Register
Page 8 of 15 FirstFirst ... 678910 ... LastLast
Results 71 to 80 of 143

Thread: Coi chùa

  1. #71
    Không Cửa Để Vào, Không Lời Để Nói
    Nguyên Giác

    Bài này sẽ viết về Thiền, phần lớn sẽ ghi về một số lời dạy của Đức Phật trong thiền pháp Thiền Tông, còn gọi là Thiền Đông Độ, hay Thiền Đạt Ma, hay Thiền Tổ Sư, và riêng tại Việt Nam còn gọi là Thiền Trúc Lâm. Chủ yếu nơi đây dựa vào kinh điển, và người viết không phải là tiếng nói thẩm quyền nào. Tất cả những gì viết nơi đây đều rất dễ hiểu; độc giả có thể ngưng ở bất kỳ dòng nào để thử nghiệm tự nhìn lại tâm. Với các bất toàn tất nhiên sẽ có, xin thành kính sám hối trước Tam Bảo.

    Pháp thiền này không cửa để vào, nhưng vẫn lấy tam học (giới, định, huệ) để lìa tam độc (tham, sân, si). Nói không cửa, vì cổ đức nói rằng bất kỳ cửa nào cũng đều là phóng chiếu của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), trong khi nhiều lời Đức Phật dạy là khuyến tấn tức khắc lìa ngũ uẩn, rời ba cõi, vượt sáu đường. Thiền Tông còn gọi là pháp môn giải thoát bất tư nghì, bởi vì xa lìa tất cả nghi ngợi và tức thân thành Phật, không trải qua thời gian. Thêm nữa, Thiền Tông, tức là Thiền Trúc Lâm, thực ra là pháp thiền Đức Phật dạy trong những năm đầu thuyết pháp.

    Trước tiên xin kể một kỷ niệm với vài người bạn, và cũng để bổ túc thêm vì lời nói lúc đó chưa đầy đủ. Mới vài tháng trước, có ba vị thiện tri thức tới gặp, mời người viết ra quán cà phê ở Garden Grove hàn huyên, hỏi chuyện về Thiền Tông. Cả ba vị đều uyên bác, có học vị cao, nổi tiếng trong giới hoạt động nhân quyền, và có giao tình với người viết nhiều thập niên. Hai vị từ đầu Bắc California tới. Người thứ ba là một bác sĩ tâm lý, đang dạy thiền mindfulness cho một số bệnh nhân trong một số bệnh viện ở Quận Cam, được người viết xem như đứa em nhỏ từ các năm 1983-84, khi cô này sinh hoạt trong Liên Đoàn Hướng Đạo Hồn Việt ở đảo Galang, Indonesia.

    Bác sĩ X. hỏi: Như vậy, Thiền là gì?

    Người viết trả lời: Trong tình thân mới nói, rằng hỏi nhầm người rồi nhé. Vì câu trả lời ai cũng có thể tìm trên mạng, và nhiều người sẽ nói rằng đó bao gồm Thiền Chỉ, Thiền Quán, Thiền Tỉnh Thức, Thiền Tứ Niệm Xứ và vân vân. Câu hỏi nơi đây nên là, ý Tổ sư từ Ấn Độ tới là gì…

    Cô X. hỏi: Ý Tổ sư từ Ấn Độ tới là gì

    Người viết nói: Tôi không tài năng gì để trả lời, nơi đây chỉ xin mượn lời Đức Phật và chư Tổ. Đây là pháp không cửa để vào, không lời để nói. Bây giờ, xin mời ba bạn làm giùm tôi trong ba mươi giây đồng hồ, rồi tôi sẽ giải thích. Hãy tự nhìn vào tâm, mắt để tự nhiên hơi khép, đừng nhắm mắt, trong quán có tiếng động thì mặc kệ, ngồi thẳng lưng và hai bàn chân áp sát mặt đất, thở rất dịu dàng, hãy tự nhìn tâm và không nghĩ gì hết, không nghĩ lành/dữ, vui/buồn, không nghĩ chuyện hôm qua, ngày mai cũng không nghĩ gì tới bây giờ. Bởi vì hễ nghĩ ngợi là luôn luôn có thời gian và không gian hiện ra, vì cái được nghĩ tới luôn luôn ở khung thời gian/không gian nào đó, lẳng lặng nhìn tâm và không nghĩ gì. Hãy để toàn thân tâm mình tự nhiên, buông lỏng và buông xả hết. Thế đấy, đó là cách ngồi của Thiền Tào Động, Nhật Bản gọi là Soto Zen, tóm gọn mấy chữ là buông bỏ thân tâm, hay thân tâm phóng hạ. Bây giờ thì, ba bạn thấy đấy: ngay trong ba mươi giây vừa rồi, các bạn thấy không có tâm tham, thấy không có tâm sân, và trong cái thấy tỉnh thức như thế là không có tâm si. Theo Kinh Phật (Kinh AN 6.47, Kinh Upāyikā 2.078), như thế là Niết Bàn tức khắc, tại đây và ngay bây giờ, vượt thời gian. (1)

    Trong Thiền sử, ngài Huệ Khả từng tới gặp ngài Bồ Đề Đạt Ma và nói, xin an tâm cho con. Ngài Bồ Đề Đạt Ma nói, đưa tâm ngươi đây, ta sẽ an cho. Ngài Huệ Khả tự nhìn lại tâm, nói không thấy tâm đâu hết. Ngài Bồ Đề Đạt Ma nói, ta an tâm người rồi đó. Chính ngay khi ngài Huệ Khả thấy không có tâm, tức là thấy tâm rỗng rang không vướng chút sắc thọ tưởng nào hết, lúc đó là Niết bàn, còn gọi là ngộ được bản tâm lìa ba cõi (tức là, thấy tâm không vướng cõi dục, không vướng cõi sắc, không vướng cõi vô sắc).

    Chuyện tương tự là trong Pháp Bảo Đàn Kinh, kể chuyện ngài Minh Thượng Tọa hỏi pháp, ngài Huệ Năng bảo rằng ông đã vì pháp mà hỏi, thì hãy dẹp các duyên, chớ sanh một niệm, ta sẽ vì ông mà nói rõ trong giây lát. Ngài Huệ Năng nói tiếp: Không nghĩ thiện không nghĩ ác, ngay lúc đó cái gì là bản lai diện mục của Minh thượng tọa?

    Chính ngay nơi đó, còn gọi là tâm không chỗ an trú (vô sở trụ). Không có nghĩa là không có tâm, nhưng chỉ có nghĩa là ngay lúc đó thức không có chỗ bám vào, dù là cái được thấy hay cái được nghe, tất cả hiện tướng trong và ngoài (sáu nội xứ, sáu ngoại xứ) chỉ như nước rơi trên lá sen, cũng như ảnh chim bay hiện rồi biến trong gương tâm và không lưu ảnh. Ngay đó là Niết bàn.

    Cũng có thể giải thích về hai trường hợp hỏi pháp của ngài Huệ Khả và Minh Thượng Tọa bằng Kinh SN 12.38, bản dịch HT Thích Minh Châu trích:

    “Tỷ-kheo, nếu chúng ta không có tư niệm, không có tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên không có mặt thời thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trưởng, nên trong tương lai tái hữu không sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu không có mặt trong tương lai, nên sanh, già chết, sầu, bi, ưu, não được đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.” (2)

    Đoạn vừa trích dẫn cũng có nghĩa là giữ tâm không dính vào bất kỳ loại thức ăn nào trong cõi này.

    Kinh SN 12.64 dạy rằng lìa tham đối với thức ăn cõi này, tức là thức sẽ không chỗ an trú và tăng trưởng, đó là giải thoát:

    "...các Tỷ-kheo, nếu đối với (đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực) thức thực, không có tham, không có hỷ, không có ái, thời không có thức an trú. Chỗ nào không có thức an trú, chỗ ấy không có danh sắc sanh. Chỗ nào không có danh sắc sanh, chỗ ấy không có các hành tăng trưởng. Chỗ nào không có các hành tăng trưởng, chỗ ấy không có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào không có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy không có sanh, già chết trong tương lai." (3)

    Đức Phật gọi các trường hợp như thế là Niết bàn tại đây và bây giờ (here and now), vượt thời gian (timeless). Một phút như thế là một phút giải thoát, và giữ tâm đó liên tục gọi là Tổ Sư Thiền, không qua bất kỳ phương tiện nào khác,

    Trong các trường hợp giải thoát tức khắc, thường biết nhiều nhất là trường hợp của ngài Bahiya (khi được dạy là thấy chỉ nên là thấy và nghe chỉ nên là nghe…) và trường hợp chàng thanh niên Uggasena đứng nơi đầu gậy cao làm xiếc tức khắc thành A la hán khi Đức Phật dạy rằng hãy buông bỏ cả quá khứ, vị lai và hiện tại…

    Chúng ta có thể thử nhìn tâm mình như ngài Bahiya và ngài Uggasena, và sẽ thấy rằng lúc đó y hệt là tâm không, tâm rỗng rang, tâm không vướng vào bất kỳ khái niệm nào về lành/dữ, thiện/ác, đúng/sai, có/không…

    Nhưng, chính vì như thế mới khó truyền dạy, vì ly nhất thiết pháp, vì pháp thiền này không có cửa để vào, không có đường để đi, vì bất kỳ cửa hay đường nào đều phải dựa vào sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp nơi cõi này.

    Người viết nói với ba người bạn rằng, bây giờ mình nói về chuyện thường bị nhầm lẫn nhất: đốt sách, hay chớ đọc sách. Ngày xưa mình cũng được ông thầy dặn là chớ đọc nữa, nhưng không có nghĩa đơn giản như thế. Chỉ nên có nghĩa rằng hãy nhìn mặt trăng, chớ nên nhìn ngón tay, vì chữ nghĩa đều là ngón tay.

    Thêm nữa, Thiền Tông có câu rằng “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt” cũng là một lời dạy tột cùng. Ngôn là lời nói ra miệng, ngữ là lời nói trong đầu, bạn cứ thử xem, tự nhìn lại tâm mình, khi lời và chữ dứt bặt cả trong và ngoài, chính khi đó sẽ thấy tâm rỗng rang, và khi tâm hành (cetana, intention) biến mất – tức là chớ muốn, chớ cầu, chớ tìm và chớ xua đẩy gì, ngay khi đó là tâm lìa tham sân si, và Đức Phật gọi đó là Niết bàn ở đây và bây giờ, chứng thực được, và vượt thời gian. Cũng là pháp không niệm gì hết.

    Bởi vì pháp thiền này không dùng lời nói, cho nên rất khó truyền dạy. Đó cũng là lý do, truyền thuyết nói rằng Đức Phật lặng lẽ cầm bông hoa đưa lên, chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười vì hiểu được. Xin phép suy đoán, rằng chính ngay khi đó, Đức Phật cho biết rằng cái thấy hoa đó chính là Niết bàn ở đây và bây giờ (nhưng lúc đó hễ sư nào khởi lên bất kỳ tâm hành nào, hay xem cái thấy như thức thực đều sẽ hỏng). Mở miệng đều sai, vì cảnh đã qua rồi, và vì lời nói chỉ là ngón tay [chữ nghĩa] chỉ mặt trăng [cái thấy].

    Trong cái thấy nghe của Niết bàn ở đây và bây giờ đó, hoàn toàn biến mất tất cả khái niệm về dơ/sạch, đó là khi pháp thân (thân của pháp) hiển lộ qua thấy nghe hay biết.

    Trong Thiền sử Việt Nam, ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ có bài kệ: “Bản lai vô cấu tịnh, cấu tịnh tổng hư danh, pháp thân vô quái ngại, hà trọc phục hà thanh?” là chỉ thẳng vào cái thấy tâm rỗng rang như thế, có thể dịch là: “Từ xưa tới giờ vốn là không dơ với sạch. Dơ với sạch đều chỉ là tên suông thôi. Pháp thân vốn không hề giới hạn nào, sao có chuyện dơ với sạch được?”

    Tương tự, trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Phẩm Cơ Duyên Thứ Bảy, ghi lời dạy của ngài Huệ Năng, qua bản dịch của Thiền sư Duy Lực, trích:

    “Sư nói: Thật đúng như Huyền Sách nói. Ngươi hễ tâm như hư không, chẳng chấp vào không, ứng dụng vô ngại, động tịnh vô tâm (chẳng tác ý), thánh phàm đều quên, năng sở đều diệt, tánh tướng như như, thì không lúc nào chẳng phải định vậy.” (4)

    Tới đây xin kể chuyện một người bạn thân. Bạn này là một trí thức rất mực uyên bác, một hôm viết một bài dài phân tích về Tam Thân Phật, giải thích rất dài và rồi hỏi ý người viết. Người viết vốn không phải là học giả, cho nên không dám cho ý kiến chi tiết, chỉ trả lời bạn này, có hiệu đính lại như sau:

    “Tui là Nguyên Giác, xin tự thú rằng tui không biết gì về Tam Thân Phật, bởi vì dó là chuyện của các luận sư và pháp sư. Tui học Thiền từ hai vị Thiền Sư không ưa lý luận, và không nhiều lời. Bản thân tui do vậy, chỉ quen bận tâm với chuyện thấy trước mắt và nghe bên tai, không hề quan tâm chuyện cao siêu của các luận sư (mà, các luận sư thường không đồng ý nhau). Nếu có ai chỉ ngón tay lên, mà tui thấy mặt trăng, thì tui nói là thấy mặt trăng. Nếu tui không thấy mặt trăng, cũng không dám nói là có một mặt trăng hay ba bốn mặt trăng, chỉ dám nói là tui không thấy mặt trăng nhưng không dám chắc là có hay không, và nếu có là mấy mặt trăng. Do vậy, nhiều khi được hỏi Phật Tánh ở đâu, trong khi các luận sư viết tràng giang đại hải, các thiền sư chỉ đưa tay ra chỉ gốc cây trước sân... Ngoài cái ngó đó ra, tui đoán rằng người của nhà Thiền không dám nói gì về Tam Thân. Nếu có ai nói về Tam Thân Phật, hẳn không phải chuyện nhà Thiền. Nhưng đọc về Tam Thân Phật là vui rồi. Tui nghĩ, Tứ Thân có thể vui hơn. Vì binh bài xập xám cần tới 4 tụ. Thân ái.”

    Nói ngắn gọn, rằng tui không biết. Và tui sống với “tâm không biết” – chỗ này, nên ghi rằng, muốn đọc thêm Thiền Tông bằng tiếng Anh hiện nay, có thể tìm trên Google qua các từ khóa như “don’t know mind” hay “The Zen of not knowing”… Chính cái tỉnh thức nhìn vào tâm không biết đó cũng là một cách vào. Bất kỳ ai cũng thử nghiệm được, khi nhìn vào tâm không biết thì là đang tỉnh thức với tâm ly tham sân si…

    Còn chuyện có cần tu Tứ Thiền hay không… Tới đây, xin kể chuyện khác. Một vị trí thức nổi tiếng trong giới học Phật, mới đây nói với người viết rằng để giải thoát sẽ cần tu Tứ Thiền và tới tận cùng là Diệt Thọ Tưởng Định. Người viết lúc đó nói là chỉ cần sơ thiền, rồi từ đây quán vô thường là đủ. Bây giờ xin ghi chi tiết vài ý (sau khi về nhà dò lại kinh điển). Đức Phật nói có trường hợp tuệ giải thoát, không cần tu định sâu. Người tu được cả định huệ được Đức Phật gọi là giải thoát cả hai đường (freed both ways), còn gọi là bậc câu phần giải thoát.

    Đức Phật dạy trong Kinh MN 70 rằng có 7 hạng người, trong đó bậc cao nhất là A la hán giải thoát qua cả hai đường định huệ; bậc thứ nhì là tuệ giải thoát, tức các vị A la hán chưa đắc định nhưng trí tuệ đã đoạn trừ lậu hoặc.

    Kinh MN 70 viết, trich bản dịch của HT Thích Minh Châu:

    "...này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc tuệ giải thoát? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người, sau khi thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này như vậy được gọi là bậc tuệ giải thoát."

    Bản Anh văn của Bhikkhu Sujato:

    "And what person is freed by wisdom? It’s a person who does not have direct meditative experience of the peaceful liberations that are formless, transcending form. Nevertheless, having seen with wisdom, their defilements have come to an end. This person is called freed by wisdom."

    Để thấy nghĩa này rất cụ thể, không mơ hồ, rằng không đắc định vẫn giải thoát bằng huệ, xin xem đối chiếu bản Việt và ba bản Anh văn ở (5).

    Kinh MN 64, bản dịch HT Thích Minh Châu viết rằng Đức Phật dạy chỉ cần vào sơ thiền, rồi chuyển sang quán vô thường là đủ:

    "...này Ānanda, Tỷ-kheo do viễn ly các sanh y (Upadhiviveka), do đoạn trừ các bất thiện pháp, do làm cho an tịnh thân thô ác hành một cách toàn diện, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới (Amatadhatu) và nghĩ rằng: “Đây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc." (6)

    Đọc kinh sẽ thấy có một số trường hợp tuệ giải thoát, trở thành A la hán khi [hình như] chưa vào sơ thiền, nhưng ít nhất phải là cận định (access concentration). Trường hợp nổi bật là thuyết pháp cũng chứng quả A la hán, đó là ngài Khemaka sau khi giải nghĩa cho các vị sư khác về “không có cái tôi nào” trong ngũ uẩn. Dứt lời, Khemaka đắc quả A la hán. Và 60 vị sư nghe pháp xong, lúc đó cũng đắc quả A la hán. Nghĩa là, tuệ xả ly của chư tăng rất mạnh, bứt một lần là xong. Tức là, thuyết pháp và nghe pháp đều có thể đắc quả A la hán. Đó là Kinh SN 22.89 - Khemaka Sutta. (7)

    Trường hợp đó không lạ, vì Đức Phật ít nhất trong 2 bản kinh cũng từng nói là có năm giải thoát xứ, có thể đắc quả A la hán trong khi: đang nghe pháp, thuyết pháp, đọc tụng pháp, suy tư quán sát pháp, thọ trì pháp. (8)

    Như vậy, lời dạy trong Thiền Tông là như thế nào? Khi đọc Kinh Pháp Bảo Đàn và nhiều sách về Thiền Tông, kể cả về Thiền Trúc Lâm của Việt Nam, sẽ nhận ra một số phương pháp chư tổ dạy, và kỳ lạ là đều là lời Đức Phật dạy trong Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, tức là nhóm các kinh chư tăng tụng hàng ngày khi Đức Phật còn sinh tiền. (9)

    Độc giả sẽ nhận ra tâm trong trạng thái tỉnh thức lìa tham, sân, si là khi:

    -- Tâm vô sở trụ, không dính mắc, không chấp thủ, dù là dính vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
    -- Tâm buông bỏ những gì ở quá khứ, chớ mơ tưởng về tương lai, và không tơ vương gì với hiện tại.
    -- Tâm để cái được thấy nghe hay biết chỉ là cái được thấy nghe hay biết, và sống với các pháp như thị.
    -- Tâm đón nhận vô thường trôi chảy, nơi đó là rỗng rang, không lời, không gì để thêm, không gì để bớt.
    -- Tâm không nghĩ ngợi tư lường, xa lìa cả bờ này và bờ kia, xa lìa cả thiện và ác.
    -- Tâm lắng nghe cái tịch lặng, nơi ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt – lời nói dứt bặt, tâm bất động như núi.
    -- Tâm thấy tất cả các pháp đều là như huyễn, đều là rỗng rang không tự tánh.

    Và theo Kinh Phật, các tâm đó chính là tức khắc Niết bàn.

    Tới đây, câu hỏi là, sẽ rất khó để tâm vô sở trụ… như thế, có thể dùng phương tiện nào không?

    Có thể dùng công án hay thoại đầu. Bởi vì khi dùng phương tiện này, đó là sử dụng tới “tâm không biết”… Không phải công án vô nghĩa. Tất cả nghĩa đó đều chỉ vào bản tâm, vào thấy, nghe, chạm xúc, hay biết… Khi nhận ra bản tâm vốn là không, sau đó mắt, tai… sẽ không còn bị níu kéo nữa. Các pháp tới mình, sẽ biến mất y hệt như nước trên lá sen.

    Nơi đây, người viết đề nghị sử dụng phương pháp thở, sẽ thích nghi với rất nhiều người. Đức Phật dạy pháp thở 16 chặng. Tuy nhiên, chúng ta có thể tập pháp thở 2 chặng, cùng lúc là giữ tâm buông xả. Không cần ngồi thiền, luôn luôn nhớ khi đi đứng nằm ngồi, giữ cảm thọ về hơi thở dịu dàng, hơi thở tự nhiên chạm nơi dưới chóp mũi. Trong khi hơi thở vào, nghĩ tới chữ “buông”; khi hơi thở ra, nghĩ tới chữ “xả”… Cứ như thế ngày đêm không để rời hơi thở buông xả này, rồi sẽ nhận ra đó là hơi thở của tỉnh thức lìa tham sân si. Chỉ cần thử tập 5 phút là thấy ngay hiệu năng liền.

    Có phương tiện khác: Niệm Phật. Thiền sư Thạch Liêm trong khi hoằng pháp Thiền Tào Động ở thế kỷ 17 đã viết bản văn Tự Tính Di Đà Thuyết (Nói về Phật A Di Đà của tự tính) để dạy mẹ của chúa Nguyễn Phúc Chu là Tống Thị pháp Niệm Phật Trì Danh. Bản dịch của Thầy Nhất Hạnh trích như sau:

    “…Trong các con đường tắt để tu hành, không con đường nào bằng niệm Phật. Niệm Phật cốt ở chỗ dứt bỏ được duyên lự, chỉ nhớ tới sáu chữ, tâm không tán loạn, niệm phải tinh thành, sáng niệm, chiều niệm, niệm cho đến chỗ bất niệm, niệm cho đến chỗ vô niệm, niệm niệm không ngừng, niệm cho thành một khối đạo hợp thể đồng, cùng cao với trời, cùng dày với đất, cùng sáng với nhật nguyệt tinh tú; với sông núi, cây cỏ, nhân, vật, quỷ thần, cùng chung kiếp vận họa phúc, sang hèn, nam nữ, xa gần, qua lại, đó ăn mệt ngủ, hỷ nộ ái lạc... Khi đã cùng vạn vật nhất thể thì nguồn suối Di Đà không còn là của riêng của ai nữa mà sẽ được tự tâm ý bất loạn của tự mình chảy ra... Điều cốt yếu là thấy sắc không nhiễm, nghe thanh không đắm, hai tướng động và tĩnh dứt bặt không sinh. Khắp cõi hư không đều là Tịnh độ duy tâm, tận cùng pháp giới đều là Di Đà tự tính.” (10)

    Như thế, các Thiền sư vẫn dạy Niệm Phật. Tất cả các phương tiện đều khả dụng, khi “thấy sắc không nhiễm, nghe thanh không đắm…”

    Trân trọng kính chúc tất cả các độc giả quan tâm về Thiền Tông sẽ dò được lối vào, và sẽ nhận ra rằng dân tộc Việt Nam đang thừa hưởng một di sản rất quý giá từ Thiền Trúc Lâm.

    Bài này được viết trong tuần lễ tưởng niệm bổn sư của người viết là Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu viên tịch đã 3 năm.

    GHI CHÚ:

    (1) Huệ Khả Cầu Pháp: Đọc Từ Tạng Pali
    https://thuvienhoasen.org/a31712/hue...c-tu-tang-pali
    (2) Kinh SN 12.38: https://suttacentral.net/sn12.38/vi/minh_chau
    (3) Kinh SN 12.64: https://suttacentral.net/sn12.64/vi/minh_chau
    (4) Kinh Pháp Bảo Đàn, Phẩm Cơ Duyên: https://thuvienhoasen.org/a687/pham-co-duyen-thu-bay
    (5) Kinh MN 70, bản Việt: https://suttacentral.net/mn70/vi/minh_chau
    Bản Sujato: https://suttacentral.net/mn70/en/sujato
    Bản Bodhi: https://suttacentral.net/mn70/en/bodhi
    Bản Horner: https://suttacentral.net/mn70/en/horner
    (6) Kinh MN 64: https://suttacentral.net/mn64/vi/minh_chau
    (7) Kinh Khemaka: https://suttacentral.net/sn22.89/en/sujato
    (8) Kinh DN 33: https://suttacentral.net/dn33/vi/minh_chau
    Kinh AN 5.26: https://suttacentral.net/an5.26/vi/minh_chau
    (9) Kinh Nhật Tụng Sơ Thời: https://thuvienhoasen.org/a30590/kinh-nhat-tung-so-thoi
    (10) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận Tập II: https://thuvienhoasen.org/p58a8438/c...g-toi-viet-nam

  2. #72
    Thiền viện Tánh Không
    18525 Frantz Road – Perris, CA 95270
    www.tanhkhong.org

    Từ Pháp Qua Mỹ Tu Thiền
    Phạm Hoàng Chương

    Tôi có vài người bạn học thời nhỏ tuổi khá thân sống ở Pháp. Du học từ những thập niên 50 và 60, Trí, Tân và Quý lấy vợ đầm, có sự nghiệp vững vàng sống ở Paris. Thái qua Pháp năm 1977 cũng ở Paris, nhưng từ ngày về hưu thì lui về miền Nam. Tân làm bác sĩ research 35 năm nay, Quý làm trưởng ngành ngoại giao trong Bộ giáo dục Pháp. Người nào cũng có con cái bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, giáo sư đại học ngon lành… Bích Ngọc mấy tháng trước qua Pháp chơi, được Tân, Quý và Thái ra đón, đưa đi ăn nhà hàng. Ngọc nói, “ông nào cũng có 2 nhà hết, cái ở Paris, cái ở dưới biển, hay trên núi”.

    Đầu tháng 10, Tân emailed cho hay Quý sắp qua Cali tu thiền ở Perris như năm ngoái. Tôi biết chuyện Quý và cựu đại tá Trần văn Tự thân nhau và cùng tu ở Perris nhưng chưa bao giờ đến đó. Tôi nhờ Quý mua dùm vài cuốn tiểu thuyết Pháp và DVDs mang qua tôi gửi tiền lại. Quý là con ông Hồ đình Chánh, cựu tỉnh trưởng Ninh thuận nổi tiếng ngày xưa, lớn hơn tôi một hai tuổì đó, không học chung lớp, nên không thân, nhưng tôi biết rõ chị em Quý và ngôi nhà gia đình Quý ở trước 75, kế bên căn phố tôi ở ngày xưa. Tôi email cho Quý số cell phone để gọi khi tới Riverside, Quý sốt sắng mua các thứ tôi dặn và ân cần cho biết ngày tới Mỹ.

    Sớm chủ nhật 9/10, cell phone tôi reo, có ai ở area code 909 gọi, nhưng tiếng nói lào xào, số phone lạ, không biết là ai. Gần trưa, lại nghe một số phone khác gọi, lần này nói nghe rõ ràng, té ra là Quý, đã tới thiền đường ở Perris, thuộc Riverside County, tu được 2 ngày rồi. Quý mượn phone bạn đồng tu gọi, cho tôi địa chỉ thiền đường để lái xe lên nhận quà.

    -Ủa, mới qua mà đã nhập học rồi sao? Thiền đường tên gì, có gần Lake Perris không?

    -Tên là Tánh Không, cách chỗ ông ở chừng 20 miles thôi, chỗ này là đồi núi sa mạc hoang vu không hà… Ghi địa chỉ nè..

    - Có gặp ông Tự chưa? Ban ngày lên thăm được không?

    -Ông Tự về Houston “nhập thất” rồi. Không phải muốn thăm lúc nào là thăm đâu, đây như cái “couvent”. Có thời khóa tu đàng hoàng. Bốn giờ rưỡi giờ sáng dậy, học và thực tập thiền cả ngày, tới 6 giờ chiều mới xong, sau 6 giờ họ mới mở cổng cho vô thăm, vậy ông chỉ có thể tới sau 6 giờ thôi.

    Chủ nhật còn mệt vì tối thứ bảy coi dạ vũ ballet Vết Lăn Trầm ở Rose Center về khuya mất ngủ, nên tôi để chiều thứ hai mới lái xe ra freeway 91 W, tìm tới chỗ Quý. theo directions check trên Internet, exit vô Van Buren lái ngoằn ngoèo lên núi. Năm ngoái nghe đồng hương Phan rang kể chuyện Quý từ Pháp sang đây tu thiền mấy tuần với cựu đại tá Tự, (nay là hòa thượng) nghe nói tu viện đó đâu gần hồ Perris, nhưng không biết dích xác ở đâu. Tôi lấy làm lạ, già yếu sắp chết thì ai cũng lo tu hành, không có gì lạ, nhưng sao không ở bên Pháp tu theo thày Nhất Hạnh mà lại bay qua tuốt bên này, quen ông Tự và ở lại tu cả tháng. Riverside có nhiều chùa và tu viện Việt Nam, tất cả đều tọa lạc hai bên bờ freeway 91, trên các đồi núi hoang vu khô cằn xa thị xã, nhưng tôi ít khi tìm thăm, vì quan niệm Phật tại Tâm, không cần phải đi đâu xa mới thấy Phật. Lần này tò mò muốn gặp Quý coi thay đổi sau 50 năm ra sao, thiền viện ra sao, muốn biết lí do tại sao từ Pháp mà phải lặn lội sang Mỹ tu, nên tôi náo nức đi coi cho biết.

    Cũng như chùa Lộc Uyển ở Escondido, Thiền viện Tánh Không do Thầy Thích Thông Triệt tạo lập, nằm trên đồi núi khô khan, nhưng nhìn qua 2 cổng sắt kiên cố, thấy bên trong có nhiều cây cối, chủ yếu là cây ăn quả do bàn tay người trồng lên xanh mát. Thấy một người đàn bà mặc áo tràng xám tình cờ đi ra, bèn nhờ gọi thăm Quý ở Pháp qua. Chị vô kêu anh bạn đồng tu ra bấm nút mở cổng cho mình lái xe vô đậu. Đang rề rề tìm chỗ đậu thì thấy một anh chàng mặc áo tràng xám bước ra nhìn xe mình chăm chăm, biết ngay là Quý, cũng dáng dấp thon nhỏ đó ngày nào thời trung học. Cười bắt tay, hai đứa kéo nhau ngồi xuống dưới bóng cây, hàn huyên hỏi đáp lia lịa…

    -Tui nhân nghỉ break time, cúp cua lẻn ra gặp ông, chứ lẽ ra 6 giờ mới tan học.

    Tôi chăm chú ngắm Quý. Da mặt Quý hơi sậm màu, lông mày thưa, khuôn mặt hiền từ, nụ cười đẹp, ánh mắt hiền hòa như của người tu lâu năm, lấy làm lạ sao Phật pháp thay đổi sắc diện phong thái con người nhanh quá. Nói chuyện với Quý, thấy ngay anh chàng như không còn mảy may tham sân si, hờn giận, chấp nhứt gì nữa trong tâm, đứng gần mà cảm thấy an bình, thoải mái như gần một đại đức giản dị, đạm bạc, không phải nói chuyện với chủ tịch ngành ngoại giao Bộ giáo dục Pháp như mình biết, mà chỉ là một anh bạn rất ư là hiền, thật thà và vui vẻ, như thân nhau sống chung từ bao năm nay.

    Hai đứa nhắc chuyện xưa, các người quen dân Phan rang, người này nguời kia, chị em Trúc Hường thân nhau ở Saigon, cô Năm Vinh nấu cháo cho ăn lúc Quý mới bị qua Mỹ bị bệnh ở New York, Boubi con kỹ sư Thành bạn thời nhỏ, anh Ngô văn Luôn cháu rễ ông Thiệu, chị Oanh, Long con bà Hoán, ông Ngạc, bà Khuê, Hổ ở Cầu nước đá, thời kỳ học Duy tân trên mình một lớp, nhưng chỉ học một năm đệ lục rồi lên Dalat thành mình không biết Quý mà Quý cũng không biết mình.

    -Ông đi du học một lượt với Trí, Tân hồi 58, 59 hả, sao tôi không nghe ai nói về ông cả.

    -Đâu có, tôi học xong Cử nhân Luật ở Saigon, qua 67 mới đi Mỹ học.. rồi từ Mỹ mới qua Tây.

    -Ông già có tiền lo cho đi như Trí, Tân? Năm đó tôi mới ra đi dạy ở Sóc trăng.

    -Không, Mỹ cho học bổng, tôi điểm cao được chọn. Ở New York học được vài năm rồi qua Tây học tiếp lên thạc sĩ, làm trong Bộ giáo dục Pháp mấy chục năm, mới về hưu ba năm nay.

    -Sao ông giỏi quá vậy? Làm chức gì trong Bộ Giáo dục?

    -Làm trưởng Phòng ngoại giao của Bộ…hay dẫn phái đoàn đi thăm các nước. Mấy năm trước dẫn phái đoàn về Việt Nam, có ghé thăm căn nhà xưa ở Cầu nước đá..

    -Trời, oai vậy đó…Sao ai qua đó thấy cũng thành công hết vậy? Tân, Trí, Thái, Phát…Nghe nói ông lấy vợ đầm, có 2 con trai, có đứa nào làm bác sĩ như con Tân không?

    -Một thằng giáo sư đaị học, thằng kia kinh doanh điện thoại. Tụi nó ở riêng hết, làm ăn thành công, còn khá hơn bác sĩ nữa. Hồi trước tôi và con tôi hay kình chống, cãi nhau. Từ ngày tôi dự khóa tu ở Mỹ về, nó nói tôi thay đổi khác đi, không còn cố chấp, hung hăng nữa…cái gì cũng cười xuề xòa, dễ tánh, khiến nó ngạc nhiên và bắt đầu kính trọng, tìm hiểu về đạo Phật.

    -Ở đây khóa tu chừng nào mới kết thúc?

    -Tới 20 tây xong, rồi phải lên San Jose, đi Houston. Kỳ này đi 1 tháng thôi, ở lâu quá tội nghiệp bà xã buồn, ở nhà thui thủi bên đó có một mình.

    -Bã còn đi làm chứ?

    -Còn.

    -Còn thì tốt rồi, làm việc bận rộn thì giờ đâu mà nhớ nhung.

    Nói tới đó thì thấy 2 vợ chồng từ xa đi lại, như khách mới tới thăm tu viện, hai bên chào hỏi nhau. Thấy Quý mặc áo tràng xám, chị vợ hỏi:

    -Ở đây có bao nhiêu người dự tu khóa này anh?

    -Dạ khoảng sáu bảy chục người. Đa số sống Riverside, hay San Diego, ở gần đây, tối ngủ lại.

    -“Anh này từ Pháp qua”, tôi giới thiệu Quý.

    -Vậy sao? Tụi tôi nghe nói chỗ này có thiền viện, nên lên coi thử, lái xe suýt chút nữa lọt hố. Muốn tham dự khóa tu, phải làm sao anh?

    -Dễ lắm, xin với thày một tiếng. Công việc phân công, ai nấu bếp, tưới cây, quét dọn, đều lên danh sách thời khoá biểu mỗi ngày. Chỗ ngủ có sẵn, rất đơn sơ, mỗi ngày đóng 15$ tiền cơm nước thôi, ai muốn đề xướng xây dựng sửa sang trồng trọt gì thì tự động làm. Đều là nguời hiểu giáo lý Phật cả, tâm bố thí rộng rãi, cái “ngã chấp” teo lại, nên sống hòa thuận với nhau không có vấn đề gì.

    Quý bỏ vô trong hình như lấy quà mang ra cho tôi, còn tôi tò mò muốn đi thăm toàn thể cơ ngơi, nên cùng hai ông bà khách lần theo con đường trải sỏi giữa hai hàng cây xanh, ung dung ngắm cảnh, đi coi các nơi. Rõ ràng công sức người tu đã bỏ ra ở đây rất nhiều, biến một chốn khô cằn hoang vu thành vườn tược cây trái xanh mát xum xuê làm ta có cảm tưởng đang du ngoạn trong các vườn cây ở Lái thiêu, Mỹ tho… Ba đứa tôi trầm trồ thấy những chùm táo Tàu lòng thòng, trái cam trái bưởi đu đưa hai bên đường lào xào tiếng sỏi dưới chân, nhiều bụi thanh long đang leo giàn, có trái chín hồng. Lác đác những tượng Quan Âm trắng lộ thiên đứng bên hồ nước, mấy bụi trúc xanh um tùm, các tảng đá to trắng phau. Những con đường có hàng cây liễu rủ lá xuống gần chạm đất để thiền sinh thoải mái tâm hồn, thong thả kinh hành sau những giờ ngồi thiền định tâm chú mục.

    Tu viện này không có chùa xây cất kiên cố, mái đỏ, đuôi rồng to lớn như chùa Lộc Uyển ở Escondido, chỉ có năm ba căn nhà nhỏ thấp như thiền thất của các người tu ở thường trực, còn toàn là những trại lều vải dã chiến lớn nhỏ đủ cỡ, kê đầy giường chiếc (single bed) có phủ mền, chứa từ sáu bảy đến vài chục giường để ngủ ban đêm. Trời Đông sắp đến, màn vải phất phơ phong phanh kiểu này chắc là lạnh lắm. Tôi vào nhà bếp coi, mái vách sơ sài cất bằng vật liệu nhẹ, có 3 tủ lạnh lớn, bếp núc, bàn ăn la liệt, thức ăn rau cỏ vương vãi. Phòng khách kê những sofas bằng da đã cũ hai bên lối đi, có chỗ da sờn rách vá bằng tape băng keo, cho người ngồi chơi hay ăn uống. Hình như ở đây, chuyên tu học cho tâm an lạc mới là việc chính, còn việc nấu nướng, ẩm thực, ngủ nghê phục vụ cho tấm thân tứ đại vô thường không cần thiết. Lớp học che màn kín, tôi tới gần rón rén ghé mắt nhìn vào thấy năm mười thiền sinh ngồi ghế chăm chú đọc sách, có kẻ viết notes, không thấy thày giảng ở đâu. Tôi quay trở ra tiếp tục thám hiểm trang viên vườn tược. Không khí trong trẻo, cây cối cảnh vật xinh xắn ngăn nắp, tâm hồn cảm thấy sảng khoái vô cùng. Tôi bỗng thầm nghĩ:

    -Một ngày nào đó, có lẽ mình cũng xin lên tu hành ở chỗ này, một tháng, nửa năm, ăn uống chay tịnh, ở lều thô sơ, ngồi thiền nghe pháp, thong thả kinh hành giữa cảnh vườn thiền an tịnh như vầy, giao hết nhà cửa cho con cái quản lý.

    Loanh quanh một lát, thấy Quý xuất hiện từ xa với mấy cuốn sách và DVDs.

    -Tôi mua mấy cái này ông dặn. Phim này nói về cải cách xã hội công xưởng ở Pháp, phim này chuyện Fernandel, cái này đời sống học sinh nội trú… Tặng ông đó.

    -Thôi, thôi, để tôi gửi tiền lại…

    -Không…quà cho ông mà. Anh em mấy chục năm nay bây giờ mới gặp, tôi rất là vui… Không đáng gì đâu.

    -Tôi chưa bao giờ tới Pháp, chỉ có đi Thụy Sĩ ở 2 tuần năm 2003, qua Ý chơi, có 2 cô em sống ở Thụy sĩ.

    -Sang năm đi đi, tôi ra phi trường đón về nhà tôi ở.

    -Nghe bà Ngọc nói mấy ông, ông nào cũng làm chủ 2 cái nhà, cái trên núi, cái dưới biển. Mấy ông đi Pháp ông nào cũng thiệt giỏi, nghe nói đời sống Pháp đắt đỏ lắm mà sao mấy ông tài vậy? Tôi dạy francais mà lại qua Mỹ sống, còn ông đi Mỹ mà lại bay qua Pháp sống. Ông thành công lớn ở Pháp. Tôi lúc trẻ vướng vòng lính tráng tù tội, 40 tuổi mới qua Mỹ lập lại cuộc đời bằng hai bàn tay trắng, mãi 25 năm, bây giờ mới trả off được cái nhà..

    Quý cười hiền lành:

    -Mỗi người đều có một biệt nghiệp riêng, đưa đẩy theo giòng đời biến chuyển... Thành công giàu có cao sang xuông xẻ chưa hẳn là điều tốt. Vất vả như ông chưa hẳn là điều đáng buồn. Nghịch cảnh rèn luyện con người, làm ông sớm hiểu cuộc đời vô thường. Chưa chắc tôi đã may mắn hơn ông, vì ông hiểu đạo sớm hơn tôi.

    Tôi biết Quý thành thật khi nói câu đó, tỏ ra con người rất hiểu biết, đưa cái thắc mắc trong đầu từ lâu ra hỏi:

    -Sao bên Pháp có làng Mai, thày Nhất Hạnh, có thày chùa Khánh Anh, nhiều thày giỏi lu bù mà ông không gia nhập tu thiền, lại chạy qua tuốt bên Mỹ làm đệ tử ông thày bên này, năm nào cũng tốn tiền bay qua đây nhập thất?

    Quý cười hiền:

    -Ừ, lạ lắm, như có nhân duyên sao đó. Hồi nhỏ tới giờ không hề biết đạo Phật là thế nào, mấy năm trước ở Pháp tôi đã từng nghe ngài Đạt Lai Lạt Ma giảng, thày Nhất Hạnh giảng... mà cũng không thấy “interessé” chút nào. Bụt nhà không thiêng. Vậy mà tự nhiên khi thày Thông Triệt qua Pháp, nói năm ba câu, tôi lại tự nhiên ưa thích, xin làm đệ tử. Mới đầu gặp tôi, ổng đã kêu tôi bằng “con”. “Chào con, sao con buồn vậy?” Tôi tức giận lắm. Ổng là ai mà dám kêu mình bằng con? Mình đang là chức sắc cao cấp trong Bộ giáo dục, mà ổng mới gặp đã kêu bằng con, xưng Thầy, biểu ai mà không tự ái. Mà công nhận tôi lúc đó có chuyện buồn thiệt. Hình như ổng đọc thấu qua tim tôi.

    -Thì khi con người buồn, sắc buồn lộ ra ở mặt, ai mà chẳng biết, cần gì phải là thày tướng số hay hòa thượng mới biết.

    -Không phải đâu, người tu cao họ có cái nhãn thức, linh thức, biết được tâm người phàm nghĩ gì.

    -“Ý ông nói thày tu cao, chứng được ‘Tha tâm thông’” tôi cười. “Hồi xưa, ở Phan rang có ông sư Lộc tu thiền ngoài Đài sơn, mấy bà Sáu an, cô Tư thắm, bạn má tôi, cứ thần thánh hóa ổng, mới tới ngoài cửa khuôn viên ổng chưa vào, mà đã kháo nhau ổng ngồi trong đó biết mình sắp vô rồi đó. Thật là cuồng tín.

    -Tôi vẫn nghĩ ổng thấu suốt được ý nghĩ và trình độ của đệ tử.

    -À, mà ông tu thiền ở đây theo lối ngồi kiết già, tập trung tư tưởng vào một đề tài công án, hay quán về một đề mục, hay để tâm trí rỗng rang không vướng mắc..?

    -Để tâm trí rỗng rang….

    -Như vậy tốt…

    -Chỉ mong tu sao cho tâm được an lạc, chứ không mong được mục đích tối hậu là thành Phật.

    -Trời đất, tu thì phải tu cho được giải thoát, cho được thành Phật..chứ tu chỉ được cái tâm “an vui” thôi thì dễ ợt. Ông có thấy tôi trẻ hơn tuổi không? Ai cũng nói vậy. Vì tôi không lo nghĩ, phiền muộn, ham muốn gì nữa. Tui được tâm rỗng rang, an vui rồi nè. Vô ngã. Vô thường..

    -Thì từ ngày theo Thày mới nghe, mới biết mấy chữ Vô ngã, vô thường đó, trước kia chưa hề biết. Đâu có biết “sắc thanh hương vị xúc pháp” là gì….6 căn, 6 trần, 6 thức là gì.. đâu có biết. Tướng không, Tánh không là gì.. Chưa hề đọc qua cuốn kinh, chưa hề nghe qua cuốn băng giảng pháp, mặc dù họ gửi cho lu bù. Đùng một cái…

    -Khi nhân duyên tới thì gặp thày, gặp pháp. Ông cũng có căn cơ đó, dân Tây văn minh khoa học thực nghiệm, chức vụ cao sang…mà dễ dàng ngộ đạo như ông thật hiếm có. Trong khi Tân, Trí, Thái, Phát …vẫn còn tàn tàn an hưởng giàu sang phú quí chưa biết tu. Đúng là khi Nhân chín muồi thì Quả tự nhiên trổ. Tôi căn cơ sớm hơn. Lúc nhỏ sanh trong đại gia đình Phật giáo, ông bác làm Hội trưởng Phật học Nam kỳ, tối tối người lớn bắt lên lầu ngồi quỳ chung với người lớn tụng kinh lạy Phật, thích thú say mê đọc sách tiền thân Phật Thích ca lu bù. Sáu tuổi đã tự ý lấy sáp đèn cầy nắn tượng Phật, hái hoa cúng, để vô tháp lạy, không ai bày cả. Lớn lên, cha chết năm 20 tuổi, gặp cơ đàn “Phật ông” Hàn mặc Tử xuống giúp cho mấy mẹ con côi cút, khuyên làm phước giải bớt nghiệp chướng, rồi do đọc Kinh Lăng nghiêm năm 23 tuổi mà ngộ đạo, biết được Vọng tâm và Chơn tâm. Tiếng chuông khi còn khi mất mà TÁNH nghe lúc nào cũng có, không mất. Cảnh vật khi tối khi sáng mà TÁNH thấy lúc nào cũng có không thay đổi. Phải lìa vọng tâm, hằng sống với Chơn tâm, ý thức từng giây phút mọi biến chuyển trong Tâm. Sống với chơn tâm thì mình là Phật, rất là đơn giản.

    -Nói thì dễ… nhưng làm rất khó. Ngay trong đám người già lên tu ở đây, mà hôm qua còn có người tự nhiên tức giận, nổi sân la lối om sòm, còn thua người phàm không tu nữa.

    -Thì tu phải chịu khó dụng công phu. Không thấy có ta, có người, có việc …thì mọi hờn giận đều rơi rớt biến mất hết. Đừng chấp nhứt gì, đừng khẳng dịnh cái gì đúng tuyệt đối, đừng để bụng cái gì lâu, đừng ham muốn cái gì nữa.. Tất cả mọi sự trên đời dều là giả dối, hư vọng, do mắt thấy tai nghe mũi ngửi tay rờ mà cảm biết. Chết sống sanh diệt thay đổi liền liền, có gì là thật. Sống theo hạnh Tri Túc, biết đủ, cho là đủ, thì là dủ. Phải hiểu những chuyện gây cho mình phiền não là do Vọng tâm gây ra. Lìa Vọng tâm thì thành Phật. Giữ tâm trí rỗng rang thì thành Phật. Tu rất dễ: Tâm bình thường tức là Đạo. Để tôi cho ông mấy cái CD thày Thanh Từ giảng Kinh Kim Cang. Chỉ cần nghe nó nhiều lần là nhập tâm, tâm trí sẽ rỗng rang thanh thoát…như hư không.

    -Thì thày Thông Triệt này là đệ tử thày Thanh Từ đó.

    -Vậy sao? Thì ông theo đúng đường rồi đó. Mình muốn gặp chào ổng được không?

    Quý ngần ngại nhìn vào trong trướng:

    -Ông ngoài 80 rồi, giảng xong là rút lui vô phòng, ít muốn gặp ai.

    Lúc đó, có mấy thiền sinh cầm tô cơm ra ngoài đứng ăn, có người đi ra xe lấy đồ, có người lên, kẻ xuống, đi qua, đi lại. Gặp ai, Quý cũng vui vẻ giới thiệu tôi :

    -Đây là bạn cũ hồi nhỏ tôi, đây là bác sĩ X, ở San Diego lên tu.

    -Đây là anh Y (chỉ một ông già khập khiễng yếu chân) trước làm Sở Welfare, mới về hưu.

    Quay lại tôi, Quý giải thích:

    -Hầu như ai cũng ở lại đây ăn ngủ tu 3 tuần liền, tu vậy mới có effet. Ngày lên, tối về với vợ con gia đình, không có hiệu quả tốt. Trong đời mình cũng nên có những khoảng thời gian biệt lập đáng nhớ như vầy để trau dồi tâm linh, xa đời sống gia đình hàng ngày, gây duyên lành cho kiếp sau. Hiện tại tôi vẫn chưa vui, vì có dự dịnh lớn để làm mà chưa thực hiện được.

    -Dự định làm giúp cho xã hội hay cho cá nhân ?

    -Cho xã hội.

    -Thôi, buông bỏ hết đi..Quý à.. Làm cho xã hội thì được phước hữu vi vì tạo nhân lành, phải sinh ra lại để hưởng lại quả báo lành, vinh thân phì gia, vợ đẹp con khôn, danh cao chức lớn tiền nhiều…đâu có giúp ích gì cho đường tu.

    -Ông nói đúng, tôi về hưu rồi mà vẫn bận rộn suốt ngày, chỗ này gọi phone hỏi, chỗ kia nhờ làm cái này, cái nọ…Công danh sự nghiệp lớn, tài sản nhiều, kiến thức rộng, nên phải gánh vác nhiều thứ…cũng trở ngại cho đường tu, tôi biết chứ.. Biết phải buông bỏ, mới rỗng rang tâm trí được.

    -Buông bỏ. Đúng. Giải trừ kiến thức, bỏ mặc chuyện đời lăng xăng… cộng thêm một trang viên tiêu sơ êm đềm tịch mịch như vầy mới là môi trường tốt cho tâm linh dễ dàng tiến hóa.

    Thấy tới giờ ăn của thiền sinh, trời cũng đã chạng vạng, sợ lái xe về không thấy rõ bảng tên đường, cảnh vật nhập nhòe dễ bị lạc đường, tôi xin cáo từ, hẹn sẽ lên thăm một lần nữa.

    -Hôm nào có ngày nghỉ không tu, cho tôi hay, tôi chở về nhà chơi, chở đi Santa Ana thăm bà con..

    -Không được đâu, 21 tây lên máy bay lên San Jose rồi. Nếu tới, nhớ sau 6 giờ chiều. Khi nào muốn qua Pháp chơi, cho tôi hay…

    Quý chúm chím cười nắm tay tôi đưa ra xe. Nụ cười hiền, đầy thiện cảm. Tôi choàng vai ôm bạn, lách vô xe ngồi. Quý nói với theo:

    -Emai nói tụi nó.. Tân, Trí, Thái.. email cho tôi. Tôi bị “ísolé” ở đây rồi, vùng này đồi núi hoang vu, cell phone gọi, rất ít khi bắt sóng được.

    Tôi vùn vụt lái xe lên đồi, xuống đồi về nhà Riverside, hai bên thỉnh thoảng có mấy lâu đài đồ sộ sừng sững giữa rừng đất cát hoang vu cằn cỗi. Chạy lạc 10 phút một đoạn đường cua bên trái thay vì quẹo phải, phải quay ngược lại, dọc đường lăm lăm ngó chừng bảng tên đường thường xuyên, sợ lạc, sau cùng về lại góc Van Buren và freeway trước khi trời sụp tối. Nói chuyện hàn huyên có ba tiếng đồng hồ với Quý ở tu viện êm ả rộng rãi xanh mát trên đồi Perris mà về nhà tâm hồn thoải mái nhẹ nhàng khoan khoái. Quý xuất hiện như một hình ảnh đẹp về tình bạn tốt và phong thái thoát tục của người đang giác ngộ. Từ một nơi chốn thanh tịnh, tịch mịch, khoảng khoát, hoang vu, dành cho những người muốn thoát vòng sinh tử mà thế gian tạm gọi là thiền đường “Tánh Không”.

  3. #73
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365



    NÊN HOÀN TỤC

    lẽ ra tôi không nên phê bình kẻ tu hành, bởi vì họ đã chọn một hướng đi cho riêng mình. Thế giới đạo đức là cõi thanh tịnh của họ. Apropos "thanh tịnh". Lục căn thanh tịnh thì không vướng bận vào khổ đế. Chẳng phải "Ái biệt ly khổ" là một trong tám thứ khổ mà Phật pháp đã khai thị cho chúng sanh hay sao. Ông thầy tu này đang làm gì với bài hát này cơ chứ? Ông hát cho ông, hát cho người, hát vì đạo hay hát vì cái gì. Không phủ nhận là ông thầy chùa có cách diễn đạt, giọng hát và kỹ thuật thanh nhạc hay đó. Nhưng theo mình, thầy nên hoàn tục. Phật giáo hay ở một điểm là không bắt ai phải tu cả. Đạo tiếng thuần Việt chính là con đường dẫn dắt chúng ta đi mà thôi, nhưng không bắt buộc ai phải đi con đường đó. Nhưng đã lên xa lộ rồi thì không nên "lái xe leo lề" nữa.





    /* chú thích: mới nghe nữ hiệp Hừa Y Mông hát bài này, nên đi tìm nghe thử bài này phiên bản chánh giai điệu ra làm sao thì bắt gặp ông thầy chùa này.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  4. #74
    Cựu Đại Tá Trần Văn Tự: Từ tỉnh trưởng Ninh Thuận đến ‘người xuất gia tu hành’
    Quốc Dũng


    SACRAMENTO, California (NV) – Chọn con đường tu khi tuổi đời đã chất chồng. “Năm 73 tuổi tôi trở thành ông tăng, tới nay thì tôi tu được 18 năm rồi,” Tỳ Kheo Thích Không Chiếu nhớ lại quãng thời gian xuất gia tu hành.

    Ít ai biết rằng, ông chính là cựu Đại Tá Trần Văn Tự, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Ninh Thuận trước năm 1975, và là trưởng nam nhà ái quốc Trần Văn Thạch – người được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên dương và đặt tên cho một con đường nằm bên hông chợ Tân Định, Sài Gòn.

    Tiếp phóng viên nhật báo Người Việt tại khu chúng cư Greenfair Towers II, trên đường Fairgrounds, góc với đường Broadway, ở thành phố Sacramento, miền Bắc California, nhà sư Thích Không Chiếu say sưa nói về dòng thiền Tánh Không, mà vị thiền chủ đã chủ trương thực hành thiền theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca trong kinh, với bốn phương tiện Quán, Chỉ, Định, Huệ.

    Theo Tỳ Kheo Thích Không Chiếu, dòng thiền này vừa giúp thiền sinh điều chỉnh được bệnh tâm thể của mình, hài hòa thân tâm, hài hòa với mọi người từ gia đình đến cộng đồng, xã hội; vừa hướng dẫn cho thiền sinh tỉnh ngộ, chuyển đổi nhận thức, phát huy từ từ trí huệ tâm linh.

    “Cách thiền của dòng thiền Tánh Không do Hòa Thượng Thích Thông Triệt sáng lập vào ngày 4 Tháng Giêng, 1995. Thầy xuất gia với Hòa Thượng Thích Thanh Từ một thời gian tại Việt Nam theo dòng thiền Trúc Lâm. Sau năm 1975, thầy bị Cộng Sản đưa đi tù ‘cải tạo’ suốt 14 năm. Trong hoàn cảnh khó khăn này, thầy vẫn tu tập theo pháp thiền do sư phụ truyền dạy, nhưng cuối cùng, thầy khám phá một pháp thiền mới dễ tu, dễ thực hành và mau có kết quả là thiền Tánh Không ngày nay, có sự liên hệ giữa thiền và khoa học não bộ,” ông cho biết.

    Đi tu để tâm thong thả

    Nói về cơ duyên đi tu, ông kể: “Tôi hồi trước là sĩ quan quân đội thua trận, đi trình diện, rồi Cộng Sản kêu đi ‘học tập’ một tháng. Một tháng mà kéo dài tới 12 năm 3 tháng. Vào tù, có mấy người lén đem kinh Phật vô, rồi họ đến chỗ chúng tôi hỏi người nào rảnh thì sao ra nhiều bản, để có bị tịch thu cái này thì còn cái khác. Lúc đó tôi rảnh nên lãnh kinh sao ra. Chép tới chép lui từ từ tôi thấm.”

    Ông đi tù “cải tạo” từ cuối Tháng Năm, 1975, ngay sau ngày mất nước, và được thả ra vào cuối Tháng Tám, 1987. “Sau khi ra tù, mấy năm sau đó tôi lang thang ở miền Nam. Đến cuối Tháng Hai, 1992, tôi sang Mỹ theo chương trình tị nạn H.O.,” ông nhớ lại.

    Ông bảo, ông “lang thang ở miền Nam” là bởi vì khi ra tù thì gia đình ông chỉ còn một người con ở lại Việt Nam; vợ ông cùng sáu người con khác thì ở Canada.

    “Gia cảnh tôi cũng hơi lộn xộn chút. Người phối ngẫu cũ của tôi vượt biên, chừng phỏng vấn vào Mỹ thì không biết vì lý do gì mà Mỹ từ chối. Bà ấy mới qua Canada với các con. Khi qua Mỹ, những năm 1993, 1994 tôi dời lên ở Buffalo, New York, để chạy qua chạy lại gần với Canada, gần với các con của mình. Hồi lúc ở tù tôi bị suyễn quá, tôi sợ lạnh, nên không qua Canada ở,” ông kể.

    “Tôi sang Mỹ khi đã 65 tuổi. Ngày tôi ra tù, gặp lại gia đình, thì thấy không giống như ngày xưa nữa. Tôi đi vắng mặt 12 năm, con cái tôi lớn hết ráo rồi, tôi đâu còn như ông bố ngày xưa để dạy dỗ con nữa, tôi lạc hậu, không biết gì hết. Nhớ lại thời gian trong tù chép kinh, tôi nhớ lời Phật dạy, và thấy trong người khỏe hơn, nên nghĩ đến chuyện xin gia đình cho xuất gia. Chính vì vậy, khi ở Buffalo, tôi có nói với mấy đứa nhỏ, mà chúng nó chưa đồng ý đâu. Mãi cho đến cuối năm 1999 thì tôi mới được con cái chấp nhận cho đi tu, và đầu năm 2000 tôi trở thành ông tăng,” ông kể tiếp.

    “Nhiều lý do để tôi đi tu lắm, nhưng lý do quan trọng nhất là tôi nhận thấy cuộc sống thế gian này vô thường lắm, nên đi tu để tâm thong thả, không bị khổ sở về cuộc đời. Chứ nếu cứ ngồi nghĩ lại chuyện cũ, chuyện xưa thì khổ sở lắm. Mình mất nước, rồi đi tù, trở ra, cũng không còn cái cũ. Vô thường lắm, nên lo tu cho rồi,” ông nói.

    Khi sang Mỹ, ông gặp lại Hòa Thượng Thích Thông Triệt, người ở chung trong tù với ông. “Lúc đó tôi biết thầy Thông Triệt có mở lớp thiền trên Portland, Oregon, nên cuối năm 1999 tôi xin theo thầy xuất gia,” ông cho biết.

    Ông kể, nhờ chép kinh trong thời gian ở tù nên ông bước vào con đường tu nhanh chóng, và “thầy chỉ cần hệ thống hóa các pháp lại là tôi lĩnh hội được ngay. Thực hành thiền là một cách huấn luyện cho tâm từ động trở nên yên lặng, giúp cho cuộc sống của người thực hành trở nên thanh thản, thân tâm hài hòa và hài hòa với môi trường chung quanh.”

    “Thí dụ, khi còn ở tù, hằng đêm cán bộ quản giáo tập họp chúng tôi ra trước sân, trời lạnh cũng như trời nóng, phải ngồi một tiếng đồng hồ để bị chửi bới, nào là tay sai, nào lính đánh thuê, nào là ăn gan uống máu… Người ta có thể kêu ngay tên mình, chỉ ngay trước mặt, chửi mình nữa. Mục đích là để mình tức quá, khó ngủ thôi. Nhưng tôi học được bài học của Phật rồi, tôi nói thầm, anh chửi là chuyện của anh, tôi nghe là chuyện của tôi. Từ đó tiếng chửi bới của họ không làm khổ tôi nữa. Đạo Phật lạ ở chỗ đó,” ông nói thêm.

    Đi tu để sám hối vì ‘không giữ được miền Nam’

    Ông hào hứng kể chuyện tu tập bao nhiêu thì ông lại dè dặt mỗi khi nhắc đến chuyện cũ bấy nhiêu. Bởi lẽ, chuyện đời ông là một chuỗi ngày dài như sợi dây liên kết. Do đó, câu chuyện của ông cứ đứt quãng mỗi khi ông nhắc chuyện xưa.

    “Bây giờ tôi tu rồi, tôi không muốn đổ thừa ai, chê trách ai. Tôi cho đó là cái nghiệp, cái duyên của mình thôi. Chuyện cũ mình moi ra, phê phán, không được đâu, khó lắm. Chuyện cũ cứ để nó vậy thôi. Nhưng nó cũng có lợi lắm, nó giúp cho mình sáng ra, đừng để lầm vết xe cũ nữa. Nếu mình học được bài học cũ thì mình khôn hơn hồi trước,” ông ngập ngừng nói.

    “Hồi xưa mình nghĩ mình đi lính, rồi nhờ Mỹ giúp đỡ nên mình chống sự xâm chiếm của miền Bắc, bảo vệ miền Nam. Rốt cuộc cái đùng phá tiêu hết. Anh Mỹ lo chạy. Thành ra cái mộng của mình tiêu tùng, đổ vỡ hết. Hồi xưa mình có lý tưởng nhưng tiêu rồi. Nên đi tu để mình sám hối, để mình bớt khổ thôi,” ông trầm tư nói.

    Ông tâm sự: “Khi đi tu tôi mới thấy khác. Khác là vì khi cái tâm mình nghĩ khác thì sự việc sẽ khác. Lúc trước tôi nghĩ thế này, Mỹ bỏ mình, mình bị phản bội, mình tức mình khổ. Rồi tôi nghĩ, mấy ông tướng lĩnh bỏ chạy, mình khổ. Nếu cứ nghĩ như vậy hoài thì mình tức mình khổ thôi. Tôi thấy thế này, mình yếu thì mình phải làm con cờ cho người ta. Muốn không làm con cờ thì mình phải mạnh lên, phải tự lực thôi. Bây giờ nước nào cũng vậy, dựa vào người ta là bị người ta xài xể. Người ta buông mình cái rụp thì chới với ngay. Thành ra mình thành con cờ. Tôi đi tu để không làm con cờ nữa.”

    “Con cờ” trên bàn cờ quốc tế mà ông nói chính là Hiệp Định Paris 1973 do bốn bên tham chiến gồm Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa ký kết tại Paris ngày 27 Tháng Giêng, 1973. Về mặt công khai thì đàm phán có bốn bên, nhưng việc đàm phán để đạt được nội dung hiệp định lại chủ yếu là các phiên họp kín giữa hai đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Hoa Kỳ quyết định. Trong quá trình đàm phán, Hoa Kỳ gần như phớt lờ ý kiến của đoàn Việt Nam Cộng Hòa và tự sắp đặt mọi chuyện trong các cuộc họp kín với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

    Ông nói: “Tôi có mấy người bạn là đại tá không quân, họ nói lãnh nhiệm vụ thả bom trên đường mòn. Mỹ chỉ định phải thả những cây cầu. Nhưng thật sự Cộng Sản vô họ tìm chỗ nước cạn rồi sắp đá đi. Còn cầu chỉ là giả tạo thôi, nó ngầm để cao xạ, nếu mình chúi đầu xuống thả bom mấy cây cầu thì bị cao xạ tỉa. Đó là cái mồi để dụ máy bay. Thành ra mấy ông đại tá không quân nói không dại gì đi đánh mấy cái cầu, mà đi đánh mấy đoàn xe. Nhưng hễ đi đánh mấy đoàn xe thì về bị rầy. Tôi tự hỏi, tại sao lạ vậy? Thì hóa ra họ ký kết ngầm làm sao mình đâu có biết, họ liên lạc với nhau bằng ngoại giao hay bằng gì mình không biết, mà mình cứ đánh trật chứ không đánh trúng. Mỹ và miền Bắc ký kết. Miền Nam cuối cùng mới kẹt. Mình là con cờ. Mình không có quyền gì hết. Nếu Mỹ không buông thì miền Nam không bao giờ thua. Người ra giúp mình, nếu là chủ thì mình không bị thí. Còn người ta là chủ, thì mình không thể nói năng gì được với người ta, thành ra mình thua là phải rồi.”

    Hỏi ông, có phải miền Nam chủ quan khi có Mỹ hỗ trợ phía sau? Ông nhận định: “Tôi nghĩ rằng thế này, miền Nam quá là tự do, quá là rộng rãi, quá là dân chủ… cho nên không ai nói ai nghe. Mà không thấy thực tế chủ nghĩa Cộng Sản như thế nào. Mình đã một lần cắt đứt rồi, khi cả triệu người từ miền Bắc di cư vô vào năm 1954 rồi, mà cũng chưa thấm được chủ nghĩa Cộng Sản nữa. Miền Nam không có đồng lòng, không có quyết tâm. Mình cứ mất quyền chủ động của mình là vậy.”

    “Mình có sáu năm bình yên mà, từ năm 1954 đến 1960 lận. Mình cứ thản nhiên bình yên, mình không biết Cộng Sản cấy người, không biết Cộng Sản nằm vùng, không biết gì hết về Cộng Sản… Và mình mất sáu năm bình yên!” ông suy tư nói.

    Kể về thời gian làm tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Ninh Thuận, ông cho hay: “Tôi ở Ninh Thuận được sáu năm, từ năm 1969 đến 1975 thì ‘sập tiệm.’ Sáu năm đó ở Phan Rang tương đối yên, tốt.”

    Để có được chức vụ này, ông cho biết: “Nó cũng có lý do, không phải tự nhiên. Bố tôi là giáo sư Pháp Văn ở các trường tư thục tại Sài Gòn. Trong số những học trò của bố tôi có ông Nguyễn Văn Kiểu, tức anh ruột Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu; và ông Năm Tôn, anh rể ông Thiệu. Một lần tình cờ tôi than phiền với ông Kiểu là tình hình an ninh của mấy tỉnh chung quanh Sài Gòn không tốt. Ban đêm thì du kích cũng xuất hiện dài dài. Ông Kiểu hỏi tôi, ‘Ông nói tình hình như vậy mà ông có làm được không?’ Tôi nói cho tôi thử. Thế là ông ấy điều tôi ra Ninh Thuận thử.”

    Ông cho biết, ông xuất thân trường sĩ quan Võ Bị Đà Lạt khóa 5, sau đó đi tác chiến ở các tiểu đoàn Sơn Cước miền Ban Mê Thuột. Có thời gian dài ông ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sau đảo chánh lật đổ ông Ngô Đình Diệm thì ông về Bộ Tổng Tham Mưu, rồi ra Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23.

    Ông được cử theo học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp tại Trường Đại Học Quân Sự Đà Lạt. Ra trường ông được về Sư Đoàn 18 ở Xuân Lộc, Long Khánh. Năm 1969 ông nhận chức tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Ninh Thuận.

    Trong một bài viết về cựu Đại Tá Trần Văn Tự, ông Huy Vân – một người đồng đội của ông ở Ninh Thuận – viết: “Nói đến tỉnh Ninh Thuận là phải nhắc đến ông Đại Tá Trần Văn Tự, vị đầu tỉnh có tiếng thanh liêm chính trực, kế hoạch chống Cộng Sản xâm nhập ấp hữu hiệu. Ông phục vụ tại tỉnh Ninh Thuận kế hoạch chống Cộng Sản hơn cả các vị tiền nhiệm. Mỗi lần địch xâm nhập hầu như bỏ lại xác tại trận. Tiếng tăm ông cũng vang một thời. Ông phạt tôi cũng nhiều lần và chính ông cũng đỡ tôi dậy. Vì lẽ, ông làm việc xét qua nhãn quan của người có kinh nghiệm lịch lãm, một cấp chỉ huy có tinh thần quốc gia dân tộc, mọi việc ông tự quyết đoán và ít khi ông nghe theo thành phần nịnh bợ. Ninh Thuận bỏ ngỏ không phải do ông hành động, chính do kế hoạch trung ương lệnh.”

    “Phải nói Đại Tá Tự là người chống Cộng quyết liệt, vì lẽ theo tinh thần thân sinh ông là cụ Trần Văn Thạch cũng là người có tên tuổi đi vào lịch sử. Sau 13 năm trong ngục tù Cộng Sản – đôi khi gặp lại ông rất ôn tồn, vui vẻ nhận lấy thương đau bi thảm của đất nước! Phục vụ dưới thời ông là điều vinh dự cho riêng cá nhân tôi; sự thưởng phạt rất công minh, không phe phái lăng nhăng. Tuy nhiên có lúc ông cũng bị mang tai tiếng… Chắc chắn là không ai vẹn toàn trong lúc thi hành nhiệm vụ. Giờ đây ông cũng an cư thiền tịnh lo việc tu hành, cầu xin ơn trên trời Phật độ cho ông thêm nhiều sức khỏe tu luyện sớm đạt được công quả,” trích bài viết “Tản mạn qua 16 năm sống trên đất Mỹ” vào ngày 23 Tháng Tám, 2008, của ông Huy Vân.

    91 tuổi vẫn lái xe ngược xuôi Bắc Nam

    Ông trải lòng: “Tôi là thầy chùa gốc lính. Thành ra tôi bị kẹt khi nói chuyện chính trị, nói chuyện tình hình. Bình thường ông tăng không nói chuyện đó. Thật ra, mình nói cũng không phải để oán hận, để buồn khổ gì hết. Nói để kể vì sự tình nó như vậy thôi.”

    Sinh năm 1927 tại Pháp, ông sống ở Sài Gòn, rồi ngược xuôi Cần Thơ-Sài Gòn. Vì thời cuộc, gia đình riêng của ông cũng ly tán sau biến cố 1975.

    “Trước năm 1975, tôi có cho hai đứa con lớn đi du học. Sau đó chúng ở Canada với mẹ, nhưng rồi mỗi đứa cũng tứ xứ. Bây giờ thì con gái đầu lòng ở Pháp, ba đứa con ở Canada, hai đứa ở Mỹ (California, Arizona), và một đứa ở Việt Nam,” ông kể.

    “Tuy vậy, bảy đứa con không phải đều thành đạt, bởi vì có hai đứa phải vất vả kiếm sống. Không phải nó dở, mà nó không thích làm công chức, không thích làm có lương, nó muốn sống tự lập vậy thôi. Hồi xưa tôi cứ lo con mình nó nghịch nhau, gây gổ nhau, nhưng thật ra tụi nó thương yêu nhau lắm, vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, đứa này thất nghiệp có đứa kia giúp. Con tôi có mấy đứa cũng học thiền nữa, tự học thôi chứ tôi không bắt,” ông kể thêm.

    Giờ đây, ở một mình trong căn apartments (được ‘housing’) ông tự đi chợ, tự nấu ăn, tự giặt đồ, tự làm hết mọi thứ. “Tôi qua đây đúng 65 tuổi nên được nhận tiền già. Hồi trước có $400, $500, nay lên $900 rồi. Cứ mỗi tháng nhận tiền sinh sống. Đi chợ búa có xe, ở nhà có bếp nấu. Còn quần áo thay vì đem xuống máy giặt nhưng mặc ít nên dơ cái nào thì tôi giặt cái đó rồi phơi,” ông nói.

    “Tôi tu nhưng không có chùa. Chỗ nào cần thì đến giảng, chỉ cho họ cách tu, cũng như đem kinh nghiệm của mình trao đổi với họ thôi. Mỗi lần đi giảng, nếu đạo tràng đưa ít thì lấy, còn nhiều thì tôi chia bớt cho đạo tràng vì tôi không có xài nhiều làm chi, chỉ giữ đủ xài thôi, hoặc là có chỗ này chỗ kia xây dựng thì tôi cúng dường,” ông nói tiếp.

    “Tôi ăn chay, với người ta giúp đỡ này kia thành ra ít tốn kém lắm. Nhiều khi đi sửa xe, mấy ông thợ cũng sửa giùm nữa. Cái gì đáng họ mới lấy tiền, họ cũng không tính tiền công nữa. Rồi tôi cũng ngại, không muốn lợi dụng lòng tốt người ta, nên tôi kiếm chỗ nào thợ không biết mình mà họ tử tế thì sửa. Còn mấy ông thợ sửa giùm thì tôi ‘chạy.’ Người ta tốn tiền mướn xưởng, mướn thợ, mà để người ta sửa giùm hoài ngại lắm,” ông thổ lộ.

    Một ngày của Tỳ Kheo Thích Không Chiếu bắt đầu lúc 5 giờ sáng tọa thiền đến 6 giờ. Sau đó có một tiếng thể dục, tắm rửa. Đến 7-8 giờ thì ăn sáng, nấu cơm. Đi bộ khoảng một tiếng sau đó. Từ 10-11 giờ tọa thiền. Ông ăn cơm trưa khoảng 12 giờ, và ngủ nghỉ đến 2 giờ trưa. Bắt đầu 2-3 giờ chiều thì tọa thiền. Sau đó dành một tiếng đi bộ, đến 4-5 giờ chiều soạn bài giảng. Khoảng 6 giờ 30 phút ăn chiều, sau đó tọa thiền đến 8 giờ 30 phút tối. Từ sau 9 giờ tối ông đi ngủ.

    Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng hằng ngày ông vẫn cùng chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp nơi. Ông phụ trách đạo tràng ở Sacramento và San Jose. Ở Sacramento thì chỉ cách nhà khoảng 15 phút, nhưng mỗi lần đi giảng ở San Jose, ông phải mất khoảng hai tiếng. “Đi riết nó quen, sáng đi, chiều chạy về,” ông nói.

    Vậy nhưng, ông còn chạy từ Sacramento xuống Santa Ana, Nam California, để giảng cho những nơi muốn nghe ông hướng dẫn.

    “Hồi xưa tôi đi nổi, chứ giờ già rồi, hơn 90 tuổi rồi, tôi phải chia làm hai đoạn. Tôi tới Fresno ngủ nhờ nhà quen ở đó rồi hôm sau đi tiếp. Mỗi khúc như vậy đi khoảng 5-6 tiếng, còn nếu đi ‘một lèo’ thì cũng được, nhưng mệt lắm. Mệt thì mất sức lắm, cả tuần lễ mới lấy lại sức được. Bây giờ già yếu rồi, thành ra không dám liều như hồi xưa. Liệu sức thôi. Ăn cũng vậy, tôi ăn vừa đủ no thôi, không ăn no nữa,” ông chia sẻ.

    Nói về sự hướng dẫn trực tiếp của thiền sư, đạo hữu Thông Văn Phạm Ẩn, 69 tuổi, cho biết: “Xuyên qua sự hướng dẫn của thầy Thích Không Chiếu, thầy giúp ích chúng tôi rất nhiều qua bài giảng của thầy, từ lúc thầy ở trong tù sau đó thầy đi ra ngoài làm tỳ kheo. Sự giúp đỡ của thầy khiến chúng tôi có mãnh tiến hơn trên con đường tu tập Phật pháp, cũng như trau dồi tâm linh cho từng cá nhân thiền sinh.”

    Đạo hữu Nguyễn Thị Nguyệt, 68 tuổi, chia sẻ: “Thầy Thích Không Chiếu là một chân tu, cuộc sống thầy rất đạm bạc, thầy không màng có chùa, không muốn những cái gì cho riêng thầy. Pháp của thầy đi vào thực tế, đi vào đời sống, rất cần thiết, nên các thiền sinh khi nghe pháp của thầy rất lợi lạc.”

    Đạo hữu Tâm Sơn Nguyễn Văn Đàng, 62 tuổi, cho hay: “Lần đầu tiên tôi đến dòng thiền Tánh Không là năm 2014. Trong bốn năm qua, khi tiếp xúc với thầy theo thời gian, tôi cảm nhận được sự quý trọng của mình đối với thầy càng ngày càng tăng dần. Đối với những pháp của thiền Tánh Không mà tôi được học, được tiếp cận thì nó có nhiều cái lợi lạc trong cuộc sống của tôi, trong cơ thể, tâm hồn, nhận thức, suy nghĩ, quan điểm sống, thái độ sống, cách cư xử hằng ngày của mình trong gia đình và xã hội có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, tốt hơn cho bản thân mình. Thầy dạy rất thực tế, nêu thí dụ thực tế, chứ không phải cao sâu, huyền bí gì cả, nên mọi người rất muốn nghe thầy giảng. Dù người nào đó có bận công việc gì đó cũng cố gắng sắp xếp để tới nghe thầy giảng.”

    Đạo hữu Minh Phạm, 40 tuổi, từ Đức sang thăm gia đình cũng đến học thiền với Tỳ Kheo Thích Không Chiếu. Anh nói: “Trước đây tôi có thực hành thiền theo dòng thiền của Thiền Sư Nhất Hạnh, cũng được bốn năm thì mẹ tôi giới thiệu dòng thiền Tánh Không này. Công việc của tôi là software engineer (kỹ sư nhu liệu), nên áp dụng thiền đỡ bị stress rất nhiều. Tôi thấy dòng thiền này thích hợp bởi vì đơn giản, khoa học, không bị một sự ràng buộc nào hết, và tôi gặt hái được nhiều lợi lạc. Tôi học từ Tháng Mười Một, 2017, đến nay được bảy tháng. Mỗi tuần đều được giáo thọ ở đây hướng dẫn học qua điện thoại bằng cách gọi qua ứng dụng Viber.”

    Đạo hữu Uyển Như Nguyễn Thị Yến, 67 tuổi, giáo sư dạy Việt Ngữ tại trường đại học cộng đồng Cosumnes River College (CRC), đến với thiền Tánh Không từ năm 2007, nói: “Tôi gặp được thiền Tánh Không như một món quà vô giá, đến nay đã 11 năm rồi. Năm 2007 chỉ là một nhóm nhỏ thường sinh hoạt thiền tập với nhau. Đến năm 2011 nhóm nhỏ này trở thành đạo tràng. Năm 2013 được chính phủ California công nhận là một tổ chức vô vụ lợi. Đạo tràng Sacramento có một thuận lợi rất lớn là có sự hướng dẫn trực tiếp của thầy Không Chiếu. Thầy là một trong các vị giáo thọ có bài dạy rất gần gũi, đi vào đời sống rất cụ thể.”

    Và cứ thế, đều đặn mỗi tuần, ông đến sinh hoạt thiền tập vào mỗi Chủ Nhật cùng đạo tràng Sacramento, thuê tại địa điểm của Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Sacramento. (Quốc Dũng)

  5. #75
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365


    Đọc thấy ông thầy này hay quá.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  6. #76
    Quote Originally Posted by Triển View Post
    Đọc thấy ông thầy này hay quá.
    A di đà Phật!

    ĐỒ THỊ DẪN GIẢI THIỀN
    Thông Triệt

    Kính dâng Thầy

    Bậc ân sư đã chiếu soi ánh sáng Bát Nhã trong tâm
    thức đen tối của con, với lòng biết ơn sâu sắc.
    Oregon, 1-2-1996
    Thông Triệt

    LỜI CHỨNG MINH

    “Tập Đồ Thị do Thông Triệt biên soạn, dẫn giải các pháp Thiền do tôi dạy, ghi trong cuốn Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ Hai Mươi là thuộc về luận. Mà luận thì phải luôn luôn thích hợp vói tư tưởng hay nhận thức của thời đại. Thời đại của chúng ta là thời đại khoa học thực nghiệm, cho nên ngôn từ và hình ảnh mà Thông Triệt tạm dùng để đối chiếu hay giải thích các pháp do tôi giảng dạy cũng phải thích hợp vơi trào lưu tiến hóa cùa thời đại, để thành phần trí thức dễ tiếp thu hơn. Đó là điều hợp lý.”

    (Trích lờí Chứng Minh của Thiền sư Thích Thanh Từ, tại thất riêng của Ngài ở Thiền Viện Thường Chiếu vào ngày 24-11-1992, với sự hiện diện của quý vị Thượng Tọa Phước Hảo, Nhật Quang, Thiện Phát, Thiện Trung, Trí Chơn, và quý vị Đại Đức Thông Luận, Thông Mạnh, Thông Tạng, Thông Không, Thông Huệ.)

    LỜI GIAO CẢM

    Thiền ?

    Thiền !

    Một tiếng này thôi cũng đủ “nổ con mắt”, “xé tai thiên hạ” bốn phương, đốì với những ai muốn đi tìm nó ! Vì thiên hạ hải hồ cứ ngỡ rằng Thiền là một cái gì đó, một pháp gì hoặc là một biểu tượng gì gì đó... v.v... Từ đấy trăm ngàn luận giải cuồng loạn, đầy trời; tối mặt, tối mày, hết phương cứu chữa. Đâu biết rằng: một chữ THIỀN này cũng là giả lập, giải bày để người chưa thấy đường đi, có kim chỉ nam hướng dẫn.

    Hoàng Long đại sĩ nói: “Đã qua được cổng thì cứ vẫy tay mà đi. Còn hỏi lăng xăng, nọ kia, tức là cuồng giải mê cung!”

    Pháp đệ tôi là Thông Triệt hôm nay lại nổi hứng, lập ra một trận cuồng giải mê đồ, khiến thiên hạ sẽ một phen đảo điên, tối mặt, tối mày không ít Tuy nhiên, chính nhờ “gã phong điên” này “làm càn” mấy phác họa Đồ Thị cuồng loạn kia mà đã hơn một lần giúp được một số người an tâm, đi lần được vào chốn thâm sâu của “cõi lòng bí ẩn” mà từ lâu nay chưa có ai bật tung cánh cửa bí mật của “cõi lòng an lạc”.

    Tôi tạm ghi mấy lời này, giới thiệu cùng anh chị em bạn lứa trong bốn biển, mong mấy khai duyên này giúp đưa kẻ anh hùng khi cùng lộ có kim chỉ nam rẻ hướng.

    Kính ghi,

    Gởi về Sư Huynh Đắc Pháp

    Để gợi lại lời đề nghị của Sư Huynh, để nhớ lời ước nguyện của tiểu đệ, mãi hai mươi năm sau mới hoàn thành:
    1974: Luận án Thiền.
    1994: Đồ Thị Dẫn Giải Thiền.
    “Người nhắc dễ quên, người cố tâm làm dễ nhớ.”
    Thông Triệt

    LỜI CẢM TẠ

    Soạn thảo từ đầu năm 1992, hôm nay quyển Đồ Thị Dẫn Giải Thiền mới đủ duyên ra mắt bạn đọc. Trước hết, chúng tôi chân thành cám ơn Quí vị tác giả các sách và băng hình ghi trong mục tham khảo, đặc biệt về não bộ và những chức năng cùa từng định khu trong não bộ. Vì qua công trình nghiên cứu của Quí vị, giúp chúng tôi có nhiều tư liệu hợp thời khả dĩ dùng làm cơ sở để chứng minh và đối chiếu Thiền Phật giáo là một khoa học như những môn khoa học khác trên thế gian, mà Thiền Sư Thích Thanh Từ đã nóí: “Thiền là một khoa học thuộc về tâm linh.”

    Kế đến, chúng tôi thành thật cám ơn 1 số thiền sinh ở Bà Riạ-Vũng Tàu, thiền sinh Huệ Dung, Huệ Văn ở Úc và Đại Đức Thích Thông Luận (Thiền Viện Thường Chiếu) đã giúp điều kiện để chúng tôi hoàn thành bản thảo đầu tiên, trình lên Hòa Thượng Viện Chủ vào ngày 10 tháng 10 năm 1992, tại thất của Ngài ở Vũng Tàu, Việt Nam.

    Đặc biệt, chúng tôi chân thành cám ơn Thượng Tọa Đắc Giác, Trụ Trì Thiền Viện Thường Chiếu đã góp nhiều ý kiến xây dựng và đã khích lệ chúng tôi rất nhiều trong viêc soạn quyển Đồ Thi Dẩn Giải này. Chúng tôi xem Sư Huynh Đắc Giác như là người ĐỠ ĐẦU - nói theo nghĩa “trình luận án” - việc biên soạn quyển Đồ Thị Dẫn Giải. Chúng tôi cũng không quên cám ơn Sư Huynh Đắc Pháp - trước 1975 là Quản Viện Thiền Viện Linh Quang ở Vũng Tàu - đã đề xuất chúng tôi đúc kết pháp Thiền của Thầy Viện Chủ thành LUẬN ÁN THIỀN. Chính nhờ sự gợi ý này, chúng tôi đã mống tâm viết luận án Thiền từ 20 năm về trước, khi chúng tôi đương dự lớp Thiền tại Linh Quang và Chân Không từ 1974-1975. Nay cơ duyên hội đủ, thay vì trình bày dưới dạng luận án, chúng tôi trình bày dưới hình thức “kiến giải bằng Đồ thị”. Tuy không được hiểu nhiều trên mặt lý thuyết Thiền, vì chúng tôi không đủ duyên may theo học Thiền trong nhiều năm với H.T. Viện Chủ, trái lại có đủ điều kiện thực hành các pháp căn bản do Ngài chỉ dạy, nên nhận ra được những giá trị quí báu pháp của Ngài. Nhờ vậy, một gợi ý của 20 năm về trước hôm nay mới hình thành cụ thể quyển Đồ Thị Dẫn Giải Thiền.

    Sau cùng, chúng tôi trân trọng cám ơn đại Sư Huynh Phước Hảo, trưởng chúng tăng, ni các Thiền Viện thuộc hệ thống dòng Thiền Chân Không - Thường Chiếu, vốn là Quản Viện Tu Viện Chân Không đầu tiên. Trong những bước đầu tập tễnh đi vào con đường Thiền vào năm 1973-1974, Sư Huynh đã tận tình hướng dẫn khi chúng tôi còn là 1 cư sĩ chưa biết gì về Thiền Tông.

    Nhân đây, chúng tôi cũng cám ơn Cô Từ Chiếu và Chánh Giác đã có nhiều khích lệ và giúp đỡ chúng tôi sớm hoàn thành quyển Đồ Thị Dẫn Giải Thiền; Phật tử Phổ Hành phụ trách kỹ thuật trình bày, sửa chữa bản đánh máy và cùng Ni Cô Diệu Đáo (Tịnh Thất Hồng Ân, Nam Cali) tìm nhà in và lo việc ấn hành; thiền sinh Từ bi Hiếu và Ngọc Giao phụ trách dò sửa chính tả, Tuệ Tâm Hải phụ trách in đồ hình và Không Tính phụ trách ghi đồ hình trên dĩa điện toán; Cô Linh Chi góp nhiều công trong việc đánh máy bài. Đặc biệt, chúng tôi cám ơn Thượng Tọa Thích Thông Hải, Viện Chủ Tu Viện Chân Không ở Hawaii, đã giúp tư liệu Phật giáo trong tủ sách Tu Viện để chúng tôi tham khảo.

    Tuy nhiên, duyên đủ đến đúng lúc là có sự góp phần công đức ấn hành của Phật tử xa gần ở Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Úc và Việt Nam nên quyển sách này sớm được ra mắt bạn đọc trong tông môn.

    Xin hồi hướng công đức hoằng pháp và hộ pháp của Quí vị lên ngôi Tam Bảo. Nguyện cầu hồng ân chư Phật mười phương từ bi gia hộ Quí vị.

    Oregon 12-1995,
    Thông Triệt

    XIN CHỈ GIÁO

    Gửi về Chư Huvnh Đệ Thiền sinh Khóa I và Khóa II

    Thấm thoát đã 20 năm qua, nhớ ngày nào Huynh Đệ cùng chung mái trường Chân Không và Linh Quang, nay mỗi người một phương: kẻ còn, người mất, bể dâu nào có khác ! Và cuộc đời cũng đã làm sạm đi mái tóc của lứa tuổi hoa niên, trung niên ! (Riêng Thông Triệt đến nay cũng hơn lục tuần, sắp làm cổ lai hi) Nhưng kẻ còn lại thì không bỏ cuộc, quyết tâm đi đến cùng để giải quyết bài toán trầm luân của giòng sinh mệnh vô tận ! Đối với Thông Triệt, công ơn giáo dưỡng của Sư Phụ thật quá to lớn: 14 năm lao lý cay nghiệt trước đây (1975-1989), Thông Triệt đã thực sự vượt qua mọi khổ ách nhờ từng đêm, từng ngày cố tìm ra đáp số hài toán trầm luân ! Đấy là nhờ ứng dụng từng mô thức pháp ngữ “cách mạng” của Thầy, và cũng đã nhờ Thầy trang bị chí xung Thiên ngay trước khi nhập môn. Pháp khí dũng mãnh, tinh tấn đó không phải tự nhiên mà có ! Do đó, ngày trở về gặp mặt lại Chư Huynh Đệ, Thông Triệt không phải là kẻ thân tàn ma dại. Nay muốn giềng mối tông môn tiếp tục còn lưu chuyển, Thông Triệt mạn phép Chư Huynh Đệ ghi lại tinh ba hương vị pháp Thiền của Sư Phụ để những mầm non trong hàng đệ tử Chư Huynh Đệ chia sẻ chút ít kinh nghiệm và phấn khởi hạ thủ công phu.

    20 năm trước đây, Đại Sư Huynh Đắc Pháp có đề xuất ý kiến là Thông Triệt nên tổng kết pháp Thiền của Thầy thành tập Luận Án Thiền. Thông Triệt có hứa hoàn tất nhiệm vụ này. Nay duyên đã đủ, ý kiến của 20 năm trước kia bây giờ trở thành sự thật. Tuy nhiên, không phải Luận Án vói tính cách đúc kết, ghi nhận lời Thầy dạy mà là Luận Giải với tính cách chứng minh, đối chiếu pháp Thiền của Thầy với khoa học hiện đại, và với lời Phật cùng Chư Tổ Ấn Hoa; đồng thời được trình bày dưới dạng Đồ Thị. Có lẽ đây là điều khác biệt nhất trong luận giải Thiền Phật giáo ỏ phương Đông.

    Thông Triệt nghĩ rằng chúng ta đang ở vào thời đại mới, biên cương văn hóa Đông - Tây cần được kết hợp, dung hội hơn là đóng cứa, tự cô lập và mang mặc cảm tự tôn như những thế hệ trước, để chúng ta kịp thời đi vào ngưỡng cửa thế kỷ 21. Thiền học phương Đông sẽ phụng sự nhân sinh hữu hiệu hơn, tích cực hơn khi chúng ta biết mượn ánh sáng khoa học Tây phương để soi rọi vào những kinh nghiệm tâm linh của Đông phương.

    Qua sự trưởng thành trong pháp bảo của Sư Phụ, từ năm 1989, Thông Triệt có trình lên Sư Phụ là sau này nếu có điều kiện, Thông Triệt sẽ mượn những sự khám phá của khoa học để chứng minh và đối chiếu pháp Thiền cùa Thầy. Cho thấy rằng dưới ánh sáng khoa học, Thiền học phương Đông chẳng có gì huyền bí, khó hiểu hay siêu hình. Pháp Thiền do Thầy dựng lập quả thật là một khoa học tâm linh rất cần được chứng minh và khai triển dưới dạng khoa học, để mục tiêu phụng sự nhân sinh tích cực hơn. Mãi đến đầu năm 1992, Thông Triệt mới bắt tay vào việc dưới sự đỡ đầu của Sư Huynh Nhật Quang. Thông Triệt đã kết hợp 2 nền văn hóa Đông và Tây phương để chứng minh và đối chiếu mô thức Thiền pháp cùa Sư Phụ. Thông Triệt đã hệ thống pháp Thiền của Sư Phụ thành một trình tự dụng công: từ dễ đến khỏ; từ có pháp đến không một pháp; từ tiệm tu đến đốn tu; từ tục đế Bát Nhã đến chân đế Bát Nhã. Huynh Đệ có xem qua, thấy chỗ nào chưa ổn, chưa đúng hay chứng minh chưa hoàn hảo, xin vui lòng chỉ giáo.

    Thông Triệt không đủ duyên may như Chư Huynh Đệ được nương bóng Thầy trong 20 năm mà chỉ vỏn vẹn có hơn 1 năm 3 tháng ( từ 4-74 đến 7-75) và sau khi ra tù cũng không đủ duyên sống gần Sư Phụ, Vì vậy mức độ lãnh hội pháp Thiền của Sư Phụ, Thông Triệt nghĩ mình chỉ được trong chừng mực nào đó. Nhưng sở dĩ Thông Triệt bạo gan, dám múa rìu qua mắt thợ vì thấy rằng trong Thiền không có nguyên tắc học lâu năm mà có nguyên tắc miên mật ứng dụng lời dạy của vị Thầy để đưa đến ngộ đạo, sáng đạo.

    Thầy đã đưa ra nhiều “bài toán hóc búa” để chúng ta tự giải, tự tìm ra đáp số. Hoặc Thầy đưa ra nghệ thuật dạy “CON LÀM NGHỀ ĂN TRỘM.” Thông Triệt nghĩ rằng mình đã tìm ra được nhiều cách giải các bài toán Thiền của Thầy và cũng đã biết cách “chui ra khởi rương cửa Lão Phú Hộ”, nên không ngại ghi lại những kinh nghiệm sống động của mình qua sự thực hành pháp Thiền cùa Sư Phụ để hướng dẫn lại người sơ cơ.

    Đầu năm 1992, Thông Triệt xin Thầy cho phép luận giải Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỳ Hai Mươi. Thầy cho phép. Thế là Thông Triệt bắt tay ngay với sự giúp đỡ của Sư Huynh Nhật Quang.

    Ở đây, Thông Triệt giảng rộng nghĩa và hướng dẫn cách thực hành những bài pháp cơ bản của Thầy cho các Thiền sinh sơ cơ. Thông Triệt tập chú vào việc hưóng dẫn họ làm sao đạt được BIẾT VỌNG, KHÔNG THEO hay đạt được TÁNH GIÁC, HẰNG SỐNG VỚI TÁNH GIÁC, TÂM KHỒNG, hoặc TRÚT SẠCH KHÁI NIỆM v.v... Trước đây Thông Triệt đã từng mò mẫm trong nhiều năm, bây giờ Thông Triệt không để họ phải đi trong đường hầm tâm tối như Thông Triệt đã từng đi. Thông Triệt muốn chia sẻ chút ít kinh nghiệm với Thiền sinh sơ cơ.

    Tuy nhiên, trong chủ quan, chắc chắn Thông Triệt khó tránh khỏi nhiều sơ sót hay giải trật hoặc giải chưa thấu đáo. Nhưng có điều làm Thông Triệt vững tin nhất là từ năm 1990-1992, Thông Triệt đã thử nghiệm phương thức kết hợp Khoa học với pháp Thiền của Sư Phụ để dạy nhiều cư sĩ tại Vũng Tàu-Bàrịa, kết quả có nhiều vị thành tựu làm chủ vọng tưởng một cách khả quan. Cho đến sau này, khi sang Mỹ, Thông Triệt cũng đã thử nghiệm trên 20 vị với phương thức kết hợp Khoa học và Thiền, kết quả nhiều người đạt được mức quả khả quan trên 3 mặt: thân, tâm và trí tuệ tâm linh.

    Vì vậy để cho kinh nghiệm mình được hoàn hão hơn, rất mong khi quyển sách này đến tay Chư Huynh Đệ, Thông Triệt sẽ nhận được những lời chỉ giáo chân tình với những kinh nghiêm quí báu cùa Chư Huynh Đệ. Thông Triệt hy vọng sẽ được học hỏi thêm để khi tái bản, sẽ tu chỉnh những điểm sai sót làm cho quyển sách tăng thêm giá trị.

    Đây là quyển LUẬN GIẢI có tính cách trình bày sở học và kinh nghiệm của người học với vị Thầy của mình, nên Thông Triệt chỉ phổ biến trong nội bộ, có tính cách trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Rất mong được sự chỉ giáo của Chư Huynh Đệ trên tinh thần xây dựng và phụng sự nhân sinh theo Bồ Tát Đạo.

    Oregon, năm 1995
    Thông Triệt

    LỜI TỰA CHO CÁC BẠN TÂN THIỀN SINH

    CHỦ ĐÍCH soạn quyển Đồ Thị này, chúng tôi nhắm vào các bạn Thiền sinh mới - không chuyên môn về Thiền Phật giáo, có trình độ văn hóa cơ bản (tương đương Trung học cấp 2) - muốn thực hành pháp Thiền do Thiền Sư Thích Thanh Từ giảng dạy tại V.N., nhưng không đủ điều kiện thưa hỏi Ngài hoặc thưa hỏi quí vị Trụ Trì tại các Thiền viện ở V.N. Vì lẽ chúng tôi tự đặt mình vào tâm trạng chưa biết Thiền của các bạn, để nội dung dẫn giải sao cho phù hợp với trình độ không chuyên môn và kiến thức học vấn của các bạn, ngõ hầu hướng dẫn các bạn biết cách thực hành tuần tự các pháp do Ngài chỉ dạy, ghi trong quyển Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ Hai Mươi.

    Với kinh nghiệm gần 20 nãm thực hành, chúng tôi thấy rằng nếu vị nào còn đứng núi này, trông núi nọ, còn ngờ vực pháp Thiền của Ngài, không có chí xung thiên “quyết tử”, sẽ không bao giờ nếm đươc hương vị pháp Thiền của Ngài. Trong những năm dài lao lý (từ th. 7, 1975 đến th. 2, 1989), hơn 6 năm sống trong biệt giam, kiên giam tại 3 trại tù ở Việt Nam, chúng tôi đã “đù duyên nhập thất dài hạn bất đắc dĩ”, ngày đêm nỗ lực thực hành các pháp do Ngài chỉ dạy : từ tục đế Bát Nhã đến chân đế Bát Nhã ; từ điển tích hành trạng chư Tổ Thiền đến pháp hành của chư Tổ ; từ kinh điển Đại thừa đến Luận của chư Tổ, cuối cùng đưa đến thân tâm chúng tôi an lạc, khỏe mạnh, tiêu trừ hết bệnh tâm thể mà chúng tôi không ngờ được, dù chúng tôi sống trong 4 bức tường, thiếu thốn mọi tiện nghi cần thiết như ánh nắng mặt trời và thuốc men điều trị. Chúng tôi không còn thấy vướng mắc mọi thứ tâm đời; không thấy mình đương sống trong sự khốn khó tù tội, và cũng không thấy mình đương trả quả ác mà mình đã gieo từ kiếp trước như chúng tôi đã từng lý luận như thế suốt 6 năm tù (1975-1981) cay nghiệt.

    Thật là 1 sự kiện lạ lùng mà trong thời gian này (1982) chúng tôi chưa khám phá ra được lý do cụ thể, chỉ biết rằng mình đã thể nhập được Chánh pháp Như Lai qua những lời giảng của Ngài trong Bát Nhã Tâm Kinh, trong Kinh Duy Ma Cật và trong Kinh Lăng Nghiêm - đặc biệt nhất là Bát Nhã Tâm Kinh. Và chúng tôi đã tự nhận ra rằng trong cơn hoạn nạn này mình đã thừa hưởng những giá trị pháp bảo của Ngài. Từ đó chúng tôi mới thấm thía ý nghĩa “độ nhứt thiết khổ ách” của Bát Nhã Tâm Kinh !

    Tuy chúng tôi không được may mắn như những Huynh Đệ khác được gần Thầy nghe Kinh, nghe Luận trong nhiều năm mà chỉ học vỏn vẹn được 1 năm 3 tháng (từ tháng 4-74 đến tháng 7-75), nhưng ngược lại được sự thuận lợi hơn là có đủ điều kiện “nhập thất chuyên tu dài hạn” để nghiền ngẫm và thực hành các lời giảng giải của Ngài khi chúng tôi theo học dưới mái trường Chân Không và Linh Quang Thiền Viện. Đối với chúng tôi, chính những lời giảng giải của Ngài — từ điển tích đến hành trạng chư Tổ và từ kinh điển Phát triển đến luận của chư Tổ — đã khai mở tâm thức chúng tôi khi chúng tôi rơi vào bế tắc cùng cực ; đã đưa chúng tôi đến một chân trời rộng lớn của pháp học Đại Thừa, qua cách nhìn xuyên suốt chân đế Bát Nhã. Và bây giờ chúng tôi sẵn sàng chìa sẻ những đặc tính quí báu đó cùng các bạn tân Thiền sinh.

    LẤY MÌNH SUY RA NGƯỜI

    1.- Trước đây có nhiều vị than phiền, pháp Tri Vọng hay Biết Vọng, Không Theo quá khó. Những vị này đã thực hành trong nhiều năm, qua nhiều phương thức quán tưởng (vọng là giả, không thật; dùng trí nhìn thẳng vào nó, mắng nó, xem nó là ma, là giặc, v.v„.) mà vẫn không làm sao diệt được vọng hay dừng được vọng. Rồi đâm ra hoài nghi, không biết đến kiếp nào mới đạt được không theo vọng ! Những vị ấy lý luận rằng, còn sống thì còn suy nghĩ, còn tính toán công việc (kể cà Phật sự như giảng dạy giáo lý cũng đều là hình thái khởi ra vọng, vì phải lo soạn bài, viết bài và đứng ra thuyết giảng). Và nếu chết đi, đâu phải ngang đó hết vọng? Bởi vì ta lại tái sinh, như vậy vọng cũng tiếp tục khởi khi ta có một thể chất khác trong kiếp sống khác. Thế thì biết đến bao giờ mới diệt được vọng? Rồi những vị này lại bi quan, cho rằng pháp Biết Vọng, Không Theo luôn luôn đưa người thực hành trong tư thế đối đãi: có vọng, có ta. Hễ vọng khởi, ta cứ bảo nó “không thật”; “đừng theo”! Nhưng làm sao “đừng theo” ? Làm sao bảo nó “không thật” ? Vì những ý nghĩ kia do mình khởi ra chớ nào do ai khởi ? Và vọng này chưa dứt lại đến vọng kia khởi ra như một cuộn phim dài bất tận ! Giống như cách mèo rình chuột để bắt. Hễ một “chuột vọng” thò ra, “mèo” nhảy đến chụp, nhưng chụp mãi mà vẫn không bắt hết “chuột vọng”. Như thế là “vọng có thật, chứ nào không thật!”

    Nghe qua những than thở trên, chúng tôi rất thông cảm với những vị này, biết rằng những vị đó đã hiểu sai ý nghĩa biết vọng, không theo nên cứ luôn luôn trong tư thế thụ động và đối đãi: có vọng, có ta và quên điểm then chốt mà H.T. Viện Chủ chỉ dạy là khi nào trị nó không được thì nên tìm nguồn cội nó để biết thực chất nó là gì, nó khởi ra từ đâu, tại sao khởi và làm thế nào để đừng khởi. Đồng thời Ngài cũng đề cao nguyên tắc sáng đạo, khích lệ môn nhân tự tìm ra phương hướng làm chủ vọng tưởng. Nếu ta than khó, tức đầu hàng nghịch cảnh và không làm sao sáng đạo được.

    19 năm về trước, (từ tháng 7, 1975 đến tháng 2, 1982) chúng tôi cũng hiểu sai như vậy. Ngày đêm cứ dồn hết nỗ lực dụng công tiêu diệt vọng tưởng. Hơn sáu năm, chúng tôi áp dụng nhiều phương thức, nhưng không làm sao tiêu diệt được: niệm niệm cứ liên tục khởi ra. Rồi trong cơn khủng hoảng tâm lý trầm trọng, sự chán chường lên cao độ, bất thần chúng tôi nhận ra được Lý Không của Thiền, liền theo đó chúng tôi biết mình đã sai lầm trong suốt 6 năm qua. Vì vọng tưởng là những ý nghĩ của mình làm sao mình tiêu diệt được chúng ? Chỉ có mình làm chủ chúng, không cho chúng khởi ra một cách tự do nữa thôi ! Như vậy, tuy mình còn sống mà vẫn không khởi nghĩ một niệm gì trong sinh hoạt hằng ngày của mình, nếu mình muốn. Ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi mình vẫn hiện hữu, vẫn biết mà không một niệm khởi ra ! Muốn thế, phải đạt được trạng thái: Ý bặt, lời không, óc rỗng rang ! Đây là phương thức thực hành nhắm thành tựu pháp Biết Vọng, Không Theo.

    Sau khi nhận ra cách giải này, chúng tôi cũng liền nhận ra cốt tủy các thuật ngữ Thiền mà H.T. Viện Chủ dùng để ám chỉ vọng tưởng, như Ngài nói vọng tưởng là “MA”, là “GIẶC”, là “TÊN TRỘM”, là “CON KHỈ KÊU CHÉO CHÉO”, là “CON TRÂU ĐEN”, thực sự chỉ là ẩn dụ, như Đức Phật ngày xưa cũng dùng nhiều ẩn dụ để giáo hóa thính chúng. Đồng thời chúng tôi cũng nhận rõ luôn rằng đây là Ngài dạy “mình phải chiến thắng mình” và đây là trận chiến mâu thuẫn giữa phàm ngã và chân ngã hay giữa ta và ta. Bởi vì trong thân ta nào có tên trộm, tên giặc hay con ma, con khỉ, con trâu gì ! Vọng tưởng kia chính do ta khởi ra chớ nào phải do ai khởi ? Bây giờ muốn cho vọng tưởng không khởi ra thì mình đừng khởi ! Muốn đừng khởi thì phải đạt được ý bặt, lời không ! Suốt 6 năm dài đăng đẵng, liên tục chiến đấu giằng co với vọng tưởng, chúng tôi đã “thua trận dài dài “ vì cứ cho rằng “vọng tưởng là một thứ khác, còn mình là một thứ khác !” Nếu không có sự kiên tâm, trường tâm và “chí xung thiên” hấp thu từ lời dạy của H.T. Viện Chủ từ năm 1973, chắc chắn chúng tôi đã bỏ cuộc dụng công, và sẽ chết rục trong tù. Cho nên, chúng tôi thấy trong việc chiến đấu với vọng tưởng, trước hết chúng ta phải kiên trì, chớ chán nản: phải kiên tâm và trường tâm và có chí xung thiên. Kế đó phải biết hang ổ, sào huyệt của bọn giặc ma vọng tưởng mới mong chiến thắng đươc chúng ! Nếu không biết gốc nguồn vọng tưởng, chúng ta sẽ bị chúng quấy nhiễu triền miên. Khi chúng tôi thật sự làm chủ đươc vọng tưởng, mới nhận ra đây là bài học vô cùng quí báu. Đó là H.T. Viện Chủ dạy chúng ta chiến thắng tự ngã, có nghĩa mình tự chiến thắng mình : chiến thắng những thứ ma: ma phiền não, ma ngã mạn, ma dục vọng, ma khát ái, ma quyền lợi, ma địa vị, ma tham danh, ma sân hận, ma si mê, ma ghen tị, ma đố kỵ, ma thù hận, ma gièm pha, ma chấp trước (gồm 3 loại ma ngã chấp, pháp chấp, kiến chấp) v.v... vốn xuất phát từ nơi tự ngã hay ngã giả này. Đây là đạo binh MA VÔ MINH VỌNG TƯỞNG hay 6 thứ giặc có tài thiên biến vạn hóa, ẩn nấp dưới nhiều hình thức trong nội tâm chúng ta để tự mình gây nhiễu hại thân/tâm mình mà H.T. Viện Chủ đã biết trước rằng với “bọn giặc ma” này học trò của Ngài sẽ không bao giờ chiến thắng được chúng nếu chúng ta sử dụng ý thức trí năng (intellectual consciousness) đê tiêu diệt chúng. Vì ý thửc trí năng là trí hữu sư, luôn luôn vướng mắc vào hai bên, nên Ngài đã sớm trang bị cho chúng ta thanh kiếm báu: kiếm Bát Nhã với chiêu thức vô tâm hay vô niệm hay vô ngôn hoặc bặt đưòng ngôn ngữ để tiêu diệt giặc ma vọng tưởng. Đây là “đường gươm tuyệt vời”. Chỉ có đường gươm này mới thực hiện được mục tiêu hàng phục giặc ma ! Mãi đến 6 năm sau, trong cơn khốn khổ cùng cực chúng tôi mới nhận ra. Và chúng tôi đã sử dụng bằng chiêu thức “vô hóa tất cả vọng tưởng”, làm cho tất cả vọng tưởng đều trở thành “không” hay “trống không”, như chúng tôi đã nhận ra nguyên tắc này. Và để cụ thể hóa lý KHÔNG kia, chúng tôi thực hành bằng cách “không khởi nói từ trong não”. Cuối cùng, không còn một thứ vọng nào xuất hiện trong não chúng tôi một cách tự do nữa. Chỉ khi nào chúng tôi muốn khởi nghĩ điều gì, mới có niệm khởi ra, còn không muốn khởi, chỉ có 1 dòng biết không lời hiện hữu ; chớ không phải những ý nghĩ kia tự khởi ra rồi “lôi tâm” chúng tôi “chạy theo chúng có cờ” như trước nữa. Đến đây chúng tôi mới có kinh nghiệm sự hàng phục vọng tâm này (như kinh Kim Cang nói) quả là một cuộc chiến giữa ta và tự ngã của ta hay mình chiến đấu với những mâu thuẫn nội tại từ trong tâm mình để đi đến triệt tiêu những chấp trước của Lý Trí mà H.T. Viện Chủ dùng pháp BIẾT VỌNG, KHÔNG THEO giúp chúng ta thực hành vừa để tâm chúng ta thoát ra khỏi chấp trước hai bên, vừa khai phóng tâm linh chúng ta không còn bị phàm tình thế gian mê hoặc.

    Khi thật sự làm chủ vọng 1 cách vững chắc, lúc bấy giờ chúng tôi mới vỡ lẽ, tại sao H.T. Viện Chủ nói vọng tưởng kia thật sự không thật và không phải là mình ? Đó là do Ngài đứng trên lãnh vực tánh giác để chỉ sự khởi vọng của chúng ta — những kẻ phàm phu còn mang nhiều chấp trước; ngã chấp, kiến chấp, pháp chấp. Vì chức năng tánh giác là biết không lời, trong niệm biết đó không có sự hiện hữu tự ngã và vọng tưởng nên Ngài dạy chúng ta rằng vọng tưởng kia không thật, nó không phải do ta là chủ thể; và cái ta này chính là chân ngã. (Chớ nếu Ngài đứng trên lãnh vực của Ý Thức Phân Biệt và Ý Căn (suy nghĩ, tính toán) như chúng ta thường sử dụng năng lực này trong cuộc sống hằng ngày, Ngài cũng có cái nhìn như chúng ta.)

    Nguyên do là lúc bấy giờ chúng tôi có niệm biết thường trực mà trong não không khởi ra lời nói thầm. Chỉ khi nào chúng tôi muốn khởi nói thì mới có lời phát ra từ trong não. Đến đây chúng tôi mới phát hiện: sở dĩ có ý niệm ngã (ta/mình/tôi/chúng ta) xuất hiện là do có sự suy nghĩ và ý thức phân biệt xuất hiện. Bây giờ chúng tôi “tắt” sự suy nghĩ và ý thức phân biệt bằng cách không nói một lời gì trong não thì trong não không khởi ra niệm gì hết. Do đó chẳng có danh xưng gì về Ngã (ta hay mình) xuất hiện trong đầu chúng tôi. Trái lại chỉ có 1 dòng biết không lời hiện hữu. Bấy giờ chúng tôi mới có kinh nghiệm về ý nghĩa vọng tâm/chân tâm, phàm ngã/chân ngã và tự tánh do H.T. Viện Chủ giảng dạy từ trong kinh Lăng Nghiêm: Khi chúng tôi suy nghĩ, tưởng nhớ, phân biệt, so sánh đó là vọng tâm, và phàm ngã là chủ thể của vọng tâm, Khi chúng tôi chỉ có một dòng biết không lời hiện hữu, đó là cái biết của chân tâm hay của tánh giác, và chủ thể của sự biết lặng lẽ này chính là chân ngã hay tự tánh. Từ đó chúng tôi liền nhận ra ý nghĩa Vô Ngã trong đạo Phật mà Đức Phật đã giảng dạy trong kinh Vô Ngã Tướng cho 5 người bạn cũ, sau khi Ngài thành đạo. Chúng tôi liền tiến xa thêm chút nữa, tìm hiểu chân ngã là gì? Chân ngã cũng chỉ là 1 thứ danh xưng do các nhà Phật giáo Đại Thừa tạm dùng để chỉ một thực thể cố hữu đương chủ động trong toàn bộ thân/tâm và tâm linh con người mà Thiền tông tạm đặt tên là bản lai diện mục/ông chủ hay tự tánh. Một khi đã nhận ra được điều này, gọi là kiến tánh. Tức là tự tánh tự nhận ra nó, Vì trong xác thân tứ đại này không có cái ngã mà chỉ có 5 uẩn kết hợp lại ! Đây là lời công bố của Đức Phật.

    Sau khi đối chiếu lại Kinh điển hệ Nguyên Thủy và thuật ngữ Thiền tông, chúng tôi mừng quá, biết rằng mình đã thật sự thành tựu pháp BIẾT VỌNG, KHỔNG THEO, phù hợp theo lời dạy của H.T. Viện Chủ: 1 là làm chủ niệm khởi, 2 là biết rõ rằng trong CHÂN NGÃ có Tánh Giác, trong PHÀM NGÃ có vọng tâm/vọng tưởng. Từ đó chúng tôi đi đến kết luận:

    1). Khi H.T. Viện Chủ nói vọng tưởng không thật, tâm không thật là vì Ngài đứng trên quan điểm của vị Thiền sư Kiến Đạo: nhận rõ chân tâm, vọng tâm, phàm ngã, chân ngã bằng tuệ trí, và sở hữu Tánh Giác. Đặc tính của tánh giác là BIẾT KHÔNG LỜI. Khi Tánh Giác có mặt thì Ý Thức Phân Biệt và Suy Nghĩ, Tính Toán không có mặt.

    2). Còn khi chúng ta suy nghĩ lăng xăng, tính toán trăm ngàn thứ việc, chúng ta thấy TÂM này là thật, cái TA này là thật, vì chúng ta là kẻ phàm phu vốn sở hữu Ý Thức Phân Biệt và Tư Duy Nhị Nguyên. Nên khi Ý Thức Phân Biệt và Tư Duy Nhị Nguyên có mặt thì vọng tâm và phàm ngã có mặt. Bởi vì: - Ai suy nghĩ ? - Tôi! - Ai phân biệt ? - Tôi!

    Sau đó chúng tôi nhận định: “biết vọng, không theo” là cửa ải vô cùng quan trọng của dòng Thiền Chơn Không - Thường Chiếu. Ai qua được cửa này sẽ đạt được trạng thái tâm linh sáng rở, hiểu rõ ràng ý nghĩa sâu sắc chữ KHÔNG trong Thiền, và xem như đã lọt qua cửa Tổ số 1 (vì H.T. Viện Chủ là vị Tổ khai sáng dòng Thiền Chân Không - Thường Chiếu, và Ngài bày ra 3 pháp cơ bản. Biết vọng, không theo là pháp số 1.). Còn qua không được thì nội tâm người đó vẫn dẫy đầy chấp trước, dính mắc : luôn luôn sống trong phiền não, khổ đau, sân hận, lo âu, sợ hải, chán nản, cuồng tín, cực đoan, ganh tị, mê chấp. Vì người ấy miệng tuy nói vọng tưởng là giả, nhưng trong lòng thấy tất cả vọng (falsehood) đều thật: của cải thật, danh lợi thật, quyền lợi thật, địa vị thật, người thật, tâm thật, chuyện thị phi thật... Cuối cùng, người ấy không thoát ra khỏi những phiền não, khổ đau, và gây phiền hà cho mọi người chung quanh, cho cộng đồng mà mình đương hiện hữu, và sau rốt là phải rơi vào nghiệp báo để trả quả do tâm chấp trước mình tạo nên. Còn qua được cửa này, người ấy không còn mang ba lô tục đế Bát Nhã một bên vai như lúc mới tu, trái lại mang ba lô chân đế Bất Nhã để đì vào cửa KHÔNG tối hậu. (Lúc bấy giờ mới xứng danh là đệ tử của H.T. Viện Chủ ! )

    Để tiến đến lọt qua cửa Tổ BIẾT VỌNG KHÔNG THEO, trong CHƯƠNG III, chúng tôi khai triển thành 5 pháp. Các bạn có thể chọn 1 trong 5 để ứng dụng.

    2.- 19 năm về trước, chúng tôi rất khổ sở về những thuật ngữ Phật giáo và Thiền. Hầu hết những thuật ngữ này được phiên dịch từ chữ Trung Hoa, rồi chữ Trung Hoa lại dịch âm thay vì dịch nghĩa từ chữ Pàli hay Sanskrit, khiến khi vớ phải những thuật ngữ đó, chúng tôi bí. Rồi đăm ra nghĩ rằng Thiền quá cao siêu, bằng trí phàm phu mình không thể nào hiểu được Thiền nói gì, dạy gì ! Do đó, bây giờ soạn Đồ Thị, gặp bất cứ từ nào lạ tai — mà chính chúng tôi đã có kinh nghiệm về sự lạ tai này — chúng tôi liền cố gắng giải thích rõ ràng. Chúng tôi nghĩ rằng thuật ngữ mà không giải thích rõ, sẽ gây nhiều trở ngại trong sự dụng công vì chúng ta hiểu lầm ý nghĩa thuật ngữ đó, chớ không phảì thuật ngữ đó cao hay thấp, Chẳng hạn, chúng tôi đã rất ngỡ ngàng về các thuật ngữ tánh, tự tánh, kiến tánh, pháp tánh, phật tánh, chân không/diệu hữu, tập khí/lậu hoặc... Cho nên, bây giờ gặp những từ mà trong kiến thức qui ước thế gian, chúng ta chưa từng thấy, nghe., chúng tôi cố gắng chú thích một cách tương đối nào đó để trợ duyên việc tu học cùa các bạn sơ cơ. Hy vọng giúp các bạn không thắc mắc về những thuật ngữ đó và không mang mặc cảm Thiền quá cao siêu, dành riêng cho căn cơ bậc thượng, (do mình không hiểu các Thiền sư họ nói gì) rồi thối chí, đồng thời tránh tình trạng hiểu sai đưa đến dụng công sai ! Trong trường hợp gặp những thuật ngữ cần phải giải thích dài dòng mới mang lại sự sáng tỏ ý nghĩa, chúng tôi cố gắng vận dụng sự hiểu biết có giới hạn của mình để phơi trần thuật ngữ đó ra. Thí dụ như các thuật ngữ: Kiến Tánh, Công án, Bát nhã, Bồ Tát Đạo, Ngộ Đạo v.v...

    3.- Thiền là một nghệ thuật công khai chớ không phải một bí thuật, với kiến thức văn hóa cơ bản, tất cả chúng ta đều thực hành được nếu chúng ta được dẫn giải rõ ràng phương pháp dụng công và thuật ngữ Thiền. Giống như khi làm bánh hay nấu ăn, người thợ làm bánh hay đầu bếp trước hết phải biết rõ thực chất và tác dụng các thứ bột, đậu, đường và các thứ gia vị khác, sau đó họ phải biết kỹ thuật nấu nướng. Nếu không biết rõ, chắc chắn họ sẽ bị xem là người thợ dở hay người đầu bếp nấu ăn quá kém. BÁNH THlỀN sẽ ngon thật sự nếu chúng ta thực sự biết rõ thuật ngữ và tác dụng thuật ngữ đó, cùng kỹ thuật dụng công của nó để khi ứng dụng, chúng ta không bị rơi vào những lầm lẫn đáng tiếc (uổng phí một đời tu !). Thí dụ, khi H.T. Viện Chủ mô tả con khỉ ở trong lồng ngủ, không kêu “chéo chéo” thì tánh giác hiện ra, chúng ta biết đây là Ngài dùng ẩn dụ để chỉ trạng thái yên lặng từ nội tâm. Đó là trạng thái con khỉ ngủ hay con khỉ không kêu “chéo chéo”. Thế nào là yên lặng từ nội tâm ? Đó là không có sự nói thầm từ trong não khởi ra ! Bởi vì nếu trong não còn nói thầm, tức tâm còn động dù đó là trạng thái động cao thượng, không mang ỷ nghĩa tà vạy. Và như thế là con khỉ vẫn còn thức, còn kêu “chéo chéo” ! Còn tánh giác kia chính là cái biết không lời của chân ngã hay của tự tánh. Nếu chúng ta thực sự làm chủ được sự nói thầm trong não thì con khỉ hết kêu “chéo chéo”. Nếu nó không kêu, tức nó ngủ ! Vậy sự ngủ này của con khỉ, H.T. Viện Chủ ám chỉ vọng tưởng không còn khởi ra theo quán tính thâm căn cô đê của nó. Mà muốn vọng tưởng không còn khởi ra theo quán tính vọng động của nó, chúng ta phải làm chủ vùng nói trong não. Khi rơi vào trạng thái cắt đứt đường ngôn ngữ này, mọi tư duy, biện luận sẽ không còn khởi ra theo quán tính vô minh (cũ) của nó. Chúng ta vẫn biết rõ ràng tất cả môi trường chung quanh mà tâm thức vẫn không động (như bầu trời xanh, không một vết mây lơ lửng !). Đây là trạng thái biết lặng lẽ của TÁNH GIÁC ! Thật quá rõ ràng ! Nhưng vì căn cơ không mẫn tiệp, chúng ta không nhận ra chỗ thâm sâu, ảo nghĩa này của H.T. Viện Chủ, nên xem thường ẩn dụ ý nghĩa “con khỉ ngủ”. Rồi ngược lại cứ xoáy trọng tâm vào việc phân tích ý nghĩa “con khỉ ngủ”, “con khỉ không kêu chéo chéo” là thế này, là thế khác. Cuối cùng gán ý nghĩa “con khỉ ngủ” là “không tâm phân biệt”, “không kẹt hai bên”, nhưng không biết làm sao để cho tâm mình thực sự không phân biệt, không kẹt hai bên (chỉ biết nói “không phân biệt”, “không kẹt hai bên” ngoàì miệng mà trong lòng dẫy đầy sự phân biệt phải/trái, tốt/xấu, khen/chê; không nghiêng bên này cũng nghiêng bên kia; không nghĩ thiện cũng nghĩ ác). Đâu biết rằng chỉ cần “vong ngôn, tuyệt lự “ thì tất cả sắn bìm biện luận hai bên đều đứt hết ! (Đó mới thật sự là ý nghĩa “con khỉ ngủ.”)

    Trong tất cả ngành khoa học, sự định nghĩa thuật ngữ được xem là sự kiện cần thiết hợp lý cho môn học hay sự phát minh, sự sáng tạo của nhà khoa học. Do đó, trong truyền thống khoa học, các nhà khoa học thường sử dụng kỹ thuật “mổ xẻ định nghĩa” (operational definition) khi họ bắt đầu đưa một từ mới nào đó vào phần chuyên môn hay tác phẩm chuyên môn của họ. Có như thế, người học (sinh viên) hay độc giả mới hiểu họ muốn nói gì về thuật ngữ kia trong tác phẩm hay trong sự giảng dạy của họ liên hệ đến phần nào đó trong nội dung bài giảng của họ. Họ không làm cho người nghe, người học bài giảng của họ phải mờ mịt (confuse) về điều họ nói hay lời họ giảng. Thầy chúng ta từng nói: “Thiền là một môn khoa học thuộc tâm linh” (Spiritual science). Vậy thì tất cả thuật ngữ của Thiền, chúng ta cần minh định, bời vì nó cũng là một khoa học như những môn khoa học khác trên thế gian. Nó cũng bao gồm các sắc thái học và thực hành, và cũng không mang màu sắc tư duy trừu tượng, không cầu tha lực — dù nó xuất phát từ tôn giáo, nhưng không mang màu sắc tín ngưỡng riêng biệt của tôn giáo. Tuy nhiên, nét đặc thù của nó là phục vụ nhân sinh trên bình diện tâm lình (Spirituality) thực tiễn — một bình diện khác hơn khoa hoc thực nghiệm (Experimental science) ngoài đời vì nó đòi hỏi 3 mức độ chứng nghiệm (the experience of experience): lý chứng (theorical experience), thân chứng (bodily experience) và tâm chứng (spiritual experience). Nó khai triển toàn vẹn tuệ trí (insight) và trí huệ thù thắng (transcendental wisdom), khác hơn khoa học thế gian là chỉ khai triển trí năng (intellect) và trí thông minh (intelligence).

    Nó phát triển tâm linh bằng phương thức TRỐNG KHÔNG (Sùnyatà=Emptiness) trong tâm thức. Nó hoàn toàn khác với khoa học thực nghiệm, vì khoa học thực nghiệm sử dụng trí năng để khảo sát và thử nghiệm những đối tượng cụ thể trong phòng thí nghiệm. Nó không có phòng thí nghiệm, không có dụng cụ và các thiết bị khoa học để thử nghiệm. Hành trang cứu cánh của Thiền gia chỉ là sự trống không toàn vẹn. Trống Không là chủ đề tối hậu của chặng đường cuối cùng mà người hành Thiền muốn tiến đến sự giải thoát tối hậu phải đi đến nơi, Và để thể hiện phương án này, H.T. Viện Chủ đưa ra mô thức trút sạch khái niệm hoặc cửa không hay tâm không. Đây là vùng trời của không một pháp mà H.T. Viện Chủ thường đề cập: “Thiền tông không một pháp!”

    Mỗi bước dụng công hay mỗi lời dạy của Thầy, chúng ta cần nắm rõ nội dung của nó một cách cụ thể để tránh những ngộ nhận đáng tiếc mà ta khó có thể tránh khỏi khi mình xa Thầy, xa bạn. Nếu hiểu sai hay hiểu 1 cách mơ hồ, sự dụng công của ta sẽ sai lệch, đưa đến bế tắc hay phản ứng ngược lại. Chẳng hạn, khi Thầy nói: “Thiền tông không một pháp”, nếu không giải thích rõ, chắc chắn các bạn sẽ hoang mang, khi biết rằng trên thực tế Thầy dạy rất nhiều pháp: từ pháp Hít Thở đến pháp Quán chiếu, từ Bát Nhã qui ước (tục đế) đến Bát Nhã cứu cánh (chân đế). Chính vì thế, tất cả pháp Ẩn Dụ, pháp Thực Hành, pháp Không Pháp... do Ngài chỉ dạy, chúng tôi đều dẫn giải rõ ràng: Khi nào Ngài đóng vai lương y, tùy bệnh cho thuốc; khi nào Ngài dạy tiệm tu, dạy đốn tu (đi Đường Chim), khi nào Ngài nói theo nghĩa Công Án, như Buông Xả Vọng Niệm, Lau Chùi Vọng Tưởng...

  7. #77
    4.- Đối với Thiền, nếu chưa thật sự sống với nó, chưa nếm được mùi vị của nó mà muốn định nghĩa về nó, chẳng khác nào bạn vẽ rắn thêm chân, giống như câu chuyện ngụ ngôn trong cổ tích Hy lạp về 5 NGƯỜI MÙ RỜ VOI. Mỗi người mù mô tả con voi mỗi cách, chỉ có người mắt sáng mới diễn tả đúng hình dáng con voi thật ra sao. Vì thế, sự giải thích thuật ngữ Thiền không thể dựa trên nghĩa qui ước là đủ mà phải cộng với kinh nghiệm dụng công và những biến động bên trong thân, tâm, não bộ và tâm linh của người đã trải qua mới diễn tả đúng thực chất thuật ngữ Thiền. Thiếu chứng nghiệm vững chãi, thiếu tinh thần khoa học, sự giải thích thuật ngữ Thiền sẽ không lột hết ý nghĩa của nó. Trái lại đôi khi bị xem như méo mó (mê tín, dị đoan) hay thiếu tinh thần trách nhiệm làm cho người học đã rối lại càng rối thêm. Thí dụ, trong tiến trình bắt đầu dừng được vọng tưởng, cơ thể thiền gia thường rơi vào trạng thái tác động sinh học (bioaction) từ thô đến tế, tạo ra ly tâm máu, hoạt hóa tế bào thần kinh não, hoạt hoá dây thần kinh, và hoạt hóa cơ bắp (do sự tác động của tế bào hình tháp - pyramidal cell ở vùng ý chí vận động của vỏ não tạo ra).

    Nếu không được giải thích rõ theo quan điểm ỵ khoa vật lý hiện đại, cộng với sự kinh nghiệm rìêng của chúng tôi, các bạn sẽ đánh giá sai những trạng thái hoạt hóa kia khi các bạn bắt đầu dừng được vọng tưởng (vào Định); rồi tưởng tượng sự hoạt hóa đó qua nhiều hình thái : 1) như có con gì bò khắp da mặt, da đầu; 2) cho sự hoạt hóa kia là ma nhập, quỉ nhập hay giống như những người lên đồng, lên bóng; 3) nghĩ rằng mình đương “tiếp điển Thượng đế” rồi tạo ra những ấn tượng nhảm nhí, đưa đến mê tín ; 4) hoặc khoe với bạn bè rằng mình “chứng được cảnh giới này, chứng được cảnh giới kia” khi mình cảm nhận những hiện tượng lạ xuất hiện bên trong cơ thể (có ảo giác như thân được nhắc bổng lên; thân lao chao như ngồi trên thuyền; thấy những chùm ánh sáng từ xa dọi lại...); 5) hoặc tưởng tượng như có “Phật đến xoa đầu” v.v...

    Thật sự đây là những ảo giác do tế bào não tạo ra qua tác dụng “dừng được vọng tưởng” trong giai đoạn đầu. Sở dĩ gọi những trạng thái trên là ảo giác, vì khi mở mắt ra, ta không nhìn thấy các hiện tương lạ kia [chớ không phải ta đương mê hay không biết gì]. Như vậy, nếu ngay trong trạng thái dừng vọng tưởng này, ta không biết gì về môi trường xung quanh, đó là sai. Ngược lại, tuy ta biết rõ ràng môi trường xung quanh mà mống tâm ước muốn có những hiện tượng lạ xảy ra, tế bào não liền sáng tạo những hiện tượng lạ theo ý nghĩ của ta. Như thế, sự dụng công này cũng sai luôn. Thay vì dừng vọng tưởng, ta lại sáng tạo những vọng tưởng khác. (Tuy nhiên, điều này cho thấy, tế bào não có nhiều năng lực đặc biệt, nếu ta biết khai thác đúng năng lực của chúng, năng lực đó sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho ta, phù hợp theo chánh pháp ; còn nếu khai thác sai, đưa đến sự dụng công sai và trái với chánh pháp.)

    5.- Các bạn cần biết: quán tính tế bào não là động thường trực (24/24 giờ) do những năng lực nghiệp thức gồm tập khí/lậu hoặc (vốn được huân tập dữ kiện từ 6 căn tiếp thu từ 6 trần). Khi động, chúng phát ra xung lực dưới dạng điện tử, làm khơi dậy những loạt “sóng thức” trong các định khu vỏ não — liên hệ đến ngủ dục và những trạng thái tâm lý khác nhau như trầm lặng, buồn, vui, chán nản, sầu khổ... — tạo ra những sắc thái Tâm (vọng tâm), biểu lộ trên gương mặt, ánh mắt. Bây giờ bỗng dưng sự truyền thông theo thói quen cũ của chúng bị cắt đứt, thế là chúng phản ứng bằng cách tạo ra tác động sinh học (cũng gọi là tác dụng sinh học) (bioaction). Tác dụng này được biểu hiện dưới 2 dạng: Một là dạng của người mang những thứ bệnh ghiền hay mê say các thứ dục lạc. Khi họ thiếu những thứ như rượu, thuốc lá, cần sa, ma túy..., tế bào não của họ sẽ “quậy lên” bằng cách hành hạ xác thân họ như vặn mình, co quắp tay chân, ngáp, nôn ọe, chảy nước dãi, bứt tóc, bứt tai, thở dốc, mắt đỏ, khắp thân mình như bị trăm ngàn mũi kim chích vào, tay chân run rẩy, quờ quạng, uốn éo v.v... Ta không thể nói những trạng thái hoạt hóa nói trên do ma nhập, quỉ nhập mà phải thấy rằng do phản ứng của tế bào não tạo ra, trong đó vai trò chính là tế bào hình tháp (pyramidal cells) đóng trên vùng ý chí vận động (Voluntary motor areas) của 2 bán cầu não. Vì các chất nghiện đóng trên toàn bộ tế bào thần kinh liên hệ đến ngũ quan đương đồng loạt đòi hỏi những thứ mà nó đã bị tiêm nhiễm (huân tập) từ lâu, nhưng bây giờ chúng không được đáp ứng nên chúng phản ứng buộc vọng tâm phải cung cấp ngay tức khắc các thứ mà chúng đương thèm khát, sức phản ứng này được dồn hết đến tế bào hình tháp, vì tế bào này liên hệ đến toàn bộ cơ quan của Thân, làm cho Thân bị hoạt hóa (vặn mình, uốn éo...). Khi Thân hoạt hóa, Tâm (vọng tâm) phải cảm nhận sự đau đớn, giày vò, mệt mỏi cùa Thân. Do đó, nếu không muốn Thân bị đau đớn, oằn oại, thèm khát, Tâm (vọng tâm) phải tìm đủ mọi cách để thỏa mãn sự lên cơn ghiền hay sự đòi hỏi của tế bào não.

    Hai là, đối với người tu Thiền, tác dụng sinh học của tế bào não không đưa đến đòi hỏi những thứ nghiện như người nghiện thuốc lá, cần sa, ma túy, rượu, trà, cà phê vì người tu Thiền không vướng mắc những thứ đó. Trái lại họ có những thứ nghiện khác. Trong đó, sự nghiện quan trọng nhất là “nghiện nói”. Đây là chứng bịnh nghiện kinh niên của con người thuộc mọi giai tầng xã hội, kể cả tu sĩ chuyên tu Thiền. Họ nói thường trực : thiện ác, phải quấy gì cũng nói (nói 24giờ/24giờ), dù cho giới luật có cấm không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi (chuyện không nói có, chuyện có nói không), không nói ly gián hòa hợp tăng, nhưng vì vô minh che lấp nên họ pha hết : tha hồ nói. Tăng nói theo luận điệu tăng, cư sĩ nói theo luận điệu cư sĩ. Và nội dung nói không ngoài phạm vi chấp trước hai bên do ba độc tham/sân/si thúc đẩy và ngũ dục đòi hỏi. Bây giờ qua quá trình tu học và thực hành dưới sự chỉ dạy của H.T. Viện Chủ, họ nỗ lực dụng công và bắt đầu dừng được vọng tưởng (tức là bắt đầu dừng được niệm nói thầm trong não). Vùng giải mã ngôn ngữ (nơi phát ra vọng tưởng), không còn giải mã tất cả tín hiệu do các vùng khác gởi đến. Thế là đồng loạt tế bào não ở những vùng khác bắt đầu “quậy lên” (vì chúng không được thỏa mãn những thói quen “động niệm” (nói) triền miên của chúng), Thí dụ, từ vùng ký ức dài hạn chuyên gởi những hình ảnh thâm căn cố đế đã được cất giữ từ thời ấu thơ đến hiện nay, vẫn tiếp tuc gợn lên những ký ức gởi về vùng Ý căn; vùng ý thức phân biệt vẫn tiếp tục gợn lên những ý niệm hai bên : đúng/sai, phải/trái, thiện/ác, tốt/xấu, đố kỵ/gièm pha, v.v... Khi tế bào não các vùng này gởi dữ kiện đến vùng giải mã ngôn ngữ (vùng Broca) để thúc đẩy tế bào ở vùng này giải mã tất cả tín hiệu kìa ra thành lời (nói) (biểu lộ các sắc thái của vọng tâm do ba độc tham, sân, si tác động), nhưng vì vùng giải mã ngôn ngữ đã bị ý chí chế ngự (do vùng ý căn truyền xung lực đến) nên nó không giải mã tất cả tín hiệu kia, khiến dòng tín hiệu bị bế tắc (giống như dòng nước đương chảy bị bít chặn lại). Thế là chúng đồng loạt phản ứng bằng cách tạo ra tác dụng sinh học từ trong chúng (như sự phản ứng tế bào não của những người nghiện các thứ rượu, cần sa, ma túy...). Nhưng thay vì hoạt hóa mạnh như những người lên cơn ghiền, chúng tác động nhẹ vào dây thần kinh đầu, mặt, cổ [thuộc hệ đối giao cảm thần kinh (Parasympathetic system)] mà người hành thiền cảm nhận được. Tuy họ không bị vặn mình, uốn éo, bứt tóc, bứt tai, xùi bọt mồm, bọt mép, mắt láo liêng, ngáp dài, ngáp vắn, quơ tay, múa chân, đấm ngực, đấm hông, bứt rứt, khó chịu... như những người nghiện cần sa, ma túy và những thứ nghiện khác... ; trái lại, họ cảm nhận sự hoạt hóa dây thần kinh ; ly tâm máu; hơi ấm lan dần từ đầu mặt đến thân mình, tay chân; nặng 2 tay, 2 chân và đầu ngực v.v... Đặc biệt nhất trong tiến trình hoạt hóa này, tập khí ngũ dục vốn được huân tập từ trên màng tế bào não và từ trong nghiệp thức của vị đó dần dần bị đào thải ra khỏi tế bào não và trong nghiệp thức. Nhờ vậy, nội tâm vị ấy mới được chuyển hóa một cách tự nhiên mà không thông qua giáo điều luân lý. Từ tâm lăng xăng giao động, ưa thấy lỗi người, quên lỗi mình… tâm vị ấy trở nên thuần thục, rộng lượng và thông cảm với mọi người.

    Riêng về mặt sức khỏe, từ các khớp thần kinh (synapses) tiết ra hàng trăm chất nước hóa học khác nhau, với những tác dụng đặc biệt như giúp làm tâm cảm thấy sự an ổn, có chất acetylcholine (làm chậm lại nhịp tim) và hưng phấn, hỷ lạc có chất dopamine. Đây là 2 chất cơ bản giúp thân tâm được an lạc. Riêng chất noripinepherine, làm cho tinh thần được sảng khoái, tỉnh táo, chống lại hôn trầm, dã dượi.

    Còn người lên cơn ghiền như rượu, cần sa, trái lại cảm thấy những sự mệt mỏi, bứt rứt khó chịu, đau đớn... của thân xác. Tế bào não của họ chẳng những không tiết ra dopamine, trái lại tiết ra những độc tố, gây tác hại đến chức năng tế bào não, làm con người họ trở nên bất bình thường và có nhiều hành động sai trái không thể lường được. Ngoài ra, tế bào não của họ cũng chết dần, làm họ mất năng lực ký ức. Trong lúc đó, trạng thái tác động sình học của người dừng được vọng tưởng, tạo ra trạng thái hoạt hóa máu, làm cho máu ly tâm để điều chỉnh huyết áp và làm tiêu các chất béo lắng từ trong máu, trị được máu mỡ; ngăn ngừa được tai biến mạch máu não và những mầm bệnh từ trong máu.

    Đặc biệt nhất, khi vọng tưởng không khởi ra, Khu Dưới Đồi (Hypothalamus) liền tự hoạt hóa, tiết ra nước hóa học truyền vào tuyến Yên, và các tuyến trong hệ thống tuyến Nội Tiết và hệ thần kinh Tự Quản, làm những nơi đây tiết ra chất hóa học, giúp cơ thể điều chỉnh bệnh nội tạng, như huyết áp cao, tiểu đường, loét bao tử (vốn do vọng tâm gây ra).

    Thầy từng dạy : “Bước đầu tuy tầm thường, song không kém phần quan trọng. Nếu bước đầu đi sai, những bưóc sau khó đúng được... Người có trách nhiệm hưóng dẫn không thể xem thường kẻ mới học; cần phải xây dựng có một căn bản vững chắc, đi đúng đường hướng Phật dạy.”

    Chính vì vậy, để đi đúng theo đường hướng Phật dạy, chúng tôi rất thận trọng trong việc giải thích thuật ngữ Thiền và những trạng thái tác dụng sinh học bên trong cơ thể thiền gia qua các tiến trình dừng vọng tưởng từ thô đến tế.

    Ngoài ra còn một trường hợp khác, cũng khá đặc biệt, xảy ra đối với vài người vừa mới dừng được vọng tưởng : không khởi nói từ trong não (tức là vị đó làm chủ được vùng giải mã khái niệm). Đây là trường hợp đám rối dây thần kinh cổ (plexus cervicalis) và dây thần kinh cột sống bị hoạt hóa (gồm dây thần kinh VII và IX, liên hệ đến tụyến nước bọt và tuyến giáp; dây thần kinh III, liên hệ đến mí mắt và con ngươi; dây thần kinh X liên hệ đến nội tạng: tim, phổi, thanh quản, gan, lá lách, bao tử, thận, ruột). Khi bị hoạt hóa như thế, cổ người này tự động quây qua, quây lại. Ngay khi đó, hệ bạch huyết vùng cổ liền bị tác động làm tiết ra bạch huyết bào, giúp người này có sức đề kháng : chống lại những thứ bệnh viêm, vì bạch huyết bào tạo ra kháng thể. Đồng thời Tuyến Giáp (Thyroid gland) và Phó Giáp (Parathyroid Gland) ở cổ cũng bị tác động để tiết ra nội tiết tố (hormone), giúp cơ thể khỏe mạnh. Tuyến Giáp sẽ tiết ra Thyroxine có chứa 4 nguyên tử iodine, ảnh hưởng đến mỗi tế bào cơ thể, làm cho ta cảm thấy khỏe mạnh, hăng sức và cơ thể phát ra hơi ấm, duy trì áp suất máu được bình thường) và Triiodothyronine (chứa 3 nguyên tử iodine, ảnh hưởng đến năng lực và nhiệt năng cơ thể). Riêng Tuyến Phó Giáp khi bị tác động, tiết ra nội tiết tố Parathyroid hormone giúp quân bình chất vôi trong máu, tăng chất ion vôi (ionic calcium), giúp xương cứng cáp, ngừa được bệnh bướu cổ, tránh được sạn thận. Còn nếu tác động đến hệ thần kinh lưng (cột sống), làm người này lắc lư sống lưng, hoặc ngả tới, ngả lui. Tuy nhiên, khác hơn người lên đồng, lên bóng, trong lúc bị hoạt hóa như thế, người này vẫn tỉnh táo, biết rõ ràng động tác quây và lắc lư sống lưng, chớ không mê hay không biết gì như người lên đồng, lên bóng. Đồng thời sau khi xả Thiền, người này cảm thấy sảng khoái, tĩnh táo vì các chất acetycholine và norepinephrine được tiết ra, giúp tăng cường sức khỏe nội tạng, chớ không mệt mỏi như người lên đồng, lên bóng.

    Chú ý: - Đối với vài người vừa mới dừng được vọng tưởng, trạng thái quây cổ hay quây sống lưng chỉ xảy ra 3 hoặc 4 lần thì chấm dứt, dù sau này ta muốn quây trở lạì, cũng không được, chứ không phải trạng thái quây kéo dài mãi. Tuy nhiên, để tránh tinh trạng bị hiểu lầm, khi rơi vào trạng thái quây này, vị đó nên kềm giữ thân mình cho thẳng đứng (không cho quây). Ngoài ra, nếu kềm không được, ta có thể phá trạng thái này bằng 1 trong 2 cách:

    1) Xả Thiền, đi kinh hành trong vòng 5 phút, sau đó tiếp tục tọa Thiền. Nếu còn quây nữa, ta xả, tiếp tục kinh hành.

    2) Nếu trạng thái quây vẫn còn, trước khi tọa Thiền và sau khi xả Thiền, ta áp dụng thở nội lực theo phương pháp Khí Công. Tác dụng lối thở này giúp ta gia tăng lượng dưỡng khí cho tế bào não và tăng cường điện tích dương cho não bộ. Bằng cách thứ hai, ta sẽ phá trạng thái quây hữu hiệu hơn cách đi kinh hành.

    Hướng nhắm của chúng tôi là giúp các bạn sơ cơ có trình độ văn hóa cơ bản, có tinh thần khoa học, có óc thực tiễn, và suy luận hợp lý, biết rõ rằng trong Thiền Phật giáo không có hiện tượng thần bí, siêu hình hay ma quái ẩn tàng trong đó. Tất cả những sắc thái biểu hiện bên trong cơ thể người hành Thiền về tâm lý, sinh lý và những tiến trình tâm thức đều do sự hoạt hóa của tế bào não thông qua tiến trình động hay tịnh của Ý căn tạo ra. Khoa học gọi trạng thái đó là tác dụng sinh học.

    Sống trong thời đại lý giải, dựa trên quan điểm thực nghiệm của khoa học, chúng tôi thấy cần thích nghi hóa sự giảng giải phương pháp tu Thiền của phương Đông, để người có kiến thức khoa học, nhưng chưa biết gì về Thiền, hiểu rõ ràng hơn về những biến động bên trong cơ thể, khi chúng ta rơi vào trạng thái dừng vọng tường. Chúng ta không nên hiểu một cách chung chung, đại khái, mù mờ, thiếu cơ sở khoa học vì như vậy dễ đưa đến tin nhảm nhí cho rằng ma nhập, quỉ nhập hay tiếp điển Thượng đế hoặc lên đồng, lên bóng khi những hiện tượng lạ xảy ra trên thân tâm, não bộ và tâm linh chúng ta.

    Chúng ta không nên có thành kiến với khoa học, trái lại cần kết hợp với khoa học để hiểu rõ những vấn đề tâm linh trong Thiền một cách cụ thể hơn, ngõ hầu hoàn chỉnh ngành Thiền học phương Đông trước ngưỡng cửa thế kỷ 21. Các bạn sẽ gặp phần này trong Chương Hai và Chương Ba.

    TRỢ HUẤN CỤ

    Để hưóng dẫn rõ ràng từng bưóc dụng công, chúng tôi bố trí các pháp Thiền của H.T. Viện Chủ thành nhiều ĐỒ THỊ. Khi xem những dẫn giải trong ĐỒ THỊ, các bạn sẽ thấy rõ lời dạy của H.T. Viện Chủ cũng như tác dụng cụ thể các pháp đó như thế nào trong thân, tâm, não bộ, và tâm linh các bạn. Có nghĩa nếu thực hành đến nơi đến chốn, các bạn sẽ có kinh nghiệm như thế nào về những trạng thái biến động bên trong cơ thể các bạn đối với pháp do H.T. Viện Chủ chỉ dạy mà các bạn lựa chọn để thực hành. Chúng tôi xem sự thiết lập ĐỒ THỊ như là trợ huấn cụ trong học đường. Thí dụ, khi H.T. Viện Chủ nói vọng tưởng khởi ra từ pháp trần, chúng tôi sẽ mượn sự chứng minh của khoa học, trưng dẫn hình ảnh cùng những cơ chế khởi phát vọng tưởng nằm trong não bộ bằng cách thiết lập đồ thị mô tả pháp trần đó. Các bạn vừa biết rõ ý nghĩa những sắc thái pháp trần, vừa thấy rõ vị trí khởi phát pháp trần từ trong não bộ chúng ta. Khi đã nắm rõ cơ chế pháp trần, các bạn sẽ dễ dàng biết cách làm chủ chúng, Khi đã thật sự làm chủ chúng, chính các bạn làm chủ niệm khởi, lúc bấy giờ các bạn sẽ thực sự thành tựu pháp biết vọng, không theo một cách hoàn hảo. Vì làm chủ niệm khởi từ vùng pháp trần là điều khó khăn vô cùng, ngoài tầm kiểm soát của ý căn. Bởi vì những loại niệm khởi này, không phải do ta muốn khởi mà chính do quán tính động thâm căn cố đế của tế bào não từ các vùng ký ức dài hạn, ngắn hạn khởi ra. Chúng thường xuyên gây nhiễu loạn ta mỗi khi ta tọa Thiền, muốn tìm được phút giây yên lặng nội tâm. Ngoài ra các bạn cũng sẽ biết rõ vì sao H.T. Viện Chủ nói vọng tưởng không thật và những nghĩ tưởng kia thật sự không phải là mình nghĩ ! Bởi vì “MÌNH” trong trường hợp này chỉ là ý niệm của ngã giả (tạm lập để định danh chủ thể nghĩ tưởng, khi chúng ta chưa thông suốt quan điểm VÔ NGÃ do Đức Phật tuyên dạy về pháp VÔ NGÃ TƯỚNG, và khi chúng ta chưa thực sự kiến tánh). Vậy, khi chưa giác ngộ (vẫn còn là phàm phu) đương nhiên chúng ta phải mang bệnh chấp ngã : thấy mình thật, người thật; mình là số 1, mình là trung tâm vũ trụ; mình buồn, vui, giận hờn, ghen ghét, thù hận; mình nghĩ tưởng, mình đắm say dục lạc thế gian. Đó là cách nhìn phàm tục tất nhiên và rất thường tình của chúng sanh trong thiên hạ.

    Đến khi chúng ta thật sự kiến tánh (có nghĩa giác ngộ), quan điểm nhị nguyên đâu còn sanh khởi trong nhận thức chúng ta. Trái lại, thế vào đó là sự hiện hữu của tánh giác hay sự hiện hữu của dòng biết bất nhị trong chân tâm chúng ta. Nơi đó đâu còn có ý niệm NGÃ/TA/ MÌNH xuất hiện nữa. Dù ta có muốn phủ định ngã chấp, cũng không thể phủ định được bởi vì trong trạng thái này đường ngôn ngữ đã bị cắt đứt mà người xưa quen gọi là “ngôn ngữ đạo đoạn” hay “cắt đứt sắn bìm” thì Ý Thức Phân Biệt và Tư Duy Nhị Biên không thể nào có mặt trong trường hợp này. Lúc bấy giờ chúng ta mói nhận ra những lời dạy của H.T. Viện Chủ rất đúng sự thật: cái suy nghĩ kia không phải là mình! Và ý niệm “mình” ở đây chỉ là giả lập danh xưng mà trong bước đầu, Ngài cảnh tỉnh chúng ta bằng cách đả phá bệnh chấp ngã vốn là một thứ bệnh thâm căn cố đế của chúng sanh từ trước thời Đức Phật hàng ngàn năm và cho đến hiện nay.

    Nếu ngay nơi đây, chúng ta tiến hành dụng công, đạt được sự chủ động niệm khởì, bằng cách “bặt hết tất cả đường suy nghĩ” mà vẫn biết rõ ràng môi trường chung quanh, chúng ta sẽ phát hiện chân tâm và kiến tánh. Đồng thời hiểu rõ luôn tại sao H.T. Viện Chủ nói: “Chơn tâm là chỗ bặt suy nghĩ.” và “Càng suy nghĩ càng xa chơn lý. Thiền tông xưa nay trao truyền chỉ một chơn tâm.” Còn ngay nơi đây, chúng ta chưa nhận ra cốt lõi của “bặt suy nghĩ” (không biết thực chất bặt suy nghĩ là gì và không biết cách làm sao để đạt được bặt suy nghĩ), sẽ tiếp tục dụng công cho đến khi nào đạt được “bặt suy nghĩ”, ta sẽ nhận ra ý nghĩa chơn tâm là gì, và tại sao Thiền tông xưa nay chỉ trao truyền một chơn tâm ? Và chủ thể của chân tâm là gì ?

    Cùng lúc đó, để cụ thể hóa pháp ngữ Thiền của H.T. Viện Chủ, chúng tôi tạm mượn sự khám phá của khoa học để đối chiếu pháp ngữ của Ngài, ngõ hầu giúp các bạn sơ cơ dễ nhận ra lời dạy bằng ẩn dụ của Ngài hơn. Thay vì xưa kia Ngài dùng ẩn dụ con trâu, ma, giặc, tên trộm, con khỉ thức để chỉ vọng tưởng, vọng tâm hay tâm sanh diệt, chúng tôi tạm trưng dẫn cơ chế Khu Dưới Đồi (Hypothalamus) bên trong giữa não để đối chiếu và chứng minh lời dạy bằng ẩn dụ của Ngài. Cho thấy bằng kiến thức trực giác, sự thấy của Ngài rất phù hợp với sự khám phá của khoa học khi Ngài mô tả những sắc thái của vọng tâm qua hình ảnh con trâu đen, con khỉ kêu chéo chéo, còn khoa học thì chỉ thẳng và đưa ra hình ảnh cụ thể về cơ chế và những chức năng của khu Dưới Đồi.

    Ước mơ của chúng tôi là muốn mượn sự khám phá của khoa học về những cơ chế hoạt động bên trong não bộ con người để chứng minh thuật ngữ Phật pháp hay đối chiếu pháp Thiền của T.S. Thanh Từ; cho thấy rằng 2 nền khoa học ĐÔNG và TÂY cần bổ sung cho nhau để mục tiêu phụng sự nhân sinh hữu hiệu hơn, tích cực hơn. Đông phương tuy đi trưóc Tây phương, nhưng Đông phương nói được, làm được mà chỉ không được. Còn Tây phương chỉ được, nói được mà làm không được.

    Với tinh thần khoa học và óc tiến bộ, chúng ta không nên cố chấp, bít cửa sự nhận thức cổ thời của Đông phương để “đóng khung tháp ngà kiến chấp”. Chúng ta cần “phóng mình ra cửa sổ” để thấy bầu trời Phật pháp bao la, rộng lớn, hơn là làm mọt sách kinh điển. Hơn nữa, qua tri kiến trực giác, H.T. Viện Chủ từng công bố: “Chủng ta sống trong thời đại khoa học, cần phải truyền bá Phật giáo thích ứng với chơn lý, gần với sự thật. Bản chất Phật giáo đã là chơn lý, là sự thật. Chúng ta đừng làm méo mó khiến kẻ bàng quan hiểu lầm Phật giáo.”

    Hoặc Ngài cũng nói: “Thời đại chúng ta là thời đại khoa học thực nghiệm, ngôn từ của chúng ta cũng phải thích hợp với thời đại.”

    Và Ngài cũng đã xác định: “Thiền là một khoa học thuộc về tâm linh.” Tri kiến trực giác này là một thực tại khách quan, rất phù hợp với luận lý khoa học. Nó cũng biểu hiện tinh thần khai phóng của một Thiền sư phương Đông muốn đạp tung cánh cửa “bế quan, tỏa cảng” truyền thống của Đông phương. (Hiện nay các nhà khoa học về thần kinh, về phân tâm hoc, về tâm lý học cũng như các nhà chữa bệnh bằng tâm lý học của thế giới Tây phương đều công nhận truyền thống chữa bệnh tâm thể đã có từ ngàn xưa trong kỹ thuât Thiền phương Đông. Và thế giới Tây phương đã bắt đầu mở ra những chương trình tìm hiểu những vấn đề “tại sao” trong Thiền học phương Đông.)

    Dựa vào quan điểm trực giác nói trên của H.T. Viện Chủ, chúng tôi muốn mượn sự khám phá của khoa học Tây phương để đối chiếu và chứng minh những kinh nghiệm trong tiến trình dựng pháp Thiền của Ngài, cho thấy rằng lời diễn đạt của Ngài về Thiền pháp không phải là những dự đoán vô căn cứ mà là những chứng nghiệm của Ngài. Đồng thời nó cũng biểu lộ tư tưởng thiết tha với khoa học Tây phương, không giam giữ mình trong tháp ngà kiến chấp.

    Với tinh thần mở rộng, chúng tôi thấy mình cần vượt qua quan điểm “đóng cửa” lỗi thời có truyền thống của Đông phương để đưa ra ánh sáng những tính chất thực tiễn và thiết thực pháp Thiền của T.S. Thanh Từ trong thế giới Thiền học Tây phương.

    Thoạt đầu, các bạn sẽ ngỡ ngàng vì không quen lối kiến giải kỳ lạ của chúng tôi về pháp Thiền của Ngài khi thấy chúng tôi đối chiếu lời dạy và lời diễn đạt của Ngài qua những cơ chế, chức năng và cấu trúc não bộ cùng những chất nước hóa học trong mạng lưới tế bào thần kinh và trong hệ thống tuyến Nội tiết có tác dụng gây bệnh và chữa bệnh con người khi chúng ta bất an tâm hay đạt được Định v.v... Nhưng sau đó các bạn sẽ giải tỏa những mối nghi trong tâm khảm vì biết rằng Phật pháp không xa thế gian pháp. Thí dụ, khi Ngài nói: “Vọng tưởng là cáì động của tánh giác”, Là người sơ cơ, chắc chắn sẽ có nhiều vị khởi lên những mối nghi: “Tại sao vọng tưởng là cái động của tánh giác ?” “Vọng tưởng là gì, khởi ra từ đâu, cơ chế của vọng tưởng như thế nào?” “Tánh giác là gì, ở đâu ?” “Tại sao nó động lại tạo ra vọng tưởng ?” Hoặc khi Ngài nói: “Ngồi Thiền đúng pháp sẽ đem lại cho thân chúng ta sự điều hòa khỏe mạnh, da dẻ tươi tốt, ít sanh bệnh hoạn.” Là người sơ cơ, có tình thần khoa học, chắc chắn chúng ta muốn hiểu rõ những ẩn số trong bí quyết ngồi Thiền mà Ngài đã mô tả.

    Tác dụng Đồ Thị sẽ giúp các bạn giải tỏa những mối nghi kể trên. Đó là chúng tôi muốn làm sáng tỏ pháp Thiền của H.T. Viện Chủ trong bây giờ và trong mai sau. Nhưng trọng tâm, chúng tôi muốn giúp các bạn sơ cơ có kiến thức khoa học — chưa quen thuật ngữ Thiền — tiếp thu lời dạy của H.T. Viện Chủ dễ dàng hơn và đầy đủ niềm tin hơn, Các bạn sẽ không thắc mắc về những ẩn dụ con khỉ, con ma, con trâu, tên trộm khi H.T. Viện Chủ dùng để chỉ vọng tưởng, vọng tâm, vì chúng ta biết rằng ẩn dụ này tương xứng với chức năng của Khu Dưới Đồi. Mặt khác, chúng ta còn biết rõ thêm những chức năng đặc biệt khác của Khu Dưới Đồi khi nó không tiếp thu những “sóng nghĩ tưởng” từ ý căn, ta sẽ rơi vào Định và trạng thái Định này sẽ tạo ra tác dụng sinh học. Từ Khu Dưới Đồi sẽ tác động dây chuyền đến các tuyến nội tiết... giúp cho thân được khỏe mạnh, tâm (vọng tâm) được chuyển hóa và đặc biệt nhất là nó chữa được những thứ bệnh tâm thể. Từ đó chúng ta mới biết rõ những vấn đề then chốt của Định liên hệ đến các thành phần trong cấu trúc não bộ, và biết rõ tại sao tu Thiền mà chữa được nhiều thứ bệnh do tâm bất an của mình gây ra. Chúng ta không còn mù mờ về Thiền học phương Đông với những tác dụng sinh học bên trong cơ thể chúng ta. Để rồi sau này, nếu có điều kiện hướng dẫn lại người Tây phương, chúng ta sẽ chỉ thẳng những vị ấy mà không làm cho họ lúng túng, hoài nghi về những lý luận ẩn dụ bình dân của Đông phương. Hoặc chúng ta sẽ giải thích được những tác dụng sinh học bên trong não bộ và cơ thể con người khi người ấy rơi vào những tiến trình Định, giúp cơ thể chữa trị bệnh tâm thể. Vì với người Tây phương, họ vốn có sẵn trình độ văn hóa cơ bản, có truyền thống khoa học khác hơn người Đông phương nên họ không xa lạ về những thuật ngữ khoa học liên hệ đến các chức năng của não bộ, thân, tâm và tâm linh, khi chúng ta đối chiếu pháp ngữ của H.T. Viện Chủ qua những chức năng não bộ.

    Ngoài ra, chúng tôi còn tiến xa thêm một chút là chỉ rõ phương hướng thực hành để các bạn biết cách làm sao cho tánh giác không động mà vẫn thường biết rõ ràng ! Chính vì thế, với các bạn tân Thiền sinh có tinh thần khoa học, chúng tôi xem Đồ Thị như trợ huấn cụ, có tác dụng giúp các bạn hiểu rõ pháp Thiền của H.T. Viện Chủ và biết cách thực hành đến nơi rốt ráo. Lâu nay chúng ta học Phật pháp chỉ biết Phật pháp bằng cách hình dung hay tưởng tượng hoặc tự ngầm hiểu chớ không không biết một cách cụ thể những sắc thái của tâm thức và không biết những tiến trình hình thành tâm thức của chúng ta ra sao trong não bộ con người. Chúng ta cứ nghĩ rằng: 1) não là vật chất, tâm là tinh thần, do đó dứt khoát tâm không ở trong não; 2) khi con người chết, não không thể ra khỏi xác thân để đi vào lục đạo, chỉ có tâm đi vào lục đạo vì tâm không hình tướng.

    Trong lúc đó chúng ta quên bẵng những sắc thái biểu hiện tình cảm con người qua cử chỉ tay chân, ánh mắt, nụ cười, sắc mặt, âm thanh và chữ viết đều do chức năng của não nương theo lệnh của tâm để phát ra hành động từ thân/khẩu/ý như suy nghĩ, nói năng, đi đứng. Chúng ta cũng không hề nghĩ ra rằng não là nơi mà tâm đã gá nương trong đó để điều động 3 nghiệp: thân/khẩu ý vốn do chức năng của não phụ trách bởi vi nếu không có tâm, làm sao não triển khai được thân/khẩu/ý ? Tuy nhiên, chúng ta cũng không còn tin như trước đây chúng ta hằng tin theo truyền thống rằng tâm ở trong trái tim như người Hy Lạp và Trung Hoa cổ thời đã tin, đã nghĩ như vậy, vì hiện nay khoa học đã có cách thay tim mà tâm của người bị thay vẫn không thay đổi. Điều này chứng minh rằng suy nghĩ của người xưa rằng Trái Tim là Tâm, hoàn toàn sai. Trái lại chúng ta cũng không dám khẳng định tâm ở ngoài thân vì Đức Phật đã từng mô tả sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều ở trong xác thân này, Mà thọ, tưởng, hành, thức là gì ? Có phải là những tiến trình biểu hiện hay hình thành những trạng thái của tâm hay không ? Và trong kinh Rohitassa, mở đầu bài pháp nói về Tứ Diệu Đế, Đức Phật cũng đã khẳng định tri giác và tư tưởng không ở ngoài tấm thân dài một trượng này ! Mà tri giác và tư tưởng là gì ? Có phải là 2 sắc thái của tâm không ? Như vậy, nếu cho rằng tâm ở ngoài thân thì vô tình chúng ta quan niệm trái với giáo huấn của Đức Phật. Nhưng chúng ta cũng không tin hẳn rằng tâm ờ trong thân vì chúng ta đã bị hun đúc tư tưởng cổ thời cho rằng thân là vật chất, có hình tướng, còn tâm là tinh thần, không hình tướng. Từ đó, chúng ta tự tạo sự bế tắc cho chúng ta: không biết tâm thực sự ở đâu. Chúng ta không hề nghĩ như các nhà khoa học từ thế kỷ 18 và hiện nay đã khẳng định tâm con người biểu hiện dưới dạng điện tử (Lugi Galvani [1737- 1798], nhà sinh lý học người Ý đã khám phá ra điện thú vật đầu tiên.). Giống như năng lực điện được biểu hiện qua ánh sáng đèn điện và những sự truyền thông khác nhau bằng năng lực điện tử như Fax, điện thoại và vô tuyến điều khiển các vệ tinh... Từ đó chúng ta thấy Phật pháp, thấy Thiền quá cao siêu, ngoài tầm hiểu biết chúng ta, chỉ vì chúng ta không chấp nhận năng lực điện tử mà chúng ta vốn sở hữu trong xác thân tứ đại của chúng ta. Vô tình chúng ta biểu lộ khuynh hướng siêu hình, duy tâm cực đoan mà chúng ta không hay.

    Chúng tôi tuy không may mắn được học nhiều với H.T. Viện Chủ, trái lại đã may mắn đủ duyên để nghiền ngẫm và ứng dụng pháp cùa Ngài nên nếm được hương vị pháp bảo đó, và rút ra được những bài học quí báu. Chúng tôi thấy cần chia sẻ hương vị pháp bảo đó cùng các bạn sơ cơ bằng cách luận giải pháp Thiền của Ngài dưới dạng khoa học, trưng bày ra hết những tính chất kỳ đặc pháp bảo đó, giúp các bạn sơ cơ có tinh thần khoa học, có óc thực tiễn, nắm rõ các pháp của Ngài để vừa thu ngắn thời gian dụng công vừa đi thẳng vào nội tâm như Tổ Đạt Ma đã nói: “Trực chỉ nhơn tâm” mà không phí sức mò mẫm (vô ích) như chúng tôi đã từng đi trong đường hầm tăm tối của 19 năm trước đây !

    Hơn nữa, thời đại chúng ta là thời đại khoa học, ngôn từ của chúng ta cần phải thích hợp với thời đại (như H.T. Viện Chủ từng dạy chúng ta như thế). Vì thế, trên việc viết luận, chúng tôi đã dựa vào 3 nguyên tắc cơ bản có truyền thống trong Phật giáo: Hiện Lượng, Tỷ Lượng và Thánh Ngôn Lượng.

    Sử dụng khoa học hay nhận thức thời đại để chứng minh giáo pháp trên một phạm vi nào đó, là Hiện Lượng. Vận dụng sự biện chứng, so sánh, đối chiếu để giải thích hay chứng minh giáo pháp là Tỷ Lượng. Và tất cả những sự chứng minh, đối chiếu nói trên phải không xa rời kinh điển, không mâu thuẫn với lời Phật và Tổ dạy, đó là Thánh ngôn lượng.

    Tuy nhiên, sự nhiệt tâm này có lẽ sẽ không tránh khỏi những “kết án” của những vị còn mang nặng “kiến chấp bảo thủ”, do thiếu kiến thức khoa học, cho rằng luận giải của chúng tôi là tà đạo, vì khác với những luận giải từ trước đến nay trong Thiền Phật giáo. Giống như cách đây hơn 350 năm, Galileo Galilei (1564-1642), nhà vật lý học, thiên văn học, triết học và phát minh người Ý, đã từng bảo vệ sự chứng minh của mình rằng Mặt Trời là một trung tâm bất động, không chạy vòng quanh Quả Đất, mà Quả Đất Xoay Quanh Mặt Trời, Quả Đất Không Phải Là Trung Tâm Vũ Trụ qua tác phẩm Dialogue on the Two Chief World Systems, xuất bản vào năm 1632 tại Florence. Kết quả ông đã bị Tòa Thánh La Mã kết án quản thúc tại gia ở Arcetri vào tháng 12 năm 1633 cho đến khi ông mù mắt và chết vào 8/1/1642, mà ông vẫn không chịu rút lại lời công bố trái ngược với Tòa Thánh La Mã ; chỉ vì chân lý là chân lý !... Thà chết chớ không nói sai sự thật!

    SỰ LIÊN QUAN MẬT THlỂT GIỮA
    NÃO BỘ, TÂM, THÂN, VÀ TÂM LINH

    1. Thân người là quí.- Với sự khám phá của khoa học hiện đại, chứng minh rằng Tim không phải là cơ chế hoạt động của Tâm như người Hy Lạp và người Trung Hoa cổ thời đã tin và nghĩ như vậy, mà não bộ với trên 17 tỷ tế bào não (neurons) mới thực sự là cơ chế hoạt động của Tâm (vọng tâm). Tâm đã “gá nương” não để biểu hiện những sắc thái từ đần độn đến siêu phàm (từ phàm đến thánh). Không có não, dứt khoát các sắc thái tâm không được biểu hiện qua hành động, ngôn ngữ, cử chỉ, ánh mắt, sắc mặt mang những tính chất từ mầu nhiệm, cao cả, thanh tịnh, tự tại, từ bi đến bình dân, mộc mạc, hung bạo, bần tiện, lăng xăng, rối rấm...

    Những đặc tính giác ngộ hay vô minh của chúng sanh cũng từ những cơ chế của não mà tâm gá nương trong đó. Tâm không thể tự giác ngộ nếu không có những chức năng của não. Bởi vì nếu tâm thực sự tự nó đạt được giác ngộ thì Đức Phật đâu cần tái sanh trong nhiều kiếp, mang thân người để tu ? Nhưng não cũng không thể tự giác ngộ nếu không có chức năng của tâm biết khai thác tiềm năng của não ! Vì vậy, tiềm năng giác ngộ tuy vốn có sẵn trong mỗi chúng sanh, nhưng nếu không có cơ chế não bộ thì tiềm năng kia không thể biểu lộ ra được. Ngược lại dù tiềm năng giác ngộ đó xem như có sẵn trong cơ chế não, nhưng nếu tâm không biết cách khai thác, tiềm năng đó cũng đành mai một. Vì thế, tâm cần có não và não cũng cần tâm mới phát huy được những mức độ giác ngộ từ trong sự tương quan giữa 2 cơ chế não và tâm. Ta không thể lấy não, bỏ tâm, cũng không thể chỉ chú trọng đến tâm quên não. Chính vì thế, được sanh làm thân người mới thật quí báu, vì có mang thân người mới có bộ não người. Nếu không có bộ não người làm sao ta có khả năng dụng công tiến đến giác ngộ tối hậu, phát huy được tâm linh ?

    Con chó tuy có phật tánh (vì nó là 1 chúng sinh), nhưng chó chỉ có tâm chó, hạnh chó, não chó chớ không có tâm người, não người, hành động như người, nên phật tánh không thể triển khai trong xác thân chó của nó, Tuy nhiên, dù có não người, tâm người, hành động người, nếu tâm chất chứa đầy gian ác, hung bạo như lang sói, ngu si quá mức như trâu bò, ta cũng không thể phát huy được tiềm năng giác ngộ. Ngược lại, nếu có đầy đủ tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả mà thiếu miên mật dụng công hay dụng công không đúng phương pháp, cuối cùng ta cũng không làm sao phát huy được phật tánh, và thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.

    Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhatta) cũng nhờ mang thân người và với tri giác cùng tư tưởng ở trong chính xác thân này, Ngài mới dụng công đến mức giác ngộ và giải thoát tối hậu, trở thành vị Phật (Buddha). Chính trong kinh Rohitassa, Đức Phật (trả lời câu hỏi của vị Phạm Thiên tên Rohitassa về sự chấm dứt sự hiện hữu của thế gian. Ở đây, danh từ “thế gian” được Đức Phật áp dụng chỉ cho sự KHỔ.) đã khẳng định rằng nguồn gốc của đau khổ, sự chấm dứt đau khổ và con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ, không ngoài xác thân dài một trượng này. Ngài nói: “Trong chính xác thân dài một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng, Như Lai tuyên bố thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian” Và Đức Phật cũng nói: “Chính tâm dẫn dắt thế gian, chính tâm lôi kéo thế gian. Và tất cả mọi người đều làm chủ tâm.”

    Các vị đại đệ tử của Đức Phật cùng chư Tổ cũng nhờ mang thân người mà triển khai hết giáo nghĩa Phật pháp, thông qua sự chứng ngộ của mình. Điều này cho thấy giác ngộ là một tiến trình được hình thành dựa trên những nấc thang giá trị của sự dụng công, chớ không phải giác ngộ là một mô thức được đóng khung sẵn trong não bộ hay trong tâm con người, rồi bây giờ ta cứ lấy ra như lấy món đồ trong ngăn kéo ! Do đó, phật tánh tuy có sẵn trong mỗi chúng sanh, nhưng không phải bất kỳ chúng sanh nào cũng bật tung được “phật tánh” từ trong tâm hay từ trong não của chính mình. Vì vậy, tiềm năng giác ngộ (phật tánh) thật sự là một tiến trình được hình thành qua quá trình dụng công (khổ công tu và hành) của Thiền gia. Nếu không nỗ lực dụng công và dụng công không đúng phương hướng, ta cũng không làm sao bật tung được phật tánh từ trong tâm hay não của mình.

    Cũng như Einstein (1879-1955) không thể nào trở thành nhà bác học về Vật lý nếu ông không được Hermann Minkowski hướng dẫn tại Viện Kỹ Thuật ở Zurich, Thụy Sĩ từ năm 1898. Nhưng trái lại, dù là thầy dạy Einstein, nhưng Hermann Minkowski chỉ là ông thầy dạy toán chớ không thể trở thành nhà bác học khám phá ra những định luật mới về vật lý như Einstein vì tiến trình phát triển tâm và não của Einstein có cơ hội phát triển tối đa hơn thầy của ông.

    Cũng vậy, đạo sĩ Gotama cũng từng có 2 vị thầy dạy đạo, nhưng bằng phương thức cùa 2 vị đó, không giúp Ngài đến chỗ sáng đạo cùng tột, trở thành vị Phật lịch sử. Ngài phải tìm phương hướng riêng để đi đến mục tiêu tối hậu. Vì thế, không nên chủ quan cho rằng tất cả chúng sanh đều có phật tánh rồi ngồi đó chờ cho phật tánh xuất hiện như chờ sung rụng ! Phải có thân người, tâm người, não người, hành động trong tình trạng bình thường và biết cách dụng công, phật tánh (tiềm năng giác ngộ) kia mới hiển lộ được.

    Cho nên chỉ có thân người mới thật sự quí. Vì có thân người, ta mới đủ điều kiện nương theo Phật pháp để dụng công, tiến đến giác ngộ, phát triển được tâm linh, đạt được giải thoát ngay trong đời này. Chớ không phải có thân người để đắm say dục lạc thế gian, tranh giành những mục tiêu hão huyền, tạo ra muôn điều phiền não, khổ đau cho mình, cho người; suốt ngày cứ rơi trong phải/trái, (=thị phi), ngồi lê đôi mách, nói hành, nói tỏi kẻ khác; làm cho 3 nghiệp (thân, khẩu, ý) luôn luôn rơi trong thiện/ác, chánh/tà, phải/trái. Như thế làm sao nghiêm trì giới luật ? Vì còn phải/trái là còn 2 bên, còn thiên lệch, còn nhận định méo mó theo tình cảm. Làm sao dừng được tâm lãng xăng ? Vì ta luôn luôn động niệm để bênh vực một quan điểm mà ta cho rằng đúng để hạ một quan điểm khác mà ta cho rằng sai. Làm sao phát triển được tâm linh, tiến đến giải thoát ? Vì tâm ta luôn luôn loạn động, chạy theo ngoại cảnh, không lúc nào dừng lại để rơi vào trạng thái Định.

    Do đó, tái sinh mang thân người là điều vô cùng quí báu, vì chúng ta có cơ hội tu học, có cơ hội tọa thiền, rồi thông qua sức định kiên cố — mà chúng ta sẽ đạt được — để đào thải tập khí, tiến đến giải phóng tâm linh, phát huy phật tánh.

    2. Não là dụng cụ và cũng là cơ chế giác ngộ của Tâm.- Trong thế giới loài người, nếu não không còn nguyên vẹn, tâm chẳng biểu lộ được những sắc thái bình thường và siêu nhiên của nó. Tâm dù muốn bình thường; nhưng não không bình thường, bị hư hỏng nơi nào đó, tâm cũng bị ảnh hưởng theo. Chính vì vậy, khi não bị tổn thương, tâm cũng bị thương tổn theo vì não tạo ra sự khuyết tật cho thân do đó tâm cũng bị khuyết tật theo. Không phải tay, chân, đầu, mặt, miệng, mắt của thân muốn méo, lệch, co quắp, chống gậy, ngồi xe lăn mà chỉ vì dây thân kinh não bị đứt hay bị tổn thương nên tâm cũng đành chung số phận khuyết tật như thân. Tâm tuy biết những cử chỉ quái dị của mình, nhưng tâm không làm sao điều phục được thân để đừng có cử chỉ quái dị. Đôi lúc não tổn thương quá nặng đưa đến thân tê liệt, bại xụi hay hôn mê, tâm cũng không làm sao bừng sáng, năng động, giác ngộ, trái lại đành chung số phận với thân. Cho nên, không thể nói tâm không hình tướng rồi tâm không khổ đau, không ngu muội do não gây ra vì tâm ở ngoài não. Đây là điều quá sai lầm ! Nếu tâm ở ngoài não, vậy tâm ở đâu ? Trong trái tim chăng ? Trong đôi mắt chăng ? Trong 2 cánh tay chăng ? Trong miệng chăng ? Và nếu tâm ở ngoài não tại sao tâm không tự giác ngộ khi não bị tổn thương? Đây là điều mà người trí cần xét lại.

    Tuy nhiên, cũng không thể một bề chú trọng đến não mà quên tâm. Trái lại phải thấy rằng, não thực sự là dụng cụ của tâm vì não vốn sở hữu nhiều trung tâm với những năng lực bẩm sinh siêu phàm, kỳ diệu mà tâm “khai thác” được. Khi não không còn nguyên vẹn, làm sao tâm phát triển những tính chất sáng tạo kỳ đặc của nó ? Làm sao tâm biểu hiện những sắc thái trùm khắp của nó ? Đến đây, tâm dù biết mình vốn sở hữu phật tánh, nhưng cũng đành để cho phật tánh kia nằm im đâu đó, Cũng vậy, ta không thể bảo một người mang bệnh tâm thần phải sống trong trạng thái bình thường như mọi người bình thường, dù người đó vẫn có tâm, có thân như ta. Vì vậy, khi não còn nguyên vẹn, ta cần biết rằng não là dụng cụ và cũng là cơ chế giác ngộ của tâm. Tâm phải sáng suốt bảo quản não cho thật tốt. Nếu não bị hư hỏng vì những hậu quả đam mê của tâm qua rượu chè, hút xách, sắc dục, tâm sẽ không khai thác được những tiềm năng kỳ đặc và siêu phàm của nó, trái lại tâm cũng bị què quặt, khờ khạo và tạo ra nhiều tội ác, khổ đau cho thân.

    3. Não là ngôi nhà tạm trú và cũng là nơi để Tâm tiến đến giải thoát.- Ta không thể chủ quan cho rằng tâm đóng vai trò quan trọng trong mọi lãnh vực mà quên đến vai trò của não giúp tâm hoàn tất hạnh nguyện của mình. Bởi vì không có não, tâm sẽ ở đâu ? Tâm làm được gì ? Tâm làm sao phát huy tài năng mình ? Tâm làm sao tu học để tiến đến giải thoát ? phát triển tâm linh ?... Tâm sẽ hoàn toàn bất lực, nếu tâm không có não làm nơi nương tựa vừa để tu học vừa phát triển thiên tài và vừa tiến đến giải thoát. Thật sư, não tuy chỉ bằng một nắm tay, nặng không quá 1,400 grams (đối với người lớn), nhưng não có hơn 17 tỷ “chúng sanh”, đó là neurons (tế bào não). Chức năng của những chúng sanh này rất vi diệu. Một khi tâm biết khai thác tiềm năng siêu phàm của chúng thì không có công trình nào mà tâm không thực hiện được. Đức Phật và các đấng Giáo chủ của các tôn giáo lớn trên thế giới đã để lại lời dạy quí báu được ghi trong các loại kinh điển, hiện còn lưu lại hậu thế đều do sức phát biểu của tâm linh những vị đó thông qua những cơ chế của não. Các công trình vĩ đại như đi ra ngoài không gian, lên mặt trăng, xuống đáy biển, khảo sát các hành tinh khác, vẽ họa hệ thống thái dương hệ, xây dựng các kỳ quan thế giới cũng đều do não của các nhà thông thái, các nhà bác học lập ra. Những thần thông kỳ diệu, những sự hiểu biết hay nhìn thấy vượt qua thời gian và không gian (Extra-sensory perception=ESP) mà người xưa quen gọi là “tâm trùm khắp”, những khả năng đọc được tư tưởng người khác cũng không ngoài chức năng não bộ. Nhưng, não bộ tự nó chỉ là một khối vật chất, tuy những năng lực siêu phàm được triển khai từ nơi nó, trái lại nếu không có tâm ở trong đó, biết cách vận dụng những hợp lực (resultant forces) của nó, não kia cũng không làm sao tự nó phát triển được những thiên tài, biểu lộ những mức độ “nhìn thấy” trước thời gian và vượt qua không gian. Do đó, não là ngôi nhà tạm trú của tâm và cũng là nơi để tâm phát triển tâm linh đến mức tối đa. Tuy nhiên, nếu tâm không được giáo hóa, không được tiếp thu pháp bảo, không biết cách thực hành Thiền Định, tâm cũng có khả năng làm cho ngôi “nhà tạm trú” bị hư hỏng, đổ nát. Đó là lúc tâm đắm say dục lạc thế gian, mê mờ trong danh lợi; say sưa trong rượu chè; nghiện ngập trong hút xách; đắm chìm trong hoan lạc... Suốt ngày tâm cứ huân tập những thói hư tật xấu cho não (không còn nghiêm trì giới luật), một ngày nào đó, não sẽ hư hỏng, thân cũng bệ rạc : mất hết năng lực trí nhớ; không còn sáng suốt, bén nhạy, linh hoạt; đưa đến si mê, cuồng loạn, mất hết tư cách cùa người chuyên tu Thiền.

    Vì vậy, với tinh thần khoa học, trong việc dụng công tu Thiền ta cần có cách nhìn mới, biết rõ rằng não là ngôi “nhà tạm trú” của tâm, là nơi mà tâm có thể khai thác và phát huy tiềm năng giác ngộ và giải thoát. Nếu cứ một bề cho rằng não là vật chất, có hình tướng, còn tâm không phải là vật chất, không có hình tướng nên tâm không ở trong não, ta sẽ không làm sao khai thác được “bộ máy giác ngộ” của não. Cuối cùng, nếu mang danh nghĩa tu Thiền, ta cũng chỉ là “kẻ đếm bò”, tuy đếm được nhiều bò, nhưng là bò của người khác.
    Last edited by chieclavotinh; 01-10-2021 at 01:43 AM.

  8. #78
    4. Ảnh hưởng tương tác giữa Não, Tâm và Thân.- Khi não bị hư hỏng tại một định khu nào, tâm và thân liền bị ảnh hưởng theo, như trường hợp những người bị tai biến mạch máu não đưa đến liệt nửa chi cơ thể, tâm liền mất sức linh hoạt, bén nhạy, bình thường ; đôi lúc trở nên ngây thơ, đần độn. Hoặc khi não căng thẳng, do tâm suy tính quá nhiều làm cho não hoạt động quá sức, đưa đến thân mệt mỏi, dã dượi và tâm mất vẻ bình thường : dễ giận, dễ chán, dễ có những hành động ngu si, xuẩn động. Khi tâm yên lặng, não được thư giản, thân liền thoải mái, khỏe mạnh. Khi tâm định, não liền bị hoạt hóa, giúp cho thân khỏe mạnh, hồng hào, trong sáng, da dẽ và trí tuệ phát triển. Khi tâm không được thu nhiếp: cứ chạy đông, chạy tây, bày mưu tính kế, phá hại lẫn nhau đưa đến thân đau ốm, da mặt xám xịt, trí tuệ đần độn, vô minh dày đặc, mất vẻ bình thường của người tu Thiền (tu sĩ hoặc cư sĩ). Khi tâm lo âu, sợ hải, chán nản đưa đến não bị rối loạn, thân bệ rạc. Và nếu tâm rối loạn cùng cực, xúc cảm tột độ, thần kinh não liền tác động đến Khu Dưới Đồi (Hypothalamus), rồi từ Dưới Đồi tác động đến hệ thống tuyến Nội tiết làm hệ thống này tiết ra nội tiết tố có tác dụng gây bệnh cho ngũ tạng. Nào loét bao tử, nào tiểu đường, nào rối loạn nhịp tim, co thắt động mạch vành tim, huyết áp cao... Toàn bộ những trạng thái đau ốm này sẽ truyền hết lên não bộ. Nơi đây, tâm sẽ cảm nhận những trạng thái đau đớn cùa thân. Đây gọi là hồi đáp (feedback): Từ sự chấp trước (ngã chấp, kiến chấp, pháp chấp) của tâm, tạo ra bệnh cho thân, cuối cùng tâm lãnh hậu quả đau đớn và lo âu ! Đây là những ảnh hưởng tương tác giữa Não, Tâm và Thân.

    5. Não là Căn của Tâm.- Khi toàn bộ tế bào não thực sự chết, dòng tâm thức con người liền thoát ra khỏi cơ chế não để có mặt trong một cơ chế não bộ khác hay trong một thế giới khác của chúng sanh khác không có não. Do đó, với con người, ta có thể xem não là căn của tâm hay căn của tư tưởng. Bởi vì không có não làm sao tâm biểu lộ được những sắc thái tâm lý hay mức giác ngộ của nó qua thân, khẩu, ý ? Ai biết được tâm có tự tại, có an định hay không khi một trong 8 ngọn gió thế gian thổi đến nó ? Nếu chỉ một “ngọn gió thị phi” nhẹ thổi đến mà tam bành, lục tặc nổi lên, thân và khẩu phát ra bừa bãi: quơ tay, múa chân, la, hét ỏm tỏi, gậy gộc xuống đường; tuyên ngôn, tuyên cáo phổ biến khắp nơi, thì ta đo lường được mức độ sân của tâm như thế nào. Bởi vì xung lực não sở dĩ được phát ra là do tâm cho dữ kiện. Nếu tâm cho dữ kiện sân, não bộ sẽ phát ra sân, tức thì miệng sẽ phát biểu theo miệng, thân sẽ bộc lộ cử chỉ theo thân: nào tay, nào chân, nào sắc mặt đồng loạt nói lên trạng thái sân đó như thế nào. Cũng vậy, nếu tâm cho dữ kiện ôn hòa, não sẽ phát ra lời lẽ ôn hòa, từ tốn, cử chỉ nhẹ nhàng, khoan thai, sắc mặt vui tươi. Do đó, khi biển tâm hoàn toàn yên lặng trước bất cứ ngọn gió nào của thế gian, đây chính là lúc sóng thức của não hoàn toàn yên lặng, không động; ba nghiệp tham, sân, si sẽ không có điều kiện khởi ra để huân tập vào tế bào não; từ đó, độc tố từ màng khớp thần kinh cũng không tiết ra, làm cho thân không bị mắc bệnh tâm thể. Vì vậy ta có thể xem não là CĂN của TÂM hay căn của tư tưởng. Không có não, dứt khoát thế giới loài người không thể hiện hữu với những công trình vĩ đại như hiện nay trên quả đất. Không có não, sự giác ngộ cũng không thể có, vì tâm gá nương vào đâu để dụng công, đạt được giác ngộ ? Do đó những tư tưởng vĩ đại của các bậc thánh nhân cũng không làm sao truyền lại cho hậu thế ở cõi ta bà này.

    6. Tâm là chủ nhưng lệ thuộc vào não và thân.- Với tinh thần khoa học, với óc thực tiễn, chúng ta không thể nào chỉ biết có tâm mà quên đến chức năng của não và vai trò của thân. Chính vì thế, khi thiết lập ĐỒ THỊ, chúng tôi đã trưng dẫn những cơ chế và chức năng của não, những vai trò của não liên hệ đến thân qua hệ thống Tuyến Nội tiết và thần kinh Tự quản. Cho thấy rằng, tâm không có não thì tâm ấy không phải là tâm của chúng sanh thuộc thế giới hữu hình. Và thân không có não lành mạnh, thân cũng không hoạt động được bình thường, đưa đến tâm cũng không bình thường. Vì vậy, tâm không thể ở ngoài não, tâm cũng không thể ở trong trái tim mà tâm thực sự ở trong não. Tuy não là vật chất, tâm là tinh thần; não có hình tướng, tâm không hình tướng, nhưng không phải vì thế mà tâm không truyền đạt được những mức độ cảm nghĩ, tình cảm, tư tưởng của nó. Trái lại, tâm biểu lộ những sắc thái của nó dưới dạng điện tử trong cơ chế não, rồi từ cơ chế não, sắc thái của tâm được cụ thể hóa qua tay chân, đầu mặt, ánh mắt, nụ cười và ngôn ngữ (lời nói và chữ viết). Não tuy nhỏ bé, trái lại chứa những năng lực phi thường, vĩ đại. Nhưng nếu không có tâm gá vào, não cũng trở thành vô dụng. Vì thế, tâm vẫn là chủ của não và thân. Tuy nhiên, dù là chủ nhưng tâm vẫn lệ thưộc vào não và vào thân vì tâm bị “nhốt” trong cơ chế não. Do đó, mỗi khi não bị bệnh, thân khuyết tật, tâm cũng bị bệnh và khuyết tật như thân và não. Thân đau đớn, tâm cũng đau đớn. Thân đói, lạnh, tâm cũng đói lạnh. Thân bị tù tội, giam cầm, tâm cũng bị ảnh hưởng theo thân về những cảnh tù tội, giam cầm. Tâm không thể thoát ra khỏi thân để tránh những liên lụy với thân. Tâm chỉ có thể thoát ra khỏi thân, khi mạng căn của thân chấm dứt, hoặc khi tâm quyết định quyên sinh. Chứ nếu thân còn sống, tâm vẫn bị “nhốt” trong thân. Và khi tập khí/lậu hoặc còn dẫy đầy trong toàn bộ cơ chế tế bào não, tâm không thể nào giúp cho thân được lành mạnh, bình thường vì tâm bị sức đam mê (bệnh ghiền) của tế bào não ràng buộc, thúc ép, bắt buộc tâm phải phác họa chương trình, kế hoạch để thỏa mản những đòi hỏi của tế bào não. Từ đó nghiệp thiện hoặc ác lại trổ sanh đưa đến những hậu quả tốt hoặc xấu cho thân trên 2 mặt: khỏe mạnh/bệnh tật và tiếng tốt/tiếng xấu. Khi thân không khỏe mạnh, (vọng) tâm cũng yếu đuối, bệ rạc, từ đó chân tâm không thể nào phát triển được tiềm năng giác ngộ; giải thoát cũng không làm sao xuất hiện được trong thân đau ốm của Thiền gia. Do đó, tập khí /lậu hoặc chính là nhân tố luân hồi, sinh tử. Chỉ có tâm định kiên cố mới giải đáp được bài toán giải phóng tâm linh !

    Trên đây là những điều cơ bản liên quan giữa 4 cơ chế Thân, Tâm, Não bộ và Tâm linh, chúng tôi phác họa đại cương để quí vị sơ cơ có chút khái niệm rõ ràng, ngõ hầu dễ dàng tiếp thu luận giải của chúng tôi về pháp Thiền của H.T. Viện Chủ trong các Đồ Thị.

    KẾT HỢP ĐÔNG VÀ TÂY

    1.- Ba nguyên tắc cổ thời có truyền thống tu tập trong Thiền Phật giáo phương Đông gồm Điều Tâm, Điều Tức và Điều Thân là những kỹ thuật rèn luyện tâm linh rất khoa học. Chúng không thể tách rời nhau được. Thông qua những tiến trình Định, thân, tâm và hơi thở đã tương tác lẫn nhau, tạo ra những phản ứng sinh học bên trong cơ thể và toàn bộ tế bào não (neurons). Từ những phản ứng của tế bào não, tác động đến Khu Dưới Đồi (trung tâm tâm tư, tình cảm), đến tuyến Yên, đến hệ thống tuyến Nội tiết và hệ thống Thần kinh Tự quản, các tuyến đó liền tiết ra các chất nước hóa học giúp cơ thể quân bình, khỏe mạnh, ngăn ngừa hay chữa trị ốm đau bệnh tật và phát triển trí vô sư. Từ Đức Phật Thích Ca đến chư Tổ Thiền Tông đều áp dụng kỹ thuật “3 Điều” nói trên. Ngày nay, dưới sự chỉ dạy của H.T. Viện Chủ, chúng ta cũng đi theo con đường đó. Trong hướng đi mới, chúng tôi muốn mượn sự chứng minh của khoa học Tây phương để làm sáng tỏ kỹ thuật cơ bản Thiền học Đông phương là Điều Thân, Điều Tức và Điều Tâm mà H.T. Viện Chủ đã dung hợp tài tình 3 hệ Thiền Nguyên Thủy, Đại Thừa và Thiền Tông để dạy chúng ta. Thí dụ, tại sao khi áp dung những phương thức thở đếm (sổ tức), chúng ta quân bình được nhịp tim ? Lắng động được tâm tư, tình cảm ? Mắt xích nào trong cơ chế hô hấp đã tạo nên ? Và tại sao khi rơi vào trạng thái vô niệm là quá trình thiếu dưỡng khí mà cơ thể thiền gia hồng hào ? Cũng như tại sao H.T. Viện Chủ dạy chúng ta tọa Thiền đúng pháp và nhấn mạnh: “Tọa Thiền có nhiều lợi ích”, trong lúc đó Lục Tổ Huệ Năng và Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng có vẻ như không chú trọng đến việc tọa Thiền ? Vậy thì sự khác biệt đó như thế nào ? Có phải H.T. Viện Chủ chú trọng đến Định không ? Và có phải Định là nền tảng của giải trừ tập khí, phát triển tâm linh, ngăn ngừa hay chữa trị bệnh tâm thể không ?

    2.- Nhiều vấn đề Tại sao ? Cái gì ? Ở đâu ? Thế nào? Aì ? Khi nào ? được đặt ra trong quyển Đồ Thị Dẫn Giải. Chúng tôi cố gắng hết sức mình, kết hợp kiến thức ĐÔNG và TÂY để giúp các bạn giải những mối nghi trong Thiền, ngõ hầu biết rõ cách thực hành pháp Thiền do H.T. Viện Chủ thiết lập mà không phí phạm thời gian mò mẫm như chúng tôi. Thật ra, đây là chúng tôi chia sẻ những sự giải nghi của chúng tôi với các bạn sơ cơ có tinh thần cấp tiến, tôn trọng chân lý (Bởi vì nếu không có tinh thần cấp tiến, không tôn trọng chân lý, các bạn sẽ bài bác ngay lối kiến giải kỳ lạ của chúng tôi khi thấy chúng tôi đối chiếu pháp Thiền của H.T. Viện Chủ với khoa học.). Từ những năm 1980, chúng tôi đã bắt đầu giải những mối nghi cho chính mình. Đó là tìm ra được nguồn cội của vô minh vọng tưởng: Biết rõ hình ảnh thâm căn cố đế của vọng tưởng khởi ra từ đâu ? Tại sao nó khởi, trong lúc ta không muốn khởi mà hình ảnh đó vẫn tự động bật ra từ trong nhãn thức chúng ta ? Muốn chấm dứt những hình ảnh đó thì phải làm sao ? v.v... 9 năm sau, năm 1989, chúng tôi có trình lên Thầy tập KIẾN GIẢI về tiến trình tu tập trong gần 14 năm (1975- 1989), trong đó chúng tôi phát nguyện : sau này đủ duyên, sẽ khoa học hóa tất cả pháp Thiền của Thầy mà chúng tôi đã tiếp thu và thực hành miên mật trong gần 14 năm. Bởi vì với sự hiểu biết thô thiển, chúng tôi nhận thấy chẳng có vấn đề gì huyền bí, khó tin trong Thiền Phật giáo. Nếu thực hành đúng theo sự chỉ dạy của Thầy 1 cách nghiêm túc, chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt về trí tuệ, về ký ức và cơ thể khỏe mạnh, chữa được nhiều bệnh tâm thể, tâm tư yên ổn trong bất kỳ nghịch cảnh éo le, cay đắng nào. Chúng ta chẳng những không chạy theo vọng tưởng mà còn chinh phục lại chúng, đưa đến thân tâm an lạc, hồn nhiên trong cuộc sống hiện thực và còn tiến lên những vùng trời bao la của KHÔNG MỘT PHÁP !

    3.- Trong gần 2 năm liên tiếp (1993-1994), chúng tôi đã bỏ nhiều thì giờ sưu khảo thêm tư liệu khoa học tại trường Đại Học Y Khoa Washington ở Seattle, gồm những lãnh vực: thần kinh, não bộ, tâm lý học, phân tâm học với chủ đích mượn sự khám phá của khoa học về hoạt động của những tiến trình tâm và tiến trình ý thức trong cơ chế não bộ, và tất cả những chức năng khác trong cấu trúc cơ thể để đối chiếu lại những tiến trình dụng công của chúng tôi thông qua pháp Thiền của H.T. Viện Chủ. Ngày nay mục tiêu đã viên mãn, chúng tôi tu chỉnh bản thảo cũ (được soạn tại V.N. từ năm 1992) để tiếp cận hóa đối chiếu pháp Thiền của Ngài với khoa học ngõ hầu chứng minh tính chất thực tiễn, hiện đại của mô hình Thiền tông VN. Trước là cống hiến các bạn sơ cơ có tinh thần khoa học, hâm mộ pháp Thiền của Ngài, sau là giới thiệu Thiền học VN vào thế giói Tây phương và cuối cùng là nhắm vào giới trẻ VN, vốn được tiếp thu 2 nền văn hóa Đông Tây trên đất người, biết rằng đây là pháp bảo. Nếu muốn tự chuyển hóa nội tâm, sống an lạc, vui tươi, khỏe mạnh, trí tuệ sáng suốt tất cả chúng ta có thể thực hành mà không sợ bị tẩu hỏa nhập ma, hay khùng điên (như trước đây trên 2 thập kỷ, nhiều người tại VN đã xấu miệng, muốn bài bác phong trào Thiền đang lên bằng cách gán “tu Thiền, coi chừng điên !” để mọi người ghê sợ, không dám theo học với H.T. Viện Chủ.).

    4.- Trên phạm vi tâm linh học, Đông phương và Tây phương không thể tách rời nhau được, cả 2 nền khoa học cần bổ sung nhau để mang lại lợi ích thiết thực cho nhân sinh nhiều hơn nữa: Đông phương nói được, làm được, hình dung được, nhưng chỉ không được (vì thiếu thiết bị khoa học như các nhà khoa học Tây phương.) Tây phương chỉ được, nói được, thấy được, sờ mó được mà làm không được (vì không biết cách dụng công như Đông phương và không đặt nặng trọng tâm vào việc khai thác tiềm năng của tâm linh như Đông phương.).

    Chung qui chỉ vì nền văn hóa và cơ chế phát triển xã hội giữa Đông và Tây khác nhau từ cơ bản. Văn minh Đông phương phát xuất từ RỪNG NÚI qua sự trầm ngâm suy niệm và hướng vào nội tâm, không đặt nặng trọng tâm trên phạm vi vật chất như Tây phương. Văn minh Tây phương phát xuất từ ĐÔ THỊ và trong phòng thí nghiệm với những thiết bị tối tân, có khả năng nhìn thấy những vật cực nhỏ qua kính hiển vi điện tử, nhưng không đặt nặng trọng tâm vào sức mạnh quán tưởng của tâm. Đông phương nặng về thực hành tâm linh, tin tưởng sức mạnh của tâm. Tây phương nặng về nghiên cứu và khám phá những hoạt động và năng lực siêu phàm của tâm. Đông phương nặng về tư duy trừu tượng, suy luận siêu hình, thích biểu tượng hóa, nhân cách hóa tất cả hình thái sanh diệt hay hoạt động tâm bằng thú vật, như tâm viên, ý mã; con khỉ kêu chéo chéo; con khỉ ngủ; con trâu đen; con trâu trắng. Tây phương nặng về thí nghiệm, cụ thể hóa những tư duy, những suy luận, những trạng thái xúc cảm của tâm bằng những thiết bị máy móc để cân, đo, đong, đếm, sờ mó, và ghi hình. Đông phương mổ xẻ tâm, ý thức, tư duy không phải bằng con dao của nhà phẫu thuật mà bằng trực giác và bằng sự tưởng tượng phong phú qua hệ thống suy luận dựa trên kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm ngoại giới trong khung cảnh yên tĩnh nơi thâm sơn cùng cốc, núi non hiểm trở. Trong lúc đó, từ trong phòng thí nghiệm với những thiết bị khoa học tối tân, Tây phương đã mổ xẻ tâm, ý thức, tư duy chẳng những bằng phân tâm phân học hay bằng con dao của nhà phẫu thuật mà còn bằng những kỹ thuật tối tân của khoa học hiện đại như kính hiển vi điện tử (nhìn thấy những vật nhỏ hơn 1 ly từ 300 lần đến 5.000 lần ); chụp hình được các hạt điện tử của một dòng tâm khi con người mống khởi lên 1 ý nghĩ; đo và phân loại được lộ trình của ý nghĩ, hay sóng não (brain waves) bằng máv điện não đồ (Electroencephalogram. Viết tắt: EEG). Và gần đây nhứt, vào thập kỷ 90, bằng hệ thống máy vi tính (computer), kết hợp với quang tuyến X, các nhà não học Tây phương có khả năng nhìn thấy tức thời hoạt động của tâm thức (mind and consciousness) hay niệm (thoughts) con người khởi ra như thế nào, trên màn ảnh máy điện toán. Họ gọi phương pháp này là PET (Viết tắt từ chữ: Positron emission tomography).

    Tóm lại, trên phạm vi tâm linh học, Đông phương đã đi trưóc Tây phương hơn 20 thế kỷ; ngược lại trên phạm vi khoa học thực nghiệm hay y khoa vật lý, Tây phương là bậc thầy Đông phương, với truyền thống chữa bệnh tâm thể (psychosomatic diseases) bằng phương pháp quán tưởng hay Thiền Định (Meditative Concentration), cho đến nay Tây phương vẫn còn lẽo đẽo đi sau Đông phương, và bắt đầu nghiên cứu, khảo sát để học tập kinh nghiệm kỳ diệu nhưng thật ra rất đơn giản của Đông phương.

    Trên cơ sở nhận định này, chúng tôi thấy cần tổng hợp những nghiên cứu, những khám phá của Tây phương để thiết lập một nhận định thống nhất, rồi vận dụng khái niệm tổng hợp này để đối chiếu pháp Thiền cùa T. S. Thích Thanh Từ, ngõ hầu chứng minh được quan điểm và hệ thống lý luận của Ngài, vừa cho thấy cả 2 nền khoa học Đông, Tây cần bổ sung cho nhau để mục tiêu phục vụ nhân sinh hữu hiệu hơn. Thiền Định sẽ chẳng còn gì bí ẩn đối với Tây phương và những tiến trình chữa bệnh tâm thể, phát triển chất xám, chuyển hóa nội tâm, loại trừ tập khí (lậu hoặc) chẳng còn gì mơ hồ, khó hiểu đối với Đông phương.

    VÀI LỜI KHUYÊN

    1. Tránh bệnh Thiền lý.- Qua nhiều lần tiếp xúc với vài bạn Thiền sinh, chúng tôi nhận thấy có một số bạn tuy có tinh thần ham tu nhưng thiếu quyết tâm thực hành, lại còn ưa tán rộng những nghĩa lý liên hệ đến thành ngữ hay thuật ngữ Thiền và lấy đó làm chỗ sở đắc. Những vị này quên rằng sinh mạng Thiền ở chỗ thân chứng, tâm chứng chớ không phải lý chứng. Càng cứ nói nhiều về lý thiền càng không đến được mức cuối cùng của Thiền. Vì sao ? Vì Thiền đòi hỏi thực hành chớ không đòi hỏi nói lý suốt ngày mà tâm mình vẫn luôn luôn xao động, rối loạn vì chuyện thị phi, phải trái và thân mình thường xuyên đau ốm, bệnh tật. Thành ngữ Thiền có 2 loại từ dành riêng cho những vị thích biện luận Thiền, thích nói lý Thiền là Thiền đầu môi hay Thiền bắn bổng.

    Nếu bạn thực hành Thiền mà chẳng có kinh nghiệm gì trên toàn bộ cơ thể bạn bao gồm thần sắc hân hoan, sáng rỡ, nước da trong sáng, sự chuyển hóa nội tâm, sự phát triển trí vô sư và sự ngăn ngừa ốm đau, bệnh tật do thời tiết gây nên, bạn sẽ rơi vào bệnh Thiền lý: Nói lý Thiền thao thao bất tuyệt, nhưng trông vào thần sắc thì xám xịt, tiều tụy, bệnh hoạn, khi gió thế gian thổi đến, cây Thiền của bạn sẽ lung laỵ hay trốc gốc ngay. Tâm phàm phu của bạn sẽ trổi dậy như sóng biển dập dồn. Bao nhiêu luật nghi do Phật chế ra, ta đều vi phạm và nhiều thứ bệnh tâm thể sẽ xuất hiện bên trong nội tạng bạn. Chính vì vậy trong Thiền có những châm ngôn để làm sực tỉnh những nhà Thiền lý:

    Nói Nhiều về Thức Ăn Không Làm Cho Ta No Bụng,
    Bánh Vẽ Không No Bụng Đói,

    Tâm lăng xăng là bà con vượn khỉ,
    Tâm mưu mẹo là con cháu tinh hồ.

    Đôi mắt sáng ngời là con cháu Đạt Ma,
    Mê muội chánh tà là nhà Thiền dỏm.

    Do đó, khi hạ quyết tâm tu Thiền, bạn cần tránh bệnh Thiền bắn bỗng, Thiền đầu môi mà nên dồn nỗ lực vào việc thực hành.

    2. Lý Thiền rất cần thiết trong giai đoạn sơ cơ.- Một điểm nữa, chúng tôi cần nhắc nhở các bạn sơ cơ. Khi mới bắt đầu học Thiền, chúng ta cần lý giải của Thiền để có kiến thức Thiền học. Đây là giai đoạn chúng ta nương theo bản đồ pháp ngữ của H.T. Viện Chủ để biết đường đi. Giai đoạn này rất cần thiết cho bất kỳ ai muốn mở cuộc hành trình trên xác thân mình để đi vào nội tâm. Vì vậy, khi mới bắt đầu tu, Lý Thiền được so sánh như bản đồ mà người lữ hành phải có sẵn trong tay để theo sự chỉ dẫn ghi trong bản đồ, ngõ hầu bước đi mà không sợ lạc lối. Lý Thiền cũng được so sánh như la bàn mà người thuyền trưởng dùng nó để định hướng con tầu của mình lướt trên bể cả. Không có la bàn, thuyền trưởng sẽ không biết lái con tàu của mình đi về đâu. Cũng vậy, không có vốn pháp học, chúng ta sẽ chẳng thông suốt được lý giải của Thiền. Sánh với người điều phục “con trâu điên nội tâm”, lý Thiền là những cách, những kỹ thuật chỉ cho chúng ta cách chăn hay chế ngự “con trâu nội tâm” với mục đích làm cho nó trở nên thuần phục. Cho nên trong giai đoạn đầu, chúng ta cần lý Thiền để biết cách “đánh trâu nội tâm”, để biết kỹ thuật nhiếp phục nó, làm cho nó trở nên thuần, làm cho nó biết cách kéo xe, biết nghe những tiếng “dí, thá” hay quẹo trái, quẹo phải khi chúng ta muốn chiếc “xe trâu” tiến về hướng nào. Cho nên, lý thiền đối với người sơ cơ tương đương với giai đoạn “đánh trâu” để với chủ đích huấn luyện con trâu ngỗ nghịch thành con trâu thuần thục. Sánh với nội tâm chúng ta, “đánh trâu” tương ứng với thời kỳ “hàng phục vọng tâm”, “chế ngự vọng tưởng”, “làm chủ vọng tưởng” hoặc “nhiếp phục vô minh” hay “thu thúc lục căn” hoặc “đóng cửa 6 căn”. Cho đến khi con trâu trở nên thuần, biết phân biệt những tiếng “dí, thá”, đây chính là lúc chúng ta chuyển đổi được nhận thức phàm tục mà chúng ta vốn đã bị tiêm nhiễm từ muôn kiếp đến kiếp hiện tại để không còn bị mê hoặc trong dòng thác của phàm tình thế gian. Khi chúng ta có nhận thức mới: không bám chặt vào những quan điểm nhị nguyên, không dính mắc vào những kiến chấp, pháp chấp; biết phân biệt thiện ác, phải trái, nhân quả, nghiệp báo. Tâm chúng ta từ mê loạn, chấp trước trở nên bình thản, bình thường hay an bình, an lạc. Đây không phải chúng ta “lấy đá đè cỏ” hay bi quan, yếm thế mà chính chúng ta hoàn hảo “nghệ thuật chăn trâu nội tâm”, biến con trâu loạn động thành con trâu thuần lương; biến tâm ích kỷ, chấp trước, ưa thấy lỗi người, quên lỗi mình trở thành thanh thản, hồn nhiên, tự tại và hội nhập dễ dàng trong bất kỳ môi trường sống nào. Chúng ta không còn thấy mình khó tính, thích cô đơn, sợ giao tiếp và mang mặc cảm tự tôn hay tự ti. Đến đây, chúng ta xem như đã vượt qua được 1/4 con đường Thiền. Với đời sống của người cư sĩ, hay tu sĩ sơ cơ, sự vượt qua được chặng đường như thế, xem như là quá lý tưởng ! Nếu chúng ta chấp nhận bình thường tâm là mục tiêu lý tưởng thì việc dụng công đến đây xem như đủ. Còn nếu muốn tiến lên những bước cao hơn nữa, bắt buộc chúng ta phải trang bị lại chiếc xe trâu để mở cuộc hành trình thứ hai, xa hơn tuyến đường đi trước. Tuy nhiên, trên tuyến đường thứ hai này, chúng ta sẽ gặp những kỳ hoa, dị thảo vì đây là tuyến đường đưa chúng ta về đến ngôi nhà giải thoát! Do đó, đây là tuyến đường chúng ta cần trâu để kéo xe vì con trâu của chúng ta đã được huấn luyện thuần thục. Quán tính cũ chạy đông, chạy tây của nó nay đã không còn, mà nó có quán tính mới: quán tính trầm lặng và “biết tuân lời chủ”.

    Như vậy, khi mới bắt đầu tu, người sơ cơ cần nỗ lực điều phục tâm mình như cách đánh trâu, chăn trâu trong ngôn ngữ ẩn dụ cổ điển Thiền tông Trung Quốc. Muốn thể hiện sự điều phục này, chúng ta cần ứng dụng lý thiền của H.T. Viện Chủ. Một khi con trâu nội tâm đã thuần, đấy chính là lúc chúng ta đạt được bình thường tâm. Trong 4 oai nghi, ta đều biểu lộ sự biết lặng lẽ: Ý có mà lời không. Lời không này chính là không một lời nói từ trong não chớ không phải ngậm câm nơi miệng mà trong lòng dẫy đầy chuyện thị phi. Nơi đây mọi hành động do Ý khởi ra đều không có lời nói từ trong não phát kèm theo hành động đó. Khi đi (kể cả Thiền hành), đứng, ta đều có khởi ý đi, đứng, nhưng sự nói thầm từ trong não hoàn toàn không phát ra. Do đó, những trạng thái đi, đứng, nằm, ngồi (ngồi theo cách bình thường, chớ không phải ngồi Thiền) này, tâm thức ta đều ở trong Định, sở dĩ gọi là Định, vì lúc bấy giờ niệm nói thầm từ trong não không khởi phát, nhưng ta hằng biết hết môi trường chung quanh, nên vọng tưởng không có mặt mà tánh giác có mặt. Bao nhiêu thứ tâm đời, tâm đạo, tâm phàm, tâm thánh đều không hiện hữu. Đấy là trạng thái tâm không hay tâm trống không, hoặc là tâm không động. Do tâm không động mà thân động nên gọi là Định trong động. Và Định này không lệ thuộc vào tư thế ngồi nghiêm túc nhưng lại thực hiện trong 4 oai nghi, nên gọi là Định trong 4 oai nghi. Trong Định này không có chỗ khởi đầu cũng không có chỗ kết thúc nên gọi là Định không xuất, không nhập. Khi muốn Định, dù đang trong lúc đi, ta liền “tắt” vùng gìài mã khái niệm từ trong não, nơi đây liền không phát ra tín hiệu nói, khiến vùng nói từ trong não không thể điều khiển cơ chế nói gồm 2 môi, miệng, họng, thanh quản, thanh âm, nên không có sự nói phát ra từ nơi miệng, khiến vọng tâm không khởi dậy mà chỉ có tánh giác hiện hữu. Đấy gọi là Định trong lúc đi: miệng tuy không nói mà ý cũng không phát ra những suy nghĩ. Đây mới thật sự là vong ngôn, tuyệt lự : lời mất mà suy nghĩ cũng mất theo. Cùng lúc đó, niệm biết liền hiện tiền mà biển tâm hoàn toàn lặng lẽ, chỉ vì “sóng ngầm từ các trung tâm pháp trần không còn tự do gợn lên ký ức và gió lục trần cũng không tác động được mặt nước của biển tâm” nên mọi phàm tình không có chỗ chen vào. Tuy nhiên, không vì thế mà tâm mất vẻ bình thường : vẫn đối duyên xúc cảnh, vẫn làm đủ mọi công việc như rửa chén, lặt rau, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, lái xe, gánh nước, cuốc đất, may vá, hút bụi, đánh răng, súc miệng mà vọng tâm không có mặt, trái lại có mặt chân tâm. Chân tâm chính là tánh giác. Đặc tính tánh giác là biết không lời. Như vậy Bình thường tâm của Mã Tổ chính là trạng thái biết của tánh giác. Nơi đây đường ngôn ngữ bị cắt đứt mà không thấy có sự dụng công cắt đứt, chỉ cần “nhá lên” ý không nói thì bức tranh không lời hiện ra. Đến đây, nếu chấp nhận BÌNH THƯỜNG TÂM là mục tiêu cứu cánh, ngang đây quí vị không cần tiến thêm nữa. Hằng ngày quí vị cứ củng cố trạng thái biết không lời, biết thủ tục cho đến khi nhuần nhuyễn, con trâu nội tâm của quí vị sẽ hoàn toàn yên lặng, tức là vọng tưởng không còn tự do khởi ra; lúc bấy giờ quí vị sẽ thông suốt ý nghĩa Định không xuất, không nhập và câu nói “Tâm bình không cần trì giới, hạnh thẳng nào cần dụng công tham thiền” của Lục Tổ Huệ Năng và Bình Thường Tâm Thị Đạo của Mã Tổ.

    3.- Tâm Định cần hơn Tâm Bình.- Tuy nhiên, nếu thấy cần tiến sâu thêm vào rừng Thiền Chơn Không -Thường Chiếu, quí vị có thể mở thêm cuộc hành trình thứ hai. Trong cuộc hành trình này, chúng tá cần đi xe trâu hay cỡi trâu để VỀ NHÀ: ngôi nhà giải thoát.

    Về ý nghĩa XE TRÂU ở đây, chính là thiền gia dùng xác thân này để tọa Thiền và chìm sâu trong ĐỊNH. Đây là bước thứ hai Tâm cần đến Thân. Tại sao ? Bởi vì Định phải được kết hợp 2 mặt: Tâm yên lặng, Thân khỏe mạnh. Con trâu tượng trưng cho phàm tâm/ vọng tâm. Xe trâu tượng trứng cho xác thân tứ đại. Cả 2 đều liên quan mật thiết trong tiến trình Định. Nếu con trâu nội tâm còn loạn động, cứ chạy đông, chạy tây, xe trâu không thể nào lăn bánh bình thường được. Nó sẽ lôi xe trâu chạy báng vào cây cốị, nhiều khi lọt hầm hố làm hư hại đến xe hay tan nát xe. Như vậy, dù thân có ngồi từ giờ này sang giờ khác cũng không thấy thoải mái với tâm vọng động; trái lại mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu vì vọng tưởng cứ triền miên tuôn khởi như sóng biển. Do đó, sự thuần hóa con trâu nội tâm là điều cần thiết trước mắt đối với người mới tập sự tu Thiền. Khi vọng tâm đã bị hàng phục rồi, chân tâm (Tánh Giác) sẽ có mặt. Lúc bấy giờ xe trâu mới thật sự cần được chú ý đến. Tức là chúng ta cần ngồi thiền để điều chỉnh THÂN : từ thân đau ốm, bệnh tật trở thành khỏe mạnh; từ thân ngồi tê, đau, nhức, ngứa sẽ hết tê, đau, nhức, ngứa. Và lúc bấy giờ ta sẽ có kinh nghiệm tại sao thân và tâm, tâm và thân liên hệ mật thiết với nhau, và hiểu tại sao tu Thiền đòi hỏi phải đạt được Định bằng tư thế ngồi. Bởi vì khi tâm loạn động, thân cũng chẳng yên ổn được. Khi thân đau ốm (nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm, nhức chân, nhức cẳng...) tâm cũng không yên lặng được. Thân và tâm phải hài hòa cùng nhau. Tuy nhiên, vai trò then chốt tạo ra sự hài hòa giữa thân và tâm, đối với Thiền, cơ bản vẫn do TÂM. Thân dù béo tốt, phương phi mà Tâm rối bời, loạn động, trước sau gì cũng đưa đến sự bệ rạc, tàn tạ cho Thân. Nhưng tâm dù có chuyển đổi nhận thức (nhận ra ý nghĩa vô thường, huyễn hóa của vạn pháp) mà thân cứ đau ốm cũng gây trở ngại cho tâm vì không tọa Thiền lâu được. Cho nên, Tâm là nhạc trưởng điều hành ban nhạc cuộc đời cùa Thân. Nếu Tâm điều hành dở, ban nhạc sẽ hòa tấu loạn xạ. Lúc bấy giờ nhạc trưởng sẽ bị thính giả chê bai. Sự loạn xạ kia chính là trạng thái bất an của thân, chủ yếu là sự đau ốm, bệnh tật, tàn tạ, suy nhược. (Làm tâm gặp chướng ngại dụng công.)

    Chưa ngồi được 10 phút mà đau hông, tức ngực, nhức đầu, sổ mủi... Ngược lại, xe trâu dù có tốt (thân khỏe mạnh) mà con trâu cứ ngỗ nghịch (ưa nổi chứng, chạy đông, chạy tây: tâm loạn động) cũng chẳng kéo được xe về đến nơi qui định một cách an toàn. Nhưng khi trâu đã thuần mà không cho nó kéo xe thì làm sao đưa ÔNG CHỦ (già) về đến nhà được ? ( Vì Ông Chủ không còn trẻ để cỡi trâu). Do đó, khi trâu đã thuần, ta phải cho nó kéo xe để đưa Ông Chủ về nhà. Đây là ngôi nhà giải thoát. Có nghĩa sau thời gian miên mật dụng công, Thiền gia đạt được trạng thái tâm linh giác ngộ (the state of Spiritual Enlightenment). Tâm vị ấy không còn dính mắc 2 cực đoan chấp trước. Nếu còn dính mắc một trong hai cực đoan, tức là tâm còn kẹt hai bên. Còn hai bên tức là còn phiền não. Còn phiền não tức tập khí/lậu hoặc còn bám chặt trong các cơ chế thân/tâm/não bộ và tâm linh. Khi tập khí còn, tức vị ấy chưa được Định vững chắc, hay tuy có Định mà không sâu nên không thải trừ được tập khí thâm căn cố đế vốn đã bám chặt trong cơ chế thân tâm, não bộ và tâm linh vị ấy. Do đó, trạng thái bình thường tâm mà vị ấy vừa mới đạt được chưa chắc là bình thường trọn ngày, thỉnh thoảng cũng có thể trúng một hai ngọn gió trong số 8 gió thế gian. Thế là bức màn vô minh lại hạ xuống: Hỉ, nộ, ái, ố, bi, lạc, oán lại nổi lên. Những thứ mà lâu nay ta cho là giả, bây giờ hiện nguyên hình là thật hết: Tâm thật, người thật, của cải thế gian thật, danh lợi thật, địa vị thật, lời khen thật, lời chê thật… Thế là một chuỗi vọng tâm lại khởi ra : ngôn ngữ tuôn ra bừa bãi để tố khổ kẻ khác, lên án kẻ khác. Vô tình ta lại rơi vào ác nghiệp. Chính vì thế, trên tuyến đường về nhà này, Thiền gia phải giam mình trong một thất nhỏ, cắt đứt nhân duyên thế gian để liên tục tọa Thiền nhập Định, ngõ hầu đào thải tập khí/lậu hoặc, Bởi vì mức độ bình thường tâm mà ta vừa mới đạt được, con trâu nội tâm của ta chưa chắc bình thường trọn vẹn trong bất kỳ môi trường nào. Chúng ta vẫn còn ưa thích lời ngon, tiếng ngọt; lời khen ngợi, tâng bốc; vẫn còn thấy xấu, thấy tốt; thấy phải, thấy trái nơi người khác, hoặc nổi sân lên khi ai chạm đến quyền lợi, danh dự, địa vị của mình. Rồi chúng ta vô tình rơi vào 3 nghiệp ác qua thân/khẩu/ý. Vì sao? Vì tập khí, lậu hoặc (tham/sân/si/mạn/nghi/ác kiến) chưa đào thải hết trong mạng lưới tế bào não chúng ta trong thời gian ngắn ngủi vài 3 tháng hoặc 1 năm. Do đó, con trâu nội tâm kia chắc chắn sẽ có ngày nổi điên, sút dây, chạy băng vào xóm làng quậy phá, nhiễu loạn, vì bản chất vọng động và ngu si vốn là bản tính cơ bản của con trâu !

    Riêng phần chúng ta không thể ngồi chăn nó trường kỳ trong 24g/24g. Cho nên, để củng cố trạng thái bình thường tâm cho thật vững chắc, ta cần phải vô sự với thế gian để tọa Thiền nhập Định ngõ hầu thải trừ tập khí, điều chỉnh thân tâm bằng những phương thức “tâm không” hay “trút sạch khái niệm”.

    Hiểu rõ như thế, chúng ta mới không lầm lẫn những phương cách đánh trâu, chăn trâu trong lịch sử cổ thời Thiền tông Trung Quốc. Chớ không phải suốt ngày cứ lo đánh trâu, chân trâu mà quên xe trâu. Vì vậy, trong việc tu Thiền, chúng ta không thể chỉ chú trọng đến TÂM mà quên đến THÂN. Thân và Tâm đều liên hệ mật thiết. Cho nên điều thân không phải chỉ nhắm đến tư thế tọa Thiền là đủ mà phải tạo ra tác động sinh học từ bên trong thân, bao gồm khí/huyết, cơ bắp, tế bào thần kinh, dây thần kinh để cho thân được khỏe mạnh, không còn bệ rạc, tiều tụy do bệnh tật vốn đã gây nên từ trước trong thân. Muốn thế, ta phải kết hợp với điều tâm để vào Định. Chính Tâm định mới giúp cho thân chuyển biến (từ đau ốm đến khỏe mạnh hoặc ngăn ngừa bệnh tật). Khi thân chuyển biến, đặc biệt từ trong cấu trúc não bộ, TÂM mới được thăng hoa, vì TÂM bị “nhốt” trong cơ chế não bộ của Thân nên vẫn bị ảnh hưởng đến thân. Sự thăng hoa của tâm, không phải là những tính chất thần thông mà chính là những tính chất của vô sư trí, bao gồm các sắc thái: trí tuệ trực giác (intuitive knowledge), tuệ trí (insight), trí huệ (wisdom) và trí huệ thù thắng (transcendental wisdom).

    Chính vì thế, để tạo điều kiện cho môn đệ có phương tiện về Đến Nhà, trong giai đoạn II và III, H.T. Viện Chủ bày ra những pháp: Kiến Tánh, Đạt Được Tánh Giác, Hằng Sống Với Tánh Giác, Hằng Sống Với Ông Chủ, Vô Niệm, Vô Trụ..., Tâm Không, Trút Sạch Khái Niệm để chúng ta nương theo đó dụng công. Đây là giai đoạn trâu kéo xe. Cho nên trong 2 giai đoạn này, rõ ràng H.T. Viện Chủ bộc lộ khuynh hướng xây dựng Định. Bởi vì ở 2 giai đoạn này, H.T. Viện Chủ đặt trọng tâm đến thoát ly sinh tử hay giải thoát. Mà giải thoát không thể đặt trên cơ sở chuyển đổi nhận thức : biết rõ thực tướng vạn pháp là vô thường, huyễn hóa, không thật tướng (nương theo tục đế Bát Nhã), tráì lại phải được đặt trên cơ sở thể nhập Chánh pháp để đào thải tập khí/lậu hoặc (nương theo chân đế Bát Nhã). Muốn đào thải tập khí/lậu hoặc, nguyên tắc bắt buộc là thân phải được chuyển biến. Vì tập khí/lậu hoặc phần lớn đóng trên THÂN, gồm hằng trăm tỷ tế bào thần kinh não, tế bào cơ bắp, tế bào máu. Vì thế, khi TÂM đã thực sự định mà thiếu ngồi, ta cũng không tạo ra tác động sinh học trên thân. Từ cơ sở đó, sức định của tâm cũng không thể nào kiên cố được vì TÂM còn liên hệ đến THÂN. Một khi thân đau ốm, tê liệt, khuyết tật (handicap), tất nhiên tâm cũng đau ốm, tê liệt, ngớ ngẩn như thân vì tâm bị “nhốt” trong cơ chế não bộ của thân, Ta không thể bảo người khuyết tật “đừng có cử chỉ quờ quạng”, “đừng xùi bọt mồm, bọt mép,” “đừng đi cà niểng”, “đừng méo miệng”, “đừng ngồi xe lăn” v.v... Cho nên, muốn điều chỉnh bệnh tật của Thân, ta phải cần sức Định của Tâm. Muốn Tâm được thăng hoa, Thân phải được thường xuyên hoạt hóa, khỏe mạnh. Muốn Thân thường xuyên hoạt hóa từ thô đến tế, Tâm phải được sức Định kiên cố. Muốn có sức Định kiên cố, ta phải ứng dụng các pháp do H.T. Viện Chủ hướng dẫn bằng sự tọa Thiền. Toàn bộ những mắt xích này, không thể nào thiếu trong sợì dây Thiền của dòng Thiền Chân Không -Thường Chiếu.

    Tóm lại, trong cuộc hành trình thứ hai : “điều khiển trâu, kéo chiếc xe trâu, đưa Ông Chủ về nhà”, chúng ta không còn “đánh trâu” mà cũng không “đánh xe”. Trái lại củng cố “xe trâu”. Xe trâu này chính là toàn bộ thân xác chúng ta, trong đó bao gồm nhiều cơ chế, đặc biệt là những cơ chế bên trong não bộ và nội tạng. Còn con trâu kia chính là nội tâm thuần thục, (chân tâm=tánh giác) của chúng ta, và người điều khiển trâu, lái chiếc xe trâu chính là TỰ TÁNH (chúng ta). Do đó, đến giai đoạn này, TỰ TÁNH đã đứng lên giành quyền làm chủ, ngã giả không còn có mặt, tất nhiên vọng tâm cũng không xuất hiện nên “chúng ta” cần tọa Thiền để dùng sức Định của Tâm (chơn tâm) tạo ra phản ứng sinh học đồng bộ trong các cơ chế Thân, Tâm (vọng tâm), Não bộ (tế bào não) ngõ hầu đào thải tập khí/lậu hoặc vốn đã huân tập từ những kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại ra khỏi các cơ chế của Thân, Tâm (vọng tâm) tiến đến giải thoát chân tâm.

    Mà “Tập Khí” là gì ? Đó là những thứ quán tính cũ (former habit) mà trong văn hệ Sanskrit thuộc Phật giáo Phát Triển (Đại Thừa) gọi là “Vàsanà”. Chúng là những ấn tượng hay lòng khát khao, ham muốn ghi lại trong tâm chúng ta từ những nghiệp thiện, nghiệp ác và những mối đau khổ hay sung sướng, bao gồm 3 nhóm: 1) Những ấn tượng của bất cứ hành động và kinh nghiệm quá khứ ghi lại một cách vô ý thức trong tâm chúng ta. 2) Những thứ kiến thức quá khứ được cất giữ trong các trung tâm ký ức ngắn hạn và dài hạn và những trung tâm khác (thuộc hệ thống viền não — The limbic system). 3) Những tri giác quá khứ mà trong hiện tại chúng ta hồi tưởng lại được.

    Tất cả 3 nhóm tập khí nói trên, tương tác lẫn nhau, tạo thành vọng tưởng, khởi ra liên tục trong biển tâm chúng ta, đưa đến phiền não, vui buồn, hạnh phúc/khổ đau, ta thán triền miên. Cuối cùng đưa chúng ta rơi vào vòng luân hồi sinh tử. Còn “Lậu Hoặc” là thuật ngữ thuộc văn hệ Pàli (Phật giáo Nguyên Thủy), gọi là “Àsava”, tương đương với các từ tiếng Anh là addiction (sự say mê/ghiền, nghiện), defilement (sự nhiễm ô), infatuation (sự mê đắm), bao gồm 3 nhóm: Dục lậu (Say mê dục lạc thế gian); Hữu lậu (Tâm mống khởi ước muốn hiện hữu ở một cảnh giới khác, hay tái sinh trở lại kiếp người; Tâm mang những nguyện vọng hoài bão hướng đến tương lai); Vô minh lậu (Sự ngu si, mê muội, lầm lẫn, không biết phân biệt thiện ác, phải trái, thị phi). Đôi khi đức Phật cũng đề cập đến Kiến lậu (Quan điểm nhị nguyên mà con người đã bị tiêm nhiễm hay hun đúc qua bối cảnh xã hội hay các truyền thống gia đình, cộng đồng, tôn giáo, và truyền thống dân tộc. Tất cả những truyền thống đó tạo thành những thứ chấp trứớc, khó thay đổi trong tư tưởng chúng ta, như pháp chấp, kiến chấp và ngã chấp. Những kẻ bảo thủ là những con người mang nhiều kiến chấp. Những kẻ độc tài, xem mình là tối thượng là những con người mang bệnh ngã chấp. Những kẻ ưa chê bai pháp hành của người khác, và đề cao pháp của mình là số một là con người mang bệnh pháp chấp. Tất cả 4 nhóm lậu hoặc kể trên tạo thành nghiệp đạo, thúc đẩy chúng ta có những hành động, cử chỉ, nói năng thiện hoặc ác, tốt hoặc xấu đưa đến vui hay khổ, an lạc hay phiền não cho ta hoặc cho người. Và cuối cùng tất cả hành động đó huân tập trong nghiệp thức chúng ta, tạo ra nhân tố luân hồi sinh tử.

    Mục tiêu tối hậu của Thiền là đưa chúng ta đến con đường giải thoát. Đây là sự giải thoát tâm ra khỏi những chấp trước, những dính mắc vào những gì thuộc phạm vi thế tục. Sự giải thoát này được đặt trên cơ sở đào thải tập khí/lậu hoặc, chớ không đặt trên cơ sở chuyển đổi nhận thức. Vì chuyển đổi nhận thức chỉ là sự thay đổi cách nhìn về cuộc đời, về mình, về vạn pháp có tính cách rập khuôn hay qui ước, chớ không phải tận diệt được những gốc rễ, những mầm mống si mê, chấp trước vốn đã ăn sâu trong tiềm thức chúng ta. Do đó, đến một lúc nào đó, nếu hội đủ nhân duyên, những mầm mống vi tế tập khí/lậu hoặc sẽ bật ra, làm cho chúng ta phát biểu những lời nói ác, tạo ra hành động ác, gây đau khổ cho người (mà chúng ta ngỡ rằng mình làm việc thiện). Và như thế, chúng ta không sao thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử để trả quả ác trong một kiếp nào đó!

    Vì vậy, muốn tiến đến giải thoát, chúng ta phải đào thải tập khí/lậu hoặc bằng cách thông qua những tiến trình Định. Đây là con đường duy nhất.

    Muốn có Định, Tâm phải thuần thục, vọng tưởng không còn tự do khởi theo quán tính cũ. Sau đó ta phải tăng cường giờ tọa Thiền để sức Định của Tâm tạo ra tác dụng sinh học trong toàn bộ cơ chế Thân và Não bộ. Khi đó Thân mới được hoạt hóa đồng bộ do sự tác động của mạng lưới tế bào thần kinh não. Chính quá trình hoạt hóa đồng bộ này là lúc tập khí/lậu hoặc bị đào thải một cách tự nhiên ra khỏi cấu trúc tế bào thần kinh não, và trong cơ chế nghiệp thức.

    Vì vậy, tu Thiền mà không nếm được mùi vị Định, giống như xe hơi chỉ có 3 bánh. Xe 3 bánh chẳng những không đưa chúng ta đến nơi tối hậu mà còn gây ra nguy hiểm cho ta trên đoạn đường đi về ngôi nhà “giải thoát”. Chính vì vậy, sau khi đạt được trạng thái bình thường tâm, chúng ta cần tiến hành những pháp mới trong 2 giai đoạn II và III để có kinh nghiệm về những tiến trình Định. Trong đó, pháp quan trọng nhất là “trút sạch khái niệm”. Đây chính là pháp giải tất cả những pháp tối hậu của 3 hệ thống Phật giáo: Từ Vô Vi Pháp trong hệ thống Nguyên Thủy, đến Nhất Tướng Pháp Ấn KHÔNG trong chân lý cứu cánh của Bát Nhã hay Pháp “Trống Không của Trống Không” trong Trung Quán của Ngài Long Thọ thuộc hệ Phát Triển, và pháp Tâm Không trong hệ Thiền tông. Nếu thực hành nghiêm túc, toàn bộ những pháp trong giai đoạn II và III đều có khả năng giúp chúng ta vào Định. Mỗi pháp đều tạo ra 1 mức độ Định đặc biệt. Và trong những mức Định đó đều giúp THÂN và những cơ chế trong THÂN loại trừ tập khí/lậu hoặc (vốn là nhân tố luân hồi sinh tử) đưa đến thân chứng (bodily experience), tâm chứng (spiritual experience) và phát triển trí vô sư.

    Đức Phật thành đạo thông qua những tiến trình Định. Định là nền tảng của Thiền Phật giáo gồm chung 3 hệ. (Nguyên Thủy, Đại Thừa và Thiền Tông). Thiếu Định không thể đi đến trong sạch hóa nghiệp thức, không thể chuyển hóa nội tâm, không thể giúp cơ thể khỏe mạnh, tiêu trừ bệnh tâm thể và không thể phát triển trí tuệ tâm linh. Thiếu Định xem như không thực hành đến nơi rốt ráo tối hậu của Thiền. Đây là sự khác biệt của Thiền Phật giáo với các tông phái khác trong đạo Phật. “Tâm bình” tuy rất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày của người cư sĩ, nhưng không phải là cứu cánh của giải thoát. Cho nên, đến một mức cao hơn ta phải đạt được tâm định kiên cố. Đây là giai đoạn tối hậu, thiền gia không thể không cần “xe Định” để đi, sau khi đã điều phục được con “trâu điên” nội tâm, làm chân tâm hiển lộ. Đây là lúc không còn “đánh trâu” nữa mà chính là lúc cần có chiếc xe tốt, chắc chắn để trâu kéo xe đưa ta về đến nhà “GIẢI THOÁT”. “Đánh trâu” chỉ có giá trị đối với người sơ cơ, vì cần điều phục tâm. Khi vọng tâm đã bị triệt tiêu, chân tâm ló dạng rồi thì người chuyên tu cần giải thoát hơn là an bình trong 4 oai nghi !

    Vì vậy muốn đi đến cứu cánh giải thoát hay đến giai đoạn tối hậu của Thiền, ta không thể nào bỏ lỡ những bước tối hậu của giai đoạn II và III để vào những tiến trình Định cao hơn, ngõ hầu đào thải tập khí/lậu hoặc và phát triển tâm linh.

    Kết luận

    Tự bản thân Giáo lý và Thiền không làm sao tạo ra được những công năng kỳ diệu trên thân tâm, não bộ và tâm linh chúng ta. Điều này có nghĩa Giáo lý và Thiền chẳng tự nhiên chuyển hóa nội tâm chúng ta, chẳng giúp chúng ta ngăn ngừa được ốm đau, bệnh tật, phát triển trí tuệ tâm linh; và xa hơn nữa, chẳng giúp chúng ta thành tựu viên mãn giải thoát tích cực. Cũng vậy, giác ngộ và giải thoát không phải từ bên ngoài đến, từ một vị thánh thần, Bồ Tát hay Đức Phật hoặc một vị Thiền sư xuất chúng nào ban cho chúng ta mà phải do chính chúng ta thể nhập Giáo lý thông qua sự thực hành Thiền Định. Không thực hành Thiền hay thực hành mà không đạt được Định, ta chỉ là nhà Thiền lý.

    Đức Phật từng nói về một ẩn dụ của một người muốn qua sông để đến bờ bên kia, người đó phải vào rừng hạ cây, mé sạch hết nhánh cây, chặt hết ngọn và gốc của cây. Rồi dùng dụng cụ khoét trống hết ruột thân cây, làm thành chiếc bè, với 1 bánh lái để định hướng chiếc bè. Sau đó làm thêm mái chèo hay cây sào. Cuối cùng từ nơi sức lực của mình, người đó với những cách thức, phương pháp chèo chống, tự đưa mình sang bờ bên kia mà không nhờ sức hỗ trợ của một ai, (Nhánh cây tương trưng cho những tri kiến thế gian; ngọn và gốc cây tượng trưng cho những mối quan hệ thế gian; ruột thân cây tượng trưng cho những vọng tưởng hay sự trống không của tâm; bánh lái tượng trứng cho phương pháp; mái chèo hay cây sào tượng trưng cho sức tự lực kiên trì.) Cũng vậy, muốn về đến nhà, muốn “rũ áo phong sương để làm con ông trưởng giả”, chúng ta phải học và hiểu thấu đáo pháp Thiền của H.T. Viện Chủ, rồi tích cực kiên trì thực hành. Chúng ta sẽ hiên ngang đi về nhà mà không e ngại những cám dỗ, những quyến rũ trên đoạn đường đi cô đơn của chúng ta. Thầy đã từ bi, vạch sẵn con đường, chỉ hướng cho chúng ta đi.

    Vậy, chúng ta hãy quẩy gánh hành trang, lên đường theo hưóng chỉ của Thầy. Dù đường quá dài, quá xa và nhiều chông gai, hầm hố, hùm beo, rắn độc, ma đăng già xuất hiện khắp nơi, nhưng nếu chúng ta chùn chân, không cương quyết phấn đấu tiến lên, chúng ta sẽ phụ rãy công ơn giáo dưỡng của Ngài, và kết quả sẽ mãi mãi đi lang thang.

    Xin mượn lời dạy của H.T. Viện Chủ để sách tấn:

    “Đạo là để hành, để tu chớ không phải để hiểu, để nhớ suông. Nếu hỏi đạo để hiểu, để nhớ, chỉ là việc đùa cợt vô ích.”

    Mong quyển Đồ Thị này trợ duyên đầy đủ các bạn tân Thiền sinh vốn hâm mộ pháp Thiền của Hòa Thượng Viện Chủ, có kim chỉ nam hướng dẫn cách thực hành cụ thể, mỗi khi các bạn cần đến.

    Seattle, ngày 15 tháng 6 năm 1994
    Thông Triệt

  9. #79
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Quote Originally Posted by chieclavotinh View Post
    Vì vậy, tu Thiền mà không nếm được mùi vị Định, giống như xe hơi chỉ có 3 bánh. Xe 3 bánh chẳng những không đưa chúng ta đến nơi tối hậu mà còn gây ra nguy hiểm cho ta trên đoạn đường đi về ngôi nhà “giải thoát”.

    Seattle, ngày 15 tháng 6 năm 1994
    Thông Triệt


    Đời mới chạy tốt lắm. 3 bánh chớ ủi tuyết
    như chơi luôn mà.
    Thầy viết năm 1994 chắc chưa có chiếc này:

    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  10. #80
    ĐỪNG XA NHAU NỮA
    Trần Trung Đạo

    Theo Dương Lịch, 23 tháng Ba là ngày giỗ của Huynh Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu.

    Tôi chợt nhớ đến bài thơ viết để tiễn biệt anh và cũng để nhắc nhở các anh chị em Gia Đình Phật Tử khắp nơi biết ngày anh ra đi. Bài thơ khá dài và kết luận bằng câu “Và đừng xa nhau nữa”.

    Tôi sinh hoạt đa dạng và trong nhiều lãnh vực, nhưng trong suốt đời mình cho đến ngày giỗ anh hôm nay, Gia Đình Phật Tử là tổ chức duy nhất mà tôi phát nguyện trung thành theo lý tưởng. Ngoại trừ các sinh hoạt bình thường trong cộng đồng nơi tôi đang sống, tôi chưa tham gia bất cứ một tổ chức không những chính trị mà cả văn hóa, xã hội với tầm vóc quốc gia nào.

    Nhân dịp Đại Lễ Phật Thành Đạo năm 1962, cha tôi dắt tôi đến chùa Ba Phong, làng Mã Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam để xin cho tôi được tham gia đội Đồng Niên của GĐPT Ba Phong.

    Liên Đoàn Trưởng đầu tiên của tôi là Huynh Trưởng Tâm Thanh Lê Thanh Hải. Trưởng Lê Thanh Hải rời đoàn để về sinh hoạt trong Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Nam và năm 1963 được Hòa Thượng Thích Long Trí làm lễ thế phát xuất gia ở chùa Viên Giác, Hội An cũng với pháp hiệu Tâm Thanh. Cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, Giảng Sư Viện Hóa Đạo GHPGVNTN và Cố Vấn Giáo Hạnh của GĐPTVN là một trong những kỳ duyên của Phật Giáo Việt Nam.

    Tôi bước theo duyên nghiệp vô cùng nghiệt ngã của mình nhưng sau đó cũng về Viên Giác. Dưới bóng đa già và ánh trăng trong sân chùa Viên Giác, cố Hòa Thượng Tâm Thanh, Hòa Thượng Thích Như Điển, nhiều tăng sĩ và học sinh mồ côi như tôi đã lớn lên trong nhiều thời điểm khác nhau.

    Cách đây hơn 20 năm, một lần Hòa Thượng Thích Trí Chơn viếng thăm chùa Lục Hòa ở Boston, trong một buổi lễ, Trưởng Tâm Chí Trương Xuân Bảo khuyến khích tôi phát nguyện làm huynh trưởng GĐPT để giúp gầy dựng GĐPT sau những đổi thay của thời tỵ nạn. Tôi vẫn nhớ lời anh khuyên, hệ thống Gia Đình Phật Tử cần những huynh trưởng có điều kiện học hành cả trong nước lẫn nước ngoài để hướng dẫn các em sinh ra hay lớn lên ở hải ngoại.

    Tôi không dám nhận lời vì biết mình không thể gánh vác thêm trọng trách. Tôi quá nhiều việc phải làm. Ngày đó tôi muốn viết nhiều về những vấn đề mà đất nước đang đương đầu và các thế hệ trẻ cần được biết. Cánh cửa “đổi mới” dù hẹp cũng đã mở ra, trách nhiệm của những người cầm bút là phải soi rọi ánh sáng vào.

    Tuy nhiên khi lễ bắt đầu, Trưởng Tâm Chí vẫn xướng danh Thị Nghĩa Trần Trung Đạo. Tôi ngượng ngùng đứng lên để nói vài lời. Đứng trước Tam Bảo uy nghiêm, với ánh mắt của HT Trí Chơn đang nhìn về phía tôi, Trưởng Tâm Chí và đồng bào Phật Tử đang chờ câu trả lời, tôi không biết làm thế nào để nói lời từ chối. Hôm đó, tôi phát nguyện làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử. Một Huynh Trưởng trong GĐPT Viên Lạc tặng tôi chiếc áo đoàn. Từ đó đến nay, duyên nghiệp cuốn tôi theo nhiều ngả nhưng trong lòng vẫn luôn nghĩ tôi là Huynh Trưởng GĐPT và chỉ một tổ chức tôi có trách nhiệm với sự thịnh suy là Gia Đình Phật Tử.

    Trong những năm ở chùa Viên Giác, không trực tiếp tham gia sinh hoạt đoàn nữa nhưng ngủ bên cạnh văn phòng Ban Hướng Dẫn Tỉnh và sư phụ chúng tôi là Đặc Ủy Thanh Niên Tỉnh Giáo Hội nên tôi có dịp gần gũi với hầu hết các Trưởng GĐPT Quảng Nam cũng như từ trung ương đến thăm.

    Hình ảnh Huynh Trưởng Tâm Đạt Nguyễn Văn Bạo, Trưởng Ban Hướng Dẫn Tỉnh Quảng Nam trên chiếc Mobylette ghé chùa thường xuyên vẫn còn rất rõ trong trí nhớ tôi. Anh tạ thế năm 1992 và được truy phong cấp Dũng.

    Trong những năm đầu thập niên 1970, Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu, Tổng Thư Ký BHDTƯ GĐPTVN làm việc tại Đà Nẵng và hay vào Hội An. Mỗi khi về chùa anh mặc đồ quân nhân, đeo lon Trung Tá nhưng trước khi đảnh lễ chư tôn đức, anh vào phòng tôi thay đồ.

    Sau 30 tháng 4, 1975, chúng tôi như hai chiếc lá bị cuốn đi trong dòng đời đầy oan nghiệt nhưng vẫn không quên nguồn cội.

    Anh em gặp lại nhau. Có một chút tủi buồn và cay đắng vì không phải trong sân chùa hay trong ngày họp trại mà tại một bịnh viện ở San Diego, nước Mỹ. Thằng bé chùa Viên Giác bây giờ đã lớn. Bao mùa thu đi qua. Không ai nhận ra nhau nhưng anh nhớ từng chi tiết nhỏ trong những lần anh ghé Hội An.

    Anh Tâm Huệ, dù rất yếu đuối mong manh, không khóc và tôi cũng không. Không giọt nước mắt vui mừng nhỏ xuống cho ngày gặp lại hay nhỏ xuống cho lần vĩnh viễn chia tay sắp sửa diễn ra. Chụp chung nhau một bức hình với nụ cười rất thật. Ánh sáng Hòa Tin Vui được thắp lên từ thuở đồng niên trong tâm hồn chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn sau gần một đời người.

    Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu qua đời ngày 23 tháng 3 năm 2009.

    Bài thơ Tiễn Biệt Huynh Trưởng GĐPTVN Tâm Huệ Cao Chánh Hựu

    Chiếc mũ vẫn còn đây
    Anh đã về cõi khác
    Dây Thân Ái chiều nay
    Sao chẳng còn ai hát

    Chiếc còi vẫn nằm im
    Trên bàn xưa trống trải
    Khi giọt máu từ tim
    Vừa ra đi, đi mãi

    Anh sống một cuộc đời
    Âm thầm như ngọn núi
    Ôm ấp nỗi niềm riêng
    Nghe đau mà không nói

    Giọt nước mắt mùa xuân
    Nhỏ trên từng phiến đá
    Như hạt bụi thời gian
    Phai theo màu chiếc lá

    Đoàn các em hôm nay
    Còn rất nhiều khốn khó
    Nhìn chiếc áo màu Lam
    Thấy tình anh trong đó

    Anh sẽ là mũi tên
    Trên quãng đường còn lại
    Để mai mốt các em
    Biết lối về đất trại

    Anh sẽ là mật thư
    Giấu trong vườn Sen Trắng
    Chỉ vỏn vẹn một câu
    Tình thương rồi sẽ thắng

    Anh sẽ là tiếng còi
    Thổi lên lời hy vọng
    Để em biết ngày mai
    Trời không còn biển động

    Anh sẽ là bài ca
    Giữa đêm dài hiu hắt
    Để em biết hôm qua
    Đau thương và nước mắt

    Anh sẽ là củi khô
    Đốt lên từng ngọn lửa
    Sưởi ấm mãi Tình Lam
    Và đừng xa nhau nữa.

    Nhớ nhé anh chị em, xin đừng xa nhau nữa !

 

 

Similar Threads

  1. Vào chùa Việt
    By Dân in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 1
    Last Post: 11-20-2013, 05:50 AM
  2. Học chùa
    By Triển in forum Giáo Dục
    Replies: 2
    Last Post: 06-29-2013, 10:11 PM
  3. Các Ni sư tự xây chùa Ni Viên Thông Tự ở Houston, Texas
    By Mây Hồng in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 2
    Last Post: 10-07-2012, 10:29 AM
  4. Lên chùa cúng sao
    By Triển in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 69
    Last Post: 03-16-2012, 10:46 AM
  5. Con sãi ở chùa lại quét lá đa
    By Triển in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 2
    Last Post: 11-15-2011, 10:25 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:15 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh