Nhạc Nguyễn Văn Đông và tuổi thơ tôi….

Chế độ Cộng Hòa đầu tiên của miền nam VN gục đổ tháng 11 - 1963. Năm ấy tôi chỉ là thằng bé con, chưa đủ tuổi thi vào đệ thất, nhưng cũng đủ lớn để còn nhớ lại dăm, ba kỷ niệm làm nền: từ những buổi đầu ồn ào, xuống đường, biểu tình của sư sãi do người lớn bàn luận, đến cuối cùng khi báo chí, radio tường thuật vụ đảo chánh, đánh nhau ở khu vực đài phát thanh, dinh Gia Long, thành Cộng Hòa….
Đó là thời sự chung, náo động, nên đầu óc của tầm cỡ 9, 10, hay lớn hơn, ít, nhiều đều bị tin tức ăn vào . Duy, âm nhạc thuở ấy, với tôi, là một sự thâm nhập vô tình. Nó thản nhiên đến, chiếm lĩnh, phôi thai kết tụ, nhỏ bé, rồi vươn mình lớn lên, tồn tại.

Một, trong những ông anh, người đầu tiên của gia đình biết chơi Mandolin và Hạ Uy cầm từ thưở Hà Nội (nghe bảo là anh ấy tấu khá giỏi). Sau di cư, anh vào đại học, nhưng vẫn làm thêm để kiếm tiền học Guitar. Bố tôi thì ghét cay đắng cái loại xướng ca vô loài, nên Cụ khó chịu, cằn nhằn hoài… Nhưng vì sinh kế, nên Bố tôi, tờ mờ sáng đã ra khỏi nhà cho đến khi trời gần sụp tối mới về. Thế là, bầu không khí đằng sau cánh cửa vẫn có khoảng thời gian dễ thở cho máu văn nghệ của anh phát triển.
Tôi, con út, một hai năm nữa sẽ thi vào trung học, buộc phải gạo bài, ít được cho chạy rông, vui đùa với lũ trẻ cùng xóm như trước. Phạm vi sinh hoạt của tôi là chỉ ăn, học, chơi quanh quẩn xó nhà … và dĩ nhiên, được nghe nhạc (live music, dù muốn, dù không!).

Mỗi bữa, sau giấc ngủ trưa, thì thấy anh tôi đi làm về (hoặc đi học về?). Cứ độ khoảng 2 giờ chiều, anh lại xách cây guitar ra ngồi ở hàng hiên sau, trên lầu, lệch nắng, chỗ nhìn xuống khoảng sân lộ thiên, trước khi bước vào chái bếp. Anh dạo nhiều bản nhạc lắm, nhưng lúc ấy tôi còn quá nhỏ, đâu để ý nhạc nhiếc là gì, với lại cái bàn học con con của tôi lại đặt phía hiên trước (cũng trên lầu), nên tiếng đàn chỉ mò vào trong tai loáng thoáng, trừ khi anh cao hứng hát lớn, thì nghe rõ mồn một.

Xa xa trước nữa, năm tôi 6 tuổi, lúc g/đ vẫn ở mướn bên Phạm Ngũ Lão, chưa dọn về phố này, khúc nhạc đầu đời mà tôi biết đến là bản Tình Không Biên Giới của Văn Lương do ông chú họ hay đến chơi, mang đàn theo xập xình (để cua cô gái cùng xóm (?)). Nhưng, nhúm óc bé tẹo của tôi chỉ được thẩm thính bài hát đôi lần rồi hết. Thành thử, bản thứ nhất mà tôi thuộc, vì nghe nhiều lần, lại là bản Chiều Mưa Biên Giới, do anh tôi tập lui, tập tới một thời gian…. “Âm thanh NV Đông” đi vào tâm hồn tôi từ đó!

Đầu năm 1964, một buổi sáng (trời còn tờ mờ - chắc chỉ quãng 5:30 hay 6:00 sáng là cùng), giật mình ngai ngái, nghe xì xào và tiếng ho khan, lạch cạch của người lớn. He hé nhìn (mắt vẫn cay sè), thấy ông anh đứng ở đầu giường và Mẹ tôi đang nhắn nhủ…, rồi cơn ngủ kéo béng tôi đi mất. Sau mới biết là sớm đó, anh chào Mẹ để lên đường nhập ngũ (khóa 18 Thủ Đức).

Rồi chiến cuộc lây lan, ngày thêm nặng nề, khốc liệt. Anh tôi chả mấy khi về thăm nhà, mà có lẽ, sở thích văn nghệ của anh cũng dần tan theo, bụi, đất, sình, lầy vùng 4. Sư đoàn 7 BB có bản doanh đặt tại Mỹ Tho và chịu trách nhiệm các khu vực: Tiền Giang, … Long Định, Cái Bè, Cai Lậy…..

Vào những ngày cuối tháng 4 – 75, trong số các con trai còn bôn ba bìa rừng góc núi, gia đình chỉ duy nhất không nhận được tin tức gì của anh, nên ai người đều rất hoang mang, lo ngại. Dù anh tôi lúc đó đã lon lá cấp Tá và làm việc trên Trung Đoàn, nghĩa là không đến nỗi phải trực diện với đầu tên, mũi đạn thường xuyên, nhưng ở buổi hỗn quan, hỗn quân, thì cấp bực nào cũng phải tự lực sinh tồn, chứ đâu còn trông nhiều vào thần thiêng hộ hạ nữa….Từng tuần lễ trôi qua, vẫn bặt vô âm tín! Mẹ tôi khóc không biết bao sớm, bao chiều, dần dần kiệt quỵ, và ngã bệnh….

Theo như kể, thì giữa tháng 10 – 75, một người lính cũ của anh đi đâu đó, tạt ngang SG, ghé báo tin là, anh, sau khi đơn vị buông súng, bị họ giữ tại phòng hành quân, rồi đưa đi liền. Cả nhà quýnh quáng, không rõ anh có bị thủ tiêu hay bị đưa đi giam ở nơi nào đó. Sau, may nhờ có đứa cháu họ, từ ngoài Bắc vào (bộ đội, chức sắc chắc cũng kha khá), lần mò, tìm ra manh mối (cũng có trao đổi chứ không phải giúp không), là anh đang bị nhốt ở Thanh Hóa (Đầm Đùn, Lý Bá Sơ). Thế là Mẹ tôi… tức tốc thu xếp, gói ghém. Tội nghiệp, sau đủ thứ chật vật lên xuống phường, quận, thành phố, xin được giấy phép thăm nuôi …. Đi với đứa cháu nội, hơn hai mươi ngày đường, đến Thanh Hóa, mới hay là họ đã chuyển anh tôi đi cải tạo ở xa nữa, cực Bắc. Mẹ tôi chết trong lòng, nhưng phải trở lại SG, vì tiền nong không đủ, mà chẳng biết rõ cực Bắc là mãi đâu….

14 năm sau, anh sống sót trở về…. với tình trạng sức khỏe hết sức tồi tệ. Người anh gầy tong teo, răng rụng gần hết, gan, phổi, nội tạng đều mang thương tích nặng do từng bị đánh đập, cùm kẹp…. Tạm trú không hộ khẩu ở nhà gần 1 tháng, anh tôi trốn theo đường bộ qua ngả Cam Bốt và đến được Thái Lan…. Sau đó, chúng tôi bảo lãnh anh sang Mỹ.

Chuyện khá dây dưa rễ má, nên hễ chữ ùa ra thì cứ miên man kể mãi… Nhưng, rút ngắn lại để vào chi tiết chính. Số là, những tướng, tá của miền Nam đều bị đẩy ra tù tội tận ngoài Bắc (chính sách trả thù của cs đối với sĩ quan VNCH cấp cao). Cũng có một số không mang hàm phẩm cao, vẫn đưa ra tù Bắc vì bị liệt vào thành phần nguy hiểm (có ảnh hưởng đến: văn hóa, chính trị, hay phục quốc, nổi dậy).

Tù cùng với anh tôi qua nhiều trại giam khác nhau có nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và nhạc sĩ Anh Hoa (tác giả của nhạc phẩm Hận Ly Hương). Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến anh NVĐ mà thôi. Khi có t/g, sẽ viết chút đỉnh về nhạc sĩ Anh Hoa sau….

Theo anh tôi kể, thì nhạc sĩ NVĐ (cấp bậc Đại Tá của VNCH), sau những năm tù tội, kiểm thảo, cùm kẹp khốc liệt… Vừa thiếu ăn, vừa bệnh tật, vừa mất dần trí nhớ, đã trở nên suy yếu, lẩn thẩn đến độ không còn sức lao động. Bọn cán bộ khốn nạn cũng bỏ mặc, coi anh NVĐ như một xác chết biết đi…. Chúng kệ anh muốn làm gì thì làm, chả lo anh trốn trại hay có thể gây hiểm họa… vì anh đã hiển nhiên lê lết gần như vô hồn.
Rồi, một chiều, bạn tù ai cũng thấy anh NVĐ lần mò ra hàng rào kẽm bốc đất, bốc cỏ cho vào mồm. Họ ùa ra cõng anh về phòng (lán), móc đất, móc cỏ ra khỏi miệng anh. Từ đó anh bại hoại, rũ liệt cho đến khi bọn khốn nạn trả anh về với gia đình. Tình người một nước là thế đó, hòa bình là thế đó, chế độ bao dung không thù hằn là thế đó…. “Đừng nghe… mà hãy nhìn…” trở nên câu nói lịch sử là do vậy.

Nhạc NV Đông đến với tôi, như kỷ niệm tình đầu, triền miên, êm ả… Tôi yêu vì ngôn từ dung dị, vì cảm xúc man mác, vì melody có chút tây phương, trộn với hồn dân tộc Việt. Tôi yêu nhạc NV Đông vì anh viết cho thân phận, cho lính, cho trách nhiệm, không nặng sắt máu mà cũng không ủy mị, đớn hèn. Nhạc NV Đông mang hào khí kín đáo, hướng về tương lai, hứa hẹn, nhưng không thiếu “chất” đôi lứa trong một bối cảnh lớn, “chất” gìn giữ tự do nửa phần lãnh thổ.

Xã hội cs đó, thâu gồm đất nước rồi, họ lấy đi tất cả đạo đức, nhân tính, khả năng sáng tạo, đều chỉ với mục đích bảo tồn cái sức mạnh độc tài, ngu dốt, vị kỷ, lợi tức phe nhóm, cũng như lợi tức cá nhân lãnh tụ (hay những lãnh tụ).
Việt Nam có lẽ sẽ không bao giờ được giữ địa vị hoàng kim như thời mang danh hòn ngọc viễn đông, khi Đại Hàn, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, … và rất nhiều những quốc gia khác ở đông nam á chỉ là những bóng mờ trên bản đồ thế giới. Dường như Cam Bốt, Ai lao ngày nay cũng có sắc thái văn minh hơn VN mình nữa. Ôi! Con dốc băng hoại này sẽ còn tuột đến bao giờ?

Anh tôi, vì hậu quả của những năm tù tội, mang bệnh, đã nằm xuống lâu rồi. Anh NV Đông thì không rõ hoàn cảnh ra sao, hoặc sống hay đã mất. Nhưng, mỗi khi nghe lại bài hát cũ, từng câu, từng chữ … trở về, ngực tôi quặn se và nhớ… Có khoảng hiên sau nhìn xuống vuông sân chái bếp, có tiếng đàn đệm mơ hồ lúc nắng nghiêng nghiêng.

Xin biết mang ơn những người lính. Ơn ấy thật vô cùng… Bởi, không có các anh, thì không thể có cuộc sống chúng tôi hiện tại. Không có các anh, thì không thể có những tồn trữ tình người bằng nhân phẩm thật thà duy trì cho hôm nay, mai sau, và tiếp nối …..

Anh tôi, Nguyễn Văn Đông cũng như tất cả mọi quân nhân của quân lực VNCH là những người lính bình thường, có tình, đơn giản. Cảm ơn anh!

MM