Register
Results 1 to 2 of 2
  1. #1

    Ngoại cảm thực hư và cái nhìn của nhà khoa học chân chính

    Ngoại cảm là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Để nhận thức và hiểu rõ bản chất của ngoại cảm, đặc biệt ngoại cảm tìm mộ. Ban biên tập Bản tin Khoa học kỹ thuật Thái Bình giới thiệu loạt bài viết của Đại tá Đỗ Kiên Cường (Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng) và nhóm phóng viên Vie Times về bản chất ngoại cảm là gì? Sự thật ngoại cảm tìm mộ, sự thật ngoại cảm nói chuyện với người "âm" như thế nào?, để bạn đọc cùng phân tích.
    ?020

    Ngoại cảm là gì? Theo định nghĩa, ngoại cảm (extrasensory perception) là không dùng năm giác quan thông thường. Nó được chia thành bốn nhóm: 1- Thần giao cách cảm hay đọc ý nghĩ, là cách thức truyền tin từ não người này tới não người khác; 2 - Thấu thị hay thấu thính, là các nhận thông tin trực tiếp từ môi trường hơn là từ tâm trí người quan sát, như nhìn xuyên tường hay nghe được âm thanh mơ hồ từ rất xa; 3- Tiên tri, là khả năng nhận biết các sự kiện chưa xảy ra; và 4*- Hậu tri, là khả năng giải đoán các sự biến quá khứ.

    Ai tin ngoại cảm? Theo Bách khoa thư các hiện tượng dị thường, xuất bản 1996 tại Mỹ, khoảng 80% dân số Bắc Mỹ tin ngoại cảm, trong đó nhiều người tuyên bố có khả năng siêu nhiên đó. Phỏng vấn giới giảng viên đại học Mỹ năm 1978 cho thấy, 65% tin ngoại cảm có thật hay có thể có thật. Riêng với các ngành xã hội, nhân văn, nghệ thuật và giáo dục, tỉ lệ tin tưởng đạt tới 75%. Nhưng nó chỉ là những con số “cá nhân” hoàn toàn chưa có kiểm chứng khoa học nào hết.

    Ngược với niềm tin đại chúng là sự nghi ngờ của giới khoa học chính thống. Chỉ 5% số nhà tâm lý – là những người có thẩm quyền khoa học nhất vì nắm được cách thức vận hành của tâm trí và vô thức, thành tố quan trọng nhất liên quan với các hiện tượng dị thường tin ngoại cảm có thật, 29% cho rằng có thể có thật, trong khi đó 66% bác bỏ.

    Vì sao chúng ta tin? Có thể nêu ra một số lí do: 1- Ngoại cảm có thể có thật, nhưng ta chưa biết cách thực hiện trong phòng thí nghiệm; 2- Nhiều hiện tượng tự nhiên chưa có lời giải khoa học, nên mọi người có thể xem ngoại cảm ở trong tình trạng tương tự; 3- Phần lớn mọi người có xu hướng tin vào sự cảm nhận bản thân hơn các bằng chứng khoa học. Theo nữ tâm lý gia Blackmore, những ai tin mình là thông minh, có giáo dục và có khiếu quan sát thường cho rằng, cái mà mình chưa hiểu nhất định phải là cái siêu nhiên; 4- Niềm tin vào sức mạnh siêu nhân là nhu cầu có thật của con người. Cần nhấn mạnh, đây là lí do căn bản nhất.

    Xin lưu ý rằng, loài người đã trải hàng triệu năm tiến hóa trước khi phát minh ra khoa học. Người nguyên thủy xưa nhìn đâu cũng thấy thánh thần và ma quỷ; và cái nhìn đó đã lặn sâu vào vô thức để thành bản chất con người. Theo nhà thiên văn Barrow, tưởng tượng ra sư tử ở nơi không có và chịu khó đi vòng thật xa để tránh tuy vất vả hơn nhưng còn an toàn hơn khi không thấy nó. Đó chính là cội nguồn của hành vi mê tín. Nói cách khác, niềm tin vào các hiện tượng siêu nhân có ý nghĩa sinh tồn. Đó là lý do nhiều người kiên quyết tin ngoại cảm và tâm linh là có thật. Năm 1988, để đối trọi với các chương trình truyền hình với một số người xem đông đảo về các hiện tượng dị thường, một số nhà khoa học Mĩ lập một kênh chuyên dùng để giải thích ngoại cảm và tâm linh bằng khoa học. Chỉ sau ba buổi phát sóng, họ phải đóng kênh vì không có người xem.

    Lí do nghi ngờ ngoại cảm:

    1. Sự tiến bộ không ngừng là tiêu chí của khoa học, nhưng ngành cận tâm lý (nghiên cứu các hiện tượng ngoại cảm và tâm linh) thì không đạt được một tiến bộ nào, kể từ khi Hội nghiên cứu tâm linh đầu tiên trên thế giới được thành lập tại Anh năm 1882.

    2. Ngoại cảm được định nghĩa khác thường, không theo định nghĩa nó là cái gì, mà theo nghĩa không là cái gì, vì thế rất khó giới hạn phạm vi để nghiên cứu.

    3. Bằng chứng ngoại cảm thường bị cách ly khỏi môn thống kê học, khi chúng chỉ dựa trên lời kể của những người không chuyên. Theo Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố về hiện tượng dị thường CSICOP, được thành lập tại Mĩ năm 1976 nhằm chống lại sự tin tưởng mù quáng, chưa có hiện tượng ngoại cảm nào được thực hiện thành công trong một thí nghiệm được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn sự truyền tin qua các giác quan thông thường.

    4. Nghiên cứu về ngoại cảm và tâm linh thường mắc lỗi giản lược trong phương pháp luận và cách thức tiến hành. Nghiên cứu tại Việt Nam cũng vậy, khi hầu hết dựa trên lời kể hay quan sát của người không chuyên. Vì muốn tin (lí do thứ tư ở trên), mà tin là thấy (một qui luật tâm lý, nên họ chỉ thấy những gì khẳng định mà vô tình hay hữu ý không thấy những gì phủ định ngoại cảm.

    5. Ngoại cảm và tâm linh không liên quan với bất cứ một lí thuyết khoa học đã được khẳng định nào. Với trình độ khoa học ngày nay thì đó là một khiếm khuyết lớn.

    6. Tính lặp lại là điều bắt buộc của các khoa học thực nghiệm. Ngoại cảm không thỏa mãn tiêu chí cốt tử này.

    7. Ngụy tạo và lừa gạt gắn liền với ngoại cảm trong suốt tiến trình lịch sử. Chúng ta vô tình hay hữu ý ngụy tạo vì chúng ta muốn tin. Thậm chí một số người còn lừa gạt vì mưu lợi riêng, mà cô đồng Phương tại Thanh Hóa là một trường hợp điển hình.

    8. Nhiều hiện tượng ngoại cảm và tâm linh có thể giải thích theo cách thông thường, mà hiện tượng ma nhập hay nhập hồn là điển hình nhất (tâm lý học giải thích bằng hiện tượng đa nhân cách hay nhân cách phân ly, khi phát hiện có người có đến hơn 20 nhân cách, với tên tuổi, giới tính, nghề nghiệp, phong thái, phương ngữ khác nhau, trong đó có cả tính cách của một con chó!).

    Ngoại cảm tìm mộ có thật hay không? Từ định nghĩa nói trên, có thể thấy đặt tên ngoại cảm tìm mộ là không đúng, vì trong đa số trường hợp, đều thấy hiện tượng cái gọi là gọi hồn. Trong lĩnh vực dị thường, đó là hiện tượng “liên lạc” với người chết. Vì thế những người “kiểu như” cái cô Bích Hằng không phải là nhà ngoại cảm. Chính xác hơn, đó là cô đồng, là người được cho là có “khả năng” nói chuyện với người chết. Rõ ràng luật pháp Việt Nam cấm hành nghề đồng cốt, bói toán. Và như vậy, muốn biết ngoại cảm tìm mộ có thật hay không, cần trả lời hai câu hỏi căn bản: 1- Có linh hồn bất tử hay không? và 2- Bằng chứng về việc tìm mộ có đáng tin cậy hay không?

    Vấn đề linh hồn: Thực ra linh hồn bất tử là ước nguyện rất tự nhiên của con người, vì đó là cách thức duy nhất để chúng ta có thể chống chọi với thời gian và xóa tan nỗi sợ hãi trước cái chết. Vì thế bài viết này không bàn tới niềm tin mang tính tôn giáo hay triết học về sự tồn tại sau cái chết, mà chỉ khảo sát nó dưới quan điểm khoa học mà thôi.

    Khi hiểu biết còn hạn chế, ở mọi nơi nền văn hóa, đều xuất hiện quan điểm về linh hồn, về sinh khí hay một loại vật chất đặc biệt đặc trưng cho sự sống. Sinh lực luận hay thuyết sức sống phương Tây từng xem sự sống do một loại sinh lực đặc biệt qui định. Tuy nhiên đến 1812, khi Wohler tổng hợp được một chất hữu cơ là urê, thì sinh lực luận bị bác bỏ. và sau 1953, khi Miller thu được các axit amin khi cho tia lửa điện phóng qua ống nghiệm mô phỏng khí quyển Trái đất xưa, khoa học đã thu được bằng chứng không thể bác bỏ về bản chất tự nhiên của sự sống. Theo đó sự sống chỉ là hình thái tổ chức mới của vật chất mà thôi. Theo quan điểm đó thì không có linh hồn. Khi ta chết, tư duy, nhận thức, tình cảm cũng chấm dứt, vì đó là chức năng của bộ não. Hãy so sánh với hình ảnh hay âm thanh trong chiếc ti vi. Khi ngắt điện, chúng mất ngay lập tức.

    Cần lưu ý, cặp phạm trù cấu trúc - chức năng có vai trò cốt tử trong sinh học, theo đó một chức năng chỉ có thể thực hiện tại một cấu trúc tương ứng. Chỉ tim mới bơm máu, chỉ bộ não mới biết tư duy. Quan niệm về linh hồn (một kiểu tồn tại ngoài cơ thể, có tình cảm, tư duy và ý chí tự do) và trái ngược với cặp phạm trù nói trên, nên cần được xem là phản khoa học.

    Bằng chứng của ngoại cảm tìm mộ: Xin nhấn mạnh, nói chung bằng chứng của ngoại cảm tìm mộ đều không đáng tin, vì chỉ dựa trên lời kể của người trong cuộc thiếu kiến thức về ngoại cảm và tâm linh. Một vài nghiên cứu được tổ chức trên thực địa cũng mắc lỗi nghiêm trọng về phương pháp, khi không thiết kế loại bỏ các kênh cảm giác (vì đây là ngoại cảm, tức phi cảm giác). Người viết bài này đã trực tiếp khảo sát cô Năm Nghĩa tìm mộ tại Thủ Dầu Một năm 2001 và nhận thấy, thực tế hoàn toàn khác lời kể của mọi người.

    Có ý kiến cho thắc mắc rằng, ngoại trừ các trường hợp lừa gạt, tại sao cô đồng có thể nói được những thông tin rất bí mật về người chết? Bí mật này đã được khám phá năm 1977 trên tạp chí Người yêu cầu nghi ngờ của CSICOP, khi Hyman phát hiện kỹ thuật đọc nguội (cold reading), là kỹ thuật lấy tin từ chính thân chủ giới bói toán hay đồng cốt. Nói cách khác, nếu thân chủ ngồi im, nhắm mắt, bịt tai nhằm cắt mọi kênh thông tin cảm giác, thì thày bói phải chịu bó tay! Tuy nhiên vì chúng ta muốn tin, nên chúng ta vô tình hay cố ý cung cấp mọi thông tin cần thiết cho cô đồng...

    Vậy có thể kiểm tra tính xác thực của ngoại cảm tìm mộ hay không? Rất dễ dàng: hoặc thử nghiệm ADN, hoặc tổ chức thực nghiệm với các trường hợp thật giả lẫn lộn. Chính cô đồng Phương tại Thanh Hóa đã bị một phóng viên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh bóc mẽ khi mắc bẫy nói chuyện với vong không có thật. Nếu tổ chức tốt các thí nghiệm có kiểm soát, có lẽ không một nhà ngoại cảm nào dám chấp nhận thách thức.

    Nguồn: Bản tin KH & KT số 4 - 2007, Liên hiệp hội Thái Bình.

    *Viện Vật lý Y Sinh học, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng
    ?020

    Tác giả bài viết: Đại tá Đỗ Kiên Cường*



    Đánh giá bài viết
    Last edited by Kiên Bùi; 02-19-2017 at 09:35 PM.

  2. #2
    Theo mình thì "cuộc sống bên kia cái chết" thì 80% trở lên là bịa đặt, vì những lý do sau:
    - Không ai từ bên kia trở về và tỉnh táo để nói rõ những gì đã xảy ra.
    - Những điều mà những người ấy nếu có kể ra cũng chẳng ai kiểm chứng đúng hay sai, có hay không.
    - Trong 20% còn lại thì quá ít để đánh giá là ngẫu nhiên hay những thông tin có xếp đặt.
    Còn ngoại cảm ở VN thì chả khác gì phong trào. Khi người ta không còn tin cái gì nữa (pháp luật, xã hội, cả tự tin) thì phải tin vào cái gì đó mơ hồ. Ngoài ra, những kẻ tham lam, ác đức, lưu manh lúc gần chết thì bắt đầu sợ (chẳng biết sợ cái gì) thì thường đi chùa sám hối, đi lễ Phật nhét tiền vào tay các tượng như lại quả, mua chuộc tội lỗi.
    Còn mấy ông thầy chùa tổ chức cầu siêu, cúng tế, cầu hồn đều làm sai Phật pháp, không là lũ lưu manh buôn thần bán thánh cũng là lũ lợi dụng sự mê muội của dân chúng để kiếm chác.

 

 

Similar Threads

  1. Thông tin khoa học
    By Dân in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 04-10-2014, 03:52 AM
  2. Thông tin khoa học
    By Dân in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 1
    Last Post: 03-28-2014, 05:23 PM
  3. Replies: 0
    Last Post: 04-01-2013, 03:07 PM
  4. 14 đột phá khoa học lớn nhất trong năm 2011
    By ngocdam66 in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 0
    Last Post: 01-07-2012, 04:10 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:09 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh