Register
Results 1 to 10 of 29

Threaded View

  1. #21
    Biệt Thự cuocsi's Avatar
    Join Date
    Sep 2016
    Location
    Paris có gì lạ
    Posts
    1,627


    Tình Mẹ






    Dù băng tuyết có phủ đầy
    Mẹ luôn ấp ủ con dưới cánh


    Photo cuoc si
    2018-03-02




    NrHỮNG MẤT MÁT TỪ CUỘC CHIẾN
    (tập cuối)
    CD

    Bài sưu tầm trên NET
    Chân thành tạ ơn tác giả.



    Em hỏi anh bao giờ trở lại?
    Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa
    Anh trở về bằng chiếc băng ca
    Trên trực thăng sơn mầu tang trắng

    Bài hát Kỷ Vật cho Em
    nhạc Phạm Duy - Thái Thanh hát

    Rồi thì chúng tôi cũng phải gạt nước mắt để đi nhận xác anh về, buổi trưa hôm ấy trời nắng thật gắt, hai chị em tôi lên đường hướng về Rừng Sát trên một chiếc xe được thuê bao riêng.

    Người ta báo tin đang chở xác anh về Saigon và khuyên chúng tôi cứ chờ ở nhà xác bệnh viện Cộng Hòa, nhưng chúng tôi không thể chờ, trên xe hai chị em cứ trông ngóng xem có chiếc xe camion quân đội nào chở xác anh về không?

    Đi mãi, đi mãi, Rừng Sát cách Saigon chẳng bao xa mà sao con đường chúng tôi đi hôm đó như dài dằng dặc. Khi chúng tôi sắp tới nơi thì thấy một chiếc xe quân đội trên có một quan tài phủ quốc kỳ, chị Thu tôi gào lên “anh ơi, có phải anh đó không”.

    Chúng tôi ra hiệu cho chiếc xe ngừng lại và cùng nhau bỏ xe, khó khăn trèo lên xe camion quân đội với sự giúp đỡ của vài người lính Hải Quân, có lẽ là thuộc cấp của anh. Chị đòi mở nắp quan tài ra xem mặt anh nhưng người ta không cho, nói phải về đến nhà xác mới được đó là lệnh cấp trên.

    Chúng tôi ngồi trên xe camion, hứng trọn hơi nóng của mùa hè Saigon vì chẳng có gì che chắn, chị ôm chiếc quan tài anh như một vật báu sắp tuột khỏi vòng tay mình.

    Chiếc xe lao đi vun vút, hình như anh quân nhân lái xe cũng muốn nhanh chóng thoát khỏi những giây phút đau khổ của gia đình đồng đội, gió đôi lúc tốc mạnh làm lá cờ phủ trên quan tài phất lên phầm phập như sắp sửa bị cuốn bay theo sức gió.
    Chúng tôi phải dùng tay chận hai mép cờ phủ hai đầu quan tài anh cho gió khỏi bật lên. Trong nắng, trong gió anh còn biết gì không anh?

    Rồi sau những than khóc của người thân và gia đình, anh cũng được lau chùi sạch sẽ để mặc lên người bộ quân phục sĩ quan Hải Quân trắng bóc, bộ quân phục đẹp mà mọi ngày tôi rất yêu thích sao hôm nay trông đến rợn người.

    Tôi không dám nhìn kỹ khi chị và mọi người giúp tẩm liệm anh, hình như một miếng bông gòn thật to đã được phủ lên ngực anh để tránh máu không thấm ra ngoài chiếc áo Hải Quân trắng. Mợ Năm tôi khóc ngất bên quan tài đứa con trai duy nhất của bà, đó là đứa con duy nhất bà có với bố tôi dù sau này bà cũng lập gia đình khác nhưng không có con thêm nữa.

    Anh Chính được quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm vì nhà anh ở tận Khánh Hội quá xa cho mọi người thăm viếng, cả gia đình mang một màu tang trắng xóa, hai thằng bé con anh vẫn bi bô đùa giỡn và đòi ăn, chẳng biết rằng cuôc đời chúng từ đây sẽ bước sang trang khác.

    Mới tết vừa qua thôi, anh còn mang hai cháu đến chơi và khoe rằng hai thằng con trai đã đủ “vốn”, bây giờ chờ cho hai đứa hơi lớn lớn anh sẽ kiếm thêm một cháu gái cho đủ nếp tẻ. Mới đây thôi, anh còn bàn với chị chuyện xây lại căn nhà cho khang trang, làm một góc vui chơi cho các con…thế mà tất cả đã sụp đổ chỉ bởi một họng súng vô tình.

    Sau những cuộc thăm viếng của người quen, của các anh bạn cùng khóa 17 Hải Quân, ngày thứ hai vị phó Đề Đốc Hải Quân cùng một đội quân nhạc của binh chủng Hải Quân ghé chùa để làm lễ truy điệu anh.

    Tất cả mọi người đều mặc trang phục trắng toát trang trọng, những lời nói ghi nhận công trạng vì nước vì dân, lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và sau cùng là lễ thăng bậc anh lên Thiếu Tá.

    Tất cả những trân trọng đó có đáng gì để đổi lấy mạng sống của một người đàn ông đang tràn đầy sức sống, đang hạnh phúc cùng vợ trẻ và con thơ trong ngôi nhà nhỏ, chúng tôi đâu cần những thứ đó, chỉ cần trả lại người con, người chồng, người anh, người cha mà chúng tôi hằng yêu dấu về lại với gia đình.

    Ngày tiễn anh ra nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, cả đoàn người đông đúc, hầu như rất đông bạn bè của anh có mặt. Chị dâu tôi thuê chiếc xe tang 4 ngựa thật đẹp để tiễn đưa anh về cõi vĩnh hằng, chọn mua một phần đất chôn cất trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi mà lúc đó cũng chẳng hề rẻ. Hình như còn bao sức tàn lực kiệt chỉ đều dồn hết cho đám tang anh, chẳng hề màng tới một tương lai mù mịt đang chờ mẹ con chị phía trước.

    Tôi gặp lại bao nhiêu bạn bè của anh, những người ngày nào từng vui vẻ ghé nhà tôi chơi, ăn uống đàn hát cùng anh, vậy mà giờ đây ai cũng còn đó, chỉ anh tôi là thành một thần xác vô hồn.

    Những tiếng vó ngựa gõ nhịp nhàng trên con đường nhựa, dưới ánh nắng chói chang của hè Saigon, trong buổi tiễn đưa anh tôi về nơi an nghỉ cuối cùng nghe sao xót xa lạ thường.

    Hàng trăm người hiếu kỳ hai bên đường xì xào bàn tán và tỏ lòng xót thương khi thấy di ảnh quá trẻ của anh cùng thân hình xác sơ gầy gò của người vợ trẻ cùng hai đứa bé trong mầu tang trắng, tôi liếc thấy vài người đưa tay chùi mắt.

    Hai đứa bé đều được bế trên tay bởi người thân lầm lũi đi theo chiếc xe tang, chị dâu tôi đang rũ rượi gào khóc cố bám lấy cái quan tài chứa thân xác vô hồn của anh vì chỉ vài giờ nữa thôi là muôn đời không còn nhìn thấy người chồng yêu dấu của mình.

    Nỗi đau đớn như dâng cao hơn khi chị gặp lại những người bạn cùng khóa 17 với anh, họ an ủi chị, ôm hôn những đứa con bé bỏng của anh, không biết họ có nghĩ rằng với cuộc chiến tiếp diễn như hiện nay một ngày nào đó vô tình họ cũng trở thành một trong những người nằm xuống như anh tôi không? chưa bao giờ tôi thấy cuộc chiến phi lý như vậy, người Việt giết lẫn nhau, cho ai và vì ai? Trả lại anh tôi cho tôi ông trời ơi, ông đất ơi….

    Những ngày sau đám tang anh, hầu như ngày nào tan học về tôi cũng ghé nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để thăm mộ anh và đốt cho anh một nén nhang. Tôi ghé đều đặn đến nỗi những người gác nghĩa trang nhầm tưởng tôi là người yêu của anh, mặc kệ tôi muốn anh tôi không cảm thấy cô đơn khi nằm xuống.

    Rồi nỗi đau nào cũng dần phai mờ theo năm tháng, nếu không làm sao con người có thể tồn tại được trước những khổ đau. Chị dâu tôi phải gắng gượng dậy để bắt đầu cuộc sống của người góa phụ trẻ, không có người đàn ông bên cạnh, chị vừa làm việc như con thoi để kiếm sống vừa đưa đón nuôi dậy hai đứa con trai nên người.

    Ngày 29/4/1975, gần hai năm sau ngày anh tôi mất, chị đã can đảm một nách hai con, lên tầu ở khu Khánh Hội để ra Đệ Thất Hạm Đội ngoài khơi Vũng Tàu thoát khỏi Việt Nam, có lẽ chị đã tiên đoán được cái số phần sẽ dành cho hai đứa con trai chị với lý lịch “đen”, có bố là cấp tá quân đội. Chị ra đi không hề báo cho mẹ chồng ruột chị lẫn gia đình tôi, chúng tôi chỉ biết chị đã rời khỏi nhà và lên tàu cùng đoàn người di tản nhưng không biết mẹ con chị sống chết ra sao.

    Rồi nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nơi an nghỉ của ông anh tôi cũng bị giải tỏa để xây dựng công viên, nghe tin này chị vội liên lạc nhờ người đến di dời xương cốt của anh về chùa.

    Từ đó chúng tôi liên lạc lại được với chị và biết được một câu chuyện thương tâm về chị ở nước ngoài, hình như cái vận xấu nó vẫn không buông tha chị, một người đán bà nhỏ bé, mảnh mai yếu đuối.

    Chị viết một bức thư cho bố mẹ tôi mà không hề biết rằng bố tôi vì buồn khổ đã mất năm 1976

    “Thưa cậu mợ,
    Con và các cháu bây giờ hiện đang ở tiểu bang California, Mỹ. Các cháu đều khỏe mạnh và giống y hệt anh Chính, cậu mợ xem hình con gởi kèm, chúng nó không khác gì anh ngày xưa từ cặp mắt, cái miệng cười cho đến dáng đi đứng cậu mợ ạ. Câu mợ cũng thấy trong hình có hai cháu gái nữa, đó là hai đứa con gái của con với người chồng sau. Con viết thư này để xin tạ lỗi với cậu mợ vì đã không ở vậy để thờ anh Chính con, nhưng đất lạ quê người, hai đứa con còn nhỏ dại, con phải nương tựa vào người ta mà sống. Đã từ lâu con muốn viết thư thăm cậu mợ và các em nhưng vẫn ngần ngại, hôm nay con mạnh dạn viết thư này vì biết rằng cậu mợ và các em sẽ vui nếu biết con và các cháu vẫn khỏe và có cuộc sống ổn định ở xứ người. Con vẫn nhớ ơn cậu mợ là người đã đứng ra nuôi dưỡng và gầy dựng cho anh Chính con, một lần nữa xin cậu mợ nhận nơi đây lòng biết ơn và tạ lỗi của con. Nếu cậu mợ không giận con xin cậu mợ và các em hồi âm cho con theo địa chỉ trên thư này, con mong tin cậu mợ và các em”

    Nhận được bức thư của chị tôi vui mừng khôn xiết, chị ơi, chị cũng phải nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình, có ai độc ác thì mới bắt chị phải ở vậy nuôi con . Thế kỷ này là thế kỷ 21 rồi đâu phải là thời xưa của ông bà mình mà chị vẫn còn suy nghĩ “thiển cận” như vậy. Tôi vui vì ít nhất chị tôi cũng tìm được người đàn ông để chia xẻ cuộc đời còn lại của mình.

    Rồi thư qua thư lại, càng về sau tôi càng thấy chị ít nói về người đàn ông này, chỉ nhắc tới sự trưởng thành đỗ đạt của các con mình. Cuối cùng thì tôi cũng đặt chân đến Mỹ trong một chuyến công tác nước ngoài, khi dang lảm cho một tổ chức dưới sự tài trợ của bộ Ngoại Giao Mỹ, việc đầu tiên tôi làm là lần theo địa chỉ để tìm gặp chị.

    Theo lời kể của chị, sau khi sang Mỹ, chị đã đi học ngay nghề tóc, sau một thời gian làm thợ cho một số tiệm, với vốn liếng dành dụm được chị giờ đã là chủ một tiệm làm tóc. Nhờ nghề này chị đã nuôi các con ăn học nên người, đứa con trai lớn nay đã hơn 40 tuổi, làm Giám Đốc Tài Chính cho một công ty lớn của Mỹ. Đứa thứ nhì giống ông anh tôi như đúc là “freelance photographer”, chị vẫn than phiền với tôi là cháu không chịu học đại học mà chỉ thích làm những gì cháu thích, cú điện thoại mới nhất chị gọi cho tôi, vui mừng báo tin cháu đang ở Anh, đã mua được nhà, lập gia đình và đang sống hạnh phúc với vợ và hai con. Còn hai đứa con gái với người đàn ông chị gặp sau này thì học nghề gõ đầu trẻ, một cháu đã được bầu chọn là “Teacher of the Year” của một trường trung học khá danh tiếng ở Mỹ.

    Khi hỏi về người đàn ông mới của chị, bố của hai đứa con gái, chị tôi khóc và nói “hết rồi em ạ!”, tôi muốn ôm chầm lấy chị để chia xẻ những nỗi đau mà chị đã gặp trong đời nhưng tôi phải làm ra vẻ bình tĩnh để ngăn cho chị khỏi xúc động.

    Chị kể tôi nghe, ngày đó mới sang Mỹ năm 1975 đâu phải như bây giờ có nhiều người VN, cái gì cũng phải tự học và tự tìm hiểu, tiếng Mỹ của chị thì chẳng giỏi lắm nhưng chị cũng lo chạy đây chạy đó xin trợ cấp của chính phủ nuôi con. Trong tình thế đó, chị gặp anh, một người sĩ quan cũng trong quân đội cũ, di tản một mình sang Mỹ không kịp mang theo vợ con.

    Chị nói anh đã giúp đỡ chị rất nhiều trong cuộc sống và trong việc nuôi dậy các cháu nên người, việc gì đến cũng phải đến, trong những ngày cô đơn trên đất khách quê người, và vì ai cũng nghĩ từ nay không còn gặp lại người thân ở VN nữa, anh và chị đã nương nhau mà sống và kết quả là họ có với nhau hai người con gái.

    Anh rất tử tế với chị nhưng gánh nặng vợ con còn kẹt lại VN luôn làm anh trăn trở. Anh đi làm dành dụm tiền gởi về nuôi vợ con trong những ngày khốn khó đó, còn chị cũng chung tay góp sức với anh.

    Ngày anh báo tin chính phủ Mỹ cho người di tản bảo lãnh người thân sang Mỹ, anh đã nói với chị ý định muốn làm giấy bảo lãnh cho vợ con sang cho có tương lai.

    Chị nghe xong thì lặng người, tiên đoán trước một ngang trái, nhưng chị không thể vì quyền lợi của riêng mình mà khuyên anh từ bỏ việc bảo lãnh vợ con anh, những người đang sống khốn khổ ở Việt Nam.

    Rồi chuyện gì phải đến cũng đến, ngày vợ anh sang đến Mỹ, anh phải thú nhận tất cả, người đàn bà nào cũng ích kỷ và ghen tuông, vợ anh đã ra tối hậu thư cấm anh không được đến thăm chị và các đứa con chung nữa.

    Anh cũng cố đến thêm vài lần để thăm hai đứa con gái của mình, sau đó thì chính chị yêu cầu anh, vì sự yên ổn của cả hai bên, đừng ghé chị nữa. Từ đó chị sống một mình, ăn chay trường và nuôi dạy các con nên người.

    Mỗi khi có dịp sang Mỹ, tôi lại được chị chở đi ăn cơm chay ngon tuyệt. Chị nói với tôi “em ơi bao giờ mình hết có tình cảm với đàn ông là lúc ấy mình mới thật sự thanh thản em a!”. Nhìn chị bây giờ thật thong dong, chị chẳng than vãn về cuộc đời mình, chẳng oán trách ông trời bắt chị phải hứng chịu nhiều trái ngang, và cũng chẳng trách móc người đàn ông đã có với chị hai đứa con gái.

    Bây giờ tâm hồn chị nhẹ nhàng như một bà tiên, không hờn giận, không oán trách vẫn ngày ngày lái xe đến tiệm tóc của mình để làm việc kiếm sống, được thêm đồng nào lại bù cho các con.

    Với mẹ chồng ruột chị, chị vẫn gởi tiền đều đều về nuôi cụ và vẫn hỏi thăm mỗi khi gặp tôi “em ơi, em về VN xem mợ Năm có khỏe không? Sao chị gởi tiền cho mợ mà chẳng thấy mợ nói gì, chẳng biết có nhận được không?. Thế đấy chồng chết đã hơn 40 năm mà chị vẫn lo chăm sóc mẹ chồng vì biết bà hiện giờ bơ vơ vì chỉ có người con duy nhất đã mất.

    Đêm nay, gần đến ngày giỗ anh Chính tôi, tôi đang tự hỏi các cuộc chiến đang diễn ra trên thế giới có lại sắp vô tình cướp đi người thân của bao nhiêu gia đình nữa? Có lại đẩy những người phụ nữ yếu đuối vào những hoàn cảnh éo le ngang trái?

    Tôi căm ghét những cuộc chiến đã mang lại nhiều mất mát cho con người, còn cuộc chiến nào đã mang anh tôi đi thật xa, mãi mãi….. dù đã gần nửa thế kỷ mà vẫn như một giấc chiêm bao chưa tỉnh dậy. ....

    Share this video
    https://youtu.be/fP161FR_BP0

    Cali Feb 28th 2018
    Last edited by cuocsi; 03-02-2018 at 01:54 PM. Reason: Thêm hình

 

 

Similar Threads

  1. MAI CAI HẠ (chuyện tình)
    By Kiến Hôi in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 41
    Last Post: 02-18-2017, 06:06 AM
  2. Thoại kịch truyền thanh - chuyện tình buồn
    By MưaPhốNúi_ in forum Tiếng Hát Đặc Trưng
    Replies: 12
    Last Post: 04-21-2016, 11:05 AM
  3. Nhân đọc một câu chuyện hay...
    By 008 in forum Ngôn ngữ học
    Replies: 1
    Last Post: 12-29-2015, 07:08 PM
  4. Đoạn kết một chuyện tình
    By Tuấn Nguyễn in forum Truyện
    Replies: 2
    Last Post: 10-05-2015, 08:43 AM
  5. chuyện kể ....
    By đất in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 7
    Last Post: 04-26-2013, 06:04 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 04:35 PM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh