Register
Page 19 of 20 FirstFirst ... 917181920 LastLast
Results 181 to 190 of 191
  1. #181
    "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau"... ai ai trong chúng ta, hầu như cũng biết đến lời nhạc này. Chúng tôi còn nhớ, lần đầu nghe tình khúc Trịnh Công Sơn (TCS), cái cảm giác ấy lạ lắm, thú vị lắm. Sau đó là những bài Nhìn Những Mùa Thu Đi, Lời Buồn Thánh, Tuổi Đá Buồn, Hạ Trắng, Mưa Hồng, Nắng Thủy Tinh... tất cả đều rất mới, rất lạ, rất cuốn hút người nghe. Người ta chờ đón những tình khúc tiếp theo nữa của TCS, và ông đã không làm mọi người thất vọng : Biển Nhớ, Tình Nhớ, Tình Xa, Tình Sầu, Như Cánh Vạc Bay, Ru Ta Ngậm Ngùi... lần lượt theo nhau ra đời, lần lượt được người nghe tán thưởng. Nhạc TCS quyến rũ người nghe đến như vậy. Lời của bài nhạc hay đến mức, ở một đôi bài, nhạc không bắt kịp lời. Gặp phải những bài như thế chúng ta vẫn cứ tiếc, và đôi lúc nghĩ rằng ông ghép nhạc vào lời hơn là ghép lời vào nhạc. Những tác phẩm như Nắng Thủy Tinh, Như Cánh Vạc Bay, Ru Ta Ngậm Ngùi, Yêu Dấu Tan Theo, Nguyệt Ca, Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ... dường như là những bài thơ hơn là những bài nhạc. “Nắng Thủy Tinh” hoặc “Nhìn Những Mùa Thu Đi” chẳng hạn là những bài đẹp cả về lời thơ lẫn ý nhạc. Những nốt nhạc mềm mại rót xuống ở cuối câu “đưa em về nắng vương nhè nhẹ...” nghe sao mà “nhè nhẹ”. Và tiếng hát quấn quýt vào nhau đã luôn luôn là những tiếng hát của một mùa nào lãng mạn, ru chúng ta trong chiếc nôi đời êm ái, nhìn những cụm mây mùa thu bay đi, bay đi.

    Âm nhạc có một năng lực kỳ lạ, nó khiến con người đến gần nhau, nó nói dùm con người những gì không thể nói bằng lời bởi sự hữu hạn của ngôn từ và của những rào cản vô hình. Tình yêu trong nhạc của TCS là những cảm xúc dữ dội như trái phá con tim mù lòa, như nỗi chết cơn đau thật dài, như vết thương mở rộng... Cuộc đời là hư vô chủ nghĩa, con người sống trong cảnh Chúa, Phật tạo ra. Cuộc đời còn là đám đông nhưng cũng là quán không. Con người là cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi... Tất cả nói lên sự muộn phiền, đau đớn... Buồn tủi cho thân phận con người nên nhánh cỏ cũng xót xa, phiến đá cũng ưu phiền, và chỉ còn những mưa và mưa để xoa dịu vết thương mở lớn! “Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động, Làm sao em biết bia đá không đau? Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...”

    Hôm nay là ngày 28 tháng 2, cũng là
    ngày sinh nhật của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Vườn Hoa Việt xin mang lại cho các bạn những tác phẩm của Ông để nhắc lại người nhạc sĩ đã đi giữa cuộc đời thăng trầm giống như mọi người. Ông chỉ hơn nhân loại ở chỗ đã biến nỗi niềm riêng thành âm nhạc, để nói lên kỷ niệm bất biến của tình yêu. Một khi nếm trải đủ mùi vị của cuộc đời, lặng nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ, cũng giống như Trịnh Công Sơn, người ta sẽ hát … "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ..."


    01. Biển Nhớ - MTC (
    00:00)
    02. Diễm Xưa - S Ng (
    06:05)
    03. Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên - anh Đậu (
    10:45)
    04. Hạ Trắng - MTC (
    16:50)
    05. Mưa Hồng - Rosie (
    22:11)
    06. Nắng Thủy Tinh - Alexis (
    25:50)
    07. Quỳnh Hương - OneSunday (
    30:36)
    08. Tình Xa - Vương Vấn (
    34:15)
    09. Tuổi Đá Buồn - Rosie & Khoa (
    39:20)
    10. Xin Cho Tôi - anh Đậu (
    43:49)
    11. Lá Thư Tình của Trịnh Công Sơn (
    50:57
    )


    Last edited by Khoa1221; 02-28-2022 at 04:46 AM.

  2. #182
    "Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình, ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình, biết lời tỏ tình, đã có người nghe ..." một tác phẩm với những ca từ đầy xót xa. Cố nhạc sĩ Lam Phương đã viết tác phẩm này như là một lời tiên tri chính xác cho hoàn cảnh của mình, khi đã lần lượt đi qua 3 cuộc hôn nhân đều có kết thúc buồn. Cũng như nhiều ca khúc nổi tiếng khác của nhạc sĩ Lam Phương, bài Một Mình không mang triết lý gì sâu xa để người nghe phải cảm thấy khó hiểu. Bài được viết bằng một cảm xúc chân thành, và nỗi buồn được hiện hữu rõ nét qua lời nhạc ông đã viết. Tâm tư nhạc sĩ Lam Phương lúc nào cũng cảm thấy lẻ loi, cô đơn, và Một Mình: "Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình, Đường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng, chỉ vì đời mình, chưa có bình minh "...

    Đời là vạn ngày sầu vì người mang tình yêu đến cho ta, nhưng rồi cũng chính tay người đang tâm rũ bỏ để ta ở lại cùng với những ngày dài cô đơn cùng ly rượu đắng, không bạn bè thân, buồn vì những tháng ngày khổ lụy dần trôi qua . Chỉ có người yêu nhạc là “may mắn”, vì họ được nghe tâm sự cùng niềm thổn thức của cõi lòng cố nhạc sĩ qua những tình khúc ngập tràn nước mắt, thương đau và tủi hận! Khổ một nỗi là càng buồn thì Lam Phương viết càng hay, mà càng đau thì bài ca nghe càng thấm.

    Nhìn lại hình ảnh nhạc sĩ từ lúc trưởng thành, hay trước đó, từ thời niên thiếu, Lam Phương đã như một con tằm, bắt đầu nhả tơ cho số phận, cho cuộc đời, cho tình yêu và cho âm nhạc. Tác phẩm Một Mình, sẽ được Rosie mang đến các bạn.


  3. #183
    Chúa Nhật đến và đi ở tiểu bang miền đông Hoa Kỳ. Tôi vặn lên youtube... Một sáng nào nhớ không em?... Ngày Chủ Nhật ngày của riêng mình... Quỳ bên nhau trong góc giáo đường, Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương, Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau ...

    Tôi chợt nhớ ngày xưa ở Châu Đốc. Ông cậu, dân Hải Quân, đuợc phép nghĩ vài ngày về thăm. Lúc đó tuy còn nhỏ lắm, nhưng biết bon chen, nên cùng cậu đi chơi. Ngoài vỉa hè, trong ngõ hẻm, đài phát thanh, đều nghe "Thành Phố Buồn", một trong những tác phẫm nỗi tiếng của nhạc sĩ Lam Phuơng. Cùng cậu đi tiệm sách để mua sách nhạc tác phẫm này để cậu tặng cho cô bạn gái. Nguời mà cậu luôn nhắc tới và hình như hai gia đình cũng đã dạm ngõ. Vì tuổi lúc đó, tuy biết thích con gái, nhưng vẫn chưa đủ lớn để suy nghĩ sâu sắc về tình yêu, nên chẵng hiểu Thành Phố Buồn, nó buồn như thế nào? và buồn gì mà buỗn dữ vậy trời. Khi nghe Chế Linh hát, tiếng hát nức nỡ. Thành phố có hoang vắng, có quạnh hiu, có lạnh lẽo đến độ ai cũng muốn đưa mình vào lời nhạc của bài hát, thế là sao? Đến nhà cô bạn gái của cậu, tôi lanh lẹ nói : " ậu để con đưa cho cô", Cậu ngồi trên xe gắng máy, cuời và đưa bài. Gặp cô truớc cửa nhà, tôi đưa và nói "Dạ, Cậu con tặng cô bài nhạc này", Cô nhìn ra huớng Cậu, vẫy tay và mĩm cuời.

    Đúng một năm sau, Cậu bị tử trận. Khi gặp lại cô ở ngoài chợ Châu đốc truớc khi rời nuớc vuợt biên, tôi hỏi : "cô còn nhớ con là ai không?" Cô nhìn thật phúc hậu và mĩm cuời trả lời : "Cô đâu quên được, con mang cho cô bài Thành Phố Buồn mà" và nuớc mắt cô từ từ rơi xuống. Rồi cô nói thêm "Con biết không, mỗi lần cô nghe bài đó, cô nhớ cậu của con nhiều" . Tôi chỉ biết an ủi : "Con biết cậu ở trên trời, cũng nhớ cô lắm "

    Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em. Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn... Con xin hát bài này để kính tặng Cậu, Cô và cuộc tình kỷ niệm của hai người. Tác phẩm Thành Phố Buồn sẽ được Khoa trình bày.



  4. #184
    Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những tên tuổi lớn nhất của nền nhạc Việt nói chung, và của dòng nhạc vàng nói riêng. Với số lượng bài hát nổi tiếng rất đồ sộ, được sáng tác trải dài qua nhiều thập niên, từ thập niên 1950 ở Sài Gòn, cho đến thập niên 1980, 1990 tại Pháp và Mỹ. Hiếm có một nhạc sĩ nào sáng tác bền bỉ và có số lượng ca khúc được công chúng nhớ đến nhiều như vậy.

    Những năm trước 1975, người dân miền nam Việt Nam, hầu như ai cũng đã từng nghe và biết tiếng cố nhạc sĩ Lam Phương. Sinh 20 tháng 3 năm 1937, cố nhạc sĩ viết nhạc từ rất sớm, năm 15 tuổi đã khởi đầu, nên sự nghiệp âm nhạc của ông để lại khá nhiều. Trên 200 tác phẩm đa dạng, đủ thể loại, đủ sắc thái. Dường như ông có cảm hứng với tất cả những gì xảy ra quanh mình. Từ cuộc sống dân dã của thôn quê cho tới đời binh nghiệp của người lính chiến. Từ phút thăng trầm cơ cực của kiếp nghèo cho đến những giây phút hoan ca, hạnh phúc của tình yêu đôi lứa. Tiếng khóc của trẻ thơ, lời ru của đại dương vỗ về tình mẹ, cho đến giọt nước mắt lấm tấm bịn rịn hay đầm đìa chất ngất thương đau, trong kết thúc của một chuyện tình. Tất cả đều được các nốt nhạc mẫn cảm của ông ghi lại. Có một ai đó nói, dân tộc Việt nam là một dân tộc lãng mạn. Cứ đọc ca dao, nghe dân ca, hò lơ, hò huế, ru con, chèo cổ hay sáu câu vọng cổ, để hiểu tại sao chúng ta ít có anh hùng ca mà chỉ có tình ca. Lam Phương cũng không ngoại lệ khi phần lớn các ca khúc của ông là những bản tình ca.

    Lam Phương, vốn có chút duyên với câu hò, vọng cổ, nên điệu buồn của nhạc ông lên men sầu da diết hơn là hơi hướm của các tiết điệu vui tươi, nhộn nhịp. Ông đã chinh phục được một số rất đông người mến mộ. Nhạc ông dễ nghe, dễ hát. Ca từ giản dị, không kiểu cách, dễ hiểu, chân phương, có nhiều khi mộc mạc. Người nghe và hát, cảm được tiếng lòng của họ thổn thức, nhất là khi họ bị rơi vào hoàn cảnh trùng hợp với bài hát, thế là trái tim của họ lập tức bị đốn ngã. Hầu hết các ca từ, chữ dùng, chuyện kể, trong hơn 200 bản nhạc của ông phần lớn đều diễn đạt những cách ngăn, hoài niệm tiếc nuối kỷ niệm xưa của tình yêu đôi lứa, những buổi từ ly, sân ga, bến đò, vẫy biệt, khăn tay và nước mắt. Dường như sự chia cách đã thấm vào máu ông, lập đi lập lại trong tiềm thức như những nốt lặng, dừng lại, trùng điệp, rồi ngân vang, rất xa cho tới cuối cuộc đời, để tất cả chỉ còn là một khoảng trống tận cùng.

    Lúc nhỏ tuổi, ông đã biết thế nào là khói lửa chiến tranh và phải đi chạy loạn từ thôn này qua làng nọ. 10 tuổi đã phải xa gia đình lên tỉnh ở trọ, 16 tuổi đã biết yêu và đã biết cầu mong “một mái tranh yêu, một mối tình chung thủy không hề phai”. Năm 17 tuổi, ông đã thấm được nỗi đau của kẻ ly hương khi những người cùng dòng máu phải di cư từ Bắc vào Nam lánh nạn Cộng Sản, và cũng vì thế mà trong kho tàng âm nhạc VN của chúng ta mới có các nhạc phẩm như “Chuyến Đò Vĩ Tuyến”, “Kiếp Tha Hương”, “Tình Cố Đô” hoặc “Tiễn Người Đi” v..v…

    Lớn lên trong thời chinh chiến, ông đã làm tròn bổn phận của một người trai thời loạn, nếu không muốn nói rằng người nhạc sĩ còn đóng góp nhiều lần hơn thế nữa qua gần 50 nhạc phẩm ngợi ca đời lính như “Chiều Hành Quân”, “Đêm Dài Chiến Tuyến”, “Bức Tâm Thư”, hay “Tình Anh Lính Chiến” v..v… Còn với quê hương, đất nước, Lam Phương là một nhạc sĩ rất nặng lòng ; ông đã mơ ngày trở về ngay từ khi vừa bước xuống tàu để ra đi: “tàu mang ta đi, tàu sẽ đón ta hồi hương”!

    Để kỷ niệm ngày sinh nhật 20 tháng 3 của cố nhạc sĩ Lam Phương, thân mời các bạn đón nghe một số tác phẩm của người nhạc sĩ tài danh này, qua sự trình bày của các bạn trong Vườn Hoa Việt.

    01. Đèn Khuya (1960) - Rosie (00:00)
    02. Cỏ Úa - Ninh Vân (04:08)
    03. Biển Tình (1966) - Rosie & Vương Vấn (09:29)
    04. Tình Bơ Vơ (1969) - anh Đậu (14:36)
    05. Trăm Nhớ Ngàn Thương (1970) - Rosie & Khoa (20:03)
    06. Thành Phố Buồn (1970) - Khoa (25:25)
    07. Mùa Thu Yêu Đương (1980) - Rosie & Vương Vấn (30:22)
    08. Một Mình (1989) - Rosie (34:40)



  5. #185


    MÊ NHẠC “SẾN"




    “Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu…”
    (Thu Sầu - Lam Phương)


    Hồi nhỏ tôi mơ làm… kép cải lương. Ước mơ “khủng” này không xuất phát từ giọng ca đầy “tiềm năng” của tôi mà đơn giản vì… tiền. Một thằng nhóc 8 - 9 tuổi mơ số tiền lớn cỡ cát xê danh ca Út Trà Ôn thì hơi không bình thường. Nhưng đó là nguyên nhân gần, chứ nguyên nhân sâu xa là tôi bị nhiễm cái máu giang hồ lục tỉnh.

    Coi cải lương thì tôi có cơ hội đi “ăn theo” mấy bà chị, nhưng xem xinê, dù xoay sở cách mấy tôi cũng đành phải coi… cọp. Tôi thường lê la ở rạp Văn Cầm gần cầu Kiệu, thấy anh chị nào quởn quởn là lẩn theo như em út vào xem ké. Giao du với đám nhóc gần đó, tôi cũng biết thêm vài mánh xem cọp, chẳng hạn chỉ cần mua một vé, một thằng vào trước, rồi lẩn ra góc rạp đưa vé đã xé cho thằng khác, có sẵn cái cùi vé vất đi, dán sơ sịa vào, rồi tỉnh bơ chìa cho ông soát vé vào rạp, rồi lại tiếp tục tuồn vé cho thằng sau…

    Trót lọt vài lần, tôi về xóm, họp bè bạn, hãnh diện tuyên bố trưa chủ nhật này sẽ dẫn chúng đi xem phim Ben Hur với chiếc vé… thần. Cả bọn hào hứng, bàn tán, và ngưỡng mộ. Buồn thay! Một thằng em với điệu bộ lúng túng của kẻ phạm tội lần đầu đã làm hỏng chuyện, không qua mặt nổi ông soát vé ngờ nghệch nhất. Thế là cả lũ bị điểm mặt từng tên, thất bại ê chề…

    Trưa chủ nhật nằm chèo queo trên căn gác gỗ, gặm nhấm nỗi hờn quê độ với bè bạn, ê ẩm cả người. Tôi vớ đại tờ báo Kịch Trường của bà chị, đọc qua loa để xua đi nỗi buồn. Mắt tôi chợt sáng lên khi đọc thấy tin Út Trà Ôn vừa ký công-tra ba bốn chục vạn gì đó với một gánh hát. Trời đất! Vé xi nê chỉ có 3 đồng, và như điện xẹt, tôi ư ử vài câu vọng cổ, rồi bỗng mơ mộng mình thành kép hát cải lương mà không cần biết hò xự xang xê cống ra sao, cũng chẳng cần biết giọng ca mình là cái thá gì. Có tiền, tôi sẽ bao cả bọn đi xem xi nê, không chỉ một lần mà nhiều lần, bao cả bè bạn bà con của chúng luôn, sẽ mua đậu phộng da cá mang vào rạp ăn vặt, mua cả hạt é, xi rô đá nhận để giải khát, … Cứ thế và cứ thế tôi chìm vào giấc ngủ trưa với giấc mơ hào hiệp.

    Cải lương dính dáng với tuổi thơ tôi như vậy đó, chẳng yêu chẳng ghét. ​Nó như một chiếc cầu nối để tôi mơ mộng nhiều thứ.

    Năm tháng trôi qua, ở cái tuổi xem xi nê không buồn vỗ tay nữa, tôi xoay qua nghe nhạc lãng mạn. Thời sinh viên ai chẳng uống cà phê nghe nhạc, mà nghe nhạc gì mới được. Phải là nhạc cổ điển, nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình, lời lẽ ẩn dụ, êm ái như thơ, … Cái gout nhạc ngon lành này đã vô tình (?) vạch ra một ranh giới mù mờ giữa cái gọi là nhạc “hàn lâm”, và phía kia là nhạc “sến”. Một đàng là của giới có học, thưởng thức điệu nghệ. Đàng kia của giới bình dân, lời lẽ giản dị, phơi bày, âm điệu dễ nghe, dễ hát, thường là điệu Boléro, Rumba, Habanera, …

    Chữ “sến” hàm ý chê bai diễu cợt một hình thức bày tỏ nào đó: “Thằng này ăn mặc “sến” quá!”, và người ta cũng có thể nói: “Thằng này ăn mặc “cải lương” quá !”. Theo cách hiểu đời thường, chữ “sến” đồng nghĩa với “cải lương”.

    Đụng tới “cải lương” là tôi thấy… phiền, dù sao đó cũng là ký ức của một thời hào hiệp. Nhạc sến và cải lương có quan hệ mật thiết, chẳng phải người ta nói là tân cổ giao duyên đấy sao! Tôi không yêu cũng không ghét cải lương hay nhạc sến. Nói đúng ra, hồi đó tôi mơ hồ thấy nhạc sến cũng không tệ, chỉ có điều không dám nói ra điều đó với ai.

    Những năm sau 75 lắm chuyện đổi đời. Một buổi khuya lạng quạng về nhà trong cơn say, tôi chợt nghe văng vẳng, giọng hát của ai đó:

    “… Có người con gái buông tóc thề,
    Thu về e ấp chuyện vu quy…”.

    Bài hát đúng là sến, giọng hát cũng sến, nhưng đã làm tôi ngẩn người như vừa khám phá ra điều gì đó. Cái âm u kinh viện của đống sách triết học, chỉ muốn vói tay lên cõi trên, khiến tôi thờ ơ với chút tâm tư giản dị và hết sức đời thường của một thiếu nữ. Chợt nhớ đến đám bạn hồi đó bỗng nhiên ào ào lấy vợ lấy chồng để gọi là «thích nghi với tình thế», hay chờ ngày ra đi. Con hẻm nhỏ ngoằn nghèo còn đọng những vũng nước mưa. Như vừa thấm thía ra điều gì đó, tôi dừng chân dựa tường nghe đến hết bản nhạc: «… Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ, nỗi niềm đầy lại vơi, mỗi mùa tiễn đưa một người…».




    (Nỗi Buồn Gác Trọ – Mạnh Phát & Hoài Linh).


    "Nỗi Buồn Gác Trọ» làm tôi liên tưởng đến một bản nhạc khác (không nhớ tựa đề), lõm bõm vài câu thế này: «… Em biết thân em phận gái nghèo hèn, mà lỡ yêu thương ai rồi, cầm bằng như áng mây trôi… ». Chuyện tình tan vỡ vì thân phận giàu nghèo, giai cấp có đầy ở trong cuộc sống này, và nỗi đau được bày tỏ qua tiếng nhạc bằng ngôn ngữ đời thường dù hơi thiếu chất thơ một chút, thì liệu có nên lãnh đạm chỉ vì nó là nhạc sến?

    Nhạc Việt nhiều khi nghe hay là do ca từ. Ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn cứ ngắt câu chấm xuống hàng là thành bài thơ. Nhạc Việt có chất thơ, có vần có điệu, có lẽ do ảnh hưởng ca dao hay hát ả đào chăng? Vần điệu của ca từ có thể đưa đến ý, đến nhạc, để rồi vần điệu đẻ ra nỗi lòng, chứ chưa chắc nỗi lòng đẻ ra vần điệu. Sự trộn lẫn này khó bóc tách. Nếu nghe nhạc không lời, mà trước đó chưa hề biết lời của bản nhạc, thì nhạc Việt nghe hơi… khó một chút. Nhạc và lời cấu thành bản nhạc khó tách rời.

    Nhạc Tây hình như thiên về nhạc hơn lời, và không phải bản nhạc nào của Tây cũng có ca từ hay như bài Sacrifice của Elton John (lời B. Taupin) hay bản Papa của Paul Anka. Ca từ của nhạc Beatles hay Abba nếu dịch ra tiếng Việt thì nghe chán phèo, nhưng âm điệu của nó lại nghe rất hấp dẫn, chả thế mà nó được cả triệu triệu người trên thế giới ưa chuộng, hẳn là vì nhạc chứ không phải vì lời.

    Ca từ trong nhạc sến mộc mạc, giản dị, cũng trời trăng mây nước, nhưng không nhiều ẩn dụ, nghe là hiểu, khỏi cần suy đoán. Và trong tình huống cụ thể nào đó, những lời lẽ đơn sơ đó ngấm ngay vào tâm hồn người nghe, mà khỏi cần tưởng tượng hay suy diễn thêm cho phiền phức.

    Tôi được mời đi dự đám cưới. Chú rể là Việt Kiều, lúc đó trạc ngoài 40, không biết đã qua đò lần nào chưa, không tiện hỏi. Tôi bên nhà gái, nên vào bàn tiệc kính nhi viễn chi, ăn uống từ tốn, nói năng từ tốn cho phải phép. Tiệc cưới thì ồn ào, tưng bừng, hát hò,… khỏi nói. Cô dâu chú rể lăng xăng bàn này bàn nọ. Gần cuối bữa tiệc, những người ở bàn bên cạnh, chắc đều là bạn chú rể, đứng lên, nâng ly và hát, cả cô dâu chú rể cũng hát, không đàn không trống, họ hát theo nhịp cái muỗng gõ vào ly:

    «…Một mai qua cơn​ ​mê,
    xa cuộc đời bềnh bồng tôi lại về bên em… ».

    Họ hát đồng ca, nhớ gì hát nấy, nương lời nhau mà hát. Tôi có cảm tưởng như một người trong cặp uyên ương này, hoặc cả hai, vừa vượt qua sóng gió nào đó để đi đến ngày hôm nay. Bỗng nhiên tôi thấy hào hứng buột miệng hát theo:

    «…Tình người sau cơn mê vẫn xanh,
    dù bao tháng năm đau thương dập vùi…».

    Còn nữa ....

  6. #186


    Mê Nhạc Sến...



    Một kiểu cách chúc mừng đám cưới ý nghĩa quá! Lời ca giản dị, không công thức, không sáo ngữ, không một ban nhạc «hoành tráng» nào, và không một siêu ca sĩ nào theo kịp…


    Ngôn ngữ điêu luyện nhiều khi che đậy một cái gì đó không thực, không chừng gọi đó là «sến trí tuệ» cũng được.

    Thú nhận mình mê nhạc sến chẳng phải là chuyện dễ dàng. Cái sĩ diện (hão) của thằng tự cho mình là trí thức coi vậy chứ bự lắm. Có lần ngồi nhâm nhi cà phê với một bậc đàn anh, thuộc loại tài hoa, trí dũng song toàn, tôi buột miệng : «'Khi Người Yêu Tôi Khóc' của Trần Thiện Thanh nghe cũng không đến nỗi…». Ông huynh trưởng phán lạnh tanh: «Tớ không hiểu vì sao Sĩ Phú lại hát bản này». ​ ​Tôi… tịt ngòi. Miếng trầu đưa ra chưa kịp quết vôi, không có duyên để chia sẻ đề tài này. Câu chuyện cũng hơn 30 năm trôi qua rồi…

    Những năm sau này đi hát karaoke với bè bạn, tôi thường chọn nhạc sến. Bọn chúng dĩ nhiên chẳng bỏ qua cơ hội để xiên sỏ tôi. Tôi cũng… ngượng, mặc dù đã cố giải thích (để chữa thẹn) rằng, chẳng hạn «… Nếu vì tình yêu, Lan có tội gì đâu, sao vướng vào sầu đau…» là câu hay nhất của bài hát Chuyện Tình ​Lan Và Điệp.

    Thời gian làm tôi chai mặt, lì đòn hơn để khẳng định rằng mình thích nhạc sến, và cũng thời gian, khoảng hơn chục năm sau, tôi thấy bạn bè tôi, những kẻ từng «mỉa mai» tôi về nhạc sến, mỗi lần đi hát karaoke chúng lại chọn nhạc sến. Càng xỉn càng hát nhạc sến, hát không giấu diếm, hát say mê, hát như thể chỉ còn cá nhân chúng nó trên đời này. Hình như khi xỉn người ta quên mất mình đang mặc áo vest đeo cà vạt.

    Tôi chưa hề ngộ ra rằng nhạc sến hay. Đối với tôi, cải lương hay nhạc sến là cả một khoảng trời ký ức không thể chối bỏ, đã nằm sẵn đâu đó trong tiềm thức rồi, khỏi cần phải ngộ hay chưa ngộ. Nhạc hiệu của chương trình tuyển lựa ca sĩ mỗi sáng Chủ Nhật tại rạp Quốc Thanh: «Trời hôm nay thanh thanh, gió đưa cành mơn man tà áo… », đã lâu lắm rồi không nghe, mà sao vẫn nhớ, nhớ cả lúc đó mặc quần xà lỏn, cầm khúc bánh mì, vừa gặm, vừa nghe radio, vừa hát theo cơ mà… Thế thì việc gì phải úp úp mở mở, nửa phủ nhận, nửa thừa nhận. Đó là hành trình vượt qua nỗi… «sợ hãi », nói thẳng ra là vượt qua cái hèn, cái thể diện dỏm của một thằng trí thức dỏm. Không dám trung thực với chính mình không gọi là dỏm thì gọi là gì? Vấn đề là thời gian, sớm hay muộn công khai thừa nhận giá trị vốn có của nhạc sến. Như thế tôi vẫn còn thua xa những người thích nhạc sến từ thưở đầu đời cho đến hết… đời.

    Tình huống dưới đây là giọt nước tràn ly khiến tôi nhảy vọt qua nỗi «sợ hãi».

    Cách nay đã lâu, tôi đi dự đám tang của người thân. Đội kèn Tây được mời đến để thổi nhạc vào lúc di quan đã chơi bài Trở Về Cát Bụi của Lê Dinh. Bản này tôi đã nghe sơ sịa ở đâu đó rồi. Hôm đó ban nhạc đang chơi bỗng nhiên dừng thổi và cả chục tay nhạc công bỗng cất tiếng hát:


    «… Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó.
    Trời đã ban cho, ta cám ơn Trời dù sống thương đau
    Mai kia chết rồi, trở về cát bụi giàu khó như nhau
    Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao…»


    Giọng hát ồm ồm của mấy ông thổi kèn nghe như tiếng loa trầm rách màng, vậy mà tôi nghe như mới, nghe như nuốt từng lời, tưởng như người quá cố đang tâm tình với mình trước giờ vĩnh biệt:

    «… Người ơi xin nhớ cát bụi là ta, mai này chóng phai…».

    Trịnh Công Sơn cũng có bản nhạc Cát Bụi với lời lẽ hoa mỹ đầy tính triết học hơn nhiều, nhưng tôi phải thu hết can đảm để thú nhận rằng, bài Trở Về Cát Bụi của Lê Dinh đã thấm vào người tôi nhiều hơn. Bây giờ nghe lại, vẫn thấy phê, vẫn thấy gần gũi trong từng cách ứng xử của đời người.

    Người thích nhạc sến cũng nhiều, người xem thường nó cũng không ít, dù ngấm ngầm không nói thẳng ra.

    Nhưng cho dù thế nào, có một đề tài không ai dám cà khịa xem thường, đó là những bản nhạc nói về mẹ. Mấy bà mẹ đơn giản như dòng sữa, là lời ru, bóng mát, là vườn rau, trái dừa,… Nói triết lý cao siêu quá mấy bà mẹ không hiểu, mà có hiểu cũng không thấy thoải mái, vì lòng mẹ đầy bản năng, đơn sơ như con gà mẹ xù cánh cho lũ gà con ẩn nấp trước diều hâu. Bài Lòng Mẹ của Y Vân, vì vậy vẫn được xem là bản nhạc về mẹ kinh điển được mọi người ưa thích, kể cả những… bà mẹ cũng thích bài đó, chứ chưa hẳn đã là Huyền Thoại Mẹ hay Ca Dao Mẹ của TCS.

    Hãy nghe một anh chàng xa nhà, Tết không về quê được, nhớ mẹ thế này:


    «… Giờ đây chắc mẹ già tóc bạc nhiều
    Sớm chiều vườn rau vườn cà,
    Mẹ biết nhờ cậy vào tay ai? … »
    (Mùa Xuân Của Mẹ - Trịnh Lâm Ngân)


    Nghe cái giọng rên rỉ là biết thằng con này… dóc tổ. Y mà có về được, ôm bà già một cái, trình diễn cái màn quét nhà, rồi thì mắt trước mắt sau lẻn đi chè chén với chúng bạn. Y mà có bạn gái nữa thì coi như xong… Biền biệt ! Mà bà mẹ cần gì điều đó, thấy thằng con về là mừng quýnh lên, rờ tay rờ chân nó, thấy còn lành lặn đầy đủ là thiếu điều vái Trời vái Phật rồi, trông mong gì thằng con rớ tới vườn rau vườn cà… Không về được thì thằng con hứa hẹn tiếp:

    «… Dẫu gì rồi con cũng về
    Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi…»


    Tâm sự của thằng con nghe thật sến, thật não lòng, mà sao như tìm thấy tâm trạng của chính mình trong đó…

    Mẹ tôi mất. Năm ngoái là cái Tết đầu tiên không có bà. Căn nhà ở Sàigòn quá nhiều ký ức quen thuộc làm tôi… ngại. Giao phó hết việc nhà, tôi chuồn lên nhà Đà Lạt một mình. Tết nhất khỏi đi thăm khách và cũng khỏi tiếp khách, nằm nhà đọc sách cho khỏe.

    Tối giao thừa, một đĩa trái cây, vài cành hoa ngắt dưới vườn, thắp nén nhang trên bàn thờ mẹ… Thế là đủ.

    Tôi mở nhạc, nhâm nhi ly rượu vang đón giao thừa. Cũng chỉ là những bản nhạc xưa thôi, có bản nghe quen, có bản lâu lắm rồi mới nghe lại, và đến bản Đường Xưa Lối Cũ:

    «… Đường xưa lối cũ,
    có tiếng tiêu,
    tiếng tiêu ru lòng ai…».


    Bà ca sĩ Kim Anh này cũng lạ, càng già giọng hát càng ấm, càng buồn… Bài hát này của Hoàng Thi Thơ có đoạn:


    «…Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng,
    Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về,
    Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời
    Không lời từ ly cuối cùng trước khi phân kỳ…»


    Ở đoạn chuyển khúc kế tiếp:

    «… Chạnh lòng thương nhớ, những phút xưa,… »


    Hai chữ "chạnh lòng..." bỗng dưng chùng xuống, thả ra thật nhẹ, nhẹ như hơi thở… đã làm «người hùng» ngã ngựa: nước mắt rơi đêm giao thừa.

    Ca sĩ Hương Lan, trong một cuộc phỏng vấn về nhạc sến đã bực bội : «…Cũng như từ “cải lương” vậy, đó là một loại hình nghệ thuật, sao mọi người có thể tùy tiện sử dụng mỗi khi muốn chê cái gì đó (sao sến quá, sao cải lương quá).​ ​Tôi xem đó là sự chọc ghẹo, coi thường và nhục mạ rất tệ hại, nếu không nói là vô văn hóa… ».

    Bà Hương Lan à, xin đừng nóng… Nhạc sến hay cải lương hiểu theo nghĩa tốt đẹp thì nó vẫn tốt đẹp. Nhạc sến cũng như nhạc «hàn lâm», có bài hay, có bài không hay, tùy theo cảm nhận của mỗi người.

    Nhạc sến là vậy đó, nhưng ca sĩ sến thì lại khác. Ca sĩ sến cho dù có hát nhạc «hàn lâm» thì vẫn là… sến (thứ thiệt), khi mà giọng hát phải cố gào thét cho khàn ra. Cung cách giả tạo như thế không thể bày tỏ cho nỗi lòng thực. Tương tự, Dạ Cổ Hoài Lang mà được hát với giọng opéra thì chắc trời… sập. Chưa ai qua nổi Hương Lan với giọng hát da diết ở bản nhạc này cả.

    Dạo gần đây một số bậc thức giả đã đánh giá nhạc sến một cách tích cực hơn, ra cái điều thông cảm với quần chúng đám đông, nhưng vẫn chỉ là cái nhìn từ trên xuống. Xin lỗi! Nhạc sến có giá trị riêng của nó, mà không cần đến bất kỳ một chiếu cố nào cả. Âm nhạc cần có sự đồng cảm, từ người sáng tác, người chơi nhạc, người hát và người nghe. Một khi bắt nhịp được với lời ca tiếng nhạc của nhau, thì sự chia sẻ có thể bắt đầu.

    Âm nhạc là món ăn tinh thần, vấn đề là có hợp khẩu vị hay không mà thôi. Gà tây nhúng sữa, kẹp phô mai đút lò chắc gì đã bắt mồi hơn cá lóc nướng trui?

    Vũ Thế Thành

  7. #187


    Khi Paris nhìn tôi qua một nụ cười nhắn nhủ , tôi có cảm giác nụ cười mềm như nắng của cuộc chia ly trong một buổi sáng mai khi suơng mù phủ thành phố . Tôi biết có những đôi mắt nhìn theo nhưng tôi không dám hỏi : tại sao mắt em buồn, tại sao má em đỏ , và tại sao môi em ngoan . Và cả tôi cũng vẫn nghẹn ngào, bối rối , mỗi khi nghe Paris hỏi tôi : tại sao anh đi , tại sao anh không ở lai...

    Tháp Eiffel trong những đêm dài của mùa thu vẫn kiễng mình trong sương khuya, nhìn bốn phía chân trời . Và đôi mắt tôi ,vẫn tìm đến trong một lời hứa hẹn nào đó của ngày xưa . Một ngày trong tuơng lai , tôi sẽ gởi lời một lời trong những chiều giá buốt, những chiều mưa mây xám nặng trên vai : Cho dù cách nào thì cũng sẽ xa nhau . Mình cũng sẽ xa nhau .

    Mai Tôi Đi, thơ của Nguyên Sa, nhạc của Anh Bằng sẽ đuợc mang đến các bạn qua tiếng hát Khoa1221
    .





  8. #188
    Tình Lỡ

    Tình Lỡ , một tác phẩm buồn sâu thẩm của nhạc sĩ Thanh Bình , đã đuợc sáng tác vào năm 1956. Tuy nhiên không nhiều người biết rằng ca khúc này đã viết về mối tình sâu sắc của chính nhạc sĩ Thanh Bình từ nhiều năm trước đó. Tác giả kể về hoàn cảnh sáng tác như sau: “Ca khúc này tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 24 tuổi và rất thiết tha với người này.

    Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào Nam, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào. Tôi vào Nam, ít lâu sau hay tin bố mẹ nàng ép lấy chồng. Tôi buồn lắm, khoảng một tháng sau tôi viết được bài Tình Lỡ (1956)…”.


    Câu hát “ ... Nghe vàng mùa thu sau lưng ta , Em ơi, em ơi ! Thu thiết tha ... ” tô đậm thêm nỗi nhớ về cuộc tình sâu nặng nơi xứ Bắc, nơi có những mùa thu vàng vọt càng thêm da diết, trầm sâu. Những câu hát này thể hiện cái buồn thật sâu, nỗi tuyệt vọng đến tận cùng. Vầng trăng đã vỡ đôi và lại không còn theo nhau nữa, đó là hai lần khẳng định cho một tình yêu đã hoàn toàn không còn chút hy vọng nào.

    Trong nhạc ca khúc Tình Lỡ phát hành năm 1969, nhạc sĩ Thanh Bình đã cho in 8 câu thơ do chính ông viết:


    Thôi thế từ nay cách biệt rồi
    Đường đôi lứa rẽ đôi nơi
    Từ đây vĩnh viễn xa nhau mãi
    Vĩnh viễn xa nhau đến trọn đời

    Em có khi nào nhớ đến anh
    Chỉ xin một phút lặng sau mành
    Anh từ đây sẽ không yêu nữa
    Để giữ trong anh một bóng hình

    Thân mời các bạn thuởng thức tiếng hát của Bee với Tình Lỡ .





  9. #189

    Bài thơ " Trúc Đào " được Nguyễn Tất Nhiên viết năm 1973 – khi ông 21 tuổi, để nhớ lại mối tình vô vọng những năm học trò 16,17 tuổi. Dù thời gian đã qua lâu, nhưng những giông tố ngày cũ vẫn còn vần vũ cõi lòng . Bài thơ trở thành một ca khúc nổi tiếng sau khi đuợc cố nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc vào khoảng cuối thập niên 1980 .


    Chiều xưa có ngọn trúc đào
    Mùa thu lá rụng bay vào sân em
    Trời thu lá rụng êm đềm
    Vàng sân lá đổ cho mềm chân em

    Năm 14 tuổi, nhà thơ đã biết tương tư cô bạn học tên là Bùi Thị Duyên và làm thơ tình để tặng, thậm chí là thành nguyên một tập thơ mang tên Thiên Tai (theo ông giải thích: “người tình là thiên tai”). Từ những bài thơ tình đó mà Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng, được hầu hết giới sinh viên, học sinh yêu thích và thần tượng, nhưng người đẹp kia thì vẫn thờ ơ . Một hôm, khi tình cờ đi ngang qua cổng nhà nàng, chàng rất muốn nhìn vào, nhưng giả bộ là nhìn cây trúc đào thôi, ai ngờ thấy nàng nhìn lại, rồi cả hai nhìn nhau mỉm cười. Một nụ cười giải tỏa được nỗi lòng, nhẹ nhàng và thanh thản. Mối tình học trò trẻ con mang tính hơn thua ngày xưa đã để lại mối hận tình và nỗi buồn u uất trong một thời gian dài, từ giờ đã như tan theo vào cơn gió mùa thu.

    Chiều nay nhớ ngọn trúc đào
    Mùa thu lá rụng bay vào sân em
    Người đi biết về phương nào
    Bỏ ta với ngọn trúc đào bơ vơ

    Thân mời các bạn thưởng thức tác phẩm Trúc Đào , sẽ đuợc Phương Vy gửi đến .




    Last edited by Khoa1221; 10-14-2022 at 05:52 AM.

  10. #190
    Biệt Thự HXhuongkhuya's Avatar
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    4,664

    Tạ Tình

    Đã là nguời yêu nhạc Việt Nam, không ai không biết đến cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ , một tài năng âm nhạc đã dâng hiến gần như cả cuộc đời mình cho nghệ thuật và âm nhạc với các tác phẩm trải dài suốt mấy muơi năm . Mỗi nhạc khúc ghi dấu lại một thời điểm, mỗi ca từ là một câu chuyện, gây nên bao thuơng nhớ trong lòng nguời yêu nhạc của ông .

    "Tình yêu nào như đến trong mơ, tình yêu nào êm ái như thơ..." là những ca từ của nhạc phẩm Tạ Tình, đuợc nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác vào năm 1970, là nhạc khúc trong phim Tiếng Hát Học Trò do Thanh Lan đóng vai chính . Lời bài hát mang nội dung của một cô nàng thất vọng về mối tình đầu dang dở, nó không hoàn mỹ và thần tiên như cô vẫn hằng đêm mơ tuởng . Tuy chịu nhiều sự tổn thuơng nhưng cô vẫn không mất niềm tin vào chuyện tình yêu mộng ảo. Đến cuối cùng, cô không quyết định quên đi hay buông bỏ vì sợ nhung nhớ làm sầu càng thêm đaυ, cô lựa chọn tôn thờ, lưu giữ mối tình đầu như một phần tươi đẹp của ký ức và vững tin bước tiếp trên đoạn đường gian nan phía trước.

    "...Ai đi tìm ai suốt đời ...”, câu hát nghe xót xa làm sao! Biết là tình yêu sẽ không tự động tìm tới nếu chúng ta cứ mãi dậm chân tại chỗ, nhưng biết phải tìm ở đâu và tìm như thế nào đây ? Mối tình đầu thuờng ngọt ngào và trong sáng . Nó là những nồng cháy , mộng mơ của lứa tuổi mới lớn . Nó là buớc ngoặt cho sự truởng thành trong tình yêu, bởi thế nó thuờng đuợc tôn thờ suốt cả cuộc đời vì khi yêu nhau, họ đã trao cho nhau hết cả tình yêu đầu đời cho nhau .

    Nhạc phẩm sâu lắng và lãng mạn Tạ Tình sẽ đuợc Khoa gửi đến các bạn .






    HXhuongkhuya cám ơn các anh chị
    , các bạn ghé thăm .




 

 

Similar Threads

  1. Ca nhạc sĩ Viêt Dzũng đã qua đời
    By ngocdam66 in forum Chúc mừng/Phân ưu/Cảm tạ
    Replies: 31
    Last Post: 01-22-2014, 09:24 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:11 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh