Register
Page 1 of 8 123 ... LastLast
Results 1 to 10 of 77
  1. #1
    Nhà Ngói
    Join Date
    Apr 2014
    Posts
    135

    Bình Luận của Vũ Linh!

    ​LUẬT THUẾ MỚI (December 30 - 2017)


    Cuối cùng thì luật thuế mới đã ra đời. TT Trump thực hiện được một trong những lời hứa quan trọng nhất của ông. Đây là bộ luật cải tổ thuế lớn nhất từ thời TT Reagan cách đây hơn 30 năm.
    Ngay năm 2018, ảnh hưởng trên cá nhân sẽ được thấy qua việc mỗi phiếu lương sẽ được khấu trừ thuế (tax withholding) ít đi, tức là năm tới, tiền quý vị mang về mỗi tháng sẽ nhiều hơn năm qua.
    Bộ luật cực kỳ phức tạp dĩ nhiên, và chúng ta sẽ không thể nào điều nghiên chi tiết trong khuôn khổ một bài viết dù khá dài này, chỉ cần biết qua vài điểm chính.

    THUẾ LỢI TỨC CÁ NHÂN


    Khấu trừ tiêu chuẩn (standard deduction) cho những người không chiết tính chi tiết (no itemized deductions) sẽ là $12.000 cho cá nhân, $18.000 cho chủ gia đình. Hai vợ chồng khai chung sẽ được khấu trừ $24.000. Tức là tăng gấp đôi mức hiện nay. Có lợi lớn cho giới có lợi tức thấp, đối với nhà giàu không áp dụng vì họ đều không lấy khấu trừ tiêu chuẩn.
    Mỗi đứa trẻ trong gia đình cũng được khấu trừ từ $1.000 hiện nay, lên $2.000.

    Vài ví dụ điển hình về mức thuế phải đóng, dựa trên trường hợp vợ chồng khai thuế chung, có hai con nhỏ, lấy khấu trừ tiêu chuẩn:
    - Lợi tức $24.000 một năm, hiện nay lấy về được $900, theo thuế mới, lấy về $4.000
    - Lợi tức $30.000 một năm, hiện nay đóng $300, năm tới không đóng thuế mà còn lấy về $3.400
    - Lợi tức $55.000 một năm, hiện nay đóng $4.300, năm tới lấy về $300

    [Nói cách khác: ngưỡng cửa bắt đầu phải đóng thuế theo luật hiện hành là $30.000; theo luật mới là $55.000. Số người không đóng thuế sẽ tăng từ 35% lên tới 50% dân Mỹ]

    - Lợi tức $120.000 một năm, hiện nay đóng $25.000, năm tới đóng $17.000, giảm $8.000 (-32%)
    - Lợi tức $1.000.000 một năm, hiện nay đóng $389.000, năm tới đóng $357.000, giảm $32.000 (-8%)

    Trên đây là ước tính đơn giản để quý độc giả có một khái niệm thôi, trên thực tế, mỗi trường hợp mỗi người mỗi khác vì nhiều thuế phụ hay khấu trừ khác. Quý độc giả cần tham khảo chuyên gia khai thuế.

    Những con số trên chỉ là thuế lợi tức liên bang thôi, không kể đóng góp cho quỹ an sinh Social Security, hay bảo hiểm y tế người già Medicare, hay các thuế tiểu bang và địa phương.

    Một điểm quan trọng cho dân cư các tiểu bang đánh thuế lợi tức cá nhân, như Cali: theo luật thuế mới, thuế lợi tức tiểu bang vẫn được khấu trừ khỏi thuế lợi tức liên bang, nhưng bị giới hạn tới $10.000, phần cao hơn không được khấu trừ.
    Nếu quý độc giả Cali có lợi tức dưới $120.000 một năm thì khỏi thắc mắc chuyện này vì vẫn được khấu trừ hết. Nếu có lợi tức $120.000, sẽ phải đóng $11.000 (9%) thuế lợi tức cho Cali, được khấu trừ $10.000, không được khấu trừ $1.000 phụ trội còn lại.

    Một đại gia lãnh $1.000.000, sẽ phải đóng $130.000 (13%) thuế cho Cali, trước đây được khấu trừ hết, bây giờ chỉ được khấu trừ $10.000, không được khấu trừ phần $120.000 còn lại.

    Việc khấu trừ tới $10.000 này cũng áp dụng cho thuế nhà. Do đó, triệu phú phải trả thuế nhà hơn $10.000 mới phải lo không được khấu trừ.

    Việc không được khấu trừ quá $10.000 sẽ là gánh nặng lớn cho các nhà giàu trong các tiểu bang giàu đánh thuế tiểu bang nặng như Cali, New York,... Nhà nghèo và trung lưu không bị thiệt hại gì.

    THUẾ LỢI NHUẬN KINH DOANH
    Thuế lợi nhuận kinh doanh, sẽ giảm từ 35% xuống 21%, bất kể mức nào.

    Riêng với các công ty có lợi nhuận dưới $315.000 một năm, 20% lợi nhuận đầu sẽ được khấu trừ, khỏi chịu thuế.
    Ví dụ: một tiệm ăn lời $200.000, hiện nay phải đóng 35% tức là $70.000 thuế. Theo luật thuế mới, 20% đầu sẽ được khấu trừ, tức là chỉ phải đóng thuế trên lợi nhuận $160.000, ở mức 21%, tức là chỉ phải đóng $33.600, bớt hơn một nửa.

    Tuyệt đại đa số công ty trung và tiểu thương ở trong khung thuế này, và việc khấu trừ 20% cũng như mức thuế 21% sẽ giúp họ có thêm tiền mở mang thêm, thuê thêm nhân viên, mua thêm máy móc dụng cụ. Đây là biện pháp cụ thể giúp tiểu thương mạnh nhất.

    Thay đổi thuế xuất công ty là điểm quan trọng nhất trong luật mới vì có thể giảm thuế bạc triệu cho các công ty, có tác động lớn trên kinh tế trong khi những cắt giảm thuế cá nhân của TT Bush có tác động nhẹ hơn vì chỉ giảm vài trăm hay vài ngàn cho cá nhân.

    OBAMACARE
    Luật bắt buộc phải có bảo hiểm y tế nếu không sẽ bị phạt, bị hủy bỏ. Có nghiã là mọi người có quyền không mua bảo hiểm nếu không muốn. Đây là một điểm cột trụ của Obamacare, bây giờ bị hủy, coi như Obamacare cáo chung phân nửa, chỉ còn lại điều luật không cho các hãng bảo hiểm từ chối những người đã có bệnh trước, là điều mà ai cũng đồng ý.
    xxx

    TTDC loan tin luật giảm thuế bị đa số dân Mỹ chống đối. Tại sao? Rất giản dị: vì sự xuyên tạc và hù dọa của TTDC thiên tả, và hơn một nửa nước Mỹ nghi ngờ hay chống đối tất cả những gì TT Trump làm cho dù việc làm đó có lợi cho họ. Có những nhà báo hiểu biết nhưng cố tình bóp méo để đánh Trump. Có những nhà báo mù tịt nhưng thấy có dịp đánh Trump thì cứ nhẩy vào đánh tiếp dù không hiểu mình đang nói gì. Tình trạng chia rẽ phe phái chính trị chưa bao giờ vô lý như hiện nay.
    Trước khi bàn vào cuộc tranh cãi, ta cần phải hiểu rõ thuế là gì?

    Trên căn bản, việc thu thuế có ba mục đích chính. Trong cả ba mục đích đó, cách nhìn của phe cấp tiến khác hẳn cách nhìn của khối bảo thủ. Từ đó đi đến xung đột quan điểm, rồi đi đến xuyên tạc, bóp méo để chống phá nhau.

    MỤC ĐÍCH ĐẦU TIÊN: KINH PHÍ QUỐC GIA
    Đầu tiên và rõ nhất: thuế là nguồn tiền để Nhà Nước chi cho những mục tiêu có lợi chung như quốc phòng, an ninh trật tự, an sinh xã hội, giáo dục, giao thông, tiện nghi công cộng,... Đến đâu là đủ cho Nhà Nước và đến đâu thì mang tính trấn lột dân?
    Đảng DC lo bành trướng tối đa vai trò vú em, với hàng hà sa số luật lệ, và đủ kiểu trợ cấp, do đó cần rất nhiều tiền. Họ suốt ngày hô hoán chỉ muốn thu thuế nhà giàu thôi. Trong một cuộc tranh luận trên TV với cụ xã nghiã Sanders, TNS Ted Cruz của Texas đã nói ngay “nước Mỹ không đủ triệu phú để thực hiện kế hoạch thuế của đảng DC”.

    MỤC ĐÍCH THỨ HAI: ĐIỀU HÀNH KINH TẾ
    Trong chế độ kinh tế thị trường, Nhà Nước không can thiệp trực tiếp quá mạnh vào guồng máy kinh tế, mà chỉ có thể can thiệp gián tiếp bằng chính sách thuế.

    Khi kinh tế trì trệ hay khi Nhà Nước muốn kinh tế tăng trưởng mạnh hơn thì giảm thuế để dân có thêm tiền xài, các công ty có thêm tiền đầu tư vào hãng xưởng, thuê nhân công, tăng gia sản xuất. Ngược lại khi kinh tế sôi sục quá, để tránh lạm phát thì Nhà Nước tăng thuế, thu bớt tiền để dân xài bớt lại.

    MỤC ĐÍCH THỨ BA: TÁI PHÂN PHỐI LỢI TỨC
    Hầu như tất cả chế độ thuế trên thế giới đều mang tính lũy tiến. Tựu trung thì những người có lợi tức cao phải đóng thuế theo tỷ lệ cao hơn để Nhà Nước có tiền trợ cấp cho những người lợi tức thấp hơn.

    Đây là hình thức tái phân phối lợi tức. Vấn đề là tái phân phối tới mức nào. Phe DC chủ trương lấy thuế ‘nhà giàu‘ thật nhiều để cấp dưỡng ‘nhà nghèo’ tối đa, trong khi khối CH chủ trương chỉ cần một mức lưới an toàn tối thiểu cho dân nghèo, còn thì người dân nên có tư tưởng tự lực cánh sinh không nằm dài chờ trợ cấp.
    xxx
    Phải nói ngay, luật thuế mới, cũng như bất cứ luật lớn nhỏ nào, không thể thỏa mãn tất cả khối 330 triệu dân Mỹ. Bất cứ luật nào cũng có người có lợi, có người bị thiệt thòi. Trong khối người đang trả thuế, có thể 5% sẽ phải trả thuế cao hơn vì nhiều loại khấu trừ sẽ bị hủy bỏ (như việc giới hạn khấu trừ thuế tiểu bang tới $10.000 như vừa bàn qua, sẽ khiến vài nhà giàu phải đóng thuế nặng hơn), 85% được giảm thuế, 10% không thay đổi gì.

    NHỮNG LẬP LUẬN CHỐNG GIẢM THUẾ:

    1. GIẢM THUẾ KHIẾN NGHÈO SẼ NGHÈO THÊM, GIÀU ĐƯỢC GIÀU THÊM
    Lập luận mỵ dân phiạ. Trước hết, như trên đã ghi nhận, số người không đóng thuế gì hết sẽ tăng từ 35% lên gần 50%: một nửa nước không phải đóng thuế gì hết.

    Về mấy ông nhà giàu, lấy ví dụ một ông có lợi tức một triệu như trên. TTDC phớt lờ việc ông này đã đóng $357.000 thuế, mà lo xoáy vào việc ông này được giảm thuế, tức là 'giàu thêm' $32.000.

    Sự thật, ông ta không 'giàu thêm', mà chỉ là đóng ít thuế hơn. Số tiền này thay vì đi vào Nhà Nước để các công chức vung ra cửa sổ, ông 'nhà giàu' sẽ được giữ lại để đầu tư kinh doanh, mở thêm cửa tiệm, hãng xưởng. Nếu ông không muốn đầu tư, có thể mang tiền đi mua sắm giúp tiêu thụ hàng hoá, hay bỏ vào ngân hàng giúp ngân hàng có thêm tiền cho khách hàng vay mượn làm kinh doanh.
    Trong cả ba cách, cách nào cũng là bơm tiền, giúp kinh tế tăng trưởng, tạo công ăn việc làm hay khiến mức lương hiện hữu gia tăng.

    Có thể kinh doanh phát triển khiến ông giàu thêm thật, nhưng trong khi đó, ông cũng giúp không biết bao nhiêu người khác giàu thêm theo, có công ăn việc làm, dù lãnh lương thấp cũng còn nhiều hơn lãnh tiền thất nghiệp.

    Trong quan điểm của DC, họ nghĩ cần đánh thuế cao vì Nhà Nước có khả năng xử dụng tiền hữu ích hơn, do đó tiền nên vào tay Nhà Nước càng nhiều càng tốt, người dân giữ lại càng ít càng tốt.

    Đây là căn bản khác biệt giữa ý thức hệ xã hội chủ nghiã và kinh tế thị trường. Khối thiên tả luôn luôn tin tưởng ở khả năng điều hành kinh tế của các công chức [trong các xứ CS, tất cả đều do công chức 'lên kế hoạch'], trong khi khối thiên hữu tin vào khả năng của mỗi người dân.

    2. GIẢM THUẾ ĐỂ TĂNG THU TỰ NÓ ĐÃ LÀ MỘT NGHỊCH LÝ
    GS Ben Voth của đại học SMU đã nghiên cứu về ba cuộc trừ thuế lớn gần đây. Dưới đây là tóm lược kết quả:
    - TT Kennedy trừ thuế 1961 khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (GDP) là 2,6%. Trong 2 năm sau, 1962-1963: GDP tăng 6,1% và 4,4%; thuế thu vào tăng 15% trong hai năm. (Đừng quên TT Kennedy là đảng DC, cũng giảm thuế cho ‘nhà giàu’ khi cần tăng trưởng đấy)

    - TT Reagan trừ thuế 1982 khi tăng trưởng ở mức -1,9% (âm). Trong 5 năm sau, 1983-1988: trung bình kinh tế tăng trưởng mỗi năm 3,8%; thuế thu vào tăng 10% mỗi năm.

    - TT Bush con trừ thuế 2002 khi kinh tế tăng 1,0%: Trong 4 năm sau, 2003-2007: trung bình kinh tế tăng hơn 2,5% mỗi năm; thuế thu vào cũng tăng 10% mỗi năm.

    Tại sao giảm thuế xuất mà tiền thuế thu vào lại tăng? Vì giảm thuế giúp dân có nhiều tiền xài hơn, các công ty có tiền phát triển kinh doanh, gia tăng thu hoạch và lợi nhuận, sẽ đóng thuế nhiều hơn, trong khi nhiều người có việc làm hơn, có lợi tức cao hơn nên có khả năng đóng thuế cao hơn. Đây không phải là chuyện lý thuyết, mà đã được lịch sử chứng minh qua ba lần giảm thuế nêu trên.

    3. GIẢM THUẾ SẼ TẠO THÂM THỦNG NGÂN SÁCH
    Luật thuế mới có thể sẽ tạo ra $1.400 tỷ thâm thủng ngân sách trong 10 năm tới, theo Phòng Ngân Sách Thượng Viện, không phải $6.000 tỷ như một vài người phóng đại để hù dọa. Lạ thật, cái đảng tăng công nợ gấp đôi, lên tới $20.000 tỷ để lấp thâm thủng ngân sách trong 8 năm Obama bây giờ sao lại hoảng hốt với $1.400 tỷ trong 10 năm tới?

    TTDC phán "dân nghèo sẽ cong lưng ra gánh cái thâm thủng" đó, qua việc trợ cấp bị cắt, và cắt thuế chỉ là món quà TT Trump tặng cho các tỷ phú để họ "bảo vệ ngai vàng" của ông.

    Hai câu đố vui cho quý vị:
    1. Đố quý vị biết nếu các nghị sĩ, dân biểu CH cắt hết trợ cấp của dân Mỹ, bao nhiêu vị sẽ tái đắc cử? (Câu trả lời: zero. Cho nên sẽ không có ông bà CH nào làm chuyện điên này)

    2. Đố quý vị biết tại sao TT Trump phải tặng quà cho tỷ phú? (Câu trả lời: vì ông Trump đắc cử nhờ phiếu của 63 triệu... 'tỷ phú'!)

    Thật ra, 1.400 tỷ thâm thủng là cách tính phần lớn dựa trên tình trạng kinh tế hiện hữu, mà không kể đến việc kinh tế sẽ tăng trưởng và tiền thuế thu vào sẽ tăng như trong các cuộc giảm thuế của ba vị tổng thống vừa nêu trên.
    Chỉ số chứng khoán tăng vùn vụt từ ngày ông Trump đắc cử tổng thống chính vì các doanh gia tin tưởng giảm thuế sẽ đưa đến tăng trưởng kinh tế mạnh, tất cả các công ty sẽ lớn mạnh và lời to.

    4. LUẬT THUẾ MỚI KHÔNG CÔNG BẰNG
    Có người cho rằng luật mới không công bằng, bắt những người đi làm cật lực lãnh lương cao như chuyên viên điện toán, hay bác sĩ, phải trả thuế tới 37% trong khi các nhà đầu tư giàu có, làm biếng chẳng làm gì, ăn không ngồi ngáp bỏ tiền vào một công ty có lời, chỉ đóng thuế có 21%. Những người đưa ra lập luận này rõ ràng chưa bao giờ làm chủ công ty nào.

    Thực tế, ông nhà giàu ‘làm biếng’ chủ công ty này phải đóng thuế tới hai lần, có thể ba lần không chừng: lần thứ nhất, đóng 21% trong lợi nhuận của công ty (corporate income tax), lần thứ hai đóng 37% trên số tiền lương hay tiền thưởng được công ty chia lại cho ông (individual income tax), và lần thứ ba, nếu cổ phiếu công ty tăng giá hay có chia cổ tức, lại phải đóng thêm 20% thuế trên lợi nhuận đầu tư (capital gain tax).
    Ông bác sĩ chỉ đóng có một lần thuế.

    5. CÁC CÔNG TY LẤY QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ CHỈ VÌ MUỐN CÓ LỜI, KHÔNG ĂN THUA GÌ ĐẾN THUẾ
    Những người đưa ra lập luận này hiển nhiên chưa bao giờ làm kinh doanh. Các doanh gia luôn luôn coi vấn đề thuế là then chốt. Cong lưng làm cho có lời nhiều để rồi Nhà Nước lấy thuế hết thì ai dại gì làm nữa.

    Hiện nay, các công ty Mỹ có gần 3.000 tỷ đô tiền mặt. Thay vì đầu tư vào hãng xưởng thì họ để tiền trong các ngân hàng tại các nước gọi là thiên đường thuế như Bahamas, Ireland,…

    Tại sao? Không phải vì họ thiếu tưởng tượng, có tiền mà không biết làm gì để sinh lời, nhưng mà vì TT Obama suốt ngày hăm dọa tăng thuế công ty, nên họ sợ mang tiền về đầu tư tại Mỹ sẽ phải đóng thuế đến tắt thở. Để tiền đó, chờ cơ hội đầu tư tại xứ chậm tiến nào đó, có lời cất ở những nơi ít thuế nhất, không dại gì đem về Mỹ cho TT Obama chặt chém.
    Một điểm đặc biệt của thuế mới: những số tiền đó có thể chuyển về nước và chịu thuế khoảng 10%. Biện pháp mới này sẽ khuyến khích các đại công ty Mỹ mang tiền lời về Mỹ đầu tư lập hãng xưởng, tạo công ăn việc làm cho Mỹ, nhất là khi thuế lợi nhuận công ty đã giảm mạnh, còn có 21%.

    Phải nói ngay, biện pháp giảm thuế này tự nó chưa đủ để các đại công ty mang tiền về Mỹ, vì còn một lý do nữa họ không muốn đầu tư tại Mỹ: những thủ tục, luật lệ hành chánh cực kỳ nặng nề và tốn kém của Mỹ, trong đó có những luật lệ chi tiết liên quan đến bảo vệ môi sinh, hâm nóng địa cầu, quyền lợi nghiệp đoàn,... Chính quyền Trump đang lặng lẽ cắt giảm hàng ngàn luật lệ thủ tục này cũng vì mục đích khuyến khích các công ty này trở về Mỹ thôi.

    6. QUA 2027, THUẾ SẼ TĂNG LẠI
    Có người hô hoán thuế của 53% dân (hầu hết nghèo và trung lưu), sẽ tăng lại vào năm 2027. Cũng vẫn là chuyện hù dọa.
    Thuế xuất cá nhân trên có hiệu lực tới 2025, tới khi đó quốc hội sẽ quyết định tiếp tục giữ nguyên, hay tăng hay giảm, tùy tình hình kinh tế và chính quyền khi đó. Ngay bây giờ không ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra.

    Mức thuế được giảm mỗi năm sẽ bớt vì lợi tức thiên hạ tăng. Tới năm 2027, nếu vẫn giữ thuế xuất mới này, theo Washington Post, dân có lợi tức $75.000 sẽ bị tăng thuế 4%; dân với lợi tức $30.000 sẽ bị tăng tới 25%. Điều WaPo không viết là cho dù tăng như vậy, thì mức thuế vẫn thấp hơn khấu trừ tiêu chuẩn, tức là những người này vẫn chẳng phải đóng thuế gì hết, hoặc có phải đóng, thì số tiền phụ trội cũng không đáng kể. Theo Tax Policy Center, những người có lợi tức $75.000 sẽ phải đóng thuế ở mức $30 cao hơn mức của 2017! Mười năm nữa mới tăng ba chục đô!

    Cái mánh gian của TTDC là chỉ viết "tăng thuế", để hù dọa nhưng không dám ghi rõ con số thật.

    7. GIẢM THUẾ KHIẾN 13 TRIỆU NGƯỜI MẤT BẢO HIỂM
    Giảm thuế hay không, chẳng ảnh hưởng gì đến bảo hiểm y tế hết. Chỉ là trong luật thuế mới, có điều lệ đặc biệt hủy bỏ việc đóng thuế phạt nếu không có bảo hiểm y tế.

    Một khi không bị phạt, nhiều người, nhất là giới trẻ cảm thấy mình khỏe mạnh, sẽ không mua nữa. Họ không có bảo hiểm vì tự ý không muốn mua chứ không ai không cho họ mua như phe cấp tiến ám chỉ một cách thiếu lương thiện khi dùng danh từ ‘mất’. Không muốn mua bảo hiểm khác rất xa với 'mất' bảo hiểm. Chưa kể con số 13 triệu chỉ là giả tưởng, vì thật sự chẳng ai biết bao nhiêu người sẽ không mua bảo hiểm.

    Trên phương diện kinh tế, việc không bắt buộc phải mua bảo hiểm sẽ chặn đứng một phần các mưu toan tăng phí bảo hiểm của các hãng bảo hiểm. Lý luận giản dị như abc: bắt thiên hạ mua, các hãng tha hồ tăng giá, thiên hạ không trốn đi đâu được. Trốn qua hệ thống Obamacare thì kẹt vì các hãng bảo hiểm bỏ Obamacare hàng loạt vì lỗ quá. Không bắt thiên hạ mua, tăng giá họ sẽ không mua nữa, các hãng bảo hiểm muốn bán, phải hạ giá thôi.

    Có người nói sẽ có nhiều người bị ‘mất’ bảo hiểm thật vì bảo phí cao quá họ không mua nổi nữa. Ở đây có vài điểm những người chỉ trích không nói tới: 1) như vừa bàn, bảo phí có nhiều triển vọng sẽ giảm chứ không tăng, 2) luật Nhà Nước trợ cấp mua bảo hiểm vẫn chưa bị hủy bỏ, do đó, Nhà Nước vẫn trợ cấp tiền mua bảo hiểm nếu cần, và 3) số người thực sự không thể mua bảo hiểm sẽ rất nhỏ.
    xxx

    Tóm lại, giảm thuế có lợi cho 85% dân đang phải đóng thuế, ngoài ra chẳng ảnh hưởng gì đến những người 'nghèo' hồi nào đến giờ không đóng thuế gì hết. Thế nhưng ta thấy trên TV và báo toàn là chỉ trích và sỉ vả. Tại sao? TTDC chiả tay la hoảng “chúng ta chỉ được trừ có vài ngàn trong khi Bill Gates được trừ vài triệu, bất công quá!”. Hay là "triệu phú được cắt thuế nhiều quá, ai đóng tiền foodstamps cho tôi?".

    Trong mục đích đánh phá TT Trump, TTDC và phe cấp tiến cố tình khai thác, kích động cái tính ỷ lại, tham lam, so bì, ganh tỵ, trong bản tính mỗi người. Để rồi giảm thuế cho dân vẫn là cái tội.

    Đọc TTDC, người ta có cảm tưởng là mấy anh ‘nhà giàu’ đều là những tay ma quỷ hắc ám chuyên cướp của giết người chiếm đoạt tài sản thiên hạ, do đó chúng cần phải bị đè ra trấn lột hết tiền bạc của cải, trả lại cho dân cùng đinh hay dân nằm nhà chờ oeo-phe. Cứ ‘giàu’ là đã có tội rồi. Nghe hao hao như Mao và Hồ đang nói chuyện.

    Sự thật khác xa. Hầu hết dân ‘nhà giàu’ ở Mỹ đều là những người tài giỏi, cật lực làm việc (người giàu nhất thế giới, Jeff Bezos, chủ Amazon, với gia tài 100 tỷ đô, vẫn làm việc không dưới 14 tiếng một ngày). Phần lớn họ từ hai bàn tay trắng đi lên.
    Không ai là thành phần ăn cướp, cũng chẳng ai làm giàu nhờ tham nhũng kiểu các quan đỏ. Tại sao họ chịu khó và thông minh nên giàu có là ta phải tìm cách lấy bớt tiền của họ? Nhờ những ‘nhà giàu’ sở hữu đủ loại đại công ty này mà chúng ta mới có công ăn việc làm. Hãy nghĩ lại xem Amazon hay Apple, họ đã cung cấp bao nhiêu trăm ngàn jobs cho thiên hạ? Theo phe cấp tiến, có lẽ phải đánh thuế cho tới khi họ phá sản, trở lại nghèo như quý độc giả và kẻ này thì mới là công bằng. Bình đẳng trước chén bo bo của CS.

    Còn nói về những người chẳng làm gì, nhưng giàu vì hưởng gia tài, thì câu hỏi là gia tài đó từ đâu ra? Có phải bố mẹ hay ông bà của họ cầy cuốc mà ra không? Quý vị đi làm cật lực, muốn có càng nhiều tiền để lại cho con cháu càng tốt. Đến khi quý vị đi theo các cụ, người ta nhẩy đến lấy hết gia tài để lại cho con cháu quý vị vì không phải tiền chúng làm ra. Quý vị nào ủng hộ ý kiến này xin mời ủng hộ đảng DC.

    Cuộc tranh cãi về thuế hiện nay giữa hai khối DC và CH tóm lại chỉ phản ảnh hai cái nhìn khác biệt: DC nhìn thuế như công cụ tạo bình đẳng xã hội bằng cách tái phân phối lợi tức, lấy tiền nhà giàu để trợ cấp cho nhà nghèo, khiến cả nước nghèo ngang nhau (mục đích 3); CH nhìn thuế như công cụ tăng trưởng kinh tế, giảm thuế nhà giàu và công ty để họ đầu tư vào kinh tế khiến cho cả nước giàu lên (mục đích 2).
    Ở đây, hình ảnh quen thuộc là cái bánh pizza: một là chia cái bánh hiện có ra cho đồng đều hơn, mỗi người đều có phần, nhưng cái phần đó mỗi ngày mỗi nhỏ đi; hai là làm cho cái bánh đó lớn ra, phần mỗi người không đồng đều nhưng mỗi người đều thấy phần của mình lớn ra.

    Chống đối là điều dễ hiểu. Điều khó chấp nhận là những lập luận xuyên tạc thiếu lương thiện, dùng lời lẽ dối trá lừa gạt những người ít hiểu biết.

    Rất có thể đây là canh bạc vĩ đại của đảng CH. Cải tổ thuế thành công, DC không có hy vọng nắm quyền ít nhất cho tới năm 2024. Nếu cải tổ thất bại, không mang lại phát triển kinh tế, công ăn việc làm cho dân thì hậu quả cho CH có thể thấy ngay vào cuộc bầu cử năm tới vì dân Mỹ không đủ kiên nhẫn chờ năm ba năm xem tác động thực sự của giảm thuế ra sao.

    Tất cả các nghị sĩ và dân biểu DC, không có một người nào biểu quyết phê chuẩn luật thuế mới. Bà Nancy Pelosi, lãnh tụ khối DC tại Hạ Viện, tuyên bố “Đây là tận thế!”. TTDC nhất loạt đả kích và truyền thông tỵ nạn ta chăm chú thông dịch.
    Một câu đố vui nữa cho quý vị:

    Đố quý vị biết qua năm 2018, những người chống đối này sẽ làm gì?
    Câu trả lời: sẽ không có tới một người xuống đường biểu tình đòi thu hồi luật thuế mới, ngoan cố đòi đóng mức thuế cao như cũ. Tất cả, từ bà Pelosi tới các cụ tỵ nạn, sẽ rất bận điều nghiên luật mới thật kỹ để xem mình có thể trừ được bao nhiêu tiền thuế. Chửi thì chửi, bớt được đồng nào vẫn cố lấy cho bằng được!

    Vũ Linh, đóng góp ý kiến qua email: Vulinh11@gmail.com.

  2. #2
    Nhà Ngói
    Join Date
    Apr 2014
    Posts
    135
    TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ ĐỒNG TIỀN


    Thoáng đọc qua, cái tựa bài viết coi bộ không ổn lắm. Tự do ngôn luận có quan hệ gì đến chuyện tiền bạc? Tự do ngôn luận đâu phải là món hàng có thể mua hay bán đâu mà lại liên hệ nó đến tiền bạc, giá cả?
    Sự thật là vấn đề phức tạp hơn cách suy nghĩ đơn giản này nhiều. Muốn có tiếng nói, phải có tiền, không có tiền, mất tiếng nói.

    Quý vị muốn có bằng chứng?

    Tuần báo chính trị cấp tiến lớn nhất thế giới, TIME, bị khó khăn tài chánh lớn. Vừa mất độc giả, vừa mất quảng cáo, mất cả tài trợ của các đại gia. Quay qua quay lại, tam thập lục chước, chỉ còn một chước là phải bán. Rao bán và có một nhóm tài phiệt mua 2,8 tỷ đô ngay. Một con số kỷ lục chưa từng thấy. Nghĩa là gì? Đó là cái giá mà các ông chủ mới chấp nhận trả để có tiếng nói.

    Cái trớ trêu là trong nhóm người mua TIME, có hai anh em tỷ phú Koch, là những đại tài phiệt bảo thủ, đã từng chi bạc triệu để yểm trợ các ứng viên bảo thủ của đảng CH ở nhiều cấp.

    Câu chuyện này cho thấy rõ trong cái xứ thành đồng của tư bản chủ nghĩa này, mọi chuyện đều do đồng tiền quyết định, không tiền là... ngáp, đóng cửa tiệm. Mà trong ngành truyền thông, đóng cửa tiệm là mất tiếng nói. Muốn có tiếng nói thì phải chịu chi.

    Người ta có thể chê trách các ông chủ của TIME hiện nay là ‘lương tâm không bằng lương tiền’, sẵn sàng vì đồng tiền mà phản lại các độc giả cấp tiến của TIME từ hồi nào đến giờ, trao trứng cho ác, bán TIME cho những tài phiệt bảo thủ nặng. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, không bán thì chẳng lẽ mấy ông chủ hiện hữu ngồi chờ khai phá sản sao?

    Mà chẳng phải chỉ có TIME không đâu. Mấy báo lớn của Mỹ như Newsweek và Washington Post,… đã ra đời từ cả trăm năm nay, cũng đột nhiên gặp khủng hoảng tài chánh hết. Newsweek được bán năm 2010 với giá một đô ($1) cho một tài phiệt để ông này lãnh hết nợ nần. Washington Post năm 2013 được bán cho tỷ phú Jeff Bezos, ông chủ của Amazon. Dĩ nhiên, cả ngàn tờ báo địa phương, lớn nhỏ cũng đều gặp vấn đề, tuy nặng nhẹ khác nhau. Tại sao lại có hiện tượng này? Nguyên do từ đâu ra?

    Có hai yếu tố quan trọng nhất, dĩ nhiên không kể những yếu tố cục bộ như quản trị dở, giá trị bài viết yếu kém,…

    Yếu tố thứ nhất, các loại báo in đều coi như hết thời rồi. Bị cạnh tranh quá mạnh của đủ loại phương tiện gọi là “truyền thông xã hội” qua mạng internet. Hồi trước muốn biết tin, phải đi kiếm báo in để đọc. Sau đó, văn minh hơn, có thể ngồi nhà, coi tin tức trên TV hấp dẫn hơn vì có hình ảnh sống động, báo in bắt đầu mất khách.
    Bây giờ thì không ai có đủ thời giờ đọc hàng triệu loại tin được phổ biến qua các trang mạng, emails, facebook, blog,... Chẳng những có thể đọc miễn phí hết, mà lại có dịp lên tiếng phát biểu cảm nghĩ nữa, có dịp đóng góp ý kiến, khen chê ‘thoải mái’!

    Chẳng còn lý do gì đi mua tờ báo về đọc, mất công cất chật nhà, nuôi gián mối, lại tốn tiền nữa. Chỉ còn lại lác đác vài cụ già không có computer, hay có mà chưa rành xử dụng, hay không thích đọc chữ trên màn hình computer, sợ mỏi mắt. Nhưng ai cũng biết những cụ này càng ngày càng thưa thớt, lo đi về nơi tiên cảnh (kể cả kẻ này cũng đang lẽo đẽo theo sau), là nơi không ai cần biết tin tức trần tục vớ vẩn gì nữa.

    Lý do báo in phải cạnh tranh với các phương tiện truyền thông điện tử là lý do quan trọng, nhưng không phải là lý do sinh tử. Vì các báo và tạp chí đều đã chuyển hướng, chạy theo đà tiến hóa, nhẩy vào thế giới ảo của internet hết. Báo nào cũng có trang mạng, facebook,… hết.

    Yếu tố thứ hai quan trọng hơn, vì có hệ quả nặng hơn. Ta thử nhìn lại cho kỹ.

    Nhờ sự bành trướng, phát triển quá mạnh của các phương tiện truyền thông điện tử, chính trị đã được phổ cập hóa quá nhanh, quá mạnh, đi sâu vào quần chúng, vào từng gia đình và từng cá nhân. Xu hướng ngày trước là đại đa số dân thường chẳng mấy ai để ý đến chuyện chính trị.

    Dân Việt ta trước đây vẫn thường nghe câu nói “tôi không làm chính trị, chẳng biết gì về chính trị”. Nhưng ngày nay, tại xứ Mỹ này, không ai là không để ý đến chính trị. Từ bữa cơm gia đình tới giờ giải lao tại công sở, từ khuôn viên đại học đến sân nhà thờ, từ bữa tiệc nhậu đến đám cưới, có dịp nói chuyện hai ba câu cũng đã là có dịp bàn ra tán vào về những câu chuyện thời sự chính trị. Ngay cả trong thương xá Phước Lộc Thọ ở khu Bolsa, tranh cãi chính trị bây giờ hấp dẫn hơn chơi cờ tướng nhiều.

    Về phiá Mỹ, những bài viết chống TT Trump bây giờ cũng len vào được các báo trước đây chẳng dính dáng xa gần gì đến chính trị như Vogue, Vanity Fair, là các tạp chí bàn về mỹ phẩm và thời trang phụ nữ, hay ngay cả Sport Illustrated!
    Và vì ai cũng nhẩy nhổm vào chính trị nên ai cũng có quan điểm chính trị. Chứ chẳng lẽ nói chuyện về Obamacare mà lại không có ý kiến gì về TT Obama hết sao? Đưa đến tình trạng ai cũng có ý kiến, để rồi ai cũng đứng về một bên. Còn rất ít người có thể nói thực sự là không đứng về phe nào, cho dù nhiều người vẫn thường tự cho là mình như vậy, không phe phái.

    TT Obama khi tranh cử, tuyên bố rất hùng hồn, không có một nước Mỹ xanh hay một nước Mỹ đỏ, đen hay trắng, giàu hay nghèo, v.v... mà chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng khi ông đã làm tổng thống một thời gian thì được báo phe ta Washington Post tặng cho cái danh hiệu “tổng thống tạo phân hóa lớn nhất lịch sử Mỹ”.

    Dĩ nhiên, một phần là vì chính sách cấp tiến nặng mà ông theo đuổi. Chẳng hạn như qua Obamacare, từng bước đi vào ‘xả-hội-chủ-nghiã hóa’ ngành y tế, hay những chính sách phải đạo chính trị phi lý. Nhưng công bằng mà nói, thì tình trạng phân hóa cũng xẩy ra vì cả nước Mỹ đều không ít thì nhiều đã lựa phe phái rồi. Gần như cả nước chỉ cần nhìn vào TT Obama là đã có ngay ý nghĩ thích hay ghét rồi, bất kể ông làm gì hay không làm gì. Thích thì chuyện gì ông làm cũng đúng, ghét thì chuyện gì cũng sai.

    Thủy triều phân hóa mỗi lúc mỗi lên cao. TT Trump lên ngôi, giựt ngay chức vô địch phân hóa của TT Obama. Cũng không khác gì trường hợp TT Obama, một phần vì chính ông đã tạo ra tranh cãi qua những quyết định hay lời nói, hay chính xác hơn, qua những cái ‘tuýt’ của ông, giựt gân hơn nhạc kích động của Mai-cồ Jackson.
    Nhưng quan trọng hơn, chính là sự kiện cả nước Mỹ càng ngày càng phân hóa trầm trọng, càng ngày càng ôm lấy quan điểm phe phái rõ rệt.

    Dưới thời TT Bush cha cách đây một phần tư thế kỷ, có thể nói trong 10 người Mỹ, có 1 anh theo DC và 1 anh theo CH, với 8 anh tay không dính chàm. Qua thời TT Clinton, mỗi phe có 2 anh, còn lại 6 anh lửng lơ cá vàng. Qua thời TT Obama, mỗi bên có 4 anh, còn 2 anh lưỡng lự. Đến thời TT Trump, mỗi bên 5 anh, ở giữa: 0! Đã vậy, mấy anh ủng hộ hay chống đều hung hăng như cuồng hết.

    Nhìn dưới lăng kính phe phái đó, ta sẽ hiểu ngay tại sao sau bầu cử cả năm trời mà dường như tất cả mọi người, cả hai phiá, đều vẫn tưởng như tuần tới mới có bầu bán, nên đang đánh nhau túi bụi dành phiếu.
    Có tổng thống rồi mà! Để ông ta làm việc chứ? Để bà Hillary yên đi, bà đã ngã ngựa lâu rồi, sao lôi bà ta ra làm gì nữa? Đó là những tiếng kêu trong sa mạc.

    Sân chơi chính trị Mỹ bây giờ không có chỗ cho những người trung dung, huề vốn, hay ba phải nữa. Nhìn lại xem, tại sao ông Trump đắc cử tổng thống? Ông có giỏi hơn tất cả gần hai chục đối thủ của ông trong nội bộ CH không?
    Dường như không. Nhiều đối thủ của ông kinh nghiệm hơn ông nhiều, ăn nói thao thao bất tận hơn ông, tướng mạo tốt hơn ông, có ‘bàn tay’ lớn hơn ông, có mái tóc nghiêm chỉnh hơn ông, có đường lối chính sách hợp lý hơn ông, có hậu thuẫn tài chánh mạnh hơn ông, rất nhiều thứ hơn ông, nhưng lại thua.

    Tại sao? Tại vì họ đều xìu xìu ển ển, lập trường chung chung, nhìn cho kỹ giống nhau hết. Ông Trump hơn họ vì cứng rắn dứt khoát, ủng hộ thì tôi cám ơn, không ủng hộ, tôi không cần. Ông Trump đã thắng vì nhiều người thích cái dứt khoát đó, vì chính họ đã có quan điểm dứt khoát rồi.

    Từ đây, ta nhìn qua làng báo.
    Sân chơi làng báo bây giờ cũng không còn chỗ cho những báo ba phải, hay thông tin thuần túy trung lập.

    Từ radio cho đến TV cho đến báo chí, toàn là những hò hét khen chê thẳng cánh, từ Rush Limbaugh, Sean Hannity bên phe hữu, đến Chris Matthews, Ruth Marcus của cánh tả, từ CNN đến Fox News, từ New York Times đến National Review, tất cả chẳng có một ai là nói chuyện không phe phái. Đánh cho ra đánh, bênh cho ra bênh, ai khiếu nại, mua báo khác mà đọc, mở đài khác mà coi.

    Có hai cách nhìn: từ phiá độc giả và từ phiá người làm báo.

    TỪ PHIÁ ĐỘC GIẢ
    Không ai đọc cũng chẳng ai ủng hộ loại báo trung dung ba phải nữa. Tin tức trung dung hay trung thực, đã có hàng vạn nguồn tin trên mạng. Tôi có đọc báo thì đó là vì tôi muốn đọc những gì hợp nhãn, củng cố quan điểm của tôi, chứ không phải để biết tin tức. Không phải chỉ là báo không thôi, mà ngay cả các đài phát thanh hay các đài truyền hình cũng vậy. Ít ai để ý đến những tin tức hay bình luận huề vốn, mà trái lại, phần lớn thiên hạ muốn đọc hay nghe hay nhìn những gì mình thích, hợp ý mà không cần hợp lý.

    TỪ PHÍA NHÀ BÁO
    Chỉ vì chính những quan điểm phe cánh mạnh mẽ đó mới có thể thu hút độc giả hay thính giả hay khán giả, rồi từ đó đi đến thu hút quảng cáo và bảo trợ nuôi sống báo hay đài đó. Đó là lý do bắt buộc các cơ quan ngôn luận không thể trung lập được nữa.

    Trong khung cảnh chính trị phân hoá cùng cực hiện nay, truyền thông muốn có chỗ đứng phải có lập trường dứt khoát, bên này hay bên kia. Ai cũng biết CNN đứng về phiá nào hay Fox bênh ai. Chỉ vì phải có quan điểm dứt khoát mới có hậu thuẫn của khách hàng, và có hậu thuẫn của khách hàng thì mới có ủng hộ tài chánh, từ quảng cáo đến bảo trợ, rồi phải có ủng hộ tài chánh thì mới sống được. Triết lý đơn giản hơn A-B-C.

    Thậm chí bây giờ truyền thông có muốn trung lập hay đa dạng, cũng không được. Vì đa dạng là chấp nhận có đủ tiếng nói đối nghịch, từ mọi phiá. Tình trạng phân hóa chính trị ngày nay đã đi đến cảnh không ai chấp nhận tiếng nói chói tai khác nữa. Cứ nhìn vào đám sinh viên cấp tiến của đại học Berkeley thì thấy. Đây là đại học trước đây nổi tiếng là thành đồng của tự do ngôn luận. Nhưng bây giờ thì đã biến thành nơi chỉ chấp nhận tiếng nói thiên tả hoàn toàn một chiều, cho dù cực đoan nhất. Tiếng nói thiên hữu bị dập tắt từ trong trứng nước, bị biểu tình phá, ăn đòn ngay.

    Chưa hết. Cái khối bảo trợ tài chánh muốn đi xa hơn nữa. Không còn là “bảo trợ” không nữa, mà muốn kiểm soát luôn cả nội dung các báo và đài luôn. Nhiều tiền như anh em nhà Koch thì mua luôn cả tờ báo. Ít tiền hơn thì qua quảng cáo, áp lực tờ báo không cho đăng bài này, phải đăng bài kia. Tệ hại hơn nữa thì tìm cách triệt hạ như O’Reilly bị loại ra khỏi Fox News.

    Vẫn chưa hết. Đứng về một phe vẫn chưa đủ. Còn phải dùng những thậm từ, những ngôn từ nổ hơn kho đạn Biên Hòa để câu khách.

    Khi một tờ báo lớn viết bài không phải dưới tên một nhà báo quèn mà là dưới tên ban chủ biên –editorial board- mà lại có thể nói đương kim tổng thống không đáng đi chùi cầu tiêu cho ông tổng thống tiền nhiệm, thì rõ ràng có cái gì bệnh hoạn trong truyền thông dòng chính Mỹ. Và khi truyền thông tỵ nạn hớn hở phổ biến cái tin đó, thì rõ ràng đã có cái gì... còn bệnh hoạn hơn nữa!

    Trong những xứ độc tài đảng trị thì đảng ta kiểm duyệt truyền thông, khỏi bàn thêm. Tại Mỹ này thì truyền thông tự nguyện cho đô-la kiểm soát, qua bảo trợ và quảng cáo.

    Nhìn từ góc cạnh này thì ta hiểu tại sao những đại tài phiệt tư bản nặng, chủ các cơ quan ngôn luận lớn nhất Mỹ lại chấp nhận báo hay đài của mình ngả về phiá tả: vì họ phục vụ cho những thị trường lớn như New York, Washington DC, Los Angeles, San Francisco, Chicago, ... là những nơi mà độc giả, khán giả và các cơ sở thương mại quảng cáo, phần lớn theo khuynh hướng cấp tiến thiên tả.
    Đại tài phiệt, bất kể cấp tiến hay bảo thủ, luôn luôn lấy doanh thu làm yếu tố quyết định.

    Trở lại chuyện báo TIME: cho dù được các tài phiệt tư bản nặng mua lại, nhưng có nhiều triển vọng vẫn tiếp tục khuynh hướng cấp tiến vì đại đa số khách hàng là dân trí thức cấp tiến. Cũng không khác gì Newsweek và WaPo, các ông chủ mới là đại tài phiệt, nhưng quan điểm của báo vẫn là cấp tiến, chống Trump, vì khách hàng của họ là trí thức cấp tiến.

    Diễn tiến thời cuộc đưa đến tình trạng này. Chẳng ai muốn, cũng chẳng ai chống chế được. Cũng chẳng ai trách các báo, các đài được. Vấn đề sinh tử của họ.

    Lý do tài chánh quan trọng thật, nhưng còn một lý do nữa khiến các cơ quan truyền thông đứng qua một bên chứ không còn trung dung nữa: đó là ngay cả các chủ báo phần lớn cũng đã khoác bộ áo ‘chiến sĩ’ tranh đấu cho lý tưởng của họ, dù là bên tả hay bên hữu. Một ông chủ báo hay chủ bút cấp tiến dĩ nhiên sẽ ngả qua phiá tả, hay ngược lại, nếu bảo thủ, sẽ thiên về phe hữu.

    Và một khi đã lựa chọn chỗ đứng, bất kể vì lý do tài chánh hay quan điểm chính trị, thì tất nhiên là phải có tuyển lựa người hợp tác viết bài, chọn những người cùng chia xẻ quan điểm.

    Báo chí như phương tiện thông tin trung lập đã chết từ lâu rồi, bây giờ báo chí đã thành công cụ tuyên truyền phe phái. Chuyện đa dạng là chuyện mộng mơ không còn thực tế. Đa dạng trong tình trạng chung của cả ngành truyền thông được, kiểu như có báo bảo thủ, có báo cấp tiến, nhưng không thể đa dạng trong khuôn khổ một tờ báo hay một đài TV. Chẳng phải là chuyện thương ghét cá nhân, mà là một quyết định kinh doanh -business decision.

    Thật sự vẫn có tự do ngôn luận trên đất Mỹ này thật. Nhưng là thứ tự do có hộp, có ngăn, có nắp, kiểu như đứng đúng bên thì nói sao cũng được, đứng lộn bên thì... xin vui lòng về đúng chỗ. Một Sean Hannity của Fox không thể nào có mặt trên CNN. Các nhà bảo trợ CNN sẽ chấm dứt yểm trợ CNN ngay.

    Không nên mơ mộng một truyền thông trung thực, đa dạng không phe phái nữa. Đó là con khủng long đã bị tuyệt chủng lâu rồi. Một cái nhìn quá bi quan không? Muốn biết, quý độc giả cứ nhìn thử vào thực tế chung quanh xem.

    Truyền thông tỵ nạn thì sao? Quý vị cứ tự xét.


    Vũ Linh email: Vulinh11@gmail.com

  3. #3
    Nhà Ngói
    Join Date
    Apr 2014
    Posts
    135
    CÂU CHUYỆN DI DÂN



    Đúng ngày kỷ niệm một năm chấp chánh của TT Trump, Thượng Viện tặng ông món quà, ngon như xương cá kẹt trong cổ họng: đóng cửa Nhà Nước.

    Nhà Nước đóng cửa vì hai chính đảng không đi đến thỏa thuận ngân sách, và không đi đến thoả thuận vì phe DC đòi cài việc giải quyết đám trẻ di dân DACA vào ngân sách trong khi CH không chấp nhận.

    Tại sao lại có vấn đề DACA?

    Xin nhắc lại câu chuyện qua một đoạn trong một bài kẻ này đã viết trước đây:
    DACA, viết tắt từ “Deferred Action for Childhood Arrivals” là danh từ văn hoa của chương trình chấp nhận những trẻ vị thành niên, di dân lậu, bị bố mẹ là dân Trung/Nam Mỹ, đẩy qua Mỹ qua ngã biên giới Mễ, làm ‘mỏ neo’ để ở lại Mỹ, rồi sau đó có thể lấy lý do đoàn tụ gia đình, bảo lãnh cho cả gia đình qua Mỹ theo.

    Trên căn bản, tất cả đều như là cô nhi, không có bố mẹ, gia đình gì ở Mỹ. DACA là sắc lệnh Hành Pháp của TT Obama ký tháng 6/2012 mà không thông qua quốc hội, đúng vài tháng trước bầu cử tổng thống tháng 11/2012, với mục tiêu lộ liễu là thu hút phiếu dân Mỹ La-Tinh.

    Trên căn bản, theo DACA, việc trục xuất các trẻ em di dân lậu được hoãn lại (deferred) nếu chúng làm đơn xin ở lại và được chấp nhận. Hầu như tất cả đều được chấp nhận nếu không phạm án lớn. Chúng sẽ được ở lại hợp pháp trong thời gian hai năm, có quyền đi làm, hưởng trợ cấp,...

    Chương trình này áp dụng cho tất cả trẻ em đến Mỹ khi còn dưới 16 tuổi, đã ở Mỹ liên tục từ giữa năm 2007, đang đi học, hay có việc làm, hay gia nhập quân đội Mỹ. Sắc lệnh đã giúp cho khoảng 800.000 trẻ em vị thành niên di dân lậu tránh không bị trục xuất về nguyên quán. Thời hạn hai năm được gia hạn gần như tự động mỗi khi hết hạn, vô hạn định. Do đó, DACA trên thực tế chỉ là một hình thức ân xá trá hình.

    DACA không áp dụng cho khoảng 2,5 triệu đứa trẻ khác cũng đã qua Mỹ lậu cùng với bố mẹ.

    Sắc lệnh DACA của TT Obama trên căn bản là vi phạm Hiến Pháp, đi quá quyền hạn của tổng thống. Bằng chứng rõ ràng là sau khi ký DACA, TT Obama thuận tay ký luôn một sắc lệnh tương tự nhưng áp dụng cho di dân thành niên, gọi là DAPA. Bị thưa kiện, toà phán ngay sắc lệnh DAPA vi Hiến, TT Obama đành rút lại. Nhưng không ai dám thưa kiện DACA để thu hồi vì đụng vào trẻ vị thành niên.

    Những trẻ em trong khối DACA này được gọi là “Dreamers”, ý nói chúng đang ôm mộng được sống hạnh phúc tại xứ Mỹ, là ‘thiên đàng’ mà đảng CH bảo thủ đang ‘tàn ác’ tìm cách đóng cửa, đuổi chúng đi. Nhận định về chuyện này, TT Trump đã nói ông hoan nghênh chào đón khối Dreamers này, nhưng trẻ em Mỹ cũng là Dreamers vậy, ai lo cho tương lai chúng?” Ai cũng hiểu khi bố mẹ chúng thất nghiệp hay lệ thuộc vào trợ cấp bèo bọt thì tương lai chúng không thể khá.

    Tháng 9/2017, TT Trump ký sắc lệnh sẽ chấm dứt chương trình DACA tháng 3/2018 nếu quốc hội không giải quyết vấn đề trọn gói qua một luật quy mô hợp Hiến về khối di dân bất hợp pháp đang sống ở Mỹ. Gần kề kỳ hạn của TT Trump mà quốc hội vẫn không đi đến thỏa thuận gì.

    Trên căn bản, TT Trump đã bày tỏ ý định muốn chấp nhận cho đám trẻ ở lại luôn, trở thành công dân Mỹ. Nhưng ông gặp nhiều khó khăn. Trước hết là sẽ làm khối bảo thủ và khối cử tri của ông thất vọng và chống đối vì họ chống lại việc ân xá dưới mọi hình thức cho bất cứ hạng di dân bất hợp pháp nào. TT Trump cũng lo ngại việc chấp nhận đám trẻ này sẽ đưa đến hậu quả trực tiếp là tình trạng di dân dây chuyền –chain migration- qua liên hệ gia đình, tức là đám trẻ này sẽ bảo lãnh họ hàng bà con dây dưa bất tận.

    Trên căn bản, phe CH, và cả TT Trump chấp nhận một hình thức ân xá hết đám trẻ này, không trục xuất, cho ở lại nhập tịch Mỹ luôn. Nhưng có điều kiện, đại khái:

    1. Phải nằm trong một luật di dân chung, giải quyết toàn bộ vấn đề DACA và 12 triệu di dân bất hợp pháp; kèm theo việc cấp quỹ xây tường biên giới Mễ; phe CH lo ngại việc ân xá đám trẻ DACA sẽ gửi một thông điệp cho dân Nam Mỹ là cứ tống đám con cháu qua Mỹ đi rồi trước sau gì cũng được ân xá, và cả gia đình có thể qua sau, do đó phải xây tường và có luật di trú mới để ngăn đám di dân mới;

    2. Chính sách di dân phải dựa trên tuyển lựa theo nhu cầu của nước Mỹ và theo khả năng đóng góp của từng người [merit system], chứ không phải theo liên hệ gia đình [chain migration] bị lạm dụng qua tiểu xảo ‘thả mỏ neo’; phe CH lo sợ nhận di dân dựa trên tiêu chuẩn liên hệ gia đình sẽ đưa đến hậu quả là sẽ nhận

    1) toàn là dân nghèo hay lớn tuổi (đưa đến hậu quả trực tiếp là gia tăng gánh nặng xã hội cho Mỹ như tăng tiền trợ cấp, y tế, giáo dục, an ninh trật tự, tăng tội phạm),

    2) hay dân không có tay nghề (đưa đến tình trạng tăng thất nghiệp, hay giảm mức lương của dân địa phương khi đám người này sẵn sàng làm việc với mức lương thấp), mà lại

    3) vô giới hạn, kiểu như gia đình ông A bảo lãnh qua, có dính một người có liên hệ với gia đình ông B, rồi ông C,.... Chú bác, cô dì, dâu rể, xui gia,... liên tu bất tận; [TT Trump định nghĩa gia đình có thể được bảo lãnh một cách giới hạn gồm có bố mẹ, chồng vợ và con cái chưa thành niên hay chưa lập gia đình, không kể chú bác, cô dì, anh em họ, xui gia,...]

    3. Chấm dứt chính sách nhận di dân theo kiểu sổ số rút thăm, chẳng có tiêu chuẩn gì.

    Trên danh nghĩa, phe DC đòi hỏi ân xá vô điều kiện cho đám DACA vì lý do nhân đạo, và dựa trên việc đám trẻ này đã lớn lên trên đất Mỹ, khó có thể trở về xứ, nhất là những xứ nghèo, không cung cấp cho chúng công ăn việc làm, là gánh nặng quá lớn cho gia đình chúng. Họ cũng cho việc trục xuất chúng về nước là một hình thức trừng phạt trong khi chúng bị cha mẹ đẩy qua đây khi còn vị thành niên không hiểu biết gì, không phải lỗi của chúng.

    Phe cấp tiến còn đi xa hơn nữa, chế ra cái gọi là vùng an toàn –sanctuary zone- cho di dân lậu. Cái ‘vùng’ đó có thể là một tỉnh, một quận, bây giờ leo thang lên tới cả tiểu bang.

    Vùng an toàn là gì? Là những vùng không nhìn nhận luật di trú của liên bang, tự cho mình có quyền có luật riêng, chấp nhận di dân lậu tha hồ vào sống ‘thoải mái’ không bị ai hỏi giấy tờ, có thể lãnh trợ cấp, dịch vụ y tế, ..., cũng có thể bị bắt phạt, đi tù nếu phạm luật như bất cứ công dân địa phương nào. Nhưng không bị trục xuất và chính quyền vùng đó cũng sẽ không hợp tác với chính quyền liên bang để bắt hay trục xuất di dân lậu.

    Một vài vùng an toàn còn ‘siêu’ hơn, cho phép di dân lậu được tham dự bầu bán địa phương (chỉ là bầu bán địa phương kiểu như Hội Đồng Tỉnh thôi, chưa được bầu bán cấp tiểu bang hay liên bang), dựa trên lý luận họ cũng là những người sống trong cộng đồng, tất nhiên phải có quyền có tiếng nói trong cộng đồng.

    Tất cả nghe có vẻ nhân đạo và hữu lý, có phải không, thưa quý vị?

    Chỉ có hai vấn đề ‘rất nhỏ’:
    1) không ai cho phép họ vào xứ này, và
    2) họ chẳng có đóng thuế, mua bảo hiểm y tế,… gì hết, nhưng Nhà Nước, tức là quý vị và tôi đấy, cung cấp đâu cả trăm tỷ mỗi năm tiền giáo dục con cái họ, tiền trợ cấp và tiền nhà thương, bác sĩ, thuốc men cho họ. Có công bằng không?

    Đảng DC đối xử với di dân lậu như vậy vì lòng nhân đạo? Bé cái lầm. Tất cả chỉ là bài toán cộng trừ phiếu cử tri thật giản dị, nhất là trong thời điểm hiện tại.

    Qua cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, DC nhìn thấy rõ họ đã mất khối cử tri da trắng trung lưu và lao động, là những khối cử tri cố hữu và trung kiên của DC, vì TT Obama đã lơ là họ, hay chú tâm nhưng không biết làm gì để cứu giúp họ.

    Với luật thuế mới đặt mục tiêu là tăng trưởng kinh tế để tạo công ăn việc làm, nếu thành công thì hậu thuẫn của khối trung lưu và lao động đối với TT Trump sẽ tăng mạnh, và cuộc bầu cử quốc hội cuối năm nay sẽ gây khó khăn lớn cho DC.

    Mất khối này, tất nhiên phải đi kiếm khối khác để bù đắp: đó là lý do quan trọng nhất bắt buộc DC phải ve vãn khối dân thiểu số, đặc biệt là khối di dân gốc Mễ, càng ngày càng mạnh. Và cách chiêu dụ, câu phiếu cử tri hữu hiệu nhất là đứng ra mạnh bạo bênh vực quyền lợi khối dân này, tức là bảo vệ 800.000 trẻ DACA. Càng mạnh càng tốt. Sẵn sàng đóng cửa tiệm Nhà Nước để bảo vệ di dân. Chỉ vì di dân đã trở thành yếu tố sinh tử cho đảng DC.
    Nhất là sau khi DC tính toán việc giảm thuế của TT Trump có triển vọng thành công, khiến DC khó có thể lôi khối trung lưu và lao động về lại phe mình.

    Vấn đề di dân từ vài chục năm qua, đã là hòn sỏi lọt vào trong giầy của các chính khách Mỹ, hay đúng hơn là khúc gân gà của Tào Tháo, nuốt không trôi mà nhổ không xong. Với cả ngàn dặm biên giới, khó có cách nào ngăn cản được dân nghèo, thất nghiệp, từ phiá nam biên giới tràn qua, gần 90% là dân Mễ.

    Chẳng ai biết con số chính xác, nhưng nhiều người ước lượng ít nhất khoảng 10-12 triệu người. Dân Mỹ nói chung, nhìn vào số dân này với ít thiện cảm, vì họ là gánh nặng lớn khi thống kê cho thấy Mỹ tốn cỡ 135 tỷ một năm cho đám di dân lậu qua 3 chi phí chính là giáo dục (46 tỷ), cảnh sát an ninh (23 tỷ), và dịch vụ y tế (29 tỷ). Gần một phần năm (18%) ngân sách của Cali được chi cho di dân bấp hợp pháp.

    Vấn đề xây tường như TT Trump hứa hẹn, nói dễ làm khó. Trước tiên là chưa tìm ra tiền. TT Trump xin ngân sách sơ khởi 25 tỷ đô, và 5 tỷ để tăng cường biên giới, chưa đi đến đâu. Ngoài ra còn phải giải quyết cả vạn rắc rối thực tế như luật pháp địa phương với các luật về môi sinh, bảo vệ thiên nhiên, thêm vào đó là địa thế hiểm trở, hay những đất một sở hữu chủ nhưng nằm vắt ngang qua biên giới [xây tường cắt ngang nhà họ sao?],...

    Câu chuyện xây tường là một chuyện tiếu lâm. Ba tổng thống Clinton, Bush và Obama xây hơn 1.000 dặm tường không sao. TT Trump đòi xây tường, TTDC nhao nhao sỉ vả. Quý độc giả đoán thử xem tại sao?

    Tại vì tường của mấy ông trước cao khoảng 1-2 thước, dân Mễ leo qua như chơi, trong khi tường của Trump cao cỡ cả chục thước, khó leo qua. Nói cách khác, xây tường leo qua được thì ô-kê, nhưng xây tường mà không leo qua được thì không ô-kê.

    Nghe nói ‘bức tường’, không ai không cảm thấy khó chịu, như có cái gì không ổn, đi ngược lại những giá trị căn bản về “Tự Do” của xứ Mỹ này. Nhưng thực tế, không có thì không thể nào giải quyết, tức là ngăn chặn nạn di dân lậu được. Nước Mỹ quá trù phú, quá giàu, ở sát nách với mấy nước quá nghèo, làm sao không là nam châm thu hút di dân lậu được? Với đâu 2.000 dặm biên giới, phần lớn là núi non và sa mạc, làm sao kiểm soát từng thước đất được?

    Mà thả lỏng cho vào tự do thì cả chục triệu dân Nam Mỹ sẽ đổ xô vào ngay.

    Năm 1980, TT Carter mở cửa đón nhận tất cả dân tỵ nạn Cuba nào tới được lãnh hải Mỹ. Bị Castro đánh cho một trận để đời. Tay CS ma đầu này mang cả chục ngàn tù nhân thuộc loại băng đảng ma túy [hầu hết cho đến nay vẫn đang hoành hành tại Miami, Los Angeles, và New York], trộm cướp hung hiểm nhất, đĩ điếm, người điên, bệnh nặng, thả xuống tầu đẩy qua Miami. Gần 150.000 dân, gọi là Marielitos vì khởi đi từ hải cảng Mariel của Cuba, một số lớn thuộc thành phần bất hảo nêu trên, đổ vào Mỹ, gây xáo trộn xã hội và tài chánh vĩ đại cho Carter.

    Di dân lậu là một vấn nạn nhức đầu nhất của Mỹ, cả mấy đời tổng thống không giải quyết được. Phe chống rất mạnh, nhưng phe chấp nhận cũng không yếu.

    Đây là phe chống ân xá:
    - Đại đa số dân Mỹ bình thường, trung lưu và nhất là lao động, vì coi di dân lậu là vi phạm luật vào xứ bất hợp pháp, đe dọa công ăn việc làm và mức lương chung, chưa kể hầu hết là gánh nặng xã hội, y tế, giáo dục, an ninh,... trong khi đóng thuế tối thiểu.

    - Khối dân da đen vì sợ cạnh tranh việc làm thấp và bị chia trợ cấp.

    - Đảng CH vì biết chắc đám di dân lậu nếu được hợp thức hóa, sẽ bầu gần hết cho đảng DC.

    Và phe chấp nhận ân xá:
    - Khối dân Mỹ gốc La-Tinh dĩ nhiên;

    - Đảng DC đi tìm cử tri.

    - Các tiểu bang gần biên giới, Cali, New Mexico, Arizona, cả Nevada, vì nhu cầu nhân lực, nhất là trong một số khu vực thiết yếu như xây cất, canh nông theo mùa, dịch vụ (chủ yếu là tạp dịch tại nhà hàng, khách sạn, siêu thị, công ty lớn,…)

    - Các đại công ty cần nhân công rẻ. Chẳng những rẻ trực tiếp vì di dân bị trả lương thấp, mà còn giúp dìm mức lương chung.

    - Các nhà giàu, quan chức lớn, tài tử, ca sĩ cần người phục dịch như tài xế, làm vườn, giữ trẻ, bồi bếp,...

    - Trí thức cấp tiến và giới trẻ ngây ngô đã được đào tạo kỹ trong các trường hầu hết theo khuynh hướng thiên tả, chủ trương một thế giới đại đồng mà danh từ thời thượng gọi là túp lều đa dạng lớn.

    - Khối công giáo, chẳng những vì lý do nhân đạo cố hữu của các tôn giáo, mà cũng vì hầu hết dân Nam Mỹ đều là công giáo trung kiên.

    Cho dù chống hay chấp nhận thì cũng không thể nào chối bỏ thực tế thứ nhất là có 12 triệu người và 1 triệu trẻ em không gia đình đang sinh sống bất hợp pháp, và thực tế thứ hai là không có cách nào trục xuất hết ra khỏi nước được.

    Một thực tế thứ ba nữa là sẽ không thể nào có được một giải pháp mà tất cả mọi người đều vui vẻ chấp nhận. Một giải pháp chỉ có thể có qua cách áp đảo chính trị. Nôm na ra, khi hai chính đảng còn mạnh ngang nhau, sẽ khó có giải pháp. Phải có một đảng thật mạnh, áp đảo đảng kia, áp đặt giải pháp của đảng đa số. Cùng với một tổng thống dám làm. Bây giờ, đảng CH kiểm soát lập pháp, hành pháp, cả tư pháp luôn, và có một tổng thống cứng rắn, dám làm, là cơ hội tốt nhất để có một giải pháp.

    Vấn đề là đảng CH có đủ đoàn kết nội bộ để đồng thuận với một giải pháp nào không. Hay ta lại thấy lịch sử tái diễn với thất bại về giải pháp di dân không khác gì thất bại về thu hồi Obamacare, chỉ vì cãi nhau nội bộ.

    Trên căn bản, chuyện trục xuất cả chục triệu di dân bất hợp pháp là không tưởng, chẳng những không có cách thực tế nào để làm, mà còn có những tác hại kinh tế khổng lồ chẳng những cho kinh tế những tiểu bang biên giới, mà cho cả nước Mỹ luôn. Trước sau gì cũng phải chấp nhận họ, qua cách thiết lập một lịch trình cùng với điều kiện để trở thành công dân, chẳng hạn như phải có việc làm, đóng thuế, không phạm tội, được một loại thẻ xanh nào đó trong một thời gian vài năm thử thách, rồi mới được vào quốc tịch.

    Nhưng đồng thời cũng không thể để tình trạng di dân tiếp tục tràn qua vô tận. Ai cũng hiểu bất cứ hình thức ân xá nào cũng lập tức khuyến khích di dân tràn qua mạnh hơn nữa, do đó bắt buộc phải có bức tường của TT Trump, không phải cái tường cao một thước có tính tượng trưng, mà là tường thật. Real wall chứ không phải... fake wall.

    Đây có lẽ là quan điểm chung của cả hai chính đảng và tuyệt đại đa số dân Mỹ. Vấn đề là đi vào chi tiết thực hành thì bắt đầu tranh cãi để rồi chẳng ra được đồng thuận cuối cùng. Vấn nạn di dân cực kỳ khó khăn, bởi vậy mới nói đó là cái gân gà của Tào Tháo.

    Vũ Linh (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)

  4. #4
    Nhà Ngói
    Join Date
    Apr 2014
    Posts
    135
    ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG GÌ?




    Câu trả lời cho tựa bài viết tuần này hiển nhiên: đảng DC là một trong hai chính đảng của đại cường Cờ Hoa, là đảng có quan điểm thiên tả, có thể gọi một cách nhẹ nhàng hơn, là ‘cấp tiến’. Là đảng tự nhận phục vụ người dân… thấp cổ bé họng, như dân nghèo, dân da màu, dân lao động và dân tỵ nạn.

    TT Thiệu đã nói một câu để đời, có thể áp dụng vào rất nhiều chuyện. Kể cả áp dụng vào đảng DC Mỹ: đừng nghe những gì họ nói, mà hãy nhìn kỹ những gì họ làm.


    Năm 1992, có bầu tổng thống giữa đương kim TT Bush (cha) và thống đốc Clinton. Tôi gặp một bà cụ tỵ nạn, hỏi bà có tính đi bầu không?

    - Có chứ, mình phải đi bầu để bảo vệ quyền lợi mình chứ.
    - Thế cụ tính bầu cho ai?

    - Thì bắt buộc phải bầu cho Clinton chứ gì nữa. Bầu mấy thằng Cộng Hòa của tụi trắng kỳ thị, nó cắt hết tiền trợ cấp, có khi còn đuổi về VN nữa, có điên không?

    Câu chuyện tóm gọn vài huyền thoại lớn mà nhiều ông bà tỵ nạn ta cho đến nay vẫn ôm cứng trong đầu. Trong mấy thập niên qua, đảng DC phải nói là đã được xây dựng trên một mớ huyền thoại, mười phần thì phịa hết bẩy tám. Kẻ này đã viết không biết bao nhiêu lần trước đây, bây giờ viết lại vẫn không thừa thãi vì những huyền thoại vẫn còn đó.


    ĐẢNG DC LÀ ĐẢNG CỦA DÂN NGHÈO?
    Đây là hình ảnh quan trọng nhất, được nhiều người chấp nhận nhất. Nhưng cũng là huyền thoại lớn nhất. Nhìn vào thực tế thì thấy: các lãnh tụ DC như Obama, Clinton, Pelosi,... đều có gia tài bạc trăm triệu.
    Họ đều xuất thân bình thường như quý độc giả và kẻ này, đừng hỏi tại sao sau khi làm chính trị ‘phục vụ dân nghèo’, bây giờ lại giàu vậy. Ba thượng nghị sĩ giàu nhất Thượng Viện là Mark Warner, Richard Blumenthal, và Dianne Feinstein, đều thuộc đảng DC hết. Các đại tài phiệt giàu nhất Mỹ đều theo DC: Bill Gates, George Soros, Jeff Bezos, Warren Buffet, Mark Zuckerberg,...

    Tại sao những người giàu nhất lại thường theo DC, ra vẻ tranh đấu cho dân nghèo, dân lao động? Một phần vì mặc cảm, một phần vì muốn che dấu những hoạt động kinh doanh, cách làm giàu mờ ám của họ.

    Jeff Bezos, ông chủ của Amazon và Washington Post, là vua... giết tiểu thương và trung thương. Cách kinh doanh làm giàu của anh ta là giết hay nuốt các cơ sở thương mại bán lẻ nhỏ. Bill Gates là nhà từ thiện lớn nhất thế giới, nhưng anh ta đã làm giàu bằng những mánh mung kinh doanh xảo trá nhất mà Steve Jobs (Apple) đã từng vạch ra. Zuckerberg bán dữ liệu cá nhân của cả chục triệu người sử dụng Facebook cho các công ty nghiên cứu thị trường vì mục tiêu kinh doanh hay chính trị.
    Trên căn bản, đúng là DC chủ trương giúp dân nghèo nhiều nhất, qua trợ cấp đủ loại, từ phiếu thực phẩm đến bảo hiểm y tế, trợ cấp đông con, tiền thất nghiệp, v.v... Những người nào mơ mộng những thứ này, nên ủng hộ đảng DC.

    TT Obama đã hãnh diện khoe số người lãnh Medicaid, là bảo hiểm y tế của Nhà Nước cấp cho dân nghèo, đạt được kỷ lục cao nhất xưa nay. Một kỷ lục mà nhiều người hoan hô, nhưng là một tin đáng buồn hơn vui. Đúng vậy, trách nhiệm của người lãnh đạo là làm cho dân giàu nước mạnh, chứ không phải là làm sao cho càng nhiều người nghèo khổ, sống nhờ Nhà Nước càng tốt.

    Trợ cấp trên căn bản là cần thiết, vì lý do nhân đạo, giúp những người kém may mắn và tránh bất ổn xã hội. Có những người thật sự có nhu cầu trợ cấp, Nhà Nước có tránh nhiệm giúp họ, chẳng ai trách gì họ. Nhưng nếu trợ cấp bị lạm dụng, nhiều người có thể tự lực cánh sinh nhưng vẫn lạm dụng trợ cấp, thì đó là những trường hợp khó thông cảm được.

    Trợ cấp cũng có mặt trái: biến con người thành nô lệ. Một khi dính vào tròng trợ cấp, khó thoát ra, và càng ngày càng lệ thuộc trợ cấp, lệ thuộc vào đảng đã ban phát trợ cấp. Đâm ra ỷ lại vào trợ cấp, mất dần ý chí tự lập, sanh ra làm biếng luôn. Mà một khi đã lệ thuộc vào trợ cấp thì sẽ mãi mãi phải vật lộn với mức chi tiêu trong vòng trợ cấp, có nghiã là sẽ ngàn đời nghèo túng, không bao giờ có cơ hội khá hơn vì trợ cấp chỉ giúp sống qua ngày, không bao giờ giúp leo lên bực thang xã hội.

    Đó có phải là phương thuốc lý tưởng nhất để giúp dân nghèo không?
    Tuyệt đối không! Cách giúp dân nghèo đúng nhất là giúp họ thoát ra khỏi vòng nghèo túng chứ không phải giam hãm họ trong vòng trợ cấp càng đông và càng lâu càng tốt.

    Mà cách giúp hữu hiệu nhất là tạo công ăn việc làm qua tăng trưởng kinh tế, không phải qua tái phân phối lợi tức, chia lại những gì đang có, dựa trên việc tăng thuế nhà giàu chia lại cho dân nghèo. Nói cách khác, cần làm cho cái bánh lớn ra, tất cả mọi người đều có phần lớn ra, thay vì cứ giữ cái bánh như cũ rồi lo chia phần cho đều hơn. Trách nhiệm của Nhà Nước là bảo đảm khi chiếc bánh lớn ra thì phần của mỗi người, nhất là phần của người nghèo, cũng sẽ lớn ra, không bị mấy ông nhà giàu hay quyền thế cưỡng chiếm mất.

    Trợ cấp đến một giới hạn nào đó là cần thiết và chính đáng. Nhưng thực tế chính trị ngày nay, đảng DC nhờ công của TT Obama, đã biến trợ cấp thành một hình thức hối lộ, mua phiếu cử tri không hơn không kém.

    Sự khác biệt căn bản giữa CH và DC rất rõ ràng: CH tin ở tinh thần cầu tiến và khả năng thành đạt của cá nhân, giúp người nghèo tự mình vươn lên để thoát ra khỏi vòng nghèo túng, DC giúp người nghèo bằng cách lấy của nhà giàu chia lại cho người nghèo để họ mãi mãi thoi thóp trong nghèo túng, mãi mãi lệ thuộc vào trợ cấp và mãi mãi phải bầu cho DC. DC cho rằng dân ngu khu đen vĩnh viễn u tối, chỉ có lãnh đạo và công chức là ưu việt biết cách cứu nhân độ thế.


    ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG CỦA TRỢ CẤP
    Trong lịch sử cận đại Mỹ từ sau Thế Chiến Thứ Hai, đã có 6 tổng thống DC và 6 CH, không kể TT Trump. Trong tất cả 6 ông CH, đã có 3 ông cắt thuế, nhưng không có một ông nào cắt một xu trợ cấp nào của bất cứ ai. Trái lại, ngoài TT Johnson, chỉ có một tổng thống duy nhất đã tăng trợ cấp một cách quy mô: đó là TT Bush con của CH, với trợ cấp Medicare Part D, Nhà Nước bồi hoàn tiền mua thuốc cho các cụ lãnh Medicare. Vậy chứ mỗi lần bầu cử tổng thống là bài ca con cá vàng “CH cắt trợ cấp” lại được ban hợp ca DC hát lên với dàn nhạc TTDC, như cái đĩa hát rè của thập niên 40. Vẫn có người nghe và tin.


    DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG CỦA DÂN LAO ĐỘNG
    Theo cơ quan thăm dò Gallup, hai năm sau khi Obamacare ra đời năm 2010, một nửa số doanh nghiệp tiểu thương đã đóng băng không thuê thêm nhân viên, trong khi một phần năm doanh nghiệp nhỏ đã sa thải nhân viên. Năm 2014 là năm đầu tiên Obamacare được áp dụng trọn vẹn, cũng là năm đầu tiên trong lịch sử Mỹ mà số doanh nghiệp tiểu thương ‘âm thầm đóng cửa’ cao hơn số doanh nghiệp ‘tưng bừng khai trương’. Tỷ lệ thất nghiệp leo lên tới 10%. Năm đó cũng là năm DC thất bại nặng nề nhất lịch sừ bầu cử quốc hội giữa mùa.

    Thất nghiệp không phải là ưu tư của đảng DC. Càng nhiều người thất nghiệp càng tốt vì họ sẽ phải lệ thuộc vào trợ cấp, bắt buộc phải bỏ phiếu cho DC.

    DC là đảng cổ võ cho nghiệp đoàn vì nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi nhân công. Chỉ tiếc là coi vậy chứ chưa chắc đã là vậy.
    Những người tỵ nạn thời 75 hẳn còn nhớ hai hãng máy bay lớn nhất Mỹ thời đó là Pan American Airline và Eastern Airline. Rất nhiều dân tỵ nạn thời mới qua, những năm sau 75, đã làm việc cho hai hãng đó. Cả hai hãng đều đã không còn nữa. Phá sản dưới thời TT Carter, tất cả nhân công bị sa thải hết, hàng trăm ngàn người bị thất nghiệp khi đó.
    Tại sao? Vì chi phí lương nhân viên quá cao, không thể cạnh tranh được với mấy hãng máy bay không có nghiệp đoàn của các hãng nhỏ mới ra, hay hãng ngoại quốc. Lương cao là do kết quả tranh đấu của nghiệp đoàn. Nhìn cho kỹ, nghiệp đoàn chỉ có lợi ngắn hạn, trong cái nhìn thiển cận, nhưng đưa đến thảm họa phá sản trong đường dài.

    Kỹ nghệ xe hơi của Mỹ cũng ở trong tình trạng tương tự. Không cạnh tranh nổi với Nhật, Hàn Quốc, và Âu Châu vì lương nhân công quá cao. Đáng lẽ đã xập tiệm nếu không có TT Bush và TT Obama bơm tiền vào cứu.

    Nghiệp đoàn cũng đang tranh đấu đòi tăng lương tối thiểu lên tới 15 đô một giờ, và được đảng DC ủng hộ trong khi CH chống đối. Vấn đề phải nhìn cho kỹ.

    Đối với những đại công ty như Wal-Mart (mà bà Hillary trước đây là thành viên Hội Đồng Quản Trị) mà các vị chủ tịch, tổng giám đốc lãnh lương bạc triệu hay chục triệu trong khi một số lớn mấy người bán hàng chỉ được làm bán thời, lãnh lương chết đói mà không có quyền lợi bảo hiểm y tế, nghỉ thường niên,... thì việc tăng lương tối thiểu cho nhân công là chuyện đáng làm và cần làm, nhưng lại không xẩy ra.

    Nhưng đối với hàng triệu cơ sở kinh doanh tiểu và trung thương, tăng lương tối thiểu sẽ giết chết họ. Như cột báo này đã viết nhiều lần, thử hỏi ông chủ tiệm phở tại khu Bolsa, nếu bị bắt phải tăng lương tối thiểu lên 15 đô một giờ cho những người chạy bàn, rửa chén, quét dọn, thì ông sẽ phản ứng như thế nào? Vui vẻ tăng lương họ để rồi lỗ lã, phá sản? Hay là sa thải họ để đi thuê dân Mễ lậu, trả lương rẻ hơn? Như vậy tăng lương tối thiểu có giúp cho dân lao động tiểu thương không? Hiển nhiên là không. Cho dù đóng cửa hay sa thải đi thuê dân Mễ lậu thì kết quả là dân lao động Mỹ vẫn mất job, thay vì lương được lên 15 đô. Đó là quy luật kinh tế, không cần biết đảng nào đang nắm quyền.

    Tăng lương tối thiểu không phải là giải pháp, chỉ có tăng trưởng kinh tế mới giúp mọi người khá hơn. Có tăng trưởng kinh tế thì tự động sẽ có tăng lương thực tế. Không có tăng trưởng mà chỉ muốn tăng lương thì mọi người sẽ mất việc, chưa kể sẽ có nạn lạm phát, đồng tiền mất giá để rồi tăng lương cũng như không.


    ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ TÚP LỀU LỚN?
    Túp lều lớn mang ý nghĩa đa dạng, bao dung, bình quyền, không kỳ thị, nhân ái... DC là đảng của đủ sắc dân, đủ tôn giáo, đủ khuynh hướng chính trị. Nghe quá hay.

    Sự thật, cái lều DC bé như cái “lều chó con” -nói theo Hồng Y Dolan- chỉ chấp nhận những người cùng chia sẻ quan điểm cấp tiến. Một ông bảo thủ đắc cử tổng thống? ‘Not My President’, tìm đủ cách chống đối và lật đổ. Một nhà báo nói chuyện ‘phản động’ với sinh viên? Nhìn vào những bạo động tại đại học Berkeley thì biết. Bình quyền? Một thống đốc tuyên bố “All lives matter, not just black lives matter” bị bắt buộc phải xin lỗi và rút lời.

    Đa dạng tôn giáo? ‘Phải đạo chính trị’ của DC là phải kính trọng ... Hồi giáo như tôn giáo của hòa bình, nhưng cấm không được quảng bá Thiên Chúa giáo; cấm không được gọi khủng bố Hồi giáo là ...’khủng bố Hồi giáo’, nhưng lại mau mắn gọi các sư Miến Điện là ‘khủng bố Phật giáo’.

    Thế nào là nhân ái? Có phải là nhân đạo và bác ái không? Là quý trọng và bảo vệ mạng sống của con người không? Thế thì sao lại chủ trương phá thai tự do? Chỉ vì muốn bảo vệ quyền của phụ nữ ham vui thả giàn mà không muốn nhận trách nhiệm? Mạng của một bào thai không quan trọng bằng một đêm vui chơi thoải mái?

    Rất ‘rộng rãi’ trong chính sách phá thai, nhưng lại chống đối kịch liệt án tử hình cho những tội đại hình. Sinh mạng của những bào thai vô tội có thể hủy tự do, nhưng sinh mạng của những tên tội đồ ghê gớm nhất thì lại phải bảo vệ bằng mọi giá.


    ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ ĐẢNG CỦA DÂN DA MÀU
    Nội chiến Nam Bắc Mỹ xẩy ra vì tổng thống Abraham Lincoln của đảng CH chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ da đen bị khối DC miền nam nước Mỹ chống lại.

    Ngay cả cho đến thời các TT Kennedy và Johnson, lúc đầu mấy ông này cũng chống lại những tranh đấu của dân da đen đòi bình quyền. Cho đến khi miền nam đại loạn, biểu tình, chống đối nổi lên khắp nơi dưới sự lãnh đạo của mục sư Martin Luther King thì TT Johnson bắt buộc phải nhượng bộ, ký luật nhân quyền, rồi đúng theo mô thức của chính trị gia, nhẩy ra vỗ ngực khoe công ‘giải phóng’ dân da đen! TT Johnson khi ký các đạo luật nhân quyền cho dân da đen cũng vẫn gọi họ là “mấy tên mọi” –f…cking niggers!

    Ngày nay, DC là đảng được dân da màu ủng hộ thật. Một phần vì TT Johnson đã mang lại công bằng cho họ khi ra luật Civil Rights Act và Voting Rights Act (mở cửa cho việc ông Obama đắc cử tổng thống), nhưng đó là chuyện của nửa thế kỷ trước. Ngày nay dân da đen ủng hộ đảng DC chỉ vì là đảng ban bố trợ cấp rộng rãi nhất lịch sử Mỹ. Bất cứ ông bà nào ra tranh cử với danh nghiã DC sẽ được dân da màu (đen, nâu, vàng) nhiệt liệt ủng hộ ngay, vì trợ cấp.

    Chính sách trợ cấp bừa bãi đã phá nát nền tảng gia đình trong khối dân da đen, khi hàng loạt phụ nữ không chồng mà vẫn đầy con nhờ Nhà Nước nuôi, chẳng biết đứa nào là con ai. Trong 10 đứa trẻ con da đen chạy long nhong ngoài đường, đã có 7 đứa không có bố chính thức. Đó có phải là chính sách ‘bạn’ với dân da đen không?

    Trong vấn đề di dân bất hợp pháp cũng vậy, tất cả chỉ là chuyện đếm phiếu không hơn không kém. DC hô hào ân xá vì lý do nhân đạo, vì muốn bảo vệ trẻ con di dân, vì muốn di dân được đoàn tụ gia đình,… nhưng chỉ là ngụy biện thôi.

    Trong hai năm 2009-2010, DC nắm Tòa Bạch Ốc, và kiểm soát cả thượng viện lẫn hạ viện, họ đã có thể ra luật ân xá toàn diện cả chục triệu di dân lậu. Nhưng họ không làm gì hết, vì đa số dân biểu nghị sĩ DC cũng không thực sự muốn ân xá. Hô hào ân xá bằng miệng thu được cảm tình và phiếu của cử tri gốc Mễ. Ân xá bằng luật thật sự sẽ mất hết phiếu của cử tri da trắng.


    ĐẢNG DÂN CHỦ LÀ BẠN CỦA DÂN TỴ NẠN VIỆT
    Đây là lập luận của những ông bà tỵ nạn Việt ủng hộ đảng DC. Nhiều dân HO nhớ ơn DC vì nghĩ TT Carter của DC đã là người mở rộng cánh tay đón HO vào Mỹ. Nhưng nhìn lại cho kỹ, coi dzậy mà hổng phải dzậy đâu, các cụ ơi.

    Trước tiên, đảng DC là đảng đã bức tử VNCH, sau khi thanh toán TT Diệm để có thể áp đặt lính Mỹ vào miền Nam, để rồi vẫn thua VC, rồi ép TT Nixon phải bỏ miền Nam VN qua hàng loạt biện pháp khóa tay như cấm bành trướng chiến tranh qua Căm-Pu-Chia và Lào, cấm thả bom đường mòn Hồ Chí Minh, cắt giảm ngân sách, cắt giảm viện trợ kinh tế và quân sự cho Nam VN. Chuyện ‘Nixon bán đứng Nam VN cho Mao’ chỉ là chuyện đổ thừa chạy tội không có căn bản cũng chẳng hợp tình hay hợp lý mà cột báo này đã bàn quá nhiều lần.

    Năm 1972, ứng cử viên tổng thống của đảng DC là George McGovern. Ông này chủ trương Mỹ rút quân ra khỏi Nam VN ngay lập tức, chỉ với một điều kiện duy nhất: CSBV trả lại tù nhân Mỹ. Chuyện miền Nam VN sẽ bị CSBV chiếm không phải là chuyện Mỹ phải thắc mắc hay điều đình gì hết. Năm 1975, ông McGovern kịch liệt chống việc TT Ford nhận dân tỵ nạn VN vào Mỹ. Cùng chống với ông, có hai tiếng nói hăng nhất là Jerry Brown, khi đó đã là Thống Đốc Cali và cựu PTT Joe Biden khi đó là thượng nghị sĩ.

    Năm 1978 khi hàng triệu quân cán chính miền Nam còn chết dở sống dở trong tù cải tạo từ Cà Mau đến Sơn La, TT Carter, với hậu thuẫn của vài thượng nghị sĩ cựu quân nhân như John McCain, John Kerry,... gửi một phái đoàn qua Hà Nội thảo luận việc bỏ cấm vận và thiết lập bang giao nếu VC giúp tìm xác lính Mỹ. VC khi đó đang khủng hoảng kinh tế, trên bờ phá sản, lại cũng chuẩn bị đánh Căm-Pu-Chia và đối phó với Trung Cộng, nên ra giá sẽ cho phép Mỹ đến tìm xác lính Mỹ đổi lấy việc TT Carter nhận tù cải tạo qua diện HO, và nhận hàng vạn thuyền nhân bị VC trục xuất, để xả bớt ưu tư an ninh nội bộ (lo sợ chưa kiểm soát được khối quân cán chính ‘ngụy’, lo sợ dân Việt gốc Hoa nằm vùng cho TC) và gánh nặng kinh tế (bớt miệng ăn).

    Những người nghĩ TT Carter đón nhận HO và thuyền nhân vì lý do nhân đạo, thương dân Việt, mang ơn Carter, chỉ là những người ngủ mơ. Ưu tiên của TT Carter là xác lính Mỹ để được bầu lại khi ra tái tranh cử. Nhận tù cải tạo và thuyền nhân là cái giá mà VC bắt TT Carter phải trả để VC cho phép tìm xác lính Mỹ.

    Nhìn vào quan hệ Mỹ-Việt, ta thấy TT Carter là người đầu tiên bắc lại nhịp cầu với CSVN, TT Clinton là người thiết lập ngoại giao, bỏ cấm vận kinh tế với CSVN, cho CSVN gia nhập các tổ chức quốc tế, TT Obama là người bỏ luôn cấm vận quân sự với CSVN. Cả ba đều có chính sách thân thiện nhất với CSVN, và cả ba đều thuộc đảng DC. Dĩ nhiên, cả ba ông cũng đều lớn tiếng đòi nhân quyền cho VN. Chẳng có một kết quả cụ thể nào ngoài việc VC thỉnh thoảng thả một tù chính trị qua Mỹ cho Mỹ vui. VC thả một, bắt thêm một trăm.

    Nhiều cụ tỵ nạn ta đã quên bẵng khối cấp tiến DC và TTDC đã là nguyên nhân lớn nhất khiến ta thua cuộc, phải vắt chân lên cổ bỏ xứ đi tỵ nạn, cũng quên luôn là đảng DC đã kịch liệt chống lại việc nhận chúng ta vào Mỹ năm 75.


    Nói tóm lại, tất cả những chuyện Dân Chủ là đảng của dân nghèo, lao động, di dân, da màu, tỵ nạn, v.v... chỉ là những huyền thoại do đảng Dân Chủ tạo ra, rồi được truyền thông phe ta quảng bá. Nguyên tắc chỉ đạo của nghệ thuật tuyên truyền là cho dù là một điều không đúng sự thật, nhưng nói mãi cũng sẽ có người tin, càng về lâu về dài càng nhiều người tin.

    Vũ Linh (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)

  5. #5
    Nhà Ngói
    Join Date
    Apr 2014
    Posts
    135
    CHÍNH TRỊ VÀ ... SEX

    Nếu có một du khách nào mới lần đầu tiên tới thăm cái xứ Cờ Hoa lúc này, vị khách đó chắc sẽ dừng một khắc, chụp vài ba bức hình cho có, rồi xách dép chạy bạt mạng về xứ ngay. Nhất là nếu đi du lịch với bầu đoàn thê tử, có con vị thành niên, chạy càng nhanh.

    Lý do? Vị du khách này nghĩ lại, chưa thấy mình đã đi đến cái xứ nào loạn luân như cái xứ Mỹ này hết. Mở TV bất cứ đài nào, mua bất cứ báo nào, toàn thấy nói chuyện hết ông này sách nhiễu tình dục đến ông kia lem nhem sàm sở. Dĩ nhiên không kể các ông ôm hôn nhau hay mấy bà nắm tay làm đám cưới. Hay chuyện ông râu xồm đòi vào cầu tiêu nữ, hay cô chân dài đòi vào cầu tiêu nam. Làm như thể cả nước này toàn là bị bệnh hoạn, ám ảnh, dồn nén vì chuyện sex nên thành điên khùng hết rồi.

    Chuyện sex, tiền và quyền hành –nhất là quyền chính trị- là ‘ba cái lăng nhăng’ nắm tay nhau đồng hành dĩ nhiên đã có từ thời ông Bành Tổ, không có gì mới lạ, chỉ là thời đó chưa có báo hay TV hay facebook nên ít ai biết. Ai cũng hiểu đó là trong cái bản chất ‘thú tính’ của con người, càng đi xâu vào lịch sử sơ khai, càng gần với cái thú tính đó. Dễ hiểu thôi. Thế nhưng, ta đang ở xứ Cờ Hoa mà. Chẳng phải đây là cái xứ văn minh tiến bộ nhất nhân loại sao? Sao cái ‘thú tính’ đó lại có vẻ như nổi đình nổi đám, bộc phát mạnh hơn cả thế giới? Mà lại trong thiên niên kỷ mới, khi thiên hạ đã biết ăn ở phải phép với nhau từ mấy ngàn năm rồi.

    Chuyện cũ thật, nhưng đã qua chương mới.

    Cái chương mới này bắt đầu cách đây vài tháng. Một ông đại tỷ phú, chuyên sản xuất những phim vĩ đại, nổi tiếng nhất, Harvey Weinstein, bất ngờ bị một cô chuẩn tài tử nhí đáng tuổi cháu ngoại, không biết vì bực tức thật sự hay vì muốn nổi đình đám kiếm job đóng phim, tự nhiên tố ông Weinstein là sách nhiễu tình dục, sàm sở gì đó.
    Chuyện quá thường tình trong cái thế giới phim ảnh trong đó đã có cả triệu phim với những màn ôm ấp hôn hít hay xa hơn nữa, giữa những tài tử làm những chuyện này như thiên hạ bắt tay nhau nói hello, chẳng mang một ý nghiã gì, chẳng ai thắc mắc. Họ ‘ngủ thật’ với nhau khi không đóng phim cũng là chuyện bình thường bất kể vợ chồng hay không, nói chi đến chuyện sàm sở vớ vẩn.

    Báo chí đăng cho có vì tiếng tăm của ông Weinstein. Ai cũng nghĩ, ngày mai trời lại sáng, thiên hạ lại bù đầu đi cầy, báo chí lại trở về với thú đánh Trump. Thiên hạ sẽ quên hết chuyện ông Weinstein để rồi ông này lại đi bù khú với em chân dài khác.
    Thế nhưng kịch bản bình thường này đã bị thay đổi hoàn toàn. Câu chuyện ông Weinstein bất ngờ giống như đập nước bị lủng một lỗ quá lớn, bất thình lình cả cái đập nước bị phá tan.

    Tiếp theo cái cô chuẩn tài tử đó, hơn 40 tài tử khác, chuẩn có mà thành danh như Angelina Jolie cũng có, cả lão bà Jane Fonda luôn. Họ ào ào nhẩy ra tố giác Weinstein đã lạm dụng họ, nhiều người thú nhận sự nghiệp điện ảnh huy hoàng của họ đã khởi đầu từ việc phải miễn cưỡng cho ông Weinstein ‘đóng tuồng’ trong những màn không có trong kịch bản cách đây mấy chục năm.

    Thiên hạ đang ngỡ ngàng thì nổ bùng ra chuyện anh tài tử Kevin Spacey, một tài tử hạng ‘siêu sao’ đóng vai một tổng thống trong loạt phim TV, House of Cards. Chuyện khác người là anh này bị một ‘ông’ tài tử tuổi xồn xồn, tố là cách đây đâu hai ba chục năm, khi anh mới vào nghề, bị anh Spacey rờ mò mà không dám hó hé. Anh Spacey mau mắn nhận tội, rồi thú nhận anh là dân đồng tính bí mật.

    Hàng loạt tài tử, đạo diễn, nhà sản xuất gạo cội nổi danh lần lượt bị tố. Người thì mau mắn nhận tội, người thì thề thốt trong trắng hơn ma sơ.

    Ta thấy không thiếu những tên tuổi uy tín, lừng danh như người hùng Rambo Sylvester Stallone; Oliver Stone, nhà đạo diễn cực tả chuyên làm phim bôi bác chiến tranh VN. Thậm chí đến bà ca sĩ diva nổi tiếng Mariah Carey cũng bị anh cận vệ tố là bà đã … chộp anh ta! Không, quý vị không đọc lộn đâu: một anh la ó bị một chị chộp!

    Thế rồi chuyện phải đến đã đến. Câu chuyện sách nhiễu tình dục lan qua chính trị. Bước đầu lan nhè nhẹ qua cụ ông Bush cha vì tội thích vỗ đít mấy bà vì … vừa tầm tay khi đang ngồi xe lăn.

    Nhưng nạn nhân thật sự đầu tiên là ông quan tòa Roy Moore, ứng viên thượng nghị sĩ Alabama của CH trong cuộc bầu cử đặc biệt tìm người thay thế bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions. Ông già gần tuổi cổ lai hy bị nửa tá bà xồn xồn tố khi các bà ấy còn ở tuổi vị thành niên, đã bị ông Moore sàm sở, có người còn bị hãm nữa.

    Dĩ nhiên, món quà trời cho. Phe DC, với sự hăng say tiếp tay của TTDC, nhẩy vào, khai thác triệt để, không phải để mang lại công lý cho mấy bà nạn nhân, mà chỉ nhằm mục đích chiếm cái ghế nghị sĩ của Alabama. Ông Moore đang ở trong tư thế nằm nhà ngủ cũng thắng cử, bất thình lình thấy tỷ lệ hậu thuẫn của mình rớt như sung rụng, bảo đảm sẽ thảm bại không còn manh giáp. Đảng CH xanh mặt. Thế đa số có hai phiếu tại Thượng Viện lung lay mạnh sau khi hai nghị sĩ CH đã tuyên bố không ra tranh cử lại, bây giờ lại mất cái ghế chắc ăn nhất, không run thì khi nào mới run. Thế đa số của cả đảng CH quan trọng gấp vạn lần mấy cái chuyện sex lẩm cẩm này, nhất là chẳng có ai đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào.

    DC chiếm đa số trong Hạ Viện và Thượng Viện thì chuyện đàn hặc Trump không còn viễn vông nữa. TT Trump, trước đây ủng hộ ông đối thủ của ông Moore trong lúc tranh cử sơ bộ trong nội bộ CH, nhưng ông này thua, TT Trump đành phải ủng hộ ông Moore.

    Trong khi ông Moore bị nước ngập tới cổ thì bất thình lình, hai thượng nghị sĩ tên tuổi của DC bị hàng loạt mấy bà tố đã từng sàm sở. TNS Al Franken bị một nữ ký giả tung hình ông đang giơ hai tay ra chộp ngực bà khi bà đang ngủ ngồi trên máy bay. TNS John Conyers thì bị hàng loạt phụ tá của chính ông tố ông đã sách nhiễu họ đủ kiểu, kể cả đi họp với nhân viên nữ mà chỉ mặc có quần lót.

    Riêng về ông Conyers thì lòi ra một chuyện khiến cả quốc hội bối rối chứ chẳng phải riêng ông. Ông Conyers đã có lần lấy tiền từ một quỹ bí mật của quốc hội để bịt miệng một nạn nhân. Bây giờ thiên hạ mới biết quốc hội có quỹ riêng –tức là tiền thuế của dân đấy- để kín đáo bịt miệng những xì-căng-đan của các dân biểu và nghị sĩ, bất kể CH hay DC. Trên mặt chính trị thì đánh nhau không nương tay, nhưng về chuyện xì-căng-đan thì họ bảo vệ nhau rất kỹ.

    Tự nhiên hàng loạt chính khách tên tuổi nhất bị tố sàm sở cả đám.

    Trong khi cả đảng DC luống cuống thì bất ngờ có một bà nhà báo hăng tiết, nhẩy ra đóng vai Lê Lai cứu chúa. Bà lên báo công khai viết “Đúng là hai ông Franken và Conyers đã sách nhiễu phụ nữ, nhưng vì hai ông thuộc đảng DC nên không sao, không cần từ chức, vì đảng DC nói chung bênh vực nữ quyền, nên phụ nữ chúng tôi cần phiếu của hai ông này. Chuyện sàm sở là chuyện cá nhân, chúng tôi không quan tâm”.
    Đây cũng là lý luận của các phụ nữ bênh TT Clinton năm xưa. Ít ra thì bà này cũng đã có can đảm nói thật về tính phe đảng của bà. Nôm na ra, có nghĩa là theo bà nhà báo này thì CH không được phép sàm sở nhưng DC thì ô-kê. Ai dám nói báo chí không phe đảng?

    Lạ lùng thay, đảng DC và TTDC bất ngờ chuyển hướng, xúm lại đánh hai ông đồng chí Franken và Conyers của họ. Lôi cả TT Clinton ra đánh luôn. Nhiều tiếng nói lớn trong đảng DC quay lại tố TT Clinton và phán quyết đáng lẽ ông ta phải từ chức ngay khi đó rồi.

    Bà Hillary dĩ nhiên, vội nhẩy ra bênh chồng. Bà bào chữa mấy vụ sách nhiễu của ông Moore là cưỡng ép nạn nhân, không chấp nhận được, trong khi vụ cô Monica là chuyện hai người trưởng thành đồng thuận, không đáng tội. Thưa bà, trước hết cô Monica là cô nhóc chỉ hơn con gái bà có vài tuổi, gặp ông tổng thống quyền uy 50tuổi, làm sao đặt lên bàn cân ngang nhau được.
    Thứ nhì, thế còn các bà Paula Jones, Gennifer Flowers, Juanita Broaddrick,... thưa TT Clinton thì sao? Có sự thỏa thuận gì không? Thứ ba, các ông chồng đi ăn vụng, nếu có sự đồng thuận của vợ bé thì ô-kê sao, thưa bà Hillary? Bà ra tranh cử năm 2020 với chủ trương này, tôi bảo đảm bà sẽ được phiếu của 90% nam cử tri.

    Tại sao phe ta lại trở mặt như vậy? Vì hai lý do:
    - Họ tính dựa vào cái tiếng đảng sạch sẽ không chấp nhận sách nhiễu phụ nữ làm chủ điểm cho cuộc vận động bầu quốc hội năm tới.

    - Họ cũng tính muốn bứng TT Trump về tội sách nhiễu tình dục trước đây thì sẽ phải thí các ông Franken, Conyers và Clinton trước để có chính danh khi đòi đàn hặc Trump.

    Chuyện đàn hặc Trump vẫn chỉ là chuyện vớ vẩn. Những cái gọi là “bê bối” của TT Trump đã được dân Mỹ biết rõ từ trước ngày bầu cử, và họ vẫn bầu cho ông, thì làm sao còn lý do để bứng ông sau khi ông đã đắc cử? Chưa kể phe DC hô hào truất phế Trump cũng bị vấn nạn há miệng mắc quai khi họ đã nhắm cả hai mắt, bảo vệ TT Clinton bất kể cái áo đầm dính đầy… bằng chứng cụ thể.

    Chuyện dùng sách nhiễu tình dục làm chủ điểm tranh cử bị mất giá trị sau khi ông Moore thua, vì chứng tỏ phe CH cũng không chấp nhận sách nhiễu tình dục.

    Với sự thất cử của ông Moore, nhiều chuyên gia tiên đoán cuộc bầu cử giữa mùa năm tới, sẽ có rất nhiều phụ nữ ra tranh cử và đắc cử. Năm 2018 sẽ là năm phụ nữ lật đổ chế độ phụ hệ ở Mỹ.

    Một bà đang ứng cử chức dân biểu trong đảng DC, nhanh trí đã tung ngay ra một khẩu hiệu tranh cử mới: “Bạn có muốn tránh, không thấy người mà bạn bầu làm đại diện khoe ‘của quý’ bất tử không? Vậy thì hãy bầu cho những người không có ‘của quý’!” (bà này công khai dùng danh từ ‘penis’, quý độc giả có quyền tra từ điển).
    Trong tình trạng chính khách cả hai đảng đều bối rối đó thì TTDC lên mặt kẻ cả, giảng dạy luân lý giáo khoa thư cho cả nước, nhất là cho các chính khách cả hai đảng.

    Các cụ ta có câu “thiên bất dung gian” không thể nào sai vào đâu được.
    Bom nguyên tử của Cậu Ấm Ủn chưa thấy đâu, nhưng bom nguyên tử sách nhiễu tình dục nổ lớn ngay trong khối TTDC hết sức ‘đạo đức’.

    Bắt đầu bằng ông Mark Halperin. Một cây bút uy tín lừng danh chuyên viết sách nổi tiếng về các cuộc bầu cử tổng thống gần đây. Có tánh đặc biệt, gặp bà nào cũng bắt phải ‘chộp’ ông ta.

    Nhẩy qua Matt Lauer. Anh này là nhà báo hàng đầu của NBC, là đài được coi như cơ quan ngôn luận của TT Obama trước đây. Anh chuyên môn phỏng vấn các chính khách lớn nhất thế giới như tổng thống, vua chúa, thủ tướng, đã từng phỏng vấn TT Obama, ngoại trưởng Hillary Clinton, TT Trump,… Mỗi năm lãnh có 20 triệu đô thôi. Anh này có nhiều chuyện vui. Bàn làm việc của anh có nút bấm bí mật, khóa cửa phòng không ai mở được, trong hay ngoài. Ngăn kéo bàn làm việc thì cả lô ... ‘đồ giả’ để tặng quý bà có nhu cầu ‘tự xử’.

    Chỉ mới là những người đầu tiên. Cho đến khi bài này được viết thì đã có sơ khởi gần 60 nhà báo tên tuổi và quan chức lớn của các đài NBC, CBS, ABC, CNN, các báo Vox, Rolling Stone, New York Times, Washington Post, New Republic,… Toàn là các cơ quan cấp tiến nặng ký của TTDC phe ta, thuộc đảng DC gần hết.
    xxx


    Có phải nước Mỹ tự nhiên đổ đốn không? Thưa không. Hầu hết các vụ sàm sở đều xẩy ra cách đây vài ba chục năm. Chẳng qua chỉ là chuyện thay đổi suy tư. Ngày xưa, những chuyện như vỗ má, vỗ đít, hôn ẩu thường được coi như cử chỉ thân thiện, hay tệ lắm, là chuyện diễu dở nham nhở của phái nam, không ai khiếu nại cho dù những việc này khiến phụ nữ khó chịu, bực mình.
    Bây giờ, vụ ông Weinstein đã là giọt nước làm tràn ly, dẫn đến một cuộc cách mạng văn hoá, thực sự giải thoát phụ nữ Mỹ ra khỏi một thứ luật không thành văn là các ông có thế, có quyền, hay có tiền đều là những người có thể vung tay múa chân môt cách vô tộ vạ, nhất là đối với những phụ nữ trong cô thế như trẻ tuổi, có vị thế xã hội thấp hơn,…

    Vụ Weinstein đã khai sinh ra phong trào #MeToo của những phụ nữ nạn nhân của sách nhiễu, nhẩy ra tố khổ các ông hàng loạt. Họ tự chế ra mốt mặc quần áo màu đen, và thiên hạ đã thấy tại đại hội điện ảnh Golden Globes mới đây, tất cả các tài tử đã mặc quần áo đen để bày tỏ việc ủng hộ những nạn nhân sách nhiễu tình dục.

    Cuộc cách mạng này sẽ có hậu quả đổi đời mà cho đến nay, ít người thấy được sẽ đi xa đến đâu. Một diễn biến kẻ này hoan nghênh hết mình, miễn sao nó đừng biến thành một công cụ đấm đá chính trị, sẽ mất hết ý nghiã, mà lại gây thiệt hại nhiều hơn cho phụ nữ.

    Cũng phải cẩn thận không đi quá xa, đến độ bây giờ mấy ông gặp mấy bà cũng không dám bắt tay nữa, thì sẽ trở thành lố bịch. Quý anh thanh niên đi tán đào, hay tìm vợ, mà bị trói tay, phải học thuộc lòng năm trang luật lệ, thủ tục cư xử ‘phải đạo’ với phụ nữ để bảo đảm mình tôn trọng đối tượng, thì sẽ có hy vọng độc thân lâu dài.

    Bà tài tử Pháp Catherine Deneuve, đã lên tiếng chỉ trích phong trào #MeToo mà bà cho là đã đi quá xa, biến tất cả nam giới thành nạn nhân trong khi không thiếu gì phụ nữ vui vẻ chấp nhận việc được các ông ‘chú ý’ tới.

    Nghĩ cho cùng, các cụ ta đã nhìn thấy vấn đề từ lâu lắm rồi, nên mới khuyên nhủ con cháu… “nam nữ thọ thọ bất thân” cho chắc ăn. Bởi vậy mới nói xứ ta đã có tới 5.000 năm văn hiến, hơn xa xứ Cờ Hoa mới có 250 năm.

    Vũ Linh (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)


    Last edited by hongnguyen; 08-09-2018 at 07:57 AM.

  6. #6
    Vào đây chào anh hong nguyen một cái, cám ơn đã mở topic này.
    Cãi Lộn, Cãi Lại, Cãi Lộn Nữa.

  7. #7
    Nhà Ngói
    Join Date
    Apr 2014
    Posts
    135
    Quote Originally Posted by Lê Nguyễn Hiệp View Post
    Vào đây chào anh hong nguyen một cái, cám ơn đã mở topic này.
    Chào anh Hiệp!

  8. #8
    Nhà Ngói
    Join Date
    Apr 2014
    Posts
    135
    TỴ NẠN VIỆT VÀ TT TRUMP


    Dân Việt chạy qua Mỹ tỵ nạn trên dưới cũng gần nửa thế kỷ. Hầu hết rất ít lưu ý đến chính trị Mỹ. Đại khái thì “Ôi, ông tổng thống nào thì cũng dzậy thôi, đi cầy vẫn đi cầy, đóng thuế vẫn đóng thuế, VC vẫn chình ình đó thôi”. Cả 40 năm như vậy rồi.
    Nhưng rồi thế sự đổi thay.
    Nước Mỹ gặp ông thần Trump. Không ai biết ông này có bùa phép gì đặc biệt, mà tự nhiên, cả nước Mỹ lên cơn sốt. Bị ‘chính trị hoá’ hết ráo. Không ai có thể thờ ơ với ông Trump này được. Không vái lạy tung hô thì cũng đỏ mặt tiá tai sỉ vả. Không biết gì cũng nhẩy vào, về hùa la ó theo.

    Phản ứng này cũng đã lan qua cộng đồng người Việt luôn. Chưa bao giờ dân tỵ nạn ta lại bị hớp hồn, theo dõi một tổng thống Mỹ hăng say như bây giờ. Đáng tiếc là phần lớn… hăng say sảng.

    Tỷ phú Donald Trump là một doanh gia cực kỳ thành công. Ông hưởng một gia tài không lấy gì là kinh khủng của ông bố. Chỉ là ông bố giúp tài trợ một số dự án nhỏ cỡ một vài triệu, mua bán nhà cửa ở New York, rồi từ đó ông phất lên. Khi ông bố qua đời để lại gia tài 20 triệu cho 5 người con chia nhau, thì ông Trump đã thành tỷ phú rồi.

    Rồi với tham vọng cũng lớn hơn người, ông nhẩy vào chính trị. Cũng lại thành công dễ như trở bàn tay. Giống như trong thương trường, ông thành công nhờ cái thương hiệu chính trị mà ông đã tự tạo ra cho mình. Một tỷ phú thành công lớn, tức là có khả năng thật, nhưng lại là tỷ phú của dân lao động, tuy cực giàu nhưng hiểu rõ hơn ai hết đời sống vất vả của dân lao động, hiểu được rất rõ những ưu tư và ưu tiên của dân trung lưu, chia sẻ được những cái lo của họ, mang lại được cho họ những gì họ đang mong đợi. Từ công ăn việc làm đến an toàn cá nhân, từ những giá trị văn hoá đến niềm tin tôn giáo, là những thứ mà dân cấp tiến dè biủ, khinh miệt.

    Chủ đề quảng bá thu hút nhất của ông: tôi không phải chính trị gia, có sao tôi nói vậy, không uốn lưỡi tới ba lần. Một cơn gió mát mới lạ trong chính trị Mỹ.

    Những người chống đối ông cố phá cái hình ảnh đó, cố dựng lên hình ảnh một… quái thai: điên khùng, ngu dốt, dâm dục, gian dối, tàn ác, kỳ thị, hồ đồ, bất nhất,… Xin lỗi, khuôn khổ bài này không đủ chỗ để liệt kê hết những ‘huy chương’ đặc biệt ông Trump đang được tặng.

    Đó là chuyện dân Mỹ. Còn dân tỵ nạn ta thì sao?

    Phải nói ngay, tuyệt đại đa số dân tỵ nạn hiểu rất lơ mơ về chính trị Mỹ nói chung, cũng như về ông Trump nói riêng. Mà những hiểu biết giới hạn đó, nhiều khi lại sai lầm.

    Trước hết, nói về nguyên nhân. Trên căn bản, ai cũng thấy có hai nguyên nhân.

    Thứ nhất, dân Việt trước khi qua Mỹ, chưa bao giờ được nếm mùi dân chủ, tự do thật sự, bất kể dưới đời thái thú, vua, quan toàn quyền, tổng thống, chủ tịch, tổng bí thư hay tướng lãnh nào. Những trò chơi dân chủ kiểu Mỹ như đánh nhau để dành phiếu bầu bán, đều hoàn toàn xa lạ. Dân tỵ nạn bây giờ có dịp bắt chước chơi trò này nhưng điều phiền toái là có thể vì tính hiếu thắng, muốn tranh thắng bằng mọi giá, nên thường sẵn sàng nói láo, tung tin phịa, ngụy tạo bằng chứng, ghép hình,… rồi gây lộn, thậm chí chửi tục, làm rối trí người dân bình thường trong cái hỏa mù đó.

    Thứ nhì, khó khăn ngôn ngữ là bức tường khổng lồ, gây trở ngại lớn cho dân tỵ nạn muốn hiểu rõ những chuyện gì đang xẩy ra chung quanh họ. Truyền thông tỵ nạn giúp họ không bao nhiêu mà có vẻ hại họ thì nhiều.

    Truyền thông của cộng đồng tỵ nạn Việt (dưới đây sẽ viết tắt là TTTN, truyền thông tỵ nạn) không khác TTDC Mỹ mấy, hoàn toàn bị chi phối bởi đồng tiền vì cũng vẫn chỉ là những cơ sở thương mại, do đó phải ‘cuốn theo chiều gió’ quần chúng để có khách đọc và khách quảng cáo. Đa số độc giả là những dân nghèo thiếu hiểu biết, lo sợ bị CH cắt trợ cấp và Trump kỳ thị đuổi về VN theo như vài cụ tỵ nạn hù dọa. TTTN thay vì giải tỏa những huyền thoại sai lầm giúp dân tỵ nạn thì lại chọn giải pháp dễ dãi là củng cố những huyền thoại đó, dễ phiên dịch phiến phiến khỏi phải nặn óc viết, dễ thu hút độc giả và thính giả, dễ thu quảng cáo, dễ kiếm tiền.

    Cộng đồng tỵ nạn Việt là một khối dân đầy mâu thuẫn. Quan điểm chính trị rất khuynh hữu, chống cộng tuyệt đối, kiên trì chống VC từ gần nửa thế kỷ nay không mệt mỏi, nhưng đồng thời lại hoan nghênh đảng DC là đảng đã biểu quyết cắt hết viện trợ để tặng miền Nam cho CSBV. Sẵn sàng coi New York Times hay Washington Post là hải đăng của truyền thông trong khi biết rõ ta mất nước phần lớn vì những báo này xuyên tạc cuộc chiến tự vệ của ta để ca tụng đám cán ngố dép râu. Sau 75, Carter là người đầu tiên liên lạc, nhìn nhận CSVN, Clinton là người đầu tiên mở quan hệ ngoại giao và đi Hà Nội, Obama là người đầu tiên thu hồi cấm vận quân sự. Tất cả đều là tổng thống DC, hết sức thân thiện với lãnh đạo CSVN.

    Trong khi đó, các tổng thống CH, từ Ford là người ban lệnh cấm vận, Reagan là người phục hồi lại quan điểm chiến tranh VN là một cuộc chiến có chính nghĩa, đến cha con ông Bush, rồi Trump, đều có vẻ lãnh đạm với đám ‘lãnh đạo đại tài’.

    TTTN còn có một vấn đề lớn hơn nữa là không có nguồn tin độc lập, nên hoàn toàn trông cậy vào TTDC, chỉ làm công tác dịch thuật các cơ quan ngôn luận Mỹ, hầu hết là thiên tả tung hô Hillary và Obama, chống CH và Trump.

    Hậu quả trực tiếp của vấn nạn trên là TTTN rập khuôn tin tức và quan điểm của TTDC Mỹ, đánh Trump chết bỏ. Trong khi lại không chú tâm đến ảnh hưởng thực tế và cụ thể của TT Trump trên nhu cầu chính trị, xã hội, kinh tế của dân tỵ nạn ta.

    Đánh Trump là chuyện rất dễ. Ông này đúng là ông thần, nói trước suy nghĩ sau, kinh nghiệm đấu võ với đám hổ cáo TTDC không bao nhiêu, nên rất dễ bị chúng đánh bẫy, khai thác và đập cho dập mình. Vấn đề là ta có đủ chiều xâu nhìn xuyên qua những cái hớ hênh mồm mép của TT Trump để thấy rõ các chính sách của ông hay không.

    Đảng DC và TTDC đánh Trump tuy quá đáng nhưng cũng có thể hiểu được phần nào vì tính phe đảng chính trị của họ. Nhưng tại sao cộng đồng tỵ nạn ta lại nhắm mắt chạy theo? Có nên cân nhắc chống cái gì bất lợi cho chúng ta và hoan nghênh cái gì có lợi không?

    Ta đừng nên quên có nhiều điều có lợi cho nước Mỹ nói chung hay cho đảng DC hay đảng CH nói riêng nhưng chưa chắc đã có lợi cho dân tỵ nạn chúng ta. Ngược lại có hại cho nước Mỹ hay đảng DC/CH cũng chưa chắc đã hại cộng đồng tỵ nạn ta. Điển hình rõ rệt nhất: có quan hệ tốt với CSVN là tốt cho Mỹ nhưng chẳng tốt chút nào cho cộng đồng tỵ nạn.
    Ta thử điểm qua một vài vấn đề chính.

    TTDC ra rả chỉ trích TT Trump là kỳ thị sắc tộc đối với dân gốc Nam Mỹ. Phe cấp tiến chủ trương mở rộng cửa đón nhận di dân Nam Mỹ, kể cả di dân LẬU, vì lý do chính trị (cần phiếu), lý do kinh tế (cần nhân công rẻ), và lý do ý thức hệ (thế giới đại đồng), nên chống lại sắc lệnh của Trump. Họ khám phá ra cách chống hữu hiệu nhất là dán cãi nhãn hiệu kỳ thị lên trán ông Trump.

    Đó là nhìn dưới khiá cạnh Mỹ. Dân tỵ nạn ta thì sao? Quyền lợi chúng ta ở đâu?
    Phải nói ngay, ta cũng là loại dân ‘da màu’, không có lý do gì chạy theo mấy anh da trắng để kỳ thị dân da đen hay da nâu. Nói chung, ta cũng là dân tỵ nạn, sao lại hô hào chống di dân hay dân tỵ nạn? Một vài anh hỏi vặn kẻ này “bám theo Trump chống dân Mễ, da đã trắng ra chưa?”. Một câu hỏi chỉ nói lên cái ngu của người hỏi.

    Dân gốc Nam Mỹ phần lớn là khối dân cạnh tranh với dân ta, cạnh tranh về công ăn việc làm loại lương thấp, cạnh tranh về tiền trợ cấp xã hội, cạnh tranh về tiền housing, tiền thất nghiệp, tiền Medicaid, phiếu thực phẩm,...

    Một đồng đám này có là một đồng ta mất. Trừ phi Nhà Nước đánh thuế thêm cả nước để bù đắp, là điều không ai làm. Như vậy lý do gì ta lại phải hoan nghênh chuyện mở cửa biên giới đón nhận dân Nam Mỹ vào ào ào? Trước khi ta lo cho bà Nam Mỹ di dân lậu đang ôm bầu có được MediCal, có nên lo cho ông bà cụ nhà được săn sóc kỹ hơn không? Nhân đạo có nên bắt đầu từ ngay trong nhà mình không? Tài tử xi-nê Mỹ hoan nghênh di dân đến cắt cỏ, lái xe, làm bếp, ta có lợi gì mà cũng bắt chước hoan nghênh theo?

    Vấn đề chính của chúng ta là ông Trump có kỳ thị dân da vàng nói chung hay dân Việt nói riêng không? Vị nào có bằng chứng TT Trump kỳ thị dân tỵ nạn ta, xin phổ biến cho mọi người biết. Trái lại, chính quyền Trump mới chính thức kiện Đại Học Harvard về tội kỳ thị dân Á Châu trong việc nhận sinh viên. Ta hiểu đây là chuyện liên quan đến sinh viên Tàu, nhưng dù sao, sinh viên gốc Việt cũng bị họa lây. Chúng ta có nên hoan nghênh Harvard chặn họa Tầu khi con cháu ta bị họa lây, không được nhận vào Harvard không?

    Bây giờ, ta nhìn lại vấn đề lớn nhất: giảm thuế. Dĩ nhiên phe cấp tiến chửi rủa tối đa nhưng vẫn vui vẻ lấy tiền bỏ túi, chuyện dễ hiểu. Cái mà kẻ này không hiểu được là thái độ hết sức mâu thuẫn của nhiều cụ tỵ nạn:

    - TT Obama không cắt một xu thuế nào trong 8 năm, họ hoan nghênh. TT Trump giảm thuế họ chửi, kể cả những người trước sau chẳng phải đóng xu thuế nào cũng hùa vào chửi theo. Tại sao?

    - Họ sợ Trump giảm thuế, Nhà Nước sẽ bớt tiền trợ cấp của họ? Đã có ai bị cắt trợ cấp gì chưa. Bộ Trump muốn cắt trợ cấp chỉ cần ký sắc lệnh cắt sao? Họ có khi nào nghĩ đến những dân trung lưu cong lưng đi làm đóng thuế cho họ nằm nhà ăn trợ cấp dài dài không?

    - Họ la hoảng công nợ sẽ tăng. Thế khi Obama không giảm một xu thuế nào mà lại tăng công nợ gấp đôi, từ 10.000 tỷ lên đến 20.000 tỷ, họ có lên tiếng không vậy?

    - Những người phải đóng thuế, họ được bớt vài ngàn, cũng vẫn chửi vì... phân bì với ông Bill Gates được giảm thuế tới cả triệu. Xin lỗi, đi làm lao động cả đời chưa nhìn thấy một triệu mà cũng muốn được giảm thuế bạc triệu sao?

    - Cái lý tưởng của họ là 1% dân giàu nhất đóng thuế nuôi 99% dân còn lại, mà không nghĩ cái 1% đó không thể thọ để rồi khi chúng bị moi hết tiền rồi thì lấy ai nuôi cái 99%?

    TT Trump dâm dục, ăn nói thô tục, không có tư cách tổng thống? Đây là lập luận nhiều cụ tỵ nạn ‘thấm nhuần Nho giáo, lễ nghĩa cụ Khổng’ cảm thấy bực mình. Xin thưa với các cụ, chúng ta tìm tổng thống Mỹ chứ không kiếm cụ đồ Nho về giảng luân lý giáo khoa thư lớp vỡ lòng. Nói chuyện làm dơ bẩn Tòa Bạch Ốc, xin các cụ hỏi lại các TT Kennedy, Johnson và Clinton trước.

    Xin quý cụ tha lỗi cho, chứ với kẻ này, tất cả chỉ là chuyện tào lao. Tôi kỳ vọng ông tổng thống tạo việc làm cho tôi, giảm thuế cho tôi, giúp tôi có đời sống kinh tế khấm khá hơn, bảo đảm an toàn cho gia đình tôi chống khủng bố, còn ông tổng thống có hôi nách hay gái gú lung tung, ai cần biết? Ông Tổng thống mở miệng là f... và sh..., xin lỗi, who cares?

    VN ta đã từng có ông phó tổng thống, đồ nho đạo mạo, đã làm thơ “ngồi buồn gãi háng...” gì đó, có sao đâu?

    Nhìn vào TT Obama, khác xa TT Trump, có vẻ có tư cách hơn? Nhưng rồi ông Obama để cả triệu người thất nghiệp năm này qua năm khác, kỷ lục dân ăn trợ cấp, nhận phiếu thực phẩm, è cổ đóng thuế nuôi cả chục triệu di dân lậu,... Một lần nữa, xin lỗi quý vị, tiêu chuẩn chọn tổng thống của tôi không giống tiêu chuẩn của TTDC. Giữa lịch sự, chải chuốt, mồm mép, để rồi mang cả nước vào nô lệ trợ cấp, và có sao nói vậy nói hớ lung tung, nhưng cho tôi công ăn việc làm, tôi chọn giải pháp sau.

    Rồi nhìn ra ngoài nước Mỹ, ta thấy TC múa gậy vườn hoang, bán cả triệu tấn thực phẩm đầy hóa chất, và cả tỷ đồ dởm cho chúng ta. Ngoài Biển Đông thì tha hồ cắm dùi tìm dầu, coi cả Biển Đông là vườn sau nhà. TT Obama cho vài cái hàng không mẫu hạm ghé Cam Ranh. Hết chuyện. Đáng hoan nghênh không?

    Câu chuyện chống TT Trump ồn ào nhất hiện nay trên TTDC và trên TTTN là chuyện ‘có bằng chứng Nga can thiệp nên Trump mới thắng’, đưa đến tình trạng tổng thống của Mỹ chỉ là con rối của Putin.

    Trước hết, ta coi lại việc công tố Mueller truy tố thêm GRU Nga thâm nhập vào hệ thống emails của đảng DC. Theo ‘phe ta’ đây là bằng chứng quá rõ ràng Nga đã thâm nhập, giúp cho ông Trump hạ được bà Hillary.

    Trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua, bà Hillary có kinh nghiệm hoạt động chính trị cả nửa thế kỷ, có kinh nghiệm vận động tranh cử tổng thống ba lần, hai lần cho ông chồng và một lần cho chính mình, có hậu thuẫn của toàn thể guồng máy chính quyền Obama kể cả FBI, CIA,...

    Bà cũng được sự hậu thuẫn của tất cả nghị sĩ, dân biểu DC tại Thượng Viện và Hạ Viện, chưa kể cả lô ông bà CH công khai nhẩy qua hậu thuẫn, hay nhẩy ra ngoài cuộc chiến như cả họ nhà Bush. Bà còn có toàn thể dàn máy đảng DC, với cả trăm ngàn tình nguyện viên làm việc tại cả ngàn văn phòng trên khắp 50 tiểu bang. Bà được 90% TV và báo Mỹ hậu thuẫn. Bà cũng chi gần một tỷ đô cho cuộc vận động. New York Times cổ võ, tiên đoán bà có 98% hy vọng thắng.

    Vậy mà theo Washington Post, bà thua vì Nga giúp. Nghĩa là chỉ cần Putin búng tay, gửi hai tá nhân viên tép riu vô danh qua, lén chui vào các emails lấy tin tức xì ra, bỏ ra 100.000 đô mua quảng cáo trên Facebook, là giấc mộng của bà tiêu tan thành mây khói. Thế thì câu hỏi thật sự là toàn thể sự nghiệp cũng như chương trình kinh bang tế thế, trị quốc bình thiên hạ của bà Hillary hoá ra chỉ là loại kế hoạch của dã tràng vẽ trên cát? Như vậy thua có gì lạ? Oan chỗ nào?

    Câu chuyện nổi đình nổi đám hơn nữa là cuộc họp báo của TT Trump với TT Putin. Có lẽ trong lịch sử nhân loại, chưa khi nào có cuộc báo nào kinh hồn như vậy. Theo như tin tức đọc được qua TTDC và dịch lại bởi TTTN, ta thấy một tổng thống của Đại Cường Cờ Hoa hình như đã quỳ mọp xuống đất bái lạy tên độc tài khát máu tàn bạo nhất nhân loại. Tội này không đàn hặc, truất phế rồi cho đi đập đá mãn đời thì thế giới này không còn gì là công lý nữa.

    Theo TTDC, việc làm đúng nhất của TT Trump khi gặp Putin là phải lập tức còng tay đưa cho mật vụ lôi cổ về Mỹ, nhốt tại Guantanamo mãn đời nếu ông Trump là người lịch sự. Nếu thiếu tế nhị hơn thì ông Trump đã phải đấm đá Putin cho đến chết gục tại chỗ. Do đó, việc ông Trump chỉ đứng bên cạnh, bắt tay thì quả là hành động đầu hàng hèn nhát, phản phúc nhất.
    Diễn giải nôm na ra, TTDC và cả đảng DC, cộng thêm cả lô #NeverTrump cực kỳ bất mãn TT Trump đã không khai chiến, mang B-52 đi đánh Nga. Mọi hành động dưới mức này đều không thể chấp nhận được.

    Trong cuộc tranh cử Obama-Romney, ông Romney tuyên bố kẻ thù lớn nhất của Mỹ là Nga. TT Obama miệt thị “ông ơi, chiến tranh lạnh chấm dứt hơn hai chục năm rồi”. TTDC xúm lại chế nhạo Romney. Bây giờ, cũng cái đám TTDC đó đang bị sốc sao Trump dám bắt tay với Putin.

    Cả nước cho rằng Nga can thiệp trắng trợn –dù chưa ai thấy bằng chứng nào- khiến cho nước Mỹ mất cơ hội được lãnh đạo bởi người phụ nữ vĩ nhân lớn nhất của nhân loại kể từ ngày Từ Hy Thái Hậu băng hà. Cái tội này của Putin làm sao tha thứ được?

    Đó cũng lại là nhìn vấn đề dưới con mắt Mỹ. Còn dưới khiá cạnh dân tỵ nạn, chúng ta muốn gì?

    Cả nước đang nổi loạn, rầm rộ chống tân đế quốc TC với mộng bành trướng khắp thế giới. Đối tượng trước mắt của Hoàng Đế nhà Tập là VN, khi ông ta muốn nhét mấy con chuột cống ‘đặc khu’ vào gặm nhấm. Ưu tiên số một của chúng ta là làm tất cả những gì có thể để tiếp tay với dân trong nước ngăn chặn mưu đồ này.

    Mà cụ thể nhất cũng như thực tế nhất là mong sao hay vận động sao cho Mỹ, hay chính xác hơn, TT Trump giúp một tay, chặn nguy cơ chệt hóa tổ quốc của chúng ta, đánh TC bằng mọi cách mọi giá.

    Nhưng Mỹ đang lưỡng đầu thọ địch: Nga và TC. Khó có thể đánh cả hai, mà chỉ có thể chọn một. Và dường như TT Trump đã chọn hòa Nga đánh TC.

    Chúng ta không cần biết quyền lợi của Mỹ ở đâu, nên hòa Nga đánh TC, hay nên hòa TC đánh Nga. Thây kệ, đó là chuyện của Mỹ. Chuyện của ta là nước VN, cho dù ta đang là công dân Mỹ sống trên đất Mỹ. Bất cứ chuyện gì giúp nước VN ta khỏi bị Hán hoá, chúng ta phải cổ võ, đúng không?

    Như vậy thì có phải là nếu TT Trump bắt tay hòa hoãn với Nga để rảnh tay đánh TC thì chúng ta nên tạm gác qua mọi chuyện yêu ghét tư cách cá nhân ông Trump để kêu gọi ông thân thiện với Nga hơn để có thể mạnh tay với TC hơn không?

    Những chuyện như Trump trả tiền gái điếm, cãi nhau với NATO, hồ đồ ăn nói thô tục,... có phải tất cả những chuyện đó đã thành những chuyện ruồi bu mà ta nên dẹp qua một bên để cầu mong cho Trump chặn họng Tập không?

    Hay là... mặc kệ, ta cứ nhắm mắt chống Trump tiếp tục, bằng mọi giá vì đã lỡ ghét rồi? Chuyện VN là chuyện của VC và TC, kệ tụi nó đấm đá nhau, mắc gì mình phải lo?

    Facebook - Vũ Linh góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com




  9. #9
    Nhà Ngói
    Join Date
    Apr 2014
    Posts
    135
    NHỮNG KHÓ KHĂN, CŨ VÀ MỚI

    Thời gian như... ngựa chạy qua cửa sổ, như các cụ ta thường nói, thoáng một cái đã biến mất rồi. Mới đây mà TT Trump đã đắc cử gần 20 tháng rồi, trong khi cuộc bầu cử quốc hội giữa mùa chỉ còn 4 tháng nữa.

    Cuộc bầu này trên căn bản hết sức quan trọng cho cả TT Trump lẫn đảng DC. Chẳng những sẽ có ảnh hưởng quan trọng trên các chính sách của ông Trump, mà còn có thể quyết định việc ông có bị đàn hặc hay truất phế luôn hay không. Quan trọng hơn nữa, nó sẽ quyết định tương lai lâu dài của cả đảng Dân Chủ.

    Xin những vị chống Trump đến ‘hơi thở cuối cùng’ cứ tiếp tục thở và chống, vì như dân gian thường nói, ‘coi dzậy mà hổng dzễ đâu nha!’.

    Nếu như quý độc giả là người sống bên Na Uy chẳng hạn, suốt ngày ngồi trong nhà nhìn tuyết rơi quanh năm ngày tháng, bây giờ có dịp du lịch Mỹ, đọc New York Times hay mở TV coi CNN, hay đọc bài báo của vài cụ tỵ nạn ở Bolsa, thì quý vị đang nghĩ qua đầu năm tới, Mỹ sẽ có tổng thống mới, sau khi đảng DC đại thắng vào cuộc bầu cử cuối năm nay, các tân dân biểu và nghị sĩ nhậm chức đầu tháng Giêng thì qua giữa tháng Giêng sẽ đàn hặc và cuối tháng Giêng sẽ truất phế TT Trump. Nếu quý vị tin có ‘ông già Nô-En’ thì chuyện này sẽ thành sự thật.

    Thực tế là bức tranh tổng quát của nước Mỹ hiện nay không đơn giản như vậy. TTDC ồn ào đánh TT Trump đến tối tăm mặt mũi, khiến nhiều người thấy ông này khó thoát đại nạn, nhưng sự thực là khối cấp tiến, TTDC và đảng DC cũng đang gặp nhiều khó khăn lớn. Họ càng nguy kịch càng phải đánh Trump mạnh.
    Ta thử coi lại bức tranh vân cẩu đó.

    KHÓ KHĂN CỦA TT TRUMP
    Bình thường thì đảng đối lập luôn gây khó khăn lớn nhất cho đảng nắm quyền, trong khi truyền thông giữ vai trò thông tin không phe đảng, hay có phe đảng thì cũng không quá đáng. Nhưng đối vói TT Trump thì ta thấy một tình trạng khác lạ.

    Đảng DC dĩ nhiên chống như cuồng. Nhưng cái bất bình thường mà nhiều người không hiểu nổi, là sự chống đối đến mức cực kỳ vô lý của TTDC. Chống đến độ có thể nói nếu ISIS ám sát giết được TT Trump, thì TTDC sẽ tuyên dương ISIS là anh hùng cứu tinh dân tộc Mỹ ngay.

    Nhìn vào cuộc biểu tình của cả trăm ngàn người chống chính sách di dân của TT Trump tuần rồi thì ta hiểu được phần nào chính trị Mỹ. Người dân Mỹ, tuyệt đại đa số là dân lương thiện, tốt bụng, nhân ái, khoan dung.

    Dân Việt đến Mỹ tỵ nạn năm 75 đã được hàng ngàn gia đình Mỹ mở cửa đón vào sống với gia đình họ, mặc dù hai bên ngôn ngữ khác biệt, lối sống khác biệt, đồ ăn thức uống khác biệt, chẳng quen biết gì nhau. Đại đa số dân Mỹ tìm đủ cách giúp chúng ta, như bảo trợ, cho đồ đạc, quần áo, thực phẩm, dạy tiếng Anh, giúp tìm việc làm, chở đi nhà thờ.

    Trong tinh thần nhân ái đó, dân Mỹ không thể hiểu cũng như không thể chấp nhận chính sách di dân ‘có vẻ’ tàn nhẫn của TT Trump, nên đổ xô biểu tình chống.

    Vấn đề đáng nêu ra là trong những người biểu tình đó, bao nhiêu hiểu được thấu đáo vấn đề? Rất ít! Chỉ vì đại đa số đã bị đầu độc bởi những lập luận tuyên truyền, xách động thiếu lương thiện nhất của TTDC.

    Ví dụ cụ thể của cái thiếu lương thiện lộ liễu là TTDC luôn luôn chơi trò mập mờ đánh lận con đen. Tất cả những biện pháp của TT Trump đều nhắm vào đám di dân lậu, nhưng TTDC đăng tin thì không bao giờ có chữ ‘lậu’ đó. Hay các biện pháp chống khủng bố thì được hóa phép thành chống Hồi giáo. Tất nhiên tạo cảm tưởng đúng như TTDC mong mỏi là TT Trump chống di dân nói chung, tức là kỳ thị. Hết kỳ thị dân Mễ, đến kỳ thị dân Hồi giáo.

    Ngày lễ Độc Lập vừa qua, hơn 14.000 di dân tứ xứ tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ. TT Trump gửi thư hoan nghênh họ. Ít người biết vì TTDC nín thinh. TTDC nín thinh thì TTTN (truyền thông thông ngôn) cũng im re.

    Khi TT Obama cách ly gia đình di dân lậu –theo như lời thú nhận của cựu bộ trưởng An Ninh Jeh Johnson- cũng không ai biết vì chính quyền ém nhẹm và TTDC tiếp tay dấu kín dùm khiến TTTN không có bài để dịch.

    Chính vì cái gian trá, thông tin một chiều của TTDC, mà dân Mỹ gần như bị thôi miên hết, một phần cũng vì họ quá lương thiện, dễ tin những gì TTDC viết. Nói chung TTDC hiện nay đã hoàn toàn bị chi phối bởi ý muốn chống Trump đến cùng, bằng mọi giá, mọi cách.

    Thế nhưng dân Mỹ không bị lừa mãi mãi. Theo thăm dò mới nhất của Axios, 72% dân Mỹ cho rằng TTDC cố tình loan tin giả hay loan tin mập mờ để tạo hiểu lầm. Hy vọng dân Mỹ bắt đầu… qua cơn mê!

    Ngoài ra, TT Trump cũng phải chống đỡ phá hoại của nhóm Nhà Nước Ngầm luôn xì tin hậu trường bất lợi để TTDC khai thác đánh TT Trump. Lý do dễ hiểu là vì TT Trump chủ trương một guồng máy thư lại càng nhỏ càng tốt, càng ít công chức lão làng cả ngày ngồi xiả răng càng tốt. Chẳng những nhỏ mà lại còn phải sạch, ít sâu bọ ruồi nhặng nữa. Nghĩa là nồi cơm của đa số công chức bị đe dọa. Tất nhiên họ phải chống để tự bảo vệ mình.

    TTDC và Nhà Nước Ngầm, đó chính là hai ‘lực lượng’ sẽ gây hại rất nhiều cho đảng CH và TT Trump trong cuộc bầu cử tới. Không phải ngoại thù như Nga hay Trung Cộng hay ISIS gì hết. Cũng chẳng phải là công tố Mueller luôn.

    KHÓ KHĂN CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ
    Đảng DC như đã bàn nhiều lần trên Diễn Đàn này, đã gặp hai đại khủng hoảng: không có nhân sự và không có chính sách gì hay ho để tặng dân Mỹ.

    Về nhân sự, những thăm dò mới nhất cho thấy hai người được hậu thuẫn mạnh nhất vẫn là hai cụ khủng long Hillary Clinton và Joe Biden. Bên cạnh là đám khủng long hạng nhì khác như Nancy Pelosi, Chuck Schumer, Elizabeth Warren, Bernie Sanders,... không có cụ nào dưới tuổi cổ lai hy hết.

    Chẳng những già nua, mà lại còn cạn ý, không có được một chính sách gì có thể hấp dẫn dân Mỹ, nên chỉ loay hoay trong việc sỉ vả, bôi bác cá nhân TT Trump qua những chuyện vớ vẩn nghe quá nhàm tai như nói láo, bốc đồng, dâm đảng, thiếu tư cách, bất nhất,... chứ cũng chẳng đụng gì đến chính sách nào. Hay chính xác hơn, đụng vào chính sách thì phải bóp méo, xuyên tạc để chỉ trích.

    Thật ra, DC cũng có vài ‘sáng kiến’ mà đúng ra phải gọi là ...’tối kiến’. Từ chuyện lớn như tăng thuế lại, hủy bỏ hết thuế quan cho cả thế giới, mở toang cửa biên giới, giải tán cơ quan kiểm soát di dân ICE, chi tiền cho cả thế giới,... Nghe sặc mùi thế giới đại đồng vô sản!

    Đến chuyện nhỏ như nhà cầu chung, nam nữ bất phân biệt kiểu như râu ria mặc váy đầm, trẻ con mẫu giáo học về sex, ... Tối kiến vì tất cả đều là những đề tài kiểu dọn cỗ cho Trump xơi, những chủ trương cực đoan không được lòng dân.

    Những chuyện này thật ra cũ rích đã bàn quá nhiều. Vấn đề mới mà DC đang gặp phải hình như quan trọng hơn tuy TTDC không dám đả động đến, đó là thái độ của dân da màu với TT Trump, và sự chia rẽ trầm trọng trong nội bộ đảng DC. Ta bàn qua cho biết.

    Trước hết là quan điểm của khối dân da màu với TT Trump. Bình thường thì đây là khối cử tri trung kiên nhất của DC. Nhưng đó là tình trạng trước khi ông Trump đắc cử. Sau khi ông đắc cử, tình hình đã thay đổi nhiều.

    Những thống kê mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh phần lớn nhờ giảm thuế lợi nhuận công ty khiến các công ty hăng hái đầu tư phát triển nhiều hơn, tạo công ăn việc làm cho dân lao động.

    Nhìn cho kỹ, ai là dân lao động? Đó không phải là ‘các ông già da trắng’, mà tuyệt đại đa số là dân da màu, tức là dân da đen và dân da nâu gốc La-Tinh. Tất cả những thống kê đều cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong hai khối dân này đã xuống đến những mức thấp nhất lịch sử Mỹ: 5,9% cho dân da đen và 4,6% cho dân gốc La-Tinh. Đây là yếu tố sinh tử của hai khối dân này.

    Tất cả những chuyện về Trump kỳ thị, chống di dân, hay ngay cả chuyện cô Stormy,… chỉ là những chuyện màu mè của TTDC dùng để tấn công TT Trump trong khi trên thực tế, khối dân lao động chỉ lo cho cái nồi cơm của họ thôi, không rảnh đọc báo theo dõi tin chính trị.

    Thực tế, TTDC chỉ là phương tiện thông tin của giới trí thức trưởng giả thôi, còn dân lao động, chẳng ai đọc NYT hay WaPo. Đầu tắp mặt tối đi làm có khi hai ca, buổi tối hay cuối tuần có rảnh thì vui thú gia đình hay mở TV coi football, baseball, kịch diễu dở, không ai rảnh ngồi nghe các bình loạn gia nói lảm nhảm trên các đài CNN hay MSNBC hay ngay cả Fox.

    Ưu tư của họ là tiền mang về cho gia đình, và những biện pháp của TT Trump đã là nguyên nhân khiến đời sống thực tế của họ khấm khá hơn nhiều.

    Từ ngày TT Trump nhậm chức, số người lãnh phiếu thực phẩm –foodstamps- đã giảm hơn hai triệu, trong khi mức lương của dân lao động cũng đã tăng trung bình 2,7%, cao nhất từ hơn một chục năm qua.

    Nếu đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định lá phiếu của họ thì DC sẽ gặp khó khăn lớn trong cuộc bầu tới.

    Cho đến nay, kẻ này chưa thấy thống kê nào về khối dân da đen, nhưng những thăm dò của đại học Harvard trong khối dân gốc La-Tinh đã khiến DC toát mồ hôi: tỷ lệ hậu thuẫn TT Trump đã tăng vọt 10 điểm chỉ trong một tháng vừa rồi, ngay khi vụ cách ly di dân đang được TTDC quậy tung trời.

    Nôm na ra, dân chúng nói chung khôn ngoan hơn TTDC nghĩ, họ nhìn thấy rất rõ đâu là hỏa mù chống đối, đâu là quyền lợi thực sự của họ.

    Mất hậu thuẫn, dù chỉ là một phần nhỏ, của khối dân da màu cũng sẽ tạo khó khăn cho DC khi mà họ đang mất phiếu da trắng ào ào.

    Vấn đề lớn thứ hai mà DC phải trực diện là chia rẽ nội bộ, với sự nổi lên của cánh cực tả.
    Cánh cực tả này nổi lên chống bà Hillary ngay từ những ngày đầu bà ra tranh cử năm 2015, cầm đầu bởi cụ xã nghĩa Bernie Sanders, phiá sau là giới trẻ đầy nhiệt huyết.

    Nguyên nhân không phải là việc giới trẻ này bất ngờ khám phá ra chân lý Mác-xít, mà chỉ vì họ chán ngán cái tham nhũng tột đỉnh của giới lãnh đạo đảng DC, cầm đầu là hai vợ chồng ông bà Clinton, lãnh cả chục triệu đô từ tài phiệt Walll Street cho những bài diễn văn vô thưởng vô phạt vớ vẩn, rồi kiếm ‘vốn chính trị’ bạc tỷ qua Quỹ Clinton Foundation.

    Mà chẳng phải ông bà Clinton không. Bà Pelosi, bà Feinstein, ông Schumer, ông Kerry,... sau vài năm làm chính trị lãnh lương một hai trăm ngàn, là thành đại triệu phú hết. TT Obama về hưu chưa bao lâu đã được Wall Street mời đi đọc diễn văn trả ngay 400.000 đô một bài. Để quý vị có một khái niệm rõ rệt, 400.000 đô là lương nguyên năm của tổng thống đấy (TT Trump tặng hết cho từ thiện). Clinton hay Obama, có gì khác?

    Chống tham nhũng chính là chủ đề tranh cử của cụ Sanders khi ông liên tục tố cáo bà Hillary đã giả dối, miệng chửi tài phiệt, tay thu tiền của chúng. Thu hút được hậu thuẫn mạnh của giới trẻ.

    Giới trẻ Mỹ cũng ngây ngô tin bánh vẽ xã hội chủ nghĩa. Theo một nghiên cứu của một trung tâm cấp tiến, 40% thanh niên Mỹ ủng hộ chế độ xã hội chủ nghiã, và 7% ủng hộ chế độ cộng sản luôn, chỉ có 42% ủng hộ chế độ tư bản, tự do dân chủ. Cái ngu của giới trẻ Mỹ là vẫn tin chỉ cần đánh thuế tối đa vào khối 1% giàu nhất là dư tiền cho 99% còn lại được hưởng tất cả mọi thứ miễn phí.

    Những yếu tố trên đã đẩy mạnh khuynh hướng cực tả trong đảng DC, đưa đến chiến thắng bất ngờ của cô Alexandria Ocasio-Cortez.

    Cô ‘tổ chức cộng đồng’ này chẳng những hoàn toàn vô danh chẳng ai biết, mà khi biết thì lại khám phá ra đây là một chị Mác-xít thứ thiệt, với những chủ trương chỉ có thể khiến Các-Mác muốn chui ra khỏi quan tài để chia vui.

    Khối thiên tả cực đoan Dân Chủ Xã Hội Mỹ -Democratic Socialist of America- trong đảng DC phủ phục hoan nghênh cô Cortez, ca tụng “Communism is good!” và hy vọng cô Cortez sẽ mang lại chiến thắng cho ‘communism’ tại Mỹ.
    Cô Cortez đã trở thành người đang được TTDC tung lên 9 tầng mây, không khác gì 2004 khi TTDC tung hô Đấng Tiên Tri Obama vừa giáng thế.

    Mà cái tin động trời nhất là không phải cô này đã hạ một chính khách tép riu vô danh nào, mà lại hạ ông Joe Crowley, là nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ nhì của khối DC trong Hạ Viện, được mọi người nghĩ sẽ hạ bà Pelosi để làm chủ tịch Hạ Viện nếu DC chiếm được đa số tại Hạ Viện trong kỳ bầu cử cuối năm nay.

    Câu đố dành cho quý vị: cô Cortez thu được bao nhiêu phiếu?
    Xin thưa chỉ tổng cộng 16.000 phiếu, ông Crowley được 11.000 phiếu, trong một địa hạt với hơn 400.000 dân gốc La-Tinh.
    Không có gì kinh hồn cả. Hiển nhiên, TTDC đang cố nặn thần tượng mới. Con muỗi đang được thổi lên thành con voi.

    Chưa ai biết được khối cực đoan phò Mác-xít chủ trương cộng sản hóa nước Mỹ của cô Cortez này sẽ mạnh tới đâu, cũng như chẳng ai rõ cấp lãnh đạo DC đang có sách lược nào để đối phó với sự nổi loạn đó. Hay DC sẽ chạy theo cô ta không chừng?

    “Cô Cortez chính là tương lai của đảng DC!”.

    Quý cụ bênh DC bình tĩnh, đây không phải là Vũ Linh hồ đồ viết bậy đâu, mà là câu tuyên bố chính thức của chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, Tom Perez đấy.
    Đảng DC sẽ trở thành đảng Mác-xít? Ông Ari Fleicher, cựu phát ngôn viên của TT Bush nói câu tuyên bố của ông Perez là món quà lớn nhất DC có thể tặng cho CH trước cuộc bầu cử.

    Cụ tỵ nạn nào vẫn sống chết với đảng Mác-xít DC xin bước ra xưng danh đi! Diễn Đàn này giúp phổ biến tên tuổi của vị đó ngay. Miễn phí! Bảo đảm sẽ được huy chương Khúc Ruột Yêu Nước, Đệ Nhất Đẳng.

    Rất đáng tiếc là kẻ này đang sống ở Mỹ, nếu không thì đã thắp nhang cầu cho cô Cortez sớm làm tổng thống Mỹ, cho dân Mỹ biết mùi xã nghĩa. Dân Mỹ, nhất là giới trẻ, “chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ” (trong khi vài cụ tỵ nạn đã thấy quan tài rồi, đổ lệ rồi, những vẫn... mơ mơ màng màng ca tụng cô Cortez và khối Dân Chủ Xã Hội!).

    Thật ra, ngay từ sau khi bà Hillary thất bại, DC đã ngả qua hướng tả khi bầu hai ông thiên tả nặng là Tom Perez (gốc Mễ) và Keith Ellison (Hồi giáo da đen) làm chủ tịch và phó chủ tịch Ủy Ban Quốc gia của đảng, nhưng hiển nhiên, đối với cử tri, chưa đủ, và đảng cần phải đi xa hơn nữa với những người như cô Cortez.

    Vấn đề là với những thành phần cực đoan như cô Cortez, DC làm sao có thể lấy phiếu của khối độc lập không đảng phái hay ngay cả khối DC ôn hòa? Cô Cortez, giỏi lắm chỉ có thể đắc cử tại New York hay San Francisco thôi, còn không chút hy vọng ở bất cứ nơi nào khác (cô Cortez chắc chắn sẽ đắc cử trong cái địa hạt đã bỏ phiếu cho DC chắc từ ngày ông Washington còn sống!)

    Chưa ai biết cuộc bầu cử cuối năm nay sẽ có kết quả nào, nhưng bức hình chung là sự phân hoá ngày càng mạnh trong chính trường Mỹ.

    Phe CH thì ngày càng đi về phiá hữu, trong khi phe DC thì càng ngày càng chạy qua phiá tả. Trong nội bộ CH có phe Trump và phe #NeverTrump, trong nội bộ DC có phe trẻ cực tả và phe bô lão thiên tả nhưng tương đối ’ôn hòa’, ít quá khích hơn. Đây là vấn đề lớn của đảng DC: nếu cánh bà Pelosi và cụ Schumer mà được gọi là ‘ôn hoà’ thì đảng DC có triển vọng mất hậu thuẫn của khối độc lập ôn hòa thật.

    Một vấn đề cũ mà lại thành mới, then chốt đối với cả hai đảng: di dân. Ai cũng thấy cả trăm ngàn người đi biểu tình chống chính sách di dân của TT Trump tuần qua. Nhưng ít ai tin đây sẽ là yếu tố khiến đảng CH lâm nạn. Sự thật là không ai biết rõ vấn đề di dân sẽ được chuyển qua lá phiếu như thế nào. Phe đối lập cực kỳ ồn ào, không có nghĩa là họ có hậu thuẫn mạnh. Những năm 67-68, phong trào ‘phản chiến’ lên đến mức hung hăng nhất tại Mỹ, để rồi cuối năm 68, đa số dân Mỹ lẳng lặng bầu cho ông diều hâu Nixon.

    Tất cả các thăm dò cho thấy nói chung, đa số chống việc cách ly gia đình, nhưng lại ủng hộ chính sách di dân cứng rắn của TT Trump. Thăm dò mới nhất của Rasmussen, gần một nửa dân Mỹ (48%) cho rằng chính quyền Trump chưa làm đủ trách nhiệm bảo vệ biên giới. Nghiã là họ nghĩ TT Trump cần làm mạnh hơn nữa!

    Quan trọng hơn là thăm dò mới nhất của Washington Post. Tại những đơn vị bầu cử then chốt, đa số dân tin TT Trump hơn là tin DC trong hai vấn đề: bảo vệ biên giới (T 42% - DC 25%) và bảo đảm di dân không gây hại cho công ăn việc làm của dân Mỹ (T 37% - DC 21%).

    Cuộc bầu cử giữa mùa cuối năm nay sẽ hết sức quan trọng. CH thua, mất Hạ Viện, TT Trump sẽ bị trói tay, không thực hiện được chương trình nào nữa. DC thua thì sẽ là đại nạn bắt buộc đảng phải tìm nhân sự mới, sách lược mới, chuyển hướng chính trị mạnh để sống sót.

    Trich từ Facebook, Vũ Linh (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)

  10. #10
    Nhà Ngói
    Join Date
    Apr 2014
    Posts
    135

    THẨM PHÁN TCPV KAVANAUGH (SATURDAY, JULY 14, 2018)


    Tiếp theo cả chục ngày nín thở chờ tin, tối Thứ Hai vừa qua, TT Trump đã thông báo cho cả nước biết ông đã chọn thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện thay thế thẩm phán Anthony Kennedy về hưu.

    Chuyện này quan trọng hay không, quan trọng đến mức nào, có hậu quả ra sao liên quan đến đời sống chúng ta, người dân bình thường? Đó là những chuyện cả triệu người đang thắc mắc.

    Trước hết ta nói về tiến trình bổ nhiệm.

    Đây quả thực là một tuyệt chiêu về nghệ thuật quảng cáo hàng của đại doanh gia Trump. Chưa bao giờ trong lịch sử bổ nhiệm hơn 100 thẩm phán TCPV lại có một vị được bổ nhiệm một cách rình ràng và thu hút được sự chú ý của cả nước như lần này.

    Tổng thống hẹn chắc việc tuyển lựa quan tòa từ cả chục ngày trước, khiến cho báo chí chạy tin trên trang nhất, đoán mò cả chục ngày liền, mà lạ lùng thay, tên của người được tuyển đã không bị xì ra!
    Rồi đúng 9 giờ tối Thứ Hai, gần như tất cả các đài truyền hình trực tiếp thu hình cuộc họp báo của TT Trump thông báo quyết định của ông, và cả chục triệu người bị hút hồn, chỏ mõ ngồi chờ và coi.

    Chú tâm của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất trong nghệ thuật tiếp thị chứ quảng cáo món hàng đó tốt mà chẳng ai để ý thì chỉ là công cốc.


    TT Trump cũng đã đoán trước bất cứ ông bổ nhiệm ai cũng sẽ bị phe cấp tiến chống đối, nên muốn hô hào quần chúng đến xem cuộc chiến ngay từ đầu, cho thật đông, để họ có thể nghe ông và nghe ông Kavanaugh, và phán xét một cách chính xác, thay vì không biết gì, chỉ ngồi nhà đọc báo và nghe TTDC xuyên tạc.

    Ta thử coi lại món hàng ông Trump đang rao bán.

    Trong thể chế chính trị Mỹ, với việc tam quyền phân lập, có ba hệ thống riêng biệt là hành pháp, tức là tổng thống và nội các, lập pháp tức là hai viện quốc hội, và tư pháp tức là hệ thống tòa án, đứng đầu là Tối Cao Pháp Viện.

    Trên nguyên tắc, nghe có vẻ ba bên ngang ngửa quyền hành rất lớn. Lập pháp ra luật cho cả nước, hành pháp thi hành những luật đó, và tư pháp bảo đảm việc tôn trọng những luật đó.
    Không có luật thì loạn, có luật mà không ai thi hành thì cũng như không, thi hành không nghiêm chỉnh cũng loạn. Trên thực tế, có lẽ TCPV có quyền lớn nhất vì các ông tòa này có quyền quyết định những luật do lập pháp ban ra có giá trị hay không, có thể được hành pháp thi hành hay không, và hành pháp thi hành có đúng không.

    Nhưng điểm quan yếu nhất là tổng thống, nội các, dân biểu và nghị sĩ đều có thể bị thay đổi như chong chóng, nhưng quan tòa thì ngồi suốt đời đến chết hay đến khi... quá già yếu tự ý từ nhiệm. Thậm chí đến lúc ngồi đâu ngủ gật đó vẫn chưa về hưu mà chẳng ai đuổi được.

    Đặc biệt hơn nữa, quyết định của hành pháp hay luật của lập pháp cũng đều có thể thay đổi theo mùa bầu cử, nhưng án quyết của các quan tòa, nhất là quan tòa TCPV thì chắc hơn xi-măng cốt sắt, không lay chuyển cả trăm năm, hay ít nhất cũng cả thế hệ.

    TCPV là cơ quan tối cao có thẩm quyền diễn giải Hiến Pháp và bảo đảm tất cả mọi luật của lập pháp và mọi hành động của hành pháp đều tuân thủ theo Hiến Pháp nguyên thủy và các án quyết diễn giải sau đó. Và đây lại là điểm ‘yếu’ của tư pháp: không có quyền tạo ra luật mà chỉ có quyền diễn giải luật thôi.

    Đó là trách nhiệm căn bản của TCPV từ ngày được thành lập cho đến nay. Nhưng trách nhiệm đó đã mang lại nhiều tranh cãi ngay từ những ngày lập quốc. Câu hỏi là làm sao một văn kiện được một nhúm người gọi là ‘Cha Già Lập Quốc’ của đất nước này soạn thảo cách đây xấp xỉ 250 năm lại có thể có giá trị vĩnh viễn, một cách tuyệt đối mà không ai có quyền sai phạm?

    Vì Hiến Pháp chính là nền tảng của liên bang Hợp Chủng Quốc, là chất keo gắn chặt 50 tiểu bang. Mất Hiến Pháp, liên bang tan rã.

    Đây có lẽ là điểm quan trọng nhất phân biệt hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến liên quan đến TCPV. Phe bảo thủ, gọi là constitutionalist hay originalist, chủ trương tuyệt đối tuân thủ Hiến Pháp, và diễn giải cũng tuyệt đối theo ý nguyện/ý định của các Cha Già Lập Quốc khi họ viết ra Hiến Pháp.

    Trong khi phe cấp tiến cho rằng Hiến Pháp chỉ là một tài liệu nền tảng căn bản và việc thi hành cần phải uyển chuyển, lưu ý đến những thay đổi của thời thế. Họ chủ trương cái mà họ gọi là ‘Living Constitution’, tức là một Hiến Pháp sống, linh động, có thể được diễn giải và thi hành theo nhu cầu thời thế, hay nói cách khác họ cho là các quan tòa có quyền ra luật mới.

    Nói huỵch tẹt ra, phe DC chủ trương cho Hiến Pháp vào nhà quàn vì đó là một xác chết, không có ‘living’. Tương lai của đảng DC? Hãy nhìn vào cô Ocasio-Cortez.

    Hiến Pháp là nền tảng phải tuân thủ, không có nghĩa không thể thay đổi. Nếu muốn và nếu cần, vẫn có thể sửa đổi gọi là ‘tu chính’ được. Cho đến nay Hiến Pháp đã được tu chính 27 lần, không có gì cấm tu chính nữa. Ai muốn thì cứ lên tiếng để dân Mỹ thay đổi Hiến Pháp, chỉ cần tuân theo đúng thủ tục thôi.

    Một khác biệt quan trọng nữa giữa hai khối bảo thủ và cấp tiến: đó là quan điểm cá nhân của các quan tòa. TT Trump khi đọc bài phát biểu giới thiệu TP Kavanaugh đã nói rất rõ: “Khi nói chuyện với ông Kavanaugh, tôi đã không hỏi gì về ý kiến cá nhân của ông ta, chỉ muốn biết ông có tuân thủ Hiến Pháp và luật hiện hành không thôi”.

    Trong khi đó, trong các cuộc điều trần phê chuẩn thẩm phán TCPV trước đây, các nghị sĩ DC luôn luôn hỏi “Thế quan điểm cá nhân của ông/bà là gì?”.

    Bà Elena Kagan là thẩm phán TCPV được TT Obama bổ nhiệm. Ra trước Thượng Viện năm 2010, bị thượng nghị sĩ DC Schumer hỏi “Bà sẽ xử như thế nào về chuyện... ? Bà nghĩ sao?”, bà đã trả lời ngay “Tôi không biết sẽ xử ra sao, tất cả tùy trường hợp, không quan tòa nào có thể nói trước sẽ xử ra sao. Tôi “nghĩ sao” không phải là vấn đề vì ý kiến cá nhân tôi không quan trọng”.

    Nói cách khác, khối DC lựa quan tòa theo ý kiến cá nhân trong khi khối CH tuyển người theo tiêu chuẩn có tuân theo Hiến Pháp hay không. (Trong vấn đề này, nhiều cụ tỵ nạn hiểu lõm bõm câu chuyện, phán rằng CH lựa quan tòa theo “ý tưởng cá nhân một chiều”.
    Cái này gọi là không biết mà cứ nói bừa vì tính phe đảng)

    Ông Kavanaugh tốt nghiệp luật tại đại học Yale, làm việc tại một văn phòng luật tư. Rồi làm trợ tá cho thẩm phán Kennedy, người mà ông sẽ thay thế.

    Trong cuộc điều tra của công tố độc lập Kenneth Starr về các xì-căng-đan Whitewater, sau đó Monica của TT Clinton, ông làm phụ tá cho ông Starr, là tác giả chính của phúc trình của công tố Starr nộp cho Hạ Viện, được dùng làm căn bản để đàn hặc TT Clinton. Yếu tố này bảo đảm sẽ kích động dân cuồng nhà Clinton.

    Cuối năm 2000, ông tham gia vào nhóm luật sư của ông Bush con, tranh cãi vụ đếm phiếu bầu cử với PTT Gore. Sau khi ông Bush đắc cử, ông Kavanaugh vào làm luật sư trong Tòa Bạch Ốc. Tại đây ông gặp bà Trợ Tá Riêng của TT Bush để rồi sau đó lấy bà này làm vợ.
    Năm 2003, ông được TT Bush bổ nhiệm thẩm phán tòa phá án DC, nhưng gặp chống đối mạnh của khối DC trong Thượng Viện, mãi ba năm sau mới được phê chuẩn. Khi đó DC có 49 ghế tại Thượng Viện so với CH 51 ghế, nhưng luật thời đó đòi hỏi 60 phiếu mới được phê chuẩn.

    Qua quá trình này, ông Kavanaugh có quan hệ rộng và mật thiết với giới luật sư và chính khách Hoa Thịnh Đốn nói chung, và với nhóm phụ tá của TT Bush nói riêng, nhất là với ông Karl Rove, được gọi là ‘kiến trúc sư’ đã xây dựng ‘căn nhà Bush’ trong chính trường Mỹ. TT Bush con và thống đốc Jeb Bush đều lên tiếng ca ngợi ngay quyết định bổ nhiệm ông Kavanaugh của TT Trump.
    Quan hệ này sẽ giúp hoá giải được phần nào những chống đối của khối CH chống Trump (#NeverTrump) trong Thượng Viện khi phê chuẩn ông Kavanaugh.

    Một số chính khách trong nhóm #NeverTrump ca ngợi ông Kavanaugh tuy vẫn làu bàu chống Trump. Nhưng ông cũng là thẩm phán sẽ gặp chống đối mạnh nhất của khối DC.

    Phản ứng chung của khối bảo thủ là rất vui với việc bổ nhiệm ông Kavanaugh vì ông là bảo thủ thứ thiệt, kinh nghiệm cùng mình mà cũng là hạng trí thức nghiêm chỉnh, được lòng mọi người, không gây rối loạn. Đến độ có người chê ông Kavanaugh giống ông Jeb Bush, bị TT Trump phán là ‘low energy’.
    Nói cách khác, không giống… ông thần Trump, nên phe bảo thủ rất yên tâm. Trên căn bản, TT Trump đã giữ lời hứa khi tranh cử là sẽ bổ nhiệm thẩm phán bảo thủ khắp nơi, nhất là ở cấp TCPV.

    Tin ông Kavanaugh được tuyển vừa là tin ngạc nhiên mà cũng là tin không đáng ngạc nhiên. Ngạc nhiên đầu tiên là ông này không có tên trong danh sách đầu các thẩm phán mà ông Trump đã lựa cho TCPV trong tương lai khi ông ra tranh cử tổng thống vì ông này quá thân cận với cánh Bush.
    Tên ông Kavanaugh chỉ được thêm vào danh sách cách đây một năm. Sau đó, trong cuộc tuyển lựa thẩm phán lần này, ông Kavanaugh ngay từ đầu là người có nhiều hy vọng nhất, nhưng rồi biến thành người ít hy vọng nhất để rồi cuối cùng là người trúng số. Số may mà cũng xui.

    Số may vì vào làm thẩm phán TCPV chắc chắn là giấc mộng tối hậu của tất cả những người làm nghề luật. Số xui là bảo đảm sẽ bị phe DC và TTDC băm thây. Chẳng phải chỉ riêng gì ông Kavanaugh mà bất cứ ông bà nào được TT Trump bổ nhiệm cũng lãnh đủ, bất kể quá trình, khả năng, uy tín hay quan điểm về bất cứ chuyện gì, cũng sẽ bị chống đến cùng, gọi là nhắm mắt chống đối toàn diện, vô điều kiện.

    Sau khi ông Kavanaugh được bổ nhiệm, nhóm Women’s March phổ biến một tài liệu đả kích tân thẩm phán thậm tệ. Nhưng có một ‘rắc rối nhỏ’. Tài liệu không ghi rõ tên ông Kavanaugh, mà những chỗ nào cần có tên thì chỉ để ‘xxx”. Nghiã là đây là tài liệu đã được viết sẵn, đề tạm tên là ‘xxx’, khi nào có tên người được đề cử sẽ điền vào. Nhưng vì hấp tấp phổ biến tài liệu, nên quên mất điền tên ông Kavanaugh vào.

    Phe DC, dẫn đầu bởi TNS Schumer của New York, chưa chi đã la hoảng TP Kavanaugh sẽ tước đi quyền tự do phá thai của phụ nữ và sẽ giết Obamacare, tức là lấy đi bảo hiểm y tế của những người nghèo, bất kể việc thẩm phán Kavanaugh chưa bao giờ có án quyết nào liên quan đến chuyện phá thai hay Obamacare.

    Phe DC chống đối viện dẫn một quyết định của ông Kavanaugh trong một vụ án, bác bỏ việc chính phủ Mỹ phải trả tiền phá thai cho một cô gái di dân lậu, nhưng hiển nhiên đây là bóp méo câu chuyện. Việc này liên quan đến trách nhiệm của chính phủ Mỹ phải trả tiền dịch vụ y tế cho một di dân lậu, không phải là chuyện cho hay không cho phá thai.

    Thật ra, không ai biết chắc quan điểm của ông Kavanaugh về chuyện phá thai. Trong vụ cô di dân lậu trên, ông cũng nói đại khái là ‘phải lưu ý đến chính sách của chính phủ muốn bảo vệ sự sống của bào thai’, do đó không thể bắt chính phủ phải trả tiền phá thai, nhất là cho một di dân lậu, không phải dân Mỹ.

    Bù lại, trong cuộc điều trần trước Thượng Viện năm 2003, ông nói rõ “Roe v. Wade (là án quyết của TCPV nhìn nhận phá thai là hợp pháp trên cả nước) đã là luật quốc gia từ hơn 40 năm, không thể không tôn trọng”. Phe DC và TTDC chỉ nhấn mạnh vào chuyện cô di dân lậu mà phớt lờ câu nói trước Thượng Viện.

    Về Obamacare, ông Kavanaugh là người đã ‘góp ý’ Chánh Án TCPV John Roberts để cứu Obamacare khiến nhiều ông bảo thủ bực mình. Phe DC và TTDC nín khe về chuyện này trong khi ông Schumer hù dọa ông Kavanaugh sẽ thu hồi Obamacare.
    Thu hồi hay không là việc của quốc hội, không phải của TCPV.

    Ông Terry McAuliffe, cựu thống đốc Virginia và cựu chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, báo động “việc bổ nhiệm ông Kavanaugh sẽ đe dọa tính mạng của cả triệu người”. Không ai hiểu tại sao. Cứ theo đảng DC, dân số Mỹ trong hai chục năm nữa chắc sẽ ít hơn dân số Phú Quốc, sau khi cả triệu triệu người đã chết vì trái đất bị hâm nóng quá, vì thu hồi Obamacare đã giết hết bệnh nhân, vì trợ cấp và phiếu thực phẩm của tất cả dân nghèo đã bị cắt, và bây giờ vì tay sát thủ Kavanaugh.

    Một nghị sĩ khác, ông da đen Cory Booker là người đang chuẩn bị ra tranh cử tổng thống năm 2020, khẳng định TT Trump bổ nhiệm ông Kavanaugh để “khỏi bị tù”.

    Theo ông Booker, công tố Mueller sắp sửa truy tố TT Trump không biết mấy vạn tội, và ông Kavanaugh sẽ cứu TT Trump. Đây là lập luận nổ lớn hơn kho đạn Biên Hòa, nhưng chẳng có ý nghĩa gì hết, chỉ là chuyện mỵ dân, lừa đám dân ít hiểu biết. Tổng thống không đi tù, chỉ bị đàn hặc và truất phế là cùng, mà trong tiến trình này, TCPV chẳng dính dáng gì hết. Chuyện ngớ ngẩn!

    Thống đốc New York, Andrew Cuomo, đe dọa sẽ kiện TCPV. Hả? Kiện ở tòa nào? Tối Cao Pháp Viện? Vậy mà cũng làm tới thống đốc được.

    Phe chống cũng tố TT Trump lựa ông Kavanaugh vì ông này chủ trương không truy tố tổng thống khi đang nhiệm chức, một quan điểm ‘lật lọng’ so với việc ông truy lùng TT Clinton. Ông Kavanaugh có truy lùng TT Clinton thật. Sau đó ông nghĩ lại thấy cuộc điều tra của công tố Starr hết sức tai hại cho cả nước và cho TT Clinton khiến ông gần như bị tê liệt không chu toàn trách nhiệm tổng thống được nữa.

    Rồi sau đó nữa, ông vào làm việc trong Tòa Bạch Ốc và ông nhìn nhận khi đó ông mới thấy tầm mức quan trọng của trách nhiệm của một tổng thống. Ông viết một bài tham luận dài, đặt vấn đề trước những tai hại lớn lao như vậy, có nên truy tố tổng thống khi ông còn đang làm tổng thống hay không.

    Dựa trên bài tham luận này, phe ta nhẩy nhổm tố ông sẽ tìm cách bảo vệ TT Trump và đó là lý do TT Trump đã lựa ông. Dù không ưa ông Kavanaugh cũng phải công nhận ông đã có đủ lương thiện và can đảm đặt lại vấn đề việc mình đã làm, thay vì ngoan cố cãi chầy cãi cối.

    TTDC thì khỏi nói, đã trở thành cái loa của phe cấp tiến chống đối ngay từ đầu.


    Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu. Trong những ngày tới phe chống đối sẽ bận bù đầu, bận đi bới rác trong quá trình nghề nghiệp cũng như đời sống riêng tư của cả hai vợ chồng Kavanaugh. Cả bố mẹ, họ hàng tám đời, bạn bè từ ngày học mẫu giáo chung, cũng sẽ được chiếu cố luôn.

    Các ông bà trong Thượng Viện sẽ hạch hỏi ông Kavanaugh tới tắc thở luôn, vặn vẹo đủ chuyện. Cuộc điều trần để phê chuẩn sẽ không phải là để tìm hiểu về khả năng của ông Kavanaugh, mà sẽ là phiên tòa của các ông bà nghị sĩ DC tìm mọi cách kết tội, bất kể ông Kavanaugh có hay không có tội gì.

    Nói về bà thẩm phán TCPV Elena Kagan, ông Kavanaugh trong bài diễn văn ngắn cám ơn TT Trump, cũng đã khôn khéo cám ơn bà Kagan là người đã bổ nhiệm ông làm giáo sư dạy về Hiến Pháp tại Harvard khi bà Kagan còn làm viện trưởng tại đại học này. Một cách khều chân khéo những vị DC nào chê trách khả năng của ông. Chứng tỏ ông Kavanaugh này cũng khá cứng cựa, không dễ nuốt.

    Biết rõ khó có thể cản trở việc phê chuẩn ông Kavanaugh, phó chủ tịch Ủy ban Quốc Gia của đảng DC, ông dân biểu Hồi giáo da đen Keith Ellison đưa ra một giải pháp rất hách: Hạ Viện nên chuẩn bị đàn hặc các thẩm phán TCPV. Đúng là phe ta lên cơn điên loạn hết rồi.

    Việc TP Kavanaugh có được phê chuẩn hay không chưa ai biết được, nhưng trong lịch sử, trong gần 110 thẩm phán TCPV, chỉ có đâu 5-6 người bị bác. Các tổng thống trước khi chính thức bổ nhiệm thường tìm hiểu, vận động trước và điếm phiếu Thượng Viện khá kỹ. CH hiện nay có 51 phiếu, nhưng ông McCain sẽ không tham dự được, còn 50.

    Trong đó có hai bà Collins (Maine) và Murkowsky (Alaska) lừng chừng. Phe DC có 49 phiếu trong đó có 5ông bà có thể bỏ phiếu theo CH vì phải ra tranh cử lại tại những tiểu bang CH nặng như Georgia, West Virginia, North Dakota, Indiana, và Missouri. Bẩy người này sẽ có tiếng nói quyết định. Chống ông Kavanaugh sẽ rất khó cho các nghị sĩ DC tái đắc cử trong những tiểu bang đã bầu mạnh cho TT Trump.

    Trong 5 ông bà DC trên, đã có 3 vị trước đây đã bỏ phiếu cho ông Neil Gorsuch. Để xem họ biểu quyết ra sao.

    TT Trump chẳng những đã khiêng cả cái TCPV về phiá bảo thủ mà ông cũng đã và đang bổ nhiệm cả trăm thẩm phán bảo thủ khác vào hệ thống tư pháp Mỹ trong các cấp liên bang và phá án. Tất cả đều là những thẩm phán không có nhiệm kỳ, ngồi ghế cho đến chết hay già khụm.

    Cái gia tài tư pháp này của TT Trump sẽ tồn tại vĩnh viễn mà không có tổng thống mới nào có thể xóa dễ dàng như gia tài của TT Obama đang bị TT Trump xóa. Đó là một trong những lý do khiến phe cấp tiến đang phát khùng với ông thần Trump, đánh ông Kavanaugh tối tăm mặt mũi. Nhưng xin thưa với quý vị, chưa thấm vào đâu hết. Hãy chờ tới khi TT Trump bổ nhiệm thẩm phán TCPV thứ ba và thứ tư xem.

    Với sự bổ nhiệm ông Kavanaugh, việc TT Obama bổ nhiệm hai bà cấp tiến nặng Elena Kagan và Sonia Sotomayor coi như bị hoá giải hoàn toàn.

    Nếu muốn nói lỗi phải, thì đó đúng là lỗi của đảng DC đã lựa chọn bà Hillary làm đại diện ra tranh cử tổng thống, một chính khách vừa quá nhiều ‘hành trang không đẹp’ lại cũng là một ứng cử viên thật dở trong ‘nghệ thuật’ vận động tranh cử, đưa đến sự đắc cử của ông Trump. Đi xa hơn, đó cũng vẫn là lỗi của DC khi Thượng Viện sửa đổi thủ tục phê chuẩn nhân sự.

    Còn muốn đi xa hơn nữa thì phải nhìn vào tác phẩm của TT Obama đã đánh mất hậu thuẫn của cả chục triệu dân trung lưu và dân lao động.

    Càng viết, càng nhớ lại ‘câu sấm’ của Đấng Tiên Tri Obama: “Elections have consequences”! Đúng vậy, thưa tổng thống.

    Facebook, Vũ Linh (góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com)

 

 

Similar Threads

  1. Tư Bản Luận
    By Triển in forum Phê Bình Văn Học Nghệ Thuật
    Replies: 0
    Last Post: 09-15-2017, 04:02 AM
  2. Dư Luận Viên
    By dấu lặng in forum Quê Hương Tôi
    Replies: 4
    Last Post: 07-24-2016, 04:25 PM
  3. Khoa Luận Giáo
    By Triển in forum Khoa Huyền Bí Học
    Replies: 4
    Last Post: 08-11-2013, 12:09 PM
  4. Replies: 2
    Last Post: 11-28-2012, 09:08 PM
  5. Mùa xuân giả tạo ở Bình Nhưỡng
    By Lotus in forum Chuyện Linh Tinh
    Replies: 12
    Last Post: 07-14-2012, 09:21 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •  
All times are GMT -7. The time now is 05:02 AM.
Powered by vBulletin® Version 4.2.5
Copyright © 2024 vBulletin Solutions Inc. All rights reserved.
Forum Modifications By Marco Mamdouh