Register
Page 14 of 20 FirstFirst ... 41213141516 ... LastLast
Results 131 to 140 of 191
  1. #131


    Thân chúc Khoa và những người Khoa thương Một Mùa Xuân
    đầm ấm và năm mới 2020 nhiều điều như ý.
    (Thuỵ Khanh)





  2. #132
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    862
    Chào anh Khoa, cũng như các bạn yêu nhạc, NH rất thích đọc những bài trong mục Nhạc và đời của anh và thấy anh quả thật anh đã chịu khó sưu tầm, viết về những chuyện bên lề hay là tâm sự của các nhạc sĩ khi viết thành bản nhạc nào đó. Những bài anh viết ngắn gọn, vừa phải, lại cho thêm phần nhạc rất đầy đủ nên đúng như lời cô bạn của anh góp ý là nên đọc để dành kỷ niệm là một ý kiến rất hay đó.

    Bài anh viết về mẹ đọc rất chân thành tha thiết và cảm động lòng người. Những bài như vậy mà đọc lên, chắc ai cũng khóc được dễ dàng nhất là trong các ngày lễ mẹ mà người con phải cài đóa hoa hồng trắng.

    Khi nào anh Khoa và bạn bè trong phố thực hiện việc đọc bài xong, dán lên Nhạc và đời nghe cho vui. Chắc chắn mọi người sẽ đón nghe và thưởng thức nhiều hơn nữa.

    NH

  3. #133


    Quote Originally Posted by NganHa1 View Post
    Cảm ơn anh Khoa có nhã ý mời NH phụ đọc bài trong Nhạc Và Đời . Rất hân hạnh nếu NH làm được.
    Bài về Huế NH đọc xong rồi và người bạn rất thích bài nói về tình quê hương như thế.


    *
    Ngân Hà đã đọc xong bài về Huế mang vô đây cho KHoa và anh chị em thưởng thức luôn nghen .
    ( *hình trên net )

  4. #134

    C
    ám ơn Ngân Hà đã thu âm v
    à gi qua cho KHoa nghe thử .
    Hình ảnh trong clip khiến KHoa nhớ về Huế , kỷ niệm và những ngày ngắn ngủi ở Huế .


    Mùa xuân sắp đến làm chợt nhớ mùa Xuân Sài Gòn của ngày xưa . Ngày của mùa Xuân yêu thương chỉ có Mai vàng như màu áo em. Bây giờ bên xứ người , Mai vàng vốn rất hiếm như những hàng Me xưa vào mùa Xuân trên đường Gia Long của thủ đô Sài Gòn . Chiếc áo dài mới em đã mặc để đón Tết cùng anh , nay không còn thiết tha nữa . Khi hàng Me thay lá trên đường tình ngày nào , nay những hình ảnh đó gợi nhớ một cuộc tình dang dở . Xa nhau , chúng ta mang theo bao vương vấn, bao kỷ niệm đẹp từ mùa Xuân mộng đẹp của Sài Gòn năm xưa .

    Khi mọi người cùng vui Xuân, đón Tết tại hải ngoại , Em còn nhớ mùa Xuân nghe như lời tâm tình của một người đã từng sống ở Sài Gòn, đã từng đón Xuân ở Sài Gòn trong những ngày tháng thanh bình hạnh phúc lứa đôi , và đễ rồi , xót xa khi nhìn mùa xuân Sài Gòn lúc sau này với những đau thương tràn đầy. Em Còn Nhớ Mùa Xuân là một thời của tuổi trẻ, mộng mơ, lãng mạn , và Em Còn Nhớ Mùa Xuân là hạnh phúc, khổ đau, là những mất mát, hiện thực của đời sống chia ly . Tình yêu đối với nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên dù sung sướng hay khổ đau cũng là một điều rất thiêng liêng. Yêu không có nghĩa là phải chiếm hữu cho riêng mình, yêu là cho tận cùng, là chấp nhận hết những buồn vui, khổ hận . Yêu là hy vọng chờ đợi ngày tuơi đẹp trong nỗi nhớ muộn màng . "Em nhé khi nào chợt nhớ mùa Xuân ", mong em biết rằng, "Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong" .

    Anh bạn Mai Cồ đã gợi lại trong ký ức của chúng ta về Sài Gòn của một thuở yêu thương nào đó cùng lá thư xanh và chuyện tình hồng với tác phẫm Em Còn Nhớ Mùa Xuân
    của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên .

  5. #135
    Hái Hoa Rừng Cho Em là một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân. Ông đã kể lại hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, và vì sao lại có câu “Hái trộm hoa rừng” :

    “ .... Ngày xưa, vào đầu thập niên 1960, khi đó tôi đi lính quân dịch. Thời gian đầu thụ huấn quân sự ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung người ta gọi là ‘Tân Khóa Sinh’. Khoảng thời gian này thường rất gắt gao với các tân binh mới nhập ngũ, lúc đó tập luyện phải thật nghiêm chỉnh. Ai mà lơ là, mất tập trung hay làm việc riêng mà các sĩ quan huấn luyện phát hiện được là bị phạt hít đất hay nhảy xổm ngay. Thuở đó mới 20, 21 tuổi vào đời nên tôi rất mộng mơ, trong lúc tập luyện tôi thấy có nhiều cành hoa dại rất đẹp mọc trong các bãi tập ở quân trường, và tôi có suy nghĩ muốn hái về ép vào thư gửi cho người yêu. Tranh thủ lúc sĩ quan huấn luyện không để ý, tôi liền quơ tay hái một bông hoa bỏ ngay vào túi áo, để dành đó tối về ép vào thơ gửi cho nàng. Lúc đó, sợ bị phát hiện và sợ bị phạt vô cùng, cho nên vì thế ở đầu bài hát mới có từ ‘Hái trộm’ đó mà. Đó là hoàn cảnh để tôi sáng tác bài Hái Hoa Rừng Cho Em ..... ”.

    Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân cũng nói thêm người yêu của ông thời đó có tên là Hoàng Ngọc Quyên và được ông đề tên trên phần tác giả của ca khúc để kỷ niệm ...


  6. #136
    Tùy Bút Khánh Ly

    Mỗi tuần chúng tôi có một ngàv gặp nhau. Đó cũng là ngày off của Kathy Huệ. Huệ là em ruột của ông Thành Hiện Đại tiệm băng nhạc Bích Thu Vân. Ông Thành thường gọi đó là ngày Huệ đi... học đạo, học thiền trên nhà tôi. Nếu một tuần lễ, Huệ mệt mỏi với cửa hàng bán băng nhạc thì ngày Thứ Ba là một ngày hoàn toàn của những chuyện vui bởi chính tôi, tôi cũng cần có một ngày như vậy, cho đầu óc đỡ căng thẳng. Ăn là vấn đề phụ. Chuyện bên lề mới là chính. Bên lề đây không có nghĩa là ngồi lê đôi mách, moi móc chuyện người này người kia. Chỉ toàn về chuyện gia đình, con cái và công việc. Thứ Ba mỗi tuần gặp nhau đã trở thành thông lệ.

    Tôi rất thương con. Huệ cũng rất thương con. Tôi đã gặp nhiều oan trái, Huệ cũng có những chuyện buồn. Tôi quý bạn, Huệ cũng chẳng khác bao nhiêu. Ngày Thứ Ba ban ngày, Huệ dành cho Mai Lệ Huyền, Trần Quốc Bảo, chị Phúc, v.v... Buổi tối, cô nàng dành cho tôi. Đó là không kể đến những lúc chúng tôi nói chuyện qua điện thoại. Tuy gọi là tâm sự, nhưng tôi chưa bao giờ đi sâu vào đời tư của Huệ. Tôi không hỏi vì sao thế nàv, vì sao thế kia.

    Nếu Huệ muốn nói, Huệ sẽ nói khi cần bởi tuy ham nói nhưng tôi cũng là người chịu nghe tâm sự nguời khác... bời lẽ dễ hiểu là tâm sự đàn bà thường thường giống nhau. Giống nhau ở chỗ nào khi mỗi người một cảnh đời khác nhau? Sẽ có những thắc mắc như thế. Và nếu gọi là thắc mắc thì sẽ có một tỷ cái để mình thắc mắc, không ai có thể cắt nghĩa được. Mình nên chọn cái điều giản dị, tốt hơn. Tình yêu nhé? Khi yêu nhau, người đàn bà bao giờ cũng nặng tình hơn, hy sinh hơn, chịu đựng hơn, thương con hơn. Khi không còn yêu nữa, người đàn bà dứt tình quyết liệt không thua gì ai. Đây là tôi nói đến những trường hợp đàn ông là kẻ phụ bạc. Anh đã không còn xứng đáng nữa... mời anh đi chỗ khác. Chanh chua hơn theo kiểu Bắc Kỳ thì... xéo đi cho nó thoáng. Nhưng anh có xéo thì xéo một mình. Con cái của chúng tôi, chớ có đụng đến. Mang nặng, đẻ đau là chúng tôi. Con là núm ruột của chúng tôi. Mẹ bao giờ cũng thương con hơn. Đó là bản năng sẵn có của người đàn bà. Ngay trong tình yêu dành cho chồng, cũng có phảng phất chút tình mẫu tử.

    Vợ còn bỏ được huống hồ chi con. Lúc đói khổ có nhau. Chia cay, xẻ đắng. Vừa chớm có tí đỉnh danh vọng, tiền bạc thì đã quên ngay thuở hàn vi, tìm người khác trẻ đẹp giầu có hơn để rước đèn. Ấy! đời nó vậy, cứ chạy gạo mờ mắt ra thì lại đâu vào đó. Tới chừng quần nọ, áo kia, no cơm ấm cật, dâm dật tứ tung. Mà có no cơm cật thì cũng là nhờ con vợ một tay. Nhà cửa có yên ấm, con cái có ngoan ngoãn, chồng mới có cơ hội tiến thân chứ! Thử hỏi con nheo nhóc, vợ cờ bạc, đú đởn với trai... sức voi mà anh nên ông, nên thần à. OK! Anh ngon lành rồi, anh phụ tôi cũng chẳng chết thằng Tây nào, nhưng con tôi, xin anh quên đi. Tôi đẻ được thì tôi nuôi được. Không có chồng, chuyện nhỏ. Con mới là niềm vui. Rồi ra, anh sẽ có thêm cả chục đứa, tha hồ mà nuôi. Rủi mà tôi không thèm lấy chồng nữa, ít ra tôi cũng còn con để sớm hôm hủ hỉ. Mà cho dù tôi có lấy chồng, có đẻ nữa... thì con nào cũng vẫn là con tôi, từ bụng tôi mà chui ra. Vợ anh làm sao thương được con tôi. Chuyện đó cũng là thường bởi “Con không đẻ thì không thương”... chẳng ai trách móc gì. Nó là như thế. Không trách người mẹ ghẻ, nhưng tội nghiệp con tôi. Nó còn mẹ mà. Mẹ nó đã chết đâu mà để con cho người khác đầy đọa. Vả lại có nhiều người đàn bà một mình nuôi con, mà đứa nhỏ vẫn không cảm thấy thiếu tình yêu của cha. Nhất là đàn bà xứ này, có chồng hay không cũng phải nai lưng ra kiếm cơm, thì cái chuyện “Anh mê vợ khác bỏ bê con thơ” không còn là big deal nữa.

    Chúng tôi đều đồng ý với nhau. Con là nhất. Không có chồng này lấy chồng khác. Mất con là không. Đó là lý do vì sao Huệ và tôi có một sự cảm thông đặc biệt. Trần Quốc Bảo thường ngồi nghe chúng tôi chuyện trò qua lại. Có vui, có buồn. Có cuời, nhưng không có khóc. Ai dư nước mắt khóc người ù ơ. Khóc mà có thể yêu chồng lại được, hoặc khóc mà chồng quay về thì có lẽ cũng nên khóc. Rất tiếc, chúng tôi đã qua cái tuổi biết khóc rồi. Vả lại, nước mắt đôi khi quý hơn mọi thứ trên đời. Một giọt nước mắt là một một giọt máu. Bảo cười rũ ra. “Khiếp! Chị Mai nói gì mà ghê thế. Các chị ‘dữ’ quá chời, chồng nào mà dám đi ngang về tắt”. “Đúng! Bảo nói đúng, chồng không dám đi ngang về tắt... nó chỉ đi luôn thôi”. Ba đứa ôm bụng cười. Tôi nói với Bảo: “Em cứ thử đẻ một lần coi, em sẽ thấy chồng không bằng con”. Bảo trợn mắt: “Em làm sao mà đẻ được, chị chỉ nói...”. “À không, chị đùa đấy. Bảo thì làm sao mà đẻ. Bảo làm sao làm mẹ được nhưng Bảo đã từng làm con của một người mẹ, chắc chắn Bảo phải biết là mẹ Bảo thương yêu Bảo như thế nào”. Mặt Bảo buồn hẳn xuống, chắc cu cậu đang nhớ mẹ. “Đúng, chị nói đúng, mẹ em rất thương em”.

    Ngó qua, ngó lại... mấy chục năm đã đi qua. Đứa nào cũng bạc tóc cả rồi. Như ông Tùng Giang chẳng hạn, cháu ngoại đã mấy đứa. Cũng may trời sinh chúng tôi vốn tính cà chua, cà chớn nên chưa đến nổi hom hem lắm. Riêng Kathy Huệ còn trẻ quá. Tôi nghĩ cô chẳng có gì buồn phiền cả ngoại trừ cái vụ cô hơi... cao. Tìm bạn nhẩy đầm đã khó huống chi tìm người yêu. Ấy vậy mà Du Miên, chủ nhiệm Thời Báo rất quý Kathy, tuy có điều hơi bất tiện mỗi lúc gặp nhau. Ông nội Hĩm còn khổ hơn nữa, chả bao giờ dám đứng cạnh người đẹp. Thế mà hôm rồi, Đoan có chụp được một tấm hình. Huệ đứng giữa. Du Miên và Hĩm đứng hai bên. Sẽ không có cái hình nào đẹp hơn.

    Trở lại với Bảo, tôi nói đến sang năm cũng không hết chuyện. Riết rồi không thèm nói nữa. Đánh hắn chăng? Đau tay. Người ta oẳn tù tì không ra cái kéo cũng ra cái búa. Cậu này thuộc loại oẳn tù tì không ra cái gì cả. Tôi mà tin Bảo chắc phải bán cả cái Bolsa đi mà thôi, khi không mà trở thành... kẻ bán nước, sức mấy tôi chịu. Thế cho nên Bảo nói, Bảo nghe... “Em self-service mình em đi. Chị mệt gà lắm”. Bảo ta cũng khôn, lại trở về chuyện cũ. “Thế rồi sao nữa hả chị?”, “Sao, sao cái gì?”. “À! Thì cái chuyện vợ chồng con cái ấy mà”. Ôi, tụi tôi nói chuyện với nhau nãy giờ mà hắn ta nghe không thủng. Lại thêm một người đi trên mây chăng? Chuyện đàn bà, chồng con là chuyện dài nhân dân tự vệ. Hay Bảo ta sắp lấy vợ nên muốn có một mớ kinh nghiệm làm hành trang về nhà vợ. Mà cho dù Bảo có lấy vợ đi chăng nữa, Bảo cũng là đàn ông. Dễ gì Bảo thông cảm cho nỗi khổ của đàn bà. Dễ gì Bảo có cái “hùng khí của người chân yếu tay mềm”. Tuy nhiên, cho dù Bảo ta không có cái “hùng tâm, tráng khí” như đàn bà chúng tôi... Bảo lại càng nên nghe các anh chị, những người lớn tuổi, có cả bồ kinh nghiệm “kể chuyện đời xưa”... biết đâu chừng những vấp ngã của người trước lại là cái hay cho người sau, bởi mỗi khi đụng chuyện thì cha mẹ, anh em, bạn bè thường đưa ra những trường hợp điển hình cho chúng ta thấy. Bị dậy dỗ cách làm vợ nhiều hơn. Các bà, các cô phải thế nào, phải thế kia, đủ mọi thứ “phải” mà phần thua thiệt luôn về phần người đàn bà. Thế ra chưa có ai dậy các ông phải làm một người chồng ra sao ư? Dĩ nhiên có những điều trời sinh, chẳng cần học cũng biết. Bằng cớ là sự có mặt của ông bà, cha mẹ, chúng ta. Bên cạnh đó, còn nhiều điều người đàn ông cần phải học hỏi, để giữ vững hạnh phúc gia đình. Điều quan trọng nhất ở người đàn ông, cả Huệ và tôi đều có chung một ý nghĩ, là sự rộng lượng.

    Đàn bà, trời sinh vốn hẹp hòi, ưa những điều nhỏ nhặt. Chả ai còn lạ gì, thế nên mới có câu “Không cha ăn cơm với cá. Không mẹ liếm lá đầu đình”. Được cái ở thời buổi “hại điện” này, vì người đàn bà không còn bị sự kềm kẹp của gia đình chồng, không phải làm dâu, không phải đối phó với những cô em chồng hung dữ như giặc nhà Ngô, lúc nào cũng sẵn sàng vén váy lên, vỗ bồm bộp… cho nên đối với con riêng của chồng, cũng không đến nỗi nào. Lẽ dễ hiểu là khi người ta thực sự có hạnh phúc, họ nhìn đời bằng con mắt nhân ái, dễ tha thứ, yêu thương người khác. Nói nào ngay, cái cảnh mẹ ghẻ con chồng, thời nào cũng có vì ngay cả chính con ruột minh đây này, cũng có đứa hợp đứa không... nói gì con người khác để bắt mình nuôi. Nhưng đỡ hơn vài chục năm trước nhiều.

    Bảo hỏi: “Thế còn đàn ông thì sao chị?”. Đàn gì thì đàn, đã là con nguời thì ai cũng đầu đen máu đỏ. Đàn gì thì cũng thế. Có điều trời sinh ra người đàn ông là để làm cái bóng mát cho người vợ nói riêng, cho gia đình nói chung. Những trường họp rổ rá cạp lại, tránh sao khỏi cảnh... con em, con anh, con chúng ta. Nếu quả thật người đàn ông có lòng bao dung, sự hiểu biết, tâm tánh hiền lành tốt đẹp thì... con nào cũng là con. Như con chó, con mèo, hễ mình thương nó, thì nó thương mình. Con nít cũng vậy. Mà cho dù con nít của ai, mình cũng yêu được, huống chi là núm ruột của vợ mình dù mình chẳng tạo ra nó. Trẻ nhỏ luôn luôn vô tội. Các người lớn chơi chạy, sướng lấy một mình. Người lớn mới đáng trách. Chẳng thiếu gì những đứa trẻ chỉ biết và yêu thương cha ghẻ của mình vì bố ruột nó thuộc loại... hit and run. Lại nữa, cha ghẻ yêu thương nó, trong khi cha ruột thuộc loại... “10 năm tình cũ. Bao năm không nuôi tưởng mình đã quên”.

    Huệ nói: “Đúng rồi, chị nói đúng, đẻ mà không nuôi coi như mất con vì công sanh không bằng công dưỡng. Muốn coi người đàn ông đó có tốt hay không, cứ nhìn cách cư xử của họ với trẻ nhỏ. Người nào ghét con nít, người đó không xài được. Chẳng thà ở một mình còn hơn”. “Phải, Huệ nói chí lý, dù ở đây kiếm một người tâm đầu ý hợp với mình hơi khó, nhưng không hẳn là không có. Chỉ sợ hợp với mình, mà không thương con mình thì rồi cũng lại đi đến chỗ... ôm quần sang thuyền khác. Mà như vậy hoài, mệt gà lắm. Có mót quá, ra ôm cột đèn... leo lên tụt xuống”. Cả bọn cười nghiêng ngửa.

    Không, thật đấy, nói ra thì bảo là nói tục tằn nhưng sự thật bao giờ cũng đau lòng, cũng làm nhiều người quay mặt đi dù trong thâm tâm, họ cũng phải công nhận là đúng. Nhưng nói là nói chơi vậy thôi, làm gì có cột đèn sẵn ở đây mà leo. Vả lại đàn bà đâu đến nỗi thế. Chồng tử tế thì là chồng. Không thì thôi. Đã mấy ai không chồng mà chết đâu. Đã mấy ai coi chồng trọng hơn con đâu. Có điều trong 3 đứa, có mình Bảo là đàn ông. Giờ hắn chưa có vợ, rủi một ngày đẹp trời nào đó, hắn mang một cô vợ có sẵn... 3 trứng thì lúc đó sẽ biết đời nhau ngay. Và biết đâu chừng trong lúc nóng giận, hắn đưa tay tính tống vào mặt con ghẻ một quả đấm cỡ Mike Tyson. Bảo ta chợt ngưng tay vì nhớ đến buổi nói chuyện hôm nay. “Bảo à, con chó mình thương nó, nó còn thương mình huống chi con người. Mình cho tiền, đôi khi mình lỗ, nhưng cho tình sẽ chẳng bao giờ thiệt đâu em. Chị chẳng hay gì hơn ai để mà dậy khôn em, nhưng Bảo cứ nhìn quanh mình, rồi nhìn lại quãng đời đã đi qua. Cái gì còn tồn tại nếu không phải là những ân tình”.

    Có đôi khi, tiền, danh vọng làm người ta quên đi nhiều thứ. Có đôi khi người ta chết vì một miếng ăn. Ôi! Con người chứ có phải con rắn đâu mà mong lột da sống đời để ăn, để hưởng. Quần áo cũng chỉ để che thân thể khỏi lõa lồ, mát khi nóng, ấm khi lạnh. Ăn đến nem công chả phượng, đến gan rồng, tủy rồng, vào bụng rồi cũng thành... cứt. Giống nhau cả. Chỉ có tình yêu thương làm con người trẻ mãi, yêu đời mãi. Tiếc rằng, những trái tim quảng đại, những tấm lòng bao dung ngày càng ít đi. Phần bị “mỡ” bọc lại nên cuộc sống, nước mắt nhiều hơn tiếng cười. Tôi có nhắn nhủ với ai đâu. Đây chỉ là một cuộc họp... bốn bên lẫn lộn. Trao đổi với nhau những kinh nghiệm sống để cuộc đời đáng sống hơn. Những đứa sẩy cùi, gẫy gọng như tụi tôi thường dễ có sự thông cảm. Tôi trôi sông, lạc chợ ba lần rồi. Lần nào cũng trên vai một gánh con, chả có đồng nào dính đít. Thế mà tôi vẫn sống một cách “hiên ngang con nhà Nam”. Điều này thì cả làng biết hết rồi, có nói thêm ra cũng thừa.

    Cái gì cũng vậy. Hay không bằng hên. Tôi là người đi từ cái may này đến cái may khác. Cũng có người thường ví von: “Ai vinh quang mà chưa từng chiến bại. Ai nên danh mà chưa từng... hại dăm ba thằng”. Khuôn vàng thước ngọc chăng mà tôi hay nghe nhiều người hãnh diện khoe như thế. Vậy mà tôi lại ngu muội không thực hành. Tôi quả là người không mấy thức thời. Tôi quả có ngu. Nhưng may cho tôi là tôi đã... ngu. Bởi tôi chưa thấy ai hại người mà được hưởng. Tôi chưa thấy ai không trồng cây mà được trái ngọt. Tôi cũng chưa thấy ai tha không giết một con rắn độc dù thuyết nhà Phật cấm tuyệt chuyện sát sanh.

    Chuyện tâm sự bàn tròn còn dài lắm. Đủ đề tài, thể điệu. Khổ một nỗi báo của Bảo như người kinh nguyệt trồi sụt không đều, thêm vào cái tánh... sợ đủ mọi thứ. Sợ mất lòng người này. Sợ quên không nhắc đến người kia. Một số báo có tới ba cái bìa khác nhau. Bảo sợ trăm thứ bà dằn, sợ bóng sợ vía... ôi, TQ Bảo, may mà em là đàn ông. Nếu không, em sẽ... chửa hoang dài dài và dài dài! Thôi kiếp sau nếu có, em nên làm đàn bà thì hơn.

  7. #137
    Kẻ Hát Rong
    Phan Lạc Phúc

    Nhạc sĩ Phạm Duy vừa cùng ban nhạc gia đình gồm các con ông Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo và Tuấn Ngọc (con rể) trình diễn trước một cử tọa khá đông ở Sydney chương trình nhạc Phạm Duy "Một đời nhìn lại". Người "tình già trên đầu non", năm nay đã 82 tuổi vẫn còn đủ sức vượt quãng đường xa trên nửa vòng trái đất từ Mỹ tới đây, tâm sự với khán thính giả, giải thích một cách say sưa những đoạn nhạc minh họa Kiều, khi cần còn khoa chân, múa tay rất là điệu nghệ. Về phương diện nghệ thuật, ông hình như không muốn già, không chịu già; ông luôn luôn muốn đứng ở tiền trường sân khấu, ở giữa cuộc đời. Tôi có thưa với nhạc sĩ "anh là một kẻ hát rong muôn thủạ..".

    Tôi được vinh hạnh quen biết nhạc sĩ Phạm Duy từ lâu, từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp 1947 ở Việt Trì, ở Việt Bắc; rồi những ngày "văn nghệ, văn gừng" hơn hai chục năm ở miền Nam. Từ khi tạm dung ở Úc, cũng được gặp anh mấy lần rồi. Lần nào anh sang đây, tôi cũng có một vài kỷ niệm với anh, được ghi lại trong những bài ký sự. Xin được đăng lại vài đoạn ở đây coi như một món quà văn nghệ gửi anh, trước khi anh về lại Mỹ. Trân trọng. PLP (9/2003).


    "Người du ca Phạm Duy"...

    Dạo này năm ngoái (1992) tôi có sang thăm Cali, tới thị trấn Giữa Ðàng thăm anh chị, nhưng chỉ được gặp chị Thái Hằng mà không gặp được anh. Cùng lúc đó anh lại sang thăm Úc. Gặp chị Thái, tôi như sống lại 50 năm về trước, khi vừa mới lớn lên, đi thăm bạn học Phạm Ðình Chương ở khu phố Huế, Bạch Mai. Lúc đó, chị Thái với chiếc kiềng bạc nổi danh, đã là hoa khôi của khu vực này. Thái Thanh dạo ấy còn nhỏ, đang học tiểu học, còn là "cậu Thanh".

    Học trò mới lớn tụi tôi lúc bấy giờ đang đọc say mê Graziella, đang hát Thăng Long Hành Khúc và Buồn Tàn Thu của Văn Cao. Xuống Bạch Mai là phải qua khu vực Ô Cầu Rền, một trong năm cửa ô xưa của Hà Nội nên lại càng cảm khái, "này phường này phố cũ, này đường về ô xưa, lối xưa còn đây người đời sao thờ ơ". Từ Bạch Mai đi thẳng xuống gặp làng Hoàng Mai, Tương Mai... vòng sang tay phải là tới khu Voi Phục, một trong những thắng cảnh của ngoại thành Hà Nội và là chỗ gặp gỡ, hẹn hò lý tưởng của học sinh, sinh viên. Giữa vùng đồng ruộng, cách ô Kim Mã chừng 3,4 cây số đột khởi một vùng cây lá um tùm, có ngôi đền lẩn khuất dưới cây cao bóng cả, có voi đá, ngựa đá phủ phục nằm chầu... Học trò tới đây làm một cuộc hội ngộ với thiên nhiên, mơ những giấc mơ đầu đời lãng mạn.

    Bài hát được ưa chuộng lúc bấy giờ là Buồn Tàn Thu. "Ðêm tàn thu tới, nghe mùa đang rớt, rơi theo lá vàng". Tôi nhớ là trong bài hát, tác giả Văn Cao đã ghi: "Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã reo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn".

    Thưa anh, tôi được biết tên anh đầu tiên là như vậy. Cũng còn một chuyện nữa có liên hệ đến anh. Dạo ấy đầu thập niên 40, học trò trung học tụi tôi được khuyến khích đọc tập truyện Légendes des terres sereines (truyền kỳ về những miền đất tinh khôi) của thạc sĩ Phạm Duy Khiêm. Những câu chuyện hoang đường của đất nước VN nghèo khổ sao lại có thể lung linh, huyền ảo như thế được. Ông thầy Pháp văn của tụi tôi, thầy Nghiêm Toản đã nói về tập truyện trên: "Un language merveilleux dans un style impeccable" (Một ngôn ngữ tuyệt vời trong một văn phong tuyệt diệu). Thời buổi ấy, những tên tuổi lớn trong học giới, niềm tự hào của dân tộc Việt đối với người Pháp là thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn, thạc sĩ Phạm Duy Khiêm, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, thạc sĩ Trần Ðức Thảo.

    Ðặc biệt thạc sĩ Phạm Duy Khiêm, tốt nghiệp trường lớn Normale Supérieure, cùng khóa với tổng thống Pháp Pompidou, cùng trường với những triết gia lớn của nước Pháp và thế kỷ 20 như J.P. Sartre, S. De Beauvoir, R. Aron lại là anh ruột của nhạc sĩ Phạm Duy (Cẩn). Các anh đều xuất thân từ danh gia, vọng tộc; từ phụ của các anh là cụ Phạm Duy Tốn, một trong 4 nhà học giả nổi danh của miền Bắc lúc ấy gọi là Thăng Long tứ hổ: (Phạm) Quỳnh, (Nguyễn Văn) Vĩnh, (Nguyễn Văn) Tố, (Phạm Duy) Tốn. Thập niên 40, thời buổi còn phong kiến nên người ta không hiểu nổi Phạm Duy (Cẩn) với gia phong như vậy (con một học giả, em một thạc sĩ) lại có thể xách một cây đàn, theo một đoàn hát cải lương lang thang từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Theo quan niệm của nhiều người, đi hát như vậy không được coi là một cái nghề đúng đắn. Nhưng anh nhận lấy cái nghề đó như là nghiệp dĩ của mình. Vì vậy Văn Cao mới gọi anh là "kẻ du ca". Bây giờ, người ta tuyên xưng anh là nhạc sĩ, là "phù thủy âm thanh", là "ông thầy của cung bực", anh vẫn chỉ nhận mình là "kẻ du ca" - du ca nghiã đen là "hát rong". Anh nhiều lần đã nói: "Tôi chỉ muốn suốt đời, được làm một kẻ hát rong, đi khắp nơi để ca ngợi tình yêu và cuộc sống"…

    Nhân đây tôi muốn được thưa với anh một vài suy nghĩ liên hệ đến "biệt hiệu" của anh. Tên anh 3 chữ Phạm Duy Cẩn nhưng anh chỉ dùng 2 chữ Phạm Duy. Phải chăng từ một chốn sâu thẳm của tâm hồn, anh muốn chứng tỏ rằng chỉ có anh mới xứng đáng đại diện cho giòng họ. Anh là Phạm Duy (không thôi), cái tên Cẩn cứ theo tháng năm mà héo tàn rơi rụng. Các cụ ngày xưa đặt tên là mang nhiều ý nghiã. Khiêm, Nhượng (anh kế PD), Cẩn đều là những đức tính khiêm cung, cần thiết của Nho gia. Trong gia đình, theo hồi ký của anh, anh là một người con ngang ngược. Anh không sống theo truyền thống, anh muốn làm một cuộc thách thức, thách thức với xã hội, thách thức với gia đình. Anh thuộc diện những con người khác thường, không phải "học nhi thời tập chi" (có học có tập mà nên) mà "sinh nhi tri chi" (sinh ra đã biết), hay là một thứ intuitionist của Bergson (lĩnh hội bằng trực giác). Vì vậy những qui phạm xã hội nhiều lúc không vừa, không khớp với anh. Anh không sống suôi chèo mát mái như một học giả, như một giáo sư mà anh sống đúng như một kẻ hát rong với đủ mặt xấu và tốt của nó.

    Ðã 60 năm trôi qua; bây giờ ít người còn nhớ đến thạc sĩ Phạm Duy Khiêm, mấy ai còn nhớ giáo sư Phạm Duy Nhượng nhưng có đến 3 thế hệ người VN nợ Phạm Duy; nợ một lời ca, một điệu hát vì 60 năm nay Phạm Duy đã thay chúng ta "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi". Chúng ta nợ mà không phải trả vì nhạc Phạm Duy nhuần nhị, thân quen như ca dao, mà ca dao là của chung, của mọi người, của dân tộc; ta cứ việc xài. Xin cảm ơn Phạm Duy...

  8. #138
    Biệt Thự cuocsi's Avatar
    Join Date
    Sep 2016
    Location
    Paris có gì lạ
    Posts
    1,619

    Bạn Khoa đi mô vắng nhà , lâu ngày không gặp tui nhớ ... giọng hát Nam Kỳ cục và những bài viết
    ướt át tình cãm của Bạn rồi rồi nheng bạn .

  9. #139
    Biệt Thự
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,860
    Lang thang trên phố Nhạc và Đời thấy anh Khoa chắc bận công tác ở một nơi nào đó, nên vắng nhà, làm nhớ lại tựa đề tập truyện của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn "Ở một nơi ai cũng quen nhau " Định vào bàn loạn về nhà thơ Quang Dũng, nhà thơ tiểu tư sản một đời lận đận ở miền Bắc, (vì dính tới vụ Nhân văn giai phẩm). Nói tới người thi sĩ tài hoa, đẹp trai, văn võ song toàn, nhiều khi ' cười ra nước mắt ', một lần khi miền Bắc bị phi cơ Mỹ dội bom, ông bị dân quân du kích bắt trói lại, vì nghi ông là giặc lái Mỹ (ông người cao lớn, giống tây phương) Thơ ông được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, như bài Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi Bờ, thơ lính thì rất lãng mạn, như bài Lính Râu Ria:
    " Khuya khoắt bờ sông vắng
    Lửa hồng quán tản cư
    Lính mấy chàng vất vả
    Tìm sống một đêm thơ

    Một anh gọi cà-phê
    Một người kêu thuốc lá
    Một anh nhìn sau trước
    “Chị ơi ly rượu nhỏ”

    Rượu nhỏ một ly thôi
    Đời lính đã kham rồi
    Một ly cho đỏ mặt
    Cho lên hương cuộc đời"
    Trong bài Đôi Bờ
    "Thóang hiện em về trong đáy cốc
    Nói cười như chuyện một đêm mơ
    Xa quá rồi em người mỗi ngả
    Đôi bờ dất nước nhớ thương nhau
    Em đi áo mỏng buông hờn tủi
    Dòng lệ thơ ngây có dạt dào "
    Và bài thơ Không Đề hay Em Mãi là 20 tuổi.

    Em mãi là hai mươi tuổi
    Ta mãi là mùa xanh xưa
    Những cây ổi thơm ngày ấy
    Và vầng hoa ngâu mưa thu
    Tóc anh đã thành mây trắng
    Mắt em dáng thời gian qua
    Ngày nay ngày nay
    Chuyện đẹp qua đi
    Thời gian gấp ruổi
    Còn lại chúng ta
    Em mãi là hai mươi tuổi
    Ta mãi là mùa xanh xưa
    Giữ trọn tình người cho đẹp
    Ơi! Con đường xưa
    Những mùa trút lá
    Cành bàng mồ côi
    Cổng cũ rêu phong
    Ý đợi người
    Ơi! Con đường xưa
    Men vườn ổi thơm
    Em tuổi hai mươi
    Yêu anh hào hiệp
    Bỏ em anh đi
    Đường hai mươi năm
    Dài bao chia ly
    Có những vợ chồng
    Không là trăm năm
    Mà tình thương yêu …
    Sông ơi! Dài sao
    Rộng ơi! Biển cả
    Thôi em nước mắt
    Đừng rơi lã chã
    Em mãi là hai mươi tuổi
    Ta mãi là mùa xanh xưa
    Giữ trọn tình người cho đẹp


    Last edited by Ngoc Han; 09-20-2020 at 10:51 PM.

  10. #140
    Paris By Night 24
    Nguyễn Ngọc Ngạn / Kỷ Niệm Sân Khấu

    Năm sau, 1993, nhân kỷ niệm 10 năm Paris By Night,Thúy Nga tổ chức thâu hình lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, chọn vùng Nam Cali, thủ đô tỵ nạn, để trực tiếp ra mắt khán thính giả đông đảo tại đây.

    Đó là Paris By Night 24 diễn ra tại hí viện Performing Arts Center ở Cerritos.

    Tôi mới vào làm cho Thúy Nga được đúng một năm và do lời đề nghị của tôi, Thúy Nga mời cô Kỳ Duyên đứng chung với tôi trong show này. Trước đó, cô vẫn đang làm MC cho nhiều trung tâm khác như Asia, Hollywood Night và Khánh Hà Video. Những người partner quen thuộc thường đứng bên cô là Công Thành, Nam Lộc và Đức Huy. Riêng tôi thì đây là lần đầu có cơ hội làm việc với cô. Thời gian này, Kỳ Duyên vừa tốt nghiệp trường luật và đang thi BAR để hành nghề luật sư. Cô là điển hình của lớp trẻ ở hải ngoại, vừa đi làm, vừa đi học. Cô mê đọc sách, thích viết văn, viết báo và chụp hình. Đúng ra, cô nên theo nghề phóng viên báo chí hoặc truyền hình mới hợp với khả năng của cô. Nhưng chiều ý mẹ, cô trở thành luật sư dù không tha thiết lắm với nghề này. MC là cái job cô chẳng nghĩ đến bao giờ, nhưng không ngờ lại tạo nên tên tuổi lớn cho cô và mở ra biết bao nhiêu cánh cửa cơ hội cho cô trong 20 năm qua, nhất là từ khi cô về với Thúy Nga trong chương trình thu hình kỷ niệm 10 năm Paris By Night và ở lại cho đến nay.

    Tuy thu hình tại Mỹ, nhưng Thúy Nga đưa nguyên đoàn chuyên viên người Pháp từ Paris qua vì họ đã quen cộng tác với Paris By Night từ trước tới nay. Đây cũng là lần đầu tiên Thúy Nga mướn các vũ công chuyên nghiệp từ Hollywood, qua một agency tại kinh đô điện ảnh. Nhóm vũ công này, khi giới thiệu họ, tôi đặt tên là “Vũ đoàn Paris By Night” và cái tên ấy được dùng luôn từ đó đến nay.

    Hơn 20 chương trình Paris By Night đã thu hình tại Pháp, việc thực hiện tương đối đơn giản vì phim trường Euromédia có sẵn nhiều studio, nhỏ thì chứa khoảng 200 khách, lớn thì khoảng 700 chỗ ngồi. Nói đến studio tức là sân khấu, âm thanh, ánh sáng đã có sẵn, chỉ cần thiết kế thêm cảnh trí theo ý nhà sản xuất là xong.

    Nhưng khi bỏ studio quen thuộc để ra thu hình tại rạp hát thì công việc nhiêu khê gấp bội vì phải mang âm thanh ánh sáng và phông cảnh từ ngoài vào. Huống chi đoàn chuyên viên từ Paris sang không phải ai cũng thông thạo tiếng Anh, ngoại trừ đạo diễn Richard Valverde. Đó là chưa kể đến máy móc hay nói chung là trang bị kỹ thuật cũng nhiều cái khác với bên Pháp mà đoàn chuyên viên phải làm quen.

    Ông Tô Văn Lai chạy ngược chạy xuôi lo vấn đề khách mời. Vé bán thì rất dễ, rất nhanh, nhưng thân hữu của Thúy Nga tại Cali quá đông, mời ai bỏ ai trong show đầu tiên này mới là vấn đề làm ông bận tâm. Cô Tô Ngọc Thủy và Huỳnh Thi thì đầu tắt mặt tối, trăm ngàn công việc vì chưa quen thu hình tại rạp, bận rộn đến nỗi không có thì giờ bàn với tôi về nội dung. Tôi chỉ có cái list bài hát và ca sĩ, rồi tự động chạy lại nhà Kỳ Duyên chuẩn bị phần MC.

    Cô Kỳ Duyên lúc ấy chưa biết tôi là ai và dĩ nhiên không biết khả năng của tôi như thế nào. Nói đúng ra thì cô không quan tâm. Thúy Nga mời thì cô nhận lời, đầu óc thảnh thơi không coi chuyện gì là quan trọng vì cô đã làm MC chung với nhiều người trước tôi. Mẹ cô tinh ý hơn, bảo cô:

    - Con chỉ nên đứng với ông Ngạn mà thôi!

    Mẹ cô nói thế vì bà biết con gái bà tiếng Việt chưa rành lắm, cần học hỏi thêm nhiều. Đứng bên tôi, cô còn có cái lợi lớn là lúc nào cũng thấy mình trẻ trung, bởi tôi già hơn cô quá nhiều! Riêng tôi thì tôi vẫn tin cái duyên của cô trên sân khấu sẽ thu hút khán giả. Tôi cũng tin sự thông minh của cô sẽ giúp cô tiến rất nhanh.

    Nếu giao sân khấu cho một mình tôi, giống như mấy chương trình Paris By Night vừa qua, thì tôi chẳng có gì bận tâm, không phải soạn bài. Nhưng có người partner bên cạnh thì tất nhiên phải bàn thảo để ăn khớp với nhau. Tôi nhớ hôm ở Paris, tôi yêu cầu mời cô Kỳ Duyên thì ông Lai bảo:

    - Một mình em nói được rồi, khán giả thích lắm! Mời thêm người khác làm chi?

    Tôi thành thật trả lời:

    - Người ta có thể thích nghe tôi nói. Nhưng người ta vẫn muốn nhìn một người đàn bà đẹp! Thôi thì anh cứ mời Kỳ Duyên đi. Tai họ nghe tôi. Mắt họ nhìn Kỳ Duyên!

    Ngồi làm việc tại nhà Kỳ Duyên, tôi đọc từng câu để chính cô đánh máy cho dễ nhớ. Thỉnh thoảng cô dừng lại hỏi tôi chữ này đánh vần làm sao, chữ kia phát âm thế nào cho đúng?

    Rất may là chương trình này không nặng nề lắm bởi toàn bộ chỉ có khoảng 20 tiết mục mà đã có 10 tiết mục mời các vị khách, đa số là nhạc sĩ, lên phát biểu và tặng quà lưu niệm cho ca sĩ. Có nghĩa là tôi và cô Kỳ Duyên sẽ “ăn gian” được 10 mục, không cần soạn bài, chỉ việc mời một ông nhạc sĩ lên podium nói vài câu là xong.

    Nhưng cũng chính vì vụ trao tặng lưu niệm mà nảy sinh những rắc rối bất ngờ vào giờ chót, tưởng chừng làm hỏng cả buổi trình diễn đầu tiên của Thúy Nga tại Mỹ! Đầu đuôi như thế này:

    Khi Thúy Nga phát hành Paris By Night 21 chủ đề “40 Năm Âm Nhạc Lam Phương”, thì có gửi kèm theo một tờ phiếu tham khảo ý kiến khán giả, trong đó, Thúy Nga đặt ra nhiều câu hỏi theo từng loại nhạc, chẳng hạn, nhạc quê hương, nhạc thính phòng, nhạc trẻ, nhạc kích động v.v... Rồi hỏi khán giả thích ca sĩ nào nhất của mỗi loại nhạc.

    Việc tham khảo này, một phần Thúy Nga muốn để biết thị hiếu của quần chúng rồi dựa theo đó mà mời ca sĩ cộng tác, nhưng lý do chính là vì lần đầu sang Mỹ kỷ niệm 10 năm Paris By Night, Thúy Nga muốn có thêm vài hình ảnh đẹp và khác lạ trong chương trình, muốn tạo cơ hội để mời một số nhạc sĩ lên sân khấu cho khán giả gặp gỡ, thay vì chỉ để ca sĩ hát từ đầu đến cuối.

    Tổng số phiếu tham khảo khán giả gửi về đếm được hơn 5 ngàn tờ, dĩ nhiên, chỉ tính những bản chính, không nhận bản photocopy. Chẳng hạn tôi photo ra 100 bản để ủng hộ một ca sĩ tôi quen thì làm sao việc bình chọn chính xác được!

    Việc bình chọn diễn ra công khai, kiểm phiếu cũng công khai, nhưng kết quả vẫn làm một số ca sĩ không hài lòng. Lẽ tất nhiên, 5 ngàn khán giả tham gia cuộc tham khảo, không thể coi là phản ảnh hoàn toàn ý kiến của cả triệu đồng bào hải ngoại. Tuy nhiên, như tôi vừa nói, Paris By Night làm chuyện này chỉ để biết qua được thị hiếu của quần chúng, đồng thời cũng để có thêm sinh hoạt nhộn nhịp trên sân khấu nhân kỷ niệm 10 năm hoạt động mà thôi! Nhưng không ngờ đã tốn tiền đặt hàng chục tấm bảng lưu niệm, cẩn thận khắc tên từng bộ môn, tốn tiền mời các nhạc sĩ đến tham dự để trao giải, mà rút cục Thúy Nga tự mua lấy bao nhiêu phiền toái!

    Lúc đầu chỉ là những tiếng xầm xì giữa các nghệ sĩ bàn nhau về kết quả cuộc tham khảo. Dần dần trở thành công khai bày tỏ sự bất bình do những tiếng nói khích động của một vài nghệ sĩ không hài lòng với kết quả kiểm phiếu thăm dò. Đối với Mỹ, chuyện thăm dò (survey) diễn ra hằng ngày, cụ thể nhất là đài CNN. Thăm dò để biết hầu nâng cao hiệu quả công việc. Nhưng với nghệ sĩ chúng ta thì lại coi đó là chuyện quá serious làm tổn thương tự ái của mình!

    Có ca sĩ đang tập dượt trên sân khấu, ngưng ngang không tập nữa. Có ca sĩ dọa bỏ về luôn, không tham gia trình diễn. Điều đặc biệt là, những người phản đối ấy, không ai đả động gì đến kết quả việc bình chọn của khán giả là nguyên nhân chính, mà lái hẳn sang một hướng khác, chĩa mũi dùi thẳng vào Ái Vân, cho rằng show này tổ chức để “vinh danh nữ ca sĩ Ái Vân”! Cho nên, nếu có Ái Vân thì một số người sẽ không hát!

    Lúc ấy, tôi mới vào Paris By Night được đúng một năm, chưa biết chỗ đứng của mình thế nào, lại cũng chưa đủ thân với bất cứ ca sĩ nào để góp ý kiến, cho nên biết thân biết phận, tôi đành chỉ đứng nhìn mà thôi!

    Tuy nhiên, tôi là người hay lý luận, ít khi xử trí bằng cảm tình, nên tôi không đồng ý với cái quan điểm “hễ có Ái Vân thì không hát”, mặc dầu tôi hoàn toàn tôn trọng quyết định riêng tư của bất cứ ai.

    Tại sao tôi không đồng ý?

    Bởi vì cái tên Ái Vân đã được quảng cáo rầm rộ cả mấy tháng nay trên đài báo khắp Cali. Cô sang Mỹ lần đầu giữa lúc cái tên Ái Vân đang ở đỉnh cao nhất trong sự nghiệp ca hát của cô tại hải ngoại, cho nên Thúy Nga cần đem tên cô ra quảng cáo để bán vé. Đâu phải Thúy Nga bí mật giấu Ái Vân một chỗ, rồi giờ chót mới đưa ra!

    Những ca sĩ khác dĩ nhiên phải biết có Ái Vân trong show đó, tại sao vẫn nhận lời trình diễn, rồi chờ phút chót mới tẩy chay!

    Sau này, sinh hoạt lâu năm với nghệ sĩ, tôi vẫn giữ vững quan điểm của tôi: Mình không muốn đứng chung sân khấu với người nào đó, là quyền của mình. Nhưng phải báo trước cho bầu show biết. Đừng để người ta đăng quảng cáo rồi, đến lúc sắp trình diễn mới có phản ứng, làm khó dễ bầu show. Tôi cho đó là thái độ không đứng đắn và không nên vái tổ bởi mình làm hại người khác, đặt bầu show vào hoàn cảnh khó xử, tổ nào hỗ trợ mình!

    Tôi thường nghĩ: Giải quyết những rắc rối của người Việt bao giờ cũng khó khăn bởi người ta ít khi nói thật. Mình phải đoán ý để biết người ta muốn gì!

    Theo tôi, có hai lý do đích thực đã gây nên chuyện lộn xộn ở Cerritos là:

    • Thứ nhất: Một số ca sĩ không đồng ý với kết quả lựa chọn của khán giả qua những tấm phiếu tham khảo.

    • Thứ hai: Hôm ấy, Ái Vân được diễn tới 3 tiết mục trong chương trình. Đó là: Nhạc cảnh Trăng Sáng Vườn Chè với Chí Tài. Song ca Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào với Elvis Phương và Hợp ca bài Ô Mê Ly 6 người, chung với ban nhạc Chí Tài Brothers.

    Đây cũng là một kinh nghiệm cho Thúy Nga, hoặc bất cứ trung tâm băng nhạc nào, không nên để một ca sĩ xuất hiện nhiều mục quá, làm tổn thương những nghệ sĩ khác. Lẽ tất nhiên, các ca sĩ phản đối sẽ không nói thật là vì Ái Vân được biệt đãi, mà sẽ lái sang chuyện chính trị, giống như thói quen ta thường thấy trong cộng đồng, lên án Ái Vân là Việt cộng!

    Không khí căng thẳng cứ leo thang dần. Cuối cùng có hai ca sĩ quyết định bỏ về.

    Đối với một live show không thu hình thì việc vắng mặt một hai ca sĩ không quan trọng. Nhưng với show thu hình thì rất phiền toái, vì mọi sắp xếp bài bản, kỹ thuật, dàn dựng của từng bài đã vào computer, thay đổi rất khó khăn.

    Khoảng 4 giờ chiều, nghĩa là chỉ còn 2 tiếng nữa khán giả bắt đầu vào rạp, thì Ái Vân quá hoảng hốt trước sự lên án của vài người, đã bất ngờ té xỉu trong hậu trường. Nhân viên security của rạp cấp tốc gọi 911 và vài phút sau, xe cứu thương đến ngay. Nếu cứu thương đem Ái Vân đi, có nghĩa là cô sẽ không thể quay lại kịp để diễn show này và như vậy thì chương trình sẽ mất đi 3 tiết mục của cô và những người đồng diễn, chưa kể 2 tiết mục của 2 ca sĩ đã rút lui. Chương trình kỷ niệm 10 năm Paris By Night lần đầu ra mắt khán giả tại Mỹ sẽ trở thành đầu voi đuôi chuột, nghèo nàn hơn những chương trình thường lệ trước đây.

    May quá nhờ có bác sĩ Hồ Tấn Phước vừa tới, đến nói chuyện với ambulance và giữ cô lại, làm cấp cứu tại chỗ cho cô tỉnh dậy.

    Đạo diễn Richard Valverde bỏ phòng làm việc, chạy xuống mời tất cả nghệ sĩ họp khẩn cấp. Đó là lần đầu tiên tôi thấy cô Tô Ngọc Thủy khóc nức nở trước mặt mọi người vì vừa buồn vừa giận. Phần vì tôi mới vào nghề được có một năm, cho nên không dám có ý kiến gì vì thế đứng của tôi chưa vững vàng, mà nghệ sĩ chắc cũng chưa thấy tôi là một người đáng tin cậy! Đạo diễn Richard buồn rầu nói:

    - Marie cùng với đoàn chuyên viên chúng tôi từ Pháp qua đây, đã vất vả bao nhiêu ngày mới dựng lên được buổi trình diễn này cho quí vị. Tại sao quí vị lại gây phiền toái cho chúng tôi và cho chính quí vị! Thì giờ không còn nữa, bây giờ ai muốn hát thì ở lại, ai không muốn hát thì xin cho biết ngay để chúng tôi sắp xếp!

    Quan sát mọi việc diễn ra trước mắt, một lần nữa, tôi lại nhìn thấy rõ sự khác biệt trong cách suy nghĩ giữa thế hệ trẻ và thế hệ của tôi, nghĩa là lớp nghệ sĩ đã thành danh từ trước năm 75. Đại đa số các nghệ sĩ trẻ có mặt hôm đó như Kỳ Duyên, Lưu Bích, Sheyla, Ngọc Huệ, Bảo Hân, Don Hồ, Phi Phi, Ngọc Thúy v.v... đều có lối suy nghĩ giống như người Mỹ: Thúy Nga mời, mình nhận lời thì mình chỉ cần biết đến tiết mục của mình mà thôi. Còn ca sĩ khác có hát một trăm bài, mặc kệ họ. Đó là chuyện của họ! Lừng lẫy như Celine Dion hay Elton John, đôi khi chúng ta thấy được mời làm guest một show vĩ đại, nhưng chỉ hát một bài, có khi chỉ là bài song ca, rồi ra về!

    Đây là điều mà tôi học được ở lớp trẻ, giống như tôi đã nói đến chuyện thù lao - thường gọi là cát-xê ở bên trên. Họ chỉ biết họ mà thôi, không cần biết người khác lãnh lương bao nhiêu! Nếu mình thấy mức lương bầu show trả cho mình chưa xứng đáng với khả năng của mình thì mình đòi thêm, chứ không phải vì thấy người khác lãnh tiền nhiều mà mình bắt chước!

    Lứa tuổi nghệ sĩ lớn hơn, như cá nhân tôi, thì lại có cách suy nghĩ khác, rất Việt Nam, lúc nào cũng để ý đến mặt mũi, đến danh dự. Cho nên thường nảy sinh câu hỏi trong đầu là: Tại sao nó hát nhiều hơn tôi? Bộ nó hay hơn tôi hay sao? Tôi hát lót cho nó hay sao?

    Đó là văn hóa, hay ít ra là thói quen xã hội do cha ông ta để lại, đã ăn sâu vào đầu mỗi người nên tôi chẳng dám trách ai! Lúc nào chúng ta cũng sợ mất mặt, mặc dầu mặt vẫn còn nguyên chứ làm sao mất được!

    Hôm ấy, chuyện xẩy ra quá bất ngờ vào giờ chót, không còn thời gian để bàn luận nữa, Tô Ngọc Thủy và Huỳnh Thi quyết định bỏ hết phần bình chọn của khán giả, không trao plaque lưu niệm cho bất cứ ca sĩ nào, không mời nhạc sĩ nào lên sân khấu nữa!

    Đó mới là vấn đề rắc rối cho tôi và cô Kỳ Duyên. Tưởng ăn gian được 10 tiết mục không phải soạn bài vì chỉ việc mời nhạc sĩ lên sân khấu phát biểu và trao quà lưu niệm. Ai dè phút chót bỏ hết!

    Thêm 10 tiết mục, mỗi tiết mục trung bình phải nói 2 phút mà sắp đến giờ khai mạc rồi, tôi nói cái gì bây giờ! Huống chi, giá chỉ có mình tôi làm MC thì thôi, cứ ra nói đại đi, kể chuyện dông dài câu giờ cũng được! Đằng này, phải gánh thêm cô Kỳ Duyên, thì cần bàn thảo với nhau chứ đâu có thể mạnh ai nấy đi, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược được!

    Tôi chạy vào phòng make-up báo cho cô Kỳ Duyên biết vì cô đang ngồi trên ghế làm tóc. Chỉ còn hơn tiếng đồng hồ nữa. Tôi đứng bên cạnh, dặn cô từng câu, từng bài, bởi phải thêm tới 10 tiết mục. Tôi bảo cô phải ráng nhớ thuộc lòng những điều tôi dặn vì chẳng còn thì giờ để cô viết kịch bản (script) mà học nữa!

    Bản thân tôi không có thì giờ để chuyên viên săn sóc giùm mái tóc. Tôi tự lấy cái lược, nhúng nước, chải đại cho xong rồi ra sân khấu.

    Chương trình mặc dầu thay đổi vào giờ chót, nhưng đã diễn ra rất êm xuôi. Khán giả không hề biết những sóng gió hậu trường, không hề biết tôi và cô Kỳ Duyên đã phải moi óc nghĩ ra bao nhiêu câu chuyện để trám cho đủ 10 tiết mục, vì không thể để trống sân khấu dù chỉ mấy chục giây!

    Hôm nay, ngồi viết lại đoạn hồi ức này, tôi còn nhớ nguyên buổi họp khẩn cấp hôm đó trước giờ khai diễn khi Ái Vân té xỉu, nhớ những dòng lệ của cô Tô Ngọc Thủy và nhất là nét đau buồn ghê gớm trong ánh mắt Huỳnh Thi lần đầu tiên phải đối diện một cảnh ngộ bất ngờ do một số nghệ sĩ gây nên, in hằn một kỷ niệm rất khó quên trong đời!

    Rút kinh nghiệm này, tôi thấy việc bình chọn “ca sĩ được ái mộ nhất” dù là minh bạch và công khai do khán giả bỏ phiếu, cũng chẳng bao giờ nên tổ chức vì rất dễ gây bất hòa. Ngay những buổi thi hoa hậu cũng vẫn thường xẩy ra những khiếu nại, những thư rơi, sau khi công bố kết quả. Cá nhân tôi đã nhận biết bao nhiêu bức thư gửi đến, trong đó phản đối kết quả những cuộc thi hoa hậu không dính dáng gì đến tôi hay Thúy Nga. Họ đều bảo:

    - Để ông Ngạn đọc cho biết!

    Điều đáng chú ý là những lá thư hoặc bài báo khiếu nại ấy thường không do thí sinh dự tuyển, mà do các bà mẹ của thí sinh bị rớt, lên tiếng phản đối giùm con gái! Bà mẹ nào mà chả thấy con mình đẹp nhất trên đời, vì nó giống mình hồi còn trẻ! Nhưng đã đi thi thì phải có đậu, có rớt, chứ chả nhẽ tất cả mọi thí sinh đều là hoa hậu! Nếu không chịu đựng nổi kết quả trái ý mình thì tốt nhất là không nên đi thi!

    Ái Vân lần đầu từ Âu châu sang Mỹ tuy có gặp đôi chút phiền muộn, nhưng hôm ấy cô đã thành công mỹ mãn.

    Riêng cô Kỳ Duyên và tôi, đứng chung sân khấu với nhau lần đầu đã gặp rắc rối ngay như tôi vừa kể. Rất may là mọi chuyện đều êm xuôi và khán giả coi show từ đầu đến cuối, không hề biết những căng thẳng mà chúng tôi vừa trải qua.

 

 

Similar Threads

  1. Ca nhạc sĩ Viêt Dzũng đã qua đời
    By ngocdam66 in forum Chúc mừng/Phân ưu/Cảm tạ
    Replies: 31
    Last Post: 01-22-2014, 09:24 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 10:37 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh