Register
Page 1 of 74 1231151 ... LastLast
Results 1 to 10 of 734

Thread: Lối cũ

  1. #1
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843

    Lối cũ

    Nhạc Nguyễn Văn Đông và tuổi thơ tôi….

    Chế độ Cộng Hòa đầu tiên của miền nam VN gục đổ tháng 11 - 1963. Năm ấy tôi chỉ là thằng bé con, chưa đủ tuổi thi vào đệ thất, nhưng cũng đủ lớn để còn nhớ lại dăm, ba kỷ niệm làm nền: từ những buổi đầu ồn ào, xuống đường, biểu tình của sư sãi do người lớn bàn luận, đến cuối cùng khi báo chí, radio tường thuật vụ đảo chánh, đánh nhau ở khu vực đài phát thanh, dinh Gia Long, thành Cộng Hòa….
    Đó là thời sự chung, náo động, nên đầu óc của tầm cỡ 9, 10, hay lớn hơn, ít, nhiều đều bị tin tức ăn vào . Duy, âm nhạc thuở ấy, với tôi, là một sự thâm nhập vô tình. Nó thản nhiên đến, chiếm lĩnh, phôi thai kết tụ, nhỏ bé, rồi vươn mình lớn lên, tồn tại.

    Một, trong những ông anh, người đầu tiên của gia đình biết chơi Mandolin và Hạ Uy cầm từ thưở Hà Nội (nghe bảo là anh ấy tấu khá giỏi). Sau di cư, anh vào đại học, nhưng vẫn làm thêm để kiếm tiền học Guitar. Bố tôi thì ghét cay đắng cái loại xướng ca vô loài, nên Cụ khó chịu, cằn nhằn hoài… Nhưng vì sinh kế, nên Bố tôi, tờ mờ sáng đã ra khỏi nhà cho đến khi trời gần sụp tối mới về. Thế là, bầu không khí đằng sau cánh cửa vẫn có khoảng thời gian dễ thở cho máu văn nghệ của anh phát triển.
    Tôi, con út, một hai năm nữa sẽ thi vào trung học, buộc phải gạo bài, ít được cho chạy rông, vui đùa với lũ trẻ cùng xóm như trước. Phạm vi sinh hoạt của tôi là chỉ ăn, học, chơi quanh quẩn xó nhà … và dĩ nhiên, được nghe nhạc (live music, dù muốn, dù không!).

    Mỗi bữa, sau giấc ngủ trưa, thì thấy anh tôi đi làm về (hoặc đi học về?). Cứ độ khoảng 2 giờ chiều, anh lại xách cây guitar ra ngồi ở hàng hiên sau, trên lầu, lệch nắng, chỗ nhìn xuống khoảng sân lộ thiên, trước khi bước vào chái bếp. Anh dạo nhiều bản nhạc lắm, nhưng lúc ấy tôi còn quá nhỏ, đâu để ý nhạc nhiếc là gì, với lại cái bàn học con con của tôi lại đặt phía hiên trước (cũng trên lầu), nên tiếng đàn chỉ mò vào trong tai loáng thoáng, trừ khi anh cao hứng hát lớn, thì nghe rõ mồn một.

    Xa xa trước nữa, năm tôi 6 tuổi, lúc g/đ vẫn ở mướn bên Phạm Ngũ Lão, chưa dọn về phố này, khúc nhạc đầu đời mà tôi biết đến là bản Tình Không Biên Giới của Văn Lương do ông chú họ hay đến chơi, mang đàn theo xập xình (để cua cô gái cùng xóm (?)). Nhưng, nhúm óc bé tẹo của tôi chỉ được thẩm thính bài hát đôi lần rồi hết. Thành thử, bản thứ nhất mà tôi thuộc, vì nghe nhiều lần, lại là bản Chiều Mưa Biên Giới, do anh tôi tập lui, tập tới một thời gian…. “Âm thanh NV Đông” đi vào tâm hồn tôi từ đó!

    Đầu năm 1964, một buổi sáng (trời còn tờ mờ - chắc chỉ quãng 5:30 hay 6:00 sáng là cùng), giật mình ngai ngái, nghe xì xào và tiếng ho khan, lạch cạch của người lớn. He hé nhìn (mắt vẫn cay sè), thấy ông anh đứng ở đầu giường và Mẹ tôi đang nhắn nhủ…, rồi cơn ngủ kéo béng tôi đi mất. Sau mới biết là sớm đó, anh chào Mẹ để lên đường nhập ngũ (khóa 18 Thủ Đức).

    Rồi chiến cuộc lây lan, ngày thêm nặng nề, khốc liệt. Anh tôi chả mấy khi về thăm nhà, mà có lẽ, sở thích văn nghệ của anh cũng dần tan theo, bụi, đất, sình, lầy vùng 4. Sư đoàn 7 BB có bản doanh đặt tại Mỹ Tho và chịu trách nhiệm các khu vực: Tiền Giang, … Long Định, Cái Bè, Cai Lậy…..

    Vào những ngày cuối tháng 4 – 75, trong số các con trai còn bôn ba bìa rừng góc núi, gia đình chỉ duy nhất không nhận được tin tức gì của anh, nên ai người đều rất hoang mang, lo ngại. Dù anh tôi lúc đó đã lon lá cấp Tá và làm việc trên Trung Đoàn, nghĩa là không đến nỗi phải trực diện với đầu tên, mũi đạn thường xuyên, nhưng ở buổi hỗn quan, hỗn quân, thì cấp bực nào cũng phải tự lực sinh tồn, chứ đâu còn trông nhiều vào thần thiêng hộ hạ nữa….Từng tuần lễ trôi qua, vẫn bặt vô âm tín! Mẹ tôi khóc không biết bao sớm, bao chiều, dần dần kiệt quỵ, và ngã bệnh….

    Theo như kể, thì giữa tháng 10 – 75, một người lính cũ của anh đi đâu đó, tạt ngang SG, ghé báo tin là, anh, sau khi đơn vị buông súng, bị họ giữ tại phòng hành quân, rồi đưa đi liền. Cả nhà quýnh quáng, không rõ anh có bị thủ tiêu hay bị đưa đi giam ở nơi nào đó. Sau, may nhờ có đứa cháu họ, từ ngoài Bắc vào (bộ đội, chức sắc chắc cũng kha khá), lần mò, tìm ra manh mối (cũng có trao đổi chứ không phải giúp không), là anh đang bị nhốt ở Thanh Hóa (Đầm Đùn, Lý Bá Sơ). Thế là Mẹ tôi… tức tốc thu xếp, gói ghém. Tội nghiệp, sau đủ thứ chật vật lên xuống phường, quận, thành phố, xin được giấy phép thăm nuôi …. Đi với đứa cháu nội, hơn hai mươi ngày đường, đến Thanh Hóa, mới hay là họ đã chuyển anh tôi đi cải tạo ở xa nữa, cực Bắc. Mẹ tôi chết trong lòng, nhưng phải trở lại SG, vì tiền nong không đủ, mà chẳng biết rõ cực Bắc là mãi đâu….

    14 năm sau, anh sống sót trở về…. với tình trạng sức khỏe hết sức tồi tệ. Người anh gầy tong teo, răng rụng gần hết, gan, phổi, nội tạng đều mang thương tích nặng do từng bị đánh đập, cùm kẹp…. Tạm trú không hộ khẩu ở nhà gần 1 tháng, anh tôi trốn theo đường bộ qua ngả Cam Bốt và đến được Thái Lan…. Sau đó, chúng tôi bảo lãnh anh sang Mỹ.

    Chuyện khá dây dưa rễ má, nên hễ chữ ùa ra thì cứ miên man kể mãi… Nhưng, rút ngắn lại để vào chi tiết chính. Số là, những tướng, tá của miền Nam đều bị đẩy ra tù tội tận ngoài Bắc (chính sách trả thù của cs đối với sĩ quan VNCH cấp cao). Cũng có một số không mang hàm phẩm cao, vẫn đưa ra tù Bắc vì bị liệt vào thành phần nguy hiểm (có ảnh hưởng đến: văn hóa, chính trị, hay phục quốc, nổi dậy).

    Tù cùng với anh tôi qua nhiều trại giam khác nhau có nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và nhạc sĩ Anh Hoa (tác giả của nhạc phẩm Hận Ly Hương). Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến anh NVĐ mà thôi. Khi có t/g, sẽ viết chút đỉnh về nhạc sĩ Anh Hoa sau….

    Theo anh tôi kể, thì nhạc sĩ NVĐ (cấp bậc Đại Tá của VNCH), sau những năm tù tội, kiểm thảo, cùm kẹp khốc liệt… Vừa thiếu ăn, vừa bệnh tật, vừa mất dần trí nhớ, đã trở nên suy yếu, lẩn thẩn đến độ không còn sức lao động. Bọn cán bộ khốn nạn cũng bỏ mặc, coi anh NVĐ như một xác chết biết đi…. Chúng kệ anh muốn làm gì thì làm, chả lo anh trốn trại hay có thể gây hiểm họa… vì anh đã hiển nhiên lê lết gần như vô hồn.
    Rồi, một chiều, bạn tù ai cũng thấy anh NVĐ lần mò ra hàng rào kẽm bốc đất, bốc cỏ cho vào mồm. Họ ùa ra cõng anh về phòng (lán), móc đất, móc cỏ ra khỏi miệng anh. Từ đó anh bại hoại, rũ liệt cho đến khi bọn khốn nạn trả anh về với gia đình. Tình người một nước là thế đó, hòa bình là thế đó, chế độ bao dung không thù hằn là thế đó…. “Đừng nghe… mà hãy nhìn…” trở nên câu nói lịch sử là do vậy.

    Nhạc NV Đông đến với tôi, như kỷ niệm tình đầu, triền miên, êm ả… Tôi yêu vì ngôn từ dung dị, vì cảm xúc man mác, vì melody có chút tây phương, trộn với hồn dân tộc Việt. Tôi yêu nhạc NV Đông vì anh viết cho thân phận, cho lính, cho trách nhiệm, không nặng sắt máu mà cũng không ủy mị, đớn hèn. Nhạc NV Đông mang hào khí kín đáo, hướng về tương lai, hứa hẹn, nhưng không thiếu “chất” đôi lứa trong một bối cảnh lớn, “chất” gìn giữ tự do nửa phần lãnh thổ.

    Xã hội cs đó, thâu gồm đất nước rồi, họ lấy đi tất cả đạo đức, nhân tính, khả năng sáng tạo, đều chỉ với mục đích bảo tồn cái sức mạnh độc tài, ngu dốt, vị kỷ, lợi tức phe nhóm, cũng như lợi tức cá nhân lãnh tụ (hay những lãnh tụ).
    Việt Nam có lẽ sẽ không bao giờ được giữ địa vị hoàng kim như thời mang danh hòn ngọc viễn đông, khi Đại Hàn, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, … và rất nhiều những quốc gia khác ở đông nam á chỉ là những bóng mờ trên bản đồ thế giới. Dường như Cam Bốt, Ai lao ngày nay cũng có sắc thái văn minh hơn VN mình nữa. Ôi! Con dốc băng hoại này sẽ còn tuột đến bao giờ?

    Anh tôi, vì hậu quả của những năm tù tội, mang bệnh, đã nằm xuống lâu rồi. Anh NV Đông thì không rõ hoàn cảnh ra sao, hoặc sống hay đã mất. Nhưng, mỗi khi nghe lại bài hát cũ, từng câu, từng chữ … trở về, ngực tôi quặn se và nhớ… Có khoảng hiên sau nhìn xuống vuông sân chái bếp, có tiếng đàn đệm mơ hồ lúc nắng nghiêng nghiêng.

    Xin biết mang ơn những người lính. Ơn ấy thật vô cùng… Bởi, không có các anh, thì không thể có cuộc sống chúng tôi hiện tại. Không có các anh, thì không thể có những tồn trữ tình người bằng nhân phẩm thật thà duy trì cho hôm nay, mai sau, và tiếp nối …..

    Anh tôi, Nguyễn Văn Đông cũng như tất cả mọi quân nhân của quân lực VNCH là những người lính bình thường, có tình, đơn giản. Cảm ơn anh!

    MM
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  2. #2
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Last edited by Mang Mộc; 03-17-2021 at 07:51 PM.
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  3. #3
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Đêm thu sớm

    Những mảnh khuê văn rủ nhau lập hội
    Thắp sáng choang một góc thời gian
    Đêm hắt lạnh xuyên màu khung cửa
    Dịu dàng thơm, ngây ngất ngọc lan

    Trong thu mới, mơ hồ tôi thấy
    Tiếng xa đưa, ảo ảnh bay về
    Tà áo dệt sương tơ mảnh khảnh
    Ánh điện đường ngây dại ốm tê

    Trời đất phả hồn vu sơn cũ
    Cành miên man hò hẹn chẳng lìa nhau
    Trang lịch đỏ nằm nghe lay động
    Câu nguyền song thất lạc về đâu

    Lướt thướt trăng nghiêng, mây giấu mặt
    Lời qua lá biếc gọi tìm đôi?
    Sao băng một chiếc, hồn Dương phụ?
    Hay vừa run rẩy sắc hương trôi?

    Em đâu nhỉ, hãy lắng nghe ngoài kia
    Giọt chìm chìm thai nghén vào khuya
    Tóc xõa đêm nay làm suối chảy
    Róc rách hờn, hay hận lỗi thề?

    MM
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  4. #4
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Mua chả cốm mà suýt phải cốm nhau

    Cách đây vài năm, tôi về lại VN dự đám cưới của đứa cháu. (Cũng trong đợt này, tôi và anh thangtram rủ nhau vác cà nông (Canon) đi miền Tây săn ảnh chí chóe)…

    Tại SG, tôi thuê phòng ở KS Lan Lan 1, gần cửa Nam chợ Bến Thành. Vị trí KS coi như ngay trung tâm thành phố, nên khá xô bồ, gần như thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có thể mua sắm được… nhất là thức ăn, thức uống.

    Một hôm, sau khi lên Lái Thiêu thắp hương và làm cỏ cho mộ Cha, Mẹ, lúc xong thì gần 5 giờ chiều. Nửa mệt, đói, nửa nóng bức khó chịu, mới ghé vào tiệm giò chả Minh Châu trên đường Gia Long cũ (nay mang tên thằng thổ phỉ Lý Tự Trọng nào đó – nghe hệt như tên 1 thằng Trung Cộng), định bụng mua ổ bánh mỳ thịt hay gói xôi lạp xưởng ăn cho nhanh… Lúc ấy mưa cũng lác chác bắt đầu, càng làm thêm oi ả (SG hay có những cơn mưa ào, xuyên nắng, rồi dứt rất nhanh). Trong tiệm, lúc ấy có một khách hàng (phụ nữ) đang mua gì đó… nên tôi đứng ngay đằng sau và đợi đến lượt mình.

    Một chiếc gắn máy từ đâu ào nhanh tới (chắc bị mưa rượt?), xịch đỗ ngay vỉa hè sát cửa tiệm. Một anh khoảng gần 40 nghênh ngang bước vào nói vói với cô trong quầy “Chị ơi lấy cho tôi .. bla … bla … bla” . Rồi không đợi ai trả lời, anh lách qua tôi, lên phía trước, sát ngay quầy và chỉ tay vào những món anh muốn mua. Cô khách hàng kia cũng vừa trả tiền xong và dợm bước.

    Hừm hừm hừm... Lửa trong tôi phừng liền, nhất là lại nghe cái giọng bắc kỳ vượt Trường Sơn thổ tả oang oáng nữa. Chẳng nói chẳng rằng, tôi thọc hai ngón tay vào vai anh chàng thật mạnh. Quay lại nhìn, thấy mắt tôi có vẻ đang khạc lửa, anh chàng ngạc nhiên (chắc là quen thói xâm lấn, tự tung tự tác hồi nào giờ). Hẳn thấy tôi cũng đủ bề ngang bề dọc nên anh ta không nói gì, vẫn tiếp tục đứng choán đó, nhưng không chỉ trỏ hay nói gì thêm với cô bán hàng. Thọc hai ngón tay vào vai anh mạnh hơn thêm lần nữa, và tôi sẵn sàng. Lần này anh quay lại và hỏi trống “Cái gì thế?”. Vẫn không nói, tôi đưa ngón tay cái chỉ ra phía sau lưng rồi gằn “Đi ra đằng sau”. Vì đã có ý làm dữ, nên tôi không muốn rõ rệt là “Đi ra đằng sau xếp hàng”. Lúc gằn, tôi nhìn thẳng vào mắt anh chàng với ngụ ý rõ rệt (Do not f… w… me, y.. p…. of s…). Hắn khựng vài giây, mặt tái lại, rồi bắn thẳng ra chiếc xe biến vào cơn mưa đang trở mình lộp độp…. Tôi thở phào như cơ thể vừa trút khỏi trăm cân. Hú vía mình hay hú vía nó đây? Nếu nó là con nít, chắc tôi kệ, nhưng đằng này, nó cũng kha khá tuổi rồi. Tiên sư cái lũ…..

    Ý định mua bánh mỳ hay mua xôi cũng tan biến, khi thấy trong quầy có một chỗ ghi “Chả Cốm”. Thế là mua luôn hai miếng tròn tròn dẹp dẹp. Hí hửng mang ra để ăn vã cho khoái khẩu.

    Mèng ơi, cứ nghĩ là chả trộn hay chế biến làm với cốm . Bố ai mà ngờ được là họ bằm bì, mỡ, lợn cợn chung với chả cho ra vị beo béo, sần sật. Nửa mếu, nửa cười muốn hát to lên “Thượng đế hỡi có thấu cho Việt Nam này….”. Buồn hơn nửa tiếng, nhưng đói bụng quá, chửng luôn 1 cái, còn cái kia cho cậu gác dan ở khách sạn. Cả tiếng sau, cái cảm giác nhờn nhờn của bì và mỡ như vẫn dán vào môi anh nồng cho giấc ngủ em run…..

    MM
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  5. #5
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Phạm Thái
    (Một người lính Tiểu Đoàn 3 BĐQ)

    Mưa đổ 2 lần qua miền sông nước
    Mang cái tên tiền định của người
    Bốn trăm năm ngược đường thuở trước
    Đi tìm nửa quãng đời vui

    Phải Quỳnh Như tóc dài, lụa trắng?
    Buổi chiều trường lớp những mùa xa
    Bóng hàng cây Huỳnh Đàn nghiêng đổ
    Giấu nụ cười, che áo rừng hoa

    Người lính tiểu đoàn, từ mặt trận
    Trở về, dan díu cuộc tình mơ
    Cánh hoa Lê, mùa trăng tuổi nhỏ
    Phong hương, độ thắm ai ngờ

    Dòng đời, lớp lớp như lưu thủy
    Say cuồng vỡ sóng triều dâng
    Phạm Thái rượu bầu, thơ ấp úng
    Ngâm hồn trong đáy mắt mỹ nhân

    Nơi đây, ồn ã ngày vun vút
    Lệ trời không thấy, mưa không sang
    Dừng chân ghé lại, hồn thu khuất
    Lụa, tóc, ngày xưa lạc gió ngàn!

    MM
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  6. #6
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Last edited by Mang Mộc; 03-17-2021 at 07:51 PM.
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  7. #7
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Chuối bung

    (Một ngày đi Russian River và Mendocino)

    Mênh mông là con nước
    Triều sông lững thững về
    Gió miết lên lành lạnh
    Thu gờn gợn sắt se

    Rừng liên tu bất tận
    Đi không hết màu xanh
    Nắng gượng xòe tay ấm
    Đường cong ngại lái nhanh

    Thèm cơm canh khói tỏa
    Chuối, ốc, đậu, tía tô
    Khéo tay, tra chút mẻ
    Chan, húp, đậm đà ghê

    Môi ai cười tươi nhỉ
    Lửa hồng, má cũng hồng
    Đèn khoe phân nửa sáng
    Phân nửa giấu thẹn thùng

    Đã mấy mùa qua nhanh
    Có năm trời hạn hán
    Sông nằm nhớ mênh mông
    Thu trở mình, vắng lặng

    Môi cười giờ chẳng biết?
    Còn tinh nghịch nét tươi?
    Má hồng giờ vẫn thế?
    Hay lén giấu bồi hồi?

    Chiều nay bên bếp lửa
    Chuối, đậu bung chín chưa?
    Kém ngon vì thiếu mẻ!
    Thiêu thiếu những ngày xưa!

    MM
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  8. #8
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Mưa và cơn đau phố.
    (Kỷ niệm về một bài hát cho phố Hàng Đồng, Hải Dương)

    Chính xác là ngày nào thì không còn nhớ rõ, nhưng khoảng thời gian đó là vào đầu năm 2003, sau khi Mẹ tôi mất. Mấy anh chị em, lâu lắm mới có dịp gặp lại nhau tại Sài Gòn. Một số từ bên Mỹ về, một số còn ở VN. Thế là cả bọn quyết định làm chuyến ngao du ra bắc, thăm lại quê quán (gốc gác), và để tìm hiểu thêm chi tiết cho quyển gia phả (mà chi họ bên Mỹ đang chấp bút dở dang)…

    Tân Sơn Nhứt vèo tới Nội Bài hơn tiếng đồng hồ, chúng tôi thuê taxi về khách sạn Thiên Nga tại phố Châu Long gần Hồ Tây (đầu đường là chợ Châu Long, cuối đường là thôn Ngũ Xã). Buổi chiều, chúng tôi nhẩn nha đi ăn chả cá và bàn kế hoạch “hành quân”. Người thì bảo ở Hà Nội chơi rồi vọt về SG cho chắc, người thì bảo đã đến thì phải xuống Hải Dương thăm ông Chú Út, kẻ thì toáng lên là cứ chơi hẳn ngay về nhà quê luôn … sợ hãi gì chứ! Tối đó, có lẽ mọi người đều trằn trọc thì phải? Vì tờ mờ hôm sau, mới non 6 giờ sáng, tôi lục đục dậy bật máy nước nóng đợi tắm, thì đã thấy ông anh thứ 3 đứng ở ngoài ô văng nhìn xuống con đường còn hơi đêm hiu hắt, rồi bà chị từ phòng trên lầu xuống bảo … người ta rao hàng sớm quá nên giật mình thức luôn … Tôi thì lại nghĩ, mọi người mất ngủ do nôn nao (hoặc háo hức) vì việc đi Hải Dương rồi tắp xuống làng hôm nay.

    Khi tề tựu đủ, chúng tôi rảo bộ ra hướng chợ. Sáu giờ rưỡi sáng, mùa đông Hà Nội, khí hậu vừa hanh hanh, vừa se se, xung quanh bao phủ bởi sương sớm nhờ nhờ. Từ cửa tiệm phở, nhìn ra hướng hồ Tây, một vùng không gian bạc, lơ lửng thấp, chùng, như tơ như khói. Nếu đã ăn quen phở trong Sài Gòn rồi, thì tô phở bắc hôm ấy, thật mộc mạc đơn giản. Này nhé, bánh đa mỏng, hấp mềm, họ thái ra hơi to bản, vài lát thịt bò tái hoặc chín có hình dạng khiêm nhường, một nhúm hành lá gọt dài, và nước dùng, thế thôi. Buồn cười nhất là, bọn “vẹt khều”, đứa nào đứa nấy bổ ngửa ra hãi hùng khi thấy chị bán cho cả thìa bột ngọt sống (mì chính) vào bát…. Cứ thế là ơi ới “Chị ơi! Chị múc cái bột ấy ra đi”. Tuy chất lượng phở ít oi, đơn giản, nhưng ăn thật ngon.
    Chiếm ưu tiên bộ bàn ghế con ngay lề đường, chúng tôi vừa hì hụp nhai, húp, vừa nhìn lác đác sinh hoạt tinh mơ qua lại. Trời, đôi lúc có vài cơn thuốt lạnh, len vào trong khe áo, rất trêu. Ngoại cảnh lắng trầm, nội cảm lâng lâng, giữa lòng phố ban mai - hương vị bát nóng trở nên đắc địa.

    Ở nước ngoài về, hay trong nam ra, thật không biết bao lâu mới làm quen được (nghe quen) ngôn ngữ lồng lộng và đanh thép của hai chữ “mày, tao”. Cứ là nhớn gọi bé hoặc kẻ có quyền sức gọi người dưới thế, chả hề kiêng nể, lịch sự hay ái ngại gì cả…. Mà cái người bị gọi “mày” cũng có vẻ chấp nhận như bình thường.

    Đang ăn, bỗng một ông anh bảo, "tao" thèm húng quế (ông nội này có máu Hà Lội thứ thiệt, nên trở giọng “mày, tao” nhanh quá!), rồi bà chị bảo, ước gì có bát giá trần nhỉ! Tôi gọi con bé con (bưng bát cho khách), hỏi xem tiệm có rau thơm không. Cháu ấy bảo, nếu bác muốn, cháu có thể chạy ù vào chợ tìm mua cho bác, chứ ở đây không có rau gì cả. Thật đúng là “bọn nam kỳ lắm chuyện?”. Thôi thì đành ẩm thực theo lối hương hoa mảnh dẻ của đất kinh kỳ văn vật vậy.

    Hân hoan chả được bao lâu thì xảy ra chút ấm ức. Số là trong đám anh em chúng tôi, có một người tóc muối tiêu lông mày rậm, ngăm ngăm, tròn trịa…. Chợt bàn bên cạnh có 2 bác cỡ độ ngoài 60 xuân, mặc pi da ma (nom có vẻ sĩ khí bắc hà lắm cơ!) sà đến ăn sáng. Vừa an tọa xong, thì một bác trỏ ngay vào “ông muối tiêu”, phán – Bác này giống hệt như ông Nguyễn Đình Thi. Thế là tôi nổi cáu, quạng ngay cho một phát – Mặt mũi thì có giống, nhưng bụng dạ không bẩn hèn như tên đó. Hai cụ kia ớ mắt ra … chắc là không hiểu sao lại bị đổ ghè tương bất thình lình như thế…

    Sau buổi điểm tâm, chúng tôi thuê ô tô con đi Hải Dương….
    Ra khỏi Hà Nội tí là đã đầy cảnh quê mùa, đồng ruộng, rơm rạ… Đường cuốn bụi vàng lúc nắng hiện lên. Cả bọn không ai nói chuyện với ai, dường như mỗi người đều buông thả theo suy nghĩ riêng của mình. Hình ảnh xửa xưa trong từng câu chuyện kể của Bố, Mẹ lũ lượt tìm về. Rồi Bát Tràng, Đầm sét, Vạn Vân, làng Bần (nơi làm tương Bần) lớp lớp diễn ngang. Một số những huyền thoại, địa danh, di tích từng đọc trong sách vở, cũng hiện ra đó, đây, sừng sững với những bảng tên, làm sửng sốt.

    Ô tô chạy ngoài 1 tiếng thì đến khu “Đường Vòng” đầu tỉnh. Xe rẽ vào Hài Dương! Thôi thì có lúc thấy cả một con phố thuần những hiệu bánh đậu xanh … Hết “đăc biệt”, "đặc sản", lại tới “nguyên thủy” rồi “gia truyền”. Đố ai mà biết được hiệu bánh nào ngon/dở hoặc thứ thật, thứ giả. May mà cả bọn đều không hảo ngọt, nên chất tò mò trong người cũng sụt xuống tận cùng bằng số. Ngoài bánh đậu là đầy dẫy, còn có bún ngan, miến ngan chen chân. Quái lạ là ở miền bắc, ít thấy ai ăn vịt, còn cái món miến thì 99% đi với ngan, 1% sót lại thì chừa cho gà

    Mò mẫm bản đồ đường xá xong, rồi cũng tìm đến tận cửa căn nhà Chú tôi đang ở (phố Bắc Sơn, Hải Dương). Một ông gầy gầy, cũng muối tiêu đang ngồi trong nhà với phích, chè trước mặt và bình/dọc tẩu thuốc lào bên cạnh cái đèn dầu với một ống đóm. Ối giời, cái ông này sao mà giống cụ Nội tôi thế. Chả ai bảo ai, cả bọn đều tự đoán biết đích thị Chú Út đây rồi. Ông anh thứ 3 của tôi giả vờ như khách ghé mua (chả là cửa nhà có cái quầy nhỏ bán thuốc lá điếu và bán chè Thái Nguyên), hỏi mua 5 cân chè TN. Thế là chú tôi gọi “.. ơi, con ra xem có người mua chè”. Sau tôi mới biết ông gọi cô con dâu…..

    Trêu chòng độ vài phút, ông anh tôi mới tự khai… “Thế chú không nhận ra cháu à? Cháu là thằng ..S.. đây!”. Lúc ấy, bên ngoài, trời đã hơi hực nắng, cây bàng vào đông nhuộm lá đỏ, vàng, không gian tan sương, khô ráo… Vậy mà, trong gian khách bé tẹo, mưa nước mắt đổ xuống, từ Chú tôi, từ anh tôi, từ chị tôi…..
    Tuy vai trên, nhưng Chú Út chỉ lớn hơn anh chị tôi dăm ba tuổi và họ từng chơi với nhau, lớn với nhau từ tấm bé…. Thôi thì sau cơn mưa là cơn sấm chớp rầm rộ. Mạnh ai nấy nói, đủ thứ xa xưa bần cổ đều lôi tuột ra hết. Tôi thì chả biết "tâm sự của họ", nên cứ thế mà ngồi ệch mặt ra nghe. Thỉnh thoảng, anh hay Chú lại quay sang giải thích (kiểu bàn thêm như Thánh Thán Mao Tôn Cương bình phẩm Tam Quốc Chí vậy).

    Rồi đó, chúng tôi mới rủ ông Chú và đứa em họ tập kích về làng (cách thị xã 17 cây số), nơi mà hầu hết mồ mả Cụ Kỵ từ ông tổ đầu tiên đến Hải Dương lập nghiệp cho đến Cụ Cố của chúng tôi. Nhờ có thổ địa, nên việc mướn vài chiếc xe gắn máy là điều dễ dàng. Mục đích tập kích, nghĩa là cả đoàn 6 người cộng 2 bằng 8 sẽ đèo nhau trên 4 chiếc Honda, chạy thẳng vào làng. Những mục tiêu cần tọa độ thì đã có ông Chú chỉ điểm, ví dụ như nhà của Ông Bà, nhà Bố Mẹ tôi, mấy cái ao (mà chúng tôi hay được nghe kể) nơi trẻ con học bơi lội, nơi bắt được con cá trắm to nhất làng, hoặc chỗ cây Hòe là nơi Mẹ tôi hay cho các con ăn cơm sau chiến dịch "tiêu thổ kháng chiến" của bọn thổ tả v..v.. Xong đâu đấy, cả bọn sẽ đi thắp hương cho từng mộ nào mà ông Chú còn nhớ được. Vì là lần đầu về và chả ai hiểu rõ được tâm tình họ hàng bản xứ ra sao, nên không ghé thăm ai trong làng là quyết định chung. Các anh chị tôi xa quê cũng suýt soát 50 năm rồi. Người đi thì ghét cs, người ở lại thì phải theo cs thôi, chuyện không thể khác được. Thời gian 50 năm thì đã có biết bao vật đổi sao rời. Tình đời, tình người ai dám đo, dám lường, với lại cái đám quan chức tẻo tẹo trong làng, chúng nó dở hơi lắm (nghe ông Chú bảo thế). Thôi thì ghé thăm nơi, chốn, gốc gác để thổn thức với tấm lòng thật thà của hậu sinh cũng đủ lắm rồi.

    Vừa lái xe vừa lội bộ, hết thôn này qua thôn kia, hết gò đống này đến gò đống kia, tính ra phải tốn hơn 2 tiếng đồng hồ mới thắp hương được cho 6 mộ Tổ Ông và một mộ Tổ Bà (vì ông Chú chỉ biết được có thế). Hai ngôi mộ mà dòng họ (xửa xưa) mua thế đất để táng Cụ Nhị và Cụ Tam là chúng tôi “chiêm ngưỡng” và làm cỏ sạch nhất. Đúng là cái bọn con cháu này chỉ biết trục lợi (ha ha ha) để hy vọng hưởng (Vớt vát? Ăn theo?) – Một thế đất là “Phượng Hàm Thư” phát về văn chương, một thế đất “Kim Ngưu” phát về làm ăn, tiền bạc. Ngoài ra còn một thế đất “Phục Sư” phát về nhà binh của vị tổ thứ 5 mà chú tôi không rõ vị trí ở thôn/huyện nào. Ngày xưa, con cháu hay táng các Cụ Ông vào đất thế, chứ các Cụ Bà thì chỉ nằm chỗ khoáng khoát (đồi, đống) ngoài đồng. Buồn thế đấy - sống thì đồng tịch đồng sàng, nhưng chết thì lăng ba vi bộ hết, nói nôm na là hồn ai nấy giữ, ông theo đường ông, bà theo đường bà, ngứa lưng thì đừng hòng nhờ gãi hộ.

    Mãi đến xế trưa, chúng tôi mới rời ngôi mộ cuối cùng (cụ Tổ Bà – Tam Tổ), quay ngược về làng Mái, vượt qua dãy bạch-đàn khá dài rồi rẽ sang hướng phủ Bình Giang để sang quốc lộ 17. Dọc bờ sông, tre vàng (loại tre đực, thân to bằng bắp tay hoặc hơn) mọc uốn lượn, san sát, êm ả. Đường ngang thôn vắng vẻ! Chốc chốc lại thấy vài chú bò vàng nhẩn nha hoặc mấy mẹ con gà, te te chạy tránh xe. Trời đông miền bắc, nắng biêng biếc như mắt người yêu, mảnh mai ẻo lả. Chốc chốc, một cơn mưa lén sà xuống rồi bay lên cao làm cho khí hậu miết miên âm ẩm. Bây giờ ở thôn quê, người ta nuôi bò nhiều, vì công việc cày, xới những cánh đồng lớn, họ có thể mướn máy làm với năng xuất gấp 10 lần trâu. Bò thì dùng phụ những khoảnh ruộng bé, mà khi cần bán cho hàng thịt lại được giá hơn trâu nhiều. Thế nên, hình ảnh mục đồng với đàn trâu tuy vẫn còn, nhưng phải đi xa hơn nữa, lên mạn cao như Yên Báy, Phú Thọ... chứ ở trung du, thì coi như cứ hiếm hoi dần.

    Hôm trước, lúc mới đến, ông Chú có hỏi – thế các cháu về chơi, có muốn ăn uống món gì lạ không? Tôi buột miệng thốt – cháu muốn ăn thử chả rươi thì là! Tội nghiệp, mùa sang đông rồi làm sao mà còn rươi nhưng ông vẫn bắt cô con gái chạy lên Hải Phòng tìm. Chả hiểu ra làm sao, mà nó khuân về được một bọc rươi đúng lúc cả bọn dừng xe trước cửa nhà. Thà đừng nhìn thấy, thì món chả chắc sẽ thơm ngon! Bữa cơm quá giấc (độ 3 giờ chiều) hôm đó, tôi chỉ gắp chả rươi như hương, như hoa, còn thì thuần “đánh quả” chỗ đĩa thịt gà lá chanh cho chắc dạ.

    Ngồi tán gẫu sau bữa chừng hơn tiếng đồng hồ, thì một ông anh của tôi nhờ Chú dắt cả bọn đến hàng Đồng để thăm lại căn phố ngày xưa (năm 45 hay 46?) mà Bố tôi đã phải bán tháo, bán đổ điền, thổ nhà quê, mua nó để đưa đám con trai đi lánh cộng sản, rời hẳn xó xỉnh làng, thôn. Tội nghiệp, công sức làm việc bao năm, ấy thế mà bọn thổ phỉ kia, chúng móc nối với vài người giúp việc đồng áng trong nhà… xì xào là sẽ mổ bụng ông cụ. Từ đó, Bố tôi ở hẳn thị xã với 3 người con trai lớn. Mẹ tôi với 2 con nhỏ thì ở nhà quê vì ruộng vườn vẫn đó, dù là không còn nhiều nữa. Hai ông bà “ly thân” cho đến mãi sau, lúc cả gia đình sắp sửa chạy lên Hà Nội năm 50-51 khi những vụ giết người, đấu tố lén lút bắt đầu hoành hành dữ tợn nơi thôn dã.

    Mẹ tôi kể, có lần đưa 2 con lên thăm ông, tờ mờ bốn, năm giờ sáng đã phải lấy quần áo bó cho trẻ con khỏi lạnh, đặt ngồi (hay nằm?) lên 2 thúng, chất rơm ngụy trang, cùng với một người chị họ vờ như ra ruộng sớm, hay đi buôn thúng bán mẹt gì đó, và gánh xuyên bao nhiêu cánh đồng. Cứ thế mà đi bộ đến gần trưa mới ra tới Hải Dương, rồi sập mặt trời mới lại gánh xuyên làng mạc, mang con về làng… Khổ thân! Nghĩ đến cái cảnh, mới 5, 6 tuổi đầu, chỉ biết tranh ăn, giành phá, cựa quậy suốt ngày, mà phải im thin thít, chịu đựng rơm rạ ngứa ngáy cả buổi. Lũ tai mắt, cỏ đuôi chồn thì gớm lắm, chúng mà thấy người lớn dắt trẻ đi, thì đồ là trốn ra tề hoặc qui tội giao liên cho Pháp, tìm cách hoạnh họe ngay. Con nít đã khổ mười mươi, thì người lớn còn khốn nạn đến thế nào nữa!?

    Lại nói đến căn phố ở hàng Đồng, một thời các anh tôi được nuôi nấng, sống và học trên đó. Thuở phôi thai, bon chen thành thị, nhà chỉ là một cái nền bằng đất bỏ không, khá rộng. Bố tôi vừa tự làm, vừa thuê thợ phụ giúp đưa xà, đưa cột lên (sản nghiệp chắc chỉ có vài trăm đồng bạc Đông Dương – mà đã vay mượn của họ hàng 100 rồi). Cậu cả, thì phải theo bố tôi buôn bán lăng nhăng kiếm sống. Cậu thứ, mới trên 10 tuổi thì làm công cho một tiệm chụp ảnh. Nói chung là đời sống chật vật lắm (vẫn là nghe kể thế), suốt thời gian, ăn dè, sống sẻn để vừa tồn tại, vừa trả nợ vay. Thế rồi, lúc nhà quê loạn lạc quá, mẹ tôi với 2 người con bị lùa phải sơ tán lên mãi tận Phú Thọ, không chạy ra Hải Dương được (dù chỉ có 17 cây số) vì đánh nhau khắp nơi. Có lẽ gần một năm sau, tình hình lắng dịu, họ đẩy dân về lại thôn làng, đồng thời gài cán bộ, tai mắt nằm vùng khắp nơi. Lúc ấy, gia đình tôi có Ông Chú thứ 5 bị kẹt lại, nên phải tham gia đoàn thể của họ. Cái chiến dịch vườn không nhà trống (tiêu thổ kháng chiến học lại của Tàu) đã chẳng những làm kiệt quệ kinh tế nông thôn, hoa màu chết rụi mà còn gây ra nạn đói tràn lan. Tây nó chả chết thêm thằng nào mà chỉ toàn dân mình chết do thiếu ăn, đói khát. Sau, Chú 5 tôi liên lạc được với Bố tôi và tìm cách nào đó đưa Mẹ tôi với 2 người cháu ra được tỉnh. Ông ở lại và bị chúng thủ tiêu giữa đoạn đường xuống Thái Bình (có lẽ nghi ngờ chú tôi là phòng nhì của Tây?).

    Gia đình quây quần ở Hải Dương chỉ hơn năm thôi. Trong khoảng thời gian đó, Mẹ tôi phải gánh hàng xén qua chợ bán mỗi ngày, Bố tôi thì cũng đi buôn thập cẩm đủ món. Nhưng, cơ ngơi cũng khá dần lên. Rồi căn phố ấy, bố tôi chia làm hai gian: một bên thì cả nhà chen chúc, một bên mở một hiệu bán giấy, bút, sách, vở như văn phòng phẩm ngày nay vậy….. Cuộc sống êm đềm cho đến lúc thị xã (Hải Dương xưa được gọi là Thành Đông) không còn được yên nữa, thì toàn bộ cơ ngơi của cải đó phải bỏ hết để chạy lấy thân ra Hà Nội ….. Ôi!

    Chúng tôi đi qua, đi lại phố hàng Đồng năm ba lượt chứ không ít. Mọi người chỉ nhìn và chụp ảnh nhà cũ từ xa. Bây giờ nó chia hẳn ra 2 căn với 2 chủ, cũng bán buôn lễ mễ. Chú tôi bảo – Xem chán rồi về nhé. Tôi không chịu, nên nói – Để cháu đến thú thật với họ đây là nhà cũ của mình và cháu muốn vào thăm, nhìn lại. Thật ngại quá, nào ai biết ai là ai, nhưng đã muốn liều thì phải lĩnh vậy. Tôi lân la đến ông chủ hiệu đang ngồi sau cái tủ kính nhỏ, rồi nói thẳng ý định mình. Gặp phải người lành tính, thân thiện, và cũng ngây thơ nữa, ông ta ngập ngừng hỏi – Thế bác định về đây đòi lại nhà cũ à? Tôi cũng mua lại của chủ trước độ vài năm thôi. Tôi cười xòa – Chúng tôi ở miền nam ra, nhớ lại cơ ngơi cũ của Bố, Mẹ nên ghé ngang chụp vài tấm ảnh kỷ niệm thôi bác ạ! Thế là ông ta vồn vã cho cả bọn vào, lại còn mời nước chè nóng nữa chứ. Qúy hóa vô cùng!

    Đâu đấy xong xuôi, ra tới cửa thì tất cả 6 anh chị em tôi đều nước mắt ngắn, nước mắt dài. Chị tôi không chịu nổi sự xúc động, níu vai tôi và khóc nấc lên…. Trời bỗng lất phất mưa. Căn 2 tầng đối diện có treo lá cờ (chắc là ủy ban gì đó) vừa bị gió lay vừa bị mưa ướt vỗ lên hàng hiên nghe phần phật. Tôi quay qua hỏi ông anh – Anh còn nhớ mấy câu thơ của ông Trần Dần không? Anh trả lời – Tôi nhớ chứ chú! Mà cảnh sao có vẻ giống nhỉ!?

    “Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà”
    “Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” ... (T.D.)

    Đi bộ đến ngã 3, men theo vỉa hè, vì trời vẫn mưa lất phất… Mọi người nép vào nhau để tránh vòi nước nhỏ lách tách chảy xuống theo mái hiên. Bất chợt, từ quán nước ngay sát lề, một giọng hát thoát ra …. “Lệ mãi thương về cố hương xa vời, lệ nhớ mong ai mờ trang giấy....” Dường như tất cả đất trời chợt sững lại (chả hiểu sao mãi Hải Dương mà lại có người vặn nhạc Lam Phương để nghe?). Chị tôi quay nhìn rồi bảo – Bài hát quá hay, quá cảm động. Tôi nghĩ, chẳng qua bài hát với lời lẽ đó đến đúng lúc tâm trạng chúng tôi vẫn còn nghẹn ngào, xao xuyến nên nó cắt thẳng vào trong lòng nhanh, nhọn như lưỡi dao lá trúc vậy.

    Từ bấy đến nay, mỗi lần nghe bài hát đó, thì con phố Hàng Đồng với căn nhà hai gian lại hiện ra trong trí nhớ, giữa mưa bụi lất phất, và một bên lề đường tất tả những giọt nước rơi. Tôi hình dung thấy Bố tôi trong chiếc áo dài lương đen, khăn đóng, đang bước đi ở một đầu ngõ nhỏ, và hình ảnh mờ mờ của Mẹ tôi, quang gánh nghiêng vai, trĩu trệ thấp cao trên con đê nhòa hơi sương sớm.

    Bố, Mẹ tôi mất cùng năm, người đầu năm, người cuối năm, khi tôi vừa đủ khả năng để phụng dưỡng. Cứ bảo rằng chưa kịp là đồng nghĩa với muộn màng. Nhưng thật ra, đời sống quá thiết tha và vội vã, mình phải tự hiểu điều nên làm, ngay cả lúc mình cứ đinh ninh là chưa kịp. Có lắm vết thương quên đi cho dù thành sẹo, nhưng có những vết thương không sứt mẻ vẫn đau đáu mãi khôn nguôi.

    Ghi chú:
    *** Phố Châu Long: lấy tên người vợ của ông Dương Lễ trong truyện Lưu Bình - Dương Lễ.
    *** Thôn Ngũ Xã: Bài hát Cô Hàng Nước.
    *** Câu vè truyền miệng: Dưa La, húng Láng, cà Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét (Nguyên thủy là cà Báng chứ không phải nem Báng)

    MM
    Last edited by Mang Mộc; 06-12-2020 at 05:54 PM.
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  9. #9
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Last edited by Mang Mộc; 03-17-2021 at 07:52 PM.
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  10. #10
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Lối xa, chân rẽ

    Có những sáng ngày rớt lạnh
    Dường như mây cảm gió vô tình
    Một mùa thu trở về như ảo ảnh
    Con đường trắng bạch, lặng thinh

    Không gian đột hóa vùng lo sợ
    Màu thời gian vẫn xanh xanh lơ
    Biển, phố, nắng xa hầm hập thở
    Áo tà hoa nhạt tím… mơ hồ!

    Buổi nào, chân đợi, quay nhìn nhau
    Buổi nào, tóc bay, vai cần vai
    Mưa vẽ cung vòng, vui mắt đuổi
    Lửng lơ sao cái lúc chau mày!

    Nhạc ấy chìm trong âm hưởng ấy
    Cả khối tim rung tình rất mê
    Lần cách phân, chuyến xe ngần ngại quá
    Ngón tay bỗng rét khối chia lìa

    Em, hôm nay mua mấy nụ hồng
    Xin cầu, tượng trắng ướp hơi hương
    Nhớ rẽ phố, dạo trên lề cũ
    Cho dù em sẽ nhớ anh hơn

    MM
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 01:38 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh