Register
Page 10 of 14 FirstFirst ... 89101112 ... LastLast
Results 91 to 100 of 139

Thread: The Vietnam War

  1. #91
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Trở lại vấn đề chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Như đã viết trong một bài trước, tháng 11 năm 1946, Pháp nổ súng khởi động một cuộc chiến mới với Việt Minh, bắt đầu từ Hải Phòng. Pháp thắng thế, chiếm được vùng đồng bằng và các thành phố lớn ở miền Bắc. Toàn bộ chính phủ và Trung Ương Đảng của Việt Minh bỏ Hà Nội, lần lượt rút về an toàn ở chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng và một số vùng phụ cận), kết thúc với Trung Đoàn Thủ Đô (thành lập bữa trước thì bữa sau) rút khỏi Hà Nội đêm 17 tháng 2 năm 1947. Việt Minh chia quân đóng rải rác nhiều nơi ở chiến khu Việt Bắc, sống lẫn trong dân chúng, tổ chức dân quân và đánh Pháp theo lối chiến tranh du kích. Pháp chiếm được Hà Nội và sau đó nhiều lần đem quân tấn công, nhưng đến cuối năm 1947, tháng 12, thì Pháp rút khỏi Việt Bắc.

    Việt Minh củng cố lực lượng quân sự. Đến năm 1950, sau khi Trung Cộng chiếm được lục địa Trung Hoa, Việt Minh nhận được viện trợ của Trung Cộng và Liên Xô. Thế mạnh này cho phép Việt Minh tổ chức lại hành chánh tại những vùng Việt Minh kiểm soát, bắt đầu bằng chính sách Cải Cách Ruộng Đất, bắt chước Trung Cộng, nhằm áp dụng đường lối xã hội chủ nghĩa của Karl Marx và Lenine vào năm 1953. Chính sâch Cải Cách Ruộng Đất được thực hiện bằng phong trào đấu tố để lấy tài sản của giai cấp địa chủ ở nông thôn và giai cấp tư sản ở thành thị. Để cổ động việc đấu tố, Việt Minh khuyến khích con cái “thoát ly” gia đình, tố cáo cả cha mẹ để chứng minh đầu óc cách mạng vô sản, vô thần và vô gia đình. Chính sách này đã giết hại hàng trăm ngàn người vô tội và đến năm 1956 chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã phải chính thức nhìn nhận đó là một chính sách sai lầm và cần được sửa sai.

  2. #92
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Sau khi rút khỏi Việt Bắc, Pháp bắt đầu thương lượng các thoả ước với vua Bảo Đại, hai bên thành lập chính phủ Quốc Gia Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp và quân đội Quốc Gia Việt Nam (như đã viết trong một bài trước).

    Thời gian này cũng là lúc học thuyết Domino chủ trương bới Tổng Thống Hoa Kỳ Harry S. Truman (và tiếp tục được áp dụng bởi các tổng thống Dwight D. Eisenhower, John F. Kennedy và các tổng thống kế nhiệm) đang được hoan nghênh khắp nơi để ngăn chận làn sóng đỏ. Học thuyết Domino dịch nôm na là Ảnh Hưởng Dây Chuyền, hễ một quân cờ domino ngã xuống thì nó sẽ làm ngã theo quân cờ đang đứng bên cạnh nó, và cứ thế các quân cờ domino thi nhau ngã cho đến hết. Hoa Kỳ tin rằng hễ một nước rơi vào tay cộng sản thì những nước láng giềng sẽ có nguy cơ bị nhuộm đỏ tiếp theo. Hoa Kỳ sẵn sàng và đã rộng rãi chi viện quân sự cho Pháp để chống lại Việt Minh, để Việt Nam không bị nhuộm đỏ, kéo theo Lào và Cao Miên. Nhưng đồng thời, Hoa Kỳ cũng không muốn Pháp tiếp tục đóng quân ở Đông Dương, thuộc địa cũ của Pháp. Vì vậy, Hoa Kỳ thúc giục Pháp phải tạo một thắng lợi quân sự lớn để có thể nắm được ưu thế trên một bàn hội nghị hoà bình quốc tế, giải quyết vấn đề Đông Dương. Bản thân nước Pháp cũng muốn tạo một chiến thắng quân sự để có thể rút khỏi Đông Dương trong danh dự.

    Mùa thu năm 1950, Tướng Marcel Carpentier quyết định rút quân khỏi vùng Hoà Bình, bản doanh của dân tộc Mường, là những người chẳng theo Pháp mà cũng chẳng yểm trợ Việt Minh. Tháng 11 năm 1951, Tướng Jean de Lattre de Tassigny thay đổi chiến lươc, quyết chiếm lại, nhằm thu phục lực lượng của người Mường và đồng thời cắt đứt đường tiếp tế từ Thanh Hoá lên Việt Bắc. Đang đà thắng thế ở Hoà Bình, Tướng De Lattre bất ngờ phải về Pháp để trị bệnh. Quân Pháp vì thế không còn muốn chiếm Hoà Bình và rút lui êm thắm. Việt Minh lại tiếp tục kiểm soát Hoà Bình từ tháng 2 năm 1952.

    Tám tháng sau, Việt Minh chiếm được Nghĩa Lộ, Lai Châu và một phần của Sơn La từ tay quân Pháp.

    Để tránh hậu hoạ, Pháp quyết định xây dựng căn cứ Nà Sản ở Sơn La. Nà Sản là một thung lũng nhỏ, diện tích chừng 2 cây số vuông, bao bọc bởi 24 ngọn đồi nhỏ. Pháp xây dựng một sân bay nhỏ để chuyên chở tiếp liệu. Những ngọn đồi chung quanh có thể dùng để phòng thủ, đối phó với các cuộc tấn công từ bên ngoài vào. Ngày 23 tháng 11 năm 1952, Việt Minh đem lực lượng đến tấn công, nhưng sau hai tuần lễ chiến đấu đẫm máu, Việt Minh phải rút lui vào ngày 4 tháng 12, để lại Nà Sản hơn 1500 tử sĩ và gần 2000 thương binh. Tuy nhiên, Pháp không giữ Nà Sản lâu. Cũng như kinh nghiệm Hoà Bình, Pháp quyết định rút lui êm thắm. Tháng 8 năm 1953, Pháp lẳng lặng thu quân khỏi căn cứ, theo một kế hoạch hữu hiệu, không tốn một giọt máu nào, trong khi Việt Minh vẫn bao vây, canh chừng động tĩnh của quân Pháp ở bên trong Nà Sản.

    Nước Lào, nằm phía tây của Việt Nam, bên kia dãy Trường Sơn, lúc bấy giờ, tuy đã tuyên bố độc lập và có hiến pháp riêng từ năm 1947, nhưng tình hình vẫn bị coi là bất ổn định vì đất nước vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi sự chiếm đóng của người Pháp mà chính trị nội bộ lại ảnh hưởng bới ba hoàng thân với ba lập trường khác nhau. Hoàng thân Souvanna Phouma và hoàng thân Boun Oum là con của các phó vương, sinh bới hai bà mẹ vốn là công chúa hay giòng dõi hoàng gia. Hoàng thân Souphanouvong cũng là con của một phó vương (Souphanouvong cùng cha với Souvanna Phouma), nhưng mẹ xuất thân từ thường dân. Cả ba hoàng thân đều học trường Pháp, nhưng không hiểu vì lý do gì, hoàng thân Souphanouvong có nhiều tư tưởng cấp tiến hơn và sống dấn thân hơn. Hoàng thân Souphanouvong có thời gian sống ở Hà Nội, làm việc ở Nha Trang và cưới vợ Việt Nam (Nguyễn Thị Kỳ Nam, con gái chủ khách sạn Bon Air, trước nhà ga Nha Trang).

    Hoàng thân Boun Oum chủ trương chính phủ thuộc vương quyền. Hoàng thân Souphanouvong tham gia đảng Cộng Sản, ủng hộ Hồ Chí Minh và kể từ năm 1950 lãnh đạo lực lượng vũ trang Pathet Lào. Hoàng thân Souvanna Phouma giữ thế trung lập.

    Cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1953, Pathet Lào hợp tác với Việt Minh, đánh thắng quân Pháp và kiểm soát được Sầm Nứa, của ngõ vào Cánh Đồng Chum và thủ đô Vạn Tượng của Lào, đi từ hướng tây bắc của Việt Nam. Sầm Nứa cũng là nơi sinh sống của dân tộc Mèo, một số người Mèo làm biệt kích cho Pháp trong cuộc chiến tranh Việt Pháp. Sầm Nứa từ đó trở thành căn cứ địa vững chắc của Pathet Lào, giúp Pathet Lào và Việt Minh hoạt động mạnh dọc theo hai bên dãy Trường Sơn.

    Pháp và Hoa Kỳ muốn bảo vệ Lào chống lại áp lực của Pathet Lào và Việt Minh, nên quay lại vùng tây bắc của Việt Nam. Tướng Henri Narrave, chỉ huy quân đội Liên Hiệp Pháp, mở ra chiền dịch Navarre.

  3. #93
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Tướng Henrri Navarre là một vị tướng có nhiều kinh nghiệm chiến trường nhờ đã tham gia hai cuộc thế chiến. Ông được giao nhiệm vụ chỉ huy quân đội Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương vào lúc quân Pháp, chỉ huy bởi đại tá Jean Gilles, vừa thắng lớn ở Nà Sản, đánh bại quân Việt Minh chỉ huy bới Tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tá Jean Gilles sau chiến thắng này được thăng lên cấp tướng, rất tự hào về chiến lược chiến thuật đã thành công của mình ở Nà Sản, gọi là chiến lược chiến thuật Hedgehog, dịch nôm na ra tiếng Việt là chiến lược chiến thuật Chuột Nhím. Chuột Nhím là chữ tượng hình của người phương Tây khi họ muốn so sánh sự khôn ngoan của người biết và chọn một điều đích đáng hơn là người biết mười nhưng chỉ là chuyện lẻ tẻ (khôn như cáo). Tướng Navarre chấp nhận chiến lược chiến thuật này, nghĩa là chọn một chiến trường lớn, dụ địch lọt vào tròng trong khi mình đã tổ chức để nắm chắc phần thắng, thắng một trận để đời, hơn là cứ tập kích lẻ tẻ mà chiến tranh Đông Dương vẫn kéo dài, không thể kết thúc được. Navarre tin tưởng Pháp đã thắng ở Nà Sản thì cứ áp dụng công thức đó, nhân lên thành đại sự, thì sẽ có thắng lớn.

    Bất chấp những lời can ngăn của các tướng tá thuộc cấp, Tướng Navarre chọn Điện Biên Phủ, một thung lũng lòng chảo cách biên giới Lào 8 km và cách Hà Nội 300 km, có sông Nậm Rốm uốn khúc chảy qua. Vùng Điện Biên Phủ để lập căn cứ này rộng khoảng 5 km, trải dài khoảng 15 km, nghĩa là có diện tích khoảng 75 cây số vuông, rộng hơn gấp 35 lần diện tích Nà Sản (khác xa). Cũng giống Lai Châu và Sơn La, sinh sống nơi đây đa số là người Thái, rồi đến người H’mong và các dân tộc khác, sản xuất được nhiều lúa gạo. Ở Điện Biên Phủ, trước đây quân Nhật đã xây dựng một đường bay ở Mường Thanh để chuyên chở vũ khí và tiếp liệu trong thời kỳ Nhật chiếm đóng. Tướng Navarre tin tưởng vào khả năng của không quân, không vận, pháo binh, hoả lực, quân số của Pháp và viện trợ của Hoa Kỳ. Tướng Navarre tin rằng Việt Minh chỉ giỏi đánh du kích, không có vũ khí hạng nặng để phòng không, Điện Biên Phủ nằm giữa rừng già hẻo lánh, Việt Minh muốn vận chuyển vũ khí và lương thực để đánh lớn hay tiếp tục cuộc chiến là chuyện không dễ.

    Đầu tháng 11 năm 1953, Tướng Jean Gilles mở một cuộc hành quân dọn đường trước ở Điện Biên Phủ. Sáng ngày 20 tháng 11 năm 1953, quân Pháp bắt đầu nhảy dù xuống, trong vòng ba ngày đã được 9000 binh sĩ liên quân. Trọng trách chỉ huy được giao cho đại tá kỵ binh Christian de Castries, người được thăng cấp lên Thiếu Tướng ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ chẳng bao lâu sau. Pháp bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự Điện Biên Phủ, kể cả mở thêm một sân bay thứ hai ở Hồng Cúm.

    Những giao tranh nhỏ trong vùng đã xảy khi quân Pháp mở các cuộc tuần hành. Trinh sát của Việt Minh bắt đầu hoạt động. Tình hình căng thẳng từ tháng 1 năm 1954. Tướng Navarre ý thức được rằng địa lý chiến lược của Điện Biên Phủ không giống địa lý chiến lược của Nà Sản. Lập một căn cứ quân sự chiến lược chỉ có thể tiếp tế bằng đường hàng không chẳng thể nào là một lợi thế cho Pháp. Một số tài liệu cho rằng Tướng Navarre đã có lần dè dặt, muốn rút lui kế hoạch nhưng không thể bảo đảm an toàn cho một cuộc rút lui. Một số tài liệu cho rằng Tướng Võ Nguyên Giáp lưỡng lự giữa quyết định tấn công vào tháng 1 năm 1954 hay hoãn lại để chuẩn bị kỹ càng hơn. Tướng Võ Nguyên Giáp đã học được bài học ở Nà Sản và quyết định chờ đến khi kế hoạch của Việt Minh đã sẵn sàng.

    Trước khi mở cuộc tấn công chính thức vào sáng ngày 13 tháng 3 năm 1954, Tướng Võ Nguyên Giáp đã có hơn 3 tháng để chuẩn bị để đánh Pháp bằng những đòn bất ngờ. Về vũ khí, nhờ Trung Cộng và Liên Xô viện trợ, Việt Minh trang bị đầy đủ súng đạn, nhất là súng cơ giới cao xạ có khả năng bắn hạ máy bay, và phương tiện truyền tin. Việt Minh huy động dân công tháo ráp các súng cao xạ được viện trợ trong khi chuyển vận theo đường thuỷ và đường núi. Việt Minh xây hầm bọc gỗ kiên cố để những cỗ pháo tránh bom và đục núi để dấu và nguỵ trang súng cao xạ. Ngoài ra Việt Minh còn dùng gỗ sơn đen làm súng cao xạ giả để đánh lạc hướng địch. Về lương thực, Việt Minh dùng xe đạp để thồ gạo đem đến chỗ nuôi quân. Về quân số, Việt Minh có khoảng 50000 quân và tận dụng chiến thuật biển người (so với 14000 quân Pháp). Để tiếp cận địch, Việt Minh đào đường hầm để có thể xuất hiện bất ngờ. Trước ngày 13 tháng 3 năm 1954, Việt Minh chỉ đánh nghi binh để đủ thì giờ và che đậy cho việc chuẩn bị cho trận tấn công thật sự. Những điều này đã vượt quá xa dự kiến của chiến dịch Navarre.

    Ngày 13 tháng 3 năm 1954, Việt Minh từ trên cao bất ngờ pháo dữ dội vào các hầm trú quân của Pháp, yểm trợ cho bộ binh tiến vào theo thế biển người. Việt Minh lần lượt chiếm các ngọn đồi và nhanh chóng khống chế máy bay Pháp không lên xuống được ở hai đường bay Mường Thanh và Hồng Cúm. Thương binh Pháp không được tải thương, thiếu chỗ nằm, tinh thần binh sĩ Pháp sa sút. Lương thực và tiếp viện thả dù xuống cho quân Pháp một phần rơi vào đất Việt Minh đã chiếm được, một phần không dễ thu nhặt vì hoả lực liên tục của Việt Minh.

    Sau 55 ngày bao vây Điện Biên Phủ và biển người tử chiến, Việt Minh cắm được cờ trên các cứ điểm trọng yếu của Pháp. Đường không vận bị cắt đứt, không giải quyết được tình trạng thương binh, tử sĩ, vệ sinh và nước uống, Pháp mệt mỏi kéo cờ trắng đầu hàng ngày 7 tháng 5 năm 1954, một ngày trước khi Hội Nghị Genève về hoà bình cho Đông Dương khai mạc.

  4. #94
    Biệt Thự HaiViet's Avatar
    Join Date
    Oct 2015
    Posts
    1,208
    -Chị PhuongVy thuộc lịch sử quá, những tài liệu này đã đọc qua nhưng không nhớ từng chi tiết như chị. Chắc hồi xưa chị là giáo sư sử địa hả?



  5. #95
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Chào chị Thuỵ Khanh, anh Hải Việt, Nhã Uyên và các bạn. Cảm ơn anh Hải Việt. Thế hệ chúng ta đã học Việt sử cận đại trong trường và sống qua thời chiến nên những chi tiết PV kể lại không có gì xa lạ. PV chỉ đang cố gắng sắp xếp lại đầu đuôi để giúp các bạn trẻ hiểu thêm về những mắt xích đã đưa lịch sử sang trang. PV thích sử địa, nên tự nhiên cứ nhớ những con số, như chiều cao của ngọn núi Fansipan cao nhất nước Việt Nam trong dãy Hoàng Liên Sơn (học từ lớp nhất), như năm Hai Bà Trưng tuẫn tiết, năm Ngô Quyền xưng vương, năm vua Gia Long thống nhất sơn hà và lên ngôi hoàng đế, vân vân. Nhưng ngày và tháng thì khi viết PV phải kiểm chứng lại trí nhớ có giới hạn của mình, nhiều khi viết nháp xong rồi nhưng cứ phải kiểm chứng nên viết bài hơi mất thì giờ.

    Hồi nhỏ PV may mắn học sử địa với thầy cô giỏi nên cũng mơ ước lớn lên làm cô giáo dạy sử địa, nhưng mơ ước cũng chỉ là ước mơ. PV không phải là cô giáo dạy sử địa. Nói rằng PV vẫn còn mê sử địa và còn tốn tiền mua sách sử địa để đọc thì đúng nhất, nhờ thầy cô. Như PV đã có lần kể, thầy dạy sử địa của PV dạy giỏi đến nỗi năm 1981, lần đầu tiên PV đi xe lửa ra Bắc, qua Thanh Hoá, khi nghe người bên cạnh nói xe lửa đang qua vùng Đông Quan, PV nhìn ra lau lách bên ngoài và nghe được tiếng gươm giáo chạm nhau như quân của người anh hùng áo vải đất Lam Sơn đang đánh đuổi quân Minh.

  6. #96
    Biệt Thự HXhuongkhuya's Avatar
    Join Date
    Jan 2015
    Posts
    4,662
    Cám ơn chị Vy chị khó viết lại các giai đoạn lịch sử , H theo đọc từng phần thật thích nhưng chưa đọc hết nên chưa để dấu tay mà để dành sẽ đọc tiếp những phần sau khi có nhiều thời gian hơn .

    Hôm nay được ôn lại sử sách với chị Vy trong post trên mà trong lòng run run cảm xúc , bởi đỉnh núi Fansipan cao ngất đỉnh đầu phía Bắc , nơi H đã đến và những nấc ruộng bậc thang Mù Căng Chải đep như tranh trong sách vở đã bị trận lũ vừa rồi gây nhiều thiệt hại .


    Đọc những địa danh lịch sử , các vị anh hùng , vua chúa , chị Vy nhắc đến , lòng cứ rộn ràng khi nghĩ đến những trận đánh hào hùng của tiền nhân khi có dịp đi ngang các địa danh ấy , càng không khỏi mủi lòng ngẫm những vị tướng tài phải chịu nỗi oan mà chết rồi vẫn bị quật mồ .

    Nhắc tới vua Gia Long không thể quên người hùng áo vải Lam Sơn , vua Quang Trung , H còn nhớ câu vè dân gian :
    " con vua lại lấy hai vua làm chồng " ,
    H hay nói lộn như thế , thực ra là câu này " con vua lại lấy hai chồng làm vua " để nói về vợ của vua Gia Long , công chúa Ngọc Bình , em gái của công chúa Ngọc Hân ( vợ của vua Quang Trung ) . Có ai ngờ Nguyễn Huệ và vua Gia Long lại là anh em cột chèo chị Vy nhỉ .

    Ước mơ làm cô giáo ... Khi xưa H cũng mơ được đứng trên bục giảng chỉ vì ái mộ thầy cô dạy môn văn , sử địa .
    Cám ơn chị Vy , Uyên và các anh chị đã chia sẻ trong đây .

    HXhuongkhuya cám ơn các anh chị
    , các bạn ghé thăm .




  7. #97
    Biệt Thự
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,000
    Quote Originally Posted by PhPhuongVy View Post
    Cảm ơn anh Hải Việt. Thế hệ chúng ta đã học Việt sử cận đại trong trường và sống qua thời chiến nên những chi tiết PV kể lại không có gì xa lạ. PV chỉ đang cố gắng sắp xếp lại đầu đuôi để giúp các bạn trẻ hiểu thêm về những mắt xích đã đưa lịch sử sang trang.
    Viết một bài sơ lược hay rất khó. Phải có sự hiểu biết và viết làm sao cho ngắn gọn mà đầy đủ thông tin và có thể truyền đạt sự hiểu biết ấy đến người đọc. Cám ơn chị PhPhuongVy giúp NU hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. "Yoda best!"
    Có khi trời nắng, có khi trời mưa.

  8. #98
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Theo tài liệu của chính phủ Pháp, trong trận Điện Biên Phủ, Pháp đã chịu nhiều tổn thất về nhân mạng, với 2000 tử sĩ, 4400 thương binh, 1600 người mất tích. Khi Pháp buông súng đầu hàng, Việt Minh bắt được 10300 tù binh, gồm cả 4400 người bị thương vừa kể. Trong số 10300 tù binh này, chỉ có 3300 người được trao trả cho Pháp. Số còn lại đã chết vì thương tích, vì thiếu thuốc men và điều trị, chết trên đường đến trại tù, hoặc vì bị đói khát, bị hành hạ hay bị hành quyết. Phía Việt Minh có khoảng 8000 tử thương và 15000 bị thương.

  9. #99
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Hiện diện tại Hội Nghị Genève (Thụy Sĩ) về hoà bình cho Đông Dương có Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Cộng, Quốc Gia Việt Nam, Việt Minh (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà), Cam Bốt và Lào. Hội nghị bắt đầu ngày 8 tháng 5 năm 1954 và kết thúc hai tháng rưỡi sau đó, ngày 20 tháng 7 năm 1954, với 3 hiệp ước về quân sự được ký kết để chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương, 6 bản tuyên bố riêng của các quốc gia và 1 bản tuyên cáo chung (Final Declaration of the Geneva Conference) không có chữ ký nào.

    Cam Bốt và Lào mỗi bên ký riêng với các phe tham dự một hiệp định về hoà bình cho đất nước của họ.

    Riêng về hoà bình cho Việt Nam, Hiệp Định Genève 1954 bao gồm các điều khoản chính sau đây:

    - Hiệp Định Genève 1954 tôn trọng độc lập, tự do và chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

    - Vĩ tuyến 17, nơi sông Bến Hải chảy qua, phân định đường chia ngang vùng phi quân sự của Việt Nam, mỗi bên cách 5 km tính từ vĩ tuyến 17. Đường phân chia này không nhằm vĩnh viễn chia cắt biên giới chính trị hay hành chánh chính thức của hai miền Nam và Bắc ở Việt Nam.

    - Quân đội Liên Hiệp Pháp và quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đồng ý ngừng bắn và trao trả tù binh. Trong vòng 300 ngày, quân đội Liên Hiệp Pháp phải rút hết quân về phía Nam của vĩ tuyến 17 và quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà phải rút hết quân về phía Bắc của vĩ tuyến 17. Hai bên không bên nào được tăng cường lực lượng quân sự của mình hoặc liên minh quân sự với các lực lượng quân sự khác.

    - Trong vòng 300 ngày ngừng bắn này, dân chúng được quyền tự do đi lại.

    Bên cạnh Hiệp Định Genève, Bản Tuyên Cáo Chung (không nước nào ký) đề nghị rằng Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (từ đây gọi tắt là Uỷ Hội Quốc Tế) được thành lập, gồm có đại diện của hai nước Gia Nã Đại và Ba Lan, chủ toạ bới đại diện của Ấn Độ.

    Hiệp Định Genève 1954 về hoà bình tại Việt Nam được ký kết bởi Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Cộng và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Quốc Gia Việt Nam từ chối không ký bản hiệp định này. Hoa Kỳ cũng không ký, nhưng ra một bản tuyên cáo xác nhận Hoa Kỳ tôn trọng các điều khoản đình chiến giữa Liên Hiệp Pháp và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và ủng hộ một cuộc tổng tuyển cử tự do, hai năm sau, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, như đã được đề nghị trong Bản Tuyên Cáo Chung (trong khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tán thành việc tổng tuyển cử nhưng không công nhận thẩm quyền kiểm soát tổng tuyển cử của Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến).

    https://peacemaker.un.org/sites/peac...Agreements.pdf

    Hiệp Định Genève vừa ký xong, đầu tháng 8 năm 1954, người di cư từ miền Bắc vào Nam bắt đầu tràn dâng như sóng. Thống kê của Uỷ Hội Quốc Tế ghi nhận có khoảng 900 ngàn người đã di cư từ bắc vào Nam, sau hiệp định. Họ là những người theo Thiên Chúa giáo, những gia đình bị liệt vào giai cấp địa chủ, bị quy vào hàng trung nông, những nhà buôn, những người có đủ tự do để di cư từ những vùng do Pháp kiểm soát, hay do quân đội Quốc Gia Việt Nam kiểm soát (như Bùi Chu, Phát Diệm), hay những người trốn thoát được Việt Minh từ những vùng xôi đậu hay những vùng do Việt Minh kiểm soát. Những người di cư vào Nam cũng là những người đã từng góp phần trong việc ủng hộ Việt Minh nhưng cũng không thể thoát nổi cuộc “đấu tranh giai cấp” do chủ nghĩa cộng sản sinh ra. Ngoài 900 ngàn người di cư do Uỷ Hội Quốc Tế chính thức ghi nhận, người di cư nhờ trốn thoát khỏi sự kiểm soát của Việt Minh và không qua sự giúp đỡ của Uỷ Hội Quốc Tế cũng lên đến một con số đáng kể, nói chung là tổng số người di cư vào Nam phải có đến hàng triệu. Họ di cư bằng tàu hải quân Hoa Kỳ, tàu biển của Anh, Pháp, Đài Loan, Ba Lan, bằng cầu không vận nối phi trường Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) với các phi trường Gia Lâm, Bạch Mai (Hà Nội) và Cát Bi (Hải Phòng) tổ chức và giúp đỡ bởi các chính phủ Úc, Ý, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Tây Đức, Nam Hàn và các tổ chức quốc tế như UNICEF, Hồng Thập Tự, Catholic Relief Services, Church World Services, Mennonite Central Committee, CARE và Thanh Thương Hội Quốc Tế. Số người di cư đông quá đông, Cao Uỷ Pháp phải xin Việt Minh gia hạn thêm ba tháng, từ 19 tháng 5 đến 19 tháng 8 năm 1955.

    Từ miền Nam, những người đã từng theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp và những người có cảm tình với Việt Minh cũng bắt đầu tập kết hay đem gia đình tập kết ra Bắc. Họ băng Trường Sơn hay đi tàu biển cung cấp bới các chính phủ Anh, Pháp và Ba Lan. Tổng số người tập kết từ Nam ra Bắc có thể lên đến gần 100 ngàn người.

    Về phía Liên Hiệp Pháp, sau khi rút lui xong từ các tỉnh miền châu thổ sông Hồng, ngày 9 tháng 10 năm 1954, quân Pháp từ Thành Hà Nội hạ cờ Pháp xuống, tuần tự băng qua cầu Long Biên để lên tàu qua Hải Phòng, tập trung chờ ngày rời Việt Nam về nước.

    Hôm sau, ngày 10 tháng 10 năm 1954, Việt Minh trở về Hà Nội sau gần 8 năm rút lui về Việt Bắc và gọi Hà Nội là thủ đô của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

    Ở miền Nam, ngày 20 tháng 5 năm 1955, quân Pháp bắt đầu rời Sài Gòn và kết thúc việc rút quân khỏi Việt Nam vào ngày 28 tháng 4 năm 1956.

  10. #100
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Quote Originally Posted by PhPhuongVy View Post
    Theo tài liệu của chính phủ Pháp, trong trận Điện Biên Phủ, Pháp đã chịu nhiều tổn thất về nhân mạng, với 2000 tử sĩ, 4400 thương binh, 1600 người mất tích. Khi Pháp buông súng đầu hàng, Việt Minh bắt được 10300 tù binh, gồm cả 4400 người bị thương vừa kể.
    Quote Originally Posted by PhPhuongVy View Post
    Trong số 10300 tù binh này, chỉ có 3300 người được trao trả cho Pháp. Số còn lại đã chết vì thương tích, vì thiếu thuốc men và điều trị, chết trên đường đến trại tù, hoặc vì bị đói khát, bị hành hạ hay bị hành quyết. Phía Việt Minh có khoảng 8000 tử thương và 15000 bị thương.
    Theo tờ báo Đức thì có 3290 tù binh sống sót được trao trả sau 120 ngày thua trận. Còn 7573 tử thi để lại Điện Biên Phủ. Vị chi là 10963 người. Tuy nhiên một điều ít ai biết đến được tờ báo Đức này và các tờ báo Pháp sau này nhắc tới là có đến 45% lính đánh thuê trong đoàn lính viễn chinh Pháp là lính của Wehrmacht! Nghĩa là lính của quân đội Đức Quốc Xã. Sau khi bị bắt làm tù binh sau đệ nhị thế chiến đã gia nhập đoàn lính viễn chinh Pháp sang tận VN. Số lính này được cho là sợ chiến dịch Entnazifizierung (Anh: Denazification) nghĩa là tẩy trừ chủ nghĩa Đức Quốc Xã, sau đệ nhị thế chiến được liên minh 4 bên áp dụng lên nước Đức sau khi thua trận từ tháng 7 năm 1945). Trong số 3200 lính dù trong trận Điện Biên Phủ có đến 1600 người là lính SS, lính Đức Quốc Xã.

    trang báo Pháp này cũng viết về số lính SS nói trên.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

 

 

Similar Threads

  1. Vietnam Road Trip Dec 30, 2015 - Jan 7th, 2016
    By TranTrinhThy in forum Không Gian Riêng
    Replies: 23
    Last Post: 08-22-2019, 04:24 AM
  2. Vietnam next top model ... ?!
    By Eve. in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 0
    Last Post: 02-23-2014, 04:08 PM
  3. Vote for Vietnam Human Rights Act (HR 1897)
    By visabelle in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 1
    Last Post: 06-25-2013, 05:06 PM
  4. Biểu tình chống Vietnam Airlines tại Pháp
    By NangThuyTinh in forum Lượm Lặt Khắp Nơi
    Replies: 10
    Last Post: 05-13-2013, 06:44 AM
  5. Mystery Illness Strikes Vietnam
    By ngocdam66 in forum Sức Khoẻ/Sắc Đẹp
    Replies: 1
    Last Post: 04-20-2012, 09:55 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 08:33 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh