấu mình trong nhà tu kín... có Khánh Ly hát ở Croix du Sud - giọng hát đã bắt đầu mang dấu vết sầu tư - Rồi sân trường Đại Học Văn Khoa Saỉgon, Khánh Ly đi chân đất hát những ca khúc về thân phận con người nhược tiểu trong chiến tranh, về Hạ Trắng, Tình Nhớ, Tình Xa “tình yêu như trái phá con tim mù lòa” - Rồi Khánh Ly, giọng hát Liêu Trai, giọng hát làm quên đi sầu đời, quên đi chiến tranh ở Queen Bee - ở phòng trà Khánh Ly đường Tự Do. Khánh Ly là một cái tên, một giọng hát, một dáng người mà Saigon không quên được.

    Bây giờ ở trên khắp trái đất có rất nhiều Saigon nhỏ. Nơi nào có người Việt định cư, tị nạn là nơi đó có Saigon, hay là nơi đó có những tâm hồn luôn luôn hướng về thành phố thân yêu đã xa đã khuất của chúng ta. Nơi đó có những người còn nhớ Khánh Ly. Khánh Ly đi hát một mình mà vẫn đông là vì thế.

    *

    Khánh Ly nhắc đến chuyện Mai Thảo và tôi đến phòng trà Khánh Ly để mượn nơi này tổ chức đêm Vũ Hoàng Chương. Mặc dầu phòng trà luôn luôn đông khách Khánh Ly nhận lời liền mà không đòi hỏi gì. Cô chủ phòng trà như thế là rất “điệu” với văn nghệ. Mai Thảo nói “được đấy chứ - Khánh Ly như vậy là đáng mặt con gái của hoa khôi Hà Nội”. Mai Thảo cho hay là bà mẹ của Khánh Ly ngày trước là một người đẹp nổi tiếng của Hà thành. Đời sống riêng cũng rất là tư cách. KL nói: “Anh Mai Thảo, anh Nguyên Sa mất rồi. Em cũng có khá nhiều kỷ niệm với các anh ấy. Nhưng em không nói ra bây giờ đâu. Vài ba năm bữa…”

    Riêng tôi, tôi lại có một thắc mắc về ông thân của Khánh Ly. Có người cho tôi hay Khánh Ly là con gái của bậc đàn anh: Viễn. Tả biên Viễn của đội Racing Club là một cầu thủ “huyền thoại” của Hà Nội hồi thời cuối thập niên 30 và đầu 40 - Racing Club là đội banh đá hay nhất và lịch sự nhất của Hà Thành dạo đó. Các đội bóng ngày ấy phần lớn là nhà binh Ancre Sportif - Legion Việt Trì - 11 ème Ric - 9 ème RAC - hay là Stade Haiphonnais - Phủ Lý Sport - Cotonkin - Nam Định - Đá bóng lúc ấy gần như đồng nghĩa với võ biền, với “ăn no vác nặng”. Riêng đội Racing Club là đội banh của thanh niên Hà Nội - thành viên là công tử Hà Thành hoặc nhân viên của nhà hàng bách hóa sang trọng nhất: nhà hàng Gô Đa. Nhà hàng này standard như ở Paris, dành riêng cho khách hàng nhiều tiền, lịch lãm - nhân viên nhà hàng mặc đồng phục đẹp đẽ, nói tiếng Tây như “Tây”. Đội banh Racing Club ngoài việc đá hay còn ăn mặc rất đẹp. Cầu thủ ra sân mặc áo blouson nỉ tím than, có sọc đỏ ở tay, sau lưng có chữ Racing đỏ chói. Tới sân tập nhẹ còn mặc blouson, sắp đá mới cởi blouson ra, áo đỏ, quần trắng, vớ đỏ, giày đen bóng loáng. Chưa biết đá đấm ra sao nhưng ra sân là đội Racing đã “trội” hơn người. Trước khi đá thủ quân Thông còn giơ tay mà hô “Ancre híp híp”; đồng đội của Thông đứng vòng tròn giữa sân, hai tay chống nạnh, cúi người xuống thấp, đồng loạt đảo người mà hô đáp lại nhịp nhàng - tạo thành những tiếng “híp híp hơ” sôi nổi - Lũ nhóc học trò tụi tôi đi xem thấy đàn anh biểu diễn như thế chịu lắm. Đá bóng mousse ở sân trường, học trò tụi tôi, áo dài thâm mà cũng vén lên ngang lưng, bắt chước đàn anh cũng cúi khom khom, đảo người mà hô “híp híp hơ” vang dậy.

    Dạo ấy đá bóng theo chiến thuật WM nên sắp 5 người trên hàng tiền đạo, nổi danh nhất là hàng tiền đạo Nam Kỳ gồm có Guichard - Quang - Tốt - Tiền - Hòa - Đá ngang ngửa với đội Nam Kỳ là đội tuyển Bắc Kỳ : đạo can thành gồm Nguyên - Goòng - Thông - Hối - Viễn - Đây cũng là đạo can thành của dội Racing - Hà Nội, đội bóng thứ nhất Bắc Kỳ, thứ nhì Đông Dương - Người ta đã so sánh tả biên Hòa (Nam Kỳ) với tả biên Viễn (Bắc Kỳ) thì về nghệ thuật, về điệu nghệ trên sân thì Viễn hay hơn. Nhưng sức lực cũng như tinh thần quyết đấu thì Hoà trội hơn. Đối với nhóc con tụi tôi đi xem đá bóng ở sân Cột cờ (Mangin) thì tiền nội Hối nhả một đường banh ra góc trái. Viễn như một mũi tên lướt qua một “đờ mi”, cắt mặt một hậu vệ rồi tạt banh như để trước khuôn thành, trung phong thủ quân Thông nhảy lên đội đầu điệu nghệ banh cắm xuống đất bay vào góc khuôn thành thì tụi tôi cho đó là tuyệt phẩm của bộ ba bất hủ “Thông - Hối - Viễn “. Đặc biệt là cầu thủ Thông và Viễn ra sân mà đầu vẫn “Bôp Taylo” như thường (công tử Hà Nội mà). Thủ quân Thông đội banh vào lưới xong, đưa tay tay vuốt lại mái tóc rồi mới chạy lại bắt tay Viễn... trong tiếng reo hò tở mở của muôn ngàn khán giả.

    *

    Vì có sẵn những cảm tình tốt đẹp với tả biên Viễn - một bậc đàn anh của tôi trên cầu trường ngày xưa, nên tuy không nói ra tôi giữ một cảm tình thầm kín với Khánh Ly. Nhưng một bữa nhân nói đến Khánh Ly - một người bạn già được coi như là người biết nhiều chuyện (l’honme qui en savait trop) của Hà Nội đã nói: “Không phải Khánh Ly là con của ông Viễn đá bóng đâu. Ông Viễn này khác - cũng là ông Viễn công tử, ông Viễn tay chơi - nhưng tay này có sang Hong Kong một thời kỳ, biết về cơ khí và về sau đi kháng chiến có làm trong xưởng quân giới ở Việt Bắc” - Từ đó tôi không rõ thực hư ra sao? Ông Viễn nào mới là thân sinh của Khánh Ly? Vì tôi vừa mê bóng đá vừa mê ca nhạc nên tôi buồn nhè nhẹ - như vừa mất đi thột hình ảnh xưa thật đẹp.

    Bữa nay gặp lại Khánh Ly vui chuyện tôi mới kể lại cho Khánh Ly nghe thắc mắc của tôi; không biết Khánh Ly là con ông Viễn đá bóng hay là ông Viễn ở Hồng Kông về giỏi về cơ khí - Khánh Ly tròn mắt, nghiêng đầu mà nói: “Bố em là ông Viễn đá bóng đấy - mà cũng là ông Viễn đi Hồng Kông về, học về cơ khí và sau đi kháng chiến đấy. – “Thế rồi sau ra sao hở Khánh Ly ?”. “Em còn nhỏ xíu đâu còn nhớ được gì. Chỉ nhớ lờ mờ rằng bố em cõng em đi nhiều nơi lắm, chắc là vùng hậu phương đi kháng chiến. Rồi mẹ em và tụi em về Hà Nội, thấy mẹ em khóc hoài hoài. Bố em mất ở một nhà tù nào đó ở Thanh Hóa. Nghe nói bố em chết khổ - không biết vì đau đớn điều gì, bị uất ức chuyện gì hay là quá nhớ vợ thương con mà bố em nổi điên... xé rách hết áo quần rồi chết. Bố em năm ấy mới 33 tuổi...” Câu chuyện trong bữa rượu tẩy trần một buổi trưa ở Sydney đang vui bỗng nhiên trầm hẳn xuống. Khánh Ly nói như một tiếng thở dài “Em chỉ mong một ngày nào đó về Thanh Hóa... tìm được mộ bố em...”

    *

    Tôi dã từng đi tù nhiều năm ở Thanh Hóa. Ngày xưa ở đây có trại tù rùng rợn nổi tiếng Lý Bá Sơ. Trại tù nào cũng có một nghĩa địa dài dằng dặc - mả tù chính trị cũng như tù hình sự chen nhau. Nếu không có bạn tù nào “phát tâm” đánh dấu thì làm sao mà biết được mả nào vào với mả nào. Một dãy mả nằm xếp lớp - những ngôi mả “vô thừa nhận” không người nhang khói, lụi tàn dần theo với tháng năm.

    Tôi biết như vậy như vậy nhưng không nói với Khánh Ly - Để cho Khánh Ly còn có một chút hi vọng, dù rằng đó chỉ là hi vọng nhỏ nhoi, mờ nhạt nhất.

    Ký giả LÔ RĂNG

  4. #94
    Khoa cảm ơn anh bạn Cuocsi và ThachThao ghé qua và để lại dâú tay thân thiện . Chúc mừng năm mới ....

  5. #95
    Chỉ còn có 11 ngày nữa là chúng ta sẽ đón Giao Thừa . Cơn lạnh của mùa đông USA , sẻ đuợc thay đổi bằng nắng ấm tuơi đẹp trong lòng của chúng ta . Nắng Xuân sẻ gõ cửa để nàng Xuân buớc vào và mang nụ cuời đến với nguời Việt Nam trong và ngoài nuớc . Khắp nơi cảnh vật chào xuân với tất cả vẻ đẹp thiên nhiên rạng rỡ. Xuân thêm hồng và lòng người thêm say với niềm vui năm mới. Xoay vần cả bốn mùa chỉ có xuân là như trao đi nhiều yêu thương và tình cảm nồng hậu nhất. Dù miền xuôi hay mạn ngược, dù trong Nam hay ngoài Bắc thì con người sống cùng dải đất hình chữ S cùng hướng về ngày Tết cho gia đình, cho cộng đồng hồn hậu.

    Đông lạnh qua, Xuân ấm đến, đó là quy luật tự nhiên của đất trời. Mùa Xuân là mùa của sự sống, cây cối nảy lộc, đơm bông, thể hiện tính trẻ trung và đổi mới. Mùa Xuân còn là dịp đoàn tụ, yêu thương, tha thứ, cùng tận hưởng và chia sẻ niềm hạnh phúc. Gặp nhau, ai cũng tay bắt mặt mừng, có gì sai sót trong năm cũ cũng bỏ qua hết, và trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.

    Tác phẫm " Anh Cho Em Mùa Xuân " , thơ của Kim Tuấn , nhạc sỉ Nguyễn Hiền phổ nhạc mang cho chúng ta cảm giác muà Xuân sắp đến ...






    Last edited by Khoa1221; 02-05-2018 at 03:16 AM.

  6. #96
    Khoa cảm ơn anh Cuocsi, ThachThao, HuơngXưa, ThuVàng , và Thuy Khanh ghé qua thăm . Thân chúc các bạn nhiều sức khoẻ và may mắn trong năm Mậu Tuất sắp đến
    Last edited by Khoa1221; 02-11-2018 at 05:53 AM.

  7. #97
    Khi tờ lịch từ từ rơi xuống như thúc hối mọi người rằng thời gian đã qua định khắc mới, những bản nhạc xuân lại ngân nga vang lên, như muốn níu kéo rất nhiều điều trong quá khứ. Khắp nơi cảnh vật chào xuân với tất cả vẻ đẹp thiên nhiên rạng rỡ. Lẫn trong đó, mỗi gương mặt người thêm chút tươi vui. Xuôi ngược trên những con đường thành phố thường ngày hối hả, ánh mắt và nụ cười thêm thân thiện như chào đón xuân. Với bắt đầu rộn ràng chuẩn bị Tết, với sắm sửa mọi điều để xuân thật vui, những con người bận rộn gửi gắm tấm lòng mình nhiều hơn về với gia đình , với nguời yêu .

    T'as le Look Coco là một bài nhạc new wave Pháp đã được nam ca sĩ Laroche Valmont (Jean-Quentin Gerard) trình bầy năm 1984 . Bài hát này đã được nhiều nam nữ ca sĩ Việt Nam thu âm mà chúng ta hằng năm nghe hoài những lần xuân tới, đó là:
    Xuân Yêu Thương




  8. #98



    Nhạc phẩm Phiên Gác Đêm Xuân một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được viết ngay tại tiền đồn Đồng Tháp Mười năm 1956, khi chàng sĩ quan độc thân Nguyễn Văn Đông 24 tuổi với cấp bậc Trung Úy, phải ở lại đơn vị trong mấy ngày Tết và ngồi trên tháp canh để canh gác trong đêm giao thừa cô đơn, lạnh lẽo không một bóng người thân, không bánh chưng xanh, không khói hương nghi ngút…. Chỉ có bóng dáng những mái nhà tranh chập chờn trong ánh sáng của đóm hỏa châu heo hút nơi cuối chân trời, làm chạnh lòng và tạo xúc cảm mãnh liệt cho người chiến sĩ trẻ đang mơ về một mái ấm gia đình đoàn tụ lúc Xuân sang … và " Phiên Gác Đêm Xuân " đã được viết lên ngay trong giờ khắc thiêng liêng nhất của đêm trừu tịch …

    Trong khi mọi người ở hậu phương, từ thôn quê đến thành phố đang chờ đón nàng Xuân, đang đợi Giao Thừa về để đốt pháo mừng năm mới thì chúng ta không thể nào quên được hình ảnh đơn lẻ của người lính trận đang đồn trú nơi rừng sâu giữa lúc quê hương còn chinh chiến.

    Ông tâm sự: “Khi đi vào vùng hỏa tuyến, là chàng trai trẻ độc thân, với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến đầu đời. ….. Mùa xuân vẫn có cánh én bay về trên trận địa và hoa sen Tháp Mười vẫn đua nở trong đầm dù bị quần thảo bởi những trận đánh ác liệt. ….. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân. Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài " Phiên Gác Đêm Xuân ” .









    Đón giao thừa một phiên gác đêm
    Chào xuân đến súng xa vang rền
    Xác hoa tàn rơi trên báng súng
    Ngỡ rằng pháo tung bay
    Ngờ đâu hoa lá rơi

    Bấy nhiều tình là bao nước sông
    Trời thương nhớ cũng vương mây hồng
    Trách chi người đem thân giúp nước
    Đôi lần nhớ buâng khuâng
    Gượng cười hái hoa xuân

    Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
    Mơ rằng đây mái nhà tranh
    Mà ước chiếc bánh ngày xuân
    Cùng hương khói vương niềm thương

    Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu
    Vì mơ ước trắng như mây chiều
    Tủi thân người năm năm tháng tháng
    Mong chờ ánh xuân sang
    Ngờ đâu đêm cứ đi

    Chốn biên thùy này xuân tới chi
    Tình lính chiến khác chi bao người
    Nếu xuân về tang thương khắp lối
    Thương này khó cho vơi
    Thì đừng đến xuân ơi




  9. #99
    Đêm Vũ Hoàng Chương

    Thi hào Vũ Hoàng Chương đã mất từ lâu. Khi miền Nam sụp đổ, CS tràn vào, trong phong trào bần cùng hoá nhân dân, triệt tiêu trí, phú, địa, hào, các giới chức của chính quyền miền Nam cùng văn nhân, trí thức đều lần lượt theo nhau vào trại cải tạo. Thi hào họ Vũ cũng nằm trong ngục tối. Vốn người văn nhược, lại tuổi già, sức chịu đựng của nhà thơ tàn tạ rất mau. Khi nhà thơ đã hấp hối, CS mới thả nhà thơ về để chết. Ông và gia đình lúc đó ở tạm nhà bà quả phụ Đinh Hùng, một căn nhà siêu vẹo trong ngõ hẹp bên Khánh Hội. Bà Vũ Hoàng Chương là chị ruột nhà thơ Đinh Hùng. Thi hào về nhà được vài hôm là mất. Đám tang ông xơ xác và tẻ lạnh. Bà Vũ Hoàng Chương, khuê danh Đinh Thực Oanh, cũng vừa từ giã cõi đời vào ngày nguyệt tận 29 tháng 3 âm lịch (7.5.05) vừa qua ở Sài Gòn.

    *

    Câu chuyện bắt dầu tại một ngôi chùa đường Trương tấn Bửu (cũ) gần giữa năm 1974, nhơn dịp 49 ngày anh Nguyễn Đức Quỳnh. Để sửa soạn cho ngày lên chùa viếng bậc đàn anh (1 trong 3 người chủ chốt trong nhóm Hàn Thuyên tiền chiến Trương Tửu, Nguyễn Bách Khoa, Lê văn Siêu, Nguyễn Đức Quỳnh) tờ Văn có ra một số đặc biệt Nguyễn Đức Quỳnh gồm nhiều người viết. Đến chùa, chúng tôi trịnh trọng dựng số báo trên bàn thờ chiêu niệm anh, nhà văn, nhà luận thuyết, nhà cách mạng.

    Quá trưa, sau khi thụ trai xong, dưới hậu liêu nhà chùa “đại hãn” Vũ Khắc Khoan mới cao giọng: “Tụi mình như thế là làm ăn vớ vẩn. Tại sao lúc sống không làm, cứ đợi đến lúc chết mới tuyên dương, chiêu niệm. Bây giờ dù mình nói gì đi nữa cũng bằng thừa, anh Quỳnh làm sao thấy, làm sao nghe?”. Chuyện hết sức cụ thể mà chưa ai nghĩ ra, chưa ai làm. “Nói phải củ cải nghe cũng được” nên chuyện vinh danh một văn nghệ sĩ miền Nam khi còn tại thế trở thành điểm nhắm của một số anh em chúng tôi.

    Chuyện nói thì dễ nhưng thực hiện không dễ. Nhiều vấn đề được đặt ra: vinh danh ai, ở đâu, hình thức tổ chức thế nào? Lúc đầu có nhiều ý kiến tham gia nhưng về sau nhóm tổ chức chỉ còn lại 8 người : Vũ Khắc Khoan, Cung Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Nam, Mai Thảo, Phan Lạc Phúc, Phạm Đình Chương, Tô Thùy Yên. Tuy ít người nhưng nhóm tổ chức cũng gồm đủ đại diện của các ngành nghệ thuật như văn, thơ, kịch, báo chí, âm nhạc... Họa sĩ Thái Tuấn tuy không chính thức đứng trong nhóm tổ chức nhưng anh là một “thành viên” tích cực trong nhóm chúng tôi.

    Lúc bấy giờ hằng năm chính quyền có tổ chức giải văn học, nghệ thuật (chúng tôi thường gọi đùa là giải Tổng thống), giải chính thức của nhà nước. Chúng tôi muốn thành lập một giải tư nhân, một giải riêng tổ chức trong vòng thân mật, không quảng bá rộng rãi, ồn ào, chỉ hạn chế giữa những người trong “làng” với nhau.

    Trong nhóm tổ chức 8 người Thanh Tâm Tuyền (TTT), Mai Thảo (MT) và tôi (PLP) cùng trong một tòa soạn Tiền Tuyến, Tô Thùy Yên (TTY) ở phòng Văn Nghệ gần đó nên những buổi họp thường diễn ra ở Câu lạc bộ gần tòa soạn chúng tôi. Vấn đề vinh danh ai được đặt ra đầu tiên. Tất nhiên phải là tài danh hàng đầu của đất nước nhưng ưu tiên cho những người có tuổi hay sức khỏe có vấn đề. Có 5 tên tuổi được đề ra: họa sĩ Nguyễn Gia Trí, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, tiểu thuyết gia kiêm nhà báo Bình Nguyên Lộc, học giả Lê Văn Siêu, kịch tác gia Vi Huyền Đắc. Đây thực sự là những vì tinh đẩu của văn học VN từ tiền chiến còn sáng đến bây giờ. Nhiều tuổi nhất là nhà viết kịch Vi Huyền Đắc nhưng cụ vẫn còn tráng kiện, cười khà khà, thơ văn sang sảng. Không nhiều tuổi nhưng yếu nhất lại là nhà thơ Vũ Hoàng Chương; nhà báo kiêm tiểu thuyết gia Bình Nguyên Lộc cũng cần được trân trọng: ông vừa mất một người con xuất sắc, một bác sĩ chuyên về thần kinh ở bệnh viện Biên Hòa.

    Sau một thời gian thăm dò, suy tính, nhóm tổ chức chúng tôi quyết định vinh danh năm đầu tiên nhà thơ Vũ Hoàng Chương vì ông yếu sức và gia cảnh ông cũng cần được yểm trợ: nhà thơ không còn đi dạy được điều hòa.

    Sau vấn đề vinh danh ai đến vấn đề tổ chức ở đâu? Trong nhóm tổ chức có Phạm Đình Chương “xếp sòng” Đêm Màu Hồng, một quán ca nhạc nổi tiếng và rất văn nghệ ở Sài Gòn; nhưng đi vào chi tiết Đêm Màu Hồng chật quá. Dù tổ chức trong vòng thân mật, không ồn ào nhưng phát hành 200 giấy mời như ước định (mới đủ sở hụi) Đêm Màu Hồng hết “gân” chỉ xếp được 120 ghế. Không đạt yêu cầu. Định bao nhà hàng La Pagode buổi tối nhưng ông chủ nhà hàng nêu giá quá cao; phần khác, nhà hàng “Cái Chùa” ở góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn lộ liễu quá không phù hợp với nguyên tắc kín tiếng và thân mật của nhóm tổ chức.

    Một bữa Mai Thảo và tôi lừng khửng bước vào phòng trà Khánh Ly trên đường Tự Do. Buổi sáng không phải giờ mở cửa hàng, cô chủ Khánh Ly còn chưa trang điểm, nhưng tươi tắn và sạch sẽ như “một đồng xu mới”. “Các anh cần gì mà đến em sớm vậy?” “Cũng có chuyện nhờ Khánh Ly đây”. Chúng tôi nói rõ ý định muốn mượn phòng trà một buổi tối, mà không phải là tối cuối tuần. “Thế thì dễ thôi, em để phòng trà tùy các anh sử dụng, chỉ xin các anh một khoản nhỏ tiền điện và chi cho mấy chú người làm”. Tôi cũng không ngờ kiếm được địa điểm tốt đẹp, giữa đường Tự Do sang trọng, rộng rãi (có gác lửng nên xếp được gần 200 ghế), có nhiều chỗ đậu xe ở gần với một giá “thân hữu” như thế. Tôi được biết là Khánh Ly ca hát thì rất tự do nhưng làm ăn thì cũng chặt chẽ lắm, “business is business”. Cô chủ nhà hàng như thế là rất điệu với văn nghệ. Mai Thảo ra về còn gật gù “Được đấy chứ”.

    Từ phòng trà Khánh Ly chúng tôi đi ngược ra phía bờ sông. Tới ngã tư gần rạp Majestic chúng tôi quẹo tay trái, đi một quãng ngắn là tới nhà in Kim Lai, nhà in tối tân nhất Sài Gòn. Theo quan niệm của Vũ Khắc Khoan đây là một cuộc “chơi” chọn lọc và tư cách, ngay từ cái thiếp mời gửi đi cũng phải trang trọng và lịch sự. Hai họa sĩ danh tiếng của Sài Gòn, Thái Tuấn và Tạ Tỵ, mỗi người “design” cho một mẫu thiếp mời. Chúng tôi tới nhà in Kim Lai hôm nay để cùng hai anh Phùng Tất Đắc giám đốc và Nguyễn Doãn Vượng chef atelier chọn 1 trong 2 mẫu. Sau khi so sánh, chúng tôi cùng các anh nhà in Kim Lai chọn kiểu dáng và màu sắc của Thái Tuấn nhưng dùng chữ vàng in nổi trên giấy màu ngà của Tạ Ty. Vì chỉ in có 200 thiếp nên giá thành chắc đắt. Tôi nêu vấn đề này. Đàn anh Phùng Tất Đắc xoa tay mà nói “Ai mà lấy tiền của các cậu làm gì”.

    Anh em trong nhóm định phát hành 200 thiếp mời, mỗi thiếp giá 3000 đồng. Nếu bán hết, thu được 600 ngàn. Nhưng trưởng nhóm Vũ khúc Khoan muốn chơi trội, cái gì cũng phải nhất nên tốn kém vô cùng. Rượu Champagne Pháp, finger food kiểu Ý, chả giò Như Lan, như thế là gần đi đứt 600 ngàn, còn đâu ngân khoản dự trù cho tác giả, mà cái khoản này cần thiết vô cùng. Sau rồi họa sĩ Thái Tuấn mới có sáng kiến biếu một bức tranh của anh (tranh Thái Tuấn lúc đó đang được khách nước ngoài, đặc biệt là Mỹ ưa chuộng) bán đấu giá gây quỹ. Thanh Tâm Tuyền cũng đề nghị lấy một số tác phẩm của Vũ Hoàng Chương gộp lại, đóng gáy vàng cùng với tranh Thái Tuấn làm “phần thưởng” đấu giá, cho nó thêm thanh thế, vừa có thơ, vừa có họa.

    Từ đó một vấn đề khác đặt ra. Nếu chỉ mời riêng văn nghệ như ý kiến ban đầu của Vũ khắc Khoan thì phần lớn anh em ta đều rách, chi một khoản 3000 cho cái thiếp là hết “gân” rồi, ai mua đấu giá đây? Chúng tôi sau khi bàn cãi chán ra rồi, phải đi đến một thỏa hiệp: không những văn nghệ, những người liên hệ đến văn nghệ, hay là bạn của văn nghệ cũng được mời cho nó vui vẻ cả làng...

    “Đại hãn” Vũ khắc Khoan, tác giả Thành Cát Tư Hãn kiêm ông thầy dạy văn trường đại học Văn khoa, thường nói “tôi chúa ghét những cái compromis” (thỏa hiệp). Đó là cái thế giới văn chương của anh, nhưng ở ngoài đời, nhất là những xã hội gọi là tự do, người ta sống bằng “compromis”; một nhà chính trị học nào đó đã nói: “chính trị thời buổi này là một nghệ thuật compromis”. Không có hay là chưa có một xã hội, một tổ chức lý tưởng, người ta phải bằng lòng với những gì tương đối, tạm thỏa hiệp mà sống với nhau.

    Trong tổ chức Đêm Vũ Hoàng Chương cũng vậy, phải “thỏa hiệp” nghĩa là không phải chỉ mời văn nghệ sĩ “sáng tác” như chủ trương ban đầu, mà mời luôn những người liên hệ với văn nghệ, những nhà Mạnh Thường Quân, những người có sinh hoạt dính líu xa gần với văn nghệ, nói cho gần là những ông chủ báo (chỉ đứng tên mà không viết), những vị chủ nhân nhà sách, nhà xuất bản, nhà phát hành, những nhà “yêu văn nghệ” vv… Không khí đêm Vũ Hoàng Chương như vậy có thể “loãng” đi nhưng bù lại, việc “bán đấu giá” mới có “thị trường”.

    Sự chọn lọc khách mời nhẹ đi, nhưng khoản thu của đêm văn nghệ sẽ nặng lên, hi vọng vậy.

    Mục đích của nhóm tổ chức chúng tôi là tuyên dương một văn nghệ sĩ hàng đầu của VN khi còn tại thế đồng thời “có thực mới vực được đạo” yểm trợ tác giả được tuyên dương một ngân khoản “coi cho được”. Thế nào là “coi cho được”? Ngày ấy, giải thưởng văn học, nghệ thuật hạng nhất của nhà nước (giải Tổng thống) mỗi bộ môn là 300 ngàn đồng (?). Chúng tôi hi vọng “giải tư nhân” của chúng tôi, tuy âm thầm, kín tiếng nhưng thực tế trọng hậu hơn giải “nhà nước”. Mong mỏi vậy thôi, không biết thực hiện được đến đâu? Do vậy, việc bán đấu giá tuy mới đề ra nhưng nó lại trở nên vô cùng quan trọng.

    Tổ chức một công chuyện giống như làm nhà, mỗi lúc mỗi đẻ thêm ra vấn đề. Khởi đầu, chúng tôi ước định mời tác giả hiện diện trong đêm tuyên dương nhưng khi có mục bán đấu giá, người có nhiệm vụ MC trong đêm là Phạm Đình Chương (PĐC) cho rằng sự có mặt của tác giả sẽ làm trở ngại cho tiến trình “mở hầu bao” của cử tọa. Tiến trình này thực sự là một vụ “xin thêm tiền”, tác giả có mặt thì cũng “khó coi” mà MC thì thật là “khó ăn, khó nói”. Sau nhận định của PĐC, phải xếp lại việc nhà thơ có mặt.

    Tất cả nhóm tổ chức chúng tôi có 200 thiệp mời, phù hợp với số ghế trong khán phòng và trên gác lửng phòng trà Khánh Ly. Nhóm tổ chức chúng tôi, 8 người phải chia nhau tự tay phân phối thiếp mời tới những đồng nghiệp, bạn bè theo đúng tiêu chuẩn đề ra, những anh em trong “làng” hay những người có liên hệ với văn nghệ, nhất định không phân phối tới người ngoài giới. Chúng tôi cũng hết sức tránh không dám mời “ông to bà lớn” sợ bị qui chụp dính líu tới chính trị. Trong nhóm chúng tôi cũng có 1 người đang “làm lớn”. Nhà soạn nhạc Cung Tiến (CT) tác giả Thu Vàng, Hương Xưa, Hoài Cảm… cũng là dịch giả “Giới hạn phát triển” (The limits of growth) của Club of Roma, “1 ngày trong đời Ivan Denisovich” của Solzhinitsyn (giải thưởng Nobel năm 1970) lúc ấy đang làm Tổng giám đốc Kế hoạch kiêm thứ trưởng cho ông tổng trưởng kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng. “Đó là những người rất quí trọng văn nghệ”, CT nói về những đồng sự của anh trong bộ Kế hoạch nhưng chúng tôi chỉ xin trân trọng cảm ơn. Đã có lần ông phó thủ tướng phụ trách kinh tế Nguyễn Văn Hảo mời một số anh em văn nghệ chúng tôi tới nhà ông (đường Mạc Đĩnh Chi, trước cửa tư dinh ông đại sứ Mỹ Martin) ăn sáng, nhưng lần này chúng tôi không dám mời, sợ phiền nhiễu cho ông.

    Nhưng có một người đang ở trong chính quyền mà chúng tôi nhất định phải mời vì ông không những là đồng nghiệp mà còn là ân nhân của chúng tôi. Đó là ông Nguyễn Xuân Nghĩa ( NXN). Cách đó 6, 7 năm khi hội nghị Paris nhóm họp (1968), NXN đang học HEC (Hautes Études Commerciales) ở Pháp, NXN là “đặc phóng viên” của Tiền Tuyến. Khi về nước, trước khi làm thứ trưởng tài chính trong chính phủ, NXN đã là bỉnh bút cho Tập san Quốc phòng, một nguyệt san nghiên cứu kinh tế, chính trị tầm cỡ chiến lược của VNCH do Trung Tướng VL làm Chủ Nhiệm, Đại Tá VQ làm TTK Tòa soạn. Ông là đồng nghiệp lâu năm của chúng tôi và là một cây bút sắc bén về kinh tế, chính trị trong nước cũng như ngoài nước. Ở Pháp lâu năm nên ông ưa thích không khí khách thính văn học (salon littéraire) trong tổ chức Đêm Vũ Hoàng Chương. Ông là người ủng hộ nhiệt tình nhóm tổ chức chúng tôi bằng cách ký ngay một tấm chèque 50,000 đồng, mua trước 6 thiệp mời và tặng nhóm tổ chức 32,000 ngàn vào quỹ điều hành tiên khởi.

    Trong việc đấu giá, MC họ Phạm đề nghị thực hiện theo kiểu Huê Kỳ (không biết ở Mỹ có kiểu đấu giá này không?), nghĩa là người nào trả giá nào thì chi ngay cho giá đó, ví dụ ông A trả 5000 đồng thì ông đưa ngay 5000 hay ký cho một tấm chèque, mỗi người góp vào một chút là nó dễ dàng nên tấm, nên món, không phải chỉ trông vào một vài người hào phóng. Mỗi một “giá” được ấn định tối thiểu bằng giá một thiếp mời : 3000 đồng, càng hơn thì càng tốt. Lối bán đấu giá này có ưu điểm là nhiều người có thể tham gia, nhưng nó đòi hỏi phải tổ chức được một giây chuyền “thu tiền” tháo vát, lẹ làng. MC PĐC chỉ ra kinh nghiệm là “người thu tiền” càng dễ thương bao nhiêu thì đấu giá càng thành công bấy nhiêu. Trong nhóm chúng tôi có 2 người “phu nhân” là nhà văn nữ nổi tiếng, đã được tặng giải thưởng văn chương “tổng thống”. Đó là bà Thanh Nam, nữ sĩ Túy Hồng và “người yêu dấu” của nhà thơ Tô Thùy Yên, nữ sĩ Thụy Vũ. Chắc nhiều người chỉ “văn kỳ thanh” các nhà văn nữ mà chưa có dịp “kiến kỳ hình” nên nhân dịp này, vừa dự đêm Vũ Hoàng Chương vừa gặp gỡ các nhà văn nữ nổi tiếng. Một số nữ sinh viên văn khoa của “thầy Khoan” cũng được bổ sung vào giây chuyền thu tiền để hai nhà văn sai phái.

    Trong vấn đề tổ chức, phần trình diễn” nói về Vũ Hoàng Chương, chơi lại một màn kịch Vân Muội, thảo luận về nhà thơ họ Vũ (có sự tham dự của cử tọa) ngâm thơ Vũ Hoàng Chương… do Vũ khắc Khoan, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền phụ trách. Cung Tiến, Tô Thùy Yên tiếp tân, Thanh Nam lo tiếp tế tổng quát, tôi phụ tá MC, đặc trách về bán đấu giá.

    Đại cương về đấu giá chúng tôi đã trình bày ở trên, nhưng đó chỉ là hình thức. Nếu chỉ trông vào những giá bình thường (3000 đồng) kết quả chắc không được bao nhiêu. Phải cần đến những Mạnh Thường quân (MTQ) chi cho những giá đặc biệt. Những MTQ này không tự nhiên mà có, phải tìm, phải mời. Tôi nghĩ tới những đối tượng tôi có thể tiếp cận được, những ông chủ báo, những chủ nhân nhà sách, nhà xuất bản, nhà phát hành… Giới chủ báo tôi nhờ Hà Chưởng Môn (nhà thơ Hà Thượng Nhân). Ông chủ nhiệm thở dài sườn sượt “cứt sắt cả, không cạy được đâu”. Tôi mới gợi ý: “Bà Bút Trà gửi mình mấy đứa con, cháu, đứa làm ty trị sự, đứa nhà ‘chữ’, bà cứ mời mình hoài mà mình chưa có dịp nào. Nhà phát hành Đồng Nai cũng vậy. Bây giờ đêm Vũ Hoàng Chương, mình mời tham dự, mỗi người trả cho vài giá đặc biệt, một công hai việc, nên quá đi chứ?” Chừng như vỡ lẽ, Hà chưởng môn mới nói “Để tôi bảo Viêm Hồng”. Người anh em Viêm Hồng trong tòa soạn chúng tôi chỉ là trung sĩ nhất nhưng anh lại là “quân sư quạt mo” của Saigon Mới , xưa nay dealing việc gì với Saigon Mới cũng xong.

    Tôi lại đi tìm ông Nhất Giang, chỉ là hạ sĩ nhất nhưng ông là “cố vấn tối cao” của nhà sách lớn nhất Saigon Khai Trí. Tôi nói với Nhất Giang: “Ông Khai Trí xưa nay vẫn có tâm với anh em văn nghệ. Kỳ này, đêm Vũ Hoàng Chương cậu mời hộ ông Khai Trí tham dự đấu giá, chi cho nhà thơ một khoản”. “Độ bao nhiêu là vừa anh? 100 ngàn đủ không?” Đẹp rồi, nhưng thêm chút nữa càng hay. “Xong rồi, đàn anh yên trí”.

    Thanh Tâm Tuyền (TTT) cùng ngồi một tòa soạn Tiền Tuyến được “chia” 45 thiếp mời tham dự Đêm Vũ Hoàng Chương phân phối cho anh em, đồng nghiệp, thân hữu. Mạnh thường quân Nguyễn Xuân Nghĩa (NXN) đã chi cho một khoản và mua một lúc 6 vé mời. Hà chưởng môn với các “bạn làng Ngang” của ông (những nhà thơ biếm xuất hiện trên mục thơ Đàn ngang cung hằng ngày) tiêu thụ được chừng 10 vé. Anh em trong nhà Tiền Tuyến 5 vé, tòa soạn bạn 15 vé, các nhà sách Khai Trí, Xuân Thu 4 vé, cũng coi như phân phối gần xong, còn vài vé lẻ tẻ tôi mời một vài người bạn không viết lách gì nhưng là thân hữu của giới văn nghệ. Đó là ông Nguyễn Hoàng Đạt (nguyên dạy học ở Chu Văn An) sau đi lính có thời làm sĩ quan báo chí cho ông tướng QK2 “gió lạnh mưa mùa”. Ông rất thân với báo chí Saigon. Không hiểu sao báo Sống của anh Chu Tử lại cho ông sĩ quan báo chí này biệt danh “tri phủ” Nguyễn Hoàng Đạt (NHĐ). Nhưng trong giới anh em thân cận thì lại gọi là “Đạt nhắng”. Ông đi đến đâu, chưa thấy người đã thấy tiếng, nổ liên tu bất tận nhưng ông là người hào hiệp, dễ thương, vui tính. Từ khi giải ngũ, vô business làm phó giám đốc Amtraco (?) ăn nên làm ra thì NHĐ lại càng “lên nước”, nhà mới, xe mới, tháng này tiệc nhỏ, tháng sau tiệc lớn, mời anh em văn nghệ ăn hút tưng bừng. Tôi gửi thiếp mời đồng thời nói lên ý nghĩa Đêm Vũ Hoàng Chương. NHĐ nói thẳng “Cái gì chứ ủng hộ đàn anh Vũ Hoàng Chương là 'có tôi ngay’. Tôi đã có lúc hân hạnh được là đồng nghiệp của anh dưới cùng mái trường”.

    Tôi còn mời một người bạn khác. không ở trong làng văn nghệ mà trong giới thể thao. Ông Nguyễn Đức Ân, ông bầu của đội banh vô địch một thời Quan thuế, khi “lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng và “ông thầy lừa” Đỗ Thời Vinh đang ở đỉnh cao phong độ. Ông Ân không những là bạn ở cầu trường mà đối với tôi, ông còn là chỗ thân tình: ông là con của ông thầy học cũ của tôi, thầy Nguyễn Trọng Giáp, dạy Moyen 1ère année trường tiểu học Đỗ Hữu Vị. Trước ông làm lớn ở quan thuế. Sau ông ra làm giám đốc cho hãng Esso ở Nha Trang. Tết nào ông cũng mời bạn cũ tới nhà tiệc tùng, quà cáp lia chia. Tôi tới ông Ân nhưng lại đụng độ bạn ta ở đấy. Nguyễn Đức Ân cũng là bạn của Mai Thảo. Tôi rút lui, nhường cho Mai Thảo “mối” này.

    Công chuyện sửa soạn từ giữa năm mà tới cuối năm 1974 mọi việc mới tàm tạm đâu vào đấy. Đêm Vũ Hoàng Chương phải đình hoãn một lần vì tình hình quân sự, chính trị càng ngày càng căng thẳng. Đáng lẽ tổ chức vào dịp cuối năm phải dời lại đầu năm 1975. Nhưng càng để lâu, tin dồn về đêm thơ càng nô nức. SàiGòn như con đà điều giấu đầu trong cát, muốn quên đi những phong ba, bão táp bên ngoài trong cõi thơ bát ngát Vũ Hoàng Chương.

    Thiệp mời không còn đủ dể phân phối. Sức chứa phòng trà Khánh Ly không thể hơn 200 chỗ ngồi. Trong một buổi họp gần ngày tổ chức để kiểm điểm những chi tiết cuối cùng, hai bạn Mai Thào và Phạm Đình Chương có cho hay là ông bà “Phó Kỳ” phone đến nhiều lượt, muốn tham dự đêm thơ.

    Hai ông bạn tôi thường vô ăn nhậu trong trại Phi Long, PĐC thường coi mình là người Sơn Tây đồng hương với ông Kỳ; có thời ông Kỳ cũng lên radio ca hát và đã hơn một lần ông có ý muốn lấy biệt hiệu là Hoài Nam trong ban hợp ca Thăng Long danh tiếng dạo nào. Trưởng nhóm Vũ khắc Khoan dạy Chu văn An nhiều năm khi ông Nguyễn Cao Kỳ (NCK) còn là học sinh nên thời Ủy ban Hành pháp Trung ương, ông NCK là chủ tịch, “thầy Khoan” được anh em gọi đùa là “quốc sư”. Tuy phải sống với những “compromis” nhưng Vũ khắc Khoan cũng như phần đông anh em trong nhóm nhận định rằng: Nguyên tắc của mình là kín tiếng và thân mật nên không nên mời những ông to, bà lớn. Đây là một cuộc chơi thuần túy văn nghệ, không dính líu đến chính trị, mời ông Kỳ có thể bị hiểu nhầm, qui chụp bè nọ, phái kia nhất là sự hiềm khích giữa ông “chánh tổng” Thiệu và ông “phó tổng” Kỳ lúc ấy đang lên cao độ. Ông Kỳ xưa nay yêu văn nghệ, sẵn sàng mở rộng hầu bao nhưng sự hiện diện của ông gây khó khăn không ít cho nhóm tổ chức.

    Chúng tôi thực hiện việc này trong sự âm thầm, tự nguyện không loan báo mà cũng không xin phép. Chỉ là một buổi họp mặt thân mật giữa những anh em văn nghệ với nhau, tuyên dương một thi sĩ. Nhưng nếu nhà đương cuộc “ngứa mắt” họ có thể lấy lý do an ninh, trật tự giải tán vì “họp mặt có chủ đề mà không xin phép, không phải là sinh hoạt thường xuyên của phòng trà”. Trong chương trình có bán đấu giá, nếu muốn “kiếm chuyện”, sở Thuế có thế hỏi thăm sức khỏe.

    Đó là những mối lo qui ước, dựa vào luật pháp. Tôi là chân “chạy ngoài” phải lo những chuyện đó nên tôi một bữa phải đi tìm ông cò Hùng “xùi”, trung tá nhảy dù, có thời làm ông cò quận 1, nơi tọa lạc phòng trà Khánh Ly thuộc đường Tự Do (Đấy là tên đường cũ của chúng ta một thời yêu dấu, bây giờ thì “Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do” lâu rồi). Dù ông cò không còn ở quận 1 nữa nhưng đàn em ông vẫn còn đó. “Ông ngồi hộ chỗ đó đi ông; có ông, không tên nào dám rỡn mặt”. Còn vụ sở thuế, tôi lại phải nhờ ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Ông là thứ trưởng tài chánh, ông làm ơn “bỏ nhỏ” đàn em ông một tiếng.

    Có thể có những mối lo “bất qui ước” nữa nếu “người phá đám” muốn sử dụng bàn tay đen, ví dụ một số tên đầu trâu mặt ngựa, giả vờ say sưa nhào vào phòng trà, gây sự, đập phá , hay gửi một vài tên đàn em quân nhân ba gai, vô tư cách tới gây lộn, bắn dăm ba phát súng hay lăm lăm cầm trái lựu đạn đã rút tròng... Tôi lại phải đi tìm ông Ngọc “Chả cá”, đeo lon thiếu tá nhưng ngày xưa là trùm công tử Càn Long Hà Nội, bây giờ qui ẩn rồi nhưng bản mặt ông, danh tiếng ông vẫn còn làm khiếp đảm quần hùng. Trong phone người anh em khu phố cũ (ở Hà Nội ngày trước tôi ở phố hàng Vải, Ô. Ngọc ở ngõ Chà Cá, gần nhau lắm) nói rằng: “Đàn anh cho uống rượu Tây, đồ nhắm tốt ngồi trông nom mấy đứa đàn em, chuyện nhỏ, xin có mặt”. Về vụ mấy anh lính vô kỷ luật tôi lại phải nhờ ông xếp sòng Quân cảnh một thời, đại tá Thiệt, xin ông phái tới cho vài anh em, quân phục chỉnh tề, súng ống gọn ghẽ để cho mấy tên lính ba gai nó khiếp.

    Theo như dự định đây là một đêm thơ , người trình diễn không chuyên nghiệp mà chính là những nhà “tổ chức” hay những văn nghệ sĩ tham dự trong đêm sẽ tùy hứng mà diễn, ngâm, đọc tác phẩm của Vũ Hoàng Chương. Phần chương trình thật ra chỉ là một sự gợi ý, nó trông đợi rất nhiều vào phản ứng của cử tọa. Việc của tôi là “chạy ngoài”, sau đó là “bán đấu giá” nhưng tôi lại phải cùng Mai Thảo và Phạm Đình Chương “trấn an” mấy nhà ca sĩ. Khánh Ly, cô chủ nhà đồng thời là tiếng hát đang lừng lẫy săm soi: “Em hát bài gì đây?” Thái Thanh, tiếng hát “vượt thời gian” cũng náo nức: “Thái Thanh trình bày bản gì nào? Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy?”. Đại hãn Vũ Khắc Khoan vốn lừng khừng, xoa tay mà nói: “Đây là đêm thơ. Không ai hát bài nào hết”.

    Thái Thanh và Khánh Ly nhìn Mai Thảo và tôi. Chúng tôi gật đầu. Một cái gật đầu hết sức khiếm nhã nhưng chúng tôi biết nói gì hơn...

    Không những chúng tôi “từ chối” các giọng ca hàng đầu của Sài Gòn (một sự khiếm nhã không thể tránh được) nhóm tổ chức cũng không mời những giọng ngâm nổi tiếng như Nguyễn Thanh, Hoàng Thư, Tô Kiều Ngân nhằm giữ cho Đêm thơ Vũ Hoàng Chương một vẻ hoàn toàn “tài tử”. Nhưng nguyên tắc này không giữ được chu toàn, giống như câu cửa miệng của Pháp “Toute règle souffre une exception” (luật tắc nào cũng có biệt lệ). Chúng tôi vinh danh nhà thơ nhưng không mời anh hiện diện để cho việc phát biểu ý kiến về Vũ Hoàng Chương của nhóm tổ chức và cử tọa được khách quan, trung thực hơn, việc bán dấu giá được dễ dàng hơn nhưng chúng tôi không thể từ chối ước nguyện của chị Vũ Hoàng Chương (chị Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng) khi chị yêu cầu Hồ Điệp (giọng thơ nức nở đặc biệt yêu thích của chị) ngâm bài “Tố của Hoàng ơi Tố của anh” trong Đêm Vũ Hoàng Chương. Có thể đây là một ký niệm không thể nào quên của anh chị.

    Chúng tôi phải chấp nhận một “compromis” nhưng bây giờ nghĩ lại thấy thỏa hiệp chúng tôi dành cho Hồ Điệp cũng có đôi chút ý nghĩa. Giọng ngâm thân quý của chúng ta, Hồ Điệp thập niên 80 sau này, đã tuyệt mù tăm tích trong một cuộc vượt biên, không biết Hồ Điệp đã bỏ thân dưới đáy dại dương hay tại một hải đảo âm u, quạnh vắng nào ? Đêm thơ Vũ Hoàng Chương cũng vô hình trung là đêm vinh danh không ngờ của Hồ Điệp. Xin vĩnh biệt cô Nhu, tên tại quê nhà của Hồ Điệp; thân mẫu của Hồ Điệp và thân mẫu của Thái Hằng, Thái Thanh, Phạm Đình Chương là 2 chị em ruột, quê ở Hạ Hiệp, Quốc Oai, Sơn Tây, do đó Chương mới nhận mình là người Sơn Tây. Thân mẫu Hồ Điệp lấy một người chú họ của tôi ở làng Hữu Bằng, chỉ cách Hạ Hiệp có một cánh đồng, nên Hồ Điệp với tôi là đồng hương. Chuyện không ai ngờ trước được. Thời kháng chiến chống Pháp gần 30 năm về trước, tôi là thành viên của ban Tuyên truyền Xung phong của tỉnh (cùng với Khuất Duy Đàm (Quách Đàm) mỗi khi trình diễn, người vỗ tay ủng hộ chúng tôi nhiều nhất là cô Nhu. Bây giờ tôi lại là người nhiệt liệt hoan hô Hồ Điệp. Một lần nữa, xin vĩnh biệt cô bạn đồng hương thân quý “Hồ Điệp - Cô Nhu” .

    Tôi cũng không còn nhớ rõ ngày tổ chức Đêm Vũ Hoàng Chương là ngày nào? Trên 30 năm đã trôi qua rồi nhưng tôi chắc một điều đó là đầu tháng 1-1975 và là một ngày trong tuần, ngày “làm việc” ít ai đi chơi tối, thuận tiện cho việc “văn nghệ, văn gừng” chơi một đêm riêng. Phòng trà Khánh Ly, nơi tổ chức vẫn như thường lệ, không banderole, không affiche, chỉ có một biểu ngữ nhỏ dán trên cửa kính “Đêm Vũ Hoàng Chương”. Trong công chuyện “chạy ngoài” tôi phải liên hệ mật thiết, xin các báo, các đài phát thanh đừng loan một giòng nào, một tin nào về đêm thơ họ Vũ.

    Càng riêng tư cho văn nghệ bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chương trình 8 giờ tối mới bắt đầu mà 7:30 giờ phòng trà Khánh Ly đã gần như hết chỗ. Trong cái hiu hiu lạnh còn lại của Noel. người ta ăn mặc chỉnh tề đi dự Đêm Vũ Hoàng Chương. Những người có bổn phận “ra sân khấu” đều đẹp hơn thường lệ. Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo trong những bộ complet xẫm màu lịch sự; lần thứ 2 tôi thấy Thanh Tâm Tuyền đeo cravate (lần đầu trong ngày cưới của anh). Cung Tiến với cái style Cambridge anh mang từ Ăng Lê về cùng với vẻ trí tuệ của Tô Thùy Yên tạo thành một cặp tiếp tân chững chạc. Thanh Nam lo tiếp tế tổng quát cùng với các nhà văn nữ Túy Hồng (Thanh Nam “phu nhân”), Thụy Vũ (Tô Thùy Yên “phu nhân”) phụ trách đường giây thâu tiền khi bán đấu giá . Tôi lo an ninh bên ngoài, phụ tá MC Phạm Đình Chương khi đấu giá vào cao điểm.

    Các khuôn mặt văn nghệ, báo chí Sài Gòn đều có mặt. Các bậc tiền bối như kịch tác gia Vi Huyền Đắc, học giả Lê Văn Siêu, tiểu thuyết gia Bình Nguyên Lộc, nhà báo lão thành Trần Tấn Quốc, đại diện Sáng Tạo ngoài Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền trong nhóm tổ chức còn có Doãn Quốc Sĩ, các họa sĩ Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, đại diện Quan Điểm ngoài Vũ Khắc Khoan có Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Đỗ, đại diện nhóm Thế Kỷ có anh Bùi Xuân Uyên, nhóm Tự Do có Như Phong, Mặc Thu, bạn làng Ngang có Hà Thượng Nhân, Bảo Vân, Cả Tếu, hội chủ báo có Chu Tử, Quốc Phong, hội Văn nghệ sĩ Quân đội có nhạc sĩ Anh Việt, nhà thơ Cao Tiêu, Viên Linh, nhà báo QĐ Đặng Trần Huân, Phạm Huấn vv… Có những người tôi không biết mặt, biết tên hoặc trí nhớ lâu ngày mòn mỏi nên nhớ lầm, thiếu sót nhưng khi đến giờ khai mạc phòng trà Khánh Ly đã không còn chỗ trống.

    Rõ ràng phòng trà Khánh Ly với khả năng 200 chỗ ngồi không đủ cho đêm thơ hôm nay, mặc dù thực hiện trong vòng riêng tư, im lặng. Về chuyện “an ninh” bên ngoài, thực sự không có bàn tay đen nào quấy phá nhưng có những sự kiện ngoài dự liệu. Thiệp mời dự đêm thơ Vũ Hoàng Chương, chưa biết hay dở ra sao, nhưng một số người “sành điệu” ưa làm collection tấm thiệp kiểu dáng của Thái Tuấn, màu sắc của Tạ Tỵ, chữ vàng in nổi trên giấy quí do nhà in tối tân nhất Sài Gòn Kim Lai thực hiện. Một số người không mua được thiệp mời, đến đêm thơ kéo đến phòng trà Khánh Ly, định mua tại chỗ nhưng thật sự số thiệp in (200) đã phân phối hết. Cô chủ Khánh Ly, Thanh Nam và tôi lại phải hết lời cảm tạ và xin lỗi.

    Có một phái đoàn chừng 5 người từ miền Tây, vì hâm mộ Vũ Hoàng Chương nên kéo lên Sài Gòn đêm ấy mặc dù không có thiệp mời. Họ yêu cầu được tham dự, bao nhiêu tiền “vào cửa” họ cũng sẵn sàng. Đâu có chỗ nào mà ngồi nữa. Lại còn mấy anh em nhà binh đi phép về Sài Gòn chơi, đến đường Tự Do thấy Đêm Vũ Hoàng Chương thì ngừng lại. Hai ông sĩ quan kêu rằng: “Ngày trước tôi học Chu Văn An, thầy Chương dạy chúng tôi Việt văn. Cho tôi gặp thầy Chương”. Chúng tôi nói rằng “Thầy Chương không có mặt đêm nay ở đây. Chỉ có thầy Khoan” . “Cho chúng tôi gặp thầy Khoan cũng được. Thầy Khoan dạy sử”. Để cho yên, chúng tôi vội mời Vũ Khắc Khoan. Thầy Khoan ra, mấy ông nhà binh đang hùng hổ bỗng ngoan như cừu “Lạy thầy, thầy nhớ con không” rầm rĩ. Để tạm thời giải quyết việc này, lại phải nhờ Khánh Ly, kê tạm hai cái ghế băng dài để cho các vị khách “không mời mà đến” ngồi ngoài hành lang, tham dự.

    Riêng tôi, vì phụ trách bán đấu giá nên ngoài những khuôn mặt văn nghệ, phải cần sự có mặt các Mạnh thường quân. Ông Viêm Hồng, trong tòa soạn Tiền Tuyến, “phụ trách” bà chủ nhiệm Sài Gòn Mới, bà Bút Trà. Ông Viêm Hồng tới cho hay bà Bút Trà không đi, nhưng có ông Khiết, con trai bà đi thay. Nhà phát hành Đồng Nai cũng đã có đại diện. Ông Nhất Giang đã cùng ông Khai Trí đích thân tới. Tôi có ý tìm nhà Mạnh thường quân Nguyễn Đức Ân, cựu chủ tịch đội banh Quan thuế, giám đốc Esso bây giờ nhưng không thấy. Tôi có hỏi Mai Thảo. Tác giả “Tháng giêng cỏ non” vỗ vỗ vào túi áo nói rằng: “Ân nó bận không từ Nha Trang về được nhưng bạn đã gửi cho một khoản đây rồi”.

    Ông “tri phủ” Nguyễn Hoàng Đạt, phó giám đốc Amtraco, đã đến rất sớm. Tôi có ý nhắc ông nán lại, xin ông gia tâm về việc bán đấu giá vào hồi cuối đêm thơ. Ông cười hăng hắc mà nói rằng: “Yên chí đi ông, để tôi lo việc đó…”

    Vũ Khắc Khoan (VKK) trưởng nhóm tổ chức, trong không khí trang trọng và ấm cúng của một đêm họp mặt tại phòng trà Khánh Ly đầu năm 1975 gồm những văn nghệ sĩ và những người bạn của văn nghệ Sài Gòn, đã là người đầu tiên lên diễn đàn, trân trọng cảm ơn sự hướng ứng nồng nhiệt của quan khách và thân hữu, một cử tọa thân quý và chọn lọc.

    Tác giả Thần Tháp Rùa cũng trình bày thêm là nhóm tổ chức chúng tôi có ước nguyện sau đêm Vũ Hoàng Chương (VHC) hôm nay, sẽ thường niên dịp đầu năm dương lịch, cuối năm âm lịch, tuyên dương một văn nghệ sĩ VN tiêu biểu. Đêm nay là lần đâu tiên chúng tôn vinh nhà thơ lớn của VN: Vũ Hoàng Chương. VKK cũng cho hay là Đêm Thơ hôm nay không có chương trình cố định, ngoài việc Thanh Tâm Tuyền (TTT) nói đôi lời về tiểu sử tác giả, Mai Thảo (MT) nhìn lại một vài kỷ niệm với nhà thơ, Hồ Điệp ngâm một bài do chính bà VHC yêu cầu, phần còn lại do chính “quí vị, những nhà văn, nhà thơ của đất nước, những người bạn, những đồng nghiệp của tác giả, sẽ nói lên cảm nghĩ của mình đối với VHC. Một tác giả lớn bao giờ cũng ghi được dấu ấn của mình trong quảng đại quần chúng đương thời và có thể, mai hậu nữa”.

    Vì công việc của tôi phải lo “chạy ngoài” không thường xuyên trong thính phòng nên tôi không theo dõi được bạn tôi TTT nói những gì trong phần tiểu sử. Chỉ nghe loáng thoáng VHC quê Nam Định (đồng hương với MT) và điều đáng lạ là nhà thơ thời đi học lại đậu tú tài toán (Math Elem) không phải là tú tài triết hay văn (cũng giống trường hợp TTT, đậu tú tài toán, sau rồi làm thơ và dạy văn). Nếu tôi nhớ không lầm, TTT cho rằng VHC không phải là nhà thơ lãng mạn mà nếu phải xếp theo trường phái, anh gần gũi với nhóm Thi Sơn (Partnassien). Thơ VHC bao giờ cũng đẹp đẽ tài hoa, nghiêm chỉnh về luật tắc và vần điệu.

    Hôn nhoè cặp má hoa bên cửa,
    Ghì hững đôi tay nguyệt trước giường
    Tình bẽ bàng duyên vò nát mộng
    Nằm điên cuồng nhớ đập tan gương…


    Trong phần kể lại kỷ niệm, MT nhắc tới những chuyện bù khú VHC đi “giang hồ vặt” hay đắm chìm trong tửu sắc cùng những bạn hữu thời tiền chiến như Nguyễn Bính, Huyền Kiêu, Tô Hoài… để nguôi quên mối sầu đời của người dân mất tự do, mất nước. Vì muốn được “đi” nên VHC không làm ông tham, ông phán mà xin làm Chemins de fer (sở Hỏa xa) để tiện dịp ngao du cùng bạn hữu.

    Quang Dũng thời đó (chưa nổi tiếng) nhưng học sư phạm xong rồi cũng đi làm Hóa xa và đi sang Tàu luôn, học trường Hoàng Phố. Ngày ấy, câu danh ngôn của một nhà văn Pháp đã được nhiều văn nghệ sĩ VN chiêng ngưỡng: “Ta muốn sau khi ta chết, sẽ có người thuộc da ta làm chiếc va li”.

    Sau khi Hồ Điệp ngâm bài thơ chứa đầy kỷ niệm “một đời” do chị VHC yêu cầu “Tố của Hoàng ơi Tố của anh”, Khoan “tôi” (VKK khi nói về mình thường tự xưng như vậy) lại lừng khừng, ly rượu trên tay, đứng ra đọc lại một đoạn kịch thơ Vân Muội. MT thấy vậy cũng tiến ra, ứng diễn. Diễn được một đoạn là quên. Một người bạn trong thính phòng, tôi không biết là ai, nhảy ra đọc tiếp. Hết kịch thơ Vân Muội đến thơ Say, thơ Mây, thơ Rừng Phong… ai thuộc bài nào đọc bài đó. Bây giờ, mọi người tham dự đều là nhà thơ, nhà kịch; không khí VHC thấm đẫm thính phòng. Khoan “tôi” vốn là Phật tử thuần thành nên anh cao giọng đọc “Lửa từ bi” một tác phẩm theo anh là một đỉnh cao của VHC:

    … Nam mô đức Phật Di Đà
    Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay
    Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
    Người rẽ phăng đêm tối, đất dày
    Bước ra ngồi nhập định hướng về Tây
    Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ...
    Không khí vặn mình theo khóc òa lên nối gió
    Người siêu thăng giông bảo lắng từ đây…


    Lửa từ bi đã dậy, một bạn làng Ngang, không nhớ rõ là Hà chưởng Môn hay nhà thơ Bảo Vân lại “phi “ lên sân khấu, đọc bài “Lửa từ bi” dịch sang tiếng Pháp “Feu de Sacrifice” do nhà thơ nữ người Bỉ Simone Kuhnen de la Coeuillerie chuyển dịch.

    … L ‘air se tort et se brise,
    Les sanglots du vent se muent en cyclone.
    Le grand BRONZE s'est livre vivant à la flamme,
    II est rentré au Nirvana;
    tous les orages se sont calmés…


    Khách mời vừa nghe thơ, đọc thơ vừa thưởng thức thức ăn nhẹ kiểu Ý, kèm thêm giò, chả Như Lan uống rượu vang Pháp, các bà, các cô dùng nước ngọt. Đã thấy ngà ngà, đêm thơ đã ngả về khuya. VKK liền mở một chai Champagne chúc sức khỏe nhà thơ họ Vũ và xin bắt đầu buổi bán đấu giá các tác phẩm của VHC đóng tập bìa da chữ vàng, buộc “nơ” đỏ cùng với một bức tranh Thái Tuấn. Lúc đó. những bức tranh màu “lạnh” của Thái Tuấn đang được khách nước ngoài, đặc biệt là Mỹ ưa chuộng. Nó mang một tinh thần “nostalgia” về VN rất thấm, rất sâu. Phải ghi lại một lần nữa ở đây, anh Thái Tuấn tuy không đứng trực tiếp trong nhóm tổ chức nhưng công sức anh đóng góp thật nhiều.

    MC Phạm Đình Chương (PDC) vào cuộc. Mỗi giá tối thiểu bằng một vé tham dự 3000đ, ai trả giá nào, chi cho giá đó. Hai nữ sĩ Túy Hồng, Thuỵ Vũ cùng các cô sinh viên của “thầy Khoan” xôn xao, chạy đi, chạy lại thu tiền. Nhiều người trả giá 5000, có người 10,000. Chừng nửa giờ, phẩm vật đấu giá đã lên trên trên 200,000. Tôi vội vàng di “thăm” mấy nhà Mạnh thường quân. Nhà phát hành Đồng Nai vừa chi cho 1 giá 15,000. MT lục túi áo đưa ra 20,000. Ông bạn cũ Nguyễn Đức Ân, từ Nha Trang không về được nhưng gửi trước một chút quà. Tôi giục ông Viêm Hồng bên báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà và ông Nhất Giang đang cùng hiện diện với ông Khai Trí, xin tham dự. Tôi cũng tợp một hớp Champagne với “tri phủ” Nguyễn Hoàng Đạt (NHĐ). Ông này nghiêng đầu nói với tôi: “Tôi sẽ chơi nước rút vào giai đoạn cuối”. Sau đó, ông Khiết (con trai bà Bút Trà) cùng ông Khai Trí mỗi người chi cho 2 giá: Sài Gòn Mới 20,000 một giá, nhà sách Khai Trí 25,000 một giá. Ông tri phủ bây giờ mới lên tiếng 30,000. Báo Sài Gòn Mới im tiếng thì nhà sách lớn nhất thành phố trả lời 35,000. NHĐ lập tức chi ngay 40,000. Cái giá của phần vật đã lên tới trên 400,000 mà chưa biết 2 người còn lại. NHĐ và ông Khai Trí ai sẽ thắng ai ?

    Đúng lúc đó tôi được thông báo “Có khách mới”. Tôi vội chạy ra. Hai ông bà “phó tổng” Nguyễn Cao Kỳ (NCK) đang sắp sửa bước vào. Đây không phải là khách mời của tôi; chắc là của MT và PĐC. Để tránh mọi sự hiểu lầm có thể có cùng sự qui chụp về chính trị, chúng tôi đã có ý định không mời ông “phó Kỳ” nhưng bây giờ ông bà cứ tới, biết làm sao đây. Vì phép lịch sự, chúng tôi trân trọng mời ông bà tham dự. Cùng lúc ấy, MC họ Phạm mời mọi người tiếp tục tham gia đấu giá. Ông NHĐ chi thêm một giá 40,000 nữa là nhà sách im tiếng. MC đã đếm 1, 2 sắp sang số 3 kết thúc thì ông NCK lên tiếng 50,000. Ông phó giám đốc Amtraco trả lời 60,000 thì ông phó Kỳ “tố” thêm 80.000. ông “tri phủ” đang cơn “bốc đồng” hét giá 100,000. Phẩm vật đấu giá đã lên tới trên 700,000.

    Nhóm tổ chức chúng tôi ước định bán đấu giá được chừng 500,000 là lý tưởng. Bây giờ lên tới trên 700.000 rồi, cắt đi là vừa. Lên gần 1 triệu đồng, có thể bị sở thuế “hỏi thăm sức khỏe” nếu phẩm vật thuộc về ông Kỳ lại có thêm điều tiếng. Vả chăng, cho đến lúc ấy, NHĐ là người đã chi nhiều nhất, trên 200.000 nên tôi lưu ý PĐC đếm 1,2,3 khá mau để kết thúc bán đấu giá giành phẩm vật về tay NHĐ. Nhưng ông phó giám đốc Amtraco cũng là người lịch lãm nên sau khi kết thúc, ông lại mang phẩm vật tới tặng lại ông bà NCK. Ông NCK cũng lịch sự không kém: “Cảm ơn ông, chúng tôi không dám nhận, xin ông cứ tự nhiên”.

    Ít ngày sau, chúng tôi tới thăm anh chị Vũ Hoàng Chương, lúc ấy ở một phòng trong biệt thự gần Lăng Cha Cả của bà Thất tiểu muội (bà quả phụ nhà thơ Đông Hồ) cùng với chút tặng phẩm đêm bán đấu giá. Chúng tôi được chị Chương và chị Đinh Hùng mời ăn một món rất Bắc Ký : bún thang, cà cuống. Nhà không sẵn sàng tiếp khách, nên cứ ngồi xuống chiếu mà húp xì xụp cứ như đi ăn cỗ ở thôn quê. Chúng tôi bữa ấy đưa đến được hơn 700,000 nhưng điều anh Chương lấy làm vui hơn hết là cuốn băng thu lại đêm thơ. Chúng tôi rút kinh nghiệm là nếu mời anh tới, tác giả được vinh danh có thể sẽ xúc động hơn nhiều.

    Nhưng rút kinh nghiệm để rồi không bao giờ dùng đến nữa. Chúng tôi chỉ vinh danh được một người rồi là “nước mắt nhà tan”. Trong nhóm tổ chức 8 người năm ấy, 4 người đã bỏ chúng ta mà đi: Thanh Nam, Vũ Khắc Khoan, Phạm Đình Chương, Mai Thảo. Còn lại 4 người Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến ở Minnesota, Tô Thùy Yên ở Houston, tôi ở Sydney. Vài tháng trước, chị Chương (Đinh Thục Oanh) mới mất nên mới cảm khái mà nhớ đến chuyện xưa bạn cũ. Où sont les neiges d’antan?

    Ký giả LÔ RĂNG

  10. #100
    Những đêm thanh vắng, hồn tôi trở về dĩ vãng nhớ nhung kỷ niệm dấu yêu. Những giây phúc đó lòng mình cô đơn lạ nhưng cũng hạnh phúc lắm! Thật buồn cười quá, vì có mấy ai cho mình Hạnh Phúc khi Cô Ðơn ???


    Hạnh Phúc khi mình có nhau và hạnh phúc khi mình mất nhau mà vẫn còn nhớ về nhau! Những kỷ niệm, dĩ vãng không mất đi nó như những hạt bụi trong đáy ly bị lắng đọng. Những hạt bụi đó sẽ bị khơi động, trỗi lên khi chiếc ly rung lên nhịp cũ. Tiềm thức chúng ta cũng như thế; những dĩ vãng cố chôn vùi, cất giấu vào những ngăn kín của tiềm thức. Và khi những môi trường tương tự, quen thuộc kéo đến, là kỷ niệm xưa như quay cuồng bộc lửa trong những ngòi than âm ỉ ...

    Trong những đêm thanh vắng, tôi ngồi nghe tiếng côn trùng rĩ rã, tiếng nước róc rách chảy để nhớ đến ngày xưa chúng ta quen nhau bên đảo vắng , bên chiếc suối đặt tên "ngọn suối hẹn hò". Ngọn Suối Hẹn Hò của ngày xưa chỉ còn trong kỷ niệm Nghìn Trùng Xa Cách, chỉ là một ảo tưởng xa xôi, nhưng sao quá thân thương nhung nhớ !

    Tôi mong được một lần đối mặt với thực tế ! Ðược nhìn thấy người sau bao năm xa cách. Ðể ôm người một lần cuối và nói với người lời từ ly mà chúng ta chưa một lần thật sự nói với nhau. Nói với nhau lòng đau xa cách ! Vì mình chỉ có duyên không nợ, đời mình như ánh sáng và màng đêm ....





    Thật chậm sao tình yêu đến muộn
    Thật sớm tình yêu tan biến mau
    Thật dài tháng năm buồn vương vấn
    Thật ngắn những ngày vui bên nhau.

    Thật gần yêu người trong giấc mộng
    Thật xa khi ta tỉnh cơn mê
    Thật trống vắng người đem giá lạnh
    Thật lạ sao ta mãi một mình.

    Ngày lại qua ngày làm bạn với Cô Đơn
    Ngày lại qua ngày thấy đời mình buồn hơn
    Có những đêm dài chợt sáng, tìm người trong tiếng hát
    Nghe tiếng buồn ru, sao ta mãi một mình ??

 

 

Similar Threads

  1. Ca nhạc sĩ Viêt Dzũng đã qua đời
    By ngocdam66 in forum Chúc mừng/Phân ưu/Cảm tạ
    Replies: 31
    Last Post: 01-22-2014, 09:24 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:49 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh