Register
Page 1 of 2 12 LastLast
Results 1 to 10 of 12
  1. #1
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365

    Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy (Trầm Tử Thiêng)




    Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy (Trầm Tử Thiêng)



    Biến cố Tết Mậu Thân 1968 – 80,000 quân cộng sản Bắc Việt đã đồng loạt tấn công hơn 100 địa điểm trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, đúng vào đêm giao thừa gây tang thương cho biết bao đồng bào vô tội. Bao nhiêu năm đã qua, nhưng người Việt Nam không thể quên được những gì đã xảy ra cho dân tộc, cho người dân xứ Huế và bao nhiêu tỉnh thành miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân.

    Biến cố đau thương đó ít nhiều cũng được ghi nhận lại qua âm nhạc, đau lòng bởi sự tàn phá của chiến tranh ở thủ đô Sài Gòn nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã sáng tác ca khúc “Rừng Lá Thấp”, nhạc sĩ Lam Phương với “Chiều Hoang Vắng”. Còn nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng rung cảm với những sự mất mát của Huế qua “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy” và “Những Con Đường Trắng”…. Với tâm hồn của người dân Việt, và cũng với tâm hồn của người nghệ sĩ, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã khóc cho nỗi đau thương của Huế, cho sự gãy đổ của cầu Trường Tiền trong cuộc chiến Mậu Thân. Ông đã nức nở sáng tác bản nhạc “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy’ để chia sẻ với Huế nỗi lòng của ông, và cũng là nỗi lòng của người Việt Nam chúng ta dành cho Huế.

    Bài hát này không những đã nổi tiếng thời bấy giờ mà vẫn còn sống mãi với thời gian. Cho đến bây giờ mỗi khi nghe “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy”, khán thính giả không cầm được nước mắt, xót thương cho cây cầu Trường Tiền, xót thương Huế.

    Ca sĩ Hoàng Oanh đã làm cho khán giả sống lại với xứ Huế thơ, với cầu Trường Tiền thuở thanh bình, với những chuyện tình của tuổi đôi mươi. Về một đêm xuân thành phố Huế phải chịu cảnh tang thương chết chóc. Giọng ca của cô Hoàng Oanh đã hoà mình vào từng lời ca từng nốt nhạc. Tiếng hát nghẹn ngào của cô và tiếng đàn réo rắt đã làm cho bản nhạc vốn đã buồn lại càng buồn hơn, diễn tả thật xuất sắc “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy” tưởng chừng như không thể nào hay hơn được nữa

    Cám ơn tiếng hát Hoàng Oanh, cám ơn nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã ghi lại những biến động của đất nước trong các tác phẩm của mình, để thế hệ sau hiểu biết thêm một phần lịch Việt Nam qua âm nhạc.

    Jimmy Thái Nhựt / SBTN



    (* nguồn: http://www.sbtn.tv/chuyen-mot-cay-ca...ram-tu-thieng/ )


    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  2. #2
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365



    1968: Mồ tập thể đầu tiên bên Sông Hương


    Người dân chạy nạn trở về Huế sau khi binh lính Mỹ và VNCH tái chiếm thành phố (hình chụp 13/3/1968)

    Vào đêm 30/1/1968, quân đội Bắc Việt và lực lượng Việt Cộng bất ngờ tổng tấn công trên toàn miền Nam Việt Nam.

    Huế bị các lực lượng phe cộng sản tấn công và chiếm giữ.

    "Kẻ thù đã rất dối trá, lợi dụng thời gian hưu chiến trong dịp Tết để gây kinh hoàng tới mức tối đa ở Nam Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng đông dân," Tướng Westmoreland, chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam, giận dữ nói.

    Các bản tin khi đó dồn dập tình hình chiến sự.

    "Kẻ thù đã xâm nhập vào Huế với lực lượng đáng kể, và nay đã chiếm được một phần thành phố," một tường thuật trên đài tuyên bố.

    Xác chết khắp nơi

    "Mỹ không kích Huế. Dân thường phải gánh chịu những tổn thất to lớn," nội dung trong một bản tin khác.

    "Cộng sản không thể duy trì được quyền kiểm soát thành phố. Nhưng Mỹ và các đồng minh không đẩy được đối thủ ra nếu không phá nát thành phố cổ kính xinh đẹp này."


    Lính thủy quân lục chiến Mỹ tại Huế, 23/2/1968

    Phil Gioia khi đó 21 tuổi, là trung úy Sư đoàn Dù số 82, được gửi tới Việt Nam để tăng viện cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chiến giành lại Huế.

    "Có những xác người trên sông; có những xác người trên các con kênh. Cả nơi đó ngập mùi tử khí và mùi gỗ cháy," Gioia nhớ lại.

    "Chúng tôi không được huấn luyện để giao chiến tại địa hình toàn là khu dân cư như vậy. Chúng tôi được đào tạo để đánh nhau trên các cánh đồng, trong rừng rậm. Chúng tôi phải đi qua từ nhà này sang nhà khác, từ vườn nhà này sang vườn nhà khác, giống như là phải tự nghĩ ra cách đánh đó."

    "Thời tiết thay đổi thất thường liên tục. Có hôm trời mưa, lạnh thấu xương. Ngày hôm sau lại nắng, nóng hầm hập. Cả khu vực cứ như một nhà tắm hơi."

    "Bên ngoài địa bàn Huế là cây cối trên các ngọn đồi. Chúng tôi phải di chuyển sang phía tây thành phố khoảng 2,5km, từ bên ngoài di chuyển vào."

    "Xuôi dọc bờ bắc Sông Hương là nơi có lăng tẩm các vị vua Việt Nam - những ngôi chùa lớn đầy cây nhiệt đới rậm rạp và khỉ, ở đó có các vị sư."

    "Tôi lúc đó kiếm được một cậu học sinh người Pháp, và đó là cách duy nhất để tôi nói chuyện được với các vị sư, để hỏi họ xem họ có thấy bất kỳ lính Việt Cộng hay lính Bắc Việt nào không. Tất nhiên là họ luôn nói không, không, 'không có kẻ thù ở đây'."

    Nấm mồ tập thể

    "Chúng tôi khi đó vừa mới dọn sạch một trong những ngôi chùa lớn đó rồi di chuyển dọc theo các cánh đồng, nơi chúng tôi gặp một khu vực khá bằng phẳng dọc theo bờ bắc của con sông. Mùi tử khí đậm đặc."

    "Một trung sĩ dưới quyền tôi, tên là Ruben Torrez, nói, 'ở đây có cảm giác rất chết chóc.' Anh ấy thấy có một thứ nhô lên từ mặt đất. Ban đầu anh ấy nghĩ đó là rễ cây."

    "Thế nhưng thứ đó đã bị mặt trời thiêu đốt mấy hôm, và đó là khuỷu tay của một xác chết, nhô lên từ lớp đất phủ sơ sài."

    "Khi tới gần hơn, anh ấy nhận ra đó là gì, và gọi tôi tới gần. Tôi nhìn rồi nói, 'chúng ta cần đào lên xem sao' bởi chúng tôi nghĩ đó có thể là những người lính đối phương."

    "Nếu kẻ thù chôn cất người của họ, thì trong các xác chết đó chúng ta có thể tìm được những thông tin đáng giá. Họ có thể mang theo nhật k‎ý, bản đồ chẳng hạn. Cho nên nếu đưa các xác chết đó lên và lục soát - tất nhiên, tôi biết điều đó thật là ghê tởm - thì chúng tôi có thể tìm được những tin tức tình báo có giá trị."

    "Nhưng lần này hóa ra không phải vậy. Đó là một người phụ nữ, và có rất nhiều xác người khác trong rãnh chôn này. Càng đào thêm, chúng tôi càng phát hiện ra thêm các xác chết."

    Đó không phải là một mồ chôn bình thường. Các nạn nhân bị trói tay ra phía sau. Họ đã bị xử tử.

    "Họ đều bị giết chết tại hố này," Phil Gioia nói.


    D.R. Howe băng bó cho binh nhì D.A. Crum từ đại đội H, tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 5 trong trận giành lại Huế ngày 6/02/1968

    "Một số người bị bắn chết, một số không bị bắn. Tôi chỉ hy vọng là những người không bị bắn đã bất tỉnh trước khi bị hất đất lên người."

    "Đó là những người đàn ông và những người đàn bà, chừng 100 người, và có cả trẻ nhỏ. Từ trẻ sơ sinh cho tới tôi đoán là khoảng 10-12 tuổi, cả con trai lẫn con gái. Thật tàn nhẫn."

    Sau đó, Phil và những người lính của ông được cho biết về những xác chết mà họ tìm thấy.

    "Điều chúng tôi nghe thấy sau khi bên tình báo điều tra những gì chúng tôi tìm được, các loại giấy tờ, là Việt Cộng hoặc lực lượng Bắc Việt đã lên danh sách, để khi chiếm được Huế là họ dồn tất cả những người họ cho là mối đe dọa - bất kỳ ai thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa hoặc làm việc trong cơ quan công quyền của thành phố," Phil nói.

    "Người phụ nữ với cánh tay nhô lên mà chúng tôi tìm thấy là một giáo viên. Như vậy là họ đã dồn những người mà họ cho là không được để cho sống, và đưa tới các chỗ khác nhau trong thành phố. Đây chỉ là một trong những nấm mồ tập thể được phát hiện ra, nhưng là nấm mồ đầu tiên," Phil nói.
    Nạn nhân

    Hơn 10 mồ chôn tập thể được phát hiện ở quanh Huế. Ước tính tổng số người bị giết trong thời gian quân Bắc Việt và Việt Cộng làm chủ thành phố là từ hàng trăm cho tới hàng ngàn người.

    Hầu hết các nạn nhân là người Việt, nhưng cũng có một số người châu Âu và người Mỹ.

    "Khi chỉ huy đại đội của tôi gọi radio về tổng hành dinh, họ đã không thể tin những gì được báo cáo. Khá nhanh sau đó, có rất nhiều người tới chỗ chúng tôi. Các sỹ quan cao cấp và một, hai vị tướng cùng trợ lý cũng tới," Phil nói.

    "Chúng tôi phải đeo mặt nạ khí khi khai quật các tử thi. Cảnh tượng rất ghê rợn."

    "Tôi chưa từng nhìn thấy điều gì như thế. Thành thật mà nói là cả những người lính của tôi cũng vậy. Và chúng tôi phải chuyển sang một khu vực khác, phải tẩy trùng vì toàn bộ quân phục, giày ủng, quần áo của chúng tôi, tất cả những gì trên người chúng tôi đều bị dính vương các mảnh xương thịt người chết."

    "Chúng tôi là lính chuyên nghiệp dày dạn, không phải lính dự bị, vậy mà những người lính trẻ của tôi đã cảm thấy rất kinh sợ. Ai cũng kinh hoàng trước những gì nhìn thấy."

    Vụ tìm ra các nấm mồ tập thể trở thành hàng tin chính ở miền Nam Việt Nam.

    Một số người chỉ trích nói rằng con số các vụ xử tử hàng loạt đã bị phóng đại hoặc chỉ là chiến dịch tuyên truyền.

    Tuy nhiên, tin tức về những vụ giết người ở Huế đã gây tác động rõ rệt.


    Trở về nhà sau trận chiến tại Huế

    Khi quân Bắc Việt mở cuộc tấn công cuối cùng tiến tới thống nhất đất nước hồi 1975, hàng trăm ngàn dân thường ở miền Nam Việt Nam đã bỏ chạy. Dường như trong tâm trí nhiều người, câu chuyện về "những vụ thảm sát ở Huế" vẫn còn đậm dấu ấn.

    "Tôi không nghi ngờ gì rằng cơn hoảng loạn đã đeo bám họ, ám ảnh họ với những gì họ đã nhìn thấy, đã nghe được, và đọc được trên báo chí, truyền thông hồi 1968," Phil Gioia nói.

    Tất nhiên, những vụ thảm sát ở Huế, dù chưa được phía Cộng sản thừa nhận, không phải là sự tàn bạo duy nhất của cuộc chiến, một cuộc chiến đã giết chết chừng 3 triệu người Việt Nam.





    Phil Gioia phục vụ hai nhiệm kỳ tại Việt Nam và bị thương hai lần. Ông nay sống tại San Francisco, Mỹ. Cuộc phỏng vấn Phil Gioia bằng tiếng Anh mang tựa đề 'Mass Graves in Hue, Vietnam' đã được đăng tải trên kênh BBC World Service 10/2015.

    BBC sẽ tiếp tục đăng tải các bài về chủ đề trận Tết Mậu Thân xảy ra 50 năm về trước, gồm cả phỏng vấn với các nhân chứng bác bỏ vụ 'thảm sát ở Huế'.



    (* nguồn: BBC)
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  3. #3
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365




    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  4. #4
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365






    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  5. #5
    gop thêm với Triển đai ca bài "Tám nẻo đường thành" cũng được sáng tác sau tết Mậu Thân.

    ****
    Tam neo duong thanh ý nói Sài Gòn


    "Tám Nẻo Đường Thành"

    Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm lược: Bài hát "Tám Nẻo Đường Thành" do nhạc sĩ Hoài Linh viết vào năm 1968 là nhân chứng lịch sử cho cuộc tống công kích do cộng sản Bắc Việt và Việt cộng tổ chức vào Tết Mậu Thân tại Sài Gòn năm 1968. Qua lối diễn tả sống động và kỹ thuật viết tài tình, Hoài Linh mô tả trung thực nỗi đau thương của người dân vô tội trong cảnh binh lửa, tính chất tàn bạo của cộng sản, và bản chất hiền hòa nhân bản của người miền Nam.

    *
    Bài hát "Tám Nẻo Đường Thành" ra đời năm 1968, nói về cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968 tại Sài Gòn. Tác giả của bài hát là nhạc sĩ Hoài Linh. Tuy nhiên, trên vài trang mạng, có sai lầm quy gán tác giả là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Không rõ tại sao có sự sai lầm này, nhưng tờ nhạc nguyên gốc ghi rõ tác giả là Hoài Linh (Xem, thí dụ như, Nhạc Việt trước 75).

    Trong một bài trước đây, tôi trình bày vắn tắt tiểu sử tác giả Hoài Linh (Cao-Đắc 2014a). nên sẽ không lập lại trong bài này. Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía cạnh văn chương của lời nhạc.

    Ca khúc "Tám Nẻo Đường Thành" không phải là ca khúc thịnh hành trong âm nhạc miền Nam trước 1975. Thực ra, ít người biết đến bài này. Bài hát là lời kể chuyện về cảnh tang tóc, nỗi đau thương của người dân, và tính chất tàn bạo của cộng sản. Lời kể có giai điệu đều đều, chậm chạp và buồn bã, và tuy có chút trầm bổng, âm tiết có thể không có tác dụng mạnh trên khán giả khi mới nghe. (Tôi dùng khán giả để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.) Để có thể thưởng thức bài hát, khán giả phải nghe đi nghe lại nhiều lần, và để ý kỹ lời nhạc.

    Trong những bài hát về chiến tranh và nhất là về Tết Mậu Thân, "Tám Nẻo Đường Thành" được coi là một trong những bài hát hay nhất và có giá trị lịch sử cao.

    Nguyên văn lời bài hát như sau.
    Bé thơ ơi! Bé thơ ơi! Nín đi đừng khóc.
    Xót xa nhiều trào thêm nước mắt
    Chiến tranh nào mà không tan nát
    Khói lên cao trắng tay mau dân nghèo lơ láo.
    Mẹ bồng con giờ về đâu
    Nhìn vành tang, con quấn ngang đầu!
    Xác ai đây chết hôm qua đến nay còn thấy
    Vắt cơm gầy nằm trong gói giấy
    Dưới chân tường nhà ai đang cháy.
    Ðốt đêm đen, trái châu treo thay đèn lấp lánh
    Cầu chữ Y, lộ Hàng Xanh
    Lửa bạo thiêu tám nẻo đường thành
    Ðầu Xuân súng nổ reo rắc tóc tang
    Giờ đây nhúm lửa thiêu đốt phố phường
    Súng nào giết trẻ đêm đen
    Súng nào banh xác mẹ hiền
    Một lần đêm vài tan biến mộ dầy thêm.
    Khóc quê hương suốt hai mươi năm ngoài lửa khói
    cũng do một bàn tay anh mãi,
    nếu xa lạ thì không ai nói.
    Ðếm đi anh, đếm đi anh
    Bao hồn oan đó
    Mồ chẳng xinh, cỏ chẳng xanh
    Người nghìn sau nhắc chuyện đường thành.



    dọc thêm

    http://danlambaovn.blogspot.com/2018...ong-thanh.html
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  6. #6
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365

    Cám ơn anh Hiệp. Nói đến Mậu Thân người Việt thường kinh hoàng bởi ám ảnh các hình ảnh, câu chuyện mồ chôn tập thể của một thành phố Huế tiêu điều. Nhưng trong lịch sử VC đánh khắp nơi trên toàn miền Nam. Sài Gòn dĩ nhiên không thể thoát.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  7. #7
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365
    Last edited by Triển; 02-02-2018 at 06:40 PM.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  8. #8
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365


    "Nhà nước vô lương tri khi tổ chức mừng chiến thắng 50 năm biến cố Mậu Thân"





    [SIZE=3]
    Hòa Ái, phóng viên RFA
    2018-02-02


    ám tang tập thể hàng trăm nạn nhân bị thảm sát tại Khe Đá Mài ở nghĩa trang Ba Tầng, Huế.
    Courtesy: Linh mục Phan Văn Lợi cung cấp.


    Cư dân mạng tại Việt Nam bày tỏ sự bức xúc trước thông tin về Lễ cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, được Nhà nước tổ chức một cách long trọng, cũng như phản đối truyền thông nhà nước tiếp tục tuyên truyền sai sự thật về biến cố lịch sử này.

    Mừng chiến thắng trên xác đồng bào

    Truyền thông trong nước đồng loạt đăng tin về lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, với chủ đề “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”, diễn ra vào sáng ngày 31 tháng Giêng tại Hội trường Thống nhất, ở thành phố Hồ Chí Minh.

    Buổi lễ này được tổ chức cấp quốc gia, có sự tham dự đầy đủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Thông điệp chính của buổi lễ được Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh rằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 là một đỉnh cao chói lọi, là đường lối đúng đắn của Đảng, mãi mãi là minh chứng sinh động của tư duy và nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

    Tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tự Tư Cang), người đã có mặt trong cuộc tấn công vào Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968 phát biểu rằng đây là thắng lợi mang tính chiến lược của chiến tranh Việt Nam, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris. Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, cộng đồng cư dân mạng tại Việt Nam dậy lên một làn sóng phẫn nộ trước các hoạt động tổ chức rầm rộ kỷ niệm mừng chiến thắng 50 năm biến cố Mậu Thân của chính quyền. Nhiều người lên tiếng phản đối Nhà nước Việt Nam ăn mừng trên cái chết của hàng ngàn thường dân vô tội bị sát hại trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt. Cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định nói với RFA rằng thật là đáng tiếc khi Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm như thế sau 50 năm vì điều đó thể hiện một hệ thống vô lương tri từ xưa đến giờ không thay đổi:

    “Tôi thấy thật sự là vô lương tâm và không thể hiện lương tri của con người bình thường, cho thấy họ không hoàn toàn có một ý định nào gọi là hòa giải và hòa hợp dân tộc cả. Bởi vì dù cho biện minh dưới bất kỳ gốc độ nào, thì lẽ ra họ cũng nên thấy rằng việc tổn thất nhân mạng rất là lớn trong một trận đánh như vậy. Tất nhiên là họ không bao giờ nhận lỗi về phía mình, nhưng lẽ ra họ cũng nên tổ chức một buổi lễ nào đó, gọi là cầu siêu cho các oan hồn bị chết một cách rất là đau xót trong bối cảnh chiến tranh.”

    Bác sĩ Võ Xuân Sơn, qua mạng xã hội Facebook nêu lên quan điểm cá nhân của ông rằng Nhà nước Việt Nam gọi cuộc tấn công Mậu Thân là thắng thì đó là một sự gượng ép; vì con số thương vong do chiến dịch Mậu Thân có được dự kiến trước hay không, bao nhiêu cơ sở trong nội thành bị lộ, bao nhiêu chiến sĩ vào Sài Gòn rồi mà không rút ra được, việc đánh vào thành phố và bị đánh bật trở lại có nằm trong kế hoạch hay không? Bác sĩ Võ Xuân Sơn lập luận rằng nếu các yếu tố vừa nêu đã được tính toán thận trọng trước khi tiến hành cuộc tổng tấn công, thì tại sao phải chọn cách chấp nhận hy sinh nhiều như vậy? Còn nếu không, thì làm sao gọi đó là chiến thắng?

    Tiếp tục tuyên truyền sai sự thật

    Những thắc mắc của Bác sĩ Võ Xuân Sơn và cũng là của một số đông cư dân mạng phần nào được Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam giải đáp.

    Trước luồng dư luận về Hà Nội vẫn đánh dù lực lượng hy sinh quá nhiều và đã thất bại khi muốn giải phóng miền Nam trong chiến dịch Xuân Mậu Thân, Đại tướng Phạm Văn Trà giải thích với báo giới quốc nội rằng đó là cách nhìn phiến diện, không hiểu đúng về ý nghĩa của chiến dịch Xuân Mậu Thân.

    Báo mạng Dân Việt, vào ngày 31 tháng Giêng dẫn lời của Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương ở Ba Đình lúc bấy giờ đều xác định không phải đánh để giải phóng miền Nam Việt Nam ngay lập tức, bởi vì không thể địch nổi lại 50 vạn binh lính Mỹ và 1 triệu quân của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, Tướng Phạm Văn Trà nhấn mạnh mục đích của chiến dịch tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán , mà ông nói là “Mỹ không muốn ngồi thì cũng phải ngồi”. Do đó, những người lãnh đạo và cấp chỉ huy của chiến dịch Mậu Thân đã không phổ biến đến chủ đích cho cấp dưới, mà chỉ ra lệnh bộ đội và du kích ở miền Nam dốc hết sức để đánh một trận quyết định như trận đánh cuối cùng, nhằm để họ hăng hái và quyết tâm khi xung trận.

    Thế nhưng, trên các trang mạng xã hội, một số tài liệu được cư dân mạng lan truyền trong những ngày qua, cho thấy những gì nguyên Bộ trưởng Quốc Phòng-Tướng Phạm Văn Trà nói có điều vô lý. Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, từ Nha Trang vào tối mùng 1 tháng Hai nói với RFA:

    “Những thông tin tôi nắm được cách đây mấy chục năm đến giờ thì Hà Nội khi quyết định mở chiến dịch Mậu Thân là với quyết tâm giải phóng toàn bộ miền Nam, hoàn thành gọi là ‘cuộc kháng chiến chống Mỹ’ và chống lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở Sài Gòn. Nhưng mà họ đã không lường được cái sức và phương pháp có nhiều cái sai, ngay trong ban lãnh đạo của Hà Nội thì không phải ai cũng thống nhất phương án này.”

    Không chỉ phản đối thông tin về mục đích cuộc tấn công Mậu Thân của Hà Nội mà Đại tướng Phạm Văn Trà cung cấp sau 50 năm, cư dân mạng còn chú ý đến chi tiết ông Đại tướng Trà kể lại lữ đoàn của ông dù đã hy sinh nhiều trong những trận quyết liệt, kéo dài 3 ngày từ ngày 15-18/02/1968 ở Cần Thơ, nhưng đã tập kích tiêu diệt được 1 đại đội lính Mỹ, thu 60 súng ER 15 mới tinh và một số trang thiết bị.

    Cư dân mạng Hanh Nguyen, khẳng định thông tin này là không chính xác. Ông Hanh Nguyen cho RFA biết trong thời điểm biến cố Mậu Thân xảy ra, ông đang làm công việc dịch thuật cho văn phòng Phái bộ Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ-MACV (Military Advisory Command in Vietnam) và nơi đây chuyển dịch tất cả báo cáo, tài liệu quân sự trước khi phổ biến ra các cơ quan lẫn truyền thông. Ông Hanh Nguyen cho biết thêm ông và các đồng nghiệp vào thời điểm đó được giao phụ trách chuyển dịch tin tức quân sự liên quan hai vùng chiến thuật 3 và 4, trong đó có Cần Thơ:

    “Phải thú thật rằng thông tin mà ông Tướng Trà mới vừa đăng trên báo chính thống nhà nước thì tôi chưa hề thấy và cũng chưa hề nghe, nên với tôi độ tin cẩn cho bản tin này rất là thấp.”

    Ông Hanh Nguyen còn nhấn mạnh không rõ Đại tướng Phạm Văn Trà nói nhầm hay nhà báo viết sai vì Hoa Kỳ không có loại súng ER, mà chỉ có loại AR mà thôi.

    Nhà nước phải làm gì?

    Chúng tôi liên lạc với cựu Tổng Biên tập RFA, Ký giả Dan Southerland, người có mặt ở Sài Gòn và một số địa điểm ở miền Tây Nam Bộ trong biến cố Mậu Thân và được xác nhận thông tin vừa nêu rất lạ đối với ông. Ký giả Dan Southerland càng thấy lạ lẫm hơn vì đã 50 năm trôi qua thì không phải là thời điểm để khoe khoang chiến tích, mà điều Chính phủ Hà Nội cần làm là hàn gắn vết thương chiến tranh cùng hòa giải dân tộc.

    Chúng tôi cũng ghi nhận không ít các cư dân mạng thuộc thế hệ 8X và 9X còn so sánh sự đối nghịch giữa các tin tức từ truyền thông nhà nước về sự kiện kỷ niệm 50 năm chiến dịch Mậu Thân với bản tin của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) phát hành vào ngày 31/01/1968, ghi rõ người phát ngôn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và người phát ngôn Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam tố cáo “Mỹ và tai sai trắng trợn phá hoại ngày tết của nhân dân ta”. Những cư dân mạng trẻ tuổi đối chiếu các bản tin suốt 50 năm qua và đặt câu hỏi vì sao Nhà nước Việt Nam không nói đúng sự thật với những gì xảy ra trong lịch sử. Từ những thắc mắc không được giải đáp như thế, nhiều bạn trẻ đã tìm kiếm thông tin liên quan đến biến cố Mậu Thân và họ cũng bày tỏ nỗi thất vọng đối với Nhà nước trong dịp tròn 50 năm của biến cố này. Một cư dân mạng thế hệ 8X, ở Hà Nội chia sẻ với RFA:

    “Em có chơi với một số những người bạn ở trong Huế. Họ có những người thân là nạn nhân trong các cuộc thảm sát đó. Và cứ đến gần Tết là họ rất là buồn. Tết ở Huế không bao giờ vui cả. Chỉ là hào nhoáng bên ngoài thôi, chứ bên trong rất là buồn. Những gia đình có người thân bị bắt bớ, bị thủ tiêu, bị giết hại trong thảm sát Mậu Thân không hề biết họ chết ngày nào, chỉ biết là mất tích thôi. Sau này có người tìm được xác, có người không. Thường thì người ta làm cái lễ giỗ chung, cứ đến Tết là giỗ, cứ hay gọi giống như là quốc tang vậy. Chính quyền vinh danh và ăn mừng chiến thắng Mậu Thân thì quá là bất nhẫn. Điều đó là điều không thể nào chấp nhận được.”

    Trong khi các cư dân mạng là những nhân chứng lịch sử mong muốn Chính phủ thừa nhận lỗi lầm cũng như cần có những việc làm để phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát thân nhân của hàng ngàn gia đình người dân Việt trong biến cố Mậu Thân, thì những cư dân mạng trẻ tuổi yêu cầu Nhà nước minh bạch hóa thông tin về biến cố lịch sử quan trọng này. Một vài bạn trẻ chia sẻ với RFA rằng nếu Nhà nước cố tình bưng bít và không tôn trọng lịch sử thì họ không khó để tìm hiểu và tiếp cận thông tin trong thời đại công nghiệp 4.0, nhưng đối với họ Nhà nước Việt Nam không xứng đáng là một nhà nước “của dân-do dân-vì dân”.

    (* nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_de...018090306.html )

    Last edited by Triển; 02-04-2018 at 08:28 PM.
    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  9. #9
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365




    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

  10. #10
    Biệt Thự Triển's Avatar
    Join Date
    Sep 2011
    Posts
    27,365


    Những ca khúc về Mậu Thân 68: Tính nhân bản của người miền Nam

    RFA
    2018-02-02


    Bìa nhạc ca khúc Cơn mê chiều của nhạc sĩ Minh Khôi.
    Nguồn: Internet


    Bên cạnh những nhân chứng còn sống, bên cạnh những lời ghi chép để lại trong lịch sử vẫn chưa đầy đủ, thì âm nhạc là nơi lưu giữ, là 1 thực thể hiển hiện rõ nhất sự thật về biến cố Mậu Thân 1968.

    Nhìn ở 1 góc độ nào đó, 5 ca khúc: “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy”; “Những con đường trắng” của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng; “Hát Trên Những Xác Người” hay còn gọi “Bài Ca Cho Những Xác Người” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; Cơn Mê Chiều của nhạc sĩ Minh Khôi là 5 trang sử nhạc ghi lại một cuộc thảm sát dân tộc chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng người dân Việt Nam.

    Thế nhưng, phải đến gần 10 năm sau, những ca khúc ấy mới có cơ hội thực hiện vai trò lịch sử của nó. Vì sao?

    Không có oán hận

    Trong những tư liệu nói về Mậu Thân, người ta hay dùng những danh từ như thảm sát, biến cố, thảm kịch, tang tóc…để chuyển tải tính chất của 1 cuộc chiến.

    Thậm chí, người ta còn hình tượng hoá sự kiện này như 1 cuộc tương tàn giữa anh em trong 1 nhà. Có người đã viết về Mậu Thân thế này:

    “Trong vụ thảm sát Mậu Thân, ngoài nỗi đau đớn cho dân tộc trong một cuộc nồi da xáo thịt tàn độc, còn có một nỗi đau lớn hơn, là vai trò một số trí thức VN trong cuộc thảm sát này.”

    Nhưng âm nhạc thì không.

    “Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn

    Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng

    Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu

    Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình

    Đường nội thành đền xưa ai tàn phá ?

    Cầu Tràng Tiền bạc màu loang giòng máu

    Hương Giang ơi thuyền neo bến không người qua đò

    Một lần thôi nhưng còn mãi ...

    Và chiều nay không có em, đường phố cũ chân mềm”

    Cơn mê chiều của nhạc sĩ Nguyễn Minh Khôi có lẽ là chứng cứ trọn vẹn nhất về sự mất mát của Huế. Thêm vào đó là tiếng hát ma mị của danh ca Thái Thanh, thì Cơn mê chiều chính là oan hồn của hàng trăm xác người sau cuộc thảm sát ở Khe Đá Mài, thuộc xã Dương Hòa, quận Hương Thủy.

    Tất cả những gì đẹp nhất, thơ mộng nhất của Huế được tác giả mang hết vào ca khúc. Không có tiếng súng. Không có tiếng thét. Không có lời ai oán. Chỉ có “Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình”

    Hoặc là lời trách buồn bã của người mẹ đất thần kinh đối với đứa con của mình “nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng”

    Trong 1 tư liệu phân tích về ca khúc này, bút danh Hoàng Hạc có viết rằng:

    “Giống như những đứa con lớn lên trong một gia đình nghèo, có bà mẹ bịnh tật, có người cha say rượu hay đánh đập con cái và một bầy em còn nhỏ dại. Thay vì khuyên răn người cha, săn sóc người mẹ, che chở cho đám em khờ, các anh lại bỏ đi, và chẳng những đã bỏ đi mà còn dắt kẻ gian về đốt phá nhà mình.”

    Và đâu đó, vẫn là tính nhân bản của tầng lớp văn sĩ xưa, lấy ngọn đuốc soi sáng mong làm tan đi tội ác.

    “Tôi là người trong đêm, mang ngon đuốc về nội thành

    Xin là người soi đường đi xóa hết đau thương...”

    “Từ tiếng trách nghẹn người anh em miền Bắc, sao nỡ cắt đứt nhịp cầu tình nghĩa, qua “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy”; Đến đau đớn tột cùng để phải cười điên, hát dại, qua “Hát Trên Những Xác Người”, “Bài Ca Cho Những Xác Người”; Từ sự chua xót khi một thành phố thanh bình bỗng chốc hóa thành một thành phố của sự tang tóc, qua “Những Con Đường Trắng”; Đến những bước chân lê thẩn thờ mê dại, nghẹn ngào trước thảm cảnh người thân về giết người thân, qua “Cơn Mê Chiều”.
    Tất cả 5 bài hát đã nói lên mọi khía cạnh của sự đau đớn mà người dân xứ Huế đã phải gánh chịu. Nhưng, hoàn toàn không có bất cứ một lời lên án, nguyền rủa hay đòi trả thù rửa hận nào.
    Ngạc nhiên thay!
    Ngạc nhiên để phải suy gẫm, mới thấy tính nhân bản của người dân miền Nam, của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
    Cao đẹp quá!”

    Đó là chia sẻ của một độc giả tên Hoàng Trọng Thắng khi nói về 5 ca khúc chứng nhân lịch sử của Mậu Thân 1968.

    Ngọn đồi cao mênh mông lồng lộng những xác người. Con đường thênh thang phủ đầy những đoàn người dắt díu nhau chạy trốn. Bãi Dâu lởm chởm những hố hầm chôn vùi người đã chết…

    “Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn…”

    Đứng trước khung cảnh đó, người ta có thể khóc đến điên dại mà cũng có thể cười đến hoá rồ.

    Thế nhưng, bức tranh về thảm kịch của một miền đất nước và của cả một dân tộc được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ lên năm 1968, ngay khi ông từ Huế về lại Sài Gòn, hoàn toàn không có sự kêu gào căm phẫn.

    Có chăng, là tiếng vỗ tay, vỗ tay trong thù hận, vỗ tay cho ăn năn.

    “Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người

    Tôi đã thấy, tôi đã thấy,

    Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.

    Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh

    Chị vỗ tay hoan hô hòa bình

    Người vỗ tay cho thêm thù hận

    Người vỗ tay xa dần ăn năn.”

    Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng khi khóc cho nỗi đau thương của Huế, cũng chỉ là nhắc nhớ sự ngọt ngào muôn thưở của Huế.

    “Ngày xưa Huế có con đường trắng

    Ơi con đường trắng

    Áo trắng đơn sơ,

    Áo trắng ngây thơ,

    Áo trắng như mơ,

    Áo trắng học trò”

    Hay mượn hình ảnh sụp đổ của cây cầu Tràng Tiền 12 nhịp để nói lên nỗi đau đớn của ông.

    “Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui

    Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi.

    Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi

    Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài”

    Không nghĩ nhiều về chiến tranh

    Một vị bác sĩ hiện sinh sống ở Sài Gòn, (xin được dấu tên) nhớ lại thời gian ấy, khi ông còn là 1 cậu bé, những ca khúc đó chưa được phổ biến nhiều, đặc biệt là với người dân miền Nam.

    “Cái tâm thế hồi đó rất lạ. Người ta không than khóc về chiến tranh nhiều. Xã hội đủ thanh bình, đô thị Việt Nam đủ thanh bình để người ta không nhắc đến chiến tranh.

    Khoảng năm 70, 72, người ta vẫn không hát những ca khúc đó nhiều, trừ những sinh hoạt của những sinh siên tranh đấu, nhưng cũng không nhiều. Đa số là những ca khúc Du ca, Nhi đồng ca, Bình ca của Phạm Duy, người ta hát về mơ ước 1 quê hương thanh bình, thanh niên đi xây dựng quê hương.”

    Theo vị bác sĩ này, mãi cho đến sau năm 1975, thì những đau thương mất mát của Huế nói riêng và của cả dân tộc nói chung trong những ca khúc về Mậu Thân mới thực sự được trưng bày.

    “Khi người ta ý thức, căm hận đến tận xương tuỷ đó là tội ác. Người ta nghe lại với lòng căm phẫn. Trước đó, dân miền Nam không được giáo dục với lòng căm phẫn. Xã hội hồi xưa rất lạ. Gần như chiến tranh ít chạm đến đô thị. Dân miền Nam ít nói về chiến tranh. Người ta không bị ám ảnh lắm.”

    Cho dù chủ nghĩa hiện thực có hiện diện trong 5 ca khúc tiêu biểu về Mậu Thân, nhưng bàng bạc trong đó vẫn là sự lãng mạn, hào hoa, mưu cầu cái đẹp thanh bình của 1 tầng lớp văn sĩ xưa.

    Vị bác sĩ không nêu tên trong này có nói rằng “sẽ không có ca khúc nào có thể diễn tả hết được sự kinh hoàng của nó”

    “Chỉ là 1 mô tả phơn phớt thôi. Hàng ngàn hài cốt bới lên, cột chùm với nhau bằng dây thép, dây kẽm gai cột vô xương cánh tay, không có ca khúc nào tả được.”

    Sứ mệnh của âm nhạc là thế. Cho dù các nhạc sĩ không chọn chủ nghĩa hiện thực để đưa vào tác phẩm thì 5 ca khúc tiêu biểu này sẽ mãi mãi là chứng nhân của lịch sử. Và thảm sát Mậu Thân 1968, dù có thêm bao nhiêu lần 50 năm nữa thì nỗi đau của người dân đất thần kinh và của cả dân tộc Việt Nam vẫn mãi còn đó mỗi khi nhắc lại.


    (* nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_de...018120947.html )

    http://dtphorum.com/pr4/signaturepics/sigpic726_7.gif Puck Futin

 

 

Similar Threads

  1. Vết Trầm
    By Vết Trầm in forum Thơ
    Replies: 5
    Last Post: 02-07-2016, 06:30 AM
  2. Suối Ngọt Trầm Hương
    By Hương Quế in forum Thơ
    Replies: 908
    Last Post: 04-04-2015, 09:06 PM
  3. Tưởng Nhớ Trịnh Khánh Thiêng
    By Ngô Đồng in forum Chúc mừng/Phân ưu/Cảm tạ
    Replies: 6
    Last Post: 01-21-2014, 08:34 AM
  4. Replies: 14
    Last Post: 03-17-2012, 11:06 AM
  5. Trầm Khúc
    By cao nguyên in forum Tùy Bút
    Replies: 9
    Last Post: 01-20-2012, 01:22 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 03:58 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh