Register
Results 1 to 4 of 4
  1. #1

    NHỮNG HIỂU LẦM VỀ ĐẠO PHẬT - Minh Đức Triều Tâm Ảnh

    (Pháp thoại giảng tại Hội Phật học Đuốc Tuệ -Trung tâm Sangha Center - Nam California, sau đó được phật tửĐạo Pháp- Nguyễn Trường Thành - Quảng Trị ghi chép lại. Tôi phải chỉnh sửa, nhuận sắc, đôi chỗ phải viết lại mới hình thành được diện mạo như thế này. Có đôi chỗ sai khác với bài giảng nói, xin chư thiện hữu trí thức thông cảm).


    Phần I
    (Ngày 19-4-2015)



    Hôm nay tôi đến đây do bài viết "Những hiểu lầm về Đạo Phật" đã đăng trên mạng thuvienhoasen.org; trong đó, tôi có đưa ra 20 điểm sai khác, đặc trưng, gây hiểu lầm về đạo Phật, ấy là những điểm cơ bản chỉ mang tính khái quát; thực ra là còn nữa, còn rất nhiều hiểu lầm khác về đạo Phật mà chưa được ai nói ra hoặc là chưa được bậc long tượng nào giải minh cho thấu đáo.


    Do duyên sự ấy, cư sĩ Mật Nghiêm mời tôi sang đây để giảng lại đề tài đó. Quả thật tôi có ngần ngại vì các tông phái của chúng ta hiểu lầm nhau quá nhiều; ngay chính trong Phật Giáo, giới tu sĩ và cư sĩ cũng do không nắm rõ giáo pháp của đức Phật để phân biệt đâu là phương tiện, đâu là cứu cánh. Đôi khi lấy phương tiện che mờ cứu cánh, không còn biết cứu cánh ở đâu nữa mà toàn thấy phương tiện, phương tiện không thôi.


    Sư tử trùng thực sư tử nhục - Chỉ có vi trùng của sư tử mới ăn thịt được sư tử. Cũng vậy, đạo Phật bị tàn hoại, bị tha hoá, có thể đi đến diệt vong cũng bởi những người tu Phật. Không ai dám nhìn thẳng vào mặt mình, không ai dám nói, không ai dám đối diện với những lỗi lầm của mình, mà luôn tìm cách biện minh, bảo vệ cách này hay cách khác. Sự thực, tất cả những hiểu lầm trầm trọng đó biến đạo Phật thành một tôn giáo có thần linh, có thượng đế, người ta hiểu lầm tại sao lại có "vía", "hồn", "linh"... và rất nhiều điều khác nữa.


    Như đã nói ở trên, bài viết thu hút được rất nhiều sự quan tâm của độc giả. Sau khi cư sĩ Tâm Diệu đăng tải thì nhận được rất nhiều lời bình luận, khen có, chê có… thậm chí có những lời bình luận che mất luôn cả sự thật. Thiền tông có câu "Đầu thượng trước đầu, tuyết thượng gia sương", đây là cái đầu, chồng thêm một cái đầu nữa, hai cái, ba cái rồi người ta tranh luận những cái đầu phía trên này, chẳng liên hệ gì cái thực cả.


    Hồi trưa, nằm nghỉ ở nhà của một đạo hữu, thấy trên tường có treo mấy chữ của H.T Nhất Hạnh "There is no way to happiness, happiness is the way" tạm dịch là "không có con đường đi đến hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường". Chúng ta thường nói phương tiện và cứu cánh, bày ra đủ loại phương tiện để đạt cứu cánh, cho đến lúc phương tiện che lấp cứu cánh; nếu có phương tiện là con đường đi đến cứu cánh, thì người ta đi mãi đi hoài một con đường, mong chờ hạnh phúc nơi cứu cánh, nhưng không biết rằng hạnh phúc chính là con đường tại đây và bây giờ.


    Tất cả những điểm mà tôi gọi là hiểu lầm đó, đến lúc này, hơn ai hết, là người tu Phật, chúng ta phải trung thực, phải dũng cảm để gỡ bỏ từng lớp tường rào khái niệm ngăn cách, phải gạn lọc hết những mờ ảo khói sương bên ngoài Phật Giáo đã phủ bụi theo năm tháng, trả lại cho đạo Phật – con đường giải thoát - cái gì như chân, như thực để chúng ta cùng nhau tu tập. Nhưng mà làm thế nào? Tôi sẽ từ từ mở ra từng nút thắt một, chúng ta cùng phân tích, suy ngẫm xem thử đây có phải là những hiểu lầm mà khi nhìn vào Phật giáo, người ta đánh giá, chỉ trích hay không? Chúng ta là Phật tử, đôi khi có rất nhiều người chưa hiểu rõ “đạo Phật” và “Phật giáo” khác nhau thế nào. Đạo Phật là con đường giác ngộ. Phật giáo là những ngôn giáocủa đức Phật. Vậy thì nó khác nhau hoàn toàn. Ngôn giáo của đức Phật là phương tiện, còn con đườnggiác ngộ mới là cứu cánh. Đạo Phật là đạo giác ngộ. Vậy nên, những điều tôi trình bày sau đây không ngoài mục đích trả lại sự trong sáng cho đạo Phật, con đường giải thoát như chơn, như thực, để không còn những hiểu lầm đáng tiếc như vậy nữa trong tương lai.
    Last edited by Kiên Bùi; 09-22-2017 at 08:31 AM.

  2. #2
    1- Tôn giáo

    Tôn giáo (réligion) là sản phẩm của Tây phương để chỉ những tôn giáo hữu thần như Ki-tô giáo, Hồi giáo, Bà-la-môn giáo. Tôn giáo, theo định nghĩa của Tây phương thì nó phải hội đủ 3 yếu tố: 01 vị thượng đế, thần linh; 01 hệ thống tư tưởng và 01 hình thức tổ chức với cơ cấu nhân sự, lễ nghi, cúng bái, cầu nguyện tha lực.


    Các tổ chức tín ngưỡng trên toàn cầu đều gồm đủ 3 yếu tố ấy nên được gọi là Tôn Giáo. Riêng đạo Phậtthì không có yếu tố thứ nhất, không có một thượng đế, thần linh nào cả. Có yếu tố thứ hai, tức là một hệ thống tư tưởng, giáo pháp (Tam Tạng Kinh) thì rất phong phú. Riêng yếu tố thứ ba, thì có nhưng được xem nhẹ. Tịnh Độ tông thì đậm đặc yếu tố thứ ba. Thiền tông thì hoàn toàn ngược lại với Tịnh Độ là không có tha lực, cầu nguyện, chỉ chú trọng tự lực, tự giác.


    Yếu tố thứ hai tức là “một hệ thống tư tưởng” cũng phải nên bàn lại. Có nhiều học giả sính cái mác Tây học, sợ rằng đạo Phật không có triết lý - nên “hệ thống tư tưởng Phật học” họ gọi là triết lý của đạo Phật. Xin thưa ngay rằng, tất cả cái gọi là triết lý, triết luận, triết học đều là sản phẩm của Tây phương duy lý, là sự chia chẻ, phân tích các ý niệm trừu tượng thiên về luận suy, luận tri, luận thức, phán đoán “thực tại” chứ chưa bao giờ là “thực tại”. Đông phương, nhất là Phật giáo với trọn bộ Tam Tạng thánh điển, đức Phật do tuệ giác thâm sâu, cao viễn nhưng thiết thực, ngài chứng nghiệm như thế nào thì ngài nói ra như thế ấy; nói ra, “như thị thuyết”, “như thực thuyết”. Nếu sử dụng từ triết lý thì chỉ đúng ở lãnh vực triết luận của chư tổ trong các luận thuyết của các ngài thời hậu tác mà thôi.


    Từ xưa đến nay, hầu như trên thế giới này toàn là Tôn Giáo vì đều tôn thờ thần linh, thượng đế hoặc một vị sáng tạo chủ nào đó. Còn đạo Phật, đức Phật đâu phải là vị thần linh, thượng đế nào? Hơn ai hết, mình là tu sĩ, là cư sĩ thì đừng gọi mình là tôn giáo, người khác nhìn vào cứ tưởng đạo Phật của chúng ta có một đấng thượng đế siêu hình, siêu huyền, siêu nhiên nào đó để mà cầu xin, van vái…thì “nguy to”!


    2- Tín ngưỡng


    Đạo Phật có tín ngưỡng, có sinh hoạt tín ngưỡng nhưng mà không coi tín ngưỡng là mục đích để mọi người cúng kiếng, thờ phượng, van vái, cầu xin bởi những ước mơ dung tục, dung phàm của đời thường. Những người tu sĩ hay cư sĩ cũng đảnh lễ, chiêm bái, tôn kính đức Phật, đức Pháp, đức Tăng với tâm thành kính vô biên để tri ân Tam Bảo, và noi theo Tam Bảo để tu tập. Như vậy, đạo Phật có hình thức tín ngưỡng nhưng hoàn toàn khác với những tín ngưỡng của những tôn giáo nhất thần, đa thần hoặc cầu lạy van xin gốc đa, ông táo như của thế gian.


    Đức Phật nói thế này: “Như biển chỉ có một vị mặn, giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”. Hãy để ý rằng, tất cả mọi lăng xăng phương tiện hoằng pháp của chúng ta, nhìn thì có vẻ rất phong phú, đa dạng, hầu như đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu tâm linh cho đông đảo cư sĩ phật tử; nhưng nếu không chú trọng đến sự khổ và sự diệt khổ thì có lợi ích thật sự không, hay chỉ giống như tất cả mọi sinh hoạt thế tục? Vậy thì nơi nào trọng, nơi nào khinh, nơi nào cốt lõi, nơi nào tùy nghi phương tiện, nơi nào cứu cánh giác ngộ giải thoát, chắc quý vị đều đã hiểu cả rồi.


    Có lần ra Hà Nội, có ông sư đệ tử của tôi, khi đi vô một ngôi chùa thấy chỗ đền thờ Mẫu thì nguy nga tráng lệ lắm, còn chỗ thờ Phật thì sao mà âm u tăm tối; bèn hỏi bà cô trong chùa răng mà chỗ thờ Phật lại nhem nhuốc sơ sài ri, còn chỗ thờ Mẫu thì sang trọng sạch sẽ rứa. Bà kia mới nói rằng "thờ Phật thì ngồi đó mà húp cháo à?” Quý vị thấy đó, nơi nào có quỳ lạy, van xin, ban phước thì quần chúng mới đông vui, xôm tụ; nơi nào có hối lộ thần linh, đút lót thần linh thì nơi đó có mâm cao, cỗ đầy… Nói chung, bây giờ người ta bày ra đủ trò ma mị để mong khỏa lấp đi những nỗi sợ hãi, bất an của đời người lắm gian tham quỷ quyệtnày. Và giới tu sĩ giữ chùa, những ông thầy cúng, thầy tụng, kiểu như bà cô vừa rồi là cũng để che giấu cho cái ngu si, dốt nát của mình mà thôi. Đau lòng chưa!
    Last edited by Kiên Bùi; 09-22-2017 at 08:24 AM.

  3. #3
    3- Triết lý, triết học


    Đến chỗ này thì vẻ cao siêu rồi, đó là vấn đề triết học. Mấy ông sư, ông thầy đi học tiến sĩ về, ông nào cũng lăng xăng mình là tiến sĩ triết học, tưởng là ghê gớm lắm, viết quyển sách nói về triết học của đạo Phật, tôi nghe mà đau đầu lắm, hoá ra họ chẳng hiểu Phật là gì cả. Theo Hán ngữ, chữ "triết" bao gồm bộ thủ (cái tay), bộ cân (cái rìu) và bộ khẩu (cái miệng). Triết là tay cầm cái búa để mà "chia" rồi "chẻ", “phán” rồi “đoán” thực tại cho manh cho mún, cho chi ly, vụn vặt ra... Cái đó là dùng cho triết học Tây Phươngthôi, nó khác với đạo Phật là như thực thuyết, như thị thuyết. Cho nên, tất cả mọi triết gia Tây Phương đều đi vào ngõ cụt khi va đụng đến giáo pháp giác ngộ của đức Phật. Tư tưởng của họ chỉ nằm trên bình diện những cái "duy" như: Duy lý, duy thực, duy tâm, duy vật, duy sự, duy nghiệm... Những cái "duy" này đối với đạo Phật như năm người mù sờ voi. Anh "duy" nào cũng đúng cả, nhưng là cái đúng phiến diện, chủ quan, cho con voi là cái chân, cái bụng, cái lưng, cái ngà, cái đuôi, cái vòi, cái tai, con mắt... Mỗi người đều đúng nhưng sai là do chấp vào cái nhìn cục bộ của mình, thực ra con voi là tất cả những phần ấy không thể thiếu phần nào. Nên những cái “duy” ấy rõ ràng nó chia cắt thực tại, chia chẻ thực tại thành 5 thành 7... Bây giờ nghĩ rằng mình là thời thượng, đọc lên triết lý của đạo Phật nghe oai lắm nhưng mà sai trật cả. Đạo Phật là đạo như chơn như thực, đức Phật không có triết, không có triết lý, triết học, không có dùng tư duylý tính để suy nghĩ, phê phán, phân tích, biện giải.


    Tư duy lý tính là gì? Có phải tuệ giác không? Không phải. Do nhờ tuệ giác, đức Phật mới thấy cái gì cũng như chơn như thực, rồi ngài trình bày điều đó theo sự thấy biết, ngài có chia chẻ, phán đoán thực tại đâu mà gọi là “triết”. Thiền sư Viên Minh có ví von một câu rất hay “triết học là một hệ thống ngôn ngữ với những khái niệm rối rắm, phức tạp chỉ để nói về những điều dị giản, dung thường”.


    4- Triết luận


    Triết học là các học phái, học thuyết Tây phương như trên đã dẫn lược, còn đây là triết và luận, nó có khác nhau đấy.


    Đạo Phật có tuệ giác để thấy rõ Cái Thực chứ không sử dụng lý trí phân tích, lý luận. Còn triết, còn luận là vì chưa thấy rõ Cái Thực. Đạo Phật là đạo như chơn, như thực. Kinh giáo của đức Phật luôn đi từ cái thực cụ thể để hướng dẫn mọi người tu tập, nó không có triết, không có luận đâu. Ngay “thiền” mà còn “luận” (thiền luận) là đã đánh mất thiền rồi.


    Cho nên, chính người học Phật mà hiểu lầm về đạo Phật là do không có trình độ nhận thức, kể cả trình độhọc thuật và trình độ tu chứng. Nếu có tu chứng thì sẽ biết rõ, thấy rõ đạo Phật không phải triết, không phải luận mà nó đơn giản lắm kìa! Tôi có viết một cuốn sách về ngài Acharn Mun (thầy của Ngài Ajahn Chah)đệ tử của ngài Acharn Sao. Khi ngài Acharn Mun hỏi thầy mình “xin thầy hướng dẫn cho con tu tập”. Ngài Acharn Sao mới trả lời rằng “làm sao ta hướng dẫn cho ông tu tập được, tâm ông khi thì nhảy lên trời, khi thì chui xuống đất, khi thì bơi ra biển, ta biết tâm ông ở đâu mà hướng dẫn”. Vì ngài Acharm Mun không biết chữ để tìm đọc kinh sách mà chỉ mày mò tự tu tập thôi, sau này, ngài Acharn Sao nói thêm “cái tâm ông nhảy bậy nhảy bạ thì cứ coi cái tâm đó mà tu, nó ở đâu, làm gì ông phải biết rõ như thế”. Rứa là ngài quay về tâm mình để tu tập, nghe nói ngài ấy là vị A-la-hán cuối cùng trên trái đất này. Ngài không biết chữ, không biết triết, biết luận gì cả, ngài từ Cái Thực của tâm mình mà tu tập thôi.


    Nói cô đọng cho dễ hiểu thế này, tâm ta có khi tham, khi sân, khi bực bội, khó chịu, lao xao…thì hãy cứ nghe chính những trạng thái đó mà hiện quán. Nghĩa là tu theo Cái Thực, nghe theo Cái Thực, cái đang xảy ra hiện tiền ngay thời khắc đó. Dưới cội Bồ-đề, đức Phật cũng trở về nội tâm, nội quán tâm, lắng nghe cái tâm thực như vậy để thấy rõ duyên khởi như vậy, ngũ uẩn như vậy rồi ngài mới chứng ngộ được.


    Hiện nay, trong kinh điển, sách vở đâu đó vẫn hiện tồn một công thức nói về sự tu tập thế này: Giáo>Lý>Hành>Quả. “Giáo” là chư kinh, chư giáo. “Lý” là tìm lý nghĩa trong kinh giáo. “Hành” là thực hành, là sự tu tập. “Quả” là thành tựu Đạo, Quả. Xin thưa! Điều này là bất khả! Kinh nào, giáo nào (biết kinh nào đúng, biết giáo nào đúng?) đưa ra công thức tu tập để đắc Đạo, đắc Quả như vậy thì có lẽ rằng thế gian này có triệu triệu bậc Thánh A-la-hán rồi. Tôi muốn chúng ta đi ngược lại lộ trình để tu tập, đi từ Cái Thực đi ra, khi“tham thấy tham, sân thấy sân; khi“tâm bất an tuệ tri tâm bất an"; tất cả phải được minh sátvà lắng nghe trọn vẹn như thực hết, từ đó mới nói ra cái “lý” để mọi người cùng tu tập. Đừng đi theo công thức Giáo>Lý>Hành>Quả định sẵn ấy; công thức này hoàn toàn do các nhà triết học, các nhà nghiên cứuở trên bàn giấy “phịa ra” chứ không phải của các hành giả. Trình tự đó rất hợp lý qua đầu óc tư duy chứ không phải qua sự tu chứng của hành giả.


    Tóm lại, đạo Phật, con đường giác ngộ, là đạo như chơn như thực, trở về với cái thực chứ không phải triết học, càng không phải triết luận. Khi còn tranh luận, tranh cãi, khi còn luận thức, luận tri nghĩa là chưa thấy Cái Thực, họ đang mơ hồ về Cái Thực. Chỗ này tôi có đụng chạm đến học giả D.T Suzuki trong tác phẩmThiền luận rất nổi tiếng của ông. Tác phẩm ấy rất uyên áo, thậm mật, rất bổ ích cho nhận thức luận, có thể“ Nắm bắt thực tại bằng bàn tay trần trụi mà không mang găng tay!” Có nghĩa là muốn nắm bắt thực tại thì phải trống không tất cả mọi khái niệm, rỗng không tất cả mọi tư duy; càng khái niệm bao nhiêu thì càng chất chồng lên cái thực bấy nhiêu. Hãy dè chừng một điều, những ý tưởng thâm trầm, hay ho, những luận giải uyên thâm, bác học ấy thì chỉ như ngôn ngữ của người ngọng: “Ú ớ...u ơ” ở bên này mép rìa của thực tại mà thôi. Nhà học giả Suzuki đã có tâm huyết và tấm lòng ban tặng cho lý trí Tây phương những món ăn ngon béo bổ, nhưng đã giết chết mầm giống tâm linh trực giác của thiền! Vì rằng đã “thiền” thì không có “luận”, đã “luận” thì mất “thiền”. D.T Suzuki chưa thấy Cái Thực, chưa thấy thiền, ông ta chỉ “luận” về thiền thôi! Còn nếu khi thấy Cái Thực rồi thì ông không dám luận nữa đâu, mặc dù ông nói rất hay, rất ấn tượng.


    Phật Giáo chúng ta, từ thời Phật đến bây giờ, không biết là đã chồng chất bao lớp khái niệm, sương khói mờ ảo trùm phủ lên Cái Thực? Nó cao dày như núi rồi, không bao giờ đẩy đi ngọn núi chập chùng khái niệm ấy nên không trở về Cái Thực được. Ví dụ: Trước mắt chúng ta là cái nắp ấm trà, đó là Cái Thực ai cũng thấy, ai cũng biết. Khi quý vị đều thấy “cái nắp ấm trà” rồi thì không ai tranh luận, triết luận với nhau về cái nắp nữa, đúng không. Cũng tương tự thế, cách đây 2600 năm, đức Phật nói về Niết-bàn là nói về Cái Thực. 500 năm sau kể từ khi ngài nhập diệt, từ “Niết-bàn” được ghi vào kinh điển, rồi thì một triệu người, một tỷ người đọc kinh điển đều giải mã từ “Niết-bàn” đó theo hiểu biết của mình, theo tư kiến của mình, sở tri của mình mà không đụng gì đến Cái Thực như đức Phật xưa kia đã nói. Và như vậy, ai cũng bình luận, triết luận về “Niết-bàn”; và có vẻ ai cũng bảo là mình đúng cả! Xin thưa, đó là vực thẳm của khái niệm chồng chất khái niệm! Một ngàn người thì giải mã một ngàn kiểu khác nhau! Bi kịch “hoành tráng” của các tông hệ phái hiện nay trên thế giới là như vậy! Ai cũng cho mình là đúng, nhưng mà cái đúng của năm người mù sờ voi! Nó phiến diện, chủ quan, không đúng thực tại của toàn bộ con voi. Rồi thì các tông pháicòn tranh cãi, tranh luận, triết luận hơn thua với nhau nữa chứ!


    Tôi muốn Phật giáo phải vượt qua tất cả những cái đó, trở về với một đạo Phật nói chung, “toàn diện, toàn triệt như thực” để cùng nhau tu tập. Còn rơi vào các cục bộ là còn tranh cãi triền miên từ ngàn năm này sang ngàn năm khác.


    Hôm nay tôi muốn nói một lần, sau này sẽ không nói nữa. Ở đây, tôi muốn quý vị trở về với cái như thực chứ không dám nói trở về với Phật giáo Nguyên thủy. Vì sự thực, không có cái gì có thể gọi là “nguyên thủy” được cả. Kinh điển thì được chép lại gần 500 năm sau Phật Niết-bàn thì “nguyên thủy” chỗ nào. Bao nhiêu thế hệ Tăng chúng ngồi nhớ kinh trong óc rồi truyền từ người này sang người khác, biết có trung thực không? Thời đức Phật vừa nhập diệt thì đã sai trật rồi huống hồ 500 năm sau. Có câu chuyện thế này: Sau khi đức Phật diệt độ không bao lâu, có lần ngài Ānanda đang yên tịnh ở trong rừng[1], bên ngoài có vị tỳ-khưu trẻ đọc một câu kệ rất lạ: “Ai sống một trăm năm, không thấy con hạc biển, thua kẻ sống một ngày, trông thấy con hạc biển”. Ngài bèn kêu vô bảo rằng: Ông đọc câu kệ đó sai rồi, nó như vậy này: “Ai sống một trăm năm, không thấy pháp sinh diệt, thua kẻ sống một ngày, thấy được pháp sinh diệt”. Thấy chưa, “thấy pháp sinh diệt” đã biến thành “thấy con hạc biển”. Đó là thời kỳ gần Phật đấy, huống chi 500 năm sau các vị Thánh tăng mới kết tập kinh điển mà mình dám tự hào là “nguyên thủy”.


    Khi khoác lên đạo Phật những triết học, triết luận, tranh luận là đã che mất sự thật, tạo ra những hiểu lầmđáng tiếc. Mình tự tranh luận với mình, tự hiểu lầm mình rồi để cho người khác hiểu lầm mình nữa, đây là tình hình chung của Phật giáo trong và ngoài nước chứ không phải cục bộ của hệ phái nào.
    Last edited by Kiên Bùi; 09-22-2017 at 08:28 AM.

  4. #4

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 2
    Last Post: 09-21-2017, 07:36 AM
  2. Replies: 5
    Last Post: 03-30-2014, 06:32 PM
  3. Replies: 0
    Last Post: 01-29-2013, 04:54 AM
  4. Replies: 0
    Last Post: 11-08-2011, 06:11 PM
  5. Replies: 0
    Last Post: 11-08-2011, 06:11 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 09:34 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh