Người thợ săn vô danh của vua Bảo Đại



Phan Ni Tấn





Ban Mê Thuột không phải chỉ để sống hay để nhớ. Ban Mê Thuột với nắng gắt, mưa lầy, ngửi thấy mùi vị của đất, của cỏ cây và núi rừng. Ban Mê Thuột của những cơn bụi đỏ và huyền thoại, của chiến tranh và hiện đại. Nhìn chung, Ban Mê Thuột là nơi khi ngươì ta đi xa, dù ít nhiều kỷ niệm cũng ray rứt nhớ về. Riêng tôi khi nhớ núi rừng thỉnh thoảng tôi lại nhớ tới những ngưòi thợ săn của vị vua cuối cùng của 13 triều nhà Nguyễn: vua Bảo Đại.
Từ trước thế kỷ 19, thị trấn Ban Mê Thuột trên cao nguyên Daklak thuộc lãnh thổ Việt Nam. Nhưng mãi đến năm 1923, Ban Mê Thuột mới được thành lập dưới quyền bảo hộ của thực dân Pháp. Thời đó Ban Mê Thuột là chốn ma thiêng nước độc nên dân cư còn thưa thớt, đa số là đồng bào Thượng sống trong các buôn làng xa xăm.

Khoảng giữa thập niên 1950, ở cây số 5 ngay ngã ba quốc lộ 14 đi Pleiku và quốc lộ 21đi Ninh Hòa vẫn còn rừng, chưa có bến xe đò. Ban ngày hươu nai chạy ngờ ngờ; nhất là công rừng đậu từng bầy trên cây..
Mùa hè là mùa săn bắn. Thợ săn ở Ban Mê Thuột không nhiều cũng không ít. Nhưng nhà nghề vẫn là ông Ba Lô, là tay thiện xạ khét tiếng.
Đi săn, thợ săn thường dùng súng mousqueton, một loại súng trường ngắn như carbine. Xe thời đó, ngoài xe Land Rover, còn có xe Dodge Quatre của người Pháp tiện cho việc chuyên chở những vật nặng, cồng kềnh. Hồi nhỏ, con nít tụi tôi thường gọi chiếc Dodge Quatre là “xe cách cách” (quatre-quatre), một loại xe tải nhẹ 4 bánh, giàn sắc-si (châssis) thấp, thùng xe hơi vuông vức, có mui phủ bằng tấm bạt nhà binh.
Rừng Ban Mê Thuột có những khu vực săn bắn lý tưởng như buôn Dur, buôn Đông (Bandon), Draysap, Dak Mil nằm sâu trong những cánh rừng rậm rạp ở phía Tây Nam quốc lộ 14 đi Bù Đăng, Bù Đốp. Cũng trên quốc lộ 14 ngược về hướng Bắc Pleiku, khu vực Bra thuộc Buôn Hô cũng có nhiều dã thú. Rừng Lạc Thiện phía quốc lộ 21 kép đi Lak, ngoài thú dữ, còn có rừng mai vào những ngày Tết nở vàng cả núi rừng.
Đó là giang sơn của những động vật hoang dã. Từ chim chóc, hươu, nai, chồn, cáo, khỉ, vượn, nhím, kỳ đà cho tới mãng xà, gấu, voi rừng, trâu rừng, lợn lòi, tê giác, cọp, beo…
Ngoài ra, Dốc Láng, ở phía Đông Bắc quận Khánh Dương cũng có nhiều thú và… ma. Nhiều thợ săn kể lại mỗi lần xe vừa quẹo cua đổ xuống Dốc Láng họ đều thấy lờ mờ một cô gái mặc áo voan trắng bết đất, tóc dài chấm gót đứng bên lề đường đón xe. Dĩ nhiên khi xe tới gần thì cô gái ma biến mất.
Động vật thường hoạt động vào ban đêm nên hàng tuần, trời vừa chạng vạng tối là nhóm thợ săn với hai, ba xe Dodge lên đường đi săn suốt đêm tới tờ mờ sáng mới về. Có khi họ săn ba bốn ngày. Không bao giờ họ bắn nai con hoặc nai đang lớn. Chiến lợi phẩm là những con hươu khổng lồ hoặc nai chà cao 1.20m tới 1.60m, nặng chừng 150kg đến 200kg. Ve hút máu trong kẽ chân nai, con nào con nấy to bằng đầu ngón tay cái, lớp da chai nhầy, trắng ởn.
Mỗi lần đi săn về, ông Ba Lô, trưởng toán chia đều phần thịt cho bạn đồng hành nhưng ông ưu tiên lấy sừng. Nếu hạ nhầm nai có chửa thì mổ bụng tại chỗ lấy thai nai con về ngâm rượu hàm nàm. Ai đã từng ghé qua nhà ông Ba trên đường Tôn Thất Thuyết sẽ ngợp vì thấy trong phòng khách nhà ông treo toàn gạc nai đủ loại, đủ cỡ như hươu, nai chà, sơn dương. Đây là bộ sưu tập nghệ thuật về bộ sừng vĩ đại, hiếm có của người thợ săn nổi tiếng nhất vùng, đặc biệt là sừng trâu rừng, tức con Min, là một loại mãnh thú to lớn, dềnh dàng, đen xì, vô cùng dũng mãnh. Con Min nặng cả tấn, cặp sừng, bề ngang dài cả sải tay, rắn chắc, bóng lưỡng, nhọn hoắc, là thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm. Gặp cọp, con Min chỉ khịt một tiếng là cọp cong đưôi chạy mất đất.
Nhớ có lần ông Ba Lô săn được một con cọp ngoại khổ, đuôi dài cả thước, nanh, vuốt dài ngoằn, nhọn hoắc. Con nít tụi tôi nghịch ngợm nhổ râu cọp chơi bị bà nội rầy. Thì ra người Thượng dùng râu cọp trộn với một loại lá rừng đựng trong hũ lâu ngày biến thành một loài sâu rọm lông lá xanh lè. Họ lấy sâu giã nhuyễn dùng làm thuốc độc tẩm trên đầu mũi tên để săn thú rừng.
Vị vua cuối cùng của triều nhà Nguyễn là vua Bảo Đại nổi tiếng là ông vua tân thời, phóng khoáng và phong độ. Được biết nhà vua rất hâm mộ các môn thể thao quí phái, thời thượng như bơi thuyền, cưỡi ngựa, đánh goft, chơi tennis. Nhưng có thể nói săn bắn là môn “thể thao đường rừng” ông ưa chuộng nhất. Mỗi lần đi kinh lý trên Ban Mê Thuột, vua thường tổ chức đi săn. Nhớ lại tháng 5/1950, nhân dịp Bảo Đại lên Daklak thăm viếng đồng bào Thượng Êđê, vua sai cận thần triệu ông Ba Lô đi săn cọp với vua. Thời trước, ông Ama Kông, vua săn voi cũng từng đi săn với Bảo Đại. Đi săn với vua chúa là niềm vinh dự hiếm có.
Ông Ba Lô kể lại: “Đi săn, vua Bảo Đại chỉ thích săn cọp, beo để lấy da bọc bộ salon. Ngoài salon, còn có một bộ da cọp nguyên vẹn được thuộc rất khéo léo và công phu đem trải trên sàn phòng khách biệt điện (bungalow) của Bảo Đại”.
Về kinh nghiệm săn bắn, ông Ba nói:”Săn ban đêm rọi đèn gặp cặp mắt đỏ chạch thì biết đó là nai; còn đụng phải cặp mắt sáng quắc, xanh biếc, một thứ màu lạnh buốt, rợn óc, lia qua lia lại thì phải hết sức thận trọng. vì đó là mắt cọp”.
Ngoài ông Ba Lô, còn có các thợ săn khác như ông Lucien Rostan, tonton Sang, cậu Minh, chú Mười Kèn, chú Năm Bé, chú Đinh, chú Hiếu, chú Hích, chú Sĩ…
Nghề săn bắn cũng có nhiều thứ cấm kỵ và lắm sự rủi ro. Có người trong nhóm chú Năm Bé đi săn bị sụp lỗ chân trâu, súng cướp cò, đạn xuyên qua cổ lên đầu, phọt óc chết. Đoàn thợ săn của cậu Minh đi săn voi, năm người đi chung một chiếc xe cán phải mìn, không ai toàn mạng.
Dam Rông ở phía Đông quận Lạc Thiện rừng rậm um tùm có nhiều vách núi cheo leo. Trời vừa sụp tối, nhóm của cậu Minh vừa đổ bộ vào cánh rừng đã đụng phải con voi một ngà, hiếm khi gặp được. Không có gì hồi hộp hơn một cuộc săn bắn mạo hiểm. Thấy con voi quá lớn, nặng gần chục tấn, ngà dài cả thước, mọi người đều nín thở. Cậu Minh bình tĩnh nâng súng nhắm ngay giữa trán, voi rừng dù mạnh cách mấy chỉ cần một phát đạn cũng gục ngay tại chỗ. Ngà đem về chưng trong phòng khách nhà ông Lucien Rostan. Riêng ống chân voi lớn đến nỗi người lớn có thể ngồi lọt thỏm trong đó..
Thợ săn đại kỵ giết voi một ngà. Kinh nghiệm cho biết sớm muộn gì họ cũng gặp phải thảm cảnh. Đoàn thợ săn của cậu Minh cán phải mìn là một điển hình.
Dù sao, những người thợ săn khét tiếng một thời ở Ban Mê Thuột từ thập niên 1940 đến 1975, có thể nói họ như một loại huyền thoại, một biểu tượng sống động của thị trấn miền cao. Nhưng nhìn lại, họ vẫn là những thợ săn vô danh, mãi mãi vô danh, dù có người đã từng đi săn với vua Bảo Đại. Thật ra, trong sử sách, không ai biết mà cũng không cần thiết nhắc đến tên tuổi của họ, trừ vua săn voi Ama Kông, dân tộc M’Nông, một thợ săn ngoại hạng của núi rừng đại ngàn vào thế kỷ trước.
Vậy đó. Săn bắn tài tình như vậy. Thiện xạ như vậy. Nức tiếng như vậy. Vậy mà một sớm một chiều ông Ba Lô bất ngờ buông súng để bước vào cửa Phật. Ông quy y tam bảo, trở thành một vị cư sĩ ăn chay, niệm Phật, tụng kinh rất thuần thành. Người ta nói tiếng chuông mõ là tiếng nói của đức Phật, đánh thức hạnh từ bi vốn có trong mỗi con người. Có lẽ hàng đêm nhờ tiếng tụng kinh đều đặn của người mẹ già, lâu dần như một phép lạ thấm vào lòng người thợ săn ác liệt này.
Nhìn ông ngồi thẳng lưng trong chiếc áo tràng lam trước bàn thờ Phật thành kính gõ mõ tụng kinh, không ai ngờ trong quá khứ ông Ba Lô từng là một tay thợ săn thiện nghệ.



Ông Ba Lô (Hình tư liệu tác giả)


Ông Ba Lô còn có một năng khiếu đặc biệt nữa mà ít người biết. Ông là một nghệ sĩ kỳ tài, kéo vĩ cầm mùi tận mạng. Mỗi độ trăng tròn, ông thường đem vĩ cầm ra kéo những bản vọng cổ mùi rệu.
Dưới ánh trăng rằm, hình bóng và cây vĩ cầm của ông nổi bật như một bức tranh sống động. Cái đẹp của bức tranh trong thời khắc đó nổi lên âm thanh của điệu Nam Xuân, Nam Ai mùi mẫn, tài tình. Mấy ngón tay ông thuần thục như múa lướt trên bốn dây đàn. Không gian như say như đắm trong tiếng nhạc Ánh trăng vằng vặc trên vòm trời nạm ngọc như chìm trong yên tĩnh. Những đêm trăng lắng nghe tiếng đàn mùi rệu vang lên trong làng xóm tôi có cảm tưởng rằng âm nhạc có khả năng lấn át cả tiếng súng săn năm nào.
Tôi có thử đàn vài lần nhưng lần nào cũng kéo ra những tiếng ò è ọt ẹt như nghẹt mũi, như ai bóp cổ, chẳng ra hồn. Vĩ cầm không có phím như dương cầm hay tây ban cầm nên người đàn phải nhớ chính xác vị trí các nốt trên cần đàn. Vĩ cầm là loại nhạc cụ vừa bình dân vùa quí phái, tuy nhỏ nhắn, gọn nhẹ nhưng âm thanh thì cao vút từng mây. Tôi rất ngưỡng mộ người chế ra loại nhạc cụ này cũng như rất phục tài chơi đàn của ông Ba Lô. Cuộc đời khá ngắn ngủi nhưng kỳ lạ của ông như được kết hợp bởi bốn loại hình: quân nhân, thợ săn, nghệ sĩ và nhà tu.
Nhưng rồi cái gì cũng chỉ một thời, rằng thế gian này mọi vật đều vô thường. Những tiếng súng ác liệt của những người thợ săn năm xưa cũng đã chìm trong tịch lặng khi tất cả đã đi vào thiên cổ. Ông Ba Lô cũng vậy. Ông mất năm 1983 tại Ban Mê Thuột.
Ông Ba Lô là ba của tôi.


Phan Ni Tấn