Register
Results 1 to 1 of 1
  1. #1

    Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 15: NGẮN NGỦI VÀ VÔ TẬN

    Nhìn Lại Mình - TRÍCH ĐOẠN 15: NGẮN NGỦI VÀ VÔ TẬN (PHẦN KẾT)


    Cuộc sống tiếp tục trôi, con người tiếp tục sống, và xã hội tiếp tục thay đổi. Những gì xảy ra ngày hôm nay là kết quả của những điều đã xảy ra ngày xưa. Những gì xảy ra hôm nay cũng là những điều tạo nên hình dáng ngày mai. Lịch sử là những điều đã qua, nhưng lịch sử cũng chính là hôm nay vì hôm nay sẽ tạo nên lịch sử. Mọi sự việc, mọi suy nghĩ, mọi hành động nhỏ nhặt nhất của từng cá nhân con người chúng ta là những yếu tố quan trọng để xây dựng ngày mai. Những chính sách, đường lối của chính quyền ngày hôm nay là những yếu tố quyết định để xây dựng ngày mai. Tất cả “hình dáng” cá nhân chúng ta cũng như “màu sắc” của xã hội là được hình thành qua lịch sử, văn hoá, và qua hoạt động của từng con người……. Ðể có một con đường đúng cho hôm nay và cho ngày mai, chúng ta phải nhìn cho thật kỹ chúng ta ngày xưa và chúng ta hiện nay.


    Việt Nam có một nền văn hoá lâu đời với cuộc sống tập trung nông nghiệp từ 10.000 năm trước. Ðây là điều đáng tự hào vì chúng ta thuộc vào một trong những nền văn minh lâu đời của nhân loại. Mặc dầu sự to lớn của nền văn minh này chưa được xác định rõ ràng, nhưng dầu gì đi nữa nó cũng tạo nên một căn bản phát triển cho người dân sống trên đất nước Việt Nam. Nền văn minh Ðông Sơn đã cho thấy được sự tiến bộ của con người sống trên đất nước này. Nó chứng tỏ nhiều về óc sáng tạo nghệ thuật, đời sống tinh thần phong phú của người dân. Những người dân sống trên mảnh đất Việt Nam nhiều ngàn năm này đã góp phần tạo nên con người Việt Nam ngày nay. Người dân này có nền văn hoá phong phú đẹp đẽ với truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, một chuyện tình đẹp tuyệt vời, một truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc đầy sáng tạo. Truyền thuyết này đã cho dân tộc Việt Nam hai chữ “Ðồng Bào”. Người Việt cũng có truyền thuyết về những vị vua Hùng đầu tiên dựng nên xứ sở của mình. Mặc dầu sự chính xác một cách chi tiết về những vị vua này chưa được xác định, nhưng chắc chắn một điều là những con người trên vùng đất này đã sống và tạo dựng nên một lãnh thổ có chủ quyền riêng với văn hoá và bản sắc dân tộc riêng của họ.


    Mặc dầu sau đó dân tộc Việt Nam bị đô hộ bởi người Trung Hoa từ phương bắc nên văn hoá bản xứ bị pha loãng, nhưng gốc gác văn hoá, ngôn ngữ, phong tục, cái hồn của dân tộc không bao giờ bị mất đi. Tính dân tộc, sức sống văn hoá của người Việt cao đến độ chúng ta đã kiên cường chiến đấu chống sự đô hộ này hàng ngàn năm để cuối cùng dành được độc lập từ một đế quốc mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần. Chúng ta đã thành công trong việc bảo vệ văn hoá và bảo vệ lãnh thổ. Bên cạnh đó ta cũng học được nhiều điều từ văn hoá Trung Quốc để rồi dựa trên đó mà xây dựng tổ chức xã hội riêng cho mình. Tuy nhiên theo thời gian, khi con người được nhìn ra thế giới rộng lớn hơn chúng ta mới biết rằng thế giới rộng lớn quá, nhiều nền văn minh to lớn vĩ đại quá. Thế giới không phải chỉ có Trung Quốc, và nền văn minh Trung Quốc không hẳn là đẹp đẽ nhất và đem đến những điều hiệu quả nhất.


    Nhờ nhìn ra thế giới mà chúng ta biết rằng nền văn minh của chúng ta không phải cao siêu lắm. Văn minh Trung Ðông, Ai Cập, văn minh châu Âu, châu Mỹ có rất nhiều điều đáng khâm phục và học hỏi. Nếu so sánh với những nền văn minh này thì mặc dầu chúng ta có một nền văn minh lâu đời nhưng thực tế chúng ta chưa đạt được những thành công gì to lớn để sánh ngang với họ. Chúng ta lạc hậu và chưa có cống hiến gì nhiều cho nhân loại.


    Chúng ta đã biết quá ít về thế giới nhưng lại quá tự hào về nền văn minh của mình. Cái nhìn nhỏ bé và sự hiểu lầm đó của chúng ta về chính mình và thế giới, theo tôi, là một lý do làm Việt Nam kém phát triển. Cái nhìn nhỏ bé và sai lầm trong việc định nghĩa sự thông minh và sự thành công cũng như cái nhìn hạn hẹp trong việc chọn lựa ngành học và chọn lựa việc làm của chúng ta lại là một nguyên nhân khác. Trong khi đó đạo Khổng là một lý do rất lớn và quan trọng từ lâu nay, và thể chế chính trị yếu kém là một lý do rất lớn trong nhiều giai đoạn lịch sử và giai đoạn hiện tại. Ngoài ra, chiến tranh và tác hại kinh khủng của chiến tranh trong nhiều năm tháng là một nguyên nhân chính yếu, rất lớn, rất quan trọng đã làm cho đất nước Việt Nam lạc hậu.


    Chúng ta đã chứng tỏ được một số thành công. Ngày xưa chúng ta sử dụng những giá trị tốt đẹp của dân tộc để thành công trong chiến đấu và bảo vệ đất nước. Bây giờ người Việt lại tiếp tục dùng những tính chất tốt đẹp đó để đạt được những thành công mới trong các lãnh vực khoa học, nghệ thuật, xã hội trên thế giới. Những tính chất tốt đẹp có thể kể đến là ý chí quyết tâm khá, tinh thần ham học hỏi khá, khá cầu tiến, sự xiêng năng cần mẫn khá, trí thông minh khá, tinh thần đoàn kết dân tộc, v.v.


    Bên cạnh đó chúng ta cũng có những giới hạn, và những giới hạn này đã làm chậm đi sự phát triển của đất nước. Những giới hạn có thể kể ra là lòng mau tự mãn, hài lòng; tính kiêu ngạo, khoác lác; nhiều tự ty, tự ái, tự tôn, tự kiêu nhưng thiếu tự tin; lỳ lợm; láu cá; không đủ mạnh mẽ và can đảm để chấp nhận cái sai, xấu của mình; không “hiểu” được hoặc không muốn hiểu và thực hành khái niệm “công bằng” và “dân chủ”; liều lĩnh nhưng lại e ngại phiêu lưu, mạo hiểm; không uyển chuyển; hiểu lầm hoặc lừa dối chính mình; không có óc sáng tạo;
    chưa có óc khoa học; thông minh chưa nhiều và chưa thông minh lớn; chưa có óc nhìn xa và rộng để có thể bỏ đi những điều nhỏ bé, lặt vặt, không quan trọng; chưa có khả năng làm việc chung công bằng và hữu hiệu; chưa có khả năng tổ chức lớn; tinh thần kỷ luật rất thấp, v.v.

    Chúng ta có những giá trị tốt đẹp, nhưng lại có nhiều nhược điểm rất lớn như những tảng đá lớn, lẫn với những vấn đề nhỏ bé lặt vặt như những viên sạn nhỏ, làm cản trở sự phát triển chung và làm cho guồng máy làm việc của xã hội chưa đạt được hiệu quả cao nhất. Có thể có nhiều lý do giải thích cho những nhược điểm của mình, nhưng dù gì đi nữa nhược điểm vẫn là nhược điểm, và nhược điểm vẫn tồn tại và hiện diện trong xã hội chúng ta. Ðiều chúng ta cần phải làm là loại bỏ chúng đi.


    Việt Nam đã bắt đầu mở cửa ra với thế giới, và người Việt bắt đầu liên lạc rộng
    rãi hơn với bên ngoài. Người Việt đã đạt được một số thành công, đặc biệt là ở hải ngoại, nhưng một điều chắc chắn là những thành công đó không lớn. Trong nước, chúng ta chưa có một nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội, hay tâm lý vững chắc và hữu hiệu để xây dựng đất nước. Ngoài nước, chúng ta cũng chưa có được khả năng tâm lý cần thiết đó. Ngoài nước, chúng ta chỉ mới đạt được những thành công nhỏ bé trên một nền tảng đã được dựng sẵn. Chúng ta còn phải cố gắng nhiều để đạt được những thành quả cao hơn. Quan trọng nhất là chúng ta phải cố gắng học, làm việc, và thành công trong những lãnh vực có tính cách quyết định sự phát triển xã hội nhất. Những ngành này là: Luật, Khoa Học Chính Trị, Chính Sách Xã Hội, Kinh Tế, Thương Mại, Ngoại Giao, Ngoại Thương, Ngôn Ngữ, Communications, Âm Nhạc, Điện Ảnh, Giáo Dục và Chính Sách Giáo Dục, Triết Học, hoặc những ngành như Khảo Cổ, Nhân Chủng, Lịch Sử, v.v. Ðây chính là những ngành học để xây dựng, định hướng, phát triển, và cách mạng hoá xã hội. Ðây là những ngành tạo nên và quyết định nền tảng xã hội có đúng và có vững chắc hay không.

    Trong những bài viết trong cuốn sách này, tôi đã đề cập tới nhiều vấn đề. Mỗi một chương là một hoặc vài vấn đề khác nhau. Có những vấn đề tương đối rộng, nhưng cũng có những vấn đề nhỏ nhặt. Có những điều khá tập trung nhưng cũng có những điều rộng quá. Bên cạnh đó cũng có những điều tôi không có đủ khả năng và kiến thức để phân tích sâu hơn. Nhưng tôi tin rằng mỗi một điều nói tới đều có một giá trị nào đó để chúng ta cùng suy nghĩ. Sau khi phân tích hoặc phê bình một việc, tôi cũng cố gắng đưa ra những giải pháp hoặc đề nghị để giải quyết vấn đề. Nhưng tôi cũng biết rằng ngoài những đề nghị rõ ràng, tôi cũng có những đề nghị quá rộng, hoặc có những đề tài quá lớn mà tôi không đưa ra giải pháp cụ thể được tại vì có quá nhiều lãnh vực liên quan với nhau.


    Mặc dầu vậy, đề nghị chung nhất và có tính cách tổng quát của tôi cho mọi vấn đề, và tôi nghĩ là một đề nghị thực tế và có hiệu quả, là chúng ta phải nhìn lại mình. "Nhìn lại mình" ở đây là mỗi một cá nhân chúng ta tự nhìn lại chính mình. Nhìn để biết được mình suy nghĩ như thế nào và sự phát triển đầu óc của mình tới đâu. Nhìn để biết mức độ thông minh của mình. Nhìn để biết mình có nhiều sức mạnh hay rất yếu đuối. Nhìn để biết mình có thành công hay không và nhược điểm là gì. Nhìn để biết mình đang mong muốn điều gì, và đang làm gì để đạt được điều mong muốn. Nhìn để biết rằng chính “mình” cũng phải chịu trách nhiệm chứ không phải chỉ có “họ” hay “người khác”. Nhìn để biết vị trí của mình, khả năng của mình. Nhìn lại mình để điều chỉnh đòi hỏi của mình. Nhìn để biết ... tầm nhìn của mình. Nhìn để biết mình thực sự là ai. Nhìn để xét lại mình, để đánh giá chính mình.


    Cũng tương tự như vậy, "nhìn lại mình" ở đây cũng là nhìn lại toàn bộ xã hội của chúng ta. Xã hội này bao gồm lịch sử phát triển của nó, trình độ văn minh của dân tộc, văn hoá phong tục của dân tộc, cái nhìn và tầm nhìn của con người. Nhìn để biết xã hội mình đạt được gì, phát triển tới mức độ nào. Nhìn để biết văn minh của mình ưu việt hay yếu kém. Nhìn để biết những yếu điểm của mình. Nhìn để biết những điểm mạnh của mình. Nhìn để biết giới hạn, vấn đề của mình. Nhìn để biết rằng “tất cả chúng ta” phải chịu trách nhiệm cho sự yếu kém. Nhìn để nhạy cảm hơn về sự tác động và ảnh hưởng lẫn nhau của những sự việc trong xã hội, để biết được xã hội tác động lên con người thế nào và con người tác động lên xã hội thế nào. Có nhìn rõ mình và xã hội mình thì chúng ta mới biết rằng một dân tộc sáng suốt và thực sự thông minh là dân tộc biết làm việc với nhau và làm việc một cách công bằng và hiệu quả chứ không phải một dân tộc có nhiều người có bằng cấp đại học, nhiều kỹ sư, bác sĩ, hoặc luật sư. Có nhìn rõ mình và xã hội mình thì chúng ta mới biết rằng để dân tộc chúng ta thành công thì chúng ta phải biết làm việc với nhau và làm việc một cách công bằng và hiệu quả chứ không phải chỉ là một dân tộc có nhiều người “thông minh,” “học giỏi,” hoặc nhiều “nhân tài,” “danh nhân.” Có biết rõ mình và xã hội mình thì chúng ta mới thiết lập được nền tảng xã hội đúng đắn, xây dựng được con đường đẹp, thực tế, và biết được vận tốc chúng ta nên đi trên con đường đó.


    Tôi cũng nhấn mạnh cái "nhìn lại mình" này phải là một cái nhìn trung thực và can đảm. Có trung thực và can đảm thì chúng ta mới biết mình một cách chính xác.


    Một đề nghị nữa là chúng ta phải nhìn ra thế giới. Cũng tương tự như trên, chúng ta nhìn ra thế giới để biết những đặc điểm của các đất nước, các dân tộc, và các nền văn minh khác nhau. Khi nhìn ra thế giới chúng ta phải mở mắt cho thật lớn, lắng nghe thật nhiều, và phân tích thật kỹ. Có nhìn ra thế giới chúng ta mới biết người. Có nhìn ra thế giới chúng ta mới biết chúng ta ưu việt, phát triển hay thực sự còn rất lạc hậu, chậm tiến. Nhờ biết mình và thế giới mà chúng ta mới nhận ra rằng chúng ta còn phải học hỏi nhiều.


    Có nhìn lại mình, xã hội mình, và nhìn ra thế giới chúng ta mới nhận ra được những suy nghĩ lạc hậu, sai trật, những “mentality” nhiều tác hại, những thói quen xấu, những niềm tin không chính xác, cách làm việc không hiệu quả, v.v. của chúng ta để rồi từ đó mà tự thay đổi, sửa chữa, và cải thiện chính mình. Có nhìn lại mình và nhìn ra thế giới chúng ta mới biết mình còn rất dở, yếu kém về nhiều mặt; không văn minh, văn hiến như mình nghĩ; không thông minh như mình nghĩ; và
    không sống trong những “illusion”, ảo giác tai hại.

    Có biết rõ mình và biết rõ người chúng ta sẽ có thêm tự tin, tự chủ, và bớt đi tự ái, tự ti, tự tôn, tự kiêu. Có biết rõ mình, biết rõ người, và chịu học hỏi thì khả năng làm việc thành công của chúng ta mới cao.

    Chỉ
    khi nhìn thấy được khả năng yếu kém của đất nước và của từng cá nhân thì chúng ta mới cố gắng thật nhiều hơn nữa, và nhận ra được tầm quan trọng của việc "cooperation", "collaboration", và "teamwork"; nhận ra sự quan trọng của vấn đề hợp tác; nhờ vậy mà chúng ta mới biết rằng chúng ta phải biết hợp tác với nhau và làm việc hết sức với nhau (trong môi trường cạnh tranh công bằng) nếu chúng ta mong muốn đạt được những kết quả to lớn và tốt đẹp cho đất nước.

    Tôi tin tưởng rằng trong khi, và tốt nhất là trước khi, tiến hành những công việc cụ thể, chúng ta cần phải có những cái “nhìn lại” này.


    Ðể phát triển chúng ta cần phải có khả năng học hỏi nhiều lắm. Phải có can đảm học hỏi, và học hỏi một cách thông minh sáng suốt, có chọn lọc, và tự tin để rồi áp dụng thực tế. Chúng ta có những cái hay, nhưng thế giới còn rất nhiều thứ để chúng ta học. Dĩ nhiên khoa học kỹ thuật là điều chúng ta còn quá lạc hậu và cần phải học hỏi. Chúng ta còn phải học rất nhiều về kinh tế, thương mại, về tổ chức và thực hành chính trị, luật pháp, hành chánh. Chúng ta phải học nhiều về triết học và tổ chức giáo dục. Trong lãnh vực nghệ thuật hiện đại thế giới cũng có nhiều điều để chúng ta khâm phục và học hỏi. Thế giới cũng có những điều hay trong lãnh vực tổ chức xã hội và sự đối xử giữa con người với nhau. Chúng ta cần phải học những cái hay đó, và học một cách có chọn lọc, rồi kết hợp chúng với những điều tốt đẹp của riêng chúng ta để tạo nên những bản sắc riêng, phù hợp, và có khả năng áp dụng thực tế cho mình. Ðiều quan trọng là xác định cái gì là cái tốt của người và học như thế nào, hòa hợp những điều đó vào xã hội chúng ta như thế nào. Tính phù hợp của những cái mới lạ với nền văn hoá chúng ta ra sao và hòa hợp ở mức độ nào là những điều cần thời gian, suy nghĩ, và kinh nghiệm qua áp dụng thực tế để xác định.

    Mọi thứ trong xã hội đều liên quan với nhau. Những hành động nhỏ nhặt nhất trong đời sống hàng ngày, những thói quen suy nghĩ đơn giản nhất của một con người đều tác động lên xã hội. Những gì xảy ra trong xã hội dù nhỏ nhặt cũng ảnh hưởng tới mỗi một con người và tất cả con người trong xã hội. Mọi thứ trong xã hội đều tác động lên nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Con người tác động lên xã hội và xã hội ảnh hưởng lại con người. Xã hội theo tôi là một tập hợp rất nhiều những cái vòng lớn nhỏ khác nhau, và những cái vòng này được nối liền với nhau, xen kẽ trong nhau rất tinh vi nhưng cũng rất d hiểu. Một cái chạm khẽ đâu đó trên một cái vòng sẽ đưa đến sự rung động cho tất cả mọi cái vòng. Vì sự liên hệ như vậy nên việc nhìn lại mình, xã hội mình để biết mình và biết xã hội của mình rõ hơn rất quan trọng. Khi biết rõ mình như vậy thì những việc làm, những hành động, những suy nghĩ, những cái chạm khẽ đó sẽ cẩn thận hơn. Cẩn thận hơn thì mức độ đúng đắn sẽ cao hơn.

    Tôi mong rằng tất cả mọi người chúng ta luôn luôn cẩn thận trong việc làm của mình, trong suy nghĩ của mình. Những việc làm, cách giao tiếp, và sự suy nghĩ của chúng ta phải được phân tích và suy xét kỹ càng, và được gói ghém trong sự thông minh, sáng suốt, công bằng, hợp lý, và có tính thực tế.

    Lịch sử và văn hoá tạo đã nên những gì chúng ta có ngày hôm nay. Những gì của ngày hôm nay sẽ định hình mọi việc của tương lai. Chúng ta là người thừa kế những gì đã được tạo nên ngày hôm qua, và làm chủ những gì của hôm nay. Chúng ta cũng là người làm chủ và nắm giữ số phận của ngày mai. Nếu muốn Việt Nam trở thành một nước thành công trong tương lai thì chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ, phải là những người sáng suốt, tự tin, có trách nhiệm, mạnh mẽ, sáng tạo, kỷ luật, khiêm tốn, hợp tác, công bằng, biết nhìn xa trông rộng, và biết “think big” để có thể “win big”.


    Cuộc đời một con người rất ngắn ngủi,
    nhưng sự sống một dân tộc, một nền văn hoá là vô tận.
    Chúng ta hãy cố gắng hết sức mình để làm những điều tốt nhất
    cho dân tộc, cho đất nước trong cuộc đời ngắn ngủi đó của chúng ta.


    Hoàn tất: 12:00 giờ đêm Giao Thừa 11/2/2002 - 12/2/2002
    Sửa chữa để tái bản lần thứ hai: tháng 9/2005
    Sửa chữa electronic version: tháng 12/2010

    L
    ê Q. Khôi






    Last edited by LeKhoi; 12-16-2011 at 09:32 AM.

 

 

Similar Threads

  1. Replies: 0
    Last Post: 12-03-2011, 03:59 PM
  2. Replies: 1
    Last Post: 11-05-2011, 10:02 PM
  3. Replies: 2
    Last Post: 11-04-2011, 08:48 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 07:57 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh