Đám cưới "mầu nhiệm" của cô gái gốc Việt
cải đạo theo chồng gốc Do Thái






Vy Nguyễn và Andrew Koller từng gặp nhau lần đầu năm 2005.
Lễ cưới của họ diễn ra tại giáo đường Congregation Chevra Thilim ở San Francisco là một phép lạ, vì Vy bị bệnh ung thư rất hiếm
và không còn bao lâu nữa để sống. (Photo: David Nguyen)


SAN FRANCISCO - Câu chuyện dưới đây được nữ ký giả Alix Wall viết cho J. Weekly, một tuần báo chuyên về đời sống của người Do Thái tại Bắc California. Bài viết được đăng ngày 18 tháng 10, 2018, kể lại một đám cưới rất khác thường và đầy xúc động, của cô Vy Nguyễn và anh Andrew Koller.
Khác thường vì người chồng tương lai đã kéo theo những bình dưỡng khí cho vợ vào buổi lễ trong giáo đường Do Thái Giáo, và xúc động vì mạng sống của cô Vy không thể tính theo năm, mà chỉ theo tháng hay còn ngắn hơn. Dưới đây là bài viết mang tựa đề “Với sức khỏe của cô ấy đang suy yếu dần, một lễ cưới mầu nhiệm đã diễn ra ở San Francisco.”



Vy Nguyễn và Andrew Koller làm đám cưới tại giáo đường Congregation Chevra Thilim vào ngày 7 tháng 10, 2018.
Anh Andrew kéo theo những bình dưỡng khí cho Vy. (Photo: David Nguyen)

Sự việc Vy Nguyễn đã có thể bước đi giữa hai dãy ghế trong nhà thờ vào ngày 7 tháng Mười, để kết hôn với anh Andrew Koller, là một điều mầu nhiệm.

Tuy nhiên nhiều người sẽ nói rằng sự việc cô có thể cải đạo sang Do Thái Giáo trong tháng Sáu, và làm đám cưới, là còn mầu nhiệm hơn nữa.

Cách đây bảy năm, cô được chẩn đoán mắc một dạng ung thư hiếm thấy, mỗi năm có từ một đến ba người trong tổng số 1 triệu người bị bệnh này. Cách đây mấy tháng, Vy Nguyễn, 32 tuổi, phải trải qua một cuộc giải phẫu xoi mở khí quản để giúp cho cô thở.

Tuy chỉ có thể nói thì thầm, cô vẫn dự hôn lễ tại nhà thờ Congregation Chevra Thilim bằng cách thâu âm trước những lời thề nguyện và những lời phát biểu. Chung quanh Vy đã có sẵn 14 bình dưỡng khí, và một cái máy để bơm đầy lại những bình dưỡng khí. Thêm vào đó, cứ mỗi tiếng đồng hồ thì mọi sinh hoạt phải tạm ngưng, để cho một người nào đó hút phổi cô bằng một ống thông.

Những điều trên nghe không giống những gì diễn ra trong “một đám cưới ước mơ,” nhưng lễ cưới của Vy và Andrew là một ước mơ mà họ từng nghĩ là sẽ không làm được.

Anh Andrew Koller, 33 tuổi, gặp cô Vy năm 2005 khi đến thăm một người bạn tại trường đại học UC Santa Barbara. Vy Nguyễn lớn lên tại thành phố Union City ở East Bay trong vùng San Francisco. Hai người đã ý hợp tâm đầu ngay từ lúc đó và giữ liên lạc với nhau.

Họ bắt đầu hẹn hò vào năm 2009, tạo một mối quan hệ viễn liên, và sau đó đến với nhau trong năm 2012 khi Andrew, một người từ tiểu bang Tennessee, dời tới San Francisco để được gần Vy. Sau một thời gian sống ở San Francisco, hiện nay họ đang ở nhà cha mẹ của Vy Nguyễn tại Hayward, vì cô ấy cần được chăm sóc liên tục.

Năm 2011 khi Vy tốt nghiệp ở Philadelphia, cô được chẩn đoán mắc bệnh synovial sarcoma, một loại ung thư mô mềm thường bắt đầu ở chân hoặc cánh tay, nhưng có thể xuất hiện trong bất cứ bộ phận nào của cơ thể.

Andrew làm việc cho Healthline.com trong ban quản trị sản phẩm. Anh nói, “Vì chứng ung thư này rất hiếm và nguy hiểm, họ không cung cấp tỷ lệ sống sót. Có xác suất 20 phần trăm sống sót được ba năm, một khi ung thư di căn.”

Vì bệnh đến khi mối quan hệ của họ vẫn còn khá mới, nên vấn đề hôn nhân chưa được thảo luận, chứ khoan nói tới chuyện Vy Nguyễn chuyển sang Do Thái Giáo.
Trong một cuộc phỏng vấn mà Vy Nguyễn phải gõ vào bàn phím để trả lời, “Lúc chúng tôi bắt đầu hẹn hò, tôi là một Phật tử, điều đó quan trọng đối với tôi, việc cải đạo sẽ không xảy ra.”

Trong bảy năm qua, Vy Nguyễn trải qua nhiều ca mổ. Cặp này ước tính số lượng này là từ 20 đến 30 ca, không thể nhớ hết. Ngoài ra, cô có gần 150 cuộc trị liệu hóa học và xạ trị. Những đợt cô ở lại lâu trong bệnh viện là quá nhiều không đếm xiết. Bệnh ung thư đó tái phát năm lần, và mặc dù hiện giờ cô không bị ung thư, phổi của cô bị suy sụp vì trị liệu hóa học.

Mặc dù vậy, hai người đã có một số chuyến phiêu lưu phi thường trong những năm đầu họ sống với nhau, chẳng hạn như leo núi Shasta, đi bộ dã ngoại tại Half Dome ở Yosemite, và thăm Paris.
“Chúng tôi đã học được cách sống với tình trạng khẩn cấp cực độ và vẫn còn hy vọng,” anh Andrew Koller nói. Anh luôn ở bên cạnh Vy Nguyễn. Ngay cả khi anh được cô cho phép rời khỏi mối quan hệ để đến với một phụ nữ khác trong những năm đầu, anh vẫn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện rời xa Vy, theo anh cho biết.

Còn về vấn đề chuyển hướng sang Do Thái giáo, Vy Nguyễn có thể xác định chính xác thời điểm điều đó xảy ra.

Trong một lần cô phải nằm khá lâu trong bệnh viện, một vị tuyên úy Phật giáo đã ghé vào phòng cô, và nói rằng bệnh của cô là vì điều gì đó mà cô đã làm trong kiếp trước; đó là cách thức nghiệp quả hoạt động. Sau đó Vy Nguyễn xin nói chuyện với một giáo sĩ Do Thái. Tiến Sĩ Bruce Feldstein, người sáng lập và giám đốc của Jewish Chaplaincy (Tuyên Úy Do Thái Giáo) trong hệ thống chăm sóc sức khỏe Stanford, đã ghé vào thăm và tìm cách giúp cô suy nghĩ về những phương thức khác nhau mà cô có thể nhìn vào chứng bệnh cô mắc.

Khi cô đủ khỏe, hai người bắt đầu đi tìm một nhà thờ Do Thái Giáo phù hợp với ý muốn của họ. Andrew lớn lên khá ngoan đạo, nghĩ rằng một giáo đường Do Thái Cải cách sẽ là con đường để đi. Thế nhưng Vy Nguyễn không tìm thấy một giáo đường phù hợp. vì vậy cô tự tìm hiểu và hai người đến thăm Chevra Thilim, một giáo đường Do Thái Chính Thống, ở Hạt Richmond cũng trong vùng San Francisco.

“Đó là tình yêu tôn giáo ngay từ cái nhìn đầu tiên,” Vy Nguyễn kể. Trong năm 2014 cô bắt đầu học giáo lý với giáo sĩ Rabbi Shlomo Zarchi để cải đạo.

Cô gõ câu, “Đây không chỉ vì hôn nhân. Tôi cảm thấy linh hồn tôi là người Do Thái.”
Ông Zarchi kể, “Chắc chắn cô ấy là một học viên siêng năng nhất mà tôi từng có. Ngay cả khi cô bị bệnh nặng, sự tích cực và niềm tin của cô ấy rất mạnh mẽ. Cô luôn luôn gọi điện thoại cho tôi từ bệnh viện, để hỏi về bài học mà cô đã thiếu. Tôi không hiểu được cách nào mà một người đang trải một cơn bệnh như vậy mà lại có thể tập trung vào việc muốn học và học hỏi nhiều hơn nữa.”

Thời gian nằm lâu trong bệnh viện có nghĩa là tiến trình học hỏi có nhiều gián đoạn. Tuy vậy việc cô cải đạo đã có thể xảy ra trong tháng Sáu. Đó cũng là một “sự mầu nhiệm,” vì Vy phải chịu giải phẫu xoi mở khí quản trong tháng Bảy. Ca mổ này cản trở cô ngâm mình trong bồn nước thanh tẩy mikvah trong tiến trình cải đạo.

Andrew Koller nói, “Cô ấy cảm thấy điều đó chứng minh rằng Thiên Chúa thực sự muốn cô theo đạo Do Thái.”

Vy Nguyễn cho biết thêm, “Lễ cưới là chuyện thứ yếu, nhưng tôi muốn chắc chắn rằng điều gì đó sẽ xảy ra, rằng tôi là người Do Thái Giáo và có thể yên nghỉ với những người của tôi.”

Trong tháng Bảy, Vy Nguyễn cần nằm bệnh viện lâu hơn. Các bác sĩ nói rằng họ không biết cô còn bao nhiêu thời gian nữa. Vì vậy, hai người quyết định kết hôn ngay sau kỳ Đại Lễ Do Thái Giáo.

Mặc dù gia đình cô dâu biết sơ sài về hôn lễ Do Thái Giáo, chị của Vy Nguyễn đã đứng ra tổ chức, sắp xếp mọi việc trong một thời gian ngắn.

Vy Nguyễn nói, “Tôi tin rằng Thiên Chúa chưa bao giờ bỏ rơi tôi. Tôi muốn cho người ta thấy rằng giữa cơn nghịch cảnh, bạn có thể có niềm tin và hy vọng.”




http://viendongdaily.com/dam-cuoi-34...-iRDffoFj.html