Register
Results 1 to 4 of 4
  1. #1
    Cánh Đồng Bắp Ngô Đồng's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Milpitas, California, United States
    Posts
    2,199

    Đọc Cao Xuân Huy – Vài mẩu chuyện

    Cao Xuân Huy – Vài mẩu chuyện

    Cùng tên Cao Xuân Huy, nhưng không là giáo sư triết học Phương Đông sanh năm 1900 – mất năm 1983, anh là Cao Xuân Huy của Tháng Ba Gẫy Súng và Vài Mẩu Chuyện.

    Nhiều người đã đọc Tháng Ba Gẫy Súng, tất cả các anh đã từng khoác màu áo rằn ri, tất cả các anh đã từng được gọi “lính bốn chữ” đã từng so hàng trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến đều đọc Tháng Ba Gẫy Súng – nhắc đến tháng ba gẫy súng là biết ngay nhớ ngay đến trận triệt thoái cuối cùng, nghĩ ngay đến lần rút quân từ quân khu I buồn thảm và nghĩ ngay đến người kể lại giúp mình: trung úy đại đội phó, tiểu đoàn 4 Kình Ngư, Thủy Quân Lục Chiến Cao Xuân Huy.

    Dáng người dong dỏng cao, đôi kính lấp lánh trên sóng mũi thẳng, nụ cười thân thiện trên môi, “tứ hải giai huynh đệ” gặp Cao Xuân Huy là gặp một nhóm đông người, những câu chửi thề ròn rã, pha tiếng cười hể hả sau tiếng khà nuốt ực ly VSOP.

    Viết về nhà kể chuyện Cao Xuân Huy đã có nhiều người viết, các anh cùng thời gẫy súng, các anh cùng bạc màu áo trận, cùng lận đận quan trường, cùng con đường đất mòn vác nứa tre, chịu cảnh đầy ải biến con người trở về thời hoang dã, bằng cách dùng miếng ăn làm mồi nhử, dùng chút ơn mưa móc câu vài linh hồn yếu đuối, để hả hê cười cợt tư cách tù nhân. Trong khối đông nếu tất cả đều giống nhau bằng nhau thì chẳng có mẩu chuyện nào để kể!

    Tháng ba năm bảy lăm, tớ đã chết rồi, bây giờ là bonus, dzô!

    Tiếng “dzô” pha giọng Nam hay hay như câu đệm tiếng đ. m. mở đầu trước khi kể chuyện, câu đệm không thể thiếu trên bàn nhậu của các anh Thủy Quân Lục Chiến. Nhiều phụ nữ e dè dị ứng khi nghe câu đệm này, nhưng với tôi, không có nó các câu chuyện kể của các anh sẽ thiếu đi phần sự thật. Đắng cay ngọt ngào, trần trụi duyên dáng gặp nhau ở hai chữ đ.m này, nhất là qua giọng nói Bắc Ninh pha tiếng Sài Gòn của Cao Xuân Huy.

    Vài mẩu chuyện, quyển sách 125 trang được anh trình bày nhẹ nhàng bằng khổ chữ 12, nền giấy trắng để bạn bè dễ đọc, bạn bè bây giờ mắt chẳng tinh tường gì mấy, nhất là chính tác giả than mãi đôi mắt làm eo không cho phép dùng máy vi tính lâu để viết khi có người thắc mắc: “Lâu quá không thấy anh viết!”

    Tháng 7 – 2010 anh ra mắt vài mẩu chuyện, không viết hoa các chữ đầu tựa sách, không viết hoa tên tác giả, hình thức này có ngụ ý “ chẳng có gì lớn lao – chẳng có gì để ầm ĩ ” của Cao Xuân Huy.

    Bìa sách Doãn Quốc Vinh trình bày bằng gam màu tối – đỏ đen, khoảng đen dầy đặc chiếm nửa trang, song sắt – nón sắt giầy saut súng cắm đầu chết chóc – làn khói mỏng góc trang trái là Em gục đầu trên hàng kẽm gai, hai cánh tay xếp dài ngón ngọc, lá thư tình hay lá thư vĩnh biệt xếp hờ hững kề bên, một trang bìa xinh xắn, cầm lên muốn ngấu nghiến xem, chữ thủ thỉ gì trong ấy .

    Bìa sau ngắn gọn về tác giả, vệt màu nâu vài nét sướt kẽm gai, xuyên qua 1947 ra đời tại Bắc Ninh- 1954 di cư vào Nam – 1968 đi lính- 1975 đi tù – 1979 ra tù – 1982 đi vượt biên – 1983 đi Mỹ - 1985 in Tháng Ba Gãy Súng – 1989 Tổng Thư Ký tạp chí Văn Học – 1992 hết Tổng Thư Ký tạp chí Văn Học – 1994 lại Tổng Thư Ký tạp chí Văn Học – 1995 lại hết Tổng Thư Ký tạp chí Văn Học – 2005 Chủ Biên tạp chí Văn Học – 2009 hết Chủ Biên tạp chí Văn Học.

    Những mốc thời gian Cao Xuân Huy ghi về mình, cũng là những mốc thời gian của bao người khác, chỉ có chút khác biệt là Cao Xuân Huy cầm bút, Cao Xuân Huy vướng bận thêm nghiệp văn chương chữ nghĩa. Anh tự trách mình không bằng Mai Thảo tạp chí Văn, khi Mai Thảo chẳng cần sự trợ giúp của máy vi tính, cẩn trọng viết tay từng địa chỉ độc giả để gởi mỗi tháng, phần anh có thêm máy vi tính phụ giúp mà khi là chủ biên tạp chí Văn Học, chẳng hiểu sao tạp chí Văn Học đủng đà đủng đỉnh, khi vui vài tháng một – khi buồn dăm tháng chẳng thấy tăm hơi.

    1985 in Tháng Ba Gãy Súng, 2010 in vài mẩu chuyện, hai mươi lăm năm chờ đọc Cao Xuân Huy, người thích lối kể lể từ tốn bên bàn nhậu của anh bỗng sững sờ khi bị cuốn theo mạch văn cuồn cuộn có vẻ như người kể sợ rằng, nếu ngừng lại sẽ không thể kể tiếp viết tiếp được nữa.

    Kềm giữ dồn nén muốn quên những điều không thể quên, là nỗi ám ảnh nỗi đau ngấm ngầm, chỉ có một cách là lẩy nó ra, khươi nó lên để giải thoát ân tình nhân nghĩa, giải thoát những điều riêng tư không phải ai cũng có thể biết có thể thấy. Đây là lý do khiến Cao Xuân Huy kể ra một lần cho hết chăng? Anh giải thoát không chỉ cho riêng anh mà cho một khối rất đông những người đã cùng thời lận đận.

    Những dòng chữ rất nhỏ trên góc trang phía trái, nhỏ nhẹ:

    tặng vợ “chị hai” minh và hai con
    chúc dung & xuân dung
    cám ơn các bằng hữu

    Có thể các ông không thích bầy tỏ tình cảm ra cho nhân loại thấy, chẳng tò mò đọc chi những dòng chữ be bé ấy, nhưng phụ nữ lặng người trân mình đọc nó đôi lần, để biết các ông đã từng đi lính thứ dữ, từng vào sinh ra tử, từng quát ra lửa khói, từng thấy lưỡi hái tử thần, thấy cả thánh Phê-rô giữ cửa thiên đàng cũng có một góc dịu êm, một khoảnh cỏ mượt xanh tình nghĩa vợ chồng. Gọi vợ là “chị hai” âu yếm sáu mươi phần, bốn mươi phần là sự thật. Lìa mẹ đi lính – gẫy nghiệp lính đi tù – thoát tù vượt biên – con cái tạo ra một tay “chị hai” lo, đời “trượng phu” ngạo nghễ nằm gai nếm mật đâu không biết, dưới mái ấm gia đình, “chị hai” lo cho từng ngụm nước miếng ăn, vỗ về an ủi khi thất thế, nâng đỡ chở che khi trái gió đổi thì. Cánh chim bằng không còn tuổi đôi mươi vẫn xoải cánh bay tìm bạn cũ, cưu mang tiếp rước bạn xưa những người đã cùng chia mảnh đạn với chồng, cùng ngang dọc tung hoành, cùng say mèm ngất ngưởng chia nỗi buồn tử biệt sinh ly, sống chết xem tựa lông hồng một thuở.

    Trần Như Hùng đề tựa bằng câu: “Có nhiều điều người ta sợ nói ra, dù là nói với chính mình, thế nên trong đầu anh nào cũng có lắm điều cố giấu kín.” (Fyodor Dostoyevsky)

    Giản dị, chân thật, nhân bản, thẳng tuột, không tán tụng chẳng chê bai, không hờn trách chẳng kết án!

    … Kể chuyện của chính mình của bạn bè (bạn lính, bạn tù), chuyện của những con người rất bình thường (nhưng không tầm thường).

    …Người đọc nhìn vào nỗi niềm riêng của anh như đứng trước tấm gương bắt buộc phải đối diện với cái phần thật, nấp kín trong tiềm thức mình.
    Trích Trần Như Hùng

    Xin phép được thêm vào:

    Người phụ nữ đọc Cao Xuân Huy để yêu chồng hơn, những người chồng đã là cựu quân nhân, nhất là cựu chiến binh Thủy Quân Lục Chiến, đã bị tù đầy, bị ép xác đến tận cùng nỗi chịu đựng của con người, con người được thượng đế trang bị cho đầy đủ thèm khát “linh tinh” như tất cả các loài động vật ngo ngoe trên mặt đất, nếu không có tri thức kềm hãm thì nhân tính cũng ngang bằng thú tính, đói phải tìm ăn, khát phải tìm uống, thèm muốn phải hành động ngay, không cần biết uống thứ gì, ăn thứ gì, giao hợp để thỏa mãn cái giống gì, nhục hay không nhục, có phải van xin lạy lục ai không?

    Phụ nữ đọc Cao Xuân Huy để biết góc kín khó kể của chồng, biết trong giai đoạn chiến tranh sống nay chết mai của chồng, trái tim của chàng chẳng thế nào thổn thức được với những bài tình ca ru ngủ kiểu em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến hay nếu em không là người yêu của lính ai sẽ đón em chủ nhật trời trong, vân vân và vân vân, để bây giờ chàng buộc miệng: “Đánh trận mệt thấy mẹ thì giờ nào mà tiền tuyến hậu phương!” khi nghe mình hát.

    Vài mẩu chuyện, như những mẩu thuốc lá thừa còn một nửa - một phần ba, được cất vào chiếc hộp sau khi đi tù về lại Sài Gòn, mùi thuốc thắp lại khen khét đăng đắng, người rít khói vào phổi lim dim mắt tận hưởng niềm hạnh phúc được hút khói, người không hút thuốc làm sao hiểu được lý do nào khiến “anh ấy” lim dim, nếu không nghe kể, dù lời kể muộn màng vẫn là một bài kinh siêu thoát cho bao người còn đang sống, khỏi phải thắc mắc: Tại sao chồng vẫn hút thuốc vẫn ngửa cổ chuốc hớp rượu nóng xé lưỡi vào gan cùng bạn cũ, những ngày các cụ cựu Thủy Quân Lục Chiến gặp nhau, không cần nhìn xem cấp bậc, chẳng màng quan hay lính, chỉ biết đã khoác lên vai màu áo bệt của binh chủng oai hùng, đạp đất bằng cưỡi con sóng.

    Mẩu chuyện “miếng ăn” khởi đầu cho “có thực mới vực được đạo”, yếu tố bao tử này các hiền nhân khẳng định, miếng ăn là miếng tồi tàn, miếng nhục miếng . . . phải bị đói mới biết ai quân tử ai tiểu nhân. Các bà thích nhịn đói để giữ eo, cái đói tự tạo khác với cái đói tù đầy, cho nhịn đói để nhử khí phách. Khả năng sinh tồn cùng sức sống động vật, tự phát ra phản ứng “tiết tâm linh” khó kềm chế. Cái vòng lẩn quẩn uống nước để lừa dối bao tử, bao tử không nhận được chi tống sang bàng quang, bàng quang đầy ứ tống thẳng ra ngoài, lại đói lại lừa dối cái bao tử . . . Từ cơn cồn cào đói con người có lý trí tìm cách thống trị cơn đói bằng:

    - cái lưỡi câu: Toàn trút hết hai thìa muối hột đổi lấy cái lưỡi câu hạng hai, sung sướng biết mình ói ra máu trong đêm lạnh, mừng rỡ khi có anh bạn Thạnh làm chứng để cán bộ canh tù tha khỏi đi lao động, có thời gian tìm đến hố bom câu cá . . .

    Bằng:

    - ngu như lợn: Bác sĩ quân y nhẩy dù Nguyễn Đức Mạnh nuôi chuột để có chất tươi chống đói . . .

    Bằng các “phi vụ” nhọc nhằn có khi bị mất mạng, hay những “phi vụ” an toàn lục túi, soát ba lô bạn tù đều nêu lên cá tính chung riêng, đẹp xấu, ở góc độ phụ nữ nhìn vào: “Miễn sao anh còn sống về với vợ con, sợ gì ba cái lẻ tẻ nhục hơn trâu chó!”

    Có chồng bị tù đầy, người phụ nữ sau năm 1975 đối diện với đói cách khác, chồng ở trong tù đói, con cái nheo nhóc đói, cha mẹ chồng đói. Hạnh phúc khi ôm thân hình da bọc xương vào lòng, nhận ra khuôn mặt chồng dù đã biến dạng, nhưng còn hơi thở ấm, còn hơn chẳng còn thấy nhau, còn hơn những cái chết vì lưỡi câu oan nghiệt, ảo giác về con cá to chia cho thằng bạn làm chứng mình đã ói máu trong đêm.

    - người muôn năm cũ - hành phương nam - chờ tôi với: giúp cho các bà nhìn thấy điều chồng giảng giải trong đêm, về người bên này kẻ bên kia, cả hai người đều đánh mất tuổi xuân vì chiến tranh, chỉ khác là những người lính Việt Nam cộng Hòa mang lý tưởng bảo vệ chính nghĩa, so với những người bộ đội nhắm mắt tuân theo lệnh bắt buộc phải đi, không có sự chọn lựa nào khác.

    Một tấm hình đen trắng thật đẹp thật nhân bản đã từng được trao giải ảnh đẹp, trong hình anh lính bộ binh Việt Nam Cộng Hòa nâng đầu một anh bộ đội cho uống nước từ chiếc bi-đông của mình, tôi không nhớ ngắm bức hình này ở đâu, câu cuối trong mẩu chuyện “chờ tôi với” nhẹ nhàng nhân bản, thở hắt hơi cuối chẳng bên này chẳng bên kia.

    - người muôn năm cũ là một giọng nữ vừa ngọt ngào vừa the the vị bạc hà của đài phát thanh Mẹ Việt Nam, chương trình Sinh Bắc Tử Nam do cô Hiền phụ trách, chương trình này chỉ đọc tên – năm sinh - sinh quán của các bộ đội, đã tử trận đã sinh bắc tử nam vào mỗi đêm, chỉ đọc danh sách tên tuổi thế thôi mà còn hơn là khuyên bảo: ‘nên sinh đâu tử đấy, đừng tin vào bác đảng mà sinh ngoài ấy tử trong này! Tiếp theo là chương trình của ông Thầy Bói, gõ mõ tụng kinh ma quái.

    Cao Xuân Huy viết đùa, phải mà còn cô Hiền thuở nào để nhờ cô đọc câu:

    - Mẹ Việt Nam rất đau buồn khi có những người con sinh inh inh . . . Việt . . .iệt . . . .iệt, tử… ử… ử Mỹ... ỹ ỹ .

    Viết như đùa mà đắng như ly rượu đế, cháy cả gan cả ruột, vì đâu ta tha hương, “ Hành Phương Nam”

    Đôi ta lưu lạc phương nam này – trải mấy mùa qua én nhạn bay – Xuân đến khắp trời hoa rựou nở - mà ta với ngươi buồn vậy thay!. . . ta đi nhưng biết về đâu chứ - đã dấy phong yên lộng bốn trời – thà cứ ở đây ngồi giừa chợ - uống say mà gọi cố nhân ơi! (Nguyễn Bính)

    Một Hồ Trường một Hành Phương Nam, đôi ta lưu lạc, rót . . . rót . . . rót . . . những phù sinh, những vần thơ có vận vào suy nghĩ của các đấng trượng phu chăng? Để nắm xương tàn thơm mùi lúa lên men, để người thương binh rót cồn lên nấm đất – chẳng đoán được giây phút mất nhau!

    - vải bao cát: đọc rồi đọc lại vẫn tội nghiệp quá phận đàn ông, vác theo của nợ trời hành, thuở chinh chiến khó lòng chung thủy cùng người tình người vợ. Cao Xuân Huy thẳng ruột ngựa mà viết mà kể một cách thản nhiên, chẳng màu mè riêu cua. Các ông thứ dữ hay mang tiếng phụ phàng, lơ tơ mơ, hiếm khi mở lời trói buộc đời nhau, phần đông có sự trợ giúp từ người tình người yêu, khôn hay dại không thể kết luận được, vì các ông thích tránh né việc biến nàng thành góa phụ thơ ngây. Vài ngày phép bõ bèn gì, người tình phải trân trọng nâng niu không dám xàm xỡ, muốn gì đã có quán nhậu đèn mờ, các cô gái bán ba thoải mái, chẳng cần chỉ đỏ chỉ đen ông tơ bà nguyệt, ăn bao nhiêu bánh trả bấy nhiêu tiền. Các cô thuở ấy ngây thơ tin chàng trong trắng như thần thánh, chỉ khi gạo đã thành cơm, có con cái rồi chẳng cần tra hỏi chàng cũng sẽ từ từ kể cho nghe: “đã có lần . . .”

    Chuyện trong tù, tưởng tượng nguồn sinh lực bị dồn nén muốn nổ tung, người nam thèm thuồng ham muốn - mà khi đụng vào mảnh vải bao cát nhám ráp che phần thân thể kín đáo của người phụ nữ đáng thương nghèo nàn, nỗi thương cảm đau lòng đã dập tắt ngún ngọn lửa dâm dục, bàn tay nháp nhúa lợi dụng cơ hội thành mền nhũn trân trọng vuốt ve, sự liên đới giữa hai thân phận kiếp người, giữa anh được dùng biểu tượng mũi tên chỉa lên, và em với biểu tượng mũi tên chúi xuống thăng hoa thần thánh.

    - quyền tối thiểu: cũng thế, có thể bị xem là cường điệu, bị cười là tán dóc ba xạo, nếu có thật thì người vợ tù có hiểu được khí phách của chồng, khi đã thấy mây cuồn cuộn mà mưa chẳng đổ ào, một thân thui thủi trong góc nhà tạm trú thăm tù.

    Khi súng bị bẻ gẫy, làm thân tù được vợ đến thăm, bao người cắn răng gìn lòng giữ dạ, sợ vợ mang thai khổ thân vợ khổ thân con. Nhưng không ít cháu được mẹ hãnh diện khoe: “Con được tượng hình trong tù với Ba!” được hãnh diện mang tên địa danh nơi cha bị giam giữ.

    Mẩu chuyện kể của Cao Xuân Huy trong “quyền tối thiểu” và lời hãnh diện nghe được từ người vợ tù cộng sản, đều vinh dự ngang nhau, quyền tối thiểu làm chồng làm cha không ai có thể tước đi được.

    Phần các ông chờ đợi đến khi được thả về nhà, để có tuần trăng mặt thứ hai trong đời, cũng đáng được ca ngợi xưng tụng là thánh sống tưởng người mất đi nhưng anh lại về .

    - trả lại tiền: là mẩu chuyện hay nhất được diễn tả bằng những câu gióng một, gióng hai. Đọc xong mùi hoa ngọc lan – mùi cây ngai ngái ban đêm của những con đường Hồ Xuân Hương – Huyền Trân Công Chúa – Nguyễn Du thoang thoảng. Có một thời gian, phụ nữ sợ bị mang tiếng lây khi đi ngang các con đường này, vì các cô gái giang hồ thoáng ẩn thoáng hiện. Qua câu chuyện kể Trả Lại Tiền này, các cô tựa gốc cây gõ, gốc cây dầu ấy có ai trong họ biết được nhà văn Cao Xuân Huy đã trả lại chút nào khung vàng giá ngọc cho một kiếp hoa buồn, thay vì bao lâu trước họ bị dìm xuống bùn đen xã hội vì tội bán trôn nuôi miệng.

    Câu chuyện thuật lại người đàn ông ra khỏi trại tù, đi tìm nơi giải tỏa sinh lý, nơi ấy là công viên trước dinh Độc Lập. Sau ngày được thả ra khỏi tù, đồng nghĩa với nghèo, bị công an trù dập khốn khổ, tương lai mù mịt, Sài Gòn tươi đẹp đã thành người đẹp bị tạt acid, loang lổ đớn đau. Trả giá cho cuộc mây mưa từng đồng, người mua phải chọn lựa giữa hai sự thiếu thốn, đói cái này hay đói cái kia - người bán phải trù tính, thà có chút đỉnh hơn không có chi. Rồi thì bị bắt tại trận, rồi thì anh chàng thanh niên phường khóm làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố văn minh sạch đẹp theo lệnh của công an khu vực, có người anh cũng bị đi tù cộng sản, thông cảm binh vực người mua, bắt người bán phải trả tiền lại! Trong đoạn văn:

    Gã đàn ông lên xe đạp đi. Ðợi tên dân phòng đi khuất, gã vòng xe lại, đến gần ả:

    - Này. Tôi trả lại năm đồng.

    Ả quay lại. Cái nhìn đậu trên mặt gã vài giây, rồi nói:

    - Thôi, giữ lấy xài đi.

    Câu nói trổng thiếu chủ từ của cô gái điếm không tên ấy, đáng ghi nhớ hơn ngàn câu hoa mỹ các anh đã từng nghe ca sĩ hát ca tụng lính trên các làn sóng phát thanh.

    Người viết Cao Xuân Huy không so sánh, chẳng kể ra những chuyện người tù trở về nhà xưa có cán bộ ở, vợ xưa có cán bộ nuôi, các con quàng khăn đỏ đi học, nhưng nhập nhòa thuở ấy chẳng thiếu gì chuyện chẳng đặng đừng, chuyện bán cái ngàn vàng để sống còn của phụ nữ có lẽ nhẹ nhàng hơn các ông phải bán đi khí tiết hào sảng của mình để đổi lấy vài mẩu đường tán, vài ngụm thuốc lào.

    Và vài mẩu chuyện nho nhỏ, dẫn theo trăm mẩu khác người đọc đã từng biết, không dám kể ra, không có tài viết lại, ngay cả không đủ can đảm đào bới đống tro tàn, sợ nói ra dù chỉ nói cho chính mình nghe,

    “….thế nên trong đầu anh nào cũng có lắm điều cố giấu kín.” (Fyodor Dostoyevsky)”

    Tháng 09 – 2010

    . . .Anh Cao Xuân Huy ơi! Nhận sách của anh vào ngày đại hội Thủy Thần Mũ Xanh San Jose tháng Bảy- 2010. Ấu Tím là người phụ nữ tầm thường, chỉ có tấm lòng yêu binh chủng của chồng để dám ghi lại cảm nghĩ của mình về những điều anh nhắc đến khi còn trong quân ngũ, anh kể lại khi bị tù đầy. Nhận xét của Ấu Tím nông cạn không thể len lỏi được vào những khía cạnh rộng lớn bao trùm nhân sinh quan – đạo đức quan to tát. Những cảm nhận đơn sơ này, giống những lần được các anh cho phép ngồi chầu rìa bàn nhậu, nghe kể những chi tiết các trận đánh năm xưa, đôi khi có kèm theo tên vài bóng hồng quá khứ, mỉm cười, nói vài câu để gợi hứng cho các anh kể tiếp.

    Khi anh viết, hẳn anh đã chẳng cần đào bới gì sất, chỉ như Mạnh Chuột “cong đít” đào giếng “giơ cuốc lên thì chim đậu, hạ cuốc xuống thì mối đùn”. Ngày này còn viết kể lan man gởi gấm lòng mình cho người đọc, giống như dùng ngòi bút đâm thẳng xuống mặt bàn bằng đá, chữ trơn tuột chạy ý bốc hơi bay vì người đọc thờ ơ hờ hững.

    Độc giả hai mươi lăm năm trước đọc “Tháng Ba Gẫy Súng” khác với độc giả bây giờ đọc “vài mẩu chuyện”, anh xem tràn lan tí ngọ trên những trang web, những chuyện kể chẳng đầu đuôi, bao chuyện bôi bẩn, những tranh chấp tố tụng ai đúng ai sai, kèm vào là quá khứ bị thổi phồng hay lăng nhục. Người cựu chiến binh Việt Nam trong các quân binh chủng ai cũng mang một vết sẹo khó lành.

    Anh ạ! Anh đang đau, đọc lại bài anh viết về nhà văn Mai Thảo, nhắc đến tác phẩm anh thích đọc “Bầy Thỏ Ngày Sinh Nhật” của ông 1967, em thì hậu thế hơn nên thích thú Để Tưởng Nhớ Mùi Hương – Tình Yêu Màu Khói Nhạt – những tác phẩm được sinh viên học sinh thích thú đọc, gò gẫm viết sao cho bóng bẩy từng nét phẩy, dấu chấm vào thập niên 70.

    Anh ít nói chuyện văn chương dù anh được người tình văn chương ôm choàng lấy, để Cao Xuân Huy tiểu đoàn 4 Kình Ngư trở thành Cao Xuân Huy Tháng Ba Gẫy Súng.

    . . .Anh Cao Xuân Huy ơi! Anh còn nợ độc giả trận đánh Cửa Việt trước giờ gẫy súng, câu chuyện có nhiều người muốn nghe kể chi tiết, cũng nhiều người muốn quên đi.

    Anh đau thân muốn nằm, người lính tên bốn chữ TQLC ngạo nghễ dễ mến, nay chấp nhận phán quyết của y học chịu thua cơn bệnh có tên sáu chữ cancer. Anh vẫn cười, nụ cười pha màu nắng nhạt cuối thu, sợ gì anh nhỉ ai chẳng một lần, đời người đã sống qua bao thăng trầm vinh nhục – thành công của con người là khi nằm xuống được bạn bè quí mến thương yêu rơi nước mắt tưởng tiếc.

    Qua chồng em, tiểu đoàn 6 Thần Ưng, em biết đến anh trước khi anh biết em, mối thân tình không cần tạn mặt mới kết được thâm giao, quý nhau qua tình trọng nhau qua cách sống.

    Em quí “chị hai Minh” tấm lòng hiền hòa chịu thương chịu khó, lần này chị Hai lo lắng cho anh mệt mỏi biết bao, chị gầy xọp hẳn đi.

    Chị ơi ! em gởi chị một vòng tay thân thiết, ôm chị thật chặt để chị biết rất nhiều lời cầu nguyện chân thành gởi đến anh chị lúc này.

    Nụ cười an nhiên, chiến thắng được tất cả ngổn ngang, mỗi con người bắt buộc phải một lần đối diện.

    Thân kính.
    Ấu Tím
    Tháng 11 - 2010

  2. #2
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Chị NĐ , thời mạt của những người lính ...TQLC xác nổi dật dờ ở bãi biển Thuận An ...một tháng sau tới Dù tan tác Phan Rang ( cấp Lữ Đoàn )
    Giờ đây nghĩ lại không biết những người lính ly hương có sướng hơn những người còn ở lại không ?
    Chắc là... cũng như nhau .

  3. #3
    Biệt Thự
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,854
    Anh Hoài
    Là người lính bảo vệ tổ quốc, thắng bại lẽ thường, chỉ có điều " chúng ta mất hết chỉ còn nhau", có chút ngậm ngùi trong khoé mắt. Trong bài thơ Bài Ca Sông Dịch, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết: "Một nét dao bay ngàn thuở đẹp, dù sai hay trúng cũng là dư" Cao Xuân Huy với Tháng Ba Gẫy Súng, không giống Dựa Lưng Nỗi Chết, Muà Hè Đỏ Lửa, vì có phần sau cuộc chiến........!

  4. #4
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,669
    Quote Originally Posted by Ngoc Han View Post
    Cao Xuân Huy với Tháng Ba Gẫy Súng, không giống Dựa Lưng Nỗi Chết, Muà Hè Đỏ Lửa, vì có phần sau cuộc chiến........!
    Cứ nghĩ đến người lính TQLC bị dồn vào bãi cát , bốn bề mây nước chờ đợi cái chết đến từ từ mới chua xót , ở Phan Rang thì tôi không nghĩ đến cái chết , cứ chui rúc trong rừng tìm về Sài gòn trang bị , bổ sung lại ( như TD11ND sau trận Charlie )

 

 

Similar Threads

  1. Xuân Tái
    By co quan in forum Thơ
    Replies: 777
    Last Post: 03-25-2024, 11:19 AM
  2. Xuân Thơ
    By cao nguyên in forum Thơ
    Replies: 37
    Last Post: 02-01-2012, 07:38 PM
  3. Mùa Xuân Bên Ấy
    By cao nguyên in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 7
    Last Post: 01-17-2012, 02:07 PM
  4. Ngày Xuân Nhớ Các Anh
    By TL4 in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 7
    Last Post: 01-06-2012, 11:57 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 12:42 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh