Register
Results 1 to 10 of 734

Thread: Lối cũ

Hybrid View

  1. #1
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843

    Lối cũ

    Nhạc Nguyễn Văn Đông và tuổi thơ tôi….

    Chế độ Cộng Hòa đầu tiên của miền nam VN gục đổ tháng 11 - 1963. Năm ấy tôi chỉ là thằng bé con, chưa đủ tuổi thi vào đệ thất, nhưng cũng đủ lớn để còn nhớ lại dăm, ba kỷ niệm làm nền: từ những buổi đầu ồn ào, xuống đường, biểu tình của sư sãi do người lớn bàn luận, đến cuối cùng khi báo chí, radio tường thuật vụ đảo chánh, đánh nhau ở khu vực đài phát thanh, dinh Gia Long, thành Cộng Hòa….
    Đó là thời sự chung, náo động, nên đầu óc của tầm cỡ 9, 10, hay lớn hơn, ít, nhiều đều bị tin tức ăn vào . Duy, âm nhạc thuở ấy, với tôi, là một sự thâm nhập vô tình. Nó thản nhiên đến, chiếm lĩnh, phôi thai kết tụ, nhỏ bé, rồi vươn mình lớn lên, tồn tại.

    Một, trong những ông anh, người đầu tiên của gia đình biết chơi Mandolin và Hạ Uy cầm từ thưở Hà Nội (nghe bảo là anh ấy tấu khá giỏi). Sau di cư, anh vào đại học, nhưng vẫn làm thêm để kiếm tiền học Guitar. Bố tôi thì ghét cay đắng cái loại xướng ca vô loài, nên Cụ khó chịu, cằn nhằn hoài… Nhưng vì sinh kế, nên Bố tôi, tờ mờ sáng đã ra khỏi nhà cho đến khi trời gần sụp tối mới về. Thế là, bầu không khí đằng sau cánh cửa vẫn có khoảng thời gian dễ thở cho máu văn nghệ của anh phát triển.
    Tôi, con út, một hai năm nữa sẽ thi vào trung học, buộc phải gạo bài, ít được cho chạy rông, vui đùa với lũ trẻ cùng xóm như trước. Phạm vi sinh hoạt của tôi là chỉ ăn, học, chơi quanh quẩn xó nhà … và dĩ nhiên, được nghe nhạc (live music, dù muốn, dù không!).

    Mỗi bữa, sau giấc ngủ trưa, thì thấy anh tôi đi làm về (hoặc đi học về?). Cứ độ khoảng 2 giờ chiều, anh lại xách cây guitar ra ngồi ở hàng hiên sau, trên lầu, lệch nắng, chỗ nhìn xuống khoảng sân lộ thiên, trước khi bước vào chái bếp. Anh dạo nhiều bản nhạc lắm, nhưng lúc ấy tôi còn quá nhỏ, đâu để ý nhạc nhiếc là gì, với lại cái bàn học con con của tôi lại đặt phía hiên trước (cũng trên lầu), nên tiếng đàn chỉ mò vào trong tai loáng thoáng, trừ khi anh cao hứng hát lớn, thì nghe rõ mồn một.

    Xa xa trước nữa, năm tôi 6 tuổi, lúc g/đ vẫn ở mướn bên Phạm Ngũ Lão, chưa dọn về phố này, khúc nhạc đầu đời mà tôi biết đến là bản Tình Không Biên Giới của Văn Lương do ông chú họ hay đến chơi, mang đàn theo xập xình (để cua cô gái cùng xóm (?)). Nhưng, nhúm óc bé tẹo của tôi chỉ được thẩm thính bài hát đôi lần rồi hết. Thành thử, bản thứ nhất mà tôi thuộc, vì nghe nhiều lần, lại là bản Chiều Mưa Biên Giới, do anh tôi tập lui, tập tới một thời gian…. “Âm thanh NV Đông” đi vào tâm hồn tôi từ đó!

    Đầu năm 1964, một buổi sáng (trời còn tờ mờ - chắc chỉ quãng 5:30 hay 6:00 sáng là cùng), giật mình ngai ngái, nghe xì xào và tiếng ho khan, lạch cạch của người lớn. He hé nhìn (mắt vẫn cay sè), thấy ông anh đứng ở đầu giường và Mẹ tôi đang nhắn nhủ…, rồi cơn ngủ kéo béng tôi đi mất. Sau mới biết là sớm đó, anh chào Mẹ để lên đường nhập ngũ (khóa 18 Thủ Đức).

    Rồi chiến cuộc lây lan, ngày thêm nặng nề, khốc liệt. Anh tôi chả mấy khi về thăm nhà, mà có lẽ, sở thích văn nghệ của anh cũng dần tan theo, bụi, đất, sình, lầy vùng 4. Sư đoàn 7 BB có bản doanh đặt tại Mỹ Tho và chịu trách nhiệm các khu vực: Tiền Giang, … Long Định, Cái Bè, Cai Lậy…..

    Vào những ngày cuối tháng 4 – 75, trong số các con trai còn bôn ba bìa rừng góc núi, gia đình chỉ duy nhất không nhận được tin tức gì của anh, nên ai người đều rất hoang mang, lo ngại. Dù anh tôi lúc đó đã lon lá cấp Tá và làm việc trên Trung Đoàn, nghĩa là không đến nỗi phải trực diện với đầu tên, mũi đạn thường xuyên, nhưng ở buổi hỗn quan, hỗn quân, thì cấp bực nào cũng phải tự lực sinh tồn, chứ đâu còn trông nhiều vào thần thiêng hộ hạ nữa….Từng tuần lễ trôi qua, vẫn bặt vô âm tín! Mẹ tôi khóc không biết bao sớm, bao chiều, dần dần kiệt quỵ, và ngã bệnh….

    Theo như kể, thì giữa tháng 10 – 75, một người lính cũ của anh đi đâu đó, tạt ngang SG, ghé báo tin là, anh, sau khi đơn vị buông súng, bị họ giữ tại phòng hành quân, rồi đưa đi liền. Cả nhà quýnh quáng, không rõ anh có bị thủ tiêu hay bị đưa đi giam ở nơi nào đó. Sau, may nhờ có đứa cháu họ, từ ngoài Bắc vào (bộ đội, chức sắc chắc cũng kha khá), lần mò, tìm ra manh mối (cũng có trao đổi chứ không phải giúp không), là anh đang bị nhốt ở Thanh Hóa (Đầm Đùn, Lý Bá Sơ). Thế là Mẹ tôi… tức tốc thu xếp, gói ghém. Tội nghiệp, sau đủ thứ chật vật lên xuống phường, quận, thành phố, xin được giấy phép thăm nuôi …. Đi với đứa cháu nội, hơn hai mươi ngày đường, đến Thanh Hóa, mới hay là họ đã chuyển anh tôi đi cải tạo ở xa nữa, cực Bắc. Mẹ tôi chết trong lòng, nhưng phải trở lại SG, vì tiền nong không đủ, mà chẳng biết rõ cực Bắc là mãi đâu….

    14 năm sau, anh sống sót trở về…. với tình trạng sức khỏe hết sức tồi tệ. Người anh gầy tong teo, răng rụng gần hết, gan, phổi, nội tạng đều mang thương tích nặng do từng bị đánh đập, cùm kẹp…. Tạm trú không hộ khẩu ở nhà gần 1 tháng, anh tôi trốn theo đường bộ qua ngả Cam Bốt và đến được Thái Lan…. Sau đó, chúng tôi bảo lãnh anh sang Mỹ.

    Chuyện khá dây dưa rễ má, nên hễ chữ ùa ra thì cứ miên man kể mãi… Nhưng, rút ngắn lại để vào chi tiết chính. Số là, những tướng, tá của miền Nam đều bị đẩy ra tù tội tận ngoài Bắc (chính sách trả thù của cs đối với sĩ quan VNCH cấp cao). Cũng có một số không mang hàm phẩm cao, vẫn đưa ra tù Bắc vì bị liệt vào thành phần nguy hiểm (có ảnh hưởng đến: văn hóa, chính trị, hay phục quốc, nổi dậy).

    Tù cùng với anh tôi qua nhiều trại giam khác nhau có nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và nhạc sĩ Anh Hoa (tác giả của nhạc phẩm Hận Ly Hương). Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến anh NVĐ mà thôi. Khi có t/g, sẽ viết chút đỉnh về nhạc sĩ Anh Hoa sau….

    Theo anh tôi kể, thì nhạc sĩ NVĐ (cấp bậc Đại Tá của VNCH), sau những năm tù tội, kiểm thảo, cùm kẹp khốc liệt… Vừa thiếu ăn, vừa bệnh tật, vừa mất dần trí nhớ, đã trở nên suy yếu, lẩn thẩn đến độ không còn sức lao động. Bọn cán bộ khốn nạn cũng bỏ mặc, coi anh NVĐ như một xác chết biết đi…. Chúng kệ anh muốn làm gì thì làm, chả lo anh trốn trại hay có thể gây hiểm họa… vì anh đã hiển nhiên lê lết gần như vô hồn.
    Rồi, một chiều, bạn tù ai cũng thấy anh NVĐ lần mò ra hàng rào kẽm bốc đất, bốc cỏ cho vào mồm. Họ ùa ra cõng anh về phòng (lán), móc đất, móc cỏ ra khỏi miệng anh. Từ đó anh bại hoại, rũ liệt cho đến khi bọn khốn nạn trả anh về với gia đình. Tình người một nước là thế đó, hòa bình là thế đó, chế độ bao dung không thù hằn là thế đó…. “Đừng nghe… mà hãy nhìn…” trở nên câu nói lịch sử là do vậy.

    Nhạc NV Đông đến với tôi, như kỷ niệm tình đầu, triền miên, êm ả… Tôi yêu vì ngôn từ dung dị, vì cảm xúc man mác, vì melody có chút tây phương, trộn với hồn dân tộc Việt. Tôi yêu nhạc NV Đông vì anh viết cho thân phận, cho lính, cho trách nhiệm, không nặng sắt máu mà cũng không ủy mị, đớn hèn. Nhạc NV Đông mang hào khí kín đáo, hướng về tương lai, hứa hẹn, nhưng không thiếu “chất” đôi lứa trong một bối cảnh lớn, “chất” gìn giữ tự do nửa phần lãnh thổ.

    Xã hội cs đó, thâu gồm đất nước rồi, họ lấy đi tất cả đạo đức, nhân tính, khả năng sáng tạo, đều chỉ với mục đích bảo tồn cái sức mạnh độc tài, ngu dốt, vị kỷ, lợi tức phe nhóm, cũng như lợi tức cá nhân lãnh tụ (hay những lãnh tụ).
    Việt Nam có lẽ sẽ không bao giờ được giữ địa vị hoàng kim như thời mang danh hòn ngọc viễn đông, khi Đại Hàn, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, … và rất nhiều những quốc gia khác ở đông nam á chỉ là những bóng mờ trên bản đồ thế giới. Dường như Cam Bốt, Ai lao ngày nay cũng có sắc thái văn minh hơn VN mình nữa. Ôi! Con dốc băng hoại này sẽ còn tuột đến bao giờ?

    Anh tôi, vì hậu quả của những năm tù tội, mang bệnh, đã nằm xuống lâu rồi. Anh NV Đông thì không rõ hoàn cảnh ra sao, hoặc sống hay đã mất. Nhưng, mỗi khi nghe lại bài hát cũ, từng câu, từng chữ … trở về, ngực tôi quặn se và nhớ… Có khoảng hiên sau nhìn xuống vuông sân chái bếp, có tiếng đàn đệm mơ hồ lúc nắng nghiêng nghiêng.

    Xin biết mang ơn những người lính. Ơn ấy thật vô cùng… Bởi, không có các anh, thì không thể có cuộc sống chúng tôi hiện tại. Không có các anh, thì không thể có những tồn trữ tình người bằng nhân phẩm thật thà duy trì cho hôm nay, mai sau, và tiếp nối …..

    Anh tôi, Nguyễn Văn Đông cũng như tất cả mọi quân nhân của quân lực VNCH là những người lính bình thường, có tình, đơn giản. Cảm ơn anh!

    MM
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  2. #2
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Last edited by Mang Mộc; 03-17-2021 at 07:51 PM.
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  3. #3
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Đêm thu sớm

    Những mảnh khuê văn rủ nhau lập hội
    Thắp sáng choang một góc thời gian
    Đêm hắt lạnh xuyên màu khung cửa
    Dịu dàng thơm, ngây ngất ngọc lan

    Trong thu mới, mơ hồ tôi thấy
    Tiếng xa đưa, ảo ảnh bay về
    Tà áo dệt sương tơ mảnh khảnh
    Ánh điện đường ngây dại ốm tê

    Trời đất phả hồn vu sơn cũ
    Cành miên man hò hẹn chẳng lìa nhau
    Trang lịch đỏ nằm nghe lay động
    Câu nguyền song thất lạc về đâu

    Lướt thướt trăng nghiêng, mây giấu mặt
    Lời qua lá biếc gọi tìm đôi?
    Sao băng một chiếc, hồn Dương phụ?
    Hay vừa run rẩy sắc hương trôi?

    Em đâu nhỉ, hãy lắng nghe ngoài kia
    Giọt chìm chìm thai nghén vào khuya
    Tóc xõa đêm nay làm suối chảy
    Róc rách hờn, hay hận lỗi thề?

    MM
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  4. #4
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Mua chả cốm mà suýt phải cốm nhau

    Cách đây vài năm, tôi về lại VN dự đám cưới của đứa cháu. (Cũng trong đợt này, tôi và anh thangtram rủ nhau vác cà nông (Canon) đi miền Tây săn ảnh chí chóe)…

    Tại SG, tôi thuê phòng ở KS Lan Lan 1, gần cửa Nam chợ Bến Thành. Vị trí KS coi như ngay trung tâm thành phố, nên khá xô bồ, gần như thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có thể mua sắm được… nhất là thức ăn, thức uống.

    Một hôm, sau khi lên Lái Thiêu thắp hương và làm cỏ cho mộ Cha, Mẹ, lúc xong thì gần 5 giờ chiều. Nửa mệt, đói, nửa nóng bức khó chịu, mới ghé vào tiệm giò chả Minh Châu trên đường Gia Long cũ (nay mang tên thằng thổ phỉ Lý Tự Trọng nào đó – nghe hệt như tên 1 thằng Trung Cộng), định bụng mua ổ bánh mỳ thịt hay gói xôi lạp xưởng ăn cho nhanh… Lúc ấy mưa cũng lác chác bắt đầu, càng làm thêm oi ả (SG hay có những cơn mưa ào, xuyên nắng, rồi dứt rất nhanh). Trong tiệm, lúc ấy có một khách hàng (phụ nữ) đang mua gì đó… nên tôi đứng ngay đằng sau và đợi đến lượt mình.

    Một chiếc gắn máy từ đâu ào nhanh tới (chắc bị mưa rượt?), xịch đỗ ngay vỉa hè sát cửa tiệm. Một anh khoảng gần 40 nghênh ngang bước vào nói vói với cô trong quầy “Chị ơi lấy cho tôi .. bla … bla … bla” . Rồi không đợi ai trả lời, anh lách qua tôi, lên phía trước, sát ngay quầy và chỉ tay vào những món anh muốn mua. Cô khách hàng kia cũng vừa trả tiền xong và dợm bước.

    Hừm hừm hừm... Lửa trong tôi phừng liền, nhất là lại nghe cái giọng bắc kỳ vượt Trường Sơn thổ tả oang oáng nữa. Chẳng nói chẳng rằng, tôi thọc hai ngón tay vào vai anh chàng thật mạnh. Quay lại nhìn, thấy mắt tôi có vẻ đang khạc lửa, anh chàng ngạc nhiên (chắc là quen thói xâm lấn, tự tung tự tác hồi nào giờ). Hẳn thấy tôi cũng đủ bề ngang bề dọc nên anh ta không nói gì, vẫn tiếp tục đứng choán đó, nhưng không chỉ trỏ hay nói gì thêm với cô bán hàng. Thọc hai ngón tay vào vai anh mạnh hơn thêm lần nữa, và tôi sẵn sàng. Lần này anh quay lại và hỏi trống “Cái gì thế?”. Vẫn không nói, tôi đưa ngón tay cái chỉ ra phía sau lưng rồi gằn “Đi ra đằng sau”. Vì đã có ý làm dữ, nên tôi không muốn rõ rệt là “Đi ra đằng sau xếp hàng”. Lúc gằn, tôi nhìn thẳng vào mắt anh chàng với ngụ ý rõ rệt (Do not f… w… me, y.. p…. of s…). Hắn khựng vài giây, mặt tái lại, rồi bắn thẳng ra chiếc xe biến vào cơn mưa đang trở mình lộp độp…. Tôi thở phào như cơ thể vừa trút khỏi trăm cân. Hú vía mình hay hú vía nó đây? Nếu nó là con nít, chắc tôi kệ, nhưng đằng này, nó cũng kha khá tuổi rồi. Tiên sư cái lũ…..

    Ý định mua bánh mỳ hay mua xôi cũng tan biến, khi thấy trong quầy có một chỗ ghi “Chả Cốm”. Thế là mua luôn hai miếng tròn tròn dẹp dẹp. Hí hửng mang ra để ăn vã cho khoái khẩu.

    Mèng ơi, cứ nghĩ là chả trộn hay chế biến làm với cốm . Bố ai mà ngờ được là họ bằm bì, mỡ, lợn cợn chung với chả cho ra vị beo béo, sần sật. Nửa mếu, nửa cười muốn hát to lên “Thượng đế hỡi có thấu cho Việt Nam này….”. Buồn hơn nửa tiếng, nhưng đói bụng quá, chửng luôn 1 cái, còn cái kia cho cậu gác dan ở khách sạn. Cả tiếng sau, cái cảm giác nhờn nhờn của bì và mỡ như vẫn dán vào môi anh nồng cho giấc ngủ em run…..

    MM
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  5. #5
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Phạm Thái
    (Một người lính Tiểu Đoàn 3 BĐQ)

    Mưa đổ 2 lần qua miền sông nước
    Mang cái tên tiền định của người
    Bốn trăm năm ngược đường thuở trước
    Đi tìm nửa quãng đời vui

    Phải Quỳnh Như tóc dài, lụa trắng?
    Buổi chiều trường lớp những mùa xa
    Bóng hàng cây Huỳnh Đàn nghiêng đổ
    Giấu nụ cười, che áo rừng hoa

    Người lính tiểu đoàn, từ mặt trận
    Trở về, dan díu cuộc tình mơ
    Cánh hoa Lê, mùa trăng tuổi nhỏ
    Phong hương, độ thắm ai ngờ

    Dòng đời, lớp lớp như lưu thủy
    Say cuồng vỡ sóng triều dâng
    Phạm Thái rượu bầu, thơ ấp úng
    Ngâm hồn trong đáy mắt mỹ nhân

    Nơi đây, ồn ã ngày vun vút
    Lệ trời không thấy, mưa không sang
    Dừng chân ghé lại, hồn thu khuất
    Lụa, tóc, ngày xưa lạc gió ngàn!

    MM
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


  6. #6
    nghìn dặm Mang Mộc's Avatar
    Join Date
    Mar 2017
    Location
    Freeway 5
    Posts
    3,843
    Last edited by Mang Mộc; 03-17-2021 at 07:51 PM.
    Giờ ta láo khoét hơn thằng cuội
    Cắc ké mà ưa dọa nhát người!


 

 

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 02:20 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh