Register
Page 11 of 20 FirstFirst ... 910111213 ... LastLast
Results 101 to 110 of 191
  1. #101
    Như một giòng sông
    Ngọc Minh

    Có nhiều người thường nói với tôi: làm ca sĩ như các cô sướng thật. Đi khắp nơi, vừa có tiền vừa được biết những thành phố đẹp nổi tiếng. Điều đó quả có đúng thật. Nhưng chỉ đúng một phần nhỏ. Nếu quí vị cứ giả vờ làm ca sĩ như chúng tôi một thời gian ngắn thôi chắc chắn quí vị sẽ thấy điều chúng tôi sắp tâm sự dưới đây là có lý vô cùng.

    Ở xứ văn minh ghê gớm như xứ Mỹ này, con người phải làm việc còn hơn máy mới sống nổi. Không làm, khỏi ăn. Vì thế, những ngày cuối tuần là thời gian tuyệt vời nhất của những ai hùng hục kéo cày trả nợ cơm áo suốt năm dài đăng đẳng từ sáng sớm cho đến chiều tối. Tới nhà, nằm vật ra như một trái bong bóng xì hơi thảm hại.

    Ngược lại với quí vị, ca sĩ chúng tôi ngày thường có thể thong thả đôi chút, nhưng vừa chớm cuối tuần bắt đầu căng gân cổ để làm việc mua vui cho đời. Nếu hát lanh quanh vùng Little Saigon còn dễ thở tí ti, nhưng chẳng may phải đi hát xa thì cả là một chuyện dài đủ cả hỉ, nộ, ái, ố. Tuần qua, tôi hát tại Houston, Texas. Ban tổ chức nào cũng giống nhau mà thôi. Chọn hãng bay rẻ nhất, dĩ nhiên, tiền nào của nấy, giờ giấc của chuyến bay rất phù hợp với giá tiền của chiếc vé hạng bét. Muốn có mặt kịp giờ bay, tôi phải dậy từ năm giờ sáng, giờ mọi người đang yên giấc trong chăn êm nệm ấm, tay xách nách mang, mắt nhắm mắt mở chạy ra phi trường. Đến nơi, đã có một hàng dài ngưòi đứng đợi để lấy thẻ lên tàu. Sở đĩ có cảnh sắp hàng như vậy là vì hãng Southwest chơi kiểu open seat. Anh đến sớm anh lấy dược số nhỏ, được leo lên tàu trước muốn ngồi đâu tùy ý. Anh đến sau cứ việc chờ thiên hạ an tọa đâu đó mới tới phiên mình, đôi khi tới lượt mình chỉ còn hàng ghế restroom còn trống, và đó là trường hợp của tôi trong chuyến đi này.

    Cầm số thứ tự một trăm năm mươi mấy. Khi leo được lên máy bay chỉ còn hàng ghế chót dư hai chỗ. Ác nghiệt thay, chỗ cửa sổ và ngoài cùng đã có hai người Mỹ bé nhỏ cân nặng chừng ba trăm pounds chiếm ngự. Vất vả lắm tôi mới vượt qua được cây thịt vĩ đại của ông bạn đồng hành ngồi chễm chệ ghế ngoài cùng để vào chỗ của tôi, một chỗ ngồi thật khiêm nhượng vì hai nguời nặng ký đã chèn qua gần hết chỗ của tôi. Sau màn hello kiểu American tôi ngồi giữa hai cây thịt nín thở vì hình như ông nào cũng sặc sụa mùi ruợu.

    Tiếng chị chiêu đãi viên hàng không cất lên không mấy ngọt ngào: “Đây là chuyến bay số... hân hạnh được đón tiếp quí vị, chuyến bay của chúng ta sẽ ngừng bốn trạm, trạm cuối cùng sẽ là Houston”. Nghe qua tôi rụng rời tay chân.Nếu bay thẳng từ Los Angeles tới Houston chỉ độ hơn ba tiếng, nhưng stops nhiều kiểu này phải gấp đôi giờ ngồi trên máy bay là cái chắc. Liếc mắt nhìn sang hai người bạn đồng hành đang gục đầu ngủ gật, tôi chỉ muốn kêu lính bắt bỏ bót cho rồi vì chỗ ngồi đã chật, người họ còn đổ lên đổ xuống choàng cả sang người tôi. Chả thấy làm ca sĩ sung sướng đâu. Chỉ thấy phải ngồi chịu đựng trên chuyến bay này quá khổ. Đã xong đâu, vì giá vé rẻ nên hãng này không cho hành khách ăn dù điểm tâm, trưa hay tối. Máy bay cất cánh được một lúc, mấy chị tiếp viên thí cho mỗi người một gói đậu phụng bé tí teo và một ly nước ngọt, và chỉ ngần ấy thôi. Người Mỹ ăn uống rất khỏe, thành ra thay vì ăn họ gào thét nước uống cả chục lần. Chỉ nội đưa ly ra cất ly vào cũng đủ làm tôi chóng mặt muốn xỉu. Uống cho cố, lại có màn sắp hàng nhau để vào toilet. Lát lát, anh Mỹ to béo ngồi cạnh cửa sổ lại đứng lên excuse me trèo qua tôi để đi đé. Ôi đời sao khổ quá xá.

    Bước ra khỏi chiếc máy bay khốn khổ, tôi như trút được ngàn cân. Người mỏi rừ vừa đói vừa mệt. Nhưng đã hết chuyện đâu, về tới chỗ hát ăn sơ bát phở để rồi còn phải dượt với ban nhạc nữa. Tập dượt xong đã gần tối. Về phòng tắm ào một cái, nhìn đồng hồ đã tới giờ sửa soạn.

    Tàn cuộc vui hai giờ sáng. Ăn tô cháo một cách uể oải vi tôi đã quá mệt không còn thấy ngon miệng, nhưng vẫn phải ráng ăn cho hết kẻo buồn lòng vợ chồng người bạn nhất định mời tôi đi ăn đêm cho bằng được vì lâu quá không gặp. Sau khi take off phấn son, tôi chỉ còn vài tiếng phù du nữa là đến giờ ra phi truờng trở lại Cali. Xếp đại quần áo vào cái xách tay nhỏ, tôi ghé mình chợp mắt một chút để lấy sức tiếp tục cuộc hành trình không mấy thú vị, cảnh đẹp Houston tôi cũng không biết có những gì. Tôi chỉ biết duy nhất đường từ phi trường tới chỗ hát và ngược lại.

    Ai bảo làm ca sĩ sướng nhỉ? Vạn lần đi như một, có lần nào thoải mái enjoy đâu, chi thấy vất vả và vất vả... nhưng làm sao được. “Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui” (riêng mình khổ ai biết).

  2. #102
    Alpha Film Saigon
    Thanh Lan

    Những ai đã từng là người Saigon của trước 1975, mấy ai mà không nghe nói về hãng phim Alpha tọa lạc tại góc đường Hiền Vương và Trương Minh Giảng. Một tòa building đồ sộ cao 3 tầng lầu, trong đó có phòng chiếu phim, phim trường dành cho việc quay phim, phòng kỹ thuật với đầy đủ máy móc. Trên lầu có cả phòng dành cho diễn viên ở lại đêm khi cần thiết, để khỏi phải đi đi về về hàng ngày, giúp cho việc quay phim thêm thuận tiện, đỡ mất thì giờ cho cả hãng phim và diễn viên. Phải nhìn nhận rằng vừa sau khi đất nước chia đôi được vài năm mà ông Thái Thúc Nha đã xây dựng lên một phim trường như vậy, thì quả là phải có đam mê và niềm tin mạnh mẽ mới dám dấn thân vào ngành nghệ thuật thứ bảy tại một quốc gia bé nhỏ như Việt Nam vào đầu những năm 60.

    Vào những năm 60, ông Thái Thúc Nha là một tên tuổi lớn của Saigon hoa lệ. Trong tất cả các đại hội điện ảnh không thể không có mặt ông. Ông cũng là một thành viên trong Ban Tổ Chức của kỳ thi hoa hậu đầu tiên của Saigon năm 1965. Lúc đó tuy còn nhỏ nhưng Thanh Lan cũng được Mẹ dắt đi xem. Phải công nhận Hoàng Kim Uyên đẹp trội hơn những cô khác rất nhiều, nhưng vì đã có gia đình nên bị loại và Thái Kim Hương được đội vương miện Hoa Hậu của Saigon. Có vài người cho rằng Thái Kim Hương chắc là họ hàng với ông Thái Thúc Nha nên mới là hoa hậu, nhưng không phải vậy. Thanh Lan xin làm chứng ở đây là tuy cùng họ Thái nhưng cô ấy chẳng có họ hàng gì với gia đình này hết.

    Alpha Film nằm ngay sau lưng bãi đất trống ở góc đường Hiền Vương và Trương Minh Giảng, có một thời đã được đoàn Holiday On Ice của Đức Quốc chọn làm nơi trình diễn những màn trượt tuyết đẹp mê hồn, trước những cặp mắt tròn xoe của hàng ngàn khán giả Việt Nam, là những người chưa hề nhìn thấy tuyết bao giờ. Người nữ xướng ngôn viên bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt trong tuần lễ huy hoàng đó chính là Mme Chi Lan, Mẹ của Thanh Lan.

    Làm sao kể hết những kỷ niệm tại Alpha Film? Tại nơi đó Thanh Lan đã quay cuốn phim đầu tiên trong đời là phim Tiếng Hát Học Trò do ông Thái Thúc Nha đạo diễn và một ông director of photography người Phi Luật Tân quay hình. Cả hai ông bây giờ đều không còn nữa. Cả tài tử Huy Cường cũng đã về bên kia thế giới từ lâu. Chị ca sĩ Thu Hương đóng vai Mẹ của Thanh Lan hiện giờ ở Pháp. Anh Ngọc Phu còn ở Cali. Trong phim có một người nam ca sĩ góp mặt trong đó là anh Chế Linh. Bây giờ mà được nhìn lại những hình ảnh đó thì thật là… chẳng biết cảm giác sẽ ra làm sao, thật là khó tả khi nhìn lại hình ảnh mình vào độ tuổi đôi mươi.

    Đó là nói về nghề nghiệp, nhưng những kỷ niệm sâu xa nhất lại là với đại gia đình họ Thái trú ngụ tại Alpha Film. Mẹ Thanh Lan gọi ông Thái Thúc Nha bằng chú, nên Thanh Lan phải gọi ông bằng ông. Và có thời gian khoảng 4 năm, Thanh Lan đã sống tại phim trường này. Họ Thái, là họ bên ngoại của Thanh Lan, có 3 giòng chính là Thái Văn, Thái Nguyên và Thái Thúc. Họ Thái đa số thông minh học giỏi. Ông ngoại Thanh Lan là ông Thái Nguyên Đào, hiệu trưởng lycée ở Thanh Hóa và cũng có lúc làm quan Bộ Học (Bộ Giáo Dục) tại triều đình Huế.

    Giòng Thái Nguyên cũng có họa sĩ Thái Bá, Thanh Lan gọi bằng cậu, học ngành họa tại Pháp nhưng có thời gian ở Orange County rất lâu. Cậu vẽ những bức tranh rất thuần túy Việt Nam được in thành những tấm thiệp chúc Tết.

    Nếu có những ai từng làm ở Bộ Ngoại Giao trước 1975 thì chắc chẳng quên được ông Thái Văn Kiểm, mẹ của Thanh Lan gọi ông bằng anh, nên Thanh Lan phải gọi bằng bác. Không được biết về ông nhiều, nhưng cách đây 2 năm có lần qua Pháp hát, Thanh Lan có hỏi thăm về ông thì được biết ông đã nghỉ hưu và về dưỡng già tại Việt Nam.

    Đó là nói chung về bên ngoại, Thanh Lan không được biết hết tất cả thân tộc vì ngày xưa Ba Mẹ không có dịp dẫn đi chào tất cả, nếu có sơ sót xin họ hàng bên ngoại tha thứ cho Thanh Lan. Hoặc nếu có dịp gặp xin nhận họ hàng cho đỡ cô đơn nơi xứ người.

    Trở lại với Alpha Film, không biết ai đã đặt tên cho phim trường nhưng bây giờ phân tích lại thì người ấy hẳn kỳ vọng vào nơi này ghê lắm. Như quí vị biết, người Mỹ cũng hay nói “he thinks he is the alpha dog” để nói về một chú cẩu nhanh nhẩu tinh nhuệ. Vậy thì có lẽ lúc đó ai cũng ước vọng Alpha Film sẽ là số một, sẽ sản xuất những cuốn phim hay nhất, được ăn khách nhất. Đó là nói về cái tên gọi thôi, còn thực chất bên trong thì sao? Thưa quí vị, ở nơi đó Thanh Lan đã trải qua những năm thăng hoa của sự nghiệp, rồi đến những lúc khốn khổ sau tháng 4, 1975. Nếu ngồi mà nhớ lại từng chi tiết thì có lẽ kể đến cả tháng cũng chưa hết chuyện nên thôi thì vắn tắt lại mà thôi.

    Trước 75 thì thôi đông vui quá rồi. Gia đình ông bà Thái Thúc Nha cùng các con, cậu Didi, dì Hoàng Lan, cậu Minh, cậu Phong, cậu Cường, rồi tới gia đình ông bà Thái Thúc Thuần và các con, rồi gia đình cậu Thái Nguyên Sao và các con, rồi gia đình ba mẹ của Thanh Lan (và các con), tất cả quây quần sống thuận hòa thân thiết với nhau tại đó. Sau 75 cậu Phong và vợ con đi vượt biên bị đắm tàu, Thanh Lan buồn vô cùng vì lúc đó Thanh Lan thân với cậu Phong nhất. Tuy gọi bằng cậu nhưng nhỏ tuổi hơn, lúc nào cũng thương Thanh Lan như một người chị. Có những ngày đầu năm 75, sáng sớm 6 giờ dậy đi đóng phim với hãng phim Nhật (Phim Number Ten Blues), chính cậu Phong là người chịu khó dậy sớm chở Thanh Lan tới nơi quay phim. Thanh Lan không quên đâu cậu Phong.

    Sau 75, có thời gian gia đình cậu Thái Nguyên Liêm, cũng về trú ngụ nơi đây trước khi tìm đường vượt biên, hiện cậu ở Monterey Park. Khi hãng phim bị tịch thâu, mỗi gia đình phải tách rời ra, không còn được xum họp một nhà như trước nữa. Hiện nay cậu Didi ở tại Úc, dì Hoàng Lan ở Pháp. Ông bà Nha, cậu Phong, cậu Cường đã mất. Và mới đây thôi, một ngày Thứ Sáu 13 buồn bã lạnh lùng, cậu Minh đã qua đời tại Dalat. Chỉ mới cách đây mấy năm cậu Minh còn gọi phone: “Thanh ơi, đi làm phim với cậu Minh không?”. Thanh Lan đã mời cậu đến nhà, chỉ cho cậu một cảnh gần đó rất giống ở Việt Nam để quay thử một đoạn phim cho một cô diễn viên trẻ mới được tuyển. Rồi sau đó bà Nha mất ở Việt Nam nên cậu về lo cho bà. Rồi bây giờ cậu từ giã cõi đời này mà đi luôn không bao giờ nghe giọng nói của cậu nữa.

    Thái Thúc Hoàng Minh là một người rất đa dạng. Những nhận xét đầu tiên mà mọi người nhìn thấy ở Hoàng Minh là nét khỏe khoắn, lanh lẹn của một người đàn ông rất mực đàn ông. Trong gia đình, Hoàng Minh kề cận bên ông Thái Thúc Nha trong tất cả những dự án làm phim. Hoàng Minh rất hết lòng hết sức bất kể ngày đêm làm tất cả những gì mình làm được. Quay phim, đặt đèn, đôn đốc, giúp đỡ các nhân viên trong phim trường. Hoàng Minh thật tình đặt hết lòng vào công việc tương lai là sẽ gánh vác sơn hà, tiếp nối sản xuất phim khi Ông Thái Thúc Nha muốn được nghỉ ngơi khi tuổi già sức yếu. Nhưng… đời không như là mơ nên Alpha Film sụp đổ không còn gì. Đặt mình vào địa vị của Hoàng Minh, Thanh Lan cũng cảm thấy mình thật là hụt hẫng. “Xót xa lắm cậu Minh ạ”.

    Alpha Film. Một thời tuổi trẻ, một thời mất mát, một kỷ niệm không phai.

    Tuy bây giờ chắc chẳng còn giống trong ký ức, nhưng 4 năm sống tại đó đầy ắp những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Khi không còn phim trường nữa, ông Nha dọn về căn nhà nhỏ gần chợ Bến Thành mở tiệm chụp hình để sinh sống. Ông có nhắn Thanh Lan đến để ông chụp hình cho, và vừa cười buồn vừa nói: “Le chat qui mord sa queue”.Ý ông nói quanh đi quẩn lại thì lại làm cái việc cũ là việc chụp hình (trước khi ông có phim trường). Cuộc đời là một cuộc bể dâu, không có gì là tồn tại mãi mãi, duy có ký ức thì đầy ắp và tràn về khi mình có được đôi lúc ngồi một mình nhìn biển cả lấp lánh trong nắng chiều.

    Cháu Thanh Lan xin gửi nơi đây nén hương lòng cho những thân nhân họ Thái đã khuất và cầu xin cho tất cả thân tộc được khỏe mạnh, an vui trong năm Ất Mùi 2015.

  3. #103
    Khoa cảm ơn những bài viết ChiecLaVoTinh posted trong thread này . Chu'c ChiecLaVoTinh một ngày vui vẽ ...

    ---

    Mẹ nằm đấy ... tuy thân xác Mẹ ở đây nhưng thật ra Mẹ không còn nữa. Tôi đưa tay sờ nhẹ lên mặt Mẹ . Tôi muốn được sờ Mẹ lần cuối. Tôi đưa tay vuốt nhẹ lên cái hoa mà tôi đã gài lên tóc Mẹ và đẩy nhẹ cái thư nhỏ tôi đã viết cho Mẹ vào túi áo Mẹ. Ðể làm gì ? Tôi cũng chẳng rõ. Tôi chẳng mong Mẹ sẽ đọc được thư của tôi nhưng rồi tôi cần viết ra những gì trong đầu tôi, trong lòng tôi lúc bây giờ . Tôi đọc cho Mẹ với những giọt nuớc mắt còn lại trong tôi . Viết lá thư cuối cùng cho Mẹ để rồi tôi sẽ không bao giờ còn có dịp viết thư cho nguời Mẹ hiền của tôi nữa.

    Hai hôm nay , đã nhiều lần tôi đưa tay níu lấy tay áo của Mẹ , rồi nghĩ rằng ... nếu tôi kéo Mẹ mạnh mạnh một chút, biết đâu ... biết đâu ... biết đâu Mẹ sẽ tỉnh lại và cuời với tôi ?

    " Mẹ chờ con để Mẹ ôm con " , lời nói vưà hôm kia , bây giờ , mỗi lần nghĩ đến , là mỗi lần tôi rơi nuớc mắt ....

    Last edited by Khoa1221; 07-11-2019 at 08:28 AM.

  4. #104
    Quote Originally Posted by Khoa1221 View Post
    Khoa cảm ơn những bài viết ChiecLaVoTinh posted trong thread này . Chu'c ChiecLaVoTinh một ngày vui vẽ ...



    Nhớ Trần Lê Nguyễn

    Đây là tấm hình Trần Lê Nguyễn dặn vợ con là khi nào anh mất (mùng 7 rạng mồng 8-7-99) hãy đưa tấm hình này lên bàn thờ ... Sáng 1 tháng 7 vừa qua, anh em văn nghệ còn lại ở Sài gòn như họa sĩ Tú Duyên (80 tuổi ngoài mà vẫn còn mạnh giỏi), ông Khai Trí, ông Văn Quang, ông Uyên Thao, ông Vương Đức Lệ ... và gia đình đã đưa anh lên Bình Hưng Hoà hỏa táng. Chị Trần Lê Nguyễn có đưa cho ông Văn Quang tấm hình này với lời trăn trối của anh ... Ông Văn Quang liền gửi sang cho tôi. Anh Trần Lê Nguyễn là người viết kịch, là đạo diễn kịch cho nên anh chọn hình rất đúng. Trần Lê Nguyễn đây rồi: Trần Lê Nguyễn bằng xương bằng thịt. Nhưng thật ra bây giờ, Trần Lê Nguyễn chỉ còn là một nắm tro tàn.

    Tôi được quen biết Trần Lê Nguyễn từ lâu lắm, gần 60 năm về trước. Ngày ấy tôi là một anh học trò nhà quê ra tỉnh học. Chủ nhật, ngày lễ là đạp xe về quê. Tôi lúc ấy 15, 16 tuổi đang học năm thứ 2 bậc trung học. Còn Trần Lê Nguyễn, bậc đàn anh của tôi đã 20 tuổi, đang học năm cuối sư phạm. Lúc bấy giờ chưa có tên Trần Lê Nguyễn. Đó là bút hiệu của anh sau này. Khi ấy tôi chỉ biết anh là Nguyễn Huy Tạo, người mà khắp vùng tổng Thạch Xá chúng tôi đã bắt đầu gọi anh là “anh giáo”. Nghề giáo là nghề “gia truyền” của gia đình anh. Ông thân sinh ra anh là ông giáo Nguyễn Huy Khôi. Ông chú anh là ông giáo Nguyễn Huy Đôn (bạn nào làm ở đài phát thanh Sài gòn lâu năm, chắc nhớ ông giáo Nguyễn Huy Đôn sau này làm công chức biên tập viên tiếng Pháp phòng ngoại ngữ). Làng tôi, làng Hữu Bằng tổng Thạch Xá, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai - Sơn Tây) còn được gọi là làng Nủa chợ - có nghề dệt và nhuộm vải nâu ...

    Em ơi ngày xưa làng ta vui
    Say mộng bình yên làng ta cười
    Tiếng nói mỗi chiều chày đập sợi
    Rộn ràng hát với màu nâu tươi
    Đời lành như lá vải
    Êm êm xa ống quay đều...
    (Tào Mạt - 1949)

    Người bạn xưa làm thơ Tào Mạt đã nói lên nỗi nhớ quê khi chúng tôi đi tản cư nhớ về làng cũ và nhắc đến nghề nghiệp của nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Còn Thạch Xá, làng của anh Nguyễn Huy Tạo cạnh làng tôi lại có nghề làm chè lam, làm bỏng mật, kẹo bột, kẹo vừng nức tiếng và nghề “kéo vó “. Một bậc đàn anh khác của tôi, anh Bùi đình Diệm (nhà thơ Quang Dũng) ở Phùng (Đan Phượng) tạt vào vùng tôi chơi đã có câu thơ nói về làng Thạch:

    ”Làng xóm xông hương bỏng kẹo
    Chè lam thơm, cơm mới chuối tiêu vàng“.

    Từ Phùng vào Nủa chợ phải đi qua Hạ Hiệp, quê của Phạm Đình Chương. Những ngày nghỉ học, Chương và tôi đạp xe về thăm “quê ngoại” đều đều.

    Từ cổng Giếng làng tôi, đi qua Giếng Bìm tới đường cái “Cao Vòng” rẽ tay trái là sang làng Đặng - làng của Tú Kếu Trần Đức Uyển. Rẽ tay mặt tới Gò gai nơi đàn anh Nguyễn Lộc người sáng lập ra Vovi Nam dạy những bài học đầu tiên cho môn sinh, rồi qua Cầu Đá tới làng Thạch của Nguyễn Huy Tạo. Làng này là làng chiêm trũng, trông giống như một cù lao xanh nổi lên giữa Đầm Bùi nước bạc. Khi mùa Ngâu nước lũ, các làng chung quanh chưa ngập, làng Thạch đã ngập rồi. Quê nội chúng tôi ở làng Nủa chợ, quê ngoại chúng tôi là làng Chàng (còn gọi là làng Nủa Quạt), phải qua làng Thạch mới tới nơi. Đi ăn giỗ bên nhà mẹ tôi có năm nước lớn quá, cả nhà tôi, nhà dì tôi (mẹ tôi và dì tôi đều lấy chồng bên Nủa chợ) phải đi một chiếc thuyền thúng lớn. Đi vòng Đầm Bùi xung quanh làng Thạch rồi mới tới làng Chàng. Quê tôi miền trung du nên núi đồi, cây cổ thụ, đá ong khô rất sẵn ... Thật ít khi tôi được đi qua một vùng sông nước rạt rào, những bờ tre, bãi mía, những vỏ bè hiu quạnh soi mình trên giòng nước bạc xa xa một cánh cò trắng bay về phía núi Sài Sơn. Phong cảnh như cắt ra từ một bức tranh thủy mặc

    ”Lạc hà dữ cô vụ (lộ) tề phi ...
    Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” (1),

    Quê hương như vậy, Nguyễn Huy Tạo lúc đầu tiên làm thơ là đúng Chúng tôi những ngày hè thường sang quê ngoại thăm ngôi trường tư của ông cậu tôi cậu Ba Nguyễn Hợp. Ông cậu tôi đậu diplôme nên có mở một lớp luyện thi certificat cho “sĩ tử” quanh vùng. Sau rồi cậu tư Nguyễn Sùng mới đậu cử nhân luật cũng thường tới đây giảng bài, nói chuyện văn chương thi cử nên chúng tôi vẫn thường sang tham dự.

    Những người đồng khóa với cậu cử Sùng như ông cử Chu Văn Bình trên Quảng Oai (nhà văn, nhà báo Chu Tử sau này), ông cử Cù Đình Lộ ở Đan Phượng cũng thường vào chơi. Các ông, qua lời đàm luận đang có ý định mở một ngôi trường trung học (hoặc ở phủ Quốc Oai, hoặc trên tỉnh lỵ Sơn Tây) để cho học trò vùng này, nhiều người sáng dạ lắm có chỗ mà học hành, khỏi phải ra Hà nội. Nhưng cái tên trường Khôi Việt có lẽ không hợp ý nhà cầm quyền người Pháp nên cái trường trung học ấy mãi mãi vẩn chỉ là dự thảo. Những thanh niên lớp sau như chúng tôi, cái mộng lớn nhất là trở thành ông giáo ở trường trung học đầu tiên ở tỉnh mình, cũng không bao giờ thành tựu.

    Anh Nguyễn Huy Tạo là học trò cũ của ông cậu Nguyễn Hợp chúng tôi. Anh sang chơi, ông cậu tôi thỉnh thoảng lại nhờ anh dạy giúp một vài giờ. Những học sinh của trường này lạ lắm. Phần lớn là những anh nhiêu, anh khán, răng đen, áo the, khăn lượt hay là đội mủ casque ... đã trượt certificat ít nhất một vài lần ... bây giờ cố đi học lấy cái bằng “cơ thủy” để về làng làm chân chưởng bạ hay là lý trưởng. Có anh vừa đậu được certificat ở trong vùng cận sơn mổ heo ăn mừng rầm rĩ.

    Những học trò giỏi của ông cậu tôi đã qua trường này là Nguyễn Huy Tạo là Nguyễn Mạnh Du. Có những bài luận văn tiếng Pháp (rédaction francaise) của các anh được nhà trường giữ lại làm bài mẫu cho học sinh lớp sau. Các học trò “nhiêu, khán” nhìn anh “trưởng tràng” Nguyễn Huy Tạo, Nguyễn Mạnh Du như là thẩn tượng.

    Cũng không biết thế nào mà nói trước. Anh Nguyễn Mạnh Du người viết văn rất xuất sắc lại trở thành kỹ sư. Anh Nguyễn Huy Tạo, thơ ca đầy người lại trở thành nhà biên kịch Trần lê Nguyễn. Còn anh Bùi Đình Diệm người vẽ rất đẹp, vẽ trên cổng, trên tường nhà thì lại trở thành nhà thơ Quang Dũng ...

    Kẻ Trước, Người Sau...

    Người dời bỏ vùng quê hương mến yêu ấy ra đi đầu tiên là tác giả “Đôi mắt người Sơn Tây”, anh Bùi đình Diệm (nhà thơ Quang Dũng). Năm ấy là năm 1942 thì phải. Tôi vừa ở Hà Nội về bỗng nhận được tin dữ mật thám Tây về khám nhà cụ tổng Phùng, lùng bắt anh Bùi đình Diệm. Nhưng Tây không bắt được anh... anh đã kịp thời trốn chạy. Nghe nói, anh Diệm học sư phạm xong rồi nhưng không đi dạy học mà xin vào làm ở sở hoả xa; không phải anh muốn đi làm '“công, tư chức” mà anh làm ở đó để tìm đường, tìm phương tiện cho đồng chí của anh Việt Nam Quốc Dân Đảng hay Đại Việt, đi sang Trung Hoa. Đang làm hoả xa thì công việc bại lộ. Mật thám truy tầm anh ở Hà nội, ở Phùng (Đan Phượng) nhưng anh đã xa chạy cao bay. Sẵn đường hỏa xa anh Bùi đình Diệm đi sang Trung Hoa luôn - và sau đó anh theo học một phân hiệu miền Nam của trường võ bị Hoàng Phố... Năm 1945, 1946 sau Đệ nhị thế chiến, trong Đệ nhất phương diện quân Trung Hoa của tướng Lư Hán sang giải giới quân đội Nhật Bản ở phía Bắc Việt Nam (từ vĩ tuyến 17 trở lên) đã có mặt Trung uý Trung Hoa Dân quốc Bùi Đình Diệm.

    Không biết vì lý do nào anh đã ở lại Hà Nội, sau khi giải giới xong quân đội Phù Tang... Năm 1946 anh là sĩ quan Vệ quốc đoàn làm việc trong ban liên lạc quân sự 3 bên: Trung Hoa - Pháp - và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Thật cũng khó tìm được một sĩ quan liên lạc như anh: vừa là cựu sĩ quan Trung Hoa, vừa thông tiếng Pháp vừa là đại diện cửa quân chính địa phương. Vì lẽ nào anh ở lại, xung vào Vệ quốc Đoàn đối với tôi, dù rất gần gũi với gia đình anh vẫn còn là một vùng bóng tối.

    Tôi chỉ biết ở Đan Phượng, sau khi cụ Tổng Phùng ông thân anh mất, có một bà mẹ già đêm ngày ngông ngóng chờ con – có một người thiếu nữ, em một người đồng chí của anh, người đã lo cưu mang dấu điếm anh khi anh bị lùng bắt, đã trở thành chị Bùi đình Diệm, chị về Đan Phượng chờ anh. Có một đàn em anh vừa trai vừa gái...đang chờ người anh cả về để làm “quyền huynh thế phụ”.

    Những bức tranh anh vẽ trên cổng, trên tường nhà ở Đan Phượng thời gian kháng chiến chống Pháp...khi sửa sang lại tôi đã thưa với cụ Tổng mẹ anh là phải giữ lại hết. Những bức tranh đã phai mờ theo năm tháng...nhưng vẫn là những gì còn lại của anh Diệm trong khu nhà này. Anh ở hậu phương đi kháng chiến chống Pháp...đi sang Lào theo đoàn quân Tây Tiến rồi trở về làm “văn nghệ”. Dù anh cố gắng đến đâu chăng nữa, người ta vẫn không quên cái gốc tiểu tư sản của anh.

    Anh là một sĩ quan bị đánh giá thấp nên anh về Quần Tín làm văn nghệ dưới quyền ông tướng Nguyễn Sơn ở khu 4 (Thanh Hoá). Ông tướng văn nghệ Nguyễn Sơn đi rồi là những nghệ sĩ “tiểu tư sản” như anh không còn đất sống.

    Bài ca Tây Tiến của Quang Dũng được những người thanh niên đi kháng chiến khắc sâu vào tâm trí, coi như bài thơ bi hùng lãng mạn nhất của thời kỳ đầu kháng chiến lại bị trùm văn nghệ Bôn Sê Vích là Tố Hữu phê bình lên án nặng nề. Từ đó anh cam phận “hàng thần lơ láo”. Anh đói suốt đời, đói Tự Do và bao tử anh luôn luôn đói. Trong tuyển tập thi ca 30 năm cách mạng của Hà nội xuất bản sau năm 1975, Quang Dũng, người có thơ được cả nước thuộc nằm lòng chỉ được hiện diện trong tuyển tập này bằng 1 bài thơ vô thưởng vô phạt “Những cô gái trồng cây”. Những thi sĩ công thẩn của chế độ như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông...được tuyển từ 8 đến 5 bài...Thi sĩ 1 bài như Quang Dũng, lại là bài thơ “không giống ai” được coi như thi sĩ hạng bét của chế độ.

    Có những “giai thoại” về chuyện ít khi được ăn no của Quang Dũng. Anh người cao lớn... chừng 1m75 thuộc loại “vừa văn nhân vừa tráng sĩ”. Có bức hình chụp Quang Dũng lúc ở trong Quân đội Trung Hoa, cưỡi ngựa hồng đeo “pặc hoọc” râu hùm, hàm én... Nhưng tráng sĩ này không có cái niêu cơm thẩn thoại của Thạch Sanh nên suốt dời thiếu ăn. Truyện kể rằng ông Nguyễn Tuân vừa lĩnh được món tiền nhuận bút liền mời ông Quang Dũng đi ăn xôi, gà.

    Ông Nguyễn ăn uống cảnh vẻ - gẩy gẩy từng hạt xôi. Đĩa xôi của ông Nguyễn chưa vơi thì ông Quang Dũng đã ăn xong. Ông Nguyễn liền hỏi “ông dùng thêm đĩa nữa”. Ông Quang Dũng trả lời “xin vâng”. Ông Nguyễn chưa ăn xong đĩa xôi của mình thì ông Quang Dũng đã 6 lần “xin vâng” cùng ông Nguyễn.

    Một người bạn văn buổi tối đến thăm Quang Dũng. Anh không có nhà. Vừa mới đi ra cửa thì gặp Quang Dũng trở về. “Ông đi đâu về đây” “Tôi đi ăn ốc”. Thật ra buổi tối ở Hà nội không còn ai bán ốc. Quang Dũng, để cho quên cái đói, đi ra đường ăn “ốc xy” (dưỡng khí).

    *

    Năm 1942, anh Bùi đình Diệm ra đi thì vài tháng sau, anh Nguyễn Huy Tạo (Trần Lê Nguyễn) cũng lên đường. Đây là thời kỳ Pháp ra sức khủng bố và càn quét cơ sở của các đảng phái Cách Mạng Việt Nam. Đang học năm cuối bậc Sư Phạm, anh Tạo bỏ học. Một buổi tôi lang thang ra đồng đi ra chỗ cây Đa Lò Ngói xem nước năm nay cao thấp thế nào. Cây đa Lò Ngói nằm sát ngay Đầm Bùi, nhìn sang làng Thạch của anh Nguyễn Huy Tạo. Mùa nước lên cao nhất là vào tháng 7. Tháng 8 nước rút... Nhìn cây đa Lò Ngói xem ngấn nước in trên thân cây đa - là biết nước năm nay cao hơn hay thấp hơn năm ngoái. Đầm Bùi vẫn còn sóng nước bao la - những chiếc vó bè cao, thấp, gần xa ẩn hiện chung quanh làng Thạch.

    Vì làng Thạch là làng chiêm trũng như vậy, ruộng lại ít nên ngoài nghề bỏng kẹo, còn làm nghề cá, chuyên sinh sống trẽn sông nước. Đang đứng bên cây đa Lò Ngói chợt tôi thấy một người đánh dậm áo tơi, nón lá quần sắn lên tận đùi đang mang một cái dậm đi về phía tôi (Dậm là một cái nơm bắt cá bằng tre đan thưa có tay cầm ở giữa; khi bắt cá đưa phần miệng mở của cái nơm áp vào bờ ao, bờ mương, dậm chân cho cá chạy vào rồi nhắc lên bắt cá tôm). Khi đến gần tôi nhận ra anh Nguyễn Huy Tạo. Anh nói khẽ “theo tôi”. Tôi theo anh tới một bờ tre, có một chiếc thuyền con dấu ở trong đó. Anh lấy thuyền ra, bảo tôi ngồi lên rồi anh nhanh nhẹn, chống sào cho thuyền đi vào Đầm Bùi mênh mang nước bạc.

    Thuyền chúng tôi tới gần một chiếc vó bè. Đây là phương tiện “chủ lực” của việc đánh cá dưới Đầm Bùi. Ở những chân ruộng sâu hay theo giòng nước chảy, người ta thiết lập những vó bè to lớn. Một chiếc vó rất rộng, hình vuông có 4 cái khung là 4 cây tre căng chiếc vó ra, được một cái bè làm bằng những cây bương lớn hạ chiếc vó có chiếc nôm ở dưới đáy phủ xuống một vùng sông nước. Ở đằng sau chiếc bè có một cái lều nhỏ để cho người trông nom vó bè sinh hoạt. Tùy theo con nước, mưa nhiều nước lớn thì kéo chừng 5,7 phút một lần - nếu nước lặng trời êm thì kéo chừng 15 phút một lần. Khoảng nửa buổi, người trông nơm vó bè lại đi thuyền ra thăm chiếc nôm đổ cá thu hoạch được vào rổ lớn trong thuyền. Kéo vó bè có thể bắt được loại cá “trắng” như cá chép, cá trôi, cá mè, cá diếc và cả cá “đen” như cá rô, cá trê, cá quả...có khi kéo được cá lươn.

    Từ chiếc vó bè tôi nhìn xung quanh. Vì đồng không mông quạnh - nên ngồi đây có thể bao quát cả một vùng. Đường tới làng Thạch, từ phía trái, phủ Quốc Oai qua phía làng Đặng của Trẩn đức Uyển - từ cầu Niêu trên Thạch Thất về phía trước mặt, qua phía phải từ Đan Phượng qua Hạ Hiệp, Canh Nậu trở vào… những động tĩnh xung quanh cứ ngồi đây là theo dõi được hết. Tôi cũng lờ mờ hiểu vì sao anh không ở trong làng mà lại ở trên vó bè như thế này. Nếu có chuyện, từ giữa Đầm Bùi anh sẽ có nhiều đường tẩu thoát. Tôi không dám hỏi nhưng tôi biết chắc những bậc đàn anh của tôi thời đó, ít hay nhiều đều dính vào quốc sự.

    Trong chiếc lều nhỏ, có một nồi cháo đang sôi trên cái hoả lò, anh cúi xuống mở nắp nồi, mùi hạt tiêu và rau thìa là thơm phức...Anh nói nhỏ “Có con cá quả khá to lên đây ăn cháo với tôi”. Anh bày hai chiếc bát chiết yêu, so đũa. Chừng nhớ ra điều gì anh ra đầu lều, sẽ huýt sáo. Một lát có tiếng chèo khua nước. Một cô gái quê áo nâu non, tóc đuôi gà mắt lá dăm, người tròn lẳn như một con cá trôi dấn bước lên lều. Cô gái không chào...cứ mím miệng cười. Anh Nguyễn Huy Tạo giơ tay đỡ lấy chai rượu từ tay cô gái. Anh không nói gì, miệng khẽ phác một nụ cười, như một lời cảm ơn thẩm hay một lời chào hỏi. Cô gái quay xuống còn ngoái lại một cái nhìn tinh quái, sắc như dao. Tôi lúc bấy giờ là một gã trai mới lớn, nhìn người con gái như một thế giới mơ ước đầy huyền hoặc, trong đầu óc luôn lởn vởn một hình bóng Graziella hay một Thôi Oanh Oanh ẻo lả và quyến rũ. Nguyễn Huy Tạo và tôi bắt đầu nhấp rượu. Trời đất say say. Tôi nhìn ra khoảng Đầm Bùi vắng lặng - hai cái lều con giữa khoảng trời nước mênh mông, ở đó có một người thanh niên 20 tuổi và người thiếu nữ vừa mới dậy thì. Chuyện gì đã xảy ra giữa khoảng trời mơ mộng ấy. Tôi bỗng nhắc đến câu thơ lấy ý từ Lamartine:

    Người yêu mười sáu tuổi đầu
    Vâng, mười sáu tuổi yêu nhau được rồi....

    Đàn anh Nguyễn Huy Tạo nghe xong, vỗ vai tôi mà nói “Cậu đang bước vào thời kỳ lãng mạn. Còn tôi mai đây, phải từ biệt nó rồi”. Nói xong, nụ cười của anh bỗng tắt trên môi. Bên ngoài trời động, sấm rền từ phía chân trời xa. Nguyễn Huy Tạo. nhìn mông ra Đầm Bùi nước bạc mà nói “Có lẽ đêm nay hay ngày mai tôi đi”... Anh khe khẽ đọc cho tôi mấy câu thơ tạm biệt

    Ta đi Trời cũng rưng rưng khóc
    Cái thế không đừng ta phải đi
    Chờ cho thiên hạ thôi mùa khổ
    Ta hẹn nhân gian cái nẻo về...
    (Nguyễn Huy Tạo 1942)

    Đi Hay Ở

    Những bậc đàn anh của tôi dạo ấy, như anh Bùi đình Diệm (Quang Dũng) anh Nguyễn Huy Tạo (Trần Lê Nguyễn) hay trên một chút nữa như các ông cử Chu văn Bình (Chu Tử), Nguyễn Sùng, Cù Đình Lộ đều coi chuyện “ra đi” hay đóng góp một cái gì cho đất nước là bổn phận… Đó là tâm cảm chung của một thế hệ được truyền lại từ các bậc tiền bối Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Lý Đông A, Huỳnh Phú Sổ...Người cỏ chút chữ nghĩa kẻ trước người sau đều tính chuyện “lên đường”. Nhân vật lý tưởng của thanh niên thời ấy, đầu thập niên 40 là nhân vật Dũng trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Đang có địa vị. đang có người yêu nhưng Dũng dời bỏ thành phố ra đi. Nhất Linh không nói rõ mục đích của sự ra đi ấy (vì người Pháp còn đang đô hộ đất nước này) nhưng “giữa những dòng chữ” phải hiểu Dũng ra đi vì quốc sự. Hình ảnh một người thanh niên sương gió... “một buổi chiều đìu hiu gió cuốn, trên một bến sông xa, nhớ về người yêu bé nhỏ ở quê nhà” là một hình ảnh hết sức lãng mạn mà cũng vô cùng lý tưởng.

    Kịch thơ “Lên đường” của Hoàng Cầm được đăng tải và công diễn tại nhà Hát lớn Hà Nội đầu thập niên 40, kể rằng: Thái người thanh niên của một giòng họ lớn...đêm 30 Tết gần giao thừa lên bái biệt cha, một nhà nho khí tiết theo một văn thân là ông Tú đi ra hải ngoại. Ông đồ tiễn biệt con khi pháo giao thừa nổ… vợ Thái ôm con thơ, tiễn chồng bằng câu hát:

    “Ba năm lưu lạc giang hồ
    Một ngày xây dựng cơ đồ vẫn nên...”

    Rồi Tổng hội sinh viên Việt Nam đưa ra những bài ca lịch sử, gọi hồn sông núi. Bài hát trong cửa miệng mọi người ngày ấy là “Anh em ta cùng nhau xông pha lên đường”. Cái thời “tài hoa son trẻ” ngồi ôm một giấc mơ vị kỷ không còn nữa. Tuyết Hồng lệ sử, Tố Tâm... thời thanh niên khóc hoa, chôn hoa đã qua rồi. Tiếng bom súng của đệ nhị thế chiến (1937 Nhật Bản xâm lăng Trung Hoa 1940, 1945 phe Đồng Minh chống phe Đức - Ý - Nhật) cùng với phong trào giải thực (décolonisation) đã đánh thức nhân dân các nước bị trị đứng lên đòi độc lập cho xứ sở.

    *

    Có một bài thơ của Quang Dũng ít được truyền tụng, nhưng nó lại là “tâm sự” của Quang Dũng, trước khi anh ra đi. Nằm trong chăn ấm đệm êm, bên mình là một người yêu bé nhỏ nhưng Quang Dũng cảm thấy một “nỗi buồn êm ấm”. Nằm đây sao được khi ngoài kia tri kỷ muôn phương đang ngóng đợi - nước non đang thúc giục lên đường:

    Có những đêm trường buông gối chăn
    Giận mình êm ấm chán tình thân
    Tủi hờn với cả lời săn sóc
    Của những người lo tới phận mình
    Vi vút nỗi niềm ai thấu nhẽ
    Chao ôi, tri kỷ ở ngàn phương
    Đêm đêm gió cuốn từng cơn nhớ
    Từng trận sầu tư lướt thướt đường...
    (Quang Dũng 1941)

    Đàn anh Nguyễn Huy Tạo (Trần Lê Nguyễn) chia tay với tôi một buổi chiều thu trên chiếc vó bè hiu quạnh ở Đầm Bùi sóng nước bao la cũng nằm trong chiều hướng ấy.

    Rồi 4, 5 năm sau, thế hệ chúng tôi cũng theo chân người trước, lên đường. Cuối năm 1946, ngày 19 tháng 12, khi cuộc kháng chiến chống Pháp thực dân theo quân đội Anh (giải giới quân đội Nhật) đến tái chiếm đất nước Việt Nam này, tôi đã là Tự vệ Thành Hà Nội. Chiến đấu bằng súng trường mousqueton, lựu đạn nội hóa, bom xăng tự chế... chúng tôi cũng giữ được Hà Nội trên 60 ngày. Một buổi sớm mùa xuân 1947 Tự Vệ Thành rút qua cầu Long Biên, sang bên kia sông Hồng, nhìn về thủ đô Hà Nội đang rừng rực cháy. Chúng tôi đi về hậu phương tiếp tục cuộc chiến chống Pháp, đòi lại Độc Lập cho xứ sở. Đối với chúng tôi và tất cả những thanh niên từ giã gia đình đi kháng chiến đó là việc phải làm không bàn cãi gì nữa. Chúng tôi lao vào cuộc chiến, hân hoan náo nức như đi vào một ngày hội lớn.

    Nhưng cái hân hoan náo nức ấy theo thời gian mà nguội lạnh dần. Càng đi vào cuộc chiến dưới sự lãnh đạo của Việt Minh chúng tôi nhận ra rằng đây không phải là cuộc chiến của mình. “Đoàn kết đại đoàn kết” chỉ là khẩu hiệu của một thời. Người thanh niên yêu nước khi đi chiến đấu đặt vấn đề độc lập cho dân tộc, tự do cho xứ sở là chủ yếu. Người Bôn Sê Vích chỉ huy cuộc chiến chỉ dùng dân tộc như một bức bình phong để chiếm lấy quyền lãnh đạo. Mục tiêu tối hậu của người Cộng Sản đệ tam là xây dựng một nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa đầu tiên tại vùng Đông Nam Á. Trong cái Xã Hội Chủ Nghĩa ấy, không có chỗ cho trí, phú, địa, hào - giai cấp tư sản sẽ không còn tồn tại. Chỉ có người vô sản ngự trị, toàn quyền sinh sát.

    Chế độ vô sản chuyên chính chủ trương xóa bỏ tư hữu. Tư hữu vật chất như nhà cửa, ruộng nương, đất cát, tiền bạc... - tư hữu tinh thần như nhận thức, tư tưởng ... không bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác - Lê nin. Những thanh niên đi kháng chiến có đôi chút học thức, một sớm một chiều nhận thấy mình có tội, bản thân mình không có chỗ đứng ở đây. Người có học không được sử dụng theo khả năng, những đồng chí bần cố nông cốt cán mới học xong bình dân học vụ tốt nghiệp “i tờ” sẽ chỉ huy mình, xài xể mình và một ngày không xa... người tư sản vật chất hay tinh thẩn, sẽ bị triệt hạ.

    Trong khi đó quân Pháp trở lại Đông Dương, dưới niêm hiệu lực lượng của thế giới Tự Do ngăn chặn làn sóng đỏ, đã bắt đầu thay thế quân đội Trung Hoa Dân Quốc ở miền Bắc vĩ tuyến 17 - và quân đội Anh ở miền Nam; người Pháp xua quân mở rộng vùng “bình định”, với hậu ý đặt lại ách thực dân tại xứ sở này. Nhưng lòng khát khao độc lập của dân tộc Việt Nam đã lên cao cùng một lúc với phong trào Giải Thực của Liên Hiệp Quốc đang được cổ võ nên quân Pháp phải đưa ra một giải pháp mới: mời cựu hoàng Bảo Đại (ông vua cuối cùng của triều Nguyễn) về chấp chính với danh hiệu Quốc Trưởng quốc gia Việt Nam và Pháp sẽ trao trả dần dần quyền nội trị cho chính phủ này. Nhưng người Pháp “nói một đằng, làm một nẻo” nên chính phủ Quốc Gia non trẻ phải cùng một lúc chiến đấu trên 2 mặt trận. Một mặt đòi Pháp phải trao trả lại độc lập thực sự, mặt khác ngăn chặn vết dầu loang Mác xít Lê nin nít...

    Đầu năm 1950 tôi nghe tin các bậc đàn anh của tôi như ông cử Bình, ông cử Sùng đã hồi cư về Hà nội. Ông cử Sùng đã hồi cư về Hà nội. Ông cử Cù Đình Lộ - Quang Dũng, Tào Mạt còn ở lại...Nguyễn Huy Tạo (Trần Lê Nguyễn) không biết ở phương trời nào? Năm 1951 Phạm Đình Chương... và gia đình Phạm Duy cũng về thành. Tôi từ hậu phương trở về quê nhà Sơn Tây rồi ra Hà Nội mà hoang mang buồn bã. Tâm sự tôi giống như tâm sự Tất Vinh khi giã từ kháng chiến:

    Đi nữa hay về đây
    Thương em và thương mày
    Sầu lên cao ngút núi
    Mưa mùa Xuân bay bay
    (Tất Vinh 1949)

    Đi Tìm

    Năm 1950 tôi “dinh tê” trở về Hà Nội thì năm 1952, tôi bị động viên học khóa 2 trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Thật cũng trớ trêu. Đang đi kháng chiến đánh Tây thì ngày một ngày hai trở về lại “đi lính cho Tây”. Chúng tôi không còn chọn lựa nào khác. Ở ngoài bưng, sau 4 năm kháng chiến chúng tôi nhận thấy cuộc chiến này không phải của mình. Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc chỉ là một chiêu bài để người Bôn sê vích thực hiện chính quyền chuyên chính vô sản trên đất nước này. Còn người Pháp, tuy mang danh là trở lại Đông Dương chống sự bành trướng chủ nghĩa cộng sản nhưng thật ra người Phú Lang Sa đang âm mưu đô hộ nước ta một lần nữa. Lứa thanh niên như chúng tôi dạo ấy thật là “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.

    Về thành phổ ít lâu... ông tướng cao ủy Pháp De Lattre de Tassigny ra lệnh bất cứ thanh niên nào có bằng trung học trở lên là “a-lê” vô trường sĩ quan, đào tạo cán bộ khung cho quân đội. Trước đó, chưa có quân đội quốc gia Việt Nam mà chỉ có lực lượng địa phương như Bảo Chính đoàn (Bắc Việt) Việt Binh Đoàn (Trung Việt) thân binh (Partisans) ở Nam Việt. Tất cả chỉ là những lực lượng phụ thuộc (forces supplétives) của quân đội viễn chinh Pháp. Bây giờ trong sự trao trả quyền độc lập cho Việt Nam, dù rằng độc lập giới hạn trong khối Liên Hiệp Pháp chăng nữa, nước Việt Nam cũng cần phải có một quân đội riêng. Những sĩ quan tình nguyện thuộc trường Đà lạt không đủ cung cấp cho một quân đội đang trên đà phát triển. Những tiểu đoàn Việt Nam (bataillon Vietnamien) trên hình thức là những đơn vị đầu tiên của quân đội quốc gia - nhưng trên thực tế đó là những tiểu đoàn tác chiến có tính cách phòng thủ diện địa, cất đỡ gánh nặng cho quân đội viễn chinh Pháp đang phải đối phó với những binh đoàn Cộng Sản được Trung cộng và Nga Sô chi viện hết mình càng ngày càng lớn mạnh.

    Quân đội Quốc Gia (hay nhìn rộng hơn chính nghĩa quốc gia) được hình thành trong một tình trạng “trên đe, dưới búa” như thế nên không dễ dàng bây giờ? “Chao ơi! trời đất vô cùng rộng. Ta biết dừng chân ở chốn nào?

    Mỗi người một tâm sự - một nghiệp duyên nên đã xảy ra rất nhiều hoàn cảnh éo le. Biết được mọi người thông cảm. Những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản … mà cũng không ưa người Pháp thực dân như lứa thanh niên vừa lớn chúng tôi phải sống ở đâu bao nhiêu người như anh Bùi đình Diệm (Quang Dũng) từ thuở đầu đời đã ra đi vì quê hương, đất nước, một sớm một chiều nhận ra sự khủng khiếp của chủ nghĩa tam vô nhưng không lùi được nữa, sống hắt hiu ... cho đoạn tháng qua ngày. Biết bao nhiêu người khác, có gene tư sản trong đầu - mà không đầu hàng giai cấp hay giai cấp mới không chấp nhận, đã tồn tại như cỏ cây hay bị triệt tiêu trong những đợt thanh trừng, cải tạo. Bậc đàn anh Nguyễn Huy Tạo, anh giáo Nguyễn Huy Tạo của tôi bây giờ anh ở đâu?

    *

    Tôi từ biệt anh Nguyễn Huy Tạo tại chiếc vó bè hiu quạnh trên đầm Bùi nước bạc ở quê nhà mùa thu năm 1942. Mãi 12 năm sau, cuối năm 1954 ... tôi mới gặp lại anh trong một trường hợp tôi không ngờ trước được.

    Ngày ấy sau hiệp định Genève 1954, như mọi người đã biết nước VN bị chia đôi, từ sông Bến Hải (vĩ tuyển 17) ra Bắc thuộc quyền Cộng sản - từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam thuộc quyền quốc gia. Trong cái không may chia cắt đất nước lại có một cái may là người Việt quốc gia có được thời cơ và địa lý để thiết lập một cơ chế không Cộng sản, mà cũng không bị thực dân đô hộ. Người Pháp thực dân đã bắt đầu rút về nước. (Người Mỹ lại tới Việt nam nhưng đó là chuyện sau).

    Theo như hiệp định Genève 1954 đã minh thị, sau khi ký kết. Có 300 ngày để người Việt quốc gia từ miền Bắc di cư vào miền Nam - Các chuyến phi cơ, các chiến hạm Mỹ đã liên tục chuyên chở người di cư từ Bắc vô Nam lên đến con số gần một triệu người. Ngược lại cũng có những điểm tập trung ở Nam bộ - Trung bộ để các cán bộ Cộng sản ở miền Nam tụ họp, chờ ngày lên tàu thủy tập kết ra Bắc. Một trong những điểm tập trung của cán binh Cộng Sản ở miền Trung là Vân Canh - Phước Lãnh thuộc quận Đồng Xuân tỉnh Phú Yên. Tiểu đoàn tôi, tiểu đoàn 6 Việt nam mà tôi phục vụ từ ngày ra trường là một đơn vị đụng trận liên miên. Nguyên là tiểu đoàn ứng chiến (bataillon d'intervention) cho tiểu khu Phủ Lý - rồi sau tiểu đoàn 6 tham gia binh đoàn lưu động (groupement mobile) đầu tiên ở miền Bắc. Bây giờ sau hiệp định Genève, tiểu đoàn tôi cũng trấn đóng ở nơi đầu sóng ngọn gió. Từ Nha Trang đổ bộ lên, kéo vô Tuy Hòa (Phú Yên) rồi đi tuốt vào vùng miền cận sơn La Hai - đóng sát vùng tập trung của cán binh Cộng sản trước khi tập kết ra Bắc.

    Suốt miền này trước đây là liên khu 5 của cộng sản gồm Nam, Ngãi, Bình, Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên). Chỉ trừ tỉnh lỵ Nha Trang và miền Đà Nẵng - Hội an suốt liên khu 5 trong những năm kháng chiến vừa qua được coi là ATK (An toàn khu) của cộng sản. Đây là lần đầu tiên, chính quyền và quân đội Quốc gia đặt chân lên miền đất này. Tiểu đoàn tôi là một đầu cầu, hay là đơn vị tiên phong ... để sau 300 ngày, tiến vào tiếp thu những vùng đất còn lại của liên khu 5. Một đặc điểm của khu vực cộng sản là bao nhiêu cầu đường trong vùng - theo sách lược tiêu thổ - đều bị phá hoại hết. Chỉ trong thời gian trên 2 tháng, ông tiểu đoàn trưởng của tôi Thiếu tá Nguyễn Văn Vĩnh (sau này là đại tá quân trấn trưởng Sài gòn Gia định Vĩnh “hèo”) đã cho quân sĩ vá đường và làm lại cầu suốt từ Tuy Hoà (tỉnh lỵ Phú yên) cho đến La Hai - Phước Lãnh.

    Tỉnh Phú Yên vừa thành lập chưa có ty công chính cho nên việc “thông đường” của tiểu đoàn tôi được toà tỉnh trưởng Phú Yên hết lòng tán thưởng. Thật ra, công việc này cũng là nhu cầu thiết yếu của một đơn vị trong chiến thuật và tiếp vận. Ông tiểu đoàn trưởng của chúng tôi đã cho xe GMC lên sân bay Nha Trang “mượn tạm” những tấm vỉ sắt lót sân bay về làm cầu – còn nhân công thì đích thân tiểu đoàn trưởng cởi trần ra cùng binh sĩ bắt tay vào, nên công việc làm xong khá sớm.

    Đã gần đến Tết. Ông tiểu đoàn trưởng bảo tôi (lúc ấy tôi là đại đội trưởng đại đội chỉ huy kiêm sĩ quan tác động tinh thần): “Đây là cái tết đầu tiên xa quê hương...ông phải liệu liệu làm sao cho binh sĩ và gia đình họ có một cái Tết đỡ nhớ nhà. Ai đi phép thì đi… tôi và ông phải ở lại đây lo cho anh em ăn Tết...” Dù chỉ ở La Hai có 10 tháng, nhưng có những nhu cầu trước mắt tiểu đoàn phải thanh thỏa. Đi theo tiểu đoàn từ ngoài Bắc vào đây có đến gần 1000 gia đình binh sĩ. Phải lo nhà cho họ ở. La Hai là miền cận sơn, cứ lên rừng lấy gỗ, lấy tre, lấy nứa, lấy tranh về làm nhà. Phần lớn anh em trong tiểu đoàn theo Thiên chúa giáo, nên “họ đạo” trong tiểu đoàn dựng nhà thờ trên sườn đồi. Anh em Thiên chúa giáo có nhà thờ - anh em Phật giáo cũng phải có chùa để gia đình bên “lương” ngày Tết ra chùa lễ Phật. Có người tới ở đông thì phải có chợ để đổi trao. Mua bán với người địa phương. Phải có trường cho trẻ con học. Trẻ con trong tiểu đoàn đi học đã đành - trẻ con “địa phương” xin vô học ... cũng nhận luôn. Đêm đêm, trên tiểu đoàn bộ ... còn có phát thanh, ca nhạc “cây nhà lá vườn” ... Hai cái loa điện chĩa ra 2 phía ở trên đồi, ở xa hàng cây số còn nghe rõ.

    Hôm ấy là 29 tết. Ông tỉnh trưởng Phú Yên Lương Duy Ủy đi xe Landrover từ Tuy Hòa vào La Hai thăm tiểu đoàn tôi - đồng thời khánh thành văn phòng phó quận trưởng quận Đồng Xuân thiết lập ở La Hai theo yêu cầu của thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Ông tiểu đoàn trưởng của tôi muốn binh sĩ và gia đình phải tuân theo pháp luật của chính quyền địa phương, không được ỷ quyền “có súng” mà làm càn. Ông tỉnh trưởng đi qua chiếc cầu La Hai vừa làm xong, bắt tay ông tiểu đoàn trưởng trong tiếng reo hò của binh sĩ và nhân dân địa phương đứng đợi. Một tràng pháo nổ mừng Xuân sớm vang lên cùng với tiếng kèn đồng đón chào tân khách.

    Ông tỉnh trưởng hôm ấy đi với một thanh niên âu phục tím gọn gàng mà ông giới thiệu là nhà văn, kiêm “trưởng ty thông tin” tương lai của tỉnh Phú Yên. Ông giới thiệu nhà văn đó là Nguyễn Hoài - hay Trần Hoài tôi nghe không rõ. Nhưng khi “nhà văn” bỏ kính mát ra ... tôi giật mình. Dù đã trên 10 năm xa cách người thanh niên âu phục tím kia chính là Nguyễn Huy Tạo, người đàn anh của tôi. Anh Tạo có một cái sẹo nhỏ ở mắt bỏ kính ra tôi càng nhìn rõ. Hơn nữa người Sơn Tây chúng tôi dù có đi đồng đất nước người ... nhưng trong giọng nói vẫn còn lại một chất Sơn Tây không giấu được. Mỗi người dân Sơn Tây có sẵn một căn cước trong giọng nói. Giọng Thạch Xá của Nguyễn Huy Tạo vẫn còn nhận rõ trong cách nhấn cuối câu, không còn lầm được nữa. Lúc đó anh không nhận ra tôi. Khi tạm biệt anh tôi còn là thiếu niên vừa mới lớn, 15, 16 tuổi. Bây giờ tôi đã 27, 28 tuổi - cuộc đời quân nhân làm tôi đổi khác. Y phục nhà binh, phong cách nhà binh càng làm cho tôi khác xa với cậu học sinh mơ mộng ngày nào.

    Trong khi ông tỉnh trưởng và ông Tiểu đoàn trưởng đi thăm văn phòng phó quận trưởng Đồng Xuân... nhà văn “Nguyễn Hoài” nêu “nguyện vọng” muốn đi thăm khu Phước Lãnh - Gò Bồi vùng tập trung của cán binh Cộng sản “để có thêm dữ kiện viết bài”. Tôi là người lái xe Jeep đưa “nhà văn” lên Phước Lãnh. Ở đây có một trung úy Pháp và 1 trung đội lính lê dương thay mặt cho Ủy hội quốc tế giữ an ninh khu vực. Trung uý Pháp này là “friend” của tôi nên việc nhà văn đi vào khu vực tập trung không thành vấn đề… Chừng một tiếng đồng hồ ... anh đi ra ...

    Lúc đi anh săng sái bao nhiêu ... lúc về anh buồn bã bấy nhiêu. Tôi không tiện hỏi nhưng sau đó trên đường về anh cho hay là suốt trong thời “kháng chiến 9 năm” anh cùng một ban văn nghệ đã “đi suốt khu này”. Xe đang chạy anh yêu cầu tôi ngừng lại dọc đường. Anh tha thẩn đi vào một vùng thôn xóm. Anh đang đi tìm một hình bóng nào, một kỷ niệm nào đã khuất đã xa? Tôi mới hỏi “ông bạn tìm ai?” - Anh trả lời “... một người rất thân ... nhưng không biết bao giờ gặp lại”. Tôi không hỏi thêm mà anh cũng không nói gì thêm. Tôi tự nghĩ trong đầu “một người bạn ... một người tình ... người ở lại đây ... người mai đây sẽ lên đường tập kết”.

    Trời đã xế chiều. Gió đông bắc thổi về rét mướt. Mưa bụi giăng giăng trên sông La Hai mờ nhạt. Tiễn anh ra xe về lại Tuy Hoà, khi anh bắt tay, tôi mới hỏi “Anh Nguyễn Huy Tạo, anh không nhận ra tôi sao. PLP ở Hữu Bằng đây”. Anh nhìn sững rồi bỗng ôm chặt lấy tôi mà nói “Người tôi đi tìm không gặp. Người tôi không tìm lại gặp ở đây”…

    Tác Phẩm Lớn Viết Chưa Xong

    Cuối năm 1956 tôi đổi về Sài gòn, làm sĩ quan báo chí thuộc P5 - bộ Tổng Tham Mưu. Chưa lập gia đình, tôi ở với bạn cũ Thanh Nam (bạn từ thuở mới hồi cư về Hà nội) ở ngõ Nancy. Nơi đây là “trụ sở” của ban thi văn Tao Đàn nên tôi gặp tại nhà Thanh Nam nhiều bạn cũ, mới: Đinh Hùng - Phạm Đình Chương ... Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo. Trong một buổi họp mặt, anh em có ý định dựng kịch ở Sài gòn. Có 2 vở được đề ra, đều là kịch thơ, hoặc Lên đường của Hoàng Cầm, hoặc Bến nước Ngũ Bồ của Hoàng Công Khanh. Nhưng người phản đối là Mai Thảo. Nhà văn của “văn nghệ hôm nay,” người chủ trương tạp chí Sáng Tạo đề nghị chỉ nên công diễn kịch của thời đại chúng ta, không diễn lại kịch cũ, dù nó có giá trị. “Nó thuộc về lịch sử - nó đã qua rồi” Mai Thảo nói vậy. Và Mai Thảo giới thiệu một vở kịch mới. Bảo Thời Đại của một kịch tác gia mới Trần Lê Nguyễn.

    Lúc bấy giờ chưa mấy người biết Trần Lê Nguyễn là ai. Một buổi, Mai Thảo và tôi ra quán “Cái Chùa” (La pagode) uống cà phê - đợi một người bạn viết. Một lát có một thanh niên 30 tuổi ngoài, đeo kính mát, tóc bù rối, ăn mặc xuề xoà tiến tới. Mai Thảo liền kéo ghế mời ngồi và giới thiệu với tôi: Trần Lê Nguyễn - Vừa giơ tay bắt, tôi và người mới tới liền ôm lấy vai nhau. Mai Thảo vội hỏi “Quen biết trước rồi à?” “Người bạn viết” mới tới trả lời “Khỏi cần giới thíệu”. Tưởng Trần Lê Nguyễn là ai - hoá ra anh là người bạn lớn của tôi khi tôi còn niên thiếu: anh Nguyễn Huy Tạo. Và cũng từ giờ phút ấy, tôi mới biết anh là Trần Lê Nguyễn. Trong câu chuyện Mai Thảo tỏ ý muốn đưa vở kịch Bão Thời Đại của anh lên sàn tập để kịp công diễn vào mùa Noel năm ấy. Nhưng tác giả tỏ ý ngại ngần. Trần Lê Nguyễn nói: “Tôi viết vở này bằng kinh nghiệm của “kháng chiến 9 năm”, khi kịch Trung Hoa và Việt Nam còn đang nằm trong vùng ảnh hưởng của Lôi Vũ. Bây giờ về đây rồi, tôi hi vọng là xã hội này không phải là xã hội “không lối thoát”, của gia đình Chu Phác Viên”. Mai Thảo liền gặng hỏi “Sửa đi không được sao?” Trần Lê Nguyễn tiếp “Không sửa được - nó là một thời kỳ đã qua rồi. Chúng ta phải ra khỏi sự chi phối của Tào Ngu trong Lôi Vũ”.

    Tuy tác giả Bão Thời Đại phát biểu như vậy nhưng sau đó vài năm, tôi không nhớ rõ là năm nào, chắc là cuối thập niên 50, khi chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa đã thực hiện được những cơ chế căn bản của một quốc gia có chủ quyền, tổng thống Ngô Đình Diệm liền cho thiết lập Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc lần thứ nhất. Đây là một giải thưởng văn học nghệ thuật gây ấn tượng sâu đậm. Những người được trao giải đã vinh danh cho giải như Đinh Hùng được giải thơ với “Đường vào tình sử” - Bình Nguyên Lộc được giải văn với truyện dài “Đò dọc”, Trần Lê Nguyễn được giải kịch với “Bão Thời Đại”. Vở kịch này, tuy tác giả của nó chưa hài lòng, nhưng nó là một trong những vở kịch tiêu biểu của Văn Nghệ Miền Nam - cùng với “Thành Cát Tư Hãn” của Vũ Khắc Khoan – “Bão loạn” của Tinh Vệ - “Sân Khấu” của Dương Kiền – “Ba chị em” của Thanh Tâm Tuyền (chỉ mới kể qua về thoại kịch, chưa kể những kịch bản cải lương, tuồng chèo).

    Sau Bão Thời Đại, dường như Trần Lê Nguyễn bị một cái “choc” tâm lý nào đó mà anh chưa vượt qua được. Anh sáng tác ít đi. Một đôi lần gặp, tôi mới gợi ý hỏi tại sao anh không ở lại Phú Yên làm “Trưởng Ty Thông Tin” như ông tỉnh trưởng Lương Duy Ủy ngày nào (1954) đã từng giới thiệu. Anh chỉ ậm ừ nói cho qua chuyện. Ngày ấy Trần Lê Nguyễn rất thân với Thanh Tâm Tuyền. Có những buổi tôi theo anh xuống Gia Định, vào căn ngõ nhỏ sau tòa bố Gia Định, trèo những bực thang xanh rêu có hoa khế tím rụng đầy đi lên căn phòng của Thanh Tâm Tuyền uống trà, nói phiếm hay rút xì còm với Mai Thảo, Vũ Duy Hiển, Phạm Đình Chương ... Ngày đó anh Vũ Khúc Khoan ngoài việc giảng văn tại Văn Khoa ... anh còn phụ trách phân khoa thoại kịch tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Anh có mời Trần Lê Nguyễn làm giảng viên ... nhưng sau một vài lần “thỉnh giảng” Trần Lê Nguyễn không nhận làm giảng viên thường trực. Một đôi lần tửu hậu trà dư, anh có cho hay là kịch nói hiện thời nên phá bỏ sân khấu hộp 3 chiều, chia cách sàn diễn với khán giả thành 2 thế giới mà phải làm sao đem sân khấu vào cuộc đời. Sân khấu mới là sân khấu không có màn, không tiền trường hậu trường, không cánh gà úp mở, không phông cảnh ... mà người diễn viên trực diện trước, sau, phải, trái với khán giả. Theo anh, phải “sống” kịch - không còn là “diễn” kịch nữa. Sân khấu lý tưởng nhất là sân khấu diễn viên và khán giả hoà lẫn vào nhau - hay nói một cách khác, tạo một sự đồng cảm, đồng diễn giữa diễn viên và khán giả. Quan niệm này phần nào giống như quan niệm của B. Bretch nhà đạo diễn lừng danh của Đức. Trần Lê Nguyễn còn phát biểu thêm “Các buổi hát ví hát chèo nghèo khó ở quê mình, thật ra lại thực hiện một quan niệm sân khấu rất hiện đại. Một cô gái đang đi cấy giữa đồng chiêm. Trên đường cái quan gần đó chợt một người thanh niên đi tới. Trong cảnh trời chiều bảng lảng, cô gái tức cảnh sinh tình hát gọi:

    Ấy ai đi đấy hỡi ai
    Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm

    Người thanh niên nghe vậy, ngừng chân hát đáp:

    Tìm em như thể tìm chim
    Chim ăn biển Bắc đi tìm biển Đông.

    Đó là một hình thức kịch hát tự nhiên, sinh động nhất, Trần Lê Nguyễn nói tiếp: “Hoặc là trong một buổi nông nhàn, mấy người nông dân hội họp nhau ở bãi cỏ đầu đình hay sau nhà tổ bên chùa. Đầy đủ ra thì có một cái trống đế, hoặc một cây đàn nhị. Hoặc không hẹn mà gặp thì trống bằng mồm, tay vỗ nhịp cũng xong. Một người bước ra, giữa vòng người đông đảo ... cúi đầu đưa tay gạt ngang nước mắt mà sử oán (2): “Thương ơi! bát cơm hẩm với quả cà meo - Đói bấm bụng (mà) ăn sao cho được”. Trống mồm của những anh em quanh đó liền phụ họa bung, bung, bung, bập, bùng. Đấy là cảnh Lưu Bình đến nhà Dương Lễ, bị bạn xưa (giả vờ) hất hủi ... rồi sai vợ ba Châu Long đi nuôi bạn thay mình ... Những người nông dân kia vừa là diễn viên, vừa là khán giả. Họ làm văn nghệ, thưởng thức văn nghệ, tự nhiên thoải mái như thở, như ăn.

    Nghe Trần Lẽ Nguyễn bàn về kịch hát như thế, tôi lấy làm chịu lắm - Dạo sau này thời đệ nhị Cộng Hoà ... tôi được phụ trách biên tập cho tờ Tiền Tuyến nên trong những số đặc biệt hay số Tết ... có đông đủ những cây bút thời danh, tôi luôn luôn mời anh Trần Lê Nguyễn viết cho một kịch bản ngắn hay trích đăng một lớp trong một kịch bản dài. Anh nhận lời nhưng phút cuối cùng đành phải “đi” bài khác vì tìm không ra Trần Lê Nguyễn ở đâu.

    Theo như tôi nhận thấy, hình như anh không muốn gần tôi, trừ những trường hợp đặc biệt. Theo nhiệm vụ, tôi được dịp tiếp xúc với các nhà văn nhà báo đương thời, nhưng bao đàn anh của tôi. Trong những ngày mới lớn ở quê nhà Thạch Thất, Quốc Oai - Sơn Tây anh là người “trưởng tràng” sáng giá, là người đã vẽ ra cho tôi những giấc mộng đầu đời. Anh là người đã “lên đường” đi tìm một cái gì thật đẹp, thật lý tưởng cho quê hương đất nước. Nhưng có mấy ai thực hiện được những giấc mơ như thế. Sung sướng thay những người lớn lên mà không mơ một giấc mơ nào. Họ dễ dàng chấp nhận cuộc đời. Những người ôm ấp một giấc mơ càng lớn bao nhiêu, càng dễ thất bại bấy nhiêu ... giờ tôi vẫn coi anh Trần Lê Nguyễn như là một type đam mê không bao giờ thỏa mãn. Trước những thất bại đắng cay, những bủa vây trùng điệp của đời thường ... người ta phải tìm quên mà sống. Càng quên được bao nhiêu, dễ sống bấy nhiêu. Trong sự tìm quên như thế, mỗi lần Trần Lê Nguyễn gặp tôi là vô hình trung, anh lại nhớ đến những giấc mộng đầu đời - những giấc mộng có thể viển vông nhưng vô cùng đẹp đẽ. Mà cuộc đời hiện tại không rộng rãi với anh, những trói buộc thê nhi - những khắc nghiệt đời sống “nợ áo cơm phải trả đến hình hài”.

    Hơn nữa gặp anh là tôi lại theo thói quen “đòi bài”. Tôi muốn được in ra những suy nghĩ mà tôi tin là rất tiến bộ của anh về kịch nghệ. Nhưng có một quan niệm đổi mới sân khấu là một chuyện - nghệ thuật hoá, sinh động hóa quan niệm ấy thành tác phẩm lại là chuyện khác. Nó đòi hỏi chất liệu - kinh nghiệm, và cảm hứng. Trần Lê Nguyễn có hội đủ những điều kiện ấy? Hơn nữa anh lại mang danh là một người viết kịch “hàng đầu”. Anh không thể sản xuất ra “thứ phẩm” mà phải cho ra đời “tác phẩm”. Có thể đó là những xung động tâm lý khiến Trần Lê Nguyễn viết ít sau Bão Thời Đại - và nó cũng là lý do xa gần khiến anh không muốn gặp tôi

    Tôi cũng được anh em nói lại là để tìm quên anh Trần Lê Nguyễn thường tìm đến trường đua Phú Thọ. “Nhìn ngựa chạy gần đến đích như là nó chạy trên ngực mình”. Nhưng cái tìm quên của anh như vậy nó gây thiệt hại. “Đường vào trường đua có trăm lần thua, có một lần huề” …

    Vào khoảng năm 1992, khi tôi đã tạm cư ở Úc, tôi nghe tin anh Trần Lê Nguyễn bị quỵ ở trường đua ... Anh bị liệt bán thân từ ngày ấy …

    Trần Lê Nguyễn là một “tác phẩm lớn viết chưa xong”. Tôi nhớ đến bài thơ tiễn biệt của anh tại chiếc vó bè hiu quạnh ở quê nhà Thạch Xá năm 1942 khi anh lên đường làm việc lớn “Chờ cho thiên hạ thôi mùa khổ - Ta hẹn nhân gian cái nẻo về”. Mùa khổ của thiên hạ, của quê ta vẫn còn chưa chấm dứt mà anh đã “về” rồi. Có sớm quá không thưa anh Trần Lê Nguyễn.


    Chú thích:
    (1) Trích bài phú Đằng Vương các của Vương Bột “Trong giáng chiều cánh cò cô đơn bay liệng. Nước mùa thu và trời xanh bao la một màu”.
    (2) Sử oán: một lối hát kể chuyện của chèo - giọng bi thương.

    Ký giả LÔ RĂNG

  5. #105
    Xí Muội Làm... “Ca Sĩ”
    Tôn Nữ Mặc Giao

    Bốn tuần lễ trước, con nhỏ em hàng xóm hồi còn ở Việt Nam của Xí Muội, bây giờ đang định cư ở Canada, mới tám giờ rưỡi sáng đã phôn sang dựng đầu Xí Muội dậy, la chói lói trong điện thoại:

    - Trời ơi! trời ơi! bà ơi bà! nhìn thấy tên bà tui hết hồn bà ơi!

    Xí Muội vẫn còn say ke nên nhừa nhựa:

    - Hếttt... hồnnn... cái gìììì...?

    Con nhỏ em giải thích:

    - Mấy cái “poster” đề tên bà làm ca sĩ dán đầy ở Toronto ai mà không thấy.

    Bây giờ thì Xí Muội tỉnh ngủ rồi nên hỏi lại:

    - Ủa! có rồi sao? lẹ vậy? Có thấy hình của chị không?

    Nhỏ em kêu lên:

    - Không thấy! nhưng rồi nó lại la tiếp: Thấy rồi! thấy rồi... Trời ơi trời! Ca sĩ MG rồi nó cười hăng hắc.

    Thấy vậy Xí Muội bèn phôn cho Phương Hồng Quế “complaint”:

    - Trời ơi! Quế ơi! sao Quế để tên mình là ca sĩ? Không sợ thiên hạ chạy hết, vé bán không được sao?

    Quế cười:

    - Tui đâu cần biết, hể ai học “anh Hai” thì là ca sĩ hết.

    Xí Muội xấu hổ quá bèn gọi qua Toronto “mắng vốn” ông thầy:

    - Anh Hai ơi! (Hồi đó Xí Muội học nhạc, học trò đều gọi thầy theo hướng đạo VN là “anh Hai”). Em tưởng cái tên em để dưới tấm hình là được rồi, sao còn thêm hai chữ ca sĩ làm gì? em mắc cỡ quá anh Hai ơi! em chưa “ra lò” mà anh Hai.

    Anh Hai cười dễ dãi:

    - Đâu có sao đâu em, anh Hai chứng nhận em là ca sĩ là được rồi, cho vui vậy mà “don’t worry”.

    Thế là 11 tây tháng 5, 07 vừa qua, Xí Muội cùng ông xã làm một chuyến bay qua Toronto để tham dự buổi vinh danh và nhớ ơn thầy do ca sĩ Phương Hồng Quế tổ chức, với rất đông học trò đã thành tài, chưa thành tài hay không bao giờ thành tài (vì đã chuyển hẳn sang nghề khác) của thầy ở khắp mọi nơi bay về hội họp. Xin giới thiệu qua một chút về “Sư phụ” của Xí Muội.

    Nhạc sĩ Nguyễn Đức là người đã từng đào tạo được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng cho nền âm nhạc Việt Nam từ trước 75 cho đến giờ. Khoảng giữa thập niên 50, ông thành lập một ban thiếu nhi Rạng Đông và cho ra đời bộ ba Tam Vân: Ngọc Vân, Bích Vân, Phước Vân. Đến giữa thập niên 60 ban thiếu nhi Rạng Đông được đổi thành ban Việt Nhi, cũng là khoảng thời gian mà Xí Muội xin vào học nhạc, và ông lại cho “ra đời” thêm môt bộ ba tam Phương nữa là: Phương Hoài Tâm, Phương Bích Hằng và Phương Hồng Hạnh, cho nên ba chị này Xí Muội nhớ rất rành. “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”, nhưng phải nói Phương Hoài Tâm là người Xí Muội thương nhất, bởi là chị dâu... hụt của Xí Muội mà. Thật ra nói vậy là oan cho chị, bởi chị có biết gì đâu, tự một mình Xí Muội sắp đặt rồi... mộng mơ một mình. Nhưng mà biết đâu đấy! nếu như cái ngày hôm ấy (cái ngày của giữa thập niên 60) cái ngày Chúa Nhật sau khi họp mặt hằng tuần tại nhà anh Hai xong, nếu như xe “velo solex” của chị không bị hư giữa đường, và chị ghé được nhà của Xí Muội thì không biết “chuyện” sẽ như thế nào?

    Xí Muội có một ông anh làm giáo sư, anh của Xí Muội cao ráo, đẹp trai chứ không lùn xủn như Xí Muội, mặt mày nghiêm trang, khó đăm đăm, mắt sáng như sao, tóc bồng bềnh như Tổng Thống Kennedy, anh đi dạy học mà khối học trò nữ mê. Hối đó Xí Muội chỉ 11, 12 tuổi thôi, đâu biết gì, nhưng nghe người lớn nói chuyện mà Xí Muội nhớ tới bây giờ. Lúc đó, Việt Nam chưa có đài truyền hình, thấy chị Tâm xuất hiện trên màn hình rạp ciné trong bài hợp ca Ly Rượu Mừng của tết năm nào Xí Muội cũng không nhớ rõ. Anh của Xí Muội “ngất ngư” con tàu đi, say như điếu đổ, hỏi Xí Muội đó là ai? Xí Muội nhìn một cái là biết ngay “chị Tâm” (lúc ấy chị vẫn còn là “cô bé” Phương Tâm của ban Việt Nhi mà thôi) sau này chị ra nghề mới được nhạc sĩ Châu Kỳ đề nghị thêm cho chữ Hoài để khỏi trùng với cô ca sỹ kích động nhạc Phương Tâm nổi tiếng thời bấy giờ. Xí Muội thích và thương chị nhất, chị cũng “cưng” Xí Muội lắm! Vì còn là con nít nên Xí Muội cứ nghĩ, mình thương chị, muốn chị ở gần mình thì chỉ có nước “biến” chị trở thành “chị dâu” của mình là “hợp lý” nhất. Nghĩ vậy nên Xí Muội mới “dụ” chị đến nhà chơi cho anh của Xí Muội biết mặt, biết đâu gặp nhau rồi, hai người phải lòng, phải “gió” nhau thì sao? Bởi Xí Muội nghe chị “tâm sự” với mấy chị khác là chị chỉ “thích” người đàn ông cao thiệt cao mà thôi, anh của Xí Muội cao lềnh khênh trên 1 mét 75 là “đủ tiêu chuẩn” rồi phải không quý vị? hí hí... mới 10 tuổi đầu mà đã “ranh con” đến như thế thì thôi! Xí Muội lén gỡ “album” lấy ra một tấm hình của ông anh mặc nguyên bộ đồ “vét”đen, sách “cặp táp” trông rất là ra dáng “giáo sư”, đem vô “khoe” với chị. Chị chẳng nói chẳng rằng, chỉ cười cười tát nhẹ vào má Xí Muội, chắc chị cười Xí Muội dữ vì thấy Xí Muội quá ư là trẻ con. Bây giờ lớn lên Xí Muội mới hiểu, vợ chồng là duyên số hết, mình sắp đặt cũng chẳng được. Chị Tâm tuy rất vui vẻ nhận lời theo Xí Muội về nhà làm Xí Muội mừng húm, hai chị em kè kè bên nhau, chị thì “velo solex”, Xí Muội đạp xe đạp lẽo đẽo theo sau cùng với ca sĩ Phương Hồng Loan (lúc đó vẫn còn là một con bé con như Xí Muội mà thôi). Nhưng có lẽ số chị không thuộc về anh của Xí Muội nên khi về đến góc đường Cao Thắng với Phan Thanh Giản gần nhà của Xí Muội thì xe chị không chịu nổ máy nữa, chị tắp vào một tiệm sửa xe gần đấy để sửa. Chờ lâu quá mà xe vẫn sửa chưa được nên chị mới nói với Xí Muội rằng:

    - Bây giờ em về trước đi kẻo người nhà mong, chị đã hứa sẽ đến nhà em chơi thì hôm nào khác chị sẽ ghé, chị em mình còn nhiều dịp để gặp nhau mà. Bây giờ em ngồi đây với chị lâu quá ở nhà ba má mong chết.

    Xí Muội đâu có chịu, bởi Xí Muội đã “sắp đặt” trong lòng hết rồi, ăn xong cái party tất niên năm đó là Xí Muội nghỉ học hát luôn nên nếu để lỡ cơ hội này thì “dịp may không đến hai lần”. Nhưng chị đâu có biết, cứ ép buộc Xí Muội phải ra về kẻo ba má Xí Muội lo. Mà cái xe “mắc dịch” của chị cũng quái ác, sửa hoài mà nó không chịu nổ. Cuối cùng Xí Muội cũng phải chịu thua đành nghe lời chị ra về mà trong lòng cứ hối tiếc vô cùng cái dịp may hiếm có đó. Thế là sau cái Tết năm đó (Xí Muội không nhớ rõ là năm nào) cho đến ngày chị thành tài, trở thành một ca sĩ có tiếng tăm, Xí Muội không gặp lại chị một lần nào.

    Gần cuối thập niên 60, lò Viêt Nhi lại có thêm Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc và Phương Hồng Loan... v...v... và gần đây nhất là ca sĩ Phương Diễm Hạnh ở Toronto. Xí Muội tuy đã nghỉ học nhạc nhưng vẫn thường xuyên chơi với Phương Hồng Loan nên những sinh hoạt của ban Việt Nhi Xí Muội cũng khá rành. Cũng xin nói qua về Phương Hồng Loan một chút, cô ca sĩ có nhiều nét khá giống “chị Tâm” của Xí Muội. Vào khoảng giữa thập niên 60, hồi đó có lẽ Xí Muội độ 10 tuổi, Xí Muội có theo học lớp nhạc ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức (anh Hai) nhưng chỉ độ hơn một năm hay hai năm gì đó là Xí Muội nghỉ rồi. Tuy thời gian ngắn hạn nhưng cũng đủ để cho Xí Muội nhớ hết được khuôn mặt từng người một, bởi vậy năm ngoái khi ca sĩ Thanh Phong (Tam ca Sao Băng trước 75 với Thanh Phong, Duy Mỹ, Phương Đại) là đàn anh trong gia đình Viêt Nhi sang San Jose chơi, anh rất chắc ăn khi nói chuyện qua điện thoại với Xí Muội:

    - Bây giờ nghe giọng nói, với lại nghe tên thì anh không nhớ và nhận không ra, nhưng anh nghĩ khi gặp mặt em là anh nhớ ra ngay.

    Xí Muội chận liền:

    - Anh nhớ em không nổi đâu, anh là ca sỉ nổi tiếng ai mà không biết anh, cho nên em nhớ anh là phải, chứ hồi đó em mới có 10 tuổi, bây giờ gặp lại làm sao mà anh nhận ra em được?

    Anh Phong cười ngặc nghẻo hỏi lại một câu cắc cớ:

    - Ủa vậy hả? hồi đó em mới có 10 tuổi thôi hả? vậy bây giờ em mười mấy?

    Xí Muội cũng không vừa:

    - Dạ bây giờ em 15, mà 15 đọc ngược đó anh!

    Hai anh em cười như nắc nẻ thật là vui. Hồi đó Xí Muội thân nhất với Phương Hồng Loan, Loan vào lớp nhạc trước Xí Muội có một tuần, lại ở gần nhà nên hai đứa ngày nào cũng cùng đạp xe đi học nhạc chung. Hơn một năm sau Xí Muội “quit”, Loan vẫn tiếp tục học cho đến khi “trổ mã” và trở thành ca sĩ với cái tên “Phương Hồng Loan”. Loan tên thật là Trần thị Tố Loan, nhưng anh Hai nói chữ Tố nghe nặng quá không tốt cho cuộc đời của Loan nên sửa lại là chữ Hồng cho nó “nhẹ nhàng” hơn. Vậy mà cũng không thoát khỏi vòng số đã định. Loan chỉ đi hát một thời gian ngắn, tên tuổi chưa được nổi đình nổi đám nên ít người biết đến. Vậy đó mà đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã rất tinh mắt “cuỗm” ngay Loan về làm phu nhân. Chuyện tình của Loan cũng khá ly kỳ và hồi hộp, lúc đó Loan vẫn còn bé tí tẹo tì teo cho nên sợ bị đòn, mỗi lần anh Hoa đi nước ngoài là thư từ phải gửi về địa chỉ nhà Xí Muội để tránh sự kiểm soát của gia đình, (thật đúng là có con gái lớn trong nhà như quả bom nổ chậm) hí... hí... Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, con gái lớn đến tuổi thì phải lấy chồng thôi. Tuy là nói vậy, nhưng đối với Xí Muội là Loan lấy chồng quá sớm, mới 19 tuổi, chú rể hơn Loan những 20 tuổi, nhưng nhìn không chênh lệch mấy, trông rất xứng đôi, có lẽ tại anh Hoa trẻ hơn tuổi quá nhiều cũng nên. Khi nhận được thiệp cưới, Xí Muội đã nói với Loan rằng:

    - Ê mạy! (tụi này thân nhau lắm nên cứ mày tao mi tớ thôi) đám cưới mày tao sẽ hát tặng cô dâu chú rể bài : “Năm anh 20 em mới sinh ra đời, ngày anh 40 em mới vừa đôi mươi” nhe mạy!

    Loan “sợ” lắm! la om sòm:

    - Thôi! tao xin mày, sao mày cứ phá hoài!

    Đám cưới Loan tổ chức ở lầu 10 Caravelle thật linh đình với sự tham dự hầu hết của các ca sĩ, minh tinh có tiếng tăm thời bấy giờ, với hai cô phù dâu xinh ơi là xinh, đó là ca sĩ Thảo Ly và Nhật Phụng. Vài năm sau Loan sinh được hai thằng con trai, thằng cháu lớn tên Đoàn Trần Khôi, và cháu nhỏ là Đoàn Trần Nguyên. Hai thằng con của cặp “Hoa Loan” này quả là rất thông minh và sáng sủa, mới bập bẹ biết nói là đã được huấn luyện sinh ngữ, cho nên tiếng Anh đối với chúng là không thành vấn đề. Chỉ tiếc sau này Loan vượt biên năm 79 cùng với hai con trai rồi mất tích luôn. Quả là hồng nhan bạc mệnh, tránh không khỏi chữ “Tố”, Loan mất khi tuổi đời chưa đến 30. Xin một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến người ca sĩ bạc mệnh này, nguyện cầu cho linh hồn Loan và hai cháu được tiêu diêu, thảnh thơi nơi miền cực lạc.

    Rồi giông tố 75 xảy ra, thầy trò tan đàn rã nghé. Nghe nói sau này lớp nhạc Việt Nhi lại đổi thành ban Thiếu Nhi Sao Băng, rồi ban ABC gì đó, nhưng đến 75 thì cũng không còn, thầy trò mỗi người tứ tán một nơi. Cho đến ngày 11 tháng 5, 07 vừa qua, tất cả thầy trò mới có dịp hội ngộ cùng nhau tại Toronto bởi thầy định cư ở đó. Vợ chồng Xí Muội cùng với “chị Tâm” của Xí Muội bay đến đó trể hơn mọi người nhất, vì chị Tâm còn có “business” cần phải sắp xếp. Khán giả thấy chị xuất hiện đều phải ngạc nhiên bởi chị vẫn đẹp như thưở nào, nhất là đẹp “natural” chứ không phải nhờ vào sự “uốn nắn” của khoa thẩm mỹ. Không tin, mai mốt có tổ chức buổi họp mặt ở Mỹ, mời quý vị đến xem trình diễn là thấy ngay thôi, hoặc “Asia 55” (chưa phát hành) sẽ thấy chị lần đầu tiên “xuống núi” sau bao nhiêu năm dài “mai danh ẩn tích”.

    Điều Xí Muội vui nhất là “anh Hai” còn nhận ra và nhớ được Xí Muội làm Xí Muội cảm động vô cùng. Ngay cả chị Kim Loan từ miền xa xôi Tây Đức cũng “bay” về. Người ca sĩ mà có một thời đã từng bị mang tiếng là “được” lọt vào “mắt xanh” của vị nguyên thủ quốc gia khi miền Nam chưa bị rơi vào tay cộng sản. Người ca sĩ này hạnh phúc lộ rõ trên nét mặt, chị lập gia đình với một bác sĩ tại Tây Đức và có hai con trai, mặt chị tươi như hoa, lúc nào cũng nhảy tưng tưng như con nít khi gặp chuyện “khoái chí”. Sau khi “nhảy tưng tưng” để chào mừng Phương Hoài Tâm xong chị quay sang Xí Muội quan sát, Xí Muội lên tiếng:

    - Chị Loan nhớ em hôn?

    Chỉ thoáng một giây thôi, chị co một chân lên đá “giò lái” Xí Muội rồi kêu lên:

    - Nhớ!...rồi chị chỉ vào mặt Xí Muội hỏi một câu làm... cụt hứng: Nhưng mà hỏng nhớ tên. “Mày” tên gì?

    Đối với đám em út chị cứ mày mày, tao tao nghe không quen thấy cũng ... hơi kỳ. Nhưng nghe riết rồi lại thấy thân thiện. Tánh chị tự nhiên và bình dị như vậy đó. Ai hiểu sẽ thấy chị vô tư như con nít, chẳng biết lo là gì, số sướng thiệt. Chắc là mọi sự đều “cậy” vào ông xã, giống như ...Xí Muội vậy. Nghe anh Hai nói lại, trước khi chị bay sang Toronto, chồng chị phải phôn gửi gấm anh Hai trước vì không an lòng cho chị. Đức phu quân của chị Loan ơi! lần sau cứ tháp tùng theo một bên như ông xã của em vậy là khỏi phải lo lắng gì hết... hí... hí...

    Phương Hồng Quế với Phương Hồng Ngọc thì đương nhiên là phải có mặt rồi, vì hai người này là đầu tàu đã có một “good idea” đứng ra tổ chức buổi đại nhạc hội họp mặt 3 thế hệ ca sĩ của đại gia đình ban Việt Nhi ngày xưa để vinh danh và nhớ ơn người thầy đã có công đào tạo cho mình thành tài. Phương Hồng Quế vẫn giữ được nét thon thả từ vóc dáng cho đến khuôn mặt, giọng ca vẫn ngọt ngào, thật không hổ danh đã một thời được mệnh danh là “TV chi bảo” trước 75. Phương Hồng Ngọc càng “lộng lẫy” hơn xưa. Đám khán giả gặp cô ở ngoài hành lang sau khi hát xong, đã bu lại “chiêm ngưỡng” cô và khen rằng:

    - Cô Phương Hồng Ngọc ơi! ba mươi mấy năm rồi mới được gặp lại cô và nghe cô hát, nhất là được nhìn thấy cô ở ngoài, cô đẹp quá!

    Có một khán giả tò mò hỏi:

    - Hỏi thiệt cô nghe! cô có sửa sắc đẹp không vậy?

    Phương Hồng Ngọc cười rất tươi và trả lời rất thành thật:

    - Cũng có... chút chút. Tới tuổi này mà không sửa thì làm sao mà đẹp được?

    … “chút chút” của Phương Hồng Ngọc là “cái gì” nhỉ? Xí Muội ở cận kề bên Phương Hồng Ngọc đây mà “nhìn” còn không ra được cái chút chút đó thì làm sao mà khán giả thấy được? công nhận là “cái” chút chút đó khéo thiệt, Phương Hồng Ngọc thành thật rất thật đáng khen, có lẽ nhờ vậy mà cô được nhiều cảm tình của khán giả, Có nhiều người nhìn một cái là biết sửa lung tung, nhưng hể hỏi thì chối bây bẩy ra cái điều ta đây đẹp “trời cho” không cần phải sửa chữa gì cả.

    Ngoài ra còn có chị Hoàng Oanh, người ca sĩ đàn chị mà Xí Muội chưa một lần tiếp xúc, ngoại trừ thỉnh thoảng gặp nhau trong gia đình Việt Nhi ngày xưa. Người ca sĩ trầm lặng rất ít nói, chỉ mỉm cười xã giao với Xí Muội mà thôi! lại còn vâng vâng, dạ dạ và gọi Xí Muội là... “chị” nữa chớ Giời ạ! làm Xí Muội cảm thấy xa lạ gì đâu. Nhưng đến buổi tối trình diễn và một ngày chót trước khi lên máy bay về lại Mỹ, chị đã bắt đầu thân thiện và gọi Xí Muội là “em” rồi, không còn xa lạ nữa. Nói nhỏ quý vị nghe, Xí Muội còn được hân hạnh hợp ca chung với chị và ca sĩ Kim Loan cùng một con nhỏ “đàn em” là ô mai Thanh Vân bài Trường Làng Tôi nữa đó quý vị. Hân hạnh chưa? ca chung với đại ca sĩ thứ thiệt chứ bộ. Đùa chơi bởi Xí Muội vui quá khi trở lại được những ngày “Khi xưa ta bé”. Đó cũng là tựa đề một bài hát mà nữ ca sĩ Thanh Lan đã hát trong ngày đại hội đó, chị Thanh Lan cũng là người ca sĩ được đào tạo từ lò Nguyễn Đức mà ra.

    Tưởng Xí Muội bay sang Toronto trễ nhất (tối khuya ngày 10 tháng 5) ai dè chị Xuân Kiều còn trễ hơn Xí Muội nhiều. Tối 11 tháng 5 bắt đầu trình diễn mà trưa bữa đó vợ chồng chị mới xuống máy bay từ TX qua. Chị Xuân Kiều với chị Thanh Lan là một cặp bài trùng rất thân nhau, đã từng xuất hiện và hát cặp với nhau trong ban “Tiếng Hát Học Trò” từ trước năm 75. Người nữ “ca sĩ” có cái tên nghe rất là Tàu. Sở dĩ Xí Muội phải đóng ngoặc hai chữ ca sĩ là bởi vì chị đã bỏ ngang không theo ngành ca hát mà thành công ở một địa hạt khác.

    Khuôn mặt chị cũng phản phất nét đẹp của những tài tử Hong Kong, chị có một giọng ca trầm rất truyền cảm và một giọng ngân rất tuyệt vời mà hồi nhỏ Xí Muội bắt chước hoài không được. Chỉ tiếc là sau này chị không làm ca sĩ mà lại trở thành xướng ngôn viên đài truyền hình số 9. Hiện tại chị rất hạnh phúc bên đấng phu quân bảnh bao, cao lớn, còn rất... “phong độ” và ba cô con gái cũng đẹp như tài tử Tàu. Em mừng cho chị bởi con gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu phải không chị? thấy ai hạnh phúc là mình mừng cho họ. Mỗi lần gọi điện thoại cho chị, gặp phải ông xã chị, nghe anh ngọt ngào gọi chị với những lời ân cần, săn sóc (nghe lén qua điện thoại.) Xí Muội nói ông xã phải “bắt chước” giống như vậy, ông xã cười và kí đầu Xí Muội nói:

    - “Bây nhiêu” cũng chưa đủ hay sao mà còn muốn thêm? Tham quá vậy cô!

    Chị song ca với chị Thanh Lan bản “Tiếng Sáo Thiên Thai” được hoan nghênh quá xá trời đất luôn. Hy vọng nếu có lần sau, mong sẽ được nghe lại giọng hát của chị với những bài đơn ca. Học trò anh Hai thì nhiều lắm, kể không hết được, nhưng mỗi người một hoàn cảnh, đâu phải ai cũng thu xếp vẹn toàn để bay sang Toronto tham dự được đâu.

    Chị Phương Hồng Hạnh lúc đầu cũng dự định là sẽ sang, nhưng cuối cùng cũng không thu xếp được chuyện làm ăn nên đành phải hủy bỏ, chị cứ tiếc mãi và nhờ Xí Muội chuyển lời hỏi thăm đến mọi người và... chúc: “Happy birthday” to anh Hai (sinh nhật thầy vào cuối tháng 5).

    Còn ca sĩ Phương Bích Hằng thì thôi khỏi nói, chị là người hăng hái rũ Xí Muội đầu tiên khi P H Quế cho hay sẽ có buổi họp mặt như vậy, nhưng cuối cùng thì... “xù”. Mọi người hỏi Xí Muội Phương Bích Hằng có đi không? (vì chị Hằng ở cùng San Jose với Xí Muội). Xí Muội nói chị bị bịnh “lỗi nhịp con tim” nên không ngồi máy bay đi xa được.

    Mọi người cười quá chừng và nói chắc tại chị “yêu” nhiều quá nên con tim bị “lỗi nhịp” chứ gì? Thật ra nói vậy thì cũng oan cho chị, chị bị bịnh thiệt. Con tim của chị đang đập bình thường, nhưng thỉnh thoảng bỗng dưng nó rớt một nhịp, có nghĩa là nó không chịu nghe lời, đang đập ngon lành khi không vậy nó “stop” một tích tắc thôi rồi lại tiếp tục đập trở lại. Mỗi lần như vậy là chị tái mét mặt mày, hổn hà hổn hển phải thở oxy ngay, bác sĩ khuyên không nên đi máy bay lâu quá, cho nên chị không đi là như vậy.

    Tóm lại chuyến đi họp mặt đối với Xí Muội rất vui vẻ và thành công, khán giả thương nên ở lại đến phút cuối cùng và vỗ tay hoan nghênh quá trời luôn. Anh Hai khóc ròng vì cảm động khi thấy và nghe lại được tiếng hát của đám học trò trong những bài hợp ca ngày xưa khiến chị Kim Loan phải ôm anh Hai “dỗ dành” mãi. Thêm MC Trần Quốc Bảo rất dí dõm khi giới thiệu là những “em bé” ban Việt Nhi ngày xưa, những tiếng hát của ba, bốn chục năm về trước, nhưng chị Xuân Kiều đâu có chịu, chị đứng phía sau “đính chánh”:

    - Hơn chứ! ba, bốn chục năm cái gì?

    Nghe vậy T. Q. Bảo hỏi lại:

    - Năm chục năm hả?

    Chị Kiều tăng liền:

    - Sáu chục năm thì có đó chứ!

    Trần Quốc Bảo la lên:

    - Wow..! trời ơi! vậy là mấy chị quá trẻ! thiệt là bái phục bái phục.

    Cả bọn cười khúc khích, khán giả cũng... cười luôn. Hy vọng trời thương cho “anh Hai” còn khỏe mạnh, và nếu hoàn cảnh cho phép, sẽ có thêm một lần họp mặt tại Mỹ để những tiếng hát của “60” năm về trước được dịp trở lại sân khấu, nhất là ca sĩ Phương Bích Hằng, chị vẫn còn “khoái” hát lắm! Chị nói đi xa thì chị đi không được, nhưng nếu ở gần thì chị... “quậy” cho mà coi. Riêng Xí Muội chỉ dám “ké” với mấy chị trong những màn hợp ca mà thôi chứ chẳng dám ca một mình, mà có dám cũng chẳng ai cho mà hát. Một “ca sĩ” không tên tuổi với biệt danh là... “Phương Tào Lao”... hí... hí... Cũng họ “Phương” vậy chứ bộ! đúng là... tào lao thiệt.

  6. #106
    “Nước Mắt Mùa Thu”
    THÁI-VINH

    Mỗi lần được đề cử lái xe đón nữ ca sĩ đến Arizona làm văn nghệ, tôi rủ đi theo, nàng đều từ chối. Có lẽ các nữ ca sĩ trẻ quen sử dụng quái chiêu xưng em đối với tôi; nhưng lại xưng con với nàng, nghe chướng tai chăng?

    Trái lại, hôm ấy tôi rủ đi đón "Nước Mắt Mùa Thu", nàng vui vẻ bằng lòng ngay làm tôi ngạc nhiên:

    - Sao kỳ vậy em?

    - Có gì kỳ đâu anh? Tại hồi nhỏ, Ba em mở băng nhạc "Nước Mắt Mùa Thu" ở tiệm hình nghe suốt ngày và cô ca sĩ ấy cũng đã từng sang Lào trình diễn.

    Tôi rất bằng lòng vì có nàng đi theo, chúng tôi sẽ được đậu xe tại bãi đậu dành cho nhân viên, rồi lấy Phoenix Sky Train là chuyến tàu tự động vận chuyển miễn phí dành cho khách du lịch giữa Đường sắt Metro Valley ở góc đường 44 và Washington đến Bến Cảng Trời số 4, 3, và 2 của Phoenix Sky Harbor hoạt động mỗi 3 hoặc 5 phút suốt ngày đêm.

    Tôi ngồi bồn chồn trên ghế đợi, hỏi bâng quơ:

    - Không biết cô ta có mang theo nhiều hành lý?

    Rồi tự trả lời:

    - Ca sĩ đi sô nào mà chẳng mang theo nhiều đồ trang điểm và băng nhạc?

    Nàng nhắc:

    - Anh nên đến tận cổng ra cho cô ấy thấy?

    Tôi mừng thầm:

    - Có thế ấy mà mình sợ nàng không bằng lòng!

    Từ tít xa xuất hiện bóng người với mái tóc ngắn quen thuộc trang điểm nụ cười làm tim tôi xao xuyến. Tôi đón lấy cái va li nhỏ, thân mật hỏi:

    - Còn hành lý nào nữa không? Chờ khá lâu khiến tôi sốt ruột hát đi hát lại bài ấy mấy lần...

    - Chỉ thế này thôi; nhưng hát bài gì vậy?

    Tôi cất tiếng hát nho nhỏ:

    "Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều
    Bằng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu..."

    Cô tươi cười, hát theo:

    "Từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo
    Buồn thương từng kiếp nằm trong mộ réo tên người đời quên
    Nước mắt mùa thu khóc than triền miên..."

    Tôi cảm động quá, tự nhiên bàn tay kia choàng lên vai người ca sĩ mà tôi hằng yêu mến giọng ca buồn bã từ hơn nửa thế kỷ qua.

    - Kìa... còn một người nữa đang chờ "Nước Mắt Mùa Thu"!

    Tôi giới thiệu tên nàng; cả hai nhanh chóng kết thân nhau như chị em.

    Tôi đăng tấm hình chụp chung với "Nước Mắt Mùa Thu" tại phi trường lên Facebook:

    - Các bạn ở Arizona để tôi đố các bạn ở nơi khác, ai đây?

    Một bạn ở Florida hỏi:

    - Ai vậy?

    Tôi gợi ý:

    - Người bạn cũ Bùi Thị Oanh mất tin nhau đã mấy chục năm; còn nhớ không?

    Không ai biết Bùi Thị Oanh; chỉ có một cô ở Arizona gửi hai cái nhãn nhe răng cười.

    - Cô cười gì vậy?

    - Cười là vì biết người đó là ai, nhưng bị cấm nói!

    "Nước Mắt Mùa Thu" là một bài hát của Phạm Duy. Phạm Duy là phù thủy âm nhạc; nhất là thơ phổ nhạc. Bài thơ nào được ông phổ nhạc đều trở thành bài ca bất tử, như Ngậm Ngùi của Huy Cận, Thuyền Viễn Xứ của Huyền Chi, Em Hiền Như Ma Soeur của Nguyễn Tất Nhiên, Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư, Mùa Thu Paris của Cung Trầm Tưởng... Có lẽ vì Phạm Duy cũng là một thi sĩ nên nhạc của ông như phép thêm sức nâng bài thơ hay hơn mấy phần chăng? Chính ngàn lời ca của ông cũng tựa hồ như ngàn lời thơ phổ nhạc nên rất dễ thấm vào hồn người nghe. Đặc biệt có những bài hát dường như ông viết riêng cho một giọng hát nào đó cho dù không đề tặng và người hát cũng không quan tâm như bài "Nước Mắt Mùa Thu" mà tôi cho là một trong những bài thơ buồn hay nhất của thi sĩ Phạm Duy. Bài thơ nói về cuộc đời và giọng ca buồn bã của một ca sĩ mà "Nước Mắt" là Lệ và "Nước Mắt Mùa Thu" là Lệ Thu.

    Theo website Phamduy.com, "Nước Mắt Mùa Thu" được soạn xong năm 1970 và được cấp phép xuất bản ngày 10 tháng 9 năm 1971 không đề tặng ca sĩ Lệ Thu.

    -Trên máy bay đã ăn gì chưa?

    - Chưa.

    - Vậy chúng ta đến Sweet Tomatoes thưởng thức Rau Cháo nhé?

    - Ớ California, Thu rất thích quán ăn đó.

    Ngoài đời không có Lệ, chỉ có Thu vui vẻ; không giống Lệ Thu với đôi mắt nhìn xa xăm, cất tiếng ca buồn bã như vang vọng từ cõi chết mê hồn!

    Thấy tôi ăn uống chậm chạp, tưởng tôi bệnh. Tôi kể đã bốn năm nay từ khi du lịch Caye Caulker ở xứ Belize trở về, tôi thay đổi theo cách sống "Go Slow" của dân ở đảo để thưởng thức đời sống có ý nghĩa hơn bằng cách đi chậm lại để ngắm nghía cảnh đẹp chung quanh; nghĩa là muốn sống lâu hãy sống tà tà. Không có lý do gì cần phải chết sớm để được người đời thương mến mình?

    Lệ Thu cười:

    - Triết lý lắm!

    Tôi hỏi:

    - Đây là lần đầu tiên Lệ Thu đến Arizona?

    - Đến nhiều lần rồi.

    - Vậy đã được xem bao nhiêu cảnh đẹp ở Arizona?

    - Chỉ đến hát xong là đi.

    - Trời... thế thì cũng giống như bao nhiêu ca sĩ khác; có chết sớm cũng vậy thôi! Đã đến Tân Đảo Nouvelle Calédonie hát chưa?

    - Ố... Thu mong được đến đó một lần!

    - Chúng tôi đã ở Tân Đảo thơ mộng ấy gần mười năm.

    Đó là nơi duy nhất trên địa cầu ca sĩ Việt Nam nào đến hát đều bị mời ở lại, được tôn kính như bậc thần tiên mà không cần phải chết sớm, được đưa lên rừng xuống biển khám phá cảnh đẹp mê ly đã đời mới thả cho về. Không tin, hãy hỏi Elvis Phương, Khánh Ly, Giao Linh, Chí Tài, Đăng Lan, Hải Yến, Lynda Trang Đài, Quốc Anh... Vậy còn muốn chết nữa không?

    Tôi đã đọc nhiều bài phỏng vấn Lệ Thu, phần lớn chỉ xoay quanh chủ đề "Dang dở" mà tôi thì không thích về đề tài đó. Tôi đưa bài thơ "Một Mình" của người bạn vong niên đã quá cố, nhạc sĩ Trịnh Hưng. Chờ đọc xong, tôi hỏi: Lệ Thu nghĩ thế nào về hai câu kết?

    "Một mình lắm lúc ngồi ì
    Hai mình có phải diệu kỳ hơn không?"

    - Đúng như vậy; nhưng Thu sống bằng âm nhạc và mê đọc sách nên không có thì giờ buồn.

    Trong lần hội ngộ đầu tiên ở Tân Đảo với ca sĩ Đăng Lan, người vượt biên cùng thuyền Trường Xuân với tôi, có giọng đọc vô cùng êm ái và lôi cuốn trong các đĩa băng "Hành Trình về Phương Đông" và "Đường Mây Qua Xứ Tuyết" của Blair T. Spalding qua bản dịch hấp dẫn của Nguyên Phong, tôi thường tự hào trí nhớ nên hỏi: "Đăng Lan thuộc lòng khoảng bao nhiêu bài hát?" Đăng Lan thuộc lòng khoảng 100 bài đã làm tôi giật mình. Tôi cũng lập lại câu hỏi ấy; ca sĩ Lệ Thu còn có trí nhớ phi thường gấp nhiều lần hơn làm tôi vô cùng kính sợ.

    - Xin cho nghe một vài bí quyết?

    Cô sáng mắt lên:

    - Anh biết xoa mạt chược không?

    Tôi ấp úng:

    - Có học sơ qua, thấy khó, tốn kém, vả lại không có bạn xoa... Nhưng xoa mạt chược có ăn nhằm gì với thuộc lòng bài hát?

    - Anh không biết đó thôi; chứ xoa mạt chược đòi hỏi trinh độ tính toán và sắp đặt, chưa kể tiếng kêu va chạm vui tai và sờ vào quân bài là có thể biết cây gì rất hứng thú. Đó là cách giải trí phòng chống bệnh lãng trí hiệu nghiệm nhất.

    Tôi đang thả hồn lang thang nhớ tới hôm nào ở Trung Tâm Cao Niên Gilbert đã có người rủ mà tôi bỏ lỡ cơ hội xoa mạt chược, bỗng nghe nàng hỏi:

    - Chị Lệ Thu có tập Yoga không?

    - Ô... Thu luyện Hồng Gia Quyền.

    Khác với mọi lần, ca sĩ được đón chỉ muốn về ngay khách sạn để nghỉ ngơi khôi phục công lực cho đêm hát, Lệ Thu thoải mái ăn uống và tâm sự với chúng tôi cho đến ba giờ chiều mới chia tay tại khách sạn.

    - Cứ nghỉ ngơi; tối nay Ban Tổ Chức Hoa Hậu Việt Nam AZ 2018 sẽ cho người đến đón Lệ Thu.

    - Ông Bà làm ơn đón Thu, được không?

    Lúc ra về, nàng cười:

    - Xưa nay, khán giả theo ca sĩ; còn Lệ Thu thì ngược lại. Chị ấy là bạn cũ của anh?

    - Anh đùa thôi. Nếu không có cuộc đổi đời vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì bọn sinh viên như anh làm gì có tiền đi phòng trà sang trọng như Queen Bee, Tự Do, Ritz... để nghe Lệ Thu hát! Anh thật sự mê Lệ Thu qua vài người bạn vào những năm đầu bỏ nước ra đi; họ may mắn hơn anh là mang được quê hương theo trong những băng nhạc "Tiếng hát Lệ Thu"!

    Buổi "Đại Nhạc Hội Xuân Mới" tối hôm đó, Lệ Thu với cô bạn cùng phòng là ca sĩ kiêm hoa hậu Hà Phương Nguyên ngồi vào bàn giám khảo chấm thi "Hoa Hậu Việt Nam Arizona 2018". Khán giả được nghe Lệ Thu hát nhạc sống (live) bất ngờ với tiếng đàn của nhạc sĩ Đào Khôi qua mấy tình khúc được ưa chuộng quen thuộc của Ngô Thụy Miên, Trường Sa, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, và Vũ Đức Sao Biển. Lệ Thu không gắn bó với riêng một nhạc sĩ nào, như Thái-Thanh với Phạm Duy, Khánh Ly với Trịnh Công Sơn, hay Thanh Thúy với Trúc Phương. Lệ Thu cũng không quên dành riêng cho khán giả một bài hát yêu cầu. Tôi đang ao ước nghe "Nước Mắt Mùa Thu" thì một giọng hét "Giấc Mơ Hồi Hương" mạnh mẽ vang lên trong hội trường. Lệ Thu ngập ngừng, tươi cười: "Giấc Mơ Hồi Hương" là của Lệ Thu, nhưng hát bài ấy cần phải tập dượt ăn ý với tiếng đàn, xin để lần sau. Tôi nghĩ tới một đêm nhạc thính phòng "Nước Mắt Mùa Thu" hay "Giấc Mơ Hồi Hương" của Lệ Thu với tiếng đàn Piano êm dịu thì khán giả đã bằng lòng với "Mười Năm Tình Cũ" của nhạc sĩ Trần Quảng Nam. Sau buổi Đại Nhạc Hội đã gần 12 giờ đêm mà Hà Phương Nguyên, Lệ Thu, và chúng tôi còn chạy tìm thưởng thức Burger trứ danh của quán In-N-Out. Tôi đã trao một quyển Bút Tre ghi dấu tình bạn cùng hai tập nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng và Đỗ Trọng Thi nhờ Lệ Thu hát.

    Sáng hôm sau, chúng tôi đến đón thì "Nước Mắt Mùa Thu" đang nằm cười khúc khích, đọc "Về Hưu Làm Gì?" Đúng là ca sĩ "mọt sách" không biết buồn!

    Chúng tôi lưu luyến chia tay nhau; không biết bao giờ gặp lại? Tôi nghĩ trong trái tim của mỗi người đàn ông đều có ít nhất hai hình bóng phụ nữ: Một người, không nhất thiết phải là bạn đời; nhưng người kia chắc chắn phải là người ca sĩ mà họ ái mộ nhất! Tôi đã gọi thăm "Nước Mắt Mùa Thu" nhiều lần; và mỗi lần gọi, tôi đều ngập ngừng hát:

    "Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều
    Bằng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu.."

  7. #107
    Mẹ Ơi,





    Hôm nọ , cậu Sáu ở Việt Nam có gởi tấm hình của gia đình mình cho con . Trong hình có Ba, có Mẹ , có Chị 2 . Trên tay Mẹ , là con . Hình như lúc đó con vưà tròn 1 tuổi . Uớc gì , hôm nay có Mẹ bên cạnh để con đuà với Mẹ và hỏi : Con lúc đó nặng không Mẹ ?

    Mẹ ơi, Sắp đến ngày Mother's day. Đây là ngày lễ Mother's Day đầu tiên, Con không có Mẹ bên cạnh. Tuy khoảng mấy năm vưà qua, Con theo sự nghiệp sống xa Mẹ, và trong những ngày lễ này, Con gọi về thăm Mẹ. Lúc nào cũng như lúc nào, Mẹ khóc: "Mẹ nhớ Con lắm, Khoa ơi!" Ngày 12 tháng 5 năm nay, con không còn nghe đuợc 2 chữ "Khoa ơi" từ Mẹ nữa !!!

    Mẹ còn nhớ lúc gia đình mình bước chân tới xứ Mỹ, đời sống rất giản dị. Mẹ hay nói : " Tuy mất tất cả, nhưng gia đình mình còn bên nhau, đó là uớc mong lớn nhất của Mẹ ". Mẹ còn nhớ không? Mỗi sáng tuy phải đi làm rất sớm nhưng Mẹ vẫn lo đồ ăn cho gia đình chu đáo. Lúc Con đi học đại học, con nhớ hoài, mỗi sáng khi con thức là có ổ bánh mì lạp xưởng cho con ? Con ăn mỗi ngày suốt mấy năm, con ăn mà ngán lắm, nhưng không bao giờ nói gì vì con biết Mẹ đã bỏ nhiều thời giờ và sức khoẻ lo cho con, cho Ba và cho gia đình mình. Uớc gì, ngay bây giờ, con có một ổ bánh mì lạp xưởng trong tay...

    Mẹ ... Có lẽ đó đã là một trong những chữ đầu tiên mà con hoặc bao đứa trẻ khác đã bập bạ bập bẹ gọi lên khi bắt đầu tập nóị. Vì dù sao đi nữa ... dưới mắt của một đứa trẻ ... có còn ai quan trọng hơn Mẹ của nó đâu nhỉ ? Hình ảnh những tháng ngày ấu thơ luôn in sâu trong tâm khảm con, gần như lúc nào cũng có bóng dáng của Mẹ.


    Bao yêu thương, chăm sóc và lo lắng mà ngày xưa Mẹ dành cho con mình khi con mình còn bé, đến khi các con lớn khôn và có gia đình riêng thì Mẹ lại tiếp tục đổ dồn tình yêu của Mẹ lo lắng thương yêu đó lại cho các cháu mình sau này! Hai đưá con của chị 2 cũng thương nhớ bà ngoại nhiều. Và cứ như thế ... như dòng nước trong nguồn tiếp tục chảy hoài, chảy mãi, chảy không bao giờ ngừng ... Mẹ đã suốt đời thủ vai trò làm Mẹ cho các con của Mẹ và vai trò làm Bà cho các cháu của Mẹ .

    Đêm nay, con đang ngồi xem lại giấy tờ cho công việc, con chợt nghe bài hát Đèn Khuya khiến con nhớ mẹ rất nhiều . Con ráng cầm nuớc mắt. Ngày xưa, lần nào con về bên Mẹ , Mẹ đều ôm con vừa mừng và vưà khóc. Cho dù con bao nhiêu tuổi, một trong những điều Mẹ luo^n dặn dò là : "Con cần gì thì gọi Mẹ " . Mẹ ơi, lúc nào Mẹ cũng vẫn là Mẹ và lúc nào con cũng cần có Mẹ trong cuộc sống hằng ngày của con ... Mẹ ơi !

    Lá thư này con viết cho Mẹ trong nỗi nhớ mênh mang. Con cảm ơn tình thuơng vô bờ bến của Mẹ .

    Mừng Ngaỳ Của Mẹ , Mother's Day... Con nhớ Me rất nhiều !!!

  8. #108
    Đèn Khuya


  9. #109



    Em Về Thăm Huế Giùm Anh*


    (Mượn hình của HXhuongkhuya)




    "Thương nhớ một trời – Huế của thơ
    Bến Ngự – sông Hương những con đò
    Tiếng hò ai thả theo giòng nước
    Để buồn trôi dạt cả ước mơ"
    st (sưu tầm)


    Đôi khi trong cuộc đời , có những kỷ niệm mãi sống trong trái tim chúng ta và Huế không phải chỉ là kỷ niệm nhớ mãi, mà Huế thật sự sống trong tôi với dòng sông Hương thơ mộng với cảnh đẹp thiên nhiên của núi Ngự Bình. Tôi đến Huế để ngắm xem phong cảnh hữu tình của mảnh đất Thần Kinh cùng con người trên xứ Huế, tôi nhận ra Huế có một sức thu hút và quyến rũ lạ kỳ.

    Huế không chỉ đẹp bởi những danh lam thắng cảnh và di tích lich sử, Huế còn đẹp bởi những hàng phuợng vĩ chạy dài trên những con đường dọc theo mé sông, bên những cây cầu dài bắc qua sông Hương. Cầu Truờng Tiền với 6 vài cong cong trên 12 nhịp cầu soi bóng xuống dòng sông, ngắm xem những cô nữ sinh mặc y phục áo dài trắng xoá như những cánh bướm vờn bay. Tôi từng thả lòng tâm tư giữa muôn muôn cánh bướm đài trang bay trong gió mà không thể ngờ tôi đang ở đây giữa lòng phố Huế.

    Mùa Hè này có cô bạn về thăm nhà, tôi muốn gởi cô bạn mang giùm tôi một chút tâm tình cho Huế . Người Huế thân thiện, hiếu khách và rất tình cảm. Huế dịu dàng, thâm trầm, sâu lắng ,mộng mơ. Trong suốt thời gian ở Huế, ngày nào tôi cũng được hướng dẫn đi thăm thành phố, các di tích lăng tẩm chùa chiền cùng những thắng cảnh. Ngồi du thuyền trên sông Hương giữa đêm trăng mà nhớ đến bài hát Vĩ Dạ Đò Trăng.

    Huế có những quán hàng hai bên đường phố, không những hàng quà trên bờ sông. Chiếc du thuyền đưa chúng tôi trên sông Hương, chợt nghe những tiếng rao buôn bán từ những chiếc đò nho nhỏ trôi chung quanh. Tuy đã nghe nói món cơm Hến từ lâu , mãi khi đến Huế tôi biết thêm một điều, ngoài bún bò, Huế có món cơm hến là đặc sản Huế, ăn cũng ngon lắm. Cơm Hến gồm đủ mùi vị cay, mặn, nồng, the chua vì có những lát khế xắt mỏng ăn kèm, nhưng dư vị để lại vẫn là vị mặn mà tình Huế. Khi ngồi trong những quán cóc bên đuờng , đâu đó xa xa tôi nghe tiếng rao lanh lảnh kéo dài của những em bé bán nước chè: "Trà đá nì, Ai trà đá không " . Một ấn tuợng khác là tiếng bánh mì của em bé lúc trời lờ mờ sáng " ai bánh mì nóng không " .

    Có một kỷ niệm khác làm tôi nhớ mãi là trong chuyến đi thăm Huế, đang chờ nguời bạn thì bất chợt tôi gặp một nhóm mấy cô " Nữ sinh Đồng Khánh " đi qua . Các cô nữ sinh tha thướt trong chiếc áo dài trắng, nón bài thơ, cặp sách cầm ôm trên tay. Lúc đó tự nhiên tôi thấy một cảm giác nao nao “ chi lạ sao đó " . Lần gặp gỡ đầu tiên này với mấy cô nữ sinh Đồng Khánh, trường cũ nay đã đổi tên, vẫn làm tôi nhớ mãi cái tên trường gọi ngày xưa " Đồng Khánh " , khi tôi nhớ về hình ảnh của các cô nữ sinh xứ Huế .

    Lại nhớ đến..." Em " của tôi ngày xưa chừ đã thành cố nhân. Cô gái Huế ấy từng cùng tôi lang thang qua những ngôi chùa Huế cổ kính rêu phong, những ngày mưa lang thang phố Huế nghe Mưa Hồng, Hạ Trắng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi lặng yên nghe em say sưa nói về màu nắng tinh khôi trên hàng cây long não trên con đường Huế sau mưa, những cơn mưa Huế dai dẳng mà đáng yêu và những cô gái Huế như em của Huế năm nào giống bao cô gái khác mà sao còn để lại sự nồng ấm kéo dài.

    Có một lần, cũng trong ngày mưa, em cùng tôi lên đồi Thiên An ngắm mưa. Mà quả là ngắm mưa Huế thật lạ . Đứng dưới những hàng thông xanh trên ngọn đồi vừa mát lạnh vừa thấm chút mưa ướt át rồi ngắm mưa. Trong màn mưa xám giăng giăng, nước sông Hương từ xa như trườn lên sát bờ . Cố nhiên là vẫn còn nhiều lắm những điểm ngắm mưa Huế thú vị như đồi Vọng Cảnh hay khi lang thang trên những chiếc cầu gắng liền xứ Huế. Khi ngắm mưa Huế cùng vạn vật ở một quán cóc bên đường cũng thú vị rồi.

    Mưa Huế không phải chỉ ở chỗ ngắm, mà càng thơ mộng hơn là nghe tiếng mưa. Tôi thấy thật đúng theo lời ai đó đã viết nhắn nhủ rằng mưa Huế như tiếng đàn của thiên nhiên, tiếng mưa như những sự va đập vô thường nhưng hết sức tinh tế , lúc thì nhè nhẹ như tiếng thầm thì trên mái lá, lúc lại xa xôi như ai đang kể một câu chuỵên xưa, có lúc như tiếng cười giòn tan của của những cô thôn nữ. Mưa Huế bí ẩn như người con gái Huế. Và đúng, phải đi trong mưa của Huế , mới cảm nhận được sự bí ẩn cùng vẻ lãng mạn thơ mộng cố hữu của Huế.

    Em bảo Huế chỉ có hai mùa, mùa nắng và mùa mưa. Mưa Huế sướt mướt như người con gái khóc nỉ non, buồn nẫu ruột, mưa kéo dài suốt mấy ngày liền, mưa to rồi dứt, lại có cơn mưa khác đến ! Mưa rả rích trên mái ngói rêu phong, mưa lộp độp trên mái tôn, trên tàu lá chuối sau vườn, mưa dâng tràn sông Hương, mưa ngập lụt cố đô ! Mưa buồn, mưa vui , mưa lãng mạn , mưa của kỷ niệm những ngày tôi cùng em lang thang xứ Huế .

    Bây chừ Huế đã quá xa, còn ngày tháng vẫn lặng lẽ trôi , mỗi lần mưa trên thành phố lại làm tôi thấy nhớ mưa Huế. Đúng rồi, "không biết ngày xưa mưa rơi thì sao , bây chừ mưa rơi lại buồn ... " . Có lẽ đó cũng là tâm trạng chung của những nguời mến nhớ Huế như tôi. Tôi từng đọc đâu đó câu thơ của một nhà thơ Huế, rằng: " Khi mô em về thăm Huế xưa. Nhớ gói giùm anh một chút mưa...". Nhớ nhé ... " Em về thăm Huế gùm Anh " , tôi mượn tựa đề của HXhuongkhuya để viết gửi đến em, người con gái xứ Huế .

    Tháng 8 ngày 9 này Hà về Huế nhân ngày hội ngộ các thầy cô bạn bè trường Gia Hội, Hương còn nhớ Hà (DF) mà ha. Thân chào các bạn từ các nẻo đường đất nước về chung vui . Mong các bạn tận hưởng những giây phút tuyệt vời trong ngày hôm nay . Khoa nhắc lại những kỷ niệm về Huế tưởng đôi khi đã đi vào quên lãng, nhưng vẫn mãi sống trong ký ức của nguời mến nhớ về cố đô Huế.

    Khoa 8/2019

    Last edited by Khoa1221; 01-28-2020 at 04:11 PM. Reason: dán hình

  10. #110
    Biệt Thự cuocsi's Avatar
    Join Date
    Sep 2016
    Location
    Paris có gì lạ
    Posts
    1,624


    Last edited by cuocsi; 08-14-2019 at 12:52 AM. Reason: Mang youtube vào Nhạc Và Đời ...

 

 

Similar Threads

  1. Ca nhạc sĩ Viêt Dzũng đã qua đời
    By ngocdam66 in forum Chúc mừng/Phân ưu/Cảm tạ
    Replies: 31
    Last Post: 01-22-2014, 09:24 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 04:32 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh