Register
Page 1 of 8 123 ... LastLast
Results 1 to 10 of 338

Thread: Khoe

Hybrid View

  1. #1
    Cánh Đồng Bắp Ngô Đồng's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Milpitas, California, United States
    Posts
    2,220

    Khoe

    Một lần khép nép – chào biệt mẹ cha – phận con là gái – như hạt mưa sa
    Một lần e lệ – bước lên xe hoa – khép trang nhật ký – thôi giòng viễn mơ
    Thôi chăn gối lẻ – gửi lại giường xưa – ủ giùm cho nhé – hương đào ngây thơ
    Thôi bàn học cũ – sách vở từng năm – nhớ người tóc xoã – ôn bài dưới trăng
    Gửi khu vườn nhỏ – ngày tháng nô đùa – chân chim khuyên nhẩy – dưới tàng lá thưa
    Gửi khu vườn nhỏ – những dáng thường qua – dấu chân lưu luyến – giòng mắt mong chờ
    Gửi khu vườn nhỏ – những thoáng say mơ – của mùa e ấp – sen ngó đào tơ
    Long lanh ngấn lệ – điểm má xuân thì – hương trinh rờn rợn – tà áo vu quy
    Một lần khép nép – chào biệt mẹ cha – một lần e lệ – bước lên xe hoa – là thôi là tắt – tiếng hát ngây thơ –
    từ lòng sen ngó – từ nụ đào tơ
    Gót hài hôn lễ – đưa bước xa nhà -theo câu phận gái – như hạt mưa sa…

    Bài Thơ Vu Quy của thi sĩ Tuệ Mai trong tập thơ Bay Nghiêng Dòng Đời được xuất bản năm 1971, tập thơ này được các cô nữ sinh trong đó có tôi nâng niu truyền đọc, nắn nót chép xuống vở cho dù đã có bản in, đôi khi viết bằng bút chì vài câu trên mặt bàn học trong những khi thầy giảng toán trên bảng, trò mộng ngoài cửa lớp nghĩ đến ngày khép trang nhật ký.

    Cái thuở xa xưa ấy, “áo mặc không qua khỏi đầu” “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nghĩ lại sao thấy “rờn rợn tà áo vu quy” thật, nghe Julie Quang hát lại càng thêm sợ cho dù khi ấy thập niên 70 mình hát đàn líu lo suốt ngày "một lần khép nép . . ." để bị bà nội mắng là “con gái hư”, chỉ hát thế thôi đã là con gái hư lạ thật!

    Hôm nay, nghĩ đến chuyện xưa nhìn lại chuyện tuần vừa qua ngày thứ bảy – 15 tháng 7 năm 2017, ngày cô Út vu quy lòng vẫn còn bồi hồi, toàn bộ đám cưới của con chỉ có cái bảng “Vu Quy” và ba chiếc áo dài là còn chút vương vấn ngày xưa, lễ cưới theo ý của con không đón nhà trai – không bưng mâm quả vào trình gia tiên – lễ xuất giá vân vân và vân vân nữa.

    Con rể cũng chiều ý mình tìm cho ra bảng “Vu Quy” rồi hỏi “What does it mean?”


    mình bảo chữ đầu có nghĩa là “go” chữ sau có nghĩa là “to your house”. Anh chàng cười hỏi lại “Really!” Thật hay không thật chính mình cũng không rõ, bây giờ cụ Gu Gồ cho câu trả lời thế này:
    Hai chữ “vu qui” có trong “thi kinh”
    桃之夭夭
    灼灼其花
    之子于归
    冝其室家
    (đào chi yêu yêu
    chước chước kỳ hoa
    chi tử vu qui
    nghi kỳ thất gia)

    Quyển “thi kinh dịch chú” mà tôi có, nói là chữ “vu” có nghĩa 去 hay 往 và giải thích rằng hai chữ “vu qui” có ý 往归夫家(vãng qui phu gia=đi về nhà chồng). Hình như xưa chữ “qui” dùng một mình cũng có nghĩa là “về nhà chồng”( cho những ai may mắn… có chồng xưa ) nên có người lại nói chữ “vu” chỉ là trợ từ mà không có nghĩa gì rõ ràng.


    chỉ biết là ngày xưa nhà nào có treo bảng là nhà đó gả con gái sang nhà người khác, sau đó trong xóm sẽ vắng một cô, hay là sau đó có thêm một anh chàng vào nhà đó ở. Thuở ấy nhà không có treo bảng “Vu Quy” báo cho làng xóm biết con gái đi lấy chồng, mà sau đó cô nàng ẵm con về nhà mẹ là thế nào cũng bị dè bị bỉu: “Con gái hư, không chồng có con!”
    Khu vườn con mướn để tổ chức đám cưới đẹp quá, hoa ơi là hoa, góc này hoa cúc góc kia hoa chi lạ chẳng biết tên mà kêu, hương thơm ngào ngạt ai cũng lang thang đi chụp hình sau buổi lễ đơn giản có sự chứng kiến của hai bên cha mẹ, họ hàng ruột thịt và bạn bè cũng phải thật thân mới “được” dự, cái bảng treo lên xong chụp vội cái hình, muốn tìm họ hàng để chụp chung một tấm cũng không được nên mình treo lên rồi mình lại leo lên tháo xuống, nào áo đầm dài phủ gót, nào đôi guốc cao cao, đúng là “không bình thường.” Ngày xưa còn sợ bị chê là nhà có con gái hư, bây giờ có ai biết ai vào ai cơ chứ, mà con gái nó lớn hơn ba mươi tuổi, có sự nghiệp rồi muốn gì tự mua tự sắm, đâu có như xưa mới “tuổi trăng rằm” chưa xong trung học đã “bị” gả cho khuất mắt, để trong nhà như có hũ mắm không biết khi nào nó bốc mùi . . . Ôi! làm thân con gái hương đào ngây thơ có biết chi đâu đã vội thành thiếu phụ khổ ghê chưa!

    Cô Út nhà này tự cô vẽ thiệp cưới, tự cắm hoa tự trang trí buổi lễ cưới của cô cùng ba cô bạn gái thân từ thời tiểu học, bốn cô nàng hí hoáy đủ chuyện cho cái ngày tự cô nàng chấp nhận đi lấy chồng đúng nghĩa “I do!”



    Thế mẹ của cô dâu phải làm gì nhỉ, bắt đầu cách đây đúng 15 năm là đám cưới của cô lớn, đầy đủ lễ nghi đám hỏi trước, đến rước dâu – xuất giá về nhà chồng, đến nhà thờ cử hành hôn lễ, chiều tối đến nhà hàng đãi đúng 12 món khách ngồi đầy 40 bàn, cô Út nói: “Đám cưới của con không làm như vầy mệt quá lại không vui!” Mẹ ừ ngay vì quả là quá mệt. Hai chị em không hẹn mà ngày cưới trùng nhau, chỉ đám cưới là khác hẳn, không có 12 món không có mâm đỏ heo quay, xôi gấc gà luộc, không có rót trà mời ông bà cha mẹ, chỉ có không gian chim hót, đàn hạc rải nhẹ nhàng. Trước đó vài ngày, mẹ của cô dâu nấu nướng liên tục vì khách xa về dự đám cưới, nhà rộn rã vui ơi là vui. Thứ bảy đám cưới, thứ năm nhà đầy hoa, chiều thứ sáu kết hoa



    tối hoa kết xong, sau đó là phần của mẹ, làm sao mang tất cả mọi thứ đến địa điểm con đã chọn, gánh cả trách nhiệm cái bánh cưới trong ngày nóng như thiêu.

    Tạ ơn Chúa mọi việc hoàn tất trang trọng, thanh thoát tiếng đàn nhẹ nhàng trong khu vườn đầy hoa lá, chim hót líu lo, ngay lúc cô dâu bước ra mấy chú quạ ghen tị ngoáp miệng kêu to ơi là to.

    Điều đặc biệt là cô Út cám ơn bằng tiếng Việt, bõ công ba mẹ chở đi học tiếng Việt bao nhiêu năm, đàng trai khen nức nở :" Đọc tiếng Việt lưu loát hay quá!"

    Chúa chúc phúc cho hai con, cho dù con gái bây giờ không giống cô gái ngày xưa phải nức nở khóc ngày xuất giá vì không biết tương lai về đâu, nhất là phải lệ thuộc vào nhà chồng từ miếng ăn cái mặc. Ngược lại bây giờ các chú rể hay khóc khi nói lời thề hứa cùng cô dâu, hẳn là quá mừng rỡ khi nắm chặt được tay nàng, không sợ nàng bay đi mất.





    Last edited by Ngô Đồng; 07-25-2017 at 09:44 PM.

  2. #2
    Biệt Thự Co may's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    921
    Chúc mừng chị nhà có thêm người.

  3. #3
    Cánh Đồng Bắp Ngô Đồng's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Milpitas, California, United States
    Posts
    2,220
    Đọc xong muốn hát cho nghe lắm luôn đợi đấy - người sẽ về nơi bình an tâm trí - ga tàu đợi chờ sẽ rộn rã âm xưa!

  4. #4
    ...for keeps... passenger's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    4,141
    Quote Originally Posted by Ngô Đồng View Post
    Đọc xong muốn hát cho nghe lắm luôn đợi đấy - người sẽ về nơi bình an tâm trí - ga tàu đợi chờ sẽ rộn rã âm xưa!
    Can't wait to listen to it.
    Choo-choo...
    Things come to pass
    But the memories stay
    *

  5. #5
    Cánh Đồng Bắp Ngô Đồng's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Milpitas, California, United States
    Posts
    2,220
    IMG_2623.jpg

    Heo Hồng của ngoại vừa lên 4 tháng tuổi - biết cười khanh khách - biết giận biết hờn - biết rúc vào lòng ngoại ngủ ngon lành - Ngày mai là ngày của các bà mẹ - Tối qua con ngủ có ngon!


    Hôm nay nắng đẹp quá
    Ước gì chụp được mùi hương nhỉ,
    Gởi em gởi bạn chút tình phương xa!

    IMG_7330.jpg


    Trong vườn những đóa hồng nở rộ thật đẹp thật rực rỡ chỉ cần nắng lên
    Hứa sẽ viết cho em cho bạn về món tàu hũ tào phớ cách làm đậu phụ nữa - Nhớ quá đi thôi có một thời!


    Cái thời chuẩn bị sang Mỹ, giấc mơ bỏ nước ra đi khoảng cuối thập niên 1980, khoảng thời gian người ta có câu "cột đèn có chân cũng đi", lúc ấy chẳng biết tương lai sẽ thế nào sẽ làm gì nếu được ra đi ODP hay HO, tin đồn từ mọi nguồn nhất là khi đứng trướcSở Ngoại Vụ Nguyễn Du chờ ngóng lúc ấy chờ ngóng gì cũng không biết, chỉ biết đến đó tụ tập nghe tin đồn truyền miệng từ người nhà ở nước ngoài gởi thư về, thấy ai có giấy mời được vào trong cũng hỏi - thấy người ta từ trong đi ra cũng hỏi, lúc ấy ai cũng vui vẻ trả lời và kể tỉ mỉ trường hợp gia đình nhận giấy bảo lãnh thế nào, được sở gọi lên ra sao, họ đòi giấy tờ gì v.v, cứ thế mà quán cà phê vỉa hè trước cổng trại đua ngựa tư nhân bên hông vườn Tao Đàn góc Lê Văn Duyệt - Nguyễn Du xôn xao khách rôm rả chia sẻ thông tin. Nghề gì có thể sống được bên ấy, "bên ấy" có thể là Pháp - là Úc - là Mỹ nói chuyện chung chung huề vốn thí dụ: Bên ấy làm móng tay một ngày nhiều tiền lắm, biết cắt tóc cũng hái ra tiền, rồi có người nói: "Bên ấy" bán đậu hũ - đậu phụ chạy như tôm tươi vì ai cũng thèm món ăn Việt Nam, chỉ làm ở nhà thôi bao nhiêu cũng hết!" Cứ ngóng thế rồi về đi mua dao mua kéo đi học cắt tóc! Trời ơi học cái ông thợ hớt tóc đầu ngõ chứ đâu, bác ấy không đòi tiền chỉ đòi ly cà phê mỗi ngày khi ngồi xem bác ấy hớt cho khách, không có khách thì bác ấy chỉ cắt trên cái miếng bìa giấy cứng, tỉa sao cho gọn cầm kéo sao cho thuận tay. Cũng mua kềm Nghĩa làm móng tay, học từ cô thợ chuyên xách cái giỏ ny lông đi trong chợ, đến từng nhà! Trong giỏ xách nhỏ nhoi cỡ quyển sách ấy, ngoài kéo kềm có thêm vài chai sơn móng tay gói bông gòn chai nước acetone chùi sơn cũ, đến nhà mỗi hai tuần cắt sơn cho mình, vừa làm cô vừa chỉ cách lấy khóe móng chân sao cho không đau, sơn thế nào cho không lem ra ngoài mà có bị lem thì phải làm sao, học thử vài lần thấy hình như mình không có khiếu làm thợ hớt tóc cho dù đã cắt tóc cho các em - cho các con ngay cả cho chính mình, cứ nghĩ nắm đầu người lạ sao sao ấy! Chuyện nắm tay chân người lạ cũng không thích thú lắm nhỡ chẳng may cắt vào thịt người ta thì sao!


    Nghề đậu phụ có lẽ hay! Ngày còn bé lên mười tuổi cái tuổi ham chơi banh đũa lại bị bồng em nhà ở khu Vườn Chuối, đối diện nhà là nhà bà Tiều làm đậu phụ bán, mỗi sáng con trai của bà lấy xe ba gác chất lên bốn khay gỗ vuông vức dưới một mét làm bằng tre đặt những miếng đậu phụ trắng vuông vức, chất xong các khay đậu bà là người lên ngồi chắn các khay ấy, cậu con đạp xe đi bán ở chợ Thiếc trong Chợ Lớn, trong khi nhà thì ở ngay chợ Vườn Chuối. Thấy con bà kéo xe ra là Mẹ tôi sai tôi sang mua mở hàng ngay loại đậu trắng thường, còn dấu ngấn vải thưa hay loại đậu mềm nếu cầm không khéo sẽ bị vỡ! Sang mua đậu thôi tôi cũng đoán được món ăn Mẹ tôi sẽ nấu là chiên hay canh, riêng loai đậu cứng vuông như cái bánh có màu vàng phía trên in dấu đỏ nhà tôi không bao giờ mua, có lẽ chỉ người Hoa mới dùng nó! Tôi hay sang nhà bà Tiều buổi xế trưa chơi khi bà xay đậu nành bằng cái cối đá trước hiên nhà, dòng nước trắng đục từ cối tuôn xuống cái xô bằng thiếc thật đẹp, tôi thích nắm bã đậu nành thành viên tròn giúp bà dù không biết bà sẽ làm gì với nó!


    Hình ảnh ấy khiến tôi thú vị đi tìm nơi để học nghề làm đậu phụ. Không dễ để tìm nơi dậy vì thời gian ấy ít ai dậy nghề lắm, may sao có anh bạn chuyên giao thịt cho các chợ, mang tôi đến nơi làm giò lụa để học cách làm đậu phụ! Nghe buồn cười phải không đến chỗ làm giò lụa để học làm đậu phụ! Chuyện là thế này Bắc kỳ chuyên môn làm giò lụa, giò thủ, bánh giò và đậu phụ, món ăn sáng thuở ấy thường là bánh cuốn, bánh mì, các loại bún, thế là lò làm giò làm luôn đậu phụ để sáng sớm các bà bán bánh cuốn ghé vào lấy hàng một nơi cho tiện. Công việc buôn bán thuở ấy ít máy móc, chỉ bằng thủ công trong gia đình đòi hỏi người làm việc phải thức giữa đêm đến sáng giao hàng xong mới được đi nghỉ, chiều họ lo chuẩn bị để nửa đêm dậy xay thịt gói giò. Đậu phụ được làm trước nên tôi có thể đến để học nghề.
    Lò đậu phụ của cụ Tứ ở khu Trương Minh Giảng nghe tên tưởng là nơi to tát bề thế, nhưng không phải nó chỉ là căn nhà hai tầng bề ngang khoảng hơn ba mét chiều sâu hơn mười lăm mét bình thường như mọi căn nhà khác trong khu hẻm sau chợ thế thôi. Đến được nhà của cụ phải đi lòng vòng từ đường Trương Minh Giảng xuyên qua chợ quẹo mấy ngõ nữa mới đến, từ cửa chính nhìn vào nhà chỉ thấy có bộ bàn ghế mộc, tách uống trà ấm ủ trà, trên nóc tủ có hình Thánh Gia hai cây nến chuỗi tràng hạt, chiếc giường gỗ có trải chiếu hoa nằm nép sát tường ngay dước cầu thang lên chiếc gác lửng, khu bếp phía sau sáng choang ánh nắng vì thông với trời khoảng hai mét, nhà trong khu người Bắc di cư hay có khoảng trống thế này gọi là giếng trời để thoáng khí và lấy ánh sáng tự nhiên.


    Tôi được học làm đậu phụ buổi xế với con trai của cụ, gọi cụ chứ bà chỉ khoảng gần 50 tuổi con trai thì khoảng 19 - 20. Trong bếp là nơi để xay thịt gói giò và làm đậu phụ. Đậu nành ngâm sẵn từ hôm trước cho vào cối đá, sữa từ đậu chảy ra được hứng vào xô, lọc bỏ bã cho vào nồi nấu sôi - sau đó hòa với nước chua để dành từ hôm trước vào ngay sau đó đậu kết tủa, đợi chút cho tiến trình chia rẽ nước ra đàng nước đậu ra đàng đậu xong, anh chàng xốc xô sữa đổ vào khuôn gỗ dài khoảng một mét rưỡi có chiều ngang nhỉnh hơn một tấc bên trong có lót vải mùng phần dư của vải rũ xuống ngoài khuôn, khuôn được đặt cao trên giá cách mặt đất khoảng một thước, nước cứ thế róc xuống nền nhà bếp, chính nước này được hứng vào khoảng để dành làm nước chua cho mẻ đậu ngày mai. Sau đó anh chàng xếp gói vải thừa bọc lên phía trên và đậy nắp khuôn - nắp này bằng gỗ nặng lọt hẳn vào trong khuôn để ép đậu, chỉ đơn giản như thế, sáng sớm cắt đều chiên vàng giao cho bạn hàng - đậu chưa chiên cũng có người đến lấy mang ra chợ bán lẻ. Làm đậu phụ dễ ơi là dễ cứ một bao 1 kg đậu cần 12 lít nước - khoảng 1 xị nước chua - một xị = 1/4 lít. Cứ nghĩ đến một cái nghề để sống được nơi xa xôi chỉ thấy trên hình ảnh mà vui vẻ đạp xe băng ngang qua cầu Trương Minh Giảng nặc nồng mùi bùn đen ngày nắng. Đi học thế này không có bằng cấp chỉ đến học vài ba lần, ghi xuống giấy cân lượng rồi cất vào quyển sổ nhỏ xíu làm hành trang "lưu đày viễn xứ!"


    Các bài thơ bài nhạc thuở ấy luôn có bốn chữ như thế vì một đi là không trở lại, đâu ai biết chỉ sau đó 10 năm là bay qua bay lại, đến lúc này thì khỏi tính rồi vì đi về như đi chợ thế thôi, mua sơ ri mang về Việt Nam ăn, may áo dài sang Mỹ hay các nước khác để mặc đi đám cưới đi nhà thờ, hay mới hôm qua anh ấy cô ấy còn đang ở Đà Lạt hôm nay đã nghe phỏng vấn trên đài địa phương về chương trình văn nghệ cuối tuần! Tôi lại nhớ đến món nợ với chị bán tàu hũ trưa nào cũng ghé trước nhà, con cháu chị em mỗi người một chén ăn dặm, cái gánh một bên là nồi đựng tàu hũ, bên kia có nồi nước đường đặt trên cái lò liu riu than hồng có xếp chén muỗng, tôi hỏi chị cách nấu sao cho tàu hũ mềm mịn đông lại vì gia đình sắp đi sang Mỹ, lúc này tôi đang uống thuốc chừa cho lá phổi bị nám! Chị rủ ghé nhà chị xem chị nấu tàu hũ, nhà chị rất gần nhà tôi, lầu hai của cư xá Minh Mạng gia đình chỉ có chị và mẹ già.


    Tôi đến nấu tàu hũ với chị trước khi chị gánh đi bán vào lúc 11 giờ sáng, cũng nấu sữa đậu nành cho sôi quan trọng là nồi muỗng tất cả phải thật sạch không bị dính dầu mỡ, sau đó pha một muỗng canh thạch cao phi mua của tiệm thuốc bắc vào với nước quét đều vào trong chiếc nồi sẽ gánh đi bán, đổ thật mạnh sữa đã sôi vào nồi là xong, tôi chưa bao giờ nấu tàu hũ kiểu này dù trong hành lý ra đi tôi mang theo thạch cao phi - cái muỗng đặc biệt để múc tàu hũ, kỷ niệm của tôi còn đây, vì phải ở nhà trốn dịch lúc này tôi nấu sữa - tàu hũ theo nhừng công thức được đăng rất nhiều trên các trang mạng, trên youtube cách làm dễ dàng cái muỗng đặc biệt được thay bằng chiếc lon đựng nước ngọt bằng kim loại cắt ra vừa gọn vừa bén ngót khi múc tàu hũ. Tôi có gởi thư cám ơn chị bán tàu hũ không biết chị có nhận được không mà chẳng bao giờ tôi nhận được thư trả lời!


    Muốn có chén tàu hũ bây giờ dễ quá, dùng máy xay sinh tố xay đậu nấu sôi rồi cho chút bột nấu rau câu vào đợi nguội là xong công thức là 1/2 muỗng cà phê bột agar cho 4 chén sữa đậu nành - rồi nấu nước đường với gừng là xong.
    Muốn có đậu hũ miếng cũng sữa đậu nành rồi cho muối biển và muối Epson vào là xong.


    Đậu hũ miếng tôi chưa thử vì chưa có khuôn nhưng tôi biết nếu làm sẽ được vì những chia sẻ trong các phim ngắn của các người phụ nữ khéo léo Việt Nam sống khắp nơi trên thế giới - từ Đức có Vành Khuyên - Nauy có Diễm - Canada - Úc - Pháp - Mỹ thì Xuân Hồng California - Le-Thuy Do Michigan - - - - nhiều nhiều lắm, các bạn của tôi ai cũng khéo, tôi cũng hay được khen khéo nhưng khéo kiểu của tôi vì bị bắt phải khéo để sống còn chứ không phải khéo vì tỉ mỉ kiên nhẫn và có tính nghệ thuật khi nấu nướng, nhất là tôi không thích bị gò bó trong công thức nên khi hên thì đẹp ngon - không hên thì chồng nói "món ăn người Chàm" các bạn có thấy các món ăn của tôi khi chụp hình cần có thêm hoa lá cành hay không? Ừ tôi pha trộn đủ thứ trong ấy khi nấu nướng nhất là kỷ niệm có liên quan đến món ăn tôi nấu - ngọt là nụ cười khi người ăn được mời - mặn là giọt nước mắt khi người dậy tôi đã biến mất trên cõi đời này Mẹ - Má - Cô - Bác - Chị - Anh và bằng hữu - Mùi hoa đôi khi cũng làm tôi khóc vì không gởi được hương đến - hương đi.
    IMG_7279.jpg
    Attached Images Attached Images

  6. #6
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,007
    NU chào chị Ngô Đồng.

    Bà và cháu xinh quá là xinh!

    “Heo Hồng”, biệt danh ngộ nghĩnh và đáng yêu, nghe mà thấy thương và gần gũi lắm chị Ngô Đồng . Em hình dung một khuôn mặt bé bi tốt sữa, mai má phúng phính, hồng hồng, nhìn là muốn cưng ngay và chính xác là thế. Bà ngoại thì vẫn vậy, không thay đổi, màu tóc càng nâng nét tươi tắn, trẻ trung. Em chúc mừng cho gia đình chị!

    Em rất thích nghe, đọc những mẫu chuyện của chị kể như trên. Nghe/đọc để hiểu thêm một phần nào đó mà các anh, chị, cha, mẹ mình đã trải qua. Em cảm ơn chị Ngô Đồng đã kể chuyện chị học làm đậu phụ. Rất thú vị! Em thán phục chị, tần tảo, biết nhìn xa và tìm cách học hỏi để lo cho bản thân và gia đình.

    Nhìn chén tàu hủ của chị mà thòm thèm, muốn được xuống phố Tàu... Em nghe nói làm đậu phụ thành công thì trước nhất mình phải tự làm sữa đậu nành. Em hơi nhạt nhẽo việc bếp núc, sẽ mua đậu nành làm sẵn ở chợ trước làm xem có kết quả không. Nếu không, em sẽ đặt ba cái “nut bags” và một ngày có hứng sẽ ngâm đậu, xay đậu, vắt lấy sữa làm đậu phụ. Hy vọng đậu sẽ yêu thương, không phụ lòng em.

    Và nhìn những bông hoa xinh đẹp bên chén tàu hủ là em nhớ đến giàn hoa trong vườn sau nhà chị. Và cũng chợt nhớ đến cây khế. Không biết cây có ra bông? Từ hôm thấy cây khế của chị, em gieo thử hạt chơi mà không ngờ nó mọc lên cây, và đến giờ phút này nó vẫn còn sống, dù tốn nước và bé tí teo.

    Hôm nay trời rất đẹp. Hy vọng nơi chị cũng thế. Mến chúc chị và gia đình bình an.
    Có khi trời nắng, có khi trời mưa.

  7. #7
    Cánh Đồng Bắp Ngô Đồng's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Milpitas, California, United States
    Posts
    2,220
    Hôm nay là sinh nhật của "người yêu đầu" 5 tháng 6 - đã dự định sẽ bay đi thăm chàng sẽ làm bánh sẽ nấu nướng buổi tiệc gia đình - sẽ ôm chàng trong tay dù không còn nhấc chàng lên nổi như ngày xưa nữa! Lần đầu gặp chàng tim mình cứ đập loạn cả lên nước mắt tuôn không ngăn được - và cứ thế mà mình yêu tha thiết đến bây giờ - đã bảo tình yêu vô tận, nhà thơ thì nói yêu rất nhiều dù nhận chẳng bao nhiêu - nhà văn thì viết yêu bằng cả trái tim không mệt mỏi - nhạc sĩ thì hát yêu ai yêu cả một đời! cũng đúng thật đó - sáng sớm ngủ dậy nhớ lại ngày đầu gặp chàng . . . hôm nay thế giới vẫn còn lâng lâng cơn say đòi hỏi quyền này quyền nọ - với trái tim yêu chàng mình chỉ biết cầu nguyện cho chàng bình an mạnh mẽ để trở thành người sống đẹp biết yêu người yêu đời cho dù đời ngổn ngang bao nhiêu nỗi khó lường - hiền lành mà sống - hiên ngang để chống bất công - có lòng thương người bất kể màu da - hiểu biết để không bị lợi dụng - nhận thức lẽ phải để theo còn gì nữa nhỉ . . . mình phải làm gương cho chàng noi theo nữa chứ - không thì bị mắng: "cháu hư tại bà!"

    Mừng Sinh Nhật thứ 11 LQ-Vinh của ngoại
    Attached Images Attached Images

  8. #8
    Biệt Thự tà áo xanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Phố Mây
    Posts
    4,734
    Mừng sinh nhật chàng trai 11 tuổi của chị Ngô Đồng .

    Cháu trông mạnh mẽ, đĩnh đạc và tự tin, điều mà tất cả người mẹ đều mong mỏi con mình được như vậy. Chắc hẳn những tố chất này có công của Bà trẻ rất nhiều Em chúc mừng chị có những tình yêu lớn trong cuộc đời để cuộc sống càng hạnh phúc thêm, ý nghĩa thêm.

    Inner peace is the key:
    if you have inner peace, the external problems do not affect your deep sense of peace and tranquility...
    without this inner peace, no matter how comfortable your life is materially, you may still be worried, disturbed, or unhappy because of circumstances.

    Dalai Lama -




  9. #9
    Cánh Đồng Bắp Ngô Đồng's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Location
    Milpitas, California, United States
    Posts
    2,220
    Can't wait to listen to it.
    Choo-choo...
    Hứa - giữ lời nè - trên chuyến tàu về miền quá khứ thơm mùi cỏ mục


  10. #10
    Biệt Thự HXhuongkhuya's Avatar
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    4,676


    Giờ nghỉ trưa em nhanh chân chạy vô nghe chị N Đ hát trước chị Passenger.

    Nghe Hương Xưa, ngắm Ca Sĩ và hình ảnh trong clip... tuyệt! Tặng chị hình hoa em chụp tuần rồi.
    Quành lại vẫy tay chào chị Passenger, O Xanh, Nhã Uyên, Cỏ May cùng khách quý trong nhà Khoe.



    HK
    Last edited by HXhuongkhuya; 03-11-2022 at 11:32 AM. Reason: đổi hình hoa

    HXhuongkhuya cám ơn các anh chị
    , các bạn ghé thăm .




 

 

Similar Threads

  1. Phụ Nữ Khoe Chồng Hay Khoe Chó? - Trịnh Thanh Thủy
    By hat cam in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 6
    Last Post: 08-18-2015, 11:25 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 06:40 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh