Register
Results 1 to 4 of 4
  1. #1
    Nhà Ngói
    Join Date
    Apr 2014
    Posts
    135

    Sao chữ Việt Cộng không dùng mà đồ ăn Việt Cộng thì ăn nhiều vậy?







    "Lạy trời cho con ăn nói cận thận để không bị gán là Việt Cộng." (Hình minh họa: Getty Images)

    Sổ tay phóng viên (Ngọc Lan)

    WESTMINSTER, California (NV) – “Sao chữ Việt Cộng không dùng mà đồ ăn Việt Cộng thì ăn nhiều vậy?” là lời bình luận của một độc giả ghi bên dưới bài hướng dẫn về cách làm món “Gà chiên nước mắm” đăng trên trang Người Việt Online.

    Thoạt đầu, khi đọc câu nhận xét trên, tui cảm thấy thiệt là khó chịu. Nhất là khi vị độc giả đó còn bồi thêm một câu nữa, rằng thì là “Món ăn này là của Việt Cộng mà, thời VNCH làm gì có món ăn này.”

    Bực bội, nhưng làm báo cũng như làm dâu trăm họ, thôi thì nhịn, như kiểu ông bà mình vẫn dạy “một câu nhịn, chín câu lành,” nên tức lắm thì cũng mang ra để nói với bạn bè, người quen biết xung quanh nghe thôi.

    Thế nhưng, đôi ba tuần sau, dưới bài hướng dẫn “Cách làm bánh chuối nướng” thì có người lại nhận xét: “Trước năm 1975 chỉ có bánh chuối hấp thôi, làm gì có bánh chuối nướng. Bánh chuối nướng là của mấy người cộng sản nằm vùng ở Cà Mau làm gửi vào chiến khu cho mấy ông cộng sản trong rừng ăn.”

    Ui chu choa ơi, ta nói khí xung thiên muốn bốc lên đầu. Giờ muốn gì?

    Hết bắt bẻ chữ nghĩa Việt Cộng, giờ lại quay sang chĩa luôn vô cái bao tử là sao?
    Uống một hơi ba ly nước đá, ăn hai cái cánh gà chiên nước mắm, rồi nhai luôn một miếng bánh chuối. Cơn giận tan biến.

    Ngẫm nghĩ. Mà, hình như ông này nói đúng.
    “Sao chữ Việt Cộng không dùng mà đồ ăn Việt Cộng thì ăn nhiều vậy?”

    Ừ hén. Ông này nói đâu có sai!

    Hơn bốn mươi năm nay, người Việt hải ngoại cứ bắt bẻ, vặn vẹo nhau mãi về chuyện “xài chữ Việt Cộng.” Mà với nhiều người ở lứa tuổi 40-50 bây giờ đôi khi họ chẳng thể nào phân biệt được chữ nào là chữ Việt Cộng, chữ nào là chữ Việt Nam.

    Bởi, khi được cha mẹ sanh ra hay lúc mới bắt đầu xách cặp đi học, thì họ đã nghe người xung quanh nói như vậy. Sự việc đó, hiện tượng đó, cảm xúc đó, tâm trạng đó được mặc định, được diễn tả, được bày tỏ, được định nghĩa bằng những con chữ đó. Người khác nói, họ hiểu. Họ nói, người khác hiểu. Giao tiếp trong xã hội chỉ cần thế là đủ. Nghe. Hiểu. Cảm thông.

    Lon ton qua đến đây, mở miệng nói chuyện, vô tình trúng ngay những chữ mà người xưa không biết, là bị quýnh ngay cho một câu “đồ Việt Cộng.” Thiệt là tá hỏa lồng đèn!
    Nhưng rồi thì, sống đâu quen đó. Ngôn ngữ tự thân nó là sinh ngữ, là sự biến đổi từng ngày, hàm cả ý nghĩa sinh sôi nảy nở. Cứ nhìn vào các quyển tự điển mà xem, cuốn sau luôn dày hơn cuốn trước, bởi chữ nghĩa được sản sinh ra mỗi lúc một nhiều. Và cũng phải chấp nhận một điều rằng ở đâu quen đó, sinh đâu nói đó.

    Ở đây người ta không nói “Mùa Thu này con đăng ký học ESL ở trường Golden West,” thì mình sẽ tập mà thay bằng “Mùa Thu này con ghi danh học ESL ở trường Golden West.”

    Người ta không thích nghe “Tôi bức xúc với kiểu chia ‘thơn’ của bà chủ tiệm nail,” thì mình tránh bằng cách nói “Tôi bực tức/ấm ức/ với kiểu chia ‘thơn’ của bà chủ tiệm nail.”

    Thì tàm tạm cố gắng học theo vậy, chứ làm sao mà có thể nói hết như người xưa được. Mà cũng đừng tưởng nói tiếng xưa cỡ thời Hồ Biểu Chánh là an toàn, là không bị “đập” nha.

    Nhớ có lần trong một bài báo viết về một nghệ sĩ nổi tiếng đã có tuổi nhưng lại vào một vai diễn của thiếu nữ đôi mươi, tác giả đã dùng chữ “khiên cưỡng” để nói về sự việc này. Thế là một số độc giả nhiều tuổi nhưng không nhiều chữ đã phán ngay “chữ Việt Cộng,” mà không hề biết rằng chữ đó có từ hồi nảo hồi nao rồi.

    Hay có khi tờ báo dùng chữ “đàn hặc” trong bài viết để nói đến chuyện mấy ông tai to mặt lớn cỡ tổng thống mà phạm tội thì có thể bị “đàn hặc,” thì cũng có người “chửi” liền “Sao xài chữ Việt Cộng?” Thiệt là tội nghiệp cho cả đôi bên.

    Đó là chưa kể, hơn bốn thập niên rồi, một đứa bé chào đời cách đây 40 năm nay đã đùm đề con cái rồi, thì hỏi xã hội cũng phải biến đổi như thế nào. Chữ nghĩa cũng theo thời cuộc đó mà đổi thay.

    Nhưng, quay trở lại. Chữ nghĩa ngôn từ thì bà con cứ mà tha hồ “độp” nhau như thế để chứng minh lòng ái quốc và minh định ranh giới Việt Nam-Việt Cộng. Vậy còn những thứ khác thì sao? Món ăn, thức uống, bản nhạc, đồ dùng?

    Để coi, như vị độc giả trên nói, cánh gà chiên nước mắm, bánh chuối nướng là của Việt Cộng. Vậy ai ăn món đó thì có phải cũng là “đồ Việt Cộng” giống như khi mở miệng nói “bức xúc, sự cố, tin khẩn, nhập viện, ùn tắc, tư vấn…” hay không?

    (Mà mở ngoặc chỗ này một chút, những người chưa từng ở Việt Nam thời đại này sẽ không thể hiểu được trọn vẹn ý nghĩa chữ “ùn tắc” đâu nha, bởi xe cộ chạy trên đường phố ngày nay và ngày xưa là khác nhau vời vợi như đứa trẻ ngày còn mặc tã và người trung niên biết khoác đủ thứ bộ cánh lên người vậy đó. Cho nên mang hình ảnh đứa bé ra để mà bàn luận khi người ta nay đã lớn là kỳ lắm.)

    Hoặc ăn các loại thức ăn chế biến ngày nay, nào là ốc hương nướng bơ tỏi, ốc móng tay nướng tiêu đen, phở trộn, phở khô, gà chiên xôi phồng, tôm bọc cốm xanh, bánh tráng trộn, khô gà, bánh rau câu flan cheese,… có bị nhìn bằng ánh mắt hằn học, xoi mói như khi mở miệng nói những câu chữ chỉ có sau cột mốc 1975 không?

    Nói thì không được nói “chữ Việt Cộng” nhưng ăn, uống, hát, xài đồ của Việt Cộng, hay nói nhẹ nhàng hơn là của người Việt sau 1975 thì sao ta?

    Thiệt là phân vân quá đi! (Ngọc Lan)
    Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com
    Nguồn:
    https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/sao-chu-viet-cong-khong-dung-ma-viet-cong-thi-nhieu-vay/


    Trích vài ý kiến phản hồi:

    Bình
    Ngôn ngữ của một thế hệ chịu ảnh hưởng của truyền thông, báo chí, và giáo dục (bao gồm giáo dục gia đình, nhà trường, tôn giáo, và đoàn thể,..).

    Trong các nước cộng sản, ảnh hưởng này rất nặng nề, vì cả 3 lĩnh vực nói trên (và mọi cái khác) đều do đảng cs chi phối.

    Ví dụ: sau hơn 40 năm, khi nhà trường, báo chí, TV của cs đều ra rả gọi ngày 30-4 là “ngày giải phóng” và gọi lãnh tụ cs miền Bắc là “bác Hồ” thì gần như các thanh niên ngày nay sống tại VN đều nói “sau ngày giải phóng” và cũng xưng “bác Hồ”, thậm chí vài người Việt đã lớn tuổi ở miền Nam cũng nói như vậy.

    Mưa dầm thấm sâu là vậy đó.
    Thành ra đừng nói ngôn ngữ là phi chính trị. Hổng dám đâu.


    Thư góp ý của cô Trần Mộng Tú:
    Gửi Ngọc Lan

    Cô vẫn theo dõi những bài báo và những chương trình của Ngọc Lan trên trang mạng Người Việt. Cô thấy lãnh vực nào Ngọc Lan cũng khá xuất sắc, kể cả mục Bếp Việt.

    Hôm qua cô đọc bài Ngọc Lan viết về việc dùng chữ cũ của VNCH và chữ mới của CS trong nước trên báo hàng ngày. Những điều Ngọc Lan đưa ra rất lý thú, rất hay.

    Tuy nhiên cũng có vài điều Ngọc Lan nói không được đúng lắm. Cô nghĩ có thể là do khi ở VN, cô bé Ngọc Lan còn quá nhỏ để hiểu biết hết về một VNCH cũ. Như các thức ăn trong bài viết, và ngay cả ngôn ngữ. Ví dụ Cô đã được ăn Bánh Chuối nướng trước 1975, và lớp Gia Chánh, của bà Quốc Việt đã dạy Gà chiên xôi rồi. Không phải đợi có VC mới được thưởng thức các món này.

    Có những thức ăn và cả những cách sống, ngôn ngữ tế nhị hay ngôn ngữ ngoại giao trước 1975 bây giờ trong nước lập lại mà Ngọc Lan có thể không biết.

    Cô ví dụ thêm, như áo dài phụ nữ thắt eo ở SG, những người trẻ trong nước bây giờ nhìn thấy tấm hình cũ đã phê bình trên face book là chỉ có các cô bán Bar hay vợ bé của các ông lớn mới mặc như vậy. Cái đó hoàn toàn sai. Các phụ nữ sang trọng, các cô con nhà tử tế khi cuối tuần ra đường đều mặc áo dài tha thướt tơ lụa với những cái eo thắt nhỏ. Đó là mode của thời đó.

    Bài viết có ý nói "sinh ngữ" nghĩa là chữ nghĩa linh động cần phải thay đổi theo thời gian của Ngọc Lan nghe rất hay, có lý. Vì ngôn từ phải theo đà tiến hóa (revolution) của xã hội. Từ hồi cô sang Mỹ (1975) tới nay, tiếng Anh đã có thêm biết bao nhiêu chữ mới.

    Tuy nhiên có những chữ mới trong nước bây giờ đôi khi dùng thấy rất ngượng miệng vì cái thô kệch của chữ và không phải chữ nào cũng hay cũng đúng nghĩa.

    Cô thí dụ: Chữ thô kệch không thích hợp: "Xử Lý Hầm Cầu" thay vì "Sửa Chữa nhà Vệ Sinh"
    Chữ sai: Trên một tấm thẻ cá nhân , họ dùng chữ ' liên hệ" thay cho "liên lạc." Muốn gặp Ngọc Lan, liên hệ với Người Việt ở số...... Học trò lớp 5 cũng biết chữ liên hệ và liên lạc khác nhau như thế nào.

    Mới đây cô được nghe một người khen: “Câu Thơ của chị nghe rất tượng đài” Hỏi nghĩa là gì? Được cắt nghĩa là số một, là rất đặc biệt, rất hay. Vì bây giờ trong nước xây tượng đài được xếp vào đỉnh điểm (Lại thêm một chữ mới nữa)

    Tuy nhiên, cô khen bài viết này của Ngọc Lan.
    À, hôm trước cô làm thử món Bánh Bò Nướng rễ tre của Ngọc Lan hướng dẫn trên mạng rất thành công. Cám ơn Ngọc Lan nhiều.

    Nhưng Ngọc Lan ơi!
    Cái tựa : Sao chữ Việt Cộng Không Dùng Mà Đồ Ăn Việt Cộng Thì Ăn Nhiều Vậy, nghe có vẻ muốn gây sự với độc giả quá. Mình có thể dùng cái tựa khác nhẹ nhàng hơn không?


    nguyen
    Người nào nói "bánh chuối nướng" là của Việt cộng?
    Còn đồ ăn của Việt cộng là những đồ gì??? Đem so sánh ngôn ngữ Việt cộng với đồ ăn chỉ là ngụy biện!

    Nói vậy có khác chi tự nhận người Việt nào sinh đẻ, trưởng thành, và chịu sự giáo dục từ xã hội chủ nghĩa đều là Việt cộng?

    Vậy cái show dậy nấu ăn trên người Việt TV của bà Ngọc Lan có bị coi là đồ ăn Việt cộng không?

    Tôi đồng ý rằng tùy theo hoàn cảnh và thời gian mà sẽ phải chấp nhận có thêm nhiều từ ngữ mới, nhưng chữ nghĩa phải trong sáng và có lý. Chứ không phải lấy chữ có sẵn từ bao đời, rồi đem thay thế bằng những từ ngữ đần độn, vô duyên, ngu si, có khi tục tĩu.

    Tuần vừa rồi cầm tờ báo trên khu Bolsa có tiệm ăn kia quảng cáo: "Sale Khủng".
    Còn cháu tôi bên VN email qua xin vài chai "nước muối sinh lý" của Mỹ để nhỏ vô mũi".

    Nghe thôi là đã thấy bức xúc linh hồn, ủn tắc tâm tư, làm sao còn thông xuất rà xoát tình hình để quán triệt xử lý đây . (chết, cứ vô đọc báo với nghe đài tiếng Việt để bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ, thành ra bị nhiễm những từ ngữ ngu đần của Việt cộng hồi nào không hay)

    Lúa
    Viết cái tựa bài đã sai rồi:

    Một số chữ dùng sai (hay nghe chói tai) là do vc chế ra hay bắt chước Tàu (liên hệ, đảm bảo, khẩn trương, hồ hởi, nhất trí, bộ phận,..) thì gọi là chữ vc đúng rồi; còn món ăn dù có mới xuất hiện sau 75 (như bánh tráng trộn) thì cũng là của dân chúng chế ra chứ vc nào chế ra món ăn, nên sao gọi là món ăn hay đồ ăn vc được ?

    Mà cũng không ai bị gán là vc nếu đã phải sống quá lâu với vc, vấn đề chỉ là: nếu đọc tin trên TV hay viết báo thì vui lòng đừng sử dụng ngôn ngữ vc cho độc giả đỡ khó chịu, vậy thôi !

    Liem Thanh Doan
    Bánh chuối nướng và chuối bọc nếp nướng chan nước cốt dừa thêm mè ra hoặc đậu phộng lên, hoặc kem chuối đã từng có trước 1975, tại các khu chợ như Bàn Cờ, Vườn Chuối, con hẽm phía sau Kỳ Viên Tự là món ăn bình thường của học sinh thời trước 1975, sao lại ghép vào là món ăn của vc???

    người đọc báo Tôi đồng ý sinh ngữ nào cũng thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên phải dùng cho đúng và nhất là không nên ngược lại những chữ đã có từ trước. Thí dụ:

    1.- thiếu đói: chúng ta đều hiểu là không đủ đói (thí dụ như thiếu tiền là không đủ tiền, thiếu tình yêu là không có tình yêu) nhưng bây giờ lại là nghĩa trái ngược hẳn.

    2.- lâm sàng: dùng chỉ những hiện tượng về y tế (thí dụ như chết lâm sàng ....) nhưng bây giờ lại dùng cho tất cả. khiến người đọc không hiểu rõ .

    3.- tại sao người trong nước thích đảo ngược những gì đã được dùng trước kia: trang phục bị đổi thành phục trang, nhà văn nữ thành nữ nhà văn ....
    còn nhiều nữa mà nếu kể ra thì cần cả một cuốn sách


    NXVN
    Ngôn ngữ và thức ăn cũng phát triển hay bị đào thải theo thời gian tùy theo người trong xã hội nói riêng hay trong một dân tộc nói chung. Nếu thức ăn nào đó được sáng chế từ trong nước rồi người Việt ngoài nước ăn thấy ngon và bắt chước làm theo thì cũng không có thể nói chắc hoàn toàn là thức ăn đó là của Việt cộng ;
    vì 2 lý do:

    Người Việt trong nước rất nhiều người không theo Việt cộng và nếu người không theo Việt cộng sáng chế ra món đó thì có thể gọi đó là thức ăn của Việt cộng hay không?
    Hơn nữa, món đó (thí dụ cánh gà chiên nước mắm) có được "cầu chứng" là do một người (đảng viên cộng sản) nào sáng chế hay không? Nếu không thì không thể có bản quyền và gọi là của Việt cộng được.

    Tôi nhớ nhiều năm trước đây (cũng trên dưới 20 năm), vào trong quán phở 79 trong khu Phước Lộc Thọ ăn món Cánh Gà Chiên Nước Mắm, (tôi) đâu có hỏi chủ tiệm món này từ đâu đến. Cho nên, nói món "Cánh Ga Chiên Nước Mắm" là của Việt cộng thì không có bằng chứng rõ ràng lắm. Nói món đó là do người Việt chế ra cũng chưa hẳn là đúng, vì có thể người Thái Lan đã ăn món này từ lâu rồi và người Việt chế theo.

    Nói thêm chút đỉnh về ngôn ngữ tiếng Việt cho vui. Ngôn ngữ thì luôn luôn phát triển và những chữ mới nếu do dân chúng xử dụng nhiều (viết và nói) thì sẽ được mang vào trong Từ Điển.
    Chúng ta không phản đối sự phát triển của tiếng Việt, nhất là những chữ chưa có (thí dụ chữ Khuyến Mãi) trước 1975. Nhưng những chữ đã có rồi nhưng người trong nước (Việt cộng hay không phải Việt cộng) lại dùng theo nghĩa khác, hay thay thế bằng những chữ khác và hy vọng người Việt sống ngoài nước chấp nhận dùng nó thì đó là sự đòi hỏi không có lý.

    Thí dụ, "liên lạc" trở thành "liên hê" thì sự dùng chữ này chứng tỏ sự thiếu "rõ ràng" của cách dùng chữ của một số người Việt sau này. Xin phép cho người viết được đưa ra một thí dụ về dùng chữ "liên...": " Tôi và chú Tư có liên hệ với nhau về họ hàng, chúng tôi vẫn liên lạc với nhau hàng tuần về những chuyện liên quan đến sức khỏe của thím Tư". Nếu tra chữ "Hệ" trong từ điển, thì "hệ" nói đến "chi, dòng họ kế tiếp nhau nhiều đời".

    Cách dùng chữ chính xác và rõ ràng nó còn nói lên trình độ học vấn của cá nhân, một dân tộc, nhất là từ những người có chức vụ cao.

    Cách đây khoảng 5 năm khi Giáo sư Ngô Bảo Châu được giải thưởng về Toán Học, ông Thứ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có nói rằng ông mong ước Việt Nam trở thành một cường quốc về toán học. Dùng chữ "cường quốc" trong trường hơp này là không chính xác, "giỏi hay nổi tiếng" thì chính xác hơn. "Người trong một nước giỏi về toán có thể nâng cao trình dộ kỹ thuật, khoa học và sẽ có thể giúp một nước trở thành một cường quốc về kinh tế", thì câu này có ý nghĩa hơn.

    Một thí dụ nữa về cách dùng chữ không chính xác của giới chức cao cấp, đó là lời phàt biểu của ông Nguyễn Minh Triết, cựu Chủ tịch nước VN trong đại hội của "Việt Kiều" tại Hà Nội năm 2012, ông nói vắn tắt như sau " một người ăn cắp một món tiền của công ty là sự tham nhũng nhỏ". Thực ra, theo định nghĩa, ăn cắp tiền của công ty không phải là tham nhũng, mà là biển thủ.

    Tóm lại, ngôn ngữ hay thức ăn của người Việt thì ở trong nước hay ngoài nước, nếu nó được dùng chính xác và ăn ngon thì sẽ tồn tại và phát triển. Còn nếu nó không được đón nhận thì sẽ bị mai một và đào thải. Thí dụ như chữ "ùn tắc", chữ này khi qua Mỹ sống, người Việt chắc sẽ không dùng nó nữa, mặc dù bên này vẫn có khi đường bị "kẹt xe, đông xe".
    Xin đóng góp vài hàng.


    Last edited by hongnguyen; 11-09-2017 at 08:57 AM.

  2. #2
    James Đậu Đậu's Avatar
    Join Date
    Oct 2011
    Posts
    1,787
    "Chữ Việt cộng" do vc tự chế. Lộ trình tiếp cận với quần chúng của chúng phát xuất từ các cơ quan chính quyền vc. Những nơi này đã lồng các chữ tự chế vào các văn bản nghị quyết, quyết định rồi đưa xuống các hạ tầng cơ sở để thi đua học tập. Thế là nhân dân phải tự tiếp thu mình ên và qúan triệt hẳn hoi đặng hiểu nội hàm của các văn bản này. Không còn cách nào khác nữa.

    Còn các món ăn Việt nam thì chả có món nào do vc chế ra cả, mặc dù nó xuất hiện trong thời đại vc. Nói giả dụ như món "bánh tráng trộn". Cũng từ nhân dân làm ra. Cũng từ quần chúng lao động thôi. Chưa thấy có món ăn phổ biến trong nhân gian nào có nguồn gốc từ nhà bếp các quan chức vc. Tất tần tật là tự phát từ quần chúng. Nói nào ngay, vc cũng chế ra một món ăn nhưng đã mấy chục năm nay chả thấy ai thèm nhắc đến tên. Những ai đã nếm qua món rồi thì không muốn thử lại một lần nữa. Đó là món "cao lương", tục gọi là "bo bo".
    Đỗ thành Đậu

  3. #3
    Biệt Thự PhPhuongVy's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    2,636
    Tôi cũng thấy lý luận (logic) của phóng viên Ngọc Lan không được chặt chẽ và các ví dụ viện dẫn không chính xác (như bánh chuối nướng là món đã có từ trước 1975, chứ không phải sau 1975 như tác giả nói). Cảm ơn Hongguyen đã đem về để Phố Rùm có cơ hội suy gẫm và bàn loạn.

  4. #4
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,367
    Tác giả có ý định viết về mâu thuẫn do bất đồng chính kiến lẫn đố kỵ được áp đặt lên ngôn ngữ mà sát phạt nhau. Tuy nhiên kiến thức của tác giả vẫn còn quanh quẩn ở mắt cá.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 1
    Last Post: 01-18-2017, 08:45 AM
  2. Replies: 15
    Last Post: 05-18-2013, 04:02 PM
  3. Replies: 4
    Last Post: 02-16-2013, 04:47 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 11:09 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh