Register
Page 2 of 23 FirstFirst 123412 ... LastLast
Results 11 to 20 of 224
  1. #11

    yên ba thâm xứ hữu ngư châu

    @ hương trầm.
    Như Khói Như Sương làm tui nghĩ tới Cao Bá Quát:
    Yên ba thâm xứ hữu ngư châu.
    Bảy chữ thôi mà tui phải dịch ra như ri:
    sâu, sâu nơi chốn xa kia, trong sóng vỡ tỏa ra như khói, có chiếc thuyền câu lấp ló thấy rồi không.
    Lại tìm ra trong document một bài viết ngắn có cái tên là bảy chữ ấy. Chẳng hiểu vì sao.. Thế nào cũng là một email. *********

    Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
    tôn thất tuệ

    Sự tập hợp của một quốc gia, nhất quốc gia lớn thì như câu hỏi của Na Tiên với Milinda: ngài đến bằng xe, vậy cái xe là gì? là cái bánh, là cái sườn. Soviet chỉ là Russia, sáp nhập các nưóc tự trị như Ukraine, Georgia v..v... nay chỉ còn Russia. Cái lõm trong đó có Băc Kinh nói tiếng quan thoại sẽ như Russia nếu Tàu bị qua phân. Trừ khi bị phân ranh như Đức 1945, Hoa Nam sẽ không tách khỏi hoa Bắc. Các xứ như Mông Cổ Tây Tạng, Tân Cương có sự khác biệt về văn hóa, lịch sử và chủng tộc có thể tự tách, một khi Bắc Kinh yếu.
    Hoa Nam được xem như vùng đất của Bách Việt mà dân ta hiện nay đã từng làm sếp với danh hiệu Lạc Việt. Có người cho rằng Hoa Nam của Việt đã là một xứ định canh với nền văn minh nông nghiệp. Trong lúc ấy Hoa Bắc còn du mục. Bằng chứng là thủy tổ nhà Chu, đã qui tụ các dân du mục, làm một bản tuyên ngôn diệt Trụ gọi là Mục Thệ. Từ đời Chu và nhất là lúc các nước nhỏ tự trị và đánh nhau mới xuất hiện những triết gia như Khổng Tử, các học phái. Chuyện chi thì còn đó nhưng Hoa Nam qua lưu vực Dương Tử phì nhiêu hơn, xanh hơn.
    Nay Việt Nam bị đồn về lưu vực Hồng Hà đến Thanh Hóa, bung ra về phía Nam diệt Chiêm Thành và lấy đất Cao Miên. Phía bắc xem như thua. Nhưng quanh biên giới có những sắc dân, không có ý niệm về quốc gia (nation) hay nhà nước (state état); dĩ nhiên hiện nay dưới ngọn cờ của TC. Tuy không biết rõ cả hai trường hợp, xin nói những nhóm nầy cũng giống những bộ tộc Đông Âu vùng Danube hay Forêt Noir, tự sinh trưởng, nương và cọng sinh dưới các quốc gia. Một khi có biến động các khối nầy rất có thể sẽ chuyển hướng (affiliation) về một xứ họ thích hơn.
    Quanh VN, họ không đủ sức thành một quốc gia ví như đảo Hải Nam. Nếu Hà Nội thành một trung tâm dân chủ, Hà Nội sẽ hấp dẫn nhóm nầy, có thể kéo cả vùng Hoa Nam. Đó là sự bành trướng tự nhiên như HK bắt đầu bởi 13 tiểu bang. Đó chính là quốc phòng; một thứ quốc phòng kiểu Bill Clinton: phát triển kinh tế và dân chủ kéo họ vào khu vực của mình, họ không đánh mình.
    Lối quốc phòng địa dư hiện nay tiếp tục thế môi hở răng lạnh của ba nước Việt Mên Lào. Măt trận Lào ủng hộ Điện Biên Phủ; Cao Miên mất trước, Saigon mất sau. Bất cứ ai ở Hà Nội vẫn phải lấy Lào và Miên dù bằng bạo động hay ngoại giao. Nhà Nguyễn và Pháp đã làm như vậy. Vua Nguyễn còn qua đến Thái Lan và xuống tận Nam Dương.
    Quan niệm quốc phòng xa nầy biến thái qua nhiều lúc trong lịch sử. Lý Thường Kiệt dùng công mà thủ bằng cách đánh qua Tàu nhưng nó không nằm trong việc bành trướng tự nhiên mà chúng ta đang ngó qua Hoa Nam trong một hoàn cảnh hết sức giả định (hypothetical).
    Đã lâu lắm, không nhất thiết qua ngàn năm mới, chuyện laissez passer dễ dàng thực hiện hơn ở Âu Châu mấy trăm năm trước. Nó xẩy ra trong tâm tưởng của người nơi xuất phát và nơi đến. Nói khác, biên giới vẫn còn như xưa nhưng không có biên giới trong tương quan quyền lực và giao dịch; trong đó yếu tố kế cận (proximity) cũng đóng góp nhiều.
    Nếu Hà Nội không có một viễn tượng như Nguyễn Hoàng có viễn tượng phía nam Đèo Ngang là nơi vạn đợi dung thân, nếu Hà Nội không đi vào con đường dân chủ khai phóng, Hà nội sẽ mất diện, bao nhiêu tinh túy sẽ về một Hoa Nam phát triển sau kinh nghiệm sắt máu của CS, làm sống lại triết lý nhân bản thực dụng hiện đang bị tiêu diệt bởi CS.
    Chuyện Hoa Nam thành một quốc gia chưa xẩy ra. Nhưng Hà Nội hiện là một thực thể chính trị trên tay; nó sẽ mất hay thành một trung tâm hấp lực tùy cách xoay xở hành sử của người đương cuộc.
    Các cố gắng của người CS và không CS chứng minh nền văn minh Hoa Nam xuất phát từ châu thổ Hồng Hà qua các cuộc khảo cổ không giúp nhiều cho sự phát triển thực tế qua châm ngôn: mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Họ nói Lục Tổ Huệ Năng là người Việt, cũng đúng vì cả trăm thứ Việt (Bách Việt) cũng như nói Tây Thi là tiền thân của Mai Hương ca sĩ cũng được vậy.
    Mao Trạch Đông vị thầy vĩ đại của *** không sợ chiến tranh nguyên tử mà còn thích là khác. Chết hết đi; còn chút ít thì Tàu cũng còn vài trăm triệu người, mỗi người cầm cây tầm vông đủ làm bá chủ hoàn cầu. Đây cũng là một ý cần nghĩ tới khi bàn về Trung Hoa.
    Georgia, thg 7, 2010

  2. #12
    Cám-ơn anh đã đưa ra những suy-nghĩ và viễn-tượng. Việt-Nam của chúng ta không thiếu nhân-tài và nếu như không phải là định-mệnh đã an-bài thì lo gì trong tương-lai người Việt chúng ta không ngẫng cao đầu cùng thế-giới.
    Lịch-sử là một vòng tròn! Vậy thì cũng Cao-Bá-Quát: "Duy giang thượng chi thanh phong dữ sơn giang chi minh nguyệt. Kho trời chung mà vô-tận của mình riêng". Đừng cười Muội múa rìu qua mắt thợ.
    Kính,

    H.Trầm
    Last edited by Hương-Trầm; 11-19-2011 at 04:07 PM.

  3. #13
    Lúa ơi! Chuyện đâu còn có đó, đừng gãi đầu rụng tóc uổng lắm!!! Lúa không nghe người ta nói: "đừng nghe những gì đàn ông nói mà hãy nhìn kỹ những gì đàn ông làm" hay sao? Cái gì Lúa thích cứ tự-nhiên rinh về. Cửa chùa rộng mở!

    H.Trầm

  4. #14

    vọng mỹ nhân hể, kho trời vô tận

    Quote Originally Posted by Hương-Trầm View Post
    Cao-Bá-Quát: "Duy giang thượng chi thanh phong dữ sơn giang chi minh nguyệt. Kho trời chung mà vô-tận của mình riêng". Đừng cười Muội múa rìu qua mắt thợ.


    H.Trầm
    Tôi thường được ông sếp cũ và một bạn đồng nghiệp trước 75 gởi cho nhiều bản dịch thơ Đường cùng dẫn giải. Tôi thì chỉ biết một chữ nhất; lúc nhỏ giành việc lấy tay quẹt vôi ăn trầu một vệt dài trên trái bí đao để ma quỷ khỏi vọc, chờ đến Tết làm mức. Cho nên tôi đã làm hoanh gởi cho cả nhóm bài Tiền Xích Bích Phú, không quên chọt bút tả xung hữu đột loạn xà ngầu, chỉ ba búa như Trịnh Giảo Kim. Nay Hương Trầm nhắc đến Cao Bá Quát, tôi mới nhớ đến bài nầy.

    Vọng mỹ nhân hề, kho trời vô tận

    Bản dịch Tiền Xích Bích Phú của Phan Kế Bính đơn giản dễ chịu hơn bản của Nguyễn Văn Thọ. Tôi không thể đối chiếu với nguyên văn, vì Hán không rộng, Hán chật. Nhưng nhờ phần diễn âm, tôi thấy không vừa lòng đối với hai tác giả khả kính nầy, duy chỉ về một câu bảy chữ: vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương. Hai vị nầy không diễn đạt hết cái hào hùng của câu nầy và của Đường Thi nói chung.

    Cái hào hùng nầy cũng như Mireille Mathieu hát tình khúc Amour Defendu thiết tha như khi hát Marseillaise. Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương. Đọc xong phải vỗ bàn, dằn ly rượu xuống mặt gỗ, như một tuyệt khúc trong sonate của Beethoven. Như khi diễn viên hát bộ vừa ngâm xong, người cầm trịch đánh tiếng trống dứt khoát rồi bặc ngay âm thanh, tay nắm nạm tiền thưởng mà quẳng lên sân khấu.
    Phan Kế Bính:
    Nhớ ai canh cánh bên lòng
    Nhớ người quân tử ngóng trông bên trời.
    Nguyễn Văn Thọ:
    Nhớ ai canh cánh khôn khuây
    Nhớ người má phấn đó đây cách trùng.

    NVT đã đi theo con đường của PKB nhưng gần nguyên bản hơn chỉ trong một chữ “người má phấn” thay cho “người quân tử”.
    Nói tùm lum tà la như thế mà tôi thật không hiểu rõ nghĩa của câu nầy. Tôi nhìn trong bản chữ Hán có thấy chữ thiên viết như trời thiên trời địa đất tử mất tồn còn ….. Là một danh từ, có thể là động từ không? Chữ thượng là một trạng từ, vừa là một động được chăng? Đài ngân thượng giai lục, thềm cấp rêu đã lên xanh. Ngọ thượng thiên lương (Tử vi: sao thiên lương ở cung ngọ)
    Vọng tưởng đến người đẹp, đều nầy làm nghiêng đổ (thiên trong thiên vị?) một phương trời.
    Vọng tưởng đến mỹ nhân, ta nghiêng người về một phương trời vì phương trời ấy chính là tâm thể của ta, hay đúng hơn mỹ nhân đã chiếm tâm thức ta để ta nhìn đâu đều thấy nàng như ta thấy đâu cũng là trời hay ít ra một góc trời.
    Vọng mỹ nhân, ta chỉ có một hướng, (phương trong phương hướng?) như ta thường xướng nhất tâm đảnh lễ chư hiền thánh, nam mô là hướng về, hội nhập với. Theo một bài viết, học giả thiền Suzuki nói có bài kệ mà sáu người dịch khác nhau nghe cũng có lý và êm xuối.
    Thiên nhất phương là ba chữ sống chết.

    Cao Bá Quát
    Mãi cho đến nay tôi mới biết Cao Bá Quát dùng nguyên văn một câu của Tô Đông Pha. Đây không có chuyện đạo văn. Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt. Cao Bá Quát đem câu nầy vô thơ mình, bừng bừng sinh khí. Như một chão dầu sôi nhưng chưa đủ, cần một nội tướng như nhà tôi ném vào mấy lát cá salmon với nắm thì là, thì trời đất nổ tung như big bang. Miếng cá và nắm thì là trong tay CBQ là: kho trời chung mà vô tận của mình riêng.
    Hết ý, ngưng, dấu lặng, dấu lặng dài mấy vạn trường canh, nhắm mắt, thiên nhất phương.

    (hình như quá tải, nên xin xem bài phú ở post kế tiếp)

    Vì không thể sử lỗi tiêu đề, xin đính chính: vọng mỹ nhân hề
    Last edited by tonthattue; 11-20-2011 at 06:20 PM.

  5. #15

    Tiền Xích Bích Phú

    BÀI PHÚ TIỀN XÍCH BÍCH
    CỦA TÔ THỨC


    Tô Thức 蘇 軾 tự là Tử Chiêm 子 瞻, quen gọi Tô Đông Pha 蘇 東 坡 (1036-1101) người tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa; đỗ tiến sĩ đời vua Nhân Tông 仁 宗 nhà Tống (1010-1063). Trong thời gian bị đày ở đất Hoàng Châu 黃 州 vì chống quan tể tướng Vương An Thạch 王 安 石, ông làm nhà ở Đông Pha để ở và lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ 東 坡 居 士. Mùa thu năm Nhân Tuất (1082), ông cùng bạn thả thuyền chơi trên sông Xích Bích rồi ngẫu hứng làm bài phú này, gọi là Tiền Xích Bích phú 前 赤 壁 賦.
    Ba tháng sau đến, tiết đông, ông lại đi chơi khúc sông này lần nữa, cảm khái làm bài thơ thứ hai, gọi là Hậu Xích Bích phú 後 赤 壁 賦.
    Đó là hai thi phẩm kiệt tác trong văn học Trung Hoa, khiến thi nhân đời Minh là Lý Phan Long phải khen rằng: «Anh hùng như Tào Tháo, sự nghiệp như Chu Du nay còn đâu? Chỉ có vầng trăng đẹp, dòng nước trong và câu thơ bất hủ của Đông Pha muôn đời còn mãi.»
    Người đời sau dựng tượng Tô Đông Pha bằng đá trắng ngay chân núi Xích Bích, trong một ngôi đình, với một bức hoành viết bốn chữ lớn «Vạn cổ phong lưu» để kỷ niệm một kỳ tài thi ca.
    Tên sông Xích Bích gắn liền với một chiến trường nổi tiếng thời Tam Quốc: Chu Du đại phá quân Tào Tháo.

    TIỀN XÍCH BÍCH PHÚ
    Nhâm Tuất chi thu, thất nguyệt ký vọng. Tô Tử dữ khách phiếm chu, du ư Xích Bích chi hạ.
    Thanh phong từ lai, thủy ba bất hưng, cử tửu chúc khách, tụng minh nguyệt chi thi, ca yểu điệu chi chương. Thiếu yên, nguyệt xuất ư đông sơn chi thượng, bồi hồi ư đẩu ngưu chi gian, bạch lộ hoành giang, thủy quang tiếp thiên. Túng nhất vĩ chi sở như, lăng vạn khoảnh chi mang nhiên. Hạo hạo hồ như bằng hư ngự phong, nhi bất tri kỳ sở chỉ; phiêu phiêu hồ như di thế độc lập, vũ hóa nhi đăng tiên. Ư thị ẩm tửu lạc thậm, khấu huyên nhi ca chi. Ca viết:
    «Quế trạo hề lan tương,
    Kích không minh hề tố lưu quang.
    Diểu diểu hề ngô hoài,[1]
    Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương.»
    Khách hữu xuy động tiêu [2] giả, ỷ ca nhi họa chi; kỳ thanh minh minh nhiên, như oán, như mộ, như khấp, như tố, dư âm niểu niểu bất tuyệt như lũ. Vũ u hác chi tiềm giao, khấp cô chu chi ly phụ.
    Tô Tử tiễu nhiên, chính khâm, nguy tọa nhi vấn khách viết:[3]
    – Hà vi kỳ nhiên dã?
    Khách viết:
    – Nguyệt minh, tinh hy, ô thước nam phi, thử chi [4] Tào Mạnh Đức chi thi hồ? Tây vọng Hạ Khẩu,[5] đông vọng Vũ Xương, sơn xuyên tương mục, uất hồ sương sương, thử phi Tào Mạnh Đức khốn ư Chu Lang giả hồ? [6] Phương kỳ phá Kinh Châu, hạ Giang Lăng,[7] thuận lưu nhi [8] đông dã, trục lô thiên lý, tinh kỳ tế [9] không, sái tửu lâm giang, hoành sáo [10] phú thi, cố nhất thế chi hùng dã, nhi kim an tại tai? Huống ngô dữ tử ngư tiều ư giang chử chi thượng, lữ ngư hà nhi hữu mi lộc, giá nhất diệp chi biên chu, cử bào tôn dĩ tương chúc, ký phù du ư thiên địa, diểu thương [11] hải chi nhất túc, ai ngô sinh chi tu du, tiện trường giang chi vô cùng, hiệp phi tiên dĩ ngao du, bão minh nguyệt nhi trường chung, tri bất khả hồ sậu đắc, thác di hưởng [12] ư bi phong! [13]
    Tô Tử viết:
    – Khách diệc (bất) [14] tri phù thủy dữ minh nguyệt hồ? Thệ giả như tư, nhi vị thường vãng dã. Doanh hư giả như bỉ, nhi tốt mạc tiêu trưởng dã. Cái tương tự kỳ biến giả nhi quan chi, tắc thiên địa tằng bất năng dĩ nhất thuấn; tự kỳ bất biến giả nhi quan chi, tắc vật dữ ngã giai vô tận dã, nhi hựu hà tiện hồ? Thả phù thiên địa chi gian, vật các hữu chủ, cẩu phi ngô [15] chi sở hữu, tuy nhất hào nhi mạc thủ. Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt, nhĩ đắc chi nhi vi thanh, mục ngộ [16] chi nhi thành sắc, thủ chi vô cấm, dụng chi bất kiệt, thị tạo vật giả chi vô tận tàng dã, nhi ngô dữ tử chi sở cộng thích.
    Khách hỉ nhi tiếu, tẩy trản cánh chước, hào hạch ký tận, bôi bàn lang tạ, tương dữ chẩm tạ hồ chu trung, bất tri đông phương chi ký bạch. ☸

    BẢN DỊCH VĂN XUÔI CỦA PHAN KẾ BÍNH:

    Ngoài rằm tháng bảy mùa thu năm Nhâm Tuất,(a) Tô Tử cùng với khách bơi thuyền chơi ở dưới núi Xích Bi. Hây hẩy gió mát sóng lặng như tờ. Cầm chén rượu lên mời khách, đọc bài thơ Minh Nguyệt và hát một chương Yểu Điệu.(b) Một lát, mặt trăng mọc lên trên núi Đinh Sơn, đi lững thững ở trong khoảng hai sao Ngưu, Đẩu. Khi đó, sương tỏa trên mặt sông, vẻ nước trong tiếp đến chân trời, tha hồ cho một chiếc thuyền nhỏ đi đâu thì đi, vượt qua trên mặt nước mông mênh muôn khoảnh. Nhẹ nhàng như cưỡi gió đi trên không mà không biết là đi đến đâu; hớn hở sung sướng như người quên đời đứng một mình, mọc cánh mà bay lên tiên. Vì thế uống rượu vui lắm, rồi gõ vào mạn thuyền mà hát. Hát rằng:
    Thung thăng thuyền quế chèo lan,
    Theo vừng trăng tỏ vượt làn nước trong.
    Nhớ ai canh cánh bên lòng,
    Nhớ người quân tử (c) ngóng trông bên trời.
    Trong bọn khách có một người thổi ống sáo, theo bài ca của ta mà họa lại. Tiếng sáo não nùng rền rĩ, như sầu như thảm, như khóc như than. Tiếng dư âm hãy còn lanh lảnh, nhỏ tít lại như sợi tơ chưa dứt. Làm cho con giao long (thuồng luồng) ở dưới hang tối cũng phải múa mênh, người đàn bà thủ tiết ở một chiếc thuyền khác cũng phải sụt sùi.
    Tô Tử buồn rầu sắc mặt, thu vạt áo ngồi ngay ngắn mà hỏi khách rằng:
    - Làm sao lại có tiếng não nùng làm vậy?
    Khách đáp rằng:
    - Câu «Nguyệt minh tinh hi, ô thước nam phi» (nghĩa là trăng sáng sao thưa, quạ bay về nam), chẳng phải là câu thơ của Tào Mạnh Đức (d) [17] đó ru? Đương khi Tào Mạnh Đức phá Kinh Châu, xuống thành Giang Lăng, thuận dòng mà sang mặt đông, tàu bè muôn dặm, cờ tán rợp trời; rót chén rượu đứng trên mặt sông, cầm ngang ngọn giáo ngâm câu thơ, đó thực là anh hùng một đời, mà nay thì ở đâu? Huống chi tôi với bác đánh cá kiếm củi ở trên bến sông này, kết bạn cùng tôm cá, chơi bời với hươu nai, bơi một chiếc thuyền nho nhỏ, nhắc chén rượu để mời nhau, gửi thân dù du (con vờ) ở trong trời đất [18] xem ta nhỏ nhặt như một hạt thóc ở trong bể xanh, thương cho sự sống của ta không bao lâu, mà khen cho con sông này dài vô cùng. Vậy mà muốn được dắt tiên bay để chơi cho sung sướng, ôm lấy vừng trăng tỏ mà sống mãi ở đời. Tôi biết không làm sao được như vậy cho nên nảy ra tiếng rầu rĩ ở trong cơn gió thoảng.»
    Tô Tử nói:
    - Vậy thế bác có biết nước và mặt trăng không? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi [19] bao giờ; mặt trăng khi tròn khi khuyết như vậy, mà chưa từng thêm bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổi mà xem ra thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt; mà nếu tự ở nơi không biến đổi mà xem thì muôn vật cùng với ta đều không bao giờ hết cả. Cần gì phải khen đâu ! Vả lại ở trong trời đất, vật nào có chủ ấy. Nếu không phải là của ta thì dẫu một ly ta cũng không lấy. Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông, cùng là vừng trăng sáng ở trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của tạo hóa, và là cái thú chung của bác với của tôi.»
    Khách nghe vậy, mừng mà cười, rửa chén lại rót rượu uống lần nữa. Khi đồ nhắm hoa quả đã khan, mâm bát bỏ ngổn ngang, cùng nhau gối đầu ngủ ở trong thuyền, không biết vừng đông đã sáng bạch tự lúc nào.[20]

    ☸ CHÚ THÍCH CỦA PHAN KẾ BÍNH
    (a) Tức là năm thứ tư niên hiệu Nguyên Phong nhà Tống (1082).
    (b) Chương Yểu Điệu là một chương ở thơ Minh Nguyệt trong Kinh Thi. Thơ ấy có ý chê người quyền thế, không ưa người hiền, mà chỉ ưa gái đẹp.
    (c) Quân tử ở đây chỉ về những người cùng làm quan với mình trong trào, ý là nhớ bạn.
    (d) Tào Mạnh Đức tức là Tào Tháo. Vì trông thấy cảnh Xích Bích, cho nên nhớ chuyện Tào Tháo đánh nhau với Chu Du.

    BẢN DỊCH MỚI của Bác sĩ Nhân Tử NGUYỄN VĂN THỌ

    Năm Nhâm Tuất mùa thu tháng bẩy,
    Rằm đã qua, chiều lại bâng khuâng.
    Dưới chân Xích Bích chập chùng,
    Khách cùng Tô Tử thuận giòng chơi trăng.
    Gió thu nhẹ linh lung khẽ thổi,
    Sông như gương chẳng nổi sóng hoa.
    Rượu ngon chuốc chén năm ba,
    Hát cung «Yểu Điệu», ngâm thơ «Trăng Vàng».
    Chẳng mấy chốc đông ngàn trăng ló,
    Rẽ Đẩu Ngưu bỡ ngỡ đường mây.
    Sương vương mặt nước tỉnh say,
    Giòng sông trong vắt in mây lồng trời,
    Thuyền một lá chơi vơi thỏa thích,
    Nước muôn tầm xa tít mênh mông.
    Nhẹ nhàng cưỡi gió tầng không,
    Thuyền trôi nào biết vân mồng về đâu !
    Lòng phơi phới ngỡ hầu thoát tục,
    Tung cánh mơ phơ phất lên tiên.
    Rượu ngon chếnh choáng hơi men,
    Nhịp nhàng ta gõ mạn thuyền ta ca:
    «Chèo lan nhẹ đẩy đưa thuyền quế,
    «Khua ánh trăng ta rẽ nước mây.
    «Nhớ ai canh cánh khôn khây,
    «Nhớ người má phấn đó đây cách trùng.»
    Khách có kẻ tay nâng ống sáo,
    Theo lời ca mà tạo nên cung.
    Trên sông tiếng trúc linh lung,
    Như sầu như thảm não nùng oán than.
    Trời mây nước âm vang phảng phất,
    Nước trời mây hiu hắt dư ba.
    Giao long động tối la đà,
    Thuyền đơn gái hóa mắt lòa lệ châu.
    Tô Tử bỗng rầu rầu nét mặt,
    Sửa dung y, khoan nhặt gạn gùng:
    Vì đâu thổi tiếng não nùng,
    Cùng nhau xin cạn nỗi lòng tiêu sơ.
    Khách mới đáp: «Sao thưa trăng sáng,
    Mấy bóng ô lãng đãng về Nam.
    Ấy thơ Mạnh Đức xưa làm,
    Dư âm phất phưởng mơ màng đâu đây.
    Đây có phải phía Tây, Hạ Khẩu,
    Miền Đông kia phải dấu Vũ Xương?
    Sông sâu núi biếc miên man,
    Cỏ cây muôn khóm chứa chan sự đời.
    Xưa Mạnh Đức tơi bời nghiêng ngửa,
    Phải nơi đây vì lửa Chu Lang.
    Hồi nào quân tướng băng băng,
    Kinh Châu vừa phá, Giang Lăng đà vào.
    Thuận giòng nước ào ào tuôn đến,
    Ngất trời mây xao xuyến bóng cờ.
    Chén vàng pha ánh trăng mơ,
    Ngà say quay giáo ngâm thơ oai hùng.
    Ấy hào kiệt lẫy lừng một thủa,
    Xưa tung hoành, nay ở nơi đâu?
    Còn ta ẩn dật giang đầu,
    Ngư tiều cam phận dãi dầu hôm mai.
    Lấy tôm cá hươu nai làm bạn,
    Một thuyền con mấy bận cùng say.
    Phù du phận gửi trời mây,
    Chiếc thân hạt thóc há dầy trùng dương.
    Ngán kiếp sống mau nhường gió thoảng,
    Khen sông dài thảng đãng vô cùng.
    Lòng ta những muốn vẫy vùng,
    Sánh vai tiên tử ngàn trùng lãng du.
    Ôm trăng sáng say sưa thoải mái,
    Sống cùng trăng, sống mãi với đời.
    Nhưng mơ chẳng thực với người,
    Nên ta quyến gió thổi bài sầu than.»
    Tô Tử đáp: «Kìa trăng nọ nước,
    Nước kia trôi sau trước vẫn nguyên.
    Trăng kia tròn khuyết đôi phen,
    Mà nào có giảm có thêm bao giờ.
    Từ biến chuyển nhìn ra trời đất,
    Thì đất trời chớp mắt đã qua.
    Từ trong vĩnh cửu nhìn ra,
    Muôn loài muôn vật như ta vô cùng.
    Chi mà phải mất công khen ngợi,
    Của cải đời chi vội bon chen.
    Vật nào chủ nấy dĩ nhiên,
    Của người tơ tóc chẳng thèm mảy may.
    Duy gió mát tỉnh say mặt nước,
    Duy trăng trong tha thướt đầu non.
    Tha hồ tai ngóng, mắt nom,
    Thanh âm sắc thái muôn muôn ngàn ngàn.
    Đấy là cả kho tàng Tạo Hóa,
    Tha hồ dùng, dùng đã ai ngăn.
    Ấy kho vô tận vô ngần,
    Chung nhau tôi bác quây quần hưởng vui.»
    Khách nghe cạn, tươi cười hớn hở,
    Nâng chén quỳnh uống nữa thêm vui.
    Thịt thà hoa quả nhắm rồi,
    Mâm mâm bát bát rơi bời ngổn ngang.
    Chung gối ngủ trong khoang một giấc,
    Trời hừng đông sáng quắc nào hay.

    http://www.nhantu.net/
    Last edited by tonthattue; 11-21-2011 at 01:39 PM.

  6. #16

    amour défendu, La Marseillaise

    Amour défendu
    http://www.youtube.com/watch?v=t1pnZfSXbgM


    Amour défendu
    (E. Marnay - Ch. Bruhn)

    Le vent d'octobre
    Froissait la rivière
    Les pluies de ma robe
    Frôlaient la bruyère.
    L'air était si tendre
    Que j'ai voulu prendre
    Ta main qu'une bague
    M'avait défendu.

    La seule faute
    Restera la mienne,
    J'ai oublié l'autre
    Et j'ai dit "je t'aime".
    Les fleurs de la lande
    Aux couleurs de l'ombre
    Ont tout recouvert
    Et mon coeur s'est perdu.

    Amour de rêve,
    Amour de l'automne,
    Quand le jour se lève
    C'est l'hiver qui sonne.
    On a pris le monde
    Pour quelques secondes,
    Mais on ne vit pas
    D'un amour défendu.

    Il y avait l'autre,
    Il y avait ses larmes.
    J'ai repris ma faute
    J'ai jeté les armes.
    Les fleurs de la lande
    Aux couleurs de l'ombre
    Où l'on s'est aimés
    Ne me reverront plus.

    Amour de rêve,
    Amour de l'automne,
    Quand le jour se lève
    C'est l'hiver qui sonne.
    On a pris le monde
    Pour quelques secondes
    Mais on ne vit pas
    D'un amour défendu.

    On a pris le monde
    Pour quelques secondes,
    Mais on ne vit pas
    D'un amour défendu.
    Mais on ne vit pas
    D'un amour défendu.



    La Marseillaise:
    http://www.youtube.com/watch?v=w_8dafLxLcI
    Last edited by tonthattue; 11-21-2011 at 04:41 AM.

  7. #17
    Đọc câu cuối của Huynh biết ngay Huynh thích nhạc cổ-điển. Trên vài câu nữa thì biết Đại-tẩu là một tay đẩu bếp thiện-nghệ.
    Cho Muôi hỏi nhỏ: Đại-tẩu có làm thơ, viết văn không?

    H.Trầm

  8. #18

    cầm tấu khúc của Brahms

    Quote Originally Posted by Hương-Trầm View Post
    ....thích nhạc cổ-điển.

    H.Trầm
    cầm tấu khúc thúy nại của Brahms
    tôn thất tuệ

    Tôi vẫn nghe một chút Brahms chiều vô vọng
    vỗ trên cành như tay người đó phiếm ngà yêu
    sương lãng đãng cố tìm nơi trú ẩn
    nhạc từng cơn quật mạnh gót chân mù.
    Tôi cũng biết Brahms yêu người đó
    kẻ có chồng, chồng chết giữa dòng sông.

    Clara hởi, em ôm Schumann trong hồn nhạc
    về những nẽo bước chân lừa đếm nhịp
    và tiếng thơ nơi dương cầm vọng lại
    vách thinh không xuyên thủng nghe tiếng em ru.
    Có vách núi rêu leo không bám
    sương trợt chân gối mòn góc bể
    đứng sừng sững chia ngang đời hai cõi
    vách thinh không hay vách đá cheo leo?
    Em đi qua một chiều vắng lạnh
    đá sũng mềm tay nhẹ tơ vương
    làm dòng suối cho người theo em tiếng nhạc
    ta thản buồn làm con cá trôi xuôi.

    Tôi vẫn nghe một chút Brahms chiều vô vọng;
    con kiến bò nhẹ quá không gợi được làn da
    một dấu lặng trong trường thiên tẩu khúc
    tôi nhắm mắt trốn chạy cái hư vô
    dáng oai phong lẫm liệt nhưng hiền hòa
    tay Clara buông thả tiếng đàn theo.
    Tôi quán tưởng cái không gian
    ngoài cái không gian hiện có
    với mưa xuân bầy chim là hạt đậu
    dấu trầm tư là mạch máu của rừng hoa.

    Nơi thế giới mà loài người
    xin đầu thai làm rong biển
    sóng âm thầm vỗ đá tiếng yêu em
    có buổi sáng mà hoàng hôn trổi dậy
    cho ta về ngàn kiếp thuở xa xưa
    cho ta thấy Brahms tìm giai điệu
    viết cho em cầm tấu khúc Thúy Nại

    như ngày nay ta tìm một ý thơ
    cho người đó thuở xa xưa
    nghẹn tắt lời trong một buổi chiều vô vọng.

    Clara hởi, giữ hộ ta
    sương buồn lãng đãng
    một chút Brahms vô vọng chiều nay.-

  9. #19
    Hiền-huynh cho nghe Mireille Mathieu hát Amour Défendu thật hay. Dalida hát bài nầy dưới tựa Ton Prenom Dans Mon Coeur. Lúc nhỏ ở xóm em có một anh đàn guitar bài nầy. Anh nói tên bản nhạc là Romance.
    Hình như không ai biết tác-giả chính-thức của bản nhạc; vì vậy lời và tên bản nhạc được đặt ra tùy cảm-xúc từng người!?
    Thơ Hiền-huynh thoát-tục quá! Rất hay!
    Kính chúc một ngày vui.

    H.Trầm

  10. #20
    Xóm Cũ Ngày Thơ
    Nhà tôi ở Gia-định trong một hẻm lớn có nhiều vườn và gần một ngôi chùa. Tuy thuộc về thành-phố nhưng là ngoại-ô nên dân-cư không không lấy gì đông-đảo, hầu như đều quen biết. Thêm một điều đặc-biệt là dân ba miền Bắc-Trung-Nam trong xóm gần như xuýt-xoát nhau, lại sống rất hòa-bình và gắn-bó vì vậy bọn trẻ con chúng tôi rất thân và hầu như đều hiểu được âm giọng của ba miền.
    Ngoài những chuyện vui đùa thường-lệ, chúng tôi thích chạy ra lăng của Đức Tả Quân Lê-văn-Duyệt vào những ngày giổ của Ngài. Những ngày đó người đông như trẩy-hội, lắm trò vui chơi. Bởi lúc sinh-tiền Ngài thích hát bộ nên môn nghệ-thuật nầy luôn có mặt hàng đầu. Trong những ngày ấy chúng tôi tha-hồ xem cho mãn nhãn; lại còn chạy tuốt ra hậu-trường sân-khấu xem diễn-viên hóa-trang, đánh phấn tô son. Hồi đó mê làm sao những bộ áo quần lấp-lánh kim tuyến, viền lông thỏ nhiều màu; lại còn cái mão gắn đèn chớp-chớp với hai cái lông công dài thậm-thượt mà mấy anh kép vào lúc"lên xề", vuốt một cái xuống thật thấp rồi búng mạnh tay ra cho cái lông công bung lên cong vòng. Bọn chúng tôi thán-phục hả họng nhìn không chớp mắt. Khi hết tuồng, lại chạy quanh xem đá gà, thi chim hót, đánh cờ tướng và xa hơn nữa là những nhóm đánh bài cào, đổ bầu cua cá cọp. Lần nào hên là được bác Năm Xe Lam nhét đầy một xe lam chở thẳng tới lăng mà không phải cuốc bộ. Ngoài nghề chạy xe lam, bác Năm còn có một vườn mai mà mỗi dịp Tết người ta tới lựa cành mua rất đông, không cần phải cưa nhánh đem ra chợ bán. Nhà nào trong xóm không trồng mai là thế nào cũng có một cành mai nhỏ bác tặng chưng ba ngày Tết; vì vậy ngoài cái tên Năm Xe Lam, bác còn một tên khác là Năm Mai Vàng.
    Trẻ con trong xóm hay rủ nhau đi cộ đèn vào những đêm trăng tròn cho dù không phải là đêm Trung-thu. Đèn chỉ là cây đèn cầy gắn trên cọng tre hoặc làm từ cái lon sửa bò đục lổ. Mấy đứa con gái ngon lành hơn thì có đèn xếp, đèn con cá, đèn ngôi sao do cẩn-thận để dành từ Trung-thu trước. Vừa đi vừa hát: " Bóng trăng sáng ngà có cây đa to có thằng cuội già ôm một mối mơ ..." hoặc bất kỳ bài nào, câu nào chợt nhớ mà có đứa xướng lên trước, không cần đầu đuôi. Chúng tôi thích nhất đi ngang chùa của Sư Cụ vì khi nào đi ngang Sư cũng thủ sẵn cho vài trái cam hay quýt, rồi vòng qua con lạch nhỏ cho đèn chiếu xuống nước coi chơi. Đi chán thì tan hàng nhưng không quên chia nhau mấy trái cây của Sư Cụ .
    Sư Cụ già, gầy nhom nhưng tóc không bạc. Đôi mắt lúc nào cũng như nhắm tịt lại, rất hiền nhưng bọn trẻ con chúng tôi rất sợ mà không biết tại sao. Sư Cụ được người lớn cả xóm kính-nể và Sư cũng thương đám con nít. Khi nào mấy cây mận, ổi, khế trong chùa chín là Sư nhắn bảo vào hái về mà ăn kẻo rụng uổng. Có lần chúng tôi hỏi anh Thương vì sao lúc nào mắt Sư Cụ cũng nhắm, anh Thương nghiêm-nghị:
    - Không phải nhắm mà là không muốn nhìn.
    Chúng tôi nhao-nhao:
    - Sao kỳ vậy? Sao kỳ vậy! Có mắt mà không muốn nhìn?
    - Vì Sư Cụ có huệ nhãn.
    - Huệ nhãn là cái gì vậy?
    Anh Thương trầm-ngâm một hồi rồi lắc đầu:
    - Có nói tụi bây cũng không hiểu, lớn chút nữa anh giải-thích cho nghe.
    Anh Thương là người cầm đầu bọn trẻ trong xóm. Anh học giỏi, ngoan lại có những sáng kiến độc-đáo nên đứa nào cũng mê, được người lớn tin-tưởng nhưng hình như anh "cương" cũng hơi nhiều, có lần anh Nhung nói vậy. Anh Nhung có tài kể chuyện, làm trò cười. Anh Thọ đàn guitar số dách. Có một lần đêm Trung-thu trăng không bị mưa hay mây che. Bọn trẻ cả xóm náo-nức vì tin vui nầy. Mẹ tôi cho cả bọn thêm một hộp bánh nướng. Ngoại tôi nấu thêm cho một nồi khoai lang Dương-ngọc. Đặc-biệt là má của Hiền làm cho một tấm đệm lát to gấp hai lần chiếc chiếu bự để cả bọn trải ngoài sân đón trăng (má của Hiền chuyên đan đệm để bán). Anh Thọ khi nào cũng bắt đầu bằng bài Dạ Lai Hương của Phạm-Duy mà anh nói là chào cờ. Nghe mãi bọn tôi thuộc nằm lòng. Anh Thọ vừa dạo nốt đầu tiên là cả bọn rống cổ lên ... gào!
    Ngày Ba Má tôi đi từng nhà để chào giả-biệt, chúng tôi đi theo mà nước mắt giọt ngắn, giọt dài. Má tôi cũng không cầm được nước mắt. Ba tôi an-ủi: " Mai mốt nếu không thích chổ mới thì mình lại trở về đây."
    Ngày trở về ấy không bao giờ đến với Ba Má tôi! Hơn bốn mươi năm sau chỉ một mình tôi trở lại.
    Xóm cũ người xưa chẳng còn lại một ai! Tất cả đều mới, đều lạ-lùng. Những khu vườn xanh ngát đầy cây trái, bông hoa đã biến mất. Nhà! Nhà! Nhà! Chen vai sát cánh như sợ không có chổ để chen. Ngôi chùa nhỏ cổ-kính, rêu-phong của Sư Cụ được thay thế bằng một ngôi chùa to lớn màu-sắc rực-rỡ. Thầy trụ-trì mập hồng với gương mặt rất chi là Lương-Sơn-Bạc tươi-cười chào đón khi tôi vào lễ trong chùa.
    Bước ra nhìn quanh cảnh vật rồi tựa người vào gốc cây Ngọc-lan già còn sót lại ngoài sân. Tôi nhắm mắt. Hình như vẳng đâu đây tiếng cười đùa của đám con nít ngày xưa. Tiếng đàn guitar của anh Thọ, những câu chuyện cổ-tích của anh Nhung, gương mặt cố làm ra vẻ người lớn của anh Thương ... Cả bọn ngồi nhìn trăng đùa trên từng ngọn lá để rơi-rớt những mảnh vàng xuống đất khi gió mang theo mùi hương ngọc-lan, mùi dạ-lý, mùi hoa lài và cả mùi trầm ...
    Tôi lau nước mắt! Không còn gì để nhìn lại, để quay lui.
    Vĩnh-biệt!!!
    11-22-11
    my birthday

    Hương-Trầm









    Last edited by Hương-Trầm; 11-23-2011 at 05:48 AM.

 

 

Similar Threads

  1. Qua màn sương thương nhớ
    By Dung in forum Tùy Bút
    Replies: 844
    Last Post: 02-20-2024, 01:55 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 04:40 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh