Register
Page 4 of 15 FirstFirst ... 2345614 ... LastLast
Results 31 to 40 of 143

Thread: Coi chùa

  1. #31
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365


    Sở tri chướng!
    Khi kiến trúc Phật giáo trở thành công cụ kinh tài.




    Tượng Phật tại chùa Tam Chúc sẽ được tạc từ đá mặt trăng giá $600,000
    October 22, 2018


    Khối đá mặt trăng nặng hơn 5.5 ký được mua với giá $600,000 sẽ được tạc tượng Phật đặt tại chùa Tam Chúc ở Hà Nam (Hình: Dân Trí)


    VIỆT NAM (NV) – Khối đá mặt trăng nặng hơn 5.5 ký được mua với giá $600,000 tại một phiên đấu giá do nhà đấu giá RR Auction ở Boston, Massachusetts tổ chức sẽ được đưa về chùa Tam Chúc ở huyện Kim Bảng, Hà Nam trưng bày trước khi tạc thành tượng Phật, theo tin của Dân Trí.

    Tên của người mua khối đá này không được nêu ra, chỉ biết là “một doanh nghiệp,” theo bài báo.

    Báo Dân Trí dẫn lời Thượng Tọa Thích Minh Quang, trợ lý của Thượng Tọa Thích Thanh Nhiễu, trụ trì chùa Tam Chúc, cho biết “khối đá ‘Mảnh Ghép Mặt Trăng’ sẽ được đưa về đặt tại chùa Tam Chúc và khoảng hơn 10 ngày nữa, nhà chùa sẽ tổ chức lễ tiếp nhận thiên thạch này.”

    Trước đó trong phiên giao dịch ngày 19 Tháng Mười tại trung tâm đấu giá RR Auction ở Boston, thủ phủ tiểu bang Massachusetts, đại diện một doanh nghiệp của Việt Nam đã trúng đấu giá khối đá Mặt Trăng có trọng lượng 5.5kg này. Khối đá được đặt tên là “The Moon Puzzle” (Câu Ðố Mặt Trăng). Số tiền trúng đấu giá là $612,500 (khoảng 14.3 tỉ đồng), theo báo Dân Trí.


    Chùa Tam Chúc ở huyện Kim Bảng, Hà Nam. (Hình: Dân Trí)

    Theo các nhà khoa học, thiên thạch mặt trăng rơi từ trong không gian vũ trụ xuống sa mạc Sahara từ hàng nghìn năm trước, được tìm thấy vào năm 2017. Các chuyên gia về không gian vũ trụ đoán, khối thiên thạch này đã bị bật ra khỏi bề mặt Mặt Trăng từ một quá khứ xa xôi, có thể một khối thiên thạch khác đã va vào nó và khiến nó bật ra khỏi bề mặt Mặt Trăng, bắt đầu cuộc “du hành vũ trụ” tới Trái Ðất.

    Các nhà khoa học đánh giá, đây là mảnh thiên thạch nguồn gốc Mặt Trăng có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Thiên thạch Mặt Trăng được rao bán đấu giá với mức khởi điểm là $500,000. Khối đá gồm 6 phần gắn liền với nhau, phần lớn nhất có trọng lượng khoảng 2.7 kg.

    Theo Dân Trí, khối thiên thạch mặt trăng này sẽ được tạc thành tượng Phật và được bày tại tháp Ngọc nằm trên núi thuộc quần thể chùa Tam Chúc. (N.L)

    /* nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/...ng-gia-600000/

  2. #32
    https://www.youtube.com/watch?v=IAG1MVLZTZY

    Phật Bà Giữa Trời Sa Mạc
    Hạnh Viên

    Chúng tôi viếng Thiền Viện Chân Nguyên vào một ngày cuối tuần khoảng giữa tháng Tám, tháng được coi là nóng nhất trong năm. Giữa hè mà rủ đi sa mạc là không “good timing” chút nào nên ban đầu tôi cũng hơi ngại, sợ ông “tài xế riêng thường trực” của tôi không chịu chiều ý. Bởi vậy tôi phải nói trớ đi, “Mai mốt tới mùa thu, trời mát mát một chút mình đi chùa Chân Nguyên nha anh. Lâu quá chưa đi em cũng thấy “nhớ nhớ” gương mặt tượng Phật Bà ở đó” (cái này thì tôi nói thật).

    May sao (chắc nhờ Phật Bà linh thiêng) ông xã tôi mau mắn đề nghị Chủ Nhật tới thu xếp thời gian đi liền vì theo anh, “Đừng hẹn ngày mai việc gì có thể làm hôm nay” và lại còn nói đùa thêm như vầy, “Phật Tử thuần thành như em mà đi chùa mà còn đợi mùa nữa thì hết ý kiến. Em đi chùa mà làm như đi du ngoạn vậy.”

    “Chàng” nói sao thì nói, miễn chịu đi là được rồi. Thế là lần đầu tiên tụi tôi viếng chùa sa mạc (“nick-name” của ngôi thiền viện to lớn này) vào giữa mùa hè. Những lần khác tụi tôi thăm chùa là vào mùa thu, hoặc mùa đông (dịp Tết Nguyên Đán) hay mùa xuân.

    Còn nhớ lần đầu tiên chúng tôi tìm đến chùa là khoảng tháng 10 năm 2011, một thời gian ngắn sau khi đại lễ khánh thành của chùa vừa được diễn ra với nhiều bài báo gây tiếng vang khá tốt trong cộng đồng Phật Tử quận Cam. Hôm đó, trên đường về sau chuyến nghỉ hè (nghỉ thu thì đúng hơn) phối hợp với đi chùa xa trở về, chúng tôi dùng xa lộ 395 xuôi nam để có thể ghé thăm chùa, coi như chặng dừng chân chót trước khi về nhà. Thế nhưng khi tới nơi thì “cổng chùa đã khép” mà chùa thì mãi sâu tận bên trong (và cũng không dám gọi điện thoại làm phiền thầy trụ trì) nên chúng tôi đành đứng ngắm nghía phong cảnh, địa thế cho… đỡ ghiền mà thôi.

    Chưa vào được bên trong nhưng từ ngoài đường nhìn vào, với ngôi kiến trúc theo kiểu Đông Phương khá bề thế giữa một vùng đất cát khô cằn đồng không mông quạnh và nhất là bóng dáng tôn tượng Phật Bà cao lớn trước sân, chùa đã để lại cho chúng tôi một dấu ấn sâu đậm đầy quyến rũ ngay từ lúc đó. Chùa chưa xây cổng, hàng rào và cửa ra vào chỉ là những khung mắt cáo tạm thời, duy có hàng băng vải vàng với các dòng chữ đỏ “Thiền Viện Chân Nguyên Cung Kính Chào Mừng Chư Tôn Giáo Phẩm” cho chúng tôi biết mình đã đến đúng nơi muốn tìm. Ngoài những lùm bụi nằm lẫn trong đất đá ngổn ngang, chỉ có vài cây tùng xanh xuất hiện nhưng ngôi tự viện tự nó đã thật đẹp dưới ánh chiều tà, với mái ngói đỏ và dàn đèn viền quanh dưới mái bắt đầu bật sáng giữa bầu trời hoàng hôn sa mạc.

    Sau lần đó, chúng tôi canh ngày và giờ viếng chùa kỹ càng hơn, để chắc chắn chùa có mở cửa cho khách phương xa. Chắc chắn nhất không gì bằng dịp Tết, nên mùng một năm ấy, vợ chồng tôi tranh thủ đi hành hương sớm. Đúng như tụi tôi dự liệu, cổng chùa đã mở. Từng chiếc xe vào ra lăn bánh thật chậm vì không muốn làm tung lớp đất bụi bởi lối vào chưa được tráng nhựa. Nếu tôi nhớ không lầm, lúc ấy ngoài chánh điện và dãy phòng vệ sinh mới được cất, mọi công trình khác còn đang dang dở. Nơi dùng làm phòng ăn cho khách vãng lai và phòng của thầy trú trì hình như cũng là mái chùa cũ trước kia. Ngoài ra, cuối sân còn có mấy cái trailer cũ kỹ và xe ủi đất đậu ngổn ngang.

    Vì dậy sớm, uống nhiều cà phê dọc đường, nên tới nơi tụi tôi bắt buộc phải làm nhẹ người trước khi vào lễ Phật. Cũng vì thế mà chùa đã cho tôi thêm một “dấu ấn” nữa: restroom ở đây sao mà nhiều thế, hình như hơn mười ô cho mỗi bên nam nữ, nhiều hơn bất cứ chùa Việt Nam nào ở hải ngoại mà tôi từng biết (cũng có thể tôi chưa biết hết những chùa lớn khác).

    Chánh điện thật rộng và rất đẹp, vừa đủ huy hoàng tráng lệ nhưng không quá rực rỡ cầu kỳ. Từ khung cửa kính của hai bên tường, người ta có thể trông thấy dãy núi tận xa sau lớp lớp đất đá hoang vu không một mái nhà, thật xứng danh là “chùa sa mạc.” Điểm đặc biệt nữa là màu sắc và những đường nét trang trí nơi điện thờ. Ngoài màu xanh lá cây của cây bồ đề được tạo bằng tranh kiếng nằm sau lưng tượng Phật là tương đối quen thuộc, các gam màu được dùng ở đây thật mới lạ, độc đáo với các sắc như hồng, tím, xanh da trời, tất cả đều nhạt nhẹ thanh thoát vô cùng. [Có lần sau này, viếng chùa giữa trưa, chùa vắng khách vãng lai, chúng tôi ngồi trên nền gạch dựa cửa ra vào để chiêm ngưỡng chánh điện, chợt có cảm tưởng như nền gạch hoa trắng bóng bỗng trở thành biển nước lung linh và tấm thảm đỏ trải giữa gian phòng lớn từ cửa vào bàn thờ chính bỗng nổi lên như một con đường bình an dẫn về cõi Phật.]

    Nếu từ chánh điện bước ra, bạn sẽ lần lượt gặp tượng Phật Đản Sanh nho nhỏ, tượng Phật Nhập Niết Bàn thật lớn, và sau đó là tượng Phật Bà cao sừng sững đứng trên đài sen hướng ra sa mạc với hai hàng tượng Thập Bát A La Hán to lớn chạy dọc hai bên ra tới tận bờ rào. Dưới tượng A La Hán có gắn bảng khắc tên hiệu của mỗi vị và, như hầu hết các tượng, các kiến trúc, trần thiết trong sân chùa, nhất nhất đều có gắn bảng khắc tên của các tín chủ phát tâm cúng dường. Dọc theo sân A La Hán, hai hàng cây trơ lá càng khiến cho cái lạnh nơi sa mạc thêm vẻ se sắt gay go nhưng đồng thời cũng làm cho không khí nơi đây khoác một nét trinh nguyên tinh khiết, nhất là khi người ta quỳ dưới chân tượng mà ngước lên ngắm gương mặt Phật Bà nổi bật giữa nền trời xanh lam êm ả.

    Tết năm đó, lễ Phật xong, chúng tôi theo mọi người xuống phòng ăn để thưởng thức món cà ri như lời hòa thượng trú trì mời dặn. Còn nhớ, hôm sau vào sở, gặp Vũ, cậu em đồng nghiệp rất có “tinh thần ăn uống,” tôi vui miệng “khoe” ngay với Vũ rằng món cà ri ở chùa ấy rất ngon (bởi lúc nghe tôi sắp đi chùa này, Vũ có nói là chùa Chân Nguyên nấu ăn cũng ngon lắm, Vũ và mẹ đã từng được thưởng thức mấy món hôm dự lễ khánh thành). Tới chừng đó, Vũ mới nhớ ra chi tiết này, “Vũ quên dặn chị là chị nên thỉnh một chai nước ở chùa ấy để uống. Phật Bà ở chùa đó linh lắm. Mẹ Vũ có thỉnh một chai để trị bệnh đau mắt, uống xong một thời gian là bệnh bớt hẳn.”

    Về chuyện Phật Bà ở đây linh thiêng, không phảiVũ là người duy nhất đề cập tới. Đến chùa vài lần, tôi có dịp nghe nhiều câu chuyện về sự linh ứng của ngài được chính đương sự kể lại khi họ tới lễ lạy tạ ơn. Bản thân tôi thì tôi chưa thử (vì cứ quên thỉnh nước về uống như Vũ dặn), nhưng mỗi lần ngước lên ngắm gương mặt uy nghiêm mà hiền dịu của ngài nổi lên giữa bầu trời xanh trong của mênh mông sa mạc là lòng tôi tràn dâng một niềm kính ngưỡng thiết tha để rồi tín tâm tín lực từ đó tự nhiên bùng lên, mãnh liệt đủ để coi nhẹ những ưu tư phiền não ràng buộc ở đời.

    Bởi vậy, lâu lâu mệt mỏi với cuộc đời, tôi lại thấy “nhớ” ngài (đúng như tôi đã nói với ông xã), nhớ cảm giác được cất nhẹ những ưu tư phiền não khi thành khẩn ngước lên chiêm bái nét mặt ngài, một hình ảnh luôn tượng trưng cho lòng từ “vô lượng.” Ngồi trên băng ghế đặt trong khu vực tượng đài, dưới chân Phật, ngắm hàng tượng A La Hán trắng phau nổi lên giữa đám lá bạch dương xanh mướt luôn lắt lay chao động, tôi bỗng cảm thấy mình có thể chịu đựng nổi những cơn gió nóng sa mạc của vùng này hôm nay cũng như của cuộc đời mai sau, ngày nào mà tôi biết nghe ra trong gió, có tiếng lao xao êm ái của ngàn phiến lá hình trái tim nho nhỏ mà tôi từng lắng nghe bằng cõi lòng thanh tịnh như bây giờ. (hv)

  3. #33
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365



    "Nhứt niệm vô minh"

    Trên oanh tạc nét không có lấy một trang chùa nào để coi mà hiểu được. Không thể coi chùa để học chùa. "Nhứt niệm vô minh" là gì có ai giảng chùa cho mình đọc chùa để hiểu chùa không?





  4. #34
    Biệt Thự
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    595
    Vậy, "nhứt niệm" là gì?

  5. #35
    ...for keeps... passenger's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    4,141
    Quote Originally Posted by phiulinh View Post
    Vậy, "nhứt niệm" là gì?
    Có thể nào là "something"...mà hễ cứ nhớ đến / nghĩ đến là sẽ bị quằn quại / nhức nhối...đau nhắm cơ!

  6. #36
    Biệt Thự
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    595
    Nếu thế nà vô minh. Niệm nào làm cho mình oằn oại là phải triệt. Niệm nào dẫn mình tới cái gọi là hạnh phúc cũng phải triệt. Vì, bản chất của hạnh phúc rất táo bón, và là cha tổ của khổ đau diarrhea

  7. #37
    Biệt Thự thuykhanh's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    4,342

    Dưới Mái Chùa Hoang

    Thứ Sáu, 04 tháng Giêng năm 2019 08:31
    Tác Giả: HT. Thích Quảng Độ (dịch)




    Cạnh con đường mòn, ven sườn núi tại Ngọc Nam, có một ngôi chùa nhỏ hoang vắng, nằm im lìm giữa một nơi hẻo lánh và quạnh quẽ. Mùa xuân năm ấy, giặc dã và trộm cướp nổi lên, dân chúng miền phụ cận đã chạy tản mác đi nơi khác, vị trụ trì trong chùa cũng bỏ trốn, chỉ để một mình ông già “tứ cố vô thân”ở lại đèn hương sớm tối.
    Hết xuân sang hạ, khí trời trở nên mát mẻ, tối hôm ấy, như thường lệ, ông già dọn dẹp các nơi xong, đang định vào căn phòng nhỏ phía sau Phật điện nghỉ ngơi, bỗng nghe có tiếng gõ cửa nhè nhẹ vang lên ở phía ngoài, ông đi ra mở cửa thì thấy một vị sư áo quần lam lũ, râu ria xồm xoàm, tay cầm chiếc thuyền trượng (cái gậy), trên lưng đeo một cái đãy nhỏ đang đứng dưới thềm cửa trước chùa.

    – Ngài cần việc gì? Ông già hỏi.
    – Tôi đi vân du đến đây thì trời tối, không có chỗ trọ, định vào quý tự xin tá túc một đêm.
    – Chùa đây không phải chốn tùng lâm, không tiện tá túc. Vả lại, sư cụ trụ trì đi vắng, tôi chỉ là người trông nom đèn hương trong chùa, xin sư cụ từ mẫn cho.
    Ông già uyển chuyển đáp khéo.

    – Tôi cũng biết chùa đây không phải chốn tùng lâm. Vị khách tăng nói. Song đến đây không còn thấy nơi nào có thể ngủ trọ được. Giờ trời đã tối, xin lão vui lòng cho tôi nghỉ tạm một đêm.
    Sau một lát ngần ngừ, ông già nói:
    – Trong chùa vẫn còn một căn phòng nhỏ bỏ không, sư cụ có thể nghỉ tạm. Song chỉ hiềm là không có chiếu chăn gì cả, mà lương thực cũng eo hẹp lắm!
    – Điều đó không ngại, tôi ngồi được rồi, không cần chiếu chăn. Còn thức ăn thì tôi đã có mang theo lương khô đây, không dám phiền bàn đến lão.
    – Vậy thỉnh cụ vào, nhưng xin cụ cho biết pháp danh và cụ ở đâu tới?
    – Tôi là Vân Không, từ Triết Giang đến.
    Ông già đưa sư cụ Vân Không vào. Khi đi qua Phật điện, ông thắp ngọn đèn dầu trên bàn thờ lên, rồi dẫn sư cụ vào căn phòng phía sau đối diện với phòng của ông. Căn phòng bỏ không, nhưng ở góc phòng có một đống cỏ khô chất gần đến mái nhà, mùi cỏ khô tỏa ra khắp căn phòng.
    Ông già vừa nhìn sư cụ vừa nói:
    – Xin cụ lượng thứ, thỉnh cụ hãy tạm nghỉ ở đây!
    – Ồ, không sao! Tôi đã sống qua nhiều ngày thế này rồi, ở đây tương đối còn khá lắm!
    Sư cụ để chiếc gậy và cái đãy vào góc phòng, rồi nói với ông già:
    – Thôi, mời lão đi nghỉ. Để mặc tôi, tôi còn lên lễ Phật.

    Ông già đi về phòng riêng. Vừa mới ngồi xuống giường, đột nhiên lại thấy tiếng gõ cửa từ đằng trước vọng vào. Lần này, tiếng gõ cửa rất gấp và cứ thình thình. Ông thấy trong lòng run sợ, còn đang phân vân không biết có nên ra mở cửa hay không thì chợt thấy sư cụ Vân Không tiến đến cửa phòng.

    – Có người gọi cửa phía ngoài.
    – Tôi nghĩ không nên mở. Ông già nói. Họ gõ chán, không thấy mình ra, tất họ phải đi.
    – Tại sao không mở? Sư cụ ngạc nhiên hỏi.
    – Bạch cụ, cụ không biết, chứ ở vùng này lộn xộn lắm, trộm cướp vô khối. Tiếng gõ cửa liên hồi như thế, tôi chắc bên ngoài phải có nhiều người. Chả biết họ đến làm gì, tôi không dám cho họ vào đâu!
    – Ông với tôi thì có gì đâu mà sợ họ cướp? Và chắc đâu đã phải là cướp? Cứ ra xem nào!
    – Thảng hoặc họ là cướp thật và cái gì cũng muốn vơ vét. Tôi còn mấy chiếc quần áo và chút ít tiền, nếu họ lấy mất thì sao?
    – Ông đem giấu tiền đi, còn quần áo thì họ sẽ không thấy đâu! Nếu thật là cướp thì còn có tôi đây, lão đừng sợ. Ví phỏng họ muốn ăn thì cho họ ăn, tôi còn lương khô đây, ăn hết sẽ hay!
    Ông già do dự nói:
    – Họ gõ cửa đã lâu mà mãi bây giờ mới ra mở. Giả sử họ là cướp, chắc chắn khi vào họ sẽ cho tôi một trận nên thân chứ chẳng chơi!
    – Tôi đi với lão và để tôi mở cửa cho!
    – Bạch cụ. Ông già nhíu mày nói. Nếu chỉ là một người khỏe mạnh, mình đối phó được còn khó thay! Huống hồ lại nhiều người, họ sẽ nuốt sống mình mất.
    – Một người khỏe mạnh cũng không sợ, mà có bao nhiêu người cũng không sao, đã có tôi ở đây!

    Sư cụ Vân Không đến bên ông già và cầm tay kéo ông đi:
    – Đây là một nơi hoang vắng, chắc có người lỡ đường muốn vào chùa xin nghỉ trọ, nên cho họ vào, nếu họ đói thì cho họ ăn. Ở đời, việc nên làm thì làm, chứ đừng so đo cân nhắc nhiều quá!
    Ông già bị sư cụ kéo đi, đành cũng phải theo người. Khi họ ra tới cửa thì tiếng gõ cũng vừa tắt. Sư cụ mở cửa ra, trời đã tối hẳn. Dưới ánh sáng lờ mờ của mấy vì sao lấp lánh rọi xuống, sư cụ thấy một người đang nằm gục trên bậc cửa.
    Ông già vội đến trước hỏi:
    – Giờ này, ông còn đến chùa làm gì?
    – Tôi đi qua đây, không biết bị con gì cắn, xin cho tôi vào nghỉ nhờ một lát!
    Nói xong, không đợi ông già đáp, người ấy tiến vào cửa, nhưng vừa khỏi cửa thì lại ngồi quỵ xuống. Ông già vội đỡ dậy, hỏi:
    – Tại sao lại ngồi đây, mời ông vào chùa nghỉ.
    – Bắp chân tôi đau quá, không đi được nữa!
    – Tôi đỡ ông vào vậy! Ông già nói.
    – Để tôi bế ông ấy vào!

    Vừa nói, sư cụ Vân Không vừa gạt ông già ra, rồi đỡ người ấy dậy và cõng vào chùa.
    Sư cụ nhìn chỗ người ấy bị cắn một lát, rồi nói vội:
    – Chết chửa! Bị rắn độc cắn, vết thương tuy nhỏ song nọc rắn độc lắm. Ở đây, giờ không tìm được thuốc, làm thế nào?

    Dứt lời, sư cụ cúi ngay xuống, rồi để mồm vào chỗ bị rắn cắn và dùng hết sức để nún; cứ nún đến đâu lại nhổ ra đến đấy; một lúc lâu mới đứng dậy đi vào phòng lấy ra một gói thuốc bột rắc vào chỗ vết thương.

    – Xin đừng động đậy! Ông bị cắn lâu chưa?
    – Cách đây độ một tiếng đồng hồ.
    – Lâu quá như thế thì phương thuốc này vẫn chưa đủ. Không những chỉ rắc thuốc ở ngoài mà còn phải uống thuốc nữa mới được, nhưng trong đãy của tôi lại không có thứ thuốc ấy!

    Nói xong, sư cụ Vân Không quay sang hỏi ông già:
    – Có tiệm thuốc nào gần đây không?
    – Mãi trên khu chợ mới có, cách đây ba cây số. Ông già đáp.
    – Tiệm thuốc e rằng cũng không có thứ thuốc ấy. Sư cụ nói. Vả lại, đường xa thế, đi về sợ lâu quá! Phàm chỗ nào có rắn thì đều có thứ lá trị rắn độc, nhưng cần phải đi tìm mới được!
    – Nhưng ai biết thứ lá đó? Ông già hỏi.
    – Tôi biết. Sư cụ đáp.

    Người bị rắn cắn đang nằm phục trên chiếc chiếu, cố ngẩng lên quay sang nói với sư cụ:
    – Xin sư cụ cứu tôi! Ơn ấy, tôi xin ghi lòng tạc dạ.
    – Ông cứ yên tâm, tôi sẽ đi tìm thuốc cho ông!
    – Xin sư cụ cho biết quý danh.
    – Tôi là Vân Không.
    – Tôi muốn biết tên tục của sư cụ.

    Sư cụ cười và đi ra cửa:
    – Tôi họ Trần, ở cùng xóm với ông.
    Rồi sư cụ ngoảnh lại nói với ông già:
    – Bên ngoài tối quá, xin lão cho tôi một bó đuốc!

    Ông già đi xuống bếp, một lát sau đưa lên một bó thanh nứa đã đốt sẵn, trao cho sư cụ rồi đưa sư cụ ra ngoài cửa, đoạn trở vào Phật điện nói chuyện với ông khách lạ.
    – Xin ông cho biết quý danh.
    – Tôi là Đoàn Quốc Hùng.
    – Hiện giờ, ông thấy trong người thế nào, có bớt đau không?
    – Đau thì không đau lắm, chỉ buôn buốt, nhưng giờ đã đỡ nhiều rồi.
    – Nếu không đau mà thấy buốt thì đúng là rắn độc cắn. Sư cụ Vân Không coi bộ thạo về môn này lắm! Thế là ông đã gặp được vị cứu tinh, nhưng mong sao Ngài tìm ra thuốc mới được.

    Đoàn Quốc Hùng nói:

    – Thưa lão, tôi đang băn khoăn suy nghĩ để biết xem sư cụ Vân Không đây trước khi xuất gia là người thế nào.
    – Tôi cũng như ông, chẳng hiểu gì cả! Nhưng điều đó có gì quan hệ? Ông già lấy làm lạ, hỏi. Công việc trọng yếu của ông hiện giờ là phải điều trị nọc độc. Ông với sư cụ tình cờ gặp nhau như cánh bèo trên mặt nước. Sư cụ chữa khỏi vết thương cho ông rồi ngày mai lại trôi giạt mỗi người mỗi phương. Nếu ông muốn đền đáp ơn người thì cứ ghi nhớ tên người là Vân Không để sau này tìm cách báo đền. Còn như trước khi xuất gia, người làm gì hoặc tên tuổi của người là gì thì thiết tưởng điều đó ông không nên băn khoăn. Hay ông hoài nghi trước kia người không là thầy thuốc nên sẽ không dám uống thuốc của người?
    – Đây không phải là vấn đề thuốc thang, tôi còn mang nặng một tâm tư khác. Tôi và vị sư ấy không phải tình cờ gặp nhau. Tuy đã nhiều năm không thấy nhau, hai chúng tôi đều đã già. Vả lại, người mặc tấm áo nâu và râu ria bờm sờm che kín mặt, song tôi vẫn hơi nhận ra người, nhất là khi sư cụ cho tôi biết sư cụ họ Trần và theo lối nói thì hình như sư cụ cũng đã nhận ra tôi. Đúng sư cụ là Trần Phán! Giữa tôi và sư cụ có một mối oan cừu mà mười năm qua không lúc nào tôi ăn ngon ngủ yên.
    – Thế việc đó ra sao? Ông già hỏi.

    – Sư cụ và tôi là người cùng xóm. Trần Quốc Hùng hạ giọng nói.
    Lúc còn trẻ, ông ở sát cạnh nhà tôi.
    Ông làm nghề đi bán các trò chơi. Ông nuôi nào khỉ, nào chuột, nào rắn và luyện tập chúng biểu diễn các trò. Nhất là rắn, lớn bé hơn mươi con, cứ thay đổi luôn luôn. Do đó, người trong làng mới đặt cho ông tên là Trần Xà Nhân. Trần Xà Nhân chỉ có một người con gái còn nhỏ tuổi, thường theo cha đi biểu diễn các trò.

    Bấy giờ, tôi rất ghét ông ta ở cạnh nhà tôi, vì những con vật ông ta nuôi, sau khi luyện tập thành thục, ông ta cứ thả ra. Có lúc những con khỉ chạy sang vườn phá phách hoa quả của tôi, còn rắn thì lúc nào cũng nằm cuộn tròn trên cành cây trước nhà ông ta, những cành cây vươn ra sát đầu tường hoa nhà tôi. Tuy rắn không bò qua tường bao giờ, nhưng ở bên nhà tôi trông rất rõ và rất đáng sợ. Tôi đã từng cảnh cáo ông ta và cũng có khi ông ta bồi thường thiệt hại về hoa quả cho tôi, nhưng nghề nghiệp của ông ta bắt buộc phải làm bạn với khỉ và rắn, rốt cuộc là tôi không thể chịu đựng được nữa.

    Cuối cùng, tôi bảo ông ta phải dọn nhà đi nơi khác. Nhưng ông ta nói là nhà của ông bà để lại nên không dám bán, mà đi nơi khác mua cũng không dễ dàng gì! Bảo ông ta dọn nhà không có kết quả, tôi bèn thuê người đến sinh sự phá phách. Nhưng ông ta rất giỏi võ, những người tôi thuê đều bị ông ta đánh bại và bị thương.

    Tôi liền đi thưa quan huyện để vu khống ông ta là cố ý đả thương. Tôi là người giàu có và thuộc giòng dõi quý tộc rất có thế lực, nên quan huyện cũng nể và sai người về bắt Trần Xà Nhân giải lên huyện và bị tống giam. Còn mỗi đứa con gái ở nhà không đi biểu diễn được và cũng không đủ sức trông nom những con vật, nên sau khi ông ta bị bắt mấy hôm thì khỉ, rắn và chuột đều bỏ đi.

    Đứa con gái vào nhà giam báo cho ông ta biết. Ông ta đành phải chịu dọn đi nơi khác. Khi về tới nhà, thấy súc vật đã đi hết và đứa con gái tiều tụy sau hai tháng trời sống lây lất, Trần Xà Nhân liền bỏ nhà dẫn con ra đi. Sau khi ông ta đi khỏi, tôi liền sang chiếm cứ nhà ông ta. Phía sau, tôi cho người làm ở; còn phía trước thì làm chuồng trâu và chuồng ngựa. Như thế, qua nửa năm, bỗng một hôm, Trần Xà Nhân đưa con về. Ông ta thấy nhà mình hoàn toàn đổi khác, trong nhà đầy người ở. Sau khi biết tôi đã chiếm cứ, ông ta liền sang kêu van tôi trả lại nhà cho ông ta.

    Tôi không trả lời và bảo ông ta cứ đi thưa quan huyện. Ông ta đứng ngoài kêu nài mãi, nhưng tôi vẫn tảng lờ như không nghe thấy. Đột nhiên, ông ta trợn mắt nhìn tôi một cách dữ tợn và lẩm bẩm nói: “Món nợ này sau sẽ thanh toán!”.
    Dứt lời, ông ta nhảy một cái qua tường hoa để về nhà bên kia. Tôi kinh ngạc, chạy vội ra cổng xem thì thấy Trần Xà Nhân đang ung dung dắt con đi. Từ đó, ông ta không trở về nữa.

    Cũng từ đấy, lòng tôi bắt đầu thấy sợ hãi không yên, nhất là ánh mắt dữ tợn của ông ta nhìn tôi trước khi ra đi đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng tôi. Bất cứ lúc nào tôi cũng thấy ánh mắt trừng trừng nhìn tôi và câu nói của ông ta trước khi ra đi lúc nào cũng văng vẳng bên tai tôi, nhất là trong đêm tối hoặc trong mộng mị, tôi vẫn cứ nghe câu nói ấy, giọng nặng nề và rùng rợn. Có khi tôi thấy trong góc nhà và bốn chung quanh tường, những ánh mắt đang nhìn tôi. Đó là ánh mắt của Trần Xà Nhân nhìn tôi lúc ra đi, nhưng lúc này còn dữ tợn hơn nữa.

    Tôi sợ hãi như thế nên không lúc nào dám ngồi một mình trong nhà, cũng không dám lên giường ngủ. Tôi cần nhiều người đứng xung quanh và bắt họ la thét vang lên để trấn áp những lời chú thuật và che ánh mắt dữ tợn của Trần Xà Nhân. Tôi lại sợ Trần Xà Nhân nhảy qua tường hoa như hôm nào, nên sai người xây cao thêm lên. Song vô ích, vì từ khi Trần Phán đi rồi thì không ai còn thấy tung tích hay hình bóng ông ta đâu nữa! Ông ta không trở về để nhảy qua tường hoặc dùng bất cứ một phương pháp nào khác để vào nhà tôi. Chỉ có ánh mắt và lời nguyền rủa của ông ta luôn luôn theo sát tôi khiến tôi không có chỗ trốn tránh. Bản tính tôi vốn sợ rắn. Khi Trần Xà Nhân đi rồi, tôi cứ nghĩ đến rắn là lòng lại run lên. Nếu thấy con rắn nào thì tôi lại tưởng đó là rắn của Trần Xà Nhân nuôi và sai về để cắn tôi. Bởi thế, ngoài sự tưởng tượng đến ánh mắt và lời nguyền rủa của Trần Xà Nhân, tôi còn tưởng tượng cả rắn; đến nỗi thấy một vật gì dài, nhỏ và uốn khúc hoặc một cái bóng ngoằn ngoèo, tôi đều sợ hãi. Vì khổ sở như thế, nên tôi chỉ thích đến những nơi huyên náo đông người, thậm chí cả nơi cờ bạc để mong những tiếng ồn ào ấy sẽ đàn áp sự sợ sệt của tôi. Nhưng khi tan canh ra về thì lại ghê rợn vô cùng, tôi sợ gặp Trần Xà Nhân giữa đường hoặc gặp rắn của ông ta sai phục sẵn bên đường để chờ tôi. Bởi thế, bao nhiêu người đi theo hộ vệ tôi và la thét ầm ỉ. Vì thế, tôi đã đam mê cờ bạc, gia cảnh cũng dần dần suy sụp, thanh danh giảm bớt. Người ta không còn kêu tôi là “thân sĩ “hoặc “trí thức “mà họ gọi tôi là “đồ cờ bạc ”. Sức khỏe mỗi ngày một kém, kết quả là mọi người đều cho tôi đã mắc chứng “bệnh tinh thần ”.

    Để giải trừ nỗi oan cừu ấy, tôi đã đăng lời rao trên các báo chí tìm Trần Phán, nói rõ là xin bồi thường tất cả những sự tổn thất. Nhưng từ bấy đến nay, vẫn không một hồi âm. Vô pháp khả thi, tôi chỉ còn cách ra đi tìm kiếm, mong được gặp ông ta để tạ tội và xin bồi thường thiệt hại. Tôi tưởng rằng ông ta vẫn làm nghề cũ, nên không một đám biểu diễn trò chơi nào mà tôi không vào xem, nhưng tuyệt không thấy Trần Xà Nhân hay con gái ông ta trong đó. Trên đường tìm kiếm, hôm nay đến nơi hoang vắng quạnh quẽ này, không ngờ tôi lại bị rắn cắn!
    Vị sư cụ vừa chữa vết thương cho tôi lúc nãy, thoạt nhìn đôi mắt, tôi đã nhận ra đó là cặp mắt của Trần Xà Nhân. Bởi thế, tôi mới hỏi tên tục của người, nhưng người chỉ cho tôi biết người họ Trần mà không nói tên. Song nghe đến họ Trần, tôi đã tin chắc đó là Trần Xà Nhân, nhất là người lại bảo ở cùng xóm với tôi. Vậy không phải “ông ta “thì còn là ai? Tôi cứ suy nghĩ mãi tự nãy đến giờ là nếu “ông ta “nhận ra tôi thì tại sao “ông ta “lại chữa cho tôi? Tôi đang băn khoăn tự hỏi khi “ông ta”đưa thuốc về thì tôi có nên uống hay không?
    Nghe xong, ông già nói:

    – Sư cụ này cũng mới vào đây xin tá túc trước khi ông đến chừng mấy phút thôi. Bởi thế, tôi cũng không hiểu biết gì về sư cụ hơn ông mấy! Nhưng nếu người tìm được thuốc thang về, làm sao ông có thể từ chối không uống? Không uống, tất không có hy vọng trừ hết nọc rắn độc.

    Theo tôi, khi sư cụ để mồm vào vết thương hút nọc độc ra chắc không phải có ý giả dối đâu!
    Trên đời này, không có ai đối với kẻ thù của mình bằng cử chỉ ấy. Còn họ Trần thì rất phổ thông, chắc trong số bạn bè của ông cũng có nhiều người mang họ Trần. Ông hãy cứ tưởng tượng sư cụ là một người họ Trần khác đi, chứ nhất định không phải Trần Xà Nhân. Ông cũng coi như là người không nhận ra ông. Nếu thật người đã nhận ra ông là kẻ oan gia đối đầu với người, chắc người đã khoanh tay đứng nhìn, chứ đâu lại khổ công lo chữa cho ông? Người đã chịu cực hút nọc rắn độc để cứu ông thì người đâu còn dùng thuốc độc để hại ông nữa!

    Đoàn Quốc Hùng nghe ông già nói xong, gật gật đầu, nhưng vẫn cứ phân vân.
    Đúng lúc ấy, có tiếng gõ cửa bên ngoài, ông già liền đi ra mở cửa. Sư cụ Vân Không, một tay xách bó cỏ, tay kia cầm cây đuốc đã cháy gần hết, đang đứng trên bậc cửa. Ông già vội đỡ lấy bó cỏ từ tay sư cụ, rồi hai người cùng tiến vào Phật điện. Đoàn Quốc Hùng thấy sư cụ đã vào, cố gượng ngồi dậy, nhưng sư cụ cản lại:

    – Ông đừng cử động! Người bị rắn cắn càng nằm yên càng tốt. Ông bị cắn lâu mới chữa, tuy tôi đã hút máu ra, song sợ chưa hút hết được nọc độc. Bởi thế, ông cần phải uống thuốc trong và rịt thuốc ngoài. Thuốc ngoài tôi đã rịt rồi, bây giờ tôi sắc cho ông uống!


    Đoàn Quốc Hùng lại nằm xuống và duỗi thẳng hai chân ra. Sư cụ Vân Không đi vào phòng, cầm chiếc thuyền trượng ra, rồi để bên người; sau đó lấy một phần bó cỏ thuốc và rải ra mặt đất trên nền chùa.
    Ông già đến trước hỏi:
    – Bạch cụ, cụ định giã lá thuốc?
    – Vâng, phải giã thật nát mới rịt được!
    – Cụ để tôi giã đỡ!

    Ông già đến cầm lấy chiếc thuyền trượng đặt trên chốc chiếu, lúc đó mới biết chiếc thuyền trượng làm bằng sắt. Ông già nhấc một tay không nổi, liền dùng cả hai tay cũng vẫn không nhấc bổng lên được. Ông đành lắc đầu, lè lưỡi.

    – Ông đi sắc thuốc đi! Sư cụ Vân Không nói. Còn việc giã thuốc để đấy tôi làm cho!
    Ông già vâng theo, đứng dậy cầm lấy nửa bó cỏ rồi đi xuống bếp.


    Sư cụ Vân Không nhấc chiếc thuyền trượng lên và nện xuống sàn chùa. Tiếng kêu côm côm vang lên trong Phật điện, long cả tai. Đoàn Quốc Hùng nhắm nghiền mắt lại, vùi đầu xuống chiếu. Sau khi giã nát thuốc, sư cụ lấy tay cầm đắp vào vết thương trên ống chân Đoàn Quốc Hùng, rồi xé một miếng áo của mình để buộc vết thương lại. Đang buộc, bỗng nhiên sư cụ hỏi:
    – Ông thấy đau nhức hay sao mà run thế?

    Đoàn Quốc Hùng ngóc đầu dậy, nhìn sư cụ Vân Không như muốn nói, nhưng hễ mở miệng ra lại thôi, lâu lắm mới hơi thốt lên những lời líu nhíu:
    – Bạch cụ, tôi cảm ơn cụ lắm! Song thật cụ có nhận ra tôi là ai không?
    – Tôi nhận ra. Sư cụ vừa nói vừa cười. Ông là Đoàn Quốc Hùng.

    Đoàn Quốc Hùng ngồi nhỏm dậy, tỏ vẻ kinh hoảng và bi thương nhìn Vân Không:
    – Thế ra sư cụ là Xà nhân Trần Phán?
    – Đó là tên họ ngày xưa. Sư cụ mỉm cười.
    – Bạch cụ. Đoàn Quốc Hùng lại nằm xuống và nước mắt trào ra.

    Trước đây mười năm, sư cụ muốn thanh toán tôi. Tôi còn nhớ mãi câu nói ấy! Bất cứ ở đâu và giờ phút nào, tôi cũng phảng phất như thấy ánh mắt sư cụ nhìn tôi trước khi bỏ đi.
    Đã mười năm qua, ánh mắt ấy cứ theo tôi như bóng với hình. Không một thời khắc nào mà tôi thấy lòng được bình yên và thanh thản! Lúc nào tôi cũng sống trong hồi hộp và lo sợ. Tôi muốn sám hối tội ác tôi đã gây nên nhưng chưa gặp cơ hội, ngày đêm tôi mong sư cụ về để trả thù tôi nhưng vẫn bặt tin. Tôi. Tôi đã đăng tin trên các báo chí để tìm sư cụ, nói rõ là tôi đã ăn năn và đau đớn. Song không được hồi âm của sư cụ, cuối cùng tôi đành bỏ nhà ra đi tìm sư cụ. Dù có bị sư cụ thanh toán, tôi cũng đỡ khổ.
    Hôm nay, ta gặp nhau ở đây, chính là dịp để sư cụ trả cho xong mối oan cừu năm xưa. Nhưng trái lại, sư cụ vẫn cứu tôi. Tôi cứ tưởng sư cụ đã quên tất! Đã biết tôi là Đoàn Quốc Hùng, tại sao sư cụ lại nhọc công cứu tôi? Thật tôi không hiểu dụng ý của sư cụ, hay chữa khỏi rồi mới trả thù?

    – Món nợ ấy, tôi không còn tính nữa!
    Vân Không bình tĩnh nói. Lúc ông vừa vào cửa chùa, tôi đã nhận ra ông. Nếu tôi còn nghĩ đến thù oán, tôi cứ đứng khoanh tay nhìn ông đau đớn đến chết, chứ vạ gì tôi phải chịu bẩn thỉu để cứu ông? Giờ đây, tôi là Vân Không Hòa thượng, chứ không phải Trần Xà Nhân. Xin ông cứ tin như thế!

    Đúng lúc ấy, ông già từ dưới bếp đang bưng lên một tô thuốc vừa sắc xong. Ông từ từ tiến vào Phật điện, trao bát thuốc cho Đoàn Quốc Hùng. Hùng đỡ lấy để xuống chiếu, chờ cho thuốc nguội bớt. Một lúc sau, Hùng bưng bát thuốc lên uống một hơi, đoạn lại nằm xuống.

    Sư cụ Vân Không nói:
    – Lát nữa, nọc độc trong người ông sẽ tiêu hết! Ông đi tìm tôi và đã gặp tôi ở đây, song người hiện đang ngồi trước mặt ông là Vân Không Hòa thượng chứ không phải Trần Xà Nhân. Ngày mai, ông cứ yên tâm trở về, đừng đi lang thang nữa!
    – Bạch cụ, như vậy là cụ đã tha thứ cho tôi?
    – Còn hơn cả tha thứ nữa! Sư cụ Vân Không nói. Lòng tôi đối với tội ác không còn sầu hận, chỉ có thương xót mà thôi!


    – Việc này phải nhìn theo hai khía cạnh để giải quyết. Giọng Trần Quốc Hùng bi thảm. Tâm sư cụ tuy không còn cừu hận, song lòng tôi vẫn ăn năn sợ hãi. Mười năm qua, tôi đã luôn luôn sống trong tâm trạng ấy.
    Nhiều khi tôi có một hy vọng kỳ quặc là hy vọng sư cụ về để thanh toán tôi cho hết mối cừu hận, cho lòng tôi được yên ổn. Nhưng tôi vẫn không thấy hình bóng của sư cụ xuất hiện. Bởi thế, tôi mới quyết định đi tìm sư cụ và sẵn sàng bồi thường thiệt hại cho sư cụ cả về vật chất lẫn tinh thần. Xin sư cụ về Thượng Hải với tôi có được không?

    – Về Thượng Hải làm gì? Vân Không ngạc nhiên hỏi.
    – Trước khi ra đi, tôi đã sắp sẵn một số tiền để bồi thường cho sư cụ. Nhưng vì đường xa, đi một mình nên tôi không dám mang theo, tôi phải gửi số tiền ấy ở ngân hàng tại Thượng Hải.
    Sư cụ đòi bao nhiêu, tôi xin trả bấy nhiêu! Nhưng sư cụ không ở đâu nhất định, ngày mai chia tay rồi sẽ khó gặp lại sư cụ. Bởi thế, tôi muốn mời sư cụ về Thượng Hải để tôi trả cho xong món nợ đó!
    – Ý ông muốn trả tiền tôi? Tôi lấy tiền làm gì? Tôi không cần tiền.
    – Tôi cũng biết món nợ đó không phải hoàn toàn trả bằng tiền mà xong, nhưng vẫn còn nợ tinh thần nữa. Chẳng hạn tôi đã vu khống sư cụ đến nỗi sư cụ phải bị tù đày một cách oan uổng trong hai tháng trời.
    – Ô, điều đó đối với tôi có một tác dụng luyện tập! Tôi không cho đó là “tai vạ tù đày”.
    – Không những thế, sau khi sư cụ bị giam cầm, những rắn, khỉ và chuột của sư cụ đã bỏ đi hết!
    – Khỉ, rắn và chuột đều bị tôi bắt buộc đi theo biểu diễn, chứ tự chúng không muốn. Khỉ luôn luôn nhớ rừng, rắn muốn trở về bụi rậm và chuột mong được về hang tổ của chúng. Sau khi tôi bị giam, chúng đều được tự do và giải thoát. Như thế càng tốt chứ sao?
    – Còn con gái của sư cụ?
    – Nó đã lập gia đình cách đây năm năm, nghe nói đời sống cũng dễ chịu.
    – Vì tôi ức hiếp mà sư cụ đi tu?


    – Điều đó chính tôi phải cảm ơn ông! Sư cụ vừa cười vừa nói. Tôi bây giờ cũng tự do và giải thoát như những khỉ, rắn và chuột của tôi vậy!
    – Còn nhà của sư cụ mà tôi đã chiếm đoạt để làm chuồng trâu, chuồng ngựa?
    – Nhà cửa đều là không. Giả sử ông trả nhà lại hay bồi thường cho tôi thì đó chỉ là lụy cho tôi.


    – Vậy thì biết làm thế nào? Giọng Đoàn Quốc Hùng khổ sở. Một người mang nợ muốn trả cho hết nợ mà chủ nợ lại không nhận mình là chủ nợ, lại còn phủ nhận cả nửa cuộc đời trước của mình. Tâm sư cụ lâng lâng và thanh thoát, nhưng lòng tôi thì một cái “nút” trói buộc suốt đời tôi.
    – Nút gì? Trói buộc ở chỗ nào? Sư cụ hỏi
    – Tội nghiệt là “nút “trói buộc tâm tôi!
    – Ông đưa cái “nút “và cái “tâm” bị trói buộc ra đây cho tôi xem để tôi cởi trói cho ông.
    – Tội nghiệt và tâm đều không phải thực chất, làm thế nào tôi có thể nắm lấy mà đưa ra được?
    – Như thế là hết trói buộc rồi! Sư cụ Vân Không phá lên cười.
    – Bạch cụ, cụ cho là hết trói buộc, chứ tôi vẫn thấy còn bị buộc.
    – Tôi cũng biết thế! Sư cụ nói. Xin hỏi ông ngoài việc đó ra, ông còn thắc mắc điều gì không?
    – Dĩ nhiên là còn và còn nhiều hơn nữa!
    – Nếu bình sinh ông gây tội nghiệt cho tôi và coi đó là một món “nợ tinh thần ”, một cái “nút ”, ông tìm đến chủ nợ để thanh toán. Như thế là hết nợ rồi! Giả sử ông mắc nhiều nợ tinh thần mà chủ nợ không phải chỉ có một người, trường hợp đó thì ông tính sao?
    – Tôi sẽ lần lượt trả hết, nhưng phải tìm đến người chủ nợ thứ nhất cho xong đã.
    – Ông tìm được tôi rồi, nhưng con người tôi đã đổi khác! Từ Trần Phán đổi thành Vân Không, cho đến cái tâm cũng đổi khác. Nhưng hãy cứ tưởng tượng rằng ông đi tìm mà không gặp chủ nợ thì ông làm thế nào? Sư cụ hỏi. Nói thí dụ: Chủ nợ đã chết?
    – Tôi tìm con cái của người ấy.
    – Nếu họ không có con thì ông tìm ai? Thí dụ ông mang nợ một con rắn mà con rắn đó đã chết, ông biết con rắn nào là con cái của nó để mà trả?


    Đoàn Quốc Hùng khổ sở không biết nói sao!
    – Ông nên biết! Sư cụ nói tiếp. Ông mang nợ oan nghiệt nhiều hay ít, xét đến ngọn nguồn thì đó đều là việc của ông. Chủ nợ không nhất định sẽ đến đòi ông, mà cũng không cần chủ nợ phải đến đòi, chỉ cái “nợ “ấy trói buộc ông thôi! Song cái nợ đó vốn không có thực chất, đúng như lúc nãy ông nói “tội nghiệt “trói buộc cái tâm của ông không phải là một vật có thực chất, mà cái “tâm “bị trói buộc cũng không phải cái cục thịt trong người ông. Ông không thể nắm bắt được! Trong khi ông thấy rõ như thế thì cũng như ông vừa tỉnh mộng, nợ cũng không còn là nợ nữa!
    – Những lời đó cao siêu mầu nhiệm quá, tôi không hiểu nổi! Xin sư cụ giảng giải tường tận một chút nữa.
    Sư cụ Vân Không cầm một sợi dây buộc bó cỏ thuốc lúc nãy, thắt lại thành cái nút, rồi giơ ra trước, hỏi Quốc Hùng:
    – Đây là cái gì?
    – Cái nút
    – Nút là cái gì?
    – Nút là nút chứ còn là cái gì bây giờ? Quốc Hùng cười.
    – Ngoài sợi dây ra, còn có cái “nút “tồn tại không?
    – Ngoài dây thì dĩ nhiên không có “nút “tồn tại riêng biệt.
    – Như vậy nút là cái gì? Vân Không hỏi dồn.
    Đoàn Quốc Hùng chịu không đáp được. Sau đó, Vân Không chỉ vào cái nút, nói:
    – Nút là do nhiều vòng dây thắt lại mà thành, nhưng những vòng dây không có thực thể, chỉ là giả tướng mà thôi! Nhiều vòng dây tập hợp lại mà thành nút, lúc chưa thành thì không có nút và khi cởi ra rồi thì nút cũng không còn. Sư cụ vừa nói vừa cởi cái nút ra.
    – Hiện giờ còn nút không?
    Đoàn Quốc Hùng lắc đầu nói:
    – Sư cụ nhìn sự vật như mộng ảo. Nếu tất cả đều là giả tướng thì còn có gì gọi là nhân quả? Sư cụ định tạm dùng những lời huyền diệu ấy để mở rộng lòng cho kẻ tội ác này chăng?
    – Trong cái rỗng không, có gì ngăn lại nhân quả? Vân Không đáp. Chẳng hạn cái nút này do nhiều vòng dây thắt lại mà thành, nhưng vòng dây không có tự tính, cho nên nút cũng không có tự tính. Bây giờ, cởi nút ra làm cho vòng dây thẳng lại thì cái thẳng đó cũng không có tự tính. Nói đến rốt ráo thì chính sợi dây này cũng không thật có, dây là do các thứ cỏ bện thành. Khi cỏ chưa sinh thì không có cỏ và dĩ nhiên cũng không có dây, lúc cỏ chưa được bện lại thì cũng không thành dây, nếu đem đốt dây đi thì cuối cùng còn gì? Song ông tưởng trong cái rỗng không ấy không có nhân quả? Nếu tôi đem sợi dây không có thực thể thắt chặt vào cổ hư giả của ông, ông sẽ thấy đau đớn khó chịu. Nhưng sự đau đớn ấy cũng chỉ là ảo giác, cũng như dây và cổ đều không có tự tính. Vậy cứ gì trong cái chân thật mới có nhân quả?
    – Tuy sư cụ chỉ dạy cho như thế, nhưng tôi vẫn không thể lĩnh hội được, biết làm thế nào? Giọng Quốc Hùng bi ai.
    – Tôi không trông mong ông lĩnh hội một cách triệt để. Đối với người còn trong mộng, không có cách nào làm cho họ hiểu được cảnh giới lúc thức; trong cảnh mộng tuy giả dối không thực nhưng không có gì ngăn trở người ta làm ác, chịu báo, sám hối hoặc làm thiện; nhưng khi người ta tỉnh dậy thì mới biết tất cả việc làm lúc trước đều là chiêm bao; đã thoát ly được cảnh mộng, trở về cảnh giác thì hết thảy đều rỗng rang và thanh tịnh; lúc đó thì thiện còn chẳng làm, huống chi là ác!
    Nghe đến đây, Đoàn Quốc Hùng phủ phục xuống lạy sư cụ. Ông già đứng bên cạnh, coi bộ cũng hiểu được phần nào. Đoàn Quốc Hùng nói với sư cụ Vân Không:
    – Tôi không muốn trở về nữa, xin cho tôi theo sư cụ xuất gia.
    – Nếu trong lòng ông thật đã giác ngộ thì hà tất cứ phải xuất gia như tôi! Bỏ mộng, trở về giác đều có nhân duyên. Không nên câu chấp hình thức!

    Dứt lời, sư cụ Vân Không trở vào phòng riêng. Đoàn Quốc Hùng không dám theo vào, nằm trên chiếc chiếu và trằn trọc mãi quá nửa đêm cũng không thể ngủ được. Đến khi nghe tiếng gà gáy, trời đã sắp sáng, Hùng mới đứng dậy đi vào phòng định bày tỏ thêm nỗi lòng mình với sư cụ, nhưng khi tới nơi thì thấy căn phòng vắng lạnh. Vân Không Hòa thượng đã bỏ đi tự lúc nào mà không ai biết!

    [Nguồn: http://saigonecho.com/index.php/van-...mai-chua-hoang]

  8. #38
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Quote Originally Posted by passenger View Post

    Quote Originally Posted by phiulinh
    Vậy, "nhứt niệm" là gì?
    Có thể nào là "something"...mà hễ cứ nhớ đến / nghĩ đến là sẽ bị quằn quại / nhức nhối...đau nhắm cơ!
    Niệm là ý nghĩ, nhứt là đầu tiên. Nhứt niệm là ý nghĩ đầu tiên?

    Vì sao ý nghĩ đầu tiên thì đau đớn nhức nhối?


    Last edited by Triển; 01-05-2019 at 09:57 PM.

  9. #39
    ...for keeps... passenger's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    4,141

    Không gió thì không sóng.
    Không nước, sóng ắt không.
    Nếu gió chỉ một mình, hỏi sóng từ đâu ra khi không nước?
    Nguyên thủy tự thủy.
    Vô thủy ắt vô niệm / vô minh.
    Có phải?

  10. #40
    Biệt Thự
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    595
    A. Chiên Cu Hanh mếnh,

    Nếu theo quan điểm phật học mà định thì nghĩa của Nhứt niệm là... một củ nhớ (như ý Cu Hanh vẽ ở chên kia) nghe có vẻ đúng hơn là 'ý nghĩ điên đầu'!?

 

 

Similar Threads

  1. Vào chùa Việt
    By Dân in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 1
    Last Post: 11-20-2013, 05:50 AM
  2. Học chùa
    By Triển in forum Giáo Dục
    Replies: 2
    Last Post: 06-29-2013, 10:11 PM
  3. Các Ni sư tự xây chùa Ni Viên Thông Tự ở Houston, Texas
    By Mây Hồng in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 10-07-2012, 10:29 AM
  4. Lên chùa cúng sao
    By Triển in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 69
    Last Post: 03-16-2012, 10:46 AM
  5. Con sãi ở chùa lại quét lá đa
    By Triển in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 2
    Last Post: 11-15-2011, 10:25 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 06:52 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh