Register
Page 55 of 186 FirstFirst ... 545535455565765105155 ... LastLast
Results 541 to 550 of 1857

Thread: Âu

  1. #541
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365





    Tổng giám đốc Đức bị Trung Quốc sa thải : Một gáo nước lạnh cho Berlin

    Thụy My
    Đăng ngày 05-12-2018
    Sửa đổi ngày 05-12-2018 17:55


    Xe hơi BMW được các "cánh tay robot" của KUKA lắp ráp.
    Wikipedia

    Hôm thứ Hai 26/11/2018, ông chủ mới Trung Quốc khi loan báo về việc sa thải Till Reuter, tổng giám đốc KUKA, tập đoàn Đức nổi tiếng về sản phẩm « cánh tay thông minh », biểu tượng cho công nghệ thời kỳ 4.0, đã dội một gáo nước lạnh vào giới kỹ nghệ nước Đức.

    Ông Till Reuter, 50 tuổi, vốn là người tích cực ủng hộ việc tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại KUKA với giá 4 tỉ đô la hồi năm 2016. Bộ trưởng Kinh Tế Đức thời đó là Sigmar Gabriel đã làm mọi cách để ngăn cản nhưng không được. Từ đó đến nay, ông Reuter không bỏ lỡ một dịp nào để nhấn mạnh việc Midea mua KUKA rất có lợi cho tập đoàn Đức.

    Nhưng những lời ca ngợi này không cứu vãn được sự nghiệp của chính ông Reuter. Ông bị ông chủ Hoa lục cho về vườn một cách phũ phàng, sau mười năm lãnh đạo tập đoàn KUKA, tên tuổi hàng đầu thế giới trên thị trường robot thông minh.

    Nhật báo kinh tế Handelsblatt dẫn các nguồn tin kỹ nghệ tiết lộ, đó là do cổ đông Trung Quốc muốn tăng thêm trọng lượng trong những quyết định của KUKA. Tất nhiên ban lãnh đạo do Bắc Kinh khống chế cố tìm mọi cách trấn an, bảo đảm việc làm cho công nhân đến năm 2023. Nhưng sự kiện Till Reuter bị ông chủ Trung Quốc đột ngột tống cổ, đã kết thúc hẳn thời kỳ ngây thơ của Berlin.

    Tin tưởng rằng các nhà đầu tư Hoa lục là vô hại, Đức đã để yên cho họ mua lại các công ty của mình. Nhưng Bắc Kinh quá háu ăn, một loạt các vụ thâu tóm năm 2015 và 2016 khiến Berlin bắt đầu lo ngại.

    Mikko Huotari, giám đốc Viện Merics giải thích : « Chúng tôi nhận ra rằng người Trung Quốc không giống những nhà đầu tư các nước khác. Ba năm sau đợt hàng loạt công ty Đức bị Trung Quốc mua lại, các ông chủ mới không hề quan tâm đến các vấn đề sát sườn của địa phương. Trường hợp KUKA chứng tỏ khả năng hành động của doanh nghiệp châu Âu bị thu hẹp dưới sự can thiệp của ban lãnh đạo Trung Quốc ».

    Sự kiện này làm giới kỹ nghệ Đức tăng thêm ngờ vực trước đối tác Trung Quốc. Kể từ sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc gần đây, người Đức ghi nhận chính quyền Bắc Kinh đè nặng chưa từng thấy lên các quyết định của giới công nghiệp. Các công ty ngày càng bị giám sát chặt hơn, hy vọng cải thiện, mở rộng thêm thị trường Hoa lục tan thành mây khói. Cho đến nỗi BDI, nghiệp đoàn kỹ nghệ Đức nay kêu gọi các thành viên giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

    Trong một thông báo chưa công bố nhưng hãng tin Anh Reuters đọc được hôm 31/10, BDI khuyến cáo các công ty Đức tính toán lại chuỗi gia công sản xuất, xem lại trọng lượng thị trường Hoa lục trong tổng lượng hàng bán. BDI nhấn mạnh : « Có sự cạnh tranh dứt khoát giữa mô hình kinh tế thị trường rộng mở của chúng ta và nền kinh tế Trung Quốc do nhà nước lãnh đạo », và nhận định, việc mở cửa thị trường Hoa lục như hứa hẹn có thể sẽ không bao giờ xảy ra.

    Tổng thống Đức Frank-Walter Steimeier, từ hôm qua 04/12/2018, bắt đầu chuyến công du Trung Quốc 6 ngày. Quan hệ thương mại đôi bên hiện căng thẳng đến nỗi tất cả phát biểu đều được theo dõi kỹ càng.

    /* nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20181205-duc...cua-trung-quoc


  2. #542
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365




    Brexit : Nhiều người dân Anh muốn tổ chức trưng cầu dân ý lần 2

    Minh Anh
    Đăng ngày 09-12-2018 • Sửa đổi ngày 09-12-2018 13:46



    Người chống và ủng hộ Brexit biểu tình tại trung tâm Luân Đôn ngày 6/12/2018.

    REUTERS/ Toby Melville


    Cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit sẽ diễn ra vào ngày 11/12 như dự kiến tại Nghị Viện Anh. Bộ trưởng đặc trách Brexit, Kwasi Kwarteng, ngày 09/12/2018 khẳng định như trên. Trong khi đó, những người đấu tranh chống Brexit, cũng gia tăng các cuộc vận động cho một cuộc trưng cầu dân ý lần 2.


    Tuyên bố trên của bộ trưởng Anh được đưa ra trong bối cảnh tờ Sunday Times, trích dẫn nhiều nguồn từ các bộ trưởng và các cố vấn cho rằng thủ tướng Anh Theresa May có thể dời cuộc bỏ phiếu và trở lại Bruxelles thương lượng nhằm đạt được một thỏa thuận tốt nhất.

    Trong khi hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc bỏ phiếu ngày thứ Ba, những người ủng hộ một sự chia ta « cứng rắn » và những người muốn có một trưng cầu dân ý thứ hai đang ra sức vận động trên khắp nước Anh.

    Sophie Miller, thông tín viên đài RFI tại Luân Đôn ghi lại ý kiến của những nhà đấu tranh cho cuộc trưng cầu dân ý lần 2:

    Tại một trục phố thương mại ở trung tâm thủ đô Luân Đôn, nhiều người đấu tranh tìm cách thuyết phục những người đi đường đang hối hả đi mua sắm cho dịp lễ Noel ký bản kiến nghị cho một cuộc trưng cầu dân ý lần hai. Cara, một công dân Anh gốc Đức là thành viên mới trong nhóm vận động này.

    Cô nói : « Lúc này là thời điểm quyết định để cố thuyết phục nhiều người hơn rằng có được cơ may thứ hai là rất quan trọng. Tôi đã hết hy vọng, từ hai năm qua tôi rất buồn, tôi không hiểu làm sao điều này lại xảy ra ».

    Marcus, rất dấn thân trong chiến dịch thì mong muốn rằng hiệp ước rút nước Anh ra khỏi Liên Hiệp do bà Theresa May thương thảo sẽ bị bác bỏ vào ngày thứ Ba này và các nghị sĩ cho phép người dân Anh bỏ phiếu lại.

    « Hôm nay, chính là chọn lựa dân chủ duy nhất có thể. Chúng tôi chưa hiểu rõ lắm quan điểm của Liên Hiệp Châu Âu và họ sẽ đồng ý đến mức nào để thương lượng tiếp thỏa thuận này. Một thỏa thuận không hợp lòng ai cả, từ những người ủng hộ cho đến cả những người chống Brexit. Đó là một thứ hỗn hợp điều tệ hại ».

    Calleope, một thiếu nữ trẻ Luân Đôn, 16 tuổi dừng lại trước gian hàng của họ để dán miếng sticker chiến dịch vận động lên áo măng tô.

    « Brexit, đó là một thảm họa, việc này sẽ ảnh hưởng đến Vương quốc Anh. Chính thế hệ của tôi mới phải gánh chịu hệ quả nhiều nhất từ Brexit. Tôi muốn có thể quyết định tương lai của mình ».

    Trên cấp độ quốc gia, bản kiến nghị cho cuộc trưng cầu dân ý lần 2 đã thu thập được hơn một triệu chữ ký.


    /* nguồn: http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181209-br...au-dan-y-lan-2


  3. #543
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365







    Áo Vàng « đấu tranh giai cấp » trong một nước Pháp ít bất công xã hội

    Thụy My
    Đăng ngày 08-12-2018
    Sửa đổi ngày 08-12-2018 19:09



    Kỵ binh Pháp tuần tra tại Paris trong ngày biểu tình của những người Áo Vàng ngày 08/12/2018.
    REUTERS/Stephane Mahe

    Phong trào Áo Vàng là chủ đề chính của tất cả các tuần báo kỳ này. Le Point đăng ảnh phần đầu người phụ nữ trong tác phẩm điêu khắc « La Marseillaise » trên Khải Hoàn Môn bị đập vỡ, chạy tựa « Những ngày cuối cùng của mô hình Pháp », lý giải « Vì sao ông Macron phải thay đổi tất cả ». Cũng đăng cùng tấm hình này, tuần báo AnhThe Economistchạy tựa « Cơn ác mộng của Macron ».

    L’Obsnhấn mạnh « ISF, sai lầm thuế khóa », đặt câu hỏi « Tiền thuế đi về đâu ? », đồng thời đề cập đến quan hệ căng thẳng giữa tổng thống và thủ tướng Pháp, phân tích về một cuộc xung đột chưa từng thấy. Riêng L’Express dành trang bìa cho « homéophathie » (liệu pháp vi lượng đồng căn), đặt vấn đề về tính hiệu quả, với lời kêu gọi từ 130 thành viên Viện hàn lâm Y học, rằng bảo hiểm y tế không thanh toán các loại thuốc này. Ở các trang trong, tờ báo phân tích « Áo Vàng, bốn khuôn mặt của cuộc khủng hoảng ».

    Nước Pháp bốc cháy, Macron trong bão tố

    Trong bài viết mang tựa đề bằng tiếng Pháp « La République en Flammes » (Nền cộng hòa bốc cháy), tuần báo Anh ngữ The Economistnhận định, Emmanuel Macron đối mặt với thử thách thật sự của nhiệm kỳ tổng thống.

    Cách đây một năm, Macron đã nói : « Tôi không sinh ra để lãnh đạo trong lúc yên bình, mà để đối mặt với bão tố. Nếu muốn đưa đất nước đi đến đích, thì phải tiến lên bằng mọi giá. Không thể nhân nhượng, nhưng đồng thời cũng phải lắng nghe người dân, chia sẻ với họ sự giận dữ và nỗi đau khổ ». Tuần báo Anh cho rằng bây giờ Macron cần phải nghe lời khuyên của chính mình một năm về trước.

    Nước Pháp không xa lạ với những cuộc xuống đường. Những tấm ảnh đen trắng nổi tiếng - những rào chắn, những viên đá lát đường bị cạy lên làm vũ khí - của cuộc cách mạng Tháng Năm 1968 được triển lãm tại Paris trong năm nay, đúng nửa thế kỷ sau. Những cuộc biểu tình do các nghiệp đoàn tổ chức là một phần của đời sống Pháp.

    Nhưng lần này thì khác hẳn. Những người Áo Vàng đột ngột xuất hiện từ mạng xã hội, không gắn với các nghiệp đoàn hay bất kỳ đảng phái nào. Sức mạnh của phong trào là từ tính chất không có cơ cấu tổ chức lẫn lãnh đạo, sự biến hóa khó lường này gây khó khăn cho cảnh sát lẫn chính phủ.

    Áo Vàng, cuộc cách mạng nhờ thuật toán

    Xã luận củaCourrier Internationalgọi đây là « Cuộc cách mạng bằng thuật toán ». Với Facebook, làm cách mạng không khó.

    Chẳng ai tin rằng những người lái xe giận dữ lại có thể liên kết với nhau nhờ những chiếc áo gilet vàng. Chính phủ Macron, từng ca ngợi « quốc gia start-up », lại chẳng thấy trước được gì. Trong khi đó chỉ cần hồi đầu năm nay, một sự thay đổi về thuật toán hiển thị của mạng xã hội do Mark Zuckerberg sáng lập, giúp người dùng chọn ra những thông tin làm họ hứng thú nhất, đã giúp những người Áo Vàng học cách nhận ra nhau. Chỉ trong vài cú nhấp chuột, sự phẫn nộ đã lan tràn trên Net, trước khi xuống đường với các khẩu hiệu vượt xa khỏi giá xăng dầu lúc ban đầu.

    Từ lâu im lặng, vắng bóng, một nước Pháp bị lãng quên đã thức dậy. Cuộn chỉ màu vàng đã lớn dần, được bổ sung bằng những kẻ cơ hội đủ loại. Tất cả những người sản xuất fake news đều có mặt : ảnh cũ, video lắp ghép, thông tin sai lạc…gây ô nhiễm trên mạng, làm tê liệt phản xạ dân chủ.

    Không chỉ những người dân túy, mà cả từ bên ngoài biên giới, với mục đích phá hoại nền dân chủ nước Pháp. Tờ báo cho rằng cần khẩn cấp tìm ra phương cách đối thoại trực tiếp, khiến dối trá và tin đồn không còn đất sống.

    Nền dân chủ đang nguy ngập ?

    Trang nhất của Courrier International đăng hình tháp Eiffel mặc một chiếc gilet vàng, phía dưới chân tháp là đám đông Áo Vàng. Tờ báo chạy tựa « Cơn phẫn nộ đặc thù Pháp », điểm qua báo chí nước ngoài nói về cuộc nổi dậy Áo Vàng.

    « Dân chủ đang nguy ngập ? », tờ L’Orient du Jour ở Liban hoảng hốt. Không có nhà độc tài nào để lật đổ, cũng không có Nhà nước công an nào sẵn sàng tóm cổ bạn nếu lên tiếng chỉ trích. Ở bên đó (tức nước Pháp), biểu tình được cho phép, đối lập tha hồ chỉ trích, và nếu nhục mạ vị nguyên thủ bằng những lời lẽ tệ hại nhất cũng chẳng sao. Ở đó, các trường học rất tốt là miễn phí, y tế cũng vậy, và Nhà nước pháp quyền đứng trên tất cả.

    Tuy vậy cuối tuần rồi, ở bên đó trông khá giống với bên này (tức Liban). Làn sóng bạo lực cả thân thể lẫn ngôn từ, những chiếc xe hơi bốc cháy, đại lộ Champs-Elysées bị phá hoại, tình trạng vô tổ chức…Nhiều người Liban cư trú tại thủ đô nước Pháp nói với tờ báo : « Tôi có cảm tưởng như đang ở Beyrouth ». Sự so sánh có thể gây cười, nếu chủ đề không nghiêm trọng đến thế.

    Chính để lật đổ những nhà độc tài thực sự, mà người Ả Rập đã đứng lên cách đây tám năm, với khát vọng dân chủ. Nhưng cũng chính nền dân chủ này đang có nguy cơ rạn vỡ ở phương Tây.

    Trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, các chính quyền lúng túng trước những vấn đề lớn của thế kỷ : môi trường, kỹ thuật số, di dân, an ninh…ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ lên giới bình dân. Những người này tất nhiên sẽ quay sang phía những kẻ mị dân, hứa hươu hứa vượn.

    « Hoàng đế Macron » đơn độc trong cung điện

    Nhìn từ nước Đức, tuần báo Die Zeit cho rằng tổng thống Emmanuel Macron đang « Đơn độc trong thế giới của mình ». Để lãnh đạo đất nước, bao quanh Macron là những người giống như ông. Theo tờ báo, cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy giới tinh hoa Pháp đang xa rời thực tế.

    Buổi sáng, Macron thức giấc tại một trong số 365 căn phòng của điện Elysée, xung quanh là những đồ đạc sang trọng thời vua Louis XV. Mở mắt ra, là những chùm đèn lóng lánh trên trần. Đồ sứ trong điện đã được thay mới với 50.000 euro, những dụng cụ làm bếp bằng đồng bóng loáng trong khu vực bếp cũng chính là những vật dụng từng chuẩn bị cho hoàng đế Napoléon ngự thiện. Sống trong khung cảnh như thế, ông dễ dàng nghĩ rằng mình đang viết nên lịch sử. Từ hơn một năm qua, các « quần thần » chẳng ai dám nói ngược lại với Macron.

    Emmanuel Macron đã thành công trong việc tập trung hóa quyền lực vốn đã rất tập trung. Chủ yếu chỉ có bốn người quyết định chính sách nước Pháp. Cụ thể hơn, đó là bốn người đàn ông năng động ở độ tuổi bốn mươi, hầu như chưa bao giờ biết đến thất bại.

    Bên cạnh tổng thống 40 tuổi Macron, là thủ tướng Édouard Philippe, 48 tuổi, tốt nghiệp hai trường đại học danh giá nhất là Sciences Po (Khoa học Chính trị) và trường Hành chính Quốc gia. Chánh văn phòng thủ tướng Benoît Ribadeau-Dumas và chánh văn phòng tổng thống Alexis Kohler, đều 46 tuổi, mỗi người đều tốt nghiệp hai trường lớn. Các « Macron Boy » đều ăn mặc lịch lãm một cách kín đáo. Chỉ số thông minh trung bình IQ ở điện Elysée cao khủng khiếp !

    Giới tinh hoa Pháp xa rời quần chúng

    Câu hỏi đặt ra là liệu xung quanh đầy sự cộng sự tài năng, toàn những chiếc đầu thông minh là đủ để lãnh đạo đất nước, hay quá tỏa sáng lại bất lợi ?

    Die Zeit nhắc lại cuốn sách « Bước chân điên cuồng của lịch sử », viết về John F. Kennedy và các cộng sự, của nhà sử học Barbara Tuchman. Bà mô tả một nhóm thanh niên ưu tú, đã gây ra một thảm họa trong lịch sử đương đại của nước Mỹ, đó là cuộc chiến tranh Việt Nam. Các cố vấn trẻ tuổi này và ngay cả Kennedy đều là cựu chiến binh. Ê-kíp của Macron thì không, nhưng đều là những tinh hoa, khác biệt với những người đang xuống đường ở nước Pháp.

    Ba phần tư số dân biểu trong đảng cầm quyền đều là người mới tập tễnh làm chính trị, vào được Quốc hội là nhờ « ăn theo » Macron, và tổng thống chỉ để cho các bộ trưởng rất ít quyền hành. Trên lý thuyết, Emmanuel Macron đã tìm ra cách thức hiệu quả để lãnh đạo. Trên thực tế, những người mặc áo gilet màu vàng đốt bàn ghế của những nhà hàng trên đại lộ Champs-Elysées.

    Những người « đấu tranh giai cấp » kiểu Pháp : Xin mời sang thăm Nga !

    Với cái nhìn từ Matxcơva, một nhà báo của Gazeta.ru chứng kiến cuộc « đấu tranh giai cấp » kiểu Pháp, cho rằng chế độ dân chủ, dù có những khuyết điểm, vẫn là mơ ước của người dân những đất nước độc tài.

    Phong trào Áo Vàng nổ ra do chính phủ dự định từ ngày 01/01/2019 tăng 3 xu cho mỗi lít dầu diesel. Tăng ba xu euro, tức hai rúp, trong khi giá một lít xăng là 100 rúp ! Nhà báo cho rằng nên đưa những người Pháp không hài lòng này đến Nga xem sao.

    Tại Nga, tất cả các kênh truyền hình đều đưa hình ảnh những công dân ngoan ngoãn ủng hộ việc tăng tuổi về hưu, tăng thuế VAT, thuế địa phương…và tất cả mọi phương tiện để móc đến đồng kô-pếch cuối cùng trong túi người dân.

    Theo tác giả, chỉ vì ba xu nhỏ mà những người Áo Vàng gây khó khăn cho cuộc sống của đồng bào mình. Họ chận xe ở các ngã tư, ai ủng hộ phong trào thì cho qua, những kẻ trưởng giả xấu xí tha hồ chờ đấy. Một người bạn Pháp kể lại ngay trong ngày Black Friday, Áo Vàng đã phong tỏa một trung tâm thương mại ; ai mang những rổ hàng nhỏ được tha, những xe đẩy hàng bị chận : rõ ràng là « đấu tranh giai cấp » chống các tín đồ tiêu thụ.

    Áo Vàng xuất hiện lúc sức mua bắt đầu được cải thiện

    « Cơn phẫn nộ lỗi thời vì thuế má », đó là nhận xét củaLe Point. Những người Áo Vàng tỏ ra tức giận đúng vào lúc mà chính sách kinh tế của tổng thống Macron có tác động tích cực lên sức mua.

    Tác giả cho rằng thật nghịch lý khi Áo Vàng ngày càng tỏ ra không khoan nhượng, vào lúc tình hình tài chính của người dân Pháp được cải thiện. Giá xăng, ngòi nổ của cuộc nổi dậy, đã giảm mạnh. Từ 1,57 euro/lít trong tuần lễ 5/10, chỉ còn 1,43 euro trong tuần lễ 30/11, và giá dầu diesel cũng vậy. Đó là do giá một thùng dầu Brent Hắc Hải trong tháng 11 giảm đến 22 đô la, điều chưa từng thấy từ mười năm qua. Kể từ đầu tháng 10 trở đi, giá xăng dầu giảm đến 30%.

    Song song đó, vào cuối tháng 10, người lao động Pháp nhận được phiếu lương đầu tiên đã bỏ các khoản đóng góp bảo hiểm y tế và thất nghiệp. Như vậy một người lãnh lương SMIC (tối thiểu) lợi thêm được 42 euro net, cộng thêm 8 euro tiền thưởng. Mười lăm ngày sau, phong trào Áo Vàng khởi động, vào lúc sức mua rốt cuộc tăng lên thực sự như đã hứa hẹn. Đồng thời thuế gia cư giảm xuống 30% đối với 80% người đóng thuế, trừ 20% người giàu có.

    Điều mỉa mai là khi đẩy đất nước rơi vào hỗn loạn, Áo Vàng có thể làm tăng trưởng của Pháp sụt giảm nhanh chóng, và chính họ sẽ là nạn nhân. Bởi vì không phải những người có trình độ cao bị đe dọa công ăn việc làm, mà chính những người đang phong tỏa đường phố.

    Pháp, một trong những nước ít bất công xã hội nhất

    Trong một bài xã luận của Le Point mang tên « Bất bình đẳng, lời dối trá trắng trợn », tác giả nhận định tuy nước Pháp chịu sức nặng của thuế khóa, nhưng vẫn là một trong những quốc gia ít bất công xã hội nhất thế giới.

    Bài viết nêu ra một nghịch lý nữa, là Áo Vàng cũng cùng một giọng điệu chống thuế má như các nhà triệu phú, đòi cho bằng được việc giảm, hủy bỏ thuế, trong khi nhờ các sắc thuế này, những người nghèo được hưởng lợi.

    Tác giả đưa ra những con số cụ thể để chứng minh, là sau khi tái phân phối qua thuế trực thu và trợ cấp xã hội, cách biệt trong mức sống giữa người giàu và người nghèo từ 8,4 lần chỉ còn 3,9 lần. Nếu tính giữa lớp người giàu nhất và nghèo nhất, tỉ lệ này từ 22,4 lần chỉ còn có 5,6 lần. Số 10% những người giàu nhất phải đóng đến 70% tổng thuế thu nhập cả nước (55/78 tỉ euro)…Tóm lại, câu khẩu hiệu mà Áo Vàng vẫn nhắc đi nhắc lại « luôn luôn người nghèo phải trả giá » là không có cơ sở.

    Việc bỏ thuế ISF làm ngân sách mất 4 tỉ euro trên tổng số 1.100 tỉ euro các khoản đóng góp bắt buộc – làm người ta quên đi rằng Pháp là một trong những nước bình đẳng nhất trên thế giới, và mức sống tốt đẹp hơn rất nhiều so với cách đây 50 năm. Khi kêu gọi giảm thuế đồng thời đòi giảm bất công xã hội, Áo Vàng chứng tỏ bản thân phong trào này đã tự mâu thuẫn.

    Nổi dậy hay cách mạng ?

    Tuần báo L’Expresstrong bài xã luận « Cơn rét run của cách mạng » nhắc lại lời của triết gia Albert Camus, người ta không thể vừa tự cho là cánh tả, lại vừa xa rời các phong trào xã hội.

    « Một cuộc nổi dậy à ? » « Không, thưa bệ hạ, đó là một cuộc cách mạng ». Vua Louis XVI đã hỏi như thế sau khi bị công tước La Rochefoucauld đánh thức vào đêm 14 tháng Bảy năm 1789 tại cung điện Versailles.

    Thế nào là một cuộc cách mạng ? Triết gia Hegel định nghĩa : Đó là phong trào gồm nhiều người nổi dậy đủ để hợp thành một đơn vị hành động bạo lực, vì bạo lực là cần thiết.

    Bây giờ là thời điểm khó khăn, vì với thành công vang dội của Macron trong cuộc bầu cử tổng thống, mọi người đều hãnh diện là người Pháp ; và nay thì ông nếm trải thất bại đầu tiên trong một nước Pháp bắt đầu trở thành phản kháng.

    Theo tác giả, điều đáng ngại là các phong trào chống đối thường không biết cách kết thúc, và không phải nhân dân lúc nào cũng đúng. Nhà triết học Simone Weil đã nói : « Mỗi lần được kêu gọi cầm vũ khí tự vệ vì chính nghĩa, người ta đặt chân vào một vùng đất vô định ».

    Nhiều tờ báo, trong đó có The Local của Thụy Điển tỏ ra lo ngại trước bạo lực. Những màn hôi của, đập phá…ở Paris hôm 1/12 cho thấy thay vì đối thoại, có không ít Áo Vàng chỉ đơn thuần muốn trút cơn phẫn nộ trên một nước Pháp thành thị, trưởng giả, từ lâu vẫn coi họ như con số không.

    /* nguồn: http://vi.rfi.fr/phap/20181208-ao-va...at-cong-xa-hoi




  4. #544
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365






    "Doanh nghiệp nhỏ làm ăn với Iran như tê liệt"

    Andreas Macho
    7.12.2018

    Đối với các công ty làm ăn với Iran, việc bắt giam giám đốc tài chánh của Hoa Vi là cú đánh nặng nề tiếp theo. Luật sư José Campos Nave biết các doanh nghiệp nhỏ nào của Đức vẫn còn đang làm ăn với Iran và cảnh giác hãy thận trọng.

    Tuần báo Kinh tế: thưa ông Campos Nave, bà giám đốc tài chánh của công ty viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc vừa bị bắt ở Canada vì công ty này vi phạm cấm vận của Mỹ lên Iran. Các giám đốc Châu Âu và doanh nghiệp nhỉ còn làm ăn với Iran có phải sợ hãi khi đi công tác ở Mỹ hay không?
    Luật sư José Campos Nave: Có lý do để phải lo lắng đó chứ. Theo cách nhìn cá nhân tôi, vì tôi là giám đốc của văn phòng đối tác Rödl & Partner ở Iran hiện diện ở mọi phương diện. Dĩ nhiên việc này sẽ có thể có hậu quả khi đi công tác ở Mỹ. Nhưng tôi chưa thể kết luận rốt ráo được liệu rằng có thật như vậy hay không, và hậu quả gồm những gì. Hiện tại tôi không khuyến khích vị CEO công ty nào làm ăn nhiều với Iran có ảnh hưởng quan trọng kinh tế lại tới Mỹ công tác hết.


    Tuần báo Kinh tế:
    Tuy nhiên đâu phải lãnh vực nào cũng bị cấm vận đâu. Lời khuyên của ông lại có giá trị cho tất cả lãnh vực kinh doanh sao?
    Luật sư José Campos Nave: Dù không phải tất cả các lãnh vực làm ăn với Iran đều bị cấm vận, mà lại còn có cả một loạt các lãnh vực làm ăn khác còn được phép nữa. Tuy nhiên vấn đề là sự hỗn loạn hiện nay và hiện tại không có một ranh giới rõ ràng nào hiện hữu giữa cấm vận và cho phép cả. Vụ cấm vận của Mỹ tạo ra một sự hỗn loạn trầm trọng. Các doanh nghiệp đơn giản không biết rằng loại nào bị cấm, loại nào được phép. Các thương gia như bị tê liệt. Tình trạng thành hỗn loạn.

    Tuần báo Kinh tế: Rödl & Partner cố vấn các doanh nghiệp nhỏ của Đức khắp nơi trên thế giới. Ông còn bao nhiêu khách hàng ở Iran?
    Luật sư José Campos Nave: Bây giờ ở Iran thực sự chỉ còn các công ty không thể rút đi được mà thôi. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ có tầm cỡ làm ăn với Iran cũng đều đang làm ăn với Mỹ. Tuy nhiên tỉ trọng giao dịch với Mỹ lại lớn gấp 80 lần so với Iran. Cho nên không có ai muốn phá hủy làm ăn của mình với Mỹ cả, cho dù các lãnh vực làm ăn đó không dính dáng chi đến việc cấm vận. Cho nên gần như tất cả các doanh nghiệp Đức hạng nhỏ đã rút khỏi Iran.

    Tuần báo Kinh tế: Các công ty gặp phải trở ngại gì khi không làm ăn với Iran nữa?
    Luật sư José Campos Nave: Nếu một công ty chỉ chuyên bán phụ tùng cho Iran và chỉ có văn phòng đại diện hành chánh hoặc là nhà kho ở đó thì dẹp nhanh và rút dễ dàng. Chỉ những công ty nào có sản xuất tại chỗ thì dĩ nhiên gặp phải nan đề lớn hơn. Đặc biệt các công ty có xây dựng máy móc quang điện hoặc là Wind farm. Các trang trại như vậy có tỉ trọng nhanh chóng lên đến 15 triệu euro. Và những hệ thống này không thể nói tháo gỡ rồi mang đi một cách đơn giản như mình tưởng.

    Tuần báo Kinh tế: Các lãnh vực nào đặc biệt bị dính cấm vận?
    Luật sư José Campos Nave: Cấm vận hẳn hòi là các lãnh vực kỹ thuật hàng không, chế tạo vũ khí với một vài ngoại lệ của kỹ nghệ dầu thô. Dĩ nhiên các hệ thống doanh nghiệp chuyên cung cấp cho các lãnh vực này cũng bị cấm vận. Ai bán cho Iran sắt thép thì phải hỏi sắt thép đó được áp dụng cho việc gì. Ngoài ra gần như không thể cung cấp sản phẩm cho Iran vì hệ thống chuyển ngân bị Mỹ ngăn cản. Các công ty có thể cung cấp sản phẩm không dính trong danh sách các lãnh vực bị cấm vận sang Iran, nhưng lại không được thanh toán.

    Tuần báo Kinh tế: Đức và Pháp vừa đây muốn thành lập một loại Công ty phương tiện đặc trách (Special-purpose entity) cho việc giao thương với Iran. EU có xác suất thành công giữ vững quan hệ giao thương với Iran ra sao?
    Luật sư José Campos Nave: Liên Âu trong vụ Iran cũng như con cọp sún răng. Đã có nhiều lần thử thành lập các công ty phương tiện đặc trách để giữ giao thương qua cách trao đổi rồi. Nhưng cho tới nay cách này không có thu hoạch gì. Tôi e rằng tương lai cũng không thành công.

    Tuần báo Kinh tế: Là chuyên gia cho vùng Trung Cận Đông ông cũng cố vấn cho các công ty ở Ả Rập Saudi. Ở đó có thể là đe dọa thảm bại cho những người làm kinh tế Đức không?
    Luật sư José Campos Nave: Trường hợp đó không thể so sánh được. Iran là một thị trường 80 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề trên phương diện luật lệ của vụ phong tỏa Mỹ tạo ra. Đối với tất cả các lãnh vực làm ăn thì đó là một thị trường quan trọng, như các loại hàng hóa cần thiết hàng ngày. Loại an ninh cấm vận này không xảy ra ở Ả Rập Saudi mà cũng đã được thông qua như vụ giết ký giả Jamal Khashoggi. Gần như không có doanh nghiệp nhỏ nào của Đức ở Ả Rập Saudi. Ngoại trừ kỹ nghệ bán vũ khí thì cho đến nay giao thương không bị ảnh hưởng gì. Mỹ vẫn còn phân vân với Ả Rập Saudi cho nên mình chưa thể tiên liệu được gì.

    /* dịch theo: https://www.wiwo.de/unternehmen/mitt.../23728934.html


  5. #545
    Better New Year ốc's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Ốcland
    Posts
    9,563


    Cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit sẽ diễn ra vào ngày 11/12 như dự kiến tại Nghị Viện Anh. Bộ trưởng đặc trách Brexit, Kwasi Kwarteng, ngày 09/12/2018 khẳng định như trên. Trong khi đó, những người đấu tranh chống Brexit, cũng gia tăng các cuộc vận động cho một cuộc trưng cầu dân ý lần 2.
    Leave means abandon. Bỏ đi tám.

    Theresa May postpones Brexit deal vote
    https://www.theguardian.com/politics...ingful-vote-eu

  6. #546

  7. #547

  8. #548

  9. #549

  10. #550
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365




    Những “con ngựa thành Troie” của Trung Quốc trong Liên Âu

    Mai Vân
    Đăng ngày 11-12-2018
    Sửa đổi ngày 11-12-2018 15:45


    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, tại dinh Queluz, Bồ Đào Nha, ngày 05/12/2018.
    REUTERS/Rafael Marcha

    Trên đường về nước sau thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Achentina, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ghé Bồ Đào Nha. Ngày 05/12/2018, ông đã ký với chủ nhà thỏa thuận gắn kết quốc gia Nam Âu này vào mạng lưới Một Vành Đai, Một Con Đường mà Bắc Kinh đang xây dựng.

    Với sự tham gia của Bồ Đào Nha, sáng kiến của Trung Quốc được cho là đã chiếm được một lợi thế quan trọng vì đất nước miền tây nam châu Âu này có một vị trí quan trọng trên cả đường biển lẫn đường bộ, cho phép Trung Quốc dễ dàng tỏa ngược lên toàn bộ châu Âu.

    Bồ Đào Nha là “chiến lợi phẩm” mới nhất mà Bắc Kinh chính thức giành được trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại Liên Hiệp Châu Âu, với việc Lisboa hầu như phớt lờ các mối quan ngại càng lúc càng nhiều tại Bruxelles trước các khoản đầu tư to lớn của Trung Quốc vào các lãnh vực chiến lược của châu Âu như hải cảng, vận tải, năng lượng, công nghệ…, sợ rằng an ninh châu Âu có thể bị tác hại, công nghệ và phát minh của châu Âu bị đánh cắp.

    Trong một bài phân tích ngày 08/12/2018 đăng trên trang blog của Atlantic Council, một trong những think tank rất có uy tín tại Hoa Kỳ trong lãnh vực quan hệ quốc tế, Frederick Kempe, chủ tịch trung tâm nghiên cứu này, đã nêu bật một khía cạnh mà cho đến nay ít được chú ý tới: Đó là việc Trung Quốc đã bắt đầu có được năng lực lèo lái một số chính sách của Liên Hiệp Châu Âu đi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, thông qua một số quốc gia thân hữu.

    Hy Lạp và Hungary: 2 con ngựa thành Troie đầu đàn của Trung Quốc

    Trước tiên hết, theo chuyên gia Kempe, sự hào phóng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với một số nước châu Âu gặp khó khăn tài chánh như Hungary và Hy Lạp đã giúp cho Bắc Kinh có ảnh hưởng ngày càng mạnh trên các quyết định của Liên Hiệp Châu Âu mà hai quốc gia này là thành viên.

    Ngay từ năm 2011, thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tiếp xúc với thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo để tìm hỗ trợ tài chính sau cơn khủng hoảng 2008, mở cho Bắc Kinh một con đường đi vào Liên Âu.

    Lý do của ông Orban rất đơn giản : Đó là sự sống còn của Hungary trước nguy cơ vỡ nợ, nhưng lại không muốn vay mượn với điều kiện nghiêm ngặt của các định chế châu Âu. Bắc Kinh đã sẵn sàng cứu vớt Budapest, trong lúc Hungary cũng đã thuyết phục được một số lãnh đạo Trung Âu khác đi theo Bắc Kinh.

    Kết quả là cơ chế “16 cộng 1” ra đời, đặt trụ sở ở Budapest, bao gồm Trung Quốc và 16 nước Trung và Đông Âu. Từ đó đến nay cơ chế này đã giúp Trung Quốc có được ảnh hưởng chưa từng thấy trong vùng.

    Nhà nghiên cứu đã nêu bật hai ví dụ cụ thể cho thấy thành công mau chóng của Bắc Kinh trong việc tung tiền vào Hungary, biến nước này thành công cụ lèo lái chính sách Liên Hiệp Châu Âu theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

    Vào tháng 3 năm 2017, trong một động thái hiếm hoi, Hungary đã phá vỡ đồng thuận của châu Âu về nhân quyền, từ chối ký một bức thư chung tố cáo các hành vi của chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc là đã tra tấn nhiều luật sư bị bắt giam.

    Trước đó, vào tháng 7 năm 2016, cùng với Hy Lạp, một quốc gia Liên Âu khác bị khó khăn và cũng được Bắc Kinh hào phóng mở hầu bao trợ giúp, Hungary cũng đã ngăn chặn việc nêu đích danh Trung Quốc trong một bản thông cáo của Liên Hiệp Châu Âu về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye phủ nhận những đòi hỏi của Bắc Kinh về chủ quyền ở Biển Đông.

    Riêng Hy Lạp, vào tháng 6 năm 2017, cũng đã ngăn chặn một tuyên bố của Liên Hiệp Châu Âu tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Đó là lần đầu tiên mà Liên Hiệp Châu Âu không có tuyên bố chung về nhân quyền Trung Quốc tại định chế nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc.

    Vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Achentina để tìm cách tránh không cho chiến tranh thương mại leo thang, trong khi Canada bắt một lãnh đạo cao cấp tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi ở Vancouver, theo yêu cầu của Mỹ vì tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt Iran, Liên Hiệp Châu Âu như đã phải công nhận tư thế mong manh của mình trước cuộc đọ sức giữa hai cường quốc Mỹ-Trung.

    Theo chuyên gia Kempe, châu Âu đang phải nhức đầu vì những cú sốc đến từ một nước Mỹ ngày càng khó lường, một Trung Quốc càng lúc càng quyết đoán hơn, và một châu Âu mà nội bộ ngày càng thêm chia rẽ về cách lèo lái giữa hai thế lực đó.

    Từ ngày 02 đến 04 tháng 12 vừa rồi, các chuyên gia về chiến lược Âu Mỹ đã tề tựu về Đức tham dự Diễn Đàn Chiến Lược Munich (Munich Strategy Forum), một sự kiện chuẩn bị cho Hội Nghị An Ninh Munich (Munich Security Conference) sắp tới đây.

    Bên lề Diễn Đàn, ông Wolfgang Ischinger, chủ tịch Hội Nghị An Ninh Munich đã không tránh khỏi lo ngại: “Trung Quốc đã cho thấy là họ có khả năng phủ quyết các chính sách của Liên Hiêp Châu Âu”. Đối với ông Ischinger, trong lúc các tập đoàn châu Âu hành động vì lợi nhuận thì các tập đoàn Trung Quốc trước sau như một, luôn luôn đại diện quyền lợi của Nhà nước, một điều “có thể trở nên nguy hiểm” cho châu Âu.

    Các quan chức châu Âu thừa nhận là Trung Quốc đã thực hiện quyền phủ quyết họ giành được trên những chính sách cần sự đồng thuận.

    Mối quan ngại lại càng tăng do việc ảnh hưởng của Trung Quốc tăng vọt ngoài dự kiến của mọi người, song song với đà phình lên nhanh chóng của đầu tư Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu năm 2017 đã lên đến 30 tỷ đô la, so với vỏn vẹn 700 triệu trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008.

    ‘Chiến tranh chính trị’

    Một báo cáo của hai trung tâm tham vấn Đức, GPPI và viện nghiên cứu về Trung Quốc Mercator Institute for China Studies, đã thấy rằng Bắc Kinh đã lợi dụng cơ chế thông thoáng của châu Âu và “nhanh chóng gia tăng nỗ lực gây ảnh hưởng chính trị ở châu Âu”.

    Theo bản báo cáo, một số người gọi hành động của Trung Quốc là một hình thức tiến hành ‘chiến tranh chính trị’, tức là sử dụng những công cụ phi quân sự, công khai và bí mật, để tác động lên các thành phần ưu tú trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, giới nghiên cứu và công luận ở châu Âu.

    Qua những nỗ lực này, Trung Quốc vừa làm yếu đi sự đoàn kết của châu Âu cũng như sức thu hút của Mỹ, vừa cải thiện hình ảnh của mình trong tư cách một phương án có thể thay thế mô hình tự do dân chủ.

    Căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tạo cơ may mới cho châu Âu xuất hàng sang Trung Quốc, nhưng đồng thời Trung Quốc cũng gia tăng mạnh mẽ việc xuất khẩu và đầu tư sang châu Âu bù đắp cho thị trường bị mất ở Mỹ.

    Trong sáu tháng đầu năm nay; những thương vụ Trung Quốc thâu tóm các công ty châu Âu đã cao hơn 9 lần số vụ ở Bắc Mỹ, đạt trị giá 20 tỷ đô la (so với 2,5 tỷ), trong lúc đầu tư Trung Quốc vào châu Âu cũng 6 lần cao hơn là vào Mỹ, đạt mức 12 tỷ đô la (so với 2 tỷ ở Mỹ).

    Ngoài ra, một thỏa thuận thương mại mới Mỹ-Trung có thể tác hại đến châu Âu trong bối cảnh Trung Quốc có thể chỉ trong nhấp nháy quyết định thay thế sản phẩm châu Âu bằng hàng hóa Mỹ vì lý do chính trị, điều rất dễ vì kinh tế Trung Quốc không phải là một nền kinh tế tự do.

    Khả năng tranh chấp Mỹ - Trung leo thang cũng làm đau đầu các chuyên gia châu Âu, không biết nên chọn phía nào, hay lèo lái ra sao đặc biệt đối với các quốc gia và ngành công nghiệp có nhiều vốn liếng ở Trung Quốc.

    Một số quan chức châu Âu đã nói đến sự cần thiết phải có quyền “tự chủ chiến lược” trước các hành động của Mỹ trừng phạt các thực thể nước ngoài trong hồ sơ Iran cũng như phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần này tại Bruxelles đặt lại vấn đề chủ nghĩa đa phương và Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng cácquan chức này cùnglúc còn quan ngại hơn về cái được gọi là “chiến tranh chính trị” của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng kinh tế, tài chính, và cả ngoại giao.

    Liên Hiệp Châu Âu hiện chưa áp dụng biện pháp giới hạn đầu tư nước ngoài theo kiểu ủy ban về đầu tư ngoại quốc của Mỹ CFIUS, một ủy ban liên ngành phụ trách việc xem xét tác động của đầu tư ngoại quốc trên an ninh quốc gia. Tuy vậy, trong tháng này, châu Âu đã thông qua một văn kiện thiết lập một kế hoạch chưa từng thấy, dù không ràng buộc, nhắm vào hình thức đầu tư “trấn lột” của Trung Quốc.

    Nước Đức chẳng hạn, trong tuần qua đã tập trung chú ý đến vấn đề công ty Kuka Robotics, đã trở thành ví dụ điển hình của hiểm họa bán công nghệ cao cho Trung Quốc. Chuyên sản xuất robot công nghiệp, Kuka từng là một trong những công ty sáng tạo hàng đầu trong nền kinh tế thế kỷ 21 này của Đức, cho đến khi nó bị công ty Midea của Trung Quốc thâu tóm vào năm 2016.

    Mới vào tháng trước, Midea đã nuốt hẳn lời bảo đảm trước đây là không thay đổi vị chủ tịch lâu đời rất được tôn trọng của Kuka, đánh dấu việc Trung Quốc hoàn toàn thâu tóm ngành công nghệ robot cực kỳ tiên tiến đó.

    Bắc Kinh vẫn kiên trì thúc đẩy chiến lược ‘chia để trị’ tại châu Âu

    Châu Âu ngày càng đề cao cảnh giác, Trung Quốc vẫn kiên trì thực hiện chiến lược, lợi dụng sự chia rẽ trong nội Liên Hiệp Châu Âu, căng thẳng thương mại Mỹ - Châu Âu, và nhu cầu đầu tư khẩn cấp của các quốc gia miền nam và đông châu Âu.

    Bằng chứng rõ rệt nhất là chuyến viếng thăm đầu tiên cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình tại Tây Ban Nha và nhất là Bồ Đào Nha, sau thượng đỉnh G20.

    Trung Quốc đã từng đầu tư 12 tỷ đô la vào một loạt đề án ở Bồ Đào Nha, từ năng lượng, giao thông, bảo hiểm, đến dịch vụ tài chính, truyền thông. Trong chuyến thăm của ông Tập, hai bên đã đào sâu thêm quan hệ đối tác kinh tế, với việc Lisboa đồng ý tham gia Con Đường Tơ Lụa Mới với hy vọng thu hút đầu tư Trung Quốc vào hạ tầng cơ sở và năng lượng Bồ Đào Nha. Trung Quốc chuẩn bị nắm đa số vốn của tập đoàn điện lực Bồ Đào Nha EDP, doanh nghiệp lớn nhất nước này, đồng thời là một nhà cung cấp năng lượng chủ chốt của châu Âu

    Trong phần kết luận, ông Kempe nhận thấy, tóm lại, trong những ngày qua, thị trường thế giới và truyền thông chỉ tập trung trên đàm phán thương mại Trump-Tập, mà bỏ lỡ câu chuyện đáng chú ý : Khả năng Trung Quốc thay thế vào chỗ, hay ít ra là thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu.

    /* nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20181211-nhu...y-trung-quoc-l


 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:55 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh